Ngày 23-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:17 23/07/2019

37. Chúng ta càng không tự cao tự đại, thì càng dồi dào đức ái.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:29 23/07/2019
75. MỜI KHÁCH ĂN CÁ NHỎ

Có một ông chủ nấu hai con cá, mình thì ăn con cá lớn còn con cá nhỏ thì để đãi khách, không ngờ một con mắt của con cá lớn rớt vào trong dĩa của khách, khách cố ý nói lớn:

- “Ai muốn lấy loại cá ngon, thì đem về bỏ vào trong hồ mà nuôi”.

Chủ nhân giả bộ khách khí nói:

- “Con cá này quá nhỏ không đáng là một loại cá”.

Khách nói:

- “Cá tuy nhỏ, nhưng mắt cá to là được rồi !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 75:

Không ai lấy cá nhỏ mời khách ăn nhưng phải mời khách ăn cá lớn để bày tỏ hiếu khách và tôn trọng khách, chỉ có những người có bụng dạ keo kiệt bủn xỉn nên mới như thế.

Hiếu khách nhất là những người Ki-tô hữu bởi vì họ thuộc nằm lòng “thương người có mười bốn mối” mà Giáo Hội đã dạy, họ hiếu khách không phải vì khách là người có địa vị cao sang trong xã hội, họ hiếu khách không phải vì khách là ông cha sở của họ, họ hiếu khách cũng không phải vì là bạn bè thân thiết của họ, nhưng họ hiếu khách là vì họ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi người khách, cho dù người khách đó là ai.

Vì khách là Đức Chúa Giê-su nên họ luôn đem tất cả tấm lòng ra đãi khách, đem những thức ăn ngon nhất mà mình có ra đãi khách với nụ cười trên môi.

Tiếp đón một trẻ em là tiếp đón Đức Chúa Giê-su, tiếp đón Đức Chúa Giê-su là tiếp đón cả thiên đàng, đó là một vinh dự lớn lao mà Đức Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta –những người Ki-tô hữu- biết, tại sao chúng ta vẫn còn keo kiệt ích kỷ với tha nhân chứ ?!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Lòng Thương Xót
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
09:59 23/07/2019
Lòng thương xót hiểu được hai nghĩa : của Thiên Chúa đối với chúng ta và của chúng ta đối với nhau.

Lòng thương xót là cụm từ rút ra từ Tông Huấn Vultus misericordiae ban hành ngày 11.4.2015 và ấn định ngày 8.12.2015 làm ngày khai mạc Năm Thánh Ngoại Thường cho toàn Hội Thánh. Hội Thánh được kêu mời học hỏi suy nghĩ cầu nguyện để cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và thực thi lòng thương xót ấy cho mọi người.

Cụm từ lòng thương xót dịch từ hai tiếng la tinh : miseri và cor ; miseri là thương xót, cor là tấm lòng (cordia, số nhiều) mở rộng ra đối với những người nghèo khổ đáng thương về tinh thần cũng như vật chất. Lòng thương xót hệ tại việc có trái tim biết rúng động trước các nỗi khổ đau của con người.

Phần chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta phải hiểu và sống lòng thương xót đó như thế nào. Điều này không có gì khó, vì ở đời ai cũng hiểu thương xót là gì rồi.

Thương và thương xót khác nhau. Thương là thích ai và yêu nguòi đó. Còn thương xót có nghĩa là vừa thương vừa xót. Thương gắn liền với trái tim, còn xót gắn liền với lòng dạ hay ruột gan. Ta thương ai, vì thấy người ấy dễ thương, ngoại hình hấp dẫn, có tài, có tiền v.v… nên trái tim ta cảm kích. Còn thương xót ai là vì thấy người ấy đáng thương, bởi nghèo nàn hoặc ốm đau bệnh tật, hay gặp tai ương hoạn nạn, buồn phiền, đau khổ nên ta xúc động.

1. Chúa thương chúng ta. 

Chúng ta là những người tội lỗi đã bất trung với lời cam kết khi chịu phép Gìm (Rửa Tội). Chúng ta xúc phạm đến Chúa khi không tuân giữ các diều răn của Người. Chúng ta ngã thua các cơn cám dỗ, khi không quyết liệt chống trả và để mình sống trong cảnh mù mit về đạo nghĩa. Đó là tình trạng đáng thương của chúng ta.

Chúng ta mang gánh nặng nề vì những thói hư tật xấu, và không làm những điều tốt muốn làm, không có khả năng vươn lên khi thấy mình yếu đuối, khi thất vọng không thể sống trong đường ngay nẻo chính, hoặc khi thấy mình trì trệ không tiến bộ gì trên đường đạo đức v.v… ấy là không kể những nỗi vất vả khó khăn trong cuộc sống. Dù vậy, Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Biểu hiện rõ rệt nhất là Chúa cho chúng ta được làm con cái của Người trong Hội Thánh.

Ơn phúc này, nhiều người có đạo ít nghĩ tới hay không nhận ra. Nhưng đó lại chính là chỉ dấu chứng tỏ tình thương của Chúa. Biết bao người sống vật vờ, vô vọng, không có một niềm tin nào hết, trong khi chúng ta có đạo, được đón nhận đức tin, biết tại sao mình sống và chết rồi đi về đâu. Nhờ có đức tin, chúng ta có thể đương đầu được với nhiều nỗi oan khiên, bất công và tàn ác là điều khiến cho nhiều kẻ yếm thế muốn hủy hoại dời mình cho khỏi khổ.

Nhưng người có đạo như chúng ta thì vẫn còn niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Chí Công, thưởng người lành, phạt kẻ dữ vào thời Người ấn định. Tại sao chúng ta là người mà lại là người có đạo để đón nhận được sức mạnh tinh thần của đức tin, hầu chịu đựng đươc các nghịch cảnh và cuối cùng nhờ ơn Chúa vượt qua được tất cả, nếu không phải là được Chúa thương. Ngoài ra, chúng ta còn có niềm hy vọng lớn lao là được sống muôn đời

Sự sống muôn đời trên thiên quốc là mục đích tối hậu của mọi người Công Giáo. Chúng ta đi đạo, giữ các điều răn của Chúa để được sống muôn đời trong Nước Thiên Chúa. Đó là một biểu hiện mạnh mẽ về lòng thương xót của Chúa. Chúa có thương mới dành cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc muôn đời như thế.

Cuối cùng là các ơn lành Chúa ban. Ai trong chúng ta cũng nhận được những ơn lành của Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau về tinh thần cũng như vật chất. Bằng chứng là những lễ tạ ơn vì những ơn lành đã nhận được. Trong các thánh vịnh, có một câu chứng tỏ điều này là :

“Hãy tạ ơn Chúa vì Người nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
(Tv 83,6)

Nhưng bên cạnh những biểu hiện về tình thương lại có những sự dữ. Sự lành và sự giữ giao nhau. Tình thương của Chúa thi dã rõ như nói trên, còn sự dữ thì sao ? Tình thương và sự dữ có đi đôi được vói nhau không ? Chắc là không rồi. Vây phải hiểu thế nào về sự dữ bên cạnh sự lành. Chúa giầu tình thương mà sao lại để cho sự dữ hoành hành ghê gớm như thế ? Liệu có thể giải quyết được sự trái ngược này hay không ? Làm sao sự lành và sự dữ hòa hợp với nhau được ? Tình thương là sự lành, còn tai ương, hoan nạn, nghèo khổ, bệnh tật là sự dữ. Hai thứ đó không thể đi đôi với nhau, huống hồ là tương nhượng. Có cái này thì không thể có cái kia, hay có chăng là có cả hai cùng một lúc nơi một người, như nghèo khổ mà vẫn khỏe mạnh hay giầu sang mà bệnh tật. Có cả hai cùng một lúc, nhưng vẫn thấy bất an. Nỗi bất an làm cho lo buồn và khổ sở, và như vậy không thể nói là có đươc sự lành hoàn toàn. Do đấy vẫn khổ. Và khổ bị coi là sự dữ.

Đó là điều hiển nhiên theo sự cảm nhận chung của nhiều người. Từ bao đời nay, loài ngưòi vẫn tìm cách tránh khổ. Giáo lý Công Giáo dạy rằng sự dữ là bởi tội mà ra. Có tội nên mới có sự dữ. Nay muốn tránh sự dữ thì phải triệt tội. Nhưng có những trường hợp triệt tội rồi mà sự dữ vẫn còn ở nơi những con người nhân đức, như ông Gióp trong Cưu Ước hay rõ rệt và hùng hồn hơn cả là nơi chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Người không có tội mà lại mang án phạt của tội là những sự đau khổ trong cuộc Thương Khó và cuối cùng là cái chết trên thập giá. Thế nghĩa là thế nào ? Thưa chính là vì sự dữ. Mà sự dữ là một mầu nhiệm. Đã là mầu nhiệm thì bản chất là khó hiểu hay không hiểu được. Chúng ta biết có sự dữ và nó hoành hành khắp nơi. Ta muốn tránh xa và loại trừ nó, nhưng không được. Vậy phải làm sao ? Thưa phải chấp nhận rằng không có cách nào để giải nghĩa cho thấu đáo về sự đau khổ và sự dữ trên thế gian này. Chúng ta cứ nhìn vào cuộc đời của Chúa Cứu Thế, Con Một của Chúa Cha. Tại sao Người Con ấy lại phải gánh chịu biết bao nhiêu đau khổ và cuối cùng bị đóng đinh trên thập tự hình như một tên tử tội, trong khi Người đã van xin Chúa Cha nếu có thể được cho mình khỏi phải uống chén đắng này : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con, Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện mà là ý Cha”. (Lc 22, 42)

Thật là mầu nhiệm trên mọi mầu nhiệm. Chúng ta chỉ giải quyết được sự dữ một phần nào nhờ dựa vào đức tin. Chúng ta tin rằng vì tội mà có sự dữ. Trước khi bất tuân lệnh Chúa, ông bà nguyên tổ được sống trong Vườn Địa Đàng, nơi không có sự dữ mà chỉ có sự lành. Chỉ khi bất tuân lệnh rồi, ông bà mới phải lãnh án phạt và truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Chính Đức Ki-tô Giê-su đã xuống trần tình nguyện chịu khổ, để gánh tội cho thiên hạ và nhờ đó, cứu chuộc loài người. Đấng vô tội đã phải chịu tội do ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, để dạy cho loài người một bài học về giá trị thanh luyện và đền tội của những sự đau khổ, nếu người ta vui lòng chấp nhận để đền tội mình và tội những người khác, vì tội cũng như phúc có một chiều kích xã hội trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, nghĩa là tội của người này gây họa cho người khác và phúc của người này cũng mang lại điều lành cho người kia.

Tại sao Đức Giê-su lại tự nguyện chọn cho mình những sự đau khổ tuyệt độ và cái chết thảm thương như thế ? Đó là vì loài người và để cúu rỗi chúng ta. Ở đời không có sự cao cả nào mà không phải hy sinh. Mà hy sinh thì phải trả giá. Tất cả những sự hy sinh của Đức Ki-tô là cái giá cao quí mà Người đã bỏ ra để cứu chuộc chúng ta.

Dù làm người mà phải cực phải khổ như nhiều người trong chúng ta, nhưng lại có niềm hy vọng lớn lao được ở trong Nước Thiên Chúa khi nhắm mắt lìa đời, thì còn hơn là cỏ cây gỗ đá, tuy không phải khổ, nhưng không có được cuộc đời mai hậu tràn trề hạnh phúc như chúng ta. Ở đây chúng ta nên nhớ lại số phận ông nhà giàu và người cùng khổ La-gia-rô. Ở đời thì La-gia-rô khốn khổ, nhưng sau khi chết rồi thì số phận đôi bên hoàn toàn đảo ngược. (Lc 16, 25-26)

2. Tại sao có tai ương hoạn nạn

Có những người vấn nạn rằng Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và đầy lòng trắc ẩn mà sao lại để cho xảy ra tai ương hoạn nạn như cháy rừng, động đất. lụt lội, sóng thần. dịch hach, hạn hán, nghèo khổ v.v… Thưa Thiên Chúa không để cho xảy ra, hay có chăng là để trừng phạt như đã trừng phạt loài người trong cơn lụt Đại Hồng Thủy, nhưng sau đó, Người đã dựng cầu vồng lên và hứa sẽ không trừng phạt như thế nữa : “Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.” (St 9,15)

Tuy vậy, vẫn xẩy ra tai ương hoạn nạn, nhưng đó một phần là do sự vận hành của các yếu tố thiên nhiên, một phần do hành dộng của con người. Thiên Chúa tôn trọng trật tự thiên nhiên do Người đã đựng nên, còn loài người lại hành động xâm phạm đến sự hài hòa của môi trường tự nhiên, như phá rừng, làm ô nhiễm bầu khí quyển bằng chất thải của các nhà máy, khiến cho khí hậu thay đổi. Nếu phá rừng thì lụt lội xẩy ra, nếu không hạn chế khí thải thì khí hậu biến đổi, bầu khí quyển nóng lên, mực nước biển dâng cao. Còn chiến tranh bạo lực là do lòng ham hố, ích kỷ, trục lợi, tàn bạo của nước này đối với nước kia hay người này đối với người khác.

Vì thế, không thể đổ lỗi cho Thiên Chúa được, vì ban đầu Người dựng nên mọi sự đều tốt lành, như có lời chép chép trong sách Sáng Thế : “Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tùy theo loại và cây ra trái, trong trái có hạt giống tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (St 1,12)

Tóm lại, sự dữ là có thật và lan tràn trên mặt đất. Không thể dựa vào lý luận thông thường của loài người mà giải quyết được, nhưng phải căn cứ vào những lý lẽ siêu nhiên. Lý lẽ này chỉ có nơi những người tin. Người tin thì cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa một cách vững vàng như thánh Phao-lô nói : “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không trông trông thấy” (Hr 11,1) Và tin cũng là hoàn toàn xác tín mà không cần phải thấu cảm thấy gì cả trong những điều Chúa nói, chỉ bởi vì Người, Đấng không đánh lừa ai và không ai đánh lừa nổi.

Vậy, về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể dưa vào câu : “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn” trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca chương 1, câu 78 và toàn chương 1 trong sách Tin Mừng này, qua hai bài thánh ca hết sức đặc biệt vẫn đươc đọc hàng ngày trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều. Hai bài thánh ca đó thu tóm tất cả lòng thương xót của Chúa đối với Đức Mẹ Ma-ri-a và dân của Người là chúng ta. Ngoài ra là các lời rải rác trong Kinh Thánh về lòng thương xót này.

Muốn thấm nhuần và xác tín về lòng thương xót của Chúa, chúng ta cần năng đọc và suy gẫm những lời trong hai bài thánh ca và những câu thánh vịnh như “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 83,6) hay “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương cả ngàn đời” (Tv 29,5).

Vì thế, chúng ta hãy tin vào lòng thương xót của Chúa và sẵn sàng đón nhận lòng thương xót ấy qua mọi tình huống của cuộc đời. Tin tưởng ở lòng thương xót, nhưng cũng phải bày tỏ ra bên ngoài bằng lòng yêu mến Chúa và thương xót đối với tha nhân.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tri ân đạo trưởng Hồi Giáo anh hùng cứu mạng 262 người Công Giáo
Đặng Tự Do
15:32 23/07/2019
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã trao tặng Giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế lần đầu tiên của Hoa Kỳ cho một Imam Hồi Giáo người Nigeria.

Lúc 3g chiều ngày 23 tháng 6 năm 2018, Imam Abubakar Abdullahi, đã liều mạng sống mở cửa đền thờ Hồi Giáo ở làng Barkin Ladi, bang Plateau, và cả nhà ở của ông ở gần đó để che chở cho 262 người Công Giáo đang bị bọn khủng bố Fulani lùng giết.

Trước khi lên đường sang Hoa Kỳ nhận giải thưởng, ông đã được Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Phó Tổng thống Yemi Osinbajo tiếp kiến. Tổng thống nói rằng “qua hành động này, quốc gia Nigeria đã viết tên mình bằng vàng trên trường quốc tế và hành động này sẽ gây được tiếng vang ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào có cuộc thảo luận về sự khoan dung tôn giáo, cũng như tình thân ái giữa Kitô hữu và người Hồi giáo trong nước và trên thế giới”.

Vị giáo sĩ Hồi giáo 83 tuổi cho biết thêm như sau:

“Lúc xảy ra vụ tấn công, đền thờ Hồi Giáo chúng tôi đang được mở, cho nên tôi bảo những Công Giáo hãy chạy vào bên trong lẫn vào các tín hữu Hồi giáo và chạy cả vào nhà tôi để trú ẩn. Chúng tôi yêu cầu mọi người nằm xuống để tránh đạn đang bay tứ phía. Khi những kẻ tấn công che mặt xông đến, tôi sụp xuống van xin họ, khóc lóc và cuối cùng họ đã bỏ đi.”

Sau các cuộc tấn công, mọi người vẫn ở trong đền thờ Hồi Giáo,và chia sẻ bữa ăn cùng nhau trước khi được di chuyển đến một trại tị nạn.

Phát biểu trong lễ trao giải thưởng, Imam Abubakar Abdullahi nói:

“Không ai có bất cứ lý do nào để đặt vấn đề về sự tồn tại của người khác. Chúng ta phải đón nhận sự khác biệt và phấn đấu sống hòa bình với nhau ở mọi nơi trên thế giới. Nếu Chúa muốn chúng ta giống hệt nhau, Ngài đã làm như thế, nhưng thánh ý Ngài đã muốn đưa chúng ta đến gần nhau và sống chung với nhau trong hòa bình. Thông điệp của tôi là chúng ta phải trân trọng nhau. Hãy tôn trọng luật lệ, sống xả kỷ và bênh vực cho hòa bình. Chúng ta có xung đột vì chúng ta tham lam và tự quy hướng vào chính mình là những điều chỉ dẫn đến xung đột và tàn phá.”

Từ tháng Giêng 2018, bạo lực đã bùng lên dữ dội tại Nigeria với các cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan Fulani. Từ đó đến nay, ít nhất 1,300 người đã bị giết.


Source:Africa News
 
Lịch sử ngành truyền thông của Tòa Thánh và động thái mới của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
17:51 23/07/2019


Nhà báo kỳ cựu chuyên viết về Vatican, Andrea Gagliarducci, vừa có một bài giá trị nói về lịch sử ngành truyền thông của Tòa Thánh và động thái mới đây của Đức Phanxicô (http://www.mondayvatican.com/vatican/pope-francis-a-new-model-for-vatican-communication).

Theo nhà báo này, các việc bổ nhiệm Ông Matteo Bruni làm Giám Đốc Phòng Báo Chí và hai Ông Alessandro Gisotti và Sergio Centofanti làm phó giám đốc xã luận của Bộ Truyền Thông cho thấy ngành truyền thông của Tòa Thánh đã diễn biến ra sao.

Trong Pastor Bonus (Mục tử Nhân lành), là tông hiến, cho đến nay, quy định các chức năng và nhiệm vụ của các bộ sở của Giáo Triều, Văn phòng Báo chí Tòa thánh được liên kết trực tiếp với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tin tức cho các bản tin hàng ngày, hướng dẫn về việc tin tức nào sẽ được cung cấp, các hướng dẫn về quản trị tin tức, tất cả đều xuất phát từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Giám đốc của Văn phòng Báo chí được kêu gọi lên khuôn thông tin này và truyền đạt nó.

Do đó, Văn phòng Báo chí Tòa thánh không chỉ là một văn phòng báo chí. Nó cũng hoạt động như một văn phòng truyền thông, và là trung gian giữa “cung điện” và các phương tiện truyền thông.

Vai trò của Văn phòng Báo chí Tòa thánh là một phần của một kế sách toàn diện hơn: Tòa thánh có một loạt các phương tiện truyền thông, tất cả đều độc lập, được giao cho nhiệm vụ cung cấp một viễn ảnh tin tức bao quát hơn nhìn theo quan điểm của Giáo hội.

Tờ L'Osservatore Romano, tờ báo của Tòa thánh, cuối cùng, được hạ sinh để bảo vệ Tòa thánh khỏi những gì Đức Piô IX gọi là “cuộc tấn công vào sự thật” - nghĩa là sự thao túng lịch sử đi kèm với Vương quốc Savoy trong mưu toan sát nhập Lãnh địa Giáo hoàng.

Đài phát thanh Vatican được thành lập bởi nhà phát minh ra truyền thanh, Guglielmo Marconi, và được thiết kế như một công cụ để truyền bá viễn kiến của Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh cho thế giới.

Cả hai công cụ đều rất quan trọng thời chủ nghĩa phát xít ở Ý và trong Thế chiến thứ hai. Tòa Thánh đã có thể cung cấp một viễn kiến sáng suốt và có thực chất về cuộc chiến nhờ Osservatore Romano, một tờ báo đã có thể vượt qua các bản tin chính thức của Ý.
Đức Piô XII đã phát động qua đài phát thanh các thông điệp hòa bình của ngài, các thông điệp hiện vẫn đang làm sáng tỏ nhiều thách thức của thời đại.

Cả Đài Vatican lẫn tờ báo đều là những công cụ liên kết với Tòa thánh, nằm trong lãnh thổ Vatican. Cả Văn phòng Báo chí cũng nằm trong lãnh thổ Vatican. Thực ra, ban đầu, nó là một văn phòng báo chí liên kết với Osservatore Romano, nơi các nhà báo đưa tin về Vatican có thể nhận được các bản tin và thông tin.

Nghịch lý thay, Công đồng Vatican II đã thay đổi mọi thứ. Các phương tiện truyền thông đã nhảy vào cuộc thảo luận của Công đồng và cố gắng giải quyết và chỉ đạo một số quyết định của các Nghị phụ. Đức Phaolô VI hiểu được sự nguy hiểm. Ngài quyết định chuyển Văn phòng Báo chí ra ngoài tường thành Vatican, và đưa ra nhiều bộ máy lọc lựa truyền thông, trong khi vẫn để đài phát thanh và tờ báo tự do phát biểu.

Sau Công đồng Vatican II, tác động mới của ngành truyền thông xã hội dẫn đến một văn phòng mà sau đó trở thành một Hội đồng Giáo hoàng, nghĩa là một loại thánh bộ ở Giáo Triều. Đài phát thanh bắt đầu phát sóng từ Palazzo Pio, bên ngoài Bức tường Vatican, trong khi các tòa nhà lịch sử của nó bị bỏ lại bên trong các bức tường này.

Do đó, các phương tiện truyền thông của Vatican phần nào vẫn liên kết với lãnh thổ nhỏ bé của Thị Quốc, một ngôi làng đã mang xác thịt lại cho linh hồn của Tòa Thánh.

Quyết định nối kết Văn phòng Báo chí Tòa thánh với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ra đời từ lý do này. Bộ Truyền thông mới đã thay đổi mọi thứ, vì nhiều lý do.

Trước hết, tất cả các cơ quan truyền thông của Vatican đã được thống nhất, để có sự phối hợp đáng kể về nội dung. Các nội dung cũng đã được thống nhất. Từng bước, hướng xã luận đã chiếm ưu thế hơn việc quản trị thông tin. Được củng cố với việc bổ nhiệm Alessandro Gisotti và Sergio Centofantias làm phó giám đốc xã luận, hướng xã luận sẽ là nơi khởi đầu của tất cả các hoạt động truyền thông của Vatican.

Như thế, Bộ Truyền thông của Vatican sẽ là người sẽ quản trị thông tin, trong khi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh - nơi các bản tin và thông tin chính thức phát xuất - mất trọng lượng về phương diện truyền thông. Một điều gì đó bị mất về phía báo chí; một điều gì đó đạt được về phía truyền thông định chế.

Biểu tượng của sự thay đổi này là quyết định di chuyển tất cả các phương tiện truyền thông của Vatican ra ngoài lãnh thổ của Thị quốc Vatican. Bắt đầu từ năm tới, các văn phòng của đài phát thanh, truyền hình và báo chí của Vatican sẽ được đặt tại Palazzo Pio, tại trụ sở của Đài phát thanh Vatican. Chỉ có bộ phận hành chánh là được giữ lại trong các bức tường của Vatican.

Gần như có một cảm thức rằng điều này có nghĩa là một sự chuyển tiếp để bước sang một ngành truyền thông chuyên nghiệp và và có tính định chế hơn, mặc dù là một ngành truyền thông ít liên kết với Tòa Thánh hơn. Để có cái nhìn xa hơn, người ta có thể đọc trong đó thấy việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích các các khu ngoại vi hơn là trung tâm. L’Osservatore Romano và ấn bản tiếng Ý của nó đang dành nhiều không gian hơn cho các tin tức phát xuất từ Giáo hội ở các vùng ngoại vi. Các thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các biến cố hoặc lễ kỷ niệm được phát hành bởi các Giáo hội địa phương hoặc bởi các phương tiện truyền thông của Vatican, nhưng chúng không xuất hiện trong các bản tin chính thức của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

Các bộ phận truyền thông của Vatican cân bằng động thái này bằng cách nâng cao địa vị của tiếng Latinh - hiện đã có chương trình phát sóng hàng tuần bằng tiếng Latinh - để hiển thị lịch sử của Tòa thánh và tính đặc thù của nó.

Gagliarducci nhận định rằng đây có thể là mô hình truyền thông mới cho Tòa Thánh, một mô hình cũng xuất phát từ nhu cầu hợp lý hóa bộ phận truyền thông. Tuy nhiên, mô hình này không nhằm chứng minh rằng chỉ đến nay, Tòa Thánh mới mở ra với thế giới: Tòa Thánh luôn luôn làm điều đó. Thay vào đó, Tòa Thánh muốn cho thấy việc mình từ bỏ viễn cảnh Vatican. Viễn cảnh này có nhiều lý do để hiện hữu. Bây giờ, nó có nguy cơ bị lãng quên.
 
Câu hỏi lý thú của tờ Aleteia: Giáo Hội Công Giáo có bao nhiêu vị thánh?
Đặng Tự Do
18:55 23/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Sáu 19 tháng Bẩy, Philip Kosloski của tờ Aleteia đưa ra câu hỏi sau trên các mạng xã hội và nhiều người đã tham gia sôi nổi vào câu chuyện này:

Câu hỏi đặt ra là: Có bao nhiêu vị thánh Công Giáo?

Câu hỏi hóc búa ấy cũng là đầu đề của một tiểu luận của anh trên tờ Aleteia. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Thúy Nga.

Câu trả lời cho câu hỏi đó có thể khác nhau, tùy theo định nghĩa thế nào là một vị Thánh.

Từ “Thánh” xuất phát từ tiếng Latinh “Sanctus”, có nghĩa là “linh thiêng”. Trong suốt nhiều thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, danh hiệu này được trao tặng cho tất cả những ai, chủ yếu là các vị tử đạo, và những người mà sự thánh thiện của họ được công nhận rộng rãi trong xã hội.

Mãi đến năm 1588, Bộ Tuyên Thánh của Vatican mới chính thức được thành lập để giúp điều chỉnh việc trao tặng danh hiệu này cho thật xứng hợp trong tiến trình chính thức phong thánh.

Nhiều người đã không ngại bỏ thời gian ra để thu thập tên tuổi các vị thánh trong nhiều thế kỷ qua và đưa ra một danh sách các vị thánh đã được chính thức tuyên phong.

Một cách tổng quát, Giáo Hội Công Giáo có khoảng 8,000 vị thánh được chính thức công nhận. Tuy nhiên, điều này có thể không bao gồm một số lớn các vị thánh đã được tuyên thánh trong vài thập kỷ qua.

Chỉ tính trong thời cận đại, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho 482 vị, Đức Bênêđíctô XVI đã công nhận 45 vị, và Đức Phanxicô đã ghi danh 893 vị vào sổ bộ các thánh. Lý do cho sự gia tăng đột ngột con số các vị được tuyên phong dưới thời Đức Phanxicô là vì ngài thường tuyên thánh tập thể, như việc tuyên thánh cho 800 vị tử đạo người Ý vào năm 2013, chỉ ít lâu sau khi ngài được bầu làm Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Trước đây, trong Giáo Hội Công Giáo có 3 con đường để được tuyên thánh: thứ nhất là tử vì đạo, thứ hai là sống một đời sống với các nhân đức anh hùng, thứ ba là có một danh tiếng thánh thiện.

Ngày 11 tháng 7, 2017, Tòa thánh công bố Tự Sắc “Maiorem Hac Dilectionem” – nghĩa là “Trao Ban Mạng Sống” – trong đó vạch ra một con đường thứ tư để tuyên thánh cho những người sống một đời sống Công Giáo tốt lành và tự do chấp nhận một cái chết vì lợi ích của người khác.

Đây là sự thay đổi đầu tiên đối với các tiêu chuẩn tuyên thánh trong nhiều thế kỷ qua.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

Ngoại trừ trường hợp tử vì đạo, các trường hợp khác, trong đó bao gồm trường hợp thứ tư này, đòi phải có một phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của vị ấy để được tuyên Chân Phước; và một phép lạ thứ hai để được tuyên Thánh.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng khi các tín hữu có lòng sùng mộ đặc biệt đối với những vị thánh thiện chưa được tuyên thánh, Đức Giáo Hoàng có thể quyết định chuẩn chước “tuyên thánh tương đương” cho các vị này mà không cần theo các tiến trình bình thường. Điều này thường được thực hiện khi các vị thánh sống cách đây quá lâu khiến cho việc hoàn thành tất cả các yêu cầu trong án tuyên thánh rất khó khăn. Việc chuẩn chước như thế là một thực hành đã có hàng trăm năm trong Giáo Hội. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 14 đã chuẩn chước tiến trình tuyên thánh cho 11 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn chước tiến trình này để “tuyên thánh tương đương” cho 5 vị Chân Phước là Angela thành Foligno và Peter Faber (vào năm 2013), José de Anchieta, Marie Nhập Thể, Francis-Xavier thành Montmorency-Laval (vào năm 2014)

Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng số lượng các vị thánh Công Giáo là không thể đếm được, vì thuật ngữ này thường được dùng để chỉ tất cả những vị hiện đang ở trên Thiên đường.

Như thế, phải có có ít nhất hàng trăm tỷ các thánh từ thời tạo thiên lập địa cho đến nay. Có bao nhiêu người đang được hưởng hạnh phúc trên Thiên đàng là vấn đề phỏng đoán thôi, không ai trong chúng ta biết chắc chắn điều đó cho đến khi kết thúc cuộc sống của chúng ta trên dương thế này.

Điều quan trọng là mọi người đều được kêu gọi để nên thánh và tất cả chúng ta nên cố gắng trở thành một vị thánh. Sự thánh thiện có thể đạt được đối với bất cứ ai mong muốn một mối quan hệ chặt chẽ với Chúa Giêsu và có thể đạt được trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào trên dương thế.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bài Viết Của Châu Hiền Lý, Bộ Đội Tập Kết 1954
Châu Hiển Lý
17:23 23/07/2019
NẾU KHÔNG NHÌN LẠI, MÌNH SẼ MẤT QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI.

Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, làm ăn cực nhọc là thế, thành tựu không thể nói là nhỏ, thế mà khoảng cách phát triển của VN so với thế giới sao vẫn xa vời ! Không định thần nhìn nhận lại tất cả, không khéo chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào con đường đi làm thuê, đất nước có nguy cơ trở thành đất nước cho thuê với triển vọng là bãi thải công nghiệp của các quốc gia khác (!) giữa lúc thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế trí thức !

150 năm đã trôi qua, nhưng bài học này còn nguyên vẹn. Đó là 80 năm nô lệ, 40 năm với 4 cuộc chiến tranh lớn (Pháp, Mỹ, Cam Bốt, Tàu) – trong đó 3 thế hệ liên tiếp gánh chịu những hy sinh khốc liệt, 43 năm xây dựng trong hòa bình với biết bao nhiêu lận đận, và hôm nay VN vẫn còn là một nước chậm tiến.

Thảm kịch của đảng cộng sản thực ra đã bắt đầu ngay từ ngày 30-4-1975. Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt.

“Tính hơn hẳn” của chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.Nhìn lại sau hơn nửa thế kỷ dưới chế độ CS, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra:

😥- Năm 1954 sau khi thắng Pháp, tại sao hơn 1 triệu người Bắc phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn di cư vào miền Nam ?

😥- Sau năm 1975, tại sao dân miền Nam không ồ ạt di cư ra Bắc sinh sống để được hưởng những thành quả của CNXH mà chỉ thấy hàng triệu người Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam lập nghiệp ?

😥_ Tại sao sau khi được “giải phóng” khỏi gông cùm của Mỹ-Ngụy, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông ?

😥_ Tại sao nhân viên trong các phái đoàn CS đi công tác thường hay trốn lại ở các nước tư bản dưới hình thức tị nạn chính trị ?

Tất cả những thành phần nêu trên, họ muốn trốn chạy cái gì ?

😮_ Tại sao đàn ông của các nước tư bản Châu á có thể đến VN để chọn vợ như người ta đi mua một món hàng ?

😲_ Tại sao Liên Xô và các nước Đông âu bị sụp đổ ?

😲_ Tại sao lại có sự cách biệt một trời một vực giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn ?

😯-Tại sao nước ta ngày nay phải quay trở lại với kinh tế thị trường, phải đi làm "lao công" cho các nước tư bản ?

😲_ Tại sao các lãnh tụ CS lại gởi con đi du học tại các nước tư bản thù nghịch ?

Hỏi tức là trả lời, người VN đã bỏ phiếu bằng chân từ bỏ một xã hội phi nhân tính. Mọi lý luận phản biện và tuyên truyền của nhà nước cộng sản đều trở thành vô nghĩa !

Sự thực đã quá hiển nhiên nhưng đảng cộng sản VN không thể công khai nhìn nhận.

😪Họ không thể nhìn nhận là đã hy sinh 4 triệu sinh mệnh trong một cuộc chiến cho một sai lầm ! Nếu thế thì họ không còn tư cách gì để nắm chính quyền, ngay cả để hiện diện trong sinh hoạt quốc gia một cách bình thường.

Để Nhìn nhận một sai lầm kinh khủng như vậy

-đòi hỏi một lòng yêu nước

-một tinh thần trách nhiệm

-và một sự lương thiện ở mức độ quá cao đối với những người lãnh đạo cộng sản.

Hơn nữa, họ đã được đào tạo để chỉ biết có bài bản cộng sản, bỏ chủ nghĩa này họ chỉ là những con số 0 về kiến thức.

Cũng phải nói là trong bản chất con người, ít ai chịu từ bỏ quyền lực khi đã nắm được.

Thế là sau cuộc cách mạng long trời lở đất với hơn 30 năm khói lửa, máu chảy thành sông, xương cao hơn núi, Cộng Sản Hà Nội lại phải đi theo những gì trước đây họ từng hô hào phá bỏ tiêu diệt.

Từ 3 dòng thác cách mạng chuyên chính vô sản, hy sinh hơn 4 triệu mạng người, đi lòng dòng gần nửa thế kỷ, Cộng Sản Hà Nội lại phải rập khuôn theo mô hình tư bản để tồn tại.

Hiện tượng “Mửa ra rồi nuốt lại” này là một cái tát vào mặt các nhà tuyên giáo trung ương CSVN.

Cách mạng cộng sản đã đưa ra những lí tưởng tuyệt vời nhất, cao cả nhất, đã thực hiện những hành động anh hùng vô song, đồng thời cũng gieo vào lòng người những ảo tưởng bền vững nhất.

Nhưng thực tế chuyên chính vô sản đã diễn ra vô cùng bạo liệt, tàn khốc, chà đạp man rợ lên đạo lý, văn hóa và quyền con người ở tất cả các nước cộng sản nắm chính quyền. Sự dã man quỷ quyệt mánh lới và sự bất nhân khéo che đậy của Cộng sản chưa hề thấy trong lịch sử loài người.

Con người có thể sống trong nghèo nàn, thiếu thốn. Nhưng người ta không thể sống mà không nghĩ, không nói lên ý nghĩ của mình. Không có gì đau khổ hơn là buộc phải im lăng, không có sự đàn áp nào dã man hơn việc bắt người ta phải từ bỏ các tư tưởng của mình và “nhai lại” suy nghĩ của kẻ khác.

Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối, những kẻ mù chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều …

Công dân của nhà nước cộng sản luôn luôn sợ hãi, luôn luôn lo lắng không biết mình có làm gì sai để khỏi phải chứng minh rằng mình không phải là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.

Cơ chế quyền lực cộng sản tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất. Vì vậy, công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.

Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là suy đồi đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống …

Bác và đảng đã gần hoàn thành việc Vô sản hóa và Lưu manh hóa con người VN.

-Vô sản lưu manh là lời của Lênin.

Vô sản chuyên chính (đảng viên) thì chuyển sang làm tư bản đỏ.

-còn vô sản bình thường (người dân) trở thành lưu manh do thất nghiệp, nghèo đói.

Nền kinh tế Việt Nam bây giờ chủ yếu là dựa trên:

- Việc vơ vét tài nguyên quốc gia.

- Bán rẻ sức lao động của công nhân và nông dân cho các tập đoàn kinh tế ngoại bang, vay nước ngoài do nhà nước CS làm trung gian.

Huyền thoại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp do cộng sản Việt Nam dày công dàn dựng đã tan thành mây khói khi giai cấp “vô sản” âm thầm lột xác trở thành các nhà Tư bản đỏ đầy quyền lực và đô la.

Do vậy, lý thuyết CS dần dần mất đi tính quyến rũ hoang dại. Nó trở nên trần trụi và lai căng. Tất cả điều đó đã làm cho các ĐCS trên toàn thế giới dần dần chết đi. Dù GDP có tăng lên, nhiều công trình lớn được khánh thành do vay mượn quỹ tiền tệ Quốc Tế nhưng đạo đức xã hội cạn dần. Thực tế cho thấy rằng sức mạnh không nằm ở cơ bắp. Vũ khí, cảnh sát và hơi cay chỉ là muỗi mòng giữa bầu trời rộng lớn nếu như lòng dân đã hết niềm tin vào chính quyền.

Học thuyết về xây dựng một xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ là một loại lý tưởng hóa, nó là chiếc bánh vẽ để lừa gạt dân, không hơn không kém; đảng nói một đằng, làm một nẻo.

Chẳng hạn đảng nói “xây dựng xã hội không có bóc lột” thì chính những đảng viên lại là những người trực tiếp tham nhũng bóc lột người.

-đảng nói ” một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản” thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng.

-đảng nói “đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất” nhưng thực tế thì đảng đầy rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ đục khoét tiền bạc của nhân dân.

Sở dĩ ĐCSVN còn cố giương cao ngọn cờ XHCN đã bị thiêu rụi ở tất cả các nước sản sinh ra nó vì chúng đang còn nhờ vào miếng võ độc “vô sản chuyên chính” là… còng số 8, nhà tù và họng súng để tồn tại !

Nhân dân đang hy vọng rằng Đảng sớm tự ý thức về tội lỗi tầy trời của mình. Đảng sẽ phải thẳng thắn sám hối từ trong sâu thẳm chứ không chỉ thay đổi bề ngoài rồi lại tiếp tục ngụy biện, chắp vá một cách trơ trẽn.

Người dân chẳng còn một tí ti lòng tin vào bất cứ trò ma giáo nào mà chính phủ bé, chính phủ lớn, chính phủ gần, chính phủ xa đưa ra nữa. Họ nhìn vào ngôi nhà to tướng của ông Chủ tịch xã, chú công an khu vực, bà Thẩm phán, ông Chánh án, bác Hải quan, chị Quản lý thị trường, kể cả các vị “đại biểu của dân” ở các cơ quan lập pháp “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà kết luận:

“Tất cả đều là lừa bịp!” Do đó XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử VN. Con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại nó như một thời kỳ… đồ đểu ! vết nhơ muôn đời của nhân loại.

Một thời kỳ mà tâm trạng của người dân được thi sĩ cách mạng Bùi Minh Quốc tóm tắt qua 2 vần thơ:

“Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa !

Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”

-Chẳng lẽ tuổi thanh xuân của bao người con nước Việt dâng hiến cho cách mạng để cuối cùng phải chấp nhận một kết quả thảm thương như thế hay sao ?

-Chẳng lẽ máu của bao nhiêu người đổ xuống, vàng bạc tài sản của bao nhiêu kẻ hảo tâm đóng góp để cuối cùng tạo dựng nên một chính thể đê tiện và phi nhân như vậy?

Tương lai nào sẽ dành cho dân tộc và đất nước Việt Nam nếu cái tốt phải nhường chỗ cho cái xấu?

Một xã hội mà cái xấu, cái ác nghênh ngang, công khai dương dương tự đắc trong khi cái tốt, cái thiện phải lẩn tránh, phải rút vào bóng tối thì dân tộc đó không thể có tương lai!

Một kết cục đau buồn và đổ vỡ là điều không tránh khỏi.

Châu Hiển Lý

Bộ đội tập kết 1954
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Cần bao nhiêu nến khi chầu Thánh Thể?
Nguyễn Trọng Đa
07:55 23/07/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Giáo xứ chúng con sẽ chầu Thánh Thể với thời gian dài ở một nhà nguyện trong một phần của phòng thánh lớn. Một nhà tạm đặc biệt có cửa đôi - cửa trong có chèn kính tròn, mà ở đó một Mình Thánh lớn có thể được nhìn thấy, trong khi cửa ngoài chắc chắn và có trang trí - đang được lắp đặt. Cha xứ nói rằng chỉ có một ngọn nến (giống như ngọn đèn nhà tạm trong nhà thờ chính) sẽ được thắp sáng, khi cánh cửa ngoài được mở và Mình Thánh Chúa được trưng ra. Thưa cha, liệu thủ tục này là thích hợp cho một thiết lập như vậy không? - T. P., New Jersey, Hoa Kỳ.


Đáp: Tôi sẽ nói rằng đây không phải là trường hợp đúng. Các quy chế chính yếu cho việc chầu Thánh Thể được tìm thấy trong tài liệu năm 1973 “Rites for Holy Communion and Worship of the Eucharist Outside Mass” (Nghi thức Rước lễ và chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ.)

Trước hết, cần có một sự phân biệt. Có hai loại chầu Thánh Thể: đơn giản và trọng thể.

Việc chầu Thánh Thể đơn giản là với hộp đựng Mình Thánh (pyx) đóng kín, hoặc Bình thánh (ciborium), và có vài yêu cầu nghi thức.

Việc chầu Thánh Thể trọng thể là khi Mình Thánh được nhìn thấy rõ ràng. Thời gian chầu có thể là ngắn hay dài, tùy vào việc liệu Mình Thánh được trưng trong khoảng thời gian tương đối ngắn trong 20 phút, hoặc hai giờ, hoặc kéo dài nhiều giờ trong ngày, hoặc kéo dài nhiều ngày hoặc vài tuần lễ.

Không có sự khác biệt cho dù Mình Thánh được đặt trong mặt nhật trên bàn thờ, hoặc trong một nhà tạm an toàn như được mô tả ở trên; đây luôn là một trường hợp chầu Thánh Thể trọng thể và phải tuân theo các quy chế cho hình thức này.

Các quy chế chính yếu liên quan đến câu hỏi là như sau:

“85. Khi chầu Thánh Thể được đặt trong mặt nhật, cần 4-6 cây nến được thắp sáng như trong Thánh lễ, và hương trầm được sử dụng. Còn khi chầu Thánh Thể được đặt trong Bình thánh, ít nhất hai cây nến được thắp sáng, và hương trầm có thể được sử dụng.

“88. Trường hợp giờ chầu không thể không bị gián đoạn vì không có đủ số người đến chầu, được phép cất Mình Thánh vào nhà tạm, vào giờ quy định được công bố trước. Nhưng việc này không được thực hiện quá hai lần một ngày, thí dụ, vào giữa trưa và đêm.

“Hình thức sau đây cho giờ chầu đơn giản có thể được thực hiện bởi linh mục hoặc phó tế, mặc áo choàng, hoặc áo các phép bên ngoài áo dòng, với dây các phép, đặt lại Mình Thánh vào nhà tạm, sau một thời gian ngắn chầu và câu nguyện cùng với các người hiện diện. Việc chầu Thánh Thể có thể diễn ra lần nữa, theo cùng một cách thức và theo lịch trình.

“Thời gian chầu ngắn

“89. Các lần chầu Thánh Thể thời gian ngắn cần được sắp xếp như thế nào, để cho việc ban phép lành với Mình Thánh đi sau một thời gian hợp lý cho việc đọc lời Chúa, ca hát, lời cầu nguyện và một khoảng thời gian cầu nguyện thinh lặng.

“Cấm việc trưng Mình Thánh chỉ với mục đích ban phép lành.

“III. Thừa tác viên của chầu Thánh Thể

“91. Thừa tác viên thông thường cho việc chầu Thánh Thể là một linh mục hoặc phó tế. Vào cuối thời kỳ chầu, trước khi cất Mình Thánh, ngài ban phép lành với Mình Thánh.

“Trong trường hợp không có linh mục hoặc phó tế, hoặc nếu họ bị cản trở một cách hợp pháp, các người sau đây có thể công khai trưng và cất Mình Thánh cho tín hữu chầu:

“a. một thầy giúp lễ hoặc một thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ;

“b. Theo chỉ định của Đấng Bản quyền địa phương, một thành viên của một Dòng tu hội, hoặc của một hiệp hội giáo dân đạo đức, vốn tận hiến cho việc chầu Thánh Thể.

“Các thừa tác viên này có thể mở cửa nhà tạm, và nếu cần, đặt Bình thánh lên bàn thờ hoặc đặt Mình Thánh vào Mặt nhật. Cuối giờ chầu, họ đặt Mình Thánh vào nhà tạm. Tuy nhiên, họ không được phép ban phép lành với Mình Thánh.”

Trong ánh sáng các điều trên đây, chúng ta có thể nói rằng trong lần đầu tiên Mình Thánh được trưng ban ngày, cần xông hương cho Mình Thánh, và nếu có thể mọi người hát vào lúc này. Quy chế này vẫn còn hiệu lực ngay cả khi việc trưng Mình Thánh chỉ đòi hỏi mở cửa ngoài của nhà tạm.

Một ngoại lệ cho quy chế này là trường hợp, khi việc chầu Thánh Thề vĩnh viễn bị ngưng ban đêm do phải cất Mình Thánh, và được trưng lại vào sáng hôm sau. Như chúng ta đã thấy, các quy chế cho phép chầu liên tục hai giờ trong bất cứ ngày nào.

Vì chúng ta đang nói đến việc chầu Thánh Thể trọng thể, quy chế đòi hỏi thắp ít nhất bốn cây nến trong khả năng thắp sáu cây nến. Do đó, việc sử dụng chỉ một ngọn đèn nhà tạm là không đủ. (Zenit.org 23-7-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/candles-at-adoration/
 
Văn Hóa
Miếng trầu là đầu câu chuyện
BS Nguyễn Ý Đức
08:57 23/07/2019
“Ăn trầu thì mở trầu ra

Một là thuốc độc, hai là mặn vôi”

Đó là đức tính thận trọng của các cụ ta với tập tục bỏm bẻm nhai trầu.

Theo truyền thuyết, tục ăn trầu đã đến với dân gian ta từ thời vua Hùng dựng nước, kể lại qua một câu chuyện tình với kết cục không vui của đôi anh em huyết mạch và cô thôn nữ hiền lành.

Tại một thôn nọ, có hai anh em sinh đôi tên là Tân và Lang. Họ giống nhau như đúc và cùng cực thương yêu nhau.

Trong thôn, có một thiếu nữ rất nhan sắc và dịu hiền.Cả Tân lẫn Lang đều si mê nàng. Vì là vai trên ưu tiên có vợ cho nên Tân được cưới nàng. Họ ăn ở thuận hòa với nhau.

Một hôm, người vợ giao tình với Lang vì lầm tưởng là chồng.

Hối hận, Lang bỏ đi xa và giã biệt cõi đời bên một dòng sông. Từ chỗ đó mọc lên một cây cau cao vút với trái hình quả tim.

Thương nhớ em, Tân đi tìm. Số phận đưa tới bờ sông, buồn khóc thảm thiết tới chết. Xương thịt tan dần và tụ thành một tảng đá vôi.

Đến lượt người vợ thương nhớ chồng và em, đi tìm. Lại một sự tình cờ, nàng tới bờ sông, ngồi trên tảng đá, dựa lưng vào cây cau. Rồi chết…Và một giây trầu từ đá mọc lên quấn quýt lấy thân cau…

Một thắm thiết muộn màng, nhưng từ đây mãi mãi bên nhau. Với “Trầu xanh, vôi đỏ, cau vàng” .

Người được mời trầu, trước khi ăn đều mở ra coi. Xem vôi nồng nhiều ít. Còn thuốc độc thì có lẽ cũng chỉ nói cho vui, chứ ngày xưa đâu đến nỗi thù đậm mà “te ro rít” nhau như vây.

Với tổ tiên ta, miếng trầu đã trở thành một nghi lễ thân mật để mở đầu một giao tế, một dịch vụ. “ Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Vào yết kiến “quan chức nhà nước” mà không có mâm trầu kèm theo vài hộp bích quy chứa vàng khối là coi như công việc “sôi hỏng bỏng không”.

Cưới hỏi là phải có cơi trầu, buồng cau. Nhà trai quan sát tính nết cô dâu tương lai qua cách thức têm trầu, rót nước mà quyết định hôn nhân. Miếng trầu têm không gọn là người không khéo tay; miếng cau to hơn miếng trầu là kém căn cơ làm ăn; vôi nhiều là không biết lo xa. Giả như ngày nay mà các cụ kén vợ theo kiểu này thì khối anh ế và cũng nhiều nàng tiếp tục phòng không.

Trầu cau cũng là một ràng buộc đáng yêu giữa

“Đôi ta sang một con đò;

Nhìn quanh vắng khách trao cho miếng trầu”.

Thế là từ nay là của nhau rồi đấy nhé.

Ảnh hưởng lên sức khỏe

Các cụ ăn trầu với một ý niệm giản dị làm cho sạch miệng, chắc răng, đỏ môi và ăn ngon miệng.

Trầu cũng có nhiều công dụng trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian.

Lá hơ nóng, đắp lên rốn để trị đau bụng, no hơi, ợ chua và sôi bụng.

Vò nát lá, bọc trong túi vải, nhúng nước sôi rất tốt trong việc đánh gió trừ cảm mạo, ho thời tiết.

Nấu lá làm nước tắm để trị ghẻ ngứa, rôm sẩy cũng là môn thuốc cổ truyền của nhiều mẹ già Bắc Việt.

Nước lá trầu ngậm trong miệng có thể làm giảm nguy cơ viêm răng lợi, nhờ hóa chất polyphenol tiêu diệt được vi khuẩn.

Y học Ấn Độ coi trầu có tác dụng trợ tim, lợi tiểu và hơi có công dụng kích dục, gây hưng phấn cũng như gây nghiền.

Trầu là phải có Cau.

Cau có vài chất tannin và alkaloid. Theo kinh nghiệm Đông y, cau có tính chất thông đại trường, hạ khí, được các cụ dùng để trị chướng khí, tả hạ, sát trùng. Hạt cau được cho uống để trừ giun sán vì hóa chất trong hạt làm tê liệt hệ thần kinh các ký sinh trùng.Vỏ cau lợi tiểu dùng để trị thủy thũng.

Nhai trầu cần kèm thêm miếng vỏ cây đay, mang vị chan chát hòa nhập với một chút vôi tôi để lâu hơi nồng. Sự phối hợp mang lại bài thuốc trị liệu giản dị nhưng hiệu nghiệm. Nhiều người ngoại quốc tới Việt Nam thuở xưa đều ngạc nhiên thấy các bà mẹ quê của chúng ta rất ít bị hư răng. Nhờ các bà mẹ luôn luôn nhai trầu. Như bầy trẻ nhai suynh gôm bây giờ.

Nhưng ăn trầu cũng có vài rủi ro.

Nhiều vôi có thể làm niêm mạc miệng phỏng; nước trầu nồng khiến vị giác kém tinh vi không phân biệt được hương vị thực phẩm; tuyến nước miếng, niêm mạc miệng và cuống họng bị kích thích và có thể gây ung thư.

Vấn đề ung thư mới đây đã được xác định.

Tháng 8-2003, giới chức Y tế Liên Hiệp Quốc đã công bố kết quả một nghiên cứu về tục ăn trầu này. Theo đó, ăn trầu vẫn rất thịnh hành ờ các quốc gia Đông Nam Á Châu, dân tỵ nạn tại Anh, Bắc Mỹ và Úc Châu. Điểm đặc biệt là giới trẻ lại cũng bắt đầu nhai trầu. Lý do được họ nêu ra là để giúp tập trung, giảm buồn chán vô công rồi nghề, giảm cảm giác đói, thích vị cay cay của trầu, làm hơi thở thơm hơn, có vẻ trưởng thành. Theo WHO, tại các quốc gia Đông Nam Á, nhai trầu cau là thói quen đứng hàng thứ tư sau thuốc lá, rượu và caffeine.

Kết quả nghiên cứu xác định là ăn trầu với cau đưa tới ung thư miệng, cuống họng. Cũng theo báo cáo, mỗi năm trên thế giới có 390.000 trường hợp ung thư miệng thì 228.000 xẩy ra ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, ăn xong miếng trầu, không có ống phóng, các bà mẹ chất phác của ta rất vô tư-tự nhiên, quay ra nhổ đánh toẹt một bãi quết trầu xuống nền nhà trơn bóng.

Vừa mất thẩm mỹ vừa gây khó chịu cho khách bàng quan.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bông SúngTrắng
Thérésa Nguyễn
11:02 23/07/2019
BÔNG SÚNG TRẮNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Sáng nay hoa nở ao nhà
Một bông súng trắng thật là bình an
(tn)
 
VietCatholic TV
Sức mạnh của Lòng Thương Xót: Tay giang hồ hè phố Paris, thù cha hận mẹ, trở thành tông đồ giáo dân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:32 23/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 18 tháng Bẩy, tờ Aleteia có một phóng sự rất thú vị về tác động diệu kỳ của Lòng Thương Xót. Một người muốn giết cha, và là một tay anh chị ngang tàng trên đường phố Paris đã được biến đổi hoàn toàn thành một tông đồ giáo dân của tổng giáo phận Paris.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý.

Nhân vật chính trong câu chuyện này là Tim Guénard. Kể lại chuyện đời mình, Tim nói:

Tôi bị gãy hết 27 cái xương, 4 cái là do bị cha tôi đánh. 23 cái còn lại là do tôi thêm vào qua những trận quyền anh, những vụ đánh nhau trên hè phố và những ngu xuẩn trong cuộc đời.

Mẹ của Tim Guénard đã bỏ rơi anh khi anh chỉ mới hai tuổi. Cha anh, một người nghiện rượu, thường nổi nóng mất tự chế và đánh anh.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi anh được chuyển đến một viện dục anh.

“Tiếp xúc đầu tiên của tôi với một nhà giáo dục là với một người đã nhìn vào hồ sơ của tôi và nói: ‘Chúng ta sẽ làm gì với đứa trẻ này? Cha nào thì con nấy thôi’”

“Những lời này còn tàn bạo hơn những trận đòn của cha tôi.”

Tim đã trốn thoát khỏi viện dục anh và đi bộ suốt 3,100 dặm tức là 4,989 cây số để đến Paris, Kinh Thành Ánh Sáng. Anh ta sống trên hè phố và trở thành một tay anh chị nhỏ tuổi, vào tù ra khám thường xuyên.

Ao ước lớn nhất của Tim là giết được cha mình.

Hận thù chồng chất trong tim anh.

“Tôi tự nói với mình: ‘Tôi sẽ không bao giờ quên và tôi sẽ không bao giờ tha thứ’. Giao tiếp của tôi với người khác thông thường là qua những cuộc đánh nhau, hoạt động, quyền anh, và bạo lực. Nỗi lần đánh nhau tôi tưởng tượng ra người đối diện là cha mình. Vì thế mà tôi thắng. Bởi vì bạo lực của tôi được nhân lên nhiều lần”

Trên hè phố Paris, anh gặp được một người dạy anh ta đọc, thì cũng gặp được một người dạy anh ta ăn cắp và lợi dụng anh ta.

Cuộc sống của Tim dường như là một thất bại hoàn toàn, cho đến khi anh gặp một người nhìn anh với một ánh mắt thương cảm.

Một nữ thẩm phán đề nghị cho anh một cơ hội chuộc lỗi.

“Bà là người đầu tiên thực sự nghĩ đến tôi. Bà nhìn hồ sơ của tôi và tôi thấy mắt bà thay đổi khi bà duyệt qua hồ sơ của tôi. Bà khóc và sau khi lau khô những giọt lệ, bà nói với tôi: ‘anh bạn trẻ, anh muốn gì’ và tôi nói ‘hãy cho tôi một cơ hội, bất kể là gì, tôi sẽ thành công vì bà’

Ngày nay tôi là một người thợ làm đồ gốm, đó là nhờ bà.

Khi tôi thấy một người mang tâm trạng u uất, tôi thấy họ như một tảng đá. Tôi tự nhủ lòng: “Họ có thể trở nên đẹp đẽ. Hãy nói với mình rằng bạn là một kỳ công tuyệt tác của Xếp Lớn, một kỳ công. Bạn không phải là hàng nhái.

Điều đã làm thay đổi đời tôi là cuộc gặp gỡ với một người khuyết tật. Anh Vianney nắm lấy tay tôi và nói với tôi như thể muốn chia sẻ một bí mật của tình yêu. Anh ta bảo tôi: ‘Tôi không thích khi thấy anh đánh người.’ Vianney là người đầu tiên thuần hóa bạo lực của tôi.

Nếu tôi được biết đến Chúa Giêsu, đó là nhờ một cậu bé như anh ta. Anh ta hỏi tôi: ‘Anh có muốn đi gặp Chúa Giêsu với tôi không?’ Tôi trả lời ngay ‘Đi chứ’. Tại sao? Vì tôi tưởng là chúng tôi sẽ đi gặp ai đó từ Bồ Đào Nha.

Tôi từng có một người bạn tên là Giêsu, là một người thợ nề người Bồ Đào Nha và những người khuyết tật thường nói với tôi vê Chúa Giêsu như một người bạn. Đó là tình cờ dẫn dắt tôi đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.”

Với sự giúp đỡ của một linh mục, Tim được giải thoát khỏi sức nặng của bạo lực, anh tha thứ cho chính mình, và anh học được cách yêu. Ông kết hôn với Martine và trở thành cha của bốn đứa trẻ. Anh cũng tha thứ cho chính cha mình.

“Hôm nay, tôi nói rằng Chúa đã không phạm sai lầm. Tại sao? Bởi vì tôi là một người đàn ông hạnh phúc,” anh nói.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúng ta đều là những kẻ tội lỗi và đã được Chúa thứ tha. Cầu mong chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ và vươn tay ra với tha nhân để trở thành máng chuyển Lòng Thương Xót Chúa.