Ngày 31-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lý tưởng sống
Thanh Thanh
08:48 31/07/2010
LÝ TƯỞNG SỐNG

Câu truyện đời thường

Trong tập thơ có tựa đề “Muôn nghìn lý do để sống”, Đức cha Helder Camara, người Brasil, nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại chuyện ngụ ngôn như sau:

Bên cạnh nhà tôi có con chim sáo. Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó.

Tôi hỏi: ngươi có nơi ngủ nghỉ không?

Chú sáo ngạc nhiên trả lời: Có chứ! Màn là trời, chiếu là đất, có khi nào thiếu đâu.

Tôi hỏi nó: Vậy những lúc mưa gió trú ngụ ở đâu?

Nó nhanh nhẩu trả lời: Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần phải tắm gội hay sao?

Tôi hỏi nó có đói không?

Nó mỉm cười đáp: Điều tôi muốn là được hót, tôi sinh ra là để hót mà. Thế rồi nó cất tiếng hót: Hỡi loài người kiêu ngạo, mi hãy nói cho ta biết, liệu mi không phải chết sao?

Tôi nài nỉ chú sáo nhận cho món quà của tôi, là ít bánh mì có thịt.

Chú sáo cười cợt sự ngây thơ của tôi. Và bảo: bộ ông không biết rằng loài sáo chúng tôi không ăn bánh mì và thịt, giống như các ông sao?

Tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không? Nó không hiểu được câu hỏi của tôi, nó chỉ cười trả lời: có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi, nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót.

Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào trong bệnh viện để nhà bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Thế nhưng, tôi chợt nhớ ra rằng nó chỉ là một con chim.

Câu truyện Lời Chúa

Đức Giêsu nói: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

Ngài kể tiếp dụ ngôn, là có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì kho lẫm đã chất đầy. Rồi ông ta quyết định phá hết các kho cũ đi, xây lại những kho mới, lớn hơn để chứa thật nhiều hoa màu. Và tự nhủ rằng: hồn ta hỡi, bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!

Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: 'Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? (Lc 12,13-21).

Câu truyện của chúng ta

Truyện ngụ ngôn trên thật ý nghĩa. Nhận định một cách khéo léo, tinh tế và rất thực tế về con người, không những thời xưa mà cả thời nay nữa.

Chim sáo biết rõ nó là ai và là gì. Nó không quá bận tâm về cuộc sống cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, khi đau yếu, hay đầu tư tích trữ. Nó sống rất tự do, tự do đúng như chim. Nó sinh ra là để hót. Vì thế, dù vui hay buồn, bình an hay đang hoảng sợ, nó vẫn hót. Hót là sở thích và là nhu cầu để phục vụ của nó. Và biết rõ những thứ gì ảnh hưởng đến sinh mạng, như thực phẩm… thì nó sẵn sàng từ chối.

Đang khi ấy, con người vốn là loại thụ tạo cao cấp, nhưng dường như nhiều người, nhiều nơi, đã không bằng loài chim. Khi chỉ biết lo cho cơm áo, mà coi nhẹ các giá trị tinh thần. Lo cho tiền bạc mà không chú trọng đến giá trị đạo đức làm người. Lo cho đời này mà không lưu tâm đến đời sau. Lo làm đẹp những giá trị tầm thường và sao lãng những giá trị cao thượng. Lo đầu tư cho đời này mà không đầu tư cho đời sau. Lo tìm kiếm những của cải mau hư nát, còn của cải muôn đời tồn tại là tình yêu, bao dung, tha thứ, thiên đàng, thì coi nhẹ hay bỏ quên.

Con người, dù có kiến thức và trí khôn, vậy mà, quá nhiều người, nhiều nơi, biết rõ lắm thứ nhiều điều ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tương lai, đến gia đình, Giáo hội và xã hội, đến tình bạn, tình yêu và cuộc sống, vậy mà vẫn làm, vẫn theo, vẫn học đòi. Đôi khi còn coi đó là hợp thời, rồi hãnh diện. Từ thực phẩm đến trang sức, từ báo chí đến phim ảnh. Rồi đến các thói xấu do xác thịt gây ra như: chè chén say sưa, bài bạc số đề, ngoại tình gian dâm, bất trung bất hiếu, tự kiêu tự đại, kiêu căng hống hách, ghen tuông ghen tỵ, lười biếng khô khan, tục tằn cố chấp, ngồi lê mách lẻo, thêm điều đặt chuyện…

Tin Mừng Luca cho thấy rõ người phú hộ đã chọn lý tưởng đời mình là kho lẫm, là của cải vật chất và an phận với những bảo đảm chóng qua ấy. Hình ảnh này đáng để con người suy gẫm, để soi rọi đời mình, xem thứ gì đang chế ngự lý trí, tâm hồn và cuộc sống của ta. Và giá trị ấy là gì? Thiên Chúa, thiên đàng, tình yêu, đạo đức, siêu nhiên hay chỉ những thứ có giá trị ngắn hạn, tạm thời mà thôi.

Hãy nhớ lời thánh Phaolô nói rất hay: Mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại là Đức Ái.

Hãy nhớ lời Đức Giêsu nói: Đồ ngốc, nội đêm nay, ta đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

Hãy nhớ rằng ta từ Thiên Chúa mà ra thì sẽ phải trở về với Ngài. Chẳng có gì ngoài Ngài có thể bảo đảm tuyệt đối cho ta.

Hãy nhớ rằng mọi thứ ta có được ở đời này là khập khiễng, bất toàn, phải cẩn thận khi tìm kiếm, đầu tư, cậy dựa và sử dụng.

Sống có lý tưởng sẽ tạo cho con người sức mạnh để phấn đấu, cố gắng, và đầu tư để đạt được mục đích. Còn thiếu lý tưởng sống, con người sẽ trở nên yếu nhược, vô hồn, thiếu can đảm và nghị lực, thiếu nhẫn nại và vượt khó, cuộc đời trở nên thụ động, trôi nổi dật dờ.

Sống có lý tưởng không những chỉ giúp ích cho bản thân, mà còn phải phải giúp ích cho đời, cho người.

Sống có lý tưởng không chỉ có giá trị trước mắt, mà còn phải có giá trị lâu dài, đời đời.

Lý tưởng sống của người tín hữu là dù sống hay chết, lúc nào cũng được sống trong nhà của Đức Chúa Trời, trong tình yêu hiến thân của Chúa Giêsu và trong hơi ấm của Chúa Thánh Thần.

Lý tưởng sống của người con Chúa là từng bước theo Ngài. Nắm chặt tay Ngài. Tư tưởng, ý chí, tâm hồn luôn hướng về Ngài, giống như Phêrô đi trên mặt biển được là nhờ mắt luôn nhìn Đức Giêsu và can đảm bước tới.

Lý tưởng sống của người con Chúa là trung thành với Ngài, dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, đau khổ, hiểu lầm. Hãy luôn an tâm, dù người đời có bỏ ta, thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi ta. Vì ta là trung tâm, là mục tiêu chính để Ngài yêu mến, phục vụ và chăm sóc.

Nếu đặt giá trị cuộc sống ở vật chất và lý tưởng cuộc đời ở đời này thì thật nguy hiểm. Vì khi mọi sự kết thúc, ta không còn gì cả.

Trần gian sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho mọi vấn đề của con người, từ bất công hay công bằng, lương thiện hay tội ác, trung tín hay bất trung, ích kỷ hay vị tha, tha thứ hay cố chấp, yêu mến hay ác độc…

Lý tưởng sống là sống cho ra sống. Sống có ích, sống có giá trị trong hiểu biết và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy, con người mới thể hiện rõ nét tư cách làm con hiếu thảo của Chúa, khi hoàn toàn cậy dựa và phó thác cuộc đời cho Ngài.
 
Định Hướng Lại Cho Mục Đích Sống
Linh mục Phêrô Hồng Phúc
13:27 31/07/2010
Định Hướng Lại Cho Mục Đích Sống

Vào buổi đầu sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa đã phán hai lệnh truyền cho con người. Lệnh truyền thứ nhất là “Hãy sinh sản ra đầy mặt đất”(St 1,22); Lệnh truyền thứ hai là “Hãy làm chủ chim trời và cá biển”(St 1,28). Hai lệnh truyền này đều là những quyền lợi ban cho con người nhưng ở hai lĩnh vực khác nhau:

-Lệnh truyền thứ nhất: Sinh sản đầy mặt đất là Thiên Chúa thông truyền sự sống cho con người và con người được tiếp nối đầy mặt đất một sự sống được trao ban cho con người;

-Còn Lệnh truyền thứ hai: Làm chủ chim trời và cá biển là được tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa trong việc chinh phục và làm đẹp hơn cho trái đất này, vũ trụ này.

Khi người ta ý thức được hai lệnh truyền này của Thiên Chúa thì con người vừa bảo đảm được sự sống mà họ vừa canh tác, vừa làm chủ vũ trụ để cho cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ và tốt đẹp hơn. Đó là sự bổ túc rất hoàn hảo. Thế nhưng khi con người lẫn lộn giữa Thiên Chúa với ngẫu tượng thì có rất nhiều những điều tệ hại đã xảy ra.

Vào thời dân Do Thái đi trong sa mạc tiến vào Đất hứa. Họ khao khát một vị thần. Họ xin Aharon đúc một vị thần để dẫn dắt họ. Aharon hiểu rằng không ai có thể đúc hình ảnh của Thiên Chúa bằng tượng đồng, đá, gỗ cả. Và vì thế, ông đúc bệ để kê dưới chân của Thiên Chúa mà thôi. Đó là con bò được thếp vàng. Thế nhưng khi đưa ra cho dân chúng ới lời giải thích rằng “ Vị thần giải thoát các ngươi khỏi Ai Cập, còn con bò này là bệ cho Ngài kê chân” thì dân Do Thái đã lẫn lộn giữa Thiên Chúa với con bò vàng liền đeo vòng hoa vào cổ con bò vàng và thờ nó như là chính vị thần đã giải thoát họ khỏi Ai Cập. Sự nhầm lẫn đó đã dẫn đến một sự thờ ngẫu tượng khiến cho người dân Do Thái phải chết. (x.Xh 32,1-28).Thời đại của chúng ta ngày nay, họ cũng đang tiếp tục lẫn lộn như vậy. Lẫn lộn giữa sự sống Thiên Chúa trao ban với quyền năng làm chủ vũ trụ này, để rồi người ta nghĩ rằng: Khi mình làm chủ vũ trụ này, mình cũng làm chủ cả sự sống luôn!. Nói một cách dễ hiểu và theo từ ngữ hiện đại “Có tiền mua tiên cũng được”. Từ tiền bạc vật chất lại có thể mua được thần tiên thiêng liêng ! Người ta nói sao và người ta đã sống như vậy. Người ta quan niệm đồng tiền còn có quyền lực chi phối cả thần tiên. Vì vậy, thế giới ngày nay trở nên suy yếu, bởi vì con người lẫn lộn không phân biệt được ý nghĩa của cuộc sống, mục đích của cuộc sống. Như phương ngôn nói:“Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”. Chính vì lẫn lộn sống để mà ăn, cho nên con người bị hạ xuống một bậc như muôn loài trong vũ trụ này, trong khi Thiên Chúa truyền cho họ có quyền trên chim trời cá biển thì họ lại tự hạ mình xuống bằng chim trời cá biển chỉ để mà ăn. Vậy khi người ta phân biệt một cách cụ thể thì họ mới làm chủ được bản thân mình, khi làm chủ được vũ trụ thì người ta mới thấy sự sống là quan trọng thế nào.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn nói về người giầu có. Ông ta lẫn lộn và lầm lẫn một cách nghiêm trọng ở chỗ là sau khi đã có nhiều tiền của vật chất và nghĩ cách tích trữ là xây kho mới, phá kho cũ đi thì ông ta nói với linh hồn mình là “Linh hồn ơi! Mày có nhiều của cải vật chất dự trữ cho nhiều năm, mày hãy ăn uống nghỉ ngơi vui chơi đi”(Lc 12,19). Người giàu có này đã biến linh hồn thành tù nhân của thân xác và linh hồn cũng chỉ ăn những của cải vật chất giống như người con phung phá kia trong dụ ngôn Người Con Phung Phá (x. Lc 15) cũng thèm ăn những thứ heo ăn cho đầy bụng mà không được. Chính vì khi người ta không phân biệt rõ ràng thì sẽ xảy đến những dại dột như vậy. Sách Giảng viên nói rằng “hư không”. Mọi sự đều hư không vì có kẻ làm việc vất vả trong sự khôn ngoan hiểu biết và lo lắng, rồi để của cải lại cho người ở, nhưng không. Với họ suốt ngày đầy những sự đau khổ, ban đêm lại không được yên lòng... Như vậy không phải là hư không sao? (Gv 2, 21-23) Khi người ta đạt được sự phân biệt rõ ràng thì họ cũng đạt tới được sự khôn ngoan. Khi người ta coi toàn thể vũ trụ là phương tiện giúp cho mình sống thì họ sử dụng nó một cách vừa phải để nó phục vụ cho con người, cho sự sống là uan trọng nhất Khi đó người ta hiểu lời thánh Phaolô nói rằng “Có như không có. Mua như không hưởng dùng” (1Cor 7,29)

Với những người mà lầm lẫn giữa phương tiện với mục đích thì họ thấy của là tối mắt lại. Do đó sinh ra những chuyện ăn chơi hưởng thụ, và chỉ còn có biết thiên đàng trần gian và bao nhiêu những tiêu cực đi theo. Rõ ràng là khi người ta ốm đau, bệnh tật, người ta chỉ ước mong duy nhất một điều là được khỏe mạnh. Nhưng khi có sức khỏe rồi, người ta ước muốn đủ mọi sự.

Vậy thì sức khỏe là gì? Chính là sự sống. Nếu người ta không có biết giữ gìn sự sống mà chỉ biết đua đòi hưởng thụ và rất nhiều người hưởng thụ quá mức rồi sinh bệnh. Họ rơi vào cái vòng là “Còn trẻ vung sức khỏe kiếm tiền, về già vung tiền ra mua sức khỏe” và không bao giờ còn đủ thời gian làm lại. Cho nên cái điều quan trọng nhất của người Kitô hữu là xác định sự sống bởi đâu? Và sự sống sẽ đi về đâu? Khi xác định sự sống bởi Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa thì người ta trở về làm chủ chim trời cá biển, dùng mọi phương tiện ở trần gian này giúp họ đạt tới ơn cứu độ đời đời và hạnh phúc của họ là ở trong tay Thiên Chúa. Như lời thánh Augustino nói “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con để con mến Chúa và bao lâu linh hồn con chưa về với Chúa thì nó khắc khoải không yên”. Khi hướng tới hạnh phúc siêu nhiên ấy thì cuộc sống ở đời này sẽ có định hướng. Họ nỗ lực vì sự mở mang Nước Trời, vì sự ưu tiên cho “Sự công chính và Nước Trời trước, mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Họ nỗ lực hết mình là vì những gì đi thẳng vào mục đích của cuộc đời và vì họ thấy cuộc đời đầy ý nghĩa.

Chúng ta nghe trên những trang báo thời sự hàng ngày, thấy lúc thì đăng bài về những diễn viên điện ảnh ở Mỹ tự tử, mới đây thì diễn viên Hàn Quốc tự tử. Họ khám phá ra đằng sau những cái nghệ thuật, những cách hưởng thụ của cuộc sống đời này, nó là cả một sự trống rỗng, vô ích, cho nên họ đã tìm đến cái chết. Vì họ thấy là mình đã lao vào một cuộc sống vô nghĩa. Đánh mất ý nghĩa của cuộc sống là cái đánh mất lớn nhất. Giống như máy bay đang bay trên không trung bao la lại hỏng hệ thống rada không phát hiện ra được phương hướng, hay tàu thủy đang đi trên biển bao la mênh mông bị hỏng hệ thống điều khiển điện tử không phát hiện ra phương hướng nữa. Khi đó các phương tiện nếu càng chạy nhanh thì lại càng lạc hướng. Cuộc sống không còn ý nghĩa là thế, quay cuồng điên đảo !.

Một lần nữa chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Thiên Chúa đã cho chúng ta biết quê hương chúng ta ở đâu, biết Cha của chúng ta ở trên trời và biết thân phận của chúng ta là lữ hành trần gian đang tiến về quê trời. Vì thế, chúng ta không dừng lại bên đường mà định cư ở đó. Chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì thấy chặng đường của mình không biết đi đâu. Tất cả vẫn đang ở phía trước và Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta là những người lữ hành trần gian tiến về quê trời có mục đích và cuộc sống của chúng ta đầy ý nghĩa vì chúng ta đang đi về nhà Cha. Người Kitô hữu đang sống cuộc sống ở đời này, làm chủ chim trời cá biển, lo cho cuộc sống văn minh vật chất ngày một tiến bộ, trái đất này ngày một canh tân ngày một thêm hoàn hảo hơn, cuộc sống này ấm no hạnh phúc hơn. Người Kitô hữu sống thực tế như tất cả mọi người nhưng hạnh phúc hơn tất cả mọi người vì cuộc sống của họ đầy ý nghĩa.

Lạy Chúa Giêsu,

Thời đại của chúng con hôm nay
có biết bao nhiêu người đánh mất phương hướng.
Đó là sự đánh mất chính mình,
đánh mất ý nghĩa của sự sống.
Xin Chúa cho thế giới hôm nay
định hướng lại mục đích sống.
Và những người Kitô hữu chúng con hôm nay xin tạ ơn Chúa
vì Chúa đã cho chúng con một kim la bàn
luôn luôn trực chỉ về Nước Trời.
Xin đừng để ai trong chúng con đánh mất phương hướng.
Xin đừng để ai trong chúng con đánh mất ý nghĩa của sự sống.
Và xin đừng để ai trong chúng con đánh mất chính mình
chỉ vì sự lẫn lộn giữa những phương thế của cuộc sống vật chất
với ý nghĩa của cuộc sống Nước Trời.
Và xin cho mỗi người chúng con hôm nay nỗ lực hơn nữa.
Vừa canh tân bộ mặt trái đất vừa làm cho vũ trụ nên xinh đẹp,
Cho cuộc sống hạnh phúc và tiến bộ,
Xin cho mỗi người chúng con nỗ lực hết mình
nhất là chúng con nỗ lực,
đạt tới mục đích trong cuộc sống
và đạt tới ý nghĩa hoàn hảo của cuộc đời con người là sự sống đời đời. Amen.


 
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Từ Ngày 1 Đến 15 Tháng 8 Năm 2010
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
19:01 31/07/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 01 đến 15-8-2010

Ngày 01-8-10: Ông Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông dâng hiến con mình là I-sa-ac trên bàn thờ đó sao? (Gc 2, 21) * Đời tôi đã nghe Lời Chúa, nghe giảng rất nhiều; nhưng còn thiếu thực hành. Tôi quyết từ hôm nay khi nói đến chia sẻ đức tin là kể những việc đã làm của mình cho Chúa.

Ngày 02-8-10: Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.(Gc 2, 23) * Bạn là con Chúa, lại còn được kể là bạn của Thiên Chúa. Tôi quyết tin Chúa bằng hành động để là bạn của Chúa.

Ngày 03-8-10: Thật thế, một thân xác không hơi thở là một thân xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết. (Gc 2, 26) * Ngày nay, tôi đi lễ nhà thờ, hành hương rất nhiều; khi về tôi cần thực hành bác ái trong đời sống với mọi người trong xã hội.

Ngày 04-8-10: Anh em hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác; nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa. (1 Pr 2, 16) * Tư do đây là không hành động theo xác thịt. Tôi luôn lấy đức mến để phục vụ.

Ngày 05-8-10: Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua.(1 Pr 2, 17)

* Tôn trọng mọi người đây là trật tự xã hội, chính quyền mình đang sống. Tôi luôn sống hài hoà, bác ái với quyền năng của Lời Chúa.

Ngày 06-8-10: Chấp nhận những nỗi đau khổ một cách bất công vì lòng tôn kính Thiên Chúa, thì đó là một ân huệ. (1 Pr, 2, 19)

* Kiên nhẫn, và khiêm nhường là giống Chúa Kitô, là sức mạnh của người tín hữu biết cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa tôi vẻ vang thành công.

Ngày 07-8-10: Thật vậy, họ không muốn biết rằng từ lâu đã có trời và đất, và đất từ nước mà ra và nhờ nước mà đứng vững do Lời của Thiên Chúa. (2 Pr 3, 5). * Như sách Sáng thế 1 đã chứng minh cái vòm đó phân rẽ nước. Tôi tin Thiên Chúa đã an bài trời đất và nước.

Ngày 08-8-10: Cũng vì các nguyên cớ ấy, thế gian thời đó đã tiêu vong trong cơn hồng thủy.. (2 Pr 3, 6) * Như Lời Chúa Giêsu nói: Ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫ ăn uống cưới vợ lấy chồng…(Mt 24,38). Bạn và tôi luôn tỉnh thức vì Chúa đến bất ngờ.

Ngày 09-8-10: Còn trời và đất hiện nay, cũng chính Lời ấy giữ lại, dành cho lửa trong ngày phán xét, ngày những kẻ vô luân phải diệt vong. (2 Pr 3, 7) * Như lời Gioan tiền Hô nói: Tay người cầm nia sẽ rê sạch lúa trong sân, thóc mẩy thì thu vào kho lẫm.(Mt 3, 12) Tôi hãy là thóc mẩy là sống thánh thiện, để xứng đáng đón Chúa.

Ngày 10-8-10: Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa. (1 Ga 3, 4) * Tôị lỗi đối lập với Chúa, Ngài muốn tín hữu đoạn tuyệt với tội lỗi. Tôi luôn sống xứng đáng địa vị làm con Thiên Chúa, vì Đức Giêsu đã cứu chuộc tôi.

Ngày 11-8-10: Thế mà anh em biết: Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi và nơi Người không có tội lỗi. (1 Ga 3, 5). * Chúa Giêsu đã đến thế gian để cất bỏ tội lỗi của tôi, Ngài hoàn toàn gớm ghiếc điếu ác, và trong Ngài không có tội lỗi. Tôi quyết từ bỏ mọi tội lỗi.

Ngày 12-8-10: Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người và cũng chẳng biết Người. (1 Ga 3, 6). * Tôi có kinh nghiệm khi tin có Chúa hiện diện trước mặt thì it khi phạm tội. Còn khi không tin, thấy và biêt Ngài thì rất dễ phạm.

Ngày 13-8-10: Ta đã cho nó có thì giờ hối cải; nhưng nó không muốn hối cải mà từ bỏ thói gian dâm. (Kh 2, 21) * Thánh Phaolô cũng khuyên: Anh hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong người anh là gian dâm… Nhờ ơn Chúa, tôi quyết lánh xa những tật xấu, đam mê.

Ngày 14-8-10: Tất cả các Hội thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ và Ta sẽ tùy theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người. (Kh 2, 23) * Chúa là Đấng dò thấu mọi tâm can, tận đáy lòng. Tôi luôn sống có Chúa hiện diện để làm việc lành phúc đức.

Ngày 15-8-10: Những cái gì các ngươi đang có, hãy nắm chắc cho tới khi Ta đến. Ai thắng và giữ cho đến cùng các việc Ta truyền, Ta sẽ cho người ấy quyền cai trị các dân. (Kh 2, 25-26)

* Bạn và tôi hãy nghe và thực hành Lời Đức Giêsu, vì được gọi là Ngôn sứ và sẽ được tham dự vào chức vụ Vương đế của Người.

Phó tế: GB Maria Định Nguyễn -Huyền Đồng
 
Ai Dại Ai Khôn?
Tuyết Mai
20:56 31/07/2010
Ai Dại Ai Khôn?

Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy". (Lc 12, 13-21).

Trên thế gian này hầu hết tất cả chúng ta đều là những kẻ ngu dại trước mặt của Thiên Chúa và Chúa biết thế!. Sao Chúa bảo chúng ta là ngu dại nhỉ, khi ai ai cũng cầu xin cho mình có được cuộc sống ít nhất phải dư giả có nhà, có xe xịn, có hồ tắm, có tiền để mua sắm, và nếu có thể giầu hơn nữa cũng không ai ngu gì mà từ chối cả!?. Sao gọi là ngu dại khi mà chúng ta có thể chế ngự và mua được tất cả!?. Có tiền thì mua tiên cũng được cơ mà! Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, ai cũng được học biết câu này cả! Thủ tục đầu tiên cho mọi vấn đề. Cái gì chung quanh chúng ta nhất nhất cũng đòi hỏi phải có tiền. Có tiền thì mới nói tới vấn đề, chứ không tiền thì đừng có hòng được ai tiếp chuyện. Nếu không tiền thì xin anh chị em đừng nói tới vấn đề thương yêu, thông cảm, hiểu dùm, hay cho vay thiếu chịu, không bao giờ có chuyện đó trên thế gian này!?. Nói cho ngay không phải nói rằng trên thế gian này không còn ai sống tốt, nhưng kiếm trên đầu ngón tay? Bởi trong dân gian thì người nghèo nhiều hơn người giầu, cho nên cái chuyện tốt bụng cho người vay mượn cũng không thể. ... Giỏi lắm cũng giúp được một lần nhưng phải hứa trả liền thì mới cố gắng mà giúp cho, trong những lúc trái nắng trở trời mà nhìn người ta cũng chẳng sao đặng đừng????. Nhìn thấy cái cảnh nghèo khổ, bệnh hoạn của người, không tiền mua thuốc để giảm được cơn đau bệnh thì cũng lấy làm áy náy vô cùng. Mà cho mượn thì biết chắc rằng người sẽ không bao giờ có thể trả nổi món nợ ấy!. Cho nên có rất nhiều khi chúng ta chỉ biết đứng mà nhìn người láng giềng của mình đang lăn lộn, vật vã trong những cơn đau, và ngắc ngoải nằm chờ chết.

Nước chúng ta nghèo nên có những câu để nhắc nhở chúng ta sống với nhau phải có tấm lòng giúp đỡ lẫn nhau như: "bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, lá lành đùm lá rách, hay lá rách bọc lá tả tơi", thảm thương thế đấy thưa anh chị em!. Chứ chờ đợi sự giúp đỡ của những người giầu có thì thưa chỉ có nhận được những thất vọng ê chề, ra về tay không sau khi bị gia nhân của họ chửi mắng đánh đập hay gian ác hơn nữa là thả chó ra cho nó cắn chết hay bị thương? Vì đã đến làm dơ bẩn nhà của họ.

Nói đi thì cũng phải nói lại, là chúc phúc cho những ai giầu có mà biết sống tốt lành trước mặt Thiên Chúa, vì nhờ họ mà những người nghèo khổ cũng được những bữa ăn cầm bụng, những tấm áo lành lặn không vá để che thân, thuốc men, vài đồng bạc lận lưng, mùng mền để bớt bị muỗi cắn, một chút ít mắm muối đồ khô để dành mà ăn dần. Vâng, trong cơn bỉ cực mà có những tấm lòng vàng giúp đỡ thì thật là hạnh phúc biết bao!? Có những con người hiện nay sống trong cùng khổ thiếu thốn đủ mọi thứ mọi điều, được sự giúp đỡ của những anh chị em biết cảm thương chia sẻ thì giống như hạn hán mà gặp được mưa xuống vậy!.

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình thương cho nên Ngài luôn để mắt giõi chừng tất cả những con cái nghèo khổ của Chúa. Trên thực tế cho chúng ta thấy có rất nhiều bất công giữa hai ranh giới giầu và nghèo, điều này chúng ta cũng không làm sao hiểu được hết theo Thánh Ý Chúa? Tại sao cùng là con người mà có người họ lại giầu có đến thế? Rồi thì biết bao nhiêu con người lại nghèo khổ đến thế? Người thì luôn được sống trong tiệc tùng dư giả, miếng ăn thì không bao giờ là vấn đề, trong ấm no? Ngược lại có người thì thật là nghèo đói miếng ăn thì rất là vô chừng. Bữa nào ai cho gì dư thừa, bất kể là gì, cũng gọi là hạnh phúc lắm rồi! Nói chi lại dám đòi bòng thèm khát được những món ăn ngon? Rất nhiều khi chúng ta vắt tay lên trán để tự hỏi và tìm câu trả lời nhưng cũng không sao tìm ra được lý do chính đáng? Đâu có phải người nghèo tại vì họ làm biếng hết cả đâu! Thế thì tại sao cả đời của họ vẫn bị nghèo khổ như chuyện của ông Lazarô ghẻ chốc hằng ngày đứng xin bố thí trước cửa nhà của ông nhà giầu vô tình kia!?.

Có phải trong một xã hội thì ai cũng sống, cũng có những nhu cầu như nhau cả sao!? Nhưng không hiểu vì sao có người thì có việc có người thì không? Như hiện nay vẫn có những nơi quảng cáo cần tìm người làm việc trong công ty của họ mà không thấy ai đến xin? Đâu phải tất cả dốt hết đâu! Tôi nghe nói hiện nay bên VN có rất nhiều người có bằng cấp và rất giỏi dang sao họ vẫn chưa có việc làm?? Rồi có những nơi thì sa thải hết thảy nhân công rồi khai phá sản? Ai hiểu nổi được thị trường kinh tế hiện nay ra làm sao? Trong khi đó chúng ta hiểu được một điều là khối tiền khổng lồ ấy vẫn không thất thoát đi đâu cả! Ấy chỉ là hình thức chuyển tay mà thôi! Là người này thất thoát thì vào tay người kia được hưởng dùng. Vì bằng chứng rành rành cho chúng ta thấy rằng tuy dù rất nhiều người mất nhà vì không trả nổi, nhưng cũng rất nhiều người hiện đang đi kiếm nhà để mua và mua với bất cứ giá cao nào!? Nhà mới chung cư cũng được xây cất lên nhiều như nấm? Rồi nhà lầu mới cũng được xây lên thật nhiều để họ ở?.

Vâng, bài Phúc Âm hôm nay Chúa dậy chúng ta là chớ có ngu xuẩn, chớ có cố công để mà tích trữ của cải chất đống chất đầy vào kho lẫm, vì chúng sẽ ra vô dụng khi chúng ta lìa trần. Chúa dậy chúng ta thật đích đáng là nhận biết điều gì thiết yếu và quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta trên trần gian này!. Có phải khi chúng ta còn đang được sống đây thì đời sống gia đình là thứ cần thiết hàng đầu để mang lại cho chúng ta hạnh phúc, vui mạnh, và an bình? Hạnh phúc ấy cần lắm để mang lại cho chúng ta cuộc sống thật thoải mái và khoẻ mạnh? Không gì bằng tình yêu gia đình phải không anh chị em? Trẻ con trong nhà chúng cảm thấy thật ấm cúng và bình yên khi thấy cha mẹ chúng yêu thương và lo lắng cho nhau, ân cần, thăm hỏi, và chia sẻ với nhau trong mọi vấn đề. Tiếng cười tiếng nói trong căn nhà mang lại cho mọi người sự sống lành mạnh thương yêu, giúp cho chúng ta yêu đời và yêu người hơn, trong sự thành thật rất tự nhiên vì sẵn có, phát xuất từ trong một gia đình có hạnh phúc mà ra.

Thứ hai, trên đời thì không gì quý hơn là sức khoẻ. Chúng ta thường rất là thờ ơ và lãnh đạm, không cảm nhận được hồng ân Chúa ban cho chúng ta là có được sức khoẻ khả quan có nghĩa là ăn được ngủ được, không suy nghĩ, không một mối lắng lo, là tiên trên đời. Mà có được sức khoẻ trong sự thoải mái của cuộc sống đầy những khó khăn, nghiệt ngã, gian dối, thì thật không đơn giản tí nào!?. Vì biết bao nhiêu con người trong mọi thời đại đều mắc phải cái bệnh tham lam, ham hố, tranh dành, bon chen, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chỉ để cốt dành hết về cho phần mình. Càng vơ vét nhiều càng tốt. Trái tim sắt đá khi mình chiếm lấy tất cả những gì thuộc về đồng loại anh chị em của mình. Mặc cho họ có mất nhà, mất vợ mất chồng mất người thân, mặc cho họ cực khổ tay lấm chân bùn chịu nhục nhã, mặc cho họ bệnh hoạn và chết dần, chỉ sao chúng ta có được, thu được, tích trữ được, thật nhiều vào kho lẫm của chúng ta mà thôi! Vâng, phải đấy, của người chúng ta thu vào cho mình đầy lắm rồi, cần phải xây thêm cái lẫm khác cho thật to, gấp đôi, gấp ba cũng được???.

Khổ nỗi Chúa từng dậy chúng ta là thờ phượng một Thiên Chúa là Thiên Chúa ngươi và yêu thương anh chị em như yêu chính mình, quả thật khó quá cho đa số con cái của Chúa? Có nghĩa là có đọc Lời của Chúa, hiểu, thuộc, và giữ mọi giới răn, nhưng không sống và thực thi Lời Chúa dậy,.... thì cũng hoàn không. Cũng giống như những bác sĩ thời nay người ta gọi là "lương y như kế mẫu" (Ở đây tôi không vơ đũa cả nắm đâu nhé, xin đừng ai động lòng) có nghĩa là học ra bác sĩ, rồi trước khi hành nghề các ông đều phải thề, sống và thực lời thầy dậy là trước hết phải cứu người. Nhưng thời nay thì nhiều người cho là bác sĩ thay vì chữa bệnh cho hết thì lại đi nuôi bệnh?. Hành nghề chỉ vì yêu đồng tiền chứ nếu không có tiền thì bác sĩ có quyền từ chối chữa bệnh cho bệnh nhân?, v.v.......

Ngạc nhiên một điều là cái tham lam ấy trong lòng người nó không có giới hạn và nó không có đáy, có nghĩa là yêu tiền tới cái độ mà để mình mang bệnh mà không chữa vì không dám nghỉ làm việc; sợ rằng nghỉ sẽ mất tiền; chỉ vì tham tiền mà ăn uống bất bình thường, để sanh ra nhiều chứng bệnh sau này khó chữa như đau bao tử, đau lưng, và đau chân vì đứng quá nhiều, bệnh thận vì nhịn tiểu, và biết bao nhiêu chứng bệnh do mình gây nên? Chưa kể gia đình tan nát cũng vì đồng tiền. Vợ chồng gây nhau om xòm tối ngày, con cái bỏ nhà đi rông cũng vì cha mẹ mắng chửi nhau vì đồng tiền. Chồng vợ bê bối cũng vì có nhiều tiền. Rượu chè nghiện ngập, mê bài bạc bỏ nhà bỏ cửa, rồi thì bán nhà bán cửa cũng vì mê đỏ đen, cũng vì có nhiều tiền.

Quả Chúa dậy chúng ta rất phải lẽ phải tình là "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy". Thế có tiền nhiều là dại hay là khôn? Theo tôi giầu có sẽ làm cho tôi rất nhức cái đầu vì có thì phải giữ, sợ người ta theo về nhà, sợ cho tánh mạng của mình không được an toàn, không tin một ai dù là người trong gia đình, sợ sự phản bội của chồng hay vợ mình, cũng sợ mất linh hồn vì đồng tiền làm ăn không đúng đắn, sợ tất cả những gì liên lệ đến đồng tiền, sợ sự đe dọa và tống tiền, v.v......

Thật phải khi cuộc đời trần gian chúng ta cần phải ăn, uống, ngủ, nghỉ, và những sự giải trí lành mạnh, giúp cho chúng ta cân bằng tinh thần và thể xác. Vì làm nhiều thì sanh ra bệnh lao lực, suy nghĩ nhiều thì mắc bệnh lao tâm. Cả hai dù chúng ta có bao nhiêu tiền bao nhiêu của cải cũng không giúp cho chúng ta có được hạnh phúc đâu thưa anh chị em!. Vì thế cho nên Lời của Chúa dậy, chúng ta không nên lơ là và có thái độ bất cần!?. Sống vui sống khoẻ, luôn có tâm tình cảm tạ tri ân cho mọi thứ mọi điều Chúa ban cho chúng ta nhưng không, có thế chúng ta mới hiểu rõ Linh Hồn thật là quan trọng như thế nào khi chúng ta còn đang sống trên cõi tạm trần gian này, và sống sao đẹp lòng Chúa mới là điều kiện cho chúng ta giấy thông hành để du lịch thẳng về Quê Trời Nơi mà cho chúng ta sự sống vĩnh cửu và muôn đời hạnh phúc bên Ba Ngôi Thiên Chúa và Mẹ Maria. Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm Nghĩ về Ngày Tạ Ơn 80 Năm Thành Lập Giáo Xứ Cồn Dầu, GP Đà Nẵng
Kim Hoa
00:22 31/07/2010
Đọc tin trên báo Mạng GP Đà Nẵng, thông báo “Thiệp Mời Thánh Lễ Tạ Ơn Kỷ Niệm 80 Năm Thành Lập GX Cồn Dầu, GP Đà Nẵng” vào ngày 10/8/2010 tôi bất giác nở một nụ cười.

Giáo Xứ Cồn Dầu sắp được xóa sổ trên bản đồ GP Đà Nẵng mà còn làm Lễ Tạ Ơn để làm gì nhỉ ?

Lễ Tạ Ơn trước khi được san bằng thành bình địa, để thành lập khu du lịch sinh thái Hòa Xuân hay sao ?

Ai sẽ đi dự Thánh Lễ đó ? Giáo dân chăng ? Hay khách được TGM mời về tham dự ?

80 năm thành lập Giáo xứ, thời gian không dài, nhưng cũng đủ thấy được công lao người xây dựng nhiệt tâm như thế nào để có một Giáo xứ trù phú như hôm nay.

Tôi nhìn hình Giáo xứ mà thật đau lòng. Một giáo xứ rặt người Công giáo. Trước năm 75, ngày Chúa nhật đúng là ngày của Chúa, cả làng đều nghĩ lao động, không một ai bước ra đồng, ngoài việc đến nhà thờ dự Thánh Lễ, Cầu nguyện và thăm viếng hỏi han nhau.

Có người giáo dân Cồn Dầu email cho tôi: “Cám ơn vì không là giáo dân Cồn Dầu mà đã giúp lời bảo vệ, binh vực Giáo xứ giúp họ, khi họ không có điều kiện nói to lên tiếng nói của Cồn Dầu cho toàn thế giới biết …”

Tôi xin trả lời: Vào năm 1960 Ba Mẹ tôi mất sớm, chị em chúng tôi còn thơ dại, người chị lớn nhất của tôi năm đó được 16 tuổi. Chúng tôi là vị thành niên không có người Giám hộ. Sau khi được bên Nội tỏ lời trước Chính quyền là không đủ khả năng làm giám hộ cho các cháu, thì Cậu tôi dù lúc đó đang giữ chức Linh mục, đã vui lòng nhận làm Giám hộ cho 7 chị em chúng tôi và quản lý tài sản của Ba Mẹ chúng tôi để lại, cho đến ngày chúng tôi trưởng thành.

Cậu tôi chính là Cha Tadeô Nguyễn Hữu Mừng, Chánh xứ Cồn Dầu từ năm 1954 đến 24/8/2001 mới về hưu.

Cậu tôi là LM nên sự Giám hộ của Cậu cũng hạn chế. Cậu chỉ biết gởi chúng tôi vào những nơi Cậu tin tưởng để chăm sóc dạy dỗ chúng tôi thay Cậu, vì thế mà có thời gian tôi phải vào trại mồ côi của các Dì mến Thánh Giá Gò Thị trong 3năm liền sau ngày Ba Mẹ mất.

Khi tôi đủ tuổi vào Dòng Phaolô Đà Nẵng (11 tuổi), thì Cậu đưa tôi về lại Cồn Dầu và cho đi Tu với các giáo dân của Cậu. Năm đó là 1963 tôi và chị Thuận (vợ của anh Liễu cựu HĐGX) được Cậu đưa ra Bà Chín người thợ may kỳ cựu của Cồn Dầu để may quần áo quy định cho chúng tôi nhập Dòng.

Từ đó tôi thuộc giáo dân Cồn Dầu, mỗi khi Bề trên cho về phép, nghĩ Lễ là tôi chỉ được phép về Cồn Dầu (sau đó tùy ý của Cậu tôi), chứ không được về 77bis Trưng Nữ vương Đà Nẵng là nhà của Ba Mẹ tôi, và cũng không được về An Ngãi là nhà ông bà Ngoại tôi.

Vì ở nơi xa, ít về thăm quê, tôi cũng không ngờ Cồn Dầu lại bị giải tỏa. Đọc vội những hàng tin trên báo và gọi điện về hỏi thăm tôi mới biết sự thật. Tôi tiếc thương cho một làng quê xinh đẹp, yên bình lại bị xóa sổ. Nhiều năm không gần gũi với họ nhưng tôi vẫn gần bên họ, khi Cậu tôi vẫn xem đó là ngôi nhà chính của ông.

Sự thay đổi và lớn lên của Giáo xứ cũng theo đà lớn lên của chúng tôi. Làm sao không yêu thương được ? Làm sao không ghi nhớ lại được những con đường nhỏ hẹp ngày mưa trợt té, nay đã là con đường xi măng mà xe hơi đã vào tận nơi muốn vào?

Không phải là nơi chôn nhau cắt rốn mà tôi yêu thương đến thế, thì người dân Cồn Dầu, nói sao cho hết nỗi đau mất Làng, mất gốc của họ ???

Phá đi Làng Cồn Dầu là một sự tàn nhẫn và vô tâm không tả nỗi. Không là những nhu cần thiết thực của đất nước, của dân chúng như là đường sá, cầu cống. Mà chỉ là nỗi chơi ngông của những tên có tiền, biến hóa một làng quê yên bình thành một chỗ xa hoa phù phiếm. Mặc kệ dân làng bỏ công sức ổn định từ 80 năm qua … Rồi sẽ bao nhiêu năm để họ bắt đầu lại từ đầu ???

Mừng Lễ thành lập Giáo xứ 80 năm để rồi giao trả cho họ san bằng thành bình địa. Chi bằng GP cùng nhau đấu tranh giữ lại gia tài của Giáo Hội, giữ lại nền tảng Công giáo đã lưu truyền và tồn tại ngay tại giáo xứ này. Như thông tin vừa mới đọc: Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/82485.htm

Về đề nghị của Việt Nam là Toà Thánh ra thông báo cấm các cuộc tập trung cầu nguyện đòi đất đai, tài sản như thời gian vừa qua và can thiệp kịp thời như vụ cầu nguyện ở Toà Khâm sứ, phái đoàn Vatican trả lời rằng: đất đai, tài sản của Giáo hội sở hữu một cách hợp pháp, Toà thánh kiên quyết bảo vệ và vẫn dứt khoát nêu lại đòi hỏi của các Giám mục Việt Nam là đòi lại quyền sử dụng hợp pháp Toà Khâm sứ ở Hà Nội và Giáo hoàng học viện Đà Lạt.

Họ muốn đất nước xinh đẹp thì chúng ta cũng làm theo mô hình xinh đẹp của họ, mà không phải bán đi một mảnh đất nào của Giáo xứ. Giáo dân phải được thừa hưởng cái mô hình xinh đẹp đó khi Tổ tiên họ và chính họ đã bỏ biết bao công sức, biết bao mồ hôi, nước mắt trên mảnh đất phèn chua đó.

Có như thế Thánh Lễ mới đầy đủ ý nghĩa. Có như thế mới không hổ thẹn với Tiền nhân của Giáo hội, và có như thế mới dám ngước mắt nhìn lên hình Cha cố Nguyễn hữu Mừng treo ở nhà Xứ, nơi quý vị sẽ tổ chức tiệc mừng 80 năm thành lập Giáo xứ mà Cha cố đã dành cho nơi ấy 47 năm của đời mình để phục vụ, cho các vị có nơi để hội họp ăn mừng vào ngày 10/8 tới đây.

Sài gòn Lễ Thánh Ignatio Loyola 31/7/2010
 
Kỷ Niệm Sinh Nhật Lần Thứ 366 Của Á Thánh Anrê Phú Yên Tại Đền Thánh Phước Kiều, Điện Bàn, Quảng Nam
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
08:31 31/07/2010
Kỷ Niệm Sinh Nhật Thứ 366 Của Á Thánh Anrê Phú Yên Tại Đền Thánh Phước Kiều, Điện Bàn, Quảng Nam

Giáo Phận Đànẵng (24/07/2010) Vào những ngày tháng bảy năm 2010 nầy, khí hậu oi bức, mặt trời đổ lửa. Dầu gặp nhiều trở ngại, giáo dân Phước Kiều và Hội An vẫn đội nắng để hoàn thành công việc chuẩn bị cho ngày Đại lễ Á thánh Anrê Phú Yên nhân ngày Sinh nhật trên trời lần thứ 366.

Xem hình mừng lễ sinh nhật thánh Anrê Phú Yên

Chiều Chúa nhật 25/07, không khí lễ hội đã phảng phất nơi giáo họ nhỏ bé nầy: những cổng chào, lồng đèn Hội An, những câu liễn lời Chúa trên nền vải đỏ nổi bật trên những tán lá màu xanh lục vùng quê.Thảm đỏ đã được trải ra. Ánh sáng lung linh. Giàn âm thanh đã bắt đầu phát tín hiệu. Tại Hội An, các đó 9 cây số, hai cha chánh, phó vui mừng chờ đợi đêm qua đi và ngày vui sẽ tới.,nhưng “ mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”.Vào khoảng sau nữa đêm, những cơn gió dữ ào ào kéo đến, giật tung, xé toang những chiếc dù lớn và các sợi giây căng; trụ sắt chống đỡ oằn xuống và rồi mưa ào ào xối nước. Toán bảo vệ hốt hoảng. Bao cố gắng mấy ngày qua như tan thành mây khói. Ngày mai làm sao đây khi thánh lễ sẽ bắt đầu vào lúc bảy giờ sáng? Họ cảm thấy bất lực.

Ba giờ sáng, linh mục phó xứ xách xe máy chạy lên Phước Kiều. Cha con chứng kiến cảnh tượng tan hoang: thảm sủng nước, đầy lá cây; dù và các mái che xiêu đổ. Như một trận bão vừa đi qua. Ngao ngán! May thay, anh em trật tự các giáo xứ Trà Kiệu, Hòa Lâm, Xuân Thạnh và các em Hướng đạo sinh Trà Kiệu đã có mặt sớm vào lúc 5 giờ 30. Mưa đã tạnh. Tất cả xăn tay áo vào cấp tốc làm việc.Khi các đoàn xe từ Hội An và các giáo xứ trong giáo phận đến Phước Kiều vào lúc 6 giờ 30, mọi việc đã an ổn, không ai còn nhìn thấy cảnh hổn độn đêm qua. Trời im mát, đầy mây mù, cỏ cây sạch bụi trần, cộng đoàn bắt đầu cuộc rước. Bình hương và thánh giá nến cao dẫn đầu, rồi các em Thiếu nhi Thánh thể Hội An, ban dâng lễ vật trong màu áo vàng vương giả và màu gấm đỏ Thượng Hải trang nghiêm, các vị trong các Ban đại diện trong giáo xứ với áo thụng xanh, chen với khăn vành áo dài đa sắc của các chị “ biện họ” thuộc các giáo xứ. Đoàn cồng chiên “ Tây nguyên cây nhà lá vườn” Phước Kiều cử điệu vui chào mừng lễ hội. Các chủng sinh nữ tu cùng giới trẻ Hội An cung nghinh hình Á thánh đang tươi cười. Kế tiếp là đoàn lễ sinh và trên 30 linh mục cùng Đức giám mục giáo phận Giuse. Ban trật tự ráo riết hoạt động. Các em Hướng đạo dàn chào đoàn hành hương.Đám rước tuy không dài nhưng trang trọng. Thánh lễ bắt đầu và mưa bắt đầu bay bay. Giáo dân hiện diện khoảng trên một ngàn người. Cha quản xứ nhìn bầu trời, e ngại. Sau các bài đọc, trên lễ đài, tiếng Đức giám mục vang lên hùng hồn qua bài giảng chuẩn bị rất kỹ lưỡng ca tụng vị Á thánh “ chết quá trẻ”, 19 tuổi, một cái chết theo quan niệm Á đông là “chết non, chết yểu, bất hạnh lớn”..nhưng dưới cái nhìn Ki tô giáo “ tuy bị tiêu diệt nhưng đang sống’’. Sau khi ca tụng đức tin của Á thánh, ngài tiếp tục nhấn mạnh đức ái của Á thánh Việt Ân Đức “ Một tình yêu can đảm chấp nhận cái chết. Một tình yêu biết ơn và đáp trả. Một tình yêu quê hương của mình. Một tình yêu thao thức phục vụ..Một tình yêu vui tươi và tín thác... “ Để rồi kết thúc khuyên mọi người sống tinh thần theo chủ đề năm nay: “Giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi cho đến trọn đời”. Sau bài giảng của Đức cha, mưa bắt đầu rơi nặng hạt hơn, tuy vậy mọi người vẫn giữ nguyên vị trí. Các cây dù cá nhân được bung ra. Phần dâng lễ vật do giới trung niên giáo xứ Hội An đảm trách. Bài dâng lễ quen thuộc “ Tựa trầm hương” nhiều bè mang âm hưởng dân tộc, hòa với tiếng đàn trưng điện tử, kèm theo tiếng đệm bộ ba cồng chiên trầm hùng Phước Kiều nghe rất lạ, rất thơ, mang hồn dân tộc. Với bước đi trịnh trọng, tay bưng những lễ vật hoa màu ruộng đất, các anh chị trung niên, điểm tựa của gia đình, xã hội và giáo hội tiến lên nhịp nhàng, trong trang phục áo dài khăn đóng truyền thống Việt. Bất giác cộng đoàn ngất ngây như cảm thấy giáo hội Việt Nam thời hội nhập văn hóa cùng Á thánh Anrê đang tiến vào đền Giêrusalem trên trời. Mưa rơi nặng hạt hơn, bầu trời xám xịt đe dọa, nhưng cộng đoàn hành hương nhỏ bé trong phút chốc như quên đi mọi lo toan đời thường để đắm chìm trong nguồn suối ân Thánh thể. Sau lời nguyện hiệp lễ và phép lành toàn xá của Đức giám mục dịp cử hành Năm thánh 2010, các em thiếu nhi nam nữ Hội An, biểu tượng tương lai giáo hội Việt Nam đồng diển bài ca “Bất diệt” của linh mục Sơn Ca Linh, với những ca từ cảm động: “ Có những trái tim không bao giờ mục nát..có những cánh hoa không một lần úa tàn..có những bước chân đã đi vào lịch sử.. .có những con đường dẫn tới vô biên.. An rê Phú Yên giữa trời Nam rực sáng. Sống chứng nhân tình yêu, chết lễ dâng tòan thiêu...còn rực sáng thánh ân tuyệt vời”. Cuối thánh lễ, linh mục Quản nhiệm đền thánh chân thành nói lên lời cám ơn mọi người và mời tất cả cùng chia xẻ bánh castela Việt Ân Đức. Á thánh An rê nguồn ân đức Chúa ban cho đất Việt.Mọi người vội vả ra xe và khoảng 15 phút sau, mưa như trút nước. Gió giật liên hồi. Bây giờ dù, bạt không còn xử dụng được nữa vì khắp lễ đài nước tung trắng xóa.Bầu trời một màu chì xám xịt như báo tin một cơn lụt đáng đến. Nhiều đoạn đường bị ngập vì thoát nước không kịp.Đối với nhiều người tham dự Đại lễ hôm nay, họ cảm thấy bớt vui vì thời tiết xấu gió mưa nhưng nhiều triệu nông dân các tỉnh Miền Trung lại tỏ ra vui mừng. Đây là cơn mưa tiền tỷ, mưa lớn giúp cho những cánh đồng khô hạn nứt nẻ từ sau Tết đến nay thầm đẩm ơn trời. Giàn lúa con gái sắp làm đòng như nhẩy lên vì vui sướng, báo tin một vụ mùa tốt đẹp đang tới.Và Giáo hội Việt Nam, tuy nay đang mùa nam nóng, qua lời bầu cử của Á thánh Anrê, chắc chắn cũng sẽ có một mùa gặt bội thu trong tương lai rất rất gần.

Hội An ngày 29 tháng 7 năm 2010.
 
Tĩnh tâm tháng 7 của Linh Mục – Tu Sỹ giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng
Sơn Gia Trang
08:36 31/07/2010
Tĩnh tâm tháng 7 của Linh Mục – Tu Sỹ giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng

Lạng sơn, 31.7.2010 (giaophanlangson.org) - Sau một thời gian dài dạy và tổ chức Hội Thi giáo lý cho các em thiếu nhi ở các giáo xứ, giáo họ và điểm truyền giáo trong giáo phận, quí Cha, qúi tu sĩ nam nữ và những anh em tiền chủng viện cần có thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện bên Thánh Thể Chúa và báo cáo công việc mục vụ lên vị chủ chăn mến yêu của mình. Với tinh thần đó, một chương trình tĩnh tâm đã được tổ chức, quy tụ bên vị chủ chăn giáo phận tất cả linh mục, tu sỹ và chủng sinh trong giáo phận tại Tòa Giám mục, trong hai ngày 28 – 29 tháng 7 năm 2010.

Xem hình tĩnh tâm

Chương trình tĩnh tâm được khởi đầu bằng giờ kinh Phụng vụ chiều với sự chúc lành của Đức Cha Giuse. Tiếp đến là bài giảng phòng của Cha Giuse Nguyễn Ngọc Thể - Đại Diện Giám Mục kiêm Chánh xứ Chánh Toà. Bài Giảng phòng được xây dựng trên câu Lời Chúa: “ Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21) với CHỦ ĐỀ hướng tới: “ SỐNG ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG HÔM NAY”.

“Bản chất của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho khắp muôn dân. Nhiệm vụ này đang thúc bách chúng ta trong cuộc sống hôm nay, lúc này và ngay tại giáo phận Lạ ng Sơn Cao Bằng. Theo sự khảo sát của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho thấy tỉ lệ gia tăng của người Công Giáo ở Việt Nam hết sức nhỏ bé. Tiến trình truyền giáo xem ra rất chậm chạp và thiếu hiệu quả.

Dĩ nhiên hoàn cảnh xã hội với những trào lưu như: Toàn cầu hoá, nạn di dân, trào lưu hưởng thụ, sống không định hướng của giới trẻ là một trong những nguyên nhân làm cho việc truyền giáo thêm khó khăn. Nói như thế cũng chưa thoả đáng lắm, bởi mỗi thời đều có cái khó riêng nhưng điều quan trọng là người Tông – Đồ của Chúa đã sẵn sàng lên đường chưa? Cung cách phục vụ người anh em như thế nào? Trước ánh sáng Lời Chúa, chúng ta cần phải duyệt xét lại chính mình để tìm lại nguồn thực là Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta. Từ đó với quyết tâm mới mỗi người và nhờ nguồn hổ trợ của Thiên Chúa chúng ta sẽ tìm được những lối nẻo chuyển tải Tin Mừng đến với muôn người, nhằm sinh nhiều hoa trái tốt tươi cho Hội Thánh Chúa.”

Cuối buổi thuyết giảng Cha Giuse kêu gọi mọi người hãy học cách thức mà Mẹ Têrêsa đã sống và đã làm cho những người chịu đau khổ ở Ấn Độ. Đó là phương thức truyền giáo hữu hiệu và tích cực nhất vì thế giới hôm nay trông đợi chứng nhân hơn là Thày dạy.

Buổi tối của ngày tĩnh tâm thứ nhất, mọi người cùng quy tụ bên nhau để chầu Chúa Giêsu Thánh Thể đầy tình sốt mến và nghiêm trang. Bên Thầy Giêsu ai nấy đều bình an, nhẹ nhàng và sâu lắng bởi chỉ có Chúa mới khoả lấp những giới hạn và trống vắng trong từng hoàn cảnh của mỗi người. Phép lành Thánh Thể kết thúc ngày đầu tĩnh tâm.

Khởi đầu ngày thứ hai trong chương trình tĩnh tâm, Đức Cha Giuse đồng tế với linh mục đoàn trong thánh lễ sáng tại Nhà thờ chính tòa. Thánh lễ với ý nguyện dâng lên Chúa tâm tình Tạ Ơn. Tạ ơn vì chuyến mục vụ ở ngoại quốc của Đức Cha diễn ra suôn sẽ và bình an, tạ ơn vì Hội Thi Giáo Lý gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Cùng trong ý hướng đó Đức Cha Giuse phó thác Giáo Phận Lạng Sơn - Cao Bằng vào Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nhân ngày lễ kính Thánh Nữ Matta, trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse nhắc nhở và mời gọi cộng đoàn tham dự cùng nhau thực thi tinh thần phục vụ theo gương thánh nhân. “Phục vụ với lòng quảng đại. Phục vụ với sự hy sinh cao độ nhưng khiêm tốn trong từng cung cách thi hành. Trên hết tất cả là một tình yêu phục vụ nhưng – không mà Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Vì thế phục vụ cho ai đó cũng chính là phục vụ cho Đức Kitô”.

Sau Thánh lễ là giờ thinh lặng, nguyện gẫm và đón nhận Bí Tích Hoà Giải. Đây là một phần của đời sống tâm linh gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu nhằm làm thăng tiến ơn gọi và kín múc một sức sống mãnh liệt nơi Đức Kitô.

Tiếp theo sau là giờ thảo luận đút kết Hội Thi Giáo lý vừa mới kết thúc. Công việc diễn ra hết sức sôi nổi giữa “cái được và cái chưa làm được”. Cuối giờ cha Tổng Đại Diện Giuse Trần Đức Hạnh nói lời cảm ơn quí Cha, quí Tu sĩ Nam Nữ, và mọi thành phần Dân Chúa đã góp công – góp của làm nên Hội Thi Giáo lý thành công đem lại nhiều điều bổ ích cho thiếu nhi trong toàn giáo phận.

Trong giờ Huấn Đức Mục Vụ, Đức Cha Giuse chia sẻ một vài thông tin có tính “ thời sự” của Giáo Hội. Những định hướng mới về: Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hoà Giải, Sự khiết tịnh của đời sống thánh hiến đối mặt với những thách đố của một xã hội hiện đại…

Đón nhận những thông tin chính thống từ vị chủ chăn có thẩm quyền là đón nhận những thao thức của Giáo Hội. Đó là cách trang bị hành trang quí báu cho từng ơn gọi đã và đang dấn thân trên giáo phận Lạng Sơn nhưng vẫn hiệp thông chặt chẽ với từng hơi thở của Giáo Hội Mẹ.

Như một khách lữ hành có lúc phải dừng trở lại để nghỉ ngơi, thêm sức và định hướng, đợt tĩnh tâm tháng 7 thật sự hữu ích cho từng người tham dự. Xuyên suốt hai ngày tĩnh tâm, hình ảnh hai chị em Matta và Maria là cách thức và đường hướng trong sứ vụ “Tông đồ” sắp tới. Ước mong sao đời sống Cầu Nguyện hoà quyện vào cung cách Phục Vụ sẽ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng.

Kết thúc buổi tĩnh tâm, gặp gỡ là bữa cơm thân mật giữa Đức Cha mến yêu với quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, anh em lớp tiền chủng viện trong tinh thần yêu thương và hiệp nhất. Niềm vui ấy được nhân lên khi ai nấy đều được Đức Cha Giuse tặng một món quà nhỏ nhân chuyến mục vụ phương xa trở về. Mọi người lại lên đường trở về nhiệm sở của mình, mang theo lửa tình yêu và phúc lành của Thầy Giêsu chí thánh, trở nên những thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo bao la của giáo phận.
 
Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa mừng Kim khánh Khấn Dòng của Chị Tổng phụ trách và Thánh Lễ Tuyên Khấn trọn đời của 15 chị
Vân Sơn
08:44 31/07/2010
PHÚC ÂN ĐỜI DÂNG HIẾN

Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa mừng Kim khánh Khấn Dòng của Chị Tổng phụ trách và Thánh Lễ Tuyên Khấn trọn đời của 15 chị.

THANH HÓA, 08g sáng thứ 7 ngày 31/07/2010, tại Nhà thờ Chính Tòa, Thánh Lễ tạ ơn Kim khánh khấn dòng của Chị Maria Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa, với hai chị cùng khóa: Chị Maria Trần Thị Xuân, Chị Maria Trần Thị Nhiệm; và Lễ vĩnh khấn cho 15 Chị, do Đức Cha Giuse-Giám mục Giáo phận chủ sự, cùng với 60 linh mục trong và ngoài Giáo phận cũng đồng tế. Tham dự Thánh lễ có quí nam nữ tu sĩ, Phụ huynh của các Khấn sinh, gia đình, thân nhân, ân nhân của Hội Dòng cùng với gần 2 ngàn giáo dân từ khắp các Giáo xứ trong Giáo phận.

Xem hình lễ mừng Kim Khánh và Tuyên Khấn

Ngay từ sáng sớm, trong khuôn viên Thánh đường đã tấp nập từng đoàn người đến rộn rã tiếng cười nói hân hoan. Người người vui mừng chờ đón Thánh Lễ như chưa từng tham dự lễ khấn, dẫu hàng năm vẫn nơi đây lớp lớp các Chị em tuyên thệ sống đời Thánh hiến. Phải chăng đây là phúc ân Thiên Chúa ban tặng cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa giữa lòng giáo phận Thanh ?

7h45, trong tiếng chuông vang dội hòa với tiếng đàn-lời ca, đoàn rước nhịp nhàng tiến vào Nhà thờ thật trang nghiêm và sốt sắng. Nhìn các khấn sinh trong tu phục điểm trang thêm chiếc voile trắng mỏng manh tựa cô dâu, nhưng với vòng hoa gai nhọn trên đầu, có lẽ đó chính là lời giải thích đơn sơ và ý nghĩa nhất cho chúng ta thế nào là người NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ CHÚA KITÔ.

Thánh Lễ chính thức bắt đầu vào lúc 08g. Qua bài ca nhập Lễ: « Chúa đã chọn con », Ca đoàn của Hội dòng đã khơi dậy trong lòng mọi người tâm tình hiệp thông của ngày phúc ân đời dâng hiến.

Trong sự kết liên của Phụng vụ lời Chúa, bài đọc thứ nhất (1Sm 3, 1-10) đưa ta sống lại ơn gọi của Samuen để dẫn tới ơn gọi của các Chị tuyên khấn trọn đời hôm nay: bước theo Đức Kiô trên con đường Thập giá và hy vọng được sống lại vinh quang với Người. Đúng như xác tín của thánh Phaolô( trong Rm 6, 3-11, bài đọc II). Đặc biệt, trong bài giảng, Cha Tổng đại diện Phê-rô Vũ Tiến Phúc đã mời Cộng đoàn phụng vụ suy tư về ý nghĩa của ngày Vĩnh khấn hôm nay: Tín thác vào Chúa để đáp lại tiếng xin vâng, là các Chị chấp nhận bước theo Chúa trong hành trình đầy trông gai, là chấp nhận của lễ hy sinh như Thầy Chí Thánh trên Thập giá năm xưa.

Trong tâm tình của người Cha đối với các con mình trước tiến trình quan trọng của cuộc đời, Đức Cha nhắc nhở và khích lệ Chị em vững bước đi lên; Ngài gửi gắm Chị em Hội Dòng cho Cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo phận, để mọi người hiệp thông và cầu nguyện, đỡ nâng các Chị em đã dâng hiến đời mình, phục vụ Chúa.

Những năm gần đây, Hội Dòng kết hợp Thánh Lễ tạ ơn Kim Khánh Khấn Dòng với Lễ tuyên khấn trọn đời để trang sử mới của Hội Dòng không tách rời những trang sử trước và để biểu dương tấm gương can trường của quí Chị trong suốt nửa thế kỷ theo Chúa, cùng để khích lệ Chị em vĩnh khấn hôm nay thêm kiên trung dù muôn trùng thử thách sẽ giăng vây.

Quả thực, nhìn lại 50 khấn Dòng, là chuỗi thời gian rất dài mà 3 Chị đã không ngại dấn thân dù muôn lần thách đố. Mừng Kim Khánh là dịp nữa để các Chị tri ân Chúa và bước tiếp trong Ngài. Cũng thế, khấn trọn đời không phải là từ nay 15 Chị sẽ ngừng cố gắng hoặc thôi tu thân, mà là khởi điểm để các Chị em ý thức hơn rằng ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH LÀ ĐỐI TƯỢNG DUY NHẤT CỦA LÒNG TRÍ các chị trong suốt cuộc đời hy dâng với Ngài- trong Ngài và vì Ngài.

Từ nay, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa vui đón nhận thêm 15 Thành viên chính thức để góp phần xây dựng và thăng tiến Hội Dòng. Ước gì, các Chị sẽ mãi tín trung với Lời Giao ước mà chính các Chị đã hoàn toàn tự do cam kết sống đời dâng hiến trong linh đạo Mến Thánh Giá Thanh hóa theo gương các Bậc Tiền Nhân.

MỪNG KIM KHÁNH KHẤN DÒNG

Kính tặng chị Tổng Phụ trách và quý chị mừng kim khánh thánh hiến trong Hội Dòng MTG Thanh Hóa.

50 năm, đời con dâng hiến

Tình yêu Ngài trải rộng vô biên

Nay con dâng niềm tri ân Chúa

Đã dìu qua sóng gió trùng khơi

Năm Thập niên vinh-nhục nếm rồi

Con hiểu được đâu là lẽ sống?

Ngài dạy con qua từng biến cố

Để yêu Ngài, yêu bạn hữu con.

Giê-su ơi! Phía trước vẫn còn

Là lối mòn, gồ ghề, leo dốc

Là thử thách sức lực, tâm can

Là thời gian đang tàn phai úa

Con tin rằng Ngài là Cứu Chúa

Đưa con lên từng bước tin yêu

Đến gặp Cha, Calvê một chiều

Chết với Ngài, Tình yêu chiến thắng

Mừng Kim Khánh, tuổi đời dâng hiến

Con nhìn lại quá khứ Tình con

Xin Ngài lượng thứ với bao dung

Những khi con bất trung Tình Chúa

Hay lầm lỗi đức ái với tha nhân

Con xin cảm tạ hồng ân

Tình thương Chúa đổ tràn trên con.

Cécile Trang Nhung
 
Thăm giáo xứ Tiên Chu, Xuân Lộc
Maria Vũ Loan
09:07 31/07/2010
Thăm giáo xứ Tiên Chu, Xuân Lộc

Sáng hôm nay, 31/7/2010, một ngày thứ bảy đẹp trời, tôi cùng một bà cố đi đi xe khách công cộng về thăm giáo xứ Tiên Chu, hạt Hòa Thanh, giáo phận Xuân Lộc, trong dịp giáo xứ đón mừng Đức Tân giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp về nơi gia đình, họ hàng sinh sống. Hòa vào niềm vui chung của giáo xứ, lòng tôi còn xoáy vào những công việc khá đặc biệt của cộng đoàn giáo dân ở đây.

Xem hình giáo xứ Tiên Chu, Xuân Lộc

Mấy ngày trước, tôi nhận được cái thiệp mời tham dự thánh lễ tạ ơn rất đẹp, có chữ ký của cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Uy và đại diện gia tộc là ông Phaolô Nguyễn Hữu Vỹ (chú của Đức tân Giám mục); tôi thấy vui vui vì có dịp dừng chân tại một nhà thờ vùng Hố Nai - Biên Hòa, một giáo phận được coi là có rất đông giáo dân nhất miền Nam.

Có tham dự thánh lễ tạ ơn này, mới thấy giáo dân giáo xứ Tiên Chu nhiệt tình, hăng say, nề nếp, làm việc có tính tổ chức cao: khuôn viên nhà thờ sạch đẹp, rạp che cứng cáp, hàng rào danh dự đón tiếp Đức cha, quí cha, quí tu sĩ, quí khách đẹp đồng đều, chỗ ngồi của ban kèn có đến gần một trăm người cũng gọn gàng hợp lý. Nhìn đoàn rước tiến vào nhà thờ mới đẹp làm sao! ( http://www.youtube.com/watch?v=YLSFG8l7M4A )

Chưa hết, trong suốt thời gian cử hành lễ, những người tham dự được mời vào trong lòng nhà thờ hay ở bên ngoài xem màn hình đều rất trật tự. Những người xem lễ qua màn hình là những giáo dân với đủ mọi ngành nghề của vùng Hố Nai này, đặc biệt là nghề chế biến gỗ thành những bộ bàn ghế cao cấp rất đẹp, nhìn vẻ trang nghiêm, sốt sắng của họ, tôi hiểu họ đầy ắp lòng yêu mến với Chúa và Giáo Hội. Bên cạnh đó, nề nếp không phải tự nhiên mà có được mà chắc chắn phải do sự điều hành khéo léo của cha chánh xứ và ý thức cao của người giáo dân. Có lẽ vì thế mà những người mang của lễ lên dâng là người trong gia tộc của Đức Cha, tôi thấy họ bước đi với vẻ mặt trịnh trọng khác thường.

Ca đoàn trên sàn hát là những thanh nữ trẻ biểu lộ phần nào sự hăng say của giới trẻ trong giáo xứ này. Một ông trùm xứ đạo cho biết giáo xứ gần 5.000 giáo dân mà có đến gần 2.000 em trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể vì thiếu nhi ở đây tính từ 19 tuổi trở xuống, còn giới trẻ từ 20 tuổi trở lên. Nhìn những giáo dân nhiệt thành, tôi vụng nghĩ bậy thế này: nếu có một cuộc bách hại đạo dã man kiểu phong kiến thời Tự Đức, Minh Mạng bị lập lại thì vùng này có rất nhiều người tử đạo hoặc kiểu bách hại đạo tinh vi hơn thời @ thì nơi đây cũng không thiếu những chứng nhân của Chúa Kitô.

Sau thánh lễ, quí cha, quí tu sĩ và khách mời vào nhà xứ dự tiệc còn giáo dân thì đến nhà người chú của Đức tân giám mục mà dùng cơm trưa. Gọi là bữa cơm thân mật nhưng thật ra trước con đường rộng, rạp được giăng lên như một tiệc cưới.

Tôi chọn chỗ ngồi ngẫu nhiên, vừa thưởng thức món ăn ngon vừa chú ý chụp hình khi cần. Vô tình bên cạnh tôi là một cô trông khá trẻ đẹp và tôi được biết cô là phó trưởng Ban Caritas giáo phận, đã đặt văn phòng Caritas tại lầu 7 ở nhà cô, để hoạt động ở đây không thời hạn; và trưởng ban là cha chánh xứ Tiên Chu này. Cha là cha quản hạt kiêm luôn giám đốc Cariatas giáo phận, kiêm cả giáo đốc cô nhi viện Thiên Bình. Thế là tôi hớn hở hôn tay Đức Cha một cách vội vàng rồi chú ý đến cha chánh xứ nhiều hơn khi cha đến từng bàn chào quan khách. Nhờ vậy mà biết được Cha trưởng Ban Caritas giáo phận đã thực hiện được khá nhiều việc bác ái xã hội như cứu trợ bão lụt miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ; trợ giúp người nghèo trên toàn giáo phận do các giáo xứ giới thiệu đến; hàng tháng tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí hai lần cho cả vùng Hố Nai Biên Hòa này ngay tại giáo xứ Tiên Chu. Hiện nay, Caritas giáo phận đang xây dựng một trường trung học dạy nghề tại giáo xứ Lai Ổn huyện Trảng Bom, Hố Nai 3mà cha sẽ là hiệu trưởng.

Đặc biệt, cha kêu gọi được 14 người trong giáo hạt, lập thành một nhóm chuyên lo công việc chăm sóc người bị nhiễm HIV. Hằng tuần các anh chị em trong nhóm này đến bệnh viện da liễu Đồng Nai, tặng cho một số người nhiễm HIV và bị phong cùi(được ở luôn trong trại) một chút thịt cá, rau củ để họ tự nấu súp mà ăn. Ngoài ra, anh chị em còn đến tận nhà những người nhiễm HIV, phạm vi trải rộng trên toàn giáo phận để thăm hỏi nâng đỡ tinh thần và hỗ trợ tiền thuốc và gạo. Và hằng tuần lại còn chở các bệnh nhân này đi khám bệnh, lấy thuốc ARV định kỳ, một loại thuốc giữ cho bệnh không nặng thêm và kéo dài thêm sự sống. Bệnh nhân nào nặng quá thì mượn xe cứu thương của nhà dòng Thánh Gioan Thiên Chúa để chở lên Sài Gòn.

Sau tiệc mừng, quí cha, quí tu sĩ, quan khách được tặng một quyển sách do Đức tân Giám mục viết có tựa đề Việt Nam yêu dấu - Quê Hương và Giáo Hội; còn những giáo dân vừa được dự tiệc vừa có một hộp bánh đem về. Hình như vùng Hố Nai Biên Hòa này có một “tục lệ” là ăn giỗ hay dự tiệc, nếu có quà đem về thì họ rất vui, nhiều người cho rằng đó là việc “quê mùa” nhưng tôi lại nghĩ khác: âu cũng là tâm tình nhớ đến con cái ở nhà mà thôi!

Tôi còn đang vui vẻ chuyện trò thì có người đến nói rằng có ý muốn mời tôi về cùng xe của họ. Cái xe hơi láng coóng làm tôi chạnh lòng, chạnh lòng vì Chúa lo lắng cho tôi từng li từng tí và Người biết tôi thích đi xe hơi!!

Thật tuyệt vời cho một lần dừng chân của tôi tại giáo xứ Tiên Chu trong một dịp vui. Dịp vui vì là lần thứ hai Đức Cha Phaolô “vinh quy bái tổ” về làng, nơi thân phụ và thân mẫu đã từng sinh sống ở đây. Những ngày qua, trên các mạng truyền thông nói nhiều về việc Giáo phận Vinh có tân Giám mục, nên hôm nay trên đường về, tôi chỉ có ba ý nghĩ đơn sơ về chức vụ Giám mục: Một là, nhìn vào tấm thiệp mời của tân linh mục trong thánh lễ tạ ơn này, người ta thấy Đức Cha có nhiều học vị. Sự hiểu biết từ những kiến thức của việc học tập giúp củng cố thêm đức tin của Chúa ban cho, vì sự hiểu biết về con người hiện nay vẫn là “một chút” khám phá về sự sáng tạo củaThiên Chúa; ai dám nghĩ rằng mười, hai mươi năm nữa nhân loại không khám phá thêm được gì nữa! ? Hai là, có vị giám mục hân hoan xưng mình là “giám mục nông dân” nhưng chắc chắn không có vị nào cảm nghĩ mình là một đẳng cấp ưu tuyển, quan cận thần của Thiên Chúa, phải được đón tiếp long trọng khi đi và về, dân thường khó tiếp cận…mà là người được tuyển chọn với TRÁCH NHIỆM MỚI mà thôi! Ba là, nhiều lần tôi chứng kiến những người giáo dân nhiệt thành hôn tay các ĐGM với tất cả tâm tình kính trọng và yêu mến biểu lộ qua đôi mắt cử chỉ, tôi nghĩ rằng chính sự yêu mến “vừa đủ” đó vô tình trở thành một cái khuôn trợ giúp các Ngài luôn đạo hạnh và gương mẫu trong đời thường.

Tạm biệt giáo xứ Tiên Chu mà lòng tôi vui vì vừa chung vui với giáo xứ, lại thoang thoảng buồn khi nghĩ về những bệnh nhân nhiễm HIV nơi vùng đất có nhiều giáo dân này.
 
Đức Giám Mục Thái Bình Đến Thăm Và Làm Mục Vụ Tại Giáo Xứ Nguyệt Lãng
Trường Giang
13:35 31/07/2010
Đức Giám Mục Thái Bình Đến Thăm Và Làm Mục Vụ Tại Giáo Xứ Nguyệt Lãng

Chiều nay, thứ Bảy (31/07/2010), Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, giám mục giáo phận Thái Bình đến thăm và dâng thánh lễ khai mạc ngày chầu lượt giáo xứ Nguyệt Lãng. Hiệp dâng với vị chủ chăn giáo phận có các cha trong giáo hạt thành phố Thái Bình và các cha đang làm việc tại Tòa giám mục, cùng các nam nữ tu sĩ và đông đảo giáo dân Nguyệt Lãng và những giáo xứ lân cận.

Xem hình ĐGM Thái Bình đến GX Nguyệt Lãng

Được cha xứ, ban hội đồng giáo xứ, giáo họ, hội kèn xứ Nguyệt Lãng, họ Thọ Lộc, họ Tân Mỹ, đội trống trắc xứ Nguyệt Lãng và nhiều hội đoàn trong xứ đón Đức cha vào trong thánh đường. Tại đây cộng đoàn cùng hợp với Đức cha viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Sau đó cha Đaminh Bùi Thế Truyền – chánh xứ Nguyệt Lãng thay mặt cho đoàn chiên chào mừng Đức cha, kế đến một vị đại diện giáo xứ lên tặng hoa. Nhân đây cha Truyền sơ qua đôi nét về lịch sử hình thành giáo xứ, cũng như những hoạt động của giáo xứ trong thời gian vừa qua và những dự phóng cho tương lai, đó là công cuộc loan báo Tin Mừng, theo lời mời gọi của Đức cha. Đức cha cám ơn cha chánh xứ và giáo dân nơi đây đã đón tiếp và dành cho ngài những tình cảm chân thành và lòng yêu mến vị chủ chăn của giáo phận. Đồng thời, Đức cha rất vui khi nhìn thấy sự hiện diện của nhiều bạn trẻ trong thánh lễ hôm nay, ngài động viên và mong các bạn trẻ sốt sáng và hoạt động nhiều hơn nữa trong các phong trào của giáo xứ cũng như của giáo phận. Tiếp đến là thánh lễ, được diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sáng. Trong thánh lễ Đức cha dâng lời cầu nguyện cách đặc biệt cho giáo xứ, với 1535 giáo dân, trực thuộc 6 họ lẻ và một họ nhà xứ.

Kết thúc thánh lễ, Đức cha đặt Thánh Thể trên bàn thờ, các hội đoàn trong giáo xứ, giáo họ luân phiên chầu Chúa Giêsu Thánh Thể đến 21 giờ.
 
Chủng Sinh Thanh Hoá Viếng Thăm Trại Phong Cẩm Thủy
Kim Dung
21:09 31/07/2010
Chủng Sinh Thanh Hoá Viếng Thăm Trại Phong Cẩm Thủy

Nằm trong chương trình tháng Thường huấn Chủng sinh và Ứng sinh, ngày 25 tháng 7 vừa qua, Uỷ Ban Ơn Gọi Giáo phận đã tổ chức cho Chủng sinh Thanh hoá đến viếng thăm và tặng quà cho các bệnh nhân Phong tại Trại Phong Cẩm Thuỷ - Thanh Hóa. Mục đích của chuyến thăm nằm trong chương trình đào tạo ngoại khóa của giáo phận dành cho các chủng sinh và ứng sinh – những người mục tử trong tương lai, có được cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống của những người nghèo, người bị bỏ rơi, bất hạnh cơ nhỡ - đối tượng của Tin mừng, nhằm hun đúc tinh thần tông đồ, bác ái yêu thương chuẩn bị cho sứ vụ trong tương lai.

Xem hình chủng sinh Thanh Hóa viếng thăm trại phong Cẩm Thủy

Phái đoàn do Cha Giuse Vũ Thanh Long - Chủ tịch UB Ơn Gọi Giáo phận, Bề trên Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh làm trưởng đoàn, cùng Quý thầy Đại chủng sinh; Quý chú ứng sinh; Quý Sơ Dòng Saint Paul, Quý ân nhân và 2 bạn sinh viên người Pháp hiện là thỉnh nguyện viên tại TGM Thanh hoá.

Xuất phát từ TGM Thanh Hóa lúc 7g45, Vượt qua chặng đường dài gần 100 km đường núi quanh co, đoàn đến trại lúc 10g00. Khi đến nơi, mọi người bắt tay ngay vào việc phát quà, thăm hỏi, động viên tinh thần và đặc biệt các thầy, các chú đã tạo một sân chơi văn nghệ bỏ túi nho nhỏ để cùng hát, múa và ăn trưa với các bệnh nhân phong nơi đây – tất cả nhằm mang lại một chút hơi ấm tình thương làm xua tan bớt nỗi buồn của những mảnh đời bất hạnh.

Chuyến đi đã diễn ra tốt đẹp và mang lại nhiều điều bổ ích cho mỗi thành viên trong phái đoàn, cách riêng cho mỗi Chủng sinh khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Hy vọng sau chuyến đi này, mỗi người tham gia chuyến đi sẽ thấu hiểu hơn về thực tế cuộc sống, biết cảm thông, chia sẻ và nhân ái đối với mọi người, nhất là những cảnh đời thiếu may mắn xung quanh mình.

Cầu chúc Quý Thầy sẽ trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước trong tương lai.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (2)
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:32 31/07/2010
hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (2)

Tóm lược bối cảnh lịch sử Mười Điều Răn Thiên Chúa


Tổ phụ Gia-cóp sinh hạ được mười hai người con trai khôi ngô khỏe mạnh và ông hết lòng yêu thương tất cả các con. Tuy nhiên, Giu-se là đứa con út và là đứa con ông sinh ra trong tuổi già, nên tổ phụ Gia-cóp có lòng quý mến và cưng chiều hơn các anh: Áo quần đẹp cũng như của ngon vật lạ ông đều cất dành cho Giu-se, nhất là ông không hề để Giu-se xa ông nửa bước. Điều này đã gây nên ganh tị nơi các anh của Giu-se. Thêm vào đó, có lần Giu-se lại còn chân thành kể lại cho cha mẹ và các anh nghe câu chuyện chiêm bao lạ lùng của cậu như sau: Số là một hôm, Giu-se nằm ngủ mơ thấy cậu và các anh đang bó lúa ở ngoài đồng, bỗng dưng bó lúa của cậu đứng thẳng lên, còn các bó lúa của các anh lại bao vây chung quanh bó lúa của cậu và quỳ sụp xuống lạy bó lúa ấy. Và một hôm khác, Giu-se lại nằm ngủ mơ thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao quỳ xuống bái lạy cậu. Bởi vậy, mười một người anh của Giu-se càng thêm lòng ghen ghét cậu hơn nữa và tìm cách hãm hại cậu.

Dịp may đã tới, số là lần kia ông Gia-cóp sai Giu-se đi thăm các anh đang chăn chiên ở Si-khem, một cánh đồng cỏ cách nhà khá xa, khi trông thấy Giu-se đến gần, các anh bèn nói với nhau: „Thằng tướng chiêm bao đang đến kìa, ta hãy giết nó và ném xác xuống giếng, để xem chiêm bao của nó sẽ hiệu nghiệm ra sao“. Nhưng sau đó, qua sự can thiệp của người anh cả là Rưu-vên, họ đã bán cậu cho một nhóm lái buôn Ai-cập, chứ không giết như đã định. Thế là Giu-se phải theo đoàn người lạ về Ai-Cập và bắt đầu một cuộc sống lưu lạc nơi đất khách quê người đầy gian nan thử thách.

Đúng vậy, khi phải sống xa cha mẹ và lưu lạc nơi đất khách quê người xa lạ, Giu-se đã phải trải qua không biết bao nhiêu gian truân, bao nhiêu thử thách gian khổ. Nhưng nhờ có biệt tài diễn giải các giấc mộng một cách chính xác và hợp lý, Giu-se chẳng những đã vượt lên được tất cả mọi thử thách gian lao mà còn đạt tới được tột đỉnh vinh quang (x. St đoạn 37-40).

Số là khi chính vua Pha-ra-ô nước Ai-cập nằm mơ thấy có bảy con bò béo mập đang đứng gặm cỏ trên bờ sông Nin, bỗng dưng có bảy con bò gầy còm từ dưới sông đi lên và ăn thịt bảy con bò béo mập kia. Tiếp đến, nhà vua lại nằm mơ thấy có bảy bông lúa hạt nặng trĩu bị bảy bông lúa lép và khô cháy khác nuốt chửng. Tỉnh dậy, tâm thần nhà vua vô cùng bấn loạn và bất an, ông cho triệu tập tất cả các quan, các nhà khoa học, các nhà phù thủy bói toán vào dinh và ông đã kể lại cho họ nghe hai giấc mơ huyền bí khó hiểu kia. Nhưng tất cả khách mời đều bất lực, không ai có thể đưa ra được một lời giải thích hợp lý nào. Trong khi đó, một vị quan bỗng nhớ lại là chính Giu-se đã từng giải thích chiêm bao cho ông, nên ông xin vua cho mời Giu-se vào cung. Thế là Giu-se được triệu vào hoàng cung.

Nghe xong hai giấc mơ của nhà vua, Giu-se đã giải thích như sau: Cả hai giấc mơ của Hoàng thượng đều mang chung một ý nghĩa. Đó là trong bảy năm liền toàn thể nước Ai-cập được mùa, lúa gạo dư tràn, thì tiếp theo bảy năm liền sau đó trong khắp cả nước sẽ xảy ra nạn hạn hán, mất mùa và đói kém khủng khiếp, lan tràn khắp mọi góc cùng ngõ hẻm, khiến cả toàn dân phải đói khổ. Chàng còn góp ý kiến với nhà vua là nên cắt cử những người có tài năng để lo việc tích trữ lúa gạo, hầu tránh cho dân gian khỏi phải rơi vào cảnh đói kém chết chóc.

Nghe xong những lời giải thích quá chính xác và hợp lý của Giu-se, nhà vua vô cùng đắc ý, liền tuyên bố là ngoài Giu-se ra còn ai khác có đủ khôn ngoan và tài ba hơn để đảm nhiệm được sứ vụ vô cùng quan trọng này, và nhà vua đã đề cử chính Giu-se làm quan tể tướng trên toàn vương quốc Ai-cập để chăm lo cho cuộc sống của toàn dân luôn được ấm no, lo xây dựng các kho tích trữ lúa gạo trên khắp cả nước để đề phòng nạn đói. Nhờ thế, dân Ai-cập vẫn luôn sống trong cảnh ấm no thịnh vượng, chứ không phải trải qua nạn đói kém khổ sở như các dân tộc chung quanh. Nhớ ơn cứu sống của Giu-se, vua Pha-ra-ô đã ra lệnh cho rước cha mẹ và mười một người anh của Giu-se từ đất Ca-na-an sang Ai-cập và cấp đất đai cho họ sinh sống. Từ đó, toàn gia đình ông Gia-cóp cùng sum họp trên đất Ai-cập (x. St 41,1-47,12).

Nhờ bản chất thông minh, khôn khéo và chăm chỉ làm ăn, dần dà họ đã trở thành một sắc dân giàu sang, văn minh và đông đảo trên đất nước Ai-cập. Trong khi đó đa số người dân bản xứ lại nghèo nàn, lạc hậu và thường đi làm thuê làm mướn cho dân Ít-ra-en (x. Xt 1,1-7). Từ chỗ đó, làn sóng ganh tị, ghen ghét và chống đối người Ít-ra-en cũng mỗi ngày mỗi lan rộng. Hơn nữa, Giu-se và các chứng nhân lịch sử của ơn cứu đói năm xưa đều đã qua đời, không một ai còn sống sót nữa; các vua Pha-ra-ô sau này cũng không còn biết Giu-se là ai và các công trạng của ông đối với dân Ai-cập lớn lao như thế nào nữa, họ chỉ nhìn thấy một dân ngoại lai đang mỗi ngày mỗi bành trướng và làm giàu trên đất nước họ, và lo sợ có thể một ngày nào đó chủ quyền đất nước họ sẽ bị rơi vào tay của sắc dân ngoại bang này.

Đó là lý do khiến các triều đình Pha-ra-ô ra lệnh đàn áp, đày đọa và tiêu diệt dân Ít-ra-en một cách có hệ thống, bằng cách: một đàng nhà vua ban hành lệnh chỉ cho phép người Ít-ra-en được sinh con gái, chứ tuyệt đối không được sinh con trai, ai sinh con trai thì phải bóp cổ cho chết ngay; còn đàng khác, nhà vua lại bắt người Ít-ra-en phải làm tất cả các công việc phục dịch vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm, như xây dựng các kim tự tháp vĩ đại, các cung điện và các lâu đài lăng tẩm nguy nga đồ sộ, đắp đường sá, đào sông ng̣òi, khai thác các kim loại và đá gạch, v.v…cho nhà vua (x. St 1,8-22).

Chính trong giai đoạn và hoàn cảnh đầy đau thương éo le ấy của định mệnh dân Ít-ra-en, một bé trai của một gia đình nghèo người Ít-ra-en thuộc dòng họ Lê-vi được cất tiếng chào đời. Khi vừa sinh con chưa kịp đặt tên cho con, bà mẹ người Ít-ra-en đã phải vội giấu con suốt ba tháng trời, vì sợ công an Ai-cập bắt giết. Nhưng sau cùng, thấy nguy hiểm không thể tiếp tục giấu con mãi trong nhà được nữa, bà vô cùng đau lòng thương khóc cho số phận hẩm hiu của con, cùng hòa chung với số phận đầy chua xót của cả dân tộc đang triền miên phải sống trong kiếp nô lệ đọa đày, và bà bèn lấy một cái thúng bằng cói đem trét kín bằng hắc ín và nhựa chai và đặt con vào đó. Xong, bà đậy kín lại và đem thả xuống sông Nin cho trôi theo dòng nước, hy vọng có ai vớt được đem về nuôi.

Nhưng ý trời thật nhiệm mầu: Đúng vào lúc đó, cô công chúa Pha-ra-ô đang đi ngoạn cảnh trên sông Nin với đoàn tỳ nữ và đã bắt gặp chiếc thúng đựng đứa bé trai người Ít-ra-en trôi qua chỗ đó. Cô liền cho vớt lên. Nhìn thấy đứa bé trai có vẻ thông minh, kháu khỉnh, cô bèn nhận làm con nuôi và đặt tên cho đứa bé là Mô-sê, có nghĩa là được cứu khỏi nước. Thế là Mô-sê, một đứa con của một gia đình Ít-ra-en nghèo, được nuôi dưỡng và lớn lên như một hoàng tử chân chính trong hoàng cung vua Pha-ra-ô của cường quốc Ai-cập hùng mạnh vào lúc bấy giờ, trong một môi trường sang trọng và thuận tiện về mọi lãnh vực, hầu chuẩn bị cho em có được những khả năng và điều kiện tốt để lãnh nhận những trọng trách của đất nước sau này trong tương lai (x. Xh 2,1-10).

Nhưng rồi thời gian trôi nhanh và khi trưởng thành, Mô-sê đã khám phá ra rằng chàng không mang trong mình dòng máu Ai-cập như xưa nay chàng vẫn tưởng, nhưng thực sự chàng là người Ít-ra-en chính cống, một dân tộc đang bị Pha-ra-ô bắt làm nô lệ, đang bị đày đọa và bị hành hạ một cách vô cùng bất công và vô nhân đạo. Vì thế, chàng quyết định từ bỏ các vinh quang và tước hiệu do Pha-ra-ô ban thưởng và quay trở về chịu chung số phận nô lệ với dân mình, hầu tìm cách tranh đấu giải phóng họ ra khỏi gông cùm Ai-cập.

Tinh thần dân tộc sâu sắc ấy đã khiến Mô-sê vô cùng oán giận khi trông thấy một người Ai-cập hiếp đáp và đánh đập một người Ít-ra-en hết sức tàn nhẫn, và chàng đã ra tay giết chết tên Ai-cập ác ôn kia. Nhưng hành động bênh vực người anh em đồng bào ấy của chàng đã vang đến tai vua Pha-ra-ô, vả lại hành động ấy cũng không được chính đồng bào của chàng hoàn toàn đồng thuận, nên chàng đã sợ bị nguy hiểm đến tính mạng và bỏ trốn sang miền Ma-đi-an, làm nghề canh giữ chiên cho một thầy Tư tế quyền lực tại đó và được ông này vô cùng yêu thương, đến nỗi đã gả con gái của ông cho chàng (x. Xh 2,11-22).

Thế rồi, tưởng chừng như định mệnh đã an bài, ngày qua ngày, Mô-sê vẫn an vui với thú điền viên bên đoàn vật của ông bố vợ và chàng đã quên đi kiếp đọa đày mà đồng bào ruột thịt của chàng ngày đêm đang phải cắn răng chịu đựng tại Ai-cập. Nhưng không, tiếng kêu than ai oán của con cái Ít-ra-en, của dân tộc chàng đã vang thấu tới trời cao, và Thiên Chúa đã quyết định ra tay giải thoát Dân Người khỏi cảnh nô lệ Ai-cập qua trung gian của người tôi trung mà Người sẽ kén chọn là Mô-sê.

Thật vậy, một ngày kia, khi đang trông coi đàn chiên gặm cỏ trên một sườn núi thuộc sa mạc Si-nai, Mô-sê bỗng nhìn thấy ở đàng xa một hiện tượng lạ lùng: một bụi cây bốc lửa cháy rừng rực nhưng bụi cây lại không bị lửa thiêu rụi. Quá tò mò, Mô-sê bèn rón rén tiến lại gần để quan sát. Khi đến gần bụi cây đang cháy, bỗng có tiếng từ bụi cây phán ra: „Mô-sê, Mô-sê, ngươi chớ đến gần. Hãy cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp. Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập. Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập“ (Xh 3, 1-12).

Thế là sau một lúc phân vân do dự, Mô-sê liền vâng lệnh Thiên Chúa trở lại đất Ai-cập và cùng với em trai mình là A-ha-ron vào hoàng cung gặp vua Pha-ra-ô để xin phép đưa dân Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập và tiến vào đất hứa là Ca-na-an. Dĩ nhiên, trước hết vua Pha-ra-ô đã hoàn toàn bác bỏ và từ chối nguyện vọng ấy của Mô-sê một cách cố chấp, vì nếu làm theo nguyện vọng của Mô-sê thì ông sẽ mất đi bao nguồn lợi lộc khổng lồ do con cái Ít-ra-en đã, đang và sẽ mang lại cho ông và dân tộc ông. Nhưng cuối cùng Mô-sê cũng đã đạt được nguyện vọng là giải phóng con cái Ít-ra-en ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập nhờ vào các điều thiêng dấu lạ mà quyền lực phi thường của Thiên Chúa đã dùng tay ông thực hiện (x. Xh 7,8-25 – 11,1-10).

Trong cuộc xuất hành rầm rộ, vĩ đại và kéo dài nhất trong suốt lịch sử nhân loại (48 năm trời) này, trước hết Mô-sê đã đưa dân tập trung tại „Đất thánh“ dưới ngọn núi Hô-rếp (Horeb) mà ngày nay người ta cũng gọi là núi Mô-sê, cao 2.285 mét, nơi ông đã được Thiên thần Chúa hiện ra trong bụi cây có lửa cháy rừng rực khi ông còn đi chăn chiên, để truyền cho ông mệnh lệnh của Thiên Chúa. Chính tại nơi thánh địa này, các Tu Sĩ Kitô giáo đã xây dựng vào giữa năm 548-565 một Tu Viện rộng lớn dâng kính thánh nữ tử đạo Ca-tha-ri-ne, mà vào thời Giáo Hội tiên khởi rất được các tín hữu sùng kính. Tuy Tu Viện được thành lập trong sa mạc Si-nai hoang vu, cách biệt với dân cư cả hàng ngàn cây sô, nhưng từ đầu cho tới ngày nay vẫn luôn có các Tu Sĩ ngày đêm cầu kinh ca ngợi Thiên Chúa không ngừng. Còn chính chỗ bụi cây bốc lửa cháy mà Mô-sê từng trông thấy trước đây hàng ngàn năm, ngày nay vẫn luôn luôn có một bụi cây mọc lên xanh tốt ngay giữa khuôn viên Tu Viện. Hiện nay Tu Viện thánh Ca-tha-ri-ne có một thư viện kỳ cựu nhất thế giới với trên 4.000 tác phẩm chép tay và khoảng 2.000 bức họa trên gỗ vô cùng quý giá. Bởi vậy, năm 2002 cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã nâng Tu Viện Thánh Ca-tha-ri-ne vào hàng gia sản văn hóa thế giới và được chính Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Mỗi năm có khoảng 50.000 khách du lịch đến kính viếng và tham khảo học hỏi. Điểm truyền thống đặc biệt của Tu Viện này là khi các Tu Sĩ qua đời, người ta không đưa chôn, nhưng cho đặt ngồi trong một ngôi „nhà mồ“ tập thể.

Trong khi dân chúng tập họp dưới chân núi Hô-rếp, thì Mô-sê đã theo lệnh Thiên Chúa truyền, một mình trèo lên núi cao đang được bao phủ bởi vinh quang huy hoàng của thiên Chúa, cùng với sự hộ vệ của người phụ tá tin cậy nhất của ông là Gio-su-ê – một người sau này sẽ thay thế ông dẫn con cái Ít-ra-en vào đất hứa – để cảm tạ Thiên Chúa đã cứu dân tộc ông ra khỏi cảnh nô lệ lầm than ở Ai-cập và nhất là để nhận huấn lệnh và Giao Ước mới của Thiên Chúa, tức Mười Điều Răn mà Thiên Chúa đã cho khắc trên bia đá (x. Xh 24,1-18).

Và suốt bốn mươi ngày đêm cầu nguyện và tâm sự cùng Thiên Chúa, ông Mô-sê đã cùng ông Gio-su-ê xuống núi, trong tay ôm hai bia đá có ghi rõ Mười Điều Răn Thiên Chúa. Nhưng ông Mô-sê đã không biết rằng trong thời gian ông cầu nguyện và tiếp cận với Thiên Chúa, da mặt ông đã được phản ánh sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa toàn năng và đã trở nên sáng chói lạ lùng, đến nỗi ông A-ha-ron và con cái Ít-ra-en không còn có thể nhìn thẳng vào mặt ông được nữa khi tiếp cận với ông. Vì thế, mỗi lần ông Mô-sê dạy dỗ và truyền các mệnh lệnh của Thiên Chúa cho dân chúng thì ông phải lấy một tấm khăn che mặt lại (x. Xh 34,29-35).

Còn chính hai bia đá ghi Mười Điều Răn Thiên Chúa đã được ông Mô-sê và toàn thể con cái Ít-ra-en tôn kính như Của Thánh và cất giữ trong một hòm bia bằng vàng nguyên chất, đặt trên bàn thờ ngay giữa trung tâm các lều trại của dân, như biểu hiệu sự hiện diện thực tiễn của Thiên Chúa giữa họ. Vì chính Mười Điều Răn Thiên Chúa quả thực là những mệnh lệnh, hay nói đúng hơn, là những lời hướng dẫn chân chính, lành mạnh và đúng đắn duy nhất trong tất cả mọi luật lệ nhân loại từ trước cho tới lúc bấy giờ và từ lúc bấy giờ cho tới ngày nay cũng như cho tới muôn đời về sau. Chỉ có Mười Điều Răn Thiên Chúa mới có thể giúp cho con người sống xứng đáng với nhân phẩm của mình hơn, và giúp cho con người có thể góp phần xây dựng một xă hội nhân bản, công bằng và văn minh thực sự.

Bởi vậy, Mười Điều Răn Thiên Chúa là nền tảng vững chắc nhất để bảo đảm sự tự do và sự hạnh phúc chân chính của mỗi người cũng như của cả xã hội nhân loại. Đó chính là sự thật khách quan không ai có thể phủ nhận được. Và sự thật này sẽ được trình bày và diễn giải ngay trong những trang tiếp theo sau đây.

(Còn tiếp)