Ngày 07-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sẵn sàng
Lm Vũđình Tường
05:50 07/08/2019
Đã xong chưa, sẵn sàng chưa? là câu hỏi chúng ta thường hỏi thăm dò xem người kia đã chuẩn bị xong chưa. Sẵn sàng không phải chỉ tốt cho người khác mà còn tốt cho chính mình bởi tránh được những lo lắng, hấp tấp, vội vàng vào phút chót. Sẵn sàng giúp cho con tim thanh thản bởi việc chuẩn bị cho sự việc đã tạm ổn. Không có câu trả lời nước đôi cho việc sẵn sàng. Bạn hoặc đã sẵn sàng hoặc chưa xong, còn đang chuẩn bị. Chuẩn bị sẵn sàng bởi bạn biết sự việc dường như chắc chắn sẽ xảy ra. Học sinh chuẩn bị sẵn sàng đi học tiết kiệm được thời giờ của cha mẹ đưa đón, và cũng mang lại niềm vui cho cha mẹ. Người chuẩn bị sẵn sàng thường đạt thành quả tốt nhất trong các cuộc thi đua hay trong thi cử. Trên phương diện quốc gia, nhân viên cứu thương, cứu hoả, hay chống khủng bố sẵn sàng làm việc khi sự cố xảy ra giúp nhiều nạn nhân khỏi chết oan, vì họ phản ứng kịp thời. Về phương diện tâm linh, sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin Kitô giáo. Sẵn sàng là dấu chỉ của một đức tin trưởng thành, vững tin vào Thiên Chúa quan phòng. Kitô hữu trưởng thành trong đức tin luôn sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa mời gọi, dù họ cảm thấy Chúa ở gần hay xa vời, họ luôn vững tin và đón nhận í Chúa với tất cả tấm lòng chân thành. Sẵn sàng trong đức tin diễn tả tình yêu chân thành của ta với Chúa. Không phải do ta sẵn sàng mà Thiên Chúa thưởng công, mà chính là tình yêu ta diễn tả qua tấm lòng sẵn sàng là điều Thiên Chúa vui lòng đón nhận và thưởng công.

Phúc Âm hôm nay cho biết sẵn sàng không những làm cho ông chủ hài lòng, mà ông chủ còn đảo lộn trật tự trong phục vụ. Thay vì đầy tớ phục vụ chủ; đổi lại chủ sẵn sàng phục vụ đầy tớ:

Chủ sẽ thắt lưng đưa vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ Lc 12,38.

Tinh thần của câu nói trên muốn nhắc đến bữa 'Tiệc Hằng Sống' trong nước trời. 'Tiệc Hằng Sống' nước trời dành cho những ai sẵn sàng, đáp trả tiếng Chúa mời gọi, bởi họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, đặt trọn niềm tin vào điều Đức Kitô hứa, là Ngài sẽ trở lại lần thứ hai trong vinh quang, và họ luôn sống trong tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng đón nhận ngày Chúa đến. 'Khi nào ngày đó xảy đến?' là điều tuyệt đối bí ẩn, không ai có thể biết. Mọi cố gắng suy đoán, diễn giải đều là những phỏng đoán vu vơ, không có căn bản trên Lời Chúa. Thiên Chúa là Đấng duy nhất xác định, phán quyết ngày và giờ, khi nào sự việc đó sẽ xảy đến.

'Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến Lc 12,40.

Điều chúng ta tin tưởng là Chúa sẽ đến lần thứ hai, đón những ai sẵn sàng, luôn tin yêu, phó thác vào Chúa. Phần thưởng dành cho không phải vì sẵn sàng, mà chính là phát xuất từ lòng yêu mến. Chính lòng yêu mến này tồn tại trong nước Chúa. Phần thưởng dành cho người có lòng yêu mến Thiên Chúa, sẵn sàng chỉ là dấu chỉ của lòng yêu mến thể hiện qua cuộc sống.

Chúng ta thường nghĩ con người phục vụ Thiên Chúa. Điều này không sai. Phúc âm hôm nay cho biết Thiên Chúa phục vụ con người nhiều hơn gấp bội. Nhờ Thiên Chúa mà ta có sự sống, được mạnh khoẻ, có trí khôn, lanh lẹ, hoạt bát, thành công, tất cả đều do Thiên Chúa trao ban. Khi hoàn tất hành trình dương thế, Thiên Chúa ban cho ta sự sống trường sinh. Ta phục vụ Thiên Chúa có giới hạn, Thiên Chúa nâng đỡ phục vụ ta vô hạn.

Mỗi người trong chúng ta đều có mục đích trong cuộc sống. Thế giới Thiên Chúa tạo dựng cũng có mục đích của Ngài. Chúng không di chuyển lạc lõng trong thiên nhiên, không di chuyển bất định, tuỳ hứng, mà theo luật trật tự, tự nhiên Thiên Chúa tạo dựng. Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang đón nhận tâm hồn chân thành, yêu mến và đó cũng là ngày vũ trụ hoàn thành sứ mạng của nó.

TiengChuong.org

Readiness

'Are you ready?' is the common question we all use to explore the state of readiness of another person. Readiness is good not just for oneself, but for the benefit of other people involved. It helps to put one's mind at peace because things are under control. There is no middle ground answer for such question. It is either: 'Yes, I am ready' or 'No, I am not'. We are ready or not ready for something, which is almost certainly going to happen. Children who are ready to go to school make their parents happy and it saves time, especially at rush time in the morning. People who are ready perform best in their competition or examination. At a national level, the readiness of an Ambulance paramedic, or a police officer, or Anti- terrorist Agency means saving lives or avoiding catastrophes. At a spiritual level, readiness plays an important role in one's Christian faith. It is an obvious sign of faithfulness. It is whether the Master is near or far, that person shows, not fear, but genuine respect and love for the Master, at a personal level. Because his/her love for the Master is stable and firm, the Master will reward that person with something which is much more worthwhile.

The reading of the day tells us that, readiness not only pleases the Master, but it reverses the order of service. Instead of a servant who serves the Master; the Master chooses to serve his own servants. 'He will put on apron, sit them down at table and wait on them' Lk 12,38 . This saying refers to the future- the eschatological end time. It is 'The Eternal Banquet' preserved for those who, deep in their hearts, have faith and love, when Jesus returns for the second time. He will welcome them into the heavenly banquet. 'When will it happen?' is the question that any attempt to answer is a theological baselessness, a sheer imagination, because God will decide when it is the appropriate time for God to act. No one knows but God alone. 'The Son of Man is coming at an hour you do not expect Lk 12,40. Readiness is not because of the unknown factor, but out of love for the Master. It is a good and faithful Christian, who always ready to welcome Him whenever the Master returns. The great reward is promised for that person. Christ's second coming is certain and it is our hope that when He returns we are ready to welcome Him into our hearts, and God will welcome us into God's kingdom.

We often think we are called to serve God, and don't realize that, what we do to serve God and God's people is only a tiny fraction of what God has done for us personally, now in this life, and much more in the life to come. Our love for God in this world is limited, while God's care for us in the world to come is eternal.

We believe that each of us exists in this world for a purpose. It is the same for the entire universe. People are not moving aimlessly through time. Each of them has a purpose to fulfil. Jesus' second coming to save those who are ready is part of God's plan and it is also the time the world has fulfilled its purpose.
 
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 19 Quanh Năm C 11.8.2019
Lm Francis Lý văn Ca
16:40 07/08/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chủ đề của Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về lòng tin vào Thiên Chúa quan phòng. Dân Dothái đã tin tưởng Chúa sẽ giải phóng họ ra khỏi đất Aicập và đưa họ về Đất Hứa, với điều kiện họ phải sống trung thành với chính Thiên Chúa Giavê.

Đời sống chúng ta hôm nay cũng phải chiến đấu trường kỳ trong hai lãnh vực tinh thần và thể xác. Phải đi làm vất vả, trao đổi sức cần lao lấy của ăn phần xác. Phần linh hồn cũng phải chiến đấu để giữ vững niềm tin trước những cạm bẫy của thế gian luôn rình rập để cướp lấy phần linh hồn. Luôn tin tưởng vào lời Chúa: "Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát", chúng ta luôn chiến đấu anh dũng với ơn Chúa ban. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn trợ lực để luôn trung thành giữ vững các lệnh truyền của Chúa, qua sự dạy dỗ và hướng dẫn của Giáo Hội, để khi Chúa đến lần thứ hai, như những người đầy tớ trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ hân hoan đón Ngài vì đã luôn tỉnh thức đợi chờ Ngài.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Đoạn văn chúng ta sắp nghe, thuật lại cách thức phụng thờ Thiên Chúa Giavê của dân Dothái. Khi họ còn sống nơi đất khách quê người. Họ đã phải cử hành cách lén lút. Chính vì sự trung thành nầy mà Thiên Chúa đã giải thoát họ ra khỏi đất Ai Cập.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô dùng hình ảnh tiêu biểu của tổ phụ Abraham, là cha của những kẻ có lòng tin, để khuyến khích tín hữu thành Galata thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Trên con đường theo Chúa, đôi lúc chúng ta bước theo Chúa không một chút do dự. Chúa Kitô qua Tin Mừng hôm nay, đưa ra những ví dụ cụ thể, Ngài chỉ đòi buộc chúng ta trung thành trong ơn gọi.

Lời Ngyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa Kitô qua bài Tin Mừng hôm nay đã củng cố niềm cậy trông của chúng ta vào Thiên Chúa quan phòng. Với sự cậy trông nầy, chúng ta dâng lên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Xin cho Đức Thánh Cha Phanxicô, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, đuợc đầy khôn ngoan tiếp tục dẫn đưa Giáo Hội tiến bước về quê trời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho các Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ Nam Nữ luôn trung thành trong ơn gọi và được niềm an ủi trong khi phục vụ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho những người già nua tuổi tác, ốm đau liệt lào, nơi tư gia hay nhà hưu dưỡng, luôn là những đầy tớ tỉnh thức, cầm đèn cháy sáng đức tin, đợi Chúa là chủ nhà đến đưa họ vào dự tiệc cưới trên thiên quốc. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho những gương sống động của các tổ phụ: Abraham, Isaac và Giacób cũng như các thánh trải qua mọi thời đại đó là những bằng chứng hùng hồn và cụ thể cho cuộc sống đức tin của chúng ta hôm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những thân bằng quyến thuộc đã yên nghỉ, những linh hồn mồ côi mà chúng ta phải nhớ đến trong tháng nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, với những va chạm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, xin Chúa giúp chúng con luôn tôi luyện đức để đức tin của chúng con được trưởng thành và vững mạnh luôn mãi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Amen.
 
Trung tín và tỉnh thức
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:52 07/08/2019
Chúa Nhật 19 Thường Niên C

Ngày nay, “Mạnh Thường Quân” là một cụm từ khái niệm hóa, hiểu như một danh từ chung để chỉ một mẫu người hào phóng và nhân ái.

Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, người nước Tề thời Chiến Quốc. Ông là một người giàu sang, có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, văn cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách. Tiếng tốt đồn vang khắp các nước chư hầu thời bấy giờ.

Một hôm Mạnh Thường Quân nhìn vào sổ nợ, biết dân đất Tiết, một nước nhỏ bị Tề diệt, vua Tề tặng Mạnh Thường Quân làm phong ấp (nay thuộc tỉnh Sơn Đông) còn nợ mình nhiều, thuộc loại “nợ xấu khó đòi” nhưng nhất thiết chỉ dãn mà không cho xóa. Ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Huyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Huyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đó nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Huyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.

Phùng Huyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Huyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua khó khăn, được ơn nghĩa với dân chúng.

1. Trung tín

Trong bài Phúc Âm hôm nay nói đến dụ ngôn người quản lý “trung tín” và “khôn ngoan”, khác với người quản lý “bất lương” trong dụ ngôn sau này (16,1-10).

Người quản lý được giao hai trách nhiệm: coi sóc gia nhân và tài sản.

Trung tín từ việc nhỏ trước khi đến việc lớn, trung tín với của cải riêng trước khi đến của cải người khác. Người quản lý ở đây được giao cho chăm sóc gia nhân của chủ, và ông sẽ được cắt đặt coi sóc tải sản khi chủ thấy người này đã trung tín với việc trước.

Khôn ngoan, người quản lý sẽ được tuyên bố là “có phúc” và được cắt đặt coi sóc gia sản của chủ nếu chủ về và gặp thấy đang làm như vậy.

Người quản lý bất trung với hai khía cạnh tiêu biểu là đánh đập tớ trai tớ gái thay vì coi sóc họ cách chu đáo, và ăn uống say sưa hay vì phân phát phần thực phẩm cho gia nhân. Người quản lý này bị chủ cho nghỉ việc vì đã không làm đúng chức năng quản lý mà chủ đã giao cho anh.

Khi khen người quản lý khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.

Chúng ta chỉ là những người quản lý của Thiên Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng thôi. Mọi sự chúng ta có đều do nhận lãnh. Chúng ta nhận lãnh từ nơi vòng tay yêu thương của cha mẹ rồi công lao dưỡng dục mỗi ngày “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”. Lớn lên, tiếp tục nhận được từ nơi nhà trường và xã hội một vốn tri thức của nhân loại đã được tích góp từ hàng ngàn năm qua bao thế hệ. Và còn nhận được một gia sản đức tin từ bao thế hệ cha anh trong Giáo Hội để lại cho chúng ta.Tất cả những điều đó, cho thấy tất cả những gì chúng ta có đều do người khác trao ban.

Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng.

2. Tỉnh thức

Chúa Giêsu lưu ý về của cải đích thực các môn đệ cần thu tích. Đó là của cải “chẳng bao giờ cũ rách” và “chẳng thể hao hụt”. Của cải trên trời, kho tàng trên trời hoàn toàn khác với của cải nơi trần gian. Của cải trần thế càng nhiều, lòng người càng nặng trĩu. Nặng trĩu lo âu. Kho tàng trên trời càng nhiều, lòng người càng thanh thoát. Bởi kho tàng trên trời là chính Chúa. Càng đến gần Chúa, được Chúa ở cùng, con người càng thoát khỏi những trói buộc của trần gian,trở nên nhẹ bổng, tự do.Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian. Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Càng nuôi lòng khao khát, lòng dạ hướng về kho tàng của Chúa nên tâm hồn phong phú bởi chính của cải tràn trề chất đầy kho tàng. Đó là của cải tình yêu như Chúa đã nói: “Kho tàng anh em em ở đâu, lòng anh em cũng ở đó”.

Để luôn hướng lòng về Chúa là kho tàng đích thực, con người phải tỉnh thức luôn. Chúa Giêsu kể dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về. Người tôi tớ đợi chủ đi ăn cưới về không thể biết đích xác giờ phút của chủ. Thời giờ hoàn toàn tùy thuộc chủ. Tôi tớ không can dự việc riêng của chủ. Phận tôi tớ là làm theo ý chủ. Người chủ muốn tôi tớ trung thành. Lòng trung thành thể hiện qua sự trung tín trong mọi việc được chủ trao phó. Trung thành chờ đợi giờ phút chủ trở về nên luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.

Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình. Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.

Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.

Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.

Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.

Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong bài huấn từ vào giờ triều yết ĐTC mời gọi: “Hãy trở nên khí cụ chữa lành của Chúa, như các Tông đồ”
Thanh Quảng sdb
19:41 07/08/2019
Trong bài huấn từ vào giờ triều yết ĐTC mời gọi: “Hãy trở nên khí cụ chữa lành của Chúa, như các Tông đồ”

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong giờ triều yết trong tuần này bằng quảng diễn tư tưởng từ sách Tông đồ Công vụ, mời gọi các tín hữu hãy vững tin vào Chúa và hành động nhân danh Ngài.
Dựa trên sách Tông đồ Công vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào tường thuật chữa lành (Công vụ 3: 3-6) mà thánh Phêrô và Gioan đã chữa lành cho người bại liệt.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến việc rao giảng Tin Mừng không bằng lời nói, mà còn bằng những hành động cụ thể làm chứng cho sự thật của Tin mừng. Những điều này, theo Đức Thánh Cha cho là những việc kỳ diệu và dấu chứng mà các Tông đồ minh chứng cho thấy các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng người ăn xin, cầu xin các tông đồ thương cứu giúp; các ngài không có tiền bạc, nhưng các ngài có một báu vật trao tặng cho người què ăn xin là nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nazaret anh hãy trỗi dậy mà đi!
Qua điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô chú giải Thánh Phêrô chính là Giáo hội, người nhìn ra các nhu cầu của tha nhân mà thương cứu họ!
Nhân danh Chúa Giêsu
Sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục so sánh và giải thích rằng các tông đồ nhìn vào người ăn xin và nói "Hãy nhìn chúng tôi". Anh ta tiếp cận với các ngài, các ngài nâng anh ta đứng lên và các ngài chữa lành cho anh ta. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chính Chúa Giêsu cũng làm cho chúng ta những điều trên. Trải qua những thời khắc đen tối mịt mùng, tội lỗi ngập chìm, trong những giây phút buồn thảm thất vọng, Vua Giêsu cũng nói với chúng ta 'Hãy nhìn Thầy: Thầy đây!' Và Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: Chúng ta hãy để cho Chúa nắm lấy tay chúng ta và vực nâng chúng ta lên!".
Cuối cùng, Đức Thánh Cha giải thích rằng Thánh Phêrô và Gioan dạy chúng ta đừng chỉ tin vào những phương tiện được sử dụng để chữa lành, mà theo ĐTC hãy tin tưởng vào sự giàu có thực sự là chính mối quan hệ giữa chúng ta với Đấng Phục sinh. “Chúng ta đừng quên rằng qua bàn tay của Chúa Giêsu mà chúng ta cứu giúp và vực người khác vươn lên".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ Ơn và Nghi thức Khấn Lần Nhất của 21 Tân Khấn Sinh do Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh chủ sự.
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
08:44 07/08/2019
Chiều ngày 4/8, tại Nguyện Đường Hội Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm, Thánh Lễ Tạ Ơn và các Nghi thức Tuyên Khấn Lần Nhất của 21 khấn sinh đã diễn ra trong sự linh thánh thật trang trọng, và ý nghĩa.

Thánh Lễ Tạ Ơn – Tuyên Khấn hôm nay quả thật là hồng ân Thiên Chúa thương ban trên Hội Dòng qua nhiều tâm hồn quảng đại dám dấn bước theo Chúa trên con đường ơn gọi Đa Minh trong Hội Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm.

Xem Hình

Và hồng phúc của Thiên Chúa còn được trải rộng cách đặc biệt khi Thánh Lễ Tuyên Khấn Lần Nhất của Chị Em trong Hội Dòng được Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh, Cha Gerard Francisco Timoner III chủ sự. Đây là lần đầu tiên, Hội Dòng có được Vị Tổng quyền kế nhiệm Cha Thánh Đa Minh – vị thứ 87- chủ sự Thánh Lễ và Nghi thức Khấn dòng cho chị em. Điều này cũng được chính Cha Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, Phụ Tá Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh đã ngỏ lời với Hội Dòng và cộng đoàn trước khi bước vào Thánh Lễ “Đây quả là một dịp rất đặc biệt cho anh chị em Đa Minh Việt Nam, vì đây là lần đầu tiên, cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh chủ sự lễ khấn cho anh em tại Đền Thánh Martino sáng hôm nay và chiều nay, Cha Tổng Quyền cũng chủ sự thánh lễ khấn cho chị em Đa Minh Thánh Tâm.”



Cùng đồng tế với Cha Tân Tổng Quyền Dòng Đa Minh là Cha Phụ Tá Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh, Cha Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Philippines, Cha Viện Trưởng Thần Học Trường Đại Học Thánh Tô Ma, Philippines, quý Cha Đa Minh trên thế giới vừa tham dự Tổng Hội Biên Hòa, quý Cha Đa Minh trong Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, quý Cha thân nhân và ân nhân của các Tân Khấn Sinh.

Chia sẻ trong bài giảng Thánh Lễ, Cha Phụ Tá Vinh Sơn đã dựa trên các bài đọc của ngày Chúa Nhật, từ sách Giảng viên cho đến bài Tin Mừng trong Thánh Lễ. Ngài đưa ra một cái nhìn về “ sự phù vân” nơi sách Giảng viên đối với người tu sĩ: sự từ bỏ. Sự từ bỏ này không phải khởi đi từ việc coi thường những gì thuộc trần gian, nhưng là một sự từ bỏ với ước muốn thánh thiện. Điều này đưa tới việc người tu sĩ vẫn tìm kiếm của cải, nhưng không phải là cho mình nhưng là cho những người túng thiếu, những người cần đến. Do vậy, người tu sĩ không còn nhìn của cải theo tác giả sách Giảng viên, nhưng là tập cho mình cái nhìn của sự thánh thiện. Và như thế, để rồi khi có của cải, người tu sĩ sẽ đem sẻ chia cho ai cần đến, chứ không trở nên “ngu ngốc” như Tin Mừng nói đến, cuối cùng sẽ trở về trắng tay. Nhắc lại ý tưởng về nghĩa Đa Minh – trong tên gọi “Thánh Đa Minh”- mà Cha Bề Trên Tổng Quyền Timoner giảng trong Thánh lễ Bế Mạc Tổng Hội và Khấn Dòng Trọng Thể của quý Thầy Đa Minh, để gợi lên rằng, trong “ánh sáng” của Thánh Đa Minh, người tu sĩ Đa Minh không tự mình phát ra ánh sáng, nhưng là làm cho ánh sáng của Chúa Kitô lan tỏa đến cho người khác. Bên cạnh đó, Cha Phụ Tá nói rằng, nếu gia tài của Thánh Đa Minh là chiếc bị, thì “chúng ta cũng giống như Thánh Đa Minh, chúng ta có một gia tài lớn lai là chính tinh thần và sứ vụ của Thánh Đa Minh”. Trước khi kết thúc bài giảng, Cha Phụ Tá đã đưa ra những tiêu chuẩn mà ước gì những người tu sĩ, cụ thể là chị em nữ tu Đa Minh Thánh Tâm, luôn mang trong mình “sự đơn sơ, thánh thiện và đạo đức trong hành trình theo Chúa” cũng như ước muốn theo mẫu gương của Thánh Đa Minh, để làm sáng lên trần gian này.

Sau bài giảng, Nghi thức Tuyên Khấn Lần Đầu của 21 khấn sinh đã diễn ra trong trang trọng, ý nghĩa và thật trang trọngdo ChaBề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh chủ sự nghi thức tuyên khấn, và Sr. Maria Madalena Phạm Thị Huy,Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng nhận lời khấn của các chị em.

Sự biểu tỏ hạnh phúc và niềm vui không chỉ nơi các tân khấn sinh vì đã được Chúa và Hội Dòng thương xót nhận lời chị em tuyên khấn, nhưng điều này còn biểu tỏ rõ nét trên khuôn mặt của Cha Bề Trên Tổng Quyền,của Bề Trên Hội Dòng, cũng như của mọi người tham dự.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Sr.Maria Madalena đã thay mặt các Tân Khấn Sinh, quý Chị Em trong Hội Dòng cám ơn Cha Tân Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng, vì sự ưu ái đặc biệt mà Cha Tổng quyền đã dành cho Hội Dòng khi nhận lời để chủ tế Thánh Lễ Khấn cho Chị Em. Điều này nói lên những ý nghĩa vô cùng lớn lao cho Hội Dòng, và nhất là với những chị em tuyên khấn lần đầu. Sr. Tổng Quyền của Hội Dòng cũng cám ơn Cha Vinh Sơn, Phụ Tá Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, quý Cha Đa Minh thuộc nhiều Tỉnh Dòng khác nhau trên thế giới vừa tham dự Tổng Hội Biên Hòa 2019, cùng quý Cha, vì tình thương, đã đồng tế Thánh Lễ và cầu nguyện cho các khấn sinh. Đồng thời, Bề Trên cũng cám ơn quý Ông Bà Cố vì đã quảng đại dâng hiến con cái – là các chị em tuyên khấn hôm nay- cho Thiên Chúa và Hội Dòng trong đời sống tu trì Đa Minh Thánh Tâm.

Huấn từ trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha Bề Trên Tổng Quyền Timoner đã gửi đến các chị em vừa tuyên khấn những tâm tình rất đơn sơ nhưng thật ý nghĩa. Từ trải nghiệm thực cá nhân cách đây nhiều năm khi ngài tuyên khấn, Cha Bề Trên đã kể lại ngắn gọn những suy tư, lo lắng của chính bản thân Ngài ở thời điểm tuyên khấn lần đầu, chẳnghạn như mình sẽ làm được gì, sẽ cho đi được những gì…Để chính kinh nghiệm cá nhân ấy, Cha Tổng quyền khuyên nhủ các tân khấn sinh hãy cứ an tâm và bước đi trong niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tình yêu của Hội Dòng, của những cộng đoàn nơi mình sẽ đến và phục vụ.

Sau Thánh Lễ, Cha Bề Trên Tổng Quyền, quý Cha, Ông Bà Cố, quý khách và mọi Chị em trong Hội Dòng đã cùng chia sẻ bữa tiệc mừng trong tình yêu, và nhất là vì sự hiện diện thật quý báu của Cha Tổng Quyền Timoner, quý Cha Đa Minh thế giới trong ngôi nhà Hội Dòng trong ngày đặc biệt này.

Lấy ý tưởng từ câu chuyện kể về các nữ tu Dòng Tiểu muội Môn đệ của Chiên Con sống tại trung tâm của nước Pháp, một dòng tu mà hầu hết nữ tu đều mắc hội chứng Down. Tuy nhiên, ở nơi đây, người ta sẽ thấy một sự đơn sơ, chân thành và đạo đức thánh thiện, như lời chị Bề Trên Dòng xác nhận

Tin và hình ảnh: Nt Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Thánh Lễ Bế mạc Tổng Hội Dòng Đa Minh, Biên Hòa 2019 và Nghi thức Khấn Trọng của quý Thầy Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
16:34 07/08/2019
Sau gần một tháng làm việc từ ngày 7/7, Tổng Hội Dòng Đa Minh với tên gọi “Tổng Hội Biên Hòa 2019” đã kết thúc với Thánh Lễ Tạ Ơn Bế Mạc Tổng Hội sáng ngày 4/8/2019tại Trung tâm Đền Thánh Martino thuộc Tu viện Martino của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam. Trong Thánh Lễ này còn có Nghi Thức Khấn Trọng Thể của 21 thầy thuộc Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam.

Xem Hình

Cha Tân Bề Trên Tổng quyền Gerard Francisco Timoner III đã chủ sự Thánh Lễ Bế Mạc Tổng Hội Biên Hòa 2019 cũng như Nghi thức Khấn Dòng của quý thầy. Ngoài số lượng quý Nghị Huynh và Khách Mời Tổng Hội, quý Cha, quý thầy, tập sinh, thỉnh sinh Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, thì con số ước lượng người đến tham dự Thánh Lễ làgần 15.000 người gồm cả nữ tu Đa Minh của các Hội Dòng, Tỉnh Dòng, nhưng đông đảo nhất là anh chị emHuynh đoàn Đa Minh Việt Nam của nhiều giáo phận đã quy tụ về. Sự đông đảo người tham dự Thánh Lễ chính là vì sự đặc biệt có một không hai: lần đầu tiên Tổng Hội Dòng Đa Minh tổ chức tại Việt Nam, lần đầu tiên Cha Bề Trên Tổng quyền chủ sự Thánh Lễ và Nghi thức Khấn Dòng cho quý Thầy Đa Minh Việt Nam, và lần đầu tiên anh chị em huynh đoàn Đa Minh Việt Nam được hiệp thông Thánh Lễ với Cha Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng vừa mới được bầu chọn.

Trong bài giảng Thánh Lễ bằng tiếng Anh, được phiên dịch ra tiếng Việt, Cha Bề Trên Tổng quyền đã chia sẻ với cộng đoàn về hai ý tưởng chính yếu: người Đa Minh với “sứ vụ trăng rằm” cũng như “chỗ đứng” của họ trong bài giảng của Thánh Đa Minh và thành quả công trình của Tổng Hội đã, đang và sẽ đạt được.

Dẫn giải ý nghĩa “Thánh Đa Minh là ánh sáng của Giáo Hội”, Cha Tổng Quyền đã mở rộng ra về nghĩa của “ánh sáng” trong chữ “minh”. Một nguồn sáng tỏa ra, không phải từ mặt trời, nhưng là từ mặt trăng, vì thế, “là những Kitô hữu, cách riêng là những người Đa Minh, chúng ta là ánh sáng của trần gian…nhưng là ánh sáng của mặt trăng, chứ không phải là của mặt trời.” Điều này được nhấn mạnh để người Đa Minh nhận ra rằng “duy chỉ mình Đức Kitô, là ánh sáng duy nhất của mặt trời soi chiếu trần gian.” Còn họ,“chỉ đơn thuần là ánh sáng phản chiếu của Đức Kitô. Đây là điều mà các thánh giáo phụ gọi là “sứ vụ mặt trăng”, phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời.” Nhưng độ sáng của mặt trăng – hay đúng hơn ánh sáng của người Đa Minh phụ thuộc, hay bắt nguồn từ đâu? Cha Bề Trên Tổng quyền khẳng định “độ sáng của mặt trăng phụ thuộc vào khoảng cách của mặt trăng với mặt trời.” Để rồi,Cha Bề Trên Tổng quyền lưu ý rằng, mỗi anh chị em Đa Minh chỉ có thể phản chiếu được ánh sáng của Chúa Kitô khi họ có tương quan gần gũi với Ngài, đến nỗi như “trăng sáng đêm rằm”, cho dẫu ngay cả khi họ rơi vào những đêm tối của cuộc đời. Và ngược lại, người Đa Minh sẽ chỉ như “trăng khuyết” hay chẳng phản chiếu ánh sáng mặt trời, nếu họ không có sự liên hệ mật thiết với Đức Kitô, hoặc đang bị một vật cản nào đó trong cuộc đời. Và hậu quả là chỉ thấy “một người Đa Minh cau có, gắt gỏng”, không phản chiếu được ánh sáng của Đức Kitô. Tiếp nữa, Cha Tổng quyền đã nhắc lại sứ vụ của người Đa Minh chính là “rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô bằng lời nói và việc làm:đó là sứ vụ của mặt trăng như theo cách diễn đạt của các giáo phụ. Và như Thánh Đa Minh, “Ngài đã không giữ lại cho mình ánh sáng rực rỡ của sự siêu nhiên, nhưng Ngài đã lập dòng, mời gọi anh chị em dấn thân đi tìm chân lý, loan truyền ân sủng và xây dựng cộng đoàn và đặc biệt để xây dựng Giáo Hội.”

Còn “chỗ đứng” của người Đa Minh trong bài giảng của Thánh Đa Minh có nghĩa là gì? Chia sẻ thắc mắc của mình khi còn là một tập sinh, Cha Tổng quyền nói rằng, ngài đã từng ngạc nhiên “Tại sao Thánh Đa Minh lại để lại quá ít những bài giảng của Ngài?” Để rồi, hôm nay, Cha Tổng quyền xác quyết: bài giảng hay nhất, tuyệt nhất, dài nhất chính là Dòng của Thánh Đa Minh. Vì thế, “tất cả chúng ta là bài giảng của Thánh Đa Minh, là một phần trong bản văn bài giảng của Ngài”. Mà trong bài giảng đó, sự “đan xen,” giữa “việc say mê chân lý và lòng trắc ẩn đối với con người” luôn được bày tỏ. Để rồi, Cha Tổng quyền mời gọi mọi anh chị em Đa Minh hãy cật vấn chính mình như: tôi có ở trong bài giảng của Cha Thánh Đa Minh? đang ở khúc nào? ở giữa bản văn tôi ? được in đậm? hay là giòng ghi chú cuối bản văn? hay bên lề bản văn?…Và cho dẫu trong một vị trí nào, Cha Tổng quyền mong ước “mỗi anh chị em Đa Minh hãy là một phần trong bài giảng của Cha Thánh Đa Minh…một bài giảng nối dài của Dòng.”

Ý tưởng thứ hai của bài giảng là sự kiện Tổng Hội Dòng Đa Minh- Tổng Hội Biên Hòa 2019, nơi đó đã diễn ra “những ước mơ và xác tín” của Anh Chị Em Đa Minh, nơi “làm cho bài giảng của Cha Thánh Đa Minh trở nên hùng hồn và sống động hơn trong thế giới hôm nay”. Cha Tổng quyền nói với cộng đoàn “ Chúng tôi, các Nghị Huynh đến từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự hiệp thông, như những người Đa Minh…cùng nhau bước đi với Chúa trong bốn tuần lễ.” Và ngài nhấn mạnh về sự hiệp thông vẫn còn đó, kéo dài, dù khi mỗi người trở về với cộng đoàn của mình, bởi “chúng ta cùng thuộc về gia đình của Thánh Đa Minh, của Giáo Hội”, và bởi vì “ chúng ta có chung một mục tiêu là chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể cho thế giới hôm nay”.

Sau bài giảng, Cha Tổng Quyền Dòng Đa Minh đã chủ sự Nghi thức Khấn Trọng Thể và nhận lời khấn của 21 thầy thuộc Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam.

Trước khi ban phép lành kết thúc Thánh Lễ Bế Mạc Tổng Hội, nghi thức ký bản văn chính thức Công Vụ Tổng Hội Biên Hòa 2019 của Dòng Đa Minh đã được tiến hành trong trang trọng. Cha Gerard Francisco Timoner - Bề Trên Tổng Quyền Dòng, cùng quý Cha Martin Gelabert Ballester, Cha Gilles Lucien Berceville, Cha Peter Walsh Anthony trong vai trò Giám định viên, Cha Giuse Ngô Sỹ Đình – Tổng Thư Ký của Tổng Hội, Cha Phêrô Phan Ngô Xuân Thoại – phụ tá Tổng Thư ký đã ký vào Văn bản Công Vụ Tổng Hội với sự chứng kiến, hiệp thông và niềm vui mừng của các Nghị Huynh – Khách Mời Tổng Hội, quý cha, thầy, nữ tu, và huynh đoàn giáo dân Đa Minh Việt Nam.

Sau phần ký văn bản Công vụ Tổng Hội, Cha Giuse Nguyễn Đức Hòa, Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam đã ngỏ lời tri ân đến với Cha Bề Trên Tổng Quyền, quý Nghị Huynh, toàn thể anh chị em Gia Đình Việt Nam trong những nỗ lực đóng góp bằng nhiều cách thức khác nhau để Tinh Dòng Đa Minh Việt Nam có thể hoàn thành được trách nhiệm đã được tin tưởng và ủy thác. Đặc biệt, Cha Giám Tỉnh tri ân quý Đức Cha Giáo phận Xuân Lộc đã nâng đỡ, tạo nhiều điều kiện và nhất là cùng hiệp thông để Tổng Hội Biên Hòa được tổ chức tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc,và thành công tốt đẹp.

Với Thánh Lễ cử hành hôm nay, Tổng Hội Biên Hòa 2019 của Dòng Đa Minh đã kết thúc thật tốt đẹp nhờ bởi muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần, và sự nỗ lực rất lớn trong tinh thần Đa Minh không chỉ của các Nghị Huynh – Khách Mời trực tiếp tham gia Tổng Hội, nhưng còn là của mọi thành viên Đa Minh trên toàn thế giới.

Tin, ảnh : Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P – ban Truyền Thông Tổng Hội Dòng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trước Mắt Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc Vào Tư Chính Là Để Thách Đố Mỹ Và Việt Nam ?
Phạm Trần
08:13 07/08/2019
Trước Mắt Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc Vào Tư Chính Là Để Thách Đố Mỹ Và Việt Nam ?

*Nga và ASEAN có thể làm gì cho hòa bình Biển Đông ?


Lời giới thiệu: Trung Quốc đã bất chấp luật pháp Quốc tế để đem tầu Hải Dương 8 vào thăm dò dầu khí bên trong vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số về hướng Đông nam, từ ngày 03/07/2019

Việt Nam đã khẳng định chủ quyền vùng biển này và đòi Trung Quốc rút lui, nhưng Trung Quốc vẫn ở lại và còn quả quyết đây là lãnh thổ của họ.

Vậy Hoa Kỳ, cường quốc số một Thế giới, đang đứng ở đâu trong cuộc tranh chấp này, và liệu chính quyền Donal Trump có sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông ?

Để trả lời cho câu hỏi này và vì sao đã không có biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, xin mời bạn đọc theo dõi toàn văn bài Phỏng vấn độc quyền của tôi với Giáo sư ngoại hạng (Professor Emeritus), Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, người từng giảng dậy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Giáo sư Hùng là Học giả cao cấp bất thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lươc và quan hệ Quôc tê ở Washington, D.C. (Center for Strategic and International Studies, CSIS). Ngoài ra ông còn là Học giả vãng lai hai niên khóa 2015-2016 tại viện nghiên cứu nổi tiếng ISEAS-Yusof Ishak Institute, Tân Gia Ba.

Các bài nghiên cứu của ông, phần lớn về Á Châu và Đông Nam Á đươc đăng trên các Tạp chí chuyên môn (professional journals) như World Affairs, Asian Survey, Pacific Affairs, Global Asia, The Diplomat, Asia Pacific Bulletin và CogitAsia.

***********

Sau đây là toàn văn Bài Phỏng vấn:

TẠI SAO TƯ CHÍNH ?

H: Thưa Giáo sư, tại sao Trung Quốc chọn vùng biển bãi Tư Chính mà không phải nơi khác để tìm kiếm dầu khí vào thời điểm này?

Đ: Trung Quôc đưa tầu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển bãi Tư Chính với mục đích áp lực không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển nằm trong đường lưỡi Bò của Trung Quốc, một đòi hỏi căn cứ trên lịch sử sai lầm (theo Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House) và trái với luât quốc tế (Luật Biển 1982 và phán quyết của Tòa án Trọng tài Thuờng trực Quốc tế năm 2016).

(Chú thích: Hình lưỡi Bò,còn được gọi là Đường 9 đoạn, chiếm ¾ của diện tích 3.447.000 cây số vuông Biển Đông).

Trong liền hai năm, 2017 và 2018, Trung Quốc đã thành công trong áp lực không cho Việt Nam khai thác dầu khí ở hai lô (lô 136/03 và 07/03) thuộc vùng biển bãi Tư Chính. Lần này, Việt Nam khởi động khoan dầu ở môt lô khác, lô 06/01, cũng trong vùng biển bãi Tư Chính nên Trung Quốc lại tìm cách ngặn chặn.

H: Việc Trung Quốc đem tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Việt Nam có ý nghĩa chính trị và địa lý như thế nào đối với tham vọng chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh?

Đ: Trung Quốc muốn áp đặt chủ quyên của mình và khai thác tài nguyên trên vùng biển trong đường lưỡi Bò bằng chính sách “tầm ăn dâu.” Sau khi đã đặt đươc chân đứng trong quần đảo Trường Sa, Trung Quôc bắt đầu xây 7 đảo nhân tạo của họ từ năm 2014. Sau đó, với việc cải tạo bồi đắp và quân sự hóa đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn và bãi Xu Bi năm 2017 Trung Quốc đã đạt được thế thượng phong để áp dụng chiến thuật mà giáo sư Carl Thayer gọi là “chiến thuật vùng xám” (grey zone tactics) phối hơp các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự, đặc biệt là dùng các tầu đánh cá dân sự đươc hỗ trợ bởi các tầu Hải giám và lực lương Dân quân biển để biến vùng biển thuộc chủ quyền các nước khác thành vùng tranh chấp. Trung Quôc đã làm viêc ấy đối với Philippines ở vùng biển đảo Thị Tứ hồi tháng 3, với Malaysia ở vùng biển đảo bãi Luconia hồi tháng 5, và với Việt Nam bây giờ.

H: Ông lý giải ra sao về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam phải đợi cho đến ngày 19/07 (2019), tức sau 16 ngày sau khi Trung Quốc đem tầu tìm dầu và các tầu có võ trang hộ tống vào vùng Tư Chính hoạt động (từ ngày 03/07/019), mới chính thức lên án Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông” và “yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam” ?

Đ: Việt Nam bắt đầu khoan dầu tử tháng 5. Đầu tháng 7 Trung Quóc mới đưa tầu Hải Dương 8 đến khảo sát địa chất. Hai bên vờn nhau cả tuần nhưng không bên nào công bố vì không muốn làm lớn chuyện. Cho đến khi Việt Nam thấy cần công khai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, và đòi Trung Quôc rút toàn bộ tầu ra khỏi vùng này. Đó là tiến trình tự nhiên, theo thứ tự thời gian.

TỪ HẢI DƯƠNG 981 ĐẾN HẢI DƯƠNG 8

H: Nếu so với vụ Trung Quốc đem tầu Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 (từ ngày 01 tháng 5, 2014 - 16 tháng 7, 2014) thì Giáo sư đánh giá vụ Hải Dương 8 vào vùng Tư Chính năm 2019 có mức độ nghiêm trọng như thế nào ?

Đ: Sự kiện năm 2014 nghiêm trọng hơn. Năm ấy, tầu HYSY 981 được khoảng 100 tầu lớn nhỏ của Trung Quốc bảo vệ trong số đó có 7 tầu quân sự; tầu hai bên xô xát và bắn nước vào nhau dữ dội, công thêm với các cuộc biểu tình và bạo động ở trên đất liền. Lần này, tầu Hải Dương 8 lúc đầu chỉ được hai tầu hải giám hộ tống, Ngoài ra, lần này viêc khoan dầu đươc Việt Nam trao phó cho công ty Rosneft, môt công ty mà chính phủ Nga là một cổ đông. Và thế của Rosneft mạnh hơn thế của công ty tư nhân Repsol của Tây Ban Nha.

H: Khi xẩy ra vụ Hải Dương 981, người Việt Nam cả trong và ngoài nước, kể cả giới trí thức, không phân biệt chế độ chính trị, đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Nhiều cuộc biểu tình chống các Công ty của Trung Quốc cũng đã xẩy ra ở Việt Nam. Ngược lại, năm nay (2019) người dân đã không có phản ứng như thế sau vụ Tư Chính.

Giáo sư nghĩ sao về sự kiện này? Chẳng lẽ tinh thần “bài Trung”, trước hiểm họa chủ quyền lãnh thổ và biển đảo bị mất vảo tay Bắc Kinh đã mờ nhạt trong tâm trí người Việt? Hay là vì bị Chính quyền đàn áp trong các vụ biểu tình chống Tầu trong qúa khứ mà người dân đã làm ngơ, mặc cho nhà nước lo?

Đ: Không phải không có chỉ trích chính quyền, nhưng biểu tình lớn thì không có. Mệt mỏi và chán nản như ông nghĩ cũng có lý. Ngoài ra, có thể có nhiều lý do khác:

Thứ nhất, cuôc khủng hoảng lần này không nghiêm trọng bằng lần trước.

Thư hai, chính quyền Việt Nam đã học được bài học và kinh nghiệm đối phó với Trung Quôc cũng như đối với ngươi dân. Lần này, họ công khai chông đôi Trung Quôc. Họ nêu đích danh Trung Quôc để chỉ trich trươc thế giới và trên diễn đàn khu vực ASEAN chứ không còn phải nấp sau từ “tầu lạ” hay “hũu nghị viển vông.”

Thư ba, nội bô đảng Công sản không chia rẽ trầm trọng như 5 năm trước để người ngoài có thể dễ khai thác.

Thứ tư, môt số nhân vật có quá khứ cách mạng và uy tín có thể gây cảm hứng và làm lá chắn cho các cuộc biểu tình hoặc đã qua đời hoăc quá già.

Thư năm, trong thởi điểm này không có các công ty Trung Quốc ở Việt Nam có hành động gây căm phẫn biến họ thành cái đích rõ rệt để chông đối và bạo động.

MỸ VÀ BIỂN ĐÔNG

H: Vào ngày 20/7 (2019) vừa qua, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ (MORGAN ORTAGUS) đã đưa ra lời tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc trong vụ Tư Chính, có lợi cho lập trường ở Biển Đông của Việt Nam. Giáo sư có nghĩ rằng khi Chính quyền Mỹ lên tiếng như thế là họ muốn kéo Việt Nam ra khỏi qũy đạo của Trung Quốc, hay vì lý do nào khác?

Đ: Với tuyên bố ấy, họ vửa chỉ trích và răn đe Trung Quốc vừa hỗ trợ lập trường của Việt Nam đồng thời khuyến khích Việt Nam và các quôc gia Đông Nam Á mạnh dạn chống sự bắt nạt và cưỡng chế của Trung Quốc. Trươc đó, tháng 10 năm ngoái trong một cuộc phỏng vân với Hugh Hewitt, cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, John Bolton coi viêc Trung Quốc quấy nhiễu tầu tuân tra của Mỹ ở Biển Đông là hành động“nguy hiểm,” và khẳng định Hoa Kỳ không chấp nhận để Trung Quốc biến vùng này thành “một tỉnh của Trung Quốc.” Ông còn tuyên bố “chúng tôi sẽ tim cách khai thác thêm các tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông dủ có hay không có sự họp tác của Trung Quốc.”

Đôi với Việt Nam, dự án khai thác dầu khí Cá Voi Xanh ở lô 118, cách Việt Nam 88 cây số và nằm ngoài đường lưỡi bò, sẽ là thử nghiêm xem lời nói của Hoa Kỳ có đi đôi vơi việc làm hay không. Từ tháng 3 năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ đã ký kết thỏa thuận hơp tác trong dư án mỏ khí Cá Voi Xanh. Năm tháng sau, Thủ Tương Viêt Nam Nguyễn Xuân Phúc thúc dục ExxonMobil “chính thức khởi động” dự án này để đánh dấu thời điểm lịch sử khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và dự Hội nghị Thương Đỉnh Họp tác Kinh tế Á châu Thài Binh Dương (APEC) vào tháng 11 năm 2017 (tại Đà Nẵng). Lúc ấy cựu Chủ Tịch ExxonMobil ( Rex W. Tillerson) đang là Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng tập đoàn này không nhúc nhích. Phải đợi một ngày sau khi hội nghị bắt đầu, đương kim chủ tịch của tập đoàn Exxon Mobil mới thông báo dư án sẽ hoàn thành “thủ tục ban đầu vào cuối năm nay (2017), và năm 2018 sẽ chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết. Đến 2019, dư án sẽ đưa vào khai thác mỏ này.” Chỉ còn 4 tháng là hết năm 2019. Thử xem Hoa Kỳ sẽ làm gì để hỗ trợ cam kết của ExxonMobil.

H: Xin Giáo sư đánh giá chính sách ở Biển Đông của Chính quyền Trump trước sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Á Châu-Thái Bình Dương dưới thời Tập Cận Bình?

Đ: Mỹ muốn đóng vai trò trội yếu và không muốn Trung Quôc độc chiếm Biển Đông. Để thưc hiện mục tiêu này, chính quyên Obama (năm 2008) đưa ra chính sách “xoay trục” về Á châu Thái Bình Dương đươc hỗ trợ bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership), tái phối trí lực lượng quân sự từ Trung Đông sang Á châu, tăng cường hơp tác chiến lược vơi các đối tác Á châu, và các cuộc tuần tra bảo vệ tư do hàng hải. Chính quyền Trump đưa ra chiến lược Ân Đô-Thái Bình Dương nhằm lôi kéo Ấn Độ vào chính sách ngăn chặn sự bành trương của Trung Quốc và muôn có cái tên khác với tên do chính quyền Obama đặt ra.

Ngay từ đầu, chính sách này vấp phải hai điều bất lợi. Việc đơn phương rút khỏi hiêp đinh TPP khiến Hoa Kỳ mất một đòn bẩy kinh tế của chiến lươc quân sự đồng thời làm xói mòn lòng tin của các đồng minh và đối tác của mình về quyêt tâm và khả năng giúp họ chống lại sức ép của Trung Quốc. Hành động này tạo khoảng trống giúp Trung Quôc cơ hội khai thác vai trò lãnh đạo kinh tế khu vực của mình với chủ trương thương mại tư do và kế hoạch “môt vòng đai, môt con đường” nối liền Á châu với Âu Châu và Phi Châu mà trung tâm là Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc thành công trong việc cải tạo bồi đắp và quân sự hóa tam giác đá Chữ Thập-bãi Vành Khăn-bãi Xu Bi đã tạo đươc thế thương phong chiến lược của Trung Quốc trong vùng biển này khiến Tư Lệnh Lưc Lương Thái Binh Dương cũa Mỹ, Đô đôc Philip Davidson phải kết luận rằng “Ngày nay, Trung Quôc có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống trừ khi có chiến tranh với Hoa Kỳ.”

Chiến lược Ân Độ-Thái Bình Dương là môt chiến lươc mà nội hàm đang đươc khai triển nên phải theo dõi kỹ. Có những điểm cần để ý sau đây:

Thư nhất, vì kinh nghiêm và khả năng cá nhân, Tổng Thống Donald Trump quan tâm đến quyên lợi kinh tế, đến việc buôn bán và đổi chác (making deals) hơn là quan tâm chiến lược.

Thứ hai, hầu hết các tuyên bố cứng rắn đôi với Trung Quôc từ phia Hoa Kỳ đều do giới quân sự phát biểu, nhưng vị Tổng tư lệnh tối cao của họ lại tập trung vào viêc chỉ trích Trung Quôc về chính sách kinh tế trong khi vẫn ve vuốt, khen ngợi Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả cách ông này đối phó với cuộc biểu tình chông Trung Quôc ở Hong Kong.

Gân đây, nhất là sau vụ bãi Tư Chính, có một số thay đổi trong các tuyên bố của Mỹ. Bên ngoài thì, cùng với bộ Quốc phòng, cả bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Mỹ đều nhập cuộc, lên án hành động “bắt nạt” của Trung Quôc ở Biển Đông. Bên trong Nhà Trắng, một số cố vấn Tổng Thống, như đại diên thuơng mại Robert Lighthizer và cố vân thương mại PeterNavarro đều có thái độ cưng rắn với Trung Quôc.

Thư Ba, hành đông đơn phương, và đôi khi dường như bất nhất của Tổng Thông Trump làm xói mòn lòng tin và, do đó, sư hơp tác chân thành của các đông minh và đối tác của Mỹ trong viêc đối phó với Trung Quốc.

Thư tư, quan hệ đặc biêt của Tổng Thống Trump với lãnh đạo Do Thái và Á Rập cuốn Mỹ vào tranh chấp với Iran. Nếu Mỹ bị sa lầy ở Trung Đông thì chiến lược Ân Độ-Thái Bình Dương khó có thể thực hiện đến nơi đến chốn.

Thư năm, trươc áp lực của giơi tư bản và nông dân Mỹ bị thiêt hại vì cuôc “chiên tranh thương mại” Mỹ-Trung và vì nhu cầu tranh cử năm 2020, chính quyên Trump cần môt nhân nhượng của Trung Quôc đê có môt cái gọi là thắng lơi ngoai giao, Tổng Thông Trump có thể đổi chác để bám lấy thị trương Trung Quốc. Đổi chác ấy, nếu có, sẽ thiệt hại cho ai?

NGA-ASEAN-BIỂN ĐÔNG

H: Nước Nga trong thời đại của Vladimir Putin có tạo được ảnh hưởng gì với Mỹ, Trung Quốc và ASEAN trong nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông?

Đ: Sưc mạnh quân sư và kinh tê của Nga thua xa Mỹ. Putin chỉ có khả năng làm kẻ phá bĩnh (a spoiler), gây khó khăn cho Mỹ ở cả Á châu và Âu châu. Đối vơi Biển Đông, vì mối quan hệ đặc biệt với cả Trung Quốc và Việt Nam, Putin, có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng quân sự, và nếu Trung Quốc đồng ý, có thể đóng vai trò con thoi, can gián, và làm trung gian hòa giài giưa Việt Nam và Trung Quôc

H: Thưa Giáo sư, tôi không thấy có nước nào trong khối ASEAN 10 quốc gia lên tiếng về vụ Tư Chính của Việt Nam. Tại sao?

Đ: Chỉ trích Trung Quốc thì có, nhưng họ chỉ nói đến sự xâm phạm của Trung Quốc tới vùng biển của họ, như Phi luật Tân đôi với vùng biển đảo Thị Tứ (tháng 3) và bãi Scarborough (tháng 7), Malaysia với vùng biển bãi Luconia (tháng 5), chứ không lên án Trung Quốc về vụ bãi Tư Chính. Ngay cả thông cáo chung ngày 31 tháng 7 của ASEAN cũng chẳng đả động đến vụ bãi Tư Chính, chẳng chỉ đích danh Trung Quốc mà chỉ nói mù mờ về “những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông”. Đó là thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại,” nghi ngờ quyêt tâm bảo vệ của Mỹ, không muốn làm mếch lòng Trung Quốc với hy vọng đươc nươc này ban riêng cho môt nhượng bộ nào đó.

Riêng Phi luật Tân, Tổng Thông Rodrigo Duterte đã nói rõ ông không tin vào cam kêt của Mỹ dù họ đã ký hiệp ươc phòng thủ chung với Phi, vì thê Phi phải hòa hoãn với Trung Quôc. Ông tuyên bố một mình Phi không đánh nổi Trung Quốc, và thách thức nếu Hoa Kỳ thực sự muôn đẩy Trung Quốc ra khỏi Biển Đông thi hãy “đưa toàn thể Hạm đội 7 vào Biển Đông.” Lúc ấy Phi” sẽ theo ngay sau lưng Hoa Kỳ” và còn hô hào đánh bom tan nát hạm đôi Trung Quôc.

Nói tóm lại, quyền lơi ích kỷ, áp lực và chính sách chia để trị của Trung Quốc cùng với sự nghi ngờ về khả năng và quyêt tâm của Hoa Kỳ khiến cho các quốc gia trong khối ASEAN không dám bênh nhau để cùng đương đầu vơi Trung Quốc. -/-

Phạm Trần

(08/019)
 
Tại Sao Cần Phải Đưa Trung Cộng Ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế Về Vấn Đề Hoàng Sa Trường Sa?
BS Đỗ Văn Hội
16:48 07/08/2019
Tại Sao Cần Phải Đưa Trung Cộng Ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế Về Vấn Đề Hoàng Sa Trường Sa?

Vào đầu tháng 7 năm 2019, trước sự lấn áp và quấy nhiễu của các tàu tuần dương của Trung Cộng (TC) tại Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhà cầm quyền CS Việt Nam đã cho tàu tuần dương theo dõi và đối đầu lại đồng thời lên tiếng (tuy có muộn) chỉ đích danh TC là thủ phạm và yêu cầu TC rút tàu khảo sát và tuần dương ra khỏi vùng này. Đây là một hành động được nhiều giới quan sát hoan nghinh, vì dám lên tiếng xác nhận chủ quyền của mình. Kế tiếp, lần lượt Hoa Kỳ và một số nước đã lên tiếng yêu cầu TC không bắt nạt và uy hiếp các nước nhỏ láng giềng.

Dĩ nhiên là TC rất tức tối và đã phản bác. Đó là bản chất một nhà nước độc tài, ngang ngược, tráo trở bất chấp luật pháp quốc tế như Trung Cộng mà ai cũng biết.

Trước sự kiện xảy ra ở Bãi Tư Chính, tiếp theo nhiều sự kiện TC uy hiếp tại Biển Đông, dư luận quốc tế và Việt Nam khuyên Việt Nam nên đưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế để giải quyết.

Trước đây cũng có nhiều người khuyên Việt Nam nên làm như vậy nhưng nhà cầm quyền vẫn cứ yên lặng làm ngơ để cho Trung Cộng ngày càng làm mưa làm gió trên Biển Đông trong khi chủ quyền của đất nước bị xâm phạm, ngoài ra nếu để càng lâu thì việc giải quyết càng trở nên khó khăn.

Nay thì ý kiến nói trên ngày càng mạnh mẽ và càng nhiều. Trong bài này chúng ta hãy phân tích tại sao Việt Nam cần đưa TC ra tòa án quốc tế và cơ may thắng kiện như thế nào?

Trước hết, chúng tôi xin liệt kê những phương thức để giải quyết các tranh chấp quốc tế như vấn đề ở Biển Đông là một như thế nào.

1- Ngoại giao, thương lượng.

Đây là phương thức thông thường nhất để giải quyết trong hòa bình. Hai bên gặp nhau, thảo luận, thương thuyết, trao đổi để tìm sự đồng ý với nhau.

Nhưng phương pháp này chỉ có hiệu quả khi các đối tác là những quốc gia dân chủ, có cùng suy nghĩ như nhau, tôn trọng lẽ phải, luật pháp quốc tế, và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, vấn đề tranh chấp không quá lớn để hai bên có thể thương lượng và chấp nhận dễ dàng.

Ngược lại, đối với những nhà nước độc tài, ngang ngược, ỷ mạnh hiếp yếu, bất chấp luật pháp quốc tế như nhà nước cộng sản Bắc Kinh thì phương pháp này chỉ tốn thì giờ vô ích.

2- Áp lực ngoại giao, chính trị, kinh tế.

Đây là phương cách đối xử với những nhà nước ngoan cố, bất chấp dư luận quốc tế, người ta buộc lòng phải sử dụng những áp lực như cô lập ngoại giao, trừng phạt bao vây kinh tế, đôi khi cần có áp lực quân sự (nhưng chưa sử dụng), buộc đối phương ở vào thế yếu, phải chấp nhận.

Phương pháp này chỉ có hiệu lực đối với các nước nhỏ, yếu kinh tế và quân sự. Ngược lại, những nước lớn và ngang ngược như Trung Cộng thì rất khó có kết quả.

Ngoài ra, bên tạo áp lực phải có sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị mới có hy vọng làm thay đổi đối thủ.

3- Pháp Lý quốc tế

Phương pháp pháp lý quốc tế có nghĩa là đưa đối phương ra tòa án quốc tế có thẩm quyền dựa vào những bộ luật quốc tế buộc kẻ thua phải chấp nhận thi hành. Ở đây, căn bản là Công Ước Quốc Tế về Biển năm 1982. Đây là cách thức tốt nhất, hòa bình nhất.

Phương pháp pháp lý cũng tùy thuộc vào quốc gia bị kiện có tôn thủ luật pháp hay không, có sẵn sàng đón nhận những thủ tục pháp lý hay không, có chấp nhận phán quyết và định chế quốc tế có đủ quyền lực buộc nước thua phải thi hành án lệnh không?

Đối với Trung Cộng, ngoài là một nước bất chấp luật pháp quốc tế, có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, còn là một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An LHQ, đây là vấn đề cần phải được lưu tâm.

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án quốc tế cũng vẫn là cơ sở quan trọng và căn bản để giải quyết các vấn đề bất đồng quốc tế, trong đó vấn đề Biển Đông.

Phán quyết của tòa Trọng Tài PCA trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung Cộng ở Biển Đông năm 2016 mà phần thắng về phía nước Phi, mặc dù TC phủ nhận phán quyết, nhưng Phi Luật Tân có thể dùng nó để kêu gọi quốc tế áp lực buộc Trung Cộng phải nhượng bộ. Ngoài ra, các nước khác có thể dùng án lệ này để áp dụng vào những trường hợp tương tự.

Rất tiếc Tổng Thống Phi Luật Tân là ông Duterte đã không biết khai thác lợi điểm của mình, lại khiếp nhược đi hợp tác với địch khiến cho bên địch giữ thế chủ động, tiếp tục uy hiếp các vùng lãnh hải gây bất lợi cho Phi Luật Tân.

4- Phương pháp quân sự.

Đây là phương thức bất đắc dĩ lắm mới phải áp dụng. Trường hợp Iraq xâm chiếm Kuwait bằng vũ lực năm 1990, Liên quân Liên Hiệp Quốc dưới quyền chỉ huy của Hoa Kỳ đã đánh bại Iraq ra khỏi Kuwait sau 100 ngày tham chiến.

Trận Kosovo cũng tương tự, nhưng thay vì Liên Hiệp Quốc (do Nga phủ quyết), trường hợp này NATO đã tấn công Liên Bang Nam Tư vì lý do diệt chủng và vi phạm nhân quyền đối với người Albania tại Kosovo.

Việc sử dụng quân sự cần được Liên Hiệp Quốc chấp thuận với đa số thành viên Hội Đồng Bảo An LHQ chấp nhận và không bị phủ quyết bởi một trong 5 thành viên thường trực. Phương pháp này khó thi hành nếu bên bị là thành viên phủ quyết. (Kẻ cướp ngồi ghế quan tòa như TC hiện nay).

5- Phương pháp hỗn hợp.

Người ta có thể sử dụng hỗn hợp tất cả các phương pháp kể trên như ngoại giao, đàm phán, cấm vận kinh tế, cô lập chính trị, dùng pháp lý quốc tế, tuy nhiên đôi khi vẫn cần có áp lực quân sự.

Ngoài ra, muốn thành công, một liên minh của nhiều quốc gia để tạo sức mạnh chính trị, kinh tế và cả về quân sự là cần thiết để bao vây đối phương buộc phải tuân theo phán quyết của tòa án.

TRƯỜNG HỢP HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Trung Cộng đã dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa và các thực thể mà họ tự ý bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo, phương pháp ngoại giao đã được thực hiện từ lâu nhưng hoàn toàn thất bại, lý do ai cũng biết. Các nước ASEAN đã nhiều cố gắng vô vọng hàng chục năm nay.

Phương pháp tạo áp lực cũng sẽ không có hiệu quả vì nếu những quốc gia nạn nhân tại Biển Đông không đủ sức mạnh tạo áp lực chính trị, cũng như kinh tế và quân sự. Vì thế pháp lý là giải pháp quan trọng nhất, dễ thực hiện nhất, hòa bình nhất và có nhiều cơ may toàn thắng vì đã có án lệ trước đó từ tòa trọng tài quốc tế La Haye xử thắng cho nguyên đơn là Phi Luật Tân.

Tuy nhiên nếu chỉ có pháp lý không thôi thì vẫn chưa đủ mạnh để buộc đối phương thi hành pháp quyết của tòa án, mà cần có sức mạnh kinh tế và quân sự. Muốn được như vậy, như trên đã nói, cần phải có liên minh các nước trong vùng và các quốc gia lớn có quyền lợi tại Biển Đông, có sức mạnh kinh tế lẫn quân sự hỗ trợ.

LIỆU GIẢI PHÁP PHÁP LÝ CÓ THỂ THÀNH CÔNG KHÔNG?

Chúng tôi xin được trích dẫn một số ý kiến của những chuyên gia về lãnh vực pháp lý quốc tế đã được phổ biến trong những ngày gần đây sau khi xảy ra vụ Bãi Tư Chính.

Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia được đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 24/7/2019:

GS Hoàng Việt là giảng viên ĐH Luật tại Sài Gòn, là nhà nghiên cứu luật Quốc tế, nói “Việt Nam nếu không có các giải pháp tức thì để tranh thủ ủng hộ của thế giới, trong đó có việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, thì hậu quả có thể khó lường… cần ngay lập tức kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Việc Tòa Trọng tài PCA năm 2016 tuyên bố Philippines thắng trong vụ đơn phương kiện Trung Quốc đã tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam để khởi kiện Trung Quốc. Điều mà trước năm 2016 Việt Nam có thể không làm được."

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tại Pháp nói: “Phán quyết của Tòa Trọng tài PCA ngày 12/7/2016, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về đường chữ U chín đoạn và "quyền lịch sử" ở khu vực Biển Đông, đã không chỉ giải quyết những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trường Sa mà còn mở cho Việt Nam nhiều cơ hội pháp lý (và ngoại giao) để giải quyết Hoàng Sa, vấn đề đã bị "đông lạnh" ít ra từ năm 1975 đến nay..."

Ông James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, cho rằng “Trung Quốc đang hành động "bất hợp pháp" trên Biển Đông và vi phạm "nghiêm trọng" Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)" mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên… Việt Nam "nên kiện" Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định "Việt Nam hầu như là sẽ thắng."

Ông Jonathan Odom, Giáo sư luật quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ nhận định: Hà Nội "có thể dùng hầu hết phần biện hộ" của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế năm 2016 là có khả năng giành chiến thắng về mặt pháp lý.”

Trong bài nghiên cứu của VOA ngày 26-4-2018 với tựa đề “TQ đang đẩy Việt Nam đến gần tòa án quốc tế”, hai nhà nghiên cứu Biển Đông là TS Hà Hoàng Hợp thuộc viên Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, và TS Nguyễn Nhã, một nhà sử học nổi tiếng đều cho rằng VN phải đưa TC ra tòa án quốc tế La Haye mới có cơ may giải quyết vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, vì TC đã đi quá xa về luật pháp quốc tế về biển. TS Hà Hoàng Hợp nói: động thái “phản đối” của Việt Nam sau mỗi hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông là “không đủ” và đang tạo ra một vòng “lẩn quẩn”.

NHỮNG THUẬN LỢI VỀ PHÁP LÝ KHI VIỆT NAM KIỆN TC RA TÒA QUỐC TẾ

Trong thời điểm này, việc đưa TC ra tòa quốc tế có nhiều lợi điểm về phương diện pháp lý với những luật pháp quốc tế và hồ sơ về chủ quyền trước đây:

1- Công Ước Quốc Tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

2- Phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye ngày 12/7/2016 phần thắng về Phi Luật Tân.

3- Những bằng chứng cụ thể do các nước Tây Phương cung cấp những sự kiện quốc tế xảy ra trong vùng trong các thế kỷ trước đây chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyển của Việt Nam.

4- Những hiệp ước trước đây giữa Việt Nam, Pháp, Trung Hoa như Hiệp ước Patenotre ngày 6-6-1884 (Pháp bảo hộ VN), Hiệp ước Thiên Tân 18-5-1884 (Trung Hoa từ bỏ chủ quyền của nhà Thanh đối với Việt Nam.) Hiệp ước Bắc Kinh ngày 26-6-1887 phân ranh hải phận giữa VN và Trung Hoa tại Vịnh Bắc Việt theo đó những đảo thuộc Bắc Kinh chỉ gồm Bạch Long Vỹ, Hải Nam mà không có Hoàng Sa, Trường Sa.

- Tuyên cáo Cairo ngày 27-11-1943, TT Hoa Kỳ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill và TT Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch ký hiệp ước tại Cairo ấn định Nhật phải trả cho Trung Hoa các lãnh thổ và đảo đã chiếm trên Thái Bình Dương bao gồm Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ mà không có Hoàng Sa Trường Sa. Tại Teheran 1 tuần sau đó, TT Hoa Kỳ, Thủ Tướng Anh và Chủ Tịch Liên Xô Stalin cũng đồng ý tương tự (Nghị Quyết Teheran).

- Tuyên ngôn Postdam ngày 26-7-1945 ấn định thể thức Nhật đầu hàng đồng minh: Trung Hoa có nhiệm vụ giải giới Nhật từ vĩ tuyến 16 trở lên không có Hoàng Sa và Trường Sa, Anh lo giải giới từ vĩ tuyến 16 trở xuống bao gồm HSTS.

- Hiệp ước Elysee Ngày 8-3-1949: TT Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại ký hiệp định trả độc lập cho Quốc Gia Việt Nam theo các nguyên tắc tại Vịnh Hạ Long, hủy bỏ hiệp ước bảo hộ Patrnotre giữa Pháp và Việt Nam.

- Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951: 51 quốc gia thành lập LHQ đã họp ngày 8-9-1951, Nhật chính thức trả chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam. Liên Sô đề nghị trao 2 quần đảo này cho Trung Cộng (lúc đó đã nắm quyền tại Trung Hoa lục địa) nhưng bị khước từ. Thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu đồng thời công bố chủ quyền của Hoàng sa và Trường sa mà không có nước nào phản đối.

- Hiệp định Geneve 1954 ngày 20-7-1954 chia đôi Việt Nam qua vĩ tuyến 17, trong đó HS/TS thuộc Quốc Gia Việt Nam nằm dưới vĩ tuyến 17. Hội nghị này có Nga và TC dự.

- Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 và định ước ngày 2-3-1973, các bên (trong đó Trung Cộng và Liên Sô) cam kết “tôn trọng chủ quyền độc lập, thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 đã xác nhận. Và còn nhiều hồ sơ quốc tế khác.

5- Hiện nay Hoa Kỳ đã rất cương quyết đối với TC, xem TC là đối thủ nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia và thế giới, Mỹ đã mở nhiều mặt trận nhằm làm suy yếu TC như kinh tế, công nghệ, an ninh kể cả quân sự. Ngoài ra Hoa kỳ gần như đã thành hình được một liên minh (chính thức hay không) giữa Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, Nhật, Nam Hàn, các nước ASEAN (ngoại trừ một vài nước nhỏ không đáng kể hiện theo TC) và một số nước tại Âu Châu cũng có quyền lợi tại Biển Đông như Pháp, Anh, Đức. Hoa kỳ đã cung cấp cho VN các tàu tuần dương, xuồng cao tốc, máy bay quan sát không người lái, hợp tác trong nhiều lãnh vực, trao đổi quân sự và tình báo, cũng như với các nước khác như Ấn Độ, Nhật, Úc… khiến Hà Nội vững tâm cho tàu tuần dương đương đầu với tàu của TC. Nếu tham gia vào liên minh này, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn, các quốc gia lớn sẽ hỗ trợ tiến trình pháp lý nếu Việt Nam chịu đưa TC ra tòa án quốc tế.

Trong khi đưa ra tòa phân xử, các bên buộc phải giữ sự hiện trạng (status quo) mà không được thay đổi.

NẾU KHÔNG ĐƯA RA TÒA ÁN QUỐC TẾ, HẬU QUẢ SẼ RA SAO?

Chắc chắn là hậu quả sẽ khôn lường. Trung Cộng ngày càng xem thường và tiếp tục lấn áp hơn nữa, tình hình Biển Đông ngày càng có vẻ thuộc về chủ quyền của TC (bằng sức mạnh), mọi quốc gia đều không muốn xen vào vì nạn nhân chính là VN lại không muốn giải quyết, lúc đó khó có thể thay đổi.

Nếu như vậy, lịch sử dân tộc sẽ ghi đậm tội của nhà cầm quyền CSVN đã không làm gì khi có cơ hội, để cho chủ quyền biển đảo của dân tộc mất dần vào tay ngoại bang, người dân có quyền đặt câu hỏi: phải chăng nhà cầm quyền tìm cách nhượng đất nhượng biển cho ngoại bang mà không muốn giải quyết bằng pháp lý, hay có nguyên nhân thầm kín nào khác?

NHIỆM VỤ CHÚNG TA, NGƯỜI VIỆT TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC PHẢI LÀM GÌ?

Đất nước là đất nước chung, không ai được độc quyền, mọi người dân Việt Nam dù bất cứ ở đâu đều có trách nhiệm tham gia giải quyết những vấn đề quốc gia dân tộc, nhất là khi chủ quyền đất nước bị ngoại xâm xâm phạm và uy hiếp.

Chúng tôi xin nêu ra những nhiệm vụ của chúng ta như sau:

1- Toàn dân Việt Nam hợp lực bằng mọi cách bảo vệ chủ quyền đất nước. Vận động quốc tế để đạt được mục tiêu.

2- Kêu gọi lực lượng công an, quân đội hãy vì quyền lợi quốc gia, cùng toàn dân đứng lên chống ngoại xâm.

3- Tầy chay hàng Trung Cộng trong và ngoài nước.

4- Người dân áp lực buộc nhà cầm quyền CSVN hãy vì quyền lợi của đất nước từ bỏ chủ trương 3 không và trò đu dây với kẻ thù; từ bỏ độc quyền cai trị, hãy lấy dân làm gốc, tôn trọng các quyền tự do căn bản của dân trong đó có tự do ngôn luận, tự do thông tin,tự do bầu cử, cùng dân tìm cách giải quyết các vấn đề chung của dân tộc. Có dân thì mọi việc đều xong như được chứng minh trong lịch sử chống ngoại xâm hàng ngàn năm trước.

5- Hợp tác với các quốc gia dân chủ giúp bảo vệ chủ quyền của dân tộc, đưa bá quyền Trung Cộng ra tòa Trọng Tài La Haye như Philippine đã làm và thành công vào năm 2016.

Chúng ta có thể hy vọng vào tiền đồ sáng lạn của dân tộc nếu toàn dân cùng chung sức góp tay giải quyết. Nhưng điều quan trọng là CSVN phải đưa TC ra tòa trọng tài quốc tế ngay lập tức. Hiện nay, theo các tin tức quốc tế mới nhất, TC đang ở vào thế suy yếu chưa từng thấy và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào bởi vì tình thế đã chín mùi cho một chế độ độc tài toàn trị, gian ác giống như Liên Sô trước kia sau 70 năm thống trị nửa quả địa cầu.

BS Đỗ Văn Hội
Tháng 8, 2019

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần 1: Các bản văn Cựu Ước
Vũ Văn An
21:49 07/08/2019
2. Chứng thực các bản văn đã được chọn của Cựu Ước

11. Chúng ta đã chọn các cuốn sách đại diện cho Cựu Ước và Tân Ước để minh họa xuất xứ thần thiêng của những cuốn sách này được phát biểu trong chính bản văn ra sao. Về Cựu Ước, chúng ta theo lối phân chia cổ điển thành Lề Luật, Tiên tri và các trước tác (x. Lc 24:44); cuộc điều tra của chúng ta sẽ tập trung vào Ngũ kinh, các tiên tri và các sách lịch sử (còn được gọi là các tiên tri trước), cuối cùng vào các Thánh vịnh và sách Huấn Ca.



2.1 Ngũ kinh

Ý tưởng về nguồn gốc thần thiêng của các bản văn Thánh kinh được khai triển trong các câu chuyện của Ngũ kinh bắt đầu bằng ý niệm viết, ấn định các truyền thống bằng chữ viết. Do đó, trong hoàn cảnh đặc biệt giàu ý nghĩa, Môsê nhận từ Thiên Chúa trách nhiệm "đặt thành bản văn", thí dụ, như văn kiện lập ra giao ước (Xh 24:4), hoặc bản văn liên quan đến việc đổi mới nó (Xh 34: 27); ở nơi khác, dường như ông thi hành lệnh truyền thần thiêng này bằng cách viết ra các yếu tố quan trọng khác (Xh 17:14, Ds 33:2, Đnl 31:22), cho đến khi soạn tác toàn bộ Tôra (xem Đnl 27: 3,8; 31:9). Cuốn Đệ nhị luật đặc biệt nhấn mạnh vai trò chuyên biệt của Môsê, trình bày ông như một người trung gian được linh hứng của mặc khải và là người giải thích có thẩm quyền của Lời Chúa. Chính từ các yếu tố này đã khai triển một cách hợp luận lý ý tưởng truyền thống cho rằng Môsê là tác giả của Ngũ kinh, nghĩa là các sách Ngũ kinh không những nói về ông, mà còn phải được coi như là trước tác của ông nữa.

Các khẳng định chính liên quan đến sự kiện Thiên Chúa tự thông đạt chính Người tìm thấy trong các câu chuyện gặp gỡ của Israel với Thiên Chúa trên Núi Sinai / Hôrép (Xh 19 - Ds 10, Đnl 4 ff.). Các câu chuyện này tìm cách phát biểu bằng những hình ảnh sống động ý tưởng cho rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của cả truyền thống Thánh kinh nữa. Do đó, người ta có thể quả quyết rằng nền tảng của sự thấu hiểu Thánh kinh như là Lời Chúa đã bắt đầu ngay lúc ở Sinai, bởi vì ở đó, Thiên Chúa đã đặt Môsê làm người trung gian duy nhất cho sự mặc khải của Người. Tùy thuộc ở Môsê việc cố định hóa mặc khải thần thiêng bằng bản văn, để ông có thể truyền tải nó và bảo tồn nó như là Lời của Thiên Chúa cho mọi người mọi thời. Chữ viết không những có thể truyền tải Lời mà còn thúc đẩy người ta chất vấn về tác giả phàm nhân, người mà trong trường hợp Thánh kinh, có thể làm cho nó tự biểu lộ mình như là Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ con người. Ý tưởng này (xem DV, số 12) đã được phát biểu trong vắn tắt trong Xh 19:19, trong đó có chép rằng Thiên Chúa trả lời Môsê bằng một "tiếng nói"; do đó, người ta ước tính rằng Thiên Chúa "đồng ý" sử dụng ngôn ngữ con người, đặc biệt là đối với người trung gian của mặc khải Người.

12. Mặt khác, nguồn gốc thần thiêng của lời viết được giải thích một cách tinh tế trong câu chuyện Núi Sinai. Trong bối cảnh này, Thập Điều tạo nên một văn kiện độc đáo và khôn sánh. Nó có thể được coi như khởi điểm cho ý tưởng nguồn gốc thần thiêng của Thánh kinh (linh hứng), bởi vì, trong tư cách bản văn, Thập điều là điều duy nhất nên được liên kết với ý tưởng được viết bởi chính Thiên Chúa (xem Xh 24:12; 31:18; 32:16; 34:1,28, Đnl 4:13; 9:10; 10: 4). Bản văn mà chính Thiên Chúa đã viết trên hai phiến đá này là nền tảng cho khái niệm nguồn gốc thần thiêng của các bản văn Thánh kinh. Khái niệm này tự triển khai theo hai hướng trong các câu chuyện của Ngũ kinh. Một mặt, thẩm quyền chuyên biệt của Thập điều được nhấn mạnh, khi so với tất cả các lề luật và lệnh truyền khác của Thánh kinh, mặt khác, người ta có thể nhận thấy rằng khái niệm "viết" (hiểu “đặt thành bản văn”) đặc biệt liên quan đến người trung gian của mặc khải – là Môsê – đến nỗi sau này Môsê và Ngũ kinh được coi như tương đồng.

Về khía cạnh thứ nhất - Thập điều do chính Thiên Chúa viết – người ta cần lưu ý rằng việc truyền tải và tiếp nhận các bản văn đã được chứng thực trong truyền thống Sách Thánh được thể hiện một cách độc lập đối với sự hỗ trợ vật lý của nó – tức hai phiến đá . Không phải những phiến đá trên đó Thiên Chúa viết được bảo tồn và tôn kính, mà là bản văn mà Chúa đã viết mới thuộc về Thánh kinh (xem Xh 20, Dt 5).

Mười điều răn mà Thiên Chúa đã viết và giao phó cho Môsê - ở đây, chúng ta bàn đến khía cạnh thứ hai - ám chỉ mối liên hệ đặc thù hiện diện giữa Thiên Chúa và con người liên quan đến Thánh Kinh. Thực thế, Môsê không được thiết lập làm người trung gian theo một kế hoạch thần thiêng, nhưng đúng hơn, Thiên Chúa thuận theo lời cầu nguyện của dân (Israel), muốn có người trung gian. Sau khi Thiên Chúa tỏ mình ra một cách trực tiếp với dân Do Thái (xem Xh 19), dân chúng khẩn khoản xin Môsê làm trung gian, vì họ sợ phải gặp gỡ Thiên Chúa một cách trực diện (Xh 20: 18-21). Do đó, Thiên Chúa đã chiều theo ý muốn của dân và lập Môsê làm người trung gian, nói chuyện với ông, và thông truyền cho ông một cách chi tiết các huấn giáo của Người (Xh 20:22; 23:33). Môsê cuối cùng đã viết những lời này thành bản văn, vì Thiên Chúa thiết lập giao ước của Người với Israel bằng cách sử dụng những ngôn từ này (Xh 24: 3-8). Để xác nhận hành động này, Thiên Chúa hứa với Môsê sẽ ban các phiến đá trên đó chính Người đã viết (xem Xh 24:12). Chúng ta không thể diễn tả rõ ràng và sâu sắc hơn được sự kiện này: Thánh Kinh, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ trong cộng đồng đức tin của Israel, sau đó là các Kitô hữu, tìm thấy nguồn gốc của nó trong Thiên Chúa, ngay cả trong các tình huống trong đó nó được soạn tác bởi những con người. Trong Ngũ kinh, "sự tự chứng thực" này của Thánh kinh đạt đến đỉnh cao khi nó được khẳng định rằng chính Môsê đặt thành bản văn các yếu tố nhằm giáo huấn dân Israel, trước khi họ vào đất hứa (x. Đnl 31:19), truyền chúng lại cho mọi người như một chương trình cho cuộc sống và tác phong tương lai của dân này. Chỉ khi nào con người cho phép bản thân bị chất vấn bởi lời Thánh kinh đã được mặc khải cho họ này, họ mới có thể nhận ra nó và chào đón nó không phải như lời nói của con người, mà là "lời của Thiên Chúa đang hành động" trong họ, các tín hữu (1Tx 2:13).



2.2 Các sách tiên tri và các sách lịch sử

13. Với Ngũ kinh, các sách tiên tri và các sách lịch sử là một phần của Cựu Ước nhấn mạnh nhiều nhất đến nguồn gốc nội dung của nó. Nói chung, Thiên Chúa tự mặc khải Người cho dân Người hoặc các nhà lãnh đạo của họ qua trung gian của những con người nhân bản: trong Ngũ kinh, qua Môsê, nguyên mẫu các tiên tri (Đnl 18: 18-22); trong các sách tiên tri và lịch sử, qua các tiên tri. Ở đây, người ta sẽ tìm cách chứng tỏ các sách tiên tri và sách lịch sử chứng thực nguồn gốc thần thiêng của nội dung chúng như thế nào.

2.2.1. Các sách tiên tri: các bộ sưu tập những gì Thiên Chúa đã nói với dân của Người qua các trung gian của Người.

Các sách tiên tri được trình bày dưới dạng các bộ sưu tập những gì Chúa đã nói với dân của Người qua các "tác giả" (được cho là) đã ghi tên của mình trên các bộ sưu tập này. Thật vậy, những cuốn sách này quả quyết một cách nhấn mạnh rằng Chúa là tác giả nội dung của chúng. Họ làm điều này bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau nhằm dẫn nhập và nhấn mạnh các ngôn từ. Những phát biểu này khẳng định và giả định rằng các sách tiên tri là các ngôn từ của Chúa và chỉ rõ rằng Chúa nói với dân của Người qua các tác giả các cuốn sách này. Và, thực sự, một phần đáng kể nội dung của những cuốn sách tiên tri được đặt, một cách chính thức, vào môi miệng Chúa. Như một hệ quả tất yếu, các cuốn sách này trình bày các tác giả của chúng như những con người được Chúa sai đến với sứ mệnh truyền tải thông điệp tới dân của Người.

a. Các "công thức tiên tri"

Các tiêu đề của hai phần ba các sách tiên tri minh nhiên khẳng định rằng chúng có nguồn gốc thần thiêng, bằng cách sử dụng một công thức xác định rằng lời này phát xuất từ Chúa. Không kể đến các khác biệt chi tiết, công thức được tóm tắt trong câu khẳng định này: "Lời Chúa đã ngỏ cùng ...", theo sau là tên của vị tiên tri đã nhận được lời này (như trong các sách của Giêrêmia, Edêkien, Hôsê, Gioen, Giôna, Xôphônia và Dacaria), và đôi khi là tên của những người nhận nó (như trong Khaggai và Malaki). Những tiêu đề này khiến có khẳng định cho rằng nội dung của những cuốn sách được đề cập, dù được đặt trong miệng của Thiên Chúa hay trong các tiên tri, hoàn toàn là Lời của Thiên Chúa. Tiêu đề của những cuốn sách tiên tri còn lại cho đến nay cho thấy chúng kể lại nội dung các thị kiến mang lại lợi ích cho các nhân vật có tên như Isaia, Amốt, Ôvađia, Nakhum và Khabacúc. Tiêu đề của sách Mikha đặt cạnh nhau công thức nói rằng Lời Chúa diễn ra và việc nhắc đến thị kiến. Mặc dù điều này không được viết một cách minh nhiên, nhưng trong bối cảnh các sách tiên tri, nguồn gốc các thị kiến chỉ có thể là chính Chúa. Do đó, Người là tác giả của những cuốn sách này.

Các tiêu đề không tạo nên phần duy nhất của những cuốn sách tiên tri miêu tả chúng là Lời của Thiên Chúa. Nhiều "công thức tiên tri" để nhấn mạnh bản văn cũng làm như vậy. Biểu thức phổ biến nhất, "công thức tiên tri" tuyệt nhất, là "Chúa nói như thế". Mở đầu diễn từ bằng công thức này, nhà tiên tri tự giới thiệu mình là sứ giả của Chúa. Ngài bác bỏ với người nghe rằng diễn từ ngài ngỏ với họ không phát xuất từ ngài, mà có tác giả là Chúa.

Không dám cho là thấu triệt, cần đề cập đến ba công thức khác nhằm nhấn mạnh các sách tiên tri: "sấm ngôn của Chúa"; "Chúa / Thiên Chúa nói như thế"; và "Chúa phán". Không giống như biểu thức đầu tiên được gọi là "công thức sứ giả" và là biểu thức nhằm dẫn nhập các diễn từ, các biểu thức này có thể kết luận chúng. Hành xử như một chữ ký ở cuối bài viết, chúng chứng thực rằng Chúa là tác giả của diễn từ trước đó.

b. Các tiên tri: sứ giả của Chúa

14. Trong số các trước tác tiên tri, có bốn sách giải thích cách Chúa hành động để các tác giả của chúng trở thành sứ giả của Người: Isaia (6:1-13); Giêrêmia (1:4-10); Êdêkien (1:3-3,11) và Amốt (7:15). Việc sai đi thi hành sứ vụ nơi Isaia và Êdêkien dùng thị kiến làm bối cảnh. Có lẽ cũng tương tự như thế với Giêrêmia. Câu truyện sai Isaia đi thi hành sứ vụ là một thí dụ điển hình của loại này, bởi vì nó vừa khá được khai triển vừa đồng thời rất cô đọng. Trong lời khuyên thần thiêng mà Isaia hỗ trợ trong thị kiến, Chúa, khi đi tìm một tình nguyện viên, đã đặt câu hỏi: "Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi làm sứ giả của chúng ta?” và Isaia trả lời: "Con đây: xin hãy sai con đi!". Chấp nhận đề nghị của Isaia, Chúa kết luận: "Hãy đi nói với dân này ...". Hãy theo sứ điệp của Chúa (Is 6:8-10). Câu truyện, được cấu trúc bởi các động từ "sai, đi, nói", tìm thấy kết luận trong diễn từ của Chúa rằng Isaia có sứ mệnh truyền đến dân. Điều tương tự cũng xẩy ra với ba "câu chuyện sai tiên tri" khác được đề cập ở trên, cũng được kết luận bằng lệnh của Chúa để sứ giả của Người truyền đi thông điệp Người muốn truyền đạt (Edk 2:3-4; 3:4-11, Am 7:15). Trong Câu chuyện sai Giêrêmia, Chúa nhấn mạnh vào đặc tính tuyệt đối của mệnh lệnh Người (xem thêm Am 3:8) và, đồng thời, vào độ chính xác phải là đặc điểm cho việc truyền tải thông điệp: "Chúa trả lời: Đừng nói 'Con là một đứa trẻ!' Ngươi sẽ đi đến tất cả những người mà Ta sẽ sai ngươi đến; tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi, ngươi sẽ nói chúng ... "(Grm 1:7, xem 1:17, 26:2,8, Đnl 18:18,20). Những tường thuật này ấn định trách nhiệm của "sứ giả của Chúa", mà các sách tiên tri thừa nhận cho các tác giả tương ứng của chúng và, đồng thời, thiết lập nguồn gốc thần thiêng cho thông điệp của chúng.



2.2.2. Sách lịch sử: lời của Chúa có hiệu quả không thể sai lầm, và kêu gọi hoán cải.

a. Các sách của Giosuê – Các Vua

15. Trong các sách Giosuê, Thủ lãnh, Samuen và Các Vua, Chúa thường xuyên lên tiếng, như trường hợp trong các sách tiên tri, mà theo truyền thống Do Thái, bộ sưu tập này cũng thuộc về. Thực thế, ở mỗi bước trong cuộc chinh phục Đất Hứa, Chúa nói với Giosuê điều ông phải làm. Trong Gs 20:1-6 và 24: 2-15, Ngài nói với mọi người qua trung gian Giosuê, người do đó được trao cho sứ mệnh tiên tri. Trong cuốn Thủ Lãnh, Chúa hay Thiên thần của Người, thường nói chuyện với các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Giđêông hoặc dân. Chúa hành động đích thân, ngoại trừ ở Tl 4:6-7 và 6:7-9 khi Người qua trung gian nữ tiên tri Đơvôra và một tiên tri ẩn danh để ngỏ lời một mặt với Barắc, và một mặt với toàn dân.

Mặt khác, trong các sách Samuen và Các Vua, ngoài một số ngoại lệ hiếm hoi, Chúa thường tự mặc khải chính Người cho những người mà Người ngỏ lời qua các trung gian các nhân vật tiên tri. Các diễn từ của Người sau đó được đóng khung bởi các phát biểu giống hệt với các cách phát biểu nhằm dẫn nhập và nhấn mạnh các sách tiên tri. Trong số các sách Thánh Kinh, các sách Samuen và Các Vua đặc biệt nhấn mạnh đến các tiên tri và hoạt động làm sứ giả cho Chúa của họ. Đối với phần lớn các sấm ngôn được ghi lại trong Samuen và Các Vua, Chúa công bố những bất hạnh mà Người sẽ giáng xuống các nhà lãnh đạo của dân, đặc biệt hơn xuống vị vua này hay vị vua nọ và triều đại của ông, hoặc xuống các vương quốc Israel (xem 1 V 14: 15-16) và Giuđa (xem 2 V 21:10-15), vì sự kiện ở đó có việc thờ phượng các vị thần khác với Người. Các lần Chúa công bố bất hạnh thường được kèm theo với việc kể lại thành tựu của họ. Các sách Samuen và Các Vua được trình bày, phần lớn, như một chuỗi nối tiếp các công bố bất hạnh và những câu truyện thành tựu. Chuỗi nối tiếp này chỉ kết thúc với sự hủy diệt của vương quốc Giuđa. Trong phần dẫn nhập câu truyện chinh phạt Babylon (597-587 TCN), 2 V 24:24 công bố rằng sự hủy diệt Giuđa là công việc của Chúa, thể hiện những gì Người đã công bố "qua trung gian các tôi tớ tiên tri của Người". Vì Chúa không bao giờ lại không hoàn thành điều Người đã công bố, nên lời nói của Người tự mặc khải là vô cùng hiệu quả. Nói cách khác, Chúa là tác giả chính của lịch sử dân Người; Người công bố các sự kiện của nó, và làm chúng xảy ra.

Như các bản văn mà nó từng là vấn đề, 2 V 17:7-20 tóm tắt lịch sử Israel và Giuđa giống như một chuỗi các diễn từ mà Chúa đã ngỏ cùng họ qua sự trung gian của các tôi tớ tiên tri. Tuy nhiên, giọng điệu của các diễn từ khá khác nhau. Chúa không công bố bất hạnh cho Israel cũng như cho Giuđa, nhưng khuyên nhủ họ hãy hoán cải. Vì các kẻ có liên hệ đã cứng đầu trong việc từ chối trước lời kêu gọi của Chúa (2 V 17:13-14), nên Người mới bác bỏ họ xa khỏi Thánh Nhan Người.

b. Các sách Sử biên

16. Như trong bộ Giosuê-Các Vua J, các diễn từ của Chúa hiện diện rất nhiều trong các sách Sử Biên. Người nói chuyện trực tiếp với Salômôn (2 Sb 1:7, 11-12; 7:12-22). Nói chung, Chúa ngỏ lời với nhà vua hoặc người dân qua các trung gian: hầu hết trong số họ nhận danh hiệu "tiên tri", nhưng một số thì không. Vị trí đầu tiên thuộc các tiên tri như Nathan (x. 1 Sb 17:1-15) và nhiều vị khác. Chúa cũng sử dụng các thầy chiêm (voyants) như Gát (1 Sb 21: 9-12) và những người trong các ngành nghề khác nhau và thậm chí các vị vua nước ngoài như Nơkhô (2 Sb 35:21) và Kyrô (2 Sb 36:23). Các gia đình chính của các nhạc sĩ đền thờ nói tiên tri (xem 1 Sb 25:1-3).

Các sách Sử biên lấy lại các quan niệm về Lời Chúa đã diễn tả trong Samuen và Các Vua. Cũng trong những sách này, nhưng có lẽ ít nhấn mạnh hơn, các diễn từ của Chúa có mục đích công bố các biến cố mà sau đó thuật lại các thành tựu (x. 1 Sb 11:1-3; 6:10; 10:15). Các sách Sử biên đặc biệt nhấn mạnh vai trò này của Lời Chúa khi nhắc đến việc lưu đày ở Babylon. Theo 2 Sb 36:20-22, lưu vong, cũng như kết cục của nó, hoàn thành những gì Chúa đã công bố qua miệng Giêrêmia (x. Grm 25:11-14; 29:10). Với các hạn từ khác với 2 V 17:13-14; 2 Sb 36:15-16 lấy lại chủ đề can thiệp không ngừng được Chúa thực hiện một cách vô ích để tránh sự bất hạnh cho dân Người, dân mà Người đã sai các tiên tri và / hoặc sứ giả đến. Cuối cùng, người ta cần lưu ý rằng các sách Sử biên không khẳng định nguồn gốc thần thiêng cho nội dung của chúng, nhưng dường như chúng gợi ý điều này, theo mức chúng nhắc đến các nguồn tiên tri (xem 2 Sb 36:12,15-16, 21-22).

Tóm lại, các sách tiên tri được trình bày trọn vẹn như lời của Thiên Chúa. Những lời này cũng chiếm một vị trí quan trọng trong các sách lịch sử. Cả hai, và trên hết, các sách lịch sử, xác định rằng Lời Thiên Chúa có hiệu lực không thể sai lầm, và kêu gọi hoán cải.

Kỳ tới: 2.3 Các Thánh Vịnh
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 7/8/2019: ĐTC bàng hoàng trước các vụ thảm sát dồn dập tại Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:22 07/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bày tỏ sự bàng hoàng của ngài trước các vụ thảm sát dồn dập tại Hoa Kỳ

Vatican News cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn và sự bàng hoàng của ngài trước các vụ thảm sát dồn dập tại Hoa Kỳ. Ngài bày tỏ sự gần gũi về mặt tinh thần với các nạn nhân, những người bị thương và các gia đình bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công vô nhân đạo trong các ngày qua ở “Texas, California và Ohio, Hoa Kỳ.”

Ít nhất chín người đã thiệt mạng ở Ohio vào rạng sáng Chúa Nhật trong vụ thảm sát hàng loạt thứ hai ở Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy 24 giờ.

16 giờ trước đó, một thanh niên đã nổ súng ở khu vực mua sắm đông đúc ở El Paso, Texas, khiến 22 người chết và ít nhất 26 người bị thương.

Chỉ vài ngày trước đó, một thanh niên 19 tuổi đã bắn chết ba người, trong đó có hai trẻ em, tại Lễ hội Gilroy Garlic của Bắc California.

Vụ nổ súng vào hôm Chúa Nhật tại Dayton, Ohio là vụ giết người hàng loạt lần thứ 22 tại Hoa Kỳ tính từ đầu năm 2019 đến nay. Tính chung, trong 216 ngày của năm 2019 này, 112 người đã bị giết trong các vụ thảm sát hàng loạt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô cùng đọc với ngài một kinh Kính Mừng cho các nạn nhân, là những người được Đức Thánh Cha mô tả là “vô phương thế tự vệ”.

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật, Đức Cha Mark Seitz của giáo phận El Paso sở tại đã lên án bạo lực vô nghĩa trong vụ thảm sát này. Đặc biệt, ngài lên tiếng ca ngợi tình mẫu tử thật cao cả của cô Jordan Anchondo, 24 tuổi. Cô đã hy sinh lấy thân mình che đạn cho đứa con mới hai tháng tuổi của cô. Cả cô và người chồng đều bị giết. Đứa con đang được cấp cứu trong bệnh viện vì khi bị bắn hạ thân mình của cô đè lên con.

Đức Cha Seitz, cai quản một vùng rộng lớn bao gồm 9 quận của Texas trong đó 80% dân là người Công Giáo. Trong những năm qua, ngài đã đặc biệt lên tiếng trước tình cảnh của hàng ngàn gia đình Trung Mỹ đang cố gắng xin vào Hoa Kỳ.

Ngài đặt câu hỏi “Chúng ta chẩn đoán linh hồn của đất nước chúng ta như thế nào đây? Chúng ta đã thấy một tiêu chuẩn mới được một số người chấp nhận trong đó coi nhiều người không đáng là con người, buộc họ phải cúi mặt nhìn xuống và sợ hãi.”

2. Trong vòng 16 giờ, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phải ra đến hai bản tuyên bố liên quan đến hai vụ thảm sát hàng loạt

Chỉ 16 giờ sau vụ thảm sát thứ nhất tại El Paso, Texas, lúc 1:05 phút sáng Chúa Nhật Connor Betts, 24 tuổi trang bị một khẩu tiểu liên bắn nhanh đã nổ súng thảm sát bừa bãi trong khu vực các hàng quán bán khuya của thành phố Dayton, tiểu bang Ohio.

Chỉ trong vòng 30 giây sau khi y nổ súng, một cảnh sát viên đang có mặt tại hiện trường đã bắn chết y; nhưng khẩu tiểu liên của y bắn với tốc độ quá nhanh đến mức chỉ trong vòng 30 giây ngắn ngủi ấy, y đã có thể bắn chết 9 người, trong đó có em gái mình Megan Betts, 22 tuổi; và làm bị thương 27 người khác.

Các tiết lộ sơ khởi của FBI cho thấy Connor Betts không có khuynh hướng bài di dân như tên sát thủ gây ra vụ thảm sát tại El Paso Texas. Động cơ bạo lực của tên này xuất phát từ các hình ảnh bạo lực và khiêu dâm.

Kinh hoàng trước các vụ thảm sát diễn ra dồn dập, Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), và Đức Cha Frank J. Dewane của giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây về vụ nổ súng bi thảm này:

Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè của những người bị sát hại ở Dayton đêm qua. Những sinh mạng bị mất đi cuối tuần này buộc chúng ta phải đối diện với một sự thật khủng khiếp. Chúng ta không bao giờ có thể lầm rằng các vụ xả súng thảm sát hàng loạt là một ngoại lệ biệt lập. Chúng là một dịch bệnh chống lại cuộc sống mà, nói một cách công tâm, chúng ta nhất định phải đương đầu.

Lòng thương xót của Thiên Chúa và trí khôn buộc chúng ta phải hướng tới các hành động phòng ngừa. Chúng tôi khuyến khích tất cả người Công Giáo phải tăng cường cầu nguyện và hy sinh để chữa lành và kết thúc những vụ xả súng thảm sát này. Chúng tôi khuyến khích người Công Giáo cầu nguyện và lên tiếng cho những thay đổi cần thiết đối với các chính sách và văn hóa của quốc gia chúng ta.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các ủy ban liên quan của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ phác thảo một chương trình nghị sự canh tân các chính sách và các chiến dịch mục vụ nhắm đề cập đến những phương thức chúng ta có thể giúp trong việc chống lại căn bệnh xã hội đã lây lan trong quốc gia chúng ta.

Hội Đồng Giám Mục từ lâu đã ủng hộ luật lệ về súng ống có trách nhiệm và gia tăng các tài nguyên để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực.

Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống và Quốc hội gạt sang một bên các lợi ích chính trị đảng phái và tìm cách bảo vệ cuộc sống vô tội tốt hơn.

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát vừa diễn ra tại El Paso, Texas.

Khoảng hơn 10g sáng thứ Bẩy 3 tháng Tám, Patrick Crusius, 21 tuổi, cư ngụ tại Allen, Texas, là một thanh niên da trắng quá khích, có đầu óc phân biệt chủng tộc, trang bị một khẩu tiểu liên tự động đã nổ súng bắn vào những khách hàng trong siêu thị Walmart trong Trung tâm thương mại Cielo Vista ở El Paso, Texas.

Vụ nổ súng bi thảm này được coi là tai hại nhất trong nhiều năm qua tại Texas. Các phụ huynh tập trung rất đông tại siêu thị Walmart để mua sắm cho mùa tựu trường sắp tới. Ít nhất có 3,000 người trong siêu thị và hàng trăm nhân viên bán hàng.

Cảnh sát cho biết họ nhận được cú điện thoại đầu tiên liên quan đến vụ nổ súng này vào lúc 10:39 và đã đến ngay hiện trường. Dù vậy, vẫn có đến ít nhất 20 người bị thiệt mạng và 26 người khác bị thương. Tổng thống Mễ Tây Cơ Andrés Manuel López Obrador nói rằng ba người Mễ Tây Cơ đã thiệt mạng trong vụ nổ súng ở thành phố biên giới El Paso, Texas. Trong khi, Bộ trưởng Ngoại giao Mễ Tây Cơ Marcelo Ebrard nói rằng sáu người Mễ Tây Cơ đã bị thương trong vụ này.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), và Đức Cha Frank J. Dewane của giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây về vụ nổ súng bi thảm này:

Thứ Bảy tuần này, chưa đầy một tuần sau những trường hợp bạo lực liên quan đến súng đạn khủng khiếp ở California, một vụ nổ súng kinh hoàng, vô nghĩa và vô nhân đạo khác đã diễn ra, lần này tại một trung tâm mua sắm ở El Paso, Texas.

Có một cái gì đó thật xấu xa tận căn bản vẫn tại trong xã hội của chúng ta khi các địa điểm nơi mọi người tụ tập tham gia vào các hoạt động hàng ngày của cuộc sống có thể bất thình lình trở thành hiện trường của bạo lực và sự khinh miệt đối với cuộc sống của con người. Bệnh dịch bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục vô phương kiểm soát và lan rộng khắp đất nước chúng ta.

Mọi thứ phải thay đổi. Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi phải có những luật lệ hiệu quả giải quyết đến nơi đến chốn lý do tại sao những vụ bạo lực súng giết người không thể tưởng tượng như thế này cứ lặp đi lặp lại, và tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta. Là những người có đức tin, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và xin ơn chữa lành cho tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng. Nhưng phải có các hành động cũng là điều cần thiết để chấm dứt những hành động ghê tởm này.

+ Đức Hồng Y Daniel DiNardo,

Chủ tịch USCCB

+ Đức Cha Frank J. Dewane

Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn USCCB

4. Chủ tịch HĐGM Ba Lan lên án nhóm đồng tính cướp áo lễ trong nhà thờ để làm đám cưới đồng tính

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã mạnh mẽ lên án các cuộc tấn công vào hàng giáo sĩ và các nơi thờ phượng ở đất nước có truyền thống Công Giáo; và phản bác các cáo buộc cho rằng Giáo Hội kích động bạo lực chống lại các nhóm đồng tính.

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki của tổng giáo phận Poznan nói rằng, những cuộc tấn công thù hận đang xảy ra thường xuyên hơn đối với các tín hữu và hàng giáo sĩ là một mối âu lo đang gia tăng đối với các Giám Mục Ba Lan.

Những lời bình luận của ngài đã được đưa ra sau một cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 28 tháng 7 tại nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả phía bắc thành phố Szczecin.

Cảnh sát thành phố Szczecin nói ba người đồng tính, trong độ tuổi từ 27 đến 53 tuổi, đã tấn công Cha Aleksander Ziejewski, 68 tuổi, là cha sở của nhà thờ, để cướp các áo lễ và các vật dụng dùng trong Phụng Vụ để “làm lễ cưới cho các cặp đồng tính”.

Vụ tấn công đã xảy ra chỉ vài phút trước thánh lễ 6 giờ chiều hôm Chúa Nhật 28 tháng Bẩy tại nhà thờ Thánh Gioan Tiền Hô tại Szczecin.

Cha Ziejewski nói với EWTN Ba Lan rằng cha đang chuẩn bị bàn thờ cho thánh lễ chiều Chúa Nhật thì nghe tiếng hô cầu cứu của ông từ phát ra từ phòng thánh.

Khi ngài đến nơi thì thấy có 3 người lạ mặt đang trong phòng thánh cãi vã với ông từ. Họ đòi lấy các áo lễ trong tủ áo và các vật dụng khác để “đi làm lễ”.

Khi cha Ziejewski yêu cầu họ ra khỏi phòng thánh, họ xúm lại đánh ngài và tuôn ra những lời lẽ báng bổ xúc phạm đến Chúa và Giáo Hội. Một tên dùng một cỗ tràng hạt lấy từ phòng thánh làm vũ khí đấm vào mặt ngài khiến máu me chảy ra đầy mặt.

Ông từ và một người bảo vệ cho nhà thờ cũng bị đánh đấm túi bụi trước khi chúng ung dung bỏ đi.

Vụ việc này là vụ việc mới nhất trong làn sóng các sự kiện bao gồm vụ đâm một linh mục tại một nhà thờ ở Wroclaw và những trò chế giễu các nghi thức Công Giáo và hình ảnh về Đức Mẹ của các những người cổ vũ cho đồng tính tại Czestochowa, Gdansk, Krakow và các thành phố khác.

Đức Tổng Giám Mục Gadecki đã viết một lá thư cho cha Ziejewski bày tỏ tình liên đới và an ủi ngài.

Trong suốt mấy tuần qua, nhiều cuộc diễn hành đồng tính đã nổ ra ở nhiều thành phố lôi cuốn có nơi hàng chục ngàn người.

Đụng độ đã diễn ra tại Białystok sau khi những người đồng tính tụ tập quanh nhà thờ chính tòa với những màn hôn hít nhau và những cử chỉ cợt nhã. Đám đông những người chống đối nói họ muốn bảo vệ nhà thờ chính tòa nên đã ẩu đả với những người đồng tính trước các cử chỉ họ thấy chướng tai gai mắt. Ít nhất 20 người chống đồng tính đã bị bắt.

Nhận định về các cuộc diễn hành rầm rộ ở nhiều thành phố Ba Lan trong tuần qua, Ông Jaroslaw Kaczynski, Chủ tịch Đảng Pháp luật và Công lý là đảng cầm quyền tại Ba Lan, nói rằng sau trào lưu cộng sản, trào lưu đồng tính là thách đố lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan hiện nay. “Nhiều người trẻ đã rời bỏ Giáo Hội vì sức quyến rũ của các thông điệp đồng tính. Điều này đặt tương lai của xã hội chúng ta vào một tình thế rất nguy hiểm,” ông nói.

5. Các nhà khảo cổ học người Mỹ và Israel tìm được nhà thờ cổ xây trên nền nhà hai thánh Phêrô và Anrê Tông Đồ

Một nhóm các nhà khảo cổ học người Mỹ và Do Thái, đã tìm được Nhà thờ các Thánh Tông đồ, được xây dựng trên nền nhà của các Thánh Tông đồ Phêrô và Anrê, gần bãi biển Galilê.

Các chuyên gia của Viện Khảo cổ Galilê của trường Đại học Kinneret, Israel và trường Đại học Nyack ở New York, đã khai quật một địa điểm tại el-Araj trên bờ phía bắc của Biển hồ Galilê. Các nhà khảo cổ tin rằng el-Araj là địa điểm của làng chài cổ Bethsaida của người Do Thái, sau này trở thành thành phố Julias dưới thời La Mã.

Giáo sư Steven Notley của Đại học Nyack nói với Fox News rằng các cuộc khai quật đã được bắt đầu hàng năm trước đó của nhóm tại địa điểm này, và đã phát hiện ra những bằng chứng về sự tồn tại của ngôi nhà thờ này, chẳng hạn như những mảnh đá cẩm thạch và các khối thủy tinh gọi là tesserae được sử dụng để trang trí một cách công phu các bức tường nhà thờ. “Những khám phá này đã thông báo cho chúng tôi rằng nhà thờ đang chờ được tìm thấy ở đâu đó gần đây,” Giáo sư Steven Notley nói với Fox News.

Lần theo manh mối, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra sàn nhà thờ. “Thật ngoạn mục khi đưa được những sàn nhà được trang trí đẹp mắt này ra ánh sáng sau khi bị chôn vùi hàng mấy ngàn năm, Giáo sư Notley giải thích.”

Nhà thờ các Thánh Tông đồ đã được đề cập đến bởi những người hành hương Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên, đáng chú ý là vị Giám Mục người Bavaria, và cũng là Thánh Willibald vào năm 725 sau Chúa Giáng Sinh. “Thánh Willibald nói rằng nhà thờ ở Bethsaida được xây dựng trên ngôi nhà của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê, là các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu,” Giáo sư Steven Notley giải thích với Fox News.

Giáo sư nói thêm rằng việc khám phá ngôi nhà thờ này rất có ý nghĩa vì ít nhất là hai lý do. Trước tiên, cho đến khi phát hiện ra nó, nhiều học giả đã đặt nghi vấn về sự tồn tại của ngôi nhà thờ này, mặc dù, ngôi nhà thờ được đề cập đến trong hầu hết các ký sự hành hương. Một tầm mức quan trọng không kém ngôi nhà thờ này cho thấy đã tồn tại một ký ức sống động trong các cộng đồng Kitô giáo về vị trí của Bethsaida, quê hương của các Thánh Tông Đồ Phêrô, Anrê và Philípphê như đã được đề cập đến trong Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 1:44).

6. Đức Hồng Y Malcolm Ranjith từ chối gặp bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào cho đến khi vụ khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh được làm sáng tỏ

Trong cuộc họp báo hôm mùng tháng Tám, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục của Colombo, cho biết ngài đã từ chối gặp bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào cho đến khi các báo cáo điều tra liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố vào hôm Chúa Nhật Phục sinh được công bố.

Ngài nói rằng có một nỗ lực rõ ràng nhằm che giấu sự thật vì tất cả những người có trách nhiệm vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng.

“Chúng tôi không muốn chính phủ hoặc các chính trị gia sử dụng biến cố bi thảm này để giành lợi thế trong cuộc bầu cử, nhưng chúng tôi muốn thấy một quốc gia đoàn kết và có hành động thích hợp để ngăn chặn những việc như thế có thể xảy ra trong tương lai. Đó là những gì chúng tôi mong đợi,” ngài nói.

Đức Hồng Y than phiền rằng không chỉ chính phủ mà ngay cả phe đối lập cũng không thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này.

Đặc biệt, Đức Hồng Y lưu ý rằng các báo cáo dựa trên các cuộc điều tra đã được thực hiện về các cuộc tấn công khủng bố cho đến nay vẫn chưa được công khai.

Ngài âu lo rằng các cuộc bầu cử sắp tới đang được sử dụng để chuyển hướng sự chú ý khỏi các cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Theo Đức Hồng Y, công chúng muốn công lý chứ không phải là bầu cử.

Gần đây, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith cũng đã cáo buộc chính phủ “không có xương sống”, và yêu cầu chính phủ nên từ chức.

7. Phái đoàn các Hồng Y thăm người tị nạn Rohingya ở Bangladesh

Hai vị Hồng Y từ Phi Luật Tân và Miến Điện đã đến thăm một trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh trong tuần này để gặp gỡ các gia đình tị nạn cũng như nhân viên các cơ quan cứu trợ và các quan chức chính phủ.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila và Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon đã đi đến các trại tị nạn ở miền đông nam Bangladesh vào ngày 29 tháng 7, ucanews cho biết như trên.

Đức Hồng Y Tagle là chủ tịch của Caritas Internationalis, một liên đoàn toàn cầu các cơ quan cứu trợ và phát triển Công Giáo, đã giúp đỡ hơn nửa triệu người tị nạn Rohingya bằng cách cung cấp nơi ở, nước uống, các phương tiện vệ sinh, y tế và các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày.

Đức Hồng Y Bo là chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC).

Các vị Hồng Y đã nói chuyện với các gia đình tị nạn trong các trại và gặp gỡ các tình nguyện viên và nhân viên của Caritas, những người đang giúp cung cấp nhu yếu phẩm cho người tị nạn.

Các ngài cũng đã gặp Muhammad Abul Kalam, người đứng đầu Ủy ban Cứu trợ và Hồi hương người Tị nạn của chính phủ Bangladesh, đang giám sát 30 trại tị nạn, nơi cư trú của gần 1 triệu người tị nạn ở nước này.

Abul Kalam nói với ucanews rằng ông cảm ơn các vị Hồng Y vì những nỗ lực của Giáo Hội trng việc giúp đỡ người tị nạn, và giải thích cho các ngài về những trở ngại nghiêm trọng mà những người trong các trại đang phải đối mặt.

“Tôi tin rằng các vị Hồng Y đã được mắt thấy tai nghe về những thách thức khác nhau mà người tị nạn đang phải trải qua, đặc biệt là những rủi ro trong mùa gió mùa cũng như các vấn đề về sức khỏe và môi trường,” ông nói.

Cùng tháp tùng với hai vị Hồng Y trong chuyến viếng thăm của các ngài có Đức Hồng Y Patrick D’Rozario of Dhaka của thủ đô Dhaka, Bangladesh; Đức Tổng Giám Mục Moses Costa của tổng giáo phận Chittagong; và Đức cha Gervas Rozario của giáo phận Rajshahi.

Năm 2017, Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo, đã phải đối mặt với sự gia tăng bạo lực đàn áp ở Miến Điện.

Chính phủ Miến Điện từ chối sử dụng thuật ngữ Rohingya và coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Họ đã bị từ chối quyền công dân và nhiều quyền khác kể từ khi một đạo luật gây tranh cãi được ban hành vào năm 1982.

Bạo lực lên đến mức khiến Liên Hợp Quốc tuyên bố cuộc khủng hoảng là một ví dụ trong sách giáo khoa về việc thanh lọc sắc tộc.

Hơn 1 triệu người Rohingya đã chạy trốn qua biên giới tới Bangladesh và đang sống trong các trại tị nạn, nhiều trại trong số đó nằm trong một vùng đầm lầy dọc theo biên giới giữa hai nước.

Bangladesh và Miến Điện đã đồng ý một chương trình hồi hương vào cuối năm ngoái, nhưng rất ít người Rohingya đã trở về quê hương.

Chuyến đi này là Đức Hồng Y Tagle từ chuyến thăm thứ hai đến một trại tị nạn Rohingya. Ngài đã thực hiện một chuyến thăm tương tự vào tháng 12 năm ngoái, mô tả trại này là một tiếng kêu với toàn thế giới cho một nền chính trị tốt hơn dựa trên lòng trắc ẩn và tình liên đới.

“Khi nào chúng ta mới có thể học được bài học của mình và có thể ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng quy mô thế này xảy ra lần nữa? Làm sao với tư cách là một cộng đồng quốc tế và một gia đình nhân loại, chúng ta có thể quay trở lại những điều cơ bản về phẩm giá, sự quan tâm và lòng trắc ẩn?” Đức Hồng Y Tagle nói.

8. Đức Cha Robert Emmet Barron bày tỏ vui mừng khi lần đầu được truyền chức linh mục

Trong đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Đức Cha Barron, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Los Angles, cho biết cảm xúc của ngài khi lần đầu tiên trong đời Giám Mục được truyền chức linh mục cho sáu tu sĩ dòng Đa Minh Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Washington, DC.

Đức Cha nói:

“Dòng anh em thuyết giảng đã có một tác động sâu sắc đến cuộc sống của tôi, và tôi biết ơn các tu sĩ dòng Đa Minh vì đã mời tôi truyền chức cho các anh em này làm linh mục của Chúa Giêsu Kitô.

Những linh mục này cũng là nhóm người đầu tiên mà tôi được hân hạnh truyền chức linh mục, vì vậy họ sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong những lời cầu nguyện của tôi và trong trái tim tôi.

Anh chị em cũng hãy nhớ đến những tân linh mục mới này và tất cả các tân linh mục vừa được phong chức trong những lời cầu nguyện của anh chị em, xin cầu xin Chúa cho họ luôn luôn trung thành và tìm cách bắt chước gương hy sinh của Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm của chúng ta.”

Đức Cha Robert Emmet Barron, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1959, là Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Los Angeles. Ngài cũng là Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Ngài là người sáng lập ra Word on Fire, và là người dẫn chương trình truyền hình CATHOLICISM, một bộ phim tài liệu về đức tin Công Giáo. Trước đây, ngài từng là Giám đốc Đại Chủng viện Mundelein thuộc Tổng giáo phận Chicago.

Đức cha Barron đã xuất bản nhiều sách, tiểu luận và bài viết về thần học và tâm linh. Ngài cũng là phóng viên tôn giáo của NBC và cũng đã xuất hiện trên Fox News, CNN và EWTN.

Ngày 21 tháng Bẩy năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài về làm Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Los Angles.

9. Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập quan ngại trước những căng thẳng trong vùng Vịnh

Trong tuyên bố đưa ra hôm mùng 2 tháng Tám Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập đã bày tỏ những quan ngại về tình trạng an ninh trong vùng. Tuyên bố Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Vịnh Ba Tư giữa Hoa Kỳ và Iran, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hồi năm ngoái.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm thứ Năm 1 tháng Tám, phiến quân ở Yemen đã phóng hỏa tiễn vào một cuộc diễn hành quân sự trong một quận của thủ đô Aden giết chết 57 binh sĩ và sĩ quan thuộc một lực lượng được liên quân các nước theo Hồi Giáo Sunni ủng hộ.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh cuộc diễn hành. Chỉ vài phút sau đó, một hỏa tiễn tầm trung đã bắn vào giữa đoàn diễn hành gây thương vong rất nặng nề.

Trong khi đó, một chiếc xe hơi, một chiếc xe buýt và ba chiếc xe gắn máy chất đầy chất nổ lao thẳng vào một đồn cảnh sát trong khu phố Omar al-Mokhtar gần đó. Vụ nổ làm 11 người chết và ít nhất 29 người bị thương. Những kẻ đánh bom tự sát cũng chết hết.

Tuyên bố Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập mong mỏi các quốc gia, và các phe phái tìm ra những giải pháp giúp vãn hồi hòa bình trong khu vực.

10. Nỗi chua xót của một người truyền bá Tin Mừng trên đường phố Luân Đôn

Tờ Daily Mail, số ra ngày 1 tháng Tám cho biết lực lượng cảnh sát Anh, thường được gọi là Scotland Yard, đã phải bồi thường cho mục sư Oluwole Ilesanmi, 64 tuổi, một số tiền là 2,500 bảng Anh, tức là khoảng 3,000 Mỹ Kim vì những sỉ nhục họ gây ra cho ông.

Ilesanmi, người Nigeria, đã di dân đến London vào năm 2010 với tư cách là một nhà truyền giáo. Ông đã rất hăng hái khi được di dân vào Anh và vẽ ra trong trí bao nhiêu viễn cảnh đẹp đẽ: Những lời rao giảng Tin Mừng của ông sẽ được nồng nhiệt chào đón tại quốc gia có truyền thống Kitô Giáo và tự do thay vì những cuộc ruồng bắt của đủ các phong trào khủng bố Hồi Giáo tại quê hương. Ông mơ sẽ được thuyết giảng trong các nhà thờ Tin Lành rộng lớn trước một cử tọa thật đông đảo.

Đời không như là mơ. Cuối cùng, ông trở thành một nhà truyền giảng Tin Mừng trên đường phố giữa cảnh ông đi qua bà đi lại không ai màng nghe những thông điệp của ông.

Thử thách không dừng ở đó. Tháng Hai, năm nay khi đang rao giảng Tin Mừng tại một nhà ga xe lửa ở Bắc Luân Đôn, người ta gọi cảnh sát đến bắt ông. Những người Hồi Giáo cảm thấy chướng mắt đã gọi điện thoại báo cảnh sát, buộc tội ông là có những lời lẽ “chống Hồi Giáo”.

Hai viên cảnh sát đã đến gặp Ilesanmi và lớn tiếng yêu cầu ông ngừng giảng đạo. Khi ông từ chối, họ tịch thu Kinh Thánh, còng tay ông, và chở đến một nơi cách đó hơn 6 km, và thả ông xuống đó. Ông phải vay tiền của một người lạ để trở về nhà.

“Tôi đã rất buồn khi họ giật cuốn Kinh thánh của tôi và ném nó vào xe cảnh sát. Họ sẽ không bao giờ dám làm điều đó nếu đó là cuốn kinh Koran, “ mục sư Ilesanmi nói, không dấu được nỗi ê chề.

Ambrosine Shitrit, người phụ nữ gần đó dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc. Cô nói với Daily Mail rằng nhà thuyết giáo đã không làm gì gây bất hòa và không có cách nào người ta có thể nói ông đã tuôn ra những lời lẽ bài Hồi giáo.

Video này đã giúp mục sư Oluwole Ilesanmi thắng kiện và được bồi thường 2,500 bảng Anh. Nhưng tâm hồn ông vẫn cảm thấy ê chề.

11. Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory lên tiếng phàn nàn cách nói mang mầu sắc phân biệt chủng tộc của tổng thống Trump

Trong một bài phỏng vấn được công bố trên tờ Catholic Standards hôm thứ Sáu 1 tháng Tám, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington cho rằng “Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm chống lại các thứ ngôn ngữ chế giễu, lên án hoặc phỉ báng người khác vì chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, văn hóa hoặc dân tộc của họ.”

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra lập trường trên nhằm đáp lại những tweets gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump đối với những thành viên Quốc hội đã chỉ trích ông.

“Những diễn từ như thế không có chỗ trên môi của những người tuyên xưng Chúa Kitô, và những người tự xưng mình là các thành viên văn minh của xã hội,” ngài nói.

Hôm 14 tháng Bẩy, Tổng thống Donald Trump đã tweet rằng “Những Phụ nữ Cấp tiến của đảng Dân chủ trong Quốc Hội”, là những người đã chỉ trích ông, đã đến từ các quốc gia trên thế giới, nơi nếu có cái gọi là chính phủ, thì cái chính phủ ấy hoàn toàn là một thứ thảm họa, cặn bã, tham nhũng và bất lực, và các thành viên Quốc Hội ấy nên về xứ mà giúp sửa chữa những nơi băng hoại và đầy rẫy tội ác đó.

Những tweets này được xem là nhắm đến Dân biểu đảng Dân chủ Ilhan Omar của Minnesota, là người đã đến Hoa Kỳ với tư cách là một người tị nạn Somalia. Tại một cuộc biểu tình ở Bắc Carolina vài ngày sau đó, những ủng hộ viên của tổng thống Trump đã hô vang khẩu hiệu “Tống cổ nó về nước!”. Ngày hôm sau, tổng thống Trump nói rằng ông không hài lòng với khẩu hiệu đó và không đồng ý như thế.

Vào ngày 27 tháng 7, tổng thống Trump cũng đã tweet rằng Dân biểu Elijah Cummings, một thành viên Quốc hội người Mỹ gốc Phi đại diện cho phần lớn thành phố Baltimore, nên chăm sóc cho chính bản quán của mình mà ông gọi là một chốn “ghê tởm, chuột bọ và đủ thứ loài gặm nhấm lộn xộn.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Gregory nói rằng có những lúc, mà một mục tử và một môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi để bảo vệ phẩm giá của tất cả con cái Chúa.

“Tôi sợ rằng những bình luận công khai gần đây của Tổng thống và những người khác và những phản hồi mà họ gây ra, đã làm sự chia rẽ sâu sắc thêm và làm giảm cuộc sống quốc gia của chúng ta”.

“Những nhận xét có tính cách loại bỏ, hạ bệ hoặc coi bất cứ con cái nào của Thiên Chúa là ma quỷ đều phá hoại lợi ích chung và phủ nhận cam kết quốc gia của chúng ta đối với tự do và công lý cho tất cả mọi người.”
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Tỉnh Thức Nguyện Cầu – Trình bày: Đình Trinh
Đình Trinh
20:00 07/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây