Ngày 06-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai là người theo Chúa đích thực ?
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
07:31 06/08/2013
AI LÀ NGƯỜI THEO CHÚA ĐÍCH THỰC ?

Bài Tin Mừng nầy (Lc 12, 35-40) Chúa nói với các Tông đồ là những vị Chúa đã tuyển chọn, trao phó nhiệm vụ huớng dẫn dân Chúa và tất cả những ai sẵn sàng nghe và sống Lời Chúa vì Chúa sẽ thưởng những người làm theo Ý Chua một cách đặc biệt : đầy tớ ngồi bàn, chủ “hầu hạ đầy tớ .

Sống làm việc theo lời Chúa dạy là sống “tỉnh thức”. Tỉnh thức trong tình trạng khẩn trương, gấp rút như chuẩn bị đón chủ trở về mà không biết rõ ngày giờ chủ về. Không biết, nhưng chắc chắn chủ trở về, bắt buộc ta không bao giờ lơi lỏng tỉnh thức, canh chừng để đón chủ. Canh chừng chẳng khác như nguời canh chừng kẻ trộm. Lơ là hoặc sơ ý một chút là hỏng to.

Động lực thúc đẩy sống tỉnh thức, khẩn trương như vậy vì sự sống còn của ta. Chủ sẽ thưởng hoặc loại bỏ. Biếng nhác sẽ bị loại bỏ, siêng năng sẽ được trọng thưởng. Thánh Luca viết :” phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con : chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn và đi lại hầu hạ chúng “ (Lc 12 , 37-38)

Rõ ràng, kẻ theo Chúa, không phải như người đầy tớ chờ chủ về nữa nhưng như người quản lý coi sóc tài sản của chủ. Mỗi người đều được Chúa trao phó cho một số công việc biểu lộ nơi tài năng của mình để phục vụ Chúa và mọi người, để sống Đạo và làm đẹp trần gian. Hai đức tính phải có của người quản lý là “trung” với chủ và “cần” với công việc. Người quản lý sử dụng tài năng của mình, sáng kiến của mình để làm việc theo ý chủ.

Những người theo Chua có tài mà không đưa ra sử dụng giúp Đạo, giúp Đời, giúp tha nhân, để cho mai một đi sẽ bị Chúa kết án vì đó là vốn Chúa ban mà quản lý không chịu làm lời Chúa dạy : người ta đã ban cho ai nhiều thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn :

Các bài Tin Mừng nói về tỉnh thức có ba mặt của đời sống :

1- Bác ái, giúp người thì được thưởng kho tàng Nước Trời

2- Tỉnh thức làm việc chủ sẽ thưởng công

3- Quản lý trung thành và giỏi sẽ được chủ cho trông coi tất cả gia sản.

Ba mặt sống diễn tả cuộc sống hăng say, tích cực để phát triển tài năng, huy động số vốn vật chất và tinh thần, đầu tư khối óc, trí tuệ để phục vụ Chúa và mọi người. (xem thêm dư ngôn “những nén bạc” Lc 19, , 11-26) .

Còn những người không có tài năng thì sao ? Chúa chỉ cho một cách quá dễ : gửi nén bạc vào ngân hàng để khi chủ về nộp vốn và tiền lời cho chủ Chúa không đòi hỏi quá sức con người .

Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Chuyện Với Các Chủng Sinh Và Các Tập Sinh
Lâm Phương chuyển ý
08:57 06/08/2013
Đây là bản dịch diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi đến những người tham dự cuộc gặp gỡ hôm thứ bảy với các chủng sinh, các tập sinh và những người trẻ trên con đường ơn gọi tham gia cuộc hành hương Năm Đức Tin với chủ đề "Con tín thác vào Chúa".

Chào các con!

TCha đã hỏi Đức Tổng Giám Mục Fisichella rằng liệu các con có hiểu tiếng Ý hay không và được ngài cho hay tất cả các con đã có bản dịch. Vì thế cha thấy được an tâm phần nào.

Cha xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục Fisichella vì những lời ngài và cha cũng cám ơn ngài về những việc ngài làm: ngài đã làm việc hết sức mình không chỉ về việc này nhưng còn về tất cả những việc ngài đã và sẽ làm trong Năm Đức Tin. Cám ơn cha rất nhiều! Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Fisichella đã nói một từ, và cha không biết có đúng hay không, nhưng cha chọn lấy: ngài nói rằng tất cả các con mong ước được dâng đời mình cho Đức Kitô mãi mãi! Giờ đây các con vỗ tay, ăn mừng, bởi đây là thời gian hôn lễ... Tuy nhiên, khi tuần trăng mật qua rồi, điều gì xảy ra? Cha đã nghe một chủng sinh, một chủng sinh tốt lành nói rằng anh muốn phục vụ Đức Kitô, nhưng chỉ 10 năm thôi, và rồi anh sẽ nghĩ đến việc bắt đầu một cuộc sống khác... Thật nguy hiểm! Tuy tạm thời, nhưng điều này thật nguy hiểm bởi vì ta không đánh cược đời mình một lần cho tất cả. Tôi kết hôn chừng nào còn yêu; tôi sẽ là một nữ tu nhưng chỉ trong một "thời gian ngắn" thôi, trong "một khoảng thời gian nào đó" và tôi sẽ tính tiếp; tôi sẽ là một chủng sinh để trở thành linh mục, nhưng tôi không biết câu chuyện sẽ kết thúc thế nào. Thế này thì không phải với Đức Giêsu! Cha sẽ không trách cứ các con, cha trách cứ cái văn hóa tạm thời đang nện xuống tất cả chúng ta, bởi nó không làm cho chúng ta nên tốt đẹp: bởi vì đưa ra một lựa chọn dứt khoát ngày nay thật là khó. Thời của cha thì dễ hơn, bởi nền văn hóa ủng hộ một sự lựa chọn dứt khoát, dù là đời sống hôn nhân, hay đời sống dâng hiến hoặc linh mục. Tuy nhiên, trong thời đại này việc đưa ra một quyết định dứt khoát thật không hề dễ dàng. Chúng ta là những nạn nhân của nền văn hóa tạm thời này. Cha muốn các con nghĩ về việc học biết đóng cánh cửa của căn phòng nội tâm từ phía bên trong. Một lần nọ có một linh mục, một linh mục tốt lành, ngài không cảm thấy mình là một linh mục tốt lành bởi vì ngài khiêm tốn, ngài cảm thấy mình là một người tội lỗi và ngài đã cầu nguyện nhiều với Đức Mẹ, ngài và nói với Mẹ thế này - cha sẽ nói bằng tiếng Tây Ban Nha bởi vì nó là một bài thơ hay:

"Mẹ ơi, chiều nay con chân thành khấn hứa.

nhưng để phòng hờ, đừng quên để chìa khóa bên ngoài."

Nhưng điều này được thốt lên khi luôn nghĩ đến tình yêu đối với Đức Trinh nữ. điều này được nói với Đức Bà của chúng ta. Tuy nhiên, khi ai đó luôn để cái chìa khóa bên ngoài, phòng khi có điều gì bất trắc... như thế thì không đúng. Chúng ta phải học cách đóng cửa từ bên trong! Và nếu tôi không chắc chắn điều gì, tôi phải suy nghĩ, phải dành thời gian, và khi cảm thấy bảo đảm trong Đức Giêsu rồi, dĩ nhiên, bởi không ai được bảo đảm nếu thiếu Đức Giêsu. Khi tôi cảm thấy bảo đảm, tôi đóng cánh cửa. Các con có hiểu điều này không? Văn hóa tạm thời nghĩa là gì?

Khi cha vào đây, cha đã nhìn qua những điều cha đã viết. Cha muốn nói với các con một từ, và từ đó là niềm vui. Bất cứ nơi nào có những con người tận hiến, những chủng sinh, những nam nữ tu sĩ, những người trẻ, nơi đó có niềm vui, nơi đó luôn có niềm vui. Đó là niềm vui của sự tươi trẻ; đó là niềm vui khi đi theo Đức Giêsu; niềm vui mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, chứ không phải niềm vui của thế gian. Có niềm vui. Nhưng niềm vui sinh ra từ đâu? Nó được sinh ra... Dù thế nào đi nữa, vào tối thứ Bảy, tôi sẽ về nhà và sẽ khiêu vũ với những người bạn cũ của mình. Phải chăng niềm vui sinh ra từ đây, niềm vui của một chủng sinh, chẳng hạn, phải hay là không?

Một số người sẽ nói: niềm vui được sinh ra từ những thứ người ta có, và như vậy, người ta tìm kiếm mẫu điện thoại thông minh mới nhất, loại xe scooter nhanh nhất, chiếc xe hơi lôi cuốn sự chú ý... Nhưng cha nói cho các con hay, cha cảm thấy buồn khi thấy một linh mục hay một nữ tu đi chiếc xe hơi đời mới nhất: nhưng không thể như thế được! Các con đang nghĩ thế này: nhưng, thưa cha, chẳng lẽ bây giờ chúng con phải đi xe đạp sao? Xe đạp cũng tốt! Đức ông Alfred đi xe đạp, ngài đi bằng chiếc xe đạp của ngài. Cha nghĩ một chiếc xe hơi cũng cần thiết, bởi vì có nhiều việc cần làm nơi này nơi kia, nhưng hãy chọn một chiếc xe đạp giản dị hơn. Và nếu các con thích một chiếc xe xinh xắn, hãy nghĩ đến biết bao trẻ em đang chết đói, hãy nghĩ đến điều này thôi. Niềm vui không được sinh ra, cũng không đến từ những thứ người ta có!

Người khác nói: niềm vui đến từ những kinh nghiệm tột độ nhất: cảm giác rung động của những cảm xúc mạnh mẽ nhất; người trẻ thích những cảm xúc mạnh, quả thực họ thích như thế! Những người khác nữa thì nghĩ rằng: niềm vui đến từ việc ăn mặc thời trang hơn, từ việc vui chơi giải trí ở những địa điểm thời thượng nhất - nhưng khi nói điều này cha không có ý nói rằng các nữ tu đi đến những nơi như vậy, cha nói điều này về những người trẻ nói chung. Những người khác nữa nói niềm vui đến từ sự thành công chiếm được con trai này, con gái kia, có lẽ là đi từ đứa này đến đứa khác. Đó chính là sự bấp bênh của tình yêu, điều này vốn không bảo đảm; nó là một "thử nghiệm" tình yêu. Và chúng ta có thể nói nhiều thêm nữa... Các con cũng đang tiếp xúc với thực tại này mà các con không thể phớt lờ.

Chúng ta biết rằng tất cả những điều này có thể thoả mãn một khát vọng, có thể tạo ra những cảm xúc, nhưng rốt cuộc đó là niềm vui luôn hời hợt, nó không đi sâu hơn nữa, đó không phải là một niềm vui sâu xa: đó là một lúc say đắm không đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực. Niềm vui không phải là một lúc say đắm, nó là một thứ gì khác!

Niềm vui đích thực không đến từ sự vật, từ việc "có", không! Nó sinh ra từ việc gặp gỡ, từ mối liên hệ với người khác. Nó đến từ cảm giác được chấp nhận, được thấu hiểu, được yêu thương và từ sự chấp nhận, sự thấu hiểu và tình yêu này, và không phải bởi vì sự hứng thú trong một lúc, nhưng vì thứ khác, thứ khác ở đây là một người. Niềm vui được sinh ra từ sự nhưng không của một cuộc gặp gỡ! Và từ việc lắng nghe lời này: "bạn thật quan trọng đối với tôi", không nhất thiết phải được diễn tả bằng lời. Điều đó thật tuyệt vời... và quả thế, chính đây là điều Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu. Khi kêu gọi chúng ta Thiên Chúa nói với chúng ta: "Con thật quan trong đối với cha, cha yêu con, cha tin tưởng nơi con". Đức Giêsu nói điều này với mỗi người trong chúng ta! Niềm vui được sinh ra từ đây, niềm vui của giây phút Đức Giêsu nhìn tôi. Hiểu và cảm nhận được điều này là bí quyết của niềm vui chúng ta. Cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, cảm thấy rằng đối với Người chúng ta không phải là những con số, nhưng là những con người, và cảm thấy rằng chính Người kêu gọi chúng ta. Trở thành linh mục, tu sĩ, trước hết không phải là sự lựa chọn của chúng ta. Cha không tin tưởng người chủng sinh, người tập sinh nói rằng: "Tôi đã lựa chọn con đường này" Cha không thích điều này. Điều đó không đúng! Nhưng đó chính là lời đáp trả đối với một tiếng gọi và đối với một tiếng gọi của tình yêu. Tôi nghe thấy điều gì đó trong tôi, làm cho tôi thao thức, và tôi thưa xin vâng. Chúa khiến chúng ta cảm nhận được tình yêu này trong cầu nguyện, nhưng cũng qua rất nhiều dấu chỉ khác mà chúng ta có thể đọc thấy trong cuộc đời chúng ta, qua biết bao nhiêu người mà Người đặt trên đường đi của chúng ta. Niềm vui của sự gặp gỡ với Ngài và tiếng gọi của Ngài không dẫn chúng ta đến chỗ khép kín bản thân nhưng mở lòng chúng ta ra; nó dẫn chúng ta tới việc phục vụ trong Hội Thánh. Thánh Tôma nói: "bonus est diffusivum sui" - đó không phải là thứ tiếng La tinh quá khó! - Sự thiện tự khuếch tán. Và niềm vui cũng tự khuếch tán. Đừng sợ phải diễn tả niềm vui vì đã trả lời tiếng gọi của Chúa, của sự lựa chọn yêu thương và làm chứng cho tin mừng của Ngài qua việc phục vụ Hội Thánh. Và niềm vui, niềm vui đích thực thì dễ lây, nó lây nhiễm, nó khiến chúng ta tiến lên. Trái lại, khi ta gặp gỡ một chủng sinh quá nghiêm nghị, quá buồn, hay một tập sinh như vậy, ta nghĩ: có điều gì đó không ổn! Niềm vui của Chúa bị thiếu vắng, niềm vui dẫn ta đến phục vụ, niềm vui của sự gặp gỡ với Đức Giêsu, nó dẫn ta đến gặp gỡ người khác để loan báo Đức Giêsu. Điều này bị thiếu đi! Chẳng có sự thánh thiện trong sầu não, không hề có! Thánh Têrêxa - mà nhiều người Tây Ban Nha biết rõ - từng nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn!" Ngài không nói quá đâu... Khi ta gặp một chủng sinh, một linh mục, một nữ tu, một tập sinh, với một khuôn mặt buồn thườn thượt, cứ như thể là một cái bao ướt phủ lên cuộc đời, một cái bao nặng nề đã kéo họ xuống.... Có điều gì đó không ổn! Nhưng làm ơn, đừng bao giờ cho chúng tôi những nữ tu, những linh mục với bộ mặt "hạt tiêu ngâm giấm", đừng bao giờ! Nhưng với niềm vui đến từ Đức Giêsu. Hãy nghĩ về điều này: khi niềm vui thiếu vắng nơi một linh mục - cha nói một linh mục, nhưng với cả chủng sinh nữa - khi niềm vui thiếu vắng nơi một nữ tu, khi họ buồn, bạn có thể nghĩ rằng: "Nhưng người ấy bị tâm thần" Không đâu, đúng là có thể như vậy, có thể lắm chứ. Có khả năng là một số nhỏ bị bệnh. Có thể là như vậy, nhưng nói chung không phải vấn đề tâm thần. Phải chăng đây là vấn đề bất mãn? Phải, đúng thế. Nhưng đâu là nguyên nhân sâu xa của sự thiếu vắng niềm vui này? Đó chính là vấn đề độc thân. Cha sẽ giải thích. Các con, những chủng sinh, những nữ tu, đã dâng hiến tình yêu cho Đức Giêsu, một tình yêu cao cả. Trái tim của các con dành cho Đức Giêsu, và điều này dẫn chúng ta đến lời khấn khiết tịnh, lời khấn độc thân. Tuy nhiên, lời khấn khiết tịnh và lời khấn độc thân không chấm dứt lúc khấn, chúng tiếp tục. Đó là một cuộc hành trình đem lại sự trưởng thành, thành người cha mục tử, thành người mẹ mục tử, và khi một linh mục không trở nên người cha đối với cộng đoàn của mình, khi một nữ tu không trở nên người mẹ với tất cả những ai họ cùng làm việc, họ trở nên buồn bã. Đó là vấn đề. Căn cứ vào đó, cha nói cho các con hay: cội rễ của buồn phiền trong đời sống mục vụ thực tế nằm ở chỗ thiếu cái tinh thần của người cha, cái tinh thần của người mẹ, do việc sống đời sống dâng hiến này cách tồi tệ, trong khi lẽ ra phải dẫn chúng ta đến việc sinh hoa kết trái. Chúng ta không thể nghĩ đến những linh mục, những nữ tu mà không sinh hoa kết trái: đây không phải là đạo Công Giáo! đây không phải là đạo Công Giáo! Vẻ đẹp của đời dâng hiến: đó là niềm vui, niềm vui...

Tuy nhiên, cha không muốn làm cho nữ tu thánh thiện này phải ngượng ngùng đâu [Đức Thánh Cha quay sang một nữ tu cao tuổi ở hàng ghế đầu]. Chị đang gặp trở ngại, thật là tội nghiệp, quả thực chị đang bị nghẹt thở, nhưng chị có một khuôn mặt hạnh phúc. Thật là ích lợi cho cha khi nhìn vào khuôn mặt của Sơ đấy, Sơ ạ! Có lẽ Sơ đã có nhiều năm sống trong đời dâng hiến, nhưng sơ có đôi mắt đẹp, sơ đã mỉm cười, sơ đã không phàn nàn về những áp lực. Khi các con tìm kiếm những gương mẫu thế này, nhiều, rất nhiều nữ tu, rất nhiều linh mục vui vẻ, đó là bởi vì họ trổ sinh hoa trái, họ trao ban sự sống, sự sống, sự sống. Họ trao ban cuộc sống vì họ tìm lại nó trong Đức Giêsu. Trong niềm vui của Đức Giêsu. Niềm vui, chứ không phải buồn phiền, hoa trái của đời mục tử.

Để trở nên những chứng nhân hân hoan của Tin Mừng chúng ta phải chân thật, mạch lạc (coherence). Và đây là một từ khác cha muốn nói với các con: sự chân thực (authenticity). Đức Giêsu khiển trách nặng nề những kẻ giả hình: những kẻ giả hình, những kẻ suy nghĩ ti tiện; nói trắng ra là những người hai mặt. Chẳng mất mát gì khi nói với người trẻ về sự chân thực, bởi người trẻ - tất cả họ - có lòng khát khao nên chân thật, mạch lạc. Và các con chán ngấy khi thấy trong chúng tôi có những linh mục không chân thực và những nữ tu không chân thực.

Trước tiên đây là một trách nhiệm của người lớn, của các nhà đào tạo. Chính các bạn, những nhà đào tạo đang hiện diện nơi đây, phải nêu gương về sự chân thực cho người trẻ. Chúng ta muốn có những người trẻ chân thực không? Chúng ta hãy trở nên chân thực! Bằng không, Chúa sẽ nói với chúng ta điều Người đã nói về những người Pharisiêu cho Dân Chúa: "Những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng làm theo." Mạch lạc và chân thực!

Tuy nhiên đến lượt các con, các con cũng thế, phải tìm cách đi theo con đường này. Cha luôn nói điều mà thánh Phanxicô Assisi đã khẳng định: Đức Kitô đã mời gọi chúng ta loan báo Tin Mừng cùng với lời. Câu đó dường như thế này: Hãy luôn rao giảng Tin Mừng, và, nếu cần, bằng lời nói. Điều đó nghĩa là gì? Nó có nghĩa là loan báo Tin Mừng bằng sự chân thực của cuộc sống, bằng sự mạch lạc của cuộc sống. Tuy nhiên, trong thế giới này mà sự giàu sang gây ra nhiều sự dữ, điều cần thiết là chúng ta những linh mục, nữ tu, hết thảy chúng ta phải trở nên rõ ràng với sự nghèo khó của mình! Tuy vậy, khi các con thấy mối quan tâm hàng đầu của một cơ sở giáo dục, hay giáo xứ, hay bất cứ cơ quan nào là tiền bạc, thì điều đó chẳng đem lại cái gì tốt. Nó chẳng làm điều gì tốt! Nó không mạch lạc! Chúng ta phải mạch lạc, phải chân thực. Trên con đường này, chúng ta làm như thánh Phanxicô nói: chúng tôi rao giảng Tin Mừng bằng mẫu gương, sau đó mới bằng lời. Nhưng trước tiên là cuộc sống chúng ta, nơi mà tha nhân phải có thể đọc thấy Tin Mừng. Cả đây nữa, không chút sợ hãi, với những khiếm khuyết mà chúng ta cố gắng sửa chữa, với những hạn chế mà Chúa biết, nhưng cùng cả với sự quảng đại khi chúng ta để Ngài hành động trong chúng ta. Với những khiếm khuyết, những hạn chế của chúng ta - cha nói thêm - với tội lỗi của chúng ta...

Cha muốn biết: có ai ở đây trong căn phòng này không phải là một tội nhân không, ai không có tội? Hãy giơ tay lên nào! Hãy giơ tay lên nào! Không có ai. Không có ai. Từ chỗ này đến tận đằng cuối kia... tất cả! Nhưng tôi mang tội của mình, tội của tôi như thế nào? Cha muốn cho các con một lời khuyên: hãy luôn luôn thẳng thắn với cha giải tội của các con. Hãy nói với Ngài mọi sự, đừng sợ hãi. "Cha ơi, con đã phạm tội!" Hãy nghĩ đến người phụ nữ thành Samaria, người đã làm chứng, đã nói với đồng hương của mình rằng bà đã thấy Đấng Mesia, bà nói: "Người đã nói với tôi mọi điều tôi đã làm" và tất cả mọi người đều biết đời sống của bà này. Hãy luôn nói sự thật với cha giải tội của các con. Sự minh bạch này mang lại lợi ích cho các con, bởi nó làm cho ta nên khiêm nhường, tất cả chúng ta. "Nhưng thưa cha, con vẫn cứ tiếp tục trong điều đó, con đã làm điều đó, con đã căm ghét” - bất kể điều đó là điều gì. Hãy nói sự thật, đừng che giấu, lấp lửng gì cả, bởi các con đang nói với chính Đức Giêsu trong con người cha giải tội. Và Đức Giêsu biết sự thật, chỉ mình Ngài luôn luôn tha thứ cho các con! Tuy nhiên, Chúa chỉ muốn các con nói với Ngài điều Ngài đã biết. Hãy minh bạch! Thật là buồn khi thấy một chủng sinh, một nữ tu đi xưng tội với linh mục này để tẩy xóa vết nhơ; ngày mai lại đến với người khác, người khác, người khác nữa: một cuộc hành hương đến với các cha giải tội nhằm che giấu sự thật. Hãy minh bạch! Chính Đức Giêsu đang lắng nghe các con. Hãy luôn luôn có sự minh bạch này trước mặt Đức Giêsu nơi cha Giải tội! Tuy nhiên, đây là một ân sủng. Lạy cha, con đã phạm tội, con đã làm điều này, điều này... Và Chúa ôm các con, hôn các con. Hãy đi và đừng phạm tội nữa! Và nếu các con sa ngã lần nữa? Cha nói điều này từ kinh nghiệm. Cha đã nhận thấy nhiều người thánh hiến bị sa vào cái bẫy giả hình là thiếu minh bạch. "Con đã làm điều này", cách khiêm nhường, như người thu thuế đứng cuối đền thờ: "Con đã phạm tội này, con đã phạm tội này...." và Chúa che miệng bạn lại. Chính Ngài là người che miệng bạn lại. Nhưng các con đừng làm thế! Các con có hiểu không? Từ chính tội lỗi mà ân sủng dư tràn! Hãy mở cửa cho ân sủng, với sự minh bạch này!

Các thánh và những bậc thầy về đời sống thiêng liêng nói với chúng ta rằng thực hành việc xét mình hàng ngày rất hữu ích, thậm chí không thể thiếu, để giúp ta lớn lên trong sự chân thực trong đời sống chúng ta. Điều gì đang xảy ra trong linh hồn tôi? Do vậy, chúng ta phải cởi mở với Chúa và rồi với người giải tội của chúng ta, với cha linh hướng của chúng ta. Điều này thât là quan trọng!

Đến mấy giờ, thưa Đức Tổng Fisichella, chúng ta còn thời gian không?

[Tổng Giám Mục Fisichella: Nếu Cha nói như thế này, chắc hẳn chúng ta sẽ ở đây cho đến ngày mai.]

Cha nói đến ngày mai à. Vậy ít ra chúng ta hãy mang bánh Sandwich và một chai coca cola cho mỗi người chứ nếu đến ngày mai....

Để cho lời chứng của chúng ta đáng tin cậy, sự mạch lạc là cần thiết. Nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta cũng cần chuẩn bị về văn hóa, cha nhấn mạnh sự chuẩn bị về văn hóa, đưa ra lý lẽ cho đức tin và đức cậy chúng ta. Bối cảnh trong đó chúng ta sống, hằng kêu gọi "đưa ra lý lẽ", và đó là điều tốt đẹp, bởi nó giúp chúng ta không coi điều gì là đương nhiên. Hôm nay đây chúng ta không thể xem bất cứ điều gì là đương nhiên được. Nền văn minh này, văn hóa này... chúng ta không thể. Tuy nhiên, điều đó chắc chắn là hợp thời; đòi hỏi phải có một nền đào tạo tốt lành và quân bình, liên kết mọi chiều kích của cuộc sống, nhân bản, tâm linh, trí thức và mục vụ. Có 4 cột căn bản của việc đào tạo: tâm linh, tức là đời sống thiêng liêng; trí thức, học biết “đưa ra lý lẽ”; tông đồ:bắt đầu ra đi để loan báo Tin Mừng; và thứ tư, đời sống cộng đoàn. 4 cột trụ. Và đối với điểm cuối cùng, cần đào tạo trong cộng đoàn, ở nhà tập, ở tu viện, ở các chủng viện... Cha luôn luôn nghĩ rằng: một chủng viện tồi tệ còn hơn là không có chủng viện! Tại sao? Bởi đời sống cộng đoàn thật cần thiết. Hãy nhớ 4 cột trụ: đời sống tâm linh, đời sống trí thức, đời sống tông đồ, và đời sống cộng đoàn. Bốn cột trụ này, các con phải xây dựng ơn gọi trên 4 cột trụ này.

* * *

Và giờ đây, cha xin nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối quan hệ tình bạn và tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn vốn là một phần không thể thiếu của việc đào tạo này. Ở đây chúng ta đề cập một vấn đề khác. Tại sao cha lại nói đến mối quan hệ của tình bạn và tình huynh đệ? Đã biết bao nhiêu lần cha thấy các cộng đoàn, các chủng viện, các cộng đoàn dòng tu hay giáo phận, nơi đó lời nguyện tắt thông thường nhất là chuyện ngồi lê đôi mách! Thật kinh khủng! Họ “lột da” nhau.... Và đó là thế giới giáo sĩ, thế giới tu trì của chúng ta.... Xin lỗi, nhưng điều đó cũng bình thường thôi: ghen tương, đố kỵ, nói xấu lẫn nhau. Không chỉ nói xấu bề trên, điều này cũ rồi! Nhưng cha nói với các con rằng chuyện này rất hay xảy ra, nó phổ biến lắm! Cha cũng từng bị sa ngã vào chuyện này. Cha đã từng làm thế nhiều lần, rất nhiều lần! Và cha thấy xấu hổ! Cha xấu hổ về điều này! Thật không phải khi làm như vậy: đi ngồi lê đôi mách. " Chị đã nghe.. . chưa? Anh đã nghe...chưa?" Một cộng đoàn thế này quả là một địa ngục! Điều này chẳng mang lại lợi ích gì. Và vì thế, mối quan hệ của tình bạn và tình huynh đệ thật quan trọng. Có ít bạn bè. Kinh Thánh nói điều này: bạn hữu, một người, hai người... nhưng anh em với tất cả. Nếu tôi có điều gì chống lại một người anh một người chị, tôi sẽ nói trước điều đó trước mặt họ, hoặc tôi sẽ nói điều đó cho ai có thể giúp đỡ, nhưng tôi sẽ không nói với người khác để bôi tro trát trấu vào mặt họ. Và ngồi lê đôi mách thì thật kinh khủng! Đằng sau việc ngồi lê đôi mách, ẩn dưới việc ngồi lê đôi mách này là đố kỵ, ghen tuông, tham vọng. Các con hãy nghĩ về điều này. Một lần nọ sau khóa linh thao, cha nghe thấy một người - một người thánh hiến, một nữ tu... Điều này thì tốt. Nữ tu này đã nguyện hứa với Chúa rằng chị sẽ không bao giờ nói xấu người khác nữa. Đây quả là một điều đẹp đẽ, một con đường đẹp đẽ để nên thánh! Không nói xấu người khác. "Nhưng thưa cha, vấn đề là..." Hãy nói điều đó với bề trên, với giám mục là những người có thể sửa chữa. Nhưng đừng nói điều đó cho người không thể giúp ích gì. Tình huynh đệ: điều này thật quan trọng! Hãy nói cho cha hay, các con có nói xấu cha, mẹ hay anh em của mình không? Không bao giờ. Vậy tại sao các con lại làm như thế trong đời sống thánh hiến, trong chủng viện, trong đời sống giáo sĩ? Chỉ điều này thôi: hãy nghĩ về nó, nghĩ về nó... tình huynh đệ. Tình yêu huynh đệ.

Tuy nhiên, có hai thái quá trong khía cạnh tình bạn và tình huynh đệ này: sự cô lập (isolation) và sự phân tán (dissipation). Tình bạn và tình huynh đệ sẽ giúp tôi không bị rơi vào tình trạng cô lập hay phân tán. Những tình bạn được vun trồng, chúng là một tài sản quý giá: tuy nhiên, chúng phải dạy các con không khép mình lại nhưng biết mở lòng ra. Một linh mục, một nam tu, một nữ tu không thể nào là một hòn đảo, nhưng phải luôn là một người sẵn sàng gặp gỡ. Tình bạn cũng được nên phong phú nhờ những đoàn sủng khác nhau của các gia đình dòng tu. Nó là một sự phong phú tuyệt vời. Chúng ta nghĩ về tình bạn đẹp đẽ của biết bao vị thánh.

Cha nghĩ phải cắt bớt bài giảng, bởi lòng kiên nhẫn của các con thật lớn lao!

[Các chủng sinh: xin đừng…..!]

Cha muốn nói với các con: hãy ra khỏi bản thân mình để loan báo Tin mừng, nhưng để làm điều này các con phải ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đức Giêsu. Có hai con đường để ra đi: một là hướng về gặp gỡ Đức Giêsu, hướng về tính siêu việt; cái kia là hướng về tha nhân để loan báo Đức Giêsu. Hai con đường này đi đôi với nhau. Nếu bạn chỉ thực hiện một trong hai thì chẳng ích lợi gì. Cha nghĩ đến mẹ Têrêxa thành Calcutta. Nữ tu này thật tốt lành... Mẹ không sợ bất kỳ điều gì cả, mẹ ra đi trên đường phố... Nhưng người phụ nữ này cũng không sợ phải quỳ gối hai giờ đồng hồ trước Chúa. Các con đừng sợ đi ra chính mình trong cầu nguyện và trong hành động.. .. Hãy can đảm trong cầu nguyện và trong việc đi loan báo Tin mừng.

Cha muốn một Hội Thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, một Hội Thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội Thánh xinh đẹp biết ra đi. Trong những ngày này có nhiều nhà truyền giáo nam nữ đã đến tham dự thánh lễ sáng nơi đây, tại nhà thờ thánh Matta, và khi họ chào cha, họ nói: " Nhưng con là một nữ tu già, con đã ở Ciad 40 năm, con đã ở nơi này nơi kia..." Thật đẹp biết bao! Nhưng các con có hiểu rằng nữ tu này đã trải qua nhiều năm như thế bởi chị không bao giờ ngừng gặp gỡ Đức Giêsu trong cầu nguyện. Thật cần thiết để ra khỏi chính mình, để hướng về sự siêu việt của Đức Giêsu trong cầu nguyện, để hướng về sự siêu việt của tha nhân trong việc tông đồ, trong việc làm. Hãy đóng góp phần các con vào Hội Thánh như thế: trung thành với con đường mà Đức Giêsu đã ước muốn. Đừng học hỏi từ chúng tôi, từ chúng tôi là những người không còn trẻ nữa; đừng học từ chúng tôi cái môn thể thao mà chúng tôi, những người già cả, đã thường chơi: môn than vãn. Đừng học từ chúng tôi việc tôn thờ nữ thần luôn phàn nàn. Bà ta là nữ thần luôn than vãn. Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng. Hãy trở nên những người chiêm ngưỡng và những nhà truyền giáo. Hãy luôn có Đức Mẹ bên cạnh các con, hãy lần chuỗi mân côi...đừng bỏ. Luôn có Đức Mẹ ở với các con trong ngôi nhà mình, như môn đệ Gioan đã luôn có Mẹ ở cùng. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và bảo vệ các con. Và hãy cầu nguyện cho cha nữa, bởi cha cũng cần lời cầu nguyện, bởi cha là một tội nhân đáng thương, nhưng chúng ta phải đi về phía trước.

Cám ơn các con rất nhiều và chúng ta sẽ gặp nhau ngày mai. Các con hãy tiến về phía trước trong hân hoan, trong sự minh bạch, luôn can đảm nói lên sự thật, can đảm ra đi khỏi chính mình để gặp Đức Giêsu trong cầu nguyện và ra đi khỏi mình để gặp gỡ tha nhân và trao ban cho họ Tin mừng, với sự sinh hoa kết trái trong công tác mục vụ. Xin đừng trở nên những "cô gái già", những "chàng trai già". Hãy tiến về phía trước!

Đức Tổng Giám Mục Fisichella nói rằng hôm qua các con đã đọc kinh Tin Kính, mỗi người theo ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau, chúng ta có chung một Cha. Giờ đây, mỗi người trong ngôn ngữ của mình, hãy đọc kinh Lạy Cha. Nào chúng ta hãy đọc kinh Lạy Cha.

[Đọc kinh Lạy Cha]

Và chúng ta cũng có chung một Mẹ. Chúng ta hãy đọc Kinh Kính Mừng, theo ngôn ngữ của mình.

[Đọc kinh Kinh Mừng]
 
Chỉ một chữ đủ để mô tả triều giáo hoàng của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
01:31 06/08/2013
Ngày 2 tháng 8 vừa qua, John L. Allen Jr. nhận định rằng: quả là nguy hiểm khi tìm cách rút gọn thành một chữ toàn bộ sứ điệp của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Rio về Rôma. Vì sứ điệp này bàn về rất nhiều chủ đề khác nhau mà trọn bản văn ghi lại dài gần 10,000 chữ. Ấy thế nhưng Allen vẫn cứ cố gắng làm việc này mà không xâm hại gì tới bất cứ điểm chủ yếu nào của sứ điệp.

Chữ mà Allen cho không những tóm tắt trọn sứ điệp trên chuyến bay mà còn trọn cả triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, ít nhất từ trước tới nay, là chữ “thương xót”.

Thực vậy, mỗi triều giáo hoàng gần đây đều có một “câu ruột” biểu tượng cho việc nhấn mạnh có tính cốt lõi của mình. Đối với Đức Gioan Phaolô II, câu đó là “Đừng sợ”, vốn được coi như khẩu lệnh nhằm làm sống dậy nhiệt tâm truyền giáo sau một giai đoạn chỉ biết nhìn vào mình và do dự. Đối với Đức Bênêđíctô XVI, nhóm chữ đó là “lý trí và đức tin”, tức luận điểm cho rằng tôn giáo mà thiếu suy tư tự phê sẽ trở thành cực đoan; còn lý trí con người mà thiếu định hướng của các chân lý tối hậu sẽ trở thành chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa hư vô.

Đối với Đức Phanxicô, ý niệm nền tảng là lòng thương xót. Rất nhiều lần, ngài nhắc đi nhắc lại khả năng tha thứ bất tận của Thiên Chúa bằng cách nhấn mạnh rằng điều mà thế giới cần nghe Giáo Hội nói hơn cả là sứ điệp cảm thương.

Lọc lựa qua tất cả các nhận định của Đức Phanxicô trong cuộc họp báo trên không nói trên, điều duy nhất nói nhiều hơn cả là khi ngài trả lời câu hỏi về người Công Giáo ly dị và tái hôn. Và phần dẫn nhập của câu trả lời này cho ta cánh cửa sổ tốt nhất để nhìn vào triết lý mục vụ của ngài. Chủ yếu, ngài nói rằng:

“Lòng thương xót lớn lao hơn là trường hợp được anh nói tới. Tôi tin rằng đây là thời gian của lòng thương xót. Sự thay đổi của thời đại và cũng là của biết bao nhiêu vấn đề trong Giáo Hội - như một chứng tá không tốt của vài linh mục, nhưng cũng có các vần đề gian tham trong Giáo Hội - kể cả vấn đề duy giáo sĩ, chẳng hạn, nó đã để lại biết bao nhiêu người bị thương. Nhưng Giáo Hội là Mẹ phải ra đi chữa lành các người bị thương với lòng thương xót. Nếu Chúa không mệt mỏi tha thứ, thì chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn này: trước hết là săn sóc những người bị thương. Giáo Hội là Mẹ và phải đi trên con đường này của lòng thương xót. Và tìm ra một lòng thương xót đối với tất cả mọi người. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi người con hoang đàng trở về nhà, người cha đã không nói: ”Mày, hãy ngồi xuống nghe tao đây, mày đã làm gì với tiền của rồi?” Không, ông tổ chức lễ mừng. Thế rồi có lẽ khi người con muốn nói, anh ta đã nói. Giáo Hội cũng phải làm như thế. Khi có ai đó... nhưng mà không phải chỉ chờ đợi họ, mà là ra đi tìm kiếm họ. Đó là lòng thương xót. Và tôi tin rằng thời điểm (kairos) đã tới, đây là thời điểm của lòng thương xót. Chính Đức Gioan Phaolô II đã có trực giác này khi đã bắt đầu Lòng Thương Xót Chúa với thánh nữ Faustina Kowalska... Người đã trực giác rằng đây là một sự cần thiết của thời nay’.

Kairos vốn là một hạn từ hết sức đặc trưng của Tin Mừng chỉ một thời điểm đã được ấn định trong kế hoạch của Thiên Chúa, như trong Máccô 1:15: “Đây là thời điểm ứng nghiệm. Nước Thiên Chúa đã gần kề”. Hạn từ Hy Ngữ chỉ “thời điểm” ở đây chính là kairos. Trong óc tưởng tượng Kitô Giáo, hạn từ kairos này tương ứng với thời khắc đặc biệt của lịch sử khi một khía cạnh đặc thù trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được tỏ lộ.

Việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới lòng thương xót xẩy ra gần như ở khắp mọi nơi. Trong một nhận định gần đây trên tờ báo Ý Corriere della Sera, Enzo Bianchi, vị sáng lập ra đan viện đại kết nổi tiếng tại Bose, cho ta một phân tích thống kê về các chữ được Đức Phanxicô quen dùng kể từ ngày lên ngôi giáo hoàng. Chữ được dùng nhiều nhất là “vui”, hơn 100 lần; tiếp theo là “thương xót”, gần 100 lần.

Xác tín cho rằng ta hiện đang sống trong thời điểm thương xót làm mọi điều khác được Đức Phanxicô nói tới trên chuyến bay trở lại Rôma trở thành có nghĩa, và cả những điều ngài nói và làm từ trước đến nay kể từ ngày được bầu làm giáo hoàng hồi tháng Ba.

Nó giải thích quyết tâm của ngài không phê phán người đồng tính. Nó cũng giải thích việc ngài không bị cuốn hút vào cuộc tranh luận chính trị khi một nhà báo Ba Tây hỏi ngài về các luật lệ gần đây của xứ sở ông cho phép phá thai và hôn nhân đồng tính. Được hỏi tại sao không nhắc gì tới các vấn đề gây tranh cãi ấy trong suốt cuộc tông du Ba Tây, ngài đáp rằng “không cần phải nói về chúng, mà nói về những điều tích cực giúp người trẻ tiến bước. Dù sao, người trẻ biết rất rõ đâu là chủ trương của Giáo Hội”.

Được ép nói ra xác tín riêng, ngài không tránh né “Đó là xác tín của Giáo Hội... Tôi là con của Giáo Hội mà”.

Cốt lõi là đó. Đức Phanxicô không phải là người cấp tiến về lý thuyết, và chắc chắn sẽ không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào trong các chủ trương của Giáo Hội về các vấn đề phái tính và giới tính hay bất cứ vấn đề gì khác. Và một câu hỏi chuyên biệt được Đức Phanxicô khéo léo trả lời theo đường hướng này là vấn đề phong chức cho nữ giới, ngài tái xác nhận “cánh cửa đã đóng lại rồi”.

Cuộc cách mạng dưới triều Đức Phanxicô không phải là về nội dung mà là về cung giọng. Ngài tin đây là thời điểm để Giáo Hội giương cao gương mặt thương xót của mình cho thế giới thấy, một phần vì các thương tích tự mình gây ra cho chính mình, một phần vì tính khí khó khăn, không chịu tha thứ của thời đại. Đây là vị giáo hoàng tìm mọi dịp để biểu lộ cảm thương, bác bỏ việc chỉ tay kết án ngoại trừ khi thật cần thiết.

Việc ngài tập chú vào lòng thương xót cũng giải thích tại sao bí tích giải tội lại quan trọng đối với ngài đến thế, tại sao ngài nhấn mạnh tới việc ngồi tòa giải tội trước khi cử hành Thánh Lễ lúc thăm một giáo xứ Rôma lần đầu tiên hôm 31 tháng Năm, một điều mà cả hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đều không làm. Tại Rio de Janeiro cũng thế, ngài đích thân ngồi tòa giải tội cho 5 bạn trẻ, coi như đó là việc quan trọng nhất ngài phải làm trong tuần.

Tầm quan trọng của thương xót cũng đã được phát biểu trong huy hiệu giáo hoàng của ngài: Miserando atque eligendo, nghĩa là "bằng thương xót và tuyển chọn”.

Theo Allen, trong dư luận báo chí phổ thông, Đức Phanxicô vốn được gọi là “Giáo Hoàng của Người Nghèo” và “Giáo Hoàng của Dân”, cả hai đều nói lên các khía cạnh chủ chốt của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, nếu muốn có một công thức nói lên trái tim đang đập của triều giáo hoàng Phanxicô, thiển nghĩ không gì bằng tước hiệu “Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót”.

Không giảng về lửa và diêm sinh

Phil Lawler hoàn toàn đồng ý như thế, nhưng cho rằng không phải chỉ có thế, vì các chủ đề chủ yếu khác của triều giáo hoàng này cũng rất ăn khớp với sứ điệp bao trùm trên.

Theo Lawler, một ít tuần lễ sau khi Đức Phanxicô lên ngôi giáo hoàng, những người quan sát của Vatican bắt đầu chú ý tới việc vị tân giáo hoàng hay nói tới tội lỗi và ma qủy, nhưng không theo lối của những vị giảng thuyết chuyên nói về lửa và diêm sinh. Ngài nói tới tội như một thực tại mà con người nhân bản nào cũng phải đương đầu. Kiểu nói “tôi không sao, bạn không sao” không có hiệu quả; ta biết ta quá rõ mà; để một mình, ta không thể nào vượt qua được các biên giới của bản nhiên sa ngã.

Nhưng đây mới là yếu tính trong sứ điệp của Đức Phanxicô: với ơn Chúa, ta có thể thoát ra khỏi các biên giới kia. Chính vì thế, Đức Phanxicô có thể hân hoan lên tiếng, dù để nói về tội; và cũng là lý do tại sao nhiều người cảm thấy được khuyến khích dù ngài nói tới ma qủy. Trong thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđícô XVI cho rằng để hiểu được niềm hy vọng cứu rỗi nơi Kitô hữu, người ta phải trước nhất nhìn nhận việc cần được cứu rỗi. Nay, Đức Phanxicô trình bày giáo huấn có tính tín lý đó dưới hình thức một lời khuyên mục vụ. Ngài bảo: ta cần sự trợ giúp và Tin Mừng là sự trợ giúp ấy đã có sẵn!

Tuy nhiên, Đức Phanxicô không chỉ bằng lòng với việc một mình rao giảng sứ điệp này. Nhiều lần ngài khuyên các đồng đạo Kitô hữu của ngài cùng với ngài đem Tin Mừng đến với thế giới. Nếu việc cung hiến lòng thương xót của Chúa là sứ điệp quan trọng nhất của triều giáo hoàng này, thì sứ điệp quan trọng gần kề phải là việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc Giáo Hội phải đi ra ngoài, đem sứ điệp thương xót tới những người thiếu thốn nhất. Ngài liên tiếp phê phán “thứ Giáo Hội tự qui chiếu vào mình”, khuynh hướng coi Giáo Hội như một định chế nhân bản, như một tổ chức hơn là một cơ thể sống động. Ngài không mệt mỏi nhắc ta nhớ rằng Giáo Hội có đó là để phục vụ, để chu toàn mệnh lệnh của Chúa Kitô, là trải rộng lòng thương xót của Chúa ra khắp thế giới.

Thay vì đào hào chống lại chủ nghĩa duy tục trong các vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính và phong chức nữ giới, ngài chọn mở cuộc tấn công mới, trực tiếp kêu gọi hàng triệu người tìm nâng đỡ thiêng liêng. Ngài tập trung vào việc cung hiến, và thúc giục các tín hữu khác cung hiến, một khả thể hào hứng mà người duy tục không thể nào cung hiến được: đó là lòng thương xót của Chúa.

Một điểm chót: Đức Phanxicô sống giản dị, không phải để người đời tán thưởng, mà để đánh đổ cái nhìn coi ngài như nhân vật vĩ đại có thể dùng thế giá riêng để giảng dạy. Ngài muốn đơn giản hóa Vatican để đánh đổ quan điểm xưa nay vẫn cho rằng điều gì đó đúng là vì mấy viên chức cao cấp ở đó nói vậy. Ngài muốn một “Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội cho người nghèo” vì ngài muốn thế giới biết rằng Giáo Hội không có gì để hiến tặng ngoại trừ ân phúc vô lượng của Thiên Chúa. Tóm lại, ngài sống đơn giản để dẫn thế giới tiến tới câu truyện có thực liên quan tới đức tin Công Giáo. Nó không phải là câu truyện về vị giáo hoàng, cũng không phải là câu truyện về Vatican, nhưng là câu truyện về lòng thương xót của Chúa.
 
Đức Thánh Cha Tại Rio Gặp Gỡ Các Thiện Nguyện Viên
Gioan Baotixita
17:04 06/08/2013


 
Đức Hồng Y Leonardo Sandri bày tỏ lo ngại về số phận của các linh mục Dòng Tên tại Syria
Đặng Tự Do
06:36 06/08/2013
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, đã chia sẻ mối quan ngại của dòng Tên tại Trung Đông khi lên tiếng về số phận của Cha Paolo Dall'Oglio, một linh mục Dòng Tên người Ý.

Cha Paolo Dall'Oglio nổi tiếng với những lời chỉ trích chế độ Assad về những vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, bây giờ ngài lại bị bắt cóc bởi phiến quân thánh chiến Hồi Giáo.

Theo thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, Đức Hồng Y Sandri bày tỏ "sự gần gũi trong lời cầu nguyện" của mình với dòng Tên về "sự im lặng tuyệt đối đè nặng lên về số phận của hai Giám Mục Chính Thống Giáo và hai linh mục vừa mới bị bắt cóc, cũng như số phận của nhiều người khác, cả người Syria lẫn người nước ngoài, đang trong tình trạng hết sức đáng quan ngại"

Dòng Tên ở Trung Đông cũng lưu ý rằng Cha Frans van der Lugt đang bị mắc kẹt trong Homs, thành phố lớn thứ ba của Syria, trong bối cảnh cuộc giao tranh dữ dội đang diễn ra giữa lực lượng chính phủ và phiến quân.
 
ĐTC Phanxicô nói về đồng tính luyến ái: Xem xét lại cuộc tranh luận 'hôn nhân' đồng tính
Nguyễn Trọng Đa
09:45 06/08/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về đồng tính luyến ái: một cái nhìn vượt quá tiêu đề
Xem xét lại cuộc tranh luận 'hôn nhân' đồng tính


Rôma - Một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Rôma từ Đại hội Giới Trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, một sự kiện mà hàng triệu thanh niên tụ tập trên bãi biển Copacabana để tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện, tin tức hàng đầu từ các hãng tin thế tục trên thế giới đăng ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô bên cạnh tiêu đề: "Tôi là ai mà dám phê phán người đồng tính?"

Tiêu đề này bắt nguồn từ một tuyên bố của Đức Thánh Cha trong một cuộc họp báo được tổ chức trên máy bay chở Đức Thánh Cha về Rôma, sau Đại Hội Giới Trẻ Thế giới. Ngoài việc nói về các người đồng tính, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trả lời các câu hỏi về Ngân hàng Vatican, phụ nữ làm linh mục, và suy tư của ngài về chuyến thăm Brazil.

Các phương tiện truyền thông đã đặc biệt chú trọng đến các lời sau đây: “Nếu một người là người đồng tính và đang kiếm tìm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán người ấy? ... những người này không bao giờ bị gạt ra bên lề xã hội và họ phải được hội nhập vào xã hội?".

Một số người ủng hộ quyền đồng tính và "hôn nhân" đồng tính đã ca ngợi các lời này - hay đúng hơn, câu trích dẫn chọn lọc này - nhìn thấy đó như là một dấu hiệu cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đang dẫn đường cho Giáo Hội Công Giáo để thay đổi giáo huấn của mình về lối sống đồng tính. Họ cũng trích dẫn câu ấy như là một sự cải tiến hơn so với lời dạy của nguyên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, người được coi là “phê phán” nhiều hơn trong các vấn đề liên quan đến đồng tính luyến ái.

Vì lý do mở rộng cho sự giải thích, các phương tiện truyền thông thế tục đã là "tích cực" một cách chọn lọc trong lời trình bày của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong cùng một cách như họ thường là “tiêu cực” một cách chọn lọc về Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, các vị tiền nhiệm khác, và về giáo huấn Công Giáo nói chung. Điều này là quá rõ ràng với sự thinh lặng của các phương tiện truyền thông đối với tuyên bố Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến vấn đề phụ nữ làm linh mục, cũng được nói đến trong cuộc họp báo ấy, trong đó Ngài nói rằng lập trường của của Giáo Hội về vấn đề này là không thể thay đổi. Trong khi đó, khi Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cho những người đồng tính được "hội nhập vào xã hội", thay vì bị phê phán và bị gạt ra bên lề, Ngài được xem như một sứ giả của sự thay đổi cho học thuyết Công Giáo, khi thực ra Ngài chỉ đơn thuần nêu ra những gì mà các vị tiền nhiệm của Ngài, và Giáo Hội, đã nói trước đây.

"Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn”, trích trong Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo được Đức Thánh Cha Phanxicô qui chiếu trong cuộc họp báo. "Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp với các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa” (số 2358, bản dịch tiếng Việt cuốn Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, do Ban Giáo lý Giáo Phận Sài Gòn thực hiện)

Không kể lời giải thích lúng túng của các phương tiện truyền thông thế tục về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô là “không phê phán người đồng tính", họ đã vô tình mở đường cho các tín hữu và người không tin có một cái nhìn sâu hơn về những gì Giáo Hội dạy về vấn đề này. Liệu điều này sẽ gây ra một sự thay đổi tâm hồn cho các người tích cực cổ vũ lối sống đồng tính luyến ái hay không, vẫn còn được nhìn thấy. Nhưng đối với các người cam kết bảo vệ hôn nhân truyền thống, tại một thời điểm khi "hôn nhân" đồng tính đang trở thành hợp pháp ở một vài quốc gia, một sự xem xét lại các chiến thuật có thể được yêu cầu, mà lời nói của Đức Thánh Cha phục vụ như một hướng dẫn cho việc này. Chúng ta đang lắng nghe cộng đồng đồng tính không? Chúng ta trả lời câu hỏi của họ không? Chúng ta đang tìm kiếm đối thoại, hay là chúng ta chỉ phán lệnh? Liệu lời nói của chúng ta được tôn trọng không? Chúng ta có nhìn nhận rằng nhiều người đã phải đối mặt với sự bách hại, làm cho họ phải tìm nơi trú ngụ trong cộng đồng đồng tính không? Chúng ta có biết rằng một số cuộc bách hại được thực hiện nhân danh đức tin không? Liệu bác ái Kitô giáo có thúc đẩy chúng ta đấu tranh cho lợi ích của họ không, cũng như cho lợi ích của xã hội không, hoặc là chúng ta chỉ đấu tranh cho một chương trình có sẵn?

Chúng ta không bác bỏ sự bách hại thật sự mà các người đấu tranh anh hùng để bảo vệ hôn nhân truyền thống đã phải chịu. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ định chế hôn nhân chống lại các nỗ lực của cộng đồng đồng tính để phá bỏ nó, có một nguy cơ trở thành thua thiệt trong các cuộc luận chiến. Cuối cùng, có thể là không đủ để giành chiến thắng trong cuộc tranh luận; nhưng điều quan trọng là chúng ta thay đổi tâm hồn cũng như ý nghĩ. (Zenit.org 5-8-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Dư âm Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013: Nghe nhạc đêm canh thức
Trần Mạnh Trác
21:50 06/08/2013
(Romereports.com) Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của Ngày Giới trẻ Thế giới trong đêm canh thức tại bãi biển Copacabana ở Rio khi ca sĩ Matt Maher (Mỹ gốc Canada) đã quì và hát trước Thánh Thể.

Xem và nghe video

Lời nhạc như sau:

"Lord, I Need You" "Lạy Chuá, con cần đến Chuá"

Lord, I come, I confess Lạy Chúa, này con đến, tuyên xưng

Bowing here I find my rest Xấp mình nơi đây, con tìm được chốn nghỉ an

Without You I fall apart Nếu không có Chuá, con tan vỡ

You're the One that guides my heart Chuá là đấng trái tim con nương tựa

Lord, I need You, oh, I need You Lạy Chúa, con cần đến Chuá, ôi, con cần đến Chuá

Every hour I need You Hằng giờ con cần đến Chuá

My one defense, my righteousness Đấng bảo vệ con, đường công chính

Oh God, how I need You Ôi Chúa ơi, con cần đến Chuá

Where sin runs deep Your grace is more Ở đâu nhiều tội lỗi, ân sủng Chuá tràn đầy

Where grace is found is where You are Ở đâu ân sủng, ở đó Chuá ngự trị

And where You are, Lord, I am free Và ở nơi có Chúa, Lạy Chuá, con được tự do

Holiness is Christ in me Nhiệm màu, Chúa Kitô ngự ở hồn con

Lord, I need You, oh, I need You Lạy Chúa, con cần đến Chuá, ôi, con cần đến Chuá

Every hour I need You Hằng giờ con cần đến Chuá

My one defense, my righteousness Đấng bảo vệ con, đường công chính

Oh God, how I need You Ôi Chúa ơi, con cần đến Chuá

Teach my song to rise to You Xin dẫn đưa lời hát con lên tới Chuá

When temptation comes my way Khi con chịu cám dỗ

And when I cannot stand I'll fall on You Và khi con không còn đứng vững, xin cho con ngã vào Chuá

Jesus, You're my hope and stay Lạy Chúa Giêsu, Chuá là hy vọng và chốn nương náu của con

Lord, I need You, oh, I need You Lạy Chúa, con cần đến Chuá, ôi, con cần đến Chuá

Every hour I need You Hằng giờ con cần đến Chuá

My one defense, my righteousness Đấng bảo vệ con, đường công chính

Oh God, how I need You Ôi Chúa ơi, con cần đến Chuá

You're my one defense, my righteousness Chuá là đấng bảo vệ con, là đường công chính

Oh God, how I need You Ôi Chúa ơi, con cần đến Chuá

My one defense, my righteousness Đấng bảo vệ con, đường công chính

Oh God, how I need You Ôi Chúa ơi, con cần đến Chuá
 
Sử dụng truyền thông để truyền bá Tin Mừng
Vũ Văn An
21:56 06/08/2013
Viện Napa được thành lập để giúp các nhà lãnh đạo Công Giáo đối diện với các thách đố do “Nước Mỹ Kế Tiếp” đặt ra, là tiếp tục công việc của các Tông Đồ và các vị kế nhiệm các ngài, tức các giám mục, bằng cách lưu tâm tới lời kêu gọi liên tục phúc âm hóa của Chúa Kitô.

Qua kế hoạch hướng dẫn các tham dự viên thấu hiểu chân lý nằm ở đàng sau đức tin, Viện Napa giúp người Công Giáo dám sống và dám bảo vệ đức tin của họ một cách đầy tự tin thanh thản, một niềm tự tin phát sinh từ một nền đào luyện vững chắc, tình hiệp thông và sự phong phú hóa thiêng liêng.

Chú tâm chính của Viện là cuộc hội thảo hàng năm. Được tổ chức tại Thung Lũng Napa, California, cuộc hội thảo giới thiệu các vị Hồng Y, giám mục, linh mục và tu sĩ cũng như các nhà trí thức Công Giáo nổi danh trình bày nhiều bài học sâu sắc về các chủ đề hợp thời.

Viện đã tổ chức được 2 khóa hội thảo vào các năm 2011 và 2012. Khóa hội thảo thứ ba vừa kết thúc vào Chúa Nhật 4 tháng 8 vừa qua. Khóa năm nay bàn tới các chủ đề: Tính Thánh Thiêng Của Việc Làm, Xây Dựng Nền Văn Hóa Công Giáo, và Lý Trí Và Đức Tin.

Các diễn giả và các giáo phẩm tham dự gồm: các TGM José Gomez, Charles Chaput, John Nienstedt, Samuel Aquila, Salvatore Cordileone, và Alexander Brunett; các GM Robert Vasa, Kevin Vann, và Robert Morlino; các LM Robert J. Spitzer, S.J., Ronald Tacelli, S.J., và Brian Mullady, OP; cùng với Tim Gray, Ph.D., Carolyn Woo, Ph.D., Kathryn Jean Lopez, John Garvey, và Tiến Sĩ Francis Beckwith.

Theo tin CNA/EWTN ngày 5 tháng 8, tại cuộc hội thảo năm nay, Kathryn Jean Lopez, giám đốc Catholic Voices USA kiêm tổng biên tập National Review Online, đã phát biểu rằng: Người Công Giáo phải coi truyền thông thế tục như một cơ hội để phúc âm hóa và vươn tới “những ai cần anh hùng và Tin Mừng” một cách hữu hiệu hơn.

Cô cho hay: “Hãy nhìn truyền thông như một cơ hội tông đồ. Hãy gọi cho các phóng viên, hãy thành bạn bè của họ. Hãy mời họ bước vào để nói về Tin Mừng. Qúy vị không cần đồng ý với họ về mọi điều họ nói hay làm họ trở lại ngay lập tức. Qúy vị nên kiên nhẫn. Hãy tôn trọng sự tự do của họ. Hãy chia sẻ sự thật với họ. Hãy chân thực với họ”.

Cô bảo: “tôi biết ta dễ bị cám dỗ ta thán về truyền thông, tìm các sai lạc của họ. Nhưng sở dĩ tường trình của họ thù nghịch đối với ta, là vì những người chủ trì chương trình, các phóng viên, các nhà sản xuất không biết gì về Đạo Công Giáo, họ có thể chỉ biết những gương xấu, những bài giáo lý tệ hay một biếm họa nào đó”.

Cô đưa ra một số gợi ý để trả lời các chỉ trích và tranh luận về đức tin Kitô Giáo. Cô bảo: “Qúy vị nên nhìn ý hướng tích cực nằm đàng sau các chỉ trích. Thông thường vẫn có một giá trị Kitô Giáo nào đó. Hãy đề cập tới giá trị đó”.

Cô khuyên các nhà truyền thông Công Giáo “chiếu sáng đừng chiếu nóng” và giúp “mở cửa dẫn vào các bí tích. ” Theo cô, “người ta không nhớ bạn đã nói gì cho bằng bạn làm họ cảm nhận ra sao”.

Song song với ngôn từ ngắn gọn “có thể nói với trái tim người ta bằng một nội dung vững chắc”, truyền thông hiện đại còn có khả năng sử dụng “các hình ảnh và viđêô lôi cuốn được chú ý mà lời không thôi không làm được”.

Lopez cũng nhấn mạnh sự quan trọng của kể truyện trong việc chia sẻ đức tin, cho rằng nó là “một trong những điều tốt nhất qúy vị có thể làm khiến người ta phải lắng nghe. Truyện ấy không phải về chính qúy vị. Mà là về Chúa Kitô. Điều này cực kỳ có tính giải thoát. Thiên Chúa phải được nâng cao, còn tôi, cần phải nhỏ đi”.

“Ta phải sẵn sàng sánh bước với người ta bất cứ họ đi đâu, chỉ cho họ thấy Đạo Công Giáo trong cái viên mãn của nó. Cho họ thấy niềm vui, sự hy sinh và cả tính nghiêm ngặt nữa. Hãy sống chân thực, cho họ thấy rõ ta đang sống trong thế giới thực”.

Lopez cho rằng điều quan trọng cần nhớ là quan điểm văn hóa chính dòng hiện nay coi Thiên Chúa và tôn giáo chỉ như một “cái bến an toàn”, niềm ủi an của kẻ chết và người bệnh chứ không phải là điều nên “lây lan ra các lãnh vực khác của cuộc sống”.

Cô giải thích: “Truyền thông không khuyến khích người ta ước mơ, hy sinh, phục vụ và tin những vấn đề vượt quá các thèm muốn của họ. Ta cần khuyến khích những người có óc sáng tạo viết những kịch bản tốt hơn, kể những câu truyện cứu vớt nâng cao tâm hồn hơn. Ta cần những con người biết mở truyền hình và những cuốn sách và không đầm mình vào các khốn cùng của người khác để trốn tránh các khốn cùng của riêng mình, nhưng để trở thành tốt hơn và đi tìm các giải trí có thể giúp họ trong hành trình này”.

Theo Lopez, quả là “bất công” đối với công chúng, đối với sinh viên, các đồng nghiệp, bạn bè và tín hữu nói chung nếu truyền thông Công Giáo chẳng “là gì khác hơn một cố gắng tông đồ”.

Đồng thời cô cũng cho rằng các cố gắng truyền thông của Công Giáo “cũng phải tốt như các linh hồn của ta”. Cô bảo: “khốn thay cho ai cố gắng bênh vực Giáo Hội nơi công cộng mà lại không thường xuyên xưng tội, tham dự Thánh Lễ hàng ngày bao nhiêu có thể, và nghiêm chỉnh đối với việc cầu nguyện”. Cô cho rằng sinh hoạt bận bịu của truyền thông có nguy cơ khiến người ta sống “không cần ơn bí tích và chiêm niệm. Người chuyên nghiệp Công Giáo rất dễ mất linh hồn. Hoặc làm người khác sa ngã hoặc mất linh hồn vì tiếng xấu”. Cô nhấn mạnh: “các câu truyện có tính cứu rỗi thường không tạo ra tin sốt dẻo”.

Lopez cũng cho rằng hiện có một không khí tang chế trong cuộc sống hiện nay nơi những người cảm thấy họ đang mất mát điều gì hay đang thiếu một điều gì khiến họ phải đi tìm tình yêu “không đúng chỗ. Ta cần nhớ tới cảnh tang chế của những người ta bất đồng với, nỗi đau họ đang phải mang. Không phải để thỏa hiệp nhưng để mở cửa giúp cho tâm hồn họ có thể cởi mở đối vớ các đề xuất của Đạo Công Giáo”.

Bất luận xuất hiện trên tin tức, bên ngoài Giáo Hội, tại quán bar địa phương, hay trong sinh hoạt gia đình, người Công Giáo nên chào đón mọi dịp để thảo luận đức tin của họ, vì “đây là mệnh lệnh của Tin Mừng, giúp mọi người hiểu rõ điều gì đáng sống và đáng chết cho”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Nữ Đa Minh Bắc Ninh có thêm 15 nữ tu tuyên khấn
Đức Nguyễn
15:29 06/08/2013
Dòng Nữ Đa Minh Bắc Ninh có thêm 15 nữ tu tuyên khấn

Từ Phong: 11 nữ tu khấn đơn và 4 nữ tu khấn trọn là hồng ân Chúa ban tặng cho Dòng Nữ Đa Minh Bắc Ninh trong Thánh Lễ khấn lần đầu tiên của Hội Dòng. Thánh Lễ được Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt SJ., cử hành long trọng tại Trung tâm Thánh mẫu Từ Phong vào lúc 08h30 sáng 06.08.

Xem Hình

Cùng đồng tế với Đức Cha còn có đông đảo quý Cha trong và ngoài giáo phận nhất là sự xuất hiện của đông đảo quý Cha đến từ Dòng Đa Minh, quý tu sĩ Nam Nữ, quý bậc phụ huynh, ân nhân và thân nhân và khoảng hơn 2000 giáo dân từ khắp nơi về chung chia niềm vui với các chị em tuyên khấn và Hội Dòng.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Giáo phận đã chia sẻ với chị em những niềm vui cũng như sự lo lắng và kinh nghiệm sống đời dâng hiến của chính Ngài. Ngài cũng so sánh những chị em khấn hôm nay như những “người nộp” mình cho Chúa.

Qua đoạn Tin Mừng ngày Lễ Chúa Hiển Dung, Đức Cha nhấn mạnh đến sự lựa chọn Ơn gọi của mỗi người. Ngài lấy hình ảnh Chúa Giêsu khi đứng trên núi Tabor là nơi Ngài đã đưa ra lựa chọn lên Giêrusalem để “nộp mình” đền tội cho thiên hạ và Chúa đã gọi Phêrô là satan khi ông ngăn cản Chúa lên đường.

Sau bài chia sẻ của Đức Cha, nghi thức tuyên khấn được tổ chức long trọng và sốt sáng. Lần lượt 11 chị em khấn đơn và 4 chị em khấn trọn đã tiến lên gian cung thánh để Đức Cha thẩm vấn và quỳ trước mặt Sơ bề trên để đọc lời tuyên khấn của mình.

Tiếp đó các khấn sinh đã tiến ra bục thư ký để đặt bút xác tín và quyết tâm sông theo những lời khấn hứa của mình. Kể từ đây, các chị em đã chính thuộc về Chúa và Chúa sẽ là cùng đích của cuộc đời các khấn sinh qua việ nhận chiếc nhẫn tuyên khấn và bản Hiến Pháp của Hội Dòng từ tay Đức Cha.

Hội Dòng Nữ Đa Minh Bắc Ninh được chính thức thiết lập và gia nhập Giáo phận Bắc Ninh vào ngày 01.01.2013 cũng là ngày Lễ kính Thánh Mẫu Thiên Chúa – tước hiệu của Hội Dòng. Hiện nay, Hội dòng có tổng cộng khoảng trên 200 nữ tu, tập sinh, tiền tập và đệ tử đang học tập và phục vụ trong giáo phận.

Thánh Lễ khấn hôm nay cũng chính là Thánh Lễ khấn đầu tiên kể từ khi Hòi Dòng được tái thiết lập và trở về với quê Mẹ Bắc Ninh. Nữ tu Maria Chu Thị Dâng hiện đang làm bề trên tổng quyền tiên khởi của Hội Dòng.

Qua Thánh Lễ khấn hôm nay, 11 nữ tu khấn đơn và 4 nữ tu khấn trọn cũng chính là những hoa trái đầu tiên của Hội Dòng. Ước mong sao 15 nữ tu tuyên khấn hôm nay sẽ cùng với Hội Dòng sẽ luôn ra sức đào sâu đời sống cầu nguyện và sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh.

Đức Nguyễn
 
Trại Hè Xứ Đoàn Thánh Linh, Giáo Xứ Nhượng Nghĩa, Gp Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
15:18 06/08/2013
TRẠI HÈ XỨ ĐOÀN THÁNH LINH, GIÁO XỨ NHƯỢNG NGHĨA, GP ĐÀ NẴNG

Trại hè “ VỮNG TIN TIẾN BƯỚC” của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ( TNTT) xứ đoàn Thánh Linh, Giáo xứ Nhượng Nghĩa được Cha Quản xứ Phê rô Lê Hưng và các huynh Trưởng tổ chức trong hai ngày 3 và 4/ 8/ 2013.

Đây là sinh hoạt thường niên trong các dịp hè, sau một năm học Giáo lý tại Giáo xứ và kiến thức văn hóa tại trường.

Xứ đoàn có 26 Trưởng vừa là Giảng Viên Giáo Lý, anh Micae Nguyễn Hữu Nghĩa làm Trưởng đoàn, hơn 200 em TNTT được chia thành 9 lớp học Giáo lý, từ lớp Vườn Hồng đến lớp Dự Trưởng.

Ngày 3/ 8/ 2013:

Từ sáng sớm, các em đã nô nức đem các vật dụng cần thiết đến sân nhà xứ chuẩn bị lều trại. Các em được chia thành 7 đội, sau khi nhận được đất trại, như đàn ong cần mẫn, các em đã làm nên những trại thật xinh, trang trí nhiều ý tưởng. Bàn thờ luôn có Thánh Giá Chúa và quyển Kinh Thánh, ngoài ra có trại trang trí thêm Logo TNTT, Logo Năm Đức Tin…..Để thuyết trình cho cách trang trí của mình, có em thuyết trình logo Năm Đức Tin đầy sáng tạo theo 4 tiêu chí của TNTT : cầu nguyện , rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ làm Cha Linh hướng, các anh chị Trướng và Ban Điều Hành trại khen rất sáng tạo.

Trong Thánh lễ khai mạc trại, Cha Marcello Đoàn Minh (Linh hướng phong trào TNTT Giáo phận Đà Nẵng) quyết định thăng cấp 1 cho 5 huynh Trưởng của xứ đoàn đã qua các khóa Sa Mạc huấn luyện. Anh Dominico Bùi Ngọc Diệp ( Trưởng liên đoàn TNTT Thánh Tâm , Giáo phận Đà Nẵng) đã đến dự, anh cùng chia sẻ niềm vui và khích lệ cho xứ đoàn .

19 giờ 30 tối, các em vây quanh lửa trại, cầu Lửa Thiêng, nhảy múa vui chơi vui nhộn đầy ấn tượng. Sau đó văn nghệ bỏ túi, với nhiều nghệ thuật khác nhau về ca múa kịch, các em phản ánh một phần về Thiên Chúa, thế giới quan, nhân sinh quan dưới cái nhìn của các em. Một vở kịch đặc sắc gây ấn tượng : An Rê Phú Yên . được chia làm 3 cảnh : Anre học Đao, làm Thầy Giảng và chịu tử đạo. lúc Lý hình khai đao chém đầu, các em đã khéo léo làm máu và cái đầu giả văng ngay giữa sân, làm khán giả vừa vui vừa cảm động.

Ngày 4 / 8 / 2013 :

Suốt cả buổi sáng, nhiều trò chơi thi đua đòi hỏi kỷ năng cá nhân như uống rượu trong tiệc cưới Cana, ăn trái cấm, thi nấu cơm bay ( di động)…đến chiều , trò chơi lớn dịch tìm mật mã…xoáy tất cả các em vào cuộc vui, không để em nào đứng ngoài cuộc.

17 giờ, trong Thánh lễ chiều Chúa Nhật, Cha Quản xứ và Ban Giáo lý đã tặng giấy khen và phần thưởng cho 25 em đã có thành tích trong năm học giáo lý 2012-2013 vừa qua.

Sau Thánh lễ, ban kỷ luật trại đã công bố điểm các thi đua trong 2 ngày trại, các ưu điểm đáng khen và các hạn chế cần rút kinh nghiệm cho các lần sau. Cha Quản xứ huấn từ nhắc nhở những cơ bản của thiếu nhi, người con yêu của Chúa và Giáo Hội, con thảo trong gia đình và công dân tương lai của Giáo Hội và xã hội.

Phát thưởng và hạ cờ trại đã kết thúc trại hè đầy sôi đông vui vẻ.

Trại hè hằng năm là dịp tốt rèn luyện thể chất , kỷ năng sinh hoạt đoàn thể và làm việc chung, tạo niềm vui và kỷ niệm đẹp cho cuộc đời…..là tác nhân gắn kết các em với nhau, hứa hẹn tương lai các em là công dân, Giáo dân tốt đẹp .

Toma Trương Văn Ân
 
Dòng Đaminh Rosa Lima: 8 nữ tu khấn trọn và 17 chị tiên khấn
Sr. Maria Nguyễn Thị Minh Du
21:49 06/08/2013
Sáng ngày 05 tháng 8, tại nguyện đường dòng nữ Đaminh Rosa Lima có mười bảy chị khấn lần đầu và tám chị khấn trọn.

Trong số các chị khấn năm nay, hầu như gia đình các chị khấn đã có mặt tại Thủ Đức từ mấy hôm trước... các chị khấn sinh này thuộc các giáo phận: Saigon, Xuân Lộc, Long Xuyên, Bà Rịa, Đà Lạt, Ban Mê Thuột,Vinh, Thanh Hóa và Hải Phòng. Tuổi cao nhất là 34 và nhỏ nhất là 25. Hầu hết các nữ tu này đã học xong đại học hoặc qua một trường cao đẳng.

Khoảng bảy giờ sáng, sân nhà Dòng đã nhộn nhịp từng đoàn người tiến vào. Quý ông bà cố, quý anh chị em, cháu chắt, gia đình nội ngoại của các tân khấn sinh. Cảm động nhất là quý cha giáo sư, quý cha xứ, quý cha bảo trợ, quý cha họ hàng thân hữu cũng đã đến từ rất sớm để chuẩn bị đồng tế cùng Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, cầu nguyện cho hai mươi lăm tân khấn sinh.

8g 30 đoàn rước tiến vào nguyện đường trong lời ca dìu dặt của ca đoàn Thỉnh Sinh. Mở đầu thánh lễ Đức Cha Giu-se mời cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa với các chị em nữ tu chuẩn bị lời tuyên khấn lần đầu và khấn trọn hôm nay, đặc biệt Đức Cha mời gọi các chị em này bỏ tất cả những gì bên ngoài và chỉ có một chuyện duy nhất bây giờ và lúc này là dâng chính bản thân mình lên Thiên Chúa thay cho tất cả mọi lễ vật. Quả là một lời mời gọi thật ý nghĩa trong ngày lễ Thánh Hiến.

Thiên Chúa chọn gọi mỗi người không phải vì bạn đẹp, chẳng phải vì bạn giỏi, cũng không phải bạn đạo đức hay gia đình bạn danh giá.... Ngài chọn và gọi vì yêu thương và muốn bạn cộng tác vào chương trình của Ngài. Có lẽ vậy mà cuộc đời Thánh Hiến luôn được ví như chiếc bình sành dễ vỡ và luôn luôn xin lời cầu nguyện mỗi khi có thể. Các chị em được thánh hiến, tay cầm nến sáng mà lòng lâng lâng. Xin dâng về Thiên Chúa tất cả.

Nghi thức khấn Dòng được các chị em long trọng khấn trước sự hiện diện của cộng đoàn. Trong khi khấn, các chị đặt tay của mình trong tay của chị Tổng Phụ Trách Agnes Nguyễn Thị Thịnh. Hình ảnh này thật đẹp, khiến gợi nhớ cho chính bản thân mình 15 năm về trước, bàn tay nhỏ của mình đặt trong tay Bề trên Tổng Quyền. Một sự trao hiến bắt đầu từ cái nắm tay này. Các chị em tiên khấn thay chiếc lúp trắng bằng chiếc lúp đen tượng trưng cho việc từ nay chị từ bỏ chính mình và chọn việc tùng phục Thiên Chúa qua các vị đại diện của Người. Các chị cũng được lãnh nhận Hiến Pháp của Dòng như là kim chỉ nam sau sách Tin Mừng trong đời sống phục vụ Giáo Hội và sống nên thánh của mình.

Các chị khấn trọn đời được cả cộng đoàn nài xin lời chúc lành của Mẹ Maria và các Thánh qua kinh cầu. Các chị phủ phục ( nằm sấp) trước bàn thờ trong khi cả cộng đoàn nài xin lòng thương xót.

Các nữ tu này cũng được Đức Cha chủ sự làm phép và đeo vào tay từng người chiếc nhẫn như một dấu chỉ của sự tín trung trong đời thánh hiến của các chị em.

Chị Tổng phụ trách tuyên bố các chị khấn trọn trở thành thành viên chính thức của Dòng từ giờ phút này, chị được hưởng mọi quyền lời và nghĩa vụ. .. và những tràng pháo tay chúc mừng vang lên khắp nguyện đường. Bằng cử chỉ ôm từng chị em trong tay như là dấu chứng của chị tổng chuẩn nhận các chị em trong những giây phút đầu tiên trở thành phần tử của Dòng. Nụ cười còn mãi trên khóe môi từng người tham dự.

Được biết, để được khấn trong Dòng Đaminh Rosa Lima, ít nhất chị phải trải qua 5 năm trong các giai đoạn Thỉnh Sinh, Tiền Tập và Tập Viện. Đầu tiên là giai đoạn Thỉnh Sinh học các chương trình huấn luyện trong hai năm. Sau hai năm này, chị được lên giai đoạn Tiền Tập. Ở đây, chị được học các môn để tìm hiểu về Dòng. Sau một năm, chị sẽ được lên nhà Tập trong hai năm. Trong hai năm Tập Viện, chị cầu nguyện nhiều với Chúa để trao đổi và “ bàn bạc” về cuộc đời tu trì, về quyết định trở thành nữ tu của mình. Và sau hai năm Tập Viện, chị sẽ có quyết định dứt khoát cho chọn lựa của mình. Cũng trong hai năm tập này, chị không được gặp gỡ người ngoài, không được về thăm gia đình...Chỉ một mình chị với Thiên Chúa.

Một chặng đường dài trong đời sống tập tu cho đến ngày hôm nay. Hoa trái ơn gọi của Dòng là những lời cầu nguyện của cha mẹ, của anh chị em trong gia đình, của họ hàng hai bên nội ngoại, của người thân, của bạn bè... của quý Cha, quý Thầy, Quý Sơ, của chị em trong Dòng... của biết bao người thân cũng như sơ và đặc biệt là những lời cầu xin tha thiết của khấn sinh. Hoa trái ơn gọi này sẽ lớn mãi trong tình yêu của Thiên Chúa. Ước chi các chị khấn sinh sẽ mãi rạng rỡ, sẽ mãi mỉm cười như trong ngày khấn... để tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời của mình, chị vẫn thấy những ánh mắt khích lệ của gia đình, những cái bắt tay của anh chị em, những lời động viên của biết bao người... luôn mong cho đời sống Thánh Hiến của chị nên vẹn toàn.

Xin chúc mừng các chị và các em khấn sinh của các Dòng Đaminh trong tháng tám này. Xin cho lời nguyện ước của các chị luôn được Thiên Chúa chúc lành. Vì một ngày nọ Chúa đã ghé mắt nhìn con, Ngài dẫn con từng bước đầu đời trong ơn gọi. Rồi hôm nay, với bao bồi hồi và xúc động, một hồng ân được trao ban trong kính tin, một trách vụ được trao phó trong tín thác, một lời mời gọi dứt khoát cho Tình Yêu vô biên để hiến tế cuộc đời cho Thiên Chúa. Người sẽ đóng ấn một lần cho mãi mãi, trên trang sử đời con.

Cha đã gọi chính tên con, xin hãy hoàn chỉnh trong con, những gì hôm xưa Ngài đã khởi sự.

Maria Nguyễn Thị Minh Du
Congregation of Dominican Sisters of Saint Rose of Lima

VIET NAM
 
Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam : Thánh Lễ Trao Sứ Vụ Linh Mục
Anmai, CSsR
07:53 06/08/2013
TỈNH DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM: THÁNH LỄ TRAO SỨ VỤ LINH MỤC

Từ đêm hôm qua, cơn mưa nhẹ đổ xuống làm cho khí hậu hôm nay phần nào dịu mát. Đến sáng, vẫn lắt rắt như hồng ân Thiên Chúa tuôn rơi. Trời mưa vẫn không ngăn được lòng người, không ngăn được tình hiệp thông với Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam, cách riêng các tiến chức lãnh sứ vụ ngày hôm nay.

Xem hình ảnh

Từ sáng sớm, những người thân quen với nhà dòng, với các tiến chức đã trở về với nhà thờ Ba Chuông thân thương. Cộng đoàn giáo xứ chia nhau mỗi người một việc góp phần cho Thánh Lễ trao sứ vụ linh mục. Ban tiếp tân hân hoan chào đón quý cha, cùng cộng đoàn dân Chúa và những người thân quen bằng tấm lòng hết sức thiện cảm. Dù vẫn lắt rắt mưa nhưng ban tiếp tân vẫn nhiệt tâm ra tận cổng để mời đón khách.

7 g 45, cộng đoàn cùng hân hoan chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc - đến giáo xứ Đa Minh Ba Chuông.

Tay bắt mặt mừng, các cha, quý tu sĩ nam nữ và người thân quen có dịp gặp lại nhau trong ngài đại lễ như thế này. Niềm vui trào dâng trên khuôn mặt của những người lâu lâu mới có dịp như thế này. Các cha vui vẻ và nói đùa với nhau "hôm nay dòng Đa Minh vui mừng đón tiếp các tôn giáo bạn" bởi lẽ hôm nay như là ngày vui, ngày gặp gỡ của những người thân quen có thể không cùng tôn giáo.

8 giờ, các tân chức cùng đoàn đồng tế tiến vào Thánh Đường. Cuối cùng của đoàn đồng tế hôm nay là Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo.

Trước khi Thánh Lễ bắt đầu, Đức Cha Giuse mọi người cùng tạ tội, cùng sám hối để dâng Thánh Lễ trao sứ vụ. Cách riêng, Đức Cha mời gọi các tiến chức mở lòng ra để cầu nguyện và đặc biệt kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Bài Tin Mừng phụng vụ Thánh Lễ Chúa Hiển Dung hôm nay được công bố. Kế đến là phần điểm danh các ứng viên phó tế tiến chức linh mục:

Phanxicô Xaviê Trần Kim Ngọc

Giuse Võ Viết Cường

Giuse Nguyễn Văn Phương

Giuse Trần Hưng Đạo

Gioan Baotixita Cáp Hữu Trí

Phêrô Phạm Huy Khánh

Giuse Hồ Đức Ký

Giuse Phạm Văn Vũ

Giuse Vũ Ngọc Thanh

Giuse Mai Văn Điệp

Sau đó, Đức Cha chia sẻ cùng cộng đoàn dân Chúa và các tiến chức. Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng hòa chung niềm vui với dòng Đaminh như niềm vui của 3 môn đệ ngày hôm nay được thấy Chúa hiển dung. .. Đức Cha mời gọi các tiến chức vâng nghe lời Chúa như hôm nay trong Tin Mừng.

Nghi thức trao sứ vụ được tiếp tục với phần đặt tay chúc lành, kinh cầu các Thánh, lời nguyện phong chức. Sau đó các tân tức nhận áo Lễ từ quý ông bà cố và được các linh mục nghĩa phụ hoặc cha Xứ mặc. Tiếp đến là nghi thức xức dầu, trao lễ vật. .. Các cha đại diện đoàn đồng tế ôm hôn chúc bình an.

Một tràng pháo tay thật giòn dã chúc mừng quý tân chức.

Lời nguyện hiệp lễ kết thúc. Cha Giám Tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình thay mặt cộng đoàn có lời cảm ơn Đức Cha Giuse.

Trong lời cảm ơn, Cha Giám Tỉnh nhắc lại những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Đức Cha Giuse. Cha Giám Tỉnh cũng nhắc đến kỷ niệm đây là hạnh phúc của Tỉnh Dòng và cộng đoàn bởi đây là lần đầu tiên Đức Cha đến với giáo xứ Đaminh Ba Chuông cũng là lần đầu tiên Đức Cha trao sứ vụ linh mục sau khi lãnh sứ vụ Giám mục.

Trong phần đáp từ, Đức Cha mời gọi quý cha, cộng đoàn, cách riêng quý ông bà cố cầu nguyện cho các tân chức. Đức Cha mời gọi các tân chức ngày mỗi ngày hãy dâng những khó khăn, những hy sinh, những đau khổ lên Chúa như các môn đệ gặp đau khổ sau khi xuống núi trở về với đời thường. .. quý cha mới hãy dâng những đau khổ đó như của Lễ dâng lên Chúa.

Sau khi nhận phép lành cuối Lễ, các tân chức cùng chụp hình lưu niệm với quý cha đồng tế và Đức Cha.

Nguyện chúc 10 tân chức hôm nay tràn đầy ân sủng của Chúa để sống trọn vẹn sứ vụ linh mục mà Thiên Chúa đã trao ban.

Anmai, CSsR
 
Sinh viên xứ Xuân Bảng Hà Nội thăm trại phong Ba Sao
Anphong
15:39 06/08/2013
Tình yêu thương nơi trại phong Ba Sao

Ngày 5/8, dưới sự hướng dẫn của Cha Xứ Giuse Nguyễn Khắc Quế, các bạn sinh viên GX Xuân Bảng – TGP Hà Nội cùng các ân nhân đã về thăm và tặng quà cho các bệnh nhân tại trại phong Ba Sao – Hà Nam.

Xem Hình

Xe chuyển bánh từ sân nhà thờ, các bạn sinh viên ai cũng mang trong mình tâm trạng háo hức, khi đến với những người không may gặp hoàn cảnh thiếu may mắn, bị mọi người và xã hội quay lưng lại.

Khi bước chân xuống trại phong Ba Sao cảm giác đầu tiên là một nơi rất yên bình, ở đó không gian và con người hòa hợp với nhau. Nghe tin có đoàn lên thăm mọi người ở đây đã tập trung rất sớm để đón tiếp. Vừa bước xuống xe mọi người đã nhận được những nụ cười rất rạng rỡ của các cụ, ông bà và anh chị em ở nơi đây, như sưởi ấm thêm tình người.

Cha Xứ Giuse chia sẻ với bà con ở Ba Sao, các phần quà hôm nay không phải to tác về vật chất, nhưng đó là tấm lòng của các ân nhân, nhiều người đã lặn lội từ tận Hà Nội về đây. Nếu mọi người có lòng yêu thương nhau thì ở đây không phải là đau khổ, mà đây chính là ‘Thiên Đường của Hà Nam’.

Một món quà tinh thần to lớn mà đoàn mang đến Ba Sao, có lẽ là những tình cảm mà các em Thiếu Nhi Thánh Thể của giáo xứ gửi gắm qua những lá thư, tấm thiệp và những lọ hoa giấy nhỏ để gửi đến các cụ. Tuy những tấm thiệp đơn sơ nhưng ở các cụ rất vui mừng, cụ nào cũng mở ra xem các cháu viết gì, gửi gì cho mình, mặt ai cũng đầy xúc động khi đọc những lá thư đó.

Sau khi phát quà xong thì Cha Xứ cùng các bạn sinh viên đã dâng Thánh Lễ tạ ơn tại nhà nguyện nhỏ trong khuôn viên trại phong. Tham dự Thánh Lễ có khoảng 50 cụ đang điều trị ở đây và hai thầy đại chủng viện Hà Nội đang giúp hè tại đây. Chia sẻ trong Thánh Lễ cha Giuse đã nói nhiều về tình yêu thương con người, nếu chúng ta biết tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có thể vượt qua được mọi đau khổ của trần gian. Bài Phúc Âm cũng nói về các bệnh nhân đã được Thiên Chúa chữa lành do đã có niềm tin mạnh mẽ vào Ngài. Nên Cha cũng mong các cụ luôn biết chạy đến với Chúa khi gặp những đau khổ, những thử thách của cuộc sống.

Sau Thánh Lễ các bạn sinh viên đã đi tới các phòng thăm hỏi, trò chuyện với các cụ để hiểu hơn về cuộc sống thường ngày của các cụ, cũng như thấy được cuộc sống lạc quan tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa cho dù các cụ gặp muôn vàn đau khổ, thử thách. Cầu chúc nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, các Thánh Tử Đạo quê hương, Thiên Chúa sẽ ban dồi dào ơn phúc của Ngài xuống cho bà con nơi trại phong Ba Sao, cho Cha Xứ Giuse, cho các ân nhân và các bạn sinh viên, để mọi người luôn là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa nơi trần gian này.

Anphong
 
Văn Hóa
Kinh sám hối
Lê Đình Bảng
09:57 06/08/2013
Kinh sám hối

Nhiều khi tôi cố quên tôi
Bao nhiêu nước mắt, nụ cười hàm oan
Hạt nào ra những tro than
Tôi nghe rõ tiếng nhọc nhằn của em
Hạt nào ray rứt, chưa quên
Lấy chi ơn nghĩa đáp đền cho vơi?
*
Nhiều phen nhắm mắt buông xuôi
Để xem trăm nhánh cây đời xót xa
Hạt nào chinh chiến can qua
Máu xương hẹn với cỏ hoa nồng nàn
Hạt nào ra chốn ba quân
Nửa đời cung kiếm, mấy lần trăng treo
*
Hạt nào lên dốc cheo leo
Thoắt trông khói ngất bay vèo thinh không
Liu riu gió bấc trên đồng
Ở nơi đầu núi cuối sông, ai ngờ
Hạt nào tan giữa hư vô
Ấy ai còn bận biếng chờ thiên thu

Lê Đình Bảng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thoải Mái
Thérésa Nguyễn
21:16 06/08/2013
THOẢI MÁI
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Một mình,
thoải mái, thảnh thơi
Nhiều mình,
lắm lúc lôi thôi, rối bời..
(nđc)
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News