Ngày 31-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/08: Mùa Gặt Ngày Tận Thế – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:51 31/07/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đá: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:06 31/07/2023

5. Con đừng quên, từ ngày con tuyên khấn dâng hiến cho Thiên Chúa, thì con không còn là con nữa, thân xác và tất cả những gì của con đều thuộc về Thiên Chúa, nếu con tùy tiện dùng lung tung theo ý nghĩ của con, thì coi như con đã ăn trộm của Thiên Chúa.

(Thánh Basilius Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:08 31/07/2023
17. KHÔNG HIỂU NGÀY KỴ

Quyền Long Bao không hiểu ngày kỵ, có một lần hỏi phủ sứ:

- “Sao gọi là ngày kỵ?”

Phủ sứ trả lời:

- “Kỷ niệm ngày cha mẹ chết thì gọi là ngày kỵ, trong ngày này phải mặc vải bố và ăn chay, tĩnh tọa một mình trong nhà không được ra ngoài”.

Lúc đến ngày kỵ mẹ của Quyền Long Bao, Quyền Long Bao bèn theo lời của phủ sứ mà ngồi thinh lặng trong nhà, đột nhiên có một con cho đuổi con chuột chạy vào phá đám cuộc tĩnh tọa của ông ta. Quyền Long Bao giận dữ nói:

- “Con chó này phá đám ngày kỵ của mẹ ta, ngày mai ta bắt đầu lại vậy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 17:

Ngày kỵ ngày giỗ của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng, bởi vì đạo hiếu cũng được thể hiện qua việc tổ chức ngày kỵ…

Ngày kỵ giỗ của người Ki-tô hữu thì khác với người khác, việc thứ nhất mà họ phải làm là dâng lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ trong ngày giỗ chạp, việc thứ hai mà họ làm là đi ra phần mộ của ông bà cha mẹ làm sạch mồ mã như họ vẫn làm hàng năm, việc thứ ba họ làm là dọn một bữa cơm thân mật trong bà con thân tộc để cho con cái cháu chắt ở xa về đoàn tụ và… ra nhận nhau là anh em bà con họ hàng…

Có những người Ki-tô hữu việc thứ nhất lại đem làm sau và việc sau đem làm trước nên mất đi ý nghĩa của ngày kỵ ngày giỗ của ông bà cha mẹ. Ăn uống là chuyện nhỏ, cái chuyện lớn chính là đi dâng lễ cầu nguyện sốt sắng cho ông bà cha mẹ trong ngày kỵ giỗ, tệ hơn cả là lợi dụng ngày kỵ giỗ để nhậu nhẹt rượu bia xả láng gây phiền hà hàng xóm và bà con, sinh ra gương mù gương xấu ảnh hưởng đến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội và giáo xứ…

Ngày kỵ ngày giỗ của người Ki-tô hữu là ngày mà họ phải hy sinh nhiều hơn, đền tội nhiều hơn, cầu nguyện và dâng lễ nhiều hơn để xin Thiên Chúa thương xót tha tội cho ông bà cha mẹ của mình.

Đó là việc làm của người con hiếu thảo hiểu rõ ngày kỵ vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Năm chiếc bánh và hai con cá
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:43 31/07/2023

CHÚA NHẬT XVIII MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21
NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ

Anh chị em có tin là chỉ “năm chiếc bánh và hai con cá” mà nuôi năm ngàn người ăn không? Năm chiếc bánh và hai con cá so với năm ngàn người, không kể đàn bà trẻ con, (nếu tính cả chắc phải lên đến mười lăm ngàn người,) một con số người ăn thật quá lớn so với sự ít ỏi thực phẩm như thế. Các Tông Đồ cũng đã lo lắng và lúng túng mà nói với Chúa:
“Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14,15).

1. Phép lạ là gì?

Để hiểu đúng ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, chúng ta phải định nghĩa lại phép lạ là gì?

Theo nghĩa rộng, phép lạ là những gì được xảy ra từ cái không thể trở thành cái có thể. Ví dụ như người Do Thái vận dụng khoa học kỹ thuật đã trồng cam ngọt trên sa mạc vùng Giêricô. Hay Las Vegas là một sa mạc lại trở thành một thành phố xinh đẹp và hấp dẫn… Người ta có thể coi đó là những phép lạ.

Theo nghĩa hẹp, nghĩa chính xác, phép lạ là những gì xảy ra cách lạ thường và khác với quy luật tự nhiên. Ví dụ: trong vật lý học, một vật có trọng lượng thì bị sức hút của trái đất. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng một em bé nhảy lầu giữa chừng em ngừng lại và cứ lơ lửng vậy. Đây là điều ngoài quy luật tự nhiên.

Còn có một cách hiểu cao hơn theo thánh Gioan, thì phép lạ là những dấu chỉ để diễn tả những sự kỳ diệu của đức tin mà Thiên Chúa thực hiện qua những dấu chỉ đó.

Theo những nghĩa trên thì sự kiện chỉ năm chiếc bánh và hai con cá hóa nhiều nuôi năm ngàn người mà còn dư mười hai thúng, là một phép lạ, điều không thể trở thành điều có thể, điều xảy ra cách lạ thường và ngoài quy luật tự nhiên.

2. Ý nghĩa phép lạ hóa bánh nhiều

Ngày nay, có hai quan điểm giải thích phép lạ này: quan điểm thứ nhất thuộc một số học giả Thánh Kinh không tin đây là một phép lạ và nghĩ rằng Chúa Giêsu không làm cho bánh hóa ra nhiều, mà Người chỉ là một nhà hùng biện có tài thuyết phục mọi người bỏ bánh mà họ mang theo trong mình ra để chia sẻ với nhau thôi, theo kiểu “góp gạo thổi nồi cơm chung” nên ai cũng có thức ăn dư dả. Cách hiểu này chắc chắn không được Giáo Hội công nhận. Nhưng nó nói lên được ý nghĩa của sự kiện là dạy người ta biết chia sẻ với nhau, và khi ta biết chia sẻ với người khác thì mọi sự trở nên dư dả và phong phú.

Cách hiểu thứ hai đó là đa số các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh, là dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể và ơn cứu độ mà Đức Kitô sẽ ban cho nhân loại qua cái chết và phục sinh của Người. Học giả Kinh Thánh David Garland giải thích:
“Việc cung cấp lương thực cho năm ngàn người ăn mà còn thừa mười hai thúng cho thấy rằng sự cung cấp dồi dào cho toàn thể Ítraen. Như thế, bí tích Thánh Thể sẽ ban lương thực dồi dào cho toàn thể nhân loại.” (x. David Garland, Meditations on the Sunday Gospels, Year A, ed. John Rotelle, New York: New City Press, 1995, p. 111.)

Đây là cách hiểu truyền thống mà Giáo Hội chấp nhận. Quả thế, “bữa tiệc bánh hóa nhiều” là hình ảnh về bữa tiệc mà Đức Kitô sẽ thực hiện nơi Thánh Thể trong đó nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần bánh và rượu, tượng trưng cho lao công và đóng góp của con người, trở thành thực sự Mình và Máu Đức Giêsu, mà thần học gọi là “transubstantiation - biến thể”. Đức Giêsu trở thành Bánh Sự Sống bẻ ra cho mọi người qua mọi thế kỷ để tất cả được no thỏa và được sống dồi dào (x. Ga 10,10). Nếu hiểu như thế, mỗi thánh lễ là một bữa tiệc, một phép lạ mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta.

3. Bài học áp dụng

Một chi tiết rất đáng lưu ý trong tường thuật này là: “Chính anh em hãy cho họ ăn” và các môn đệ thưa: “Ở đây chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá” (x. Mt 14,16-17). Điều này muốn nói rằng Đức Giêsu không muốn làm gì một mình. Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người, hay nói như cha Nguyễn Tầm Thường:
“Chúa thích làm phép lạ dang dở. Phép lạ dang dở để tôi được tham dự, cái dang dở của Chúa là chỗ trống để cho tôi bước vào.”
Nhiều lúc, trước những vấn đề lớn, dẫu khả năng của chúng ta rất nhỏ nhoi, ít ỏi, nhưng Chúa lại cần đến chúng, Chúa cần đến chút tâm tình “chạnh lòng thương” và sự đóng góp vật chất của chúng ta, để Người thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời. Nếu không có tấm lòng trắc ẩn của nữ tu Calcutta, thì làm sao có những ngôi nhà tình thương cho những kẻ vô gia cư khắp nơi trên thế giới. Nếu không có chút tình thương của cô Tim, thì làm sao có ngôi làng tình thương cho biết bao nhiều người tàn tật ở Việt Nam v.v…

Mỗi lần chúng ta dự tiệc Thánh Thể, Chúa cũng mời gọi chúng ta biết chia sẻ và góp phần nhỏ bé và âm thầm của mình vào xây dựng cuộc đời này đẹp hơn, nhân bản hơn và hạnh phúc hơn. Và như thế, “phép lạ hóa bánh ra nhiều” lại tiếp tục diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chói lọi như mặt trời
Lm. Minh Anh
14:31 31/07/2023
CHÓI LỌI NHƯ MẶT TRỜI

“Bấy giờ, kẻ lành sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha mình!”.

Một người mẹ trẻ, mắt đầy nét cười; ‘hai chiếc bóng đổ’ theo sau. “Đừng bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi vì ‘hai cái đuôi’ vướng víu ấy! Thật tuyệt vời khi bạn chạy, ‘những chiếc bóng đổ’ chạy; khi bạn hạnh phúc, ‘những chiếc bóng đổ’ hạnh phúc; khi bạn ngân nga, ‘những chiếc bóng đổ’ ngân nga. Chúng cho phép bạn ‘chói lọi như mặt trời!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu nữ thi sĩ Martha Wadsworth viết về ‘những chiếc bóng đổ’ khiến người mẹ trẻ ‘chói lọi như mặt trời’, thì Chúa Giêsu hôm nay nói đến ‘những chiếc bóng đổ’ theo sau Ngài, vốn cũng có thể ‘chói lọi như mặt trời’, chính Ngài, Mặt Trời Giêsu, vào thời cánh chung.

Kết thúc dụ ngôn ‘cỏ trong lúa’, Chúa Giêsu đưa ra một lời giải thích tràn đầy hy vọng, “Bấy giờ, kẻ lành sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha mình!”. Đồng lúa, hình ảnh thế giới; trong đó, Chúa Giêsu sai chúng ta đi vào để xây dựng Vương Quốc. Những hạt tốt được Ngài đích thân gieo vào bao gồm tất cả những ai ở trong tình trạng ân sủng; thế nhưng, ‘Kẻ Ác’ cũng gieo vào đồng lúa tốt ‘con cái’ của nó, những ai sống trái nghịch ý muốn Ngài. Và Chúa Giêsu nói đến phần thưởng ‘phúc kiến’ con cái Thiên Chúa sẽ nhận được; đồng thời, chỉ ra rằng, ngày phán xét, con cái ‘Kẻ Ác’ sẽ bị loại!

Lời hứa ‘chói lọi như mặt trời’ phải là động lực hy vọng trong cuộc sống của chúng ta. Vấn đề là chúng ta thường không hiểu trọn vẹn điều Chúa hứa. Phần thưởng ở đây là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa, xét cho cùng, là Chúa Giêsu; Chúa Giêsu, xét cho cùng, là thiên đàng. Ai có Giêsu, người ấy có thiên đàng! Ngài là hiện thân của một Thiên Chúa xót thương nhân hậu như Thánh Vịnh đáp ca tán tụng, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Bài đọc Xuất Hành cho thấy sự nhân hậu từ bi đó. Dân đúc bò vàng mà thờ lạy, Chúa nổi giận, đòi tru diệt họ. Thay cho dân, Môisen cầu khẩn, “Xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con”. Cuối cùng, Ngài đã xiêu lòng, tha cho dân, tiếp tục bảo ban, nuôi dưỡng và dẫn họ vào Đất Hứa, một hình ảnh tiền trưng cho thiên đàng.

Anh Chị em,

“Kẻ lành sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha mình!”. Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta ‘chói lọi như mặt trời’ vào thời sau hết, nhưng ‘chói lọi’ ngay hôm nay! Là ‘những chiếc bóng đổ’ theo sau Ngài, chúng ta biết, Ngài không mệt mỏi khi bạn và tôi cứ bám lấy Ngài. Ngài không coi chúng ta là những chiếc bóng phiền hà, nhưng gọi chúng ta là “Ánh sáng thế gian”. Ngài đổ đầy ân sủng cho chúng ta qua các Bí Tích, đặc biệt, Bí Tích Thánh Thể; bên cạnh đó, Lời Ngài bảo ban mỗi ngày để chúng ta ngày càng chói lọi hơn. Ước gì, bạn và tôi hiểu được phần phúc Chúa hứa hầu hăng hái theo Ngài, vượt qua bao chướng ngại; và khi không còn là những chiếc bóng, chúng ta trở nên chính Ngài, ‘một Giêsu khác!’. Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con đợi đến mai ngày, xin ân sủng Ngài giúp con ‘chói lọi Chúa’ ngay hôm nay, phía bên này cõi đời đời!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa Giêsu là niềm Hy Vọng của chúng ta
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:37 31/07/2023

LỄ CHÚA BIẾN HÌNH
Đn 7,9-10.13-14; 2 Pr 1,16-19; Mt 17,1-9
CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta mừng trọng thể lễ Chúa Giêsu Biến Hình trên núi. Trong thánh lễ này, phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề: “Chúa Giêsu là niềm hy vọng vinh quang của chúng ta.”

1. Chân dung Con Người

Trong bài đọc I, trích từ sách tiên tri Đanien (Đn 7,9-10.13-14), chúng ta có một thị kiến về Con Người xuất hiện và đón nhận từ một vị Bô Lão vinh quang, sức mạnh và quyền thống trị. Muôn dân thuộc mọi dân tộc, mọi quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quả thế, đây là một hình ảnh về Con Người đến từ trên cao, đồng thời cũng giống với một dung mạo con người; Người đón nhận từ Thiên Chúa muôn vàn ơn phúc; Người là niềm hy vọng cho tất cả những ai bị bách hại trong thế giới này.

Đây cũng là chân dung về Con Thiên Chúa được trình bày trong bài đọc II, trong đó, thánh Phêrô một lần nữa gửi tới các Kitô hữu đang bị bách hại. Thánh Phêrô minh chứng cho họ về đặc điểm chân thật của Chúa Giêsu thành Nadarét, Người là Đấng mà khi ở trên núi chúng tôi đã nghe tiếng nói từ trời phán ra: “Đây là Con Yêu Dấu đẹp lòng ta mọi đàng.” Chúa Giêsu không phải là một người bình thường. Người là một con người thực sự, nhưng Người cũng thực sự là Con Thiên Chúa. Người là Đấng cao trọng và vinh quang trong căn tính thần linh của Người, đặc biệt trong mầu nhiệm phục sinh và như thế, những người bị bách hại có thể bám chặt vào Người trong lúc gian nan thử thách, đồng thời họ cũng phải luôn chăm chú vào niềm hy vọng mà Con vinh hiển của Thiên Chúa sẽ ban cho họ, bởi vì niềm hy vọng đó sẽ hướng dẫn họ và cả chúng ta tới ánh sáng, dẫu chúng ta vẫn còn bị bủa vây trong bóng tối của cuộc sống.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín của mình là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi, và ở đó Người biến hình trước mặt các ông.

2. Chân dung Đấng Mêsia

Trước đoạn Tin Mừng này, trong chương 16 của Mátthêu, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ:
Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).

Sau những câu trả lời khác nhau, Phêrô đại diện cho nhóm Mười Hai tuyên xưng rằng:
Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Và Chúa Giêsu xác nhận rằng câu trả lời này là mạc khải đến từ Thiên Chúa Cha. Ông nhận biết căn tính của Chúa Giêsu bởi vì Chúa Cha ở trên trời đã soi sáng cho ông biết. Sau đó Chúa Giêsu giải thích cho họ biết Người thuộc loại Mêsia nào; Con Thiên Chúa hằng sống là Đấng Mêsia, Đấng đó sẽ phải chịu đau khổ bởi những Luật Sĩ và Biệt Phái, Người sẽ phải bị giết, nhưng ngày thứ ba, Người sống lại.

Phêrô không chấp nhận mạc khải này, ông không nghĩ Đấng Mêsia phải chịu đau khổ như thế được. Bởi lẽ, trong quan niệm của họ lúc bấy giờ, Đấng Mêsia đến phải là Đấng uy quyền và đầy sức mạnh của Thiên Chúa; Người đến để giải thoát họ khỏi mọi sự nô lệ và áp bức của xã hội, chính trị, cũng như tôn giáo. Đó không phải là Đấng Mêsia mà họ chờ đợi và theo đuổi. Đấng Mêsia chịu đau khổ không mang lại niềm hy vọng cho Ítraen. Có lẽ trong đầu Phêrô lảng vảng nhưng câu hỏi này: “Lạy Chúa, làm sao có thể chúng con dám đi theo Ngài khi Ngài sẽ bị bắt và bị giết? Làm sao chúng con sẽ không khủng hoảng khi chứng kiến Người bị bắt bởi vì chúng con đặt tin tưởng nơi Ngài? Lúc bấy giờ, Chúa Giêsu phán cùng Phêrô: “Hỡi Satan, hãy lùi lại đằng sau Thầy.” Thánh Phêrô là đá tảng của Giáo Hội, nhưng giờ đây ông không thể hiểu nổi Đấng Mêsia theo kiểu này, ông không thể hiểu Con Thiên Chúa theo cách thức mà Chúa Giêsu đang mạc khải cho ông.

Chúng ta có thể hiểu rằng vào thời điểm đó các môn đệ chưa hề có một quan niệm về sự sống lại từ cõi chết. Đó là mạc khải vinh quang về căn tính đích thực của Chúa Giêsu, nhưng Thiên Chúa thì tốt lành vô cùng, ngay lập tức sau đó Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi và ở đó, Người biến hình, mặt người chiếu sáng và áo người trắng như tuyết. Và lúc đó, có tiếng phán ra với họ rằng: Đấng sẽ bị bắt, bị giết chết, sẽ được vinh hiển, các anh hãy mở mắt ra, hãy nhìn ngắm vinh quang của Người. Lúc đó, họ nhìn thấy Môsê và Êlia đến đàm đạo với Người. Đây là hai nhân vật đại diện cho Cựu Ước. Môsê là người đã lên núi và đã được Thiên Chúa hiện ra, ông trở thành trung gian và phương tiện của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Chúa nhờ lề luật được ban cho ông. Còn Êlia là một tiên tri lớn của Cựu Ước, ông đại diện cho các ngôn sứ là những người có sứ mạng thanh tẩy và chỉnh đốn tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người. Đây là hai dung mạo vĩ đại và là hai nền tảng của dân Ítraen, là một dân tộc đã được kết ước nhờ lề luật và ngôn sứ. Cả hai tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa giờ đây cùng xuất hiện và đàm đạo với Chúa Giêsu. Nhưng ở đây, chúng ta có ai đó còn vĩ đại hơn là những tôi tớ của Thiên Chúa, bởi vì, ở đây, từ đám mây, có tiếng Chúa Cha phán rằng:
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người” ( Mt 17, 5).

Đây không chỉ là người tôi tớ, nhưng đây chính là Con Ta, Người cùng chia sẻ vinh quang với Ta. Vì thế, ở đây Chúa Cha mời gọi chúng ta: “Hãy lắng nghe Lời Người.” Bởi nếu chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu, chúng ta chu toàn lề luật; nếu chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu, chúng ta chu toàn tất cả mọi lời ngôn sứ.

3. Tin và làm chứng

Như thế, khi biến hình trên núi, Chúa Giêsu muốn tỏ cho các môn đệ nhận biết căn tính đích thực của Người là Con Thiên Chúa; Người muốn mạc khải cho họ nhận ra vinh quang của Người để họ nhận ra Người và tin. Đồng thời, Chúa Giêsu chuẩn bị cho họ đón nhận mầu nhiệm tử nạn mà Con Thiên Chúa phải trải qua để đi tới vinh quang và phục sinh. Để dù bị thử thách hay bị bách hại, họ vẫn luôn giữ vững niềm tin vào Chúa Giêsu và can đảm làm chứng cho thế giới với một niềm tin tưởng sắt son vào Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, chúng ta có một Phêrô trong bài đọc II trở thành một chứng nhân tuyệt vời không chỉ cho sự biến hình nhưng còn cho sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Cũng như các môn đệ, chúng ta được củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu nhờ biến cố biến hình của Người. Bởi vì Người mạc khải cho chúng ta biết Người là Con Thiên Chúa, đã chịu đau khổ, tử nạn và phục sinh, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết, để dẫn chúng ta tới vinh quang vĩnh cửu. Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta trên hành trình dương thế. Người là niềm hy vọng về vinh quang và sự phục sinh mà Thiên Chúa sẽ ban cho mỗi người. Chúng ta được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa, tin tưởng và làm chứng cho Người trong cuộc sống hôm nay như các Tông Đồ đã làm xưa kia. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phản ứng tiêu cực đối với Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị, dựa vào Henri de Lubac và Yves Congar
Vũ Văn An
21:27 31/07/2023

Trong khi các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng hết mình vận động cho phiên họp thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị sẽ được tổ chức tại Vatican vào tháng Mười sắp tới và giữa bầu khí tích cực tham dự của mọi Hội đồng Giám Mục thế giới, thì không ít người tỏ ý không hài lòng về đường hướng nói chung của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này.

Nhà thần học linh mục P. Imbelli, nguyên giáo sư Thần học tại Boston College, liên tiếp có hai bài viết về khía cạnh này. Một bài đăng trên tạp chí First Things ngày 28 tháng 7, 2023, trình bầy quan điểm của Henri de Lubac (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/07/what-henri-de-lubac-would-think-of-the-synod-on-synodality). Bài kia đăng trên Bloc của Sandro Magister Ngày 11 tháng 7, 2023 trình bầy quan điểm của Yves Congar (http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2023/07/11/church-up-in-smoke-a-theological-critique-of-the-guidelines-of-the-synod-on-synodality/ ). Cả hai đều là những nhà thần học hàng đầu của Giáo Hội trong thế kỷ 20 và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến Công Đồng Vatican II. Cả hai nhấn mạnh tới tầm chủ đạo của tập chú Kitô học, hơn là một thánh thần học (pneumatology) mơ hồ, điều mà Cha Imbelli cho là đi ngược hẳn lại đường hướng của Thượng Hội Đồng lần này.



Chúa Kitô chung kết ơn cứu rỗi

Theo cha Imbelli, Henri de Lubac, S.J., một trong những nhà thần học Công Giáo vĩ đại nhất của thế kỷ 20, là một trong những nhân vật nổi bật trong phong trào trở về nguồn (ressourcement) chuẩn bị cho Vatican II. Thật vậy, nhiều bài viết của ngài đã ảnh hưởng đến chính những thuật ngữ được Công đồng sử dụng, đặc biệt trong hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium) và về mặc khải (Dei Verbum)... Tác phẩm thần học lớn cuối cùng của ngài, được hoàn thành mặc dù thể lực suy giảm, là tập sách dày gần một nghìn trang tựa là La postérité Spirituelle de Joachim de Flore (Hậu duệ tinh thần của Joachim de Flore)... Ngày nay, các suy tư trong cuốn sách này rất hữu ích khi chúng ta xem xét Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đang diễn ra của Giáo hội và Tài liệu Làm việc mới được công bố gần đây của nó.

Theo de Lubac, Joachim quan niệm rằng sẽ có một “thời đại thứ ba” của Chúa Thánh Thần, và thời đại này sẽ thay thế các thời đại của Chúa Cha và Chúa Con (lần lượt được đại diện bởi Cựu Ước và Tân Ước). Theo cách đọc của de Lubac, lực đẩy trong tầm nhìn tiên tri của Joachim là nghi vấn tính chung kết [finality] cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô. Trong “thời đại thứ ba” của Joachim, “Chúa Thánh Thần” trên thực tế trở nên tách biệt khỏi Chúa Kitô và thúc đẩy các phong trào giả huyền nhiệm và không tưởng. Vì nếu không có thước đo và tham chiếu Kitô học khách quan, việc kêu cầu Chúa Thánh Thần dễ dàng trở thành mồi ngon cho các ý thức hệ và tưởng tượng chủ quan.

Ngay tại đây, de Lubac đã nhìn thoáng qua hậu duệ lâu dài và rắc rối của chủ nghĩa Joachim, bao gồm cả các xu hướng ly giáo của nó. Ngài bắt đầu khám phá nhiều phong trào khác nhau, cả thế tục và bán tôn giáo, những phong trào, giống như Joachim, đã mường tượng ra vòng cung của sự tiến bộ hướng tới việc hoàn thành “Thời đại thứ ba”, bất kể dưới hình thức Hegel, Marxist hay Nietzsche. Trong tất cả các phong trào này, Chúa Giêsu Kitô tốt nhất được coi là lời áp chót, và Giáo hội chỉ được coi là vết tích của một thời đại chưa được khai sáng.

De Lubac viết cuốn sách này vì ngài nhận thấy giai đoạn sau Công đồng có sự tái phát các dự án và nhạy cảm của Joachim. Những khuynh hướng giống như Joachim này vạch ra một con đường vượt ra ngoài não trạng địa phương của “Giáo Hội định chế”, hướng tới việc tôn vinh một nhân loại phổ quát, được giải phóng khỏi những ràng buộc của luật pháp và trật tự phẩm trật.

Trong cuốn hồi ký cảm động của mình, At the Service of the Church [phục vụ Giáo Hội], de Lubac cho hay cuốn sách ngài viết về Joachim được thúc đẩy không những bởi lợi ích học thuật đơn thuần, mà còn bởi ý thức của ngài về mối nguy hiểm hiện tại: nguy cơ phản bội Tin Mừng bằng cách biến việc tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa thành việc tìm kiếm những điều không tưởng của xã hội thế tục.

Ngài đã viết một nghìn trang trước khi sức khỏe suy yếu khiến ngài không thể đưa ra phần kết luận về mặt tín lý cho công trình mà ngài vốn dự định lúc ban đầu. Nhưng ngài nhận thấy ngài đã đưa ra một kết luận trong cuốn sách trước đó của ngài, cuốn Méditation sur l'Église [Suy tư về Giáo Hội]. Ngài hướng người đọc đến chương sáu của tác phẩm đó, “Bí tích của Chúa Giêsu Kitô.”

Chương này bắt đầu một cách nổi tiếng như sau: “Giáo hội là một mầu nhiệm” – và theo de Lubac, nội dung của mầu nhiệm này là: “Giáo hội ở trần gian là bí tích của Chúa Giêsu Kitô”....Viễn cảnh Kitô học và bí tích này cung cấp định hướng cho tầm nhìn và tuyên ngôn giáo hội học của Công đồng Vatican II, khi Hiến chế Lumen Gentium quả quyết: “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như một bí tích hay dấu chỉ và dụng cụ của việc kết hiệp thân mật với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.

Cha Imbelli cho rằng tài liệu làm việc mới được phát hành gần đây cho Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra hai lần trích dẫn những lời này của Lumen Gentium. Tuy nhiên, cả hai lần nó đều bỏ qua cụm từ cực kỳ quan trọng “trong Chúa Kitô”. Sự thiếu sót này khó có thể được cho là do vội vàng hoặc cẩu thả, và làm dấy lên những lo ngại chính đáng về sự thiếu sót về Kitô học của tài liệu.

Từ sự nhấn mạnh của de Lubac đối với mầu nhiệm Giáo hội như là bí tích của Chúa Giêsu Kitô (một cách tiếp cận được Công đồng lặp lại và chấp nhận), ngài rút ra những hệ quả quan trọng về tín lý và mục vụ. Ngài viết: “Mục đích của Giáo hội là cho chúng ta thấy Chúa Kitô; để dẫn chúng ta đến với Người; để truyền đạt ân sủng của Người cho chúng ta. Tóm lại, Giáo Hội hiện hữu chỉ để đặt chúng ta vào mối liên hệ với Chúa Kitô”.

Do đó, bất cứ mưu kế nào nhằm thay thế triều đại thực sự của Chúa Kitô bằng một triều đại mơ hồ trong tương lai của Thần Khí đều du nhập “sự phân cách chết người” trong đời sống của Giáo hội. “Vì vậy, không có nghĩa gì khi chúng ta chờ đợi thời đại của Thần Khí; vì nó trùng khớp một cách chính xác với thời đại của Chúa Kitô.”

Dựa trên chương này của Méditation sur l’Église (một cuốn sách thường được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tán dương), Cha Imbelli có một đề xuất khiêm tốn lấy cảm hứng từ de Lubac cho Thượng hội đồng. Một bài tập tinh thần bổ ích cho các nhóm, được quy tụ mỗi ngày để chia sẻ “những cuộc đàm luận trong Thánh Thần,” là suy gẫm về đoạn cuối cùng mang tính quyết định của Phần Một của Gaudium et Spes. Nó sẽ cung cấp cho những người tham gia một anamnesis [kinh hồi niệm] sống động về việc họ cầu khẩn và trung thành tìm cách phục vụ Thần Khí của đấng nào.

Đây là lời tuyên xưng tín điều tuyệt vời về đức tin Kitô học từ Gaudium et Spes:

Chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, qua Người vạn vật được tạo thành, đã trở nên xác thịt để trong tư cách con người hoàn hảo, Người có thể cứu rỗi mọi người nam và nữ và tổng hợp vạn vật trong chính Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là tâm điểm của những khao khát của lịch sử và của nền văn minh, là trung tâm của loài người, là niềm vui của mọi tâm hồn và là câu trả lời cho mọi khao khát của nó. Chính Người là Đấng mà Chúa Cha đã làm sống lại từ cõi chết, nâng lên cao và ngự bên hữu Mình, biến Người thành quan án phán xét kẻ sống và kẻ chết. Được làm cho sống động và hiệp nhất trong Thánh thần của Người, chúng ta hành trình hướng tới sự kết thúc của lịch sử nhân loại, một lịch sử hoàn toàn phù hợp với lời khuyên của tình yêu thương của Thiên Chúa: “Tái lập vạn vật trong Chúa Kitô, cả vật trên trời lẫn vật dưới đất” (Êph 11:10).



Chúa Thánh Thần được dùng gây hỏa mù

Sandro Magister (http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2023/07/11/church-up-in-smoke-a-theological-critique-of-the-guidelines-of-the-synod-on-synodality/?) thẳng thừng hơn khi cho rằng Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng kỳ này, với khẩu lệnh “đàm luận trong Chúa Thánh Thần”, là bằng chứng của diễn trình khinh suất “tái định hình Giáo Hội theo thần khí” được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cổ vũ. Một diễn trình trong đó, Chúa Thánh Thần được gán cho vai trò vừa to lớn vừa mơ hồ và gây hỏa mù, thiếu các tiêu chuẩn chứng thực cho tính chân chính và thành sự của những gì được nói và làm nhân danh Người.

Trên hết, có một thiếu sót hết sức lớn trong Tài liệu Làm việc đó là việc không nhắc tới Chúa Kitô, tới mầu nhiệm vượt qua, tới thập giá, đối với Kitô hữu vốn là “thước đo và tiêu chuẩn để phân biệt các thần khí” như Yves Congar từng viết.

Sandro cho đăng tải trên Blog của ông bài nhận định của Cha Imbelli, lần này, về “Các Bài học cho Thượng Hội Đồng từ Cha Congar”:

Yves Congar, O.P., là một trong những nhân vật chính vĩ đại của phong trào trở về nguồn và cập nhật hóa tại Công đồng Vatican II. Đáng chú ý là, sau Công đồng, bất chấp những bệnh tật nghiêm trọng về thể xác, Congar đã viết ba tập có tính huấn quyền về Chúa Thánh Thần. Đáng chú ý hơn nữa, sau đó ngài đã viết một tập nhỏ tiếp theo, “Ngôi Lời và Chúa Thánh thần,” tóm tắt những suy tư của ngài về Thánh thần học [pneumatology]. Và đây là kết luận của ngài. “Nếu tôi phải rút ra một kết luận từ toàn bộ công việc của mình về Chúa Thánh Thần, tôi sẽ diễn đạt nó bằng những lời này: không có Kitô học nào mà không có Thánh thần học và không có Thánh thần học nào mà không có Kitô học.”

Congar được truyền cảm hứng từ hình ảnh của Thánh Irênê, một hình ảnh diễn tả Thiên Chúa luôn hoạt động, trong việc tạo dựng và cứu độ, sử dụng hai bàn tay của Người: Ngôi Lời và Thần Khí. Dĩ nhiên, thách thức đang diễn ra, cả trong đời sống Kitô hữu lẫn trong thần học, là giữ cho Kitô học và Thánh thần học luôn trong tình trạng căng thẳng sáng tạo. Nếu trong quá khứ có thể có sự nhấn mạnh quá mức về khía cạnh Kitô học, thì xu hướng hiện nay dường như nhấn mạnh quá mức tới hoạt động của Chúa Thánh thần.

Congar đạt được sự cân bằng cần thiết khi ngài viết: “Chúa Thánh Thần biểu thị một điều gì đó mới mẻ, trong sự mới lạ của lịch sử và sự đa dạng của các nền văn hóa, nhưng đó là điều mới mẻ phát xuất từ sự viên mãn đã được Thiên Chúa ban cho một lần dứt khoát trong Chúa Kitô”.

Trong khi đó, “Instrumentum laboris” trình bầy một viễn tượng Kitô học khá nhạt nhẽo. Nói cho ngay, Tài liệu Làm việc thiếu các chiều kích quan trọng của Kitô học, rất ít nhắc tới “mầu nhiệm vượt qua” của Chúa Kitô – một khái niệm rất quan trọng tại Công đồng Vatican II. Thật vậy, “thậm chí không hề đề cập đến Thập giá, đến nỗi người ta bắt đầu lo sợ rằng thập giá bị nằm trong số những điều “bị gạt ra bên lề xã hội” mà Tài liệu vốn lấy làm tiếc.

Cũng như trong bài viết về Henri de Lubac, Cha Imbelli cho rằng thiếu sót nghiêm trọng, cả quan trọng và có lẽ có dáng dấp triệu chứng là cả hai lần trích dẫn (xem #46 và 52) một khẳng định trọng tâm của “Lumen gentium”: “Giáo hội ở trong Chúa Kitô như một bí tích hoặc dấu chỉ công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG, 1), Tài liệu đã lược bỏ cụm từ “trong Chúa Kitô”. Cho dù đây là chủ ý hay vô ý, sự thiếu sót này nói lên nhiều điều và có tính giản lược. Vì chỉ trong Chúa Kitô, sự hiệp nhất đích thực và lâu dài mới được thực hiện.

Cha Imbelli cho rằng một tầm nhìn Kitô học mạnh mẽ là một điều tuyệt đối cần thiết, kẻo ba chủ đề đồng nghị về “hiệp thông, truyền giáo và tham gia” mất đi nội dung và hình thức đặc biệt của chúng. Tất cả đều diễn ra trong Chúa Kitô và phải thể hiện chiều sâu Kitô học độc đáo của chúng. Xin lặp lại với Congar: “Thánh Thần biểu lộ một điều gì đó mới mẻ, trong sự mới lạ của lịch sử và sự đa dạng của các nền văn hóa, nhưng đó là điều mới mẻ phát xuất từ sự viên mãn đã được Thiên Chúa ban cho một lần dứt khoát trong Chúa Kitô.”

Chỉ một niềm tin Kitô học đầy đặn mới có thể cung cấp sự định hướng và hướng dẫn đáng tin cậy cho “những cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần.” Thật vậy, “những cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần” như vậy đòi hỏi những tiêu chuẩn về tính xác thực, những thử nghiệm về tính giá trị của sự biện phân. Congar chỉ lặp lại Tân Ước và các Giáo phụ khi ngài viết: “Đối với Kitô hữu, Chúa Giêsu Kitô là thước đo và tiêu chuẩn để biện phân các thần khí.”

Như thế, điều kiện cho bất cứ việc “tái cấu hình Thánh thần học” nào đối với Giáo hội cũng là Giáo hội phải được “định hình” theo đầu của mình và ngày càng trở nên “hiển dung” hơn trong Người. Như Congar vốn nhấn mạnh: “Không có sự tự chủ của kinh nghiệm thần khí đối với Ngôi Lời và do đó đối với Chúa Kitô. Lời tuyên xưng: ‘Chúa Giêsu là Chúa’ là tiêu chuẩn cho thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động”. Và ngài khẳng định, “Chỉ có một thân thể được Chúa Thánh Thần xây dựng và làm cho sống động, đó là thân thể của Chúa Kitô.” Nói tóm lại, không có Thần Trí lơ lửng (untethered), không có Thân thể không đầu. Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Kitô; và Chúa Kitô là Đầu duy nhất của Thân Thể là Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với tính cụ thể đặc trưng của mình, đã khuyến khích các cử tri Hồng Y trong Thánh lễ ở Nhà nguyện Sistine sau cuộc bầu cử ngài: “Chúng ta có thể đi bao nhiêu tùy thích, chúng ta có thể xây dựng nhiều thứ, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thì mọi thứ sẽ sai lầm. Chúng ta có thể trở thành một tổ chức từ thiện phi chính phủ, nhưng không phải là Giáo hội, Hiền thê của Chúa… Khi chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, câu nói của Léon Bloy xuất hiện trong tâm trí tôi: 'Ai không cầu nguyện với Chúa là cầu nguyện với ma quỷ.' Khi chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, chúng ta tuyên xưng tính thế gian của ma quỷ, một tính thế gian ma quỷ.”

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình bằng những lời chắc chắn cũng liên quan đến những người tham dự Thượng hội đồng sắp tới: “Ước muốn của tôi là tất cả chúng ta, sau những ngày hồng ân này, sẽ có can đảm, vâng, can đảm, để bước đi trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa; xây dựng Giáo Hội trên máu Chúa đã đổ ra trên Thánh Giá; và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất: Chúa Kitô chịu đóng đinh. Và theo cách này, Giáo hội sẽ tiến lên.”
 
VietCatholic TV
Chung nhịp đập với Giáo Hội Hoàn Vũ - Phóng Sự Đặc Biệt WYD Lisbon: Tường trình ngày 28/7/2023
Túy Vân – Thông tín viên tại Trung Tâm Báo Chí WYD Lisbon
02:02 31/07/2023
 
Tư Lệnh Lữ Đoàn Ma của Nga tử trận. Nga mất tinh thần vì vụ tấn công Moscow: Putin sẽ phải ra đi
VietCatholic Media
03:28 31/07/2023


1. Tư Lệnh Lữ Đoàn 'ma' của Nga bị loại khỏi vòng chiến ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's 'Ghost' Battalion Commander Killed in Ukraine”, nghĩa là “Tư Lệnh Lữ Đoàn 'ma' của Nga bị loại khỏi vòng chiến ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tin tức về cái chết của Bogachenko đã được báo cáo bởi Đại tá Lực lượng Vũ trang Ukraine, Anatoly Shtefan, trong khi kênh Telegram của Nga “Phóng viên Quân sự Mùa xuân Nga” đưa tin rằng chỉ huy đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ gần Klishchiivka, một khu định cư phía nam Bakhmut ở Donetsk, miền đông Ukraine.

Anh ta được cho là Tư Lệnh của Lữ đoàn Prizrak (có nghĩa là “Lữ đoàn ma”) của Lực lượng vũ trang Nga. Lữ đoàn ma là lực lượng dân quân ly khai thân Nga hoạt động ở khu vực Donbas của Ukraine. Nó được thành lập ở khu vực Luhansk vào năm 2014 khi các lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine và sáp nhập trái phép bán đảo Crimea ở Hắc Hải.

Đã gần hai tháng Ukraine nỗ lực giành lại lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ trong suốt cuộc chiến kéo dài 17 tháng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thừa nhận rằng các lực lượng của ông đang tiến chậm trong cuộc phản công được mong đợi từ lâu bắt đầu vào đầu tháng 6.

Viện nghiên cứu chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington DC đã công bố bản đồ lãnh thổ do Nga kiểm soát ở khu vực Bakhmut vào ngày 25/7 và cho biết lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục các hoạt động phản công trên ít nhất ba khu vực của chiến tuyến. ISW cho biết các trận chiến quan trọng ở miền đông Ukraine đang diễn ra bên ngoài các khu định cư Klishchiivka, Kurdiumivka và Orikhovo-Vasylivka.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cũng cho biết trong một bản cập nhật hoạt động tuần này rằng các lực lượng Ukraine đã tiến hành các chiến dịch tấn công theo hướng Bakhmut.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận qua email.

Theo hãng tin Focus của Ukraine, các chỉ huy trước đây của Lữ đoàn ma, Alexei Mozgovoy và Alexei Markov, lần lượt qua đời vào năm 2015 và 2020.

“Chỉ huy của Tiểu đoàn ma, Artur Bogachenko, đã xuất ngũ thành công. Anh ta đã đến thăm Mozgovoy và Markov,” Đại tá Shtefan cho biết trên kênh Telegram của mình, đồng thời đăng một bức ảnh của viên chỉ huy này.

Tổng thống Ukraine Zelenskiy cho biết vào ngày 22 tháng 7 rằng cuộc phản công của ông sắp “tăng tốc”.

Ông nói: “Chúng ta đang đến gần thời điểm mà các hành động liên quan có thể tăng tốc vì chúng ta đã đi qua một số địa điểm bị gài mìn và chúng ta đang rà phá bom mìn ở những khu vực này”.

Andriy Zagorodnyuk, cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine tại Kyiv, nói với Newsweek hôm thứ Sáu rằng hoạt động đang diễn ra là “cơ hội” và có chủ ý nhanh nhẹn, đồng thời nói thêm rằng Ukraine đã “cho nổ một lượng lớn kho đạn dược trong những tháng gần đây.” Ít nhất bốn cơ sở như vậy đã bị tấn công kể từ khi cuộc phản công của Kyiv bắt đầu.

2. Video cho thấy vụ nổ lớn ở Mạc Tư Khoa sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được báo cáo

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Videos Show Massive Explosion in Moscow After Reported Drone Attack”, nghĩa là “Video cho thấy vụ nổ lớn ở Mạc Tư Khoa sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được báo cáo.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Đoạn phim mới đầy kịch tính lan truyền trên mạng dường như cho thấy một vụ nổ ở Mạc Tư Khoa sau khi Điện Cẩm Linh cáo buộc Ukraine về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới vào thủ đô.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết như trên vào đầu ngày Chúa Nhật rằng Mạc Tư Khoa đã bị tấn công bằng ba máy bay không người lái của Ukraine, đây là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà Điện Cẩm Linh đã đổ lỗi cho Kyiv.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết một máy bay không người lái đã bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không ở phía tây Mạc Tư Khoa, với hai phương tiện bay không người lái khác bị hệ thống tác chiến điện tử khống chế.

Chính phủ Nga cho biết những chiếc máy bay không người lái này “mất kiểm soát” và đâm vào một tòa nhà phi dân cư. Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergey Sobyanin cho biết tòa nhà của hai tòa tháp văn phòng “bị hư hại nhẹ”.

Trong một đoạn clip do kênh tin tức Baza của Nga đăng tải, camera trên bảng điều khiển của một phương tiện dường như đang ở trong khu vực xảy ra vụ nổ đã bắt được một tia sáng màu cam vào khoảng 4 giờ sáng giờ địa phương. Trong một đoạn video khác lan truyền trên mạng xã hội, một quả cầu lửa bùng lên kèm theo âm thanh của một vụ nổ, tạo ra những cột khói bốc lên bầu trời.

Newsweek không thể xác minh độc lập đoạn phim.

Hãng thông tấn Tass của nhà nước Nga, dẫn lời các quan chức khẩn cấp, đưa tin rằng một nhân viên bảo vệ đã bị thương. Theo báo cáo, các máy bay không người lái đã khiến một trong những sân bay chính của Mạc Tư Khoa phải đóng cửa trong thời gian ngắn và khiến hơn 20 chuyến bay bị hoãn. Thư ký báo chí Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói với Tass rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “tất nhiên” đã được thông báo về vụ việc.

Các quan chức Ukraine đã không bình luận công khai, và thường kiềm chế không làm như vậy đối với các cuộc tấn công bị cáo buộc trong lãnh thổ Nga, đây là một chủ đề gây tranh cãi đối với các đồng minh của Kyiv.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận qua email vào Chúa Nhật.

Vụ tấn công bị cáo buộc xảy ra gần như đồng thời với những gì Nga nói là một cuộc tấn công bằng 25 máy bay không người lái vào bán đảo Crimea đã sáp nhập. Tổng cộng 15 máy bay không người lái đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt và 9 chiếc bị đánh chặn bằng hệ thống tác chiến điện tử, Igor Konashenkov cho biết vào sáng Chúa Nhật.

Mạc Tư Khoa đã đổ lỗi cho Kyiv về một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thủ đô trong những tháng gần đây. Hôm thứ Sáu, Sobyanin cho biết một máy bay không người lái khác đã bị bắn hạ ở Mạc Tư Khoa, chỉ vài ngày sau khi thị trưởng thủ đô cho biết đã có các cuộc tấn công nhằm vào hai tòa nhà phi dân cư.

Đầu tháng này, các quan chức Nga cho biết một số máy bay không người lái đã bị bắn hạ hoặc bị chặn do gây nhiễu ở Mạc Tư Khoa, khiến các chuyến bay đến và đi từ sân bay Vnukovo bị tạm dừng.

Vào đầu tháng 5, Điện Cẩm Linh cho biết Ukraine đã tiến hành một “cuộc tấn công khủng bố có kế hoạch và một vụ ám sát nhằm vào tổng thống” được thực hiện trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng hàng năm. Vào ngày 30 tháng 5, Nga cho biết tám máy bay không người lái đã tấn công vào một số khu vực ở Mạc Tư Khoa.

3. Ba Lan báo động khi các đồng minh của Putin gợi ý Wagner sẽ xâm chiếm quốc gia NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Poland Sounds Alarm as Putin Allies Suggest Wagner Will Invade NATO Country”, nghĩa là “Ba Lan báo động khi các đồng minh của Putin gợi ý Wagner sẽ xâm chiếm quốc gia NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm thứ Bảy đã cảnh báo rằng Tập đoàn Wagner có thể đang lên kế hoạch cho một “cuộc tấn công hỗn hợp” chống lại đất nước của ông sau khi tổ chức bán quân sự này di chuyển hơn 100 binh sĩ đến gần Suwałki Gap.

Căng thẳng giữa Ba Lan và Tập đoàn Wagner đã gia tăng trong những tuần gần đây trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về một cuộc xâm lược đang rình rập bắt đầu sau khi tổ chức này, vốn đã chiến đấu bên cạnh quân đội Nga trong nhiều tháng trong cuộc xâm lược Ukraine, đã bị trục xuất về Belarus sau một cuộc binh biến cố gắng chống lại giới lãnh đạo quân sự trong Bộ Quốc phòng Nga về cuộc xâm lược lúng túng của nó vào quốc gia Đông Âu.

Sự hiện diện của Tập đoàn Wagner tại Belarus đã làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể xâm lược Ba Lan để giành quyền kiểm soát khoảng trống Suwałki, một hành lang nhỏ nhưng quan trọng nằm dọc biên giới phía đông bắc của Ba Lan ngăn cách Nga với vùng đất tách rời Kaliningrad. Nếu Tập đoàn Wagner và Nga kiểm soát hành lang, đó họ sẽ cô lập các quốc gia Baltic với phần còn lại của Âu Châu, có khả năng cho phép Mạc Tư Khoa gây ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia này.

Morawiecki cho biết hôm thứ Bảy rằng tình báo Ba Lan cho rằng hơn 100 binh sĩ Wagner đã được di chuyển về phía biên giới, cảnh báo rằng tình hình đang trở nên nguy hiểm hơn, theo một báo cáo từ hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda.

“Đây chắc chắn là một bước tiến tới một cuộc tấn công hỗn hợp hơn nữa vào lãnh thổ Ba Lan,” Morawiecki nói. “Họ có khả năng cải trang thành lính biên phòng Belarus và sẽ giúp những người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Ba Lan, gây bất ổn cho Ba Lan, nhưng họ cũng có khả năng cố gắng vào lãnh thổ Ba Lan giả làm người nhập cư bất hợp pháp, điều này tạo ra thêm rủi ro.”

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Newsweek trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng các quan chức biết rằng một số chiến binh Wagner đang ở Belarus và đang theo dõi tình hình. Phát ngôn nhân nói thêm rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết bảo vệ từng inch lãnh thổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

Ba Lan là một quốc gia thành viên của NATO, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại nó sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh quân sự, theo Điều 5 của hiệp ước thành lập. Điều này có nghĩa là nó có thể sẽ gây ra phản ứng quân sự từ Mỹ và phần lớn Âu Châu.

“Sự xuất hiện của lực lượng Prigozhin và Wagner ở Belarus là một ví dụ khác về việc Lukashenko nhường quyền kiểm soát và ra quyết định nhiều hơn cho Điện Cẩm Linh, trái với lợi ích và mong muốn của người dân Belarus”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố của mình. “Chúng tôi tiếp tục xem xét kỹ lưỡng các hành động mà lực lượng Wagner thực hiện đi ngược lại lợi ích của các quốc gia nơi họ hoạt động và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động để buộc họ phải chịu trách nhiệm.”

Trong khi đó, Olga Skabeyeva, người dẫn chương trình 60 Minutes của đài truyền hình nhà nước Nga, cũng gợi ý trong một chương trình gần đây rằng Tập đoàn Wagner có thể tấn công Ba Lan.

“Các nhóm giám sát thân phương Tây báo cáo rằng đoàn xe thứ 12 của công ty quân sự tư nhân Wagner đã đến Belarus. Theo họ, đoàn xe mới bao gồm ít nhất 50 phương tiện: xe bọc thép, xe buýt, xe tải, xe bán tải, xe chở xăng dầu và thậm chí cả một máy xúc. Cái cuối cùng, có lẽ, sẽ cần thiết để phá bỏ hàng rào mà Warsaw đã xây dựng ở biên giới Belarus-Ba Lan,” cô ta nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ba Lan để bình luận.

Cảnh báo của Ba Lan được đưa ra sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng với Nga

Cảnh báo mới nhất của Morawiecki sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ba Lan. Đầu tháng này, Ba Lan đã chuyển ít nhất 1.000 binh sĩ tới biên giới với Belarus trong bối cảnh lo ngại rằng sự hiện diện của Tập đoàn Wagner tại nước này có thể gây bất ổn cho khu vực.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp lại những lo ngại của Ba Lan, nói rằng Ba Lan dường như muốn kiểm soát “vùng đất lịch sử” mà không có bằng chứng. Ông nói thêm rằng Ba Lan muốn chiếm “một phần lớn Ukraine” và cũng “mơ về vùng đất của Belarus”, Politico đưa tin.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh quan trọng của Putin, người đã môi giới một thỏa thuận với Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo và người sáng lập nhóm bán quân sự, để chấm dứt cuộc nổi dậy của Wagner, cho biết vào Chúa Nhật tuần trước rằng nhóm này muốn hành quân đến Ba Lan.

“Có lẽ tôi không nên nói ra, nhưng tôi sẽ nói. Các chiến binh Wagner bắt đầu gây căng thẳng cho chúng tôi. Họ nói với chúng tôi rằng 'Chúng tôi muốn đến phương Tây. Hãy để chúng tôi đi,’” Lukashenko nói với Putin trong một cuộc họp ở St. Petersburg.

“Tại sao các bạn cần phải đi đến phương Tây? 'Chúng tôi muốn thực hiện một chuyến du ngoạn tới Warsaw, tới Rzeszow,' họ đáp” Lukashenko nói. “Như đã thỏa thuận, tôi giữ họ ở trung tâm của Belarus.”

4. Putin nói hải quân Nga sẽ nhận 30 tàu mới trong năm nay

Tổng thống Vladimir Putin cho biết hải quân Nga sẽ nhận 30 tàu mới trong năm nay, Reuters đưa tin.

Ông Putin đã đưa ra tuyên bố này tại một buổi lễ ở St Petersburg để đánh dấu Ngày Hải quân hàng năm của Nga sau khi duyệt binh trên sông Neva.

Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi hải quân Nga trong một bài phát biểu tại cuộc diễn hành tàu chiến hàng năm mà ông đã tham dự cùng với một số nhà lãnh đạo Phi Châu, AFP đưa tin.

Không đề cập đến Ukraine trong bài phát biểu của mình, Putin đã ca ngợi “các thủy thủ đoàn tàu chiến và tàu ngầm dũng cảm”.

Ông nói thêm:

Nhân danh nước Nga, các thủy thủ của chúng ta sẽ dốc hết sức lực, thể hiện chủ nghĩa anh hùng thực sự và chiến đấu anh dũng, giống như tổ tiên vĩ đại của chúng ta.

Ngày nay, Nga đang tự tin thực hiện các yếu tố chính trong chính sách hàng hải quốc gia của mình và không ngừng xây dựng sức mạnh của hải quân.

Điện Cẩm Linh cho biết 45 tàu, thuyền đã tham gia cuộc duyệt binh cùng với khoảng 3.000 quân nhân.

St Petersburg đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi Châu vào đầu tuần này.

Một số nhà lãnh đạo và đại diện của các quốc gia Phi Châu bao gồm Mali và Burkina Faso đã tham dự cuộc diễn hành vào Chúa Nhật.

5. Mạc Tư Khoa cho biết hôm Chúa Nhật, các lực lượng của họ đã ngăn chặn một nỗ lực của Ukraine nhằm tấn công Crimea do Nga sáp nhập bằng 25 máy bay không người lái chỉ trong một đêm.

“Mười sáu máy bay không người lái của Ukraine đã bị tiêu diệt bởi hỏa lực phòng không”, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói

“9 máy bay không người lái khác của Ukraine đã bị áp chế bởi các phương tiện tác chiến điện tử và không đến được mục tiêu, đã rơi xuống Hắc Hải”, Konashenkov cho biết và nhấn mạnh thêm rằng không có nạn nhân nào.

Konashenkov cũng cho rằng ba máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ ở Mạc Tư Khoa vào sáng sớm Chúa Nhật. Vụ tấn công đã làm hư hại hai tòa tháp văn phòng và khiến một sân bay quốc tế phải đóng cửa trong thời gian ngắn.

6. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ vạch trần chiêu thức tuyên truyền mới của các blogger quân sự Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Bloggers Share Old Tank Video To Overstate Ukraine Losses: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng các blogger Nga chia sẻ video về xe tăng cũ để nói quá lên về tổn thất của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Theo một đánh giá mới, các blogger quân sự Nga, một phe có ảnh hưởng trong lĩnh vực quân sự và chính trị của Nga, đang “cố tình khuếch đại các đoạn phim cũ để hỗ trợ cho câu chuyện của Điện Cẩm Linh” ở Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết trong đánh giá mới nhất của mình rằng các nhà bình luận quân sự, nhiều người trong số họ có lượng người theo dõi lớn trên ứng dụng nhắn tin Telegram, đã chia sẻ đoạn phim hôm thứ Bảy cho thấy quân đội Ukraine bị đánh bại bởi một chiếc xe tăng Nga.

Các blogger quân sự Nga, hay các millblogger, thường tự nhận mình ở tiền tuyến hoặc có người liên hệ cung cấp cho họ thông tin tình báo từ cuộc chiến, và thường xuyên đăng các bản cập nhật về các hoạt động của Nga và Ukraine cho những người theo dõi họ. Nhiều người có quan điểm ủng hộ Điện Cẩm Linh, nhưng có một số đã chỉ trích cách các lực lượng Nga đang tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.

Kênh Rybar, có gần 1,2 triệu người ghi danh, đã mô tả đoạn phim hôm thứ Bảy là một “video tuyệt vời” về cuộc chiến ở khu vực Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine, một điểm nóng trong cuộc phản công đang diễn ra của Kyiv. Trong bài đăng, tài khoản này cho biết 2 xe tăng và 6 xe bọc thép của Ukraine đã bị phá hủy bởi một xe tăng Nga.

Nhưng ISW cho biết đoạn phim thực ra đã được ghi lại vào ngày 7 tháng 6 và có tựa đề là “các đơn vị pháo binh Nga tấn công hàng công voa Ukraine”. Việc chia sẻ rộng rãi đoạn phim này dưới vỏ bọc các clip mới từ tiền tuyến cho thấy rằng các nguồn thân Mạc Tư Khoa “đang cố tình khuếch đại các đoạn phim cũ để hỗ trợ tường thuật của Điện Cẩm Linh,” tổ chức tư vấn này cho biết thêm.

ISW nhấn mạnh rằng các nguồn tin Nga trước đây đã chia sẻ các đoạn phim cũ để chứng minh cho các báo cáo về tổn thất xe bọc thép của Ukraine.

Viện này cho biết một số blogger đang “ngày càng phóng đại những tổn thất của Ukraine và viết ít hơn về những tổn thất và thách thức của Nga”.

Một số blogger quân sự nổi tiếng này có thể đang thay đổi quan điểm về cuộc phản công của Ukraine để phù hợp hơn với Điện Cẩm Linh vì sợ bị trừng phạt sau vụ bắt giữ Igor Girkin, một cựu chỉ huy cấp cao của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. xe tăng cho biết.

Girkin, một blogger ủng hộ chiến tranh và là cựu nhân viên dịch vụ an ninh của Điện Cẩm Linh, đã chỉ trích gay gắt cách Mạc Tư Khoa giải quyết cuộc xâm lược Ukraine. Anh ta đã bị bắt ở thủ đô của Nga vào đầu tháng này với cáo buộc kích động chủ nghĩa cực đoan, là điều mà anh ta đã phủ nhận.

ISW cho biết vụ bắt giữ xảy ra khi Ukraine tiếp tục phản công, tiến hành các hoạt động ở ít nhất ba khu vực trên chiến tuyến vào hôm thứ Bảy. Các chiến binh của Kyiv đã đạt được tiến bộ ở một số khu vực, bao gồm cả phía tây nam của thành phố Bakhmut đang bị tranh chấp khốc liệt, nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Vào hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội của họ đã đẩy lùi 7 cuộc tấn công của lực lượng Kyiv xung quanh các thành phố ở Donetsk và họ đã phá hủy một số kho đạn dược của Ukraine.

Nga đã tấn công các mục tiêu bằng 4 máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất vào đầu giờ sáng Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết.

Mạc Tư Khoa tuyên bố đã giết chết 660 binh sĩ Ukraine trong 24 giờ qua, trong khi Kyiv nói rằng Nga đã mất 480 người trong cùng thời gian. Newsweek không thể xác minh độc lập một trong hai tuyên bố.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để đưa ra bình luận vào Chúa Nhật.

7. 'Chúng tôi đã không từ chối họ': Putin nói rằng kế hoạch Phi Châu có thể là cơ sở cho hòa bình, nhưng có các yếu tố 'khó khăn hoặc không thể'

Vladimir Putin đã nói về sáng kiến hòa bình Phi Châu tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Phi Châu ở St Petersburg, nơi họ đã thúc giục ông xúc tiến kế hoạch hòa bình của họ.

Putin nói rằng đề xuất của Phi Châu có thể là cơ sở cho hòa bình ở Ukraine, nhưng các cuộc tấn công của Ukraine khiến điều đó khó thành hiện thực.

Ông nói: “Có những điều khoản của sáng kiến hòa bình này đang được thực hiện. Nhưng có những điều rất khó hoặc không thể thực hiện được.”

Putin nói rằng một trong những điểm của sáng kiến này là ngừng bắn. “Nhưng quân đội Ukraine đang tấn công, họ đang tấn công, họ đang thực hiện một chiến dịch tấn công chiến lược quy mô lớn… Chúng tôi không thể ngừng bắn khi đang bị tấn công”.

Về vấn đề bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình, ông nói, “Chúng tôi không từ chối đề xuất của họ...Nhưng để quá trình này bắt đầu, cần phải có sự đồng ý của cả hai bên.”

Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ ý tưởng ngừng bắn ngay bây giờ, vì điều đó sẽ khiến Nga kiểm soát gần 20% đất nước của ông và cho lực lượng của họ thời gian để tập hợp lại sau 17 tháng chiến tranh. Mạc Tư Khoa từ lâu đã lập luận rằng họ sẵn sàng đối thoại nhưng Kyiv sẽ phải chấp nhận “thực tế lãnh thổ mới” của họ.

8. Putin gặp gỡ truyền thông: 'Mọi người cần tuân theo những quy tắc nhất định'

Phát biểu trong cùng một cuộc họp báo, Putin đã bảo vệ một cuộc đàn áp chưa từng có đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Nga vào thời điểm xảy ra “xung đột vũ trang” với Ukraine, và kêu gọi mọi người tuân theo “các quy tắc nhất định”.

“Bây giờ là năm 2023 và Nga đang tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang với một nước láng giềng. Và tôi nghĩ rằng nên có một thái độ nhất định đối với những người làm hại chúng ta trong nước,” ông Putin nói với các phóng viên ở St Petersburg.

“Chúng ta phải ghi nhớ rằng để đạt được thành công, kể cả trong khu vực xung đột, mọi người cần tuân theo các quy tắc nhất định”.

Putin đã đưa ra lập trường trên để trả lời câu hỏi của một phóng viên yêu cầu ông ta bình luận về việc bỏ tù gần đây một giám đốc nhà hát và một nhà xã hội học.

“Mọi người bị bắt vì những lời họ nói hoặc viết. Điều này có bình thường không?” Andrei Kolesnikov, một phóng viên kỳ cựu của nhật báo Kommersant, đặt câu hỏi với Putin.

Tuần này, chính quyền Nga đã bắt giữ nhà xã hội học nổi tiếng Boris Kagarlitsky, 64 tuổi và cáo buộc ông kêu gọi khủng bố trực tuyến. Và vào tháng 5, một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã ra lệnh bắt giữ giám đốc nhà hát Yevgeniya Berkovich, 38 tuổi, với cáo buộc “biện minh cho chủ nghĩa khủng bố” về một vở kịch từng đoạt giải thưởng về những phụ nữ Nga được tuyển chọn qua mạng để kết hôn với những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria.

Putin nói rằng ông không biết Kagarlitsky và Berkovich là ai.

“Tôi nghe thấy những cái tên này lần đầu tiên và không thực sự hiểu họ đã làm gì hoặc những gì đã xảy ra với họ”, ông Putin nói. “Tôi chỉ nói với bạn về thái độ chung của tôi đối với vấn đề.”

Những lời chỉ trích liên quan đến cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa ở Ukraine đã bị đặt ngoài vòng pháp luật và hầu hết các thành viên nổi bật của phe đối lập tự do đều phải ngồi tù hoặc sống lưu vong.

Tuần trước, chính quyền đã bắt giữ cựu chỉ huy phe ly khai và blogger theo chủ nghĩa dân tộc Igor Girkin với cáo buộc “cực đoan” sau khi ông này chỉ trích Putin.

9. Tình báo Anh nhận định Putin sẽ phải ra đi trong vòng một năm tới

Ký giả Imogen Braddick của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “TIME'S UP Putin will be gone within a year and the West MUST be ready for his terrifying replacement, warns ex-MI6 spy”, nghĩa là “GIỜ ĐÃ ĐIỂM. Putin sẽ ra đi trong vòng một năm và phương Tây PHẢI sẵn sàng cho sự thay thế đáng sợ của ông, cựu điệp viên MI6 cảnh báo.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Triều đại nắm đấm sắt kéo dài 20 năm của VLADIMIR Putin sẽ kết thúc trong vòng một năm, một cựu điệp viên MI6 tuyên bố.

Christopher Steele, người điều hành bộ phận Nga của MI6 từ năm 2006 đến 2009, cho biết phương Tây cần “chuẩn bị cho sự kết thúc của kỷ nguyên Putin”.

Sau hai thập kỷ nắm quyền bính, quyền kiểm soát một thời không thể nghi ngờ của Putin đối với nước Nga dường như đã kết thúc sau cuộc nổi loạn Wagner và cuộc chiến thảm khốc ở Ukraine.

Sau cuộc binh biến phi thường của Yevgeny Prigozhin, các chuyên gia đã cảnh báo rằng “những con nhện độc” của Cẩm Linh đã hết máu.

Đặt ra các tình huống có thể xảy ra, Steele cho rằng bạo chúa có thể bị ám sát bởi quân nổi dậy trong nước - hoặc bởi một âm mưu từ bên ngoài nước Nga.

Anh ta nói với Sky News rằng đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với phương Tây vì “tất cả các dự tính đều không còn đúng nữa” - và có khả năng xảy ra “đổ máu”.

Nhưng Steele cũng chỉ ra “những nguồn rất đáng tin cậy nói với chúng tôi rằng ông ấy đã bị ốm một thời gian” - cho thấy Putin có thể đột ngột qua đời vì bệnh tật.

Nhà lãnh đạo có thể bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy vũ trang, hoặc thậm chí quyết định đã đến lúc ra đi và từ chức trong cuộc bầu cử tiếp theo vào tháng 3 năm 2024, Steele nói thêm.

Nhưng ông giải thích rằng cái kết rất có thể dành cho Putin sẽ là một động thái “bạo lực” để giết hoặc lật đổ ông ta.

Steele nói: “Một động thái được thực hiện một cách bạo lực, nếu cần thiết, để giết hoặc lật đổ Putin để ủng hộ một đầu sỏ chế độ khác.”

“Nhưng đó sẽ là một người đã tránh xa chiến tranh và sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh một cách thực sự với phương Tây.”

Và cựu điệp viên tiết lộ giám đốc FSB Alexander Bortnikov có thể là một trong những người đi đầu trong việc giành lấy quyền lực từ Putin, Steele nói.

Ông cho biết “ngôi sao đang lên” Aleksey Dyumin, thống đốc vùng Tula, là một người kế vị tiềm năng khác, cùng với nhà tài phiệt Igor Sechin và cựu thủ tướng Nga Viktor Zubkov.

Bortnikov hiện là giám đốc của FSB Nga - khiến ông trở thành một trong những người quyền lực nhất ở Nga và là một thành viên có ảnh hưởng trong vòng thân cận của Putin.

Giống như Putin, ông là cựu sĩ quan KGB và gặp Putin lần đầu khi hai người đóng quân cùng nhau ở Leningrad - nay là Saint Petersburg - vào những năm 1970.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2008, Putin đáng sợ được cho là đã biến FSB thành “thanh kiếm trừng phạt” của chế độ Putin.

Theo Trung tâm Dossier, tổ chức này vừa là bộ não vừa là trái tim của chính phủ Putin và hoạt động như một “nhà nước trong nhà nước”.

Không lâu sau khi Putin được bổ nhiệm làm quyền tổng thống, Bortnikov lần đầu tiên được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh Kinh tế của Nga, nắm trong tay quyền lực và đòn bẩy khổng lồ.

Ông cũng là một trong số ít người ở Nga được phong quân hàm Đại tướng.

Và vào năm 2006, người ta cho rằng Bortnikov đã tham gia vào chiến dịch ám sát Alexander Litvinenko.

Nhưng Steele cho biết Putin có thể chọn ủng hộ Dmitry Patrushev, con trai của thư ký Hội đồng An ninh Nga, hoặc Aleksey Dyumin làm nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga.

Và ông cảnh báo rằng điều này có nghĩa là “ít hoặc không có thay đổi gì đối với cuộc chiến ở Ukraine”.

“Nhưng nguy hiểm tối thiểu của phương Tây là họ sẽ phải đối mặt với một nhà lãnh đạo Nga chưa được chứng minh là không đáng tin cậy, chưa được biết đến như một kẻ dối trá và chưa bị truy tố về tội ác chiến tranh”, Steele nói thêm.

Steele cho biết: “Tôi nghĩ hiện giờ có sự bất an thực sự giữa những người chủ chốt trong giới lãnh đạo.”

“Không chỉ trong lực lượng vũ trang nơi các tướng lĩnh đã công khai chỉ trích Putin và Điện Cẩm Linh vì ủng hộ chiến tranh - điều chưa từng có - mà nói chung hơn là ý tưởng về quỹ đạo của nước Nga hiện nay: được lãnh đạo bởi một tổng thống từng bị truy tố vì tội ác chiến tranh, kẻ đang dẫn dắt nền kinh tế Nga đi vào con đường cùng.”

Steven L. Hall, cựu lãnh đạo tình báo CIA của Nga, cho biết giới tinh hoa quân đội Nga là “mối đe dọa thực sự” đối với Putin.

“Những người như Patrushev và Bortnikov không chỉ sở hữu quyền lực cứng rắn mà còn biết cách sử dụng nó và có xu hướng làm như vậy”, ông nói với The Washington Post năm ngoái.

“Các siloviki sẵn sàng sử dụng hỗn hợp quyền lực cứng và bí mật chết người này khi một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống kleptocracy của Nga xuất hiện.”

Siloviki trong tiếng Nga có nghĩa là “những người có quyền lực” hoặc “những người đàn ông mạnh mẽ” - thuật ngữ dành cho các cựu quân nhân hiện đang nắm giữ các vị trí chính trị.

Ông Hall nói thêm: “Họ có vũ khí và nhân sự để đe dọa Putin.”

“Họ biết cách hoạt động dưới sự giám sát của Putin, bởi vì chính họ là những người chịu trách nhiệm về việc tạo ra hệ thống giám sát đó.

“Và mặc dù có lý khi cho rằng Putin có một số phương tiện để giám sát siloviki, nhưng ông ấy sẽ không thể theo dõi hành động của họ một cách liên tục và với độ chính xác cao, xét đến tất cả các vấn đề khác trong tầm tay của ông ấy.”
 
Trước tiếng khóc của hàng triệu người đang chịu nạn đói, và người nghèo, ĐTC hạ cố, cầu xin Putin
VietCatholic Media
05:04 31/07/2023


1. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Nga tham gia lại thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm Chúa Nhật kêu gọi Nga tham gia lại một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang thị trường quốc tế, giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực toàn cầu đã và đang trở nên tồi tệ hơn do cuộc chiến của Mạc Tư Khoa.

“Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện cho Ukraine đang bị bao vây, nơi chiến tranh đang phá hủy mọi thứ, ngay cả ngũ cốc. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa, vì ngũ cốc là món quà của Ngài để nuôi sống nhân loại; và tiếng khóc của hàng triệu anh chị em đang chịu nạn đói thấu tận Thiên Đàng. Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các nhà chức trách của Liên bang Nga, rằng Sáng kiến Hắc Hải có thể được khôi phục và ngũ cốc có thể được vận chuyển an toàn.”

Một số thông tin cơ bản: Thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian vào tháng 7 năm 2022 đã cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển, cụ thể là các tàu vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Hắc Hải của nước này và di chuyển an toàn qua tuyến đường thủy đến Eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng vươn ra thị trường toàn cầu.

Liên Hiệp Quốc cho biết điều này chứng tỏ tầm quan trọng trong việc ổn định giá lương thực toàn cầu và mang lại sự cứu trợ cho các nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu của Ukraine.

Nga đã rút khỏi hiệp định vào ngày 17 tháng 7, lập luận rằng họ đang bị ngăn cản xuất khẩu lương thực của chính mình. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết mục tiêu chính của thỏa thuận - cung cấp ngũ cốc cho các nước có nhu cầu - đã không thành hiện thực.

Chuyện gì đã xảy ra kể từ khi thỏa thuận sụp đổ: Nga đã mở một loạt cuộc tấn công vào nguồn cung cấp ngũ cốc ở các thành phố quan trọng của Ukraine, bao gồm cả thành phố cảng Odesa, quét sạch 60.000 tấn ngũ cốc, đủ để nuôi sống 270.000 người trong một năm, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward nói.

Trong khi đó, Nga đã tán tỉnh các nước Phi Châu. Putin thuyết phục họ tin rằng Mạc Tư Khoa là một nguồn thực phẩm đáng tin cậy. Putin đã đề nghị gửi ngũ cốc miễn phí tới lục địa này, nhưng Liên Hiệp Quốc nói rằng điều đó sẽ không bù đắp cho việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

2. Zelenskiy nói lời kêu gọi khôi phục thỏa thuận ngũ cốc của Đức Giáo Hoàng là quan trọng

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải là “quan trọng” và phản ứng của các nhà lãnh đạo tôn giáo đối với chiến tranh là rất quan trọng.

“Phản ứng của các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đối với vụ khủng bố bằng hỏa tiễn của Nga và phá hủy các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine là vô cùng quan trọng để bảo vệ toàn thế giới, và đặc biệt là các dân tộc ở Phi Châu và Á Châu, những người phải chịu đựng nhiều nhất trước mối đe dọa của nạn đói, thiếu lương thực và khủng hoảng,” ông nói.

Một số bối cảnh: Nga tuyên bố ngừng tham gia thỏa thuận vào ngày 17 tháng 7, làm dấy lên lo ngại về mất an ninh lương thực toàn cầu. Khi chỉ còn vài tháng nữa là đến vụ thu hoạch, các quan chức Mỹ và phương Tây đang tìm kiếm các phương án để vận chuyển thêm ngũ cốc ra khỏi Ukraine. Theo Ủy ban Âu Châu, quốc gia này chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch.

“Ukraine đang và sẽ là người bảo đảm an ninh lương thực của thế giới. Điều quan trọng bây giờ là ngăn chặn khủng bố của Nga và thực hiện đầy đủ Công thức Hòa bình,” Zelenskiy nói thêm, đề cập đến kế hoạch 10 điểm mà ông đã trình bày trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, năm ngoái. Các bước đi bao gồm lộ trình dẫn đến an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, một tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh của Nga và một hiệp ước hòa bình cuối cùng với Mạc Tư Khoa.

3. Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Phi Châu với Putin chẳng mang lại lợi ích gì

AFP có bài tường trình nhan đề “African leaders leave Russia summit without grain deal or path to end the war in Ukraine”, nghĩa là “Các nhà lãnh đạo Phi Châu rời hội nghị thượng đỉnh với Nga mà không có thỏa thuận ngũ cốc hay con đường chấm dứt chiến tranh ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

NAIROBI, Kenya – Các nhà lãnh đạo Phi Châu đang rời cuộc họp kéo dài hai ngày với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không có nhiều điều để chứng minh về những yêu cầu của họ nhằm nối lại một thỏa thuận giữ cho ngũ cốc chảy khỏi Ukraine và tìm ra con đường chấm dứt chiến tranh ở đó.

Putin trong một cuộc họp báo vào cuối ngày thứ Bảy sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi Châu cho biết việc Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc hồi đầu tháng này đã khiến giá ngũ cốc tăng cao có lợi cho các công ty Nga. Ông nói thêm rằng Mạc Tư Khoa sẽ chia sẻ một số doanh thu đó với “các quốc gia nghèo nhất”.

Cam kết đó, không có chi tiết, tuân theo lời hứa của Putin bắt đầu vận chuyển miễn phí 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc cho mỗi quốc gia trong số 6 quốc gia Phi Châu trong vòng 3 đến 4 tháng tới - một khối lượng thấp hơn nhiều so với 725.000 tấn mà Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc vận chuyển tới một số nước đói, Phi Châu và các nước khác, theo thỏa thuận ngũ cốc. Nga có kế hoạch gửi ngũ cốc miễn phí tới Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Eritrea và Cộng hòa Trung Phi.

Ít hơn 20 trong số 54 nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ của Phi Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh với Nga, trong khi 43 người tham dự cuộc họp trước đó vào năm 2019, phản ánh những lo ngại về việc Nga xâm lược Ukraine ngay cả khi Mạc Tư Khoa tìm kiếm thêm đồng minh trên lục địa Phi Châu có 1,3 tỷ dân. Putin ca ngợi Phi Châu là một trung tâm quyền lực đang lên trên thế giới, trong khi Cẩm Linh đổ lỗi cho áp lực “quá đáng” của phương Tây đã ngăn cản một số nước Phi Châu xuất hiện.

Các tổng thống của Ai Cập và Nam Phi là một trong những người thẳng thắn nhất về sự cần thiết phải nối lại thỏa thuận ngũ cốc.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết: “Chúng tôi muốn sáng kiến Hắc Hải được thực hiện và Hắc Hải phải được mở”. “Chúng tôi không ở đây để kêu gọi quyên góp cho lục địa Phi Châu.”

Putin cũng cho biết Nga sẽ phân tích đề xuất hòa bình của các nhà lãnh đạo Phi Châu đối với Ukraine, đề xuất này chưa được chia sẻ công khai. Nhưng nhà lãnh đạo Nga hỏi: “Tại sao các bạn lại yêu cầu chúng tôi ngừng bắn? Chúng ta không thể ngừng bắn khi đang bị tấn công.”

Thay vào đó, bước quan trọng tiếp theo trong các nỗ lực hòa bình dường như là một hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Ukraine tổ chức và Saudi Arabia đăng cai tổ chức vào tháng 8. Nga không được mời.

Các quốc gia Phi Châu tạo thành khối bỏ phiếu lớn nhất tại Liên Hiệp Quốc và bị chia rẽ nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác về các nghị quyết của Đại hội đồng chỉ trích hành động của Nga ở Ukraine. Các phái đoàn tại hội nghị thượng đỉnh ở St. Petersburg đã đi tham quan các khu trưng bày vũ khí, một lời nhắc nhở về vai trò của Nga với tư cách là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho lục địa Phi Châu.

Putin trong bài phát biểu hôm thứ Bảy cũng hạ thấp sự vắng mặt của mình tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế BRICS ở Nam Phi vào tháng tới trong bối cảnh tranh cãi về lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành đối với ông. Putin nói, sự hiện diện của ông ấy ở đó không “quan trọng hơn sự hiện diện của tôi ở đây, ở Nga”.

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30/7/2023

Chúa Nhật 30 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 17 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Tin Mừng thuật lại dụ ngôn người lái buôn đi tìm ngọc quý, Chúa Giêsu nói: “Khi tìm được một viên ngọc quý, ông đã bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13:46). Chúng ta hãy tạm dừng một chút về hành động của thương gia này, người đầu tiên tìm kiếm, rồi tìm thấy và cuối cùng là mua.

Hành động đầu tiên của người đàn ông này: tìm kiếm. Anh ta là một thương gia dám nghĩ dám làm, không đứng yên mà rời khỏi nhà và lên đường tìm kiếm những viên ngọc trai quý giá. Anh ta không nói: “Tôi hài lòng với những gì tôi có”; anh ta tìm kiếm những cái đẹp hơn. Và đây là lời mời gọi chúng ta đừng khép mình trong thói quen, trong sự tầm thường của những kẻ tự mãn, nhưng hãy làm sống lại khát vọng: hãy làm sống lại khát vọng, để khát vọng tìm kiếm, tiến tới không bị dập tắt; hãy nuôi dưỡng những ước mơ tốt lành, tìm kiếm sự mới mẻ của Chúa, vì Chúa không lặp đi lặp lại, Ngài luôn mang đến sự mới mẻ, sự mới mẻ của Thần Khí; Người luôn làm cho các thực tại của cuộc sống trở nên mới mẻ (x. Kh 21:5). Và chúng ta phải có thái độ này: đó là tìm kiếm.

Hành động thứ hai của thương gia là tìm kiếm. Ông là một người khôn ngoan, “có con mắt tinh tường” và biết cách nhận ra một viên ngọc trai có giá trị lớn. Điều này không dễ dàng. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ về những khu chợ phương Đông hấp dẫn, nơi những quầy hàng chất đầy hàng hóa chen chúc dọc theo những bức tường của những con phố chật kín người; hoặc của một số quầy hàng mà người ta thấy ở nhiều thành phố, đầy sách và nhiều đồ vật khác nhau. Đôi khi ở những khu chợ này, nếu dừng lại nhìn kỹ, người ta có thể phát hiện ra những kho báu: những thứ quý giá, những của hiếm hoi, lẫn lộn với mọi thứ khác, thoạt nhìn không thể nhận ra. Nhưng người lái buôn trong dụ ngôn có con mắt tinh tường và biết cách tìm, anh ta biết cách “phân biệt” để tìm ra viên ngọc trai. Đây cũng là một bài học cho chúng ta: mỗi ngày, ở nhà, trên đường phố, nơi làm việc, ngày nghỉ, chúng ta có khả năng nhận ra điều tốt. Và điều quan trọng là phải biết cách tìm ra những gì quan trọng: rèn luyện bản thân để nhận ra những viên ngọc quý của cuộc sống và phân biệt chúng với những thứ rác rưởi. Chúng ta đừng lãng phí thời gian và tự do vào những thứ tầm thường, những trò tiêu khiển khiến chúng ta trống rỗng bên trong, trong khi cuộc sống cống hiến cho chúng ta mỗi ngày viên ngọc quý của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với người khác! Cần phải biết cách nhận ra nó: biện phân để tìm thấy nó.

Và hành động cuối cùng của thương gia: anh ta mua viên ngọc trai. Nhận ra giá trị to lớn của nó, anh ta bán tất cả mọi thứ, anh ta hy sinh tất cả của cải của mình chỉ để có nó. Anh ta thay đổi hoàn toàn kho báu của mình; không còn gì khác ngoài viên ngọc trai đó: nó là của cải duy nhất của anh ta, là ý nghĩa của hiện tại và tương lai của anh ta. Đây cũng là một lời mời cho chúng ta. Nhưng vì cái gì mà người ta có thể từ bỏ tất cả để đổi lấy viên ngọc mà Chúa nói với chúng ta? Thưa: Viên ngọc này là Ngài: đó là Chúa! Tìm Chúa và gặp Chúa, gặp Chúa, sống với Chúa. Viên ngọc trai là Chúa Giêsu: Ngài là viên ngọc quý của cuộc sống, được tìm kiếm, tìm thấy và trở thành của mình. Thật đáng để đầu tư mọi sự vào Ngài, bởi vì khi một người gặp gỡ Chúa Kitô, cuộc đời sẽ thay đổi như thế này, phải không? Cuộc sống của anh chị em… anh chị em gặp Chúa Kitô và theo cách này, cuộc sống của anh chị em thay đổi.

Sau đó, chúng ta hãy tiếp tục ba hành động của thương gia: tìm kiếm, nhận ra và mua – và tự hỏi mình một số câu hỏi. Tìm kiếm: tôi có đang tìm kiếm, trong cuộc sống của tôi không? Tôi có cảm thấy ổn, hoàn thành mọi thứ, tôi hài lòng hay tôi thực hiện mong muốn tốt đẹp của mình? Có phải tôi đang nghỉ hưu tâm linh không? Có bao nhiêu người trẻ đang nghỉ hưu! Hành động thứ hai, tìm kiếm: tôi có thực hành phân định điều gì là tốt và đến từ Thiên Chúa không, có biết từ bỏ những gì để lại cho tôi rất ít hoặc chẳng có gì không? Cuối cùng là mua: tôi có biết hiến mình cho Chúa Giêsu không? Có phải Ngài ở vị trí đầu tiên đối với tôi, Ngài có phải là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời không? Thật tốt khi nói với Ngài hôm nay: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là điều tốt lành nhất của con”. Mỗi người trong anh chị em hãy nói trong tâm hồn mình ngay bây giờ: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là điều tốt lành nhất của con”.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta tìm kiếm, gặp gỡ và đón nhận Chúa Giêsu với tất cả bản thân mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm hai Ngày Thế giới do Liên Hiệp Quốc tuyên bố: Ngày Hữu nghị Quốc tế và Ngày Thế giới Chống Buôn bán Người. Ngày thứ nhất thúc đẩy tình hữu nghị giữa các dân tộc và các nền văn hóa; ngày thứ hai chống tội phạm biến con người thành hàng hóa. Nạn buôn người là một thực tế khủng khiếp, ảnh hưởng đến quá nhiều người: trẻ em, phụ nữ, công nhân..., rất nhiều người bị bóc lột; tất cả đều sống trong điều kiện vô nhân đạo và chịu sự thờ ơ và từ chối của xã hội. Có quá nhiều buôn bán trên thế giới ngày nay. Xin Chúa phù hộ cho những người làm việc để chống lại nạn buôn người.

Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện cho Ukraine đang bị bao vây, nơi chiến tranh đang phá hủy mọi thứ, ngay cả ngũ cốc. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa, vì ngũ cốc là món quà của Ngài để nuôi sống nhân loại; và tiếng khóc của hàng triệu anh chị em đang chịu nạn đói thấu tận Thiên Đàng. Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các nhà chức trách của Liên bang Nga, rằng Sáng kiến Hắc Hải có thể được khôi phục và ngũ cốc có thể được vận chuyển an toàn.

Ngày 4 tháng 8 sắp tới sẽ đánh dấu ba năm kể từ vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut. Tôi lập lại lời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, những người đang tìm kiếm sự thật và công lý, và tôi hy vọng rằng cuộc khủng hoảng phức tạp của Li Băng có thể tìm ra một giải pháp xứng đáng với lịch sử và giá trị của dân tộc đó. Chúng ta đừng quên rằng Li Băng cũng là một thông điệp.

Tôi xin anh chị em đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện trong hành trình của tôi đến Bồ Đào Nha, sẽ bắt đầu vào thứ Tư tới, nhân Ngày Giới trẻ Thế giới. Rất nhiều người trẻ, từ khắp các châu lục, sẽ cảm nghiệm được niềm vui gặp gỡ Thiên Chúa và với anh chị em mình, dưới sự hướng dẫn của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng sau lời truyền tin “đã đứng dậy và vội vã lên đường” (Lc 1:39). Tôi phó thác những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới và tất cả những người trẻ trên thế giới cho Mẹ, là ngôi sao sáng trên con đường Kitô hữu.

Và giờ đây tôi xin chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, tôi xin chào ca đoàn thiếu nhi đến từ Veliko Tarnovo, ở Bulgari, và nhóm các bạn trẻ Mễ Tây Cơ, cũng như các thiếu niên đến từ Biadene và Caonada. Và tôi chào các bạn trẻ Immacolata.

Và tôi chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
 
Ukraine tiếp tục thắng lớn trên các mặt trận. Dân Nga mất tinh thần. Kremlin dọa tấn công hạt nhân
VietCatholic Media
16:24 31/07/2023


1. Zelenskiy nói chiến tranh đang “dần dần” bị đẩy lùi về lãnh thổ Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết cuộc chiến đang “dần dần quay trở lại” trên lãnh thổ Nga.

“Sự hiếu chiến của Nga đã phá sản trên chiến trường. Hôm nay là ngày thứ 522 của cái gọi là 'chiến dịch quân sự đặc biệt' mà giới lãnh đạo Nga dự kiến sẽ kéo dài trong một hoặc hai tuần”, ông Zelenskiy nói.

“Ukraine đang trở nên mạnh mẽ hơn. Dần dần, chiến tranh đang quay trở lại lãnh thổ của Nga - trở lại các trung tâm biểu tượng và căn cứ quân sự của nước này, và đây là một quá trình không thể tránh khỏi, tự nhiên và hoàn toàn công bằng,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Zelenskiy cảnh báo rằng Nga vẫn có thể tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine trong mùa đông này, như đã làm vào năm ngoái để gây ra hậu quả tàn khốc. Tổng thống nói rằng hôm Chúa Nhật, ông đã gặp các quan chức khu vực để thảo luận về việc chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra.

Cũng trong ngày Chúa Nhật, Zelenskiy đã gặp gỡ các chiến binh bị thương và các đội y tế trong chuyến đi đến vùng Ivano-Frankivsk phía tây Ukraine.

Các cuộc tấn công trên đất Nga: Nga cho biết họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Ukraine đang cố gắng tấn công Mạc Tư Khoa vào Chúa Nhật, đó là cuộc tấn công thứ hai được báo cáo vào thủ đô của nước này chỉ trong một tuần.

Trong những tháng gần đây, Nga cũng đã báo cáo rằng các hỏa tiễn của Ukraine đã vươn tới các thành phố cách biên giới hàng trăm km và các cuộc xâm nhập của các chiến binh Nga chống Cẩm Linh liên kết với Kyiv.

2. Các quan chức báo cáo một vụ tai nạn máy bay không người lái khác trên đất Nga, lần này là ở khu vực biên giới phía nam

Theo Thống đốc khu vực Vasily Golubev, một máy bay không người lái đã rơi xuống một vùng nông thôn ở vùng Rostov phía tây nam nước Nga, gần biên giới với Ukraine vào hôm Chúa Nhật.

“Một máy bay không người lái đã bị rơi ở khu định cư Daraganovka,” Golubev cho biết như trên hôm Chúa Nhật.

Ngôi làng nằm cách Taganrog khoảng 15 km, nơi một hỏa tiễn đã bị bắn hạ hôm thứ Sáu. Tàn dư của hỏa tiễn rơi xuống trung tâm thành phố, khiến 14 người bị thương.

Trong vụ tai nạn máy bay không người lái hôm Chúa Nhật, thống đốc cho biết một ngôi nhà và một chiếc xe hơi bị hư hại, nhưng không có báo cáo thương vong ngay lập tức. Anh ta nói, một chiếc xe cứu thương đã đến hiện trường vào thời điểm Golubev nói chuyện, và có thể có thêm thông tin sau.

Thống đốc cho biết các quan chức vẫn đang xác định liệu máy bay không người lái có phải là máy bay không người lái của Ukraine hay không.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Nga cho biết họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Ukraine đang cố gắng tấn công Mạc Tư Khoa vào Chúa Nhật, vụ tấn công thứ hai được báo cáo vào thủ đô của nước này trong một tuần. Nga cũng cho biết họ đã chặn hơn hai chục máy bay không người lái ở Crimea, bán đảo mà nước này chiếm giữ vào năm 2014.

Cùng với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, giống như cuộc tấn công ở Taganrog, và các cuộc xâm nhập của các chiến binh chống Cẩm Linh của Nga liên kết với Ukraine, máy bay không người lái là một phần trong số các trường hợp ngày càng tăng mà tiếng vang của cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa đã lan đến lãnh thổ của chính họ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết cuộc chiến đang “dần dần” bị đẩy lùi sang lãnh thổ Nga.

3. Thiệt hại lớn và dân chúng mất tinh thần đến mức Nga tuyên bố sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân đối với cuộc tấn công vào thủ đô Mạc Tư Khoa

Hai ký giả Will Stewart và Olivia Burke của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “NUKE THREAT Russia warns of NUKE retaliation over Ukraine drone attack as ‘sickly’ Putin takes centre stage at Navy Day parade”, nghĩa là “ĐE DỌA HẠT NHÂN. Nga cảnh báo về sự trả đũa bằng hạt nhân đối với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine khi Putin 'ốm yếu' chiếm vị trí trung tâm trong cuộc diễn hành Ngày Hải quân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Máy bay không người lái kamikaze của Ukraine đã gây ra sự hỗn loạn ở trung tâm khu thương mại của Mạc Tư Khoa trong một cuộc tấn công ba mũi sáng nay.

Những quả cầu lửa bùng lên trong các tòa nhà lớn trong khi các tòa nhà chọc trời bị phá hủy bởi các cuộc tấn công vào đầu giờ Chúa Nhật, chỉ cách Điện Cẩm Linh vài dặm.

Những tiếng la hét ớn lạnh vang lên khi các vụ nổ xé toạc nhiều tầng của hai tòa nhà văn phòng, dường như gây ra thiệt hại thảm khốc.

Ukraine, quốc gia bị Nga quy trách nhiệm về vụ tấn công, dường như đang cho Vladimir Putin nếm trải nỗi kinh hoàng mà chính người Ukraine đã phải trải qua khi căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng.

Chiếc đầu tiên trong số hai chiếc máy bay không người lái đã xuyên thủng hệ thống phòng không vốn được ca ngợi rất nhiều của thủ đô Mạc Tư Khoa, đã tấn công vào lúc 3h20 sáng khi bầu trời tối đen như mực.

Nó đâm sầm vào tòa nhà 50 tầng IQ Quarter Tower, một trong những tòa nhà nổi bật nhất trong khu kinh doanh tên tuổi của Mạc Tư Khoa.

Các căn hộ dân cư sang trọng và những căn hộ áp mái hào nhoáng cũng nằm trong trung tâm cao tầng đã bị rung chuyển bởi các cuộc tấn công vào sáng Chúa Nhật.

Các cảnh quay sau đó đã ghi lại hậu quả của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thứ hai, tấn công tòa nhà chọc trời Oko-2 lúc 4h10 sáng.

Trong một đoạn clip, người ta có thể nghe thấy hai người phụ nữ hoảng sợ thở hổn hển khi họ nhìn thấy một chiếc máy bay không người lái đang tiến đến gần hơn và nói: “Nó bay nhanh quá!”

Một đoạn video khác được quay từ Bờ kè Presnenskaya cho thấy một trong những chiếc máy bay không người lái đâm vào một tòa nhà, khi một người phụ nữ hét lên: “Mẹ ơi!”

Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin cho biết mặt tiền của hai tòa nhà bị “hư hại nhẹ”, bất chấp cảnh tượng bị phá hủy.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tuyên bố rằng hai máy bay không người lái đã mất kiểm soát khi chúng bị gây nhiễu bởi công nghệ tác chiến điện tử.

Konashenkov báo cáo rằng chiếc còn lại đã bị bắn hạ, đồng thời mô tả vụ việc là một “âm mưu tấn công khủng bố”.

Một nhân viên bảo vệ đã bị thương trong cuộc tấn công trong khi các báo cáo chưa được xác nhận cho biết một phụ nữ 21 tuổi cũng bị thương.

Nhiều xe cứu thương đã có mặt tại hiện trường ở trung tâm Mạc Tư Khoa, gần trụ sở Tòa nhà chính phủ Nga.

Ukraine đã thực hiện các bước táo bạo hơn trong những tuần gần đây để tăng cường phản công, vốn đang tiếp tục tăng tốc.

Một trong những tòa nhà bị máy bay không người lái tấn công là trụ sở của Bộ Phát triển Kinh tế và Bộ Công Thương.

Văn phòng của Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Viễn thông và Truyền thông Đại chúng, một phần trong cơ quan tuyên truyền của Putin, cũng có trụ sở tại đây.

Tài liệu của chính phủ từ các bộ nằm rải rác trên con đường đầy gạch vụn bên dưới sau vụ tấn công.

Một nguồn tin cho biết: “Kính đã bị vỡ do vụ nổ ở tầng 5 và tầng 6 của tòa nhà 50 tầng trên bờ kè Presnenskaya”.

Putin chắc chắn đã trở nên kinh hoàng hơn bởi các cuộc tấn công xảy ra khi ông chuẩn bị kỷ niệm Ngày Hải quân Nga ở St Petersburg và Kronstadt.

Cuộc không kích bằng máy bay không người lái thậm chí đã buộc các chuyến bay từ sân bay quốc tế lớn ở Mạc Tư Khoa Vnukovo, nơi thường xuyên được lãnh chúa và đồng bọn sử dụng, phải tạm thời dừng lại.

Một nguồn tin cho biết: “Sân bay Vnukovo đóng cửa cho các chuyến đến và đi.

“Các chuyến bay đang được chuyển hướng đến các sân bay khác. Một chuyến bay đang ở khu vực chờ.”

Sau đó, nó được mở lại khi lực lượng phòng không bắt đầu hoạt động ở quận Odintsovo.

CẢNH BÁO HẠT NHÂN

Điện Cẩm Linh thẳng thừng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sau cuộc tấn công, nói rằng: “Đơn giản là không còn con đường nào khác”.

Dmitry Medvedev - cựu tổng thống Nga hiện là phó của Vladimir Putin trong hội đồng an ninh quyền lực của Nga - cảnh báo: “Các lực lượng vũ trang của chúng ta, hãy đẩy lùi cuộc phản công của tập thể đối phương, bảo vệ công dân Nga và đất đai của chúng ta.

“Điều này là hiển nhiên đối với tất cả những người đàng hoàng. Nhưng ngoài ra, họ còn ngăn chặn xung đột thế giới.”

“Xét cho cùng, nếu chúng ta tưởng tượng rằng cuộc tấn công của Ukraine với sự hỗ trợ của NATO đã thành công và họ chiếm được một phần lãnh thổ của chúng ta, thì chúng ta sẽ phải làm theo các quy tắc trong sắc lệnh của Tổng thống Nga ngày 02/06/2020, đó là tiến hành sử dụng vũ khí hạt nhân.”

“Đơn giản là không có con đường nào khác. Vì vậy, những kẻ thù của chúng ta phải cầu nguyện cho các chiến binh của chúng ta. Họ không cho phép ngọn lửa hạt nhân toàn cầu bùng lên.” Câu nói của Dmitry Medvedev nguyên văn là như thế, cả bản tiếng Nga và tiếng Anh đều viết như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng ông ta cố ý tung ra một lời hăm dọa thật khó hiểu.

Khi lễ kỷ niệm Ngày Hải quân đến gần, ông cũng khoe khoang về máy bay không người lái kamikaze dưới nước tốc độ cao mới của Nga, có thể tung ra Armageddon hạt nhân.

Dù thứ vũ khí mới này vẫn đang trong quá trình phát triển, những con rối của Putin đã vội vã khẳng định rằng nó có thể dễ dàng nhấn chìm Vương quốc Anh dưới cơn sóng thần phóng xạ khổng lồ.

Medvedev nói thêm: “Máy bay không người lái Poseidon tham gia chúc mừng Ngày Hải quân và khuyến cáo đối phương của đất nước chúng ta hãy cầu nguyện cho sức khỏe của tất cả các thủy thủ Nga”.

Các báo cáo về một cuộc tấn công dữ dội bằng máy bay không người lái vào Crimea bị sáp nhập cũng xuất hiện, mặc dù Ukraine chưa bình luận về bất kỳ cuộc tấn công nào.

NGÀY HẢI QUÂN

Phát ngôn nhân quốc phòng của khu vực tranh chấp tuyên bố rằng 25 máy bay không người lái đã bị đẩy lùi.

Một tuyên bố cho biết: “Mười sáu máy bay không người lái Ukraine đã bị tiêu diệt bởi hỏa lực phòng không.”

“9 máy bay không người lái khác của Ukraine đã bị áp chế bởi tác chiến điện tử và bị rơi ở vùng biển Hắc Hải và Mũi Tarkhankut mà không đến được mục tiêu.”

“Không có thương vong hay thiệt hại do vụ tấn công khủng bố bị thất bại.”

Mạc Tư Khoa thường xuyên hạ thấp các cuộc tấn công của Ukraine nhằm cố gắng không làm mọi người hoảng sợ và duy trì vẻ bề ngoài thành công của họ.

Thay vào đó, Putin khuyến khích người dân Nga tập trung vào sức mạnh quân sự của quốc gia khi ông kỷ niệm Ngày Hải quân hàng năm.

Một cuộc duyệt binh của các tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân đáng sợ đã diễn ra trên Vịnh Phần Lan và trên Sông Neva gần St Petersburg.

Cùng với 45 tàu, khoảng 3.000 binh sĩ hải quân cũng tham gia vào cảnh tượng hôm Chúa Nhật trên đất liền.

Putin đã tham gia cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Đô đốc Nikolai Yevmenov, nhà lãnh đạo Hải quân.

Bộ ba đã kiểm tra một số con tàu từ một chiếc thuyền phóng trên Neva, trước khi Tổng thống Nga phát biểu vài lời để đánh dấu sự kiện này.

Ông khoe trong bài phát biểu của mình: “Ngày nay, Nga đang tự tin thực hiện các nhiệm vụ quy mô lớn trong chính sách hàng hải quốc gia của chúng ta và không ngừng xây dựng sức mạnh của Hải quân chúng ta.

“Chỉ riêng trong năm nay, 30 tàu thuộc các hạng khác nhau đã được bổ sung vào hạm đội.”

Trong số các tàu chuẩn bị tham chiến có tàu hộ tống Merkury, được đặt tên để vinh danh tàu buồm của Hạm đội Hắc Hải đã giành được vinh quang trong Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng bạo chúa không đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine của ông ta hay các cuộc tấn công ở Mạc Tư Khoa đã làm hỏng Ngày Hải quân.

Cuộc duyệt binh hàng năm, được Putin ký thành sắc lệnh vào năm 2017, là để “tôn vinh những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân đã đóng góp to lớn vào việc bảo vệ Tổ quốc”.

Các chuyên gia tin rằng những ngày cai trị nước Nga của lãnh chúa đã sắp chấm dứt. Một cựu điệp viên MI6 tuyên bố ông ta sẽ bị lật đổ vào năm tới.

Sự kết hợp giữa sức khỏe ốm yếu, cuộc xâm lược Ukraine thảm khốc và cuộc nổi dậy của Wagner dường như đã định đoạt số phận của ông ta.

Christopher Steele, người điều hành bộ phận Nga của MI6 từ năm 2006 đến 2009, cho biết phương Tây cần “chuẩn bị cho sự kết thúc của kỷ nguyên Putin”.

Ông cho biết “những nguồn rất đáng tin cậy nói với chúng tôi rằng ông ta đã bị ốm một thời gian” – và nhà lãnh đạo Nga có thể đột ngột qua đời vì bệnh tật.

Nhưng ông giải thích rằng cái kết rất có thể dành cho Putin sẽ là một động thái “bạo lực” để giết hoặc lật đổ ông ta.

4. Các chiến binh Ukraine đang tiến về phía trước dưới hỏa lực dày đặc của Nga ở đông nam Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Hai 31 tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết các lực lượng của Kyiv đang có những bước tiến nhỏ ở các khu vực tiền tuyến khác nhau ở đông nam Ukraine, tiến bước cẩn thận khi Nga tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của họ.

“Người Nga đang tích cực sử dụng máy bay không người lái tấn công”, bao gồm cả Lancet do Nga sản xuất và Shahed do Iran sản xuất.

“Chúng tôi đang tiến từng bước nhỏ vì chúng tôi đang chăm sóc người dân của mình. Và chúng tôi đang đạt được tiến bộ”

Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã tập trung tấn công vào các khu vực Avdiivka và Marinka - hai thành phố nhỏ lân cận ở vùng Donetsk - và cũng đang hoạt động tích cực ở các hướng Berdiansk và Melitopol xa hơn về phía nam.

“Trong 24 giờ qua, đối phương đã tấn công các vị trí của chúng ta 20 lần. Ngoài ra, họ đã thực hiện 603 cuộc tấn công bằng xe tăng, và pháo đại bác”, theo báo cáo của lực lượng phòng thủ Tavria.

Tại “điểm nóng nhất” trên tiền tuyến gần Marinka, đã có 18 cuộc đụng độ giữa hai bên trong 24 giờ qua.

“Cường độ các hành động tấn công của đối phương ở Marinka đang gia tăng,” Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói, và tuyên bố rằng các cuộc tấn công của Nga bao gồm các chiến binh từ các đơn vị Storm-Z của Nga, được tạo thành từ các tù nhân.

Nhóm Tavria cho biết khu vực này “chắc chắn là điểm nóng nhất” trên chiến tuyến – đặc biệt là gần Oleksandrivka, láng giềng của Marinka.

Xa hơn về phía nam: Lực lượng phòng thủ Tavria cũng tiếp tục tấn công ở các khu vực xung quanh Melitopol và Berdiansk, “củng cố các vị trí của họ, nã pháo vào các mục tiêu của đối phương đã xác định và thực hiện các hoạt động phản công”.

Gần thành phố Zaporizhzhia, các lực lượng Nga đã nhận được quân tiếp viện tại thị trấn Robotyno, một thị trấn mà Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết đã nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực hoàn toàn của Ukraine.

5. Nga phóng hàng loạt hỏa tiễn tấn công Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Mạc Tư Khoa đã tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lãnh thổ nước ông, bao gồm cả những cuộc tấn công ở Mạc Tư Khoa vào hôm Chúa Nhật.

Ông cho biết: “Cường độ các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Ukraine, bao gồm cả những cơ sở hỗ trợ các cuộc tấn công khủng bố này, đã tăng lên nhiều lần.

Shoigu nói rằng “các biện pháp bổ sung” đã được thực hiện để bảo vệ các mục tiêu trong nước. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cáo buộc rằng các nỗ lực tấn công bằng máy bay không người lái của Kyiv đã được thực hiện để làm chệch hướng những gì ông nói là sự thiếu thành công của Ukraine trên chiến trường.

Ông tuyên bố: “Rõ ràng, vũ khí do phương Tây cung cấp không dẫn đến thành công trên chiến trường mà chỉ kéo dài xung đột quân sự. Trong bối cảnh cái gọi là phản công không thành công, chế độ Kyiv - với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ phương Tây - đã tập trung vào việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố vào cơ sở hạ tầng dân sự ở các thành phố và thị trấn của Liên bang Nga.”

Shoigu nói các cuộc tấn công là nhằm vào các cơ sở quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc oanh tạc của Nga ở Ukraine đã tấn công nhà dân, trường học, bệnh viện, nhà thờ và nhà máy điện, giết chết hàng ngàn người ngoài cuộc trong quá trình này.

Cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra chậm hơn dự kiến, và quân đội Nga kháng cự quyết liệt khi các binh sĩ Ukraine cố gắng vượt qua chiến tuyến. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 31 tháng Bẩy, rằng kể từ khi cuộc phản công bắt đầu, 204,7 kilômét vuông đã được tái chiếm trong đó 12,6 kilômét vuông đã được chiếm lại trong cuối tuần qua.

Trong 24 giờ qua, 490 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 6 xe tăng, 10 xe thiết giáp, 21 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 17 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 31 tháng 7 năm 2023, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 246.190 quân nhân Nga. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.211 xe tăng, 8.188 xe thiết giáp, 4.816 hệ thống pháo, 699 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 460 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 311 trực thăng, 4.017 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 1.347 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7.292 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 715 đơn vị thiết bị đặc biệt.

6. Tình hình có lẽ đã khác rất xa nếu Ukraine có những chiếc F-16 từ năm ngoái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Needed 'Useful' F-16s Last Year: Poland Ex-Defense Minister”, nghĩa là “Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nhận xét rằng Ukraine cần những chiếc F-16 'hữu dụng' từ năm ngoái.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Ba Lan đã nói với Newsweek rằng quân đội Ukraine cần chiến đấu cơ F-16 tiên tiến một năm trước, khi Kyiv tiến lên phía trước với nỗ lực đẩy lùi quân đội Nga ở miền đông và miền nam Ukraine.

Theo ông Radosław Sikorski, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Warsaw từ năm 2005 đến 2007 và là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2007 đến 2014, “thời điểm thích hợp” để cung cấp cho Ukraine các máy bay phản lực thế hệ thứ tư do phương Tây sản xuất là “một năm trước”.

Kyiv từ lâu đã kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp các chiến đấu cơ như F-16 do Mỹ sản xuất, đây sẽ là một cải tiến đáng kể về năng lực cho lực lượng không quân thời Liên Xô.

Ông Sikorski nói với Newsweek: “Ukraine cần khôi phục quyền kiểm soát không phận của mình và các chiến đấu cơ sẽ rất hữu ích trong nỗ lực đó.”

Mặc dù các quốc gia như Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự hàng tỷ đô la cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, nhưng cho đến nay, Washington vẫn chưa đồng ý gửi máy bay phản lực tới Ukraine. Ba Lan là một trong những nước ủng hộ kiên định nhất của Ukraine và đã gửi các máy bay phản lực MiG-29 mà Ukraine hiện đang vận hành. Slovakia cũng đã quyên góp.

Nhưng thái độ đối với việc cung cấp các máy bay phản lực tiên tiến hơn đã thay đổi trong những tháng gần đây và gần chục quốc gia NATO đã đồng ý thành lập một “liên minh chiến đấu cơ” và huấn luyện các phi công Ukraine sử dụng máy bay F-16.

Các quan chức và chuyên gia cho biết, quyết định cung cấp máy bay ngày càng được coi là không thể tránh khỏi, đánh dấu cam kết lâu dài trong việc trang bị cho lực lượng không quân Ukraine, vừa tốn kém vừa liên quan đến việc thiết lập tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết để vận hành các máy bay phản lực tiên tiến.

Các câu hỏi vẫn được đặt ra chính xác khi nào Ukraine sẽ nhận được F-16, mặc dù có sự đồng thuận rằng F-16 sẽ không có mặt kịp thời để giúp Kyiv trong cuộc phản công mùa hè đang diễn ra.

Đầu tháng này, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby, cho rằng F-16 có thể đến Ukraine “có thể là vào cuối năm nay”.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, trước đó cho biết ông tin rằng Ukraine sẽ có F-16 vào cuối tháng 3 năm 2024.

Việc đào tạo F-16 cho các phi công Ukraine dự kiến sẽ bắt đầu trong vài tuần tới, trước tiên ở Đan Mạch, trước khi chuyển đến một trung tâm đào tạo ở Rumani.

Troels Lund Poulsen, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, cho biết hồi đầu tháng 7 rằng: “Hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể thấy kết quả vào đầu năm tới.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Jake Sullivan, đã nói vào tháng Năm rằng trong khi huấn luyện diễn ra, Hoa Kỳ “sẽ làm việc với các đồng minh của chúng ta để xác định khi nào máy bay sẽ được chuyển giao, ai sẽ chuyển giao chúng và bao nhiêu”.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Chính quyền Nga đang ưu tiên sửa đổi luật để nhiều nam giới nhanh chóng bị gọi nhập ngũ. Vào giữa tháng 7 năm 2023, Hạ Viện Nga đã tăng tuổi tối đa phải thi hành nghĩa vụ quân sự từ 27 lên 30, trong khi vẫn giữ nguyên tuổi tối thiểu bị gọi nhập ngũ hiện tại, là 18.

Mặc dù lính nghĩa vụ hiện không được triển khai ở Ukraine, nhưng những người lính nghĩa vụ bổ sung đã giải phóng các binh sĩ chuyên nghiệp và bị huy động khỏi các nhiệm vụ khác bên trong nước Nga.

Vào ngày 24 tháng 7 năm 2023, Tổng thống Putin đã ký một dự luật sẽ tăng dần giới hạn tuổi cao hơn đối với những người bị xung vào quân dự bị: các sĩ quan cấp cao hiện có thể bị huy động dù đã đến tuổi 70.

Lực lượng dự bị đã tạo nên đợt 'huy động từng phần' vào mùa thu năm 2022 và có thể cung cấp một sự thúc đẩy tức thời cho số quân sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine.

Khả năng buộc phải chiến đấu đang gia tăng, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Mạc Tư Khoa, mức độ đàn áp nghiêm nhặt trong nước và cuộc binh biến Wagner gần đây kết hợp với nhau làm nổi bật sự thất bại của nhà nước Nga trong việc bảo vệ người dân khỏi chiến tranh.

8. Bạo lực trong xã hội Nga khi các chiến binh trở về từ chiến trường Ukraine

Hai ký giả Will Stewart và Olivia Burke của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “ VLAD'S ZOMBIE ARMY Putin’s ‘out-of-control zombie troops’ return from Ukraine with ‘warped thirst for violence’ after being forced to fight”, nghĩa là “ĐỘI QUÂN CƯƠNG THI CỦA VLADIMIR PUTIN. 'Đội quân thây ma mất kiểm soát' của Putin trở về từ Ukraine với 'cơn khát bạo lực' sau khi bị buộc phải chiến đấu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các bác sĩ Nga đang tuyệt vọng khi binh lính của Vladimir Putin đang chiến đấu ở Ukraine đang trở về nhà như những “thây ma hung hãn”.

Những người lính - nhiều người trong số họ được huy động trái với ý muốn của họ - đang hành xử như “động vật” sau khi bị biến dạng tâm lý bởi những nỗi kinh hoàng mà họ đã trải qua.

Một báo cáo mới gây sốc cho biết, nhiều người đã quay sang uống rượu và dùng ma túy để đối phó với những ký ức về sự tàn bạo và tàn ác không thương tiếc.

Nhưng họ đang mang nỗi kinh hoàng của tiền tuyến đến trước cửa nhà của họ, vì họ đã trở lại với cơn khát bạo lực lạnh lùng.

Một quan chức y tế cấp cao đang điều trị cho một nhóm người Nga bị rối loạn đã cảnh báo: “Những thây ma hung hãn sẽ sớm tràn ngập đường phố các thành phố của chúng ta”.

Bác sĩ nói với hãng tin Novaya Vkladka: “Họ sẽ đánh đập hàng loạt và thậm chí giết chết những người qua đường.”

“Còn việc ngăn chặn như thế nào thì cá nhân tôi không biết.

“Tôi chỉ không thấy các kịch bản khác cho sự phát triển của tình hình với những người trở về từ chiến dịch quân sự đặc biệt.”

Cái giá thảm khốc về con người trong cuộc chiến của Putin đã làm dấy lên lo ngại rằng Nga sẽ phải đối mặt với “ngày tận thế thây ma rẻ tiền” - được thúc đẩy bởi rượu và ma túy.

Khoảng 250.000 binh sĩ đã thiệt mạng hoặc bị thương tật trong cuộc chiến tàn khốc kể từ khi nó bắt đầu cách đây 18 tháng.

Nhưng những người sống sót trở về nhà đang quay trở lại một loại chiến trường hoàn toàn khác.

Quan chức y tế ẩn danh cho biết xung quanh anh ta là “những người bị thương, cụt tay, nghiện ma túy, nghiện rượu, và những người có vấn đề về tâm thần và tâm lý”.

Mặc dù làm việc ở Kemerovo, một khu vực thuộc Siberia nằm ở phía đông bốn lần chiến tranh, anh ta nói rằng nó đã bị tràn ngập bởi những binh lính bị tổn thương.

“Chấn thương, tất nhiên, đây đều là vấn đề, nó cần được giải quyết, nhưng theo tôi, vấn đề chính là mức độ phổ biến là nghiện ngập, và đó là nguy cơ tiềm ẩn”, ông nói.

“Nói một cách đơn giản, rất nhiều người trở về từ chiến tranh là người nghiện rượu hoặc thường xuyên hơn là nghiện ma túy.”

Các binh sĩ trong Thế chiến II đã khét tiếng tham chiến khi đánh thuốc mê vào nhãn cầu của họ bằng methamphetamine với hy vọng tỉnh táo hơn.

Người ta cho rằng bản thân Adolf Hitler là một “siêu nghiện”, người thường xuyên tiêm cocaine và một loại thuốc phiện giống như heroin.

Các bác sĩ cho biết mỗi bác sĩ sẵn có ở Nga dự kiến sẽ giải quyết từ 200 đến 250 người trở về từ chiến tranh mỗi tháng.

Anh ta tuyên bố các chất chính bị các binh sĩ lạm dụng là amphetamine.

“Và ở đây mọi thứ phức tạp và đáng buồn hơn nhiều về triển vọng điều trị và xã hội hóa sau đó.”

Đoạn phim ớn lạnh cho thấy một số binh sĩ trong trạng thái giống như bị thôi miên khi được trao huy chương dũng cảm vì vai trò của họ trong cuộc xâm lược.

Những người lính bị thương ngồi im lặng trên một hàng xe lăn với vẻ mặt trống rỗng đến đáng lo ngại trong khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin ca ngợi những nỗ lực chiến tranh của họ vào tháng Ba.

Một số binh sĩ mất tinh thần và vỡ mộng đã chạy khỏi tiền tuyến trong nước mắt hoặc đầu hàng mà không chiến đấu để thoát khỏi sự man rợ.

Bác sĩ tiết lộ “hầu hết những người khác” trở về từ cuộc chiến đẫm máu của Putin đều thừa nhận sử dụng chất kích thích tâm thần.

Ông mô tả cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng là “vô vọng” do tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng, với nhiều bác sĩ đã ra đi vì những áp lực không thể chịu nổi.

“Hoạt động quân sự đặc biệt này giống như một bia mộ khác trên ngôi mộ. Hầu như không còn bác sĩ nào,” giám đốc y tế cho biết.

Một phần lớn các bác sĩ Nga đang bị buộc phải làm việc trong vùng chiến sự ở Ukraine bị tạm chiếm, hoặc đối mặt với việc mất việc làm.

Theo lệnh của Bộ Y tế, mỗi bác sĩ chuyên khoa bệnh thần kinh dự kiến sẽ tiếp nhận 300 người trở về sau chiến tranh mỗi tháng ngoài số lượng ca bệnh hiện có của họ, một bác sĩ khác cho biết.

Anh ta kể về việc một người lính trong đội quân đánh thuê khét tiếng Wagner đã trở nên cực kỳ hung bạo.

Bác sĩ giải thích: “Anh ta chưa bao giờ đánh đập vợ mình trước đó.

“Anh ta trở về từ cuộc chiến với một con người khác. Người phụ nữ đệ đơn ly hôn.

“Bệnh nhân này thực sự cực kỳ hung hăng, không thể kiểm soát bản thân khi ở cùng với người khác và không ngừng tìm kiếm xung đột.”

Vị bác sĩ - cũng giấu tên vì sợ bị chế độ Putin trừng phạt - hỏi: “Chúng tôi có thể làm gì?

“Chỉ loại bỏ tình trạng cấp tính bằng thuốc an thần. Một lần nữa, công việc lâu dài của một nhà tâm lý học lâm sàng là cần thiết.”

“Nhưng điều này, tôi gần như chắc chắn 100%, sẽ không xảy ra. Có hàng ngàn bệnh nhân và có quá ít bác sĩ và nhà tâm lý học.”

Anh ta thảo luận về nỗi sợ hãi của mình rằng các quân nhân có thể dùng thuốc quá liều, làm hại một thành viên vô tội của công chúng hoặc làm hại chính họ.

Anh ta nói tiếp: “Tâm lý của họ đã thay đổi, kể cả do ma túy.

“Hơn nữa, nhiều người trong số họ ra trận không phải để bảo vệ 'quê hương' của họ mà để sớm ra khỏi trại tạm giam trước khi xét xử hoặc ra khỏi các trại giam tù hình sự.”

“ Vì vậy, thật khó để gọi họ là thiên thần trước đây. Và bây giờ họ chủ yếu là động vật, xin lỗi phải nói một cách gay gắt như vậy.
 
Cảnh sát đã bắt được kẻ thờ Sa tan lợi hại chuyên phá hoại các nhà thờ Công Giáo trong vùng El Paso
VietCatholic Media
17:38 31/07/2023


1. Tòa Thánh chính thức có đại diện thường trực tại Việt Nam

Theo Kevin J. Jones của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Tòa thánh và nhà cầm quyền Việt Nam đã công bố một thỏa thuận cho phép Vatican có một đại diện giáo hoàng thường trú tại quốc gia cộng sản này.

Thông báo được đưa ra hôm thứ Năm trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Vatican. Ông đã hội đàm với cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Quốc vụ khanh Tòa thánh, Hồng Y Pietro Parolin.

Theo bản tin ngày 27 tháng 7 của Văn phòng Báo chí Tòa thánh, “hai bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng chú ý trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh, cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công Giáo Việt Nam cho đến nay.”

Một đại diện giáo hoàng thường trú được coi là một bước trung gian trong quan hệ ngoại giao, bên dưới một sứ thần tòa thánh.

Tòa Thánh và Việt Nam chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ nhưng đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức kể từ năm 2009. Kể từ năm 2011, Tòa Thánh đã có một đại diện giáo hoàng không thường trú tại Việt Nam. Tại một cuộc họp năm 2018 tại Hà Nội, Vatican và các phái đoàn Việt Nam đã đồng ý nâng cấp đại diện này lên thành thường trú nhân. Như CNA đã đưa tin trước đây, các cuộc thảo luận tiếp theo đã được tổ chức tại Vatican vào tháng 8 năm 2019.

Hai bên bày tỏ sự tin tưởng rằng vị đại diện của Giáo hoàng sẽ hỗ trợ những nỗ lực của cộng đồng Công Giáo Việt Nam “theo tinh thần thượng tôn pháp luật” để đồng hành cùng dân tộc, để trở thành “người Công Giáo tốt và công dân tốt” và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Họ nhất trí đại diện của Giáo hoàng thường trú sẽ là “cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.”

Người Công Giáo chiếm khoảng 7,5% trong tổng số 97 triệu dân của Việt Nam, theo ước tính vào tháng 7 năm 2018 của chính phủ Hoa Kỳ. Hầu hết người Việt Nam thực hành các tôn giáo dân gian, tiếp theo là Phật giáo.

Hiến pháp Việt Nam tuyên bố bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, luật cũng cho phép nhà cầm quyền kiểm soát đáng kể hoạt động tôn giáo và tự do tôn giáo có thể bị hạn chế vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội, theo Báo cáo năm 2022 về Tự do Tôn giáo Quốc tế từ Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam đã trải qua một số hạn chế dưới chế độ cộng sản lên nắm quyền vào năm 1975 ở miền Nam và từ 1954 ở miền Bắc.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cơ quan cố vấn cho các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, trong báo cáo năm 2023 của mình khuyến nghị rằng Việt Nam nên được chỉ định là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” do các điều kiện tự do tôn giáo ngày càng tồi tệ.

Báo cáo trích dẫn cuộc đàn áp của nhà cầm quyền đối với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng độc lập chưa ghi danh, bao gồm các cộng đồng Tin Lành và Phật giáo. Các nhà cầm quyền địa phương cũng đã gây áp lực buộc một số người tham dự các nhà thờ Tin lành do nhà nước kiểm soát phải từ bỏ đức tin của họ.

Theo báo cáo của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tình trạng quấy rối các cộng đồng Công Giáo gia tăng vào năm 2022. Tại tỉnh Hòa Bình, các quan chức địa phương đã phá rối Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên của Hà Nội cử hành. Ngoài ra còn có những tranh chấp đất đai tiếp diễn giữa người Công Giáo và nhà cầm quyền địa phương

2. Cảnh sát bắt giữ người đàn ông bị buộc tội phá hoại nhà thờ Công Giáo El Paso, California

Cảnh sát ở El Paso, Texas, thông báo rằng họ đã bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi phá hoại một nhà thờ Công Giáo trong thành phố vào đầu tháng này.

Vào ngày 17 tháng 7, Nhà thờ Công Giáo Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ở El Paso bị đột nhập và phá hoại. Sở cảnh sát El Paso cho biết trong một cuộc họp báo rằng họ đã bắt giữ Isaac Jordan Soto-Olivarez, 27 tuổi, cư dân El Paso, có liên quan đến vụ việc.

Sở cảnh sát đã cung cấp thông tin chi tiết về hiện trường vụ án mà họ đã phản hồi hồi đầu tháng.

“Khi các viên chức cảnh sát đến nơi, họ quan sát bên trong tòa nhà thấy dầu thánh bị đổ khắp các khu vực khác nhau của nhà thờ,” tuyên bố cho biết. “Các cảnh sát viên cũng quan sát thấy một số vật dụng trong nhà thờ, bao gồm cả những cây thánh giá bị lộn ngược.”

“Họ cũng quan sát thấy rằng số '666' được viết trên một số vật dụng bên trong nhà thờ bao gồm một cây nến, gương và trên nhà tạm trong phòng cầu nguyện”

Cảnh sát cho biết Soto-Olivarez đã được quan sát thấy trong đoạn phim an ninh thực hiện hành vi mạo phạm. Tổng thiệt hại lên tới 4.100 đô la.

Hôm thứ Năm, cảnh sát đã xác định được vị trí của Soto-Olivarez; anh ta “đã cố gắng trốn tránh, nhưng các viên chức cảnh sát đã nhanh chóng bắt được.” Cảnh sát sau đó đã thực hiện lệnh khám xét nhà của anh ta để lấy những món đồ được cho là đã bị đánh cắp từ nhà thờ.

Giáo phận El Paso cho biết họ “biết ơn Sở Cảnh sát El Paso và Cục Điều tra Liên bang vì đã làm việc tích cực trong việc điều tra vụ việc này.”

“Chúng tôi rất biết ơn vì thiệt hại vật chất đối với nhà thờ là rất nhỏ và đã được dọn dẹp hoàn toàn kể từ vụ việc gần hai tuần trước,” giáo phận cho biết thêm rằng họ đang yêu cầu những lời cầu nguyện “cho những người làm việc trong cơ quan thực thi pháp luật, cho những người bị cáo buộc thủ phạm, và cho toàn bộ cộng đồng Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.”

Vụ phá hoại ở El Paso xảy ra trong bối cảnh làn sóng phá hoại và mạo phạm nhà thờ trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Thành phố New York, Tây Ban Nha, Nicaragua và Canada, cùng các quốc gia khác.

Sở cảnh sát cho biết Soto-Olivarez đang bị giam giữ với số tiền thế chân tổng cộng là 41.000 USD.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô đang phục hồi, bổ sung chuyến thăm qua đêm tới Pháp vào lịch trình công du bận rộn của ngài

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến công du hai ngày tới Marseille, Pháp, vào cuối tháng 9, thêm vào một loạt các chuyến đi mà vị giáo hoàng 86 tuổi sẽ sớm thực hiện chỉ vài tuần sau khi rời bệnh viện sau ca phẫu thuật bụng.

Đầu năm nay, Đức Phanxicô đã nói rằng ngài sẽ đến thành phố cảng để tham gia cuộc họp của các giám mục Công Giáo khu vực Địa Trung Hải, nhưng cho đến khi Vatican công bố lịch trình của ngài vào hôm thứ Bảy cho chuyến hành hương ngày 22-23 tháng 9, thì mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng.

Vào ngày thứ hai ở Marseille, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các giám mục và vào cuối buổi chiều, chủ tế Thánh lễ tại sân vận động túc cầu của thành phố.

Vào ngày 2 tháng 8, Đức Phanxicô sẽ tới Lisbon, Bồ Đào Nha, trong chuyến đi năm ngày xoay quanh Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Khi ở Bồ Đào Nha, ngài sẽ thực hiện một chuyến đi bằng trực thăng đến Fatima, địa điểm có đền thờ nổi tiếng Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với 3 trẻ mục đồng.

Sau đó, vào ngày 31 tháng 8, ngài dự kiến sẽ bay đến Mông Cổ trong chuyến thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng đến quốc gia Á Châu này, nơi có một cộng đồng Công Giáo nhỏ bé.

Ba chuyến đi trong khoảng thời gian hai tháng sẽ kiểm tra xem Đức Thánh Cha Phanxicô đã phục hồi tốt như thế nào sau ca phẫu thuật bụng vào tháng 6 để sửa chữa chứng thoát vị và loại bỏ vết sẹo đau đớn từ các ca phẫu thuật trước đó. Năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua cuộc phẫu thuật ở Rôma để cắt bỏ 33cm ruột bị hẹp. Đầu năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải nhập viện để tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch trong việc điều trị bệnh viêm phế quản.

Chuyến hành hương của ngài đến Marseille bắt đầu vào chiều ngày 22 tháng 9. Khi đến phi trường Marseille, Đức Phanxicô sẽ được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp chính thức, theo lịch trình của Vatican.

Đức Phanxicô và các giáo sĩ giáo phận sẽ có một buổi cầu nguyện tại Vương cung thánh đường Notre Dame de la Garde của thành phố. Vào đầu buổi tối hôm đó, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự “thời điểm suy tư với các nhà lãnh đạo tôn giáo” gần đài tưởng niệm dành riêng cho các thủy thủ và người di cư bị mất tích trên biển.

Trong thời giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng cho những người di cư thiệt mạng ở Địa Trung Hải khi cố gắng vượt biển trên những con tàu không đủ điều kiện đi biển của những kẻ buôn lậu hạ thủy từ bờ biển phía bắc Phi Châu.

Vào ngày cuối cùng ở Marseille, lịch trình của giáo hoàng bắt đầu tại tòa tổng giám mục với cuộc gặp riêng với những người đang gặp khó khăn về kinh tế. Trước khi đến sân vận động để dâng Thánh lễ, Đức Phanxicô sẽ gặp Macron để nói chuyện, trao đổi quà tặng và chụp ảnh chính thức.


Source:AP
 
Thánh Ca
TV 144
Lm. Thái Nguyên
00:51 31/07/2023
 
Hãy cho họ ăn
Lm. Thái Nguyên
00:52 31/07/2023
 
TV 96
Lm. Thái Nguyên
14:36 31/07/2023
 
Biến đổi đời con
Lm. Thái Nguyên
14:36 31/07/2023
 
Xin biến đổi con
Lm. Thái Nguyên
14:38 31/07/2023