Ngày 05-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chết bất ngờ - Sống sẵn sàng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:33 05/08/2022

CHẾT BẤT NGỜ - SỐNG SẴN SÀNG

Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta hãy tỉnh thức sẵn sàng, vì chính giờ phút ta không ngờ thì Chúa đến. Chúa đến bất ngờ như kẻ trộm!

1. Chết bất ngờ. Trong tuần qua, có 2 tin về cái chết thật bất ngờ: Một linh mục người Việt tại Mỹ đang sốt sáng dâng lễ Chúa Nhật thì bất ngờ đổ gục xuống ngay trên cung thánh, đột ngột ra đi; Rồi 3 chiến sĩ cứu hỏa trẻ khỏe, đang làm nhiệm vụ chữa cháy tại thủ đô Hà Nội thì bất ngờ hy sinh. Cái chết thật bất ngờ. Trước những cái chết đột ngột, chúng ta trào dâng cảm xúc bàng hoàng, đau buồn, tiếc thương người ra đi. Đồng thời cũng dấy lên tâm trạng lo sợ cho chính mình. Lo sợ vì nếu chết đột ngột, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đi về Nhà Chúa chưa?

2. Sống sẵn sàng. Chết bất ngờ khiến chúng ta phải luôn sống sẵn sàng. Sẵn sàng là chuẩn bị đầy đủ. Trước mọi chuyến đi làm việc, học tập, du lịch xa, chúng ta luôn chuẩn bị đủ thứ hành lý tư trang. Vậy trước chuyến đi xa nhất về đời sau ta đã chuẩn bị những gì làm hành trang? Phúc Âm bảo chuẩn bị đầy đủ là làm theo ý chủ, chu toàn nhiệm vụ chủ trao. Chúa là chủ, còn con người chỉ là những đầy tớ được chủ trao cho trông coi chăm sóc thế giới này. Cuộc sống con người phải là hành trình chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng về với Chúa bất cứ lúc nào Ngài gọi.

Ai cũng biết rồi mình sẽ chết. Nhưng một cơn cám dỗ ngọt ngào mà tinh quái khiến chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng, đó là: Cứ tà tà, còn lâu mới chết! Người đầy tớ trong Phúc Âm cũng nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về.” Vấn đề nằm ở đó. Thế nên, thay vì nỉ non lời ca: “Lỡ mai anh chết em khóc nhiều không?” thì chúng ta cần hỏi chính bản thân mình mình: Lỡ mai tôi chết, tôi sẵn sàng chưa? Amen.
 
Tĩnh thức và trung thành
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:37 05/08/2022

TĨNH THỨC VÀ TRUNG THÀNH
Chúa Nhật 19 Thường Niên Năm C

Chúa nhật trước, bài đọc 1, tác giả sách Giảng Viên nói: "Tất cả chỉ là phù vân". Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.

Văn chương Việt nam khi nói tới sự bấp bênh, vô định, thường dùng hình ảnh bọt bèo: "Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau" (Nguyễn Du).

Bọt là bong bóng nước mong manh, tan trong chốc lát. Hình ảnh bọt diễn tả cái vắn vỏi của cuộc đời. Bèo gợi lên ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi, vô định: "Lênh đênh duyên nổi phận bèo. Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi" (Ca dao); "Bèo dạt, mây trôi đành với phận" (Chu Mạnh Trinh).

Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó là phù vân, khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến?

Có ba quan niệm sống có thể tạo ra một thái độ tiêu cực trước cuộc đời.

1- Chết là hết, không còn gì tồn tại. Nếu quả thực mọi sự sẽ chấm dứt với cái chết, nếu số phận người tốt kẻ xấu đều sẽ như nhau sau khi chết, thì người ta sẽ có lý mà lập luận rằng: Ta hãy ăn uống, vui chơi, hưởng thụ giây phút hiện tại cho thoả thích. Chết rồi sẽ chẳng còn gì!

2- Tin vào thuyết định mệnh, nghĩa là mọi sự đã được an bài sẵn. Số phận mỗi người đã được thần thánh định đoạt. Nếu thế thì con người chẳng cần và chẳng có thể làm gì nữa, mọi cố gắng đều vô ích.

3- Tin vào thuyết luân hồi. Cuộc sống là một vòng luân chuyển, hết kiếp này qua kiếp khác. Kiếp này chưa đạt cõi phúc, sẽ chờ kiếp sau, khi được đầu thai lại, luân hồi theo vòng nghiệp chướng.

Dĩ nhiên thuyết luân hồi không đương nhiên dẫn tới tiêu cực, nhưng dù sao cũng không dành cho cuộc sống hiện tại một giá trị và tầm quan trọng quyết định đối với số phận mỗi người.

Khác quan niệm trên, Kitô giáo dạy: Thiên Chúa giao cho ta chịu trách nhiệm về thế giới, về sự thành công của đời mình. Hiện tại quyết định số phận đời đời. Mỗi giây phút qua đi, không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta ở trần gian vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Tin mừng hôm nối tiếp giáo huấn tuần trước của Chúa Giêsu: “Phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”. Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức.

Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về: Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn.

Cũng vậy, Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Họ cần sống cuộc đời hiện tại một cách nghiêm túc. Họ cố gắng làm phận sự ở đời hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

Dụ ngôn người quản gia trung thành. Quản gia chỉ là quản lý mà “ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”.
Chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Cần trung thành trong nhiệm vụ được giao. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp… tất cả đều là do Chúa ban tặng.

Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa. Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn. Vì thế, người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử.

Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin, hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin, chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng của ơn cứu rỗi.
Biết mình đang đi về đâu, người có lòng tin không vì thế mà đương nhiên hết còn cảm nhận tính bi đát của cuộc đời “phù vân, bèo bọt”. Họ vẫn là con người như mọi người, nhưng họ có một niềm hy vọng giúp giữ thái độ lạc quan và an bình.

Tỉnh thức và sẵn sàng là tâm trạng của người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 05/08/2022

23. Lạy Đức Chúa Giê-su, Ngài là nguyên nhân đến cuồng nhiệt của tình yêu chúng con.

(Thánh Madeleine Barat)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 05/08/2022
61. THAY THẾ ĂN NGỦ

Có một người, bất luận làm việc gì thì cũng chỉ làm một mình, tuyệt đối không nhờ người khác làm hộ.

Một ngày nọ, có rất nhiều công việc cùng dồn đến một lúc, anh ta tựa hồ làm không xuể. Nhưng anh ta vẫn cứ tay làm, miệng nói, mắt nhìn, tai nghe, lòng nghĩ, chân động, tất cả ngũ quan đều dùng đến, tứ chi không nghỉ ngơi, lại còn vừa làm vừa nói với mọi người:

- “Hôm nay tôi bận tất bật, ngay cả giờ ăn giờ ngủ cũng không có”.

Có người hỏi:

- “Tại sao không nhờ người khác làm giúp?”

Người ấy đáp:

- “Làm việc, lẽ nào nhờ người khác đến làm thế cho hay sao? Nếu như nhờ người đến thay thế tôi để ăn cơm hoặc ngủ, thì tôi có thể thương lượng, thương lượng”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 61:

Có những người ôm đồm nhiều việc nên hay than thở mình nhiều việc quá; có nhiều người không làm việc gì nhiều cả, nhưng ai hỏi đến thì trả lời mình bận nhiều việc quá, cả hai hạng người trên đây đều có chung một con bệnh: sĩ diện. Vì sĩ diện nên ôm đồm nhiều việc, nhưng thật ra là có thể để người khác làm; vì sĩ diện nên nói mình nhiều việc, nhưng thực ra thì không làm việc gì cả.

Có một vài người Ki-tô hữu cũng vì sĩ diện mà trở thành thờ Chúa bằng môi miệng, chẳng hạn như nếu có ai hỏi kỳ này sao không đến nhà thờ, thì lập tức trả lời: mình bận nhiều việc quá, nhưng thực ra làm gì mà bận luôn cả ngay chúa nhật, khi mình là người Ki-tô hữu !

Người ta thường nhờ người khác làm việc, chứ không nhờ người khác ăn uống thế mình.

Đường nên thánh thì mỗi người phải tự mình nổ lực mà đi, chứ không nhờ người khác đi giúp mình; thánh giá của mỗi người thì tự vác lấy, chứ không thể đem bỏ trên vai người khác vác giùm, bởi vì ở trên thiên đàng không có vị thánh nào là thánh sĩ diện, cũng không có vị thánh nào là thánh làm biếng cả.

Ha ha ha...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 06/08: Qua Thánh Giá tới Vinh Quang – Lễ Chúa Hiển Dung –Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
03:21 05/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt; nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Các môn đệ giữ kín chuyện này, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Tuần Sống Một Câu Lời Chúa (CN 19 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 05/08/2022
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 35-40.

“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng”.


Bạn thân mến,

“Hãy sẵn sàng” như là một mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su truyền cho chúng ta, “sẵn sàng” tức là đã chuẩn bị xong rồi và đang đợi giờ lên đường, giờ hành động… Tôi xin chia sẻ với bạn những cái sẵn sàng sau đây trong đời sống tâm linh cũng như trong cuộc sống đời thường của chúng ta:

“Sẵn sàng” là câu châm ngôn của các hướng đạo sinh. Mệnh lệnh “hãy sẵn sàng” của Đức Chúa Giê-su cũng là một châm ngôn của người Ki-tô hữu, nhưng với ý nghĩa khác hơn, đó là sẵn sàng để chờ đợi Thiên Chúa đến như người đầy tớ đợi chủ đi xa về, bất chợt vào ban đêm hay ban ngày.

Ngày mai đi du lịch thì hôm nay phải chuẩn bị sẵn sàng; ngày mai đón khách phương xa đến nhà thì hôm nay tất cả đã sẵn sàng để khách đến; ngày mai giờ xổ số độc đắc sắp đến thì hôm nay đợi chờ trong hy vọng…

Con người ta ai cũng sống trong đợi chờ, đợi chờ kỳ tích đến để đổi mới cuộc đời, đợi chờ tin vui đến để đời thêm vui…

Mọi người ai cũng chờ đợi, nhưng rất ít người chờ đợi tin vui trọng đại: Thiên Chúa đến kêu gọi chúng ta đi về nhà Ngài.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng này Đức Chúa Giê-su lại nhắc nhở bạn và tôi hãy sẵn sàng để chờ đợi Ngài đến. Ngài đến bất chợt như kẻ trộm, nhưng không tàn khốc cho những người đã chuẩn bị sẵn sàng, bởi vì Ngài đã vì yêu thương mà báo trước cho bạn và tôi hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Nhưng nó sẽ tàn khốc cho những ai nghe mà không tuân giữ lời Ngài nói, bởi vì “thật vô phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà vẫn còn mê ngủ”, mê ngủ tức là chưa chuẩn bị và không sẵn sàng…

Bạn thân mến,

Người biết chờ đợi là người có tâm hồn an vui tự tại bởi vì họ đã sẵn sàng.

Bạn và tôi thường cảm thấy hụt hẫng khi nghe tin người này mới hôm qua đây cùng uống cà phê với mình, người kia mới hôm nào đây đang bắt tay chào hỏi mình, giờ thì đã chết; và cũng có lúc chúng ta cảm thấy bồn chồn trong lòng khi tiễn đưa người bạn thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bồn chồn hụt hẫng là vì tâm hồn chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng, và cảm thấy bi ai trước sự ra đi của người anh em chị em.

Đức Chúa Giê-su ra lệnh cho chúng ta “hãy sẵn sàng” như vị tướng quân ra lệnh cho quân đội sẵn sàng lâm trận, trận chiến mà bạn và tôi phải đối đầu là trận địa cám dỗ của ma quỷ và của tội lỗi, trận chiến này tàn khốc hơn bất cứ trận chiến nào ở trần gian, bởi vì chỉ cần mê ngủ không tỉnh thức sẵn sàng thì chúng ta vĩnh viễn chết trầm luân trong hoả ngục, đó là cái giá phải trả nếu chúng ta không nghe lời Đức Chúa Giê-su dạy: hãy sẵn sàng…

Ân sủng và quyền năng của Đức Chúa Giê-su vẫn ở cùng bạn và tôi luôn mãi, chỉ cần chúng ta “sẵn sàng” trong tư thế của người Ki-tô hữu đó là tỉnh thức và cầu nguyện.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Cuộc Xuất hành đổi thay lịch sử
Lm. Minh Anh
18:17 05/08/2022
CUỘC XUẤT HÀNH ĐỔI THAY LỊCH SỬ
“Kìa, có hai vị đàm đạo với Ngài, đó là Môisen và Êlia. Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển, nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem!”.

Một nhà tu đức nói, “Ngài có thể bước đi trên nước, nhưng không thể bước đi khỏi đôi mắt đầy nước mắt của quả phụ Nain. Ngài chỉ huy các tinh tú trong quỹ đạo của chúng, nhưng từ chối thay đổi hoàn cảnh cuộc xuất hành cuối cùng của mình, một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với ý tưởng “cuộc xuất hành cuối cùng” của nhà tu đức, Lời Chúa lễ Hiển Dung tường thuật cuộc biến hình trên núi của Chúa Giêsu! Trong cuộc biến hình này, Môisen và Êlia bất ngờ hiện ra đàm đạo với Ngài; nhưng bất ngờ hơn, các đấng đàm đạo về “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành”. Cuộc xuất hành này còn vĩ đại hơn cuộc Xuất Hành thoát Ai Cập xưa, một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ nhân loại: giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết!

Thật lạ lùng, trong biến cố này, Chúa Giêsu không nói về những phép lạ Ngài sẽ thực hiện, những phú túc và vẻ đẹp của thế giới, những tham vọng Ngài đang ấp ủ; Ngài không quan tâm đến những cơ hội lẫn tài năng của mình… hầu vận dụng chúng để sở hữu những danh tước vĩ đại, tạo nên danh tiếng lấy lừng cho bản thân, và dành sự tôn trọng của người khác. Ngài không nói đến những điều này! Ngài nói đến cuộc thương khó Ngài sắp chịu! Bởi lẽ, mong muốn duy nhất của Ngài là hoàn tất cuộc xuất hành của chính mình, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, hầu Chúa Cha được tôn vinh và kế hoạch cứu độ nhân loại của Chúa Cha được thành toàn.

Nội dung cuộc đối thoại giữa hai nhân vật Cựu Ước và Chúa Giêsu như muốn nói rằng, đây là điều mà các ngôn sứ và các bạn hữu của Thiên Chúa hằng mong đợi. Thật ra, việc Chúa Giêsu rời cung lòng Cha khi vào trần gian, mặc thân xác phàm nhân, đã là một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ thế giới và nhân loại. Và rồi, với cuộc xuất hành lên Giêrusalem cuối cùng này, Con Thiên Chúa không vượt qua Biển Đỏ nhưng dòng máu đỏ thắm của Ngài sẽ đổ ra rửa sạch tội lỗi nhân gian. Phải, Ngài đã chết, chôn trong mồ, nhưng ngày thứ ba, đã sống lại vinh hiển! Chính nhờ cuộc xuất hành này, vận mệnh con người đổi thay, tội Ađam được tẩy xoá và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết nữa; nhưng được trở nên con cái Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống mới, sự sống phục sinh nhờ thông phần sự chết và sự sống lại của Ngài.

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta, môn đệ của Ngài, thấy mình thật khác xa. Đang khi chúng ta gắn bó với nhiều thứ, như tham vọng, thành công, thành tài, thành nhân… thì Chúa Giêsu đã dùng tất cả những khả năng này cho việc phụng sự Chúa Cha. Việc phụng sự này bao hàm ý nghĩa “tách khỏi” thế gian của người môn đệ; nghĩa là sẵn sàng từ bỏ mọi sự hầu có thể yêu mến Chúa Kitô trên tất cả. Chúa Kitô chính là Miền Đất Hứa đích thực và là sự giải phóng thật sự khỏi ách nô lệ của ‘chủ nghĩa vị kỷ’. Kết quả của việc thoát khỏi những ràng buộc của ‘chủ nghĩa vị kỷ’ là niềm vui, bình an, tình yêu; và nhất là, cuộc sống vĩnh cửu. Đây là ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ mỗi người, dẫu không hề dễ dàng! Tuy nhiên, tự cho mình là trung tâm sẽ làm chúng ta nghèo đi và làm hoen ố tình yêu; trên thực tế, chúng ta sẽ ‘ít yêu hơn’ so với khả năng có thể yêu. Vì thế, để có thể ‘xuất hành’, người môn đệ nhất định phải ‘biến hình!’.

Anh Chị em,

“Hai vị nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem!”. Nhờ cuộc xuất hành Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, toàn thể nhân loại bước sang một trang sử mới, một thời đại mới: thời đại ân sủng, cứu độ và giao hoà. Tỏ cho các môn đệ phần nào cuộc xuất hành của Ngài, Chúa Giêsu mời họ chuẩn bị bản thân để cũng có thể bước vào cuộc xuất hành của chính họ. Mừng Chúa Hiển Dung, ước gì chúng ta cũng được ‘biến hình’; tức là thay đổi suy nghĩ, cách sống, ước muốn… để tham dự vào công cuộc cứu độ của Ngài. Để được vậy, mỗi ngày, chúng ta cần có những cuộc ‘xuất hành nhỏ’ nhưng không ít đau đớn, để ra khỏi cái tôi ích kỷ hạn hẹp, những thói quen thế tục vô bổ. Can đảm lên, Chúa là sức mạnh của chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì, với ân sủng Chúa, con được ‘biến hình’ mỗi ngày! Nhờ đó, con cũng có thể may mắn có một ‘cuộc xuất hành đổi thay lịch sử’ linh hồn con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
FBI công bố ảnh nghi phạm trong vụ tấn công bằng lựu đạn tự chế vào trung tâm thai nghén Nashville
Đặng Tự Do
04:17 05/08/2022


Cục Điều tra Liên bang đã công bố các bức ảnh của một nghi phạm trong vụ mưy toan đánh bom một trung tâm trợ giúp mang thai ngày 30 tháng 6 ở Nashville, Tennessee. Họ đang yêu cầu sự giúp đỡ của công chúng trong việc xác định nghi phạm.

Các bức ảnh, do văn phòng hiện trường Memphis của FBI công bố, cho thấy một cá nhân mặc quần áo tối màu với mũ trùm đầu. Một bức ảnh về chiếc xe của cá nhân cũng được công bố rộng rãi. Từ bức ảnh, người ta không rõ hiệu xe.

Vào ngày 30 tháng 6, vào khoảng 1:30 sáng, một cá nhân đã ném một quả lựu đạn tự chế qua cửa sổ tại Phòng khám Phụ nữ Hope. Nó đã không phát nổ và cửa sổ đã được thay thế.

Dòng chữ “Jane's Revenge” được viết trên nền phòng khám cũng đã được xóa sạch.

Thông cáo báo chí ngày 26 tháng 7 cho biết: “Bất kỳ ai có thông tin đều được khuyến khích gọi cho Văn phòng FBI Memphis Field theo số 901-747-4300 hoặc liên lạc trực tuyến tại tips.fbi.gov”

Kailey Cornett, giám đốc điều hành và giám đốc điều hành của Hope Clinic for Women, nói với CNA ngay sau hành động phá hoại rằng nhóm của cô ấy rất kiên cường và đã nhận được rất nhiều lời cầu nguyện và ủng hộ.

“Chúng tôi ở đây để làm những gì chúng tôi được kêu gọi để làm và đó là để phục vụ phụ nữ,” cô nói vào thời điểm đó. “Chúng tôi đã có thể tập hợp lại nhau và hỗ trợ lẫn nhau ngày hôm qua, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã sẵn sàng để trở lại cung cấp dịch vụ chăm sóc ngày hôm nay.”

Kể từ khi tin tức nổ ra vào tháng 5 rằng Roe kiện Wade có thể bị lật ngược, sự gia tăng các báo cáo về hành vi phá hoại của các trung tâm trợ giúp mang thai đã trở thành tiêu đề. Roe, được liên bang hợp pháp hóa việc phá thai, đã bị lật tẩy vào ngày 24 tháng 6. Sự phá hoại của cả trung tâm thai nghén và nhà thờ Công Giáo đã tiếp tục kể từ đó.

Vào tháng 6, FBI đã thông báo rằng họ đang điều tra các cuộc tấn công vào các trung tâm trợ giúp mang thai và nhà thờ. Kể từ khi được công bố, có rất ít báo cáo về các vụ bắt giữ. Không có báo cáo nào được biết về bất kỳ vụ bắt giữ nào liên quan đến hành vi phá hoại tại các trung tâm trợ giúp mang thai, và các nhà thờ.
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục bày tỏ nỗi đau trước việc giết hại hơn 30 viên chức cảnh sát trong năm nay ở Colombia
Đặng Tự Do
04:18 05/08/2022


Hội đồng Giám mục Colombia bày tỏ sự chia buồn với Cảnh sát Quốc gia “vì đã mất nhiều thành viên” cho đến nay vào năm 2022. Các viên chức đã bị giết bởi các băng nhóm tội phạm, đặc biệt là Clan del Golfo.

Cho đến nay trong năm nay, 36 cảnh sát đã thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Theo Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, Tướng Jorge Luis Vargas Valencia, các viên chức đã là nạn nhân của cái gọi là “kế hoạch súng lục” của tổ chức tội phạm được gọi là Clan del Golfo.

Trong một bức thư ngày 27 tháng 7 gửi cho Vargas, các giám mục bày tỏ “lời chia buồn chân thành của họ về sự mất mát của nhiều thành viên của Cảnh sát Quốc gia.”

“Chúng tôi muốn gửi những tình cảm này đến tất cả gia đình của các viên chức cảnh sát đã ngã xuống trong nghĩa vụ”, hội nghị nói.

Trong bức thư, các giám đốc Colombia tái hiện “lòng biết ơn đối với sự việc hiến thân quên mình của tất cả các viên chức tạo nên lực lượng cảnh sát, nơi hình thành nên sự hiện diện thể chế ở các vùng và lãnh thổ khác nhau của đất nước Colombia thân yêu của chúng ta.”

Các giám mục kêu gọi các tín hữu tham gia ngày cầu nguyện do Giáo phận cổ động cho Quân đội vào ngày 28 tháng 7 “và vào ngày thứ Bảy để cầu nguyện với Chúa Sự Sống cho Cảnh Sát Quốc Gia và cho một đất nước hòa bình và hòa giải.”

Là một phần của ngày cầu nguyện, Giáo phận Quân đội đã dâng thánh lễ tại Trung tâm Tôn giáo của Cảnh sát Quốc gia ở Bogotá.

Đức Cha Jorge Hincapié Giám Mục của giáo phận quân đội đã dâng Thánh Lễ cho các Quân Nhân. Ngài đã kêu gọi các tín hữu tôn vinh “ký ức của tất cả các anh hùng của đất nước chúng ta”, những người đã cống hiến “cuộc sống của họ để xây dựng một đất nước vĩ đại, trong đó mọi người được tôn trọng và tự do.”

Trong bài giảng, ngài yêu cầu những người có mặt “đặt trong tay Chúa mỗi viên chức cảnh sát mà trong tháng trước, năm nay, và hàng năm, đã hiến mạng sống của mình trên bàn thờ Tổ quốc. Những viên chức cảnh sát trẻ và lớn tuổi, những người mà không lường trước được hậu quả của sự lựa chọn của họ cho Chúa và đất nước, đã hy sinh mạng sống của chính mình để tìm kiếm lợi ích cho tất cả đồng bào của chúng ta “.

Hincapié nói: “Chúng tôi cầu xin Chúa ôm lấy các anh em trong lòng thương xót vô hạn và nhân từ của Ngài.

Đức Cha cũng nhớ đến những viên chức “bị tàn sát bởi vũ khí đen tối, hèn nhát và hủy diệt và của kẻ thù giấu mặt, hãy tiếp tục cho chúng tôi tấm gương vượt khó, dũng cảm, yêu nước, yêu Tổ quốc” và động viên các viên chức cảnh sát tin cậy nơi Chúa mỗi ngày: “Con tin cậy Chúa, vì Chúa là nơi ẩn náu của con trong hiểm nguy.”

Các thánh lễ cũng đang được cử hành ở nhiều nơi khác trên đất nước để tưởng nhớ linh hồn của những cảnh sát bị sát hại.
Source:Catholic News Agency
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục bày tỏ sự thất vọng đối với Quốc Hội Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
04:19 05/08/2022


Kể từ khi Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, Quốc hội đã đưa ra các đề xuất lập pháp có hại cho lợi ích chung. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua và Thượng viện có thể sớm xem xét, một loạt các dự luật như vậy, bao gồm Đạo luật bảo vệ sức khỏe phụ nữ, Đạo luật tôn trọng hôn nhân và Đạo luật về quyền tránh thai, và đang tiến hành các dự luật nhằm loại bỏ các cấm đoán được chính quyền Trump đưa ra trong việc dùng tiền đóng thuế liên bang tài trợ cho việc phá thai và bảo vệ quyền lương tâm của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, Quốc hội đã không có hành động nào liên quan đến các biện pháp mà Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã tán thành và tiếp tục ủng hộ nhằm giúp xây dựng văn hóa sống.

Trước tình hình đó, Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), Đức Hồng Y Timothy M. Dolan ở New York, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB, Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của San Francisco, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên của USCCB, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã ra tuyên bố sau

“Quyết định của Dobbs thể hiện một cơ hội lịch sử để định hình lại xã hội cho tốt đẹp hơn. Sự bất công của việc phá thai đã nới lỏng quyền lực của nó đối với Hiến pháp của đất nước chúng ta. Chúng tôi kêu gọi Quốc hội nắm bắt khoảnh khắc đầy hy vọng này bằng cách xích lại gần nhau vì phẩm giá của mỗi con người và lợi ích chung.

“Điều này bắt đầu với sự công nhận rằng cuộc sống của mỗi con người là một món quà vô giá từ Thiên Chúa với quyền bất khả xâm phạm là được sống và được bảo vệ đầy đủ và xứng đáng về mặt pháp lý. Chúng ta cũng phải nhận ra rằng gia đình - được hình thành dựa trên tình yêu thương và sự tự hiến lẫn nhau của đôi vợ chồng - là cơ sở xây dựng đầu tiên của xã hội, và rằng việc nuôi dạy con cái vừa là một món quà lớn lao vừa là một trách nhiệm suốt đời.

“Sức khỏe, sự an toàn và sự hỗ trợ của gia đình phải là trọng tâm của tất cả các hoạch định chính sách. Một cam kết có nguyên tắc để trở nên phò sinh bao gồm cả một cam kết bảo vệ tất cả cuộc sống của con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, và những chính sách tiến bộ giúp các gia đình phát triển. Khi chúng tôi đồng hành với mọi gia đình bằng lời cầu nguyện và sự hỗ trợ, những người được dẫn dắt bởi cha mẹ nuôi hoặc đơn thân gần gũi với trái tim của chúng tôi.

“Kể từ Dobbs, quá nhiều người trong Quốc hội đã bỏ qua các dự luật có thể thúc đẩy các mục tiêu xứng đáng này và thay vào đó tập trung vào các dự luật nhằm tấn công các mục tiêu ấy. Luật pháp như vậy không có giá trị gì đối với cuộc sống của trẻ em cho đến khi chúng được sinh ra, cắt đứt tình dục và hôn nhân khỏi ý nghĩa của chúng, khuyến khích việc sử dụng con người như một phương tiện để đạt được mục đích, và sẽ tước bỏ quyền phản đối lương tâm của những người chống lại những đặc điểm nổi bật của thứ văn hóa vứt bỏ này. Chúng tôi yêu cầu tất cả các quan chức được bầu của chúng ta phải hành động để đạt được sự đồng thuận và thông qua một khoản tín dụng thuế trẻ em mở rộng, một khoản tín dụng thuế con nuôi có hoàn lại, Đạo luật Công bằng cho Người lao động Mang thai, một chính sách nghỉ phép gia đình có trả lương của liên bang, hỗ trợ thêm cho sức khỏe và hạnh phúc của người mang thai và phụ nữ nuôi dạy con cái, hỗ trợ về dinh dưỡng và nhà ở giá cả phải chăng, các hạn chế về môi trường đối với các hóa chất gây dị tật bẩm sinh, và các điều khoản hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp. Đây là những nền tảng xây dựng tầm nhìn của chúng ta trong tài liệu Đứng cùng những người mẹ”.

“Chăm sóc cho sự sáng tạo cũng là không thể thiếu để chăm sóc cuộc sống con người, và chúng tôi khuyến khích tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy các đề xuất nhằm bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và thúc đẩy hạnh phúc của cuộc sống con người và môi trường trong những năm tới..

“Các gia đình và cá nhân, xã hội dân sự, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và các nhóm tôn giáo, quan chức chính quyền các cấp - và đặc biệt là các thành viên Quốc hội - nên tự hỏi bản thân họ đang hỗ trợ các gia đình như thế nào vào thời điểm này, đặc biệt là xung quanh việc chào đón cuộc sống mới và nuôi dạy con cái qua tuổi trưởng thành.

“Giáo huấn xã hội của Công Giáo chỉ ra con đường dẫn đến một nơi tốt đẹp hơn - một xã hội được đánh dấu bằng công lý, tương trợ, công bằng, tình bạn, lòng thương xót và tình yêu - hơn nơi mà Quốc hội hiện đang dẫn đầu. Chúng tôi cầu nguyện rằng Quốc hội sẽ vươn lên để đáp ứng thời điểm của thế hệ này”.
Source:USCCB
 
9 hình ảnh cổ xưa nhất của Đức Maria
Vũ Văn An
05:53 05/08/2022

V. M. Traverso trên Aleteia (https://aleteia.org/2018/10/19/the-9-oldest-images-of-mary) cho rằng Cựu ước và Tân ước cung cấp nhiều mô tả về lời nói và hành động của Chúa Giêsu nhưng không mô tả về ngoại hình của Người. Đó là lý do tại sao các họa sĩ và người làm ảnh tượng chủ yếu dựa vào quy luật nghệ thuật, hơn là tính hiện thực, khi họ phải khắc họa Đấng Mêxia trong các ảnh tượng hoặc bích họa. Nguyên tắc tương tự cũng xảy ra đối với Đức Maria, vì thánh thư cũng không cung cấp nhiều chi tiết về ngoại hình của ngài.

Nhưng bằng cách nhìn vào các mô tả sớm nhất về Đức Mẹ, chúng ta có thể suy ra rất nhiều về các đặc điểm chính mà các nghệ sĩ muốn nhấn mạnh — từ sự nuôi dưỡng và tình mẫu tử đến sự vâng lời Thiên Chúa — và về các phong cách nghệ thuật khác nhau được khai triển bởi các cộng đồng Kitô hữu trong chín thế kỷ đầu của Kitô giáo.

Ta hãy xem 9 hình ảnh ban đầu của Đức Mẹ:

1. Nhà thờ Dura-Europos, Syria, thế kỷ thứ 2

Được phát hiện vào thập niên 1920 bởi một nhóm các nhà khảo cổ học từ Yale, Nhà thờ Dura-Europos ở Syria ngày nay được coi là nhà thờ Kitô giáo sớm nhất mà chúng ta biết đến. Nhóm nghiên cứu đã có thể khôi phục các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa có niên đại từ thế kỷ thứ 2 và thứ 3, bao gồm cả bức mô tả một người phụ nữ nghiêng mình trên giếng, trong một thời gian dài được coi là trình bầy người phụ nữ Samaritanô nói chuyện với Chúa Giêsu bên giếng Giacóp như được thuật lại trong Tin Mừng Gioan (4: 1-42). Nhưng một giả thuyết gần đây được đề xuất bởi Michael Peppard, một Phó Giáo sư Thần học tại Đại học Fordham, đã bác bỏ cách giải thích này, cho rằng bức tranh thực sự là một mô tả về Lễ Truyền tin, khi thiên thần Gabriel thông báo với Đức Maria rằng ngài sẽ thụ thai và sinh ra Chúa Giêsu. Peppard nhấn mạnh rằng trong các mô tả bằng văn bản việc Truyền tin được tìm thấy trong các tiểu sử của Đức Maria thế kỷ thứ 2, Gabriel đến với ngài khi ngài đang lấy nước bằng một cái bình, giống như hình ảnh Dura-Europos cho thấy và phù hợp với hình ảnh thời Byzantine về cảnh này. Nghiên cứu sâu hơn về hình ảnh cũng cho thấy những chi tiết không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chẳng hạn như hai đường thẳng chạm đến thân mình của người phụ nữ, gợi ý mô tả một việc nhập thể. Dựa trên những bằng chứng đó, bức tranh Dura-Europos có thể được coi là bức chân dung Thánh Mẫu đầu tiên.

Yale Art Gallery | Yale News


2. Đức Bà Hang Toại Đạo, Rome, thế kỷ thứ 3

Hình ảnh này được vẽ trên các bức tường của Hang Toại Đạo Priscilla, nằm bên dưới Via Salaria của Rome, nơi từng là một mỏ đá, cho thấy Đức Maria khi ngài đang chăm dưỡng Chúa Giêsu Hài Đồng ngồi trên đùi ngài và nhìn vào người xem. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại từ thế kỷ thứ 3, khi Kitô giáo vẫn còn là một hoạt động bất hợp pháp ở Đế quốc Rôma. Các Kitô hữu thời sơ khai thường gặp nhau tại Hang Toại Đạo để chôn cất người chết và cầu nguyện tại mộ của các vị tử đạo, đó là lý do tại sao các tác phẩm nghệ thuật từ thời này cho chúng ta biết rất nhiều về các lý tưởng và giá trị của những cộng đồng Kitô giáo đầu tiên. Trong bức bích họa này, Đức Maria được miêu tả khi ngài chăm sóc Chúa Hài đồng, một biểu tượng của bản chất nuôi dưỡng của ngài.

Public Domain


3. Đức Bà với Ba Vua, Rome, Thế kỷ thứ Ba

Các sách Tin Mừng thiếu các mô tả về hình dạng Chúa Giêsu và Đức Maria, nhưng mô tả rất nhiều về hành động của hai Mẹ Con. Một trong những hành động được mô tả trong thời kỳ đầu của Kitô giáo là việc Ba Vua tới sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Hình này, có từ thế kỷ thứ ba, vẽ Ba Vua thờ lạy Chúa Hài Đồng, đang được Đức Mẹ bồng trên tay. Nó được dùng để trang trí quan tài bằng đá, nay được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Vatican ở Rome..

Giovanni Dall'Orto | Wikimedia Commons


4. Đấng phù hộ Dân Rôma, Rome, thế kỷ thứ 5

Một trong những bức ảnh truyền thống của Byzantine xuất hiện vào thế kỷ thứ 5, khi Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế quốc Rôma, mô tả Đức Mẹ như Salus Populi Romani, tiếng Latinh có nghĩa là "Đấng Cứu chữa dân Rôma." Bứa ảnh này, được vẽ trên một tấm gỗ tuyết tùng, mô tả Đức Mẹ Maria với chiếc áo choàng màu xanh đậm được trang trí bằng vàng trên chiếc áo dài màu tím, trang phục điển hình của các nhân vật quyền lực ở Rome thế kỷ thứ 5. Ngài đang ôm Chúa Hài Đồng, người được trình bầy với một cuốn sách trên tay trái, có lẽ là Tin Mừng. Không giống như những bức ảnh tương tự ở thế kỷ thứ 3, chúng ta thấy Đức Maria, chứ không phải Chúa Giêsu, đang nhìn thẳng vào người xem. Các nhà sử học nghệ thuật từ lâu đã tranh cãi về niên đại chính xác của bức ảnh này, và họ nhất trí cho rằng nó là một bức ảnh Hậu Cổ Đại được tạo ra vào thế kỷ thứ 5 đã được vẽ lên trên trong thế kỷ 13. Nó hiện được lưu giữ trong Nhà nguyện Pauline của Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rome.

Public Domain


5. Đức Bà và Chúa Hài Đồng trên ngai giữa các thiên thần và các thánh, núi Sinai, thế kỷ thứ 6

Tu viện Thánh Catherine được xây dựng vào hậu bán thế kỷ thứ 6 gần Núi Sinai và hiện là tu viện lâu đời nhất có người ở trên thế giới. Trong bộ sưu tập các bản thảo và tác phẩm nghệ thuật cổ thời gây ấn tượng của nó có bức ảnh Đức Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng bao quanh bởi Thánh Theodore thành Amasea, Thánh George và hai thiên thần. Trong bức ảnh này, Đức Maria đang ngồi trên ngai, một biểu tượng của quyền lực, và hai thiên thần nhìn vào một cái đầu thần linh dường như nhô ra từ các tầng trời ngay trên đỉnh đầu của ngài. Bức ảnh này được tạo ra thông qua kỹ thuật vẽ sáp màu [encaustic] - sử dụng màu thực vật được đốt bằng sáp nóng và trải trên bề mặt gỗ - điển hình của việc tạo ảnh tượng ở thế kỷ thứ 6.

Public Domain


6.Giáng sinh, Đan viện Thánh Catherine, Núi Sinai, Thế kỷ thứ 6

Cũng tại Đan viện Thánh Catherine còn có ảnh Giáng sinh vẽ theo lối vẽ sáp mầu tả Đức Mẹ đang chăm sóc Chúa Hài Đồng. Chúa Giêsu nằm ở giữa bức ảnh có con bò và con lừa ở bên cạnh. Từ bên phải có Ba Vua trong khi các thiên thần chầu hoặc bay lượn phía trên. Bên dưới cảnh chính là các họa tiết mô tả thiên thần báo mộng cho Thánh Giuse (bên trái) và các cô đỡ đang tắm cho Chúa Hài Đồng.

Public Domain


7. Agiosoritissa (Mẹ Thiên Chúa), Constantinople, thế kỷ thứ 7

Bức ảnh “Panaghia Agiosoritissa,” còn được gọi là “Đức Bà Bào Chữa”, là một trong số ít các bức ảnh không trình bầy Đức Maria như mẹ. Ở đây, Đức Mẹ Đồng trinh được trình bày như một “trung gian” giữa con người và Thiên Chúa, có khả năng cầu bầu. Bức ảnh này, hiện được lưu giữ tại Nhà thờ Santa Maria del Rosario, Monte Mario, Rome, được vẽ tại Constantinople trong thế kỷ thứ 7.

Fair Use via communio.stblogs.org


8. Bìa bản sao các sách Tin Mừng, Đức, thế kỷ 8/9

Trước khi phát minh ra máy in (1439), Sách Thánh đã được sao chép bằng tay sử dụng giấy cói, sáp, giấy da và được bọc bằng bìa gỗ hoặc kim loại. Bìa ngà voi này của một bản sao của Codex Aureus of Lorsch, một Sách Tin Mừng được tô mầu rực rỡ và được tạo ra ở Tu viện Lorsch, Đức, trong khoảng thời gian từ năm 778 đến năm 820, cho thấy một Đức Trinh nữ Maria ngự trên ngai đang nhìn thẳng vào người xem trong khi ôm Chúa Hài đồng trên đùi. Hiện nó được bảo quản tại Thư viện Vatican ở Rome.

Public Domain


9. Bức ảnh Đức Bà và Hài Nhi, thế kỷ thứ 9

Bức ảnh này, mô tả Đức Mẹ và Chúa Hài đồng khi cả hai cùng nhìn vào người xem, được tạo ra vào thế kỷ thứ 9 ở Tsilkani, Georgia. Trong nhiều thế kỷ, nó là một hình ảnh tôn kính đối với các tín hữu ở quốc gia Đông Âu này, thu hút nhiều khách hành hương đến vị trí ban đầu của nó. Ngày nay nó là một phần của bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Nghệ thuật Georgia ở thủ đô Tbilisi.

Public Domain

 
Giám mục Indonesia mới qua đời ở tuổi 63 được cho là bị cáo gian
Đặng Tự Do
16:46 05/08/2022


Một giám mục Indonesia buộc phải từ chức 5 năm trước trong bối cảnh các linh mục của ngài cáo buộc rằng ngài biển thủ công quỹ của Giáo Hội và ngoại tình với một phụ nữ, đã chết.

Đức Cha Hubertus Leteng qua đời vào ngày 31 tháng 7 tại Bệnh viện Borromeus ở Bandung, tỉnh Tây Java, ở tuổi 63.

Đức Cha đã phục vụ tại giáo xứ St. Mary Garut, thuộc giáo phận Bandung từ năm 2018, một năm sau khi ngài từ chức Giám mục của Ruteng ở đảo Flores, nơi ngài đã phục vụ từ năm 2010.

Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin của Bandung cho biết Đức Cha Leteng đã phàn nàn về tình trạng khó thở trước khi nhập viện một tuần trước khi ngài qua đời.

Câu chuyện của Đức Cha Leteng đã gây xôn xao dư luận vào năm 2017, khi 69 linh mục ở giáo phận Ruteng biểu tình chống lại ngài vì cáo buộc đã vay 94.000 đô la từ Hội đồng Giám mục Indonesia và 30.000 đô la từ giáo phận.

Một cựu linh mục đã từ bỏ sứ vụ của mình trong nhiều năm đã cáo buộc ngài trao số tiền ấy cho một phụ nữ mà họ nghi ngờ có quan hệ tình cảm với vị giám mục.

Sau đó, Vatican đã bổ nhiệm Đức Cha Bunjamin, người cũng là Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Indonesia, làm thanh tra tông tòa để thực hiện cuộc điều tra, dẫn đến việc Đức Cha Leteng phải từ chức.

Tòa thánh Vatican không cung cấp lý do từ chức, nhưng các nguồn tin của Giáo hội lúc đó cho biết Đức Cha Leteng đã phải từ chức vì sự phản đối của các linh mục trong giáo phận.

Trong thánh lễ an táng cho vị giám mục quá cố, Đức Cha Bunjamin, người đã từng thực hiện cuộc thanh tra tông tòa nói rằng ngài không thấy Đức Cha Leteng có lỗi.

Ngài nói rằng trong năm năm làm việc tại giáo phận của mình, ngài biết đến vị giám mục như một người quan tâm sâu sắc đến hoàn cảnh của người khác và “vì quá tốt bụng nên ngài đã bị một số người lợi dụng”.

Ngài cho biết vị giám mục tìm kiếm sự giúp đỡ cho những người khác, điều này đôi khi khiến ngài suy nghĩ và bồn chồn, cho đến cuối đời.

Giám mục Bunjamin nói rõ ràng là Giám mục Leteng không nghĩ đến lợi ích riêng của mình.

“Hãy nhìn cuộc sống của ngài, những gì ngài đã mặc trên người! Có xa xỉ không? Những gì được giữ trong phòng của ngài, có xa xỉ không? Thiết bị làm việc của ngài là gì, có xa xỉ không? Không, không có bất kỳ thứ gì!”

Trong thời gian ở giáo phận Bandung, vị giám mục thường xuyên chia sẻ những suy tư trên mạng xã hội, viết sách và cũng cung cấp những hồi ức và các cử hành trực tuyến cho các tín hữu.

Trong khi đó, những người Công Giáo ở giáo phận Ruteng đã thương tiếc cái chết của ngài và lên mạng xã hội để chia sẻ tình yêu của họ đối với vị giám mục và ghi nhớ sự ủng hộ của ngài đối với các vấn đề xã hội.

Đức Cha Leteng đã đứng đầu trong việc phản đối các công ty khai thác trong khu vực của ngài. Ngài cũng dẫn đầu các linh mục trong các cuộc biểu tình phản đối việc tư nhân hóa các bãi biển công cộng ở Labuan Bajo, một khu du lịch đang phát triển mạnh.

Theo thông cáo của giáo phận Ruteng, thi hài của vị giám mục được đưa về Flores vào ngày 1 tháng 8 và được an táng vào ngày 3 tháng 8 bên cạnh nhà thờ chính tòa sau một thánh lễ do Đức Cha Siprianus Hormat của Ruteng chủ tế.
Source:UCANews
 
Đức Tổng Giám Mục Justin Welby khẳng định tình dục đồng giới là một tội lỗi
Đặng Tự Do
16:48 05/08/2022


Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, của Canterbury và lãnh đạo giáo hội Anh giáo toàn cầu, đã tìm cách xoa dịu các giám mục bảo thủ trên khắp thế giới bằng cách “khẳng định tính hợp lệ” của tuyên bố năm 1998 theo đó quan hệ tình dục đồng tính là tội lỗi.

Ngài nói với hơn 650 giám mục tham dự hội nghị Lambeth được tổ chức một thập kỷ một lần rằng, đối với “phần lớn” những người Anh giáo bảo thủ, việc đặt câu hỏi về giáo huấn trong Kinh thánh là điều “không thể tưởng tượng nổi”.

Đức Cha Welby nói: “Ở nhiều quốc gia, điều đó sẽ khiến Giáo Hội trở thành nạn nhân của sự chế nhạo, khinh thường và thậm chí là tấn công. Đối với nhiều Giáo Hội, thay đổi cách giảng dạy truyền thống thách thức chính sự tồn tại của họ”.

Trong một bức thư gửi cho các giám mục ngay trước khi được mô tả là một “cuộc thảo luận mạnh mẽ” về tình dục, Đức Cha Welby nói rằng nghị quyết năm 1998, được gọi là Lambeth 1.10, là tuyệt đối “không thể nghi ngờ”.

Nhưng ngài cũng chỉ ra rằng ngài sẽ không dùng thẩm quyền của mình để kỷ luật hoặc loại trừ các Giáo Hội - bao gồm cả những Giáo Hội ở Tô Cách Lan, xứ Wales và Hoa Kỳ - là những nơi cử hành phép hôn phối hoặc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính.

Phát biểu sau phiên họp, Michael Curry, Giáo Chủ Anh Giáo Hoa Kỳ, cho biết các Giáo Hội tồn tại trong “những bối cảnh văn hóa rất khác nhau”.

Ở Mỹ, “thật không thể tưởng tượng nổi nếu chúng tôi không chúc phúc và không cử hành phép hôn phối cho các mối quan hệ yêu đương giữa những người thuộc cộng đồng LGBT”.

Chín mươi giám mục, bao gồm tám tổng giám mục, đã ký một tuyên bố nói rằng “nhiều người LGBT + trong lịch sử đã bị thương bởi giáo hội và đặc biệt bị tổn thương bởi những sự kiện trong vài tuần qua”.

Họ nói thêm rằng họ “mong chờ ngày mà tất cả chúng ta có thể cảm thấy thực sự được chào đón, đánh giá cao và khẳng định”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo giáo hội bảo thủ từ miền nam đã kêu gọi các giám mục tại hội nghị ở Canterbury trình bày lại một cách rõ ràng tuyên bố năm 1998.

Lambeth 1.10 bác bỏ “thực hành đồng tính luyến ái là không phù hợp với kinh thánh” và “đề cao sự chung thủy trong hôn nhân giữa một người nam và một người nữ trong sự kết hợp trọn đời”. Tuyên bố nói rằng các công đoàn đồng tính không nên được hợp pháp hóa hoặc chúc lành.

Justin Badi Arama, tổng giám mục Nam Sudan, cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vô cùng hoang mang về tâm linh và đạo đức. Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô không thể để mất chỗ neo đậu của mình trong thánh kinh và để mình bị trôi dạt với thế giới.

“Dựa trên nhu cầu thiết lập giáo lý rõ ràng về hôn nhân và tình dục vào thời điểm xác định này cho sự hiệp thông Anh giáo, hội nghị này phải tái khẳng định giáo huấn Kinh thánh của nghị quyết 1.10 của hội nghị Lambeth 1998.”
Source:The Guardian
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tưởng nhớ Cha Patrick, Ông Tiên Việt Nam
LM. Giuse Hoàng Ngọc Dũng /TGP Sàigon
09:36 05/08/2022
Tưởng nhớ Cha Patrick, “Ông Tiên Việt Nam” (1933 - 2022)

HẠT GIỐNG RƠI VÀO ĐẤT TỐT…

Cha Patrick Bernard Philbin chào đời vào ngày 10-7-1933 tại Akson, Summit thuộc tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình Ireland Công Giáo truyền thống có 7 người con, ngay từ rất sớm, cậu út Patrick đã khao khát được trở thành tiếng nói trung chuyển tình yêu thương của Thiên Chúa đến với những tâm hồn đang bị thương tích, đặc biệt nơi những anh chị em di dân, những thành phần bị xã hội bỏ rơi, hay tại các quốc gia chậm phát triển.

Chính tại tiểu bang Ohio, nơi những nhà truyền giáo Hội Dòng Society of Mary (Marianist) đặt những bước chân đầu tiên đến Hoa kỳ vào năm 1849, ơn gọi tông đồ đã được gieo vào trong tâm hồn của cậu bé Patrick, và hình thành ơn gọi trở nên linh mục của Hội Dòng.

Hoàn tất chương trình trung học vào tháng 6 năm 1951, chàng thanh niên Patrick gia nhập Hội Dòng vào cùng năm ấy. Sau tiến trình đào luyện, tu sĩ Patrick chịu chức linh mục vào ngày 25-1-1972 và phục vụ trong các sứ vụ Hội Dòng trao phó.

Sau thời gian phục vụ Hội Dòng, khi tuổi đã xế chiều, cha Patrick muốn dành thời gian cuộc đời còn lại tập chú vào việc phục vụ triệt để hơn nữa. Đáp ứng nguyện vọng của cha, Đức Giám Mục giáo phận Orange County, California, đã bổ nhiệm cha làm linh mục linh hướng cho các sinh viên ở trường Đại học California, Irvine (University of California, Irvine - UCI).

Trong khi thi hành sứ vụ linh hướng, cha có nhiều cơ hội gặp gỡ các sinh viên xuất thân từ gia đình gốc Việt Nam. Cha được đánh động từ những câu chuyện do các sinh viên kể lại: những đau thương của những người dân “boat-people (thuyền nhân)” được cả thế giới biết đến, những nỗ lực cố gắng vươn lên từ những khó khăn đầu tiên trên vùng đất lạ… Những câu chuyện thật cảm động về những con người bị tổn thương tâm lý và thể lý sau chiến tranh, là những trải nghiệm cuộc đời của cha, mẹ, ông, bà - mà các sinh viên Việt Nam thuật lại - đã được cha Patrick chăm chú lắng nghe. Chính từ văn phòng linh hướng của trường đại học Irvine danh giá tại Hoa Kỳ, mà cha cảm nghiệm tiếng gọi của Chúa mời gọi cha đến phục vụ tại một đất nước có nhiều huyền thoại tuyệt vời về con người lẫn vùng đất.

DUYÊN KỲ NGỘ

Duyên kỳ ngộ đã đến với cha Patrick để từ đây cha gắn bó trọn tình với Giáo hội Việt Nam, với lòng thao thức không ngơi làm điều tốt nhất cho những người gặp những hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Cuối năm 2000, một sinh viên Việt Nam - anh Duy Đỗ - nghe tin chính quyền quyết định giải tỏa nghĩa trang nơi chôn cất ba mẹ của anh. Anh Duy đã mạo muội thưa với cha linh hướng với những giọt nước mắt lưng tròng, “Xin cha giúp con, cùng về Việt Nam đến thăm người thân trong gia đình con, và làm phép hài cốt của ba mẹ con khi được cải táng.” Như có một sức mạnh thiêng liêng thúc đẩy, cha đã đồng ý ngay, dù cũng không biết mình sẽ phải làm gì, và làm như thế nào. Đây chính là lần đầu tiên cha đến Việt Nam, vào tháng 12 năm 2000.

Lần đầu tiên cha chứng kiến tận mắt những sinh hoạt của người dân Việt Nam khi đến gặp gỡ chia sẻ với gia đình Duy. Cha Patrick đã giúp anh lo tổ chức cải táng phần mộ cho ba mẹ anh được yên nghỉ một lần nữa tại nghĩa trang của Dòng nữ Đaminh tại Biên Hòa. Sau đó, Duy đã mời cha Patrick tham quan Nhà thờ Đức Bà và những thắng cảnh khác ở Sài Gòn.

Trước khi kết thúc chuyến đi, cha đã tới thăm Tòa Tổng Giám Mục, tại đây cha đã gặp anh Tuấn cùng với lời ngỏ ý nhưng đầy nài nỉ, “xin cha giúp dạy tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam chúng con”. Trở lại Hoa Kỳ, cha đã sắp xếp bàn giao công việc tại đây, để dấn bước cho một hành trình sứ vụ mới. Khi nhìn lại, cha đã nói đùa rằng: Đây là quyết định sai lầm của ngài.[1]

Xét theo cái nhìn bình thường của con người thì quả là rất sai lầm khi dám dấn thân vào một sứ vụ mà chưa có được một bề sâu nghiên cứu về văn hóa, tập tục, ngôn ngữ của đất nước và dân tộc mà mình sẽ đến để phục vụ; quả là sai lầm khi chưa biết nói được những câu tiếng Việt căn bản, và cũng khó để có thể học thêm một ngôn ngữ mới khi tuổi đã lớn. Thế nhưng chỉ vì sự rung động của con tim như Chúa Giêsu, cha đã mạnh dạn tiến bước. Chính từ sứ vụ này mà cha đã có thể khẳng định rằng: “Tuy thể lý tôi là người Irish, nhưng tâm hồn tôi là Việt Nam.”

HÀNH TRÌNH SỨ VỤ TẠI VIỆT NAM

Kể từ khi bén duyên với con người và đất nước Việt Nam, một chương trình mới cho sinh hoạt thường kỳ hằng năm của cha Patrick đã diễn ra trong suốt 21 năm cuối đời. Đó là những chuyến bay đường dài Hoa Kỳ - Việt Nam thường xuyên hai lần mỗi năm. Mỗi lần như thế, cha ở lại Việt Nam trong ba tháng để dạy tiếng Anh và làm những công việc bác ái.

Cũng trong thời gian này, năm 2005, Học viện Mục Vụ thuộc Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận bắt đầu hoạt động. Cha Giám đốc lúc đó - linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm (nay là Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho) - đã mời cha Patrick dạy một số lớp tiếng Anh. Ngoài ra, từ năm 2008 - khi Nhà Chủng Sinh Dự Bị bắt đầu chương trình huấn luyện cho các ‘tiền-chủng sinh’ - cha Louis Nguyễn Anh Tuấn (nay là Giám Mục Phụ Tá TGP Sài Gòn và Giám quản Hà Tĩnh) đã mời cha Patrick giúp anh em ‘tiền-chủng sinh’ môn tiếng Anh.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, sự tận tâm, kiên nhẫn, và vui tính của “ông giáo Mỹ dạy tiếng Anh” đã khiến các nhà dòng cũng tìm đến xin cha thương giúp cho cộng đoàn của mình. Cha Patrick đặc biệt ưu tiên cho các chị em Dòng Kín Cát Minh. Cha biết các chị em không có cơ hội đến các trường hay các học viện, nên cha sẵn sàng giúp cho chị em… vì thế mà cứ hằng tuần trong năm học, kết thúc giờ dạy tại Trung tâm Mục Vụ cho các em chủng sinh dự bị, cha lặng lẽ bước sang tu viện Cát Minh để dạy các chị em. Thời gian còn lại, cha dành để đến với các cộng đoàn, nhà dòng khác… nên có thể nói cha không có thời gian trống trong ngày sống tại Việt Nam.

Chính từ những lớp tiếng Anh dành cho các sơ Dòng Kín Cát Minh, dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ… mà cha được nghe các nữ tu kể về những mảnh đời bất hạnh của bà con giáo dân trên những vùng đất truyền giáo; để rồi trái tim trắc ẩn của cha rung lên, và cha nhận ra lời mời gọi trở nên sứ giả bác ái đến với những mảnh đời bất hạnh hoặc những cộng đoàn người dân tộc thiểu số tại những vùng cao.

Và cũng từ đó, sau mỗi hai học kỳ dạy tiếng Anh, thời gian cha trở về lại Hoa Kỳ đã không còn là lúc để cha nghỉ ngơi nữa, mà là để tìm kiếm nguồn trợ giúp cho công việc tông đồ bác ái hiện tại. Cha tiếp xúc với giáo dân tại những giáo xứ cha đến dâng lễ, trình bày với họ về công việc tông đồ của ngài, và khiêm tốn đón nhận những đóng góp của giáo dân… để có được nguồn ngân quỹ thực thi những công việc bác ái thông qua nhiều dự án và ở nhiều vùng miền khác nhau.

Các dự án gồm có chương trình cung cấp nước sạch, xây nhà tình thương, tặng học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, thăm và tặng nhu yếu phẩm cho các mái ấm khiếm thị, câm điếc, trẻ em mồ côi, người già neo đơn... Ngoài ra, cha còn dành thời gian thăm và giúp các trại cùi ở Bến Sắn, Bình Dương, Đơn Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận...

Bên cạnh đó, cha thường xuyên hỗ trợ cho các đoàn bác sĩ thiện nguyện để họ đi tới khám và phát thuốc, phát quà cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa khắp các tỉnh Miền Trung, Miền Đông và Tây Nam Bộ.

Cha cũng đặc biệt giúp viện phí cho các bệnh nhân nghèo được phẫu thuật và điều trị trong các trường hợp nguy cấp như là mổ bướu, mổ mắt hoặc tim… Có những gia đình không đủ thu nhập để nuôi con và sinh sống, thì hằng tháng cha giúp đỡ sinh hoạt phí cho họ.

Cha kể lại, có lần nọ một người bố quyết định bán đi quả thận của mình để có tiền đóng cho ca phẫu thuật con trai của ông. Được biết đến cha Patrick, người bố đã tìm cách liên hệ và xin trợ giúp. Cha đã nhanh chóng thuật lại hoàn cảnh của ông với một số giáo dân quen biết. Chỉ sau vài ngày, cha đã chuyển gấp ngay số tiền quyên góp được về đến Hà Nội - cứu người con có được ca giải phẫu và giúp người bố giữ được quả thận.[2]

KHI THÁI SƠN NGẢ BÓNG

Lễ Giáng Sinh năm 2019, cha Patrick đang trong chương trình dạy tiếng Anh cho các chủng sinh dự bị thì ngã bệnh. Cha được đưa vào cấp cứu và điều trị tại bệnh viện American International Hospital trong suốt thời gian hai tháng. Vào thời điểm ấy, cha vẫn không hiểu tại sao những điều này lại xảy đến cho cha - khi cha đã tìm mọi cách để giúp bao nhiêu con người, đã giúp một ông bố không phải bán quả thận của mình, thì hai quả thận của chính cha lại không hoạt động được nữa. Trong tĩnh lặng khi nằm điều trị tại bệnh viện, cho dẫu không tìm ra lời giải đáp cho thuận lý, cha vẫn vui vẻ đón nhận vác thập giá của chính mình, noi gương Thầy Giêsu chí thánh.

Sau hai tháng điều trị tại Việt Nam, cha đã trở về Orange County - quê nhà của cha - và được chăm sóc tại Viện Dưỡng Lão. Thời gian này tình hình thế giới cũng bắt đầu chuyển biến trước đại dịch Covid. Các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới, và mọi hoạt động đều dừng lại.

Sinh hoạt của cha Patrick tại Viện Dưỡng Lão không như những người khác. Hằng ngày cha vẫn tự mình lái “con ngựa sắt” Toyota đời năm 2000, đến các giáo xứ chung quanh để dâng lễ theo phiên định kỳ. Trở về phòng, cha ngồi trả lời email, trả lời những cuộc gọi qua các ứng dụng online, những buổi học online, hay những cuộc chia sẻ tâm linh với các nữ tu Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn, mua sách học và và gửi về cho các em chủng sinh dự bị… Có thể nói tuy sống ở nhà hưu nhưng cha vẫn không ngừng làm việc cho Việt Nam.

Cha không ngừng dâng những đau khổ cha đang chịu đựng do bệnh tật cùng với ý nguyện của những người xin cha cầu nguyện cho, những lời cầu xin mà hằng ngày cha vẫn thầm thĩ dâng lên Chúa: “Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa đau đớn mà con đang trải qua để cầu nguyện cho một người ung thư đang xin được ơn lành bệnh, cho một người con biết ăn năn trở về với Chúa, cho P. có việc làm mới…” Đồng thời, cha cũng xác tín rằng cha cũng được các nữ tu Cát Minh, các linh mục, các chủng sinh đã từng là học trò của cha… hằng ngày vẫn đang cầu nguyện cho cha.

Trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh Covid, cha vẫn thường xuyên liên lạc với các học trò - các chủng sinh và các tu sĩ nam nữ tại Việt Nam - qua các phương tiện truyền thông online. Khi chính phủ một số các quốc gia kiểm soát được dịch bệnh, đường biên giới, các chuyến bay đến và đi đã mở lại, thì ước mơ đầu tiên của cha Patrick là được về Việt Nam tiếp tục giảng dạy tiếng Anh và linh đạo. Thế nhưng dự định ấy của cha đã không thành hiện thực.

Ngày 25-7-2022, cha Patrick đã được Chúa gọi về sau khi hoàn tất hành trình trên trần thế này với 89 năm làm con Chúa và 69 năm sống trong ơn gọi thánh hiến của một thành viên Dòng Con Đức Mẹ Maria.

NHỮNG ĐIỀU CÒN LẠI…

Cha Patrick đã lên đường về Nhà Cha Trên Trời, một chuyến đi không hề bất ngờ, vì cha đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày lên đường này rồi. Khi được các học trò hỏi về bí quyết sống của mình, Cha đã trả lời không chút đắn đo, đó là hãy luôn sống tâm tình biết ơn Thiên Chúa, từ giây phút đầu tiên của ngày mới khi mở mắt thức giấc cho đến phút cuối ngày đi vào giấc ngủ: Hãy luôn nhận ra ơn Chúa, sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong mọi sinh hoạt, để không ngừng cất tiếng cảm ơn Chúa. Và cha nhấn mạnh, “Hãy không ngừng cất tiếng tạ ơn: Thank you My Love -Tạ ơn Chúa.”

Cha đã sống và thường nhắn nhủ với các linh mục: Hãy bày tỏ lòng thương cảm dành cho bất cứ ai đến với mình, hãy phản ánh trung thực hình ảnh Chúa Giêsu giàu lòng thương xót với bất cứ ai đến với Chúa. Linh mục hãy bắt chước Chúa sống như thế.

Khi nghe tin cha Patrick kết thúc hành trình trần thế, chắc chắn rất nhiều người Việt Nam không thể không ngậm ngùi xúc động. Một “ông Tiên Việt Nam” dễ mến, dễ gần, cho dẫu chỉ nói được vài câu tiếng Việt, nhưng đã mau chóng trở thành thân thiết với nhiều người, vì ông Tiên đã lắng nghe bằng con tim thấu cảm, hơn là bằng đôi tai nghe một ngôn ngữ khác biệt. Và nụ cười luôn nở trên khuôn mặt nhân hậu đem lại sự ấm áp, gần gũi, cũng như năng lượng tích cực cho bất cứ ai đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ với cha Patrick. “Cám ơn cha đã cho chúng con những bài học sống động cho công việc mục vụ của chúng con ngày hôm nay”.

Linh mục Giuse Hoàng Ngọc Dũng (TGPSG)

tổng hợp từ những tư liệu tiếng Việt và tiếng Anh

trên YouTube và những kênh truyền thông khác



[1] Trả lời phỏng vấn của Joseph Dao (recorded and archived on October 26, 2021)

[2] Ibid.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh ngọn đèn cháy sáng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:16 05/08/2022
Hình ảnh ngọn đèn cháy sáng

Khi trời tối ban đêm, hay cả khi ban ngày trong nhà đóng cửa kín không có ánh sáng chiếu lọt vào, luôn cần có ánh sáng của đèn dầu,hay đèn điện chiếu tỏa soi đường chỉ lối cho sinh hoạt trong cuộc sống.

Ánh sáng ngọn đèn cháy sáng mang đến niềm vui, không khí phấn chấn an ủi cho con người cùng cả thú vật nữa, như cho người bệnh, cho thú vật nuôi nhốt trong chuồng, trong rừng hoang…

Ánh sáng chiếu tỏa từ ngọn đèn xóa tan đẩy lùi bóng tối tăm sang một bên. Khuôn mặt những vật thể khi có ánh sáng chiếu dọi tới lộ diện ra được nhìn thấy rõ rệt hơn.

Các xe hơi lúc chạy trên đường ngày cũng như đêm, nhất là khi đi vào đường hầm u tối…cũng bật đèn sáng không phải chỉ để chiếu sáng cho thấy rõ đường, nhưng còn để được các xe khác cùng chiều chạy song song bên cạnh, hay xe chạy hướng ngược chiều tuyến bên cạnh nhìn thấy mà tránh khỏi bị tai nạn va chạm đụng vào nhau..

Ánh sáng ngọn đèn chiếu soi mang đến trật tự toàn cho đời sống.

Ngọn đèn cháy sáng báo hiệu người cầm đèn vẫn còn tỉnh thức, vẫn còn chờ đợi.

Cha mẹ thường bật đốt một ngọn đèn nhỏ trong phòng con nhỏ thơ ấu của mình. Khi em bé giật mình thức giấc mà nhìn thấy ánh sáng ngọn đèn em sẽ bớt sợ hãi kêu la khóc lóc.

Có những cha mẹ dùng ngọn đèn có cảm biến, hễ khi nào người con thức giấc kêu khóc, ngọn đèn sẽ tự động bật sáng lên để báo hiệu.

Trong căn phòng của người bệnh, người cao niên cũng thường hay bố trí có ngọn đèn nhỏ cháy sáng mờ nhạt vào ban đêm, để giúp họ bớt cảm thấy cô đơn sợ hãi.

Có những căn nhà trang bị những ngọn đèn tự động chiếu sáng vào ban đêm tối trời. Hễ khi có người hay con vật nào chạy ngang qua, ngọn đèn bật chiếu sáng lên báo hiệu nhà được canh giữ.

Ánh sáng ngọn đèn chiếu tỏa sự an ninh.

Chúa Kitô Giêsu đã dùng dụ ngôn năm người trinh nữ canh thức cầm đèn đón chờ chủ rể tới ( Mt 25,1-13) nói lên ý nghĩa của ngọn đèn cháy sáng: chúng tôi luôn sẵn sàng chờ đợi. Ngọn đèn cháy sáng trên tay chúng tôi là dấu hiệu không những chúng tôi còn tỉnh thức, nhưng nhiều hơn thế nữa. Tình yêu mến của chúng tôi luôn có để ngọn đèn cháy sáng, cho dù phải chờ đợi lâu cả trong mỏi mệt, cho dù phải cố gắng nỗ lực hy sinh.

Về tình trạng đời sống tâm linh phải sẵn sàng, Chúa Kitô Giesu dùng ngọn đèn cháy sáng làm hình ảnh ví dụ cho cung cách đời sống đạo đức tinh thần với Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên đời sống con người.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay.” ( Lc 12,35).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long









 
VietCatholic TV
Công lý nhãn tiền: Nữ Trung Tá Nga tự xưng hung thần của dân Ukraine trúng HIMARS nổ tung tại chỗ
VietCatholic Media
03:30 05/08/2022


1. Công lý nhãn tiền: Nữ Trung Tá tàn bạo của Nga trúng HIMARS nổ tung tại chỗ

Hôm thứ Năm 4 tháng 8, các phương tiện truyền thông Nga cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã giết chết một nữ Trung Tá người Nga.

Trung tá Olga 'Kursa' Kachura, 52 tuổi, thường được gọi là Kursa, đã chết ngay tức khắc sau khi một hỏa tiễn Ukraine bắn trúng xe của cô khi cô đang lái xe ở thành phố Horlivka, thuộc vùng Donetsk của Ukraine. Margarita Simonyan, người đứng đầu mạng RT, cho biết: 'Kursa huyền thoại đã chết ở Horlivka... Cầu mong cô ấy yên nghỉ”.

Trung tá Olga Kachura nổi tiếng vì thường khoe khoang trên các phương tiện truyền thông của Nga về việc cô ta thích giết người Ukraine như thế nào; và quân đội của cô ta đã bắn vào dân thường ở Donbas ra sao.

Olga Kachura đã trở thành nữ sĩ quan cao cấp đầu tiên của Nga thiệt mạng. Tờ Mạc Tư Khoa Thời Báo cho biết Olga là Trung Tá Trung đoàn trưởng pháo binh phụ trách 140 xạ thủ.

Đơn vị của cô đã bắn vào dân thường ở vùng Donbas; và Kachura sau đó khoe rằng cô rất thích giết người Ukraine trong các cuộc phỏng vấn trên các kênh tuyên truyền của Điện Cẩm Linh.

Olga có cha mẹ đều là người Nga, được Liên Xô cài cắm sang Ukraine. Cô ta sinh tại Ukraine và từng làm việc trong Sở Cảnh sát Horlivka của Ukraine trước khi vùng này bị Nga chiếm đóng vào năm 2014.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 5 tháng 8, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết cô ta đã đào tẩu sang Nga vào năm 2014 sau khi Putin kích động một cuộc nổi dậy ở Donbas.

Theo các lực lượng vũ trang Ukraine, cô thường cải trang thành một thành viên của lực lượng Ukraine để thực hiện các tội ác chiến tranh nhằm làm mất uy tín của họ.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine nhấn mạnh rằng “Olga là kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của dân thường trong các vụ pháo kích vào các thành phố ở vùng Donbas. Vì điều này, cô ta bị kết án 12 năm tù trong một phiên xử vắng mặt.”

Olga trở thành một trong những sĩ quan cấp cao mới nhất của Nga bị giết ở Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Nga đang thực hiện một cuộc xâm lược tàn bạo vào Ukraine, và đã vấp phải các phản ứng quyết liệt của các lực lượng Ukraine đang nỗ lực bảo vệ đất nước của họ một cách anh hùng.

Kachura được ghi nhận là sĩ quan thứ 97 được tường trình đã thiệt mạng trong cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

Ông Putin đã truy phong Olga danh hiệu Anh hùng Nga - là phần thưởng cao quý nhất của Điện Cẩm Linh - 'vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của cô ấy được thể hiện trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự'.

Olga là một người rất nổi tiếng ở Nga. Không giống như một số nước phương Tây, phụ nữ Nga rất hiếm khi gia nhập quân đội. Đã gia nhập quân đội còn huênh hoang khoe khoang thú tính muốn giết người thì càng hiếm hơn nữa.

2. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine: Putin đi dạo chụp hình là Putin giả, Putin nằm thở phì phò là Putin thật

Quan chức tình báo hàng đầu của quân đội Ukraine tuyên bố rằng những kẻ đóng giả Putin có đôi tai rất khác với Tổng thống Nga Vladimir Putin; và ông ta đã triển khai các cuộc dạo chơi công khai gần đây để che giấu các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Giám đốc tình báo quân đội Ukraine, Thiếu tướng Kyrylo Budanov đã cho biết như trên trong một chương trình truyền hình và các cuộc phỏng vấn với các nhà báo. Ông nhấn mạnh rằng chỉ cần nhìn vào đôi tai của Putin trong một số lần xuất hiện trước công chúng, người ta có thể nhận ra dễ dàng trò đóng giả này.

“Những hình ảnh này cho thấy đôi tai rất khác nhau. Giống như dấu vân tay, tai của mỗi người là duy nhất. Nó không thể được lặp lại,” ông nói với tờ Newsweek.

Nhưng Budanov nói rằng còn nhiều điểm dị biệt khác nữa.

“Cơ thể của Putin thật và những kẻ đóng giả Putin có những thói quen khác nhau, cách cư xử khác nhau, dáng đi khác nhau, thậm chí đôi khi cả chiều cao khác nhau, nếu bạn nhìn kỹ,” ông nói.

Lý thuyết của tướng Budanov về những người đóng thế không phải là lần đầu tiên được đưa ra.

Vào năm 2018, tờ The International Business Times gọi đây là “một trong những thuyết âm mưu hợp lý một cách bất thường”, khi một người dùng Twitter trích dẫn ba bức ảnh chụp Putin xuyên thời gian để gợi ý rằng cựu điệp viên KGB trên thực tế là ba người khác nhau.

Theo tướng Budanov, trong một số bức ảnh, người ta thấy mặt của Putin sưng phù lên. Nhưng những bức ảnh khác lại thấy nhà lãnh đạo điện Cẩm Linh tươi tắn và tràn đầy sức sống đến mức khiến nhiều người nghi ngờ đối với những báo cáo cho rằng Putin đang ốm nặng.

Người đứng đầu CIA - cũng như người đứng đầu MI6 của Anh - đều tỏ ra nghi ngờ về những báo cáo như thế, khi tuyên bố tại Diễn đàn An ninh Aspen vào tháng trước rằng nhà lãnh đạo Nga dường như khá khỏe mạnh.

3. Tình hình chiến trường phía Nam Ukraine

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 5 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết

Ở phía nam, lực lượng vũ trang Ukraine loại khỏi vòng chiến 47 binh sĩ Nga, 7 đơn vị thiết bị của đối phương. Tình hình trong vùng tác chiến của hướng Nam Buh rất phức tạp và manh động nhưng các lực lượng phòng thủ đã kiểm soát được.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vao các huyết mạch vận tải và các tuyến đường hậu cần của quân đội Nga trong các vùng lãnh thổ Kherson bị tạm chiếm.

Vào đêm ngày 4 tháng 8, quân xâm lược tiếp tục nã pháo vào các vị trí của Ukraine và các địa phương đông dân cư trong tầm bắn của pháo binh và sử dụng các hệ thống hỏa tiễn đóng tại Crimea tạm thời bị chiếm đóng.

Đặc biệt, quân đội Nga đã bắn hỏa tiễn chống hạm Oniks từ Crimea vào khu vực Odesa vào ban đêm và phát nổ trên không khi bị chận đánh.

Vùng Mykolaiv nằm dưới làn đạn hệ thống hỏa tiễn hàng loạt của Smerch. Các hỏa tiễn lao vào các khu vực trống của quận Bereznehuvate và Bashtanka. Không có thương vong hoặc thiệt hại được báo cáo.

Những kẻ xâm lược cũng tấn công quận Tsentralnyi của thành phố Mykolaiv, phá hủy các cơ sở không phải là các khu dân cư tập trung, làm hư hại khoảng 10 ngôi nhà và lưới điện. Một quả hỏa tiễn chưa nổ đã rơi trúng giữa đại lộ Tsentralnyi. Không có thương vong được báo cáo.

Theo Bộ Chỉ huy Tác chiến Phía Nam, 11 tàu và thuyền của hạm đội Nga tiếp tục thực hiện các cuộc diễn tập ở khoảng cách xa tầm với của hỏa tiễn ở Hắc Hải ngoài khơi Crimea theo hướng thành phố Novorosiysk.

Đối phương có 16 tàu sân bay hỏa tiễn Kalibr và 3 tàu đổ bộ lớn trong tình trạng báo động.

4. Quân đội Ukraine chiếm lại hai khu định cư ở miền đông Ukraine

Trong bản báo cáo thứ Sáu 5 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng Ukraine đã giải phóng hai khu định cư ở miền đông Ukraine trong mấy ngày qua.

Trung Tá Oleksii Hromov, Phó cục trưởng Cục tác chiến của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine nói:

“Quân đội của chúng ta đã cải thiện vị trí chiến thuật của mình và tiến sâu vào các tuyến phòng thủ của đối phương bên ngoài các khu định cư Mazanivka, Brashkivka, Sulyhivka và Dmytrivka. Họ đã giải phóng hai khu định cư - Mazanivka và Dmytrivka.”

Trung Tá Oleksii Hromov nhận định rằng kế hoạch tác chiến của hai Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Sergey Vladimirovich Surovikin đã được các phương tiện truyền thông Nga đánh bóng, xem ra đã thất bại nặng nề. Không những chẳng chiếm được thêm một lãnh thổ nào, quân Nga còn đang mất dần những gì họ đã chiếm được.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 5 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có một cuộc họp với Putin để báo cáo về chiến thắng tại Lysychansk. Thay vì nhận được những lời khen ngợi, Sergei Shoigu đã nhận được một tin bất ngờ như gáo nước lạnh tạt vào mặt.

Putin nói: “Hôm nay, Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Đại tướng Lục quân Sergey Vladimirovich Surovikin cũng đã báo cáo với tôi về tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao và các đề xuất của họ về việc phát triển các chiến dịch tấn công tiếp theo”.

Hai Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Sergey Vladimirovich Surovikin đã báo cáo vượt cấp thẳng cho Putin mà không qua Sergei Shoigu.

Các phương tiện truyền thông Nga không thích Shoigu tung hô tin tức này, và bày tỏ hy vọng tràn trề vào chiến lược mới. Tuy nhiên, sau gần hai tuần Nga tấn công theo kế hoạch mới, Ông Richard Moore, người đứng đầu Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, gọi tắt là MI6, nói, Nga vẫn vô kế khả thi, thậm chí “sắp cạn kiệt sức lực”, và khi lực lượng của họ mệt mỏi, Ukraine sẽ có cơ hội đánh trả.

5. Người đứng đầu NATO: Chúng ta đang chứng kiến sự tàn phá chưa từng thấy kể từ Thế chiến II

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng liên minh quân sự “không thể thờ ơ” với “cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo” mà Nga đang gây ra cho Ukraine.

Ông nói trong một bài phát biểu tại Na Uy hôm thứ Năm: “Chúng ta đang chứng kiến những hành động chiến tranh, tấn công dân thường và sự tàn phá chưa từng thấy kể từ Thế chiến II.

Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, đồng thời ca ngợi liên minh này đã đi trước trong việc chấp nhận Phần Lan và Thụy Điển là thành viên mới của mình.

“ Một vài giờ trước, Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn các giao thức gia nhập. Điều này đưa đến con số 23 Đồng minh hiện đã phê chuẩn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO... cho đến nay, đây là quá trình gia nhập nhanh nhất trong lịch sử hiện đại của NATO”

Ông cũng thừa nhận sự hỗ trợ của NATO đối với Ukraine phải trả giá đắt.

“Chúng tôi phải trả giá cho sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine. Đối với quân đội, nhân đạo và hỗ trợ tài chính. Đối với các lệnh trừng phạt, đã dẫn đến lạm phát gia tăng và giá cả cao hơn ở các nước của chúng tôi. Nhưng hãy nhớ rằng - cái giá mà chúng ta phải trả có thể được tính bằng tiền. Cái giá mà Ukraine phải trả được đo bằng mạng sống của con người. Hàng trăm người bị giết hoặc bị thương mỗi ngày.”

Stoltenberg cho biết NATO không thể cho phép Nga thành công ở Ukraine:

Một thế giới mà bài học cho Putin là ông ấy đạt được điều mình muốn bằng cách sử dụng vũ lực quân sự cũng là một thế giới nguy hiểm hơn đối với chúng ta. Nếu Nga thắng trong cuộc chiến này, điều đó sẽ xác nhận rằng bạo lực là có hiệu quả, bạo lực dẫn đến thành công. Một chiến thắng của Putin tại Ukraine sẽ suy tôn bạo lực. Sau đó, các nước láng giềng khác có thể là những nạn nhân tiếp theo.

6. Thêm 3 tàu ngũ cốc dự kiến sẽ rời cảng Ukraine vào thứ Sáu

Chính phủ Ukraine và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ba tàu nữa dự kiến sẽ rời các cảng của Ukraine vào thứ Sáu đầy ắp ngũ cốc.

Oleksandr Kubrakov, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, cho biết trên Facebook rằng “từ 5 đến 8 giờ sáng, hai tàu dự kiến sẽ khởi hành từ cảng Chornomorsk, và một từ cảng Odesa. Sau đó, một đoàn lữ hành sẽ được hình thành, cùng với con tàu dẫn đầu, sẽ rời cảng Odesa”.

Ông cho biết ba tàu chở hàng sẽ cùng nhau chở hơn 50 nghìn tấn ngô Ukraine.

“Chúng tôi hy vọng vào sự chuyên nghiệp của tất cả những người có liên quan,” Kubrakov nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar, xác nhận ba tàu sẽ ra khơi dưới sự bảo trợ của thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc, Nga và Ukraine ký vào ngày 22/7.

“Kết quả của sự phối hợp và làm việc căng thẳng tại trung tâm Điều phối chung, 3 tàu dự kiến sẽ ra khơi từ các cảng của Ukraine... Ngoài ra, một tàu trống dự kiến sẽ di chuyển đến Ukraine sau khi được kiểm tra tại Istanbul,” Akar nói.

7. Zelenskiy: Không có gì có thể biện minh cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga ở Ukraine

Trong bài phát biểu hàng đêm gởi quốc dân đồng bào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định không có gì có thể biện minh cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga ở Ukraine.

“Hôm nay, những kẻ khủng bố Nga một lần nữa nổ súng vào Toretsk, vùng Donetsk, đánh vào trạm dừng phương tiện giao thông công cộng. 8 người chết, 3 trẻ em nằm trong số những người bị thương. Các tòa nhà dân cư bị hư hại do mảnh đạn và sóng nổ - đó là những tòa nhà cao tầng bình thường. Nhà thờ St. Panteleimon cũng bị hư hại, linh mục bị thương.”

Tổng thống lưu ý rằng đó là một cuộc tấn công có chủ ý của quân xâm lược Nga, một hành động khủng bố khác – hoàn toàn có tính toán.

Zelenskiy nói: “Họ biết họ sẽ đánh vào đâu và rõ ràng là họ muốn mọi người bị thương.”

Tuy nhiên, Tổng thống nhấn mạnh rằng không có báo cáo rõ ràng và kịp thời từ một số tổ chức quốc tế liên quan đến vụ này và hàng nghìn tội ác khác của những kẻ khủng bố Nga.

“Hôm nay chúng tôi đã thấy một báo cáo hoàn toàn khác của Tổ chức Ân xá Quốc tế, rất tiếc là họ đang cố ân xá cho quốc gia khủng bố và chuyển trách nhiệm từ kẻ xâm lược sang nạn nhân. Không thể có - ngay cả về mặt giả thuyết - bất kỳ điều kiện nào mà theo đó một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trở nên chính đáng. Các cuộc tấn công chống lại nhà nước của chúng ta là khủng bố vô cớ, xâm lược và công khai. Và nếu ai đó đưa ra một báo cáo trong đó đánh đồng nạn nhân và kẻ xâm lược, nếu một số dữ liệu về nạn nhân được soi mói và những gì kẻ gây hấn đang làm vào thời điểm đó lại bị bỏ qua, thì điều này không thể dung thứ được.”
 
FBI truy nã những kẻ tấn công nhà thờ và các trung tâm Công Giáo. Tuyên bố của HĐGM Hoa Kỳ
VietCatholic Media
04:16 05/08/2022


1. FBI công bố ảnh nghi phạm trong vụ tấn công bằng lựu đạn tự chế vào trung tâm thai nghén Nashville

Cục Điều tra Liên bang đã công bố các bức ảnh của một nghi phạm trong vụ mưy toan đánh bom một trung tâm trợ giúp mang thai ngày 30 tháng 6 ở Nashville, Tennessee. Họ đang yêu cầu sự giúp đỡ của công chúng trong việc xác định nghi phạm.

Các bức ảnh, do văn phòng hiện trường Memphis của FBI công bố, cho thấy một cá nhân mặc quần áo tối màu với mũ trùm đầu. Một bức ảnh về chiếc xe của cá nhân cũng được công bố rộng rãi. Từ bức ảnh, người ta không rõ hiệu xe.

Vào ngày 30 tháng 6, vào khoảng 1:30 sáng, một cá nhân đã ném một quả lựu đạn tự chế qua cửa sổ tại Phòng khám Phụ nữ Hope. Nó đã không phát nổ và cửa sổ đã được thay thế.

Dòng chữ “Jane's Revenge” được viết trên nền phòng khám cũng đã được xóa sạch.

Thông cáo báo chí ngày 26 tháng 7 cho biết: “Bất kỳ ai có thông tin đều được khuyến khích gọi cho Văn phòng FBI Memphis Field theo số 901-747-4300 hoặc liên lạc trực tuyến tại tips.fbi.gov”

Kailey Cornett, giám đốc điều hành và giám đốc điều hành của Hope Clinic for Women, nói với CNA ngay sau hành động phá hoại rằng nhóm của cô ấy rất kiên cường và đã nhận được rất nhiều lời cầu nguyện và ủng hộ.

“Chúng tôi ở đây để làm những gì chúng tôi được kêu gọi để làm và đó là để phục vụ phụ nữ,” cô nói vào thời điểm đó. “Chúng tôi đã có thể tập hợp lại nhau và hỗ trợ lẫn nhau ngày hôm qua, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã sẵn sàng để trở lại cung cấp dịch vụ chăm sóc ngày hôm nay.”

Kể từ khi tin tức nổ ra vào tháng 5 rằng Roe kiện Wade có thể bị lật ngược, sự gia tăng các báo cáo về hành vi phá hoại của các trung tâm trợ giúp mang thai đã trở thành tiêu đề. Roe, được liên bang hợp pháp hóa việc phá thai, đã bị lật tẩy vào ngày 24 tháng 6. Sự phá hoại của cả trung tâm thai nghén và nhà thờ Công Giáo đã tiếp tục kể từ đó.

Vào tháng 6, FBI đã thông báo rằng họ đang điều tra các cuộc tấn công vào các trung tâm trợ giúp mang thai và nhà thờ. Kể từ khi được công bố, có rất ít báo cáo về các vụ bắt giữ. Không có báo cáo nào được biết về bất kỳ vụ bắt giữ nào liên quan đến hành vi phá hoại tại các trung tâm trợ giúp mang thai, và các nhà thờ.
Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục bày tỏ nỗi đau trước việc giết hại hơn 30 viên chức cảnh sát trong năm nay ở Colombia

Hội đồng Giám mục Colombia bày tỏ sự chia buồn với Cảnh sát Quốc gia “vì đã mất nhiều thành viên” cho đến nay vào năm 2022. Các viên chức đã bị giết bởi các băng nhóm tội phạm, đặc biệt là Clan del Golfo.

Cho đến nay trong năm nay, 36 cảnh sát đã thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Theo Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, Tướng Jorge Luis Vargas Valencia, các viên chức đã là nạn nhân của cái gọi là “kế hoạch súng lục” của tổ chức tội phạm được gọi là Clan del Golfo.

Trong một bức thư ngày 27 tháng 7 gửi cho Vargas, các giám mục bày tỏ “lời chia buồn chân thành của họ về sự mất mát của nhiều thành viên của Cảnh sát Quốc gia.”

“Chúng tôi muốn gửi những tình cảm này đến tất cả gia đình của các viên chức cảnh sát đã ngã xuống trong nghĩa vụ”, hội nghị nói.

Trong bức thư, các giám đốc Colombia tái hiện “lòng biết ơn đối với sự việc hiến thân quên mình của tất cả các viên chức tạo nên lực lượng cảnh sát, nơi hình thành nên sự hiện diện thể chế ở các vùng và lãnh thổ khác nhau của đất nước Colombia thân yêu của chúng ta.”

Các giám mục kêu gọi các tín hữu tham gia ngày cầu nguyện do Giáo phận cổ động cho Quân đội vào ngày 28 tháng 7 “và vào ngày thứ Bảy để cầu nguyện với Chúa Sự Sống cho Cảnh Sát Quốc Gia và cho một đất nước hòa bình và hòa giải.”

Là một phần của ngày cầu nguyện, Giáo phận Quân đội đã dâng thánh lễ tại Trung tâm Tôn giáo của Cảnh sát Quốc gia ở Bogotá.

Đức Cha Jorge Hincapié Giám Mục của giáo phận quân đội đã dâng Thánh Lễ cho các Quân Nhân. Ngài đã kêu gọi các tín hữu tôn vinh “ký ức của tất cả các anh hùng của đất nước chúng ta”, những người đã cống hiến “cuộc sống của họ để xây dựng một đất nước vĩ đại, trong đó mọi người được tôn trọng và tự do.”

Trong bài giảng, ngài yêu cầu những người có mặt “đặt trong tay Chúa mỗi viên chức cảnh sát mà trong tháng trước, năm nay, và hàng năm, đã hiến mạng sống của mình trên bàn thờ Tổ quốc. Những viên chức cảnh sát trẻ và lớn tuổi, những người mà không lường trước được hậu quả của sự lựa chọn của họ cho Chúa và đất nước, đã hy sinh mạng sống của chính mình để tìm kiếm lợi ích cho tất cả đồng bào của chúng ta “.

Hincapié nói: “Chúng tôi cầu xin Chúa ôm lấy các anh em trong lòng thương xót vô hạn và nhân từ của Ngài.

Đức Cha cũng nhớ đến những viên chức “bị tàn sát bởi vũ khí đen tối, hèn nhát và hủy diệt và của kẻ thù giấu mặt, hãy tiếp tục cho chúng tôi tấm gương vượt khó, dũng cảm, yêu nước, yêu Tổ quốc” và động viên các viên chức cảnh sát tin cậy nơi Chúa mỗi ngày: “Con tin cậy Chúa, vì Chúa là nơi ẩn náu của con trong hiểm nguy.”

Các thánh lễ cũng đang được cử hành ở nhiều nơi khác trên đất nước để tưởng nhớ linh hồn của những cảnh sát bị sát hại.
Source:Catholic News Agency

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục bày tỏ sự thất vọng đối với Quốc Hội Hoa Kỳ

Kể từ khi Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, Quốc hội đã đưa ra các đề xuất lập pháp có hại cho lợi ích chung. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua và Thượng viện có thể sớm xem xét, một loạt các dự luật như vậy, bao gồm Đạo luật bảo vệ sức khỏe phụ nữ, Đạo luật tôn trọng hôn nhân và Đạo luật về quyền tránh thai, và đang tiến hành các dự luật nhằm loại bỏ các cấm đoán được chính quyền Trump đưa ra trong việc dùng tiền đóng thuế liên bang tài trợ cho việc phá thai và bảo vệ quyền lương tâm của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, Quốc hội đã không có hành động nào liên quan đến các biện pháp mà Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã tán thành và tiếp tục ủng hộ nhằm giúp xây dựng văn hóa sống.

Trước tình hình đó, Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), Đức Hồng Y Timothy M. Dolan ở New York, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB, Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của San Francisco, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên của USCCB, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã ra tuyên bố sau

“Quyết định của Dobbs thể hiện một cơ hội lịch sử để định hình lại xã hội cho tốt đẹp hơn. Sự bất công của việc phá thai đã nới lỏng quyền lực của nó đối với Hiến pháp của đất nước chúng ta. Chúng tôi kêu gọi Quốc hội nắm bắt khoảnh khắc đầy hy vọng này bằng cách xích lại gần nhau vì phẩm giá của mỗi con người và lợi ích chung.

“Điều này bắt đầu với sự công nhận rằng cuộc sống của mỗi con người là một món quà vô giá từ Thiên Chúa với quyền bất khả xâm phạm là được sống và được bảo vệ đầy đủ và xứng đáng về mặt pháp lý. Chúng ta cũng phải nhận ra rằng gia đình - được hình thành dựa trên tình yêu thương và sự tự hiến lẫn nhau của đôi vợ chồng - là cơ sở xây dựng đầu tiên của xã hội, và rằng việc nuôi dạy con cái vừa là một món quà lớn lao vừa là một trách nhiệm suốt đời.

“Sức khỏe, sự an toàn và sự hỗ trợ của gia đình phải là trọng tâm của tất cả các hoạch định chính sách. Một cam kết có nguyên tắc để trở nên phò sinh bao gồm cả một cam kết bảo vệ tất cả cuộc sống của con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, và những chính sách tiến bộ giúp các gia đình phát triển. Khi chúng tôi đồng hành với mọi gia đình bằng lời cầu nguyện và sự hỗ trợ, những người được dẫn dắt bởi cha mẹ nuôi hoặc đơn thân gần gũi với trái tim của chúng tôi.

“Kể từ Dobbs, quá nhiều người trong Quốc hội đã bỏ qua các dự luật có thể thúc đẩy các mục tiêu xứng đáng này và thay vào đó tập trung vào các dự luật nhằm tấn công các mục tiêu ấy. Luật pháp như vậy không có giá trị gì đối với cuộc sống của trẻ em cho đến khi chúng được sinh ra, cắt đứt tình dục và hôn nhân khỏi ý nghĩa của chúng, khuyến khích việc sử dụng con người như một phương tiện để đạt được mục đích, và sẽ tước bỏ quyền phản đối lương tâm của những người chống lại những đặc điểm nổi bật của thứ văn hóa vứt bỏ này. Chúng tôi yêu cầu tất cả các quan chức được bầu của chúng ta phải hành động để đạt được sự đồng thuận và thông qua một khoản tín dụng thuế trẻ em mở rộng, một khoản tín dụng thuế con nuôi có hoàn lại, Đạo luật Công bằng cho Người lao động Mang thai, một chính sách nghỉ phép gia đình có trả lương của liên bang, hỗ trợ thêm cho sức khỏe và hạnh phúc của người mang thai và phụ nữ nuôi dạy con cái, hỗ trợ về dinh dưỡng và nhà ở giá cả phải chăng, các hạn chế về môi trường đối với các hóa chất gây dị tật bẩm sinh, và các điều khoản hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp. Đây là những nền tảng xây dựng tầm nhìn của chúng ta trong tài liệu Đứng cùng những người mẹ”.

“Chăm sóc cho sự sáng tạo cũng là không thể thiếu để chăm sóc cuộc sống con người, và chúng tôi khuyến khích tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy các đề xuất nhằm bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và thúc đẩy hạnh phúc của cuộc sống con người và môi trường trong những năm tới..

“Các gia đình và cá nhân, xã hội dân sự, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và các nhóm tôn giáo, quan chức chính quyền các cấp - và đặc biệt là các thành viên Quốc hội - nên tự hỏi bản thân họ đang hỗ trợ các gia đình như thế nào vào thời điểm này, đặc biệt là xung quanh việc chào đón cuộc sống mới và nuôi dạy con cái qua tuổi trưởng thành.

“Giáo huấn xã hội của Công Giáo chỉ ra con đường dẫn đến một nơi tốt đẹp hơn - một xã hội được đánh dấu bằng công lý, tương trợ, công bằng, tình bạn, lòng thương xót và tình yêu - hơn nơi mà Quốc hội hiện đang dẫn đầu. Chúng tôi cầu nguyện rằng Quốc hội sẽ vươn lên để đáp ứng thời điểm của thế hệ này”.
Source:USCCB
 
Chấn động Moscow: Hai Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù và nguyên Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 22 Nga tử trận
VietCatholic Media
16:39 05/08/2022


1. Hai Trung Tá Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù của Nga tử trận trong một tuần

Trong tuần này, Putin đã mất thêm hai sĩ quan cấp tá trong lực lượng Dù ưu tú của mình. Đó là bằng chứng mới nhất về những thương vong kinh hoàng xuất phát từ cuộc chiến vô nghĩa do Putin gây ra.

Trường hợp thứ nhất là Trung Tá Ivan Pozdeev, Tư Lệnh Lữ Đoàn Xung kích Dù Kutuzov, có đại bản doanh ở Ulyanovsk. Ông Vladimir Uyba, chủ tịch Cộng hòa Komi trong Liên Bang Nga cho biết “Trung Tá Ivan Pozdeev đã chết như một anh hùng trong cuộc hành quân đặc biệt ở Ukraine. Anh sẽ được mọi người nhớ đến như một quân nhân can trường hy sinh cho tổ quốc vĩ đại.”

Các phương tiện truyền thông Nga cho biết Trung Tá Ivan Pozdeev sinh tại Ust-Tsilma, thuộc Cộng hòa Komi, tốt nghiệp trường nhảy dù ở Ryazan. Sau đó, ông phục vụ tại Ulyanovsk, trước khi trở thành Tư Lệnh Lữ đoàn Xung Kích Dù Kutuzov. Vị Trung Tá không may sẽ được chôn cất tại Pskov.

Trường hợp thứ hai liên quan đến Trung tá Denis Sorokin, một người cha đã kết hôn của hai người con, đã chết gần Melitopol.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Euromaidan Press hôm 4/8, Đại tá Anatoly Stefan của Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết đơn vị của ông đã tấn công vào một sở chỉ huy của quân Dù Nga tại Melitopol. Trong số các sĩ quan Dù bị tử trận có Tư Lệnh lữ đoàn Dù biệt động số 11, là Trung tá Denis Sorokin, Trung úy Yegor Kadochnikov, chỉ huy trưởng Đại Đội Dù số 3 thuộc tiểu đoàn 25 biệt động Dù. Thiếu tá Viktor Slushkin, Thượng úy Stanislav Volkov, và Trung úy Timur Stogov của Lực Lượng Vệ Binh Orsha-Khingan của Nga cũng tử trận trong trận đánh này.

2. Sở chỉ huy quân đoàn 22 của Nga bị phá hủy ở Chornobayivka

Trong bản báo cáo thứ Sáu 5 tháng 8, Bộ Tư lệnh Tác chiến Phía Nam cho biết các lực lượng phản công của Ukraine đã phá hủy sở chỉ huy của Quân đoàn 22 thuộc Lực lượng Duyên hải thuộc Hạm đội Hắc Hải của Liên bang Nga tại Chornobayivka, vùng Kherson.

Chornobayivka cách thủ đô Kyiv 414 km theo đường chim bay, và là nơi có phi trường quốc tế Kherson. Quân Ukraine đã nã pháo vào sở chỉ huy của Quân đoàn 22 trong nhiều giờ liên tiếp vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 tháng 8. Các không ảnh chụp được vào sáng thứ Sáu cho thấy căn cứ này của quân Nga đã bị san thành bình địa. Tuy nhiên, sở chỉ huy này nằm sâu trong vùng bị tạm chiếm nên chưa có các báo cáo tổn thất của quân Nga. Tờ Euromaidan, trích thuật các nhân chứng, cho biết hàng loạt các vụ nổ long trời đã diễn ra trong nhiều giờ; và dự đoán các sĩ quan trong bộ chỉ huy Quân đoàn 22 không còn ai sống sót.

Trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược vào Ukraine, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát sân bay quốc tế Kherson. Các chiến đấu cơ Ukraine đã nhiều lần tấn công khu vực này. Các tướng Nga Andrei Mordvichev và Yakov Rezantsev đã bị thiệt mạng trong một loạt các cuộc không kích của Ukraine vào Chornobaivka.

Bộ Tư lệnh Tác chiến Phía Nam cho biết thêm:

“Kẻ thù tiếp tục tiến hành các hành động thù địch trên tuyến phòng thủ bị chiếm đóng. Để ngăn chặn bước tiến của quân ta và khôi phục lại các vị trí đã mất, quân xâm lược tăng cường thành phần ở hướng Kryvyi Rih bằng cách bố trí lại các đơn vị của Tập đoàn quân 35 của Quân khu phía Đông. Sau khi huy động lực lượng lên đến một đại đội, địch cố gắng tấn công hai hướng bằng bộ binh và thiết giáp. Hướng thứ nhất tiến từ Bilohirka đến Andriivka; và hướng thứ hai từ Sukhyi Stavok đến Bila Krynytsia. Địch không khôi phục được các vị trí đã mất và phải rút lui bỏ lại xác đồng đội.”

Quân Nga đã phải chịu những tổn thất nặng nề với 31 binh sĩ, một xe tăng T-72, pháo Gvozdika và Msta-B, hai súng cối, ba xe bọc thép và các xe chuyên dụng, cùng một máy bay không người lái trinh sát.

Trong ngày thứ Năm, Nga đã tung hai cặp máy bay Su-25 tấn công các địa phương đông dân cư của quận Beryslav. Quân Nga cũng đã tấn công các vị trí của Ukraine năm lần bằng các cặp trực thăng. Không có tổn thất nào được báo cáo.

Đáp lại, Không Quân Ukraine đã mở hai cuộc tấn công vào các cứ điểm của đối phương ở hai khu vực Blahodatne và Pravdyne.

Bộ Tư lệnh Tác chiến Phía Nam cũng báo cáo thêm rằng “là một phần của các biện pháp an ninh chính trị, các nhân viên thực thi pháp luật đã bắt giữ các thành viên của một mạng lưới tình báo liên vùng của Nga, là những kẻ đã cung cấp cho kẻ thù thông tin về các đối tượng quân sự và chiến lược. Mạng được quản lý bởi một cư dân của Odesa. Cuộc điều tra sẽ xác định mức độ tội lỗi và phạm vi trách nhiệm của từng thành viên trong mạng lưới”

3. Máy bay NATO liên tục thực hiện các cuộc tuần tra trên không trên các mục tiêu tiềm năng tiếp theo của Putin

Các máy bay giám sát và máy bay chiến đấu của NATO đang tuần tra suốt ngày đêm để bảo vệ không phận của các quốc gia thành viên trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc chiến của Tổng thống Nga Putin có thể lan ra ngoài biên giới Ukraine.

NATO hôm thứ Năm đã cho biết như trên về nỗ lực này, giải thích rằng NATO đang nỗ lực bảo vệ bầu trời của các đồng minh ở Đông Âu “với nhiều máy bay phản lực bay hơn từ các căn cứ không quân và tàu sân bay trong liên minh, tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ”.

NATO cũng đang cung cấp “sự hiện diện phòng thủ liên tục và giám sát không phận” trên Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Rumani, tất cả đều nằm trên hoặc gần sườn phía đông của NATO gần Nga. Một số thành viên NATO phía Đông, Estonia và Latvia, có chung biên giới với Nga.

“Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, các lực lượng NATO đã sẵn sàng bảo vệ không phận của đồng minh trước mọi mối đe dọa”.

Mặc dù Putin chưa lên tiếng dứt khoát về bất kỳ kế hoạch mở rộng “hoạt động quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine, nhưng ông nói rằng các quốc gia tạo ra “mối đe dọa chiến lược” đối với Nga trong cuộc xung đột nên mong đợi “các cuộc tấn công trả đũa”. Đài truyền hình nhà nước Nga và một số đồng minh của Nga đã đưa ra những lời đe dọa trực tiếp đối với thành viên NATO là Ba Lan.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo trong khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2022 ở Madrid, Tây Ban Nha, rằng việc không cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo hiện đại và các loại vũ khí khác có thể khiến liên minh quân sự phòng thủ đối mặt với “một cuộc chiến trong tương lai giữa Nga và chính các bạn”

“Câu hỏi đặt ra là ai là người tiếp theo? Moldova? Hay Baltics? Hay Ba Lan? Câu trả lời là: Tất cả họ,” Zelenskiy nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận mối đe dọa của một cuộc chiến tranh mở rộng đối với các nước NATO.

Trong khi phát biểu tại cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2022, Stoltenberg nói rằng một cuộc chiến tranh toàn diện giữa NATO và Nga sẽ gây ra “đau khổ, thiệt hại, chết chóc, tàn phá ở quy mô tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy ở Ukraine ngày nay. “

Ông nói rằng liên minh đã sẵn sàng để “bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO” và bất kỳ cuộc tấn công nào “sẽ kích hoạt phản ứng đầy đủ từ toàn bộ liên minh.”

Hồi tháng 6, Mỹ tuyên bố sẽ bố trí lực lượng thường trực đầu tiên ở sườn phía Đông của NATO khi lo ngại tiếp tục gia tăng về một cuộc chiến tiềm tàng giữa Nga và liên minh gồm 30- thành viên. Putin đã cố gắng biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine của mình bằng cách viện dẫn triển vọng mở rộng NATO, mặc dù nó dường như phản tác dụng khi các quốc gia Âu Châu Thụy Điển và Phần Lan đưa ra đề nghị gia nhập NATO ngay sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào cuối Tháng 2.

Sự hung hăng của Nga ở Ukraine cũng đã khiến một số nước Đông Âu tiến tới với các thỏa thuận mua Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, từ Mỹ

4. Belarus kiểm tra sự sẵn sàng của quân đội gần biên giới Ukraine

Trong bản báo cáo hôm thứ Sáu 5 tháng 8, Kyiv cho biết Belarus đã và đang kiểm tra mức độ sẵn sàng của quân đội gần biên giới với Ukraine, ngay sau khi Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này nếu quân đội của họ can thiệp vào cuộc chiến đang diễn ra với Nga.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết một số đơn vị thuộc lực lượng hoạt động đặc biệt của Belarus đã tổ chức kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Một số đơn vị Belarus ở Volhynia và Polesia cũng được giao nhiệm vụ tăng cường bảo vệ một phần biên giới Belarus-Ukraine ở khu vực Brest và Gomel

Hãng thông tấn Belta của nhà nước Belarus đưa tin rằng Belarus sẽ cử hơn 250 quân nhân đến Nga để tập trận từ ngày 30 tháng 8 đến ngày 5 tháng 9. Cuộc tập trận sẽ do Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov dẫn đầu.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Nga, đã cho phép Mạc Tư Khoa đóng quân tại Belarus và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở nước này, mặc dù Belarus chưa đưa quân vào Ukraine.

“Chúng tôi không ảo tưởng về Belarus. Chúng tôi có một phân tích tỉnh táo về những gì đang xảy ra và làm thế nào để không cho Lukashenko thêm lý do để đưa ra những quyết định điên rồ,” Ngoại trưởng Kuleba nói.

“Tôi đã nói điều này một cách công khai, và lập trường của tôi không thay đổi. Nếu lực lượng vũ trang Belarus can thiệp vào Ukraine, tôi sẽ ngay lập tức đề xuất cắt đứt quan hệ ngoại giao với họ.”

Kuleba nói thêm rằng anh ta tin rằng Belarus là đồng phạm với những tội ác đã gây ra ở Ukraine và “không có lời bào chữa nào cho họ và sẽ không có bất kỳ lời bào chữa nào.”

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Belarus và Ukraine để đưa ra bình luận.

Vào tháng 7, Denys Moosystemrskyi, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, và là phụ tá của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói với một bản tin địa phương rằng Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công từ Belarus.

Theo báo cáo của Ukrinform, các cơ quan thực thi pháp luật đang tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công gần biên giới Belarus và gần chiến tuyến.

“Tất nhiên, hôm nay, chúng tôi đang đẩy mạnh công việc ở các vùng biên giới với Cộng hòa Belarus,” Bộ trưởng nói. “Chúng tôi đang nghe thấy những tín hiệu về khả năng xảy ra một cuộc tấn công của một nhóm do thám và lật đổ từ lãnh thổ này”.

Bộ trưởng cho biết cảnh sát quốc gia Ukraine, lực lượng vũ trang và các cơ quan khác chịu trách nhiệm về an ninh đã “tăng cường công việc của họ” gần biên giới Ukraine với Belarus.

“Tại các khu vực giáp ranh với những nơi đang diễn ra chiến sự, công việc của các nhân viên thực thi pháp luật cũng đã được tăng cường để xác định các nhóm do thám và lật đổ,” Moosystemrskyi nói thêm vào thời điểm đó.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm Chúa Nhật rằng Lukashenko đã trở nên “gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Nga” khi ông ủng hộ Putin trong cuộc xâm lược đang diễn ra.

5. Người Nga che chắn khỏi HIMARS bằng cách sử dụng phản xạ radar hình chóp

Các quan chức Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các lực lượng Nga đang sử dụng thiết bị phản xạ radar dưới nước bên dưới hai cây cầu bị hư hại do các cuộc tấn công của Ukraine.

Tuần trước, quân đội Nga đã bị giáng một đòn nặng nề sau khi lực lượng Ukraine tấn công cầu Antonivskiy và vài ngày sau đó, một cây cầu đường sắt gần đó bắc qua sông Dnipro ở Kherson, miền nam Ukraine, nơi lực lượng của Kyiv đang thực hiện một cuộc phản công.

Hôm thứ Hai, Ukraine ca ngợi việc cung cấp thêm 4 Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp, được sử dụng để tấn công vào các cây cầu trong các cuộc không kích khiến quân đội Nga không thể được tiếp tế và bị tách rời khỏi các lãnh thổ khác mà họ đang chiếm đóng. Ukraine có 16 hệ thống HIMARS, đã giành được nhiều thắng lợi trong các nỗ lực chiến tranh do độ chính xác và tầm hoạt động của HIMARS.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, để đối phó với các cuộc tấn công vào các cây cầu, Nga “chắc chắn đã đặt các thiết bị phản xạ radar hình chóp dưới nước” gần các cấu trúc.

Đánh giá quốc phòng cho biết: “Các thiết bị phản xạ radar có thể được sử dụng để che giấu cây cầu vì nó cản trở việc tổng hợp các hình ảnh và gây nhiễu cho thiết bị tấn công trên hỏa tiễn”.

“Điều này làm nổi bật mối đe dọa mà Nga cảm nhận được từ việc gia tăng phạm vi và độ chính xác của các hệ thống do phương Tây cung cấp”.

Đánh giá cũng cho biết, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đang nhắm vào các căn cứ, sở chỉ huy, cơ sở hậu cần và các kho đạn của Nga.

“Điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiếp tế hậu cần quân sự của Nga và gây áp lực lên các yếu tố hỗ trợ chiến đấu của quân đội Nga” Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để có phản ứng trước đánh giá hàng ngày của Anh.

Kyiv đã cảnh báo rằng các lực lượng Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới ở miền nam Ukraine. Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào các khu định cư ở khu vực Mykolaiv và khu vực phía đông Kharkiv gần biên giới với Nga vào sáng thứ Năm.

Các lực lượng Ukraine cũng cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở Slovyansk, Kramatorsk, Bakhmut và Avdiivka trong khu vực Donetsk.

Trong khi đó, Dmytro Zhyvytsky, thống đốc vùng Sumy gần biên giới Nga cho biết lực lượng của Mạc Tư Khoa đã nã pháo vào 3 thị trấn, làm hư hại nhà cửa và các cơ sở thương mại, mặc dù không có báo cáo thương vong.

Thị trưởng Nikopol, phía tây Zaporizhzhia, miền trung Ukraine, Yevhen Yevtushenko, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng thành phố của ông đã bị pháo kích đêm qua.

6. Zelenskiy công khai cầu xin Tập Cận Bình sau khi những lời kêu gọi không được trả lời

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine đã thúc giục Trung Quốc định hướng lại quan điểm của mình đối với Nga và sử dụng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình để giúp chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra ở đất nước của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post của Hương Cảng được công bố hôm thứ Năm Zelenskiy cho biết ông đã tìm kiếm một đường dây trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình, kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu hơn 160 ngày trước. Đây là lần đầu tiên ông dành cho một hãng tin Á Châu một cuộc phỏng vấn.

“Tôi muốn nói chuyện trực tiếp. Tôi đã có một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây một năm. Kể từ khi bắt đầu hành động gây hấn quy mô lớn vào ngày 24 tháng 2, chúng tôi đã yêu cầu chính thức đối thoại, nhưng chúng tôi chưa có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với Trung Quốc mặc dù tôi tin rằng điều đó sẽ hữu ích.”

Một cố vấn của nhà lãnh đạo Ukraine đã nói với David Brennan của Newsweek vào đầu tháng 3 rằng Kyiv đang mong đợi các cuộc đàm phán giữa Zelenskiy và Tập “sẽ diễn ra rất sớm.” Từ tháng Ba đến nay, một cuộc gọi như thế chưa bao giờ xảy ra.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện với Tập Cận Bình ít nhất hai lần kể từ ngày 24 tháng 2, theo các bài báo được Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh công bố.

Các cuộc gọi điện thoại đó bao gồm một cuộc trò chuyện chưa đầy 24 giờ sau cuộc xâm lược Ukraine, sau đó Đại sứ quán Nga tại Bắc Kinh cho biết ông Tập đã bày tỏ sự “tôn trọng” đối với quyết định tấn công Ukraine của Putin. Sau khi họ nói chuyện lại vào tháng 6, Điện Cẩm Linh cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc xác nhận “tính hợp pháp của các hành động của Nga để bảo vệ các lợi ích cơ bản của quốc gia”.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai cho biết ít nhất 5.327 dân thường đã thiệt mạng và 7.257 người bị thương nữa kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Trong khi đó, một cuộc kiểm đếm của Cơ quan Người tị nạn Liên Hiệp Quốc cho thấy hơn 6,3 triệu người Ukraine đã bỏ trốn khỏi đất nước tính đến ngày 3/8.

Zelenskiy đang yêu cầu Bắc Kinh thông cảm hơn với hoàn cảnh của mình.

“Người Nga là những kẻ xâm lược... đây là cuộc chiến trên lãnh thổ của chúng tôi, họ đến để xâm lược. Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia lớn và hùng mạnh, có thể ảnh hưởng và đưa Liên bang Nga vào một vị trí nhất định. Tất nhiên, tôi thực sự muốn Trung Quốc xem xét lại thái độ của họ đối với Liên bang Nga.”

Tập và Putin đã củng cố quan hệ đối tác địa chiến lược của họ trong những tuần trước khi cuộc xâm lược bắt đầu

7. Tòa Bạch Ốc tin rằng Nga có kế hoạch làm giả bằng chứng để quy kết cho Ukraine trong vụ tấn công nhà tù

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby xác nhận rằng Mỹ tin rằng Nga đang lên kế hoạch ngụy tạo bằng chứng để quy kết cho các lực lượng vũ trang Ukraine trong vụ tấn công nhà tù Olenivka vào ngày 29/7.

“Chúng tôi dự đoán rằng các quan chức Nga sẽ cố gắng quy kết cho các Lực lượng vũ trang Ukraine trước khi các nhà báo và các nhà điều tra đến thăm địa điểm xảy ra vụ tấn công. Trên thực tế, chúng tôi đã thấy một số báo cáo đưa tin giả về trò này, qua đó họ ngụy tạo các bằng chứng. Chúng ta có lý do để tin rằng Nga sẽ tiến xa đến mức có thể cho rằng HIMARS của Ukraine là nguyên nhân. Hệ thống hỏa tiễn tiên tiến có tính cơ động cao này đã được đưa tin rất nhiều gần đây.”

Tưởng cũng nên nhắc lại: Sáng ngày 29 tháng 7, các phương tiện truyền thông Nga đồng loạt đưa tin Ukraine đã pháo kích vào nhà tù Olenivka, trong vùng Donetsk giết chết ít nhất 40 tù nhân Ukraine đang bị giam giữ tại đây. Nhà lãnh đạo tự xưng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Denis Pushilin, nói rằng nhà tù này giam giữ 193 người và không có người nước ngoài trong số những người bị tạm giữ. Denis Pushilin cáo buộc quân Ukraine làm thế để cảnh cáo tất cả các binh sĩ muốn đầu hàng quân Nga.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 29 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã lên tiếng phản bác và cho biết như sau:

Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đã tiến hành pháo kích nhằm vào một cơ sở cải giam giữ ở khu định cư Olenivka, Donetsk, nơi cũng giam giữ các tù nhân Ukraine.

Bằng cách này, quân xâm lược Nga theo đuổi các mục tiêu tội phạm của họ - và đồng thời buộc tội Ukraine phạm 'tội ác chiến tranh'. Quân Nga làm như thế để che giấu việc tra tấn tù nhân và hành quyết họ.
 
Giám Mục Indonesia qua đời giữa nỗi oan khiên, nhưng sao bây giờ mới nói? Căng thẳng trong Anh Giáo
VietCatholic Media
16:45 05/08/2022


1. Giám mục Indonesia mới qua đời ở tuổi 63 được cho là bị cáo gian

Một giám mục Indonesia buộc phải từ chức 5 năm trước trong bối cảnh các linh mục của ngài cáo buộc rằng ngài biển thủ công quỹ của Giáo Hội và ngoại tình với một phụ nữ, đã chết.

Đức Cha Hubertus Leteng qua đời vào ngày 31 tháng 7 tại Bệnh viện Borromeus ở Bandung, tỉnh Tây Java, ở tuổi 63.

Đức Cha đã phục vụ tại giáo xứ St. Mary Garut, thuộc giáo phận Bandung từ năm 2018, một năm sau khi ngài từ chức Giám mục của Ruteng ở đảo Flores, nơi ngài đã phục vụ từ năm 2010.

Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin của Bandung cho biết Đức Cha Leteng đã phàn nàn về tình trạng khó thở trước khi nhập viện một tuần trước khi ngài qua đời.

Câu chuyện của Đức Cha Leteng đã gây xôn xao dư luận vào năm 2017, khi 69 linh mục ở giáo phận Ruteng biểu tình chống lại ngài vì cáo buộc đã vay 94.000 đô la từ Hội đồng Giám mục Indonesia và 30.000 đô la từ giáo phận.

Một cựu linh mục đã từ bỏ sứ vụ của mình trong nhiều năm đã cáo buộc ngài trao số tiền ấy cho một phụ nữ mà họ nghi ngờ có quan hệ tình cảm với vị giám mục.

Sau đó, Vatican đã bổ nhiệm Đức Cha Bunjamin, người cũng là Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Indonesia, làm thanh tra tông tòa để thực hiện cuộc điều tra, dẫn đến việc Đức Cha Leteng phải từ chức.

Tòa thánh Vatican không cung cấp lý do từ chức, nhưng các nguồn tin của Giáo hội lúc đó cho biết Đức Cha Leteng đã phải từ chức vì sự phản đối của các linh mục trong giáo phận.

Trong thánh lễ an táng cho vị giám mục quá cố, Đức Cha Bunjamin, người đã từng thực hiện cuộc thanh tra tông tòa nói rằng ngài không thấy Đức Cha Leteng có lỗi.

Ngài nói rằng trong năm năm làm việc tại giáo phận của mình, ngài biết đến vị giám mục như một người quan tâm sâu sắc đến hoàn cảnh của người khác và “vì quá tốt bụng nên ngài đã bị một số người lợi dụng”.

Ngài cho biết vị giám mục tìm kiếm sự giúp đỡ cho những người khác, điều này đôi khi khiến ngài suy nghĩ và bồn chồn, cho đến cuối đời.

Giám mục Bunjamin nói rõ ràng là Giám mục Leteng không nghĩ đến lợi ích riêng của mình.

“Hãy nhìn cuộc sống của ngài, những gì ngài đã mặc trên người! Có xa xỉ không? Những gì được giữ trong phòng của ngài, có xa xỉ không? Thiết bị làm việc của ngài là gì, có xa xỉ không? Không, không có bất kỳ thứ gì!”

Trong thời gian ở giáo phận Bandung, vị giám mục thường xuyên chia sẻ những suy tư trên mạng xã hội, viết sách và cũng cung cấp những hồi ức và các cử hành trực tuyến cho các tín hữu.

Trong khi đó, những người Công Giáo ở giáo phận Ruteng đã thương tiếc cái chết của ngài và lên mạng xã hội để chia sẻ tình yêu của họ đối với vị giám mục và ghi nhớ sự ủng hộ của ngài đối với các vấn đề xã hội.

Đức Cha Leteng đã đứng đầu trong việc phản đối các công ty khai thác trong khu vực của ngài. Ngài cũng dẫn đầu các linh mục trong các cuộc biểu tình phản đối việc tư nhân hóa các bãi biển công cộng ở Labuan Bajo, một khu du lịch đang phát triển mạnh.

Theo thông cáo của giáo phận Ruteng, thi hài của vị giám mục được đưa về Flores vào ngày 1 tháng 8 và được an táng vào ngày 3 tháng 8 bên cạnh nhà thờ chính tòa sau một thánh lễ do Đức Cha Siprianus Hormat của Ruteng chủ tế.
Source:UCANews

2. Các giám mục Anh giáo tán thành các biện pháp chống tội lỗi lạm dụng

Tổng Giám mục của Canterbury Justin Welby và các giám mục Anh giáo từ khắp nơi trên thế giới đang nhóm họp tại Đại học Kent ở Canterbury.

Các giám mục của Hiệp thông Anh giáo đã tán thành các biện pháp để cải thiện việc chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục, trong một cuộc họp tại Hội nghị Lambeth ở Canterbury.

“Kêu gọi Nhà thờ An toàn” đã nhận được sự đón nhận tích cực sau phiên họp toàn thể bao gồm phần trình bày của một nạn nhân bị lạm dụng. Các giám mục cam kết chia sẻ thông tin bảo vệ trên toàn cộng đồng và thực hiện các hướng dẫn bảo vệ của Hội đồng Tham vấn Anh giáo - mặc dù họ nhấn mạnh rằng các hướng dẫn này sẽ được cải tiến “theo ngữ cảnh” ở mỗi tỉnh.

Ngày bắt đầu với buổi khai mạc đa ngôn ngữ của hội nghị tại Nhà thờ Canterbury, nơi Giám mục của Lesotho, Vincentia Kgabe, đã thuyết giảng về lời kêu gọi của Hiệp thông “thực hành lòng hiếu khách và phục vụ”, nhấn mạnh rằng tấm gương của Chúa Kitô “không tự cho mình là trung tâm và cũng không hướng nội “.

Một số giám mục đã từ chối không rước lễ, như họ đã làm vào thứ Sáu, và giải thích rằng họ “không hiệp thông” với các giám mục khác liên quan đến hôn nhân đồng tính, cũng không hiệp thông với những người ủng hộ sự thay đổi trong giáo huấn Anh giáo về hôn nhân đồng tính.

Trước cuộc thảo luận về “Lời kêu gọi về nhà thờ an toàn” vào cuối ngày hôm đó, Tổng giám mục của Canterbury, Justin Welby, đã thông báo những thay đổi đối với các phiên họp về “Lời kêu gọi Lambeth”

Các giám mục sẽ thảo luận về các lời kêu gọi trong các nhóm nhỏ, với sáu người được chọn ngẫu nhiên để đưa ra phản hồi bằng lời nói và một cơ hội vào cuối phiên họp để đưa ra dấu hiệu về sự đồng ý. Các lời kêu gọi nào được đánh giá là đã nhận được sự đồng ý rõ ràng sẽ được tiến hành cho những bước tiếp theo.

Cố vấn của Tổng Giám mục Canterbury về hội nghị, là Đức Cha Tim Thornton, nói rằng hội nghị đang được tiến hành là một công việc khó khăn, và một số người rất mệt mỏi.”

Quy trình đã được sửa đổi vào tuần trước để đưa ra phương án bỏ phiếu thứ ba, theo đó các giám mục có thể phản đối một đề nghị. Điều này được thực hiện trong phiên họp hôm thứ Bảy, trong chương trình “Kêu gọi Truyền giáo và Phúc âm hóa”, trong đó 464 giám mục đã bỏ phiếu. 66 % các Giám Mục tán thành lời kêu gọi, 33% nói rằng nó cần phải phân định thêm và một phần trăm còn lại phản đối nó.
Source:ENS

Tổng Giám mục của York, Stephen Cottrell, đã nói với hội nghị rằng truyền giáo có thể được định nghĩa là “một người ăn xin nói với một người ăn xin khác cách thức làm sao xin được bánh mì”.

3. Đức Tổng Giám Mục Justin Welby khẳng định tình dục đồng giới là một tội lỗi

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, của Canterbury và lãnh đạo giáo hội Anh giáo toàn cầu, đã tìm cách xoa dịu các giám mục bảo thủ trên khắp thế giới bằng cách “khẳng định tính hợp lệ” của tuyên bố năm 1998 theo đó quan hệ tình dục đồng tính là tội lỗi.

Ngài nói với hơn 650 giám mục tham dự hội nghị Lambeth được tổ chức một thập kỷ một lần rằng, đối với “phần lớn” những người Anh giáo bảo thủ, việc đặt câu hỏi về giáo huấn trong Kinh thánh là điều “không thể tưởng tượng nổi”.

Đức Cha Welby nói: “Ở nhiều quốc gia, điều đó sẽ khiến Giáo Hội trở thành nạn nhân của sự chế nhạo, khinh thường và thậm chí là tấn công. Đối với nhiều Giáo Hội, thay đổi cách giảng dạy truyền thống thách thức chính sự tồn tại của họ”.

Trong một bức thư gửi cho các giám mục ngay trước khi được mô tả là một “cuộc thảo luận mạnh mẽ” về tình dục, Đức Cha Welby nói rằng nghị quyết năm 1998, được gọi là Lambeth 1.10, là tuyệt đối “không thể nghi ngờ”.

Nhưng ngài cũng chỉ ra rằng ngài sẽ không dùng thẩm quyền của mình để kỷ luật hoặc loại trừ các Giáo Hội - bao gồm cả những Giáo Hội ở Tô Cách Lan, xứ Wales và Hoa Kỳ - là những nơi cử hành phép hôn phối hoặc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính.

Phát biểu sau phiên họp, Michael Curry, Giáo Chủ Anh Giáo Hoa Kỳ, cho biết các Giáo Hội tồn tại trong “những bối cảnh văn hóa rất khác nhau”.

Ở Mỹ, “thật không thể tưởng tượng nổi nếu chúng tôi không chúc phúc và không cử hành phép hôn phối cho các mối quan hệ yêu đương giữa những người thuộc cộng đồng LGBT”.

Chín mươi giám mục, bao gồm tám tổng giám mục, đã ký một tuyên bố nói rằng “nhiều người LGBT + trong lịch sử đã bị thương bởi giáo hội và đặc biệt bị tổn thương bởi những sự kiện trong vài tuần qua”.

Họ nói thêm rằng họ “mong chờ ngày mà tất cả chúng ta có thể cảm thấy thực sự được chào đón, đánh giá cao và khẳng định”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo giáo hội bảo thủ từ miền nam đã kêu gọi các giám mục tại hội nghị ở Canterbury trình bày lại một cách rõ ràng tuyên bố năm 1998.

Lambeth 1.10 bác bỏ “thực hành đồng tính luyến ái là không phù hợp với kinh thánh” và “đề cao sự chung thủy trong hôn nhân giữa một người nam và một người nữ trong sự kết hợp trọn đời”. Tuyên bố nói rằng các công đoàn đồng tính không nên được hợp pháp hóa hoặc chúc lành.

Justin Badi Arama, tổng giám mục Nam Sudan, cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vô cùng hoang mang về tâm linh và đạo đức. Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô không thể để mất chỗ neo đậu của mình trong thánh kinh và để mình bị trôi dạt với thế giới.

“Dựa trên nhu cầu thiết lập giáo lý rõ ràng về hôn nhân và tình dục vào thời điểm xác định này cho sự hiệp thông Anh giáo, hội nghị này phải tái khẳng định giáo huấn Kinh thánh của nghị quyết 1.10 của hội nghị Lambeth 1998.”
Source:The Guardian