Ngày 05-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa đã ban Nước Trời cho chúng ta
Lm Nguyễn Hữu Thy
00:28 05/08/2010
Thiên Chúa đã ban Nước Trời cho chúng ta (CN 19 TN/C)

(Lc 12,32-48)

Trong bài Tin Mừng ngày chúa nhật vừa qua, chúng ta đã nghe câu chuyện một đại điền chủ giàu có. Ông đã thu hoạch được một vụ mùa quá thành công, đến nỗi ông ta đã phải phá kho lẫm cũ để xây dựng một cái khác to hơn, hầu có đủ khả năng chứa thóc lúa mới thu hoạch. Và ông ta hoàn toàn yên tâm đặt hết mọi tin tưởng vào của cải của mình. Nhưng Đức Giêsu đã cảnh báo cho chúng ta biết rằng thế giới và mọi thứ của cải đời này không có giá trị bền vững. Thế giới và các của cải vật chất chỉ có giá trị như một phương tiện giúp con người vươn tới một thực tại có giá trị bền vững và bất biến khác. Vì thế, thật là khờ dại và vô nghĩa, khi con người ra sức tìm kiếm và thu tích mọi của cải đời này bằng tất cả mọi giá. Bởi vì, khi con người chết, nhắm mắt lìa đời thì những ký cóp vất vả kia hoàn toàn vô ích.

Trong chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu còn răn dạy chúng ta một cách rõ ràng hơn nữa. Người đã bắt đầu bằng những lời: «Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước của Người cho các con». Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta lại tìm gặp được một cách thuyết giáo rất quen thuộc trong Phúc Âm: Đức Giêsu thường nhắc lại câu: «Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi, Nước Thiên Chúa sắp đến gần, Nước Thiên Chúa đã đến…», và Người mời gọi mọi người hãy quay về với nội tâm lòng mình, hầu họ có thể khám phá ra được ở đó Nước Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giêsu còn tiến xa hơn, khi Người nói là Nước Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Vâng, Người không chỉ nói là Nước Thiên Chúa đang đến gần hay đã ở giữa các con mà thôi, nhưng Người còn quả quyết là Nước Thiên Chúa đã được ban cho các con, Nước Thiên Chúa thuộc về các con và là của các con.

Có lẽ cũng chính vì thế mà bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng nhiều tính cách khác thường. Nó tạo ra một bầu không khí vừa rõ ràng lại vừa hỗn độn; có điều hoàn toàn khả tri, dễ hiểu, nhưng bên cạnh đó lại có điều hoàn toàn bí nhiệm, bất khả tri. Quả thật, chúng ta đang đứng trước một tổng hợp của những lời hứa, những lời khuyên dạy và cả những lời ngụ ngôn, của những so sánh; và sự tương quan giữa các điều khác biệt đó cũng nhẹ nhàng, tương tự như khi đề cập tới một sự hiện diện vừa hiện tại vừa tương lai, vừa cụ thể vừa nặc danh vậy.

Nhưng người ta cũng không ngạc nhiên khi nghe lại bài thuyết giáo của Đức Giêsu vừa rõ ràng vừa khó hiểu như thế. Xưa kia, các khán thính giả của Người cũng đã không tránh khỏi cảnh chưng hửng và ngạc nhiên tương tự. Chính Phêrô cũng đã phải hỏi Chúa: «Thưa Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó cho chúng con hay cho tất cả mọi người?», vì ông đã không hiểu rõ được là Thầy các ông muốn nói điều đó với ai. Nếu vậy, tại sao sự thể lại khác đối với chúng ta được? Hay chúng ta cho là Đức Giêsu đã dành một bài thuyết giáo riêng cho từng loại người khác nhau? Không! toàn bộ những lời dạy của Chúa trong Phúc Âm đều cần thiết cho từng người. Nhưng qua các suy tư của mình, chúng ta chỉ có thể cố gắng thấu hiểu được phần nào mà mầu nhiệm của Người cho phép.

Vừa rồi chúng ta đã nói rằng Thiên Chúa Cha đã ban Nước của Người cho chúng ta. Đó chính là thực tại cơ bản của tất cả các giáo huấn của Đức Giêsu; còn những gì khác chỉ là các hiệu quả phát xuất từ thực tại cơ bản đó hết. Và cái hiệu quả đầu tiên thì rất mạnh mẽ; tuy nhiên lại là hiệu quả được nối liền trực tiếp với sứ điệp mà chúng ta đã nghe trong ngày chúa nhật vừa qua. Nếu Nước Thiên Chúa là một thực tại bền vững và nếu Chúa Cha lại ban cho chúng ta chính Nước của Người ngay giữa cuộc sống tạm thời và chóng quá đời này, thì thật là một điều vô lý và khờ dại, khi chúng ta không biết yêu quý và ra sức tìm kiếm Nước đó. «Kho tàng của các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó» (Lc 12,34). Thật vậy, thu tích những của cải hay hư nát, sẽ làm thiệt hại cho những của cải quý báu không hề hư nát; và đó chính là điều khờ dại và vô lý. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều xác tín. Tuy nhiên, sự xác tín một mình thì hoàn toàn chưa đủ. Chắc chắn rằng mỗi người tín hữu không thể lập tức đi bán tất cả những gì mình có và đem phân phát tiền bạc cho người nghèo khó. Nhưng cũng không phải vì thế mà người tín hữu cũng không thể lấy cớ là không thực hiện theo văn từ ngay lập tức được, nên sao nhãng những điều Đức Giêsu đã dạy.

Vậy, cần phải xử trí thế nào? Chính Chúa sẽ trả lời câu hỏi đó trong những lời giáo huấn tiếp theo sau của Người.

Trước hết, Người nói về sự tỉnh thức. Để các khán thính giả xưa kia của Người nắm bắt được vấn đề, Đức Giêsu đã đem so sánh sự tỉnh thức đó với hai trường hợp cụ thể của cuộc sống đời thường:

• Trường hợp thứ nhất là các người đầy tớ phải tỉnh thức chờ đợi ông chủ của mình sẽ từ tiệc cưới trở về bất cứ lúc nào, hầu có thể phục vụ ông;

• Trường hợp thứ hai là người ta phải luôn tỉnh thức canh chừng kẻ trộm, vì nó luôn đến một cách hoàn toàn bất ngờ, hầu có thể hành động cách an toàn được.

Một điều quá rõ ràng là ở đây chúng ta đang nói về sự trở lại của Đức Kitô trong tương lai, nhưng là một tương lai có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế người ta cần phải tỉnh thức, bởi vì sự trở lại của Đức Kitô trong tương lai, vào thời sau hết đó, hoàn toàn mang tính cách định mệnh và dứt khoát, và những ai không tỉnh thức để sẵn sàng tiếp rước Người, sẽ bị loại trừ ra khỏi Nước Thiên Chúa và không được tham dự vào vinh quang vĩnh cửu của Người.

Đúng vậy. Nhưng tại sao Đức Giêsu đã nói với chúng ta trong đầu bài Tin Mừng hôm nay là: «Cha các con đã vui lòng ban Nước của Người cho các con» và sau đó người ta lại có thể bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa được?

Đức Giêsu nói cho chúng ta về một sự trở lại thình lình, hoàn toàn bất ngờ của Người, nên chúng ta luôn cần phải ở trong tình trạng sẵn sàng, và những ai biết sống tỉnh thức như thế, thì chính Người sẽ phục vụ họ. Chúng ta nên biết rằng tương lai thực sự đã bắt đầu; nghĩa là một người tín hữu luôn biết sống trong tình trạng tỉnh thức thì sẽ cảm nhận được sự chăm sóc lo lắng đầy yêu thương của Thiên Chúa.

«Ông chủ sẽ thắt lưng, cho đầy tớ ngồi vào bàn và đi phục vụ họ». Đó chính là điều Đức Giêsu đã làm trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, khi Người quì rửa chân cho các môn đệ. Nhưng ở đây, chúng ta còn luôn phải ân cần tỉnh thức đến sự hiện diện của Chúa, Người luôn có mặt và Người không ngừng phục vụ chúng ta. Thực ra, sự phục vụ của Người thỉnh thoảng rất thình lình, tương tự như kẻ trộm trong câu chuyện dụ ngôn, nhưng nếu chúng ta không thực sự tỉnh thức và sẵn sàng thì chúng ta càng ngạc nhiên hơn nữa. Những ai biết tỉnh thức thì sẽ không phải quá ngạc nhiên bối rối trước sự tình cờ. Nói cách khác, một điều bất ngờ sẽ không làm người đó ngạc nhiên, vì chính điều tình cờ đó cũng đã được chờ đợi.

Vậy, cách thức thứ nhất để biết loại bỏ sự bảo đảm tạm thời của vật chất và sống trong sự bảo đảm bền vững mà Thiên Chúa ban cho, đó là chúng ta phải luôn biết tỉnh thức. Bởi vì chính sự tỉnh thức giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện đầy chăm sóc lo lắng của Chúa đối với chúng ta, và «Người đến phục vụ từng người một». Chính nhờ thế, những người giàu có vật chất tưởng chừng như là những thứ của cải thiết yếu, bất khả thiếu, lại từ từ đánh mất đi sự quan trọng của chúng.

Qua câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói lên hai thái độ đối với những của cải của Nước Trời: Có thể là một sự sử dụng tốt hay một sự sử dụng xấu. Sự sử dụng tốt: đó là không giữ lại cho riêng mình bất cứ điều gì cả; phải phân phát tất cả; không có thái độ chiếm hữu của cải Nước Trời làm của riêng như đối với của cải trần thế.

Vâng, không giữ lại cho mình bất cứ điều gì, nhưng là đem phân phát cho mọi người, đó chính là thái độ duy nhất khả thi và đúng đắn một cách thực tiễn. Khi Đức Giêsu đã trình bày người quản lý xấu, là kẻ «đã đánh đập tôi nam tớ nữ, ăn uống say sưa», phải chăng Người đã không nói lên một thái độ thường xảy ra nơi những Kitô hữu, những người lợi dụng tính cách thành viên của mình trong cộng đoàn và tự cho mình là trổi vượt hơn kẻ khác, để lấn át và điều khiển họ, và hành xử sự điều khiển đó một cách tinh vi đến nỗi họ không còn bị lương tâm cắn rứt, vì tự cho mình đã dung hòa được ý chí muốn thống trị kẻ khác và thiện ý trong họ. Dĩ nhiên, điều đó cũng có thể làm cho người ta nghĩ đến những lạm dụng quyền bính trong Giáo Hội, khi một vị nào đó có sứ mệnh rao giảng Lời Chúa và ban các phép Bí tích, tức phục vụ Cộng Đoàn về đàng thiêng liêng, lại chỉ lo gây ảnh hưởng và thiết đặt quyền bính cá nhân riêng của mình. Bên cạnh đó cũng có những người phê bình và tỏ vẻ coi khinh kẻ khác, khi họ nhận thấy những người này không sống đạo theo kiểu cách của họ. Nhưng đó là những quan niệm Pharisêu, tức những người chỉ lợi dụng ơn Chúa ban cho để phục vụ quyền lợi cá nhân và việc thống trị kẻ khác.

Còn tất cả chúng ta, khi chúng ta đóng chặt tai mình lại và không muốn nghe những gì Đức Giêsu nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay, thì hình phạt dành cho chúng ta không phải là nhỏ, và nếu chúng ta đã được lãnh nhận nhiều thì chúng ta cũng sẽ bị đòi lại nhiều. Vâng, Thiên Chúa càng ban cho chúng ta càng nhiều thì tiếp đến chúng ta càng phải biết san sẻ cho kẻ khác. Qua điều đó, chúng ta đã khám phá thấy rằng Đức Kitô đã công bố cho chúng ta một giáo huấn vừa mạch lạc lại vừa mang tính cách đòi hỏi khắt khao.

Nếu chúng ta quan tâm để ý, nếu chúng ta biết tỉnh thức, chúng ta sẽ nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng hằng phục vụ chúng ta; Và nơi Người chúng ta sẽ lãnh nhận được dồi dào mọi kho tàng châu báu, nhưng dĩ nhiên đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải đưa phân phát kho tàng đó cho kẻ khác. Chúng ta không được phung phí ơn Chúa đã được ban cho chúng ta; nếu không, chính ơn Chúa sẽ quay lại chống chúng ta và tiêu diệt chúng ta. Vì bấy giờ chúng ta sẽ đụng chạm tới chính Nước Thiên Chúa, tức Nước của đức tin, của sự phó thác, của sự an bình, của sự phong phú hay của ý chí ngay lành. Dĩ nhiên, nếu Nước Thiên Chúa được ban cho chúng ta, chúng ta cũng có quyền từ chối, nhưng bấy giờ chúng ta cũng đừng ngạc nhiên về sự phi lý và vô ích của cuộc sống. Còn nếu chúng ta chấp nhận Nước Thiên Chúa, chúng ta cần phải hoàn toàn từ bỏ chính bản thân mình và từ bỏ tất cả những gì chúng ta chiếm hữu, để phó thác chính chúng ta cho Thiên Chúa. Đó chính là đời sống đức tin. Đức Kitô sẽ đến phục vụ chúng ta theo mức độ thực tiễn mà chúng ta mở ra cho Người.

Trên đây, chúng ta đã thử trình bày về những yếu tố khác nhau của mầu nhiệm mà hôm nay Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy để cho mầu nhiệm đó thấm sâu vào trong cuộc sống và vào trong linh hồn chúng ta. Chứ chính chúng ta không nên vội vàng can thiệp vào, sự thận trọng trong lãnh vực này đòi hỏi một sự vâng phục gắt gao và tuyệt đối: Các con hãy làm như người đầy tớ đang chờ đợi ông chủ trở về… anh ta biết anh ta phải làm những gì và anh ta thực hiện điều đó đúng theo sự đòi hòi của nó.
 
Khi Giữ Mình Trong Sạch Tôi Tìm Được Đức Khôn Ngoan
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
06:45 05/08/2010
Cha Paul Bertrand là Linh Mục Thừa Sai Công Giáo tại Cộng Hòa Trung Phi. Ngày mới đến đây Cha phải một mình chăm sóc mục vụ cho nhiều bộ lạc khác nhau. Tại bộ lạc đầu tiên Cha dạy giáo lý và chuẩn bị cho một bé trai tên Gioan rước lễ lần đầu. Sau đó Cha lên đường sang bộ lạc thứ hai, rồi thứ ba. .

Một năm trôi qua Cha trở lại thăm bộ lạc thứ nhất. Được tin, cậu Gioan vui mừng chạy đến chào thăm Cha Paul Bertrand. Cậu thưa: ”Xin Cha cho con rước Đức Chúa GIÊSU nữa đi!” Cha Paul âu yếm trả lời: ”Được, Cha sẽ cho con rước Chúa. Nhưng con phải xưng tội trước đã! Một năm trôi qua, ai biết được là con đã phạm những tội nào!” Cậu Gioan ngạc nhiên hỏi: ”Cha nói sao? Tội lỗi gì? Người ta còn có thể phạm tội sau khi đã rước Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể vào lòng sao? Phần con, nhờ ơn Đức Chúa GIÊSU, từ ngày rước lễ lần đầu đến nay, con không hề phạm một tội nào hết!”

... Câu chuyện thứ hai xảy ra hồi đệ nhất thế chiến 1914-1918. Vào buổi chiều sau trận đánh dữ dội đẫm máu, các Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo cùng với các bác sĩ và y tá đi vòng quanh bãi chiến để chăm sóc người hấp hối và để khiêng xác các quân nhân tử trận.

Gần nơi bụi rậm, Cha Tuyên Úy quỳ cạnh một người lính trẻ tuổi. Đôi mắt anh mở lớn nhìn trời. Không thấy vết thương cũng không thấy máu chảy, Cha Tuyên Úy nhẹ nhàng hỏi: ”Con bị thương ở đâu?” Người lính đáp: ”Ở sau lưng!” Cha hỏi tiếp: ”Con có muốn xưng tội không?” Người lính thưa: ”Không, con mới xưng tội hồi sáng này. Bây giờ con chỉ ước ao rước Đức Chúa GIÊSU lần cuối cùng thôi!”

Cha Tuyên Úy trang trọng mở túi thánh Cha mang trước ngực, lấy Mình Thánh Chúa và trao cho thương binh hấp hối. Rước lễ xong người lính trẻ thều thào: ”Thưa Cha, bây giờ con không còn sức để tạ ơn. Con sẽ làm khi về Trời. Tuy nhiên, con có một điều muốn nhờ Cha giúp. Xin Cha làm ơn mở túi áo khoác ngoài của con, lấy cái giây lụa trắng. Đây là giây lụa Mẹ con cột quanh cây nến con cầm ngày con rước lễ lần đầu. Từ ngày đó, con luôn mang nó theo mình và tự hứa sẽ không bao giờ phạm một tội trọng nào làm mất lòng Chúa. Xin Cha làm ơn trao giây lụa cho Mẹ con và nói với Mẹ con rằng: ”Con gởi lời vĩnh biệt Mẹ con lần cuối!”

Cha Tuyên Úy cảm động nhận lời. Cha luồn tay dưới ót, đỡ đầu người lính trẻ. Anh mĩm cười nói nhỏ: ”Bây giờ con có thể ngủ yên như khi còn ở nhà!” Nói rồi, anh nghiêng đầu xuống và êm ái trút hơi thở cuối cùng.

... Câu chuyện thứ ba cũng xảy ra trong thời đệ nhất thế chiến. Ngày 18-11-1916, tại làng Torcegno (Đông Bắc Ý) một toán lính người Áo đến bao vây, lục soát nhà xứ và bắt Cha Sở mang đi. Trong giây phút hỗn độn đau thương đó Cha Sở đã nhanh nhẹn túm được cậu bé giúp lễ tên Almiro Faccenda, lên 7 tuổi. Cha Sở nói nhỏ vào tai cậu: ”Cha giao cho con Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Đây là chìa khóa Nhà Tạm. Con nhớ giữ thật kỹ. Khi nào cần, con cho người ta rước lễ. Xin THIÊN CHÚA chúc lành cho con, hỡi chú bé giúp lễ yêu quý của Cha”. Cha Sở vừa nói xong, toán lính hùng hổ xông tới áp giải Cha mang đi.

Giáo dân tuốn đến thật đông. Sau đó họ kéo nhau vào nhà thờ cầu nguyện. Trong y phục giúp lễ, cậu bé Almiro nghiêm trang tiến lên bàn thờ, leo lên chiếc ghế đặt trước Nhà Tạm, cẩn trọng lấy chìa khóa mở cửa Nhà Tạm. Và rồi với dáng điệu thật chăm chú, sốt sắng, Almiro run run cảm động trao Mình Thánh Chúa cho mọi người, bắt đầu từ Mẹ cậu. Bên ngoài, tiếng đại bác nổ rền trời.

Buổi sáng hôm đó, khi trở về nhà, Almiro thưa với Mẹ: ”Mẹ à, con phải làm gì với đôi bàn tay này? Đôi bàn tay đã từng chạm đến Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ?” Bà mẹ âu yếm trả lời: ”Con yêu dấu. Con hãy cẩn trọng giữ gìn để đôi bàn tay không bao giờ làm điều gì mất lòng Chúa và thương tổn đến tình bác ái!”

16 năm sau - năm 1932 - Cha Almiro Faccenda dâng Thánh Lễ mở tay trên cùng bàn thờ của nhà thờ xứ đạo Torcegno. Lễ xong, khi cầm hôn đôi bàn tay của vị tân Linh Mục, bà mẹ cảm động nói: ”Mẹ không ngờ đôi bàn tay đã một lần chạm đến Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU lại có được định mệnh tốt đẹp cao cả của ngày hôm nay: trở thành đôi bàn tay của vị Linh Mục đời đời của THIÊN CHÚA”.

... ”Thời còn trẻ, trước khi bôn ba đây đó, tôi đã công nhiên tìm kiếm đức khôn ngoan khi dâng lời cầu nguyện. Nơi Thánh Điện, tôi hằng cầu xin, và cho đến mãn đời, tôi vẫn tìm kiếm đức khôn ngoan. Như hoa tươi nở, tựa chùm nho chín, đức khôn ngoan làm hoan hỷ lòng tôi. Chân tiến bước trên đường ngay nẻo chính, tôi dõi theo đức khôn ngoan từ thửơ còn thanh xuân. .. Tôi đã hướng lòng về đức khôn ngoan, và khi giữ mình trong sạch, tôi tìm được đức khôn ngoan. Tôi đã để tâm tìm hiểu ngay từ đầu, nên tôi sẽ không bị ruồng bỏ” (Sách Huấn Ca 51,13-15/20).

(”JESUS AMOR”, Esempi catechisti, n. 11, trang 20-23)
 
Hãy Tỉnh Thức Cải Thiện Đời Sống
Tuyết Mai
08:26 05/08/2010
Hãy Tỉnh Thức Cải Thiện Đời Sống

Quả cuộc đời ngày lại ngày là những nỗi chán chường cho rất nhiều người!? Vì cơm áo vì bạc tiền, và biết bao nhiêu những cái vì của con người đang viện lý do đó mà đặt lên hàng đầu của cuộc sống. Khi đã bước chân ra đời từ sáng sớm cho đến buổi chiều tà, mặt mày của rất nhiều người cho chúng ta thấy là họ không thể có được niềm vui!? Anh là giám đốc ư!? Hoặc giả anh có một chút danh xưng, là thợ, bồi bàn, là buôn thúng bán rao, hay mọi ngành nghề, anh cũng không sao cười cho được, thưa vì sao thế? Có phải cái nghề gì thì anh cũng phải đụng chạm đến người và người? Vâng, con người thì ngộ thật đó! Không thể nào cắt nghĩa cho được, là rất khó để mà vui mà làm thỏa mãn cho chính mình!?. Tâm lý và tâm trạng ấy, không biết ai có thể chữa cho được?. Chán, muốn ở nhà không đi làm nữa thì ai cho mình tiền để trang trải cho đủ hằng tháng đây!? Mà ở nhà đi ra đi vào công không rỗi nghề riết thì cũng chán chứ!? Ở nhà ngồi ăn không nội tốn tiền ăn thì núi cũng phải lở nữa là, rồi thì vướng vào những con đường không mấy tốt lành là họp chị họp em lại mà đi nói hành người này và nói xấu người kia, nhàn cư vi bất thiện là vậy ấy mà!.

Quả con đường đời của chúng ta thì dài lắm! Nếu rảnh rang mà đếm giờ thử xem, hay chờ đợi ai xem có thấy lâu lắm không? Có người thì rảnh rỗi một ngày xem chừng như có đến cả 72 giờ lận, nhưng có người thì một ngày xem chừng như giờ của chiếc xe lửa hay giờ của máy bay bay, quay qua quay lại đã thấy hết cả giờ cả ngày rồi! Quả phước đức cho những người này thật! Trước đây vài năm tôi là một trong những người được gọi là có phước, vì đã đem đến nguồn vui hạnh phúc cho rất nhiều người, vì họ thật sự là những bệnh nhân cần được lo lắng và chữa trị. Tuy dù một ngày làm việc của tôi rất là bận rộn, rất là mệt mỏi, nhưng sao kỳ lạ là Chúa Thánh Thần đã giúp cho tôi thêm sức mạnh và nghị lực của Ngài. Tôi bận rộn tay chân luôn nhưng miệng tôi luôn điểm nụ cười, thỉnh thoảng hát cho các ông bà nghe trong khi họ chờ đợi, kể chuyện cười nói huyên thuyên thật thoải mái thật bình yên. Tôi cũng nhớ những cái ngày xa xưa ấy lắm! Phải, cũng gọi là xưa vì cũng gần 10 rồi còn gì!?.

Còn sau này nơi làm việc mới của tôi hình như nó có cái gì mập mờ không được tốt. Không được thẳng thắn sáng sủa cho lắm!? Người làm việc thì phe nhóm, hễ cùng trong nhóm thì họ che đậy cho nhau và sẵn sàng cười hề hề nếu họ lầm lỗi?. Và có những việc mà sau này khi tôi không còn làm việc nữa, chắc tôi sẽ không thinh lặng được, mà sẽ rất có thể phơi bày ra ánh sáng. Bởi lẽ những việc họ làm xem như rất là thất đức. Lấy tiền công quỹ của người già để làm lương chắc chắn cho mình? Lấy tiền của người già để lận vào lưng của mình. Tìm cách ăn chận của chủ và của người già, tất cả chỉ để thu vào cho túi tham của họ. Giúp cho những người không có tiêu chuẩn để thành có tiêu chuẩn, tạo thành một cái hố thâm thủng thật sâu của ngân quỹ quốc gia. Những thành phần này cần phải truy tố vì việc công bằng và bác ái của công quỹ chung. Anh chị em nghĩ sao khi một người cần được sự giúp đỡ thật tình, mà khối tiền trên đã bị những thành phần mối mọt lạm dụng và hao mòn nên phần của người đáng được hưởng lại không được hưởng, còn người không cần hưởng lại được hưởng, xã hội ngày nay đâu thì được gọi là công bằng và đâu thì gọi là bác ái chứ!??.

Cái buồn của tôi là đem niềm vui, nụ cười, chia sẻ, vào nơi không có???. Cho nên cảm thấy nỗi buồn càng ngày càng thấy ngao ngán chán chường làm sao đâu! Nên đang thương lượng với Chúa mà rằng: "Lậy Chúa là Thiên Chúa tối cao! Nơi đâu trên thế gian này cũng là một sự hỗn hợp như thế! Gian nhiều hơn thánh thiện. Con vẫn hằng ngày cầu xin cho những con người gian lận này họ hiểu và kềm chế lại được việc làm thất đức này! Sao họ không hiểu được việc làm không công chính ngôn thuận thì không phải một mình họ gánh chịu, mà cả gia đình của họ cũng phải gánh lấy mọi hậu quả của một người gây ra?. Thí dụ họ phải ngồi tù thì có ảnh hưởng rất lớn đến cho gia đình của họ hay không???. Hình như tất cả việc làm gian xảo đều đem cho họ thật nhiều tiền, và vì thế đã làm cho tất cả mờ con mắt? Không mờ sao được khi mà quyền hành trong tay họ? Tiền kiếm thật dễ chỉ cần đưa tay dưới gầm bàn là có ngay. Có được thì tậu nhà, tậu xe, tậu bao nhiêu thứ không cần thiết. Xin Chúa cho họ hiểu ra rằng mọi thứ chỉ là cơn gió thoảng và là phù vân, cuộc sống mai sau mới là quan trọng, mới là vĩnh viễn thiên thu vạn đại, mãi mãi được sống muôn đời bên Ba Ngôi Thiên Chúa và Mẹ Maria. Amen.
 
Thiên Chúa Dẫn Dắt Chúng Ta Ra Khỏi Vùng Tăm Tối
Jos. Tú Nạc, NMS
08:37 05/08/2010
Thiên Chúa Dẫn Dắt Chúng Ta Ra Khỏi Vùng Tăm Tối

Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm C (Wisdom 18: 6-9; Psalm 23; Hebrew 11: 1-2, 8-9; Luke 12: 32-48)

Họ đã biết gì và khi nào họ biết về điều đó? Câu hỏi pháp qui cổ điển từ thời Watergate còn có thể được áp dụng để thuật lại câu chuyện Exodus trong sách Khôn Ngoan. Chúng ta được dành thời gian để tin rằng dân Israel đã được biết một cách chính xác điều gì sẽ xảy ra. Họ biết kế hoạch của Thiên Chúa, sự hủy diệt sắp xảy ra của người Ai Cập, cũng như sự giải thoát sắp đến của họ. Nhưng điều này không phù hợp Exodus, và sách Khôn Ngoan trên thực tế là một sự tái diễn giải về thần học được viết hơn một nghìn năm nay về sự kiện này. Nó cũng không giải thích về sự bất trung của Irael thiếu đức tin lập tức sau khi họ trốn thoát.

Hầu hết thời gian của những sự kiện tối quan trọng bắt chúng ta phải ngạc nhiên. Chúng ta có thể có một ý niệm mơ hồ về những sự kiện xuất hiện và thậm chí có thể chúng ta đã dự đoán về những sự kiện đó, nhưng chúng thường đến một cách bất ngờ với một càm giác choáng váng. Chẳng hạn như nhiều người đã tiên đoán sự sụp đổ cuối cùng của những chế độ cai trị cộng sản trên toàn khối Xô viêt, dòng thác nhanh chóng cuốn trôi chế độ sụp đổ tan tành vào năm 1989 choáng váng và khó tin. Chỉ sau sự kiện ấy xảy ra điều đó thật sự hiển nhiên và không thể tránh khỏi.

Chúng ta không đặc quyền bằng những dòng trực tiếp trước Đấng Tối Cao được ngụ ý trong lời tường thuật của sách Khôn Ngoan, nhưng chúng ta được chúc phúc vì đức tin và hy vọng. Những món quà này có thể cho phép chúng ta biết rằng Thiên Chuá muốn thực hiện một điều gì đó. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ chuyển đến những đường lối quyết định cho lợi ích của chúng ta ngay cả khi chúng ta đang sống trong tối tăm từng ngõ ngách. Chúng ta không cần phải bí mật riêng tư trước kế hoạch của Thiên Chúa để cùng nhau tụ tập là những con người của đức tin hân hoan chào mừng lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa.

Đức tin không mù quáng và niềm tin ngoan cố vào những điều vô nghĩa và vô hướng. Cũng không phải là lạc quan ngây thơ, khờ khạo chạy trốn thực tế. Những lời từ sách Do Thái là sự lựa chọn chắt lọc: đó là một sự bảo đảm, một ý thức trực quan nội tại, mà niềm hy vọng trong trái tim con người sẽ trở thành hiện thực trong một số phương cách tuyệt vời mà không ai biết. Mặc dù đối tượng của niềm hy vọng này lúc đó vô hình, chưa thấy được. Những chấn động và rung động về cách tiếp cận của nó có thể cảm quan được cho những ai hy vọng trông chờ. Đức tin còn một cách khác để cảm nhận và hiểu biết sự hiện diện và hoạt động thiêng liêng của Thiên Chúa thậm chí cả ở những nơi không ai biết đến. Sự sợ hãi, hoài nghi và thất vọng khích động mạnh đến nhiều tiêu cực trên thế giới của chúng ta cho dù đó là kinh tế, chính trị, thị trường chứng khoán hoặc những mối quan hệ giữa các dân tộc và giữa các quốc gia. Trong nhiều khía cạnh, hệ thống nhân lực của chúng ta dường như bị tê liệt không thể cung cấp hàng hóa. Mức độ thất bại gia tăng vì người ta ngỡ là tù nhân của những lực lượng ngoài tầm kiểm soát của mình, và không thể đúc kết cho hiện tại hoặc tương lai. Hy vọng một thế giới hòa bình và công lý vẫn chỉ là bước đầu trong con đường thoát khỏi bóng tối này. Chúng ta còn phải tin rằng điều này thể hiện mong muốn của Thiên Chúa và rằng Thần Khí của Thiên Chúa còn bề bộn biết bao công việc trên thế gian này để thực hiện mục tiêu đó. Vậy chúng ta phải cởi mở và sẵn sàng để được dẫn dắt bởi Thần Khí đó.

Chúng ta ứng xử như thế nào khi chúng ta nghĩ rằng không ai đoái hoài đến chúng ta – hoặc khi người có thẩm quyền và sự thừa nhận chính thức khiếm diện. Một số người nhận xét về những tình huống này như một sự thực hiện tự do cho tham nhũng và tàn bạo. Trong đoạn trích từ Tin Mừng của Thánh Lu-ca và nhiều đoạn khác tương tự, tác giả đấu tranh để duy trì lời cam kết và tha thiết tinh thần của cộng đồng. Bị thất vọng bởi thời gian chậm trễ trong sự trở lại của Chúa Giê-su, nhiều người đang trở nên sao lãng về mặt đạo đức và tinh thần. Dụ ngôn được mở rộng minh họa tầm quan trọng về việc vận dụng thời gian chúng ta có một cách khôn ngoan, khéo léo. Bất cứ một ai cũng có thể thanh tẩy hành động của mình và sắp đặt mọi thứ trật tự, ngăn nắp khi thanh tra viên đến. Nhưng thời gian của chân lý luôn bất ngờ và không thông báo trước. Giống như một giáo viên vắng mặt, đột xuất quay trở lại một lớp học bất trật tự. Sự trở lại của Chúa Trời sẽ đến với chúng ta một khi chúng ta thực sự trông chờ.

Thế hệ của Thánh Lu-ca mong đợi sự trở lại của Chúa Giê-su, nhưng sau sự chậm trễ của hai thiên niên kỷ chúng ta không còn sống với một ý thức của sự cấp thiết hoặc cấp bách như vây. Nó có thể xuất hiện để chúng ta có nhiều cơ hội sống hơn, nhưng nó là một ảo ảnh. Cuộc sống có thể kết thúc bất cứ lúc nào và khi mà chúng ta ít mong chờ nó. Cuộc sống mỗi ngày với mốt ý thức biết ơn mà nó là một món quà quý giá sẽ giúp chúng ta một cuộc sống phong phú, sinh nhiều hoa trái trong Thiên Chúa.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:39 05/08/2010
Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng

(Chúa Nhật XIX TN C)

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Sự gì Thiên Chúa đã trao ban thì Người không bao giờ lấy lại. Nước trời là vương quốc tình yêu, nơi tràn đầy hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên Chúa đã trao ban Nước Trời. Có thể nói đây là điều kiện cần, là nguyên nhân tác thành hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Thế nhưng còn cần sự đáp trả của phía con người, xét như là loài có ý thức và tự do. Và có thể gọi đây là điều kiện đủ để con người, từng người đạt đến hạnh phúc đích thực.

Chìa khoá của sự đáp trả phía con người đó là niềm tin. Khởi đầu nghi thức ban Bí tích Thánh Tẩy cho người trưởng thành, người xin lãnh nhận bí tích đã xin ơn đức tin và khẳng đinh rằng đức tin đem lại cho họ sự sống đời đời. Vậy thử hỏi tin là gì? Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái dùng hình ảnh tổ phụ Abraham để giảng giải hành vi đức tin đó là đón nhận và thực thi lời Thiên Chúa phán dạy, cho dù nhiều khi với lý trí tự nhiên khó có thể hiểu cặn kẻ nội dung những lời được truyền. Chính nhờ đức tin mà Abraham đã vâng theo lệnh Thiên Chúa, dẩu cho lệnh ấy làm ông phải quặn thắt ruột gan, chẳng hạn như lệnh truyền hiến tế chính người con trai duy nhất (x.Dt 11,8-19). Tin là chấp nhận những gì Chúa phán dạy đều là chân thật vì Thiên Chúa không hề lừa gạt ai (x. Dz 3008).

Bài trích Tin Mừng thánh Luca Chúa Nhật XIX, Giáo Hội cho chúng ta nghe những lời dạy của chính Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô. Để có được kho tàng ở trên trời là hạnh phúc vĩnh cửu, Chúa Kitô truyền dạy chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng.

Sống tỉnh thức: Thái độ tỉnh thức là không mê đắm, không bị trói buộc trong những sự tạm thời, chóng qua ở đời này. Dù cho những thiện hảo đời này có tốt, có đẹp bao nhiêu đi nữa thì chúng chỉ là nhất thời và qua đi. Chúa Kitô đã dùng hình ảnh bị mối mọt, bị ten sét, bị trộm cướp để minh hoạ sự thật này. Các bậc hiền giả xưa nay cũng chân nhận rằng sắc đẹp không qua khỏi làn da, của tiền không theo chúng ta vào huyệt lạnh, công danh quyền chức chỉ là một thời.

Người sống tỉnh thức là người biết tự do với cả mạng sống mình ở đời này. Thân xác thì hơn áo mặc, mạng sống thì hơn của ăn và hạnh phúc vĩnh cửu thì hơn cả mạng sống đời này. Họ là những người không nao núng trước quyền lực chỉ có thể làm hại sự sống đời này của họ nhưng không thể làm hại đến sự sống đời đời.

Sống sẵn sàng: Suy xét đến cùng thì thái độ sống tỉnh thức chỉ dừng lại ở mặt tiêu cực. Kitô hữu sống tự do với các thực tại đời này không phải để cho bản thân thoát khỏi những hệ luỵ tiêu cực của những sự chóng qua mà anh em Phật tử gọi là vòng khổ ải, nhưng là để sống yêu thương cho đến cùng. Đây là nội hàm của tinh thần sẵn sàng mà Chúa Kitô dạy.

Khi thánh Phêrô hỏi về dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức sẵn sàng đợi chủ đi ăn cưới về thì Chúa Giêsu đã giảng giải tinh thần sẵn sàng qua hình ảnh người quản gia trung tín, khôn ngoan phân phát thóc gạo đúng giờ cho kẻ ăn người ở. Sự sẵn sàng ở đây xem ra không hướng đến những người vai vế ở trên, nhưng là đối với những người ở phận dưới.

Những người ở phận dưới trước hết là những người mà chúng ta đang có trách nhiệm cách trực tiếp như đàn chiên Giáo hội trao phó, con cái, học trò…Họ cũng là những người thấp cổ, bé phận trong xã hội, những người xấu số, kém may mắn trước mặt người đời, nói chung là tất cả những tâm hồn bé mọn mà Tin Mừng đề cập. Thánh sử Matthêu đã tường thuật cho chúng ta dụ ngôn Chúa Giêsu kể về ngày cánh chung nhắc nhớ chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận yêu thương với những tâm hồn ấy.

Mỗi khi dâng Thánh Lễ, Kitô hữu chúng ta đều đấm ngực ăn năn về nhiều tội đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Vẫn có đó nhiều con cái Chúa chưa hình dung rõ ràng về những tội thiếu sót. Theo ngôn ngữ tiếng Việt thì người ta dễ lầm tưởng đó là những tội quên sót. Xin khẳng định rằng những tội mà chúng ta dễ quên hay dễ bỏ sót khi xét mình, thì hình như không đáng gọi là tội. Nếu thực sự là tội theo đúng nghĩa thì một Kitô hữu trưởng thành, ngay chính không dễ gì quên hay bỏ sót. Tội thiếu sót là tội chúng ta đã bỏ qua những việc tốt, những việc phải làm trong khả năng và hoàn cảnh của chúng ta theo nghĩa vụ sống yêu thương. Bản dịch Anh ngữ thì hình như khá rõ về điều này: “I confess to almighty God, and to you, my brothers and sisters, that I have sinned through my own fault in my thoughts and in my words, in what I have done, and in what I have failed to do…”

Vì sao và vì đâu người ta lại bỏ qua những việc phải làm? Có thể vì sự vô tâm hay bạc tình. Tuy nhiên cần phải nói rằng số người sống vô tâm, bạc tình có lẽ không nhiều. Thế mà số người mắc phải tội “quên sót’ thì không ít. Cần xét suy nguyên nhân khác. Vì dính bén chút của tiền hay danh vọng, vì quá quyến luyến sự sống đời này nên người ta đã bỏ qua những việc cần làm, những việc phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nhất là theo đòi hỏi tình yêu Tin Mừng. Một thực tế khó bề chối cải, đó là người ta dễ dàng sẵn sàng với người phận trên, với kẻ nhiều tiền hay quyền cao chức trọng, nhưng lại thờ ơ với những người thấp cổ bé phận. Xin chớ quên lời của Chúa Kitô: Hạnh phúc Nước Trời hệ tại ở chính những nghĩa cử chúng ta đã làm cho các anh em bé mọn.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
 
Tỉnh thức và sẵn sàng
PM. Cao Huy Hoàng
12:26 05/08/2010
Suy niệm Lời Chúa CN 19 TN C 2010 (Lc 12, 32-48)

Nối tiếp với Lời Chúa tuần 18, Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn cụ thể hơn, vì phần rỗi của chúng ta. Ngài dạy chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng:

Hướng lòng về Nước Thiên Chúa

Trước tiên là phải ngộ ra những thực tại trần thế là phù vân, chóng qua, hư nát để không bám víu, nặng lòng với của cải thế gian, không bị những bả phù vân khống chế, làm chủ chúng ta, nhưng chúng ta hãy làm chủ đời mình.

Bước bức phá tiếp theo là hướng lòng đến thực tại vĩnh hằng là Nước Thiên Chúa, là Sự Sống Đời Đời qua Đức Giêsu Ki-tô. Gọi là bước bức phá vì phải chiến đấu gian khó với những cuốn hút thế gian vẫn luôn đầy hấp dẫn, ngoạn mục.

Một trong những cách chiến đấu để chiến thắng cụ thể là sử dụng của hay hư nát mà mua lấy Nước Thiên Chúa quý giá vô cùng, bằng cách sẵn sàng thực hành Đức Bác Ái:

"Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó”. (Lc 12, 32-34)

Sống trong tình trạng ân sủng

“Hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” (Lc 12,35): Hãy sống trong ơn nghĩa Chúa, sống trong tình trạng ân sủng.

Tôi vẫn nhớ mãi lời dặn dò của cha mẹ, tuy cũ kỷ, cổ xưa, nhưng thiết nghĩ vẫn luôn hợp thời: “làm gì thì làm, nhưng trước tiên phải sạch tội trọng, nghe con”. Lời vàng ấy có thể đã múc từ ánh sáng Lời Chúa hôm nay “Hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” mà có thể thế hệ con cháu sau nầy không thực hiện được: vì không được học giáo lý cho đến nơi đến chốn, không phân biệt được điều làm đẹp lòng Chúa và điều làm mất lòng Chúa kinh khủng là dường nào, hoặc vì quá ỷ lại vào lòng thương xót Chúa mà tự tha tội cho mình. Thêm vào đó, một số người thời nay đang theo một hướng suy nghĩ thật nguy hiểm: làm việc tông đồ, làm công tác từ thiện và thực hành đức bác ái song song với tình trạng mất ân sủng trong chính tâm hồn mình. Một cách ngụy biện rằng việc tông đồ và đức bác ái có thể khỏa lấp những tội lỗi. Một sai lầm nguy hiểm. Một tình trạng “không thắt lưng, không sẵn sàng”.

Thiên Chúa vẫn biết rằng “mẹ con đã thai con trong tội” và chúng ta làm kiếp người với ảnh hưởng của tội nguyên tổ, luôn hướng chiều về điều tội lỗi hèn hạ thấp kém không xứng với nhân phẩm con cái của Thiên Chúa, làm ô uế đền thờ của Thiên Chúa ngự trị, nên Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước mới của lòng tha thứ qua Đức Ki-tô nơi bí tích hòa giải, để chúng ta có thể tìm lại tình trạng ân sủng, bình an. Thế nhưng, ma quỷ vẫn không muốn chúng ta thắt lưng để sẵn sàng, nên đã níu kéo chúng ta chần chừ đến với Bí Tích Hòa Giải, chần chừ nối lại tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa. Đợi đến bao giờ? Xin đừng xem thường bí tích Hòa Giải nữa, vì trở về với Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải vẫn luôn là điều kiện ắt có và đủ để bảo đảm cho chúng ta một sự sẵn sàng đón Chúa đến. Đây không phải là một giáo lý đã lỗi thời, nhưng luôn luôn là một đòi hỏi cấp bách, một ngõ vào với nước Thiên Chúa, một cửa hồng ân, cũng là một ngõ vào của Thiên Chúa để Ngài đến với mỗi con người bất cứ lúc nào Ngài muốn: “Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến". (Lc 12, 40)

Chu toàn bổn phận

Tỉnh thức và sẵn sàng còn là chu toàn bổn phận Chúa giao phó trong bậc sống của mình với tư cách là quản lý cho Thiên Chúa. Mỗi người có một số tài sản được Chúa giao quản lý: tài sản ấy là đoàn chiên đối với các chủ chiên, là con cái đối với những người làm cha mẹ, là học trò đối với những người làm thầy cô giáo, là bệnh nhân đối với các bác sĩ…. Khi Chúa đến, hẳn là mỗi người sẽ phải trả lời về tài sản mà Chúa giao đã sinh lợi như thế nào, hẳn là Chúa sẽ không hỏi về những tài sản mà Chúa không giao phó. Các Giám Mục, Linh mục nhận một tài sản lớn lao là linh hồn các con chiên và bổn phận chăn dắt đoàn chiên thật cao cả, nhưng cũng là một trọng trách. Những người sống bậc hôn nhân, thì gia đình vợ chồng con cái là tài sản quý giá Chúa ban để sinh lợi cho Chúa. Có những người ngày đêm nhiệt tình với công việc của giáo xứ, của giáo hội, mà lại bỏ bê công việc nhà cửa, tình cảm vợ chồng, bổn phận với con cái, sinh ra những bất hòa trong gia đình gây nên gương mù gương xấu thì quả thật là vô lý. Lương tâm bác sĩ cũng không cho phép cứ nhận đều đều đầy đủ lương tháng là chính, còn việc cứu người thì tùy ở thủ tục đầu tiên của thân nhân.

Tài sản ấy còn là thân xác, sức khỏe, khả năng, tiền bạc, sự nghiệp của mỗi người mà Chúa đã ban tặng để quản lý và làm cho sinh lợi hoa trái. Ngày nay có rất nhiều người lo lắng cho sức khỏe bằng việc dùng dinh dưỡng, tập thể dục, kiêng khem… nhưng cũng không thiếu những người lao mình vào những cuộc ăn chơi trác táng như sì ke, ma túy, mãi dâm dẫn đến tình trạng tàn tạ, bịnh hoạn. Nhớ ngày mẹ sinh con đỏ hồng, rồi nuôi con bằng dòng sữa ngọt, bằng chính sự sống của mình để vui mừng thấy con đẹp trai, xinh gái khỏe mạnh, thông minh, khôn ngoan… bây giờ, nhìn con xanh xao tàn tạ, điên khùng, say máu…. lòng mẹ nào chịu nỗi. Thiên Chúa cũng không muốn con người phung phí thân xác mình, thân xác mà Thiên Chúa đã tạo sinh xinh đẹp. Trước mặt Chúa, họ đã phung phí tài sản Chúa ban để phục vụ cộng đồng nhân loại, lại trở thành gánh nặng cho người khác nếu không nói là điểm nhắm của tình thương Thiên Chúa.

Chu toàn bổn phận Chúa giao phó vừa là tỉnh thức vừa là một lẽ công bằng đối với hồng ân Chúa ban. “Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn". (Lc 12, 48)

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khát khao sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa, để nhờ đó, chúng con biết gìn giữ sự kết hiệp toàn vẹn với Chúa trong ân sủng, và chu toàn bổn phận chúng con trong khi mong chờ Chúa đến. A-men
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:05 05/08/2010
BÀO CHỮA

N2T


Khổng tử là một nhà giáo dục vĩ đại vào thời Xuân Thu, ông ta rất biết dùng những chuyện nhỏ xảy ra trong cuộc sống để dạy học sinh.

Một hôm, ông ta thật muốn đi ra khỏi nhà, đột nhiên bên ngoài trời mưa thật lớn, bởi vì không có dù che mưa, cho nên chỉ còn cách là đợi hết mưa mới đi. Lúc ấy có một học sinh nói với ông ta:

- “Tử Hạ có một cái dù, thầy có thể mượn của anh ta để dùng trước”.

Không tử lắc đầu từ chối, nói:

- “Tử Hạ rất yêu quý vật chất, cho nên tốt nhất là không nên mượn của anh ta bất cứ tài vật gì cả. Chúng ta kết bạn với người khác thì nên tuyên dương ưu điểm của người khác, tránh nói khuyết điểm của người khác, tiên vàn không thể “bình này không cầm, cầm bình nào”, kết bạn như thế thì tình bạn mới lâu dài được”.

(Dư san cự nguyên tuyệt giao thư)

Suy tư:

Bạn bè trọng nhau ở chữ tín, không có chữ tín thì tình bạn chỉ là lợi dụng nhau mà thôi, bởi vì chữ tín làm cho tình bạn ngày càng thắt chặt thêm dù cho trong cuộc sống của họ có nhiều khó khăn.

Có những người kết bạn vì hay nhậu nhẹt, cho nên họ thường nói xấu sau lưng bạn mình khi không còn nhậu nhẹt nữa; có người kết bạn vì để lợi dụng danh tiếng của bạn để làm ăn buôn bán, đến khi không còn lợi dụng được nữa thì nói đi đâu cũng nói ra khuyết điểm của bạn mình…

Có người kết bạn vì cảm phục.

Có người kết bạn vì tiền.

Có người kết bạn vì làm ăn buôn bán.

Có người kết bạn vì lợi dụng...

Tất cả những loại kết bạn trên đều có mục đích của nó, nhưng người Ki-tô hữu khi kết bạn với ai thì nghĩ đến người bạn ấy chính là Chúa Giê-su Ki-tô gởi đến cho mình, do đó mà tình bạn của họ rất đẹp và đầy lòng tôn trọng lẫn nhau.

Khổng tử đã nói ra khuyết điểm của Tử Hạ rồi lại bàu chữa cho cách nói của mình.

Cốt lõi của tình yêu là tôn trọng và tin tưởng nhau, cốt lõi của tình bạn là chữ tín.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 05/08/2010
N2T


58. Người minh triết không nên vì đau khổ của xác thịt mà buồn sầu rồi đau đầu hại khí mà không phấn chấn, nhưng sắc mặt họ vẫn vui tươi không chút sợ hãi.

(Thánh Ambrosius)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 05/08/2010
N2T


492. Có một vài việc mọi nơi mọi lúc đều có thể làm; có một vài việc đến lúc nào đó mới có thể làm.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tất cả những tù nhân chính trị sẽ được phóng thích ' sớm'; Đức Hồng Y Cuba loan báo
Dominic David Trần.
07:04 05/08/2010
Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ: ngày 04/08/2010 - Theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã Công giáo Toàn Cầu (CNA/EWTN News) Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino, Tổng Giám Mục Havana, Cuba đã loan báo trong Quốc Tiệc Hàng Năm của Đại Hội Đồng Tối Cao Các Hiệp Sĩ Columbus (K of C) rằng xin cảm ơn sự cầu nguyện và chiêm niệm của Hội Đồng Giám mục Cuba: tất cả 52 Tù Nhân Lương Tâm tại Cuba sẽ được phóng thích trong 3 đến 4 tháng sắp đến.

Nhân dịp nhận Giải Thưởng Vui Mừng Và Hy Vọng (xem hình the Gaudium et Spes Award) trong dạ tiệc chiều ngày 03/08/2010, Đức Hồng Y Ortega nói rằng; " bất chấp những khoảng cách xa nhau về địa lý, mặc cho những khác biệt về các hệ thống chính trị hay xã hội của chúng ta; các vị đang là người anh chị em đối với những người Công Giáo Cuba và qúy vị đã chứng tỏ cho chúng tôi thấy được tình đoàn kết của qúy vị."

Đức Hồng Y Giáo Chủ Cuba đã đặc biệt đề cập đến sự ủng hộ của Tổ chức Các Hiệp Sĩ Columbus trong việc giúp xây dựng mới Đại Chủng Viện Công Giáo Quốc Gia Cuba mang tên San Carlos y Ambrosio ở thủ đô Havana. Đại Chủng Viện Công Giáo Quốc Gia Cuba tại Havana theo dự trù sẽ mở cửa khai trương trong tháng Mười Một năm nay và có thể thu nhận 100 Đại Chủng Sinh.

Đức Hồng Y Ortega cũng đặc biệt nhấn mạnh đến Người Giáo Dân Công Giáo đã đóng một vai trò hết sức quan trọng tại Cuba.; " đặc biệt là trong hơn 40 năm qua; không chỉ bằng những thừa tác vụ và hoạt động Tông Đồ Giáo Dân vì lý do thiếu thốn Linh Mục - nhưng cũng qua các vai trò và hoạt động Tông Đồ Xã hội mà người Tín hữu Giáo dân thực hiện trong gia đình, tại nơi làm việc, tại trường học và nói chung trên toàn xã hội Cuba. Có đôi khi họ phải đối diện với những khó khăn nghiệt ngã gây nên bởi những hạn chế và ràng buộc mà các tín hữu Công giáo Cuba đã phải chịu nhiều đau khổ trong mấy chục năm qua." Đức Hồng Y nói thêm;

" Vai trò của người giáo dân tại Cuba rất được am tường bởi Tổ chức Các Hiệp Sĩ Columbus; là những người đã có mặt tại quê hương tôi từ ngày đầu của nền Cộng Hòa Cuba vào năm 1902; các Hiệp Sĩ đang thực hiện những công trình có kết qủa thiết thực và đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng chúng tôi."

Đức Hồng Y cũng tiết lộ rằng; " cho đến hôm nay tình hình có vẻ thuận lợi hơn cho các hoạt động từ thiện bác ái; đặc biệt như của Tổ Chức Các Hiệp Sĩ Columbus trong Giáo Hội Công giáo Cuba, " vì vô số những công trình xã hội đã trở thành các khả năng thực sự và đã có thể cho phép Giáo Hội Công giáo tại Cuba có sự hiện diện về mặt xã hội.

Đức TGM Havana cũng mô tả một hiện tượng đang nảy sinh trong Cuba: " Các Ngôi Nhà Truyền Giáo hay 'nhà thờ tại gia' quy tụ từ 60, 70 hoặc ngay cả đến 100 người trong các gia đình và liên gia. Nhiều lúc tại các cộng đồng này các giáo lý viên và thày giảng là giáo dân phải giúp đỡ và chuẩn bị cho các tín hữu chuyển biến từ các cộng đoàn được loan báo Tin Mừng, Phúc Âm Hóa trở thành các Cộng Đoàn Thánh Thể. Trong Tổng Giáo Phận của chúng tôi đã có một số những cộng đoàn này được trở thành Giáo Xứ thực thụ. Và bây giờ chúng tôi phải giúp đỡ xây dựng nhà thờ và nhà xứ cho các giáo xứ này."

" Giáo Hội Công Giáo" như Đức Hồng Y Ortega giải thích, " phải luôn luôn quan tâm nghiêm túc đúng mức - trong một cách thế tùy nghi biến đổi, trực tiếp và phi bạo lực - trong mọi sự việc liên quan đến Công Lý; Công ích và điều thiện hảo chung cho mọi người."

"Sau đến nữa, là " Đức Hồng Y thông báo cho Các Hiệp Sĩ Columbus; " Chính phủ Cuba, đang đáp trả lại những yêu cầu của Giáo Hội chúng tôi, chính phủ Cuba đã yêu cầu Giáo Hội Công Giáo trở thành người trung gian giữa Hai Bên Các gia đình thân nhân của các tù nhân chính trị và các nhà chức trách có thẩm quyền tại Cuba để biết rõ và trình bày được về các kiến nghị đề xuất của mỗi bên. Trong cách thế này mà một qúa trình đối thoại đã được bắt đầu; và đã dẫn đến thông báo gần đây được công bố cho biết rằng 52 người đã bị chính phủ buộc tội, bị kết án tù nhưng lại được Tổ chức Ân Xá Quốc Tế công nhận là Tù Nhân Lương Tâm, ( considered prisoners of conscience by Amnesty International) sẽ được phóng thích trong một giai đoạn từ 3 đến 4 tháng sắp tới.

Đến nay đã có hơn 20 Tù nhân Lương Tâm trong tổng số 52 người này đã xuất cảnh rời Cuba đến Tây Ban Nha.

Cũng theo Đức Hồng Y Giáo Chủ Cuba, những buổi thảo luận - đối thoại với Chính quyền là " chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Cuba, và họ đã mang đến một tình huống mới của những sự tri ân về mặt xã hội cho người Công giáo chúng tôi. Chúng tôi hy vọng là Tiến Trình Đối Thoại này trong đó chúng tôi đã được hội nhập dấn thân vào trong lúc này (sic), sẽ được kết thúc một cách thành công (We hope that this process of dialogue, in which we are immerged (sic) now, ends successfully.”

Giải Thưởng và Huy Chương "Vui Mừng Và Hy Vọng" của Tổ Chức Các Hiệp Sĩ Columbus đã được trao tặng cho những ngưòi lãnh đạo Công Giáo xuất sắc như Chân Phước Mẹ Têrêxa Thành Calcutta; Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone SDB; và Đức Cố Hồng Y John O'Connor.
 
Thần học Cơ thể 101
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ)
08:30 05/08/2010
Thần học Cơ thể 101

Tác giả Thomas L. McDonald (viết từ Medford, New Jersey)

Đại hội tập trung vào giáo huấn của ĐGH Gioan-Phaolô II

Gần 30 năm sau khi ĐGH Gioan-Phaolô II giải thích thần học về cơ thể trong 129 cuộc yết kiến giáo hoàng, giáo huấn của ngài tiếp tục gợi hứng các cảm xúc sôi nổi, thậm chí là chia rẽ, trong Giáo hội.

Chứng cớ có thể tìm thấy tại Đại hội Thần học Cơ thể trong tuần cuối tháng 7/2010. Có 450 linh mục, tu sĩ, thần học gia, giáo lý viên và giáo dân tụ họp tại thành phố Blue Belle, để thảo luận về mọi khía cạnh trong giáo huấn của ĐGH Gioan-Phaolô II về bản năng giới tính con người (human sexuality) và bản chất bí tích (sacramental nature) của cơ thể con người.

Hội nghị này được Viện Thần học Cơ thể tổ chức, nhóm phi lợi nhuận này đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho những người muốn dạy hoặc hiểu cách nhìn của ĐGH Gioan-Phaolô II về tình dục. Nhóm này có sự bảo trợ của ĐHY Justin Rigali (Gp Philadelphia), ĐHY George Pell (Úc) và 9 ĐGM khác thuộc Ủy ban Giám mục. Tổ chức này được David Savage thành lập năm 2004, với sự hợp tác của phát ngôn viên kiêm tác giả Christopher West và Matthew Pinto, vị sáng lập nhà xuất bản Ascension Press và website CatholicExchange.com.

Các tham dự viên đến vì nhiều lý do, nhưng tất cả đều chia sẻ chung niềm yêu thích thần học của ĐGH Gioan-Phaolô II. Nữ tu Michelle Fernandez, Dòng Tôi Tớ Thánh Tâm và Mẫu Tâm Bị Đâm Thâu (Servants of the Pierced Hearts of Jesus and Mary), nói: “Cộng đoàn nữ tu chúng tôi tin vào giá trị của thần học cơ thể đối với việc mục vụ của chúng tôi, nhưng cũng giúp chúng tôi hiểu biết hơn về vai trò hôn nhân như hiền thê của Đức Kitô”.

LM Timothy O’Connor, Dòng Tôi Tớ Thánh Giá (Servants of the Cross), đến từ Texas để học hỏi và hiệp thông mà ngài hy vọng sẽ sinh hoa kết trái trong sứ vụ đối với người nghèo, nói: “Tôi là thành viên trong nhóm truyền giáo hoạt động về các vấn đề gia đình, thần học cơ thể rất liên quan”.

Hằng ngày, Sarah Williams mất 90 phút đi từ Nam Jersey đến tham dự thảo luận, nói: “Tôi thích thần học cơ thể và muốn học hỏi mọi thứ tôi có thể”.

Ba ngày nghiên cứu

Trong 2 ngày đại hội, các tham dự viên cùng nhau hội thảo về mọi phương diện thần học cơ thể. Các cuộc thảo luận bàn bạc mọi thứ từ hôn nhân đồng giới tới việc sử dụng thần học cơ thể của ĐGH Gioan-Phaolô II để bênh vực Tông thư Humanae Vitae [Sự Sống Con Người – Tông thư của ĐGH Phaolô VI, có phụ đề “Trật tự đúng cần theo trong việc lưu truyền đời sống”. Tông thư có 4 phần: 1. Các khía cạnh mới của vấn đề; 2. Quyền hạn của giáo quyền để giải quyết vấn đề; 3. Các nguyên tắc giáo lý; và 4. Các hướng dẫn mục vụ. Một trong các điểm lớn được ĐGH Phaolô VI tái tuyên bố là Giáo hội có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng trong các vấn đề luân lý, không chỉ khi các vấn đề ấy được mặc khải chính thức mà còn khi các vấn đề ấy “liên quan luật luân lý tự nhiên” nữa (ngày 25-7-1968)].

Michael Waldstein, tác giả bản dịch hiệu đính các bài phát biểu của ĐGH Gioan-Phaolô II, đã dùng ý then chốt để khám phá các kho tàng trong “Ẩn Thoại” (Hidden Talks) của thần học cơ thể có trong sách Diễm ca, Tobia và Êphêsô 5.

Vì bản chất trưởng thành của hình tượng, ĐGH Gioan-Phaolô II đã không nói các vấn đề này nơi công cộng, và Waldstein chỉ phát hiện sau khi ngài qua đời. Các buổi nói chuyện thực sự có ngôn ngữ rất sống động về tình dục con người và cung cấp ý nghĩa trọn vẹn của cơ bản thánh kinh trong thần học của ngài. Waldstein đang chuẩn bị bản in cuối cùng sẽ bao gồm các bài nói chuyện còn thiếu.

Các tu sĩ, viện sĩ, diễn giả đã hơn 24 lần giới thiệu thần học cơ thể, trong số đó có cả Helen Alvare, Greg và Lisa Popcak, Cha Richard Hogan, Damon Owens, Pia de Solenni, Janet Smith, Cha Brian Bransfield và Joan Frawley Desmond, cộng tác viên thường xuyên của báo Register. Giữa các buổi tọa đàm giáo dục, các tham dự viên có thể thăm phòng trưng bày sách, DVD và các vật khác, đặc biệt còn được xem phim There Be Dragons của đạo diễn Roland Joffe về thánh Josemaria Escriva.

Mỗi ngày bắt đầu bằng Thánh lễ, chầu Thánh Thể suốt 24 giờ và các dịp hòa giải. Thánh lễ cuối cuối ngày do ĐHY Rigali chủ tế, với 50 linh mục đồng tế.

Thần học cơ thể đi tiên phong

Đỉnh cao của sự kiện kéo dài 3 ngày là một bữa tiệc phần thưởng vào chiều thứ Năm dành tôn vinh 5 cá nhân và các nhóm đã có “công trình tiên phong về tiến bộ của các giáo huấn của Chân phước Gioan-Phaolô II về tình dục con người”.

Các Phần thưởng về Sự phục vụ Đặc sắc dành cho LM Richard Hogan, một trong các tác giả đầu tiên viết về chủ đề này; Valentine và Ann Coelho, những người không ngừng dạy thông điệp này khắp Ấn độ; Liên minh Quốc tế Thần học Cơ thể, tổ chức này cung cấp sự giáo dục trên diện rộng và các tài liệu giúp truyền bá các giáo huấn của ĐGH Gioan-Phaolô II; Ruah Woods, Trung tâm giáo dục thần học cơ thể ở Cincinnati; và các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô, những người xuất bản sách thần học cơ thể dưới sự hỗ trợ của nhà xuất bản Pauline Press.

Bữa tiệc khởi đầu bằng sự dẫn chứng của ĐHY Rigali và kết thúc bằng lời cầu nguyện của ĐGM Emeritus, Gp Tzaneen, Nam Phi, Hugh Slattery. Điểm nổi bật của buổi chiều tối hôm đó là buổi nói chuyện kéo dài 1 giờ của LM Roger Landry về “Thần học Cơ thể trong Đời sống và Sứ vụ Linh mục”.

Vẫn còn tranh luận

Thần học cơ thể đã thu hút sự chia sẻ việc tranh luận ngay từ đầu. Chương tình dục học và đạo đức học (Sexology and Ethics) trong phần Love and Responsibility (Tình yêu và Trách nhiệm) của ĐGH Gioan-Phaolô II đã gây ra sự phê bình vì cách nói thẳng nói thật của ĐGH Gioan-Phaolô II về tình dục.

Mới đây, Christopher West, một trong những người truyền bá thần học cơ thể và là nhân vật chính của Viện Thần học Cơ thể đã đối mặt với sự chỉ trích, về ngôn ngữ minh nhiên mà ông đã sử dụng khi đưa ra chủ đề, từ triết gia Alice von Hildebrand và những người khác.

West đang nghỉ 6 tháng để phản ánh về phương pháp giáo dục và vắng mặt tại hội nghị Philadelphia, hẳn ông sẽ tìm được nhiều người ủng hộ ở đó.

Người ta hăng hái bảo vệ công trình mà ông đã làm để phổ biến các giáo huấn của ĐGH Gioan-Phaolô II. Khi dẫn chứng, ĐHY Rigali đã nói rõ tới West, đồng thời ban phép lành đặc biệt cho ông và “công trình tốt đẹp” của ông.

ĐHY Rigali đã bảo vệ West trong quá khứ và vẫn rất quan tâm Viện này. Khi Katherine Blanchard, giám đốc phát triển và giao tiếp của Viện Thần học Cơ thể, nhận xét: “Chúng tôi không thể tiến bước mà không có ông ấy”.

Nói về các cuộc tranh luận, Blanchard nói rằng bất kỳ ai viết về thần học này đều được mời, kể cả các nhà phê bình như Alice von Hildebrand. Không hạn chế vấn đề họ có thể thảo luận. Blanchard nói: “Sự bất đồng ý kiến chỉ là về mức độ triết học, và chúng tôi đang tập trung vào cách áp dụng thực tế của thần học. Chúng tôi sẽ để các viện sĩ đưa ra các chi tiết và tôn trọng kết luận của họ. Đó là nhưng gì chúng tôi sẽ làm ở đây”.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ ncregister.com)
 
Các tỷ phú Mỹ trở về đời sống Phúc Âm?
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
08:42 05/08/2010
Các tỷ phú Mỹ trở về đời sống Phúc Âm?

Thế giới đã tập đứng dậy sau một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng: phá sản, mất hết tiền hưu trí, nhà cửa bán như cho không, mất việc làm, ngân hàng quỵt tiền… Có thể nói con người đang đứng bên bờ vực thẳm của sự trắng tay.

Tội phạm bắt đầu từ con phố được mệnh danh là Wall Street, trung tâm quyền lực kinh tế thế giới nằm tại Manhattan của New York.

Bên Âu Châu bóng ma phá sản vẫn còn lởn vởn tại Hy Lạp và có thể lây lan sang Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha, các quốc gia nằm trong khối Liên Hiệp Âu Châu.

Còn người nghèo đã trở nên nghèo hơn, theo cách nói mới khi chi tiêu một đồng người dân đã phải không chỉ lật qua lật lại đồng tiền hai lần mà đến ba lần rồi mới dám xài tiền.

Ấy vậy, hôm thứ tư, 04/8/2010 hai nhà tỷ phú nổi tiếng của Mỹ, ông Bill Gates và ông Warren Buffett dám dấn thân mạnh mẽ hơn, cho dù họ vẫn giúp việc từ thiện từ nhiều năm qua - để kêu gọi các nhà tỷ phú thế giới làm việc từ thiện bằng cách đóng góp một nửa tài sản của họ vào việc từ thiện.

Tên gọi cho nhóm từ thiện có một không hai này là «The Giving Pledge» - “Lời hứa hiến tặng” và với một điều kiện duy nhất cho gia nhập vào Club „Các ông hoàng phụng sự xã hội“: Cần hiến tặng một nửa tài sản cho xã hội.

Lời kêu gọi dâng hiến tài sản của cựu giám đốc Microsoft, Bill Gates và nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett là một chuyện đùa chăng trong cuộc khủng hoảng vô cùng khó khăn về kinh tế thế giới hiện tại? Chiến dịch “Lời hứa hiến tặng” đã được hai ông kêu gọi vào giữa tháng 6/2010. Lời hiệu triệu này nhắm vào các tập đoàn, gia đình hoặc cá nhân giàu có nhất ở Mỹ tham gia vào sự nghiệp từ thiện. Ai muốn hiến dâng tài sản, có thể hiến tặng cho một lý tưởng cao đẹp khi còn sống hoặc sau khi qua đời, tuy nhiên lời hứa này không có hiệu lực về mặt pháp lý mà đơn giản chỉ là một lời "cam kết đạo đức". Theo hai nhà sáng lập chiến dịch này nhằm khích lệ việc hiến tặng cho việc từ thiện, và không quyên tiền cho bất kỳ tổ chức từ thiện riêng lẻ nào.

Nhờ Bill Gates và Warren Buffett, nhiều nhà tỷ phú đang khám phá ra dòng máu hoàng tộc cho việc từ thiện xã hội. Từ nhiều tuần lễ qua hai ông đã gọi điện thoại cho 70 nhà tỷ phú để thuyết phục họ tham gia cho chiến dịch này. Dự án “Lời hứa hiến tặng” đang mang lại một kết quả khả quan lên đến 100 tỷ Đô La cho bước khởi đầu của 40 nhà tỷ phú. Mục tiêu: càng quyên góp nhiều tỷ càng tốt cho một mục đích tốt đẹp. Phương hướng nào của việc từ thiện, tùy thuộc vào người hiến dâng quyết định.

Danh sách 40 tỷ phú cam kết hiến tặng được ghi trong trang website http://givingpledge.org/, được biết đến nhiều nhất như thị trưởng thành phố New York, ông Michael Bloomberg, nhà tỷ phú trong lĩnh vực truyền thông và sáng lập CNN, ông Ted Turner, tỷ phú dầu hỏa T. Boone Pickens, người đồng sáng lập Microsoft, ông Paul Allen, tộc trưởng gia tộc Rockefeller, ông David Rockefeller, ông Barron Hilton của gia tộc Hilton cũng như đạo diễn phim “Star Wars” George Lucas.

- Theo "The Wall Street Journal" ông Paul Allen tuyên bố sẽ hiến tặng toàn bộ số tài sản của mình cho việc từ thiện lấy tên “Quỹ gia đình Allen” và các nghiên cứu khoa học phi lợi nhuận như viện Nghiên cứu não Allen tại Seattle.

- Ông Buffett xếp thứ ba người giàu có nhất thế giới với 47 tỷ USD hứa sẽ hiến tặng 99% tài sản cho từ thiện sau khi ông qua đời, điều này ông đã công bố vào năm 2006.

- Vợ chồng Bill và Melinda Gates, người giàu thứ hai thế giới với tài sản ước tính 53 tỷ USD đã đóng góp trong những thời gian qua được 28 tỷ Đô La để chống tình trạng nghèo khó và bệnh tật trên khắp thế giới.

- Ông Michael Bloomberg, thị trưởng thành phố New York có tài sản với 18 tỷ Đô La phát biểu: “Chúng tôi rất kính trọng những người thành công tại New York, nhưng càng kính trọng hơn đối với người người dấn thân phụng sự cho người khác“. Ông nói tiếp: "Một lúc nào đó tôi nhìn vào tấm gương, chỉ cần trước khi nhắm mắt đi ra vĩnh viễn và nói: Được rồi, bạn đã làm cho thế giới đẹp hơn một chút.“

- Nhà đạo diễn George Lucas cho biết: "Tôi hiến tặng phần lớn tài sản của tôi để cải thiện về giáo dục", cùng lúc ông Bloomberg nói thêm: "Nếu bạn làm điều gì đó cho con cái của bạn và chỉ cho họ biết tình yêu của bạn, thì đó là điều tốt nhất nhằm hỗ trợ các tổ chức giáo dục để tạo dựng cho một thế giới tốt đẹp hơn cho con cái bạn và sau đó là con cái của họ nữa."

Theo ước định của hai nhà sáng lập «The Giving Pledge», ông Gates và ông Buffett cho biết tổng tài sản của 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ được công bố trên tạp chí "Forbes" là 1.200 tỷ USD, nếu được tất cả cam kết hiến tặng nửa số tài sản đó thì số tiền từ thiện có thể lên tới 600 tỷ Đô La Mỹ.

Tính từ tháng 6/2010 thì hai nhà sáng lập «The Giving Pledge» đã kêu gọi được 10% của 400 nhà tỷ phú Mỹ, ngoài ra họ cũng đang hướng sang Châu Á kêu gọi đến các tỷ phú tại nước Tàu nữa.

Công việc hiến tặng của Bill Gates, Warren Buffett và 40 nhà tỷ phú đang gây tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, như ông Buffett gọi 40 “Lời hứa hiến tặng” của 40 nhà tỷ phú là bước khởi đầu đầy hứng khởi. Theo cách nhìn Kitô giáo, cách hiến tặng là sống theo tinh thần Phúc Âm của Tám Mối Phúc Thật: chia cơm sẻ áo cho người khó nghèo! (Mt 5:1-12). Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang làm cho con người, nhất là những vị tỷ phú tái khám phá ra tinh thần liên đới giúp người nghèo và xây dựng một thế giới đại đồng tốt hơn như Chúa Giêsu vẫn kêu gọi mọi người.

Hy vọng cuộc triệu tập các nhà tỷ phú Mỹ làm từ thiện sẽ trở thành một làn sóng hiến tặng rộng lan đến mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Ai cũng có thể làm việc thiện vì chúng ta không quên được lời nhận định của Chúa Giêsu: „Bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn hết thảy!“ (Lc 21:3).
 
ĐTC bày tỏ sự đồng cảm sau những tai họa thiên nhiên
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
12:28 05/08/2010
Trong buổi tiếp kiến chung hôm qua, thứ Tư 04/08/2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ thảm họa thiên nhiên và gửi lời chào đến hơn 50 ngàn lễ sinh đang tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

« Tâm trí tôi hướng về dân chúng bị hứng chịu trong lúc này những tai họa thiên nhiên nghiêm trọng. Chúng đã gây ra thiệt hại lớn về người và của, làm cho nhiều người thiệt mạng và bị thương, cũng như để lại cho không ít người sống trong tình trạng không nhà cửa », Đức Thánh Cha biểu lộ.

« Đặc biệt, tôi nhớ đến vụ hỏa hoạn trên diện rộng xảy ra tại Liên Bang Nga, đến những trận lụt lội tàn phá tại Pakistan và Afghanistan. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và xin Thiên Chúa xoa dịu những ai đang chịu đau khổ », Ngài chia sẻ.

Bản tổng kết mới nhất về vụ cháy rừng tại Nga làm 48 người thiệt mạng; về trận lụt và lũ quét tại Afghanistan gây ra cái chết của 70 người. Trong khi đó, con số tử vong do những cơn lũ lụt chưa từng có tại Pakistan lên đến 1.500 người và hơn ba triệu người bị điêu đứng.
 
Bộ Hỏa Xa Liên bang Ấn Độ khai trương chuyến tàu tốc hành Mẹ Têrêxa nhân kỷ niệm Sinh Nhật 100 năm
Dominic David Trần
13:46 05/08/2010
Bộ Hỏa Xa Liên Bang Ấn Độ khai trương chuyến tàu tốc hành Mẹ Têrêxa nhân kỷ niệm Sinh Nhật Bách Niên của Chân Phước Mẹ

Ấn Độ, ngày 03/08/2010 theo tin của Thông tấn Xã toàn cầu ( CWN News): Để chuẩn bị và mừng Sinh nhật thứ 100 của Chân Phước Mẹ Têrêxa thành Calcutta vào ngày 26 tháng Tám sắp đến; Bộ Hỏa Xa Quốc Gia Ấn Độ (tức Cơ Quan Qủan trị Xe Lửa - Vận chuyển Đường Sắt Quốc Gia Liên Bang Ấn Độ) đã khai trương một đoàn tàu Xe lửa đưọc mang tên Chân Phước Mẹ Têrêxa để vinh danh " Thánh Nữ Của Những Người Cùng Khổ" (an Express train named in honor of the “Saint of the gutters.”)

"Chúng tôi quyết định khai trương một đoàn tàu xe lửa mới được mang tên Mẹ Têrêxa như là sự bày tỏ lòng tôn kính đến Mẹ Têrêxa nhân dịp Kỷ niệm Sinh nhật 100 năm của Mẹ Têrêxa." Mamata Banerjee Tổng Trưởng Liên Bang Bộ Hỏa Xa Liên Bang Ấn Độ đã tuyên bố thêm rằng; " Các toa tàu sẽ được sơn màu xanh da trời đậm trên dải trắng; để nhắc nhớ lại các viền màu xanh da trời đậm trên tấm vải thô sari truyền thống màu trắng là tu phục chính thức của Tu Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái do Chân Phước Mẹ Têrêxa sáng lập.

Hiện nay lộ trình giao thộng vận chuyển chính thức của Đoàn tàu Tốc Hành mang tên Chân Phước Mẹ Têrêxa vẫn còn được giữ bí mật. Tổng Trưởng Bộ Hỏa Xa Liên Bang Ấn Độ chỉ cho biết là Đoàn Tàu Tốc Hành mang tên Chân Phước Mẹ Têrêxa sẽ nối liền các trọng điểm trong khắp đất nước Ấn Độ.
 
Chiếc Cầu Hòa Bình trên sông Niagara sẽ được thắp sáng lên để vinh danh Mẹ Têrêxa
Dominic David Trần.
14:40 05/08/2010
BUFFALO, Nữu Ước- Theo tin Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu (CNA) nhằm vinh danh sinh nhật lần thứ 100 của Chân Phước Mẹ Têrêxa thành Calcutta; vào ngày 26 tháng Tám 2010 sắp đến Chiếc Cầu Hòa Bình bắc ngang qua dòng sông Niagara; Peace Bridge on the Niagara River (cũng là thác nước biên giới thiên nhiên lừng danh Niagara nằm giữa Canada và Hoa Kỳ) sẽ được thắp sáng bằng ánh điện màu xanh da trời đậm và màu trắng; chính là hai màu sắc chính thức của Tu Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái. Việc thắp sáng Chiếc Cầu biên giới Hòa Bình này, cũng sẽ nối liền hai thành phố Buffalo và Fort Erie; và cũng là một hành động tốt đẹp để bày tỏ sự tôn kính đến Tu Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái. Một Đức Giám Mục Địa phương đã tuyên bố như trên.

Đức Cha Edward U. Kmiec, Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Buffalo, Tiểu Bang Nữu Ước của Hoa Kỳ và Đức Ông Wayne Kirkpatrick, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saint Catherines, Tỉnh Bang Ontario của Canada đã đồng ký tên yêu cầu Cơ Quan Liên Quốc Gia Hoa Kỳ-Canada Quản Trị Chiếc Cầu Hòa Bình thực hiện hành động đầy nghĩa cử tốt đẹp này.

"Chân Phước Mẹ Têrêxa thực sự là Con Cái của Ánh Sáng và cuộc đời của Mẹ Têrêxa đã là một gương mẫu tỏa sáng của Đức Chúa Giêsu KiTô;

Đấng là Ánh Sáng soi đường dẫn lối cho mọi người khắp nơi cổ vũ cho Tình Yêu và Hoà Bình trên thế giới của chúng ta." Đức Ông Kirkpatrick nhận định tiếp; " Ánh sáng từ Chiếc Cầu Hòa Bình này vốn đang nối liền 2 Giáo Phận Công Giáo và 2 Quốc Gia, đã biểu hiện cho ánh sáng từ đặc sủng về

Tình Yêu và Hoà Bình mà Mẹ Têrexa đã mang đến cho mọi người."

Đức Cha Kmiec tuyên bố hành động thắp sáng điện mang hai màu sắc tu phục của Tu Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái là một hành động tốt đẹp để tỏ lòng

kính trọng đến Mẹ Têrêxa. Đức Cha Kmiec nhận định tiếp;

"Linh Đạo và Tinh Thần Thừa Sai Truyền Giáo Bác Ái của Mẹ Têrêxa sẽ sống mãi trong biết bao sinh linh, nơi vô vàn con người mà Mẹ Têrêxa đã gặp; và tôi rất cảm kích rằng từ cấu trúc đặc biệt này sẽ bày tỏ sự tôn kính đến Mẹ Têrêxa trong dịp Lễ kỷ niệm đặc biệt này: Sinh nhật thứ 100 của Chân Phước Mẹ. Đây cũng là biểu tượng trong đó ánh sáng Tình Thương Hoà Bình của Chân Phước Mẹ Têrêxa sẽ tiếp tục tỏa sáng khắp thế giới."

Các công việc phục vụ cho người cùng khổ tại Ấn Độ của Mẹ Terêxa đã chiếm được sự ngưỡng mộ trên toàn thế giới. Các Chị Em Nữ Tu thuộc về

Tu Hội Dòng của Mẹ: Tu Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái, hiện đang phục vụ tại Canada, Hoa Kỳ và trên toàn thế giới trong các căn nhà chăm sóc những người sắp chết, trong các Viện Dục Anh, nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi, và trong các Nhà Thương (Chú thích của David Trần: chữ Nhà Thương phát xuất từ miền Bắc nước ta trong thời gian trước đây khi có các Nữ Tu (các Bà Phước)Y Tá và các Tu Sĩ Bác Sĩ Y Sĩ phục vụ trong các Bệnh Viện nghe thật cảm động biết bao. Giờ này ở các bệnh viện trong xã hội chỉ còn những Bác Sĩ Y Tá chuyên môn là người thế tục phục vụ và vấn đề có bảo hiểm hay tiền nằm bệnh viện thí dụ như tại nước Mỹ. )

Hiện nay, Toà Thánh Vatican đang xét duyệt và nghiên cứu hồ sơ Tôn Phong Hiển Thánh cho Chân Phước Mẹ Têrêxa.

Hệ thống điện chiếu sáng trên Chiếc Cầu Hòa Bình được điều khiển bởi một chương trình vi tính rất tinh vi và phức tạp. Phần chưong trình điều khiển này cho phép trình bày vô số các mẫu màu sắc, tên đề mục diễn tả, thời điểm, và cách trang trí - theo như bản tường trình của Giáo Phận Buffalo. Chương trình vi tính đặc biệt có những chương trình màu chuyên biệt để chào mừng các Ngày Lễ Quốc Khánh, Lễ Quốc Gia của cả Canada và Hoa Kỳ, các trận đấu thể thao của các Đội Tuyển Nhà và thậm chí đến cả ngày Halloween (Ngày Cô Hồn). Hệ thống chiếu thắp sáng điện hoạt động từ 9 PM đến 1AM và từ 5 đến 6 giờ sáng mỗi ngày.

Các Tổ chức Liên Đoàn Công Giáo vì Tín Ngưỡng; và Nhân Quyền trước đây cũng đã gởi một kiến nghị đến Cơ quan Quản Trị Cao Ốc Empire State Building tại thành phố Nữu Ước để xin vinh danh ngày sinh nhật của Mẹ Têrêxa bằng hai màu xanh da trời đậm và màu trắng; màu tu phục chính thức của Tu Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái. Việc Ban Qủan Trị Cao Ốc này đã từ chối kiến nghị nêu trên đã gây nên những cuộc phản kháng.
 
Top Stories
Billionaires to give away fortunes
Michelle Nichols
09:54 05/08/2010
FORTY US billionaires have now pledged to give away at least 50 per cent of their wealth to charity as part of a campaign by investor Warren Buffett and Microsoft founder Bill Gates.

Among the billionaires joining the campaign are New York Mayor Michael Bloomberg, entertainment executive Barry Diller, Oracle co-founder Larry Ellison, energy tycoon T Boone Pickens, media mogul Ted Turner, David Rockefeller and investor Ronald Perelman, according to an announcement from The Giving Pledge campaign yesterday.

The Giving Pledge was started in June by Gates, whose $53 billion fortune places him second on the Forbes magazine list of the world's richest people, and Buffett, who ranks third on the list.

They wanted to persuade hundreds of US billionaires to give away most of their fortune during their lifetime or after their death and to publicly state their intention with a letter of explanation.

"We've really just started, but already we've had a terrific response," Mr Buffett said yesterday. "The Giving Pledge is about asking wealthy families to have important conversation about their wealth and how it will be used.

"We're delighted that so many people are doing just that - and that so many have decided to not only take this pledge but also to commit to sums far greater than the 50 per cent minimum level," he said.

Mr Buffett decided in 2006 to give 99 per cent of his fortune to charity. Then, he was worth about $44bn. After five years of investment returns while making annual gifts to five foundations, Mr Buffett's fortune totals nearly $46bn.

Mr Buffett said he and Bill Gates will also meet with groups of wealthy people in China and India within the next six months to talk about philanthropy. They hope the idea of generosity will spread, but they have no plans to lead a global campaign, Mr Buffett said.

The Giving Pledge asks billionaires to make a moral commitment to give away their wealth to charity.

"I am enthusiastically taking the Giving Pledge, and nearly all of my net worth will be given away in the years ahead or left to my foundation," Mr Bloomberg wrote in his Giving Pledge letter.

"Making a difference in people's lives - and seeing it with your own eyes - is perhaps the most satisfying thing you'll ever do."

"I've always thought your kids get more benefit out of your philanthropy than your will," he added.

Mr Bloomberg, Mr Bloomberg, founder of the Bloomberg financial data company, has a fortune estimated by Forbes magazine at $18bn

The billionaires announcing their pledge yesterday join real estate and construction billionaire Eli Broad, venture capitalist John Doerr, media entrepreneur Gerry Lenfest and former Cisco Systems chairman John Morgridge, who have already committed to giving away most of their wealth.

Mr Buffett, who made his fortune with insurance and investment company Berkshire Hathaway, Mr Gates and his wife Melinda held several dinners with a few dozen rich Americans in the past year to urge them to make the pledge.

Bill and Melinda Gates have so far donated more than $28bn of their fortune to the foundation.

Since the foundation began in 1994, it has given away more than $22bn for health improvements in poor countries and to improve access for Americans to opportunities they need to succeed in school and life.

"I've long stated that I enjoy making money, and I enjoy giving it away," Mr Pickens said in his Giving Pledge letter.

"I'm not a big fan of inherited wealth. It generally does more harm than good."

Mr Gates and Mr Buffett estimate their efforts could generate $600bn in charitable giving.

Forbes said the US is home to 403 billionaires, the highest concentration in the world.

(Source: http://news.scotsman.com/world/Billionaires-to-give-away-fortunes.6457740.jp?articlepage=1)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐGM Jacques Perrier thăm Huế và La Vang
Trương Trí
09:08 05/08/2010
Đức Giám Mục Jacques Perrier, Giám Mục Giáo Phận Tarbes Et Lourdes Thăm Tổng Giáo Phận Huế Và Lavang.

Viếng thăm các hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại các giáo xứ:

Trong chương trình viếng thăm Việt Nam. Chiều ngày 4.8, Đức Giám mục Jacques Perrier, giám mục giáo phận Tarbes et Lourdes đã đến thăm Tổng giáo phận Huế, cùng đi với Ngài có thầy phó tế Phêrô Trần Mạnh Hùng thuộc Đại chủng viện Toulouse, vừa được chính Đức giám mục Jacques Perrier phong phó tế vào ngày 4.7 vừa qua, và được Ngài nhận về giúp mục vụ tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Lộ Đức.

Xem hình ĐGM Jacques Perrier thăm Huế và La Vang

Đức cha Jacques Perrier là người trực tiếp coi sóc Trung tâm hành hương Đức Mẹ Lộ Đức, Ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này, Ngài đều ghé thăm các giáo xứ có hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Ngay buổi chiều đến Huế, Ngài đã đi thăm giáo xứ Phanxicô và viếng Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức nơi đây. Linh mục GioanKim Lê Thanh Hoàng quản xứ đã giới thiệu với Ngài về quá trình hình thành của giáo xứ và ngôi nhà thờ cũng như hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Theo tư liệu của giáo xứ và các niên trưởng kể lại, thì vào năm 1958, nhân dịp mừng Năm Thánh Mẫu Đức Mẹ Lộ Đức, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra (1858-1958). Cha Giuse Ngô Văn Trọng vừa về nhận quản xứ đã có ý tưởng xây dựng một Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức để cộng đoàn kính viếng. Ngài đã dày công tìm hiểu về hang đá Lộ Đức và cho xây dựng gần giống như vậy tại khuôn viên nhà thờ Phanxicô. Từ khi được xây dựng đến nay, thường xuyên có nhiều người đến viếng, cầu nguyện và xin ơn. Rất nhiều người được Mẹ ban cho như ý nguyện và đã tạc bia tạ ơn nơi đây. Đứng trước hang đá, Đức cha Jacques Perrier sốt sắng cầu nguyện với Đức Mẹ.

Sau khi rời giáo xứ Phanxicô, linh mục Phêrô Phan Xuân Thanh quản xứ Gia Hội kiêm đặc trách Ban Văn hóa Xã hội Tổng giáo phận Huế đã hướng dẫn đoàn đến thăm Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức của giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tại đây Đức cha được chứng kiến lòng sung kính Đức Mẹ của cộng đoàn, mặc dù là ngày thường nhưng vẫn rất đông người đến viếng và cầu nguyện. Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức do Dòng Chúa Cứu thế Huế xây dựng vào dịp cung hiến nhà thờ năm 1962. Cùng một tâm hồn sùng kính Đức Mẹ, nên những người đến cầu nguyện nơi đây rất ái mộ Đức cha và xin chụp hình lưu niệm, Ngài rất vui vẻ và nhận lời.

Vào lúc 18giờ30, Tổng giáo phận Huế đã có cuộc đón tiếp long trọng tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam. Trong tiếng trống và kèn đồng chào mừng, Đức giám mục Jacques Perier cùng với Đức Tổng giám mục, Đức giám mục phụ tá và đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ. Đức Tổng giám mục vừa giới thiệu Đức cha Jacques Perrier, giám mục giáo phận Tarbes et Lourdes đến thăm giáo phận Huế và dâng thánh lễ cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa, cộng đoàn hân hoan chào mừng với tràng pháo tay nồng nhiệt. Đức Tổng nói đến mối tương quan giữa Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ LaVang, đó là tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, với sứ điệp của Đức Mẹ là hãy ăn năn đền tội và siêng năng lần hạt Mân côi.

Đức giám mục Jacques Perrier đã giới thiệu với cộng đoàn về Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức, Ngài kể lại sự kiện Đức Mẹ hiện ra với Bernadette là một cô bé thất học và nghèo hèn, suốt ngày phải đi kiếm củi trong rừng, Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với cô, lần sau cùng Đức Mẹ đã bộc lộ thân phận của mình: “ Ta là Đấng Vô nhiễm nguyên tội”. Ngài nói rằng Ngài rất yêu mến đất nước Việt Nam, yêu mến con người

Việt Nam, vì Việt Nam có nhiều người người tài giỏi giúp ích cho nước Pháp, ví dụ như thầy phó tế Phêrô Trần Mạnh Hùng đây, đã giúp Ngài rất nhiều việc.

Cũng trong thánh lễ, ông Matthêô Nguyễn Đình Lục chủ tịch HĐGX, thay mặt cộng đoàn giới thiệu đôi nét về giáo xứ chính tòa, những hoạt động của giáo xứ. Các em thiếu niên đã vui mừng dâng lên ba Đức cha những bó hoa tươi thắm thể hiện lòng mến yêu của cộng đoàn.

Sau khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, ba Đức cha cùng với cộng đoàn tiến ra hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, trong ánh nến lung linh, cộng đoàn sốt sắng dâng lời ca tiếng hát chúc tụng ngợi khen tôn vinh Mẹ.

Viếng thăm và dâng thánh lễ tại Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc LaVang:

Sáng ngày 5.8, Đức cha Jacques Perrier đã đến viếng Đức Mẹ LaVang, ngay khi đến Thánh địa, Ngài đã lên Linh Đài Đức Mẹ. Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản nhiệm Trung Tâm Thánh mẫu LaVang đã giới thiệu Ngài với cộng đoàn hành hương, Ngài rất vui khi thấy lòng sùng kính Đức Mẹ của cộng đoàn, mặc dù thường ngày nhưng rất đông người từ khắp mọi miền đất nước về đây cầu nguyện. Cha quản nhiệm cũng giới thiệu về việc chuẩn bị Bế mạc Năm Thánh sẽ diễn ra vào ngày 6.1.2011, đại diện Thiếu nhi Thánh thể giáo xứ LaVang lên tặng hoa, Ngài liền dâng lên bàn thờ Đức Mẹ. Trung tâm Thánh Mẫu LaVang cũng đã dâng tặng Ngài bộ chén Thánh bằng sơn mài, Ngài tỏ bày ước nguyện được dâng thánh lễ với bộ chén Thánh này. Trong thánh lễ thật trang trọng và sốt sắng, Ngài đã một lần nữa giới thiệu với cộng đoàn về Đức Mẹ Lộ Đức, về tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.

Sau khi ban phép lành, Ngài vui vẻ chụp hình lưu niệm với cộng đoàn, Ngài rất ưu ái những người tàn tật và chụp hình với họ. Mọi người đều hân hoan và niềm nở đối với một vị Giám mục ân cần và chân tình, bình dị.

Tại nhà khách Trung Tâm, linh mục Đaminh Phan Văn Anh ( LM. Minh Anh ) đã thuyết trình bằng tiếng Pháp về Thánh địa LaVang, về sự hình thành và phát triển Giáo hội Việt Nam từ khi các cha Dòng Tên là những người gieo giống, năm 1660 thì hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài được thành lập. Do sự khác biệt giữa Kitô giáo với các tôn giáo tại Việt Nam, nên giáo hội Việt Nam đã trãi qua các cuộc bách đạo với 53 sắc chỉ cấm đạo. Và cũng chính từ việc sát hại dã man những người công giáo, buộc họ phải lẫn trốn trong rừng sâu, nhưng vẫn một lòng trung kiên với Đức tin, họ vẫn sốt sắng đọc kinh cầu nguyện. Đức Mẹ đã thấu hiểu lòng họ và đã hiện ra tại LaVang này để che chở ủi an.

Đức Giám mục Perrier đã trao tặng cha quản nhiệm Giacôbê Lê Sĩ Hiền mề đay Đức Mẹ Lộ Đức, Ngài cũng đã viết những dòng lưu niệm tại Trung tâm Thánh Mẫu LaVang.
 
Sa mạc huấn luyện Thiếu Nhi Thánh Thể tại Ninh Thuận
Nguyễn Xuân
09:23 05/08/2010
SA MẠC HUẤN LUYỆN THIẾU NHI THÁNH THỂ VƯƠN LÊN – MẠNH TIẾN

Dành cho Dự Trưởng và Ban Quản trị Đoàn Giáo hạt Ninh Thuận

Nhằm mục đích thống nhất về nội dung, hình thức tổ chức và sinh hoạt đoàn Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) trong việc giáo dục đức tin cho thiếu nhi, trong khi dùng phương pháp phong trào TNTT hỗ trợ cho công tác giáo lý, linh mục Phêrô Lê Minh Cao, Tuyên úy TNTT Giáo phân Nha Trang, đã mời các huấn luyện viên liên đoàn Anrê Phú Yên TP HCM đến hỗ trợ tổ chức sa mạc huấn luyện huynh trưởng vào hai ngày 03&04/08/2010 tại Giáo xứ Quảng Thuận. Đây là sa mạc thứ 5, mà liên đòan Anrê Phú Yên hỗ trợ giáo phận bạn tổ chức.

Xem hình sa mạc huấn luyện Thiếu Nhi Thánh Thể tại Ninh Thuận

Vào lúc 21giờ ngày 02/03/2010, các huấn luyện viên Tp HCM lên đường… Trải qua cuộc hành trình dài giờ trong đêm tối, khi những tia nắng nhẹ bắt đầu chiếu sáng, đoàn được diễm phúc nhìn cảnh mặt trời mọc tại bãi biển Cà Ná. Xuống xe, hít thở bầu khí trong lành, đoàn chiêm ngưỡng kỳ công sáng tạo diệu kỳ của Thiên Chúa, tạ ơn Chúa vì một đêm yên lành đã qua, đồng thời dâng lên Chúa ngày mới cũng như sa mạc sắp diễn ra.

Tiếp tục hành trình, đến ngã ba Phan Rang, xe rẽ vào quốc lộ 27, trên tuyến đường Phan Rang- Đà lạt. Vì đường không được tốt mấy, mất hơn một giờ, xe mới đến huyện Ninh Sơn; cuối cùng đoàn thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy ngôi nhà thờ to lớn đặc sắc nét văn hóa Á đông của giáo xứ Quảng Thuận xuất hiện trên nền trời. Trước cổng, giáo xứ cũng đang tiếp đón các sa mạc sinh từ khắp nơi trong hạt tụ về.

Tái thành lập phong trào TNTT là một trong những quan tâm tâm hàng đầu của Đức Giám mục Nha Trang. Ngài đã đề cử linh mục Phêrô Lê Văn Cao, chánh xứ Quảng Thuận làm Tuyên úy Liên Đoàn TNTT của Giáo phận. Thao thức với sứ vụ mới, cha đã nhanh chóng tổ chức sa mạc nầy. Thời gian diễn ra sa mạc đúng vào những ngày đầu tháng 8, một tháng đặc biệt đối với giáo xứ đã chọn Đức Mẹ La Vang làm quan thầy, vì vậy đây cũng là thời điểm giáo xứ chuẩn bị đón các giáo xứ bạn về hành hương vào ngày 15/8/2010 sắp đến.

Sa mạc qui tụ gần 250 sa mạc sinh đến từ 11 giáo xứ trong giáo hạt Phan Rang. Thành phần rất đa dạng gồm các đội trưởng ngành Nghĩa sĩ, các dự trưởng (15, 16 tuổi) và các huynh trưởng đang sinh hoạt tại xứ đoàn(19-50 tuổi). Riêng các huynh trưởng trong ban quản trị đoàn sẽ được huấn luyện riêng, đào sâu về Tôn chỉ, mục đích của phong trào, chia sẻ và trao đổi các kinh nghiệm tổ chức, thành lập và duy trì đoàn cùng tìm ra những phương hướng mới cốt sao cho đoàn càng ngày càng thu hút các em đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, để được Ngài bảo ban dạy dỗ.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 03/08/2010, Sa mạc Vươn Lên I với chủ đề “Theo Đức Kitô “chính thức khai mạc sau lời tuyên bố của cha Sa mạc trưởng Phêrô Lê Minh Cao. Các sa mạc sinh biểu lộ niềmvui theo Đức Kitô qua bài hát kèm cử điệu: “Theo Giêsu dựng xây Nước Trời vì Ngài là Anh Sáng, là Sự Sống chứa chan hạnh phúc và bình an”

Tiếp theo, cha Hạt trưởng hạt Phan Rang, Giuse Võ Quí, đại diện Đức giám mục giáo phận Nha Trang gửi lời chào cha sa mạc trưởng, quí cha đồng hành, các anh chị huấn luyện viên, đặc biệt ngài bày tỏ niềm vui trước sự hiện diện đông đảo của các sa mạc sinh, thành phần chính của sa mạc. Ngài phát biểu về thành quả tốt mà phong trào TNTT đóng góp trong việc giáo dục thiếu nhi và mối quan tâm của Đức Giám mục đến việc thành lập phong trào TNTT. Vì bận công tác mục vụ, Đức Giám mục không thể đến thăm sa mạc nhưng ngài luôn quan tâm theo dõi và đồng hành với sa mạc bằng lời cầu nguyện của ngài.

Sa mạc kết thúc thật tốt đẹp nhờ sự tận tụy của các huấn luyện viên, các tiểu ban trong sa mạc, nhưng quan trọng hơn hết là do sự hăng say tích cực học tập của các sa mạc sinh dù thời tiết nắng nóng.

Cha Vùng trưởng Phêrô Nguyễn Đình Phiêu đã đến dâng thánh lễ tạ ơn bế mạc sa mạc. Ngài ước mong các sa mạc sinh noi gương thánh Gioan Maria Vianney mà hôm nay Giáo hội kính nhớ, luôn cầu nguyện và tín thác vào Chúa dẫu gặp khó khăn. Cầu nguyện để chiến thắng chính mình, để can đảm trung kiên dấn thân theo Chúa.

Sa mạc kết thúc vào lúc 17giờ ngày 04/08/2010

Nguyễn Xuân
 
Trại Hiệp Nhất Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Gp Phan Thiết
Sr Hồng Hương
09:33 05/08/2010
Trại Hiệp Nhất Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Gp Phan Thiết Với Chủ Đề “Con Có Yêu Mến Thầy Không?”

Trong hai ngày 4 và 5.8.2010, tại nhà thờ Giáo xứ Tánh Linh, GP Phan Thiết đã diễn ra Hội Trại Hiệp Nhất Lần VI dành cho Huynh Trưởng GP Phan Thiết với chủ đề “Con có yêu mến Thầy không?”. Hội trại thu hút đông đảo anh chị Huynh Trưởng trên khắp GP Phan Thiết về tham dự với nhiều đề tài học hỏi phong phú.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Minh, Tổng Tuyên Úy Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể để tìm hiểu về đôi nét của Phong trào TNTT của GP Phan Thiết.

PV: Kính thưa cha! Xin cha cho biết mục đích Traïi Hieäp Nhaát lần thứ VI khi chọn chuû ñeà “ Con coù yeâu meán Thaày khoâng?”.

Cha Minh: Mỗi năm có một trại Hiệp Nhất cho tất cả huynh trưởng trong giáo phận. Năm nay, Trại Hiệp Nhất VI với chủ đề “Con có yêu mến Thầy không” (Ga 21, 16) là dịp để các huynh trưởng nghe lại lời mời gọi của Anh Cả Giêsu về lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội và đàn chiên mà Chúa trao phó, đó chính là ơn gọi chăn sóc, dạy dỗ các em thiếu nhi. Hội trại phong phú với nhiều bài khóa hầu thêm hành trang giúp người Huynh Trưởng phục vụ các em thiếu nhi một cách nhiệt tâm và tràn đầy tình yêu mến như lòng Chúa mong ước.

PV: Thưa cha! Trong vai trò là Tổng Tuyên Úy Phong Trào TNTT, xin cha cho biết đánh giá về hoạt động Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo Phận hiện nay?

Cha Minh: Phong trào TNTT giáo phận Phan Thiết được Đức Giám Mục Giáo phận Nicolas Huỳnh Văn Nghi chính thức thành lập năm 2001, ngài bổ nhiệm linh mục Tổng tuyên úy và 5 cha làm tuyên úy cho 5 giáo hạt (mỗi giáo hạt là một liên đoàn). Giáo phận là tổng liên đòan. Chỉ trong vòng 10 năm, dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức và sinh hoạt, nhưng đến nay tổng số đoàn viên thiếu nhi đã hơn 30.000 em. Với trên 1.500 huynh trưởng. Được như vậy chính là nhờ ơn Chúa và tình yêu thương của Quý Đức cha Nicolas Hùynh Văn Nghi, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan và hiện nay là Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận. Các ngài đã quan tâm, khích lệ và nâng đỡ rất nhiều về tinh thần cũng như vật chất. Bên cạnh đó là sự yêu thương và giúp đỡ của quý cha quản xứ và quý cha tuyên úy.

PV: Thưa cha, để hướng dẫn một số lượng TNTT lớn như hiện nay của Giáo phận Phan Thiết, xin cha cho biết đôi nét về đội ngũ Huynh trưởng của Giáo phận?

Cha Minh: Nói đến đội ngũ hơn 1.500 Huynh trưởng của GP, tôi nghĩ trước tiên phải nói đến tinh thần tông đồ và sự phục vụ vô vị lợi của các anh chị đó, ngoài việc chu toàn các công việc gia đình, xã hội hay học tập, họ còn dành thời gian, công sức để dạy giáo lý, nhân bản, sinh hoạt cho các em thiếu nhi. Đây chính là ơn gọi làm tông đồ giáo dân rất cụ thể và hiệu quả rõ ràng!

Thời gian gần đây hoàn cảnh thuận lợi hơn nên Giáo phận tổ chức họp mặt tất cả huynh trưởng trong giáo phận nhằm mục đích gia tăng lãnh vực chuyên môn của phong trào bằng các khóa huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những ưu tư về ơn gọi làm người giáo dục thiếu nhi. Chính vì thế mà 5 năm qua đều có các trại huấn luyện cấp Liên đoàn và Tổng liên đòan.

Không thể có Tổng liên đòan (cấp giáo phận) nếu không có các liên đoàn (giáo hạt). Cũng không thể có Tổng tuyên úy nếu không có các Tuyên úy và các Huynh trưởng. Vì vậy, việc huấn luyện cho Huynh trưởng vẫn chủ yếu ở cấp Xứ đoàn và Liên đòan. Tôi nói lên điều này là muốn nhấn mạnh đến sự quan tâm của quý Linh mục quản xứ và Huynh trưởng ở các giáo xứ và giáo hạt. Mỗi xứ đoàn sinh họat hằng tuần. Cấp liên đoàn hằng quý (3 tháng). Cấp tổng liên đòan ½ năm hoặc tùy nhu cầu. Nhưng vì hoàn cảnh, vẫn chủ yếu tập trung vào mùa hè mới có các khóa huấn luyện hoặc Trại Huấn Luyện cho thiếu nhi và huynh trưởng.

PV: Thưa cha, cha có dự tính nào cho phong trào TNTT trong thời gian tới?

Cha Minh: Tôi hy vọng trong một tương lai gần, phong trào TNTT sẽ hồi sinh và lan rộng khắp các giáo phận với những sinh hoạt thống nhất và được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hỗ trợ như các đoàn thể khác. Ước mong phong trào luôn gia tăng về chất lượng và số lượng bởi ơn thánh Chúa và tình yêu thương qúi Đức Cha, quí Cha và các bạn Huynh Trưởng.

PV: Xin cám ơn cha và cầu chúc cho Phong trào TNTT Giáo phận phát triển không ngừng trong sự quan phòng của Thiên Chúa và Đức Mẹ Tapao.

Thực hiện: Hồng Hương
 
Thánh lễ khấn Dòng tại Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế
Trương Trí
20:05 05/08/2010
HUẾ - Sáng ngày 5.8, tấp nấp dòng người và xe cộ hướng về Kim Long, trụ sở Hội dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm Huế, tọa lạc bên dòng sông Hương yên bình và hiền hòa của xứ Huế, nơi đây vốn một thời là Tòa Giám mục giáo phận Huế. Mọi người quy tụ về đây với một tâm tình hân hoan và đầy tràn niềm yêu thương, mừng lễ tiên khấn của của 17 chị, đặc biệt có 3 chị là người dân tộc thiểu số vinh dự lần đầu tiên bước lên trước bàn thờ để tuyên khấn dấn thân phục vụ giáo hội và tha nhân. Đồng thời cũng là ngày tuyên khấn trọn đời của 16 chị, mừng lễ Ngọc khánh của các nữ tôi tớ đã trải qua 60 năm hiến dâng cuộc cho Chúa và Mẹ Maria:

Hình ảnh Lễ khấn dòng

1/ Chị Anna Đổ thị Tâm.

2/ Chị Germaine Vương thị Linh.

3/ Chị Blandine Nguyễn Thị Miên.

4/ Chị Angèle Trần Thị Lãnh.

5/ Chị Jean Berchmans Ngô Thị Thuận.

6/ Chị Cécile Trần Thị Thuần.

7/ Chị Séraphine Trần Thị Trường Sinh.

Ngoài ra, hội dòng cũng mừng lễ Kim cương của chị Augustine Nguyễn Thị Bông.

Đúng 6 giờ sáng, đoàn cồng chiêng của cộng đoàn dân tộc trỗi lên như thúc dục mọi người nhanh chân tiến bước, đoàn rước Đức Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Huế F.X.Lê Văn Hồng chủ sự thánh lễ tiến vào nguyện đường, cùng với Đan viện phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, đặc biệt có Đức Ông Giuse Phạm Xuân Thắng là người có công dìu dắt và phát triển các cộng đoàn của Hội dòng tại hải ngoại. Cùng đồng tế có trên 100 linh mục trong và ngoài giáo phận cũng như hải ngoại, đông đảo tu sĩ nam nữ và bà con thân nhân ân nhân của hội dòng.

Hồng ân nối tiếp hồng ân, Năm Thánh của hội dòng cũng là Năm Thánh giáo hội Việt Nam. Hội dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm Huế mừng lễ tạ ơn với tổng số 41 chị vừa là Tiên khấn, Vĩnh khấn, Ngọc khánh và Kim cương. Một con số đáng để trân trọng niềm tin tín thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, tinh thần hy sinh để dấn thân phục vụ giáo hội và xã hội. Cũng chính vì thế, nên số lượng bà con thân nhân ân nhân cũng như cộng đoàn dân Chúa đến hiệp dâng lời cầu nguyện và chúc mừng rất đông, thánh lễ được truyền hình trực tiếp ra ngoài khu sân vườn rộng rãi và mát mẽ cho bà con tham dự.

Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục chủ tế đã nhắn gởi đến cộng đoàn: Hôm nay chúng ta hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và chia sẽ niềm vui với Hội dòng Con Đức Mẹ vô nhiễm trong dịp mừng lễ Ngọc khánh khấn dòng của 7 chị, ngày hồng phúc của 16 chị em vĩnh khấn và 17 chị em tuyên khấn lần đầu, dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và giáo hội. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong đời tận hiến nhắc nhở cho chị em ngày hồng phúc và ân huệ mà Chúa đã trao ban. Đây cũng là cơ hội để chị em làm mới lại lời tuyên khấn, quyết tâm sống cuộc đời hiến dâng. Hôm nay là ngày vui chung của giáo phận, cách riêng của hội dòng Con Đức Mẹ vô nhiễm, đăc biệt trong năm Thánh của Hội dòng trước một vụ mùa bội thu đời dâng hiến. Cộng đoàn luôn ghi nhận công ơn của các gia đình khấn sinh đã hy sinh dâng con cái mình cho Chúa và giáo hội, xin Thiên Chúa chúc lành cho của lễ quảng đại này và trả công bội hậu cho quý vị. Chúng ta sốt sắng cầu nguyện cho quý vị luôn vui tươi, hạnh phúc.

Các khấn sinh tiên khấn và vĩnh khấn đã xúc động quỳ trước Đức Giám mục đại diện Hội Thánh, trước chị Tổng phụ trách và ban Đại diện Hội dòng, tuyên khấn sống cuộc đời khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Đức giám mục đã khởi xướng kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, cộng đoàn sốt sắng hát vang lời cầu xin cho các chị vững vàng và kiên trì trong ơn gọi tận hiến.

Sau thánh lễ, chị Maria Victorina Trần Thị Lam Hồng thay mặt hội dòng bày tỏ tâm tình tri ân đối với Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục phụ tá, linh mục đoàn đồng tế, và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã sốt sắng hiệp dâng lời tạ ơn với hội dòng, tri ân các vị ân nhân và nhất là thân nhân các chị em đã yêu thương tin tưởng phó thác con cái cho Chúa qua hội dòng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế vinh danh 6 Nhà Văn Việt Nam
Dominic David Trần.
07:06 05/08/2010
HÀ NỘI, Việt Nam, ngày 04 tháng Tám 2010 theo tin Thông Tấn Xã AP - Một Tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế đã vinh danh 6 nhà hoạt động nhân quyền người Việt Nam vì can đảm đối diện với sự bách hại chính trị tại Việt Nam.

6 nhà văn Việt Nam này nằm trong danh sách 42 nhà văn thuộc 20 quốc gia được nhận Giải Thưởng Hàng Năm mang tên Hellman/Hammmett Award theo như công bố trong ngày Thứ Tư 04 tháng Tám 2010 của Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế đặt trụ sở tại Nữu Ước Hoa Kỳ. Tổ chức này nêu rõ;

"Tất cả những người Việt Nam được tặng Giải Thưởng lần này đều là những nhà văn tích cực hoạt động cho nhân quyền nên đã bị chính quyền đàn áp trong những cố gắng của chính phủ để nhằm hạn chế tự do ngôn luận và phát biểu ý kiến; kiểm duyệt phương tiện thông tin độc lập và hạn chế các cách tiếp cận và sử dụng liên mạng thông tin bằng vi tính."

"Bằng việc vinh danh những Nhà Văn can đảm hiện đã và đang chịu nhiều khổ nhục vì bách hại chính trị, bị mất hết công ăn việc làm; hoặc thậm chí phải hy sinh cả tự do cá nhân của họ. Chúng Tôi hy vọng mang sự quan tâm của quốc tế đến để nói lên rằng nhà cầm quyền tại Việt Nam đang cố gắng bịt miệng họ và buộc họ sống trong câm lặng." Phil Robertson, Phó Giám Đốc Á Châu Vụ của Tổ Chức này đã tuyên bố như vậy.

Chính Phủ của Việt Nam nói rằng họ không hề bỏ tù hay sách nhiễu người nào vì quan điểm hay tín điều chính trị, và Chính quyền chỉ tống giam vào ngục những ai vi phạm Luật Lệ mà thôi.

Những Nhà Văn Việt Nam đoạt Giải Thưởng năm 2010 bao gồm cả Nhà Báo và Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy; Nhà hoạt động nhân quyền Phạm Văn Trội; Nhà Thơ và Cựu Chiến binh Trần ĐứcThạch; Nhà Giáo và Nhà Văn Vũ Văn Hùng. Cũng được vinh danh trong năm nay còn có các Ký giả trên Nhật Ký Mạng (bloggers) Bùi Thanh Hiếu và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là những người đã bị giam giữ ngắn hạn trong năm 2009 vì chỉ trích các chính sách của chính phủ Việt Nam đối với Trung Cộng và các lời tố cáo liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền trên các Quần Đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Được biết Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy đã đưọc tặng Giải Thưởng này trong năm 2007.

Giải Thưởng The Hellman/Hammett Award được đặt theo tên của nhà soạn kịch Lillian Hellman của Hoa Kỳ và người bạn lâu năm cũng là Tiểu thuyết gia Dashiell Hammett. Cả hai người này đã bị chính phủ Hoa Kỳ thẩm vấn nhiều lần suốt trong những năm 1950 vì những quan điểm chính trị của họ trong cơn sốt biến động của trào lưu Chống Cộng thời đó.

Courtesy from the Canadian Press
 
Rôma và Hà Nội có xích lại gần nhau? Những bước đi đầy kiên nhẫn.
Lorenzo Fazzini, Tiền Hô chuyển ngữ
09:34 05/08/2010
Chặng đường dài của Giáo Hội tại Việt Nam đã đi một bước mới khi vào cuối tháng 6, Rôma và Hà Nội đồng thuận rằng, Vatican có thể bổ nhiệm một vị đại diện không thường trú cho Việt Nam.

Thực ra thì tại Hà Nội, những tranh cãi về việc bổ nhiệm vị Tổng Giám Mục mới của thủ đô vẫn chưa chìm xuống, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, người hiện đương chức Chủ tịch Hội đồng Giám Mục, sẽ thay cho vị trí của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, 58 tuổi, một chiến sĩ đấu tranh cho tự do của Giáo Hội.

Trong những năm gần đây, Đức Tổng Kiệt đã dùng ảnh hưởng của cá nhân ngài đưa vấn đề tài sản của giáo hội bị chính phủ tịch thu trước công luận - tài sản mà chẳng bao giờ được trả về lại cho cộng đồng Công giáo. Một con người của văn hóa, từng học tại Paris, Đức Tổng Kiệt tâm sự với tôi hai năm trước đây tại văn phòng của ngài ở Hà Nội rằng, các tranh cãi về tài sản của giáo hội "không chỉ là một vụ tranh chấp quyền sở hữu" nhưng "còn thử phân tích hành vi vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ngày nay".

Còn quá sớm để nói rằng thỏa thuận này là bước dạo đầu cho một thời kỳ mới, hoặc tạo thành một nghi thức đơn giản của "chính quyền". Hãy nhìn vào sự thật. Ngày 26 tháng 6 vừa qua, sau một cuộc họp hai ngày tại Rôma, văn phòng báo chí Vatican đã công bố biên bản ghi nhận các hoạt động của Nhóm Công Tác Hỗn Hợp Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, cơ chế được tạo lập vào năm 2008 như là kết quả của một cuộc hành trình hòa giải dài dẳng giữa hai bên.

Một lộ trình đã được thực hiện từ thập nhiên 1990, do ĐHY Roger Etchegaray khởi xướng trong chuyến đi của ngài tới Việt Nam ngay vào thời điểm cao trào của thời kỳ "đổi mới", đó là những thay đổi về chính trị và kinh tế do Đại hội lần VI của đảng cộng sản phát động năm 1987.

Đánh dấu việc tái nối lại quan hệ giữa hai bên là chuyến thăm lần đầu tiên trong lịch sử của chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết đến Vatican hội kiến Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vào năm 2009.

Sau đó, báo cáo của nhóm công tác nói, "họ đồng thuận rằng, như là bước đi đầu tiên, một vị đại diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm", để "đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo địa phương."

Nhưng, sự thiếu sót của bước đi lịch sử này đã được nêu bật trên "Asia News", tức là nhóm công tác đã gạt Giáo Hội Việt Nam địa phương ra bên lề các cuộc đối thoại giữa nhà nước và Tòa Thánh. "Các vị giám mục của 26 giáo phận Việt Nam và Hội đồng Giám mục không có tiếng nói trong cuộc họp đó của nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh", hãng thông tấn điện tử của Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Ngoại quốc chỉ ra như vậy trong một bài xã luận về sự kiện này.

Nhưng những thay đổi này có phải là bước dạo đầu trong quan điểm về quan hệ ngoại giao chính thức không?

Tổng Giám Mục TGP.TPHCM, trước đây gọi là TGP Sài Gòn, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, khá thận trọng trong câu trả lời của mình khi được tờ báo "Mondo e Missione" hỏi về việc này: "Tôi không nghĩ rằng quan hệ ngoại giao sẽ tiến triển nhanh chóng. Điều này sẽ diễn ra khi có sự bình an và đoàn kết trong đất nước, ngay trong chính các nhà lãnh đạo, và với cả các đồng minh chính yếu của họ".

Phát biểu này phải được đưa vào ngữ cảnh. Khi Đức Hồng y nói về "bình an và đoàn kết trong đất nước", người ta có thể sẽ liên tưởng ngay đến trường hợp của Đức Tổng Kiệt, hay cũng gọi là quyết định từ chức của Tổng Giám Mục Hà Nội, một quyết định làm khuấy động lên sự tranh cãi y như trong một tổ ong.

Còn khi đề cập đến đoàn kết "ngay trong chính các nhà lãnh đạo" và với "đồng minh chính yếu của họ", tức là trong nội bộ các nhà lãnh đạo Việt Nam đang được chia ra hai phe: một phe thân phương Tây và phe khác vẫn còn rất dè dặt. Phe này có mối liên hệ với Trung Quốc, tức là "đồng minh chính yếu" của Hà Nội. Theo dẫn chứng của các nhà quan sát khác nhau thì các lãnh đạo Việt Nam vẫn còn trông chờ vào Bắc Kinh trong việc xác định chính sách ngoại giao. Và mối quan hệ với Vatican cũng không phải là ngoại lệ.

Vì vậy, với những gì đang xảy ra giữa Rôma và Hà Nội, thận trọng là điều bắt buộc. Điều này cũng được xác nhận bởi Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên - Giám mục Hải Phòng, lý giải trên "Mondo e Missione": "Tôi chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần luôn luôn can thiệp trong Giáo Hội. Vatican rất thận trọng trong việc quyết định bổ nhiệm một đại diện không thường trú cho Việt Nam. Đây không chỉ là bước đi đầu tiên, mà còn là một nỗ lực khôn ngoan để tiến triển tiếp về vấn đề này. Đó là một cách tốt để yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấp nhận các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo trong nhiều lĩnh vực xã hội, ví dụ như là giáo dục, một lĩnh vực mà trong đó Giáo Hội không có trường học, trừ các trường mẫu giáo, từ thiện, ta cũng thấy rằng không có bệnh viện Công giáo nào cả. Hơn nữa Giáo Hội không thể mua đất để xây dựng các giáo xứ cho các cộng đoàn mới".

Trong báo cáo ngày 26 tháng 6, Tòa Thánh "yêu cầu" chính phủ "tiếp tục tạo điều kiện để Giáo Hội có thể tham gia cách hiệu quả trong việc phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực tinh thần, giáo dục, y tế, xã hội và từ thiện". Nhưng đó không phải là tất cả, Đức Giám mục Vũ Văn Thiên giải thích: "Một vấn đề rất hóc búa đã được trải ra: việc bồi thường cho Giáo hội về các tài sản bị nhà nước tịch thu".

Vì vậy, sự tự do hoàn toàn dành cho Giáo hội vẫn lâm vào tình thế khó khăn mà vẫn chưa giải quyết được. Trường hợp của Đức Tổng Kiệt một lần nữa đã chứng minh điều này.

Khi Vatican công bố cuối tháng 4 việc bổ nhiệm một giám mục phó cho Hà Nội là Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, đương làm giám mục Đà Lạt, người được xem là có nhiều "ngoại giao" với chính quyền hơn so với Đức Tổng Kiệt, và sau đó, ngày 22 tháng 5, Đức Tổng Kiệt từ chức, tại Việt Nam (và không chỉ có ở đó) chẳng tìm ra được lý do thực sự của việc thay thế này.

Trong thời gian mục vụ tại địa phương, Đức Tổng Kiệt đã kiên quyết và kiên vững bảo vệ sự tự do của Giáo Hội. Vào mùa thu năm 2008, ngài đã phải hạn chế ở trong tòa tổng giám mục vì sự quấy phá của các băng nhóm côn đồ - do đảng cộng sản tuyển dụng để phản ứng trước các cuộc "đốt nến cầu nguyện" của người Công giáo. Đó là tên được đặt cho các buổi cầu nguyện và diễu hành của người Công giáo tại Hà Nội để đòi bồi hoàn cho Giáo Hội phần đất của Toà Khâm Sứ cũ ở thủ đô, một phần đất mà nay các nhà chức trách muốn xây dựng nhà hàng trên đó.

Hai cơ quan được đánh giá cao về thông tin tình hình ở Việt Nam là "Asian News" và "Églises d'Asie" đã lên tiếng trong những tuần gần đây, nói về các quan điểm khác nhau xung quanh việc từ chức của Tổng Giám mục Kiệt, hầu như đều gọi đó là một cái giá mà Vatican phải trả để có được quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Nhưng ĐHY Phạm Minh Mẫn đã nỗ lực thực hiện việc xoa dịu những suy đoán trên, và ngay cả Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt cũng vậy. Trong thư "Thư Từ Biệt" gửi cho Tổng Giáo phận Hà Nội, khi ngài rời đi hôm 12 tháng 5, Đức Tổng Kiệt khẳng định rằng, ngài từ chức khỏi giáo phận "chỉ vì lợi ích của Giáo Hội, cụ thể là của Tổng giáo phận Hà Nội chúng ta".

Trong cùng lá thư, tổng giám mục nhớ lại ngài đã trải qua "giờ phút nguy biến", khi "tính mạng bị đe dọa". Và ngài cho rằng sự ra đi này là "phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa", tin tưởng rằng "điều đó là tốt cho tôi và cho anh chị em". Tuy nhiên, có một thực tế đáng chú ý, trong bức thư từ biệt, Đức Tổng Kiệt đã không đề cập đến những lý do sức khỏe, vốn thường được áp dụng để lí giải cho việc ngài từ chức lãnh đạo một giáo phận quan trọng như Hà Nội.

Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn dành cho "Églises d'Asie", ĐHY Mẫn đã giải thích rằng, sau cuộc gặp với các quan chức của Quốc Vụ Khanh và Thánh Bộ Truyền giáo tại Rôma, ngài đã có thể đảm bảo với các tín hữu rằng, việc để Đức Tổng Kiệt ra đi là sự lựa chọn theo ý riêng của Đức Giáo hoàng "để tôn trọng mong muốn thực chất của người đã đệ trình thỉnh cầu này", nghĩa là chấp nhận đơn từ chức của vị giám chức.

Bằng cách này, ĐHY muốn sự im lặng trước những tiếng nói quy trách nhiệm cho Thánh Bộ Truyền Giáo về những gì đã xảy ra: "sự tắc trách của Bộ Truyền Giáo, sự thỏa hiệp của Bộ Ngoại Giao, sự cấu kết của một ít nhân vật trong Giáo Hội vì tư lợi, sự ngây ngô của Vatican..., một số giám mục đề nghị tôi đi tìm hiểu sự thật 'thực' ".

Mà cuối cùng thì vẫn là lối "giải thích" chính thức: Đức Tổng Kiệt từ chức vì lý do sức khỏe.

Thực tế thì mục tiêu về sự tự do tôn giáo hoàn toàn trong cả nước vẫn còn là một chặng đường dài. Trong báo cáo mới nhất của Ủy ban về Tự do tôn giáo của Quốc hội Hoa Kỳ được công bố vào cuối tháng 4, Việt Nam nằm trong danh sách 13 quốc gia bị cho rằng "cần phải quan tâm đặc biệt" vì thiếu tôn trọng tín đồ tôn giáo.

Do đó, vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Vatican cũng không thể giúp được gì nhưng có thể được ghi nhận trong các văn kiện, như Đức Giám mục Hải Phòng nói:

"Tôi nghĩ rằng con đường vẫn còn dài. Là một người Việt Nam tôi thật sự quan tâm đến mối quan hệ này, đó là cơ sở làm cho người dân của chúng tôi được phấn khởi, nhưng là một người Công giáo, tôi cũng muốn có sự tôn trọng các điều kiện dành cho sự phát triển của Giáo Hội và của nhân quyền. Thực ra, chúng tôi hy vọng rằng sẽ có được tự do tôn giáo thực sự tại Việt Nam".

Một chuyến thăm của ĐTC Benedict XVI đến Việt Nam là ý tưởng nổi trội trên các phương tiện truyền thông đại chúng dạo gần đây, và mới nhất là trên nguyệt san "30 Days". Nhưng dưới ánh sáng của tình hình chính trị và giáo hội tại Việt Nam, phỏng đoán này có vẻ xa vời, mặc cho thực tế, đây là một dịp rất có ý nghĩa lịch sử đang xảy ra trong năm nay.

Trong năm 2010, Giáo hội Việt Nam tổ chức một Năm Thánh, trong đó có hai mốc kỷ niệm quan trọng mà người Công giáo địa phương đang tổ chức: 350 năm - hai giáo phận Tông Tòa đầu tiên được thiết lập, và 50 năm - Đức Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm chính thức vào ngày 24 tháng 11 năm 1960.

Năm Thánh bắt đầu vào ngày 24 tháng 11 năm 2009, lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, và sẽ kết thúc ngày 06 tháng 01 năm 2011. Lễ Khai Mạc chính thức đã diễn ra tại Hà Nội, và Lễ Bế Mạc sẽ được tiến hành bằng một cuộc hành hương đến linh địa quốc gia Đức Mẹ La Vang, tại miền trung của đất nước. Vào tháng 11 năm 2010, một đại hội Dân Chúa cũng sẽ được tổ chức tại TPHCM, với các đại diện từ tất cả các giáo phận.

Đúng ra thì có nhiều phỏng đoán rằng, Lễ Chúa Hiển Linh năm 2011 được cho là dịp mà Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ đến viếng thăm Việt Nam. Tuy nhiên, ĐHY Pham Minh Mẫn vẫn cho rằng điều này là không thể xảy ra: "Hai năm trước, chúng tôi đã có hy vọng lớn lao về một chuyến thăm của Đức Giáo hoàng vào lúc đó. Nhưng trong tình hình hiện nay, với tôi, có vẻ như hy vọng này đang dần dần tan biến từng chút một". Ngài nhắc lại lời Đức giám mục Phòng: "Tại thời điểm hiện tại, không có chuyến thăm nào của Đức Giáo hoàng đến Việt Nam như dự kiến."

(Tác giả Lorenzo Fazzini, ngày 3/8/2010 http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1344329?eng=y, Tiền Hô chuyển ngữ)
 
Việt Nam: Cái giá của một Hiệp Định Ngoại Giao
Trung Thiên chuyển ngữ
09:45 05/08/2010
Việt Nam: Cái giá của một Hiệp Định Ngoại Giao

LTS: Bài viết dưới đây của mạng lưới http://chiesa.espresso.repubblica.it Trung Thiên dich ra việt ngữ. VietCatholic đăng tải bài này nhằm mục đích để qúy độc giả biết truyền thông ngoại quốc đang nghĩ gì về tình hình Giáo Hội Việt Nam.

Rôma (Chiesa) - Khát vọng của nhà cầm quyền chính trị nhằm giám sát và định đoạt việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo không phải là đặc quyền duy nhất của Trung Quốc, mà điều cũng được nhận thấy ở Việt Nam.

Chỗ khác biệt là ở Việt Nam, thủ tục này được hệ thống hóa cho phù hợp với Tòa Thánh. Khi một giáo phận trống tòa, Rôma đưa ra ba ứng viên để chính quyền Việt Nam loại những người họ không thích.

Năm nay, một thay thế rõ ràng liên quan đến giáo phận Hà Nội. Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, người đã xung đột với chính quyền trong một thời gian, đã từ chức dù ngài chỉ mới 58 tuổi, lý do chính thức là vì sức khỏe, và vị trí của ngài đã được thay thế bởi một giám mục khác được xem là dễ bảo hơn đối với chế độ.

Không chỉ có vậy. Một vài tuần sau đó, Tòa Thánh công bố, trong thỏa thuận với nhà cầm quyền Việt Nam, rằng Tòa Thánh sẽ sớm bổ nhiệm một đại diện của mình đối với chính quyền Việt Nam. Một bước đi nói lên tất cả, như là khúc dạo đầu cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã và Việt Nam.

Sự gần gũi của hai sự kiện khiến nhiều người giải thích sự thay thế giám mục Hà Nội như là cái giá mà Rôma phải trả cho cách giải quyết ngọt ngào. Việt Nam là một trong số ít quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, cùng với Trung Quốc và Saudi Arabia.

Thực tế, trò chơi là phức tạp hơn vậy. Và đó là tất cả các chi tiết chủ yếu trong mối ưu tư rằng đó là một quốc gia Á Châu mà trong đó sự hiện diện của Giáo Hội là mạnh mẽ và quan trọng. Hiện có hơn 6 triệu người Công Giáo tại Việt Nam, 8 phần trăm của 84 triệu dân. Và con số này đang gia tăng, với hàng ngàn người lớn chịu phép Thánh Tẩy mỗi năm và đông đảo các tu sĩ và ơn gọi tu trì mới.

Hơn nữa, người Công Giáo Việt Nam rất tích cực trong lĩnh vực công cộng. Nhưng ở đây, họ phải đáp ứng với phản ứng của chế độ cộng sản, vốn đã khuất phục họ họ để hạn chế một cách cứng rắn.

Trong những năm gần đây, người Công Giáo đã tăng cường hoạt động của họ, luôn luôn ôn hòa, gồm các buổi thắp nến cầu nguyện, diễu hành. Nhưng dư luận quốc tế rất ít thông tin về các hoạt động này, dù thực tế họ huy động hàng trăm ngàn người, và nhiều hơn nữa, chẳng hạn, hơn cả các cuộc diễu hành của Phật giáo ở Miến Điện trước đó, vốn được công bố công khai hơn.

Sự thận trọng hết sức mà các quan chức Vatican thực hiện đã góp phần cho sự im lặng này. Mặc dù với các thông tin quốc tế phong phú, Tờ Quan Sát Viên Rôma ("L'Osservatore Romano") đã hoàn toàn im lặng về các cuộc biểu tình công khai của người Công Giáo tại Việt Nam. Vào năm 2008, Đức Hồng y Ngoại Trưởng Tarcisio Bertone đã viết thư cho Đức Giám Mục Hà Nội giữ các tín hữu của mình trong vòng kiểm soát, để tránh làm tổn hại đến việc "đối thoại với chính quyền".

Nguồn: Sandro Magister, Chiesa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tình yêu chân thực
Vũ Văn An
20:25 05/08/2010
Lý trí chỉ nói bằng lời, nhưng tình yêu là một bài ca (Joseph de Maistre).

Chúng ta đang sống trong một thời đại mù mờ. Người ta còn có thể nói rằng: chúng ta không những cự phách về chuyện mù mờ tri thức mà còn cự phách cả về chuyện mù mờ cảm tính. Nhiều người trong chúng ta không biết thăm dò xúc cảm của mình ra sao; họ không biết phân biệt đâu là cảm xúc có giá trị đâu là cảm xúc vô giá trị. Họ không biết chắc liệu họ có đang yêu thực hay không hay chỉ được thúc đẩy bởi mơ tưởng mà tin rằng mình đang yêu chỉ vì mình đang thèm thuồng cái phấn chấn do tình yêu mang lại. Họ lẫn lộn “yêu” với mê đắm (crush), hay muôn đời “biện phân” mà không đi tới một kết luận nào.

Không hề có hoài bão giải đáp được vấn nạn, ở đây chúng tôi chỉ dám đưa ra một số cột mốc có thể có ích nếu một ai đó đặt câu hỏi: Tôi có đang yêu hay không đây?

Các cảm nghiệm vĩ đại thường xẩy ra bất ngờ, vì các ơn phúc lớn lao vốn không phải là hoa trái của mưu toan hay kế sách. Chúng tràn ngập ta và phản ứng đầu tiên của ta là: “Tôi không xứng đáng được ơn phúc này. Chàng (hay nàng) tốt đẹp hơn tôi nhiều”. Trái tim ta đầy một lòng biết ơn, một lòng biết ơn khiến ta khiêm tốn. Ta cảm thấy mình không đáng lãnh nhận ơn phúc này, nó như đánh thức ta từ một giấc ngủ thật say. Quả thật, người đang yêu “đang thực sự bắt đầu sống”. Người chưa bao giờ yêu sống trong một trạng thái mộng du và di chuyển như những con rối đang chu toàn các bổn phận hàng ngày của mình với một trái tim chán ngắt, một trái tim dường như không biết đập.

Khi yêu, ta cảm nghiệm một niềm vui sâu xa, thâm trầm, một niềm vui vừa nồng nàn vừa êm dịu, như một bụi gai bốc lửa; nhưng cái bốc lửa ấy không thiêu rụi, trái lại được đánh dấu bằng một tĩnh tâm sâu sắc. Nó bùng lên từ chính trung tâm hữu thể ta. Nó khác biết bao cái phấn chấn ồn ào của những người chỉ biết cảm nhận các xúc cảm vũ bão không phát xuất từ thẳm cung lòng họ và như ngọn lửa rơm, chỉ bùng lên chốc lát rồi phụt tắt ngay tức khắc.

Trái tim không những bùng cháy, mà ngọn lửa này còn có hiệu quả nung chẩy. Ta cảm thấy như thể có một sự thiện hảo nào đó không phải từ trong ta đến chiếm hữu ta. Dietrich von Hildebrand nói đến một thứ “thiện hảo lỏng” (fluid goodness) trong trái tim đang yêu.

Tình yêu chân thực khiến người yêu đẹp hơn lên; chàng tỏa ra niềm vui. Nếu không như thế, ta dám hoài nghi chàng chưa yêu thực. Người Pháp quen nói: “Un saint triste est un triste saint” (một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn). Cũng thế, một “người yêu” buồn nên tự hỏi mình có thực sự đang yêu hay không. Các bổn phận dù nhỏ, dù khiêm nhượng cũng được làm một cách hân hoan, vì được làm “với chàng” hay “với nàng” hay vì chúng đã thành những hành vi phục vụ đầy yêu thương.

Tình yêu chân thực khiến ta khiêm tốn. Bỗng nhiên, mọi yếu đuối, tội nghiệp và bất toàn của ta đều xuất hiện mồn một trong tâm trí ta, nhưng chúng không khiến ta bị đè bẹp. Ta thấy mọi lầm lỗi của ta song song với ý muốn tỏ bày chúng cho người mình yêu. Sự tỏ bày này song hành với ước muốn xin chàng hay nàng giúp đỡ để khắc phục chúng. Ta muốn tỏ lộ bản thân ta về phương diện tâm linh một cách trong trắng, để người ta yêu thực sự biết ta; ta sợ đánh lừa người ta yêu khiến họ tin rằng ta tốt đẹp hơn thực tế. Ta thấy người ta yêu có quyền được biết cả “tên thật” lẫn cái biếm họa của chính ta.

Tình yêu được nối kết với thực tại thánh thiêng. Vẻ đẹp của người ta yêu hiển hiện trước mặt ta, không một chút ảo giác; vẻ đẹp của chàng không phải là hoa trái của mơ tưởng, mà là một thị kiến có thực, giống thị kiến Núi Tabor, một thị kiến mà người yêu sẽ mãi trung thành với, sẽ nắm vững mãi mãi cho dù chắc chắn nó sẽ bị lu mờ đi do những chán ngắt của cuộc sống hàng ngày đem lại.

Người yêu luôn sẵn sàng dành cho người mình yêu điều Dietrich von Hildebrand gọi là “tín chỉ yêu thương” (credit of love), nghĩa là khi người mình yêu hành động một cách ta không hiểu hay khiến ta ngã lòng, thì thay vì lên án họ, người yêu sẽ tin chắc rằng: vì đời người phức tạp, nên hành động của chàng có thể biện minh được, dù mới thoạt nhìn, nó khiến ta hối tiếc. Người yêu chân thực luôn thiết tha tìm cách “bào chữa” khi tác phong của người mình yêu làm mình ngã lòng. Chàng luôn thận trọng tự chế không quá tin tưởng việc lên án tác phong người kia, dù thoạt nhìn tác phong ấy có gây bối rối bao nhiêu chăng nữa. Chàng hân hoan khi thấy mình lầm lẫn. Bởi thế thật là buồn: trong kịch bản Cymbeline của Shakespeare khi Posthumus, được tên vô lại là Iachimo thông báo rằng vợ chàng là nàng Imogene, phản bội chàng, đã tin ngay tên dối trá, dù trước đó chàng có dư chứng cớ nàng yêu chàng thực sự và rất mực trong trắng. Vở kịch này có kết thúc tốt đẹp, nhưng nó mạnh mẽ minh họa sự cay đắng, sự giận dữ, sự thất vọng của một người tin chắc rằng người chàng yêu, người mà hình ảnh từng là nguồn vui của chàng, đã phản bội chàng.

Ta có thể nói rằng ta yêu thực sự khi ta buồn trước sự thiếu kiên nhẫn, vô ơn hay “thô lỗ” của người mình yêu (nói cách khác, khi vẻ đẹp thực sự của chàng bị che lấp) vì nghĩ rằng chàng tự bôi bẩn y phục đẹp đẽ của chàng và cho ta thấy bức biếm họa của con người thực nơi chàng, chứ không phải vì nghĩ rằng chàng cố tình gây tổn thương cho ta. Và trên hết, người yêu chân thực buồn vì người mình yêu xúc phạm tới Thiên Chúa. Xét theo thứ tự quan trọng, thì xúc phạm tới Thiên Chúa là nguồn đệ nhất đẳng của mọi đau buồn; cái hại chàng gây ra cho linh hồn yêu qúy của chàng là nguồn thứ hai; sau cùng, dù có đau đớn như thế nào, mới là vết thương chàng gây ra cho người yêu chàng thắm thiết.

Người yêu chân thực quan tâm tới lợi ích của người mình yêu, bất kể lợi ích đó là lợi ích nào đối với linh hồn chàng, hơn là quan tâm tới lợi ích riêng của mình. Bởi thế mà phải sẵn sàng hy sinh cho chàng trong những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hằng ngày, trong đó, sự nếm trải của mỗi người mỗi khác: khi thì căn phòng ấm cúng lúc lại là căn phòng thoáng mát; lúc ăn ở nhà lúc ăn ngoài tiệm; lúc đi xem đá bóng lúc ở nhà thư thái; lúc xem chương trình truyền hình này khi người phối ngẫu muốn xem chương trình khác, v.v… Dĩ nhiên, việc nhượng bộ này chỉ nên hạn chế vào các ưa thích chủ quan, chứ không nên qui thành nguyên tắc. Tất cả chúng ta, ai cũng biết có những người phối ngẫu bị chồng hay vợ xử tệ chỉ vì quá quan tâm đến phúc lợi muôn thuở của người mình yêu mà đành chấp nhận mọi đau khổ, đành chịu thiệt thòi vì người mình yêu.

Một dấu hiệu lớn lao chứng tỏ tình yêu chân thực là sự kiên nhẫn đầy yêu thương trước các yếu điểm của người mình yêu. Có thể đó là cách ứng xử riêng của chàng, tính khí của chàng, tính kiểu cách (mannerisms) của chàng (ai mà không có?); cũng có thể đó là nét yếu đuối về thể lý của chàng, nét khác thường về tâm lý của chàng, sự thiếu khả năng tri thức của chàng không theo được lối suy nghĩ bình thường; thói vô trật tự hay quá ư trật tự của chàng. Nếu các đan sĩ luôn được dịp “chết cho ý riêng của mình” (lời của Thánh Bênêđíctô), thì điều đó cũng đúng đối với hôn nhân. Đức Hồng Y John Henry Newman từng viết rằng ngay trong các mối liên hệ nhân bản sâu sắc nhất, nếu tình yêu chân thực, thì cuộc sống chung sẽ đem lại cho ta thật nhiều cơ hội để minh chứng tình yêu bằng cách hy sinh các sở thích riêng của mình.

Các kiểu cách, các cách ứng xử riêng, các tính khí; các yếu điểm thể lý, tâm lý, và tri thức một là được giải thích một cách càng tích cực càng tốt hai là phải kiên nhẫn chịu đựng. Thánh Bênêđíctô nói tới các đan sĩ đang cố gắng sống thánh thiện: các tu sĩ này không vì thế mà không luôn gây khó chịu cho những người sống chung quanh. “Hãy để họ hết sức kiên nhẫn chịu đựng các yếu đuối của nhau, bất kể đó là yếu đuối của thể xác hay tính tình” (Luật Thánh, chương 72).

Trong cái nhìn đó, truyện Một Tâm Hồn cũng là một kho báu thiêng liêng. Rõ ràng Thánh Têrêxa Thành Lisieux chịu nhiều đau khổ vì một số nữ tu thiếu giáo dục và tư cách. Thánh nữ học được nghệ thuật thánh này là dùng mọi khó chịu hàng ngày để vinh danh Thiên Chúa, trong đó có việc phải nghe những tiếng động nhức nhối mà một chị em ở ghế bên cạnh gây ra khiến thánh nữ không tập trung cầu nguyện và tĩnh tâm được. Và Thánh Nữ đã chiến thắng được nhờ tình yêu.

Ngạc nhiên thay, điều ấy cũng có thể đem hạnh phúc lại cho những cuộc hôn nhân tươi đẹp nhất, dù người ta yêu làm trái tim ta ra thương tích. Người yêu chân thực, với tấm tình đã được rửa tội, sẽ dùng các hy sinh vô nghĩa đó như các nghệ sĩ thời Trung Cổ quen làm là lấy những sợi len nhỏ nhoi mà dệt lên những bức thảm tuyệt diệu.

Người yêu chân thực luôn có lời “cám ơn anh/em” trên môi. Chàng /nàng cũng dễ dàng thưa “tha thứ cho anh/cho em”, vì ngay trong mối liên hệ tốt đẹp nhất, người ta cũng không thể tránh được việc sa vào lỗi lầm. Nếu ai đó tưởng mình luôn ở thế không bao giờ sai lỗi, thì họ đừng kết hôn, hay có con cái, hoặc vào tu viện. Nghệ thuật sống thánh thiện là biết mình sẽ mắc lỗi, là biết nhìn nhận lỗi lầm đó, hối hận và với ơn Chúa, sẵn sàng thay đổi.

Cùng một lúc, quan trọng là cả hai người yêu phải nhìn nhận lỗi lầm của mình. Ai trong chúng ta cũng biết những trường hợp trong đó một trong hai người yêu nhau luôn luôn chỉ trích người kia và dễ quên rằng việc “sẵn sàng thay đổi” trên phải có tính hỗ tương vì xét cho cùng ai mà không mắc tội tổ tông truyền.

Một đặc điểm khác của tình yêu chân thực là người mình yêu luôn “siêu hiện thực” (superactually) ở với ta; chàng có đó, dù ta đang bận bịu với bổn phận. Chàng tạo ra khuôn khổ cho tư duy của ta (dĩ nhiên sau Thiên Chúa). Hệt như đức tin vào Chúa và tình yêu đối với Chúa luôn luôn phải là hậu cảnh cho mọi tư duy và hành động của ta thế nào, thì người ta yêu cũng luôn ở với ta như vậy; nghĩa là mọi sự xẩy ra không khi nào lại không liên hệ với tình yêu của ta. Người yêu luôn cảm thấy sự thôi thúc thánh thiện phải nói “Cám ơn anh/cám ơn em” và “tha thứ cho anh/tha thứ cho em”. Nó phát ra từ trái tim chẳng cần cố gắng. Người yêu chân thực cảm nhận sự thật sâu sắc trong các lời sau đây của Sách Diễm Ca: “nếu người đàn ông phải cho đi toàn bộ căn nhà của mình vì tình yêu, anh ta hẳn coi nó như không”.

Phóng dịch bài “On True Love” của Alice von Hildebrand, đăng trong InsideCatholic.com ngày 11 tháng 8 năm 2009. Bà là giáo sư triết đã về hưu tại Hunter College thuộc City University của New York, và là quả phụ của tư tưởng gia Dietrich von Hildebrand, người được Đức Piô XII gọi là Tiến Sĩ Thế Kỷ 20 của Giáo Hội (xem VietcatholicNews, 29 Jul 2010).
 
Văn Hóa
Mẹ sầu bi
Trầm Thiên Thu
08:31 05/08/2010
MẸ SẦU BI

Dưới chân Thập tự
Mẹ nhìn Con yêu
Tử nạn tiêu điều
Đau đớn lòng Mẹ
Loài người thật tệ!
Cớ sao đành tâm?
Mẹ thầm ghi nhớ
Lời Si-mê-on:
“Gươm đâm thấu lòng
Héo hon lòng Mẹ”
Nhìn Con tắt thở
Trong nỗi hàm oan
Đắng cay Mẫu Tâm
Đồng công Cứu chuộc
Xin giúp con vượt
Mọi bước gian truân
Vì kiếp phàm nhân
Luôn đầy yếu đuối
Sớm chiều tội lỗi
Nhưng vẫn tin yêu
Con muốn noi theo
Gương Mẹ ngời sáng
Hy sinh thầm lặng
Vâng Ý Chúa Trời

Thom.Aq. TRẦM THIÊN THU
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Kẻ Ở Người Đi
Thérésa Nguyễn
22:14 05/08/2010

KẺ Ở NGƯỜI ĐI



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Dứt tình kẻ ở người đi

Cũng như Kim Trọng biệt ly Thúy Kiều.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền