Ngày 28-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chỉ có một điều cần
Lm Vũđình Tường
07:26 28/07/2014
Kinh Thánh thuật lại chuyện Chúa đến thăm hai chị em Martha. Cô chị lo dọn cơm, nấu nướng, luôn tay làm không hết việc. Cô em không làm chi, ngồi tiếp truyện Chúa. Thấy vậy, người chị nói với Chúa sao Thầy không bảo em con phụ giúp con một tay. Chúa Kitô từ tốn bảo nàng: Martha, con lo lắng nhiều chuyện lạ, chỉ có một điều cần Maria đã chọn rồi và không ai có thể lấy đi mất được.

Lời Chúa sao lạ ghê đi. Thông thường ta nói khách đến nhà chẳng gà thì vịt, ai lại để khách mang bụng đói vác mặt meo ra về, coi sao được. Phép lịch sự tối thiểu cũng đòi hỏi pha trà, mời nước. Đàng này Chúa Giêsu lại là một người bạn thân của gia đình từ bao lâu nay. Hôm nay Ngài đến thì việc cơm nước hẳn là phải mâm cao, cỗ đầy, cơm gà cá gỏi tiếp đãi cho thật thịnh soạn như thế mới phải phép. Nhất là hoàn cảnh mồ côi của hai chị em. Gia đình túng quẫn sống trong cảnh gạo châu, củi quế, thế mà dám mang hộ khẩu mình nhịn miệng đãi khách.. Đáng lẽ người khách phải lấy làm cảm kích lắm mới phải. Đàng này Chúa Giêsu đáp lại khác:

Chỉ có một điều cần, đó là lắng nghe tiếng Chúa.

Điều Chúa dậy không trái với luân lí, thuần phong mỹ tục. Nếu đem so sánh hai công việc, hai cung cách tiếp khách. Một ngồi lắng nghe khách và đối thoại để câu chuyện được liên tục. Hai là lo tìm đồ ăn, thức uống chuẩn bị bàn cơm. Cả hai cách cùng biểu lộ lòng quý mến của gia chủ. Khó mà xác quyết được cách nào tốt hơn cách nào. Hai cách diễn tả tình cảm đều tỏ ra trọn vẹn, mười phân vẹn mười. Thế sao Chúa lại nói Maria chọn phần hơn là ngồi nghe lời Chúa.

Đôi khi chúng ta mời khách ở lại dùng cơm, người khách chối bai bải như đỉa phải vôi, xin hẹn ông bà lại dịp khác, hôm nay bận lắm không thể ở được. Câu trên cho thấy, ông khách có mục đích riêng trong việc thăm viếng hôm nay. Chúa Giêsu viếng thăm hai chị em với mục đích gì? Viếng thăm xã giao chăng? Không. Nếu thăm xã giao thì Chúa đã hoan hô việc Martha đang làm.

Cuộc đời của Ngài là đi rao giảng Tin Mừng về nước trời. Ngài viếng thăm gia đình Martha cũng không ngoài mục đích đó. Mặc dầu Martha đã tin theo nhưng Ngài muốn củng cố đức tin của hai chị em. Mục đích chính là giảng dậy, do đó Chúa cho biết ai lắng nghe Lời Ngài giảng, kẻ đó làm đúng ý Ngài. Maria đã làm đúng ý. Tất nhiên, Martha cũng đang làm công việc tốt nhưng công việc tốt hơn là nghe Ngài giảng dậy. Chính vì thế mà Chúa Giêsu nói Maria chọn phần hơn. Công việc Maria đang làm tốt hơn công việc Martha làm vì nghe lời Chúa. Học hỏi lời Ngài có ích cho linh hồn.

Chắc chúng ta còn nhớ câu Ngài nói: ai nghe và giữ lời Ta thì còn có phúc hơn người đã sanh ra và nuôi dưỡng ta. Vì sao thế? Vì Lời Ngài là Lời Hằng sống. Vì Lời Ngài dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha. Maria quả thực, đã chọn phần tốt hơn vì nàng lắng nghe Lời Chúa, nàng làm theo ý Chúa Giêsu muốn, nàng tìm được nguồn hạnh phúc. Kẻ hạnh phúc tìm được Lời Chúa và sống như điều đã nghe. Hạnh phúc đó không ai lấy đi được. Kẻ hạnh phúc không phàn nàn. Phàn nàn là dấu chỉ thiếu hạnh phúc.

Ngoài ra Chúa Giêsu còn nhỏ nhẹ bảo Martha một điều là đừng trách móc em con vì điều con nghĩ là đúng chưa chắc đã đúng trọn vẹn. Điều con nghĩ sai chưa chắc đã sai tồi tệ. Điển hình Martha nghĩ em nàng sai, tiếp khách như thế không phải phép. Chúa Giêsu nghĩ khác, Ngài bênh vực Maria. Đúng hơn, Ngài bênh vực cho sự tự do. Chúa mở mắt cho Martha thấy con người cần tự do, cần được phát huy cái khả năng trời ban và khuyến khích phát triển cái khả năng thiên phú đó. Mọi hình thức bóp chết tự do, kiểm soát, kiềm chế, quản lí chỉ đạo tự do đều bị Chúa Giêsu phản bác. Chúa không chấp nhận bất cứ một quyền lực nào, một nhóm hay một tư tưởng nào mệnh danh đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Tự do theo đạo, tự do tín ngưỡng là quyền trời ban con người không có quyền đàn áp tôn giáo.

Ý chỉ hôm nay:
Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài trong mọi nơi, mọi lúc, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Con cần lắng nghe tiếng Ngài để con biết con phải làm chi. Xin cho con đặt trọn niềm tin vào Lời Ngài và niềm hy vọng trong đó. Con cũng xin cho lãnh tụ các quốc gia biết nhận chân giá trị tôn giáo, biết thực thi tốt những điều họ tuyên bố, quy định trong hiến pháp. Đừng lợi dụng tôn giáo cắt nghĩa sai Lời Chúa cho mưu đồ chính trị riêng.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng cho năm 2015
TGM Bùi Chu
08:01 28/07/2014
Tháng Giêng
- Ý chung: Cầu cho những thành viên thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau và tất cả mọi người thiện chí biết cùng nhau xây dựng nền hoà bình.
- Ý truyền giáo: Cầu cho các tu sĩ nam nữ, trong năm về đời sống thánh hiến này, biết tái khám phá niềm vui bước theo Chúa Kitô và hăng say phục vụ người nghèo khổ.

Tháng Hai
- Ý chung: Cầu cho các tù nhân, nhất là các tù nhân trẻ, có cơ hội để gầy dựng lại cuộc sống đúng nhân phẩm.
- Ý truyền giáo: Cầu cho các cặp vợ chồng đã ly thân được các cộng đoàn Kitô hữu đón nhận và giúp đỡ.

Tháng Ba
- Ý chung: Cầu cho những người đang tham gia vào lãnh vực nghiên cứu khoa học, biết nhắm đến mục tiêu phục vụ lợi ích cho toàn thể nhân loại.
- Ý truyền giáo: Cầu cho những đóng góp riêng biệt của giới phụ nữ vào đời sống của Giáo Hội luôn được nhìn nhận.

Tháng Tư
Ý chung: Cầu cho mọi người biết tôn trọng và gìn giữ công trình sáng tạo như một hồng ân của Thiên Chúa.
Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại cảm nghiệm được sự hiện diện an ủi của Chúa Phục Sinh và tình liên đới của toàn thể Hội Thánh.

Tháng Năm
- Ý chung: Cầu cho chúng ta biết khước từ nền văn hoá của sự thờ ơ, để quan tâm đến những nỗi thống khổ của tha nhân, nhất là những người bệnh tật và nghèo khó.
- Ý truyền giáo: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, xin cho các Kitô hữu đang sống trong các bối cảnh thế tục, luôn sẵn sàng để rao giảng về Đức Giêsu.

Tháng Sáu
- Ý chung: Cầu cho những người di cư và tị nạn nhận được sự đón tiếp và tôn trọng nơi các quốc gia mà họ đến.
- Ý truyền giáo: Cầu cho cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu khơi dậy nơi nhiều người trẻ niềm khát khao dâng hiến đời sống mình trong ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến.

Tháng Bảy
- Ý chung: Cầu cho những người có trách nhiệm về chính trị biết sống mực thước như là hình thức cao cả của đức ái.
- Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu tại châu Mỹ Latinh, giữa những bất bình đẳng xã hội, biết làm chứng bằng việc yêu thương người nghèo và góp phần xây dựng một xã hội huynh đệ hơn.

Tháng Tám
- Ý chung: Cầu cho những người đang hoạt động trong lãnh vực thiện nguyện biết luôn quảng đại phục vụ người nghèo.
- Ý truyền giáo: Cầu cho chúng ta biết ra khỏi chính mình để quan tâm đến tha nhân với biết bao người bị gạt ra bên lề cuộc sống và xã hội.

Tháng Chín
- Ý chung: Cầu cho tất cả mọi người trẻ được thăng tiến nhờ được giáo dục và có công ăn việc làm.
- Ý truyền giáo: Cầu cho các giáo lý viên trở nên nhân chứng bằng một đời sống phù hợp với đức tin mà họ rao giảng.

Tháng Mười
- Ý chung: Cầu xin loại trừ được nạn buôn bán người là một hình thức hiện đại của chế độ nô lệ.
- Ý truyền giáo: Cầu cho tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn Kitô giáo tại châu Á, biết rao giảng Tin Mừng cho những người vẫn đang mong đợi.

Tháng Mười Một
- Ý chung: Cầu cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn để gặp gỡ và đối thoại với tất cả mọi người, ngay cả với những người không cùng niềm tin với mình.
- Ý truyền giáo: Cầu cho các vị mục tử trong Hội Thánh, biết tận tình yêu thương đoàn chiên của mình, để đồng hành và giữ vững niềm hy vọng.

Tháng Mười Hai
- Ý chung: Cầu cho mọi người chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ.
- Ý truyền giáo: Cầu cho các gia đình, nhất là những gia đình đang gặp đau khổ, tìm ra dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn nơi việc hạ sinh của Đức Giêsu.

Từ Vatican, ngày 3 tháng Giêng năm 2014
ĐGH Phanxicô

Báo L’Osservatore Romano, ngày 19/4/2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô và anh em Ngũ Tuần
Vũ Văn An
08:35 28/07/2014
Theo ký giả kỳ cựu Sandro Magister, khi tin tức loan ra, và được chính phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, xác nhận, rằng Đức Phanxicô có ý định thực hiện chuyến viếng thăm Caserta một cách tư riêng để gặp gỡ một người bạn, vốn là mục tử của một cộng đồng Tin Mừng địa phương, thì thiên hạ ai nấy đều ngỡ ngàng như bị sét đánh. Một số tín hữu còn đi đến chỗ quá trớn, đe dọa sẽ chống đối ra mặt. Phải mất cả tuần lễ người ta mới thuyết phục được Đức Phanxicô thay đổi lịch trình và phân chia chuyến viếng thăm thành hai giai đọan: giai đoạn đầu, có tính công cộng, để gặp gỡ tín hữu Caserta vào thứ Bẩy, 26 tháng Bẩy, và giai đoạn hai, có tính tư riêng, để hàn huyên với người bạn Tin Mừng vào thứ Hai tiếp theo đó.

Đức Giáo Hoàng đã có nhiều sắp xếp cả hàng tháng trước đây để có cuộc gặp gỡ tư riêng trên. Thực vậy, ngài từng nhắc tới cuộc gặp gỡ này với một nhóm tín hữu Caserta vào ngày 15 tháng Giêng năm nay, sau cuộc yết kiến chung tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Rồi ngài còn nói tới nó một lần nữa vào ngày 19 tháng Sáu, trong một cuộc gặp gỡ một số nhà lãnh đạo Tin Mừng tại Rôma, trong đó có cả người bạn ở Caserta này là mục sư Giovanni Traettino, người mà ngài từng gặp ở Buenos Aires năm 2006 khi còn là TGM của thủ đô Á Căn Đình.

ĐGH và Mục Sư Giovanni Traettino,
Mà thực ra, cuộc gặp gỡ với Mục Sư Traettino ở Caserta không hề là một gặp gỡ riêng rẽ, nhưng là một phần trong cố gắng bao quát hơn của Đức Phanxicô nhằm gấy cảm tình với các nhà lãnh đạo khắp thế giới của các phong trào “Tin Mừng” (Evangelical) và Ngũ Tuần, là hai giáo phái đang cạnh tranh đáng sợ với Giáo Hội Công Giáo, nhất là tại Châu Mỹ La Tinh: họ đang lấy đi những khối lượng tín hữu to lớn của Công Giáo.

Các Kitô hữu "Tin Mừng" và Ngũ Tuần, từng thoát thai từ các giới Thệ Phản một thế kỷ nay, đã phát triển một cách đầy ngạc nhiên. Người ta ước lượng rằng hiện nay họ chiếm gần một phần ba của khoảng 2 tỷ Kitô hữu trên thế giới, và ba phần tư số người Thệ Phản. Và họ có mặt trong cả Giáo Hội Công Giáo nữa. Ngày 1 tháng Sáu vừa qua, tại vận động trường Thế Vận Hội Rôma, Đức Phanxicô đã gặp 50,000 hội viên của Phong Trào Canh Tân trong Chúa Thánh Thần, nhóm Đặc Sủng Công Giáo quan trọng nhất tại Ý.

Ba ngày sau, tức ngày 4 tháng Sáu, Đức GH có một cuộc gặp gỡ khá lâu tại trú sở của ngài là Santa Marta với một số nhà lãnh đạo “Tin Mừng” của Hoa Kỳ, trong đó, có nhà giảng tin mừng nổi tiếng trên truyền hình là Joel Osteen, Mục Sư Tim Timmons của California, và chủ tịch Học Viện Westmont của Tin Mừng, Gayle D. Beebe.

Ngày 24 tháng Sáu lại có một cuộc gặp gỡ nữa. Lần này với hai nhà truyền giảng tin mừng trên truyền hình là James Robinson và Kenneth Copeland, với GM Anthony Palmer (vừa tử nạn) của Hiệp Thông Các Giáo Hội Tin Mừng Giám Mục, với John và Carol Arnott của Toronto, và với nhiều nhà lãnh đạo nổi bật khác. Cũng có sự hiện diện của Geoff Tunnicliffe và Brian C. Stiller, người trước là tổng thư ký và người sau là “đại sứ” của Liên Minh Tin Mừng Thế Giới. Cuộc gặp gỡ này kéo dài 3 tiếng đồng hồ và tiếp tục qua cả bữa ăn trưa, tại phòng ăn của Nhà Santa Marta, trong đó, giữa tiếng cười rộ, Đức Phanxicô đã “high five” (áp cả bàn tay năm ngón xòe vào nhau) Mục Sư Robinson.

Copeland và Osteen là hai nhà chủ đạo của “thần học thịnh vượng” theo đó, đức tin càng lớn mạnh thì sự giầu có càng lên cao. Chính họ cũng là những người rất giầu và sống cuộc sống hết sức xa xỉ. Nhưng dịp trên, Đức Phanxicô “tha” không giảng cho họ nghe về nghèo khó.

Thay vào đó, theo lời tường trình của “đại sứ” Stiller, Đức Giáo Hoàng đã bảo đảm với họ rằng: “Tôi không quan tâm tới việc cải đạo anh em Tin Mừng qua Công Giáo. Hiện có quá nhiều học lý mà chúng ta không bao giờ sẽ nhất trí với nhau được. Nhưng ta hãy lưu tâm tới việc biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu”.

Tuy nhiên, ngài cũng nói với họ rằng ngài học được khá nhiều từ Mục Sư Traettino rằng Giáo Hội Công Giáo, với sự hiện diện áp đảo của nó, hiện hành động quá nhiều như một trở ngại đối với sự phát triển và việc làm chứng của các cộng đồng này. Và cũng chính vì lý do này, ngài đã tới thăm cộng đồng Tin Mừng tại Caserta: “để tỏ lời xin lỗi về sự khó khăn gây ra cho cộng đồng của họ”.

Trong các triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và đặc biệt hơn của Đức Bênêđíctô XVI, các nhà Tin Mừng Hoa Kỳ, nói chung khá bảo thủ, đã không nhấn mạnh tới chủ nghĩa chống giáo hoàng theo truyền thống của họ và đã tìm được nhiều điểm gặp nhau với Giáo Hội Công Giáo trong cuộc chiến đấu chung để bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ sự sống và gia đình.

Đức Phanxicô không dừng lại lâu ở các vấn đề vừa kể trong các cuộc gặp gỡ mấy tuần qua. Tuy nhiên, tháng Ba vừa qua, ngài đã có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại Rôma với gia đình Green sùng đạo và rất “Tin Mừng”, chủ nhân của Hobby Lobby, mà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa xử cho họ thắng vụ kiện chống chỉ thị chăm sóc y tế của chính Phủ Obama đòi các chủ nhân phải cung cấp ngừa thai và phá thai trong các kế hoạch chăm sóc y tế của họ.

Bữa trưa với Đức Giáo Hoàng

Như trên đã nói, “đại sứ” Stiller đã có bài tường thuật buổi ăn trưa với Đức Phanxicô tại Nhà Santa Marta. Stiller cho hay đây là lần thứ hai ông được diện kiến Đức Phanxicô. “Ngay từ đầu, sự duyên dáng của ngài đã làm mọi người chúng tôi thoải mái. Khi từ phòng chào đón bước vào phòng đàm luận, ngài dừng lại ở cửa để bật đèn. Tôi nhận thấy đôi hài giáo hoàng đã không còn, thay thế vào đó là đôi giầy với những chiếc dây tòng teng. Lúc ăn trưa, diễn ra tại phòng ăn, không phải các người bồi bàn rót đồ uống cho chúng tôi; chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô rót cho Geoff Tunnicliffe, Tổng Thư Ký Liên Minh Tin Mừng Thế Giới, và tôi. Sự hiện diện của ngài đã phá bỏ mọi phô bày và nghi thức long trọng. Người ta cần tự nhắc nhở mình rằng ngồi phía bên kia bàn ăn, với nụ cười luôn nở trong mọi khoảnh khắc hân hoan, chính là một trong những người gây ảnh hưởng nhiều nhất trên hế giới. Sự nổi tiếng của ngài đã bị nét bình thường hết sức từ nhân làm cho im lặng. Ảnh hưởng của ngài bị tình âu yếm người khác của ngài bao vây. Quyền lực của ngài nghiêng về người nghèo, những người bị chà đạp dưới chân”.

Theo “đại sứ” Stiller, hai ơn phúc hết sức nổi bật nơi ngài đã được biểu lộ. “Trước nhất các bản năng và ơn phúc của ngài rất hiển nhiên. Tôi hỏi ngài: ‘khi ra mắt trên bancông Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô sau khi được bầu, ngài có dự kiến sẽ yêu cầu mọi người hiện diện tại quảng trường cầu nguyện cho ngài và sau đó ngài cúi đầu trong thinh lặng không?’ Ngài cười trả lời: ‘không, lúc đó, tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi làm điều đó’. Nên tôi hỏi: ‘khi làm thế, ngài cảm nhận ra sao?’ Ngài nhìn vào tôi rồi mỉm cười ‘tôi hết sức bình an’”.

Rồi các vị nói tới các Kitô hữu bị chà đạp, bị các chính phủ đàn áp hay các khối đa số thuộc các tín ngưỡng khác xử tệ. “Ngài lắng nghe rồi kể một câu truyện đáng lưu ý. Trong các năm lui tới Rôma trước đây, ngài trở thành bạn của một mục sư Ý. Dần dà, ngài biết được rằng Giáo Hội và vị mục sư này cảm thấy quyền lực và sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo, một sự hiện diện ‘nặng ký’, đang cản trở ý muốn lớn mạnh và làm nhân chứng của họ. Do đó, ngài quyết định đi viếng Giáo Hội này và đưa ra lời xin lỗi về sự khó khăn đã gây cho cộng đồng của họ”.

Nhưng, theo Stiller, song song với hồng ân đầy yêu thương và tận tụy mục vụ của ngài là đức tính tiên tri, ngôn sứ: không phải để báo trước việc tương lai mà là để nói thẳng lời Thiên Chúa. “Bữa ăn trưa với chúng tôi diễn ra chỉ vài ngày sau khi ngài công bố lời kết án nghiêm khắc tại Calabria, miền nam nước Ý, đối với bọn mafia vì cái tội 'thờ tội ác' của chúng; ngài long trọng cho hay mọi thứ kẻ cướp đều bị Giáo Hội Công Giáo thực tế kết vạ tuyệt thông. Với tầm cỡ động đất, lời tuyên bố này chắc chắn sẽ làm rúng động các cộng đồng nơi Giáo Hội Công Giáo và bọn cướp sống bên cạnh nhau cả hàng thế kỷ nay. Họ đang thấy rằng Đức Phanxicô không phải chỉ là một linh mục thân thiện, đầy tinh thần mục vụ đến từ Nam Mỹ”.

Stiller nhận định thêm rằng: “tôi biết nhiều người sẽ lấy làm ngạc nhiên không biết liệu chúng tôi có thiếu biện phân hay không khi đi ăn trưa với người đứng đầu một Giáo Hội bị họ coi là lạc giáo. Là một người Tin Mừng, tôi rất rõ tầm quan trọng của Cải Cách và vai trò được cộng đồng chúng tôi thủ diễn trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng tôi tán dương cái hiểu của mình về Thánh Kinh, coi nó như thẩm quyền duy nhất và tối hậu, về chức linh mục của mọi tín hữu, về giây phút ban sự sống của việc tái sinh và sự tự do của các Giáo Hội và thừa tác vụ là phát sinh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Không ai lưu ý tới việc vặn lại đồng hồ. Cũng thế, xây dựng một Giáo Hội hợp nhất không phải là việc có thể làm được và cũng chẳng phải là việc có lợi cho chúng tôi. Những kế sách như thế không dẫn chúng tôi tới việc chu toàn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Gioan 17 rằng: chúng tôi nên một trong Chúa Kitô.

“Phản chứng của tôi đối với những ai muốn bác bỏ tình bằng hữu với Đức Giáo Hoàng là như sau. Đối với những người Tin Mừng và Thệ Phản, thuộc mọi hình thức và tầm cỡ, tư cách và địa vị của Giáo Hội Công Giáo là điều quan trọng. Trong số hơn hai tỷ Kitô hữu, phân nửa có liên hệ với Vatican. Khoảng 600 triệu người là Tin Mừng và 550 triệu người khác là thành viên của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (bao gồm Chính Thống Giáo). Như một cơ chế hoàn cầu, ơn gọi của chúng tôi là có những tiếp xúc với các cộng đồng Kitô Giáo và các tín ngưỡng lớn khác. Thảo luận với Rôma không làm thiệt hại gì các cam kết tín lý của chúng tôi hơn là gặp gỡ các vị đứng đầu các tôn giáo khác. Chúng tôi làm việc này như một vai trò tự nhiên và quan trọng của ơn gọi của mình. Tại những nơi người Tin Mừng bị kỳ thị, có được sự liên kết chính thức này sẽ giúp chúng tôi đặt vấn đề và yêu cầu được trả lời mà nếu khác đi, chúng tôi không bao giờ có được.

“Trong cộng đồng đức tin thế giới, công việc và vai trò của mỗi cộng đồng Kitô Giáo đều quan trọng. Vì 50 phần trăm những người tự gọi mình là Kitô hữu có liên hệ với Rôma, nên khi thẩm quyền thiêng liêng và đạo đức của họ bị suy giảm thì việc này hiển nhiên có ảnh hưởng tới toàn thế giới. Khi Rôma mất hướng, khi thối nát trở thành đặc điểm cho các hoạt động tài chánh của họ, khi các tai tiếng tình dục lấy mất ảnh hưởng tinh thần của họ, khi họ lu mờ trong việc mạnh mẽ tuyên dương bản chất đức tin, tất cả chúng ta đều mất mát.

“Bạn có lý khi hỏi chúng tôi, trong tư cách những người Tin Mừng, chúng tôi muốn thấy thứ Giáo Hội Công Giáo nào. Tại bữa ăn trưa hôm nay, tôi có hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem ngài dành cho phong trào tin mừng một tâm tình như thế nào. Ngài mỉm cười, biết rõ hậu ý của câu tôi hỏi, nên đã nhận định: “Tôi không quan tâm tới việc cải đạo anh em Tin Mừng qua Công Giáo. Tôi muốn người ta tìm được Chúa Giêsu ngay trong cộng đồng của họ. Hiện có quá nhiều học lý mà chúng ta không bao giờ sẽ nhất trí với nhau được. Nhưng ta hãy lưu tâm tới việc biểu lộ tình yêu của Chúa Giêsu”.

Các vị cũng thảo luận việc làm thế nào, trong sự dị biệt, vẫn tìm được sự hợp nhất và sức mạnh. Dùng kiểu nói của thần học gia Thệ Phản người Thụy Sĩ là Oscar Cullman, các vị đã suy tư việc làm thế nào “‘tính đa diện sau khi được hòa giả’ (reconciled diverstiy) có thể giúp chúng ta duy trì được cách hiểu riêng của mình về việc Chúa Kitô đã thực hiện ơn cứu rỗi ra sao”.

Stiller không cho biết gì về quan điểm của đôi bên, chỉ cho biết: sau đó, các vị đã chuyển qua các vấn đề có tính hoàn cầu khác như tự do tôn giáo, công lý và nhiều vấn đề khác có liên hệ tới phúc lợi của mọi người.

Cuối cùng, Stiller cho hay: “chúng ta đang ở giữa một đại biến động tôn giáo khắp thế giới. Trung Đông đang trên bờ của một điều gì không rõ. Hồi Giáo đang trên đà gia tăng. Chứng tá Tin Mừng đang thẩm thấu khắp nam bán cầu. Vậy tương lai sẽ ra sao?

“Một vị giáo hoàng sinh động, có tính sinh tử về thiêng liêng, cứng rắn trong việc lãnh đạo đạo đức và có khả năng giám sát thế giới hiệp thông của ngài quả là một điều chủ yếu. Những điều ngài nói và làm đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta.

“Người Tin Mừng không cần ẩn núp phía sau sợ hãi, không dám dấn thân. Làm việc chung trong lãnh vực đau khổ và trong các vấn đề của con người với các Kitô hữu có truyền thống khác và đọc bản văn Thánh Kinh cách khác không hề vi phạm bản sắc và các điều chúng ta tin tưởng”.
 
Những tweets phổ biến nhất của Đức Giáo Hoàng cho đến nay
Nguyễn Việt Nam
17:08 28/07/2014
Một hoặc hai ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô tweets một tin nhắn trên account @ Pontifex của mình. Ngài truyền tải không chỉ những tin nhắn, nhưng cả sự gần gũi và khiêm nhường của mình. Trên tất cả, ngài đưa ra những lời khuyên và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Tweet phổ biến nhất của Đức Giáo Hoàng đưa ra vào lễ Phục sinh năm 2014, và chỉ dài bốn từ. Nó được retweet 39,400 lần, nghĩa là được người xem gởi tiếp cho những người khác, và được 36,000 người đưa vào danh sách những tweets được ưa thích.

Lòng hâm mộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng tăng lên từ ngày ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ngài đứng thứ hai trong danh sách những người có đông người theo dõi trên Tweeters, và cái tweet đầu tiên của ngài được retweet 36,000 lần.

Một vài ngày sau đó, Đức Thánh Cha đã đưa ra tin nhắn về một Giáo Hội nghèo cho người nghèo trong đó ngài nêu bật vai trò của Giáo Hội trong việc giúp đỡ "những người nghèo, những người yếu đuối, dễ bị tổn thương." Tin nhắn này có 24,700 retweets.

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục sử dụng Twitter để tố cáo “nền văn hóa loại bỏ” và "sự toàn cầu hóa sự thờ ơ." Thông điệp của ngài thỉnh cầu những lời cầu nguyện cho các nạn nhân cơn bão ở Philippines đã được retweeted bởi 34,000 người theo dõi.

Đức Giáo Hoàng cũng có một vị trí đặc biệt cho những người trẻ tuổi. Ngài yêu cầu họ tin tưởng vào Thiên Chúa, và sử dụng tài năng Thiên Chúa ban cho họ trong việc thăng tiến cuộc sống.

Trong những tweets hàng đầu của ngài, ta cũng tìm thấy những tham chiếu đến thể thao, bao gồm cả World Cup vừa qua, hoặc những trách nhiệm mà Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt. Và tất nhiên, tweet "Xin hãy cầu nguyện cho tôi," là một trong những tweet phổ biến nhất.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ tang cha cố Giuse Đặng Văn Quy, SSS
Giuse Khổng Hữu Nguồn
08:25 28/07/2014
Lúc 8 giờ sáng thứ Hai, ngày 28.7.2014, tại nhà thờ Giáo xứ Hải Dương, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên - Giám mục Hải Phòng chủ sự lễ an táng Cha Cố Giuse Đặng Văn Quy - Dòng Thánh Thể.

Xem Hình

Cùng dâng lễ với Đức Cha, có Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú. Cha Đaminh Trương Kim Hương - Đại diện đồng hương Hải Phòng tại miền Nam. Cha Giuse Bề trên Giám tỉnh Dòng Thánh Thể, Quý cha Quản hạt, Quý cha trong ngoài giáo hạt và các cha Dòng Thánh Thể.

Dự lễ có đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý cộng đoàn phụng vụ trong ngoài xứ Hải Dương, quý gia đình linh tông huyết tộc của cha cố Giuse.

Đoàn đồng tế từ trong nhà Dòng Thánh Thể tiến vào thánh đường, tới nơi di ảnh và thi hài cha cố Giuse, Quý Cha và Đức Cha cúi chào người anh em linh mục của mình, rồi tiếp tục tiến về cung thánh dâng lễ cầu nguyện cho cha cố.

Bước vào thánh lễ, cha Dòng Thánh Thể đọc tóm tắt tiểu sử cha cố Giuse và đọc thư phân ưu của hai Đức Cha Giáo phận Xuân Lộc, thư phân ưu của cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Thể tại Roma.

Ca đoàn cất cao bài ca nhập lễ: “Đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi. Đi về nhà Chúa ôi bao nhiêu mến thương ngập trời. Lạy Chúa, đi về nhà chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi. Đi về nhà Chúa, đi về nhà Chúa ôi bao nhiêu mến thương ngập trời….”

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giuse chia sẻ: “Kính thưa Đức Ông, kính thưa cha Bề trên Giám tỉnh, tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam, kính thưa cha Đaminh đại diện cho các linh mục tu sĩ và giáo dân Hải Phòng tại miền Nam, kính thưa quý cha quản hạt, kính thưa quý cha, kính thưa quý tu sĩ đại diện cho linh tông và huyết tộc của cha cố Giuse, kính thưa Ban hành giáo, kính thưa quý cụ, quý ông bà và anh chị em. Đối với chúng ta, những người tin vào quyền năng Thiên Chúa và tin vào sự phục sinh của Đức Giesu. Khi tham dự một lễ nghi an táng của một người thân, không chì là tiễn biệt và tiễn đưa người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng; nhưng chúng ta còn có cơ hội ôn lại cuộc đời của người vừa nằm xuống, đồng thời cũng là để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Cha cố Giuse Đặng Văn Quy, đã là người tiên phong trong những lãnh vực, người là một trong bảy linh mục được truyền chức ngày mồng 03 tháng 5 năm 1953 do Đức Cha Giuse Trương Cao Đại, là đợt truyền chức đầu tiên, cũng là đợt truyền chức duy nhất trong triều đại giám mục của ngài, với cương vị là giám mục Hải Phòng.

Cha cố Giuse cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Dòng Thánh Thể Việt Nam, khi dòng mới được thành lập vào năm 1972.

Cha cố Giuse với hoài bão của mình mong ước trở về quê hương để rồi đặt viên đá nền tảng đầu tiên cho Cộng Đoàn Thánh Thể tại xứ Cựu Viên, Giáo phận Hải Phòng vào năm 2004.

Chúa đã dùng cha cố Giuse để làm những điều lạ lùng và suốt cuộc đời của người, người đã tận tụy hy sinh yêu mến Giáo Hội, yêu mến Chúa Giesu Thánh Thể.

Đối với giáo xứ quê hương Cựu Viên miền Bắc, ngài dù tuổi cao sức yếu; nhưng luôn luôn tận tụy hy sinh, sống chết với quê hương để khôi phục đức tin nơi lòng con người.

Tưởng niệm một người vừa nằm xuống, đối với chúng ta cũng là dịp để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì Chúa ban cho chúng ta một mòn quà là cha cố Giuse, một món quà cho Dòng Thánh Thể, một món quà cho giáo dân Hải Phòng, một món quà mà cho các giáo xứ mà ngài đã để lại dấu ấn mục vụ và đặc biệt cho giáo xứ Hải Dương của chúng ta.

Cách đặc biệt chúng ta hãy sốt sắng dâng thánh lễ, xin Chúa xót thương tha bớt những lỗi lầm thiếu sót của cha cố và cho linh hồn cha cố Giuse sớm về hưởng phúc thiên đàng”.

Trước khi kết thúc lễ an táng, quý cha, quý tu sĩ, các vị đại diện gia đình linh tông và huyết tộc của cha cố Giuse lên dâng lời cảm ơn quý Đức Cha, Đức Ông Vinh Sơn, Cha Giám Tỉnh, Cha Đaminh Đại Diện Hải Phòng tại miền Nam, Quý Cha Quản hạt, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ và cộng đoàn Dân Chúa. Đồng thời cũng nói lời xin lỗi vì những thiếu sót vụng về trong lúc tổ chức tang lễ cha cố Giuse. Kính xin Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và mọi người niệm tình tha thứ và xin tiếp tục cầu nguyện cho cha cố Giuse.

Nghi thức tiễn biệt do Đức Ông Vinh Sơn cử hành và sau đó linh cữu cha cố Giuse được cộng đoàn cung kính đưa ra xe tang để về Đất Thánh Dòng Thánh Thể Khiết Tâm, Thủ Đức. Nơi đây, chúng con xin gởi lại thân xác cha cố Giuse cho lòng đất để chờ ngày phục sinh.

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, xin cho linh hồn thầy cả Giuse sớm về hưởng nhan thánh Chúa.

Đôi dòng tiểu sử Cha Cố Giuse Đặng Văn Quy, SSS

- Sinh ngày: 25.01.1923, tại Hải Phòng.

- Thụ phong linh mục ngày: 03.5.1953

- 1953 – 1954: Phó xứ miền Bắc.

- 1954 – 1974: Phục vụ các xứ đạo: Bến Súc, Rạch Tiếng, Bến Gỗ, Trà Cổ, Quy Nhơn, Bình Dương, Thuận Hòa.

- 1978: Khấn trong Dòng Thánh Thể.

- 1975 – 2004: Bề trên cộng đoàn Thánh Thể Hải Dương, quản nhiệm xứ Phú Tảo, Phúc Lâm, (Hố Nai).

- 2004 – 2014: Bề trên cộng đoàn Cựu Viên, quản nhiệm giáo xứ Cựu Viên (Hải Phòng).

- 2011 – 2014: Hữu dưỡng tại Cộng Đoàn Thánh Thể Hải Dương.

- Được Chúa gọi về ngày 25.07.2014

- Hưởng thọ 91 tuổi.
 
Mừng lễ chân phước Anrê Phú Yên :Bổn mạng giáo lý viên giáo phận Xuân Lộc
Sr. Maria Phương Trâm
21:12 28/07/2014
MỪNG KÍNH CHÂN PHƯỚC ANRE PHÚ YÊN BỔN MẠNG GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Sáng 27/7/2014, bầu trời nặng trĩu, mây đen u ám phủ kín cả bầu trời, những cơn mưa dai dẳng của ngày hôm qua, hôm kia do ảnh hưởng của cơn bão Rammansun (Thần Sấm) làm nhiều con đường nơi các vùng nông thôn vẫn còn ướt sũng, lầy lội. Thế nhưng mưa bão, đường xá lầy lội và nhiều gian nan khác vẫn không ngăn được bước chân của 2.800 Giáo Lý Viên (GLV) trong Giáo phận quy tụ về giáo xứ Thái Hòa, hạt Hòa Thanh để cùng nhau mừng kính Chân Phước Anre Phú Yên, Bổn mạng GLV giáo phận Xuân Lộc.

Xem Hình

7 giờ sáng, những chuyến xe đầu tiên đã dừng lại trước cổng nhà thờ Thái Hòa, từng nhóm GLV trong đồng phục truyền thống của Thiếu nhi Thánh Thể được quý Thầy Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc đón tiếp, hướng dẫn nhận thẻ và chia nhóm. Niềm vui của giây phút trùng phùng hiện rõ trên gương mặt của các bạn GLV, bởi đa số các bạn đã từng ăn, từng ở, từng chia sẻ vui buồn với nhau qua những khóa huấn luyện Đuốc Hồng.

8 giờ, cái tĩnh lặng vốn có trong khung cảnh của ngôi Thánh Đường Thái Hòa được xua tan bởi những bài ca, điệu múa, những băng reo từ 2.800 con tim đang vỡ òa, thổn thức với niềm vui của ngày hội ngộ. Đây cũng là giờ để các bạn cùng nhau khởi động, ôn hát, tập nghi thức chuẩn bị cho Thánh lễ và những sinh hoạt của ngày đại lễ này. Sau phần khởi động thật sôi nổi và hào hứng, Đức ông Tổng đại diện Vinhsơn Đặng Văn Tú, thay mặt hai Đức Cha giáo phận, đã hiện diện và chia sẻ với các bạn GLV về chương trình huấn giáo của Giáo phận cũng như những hoạch định của giáo phận trong chương trình Ngũ niên, hướng tới kỷ niệm 50 thành lập giáo phận 1965 – 2015.

9 giờ, những sợi nắng đầu tiên xuyên qua kẽ lá, nhảy múa reo vui như báo hiệu một ngày nắng đẹp. Lúc này tại khu vực nhà xứ đoàn rước kiệu Chân phước Anre Phú Yên với cờ ngũ sắc, trống phách cùng áo mão cân đai đang chuẩn bị tiến về lễ đài. Cung nghinh di ảnh Chân phước Anre Phú Yên trong ngày hôm nay, cũng là dịp để các GLV thêm lòng tôn kính, biết ơn và noi gương anh hùng của vị chứng nhân tiên khởi, Người Giáo Lý Viên anh dũng, để từng GLV ý thức việc dạy giáo lý của mình và kiên vững tiếp bước Ngài trong hành trình đức tin và sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa Kitô giữa mọi gian lao thử thách. Trước di ảnh của Chân phước Anre Phú Yên, các GLV cũng thinh lặng chiêm ngắm, cảm phục gương tử đạo can trường của Ngài. Kết thúc nghi thức tôn vinh Chân phước Anre Phú Yên, bài ca nhập lễ mở đầu Thánh lễ mừng kính Chân phước cũng được hát lên.

Sau bài giảng trong Thánh lễ, Cha Trưởng ban Giáo dục Công Giáo Giuse Đỗ Đức Trí, cũng là Trưởng Ban Tổ Chức, giới thiệu lên Đức ông 246 GLV đã tham dự các khóa huấn luyện Đuốc Hồng và đã hoàn thành chương trình huấn luyện GLV cấp Giáo phận niên khóa 2012-2014. Trước khi trao bằng tốt nghiệp cho các GLV, Đức ông ân cần huấn dụ: “Hôm nay, một cách đặc biệt, các con được Hội Thánh chính thức ủy thác sứ mạng giảng dạy giáo lý. Cha tin chắc trong thời gian qua, các con đã cố gắng học tập và đào luyện đời sống nhân bản, cũng nhu đức tin của mình, để trở thành một GLV thánh thiện và đủ khả năng hoàn thành sứ mạng”. Các GLV cũng mạnh mẽ xác tín niềm tin của mình khi tuyên xưng đức tin và hứa trung thành giảng dạy Giáo lý toàn vẹn của Chúa Giê-su, giáo huấn của Hội Thánh. Kết thúc Thánh lễ, Cha Trưởng Ban Giáo dục Công Giáo, thay lời cho Ban tổ chức và các GLV bày tỏ lòng biết ơn hai Đức Cha, Đức ông Tổng đại diện, Quý Cha đồng tế….

“Hát cho nhau nghe và múa cho nhau xem” là chương trình múa hát của tất cả GLV khi chia sẻ với nhau bữa cơm huynh đệ sau Thánh lễ tại khuôn viên giáo xứ. Đây cũng là giây phút để các GLV chuyện trò, giao lưu, chia sẻ với nhau những trải nghiệm của mình trong hành trình mang tên: “Sứ mạng của người GLV”. Các bạn cũng không quên nhắc lại những kỷ niệm vui buồn khi cùng nhau tham dự các khóa huấn luyện Đuốc Hồng.

13 giờ, các GLV lại chia tay nhau đi về nhóm của mình theo màu thẻ mà các bạn đã được nhận buổi sáng: nhóm Hồng, nhóm Xanh, nhóm Vàng. Mỗi nhóm được phân chia theo từng khu vực khác nhau: Nhà thờ, nhà vòm, lễ đài để cùng nghe các chuyên gia chia sẻ 3 chuyên đề khác nhau: Trở về với Gia đình; GLV – Chứng nhân của Lời; GLV – Nhân chứng và loan báo Tin Mừng. Mỗi đề tài, GLV được chia sẻ những kiến thức, những kinh nghiệm sống khác nhau nhưng tất cả cùng tựu trung lại trong tình yêu Giê-su nơi con người GLV. Sau phần chia sẻ chuyên đề, các GLV được nhận thêm một hành trang quý giá khác theo nhóm của mình là: dải băng vải, bông lúa và bông hoa để cùng nhau đi về một hướng, cùng nhau tập trung nơi trái tim của tình yêu Giê-su trong hành trình tiến ra Đất Thánh của giáo xứ Thái Hòa.

Trong khi tiến ra Đất Thánh, các GLV cũng được nghe diễn giải ý nghĩa của ba biểu tượng trên tay. Nhóm dải băng vải tượng trưng cho khăn thắt lưng của Chúa Giê-su. Trong bữa tiệc ly, Chúa đã lấy khăn thắt lưng cúi xuống và rửa chân cho các môn đệ. GLV hôm nay cũng phải rửa chân cho nhau, cho các em thiếu nhi mình phụ trách qua đời sống phục vụ và bác ái. Dải băng cũng tượng trưng cho sự kiên vững trong đức tin của các Thánh Tử đạo Việt Nam, dù chịu trăm nghìn khổ cực các Thánh tử đạo vẫn kiên trung giữ vững đức tin mà các ngài đã lãnh nhận. Theo gương các bậc tiền nhân là cha ông chúng ta, GLV cũng giữ vững đức tin của mình cho dù gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều gian lao thử thách. Nhờ đó chúng ta có thể thông truyền đức tin cho người khác, nhất là các em thiếu nhi mà chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc và hướng dẫn. Nhóm bông lúa tượng trưng cho quê hương Việt Nam một đất nước phát triển từ nền nông nghiệp lúa nước. Bông lúa cũng tượng trưng cho hạt giống Lời Chúa. Mỗi giáo lý viên được mời gọi để nên người gieo giống Tin mừng, loan truyền Lời Chúa cho tha nhân, trước hết là gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng các em thiếu nhi. Giáo lý viên cũng là hạt lúa, hạt giống tốt được Chúa gieo vào đời để trở nên mùa bội thu cho Giáo Hội. Bông hoa tượng trưng cho nét đẹp của người GLV, các GLV được mời gọi trở nên như những bông hoa tươi thắm tô điểm cho trần gian. Đồng thời bông hoa GLV cũng phải tỏa hương thơm Nước Trời qua đời sống dấn thân, hăng say loan báo Tin Mừng. Mỗi GLV phải làm sao cho người khác khi tiếp xúc với mình họ cũng cảm nhận được hương Giê-su tỏa ra qua lời ăn tiếng nói của mình.

Thánh giá là trung tâm điểm của người GLV, các GLV tập trung dưới chân thánh giá cùng xác tín lại ơn gọi và sứ mạng của mình qua Lòi Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…” (Mc 16,15). Trong thinh lặng, Cha Đặc trách hướng ý cầu nguyện, ban phép lành kết thúc và phát lệnh lên đường.

Niềm vui của GLV giáo phận trong ngày mừng kính Chân phước Anre Phú Yên cũng khép lại, đọng lại trong tâm hồn của từng GLV là những cảm xúc, những quyết tâm khi cùng nhau loan báo Tin Mừng. Hành trang mà các bạn nhận được hôm nay sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm hồn người GLV và sẽ được sẻ chia với tất cả những người mà các bạn gặp gỡ trong môi trường sống của mình.

Sr. Maria Phương Trâm, Đa Minh Phú Cường
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư ngỏ của một số đảng viên Cộng Sản cao cấp gửi Ban Chấp Hành Trung Ương và các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam
Xem danh sách ký tên
13:00 28/07/2014
Thư Ngỏ

Ngày 28 tháng 07 năm 2014

Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay,Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông, coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc trần cái gọi là “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4 tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.

Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.

Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.

Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:

1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Ngay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.

Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một Quốc hội chuyên nghiệp, xứng đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính trị.

Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.

2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…

Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình.

Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi.

Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.

Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!

DANH SÁCH CÁC ĐẢNG VIÊN KÝ THƯ NGỎ GỬI BCH TW

VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

______________________

1. Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội.

2. Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.

3. Trần Đức Nguyên, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Tuyến, vào Đảng năm 1946, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.

5. Lê Duy Mật, vào Đảng năm 1947, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988, Hà Nội.

6. Tạ Đình Du (Cao Sơn), vào Đảng năm 1948, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.

7. Vũ Quốc Tuấn, vào Đảng năm 1948, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.

8. Nguyễn Hữu Côn, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần Quân đoàn 2, Hà Nội.

9. Hoàng Hiển, vào Đảng năm 1949, nguyên Trung tá Hải quân, Hà Nội.

10. Đỗ Gia Khoa, vào Đảng năm 1949, nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công an và Tổng cục Hải Quan, Hà Nội.

11. Hà Tuân Trung, vào Đảng năm 1949, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiểm tra, Hà Nội.

12. Nguyễn Thị Ngọc Toản, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Giáo sư, Cựu Chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoa, Quân Y viện 108, Hà Nội.

13. Phạm Xuân Phương, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội.

14. Tô Hòa, vào Đảng năm 1950, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.

15. Võ Văn Hiếu, vào Đảng năm 1950, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam.

16. Hoàng Tụy, vào Đảng năm 1950, Giáo sư Toán học, Hà Nội.

17. Huỳnh Thúc Tấn, vào Đảng năm 1951, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.

18. Tạ Đình Thính, vào Đảng năm 1951, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

19. Nguyên Ngọc, vào Đảng năm 1956, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Hội An.

20. Tương Lai, vào Đảng năm 1959, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí Minh.

21. Nguyễn Khắc Mai, vào Đảng năm 1959, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, Hà Nội.

22. Đào Công Tiến, vào Đảng năm 1960, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

23. Vũ Linh, vào Đảng năm 1962, nguyên Chủ nhiệm chương trình PIN mặt trời, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội.

24. Nguyễn Kiến Phước, vào Đảng năm 1962, nguyên Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân, TP. Hồ Chí Minh.

25. Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội

26. Võ Văn Thôn, vào Đảng năm 1965, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

27. Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Hà Nội.

28. Huỳnh Kim Báu, vào Đảng năm 1965, nguyên Tổng thư ký‎ Hội Trí thức yêu nước TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

29. Hạ Đình Nguyên, vào Đảng năm 1965, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.

30. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), vào Đảng năm 1966, nguyên thư k‎ý của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh

31. Lê Công Giàu, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

32. Kha Lương Ngãi, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh.

33. Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Huế.

34. Phạm Đức Nguyên, vào Đảng năm 1968, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Xây dựng, 46 tuổi đảng, Hà Nội.

35. Bùi Đức Lại, vào Đảng năm 1968, nguyên Vụ trưởng, chuyên gia cao cấp bậc II, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.

36. Lữ Phương, vào Đảng năm 1968, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.

37. Nguyễn Lê Thu An, vào Đảng năm 1969, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh.

38. Nguyễn Đăng Quang, vào Đảng năm 1969, Đại tá công an, đã nghỉ hưu, Hà Nội.

39. Trần Văn Long, vào Đảng năm 1970, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

40. Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh, Hà Nội.

41. Huỳnh Tấn Mẫm, vào Đảng năm 1971, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.

42. Võ Thị Ngọc Lan, vào Đảng năm 1972, nguyên cán bộ công an TP. Hồ Chí Minh.

43. Hà Quang Vinh, vào Đảng năm 1972, cán bộ hưu trí, TP. Hồ Chí Minh.

44. Nguyễn Đắc Xuân, vào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, TP. Huế.

45. Lê Đăng Doanh, vào Đảng năm 1974, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.

46. Chu Hảo, vào Đảng năm 1974, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.

47. Nguyễn Xuân Hoa, vào Đảng năm 1974, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Huế.

48. Nguyễn Vi Khải, vào Đảng năm 1974, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, 40 tuổi đảng, Hà Nội.

49. Cao Lập, vào Đảng năm 1974, nguyên Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh.

50. Lê Thân, vào Đảng năm 1975, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh SG-Riversite, TP. Hồ Chí Minh.

51. Ngô Minh, vào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà văn, TP. Huế.

52. Trần Kinh Nghị, vào Đảng năm 1976, cán bộ Ngoại giao về hưu, Hà Nội.

53. Hồ An, vào Đảng năm 1979, nhà báo, TP. Hồ Chí Minh.

54. Đoàn Văn Phương, vào Đảng năm 1979, nguyên chiến sĩ thuộc Ban Giao lưu trung ương Cục, TP. Hồ Chí Minh.

55. Hồ Uy Liêm, vào Đảng năm 1980, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

56. Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.

57. Lê Văn Luyến, vào Đảng năm 1987, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.

58. Nguyễn Gia Hảo, vào Đảng năm 1988, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.

59. Phạm Chi Lan, vào Đảng năm 1989, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.

60. Đào Tiến Thi, vào Đảng năm 1991, Thạc sĩ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội

61. Nguyễn Nguyên Bình, vào Đảng năm 1996, Trung tá, cựu chiến binh, Hà Nội.

Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/

_____________________
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bậc Thang
Nguyễn Ngọc Liên
22:33 28/07/2014
BẬC THANG
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Tâm an trí thảnh bình yên
Dù cho bậc xuống, thang lên:- chuyện thường !
(nđc)