Ngày 31-07-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:16 31/07/2013
BẠCH HỔ TRUYỀN KÝ
N2T

Vương Dao là một người nhiệt tình, là một trang chủ hiền hậu, trang viên của ông ta khách khứa tới liên tục không ngừng, trong đó có một thanh niên họ Thạch cứ cách năm ngày thì đến một lần, mỗi khi có người hỏi anh ta ở đâu, thì anh ta cứ nói ở Tây Sơn. Vương Dao thường suy nghĩ, người thanh niên này đến trang viên đã mười mấy năm rồi mà chưa hề mời ông ta đến Tây Sơn chơi một lần, thế là ông ta hiếu kỳ muốn đi cùng với người thanh niên cho biết ngọn nguồn, người thanh niên nói:
- “Nhà tôi là một nhà nghèo ở trong khe núi, ngài đừng đi.”
Nhưng Vương Dao không dẹp ý nghĩ ấy vẫn cứ đi với anh ta, người thanh niên nắm lên một cành cây dùng sức vẽ trên đất một đường, mặt đất lập tức xuất hiện một khe núi, tiếp theo anh ta lại nhảy lên cao biến thành một con hổ màu trắng, hướng về Vương Dao rống lên lớn tiếng làm cho Vương Dao hoảng sợ bỏ chạy.
Từ đó về sau người thanh niên không còn trở lại trang viên nữa.
(Đường, “Tập dị ký”)

Suy tư:
Đức Chúa Giê-su cảnh cáo chúng ta hãy coi chừng sói đội lốt chiên để ăn thịt chiên, họ bề ngoài làm bộ hiền lành nhưng bên trong thì đầy những âm mưu làm chia rẽ đoàn chiên bằng những cử chỉ hiền lành như chiên con, nhưng hể chiên con sơ ý là bị nó xơi tái ngay; thánh Gioan tông đồ cũng đã gióng lên tiếng kêu gọi người Ki-tô hữu hãy coi chừng các tiên tri giả, họ là những người làm bộ mặt thánh thiện khi đến nhà thờ, nói ra toàn là lởi của Phúc Âm khiến cho nhiều người Ki-tô hữu nhẹ dạ tin thật, nhưng lòng dạ họ thâm độc khôn lường khi quyền lọi của họ bị xâm phạm...
Con hổ trắng đội lốt người nhiều năm mà không ai phát hiện ra cả, chỉ khi người ta chú ý tìm tận nguồn gốc thì nó mới bày ra chân tướng thật.
Chúng ta –người Ki-tô hữu- sẽ không thể phân biệt sói đội lốt chiên và các tiên tri giả nếu chúng ta không nắm vững căn bản giáo lý và gắn bó với Giáo Hội qua những sinh hoạt của giáo xứ, bởi vì giáo lý dạy cho chúng ta biết căn nguyên của vạn vật chính là Thiên Chúa, và dạy cho chúng ta biết đâu là sự thật bởi Thiên Chúa và đâu là giả dối do ma quỷ...
Chiên thì thật thà đơn sơ, sói thì gian xảo lừa đảo; tiên tri thật thì sống ngay thẳng và tôn trọng sự thật, tiên tri gải thì sống lươn lẹo mưu mô và rất ghét sự thật.
-----------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:19 31/07/2013
N2T

23. Thánh Kinh khiến cho người luôn dùng mà không thái quá, hơn nữa người càng suy niệm Thánh Kinh cách rộng rãi, thì họ càng cảm thấy Thánh Kinh rất đáng yêu.

(Thánh Gregory)
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Powerpoint Chúa Nhật 18 Quanh Năm Năm C - 18th Ordinary Sunday Year C
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
03:28 31/07/2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các câu trả lời của Đức Phanxicô trong cuộc họp báo trên đường từ Rio về Roma
Vũ Văn An
00:48 31/07/2013
Ký giả Andrea Tornielli, người tháp tùng Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Rio trở về Rôma, cho hay trong chuyến bay này, Đức Giáo Hoàng đã trả lời khoảng 12 câu hỏi, một số câu liên quan tới bản thân ngài, một số câu liên quan tới các vấn đề nhậy cảm và nóng bỏng về Vatican.

Các ký giả thi nhau “bắn” những câu hỏi tự phát vào Đức Thánh Cha trong 1 giờ 20 phút. Ngài bằng lòng tổ chức cuộc họp báo ngay sau khi máy bay vừa cất cánh, dù rất mệt sau một tuần Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầy biến cố tại Ba Tây. Đức Phanxicô làm ngạc nhiên các ký giả vì việc ngài sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi do họ đặt ra với ngài, dù là những câu đụng tới các vấn đề thực sự gai góc như cuộc cải tổ Ngân Hàng Vatican, vụ Ricca, vụ vận động đồng tính, Vatileaks và ngay cả nội dung chiếc cặp da mà ngài mang lên máy bay đưa ngài tới Ba Tây vào tuần trước.

Bài này tóm tắt một số điều được đề cập trên chuyến bay trở lại Rôma, một cuộc đàm đạo cho thấy Đức Phanxicô thoải mái ra sao đối với các nhà báo. Rõ ràng là ngay từ đầu, ngài đã quyết định tổ chức cuộc họp báo trên chuyến trở về chứ không phải trên chuyến ra đi, để các nhận định của ngài không làm lu mờ các biến cố của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Đây cũng là một điều nữa xác nhận khả năng truyền thông của Đức Phanxicô và cho thấy ngài không cần bất cứ bác sĩ “thẩm mỹ” nào để tăng tiến hình ảnh của ngài cả.

Ngân hàng Vatican cần cải tổ

“Các Hồng Y đã khởi sự công việc cần phải làm ngay trong các cuộc họp toàn thể trước Mật Nghị Viện bầu giáo hoàng rồi. Triết lý hành động hiện đang được thực hiện bởi một ủy ban gồm 8 Hồng Y; điều quan trọng là các ngài là những người từ bên ngoài. Công việc của ủy ban là khai triển mối liên hệ giữa tính hợp đoàn và tính tối thượng. Các đề nghị cải tổ thì nhiều lắm và các đề nghị này liên quan tới Phủ Quốc Vụ Khanh và dĩ nhiên Viện Các Công Trình Tôn Giáo (IOR). Tôi dự tính sẽ giải quyết vấn đề này vào năm tới nhưng kế hoạch này nay đã bị thay đổi vì các vấn nạn mà qúy bạn đã biết rồi. Chúng ta cải tổ và sửa cho đúng điều cần phải đúng ra sao? Tôi đã cho lập một ủy ban “cố vấn”. Tôi không biết điều gì sẽ xẩy ra cho IOR: người thì cho rằng tốt hơn nên có một ngân hàng, người lại bảo nên đóng cửa nó.Tôi thì tôi tin tưởng ở công trình đang được thực hiện bởi những người được tuyển dụng làm việc tại IOR và ủy ban. Tôi không biết thành quả sẽ ra sao: ta cần phải thử để thấy điều gì xuôi chẩy. Nhưng bất cứ điều gì xẩy ra với IOR, điều cần thiết chắc chắn phải là trong sáng và trung thực”.

Nội dung chiếc cặp da nhỏ

“Tôi mang theo chiếc cặp lên chuyến bay với tôi vì tôi luôn làm thế. Cái gì trong đó ư? Chiếc dao cạo râu của tôi, sách nguyện của tôi, cuốn nhật ký của tôi và một cuốn sách để đọc. Cuốn sách này viết về Thánh Nữ Têrêxa đệ Lisieux, vị mà tôi rất sùng kính. Mang cặp là chuyện bình thường, ta cần phải bình thường, ta cần làm quen với chuyện sống bình thường, bởi thế, tôi rất ngỡ ngàng khi người ta chú ý tới chiếc cặp. Dù sao, cũng không có chìa khóa bom nguyên tử trong đó...”

Tại sao Đức Phanxicô luôn xin người ta cầu nguyện cho ngài

“Tôi luôn xin người ta ‘cầu nguyện cho tôi’. Khi còn là một linh mục, tôi không xin điều này thường lắm. Tôi bắt đầu xin điều ấy thường hơn khi tôi trở thành giám mục. Tôi cảm thấy mình có nhiều yếu điểm và vấn đề, còn là một người tội lỗi nữa. Lời xin này là điều xuất phát từ nội tâm. Tôi cũng xin Đức Mẹ cầu nguyện cho tôi nữa. Đây là một thói quen phát xuất từ trái tim. Đây là điều tôi cảm thấy cần phải xin”.

Các thay đổi và chống đối trong Giáo Triều

“Các Hồng Y từng yêu cầu phải có thay đổi ngay cả trước Cơ Mật Viện và đó cũng là nguyện vọng của chính tôi. Thí dụ, tôi không thể sống một mình trong Tông Điện được. Tông Điện dành cho giáo hoàng lớn nhưng đâu có hoang phí gì. Tuy nhiên, tôi không thể sống một mình với chỉ một nhóm người nhỏ. Tôi muốn sống với và gặp gỡ nhiều người. Chính vì thế tôi bảo tôi không thể (sống trong Tông Điện) vì lý do “phân tâm học”: tôi không thích hợp với nó vì “tâm thần” và ai cũng cần phải trung thực với chính mình. Căn hộ của các Hồng Y khiêm tốn hơn, ít là những căn tôi thấy. Tất cả chúng ta phải sống như Chúa yêu cầu ta sống. Nhưng mọi người phục vụ Giáo Hội nên sống một đời sống khiêm tốn nói chung. Trong Giáo Triều, có nhiều vị thánh, nhiều giám mục, linh mục, giáo dân chịu là những người làm việc. Nhiều người trong số này âm thầm kín đáo đi thăm người nghèo hay thi hành thừa tác vụ tại nhà thờ này hay nhà thờ nọ trong các giờ rảnh. Nhưng cũng có những người không được thánh thiện như thế và những trường hợp này đang gây ồn ào vì một cây đổ gây ồn ào hơn cả cánh rừng đang mọc. Tôi cảm thấy bị thương tổn khi những điều như thế xẩy ra.Ta có một đức ông (Nunzio Scarano, kế toán gia cao cấp tại Cơ Quan Quản Trị Gia Tài Của Tòa Thánh, tắt là APSA) đang ngồi tù. Ngài không vào tù vì giống Chân Phúc Imelda (một kiểu nói của Á Căn Đình có nghĩa là không phải thánh nhân). Tôi nghĩ Giáo Triều hơi đi xuống một chút. Trước đây vốn có một số thành viên kỳ cựu của Giáo Triều trung thành và chịu làm việc. Đó là điều Giáo Triều cần có. Nếu có chống đối nào thì chắc chắn tôi chưa được thấy. Chắc chắn tôi chưa thực hiện được nhiều nhưng tôi đã tìm được trợ lực; tôi đã thấy một số người trung thành. Tôi muốn người ta cho tôi hay họ bất đồng điều gì. Những người này là những người thực sự trung thành. Rồi có những người nói họ đồng ý nhưng sau lưng qúy bạn lại nói ngược lại. Tôi chưa gặp ai như vậy cả”.

Tại sao Đức Phanxicô không nói bất cứ điều gì về phá thai và hôn nhân đồng tính lúc ở Ba Tây?

“Giáo Hội đã nói về các vấn đề này và chủ trương của Giáo Hội đã rõ ràng. Tôi cần dóng lên chủ trương tích cực trong chuyến viếng thăm Ba Tây của tôi”

Tại sao tự gọi là Giám Mục Rôma mà lại không có nghĩa là “đứng đầu những người ngang hàng” (primus inter pares)?

“Qúy bạn không cần đoán mò. Giáo hoàng là một giám mục; ngài là Giám Mục Rôma, vốn là trung tâm mọi sự. Đây là tước hiệu tối cao từ đó mà có các tước hiệu khác. Nhưng dùng tước hiệu này để chỉ rằng Người Kế Vị Phêrô là ‘người đứng đầu những người ngang hàng’ có nghĩa phải đi xa hơn thế. Nhấn mạnh trên tước hiệu số một, tức Giám Mục Rôma, là để phát huy đại kết”.

Công việc của một giám mục và công việc của giáo hoàng

“Làm giám mục là việc lớn. Nhưng khi người ta cố gắng trở nên một giám mục, thì đó là vấn đề và không hẳn tốt đẹp gì. Luôn có nguy cơ này: giám mục dám coi mình cao hơn những người khác; ngài dám cảm thấy mình như một ông hoàng. Nhưng việc giám mục làm thì hết sức kỳ diệu: ngài có nhiệm vụ dẫn dắt tín hữu, ở giữa họ và ở đàng sau họ. Trước đây, tôi sung sướng được làm giám mục Buenos Aires. Tôi sung sướng lắm. Nay tôi cũng sung sướng được làm giáo hoàng. Khi Chúa đặt qúy bạn ở đâu và bạn đồng ý làm điều gì đó do Người yêu cầu, qúy bạn sẽ sung sướng”.

Về những chuyến đi tương lai

“Chưa có gì được quyết định chắc chắn cả. Tôi hy vọng đi thăm các thân nhân Ý của tôi tại Piemonte. Tôi muốn đi bằng máy bay, chỉ một ngày thôi. Thượng Phụ Bartholomew đã mời tôi tới Giêrusalem để kỷ niệm năm thứ 50 ngày Đức Phaolô VI gặp Thượng Phụ Athenagoras ở đó. Tôi đã nhận được lời mời của chính phủ Do Thái và của Nhà Cầm Quyền Palestine. Tôi sẽ không đi Châu Mỹ La Tinh vào lúc này: dù sao tôi cũng vừa ở đó xong. Hiện nay, Á Căn Đình phải chờ thôi. Tôi cần thăm Á Châu, điều mà Đức Bênêđíctô XVI chưa có cơ may thực hiện. Vào ngày 30 tháng Mười Một, tôi rất hy vọng được đi Constantinople dự lễ Thánh André nhưng lịch trình của tôi không cho phép. Tôi cũng đã nhận được lời mời đi Fatima”.

Câu nhận định của Đức Giáo Hoàng “tôi cảm thấy như đang ở trong lồng”

“Qúy bạn biết có biết bao lần tôi muốn được tản bộ qua các phố phường Rôma đến là chừng nào! Tôi rất yêu nó. Tôi là một 'linh mục của đường phố'. Nhưng cảnh sát Vatican thực sự tốt với tôi; họ dành cho tôi nhiều tự do hơn”.

Vấn đề an ninh ở Ba Tây

“Dù ai cũng nói tới việc thiếu an ninh ở Rio, nhưng nào có tai nạn nào trong tuần lễ Ngày Giới Trẻ Thế Giới đâu. Mọi sự đều tự phát. Ít an ninh có nghĩa là tôi được ở gần dân chúng hơn. Tôi muốn tin tưởng nơi dân chúng. Dĩ nhiên, vẫn có nguy cơ có một người điên nào đó ở giữa họ nhưng Chúa cũng ở đó luôn. Tôi không muốn xe chống đạn vì qúy bạn đâu có đặt khiên mộc giữa giám mục và dân chúng. Tôi thích tính điên loạn của việc gần gũi này. Nó tốt cho mọi người”.

Về Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng

“Vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, tôi không thể gặp họ. Có lần tôi còn nói rằng họ làm lộn xộn việc cử hành phụng vụ với những bài học về nhạc Samba! Rồi tôi biết họ hơn và bị họ chinh phục. Tôi thấy việc họ làm và cử hành Thánh Lễ hàng năm cho họ tại Buenos Aires. Tôi nghĩ các phong trào đều cần thiết; họ là ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội tự do; Chúa Thánh Thần làm bất cứ điều gì Người muốn”.

Về những sắp xếp đặc biệt thường dành cho các chuyến bay của Đức Giáo Hoàng

“Trên chuyến máy bay này, không có sắp xếp nào đặc biệt cho tôi cả; không có giường. Tôi đã gửi thư hoặc gọi điện thoại để bảo họ tôi không yêu cầu bất cứ điều gì”.

Vai trò nữ giới trong Giáo Hội

“Giáo Hội không có nữ giới giống như Đoàn Tông Đồ mà không có Đức Maria. Vai trò của nữ giới phản ảnh vai trò của Trinh Nữ Maria. Và Trinh Nữ Maria vốn là một tông đồ quan trọng nhất trong số mọi tông đồ. Giáo Hội là nữ giới vì Giáo Hội vốn là một người vợ và là một người mẹ. Giáo Hội không thể hiểu được nếu không có nữ giới phục vụ. Đây là một thí dụ không hẳn ăn nhằm chi với Giáo Hội: tôi thấy các phụ nữ Paraguay là những con người đáng tôn vinh. Sau chiến tranh (giữa Paraguay và Ba Tây trong các năm 1864 và 1870), mỗi tám phụ nữ mới có một người đàn ông. Nhưng các bà đều muốn có con, cứu quê hương, văn hóa và đức tin của họ. Đây là cách ta phải quan niệm phụ nữ trong Giáo Hội. Ta vẫn chưa có một nền thần học về phụ nữ. Ta cần tạo ra nó. Giáo Hội từng thảo luận việc phong chức giám mục cho nữ giới nhưng rồi đã quyết định chống lại. Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này để chấm dứt nó. Nhưng ta nên nhớ rằng Đức Maria còn quan trọng hơn các giám mục tông đồ, nên phụ nữ trong Giáo Hội quan trọng hơn các giám mục và linh mục”.

Mối liên hệ của Đức Phanxicô với “ông nội” Bênêđíctô XVI

“Lần cuối cùng có hai hay ba giáo hoàng tại Vatican, các ngài đâu có nói chuyện với nhau, họ chỉ đấu tranh xem ai là giáo hoàng thực sự. Tôi thì tôi rất quan tâm tới Đức Bênêđíctô XVI, ngài là người của Thiên Chúa, một người khiêm nhường, một người cầu nguyện. Tôi vốn sung sướng khi ngài được bầu làm giáo hoàng và rồi quyết định từ nhiệm... Tôi nghĩ ngài quả là một điều gì đó. Nay khi ngài sống tại Vatican, có người hỏi tôi: há ngài không đang cản đường Đức Thánh Cha đó sao? Ngài không là một cản trở đó sao? Không, với tôi, như là có được một người ông khôn ngoan sống với mình. Trong gia đình, người ông luôn được kính trọng và lắng nghe. Đức Bênêđíctô XVI không hề pha mình (vào việc gì). Với tôi, giống như có người ông quanh mình; ngài là khuôn mạo người cha đối với tôi. Có vấn đề gì tôi đều có thể đi nói chuyện với ngài, như đã từng thực hiện với vụ Vatileaks đầy nghiêm trọng... Khi gặp các Hồng Y vào ngày 28 tháng Hai để nói lời từ biệt, ngài nói rằng ‘giáo hoàng mới đang ở giữa qúy huynh, với ngài tôi xin đoan hứa vâng lời vô điều kiện’. Ngài quả là người phi thường!”

Về việc cho các cặp ly dị tái hôn được chịu các bí tích

“Đây là một vấn đề đang diễn tiến. Tôi nghĩ đến lúc phải tỏ lòng nhân từ. Thời thế đã thay đổi và Giáo Hội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề, một phần vì những chứng cớ tiêu cực của một số linh mục. Chủ nghĩa giáo sĩ trị đã gây ra nhiều thương tích và những thương tích này cần được chữa lành bằng lòng nhân từ. Giáo Hội là một người mẹ và trong Giáo Hội, ta cần nhân từ đối với mọi người. Ta không nên chỉ ngồi chờ người bị thương đến với ta, ta cần ra ngoài tìm kiếm họ. Tôi nghĩ lúc tỏ lòng nhân từ đã đến như Đức Gioan Phaolô II từng tiên đoán khi dẫn nhập Lễ Lòng Thương Xót Chúa. Người ly dị có thể rước lễ, chỉ những ai ly dị rồi tái hôn mới không thể rước lễ. Ở đây, tôi phải nói thêm rằng Chính Thống Giáo theo thần học nhiệm cục và cho phép tái hôn. Khi ủy ban 8 Hồng Y họp vào đầu tháng Mười, chúng tôi sẽ thảo luận phải tiến hành ra sao. Giáo Hội đang xem sét cẩn thận các sáng kiến mục vụ về hôn nhân. Vị tiền nhiệm ở Buenos Aires của tôi, Đức Hồng Y Quarracino, quen nói: ‘tôi coi phân nửa các cuộc hôn nhân ngày nay là vô hiệu vì người ta lấy nhau mà chẳng hiểu điều này có nghĩa vĩnh viễn. Họ cưới nhau chỉ vì thuận tiện xã hội...’ Vấn đề vô hiệu cũng cần được xem sét”.

Tôi vẫn cảm thấy mình là một tu sĩ Dòng Tên

“Các tu sĩ Dòng Tên phải vâng lời giáo hoàng nhưng nếu giáo hoàng là một tu sĩ Dòng Tên, thì ngài vâng lời ai? Cha bề trên cả chăng? Tôi cảm thấy tôi là một tu sĩ Dòng Tên theo nghĩa thiêng liêng; tôi nghĩ về tôi như một tu sĩ Dòng Tên và suy nghĩ như một tu sĩ Dòng Tên, nhưng không giả hình”.

Những điều tốt xấu trong mấy tháng qua

“Một điều tốt là được gặp gỡ các giám mục Ý. Cuộc du hành tới Lampudesa của tôi là một kinh nghiệm đau lòng nhưng có ích cho tôi. Nó làm tôi đau lòng khi nghĩ tới những người chết trước khi tới bờ và những người trở thành nạn nhân của hệ thống kinh tế xã hội hoàn cầu. Nhưng điều tệ nhất xẩy ra cho tôi là cái chứng đau thần kinh tọa tôi bị ngay tháng đầu triều giáo hoàng của tôi vì cái ghế tôi ngồi để tiếp người ta. Nó làm tôi rất đau đớn; tôi không muốn ngồi lên nó nữa! Tôi rất ngạc niên sao nhiều người ở Vatican đến thế”.

Vụ tai tiếng Vatileaks

“Khi đi thăm Đức Bênêđíctô XVI tại Castel Gandolfo, tôi thấy một chiếc hộp và một chiếc phong bì trên một chiếc bàn. Đức Bênêđíctô XVI bảo tôi chiếc hộp đựng mọi chứng từ được thu thập từ uỷ ban 3 Hồng Y có nhiệm vụ xem sét vụ tai tiếng Vatileaks, còn chiếc phong bì thì đựng các kết luận của các ngài. Đức Bênêđíctô XVI đã thuộc lòng tất cả. Đây là vấn đề lớn nhưng không làm tôi hoảng sợ”.

Các Giáo Hội Chính Thống

“Các Giáo Hội Chính Thống đã duy trì được một nền phụng vụ hết sức đẹp đẽ. Chúng ta có hơi lơ là ý nghĩa của việc thờ phượng. Họ thờ phượng Thiên Chúa và họ ca hát việc này; thì giờ không đáng kể đối với họ. Một ngày kia nhân nói đến Tây Âu, họ bảo “ex Oriente lux”, “ex Oriente luxus”, nghĩa là ánh sáng phát xuất từ Phương Đông, xa hoa (thứ gây nhiều tai hại) phát xuất từ Phương Tây. Giáo Hội Chính Thống duy trì được cái đẹp của việc Thiên Chúa ở tâm điểm mọi sự. Khi qúy bạn đọc Dostoevsky, các bạn thực sự cảm nhận được tinh thần Nga và tinh thần Phương Đông. Ta rất cần được hít thở không khí tươi mát này, ánh sáng từ Phương Đông này”.

Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II được chấp thuận phong thánh

“Đức Gioan XXIII giống một linh mục miền quê yêu thương từng mỗi con chiên của ngài và ngài tiếp tục làm thế khi làm giám mục và làm sứ thần. Tôi nghĩ tới tất cả những giấy rửa tội giả ngài từng tạo ra để cứu người Do Thái lúc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài có khiếu ưa khôi hài. Khi làm sứ thần, có những người ở Vatican không ưa ngài và bắt ngài phải chờ đợi lâu lắc mỗi lần phải tới Rôma. Ngài chưa bao giờ thở than một lần; ngài chỉ lần chuỗi mân côi và đọc sách nguyện. Ngài quả là người hiền hậu. Hai mươi lăm ngày trước khi Đức Gioan XXIII qua đời, Đức Cha Agostino Casaroli tới trình ngài về một sứ mệnh tại một trong các nước Đông Âu, Tiệp Khắc hay Hung Gia Lợi gì đó, tôi không nhớ rõ. Trước khi Đức Cha quay gót, Đức Gioan XXIII hỏi: “Đức Cha có còn đi thăm người trẻ ở trong tù không?”. Đức Cha Casaroli đáp ngài đã đi. “Đừng bao giờ bỏ rơi họ!”. Ngài nói như thế với một nhà ngoại giao tới nói với ngài về sứ mệnh của mình. Đức Gioan XXIII là và vốn là một vĩ nhân. Ngài triệu tập Công Đồng Vatican II. Đức Piô XII trước đó cũng có ý định này rồi nhưng thời gian chín mùi chưa tới. Đức Gioan không nghĩ tới chuyện thời gian có chín mùi hay không, ngài chỉ theo Chúa Thánh Thần . Đức Gioan Phaolô II là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo Hội, ngài ra đi và cảm nhận ngọn lửa cháy bùng này; ngài giống Thánh Phaolô. Đó là lý do tại sao tôi coi ngài là vĩ nhân. Phong thánh cho các ngài cùng một lúc là cách gửi tới Giáo Hội sứ điệp này: các ngài là những vĩ nhân, quả các ngài là những vĩ nhân... Ngày nguyên thủy để phong thánh cho các ngài là ngày 8 tháng 12 nhưng những nghèo không đủ khả năng mua vé máy bay phải từ Ba Lan tới bằng xe buýt mà đường xá vào tháng 12 thì lạnh giá. Nên ta cần nghĩ tới một ngày khác. Ta có thể tổ chức vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua năm nay nhưng lại hơi khó khăn ở chỗ quá sớm vì cơ mật viện cho việc phong thánh chỉ diễn ra vào ngày 30 tháng 9. Một ngày khác có thể tổ chức được là Lễ Lòng Thương Xót Chúa vào năm tới”.

Các tố cáo chống vị giáo phẩm của Viện Các Công Trình Tôn Giáo

“Về trường hợp Đức Ông Ricca (vị giáo phẩm ngay khi được bổ nhiệm đã bị tố cáo có những tác phong xấu xa cách đây 13 năm lúc còn phục vụ tại Tòa Sứ Thần ở Paraguay), tôi đã hành động phù hợp với giáo luật và truyền khởi sự một cuộc điều tra. Không một lời tố cáo nào chống lại ngài là thật cả. Chúng ta không kiếm được bất cứ điều gì (sai) cả!Trong Giáo Hội, đôi khi cũng có trường hợp người ta cố bới móc tội lỗi người khác phạm lúc còn trẻ rồi cho công bố các tội lỗi này lên. Ta không nói tới các tội ác hay các vi phạm như lạm dụng trẻ em là những vấn đề hoàn toàn khác, ta nói về tội lỗi (sins). Nếu một giáo dân, một linh mục hay một nữ tu phạm một tội lỗi nào đó rồi ăn năn hối tội và xưng tội, thì Chúa tha thứ và quên hết. Phần chúng ta, chúng ta có quyền gì mà lại không quên, vì nếu thế ta sẽ liều mình bị Chúa không quên chính tội lỗi ta. Tôi thường nghĩ tới Thánh Phêrô, người đã phạm tội lớn nhất trong các tội, là chối Chúa Giêsu. Ấy thế mà ngài vẫn được cử nhiệm làm giáo hoàng. Nhưng tôi xin lặp lại, chúng tôi không tìm được chứng cớ nào chống lại Đức Ông Ricca cả”.

Nhóm vận động đồng tính

“Người ta đã viết nhiều về nhóm vận động đồng tính. Tôi chưa gặp ai ở Vatican mang chữ ‘đồng tính’ trên thẻ căn cước của họ cả. Có sự phân biệt giữa việc đồng tính, có khuynh hướng này và việc vận động (cho nó). Vận động là điều không tốt. Nếu người đồng tính nào đó thực tình đi tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà dám phê phán họ? Giáo Hội Công Giáo dạy rằng ta không được kỳ thị người đồng tính; trái lại phải làm cho họ cảm thấy được chào đón. Là người đồng tính không có vấn đề gì cả, vận động mới là vấn đề và điều này đúng cho bất cứ loại vạn động hậu trường nào, vận động hậu trường về kinh doanh, về chính trị hay vận động hậu trường Tam Điểm”.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Đã là một người Dòng Tên thì mãi mãi vẫn thuộc Dòng Tên?
Bùi Hữu Thư
04:54 31/07/2013


2013-07-31 Vatican Radio

(Vatican Radio) Ngày thứ tư 31 tháng 7, Giáo Hội kính nhớ Thánh I-Nhã thành Loyola, sáng lập viên Dòng Tên. Để đánh dấu dịp lễ này, Đức Thánh Cha Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Tên trong lịch sử Giáo Hội, đã vượt qua sông Tiber để gặp gỡ các bạn hữu thuộc Dòng Tên …

Nơi đây là Thánh Đường Mẹ của Dòng Tên tại Rôma có tên là nhà thờ Gesù, được thánh hiến năm 1584, nơi Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ. Đây là một tòa nhà xây theo kiểu baroque có mặt tiền được phác họa bởi hai kiến trúc sư Dòng Tên là Tristani và De Rosis, cũng như có các kiến trúc khác được Vignola và Della Porta vẽ kiểu.

Tuy nhiên trong khi khía cạnh nghệ thuật đặc sắc bên trong là bức họa trên trần nhà thờ, là bức hình Chiến Thắng Huy Hoàng của Danh Thánh Giêsu (the grandiose Triumph of the Name of Jesus), thì có lẽ bề thế nhất lại là Nhà Nguyện Thánh I-Nhã nằm bên trái của lối đi nằm ngang (như thanh ngang của thánh giá, so với lối đi giữa) nơi có mộ Thánh I-Nhã.

Trong số các vị Dòng Tên tại Rôma có một sử gia của Giáo Hội rất nổi tiếng, đó là Giáo Sư Norman Tanner.

Bà Veronica Scarisbrick mới đây đã phỏng vấn giáo sư tại đài Radio Vatican để tìm hiểu thêm về việc đào tạo các tu sĩ Dòng Tên.
 
Tâm tình một LM dòng Tên: Đức Phanxicô và tương lai Giáo Hội.
Trần Mạnh Trác
20:26 31/07/2013
Cha James Martin, SJ, là một linh mục dòng Tên, biên tập viên thường trực cuả báo America, tác giả nhiều cuốn sách, nổi bật là 2 cuốn 'Hướng dẫn cuả Dòng Tên về (hầu hết) mọi sự' (Jesuit Guide to (Almost) Everything) và 'ở giữa Thiên đàng và sự trào lộng' (Between Heaven and Mirth).

Người ta gọi ngài là 'một tác giả viết lách nhiều nhất nước', thuộc loại trào phúng nhất nước.

Chúng tôi đã có dịp đề cập đến ngài trong bài 'Cười để sống đạo' khi ngài tổ chức cuộc thi cười giữa Đức Hồng Y Dolan và vua hài Stephen Colbert tại trường đại Học Fordham, Bronx, New York.

Kết qủa lý thú cuả cuộc thi nói trên: Đức HY Dolan thắng điểm trào phúng, còn danh hài Colbert thắng điểm giảng đạo.

Trong bài dưới đây, ngài bàn về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tương lai của Giáo Hội dưới một tiêu đề 'ngáo ngổ' nhưng nội dung thì lại rất nghiêm túc là:

Tôi khoái anh chàng này: Giáo Hoàng Phanxicô và tương lai của Giáo Hội Công Giáo (I Love This Guy: Pope Francis and the Future of The Catholic Church)


--------------------

Tuần vừa qua là một trong những tuần thú vị nhất cuả cuộc đời tôi - một lời thú nhận như vậy cuả một người đã có mặt 52 năm trên trái đất này thì không nhỏ đâu nhé.

Trong vài ngày qua, tôi không có thể rời con mắt mình ra khỏi máy truyền hình, hay ra khỏi máy vi tính hoặc các tờ báo. (Thật vậy, tôi vẫn còn đọc báo đấy.) Tại sao? Bởi vì có một người đàn ông 76 tuổi đã đến Rio de Janeiro. Nghĩ lại mà coi, thật khá buồn cười phải không bạn.

Hãy để tôi thú nhận rằng tôi gần như sẽ thiếu khách quan khi nói về chuyến viếng thăm đáng kinh ngạc cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio, một sự kiện đã thu hút hàng triệu thanh niên khắp nơi trên thế giới đến tham dự những gì rõ ràng là một trong những sự kiện tôn giáo quan trọng của thời đại chúng ta.

Trước hết, giống như Đức Thánh Cha, tôi là một sĩ tử dòng Tên, điều này làm cho tôi dễ dàng ưa chuộng vị Đại Diện Chúa Kitô vẫn còn tương đối mới mẻ này. Tôi lại có thể nghe thấy dễ dàng tiếng vọng linh đạo cuả dòng Tên qua các cuộc nói chuyện và bài giảng của Ngài, tất cả những điều Ngài quí mến thì cũng là những điều tôi quí mến hơn cả.

Thứ hai, tôi là một linh mục, vì vậy tôi vui mừng khi thấy hàng triệu thanh niên Công Giáo đã tham gia các bí tích ở Rio - đặc biệt là đi xưng tội (một số được xưng tội với Đức Giáo Hoàng) và họ có vẻ thích thú các Thánh Lễ mà có lẽ có một cái gì khác hơn là so với những thánh lễ mà họ đã biết ở nhà. Vả lại, không phải là Chúa Nhật nào cũng có một số lượng giáo dân lên tới 3 triệu người như thánh lễ cuối cùng trên bãi biển Copacabana.

Thứ ba, tôi là một người Công Giáo, vì vậy tôi rất vui mừng khi thấy rất nhiều người trẻ Công Giáo đang được nung đốt bởi đức tin của họ - nhiều người trong số họ 'nóng đủ' đến nỗi đã làm một cuộc hành hương từ các nước xa tít mù khơi.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, tôi là một Kitô hữu, và vì vậy tôi cảm thấy an ủi sâu sắc khi thấy rất nhiều người nói về Chúa Giêsu Kitô, và cầu nguyện và suy nghĩ về những gì có ý nghiã là theo chân Ngài. Hình ảnh của hàng triệu người tụ tập ở một nơi được mệnh danh là "Popacabana Beach" (Bãi Giáo Hoàng) trong vài ngày qua là một bằng chứng đáng kinh ngạc về đức tin trong một thời đại mà đức tin bị coi là lỗi thời.

Tất cả những việc đó làm tôi rất vui mừng. Vì vậy, như tôi đã thú nhận, tính khách quan cuả tôi phải là zero.

Cả tuần được lấp đầy với nhiều khoảnh khắc, tuyên ngôn, và hình ảnh cực kỳ đáng chú ý. Mỗi ngày, gần như mỗi giờ, tôi bị sửng sốt. Thí dụ, nhiều vị giáo hoàng trước đức Phanxicô đã hiển nhiên lên tiếng về người nghèo và người thiệt thòi, nhưng vì một lý do nào đó chuyến viếng thăm cuả Đức Phanxicô đến khu ổ chuột và những lời mạnh mẽ, rõ ràng của ngài về người nghèo, về công bằng kinh tế, đã gây được một tiếng vang sâu sắc với tôi. "Không ai có thể dửng dưng trước sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trên thế giới!"

Trong chuyến thăm khu ổ chuột, nói chuyện với người nghèo, Đức Thánh Cha cũng sử dụng một số từ ngữ thân thương cuả tôi - "công bằng xã hội", "đoàn kết", "bất bình đẳng" - những từ ngữ mà tôi vẫn tin là những tâm điểm mà người Kitô hữu trong thế giới hiện đại cần phải suy tư.

Đôi khi tôi không thể tin rằng đức Phanxicô đã noí lên những điều ngài đã nói. Khi tôi lập lại với một linh mục Dòng Tên rằng Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố, cách bộc phát, rằng ngài muốn mọi thứ trong Giáo Hội bị khuấy động lên, bị "quậy lên", đôi mắt của người bạn trố ra.

Bạn tôi nói, "Ngài chẳng có nói như thế đâu!" Và sau đó.. . "Thật hả?"

Vị giáo hoàng dòng Tên dường như, trong một nghiã nào đó, tự do. Đức Phanxicô dường như tự do nhất, thoải mái nhất, và là người ít câu nệ nhất trên sân khấu công cộng ngày hôm nay. Đủ tự do để mang theo túi xách của mình lên máy bay. (Nhiều hơn một vị giám mục đã nói rằng phong cách khắc khổ nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng - ở một căn hộ nhỏ, mặc quần áo cũ, thích đi xe nhỏ thay vì một limo lớn - khiến cho các ngài phải suy nghĩ lại về cuộc sống của họ.) Tự do đủ để được thanh thản khi đoàn xe hộ tống của ngài bất ngờ bị kẹt giữa một đường phố Rio bận rộn, thu hút (xin lỗi vì cách chơi chữ) nhiều đợt sóng người hành hương. Một tiêu đề trên báo chí làm tôi mỉm cười: "Đám đông Brazil làm Đức Giáo Hoàng vui sướng, làm cho Công An khổ sở." Và đủ tự do để thay đổi lịch trình của mình rất nhiều lần, đến nỗi các quan chức Vatican đi theo phải lộ vẻ lo lắng ra mặt.

Ngài là một sự hiếm có: một người thật sự tự do.

Nhưng hơn thế nữa, một cái gì khác làm cho tôi vui thích. Và đó là điều này: Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho thấy rằng không có gì là không thể với Thiên Chúa.

Giáo Hội Công Giáo, không ai còn ngạc nhiên về điều sắp noí đây, đã trải qua một số việc khủng khiếp trong vài năm qua. Nào là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Chỉ một điều đó mà thôi cũng đủ để gây ra nhiều sự khủng khiếp cho Giáo Hội - tôi có ý nói là cho tất cả mọi người Công Giáo không phân biệt cấp bậc. Rồi một vụ khác, bê bối tài chính ở Vatican. Cuối cùng, người Công Giáo đã di cư ra khỏi nhà thờ của họ, đặc biệt là ở phương Tây.

Chưa một vấn đề nào ở trên đã được giải quyết hoàn toàn, và Giáo Hội còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong việc xóa bỏ lạm dụng tình dục. Các vụ bê bối và những vấn đề đó đã khiến nhiều người Công Giáo cảm thấy như đứng ở bên bờ của sự tuyệt vọng. Kể từ khi vụ bê bối lạm dụng tình dục bị đổ bể vào năm 2002, tôi đã thấy nhiều người - Công Giáo cũng như cảm tình viên - rơi vào tuyệt vọng. Đó là một nỗi thất vọng khi nhận thấy rằng không có gì có thể làm được nữa. Không có gì có thể thay đổi. Sự việc sẽ không bao giờ và không bao giờ có thể cải thiện được.

Chúng ta tiêu tùng rồi. Họ nói như thế. Và dường như đối với nhiều người thì đó là một kết luận hợp lý.

Ngay cả trước khi cuộc họp kín bầu Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio dòng Tên làm giáo hoàng, đã có nhiều tiếng nói - thông minh, hiểu biết, thuần thành Công Giáo - dự đoán rằng các Hồng Y sẽ chẳng thay đổi được gì cả. Tại sao?

Sự suy nghĩ như sau: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm hầu như tất cả các vị Hồng Y đương nhiệm, và họ sẽ là những người bầu giáo hoàng mới. Do đó, không một ai là khác biệt với hai vị giáo hoàng trước đây, và vì thế mà sẽ không có bất kỳ ai, có quan điểm khác hoặc phong cách khác, có thể được bầu. Vị thừa kế Đức Thánh Cha Benedictô sẽ là một bản sao của ngài, hoặc của Giáo Hoàng Gioan Phaolô.

Nhưng những tiếng nói đó đã bỏ quên một cái gì đó. Một cái gì ở trung tâm của đức tin của chúng ta. Đó là những gì vị thiên sứ đã nói với Đức Maria vào lúc Truyền Tin.

Cụ thể là: "Không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa."

Nói một cách khác, bạn không đặt giới hạn cho Chúa Thánh Thần. Bạn không thể đóng hộp Thiên Chúa. Bạn không thể nói rằng Thiên Chúa không thể làm điều gì đó.

Bởi vì, như chúng ta đã thấy, Thiên Chúa đã thực hiện nó.

Những điều tôi nói ra như vậy không có ý là phê phán những vị tiền nhiệm của đức Phanxicô. Ca ngợi Đức Phanxicô không có nghĩa là nói xấu Gioan Phaolô hoặc Benedictô. Mỗi giáo hoàng đều mang lại những món quà độc đáo cho chức vụ giáo hoàng. Nhưng cuộc bầu cử Đức Phanxicô chắc chắn đã mang lại thay đổi cho Giáo Hội.

Nhiều yếu tố căn bản sẽ vẫn như cũ: mỗi giáo hoàng đều rao giảng Tin Mừng và loan báo Chúa Kitô Phục Sinh. Nhưng như chúng ta đã thấy trong tuần trước ở Rio, Đức Phanxicô rao giảng theo một cách khác: rõ ràng, đơn giản, lời văn bình dị. Đức Phanxicô có một phong cách khác: thoải mái hơn, không hình thức, quen thuộc hơn. Sự hấp dẫn cuả Đức Phanxicô có vẻ khác và, xét theo đám đông, có hiệu quả hơn. Đức Giáo Hoàng vẩn làm những điều có từ trước - rao giảng Tin Mừng và loan báo Chúa Kitô Phục Sinh - nhưng theo một cách mới. Đức Phanxicô là một nhân vật khác cuả một thời gian khác (với các vị tiền nhiệm).

Những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói ở Rio de Janeiro, cách ngài làm và nói, và cách đám đông phản ứng với những gì ngài làm và nói, cho thấy rằng mọi thứ có thể thay đổi. Và rằng Thiên Chúa có thể thay đổi chúng.

Tất cả những điều này là câu trả lời cho sự tuyệt vọng. Đó là một lời nhắc nhở rằng không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi khi tôi nhìn Đức Phanxicô, nghe ngài nói chuyện hoặc đọc một bài giảng. Tôi lại được nhắc nhở tới điều thật tuyệt vời đó.

Vì thế mà tôi khoái anh chàng này. Bởi vì thế mà tôi yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn.
 
ĐTC Phanxicô dâng lễ kính thánh Inhaxiô Lôyôla tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên tại Rôma
Chỉnh Trần, SJ.
12:10 31/07/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô dâng lễ kính thánh Inhaxiô Lôyôla tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên tại Rôma

SJVN – 31/07/2013 – Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên đã dâng Thánh Lễ kính thánh Inhaxiô Lôyôla, đấng sáng lập Dòng Tên tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên ở Rôma cùng với cha Adolfo Nicolás, SJ, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, Đức Tổng Giám mục Luis Ladaria Ferrer, SJ, Thứ kí Bộ Giáo Lý Đức Tin, khoảng 270 anh em Giêsu hữu của ngài, quý thân hữu và các cộng tác viên của Dòng.

Đức Giáo Hoàng đến bằng xe hơi. Cha Adolfo Nicolás, SJ, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đã ra tận cửa chào đón Đức Giáo Hoàng và chúc mừng Đức Giáo Hoàng về chuyến thăm Brazil của ngài.

“Con xin chúc mừng chuyến thăm Brazil của ngài thưa Đức Thánh Cha”

Trong diễn văn chào mừng, cha Nicolás đã thưa với Đức Giáo Hoàng rằng tất cả Giêsu hữu sẵn sàng đảm nhận mọi sứ vụ từ Đức Giáo Hoàng.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ rằng đời sống của Dòng Tên cần phải để cho Chúa Giêsu trở nên trung tâm. Ngài nói: “Tôi muốn đưa ra 3 suy tư đơn sơ dựa trên ba lối diễn tả này: hãy để Chúa Kitô và Giáo Hội ở tại trung tâm của đời sống mình; hãy để cho chính anh em được Chúa Kitô chinh phục để phục vụ tha nhân; hãy cảm thấy thẹn thùng vì những giới hạn và tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể trở nên khiêm nhường trước Chúa Kitô và nhân loại.”

Cuối Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng đã đến gần và cầu nguyện trước tượng thánh Inhaxiô. Ngài cũng dâng một bó hoa cho Đức Mẹ và cầu nguyện trước mộ của Tôi Tớ Chúa là cha Phêrô Arrupe, vị Bề Trên Tổng Quyền đã phục vụ trên cương vị là người đứng đầu Dòng Tên cho đến năm 1981.

Thầy phó tế FX. Nguyễn Mai Kha, SJ, 1 học viên Dòng Tên Việt Nam giúp lễ cho Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha viếng mộ cha Phêrô Arrupe

Chỉnh Trần, SJ
 
Nhìn lại chuyến đi Ba Tây của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
19:38 31/07/2013
Chuyến đi của Đức Phanxicô để lại nhiều ấn tượng lâu dài nơi những người theo dõi ngài xưa nay. John Thavis, chẳng hạn, nhớ mãi câu ngài nói với giới trẻ phải “quậy” chứ đừng im lìm. Thực ra chữ “quậy” này người viết đã được nghe từ miệng Đức Cha Oanh, giám mục Kontum, lúc gặp nhau tại Sydney năm 2008.

Nhưng thay vì nói với một số người, chữ quậy này đã được Đức Phanxicô nói với 3 triệu bạn trẻ tại Rio de Janeiro và qua họ là hàng trăm triệu người trẻ khắp thế giới. Mà không riêng gì người trẻ, tại Rio, ngài cũng từng nói với giới già phải “mở miệng ra”, phải quậy!

Dù diễn dịch sang tiếng Anh hay tiếng Việt, theo Thavis, điều rõ ràng là Đức Phanxicô tin rằng lối xưa “xe ngựa cũ” trong Giáo Hội không còn đủ cho thế giới hiện nay, rằng ta cần nhiều phương thức mới mẻ.

Bản dịch chính thức của Vatican về lời tuyên bố “tự phát” của Đức Phanxicô với người hành hương Á Căn Đình tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Ba Tây đọc như sau:

“Cha muốn chúng con làm cho mình được lắng nghe tại các giáo phận của chúng con, cha muốn tiếng ồn bay ra ngoài, cha muốn Giáo Hội ra đường phố, cha muốn chúng ta chống lại những gì là thế gian, những gì là định lập, những gì là thoải mái, những gì liên quan tới giáo sĩ trị, những gì làm ta tự khép kín vào chính ta. Các giáo xứ, các trường học, các định chế được lập ra là để đi ra ngoài... nếu không đi ra ngoài, chúng sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO), mà Giáo Hội thì không thể là một tổ chức phi chính phủ được. Ước mong các giám mục và các linh mục tha thứ cho cha nếu một số trong các con tạo ra đôi chút lộn xộn sau này. Đó là lời khuyên của cha. Cám ơn về bất cứ điều gì các con có thể làm được”.

Dù không dùng những chữ tiếng Anh như “mess”, “shaking up”, bản dịch trên vẫn cho thấy tính cách triệt để trong sứ điệp của Đức Phanxicô trong ý hướng muốn di chuyển Giáo Hội ra khỏi phòng áo lễ để bước ra đường phố, khỏi những tranh luận thần học bước vào cuộc gặp gỡ đời thực với người đau khổ và bị cho ra rìa.

Đức Phanxicô đã hành động theo đường hướng ấy khi dành phần lớn chuyến thăm Ba Tây để ăn trưa với người trẻ, giải tội cho họ, cầu nguyện với người tù, thăm người cai nghiền ma túy, ôm hôn người bệnh, nói chuyện với các gia đình tại khu ổ chuột Rio và thách thức người quyền thế trên thế giới chấm dứt các bất quân bình kinh tế và xã hội.

Vì những lý do trên và nhiều lý do khác, Thavis cho rằng cuộc tông du đầu tiên của Đức Phanxicô đã thành công về nhiều mặt:

-- Ngài phê phán điều ngài gọi là “nền văn hóa vị kỷ và cá nhân chủ nghĩa”, vì cho rằng mô thức kinh tế dựa trên lợi lôc vật chất không có khả năng nuôi sống người nghèo hay làm người ta hạnh phúc thật sự. Sứ điệp này xem ra “đồng âm” với người trẻ, nhất là khi ngài đặc biệt nhắm vào nạn tham nhũng và những bất công kinh tế từng khiến nổ ra các cuộc biểu tình mới đây tại Ba Tây.

-- Một cách mặc nhiên, Đức Giáo Hoàng nói tới thách thức do người Ngũ Tuần và các cộng đồng tin lành nêu ra, một thách thức đang lôi kéo nhiều người Công Giáo Ba Tây trong suốt 30 năm qua. Ngài nói thế chủ yếu qua việc chú ý tới nhu cầu thiêng liêng của người đau khổ, một loại chú ý mà nhiều người cho rằng họ không tìm thấy trong Giáo Hội Công Giáo.

Trên một bình diện khác, việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới Tin Mừng người nghèo hoàn toàn tương phản với nền “thần học thịnh vượng” được một số nhà giảng thuyết Kitô Giáo Ba Tây truyền bá.

Và dù nói tới làn sóng “di tản” của người Công Giáo trong mấy thập niên qua, Đức Giáo Hoàng cho thấy rõ chiến lược phúc âm hóa của ngài không hẳn nhằm phục hồi con số người Công Giáo cho bằng tái lên sinh khí cho họ khắp Châu Mỹ La Tinh và thế giới. Như ngài đã nói với người trẻ trong Thánh Lễ bế mạc: “Giáo Hội cần các con, cần lòng hứng khởi của các con, cần óc sáng tạo của các con và niềm vui hết sức đặc trưng của các con”.

-- Ngài ban hành một số lệnh quyết tiến cho các thừa tác viên và nhân viên mục vụ, bảo họ phải cổ vũ “nền văn hóa gặp gỡ” với những người bên ngoài Giáo Hội: “Ta không thể tự đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của ta, khi có biết bao người đang chờ nghe Tin Mừng! Chỉ đứng trong mà mở cửa thì không đủ, ta phải ra khỏi chiếc cửa kia để tìm và gặp gỡ người ta!”

Nhân dịp này, ngài khuyến khích các thừa tác viên bác bỏ chủ nghĩa duy trí để nói thứ ngôn ngữ giản dị. Ngài nói thẳng thừng: “Đôi lúc ta mất dân vì họ không hiểu điều ta nói”.

-- Đức Phanxicô nối kết được với giới trẻ, nhưng nhắc họ phải nhớ tới người già. Rõ ràng ngài nhìn giới trẻ trong Giáo Hội như là thành phần của một cộng đồng lớn hơn, không như một phân nhóm cô lập cần hàng giáo phẩm phải có phương thức “tiếp thị” đặc biệt.

Ngài nhấn mạnh rằng giới trẻ cần biết đánh giá kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người già, những người thường bị lãng quên trong xã hội. Chính vì thế, ngài dẫn khởi một chủ đề mới vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới: già và trẻ hiện đang là nạn nhân của nền kinh tế hiện đại, một nền kinh tế đang coi cả hai như đồ có thể vứt bỏ.

-- Trong các diễn văn của mình, Đức Giáo Hoàng ít nói hoặc không nói gì về những vấn đề nóng bỏng như phá thai, kiểm soát sinh đẻ, hôn nhân đồng tính hay buông thả tình dục. Nhưng trong Thánh Lễ bế mạc, ngài yêu cầu được đích thân chúc lành cho một bé gái sinh ra với bệnh quái tượng không não (anencephaly, thiếu phần lớn não bộ). Phần lớn trẻ em mắc chứng này không sống sót hoặc bị trục thai. Theo cái nhìn của các viên chức Vatican, thái độ của Đức Phanxicô nói nhiều hơn là một bài diễn văn về phá thai.

-- Sức năng nổ của vị giáo hoàng 76 tuổi, nhất là niềm hứng khởi của ngài giữa đám đông suốt trong những ngày qua, cho thấy các lo âu về sức khỏe của ngài hoàn toàn vô căn cứ.

Ta học được gì?

John L. Allen Jr., trên CNN, thì cho rằng không cần Đức Phanxicô phải tới Ba Tây, người ta mới thấy ngài là người được sùng mộ. Các cuộc thăm dò gần đây trên thế giới đều xếp hạng ngài rất cao. Tuy nhiên, cuộc tông du Ba Tây xác nhận một điều: ngài hành xử tuyệt vời cả ở nhà lẫn khi ra ngoài đường.

Trong suốt tuần lễ của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đi đâu ngài cũng được đám đông uà tới, bất chấp thời tiết lạnh và mưa gío gần như cả tuần.

Hôm Thứ Hai, người ái mộ cuồng nhiệt gần như đánh cướp đoàn xe hộ tống ngài. Hôm Thứ Tư, một nhóm nữ tu la hét và ùa tới Đức Giáo Hoàng như các thiếu nữ tại buổi hòa nhạc của Justin Bieber. Còn Hôm Thứ Năm nữa, ngài lôi cuốn hơn một triệu người trẻ tới buổi thờ phượng tại bãi biển Copacabana. Buổi cầu nguyện hôm Thứ Bẩy lôi cuốn 3 triệu người.

Chưa hết, Đức Phanxicô còn chào đón 30,000 người trẻ Á Căn Đình có mặt trong thành phố để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, biến thành phố này thành như một khu Á Căn Đình vậy. Trong bối cảnh tranh chấp dữ dằn giữa hai quốc gia, nhiều người địa phương còn đùa mà cho rằng cuộc tụ tập này là một hành vi gây chiến!

Ngoài những chuyện ấy ra, ta có thể học được bốn điều sau đây từ chuyến tông du Ba Tây của Đức Phanxicô:

Một đặc sủng điềm tĩnh

Đức Phanxicô được bầu lúc đã 76 tuổi, nên ngài không toát ra được sức cuốn nam châm như Đức Gioan Phaolô II buổi đầu, vị giáo hoàng cũng từng được người dân âu yếm như thế.

Được bầu lúc mới 58 tuổi, Đức Gioan Phaolô II đã có cử điệu như một kịch sĩ mà ngài vốn đóng hồi trẻ. Thí dụ, ngài hôn đất của bất cứ nước nào tới thăm. Điều này, Đức Phanxicô đã không làm. Đức Gioan Phaolô nhịp tay và nhịp cả chân theo điệu nhạc, và đêm hôm còn thò cả đầu ra khỏi phòng để bông đùa.

Đức Phanxicô có cái đặc sủng điềm tĩnh hơn, luôn tươi cười, biểu lộ niềm sảng khoái khi gặp gỡ người ta và cái khôn ngoan dí dỏm khi làm việc. Lúc đi thăm khu ổ chuột ở Rio, chẳng hạn, ngài nói rằng người nghèo thường là những người quảng đại nhất, vì theo ngài, phương ngôn Châu Mỹ La Tinh hay nói “bạn luôn có thể thêm nước vào nồi đậu”. Nước đâu phải đồ bỏ tại khu ổ chuột này!

Allen bảo Đức Phanxicô có thể là một ngôi sao nhạc rock, nhưng không thuộc loại vặn hết âm lượng. Ngài là Simon và Garfunkel chứ không phải là Rolling Stones, là Taylor Swift, chứ không phải Lady Gaga.

Ngài thay đổi cốt truyện

Nếu cần chứng cớ để chứng minh Đức Phanxicô đã thay đổi cốt truyện của Giáo Hội Công Giáo ra sao thì chỉ cần lưu ý rằng đến đêm Thứ Sáu, lúc ngài đã là đốm sáng hoàn cầu suốt trong năm ngày mà không ai nêu bất cứ câu hỏi nào về những tai tiếng như xách nhiễu tình dục trẻ em cả, cho đến khi chính ngài nêu ra.

Cuối buổi đi đàng Thánh Giá, Đức Phanxicô nói rằng Chúa Giêsu kết hợp với mọi người đau khổ kể cả những người “mất niềm tin vào Giáo Hội, thậm chí cả niềm tin vào Thiên Chúa nữa, vì sự thiếu nhất quán của các Kitô hữu và của các thừa tác viên tin mừng”.

Đức HY Sean O’Malley của Boston, một người kỳ cựu trong cuộc chiến đấu của Giáo Hội chống lại các tai tiếng lạm dụng, cùng có mặt tại Rio, cho hay các tai tiếng này là “một khía cạnh” trong tâm tư của Đức Phanxicô.

Việc kín đáo nhắc tới nó cho thấy các vụ tai tiếng này làm Giáo Hội đau lòng xiết bao. Ấy thế nhưng sự kiện chúng không làm lu mờ cuộc tông du của Đức Phanxicô, như chúng vốn có thể làm đối với các vị giáo hoàng khác, chứng minh rằng Đức Phanxicô thực đã đem lại cho Giáo Hội một sinh khí mới.

Một chính trị gia hiểu biết

Khởi đầu cuộc tông du, người ta sợ rằng những cuộc biểu tình ồ ạt ở đường phố Ba Tây trong tháng Sáu rất có thể bùng nổ trở lại. Ngoài một số vụ lẻ tẻ, việc trên đã không diễn ra và Đức Phanxicô xem ra đã lèo lái rất khéo qua những hiểm trở chính trị.

“Giáo hoàng người nghèo” lặp đi lặp lại lời kêu gọi phải quan tâm nhiều hơn tới người túng thiếu, và nhiều lần hoan hô niềm khao khát công lý của người trẻ.

Trong cuộc thăm viếng khu ổ chuột tại Rio, ngài nói rằng không chiến dịch “bình định” nào có thể thành công nếu không giải quyết các điều kiện xã hội vốn nuôi dưỡng sự cùng cực, một cái tát gián tiếp vào các cuộc ruồng bố của cảnh sát gần đây tại các khu ổ chuột.

Nhưng cùng một lúc, ngài không làm chủ nhà bối rối. Ngài lịch thiệp với vị tổng thống đang bị vây khốn của Ba Tây là bà Dilma Rousseff. Ngài tới dinh thị chính Rio de Janeiro vào hôm Thứ Năm để cầu nguyện bên cạnh các lá cờ Thế Vận Hội 2016, có ý cho thấy các nhà tổ chức có thể cho rằng Đức Giáo Hoàng đã chúc lành cho các biến cố bị người biểu tình phản đối.

Dù sao, Đức Thánh Cha cũng đã cung hiến cho mỗi người một chút, dù không làm lu mờ sứ điệp trung tâm của mình như đã được nói ra tại khu ổ chuột: “thước đo sự cao cả của một xã hội tìm thấy nơi cung cách nó đối xử với những người thiếu thốn nhất”.

Trữ năng gần như bất tận

Giống Thavis, Allen cũng cho rằng: dù tuổi cao, Đức Phanxicô tỏ ra có một trữ năng gần như bất tận.

Ngay trước khi rời Rôma, ngài đã bớt đi một ngày nghỉ ngơi như Đức Bênêđíctô XVI từng dự định. Thêm vào đó là chuyến đi 150 dặm tới Aparecida vào hôm Thứ Tư để kính viếng Đền Thánh nổi tiếng của Đức Mẹ và sau đó viếng một bệnh viện dành cho các người cai rượu và ma túy.

Trên máy bay tới Rio, ngài đứng cả tiếng đồng hồ chuyện trò với từng nhà báo tháp tùng; thì giờ còn lại dành đàm đạo với các phụ tá và soạn ghi chú riêng. Phát ngôn viên cho rằng có dự trù buổi nghỉ trưa cho Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài không sử dụng.

Thậm chí hôm Thứ Ba, được kể là ngày nghỉ ngơi, ngài cũng đã có cuộc gặp gỡ làm việc với vị Hồng Y Honduras, là Oscar Rodriguez Maradiaga, đặc trách tân hội đồng 8 Hồng Y khắp thế giới giúp Đức Giáo Hoàng trong việc cải tổ Vatican.

Có lúc vị phát ngôn viên Vatican phải thú thực “tôi sung sướng vì đã qua được nửa đường, nếu (cuộc tông du) kéo dài thêm, tôi chết mất”.

Ấy thế mà Đức Phanxicô xem ra vẫn tươi như lúc đầu. Và mọi việc đều sẽ không chậm lại. Vì ngài cho hay sẽ không đi nghỉ thường xuyên vào tháng Tám này, mà ở lại Rôma tiếp tục làm việc.

Năm ngàn bạn trẻ đi tu

Theo tin Zenit, tại Rio de Janeiro vào hôm Thứ Hai, một Đại Hội Ơn Gọi đã được Neocatechumenal Way (Đường Tân Dự Tòng) tổ chức với sự tham dự của 50,000 bạn trẻ khắp thế giới.

Đại hội trên được chủ tọa bởi Đức TGM Orani Tempesta của Rio, với sự tham dự của 5 Hồng Y: Christoph Schönborn, TGM Vienna; Sean O’Malley, TGM Boston; George Pell, TGM Sydney; và Odilo Scherer, TGM Sao Paulo. Ngoài ra, còn có sự tham dự của 75 GM và TGM cũng như các giáo lý viên lưu động của phong trào Hành Trình Khai Tâm Kitô Giáo cho Người Lớn. Và dĩ nhiên, Đại Hội được điều hợp bởi Kiko Argüello và Carmen Hernández, các sáng lập viên của Đường Tân Dự Tòng.

Sau phần trình bày về giáo lý sơ truyền (kerygma), Argüello mời gọi ơn gọi để gửi các nhà truyền giáo tới Á Châu. Ba ngàn thiếu niên đã đáp lại lời kêu gọi gia nhập chủng viện, và hai ngàn thiếu nữ đã đáp lại lời kêu gọi gia nhập đời sống tận hiến. Tại các đất nước riêng của họ, các người trẻ này sẽ khởi đầu diễn trình giúp họ biện phân đây có phải là ơn gọi Thiên Chúa muốn dành cho họ hay không.

Hội nghị phò sự sống

Có thể nói trên đây là thành quả tức khắc của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 tại Ba Tây. Một thành quả khác cũng vừa được Zenit thông báo là Hội Nghị Phò Sự Sống dự định tổ chức vào tháng Chín này tại Manila do hiệp hội sinh viên tại Đại Học Á Châu và Thái Bình Dương khởi xướng.

Chủ đề Đại Hội sẽ là “Cuộc Cách Mạng Tình Yêu Thật Sự 2013”. Ban tổ chức đã mời hai diễn giả phò sự sống hàng đầu là Jason và Crystina Evert thuyết trình tại Đại Hội này, nhằm cổ vũ khiết tịnh và phò sự sống, đặc biệt trong giới trẻ, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của khiết tịnh trong đời sống ta.

Các diễn giả sẽ nói về các khía cạnh khác nhau của nhân đức này và các áp dụng vào thế giới hiện đại. Họ cũng sẽ đề cập đến các vấn đề nóng bỏng hiện nay như ngừa thai, ly dị, làm tình trước hôn nhân, và nạn thai nghén thiếu niên.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi là TGM Socrates Villegas sẽ cử hành Thánh Lễ cho Đại Hội, với chừng 8,000 bạn trẻ tham dự.
 
Ngân hàng Vatican khai trương website chính thức lần đầu tiên
Jos. Tú Nạc, NMS
23:49 31/07/2013
ROMA – Lần đầu tiên, ngân hàng Roma, hay còn gọi là IOR, đã ra mắt website chính thức của mình, tại địa chỉ www.ior.va.

Sự kiện ra mắt trang web này là kết quả của một chính sách minh bạch được thúc đẩy bởi chính Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài muốn ngân hàng này thực hiện những hoạt động của nó một cách rõ ràng, cụ thể có thể chấp nhận.

Mặc dù trang web vẫn còn rất đơn giản về mặt cấu trúc trong thời kỳ phôi thai, tuy nhiên nó chứa đựng thông tin hữu ích về việc quản trị của IOR. Nó cung cấp các dịch vụ và một danh sách các địa chỉ liên hệ. Một phần hữu ích nữa là trang “phương tiện truyền thông”, trong đó ngoài những đường nối kết và các văn kiện khác nhau, còn có thể truy cập những thông cáo báo chí mới nhất.

Ior.va cũng có một mục thư tín đặc biệt dành cho website này được viết bởi vị chủ tịch ngân hàng, Ernst von Freyberg. Trong đó, doanh gia người Đức nói rằng “nhiệm vụ của IOR là để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ”, và điều đó có nghĩa là nó “được tham gia vào tiến trình cải cách toàn diện.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới thiệu Nhà khách Foyer Phát Diệm ở Roma
LM Trần Công Nghị
01:43 31/07/2013
Dịp tôi về thăm Roma năm nay tôi cư ngụ tại Nhà Khách Foyer Phát Diệm và được tiếp đãi nồng hậu ân cần, phòng ốc khang trang sạch sẽ, và đối với khách hành hương Việt Nam tìm được nơi ăn chốn ở với một giá cả vừa túi tiền thì đây thật là chỗ nghỉ chân lý tưởng trong những ngày thăm viếng Roma. Do vậy tôi muốn giới thiệu Nhà Khách Foyer Phát đến với toàn thể qúi vị và anh chị em. Nếu qúi vị hay có người thân quen muốn thăm Vatican và Roma thì có thể tìm hiểu về Nhà Khách này. Foyer Phát Diệm toạ lạc tại số 45 đường Pineta Sacchetti - 00167 Rôma, Italia; Phone: +39-06-6638826; Fax+39-06-6638355; email: foyerpdr@gmail.com; Nhà khách nằm đối diện với công viên Pineta Sacchetti, gần đền thờ Thánh Phêrô.

Xem Website của Nhà Khách Foyer Phát Diệm

Sở dĩ tôi viết lên những giòng giới thiệu này cũng là nhằm trả lời câu hỏi của nhiều độc giả của VietCatholic thường hay hỏi tôi: “Thưa cha, chúng con sắp đi du lịch Roma, mà chúng con chẳng biết tiếng Ý, vậy cha biết nơi nào tốt để ăn nghỉ, xin cha giới thiệu hộ?”.

Nhà khách Foyer Phát Diệm không chỉ là nơi tôi từng quen biết, mà còn là nơi ghi dấu nơi đầu tiên tôi ở tạm ít tuần khi được gửi đến Roma du học vào năm 1967, trước khi vào học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, nên tôi có rất nhiều kỉ niệm. Vậy nên khi có dịp về Roma tôi thường ghé qua đây nghỉ ngơi một vài ngày, chào thăm các nữ tu phục vụ công tác ở đây, và cũng là chỗ hẹn lý tưởng để gặp lại những người bạn ở Roma quen biết trong nhiều năm qua.

Phải nói Nhà khách này qua thời gian khoảng 50 năm qua đã thay đổi rất nhiều, và cho đến nay đã tân trang ít nhất là thêm 2 lần. Sự đổi thấy không những về phòng ốc mà còn về cung cách phục vụ, đặc biệt là dưới sự điều hành của vị tân Giám đốc, nơi đây trở nên niềm nở và ấm cúng, lại có thể thưởng thức đồ ăn Việt Nam nếu muốn.

Nhà khách hiện nay được xây dựng theo kiểu dáng hiện đại, hài hoà, ấm cúng. Có tất cả chừng 60 phòng ngủ, các phòng được trang bị với các tiện nghi: điện thoại, Wifi miễn phí, phòng tắm nóng lạnh, thang máy và sưởi trung tâm, và nhất là có máy điều hòa không khí.

Foyer cũng có một hội trường được trang bị nhiều thiết bị phục vụ các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt nhóm.

Nếu các đoàn du lịch tới đây thì sẵn có một bãi đỗ xe rộng rãi, chứ không như nhiều nơi khác, các tài xế phải mất công đi gửi xe ở nơi khác, mất công đưa đón.

Lần này tôi về Roma giữa cái nóng chang chang của mùa hè mà nếu như phòng ốc không có máy lạnh, chắc là không thể ngủ nghỉ gì được. Cũng vậy mùa hè về thăm Roma thì dân chúng Roma lại đi nghỉ hè, đi hóng gió, hay tắm biển hoặc lên núi. Qua các đường phố, quán ăn vắng vẻ rất nhiều so với cao điểm mùa du lịch vào từ tháng 10 cho đến Giáng sinh và mùa lễ Chúa Phục sinh vào tháng 3,4,5.

Ở Roma ít có khu vực đất trống hay vườn cây xanh, thế mà trước nhà khách Foyer Phát Diệm có một vườn cây thông cao ngút ngàn, thoáng mát, và nhìn xa qua phía vườn thông là vòm Đền thờ thánh Phêrô, biểu trưng của Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn cầu.

Cư ngụ tại nhà khách Phát Diệm nếu muốn đi thăm viếng các đền thờ lớn ở Roma, các lâu đài lịch sử, các địa danh dụ lịch, đi viếng các di tích thánh, thì khách hành hương có thể lấy xe buýt ngay trước của nhà khách để đi về rất thuận tiện.

Nhưng quan trọng nhất ở nơi đây chính là khung cảnh yên tĩnh, không gian trầm lắng để nghỉ ngơi, đi bách bộ qua một khung viên rộng rãi, lại có vườn cây ăn trái; và nếu là khách xa quê hương lâu năm, quí vị sẽ thấy gần gũi với hương quê khi thả bộ vào vườn ngắm những trái nho chín mọng, và nhất là những thứ rau quê hương, có đủ lá mơ, húng quế, thì là, tiá tô, hẹ xanh, ngò, rau diếp, nhất là những luống rau tơi và rau đay... Nhất nữa nếu thấy còn rau trong vườn và muốn có một bát canh rau đay hay canh rau mùng tơi vào bữa ăn chiều, ngỏ ý thì các Sơ sẽ sẵn sàng chiều lòng khách hành hương.

Riêng đối với khách hành hương người Công Giáo tới đây thì ban sáng ban chiều nếu muốn, qúi vị cũng có thể tham dự các buổi cầu nguyện và thánh lễ với các nữ tu trong một nhà nguyện chung được trang trí rất ấm cúng, nhất là được nghe các Sơ nguyện kinh, hát thánh ca du dương và thánh thiện, lời kinh tiếng hát vang vọng huyền nhiệm bay cao trước tôn nhan Thiên Chúa. Khách hành hương dù tâm hồn có lạc lối bao năm trường mà về đây nghe thánh ca cũng chùn lòng xuống và muốn mở lòng mình ra chân hòa vào lòng Chúa.

Ngày nay, càng ngày càng nhiều người từ Việt Nam hay người Việt từ các quốc gia khác khắp trên thế giới hoặc đi nhóm, hoặc đi theo đoàn hành hương, đã chọn đến Foyer Phát Diệm làm nơi ăn ngủ. Tuần vừa qua có đoàn gồm 67 người từ Việt Nam sang thăm viếng Roma và Italia. Đặc biệt trong vài năm gần đây có những du khách muốn đáp tầu du lịch (cruise ships) ở bến tầu Cittavecchia cách Roma khoảng 80 cây số để từ đó đi thăm vùng Địa Trung Hải và Âu Châu, họ đã chọn tới ở Foyer để cư trú ít ngày thăm Roma trước khi lấy tầu du lịch thăm Âu châu.

Riêng các khách du lịch không biết thông thạo ngôn ngữ tiếng Italia hay English mà muốn thăm viếng Roma thì Foyer Phát Diệm có các nữ tu người Việt phụ trách sẽ giúp chỉ dẫn và trả lời các câu hỏi bằng tiếng Việt cho qúi vị. Đặc biệt nữa là khi một gia đình hay các cá nhân muốn đến thăm viếng Roma mà không biết phải đi thăm những nơi nào, các nữ tu có thể gợi ý và đề nghị cho qúi vị, và nếu như cần thiết muốn tổ chức một tour du lịch nho nhỏ đi riêng hay là muốn có được đón rước đi về từ phi trường các Sơ cũng có thể dàn xếp cho qúi vị được.

Từ những kinh nghiệm và nhận xét nêu trên tôi hân hạnh giới thiệu Foyer Phát Diệm khi qúi vị có dịp hành hương muốn thăm viếng Roma, kinh thành muôn thuở của Giáo Hội.
 
Họp mặt Ngôi Lời tại GX. St. Barbara, Santa Ana, California
Vũ Tá, SVD
08:36 31/07/2013
HỌP MẶT NGÔI LỜI TẠI GIÁO XỨ ST. BARBARA, SANTA ANA, CALIFORNIA
Chúa Nhật 28.7.2013

Muôn phương qui tụ về đây
Ngôi Lời họp mặt vui vầy bên nhau
Xin cho tình mãi tươi màu
Ra đi vẫn nhớ ngàn sau ngày này

Xem Hình

Hằng năm vào mùa hè, Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời tổ chức họp mặt cựu chủng sinh, ân nhân, thân bằng quyến thuộc, và linh mục, tu sĩ Ngôi Lời để cầu nguyện cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo, và tiếp tục thắt chặt tình thân. Dịp họp mặt cũng là lúc đề nói lên lời Tạ Ơn Chúa và cám ơn những người đã hỗ trợ Dòng Ngôi Lời, đặc biệt các Ông Bà Cố đã hy sinh dâng con mình cho Chúa qua Nhà Dòng, và biết bao người đã công khai hoặc âm thầm ủng hộ Dòng Ngôi Lời bằng tinh thần hay vật chất. Điều đáng chú ý là một bà cụ tuổi đã 113 mà vẫn đến để ủng hộ Dòng Ngôi Lời. Đây là lần thứ 16, họp mặt được tổ chức tại Quận Cam, Nam California. Năm nay được tổ chức tại Giáo xứ St. Barbara, nơi cha Vũ Ngọc Long làm Quản nhiệm. Cha Vũ Ngọc Long trước đây cũng đã được đào tạo trong Dòng Ngôi Lời tại Chicago.
Thánh Lễ đồng tế với 13 linh mục, được cử hành vào lúc 2 giờ chiều Chúa Nhật. Tiếng hát của Ca Đoàn giúp cho mọi người nâng tâm hồn lên cùng Chúa trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ. Cha Phêrô Võ Tá Đề, SVD chủ tế và cha Antôn Nguyễn Duy Tâm giảng thuyết. Cha Tâm chia sẻ với cộng đoàn việc cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ (Lc 11:1-13): cầu nguyện như là hơi thở của linh hồn, nội dung cầu nguyện và cách thức cầu nguyện:

Cầu nguyện hơi thở linh hồn,
Không cầu ắt hẳn mê hôn tinh thần.
Vậy thì cầu nguyện rất cần!

Cầu nguyện cần theo gương Chúa dạy: cầu xin cho Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa thể hiện cả dưới đất lẫn trên trời:

Lạy Cha chúng con trên trời,
Danh Cha cả sang, tuyệt vời trần gian.
Nước Cha trị đến muôn vàn,
Ý Cha thể hiện dương gian, thiên đình.

Đồng thời, Chúa cũng dạy chúng ta cầu xin cho nhu cầu con người: lương thực hằng ngày. Nhu cầu khác, hay đúng hơn là cách con người đối xử với nhau: cần tha thứ cho nhau vì chính Chúa đã tha cho ta. Thứ đến, vì thế gian với bao cám dỗ và sự dữ tràn lan, xin Chúa giúp ta tránh cám dỗ và cứu ta khỏi sự dữ:

Cám dỗ sao khỏi người ơi,
Xin Chúa xua đuổi con thời bình an.
Sự dự muôn chốn lan tràn,
Cứu con cho khỏi, muôn vàn… tạ ơn!

Cần phải bền lòng vững chí trong việc cầu nguyện:

Cầu nguyện ta cứ kiên gan
Thế nào Chúa cũng khấn ban lời cầu.
Gõ thì cứ gõ cho lâu,
Cửa nào cũng mở, Chúa đâu khước từ.
Xin thì toại nguyện y như,
Tìm thì sẽ thấy, đừng từ đừng nan.

Sau Thánh Lễ Tạ Ơn là tiệc mừng được thiết đãi trong hội trường. Cha Vũ Ngọc Long đã quá ưu ái với anh em Ngôi Lời, cho khai trương bộ bàn tròn mới. Thức ăn do các ân nhân, thân nhân cung cấp nhiều hơn lòng mong ước, ai nấy đều thoải mái với tình thân con Chúa và trong tình Ngôi Lời. Cha Nguyễn Châu với nhiều màn ảo thuật kỳ thú và có khi làm người xem nín thở qua màn cha nuốt 5 lưỡi dao cạo và kéo ra với sợi chỉ gắn lại 5 lưỡi dao đó.
Cha Nguyễn Duy Tâm trình bày sinh hoạt truyền giáo tại Togo và Thầy Nguyễn Tiến Giang chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo tại Mozambique. Xem thấy cảnh nghèo đói và túng thiếu của anh chị em tín hữu bên Phi Châu, nhưng vẫn theo Chúa, làm cho nhiều người cảm phục và thương tâm. Những ai muốn giúp cho công cuộc truyền giáo bên Phi Châu, xin cứ liên lạc về Dòng Ngôi Lời qua điện thoại miễn phí: 1-866-989-9888. Một điều làm cho nhiều người ưu tư, đó là khan hiếm ơn gọi. Tìm đâu ra người đi rao giảng Tin Mừng? Thánh Phaolô cũng đã nói lên ưu tư này: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10:14-15). Ta cũng có thể đặt tiếp câu hỏi: Làm sao được sai đi, nếu không được đào tạo, huấn luyện? Nhà Dòng đang cần ứng viên, xin quý vị khuyến khích con em tìm hiểu ơn gọi Dòng Ngôi Lời, bằng cách liên lạc về Đại Chùng Viện Ngôi Lời: 1-800-553-3321, hoặc vào trang nhà: www.svdvocations.org, hay www.dwci.edu
Những câu hò tiếng hát cũng giúp cho mọi người ăn thêm ngon. Màn xổ số miễn phí với ba giải đặc biệt cũng làm cho ai nấy hào hứng, cứ nghĩ là số may sẽ đến với mình. Năm nay, giải độc đắc cũng về tay một bà đã trúng độc đắc năm trước. Quả là số phúc vận may!
Đến lúc chia tay, nhiều người vẫn còn tiếc nuối, muốn ngày họp mặt kéo dài hơn. Ra về trong tâm tình hân hoan tạ ơn, hẹn nhau gặp lại năm sau, để hâm lại tình Chúa, tình người và sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa:

Về đây hâm lại tình Thầy,
Ra đi loan báo đó đây Tin Mừng.
Rộn rang như thể triều dưng,
Ngôi Lời nhân chứng không ngừng đời ta.

Vũ Tá, SVD




 
Caritas Phan Thiết lập nhóm Tín Dụng – Tiết kiệm tại giáo điểm Đa Kim 2
Hồng Hương
12:55 31/07/2013
Sáng Chúa Nhật 21.07.2013, Ban Caritas Phan Thiết đã chính thức thành lập Quỹ Tín Dụng Tiết Kiệm Đa Kim 2 – Đa Mi với số vốn ban đầu là 90 triệu đồng cho 30 người vay. Đây là nhóm tín dụng thứ 4 Caritas lập cho vùng núi giáo điểm truyền giáo Đami, nâng tổng số gia đình được cấp vốn là 160. Các hộ nghèo tham gia sẽ có cơ hội tăng thu nhập cải thiện kinh tế gia đình và con em họ được tiếp tục đi học.

Xem hình ảnh



Đa Kim 2, một trong 4 giáo điểm nằm trên cao nhất, sâu - xa nhất của Giáo phận Phan Thiết trên thuộc vùng núi xã Đami, Huyện Hàm Thuận Bắc, Tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với Bảo Lộc. Dân ở nơi này hầu hết là di dân từ miền Bắc vào lập nghiệp theo chân những công nhân công trình thủy điện Đa Mi. Người dân di cư đến đây khai hoang, phát rừng đề trồng mì, bắp, điều và càphê. Nơi đây có tiềm năng về kinh tế cao nếu người dân có vốn đầu tư và biết cách làm kinh tế. Vấn đề lớn của cộng đồng phải đối phó là vay nóng, nợ nần, bệnh tật, con em không đủ điều kiện đến trường. Về cơ sở hạ tầng: Các đường làng bằng đất đỏ, hẹp, gồ ghề và bụi bặm. Cả vùng Đakim 2 không có Khoảng 50% người dân ở nhà đất vách gỗ và tre nứa dột nát, mức sinh hoạt của người dân thấp.



Các thành viên đã trải qua những buổi tập huấn về “Kỹ năng hoạt động nhóm Tín Dụng – Tiết kiệm cộng đồng”. Nữ tu Maria Bùi Thị Đức và Maria Thiên Phúc, cán bộ dự án Tín Dụng – Tiết kiệm của Caritas Phan Thiết đã 3 lần đến trình bày và giúp các hội viên hiểu rõ về Tín dụng – Tiết kiệm qua các nội dung một cách chi tiết như: Các khái niệm về tín dụng – tiết kiệm; Mục đích, lợi ích của chương trình tín dụng - tiết kiệm; Cách quản lý tài chánh; Quản lý, sử dụng vốn hiệu quả… Hướng sử dụng vốn tín dụng của các thành viên đầu tư vào buôn bán nhỏ, chăn nuôi và trồng trọt nhằm khắc phục cảnh khó khăn của gia đình. Nhiệt tình hưởng ứng chương trình Tín dụng – Tiết kiệm, ngay từ khi được tập huấn, 30 hội viên của hai tổ trong nhóm Tín Dung Đakim 2 đã tự nguyện đóng tiết kiệm được 5 tháng. Số tiền tiết kiệm này các tổ viên sẽ lần lượt được vay với lãi suất thấp để tăng vốn sản xuất.

Dự án Tín dụng - Tiết kiệm Đa Kim 2 do Caritas Phan Thiết quản lý từ nguồn vốn do Ông Bernoit (Pháp) tài trợ sẽ thực hiện trong 3 năm. Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Dũng, quản nhiệm giáo họ Đa Kim2, được đề cử làm Trưởng ban thực hiện Dự án. Soeur Bùi Thị Đức cho biết: “Cùng đồng hành với các giáo điểm truyền giáo vùng núi Đami này, Caritas Phan Thiết ưu tiên lập các nhóm Tín dụng để các hộ nghèo tham gia sẽ có cơ hội tăng thu nhập cải thiện kinh tế gia đình và con em họ được tiếp tục đi học. Bên cạnh việc giúp vốn, Caritas Phan Thiết mong muốn các phụ nữ hỗ trợ nhau trong việc làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản. v.v.”. Còn soeur Thiên Phúc hồ hởi cho biết thêm: “Trên vùng núi Đami này có 5 giáo điểm thì Caritas Phan Thiết đã lập 4 nhóm Tín dụng kết hợp học bổng là Đagury, La Dày, Đakim 2 và đảo Ma. Chúng tôi đang chờ cơ quan tài trợ duyệt dự án lập nhóm Tín Dụng cho bà con dân tộc tại La Dạ và kế đến sẽ là Đông Giang”.

Số tiền 3 triệu đồng vay của Quỹ Tín dụng – Tiết kiệm không phải là lớn nhưng nó chứa đựng bao kỳ vọng của các gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa để họ học cách tự lập về kinh tế và góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình một cách bền vững, cộng đồng được phát triển.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Tuổi Hoa
Dominic Đức Nguyễn
21:14 31/07/2013
NỤ CƯỜI TUỔI HOA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Nụ cười tế nhị hòa hài,
Như ngàn hoa nở giữa ngày mùa Xuân.
(Trích thơ của Việt Dương Nhân)