Ngày 19-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:19 19/07/2014
TRỜI QUANG, TRỜI MƯA ĐỀU CHƠI KHÔNG VUI
N2T

Hoa cô đình báo oán Đấng tạo hóa, nói:
- “Mấy lúc trước mặt trời chiếu quá nóng thiêu đốt người đựơc, trong lòng sốt ruột khó chịu; mấy hôm nay thì vừa gió vừa mưa liên tục, khắp nơi đều ẩm ướt mốc meo cả, thời tiết hết sức xấu.”
- “Bé con, theo Ta biết thì không phải là thời tiêt quá xấu, e rằng lòng con quá xấu mà thôi”- Đấng tạo hóa nói tiếp: “Giả như tâm trạng của con dịu mát, há bị mặt trời đốt cháy ? Giả như tâm trạng của con ôn hoà, lại há bị gió mưa ngược đãi sao ? Con nhìn thế giới bằng loại tâm hồn nào, thì thế giới sẽ hiện ra dáng dấp như thế ấy.”
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Với người bi quan, chúng ta thường nói họ nhìn đời bằng cặp kính màu đen.
Với người lạc quan, chúng ta nói họ nhìn đời bằng cặp kính màu hồng.
Kính màu đen hay màu hồng chỉ là cách nói để diễn tả tâm trạng vui buồn của chúng ta mà thôi. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ngày tết vui như thế ấy mà cô bé học trò của tôi cái mặt cứ như là đám ma, hỏi ra mới biết là cô ta đã chia tay với bạn trai, vậy thì tết đối với cô bé ấy chỉ là vui là vui gượng ấy mà…
Kính màu đen hay màu hồng cũng ám chỉ đến thành kiến trong lòng chúng ta.
Người Việt Nam chúng ta có thành kiến cho là người Tàu họ ăn ở không được ngăn nắp, vệ sinh, nhưng cứ qua Đài Loan mà coi, họ ngăn nắp vệ sinh sạch sẽ và văn minh hơn cả mình tưởng.
Đức Chúa Giê-su đã bị thành kiến của người đồng hương chê bai, vì họ cho rằng Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giu-se thì làm gì mà có quyền phép, làm sao mà ăn nói dạy dỗ đựơc chứ, thế là Đức Chúa Giê-su không thèm làm phép lạ cho họ nơi quê hương của mình…
Đôi lúc thành kiến của chúng ta cũng làm nghẹt tài năng của người khác, cũng con người ấy, năm trước khác nhưng năm nay lại khác, thay đổi hơn, chững chạc hơn, ăn nói bặt thiệp hơn, nhưng vì thành kiến nên chúng ta cứ coi thường họ như mấy chục năm về trước...
Cứ lấy mình mà suy ra, nếu ai cũng có thành kiến với mình, thấy mình đâu cũng chê bai quá khứ này nọ của mình, thì thử hỏi tâm trạng của mình như thế nào…? Cứ nhìn đời, nhìn mọi người với cặp kính đơn sơ của tâm hồn, không màu mè gì cả, có phải là đời đẹp hơn không chứ ?
Đức Chúa Giê-su chưa bao giờ có thành kiến với chúng ta, dù chúng ta có một quá khứ rất tội lỗi và không mấy tốt đẹp...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:27 19/07/2014
N2T

26. Các thánh yêu người thì không coi phải yêu ai, mà đơn giản là vì ai mà thực hành đức ái.

(Thánh Francis of Sales)
-----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:28 19/07/2014
ƯU TIÊN MỘT
Ban hành giáo họp thường kỳ, đại diện các huynh trưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ đề nghị cha sở và các ban ngành hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần cho các em trong ba ngày trại hè.
Có ý kiến cho rằng các em chưa ngoan khi đi dự thánh lễ, có người nói rằng các em hay đùa giỡn chung quanh nhà thờ, lại có người đề nghị cha sở cho các em cắm trại một ngày là đủ rồi.v.v…
Cha sở nói với vị huynh trường:
- “Ba ngày cắm trại cần những gì, anh viết ra đầy đủ và giáo xứ sẽ hỗ trợ hết mình, vì ưu tiên hàng đầu của giáo xứ chính là các em, các em chính là tương lai của Giáo Hội và của xã hội, chúng ta sẽ không tiếc gì với các em…”
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô bày tỏ sự đau buồn tột độ trước việc máy bay Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine
Đặng Tự Do
07:28 19/07/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự thất vọng và đau buồn tột độ trước "bi kịch là chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysian Airlines đã bị bắn rơi ở phía đông Ukraine". Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican cho biết như trên trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu 18 tháng 7. Vụ việc xảy ra gần thành phố Donetsk, gần biên giới Nga vào lúc 17:15 chiều thứ Năm 17 tháng 7 theo giờ địa phương.

Chiếc máy bay gồm 298 hành khách đã bị bắn rơi và không còn ai sống sót sau tai nạn. Cha Federico Lombardi cho biết Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ. Ngài cũng tái đưa ra lời kêu gọi hòa bình và đối thoại để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines đã cất cánh từ Amsterdam, và đang trên đường đến Kuala Lumpur. Lúc bị bắn hạ, chiếc phi cơ đang bay ở độ cao hơn 10,000 km.

Những nguồn tin ban đầu nghi ngờ phiến quân thân Nga đã bắn rớt chiếc máy bay vì nhầm là máy bay quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng quân phiến loạn chỉ là một đám ô hợp, được huấn luyện sơ sài không có khả năng, kiến thức và phương tiện để gây ra bi kịch này. Họ tin rằng chỉ có quân Nga trú đóng gần biên giới với Ukraine để bảo kê cho quân phiến loạn thân Nga ở Donetsk mới có những hoả tiễn địa không Buk 9K37 bắn xa tới độ cao như vậy. Đây là loại hỏa tiễn tầm nhiệt được Liên Sô đưa ra vào năm 1980. Loại hỏa tiễn này được cải tiến từ những hỏa tiễn Mạc Tư Khoa đã dùng để bắn rớt máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam.

Trong một thông cáo báo chí, Malaysia Airlines nói họ đã mất liên lạc với chiếc máy bay lúc 14:15 giờ quốc tế khi máy bay đang bay cách phi trường Tamak 30km trên lãnh thổ Ukraine, cách biên giới Nga 50km. Chiếc máy bay Boeing 777 đã cất cánh từ Amsterdam là thủ đô Hoà Lan lúc 12:15 trưa theo giờ địa phương và được dự trù đáp xuống Kuala Lumpur lúc 6:10 sáng giờ địa phương. Trên chuyến bay có 298 người bao gồm 15 người thuộc phi hành đoàn.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng - Huế - mừng hồng ân khấn dòng
Trương Trí
07:28 19/07/2014
“Lạy Chúa! Này con đây, vì Ngài gọi con”

Trong tâm tình hiến dâng và phục vụ Giáo Hội, sáng hôm nay, đông đảo bà con giáo dân là thân nhân, ân nhân của các khấn sinh và cộng đoàn Dân Chúa từ khắp nơi tụ hội về Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng Huế, hiệp cùng với Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng và quí Cha đồng tế dâng Thánh lễ tạ ơn mừng Hồng ân Khấn Dòng của 15 khấn sinh tuyên khấn lần đầu, 9 Tân Vĩnh Khấn và 2 nữ tu mừng Kim khánh khấn dòng.

Hình ảnh

Mở đầu Thánh lễ Đức Tổng Giám mục Giáo phận mời gọi cộng đoàn sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và chia sẻ niềm vui với Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi viếng, vì hôm nay Hội Dòng có thêm 15 Tiên Khấn sinh, 9 Tân Vĩnh khấn và 2 chị mừng Kim Khánh khấn dòng. Đây là niềm vui lớn lao của Giáo Hội, cách riêng cho Giáo phận Huế chúng ta đã có những người con tận hiến để phục vụ trên cánh đồng truyền giáo. Đức Tổng Giám mục cách riêng cảm ơn cha mẹ và gia đình các khấn sinh đã hy sinh dâng hiến con cái mình cho Chúa, xin Chúa ban nhiều hồng ân xuống cho gia đình các chị, xin Mẹ đi viếng dẫn dắt các chị biết đem tình yêu thương của Chúa đến với mọi người.

Phần Phụng vụ Lời Chúa thể hiện qua hai bài đọc do các Tân Khấn sinh, bài Tin Mừng do Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hoàng Hải công bố: “có anh thanh niên giàu có tìm đến gặp Chúa Giêsu, anh hỏi Ngài rằng anh phải làm gì để được phần thưởng Nước Trời, vì anh ta đã tuân giữ các điều luật thật nghiêm túc từ khi còn nhỏ. Chúa Giêsu bảo: anh hãy về bán hết những gì anh có đem cho người nghèo khó rồi đến theo Ta, anh sẽ được một kho báu trên Trời. Anh ta nghe vậy lấy làm buồn lòng, vì anh ta rất giàu. Thật vậy, Chúa Giêsu bảo, người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim.”

Nghi thức Khấn Dòng được mở đầu: Đức Tổng Giám mục xướng kinh Đức Chúa Thánh thần, cộng đoàn cùng cất lời ca chúc tụng Thiên Chúa, cầu xin Ngài ban cho các Tân Khấn sinh sức mạnh để vững bước theo Chúa phục vụ tha nhân.

Trong bài huấn từ, Đức Tổng Giám mục chia sẻ: chúng con sống cuộc đời tận hiến vì cảm nhận được tình yêu của ngọt ngào của Thiên Chúa. Có những lúc các chị vẫn cảm thấy yếu hèn trên con đường phục vụ, để giúp các chị vượt qua những thử thách đó, các chị cần có Chúa. Nhờ sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, các chị sẽ biết được phải làm gì. Muốn theo Chúa trọn vẹn, các chị phải có một lựa chọn sắt đá và đầy nghị lực, không để bất cứ một yếu tố nào chi phối. Chúa không cho phép chúng ta làm tôi hai chủ, do đó các chị cần có một sự lựa chọn dứt khoát, một tình yêu trong sáng vô vị lợi. Nhờ tình yêu đó, giúp các chị vượt qua những gian khó, cũng chính tình yêu đó giúp các chị nghị lực, cũng chính tình yêu đó làm cho ghánh nặng trở thành êm ái và nhẹ nhàng. Đức Tổng Giám mục cũng cầu chúc các chị mừng Kim khánh khấn dòng luôn bình an trong cuộc đời còn lại, các chị sẽ là những tấm gương sáng cho đàn em noi theo.

Nghi thức tuyên khấn lần đầu: 15 Tiên khấn sinh tiến lên trước bàn thờ, quì gối trước mặt Đức Tổng Giám mục là vị đại diện Hội Thánh, Nữ tu Bề trên Tổng quyền Hội Dòng Maria Martha Lê Thị Lệ và hai nữ tu đại diện Hội Dòng, lần lượt từng khấn sinh đọc lời tuyên hứa. Đức Tổng Giám mục làm phép khăn lúp và trao cho các khấn sinh, tiếp đó Ngài trao hiến chương của Hội Dòng. Ngài dâng lời nguyện chúc phúc cho các khấn sinh.

Nghi thức tuyên khấn trọn đời: 9 ứng sinh tiến lên trước bàn thờ, trước vị Đại diện Hội Thánh và đại diện Hội Dòng, các chị lần lượt đọc lời tuyên khấn trọn đời theo Chúa, cùng Hội Dòng dấn bước phục vụ mọi người. Đức Tổng Giám mục đọc lời nguyện chúc phúc và bình an cho các khấn sinh.

Nữ tu Bề trên Tổng quyền Maria Martha Lê Thị Lệ công bố trước cộng đoàn: từ nay các ứng sinh chính thức trở thành thành viên của Hội Dòng, sau đó cùng với các nữ tu đại diện hôn chúc mừng và chúc bình an choc ho các Tân Khấn sinh.

Hai nữ tu mừng Kim khánh khấn dòng, sau 50 năm phục vụ trong hội dòng, giờ đây các chị là những cây cao bóng cả cho các lớp đàn em noi theo, trong cuộc đời còn lại, các chị sống thánh thiện trong cuộc sống cầu nguyện để tâm hồn luôn bình an trong Chúa và Mẹ Maria.

Phần Phụng vụ Thánh thể bắt đầu với nghi thức dâng lễ vật do các Tân Khấn sinh dâng lên Thiên Chúa với tất cả lòng thành, như hiến dâng cả xác thân mình cho Chúa để phục vụ Giáo Hội.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nguyên văn tài liệu ''Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội'' (6)
Vũ Văn An
20:15 19/07/2014

Chương ba:Cảm thức đức tin của các tín hữu trong đời sống Giáo Hội



66. Vì đức tin của tín hữu cá nhân tham dự vào đức tin của Giáo Hội với tư cách chủ thể tin, nên cảm thức đức tin của các tín hữu cá nhân (sensus fidei fidelis) không thể tách biệt khỏi cảm thức đức tin của các tín hữu (sensus fidei fidelium) hay “cảm thức của Giáo Hội” (sensus Ecclesiae) (80), vì đều được Chúa Thánh Thần phú ban và nâng đỡ (81) và đồng cảm thức của các tín hữu (consensus fidelium) vốn tạo nên tiêu chuẩn chắc chắn để nhận ra một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó có phù hợp với Tông Truyền hay không (82). Do đó, chương này sẽ xem sét một vài khía cạnh của cảm thức đức tin của các tín hữu. Trước nhất, chương này suy tư về vai trò của cảm thức đức tin các tín hữu trong việc khai triển học lý và thực hành Kitô Giáo; sau đó, nó xem sét hai mối liên hệ có tầm quan trọng lớn lao đối với đời sống và sự lành mạnh của Giáo Hội, tức mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và huấn quyền, và mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và thần học; rồi, sau cùng, nó xem sét một số khía cạnh đại kết của cảm thức đức tin.

1. Cảm thức đức tin và việc khai triển học lý và thực hành Kitô Giáo

67. Toàn thể Giáo Hội, gồm cả giáo dân lẫn giáo phẩm, đều mang trách nhiệm đối với và làm trung gian trong lịch sử cho mạc khải vốn chứa đựng trong Sách Thánh và trong Tông Truyền sống động. Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng cả hai thực tại vừa kể tạo thành “kho tàng thánh duy nhất của lời Chúa” vốn “được ủy thác cho Giáo Hội” nghĩa là “toàn thể dân thánh, kết hợp với các mục tử của mình” (83). Công Đồng rõ ràng dạy rằng tín hữu không phải chỉ là những người thụ động tiếp nhận những gì hàng giáo phẩm giảng dạy và các nhà thần học giải thích; đúng hơn, họ là các chủ thể sống động và tích cực trong Giáo Hội. Trong bối cảnh này, công đồng đã nhấn mạnh tới vai trò sinh tử do mọi tín hữu thủ diễn trong việc diễn đạt và khai triển đức tin: “Thánh Truyền phát xuất từ các Tông Đồ thực hiện nhiều tiến bộ trong Giáo Hội, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (84).

a) Các khía cạnh quá khứ và tương lai của cảm thức đức tin

68. Để hiểu được cách thế nó hành xử và tự biểu lộ trong đời sống Giáo Hội, cảm thức đức tin cần được nhìn trong bối cảnh lịch sử, một lịch sử trong đó Chúa Thánh Thần biến mỗi ngày thành một ngày nghe lời Chúa như mới (xem Thư Do Thái 3:7-15). Tin Mừng về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được chuyển giao cho Giáo Hội như một toàn thể qua Tông Truyền sống động mà Sách Thánh vốn là chứng tá viết có thế giá. Do đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng hằng nhắc Giáo Hội nhớ mọi điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm (xem Ga 14:26), các tín hữu tin vào Sách Thánh và Tông Truyền liên tục trong đời sống đức tin của họ và trong việc thực hành cảm thức đức tin.

69. Tuy nhiên, đức tin và cảm thức đức tin không chỉ neo lại trong quá khứ; chúng cũng hướng về tương lai nữa. Hiệp thông các tín hữu là một thực tại lịch sử: “được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri, với chính Chúa Giêsu Kitô là đá góc”, hiệp thông này “phát triển thành đền thờ thánh thiêng trong Chúa” (Eph 2:20-21), trong quyền lực Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hướng dẫn Giáo Hội “vào mọi chân lý” và công bố cho tín hữu ngay lúc này “những sự việc sắp xẩy ra” (Ga 16:13), đến nỗi, đặc biệt trong Phép Thánh Thể, Giáo Hội có thể mong đợi việc Chúa Trở lại và việc nước của Người ngự đến (xem 1Cor 11:26).

70. Trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại, Giáo Hội và các chi thể Giáo Hội không ngừng đối diện với nhiều hoàn cảnh mới, với nhiều tiến bộ về nhận thức và văn hóa, và với nhiều thách đố của lịch sử con người, và do đó, phải đọc ra các dấu chỉ của thời đại, “để giải thích chúng dưới ánh sáng Lời Chúa” và để biện phân xem làm cách nào có thể giúp chính chân lý mạc khải “vào sâu hơn nữa, được hiểu tốt hơn và được trình bày sâu sắc hơn” (85). Trong diễn trình này, cảm thức đức tin của các tín hữu có một vài trò thiết yếu để đóng. Nó không chỉ phản ứng (reactive) mà còn phải hợp động (proactive) và tương tác, trong khi Giáo Hội và các chi thể Giáo Hội đang thực hiện cuộc hành trình của mình trong lịch sử. Do đó, cảm thức đức tin không chỉ nhìn về quá khứ mà còn nhìn về tương lai và, dù ít quen thuộc hơn, hai khía cạnh tương lai và hợp động của cảm thức đức tin là điều hết sức quan trọng. Cảm thức đức tin giúp ta trực giác được cách đúng đắn để tiến về phiá trước bất chấp các hàm hồ và không chắc chắn của lịch sử, và cho ta một khả năng biết lắng nghe một cách có biện phân những điều nền văn hóa nhân bản và tiến bộ khoa học đang phát biểu. Cảm thức đức tin này sinh động hóa đời sống đức tin và hướng dẫn các hành vi Kitô Giáo chân chính.

71. Cần một thời gian dài trước khi diễn trình biện phân trên tới hồi kết thúc. Đứng trước các hoàn cảnh mới, người tín hữu nói chung, các mục tử và các nhà thần học tất cả đều có vai trò liên hệ cần thủ diễn, và họ cần có sự kiên nhẫn cũng như kính trọng nhau trong các tương tác hỗ tương, nếu họ muốn cảm thức đức tin được sáng tỏ và một đồng cảm thức chân thực giữa các tín hữu (consensus fidelium), một đồng linh hứng của các mục tử và các tín hữu (conspiratio pastorum et fidelium) được thực hiện.

b) Sự đóng góp của giáo dân vào cảm thức của các tín hữu

72. Ngay từ đầu Kitô Giáo, mọi tín hữu đã đóng một vài trò tích cực trong việc khai triển niềm tin của tôn giáo mình. Toàn thể cộng đoàn đều làm chứng cho đức tin tông truyền, và lịch sử minh chứng rằng khi cần đưa ra quyết định gì về đức tin, chứng tá giáo dân đều được các mục tử xem sét. Như đã thấy trong cuộc duyệt xét lịch sử trên đây (86), ta có đủ bằng chứng cho thấy giáo dân đóng vai trò chính trong việc ra đời của một số định tín tín lý. Có lúc, chính Dân Chúa, nhất là các giáo dân, trực giác cảm thấy việc khai triển tín lý phải đi theo hướng nào, ngay cả khi các nhà thần học và các giám mục chia rẽ nhau về vấn đề đó. Có khi rõ ràng có một đồng linh hứng giữa các mục tử và các giáo dân (conspiratio pastorum et fidelium). Lại có lúc, như khi Giáo Hội muốn một định tín chẳng hạn, Giáo Hội giảng dạy minh nhiên “tham khảo” tín hữu, và chỉ rõ chính đồng cảm thức của các tín hữu đã là một trong các luận điểm khiến cho việc định tín hợp pháp.

73. Điều ít được biết đến hơn và thường không được chú ý bao nhiêu là vai trò của giáo dân trong việc khai triển giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Do đó, điều quan trọng là phải suy tư về chức năng của giáo dân trong việc biện phân cái hiểu của Kitô Giáo đối với tác phong thích đáng của con người sao cho phù hợp với Tin Mừng. Ở một số lãnh vực, giáo huấn của Giáo Hội đã khai triển được là nhờ người giáo dân khám phá ra các điều phải làm căn cứ trên các hoàn cảnh mới. Suy tư của các nhà thần học, và sau đó phán đoán của huấn quyền giám mục đều dựa vào cảm nghiệm của Kitô hữu vốn được trực giác của tín hữu giáo dân làm cho sáng tỏ trước đó. Một số điển hình có thể minh họa vai trò mà cảm thức của các tín hữu đã đóng trong việc khai triển học lý luân lý:

i) Giữa khoản luật 20 của Công Đồng Elvira (khoảng năm 306), là khoản luật cấm các giáo sĩ và giáo dân không được nhận lời lãi, và thư tựa là Non esse inquietandos của Đức GH Piô VIII trả lời giám mục thành Rennes (1830) (87), có một khai triển rất rõ về giáo huấn, do cả việc tín hữu giáo dân trong thương trường ý thức được hoàn cảnh mới lẫn việc các nhà thần học suy tư mới về bản chất của tiền bạc.

ii) Việc Giáo Hội cởi mở đối với các vấn đề xã hội, thấy rõ nhất trong thông điệp Rerum Novarum (1896) của Đức GH Lêô XIII, là kết quả của một chuẩn bị rất từ từ trong đó, các “nhà tiên phong xã hội” giáo dân, cả những người hoạt động lẫn những người suy nghĩ, đã đóng vai trò chính.

iii) Việc khai triển nổi bật tuy thuần nhất từ cuộc kết án các luận đề “cấp tiến” trong phần thứ 10 của Danh Mục Các Sai Lầm (Syllabus of Errors) (1864) của Đức GH Piô IX tới tuyên ngôn tự do tôn giáo Dignitatis Humanae (1965) của Công Đồng Vatican II chắc chắn đã không thể nào có nếu không có sự dấn thân của nhiều Kitô hữu cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền.

Cái khó trong việc biện phân cảm thức chân chính của các tín hữu trong các trường hợp nêu trên đặc biệt cho thấy nhu cầu cần phải nhận diện các thiên hướng cần thiết để tham dự một cách chân chính vào cảm thức đức tin, những thiên hướng này, ngược lại, có thể được dùng làm tiêu chuẩn để biện phân cảm thức đức tin chân chính (88).

2. Cảm thức đức tin và huấn quyền

a) Huấn quyền lắng nghe cảm thức đức tin

74. Trong các vấn đề đức tin, người đã chịu phép rửa không thể nào thụ động. Họ đã lãnh nhận Thần Khí và đã được phú bẩm nhiều hồng ân và đặc sủng, trong tư cách chi thể của Nhiệm Thể Chúa, “để canh tân và xây dựng Giáo Hội” (89), nên huấn quyền phải lưu tâm tới cảm thức của các tín hữu, vốn là tiếng nói sống động của Dân Chúa. Không những họ có quyền được lắng nghe, mà phản ứng của họ đối với điều được đề xuất như là thuộc về đức tin các Tông Đồ phải được nghiêm túc xem sét, vì chính qua Giáo Hội như một toàn thể, mà đức tin đã được hạ sinh nhờ quyền lực của Thần Khí. Huấn quyền không một mình chịu trách nhiệm về việc này. Do đó, huấn quyền nên tham chiếu cảm thức đức tin của toàn thể Giáo Hội. Cảm thức của các tín hữu có thể là nhân tố quan trọng đối với việc khai triển học lý, và do đó, huấn quyền cần có những phương thế để tham khảo các tín hữu.

75. Mối liên kết giữa cảm thức của các tín hữu và huấn quyền đặc biệt tìm thấy nơi phụng vụ. Các tín hữu là những người được rửa tội để đảm nhiệm chức linh mục vương giả, chủ yếu được thi hành trong Phép Thánh Thể (90), còn các giám mục là các “thượng tế” chủ trì nghi lễ Thánh Thể (91) và ở đó các ngài cũng thi hành cả chức vụ giảng dạy nữa. Phép Thánh Thể là nguồn và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội (92); đặc biệt chính tại đó, các tín hữu và các mục tử của họ tương tác với nhau như một thân thể cho cùng một mục đích là ca tụng và vinh danh Thiên Chúa. Thánh Thể lên khuôn và tạo ra cảm thức của các tín hữu và góp phần lớn lao vào việc lên công thức và tu chỉnh các phát biểu bằng lời về đức tin, vì chính tại đó, giáo huấn của các giám mục và của các công đồng cuối cùng đã được các tín hữu “tiếp nhận”. Từ những thời gian đầu tiên của Kitô Giáo, Phép Thánh Thể vẫn đã là cơ sở cho việc lên công thức các học lý của Giáo Hội vì ở đó, mầu nhiệm đức tin đã được gặp gỡ và được cử hành nhiều nhất, còn các giám mục, những vị chủ trì phép này tại các Giáo Hội địa phương giữa các tín hữu của mình, chính là những vị tụ họp nhau trong các công đồng để xác định xem làm thế nào phát biểu đức tin tốt nhất, bằng lời và bằng công thức: lex orandi, lex credendi (luật cầu là luật tin) (93).

b) Huấn quyền nuôi dưỡng, biện phân và phán kết cảm thức của các tín hữu

76. Huấn quyền của những vị “cùng với quyền kế thừa hàng giám mục của các ngài, đã lãnh nhận đặc sủng chân lý chắc chắn” (94) là một thừa tác vụ cho chân lý được thi hành trong và cho Giáo Hội, mà tất cả các thành viên của thừa tác vụ này đều đã được Thần Khí chân lý xức dầu cho (Ga 14:17; 15:26; 16:13; 1Ga 2:20, 27), và đuợc phú bẩm cảm thức đức tin, một bản năng biết chân lý Tin Mừng. Lãnh trách nhiệm bảo đảm lòng trung thành của toàn thể Giáo Hội đối với lời Chúa và giữ cho dân Chúa luôn trung thành với Tin Mừng, huấn quyền chịu trách nhiệm dưỡng nuôi và giáo dục cảm thức của các tín hữu. Dĩ nhiên, các vị thi hành huấn quyền, tức Đức Giáo Hoàng và các giám mục, trước nhất, cũng là các thành viên đã chịu phép rửa của dân Chúa và do chính sự kiện này, các ngài cũng nằm trong cảm thức của các tín hữu.

77. Huấn quyền cũng phán kết một cách có thẩm quyền các ý kiến đang có trong dân Chúa và bề ngoài có thể là cảm thức của các tín hữu xem liệu chúng có thực sự tương hợp với chân lý của Thánh Truyền từng lãnh nhận từ các Tông Đồ hay không. Như Chân Phúc Newman từng nói: “Ơn biện phân, phân biệt, định tín, công bố, và buộc thi hành bất cứ phần nào trong truyền thống đó chỉ nằm trong tay một mình Giáo Hội giảng dạy mà thôi” (95). Do đó, các phán kết liên quan tới tính chân chính của cảm thức các tín hữu tựu chung không thuộc các tín hữu hay thần học mà là thuộc huấn quyền. Dù thế, như trên đã nhấn mạnh, đức tin mà huấn quyền phục vụ là đức tin của Giáo Hội, là đức tin vốn sống trong mọi tín hữu, thành thử chính trong đời sống hiệp thông của Giáo Hội, huấn quyền luôn thi hành thừa tác vụ giám sát có tính chủ yếu của mình.

c) Việc tiếp nhận

78. Có thể mô tả việc “tiếp nhận” như là một diễn trình trong đó, nhờ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dân Chúa nhận ra các trực giác hay các thông tuệ (insights) và tích hợp chúng thành những khuôn mẫu và cơ cấu cho đời sống và việc thờ phượng của mình, bằng cách chấp nhận chứng tá mới của chân lý và các hình thức phát biểu tương ứng về nó, vì chân nhận rằng chúng phù hợp với truyền thống tông đồ. Diễn trình tiếp nhận là điều căn bản đối với đời sống và sự lành mạnh của Giáo Hội trong tư cách dân lữ hành đang trên đường lịch sử tiến về sự viên mãn của Nước Thiên Chúa.

79. Mọi ơn của Chúa Thánh Thần, nhất là ơn tối thượng của Giáo Hội, đều được ban cho để vổ vũ sự hợp nhất của Giáo Hội trong đức tin và trong hiệp thông (96), và chính việc các tín hữu tiếp nhận giáo huấn của huấn quyền cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, vì, nhờ cảm thức đức tin mà họ vốn sở hữu, các tín hữu nhận ra chân lý của điều được giảng dạy và trung thành nắm giữ nó. Như đã giải thích trên đây, giáo huấn của Vatican I dạy rằng các định tín vô ngộ của Đức Giáo Hoàng là điều không thể sửa đổi được “do chính chúng chứ không do đồng cảm thức của Giáo Hội” [ex sese non autem ex consensu ecclesiae] (97), nhưng điều này không có nghĩa Đức Giáo Hoàng bị cắt lìa khỏi Giáo Hội hay giáo huấn của ngài độc lập đối với đức tin của Giáo Hội (98). Sự kiện trước khi định tín một cách vô ngộ cả mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai của Trinh Nữ Diễm Phúc Maria lẫn mầu nhiệm ngài được triệu cả hồn lẫn xác về trời, một tham khảo sâu rộng với các tín hữu đã được thực hiện theo ý muốn minh nhiên của các vị giáo hoàng những lúc đó đã chứng minh đầy đủ cho điểm này (99). Đúng hơn, điều muốn nói ở đây là giáo huấn như thế của Đức Giáo Hoàng, và do đó, mọi giáo huấn của Đức Giáo Hoàng và của các giám mục, đều có thẩm quyền ngay trong chúng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, nhờ charisma veritatis certum (đặc sủng chân lý chắc chắn) mà các ngài vốn có.

80. Tuy nhiên, có những trường hợp, khi việc tín hữu tiếp nhận giáo huấn của huấn quyền gặp khó khăn hay chống đối, thì trong những hoàn cảnh này, đòi hỏi đôi bên phải có hành động thích đáng. Các tín hữu phải suy nghĩ về giáo huấn được ban hành, bằng cách hết sức cố gắng để hiểu nó và chấp nhận nó. Như một nguyên tắc, chống đối giáo huấn của huấn quyền là điều không thể đi đôi với cảm thức đức tin chân chính. Cũng thế, huấn quyền cũng phải suy nghĩ về giáo huấn đã ban hành và xét xem liệu có cần phải soi sáng thêm hay phát biểu lại để thông truyền sứ điệp chủ yếu một cách hữu hiệu hơn không. Các cố gắng hỗ tương này trong những lúc gặp khó khăn tự chúng nói lên sự hiệp thông vốn có tính chủ yếu đối với đời sống Giáo Hội, và cả lòng mong ước được Chúa Thánh Thần ban ơn, Đấng luôn hướng dẫn Giáo Hội “trong mọi chân lý” (Ga 16:13).

3. Cảm thức đức tin và thần học

81. Như một phục vụ đối với việc hiểu biết đức tin, và trong bối cảnh đồng linh hứng (conspiratio) của mọi đặc sủng và mọi chức năng trong Giáo Hội, thần học cố gắng cung cấp cho Giáo Hội sự chính xác khách quan liên quan tới nội dung đức tin, nên nhất thiết nó phải dựa vào sự hiện hữu và việc thi hành đúng đắn cảm thức của các tín hữu. Cảm thức này không phải chỉ là một đối tượng để các nhà thần học chú ý, nó còn tạo nền móng và là locus (nguồn cứ liệu) cho việc làm của họ nữa (100). Do đó, tự nó, thần học có hai mối tương quan với cảm thức của các tín hữu. Một đàng, các nhà thần học tùy thuộc cảm thức đức tin vì đức tin mà họ nghiên cứu và phát biểu vốn sống trong dân Chúa. Theo nghĩa này, thần học phải tự đặt mình vào trường học của cảm thức các tín hữu để có thể khám phá ra ở đó các vang dội sâu sắc của lời Thiên Chúa. Đàng khác, các nhà thần học giúp các tín hữu phát biểu cảm thức của họ một cách chân chính bằng cách nhắc họ nhớ các đường hướng chủ yếu của đức tin, và giúp họ tránh các lệch lạc và lầm lẫn gây ra bởi ảnh hưởng của các yếu tố tưởng tượng phát sinh từ những nơi khác. Hai mối tương quan này cần được nói rõ thêm trong hai tiết (a) và (b) dưới đây

a) Các nhà thần học tùy thuộc cảm thức của các tín hữu

82. Nhờ tự đặt mình vào trường học của cảm thức các tín hữu, thần học thấm nhuần thực tại của truyền thống tông đồ, một truyền thống luôn nằm ở bên dưới và vượt quá các biên giới chật hẹp của những tuyên bố dùng để phát biểu giáo huấn của Giáo Hội, vì nó bao gồm “tất cả những gì Giáo Hội là, tất cả những gì Giáo Hội tin” (101). Về phương diện này, ta cần xem sét ba điều đặc biệt sau đây:

i) Thần học nên cố gắng phát hiện ra ngôn từ đang lớn lên như hạt giống trong thửa đất đời sống của dân Chúa, và, sau khi đã xác định âm sắc ấy, ý muốn ấy hay thái độ ấy quả phát xuất từ Thần Khí, và do đó tương ứng với cảm thức của các tín hữu, thì nên tích hợp nó vào các nghiên cứu của mình.

ii) Nhờ cảm thức của các tín hữu, dân Chúa cảm nhận bằng trực giác điều gì trong man vàn các ý tưởng và học lý được trình bày cho mình là thực sự tương ứng với Tin Mừng, và do đó, có thể tiếp nhận được. Thần học nên chăm chú cẩn trọng tìm hiểu các bình diện khác nhau của việc tiếp nhận đang xẩy ra trong đời sống dân Chúa.

iii) Cảm thức của các tín hữu vừa phát sinh vừa nhìn nhận tính chân chính của ngôn từ biểu tượng hay huyền nhiệm thường tìm thấy nơi phụng vụ và lòng đạo bình dân. Khi đã nhận ra các biểu hiện của lòng đạo bình dân (102), nhà thần học cần thực sự tham dự vào sinh hoạt và phụng vụ của Giáo Hội địa phương, để có khả năng nắm được một cách sâu sắc, không chỉ bằng đầu mà còn bằng cả trái tim, bối cảnh thực sự, có tính lịch sử và văn hóa, trong đó Giáo Hội và các chi thể của mình đang cố gắng sống đức tin và làm chứng cho Chúa Kitô trong thế giới ngày nay.

b) Các nhà thần học suy tư về cảm thức của các tín hữu

83. Vì cảm thức đức tin không đơn giản đồng nhất với ý kiến của đa số những người đã chịu phép rửa vào một thời điểm nào đó, nên thần học cần cung cấp các nguyên tắc và các tiêu chuẩn để biện phân được nó, nhất là bởi huấn quyền (103). Nhờ các phương thế phê phán, các nhà thần học giúp biểu lộ và minh giải nội dung cảm thức của các tín hữu, bằng cách “thừa nhận và chứng minh rằng các vấn đề liên quan tới chân lý đức tin có thể phức tạp, thành thử việc tìm hiểu chúng phải thật chính xác” (104). Trong viễn ảnh này, các nhà thần học cũng nên khảo sát một cách có phê phán các biểu thức của lòng đạo bình dân, các trào lưu tư tưởng mới và cả các phong trào mới trong Giáo Hội, sao cho trung thành với truyền thống tông đồ (105). Nhờ làm như thế, các nhà thần học sẽ giúp biện phân được, trong một trường hợp đặc thù nào đó, liệu Giáo Hội có đang xử lý một lệch lạc gây ra bởi một cuộc khủng hoảng hay một hiểu lầm về đức tin, một ý kiến vốn có chỗ đứng riêng trong tính đa nguyên của cộng đồng Kitô Giáo nhưng không nhất thiết gây ảnh hưởng tới người khác, hay đang xử lý một điều gì đó vốn hòa hợp với đức tin đến nỗi phải được thừa nhận như là một linh hứng hay một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

84. Thần học còn trợ giúp cảm thức của các tín hữu một cách khác nữa. Nó giúp các tín hữu biết rõ ràng và chính xác hơn ý nghĩa chân chính của Thánh Kinh, ý nghĩa chân thực các định tín của công đồng, các nội dung thích đáng của Thánh Truyền, và cả những vấn nạn còn để bỏ ngỏ, hoặc vì các hàm hồ trong các quả quyết đương thời hay vì các nhân tố văn hóa vốn để lại vết tích trong các điều được lưu truyền, và những phạm vi trong đó cần duyệt lại các chủ trương có trước đó. Cảm thức đức tin cần dựa vào một sự hiểu biết mạnh mẽ và chắc chắn về đức tin, là cái hiểu mà thần học luôn tìm cách phát huy.

4. Các khía cạnh đại kết của cảm thức đức tin

85. Các ý niệm cảm thức đức tin (sensus fidei), cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium) và đồng cảm thức của các tín hữu (consensus fidelium), đã được bàn tới, hay ít nhất được nhắc tới, trong nhiều cuộc đối thoại quốc tế giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội cũng như cộng đồng Giáo Hội khác. Nói một cách bao quát, các cuộc đối thoại này đã nhất trí rằng toàn bộ các tín hữu, cả giáo dân lẫn các vị có chức thánh, đều mang trách nhiệm duy trì đức tin và chứng tá tông truyền của Giáo Hội, và mỗi người đã chịu phép rửa, do chính việc được Thiên Chúa xức dầu (1Ga 2:20, 27), đều có khả năng biện phân chân lý trong các vấn đề đức tin. Cũng đã có sự nhất trí tổng quát sau đây: một số chi thể của Giáo Hội thừa hành trách nhiệm đặc biệt trong việc giảng dạy và giám sát, nhưng lúc nào cũng hợp tác với mọi tín hữu khác (106).

86. Hai câu hỏi đặc thù liên hệ tới cảm thức của các tín hữu đã xuất hiện trong bối cảnh đối thoại đại kết, một cuộc đối thoại mà Giáo Hội Công Giáo đã dấn thân một cách không lùi bước (107):

i) Có nên chỉ coi những học lý nào được sự nhất trí chung của mọi Kitô hữu là nói lên cảm thức của các tín hữu và do đó là đúng và có tính trói buộc hay không? Đề xuất này đi ngược lại đức tin và thực hành của Giáo Hội Công Giáo. Qua đối thoại, các nhà thần học Công Giáo và các nhà thần học thuộc các truyền thống khác tìm cách có được sự nhất trí đối với các vấn đề gây chia rẽ Giáo Hội, nhưng các tham dự viên Công Giáo không thể ngưng sự cam kết của mình đối với các học lý chính thức của Giáo Hội Công Giáo.

ii) Có nên coi các Kitô hữu phân ly như những người tham dự và đóng góp cách nào đó vào cảm thức đức tin hay không? Câu trả lời ở đây tất nhiên là: có (108). Giáo Hội Công Giáo thừa nhận rằng “nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý” được tìm thấy ở bên ngoài các biên giới hữu hình của mình (109), “một số điểm của mầu nhiệm Kitô Giáo đôi khi được nhấn mạnh một cách hữu hiệu hơn” trong các cộng đồng khác (110) và cuộc đối thoại đại kết giúp Giáo Hội Công Giáo thâm hậu hóa và làm sáng tỏ cái hiểu riêng của mình về Tin Mừng.

Còn tiếp
______________________________________________________________________________________________________________________
[80] Xem số 30 trên đây.
[81] Xem Congar, La Tradition et les traditions, II, các tr.81-101, về “L’ ‘Ecclesia’, sujet de la Tradition” (L’ ‘Ecclesia’, chủ thể của Thánh Truyền), và các tr. pp.101-108, về “Le Saint-Esprit, Sujet transcendant de la Tradition” (Chúa Thánh Thần, Chủ Thể siêu việt của Thánh Truyền); Bản tiếng Anh, Tradition and Traditions, các tr.314-338, về “The ‘Ecclesia’ as the Subject of Tradition”, và các tr.338-346, về “The Holy Spirit, the Transcendent Subject of Tradition”.
[82] Xem số 3 trên đây.
[83] Dei Verbum 10.
[84] Dei Verbum 8; cũng nên xem Lumen Gentium 12, 37; Apostolicam Actuositatem 2, 3; Gaudium et Spes 43.
[85] Gaudium et Spes 44.
[86] Xem Chương một, phần 2 trên đây.
[87] Xem Heinrich Denzinger's Enchiridion Symbolorum et Definitionum 2722-2724.
[88] Xem Chương bốn dưới đây.
[89] Lumen Gentium 12.
[90] Xem Lumen Gentium 10, 34.
[91] Xem Lumen Gentium 21, 26; Sacrosancum Concilium 41.
[92] Xem Sacrosanctum Concilium 10; Lumen Gentium 11.
[93] Sách Giáo Lý GHCH 1124. Xem Thánh Irênê, Adv.Haer., IV, 18, 5: “ Lối suy nghĩ của ta pù hợp theo Thánh Thể và ngược lại Thánh Thể củng cố lối suy nghĩ của ta” (xem thêm Sách Giáo Lý GHCG, số 1327).
[94] Dei Verbum 8.
[95] Newman, On Consulting the Faithful, tr.63.
[96] Xem Vatican I, Pastor Aeternus, Heinrich Denzinger's Enchiridion Symbolorum et Definitionum 3051.
[97] Vatican I, Pastor Aeternus, chương 4 (DH 3074).
[98] Xem số 40 trên đây.
[99] Xem các số 38, 42 trên đây.
[100] Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Theology Today, số 35.
[101] Dei Verbum 8.
[102] Xem các số 107-112 dưới đây.
[103] Xem Chương bốn dưới đây
[104] Ủy Ban Thần Học Quốc tế, Theology Today, số 35; Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị về Ơn Gọi Trong Giáo Hội của Nhà Thần Học, Donum Veritatis (1990), các số 2-5, 6-7.
[105] Xem Theology Today, số 35.
[106] Về phương diện này, điều đặc biệt đáng lưu ý là các phần được chỉ rõ trong các tuyên bố đã được nhất trí sau đây: Ủy Ban Quốc Tế Hỗn Hợp Để Đối Thoại Thần Học Giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hôi Chính Thống, Các Hậu Quả Giáo Hội Học và Giáo Luật của Bản Chất Bí Tích của Giáo Hội: Sự Hiệp Thông, Tính Công Đồng và Thẩm Quyền Trong Giáo Hội (2007; Tuyên Bố Ravenna), số 7; Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo, Ơn Thẩm Quyền (The Gift of Authority) (1999), số 29; Cuộc Đối Thoại Tin Lành – Công Giáo Rôma về Truyền Giáo, 1977-1984, Phúc Trình, Chương 1.3; Ủy Ban Đối Thoại Quốc Tế Các Môn Đệ Chúa Kitô và Công Giáo Rôma, Giáo Hội như Hiệp Thông Trong Chúa Kitô, (1992), các số 40, 45; Ủy Ban Đối Thoại Quốc Tế giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Đồng Methodist Thế Giới, Lời Sự Sống (1995), các số 56, 58.
[107] Xem Đức GH Gioan Phaolô II, thông điệp Ut Unum Sint (1995), số 3.
[108] Xem số 56 trên đây.
[109] Xem Lumen Gentium 8.
[110] Ut Unum Sint, số 14; xem các số 28, 57, trong đó, Đức Gioan Phaolô II nhắc tới “việc trao đổi ơn phúc” diễn ra trong cuộc đối thoại đại kết. Trong thư gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về Một Số Khía Cạnh của Giáo Hội Hiểu Như Hiệp Thông, Communionis Notio (1992), Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng nhìn nhận rằng Giáo Hội Công Giáo “bị thương tổn” vì việc mất hiệp thông với các Giáo Hội và các cộng đồng Giáo Hội Kitô Giáo khác (số 17).