Ngày 05-08-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám Mục Úc: Dự luật phá thai, một vấn đề của sự sống và cái chết.
Giuse Thẩm Nguyễn
08:29 05/08/2018


(EWTN News/CNA) Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, kêu gọi các thành viên của quốc hội hãy nhìn xa hơn “tư tưởng hư hỏng và ngôn từ xảo quyệt” đằng sau dự luật cho phép phá thai ở Queenland.

Trong phần bình luận tường trình bởi tờ báo của giáo phận, The Catholic Leader, ĐTGM Coleride nói rằng “Khi quý vị nói về phá thai, quý vị đang nói về hai cuộc sống, bà mẹ và đứa con, và cả hai cuộc sống đều quan trọng. Nói về các quyền của phụ nữ là điều quan trọng, nhưng còn những quyền của em bé chưa sinh ra, hay là các em không có tư cách là một con người thực sự?”

ĐTGM phản ứng lại một đề nghị ở Queenland để hợp pháp hóa việc phá thai theo yêu cầu lên tới thai kỳ 22 tuần, và việc phá thai có thể thực hiện ngay cả cho tới ngày sinh với sự cho phép của hai bác sĩ riêng biệt.

Luật cũng cấm những người phản đối tụ tập trong phạm vi 150 mét từ một cơ sở phá thai.

Các bác sĩ sẽ được phép từ chối thực hiện việc phá thai nếu họ cảm thấy không ổn về mặt đạo đức để làm thế, nhưng phải giới thiệu bệnh nhân cho bác sĩ khác.

Hiện nay, phá thai là bất hợp pháp ở Queenland trừ trường hợp bác sĩ tin rằng sức khỏe thể lý hay tinh thần của bà mẹ bị nguy hiểm nghiêm trọng.

Đề nghị hợp pháp hóa phá thai dự trù sẽ được đưa ra vào tháng này, dựa vào bản tường trình Tháng Sáu của Ủy Ban Cải Tổ Luật Pháp Queenland, đề nghị bỏ phần phá thai khỏi Luật Hình Sự.

Theo truyền thông địa phương, không rõ luật này có được ủng hộ đủ để thông qua tại quốc hội hay không.

Những người chống đối dự luật lý luận rằng trong khi đề nghi luật được trình bày như là một vấn đề sức khỏe, nhưng thực ra nó sẽ hợp thức hóa phá thai căn cứ vào những lý do như tài chánh, xã hội và thuyết ưu sinh.

Tổng Giám Mục Coleridge nói với tờ The Catholic Leader rằng “Theo như bản dự luật, việc phá thai sẽ được phép thực hiện cho tới ngay giờ sinh con nếu có hai bác sĩ cho rằng “trong mọi tình huống, sự phá thai cần phải thực hiện,”.

“Vì vậy đây không phải là vấn đề sức khỏa. Nó là một vấn đề đạo đức cần thiết liên quan đến lợi ích của xã hội nói chung bởi vì nó đụng chạm đến những vấn đề sự sống và cái chết.”

Ngài cảnh báo rằng nhiều bà mẹ chọn phá thai trong tuyệt vọng, tin rằng họ không còn cách nào khác nữa, bởi vì những người ủng hộ phá thai không giới thiệu cho họ những sự chọn lựa nào khác.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “Những thành viên quốc hộ ủng hộ phá thai nên cho biết tại sao họ lại có thể chấp thuận rằng ở Queenland này những em bé đã được tới 40 tuổi tuần thai vẫn có thể bị phá thai khi sức khỏe không là một yếu tố.”

.
Source: EWTN News Abortion bill a matter of life and death, Australian bishop says
 
Đức Thánh Cha chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin: 'Tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta thực hiện những công việc của Thiên Chúa'
Thanh Quảng sdb
22:16 05/08/2018
Đức Thánh Cha chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin: 'Tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta thực hiện những công việc của Thiên Chúa'



Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các tín hữu hãy từ bỏ chính mình cho niềm vui và chương trình của Thiên Chúa trong cuộc sống và hãy tìm kiếm nuôi dưỡng tinh thần để thăng tiến trong hành trình đức tin của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi tín hữu hãy vun trồng tình liên đới của họ với Thiên Chúa, bởi vì chính nhờ niềm tin nơi Chúa Giêsu cho phép chúng ta nuôi dưỡng tinh thần và thực hiện tốt đẹp các hoạt động vì lợi ích của anh chị em chúng ta.

Đức Thánh Cha nói với đám đông tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào giời kinh truyền tin trưa Chúa Nhật. ĐTC đã chia sẻ về Tin Mừng trong ngày, Ngài mời gọi tất cả hãy nhớ tới Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dấu, vì vào chính ngày này 40 năm trước Ngài đang trải qua những giờ phút cuối đời của Ngài.

Suy ngẫm về lời Chúa Giêsu về bánh nuôi dưỡng chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng đối với Chúa Giêsu, mọi người không chỉ tìm kiếm Ngài, nhưng Ngài muốn mọi người biết và xác tín rằng Ngài đến không chỉ để mang lại cho chúng ta sự no thỏa vật chất, mà còn nâng cuộc sống của chúng ta về một chân trời rộng lớn hơn, siêu việt lên những lắng lo thường ngày về của ăn, áo mặc, công ăn việc làm vân vân.

Chúa Giêsu, bánh trường sinh cho đời sống

ĐTC nhấn mạnh "Chúa Giêsu là bánh trường sinh" làm no thỏa xác thân mà còn có thể khỏa lấp được những khát vọng sâu thẳm của tâm hồn".

Giảng giải câu nói của Chúa “đừng tìm kiếm của ăn chóng qua, nhưng hãy tìm kiếm của ăn cho sự sống đời đời”, ĐTC cho hay “một cám dỗ chung chung là hay giản lược tôn giáo vào việc thực hành lề luật” và cho đó là làm đẹp lòng Thiên Chúa rồi.

Chúa Giêsu đã đề ra một điều kiện bất ngờ: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là hãy tin vào Người con mà Ngài sai đến".

Hương thơm của Tin Mừng

ĐTC tiếp tục: “Chúa Giêsu cho chúng ta hay các công việc của Thiên Chúa là nếu chúng ta tham dự vào mối quan hệ yêu thương và tín thác nơi Chúa Giêsu là chúng ta đang thực hiện những công việc thích hợp với Tin Mừng, và vì lợi ích cho anh chị em chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận và mời gọi chúng ta “đừng quên rằng, nếu cần thiết phải quan tâm đến nhu cầu vật chất, thì điều quan trọng hơn vẫn là vun trồng mối quan hệ của chúng ta với Chúa, củng cố đức tin của chúng ta trong Chúa vì Ngài là“ bánh trường sinh", làm no thỏa cơn đói của chúng ta trong sự thật, chân lý và yêu thương.

Đức Thánh Cha kết thúc giờ giáo lý của mình với lời cầu nguyện hướng về Đức Trinh Nữ Maria, nhân dịp kính nhớ sự thánh hiến đền thờ Đức bà Cả ở Rome, Xin Mẹ cầu bàu cho chúng ta giữ vững niềm tin vào chương trình yêu thương của Thiên Chúa chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Giáo Xứ Tây Ninh Xưng Tội Và Rước Lễ Lần Đầu
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
08:24 05/08/2018
“Nếm thử mà xem, mà xem Chúa ngọt ngào, ngọt ngào xiết bao” đó là lời Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã thốt lên khi được rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu tiên.

Sau một thời gian dài học hỏi giáo lý và với lòng ước muốn thiết tha, hôm nay giáo xứ Tây Ninh hân hoan tổ chức Thánh lễ cho 34 em xưng tội và rước lễ lần đầu. Thánh lễ được bắt đầu lúc 07 giờ 45 Chúa Nhật ngày 05 tháng 8 năm 2018. Thánh lễ do Cha Gioan Võ Hoàn Sinh- Chánh xứ chủ sự - Cùng hiệp dâng trong Thánh lễ ngày hôm nay ngoài quý Soeur, anh chị em Huynh trưởng-Giáo lý viên, quý phụ huynh, còn có rất đông quý cộng đoàn trong và ngoài Giáo xứ. Đối với các em thì hôm nay là một ngày trọng đại bởi chính Chúa Giêsu Thánh Thể ngự thật trong linh hồn các em và các em được nên một với Người.

Xem Hình

Trong bài giảng, Cha Gioan đã giúp các em hiểu được ý nghĩa của ngày trọng đại này - ngày được đón rước Chúa. Hôm nay, lần đầu tiên các em được lãnh nhận hai Bí tích đó là Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Nếu Bí tích Hòa giải giúp các em giao hòa với Thiên Chúa thì Bí tích Thánh Thể lại cho các em được nếm thử hạnh phúc Nước Trời ngay khi còn ở trần thế. Cha cũng giúp các em hiểu rằng khi mình rước lễ không phải là chúng ta ăn bánh bình thường như các loại Bánh trái mà các em đã từng được Cha Mẹ và mọi người cho ăn trong suốt thời gian từ khi mới sinh ra cho đến ngày hôm nay, mà chính là đang rước Chúa và Chúa đang ngự trong lòng các em vì vậy các em phải vui mừng, phải hạnh phúc vì được Chúa ở trong mình. Và như lời bài hát: " Lần đầu tiên con được rước Chúa, sau bao năm tháng mòn mỏi chờ mong. Ôi phút giây lòng con vui sướng chan hòa, tựa đàn nai khai thắm say dòng suối trong.Phút ân tình: trời đất tương phùng, tạo vật hiệp nhất cùng với Chúa thiên cung. Từ đây con không còn là con sống nữa, Chúa ơi! nhưng là do Chúa sống trong con mà thôi"

Cha cũng dành một phần thời gian để chia sẻ với quý bậc phụ huynh, đặc biệt là những bậc phụ huynh có con được xưng tội, rước lễ hôm nay. Cha cũng mời gọi các em thiếu nhi hãy cầu nguyện cho gia đình mình, cho cha mẹ mình luôn yêu thương nhau và là tấm gương giáo dục Đức tin cho các em nhất là trong năm Tân Phúc Âm hóa gia đình này.

Cuối Thánh lễ, một Thiếu nhi đại diện đã cảm ơn tri ân Cha xứ, Cha phó, quý Soeur , quý Thầy, và anh chị giáo lý viên đã giúp con em có được ngày lễ trang trọng và ý nghĩa hôm nay, sau nghi thức Xin lỗi Cha Mẹ và Cảm ơn các đấng sinh thành đã có công dạy dỗ và nuôi nấng các em trong thời gian qua và nhất là đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày để cho các em được đến học hỏi lời Chúa và được Rước lễ ngày hôm nay.

Thánh lễ kết thúc lúc 9h00 với phép lành cuối lễ của Cha Xứ. Sau Thánh lễ, Cha xứ chụp ảnh lưu niệm với 34 em. Nhìn khuôn mặt của các em khi ra về tay trong tay của cha mẹ các em, em nào cũng đầy vui tươi, hạnh phúc vì lần đầu tiên được rước Chúa. Và cũng sau thánh lễ này, Cha Gioan đã trao thưởng cho các em Thiếu nhi có thành tích xuất sắc củng như các em có nhiều cố gắng và thành quả tốt đẹp trong thời gian học hỏi Giáo lý trong năm vừa qua.

Lạy Chúa chúng con tạ ơn vì chúng con được làm con cái Chúa. Tạ ơn vì Chúa đã dùng Thánh Thể Ngài để nuôi dưỡng chúng con. Xin Chúa chúc lành cho chúng con trong ngày hồng ân và trọng đại này, xin cho các em luôn giữ được lòng sốt mến và siêng năng đón rước Chúa vào lòng, để Thánh Thể Chúa bổ sức và uốn nắn các em luôn mãi. Amen.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền Thông Giáo phận Phú Cường.
 
Giáo Đoàn Mt. Pritchard - Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
08:30 05/08/2018
Chiều Chúa Nhật 05/08/2018 Giáo đoàn Mount Pritchard Sydney đã hân hoan long trọng mừng kính Lễ Bổn Mạng Thánh Tử Đạo Việt Nam Micae Nguyễn Huy Mỹ tại nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard, Sydney.

Đúng 1.30pm Giáo Dân và các Hội Đoàn, Đoàn Thể, Phong Trào, quý Quan Khách Úc-Việt tập trung tại khuôn viên nhà thờ và sau ba hồi chiêng trống truyền thống dân tộc Việt Nam, Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm xông hương tượng Thánh Tử Đạo Micae Nguyễn Huy Mỹ và kiệu cung nghinh tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ trong khuôn viên nhà thờ. Cuộc rước kiệu rất long trọng và trang nghiêm, mọi người cùng dâng lên Đức Mẹ chuỗi Mân Côi và những bài Thánh ca cầu cho Giáo Đoàn và Cộng Đồng. Ngoài các Hội Đoàn Đoàn thể, các Giáo Đoàn bạn , còn có Hội Đoàn người Ý và Hội đồng Giáo xứ tham dự.

Xem Hình

Sau khi tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ đã tiến vào nhà thờ và an vị trên cung thánh. Anh Vũ Nhuận thay mặt Giáo đoàn đọc tiểu sử về Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Ngài đã chịu mọi sự cực hình tra tấn dã man với 500 roi đòn rướm máu nhưng vẫn kiên cường chịu đựng để Vinh Danh Chúa và cuối cùng Ngài vui vẻ chấp nhận cái chết để nêu gương cho hậu thế và làm chứng nhân cho Thiên Chúa.

Sau khi chấm dứt phần tiểu sử, Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Giáo Đoàn Mt. Pritchard ngỏ lời chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn và giới thiệu quý Cha Chính xứ Anthony Fregolent, Cha Phó xứ Syrilus Madin, Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Trần Văn Trợ, Cha Mai Văn Thịnh, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Phan Quốc Trực và Cha Nguyễn Hoàng Việt sau đó quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ và Thầy Phó tế Nguyễn Doãn Khôi Phụ giúp Lễ.

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết nói các Thánh Tử Đạo xem cuộc sống của họ là của Chúa và sẽ giao lại cho Chúa bất cứ lúc nào Chúa muốn. Bị cám dỗ nhưng các Ngài từ chối cuộc sống phản bội Thiên Chúa. Các Ngài đã bỏ đi con người cũ để mặc lấy con người mới, con người đã được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Chúa để sống và chết trong “công chính và thánh thiện” như lời của Thánh Phaolô nhắn nhủ trong bài đọc hai hôm nay.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Chính xứ Anthony lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn, Ngài khen ngợi Giáo Đoàn rất là sốt sắng sống đạo tốt và cũng giúp ích cho Giáo xứ rất nhiều. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đại diện Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn. Anh ngỏ lời khen ngợi Giáo đoàn đã phát triển lớn mạnh và đã đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng trong những thời gian qua, đặc biệt chúc mừng Tân Ban Mục Vụ mới của Giáo Đoàn nhiệm kỳ 2018 – 2021. Sau cùng ông Nguyễn Ngọc Thảnh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Mt. Pritchard lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Quan Khách Úc-Việt, quý ân nhân, và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn Ngôi Ba, Thiếu Nhi Thánh Thể, quý Hội Đoàn và Ban Phụng Vụ đã giúp cho Thánh lễ hôm nay được trang nghiêm long trọng.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại cùng tham dự buổi tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng của Giáo đoàn và thường lãm văn nghệ bên hội trường của nhà thờ. Phần văn nghệ do Ca đoàn Ngôi Ba Mt. Pritchard và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục Đơn Ca, Song Ca và Vũ rất đặc sắc.

Diệp Hải Dung
 
Giáo Họ Hòa Minh- Giáo Phận Đà Nẵng Mừng 35 Em Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu
Toma Trương Văn Ân
16:20 05/08/2018

Lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật 18 Thường niên B, ngày 5 /8 / 2018 , tại Nhà thờ Giáo Họ Hòa Minh – Giáo phận Đà Nẵng, Cộng đoàn Giáo họ (* ) hân hoan mừng 35 Em đón nhận Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải lần đầu.

Mở đầu Thánh lễ , Cha Toma Aquino Tạ Trung Hải,SJ – Quản nhiệm, mời gọi Cộng đoàn cầu nguyện cho các em , để các em được ơn khôn ngoan, là con ngoan của Chúa , của Hội Thánh , của gia đình và trưởng thành hơn trong Đức tin.

Lời Chúa hôm nay xác quyết Chúa Giê-su chính là Bánh bởi trời, là lương thực thiêng liêng Thiên Chúa ban để nuôi sống linh hồn các tín hữu , là sức mạnh nâng đỡ mỗi người trên đường về Quê Trời, như dân Do Thái xưa nhờ ăn bánh Manna mà về miền đất Thiên Chúa hứa cho Họ.

Xem Hình

Để chuẩn bị cho mốc quan trong này trong đời sống Đức tin của các Em , Các anh chị Giáo lý viên , Quý Thầy , Quý Sơ và Cha Quản nhiệm đã dày công dạy Giáo lý và hướng dẫn tâm tình đạo đức suốt năm qua, nhất là 2 tháng gần đây. Một điểm rất ấn tượng và đầy trách nhiệm của quý Phụ huynh các em , khi Cha Quản nhiệm và Ban Giáo lý kiểm tra Giáo lý và các Kinh Nguyện cho các em, phải có sự hiện diện đồng hành của Phụ huynh . Phụ Huynh đồng trách nhiệm với Giáo Hội trong việc hướng đẫn , nuôi dưỡng , bảo toàn và thông truyền Đức tin cho thế hệ con em mai sau. ( kể cả nhiều phụ huynh được học lại nhiều kiến thức và tâm tình sống Đạo qua Kinh nguyện , vì thời gian làm phôi pha quên hết , hay quên một phần)

Sau bài giảng , Các em tuyên xưng Đức tin , Đức tin của mỗi người tín hữu, Đức tin của Giáo Hội , các em xác quyết trưởng thành hơn trong Đức tin, khao khát kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Với lời cầu nguyện đơn sơ , các Em thân thưa với Chúa niềm vui sướng và hạnh phúc , giây phút linh thiêng và quý báu, Chúa đến viếng thăm linh hồn lần đầu tiên. Các em dâng lên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ, mơ ước bấy lâu nay đã được toại nguyện. Chính Mình Máu Thánh Chúa là lương thực dưỡng nuôi linh hồn mỗi người , biến đổi thành con người mới giống Chúa hơn. Nhờ ơn Chúa , các em quyết tâm siêng năng tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ mỗi ngày để Chúa luôn sống trong mỗi người , và mỗi người được sống trong Chúa mãi mãi.....

Các em cũng cám ơn và cầu nguyện cho Cha Quản nhiệm , Quý Thầy , Quý Sơ , Giáo lý viên và Ông bà Cha mẹ đã nuôi dưỡng , dạy dỗ và hướng dẫn các em được như ngày hôm nay.

Cuối Thánh lễ , Cha Quản nhiệm có lời khen và khích lệ các em vì có nhiều cố gắng và hy sinh trong học tập và rèn luyện, Cha xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ( Bổn mạng Giáo Họ Hòa Minh) , cho các em biết dùng ơn Chúa sống vui tươi , ngày càng nên hoàn thiện. Cha cũng cám ơn tất cả mỗi người cộng tác giúp vun đắp Đức tin cho các em.

Nguyện xin tình yêu và ơn thánh Chúa lớn mãi trong tâm hồn các em, để các em trở thành người con ngoan của Chúa, của Hội thánh , của gia đình và thành nhân chứng Tình yêu Thiên Chúa giữa lòng xã hội hôm nay.

Toma Trương Văn Ân

(*) Giáo họ biệt lập Hòa Minh có gần 1200 Giáo dân , 250 Em Thiếu nhi Thánh Thể học trong 9 lớp học Giáo lý , 11 Giáo lý viên ( vừa là Huynh Trưởng Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể} cùng cộng tác dạy Giáo lý với quý Sơ Dòng Mến Thánh Giá – Huế và Quý Thầy Dòng Chúa Giê-su ( Dòng Tên) .
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thành tố bí mật của chính sách gây hấn Trung Quốc: Cát
Vũ Văn An
16:14 05/08/2018
Ngày 31 tháng Bẩy vừa qua, trên New York Times, Vince Beiser, tác giả cuốn sách sắp xuất bản “The World in a Grain: The Story of Sand and How It Transformed Civilization”, có bài tựa là The secret Ingredient of China’s Aggression? Sand”.

Theo tác giả này, các đối đầu nguy hiểm nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nóng lên. Các tầu chiến đã được triển khai, các oanh tạc cơ đã sẵn sàng tung cánh và các đe dọa đang được trao đổi, tất cả đều đã được khởi động bởi việc Trung Quốc ngày một sử dụng nhuần nhuyễn nguồn tài nguyên thiên nhiên ít được ai lưu ý đó là cát.



Điểm tranh chấp là mấy hòn đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng tại một dải đất chiến lược và tranh chấp nóng bỏng của Biển Nam Trung Hoa. Đây là một trong những đường thương thuyền bận rộn nhất thế giới, và là hải bàn của khoảng 10 phần trăm các loài cá của thế giới. Ngoài ra, hàng tỷ thùng dầu và hàng nghìn tỷ feet khối hơi đốt tự nhiên nằm dưới lòng biển này.

Thành thử, không lạ gì gần như mọi nước trong vùng, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Mã Lai và Phi Luật Tân, đều đòi một phần chủ quyền đối với hàng tá khối đá và đá ngầm gọi là Spratly Islands (Quần Đảo Trường Sa) có tính chiến lược trong khu vực.

Nhưng Trung Quốc đã mở rộng các đòi hỏi của họ về vùng biển cả hàng mấy thập niên qua, trong đó có một số mảnh đất trồi lên ở Trường Sa mà họ chiếm của Việt Nam trong cuộc đụng độ năm 1988 khiến hàng tá binh sĩ thiệt mạng. Và đặc biệt từ năm 2014, họ đã sử dụng sức mạnh kỹ nghệ của mình để tạo nên các sự kiện đã rồi trong nước biển.



Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng cả một đoàn tầu vét có khả năng đi biển, thuộc loại tân tiến nhất về kỹ thuật trên thế giới.
Khả năng vét hàng năm của nước này, tức lượng cát và tạp chất họ có thể vét lên từ lòng biển, đã gia tăng gấp ba từ năm 2000, lên tới hơn 1 tỷ mét khối. Hơn hẳn bất cứ quốc gia nào. Bắt đầu từ cuối năm 2013, Bắc Kinh đem một đoàn tầu vét loại này đi vét hàng triệu tấn cát từ lòng biển và dùng chúng để mở rộng các mảnh đất của họ ở Trường Sa. Trong vòng 18 tháng, những con tầu này đã xây được gần 3,000 mẫu Anh đất mới.

Cái lối giành đất đại qui mô trên ngày càng trở nên thông thường. Trong mấy thập niên gần đây, kỹ thuật tân tiến đã làm dễ dàng hơn và rẻ tiền hơn việc di chuyển số lượng cát còn lớn hơn nữa từ những tầng sâu hơn nữa và chuyển giao một cách chính xác hơn nhiều tới những nơi đã định trước.

Các tầu vét lớn nhất hiện nay dài hơn 700 feet; dựng đứng lên, chúng cao hơn tòa nhà 60 tầng. Chúng mang các đường ống có thể hút cát lên từ độ sâu 500 feet dưới mặt nước. Các nước từ Tân Gia Ba tới Hòa Lan, Ảrập Emirates đang sử dụng chúng để mở rộng duyên hải và thậm chí xây dựng những hòn đảo mới từ số không.

Trung Quốc đã làm việc ấy từ lâu; năm 2015 mà thôi, họ tạo ra vùng đất tương đương với hai khu Manhattans của New York. Theo một nhóm nghiên cứu của Hoà Lan, từ năm 1985, con người đã thêm 5,237 dặm vuông đất nhân tạo cho các duyên hải thế giới, một diện tích tương đương với tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, hay quốc gia Jamaica.

Diễn trình trên thường bao hàm sự thiệt hại ghê gớm cho môi trường. Gần đây, Trung Quốc đã tạm ngưng mọi dự án đòi lại đất đai có tính thương mại vì sự thiệt hại do các dự án này đã gây cho các vùng đá ngầm san hô và các hệ sinh thái duyên hải. Họ cũng có một số trải nghiệm đối với vấn đề; Trung Quốc đã đổ rất nhiều cát lên quần đảo Trường Sa đến nỗi một nhà hải sinh học người Mỹ gọi việc này là “tỷ lệ mất mát vĩnh viễn diện tích đá ngầm san hô nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”.

Tuy nhiên, lo âu lớn hơn là việc Trung Quốc xây cất các hòn đảo vì các tham vọng quân sự. Lực lượng vũ trang của Bắc Kinh đã thiết dựng vũ khí chống hỏa tiễn, những đường bay có khả năng sử dụng máy bay quân sự, các cấu trúc mà các viên chức Hoa Kỳ tin là có ý đồ để chứa các dàn phóng hoả tiễn địa không tầm xa, và các cơ sở hải cảng có khả năng phục vụ các tầu ngầm hạch nhân.



Việc mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Thái Bình Dương đang gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh Thái Bình Dương. Tại buổi điều trần để được xác nhận chức ngoại trưởng, Ông Rex Tillerson so sánh việc Trung Hoa xây dựng ở Trường Sa với việc Nga xâm lăng Crimea. Trong mấy tuần gần đây, Hoa Kỳ cho bay các pháo đài bay B-52 trên quần đảo đang tranh cãi này, và cho biểu diễn nhiều tầu chiến.

Về phần mình, Trung Quốc đã hạ cánh một oanh tạc cơ tầm xa xuống một trong những hòn đảo mới lập. Hồi tháng Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis tố cáo việc xây dựng của Trung Quốc, coi nó như “một hù họa và cưỡng chế”. Chủ Tịch Tập Cẩn Bình trả lời rằng “chúng ta không thể để mất một ly lãnh thổ của chúng ta”. Tất cả cho thấy trong thế kỷ 21, sức mạnh địa chính trị nghiêng về phía không phải chỉ những ai kiểm soát được lãnh thổ mà còn những người có khả năng chế tạo ra nó nữa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Niềm Vui Gia Đình
Tấn Đạt
21:17 05/08/2018
NIỀM VUI GIA ĐÌNH
Ảnh của Tấn Đạt
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.
Therefore what God has joined together,
let no one separate
(Mark 10:9)
 
VietCatholic TV
Kỹ thuật truyền hình: Light Transition
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:51 05/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình của VietCatholic. Trong chương trình này Thúy Nga sẽ trình bày với các bạn cách làm Light Transition.

Trước hết, xin mời các bạn theo dõi clip sau, xin chú ý đến sự chuyển tiếp giữa 2 cảnh khác nhau được thực hiện bằng Light Transition.

Để thực hiện một Light Transition, trước hết bạn cần download một file dot mov, hay dot mp4. Địa chỉ download file dùng trong bài thực hành này có thể tìm thấy trong bài viết được đăng trên VietCatholic và trong Description trên YouTube.

Link để download Light Transition: https://tinyurl.com/y9sxv5t5

Giả định là bây giờ chúng ta có 2 cái clips và muốn thực hiện một transition ở giữa.

Bước thứ nhất là bạn dùng con mouse drag cái file transition mới download xuống vào trong project.

Bây giờ drag cái file transition đó vào trong time line, trên một layer cao hơn cái layer của 2 cái clips có sẵn.

Nhấn mouse vào cái file transition để select nó.

Dùng con mouse hay dùng các phím left arrow và right arrow để xác định chỗ sáng nhất trên cái file transition.

Sau khi đã xác định đúng chỗ, bạn nhấn phím M để đánh dấu. Adobe Premiere sẽ vẽ một vạch mũi tên trên cái file transition.

Thúy Nga xin lưu ý các bạn điều này. Có khi các bạn may mắn trên cái file transition mới vừa download xuống người ta đã đánh dấu sẵn. Trong trường hợp đó, bạn không cần làm cái bước vừa nói.

Drag cái file transition sao cho cái chỗ mới được đánh dấu ấy trùng với cái edit point, tức là chỗ nối hai cái clip.

Trong cái effect window, bạn sửa cái Blend Mode thành screen.

Về cơ bản là xong rồi đấy.

Tuy nhiên, bạn nên tinh chỉnh lại một chút.

Bây giờ, bạn kéo cái time line marker, tức là cái vạch màu xanh blue này trên cái file transition.

Thông thường, bạn phải chỉnh lại cái Opacity cho nhỏ lại để hai cái clips bên dưới nhìn rõ hơn.

Một chuyện nữa bạn có thể làm được là bây giờ bạn sửa output window từ Fit thành 10% đi.

Nhấn vào Motion bạn sẽ thấy cái khung màu xanh biểu thị cho kích thước của cái transition file.

Thông thường, cái file transition được designed cho 4K nên nó rất lớn. Điều đó, cho phép bạn quay cái transition file một góc tùy ý để ánh sáng đi theo những chiều khác nhau cho vừa ý.

Bạn cũng có thể Scale, tức là thay đổi kích thước.

Vì cái transition file là một video file, nên bạn có thể dùng tất cả các Video Effects.

Thúy Nga lấy một ví dụ là bạn có thể chọn Tint rồi sửa Map White To thành màu đỏ chẳng hạn.

Nếu không vừa ý thì clear cái Tint đi.

Vì cái transition file là một video file, nên bạn cũng có thể sửa Duration.

Nói tóm lại, bạn có rất nhiều cách thế khác nhau để tinh chỉnh cho vừa ý mình.

Sau khi thực hành bài này thành công, bạn cũng có thể dùng các Light Transitions khác download từ Internet.

Google những từ như Light Transition hay Flare Transition, các bạn sẽ thấy vô số những transitions làm sẵn miễn phí trên Internet. Chỉ cần bạn cẩn thận coi chừng bị virus khi download.

Chúc các bạn thành công nhé.
 
Giáo Hội Năm Châu 06/08/2018: Biểu tình ủng hộ các Giám Mục Nicaragua
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:39 05/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ các Giám Mục Nicaragua

Sáng thứ Bẩy, hàng chục ngàn người đã tập hợp ở nhà thờ chính tòa thủ đô Nicaragua để lên tiếng bảo vệ Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các giám mục. Các biểu ngữ khẳng định các vị giám mục “không phải những kẻ khủng bố hay những kẻ mưu toan đảo chính,” như lời tổng thống Daniel Ortega cáo buộc, nhưng là “các mục tử với mùi chiên, những người đi giữa đoàn chiên”

Mặc dù các cuộc biểu tình đã trở thành vấn đề phổ biến ở Nicaragua, với hàng triệu người tham gia các đường phố từ tháng Tư để phản đối chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, là Phó Tổng thống Rosario Murrillo, cuộc biểu tình hôm thứ Bảy không chỉ là một cuộc biểu tình khác.

Về mặt kỹ thuật, đó có thể được gọi là “cuộc hành hương đoàn kết với các giám mục và các mục tử,”. Đây là một cuộc tập hợp lớn phản ứng lại các cuộc tấn công mà các vị giám mục đã chịu đựng trong những tháng gần đây dưới bàn tay của chính phủ và các lực lượng bán quân sự ủng hộ Ortega.

Cha Carlos Avilés, một thành viên của một ủy ban đối thoại và người đứng đầu tổng giáo phận trong những nỗ lực tiếp cận mục vụ, đã nói chuyện với đám đông khi họ tập trung tại các cửa của nhà thờ chính tòa Managua.

“Là Kitô hữu, chúng ta phải bảo vệ những thái độ này: chúng ta không thể bị dẫn dắt bởi bạo lực, nhưng phải sống một chủ nghĩa hòa bình và một chủ nghĩa nhân văn cấp tiến bắt nguồn từ con người và từ lòng nhiệt thành giúp đỡ một người anh em đang cần đến mình,” ngài nói.

Ngài nói thêm rằng Giáo Hội sẽ luôn lựa chọn “đối thoại” để giải quyết vấn đề, “sử dụng lý trí chứ không phải bạo lực”.

“Vì lý do này, Giáo hội, ngay cả khi bị tổn thương, ngay cả khi bị chỉ trích, sẽ luôn lựa chọn đối thoại, để mọi người hiểu nhau,” cha Avilés nói.

Là một “người hòa bình cấp tiến”, theo cha Avilés, là hành động như Chúa Giêsu, sẵn lòng làm như Ngài đã làm: “đưa má khác cho người ta tát, cầu nguyện cho những người bách hại mình và chúc phúc cho cả những kẻ đã nguyền rủa mình.”

Hồi tháng Tư vừa qua, khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, Ortega đã mời các giám mục làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia. Đây chỉ là một động tác giả để hắn ta có thời giờ điều động bọn công an Sandinista từ địa phương này sang địa phương khác cải trang thành côn đồ thân chính phủ.

Điều quân xong, Ortega phỉ báng các Giám Mục là “những kẻ mưu toan đảo chính” và sai bọn công an giả danh côn đồ tấn công các nhà thờ. Các linh mục và cả các Giám Mục cũng bị tấn công.

2. Các Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Tòa Thánh cho nguyên Hồng Y Theodore McCarrick hồi tục

Hai Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra các tuyên bố rất mạnh thúc đẩy các Giám Mục anh em của các ngài phải có những hành động hiệu quả hơn trước tai tiếng lạm dụng tính dục của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick.

Đức Cha Michael Olsen của giáo phận Fort Worth, Texas, nói rằng “tội phạm hình sự và tội lỗi đầy tai tiếng” đã được công khai trước dư luận của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick đòi hỏi chúng ta phải ăn năn và cải cách. Ngài đề nghị Vatican nên xem xét việc sa thải nguyên Hồng Y Theodore McCarrick khỏi hàng giáo sĩ như là một hành động cụ thể, đầu tiên trong tiến trình ăn năn và cải cách này.

Đức Cha Olsen nhận xét rằng “tội ác của vị cựu Hồng Y đã gây ra thiệt hại hơn nữa cho sự liêm chính của hàng giáo phẩm và sứ vụ của Giáo hội. Một quyết định nhanh chóng loại bỏ ngài khỏi hàng giáo sĩ, như trường hợp của nhiều linh mục khác, phải được tính đến một cách nghiêm chỉnh.”

Cũng cùng một lập trường với Đức Cha Olsen, Đức Giám Mục Edward Scharfenberger của giáo phận Albany, New York, nhấn mạnh thêm rằng vụ tai tiếng này “là một điều nghiêm trọng hơn một cuộc khủng hoảng các chính sách và thủ tục.” Theo ngài, vụ tai tiếng phản ảnh “một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc”, và đòi chúng ta phải có một phương thuốc tâm linh phù hợp.

“Luật pháp, những cam kết, và những thay đổi trong các cấu trúc hành chính và các chính sách – dù có thiện ý tốt đến đâu đi nữa - cũng không đi đến đâu. Tôi không thấy làm thế nào chúng ta có thể tránh được những gì thực sự ở gốc rễ của cuộc khủng hoảng này: đó là tội lỗi và sự rút lui khỏi sự thánh thiện, đặc biệt là sự thánh thiện của một con người liêm chính,thực sự nhân bản về tính dục.”

Đức Giám Mục Scharfenberger nhấn mạnh tính chất khẩn thiết của tình huống. Ngài nói rằng “nhiều tín hữu của chúng ta bây giờ đang cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi bởi những người cha tâm linh của họ, đặc biệt là các giám mục.”

3. Đức Hồng Y Kevin Farrell tái khẳng định ngài không biết gì về những hành vi sai trái của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick

Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo Dân, Gia Đình Và Sự Sống, đã lặp lại và dứt khoát nhấn mạnh sự khẳng định nhất quán của ngài rằng ngài không hề biết gì về hành vi sai trái của cựu Hồng Y Theodore McCarrick, mặc dù đã phục vụ 6 năm trong tư cách Giám Mục Phụ Tá của Washington dưới thời Đức Tổng Giám Mục McCarrick.

“Không bao giờ thậm chí dù chỉ một lần tôi có ý nghi ngờ,” Đức Hồng Y Farrell nói với Associated Press, và nói thêm rằng ngài không bao giờ được kể về căn nhà bãi biển của nguyên Hồng Y McCarrick.

Đức Hồng Y Farrell nói rằng ngài rất tức giận trước vụ tai tiếng này, và chắc chắn đã có hành động thích đáng nếu được thông báo khi còn ở Washington DC.

Trước đó, Đức Hồng Y Kevin Farrell, cho biết ngài đã thực sự “bàng hoàng” khi nghe những cáo buộc về tội lạm dụng và quấy rối tình dục của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick, là người đã tấn phong giám mục cho ngài. Đức Hồng Y Kevin Farrell từng là cha Tổng Đại Diện của tổng giáo phận Washington trong năm 2001 và sau đó là Giám Mục Phụ Tá cho Hồng Y Theodore McCarrick trong 6 năm sau đó.

Một trong những khó khăn của Giáo Hội trong vụ tai tiếng này là số phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ cho rằng “trong hàng giáo sĩ, ai cũng biết” về những hành vi lạm dụng tính dục của Hồng Y McCarrick trong thời gian là Tổng Giám Mục Washington. Luận điểm này hàm ý cho rằng có một sự bao che nào đó cho những tội lỗi về luân lý và cả những tội phạm hình sự.

4. Lá thư của tổng giáo phận Washington gởi cho các linh mục

Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Washington khẳng định rằng ngài đã không hề biết gì về những hành vi sai trái của nguyên Hồng Y McCarrick cho đến mãi gần đây.

Trong một lá thư gởi đến tất cả các linh mục trong tổng giáo phận Washington, Đức Ông Charles Antonicelli, Tổng Đại Diện cho biết tổng giáo phận không hề biết gì về các dàn xếp bồi thường được thực hiện bởi hai giáo phận khác nhằm đối phó với các cáo buộc về những hành vi sai trái của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick.

Lá thư viết “Cả Tổng giáo phận Washington và Hồng Y Wuerl đều không hay biết về những dàn xếp bí mật này cho đến khi những lời cáo buộc đáng tin cậy và chứng minh được gần đây nhất chống lại Hồng Y McCarrick được công khai hóa.”

“Để cho rõ ràng, Tổng Giáo Phận Washington khẳng định không tham gia, không thực hiện bất kỳ đóng góp nào, cũng như không hề tham gia dưới bất kỳ hình thức nào trong việc dàn xếp các thỏa thuận này,” ngài nói thêm.

Các dàn xếp ngoài tòa được đề cập trong lá thư đã xảy ra vào năm 2005 và 2007 bởi Giáo phận Metuchen và Tổng giáo phận Newark. Hai người tố cáo cho biết nguyên Hồng Y McCarrick đã tấn công tình dục họ khi họ còn là chủng sinh và linh mục trẻ.

Tuy nhiên, Đức Ông Antonicelli nói rằng những dàn xếp bí mật ấy không được báo cáo cho Đức Hồng Y Wuerl sau khi ngài đã thay thế nguyên Hồng Y McCarrick trong chức vụ Tổng giám mục Washington. Ngài nói thêm: “Các cơ quan của chúng tôi cũng chỉ biết được cùng một thông tin liên quan đến những cáo buộc mà anh em thấy trong các báo cáo trên các phương tiện truyền thông”.

Đức Hồng Y Wuerl khuyến khích bất cứ ai có thông tin về các cáo buộc quấy rối tính dục của nguyên Hồng Y McCarrick cứ “thẳng thắn đưa ra sớm nhất có thể được để cuộc điều tra có thể tiến hành kịp thời và đầy đủ”, lá thư cho biết thêm.

5. Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Úc Wilson, TGM Adelaide Nam Úc

Thứ Hai ngày 30/7/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson, TGP Adelaide, sau khi Đức Tổng Giám Mục bị kết án vì tội che giấu lạm dụng tình dục của một linh mục trong những năm 1970.

Tòa án Úc đã buộc tội Đức Tổng Giám MụcWilson vào tháng 5/2018, vì Ngài đã không báo cáo với cảnh sát về việc lạm dụng tình dục hai chú giúp lễ của một linh mục vào thập niên 1970.

Đức Tổng Giám Mục Wilson, 67 tuổi, bị kết án tù 12 tháng với mức thời gian bị tù ở ít là 6 tháng.

Mặc dù Đức Tổng Giám Mục đã tạm ngưng việc mục vụ của Tổng Giáo Phận Adelaide từ tháng Năm, Ngài đã phản đối lời kêu gọi Ngài phải từ chức vai trò Tổng giám mục. Vì Ngài đã khiếu nại và kháng cáo vụ việc kết án Ngài, nhưng ngài xác quyết rằng ngài sẽ từ chức khi việc kháng cáo không thành!

Nhiều chính trị gia, trong đó có Thủ tướng Malcolm Turnbull, đã mời gọi Tổng Giám mục Wilson nên từ chức.

Sự lạm dụng đã xảy ra ở tại một giáo xứ ở Hunter thuộc Tiểu bang New South Wales, lúc đó Đức Tổng Giám Mục Wilson là một linh mục trẻ làm phó xứ. Hai trẻ em bị lạm dụng, là hai chú giúp lễ lúc đó, chia sẻ với cha Wilson là các em bị cha James Fletcher lạm dụng các em vào năm 1976. Các em đó lúc đó ở độ tười 10 và 11.

Cha Fletcher đã tố cáo và bị kết án trong các phiên tòa vào năm 2004 tới 2006 với tổng số cáo tội là chín tội lạm dụng tình dục trẻ em. Ngài đã bị tù và qua đời vì đột quỵ vào năm 2016 khi đang ở trong tù.

Đức Tổng Giám Mục Wilson bị kết án về tội trong giai đoạn tòa xử cha Fletcher vào các năm 2004-2006 vị Thẩm phán xét rằng Đức Tổng Giám Mục biết về việc lạm dụng này nhưng ngài đã không báo cáo cho cảnh sát hay.

Đức Tổng Giám Mục Wilson, người đang bị chứng bệnh Alzheimer, nói với tòa án rằng ngài không nhớ được là hai em giúp lễ có chia sẻ với ngài về việc lạm dụng này.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, đã đưa ra một tuyên bố khi nhận được tin về sự từ chức của Đức Tổng Giám Mục Wilson như sau:

“Trong khi quá trình luật pháp được điều tra, sự từ chức của Tổng Giám mục Wilson là hậu quả của câu chuyện đau lòng của những người bị lạm dụng tình dục do cha Jim Fletcher làm cho cuộc sống của họ bị xáo trộn và đổi thay”.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói, “Quyết định từ chức này có thể mang lại một số an ủi cho các nạn nhân trước những nỗi đau liên tục mà họ phải gánh chịu.”

6. Đức Hồng Y Gracias: lên án Ủy ban kêu gọi cấm Xưng tội như là việc chống lại tự do tôn giáo

Sau một vụ bê bối về tình dục xảy ra trong Giáo hội Chính thống, Ủy ban Bảo vệ Phụ nữ Quốc gia đề nghị chính phủ Ấn Độ cấm việc cử hành Bí tích Xưng tội trong tất cả các Giáo hội Kitô giáo.

Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) của chính phủ đã kêu gọi bãi bỏ việc cử hành Bí tích Giải tội, Giáo hội cho rằng việc này nói lên việc can dự quá đáng vào lãnh vực thiêng liêng của đời sống Kitô giáo.

Ủy ban Bảo vệ Phụ nữ Quốc gia (NCW) yêu cầu chính phủ Ấn sau vụ bê bối xảy ra vào tháng trước ở tiểu bang Kerala, miền nam Ấn Độ liên quan đến 4 linh mục trong Giáo hội chính thống Malankara Syria, bị cáo buộc là đã lợi dụng lời thú tội của một phụ nữ đã lập gia đình qua tòa giải tội để tống tiền và lạm dụng tình dục cô ấy.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI) đã công bố một thông cáo báo chí ngày 27 tháng 7 cho rằng yêu cầu của ủy ban là vô lý.

Theo đài Vatican hôm thứ Hai ngày 30/7, Đức Hồng Y Gracias cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CCBI), bao gồm các Giám mục Ấn thuộc Giáo Hội Công Giáo Latinh cũng như Chính thống và Chủ tịch Liên đoàn các Giám mục Châu Á (FABC), cùng tuyên bố rằng “yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) là một sai lầm, thiếu sự hiểu biết về bản chất, ý nghĩa, sự thiêng liêng và tầm quan trọng của Bí tích này đối với các tín hữu.”

Đức Hồng Y Gracias nói Giáo Hội Công Giáo rất ư là “cẩn thận và có luật lệ rất nghiêm ngặt để ngăn chặn bất kỳ một vi phạm nào liên quan tới bí tích này.” Một lệnh cấm như vậy, ngài nói, sẽ là một sự vi phạm trực tiếp về quyền tự do tôn giáo được hiến pháp bảo đảm. “Tôi cảm thấy đây là một hành vi xâm phạm nhân quyền của dân chúng.”

Theo ngài: “hàng triệu người trên khắp thế giới, qua nhiều thế kỷ, đã làm chứng cho những lợi ích thiêng liêng họ cảm nghiệm được sau mỗi lần lãnh nhận Bí tích này qua đó ân sủng, sự tha thứ và bình an mà họ đã trải qua như là kết quả của việc xưng tội.

Đức Hồng Y Gracias nói việc cấm cản trên là một “đòi hỏi vô lý”, Ngài hy vọng chính phủ chắc chắn sẽ phủ quyết nó!

Vị Hồng Y 73 tuổi này lưu ý rằng lời mời gọi và đề nghị của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) dựa trên một vài sự cố trong Giáo hội Chính thống Malankara, và nhiều vấn đề khác liên quan đến phụ nữ trong nước mà Giáo hội đang làm việc và mong giải quyết các vấn đề như phụ nữ bị bạo hành, sự an nguy của phụ nữ, việc phòng ngừa bạo lực gia đình, xây dựng năng lực và hệ thống cứu hộ cho phụ nữ bị đánh đập.

Mặc dù bà Sharma không ngưng lời đề nghị, Đức Hồng Y Gracias vẫn lạc quan cho rằng “không khí bây giờ tốt hơn nhiều”, tuy vị chủ tịch của ủy ban đã không lặp lại lệnh cấm mà vẫn khăng khăng giữ lệnh cấm. “Ngay cả một bộ trưởng trong chính phủ đã tiết lộ rằng ông không đồng ý với yêu cầu này”.

Một phong trào tập chung nhiều tiếng nói khác nhau để bênh vực ý kiến của Đức Hồng Y Gracias, phản đối luật cấm việc cử hành Bí tích này!

Đức Hồng Y Baselios Cleemis, Đức Tổng Giám Mục Trivandrum, nói không ai có thể nghi ngờ các quyền hiến pháp của các sắc tộc thiểu số đang làm xáo trộn các phong tục tập quán tôn giáo.

Đức Hồng Y Cleemis, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Syro-Malankara phát biểu: “Ta không thể khái quát một điều gì đó được rút tỉa từ một vài sự cố. Nếu có tội, thì luật lãnh thổ phải xử cho biết phải trái. Ta không thể đổ lỗi cho việc thực hành tôn giáo gây ra.” Đức Hồng Y muốn biết chính phủ Liên minh nói gì về quan điểm của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW).

Hội đồng Giám mục Công Giáo Kerala (KCBC) cũng cho biết yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) đã làm tổn thương tình thông cảm tôn giáo với các nhóm thiểu số Kitô giáo của quốc gia.

Phát ngôn viên của KCBC là linh mục Varghese Vallikkatt cho hay: Chúng tôi mạnh mẽ lên án khuyến nghị này là không chính đáng và vi phạm danh dự và sự tín nhiệm của cộng đồng Kitô hữu”.

Đức Tổng Giám Mục Soosai Pakiam của Trivandrum cho biết “Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) không nên ra luật lệ phải bãi bỏ điều này điều kia trong tôn giáo (như bỏ việc thực hành Bí tích Giải tội)”.

Bà Sharma, ở Kerala tuần trước đã gặp gỡ các nạn nhân của cuộc lạm dụng tình dục của các linh mục, cho biết nhiều người nói với cô rằng những lời thú tội trong việc xưng tội hay bị một số linh mục lợi dụng để khai thác các tín hữu của mình, đặc biệt là phụ nữ.

Đức Tổng Giám Mục Leo Cornelio của Bhopal nói rằng ủy ban không có lý do gì để kêu gọi “việc bãi bỏ một điều gì đó mà Giáo hội coi là thiêng liêng, chỉ vì có ai đó đã làm gì sai lầm”.

George Kurian, Phó Chủ tịch Ủy ban Sắc tộc của Chính phủ cũng chỉ trích yêu cầu của của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) trong một cuộc thảo luận trên truyền hình về Hiến pháp Ấn có viết “bảo đảm một số quyền lợi đối với những người thiểu số.” Những tuyên cáo đó có thể tạo ra “sự hiểu lầm giữa các cộng đồng thiểu số”! Phát ngôn viên của Syro-Malabar, ông Fritz Poochakat, đã chỉ trích bà Sharma, khi đặt câu hỏi về việc nếu mỗi người lấy tư cách hiến pháp có thể đưa ra những điều lệ này nọ thì xã hội sẽ ra sao! “Cô ấy không thể làm tổn thương tình cảm của một cộng đồng như thế này. Hy vọng chính phủ sẽ phủ quyết đề nghị của cô một cách mạnh mẽ và minh chính.

7. Linh Mục dự thi Britain’s Got Talents hy vọng Đức Phanxicô sẽ phát động nhiều ơn gọi mới cho Ái Nhĩ Lan

Ký giả Filipe Domingues của tạp chí Crux, ngày 30 tháng Bẩy qua, đã đích thân phỏng vấn Cha Ray Kelly, người gần đây nổi tiếng nhờ xuất hiện trên chương trình Britain’s Got Talents của Simon Cowel với bài hát làm rung động nhiều người “Everybody Hurts” của R.E.M.

Vị linh mục nói trên, thực ra, đã nổi tiếng về ca hát từ lâu, ít nhất cũng từ năm 2014, khi buổi trình diễn của ngài được phổ biết cực kỳ nhanh chóng và rộng rãi trên Internet, trong đó, ngài hát bài “Hallelujah” cải biến của Leonard Cohen, nhân một đám cưới. Cuốn video đó đã được tới hơn 64 triệu người coi trên Youtube.

Cha cho hay cha khám phá ra ơn gọi làm linh mục của cha sau chuyến tông du Ái Nhĩ Lan năm 1979 của Đức Gioan Phaolô II. Bởi thế, cha mong chuyến viếng thăm Ái Nhĩ Lan trong tháng Tám sắp tới cũng sẽ phát động nhiều ơn gọi mới.

Vị cha xứ 67 tuổi của giáo xứ St Brigid và St Mary ở Oldcastle, County Meath, Aí Nhĩ Lan, cho rằng “người ta hiện không được hài lòng nhiều đối với Giáo Hội. Chắc chắn vì thế ơn gọi đã đi xuống. “Nhưng tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi tới vào tháng sau, sẽ giúp một tay”. Ngài nghĩ tình hình của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan không tệ như người ta nghĩ.

Nhận định về tình hình Giáo Hội Ái Nhĩ Lan, Cha Kelly cho rằng “Giáo hội này tốt hơn là hình ảnh của các phương tiện truyền thông vẽ ra. Tôi giả thuyết là do toàn bộ vấn đề lạm dụng, từ mấy năm trước, rồi chuyện giặt giũ trong đó, người ta gom các phụ nữ không chồng vào các nhà... Tất cả nay ra ánh sáng. Có nhiều chuyện lịch sử ở đấy, và tôi nghĩ người ta hơi thất vọng đối với Giáo Hội. Chắc chắn ơn gọi cũng sút giảm”.

“Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài tới vào tháng tới, sẽ giúp một tay. Tôi luôn cho rằng ơn gọi của tôi là do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vì ngài tới Ái Nhĩ Lan năm 1979. Năm sau, một nhóm của chúng tôi tới Rôma để cám ơn ngài. Ngài cử hành Thánh Lễ với chúng tôi tại Castel Gandolfo và tôi nhớ đã hát bài 'Danny Boy' trong một buổi hòa nhạc dành cho ngài. Đó chính là nơi ơn gọi của tôi thực sự đã phát sinh. Năm 1980, tôi bắt đầu nghĩ tới chức linh mục một cách nghiêm túc”.

8. Liên Hiệp Quốc cho biết Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau khi sinh là điều rất quan trọng

Quỹ trẻ em của Liên hợp quốc, UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, đã công bố một báo cáo ngày 31/ 7 trước Tuần lễ của chiến dịch toàn cầu cho trẻ thơ bú, được tổ chức từ ngày 1 đến 7 tháng Tám.

Theo một bá cáo mới đây thì trên toàn thế giới, ước tính có 78 triệu trẻ sơ sinh, và 3 trong số 5 trẻ em, không được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu sau khi các em được sinh ra, khiến chúng có nguy cơ tử vong và mắc bệnh cao. Hầu hết trong số đó ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Báo cáo mang tên “Nắm bắt khoảnh khắc” của UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, được phát hành trước Tuần lễ của chiến dịch toàn cầu cho con bú, tổ chức hàng năm từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 8 để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện sức khỏe trẻ sơ sinh trên khắp thế giới bằng cách cung cấp cho trẻ sơ sinh những chất dinh dưỡng cần thiết.

Trọng tâm của Tuần lễ cho con bú thế giới trong năm nay nhằm nâng cao ý thức của tầm quan trọng của việc giúp các bà mẹ cho con bú sữa mẹ trong cái giờ đầu tiên của cuộc sống các em.

Bà Maaike Arts, một chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF về trẻ sơ sinh và trẻ thơ giải thích lý do tại sao.

Phát biểu trước khi công bố bản báo cáo, bà ấy nói việc bắt đầu cho con bú một cách chính xác, giúp ngăn ngừa em bé bị tử vong trong tháng đầu tiên và giúp bảo vệ các em bé chống lại một số bệnh tật.

Báo cáo cũng cho hay việc đầu các em tiếp cận với bàu vú mẹ khi các em bú kích thích người mẹ có thêm sữa. Sữa non, còn được gọi là 'vắc-xin đầu tiên' của bé, rất giàu chất dinh dưỡng và kháng thể.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành (UNICEF) tâm sự rằng “các bà mẹ không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ nhân viên y tế tại các trạm y tế về việc cho con bú ngay từ những giờ phút quan trọng sau bé khi sinh.

Tổng giám đốc WHO là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng mời gọi hãy giáo dục và tăng thêm những nỗ lực hỗ trợ các bà mẹ hầu cho con cái họ sinh ra được khởi đầu một cuộc sống lành mạnh.

UNICEF cũng kêu gọi hãy cung cấp hỗ trợ cho các bà mẹ trong thời gian mới sinh nở những kiến thức về kỹ thuật chăm sóc con không chỉ trong tuần đầu lễ mà thôi mà mỗi tuần một ngày trong một khoảng thời gian bà nuôi con thơ.

Việc cho con bú là cách tốt nhất cho bé phát triển và tăng trưởng. Các chuyên gia cho biết đây là món quà tốt nhất mà các bà mẹ có thể trao ban cho con của mình.

Báo cáo dựa trên dữ liệu nghiên cứu từ 76 quốc gia, không tính Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và Tây Âu cho hay:

65% các nước ở Đông và Nam Phi có tỷ lệ cho con bú cao nhất trong giờ đầu tiên, trong khi Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ thấp nhất chỉ có 32 phần trăm các em được bú sớm.

Trong khi gần chín trong mười trẻ em sinh ra ở Burundi, Sri Lanka và Vanuatu được bú sữa mẹ sau giờ đầu tiên các em sinh ra, chỉ có hai trong số 10 trẻ sinh ra ở Azerbaijan, Chad và Montenegro được bú sữa mẹ.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ và những người có trách nhiệm hãy có những biện pháp pháp lý nhấn mạnh về việc cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thay thế bằng sữa bột ngoài thị trường.

Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong số những người khuyến khích thực hành việc nuôi con bằng sữa mẹ. Hàng năm trong thánh lễ cử hành Bí tích Rửa tội trong Nhà nguyện Sistine tại Vatican nhân dịp lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào tháng Giêng, Đức Thánh Cha khuyên các bà mẹ hãy tự nguyện cho con bú sữa mẹ mà không vì bị bắt buộc.

Trong dịp Đức Thánh Cha rửa tội cho 34 em bé vào ngày 7 tháng 1 năm nay, Ngài đã hài hước nói, “Em bé có ngôn ngữ riêng của các bé.” “Nếu một người khóc, tất nhiên những người khác sẽ trố mắt nhìn vào họ. Cũng vậy dù trong một buổi hòa nhạc, nếu có tiếng trẻ thơ khóc, vì em đói, chắc chắn bà mẹ sẽ cảm thấy ngựng ngùng nhưng hãy đừng sợ, hãy cho chúng bú, vì đây là ngôn ngữ của bé, một ngôn ngữ của tình yêu!”