Ngày 07-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thắp nến lên
Lm. Vinh Sơn SCJ
08:58 07/08/2016
Chúa Nhật XIX Thường Niên C: THẮP NẾN LÊN…

Kn 18, 6-9; Dt 11, 1-2. 8-19; Lc 12, 32-48

Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến.

Nhưng ông chủ tịch nói :

”Không biết hôm nay có phải là tận thế không : nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu tòan nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).

Thắp đèn lên như người tôi trung luôn sẵn sàng lao công cần mẫn đợi chủ về mà Chúa Giêsu nói bằng hình ảnh: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” (Lc 12, 35). Từ hình ảnh người đầy tớ sẵn sàng chờ chủ, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta trong đời: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36). Đứng vững đón Chúa đến và được phần thưởng cho người sống thức tỉnh: “Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức... chủ sẽ đặt người ấy trông coi tất cả gia sản mình” (Lc 12, 36 - 44).

Giáo lý tỉnh thức sẵn sàng luôn được Chúa Giêsu nhấn mạnh: Tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan trong mười cô trinh nữ đợi chờ Tân Lang: các cô khôn ngoan chuẩn bị và chờ đợi với đèn dầu sẵn sàng để chờ chàng rễ đến, ra đón chàng vào dự tiệc cưới, còn năm cô khờ dại mang đèn nhưng không đem dầu, lúc chàng rễ đến vội vàng đi mua dầu thì đã trễ dự hội tiệc cưới (x. Mt 25, 1-13), tỉnh thức và sẵn sàng như Chúa Giêsu nói qua hình ảnh người khôn ngoan canh chừng tên trộm cắp (x. Mt 24, 42-44; Lc 12, 39-40)... Thánh Phaolô cũng nói đến sự bất ngờ: “ngày của Chúa” Vì chính anh em biết rõ: “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Th 5, 2).

Lời Chúa Giêsu vẫn vang vọng qua mọi thời đại: “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”. Thế nhưng trong cuộc sống: “Người ta sinh ra, sống và chết trong tình trạng ngủ say”- tư tưởng trong tác phẩm “Le Mystique espiègle (nhà thần bí tinh nghịch), mà Cha Mello trích dẫn khi giảng về Giáo lý tỉnh thức.

Luôn say mê với quyền lực tiền tài, con người bất chấp tất cả để mong sao thu được nhiều tiền nhiều bạc. Say mê tiền bạc và để tâm trí và sức lực cho sự dấn thân tìm kiếm, khiến con người nô lệ cho vật chất chóng tàn: “tiền tài ở đâu lòng trí ở đó”. Con người cũng đang luôn say trong danh vọng, dục vọng, đó là những hạnh phúc hư danh đưa con người vào giấc say quyền lực, thú vui phù vân như là tiếng hát nỉ non của các tiên nữ đảo Seren muốn Oduysée muốn lưu lại bên Đảo mà bỏ ý định về quê nhà… (Thần thoại Hy Lạp).

Ngủ quên với những qúa khứ đau khổ trong thất vọng, khi bám vào qúa khứ, một qúa khứ đau khổ, khiến bước vào hiện tại uể oải, thất vọng, bi quan. Đau khổ hay dằn vặt một qúa khứ, hoặc khóc lóc cho dĩ vãng là vô ích. Quá khứ chỉ có thể hữu ích như những kinh nghiệm giúp chúng ta nhận ra những sai lầm, những tích cực và rút ra bài học cho chúng ta sống với ý hôm nay. Hay một qúa khứ huy hoàng, chúng ta bước vào hiện tại với sự ảo vọng. Một qúa khứ vàng son, thành công, cũng vô ích, nếu không tiếp tục cố gắng hôm nay, chỉ là giấc mộng sẽ tan theo may khói… Ai chỉ ôm và sống trong quá khứ, thì không chi ngủ mà là chết, vì quá khứ đã không tồn tại. Cho nên, người cũ đang sống trong quá khứ, cần đổi mới để mà tái sinh, tái sinh trong nước và thần khí, như Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: Đời sống mới trong Thần Khí (x. Ga 3).

Say mê với tương lai, nhưng không chú ý đến hiện tại cuộc sống, mơ mộng viễn vong khiến chúng ta luôn sống trên mây. Chỉ mộng mơ suy nghĩ đến tương lai không sống cho hôm nay là lãng phí tâm sức và thời gian. Cho nên, tôi bạn cần mang thái độ sống hiện tại trong thức tỉnh.

Thức tỉnh cũng có nghĩa là thay đổi trái tim bằng đá vốn đóng kín trước tha nhân, với cuộc sống bằng một trái tim mở rộng với anh chị em và không đóng kín đối với chân lý.

Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta tỉnh thức. Chữ “ngờ” trong đời sống sẽ được thấu hiểu chữ “ngộ”, tức là giác ngộ với hiện tại, như sứ điệp của Cha Mello muốn chia sẻ qua câu chuyện ngụ ngôn:

Các môn đệ của một sư phụ phương đông hỏi ông: “Giác ngộ đã đem lại cho thầy điều gì?”. Ông trả lời: “Trước đây, thầy khổ vì suy yếu; hiện nay, thầy vẫn suy yếu, nhưng điều đó không phiền hà thầy nữa!” Khác biệt là ở chỗ ấy.

Thức tỉnh, nghĩa là đón nhận mọi sự, không phải như là một qui luật, một hy sinh hay duy ý chí, nhưng mà do giác ngộ; là chấp nhận các biến cố, vì bạn nhìn thấy rõ ràng và không gì hay không ai có thể lừa đối bạn; là khơi dậy cái ánh sáng sẽ không bao giờ tắt nữa (Thức tỉnh theo Cha Mello).

Tỉnh thức là tình trạng đang luôn luôn làm nhiệm vụ. Thi sĩ Tagore nói :

”Tôi nằm ngủ và mơ thấy đời sống là một niềm vui. Tôi thức dậy và tôi thấy đời là bổn phận. Tôi hành động và tôi thấy bổn phận là niềm vui”.

Thật thế, chúng ta như người đầy tớ tỉnh thức khi “ngộ” ra được trách nhiệm và công việc của chính mình cho bản thân, anh em bè bạn, gia đình, công sở và xã hội trong hiện tại với bước đi với tâm tình bình an, đối diện với bao hoàn cảnh của cuộc sống:

Đèn con luôn thắp sáng

Suốt cả ngày lẫn đêm

Khi nào Chúa gõ cửa

Con sẽ ra mở liền…

(Trầm Thiên Thu, Tỉnh Thức)

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 06/06/2016.
 
Tôi là ai?
Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
09:02 07/08/2016
Tôi là ai?

Chúa Nhật tuần XIX, mùa thường niên năm C

(Lc 12, 32-48)

Con người là một hữu thể có tương quan. Con người được đặt trong vũ trụ với mối tương quan với thiên-địa-nhân. Tương quan với Thiên Chúa, với thiên nhiên và với con người. Dĩ nhiên ba chiều kích này không ngang bằng nhau, nhưng theo thứ tự ưu tiên: Thiên-nhân-địa. Tương quan với Thiên Chúa là quan trọng nhất, sau đó đến con người và sau cùng là thiên nhiên.

Vấn đề quan trọng bậc nhất của đời người, quyết định hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi người là cần phải xác định cho được, cho đúng: tôi là ai? Có nghĩa là, phải xác định cho được tương quan giữa tôi và Thiên Chúa, với người khác, với thiên nhiên. Xác định không đúng, đặt tương quan sai sẽ gây ra những xáo trộn, bế tắc, sự ác, đau khổ… trong cuộc đời ta và trên thế gian này.

Tôi nhớ câu chuyện ngụ ngôn tay chân và cái miệng trong sách giáo khoa đồng ấu thủa trước. Một hôm tay bảo chân: chúng ta làm việc cực khổ cả ngày, trong khi lão miệng chẳng làm gì mà được ăn mọi thứ ngon. Nay chúng ta không làm nữa cho lão biết. Tay chân không làm nữa, nên miệng chẳng có cái gì mà ăn. Một ngày, hai ngày, ba ngày… toàn thân rũ rượi, tay chân không nhắc lên nổi… Tay chân đã không xác định được tương quan của mình với các chi thể trong thân thể: mọi thứ đều cần lẫn nhau. Thế nên khi nó muốn độc lập, tách ra khỏi mọi bộ phận khác, cả cơ thể chết đói và chính tay chân cũng rũ liệt.

Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm ba dụ ngôn: dụ ngôn những người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, dụ ngôn chủ nhà và kẻ trộm, dụ ngôn người quản gia vắng chủ. Ba dụ ngôn này gợi ý cho ta về cả ba mối tương quan. Trước hết là tương quan với Thiên Chúa: “hãy làm như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về”. Con người chỉ là đầy tớ, hay cùng lắm là người quản lý mà chủ đặt lên coi sóc gia nhân của chủ mà thôi. Đây là tương quan giữa tạo hóa và thụ tạo: Thiên Chúa là Tạo hóa, là đấng tạo dựng trời đất muôn vật hữu hình và vô hình; con người là loài thụ tạo phụ thuộc Thiên Chúa. Mối tương quan tạo hóa - thụ tạo là mối tương khách quan, dù con người có đón nhận hay không, tương quan đó không thể đảo ngược, không thể thay đổi. Sống đúng mối tương quan này mang lại cho con người hạnh phúc, sướng vui; chối bỏ tương quan này con người chỉ chuốc lấy khổ đau, chết chóc. Đúng là “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Thuận theo ý trời thì sống, chống lại ý trời thì chết.

Nhìn lại lịch sử, con người đã nhiều lần phản kháng, không chấp nhận tương quan này, nên đã gây bao đổ vỡ, đau khổ và bất hạnh. Từ câu chuyện ông bà nguyên tổ ăn trái cấm muốn bằng với Thiên Chúa, đến câu chuyện xây tháp Babel cao đến tận trời chống nghịch lại Thiên Chúa…

Thánh Phaolô cảnh báo: “Hỡi người, bạn là ai mà dám cãi lại Thiên Chúa? Chẳng lẽ sản phẩm lại nói với người sản xuất: Sao ông làm ra tôi như thế này? Phải chăng thợ gốm không có quyền dùng đất sét theo ý mình: từ cùng một nắm đất mà nắn ra đồ vật khác nhau, cái thì dùng vào việc cao quý, cái thì dùng vào việc thấp hèn” (Rm 9, 20-21).

Lịch sử cận đại cho thấy, có lẽ không gì tai hại và gây nhiều đổ vỡ cho bằng những thế chế chính trị xây nền trên lý thuyết vô thần, loại bỏ Thiên Chúa. Không những đây là nguyên nhân của bao cuộc chiến tranh, chết chóc phi lý, vô nghĩa… mà còn là nguồn gốc của sự hủy hoại niềm tin, đạo đức và tình người…

Thế nên thật sai lầm khi có người nghĩ rằng, cộng sản ban đầu là tốt, chỉ những người sau này mới làm cho nó thành xấu mà thôi. Phải khẳng định rằng, ngay từ căn bản lý thuyết cộng sản đã sai lầm, khi chủ trương loại bỏ, chống nghịch lại Thiên Chúa. Đặt phương trình sai thì làm sao đi đến kết quả đúng được! Ở đây cũng cần phải phân biệt: những người lúc đầu theo cộng sản, họ là những người có lý tưởng, có thể nói là có thiện tâm. Nhưng vì đi theo đường lối sai lầm, nên dù muốn dù không họ cũng dần dần biến chất, không nhiều thì ít. Tại sao? Cộng sản chủ trương vô thần, chống lại Thiên Chúa, tự mình quy định điều tốt xấu cho mình. Đạo đức người cộng sản là gì? Những gì có lợi cho cộng sản, có lợi cho sự giành lấy quyền lực, ấy là tốt; ngược lại những gì có hại cho đảng, cho việc đoạt lấy quyền lực, ấy là xấu. Cho nên họ sẵn sàng làm mọi chuyện: vu khống, dối gạt, sử dụng côn đồ để bịt miệng người ngay, giết những người không cùng quan điểm với họ, thậm chí cả những người dân vô tội… Thực hiện những điều tàn ác như thế, hỏi rằng lương tâm họ sẽ ra sao? Không có gì mâu thuẫn cho bằng ý định xây dựng một xã hội tốt đẹp mà lại đặt nền tảng trên lòng thù hận, trên những tội ác và sự gian dối, như vậy khác nào xây nhà trên cát, nhà càng cao thì đổ vỡ càng tai hại.

Đừng bảo rằng cộng sản ban đầu là tốt, chỉ sau này mới xấu. Thực ra ngay từ đầu, cộng sản đã xấu, đã tàn ác, bất chấp đạo lý, nhưng lúc đó họ có cả một hệ thống tuyền truyền để vu oan giá họa, che đậy, bưng bít... Ngày nay không thể bưng bít như xưa và nhất là, giống như cơn bệnh: có thời gian nhiễm bệnh, ủ bệnh và phát bệnh. 60 năm qua, 80 năm qua… nay đến thời kỳ phát bệnh, những ung mủ, thối rữa phơi bày, với những tàn phá không thể tưởng: bán rừng, bán biển, bán đảo…, cùng với những vụ tham nhũng tỉ tỉ: PMU, Bauxit, Vinashin, Vinalines, Formosa… Sẽ không dừng lại ở đó, sẽ tiếp tục những ung nhọt mới bể vỡ ra, thối tha hơn, mục rữa hơn, bởi lẽ giai đoạn ủ bệnh đã chín mùi cho thời kỳ bùng phát bệnh...

Đó là nói về tương quan với Thiên Chúa. Trong mối tương quan với con người và với thiên nhiên, như bài Tin Mừng cũng gợi ý, ta chỉ là những người quản lý. Tôi đâu có tạo dựng nên tôi, thậm chí tôi đâu có phải là nguyên nhân tối hậu cho việc tạo dựng nên con cái tôi, tôi chỉ là người cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thế nên tôi không có quyền trên mạng sống của tôi, trên mạng sống người khác và trên mạng sống ngay cả của con cái tôi. Tôi chỉ là người quản lý.

Anh chị là cha mẹ à? Cũng chỉ là người quản lý, được Thiên Chúa trao phó con cái cho anh chị coi sóc. Anh chị không phải là sở hữu chủ của con cái! Ngài là linh mục, tu sĩ, giám mục, giáo hoàng à? Cũng chỉ là tôi tớ, là người quản lý thôi. Giáo xứ này không phải thuộc quyền sở hữu của ông cha xứ! Ông là chủ tịch tỉnh, là bộ trưởng này bộ trưởng nọ, là chủ tịch nước à? Cũng chỉ là người quản lý được ủy quyền lo cho lợi ích của dân chúng thôi!

Chính khi những kẻ quản lý lạm quyền, gây khó dễ cho người khác, thủ lợi cho mình, chèn ép và áp bức dân chúng, bất chấp đạo lý, công bằng… họ đã gây ra sự bất ổn xáo trộn trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội… Thế nên, chúng ta thấy hàng đoàn dân oan khắp nơi, cùng với những con người nghèo khổ lang thang kiếm ăn từng bữa…

Ai là những tên quản lý bất trung Chúa Giêsu đã nêu trong dụ ngôn:“Đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: ‘Chủ tôi về muộn’, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung”.

Những kẻ quản lý bất trung như thế sẽ bị loại trừ thôi. To lớn, mạnh mẽ như Liên Xô, thế mà đùng một cái, có ai ngờ, tất cả sụp đổ tan tành, một sớm một chiều.

Cũng thế con người không phải là chủ nhân ông của đất nước thiên nhiên này, con người chỉ là người quản lý có nhiệm vụ coi sóc, khai thác và làm cho nó ngày càng tốt đẹp hơn… Thế nhưng con người đã đối xử với trái đất như thế nào?

Khởi đầu Thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “Người chị (trái đất) này đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tuỳ ý” (số 2). Chính vì coi mình là chủ của trái đất, nên họ mới ngang nhiên thải chất độc vào biển, khiến tôm cá và cả một vùng biển rộng chết trắng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng. Tỉnh thức không phải là lúc nào mắt cũng mở thao láo. Nhưng tỉnh thức là mang lấy tâm thế, như tâm thế của người chủ nhà không biết lúc nào kẻ trộm đến: trước khi đi ngủ ông rảo một vòng khắp nhà, coi lại cửa nẻo; khi đang ngủ nghe tiếng động lạ ông dậy ngay… Có thể nói, tâm thế tỉnh thức mà bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho ta đó là phải xác định cho đúng mối tương quan của ta với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên, và sống cho đúng mối tương quan đó trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Sống tỉnh thức đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng trước những bất công xã hội, trước những hủy hoại môi trường. Những nhóm lợi ích, những tập đoàn kinh tế mờ mắt vì đồng tiền sẽ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm lợi, chúng cấu kết với nhau, với thế lực chính trị. Thế nên, để bảo vệ quyền con người, để bảo vệ thiên nhiên chúng ta cần phải đứng bên nhau để có tiếng nói chung.

Nếu không tỉnh thức, một ngày kia khi mở mắt ra, Việt Nam sẽ là một tỉnh của Trung Quốc, biển kia cá tôm sẽ không còn, ruộng nương sẽ khô cằn không giọt nước, không khí và thực phẩm đều độc hại…

Ngày Chúa Nhật hôm nay (07.08.2016), giáo phận Vinh tổ chức ngày bảo vệ môi trường. Toàn thể giáo phận hiệp thông trong các thánh lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, dọn dẹp vệ sinh môi trường… Đây là một việc làm đầy ý nghĩa, có tác dụng thức tỉnh toàn xã hội. Chúng ta mỗi người trong của vai trò và trách nhiệm của mình cần phải tỉnh thức góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng, một thiên nhiên đáng sống theo đúng ý Thiên Chúa.

Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Đại chủng viện thánh Giuse Sàigòn
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:45 07/08/2016
92. MỘT SỌT CỎ LINH LĂNG.
Khí hậu ở nước Tề rất lạnh, mỗi năm thời tiết đã đến mùa xuân mà thực vật vẫn chưa thể nảy mầm.
Một năm nọ vừa đến lập xuân, có một người xách một sọt cỏ linh lăng đi biếu Ngải Tử, nói:
- “Cỏ linh lăng này vừa mới mọc, chưa dám thử, liền đem qua mời ngài dùng trước ạ.”
Ngải tử nói:
- “Thật quá làm phiền ông đã đem cái cỏ vừa mới mọc để tôi dùng trước, vậy sau khi tôi thưởng thức thì ngài còn đem dâng tặng cho ai nữa không?”
Người trong thôn nói:
- “Sau khi dâng cho ngài dùng, thì phải cắt nó để cho lừa ăn ạ !”
(Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư 92:
Lòng thơm thảo của người dân quê thật đáng trân trọng, họ thà chịu đói chứ không thà để cho cha sở và các dì phước trong xứ bị đói. Thấy cha sở cầm cái chổi quét sân, họ liền làm thế ngay vì sợ cha mệt, họ thấy cha sở dâng lễ mà ho hen chút xíu là cuống lên vì sợ cha bệnh, gặp cha sở giữa đường liền đứng lại cúi đầu chào cha rất kính trọng, tóm lại là giáo dân luôn dành cho cha sở hay bất cứ linh mục nào sự kính trọng đặc biệt, vì đơn giản là các ngài thay mặt Chúa.
Nhưng có nhiều linh mục trẻ không thấy, hay không thèm thấy tình cảm và sự kính trọng ấy nơi giáo dân của mình: các ngài gặp giáo dân tuổi đáng cha chú của mình đi trước mặt mà không chào một tiếng, vì như có linh mục kia nói: mình là cha, họ phải chào mình trước (!); có linh mục trẻ măng –không biết là để tỏ ra ta đây là cha hay là gì khác -mà cứ chấp hai tay sau lưng, đi lui đi tới trước hành lang nhà thờ, thấy các cụ già đi lễ thì giương mắt mà ngó, lịch sự lắm thì gật đầu như người lớn với trẻ con vậy; có những linh mục trẻ khi nói chuyện với người lớn tuổi cở như bố mẹ của mình mà cứ xưng hô cha cha con con với họ; tôi còn thấy một linh mục trẻ khi giảng thì xưng cha con với giáo dân, mặc dù giáo dân đa phần là đáng tuổi ông bà, cha chú của mình...
Quên đi chức vụ linh mục nơi mình, để trở thành linh mục thánh thiện của mọi người, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã không dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa nên đã tự hạ mình làm thân nô lệ thấp hèn để cứu chuộc nhân loại; và hãy luôn nhớ mình là một con người với nhiều khuyết điểm để sống khiêm tốn hơn với mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:47 07/08/2016

13. Ăn năn hối cải là việc làm của nội tâm cần phải nổ lực suốt đời, việc này có được là bởi luôn luôn phục tùng đến chết mới thôi.

(Thánh Benedictus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olimpic tị nạn
Lm. Trần Đức Anh OP
09:21 07/08/2016
VATICAN. ĐTC Phanxicô chào mừng và khích lệ đoàn vận động viên tị nạn tham dự thế vận Olimpic ở Rio de Janeiro.

Đoàn này gồm 2 tay bơi lội người Siria, 2 võ sĩ Judo từ Cộng hòa dân chủ Congo, và 6 người chạy đua từ Etiopiaa và Nam Sudan. Tất cả đều là những người tị nạn trốn chạy bạo lực và bách hại tại quê hương của họ và đã tìm nơi nương náu ở các nơi như Bỉ, Đức, Luxembourg, Kenua và Brazil.

Sáng kiến gửi một đoàn tị nạn tham dự thế vận hội Olimpic là điều chưa từng có trước đây và gửi một sứ điệp nâng đỡ và hy vọng cho những người tị nạn trên thế giới.

Trong sứ điệp, ĐTC chào đích danh 10 vận động viên tị nạn và ngài cầu mong rằng: ”Ước vì lòng can đảm và sức mạnh mà anh chị em mang trong người có thể biểu lộ qua các bộ môn thế vận tiếng kêu huynh đệ và hòa bình. Ước gì qua anh chị em, nhân loại hiểu rằng hòa bình là điều có thể, và với hòa bình, người ta có thể đạt được tất cả, trái lại với chiến tranh tất cả đều có thể bị mất”.

”Tôi mong ước rằng chứng tá của anh chị em mang lại thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

Ông Alto Grandi, Cao ủy tị nạn LHQ, tuyên bố rằng: ”Chúng tôi rất được khích lệ vì đoàn vận động viên tị nạn tham dự thế vận Olimpic. Họ là những vận động viên có trình độ cao, nhưng đã phải ngưng sự nghiệp thể thao để ra đi tị nạn. Nay họ có cơ hội theo đuổi giấc mơ của họ. Sự tham gia của họ vào các cuộc tranh tài thế vẫn là một sự ca ngợi lòng can đảm và kiên trì của tất cả những người tị nạn trong sự vượt thắng nghịch cảnh và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ. Cao Ủy tị nạn LHQ đứng về phía họ và mọi người tị nạn”. (SD 6-8-2016)
 
Lãnh đạo Hồi Giáo cám ơn ĐGH Phanxicô vì lời nhận xét của ngài về Đạo Hồi.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:25 07/08/2016
Lãnh đạo Hồi Giáo cám ơn ĐGH Phanxicô vì lời nhận xét của ngài về Đạo Hồi.

Assisi, Italy (EWTN News/CNA) : Trong cuộc thăm viếng Assisi vào hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một cuộc họp ngắn nằm ngoài lịch trình với lãnh đạo Hồi Giáo ở Perugia, là Abdel Qader Mohammed, Ông đã cám ơn Đức Giáo Hoàng Roma trong một nhận xét mới đây của ngài rằng Đạo Hồi thật sự sẽ không phải là một tôn giáo của bạo lực, nhưng của hòa bình.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có cuộc họp ngắn với Mohammed nhân chuyến thăm Porziuncola của ngài vào ngày 4 tháng Tám bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria Thiên Thần.

Theo tờ San Francesco, một tờ báo chính thức của các tu sĩ Phanxico ở Assissi, Mohammed đã cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì lời tuyên bố của ngài vào ngày 31 tháng Bẩy trên chuyến bay về Roma, vẫn theo lời Mahammed, thì Đức Giáo Hoàng đã xác quyết rằng “ Hồi giáo không phải là tôn giáo của khủng bố, nhưng là niềm tin của hòa bình.”

Khi một nhà báo Pháp hỏi ngài là nhìn chung Hồi giáo có được coi như một tôn giáo của bạo lực không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời rằng “ Tôi không tin là đúng khi cho rằng danh xưng Hồi Giáo đồng nghĩa bạo lực.. Điều này thì không đúng và cũng không thật.”

“Tôi không muốn nói về bạo lực Hồi Giáo,” ngài lưu ý rằng trong khi “người ta có thể nói về cái gọi là ISIS” nghĩa là “ một nhà nước Hồi Giáo tự coi mình là bạo lực.”

“Đây là một nhóm cực đoan nhỏ gọi là ISIS, nhưng tôi không tin nó là sự thật hay là đúng nếu cho rằng Hồi Giáo là khủng bố.”

Cũng theo tờ San Francesco, Mohammed nói rằng được gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô bất ngờ là “ một cuộc gặp gỡ nhiều hứng thú, quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết… bởi vì sự đối thoại thì được xây dựng trên sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Và ngày nay hơn bao giờ hết xác định lập trường vững chắc thì cần thiết để chống lại tất cả mọi hình thức của bạo lực và khủng bố.”

Mohammed nói rằng “ Một lời cám ơn chân thành xin gời đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì sự gần gũi của ngài với người Hồi Giáo chúng tôi”, và chấm dứt bằng lời ca ngợi “ Alla, Đấng Xót Thương”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm thành Assisi nhân kỷ niệm lần thứ 800 của “Ơn toàn xá thành Assisi” vì theo truyền thống, Thánh Phanxicô đã thị kiến Chúa Kitô và Mẹ Maria được các thiên thần bái chầu xung quanh. Khi Thiên Chúa hỏi rằng thánh nhân muốn gì để cứu rỗi các linh hồn, thì thánh Phanxicô đã xin Chúa ban ơn toàn xá cho tất cả các khách hành hương đến thăm ngôi thánh đường này.

Đây không phải là lần đầu tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp giới lãnh đạo Hồi Giáo. Vào ngày 19 tháng Ba, ngài đã ôm các lãnh đạo cao cấp Ahmed el-Tayeb, lãnh đạo đền thờ al-Azhar trong một cuộc họp tại Vatican. Một nghĩa cử tiến tới việc mở lại đối thoại giữa người Kitô giáo và người Hồi Giáo Sunni.

Vào dịp ấy, el-Tayeb đã công bố lời kêu gọi toàn cầu để chống lại khủng bố, mà người Hồi Giáo thực sự gọi là “tà đạo” và nó đe dọa cả tây và đông.

Trong thời gian lưu lại thành Assisi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải tội cho 19 người và thăm bệnh viện của các tu sĩ Porziuncola vào buổi chiều cũng như có bài phát biểu ngắn trước khi lên đường trở lại Roma.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng “xin cám ơn sự đón tiếp nồng nàn của mọi người và tôi xin Chúa ban phước lành cho hết thảy. Tôi cám ơn sự gần gũi mà mọi người đã dành cho tôi. Xin đừng quên là luôn luôn tha thứ. Tha thứ từ trong đáy lòng và nếu không đến gần được.. thì hãy tha thứ, bởi nếu chúng ta tha thứ thì Thiên Chúa cũng tha thứ cho chúng ta và tất cả chúng ta đều cần được tha thứ. Có người nào ở đây mà không cần tha thứ không? Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều cần!

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội thi giáo lý giáo phận Xuân Lộc
Nữ Tu Maria Phương Trâm
09:29 07/08/2016
HỘI THI GIÁO LÝ GIỚI THIẾU NHI GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Sau các kỳ thi dành cho các em thiếu nhi tại giáo xứ và giáo hạt là Hội thi Giáo lý cấp Giáo phận diễn ra ngày 06/8/2016, do Ban Giáo dục Công Giáo Giáo phận Xuân Lộc tổ chức tại Giáo xứ Thái Hoà, hạt Hoà Thanh. Tham dự kỳ thi này có 252 em thiếu nhi và Giáo lý viên được tuyển chọn từ các giáo hạt và rất đông các em thiếu nhi, các anh chị giáo lý viên và phụ huynh là những cổ động viên đã đến với hội thi cổ động cho các em tham dự kỳ thi này.

Xem Hình

Ngay sau phần khai mạc và lời động viên khích lệ đầy yêu thương từ Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Trưởng Ban Giáo dục Công Giáo, Đặc trách Huấn giáo và Thiếu nhi Giáo phận Xuân Lộc, vòng 1 của ngày thi được bắt đầu. Các thí sinh được chia ra theo lứa tuổi và theo khối giáo lý như: Xưng tội, Thêm sức, Sống đạo, Vào đời và Giáo lý viên. Nội dung cuộc thi tương ứng với các khối xoay quanh chương trình Giáo lý Hồng ân của giáo phận, Kinh Thánh, kiến thức về Giáo Hội, giáo phận, Giáo lý chủ đề mục vụ về Năm Thánh Lòng Thương Xót… Những bài hát, điệu múa của quý Thầy Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc cũng là Ban tổ chức giúp các em bớt những lo âu, căng thẳng khi bắt đầu cuộc thi.

Các thí sinh tham dự cuộc thi được đánh giá và xếp loại qua các bài thi cá nhân và đồng đội. Cá nhân mỗi thí sinh phải hoàn thành hai bài thi trắc nghiệm ở vòng thi thứ nhất và mỗi hạt là một đội thi hỗ trợ nhau làm bài ở các vòng thi thứ hai và thứ ba. Các vòng thi đồng đội giúp các em thể hiện tinh thần làm việc nhóm là kỹ năng rất cần thiết trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể và trong các sinh hoạt của giới Thiếu nhi tại các giáo xứ cũng như kỹ năng làm việc nhóm trong cuộc sống của các em sau này.

Sự hiện diện của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc vào lúc 14 giờ tại hội thi thể hiện sự quan tâm của Đức Cha với các thí sinh nói riêng và cho Giới Thiếu nhi của giáo phận nói chung. Nụ cười và ánh mắt của ngài cũng xua tan những mệt mỏi và căng thẳng của các thí sinh và thêm phần khích lệ tinh thần cho các em và các cổ động viên. Các thí sinh và cổ động viên cũng hân hoan chào đón vị chủ chăn của mình bằng những vũ khúc và lời chào mừng nồng nhiệt. Trong huấn từ của mình, Đức Cha cũng nhắc nhở các thí sinh tinh thần của hội thi là học giáo lý, thi đua không phải để đoạt giải thưởng nhưng mục đích của việc học giáo lý là để biết về Chúa và nhất là để cảm nghiệm được Chúa, để giới thiệu Chúa cho người khác….

Trước khi công bố kết quả cuộc thi, tất cả mọi người được mời gọi tham dự giờ Chầu Thánh Thể, tạ ơn Chúa về một ngày thi tốt đẹp, tạ ơn Chúa vì những ân ban của Ngài

Sau giờ Chầu Tạ Ơn, mọi người lại trở về với khung cảnh cuộc thi cùng hồi hộp và chờ đợi kết quả cuộc thi. Trước khi công bố kết quả và phát thưởng cho các thí sinh xuất sắc, Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Trưởng Ban tổ chức đã thay mặt Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc công bố quyết định khen thưởng của Đức Cha giáo phận cho các thí sinh tham dự kỳ thi cấp giáo phận.

Mùa Hè dần khép lại, với những trại hè và các sinh hoạt vui chơi tại các giáo xứ dành cho các em Thiếu nhi trong giáo phận. Tuy vậy, các em vẫn không quên trau dồi đời sống đức tin của mình qua việc tham dự Thánh lễ mỗi ngày và các giờ giáo lý. Hội thi hôm nay cũng phần nào đánh dấu hành trình gian nan ấy và cũng là để khích lệ tinh thần các em thêm hăng say khi tham dự các giờ học giáo lý, giúp cho đời sống đức tin của các em ngày càng vững vàng hơn. Xin chân thành tri ân sự đồng hành đầy yêu thương của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, của Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Trưởng Ban Giáo dục Công Giáo, quý Cha Đặc trách, quý Thầy, quý Dì, quý anh chị giáo lý viên… cùng rất nhiều những người đã âm thầm góp công sức cho ngày thi hôm nay.

DANH SÁCH THÍ SINH ĐOẠT GIẢI CÁ NHÂN

1. KHỐI XƯNG TỘI

- Giải Nhất: Maria Ngô Trần Tường Vy, Giáo xứ Thanh Hoá, Hạt Hoà Thanh

- Giải Nhì: Anna Phạm Mai Trâm Anh, Giáo xứ Hưng Bình, Hạt Gia Kiệm

- Giải Ba: Phêrô Nguyễn Huy Hoàng, Giáo xứ Phúc Hải, Hạt Biên Hoà

2. KHỐI THÊM SỨC

- Giải Nhất: Maria Phạm Thị Ngọc Oanh, Giáo xứ Thanh Hoá, Hạt Hoà Thanh

- Giải Nhì:Maria Phạm Vũ Tuyết Anh, Giáo xứ Phúc Nhạc, Hạt Gia Kiệm

- Giải Ba: Anna Nguyễn Trần Gia Linh, Giáo xứ Phước Lý, Hạt Phước Lý

3. KHỐI SỐNG ĐẠO

- Giải Nhất: Têrêsa Maria Bùi Thảo Quyên Anh, Giáo xứ Thanh Hoá, Hạt Hoà Thanh

- Giải Nhì: Maria Phạm Ngọc Tường Vy, Giáo xứ Dốc Mơ, Hạt Gia Kiệm

- Giải Ba: Maria Nguyễn Thị Lan Thi, Giáo xứ Xuân Thành, Hạt Xuân Lộc B

4. KHỐI VÀO ĐỜI

- Giải Nhất: Phêrô Vũ Duy Tân, Giáo xứ Phú Lâm, Hạt Phương Lâm

- Giải Nhì: Martinô Nguyễn Minh Hải, Giáo xứ Thanh Hoá, Hạt Hoà Thanh

- Giải Ba: Maria Trần Thị Thuỳ Linh, Giáo xứ Thanh Hoá, Hạt Hoà Thanh

5. KHỐI GIÁO LÝ VIÊN

- Giải Nhất: Maria Vũ Ngọc Minh Tâm, Giáo xứ Thái Xuân, Hạt Xuân Lộc A

- Giải Nhì: Têrêsa Bùi Tuyền Tố Quyên, Giáo xứ Thanh Hoá, Hạt Hoà Thanh

- Giải Ba: Maria Lương Thị Huyền Trang, Giáo xứ Dốc Mơ, Hạt Gia Kiệm

6. GIẢI ĐỒNG ĐỘI

- Giải Nhất: Hạt Gia Kiệm

- Giải Nhì: Hạt Hoà Thanh

- Giải Ba: Hạt Long Thành

Maria Phương Trâm
 
Cuộc xuống đường vì hiểm họa môi trường tại VN của các giáo xứ giáo phận Vinh
Pv.GNsP tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Sài Gòn
19:01 07/08/2016
Cập nhật nóng cuộc xuống đường của các giáo xứ giáo phận Vinh vì hiểm họa môi trường Việt Nam

Sáng nay, ngày 07.08.2016 khoảng 5000 người dân từ nhiều giáo xứ ở giáo phận Vinh đã tập trung tuần hành bằng xe và tham dự thánh lễ cầu nguyện nhân ngày môi trường của giáo phận và phản đối formosa tại giáo xứ Mành Sơn.

Xem Hình

Cuộc tuần hành bằng xe kéo dài đến cả cây số với đầy đủ băng rôn, biểu ngữ với ước nguyện công lý cho người dân.

Ước tính có khoảng hơn 5000 người đã tham dự cuộc biểu tình lớn này, và đa phần đến từ giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên và Mành Sơn, cũng như có đoàn từ xứ Ngọc Long và một số nơi khác.

Ngay từ sáng sớm lúc 5:30’ linh mục GB Nguyễn Đình Thục đã dẫn đầu đoàn xe diễu hành từ nhà thờ giáo xứ Song Ngọc sang giáo xứ Phú Yên.

Trên đoạn đường hơn 7km, hàng ngàn người đã cầm cờ Hội Thánh tiến tới nhập đoàn với giáo xứ Phú Yên vào lúc 6:15 giờ sáng.

Từ nhà thờ giáo xứ Phú Yên cả hai giáo xứ cùng xuất phát tiến sang giáo xứ Mành Sơn.

Già trẻ trai gái rất háo hức vì lần đầu tiên được tham dự một sự kiện lớn thế này.

Người dân giáo xứ Phú Yên cho biết, số lượng an ninh bố ráp cũng lớn nhưng họ không có hành động gì.

Ông Nguyễn Văn Thung, Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Phú Yên chia sẻ: ai cũng nhiệt tình tham gia với tinh thần trách nhiệm. Ở đây chúng tôi đã biểu tình nhiều lần rồi, nhưng lần này có quy mô và số lượng lớn nhất.

Một giáo dân cho biết, chúng tôi xuống đường để thể hiện quan sự quan tâm của mình về những vấn đề của đất nước đặc biệt là vụ thảm họa biển hiện nay.

Cộng tác viên GNsP cho biết, có nhiều người dân cũng đã ra hai bên đường đi của đoàn tuần hành để cổ vũ.

Cô Anna Nguyễn Thí Lý, giáo dân giáo xứ Ngọc Long, người tham gia tuần hành cho biết: đã đi một quãng đường dài 80 cây số để đến Phú Yên tham gia tuần hành vì bức xúc trước thảm cảnh của đất nước mà phía nhà cầm quyền thì giống như đang tiếp tay tạo ra một mộ chung cho cả đất nước. Cô cũng nói rằng, cô thấy cuộc biểu tình hôm này rất hào hứng và tinh thần của mọi người rất cao.

Bà con giáo dân Phú Yên cho biết, nhà cầm quyền đã phá sóng xung quanh khu vực Giáo xứ Phú Yên để bà con giáo dân khó liên lạc với bên ngoài cũng như cung cấp các thông tin về cuộc biểu tình lớn sáng nay tại Giáo xứ Phú Yên.

H1Hơn 4000 nghì giáo dân xứ Cửa Sót Xuống Đường tối thứ 7 và sáng Chúa Nhật

Tại giáo xứ Yên Hòa

Sau thánh lễ Chúa Nhật, vào lúc 6 giờ sáng, hơn 1500 bà con giáo dân giáo xứ Yên Hòa xuống đường “Yêu cầu VTV xin lỗi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp”, “Yêu cầu chính phủ đóng cửa Formosa”, “Hủy hoại môi trường là tội ác”, “Hành động vì con em của chúng ta”…

Bà con tuần hành một cách ôn hòa, vui vẻ dưới sự hướng dẫn của Lm. Phanxicô Xaviê Đinh Văn Minh, Quản xứ giáo xứ Yên Hòa.

Trên đường đi, bà con vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu như: “Yêu cầu VTV xin lỗi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp”, “Yêu cầu chính phủ đóng cửa Formosa”, “Hủy hoại môi trường là tội ác”, “Hành động vì con em của chúng ta”…

Cựu Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, người con của giáo xứ Yên Hòa, cho hay: “Có rất đông công an, an ninh thường phục đi theo đoàn tuần hành nhưng họ không gây khó khăn gì. Có 4 xe cơ động cách đoàn tuần hành khoảng 500m.”

Đoàn tuần hành xuất phát từ nhà xứ đi vòng qua các xóm rồi trở về nhà xứ khoảng 3km.

Kết thúc cuộc xuống đường vào lúc 7 giờ 30. Sau đó, Linh mục Quản xứ và bà con giáo dân cùng nhau dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu vực giáo xứ, làng xóm, ao hồ, ống cống…

Công việc “Ngày môi trường” của giáo xứ Yên Hòa hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận kết thúc hơn 11 giờ trưa cùng ngày.

Tại Giáo xứ Đông Yên mới

Dưới sự hướng dẫn của Linh mục Phêrô Trần Đình Lai hơn 2000 giáo dân giáo xứ Đông Yên cùng quý Sơ hưởng ứng ngày “Vì Môi Trường” của Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh và Thư Chung của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, vào sáng ngày Chúa Nhật 07.08.2016.

Sau thánh lễ Chúa Nhật, hơn 2000 giáo dân xuống đường biểu tình dọc theo đường quốc lộ, đi dọc các bờ biển và xung quanh giáo xứ với mục đích yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch trong vụ việc đã cho phép Formosa tồn tại và hoạt động tại Hà Tĩnh.

Thời tiết ở Hà Tĩnh khá nóng và gay gắt nhưng người dân đã xuống đường một cách ôn hòa và trật tự trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ.

Lực lượng công an, cảnh sát cơ động theo dõi sát sao cuộc biểu tình.

Trước đó, vào tối hôm qua, bà con giáo xứ Đông Yên đã tổ chức buổi cầu nguyện cho môi trường Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Tại giáo xứ Cửa Sót

Hơn 4000 giáo dân giáo xứ Cửa Sót rước kiệu, tuần hành hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp vì môi trường sạch.

Bà con giáo dân xuất phát tuần hành từ lúc 5 giờ 30 ngày Chúa Nhật 07.08.2016 từ nhà thờ dưới sự điều phối của Linh mục Phêrô Trần Phúc Chính, Quản hạt giáo hạt Văn Hạnh, Giáo phận Vinh, rước kiệu Đức Mẹ, đi xung quanh giáo xứ và ra các bến cảng cầu nguyện.

Nhiều thiếu nhi, thanh niên, người lớn tuổi trong giáo xứ tham dự một cách ôn hòa và tuần hành một cách trật tự, cùng đồng hành sát cánh với Đức Cha.

Cuộc tuần hành diễn ra gần 3 tiếng đồng hồ vào khoảng 8 giờ sáng cùng ngày kết thúc.

Được biết, tối qua, bà con giáo xứ đã thắp nến cầu nguyện và rước kiệu Đức Mẹ tuần hành xung quanh khu vực giáo xứ cầu nguyện cho môi trường Việt Nam.

Giáo xứ Cửa Sót cách Tòa Giám mục Vinh khoảng 60 cây số về hướng Đông Nam.

Tại giáo xứ Nghi Lộc

Sáng nay ngày 7/8/2016, hưởng ứng lời kêu gọi “Ngày Môi Trường” của Uỷ ban công lý-hoà bình giáo phận Vinh. Khoảng 2500 người dân trong và ngoài giáo xứ Nghi Lộc tuần hành ôn hoà để tỏ bày quan điểm của mình.

Đúng 7 giờ mọi người tập trung tại nhà thờ giáo xứ Nghi Lộc, tuần hanh lên uỷ ban xã Diễn Hạnh.

Người dân cầm theo băng rôn: yêu cầu VTV xin lỗi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Formosa tái phạm yêu cầu chính phủ thực thi lời hứa, yêu cầu chính quyền Việt Nam khởi tố Formosa, huỷ hoại môi trường, làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai… Vào thời điểm đất nước lâm nguy, biển đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con…

Bạn Pháp chia sẻ với GNsP: “Vì hưởng ứng ngày vì môi trường mà tôi bị công an Nghi Lộc và công an tỉnh Nghệ An mạo danh côn đồ đánh tôi, khi tôi đi từ giáo xứ La Nham về. Nên hôm nay tôi và mọi người tuần hành ôn hoà yêu cầu chính quyền Việt Nam khởi tố Formosa và trục xuất ra khỏi Việt Nam.”

Bạn Hạnh từ nơi khác đến cũng chia sẻ: “Theo em mọi người đi, đứng còn hơi lộn xộn, đoạn đường tuần hành hơi ngắn. Người dân đang còn muốn đi xa hơn nữa. Tuần hành môi trường là một việc nên làm để cho người dân bảo vệ môi trường là việc chúng ta phải làm. Hôm nay giáo xứ vui mừng khi xuống đường tuần hành, nhưng mình muốn mọi người nỗ lực hơn nữa để bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền.”

Mọi người cùng nhau hẹn đến tuần sau để xuống đường vì một thể chế và môi trường sạch.

Tại giáo xứ Đông Yên cũ

Rất đông lực lượng cảnh sát cơ động, an ninh mặc thường phục, xe cứu hỏa… chắn ngang ngay trước cổng Formosa Hà Tĩnh, khi ngư dân giáo xứ Đông Yên cũ thuộc Giáo phận Vinh biểu tình phản đối Formosa gây ra thảm họa môi trường và yêu cầu cút khỏi VN, vào sáng ngày 07.08.2016.

Vào lúc 8 giờ cùng ngày, khoảng hơn 700 ngư dân và cũng là giáo dân giáo xứ Đông Yên cũ đáp lại lời kêu gọi của Đức Giám Mục Giáo phận hưởng ứng “Ngày Môi Trường” bằng cách dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu vực giáo xứ, thu gom rác mang đến trước cổng Formosa Hà Tĩnh để đốt. Bà con ngư dân đã mặc đồng phục với nhiều băng rôn biểu ngữ.

Tham gia cuộc biểu tình, bà con ngư dân đã mặc đồng phục “yêu cầu Formosa cút khỏi VN” và mang theo nhiều băng rôn biểu ngữ “Yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa, đảm bảo môi trường sống cho người dân; Tôi và bạn – hãy chung tay vì cuộc sống của chúng ta…

Trên đường đi, các cán bộ UBND xã đã phát loa yêu cầu bà con trở về lại giáo xứ, không được gây mất an ninh trật tự. Một viên công an nói với ngư dân tên Hòa – giáo dân Giáo xứ Đông Yên cũ rằng: “Anh nói bà con về lại giáo xứ. Tôi nói, tôi không có quyền gì cả, anh muốn mời họ về thì anh mời họ. Họ yêu cầu chúng tôi đi trong địa bàn của xã thôi. Tôi nói, làng xóm chúng tôi đã dọn sạch sẽ cả rồi, tôi chỉ tay vào Formosa và nói cái đống rác rưởi Formosa thì ai sẽ dọn đây? Viên công an ấp a ấp úng không thể trả lời câu hỏi của tôi được.”

Giới chức đã gây khó khăn, ngăn cản bà con ngư dân không được đến gần Khu công nghiệp Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nhưng bà con ngư dân đã rẽ xuống đường ruộng để đi đến được khu công nghiệp này.

Ông Hoa cũng cho biết thêm, tại đây, rất đông lực lượng CSCĐ chắn ngang ngay trước cổng Formosa, đông an ninh mặc thường phục… để bảo vệ cho Formosa. Chúng tôi đã lấy rác mà thu gom tại làng xóm, đốt ngay trước cổng Formosa đem đốt. Công an đã huy động ba xe cứu hỏa dập tắt ngay ngọn lửa này.

“Cám ơn Giáo phận Vinh đã đi đầu trong đấu tranh vì môi trường”. Đó là lời cảm ơn của các Facebooker trước sự kiện sáng nay 07.08, hàng ngàn giáo dân của Giáo phận Vinh đã xuống đường biểu tình vì môi trường.

Facbook Chu Quang Tiến viết trên trang Tin Mừng Cho Người Nghèo: “Cám ơn Giáo phận Vinh đã đi đầu trong việc đấu tranh vì môi trường và công lý cho Việt Nam! Xin Chúa đồng hành cùng quý cha và anh chị em.”

Trước đó, Đức Giám Mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã thông qua một văn thư kêu gọi toàn giáo phận thực hiện một “Ngày vì môi trường” vào Chúa Nhật 07.08.

Văn thư đề nghị tất cả các giáo xứ dâng Thánh lễ, chầu Thánh Thể, làm giờ cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường, và những hoạt động hữu ích khác.

Văn thư cũng nhận định tuy Formosa đã nhận trách nhiệm xả thải ra biển, “nhưng người dân vẫn lao đao trong thảm họa. Sự chậm trễ và thiếu minh bạch của nhà cầm quyền càng làm cho thảm họa nên tồi tệ hơn.”

Vào Chúa Nhật 07.08, khắp nơi trên giáo phận Vinh đã tổ chức nhiều hoạt động để đáp lời kêu gọi như dâng thánh lễ, làm giờ cầu nguyện, dọn dẹp vệ sinh môi trường sống. Nhiều giáo xứ cũng tổ chức biểu tình. Đây là hành động bày tỏ ý kiến công khai và là quyền được hiến pháp Việt Nam ghi nhận.

Facebook Dung Truong nói: “Hoan hô Giáo phận Vinh”. Facebook Xuan Truong Ho tiếp lời: “Quá tuyệt vời, Giáo phận Vinh.”

Facebook Nguyen Thang Nguyen Thang thì nhận xét: “Dân Chúa làm một công việc rất ý nghĩa. Chúa đồng hành cùng công việc của quý vị.” Facebook Huong Nguyen Van cũng nói: “Xin Chúa chúc lành và che chở giáo dân và các cha!”

Trong khi đó, Facebook Bạch Tuyết bày tỏ: “Cảm ơn giáo phận Vinh. Cảm ơn Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cảm ơn cộng đoàn dân Chúa trong tình hiệp nhất yêu thương, cảm ơn mọi người đã cất lên tiếng nói của Công Lý – Hòa Bình.”

Pv.GNsP tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Sài Gòn

Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2016/08/08/9486

____
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuột vẫn là chuột!
Bảo Giang
09:39 07/08/2016
Chuột vẫn là chuột!

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm được gì cho Tổ quốc” (Diễn văn nhậm chức của TT J.F.Kenedy. 1963)

Ngày 20/1/1963, thượng nghị sỹ John F. Kenedy đã đọc diễn văn tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể người dân Hoa Kỳ. Ông trở thành Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ ở tuổi 43. Trong bài diễn văn, Tổng thống Kenedy, một mặt, thể hiện mong muốn hoà bình giữa các khối sau khi cả 2 bên, Nato và Warszawa (cộng sản) gần khánh kiệt trong cuộc chạy đua vũ trang. Mặt khác, kêu gọi người dân Mỹ, thay vì đòi hỏi, hãy cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Ông nói: "... Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm được gì cho Tổ quốc"


Trong khi đó, mới đây ở Việt Nam, một người có hàm chủ tịch quốc hội của nhà nước CSVN cũng đã lên giọng, vẻ trịch thượng, phán xét, chỉ trích người dân Việt khi nhắc lại ý câu nói đó của TT Kennedy với vẻ quan tòa thiếu học. Thị nói: “Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói...”

Khi nghe những lời phát biểu như rất quen thuộc, tôi và người bạn vào web để tìm lại nguyên văn, nguồn gốc. Sau khi đánh vỏn vẹn bốn chữ “nguyễn thị kim ngân” rồi nhấn phím. Bản lý lịch hiện ra, giới thiệu như sau:
“Nguyễn Thị Kim Ngân là một nữ chính khách Việt Nam. Bà hiện là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XIII và khóa XVI.
Sinh: 12 tháng 4, 1954 (tuổi 62), Bến Tre, Việt Nam
Bố mẹ: Nguyễn thị Sang
Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Tôi chưa kịp giật mình, bạn tôi đã oang oang như cái lệnh vỡ:

- Lại thêm một đứa không cha!
- Dừng ăn càn nói bậy như thế được không?
- Bạn có mù không? Không nhìn thấy bản lý lịch của y thị à? Làm gì có tên bố!

Tôi nhìn qua phía có tấm hình. Dòng chữ hiện ra trước mắt: “ Bố mẹ: Nguyễn thị Sang” thế nghĩa là gì? Chẳng lẽ người bạn tôi nói đúng? Tôi đâm ra gắt gỏng với hắn:

- Tôi muốn tìm câu nói kia là của ai, chứ không muốn tìm cái gia phả lý lịch của Thị!
- Nhưng bạn cũng không thể chối bỏ cái lý lịch không tên cha của Thị đã in rõ ràng nơi đây!

Nói xong hắn bỏ đi. Tôi ngồi nhìn đăm đăm vào dòng chữ. Tại sao lại như thế nhỉ? Lẽ nào không có?

Nhớ lại, cách đây không lâu Nguyễn thi Kim Ngân cũng đã phát: “Vai trò dân chủ rất quan trọng. Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì sau con cái cũng không tôn trọng người khác...”. Qủa thật, y Thị phát biểu mà không hề có hiểu biết gì. Bởi lẽ, sinh hoạt Dân Chủ là của xã hội, thuộc về tổ chức xã hội, nay còn mai mất. Ở đó, những cá nhân sống trong xã hội được quyền chọn, hoặc bị áp đặt trên mình một tổ chức, một chế độ để sinh sống. Nó hoàn toàn khác biệt với đời sống gia đình. Nơi tạo nên nguồn gốc của cuộc sống, di sản con người. Ở đó, trước hết gia đình có tôn ti, phẩm trật cha mẹ, con cái. Kế đến, dù sang hèn, từ chung thủy hay phản trắc của một nam một nữ, con cái cũng không thể chọn cho minh cha mẹ. Như thế, đối với những sinh hoạt, tổ chức đảng phái trong xã hội, thiết tưởng không thể đem ra so sánh với những căn cơ nguồn gốc phát sinh và mối liên hệ ràng buộc như trong gia đình. Bởi lẽ, mọi người có quyền lựa chọn cho mình một tổ chức để sinh hoạt trong xã hội. Nhưng không ai có thể chọn cha mẹ cho mình!


Đó là những cơ bản khác biệt, nếu đem hai chuyện này vào nhau để làm một câu chuyện, một so sánh thì qủa là thiển cận về sự hiểu biết, nếu như không muốn nói là đần độn! Bởi lẽ, dù Nguyễn thị Kim Ngân có đem ra và áp dụng sách lược Vô Gia Đình của Hồ chí Minh vào chính trong trường hợp của mình, thị cũng nên biết rằng, con cái lại cũng không có quyền chọn lựa cha mẹ cho mình. Đó có thể là trường hợp được đảng đạo diễn, hoặc từ dối trá, mà có những giấy khai sinh chỉ mang một cái tên của mẹ mà thôi. Từ đó, ngay trong trường hợp này, vẫn không thể đem nguồn cội từ hệ gia đình ra so sánh với những sinh hoạt, tổ chức phụ thuộc của xã hội. Bởi vì không ai có thể, hay có quyền chọn lựa cha mẹ cho mình. Trong khi đó, mọi người có tự do tham gia hay phản kháng những tổ chức chinh trị trong xã hội.


Như thế, về gia đình, xem ra căn bản của Nguyễn thị Kim Ngân, của người theo cộng sản là rất yếu kém, vô tri lý. Về xã hội, hãy xem cái tổ chức CS mà y Thị Ngân sinh hoạt với đã làm được những gì cho đất nước để Thị hãnh diện?

I. Hồ chí Minh cũng gọi là Hồ Quang, trả lời:


Cháu phát hay lắm. Bác có lời khen đấy. Bởi vì, như cháu đã biết, bố của bác đã ra làm quan vào thời Nguyễn, nhờ đó mà Bác được nhận vào trường Quốc Học và đang học lớp sáu thì tham gia vào phong trào bạo loạn kháng thuế. Bác bị đuổi khỏi trường. Chuyện bác bị đuổi học chưa yên thì bố của bác, làm quan huyện, say rượu, đánh chết người. Kết qủa, “ ông bị triều đình nhà Nguyễn ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi thành hạ bốn cấp quan và sa thải” (wiki)

Sau khi bố của bác bị đuổi, miếng cơm manh áo không còn, bác lang thang, rồi xin được chân làm phụ bếp ở dưới tàu biển của Pháp để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, mộng được làm quan cho Pháp chưa hết, bác nhờ người làm đơn xin vào học ở trường thuộc địa, nhưng không được chấp thuận. Từ đó bác biết chỉ còn con đường theo cộng sản để may ra có miếng cơm ăn, dù rằng ngay lúc đó, những kẻ theo cộng sản đã bị khinh bỉ trên đất Pháp.

Kết qủa, hết vào tù ra khám lại gục ngã vì bệnh lao! Đến năm 1940, Hồ Quang, người Hẹ, tiếp tục con đường bác đi. Đến năm 1959, nó lại lấy luôn lý lịch của bác với cái tên là Hồ chí Minh. Kế đến, Nó mở cuộc đấu tố, giết chết 172 ngàn người Việt Nam để làm vui lòng Trung quốc. Đó là vinh quang của đảng ta, cháu đã và đang học. Nhưng là những giòng tội ác không đời nào có thể rửa sạch được cho bác, cho đảng:
“Địa chủ ác ghê:
“Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
- Giết chết 14 nông dân.
- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
- Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.

- Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào !....
(21-7-1953)
C.B. Hồ chí Minh”


Nếu bạn có còn chút công tâm, hãy nói xem, câu chuyện của Hồ chí Minh viết ra để giết người như trên liệu được mấy phần trăm là sự thật. Có được 5, 7% hay không? Tôi sợ không đạt được con số nhỏ nhoi này. Bởi lẽ, chính bà Cát hanh Long đã bỏ ra, trong hai lần giúp kháng chiến hàng trăm lượng vàng, và hai ngưòi con của bà hiện lúc bấy giờ đều mang quân hàm Trung tá trong đội quân giải phóng. Chẳng một ai là người đã tham dự vào các cuộc giết người như Hồ chí Minh tả.

Nếu hỏi tại sao Hồ chí Minh lại viết như thế? Câu trả lời trước tiên, có lẽ y không phải là người Việt nên tiếc gì xương máu Việt, đạo đức Việt. Trái lại, y phải thực hiện sách lược đấu tố của Trung cộng để triệt ngưòi Việt do Mao đề xướng! Từ đây, chính y tạo nên cảnh nồi da sáo thịt. Con cái đấu tố cha mẹ để làm triệt tiêu hình ảnh và tình cảm của con dân Việt. Từ đây, Y đã chà đạp hay tạo nên thảm cảnh vô luân thường, đạo lý trong đạo nghĩa có sẵn từ ngàn đời trong lòng người dân Việt. Chính y là kẻ đã giết chết nền luân lý đạo hạnh của Việt Nam qua bản án và mùa đấu tố này. Từ đó, Y mở đầu cho cuộc sống bất thường đầy tính vô luân của người dân Việt! Như thế, nếu cái gọi là cách mạng ấy có một chút ý nghĩa, thì đó chính là sự tàn bạo, giết ngưòi. Nói cách khác, kẻ viết những bài văn như thế phải bị treo cổ để răn đe tội ác trong xã hội, nói chi đến chuyện ca tụng y! Nhưng xã hội cộng sản đã ra rả ca tụng y. Hỏi xem đó có phải là cái phúc cho người dân Việt Nam hay không? Ấy là chưa kể đến việc Y rước người Tàu tràn vào chiếm đất, xây nhà trên quê hương Việt Nam, một việc làm chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử Việt. Y là ai? Tàu chiếm đất hay Việt bán nước?


II. Phạm văn Đồng:

Bác vắn tắt lại công nghiệp của bác để cháu theo đó mà học nhá:

“Hà Nội 14-9-1958.
Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Phạm văn Đồng, thủ tướng chính phủ.”

Đây được coi là việc làm cơ bản của người đảng viên cộng sản. Sau đó, vào những năm 1990, dù bác không còn làm Thủ tướng nữa, bác vẫn làm cố vấn chỉ đạo, trực tiếp dẫn phái đoàn của nhà nước ta sang họp mặt với Trung quốc để bàn về chuyện nối lại hiệp thương giữa đôi bên. Kết qủa, bác và các chú Nguyễn văn Linh, Đỗ Mười… đã ký chuyển giao Việt Nam vào chung một hệ với Trung quốc. Việc làm này là thể hiện ý chí của chủ tịch Hồ chí Minh cũng như đồng chí Lê Duẫn khi còn sống: “ ta đánh Mỹ là đánh cho Trung quốc, đánh cho Liên Sô”. Theo đó, những chuyện như hiệp thương biên giới vào năm 1990 giữa các đồng chí Mười, Linh, Khải, Cầm, Kiệt, Phiêu, Mạnh… hay sau này việc chuyển giao nhượng đất của các chú Trọng, Sang, Dũng, Hùng… hoặc các cháu, chỉ là từng phần thi hành hiệp ước. Theo đó, nay cháu đã vào Cuốc hội, chung thuyền bán nước thì cứ âm thầm, đừng phát biểu để làm sôi lòng quần chúng chỉ thiệt cho đảng. Đôi lời vắn tắt vậy, chắc là cháu hiểu việc?...

Đó là những câu chuyện có gốc của tập đoàn Việt cộng mà Nguyễn thị Kim Ngân nhận lệnh phục vụ, bảo vệ, phát huy.
Phần chúng ta, trách nhiệm với đất nước mình ra sao?
- Chúng ta có theo chúng học thói lăng mạ dân, bán nước và làm nô lệ cho Tàu cộng không?
- Không. Chắc chắn là không bao giờ.
- Nếu thế, tôi thưa với bạn rằng:

Hỡi thanh niên Việt Nam, tương lai Tổ Quốc ở trong tay bạn. Xin các bạn hãy mỗi ngày viết sẵn một câu vào trong một tờ giấy học trò:
- Nó thối nát.
- Nó phải đổ.
- Nó đã hết thời.
- Nó đã bán nước.
- Nó giết dân ta.
- Nó vô gia đình.
- Nó vô tổ quốc.
- Nó vô tôn giáo
- Nó là Cộng sản!
- Nó là gian trá.
- Hãy đứng lên nào!
- Ta cùng diệt chuột…
Rồi mỗi ngày, khi đi học, khi đi làm. Dù là ở thành phố hay thôn quê, bạn hãy dán trang giấy có một dòng chữ ngắn ngủi ấy lên những cột đèn, tường phố, nơi bạn đi qua. Nếu tiện, bạn cắt một tấm hình của những nhà lãnh đạo VC dán lên trên tờ giấy đó. Bạn sẽ thấy cuộc biến chuyển kỳ diệu của ngày mai. Không phải cho bạn, nhưng cho đất nước và dân tộc chúng ta.

Tôi tin rằng, chỉ bắt đầu bằng một vài tờ giấy với dòng chữ của các bạn hôm nay, sẽ có hàng trăm ngàn tờ giấy khác trong ngày mai. Như thế, khởi đi từ một trang giấy, một cuốn vở 200 trang chưa hết, tương lai tươi sáng của đất nước và của dân tộc Việt Nam đã nở hoa. Mọi người đều đứng dậy đi tìm Công Lý. Đất nước ta không còn cộng sản, Dân Tộc ta sẽ đi lên trong tiếng ca Hoà Bình, đi trong Độc Lập, đi trong Tự Do. Thân ái.

Bảo Giang
 
Giáo Phận Vinh biểu tình lớn chống Formosa
Danlambao
16:36 07/08/2016
VINH - Hưởng ứng lời kêu gọi “Một ngày vì môi trường” của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, sáng ngày 7/8/2016, hàng ngàn giáo dân giáo phận Vinh đã đồng loạt xuống đường yêu
cầu Formosa cút khỏi Việt Nam. Đây được coi là cuộc biểu tình được tổ chức quy mô nhất từ khi xảy ra sự kiện cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đến nay.

Ngay từ 5h30 phút sáng 7/8, khoảng 2500 giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc đã diễu hành từ giáo xứ này sang giáo xứ Phú Yên.

Tại giáo xứ Phú Yên đã có khoảng hơn 1 ngàn giáo dân đang chờ để nhập đoàn với giáo dân xứ Phú Yên. Sau đó, đoàn giáo dân thuộc hai giáo xứ Phú Yên và Song Ngọc lại tiếp tục diễu hành và đi tới giáo xứ Mành Sơn, nơi được chọn để cử hành Thánh lễ và biểu tình. Được biết, tại Mành Sơn có khoảng 2 ngàn 500 giáo dân đang chờ. Như vậy là trong sáng nay, riêng 3 giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên và Mành Sơn đã có khoảng hơn 6 ngàn người tham gia tuần hành, biểu tình vì môi trường. Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, chánh xứ giáo xứ Phú Yên và là lãnh đạo tinh thần của giáo dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường đã cử hành Thánh lễ.

Được biết, ngoài ba giáo xứ nói trên còn có nhiều giáo dân ở các xứ khác đến tham dự. Trao đổi với CTV Dân Làm Báo, linh mục Anton Đặng Hữu Nam cho biết, có khoảng hơn một ngàn giáo dân ở các giáo xứ cách xa Phú Yên và mành Sơn 70 đến 80 cây số như Xuân Kiều, Ngọc Long, Yên Đại… cũng tới tham dự Thánh lễ, tuần hành vì môi trường.

Cũng theo ghi nhận của Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, ngày hôm trước (thứ 7/6/8), lực lượng công an, quân đội án ngữ tại trung tâm thị trấn với con số lên tới vài ngàn người. Từ Phú Yên tới Mành Sơn có khoảng vài trăm mật vụ. Bọn người này giám sát, theo dõi, trà trộn vào đoàn người diễu hành và trong buổi Thánh lễ. Chưa kể con số gần 1 ngàn người đóng chốt rải rác khắp hai Giáo xứ này.

Cùng thời điểm này, tại giáo xứ Cồn Sẻ, (Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nơi trực tiếp và chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa môi trường, có khoảng 3 ngàn giáo dân cũng tập trung cầu nguyện và biểu tình.

Theo ghi nhận, các cuộc tuần hành đã diễn ra tại các giáo xứ như Song Ngọc, Phú Yên, Mành Sơn, Ngọc Long, Xuân Kiều…

Video và hình ảnh phổ biến trên các mạng xã hội cho thấy, đoàn người tuần hành kéo dài cả cây số mang theo các khẩu hiệu bảo vệ môi trường đi dọc trên các tuyến đường nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng.

Theo facebook Hung Tran, tại giáo xứ Đông Yên – một trong những điểm nóng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau sự kiện cá chết hàng loạt, hàng ngàn giáo dân đã tuần hành dọc theo quốc lộ 1A tiến xuống bờ biển.

Mặc dù thời tiết nóng nực, nhưng đoàn người vẫn tuần hành trong trật tự với các khẩu hiệu như:

  • “Yêu cầu truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với công ty Formosa và những tổ chức cá nhân liên quan”
  • “Đừng dửng dưng trước thảm hoạ môi trường đang phá huỷ biển miền Trung”
  • “Yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa để bảo đảm môi trường sống cho người dân”…


Thời tiết nóng nực, nhưng hàng ngàn giáo dân Đông Yên vẫn xuống đường vì môi trường trong sạch. Ảnh: Facebook Hung Tran

Bên cạnh các hoạt động xuống đường tuần hành nhằm nâng cao ý thức cho người dân, bà con giáo dân xứ Yên Hoà còn tổ chức chung tay dọn dẹp vệ sinh như phát quang bụi rậm, khai thông những nơi ao tù nước đọng, tiêu huỷ rác thải... Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Công lý & Hòa bình giáo phận Vinh về “Một ngày vì môi trường”.

Giáo dân 3 xứ Phú Yên, Song Ngọc và Mành Sơn đáp lại những tiếng hô vang dội của linh mục Đặng Hữu Nam.

Giữa lúc toàn bộ giáo phận Vinh đang chung tay xuống đường ôn hoà nhằm bảo vệ môi trường, nhà cầm quyền CSVN lại huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động với khiên chắn, gậy gộc giàn quân để bảo vệ công ty Formosa.

Xem ra, số tiền 500 triệu đô-la tiền "bồi thường" của Formosa cũng chỉ đủ để chi trả cho các lực lượng công an của đảng.

Tác giả bức ảnh - blogger Vì Dân nhận xét: "Công an đang tập trung bảo vệ Formosa. Nhìn tấm hình là biết đảng đứng về phía ai rồi!"

*Trước đó, vào tối ngày 6/8/2016, nhiều giáo xứ cũng đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho cho việc bảo vệ môi trường. Tại một số nơi, CA Nghệ An đã ra lệnh cắt điện. Nhiều giáo dân bị công an chặn đánh giữa đường hoặc bị khám xét, kiểm tra “hành chính”. Công an và mật vụ xuất hiện, rình rập mọi ngõ xóm.

Tại giáo xứ Yên Hoà, hàng chục chiếc xe tải chở cảnh sát cơ động cũng đã được điều động nhằm thị uy và đe doạ người dân. Xe tải chở hàng ngàn cảnh sát cơ động đã được đổ xuống Vinh vào chiều ngày 6/8/2016.

(Nguồn: danlambao)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tông Thư Của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI Ấn Định Một Số Quy Luật Về Chức Phó Tế.
PT. Phạm Bá Nha
16:23 07/08/2016
TÔNG THƯ CỦA CHÂN PHƯỚC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI ẤN ĐỊNH MỘT SỐ QUY LUẬT VỀ CHỨC PHÓ TẾ. (*)

LTS: Nhân dịp ĐGH Phanxicô thiết lập Ủy Ban Nghiên Cứu Về Chức Nữ Phó Tế, Vietcatholic cho đăng loạt bài Phó Tế Vĩnh Viễn do Phó Tế Vĩnh Viễn Phạm Bá Nha tại giáo xứ Việt Nam Paris chủ biên. Loạt bài này nhằm giúp độc gỉả hiểu rõ hơn về chức Phó Tế dành cho nam giới

Để hướng dẫn và giúp cho dân Chúa tăng trưởng luôn mãi, Đức Kitô đã thiết lập trong Hội Thánh những tác vụ khác nhau, nhằm mưu ích cho toàn diện Nhiệm Thể Người (1).

Vì thế, từ thời các Tông Đồ, chức Phó Tế luôn được trọng kính trong Hội Thánh, được phân biệt với các tác vụ khác bởi tầm mức trang trọng đặc biệt. Thánh Phaolô Tông Đồ đã chứng minh rõ rệt điều đó trong thư gửi tín hữu Philippê khi ngài chào chẳng những các giám mục mà cả các Phó Tế nữa (2), cũng như trong thư gửi cho Timôtê, ngài nhấn mạnh đến các tính chất và các nhân đức mà các Phó Tế cần phải có để chu toàn những tác vụ được giao phó (3).

Tiếp đến là các văn nhân thời Hội Thánh sơ khai, mỗi khi tuyên xưng phẩm giá chức Phó Tế, không quên đề cao các nhân đức và các đặc ân thiêng liêng mà các Phó Tế phải có để chu toàn tác vụ của họ, tức là đức trung tín với Chúa Kitô, nếp sống trong sạch về phong hóa và tinh thần tùng phục Đức Giám Mục.

Thánh Inhaxiô thành Antiokia quả quyết rằng: ‘Tác vụ của Phó Tế chính là ‘tác vụ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng từ thuở đời đời ngự bên Chúa Cha nhưng đã đến ở giữa chúng ta’ (4). Ngài còn nhấn mạnh: ‘Là thừa tác viên các mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, Phó Tế cần phải làm hài lòng mọi người bằng mọi cách. Vì họ không phải là những phó tế ngồi trên bàn ăn, nhưng là những thừa tác viên của Hội Thánh Chúa’ (5).

Thánh Pôlicarpô thành Smyrna khuyên các Phó Tế: ‘Hãy biết tiết độ trong mọi sự, ôn hòa, sốt sắng. Trong đời sống hằng ngày, phải suy niệm về tinh thần phục vụ của Chúa, Đấng đã tự nguyện làm tôi tớ mọi người’ (6).

Tác giả tập ‘Giáo Huấn của các Tông Đồ’ (Didascalia Apostolorum) nhắc lại lời của Chúa Kitô: ‘Ai muốn làm người lớn nhất giữa các con, người đó hãy trở nên đầy tớ của các con’ (7), mà áp dụng lời nhắn nhủ này cho các Phó Tế: ‘Hỡi các Phó Tế, nếu cần phải dâng mạng sống mình cho anh em để chu toàn tác vụ của các ngài, thì các ngài đừng ngại hiến mạng sống mình… Vì nếu Chúa trời đất đã trở nên tôi tớ chúng ta, đã chịu đau khổ và chấp nhận chịu chết vì chúng ta, thì chính chúng ta là những kẻ bắt chước Chúa Giêsu

những kẻ tiếp nhận phần nào sứ vụ của Người, lẽ nào lại không hy sinh cả mạng sống cho anh em chúng ta sao ?’ (8).

Cũng vậy, các giáo phụ của các thế kỷ đầu, nhắc nhiều đến tầm quan trọng của tác vụ Phó Tế, đồng thời cũng trình bày sâu rộng những công vụ, vừa nhiều vừa quan trọng, đã giao phó cho họ. Các ngài quả quyết rõ ràng quyền bính của các Phó Tế tới mức nào trong các cộng đồng Kitô hữu và phần tham dự vào việc tông đồ. Phó Tế được coi như ‘tai, miệng, trái tim và linh hồn của Đức Giám Mục’ (9).

ThÀy Phó Tế ở bên cạnh Đức Giám Mục để tận hiến cho toàn thể dân Chúa và nâng đỡ các bệnh nhân cùng những người nghèo túng (10). Vì thế mà thÀy Phó Tế đáng được gọi là ‘bạn các cô nhi, bạn của tất cả những ai thành tâm lo việc đạo đức, nâng đỡ những người góa bụa, những người nhiệt tâm tông đồ… Các thÀy là bạn của tất cả những điều tốt lành’ (11). Nhưng trên tất cả mọi phận vụ, thÀy Phó Tế có phận vụ đem Mình Thánh Chúa đến cho các bệnh nhân ở nhà (12), ban bí tích Rửa Tội (13) và tùy theo ý muốn và chỉ thị của Đức Giám Mục mà rao giảng lời Chúa.

Bởi đó, chức vụ Phó Tế đã phát triển mạnh mẽ trong Hội Thánh, đã trở thành chứng tá lớn lao về lòng mến Chúa và yêu thương Hội Thánh, mỗi khi các Phó Tế chu toàn công trình bác ái (14), cử hành mầu nhiệm thánh (15) và khi thực thi những công tác mục vụ (16).

Nhờ ở sự thực thi các phận vụ Phó Tế, những người hướng tới chức linh mục đương nhiên có một dấu chỉ tốt về khả năng của họ, về giá trị việc làm của họ, và như thế, họ đắc thủ sự chuẩn bị cần thiết để lãnh nhận thiên chức linh mục và công việc mục vụ.

Nhưng qua các thế hệ, kỷ luật liên hệ đến chức này đã thay đổi. Đành rằng người ta trở nên cứng rắn trong việc cấm không cho truyền chức ‘nhảy’ các cấp trung gian, nhưng dần dần số những người muốn giữ chức Phó Tế Vĩnh Viễn giảm sút. Bởi đó, trong Hội Thánh Latinh, chức Phó Tế Vĩnh Viễn, thực tế đã dần dần biến mất. Thiết tưởng cũng chẳng cần nhắc lại sắc lệnh của Công đồng Tridentinô muốn cải tổ các chức thánh theo đặc chất của mỗi chức, cho phù hợp với các phận vụ xưa kia của Hội Thánh (17).

Thực ra tư tưởng muốn lập lại chức thánh này, một chức thánh quan trọng có tính cách vĩnh viễn, mãi về sau mới rõ ràng. Vị tiền nhiệm của Ta là ñức Piô XII đã có dịp đề cập vắn tắt điều đó (18). Cuối cùng Công đồng Vatican II đã chú ý đến những nhu cầu và thỉnh nguyện, và đã lập lại chức Phó Tế Vĩnh Viễn. Vì thiện ích của các linh hồn đòi hỏi, Công Đồng đã tái lập chức Phó Tế Vĩnh Viễn, như là một chức trung gian giữa các chức trên của hàng giáo phẩm và phần còn lại của dân Chúa. Theo Công Đồng, các Phó Tế Vĩnh Viễn là những người nói lên những nhu cầu và những nguyện vọng của cộng đồng, những người cổ võ việc phục vụ của Hội Thánh bên cạnh các giáo đoàn địa phương và như dấu chỉ hay nhiệm tích của chính Chúa Kitô, Đấng ‘không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ’ (19). Bởi đó tháng 10. 1964, trong phiên họp thứ ba của Công Đồng, các nghị phụ đã chấp nhận nguyên tắc canh tân chức Phó Tế. Tháng sau, tức tháng 11, Công đồng công bố Hiến Chế Lumen Gentium, trong đó số 29 diễn tả những nét chính và đặc điểm của thiên chức này như sau:

‘Ở bậc thấp của hàng giáo phẩm có các Phó Tế, những người đã được đặt tay ‘không phải để lên chức linh mục, nhưng để phục vụ’. Nhờ ơn của bí tích, họ được nên vững mạnh, liên kết với Đức Giám Mục và linh mục đoàn mà phục vụ dân Chúa bằng việc phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và công trình bác ái’ (20).

Về tính cách ‘vĩnh viễn’ của chức Phó Tế, Hiến chế tuyên bố: ‘Vì những phận vụ này của thÀy Phó Tế rất cần thiết cho đời sống của Hội Thánh, nên trong tương lai, tuỳ theo nhu cầu của mỗi địa phương và dựa theo kỷ luật hiện hành của Hội Thánh, chức Phó Tế sẽ được lập lại như là một chức vụ riêng biệt và cố định của hàng giáo phẩm’ (21).

Những quyết định của Công Đồng về việc tái lập chức Phó Tế Vĩnh Viễn cần được suy xét sâu rộng và tìm hiểu kỹ càng những điều kiện pháp lý của chức Phó Tế, độc thân hay kết bạn. Đồng thời phải thích ứng vào những hoàn cảnh hiện tại tất cả những gì liên hệ đến chức Phó Tế. Đặc biệt đối với những Phó Tế được gọi lên chức linh mục, để thời gian mang chức Phó Tế thực sự giúp họ đi vào đời sống, thấy mình trưởng thành và đủ khả năng thi hành tác vụ của chức linh mục họ sẽ lãnh nhận.

Bởi đó, ngày 18. 06. 1967, Ta đã ban hành một Tông Thư, đó là ‘Tự Sắc’ Sacrum diaconatus Ordinem’ (Thánh chức Phó Tế) về Phó Tế Vĩnh Viễn, thiết định những quy thức giáo luật được thích ứng (22). Ngày 27.6. năm sau, do Tông hiến Pontificalis Romani Recognitio (23), Ta đã phê chuẩn các nghi thức mới truyền chức Phó Tế, chức Linh Mục và chức Giám Mục, đồng thời cũng xác định cách thức và hình thức của chính việc truyền chức nữa.

Hơn thế, khi ban hành Tông thư ‘Ministeria quaedam’, Ta đã xác định những quy thức rõ ràng về chức Phó Tế. Ta muốn những ai sắp lên chức Phó Tế biết rõ họ phải thực thi những tác vụ nào, tại sao họ phải giữ luật độc thân và phụng vụ giờ kinh.

Mặc dầu việc gia nhập hàng giáo sĩ khác với việc chịu chức Phó Tế. Nhưng nghi thức cắt tóc ‘là dấu chứng một giáo dân gia nhập hàng giáo sĩ’ trước đây không còn nữa. Vì thế, cần thiết lập một nghi thức mới để những ai muốn tiến tới chức Phó Tế hay chức linh mục, được biểu lộ rõ ràng ý muốn dâng mình cho Chúa và Hội Thánh. Khi tiếp nhận sự hiến dâng của họ, Hội Thánh tuyển chọn và mời gọi họ chuẩn bị để lãnh nhận các chức đó, và như vậy họ được chính thức gia nhập vào số những ứng viên sẽ lãnh nhận chức phó tế và chức linh mục.

Vì thế, tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ được trao cho những ai là ứng viên chức Phó Tế hay chức Linh Mục, nghĩa là cho những người tỏ rõ lòng ước ao hiến thân cho Chúa và Hội Thánh cách đặc biệt. Vì Hội Thánh luôn lấy ‘bánh hằng sống ở bàn tiệc Lời Chúa và ở bàn tiệc Mình Chúa mà ban phát cho giáo dân’ (24), nên Hội Thánh nghĩ là điều rất thuận tiện khi ứng viên sẽ lên chức thánh, nhờ ở sự gần gũi lâu dài và thực thi dần dần các tác vụ Lời Chúa và Bàn Thờ, họ sẽ thấu triệt và suy gẫm hai phương diện đó của chức vụ linh mục. Nhờ đó, tác vụ chính xác của họ sẽ có hiệu lực dồi dào. Vì các ứng viên sẽ tiến tới các chức thánh sẽ ý thức rõ rệt về ơn kêu gọi của mình, sẽ đầy lòng hăng hái, hiến thân phục vụ Chúa bền vững nhờ việc cầu nguyện và nhờ sự nâng đỡ của các thánh (25).

Sau khi đã cân nhắc tất cả các điều đó, đã hỏi ý kiến các nhà chuyên môn, đã bàn hỏi những Hội Đồng Giám Mục và rất lưu tâm đến các ý kiến của các ngài, và cuối cùng, sau khi đã hỏi ý kiến các tôn huynh là những thành phần của các thánh

bộ có thẩm quyền trong vấn đề này, Ta nhân danh Tông quyền mà ra sắc lệnh sau đây – bãi bỏ, nếu cần và bao lâu cần thiết, những quy định của Giáo Luật hiện hành – và Ta công bố sắc lệnh này cùng trong Tông Thư này.

I. a) Đã thiết lập một nghi thức tiếp nhận vào số các ứng viên sẽ lên chức Phó Tế và linh mục. Để sự tiếp nhận này được hợp thức, thì đòi phải có đơn tự do của thỉnh viên, viết và ký tên do chính tay đương sự, và sự ưng thuận của Đấng Bề Trên có thẩm quyền trong Hội Thánh tuyển chọn.

Các thÀy đã khấn trong dòng tu giáo sĩ và chuẩn bị lên chức linh mục không buộc phải giữ nghi thức này.

b) Đấng Bề Trên có thẩm quyền tiếp nhận là Đức Giám Mục hay bề trên cao cấp trong các dòng tu giáo sỹ. Có thể tiếp nhận những ai có những dấu của ơn thiên triệu thực thụ, có đời sống văn hóa tốt, không có trở ngại gì về thể lý cũng như tâm lý, muốn dâng cuộc đời để phục vụ Hội Thánh, làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Những thỉnh viên chức phó tế sẽ tiến lên chức linh mục (không phải phó tế vĩnh viễn) cần phải có ít là 20 tuổi chẵn và đã bắt Çầu chu kỳ thần học.

c) Do sự tiếp nhận này, ứng viên chức Phó Tế phải lo lắng đặc biệt đến ơn kêu gọi của mình và phải làm triển nở ơn kêu gọi này cho sâu đậm; Đồng thời, họ có quyền được giúp đỡ thiêng liêng cần thiết, để vun trồng ơn kêu gọi và tùng phục thánh ý Chúa vô điều kiện.

II. Các ứng viên chức Phó Tế vĩnh viễn hay chuyển tiếp, và các ứng viên chức linh mục, nếu chưa lãnh nhận các tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ, thì phải lãnh nhận hai tác vụ này và thi hành một thời gian xứng hợp, để họ được chuẩn bị kỹ càng hơn cho việc phụng vụ L©i Chúa và Bàn Thờ sau này. Đối với các ứng viên này, chỉ có Tòa Thánh mới có quyền chuẩn chước việc lãnh nhận các tác vụ trên.

III. Những nghi thức tiếp nhận các thỉnh viên vào số các ứng viên chức Phó Tế và chức Linh Mục, cũng như những nghi thức ban các tác vụ nói trên phải được cử hành bởi Đấng Bản Quyền của ứng viên (Đức Giám Mục và bề trên cao cấp trong dòng giáo sĩ)

IV. Phải tuân giữ thời gian cách quãng giữa những lần trao ban các tác vụ mà Tòa Thánh hay Hội Đồng Giám Mục đã ấn định trong chu kỳ thần học: tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ, và giữa tác vụ Giúp Lễ và chức Phó Tế.

V. Trước khi chịu chức, những ứng viên Phó Tế phải nộp cho Đấng Bản Quyền (Đức Giám Mục hay bề trên cao cấp trong dòng tu giáo sĩ), một bản tuyên cáo viết và ký tên do chính tay đương sự. Trong bản đó, đương sự phải minh xác là đương sự chịu chức với cả tự do và ước muốn.

VI. Đối với ứng viên Phó Tế lên chức Linh Mục và ứng viên Phó Tế Vĩnh Viễn không có đôi bạn, thì việc tận hiến đặc biệt sống độc thân được thực sự gắn liền với chức Phó Tế. Việc tuyên hứa công khai giữ luật độc thân trước mặt Chúa và Hội Thánh phải được cử hành, kể cả đối với các tu sĩ, bằng một nghi thức riêng đi trước việc thụ phong Phó Tế. Luật độc thân tuyên nhận như vậy sẽ làm thành một cản trở tiêu hôn.

Đúng với truyền thống của Hội Thánh, những Phó Tế đã kết bạn, khi bạn chết, sẽ không còn quyền tái hôn (26).

VII. a) Những thÀy Phó Tế sẽ lên chức linh mục, không được thụ phong Phó Tế trước khi hoàn tất chu kỳ học do Tòa Thánh ấn định.

b) Còn đối với chu kỳ học thần học phải có trước khi thụ phong Phó Tế Vĩnh Viễn. Hội Đồng Giám Mục sẽ tùy hoàn cảnh địa phương ấn định những quy thức xứng hợp, rồi gửi về Bộ Giáo Dục Công Giáo để được chấp thuận.

VIII. Đúng với các quy thức nói ở số 29-30 của quy chế tổng quát về Phụng Vụ Giờ Kinh:

Các Phó Tế sẽ lên chức linh mục có nhiệm vụ giữ Phụng Vụ Giờ Kinh do chính việc thụ phong Phó Tế đòi buộc.

Các Phó Tế vĩnh viễn cử hành mỗi ngày ít là một phần Phụng Vụ Giờ Kinh là việc rất phải lẽ. Hội Đồng Giám Mục sẽ định đoạt việc cử hành này.

IX. Do việc chịu chức Phó Tế, đương sự sẽ nhập hàng giáo sĩ và gia nhập một giáo phận.

X. Nghi thức tiếp nhận vào số các ứng viên Phó Tế và sẽ lên chức linh mục, và những nghi thức thánh hiến đặc biệt giữ luật độc thân, sẽ được ban hành nay mai do phân bộ thẩm quyền của Giáo Triều Roma.

XI. Quy thức chuyển tiếp: Ứng viên các chức thánh đã chịu phép cắt tóc trước ngày ban hành Tông Thư này, sẽ giữ nguyên tất cả những nghĩa vụ, quyền lợi và đặc ân hàng giáo sĩ: Những người đã chịu chức phụ-phó tế, phải giữ các bó buộc họ Çã tuyên nhận về luật độc thân và về Phụng Vụ Giờ Kinh. Nhưng họ còn phải cử hành một lần nữa việc tuyên hứa công khai giữ luật độc thân trước mặt Chúa và Hội Thánh theo nghi thức riêng mới, trước khi thụ phong Phó Tế.

Ta truyền cho tất cả những gì Ta đã quy định trong Tự Sắc này phải được coi là bền vững và đã chính thức được phê chuẩn, bất chấp tất cả những gì trái ngược. Ta cũng ấn định rằng các quy thức này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01. 01. 1973.

Ban hành tại Roma, cạnh Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 15.08.1972, nhằm lễ trọng, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, năm thứ mười của giáo triều Ta.n

Giáo Hoàng Phaolô VI

-------------

*. Chúng tôi lấy lại bản dịch của Uỷ Ban Giám Mục về Phụng Vụ - in trong cuốn NGHI THỨC, tr.13-23 - Sài gòn 1974. Chúng tôi xin hiệu chính lại một số từ hay câu văn (như ‘Phó Tế cố định’ sửa lại ‘Phó Tế vĩnh viễn’... )

1. Công đồng Vat. II, Hiến chế Lumen Gentium, s.18: AAS. 57 (1965). Tr. 21-22

2. x. Pl 1,1

3. x. 1Tm 3,8-13

4. Ad Magnesios, IV, 1: Patres Apostolici, ed.Fx.Funks, I, tubingae, 1901, tr.235.

5. Ad Trallianos II, 3, ed Fx. Funk, I Tubingae, 1901.

6. Thơ gửi cho giáo hữu Philiphê, V,2: Patres Apostolici, ed. Funk, I, Tubingae 1901, tr. 301-303.

7. Mt 20,26-27

8. Didascalie des Apôtres, III, 13,2-4: Didascalia et Constitutiones Apostolorum, ed.Funk, I Paderbornae, 1906, tr. 214.

9. Didascalie des Apôtres, II, 44,4 như trên, tr. 138

10. x. Traditio Apostolica 39 và 34: La Tradition Apostolique de saint Hippolyte. Essai de reconstruction, par B.Botte

Munster 1963, tr.87 và 81.

11..Testamentum D.N. Jesu Christi, I, 38, ed.et latine red. I.

E. Rahmani, Moguntinae 1889, tr.93.

12. x. St Justin, Apologia I, 65,5 và 67.

13. x. Tertulien, De Baptismo, XVII,

14. x. Didascalie des Apôtres, II, 31,2:

Testamentum D.N.I.C. I,31

15. x. Didascalie des Apôtres, II, 57,6; 58,1

16. St. Cyprien, Epistola XV và XVI

17. Sessio XVIII, ch.I-IV: Mansi, XXXIII, col. 138-140
 
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (26)
Vũ Văn An
18:03 07/08/2016
VII. Giáo Hội được cân đo bằng lòng thương xót (tiếp theo)

5. Lòng thương xót trong giáo luật

Người ta hiểu sai và dùng sai chữ thương xót không những trong phạm vi cá nhân mà còn trong cả phạm vi định chế của Giáo Hội nữa. Việc này diễn ra cả ở hai nơi khi người ta lẫn lộn thương xót với việc khoan dung yếu đuối và quan điểm để mặc nữa. Khi xẩy ra như thế, điều sau đây cũng sẽ đúng: corruptio optimi pessima (sự thối nát của người tốt nhất là điều tồi tệ nhất có thể xẩy ra). Lúc đó, người ta có nguy cơ biến ơn thánh quí báu của Thiên Chúa, vốn được “mua” và “nhận được” bằng giá máu của Người trên thập giá, thành của rẻ của ôi và biến nó thành một thứ hàng hóa bán hạ giá ở tầng hầm. Đó chính là điều Dietrich Bonhoeffer muốn nói khi tuyên bố rõ ràng, không mầu mè hoa lá, rằng “ơn thánh rẻ tiền nghĩa là biện minh cho tội lỗi chứ không phải người tội lỗi… Ơn thánh rẻ tiền là giảng dạy tha thứ không cần ăn năn; giảng dậy phép rửa không cần kỷ luật Giáo Hội; giảng dậy rước lễ không cần nhìn nhận tội lỗi; giảng dậy giải tội không cần phải đích thân xưng tội” (38).

Sự suy sụp kỷ luật Giáo Hội một cách sâu rộng là một trong các yếu điểm của Giáo Hội hiện nay. Nó cho thấy một sự hiểu lầm đối với điều Tân Ước có ý nói về lòng thương xót và đối với điều chiều kích mục vụ của Giáo Hội muốn hiểu. Việc triệt phá thứ thực hành cứng ngắc, vụ luật mà không đồng thời xây dựng một thực hành mới cho kỷ luật Giáo Hội để nó phù hợp với Tin Mừng, đã dẫn tới một khoảng chân không làm dịp cho nhiều tai tiếng khiến xẩy ra cuộc khủng hoảng trầm trọng cho Giáo Hội. Chỉ gần đây thôi, trong bối cảnh lạm dụng tình dục khủng khiếp, người ta dường như mới nhớ ra rằng kỷ luật Giáo Hội là điều cần thiết.

Do đó, trong ngữ cảnh sứ điệp thương xót, điều cần là đặt câu hỏi một lần nữa về ý nghĩa và thực hành của kỷ luật Giáo Hội. Vì việc suy sụp kỷ luật Giáo Hội không thể nào nại tới Chúa Giêsu và Tân Ước được. Hạn từ nguyên khởi được Tân Ước dùng để chỉ Giáo Hội là ecclesia (ἐκκλησία) vốn chứa đựng các yếu tố luật pháp ngay từ đầu. Ý tưởng cho rằng Giáo Hội của yêu thương lúc ban đầu sau đó bị cho là đã trở thành Giáo Hội của luật lệ không thể được chứng thực (39). Theo Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô quyền chìa khóa và ban cho ngài, cũng như cho mọi Tông Đồ, thẩm quyền buộc và tha, nghĩa là thẩm quyền đuổi các cá nhân ra khỏi cộng đồng và nhận lại họ. Tin Mừng này đã đưa ra qui luật rõ ràng để thi hành thẩm quyền vừa nói (Mt 16:19; 18:18) (40).

Việc trục xuất khỏi cộng đồng diễn ra ngay trong các ngày đầu tiên của Giáo Hội (Cv 5:1-11; xem 19:19). Trong nhiều đoạn, Tân Ước đã kể ra các tội khiến người ta bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa và không thể có chỗ đứng trong Giáo Hội. Thánh Phaolô kể tên tội gian dâm, lòng tham lam, việc trộm cắp, và việc thờ ngẫu thần (1Cr 6:9) (41). Do đó, ngài không ngần ngại trục xuất người phạm tội loạn luân ra khỏi cộng đồng (1Cr 5:4tt). Trong các đoạn khác, cũng đã có những lời cảnh cáo về việc bất đồng và chia rẽ trong cộng đồng: Hãy tránh xa chúng! (Rm 16:17); đừng liên hệ với chúng! (1Cr 5:11) (42). Bởi thế, Thánh Phaolô khẩn khoản yêu cầu đệ tử của ngài là Timôtê và những ai ở trong Giáo Hội ghi tâm những lời sau đây của ngài: “hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4:2).

Đặc biệt trong việc tham dự Thánh Thể, việc xét mình và trục xuất là điều cần thiết (1Cr 11:26-34). Phép Thánh Thể là gia tài tối cao của Giáo Hội, một gia tài không được biến thành món hàng hạ giá bán ở tầng hầm có thể chào mời bất cứ ai không cần phân biệt và mọi người tin rằng họ đều có quyền được hưởng. Ở đây, Thánh Phaolô đưa ra lời kết án rất gay gắt: bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa; họ ăn và uống án phạt mình (1Cr 11:27, 29). Nếu ta đọc những lời này trong ngữ cảnh của chúng, thì tư cách làm chi thể trong Giáo Hội Công Giáo không thể là tiêu chuẩn duy nhất để xác định người nào được lãnh nhận Thánh Thể, bất kể tiêu chuẩn này quan trọng đến đâu theo truyền thống xưa của Giáo Hội. Nhưng ngay người Công Giáo cũng phải tự nghiêm chỉnh xét mình xem liệu đời sống mình có xứng hợp với Phép Thánh Thể hay không, coi nó như việc cử hành cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Việc thực hành thống hối xưa không phải vô cớ khi được trực tiếp nối kết với việc không được hay lại được chịu Phép Thánh Thể. Những việc này không liên hệ tới điều gì khác ngoại trừ sự thánh thiện của Giáo Hội (43).

Vì kỷ luật của Giáo Hội là để phù hợp với ý nghĩa của Tin Mừng, nên nó cũng phải được áp dụng theo ý nghĩa và tinh thần của Tin Mừng. Vì thế, Thánh Phaolô nói rõ rằng hình phạt bị loại ra ngoài phải được hiểu là một hình phạt nhằm buộc người có tội suy nghĩ về tác phong của mình mà ăn năn thống hối. Thánh Phaolô có ý trao người có tội cho qủy “để phần hồn họ được cứu trong ngày của Chúa” (1Cr 5:5). Nếu người có tội hối lỗi và ăn năn, cộng đồng phải để lòng nhân từ thắng thế một lần nữa (2Cr 2:5-11). Hình phạt là phương thuốc cuối cùng và, bởi thế, có giới hạn về thời gian. Nó là phương thế quyết liệt và cuối cùng được lòng thương xót sử dụng. Có thể nói đây là ý nghĩa giáo dục và chữa trị của thực hành thống hối. Xét cho cùng, nó có ý nghĩa cánh chung; nó dự ứng việc phán xét cánh chung và nó cứu người ta khỏi hình phạt đời đời bằng cách bắt họ chịu hình phạr tạm bợ ở đời này. Khi được hiểu cách này, thì thực hành thống hối của Giáo Hội không phải là điều khắc nghiệt nhẫn tâm, mà đúng hơn là một hành vi thương xót.

Lối hiểu như thế về kỷ luật Giáo Hội như thuốc thương xót đắng đót nhưng cần thiết không phải là một hình thức vụ luật cũng không phải là một hình thức buông thả. Nó phù hợp với truyền thống hiểu Chúa Giêsu Kitô, dưới ánh sáng các lần chữa bệnh cách lạ lùng của Người, như thầy thuốc, người chữa bệnh, và là Đấng cứu rỗi, một truyền thống trong đó, các thầy thuốc thánh thiện (Luca, Cosma, Đamianô và nhiều vị khác) được vinh danh và vị mục tử, nhất là vị giải tội, được hiểu không phải là quan tòa mà chủ yếu là thầy thuốc của linh hồn (44).

Lối hiểu có tính điều trị này về luật lệ và kỷ luật Giáo Hội dẫn ta tới vấn đề nền tảng phải giải thích và giải nghĩa thế nào về luật Giáo Hội, tức, khoa giải thích giáo luật (45). Đây là một phạm vi rất rộng, và trong ngữ cảnh này, dĩ nhiên chúng ta không thể bàn luận một cách toàn diện được, mà chỉ có thể bàn tới mối tương quan giữa luật Giáo Hội và lòng thương xót.

Trong cuộc tranh luận của Người với các biệt phái, Chúa Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn dứt khoát để suy nghĩ về cách áp dụng luật Giáo Hội sao cho phù hợp với Tin Mừng. Trả lời cho lối giải thích giới răn liên quan tới ngày Sabát ngược với ý nghĩa nhân đạo khởi thủy của nó, Người quả quyết: “Ngày Sabát được làm cho con người, chứ không phải con người được làm cho ngày Sabát” (Mc 2:27). “"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23:23). Khi nói thế, Chúa Giêsu không bãi bỏ Tôra. Vì quả thực, Người đến không phải để hủy bỏ lề luật và các tiên tri, mà là để làm chúng nên trọn (Mt 5:17). Nhưng Người khuyên răn người ta phải giải thích Tôra theo phẩm trật các sự thật, nghĩa là, theo sự hướng dẫn của sứ điệp chính là công lý và thương xót.

Theo chiều hướng trên, truyền thống Chính Thống đã khai triển ra nguyên tắc “nhiệm cục” (economy). Theo nguyên tắc này, cần phải nói sự thật một cách rõ ràng, không úp mở, không thêm không bớt. Cần phải giải thích sự thật một cách tỉ mỉ (ἀϰϱιβεία,akribeia=nhiệm nhặt). Nhưng cũng cần giải thích nó theo nhiệm cục trong từng trường hợp đặc thù, phù hợp với ý hướng chân chính của nó, nghĩa là phù hợp với οἰκονομία (oikonomia=nhiệm cục) tức toàn bộ trật tự cứu rỗi của Thiên Chúa (46). Truyền thống Công Giáo không quen thuộc với nguyên tắc nhiệm cục này, nhưng có biết tới epikeia (lệ đình luật), một nguyên tắc tương tự. Ngay Aristốt cũng biết rằng các luật tổng quát không bao giờ bao trùm thỏa đáng mọi trường hợp cá biệt hết sức phức tạp. Do đó, epikeia phải trám các lỗ hổng, và vì là sự chính trực cao hơn, nó không hủy bỏ qui lệ khách quan trong trường hợp cá biệt, trái lại áp dụng qui lệ này một cách khôn ngoan sao cho việc áp dụng này thực sự công chính chứ không bất công (47). Thánh Tôma Aquinô tiếp nhận nguyên tắc này theo tinh thần của hạn từ misericordia (thương xót) của Thánh Kinh và thâm hậu hóa nó. Ngài biết rằng Thiên Chúa chấp nhận mọi hữu thể nhân bản trong hoàn cảnh độc đáo của họ đến độ họ không bao giờ là một trường hợp trong muôn vàn trường hợp.

Bởi thế, luật lệ nhân bản chỉ có giá trị ut in pluribus (như trong nhiều trường hợp) nghĩa là trong đa số các trường hợp. Vì đặc tính tổng quát của chúng, chúng không bao giờ có thể bao trùm mọi trường hợp cá biệt thường rất phức tạp. Do đó, epikeia không bãi bỏ công lý; đúng hơn, nó là sự chính trực cao hơn (48).

Lòng thương xót không hủy bỏ công lý, nhưng làm nó nên trọn và vượt quá nó (49). Thánh Tôma còn cho rằng: công lý mà không có thương xót chỉ là bạo tàn; thương xót mà không có công lý là mẹ của phân hủy; do đó, cả hai phải gắn bó với nhau (50). Lòng thương xót không những quan tâm tới việc phân phối của cải vật chất cách công bằng. Nó còn muốn công bằng với cả phẩm giá cá thể độc đáo của từng người nữa; nó là thứ công lý qui hướng về con người, chứ không qui hướng về sự vật. Lòng thương xót đem công lý tới để người ta “gặp nhau trong giá trị này là chính con người họ với phẩm giá riêng biệt của họ”. Như thế, theo một công thức của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nó có khả năng “phục hồi con người cho chính họ”. Và “theo một nghĩa nào đó… nó là hiện thân hoàn hảo nhất của công lý” (51).

Trên bình diện luật pháp, aequitas canonical, tức sự công bằng theo giáo luật, tương hợp với epikeia. Theo định nghĩa cổ điển, nó giả thiết phải làm dịu tính khắc nghiệt của công lý luật pháp bằng lòng thương xót (52). Như thế, theo học thuyết giáo luật truyền thống, công lý và lòng thương xót cùng với nhau sẽ có thế giá đối với việc áp dụng luật lệ của Giáo Hội một cách cụ thể, thực tế để đạt được các giải pháp công bằng và chính đáng. Bộ giáo luật cố tình kết thúc bằng lời tuyên bố này: qui luật cao nhất là phần rỗi các linh hồn (53).

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong một bài diễn văn với Tòa Tối Cao Rôma ngày 21 tháng Giêng năm 2012, đã đưa ra nhiều nhận định quan trọng và có tính nền tảng liên quan tới khoa giải thích luật lệ. Ngài hết lòng ủng hộ lối giải thích thương xót, công bằng, nhiệm cục, và một cách tổng quát, hỗ trợ lối giải thích luật lệ gọi là mục vụ (54). Các nhận định này chỉ mâu thuẫn biểu kiến đối với lập trường trình bầy ở đây. Vì Đức Giáo Hoàng chỉ trích các chủ trương muốn đặt các xem xét của con người thay thế cho đặc tính khách quan của luật lệ trong việc xác định điều gì là chính đáng trong các trường hợp đặc thù. Ngài cho rằng khi làm thế, khoa giải thích luật lệ đã bị lấy hết ý nghĩa và liều mình sa vào mối nguy võ đoán vì hoàn cảnh, thay vì luật khách quan, đã trở thành qui phạm trong các xem xét này và, do đó, xuất hiện mối nguy mở rộng cửa cho những thất thường chủ quan; những thất thường luôn giải thích luật lệ trái ngược với ý nghĩa khách quan và ngữ nghĩa (literal meaning) của nó.

Dĩ nhiên, ta đồng ý với sự phê bình của khoa giải thích thương xót, hiểu theo lối ấy. Đương nhiên, nó không thể là lối giải thích chủ quan hoặc, đúng hơn, võ đoán, trái ngược với ý nghĩa của luật khách quan; nó cũng không thể là vấn đề đạo đức học hoàn toàn theo hoàn cảnh về công lý. Trái lại, trọng điểm là áp dụng ý nghĩa khách quan của luật lệ một cách loại suy (analogously) vào một hoàn cảnh cụ thể thường phức tạp để việc áp dụng luật thực sự hợp tình hợp lý (fair) và chính đáng trong một hoàn cảnh nhất định. Do đó, đây không phải là vấn đề tái giải thích võ đoán, mà đúng hơn là vấn đề đem áp dụng ý nghĩa của luật khách quan sao cho thích đáng đối với vấn đề đang có trong tay và đối với hoàn cảnh. Đây không phải là vấn đề lý thuyết, mà đúng hơn, là vấn đề lý trí thực tiễn; nói cách khác, đây là vấn đề khả năng phán đoán, một khả năng có trách nhiệm áp dụng các nguyên tắc tổng quát vào các hoàn cảnh cụ thể (55). Lý trí thực tiễn lưu ý tới việc áp dụng loại suy và thực tiễn một luật lệ đã định sẵn vào một hoàn cảnh đặc biệt. Theo Aristốt, áp dụng không phải là một diễn dịch thuần luận lý hoặc một bao hàm (subsumption) thuần duy nghiệm, ngược với chủ nghĩa duy trí (intellectualism) của Socrát và Platông. Đúng hơn, đòi hỏi của luật chỉ trở nên hữu hiệu trong một áp dụng cụ thể (56).

Theo Thánh Tôma Aquinô, lối áp dụng các nguyên tắc tổng quát vào hoàn cảnh cụ thể này là trách vụ của đức khôn ngoan. Không nên lẫn lộn khôn ngoan với võ đoán, lanh lợi (shrewdness), mánh khóe (craftiness), ranh mãnh (slyness), khéo léo (cleverness) hay những tính tương tự. Đúng hơn, phải hiểu nó là recta ratio agibilium (lý lẽ đúng áp dụng vào thực hành) (57). Khôn ngoan liên quan tới việc áp dụng qui luật khách quan một cách thích hợp với sự kiện, với thực tại, và, do đó, với hoàn cảnh; nó giả thiết trước đó, người ta phải biện phân và trải nghiệm. Thẩm phán không những phải được đào tạo về luật lệ mà còn phải có kinh nghiệm trong sự việc nhân bản nữa (58). Thực thế, không phải là ngẫu nhiên khi khoa các thẩm phán học được tiếng Anh gọi là jurisprudence (từng chữ: khôn ngoan về luật) chứ không phải là juris-science (từng chữ: khoa học về luật).

Về phương diện thần học, trọng điểm là làm sự thật trong yêu thương (Ep 4:15), nghĩa là làm điều đúng, do yêu thương hướng dẫn. Ngoài việc sở đắc khả năng phán đoán nhân bản ra, người ta còn mong thẩm phán Giáo Hội phải là một thẩm phán công chính và thương xót, theo gương Chúa Giêsu. Đương nhiên, vị này sẽ không bẻ cong ý nghĩa khách quan của luật theo mỗi hoàn cảnh vì một ý ngay lành bị hiểu sai, nhưng phải áp dụng ý nghĩa ấy sao cho công chính và hợp tình hợp lý trong mỗi hoàn cảnh. Ngoài ra, vì cảm thức thương xót Kitô Giáo, vị thẩm phán sẽ còn phải để mình được đánh động bởi hoàn cảnh của người khác và phải cố gắng hiểu người khác từ viễn ảnh của hoàn cảnh ấy (59). Thế rồi, vị thẩm phán sẽ đưa ra một phán quyết hợp tình hợp lý, tuy nhiên, không phải một phán quyết có chức năng như một máy chém, mà đúng hơn, một phán quyết chừa chỗ cho “lỗ hổng thương xót”, nghĩa là, giúp khả thể để người khác thực hiện một khởi đầu mới, nếu họ có thiện chí. Vị thẩm phán nên lấy Chúa Giêsu Kitô, vị thẩm phán thương xót, làm gương mẫu của mình (60). Chuẩn mực của vị này phải là lòng từ tâm nhân hậu (ἐπιείκεια, epieikeia) của Chúa Giêsu Kitô (2Cr 10:1).

Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhấn mạnh một cách đúng đắn rằng việc giải thích giáo luật phải diễn ra trong Giáo Hội, thì điều này cũng có nghĩa việc ấy phải diễn ra trong tinh thần của Chúa Kitô và trong tình huynh đệ Kitô Giáo, trong tinh thần công lý không bị làm tan loãng nhờ một lòng thương xót được hiểu đúng nghĩa, nhưng tìm được sự nên trọn của nó trong đó và nhờ thế được chuyển tải vào lãnh vực xã hội.

Kỳ sau: VIII. Hướng về nền văn hóa thương xót

______________________________________________________________________________________________

(38) Dietrich Bonhoeffer, “Costly Grace”, trong The Cost of Discipleship, bản dịch của R.H. Fuller, tái bản (New York: Macmillan, 1972), 36-37.

(39) Kasper, Katholische Kirche, 141-48, 274-76. Cũng nên xem Dietrich Bonhoeffer, “The Church of Jesus Christ and the Life of Discipleship” trong The Cost of Discipleship, 201-68.

(40) Xem E. Ernst, “Binden und Lösen”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 2, do Josef Höfer và Karl Rahner hiệu đính (Freiburg: Herder, 1957-68), 2:463tt.

(41) Xem Gl 5:19-21; Ep 5:5; Cl 3:5; 1Tx 4:4-8; Kh 21:8; 22:15.

(42 Xem 2 Tx 3:6, 14; 1Tm 6:4; 2Tm 3:5.

(43) Xem Kasper, Katholische Kirche, 238-54.

(44) R. Herzog, “Arzt”, Reallexikon für Antike und Christentum, 1:723 tt; V. Eid, “Arzt III”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 2, 1:1049tt.

(45) Trong cuốn Truth and Method, Hans-Georg Gadamer đã thực hiện một việc tốt là giải thích vấn đề nền tảng của khoa giải thích và các song hành đối với khoa giải thích thần học. Trong diễn trình này, ông cũng đã nhấn mạnh đến sự liên hệ của Aristốt. Trong ngữ cảnh này, các nhận định của ông quan trọng vì chúng cũng được rút tỉa từ Aristốt và được Thánh Tôma Aquinô chấp nhận. Xem Truth and Method, bản dịch sửa đổi của Joel Weinsheimer và Donald G. Marshall, ấn bản 2 có sửa đổi (New York: Continuum, 1993), 307-41. Theo viễn ảnh thần học, H. Müller, “Barmherzigkeit in der Rechtsordnung der Kirche?”, Archiv für katholisches Kirchenrecht, 159 (1990): 353-67; Thomas Schüller, Die Barmherzigkeit als Prinzip der Rechtsapplikation in der Kirche im Dienst der salus animarum: Ein kanonistischer Beitrag zu Methodenproblemen der Kirchenrechtstheorie (Würzburg: Echter, 1993); Walter Kasper, “Gerechtigkeit und Barmherzigkeit: überlegung zu einer Applikationstheorie kirchenrechtlicher Normen” trong Theologie und Kirche (Mainz: Matthias Grünewald Verlag, 1999), 183-91; Kasper, “Canon Law and Ecumenism”, The Jurist 69 (2009): 171-89.

(46) Xem Yves Congar, Diversity and Communion (Mystic, CT: Twenty-Third, 1985), 54-69.

(47) Aristotle, Nicomachean Ethics, V, 14; 1127b-1138a. Xem Günter Virt, Epikie: Verantwortlicher Umgang mit Normen: Eine historisch-systematische Untersuchung (Mainz: Matthias Grünewald Verlag, 1983).

(48) Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. II/II, q.120 a. 2.

(49) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21 a. 3 ad 2.

(50) Thánh Tôma Aquinô, Super Ev. Matthaei, cap.5, lc.2.

(51) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 14.

(52) Xem Kasper, “Gerechtigkeit und Barmherzigkeit”, 188.

(53) Bộ Giáo Luật, đ.1752.

(54) Đức Bênêđíctô XVI, “La legge canonical si interpreta nella Chiesa” trong Osservatore Romano 152 (2012) số 18, 8.

(55) Về điều này, xem Gadamer, Truth and Method, 30-34.

(56) Đã dẫn, 312-13.

(57) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. II/II, q.47. Xem Josef Pieper, Prudence, bản dịch của Richard và Clara Winston (New York: Pantheon, 1959); Martin Rhonheimer, Praktische Vernunft und Vernünftigkeit der Praxis: Handlungstheorie bei Thomas von Aquin in ihrer Entstehung aus dem Problemkontext der aristotelischen Ethik (Berlin: Akademie Verlag, 1994); E. Schockenhoff, “Klugeit I”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, 6:151tt.

(58) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. II/II, q.47 a.2, ad 1: “Rõ ràng, khôn ngoan (prudence) là khôn ngoan về sự việc nhân bản, nhưng nó không phải là đức khôn ngoan (wisdom) tinh ròng và thuần túy, vì nó không hẳn xử lý điều hoàn toàn tối hậu mà chỉ xử lý điều tốt cho con người, vốn không phải là điều tối hậu hơn cả hay điều tốt nhất trong các điều tốt hiện có. Do đó, Thánh Kinh đã sâu sắc nói rằng khôn ngoan là đức khôn ngoan cho con người, chứ không phải đức khôn ngoan tuyệt đối” (Saint Thomas Aquinas, Summa Theologiae, vol.36: Prudence, bản dịch của Thomas Gilby, O.P. (New York: McGraw-Hill, 1974), 11.

(59) Xem các nhận định rất hay của Gadamer về mối dây của tình huynh đệ như là điều cần có để cho lời khuyên: Truth and Method, 323.

(60) Heinrich Mussinghoff, “Nobile est munus ius dicere iustitiam adhibens aequitate coniunctam”, trong Theoligia et ius canonicum, do Heinrich J. F. Reinhardt hiệu đính (Essen: Ludgerus-Verlag, 1995), 21-37.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Buồng Chuối Sau Nhà
Joseph Ngọc Phạm
20:43 07/08/2016
BUỒNG CHUỐI SAU NHÀ
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Vườn sau buồng chuối xum xuê
Bõ công chăm sóc bón bê hằng ngày.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 01–08/08/2016: Thánh lễ an táng cha Jacques Hamel
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:45 07/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thánh lễ an táng cha Jacques Hamel

Đúng một tuần lễ sau ngày cha Jacques Hamel bị quân khủng bố hồi giáo cắt cổngay khi ngài đang dâng thánh lễ tại Saint-Étienne-de-Rouvray, chiều thứ sáu 02/08, Đức Cha Dominique Lebrun, tổng giám mục Rouen, đã cử hành trọng thể thánh lễ tiễn biệt vị linh mục tử vì đạo. Hàng ngàn tín hữu dầm mưa dự thánh lễ ngoài trời.

Trước thánh lễ, một linh mục phủ trên quan tài đặt trên mặt đất áo trắng dài và dây stola ; một linh mục khác khoác trên thánh giá dây stola của ngài, diễn tả lời Chúa : ‘‘Tin là từ bỏ mình vác thập giá theo Chúa’’ (Mt 16,24).

Người em gái của ngài đang khóc anh lần cuối.

Máu đào cha cố là hạt giống trổ sinh tín hữu, như thi sĩ Tertullien đã viết “Sanguis martyrum semen christianorum”. Mưa buồn tháng tám thương tiếc của thế nhân lại là tiếng reo vui nơi thiên quốc, ‘‘Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân hoan’’.

Mặc dù đã lớn tuổi, cố linh mục Hamel vẫn tiếp tục công tác mục vụ tại giáo xứ Saint-Étienne-de-Rouvray. Lúc sinh tiền, mỗi khi có ai hỏi ngài vì sao tuổi đời chống chất mà vẫn một lòng phục vụ Hội thánh, ngài vui vẻ trả lời : ‘‘Bạn có thấy cha xứ nào nghỉ hưu ? Tôi sẽ tiếp tục làm việc đến hơi thở cuối cùng’’. Ngài về nước Chúa khi cử hành thánh lễ là một hình thức thánh hiến.

Cha Hamel thụ phong linh mục năm 1958, cử hành lễ kim khánh vào năm 2008, đều tại Normandie. Ngài từng làm cha phó Saint-Antoine de Petit-Queville, năm 1967 : cha xứ Saint-Pierre-lès-Elbeuf, cha xứ rồi linh mục phụ tá tại Saint-Etienne-du-Rouvray cho đến ngày chịu chết làm chứng cho đức tin.

Sau thánh lễ, lễ quy lăng được cử hành tại một nơi được giữ kín để tránh mồ mả của ngài bị khủng bố.

2. Đức Hồng Y Franciszek Macharski của Ba Lan qua đời

Đức Hồng Y Franciszek Macharski, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Karkow, Ba Lan đã qua đời sáng ngày 2-8, hưởng thọ 89 tuổi.

Đức Hồng Y là người trực tiếp kế vị Đức Hồng Y Karol Wojtila tại tòa của thánh Stanislao ở Karkow. Ngày 28-7, trên đường đi đến Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà thương ở Karkow để viếng thăm Đức Hồng Y Marcharski đang được điều trị tại đây.

Đức Cố Hồng Y sinh năm 1927 tại Karkow. Sau khi Ba Lan được giải phóng hồi năm 1945, ngài gia nhập đại chủng viện ở địa phương và thụ phong linh mục năm 1950, tức là 4 năm sau Cha Karol Wojtila, vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tương lai.

Sau một thời gian làm việc mục vụ giáo xứ, cha Marcharski được cử sang học thần học tại Đại học Fribourg Thụy Sĩ năm 1956 và đậu tiến sĩ thần học mục vụ tại đây năm 1960. 10 năm sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc đại chủng viện Karkow.

Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã bổ nhiệm cha Macharski làm Tổng Giám Mục Karkow. Ngài từng làm Chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội Đồng Giám Mục Âu Châu kỳ 2 hồi tháng 10 năm 1999, và được phong Hồng Y năm 2005.

Với sự qua đi của Đức Hồng Y Macharski, Hồng Y đoàn còn 211 vị, trong đó có 112 Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi và 99 vị ở trên mức tuổi này.

3. Giới thiệu sứ điệp ngày Du lịch quốc tế 27 tháng 9

Hội Đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động vừa công bố sứ điệp ngày Du lịch quốc tế 27 tháng 9. Nội dung sứ điệp cho năm nay có tựa đề “Du lịch cho tất cả mọi người: thăng tiến khả thể đại đồng”.

Sứ điệp viết: “Du lich cho tất cả mọi người: thăng tiến khả thể đại đồng” là đề tài đã được Tổ chức du lịch quốc tế lựa chọn cho Ngày du lịch quốc tế sẽ được cử hành vào ngày 27 tháng 9. Toà Thánh tham gia vào sáng kiến này ngay từ lần đầu tiên, vì ý thức được tầm quan trọng to lớn của lãnh vực này, cũng như các thách đố nó đề ra, và các cơ may nó cống hiến cho việc loan báo Tin Mừng.

Trong các thập niên qua số người có thể hưởng nếm một thời gian nghỉ ngơi đã gia tăng rất nhiều. Theo thống kê của Tổ chức du lịch thế giới trong năm 2015 đã có 1 tỷ 184 triệu khách du lịch quốc tế, và theo dự kiến trong năm 2030 con số này sẽ lên tới 2 tỷ. Bên cạnh đó cần thêm vào số người du lịch địa phương nữa.

Với việc gia tăng con số là ý thức ảnh hưởng tích cực, mà ngành du lịch có trên nhiều lãnh vực của cuộc sống, với nhiều nhân đức và tiềm năng. Tuy không phải là không biết vài yếu tố hàm hồ hay tiêu cực của nó, nhưng chúng tôi xác tín rằng du lịch nhân bản hóa, vì nó là dịp nghỉ ngơi, là cơ may giúp hiểu biết nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa, là dụng cụ phát triển kinh tế, thăng tiến hòa bình và đối thoại, khả thể giáo dục và giúp con người lớn lên, là thời gian của các cuộc gặp gỡ với thiên nhiên và môi trường giúp lớn lên về mặt thiêng liêng, đó là chỉ kể ra vài đặc điểm tích cực của du lịch.

Tiếp tục sứ điệp Hội đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động viết: Dựa trên lượng định tích cực này và ý thức được rằng du lịch đặc biệt, và thời gian rảnh rỗi nói chung, là một đòi buộc của bản tính nhân loại, biểu lộ ra trong chính nó một giá trị không thể từ chối được, được huấn quyền yểm trợ, chúng ta phải kết luận rằng du lịch không chỉ là một cơ may, mà phải là một quyền của tất cả mọi người, và không thể bị hạn chế đối với các giai tầng xã hội nào đó hay đối với vài vùng địa lý xác định. Cả Tổ chức du lịch quốc tế cũng khẳng định rằng du lịch là một quyền rộng mở trong cùng một cách thức cho tất cả các cư dân trên thế giới… và không chướng ngại nào được phép hiện diện trên con đường của nó. Vì thế, có thể nói tới một “quyền du lịch, chắc chắn là việc cụ thể hóa của quyền “nghỉ ngơi, giải trí, bao gồm trong nó một sự hạn chế có lý các giờ làm việc và các ngày nghỉ được trả lương”, được khoản 24 của Bản tuyên ngôn nhân quyền công bố năm 1948 thừa nhận.

Tuy nhiên, những quan sát thực tế chứng minh cho thấy rằng quyền ấy không ở trong tầm tay của tất cả mọi người, và còn có nhiều người tiếp tục bị loại trừ khỏi quyền này.

Vì vậy, cần phải thăng tiến một “nền du lịch cho tất cả mọi người”, để nó là loại du lịch luân lý đạo đức và có thể chịu đựng nổi, trong đó được bảo đảm việc đạt tới thực thụ thể lý, kinh tế và xã hội, bằng cách tránh mọi loại kỳ thị. Đạt tới một đề nghị loại này sẽ chỉ là điều có thể, nếu có thể tin tưởng nơi cố gắng của tất cả mọi người, các nhà chính trị, các nhà kinh doanh, các người tiêu thụ, cũng như nỗ lực của các hiệp hội dấn thân trong lãnh vực này.

Giáo Hội đánh giá tích cực các cố gắng đang thực hiện một nền du lịch cho tất cả mọi người, các sáng kiến “đặt để du lịch thực sự phục vụ việc hiện thực của con người và phát triển xã hội”. Đã từ lâu Giáo Hội cũng đang cống hiến phần mình vào việc suy tư lý thuyết, cũng như vào nhiếu sáng kién cụ thể, trong đó có nhiều sáng kiến đi hàng đầu được thực hiện với các khả năng kinh tế hạn hẹp, với biết bao nhiêu tận tụy, và chúng đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp.

Ước chi dấn thân của Giáo Hội cho một nền du lịch cho tất cả mọi người được sống và hiểu như là chứng tá sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa đối với những người khiêm tốn nhất”

4. Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Karkow về Roma

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như thường lệ trên chuyến bay từ Krakow về Roma chiều Chúa Nhật 31 tháng 7 vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế cuộc phỏng vấn dài. Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các nhà báo quốc tế.

Trước hết, cha Federico Lombardi, Giám đốc mãn nhiệm Phòng Báo Chí Toà Thánh nói: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều đã ở đây với chúng con sau chuyến công du này. Mặc dù trời chiều nay mưa, nhưng xem ra mọi sự đã xuôi chảy đến độ chúng con tất cả đều rất hạnh phúc và hài lòng, và chúng con cũng thấy Đức Thánh Cha hài lòng trong các ngày này. Như thường lệ chúng con sẽ hỏi Đức Thánh Cha vài câu, nhưng nếu Đức Thánh Cha muốn nói vài điều mở đầu thì xin mời Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha nói:

Xin chào anh chị em và tôi xin cám ơn anh chị em về công việc làm và sự đồng hành của anh chị em. Tôi muốn chia buồn với anh chị em là đồng nghiệp về cái chết của chị Anna Maria Jacobini. Hôm nay tôi đã tiếp bà chị và các cháu của chị ấy… Họ rất đau buồn về việc này… Đó là một điều buồn của chuyến công du này. Thế rồi, tôi muốn cám ơn Cha Lombardi và anh Mauro, vì đây là chuyến công du cuối cùng của họ với tôi. Cha Lombardi đã làm việc tại đài Vaticăng từ hơn 25 năm qua và trong 10 chuyến bay. Còn anh Mauro thi từ 37 năm qua: 37 năm đặc trách về hành lý trong các chuyến bay. Tôi xin cám ơn cha Lombardi và anh Mauro rất nhiều. Và sau cùng tôi xin cám ơn với một chiếc bánh ngọt. Và tôi sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn. Chuyến bay ngắn nên lần này chúng ta sẽ vội vã.

Cha Lombardi cám ơn Đức Thánh Cha và giới thiệu một trong các nhà báo Ba Lan là chị Magdalena Wolinska thuộc đài truyền hình Ba Lan.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong diễn văn đầu tiên tại lâu đài Wawel sau khi vừa tới Karkow Đức Thánh Cha đã nói rằng ngài hài lòng bắt đầu biết Âu châu trung đông từ chính Ba Lan. Nhân danh dân tộc Ba Lan con xin hỏi Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã sống Ba Lan trong các ngày này như thế nào? Đức Thánh Cha có cảm tưởng gì?

Đáp: Đó đã là một Ba Lan đặc biệt, bởi vì đó đã là một Ba Lan bị xâm lăng, lần này bởi giới trẻ, đúng không? Karkow mà tôi đã thấy thật là đẹp biết bao. Dân Ba Lan rất hăng say. Đấy coi xem chiều nay, mưa như vậy mà dọc đường không phải chỉ có các người trẻ, mà cả các cụ bà nữa… Đây thật là một lòng tốt, một sự cao quý. Tôi đã có kinh nghiệm với người dân Ba Lan khi tôi còn bé: nơi cha tôi làm việc cũng có biết bao người Ba Lan tới làm việc, sau chiến tranh. Họ là những người tốt, và đó là điều đã ở lại trong con tim tôi. Tôi đã tìm lại được lòng tốt ấy của anh chị em. Một vẻ đẹp. Xin cám ơn chị.

Cha Lombardi nói bây giờ tới lượt một đồng nghiệp ba lan khác là chị Ursula thuộc đài Polsat.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, các con cái trẻ của chúng con rất cảm động vì những lời của Đức Thánh Cha, rất phù hợp với thực tại và các vấn đề của chúng. Nhưng trong các diễn văn Đức Thánh Cha cũng đã dùng các lời lẽ và các kiểu diễn tả riêng trong ngôn ngữ của người trẻ. Đức Thánh Cha đã chuẩn bị như thế nào? Làm sao Đức Thánh Cha lại đưa ra nhiều thí dụ gần gũi với cuộc sống, với các vấn đề và ngôn ngữ của chúng như vậy?

Đáp: Tôi thích nói chuyện với người trẻ. Tôi thích lắng nghe giới trẻ. Họ luôn luôn đặt tôi vào trong các khó khăn, bởi vì họ nói những điều mà tôi đã không nghĩ tới, hay tôi chỉ nghĩ tới có một nửa. Người trẻ lo lắng, người trẻ sáng tạo…Tôi thích họ, và từ họ tôi lấy thứ ngôn ngữ của họ. Có biết bao lần tôi phải tự hỏi: “Nhưng điều này có nghĩa là gì?” Và họ giải thích cho tôi hiểu nó nghĩa là gì. Tôi thích nói chuyện với họ. Tương lai của chúng ta là họ, và chúng ta phải đối thoại. Cuộc đối thoại này giữa quá khứ và tương lại quan trọng. Chính vì thế mà tôi đã nhấn mạnh biết bao tương quan giữa người trẻ và ông bà, và khi tôi nói “ông bà” thì tôi hiểu họ là những người cao niên nhất và những người ít cao niên hơn… Để cũng trao ban kinh nghiệm của chúng ta, bởi vì những người gia cảm nhận quá khứ, lịch sử và họ lấy lại và đem nó đi tới với lòng can đảm của hiện tại, như tôi đã nói chiều nay. Thật là quan trọng. Quan trọng! Tôi không thích nghe nói: “Ôi, lũ trẻ này nói toàn những điều tầm phào!” Chúng ta cũng nói biết bao chuyện tầm phào đấy chứ! Người trẻ nói những chuyện tầm phào, nhưng họ nói những điều tốt: cùng như chúng ta, cũng như tất cả mọi người vậy. Nhưng nghe họ, nói chuyện với họ, bởi vì chúng ta phải học từ họ và họ phải học từ chúng ta. Như thế đó. Và như thế người ta làm lịch sử, và như thế người ta lớn lên mà không khép kín, không kiểm duyệt. Tôi không biết, nhưng mà nó như vậy đó. Như thế tôi học từ giới trẻ các lời này.

Tiếp đến cha Lombardi giới thiệu anh Marco Ansaldo, phóng viên của nhật báo Cộng Hoà Italia, đại diện cho nhóm nhà báo Ý.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, theo hầu hết các quan sát viên quốc tế cuộc đàn áp bên Thổ Nhĩ Kỳ 15 ngày sau cuộc đảo chánh hụt đã tồi tệ hơn là chính cuộc đảo chánh. Đã có hàng loạt các tầng lớp bị đánh: các quân nhân, các thẩm phán, các nhân viên hành chánh công cộng, giới ngoại giao, các nhà báo. Con xin trích các dữ kiện của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ: người ta nói tới hơn 13.000 người bị bắt giữ và hơn 50.000 người bị cách chức. Một cuộc thanh lọc. Hôm trước đây tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trước các chỉ trích bên ngoài đã nói: “Quý vị hãy nghĩ tới chuyện của mình!” Chúng con muốn hỏi tại sao cho tới nay Đức Thánh Cha đã không can thiệp, đã không lên tiếng? Có lẽ Đức Thánh Cha sợ rằng có thể có các âm hưởng trên thiểu số Công Giáo bên Thổ Nhĩ Kỳ chăng?

Đáp: Khi tôi đã phải nói điều gì đó không vừa lòng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng mà tôi đã chắc chắn, thì tôi đã nói, với các hậu quả mà anh chị em biết đó. Tôi đã nói những lời ấy và tôi chắc chắn! Tôi đã không nói, bởi vì tôi chưa chắc chắn, với các tin tức mà tôi đã nhận được, liên quan tới điều gì đang xảy ra ở đó. Tôi lắng nghe các tin tức đến Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, và cả các tin đến từ vài nhà phân tích chính trị quan trọng. Tôi đang nghiên cứu tình hình cả với các nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh và câu chuyện vẫn chưa rõ ràng. Có đúng thật là phải luôn luôn tránh sự dữ cho các tín hữu Công Giáo – và tất cả chúng ta đều làm điều này – nhưng mà không phải với giá của sự thật. Có nhân đức cẩn trọng – phải nói điều này khi như trong trường hợp của tôi anh chị em là các chứng nhân đó, khi tôi đã phải nói điều gì đó liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ, thì tôi đã nói.

- Tới phiên chị Frances D’ Emilio của Hãng thông tin AP, là hãng thông tin lớn tiếng Anh

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha câu hỏi của con là một câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra trong các ngày này, bởi vì đã được đưa ra ánh sáng là cảnh sát Australia hình như đang điều tra các lời tố cáo mới chống lại Đức Hồng Y Pell, và lần này các lới tố cáo liên quan tới các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, rất khác với các lời tố cáo trước đây. Điều con tự hỏi và biết bao nhiêu người khác hỏ:i đó là theo Đức Thánh Cha đâu là điều đúng đắn cần làm cho Đức Hồng Y Pell,, xét vì tình hình nghiêm trọng, địa vị quan trọng như thế của ngài và sự tin tưởng mà Đức Hồng Y hưởng từ phía Đức Thánh Cha?

Đáp: Xin cám ơn chị. Các tin tức đầu tiên tới đã lẫn lộn. Đó đã là các tin tức của 40 năm về trước, và ban đầu cảnh sát cũng đã không chú ý tới. Đó là một điều lẫn lộn. Rồi tất cả các lời tố cáo đã được trình bầy với công lý, và trong lúc này thì chúng ở trong tay công lý. Không được phán xử trước khi công lý phán xử. Nếu tôi đưa ra một phán xử phò hay chống Đức Hồng Y Pell, thì sẽ là điều không tốt, bởi vì như vậy là tôi xét xử trước. Dúng thật là có sự nghi ngờ. Và có nguyên tắc rõ ràng của luật pháp: “trong nghi ngờ thì phò bị can”. Chúng ta phải đợi công lý, chứ không trước hết làm một cuộc phán xử truyền thông, vì điều này không giúp ích gì. Sự phán xử của các lời bép xép. Người ta không biết kết qủa sẽ ra sao. Xin hãy chú ý tới điều công lý sẽ quyết định. Một khi công lý đã nói, thì tôi sẽ lên tiếng.

- Cha Lombardi nói bây giờ chúng ta nhường lời cho anh Hernán Reyes của đài truyền hình Mỹ. Anh đại diện cho các nhà báo Mỹ Latinh.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, sức khoẻ của Đức Thánh Cha ra sao sau cú ngã hôm trước? Chúng con thấy Đức Thánh Cha khỏe khoắn. Đây là câu hỏi thứ nhất. Câu hỏi thứ hai là: trong tuần vừa qua ngoại trưởng Ernesto Samper đã nói tới một sự trung gian của Vaticăng bên Venezuela. Đây có phải là một cuộc đối thoại cụ thể hay không? Nó có phải là một khả thể thực sự hay không ? Và Đức Thánh Cha có nghĩ rằng việc trung gian này, với sứ mệnh của Giáo Hội có thể trợ giúp ổn định quốc gia này không?

Đáp: Trước hết là cú ngã.. Tôi đã nhìn Đức Mẹ và tôi đã quên là có bậc thang…Tôi đang cầm bình hương trong tay… Khi tôi cảm thấy là mình tè, tôi để cho mình ngã, và điều này đã cứu tôi. Bởi vì nếu tôi đã chống cự lại, thì chắc là đã có các hậu quả. Không có gì. Tôi rất khoẻ mạnh.

Câu hỏi thứ hai liên quan tới Venezuela. Cách đây hai năm tôi đã có một cuộc gặp gỡ với tổng thống Maduro rất là tích cực. Thế rồi tổng thống đã xin được tiếp kiến năm ngoái: vào ngày Chúa Nhật, một ngày sau khi tôi từ Sarajevo trở về. Nhưng rồi ông đã huỷ bỏ cuộc gặp gỡ ấy, bởi vì ông đã bị viêm tai, và không thể tới. Rồi sau đó tôi đã để cho thời gian qua đi, rồi viết cho ông một bức thư. Đã có các tiếp xúc cho một cuộc gặp gỡ và anh đã nhắc tới. Vâng, với các điều kiện trong các trường hợp này. Và trong lúc này thì tôi không chắc chắn và không thể bảo đảm điều đó: như vậy rõ ràng chưa? Tôi không chắc chắn là người ta đang nghĩ rằng trong nhóm trung gian có ai đó và tôi không biết cả chính quyền nữa có muốn một đại diện của Toà Thánh hay không – tôi không chắc chắn. Điều này là cho tới lúc tôi đã đi khỏi Roma. Nhưng các sự việc còn ở đó. Trong nhóm có ông Zapatero của Tây Ban Nha, ông Torrijos và một người nữa và một người thứ tư người ta nói là của Toà Thánh. Nhưng tôi không chắc chắn về điều này.

- Tới phiên anh Antoine-Marie Izoard của hãng tin Media Pháp và chúng ta biết nước Pháp đang sống những gì trong các ngày này.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trước hết con chúc mừng Đức Thánh Cha và cha Lombardi và cha Spadaro về lễ thánh Ignazio. Câu hỏi của con hơi khó một chút. Sau vụ sát hạị man rợ cha Jacques Hamel trong nhà thờ đang khi ngài đang thánh lễ, các tín hữu Công Giáo không phải chỉ bên Pháp đã bị sốc nặng, như Đức Thánh Cha biết. Cách đây bốn hôm ở đây Đức Thánh Cha đã lại nói rằng mọi tôn giáo đều muốn hoà bình. Tuy nhiên, vị linh mục thánh thiện 86 tuổi này đã bị giết một cách rõ ràng là nhân danh Hồi giáo. Vì thế thưa Đức Thánh Cha, con có hai câu hỏi ngắn: Tại sao khi nói tới các hành động bạo lực này, Đức Thánh Cha đã luôn luôn nói tới các người khủng bố mà không bao giờ nói tới Hồi giáo. Đức Thánh Cha đã không bao giờ dùng từ Hồi giáo… Thế rồi ngoài lời cầu nguyện và việc đối thoại, đương nhiên là rất nòng cốt, đâu là sáng kiên cụ thể Đức Thánh Cha có thể bắt đầu hay gợi ý để chống lại bạo lực hồi giáo?

Đáp: Tôi không thích nói tới bạo lực hồi giáo, bởi vì mọi ngày khi đọc báo tôi thấy các bạo lực, ở Italia đây: người thì giết hôn thê của mình, người khác giết mẹ vợ…Và đây là các tín hữu Công Giáo bạo lực đưọc rửa tội… Họ là các tín hữu Công Giáo bạo lực. Nếu tôi nói tới bạo lực hồi giáo, thì tôi cũng phải nói tới bạo lực Công Giáo. Không phải mọi tín hữu hồi đểu bạo lực; không phải mọi tín hữu Công Giáo đều bạo lực. Nó giống như một loại trái cây hỗn hợp: có mọi thứ; có những kẻ bạo lực của các tôn giáo này. Có một điều thật: đó là trong mọi tôn giáo đều luôn luôn có một nhóm nhỏ quá khích. Qúa khích. Chúng ta cũng có. Và khi chủ trương quá khích đi tới chỗ giết người – và người ta có thể giết chết với cái lưỡi, và điều này chính tông đồ Giacôbê nói tới chứ không phải tôi đâu, và cũng giết với con dao – tôi tin rằng không đúng việc đồng hóa Hồi giáo với bạo lực. Đây là điều không đúng và không thật. Tôi đã có một cuộc nói chuyện dài với Đại Imam của Đại học Al-Azhar, và tôi biết họ nghĩ gì: họ tìm kiếm hoà bình, gặp gỡ. Đức Sứ Thần của một nuớc Phi châu có nói với tôi rằng trong thủ đô luôn luôn có một hàng người dài xếp hàng vào Cửa Thánh: vài người đến các toà xưng tội, người khác thì vào ghế quỳ cầu nguyện Nhưng đa số tiến tới cầu nguyện trước bàn thờ Đức Mẹ: đó là các tín hữu hồi muốn cử hành Năm Thánh. Họ là anh em. Khi tôi ở bên Trung Phi, tôi đã đến với họ và imam cũng đã leo lên xe với tôi. Chúng ta có thể sống chung tốt với nhau. Nhưng có các nhóm nhỏ cuồng tín. Và tôi cũng tự hỏi có biết bao người trẻ - biết bao người trẻ mà người âu châu chúng ta đã để cho họ trống rỗng lý tưởng, không có công việc làm, tìm đến với ma tuý, rượu chè và họ đến đầu quân vào các nhóm cuồng tín này. Phải, chúng ta có thể nói rằng cái gọi là ISIS là một nhà nuớc hồi tự giới thiệu như là bạo lực vì khi nó cho chúng ta thấy thẻ căn cước cho chúng ta thấy họ cắt cổ người Ai Cập hay làm các điều khác trên bờ biển Libi như thế nào. Nhưng đây là một nhóm nhỏ cuồng tín, gọi là ISIS. Nhưng không thể nói rằng - tôi tin là nó không thật và không đúng – nói rằng Hồi giáo là khủng bố.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha còn một sáng kiến cụ thể giúp chống lại nạn khủng bố, bạo lực thì sao?

Đáp: Khủng bố ở khắp nơi! Xin anh hãy nghĩ tới nạn khủng bố bộ tộc tại vài nước Phi châu… Khủng bố - tôi không biết có nên nói không vì hơi nguy hiểm.. Khủng bố lớn mạnh, khi không có một lựa chọn khác, khi ở trung tâm của nền kinh tế thế giới có thần tiền chứ không có bản vị con người, người nam và người nữ. Đây đã là nạn khủng bố đầu tiên rồi. Bạn đã xua đuổi sự tuyệt diệu của thụ tạo là người nam và người nữ, và bạn đã đặt vào đó tiền bạc. Đây là sự khủng bố nền tảng chống lại nhân loại. Chúng ta hãy nghĩ tới điều đó.

Cha Lombardi cám ơn Đức Thánh Cha và nói sáng nay Đức Thánh Cha đã loan báo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới sẽ được tổ chức bên Panama. Ở đây có một nhà báo muốn kính tặng Đức Thánh Cha một món quà để chuẩn bị cho ngày này. Nhà báo người Panama hỏi Đức Thánh Cha:

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nói trong cuộc gặp gỡ với các thiện nguyện viên là có lẽ Đức Thánh Cha sẽ không có mặt ở Panama. Đức Thánh Cha không thể làm điều này đâu, vì chúng con đợi Đức Thánh Cha bên Panama.

Đáp: Không, không. Nếu tôi sẽ không đi, thì sẽ có Thánh Phêrô chứ…

Hỏi: Nhưng mà chúng con tin là sẽ có Đức Thánh Cha. Thay mặt cho nhân dân Panama con xin kính tặng Đức Thánh Cha một chiếc áo số 17 là ngày sinh của Đức Thánh Cha, và một chiếc mũ mà dân quê Panama thường đội.. Họ đã xin Đức Thánh Cha đội nó. Tuy nhiên nếu Đức Thánh Cha muốn chào dân Panama, con xin cám ơn Đức Thánh Cha.

Đáp: Tôi xin cám ơn người Panama vì điều này. Tôi cầu mong anh chị em chuẩn bị tốt cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ với cùng sức mạnh, tinh thần tu đức, và sự sâu xa mà người Ba Lan đã làm, dân chúng ở Cracova và mọi người Ba Lan đã làm.

Anh Antoine Marie Izoard thay mặt mọi người nói: Thưa Đức Thánh Cha nhân danh các đồng nghiệp nhà báo, bởi vì con hơi bị bó buộc đại diện cho họ, con cũng muốn nói đôi lời nếu Đức Thánh Cha cho phép, liên quan tới cha Lombardi để cám ơn ngài.

Không thể tóm tắt 10 năm hoạt động của cha Lombardi tại Phòng Báo Chí Toà Thánh, với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, một việc cai quản nội bộ chưa từng có và rồi với việc Đức Thánh Cha được bầu làm Giáo Hoàng và các kinh ngạc tiếp theo. Điều chắc chắn có thể nói được đó là sự sẵn sàng liên tục, sự dấn thân và tận tụy của cha Lombardi; khả năng không tin được của cha trong việc trả lời và không trả lời cho các câu hỏi của chúng con, cho các câu hỏi thường là lạ lùng: và điều này cũng là cả một nghệ thuật. Thế rồi, cũng còn có tính khôi hài hơi theo kiểu người Anh của cha nữa: trong mọi tình trạng, kể cả những trạng huống tồi tệ nhất. Và chúng con có nhiều thí dụ lắm.

Dĩ nhiên là với niềm vui chúng con tiếp đón các người kế vị cha, hai nhà báo giỏi, nhưng chúng con cũng không quên rằng cha đã còn hơn là môt nhà báo, và hiện tại vẫn là linh mục và linh mục dòng Tên nữa. Thật là tuyệt vời! Chúng con sẽ không quên mừng ngài một cách xứng đáng vào tháng 9, khi ngài bắt đầu các việc phục vụ khác, nhưng ngay hôm nay chúng con muốn chúc mừng ngài. Một lời chúc mừng lễ thánh I Nhã và chúc cha trường thọ, 100 tuổi như người ta nói bên Ba Lan, một trăm tuổi phục vụ khiêm tốn. Bên Ba Lan người ta nói là “Stolat” . “Stolat thưa cha Lombardi”. Sau đó mọi người đã vui vẻ ăn bánh ngọt Đức Thánh Cha tặng.

5. Phản ứng quốc tế về chuyến thăm Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chuyến thăm Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô là một thành công lớn, đó là lời khẳng định của báo chí địa phương, những tờ báo đã chú ý nhiều đến sứ điệp hòa bình và huynh đệ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến để loan báo.

Các phóng viên Tomasz Krzyżak và Andrzej Gajcy của nhật báo Rzeczpospolita viết: nhờ Ngày Quốc tế Giới trẻ, Karkow không chỉ được tươi trẻ lại nhưng còn trở nên tốt đẹp hơn. Bài báo cũng nhận xét là người Ba Lan, trong những ngày này, đã bắt đầu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là “Đức Giáo Hoàng của chúng ta” và họ cũng đã bắt đầu cười nhiều hơn. Cha Kłoczowski dòng Đaminh, khi trả lời cho báo Gazeta Wyborcza, đã chia sẻ: Đức Phanxicô đã chỉ cho Giáo Hội Ba Lan một lĩnh vực hoạt động lớn hơn. Còn Jan Turnau so sánh chuyến viếng thăm với những cuộc tĩnh tâm kỳ diêu.

Các báo quốc tế thì nhấn mạnh trên hết đến những điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng đình trên chuyến bay về Roma chiều Chúa Nhật 31/7: không đúng khi đồng hóa Hồi giáo với bạo lực và khủng bố. Báo The Guardian nhấn mạnh là lời khẳng định này của Đức Thánh Cha liên kết với những gì ngài đã nói liên quan đến chiến tranh đang xảy ra trên thế giới, là không thể xem nó như một xung đột tôn giáo. Và với sự tin chắc này ngài đưa ra mục tiêu cụ thể là sự chung sống hoà bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, và dần dần có thể trở thành một bức tường thành chống lại nhiều mâu thuẫn đang đánh dấu trái đất này.

2 tờ báo lớn là The New York Times và The Wall Street Journal nhấn mạnh đến lời mời gọi đừng đồng hóa Hồi giáo với bạo lực của Đức Giáo Hoàng, bởi vì thái độ này không chỉ là sai lầm mà còn có thể làm nảy sinh những hành động nguy hiểm trên một thế giới đã bất an và mỏng manh bởi căng thẳng đang gia tăng. Phóng viên Francis X. Rocca của The Wall Street Journal nhận xét: Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng muốn chỉ rõ là Hồi giáo không phải là nguyên nhân của khủng bố nhưng chính là nền kinh tế toàn cầu bị hướng dẫn bởi những lợi ích cá nhân và khao khát vô độ với tiền bạc.

3 tờ báo lớn: El País, The New York Times và The Wall Street Journal đề cao lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng dành cho các bạn trẻ: hãy để lại dấu ấn cho thế giới bằng cách dấn thân kiến tạo một tình huynh đệ nhân bản không có biên giới và rào cản. El País còn nhấn mạnh lời mời gọi thế hệ trẻ trở thành khí cụ của hòa bình, chiến đấu chống lai chủ nghĩa cá nhân và thù hận. Phóng viên Pablo Ordaz nhấn mạnh đó là một lời mời mạnh mẽ, được nói bằng ngôn ngữ quen thuộc trực tiếp và đối thoại, luôn có thể đi đến và chiếm đoạt đồng lúc tâm trí và trái tim của người nghe.

Báo Avvenire của Italia thì nhấn mạnh đến sứ mạng của các bạn trẻ được mời gọi thay đổi thế giới. Sức mạnh hướng dẫn sự biến đổi trong đam mê của các thanh thiếu niên hướng đến chinh phục điều thiện, chiến đấu chống lại các hình thức khác nhau của sự ác đang làm biến dạng thế giới ngày nay. Nhật báo cũng khẳng định Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Karkow được nhớ đến bởi lòng thương xót. Lòng thương xót thực sự là thuốc giải cho các xung đột, cũng như loại thuốc để chữa trị sự thờ ơ của những người quan sát các sự kiện, thậm chí ấn tượng nhất, chỉ qua màn hình tivi, điện thoại, máy tính. Như vậy những ngày này đã trở thành một loại trường học mà nơi đó “Đức Phanxicô đã cầm tay các người trẻ của ngài và hướng dẫn họ nhìn thế giới dưới một khía cạnh hoàn toàn khác”