Ngày 20-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sức Sống Nhiệm Mầu
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
17:56 20/07/2011
SỨC SỐNG NHIỆM MẦU

Chúa Giê su đã dùng dụ ngôn để loan báo về mầu nhiệm Nước Trời. Dụ ngôn là những hình ảnh, danh xưng, địa danh đã quen thuộc để diễn tả một tư tưởng, quan điểm mà Chúa Giê su muốn hướng lòng người nghe tới mục đích. Vì vậy, dụ ngôn chính là dùng sự so sánh giữa những vật đã biết để đạt tới những gì chưa biết nhưng cao hơn và sâu sắc hơn.

Hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về hạt giống. Thật là quen thuộc với nhà nông chúng ta. Người nào cũng biết, gieo hạt giống xuống trở thành cây mạ, cây mạ trở thành cây lúa. Rồi cây lúa trổ bông, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm.

Dụ ngôn không có gì là khó hiểu. Nó hoàn toàn hợp với tự nhiên, đúng với tự nhiên. Nhưng điều quan trọng là Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để diễn tả mầu nhiệm của Nước Trời.

Dụ ngôn cỏ lùng với lúa là một thực tế giản dị đến nỗi không cần ai giải thích, nhưng với Chúa Giêsu, hình ảnh ấy lại được diễn tả bộ mặt thật của cuộc sống nhân loại đời này., dụ ngôn không hướng chúng ta đến toà án dân sự, nhưng cho chúng ta viễn ảnh về ngày phán xét công minh đời đời và như thế cho ta hiểu rằng ngày giờ sống trên trần thế này, dẫu là nơi pha trộn thiện – ác, ánh sáng và bóng tối nhưng vẫn luôn được Thiên Chúa quan phòng, yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi hồi “kết có hậu” của con người.

Phúc cho những người đơn sơ bé mọn vì họ lắng nghe và thực hành Lời Chúa, họ được đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Còn những người tự cao tự đại, là những người giỏi giang, họ cố gắng để nghĩ rằng thế giới chỉ gói trọn trong vũ trụ vật chất này, họ nghĩ rằng những gì là siêu nhiên, là siêu hình chỉ gói gọn trong khối óc nhỏ nhoi của họ. Họ sẽ phải thất bại với tất cả những điều đó, bởi vì họ là những người nhắm mắt mà không chịu mở ra nhìn sự thật, rồi đến một lúc mở mắt ra nhìn sự thật thì người ta đang vuốt mắt cho mình rồi. Với một ý nghĩa như vậy, dụ ngôn của Chúa Giê su hôm nay thực sự đi vào lòng của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ xem mình ở vào tình trạng nào. Những hạt giống hôm nay tung rơi, có rất nhiều tình trạng được đón nhận: hoặc tôi là gai, hoặc tôi là đá sỏi, hoặc tôi là vệ đường, hoặc tôi là đất tốt. Chỉ có đất tốt mới sinh hoa kết trái. Nhưng nếu đất tốt mà không được chăm sóc thì cũng ra hoang hóa, rồi cỏ mọc um tùm, rồi gai mọc um tùm, nó cũng sẽ bóp nghẹt Lời Chúa. Nhưng bụi gai mà được cải tạo, canh tân cũng sẽ trở nên đất tốt, như một lời trong “Bài Ca Vỡ Đất”:

“Bàn tay ta làm nên tất cả.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

( Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 - 1993)

Mỗi người chúng ta ngày hôm nay không quan trọng đặt mình ở tình trạng nào của dụ ngôn mà là, bất kỳ tôi ở tình trạng nào tôi cũng trở nên đất tốt, và chỉ có đất tốt mới sinh hoa kết trái.

Năm tháng bốn mùa theo dòng thời gian xét ra đều là ân sủng và tình thương của Chúa.

Thật vậy:

Dòng thời gian từng phút giây êm ả
Mang trong mình sức sống cả đất trời.
Tô thiên nhiên, bức tranh đẹp tuyệt vời,
Gợi tình Chúa, nối tình người sâu lặng.
Mùa hè về trong không gian ngập nắng,
Khí trong lành, trời đất cảnh giao hoà
Chúa trong ta, đâu có phải nơi xa.
Trong thanh tĩnh ta nhận ra tiếng Chúa.
Tiếng Chúa nói từ ngàn muôn muôn thuở,
Chúa nói trong thinh lặng của tâm hồn
Chúa ẩn mình khi bối rối lo buồn,
Chúa tan biến khi hồn luôn chiêm ngắm.
Chúa hiện ra nơi những chân trời thẳm
Chúa dịu dàng trong ánh nắng bình minh.
Chúa mỉm cười trong hạt sương lung linh
Chúa dịu dàng khi tỏ mình trong gió.
Mùa thu về trong ánh trăng soi tỏ,
Lòng nhân từ cho con nhỏ vui ca.
Khắp không trung ngàn vạn giải Ngân hà,
Tình Cha Cả bao dung và nhẫn nại.
Những áng mây trôi đi, trôi đi mãi
Là cánh tay luôn quảng đại giang ra.
Khi mặt trời gác núi cảnh chiều tà.
Chúa cúi xuống gọi mời ta hiệp nhất.
Mùa đông về tuyết băng trên trái đất.
Tình yêu Cha: năng lượng chất trong mình.
Giữa đêm đông Con Chúa đã hạ sinh,
Mùa cứu độ: Đấng Cứu Tinh giáng thế !
Đã hết rồi cảnh âm u tội lệ
Xoá đêm đen bao thế kỷ tội truyền.
Mùa xuân về, xuân cứu rỗi vượt lên.
Chúa hiện diện trong thiên nhiên sống động.
Ơn thánh hóa như ngàn hoa mở rộng,
Hương Nước Trời gieo mầm sống khắp nơi,
Lòng xót thương hoà mưa xuân đầy trời.
Chúa bừng sáng cho lòng người mềm dịu.
Dòng thời gian bốn mùa sao tuyệt diệu
Trong niềm tin ta càng hiểu rõ hơn !


Xin Chúa cho chúng con nhận ra tình yêu thương của Chúa suốt dọc thời gian,

và biết sám hối, canh tân biến đổi hàng ngày

để cuối cùng được thu nhận vào kho trong thân phận của cây lúa Nước trời Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:32 20/07/2011
KINH KHÓ
N2T

Có một người nhìn thấy trên bàn coi bói có một quyển sách “kinh dịch” (1) , thì thở dài nói:
- “Con trai ta nên đi học coi bói, không nên học nghề thuốc”.
Người nhà hỏi nguyên nhân tại sao như thế, ông ta trả lời:
- “Đó là “kinh dễ經易” (2) , nếu muốn thì rất dễ, không giống như sách “kinh khó經難” mà tôi đã dùng khi học y thuật.

Suy tư:
Người học y thuật mà không biết hai chữ “kinh dịch” thì chắc y thuật của họ quá tệ, vì không hiểu ý nghĩa của chữ thì làm sao hiểu hiểu ý của các loại thuốc khi đọc sách thuốc bằng tiếng nước ngoài !
Thời nay có những người nhờ tiền bạc mà mua được cái bằng chứng nhận là thầy thuốc, nhưng y đức thì dù có tiền ức bạc tỉ cũng không thể mua được, cho nên vẫn còn có những thầy thuốc vô lương tâm và vô cảm trước đau khổ của những bệnh nhân nghèo, hoặc có những thầy thuốc làm tiền trên những đau khổ và nước mắt của bệnh nhân…
Làm thầy bói hay thầy thuốc thì cũng phải học, môn nào cũng có cái khó cái dễ của nó, nhưng cái tệ hại nhất của người làm thầy thuốc là không có đạo đức của lương y; cái tệ hại nhất của người thầy bói là nói láo bịp bợm để lấy tiền của những người nhẹ dạ.
Làm thầy thuốc và thầy bói thì dễ kiếm tiền nhất, bởi vì xã hội ngày nay người bệnh thì nhiều và người mất phương hướng trong cuộc sống cũng không ít vậy !
(1) 經 là kinh; 易là dịch, là dễ dàng… 經易 là “kinh dịch”, một quyển sách xưa của người coi bói…
(2) 經易 là “kinh dịch”, nhưng vì không hiểu nghĩa nên gọi là “kinh dễ”.
---------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 20/07/2011
N2T

25. Cuộc sống của tôi giống như người đi biển, dù khi tôi ngủ hay thức thì nó cũng không ngừng tiến đến sự chết.

(Thánh Gregory)
 
Để được khôn ngoan
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
19:07 20/07/2011
Chúa Nhật XVII Thường niên A

Theo truyền thống Kitô giáo, dựa vào sách tiên tri Isaia 11,1-2, thì một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần và cũng là ơn đầu tiên đó là ơn khôn ngoan. Để trình bày sự phát triển cách sung mãn của Đấng Cứu độ, thánh sử Luca ghi: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Khôn ngoan là một trong những nhân đức đáng kính, đáng trọng, vì người khôn ngoan là người biết hành xử như là tạo vật trỗi vượt trên các loài tạo vật hữu hình.

Khôn ngoan là nhân đức giúp ta biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, thiệt hơn… Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng, điều gì là nhất thời, chóng qua và điều gì là vạn đại thường tồn … Salômon, một vị vua nổi danh là khôn ngoan khó có ai bì vì ngài đã biết xin Thiên Chúa ơn ấy, khi kế nghiệp vương đế của vua cha. “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”. Điều Salômon xin làm đẹp lòng Thiên Chúa nên Người đã “ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ông, chẳng một ai sánh bằng, và sau ông, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3, 12).

Người khôn ngoan là người không chỉ biết phân biệt mà còn biết chọn lựa. Dĩ nhiên đã là khôn ngoan thì phải biết chọn điều tốt thay vì điều xấu, chọn điều đúng thay vì điều sai, chọn cái tốt hơn thay vì cái tốt kém…Không một sự chọn lựa nào mà không phải trả giá. Đã chọn điều này thì phải chấp nhận bỏ điều kia. Câu ngạn ngữ “chọn lựa là hy sinh” một cách nào đó diễn tả quy luật này.

Qua hai dụ ngôn về Nước Trời như kho báu chôn giấu trong ruộng, như viên ngọc quý mà Chúa Giêsu kể thì người phát hiện đều sẵn sàng “bán đi tất cả những gì mình có” để mua cho được thuở ruộng hay mua cho được viên ngọc quý. Bán đi một để được lợi gấp trăm, gấp nghìn lần là chuyện khỏi phải bàn, nếu ta có chút trí khôn suy xét hay có chút khôn ngoan để phân biệt. Những lợi lộc trần thế này thì hầu như ai cũng có thể cảm nhận vì nó cụ thể và thực tế trước mắt. Còn hạnh phúc Nước Trời thì sao đây? Làm sao ta có thể được như thánh Phaolô tông đồ là “chấp nhận mọi thua thiệt trước một mối lợi to lớn là được biết Chúa Kitô?” “Chúa là gia nghiệp của con, vì ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc”. Đây là một sự thật mà ta chỉ có thể nhận biết nhờ đức tin.

TIN LÀ MỘT CÁCH THẾ KHÔN NGOAN

Để được khôn ngoan đích thực thì cần phải có đức tin. Có thể nói theo phương diện hiểu biết, thì tin là nhìn nhận mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa. Dù rằng đức tin trước hết là ơn Chúa ban. Tuy nhiên phần phía con người cũng cần có sự đáp trả. Có nhiều cách thế đáp trả trước ân ban của Thiên Chúa, nhưng một trong những cách thế gần gủi và thiết thực đó là tiếp cận với Lời Chúa qua Thánh Kinh. Càng đọc Thánh Kinh, càng nghiền ngẫm và gẫm suy Kinh Thánh thì ta càng có cái nhìn như Chúa nhìn, càng có lối nghĩ suy như Chúa suy nghĩ, càng có tâm tình như tấm lòng của Thiên Chúa.

Lời đáp ca mà Hội Thánh dọn cho ta trong Thánh lễ Chúa Nhật này như là thái độ cần có của Kitô hữu để được khôn ngoan đích thực. “Luật pháp Ngài, Lạy Chúa, con yêu chuộng biết bao. Con coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu. Vì luật Chúa làm con vui sướng thỏa thuê. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay. Giải thích Lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu”.

Cần biết liều một chút: Dẫu sao đi nữa, đã nói là tin thì chọn điều mà mắt không hề thấy, đúng hơn là chưa thấy rõ tận tường, đo đó cần có một chút liều. Yếu tố liều là yếu tố không thể thiếu trong niềm tin. Tuy nhiên cái sự liều của chúng ta không là vô căn cớ hay là phi lý. Pascal, một tư tuởng gia lỗi lạc đã làm một thách đố với người không tin và ông đã chỉ ra kết quả là người tin chỉ có hòa và thắng chứ không hề thua. “Tôi tin có Chúa và nhận Người làm gia nghiệp, còn anh không tin. Nếu không có Người thì tôi và anh, kẻ tin, người không tin, vẫn hòa nhau, còn nếu thực sự có Người hiện hữu thì tôi lãi lớn”. Cái sự được gọi là cá cược của Pascal tuy có vẻ hấp dẫn nhưng vẫn chưa mang tính thuyết phục, vì vẫn chưa làm nổi bật sự cao trọng và quý giá của Nước Trời. Để có thể cảm nhận hay nói theo ngôn từ nhà Phật là ngộ ra sự vô giá của hạnh phúc Nước Trời, thiết tưởng chúng ta cần noi gương vua Salômon: Xin cho con có được một tâm hồn biết lắng nghe.

BIẾT LẮNG NGHE : MỘT THÁI ĐỘ TẤT YẾU CỦA NGƯỜI TIN

Về mặt tiêu cực: nhận ra sự hữu hạn và chóng qua của những điều được cho là tốt là đẹp ở đời này. Với một tâm hồn biết lắng nghe tức là biết thức tỉnh thì ta sẽ có thể nhận ra sự mong manh, bất toàn của các thiện hảo đời này. Sắc đẹp không qua khỏi làn da và cũng chẳng thoát được sự tàn phá của thời gian. Tiền bạc có thể mua được người tình mà chẳng có thể mua được tình yêu, có thể mua được thuốc tốt nhưng chẳng thể mua được sức khỏe, có thể mua được chiếc giường son, chăn ấm mà không thể mua được giấc ngủ ngon…Hơn nữa, không ai có thể mang của tiền theo mình xuống nấm mộ. Danh vọng hay quyền lực có thể làm cho cái tôi của mình phình rộng ra nhưng không thể làm cho nhân cách của mình lớn lên. Quyền cao chức trọng thì có thể sai bảo được nhiều người nhưng rồi chính bản thân lại không thể tự mình đi xuống huyệt lạnh. Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân.

Về mặt tích cực: nhận ra sự vô biên, hằng hữu, tuyệt hảo của Đấng dựng nên ta từ hư vô. Với một tâm hồn biết lắng nghe, đặc biệt bằng sự cầu nguyện, ta sẽ nhận ra rằng ta không tự mua lấy sự sống đời này. Không một phải trả một cái giá nào để làm người, để chào đời. Không một ai chọn cho mình hoàn cảnh làm người, môi trường chào đời, thời gian lịch sử làm người… Nhờ sự cầu nguyện, nhờ kết hiệp với Đấng là căn nguyên và cứu cánh đời ta thì ta sẽ cảm nghiệm và nhận ra đâu là hạnh phúc vĩnh cửu.

Các nhà thông thái, các triết gia rất có khả năng nhận ra tính phù du của tạo vật bằng sự phản tỉnh, nhưng chính các bậc thánh nhân mới là những người khám phá kho tàng vô giá của Nước Trời bằng đời sống cầu nguyện. Khi sinh thời Chúa Giêsu thường khuyên dạy các môn sinh và dân chúng là hãy biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn (x.Mt 26,41).

Sự khôn ngoan không phải là nhân đức ta có được một lần cho cả đời nhưng là nhân đức ta cần chuyên chăm đón nhận và tập luyện cả đời. Khôn ba năm mà có thể khờ dại vỏn vẹn trong một giờ. Cuộc đời của vua Salômon là một đan cử điển hình. Về cuối đời vua Salômon đã chiều theo các bà vợ mà đánh mất sự khôn ngoan của một thời. Để được khôn ngoan, để biết chọn điều tốt nhất với bất cứ giá nào, cho dù phải bán đi tất cả những gì mình có, chắc chắn cần có niềm tin, một niềm tin dựa trên nền tảng Lời Chúa cùng với sự chuyên chăm tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ, không ngừng.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Qui tắc ứng xử trong việc làm người ta gia nhập đạo
Vũ Văn An
09:38 20/07/2011
Theo Blog của tập san America ngày 18 tháng 7, tại Bangkok, Thái Lan, Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn (PCID), Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (WCC) và Liên Minh Tin Lành Thế Giới (WEA) đã công bố quan điểm chung đối với cách ứng xử trong việc làm người ta tgia nhập đạo trong một tài liệu tựa là Chứng Tá Kitô Giáo Trong Một Thế Giới Đa Tôn Giáo: Các Khuyến Cáo Để Ứng Xử (Christian Witness in a Multi-Religious World: Recommendations for Conduct).

Công bố ngày 28 tháng 6, tài liệu trên đề cập tới vấn đề khá gay go là những vụ trở lại đạo giữa nhiều tôn giáo khác nhau. Nó nhìn nhận rằng ngày nay, càng ngày càng có nhiều căng thẳng hơn giữa các tôn giáo và những căng thẳng này đôi khi trở nên trầm trọng do các yếu tố chính trị, kinh tế và nhiều yếu tố khác không hẳn có tính tôn giáo.

Theo linh mục John Coleman, Dòng Tên, tài liệu này là kết quả 5 năm tham khảo và thảo luận giữa ba cơ quan đại kết nói trên. Cuộc họp đầu tiên, diễn ra tại Lariano, Ý vào năm 2006, đã mời gọi đại diện của nhiều nhóm tôn giáo đến chia sẻ quan điểm về vấn đề trở lại đạo. Một số tôn giáo (Hồi Giáo, Kitô Giáo) coi việc người ta trở lại đạo của mình là chuyện bình thường, không có vấn đề gì. Nhiều tôn giáo khác, như Do Thái Giáo chẳng hạn, coi việc ấy không dễ dàng. Lại có những tôn giáo coi việc tín hữu từ đạo mình qua đạo khác (out conversion) là chuyện khó xẩy ra. Như tại Mã Lai, một xứ Hồi Giáo, ai sinh ra đã là Hồi Giáo rồi, mà muốn trở lại Kitô Giáo, thì phải được một tòa án Hồi Giáo minh nhiên cho phép, một việc hết sức hiếm hoi

Một vài đại diện tại Lariano, trong đó có đại diện Ấn Giáo và Phật Giáo, than phiền rằng một số nhóm Kitô Giáo sử dụng những chiến thuật hung hãn để kiếm người trở lại bằng cách rình rập những người yếu kém về kinh tế và dùng lúa gạo để dụ họ trở lại. Một số phát ngôn viên của Thệ Phản chính dòng và Công Giáo than phiền rằng chiến thuật “nối vòng tay lớn” đánh thẳng vào mặt thiên hạ của một số nhóm tin lành đã khiến đảng cầm quyền Ấn Giáo tại Ấn Độ ban hành các đạo luật nghiêm cấm việc trở lại. Còn các đại diện Chính Thống Nga thì phản đối các chiến thuật hung hãn của một số nhóm tin lành sau khi đế quốc Xô Viết xụp đổ, coi Giáo Hội Chính Thống như không phải là Kitô Giáo. Nhiều đại biểu khác than phiền rằng những người Kitô Giáo khuyên người ta trở lại bằng cách nói sai và nói xấu về các tôn giáo khác.

Bởi thế, tại cuộc gặp gỡ tại Lariano, lời tuyên bố sau đây đã được công bố: “Chúng tôi khẳng định rằng, dù mọi người đều có quyền mời gọi người khác tìm hiểu tín ngưỡng của mình, nhưng không được thi hành quyền này mà vi phạm đến quyền người khác và sự nhậy cảm tôn giáo của họ. Tự do tôn giáo buộc mọi người chúng ta có trách nhiệm tuyệt đối phải tôn trọng các tín ngưỡng khác với tín ngưỡng của riêng mình và không bao giờ được bôi lọ, phỉ báng hay trình bày sai lạc các tín ngưỡng ấy với mục đích đề cao tín ngưỡng của mình”.

Tháng 8 năm 2007, các tham khảo liên Kitô Giáo đưa đến ý tưởng soạn thảo một bộ qui tắc đạo đức để ứng xử trong việc khuyên người ta trở lại, dựa trên một số ý tưởng chủ đạo: hiểu đúng đắn về việc trở lại đạo, việc làm chứng nhân, việc truyền giáo và phong trào phúc âm hóa (evangelism), đồng thời quan tâm tới phẩm giá con người; phân biệt giữa việc cải đạo hung hãn và phong trào phúc âm hóa; quân bình giữa sứ mệnh phúc âm hóa và quyền chọn tôn giáo của người ta. Chính dịp này, có sự tham gia của Liên Minh Tin Lành Thế Giới. Tại cuộc gặp gỡ hồi tháng 10 năm 2008, Liên Minh nhìn nhận sự căng thẳng do những người tin lành vừa từ Hồi Giáo trở lại ra sức lôi kéo các Kitô Hữu Chính Thống. Đại diện của Liên Minh quả quyết rằng truyền giáo và hoà bình có thể đi đôi với nhau bao lâu ta thi hành việc truyền giáo một cách hòa dịu và tương kính.

Từ đó, liên tiếp có 4 phiên họp giữa các chuyên viên của PCID và WCC để soạn bản dự thảo qui tắc. Cuối tháng Giêng năm nay, văn bản cuối cùng được chấp thuận bởi 45 đại diện của ba tổ chức trên tại một phiên khoáng đại tại Bangkok. Và ngày 28 tháng 6 vừa qua, văn bản ấy đã được công bố. Sau đây là nguyên văn tài liệu nói trên.

Lời nói đầu

Truyền giáo thuộc chính hữu thể Giáo Hội. Công bố lời Chúa và làm nhân chứng trước mặt thế giới là điều chủ yếu của mọi Kitô hữu. Nhưng đồng thời, phải làm điều đó đúng theo các nguyên tắc của Tin Mừng, phải tôn trọng đầy đủ và yêu thương mọi con người nhân bản.

Ý thức được những căng thẳng giữa các tín hữu và cộng đồng thuộc nhiều xác tín tôn giáo khác nhau và cũng như các cách giải thích khác nhau về việc làm chứng nhân Kitô Giáo, nên Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới và do lời mời của WCC, Liên Minh Tin Lành Thế Giới, đã gặp nhau trong khoảng 5 năm vừa qua để suy nghĩ và cho ra đời tài liệu này dùng làm khuyến cáo để ứng xử cho các chứng nhân Kitô Giáo khắp thế giới. Tài liệu này không có ý định đóng vai trò của một tuyên bố thần học về truyền giáo nhưng chỉ nhằm đề cập tới các vấn đề thực tế liên quan đến các nhân chứng Kitô Giáo trong một thế giới đa tôn giáo.

Mục đích của tài liệu này là để khuyến khích các giáo hội, các hội đồng giáo hội cũng như các cơ quan truyền giáo suy tư về các thực hành của mình và sử dụng các khuyến cáo trong tài liệu này mà soạn thảo, khi thích hợp, các tập chỉ dẫn riêng cho các chứng nhân và các sứ bộ truyền giáo của mình đang hoạt động giữa các tôn giáo khác nhau và giữa những người không tuyên xưng bất cứ một tôn giáo đặc thù nào. Hy vọng rằng các Kitô Hữu khắp thế giới sẽ nghiên cứu tài liệu này dưới ánh sáng các thực hành riêng của họ trong việc làm chứng cho đức tin vào Chúa Kitô của mình cả bằng lời nói lẫn việc làm.

Các căn bản làm chứng tá Kitô Giáo

1. Đối với Kitô hữu, quả là một đặc ân và là một niềm vui khi được giải thích lý do của niềm hy vọng vốn có trong họ và được làm như thế với tình hòa dịu và lòng tương kính (xem 1Pr 3:15).

2. Chúa Giêsu Kitô là chứng tá tối cao (xem Ga 18:37). Chứng tá Kitô Giáo luôn biết chia sẻ trong chứng tá của mình, một chứng tá mang hình thức công bố nước trời, phục vụ người lân cận và hoàn toàn hiến mình dù hành vi hiến mình ấy dẫn họ tới thập giá. Như Chúa Cha đã sai Chúa Con trong quyền lực Chúa Thánh Thần thế nào, người tín hữu cũng được sai đi thi hành sứ mệnh làm chứng bằng lời và bằng hành động cho tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi như vậy.

3. Gương sáng và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội sơ khai phải là các hướng dẫn cho sứ mệnh của Kitô hữu. Cả hai thiên niên kỷ qua, Kitô hữu luôn tìm cách bước theo con đường của Chúa Kitô trong việc chia sẻ tin mừng của Nước Thiên Chúa (xem Lc 4:16-20).

4. Chứng tá Kitô Giáo trong một thế giới đa nguyên bao hàm việc dấn thân đối thoại với người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác (xem Cv 17:22-28).

5. Trong một số hoàn cảnh, sống và công bố tin mừng quả là khó khăn, gặp trở ngại, có khi còn bị cấm cách nữa, thế nhưng Kitô hữu vẫn được Chúa Kitô ủy nhiệm phải trung thành tiếp tục sống liên đới với mọi người khi làm chứng cho Người (xem Mt 28:19-20; Mc 16:14-18; Lc 24:44-48; Ga 20:21; Cv 1:8)

6. Khi thi hành sứ mệnh của mình, nếu Kitô hữu sử dụng những phương pháp bất thích hợp như lừa dối hay các phương thế cưỡng ép, là họ đã phản bội tin mừng và có thể gây đau khổ cho người khác. Những sai lệch ấy đòi ta phải thống hối và nhắc ta nhớ tới việc không ngừng cần tới ơn thánh của Chúa (xem Rm 3:23).

7. Kitô hữu khẳng định rằng dù họ có trách nhiệm phải làm chứng cho Chúa Kitô, nhưng việc trở lại tối hậu chính là việc làm của Chúa Thánh Thần (xem Ga 16:7-9; Cv 10:44-47). Họ nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần muốn thổi đâu là tùy Người trong những cách thế mà không một con người nhân bản nào có thể kiểm soát được (Xem Ga 3:8).

Các nguyên tắc

Kitô hữu được nhắc nhở phải trung thành tuân theo các nguyên tắc sau đây khi họ cố gắng chu toàn một cách thích đáng thừa ủy nhiệm của Chúa Kitô, nhất là trong các bối cảnh liên tôn.

1. Hành động trong tình yêu Thiên Chúa. Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa là nguồn mọi tình yêu và do đó, khi làm chứng, họ được mời gọi sống cuộc sống yêu thương và yêu thương người lân cận như chính họ (Xem Mt 22:34-40; Ga 14:15).

2. Bắt chước Chúa Giêsu Kitô. Trong mọi khía cạnh đời sống, nhất là khi làm chứng nhân, Kitô hữu được mời gọi theo gương và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, biết chia sẻ tình yêu của Người, biết đem vinh quang và vinh dự cho Chúa Cha trong quyền lực của Chúa Thánh Thần (Xem Ga 20:21-23).

3. Các nhân đức Kitô Giáo. Kitô hữu được mời gọi cư xử một cách chính trực, bác ái, cảm thương và khiêm nhường và thắng vượt mọi hành vi ngạo mạn, ta đây (condescension) và coi thường người khác (xem Gl 5:22).

4. Hành động phục vụ và công lý. Kitô hữu được mời gọi hành động theo công lý và yêu thương trìu mến (Xem Mk 6:8). Họ còn được mời gọi phục vụ người khác và khi làm thế, họ nhận ra Chúa Kitô nơi những người hèn mọn nhất trong anh chị em mình (xem Mt 24:45). Các hành động phục vụ như cung cấp giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ và các hành động công lý và bênh vực đều là thành phần chủ yếu của việc làm chứng tá cho tin mừng. Việc khai thác các hoàn cảnh nghèo đói và túng thiếu không hề có chỗ đứng trong chương trình nối vòng tay lớn của Kitô Giáo. Khi phục vụ, Kitô hữu phải từ bỏ, không sử dụng bất cứ hình thức mua chuộc nào kể cả các sáng kiến hay tưởng tưởng tài chánh.

5. Biện phân trong các thừa tác vụ chữa bệnh. Kitô hữu thường hay thi hành các thừa tác vụ chữa bệnh như một phần chủ yếu trong việc làm chứng cho tin mừng. Họ được mời gọi phải biện phân trong khi thi hành thừa tác vụ này, bằng cách hoàn toàn tôn trọng phẩm giá con người và bảo đảm không khai thác sự yếu kém và nhu cầu của những người cần chữa lành.

6. Từ bỏ bạo lực. Kitô hữu được mời gọi từ bỏ mọi hình thức bạo lực, dù là tâm lý hay có tính xã hội, kể cả việc lạm dụng uy quyền trong lúc làm chứng tá. Họ cũng phải bác bỏ bạo lực, kỳ thị bất công hay áp chế của bất cứ thẩm quyền tôn giáo hay thế tục nào, kể cả việc vi phạm hay phá hủy các nơi thờ phượng, các biểu tượng và bản văn thánh.

7. Tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Tự do tôn giáo, kể cả quyền được công khai tuyên xưng, thực hành, truyền bá và thay đổi tôn giáo, phát sinh từ chính phẩm giá nhân vị, vì tất cả mọi con người nhân bản đều được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (xem St 1:26). Như thế, mọi con người nhân bản đều có những quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Nơi đâu, tôn giáo trở thành dụng cụ cho các mục tiêu chính trị, hay nơi đâu tôn giáo bị bách hại, Kitô hữu đều được mời gọi đảm nhiệm vai trò nhân chứng tiên tri, lên tiếng tố giác các hành vi ấy.

8. Tương kính và liên đới. Kitô hữu được mời gọi dấn thân làm việc với người khác trong tinh thần tương kính, cùng nhau phát huy công lý, hòa bình và ích chung. Hợp tác liên tôn là chiều kích chủ yếu của việc dấn thân ấy.

9. Tôn trọng mọi người. Kitô hữu nhìn nhận rằng tin mừng vừa thách thức vừa làm phong phú các nền văn hóa. Dù cho tin mừng có thách thức một vài khía cạnh văn hóa, Kitô hữu vẫn được mời gọi kính trọng mọi người. Kitô hữu cũng được mời gọi chân nhận các yếu tố nào trong chính nền văn hóa của mình từng bị tin mừng thách thức.

10. Từ bỏ chứng gian. Kitô hữu phải lên tiếng một cách thành thực và tương kính; họ phải lắng nghe để học hỏi các tín ngưỡng và các thực hành của người khác, và được khuyến khích nhận ra và trân qúi những gì là chân và thiện trong các tín ngưỡng và thực hành ấy. Bất cứ nhận định hay phê phán nào cũng phải được thực hiện trong tinh thần tương kính, phải bảo đảm sẽ không bao giờ làm chứng gian chống lại các tôn giáo khác.

11. Phải có sự biện phân bản thân. Kitô hữu phải chân nhận rằng thay đổi tôn giáo là một hành động dứt khóat cần phải có đủ thời gian để suy nghĩ và chuẩn bị thấu đáo, trong đó, diễn trình hoàn toàn tự do phải được bảo đảm.

12. Xây dựng các liên hệ liên tôn. Kitô hữu nên tiếp tục xây dựng các liên hệ tương kính và tin tưởng lẫn nhau với tín hữu các tôn giáo khác nhằm làm dễ hơn sự hiểu biết lẫn nhau, sự hoà giải và hợp tác vì ích chung.

Các khuyến cáo

Kỳ tham khảo thứ ba do Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn của Tòa Thánh và Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới tổ chức trong sự hợp tác với Liên Minh Tin Lành Thế Giới, với sự tham dự của các cộng đồng Kitô Giáo lớn nhất (Công Giáo, Chính Thống, Thệ Phản, Tin Lành và Ngũ Tuần), sau khi bàn thảo trong tinh thần hợp tác đại kết để soạn thảo tài liệu này giúp các giáo hội, các cơ cấu tuyên tín quốc gia và miền cũng như các tổ chức truyền giáo, nhất là các tổ chức đang làm việc trong các bối cảnh liên tôn, xem sét, xin khuyến cáo các cơ cấu này:

1. Nghiên cứu các vấn đề trình bày trong tài liệu này và, nơi nào thích hợp, soạn ra các chỉ dẫn ứng xử để các chứng tá Kitô Giáo có thể áp dụng vào bối cảnh đặc thù của họ. Nơi nào có thể, nên thực hiện việc ấy một cách đại kết, và tham khảo với đại diện của các tôn giáo khác.

2. Xây dựng các mối liên hệ tương kính và tin tưởng lẫn nhau với tín hữu của mọi tôn giáo, nhất là trên bình diện định chế giữa các giáo hội và cộng đồng tôn giáo khác, tham dự liên tiếp các cuộc đối thoại liên tôn như một phần chủ yếu trong cam kết Kitô Giáo của mình. Trong một số bối cảnh, nơi các căng thẳng và tranh chấp lâu dài từng tạo ra những ngờ vực sâu xa và mất niềm tin tưởng lẫn nhau giữa các cộng đồng, đối thoại liên tôn có thể đem lại nhiều cơ hội mới giúp giải quyết các tranh chấp, lập lại được công lý, hàn gắn các vết thương dĩ vãng, hoà giải và kiến tạo hòa bình.

3. Khích lệ các Kitô hữu biết củng cố bản sắc tôn giáo cũng như đức tin của họ trong khi vẫn thâm hậu hóa nhận thức và hiểu biết của họ đối với các tôn giáo khác. Và khi làm như thế, họ cũng cần xem sét quan điểm của tín hữu các tôn giáo ấy.

4. Hợp tác với các cộng đồng tôn giáo khác trong việc cổ vũ công lý và ích chung và nơi nào có thể, sát cánh liên đới với những người đang sống trong tình thế tranh chấp.

5. Kêu gọi các chính phủ của mình biết bảo đảm cho tự do tôn giáo được tôn trọng một cách thích đáng và toàn diện, vì nhìn nhận rằng tại nhiều nước, các định chế và con người tôn giáo đang bị ngăn cấm không được thực hiện sứ mệnh của họ.

6. Cầu nguyện cho người lân cận của mình, cho sự an vui của họ, vì nhận ra rằng cầu nguyện là yếu tố tạo thành chính con người của chúng ta và những gì ta đang thực hành cũng như sứ mệnh của Chúa Kitô.
 
120.000 người Nam Hàn đã cảm xúc vì xem cuốn phim thời sự về Cha Lee Tae-suk
Bùi Hữu Thư
19:25 20/07/2011
Hán Thành (AsiaNews) – Trên 120.000 người đã xem phim 'Đừng Khóc Thương Tôi, Sudan', một cuốn phim thời sự đã chiếm kỷ lục về số vé bán ra tại Nam Hàn cho loại phim này, mặc dầu có rất ít vận động và quảng cáo. Cuốn phim trình chiếu cuộc đời của Cha Gioan Lee Tae-suk, một nhà truyền giáo Dòng Salê-diêng nổi tiếng.

Hàng vạn người thuộc đủ loại tuổi tác, phái tính và tôn giáo, đã xem cuốn phim. Các bài bình luận và phê phán rất nồng nhiệt đã được đăng trên các diễn đàn phim ảnh. Những người thường hay đi xem ciné đã yêu chuộng câu chuyện này.

Cuốn phim được dự trù phổ biến tại Los Angeles, thủ đô của kỹ nghệ phim ảnh Hoa Kỳ, và sẽ được liệt kê trong danh sách các phim được đem trình chiếu tại Đại Hội Phim Ảnh Quốc Tế lần thứ 61 tại Bá Linh vào tháng Hai năm tới.

"Xin đừng khóc thương tôi, Sudan" kể lại câu chuyện của linh mục Gioan Lee Tae-suk, một nhà truyền giáo người Nam Hàn, đã từng là một y sĩ trước khi khấn dòng. Ngài qua đời ngày 14 tháng Giêng năm nay lúc 48 tuổi vì ung thư ruột già.

Sau khi được thụ phong linh mục năm 2001, ngài đã đến Tonj, một thành phố ở phía nam Sudan đang bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Từ đó, ngài đã là một linh mục, một bác sĩ, một thầy giáo, một nhạc sĩ, luôn luôn bầy tỏ tình yêu thương cho mọi người. Ngài cũng đã thành lập một bệnh viện, một trường học và một phong trào giới trẻ.

Trên giường bệnh lúc hấp hối, ngài đã gợi lại hình ảnh của Thánh Gioan Bosco. Lời nói cuối cùng của ngài là: "Xin đừng lo lắng. Mọi sự đều tốt đẹp."

Nhờ phim thời sự này, rất nhiều người ngoài Công Giáo bây giờ có thể yêu mến một linh mục đã làm được một phép lạ nhỏ bé cho Qũy Giáo Dục Giới Trẻ, đó là làm cho danh sách các nhà hảo tâm đóng góp gia tăng từ 3.000, lên đến 10.000 người.

Ngày hôm nay, các dịch vụ tiếp tế thuốc men được đảm bảo, các trường học và bệnh viện mới đang được xây cất, và người trẻ có thể trông đợi một tương lai tốt đẹp, vì "những hạt giống hy vọng đã được cha Lee gieo trên các thửa ruộng tại Tonj sẽ có nhiều hoa trái dồi dào."
 
ĐGH bổ nhiệm TGM Chaput làm tân Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Philadelphia
Jo. Trần Quang Khôi
08:13 20/07/2011
Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Tổng Giám Mục Chaput làm tân Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Philadelphia

Ngày 19 tháng 7 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput của Denver làm Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Philadelphia.

Đức Hồng y Justin Rigali, người đến tuổi nghỉ hưu trong tháng 4 năm 2010, sẽ phục vụ như là giám quản tông tòa cho đến ngày 08 tháng 9. Đức Hồng Y Rigali đã lãnh đạo Tổng Giáo Phận Philadelphia từ năm 2003.

"Tôi biết nhiều giám mục thông minh hơn tôi, hoặc tài năng hơn, hoặc có nhiều liên hệ đến Philadelphia trước đây," Đức Tổng Giám Mục Chaput nói tại buổi họp báo sáng thứ ba để thông báo việc bổ nhiệm.

"Nhưng tôi cam kết là không có giám mục nào sẽ yêu mến mọi người và các linh mục của Giáo Phận nhiều hơn tôi. Không có giám mục nào sẽ hy sinh chính mình như tôi sẽ thực hiện ".

Đức Hồng Y Rigali ca ngợi việc bổ nhiệm và nói rằng cuộc đời của Đức Tổng Giám Mục Denver "được đánh dấu bằng một niềm vui trong thiên chức tư tế của mình, một chứng nhân không hề sợ hãi của Tin Mừng, và cam kết rõ ràng đối với Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài".

Đức Hồng Y Rigali, người đã đứng đầu Tổng Giáo Phận Philadelphia từ năm 2003, nộp đơn từ chức của mình năm ngoái khi Ngài bước sang tuổi 75 và sẽ nghỉ hưu tại giáo phận Knoxville, bang Tennessee, nơi Ngài đã được chào đón.

Sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng đến từ các cáo buộc lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.

Trong tháng ba, Đức Hồng Y Rigali đã cắt chức 21 linh mục trong linh mục đoàn theo tuyên cáo của các bồi thẩm đoàn. Theo báo cáo, một số linh mục vẫn còn đang hoạt động vào thời điểm đó.

Kể từ khi Đức Tổng Giám Mục Chaput bắt đầu lãnh đạo tổng giáo phận Denver vào năm 1997, Ngài đã có rất nhiều nỗ lực như việc thành lập Đại Chủng Viện St John Vianney, một trong những niềm tự hào với tỷ lệ chủng sinh nhập học cao nhất trong cả nước.

Đức Tổng Giám Mục Chaput cũng tạo được nhiều ảnh hưởng đối với sự thành công của một số tổ chức tại Colorado, như là Fellowship of Catholic University Students (FOCUS), Educating on the Nature and Dignity of Women (ENDOW), Augustine Institute, Lay Catholic Graduate School.

Từ năm 2003 đến 2006, Đức Tổng Giám Mục phục vụ cho Ủy Ban Tự Do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ. (the U.S. Commission of International Religious Freedom). Ngài cũng đã phục vụ trong nhiều ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ liên quan đến hôn nhân và gia đình, các hoạt động phò sự sống, và di dân.

Đức Tổng Giám Mục Chaput được sinh ra vào năm 1944, tại Concordia, Kansas. Ngài theo học tại trường và chủng viện địa phương và sau đó gia nhập nhà Thánh Augustinô Tỉnh Dòng Anh em Hèn mọn Capuchin vào năm 1965.

Sau khi theo học tại Đại Chủng viện Thánh Fidelis College Herman, Pennsylvania và sau đó tại Đại học Công giáo ở Washington, DC, Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1970.

Năm 1977, Đức Tổng Giám mục Chaput đã trở thành Cha Sở của Giáo Xứ Holy Cross Thornton, Colorado, và là linh mục Tổng Đại Diện cho Tỉnh Capuchin của Trung Mỹ.

Sau đó Ngài được thụ phong Giám Mục của Giáo Phận Rapid City, South Dakota vào năm 1988. Năm 1997, Đức Giáo Hoàng John Paul II bổ nhiệm Ngài làm Tổng Giám Mục Denver.

Là thành viên của bộ tộc thổ dân Potawatomi Prairie, Đức Tổng Giám Mục Chaput là người dân bản xứ (Native American) thứ hai được thụ phong Giám Mục tại Hoa Kỳ, và là Tổng Giám Mục bản xứ đầu tiên của Mỹ.

Ngài sẽ chính thức lãnh đạo Tổng Giáo Phận Philadelphia vào ngày 8 Tháng 9 tại Vương Cung Thánh Đường Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô ở Philadelphia.

"Tôi đã sống 23 năm cuối cùng của cuộc đời như một Giám Mục của Miền Tây," Đức Tổng Giám Mục Chaput chia sẻ vào sáng ngày thứ ba. "Các linh mục và giáo dân tại Colorado và South Dakota đã đồng hành cùng tôi với đức tin, sự nhân ái, sự hài hước và tình yêu của họ."

"Rời khỏi một nơi rất dễ dàng", Ngài chia sẻ thêm, "Nhưng chia tay mọi người, những người đã gắn bó cùng tôi bằng tình thân ái, mở rộng tâm lòng với tôi, đưa tôi vào những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống của họ. Đó là điều rất, rất khó khăn”

"Tất cả những gì tôi có thể nói với mọi người là lời cảm ơn. Cuộc đời tôi là một linh mục đã được rót đầy những sự tốt lành do mọi người đã làm ra.”

Chuyển ngữ từ CAN http://www.catholicnewsagency.com/news/pope-appoints-archbishop-chaput-to-philadelphia-archdiocese/

Jo. Trần Quang Khôi
 
Vùng Sừng châu Phi: Hội đồng Đồng Tâm trợ giúp 50.000 euro
Phạm Kim An
08:18 20/07/2011
Vùng Sừng châu Phi: Hội đồng Đồng Tâm trợ giúp 50.000 euro

Một cử chỉ gần gũi của ĐTC Biển Đức XVI

ROMA - ĐTC Biển Đức XVI muốn tặng 50.000 € (hơn 70.000 USD) để giúp hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn hạn hán ở Vùng Sừng châu Phi, theo một thông cáo của Hội đồng Tòa thánh Đồng Tâm (Cor Unum).

Người ta có thể đọc trong thông cáo: “Như ĐTC Biển Đức XVI đã nhắc trong lời kêu gọi sau kinh Truyền Tin ngày chủ nhật 17-7, nạn đói do hạn hán ở Vùng Sừng châu Phi gây ra đã tạo nên tình trạng khẩn cấp nhân đạo rất nghiêm trọng. Khoảng 10 triệu người bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn người tị nạn có nguy cơ chết vì thiếu nhu yếu phẩm. Somalia và miền bắc Kenya là các khu vực bị ảnh hưởng nhất".

"Để tỏ tình gần gũi với người dân, ĐTC Biển Đức XVI, thông qua Hội đồng Tòa thánh Đồng Tâm (Cor Unum), đã gửi một số tiền ban đầu là 50.000 euro đến Đức Giám mục Giorgio Bertin, Giám quản tông tòa giáo phận Mogadishu, người trực tiếp trợ giúp cho người dân bị ảnh hưởng".

Lúc đọc kinh Truyền Tin, ngày 17-7, ĐTC Biển Đức XVI đã nói về "thảm họa nhân đạo" tại Vùng Sừng châu Phi. Ngài khẳng định: “Tôi kêu gọi tăng cường sự huy động quốc tế để gửi càng nhanh càng tốt sự trợ giúp cho các anh chị em đã sống thiếu thốn mọi thứ, trong số đó có nhiều trẻ em. Tôi hy vọng rằng các người đau khổ này có thể dựa vào tình liên đới của chúng ta, và sự hỗ trợ thiết thực của mọi người thiện chí". (Zenit 19-7-2011)

Phạm Kim An
 
Ireland: Các linh mục sẽ từ chối tiết lộ thông tin trong tòa giải tội
Nguyễn Trọng Đa
08:24 20/07/2011
Ireland: Các linh mục sẽ từ chối tiết lộ thông tin trong tòa giải tội

Dublin - Các linh mục Công giáo ở Ireland chuẩn bị sẵn sàng để "mạnh mẽ" chống lại một dự luật, vốn sẽ yêu cầu các ngài tiết lộ thông tin biết được trong tòa giải tội.

Linh mục Tony Flannery, thuộc Hội linh mục Công Giáo, gửi điện thư cho hãng tin CNA ngày 18-7: “Hơn bất kỳ vấn đề khác, đây có lẽ là vấn đề sẽ hiệp nhất cả cánh bảo thủ và cánh cấp tiến trong Giáo hội Ireland”.

Cha nói: “Nếu có một luật trừ cho ấn tòa giải tội, thì toàn bộ bí tích Hòa giải sẽ sụp đổ. Chân lý đức tin mà Bí tích này chuyển đạt là trung tâm của giáo huấn Kitô giáo".

Dự luật, do Thủ tướng Ireland Enda Kenny đề xuất, dự trù sẽ giam tù linh mục tới năm năm, nếu các vị không nói với chính quyền về các tội lạm dụng tình dục, mà các vị nghe được trong tòa giải tội.

Linh mục Flannery cho biết Hội linh mục Công Giáo không coi trọng dự luật này, bởi vì nó đơn giản là không "khả thi".

Cha giải thích: “Khi một người xưng tội ở tòa giải tội, linh mục sẽ bình thường không biết người đó là ai, hoặc thực sự không nhìn thấy họ. Như thế, làm sao mà báo cáo với chính quyền được?".

Cha Flannery nói rõ, hầu như các người phạm tội lạm dụng tình dục không xưng tội ấy đâu!.

Cha nói thêm: “Trong 40 năm làm linh mục, tôi không hề nhớ ai đã xưng tội lạm dụng tình dục cả”.

Cha nói rằng dự luật của Thủ tướng cũng không bàn đến tác động đối với các ngành nghề khác, và các điều được nói trong các hoàn cảnh đặc biệt về giữ bí mật.

Dự luật cũng sẽ mở cửa cho các tội lỗi khác trở thành trường hợp ngoại lệ, đòi hỏi vi phạm ấn tòa giải tội.

Cha Flannery tự hỏi: "Tại sao đây là tội lỗi duy nhất cần phải báo cáo?”.

Linh mục cho rằng dự luật này là một "phản ứng thái quá" đối với Phúc trình Cloyne gần đây, vốn nói rằng Giáo phận Cloyne không báo cáo chín trường hợp lạm dụng tình dục giữa các năm 1996 và 2005.

Cha dự đoán các nhà lập pháp sẽ "bình tĩnh hơn và lý luận kỹ về việc này", sau vài tháng trôi qua.

Tuy nhiên, cha đã nói rõ ràng rằng "nếu dự luật trở thành luật thật sự - mà tôi không mong đợi như thế - các linh mục sẽ chống lại nó cách mạnh mẽ". (CNA 18-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Pakistan: Sáng kiến Công giáo chống lại lao động trẻ em
Nguyễn Trọng Đa
08:26 20/07/2011
Pakistan: Sáng kiến Công giáo chống lại lao động trẻ em

Cho các gia đình nghèo nhất vay tiền để con cái họ được học hành

ROMA - Người Công giáo Pakistan, bị xem thường tại nước này do là nạn nhân của phân biệt đối xử hoặc chịu đựng bạo lực vì đức tin cua mình, đang được mọi người chú ý tới do hành động chống lại lao động trẻ em.

Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, cộng đồng Công Giáo giáo phận Faisalabad, bang Punjab, với sự giúp đỡ của Caritas quốc gia, đã thực sự cho các gia đình nghèo nhất của giáo phận vay tiền, mỗi gia đình vay khoảng 230 euro (325 USD), theo nhật báo L'Osservatore Romano.

Nhật báo nói: “Đây là khoản tiền khiêm tốn, nhưng đủ cho một hộ gia đình mở một kinh doanh nhỏ, và tránh cho con cái khỏi bỏ học để lao động giúp gia đình”.

Cuối tuần qua, theo hãng tin UCA News, các gia đình tham gia dự án đã tham dự một cuộc họp tại giáo xứ Mân Côi ở Faisalabad, với sự có mặt của nhiều người phụ trách thăng tiến xã hội của Giáo phận, và đại diện của Caritas Quốc gia.

Trong cuộc họp, giám đốc của Trung tâm phát triển con người Công giáo (Catholic Human Development Center) ở Faisalabad, bà Rafia Ashfaq, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc con em đi học đến cùng, khi bà nêu một tỉ lệ cao trẻ em bỏ học.

Nhờ hành động này, một người cha gia đình, cảm ơn sự giúp đỡ cho gia đình ông, đã có thể mở một cửa tiệm đóng giày, và buổi sáng ba cô con gái của ông làm việc với ông, và buổi chiều cả ba cô đều đi học ở trường. (Zenit 19-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Chương trình của ĐTC Biển Đức XVI thăm nước Đức
Nguyễn Trọng Đa
18:44 20/07/2011
Chương trình của ĐTC Biển Đức XVI thăm nước Đức

ROMA – Ngày 20-7, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chương trình chuyến đi thăm Đức của ĐTC Biển Đức XVI từ ngày 22 đến ngày 25-9, và Ngài sẽ thăm Berlin, Erfurt, Etzelsbach và Freiburg im Breisgau .

Chuyến thăm của ĐTC Biển Đức XVI sẽ bắt đầu ngày thứ Năm 22-9 với chuyến bay rời sân bay Roma Ciampino lúc 8g15, và đến sân bay Berlin Tegel lúc 10g30, nơi Ngài sẽ chính thức được đón tiếp. ĐTC sẽ đọc bài diễn văn đầu tiên trên đất Đức tại lễ nghênh đón lúc 11g15 tại lâu đài Bellevue ở Berlin, nơi ở chính thức của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức, mà sau đó ĐTC đến thăm xã giao.

Lúc 12g50, ĐTC Biển Đức XVI sẽ tiếp Thủ tướng liên bang tại trụ sở của Hội đồng Giám mục Đức ở Berlin, sau đó ăn trưa với đoàn tùy tùng của Ngài tại Viện hàn lâm Công Giáo Berlin.

Buổi chiều, lúc 16g15, ĐTC Biển Đức XVI sẽ đến thăm Quốc hội Liên bang ở trụ sở Reichstag Berlin và đọc bài diễn văn. Một giờ sau, Ngài sẽ gặp đại diện cộng đồng người Do Thái trong một Phòng của Reichstag tại Berlin và phát biểu với họ. Lúc 18g30, Ngài cử hành Thánh lễ tại sân vận động Berlin và sẽ giảng lễ.

Trong ngày thứ hai của chuyến về thăm quê hương, ngày thứ Sáu 23-9, ĐTC Biển Đức XVI sẽ cử hành Thánh Lễ riêng lúc 7g15 trong nhà nguyện của tòa sứ thần tại Berlin. Lúc 9g, Ngài sẽ gặp gỡ đại diện cộng đồng Hồi giáo, và sau đó đến sân bay Berlin Tegel để đi Erfurt, thủ phủ của Thuringia, cách Berlin khoảng 300km về phía tây nam. ĐTC Biển Đức XVI sẽ thăm nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Maria lúc 11g15, trước khi gặp đại diện của Hội đồng Giáo Hội Tin Lành Đức trong phòng họp của Tu viện dòng Âu Tinh ở Erfurt (Ngài đọc diễn văn ở đây), nơi Martin Luther đã là một tu sĩ từ năm 1505 đến năm 1508.

Lúc 12g20, ĐTC Biển Đức XVI sẽ chủ trì một nghi thức đại kết trong nhà thờ tu viện Dòng Âu Tinh ở Erfurt và đọc bài diễn văn. Sau đó Ngài ăn trưa tại chủng viện của thành phố, trước khi đáp máy bay trực thăng lúc 16g45 đến Etzelsbach, nhà nguyện dành cho hành hương, nơi Ngài sẽ đọc Kinh Chiều Đức Mẹ lúc 17g45. Cuối một ngày bận rộn, ĐTC Biển Đức XVI trở về Erfurt, và nghỉ đêm tại đó.

Ngày Thứ bảy 24-9, lúc 9g ĐTC Biển Đức XVI sẽ đến Domplatz Erfurt và chủ tế Thánh Lễ, và giảng. Sau đó, Ngài rời sân bay ở Lahr để bay đến Freiburg, nơi Ngài sẽ thăm nhà thờ chính tòa lúc 14g, và chào dân chúng tại Münsterplaz ở Fribourg. Lúc 16g50, Ngài sẽ gặp cựu Thủ tướng Helmut Kohl ở chủng viện Fribourg, và lúc 17g15 Ngài sẽ tiếp đại diện các giáo hội Chính thống, và đọc diễn văn trước mặt các vị.

Buổi chiều, ĐTC Biển Đức XVI sẽ tiếp các chủng sinh trong nhà nguyện Thánh Charles Borromeo của chủng viện ở Fribourg (Ngài chào thăm), rồi lúc 18g15 Ngài tiếp Hội đồng Ủy ban trung ương người Công giáo Đức (Ngài đọc diễn văn). Lúc 19g, ĐTC Biển Đức XVI sẽ chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với giới trẻ, và đọc diễn văn cuối cùng trong ngày.

Vào ngày cuối cùng của chuyến thăm thứ ba về quê hương, ngày Chủ Nhật 25-9, ĐTC Biển Đức XVI sẽ cử hành Thánh lễ tại sân bay du lịch Fribourg (Ngài sẽ giảng lễ), và đọc Kinh Truyền Tin trưa. Ngài sẽ dùng bữa trưa với các thành viên của Hội đồng Giám mục Đức ở chủng viện Fribourg. Lúc 16g20, ĐTC Biển Đức XVI sẽ gặp các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp liên bang, và sau đó lúc 17g sẽ đọc diễn văn trước các người Công giáo dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội tại Konzerthaus ở Freiburg. Lúc 18g45, Ngài sẽ đọc bài diễn văn sau cùng, trước khi rời sân bay Lahr, để bay về sân bay Ciampino của Roma, nơi Ngài sẽ được đón mừng lúc 20g45. (Zenit 20-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Khe Sanh có Linh mục quản nhiệm tiên khởi
Trương Trí
08:33 20/07/2011
HUẾ - Giáo xứ khe Sanh được các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris thành lập năm 1972. Trong một bối cảnh đất nước đang lâm vào cảnh chiến tranh, mọi người ly tán, nhất là ở vùng Khe Sanh thuộc Đường 9 Nam Lào. Từ Khe Sanh lên cửa khẩu Lao Bảo, biên giới hai nước Việt Lào chỉ chưa đầy 20 km, là một giáo xứ xa tòa Tổng Giám Mục Huế nhất trong giáo phận. Sau 1975, một số giáo dân quy tụ về lại quê hương lập nghiệp. Không có nhà thờ, những ngày lễ trọng bà con phải đạp xe hoặc đi bộ hàng mấy chục cây số về La Vang hoặc Trí Bưu dự lễ.

Xem hình ảnh

Sau khi cha G.B. Nguyễn Đức Hòa được bổ nhiệm làm quản xứ Phước Tuyền (thuộc huyện Cam Lộ), ngài trăn trở và chăm lo cho đời sống của bà con giáo dân Khe Sanh. Kể từ năm 2007, được Tòa Tổng Giám mục Huế chính thức tái lập giáo xứ Khe Sanh, Ngài được giao nhiệm vụ coi sóc giáo xứ. Từ đó, ngài tìm cách mua đất và ngôi nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 1.11. năm 2009. Một ngôi nhà thờ khang trang và đồ sộ trên miền sơn cước, với một dãy nhà xứ cùng các phòng sinh hoạt rộng rãi và thoáng mát. Từ đó, giáo dân ngày càng sốt sắng tham dự các thánh lễ và nhiệt tình tham gia các sinh hoạt của giáo xứ. Tuy vậy cha sở Phước Tuyền vẫn phải vất vả ngược xuôi quãng đường gần 100 km để dâng thánh lễ cho bà con giáo dân, khó khăn nhất là những ngày mưa rét.

Trăn trở với những lo toan của cha quản xứ, tòa Tổng Giám mục Huế quyết định bổ nhiệm cha Giuse Phan Miên làm quản xứ chính thức đầu tiên của giáo xứ Khe Sanh, kiêm luôn họ đạo Ba Lòng. Theo báo cáo của đại diện HĐGX thì hiện nay giáo xứ Khe Sanh có 2750 giáo dân, trong đó có khoảng 1 ngàn người kinh và gần 2 ngàn người dân tộc thiểu số.

Sáng ngày 19.7, Đức Giám Mục phụ tá F.X. Lê Văn Hồng cùng rất đông linh mục, các nữ tu và giáo dân cũng như thân nhân đã tập trung trên cả chục chiếc xe otô để đưa cha tân quản xứ đến nhận giáo xứ mới. Khởi hành tại tòa Tổng Giám Mục lúc 6 giờ 30 sáng, đến hơn 9 giờ 30 thì đoàn xe đến nhà thờ. Biết bao nụ cười tươi vui biểu tỏ niềm hân hoan một cách chân tình, một tình cảm được bộc lộ rõ nét chân thật của người dân tộc. Các em thiếu nhi đứng thành hàng chào đón Đức Giám Mục Phụ Tá, cha Tân Quản Xứ và quan khách đến dự nghi thức nhận xứ.

Mở đầu nghi thức, trước tiền đường, đại diện HĐGX dâng chìa khóa nhà thờ lên Đức Giám Mục để ngài trao cho cha Tân quản xứ mở cửa nhà thờ. Thể hiện một sự trao ban quyền coi sóc đàn chiên. Cha Tân quản xứ mời Đức Giám Mục, các linh mục và cộng đoàn tiến vào nhà thờ. Cộng đoàn sốt sắng hiệp với Đức Giám Mục khẩn cầu xin Đức Chúa Thánh Thần xuống trên mọi người, nhất là trên cha Tân quản xứ. Cha Hạt Trưởng hạt Quảng Trị G.B. Lê Quang Quý công bố văn thư của tòa Tổng Giám Mục Huế bổ nhiệm cha Giuse Phan Miên làm quản xứ giáo xứ Khe Sanh kiêm giaó họ Ba Lòng.

Trong bài huấn từ, Đức Giám Mục phụ tá đã chia sẽ: Đức Giêsu đã chọn các tong đồ và trao cho sứ vụ: “ Các con hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy ”. Linh mục là người thày dạy đời sống tu đức và nhân bản. Linh mục là người dẫn đưa đàn chiên đi vào đồng cỏ xanh tươi.

Nghi thức nhận chức quản xứ diến ra thật long trong và đầy trang nghiêm. Cha tân quản xứ đi chào đại diện chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị, đại diện HĐGX và bà con dân tộc.

Kết thúc buổi lễ nhận chức quản xứ, đại diện giáo xứ nói lời cảm ơn Đức Tổng Giám Mục, Đức Cha Phụ Tá, các linh mục và cộng đoàn đã thương yêu giáo xứ xa xôi hẻo lánh này. Đức Giám Mục phụ tá cũng nói lời cảm ơn chính quyền các cấp và mong rằng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cha tân quản xứ có thể hoàn thành công việc mục vụ của mình.
 
Cộng Đoàn CGVN Ostrava thuộc Cộng hòa Tiệp mừng lễ Quan Thầy
Anthony Trương
08:55 20/07/2011
TIỆP KHẮC - Chiều thứ Bảy ngày 16-7-2011 tại nhà thờ Navštívení Panny Marie U zamku, Ostrava-Mesto, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Ostrava đã tổ chức thánh lễ mừng hai thánh Anna và GioanKim Quan Thầy.

Quý Cha Tuyên Úy đã về dâng thánh lễ và có sự hiện diện của quý Sơ Dòng Mến Thánh Giá Vinh, Ban Chấp Hành Liên Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Công hòa Tiệp, anh chị em đại diện các Cộng Đoàn trên khắp đất nước Tiệp và các ân nhân, và còn có sự tham dự qúy hóa của cả những người bên lương không cùng niềm tin.

Đây tuy là lần đầu Tiên Cộng Đoàn nơi đây tổ chức mừng lễ Quan Thầy sau bốn năm thành lập, nhưng mọi công tác chuẩn bị cho ngày đại lễ của Cộng Đoàn thật chu đáo và ngày lễ diễn ra thật sốt sắng và hoành tráng. Cũng trong dịp này Cộng Đoàn vui mừng chào đón một tân tòng được chịu phép rửa tội và thêm sức gia nhập Đạo làm con cái Chúa. Đó là anh Giuse Đỗ Ngọc Khánh.

Thánh lễ mở đầu với nghi thức cung nghinh tượng thánh Anna quanh khuôn viên nhà thờ. Đoàn rước nghiêm trang sốt sắng cất tiếng hát lời kinh ca ngợi hai thánh Quan Thầy Gioankim và Anna và tung hô Chúa. Cha Raťo thuộc Dòng Ngôi Lời trong phần chia sẻ lời Chúa Ngài nhấn đến đời sống đạo của Kitô hữu trong thời đại phát triển, khoa học hiện đại. Ngài nói: "Khi hai người yêu nhau thường tâm sự, chia sẻ, hy sinh cho nhau và không gặp nhau là cảm thấy nhớ. Thì đối với Thiên Chúa chúng ta cũng phải luôn tâm sự, cầu nguyện với Ngài như người yêu của mình đặc biệt siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ để được kết hiệp với Ngài…"

Sau thánh lễ là trận bóng đá giao hữu giữa hai câu lạc bộ các Cộng đoàn vùng Morava gặp câu lạc bộ các Cộng đoàn Thủ đô Praha. Trận đâu diễn ra sôi nỗi và gay cấn, ngang sức ngang tài, tranh đua quyết liệt. Cuối hiệp một CLB vùng Morava tam thời dẫn trước tỉ số 1-0. Bước vào hiệp hai câu lạc bộ Praha có vẻ như quyết tâm hơn dốc sức và tận dụng những kỷ thuật của đội hình để gở hòa. Và điều đó đã diễn ra khi họ đột phá cánh phải và tạt Cách đánh đầu ngoạn mục đã cho họ bàn thắng gở hòa ở phút 70 của trận đấu. Trận đâu kết thúc với tỉ số 1-1, tuy không phải là các cầu thủ chuyên nghiệp nhưng các cầu thủ của hai câu lạc bộ cũng cho khán dã pha bóng đẹp mắt và hấp dẫn.

Sau trận bóng đá là tiệc vui liên hoan mừng ngày lễ Quan Thầy. Trong tinh thần huynh đệ là con cái Chúa buổi tiệc đứng diễn ra vui vẻ thâm đượm tình người.

Cộng Đoàn Ostrava dù non trẻ mới thành lập, nhưng anh chị em nơi đây với Đức Tin và lòng sùng đạo, đoàn kết, yêu thương nâng đỡ nhau đã xây dựng Cộng đoàn ngày càng lớn mạnh. Điều đó được thể hiện một phần qua việc tổ chức thánh lễ Quan Thầy. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của hai thánh Gioankim và Anna chúc phúc cho Cộng Đoàn.
 
Khóa đào tạo Ca Trưởng đầu tiên tại Giáo phận Thái Bình
Maria Thủy Tiên
11:43 20/07/2011
THÁI BÌNH - Giáo phận Thái Bình có một diện tích khá rộng và hiện có đến 102 giáo xứ với hơn 300 giáo họ. Đa số các Giáo xứ thuộc vùng quê chân chất, mộc mạc, nhưng giàu nhân ái và có đời sống đức tin công giáo khá nhiệt tình, phong phú. Tuy là một giáo phận được thành lập muộn nhất trong Giáo tỉnh Hà Nội nhưng Giáo phận Thái Bình là quê hương của 19 người trong số 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam.

Ngày nay, ngôi nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận nằm cạnh dòng sông Trà Lý hiền hòa, qua năm tháng kiên nhẫn chở phù sa về bồi đắp cho lòng đất mẹ. Thánh đường đã cùng với dòng sông ấy chứng kiến những mất mát, đau thương trong những năm chiến tranh, cũng như chung hưởng niềm vui chiến thắng của con dân thị xã Thái Bình. Cũng kể từ đó, từng nhịp thở, từng bước đi của nhà thờ đều gắn liền với nhịp sống không phải của riêng chi thể giáo xứ thị xã Thái Bình nữa mà với toàn thân giáo phận. Mọi biến cố thăng trầm, mọi thay đổi thời cuộc, mọi sinh hoạt của giáo dân đều được ảnh hưởng, được chia sẻ chung phần ở nơi đây.

Rồi chiến tranh cũng qua đi, hòa bình lại trở về trên mảnh đất mẹ. Thái Bình trở về đúng với cái tên của nó. Nhà thờ Chính Tòa lại trở nên náo nhiệt với những cuộc đại lễ diễn ra giữa những hoa đăng rực rỡ, tưng bừng. Và hôm nay, ngày 20/07/2011, khóa Ca Trưởng cấp I, đợt 1 lần đầu tiên được tổ chức tại Giáo phận Thái Bình dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, quý Cha và đặc biệt được Ban Giảng Huấn- dẫn đầu đoàn là Giáo sư nhạc sĩ Giuse Phạm Đức Huyến đến giảng dạy. Đây là khóa đào tạo Ca Trưởng lần đầu tiên được tổ chức tại Giáo phận Thái Bình, khóa học sẽ kéo dài trong 5 ngày, song song với Khóa học Ca Trưởng Cấp I, đợt 2 tại Giáo phận Phát Diệm.

Từ chiều ngày 19/07/2011, một số thầy cô trong Ban Giảng Huấn gồm nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến và phu nhân, thầy Phó tế Phạm Văn Hào, Soeur Lê Thị Huyền, Soeur Yến Linh, Nhạc sĩ Kiều Văn Tập, Ca trưởng Lê Đình Hùng, Ca trưởng Viên Bích Hòa, Ca trưởng Hà Minh Tâm đã rời giáo phận Phát Diệm đến Giáo phận Thái Bình và đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện thân mật với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ tại Tòa Giám Mục giáo phận.

Đến sáng sớm ngày 20/07/2011, các học viên từ các giáo xứ xa xôi đã kéo về tòa giám mục giáo phận. Thành phần học viên gồm các Thầy chủng sinh, các nữ tu và các anh chị em ca trưởng trong các giáo xứ, tổng số 340 người. Cũng phải kể đến những học viên nhỏ tuổi đang học cấp 1 và học viên lớn tuổi nhất, 72 tuổi.

Mở đầu phần chào đón Ban giảng huấn là bài hát “Nay ta về” với những vũ điệu sinh hoạt vui nhộn, nhí nhảnh của các học viên nội trú đã làm cho bầu khi thêm sinh động, vui tươi và phấn khởi, báo hiệu một khóa học tốt đẹp.

Tiếp đến, Ban Tổ Chức giới thiệu thành phần tham dự khóa học gồm có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình, cha Đaminh Trương Văn Thụy, Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận, cha Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Tâm- Mỹ Đức cùng quý Cha trong Tòa Giám Mục Thái Bình...

Đức Cha Phêrô ngỏ lời chào mừng nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến, Ban Giảng Huấn cùng với các học viên qua “Dụ ngôn người gieo giống” theo Tin Mừng của Thánh Matthêu, ngày thứ tư (20/07/2011) để ví quý thầy cô trong Ban Giảng Huấn là những “hạt giống” của tình yêu thương Chúa, được gieo vãi trên mảnh đất Thái Bình hôm nay, gieo giống ở đây không chỉ theo nghĩa đen là “gieo lúa” mà là gieo kiến thức, gieo kinh nghiệm... và Ngài ví các học viên đang hiện diện chính là “ 340 thửa ruộng” phì nhiêu, màu mỡ, sẽ đón nhận những hạt giống được gieo về khiến thức thánh nhạc, về khả năng làm ca trưởng, điều khiển ca đoàn... và sau đó “sinh sôi nảy nở” bằng cách đem áp dụng vào phục vụ giáo họ, giáo xứ và toàn giáo phận.

Đức Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đến nhạc sư Phạm Đức Huyến cùng Ban giảng Huấn đã vượt nửa vòng trái đất, hy sinh thời giờ, sức khỏe, công việc và hỗ trợ cả kinh phí vào việc đào tạo Ca Trưởng và phát triển nền thánh nhạc Việt Nam nói chung và cách riêng ở Giáo phận Thái Bình.

Đáp lời, Nhạc Sư khiêm cung tạ ơn Chúa, cảm ơn Giáo phận và chúc mừng toàn thể học viên ca trưởng Giáo Phận Thái Bình đã tham dự khóa đào tạo thứ 120 trong đời của Nhạc Sư. Những chia sẻ thánh thiện, những tâm tình trìu mến đối với thánh nhạc đã khơi dậy nơi các học viên niềm phấn khởi cùng ý thức dấn thân phụng sự Thiên Chúa, phục vụ bàn thánh và dân Chúa.

Nhìn vào chương trình kín kẽ thời gian của Ban Giảng Huấn, có thể nói, khóa huấn luyện thật khẩn trương nhưng đầy chi tiết; thật ngắn ngủi nhưng gói cả nỗi lòng của một thế hệ tiền bối, một thế hệ huynh trưởng đang chuyến tiếp cho một thế hệ hậu duệ kế thừa.

Sau phần khai mạc, đúng 9g00, khóa huấn luyện đã bắt đầu: Kỹ thuật luyện thanh, kỹ thuật tập hát, kỹ thuật đánh nhịp, thực tập đánh nhịp theo nhóm với bài hát cơ bản “Con Sẽ Hân Hoan”. Sau phần lý thuyết của Nhạc Sư, các học viên chia thành 6 nhóm và được các Thầy, Soeurs hướng dẫn thực tập đánh nhịp theo từng nhóm.

Khóa đào tạo sẽ còn kéo dài cho đến ngày 25/07/2011, tập trung vào tất cả các bài học: xướng âm, luyện thanh, cách đọc tiếng Latinh và hát nhạc Bình ca, xướng âm Bình ca, thực tập đánh nhịp, thánh nhạc và phụng vụ... được giảng dạy và thực tập trên một số bài thánh ca Việt Nam bất hủ: Ôi Thần Linh Chúa, Hội Nhạc Thiên Quốc, Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Hang Bêlem, Mùa Xuân Yêu Thương, Hương Thơm, Tán Tụng Hồng Ân...

Mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng quý thầy cô trong Ban Giảng Huấn đã làm việc một cách hăng say, quên cả mệt nhọc đến toát mồ hôi. Cộng thêm thời gian giảng dạy liên tục, từ khóa Ca Trưởng Cấp 1, đợt I, lần 2 ở Huế vừa xong lại đến khóa Ca Trưởng cấp 1, đợt 2 tại giáo phận Phát Diệm và khóa Ca Trưởng Cấp 1, đợt I tại giáo phận Thái Bình.... thời gian giảng dạy liên tục lại phải đi nhiều nơi như vậy nhưng quý thầy cô luôn vui tươi phục vụ với một tinh thần khiêm nhường, yêu mến thánh nhạc, chăm lo đến sứ mạng đào tạo những Ca Trưởng cho các giáo xứ, giáo phận.

Thật vui mừng cho ngày đầu tiên của khóa đào tạo, khi Nhạc Sư Phạm Đức Huyến nhận xét: “Mặc dù lớp học gồm nhiều thế hệ, chênh lệch độ tuổi, từ một em nhỏ tuổi nhất đến những người bảy mươi mấy tuổi vẫn luôn chịu khó theo lớp học từ đầu cho đến cuối, điều đó thể hiện một tinh thần học tập rất cao, làm tăng thêm niềm vui cho Ban Giảng Huấn”.

Một học viên thâm niên chia sẻ “Tham dự khóa học Ca Trưởng này, tôi cảm thấy mình trẻ hơn mấy tuổi”.

Soeur Maria Huyền, thành viên trong Ban Giảng Huấn bộc lộ tâm tình “Các học viên, nhất là những bác lớn tuổi mặc dù tay nhịp không còn mềm mại, uyển chuyển nhưng rất cố gắng và chịu khó luyện tập. Bên cạnh đó nhiều “ca trưởng nhí tương lai” có tay nhịp rất vững vàng... hy vọng những ngày kế tiếp tay nhịp của các học viên sẽ tiến bộ và điêu luyện hơn”.

Mặc dù đây là khóa đào tạo Ca Trưởng đầu tiên của giáo phận Thái Bình nhưng bước đầu khóa học đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng quý thầy cô Giảng Huấn về vấn đề tổ chức và tinh thần kỷ luật của lớp học rất chặt chẽ, chu đáo từ mọi khâu chuẩn bị về bảng tên, phân chia nhóm, in tài liệu, giữ trật tự giờ giấc trong quá trình học....Trong đó, phải kể đến Cha Vinhsơn Ngô Thái Phong, Trưởng Ban tổ chức khóa học rất nhiệt tình và hăng say trong công tác tổ chức và điều phối lớp học về mọi mặt.

Đặc biệt nhất, các học viên không thể nào quên hình ảnh của vị Chủ Chăn với dáng người hiền hòa, khiêm tốn mang đượm hình bóng của người con xứ Huế, luôn luôn đồng hành với lớp học trong từng tiết học, trong giờ thực hành nhóm, có lúc Ngài còn đặt bàn chuẩn bị bàn ăn cho các học viên....sự hiện diện của Đức Cha là một niềm khích lệ lớn, động viên lớn cho Ban Giảng Huấn cũng như cho các học viên, tạo nên một sự gần gũi, thân thiết trong mỗi tương quan giữa Cha và Con, giữa Mục Tử và đoàn chiên của mình.
 
Lễ khấn tại Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng
Trương Trí
19:12 20/07/2011
HUẾ - Từ lúc trời còn tờ mờ sáng, từng đoàn xe gắn máy, xe ô tô tấp nập xuôi về Gia Hội, Chợ Dinh tiến về trụ sở Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. Từ ngoài cổng đến nhà khách, các em thanh tuyển đứng thành hai hàng trong những tà áo dài trắng tinh khôi, những chùm bong bóng màu trên tay, nụ cười luôn nở trên môi chào mừng các vị khách quý về tham dự thánh lễ Tạ ơn mừng Hồng Ân Thánh Hiến của chị em hội dòng.

Xem hình ảnh

Đúng 6 giờ, một hồi chuông vang lên, tất cả mọi thành phần dân Chúa đều im lặng và trang nghiêm trong ngôi nguyện đường, đoàn Đồng tế tiến vào nhà thờ. Dẫn đầu là Thánh Giá đèn hầu, các tân khấn sinh, cha mẹ các tân khấn sinh, khoảng 80 linh mục trong nước cũng như hải ngoại đồng tế, Đức Đan Viện Phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, Đức Giám Mục Phụ Tá F.X. Lê Văn Hồng và sau cùng là Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ tế thánh lễ, cộng đoàn cung kính cúi đầu đón nhận phép lành của Đức Tổng Giám Mục.

Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục chia sẽ niềm vui: Thánh lễ hôm nay được cử hành trong bầu khí sâu lắng, dạt dào niềm vui Thánh Hiến.Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng dâng lên Thiên Chúa 13 người con lần đầu tiên khấn dòng, 9 người con vĩnh khấn và đặc biệt mừng kim khánh khấn dòng của hai chị cựu Bề trên Tổng quyền của hội dòng.

Trước khi bắt đầu các nghi thức khấn dòng, Đức Tổng cũng đã ban huấn từ, ngài nói: Tinh thần nghèo khó, đơn sơ và phó thác đã giúp cho Hội Dòng này vượt qua những gian nan, những khó khăn thử thách trong đời sống, đồng thời cũng giúp Hội Dòng khôn ngoan ứng phó trước mọi dao động của thời cuộc. Hôm nay chúng ta vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân khấn dòng của các tân khấn sinh. Đặc biệt mừng hồng ân Kim Khánh khấn dòng của hai chị Cựu Bề trên Tổng quyền của Hội Dòng: chị Maria Têrêsa Nguyễn Thị Diệu Cảnh và chị Maria Matta lê Thị Thanh. Các chị đã từng một thời lèo lái con thuyền Hội Dòng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Giờ đây, đã qua thời gian của tuổi trẻ đầy tràn nhiệt huyết và sức sống. Quý chị đã để lại một tấm gương sáng cho chị em noi theo.

Mở đầu phần tuyên khấn là nghi thức Tuyên khấn lần đầu: 13 Tân Khấn Sinh với nụ hoa trắng cài trên ngực áo được xướng danh và lần lượt tiến lên trước bàn thờ, trước Đức Tổng Giám Mục và chị Tổng phụ trách Maria Agnès Nguyễn Thị Lợi. Các tân khấn sinh đọc lời tuyên hứa giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Đức Tổng Giám Mục đã làm phép khăn lúp để trao cho các tân khấn sinh, sau đó ngài cũng đã trao Hiến Chương của hội dòng để cac stân khấn sinh theo đó để giữ lề luật của hội dòng.

Phần long trọng nhất của nghi thức là nghi thức Vĩnh Khấn. Gồm có 9 tân khấn sinh với những nụ hoa hồng thắm trên ngực theo thứ tự tiến lên trước Đức Tổng Giám Mục, chị Tổng phụ trách để tự mình tuyên hứa vĩnh viễn dâng mình cho Chúa, phục vụ giáo hội và tha nhân theo sự điều động của bề trên hội dòng. Các chị phủ phục trước bàn thờ dâng lời ca ngợi khen Thiên Chúa và tạ ơn Người ban hồng ân và đón nhận con người bé mọn vào nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Các chị là những người sau khi tuyên khấn sẽ được Bề trên Tổng quyền xác nhận là thành viên chính thức của hội dòng.

Sau cùng là ngi thức lập lại lời tuyên khấn của hai chị mừng hồng ân Kim Khánh khấn dòng.

Thánh lễ đi vào phần phụng vụ với biết bao tâm tình yêu thương và đầy tràn xúc động đối với con em, người thân vừa tuyên khấn.

Sau thánh lễ, chị Maria Agnès Nguyễn Thị Lợi đã thay mặt Hội Dòng nói lời tri ân Đức Tổng Giám Mục, Đức Giám Mục Phụ Tá, Đức Đan Viện Phụ, Đức Ông Jérom Nguyễn Ngọc Hàm, các linh mục đồng tế và cộng đoàn đã tham dự ngày vui thánh hiến của hội dòng. Chị Tổng phụ trách cũng thay mặt hội dòng tri ân các bậc cha mẹ đã hy sinh hiến dâng con cái mình cho hội dòng để phục vụ giáo hội, phục vụ tha nhân.
 
Tĩnh tâm thường huấn Linh mục đoàn GP Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:17 20/07/2011
TĨNH TÂM VÀ THƯỜNG HUẤN LM ĐOÀN GP PHAN THIẾT

- Thời gian: ngày 18-20/7/2011
- Địa điểm: TGM Phan Thiết
- Chủ đề: Hôn Phối
- Thuyết trình: Lm Gioan Bùi Thái Sơn – Chánh Án Tòa án Hôn phối Tổng Giáo phận Sài gòn, Giáo sư Giáo luật ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.

Xem hình ảnh

I. TĨNH TÂM.

Các Linh mục từ những địa chỉ khác nhau trong Giáo phận cùng về TGM dự Tĩnh tâm quý. Tạm khép lại mọi công việc mục vụ giáo xứ để cùng nhau học hỏi qua khóa thường huấn.

Giờ Chầu Thánh Thể khởi đầu ngày tĩnh tâm. Linh mục đoàn cùng thờ lạy Chúa. Niềm vui thờ lạy Chúa được trải ra trong tình huynh đệ suốt mấy ngày liền. Được kết hợp với Chúa hàng ngày là niềm hạnh phúc. Những ngày dự thường huấn, anh em cùng nhau ôn lại chân lý ấy như được bồi bổ thêm sức sống. Chúa Thánh Thể là Tấm bánh bẻ ra cho khắp muôn nơi nhưng chỉ có một Tấm bánh. Các linh mục kín múc kín múc sức sống nơi Thánh Thể, cùng tạ ơn Chúa vì nhiều hồng ân Chúa thương ban. Nhờ đó anh em Linh mục sống hạnh phúc yêu thương tại các địa chỉ phục vụ.

Dù khác nhau về tuổi tác về tính tình về môi trường làm việc nhưng về lại mái nhà chung anh em được nối kết với nhau bằng tình huynh đệ linh mục.

Đức Cha Giuse suy niệm Tin mừng (Mt 10,5-10) trong giờ chầu Phép lành.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con muốn chú tâm đến huấn lệnh truyền giáo Chúa đã mở ra cho các tông đồ năm xưa. Ở đó Chúa nhấn mạnh đến địa chỉ nào các ông phải đến, phương cách nào các ông phải theo, và nội dung nào các ông phải rao giảng. Thời gian này GHCG cũng hướng tất cả con cái của mình về huấn lệnh này với một tinh thần mới hơn, được gọi là tinh thần tinh thần “truyền giáo mới”. ĐGH Cố Gioan Phaolô II đã cho chúng con biết truyền giáo mới là nhắm đến một nhiệt tình mới, nhắm đến việc sử dụng những ngôn ngữ mới, và cũng nhắm đến những địa chỉ mới.

Chúng con cứ tưởng rằng sống huấn lệnh của Chúa, lên đường loan báo Tin Mừng cho mọi thụ sinh, là chúng con có thể đi bất cứ đâu, nhưng hôm nay trong huấn lệnh truyền giáo Chúa nhắc nhở chúng con nhiều điều.

1. Trước hết hãy đến với chiên lạc nhà Israel.

Đến với những con chiên đang còn lạc bầy; đến với những con chiên mặc dầu trước đây đã có điều kiện để sống hạnh phúc trên đồng cỏ của Chúa, nhưng giờ này vì một lý do nào đó không còn được quây quần trên đồng cỏ trước kia nữa.

Lạy Chúa, chúng con nghĩ truyền giáo, tại sao lại không đến với dân ngoại trước để trình bày cho họ biết về ơn cứu rỗi của Chúa, mà lại phải ưu tiên đến với những con chiên lạc? Nhưng chính khi băn khoăn như thế chúng con hiểu rằng, trong những địa chỉ chúng con cần tìm đến cách ưu tiên, thì địa chỉ hấp dẫn nhất vẫn là những con chiên lạc, vẫn là những con chiên trước đây đã đón nhận hồng ân cứu rỗi nhưng giờ này đã tản mác, đã tản lạc đi. Đây chính là một hướng nhìn mới, theo nghĩa “tái truyền giáo”. Nếu như có ai đó nói với chúng con rằng: “truyền giáo ngày xưa là rửa tội những người đã sám hối, còn tái truyền giáo theo tinh thần mới là phải nhằm hoán cải những người đã rửa tội rồi”, thì chúng con chợt hiểu ở đây là cả một viễn tượng mới mở ra trong chính bước đường truyền giáo của Chúa năm xưa là đến với những con chiên lạc nhà Israel.

Vừa rồi trước Thánh Thể chúng con cùng hát lên lời: “đem hết tâm hồn dẫn dắt chiên lạc đường về cùng Chúa hưởng bao mối tình thương”. Chắc chỉ là tình cờ thôi, lời hát trùng khớp với hướng cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa hôm nay, nhưng là một sự tình cờ thật ý nghĩa đem lại thú vị, và tất nhiên chúng con biết cũng đem lại hướng mới cho chủ đề cầu nguyện về truyền giáo trước Thánh Thể hôm nay.

Bất giác chúng con nhớ đến tất cả những khuôn mặt cụ thể của những con chiên lạc tại địa bàn chúng con trách nhiệm. Họ là những giáo dân trước đây đã có thời gian sốt sắng sống đạo. Họ là những tín hữu trước đây đã có thời gian cộng tác với chúng con trong những công việc chung của giáo xứ, nhưng giờ này hoặc do khô khan, hoặc do công ăn việc làm, hoặc do điều kiện sinh sống, và cũng không loại trừ do những bất hòa đối với chúng con, và đã không còn đứng vững trong đàn chiên của giáo xứ nữa. Xin Chúa thương thanh tẩy đời sống của họ, ban cho họ những ơn lành cần thiết và cũng cho họ biết đón nhận hồng ân Chúa để tìm về với đồng cỏ xanh tươi. Xin Chúa cho chúng con cũng được trang bị một ánh nhìn nhân lành hơn để sẵn sàng chìa cánh tay ra đón nhận những anh chị em đó vẫn gắn bó với cộng đoàn giáo xứ.

Và lạy Chúa chúng con cũng nhớ đến tất cả những anh em linh mục chúng con ở một địa chỉ nào đó còn gặp nhiều khó khăn vất vả với những con chiên lạc đàn như thế này, đã có những công sức bỏ ra nhưng không đem lại kết quả, đã có những lực cản từ phía này phía khác, xin Chúa thêm sức cho anh em linh mục đó trên bước đường truyền giáo, và xin Chúa cho bầu khí ảm đạm cũng mau chóng được xua tan đi, và cho chủ chiên và đoàn chiên được hạnh phúc bởi vì cùng được lớn lên trong đồng cỏ, cùng được ăn thực phẩm là chính Mình và Máu Thánh Chúa.

2. Nếu địa chỉ truyền giáo là chiên lạc nhà Israel, thì nội dung truyền giáo như sứ điệp Phúc Âm trình bày là: Nước Trời đã gần đến.

Năm xưa Chúa dạy các tông đồ là hãy đi và công bố Nước Trời đã gần đến, hôm nay chúng con cũng không làm điều gì khác, có điều là chúng con nhận thức rằng: Nước Trời không phải là ý niệm xa xôi nhưng đã là một thực tại được bén rễ trong cuộc sống đời này. Nước Trời cũng không phải là một ý tưởng hão huyền mà được cô đọng trong ơn cứu rổi, hiện thân là chính Chúa, là nội dung truyền giáo Chúa mời gọi chúng con trình bày.

Xin Chúa giúp chúng con hiểu ra rằng: ơn cứu rỗi là món quà tình thương mà mọi người phải mở lòng đón nhận, ơn cứu rỗi luôn luôn là ân ban nhưng không nhưng người ta cũng phải có trái tim quảng đại để nhận lấy, cũng phải có đôi tay rộng mở mà đón nhận. Điều này gợi mở cho chúng con những điều cần phải học hỏi trong tư cách là người rao giảng tin mừng. Chúa cho chúng con được lãnh nhận sứ vụ rao giảng tin mừng giải thoát, tin mừng hạnh phúc, tin mừng đem lại sự sống. Xin cho Tin Mừng luôn là nội dung chúng con rao giảng, còn những thứ nội dung khác dẫu có thể xoa dịu một chút hoặc là màu mè một chút, xin cho chúng con cũng biết kiệm lời, và nhất là những thứ tin đúng như tiếng Việt gọi là tin tức, tin tức mình cho người này người kia. Lạy Chúa, xin thanh tẩy và xin đừng để ai trong anh em chúng con dễ dàng sa vào.

3. Lạy Chúa Giêsu, địa chỉ truyền giáo là chiên lạc nhà Israel, nội dung truyền giáo là tin mừng cứu rỗi, thì tin rằng một người truyền giáo phải thuộc nằm lòng phải giữ vững, đó chính là tinh thần “nhưng không”.

Chúa dạy các tông đồ năm xưa: “đã đón nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”, từ đó trở thành định luật, trở thành định hướng, và hôm nay chúng con cũng nói trở thành tinh thần của người truyền giáo. Ở đó có thể là một tinh thần sống khó nghèo, ở đó có thể là một tinh thần thanh thoát không còn ràng buộc những lợi lộc, những bạc tiền để có thể đem tin mừng cho không biếu không, ở đó cũng chính là một trách nhiệm lớn của đời mục tử. Lạy Chúa, chúng con có là gì hôm nay cũng là do hồng ân Chúa ban, thành thử, lương tâm chúng con nhận lấy một sự thôi thúc đúng như lời Chúa nói: “nhận nhưng không cũng biết cho nhưng không”, đã đón nhận ơn cứu rỗi cách nhưng không thì tới phiên chúng con cũng phải biết rao giảng tin mừng cách nhưng không.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: “thợ đáng được lãnh lương của mình”, nhưng nhiều khi chúng con lại có ước vọng về một số lương lớn, chúng con có ước vọng thầm kín về một nguồn lợi, có khi đơn thuần là một tiếng khen, hay một lời tung hô, để lấn lướt đi chính nội dung tin mừng. Hôm nay, lạy Chúa xin thanh tẩy đời sống chúng con và cho chúng con biết đón nhận tất cả những gì Chúa ban như là hồng ân đến từ tình thương, và cũng từ đó kêu gọi mỗi người chúng con đáp trả tình thương bằng cách đem hồng ân cứu rỗi của Chúa tặng lại cho tất cả những kẻ được trao cho chúng con trong nhiệm vụ mục tử.

Không ai có thể cho đi điều gì không có, vì thế trước Thánh Thể giờ này chúng con hiểu rằng, trước khi chúng con sống tinh thần truyền giáo, thì bản thân chúng con cũng cần được tái truyền giáo. Xin cho chúng con cũng biết điều chỉnh đời sống của mình cho phù hợp với tình thương của Chúa, để khởi đi từ đó đời sống chúng con luôn biết trao ban cho anh em chị em chúng con tình thương bình an và ơn sủng của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là tâm tình linh mục đoàn chúng con dâng Chúa sáng nay, xin Chúa thanh tẩy tất cả những lỗi điệu, xin Chúa củng cố tất cả những gì còn yếu đuối, xin Chúa ban thêm những gì còn thiếu trong đời chúng con, và xin Chúa cũng nâng đỡ bước chân hành trình của từng người chúng con trong nhiệm vụ rao giảng tin mừng. Chúng con tạ ơn Chúa, chúng con đợi trông Chúa. Amen.

II. THƯỜNG HUẤN

Cha Gioan Bùi Thái Sơn lần lượt trình bày các đề tài:

- Cấu trúc thiên luật và giáo luật.
- Đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân và những hệ lụy.
- Các thủ tục tiền hôn phối.
- Mục vụ hậu hôn phối.

Sau mỗi đề tài có dành thời gian để hội thảo, các cha nêu những thắc mắc, đặt nhiều vấn đề từ thực tế mục vụ hôn nhân trong giáo xứ. Cha thuyết trình giải thích súc tích rõ ràng từ giáo luật và giáo huấn của giáo hội.

Cha Phaolô Hoàng Kim Tốt, đại diện ban Tòa Án Hôn Phối Giáo phận tường trình về những hồ sơ xin tháo giải hôn phối và chủ tọa hội thảo chủ đề “Thống nhất những vấn đề hôn phối trong giáo phận”: tiền hôn phối, hôn phối và hậu hôn phối.

Cha GB Hoàng Văn Khanh đặc trách ban thường huấn thay mặt linh mục đoàn cám ơn cha thuyết trình. Qua 3 ngày thường huấn, anh em linh mục đã được lắng nghe và học hỏi về những điều liên quan đến giáo luật và mục vụ hôn nhân. Tất cả đều cảm nhận cha thuyết trình rất tự tin, rất sâu sắc về lãnh vực chuyên môn này, nhất là những suy tư và kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Tòa án Hôn phối tổng Giáo phận Sài gòn và làm Giáo sư dạy Giáo luật tại ĐCV Thánh Giuse Sài gòn. Anh em linh mục đón nhận những điều này, chắc chắn những gì học hỏi được trong những ngày qua sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc mục vụ hôn nhân tại giáo xứ. Cảm ơn cha thật nhiều và kính chúc sức khỏe, nhiều thành quả tốt đẹp trong công tác mục vụ. Anh em sẽ luôn nhớ những suy tư và kinh nghiệm của cha.

Đức cha Giuse bế mạc thường huấn với ba lời chia sẽ.

- Lời đúc kết: Quan sát và cùng tham dự, nhận thấy có những điều rất đáng khích lệ. Quý cha quan tâm và chăm chú, thể hiện qua việc lắng nghe cha Gioan trình bày đề tài liên quan đến bí tích hôn phối, có nhiều phát biểu dẫu tỏa ra nhiều hướng nhưng vẫn đọng lại trong sự quan tâm của nhiều cha. Đợt thường huấn này đáp ứng nhu cầu mục vụ thiết thực. Những buổi trao đổi gặp gỡ như thế này rất cần thiết để làm sáng lên vấn đề chúng ta quan tâm. Đó là nét tích cực trong những ngày này.

- Lời cám ơn: Cám ơn cha đặc trách thường huấn đã khéo tổ chức để linh mục đoàn giáo phận có những ngày gặp gỡ bổ ích. Cám ơn cha Gioan đã chia sẽ rất chân tình rất đĩnh đạc và bản lĩnh. Cám ơn tất cả anh em linh mục đã tích cực lắng nghe và nhiệt tình đóng góp ý kiến.

- Lời hướng mở cho tương lai: Lần này là bước khởi đầu, trong tương lai chắc chắn sẽ có những đợt thường huấn khác. Để làm nên những sinh hoạt thiết thực cần đóng góp của quý cha, từ những điều trăn trở từ những chủ để cần quan tâm, những lần gặp sau sẽ có những món ăn tinh thần mới.

Thường huấn là nhu cầu trí thức nhằm nâng cao, bổ sung kiến thức, thêm vốn hành trang cho sứ vụ linh mục.Thường huấn là bổn phận dành cho mục tử trong thiên chức linh mục, làm khơi sáng lại hồng ân đã lãnh nhận, bồi bổ thêm đời sống thiêng liêng mục vụ và truyền giáo.Thường huấn còn là niềm vui, ôn lại kỷ niệm “ngồi ghế học trò”.

Kết thúc những ngày thường huấn, các linh mục có thêm hành trang để phục vụ tích cực cho công tác mục vụ giáo xứ.

Tạ ơn Chúa về những ngày anh em linh mục “chung sống một nhà” cùng hiệp thông cầu nguyện, học hỏi, chia sẻ và sống tình huynh đệ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kitô giáo giải thoát thời kỳ Trung Cổ đen tối
Jos. Tú Nạc, NMS
08:25 20/07/2011
Thời kỳ mà chúng ta gọi là Trung cổ kéo dài khoảng 1000 năm. Một vài thế kỷ đầu của thời kỳ Trung cổ, tính đến năm 800 thường được gọi là Thời Đen Tối – Đêm trường Trung cồ.

Thời Đen Tối bắt đầu với sự sụp đổ của Đế quốc La Mã vào năm 476. Vào một lúc nào đó, Đế quốc La Mã đã trở nên suy thoái dần. Binh lính La Mã những người ở tận quần đảo Anh, phía Bắc Âu châu và những phần đất xa xôi khác được gọi trở về để bảo vệ Roma. Những bộ lạc của các dân tộc bán khai từ hướng bắc và hướng đông đang kéo vào Đế quốc. Các dân tộc bán khai đã chứng tỏ sức mạnh áp đảo đối với người La Mã. Họ kéo đi từng nhóm khắp cả tây Âu châu, nơi bị thống trị bởi người La Mã.

Các dân tộc bán khai là những chiến binh hung ác, man ri mọi rợ. Họ cướp đoạt các cung điện của những người thống trị La Mã. Họ đã để mặc những con đường nổi tiếng dẫn đến Roma trở nên điêu tàn. Các dân tộc bán khai không biết đọc, không biết viết và cũng không chịu quan tâm chút nào đến việc học hỏi những kiến thức của người Ai Cập, người Babylone và Hy Lạp cổ xưa. Cuộc sống ở những vùng đất mà họ tràn đến không hơn gì mấy cuộc sống của những người hang động vào thời kỳ xa xưa. Không đáng gì ngạc nhiên khi thời kỳ này được gọi là Thời Đen Tối.

Tuy nhiên, cối cùng, các dân tộc bán khai đã bắt đầu ổn định cuộc sống. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nông dân. Nhưng hầu hết Âu châu bị rừng rậm bao phủ, là nơi trú ngụ của những bang cướp. Những thành phố thì nhỏ bé và xa xôi cách biệt. Có sự trao đổi buôn bán ít ỏi giữa những thị trấn nhỏ bé này. Không mấy người cảm thấy an toàn khi ra khỏi những thị trấn này.

Thế nhưng, trong suốt Thời Đen Tối này, Giáo Hội Ki-tô giáo lại phát triển mạnh mẽ. Các tu sỹ trong các tu viện của mình vẫn duy trì sức sống những kiến thức của thời kỳ ban đầu. Nếu không có Giáo Hội Ki-tô giáo thì Thời Kỳ Đen Tối sẽ còn tối tăm hơn và không biết đến bao giờ. Giáo Hội Ki-tô giáo đã góp phần tích cực trong việc khôi phục Đêm trường Trung Cổ.

Trong khi Âu châu chìm trong Thời Kỳ Đen Tối, các quốc gia khác đang chuyển mình về phía trước. Người Ả Rập từ Cận Đông tràn qua Phi châu vào Tây Ban Nha, và người Trung Quốc đang vượt xa Âu châu. Nghệ thuật và kiến thức của Đế quốc Byzantine ở phương Đông cũng bắt đầu khởi sắc. Và thậm chí ở Âu châu cũng có những ý tưởng phôi thai về chính quyền và mậu dịch mà ít nhất nó cũng dẫn dắt tạo lối thoát khỏi Thời Kỳ Đen Tối.
 
Thông Báo
Thiệp mời tham dự khánh thành Hoa Viên Mân Côi và tượng Đức Mẹ tại trụ sở Hưu Dưỡng Phát Diệm tại Gò Vấp
Lm. Jos. Đinh Huy Hưởng
19:22 20/07/2011
class=BORDER align=center>
 
Tin Đáng Chú Ý
Nhận diện công an đạp mặt dân
BBC
14:39 20/07/2011
Nhận diện công an đạp mặt dân

Đại úy Minh và người đeo kính áo đen bị tố cáo đã đánh người vô cớ
Đại úy Minh và người đeo kính áo đen bị tố cáo đã đánh người vô cớ

BBC được biết người đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức là một đại úy trong khi người chỉ đạo là thượng tá công an ở Hà Nội.

Một trong số những người biểu tình bị bắt nói vị đại úy tên là Minh.

"Khi chúng tôi bị đưa lên xe, tôi nghe thấy có người gọi 'anh Minh ơi lên xe đi' và anh ta lên.

"Đây cũng là người đã đánh chúng tôi," người biểu tình này nói với BBC.

Ông cũng nói thêm người mặc áo trắng và chỉ tay trong ảnh chính là Thượng tá Canh, Phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm.

Ngoài ra, người đeo kính và đứng đằng sau ông Canh cũng bị tố cáo đã vô cớ đánh người biểu tình.

Cho tới nay ít nhất năm người đã nói rằng họ bị cảnh sát đánh đập mặc dù họ không hề có thái độ khiêu khích.

'Phũ phàng'

Anh Nguyễn Chí Đức thậm chí còn đang bị bốn công an cầm tay cầm chân khi bị Đại úy Minh đạp vào mặt.

Anh Đức nói anh đã bị "khống chế như con lợn... mấy đồng chí công an còn đạp (sút) tổng cộng 4 phát. Đạp từ trên đạp xuống trong lúc mình đang còng queo.

"Trong đó có hai phát được ăn "bánh giầy" vào mồm. Một phát trượt qua cổ. Một phát vào ngực."

Trước cuộc tuần hành một ngày, tôi đã biết cuộc trấn áp sẽ rất phũ phàng.
Nguyễn Chí Đức
Blogger này nói với BBC rằng anh đã từng xuống đường hai lần năm 2007 và năm lần trong tháng 6-7/2011.

"Trước cuộc tuần hành một ngày, tôi đã biết cuộc trấn áp sẽ rất phũ phàng. Một cán bộ an ninh cũng đã nhắc nhở tôi về tình hình chung và của cả cá nhân tôi. Cho nên sự việc đến thì tôi cũng thấy bình thản."

Hiện chưa rõ công an Việt Nam đã có lời xin lỗi anh Đức hay có công an nào bị xử lý trong vụ này chưa.

Báo chí Việt Nam hoàn toàn im tiếng trong vụ công an hành hung người dân lần này.

Trong khi đó họ Bấm đưa tin một cô gái ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị khởi tố vì tát công an.

Cũng trong ngày 20, VnExpress chạy tin Bấm 'Hạ gục kẻ bắn chết một công an' trong đó không hề nói cảnh sát đã cố gắng tới đâu để có thể bắt sống người gây án.

Cảnh sát Việt Nam đã nhiều lần bị tố cáo sử dụng bạo lực quá mức cần thiết và lạm dụng quyền hành.
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm: Tiếng Cười
Trà Lũ
18:42 20/07/2011
Chuyện phiếm: TIẾNG CƯỜI

Tháng Sáu vừa qua toàn quốc Canada đã không có thư trong 3 tuần lễ. Nghiệp đoàn bưu điện 5000 người đã đình công. Lý do ; họ đòi tăng lương và thêm quyền lợi. Các cụ phương xa có biết lương tối thiểu một giờ làm việc ở bưu điện là bao nhiêu tiền không? Thưa là 23 đôla. 23 đô la có thể mua được 230 qủa trứng gà. Đó mới là lương sơ khởi mà họ còn chê ít. Nghiệp đoàn bảo họ phải biểu tình, phải đình công đòi thêm nữa. Tôi nhớ hồi 1975 khi vừa tới định cư ở Canada, người bảo trợ bảo tôi là ở Canada này không phải sợ ai và sợ cái gì cả, trừ 2 khối người này : nghiệp đòan bưu điện và nghiệp đoàn lái xe bus công cộng. Quả đúng như vậy. Những người già, những người bệnh, những bà mẹ nuôi con tháng tháng đều trông chờ ông bưu điện mang ngân phiếu tới, nay họ ngưng phát thư , lớp người trên chới với. Chính quyền trung uơng cho biết chỉ trong 2 tuần lễ bưu điện đình công, kinh tế Canada đã thiệt hại 100 triệu. Và chính quyền đã ra tay. Chính quyền đã xin quốc hội làm luật bắt nhân viên bưu điện đi làm và đặt một hội đồng trọng tài giải quyết sự tranh chấp.

Tháng trước nghiệp đoàn hàng không Air Canada, khối nhân viên làm việc dưới đất, cũng đình công. Chính quyền đang chuẩn bị làm luật bắt họ phải đi làm trở lại, họ thấy đuối lý bèn trở lại làm việc ngay.

Cụ Chánh tiên chỉ làng tôi bảo xứ này nhiều tự do dân chủ quá đáng, cái gì qúa đáng cũng đều không tốt. Qủa đúng như vậy, phải không các cụ?

Tin đình công sôi nổi làm tôi quên trình các cụ bữa ăn ở nhà Cụ B.95 mừng lễ Các Người Cha. Tháng trước có lễ Hiều Mẫu, ông ODP đã thay mặt phe liền ông làm bữa cơm muối Huế đãi phe các bà. Tháng này có lễ Hiền Phụ, hai cô Huế Tôn Nữ va Cao Xuân cũng nổi hứng tình nguyện đứng ra làm cơm Huế đãi phe liền ông.

À, nhân nói tới hai cô họ nhà vua này, nhiều cụ phương xa hỏi ban đầu làng tôi chỉ có dân Bắc Kỳ 54 và dân Nam Kỳ, sao lâu nay lại có hai cô Huế dân Trung Kỳ. Chuyện đơn giản thôi. Lý do là vì cậu con trai Cụ B.95 lấy vợ người Huế. Chồng Bắc vợ Trung hợp nhau qúa, họ làm ăn khấm khá, nên bảo trợ được bà mẹ là cụ B.95 sang, cụ đi thẳng từ Hà Nội sang Canada. Dòng máu Bắc Kỳ trước 1954 vẫn còn đầy ắp nơi cụ già này. Cụ sang Canada, ban đầu chả hiểu tiếng mô tê răng rứa của cô con dâu, nhưng lâu dần thì cũng quen. Bây giờ thỉnh thoảng cụ còn nói tiếng Huế nữa, mới kinh chứ. Thế mới biết cô con dâu Tôn Nữ này ảnh hưởng nhiều tới cụ. Rồi cô Tôn Nữ này có một cô bạn thân tên là Cao Xuân. Cao Xuân là một dòng họ rất lớn ở Huế. Một buổi đẹp trời, cô Cao Xuân đòi theo cô Tôn Nữ và Cụ B.95 đi họp làng. Cô mê dân làng ngay lập tức rồi năn nỉ xin gia nhập. Làng tôi phải bàn cãi mãi, phỏng vấn cô đủ điều rồi cuối cùng mới cho cô gia nhập. Từ đó làng tôi là làng tiêu biểu Nam Bắc Trung một nhà đúng ý nghĩa nhất. Sau cô Cao Xuân, làng tôi nhất định khóa sổ, nhất định không nhận thêm một ai.

Cô Cao Xuân được nhập làng thì sung sướng vô cùng, mà dân làng cũng vui thêm nhiều lắm. Người bỏ phiếu nhận cô lẹ nhất là ông ODP. Cái ông bồ chữ này có kho kiến thức lớn lắm các cụ ạ. Khi biết cô Huế này thuộc dòng quan đại thần Cao Xuân Dục là ông gật đầu liền. Ông kể tiểu sử cụ Cao vanh vách như cầm sách đọc. Theo ông, Cụ Cao Xuân Dục có một trình độ nho học rất uyên thâm nên được các nhà nho vô cùng kính nể , nhà vua trọng dụng và phó thác cho các công tác quan trọng như chánh chủ khảo các kỳ thi hương thi hội, như quản nhiệm Quốc Tử Giám, như chỉ đạo việc biên soạn các bộ sách về sử ký. địa dư, triết học và văn học. Cụ là một nhà văn hóa lớn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chính cụ là chánh chủ khảo kỳ ông Tú Xương đi thi, chính cụ đã cho ông Tú Xương đậu Tú Tài. Chính cụ là người đã nâng đỡ ông Nguyễn Sinh Sắc bố của Hồ Chí Minh khi đi thi cũng như khi làm quan. Cụ có lòng yêu nước rất cao, tuy làm quan dưới thời Pháp thuộc nhưng trong bụng vẫn chống Pháp. Chuyện kể có lần xử một viên chức hà nhiễu dân, ông đã ra án rất nặng. Viên quan này được ông công sứ Pháp bênh. Trong lúc xử án, viên công sứ này đã có những lời hỗn láo nên cụ Cao Xuân Dục đã vác ghế đánh viên công sứ này. Sử còn ghi Cụ đã bênh vực Ông Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu khỏi án tử hình…

Cô Cao Xuân nghe ông ODP nói về ông tổ dòng họ nhà mình hay qúa và đúng qúa liền sụp xuống lạy. Cả dân làng đều vô cùng ngạc nhiên về sự thông thái hiếm có này. Ai cũng hỏi tại sao ông biết rõ về quan đại thần Cao Xuân Dục làm vậy, thì cuối cùng ông mới cho biết : Trước 1975, ông đã nghiên cứu và đang chuẩn bị viết luận án tiến sĩ về vị đại quan học thức và yêu nước này.

Các cụ thấy chưa, dân làng tôi ai cũng le lói và ‘ vĩ đại’ cả. Nhiều độc giả đã mê làng tôi và muốn tôi nói nhiều về dân làng. Xin cho tôi làm việc này từ từ nha. Xưa nay tôi thường nói nhiều về anh John và Chị Ba Biên Hòa, hôm nay nổi hứng, tôi nói về Cô Cao Xuân và ông ODP. Xin tạm ngưng chuyện này để trình các cụ về bữa ăn ngày lễ Hiền Phụ.

Hai cô làm món bún bò Huế. Hai mệ Huế rành ăn mà làm món bún bò Huế thì làm sao mà không ngon được, cho nên bữa ăn ngon hết sức vậy đó. Người khó tính như ông ODP mà cũng phải gật gù ca ngợi. Vừa ngon miệng vừa mát con mắt, các cụ a. Tô bún khói ngùn ngụt. Này khoanh thịt chân giò, này miếng thịt bò bắp, này miếng chả Huế, này miếng tiết heo. Này mầu ớt đỏ. Này màu húng quế xanh. Này mùi tiêu mùi sả mùi mắm ruốc. Này đĩa rau bắp chuối thái sợi, này rau bắp cải trắng bào nhỏ, này ngò gai, này ớt cay. Mời các bác xơi. Tô bún bò này phải ăn nóng nha, vừa ăn vừa thổi vừa xuýt xoa mới sướng. Anh John và Chị Ba ăn những hai tô bự. Bữa ăn diễn ra ngoài lan can, bên mảnh vườn rau của cụ B.95.

Vì cụ là chủ nhà nên cụ đã mở đầu câu chuyện. Cụ đòi anh John kể chuyện thời sự . Chuyện này qúa dễ với anh John. Anh nóí ngay tới hai cuộc đình công mà tôi vừa trình bày ở trên, rồi nói sang cuộc công du của của đôi uyên ương hoàng gia William và Kate. Dân Canada lâu nay coi bộ không thích hoàng gia nữa. Các cụ phương xa chắc biết là Canada ở trong Khối Liên Hiệp Anh nên phải nhận nữ hoàng bên Anh làm quốc trưởng, và nhận hoàng gia bên Anh làm họ hàng nhà mình. Nhưng từ khi công nưong Diana, tức mẹ của William, chết tức tưởi vì tai nạn, dân Canada đã đổi thái độ với hoàng gia. Họ hết mặn nồng. Đã có lúc dân chúng muốn các dân biểu bỏ phiếu loại bỏ hoàng gia. Thế nhưng vì đôi vợ chồng trẻ William và Kate trông dễ thương qúa, nên thái độ chống đối hoàng gia bớt sôi nổi hẳn đi. Đôi trẻ đến Canada vào đúng dịp lễ quốc khánh Canada. Họ đến thủ đô Ottawa cho đúng phép rồi bay lên mạn bắc hỏi thăm các ông bà Da Đỏ, rồi bay xuống miền tây thăm viếng, rồi từ đó đôi trẻ sang Hoa Kỳ. Ông ODP bảo hai trẻ trông hạnh phúc và đẹp đôi qúa, cầu mong cho họ hạnh phúc bền vững trọn đời, để xứng đáng nay mai lên ngôi vua khi nữ hoàng nằm xuống, chứ đừng như ông bố Charles có vợ đẹp con khôn mà còn lăng nhăng, cơm nhà ngon mà cứ lén đi ăn phở.

Rồi anh John nói tiếp sang tin thiên tai ở miền tây và miền trung. Nào miền Alberta cháy nhà. Lửa từ rừng lan về thành phố, đốt gần hết thành phố Slave Lake. Nào miền Saskatchewan ngập lụt, nước sông tràn lan mênh mông, chính quyền phải phá đê cho nước rút nhanh. Cụ B.95 nghe đến đây thì tỏ vẻ sợ hãi vì cho là sắp tận thế. Cụ Chánh tiên chỉ bảo rằng không sao vì đây là do khí hậu toàn cầu thay đổi. Các nước khác còn bị nạn lớn gấp trăm lần. Nếu so sánh với các nơi khác thì tai nạn ở Canada không thấm thía gì.

Rồi tin Canada đang chuẩn bị in tiền nhựa polymer thay thế các loại tiền giấy hiện nay. Trên thế giới đã có 30 quốc gia dùng tiền polymer, loại tiền khó làm giả và lâu bền hơn.

Và tin sau chót là tin lể Quốc Khánh mồng 1 tháng 7. Canada lên 144 tuổi. Nhân dịp anh John kích thích lòng yêu nước của mọi người. Anh say sưa nói về những cái nhất của quốc gia trẻ trung, giầu có và rộng lớn này. Canada rộng quá mà lại thưa dân. Gần 10 triệu cây số vuông mà chỉ có 34 triệu người. Canada lớn hơn nước VN chúng ta 30 lần. Biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ thật đúng ý nghĩa sông liền sông núi liền núi. Lằn ranh giữa hai nước cả phía Bắc lẫn phía nam sơ sơ dài 8.893 cây số. Hồ Great Slave Lake ở mạn bắc sâu nhất thế giới, những 614 mét. Núi Logan ở miền Bắc cao nhất thế giới, gần 6 ngàn thước. Canada có chừng 1 triệu cái hồ lớn nhỏ và giữ 9% trữ lương nước ngọt của địa cầu. Đảo Manitoulin ở giữa hồ Huron rộng gần 3 ngàn cây số vuông. Anh John kể ra một hơi toàn những cái nhất của Canada rồi anh cười ha ha : Đó mới là mặt địa lý thôi nha. Còn mặt kinh tế, mỏ quý kim vàng bạc và dầu lửa thì nhiều vô vàn. À, có chuyện này lạ lùng lắm là theo thống kê cho biết : qúa nửa dân số Hoa Kỳ không hề biết tên thủ đô của nước Canada là gì. Nước làng giềng mà không biết. Người Hoa Kỳ kỳ ha. Nhưng thôi, chuyện thời sự của tôi đã quá dài , xin để hôm nào đẹp trời và thuận tiện tôi sẽ trình thêm.

Rồi anh John xin ông ODP nói chuyện thời sự cộng đồng VN. Tin nổi bật là trong tháng qua phong trào biểu tình chống Trung Cộng lan rộng khắp nơi. Tầu Cộng có toà đại sứ tại thủ đô Ottawa và có tòa tổng lãnh sự ở Toronto và Vancouver. Đồng bào ta đã tập trung nhiều lần trước các nơi này giơ cao các khẩu hiệu đả đảo Tầu Cộng xâm lăng VN, Hoàng Sa Trường Sa là đề tài viết trên nhiều biểu ngữ nhất, và nhiều bài phát biểu nhất. Tôi thường có mặt trong các cuộc biểu dương này, được thấy được nghe nhiều điều rất đáng ghi nhớ. Chẳng hạn trong một buổi sinh hoạt cộng đồng, có một ông bạn già đọc thơ Vũ Hoàng Chương, đọc xong thì ông chảy nước mắt:

… Trả núi sông ta! Lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai
Trả ta sông núi! Câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai…


Nghe ông đọc thơ Vũ Hoàng Chương mà như đang nghe lời hịch cũa tướng Lý Thường Kiệt ngày xưa :

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư…
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm lấn
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời


Nghe câu thơ ái quốc và thấy ông bạn già rưng rưng giọt lệ, tôi cảm động qúa. Hôm sau đi uống cà phê lại gặp ông trong quán, tôi bầy tỏ lòng ngưỡng mộ. Ông già cho biết ông gốc nhà binh. Thấy tôi mê nghe thơ, ông liền đọc một hơi cho tôi nghe bài thơ của Ó Biển Nguyễn Văn Phán :

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Hãy đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Đời lính chiến, một thời kiêu hãnh quá

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi bề Ben Hét với Đắc Tô
Nơi bạn bè tôi xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ Trường Sơn yêu qúy

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả, chiến khu Đ
Cho hồn tôi siêu thóat với lời thề
Thân chiến sĩ nguyện xin đền nợ nước

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Nước với Đầm Giơi
Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gởi thân tôi, ba sọc đỏ cờ vàng
Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi

Bài thơ này một khẩu khí một giai điệu như bài ‘Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển’ cuả Cao Tần, nhưng ý thì khác hẳn.

Mấy ông bạn gìa cùng đi với ông này thấy bài thơ nghiêm trang quá, liền chuyển hưóng câu chuyện. Một ông bảo các bạn nãy giờ toàn nghe thơ nghiêm trang, bây giờ xin cho tôi đọc một bài thơ cũng nói về lòng ái quốc những mang giọng ngang tàn của bọn nhà binh mình. À, ra đây là mấy ông gốc nhà binh xưa. Tôi xin đọc một đoạn trong những bài thơ khẩu khí của nhà thơ Trạch Gầm. Lời thơ là lời chửi VC, tuy là chửi nhưng khẩu khí:

…Đ.M. cho tao chưởi mày một tiếng
Đất của ông cha sao mày cắt cho Tàu?
Ngậm phải củ gì mà mày cứng miệng,
Đảng của mày, chết mẹ, đảng tào lao
Chế độ mầy vài triệu tay súng
Cầm súng làm gì, chẳng lẽ hiếp dân?
Tao không tin lính lại hèn như thế
Lại rụng rời trước tai ách ngoại xâm
Mày vỗ ngực: anh hùng đầy trước ngõ
Sao cứ luồn, cứ cúi, cứ van xin
‘Môi liền răng’, à, thì ra vậy đó
Nó cạp mày, mày thin thít lặng thinh
Ông Cha mình bốn nghìn năm dựng nước
Một ngàn năm đánh tan tác giặc Tàu.
Thân phận mày cũng là Lê với Nguyễn
Hà cớ gì, mày hèn đến thế sao?

……………………………….

Nghe đến đây thì cụ B.95 giơ tay : Lão nhức đầu rồi đây này. Chửi VC hèn hạ thì chửi cả năm không hết. Bữa tiệc hôm nay dầy đủ mọi sự, trừ sự cười. Hôm nay ngày đại lễ, xin cụ Chánh tiên chỉ cho phép dân làng cười thả dàn nha. Ai cũng gật gù hoan hô lời đề nghị này. Ông H.O. là người giơ tay đầu tiên xin đốt pháo cười. Ông nói :

- Tôi là độc giả lâu đời của báo VNTP. Trong số tháng vừa qua tôi thấy có hai chuyện này trong mục ‘ Nụ Cười Tiền Phong’ của tác giả Như Nguyễn hay hết sức. Những ai có đầu óc trong trắng như thiên thần thì hiểu khác những ai có đầu óc trần gian thế tục. Chuyện như thế này :

… Người ta nghe thấy trong một cửa hàng :
- Vào chưa em?
- A… a… a… gần vào hết rồi.
- Có đau không em?
- Không, êm lắm, thích lắm, lọt hẳn rồi
- Em cần nong thêm một chút không?
- A…a…a… không cần… vào hết rồi
- Em thấy thoải mái không?
- Ồ, thích qúa, êm ái qúa
- Có khít quá không em?
- Lúc đầu đút vào hơi chặt, nhưng bây giờ thì vừa khít

Kể đến đây rồi ông H.O. lên tiếng hỏi cả làng : Tôi đố các bạn đây là câu chuyện nói về cái gì, việc gì. Chưa thấy ai lên tiếng trả lời nhưng tôi thấy phe các bà đấm nhau thùm thụp rồi cười hắc hắc. Ông H.O. cũng cười, rồi nói lớn : Tôi biết các bà nghĩ bậy nha. Đây là chuyện rất trong sạch. Chuyện đôi vợ chồng trẻ dắt nhau đi mua giày. Anh chồng giúp cô vợ thử đôi giày mới, chứ không phải chuyện kia.

Bây giờ tôi xin kể câu chuyện thứ hai :

Một cô bạn bán rong ngoài đường. Cô cất tiếng rao thế này :
- Bóp đi bóp đi, bóp trên năm ngàn, bóp dưới bảy ngàn, bóp ngoài ba ngàn, bóp trong tám ngàn, bóp đi bóp đi. Một thanh niên đứng lại hỏi : Này cô, bóp ở đâu rẻ nhất?

Cô đáp : Bóp em là rẻ nhất và sướng nhất, không đâu bằng, bóp đi bóp đi.
Các bà các cô thì cười rũ ra và lại đấm nhau thùm thụp.

Các cụ phương xa có hiểu cô gái mời mua cái gì không? Thưa cô mời mọi người mua ví da. Hình như cô này nói tiếng Bắc Kỳ. Ví thì cô gọi là bóp. Những ai máu xấu thì đừng nghĩ cô mời gọi cái khác nha.

Anh John nghe đến đây thì thích qúa sức. Anh bảo rằng anh chưa thấy tiếng nước nào hay thấm thía như vậy. Anh bảo ngày xưa khi bắt đầu đọc được sách tiếng Việt, quyển đầu tiên anh đọc là chuyện tiếu lâm cổ ngày xưa. Trong sách này có chép một chuyện cũng hay như chuyện anh H.O. vừa kể. Đó là chuyện ‘Ông dở quá’. Rằng nhà kia có hai anh em. Ông anh thì ở Saigon, còn ông em thì làm ruộng ở miền quê. Năm đó ông anh gả chồng cho cô con út. Ngày lễ cưới thì ông chú ở dưới tỉnh lên Saigon ăn cưới cháu gái. Tiệc cưới xong thì đã qúa nửa khuya, ông em tuy ở nhà ông anh nhưng vẫn thấy lạ nhà. Nằm hoài mà ông không ngủ được. Phòng của ông sát ngay bên phòng ông anh. Bỗng ông nghe tiếng vợ chồng người anh thì thào. Ông em bèn lắng tai nghe :

Bà chị dâu của ông lên tiếng:

- Hôm nay là ngày vui của con, tui cũng chìu ông đó.
- Ừa, bà nói thế có dễ thương không. Bà hun tui cái coi
- Thôi, già rồi và khuya qúa rồi, 50 phần trăm thôi ông ơi
- Không, ngày vui mà, bà trăm phần trăm cho tui coi. Chơi thì phải xả láng.
- Ông này kỳ hết sức vậy đó. Già rồi mà còn ham lắm. Rồi đó, tôi trăm phần trăm rồi đó. Còn ông, sao vô nửa chừng rồi để đó vậy? Còn chút nữa hãy ráng vô nữa coi, làm bạo lên
- Tui nhão rồi bà ơi.
- Sao bữa nay ông dở qúa vậy?
- Tại vì từ sáng đến giờ tui phải tiếp khách nên bây giờ hết xí quách rồi
- Vậy mà cũng đòi! Lỡ vui thì phải vui cho trọn, ráng lên chút nữa, vô hết giùm tôi coi.

Rồi hai ông bà im lặng một lúc lâu.

Phe các bà nghe đến đây lại rú lên cười. Anh John nói ngay : Chuyện của tôi chưa xong mà. Xin kể tiếp. Ông em nằm phòng bên rạo rực hết sức, trong bụng nghĩ : Không ngờ ông anh mình mà còn khoẻ và du dương như vậy. Nhưng ông chưa kịp nghĩ hết câu thì tiếng bà chị dâu nói to tiếng, bà cự nự chồng :

- Tui đã nói ngay từ đầu, uống cả ngày mà chưa đã, nửa đêm còn đòi uống thi với tui. Thiệt khổ thân tui. Tư ơi, ông ói đầy ra giường rồi nè. Mày đem cái thau và cái khăn lau lên đây, lẹ lên.

Nghe đến đây thì dân làng mới à lên một tiếng. Bây giờ thì ai cũng hiểu ý chuyện, ai cũng có những ý nghĩ tốt đẹp chứ không có ý nghĩ dơ dáy như ông em dưới tỉnh lên.

Rồi dân làng vỗ tay. Ai cũng khen chuyện của anh H.O. và chuyện của anh John hay qúa. Chị Ba Biên Hòa tỏ ra sung sướng nhất làng. Chị bảo bữa nay vừa được ăn ngon, vừa được nghe nhiều chuyện cười vỡ bụng, chắc chị sẽ ngủ ngon lắm

Cụ Chánh gật gù đồng ý :

- Đúng vậy. Ông bà mình nói ngay từ ngày xưa : Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Ông Tây cũng nói y chang : Laughter is the best medicine. Hình như câu này là câu của tạp chí Reader’s Digest, một nguyệt san uy tín quốc tế, hàng tháng có bao nhiêu triệu ấn bản phát hành khắp năm châu.

Ông ODP phụ họa : Cụ Chánh nói rất chí lý. Tiếng cười là thuốc tiên không những chữa lành bệnh thể xác mà còn tăng sức khoẻ tinh thần, tăng tình đoàn kết và thân ái giữa mọi người. Người Hoa có một câu rất hay : Ai không biết cười thì đừng đi buôn bán. Ông Tây cũng có một câu rất hay : Un saint triste est un triste saint, một ông thánh mặt mũi buồn rầu là một ông thánh vất đi, chả ra gì. Trong các vị thánh Á Đông, tôi thích nhất Đức Bồ Tát Di Lặc. Các cụ còn nhớ tượng Đức Phật cười này không?

Kính chúc các cụ mùa hè này đầy tiếng cười.

TRÀ LŨ.


Sách Mới TRÀ LŨ

Đầy tiếng cười, đầy kiến thức

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu 2 sách mới nhất vừa phát hành đầu mùa xuân 2011, tác phẩm thứ 13 và 14 của Nhà Văn Trà Lũ ở Canada :

400 CHUYỆN CƯỜI : những chuyện tiếu lâm Đông Tây Kim Cổ chọn lọc .

Đây là cuốn thứ 3, khác với 300 chuyện cười năm 2001 và 500 chuyện cười năm2008



ĐẤT THIÊN THAI : 30 chuyện phiếm vui tươi dí dỏm, nhiều tiếng cười và đầy kiến thức được viết trong 3 năm vừa qua

Mua Sách :

• Giá 1 cuốn mua tai Canada : 25 Gia Kim ( tiền sách va bưu phí )
• Giá 1 cuốn gửi từ Canada qua Hoa Kỳ : 28 Gia kim hay Mỹ kim ( tiền sách và bưu phí )

Xin trả bằng ngân phiếu cá nhân,

Xin đề TRÀ LŨ, và gửi tới 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario, M6S 2X8, Canada

Gơi ý : Đây là món quà rất trang nhã và đẹp nhất để tặng bà con bằng hữu. Xin cho

chúng tôi tên và điạ chỉ, chúng tôi sẽ làm đúng ý qúy vị. Trân trọng.
 
Lời kinh ban mai
Thanh Sơn
19:03 20/07/2011
Sáng nay lòng thanh thản nhẹ nhàng
Thời tiết đẹp như bước xuân sang
Con dâng lên Chúa lời kinh sáng
Hòa cùng muôn dân cõi địa đàng

Nhìn hoa nở phất phơ trước gió
Dưới bình minh tỏa ngát thơm tho
Vài khóm trúc như loài trường thọ
Ngài ban cho tinh thần sáng tỏ

Đường linh đạo mở ra nhiều ngõ
Lời Thánh Truyền Ngài đã ban cho
Con xin được làm con chiên nhỏ
Đeo trên cổ qủa chuông làm mõ

Xin Ngài chúc phúc cho nhân thế
Cuộc sống dẫu vùi trong bến mê
Đến ngày tỉnh ngộ đừng qúa trễ
Biết đường ánh sáng để tìm về

Bàn Tiệc Thánh! ngàn đời trong sáng
Hội nhạc thiên quốc mãi ca vang
Nơi Thiên Đàng thiêng liêng sáng láng
Tiến dâng Ngài Trên chốn cao sang.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Cò Đơn
Lê Trị
21:58 20/07/2011
CÁNH CÒ ĐƠN
Ảnh của Lê Trị
Đồng sâu đơn độc cánh cò
Cảm thương thân Bậu chuyến đò lỡ duyên.
(Trích thơ của PT937)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền