Ngày 25-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:13 25/07/2018
. VẤN ĐÁP ĐỂ Ở NHỜ
Có một tú tài đi đến một căn hộ bên đường để xin ở nhờ, mà nhà ấy chỉ có một nữ nhân, cô ta đứng dựa cửa nói:
- “Trong nhà tôi không có người”.
Tú tài hỏi:
- “Cô không phải là người sao ?”
Nữ nhân nói:
- “Trong nhà tôi không có đàn ông”.
Tú tài hỏi:
- “Tôi không phải là đàn ông sao ?”
(Tiếu niệm lục)

Suy tư 90:
Người tế nhị là người chỉ nghe một lời nói hay một hành động khác thường của người đối diện là biết cách rút lui hay tiến tới, chứ không cần phải hỏi cho cặn kẻ...
Sự tế nhị trong giao tiếp hằng ngày rất quan trọng, vì nó có thể làm cho chúng ta thêm bạn bớt thù, hoặc làm cho người khác nể phục ta hơn.
Có một vài linh mục thường không tế nhị khi trò chuyện với giáo dân của mình, các ngài cứ oang oang hỏi vấn đề gia đình của một giáo dân nào đó trước mặt mọi người, mà không nhìn thấy khuôn mặt đang nhăn nhó của họ; các ngài –đôi lúc- vì quá lo lắng cho phần hồn của con chiên bổn đạo mà không thấy bổn đạo đang bực mình vì ông cha sở cứ đem chuyện thằng con hay uống rượu, đứa con gái đi bán cà phê ôm của mình ra mà “hỏi” giữa đám đông giáo dân...
Ai cũng cảm động khi có người quan tâm đến mình, nhất là người ấy chính là cha sở của mình, nhưng quan tâm mà không tế nhị thì làm cho người được quan tâm bực mình và có khi phản tác dụng: họ sẽ không đi lễ nữa, vì cứ sợ cha sở hỏi chuyện riêng tư của gia đình trước mặt mọi người; hoặc khi đi lễ thì ngồi tuốt ghế đằng sau vì sợ ông cha sở mỗi lần giảng là cứ hỏi giáo dân giữa nhà thờ về giáo lý hoặc kinh thánh, mà có khi họ không biết không thuộc...
Tế nhị trong giao tiếp rất cần thiết, nhưng tế nhị trong giảng dạy thì càng cần thiết hơn, vì chúng ta đang xây dựng niềm tin với những người chung quanh ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:16 25/07/2018

38. Con người một khi đã lãnh đạm thì một chút khổ họ cũng sợ hãi, an ủi từ bên ngoài đến thì họ nhất định cam tâm tiếp nhận.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tù nhân trong Chúa
Lm Vũdình Tường
19:16 25/07/2018
Trung tâm cải huấn dành riêng cho những người phạm luật tại quốc gia họ đang cư ngụ hay tạm trú. Bởi luật lệ nước này khác nước kia nên ranh giới đóng vai trò quan trọng. Cùng sự việc xảy ra có thể là sai luật nơi này nhưng đúng luật nơi khác. Cải huấn với mục đích thay tâm đổi tính con người. Thực tế cho thấy bề ngoài có thay đổi bởi họ phải tuân thủ luật lệ nơi họ đang sống, còn tâm tính bên trong có đổi thay hay không thì khó chứng minh.

Tù nhân trong Đức Kitô hoàn toàn do tình nguyện và xuất phát do lòng mến. Chính cá nhân người đó tự nguyện phục vụ Đức Kitô và họ hoàn toàn tự do đi lại, phục vụ để đem tình yêu Chúa đến cho tha nhân, làm cho tình yêu Chúa trở nên thiết thực, ích lợi cho con người. Phục vụ trong Đức Kitô là biến khả năng, tài trí của mình thành khí cụ mang lại lợi ích cho người khác. Chính điều này làm cho chúng ta trở thành giá trị trước mặt Chúa. Chúng ta có giá trị không phải do tài năng, của cải, địa vị mà chính là phục vụ tha nhân và Thiên Chúa làm cho việc hy sinh phục vụ của ta trở thành giá trị. Người trong trại cải huấn sợ bị phạt, roi đòn, bỏ đói, người phục vụ Đức Kitô sợ không đem hết khả năng ra phục vụ và không khiêm nhường, nhã nhặn, ôn hoà đủ trong khi phục vụ. Thư thánh Phaolô gởi cho tín hữu Ephêsô 4,1-6 nhắc nhở Kitô hữu phục vụ không phải trong một thời gian nào đó mà phục vụ suốt đời bởi đó chính là ơn gọi của ta. Ơn gọi của ta là mến Chúa và yêu tha nhân, biến tình yêu Chúa thành hành động cụ thể. Phục vụ cần có tâm tình chịu đựng lẫn nhau, ôn hoà, nhẫn nại. Những điều này thể hiện tâm tình phục vụ đến từ tấm lòng, do tự nguyện và làm với lòng yêu mến. Bản chất của khiêm nhường là không mong được tâng bốc, đề cao, khen ngợi bởi đi tìm chúng là làm biến thể trái nghịch của khiêm nhường. Được người khác khen ngợi, ca tụng, khuyến khích là điều tốt nhưng vận động, tìm kiếm để có chúng là điều xấu. Phục vụ chân chính vui khi thấy người mình phục vụ vui, chia sẻ niềm vui đó và đó là món quà dành cho người phục vụ, chia sẻ nỗi đau, niềm vui của mọi người.

Có nhiều cách liên kết với Đức Kitô. Phục vụ chính là tiếp tục công việc Đức Kitô đã làm khi Ngài sống nơi dương thế. Mọi người đều là con cái Chúa, kết hợp với thân thể Đức Kitô, Ngài là đầu và chúng ta là chi thể. Chính sự liên kết này mà tình yêu và ân sủng Chúa tràn vào lòng ta, ban sức mạnh, ơn khôn ngoan giúp ta hăng say phục vụ anh chị em khác để họ cùng chung hưởng vinh quang Thiên Chúa, anh chị em trong đại gia đình Chúa, cùng thừa hưởng gia nghiệp Đức Kitô mang lại qua thập giá, đau khổ và Phục Sinh vinh quang của Người.

Cách thứ hai liên kết với Đức Kitô qua niềm tin, cùng một niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh và thực thi giáo huấn Ngài: mến Chúa yêu tha nhân. Cách thứ ba liên kết với Đức Kitô qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, món quà Đức Kitô trao ban sau khi về trời. Khi nghe theo hướng dẫn của Thánh Thần chúng ta được tự do hành động mà không sợ vấp phải sai trái, lỗi lầm bởi Thánh Thần Chúa hướng dẫn việc làm của ta. Thánh Thần giúp chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa; Thánh Thần giúp ta chấp nhận anh chị em khác; Thánh Thần ban sức mạnh giúp ta sống khiêm nhường, nhã nhặn, kiên nhẫn vượt qua gian nan thử thách. Thánh Thần hướng dẫn cho ta nhận biết mọi sự ta có đều do Chúa ban. Đời ta hướng về không gì khác hơn là Thiên Chúa, danh dự và mọi điều tốt lành đều hướng về Chúa và đó là mục đích cuối cùng của đời người.

Phục vụ anh chị em chính là làm cho món quà Chúa trao trong ta trở nên sinh động, hữu ích cho tha nhân, quà đó trở nên thực tiễn hơn và cần thiết, làm cho gánh đời nhẹ hơn. Đức Kitô cũng làm công việc xoa dịu đau khổ, đói khát cho đám đông khi họ đi theo Ngài nghe giảng. Các môn đệ không có cách nào giúp đám đông và cũng không có khả năng giúp, ngoại trừ nghe theo hướng dẫn của Đức Kitô. Các ông cũng không thể biết được Đức Kitô có thể dùng ít thực phẩm nhỏ nhoi của em bé để nuôi năm ngàn người. Điều Ngài làm hoàn toàn trái với luật tự nhiên là hoá ít thành nhiều, năm tấm bánh và hai con cá biến thành dư thừa của ăn cho năm ngàn người. Điều này cho các môn đệ biết Đức Kitô có khả năng làm những việc ngoài sức tưởng của các ông. Chỉ cần lắng nghe lời Ngài mọi sự khác Ngài ban cho. Ngài biến thất bại của các ông thành kết quả lớn lao; thiếu thốn thành dư thừa; yếu đuối thành sức mạnh; khó khăn thành thuận lợi; giới hạn thành vô hạn. Thiên Chúa biến chút tài mọn phục vụ của ta thành vĩ đại; lòng thành của ta sưởi ấm lòng tha nhân và lòng mến thành con tim yêu mến nồng nàn nơi người khác. Khiêm nhường và nhã nhặn phục vụ mang niềm vui vô hạn cho tha nhân.

TiengChuong.org

A prisoner for the Lord

Correctional services aim to reform deviational behaviours of a prisoner. The reform takes place in the form of restriction of movements. At an institution there are set times for inmates such as time to wake up, do washing and exercise and feed and bed time. Inmates respond to the bell of the changes and act accordingly and learn the routine of life. There are signs of good performance but not sure of significant change made from the inside, the inner life of mind and heart of a person.

Prisoner for the Lord doesn't mean that one is being confined in an established institution. It means that one volunteers to do it for the Lord, putting faith and love in actions for Jesus. There are no wardens to observe one's behaviours but rather volunteering to correct oneself, not by fear of the laws, but by the fear of not loving God enough.

According to St Paul to the Ephesians 4,1-6; a prisoner for the Lord doesn't do it for a short period of time but it is a lifetime of faithful commitment. It is our vocation to love God and love our neighbour. Christians are called to live a life of worthiness. It doesn't mean that we are worthy before the Lord but rather God calls us and makes us worthy by the love of God. When we

Bear with one another charitably, in complete selflessness, gentleness and patience.

They are used in the service of God and God will make us worthy and precious. We are called to unite into the Body of Christ and through Christ, God's love and grace will flow into our lives and make us worthy before the Lord. We attain the divine life, to be brothers and sisters in Christ and heirs of the kingdom, and that we will inherit all what Christ has gained for us through his passion and triumph resurrection.

We are united in faith Jesus offered. We are united in the service we have for one another and we are united in the Spirit. When we follow the guidance of God's Spirit we are certainly free from all deviational behaviours because the Spirit of God set us free. The Spirit helps us to call God our Father and the Spirit empowers us to bear with one another. The Spirit makes us gentle, patient and humble. The Spirit helps us to realize that everything we have comes from God. Our life is oriented on oneself no more but God alone who is the source of our wisdom, strength and goal in life.

To serve another means to put God's gifts given to us into actions, to make God's love real and relevant to the life of the people. In the Gospel Jesus revealed his power over the natural laws by feeding the five thousand from barely five loaves and two fish. The apostles had nothing to do with it except to follow Jesus' instructions. They couldn't see how the child's lunch could be of help. By feeding the crowd Jesus let them know that God had the power to magnify our little contribution, weakness to be massive and strong. The feeding showed that Jesus is able to provide even when our resources are limited. God can make our humble and gentle service to be great for others.
 
Điều không thể thành điều có thể
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:40 25/07/2018
Điều không thể thành điều có thể (CN 17 QN B: 2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15)

Trong suốt cuộc đời rao giảng của mình, Chúa Giêsu đã thực hiện rất nhiều kỳ diệu cả thể khiến những ai chứng kiến không thể nào quên. Trong số đó, phép lạ hóa bánh ra nhiều là biến cố được cộng đoàn tín hữu sơ khai nhớ đến cách đặc biệt nhất. Đây là phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện bên kia biển hồ Galiêa khi rất đông dân chúng đến với Người để nghe giảng, họ không có gì ăn, nhưng lại ở trong một nơi hoang vắng. Đây cũng là câu chuyện duy nhất được tất cả bốn Tin Mừng thuật lại.

1- Hơn cả một phép lạ
Bài Tin Mừng hôm nay là trình thuật của thánh Gioan (Ga 6,1-6). Nội dung trình thuật này chứa đựng nhiều ý nghĩa rất phong phú. Theo cách nhìn riêng, thánh Gioan không gọi đây là một “phép lạ” nhưng đúng hơn là một “dấu chỉ.” Bởi lẽ, phép lạ thường được hiểu là những gì được xảy ra một cách ngoại thường, vượt ra khỏi định luật tự nhiên, do một bàn tay nào đó tác động. Chẳng hạn, một người leo lên nhà cao tầng, rồi nhảy xuống, đến mức nào đó, anh dừng lại trong không gian. Người ta gọi đó là phép lạ! Nó đi ngược với luật tự nhiên là phải rơi xuống đất. Hay một ai đó bị bệnh ung thư, không thể nào chữa khỏi, nhưng nhờ cầu nguyện, người đó được ơn chữa lành và sống thêm được một dài. Đó là phép lạ!
Nhưng theo cách nhìn của thánh Gioan, những việc kỳ điệu do Chúa Giêsu thực hiện là những “dấu chỉ” của Thiên Chúa. Vì dấu chỉ hướng chúng ta tới khám phá những ý nghĩa và thực tại bên trong mà những sự kiện xảy ra bên ngoài mách bảo. Đó là lý do tại sao thánh Gioan mời gọi chúng ta không có dừng lại ở những sự kiện bên ngoài được kể, nhưng cần khám phá ý nghĩa bên trong, sâu hơn của nó từ viễn tượng đức tin.
Trong trình thuật này, Chúa Giêsu là trung tâm điểm của câu chuyện. Trước một hoàn cảnh người thì đông, thức ăn không có, chợ thì xa, các môn đệ lo lắng: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn? Không ai chạy đến xin Chúa Giêsu can thiệp. Nhưng chính Người đi bước trước, Người thấy dân chúng đang chịu đói khát, nên Người đề nghị các môn đệ phải chăm sóc họ. Điều rất thú vị ở đây khi biết rằng Chúa Giêsu không chỉ nuôi dưỡng dân chúng bằng Lời, Tin Mừng của Thiên Chúa, nhưng Người còn quan tâm đến cả cái đói, cái khát mà con cái Thiên Chúa đang trải qua.
Trước một đám đông khoảng năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con, các môn đệ thắc mắc. Trong nơi hoang vắng, làm sao kiếm thức ăn mà nuôi chừng đó người được? Philiphê nói: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút.” Các môn đệ không tìm ra giải pháp, bởi vì họ không có đủ tiền. Ông Anrê nghĩ rằng họ có thể chia sẻ với nhau khi nói: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người.”

2- Chúa không làm gì một mình
Một em bé vô danh không rõ lai lịch đang đóng góp phần mình vào một điều có thể mà xem ra như không thể. Sự sẵn sàng chia sẻ những gì mình có với người khác của em bé là giải pháp để có thức ăn cho đám đông.
Đối với Chúa Giêsu như thế là đủ rồi. Chúa Giêsu sẽ làm điều còn lại. Chúa Giêsu cầm lấy bánh và cá của em bé, rồi tạ ơn Thiên Chúa, và bắt đầu phân phát cho họ ăn, ai cũng được no nên. Ở đây, Chúa Giêsu không muốn làm gì một mình dẫu Người có thể làm được. Người muốn con người cộng tác để thực hiện điều xem ra không thể trở thành có thể. Sự đóng góp của em bé trở thành điều kiện để phép lạ được xảy ra.
Một cảnh tượng thật ý nghĩa. Đám đông đang ngồi trên thảm cỏ xanh và chia sẻ một bữa ăn không có rượu cũng không có thịt, nhưng đầy ắp tình huynh đệ, chỉ là những thức ăn đơn giản của dân làng sống xung quanh biển hồ Galiêa: đó là thứ bánh từ lúa mạch và cá muối; một bữa ăn huynh đệ mà Chúa Giêsu dọn ra cho mọi người, nhờ sự đóng góp quảng đại của em bé.
Sự quảng đại của em bé là lý tưởng mời gọi mọi tín hữu phải noi gương bắt chước. Bởi thế, ngay từ lúc ban đầu Giáo Hội, các tín hữu coi những gì mình có là của chung và mỗi người là anh chị em. Đây là mô hình lý tưởng của một xã hội mới do Chúa Giêsu thiết lập để xây dựng một nhân loại mới mà trong đó con người đối xử với nhau với tình tương thân tương ái, chia sẻ và đoàn kết.
Đồng thời qua dấu chỉ bữa ăn này, thánh Gioan ám chỉ về bí tích Thánh Thể mà người kitô hữu cử hành trong ngày của Đức Chúa. Nơi đó, chính Chúa Giêsu đi bước trước và chuẩn bị cho dân Chúa một bữa tiệc để nuôi dưỡng chúng ta nhờ Thần Khí và sức mạnh của Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống đến từ Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa; nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được trở nên một với nhau là Nhiệm Thể Chúa Kitô như thánh Phaolô nói trong bài đọc II: “Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người” (Ep 4,5-6).

3- Cần sự đóng góp của chúng ta
Nhưng chúng ta không bao giờ quên sự đóng góp của em bé. Sự đóng góp của mỗi người nhiều lúc nhỏ bé, nhưng với ơn Chúa đã làm nên điều kỳ diệu trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này khi quan sát những sự kiện xảy ra xung quanh chúng ta: chẳng hạn từ những đợt bão lụt xảy ra ở Miền Trung Việt Nam, có nhiều người không còn nhà cửa, mất hết của cải. Nhưng nhờ tinh thần tương thân tương ái của người Việt trong và ngoài nước giúp đỡ mỗi người một chút, nhiều ngôi nhà được xây dựng lại, nhiều người có đủ cơm ăn áo mặc... đó là phép lạ của sự đoàn kết!
Liên quan đến điều kỳ diệu này, cha Anthony de Mello kể câu chuyện về nồi cháo kỳ diệu: “Một ngày nọ, có một vị thiền sư tới một ngôi làng quê nghèo khổ, ai cũng không có gì ăn. Ông liền lấy một cái nồi, rồi đưa ra giữa ngã ba đường, múc nước, nhặt một hòn đá bỏ vào nồi và bắt đầu nấu. Ông vừa nấu vừa thiền. Thỉnh thoảng ông cúi xuống nếm thử và nói: “Giá mà có thêm ít gạo nữa thì ngon biết mấy.” Thế là có người dân làng mang đến cho ông một bịch gạo, ông đổ vào và tiếp tục nấu. Một lúc, ông lại nói: “Giá mà có thêm ít thịt nữa thì ngon biết mấy.” Thế là có một cụ bà đưa đến mấy con gà. Ông làm thịt và cho vào nồi, tiếp tục nấu. Sau đó, ông lại nếm và nói: “Giá mà có thêm ít rau, ít củ hành, củ tỏi, và ít gia vị nữa... thì ngon biết mấy.” Những người xung quang mang đến cho ông tất cả những thứ đó, ông nấu. Sau khi cháo chín, ông mời mọi người trong làng đến ăn. Ai cũng được ăn cháo gà no nê. Đó là phép lạ của sự chia sẻ.
Nếu trong thế giới này còn sự đói khát, đó không phải do thiếu thực phẩm, nhưng là do thiếu sự đoàn kết và tình tương thân tương ái. Của ăn luôn có đủ cho mọi người; nhưng sự quảng đại chia sẻ thì đang thiếu. Nhiều người hôm nay phải chết vì đói, vì khát chỉ vì sự vô cảm và ích kỷ của chúng ta. Nên thông điệp mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé của mình để cho những gì xem ra như không thể lại trở thành có thể một cách bất ngờ! Amen!

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Massachusetts thông qua luật phá thai “NASTY Woman.”
Giuse Thẩm Nguyễn
17:31 25/07/2018


Những nhà lập pháp của tiểu bang Massachusetts đã thông qua một luật mới để bảo đảm rằng việc phá thai vẫn tiếp tục hợp pháp tại tiểu bang này nếu Tối Cao Pháp Viện lật ngược vụ án Roe v. Wade. Tên đầy đủ của luật này là “Negating Archaic Statues Targeting Young Women Act” (Tạm dịch là Luật Xóa Bỏ Những Luật cũ nhắm vào Phụ Nữ Trẻ), gọi tắt là “NASTY Woman Act.”

Luật này lật ngược một luật vào năm 1845 rằng “cỗ vũ một cuộc xảy thai” là bất hợp pháp. Luật đó và những luật tương tự khác trong nhiều tiểu bang đã bị coi là vô hiệu sau khi Tối Cao Pháp Viện công nhận quyền hiến định về phá thai trong phán quyết vụ án Roe v. Wade.

Những luật bất hợp pháp việc phá thai vẫn còn trong sách tài liệu của một số tiểu bang. Những người ủng hộ phá thai sợ rằng nếu Tối Cao Pháp Viện lật ngược quyết định của họ thành cấm phá thai thì luật cấm phá thai sẽ tự động có hiệu lực thi hành.

Tiêu đề của đạo luật quy chiếu về một đề nghị của ứng cử viên tổng thống lúc ấy là Donald Trump trong cuộc tranh luận vào ngày 19 Tháng Mười, 2016. Ông Trump ám chỉ bà Hillary Clinton như là một “nasty woman” (mụ gian ác), và cụm từ này sau đó đã trở thành tiếng reo la giữa đám đông trong số những phụ nữ ủng hộ Clinton.

Clinton đã đạt được 27 điểm của tiểu bang Massachusetts trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.

Ngành lập pháp tiểu bang, nơi Dân chủ chiếm hai phần ba đa số ở cả hai viện đã thông qua luật NASTY Women Act với tỉ số lớn.

Massachusetts là tiểu bang đầu tiên tiến hành bảo vệ quyền phá thai trong trường hợp một Tòa Tối Cao lật ngược vụ án như Roe v. Wage và Planned Parenthood v. Casey. Nếu như những quyết định của họ lật ngược lại, những tiểu bang sẽ một lần nữa được tự do chọn luật của riêng mình liên quan đến việc phá thai, bao gồm ngăn cấm hoàn toàn những thủ tục tố tụng.

James Driscoll, Giám Đốc Hội Đồng Công Giáo Massachusetts nói rằng việc vội vàng thông qua luật này là “không có gì ngạc nhiên, nhưng thất vọng.”

Driscoll nói với hãng tin CNA rằng có một điều thú vị là luật cũ với gần hai thế kỷ qua về cấm phá thai vẫn còn tìm thấy trong các sách tài liệu. Ông cho rằng việc nghỉ hưu của Chánh Án Anthony Kennedy ở Tối Cao Pháp Viện là động cơ để thông qua luật này.

“Tôi cho rằng nó là một cái gì đó mà chẳng ai thèm để ý cho đến lúc một vị trí trống được mở ra ở Tối Cao Pháp Viện. Dường như mọi người bắt đầu để ý vấn đề qua sự kiện này.”

Vào tháng Sáu, Kennedy tuyên bố sẽ nghỉ hưu từ Tối Cao Pháp Viện, sẽ có hiệu lực từ ngày 31 tháng Bẩy. TT Donald Trump từ đó đã đề cử chánh án của Tòa Kháng Cáo Quận Columbia là Brett Kavanaugh thay vào vị trí đó.

Sự đề cử Kavanaugh được ủng hộ bởi nhóm pro-life group (phò sự sống) với hy vọng rằng ông sẽ tạo thành nhóm đa số để lật ngược vụ án Roe, nếu một vụ án phù hợp được trình tòa. Kavanaugh đã có 12 năm kinh nghiệm làm thẩm phán tòa phúc thẩm, có hai người con, là một người Công Giáo ngoan đạo và tốt nghiệp từ Đai Học Luật Yale.

Luật hiện tại của Massachusetts đòi buộc phụ huynh hay người giám hộ đồng ý cho một trẻ vị thành niên phá thai. Một luật tiểu bang cấm tổ chức phản đối và canh thức cầu nguyện trong vòng 35 foot “khu vực đệm” của một cơ sở phá thai đã được Tòa Tối Cao Hoa Kỳ đồng thuận triệt hạ vào năm 2014.

Thống Đốc thuộc đảng Cộng Hòa của tiểu bang là Charlie Baker chắc sẽ ký dự luật này thành luật.

.
Source: EWTN News Massachusetts passes “NASTY Women” abortion act
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tin Mừng Gia Đình, Cơ Cấu Tội Lỗi Trong Đời Sống Gia Đình
Vũ Văn An
17:54 25/07/2018
2. Cơ cấu tội lỗi trong đời sống gia đình

Điều nói trên là bức tranh lý tưởng, nhưng đơn thuần không hẳn là thực tại của các gia đình. Thánh Kinh biết rõ điều này. Do đó, chương ba, với việc xua đuổi khỏi địa đàng và khỏi thực tại địa đàng của hôn nhân và gia đình, đã tiếp nối với chương một và chương hai của Sách Sáng Thế. Việc ra xa lạ của những con người nhân bản với Thiên Chúa đem lại hậu quả ra xa lạ nơi và giữa họ với nhau. Trong ngôn từ của truyền thống thần học, ta gọi sự ra xa lạ này là tư dục, mà ta không nên hiểu chỉ là thèm khát tính dục vô trật tự. Ngày nay, để tránh sự hiểu lầm này, ta thường nói tới các cơ cấu tội lỗi (FC 9). Chúng cũng đè nặng lên cuộc sống gia đình. Thánh Kinh mô tả một cách thực tiễn conditio humana (thân phận con người) và đưa ra lối giải thích phận này theo tầm nhìn đức tin. Sự ra xa lạ đầu tiên diễn ra giữa người đàn ông và người đàn bà. Họ cảm thấy xấu hổ khi giáp mặt nhau (St 3:10tt). Xấu hổ cho ta thấy sự hoà điệu khởi nguyên của thân xác và tinh thần bị khuấy nhiễu và do đó, người đàn ông và người đàn bà ra xa lạ với nhau. Khuynh hướng âu yếm nhau thoái hóa thành lòng thèm muốn nhau và thành sự thống trị của đàn ông đối với đàn bà (St 3:16). Họ la mắng nhau và qui trách nhau (St 3:12). Nó kết thúc bằng bạo lực, ghen tuông, và bất hòa trong hôn nhân và gia đình.



Sự ra xa lạ thứ hai tác động lên phụ nữ và các bà mẹ cách đặc biệt. Từ nay, họ sẽ phải cưu mang con cái trong khó nhọc và đau đớn (St 3:16). Trong đau đớn, họ cũng sẽ nuôi dậy con cái. Biết bao bà mẹ phải kêu la, than khóc vì con cái, y hệt Raken đã khóc cho con cái nàng và không ai an ủi nàng được (Grm 31:15; Mt 2:18). Sự ra xa lạ này cũng tác động lên mối liên hệ của con người với thiên nhiên và thế giới. Thế giới từ nay không còn là thửa vườn tươi đẹp nữa; nó chỉ còn gai góc cỏ lùng; nó đã trở thành bất kham và chống đối; lao động đã trở nên khó khăn và nặng nhọc. Con người từ nay phải tiến hành việc làm trong khó nhọc và mồ hôi trên trán (St 3:19).

Chẳng bao lâu sau, sự ra xa lạ và tranh chấp diễn ra ngay trong gia đình. Nó mang hình thức ghen tị và tranh giành giữa anh em, chiến tranh giữa anh em, và thậm chí chém giết nhau giữa anh em (St 4:1-16). Thánh Kinh tường thuật sự bất trung giữa các người phối ngẫu trong hôn nhân, một bất trung diễn ra cả trong gia phả của chính Chúa Giêsu. Trong đó, hai phụ nữ (Tamar và vợ của tướng Uriah) rõ ràng bị coi là những kẻ tội lỗi (Mt 1:3tt). Đến Chúa Giêsu cũng có những tổ tiên không hẳn xuất thân từ “gia tộc tốt lành”, những người mà người ta thích dấu diếm hơn là nói về. Ở đây, Thánh Kinh hoàn toàn thực tiễn, hoàn toàn trung thực.

Cuối cùng, là sự ra xa lạ nền tảng nhất tức sự chết (St 3:19; xem Rm 5:12) và sức mạnh của sự chết, hết sức tung hoành khắp thế giới và đem tới tai ương, chết chóc và trầm luân. Chúng cũng đem đau khổ tới gia đình. Ta chỉ cần nghĩ tới tình cảnh các bà mẹ đứng cạnh quan tài các con mình hay khi các người phối ngẫu vĩnh biệt nhau, những cuộc vĩnh biệt tác động đến hôn nhân xiết bao và đem lại những năm tháng đớn đau trong cô đơn như thế nào đối với những người phối ngẫu cao niên.

Khi nói tới gia đình và vẻ đẹp của nó, ta không nên diễn tiến từ một bức tranh bất thực tiễn, thơ mộng, lý tưởng. Ta cũng cần phải xét đến các thực tại khó khăn và chia sẻ sầu buồn, lo lắng và nước mắt của nhiều gia đình. Thực vậy, chủ nghĩa hiện thực của Thánh Kinh cung cấp cho ta một niềm an ủi nào đó. Nó cho ta thấy: điều ta buồn rầu hôm nay không phải xẩy ra lần đầu; trên nguyên tắc, nó luôn luôn là như vậy. Ta không nên rơi vào cơn cám dỗ chỉ muốn thơ mộng hóa quá khứ đến nỗi, mốt thời thượng của một số giới hiện nay là nhìn hiện tại như một câu truyện hủ hoại. Ca ngợi năm tháng của những ngày qua và ta thán các thế hệ trẻ vốn là câu truyện đã có từ thời có một thế hệ cha ông. Không phải chỉ có Giáo Hội mới là một bệnh viện dã chiến, như Đức Phanxicô từng phát biểu, gia đình cũng là một bệnh viện dã chiến, nơi, người ta cần băng bó các vết thương, lau khô nước mắt, và thiết lập hòa giải và hoà bình hết lần này sang lần khác. Cuối cùng, chương thứ ba của Sách Sáng Thế hướng tới một thứ ánh sáng của hy vọng. Với việc xua đuổi khỏi địa đàng, Thiên Chúa cho nhân loại một hy vọng để mang theo trên hành trình của họ. Điều truyền thống mô tả như tin mừng đầu hết (protogospel) (St 3:15), ta cũng có thể hiểu như tin mừng đầu hết về gia đình. Đấng cứu thế sẽ xuất hiện từ dòng giống của nó. Các gia phả trong Mátthêu và Luca (Mt 1:1-17; Lc 3:23-38) chứng thực rằng đấng cứu thế cuối cùng đã xuất hiện từ gia phả này, cho dù gia phả ấy chẳng bằng phẳng chút nào. Thiên Chúa vẫn có thể làm thẳng lại những con đường khúc khủyu. Bởi thế, là những người đồng hành của người ta, ta không nên trở thành các tiên tri của điềm gở, mà đúng hơn, trở nên những người đem hy vọng, phân phát ủi an và can đảm để họ tiến bước dù trong các tình huống khó khăn.

3. Gia đình trong trật tự cứu rỗi Kitô Giáo

Chúa Giêsu nối kết với lịch sử một gia đình. Người lớn lên trong gia đình Nadarét (Lc 2:51tt). Thuộc về gia đình này còn có anh chị em theo nghĩa rộng (Mc 3:31-33; 6:3) cũng như họ hàng xa, nhưng rất thân tình, như Êlisabét, Giacaria, và Gioan Tẩy Giả (Lc 1:36, 39-56). Buổi đầu thừa tác vụ của Người, Chúa Giêsu tham dự lễ cưới tại Cana và thực hiện phép lạ đầu tiên ở đó (Ga 2:1-12). Trong diễn trình này, Người đặt trọn thừa tác vụ của Người dưới biểu hiệu của một tiệc cưới và niềm vui vốn đi đối với nó. Với Người, chàng rể (Mt 9:15), tiệc cưới cánh chung và thời hân hoan từng được các tiên tri loan báo đã bừng sáng.

Câu tuyên bố có tính nền tảng của Chúa Giêsu về hôn nhân và gia đình tìm thấy trong các lời lẽ của Người nói về ly dị (Mt 19:3-9). Môsê cho phép ly dị dưới một số điều kiện (Đnl 24:1). Các trường phái khác nhau thuộc luật Do Thái vốn tranh luận về các điều kiện này. Chúa Giêsu không muốn can dự vào cái thứ giải nghi học đó. Người nại tới ý muốn nguyên khởi của Thiên Chúa: “không phải như thế, từ thuở ban đầu của tạo thế” (11). Các môn đệ ngỡ ngàng trước câu nói này. Đối với các ngài, xem ra đây là một cuộc tấn công chưa nghe thấy bao giờ chống lại quan niệm của thế giới chung quanh về hôn nhân, đồng thời cũng là một đòi hỏi vô cảm và quá đáng. “nếu đúng như thế đối với một người đàn ông có vợ, thì thà không kết hôn còn hơn”. Chúa Giêsu, một cách gián tiếp, đồng ý như thế, vì nhìn theo lối nhìn của con người, quả đây là một đòi hỏi quá đáng. Nó phải được “ban cho” con người; nó là một quà phúc ơn thánh.



Kiểu nói “ban cho” chứng tỏ rằng ta không được cô lập lời lẽ của Chúa Giêsu, mà đúng hơn phải hiểu chúng trong đồng văn toàn diện sứ điệp của Người về nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu gán ly dị cho sự cứng lòng (Mt 19:8), một sự cứng lòng đóng cửa lòng ta với Thiên Chúa và với người khác. Với nước Thiên Chúa đang tới, lời tiên đoán của các tiên tri đã nên trọn, theo đó, trong thời đại của Đấng Được Xức Dầu, Thiên Chúa sẽ biến đổi trái tim chai đá thành trái tim mới, không còn cứng như đá, mà là trái tim bằng thịt, mềm mại, tương cảm và thương cảm (Edk 36:26tt; xem Grm 31:33; Tv 51:12). Như thế, ngoại tình bắt đầu từ trái tim thế nào, thì thuốc chữa nó cũng chỉ khả hữu nhờ hồi tâm và nhờ việc ban cho một trái tim mới. Do đó, Chúa Giêsu tách mình ra khỏi sự cứng lòng và sự giả hình trong các hình phạt quá khắc nghiệt áp đặt lên người đàn bà ngoại tình, nên Người đã tha thứ cho người đàn bà bị tố cáo ngoại tình (Ga 8:2-11; xem Lc 7:36-50).

Tin Mừng của Chúa Giêsu là thế này: giao ước mà hai người phối ngẫu thiết lập được chính giao ước của Thiên Chúa hỗ trợ và cưu mang, sẽ vẫn tiếp tục hiện hữu cho dù sợi dây yêu thương mỏng dòn của con người yếu đi, thậm chí không còn nữa. Cam kết trung thành và giao ước dứt khoát và bất khả tiêu của Thiên Chúa lấy đi mọi nét tùy hứng khỏi giao ước của con người, đem lại cho nó sự ổn định và bền vững. Dây liên kết mà Thiên Chúa đặt nơi các người phối ngẫu sẽ bị hiểu sai nếu hiểu nó như một cái ách. Nó là lời cam kết trung thành đầy nhân ái của Thiên Chúa; nó là sự khuyến khích và là nguồn sức mạnh luôn luôn mới cho việc duy trì lòng trung thành đối với nhau giữa mọi thăng trầm của cuộc đời. Từ sứ điệp này, Thánh Augustinô đã dẫn khởi ra giáo huấn của ngài về dây hôn phối bất khả tiêu, một sợi dây vẫn tiếp tục hiện hữu dù cuộc hôn nhân, trên bình diện nhân bản, đã tan vỡ (12). Đối với nhiều người ngày nay, giáo huấn này khó có tính khả niệm. Ta không nên hiểu giáo huấn này như nói về một thứ thực tại siêu hình bên trên và bên ngoài tình yêu bản vị của vợ chồng; đàng khác, nó cũng không hoàn toàn bị hoà nhập vào tình yêu cảm tính, hỗ tương của họ cũng như cùng chết với tình yêu này (GS 48; EG 66). Nó là một tin mừng nghĩa là niềm an ủi dứt khoát và là một đoan hứa tiếp tục có giá trị. Trong tư cách này, nó coi trọng con người nhân bản và tự do của họ. Chính phẩm giá của con người nhân bản có khả năng đưa ra các quyết định vĩnh viễn. Các quyết định này thuộc về lịch sử đời họ một cách bền bỉ; chúng lên đặc điểm cho họ một cách lâu dài; người ta không thể đơn thuần vứt bỏ chúng hay tháo bỏ chúng. Nếu những quyết định có tính cam kết này bị phá vỡ, thì việc này chắc chắn sẽ gây nên những vết thương sâu hoắc. Các vết thương có thể lành lại. Các vết thẹo thì vẫn còn đó và thường gây đau, nhưng người ta vẫn có thể sống và có thể tiếp tục sống dù có khó khăn. Với tin mừng của Chúa Giêsu cũng thế: vì lòng thương xót, sự tha thứ, chữa lành của Chúa, một khởi đầu mới luôn là điều có thể đối với những ai trải nghiệm được hồi tâm.

Thánh Phaolô tiếp nối sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngài nói tới cuộc hôn nhân “trong Chúa” (1Cr 7: 39). Ngài không có ý nói tới hình thức nghi lễ hôn phối của Giáo Hội. Một điều như thế chỉ mới có sau đó nhiều thế kỷ, và chỉ dứt khoát nhờ sắc lệnh Tametsi của Công Đồng Trent năm 1563. “Các qui luật trong gia hộ” (Cl 3:18-4:1; Ep 5:21-6:9; 1Pr 2:18-3:7) cho ta thấy điều “trong Chúa” này bao gồm mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình: liên hệ đàn ông đàn bà, cha mẹ con cái, chủ tớ sống trong nhà. Các qui luật trong gia hộ này đồng hóa các qui luật trong gia hộ thời các tổ phụ, nhưng sửa đổi chúng “trong Chúa”. Đây là các điển hình của sức mạnh thay đổi luật lệ và tạo luật lệ của đức tin Kitô Giáo. Nhờ chúng, từ sự quy phục một chiều của người đàn bà vào người đàn ông, một liên hệ yêu thương hỗ tương đã được khai triển; liên hệ này nên đóng dấu cho mọi liên hệ gia đình khác. Thực vậy, Thánh Phaolô nói điều độc đáo, thậm chí cách mạng, đối với toàn bộ thế giới cổ thời rằng sự dị biệt giữa đàn ông và đàn bà không còn đáng kể nữa đối với những ai ở “trong Chúa” (Gl 3:28).

Thư gửi tín hữu Êphêsô còn đi xa hơn. Nó tiếp nối kiểu ví von hôn nhân với giao ước của Cựu Ước, mà rõ ràng hơn cả là trong Sách Hôsê (Hs 2:18-25), coi nó như biểu thức nói lên giao ước của Thiên Chúa với dân Người. Giao Ước này tìm được sự ứng nghiệm và hoàn tất của nó trong Chúa Kitô. Như thế, từ nay, giao ước của người đàn ông và người đàn bà đã trở nên biểu tượng chân thực của giao ước Thiên Chúa với con người, một giao ước được nên trọn trong Chúa Giêsu Kitô. Tử thuở ban đầu của thế giới, thực tại tạo thế tốt lành của Thiên Chúa nay trở nên một dấu hiệu làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội trở nên hữu hình (Ep 5:32). Dựa vào một khai triển có tính thần học và lịch sử, vốn chỉ tới hồi kết thúc vào thế kỷ 20, Công Đồng Trent đã nhìn thấy trong tuyên bố này dấu mốc nói tới tính bí tích của hôn nhân (DH 1799; xem DH 1327). Thần học gần đây hơn tìm cách thâm hậu hóa nền tảng Kitô học theo cung cách ba ngôi; nó hiểu gia đình như một minh họa có tính biểu tượng thực sự của mầu nhiệm communio (hiệp thông) của Ba Ngôi.

Là một bí tích, hôn nhân vừa là phương thuốc chữa các hậu quả của tội lỗi vừa là một phương tiện của ơn thánh hóa. Người ta có thể chuyển vị giáo huấn này qua gia đình để nói rằng nhờ bước vào lịch sử gia đình, Chúa Giêsu đã chữa lành gia đình và thánh hóa nó. Trật tự cứu rỗi đã tiếp nối trật tự tạo thế. Nó không thù nghịch chống lại thân xác hay tính dục; nó bao gồm tính dục, gợi tình (eros), và tình bạn nhân bản; nó thanh tẩy và làm chúng hoàn hảo. Tương tự như sự thánh thiện của Giáo Hội, sự thánh thiện của gia đình cũng không phải là một thực tại tĩnh tụ. Nó không ngừng bị sự cứng lòng đe dọa. Nó phải liên tục tiến bước trên con đường hồi tâm, canh tân, và trưởng thành mới mẻ. Giáo Hội tiến theo đường hồi tâm và canh tân thế nào (LG 8), thì hôn nhân và gia đình, tiến theo đường thập giá và phục sinh (FC 12 tt), cũng phải đứng dưới luật phát triển tiệm tiến, mỗi ngày tiến sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô một cách không ngừng đổi mới và thâm sâu hơn như vậy (FC 9, 34).

Trái tim mới luôn đòi hỏi tính cao thượng của tâm hồn và tiền giả thiết một nền văn hóa tâm hồn. Cuộc sống gia đình muốn được vun sới theo ba thuật ngữ chủ yếu của Đức Thánh Cha là “Cho phép anh/em”, “Cám ơn anh/em” và anh/em xin lỗi”. Người ta phải dành thì giờ cho nhau; cử hành ngày Sabát với nhau; và không ngừng thực hành đức chịu đựng, lòng tha thứ và sự kiên nhẫn. Các dấu hiệu của lòng nhân hậu, trân quí và dịu hiền, biết ơn, và yêu thương luôn là điều cần thiết. Cầu nguyện với nhau, chịu bí tích hòa giải và cử hành Thánh Thể với nhau là những trợ cụ giúp không ngừng tăng cường mới mẻ sợi dây hôn phối mà Thiên Chúa đã dùng liên kết vợ chồng. Luôn là một điều tươi đẹp khi được gặp các cặp vợ chồng già cao niên, những người, dù tuổi đời đã cao, vẫn yêu nhau một cách trưởng thành. Đây cũng là dấu chỉ một nhân loại đã được cứu chuộc. Thánh Kinh kết luận bằng một viễn kiến về một lễ cưới cánh chung của chiên con (Kh 19:7, 9). Do đó, hôn nhân và gia đình đã trở nên một biểu tượng cánh chung. Với việc cử hành hôn lễ trần gian, hôn lễ cánh chung được cử hành một cách dự ứng. Cho nên, nó cần được tuân giữ một cách hoành tráng và mừng vui hân hoan.

Như một dự ứng cánh chung, lễ cưới trần gian đồng thời bị tương đối hóa. Chính Chúa Giêsu thì không kết hôn, một điều khá bất thường đối với một rabbi (thầy đạo) và ngài từng đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ phải sẵn sàng từ bỏ hôn nhân và gia đình (Mt 10:37) và, đối với những ai được ban ơn, ngài đòi phải sống độc thân vì nước trời (Mt 9:12). Đối với Thánh Phaolô, độc thân thì tốt hơn trong một thế giới đang qua đi. Nó giúp người ta khỏi bị phân chia khi chăm lo công việc của Chúa (1Cr 7:25-38). Vì độc thân tự nó đã trở nên một bậc sống được thừa nhận, được tự do chọn lựa, nên hôn nhân cũng không còn là việc thúc bách có tính xã hội nữa, mà đúng hơn là một chọn lựa tự do. Hôn nhân và độc thân một là lên giá trị cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau hay cả hai cùng sa vào khủng hoảng, như ta thấy hiện nay.

Chúng ta quả đang sống trong cuộc khủng hoảng nói trên. Tin mừng hôn nhân và gia đình không còn khả niệm đối với nhiều người nữa. Đối với những người này, nó không còn là một giải pháp đáng sống trong tình huống của họ nữa. Ta phải làm gì? Lời lẽ hay mà thôi chẳng đạt được gì nhiều, Chúa Giêsu chỉ cho ta một cách thực tiễn hơn. Người cho ta hay: không một Kitô hữu nào cô đơn hay bị hư mất, dù có vợ chồng hay độc thân, dù bị người bạn đời từ bỏ, hay như một thiếu nhi hoặc một thiếu niên lớn lên mà không hề được tiếp xúc với gia đình riêng của mình. Họ vẫn ở nhà trong một gia đình mới gồm nhiều anh chị em (Mt 12:48-50; 19:27-29). Tin mừng gia đình trở nên cụ thể trong giáo hội tiểu gia; trong đó, tin mừng kia có thể trở thành đáng sống một lần nữa. Ngày nay, giáo hội tiểu gia một lần nữa lại trở nên có liên hệ.

Kỳ sau: 4. Gia đình như một giáo hội tiểu gia
 
Thông Báo
Mời tham dự Đại Nhạc Hội lần 15 của Sinh viên Công Giáo Ngày 11-8-2018 tại Saigon Performing Arts Center
Hội SVCG
15:03 25/07/2018
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tĩnh Lặng
Vũ Đình Huyến Lm.
07:32 25/07/2018
TĨNH LẶNG
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CRM)
Lặng yên và thư thái
Nhìn mây bay cuối trời
Buông cái tôi nằng nặng
Thấy mình là.. muôn nơi...
(Trích thơ của Thích Tánh Tuệ)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 25/07/2018: Hoả hoạn kinh hoàng tại Hy Lạp, phải chăng dấu chỉ thời cuối?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:57 25/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha đau buồn vì vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Hy Lạp

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn kinh hoàng tại các khu vực quanh thủ đô Athens (Nhã Điển) của Hy Lạp, trong đó có ít nhất 60 người bị thiệt mạng.

Ngọn lửa kinh hoàng xảy ra vào hôm thứ Hai 23 tháng 7 và vẫn còn hoành hoành dữ dội trong ngày thứ Ba,

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm này tại miền Attica. Người ta đã tìm thấy 60 thi thể. Con số thương vong có thể còn lên cao hơn rất nhiều.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong vụ hỏa hoạn.

Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Sáng thứ Ba 24 tháng 7, ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em đã được tìm thấy. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong thư thế ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Ngọn lửa xuất phát từ một cánh rừng trên một ngọn đồi và được gió mạnh đến cấp 9 thổi đi nên lây lan rất nhanh. Ít nhất 130 người bị thương và hàng chục người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch. Hàng trăm ngàn ngôi nhà bị thiêu rụi cùng với hàng ngàn xe hơi bị bỏ lại trên đường khi các tài xế lao nhanh ra biển để sống sót. Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh.

Khoảng 700 người, trong đó có nhiều du khách, đã được lực lượng tuần duyên của Hải Quân Hy Lạp cứu thoát.

Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan dân sự và các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

2. Tâm thư của Đức Hồng Y Timothy Dolan gởi các tín hữu Công Giáo về Chín Tuần cầu nguyện cho Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ

Tổng thống Donald Trump, đã đề cử ông Brett Kavanaugh vào chức vụ thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ để thay thế cho Thẩm Phán Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu vào ngày 27 tháng 6 năm 2018. Việc bổ nhiệm của tổng thống Trump còn phải được sự phê chuẩn của Thượng Viện Hoa Kỳ.

Việc phê chuẩn này chắc chắn là rất khó khăn vì ứng viên Cavanaugh là một người Công Giáo ngoan đạo, nổi tiếng chống lại phán quyết cho phép phá thai, thường được gọi là phán quyết Roe chống Wade, của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Các phương tiện truyền thông thế tục cho rằng một khi được bổ nhiệm vào Tòa Án Tối Cao, ông Cavanaugh và những vị Thẩm Phán khác sẽ hình thành khối đa số và sẽ tìm cách lật lại vụ Roe chống Wade.

Thấy trước việc phê chuẩn này sẽ rất là khó khăn, Đức Hồng Y Daniel DiNardo N. Galveston-Houston, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết thư cho các thành viên của Thượng Viện vào ngày 6 tháng 7, thúc giục họ đừng coi việc ủng hộ phán quyết Roe chống Wade như là một điều kiện tiên quyết để phê chuẩn một ứng viên Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Ngày 19 tháng 7, Đức Hồng Y Timothy Michael Dolan, Tổng Giám mục New York và là Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) đã ra một tuyên bố mời gọi tất cả mọi người thiện chí tham gia vào một chiến dịch cầu nguyện để sự thay đổi ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ dịch chuyển quốc gia chúng ta gần hơn đến ngày mà mỗi người đều được luật pháp bảo vệ và được hoan nghênh trong cuộc sống.

Đức Hồng Y Dolan nói:

“Ngay sau khi Chánh Án Tòa án Tối cao Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu, các nhóm phò phá thai đã bắt đầu vận động hành lang tại Thượng viện Hoa Kỳ để bác bỏ bất kỳ ứng cử viên nào không hứa sẽ ủng hộ phán quyết Roe chống Wade.

Dù Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ không ủng hộ hay phản đối việc xác nhận bất kỳ ứng cử viên nào do tổng thống bổ nhiệm, chúng ta có thể và nên gióng lên mối quan tâm nghiêm trọng về một tiến trình xác nhận mà đang bị thao túng bởi những nỗ lực nhằm buộc các ứng cử viên thẩm phán phải hỗ trợ phán quyết Roe chống Wade như một điều kiện tiên quyết.

Mỗi thứ Sáu, từ ngày 3 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9 năm 2018, tôi mời gọi tất cả mọi người thiện chí cùng tôi cầu nguyện để sự thay đổi này tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ giúp quốc gia của chúng ta đến gần hơn với ngày mà mỗi con người được luật pháp bảo vệ và được hoan nghênh trong cuộc sống. Mạng lưới Call to Prayer của USCCB sẽ chia sẻ những lời cầu nguyện và tài nguyên giáo dục và một lời mời gọi chay tịnh vào ngày thứ Sáu cho ý chỉ này.

Cầu xin Đức Mẹ Guadalupe can thiệp cho sự chữa lành của đất nước chúng ta và dân tộc chúng ta sau nhiều thập kỷ phá thai theo yêu cầu.”

+ Đức Hồng Y Timothy Michael Dolan

Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ

3. Linh mục tuyên úy bị đuổi việc vì làm việc Phạt Tạ Trái Tim Đức Mẹ cho tội lỗi người đồng tính

Một linh mục tuyên úy Đại Học đã thực hiện việc Phạt Tạ Trái Tim Đức Mẹ vì “những tội lỗi nặng nề chống lại Thiên Chúa” trong cuộc diễu hành đồng tính Glasgow Pride. Ngài tức tốc bị đuổi khỏi trường Đại Học.

Cha Mark Morris đã làm giờ Phạt Tạ Trái Tim Đức Mẹ bao gồm việc đọc kinh Mân Côi, Kinh Cầu Các Thánh và Chầu Thánh Thể tại nhà thờ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ tại Balornock, Glasgow vào tối thứ Hai 16 tháng 7.

Đại học Glasgow Caledonian lập tức sa thải ngài vào ngày hôm sau, vì cho rằng quan điểm của ngài mâu thuẫn với quan điểm của trường Đại Học này.

Hiệu trưởng trường đại học Pamela Gillies nói: “Sau khi tham khảo ý kiến nội bộ, chúng tôi quyết định rằng Cha Mark Morris sẽ không được quay trở lại vai trò tuyên úy Đại Học của ngài tại trường chúng tôi vào tháng Chín.”

“Trường đại học sẽ làm việc với Tổng Giáo Phận Glasgow để bảo đảm việc tiếp tục cung cấp tuyên úy cho nhân viên và sinh viên tại Trung tâm Đức Tin và Tín ngưỡng của chúng tôi khi học kỳ mới bắt đầu.”

“Nhà trường theo đuổi chính sách bao gồm mọi thành phần và cam kết hỗ trợ sự bình đẳng và đa dạng trong khuôn viên trường.”

Tuy nhiên, Hiệp hội sinh viên Công Giáo của trường đại học cho biết họ “cực kỳ thất vọng” trước diễn biến này. “Thật là ngỡ ngàng khi thấy một linh mục Công Giáo bị sa thải khỏi chức vụ tuyên úy Công Giáo chỉ vì tái khẳng định giáo lý của đức tin Công Giáo”

“Có vẻ như Đại học Glasgow Caledonian có một sự hiểu biết rất vênh váo về ‘Bình đẳng và Đa dạng’. Họ nói thế nhưng họ tuyệt đối không cho phép bất kỳ sự đa dạng về quan điểm nào. Chúng tôi rất buồn khi thấy rằng các quan điểm và niềm tin của người Công Giáo không được coi trọng hoặc tôn trọng tại khuôn viên đại học”

“Chúng tôi chân thành kêu gọi nhà trường xem xét lại việc sa thải không công bằng đối với linh mục tuyên úy của chúng tôi.”

Trong một tuyên bố ngắn gọn, Tổng Giáo phận Glasgow cho biết họ đã “nhận được quyết định của trường Đại học” và sẽ “giải quyết việc cung cấp linh mục tuyên úy vào thời điểm thích hợp”.

4. Quyết định của Đức Thánh Cha trong công nghị Hồng Y 19 tháng 7

Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập một công nghị Hồng Y bao gồm tất cả các Hồng Y đang có mặt tại Rôma vào ngày thứ Năm, 19 tháng 7. Kết thúc công nghị này, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết năm vị nữa sẽ được tuyên thánh vào ngày 14 tháng 10 — là ngày đã được ấn định để tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

Năm vị được đề cập đến là:

Chân Phước Nunzio Sulprizio (1817-1836), giáo dân người Ý;

Chân Phước Maria Caterina Kasper (1820–1898), một tín hữu Công Giáo Đức;

Chân Phước Nazaria Ignazia March Mesa (1889-1043), một nữ tu người Tây Ban Nha đã chết tại Á Căn Đình;

Chân Phước Vincenzo Romano (1751—1831), một linh mục người Ý; và

Chân Phước Franseco Spinelli (1953-1913), cũng là một linh mục người Ý.

Vì đang trong thời gian nghỉ hè và thông báo triệu tập các Hồng Y được đưa ra đột ngột nên công nghị Hồng Y ngày 19 tháng 7 đã gây ra một số đồn đoán trên các phương tiện truyền thông rằng trong cuộc gặp gỡ với các Hồng Y có mặt tại Rôma, Đức Giáo Hoàng cũng có thể sẽ công bố một số bổ nhiệm quan trọng cho giáo triều Rôma. Tuy nhiên, đã không có thông báo nào được đưa ra.

5. Tiểu sử Chân Phước Nunzio Sulprizio

Như chúng tôi vừa loan tin Chân phước Nunzio Sulprizio sẽ được tôn phong hiển thánh vào ngày 14 tháng 10 năm nay, cùng với 6 chân phước khác, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Chân phước Nunzio Sulprizio sinh năm 1817 tại Pescara, miền trung Italia. Mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ nên Nunzio được một ông bác đem về nuôi. Nunzio không được đi học mà phải làm việc vất vả trong xưởng thợ rèn và bị khai thác sức lao động không thương tiếc. Tuy khổ cực nhưng chú bé chỉ biết tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể khi có chút thì giờ rảnh rỗi.

Chẳng bao lâu, Nunzio bị sâu quảng rất đau đớn, phải vào điều trị tại nhà thương Napoli. Sau đó Nunzio lại bị ung thư xương, nhưng anh dâng mọi khổ đau cho Chúa và qua đời năm 1836, khi mới 19 tuổi. Mộ của anh trở thành nơi tín hữu đến hành hương.

Nunzio Sulprizio đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tuyên chân phước ngày mùng 1 tháng 12 năm 1963.

6. Hội Đồng Giám Mục Venezuela kêu gọi thay đổi nhà cầm quyền

Hội nghị thường niên của các giám mục Venezuela đã được tổ chức từ 7 đến 11 tháng 7 trong bối cảnh hàng trăm người Venezuela đã bị giết chết trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ôn hòa và các lực lượng an ninh của bọn cầm quyền. Bên cạnh đó, mỗi tháng còn có ít nhất 50,000 người bỏ chạy khỏi đất nước tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong bản tuyên bố có tựa đề “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi” (Isaia 41:10) được thông tấn xã Fides công bố vào ngày 17 tháng 7, các Giám Mục viết:

“Giáo Hội, với sứ mệnh tâm linh được Chúa Kitô chỉ rõ trong Tin Mừng, không có ý định thay thế vai trò và ơn gọi của những ai hiểu biết và điều hành guồng máy chính trị. Giáo Hội cũng không khao khát thống trị cảnh quan xã hội, và cũng không muốn trở thành một nhân tố của chính phủ hay của các thành phần đối lập.

Tuy nhiên, Giáo Hội khuyến khích người dân, là những người được giáo dục phù hợp và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân họ, hãy gióng lên tiếng nói và can thiệp tích cực trong trường chính trị, để cả các nguyên tắc và các giá trị cao cả của đức tin được truyền bá cho chúng ta được thể hiện trong lĩnh vực công cộng và chuyển dịch thành những công việc mang lại thiện ích chung”

Tuyên bố viết tiếp:

“Những người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua là nhà cầm quyền của quốc gia này, là những kẻ đã đặt các dự án chính trị của mình lên trên bất kỳ sự cân nhắc nào khác, kể cả những vấn đề nhân đạo. Họ thất bại trong các chính sách tài chính, vì thái độ khinh thị của họ đối với các hoạt động sản xuất và tài sản tư nhân, và vì liên tục đưa ra các trở ngại cho việc giải quyết một số khía cạnh của vấn đề hiện tại. Điều này không gì khác hơn là lời thú nhận bất lực trong việc điều hành đất nước”.

Như đã nêu trong Tuyên bố ngày 23 tháng 4, các Giám Mục nhận định tình hình Venezuela ngày càng nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các ngài bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bầu cử cuối tháng 5 vừa qua

Do đó các giám mục nhấn mạnh: “Venezuela cần một hàng lãnh đạo chính trị khác có thể đặt người dân Venezuela vào trung tâm của những suy tư và hành động của mình, nhận thức được rằng chính trị không phải là tập chú vào quyền kiểm soát quyền lực, nhưng là công việc của những người, được thúc đẩy bởi các nguyên tắc cao quý và đạo đức, biết cách đặt mình trong sự phục vụ các công dân chứ không phải lợi ích của một nhóm nhỏ.”

7. Tai họa của chủ nghĩa xã hội tại Venezuela: 1.5 triệu người bỏ nước ra đi

Venezuela từng là quốc gia thịnh vượng nhất ở châu Mỹ Latinh. Quốc gia Nam Mỹ này với 30.9 triệu dân này có đến 96% là người Công Giáo nhưng đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới thời Hugo Chavéz.

Từ đó đến nay tình trạng quản lý nhà nước kém cỏi và sự sụp đổ của một nền kinh tế một chiều đã đưa đất nước này vào một vòng xoáy đi xuống. Tình hình nhân đạo ở Venezuela đã xấu đi rất nhanh kể từ năm 2014, với tỷ lệ đáng báo động về nghèo đói cùng cực, suy dinh dưỡng và một trong những tỷ lệ giết người cao nhất ở châu Mỹ Latin. Đồng tiền của Venezuela, gọi là Bolivar, đã trở nên vô dụng, với tỷ lệ lạm phát lên đến 2,600% trong năm 2017, khiến lương hưu và lương của các nhân viên chính phủ, kể cả các chuyên gia có trình độ không đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình họ.

Cho đến nay vẫn chưa thấy có chút ánh sáng nào cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc trong tương lai gần. Vì thế, người dân Venezuela đang lũ lượt rời khỏi đất nước mình với một số lượng kỷ lục. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, hơn 1,5 triệu người Venezuela đã di cư trong hai năm qua. Mức độ di dân này tương đương với mức tị nạn của người Syria chạy trốn chiến tranh đến các nước láng giềng và những người tị nạn Rohingya chạy trốn sang Bangladesh. Phần lớn những người tị nạn Venezuela đã định cư tại các thị trấn trên biên giới Colombia và Brazil, chẳng hạn như Cúcuta và Boa Vista, và thường xuyên qua lại để mang tiền về nhà.

Mặc dù không phải là một quốc gia có đường biên giới với Venezuela, Peru cũng đang chứng kiến một số lượng đông đảo người tị nạn ngày càng tăng nhanh chóng đổ vào quốc gia này, với khoảng 1,000 người mỗi ngày. Các điểm qua biên giới ở Peru không được trang bị để đón nhận con số đông đảo những người tị nạn, là những người thường kiệt sức và cần được chăm sóc y tế, thực phẩm, nước và vệ sinh ngay lập tức sau những chặng đường dài. Nguy cơ bạo lực tình dục và giới tính, nạn buôn bán người và khai thác cũng là mối quan tâm ngày càng tăng đối với chính quyền địa phương và quốc gia.

8. Đức Hồng Y Tagle khích lệ các tín hữu trước những tấn kích của tổng thống Duterte

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của giáo phận Manila nói với các tín hữu trong ngày lễ kính trọng kính Đức Mẹ Núi Carmelô hôm thứ Hai rằng “Nếu anh chị em yêu mến Đức Kitô thì nhiều người sẽ ghét anh chị em.”

Trong thánh Lễ tại đền thánh San Sebastian ở Manila, ngài nhấn mạnh rằng con đường theo Đức Kitô không dễ dàng, đặc biệt trong thời đại mà “Thiên Chúa có nhiều đối thủ.”

“Đôi khi, nhiều người giả bộ tốt lành với dáng vẻ hấp dẫn người khác và dành được nhiều người tin theo hơn Đức Kitô,”

Đức Hồng Y nói rằng dù có những tấn công vào Giáo Hội, người Công Giáo không cần tham gia vào những cuộc chiến đấu trả thù để cân bằng tỉ số.

“Chúng ta không cần tham gia vào những cuộc chiến ấy vì đó không phải là mục đích của chúng ta, nhưng hãy chuẩn bị để bị tấn công bởi vì chúng ta thuộc về Đức Kitô.”

Theo Đức Hồng Y, những người theo những thần minh giả bị mù lòa bởi những lời hứa dối trá.

9. Những bổ nhiệm quan trọng sắp diễn ra trong giáo triều Rôma

Trong những ngày sắp tới, Đức Thánh Cha sẽ đưa ra các bổ nhiệm quan trọng cho giáo triều Rôma.

1) Ngài sẽ chọn một Hồng Y giữ trọng trách Hồng Y Nhiếp Chính, tức là vị chủ trì các công việc hàng ngày của Tòa Thánh sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc từ chức. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người được bổ nhiệm làm Hồng Y Nhiếp Chính vào tháng 12 năm 2014, đã qua đời vào đầu tháng này.

2) Ngài cũng sẽ chọn một vị thay thế cho Đức Hồng Y Giovanni Beccui trong chức vụ Sostituto, phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, để giám sát các hoạt động hàng ngày của giáo triều Rôma. Đức Hồng Y Giovanni Beccui, đã thôi giữ chức vụ đó vào ngày 29 tháng 6 khi ngài được tấn phong Hồng Y; và sẽ sớm thay thế Đức Hồng Y Angelo Amato trong chức vụ tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.

3) Bên cạnh đó, ngài cũng sẽ chọn một vị niên trưởng và một vị phó niên trưởng Hồng Y Đoàn. Đức Hồng Y Angelo Sodano, người đã là niên trưởng Hồng Y Đoàn kể từ khi Đức Bênêđíctô thứ 16 được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, giờ đây đã hơn 90 tuổi. Đức Hồng Y Roger Etchegaray, phó niên trưởng, đã từ chức vào tháng 6 năm ngoái, ở tuổi 94.

Niên trưởng và phó niên trưởng Hồng Y Đoàn được chọn trong số các vị Hồng Y đẳng Giám Mục. Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha đã nâng 4 vị Hồng Y lên Hồng Y đẳng Giám Mục là các vị Hồng Y Pietro Parolin, Leonardo Sandri, Marc Ouellet, và Fernando Filoni. Trước đó, Hồng Y Đoàn có 6 vị Hồng Y đẳng Giám Mục là các Đức Hồng Y Angelo Sodano, Giovanni Battista Re, Roger Etchegaray, Francis Arinze, Tarcisio Bertone và José Saraiva Martins. Trong số các vị này, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là vị trẻ nhất cũng đã ở tuổi 83.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 26/7/2018: Tặng 13 máy tính laptop trị giá $16,000 mỹ kim cho Khóa sinh Khóa học Video Editing và Truyền Hình VietCatholic 2018
VietCatholic Network
15:09 25/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha quan tâm mục vụ cho các tín hữu đến Mễ Du.

2- Giáo hội kết án tội lỗi, nhưng yêu thương kẻ có tội.

3- Canh thức cầu nguyện cho người di cư đã chết trên biển cả.

4- Đức Tổng Giám Mục Toronto, Canada kêu gọi cầu nguyện sau vụ nổ súng hàng loạt.

5- ĐHY Timothy Dolan, Hoa Kỳ kêu gọi toàn quốc cầu nguyện cho mọi người được bảo vệ trong luật pháp và được hoan nghênh trong cuộc sống.

6- 6 Tỉnh Dòng Phanxicô tại Mỹ được gộp thành một.

7- Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: Tự do tôn giáo là quyền cơ bản của con người đem lại lợi ích kinh tế.

8- Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Đà Nẵng 2018.

9- Tặng 13 máy tính laptop trị giá $16,000 mỹ kim cho Khóa sinh Khóa học Video Editing và Truyền Hình VietCatholic 2018.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Chúa đã là người tị nạn.

https://youtu.be/v6n-I8GWUmg

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Video tường trình về Khóa học Truyền hình Editing video cho Linh mục Nữ tu và Chủng sinh đang du học tại Hoa kỳ
VietCatholic - Cẩm Hồng/ Thái Phạm
17:32 25/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
KHÓA HỌC TRUYỀN HÌNH VÀ EDITING VIDEOS
với sự tham dự của 17 Linh mục, Chủng sinh và Nữ tu Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ
tại Văn phòng VietCatholic Nam California -- từ ngày 15-21/7/2018
VietCatholic tổ chức và bảo trợ và với sự nâng đỡ của: Đức ông Phạm quốc Tuấn & Cha Nguyễn Quốc Dũng, CSsR

Hình ảnh: Học xong đi tham quan chơi dzui dzẻ...

Ban Giảng dạy: Cha Gioan Trần Công Nghị, Cha Bart. Nguyễn Đình Phước
Các chuyên viên kỹ thuật và video editing: Anh Nguyễn Hóa, Anh Lê Sự, Anh Chị Phạm Thái
Các chuyên viên chương trình TV: Anh Lưu văn Lễ và Anh Mai Tuấn, Thanh Lan, Thanh Thảo, cùng Nhóm phóng viên và XNV VietCatholic.

Chúa Nhật 15/7/2018: Khai mạc khóa học:
-Thánh lễ lúc 5g chiều do Đức ông Tuấn chủ tế, Cha Dũng giảng lễ, và quí cha đồng tế.
-Bữa ăn thân hữu giới thiệu Ban huấn luyện, khóa sinh, và các cộng tác viên VietCatholic

Thứ hai (16/7): Tổng quát về Truyền thông Truyền hình và tầm quan trọng
-Bài thuyết trình “Giáo hội hôm nay coi trọng tầm ảnh hưởng của truyền thông và truyền hình trong việc Rao giảng Tin Mừng” do Cha Trần Công Nghị
-Bài chia sẻ: “Tầm quang trọng của Truyền Thông và Truyền Hình tại Việt Nam” do Cha Phaolo Nguyễn Văn Công (đến từ Việt Nam)
-Cài đặt Adobe 2018: Premiere Pro, Audition, Photoshop và các ứng dụng khác sử dụng trong khóa học (do Cha Phước, Anh Hóa & Anh Sự)
-Anh Mai Tuấn (Đài VBS) trình bày về: Nghệ thuật phỏng vấn.
-Nghệ sĩ Thanh Thảo với đề tài: Cách thức Trình bày bản tin như thế nào?
-Học viên thực tập những bài học (với sự hướng dẫn của Ban giảng huấn)

Thứ Ba (17/7): Cắt ghép hình ảnh, Làm video, ghép transition.
-Cha Nghị, Anh Hóa, anh Sự: sẽ giúp về cách đặt ánh sáng và quay video trong và ngoài phòng thu, cách lấy góc quay, cách căn chỉnh và sử dụng Camera.
-Cha Phước, Anh Hóa & Anh Sự: Các học viên chia nhóm thực tập quay video trong phòng thu và ngoài trời, để lấy video cho việc học ráp nối video và edit cho việc họp tập.
-Cha Phước, Anh Hóa & Anh Sự: Cắt, ghép, chỉnh video; Làm Title, Chạy Chữ trên Adobe Premiere.
-Học viên tự thực tập thêm (Các buổi thực tập có: Cha Phước, anh Hóa, anh Sự và cha Nghị hướng dẫn.
-Thành quả TV Thời sự và Thế giới ngày nay đây là chương trình do chính các học viên đã học quay phim, làm bản tin,
trình bày bản tin, thực hành ráp nối và ra thành video cho chương trình TV VietCatholic

Thứ Tư (18/7): Thực tập Editing Video: Cắt ghép hình ảnh, Làm video, ghép transition [tiếp theo].
-Cha Nghị, Cha Phước, Anh Hóa & Anh Sự: Cắt, ghép, chỉnh video; Làm Title, Chạy Chữ trên Adobe Premiere.
-Quay phim ngoài trời, ghi hình, synchonize âm thanh phòng thu và âm thành video quay ngoài trời. Thực tập làm bản hát cho DVD
-Thành quả: Video bài Thánh ca “Chính Chúa Chọn Con” do chính quí Cha, Thầy và Nữ tu học viên trình bày và editing
-Cha Phước, Anh Hóa: Làm Title, Chạy Chữ trên Adobe Premiere.
-Nối và Cắt video với sofware Ultra Video Joiner.
-Thực tập edit cắt ghép hình ảnh, làm nền, logo trên Adobe Photoshop.
-Cách lấy nguồn video về từ YouTube.
-Học viên tự thực tập thêm.

Sáng ngày 19/7: Cha Phước và Anh Hóa chỉ dẫn cho học viên:
Tiếp đến là anh chị Phạm Thái và Hồng Chiêm đến từ San José cùng với anh Lê Sự các chuyên viên quay phim hướng dẫn các học viên:
-Quay phim ngoài trời, phỏng vấn các học viên,
-Rồi chính các học viên phỏng vấn nhau.
-Sau đó dùng các thước phim đó làm bài tập và editing thành 1 chương trình ngắn.

Sáng thứ Sáu 20/7:
-Anh Lưu văn Lễ chuyên viên editing text cho các bản tin trình bày về: Kinh nghiệm cách tìm, chọn tin và edit bản tin như thế nào?
-Cách trình bày của anh rất xác tín, lôi cuốn, hữu ích và thực tế cho một người mục tử hay nữ tu khi thảo một chương trình TV.
-Linh mục hay nữ tu có khi vừa là đạo diễn, vừa là người viết script truyện phim, là stage manager, quay phim, hướng dẫn các nhân viên khác và sau đó là editing videos…
-Cha Nghị, Cha Phước và anh Hóa bổ túc thêm những kinh nghiệm mà học viên nêu những câu hỏi.
Tiếp đến Cha Phước và anh Hóa nói về
-Cách edit video (sắp xếp theo thứ tự hiệu quả) lúc khởi đầu clip với mục lục tổng quát và kết thúc trên Adobe Premiere.
-Học viên thực tập bài làm.

Sau trưa thứ Sáu 20/7:, Cha Phước trình bày về:
-Cách “xóa rác” trong máy tính do tiến trình edit video tạo nên, %temp%
-Cách sắp xếp thứ tự ổ đĩa (Hard drives) cho có hiệu quả
-Cắt, ghép, 3 video thành 1 phim;
-Cắt xử lý tinh chỉnh âm thanh trên Adobe Premiere, Media Encoder và Audition.

Ban chiều thứ Sáu 20/7:
-Ca sĩ Thanh Lan trình bày về đề tài “Nghệ thuật đứng trước ống kính”.
Chị Thanh Lan cho biết đứng trước ông kính như là một người đóng phim khác đứng trước ống kính khi thu bài hát hay khi trình bày trước công chúng. Đứng trước ông kính đọc tin tức xem ra thì dễ nhưng trái lại có khi khó hơn hai hình thức trên. Người nghệ sĩ khi đóng phim hay hát họ hòa nhập vào nhân vật của vai diễn, hay khi hát thì biểu cảm được tâm tình của nhạc sĩ đồng thời những cảm xúc riêng của mình… Họ biết nhân vật là ai có thời gian sửa soạn trước. Trái lại đọc bản tin thì cần sự sắc bén, cần phải hiểu điều mình đọc và truyền thông cho người nghe đúng thực trạng tin đó có ý nghĩa gì… Mình không có giờ soạn trước, phải phản ứng ngay khi những dòng tin chạy trên máy teleprompter… Chị đã đưa ra rất nhiều kinh nghiệm trải qua cả cuộc đời sống trong không khi nghệ thuật của mình. Các học viên đặt rất nhiều câu hỏi và đều được trả lời khúc triết và ý nghĩa.
-Sau đó Chị trình bày ca khúc “Chúa là cũng người tị nạn” của nhạc sĩ Mộng Huỳnh trước ống kính để học viên thu hình và làm bài tập.

Sáng thứ Bảy 21/7 các học viên được học:
-“Cách post và quản lý trên YouTube và Facebook”.
-“Cách tạo FaceBook page, YouTube”
-“Cách sử dụng post video hoặc live stream video lên 2 mạng xã hội này trên phần mềm OBS Studio (download tại https://obsproject.com).
Sau đó là Thánh lễ đồng tế tạ ơn vào lúc 11:00 sáng.

Kết thúc với bữa cơm trưa lúc 1:00 có sự tham dự của các cộng tác viên và một ít xướng ngôn viên VietCatholic, các thiện nguyện viên, ban giảng huấn và thân hữu.
-Sau bữa cơm trưa là Màn Văn Nghệ bỏ túi (không có trong chương trình) nhưng do sáng kiến của các học viên.
-Buổi văn nghệ rất vui nhộn và đầy mầu sắc quê hương, phẩm chất cao và tâm tình sâu đậm… Mọi thành phần đều được mời lên góp vui và diễn xuất. Không ai bỏ ra về mà ở lại cho tới khi kết thúc.
-Sau cùng, Cha Trần Công Nghị trao một ít quà kỷ niệm gồm các CD Rom Thánh Kinh và Tài Liệu Công Giáo và các CD Nhạc do VietCatholic thực hiện những năm qua.