Ngày 07-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:44 07/08/2020
99. VĨNH LINH CẮP MŨ

Địch Vĩnh Linh người Thường Châu vốn là một thiếu niên tinh nghịch, hắn ta vừa mới vào học thì đã làm một chuyện xấu. Thầy đốc học rất nghiêm khắc, mỗi ngày khi trời chưa sáng thì bắt học trò phải tập họp vào trong lớp nghe ông ta giảng bài, các học trò cảm thấy đi học rất là khổ.

Một hôm, Địch Vĩnh Linh bị bạn học xúi bậy núp sau bức tường thấp bên đường, đợi khi thầy giáo đến thì bật dậy dùng thủ pháp rất nhanh nhẹn tuột cái mũ của ông ta, và đem đội trên đầu cái tượng ông thổ địa ở trong miếu.

Thầy giáo đi tìm mũ khắp nơi và vất vả lắm mới thấy cái mũ ở trong miếu, và ông ta cho rằng thần thổ địa phạt ông ta nên rất kinh hãi, từ đó không dám đến trường vào sáng sớm nữa.

(Nhã Ngược)

Suy tư 99:

Làm việc gì thì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó, bởi vì chính những công việc ấy sẽ tố cáo chúng ta trước tòa Thiên Chúa, có nghĩa là chính Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về những việc chúng ta đã làm.

Nếu ông thầy giáo biết rằng trời chưa sáng mà bắt học trò đến lớp nghe giảng là một cách cay nghiệt với học trò nhỏ, thì ông ta sẽ không hối hận khi tìm thấy cái mũ ở trên đầu ông thổ địa; nếu người ăn trộm biết rằng mình ăn trộm là không đúng, thì sẽ không còn thời giờ để hối hận vì việc làm sai trái của mình; nếu bố mẹ biết rằng không dạy con nên người là phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, thì nhất định là luôn quan tâm dạy dỗ con cái nên người; nếu các linh mục biết rằng tội của mình sẽ nhân lên nhiều lần nếu mình không làm tròn trách nhiệm, thì các ngài sẽ mau mắn đi giúp kẻ liệt, mau mắn ngồi tòa cáo giải, đi thăm các gia đình nghèo...

Thiên Chúa không trợn mắt trợn mũi để hét la kẻ dữ trong ngày phán xét, nhưng chính những việc làm sai trái của chúng ta ngày hôm nay sẽ tố cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Có Dừng Chân Nhưng Không Đứng Lại
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:09 07/08/2020
Chúa Nhật XIX TN A

Là Kitô hữu, chúng ta thường nghe cụm từ “hành trình đức tin”. Tin là một quá trình bước đi không ngừng, tiến mãi về phía trước để gặp Đấng vô hình. Thỉnh thoảng có dừng chân nhưng không bao giờ đứng lại.

Sau khi hỉ hoan về phép lạ cả thể mà Thầy đã thực thi cho gần vạn người no nê, các tông đồ lại phải chưng hửng lần nữa vì lệnh của Thầy: Hãy lên đường! Hãy xuống thuyền mà qua bờ bên kia! Cám dỗ dừng chân đứng lại và nghỉ ngơi trên thành công, trên chiến thắng vẫn luôn có đó với phận người. Sau khi khánh thành một công trình hoành tráng, sau khi hoàn thành một cuộc lễ hay một cuộc tổ chức lớn bé, thì dừng chân, ngồi lại để lượng giá, kiểm thảo để rút kinh nghiệm là điều cần thiết, nhưng để đứng lại chiêm ngắm vinh quang là một cám dỗ triền miên và thật khó lường hậu quả.

Khi xây dựng một công trình nào đó thì chuyện hay đi lui đi tới ngắm nghía công trình là chuyện bình thường như cơm bữa. Ai lại không thích ngắm nghía vinh quang của mình. Ai lại không thích nghe người ta trầm trồ về cái gọi là thành công của mình. Hễ có khách đến thăm thì phải tìm dịp giới thiệu cho được những gì mình đã “ra tay”.

Các tông đồ năm xưa chẳng hơn gì chúng ta hôm nay. Dù chỉ là những người giúp phân phát bánh – cá, nhưng các ngài làm như chính tay mình thực thi kỳ công “phép lạ hóa bánh”. Theo Tin mừng thánh Gioan thì việc người dân muốn tôn Chúa Giêsu làm vua có thể là do dân chúng tự phát nhưng rất có thể là do sự gợi ý có chủ đích của nhóm mười hai, những vị rất tham “ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang” (x.Mc 10, 35-40). Đêm đã về. Dân chúng đã no nê. Chúng mình cũng đáng được hả hê nghe bao lời chúc tụng chứ. Chuyện bất ngờ đã đến, dù không ai thích thú chút nào. Thầy ra lệnh tất cả xuống thuyền ngay. Còn Người thì giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình.

Bỏ vinh quang, bỏ thành công rực rỡ để ra đi là một điều không dễ chút nào. Cảnh đời phía trước mịt mùng khó tiên liệu và sóng gió ba đào là chuyện dường như khó tránh. Các tông đồ hôm ấy đã phải đương đầu với hiện thực ấy. Sóng thì to, gió thì lớn. Thuyền đang chơi vơi nghiêng ngã. Lòng các ngài cũng ngã nghiêng theo gờ cạnh con thuyền. Tâm trạng của tiên tri Êlia năm nào cũng không khác gì. Sau chiến tích oanh liệt hạ gục những 450 sư sãi thần Baal, Êlia đã phải trốn chạy khỏi sự truy đuổi, tìm diệt của hoàng hậu Giêdabel. Sau vinh quang thì tai họa liền kề.

“Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chẳng có sự dứt bỏ nào mà chẳng có xót xa hay đau đớn, nhất là phải từ bỏ những thành công huy hoàng hay những hạnh phúc êm ả, cho dù chúng là hữu hạn của đời thường. Hạnh phúc đích thực vẫn ở phía trước. Đó là Thiên Chúa, Đấng không chỉ chờ đợi mà đang tiến tới để đón gặp chúng ta.

Tin là bước đi, là ra đi, tiến về phía trước, về nơi chưa hề biết như Abraham ngày nào. Bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả gia tộc thân yêu để lên đường. Có đó sự xót dạ khi ra đi và nỗi bâng khuâng khi tiến về phía trước. Nào là sóng gió cuộc đời, nào là phong ba tình người, tất thảy như đang chờ đợi để dập vùi, đánh đắm con thuyền đời ta. Một Phaolô hết lòng hết dạ với người đồng hương Do Thái đã khẳng định: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và lìa xa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9, 3). Hiểu cho đúng thì Phaolô không quay lưng với tôn giáo tổ tiên mà tiến lên một tầm cao mới trong hành trình đức tin khi đã được diện kiến Đức Kitô phục sinh, Đấng Thiên Sai mà tổ tiên ông hằng mong đợi, thế mà ngài vẫn mãi bị người đồng hương xem là phản đạo, bội giáo, bỏ đạo để rồi luôn tìm cách bắt giết. Một khi đã ra đi, tiến về phía trước thì cái giá cần trả không chỉ là gian nguy, khốn khó mà cả sự lo âu, phiền muộn. Ngài thú nhận: “Thưa anh em, có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật. tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đổi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9, 1-2).

Với Êlia, với Phaolô hay với các tông đồ khi ở trên thuyền chòng chành giữa biển đầy sóng gió, Thiên Chúa không bao giờ để các ngài cô đơn một mình. Người hằng ở với họ. Người luôn đồng hành với họ. “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9). “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14, 18). Dù giữa biển khơi hay giữa đêm tối của cuộc đời, Đấng làm người mãi ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28, 20). Chỉ một điều là hãy nhắm đích và tiến thẳng trong niềm tin.

Thỉnh thoảng cũng nên biết dừng chân để tự kiểm để định hướng hay chỉnh hướng, nhưng không được phép đứng lại. Đứng lại là một trong những thái độ tự hài lòng về thành công của chính mình. Từ chỗ hài lòng đến chỗ tự cao tự đại là một khoảng cách không mấy xa. Và hậu quả của sự tự kiêu, tự mãn như đã nhãn tiền. Chưa tính đến chuyện Chúa hạ kẻ tự kiêu và nâng cao người phận nhỏ (x.Lc 1, 52), thì chính kẻ cao ngạo, họ đã tự đặt mình vào vị thế cheo leo và sẽ ngã chìm không biết lúc nào như Phêrô trong lần được Thầy ban cho cái ơn đi trên mặt biển (x.Mt 14, 22-33).

Đứng lại cũng là một hành vi tỏ dấu sự nghi ngờ. Khi thiếu niềm tin hay khi lòng tin yếu kém thì ta rất dễ bị cám dỗ dừng lại, không can đảm tiến lên. Những cái sợ như sợ khó, ngại khổ, sợ thất bại…nhiều khi nhấn chìm chúng ta trong các trở ngại khách quan vốn dĩ không thể tránh của kiếp người.

Không ai là không một lần gặp chông gai, sóng gió. Không ai là không đã từng nhiều lần ngã quỵ vì gian truân, khốn khó. Chuyện ngã, chuyện té là chuyện bình thường của phận người. Điều quan trọng là biết chỗi dậy và tiến lên. Trong niềm tin vào tình yêu của Đấng đã tự nguyện làm bạn đời của ta là Đức Giêsu, ước gì chúng ta được như thánh tông đồ dân ngoại là “quên đi những gì phía sau để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Không mai một, chẳng lu mờ
Lm. Minh Anh
21:45 07/08/2020

KHÔNG MAI MỘT, CHẲNG LU MỜ

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, mừng thánh Đa Minh và dù ngày lễ chỉ ở bậc nhớ buộc, nhưng Giáo Hội vẫn cho chúng ta nghe các bài đọc chọn lọc từ sách Khôn Ngoan và đoạn Tin Mừng nói đến việc theo Chúa thì chắc hẳn ở đây, Giáo Hội đã có ý. Phải chăng vì thánh Đa Minh đã khôn ngoan chọn Chúa, khôn ngoan yêu Chúa và nhất là khôn ngoan để biết cách làm cho nhiều người trở về với Chúa. Nguyên trong cái tên tiếng Việt dành cho ngài, “Đa Minh”, đã có một cái gì đó thiên về tri, chiều về trí và hướng đến thông tuệ. Một trong ngữ nghĩa của chữ “đa” ở Hán văn có nghĩa là bội, nhiều, như đa sầu, đa cảm; thật thú vị, ở đây, cách nào đó, “Đa Minh” nghĩa là đầy ánh sáng, xán lạn.

Bài đọc hôm nay đã nhân cách hoá sự khôn ngoan thành Đức Khôn Ngoan, “Tôi nguyện xin và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Tôi quý trọng Đức Khôn Ngoan còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Với tôi, trân châu bảo ngọc đâu sánh tày Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới so với Đức Khôn Ngoan cũng chỉ là cát bụi; và bạc, so với Đức Khôn Ngoan kể như bùn đất. Tôi ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi”.

Đức Khôn Ngoan ở đây là gì nếu không phải là Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan mà thánh Đa Minh đã chọn; đồng thời, ngài dành trọn đời mình mà đào sâu, nghiền ngẫm và rao giảng Người; từ đó, thánh nhân đem về cho Người không biết bao nhiêu là linh hồn. Lời đáp ca hôm nay cũng đã nói lên sứ vụ của ngài, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ cách thức khôn ngoan để theo Ngài, “Phần con, hãy theo Thầy, cứ để kẻ chết, chôn kẻ chết”; “Ai đã tra tay cầm cày mà ngoái lại đàng sau, sẽ không xứng đáng làm môn đệ Thầy”. Lời Chúa nói với thánh Đa Minh, nói với chúng ta về ơn gọi bổn phận của mỗi người. Loại hình có thể khác nhau, nhưng tựu trung, ai ai cũng có cho mình một chiếc cày bổn phận. Người trẻ, chiếc cày đèn sách; cha mẹ, chiếc cày trách nhiệm; linh mục, chiếc cày cầu nguyện, thánh hoá và giảng dạy. Tận tuỵ với bổn phận là những gì khôn ngoan đáng ao ước. Chúa Giêsu nói, “Cứ để kẻ chết, chôn kẻ chết”, hay “Đừng ngoái lại đàng sau” vì Ngài biết ngoái lại đàng sau sẽ chỉ mất tập trung, mất năng lực, mất trọn vẹn, mất thời giờ và mất phương hướng… để rồi, “ngoái lại đàng sau” không chóng thì chày dẫn kẻ cầm cày “quay lại phía sau”, thậm chí thả cày mà đi.

Hiểu được điều đó, thánh Đa Minh nói, “Ai chế ngự được các đam mê, người ấy là chủ của thế giới. Phải thống trị chúng, bằng không, chúng sẽ thống trị chúng ta. Là một chiếc búa sẽ tốt hơn là làm một cái đe”.

Chuyện kể về bà mẹ của thánh Đa Minh, một người mẹ rất đạo đức. Ngày kia, bà đến tu viện Silos để cầu cho có thêm một người con; bà được nhậm lời. Để tỏ lòng tri ân, bà đặt tên cho con mình là Đa Minh, cũng là tên vị thánh thành Silos. Trước khi đứa trẻ chào đời, bà có một giấc mộng báo cho biết con mình, dưới dạng một con chó trắng đen ngậm trong mõm một ngọn đuốc cháy sáng và chạy khắp thế gian. Ngày rửa tội, mẹ đỡ đầu của Đa Minh cũng đã nhìn thấy một ánh sao sáng trên vầng trán Đa Minh. Đa Minh được tiền định để trở thành ánh sáng cho thế giới vậy.

Anh Chị em,
Thánh Đa Minh còn là một chiến sĩ của Đức Mẹ, là tông đồ của chuỗi mân côi. Ngài yêu mến Đức Mẹ cách riêng và Đức Mẹ đã giúp ngài chiến thắng lạc giáo Albigeois, ngài đã đưa về cho Giáo Hội bao linh hồn từ một nền văn hoá sự chết vốn chối bỏ tính thánh thiêng của Chúa Giêsu, của hôn nhân, của việc sinh sản con cái và tự tử được xem là đáng khuyến khích. Những người theo dị giáo Albigeois hoàn toàn từ bỏ những giảng dạy của Giáo Hội, kể cả việc Nhập Thể. Thánh Đa Minh khôn ngoan chọn Thiên Chúa, cống hiến cả cuộc đời để rao truyền sự lớn lao của một mình Người, đem về cho Chúa và Giáo Hội những linh hồn đã chạm ngưỡng hư mất. Với thánh Đa Minh, danh Thiên Chúa được sáng mãi, không mai một, chẳng lu mờ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa, yêu Chúa và khôn ngoan để biết cách làm cho nhiều người ước muốn gần Chúa hơn; và như thế Chúa được sáng mãi, minh mãi”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Chúa giúp ta vuợt qua sóng gió
Lm. Nguyễn Xuân Trường
21:52 07/08/2020
CHÚA GIÚP TA VƯỢT QUA SÓNG GIÓ

Mùa hè nhiều người thường mong muốn đi tắm biển, thoải mái bơi lội vẫy vùng. Cũng là chuyện về biển, nhưng Phúc Âm tuần này không kể chuyện bơi lội, mà là chuyện đi trên mặt biển. Chuyện biển hồ cũng là chuyện biển đời của mỗi chúng ta.

1.Biển đời sóng gió. Biển hồ lẫn biển đời luôn đầy sóng gió hiểm nguy. Cơn bão chính trị đảng phái đấu đá nhau, cơn bão kinh tế tài chính làm chao đảo thị trường, cơn bão dịch bệnh Covid-19 dâng hết làn sóng này đến làn sóng khác nhận chìm bao mạng sống. Con thuyền các môn đệ gặp sóng gió cho thấy tin Chúa thì vẫn không tránh được những gian nan sóng gió trong đời.

2.Bấp bênh đời người. Giữa biển đời sóng gió, con người bé nhỏ yếu đuối thấy đời mình bấp bênh bất lực. Khi biển sóng gió thì bơi đã sợ, nói gì đến chuyện đi trên biển thì bấp bênh vô cùng. Chả thế mà Phêrô khi thấy sóng gió nổi lên thì hoảng sợ và chìm dần. Trong đời, không ít người đã chao đảo, buông xuôi trôi theo dòng đời, thậm chí bị chết chìm giữa bão tố cuộc đời.

3.Bám chặt vào Chúa. Biển đời sóng gió mà phận người bé nhỏ. Nhưng Tin Mừng là ở chỗ: có Chúa trong đời trợ giúp chúng ta. Khi Phêrô hướng về Chúa thì ông đi được trên nước, còn khi ông chỉ nhìn vào sóng gió thì ông hoảng sợ và bắt đầu chìm. Đúng lúc sắp chết ấy thì ông đã kêu lên: Chúa ơi cứu con. Chúa đã nắm lấy tay ông kéo lên. Thế nên, chúng ta đừng cầu xin Chúa cho biển đời không có sóng gió, mà cần cầu xin Chúa giúp sức, dẫn lối cho ta vượt qua sóng gió trong đời.

4.Bến bờ bình an. Nhờ bám chặt vào Chúa mà Phêrô đã tới bến bờ bình an. Một khi đã bám chặt vào Chúa đầy lòng thương xót và quyền năng làm chủ vũ trụ, thì dẫu cho biển đời có sóng to gió lớn đến đâu, Ngài sẽ giúp sức và dẫn dắt chúng ta vượt sóng gió đến bến bờ bình an hạnh phúc. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 07/08/2020

51. Đức Chúa Giê-su giáo huấn các con, và sự an ủi của Ngài con có thể chia sẻ bao nhiêu là do con theo đuổi gương sáng của Ngài, vì yêu Ngài mà vui lòng chịu sỉ nhục đau khổ.

(Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đài Công Giáo EWTN phỏng vấn Tổng thống Donald Trump
Vũ Văn An
01:17 07/08/2020

Tracy Sabol: Vâng, xin cảm ơn ngài rất nhiều, thưa Tổng thống, đã dành thì giờ ngày hôm nay. Ngày 4 tháng 8 vừa qua, người đứng đầu chương trình Tin Đêm của EWTN, Tracy Sabol, đã nói chuyện với Tổng Thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc.



Sau đây là nguyên văn cuộc đàm luận (nguyên bản: https://www.ncregister.com/daily-news/transcript-of-ewtn-news-nightly-interview-with-president-donald-trump):

Tracy Sabol: Thưa Tổng thống, cám ơn ngài rất nhiều, đã nói chuyện với chúng tôi hôm nay. Chúng tôi đánh giá cao việc này.

Tổng thống Trump: Cám ơn cô.

Tracy Sabol: Chúng ta có rất nhiều chuyện để đề cập. Nhưng trước tiên tôi muốn nói về kinh tế. Tất nhiên, trong tình thế hiện thời của chúng ta, trong đó, chúng ta đang bắt đầu với một đợt kích thích khác nữa. Ngài có thể nói về điều đó và điều gì cần để đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ gặp nhau ở giữa?

Tổng thống Trump: À, chúng ta đã có một nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, không chỉ ở đất nước chúng ta, mà ở mọi quốc gia. Chúng ta đang đánh bại Trung Quốc, đánh bại mọi người. Họ đang có nền kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 67 năm nay. Vì vậy, chúng ta đã làm với thuế quan và tất cả những điều mà tôi đang làm. Và rồi chúng ta phải đóng cửa. Nó đến từ Trung Quốc. Đáng lẽ họ phải chặn đứng nó lại, nhưng họ đã không làm thế. Họ ngăn chặn người ta vào nước họ, nhưng họ đã không ngăn chặn việc đến đây, đến Châu Âu hay các nơi khác trên thế giới. Và chúng ta phải đóng cửa lại và chúng ta đã làm điều đó. Và nay chúng ta đang quay về và chúng ta đang thực hiện việc kích thích. Như cô thấy, chúng ta đã thực hiện rất thành công. Và có lẽ chúng ta có một cái gì đó phải nghĩ ra. Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Vấn đề với Đảng Dân chủ, như cô thấy, họ muốn tiền cứu bồ cho các tiểu bang và thành phố của họ đã hoạt động rất kém dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ. Và tôi không hài lòng với điều đó. Nó không thích đáng. Điều này liên quan đến corona, tôi gọi là “virus Trung Quốc”. Và vì vậy tôi nghĩ chúng ta đang làm rất tốt. Chúng ta đã có những con số việc làm tốt nhất xưa nay, tính theo phần trăm. Cô hãy nhìn vào những gì đã xảy ra, [không nghe rõ] gần bảy triệu việc làm trong hai tháng qua. Những con số mới sẽ sớm được ra mắt. Chúng ta đã trở lại. Chúng ta đang làm rất tốt. Tôi nghĩ năm tới sẽ là một trong những năm tuyệt vời nhất xưa nay. Và nó trông rất, rất mạnh mẽ.

Tracy Sabol: Nhìn trước tới quý ba: ngài dự đoán qúy đó sẽ ra sao?

Tổng thống Trump: Tôi nghĩ quý ba sẽ tốt. Tôi nghĩ nó sẽ tốt. Tôi nghĩ quý bốn sẽ rất, rất tốt. Nhưng chúng ta chỉ mới đang thoát ra khỏi một điều mà chúng ta không có lựa chọn. Chúng ta đã cứu hàng triệu sinh mạng nhờ đóng cửa. Nếu chúng ta không đóng cửa, cô sẽ mất hàng triệu mạng sống. Và ý tôi muốn nói, nhờ đóng cửa, chúng ta đã làm một việc rất tốt. Lệnh cấm đối với Trung Quốc rất quan trọng. Chúng ta cấm họ đến đây, nhiễm bệnh cao, và chúng ta cấm người ta đến đây từ Trung Quốc và sau đó từ châu Âu. Chúng ta đã thực hiện lệnh cấm đối với châu Âu, rất quan trọng. Tôi nghĩ nó thực sự sẽ xảy ra, tôi nghĩ chúng ta sẽ có một nền kinh tế rất đặc biệt trong khoảng... trong năm tới. Nhưng tôi nghĩ rằng quý ba thực sự sẽ rất tốt.

Tracy Sabol: Rất nhiều nơi đã bị đóng cửa, bao gồm cả các nhà thờ. Ta hãy nói về điều đó và tầm quan trọng của việc mở cửa lại các nhà thờ. Tôi biết ngài từng nói về điều đó.

Tổng thống Trump: Tôi nghĩ họ nên mở cửa các nhà thờ. Điều đó tùy các thống đốc. Nhưng, tôi nghĩ và tôi khuyến cáo điều đó, cô nên mở các nhà thờ. Họ sẽ lây lan, họ sẽ lây lan về phương diện xã hội, họ sẽ đeo mặt nạ và họ sẽ làm những gì họ phải làm, cô biết đấy, vệ sinh và mọi thứ khác chúng ta vốn biết. Đó là một danh sách rất đơn giản, nhưng tôi nghĩ không công bằng chút nào khi họ đã - tôi đã thấy Jim Jordan hôm nọ nói rất hay về việc đó -, khi họ có 50, 000 người biểu tình phản đối và họ gần như đứng trên đầu nhau, ấy thế mà cô lại không được phép đến nhà thờ. Cô không được đến trường. Chúng ta muốn mở cửa các nhà thờ của chúng ta. Chúng ta muốn mở cửa các trường học của chúng ta. Và mọi người đều muốn được an toàn. Họ biết phải làm gì. Họ sẽ tránh xa. Và, cô biết đấy, chúng ta cũng sẽ cùng theo một cách. Có thể cô sẽ có thêm một hoặc hai hoặc ba dịch vụ. Nhưng họ phải để các nhà thờ mở cửa. Họ muốn đặt, Đảng Dân chủ muốn đặt chúng ở thế mất hoạt động. Họ muốn đặt các nhà thờ ở thế mất hoạt động. Và điều đó rất không công bằng. Nên, họ không phản đối các cuộc biểu tình, rất khủng khiếp trong nhiều trường hợp. Cô hãy nhìn Portland, đó là một thảm họa, nhưng họ không muốn các nhà thờ mở cửa, họ không muốn các trường học mở cửa, họ không muốn các văn phòng mở cửa. Nên, đây là một tình huống rất, rất không công bằng cho nhiều người.

Tracy Sabol: Thưa Tổng thống, có cách nào để coi các nhà thờ như cơ sở kinh doanh thiết yếu không? Làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó?

Tổng thống Trump: Tôi đang xem xét điều đó vì tôi nghĩ rằng như thế đã quá đủ rồi. Cô có một số tiểu bang, tôi nghĩ họ không bao giờ muốn các nhà thờ mở cửa lại. Họ không muốn các nhà thờ mở cửa lại. Hãy xem, Đảng Dân chủ, thành thật mà nói, nếu cô nhìn vào phe cánh tả cấp tiến, Đảng viên Dân chủ, chính những người cực đoan cánh tả hiện nay, họ đã trở thành cánh tả cực đoan. Bất kể cô nói về sự sống hay đang nói về hầu hết mọi điều khác, họ đều không thích. Họ không thích nó.

Tracy Sabol: Tôi biết rằng ngài đã nghe nói về vụ phá hoại, một vụ phá hoại khủng khiếp. Nhiều, rất nhiều nhà thờ đã bị phá hoại trong những tuần qua. Ngài nghe về điều đó lúc nào, ngài nghĩ gì?

Tổng thống Trump: Tôi nghĩ đó là một sự ô nhục. Và tôi nghĩ một phần là do họ muốn các nhà thờ không được phép hoạt động, chúng không được phép hoạt động thực sự. Và tôi nghĩ quả là ô nhục khi điều này xẩy ra. Và, cô biết đấy, họ muốn đừng tài trợ cho cảnh sát. Họ muốn ngăn chặn cảnh sát. Ít nhất, họ muốn hạn chế tối đa ngành cảnh sát. Và chúng ta, chúng ta đơn giản chống lại việc đó. Tôi vừa được sự ủng hộ của ngành chấp pháp Texas, Florida, của mọi cảnh sát trưởng và ngành chấp pháp. Tôi nghĩ, tôi không thể tưởng tượng được bao giờ, tôi không thể tưởng tượng được việc các cơ quan thực thi pháp luật lại tán thành Biden. Ông ta gặp khó khăn về nhiều mặt, ta hãy đối mặt với điều đó, nhưng tôi không thể tưởng tượng điều đó sẽ xảy ra. Vì vậy, chúng ta gần như có mọi người tán thành chúng ta về mặt thực thi pháp luật. Và, cô biết đấy, với các nhà thờ, cô cũng cần một số cơ quan thực thi pháp luật để giúp cô giải quyết. Nhưng sự thực là các nhà thờ đang bị đóng cửa và cô biết đấy, nhiều điều tồi tệ xảy ra khi các nhà thờ bị đóng cửa. Đây là một tình huống rất khủng khiếp, những gì họ đang làm cho các nhà thờ và họ đây là những thống đốc thuộc phe cánh tả hoặc đảng Dân chủ cấp tiến, chúng gần như đã trở thành cùng một điều. Và tôi không nghĩ họ sẽ muốn các nhà thờ mở cửa.

Tracy Sabol: Có thể làm gì để ngăn chặn sự phá hoại này? Ngài nghĩ sao?

Tổng thống Trump: Vâng, những gì cô cần là cô cần ngành chấp pháp. Đó là các phạm vi thường do đảng Dân chủ cực đoan điều hành. Ý tôi muốn nói, nơi cô thấy quyền lãnh đạo của đảng Cộng hòa, nơi cô thấy các thống đốc và thị trưởng của đảng Cộng hòa, cô không gặp phải vấn đề này. Cô gặp vấn đề này nơi cô gặp những đảng viên Dân chủ cực đoan cánh tả hầu như trong mọi trường hợp. Vì vậy, điều cô phải làm là bầu các đảng viên Cộng hòa. Và nếu cô có một đảng viên Cộng hòa, chẳng hạn, nếu Biden thắng, cô sẽ có Portland khắp nơi trên đất nước chúng ta. Mọi nơi sẽ giống như Portland. Những người này là những kẻ kích động. Họ là những kẻ vô chính phủ. Cô sẽ có điều đó ở khắp đất nước của chúng ta. Cô biết đấy, chúng ta đã ngăn chặn điều đó, chúng ta đã tiến vào và nhiều người nói chúng ta đến quá sớm. Vâng, chúng ta hãy, chúng ta hãy đến sớm. Sớm còn hơn muộn. Nhưng ở đó, chúng ta đã làm một việc rất tốt. Thành thật mà nói, chúng ta đã làm một công việc tuyệt vời ở Seattle mà lẽ ra có thể đã bị thiêu rụi. Nhưng với Portland, và chúng ta không làm công việc lớn của mình, chúng ta đã làm một công việc nhỏ hơn nhiều. Chúng ta đã phải bảo vệ tòa nhà của chúng ta và các tòa nhà của chúng ta, thực thế, một số tòa nhà. Nhưng tòa án có thể đã bị thiêu rụi. Tòa án sẽ bị phá hủy nếu chúng ta không tiến vào. Người ta bảo, "Ồ, chúng ta đã đến quá sớm". Chà, nếu lúc đó chúng ta không đến, tòa án đã bị phá hủy vì Seattle không bảo vệ nó. Vì vậy, cô sẽ có tình trạng đó ở khắp Hoa Kỳ. Và điều đó không thể chấp nhận được.

Tracy Sabol: Và, thưa Tổng thống, điều quan tâm hàng đầu đối với rất nhiều phụ huynh, trong đó có tôi, là việc mở cửa trở lại các trường học. Tôi biết ngài vừa tweet về điều đó. Ngài có thể nói về chuyện đó không?

Tổng thống Trump: Tôi muốn các trường học mở cửa. Trước hết, trẻ em mạnh mẽ đến khó tin, phải không? Hệ thống miễn dịch của chúng. Một điều gì đó đang xảy ra vì trong số hàng nghìn người chết ở New Jersey, hàng nghìn người, bởi vì tôi vừa xem số liệu thống kê, nhiều nghìn người đã chết, nhưng chỉ có một người dưới 18 tuổi. Và đó là một người tôi tin là mắc bệnh tiểu đường. Nên, các trẻ em, tôi đoán tôi đã nghe một bác sĩ nói như thế, hầu như chúng miễn dịch với nó. Các em có một điều gì rất mạnh mẽ, và các em không bị ảnh hưởng. Và chúng ta phải mở các trường học. Cô biết đấy, có mối nguy hiểm lớn khi khóa kín mọi người. Và các em cũng thấy việc sử dụng máy tính thật tuyệt vời, nhưng đó không phải là cách học hay. Bây giờ, các em biết tốt hơn nhiều nếu được ở cùng các giáo viên trong khuôn viên nhà trường hoặc trong một trường học, điều đó tốt hơn nhiều so với việc suốt ngày nhìn vào máy tính. Vì vậy, chúng ta phải mở cửa trường học. Chúng ta phải mở cửa chúng sớm.

Tracy Sabol: Và nếu có một thông điệp ngài muốn nói với các khán giả của chúng tôi, thì đó sẽ là gì ngay lúc này?

Tổng thống Trump: Vâng, thành thực mà nói, tôi nghĩ bất cứ ai cũng liên quan đến tôn giáo, nhưng chắc chắn Giáo Hội Công Giáo, cô phải đứng về phía Tổng thống Trump khi nói đến việc phò sinh, khi nói đến tất cả những thứ này, những người này sẽ tước bỏ tất cả các quyền lợi của cô, bao gồm cả Tu chính án thứ hai, bởi vì, cô biết đấy, người Công Giáo thích Tu chính án thứ hai. Vì vậy, tôi đã cứu Tu chính án thứ hai. Nếu tôi không có ở đây, cô sẽ không có Tu chính án thứ hai. Và việc phò sinh là điều quan trọng của cô và cô sẽ không đứng về phía đó của vấn đề, tôi bảo đảm như thế, nếu người cánh tả cấp tiến, vì họ sẽ tiếp quản, họ sẽ đẩy anh ta quay vòng vòng như thể anh ta chẳng là gì cả.

Tracy Sabol: Vâng, xin cảm ơn ngài rất nhiều, thưa Tổng thống, đã dành thì giờ ngày hôm nay.
 
Được xây dựng trên đá tảng: một cuộc khảo sát về sống Đức tin trong thời đại dịch Covid-19
Thanh Quảng sdb
05:06 07/08/2020
Được xây dựng trên đá tảng: một cuộc khảo sát về sống Đức tin trong thời đại dịch Covid-19

Đại học Truyền giáo Giáo hoàng Urbaniana đang thực hiện một cuộc khảo sát ở Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương tìm hiểu cách mọi người sống đức tin và phản ứng ra sao trước việc các nhà thờ bị đóng cửa.

(Tin Vatican - Sr Bernadette Mary Reis, fsp)

Phân khoa Giáo luật của Đại học Giáo hoàng Urbaniana đang làm một cuộc khảo sát có tên là “Sống đức tin trong mùa đại dịch Covid-19”. Phạm vi khảo sát bao trùm các vùng Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương trong thời gian từ 29/6 đến 15/8.

Thay đổi lớn trong đời sống Giáo hội

Ông Elias Frank, Giám đốc của tờ IUS Missionale, tạp chí sẽ đăng các thành quả của cuộc khảo sát, đã ngỏ lời: “Người Công Giáo chúng ta đã quen với việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, đi xưng tội và các nghi lễ khác, nhưng Covid-19 bùng phát, khiến đời sống thực hành đức tin của chúng ta bị đình trệ ở nhiều quốc gia, mà không ai ngờ trước được!”

Dùng hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô đơn độc trong buổi cầu nguyện đặc biệt trước một quảng trường rộng lớn không một bóng người, ông Frank viết rằng “Giáo hội là thân thể sống động của Chúa Kitô”. Giáo hội đó, "được xây trên một nền đá...mà mưa bão không thể làm lay chuyển!" Tuy nhiên, trong thời gian đợi chờ, “các tín hữu Chúa… cảm nhận được giông ba bão tố, tương tự như các tông đồ đối diện với sóng gió năm xưa… (Mt 8, 25; Mc 4, 38; Lc 8, 24)”.

Khảo sát để phân tích ảnh hưởng trên người Công Giáo

Do các biện pháp được thực thi để ngăn chặn sự lây lan của vi rút, các thánh đường phải đóng cửa và các tín hữu không được tham dự các bí tích. Trước tình huống này, người Công Giáo trên khắp thế giới đã phản ứng ra sao? Sống niềm tin thế nào? Đại học Giáo hoàng Urbaniana hy vọng sẽ nghiên cứu ‘cách mà mọi người sống đức tin và phản ứng ra sao trước việc các nhà thờ bị đóng cửa’?

Để đạt được mục tiêu đó, Đại học đang thực hiện một cuộc khảo sát trên các lục địa Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương. Sự lựa chọn các giáo phận trong các châu lục này để nghiên cứu, được Bộ Truyền giảng Tin mừng cho các Dân tộc giới thiệu và ủng hộ.

Cuộc khảo sát này nhắm vào giáo dân, các thừa tác viên có chức thánh và các tu sĩ nam nữ đang sống niềm tin của mình trong những hoàn cảnh đổi thay như vậy.

Nhiều câu hỏi được rút ra dựa trên các biện pháp hạn chế do chính quyền qui định, hậu quả của các biện pháp đó và thái độ hợp tác của mọi người trước các biện pháp đó ra sao?

Phần kế tiếp của phần nghiên cứu là tập trung vào phản ứng của Giáo hội và đời sống bí tích của các tín hữu trước việc các bí tích không được hay được cử hành mà không có giáo dân tham dự... Một số câu hỏi dành riêng cho tín hữu, một số dành cho các linh mục, và một số câu dành cho các tu sĩ nam nữ.

Người tham gia vào cuộc khảo sát này được khuyến khích dùng hình ảnh hoặc video để mô tả một sự kiện hoặc công việc cụ thể được thực hiện để giải quyết vấn đề niềm tin trong cơn đại dịch covid-19...

Kết quả cuộc khảo sát sẽ được công bố

Kết quả cuộc khảo sát sẽ được công bố trên tạp chí Ius Missionale do phân khoa Giáo luật của Đại học Giáo hoàng Urbaniana công bố. Danh tính của những người tham gia sẽ được bảo mật! Ông Elias Frank, Giám đốc của tạp chí hy vọng rằng qua cuộc khảo sát này “ý nghĩa đích thực của Giáo hội” sẽ được sáng tỏ hơn...

Bất kỳ ai sống ở Châu Phi, Châu Á hoặc Châu Đại Dương đều được mời tham gia vào cuộc khảo sát bằng cách nhấn vào đây để tham dự...
 
Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam về Luật An ninh Quốc gia
Đặng Tự Do
17:09 07/08/2020
Hôm thứ Sáu 7 tháng 8, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam, lãnh đạo chính quyền Hương Cảng, cũng như các quan chức khác ở Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm đáp lại các hành động gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự do dân sự ở Hương Cảng.

“Hoa Kỳ đứng về phía người dân Hương Cảng và chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ và thẩm quyền của mình để nhắm mục tiêu vào những kẻ phá hoại quyền tự chủ của họ, ” Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin cho biết trong một tuyên bố của Bộ Tài chính hôm thứ Sáu.

“Đặc khu trưởng Hương Cảng là Carrie Lam, hay còn được gọi là Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã bị trừng phạt vì các nỗ lực muốn thông qua luật dẫn độ gây tranh cãi vào năm 2019, ” ông Mnuchin nói, và nhấn mạnh rằng mưu toan của bà ta đã gây ra “một loạt các cuộc biểu tình phản đối lớn ở Hương Cảng” vào năm ngoái. Ông cũng đề cập đến vai trò của bà Lam trong việc “phát triển, thông qua, và thực hiện Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến An ninh Quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hương Cảng.”

Hôm 1 tháng 7, một Luật An ninh Quốc gia mới đã có hiệu lực tại Hương Cảng. Đạo luật này đã bị các chính trị gia của cả hai đảng lớn ở Hoa Kỳ chỉ trích gay gắt là vi phạm rõ ràng các quyền tự do dân sự được bảo đảm cho Hương Cảng theo chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” được đồng ý tại thời điểm bàn giao lãnh thổ từ tay người Anh.

Chi tiết về các hành động cụ thể của Mỹ không được tiết lộ trong thông báo. Tuy nhiên, quyết định này có lẽ cũng giống như các biện pháp trước đó của chính quyền đối với các quan chức của bọn cầm quyền Trung Quốc, là những kẻ đã góp phần vào việc giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nói cách khác, các biện pháp sẽ là cấm Carrie Lam không được vào Mỹ và tịch thu tài sản trên đất Mỹ, cũng như cấm người Hoa Kỳ thực hiện các giao dịch kinh tế với bà ta.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt một số chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, là những người đã lên tiếng phản đối cách đối xử của Trung Quốc với các dân tộc thiểu số, bao gồm cả Đại sứ Tự do Tôn giáo Sam Brownback.

“Khi Bắc Kinh công bố ý định thông qua Luật An ninh Quốc gia, chúng tôi đã lo ngại. Điều đó thật đáng sợ”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết tại phiên điều trần ngày 1 tháng 7 với tiêu đề “ Sự kết thúc của một quốc gia, hai hệ thống. Hệ quả của Luật An ninh Quốc gia của Bắc Kinh ở Hương Cảng.”

Đảng Dân chủ California cho biết: “Luật này không gì khác hơn là một nỗ lực tổng lu65c nhằm phủ nhận các quyền của người dân Hương Cảng vì nó vi phạm mọi thỏa thuận trong cam kết ‘Một quốc gia, hai hệ thống’”.

Bà Pelosi nói rằng Quốc hội từ lâu đã lo ngại về hình thức cuối cùng của luật này, nhưng văn bản của luật hiện nay “thậm chí còn vượt quá những điều kinh hoàng đó.”


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô trợ giúp người dân Liban
Thanh Quảng sdb
18:19 07/08/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô trợ giúp người dân Liban

Đức Thánh Cha Phanxicô quyên góp được 250.000 Euro để hỗ trợ Giáo hội Lebanon trong vụ nổ kinh hoàng hôm thứ Ba (4/8/2020) ở Beirut khiến hơn một trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

(Tin Vatican)

Thánh bộ Phát triển Con người Toàn diện đã công bố khoản tiền quyên góp của Đức Thánh Cha vào thứ Sáu (7/8/2020). Khoản quyên góp “nhằm mục đích nói lên sự quan tâm và đồng cảm của Đức Thánh Cha đối với những người dân vô tội, nạn nhân của vụ nổ kinh hoàng này.

Số tiền trợ giúp của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được gửi qua Thánh bộ Phát triển Con người Toàn diện, chuyển cho Đức khâm sứ thần Tòa thánh tại Beirut, để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ ngày 4 tháng 8.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ ở Lebanon

Trong buổi Tiếp kiến Chung hàng tuần vào Thứ Tư vừa qua, Đức Thánh Cha đã hướng về Lebanon và cầu nguyện:

"Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình của họ; và cho đất nước Lebanon; để thông qua những nỗ lực trợ giúp của các cơ quan xã hội, chính trị và tôn giáo, đất nước này có thể đối diện với khoảnh khắc vô cùng bi thảm và đau đớn này, mà vượt qua cơn khủng hoảng nghiêm trọng mà họ đang trải qua”.
 
Tranh cử 2020: Tổng thống Trump và Biden tố cáo nhau là chống đạo. Ai phải ai quấy?
Trần Mạnh Trác
18:23 07/08/2020
(CNA ngày 6 tháng 8 năm 2020 ).- Cựu phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên Tổng thống 2020, hôm thứ Năm đã đáp lại lời bình luận cuả Tổng thống Donald Trump cho rằng một nhiệm kỳ của Biden sẽ “làm tổn thương Đạo Chúa”.

“Giống như rất nhiều người, đức tin là nền tảng cơ bản cuộc đời cuả tôi: nó mang lại cho tôi niềm an ủi trong những lúc mất mát và bi ai, nó giúp tôi khiêm nhượng trong lúc chiến thắng và hân hoan. Và trong thời điểm tăm tối này cuả đất nước - đau thương, chia rẽ và bệnh tật - đức tin của tôi là ánh sáng dẫn đường và là lời nhắc nhở thường xuyên về phẩm giá cơ bản mà Chúa đã ban tặng cho tất cả chúng ta, ” Biden nói trong một tuyên bố ngày 6 tháng 8.

“Việc Tổng thống Trump tấn công đức tin của tôi là một điều đáng xấu hổ. Nó không xứng đáng với chức vụ mà ông ấy nắm giữ và nó nằm bên dưới phẩm giá mà người Mỹ mong đợi từ các nhà lãnh đạo của họ, "ông nói thêm.

Phát biểu tại Ohio hôm qua, ông Trump đã nói rằng Biden muốn "tước súng của bạn, phá hủy Tu chính án thứ hai của bạn, không tôn giáo, không bất cứ điều gì. Làm tổn thương Kinh thánh, làm tổn thương Chúa. Ông ta chống lại Chúa, ông ấy chống lại súng."

Biden đã thường nói về đức tin Công Giáo của mình trên đường đi vận động tranh cử, và được biết là đã tham dự Thánh lễ khi ở nhà ở Delaware và khi đi du lịch. Nhưng các quan điểm của ông về một số vấn đề, đáng chú ý nhất là phá thai và khuynh hướng tình dục / giới tính, là trái ngược với giáo huấn cuả đạo Công Giáo.

Ông Brian Burch, chủ tịch tổ chức vận động chính trị CatholicVote, nói với CNA rằng về cơ bản thì đức tin của Biden không nên bị nghi ngờ, nhưng quan điểm của ông về các vấn đề quan trọng đối với các tín đồ tôn giáo thì nên phải xét lại.

“Joe Biden nói rằng đức tin Công Giáo của ông rất quan trọng đối với ông ấy, và chúng tôi không cần nghi ngờ điều đó, ” Burch nói với CNA. “Rõ ràng là Biden đã tham dự Thánh lễ, và rõ ràng đức tin Công Giáo của ông ấy đã là niềm an ủi cho ông vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời.”

“Nhưng câu hỏi trong cuộc bầu cử này là những kế hoạch của ông ấy đối với đất nước này, và đó là điều mà các tín hữu nên tập trung vào, ” Burch nói.

“Điều quan trọng ở đây không phải là cuộc đời của ông ta, mà là chính sách. Mà chương trình chính sách của ông ta thì đã đe dọa nền tự do của các Giáo hội ở Mỹ.”

Burch nói rằng theo quan điểm của mình, các quan điểm của Biden có thể tác động đến việc mục vụ xã hội và từ thiện của Giáo hội.

“Tôi lo lắng rằng Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ đã không coi trọng đúng mức việc một tổng thống Biden có thể là mối đe dọa đến nền tự do của Giáo hội ở Mỹ. Các bệnh viện, trường học và tổ chức từ thiện Công Giáo chắc chắn sẽ buộc phải lựa chọn xem có thể hoạt động tuân theo đức tin cuả người Công Giáo, hay phải thỏa hiệp hay phải đóng cửa hoàn toàn. Hàng trăm triệu đô la trợ cấp của liên bang và tiểu bang để phục vụ người nghèo và dễ bị tổn thương có thể bị đe dọa, ” ông Burch nói.

Vào tháng 10 năm 2019, Biden đã bị từ chối Rước lễ tại một nhà thờ ở Nam Carolina vì ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.

“Đáng buồn thay, Chúa Nhật vừa qua, tôi đã phải từ chối cho Rước Lễ cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, ” theo lời cha Robert Morey, chánh xứ Nhà thờ St. Anthony ở Giáo phận Charleston, Nam Carolina, nói với CNA ngày 28 tháng 10.

“Việc Rước lễ biểu thị việc chúng ta kết hợp làm một với Thiên Chúa, kết hợp với nhau và với Giáo hội. Hành động của chúng ta phải phản ánh điều đó. Bất kỳ nhân vật công cộng nào ủng hộ phá thai đều đã đặt bản thân họ ra ngoài giáo huấn của Giáo hội, ” vị linh mục nói thêm.

Điều 915 của Bộ Giáo luật quy định rằng: “Không được nhận rước lễ: những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai.”

Vào năm 2004, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (sau này là Đức Giáo Hoàng bênêdictô XVI) cũng đã viết một bức thư nhắc nhở cho các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, giải thích việc áp dụng Giáo luật 915 đối với việc rước lễ.

Bức thư nhắc nhở nêu rõ rằng “thừa tác viên Rước Lễ có thể rơi vào tình huống phải từ chối việc Rước Lễ cho ai đó, chẳng hạn như trong các trường hợp bị vạ tuyệt thông, một lệnh cấm đã được tuyên bố, hoặc cố chấp trong việc tỏ thái độ đối với tội trọng.”

Trường hợp của một “chính trị gia Công Giáo liên tục vận động và bỏ phiếu cho luật phá thai và an tử” sẽ cấu thành “sự hợp tác chính thức” đối với một tội trọng “hiển hiện”, bức thư viết tiếp.

Trong những trường hợp như vậy, “Vị mục tử của người đó nên gặp họ, hướng dẫn họ về giáo huấn của Giáo hội, thông báo cho họ biết rằng họ không được đến Rước Lễ cho đến khi họ chấm dứt hoàn cảnh của tội lỗi, và cảnh báo họ rằng họ phải xử sự theo một cách khác, ” nguyên HY Ratzinger đã viết.

Vào lúc mà ông Biden bị từ chối Rước lễ, là lúc mà trang web của ông ấy đã tuyên bố rằng một trong những ưu tiên của ông khi làm tổng thống là “làm việc để hệ thống hóa Roe v. Wade” thành luật liên bang và rằng “Bộ Tư pháp của ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn các tiểu bang vi phạm trắng trợn quyền được phá thai của hiến pháp ”, như ra luật đòi hỏi phải có thời gian chờ đợi, phải làm siêu âm và thông báo cho cha mẹ về việc phá thai của trẻ vị thành niên.

“Phó Tổng thống Biden ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án Hyde vì cho rằng việc chăm sóc sức khỏe là một quyền không nên phụ thuộc vào nơi ở hoặc số tiền thu nhập, ” theo trang web của ông Biden.

Trang web cũng cam kết ôn sẽ “khôi phục tài trợ liên bang cho Planned Parenthood” và hứa sẽ “hủy bỏ Chính sách Thành phố Mexico (mà ông gọi là quy tắc bịt miệng toàn cầu) mà Tổng thống Trump đã khôi phục và mở rộng.”

Trong quá trình chức vụ với tư cách là thượng nghị sĩ, ông Biden đã nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ cho Tu chính án Hyde và Chính sách Thành phố Mexico, và phản đối dùng tiềng công tài trợ cho việc phá thai. Nhưng khi vận động để được đề cử từ năm ngoái, ông Biden đã thay đổi quan điểm về việc tài trợ cho phá thai.

Trong hơn một tuần vào tháng 6 năm 2019, ông Biden đã đi từ công khai ủng hộ Tu chính án Hyde - cấm sử dụng quỹ Medicaid cho hầu hết các ca phá thai - sang cam kết sẽ bãi bỏ nó nếu ông được bầu làm tổng thống.

Trước đây, Biden cũng đã ủng hộ một số khía cạnh của luật ủng hộ sự sống. Ngoài việc Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ Tu chính án Hyde, ông cũng ủng hộ Chính sách Thành phố Mexico năm 1984, bỏ phiếu ủng hộ Hyde một lần nữa vào năm 1993 và bỏ phiếu cấm phá thai một phần vào năm 1995 và một lần nữa vào năm 1997.

Hôm thứ Năm, ông Biden nói rằng “đức tin Công Giáo dạy tôi yêu người lân cận như yêu chính mình, trong khi Tổng thống Trump chỉ tìm cách chia rẽ chúng ta. Đức tin của tôi dạy tôi quan tâm đến những người bé nhỏ nhất, trong khi Tổng thống Trump dường như chỉ quan tâm đến những người bạn vàng của mình. Đức tin của tôi dạy tôi biết chào đón người lạ, trong khi Tổng thống Trump khiến các gia đình (di cư) tan nát. Đức tin của tôi dạy tôi bước đi một cách khiêm tốn, trong khi Tổng thống Trump xô đuổi những người biểu tình ôn hòa để ông ấy có thể đi tới một nhà thờ để chụp ảnh ”.

Tuyên bố của ông đã tránh không đề cập đến quan điểm của ông về phá thai.

Vào tháng 7, một nhóm 115 nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo, bao gồm Giám mục John Stowe của Lexington, Kentucky và các giáo sĩ, tôn giáo và nhiều giáo dân Công Giáo, đã ký một lá thư gửi tới Ủy ban Quốc gia và Ủy ban Cương lĩnh cuả đảng Dân chủ, yêu cầu đảng này ủng hộ sự sống con người và các chính sách "bảo vệ pháp lý cho trẻ em trước khi sinh ra."

“Chúng tôi kêu gọi các bạn công nhận một đứa trẻ có một phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, dù trước hoặc sau khi sinh ra”, lá thư viết, và yêu cầu bác bỏ “việc kiểm tra những người ủng hộ đức tin đang tìm kiếm một chức vụ trong Đảng Dân chủ”.

Biden là ứng cử viên tổng thống năm 2020 và trên thực tế là nhà lãnh đạo cuả đảng Dân chủ, đã không bình luận về lá thư và cũng không phản hồi nhiều yêu cầu khác từ những người ủng hộ Đảng Dân chủ.

Trước đó, vào thứ Năm, CatholicVote và cựu dân biểu Tim Huelskamp cũng kêu gọi ông Biden tố cáo một loạt các vụ phá hoại và đốt phá gần đây tại các Nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ, mà họ gọi là “một bầu không khí chống Công Giáo đang gia tăng”. Biden đã không lên tiếng về vấn đề này và chiến dịch của ông đã không phản hồi yêu cầu bình luận về vấn đề đó từ CNA.

Về phần mình, ông Trump đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các giám mục Hoa Kỳ vì lập trường của ông về án tử hình, chính sách nhập cư và tị nạn, các chương trình phúc lợi xã hội, chính sách nhà ở và các vấn đề khác. Đồng thời, tổng thống cũng được các giám mục và các nhà lãnh đạo Công Giáo khác ca ngợi về các chính sách hạn chế tài trợ phá thai và đã lưu tâm đến quyền tự do tôn giáo và bảo vệ lương tâm.

Ông Trump cũng đã bị chỉ trích bởi một số nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo vì những sự cố mà họ nói là lợi dụng lá bài tôn giáo, đặc biệt là sự xuất hiện gây tranh cãi vào tháng 6 bên ngoài một nhà thờ ở Washington, DC, tại đó ông tổng thống đã khoe một cuốn Kinh thánh khi chụp hình, ngay trong lúc có những biểu tình sôi động về cái chết của ông George Floyd.

Trong những tuần gần đây, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã chú ý hơn tới các cử tri tôn giáo, sau khi nhiều cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của số cử tri tôn giáo đã giảm sút. Trong số những người Công Giáo da trắng, là khối bỏ phiếu quan trọng đối với Trump vào năm 2016, sự ủng hộ đã giảm gần một nửa từ tháng 3 đến tháng 6. Các cuộc thăm dò cho thấy rằng những người Công Giáo đi lễ thường xuyên thì ủng hộ ông Trump nhiều hơn là những người không đi lễ.
 
Bộ Giáo Lý Đức Tin không chấp nhận công thức rửa tội chúng tôi rửa tội cho anh...
Vũ Văn An
18:25 07/08/2020

Theo Vtican News và Zenit, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra thông báo bác bỏ công thức rửa tội “chúng tôi rửa tội cho anh...”. Lý lẽ căn bản được nêu ra là chỉ một mình Chúa Kitô rửa tội mà thôi, chứ không phải cộng đồng. Những ai được rửa tội theo công thức sửa đổi ấy cần phải được rửa tội lại.

Sau đây là nguyên văn bản giải thích của Bộ Giáo Lý Đức Tin:



Gần đây, đã có các cử hành Bí tích Rửa tội được thực hiện với các lời như sau: “Nhân danh cha và mẹ, cha đỡ đầu và mẹ đỡ đầu, ông bà, các thành viên gia đình, bạn bè, nhân danh cộng đoàn, chúng tôi rửa tội cho anh (chị, em) nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Rõ ràng, việc cố ý sửa đổi công thức bí tích được du nhập để nhấn mạnh ý nghĩa cộng đồng của Bí tích Rửa tội, nhằm nói lên việc tham gia của gia đình và của những người hiện diện, và nhằm tránh ý niệm tập trung quyền lực thánh thiêng vào vị linh mục, làm giảm giá cha mẹ và cộng đồng mà công thức của Rituale Romano (Sách Nghi thức Rôma) dường như ngụ ý [1]. Với những động lực mục vụ đang gây tranh cãi [2], ở đây xuất hiện sự cám dỗ cổ xưa muốn thay thế công thức được Truyền thống truyền lại bằng các bản văn khác được cho là phù hợp hơn. Về vấn đề này, Thánh Tôma Aquinô đã tự hỏi câu hỏi sau đây “utrum plures possint simul baptizare unum et eundem” (liệu nhiều người có thể cùng một lúc rửa tội cho một người và cùng người đó không); ngài đã trả lời không, vì thực hành này trái với bản chất của thừa tác viên [3].

Công đồng Vaticano II tuyên bố rằng: “khi một người làm phép rửa thì chính Chúa Kitô làm phép rửa đó” [4]. Lời khẳng định của Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, được gợi hứng từ một bản văn của Thánh Augustinô [5], muốn đưa việc cử hành bí tích trở lại với sự hiện diện của Chúa Kitô, không những theo nghĩa là Người truyền virtus (sức mạnh) của Người để mang lại hiệu quả cho nó, nhưng trên hết, để chỉ rõ rằng Chúa đóng vai trò chính trong biến cố đang được cử hành.

Thực vậy, khi cử hành một Bí tích, Giáo hội hành xử như Thân thể hành động không tách rời khỏi Đầu của mình, vì chính Chúa Kitô là Đầu, là Đấng hành động trong Thân thể Giáo hội đã do Người sinh ra trong mầu nhiệm Vượt qua [6]. Như thế, tín lý về việc chính Chúa lập ra các Bí tích, được Công đồng Trent [7] long trọng khẳng định, thấy sự phát triển tự nhiên và cách giải thích xác thực của nó trong lời khẳng định nói trên của Sacrosanctum Concilium. Như thế, hai Công đồng nhất trí với nhau trong việc tuyên bố rằng họ không có thẩm quyền bắt bảy bí tích lệ thuộc hành động của Giáo hội. Thực vậy, các Bí tích, được Chúa Giêsu Kitô thiết lập, đã được ủy thác cho Giáo hội để được Giáo Hội gìn giữ. Ở đây, điều rõ ràng là, mặc dù Giáo Hội được cấu thành bởi Chúa Thánh Thần, Đấng giải thích Lời Thiên Chúa, và ở một mức độ nào đó, có thể ấn định các nghi thức nhằm phát biểu ân sủng bí tích do Chúa Kitô ban tặng, nhưng không thiết lập chính các nền tảng của sự hiện hữu của mình: tức Lời Thiên Chúa và hành động cứu độ của Chúa Kitô.

Do đó có thể hiểu rằng trong suốt nhiều thế kỷ, Giáo hội đã bảo vệ hình thức cử hành các Bí tích, trên hết, trong các yếu tố được Kinh thánh chứng thực và làm ta có thể nhận ra một cách rõ ràng tuyệt đối cử chỉ của Chúa Kitô trong hành động nghi thức của Giáo hội. Công Đồng Vatican II cũng đã xác lập rằng không ai “dù là một linh mục, có thể thêm, bỏ hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ bằng thẩm quyền của mình” [8]. Tự ý sửa đổi hình thức cử hành Bí tích không những là một sự lạm dụng phụng vụ, giống như sự vi phạm quy tắc thực chứng (positive norm), mà còn là một vulnus (một thương tích) gây ra cho sự hiệp thông của Giáo hội và việc xác nhận căn tính (identifiability) hành động của Chúa Kitô, và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất làm chính Bí tích không thành hiệu, vì bản chất của hành động thừa tác đòi hỏi phải truyền tải một cách trung thành với điều đã tiếp nhận được (x. 1Cr 15: 3).

Thật vậy, trong việc cử hành các Bí tích, chủ thể là Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô cùng với Đầu của nó, tự tỏ mình ra trong cộng đoàn cụ thể đang tụ họp [9]. Do đó, một cộng đoàn như vậy hoạt động một cách thừa tác – chứ không phải một cách hợp đoàn - vì không có nhóm nào có thể tự biến mình thành Giáo hội, nhưng trở thành Giáo hội nhờ ơn gọi vốn không thể phát sinh từ bên trong cộng đoàn. Do đó, thừa tác viên là dấu chỉ sự hiện diện của Đấng tụ họp, và đồng thời là cứ điểm (locus) của sự hiệp thông của mọi cộng đoàn phụng vụ với toàn thể Giáo hội. Nói cách khác, thừa tác viên là dấu hiệu hữu hình cho thấy Bí tích không phải là hành động tùy tiện của các cá nhân hoặc của cộng đồng, mà nó thuộc về Giáo hội Hoàn vũ.

Dưới ánh sáng đó, phải hiểu lệnh truyền của Công đồng Trent liên quan đến việc thừa tác viên ít nhất phải có ý định làm điều mà Giáo hội làm [10]. Do đó, ý định không thể chỉ dừng lại ở mức độ bên trong, với nguy cơ gây xao lãng có tính chủ quan, nhưng phải được thể hiện qua hành động bên ngoài được cấu thành bởi việc sử dụng chất thể và mô thức của Bí tích. Một hành động như vậy chỉ có thể biểu lộ sự hiệp thông giữa điều được thừa tác viên hoàn thành trong từng cử hành bí tích riêng rẽ với điều được Giáo hội thực hiện trong sự hiệp thông với hành động của chính Chúa Kitô: Do đó, điều căn bản là hành động bí tích có thể không được hoàn thành nhân danh chính nó, nhưng nhân danh con người của Chúa Kitô, Đấng hành động trong Giáo hội của Người, và nhân danh Giáo hội.

Do đó, trong trường hợp chuyên biệt của Bí tích Rửa tội, không những thừa tác viên không có thẩm quyền sửa đổi công thức bí tích theo ý thích của mình, vì những lý do về bản chất Kitô học và giáo hội học đã được nêu rõ, nhưng ngài thậm chí còn không thể tuyên bố rằng ngài thay mặt cha mẹ, cha mẹ đỡ đầu, người thân hoặc bạn bè, cũng không nhân danh cộng đoàn tụ họp để cử hành, vì ngài luôn hành động như là dấu chỉ sự hiện diện của cùng một Chúa Kitô đã được thể hiện trong cử chỉ nghi thức của Giáo Hội. Khi thừa tác viên nói “Tôi rửa tội cho anh…” thì ngài không nói như một viên chức thi hành một vai trò được giao phó cho mình, nhưng ngài thi hành một cách thừa tác dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng hành động trong Thân thể của Người để ban ơn thánh và làm cho Cộng đoàn phụng vụ cụ thể trở thành biểu hiện của “bản chất thực sự của Giáo hội đích thực” [11], vì “các buổi phụng vụ không phải là những buổi lễ riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội, vốn là 'bí tích hợp nhất', tức là dân thánh hợp nhất và đặt dưới quyền các giám mục của họ”[12].

Hơn nữa, việc sửa đổi công thức bí tích bao hàm sự thiếu hiểu biết về chính bản chất của thừa tác vụ trong Giáo Hội là luôn phục vụ Thiên Chúa và dân Người chứ không phải việc thi hành một quyền lực có thể đi xa đến mức thao túng những gì đã được giao phó cho Giáo hội trong một hành động chỉ thuộc Truyền thống mà thôi. Do đó, trong mỗi thừa tác viên của Bí tích Rửa tội, không những phải có kiến thức sâu xa về nghĩa vụ phải hành động trong sự hiệp thông của Giáo hội, mà còn phải có cùng một xác tín mà Thánh Augustinô vốn gán cho Vị Tiền Hô, đối với “một tính đặc thù nào đó nơi Chúa Kitô, đến nỗi, dù nhiều thừa tác viên, bất kể là người công chính hay không công chính, đều có thể làm phép rửa, nhưng sức mạnh (virtue) của Phép Rửa phải được quy cho một mình Đấng mà trên Người chim bồ câu đã đậu xuống, và là Đấng đã có lời chép: 'Chính Người làm phép rửa bằng Chúa Thánh thần' (Ga 1, 33)”. Vì vậy, thánh Augustinô đã nhận định: “Thánh Phêrô có thể làm phép rửa, nhưng chính Người làm phép rửa; Thánh Phaolô có thể làm phép rửa, nhưng chính Người làm phép rửa; Thánh Giuđa có thể làm phép rửa, nhưng vẫn là Người làm phép rửa »[13].
_____________________________________________________________________________________________________
[1] Trong thực tế, một phân tích cẩn thận Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em cho thấy trong cuộc cử hành, cha mẹ, ông bà, người đỡ đầu và toàn thể cộng đoàn đều được kêu gọi đóng một vai trò tích cực, một nhiệm vụ phụng vụ đích thực (xem Rituale Romanum ex Decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI promulgatum, Ordo Baptismi Parvulorum, Praenotanda, nn. 4-7); tuy nhiên, theo dự liệu của công đồng, nhiệm vụ này đòi “mỗi người, bất luận là thừa tác viên hay giáo dân, hễ có một chức phận phải thủ diễn, nên thi hành mọi, và chỉ những, phần thuộc chức phận này của mình do bản chất của nghi thức và các nguyên tắc phụng vụ” (Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 28).

[2] Việc nại đến động lực mục vụ thường che đậy, dù một cách vô thức, một trệch hướng có tính chủ quan và một ý muốn thao túng. Ngay thế kỷ qua, Romano Guardini đã nhắc nhở rằng nếu trong lời cầu nguyện bản thân, tín hữu có thể tuân theo thúc đẩy của trái tim, thì trong hành động phụng vụ “họ phải mở lòng ra đón nhận một loại thúc đẩy khác phát xuất từ một nguồn mạnh mẽ hơn: tức là, trái tim Giáo Hội vốn đập qua nhiều thời đại. Ở đây, sở thích cá nhân ra sao là điều không đáng kể, không đáng kể việc họ muốn gì hay tâm trí họ quan tâm đến điều gì...” (R. Guardini, Vorschule des Betens, Einsiedeln/Zürich, 1948, tr. 258; Bản tiếng Anh: The Art of Praying, Manchester, NH, 1985, 176).

[3] Summa Theologiae, III, q. 67, a. 6 c.

[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 7.

[5] S. Augustinus, In Evangelium Ioannis tractatus, VI, 7.

[6] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 5.

[7] Cf. DH 1601.

[8] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium § 3.

[9] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1140: “Tota communitas, corpus Christi suo Capiti unitum, celebrat” (Toàn thể cộng đoàn, nghĩa là Thân Thể Chúa Kitô kết hợp với thủ lãnh của mình, cùng cử hành Phụng Vụ) và số 1141: “Celebrans congregatio communitas est baptizatorum” (Cộng đoàn phụng vụ là cộng đoàn của những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy).

[10] Cf. DH 1611.

[11] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 2.

[12] Ibid., 26.

[13] S. Augustinus, In Evangelium Ioannis tractatus, VI, 7.
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ nổ kinh hoàng tại Li Băng
Đặng Tự Do
19:41 07/08/2020
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Chủ tịch Ủy Ban Công lý và Hòa bình Quốc tế Hoa Kỳ bày tỏ tình liên đới với dân tộc đau khổ Li Băng sau vụ nổ ở cảng Beirut.

Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha David J. Malloy Giám Mục giáo phận Rockford và là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau trong tình liên đới với người dân Li Băng sau vụ nổ ở cảng Beirut:

Thế giới đang theo dõi với sự bàng hoàng và âu lo trước vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut hôm thứ Ba. Hơn 135 người đã chết, hàng nghìn người bị thương, và những đau khổ mới chỉ bắt đầu được kể lại.

Li Băng đã quay cuồng với tình trạng kinh tế bi đát và nạn tham nhũng của chính phủ cùng với đại dịch coronavirus. Hoàn cảnh của người dân Li Băng giờ càng thê thảm hơn. Chúng tôi đã nhận được lời kêu gọi của Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai gởi đến các quốc gia trên thế giới trong tình yêu huynh đệ và tình đoàn kết. Chúng tôi khuyến khích người Công Giáo và tất cả những ai có thiện chí hãy cầu nguyện cho những người đau khổ và quảng đại trợ giúp cho việc ứng phó với thảm họa Li Băng qua Catholic Relief Services tại www.crs.org. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tăng tốc tất cả các hỗ trợ nhân đạo cho Li Băng trong thời điểm cần thiết này.

Hiệp cùng Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện hôm thứ Tư, chúng ta hãy xin cho Li Băng có thể ‘vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà họ đang trải qua’ và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Li Băng. Chúng ta đặt hy vọng chắc chắn vào Ngài, “Đấng hòa giải mọi sự với chính Ngài” (Cl 1:20).


Source:USCCB
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lời cầu chúc thời Corona Virus: Bleiben Sie gesund - Chúc bằng an mạnh khoẻ!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:12 07/08/2020
Lời cầu chúc thời Corona: Bleiben Sie gesund - Chúc bằng an mạnh khoẻ!

Bệnh đại dịch Corona xuất hiện truyền nhiễm lây lan đe dọa sức khoẻ đời sống con người trên khắp thế giới từ đầu năm 2020. Tình trạng này khiến mọi người sống trong lo âu hồi hộp sợ hãi, nên phải giữ khoảng cách thân thể xa nhau, đeo khẩu trang cùng lo giữ vệ sinh rửa tay bảo vệ sức khoẻ cho chính mình cùng cho người khác nữa, để tránh khỏi bị vi trùng Corona lây lan sang nhau.

Cũng từ ngày biến cố đó, lời cầu chúc „Bleiben Sie gesund!“ phổ biến rộng rãi trong xã hội nước Đức qua chữ viết hay lời nói trao đổi giữa con người với nhau. Một cung cách nếp sống văn hóa tốt đẹp!

Sống trong căng thẳng lo sợ. Nhưng con người cũng vẫn hằng nhớ tới cùng lo cho nhau. Nên họ vui vẻ nói hay viết cho nhau lời cầu chúc: Bleiben Sie gesund! Chúc bằng an mạnh khoẻ!

Lời cầu chúc như thế là một công thức mang tính chất văn hóa xã hội đời sống, hay cũng còn chất chứa ý nghĩa đạo đức chúc lành của Thiên Chúa trời cao nữa?

Lời cầu chúc này trở thành phổ thông rộng rãi trong dân gian thời lúc này. Nó mang gía trị cho hết mọi người, dù quen biết hay không quen biết. Nó là một hình thức văn hóa xã giao nói lên tình liên đới giữa con người với nhau. Như thế nó cũng trở thành lời cầu chúc cá nhân trong mọi thời gian.

Lời cầu chúc đó phổ thông mang lại hiệu qủa tích cực tốt đẹp tích. Nó thầm nói lên sự quan tâm lo lắng của nhau và cho nhau, mong sao vượt qua tốt đẹp thành công hoàn cảnh, mà không ai có thể chắc chắn nói được về những ngày tới, tuần tới sẽ xảy ra như thế nào.

Lời cầu chúc đó gây niềm vui niềm hy vọng. Vì nghe nhận được lời phấn chấn trong hoàn cảnh lo âu. Và như thế mang lại cho thâm tâm đang trong hoàn cảnh hoang mang đốm lửa ánh sáng niềm hy vọng vươn lên!
Lời cầu chúc này hoàn toàn tự nguyện không có áp lực gì bắt buộc cùng không là điều tự nhiên phải làm.

Lời cầu chúc này tuy chỉ là một công thức ngắn gọn, nhưng lại có hiệu quả giúp xây dựng mở rộng mối dây liên lạc sâu xa cho vững chắc, bất kể hoàn cảnh u ám hoang mang, hay chỉ gây thiện cảm, bất kể nó có thể có hiệu qủa về lâu dài hay không.

Lời cầu chúc như thế dẫu vậy cũng nảy sinh sự gần gũi thông cảm với nhau, có thể chỉ là một chút ít nhỏ bé. Nó có sức mang đến hiệu qủa cảm tình tích cực, cho dù có thể chỉ cảm nhận được một chút mỏng manh.

Lời cầu chúc như thế có thể trở thành một không gian bảo vệ che chở nhỏ bé trong hoàn cảnh sống giữ khoảng cách thân thể xa nhau.

Lời cầu chúc đó không có lời gì về tên Thiên Chúa, Đức Mẹ, các Thánh hay bất cứ lời đạo đức thánh thiêng nào của bất cứ một tôn giáo tín ngưỡng nào. Nhưng lời cầu chúc đó bao hàm sâu đậm ý hướng linh thiêng gửi tới hết mọi người, cho dù họ là người có tôn giáo hay không, cho dù là tin Thiên Chúa hay không tin.

Lời cầu chúc sự tốt đẹp cho sức khoẻ là điều con người mong ước cần có. Nó giúp giải thoát tâm trạng tinh thần con người trong lúc đang vướng vào hoàn cảnh hoang mang lo sợ.

Phải, đó là lời chúc lành, cho dù không có tên Thiên Chúa, tên Thần Thánh viết nói ra cùng với trong đó. Nhưng sau cùng vẫn có Đấng là nguồn mọi ân đức sự tốt đẹp cho đời sống luôn hằng có mặt, và quan tâm săn sóc chữa lành cho đời sống con người.

Trong hoàn cảnh bị đe dọa như lúc này thời bệnh đại dịch Corona đang trong chiều hướng vượt qúa khỏi mọi biên giới khả năng hiểu biết của con người, lời cầu chúc tốt đẹp. Phải, đó lời chúc phúc lành, dưới hình dạng công thức nào cho dù là có lời đạo đức linh thiêng tôn giáo hay chỉ mang tính cách văn hóa xã hội đời thường, cũng mang đến hiệu qủa tinh thần tích cực tốt đẹp cho con người.

Từ đền thờ Thánh Phero bên Vatican Đức Giáo Hoàng thường ban phép lành „ Urbi et Orbi“ cho toàn thế giới hằng năm hai lần vào ngày lễ Chúa Giesu giáng sinh, và vào ngày lễ mừng kính Chúa Giêsu sống lại, và mới đây ngoại lệ hồi tháng Ba mùa đại dịch Corona.

Phép lành„Urbi et Orbi“ hoàn toàn mang tính cách tôn giáo Công Giáo. Nhưng cũng có thể gây nên sự cảm động hiệu qủa tích cực tốt đẹp, nói lên tình liên đới sự quan tâm tinh thần cả nơi những người không thuộc tôn giáo nào, hay không thuộc Công Giáo.

Phép lành „ Urbi et Orbi“ lan tỏa hướng tầm nhìn tới mọi nơi chốn vượt qua mọi biên giới địa lý hình thể đất nước, biên giới mọi dân tộc, biên giới cả thành phố Roma, biên giới khoảng cách không gian hữu hình và vô hình, biên giới thể lý và tâm lý con người.

Ý hướng tầm nhìn vượt lên trên bao quát này chỉ có nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ và sự sống con người cũng như mọi loài thú động vật và thảo mộc.

Ý hướng tầm nhìn bao quát này vượt qua mọi biên giới của trí óc suy luận, của ngôn ngữ, và biên giới giữa tôn giáo và đời thường không tôn giáo.

Con người tất cả là loài thụ tạo trong công trình tạo dựng thiên nhiên của Thiên Chúa. Tất cả nhân loại cùng ngồi trong cùng một chiếc tầu thuyền công trình vũ trụ thiên nhiên. Nên cùng bị vi trùng Corona đe dọa gây ra chao đảo khủng hoảng lo sợ hoang mang, gây ra yếu nhược cho thân xác cũng như cho tinh thần cùng đau thương chết chóc.

Vì thế, họ luôn cần nhớ tới nhau, gửi tới nhau lời tâm niệm cầu chúc an ủi hỗ trợ, lời chúc phúc lành tốt đẹp nói lên sự gần gũi sự có mặt của Thiên Chúa trong đời sống.

Điều này mang đến niềm an ủi, niềm hy vọng giúp có sức kiên nhẫn chịu đựng những thử thách trong đời sống cho hôm nay và ngày mai.

Mùa Hè 2020
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Tổng thống Trump ngỏ lời với người Công Giáo về tình hình hiện nay trên đài truyền hình EWTN
Giáo Hội Năm Châu
14:41 07/08/2020


Tổng thống Donald Trump qua đài truyền hình Công Giáo EWTN vừa ngỏ lời với người Công Giáo Hoa Kỳ và trên thế giới và nhiều vấn đề đang diễn ra hiện nay và đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ.

Mục đích tối hậu của chúng tôi là rao giảng Tin Mừng qua mạng lưới điện toán toàn cầu. Chúng tôi không có ý định tham gia chính trị đảng phái.

Tuy nhiên, đứng trước một làn sóng tấn công rất quyết liệt vào Giáo Hội chúng ta như đốt nhà thờ, đốt sách Kinh Thánh, giật sập tượng và đủ thứ các thủ đoạn khác nhằm làm chúng ta câm nín, và khuất phục trước các nghị trình phò phá thai, an tử, hôn nhân đồng tính, chúng tôi nói không úp mở với quý vị và anh chị em rằng hãy dồn phiếu cho tổng thống phò sinh Donald Trump.

Và cuộc phỏng vấn này diễn ra tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Trump và đài truyền hình Công Giáo EWTN giải thích với quý vị và anh chị em tại sao phải dồn phiếu cho Tổng thống Trump.

Tracy Sabol: Thưa Tổng thống, cám ơn ngài rất nhiều, đã nói chuyện với chúng tôi hôm nay. Chúng tôi đánh giá cao việc này.

Tổng thống Trump: Cám ơn cô.

Tracy Sabol: Chúng ta có rất nhiều chuyện để đề cập. Nhưng trước tiên tôi muốn nói về kinh tế. Tất nhiên, trong tình thế hiện thời của chúng ta, trong đó, chúng ta đang bắt đầu với một đợt kích thích khác nữa. Ngài có thể nói về điều đó và điều gì cần để đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ gặp nhau ở giữa?

Tổng thống Trump: À, chúng ta đã có một nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, không chỉ ở đất nước chúng ta, mà ở mọi quốc gia. Chúng ta đang đánh bại Trung Quốc, đánh bại mọi người. Họ đang có nền kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 67 năm nay. Vì vậy, chúng ta đã làm với thuế quan và tất cả những điều mà tôi đang làm. Và rồi chúng ta phải đóng cửa. Nó đến từ Trung Quốc. Đáng lẽ họ phải chặn đứng nó lại, nhưng họ đã không làm thế. Họ ngăn chặn người ta vào nước họ, nhưng họ đã không ngăn chặn việc đến đây, đến Châu Âu hay các nơi khác trên thế giới. Và chúng ta phải đóng cửa lại và chúng ta đã làm điều đó. Và nay chúng ta đang quay về và chúng ta đang thực hiện việc kích thích. Như cô thấy, chúng ta đã thực hiện rất thành công. Và có lẽ chúng ta có một cái gì đó phải nghĩ ra. Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Vấn đề với Đảng Dân chủ, như cô thấy, họ muốn tiền cứu bồ cho các tiểu bang và thành phố của họ đã hoạt động rất kém dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ. Và tôi không hài lòng với điều đó. Nó không thích đáng. Điều này liên quan đến corona, tôi gọi là “virus Trung Quốc”. Và vì vậy tôi nghĩ chúng ta đang làm rất tốt. Chúng ta đã có những con số việc làm tốt nhất xưa nay, tính theo phần trăm. Cô hãy nhìn vào những gì đã xảy ra, [không nghe rõ] gần bảy triệu việc làm trong hai tháng qua. Những con số mới sẽ sớm được ra mắt. Chúng ta đã trở lại. Chúng ta đang làm rất tốt. Tôi nghĩ năm tới sẽ là một trong những năm tuyệt vời nhất xưa nay. Và nó trông rất, rất mạnh mẽ.

Tracy Sabol: Nhìn trước tới quý ba: ngài dự đoán qúy đó sẽ ra sao?

Tổng thống Trump: Tôi nghĩ quý ba sẽ tốt. Tôi nghĩ nó sẽ tốt. Tôi nghĩ quý bốn sẽ rất, rất tốt. Nhưng chúng ta chỉ mới đang thoát ra khỏi một điều mà chúng ta không có lựa chọn. Chúng ta đã cứu hàng triệu sinh mạng nhờ đóng cửa. Nếu chúng ta không đóng cửa, cô sẽ mất hàng triệu mạng sống. Và ý tôi muốn nói, nhờ đóng cửa, chúng ta đã làm một việc rất tốt. Lệnh cấm đối với Trung Quốc rất quan trọng. Chúng ta cấm họ đến đây, nhiễm bệnh cao, và chúng ta cấm người ta đến đây từ Trung Quốc và sau đó từ châu Âu. Chúng ta đã thực hiện lệnh cấm đối với châu Âu, rất quan trọng. Tôi nghĩ nó thực sự sẽ xảy ra, tôi nghĩ chúng ta sẽ có một nền kinh tế rất đặc biệt trong khoảng... trong năm tới. Nhưng tôi nghĩ rằng quý ba thực sự sẽ rất tốt.

Tracy Sabol: Rất nhiều nơi đã bị đóng cửa, bao gồm cả các nhà thờ. Ta hãy nói về điều đó và tầm quan trọng của việc mở cửa lại các nhà thờ. Tôi biết ngài từng nói về điều đó.

Tổng thống Trump: Tôi nghĩ họ nên mở cửa các nhà thờ. Điều đó tùy các thống đốc. Nhưng, tôi nghĩ và tôi khuyến cáo điều đó, cô nên mở các nhà thờ. Họ sẽ lây lan, họ sẽ lây lan về phương diện xã hội, họ sẽ đeo mặt nạ và họ sẽ làm những gì họ phải làm, cô biết đấy, vệ sinh và mọi thứ khác chúng ta vốn biết. Đó là một danh sách rất đơn giản, nhưng tôi nghĩ không công bằng chút nào khi họ đã - tôi đã thấy Jim Jordan hôm nọ nói rất hay về việc đó -, khi họ có 50, 000 người biểu tình phản đối và họ gần như đứng trên đầu nhau, ấy thế mà cô lại không được phép đến nhà thờ. Cô không được đến trường. Chúng ta muốn mở cửa các nhà thờ của chúng ta. Chúng ta muốn mở cửa các trường học của chúng ta. Và mọi người đều muốn được an toàn. Họ biết phải làm gì. Họ sẽ tránh xa. Và, cô biết đấy, chúng ta cũng sẽ cùng theo một cách. Có thể cô sẽ có thêm một hoặc hai hoặc ba dịch vụ. Nhưng họ phải để các nhà thờ mở cửa. Họ muốn đặt, Đảng Dân chủ muốn đặt chúng ở thế mất hoạt động. Họ muốn đặt các nhà thờ ở thế mất hoạt động. Và điều đó rất không công bằng. Nên, họ không phản đối các cuộc biểu tình, rất khủng khiếp trong nhiều trường hợp. Cô hãy nhìn Portland, đó là một thảm họa, nhưng họ không muốn các nhà thờ mở cửa, họ không muốn các trường học mở cửa, họ không muốn các văn phòng mở cửa. Nên, đây là một tình huống rất, rất không công bằng cho nhiều người.

Tracy Sabol: Thưa Tổng thống, có cách nào để coi các nhà thờ như cơ sở kinh doanh thiết yếu không? Làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó?

Tổng thống Trump: Tôi đang xem xét điều đó vì tôi nghĩ rằng như thế đã quá đủ rồi. Cô có một số tiểu bang, tôi nghĩ họ không bao giờ muốn các nhà thờ mở cửa lại. Họ không muốn các nhà thờ mở cửa lại. Hãy xem, Đảng Dân chủ, thành thật mà nói, nếu cô nhìn vào phe cánh tả cấp tiến, Đảng viên Dân chủ, chính những người cực đoan cánh tả hiện nay, họ đã trở thành cánh tả cực đoan. Bất kể cô nói về sự sống hay đang nói về hầu hết mọi điều khác, họ đều không thích. Họ không thích nó.

Tracy Sabol: Tôi biết rằng ngài đã nghe nói về vụ phá hoại, một vụ phá hoại khủng khiếp. Nhiều, rất nhiều nhà thờ đã bị phá hoại trong những tuần qua. Ngài nghe về điều đó lúc nào, ngài nghĩ gì?

Tổng thống Trump: Tôi nghĩ đó là một sự ô nhục. Và tôi nghĩ một phần là do họ muốn các nhà thờ không được phép hoạt động, chúng không được phép hoạt động thực sự. Và tôi nghĩ quả là ô nhục khi điều này xẩy ra. Và, cô biết đấy, họ muốn đừng tài trợ cho cảnh sát. Họ muốn ngăn chặn cảnh sát. Ít nhất, họ muốn hạn chế tối đa ngành cảnh sát. Và chúng ta, chúng ta đơn giản chống lại việc đó. Tôi vừa được sự ủng hộ của ngành chấp pháp Texas, Florida, của mọi cảnh sát trưởng và ngành chấp pháp. Tôi nghĩ, tôi không thể tưởng tượng được bao giờ, tôi không thể tưởng tượng được việc các cơ quan thực thi pháp luật lại tán thành Biden. Ông ta gặp khó khăn về nhiều mặt, ta hãy đối mặt với điều đó, nhưng tôi không thể tưởng tượng điều đó sẽ xảy ra. Vì vậy, chúng ta gần như có mọi người tán thành chúng ta về mặt thực thi pháp luật. Và, cô biết đấy, với các nhà thờ, cô cũng cần một số cơ quan thực thi pháp luật để giúp cô giải quyết. Nhưng sự thực là các nhà thờ đang bị đóng cửa và cô biết đấy, nhiều điều tồi tệ xảy ra khi các nhà thờ bị đóng cửa. Đây là một tình huống rất khủng khiếp, những gì họ đang làm cho các nhà thờ và họ đây là những thống đốc thuộc phe cánh tả hoặc đảng Dân chủ cấp tiến, chúng gần như đã trở thành cùng một điều. Và tôi không nghĩ họ sẽ muốn các nhà thờ mở cửa.

Tracy Sabol: Có thể làm gì để ngăn chặn sự phá hoại này? Ngài nghĩ sao?

Tổng thống Trump: Vâng, những gì cô cần là cô cần ngành chấp pháp. Đó là các phạm vi thường do đảng Dân chủ cực đoan điều hành. Ý tôi muốn nói, nơi cô thấy quyền lãnh đạo của đảng Cộng hòa, nơi cô thấy các thống đốc và thị trưởng của đảng Cộng hòa, cô không gặp phải vấn đề này. Cô gặp vấn đề này nơi cô gặp những đảng viên Dân chủ cực đoan cánh tả hầu như trong mọi trường hợp. Vì vậy, điều cô phải làm là bầu các đảng viên Cộng hòa. Và nếu cô có một đảng viên Cộng hòa, chẳng hạn, nếu Biden thắng, cô sẽ có Portland khắp nơi trên đất nước chúng ta. Mọi nơi sẽ giống như Portland. Những người này là những kẻ kích động. Họ là những kẻ vô chính phủ. Cô sẽ có điều đó ở khắp đất nước của chúng ta. Cô biết đấy, chúng ta đã ngăn chặn điều đó, chúng ta đã tiến vào và nhiều người nói chúng ta đến quá sớm. Vâng, chúng ta hãy, chúng ta hãy đến sớm. Sớm còn hơn muộn. Nhưng ở đó, chúng ta đã làm một việc rất tốt. Thành thật mà nói, chúng ta đã làm một công việc tuyệt vời ở Seattle mà lẽ ra có thể đã bị thiêu rụi. Nhưng với Portland, và chúng ta không làm công việc lớn của mình, chúng ta đã làm một công việc nhỏ hơn nhiều. Chúng ta đã phải bảo vệ tòa nhà của chúng ta và các tòa nhà của chúng ta, thực thế, một số tòa nhà. Nhưng tòa án có thể đã bị thiêu rụi. Tòa án sẽ bị phá hủy nếu chúng ta không tiến vào. Người ta bảo, “Ồ, chúng ta đã đến quá sớm”. Chà, nếu lúc đó chúng ta không đến, tòa án đã bị phá hủy vì Seattle không bảo vệ nó. Vì vậy, cô sẽ có tình trạng đó ở khắp Hoa Kỳ. Và điều đó không thể chấp nhận được.

Tracy Sabol: Và, thưa Tổng thống, điều quan tâm hàng đầu đối với rất nhiều phụ huynh, trong đó có tôi, là việc mở cửa trở lại các trường học. Tôi biết ngài vừa tweet về điều đó. Ngài có thể nói về chuyện đó không?

Tổng thống Trump: Tôi muốn các trường học mở cửa. Trước hết, trẻ em mạnh mẽ đến khó tin, phải không? Hệ thống miễn dịch của chúng. Một điều gì đó đang xảy ra vì trong số hàng nghìn người chết ở New Jersey, hàng nghìn người, bởi vì tôi vừa xem số liệu thống kê, nhiều nghìn người đã chết, nhưng chỉ có một người dưới 18 tuổi. Và đó là một người tôi tin là mắc bệnh tiểu đường. Nên, các trẻ em, tôi đoán tôi đã nghe một bác sĩ nói như thế, hầu như chúng miễn dịch với nó. Các em có một điều gì rất mạnh mẽ, và các em không bị ảnh hưởng. Và chúng ta phải mở các trường học. Cô biết đấy, có mối nguy hiểm lớn khi khóa kín mọi người. Và các em cũng thấy việc sử dụng máy tính thật tuyệt vời, nhưng đó không phải là cách học hay. Bây giờ, các em biết tốt hơn nhiều nếu được ở cùng các giáo viên trong khuôn viên nhà trường hoặc trong một trường học, điều đó tốt hơn nhiều so với việc suốt ngày nhìn vào máy tính. Vì vậy, chúng ta phải mở cửa trường học. Chúng ta phải mở cửa chúng sớm.

Tracy Sabol: Và nếu có một thông điệp ngài muốn nói với các khán giả của chúng tôi, thì đó sẽ là gì ngay lúc này?

Tổng thống Trump: Vâng, thành thực mà nói, tôi nghĩ bất cứ ai cũng liên quan đến tôn giáo, nhưng chắc chắn Giáo Hội Công Giáo, cô phải đứng về phía Tổng thống Trump khi nói đến việc phò sinh, khi nói đến tất cả những thứ này, những người này sẽ tước bỏ tất cả các quyền lợi của cô, bao gồm cả Tu chính án thứ hai, bởi vì, cô biết đấy, người Công Giáo thích Tu chính án thứ hai. Vì vậy, tôi đã cứu Tu chính án thứ hai. Nếu tôi không có ở đây, cô sẽ không có Tu chính án thứ hai. Và việc phò sinh là điều quan trọng của cô và cô sẽ không đứng về phía đó của vấn đề, tôi bảo đảm như thế, nếu người cánh tả cấp tiến, vì họ sẽ tiếp quản, họ sẽ đẩy anh ta quay vòng vòng như thể anh ta chẳng là gì cả.

Tracy Sabol: Vâng, xin cảm ơn ngài rất nhiều, thưa Tổng thống, đã dành thì giờ ngày hôm nay.

 
Bức hình bác sĩ lần chuỗi Mân Côi trong khi chiến đấu với coronavirus lan nhanh trên mạng xã hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 07/08/2020


1. Bức hình một bác sĩ cầu nguyện với kinh Mân Côi trong khi chiến đấu với coronavirus lan nhanh trên mạng xã hội

Bác sĩ gây mê Néstor Ramírez Arrieta của Colombia tận dụng mọi cơ hội để cầu nguyện Mân côi khi anh ta có cơ hội trong ngày làm việc. Một người bạn của anh là mục sư Tin Lành Luis Alberto Gallego, đã chụp một bức ảnh của anh khi cầu nguyện với tất cả những quần áo bảo hộ y tế và chia sẻ nó trên Facebook với một thông điệp cảm động:

“Hình ảnh này của người bạn thân của tôi, bác sĩ gây mê Nestor Ramírez, làm rung động trái tim tôi. Anh ấy, giống như nhiều bác sĩ, đang chịu đựng những ca trực dài bất tận, và áp lực rất mãnh liệt mà nhiều người trong chúng ta sẽ không thể chịu nổi. Mặc dù vậy, trong những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, anh ấy lấy ra chuỗi tràng Mân Côi của mình ra và dành hết thời gian nghỉ ngơi cho lời cầu nguyện. Mặc dù chúng tôi khác nhau trong cách thức thờ phượng và cầu nguyện, nhưng có ai dám nghi ngờ rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe hay không những lời cầu nguyện này”

Các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên chăm sóc sức khỏe có nguy cơ rất cao, không chỉ vì nguy cơ lây nhiễm, mà còn vì những thiếu sót của hệ thống y tế Colombia và sự hiểu biết của những công dân đã kỳ thị họ, xa lánh và thậm chí đe dọa họ bằng bạo lực khi họ đến gần.

Khi làm xong một thủ tục, bác sĩ Ramírez đã tận dụng lúc chờ đợi để đọc một đoạn Kinh Thánh để nâng đỡ anh yên tâm tiếp tục hoạt động.

Bác sĩ Ramírez đã giữ thói quen cầu nguyện trong các giờ nghỉ ngơi từ lâu. Thực ra cũng không dễ dàng gì. Lúc đầu, một số người trêu chọc anh. Các bác sĩ thường là mục tiêu các nữ y tá để mắt xanh đến. Mục sư Alberto, là người làm việc chung với anh cho biết ban đầu nhiều nữ y tá đã trêu chọc anh: “Bác sĩ đẹp trai, xin anh hãy ban phép lành cho em, ” các cô này nói.


Source:Aleteia
Photo of doctor praying the Rosary in COVID-19 hospital goes viral

2. Đức Thánh Cha Phanxicô lại kiên nhẫn đối thoại với ký giả vô thần Eugenio Scalfari

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về cuộc khủng hoảng sinh thái đang ở mức rất nghiêm trọng đối với nhân loại với nhà báo nổi tiếng người Ý, là ông Eugenio Scalfari, đồng sáng lập tờ nhật báo La Repubblica rất có ảnh hưởng tại Ý. Cuộc trò chuyện này đã kéo dài trong một giờ vào ngày 30 tháng 7, tại nhà trọ Santa Marta.

Ông Scalfari, 96 tuổi, một người vô thần, đã tung ra tin này trong một bài báo trên tờ La Repubblica, ngày 02 tháng 8, dưới dòng tít lớn: “Giáo hoàng Phanxicô và xã hội hiện đại.” Trong đó, ông nhắc mọi người nhớ rằng ông đã được gặp Đức Giáo Hoàng nhiều lần trong những năm qua kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 và đã trao đổi thư từ qua nhiều năm kể từ đó. Scalfari nói: “Chúng tôi là những người bạn thực sự” và báo cáo tại cuộc gặp gỡ mới này “chúng tôi không thể ôm nhau về thể chất lẫn tinh thần”

Trong bài báo Scalfari dùng từ “abbracciare” nghĩa là “ôm nhau”, nhưng cũng có nghĩa là “đón nhận”. Nói cách khác, trong cuộc gặp gỡ này, vì coronavirus, ông ta không được ôm Đức Giáo Hoàng về thể chất, và không chấp nhận một vài ý tưởng nào đó của ngài.

Đi sâu vào nội dung cuộc thảo luận, Scalfari nói ông ta đã trao đổi với Đức Giáo Hoàng trước tiên về xã hội hiện đại, bắt đầu từ thời kỳ Khai sáng, và những vấn đề mà Giáo Hội phải đối mặt từ những thay đổi trong xã hội hiện đại, như đã được Công đồng Vatican II (1962-65) nêu ra. Ông nói rằng Đức Phanxicô nói với ông ta rằng Giáo Hội chưa thực hiện đầy đủ Công Đồng, và ngài thấy rằng nhiệm vụ của ngài là tiếp tục công việc đó.

Sau các cuộc thảo luận như thế này, Scalfari thường tung ra các tin rất giật gân. Chính vì thế, nhiều người rất ái ngại khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô kiên nhẫn đối thoại với ký giả vô thần này.

Hôm thứ Tư 9 tháng Mười, 2019, ông ta viết trên tờ La Repubblica rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho ông ta rằng “Đức Giêsu thành Nagiarét, một khi trở thành phàm nhân, cho dù là một con người có các nhân đức ngoại thường đi chăng nữa, không phải là Thiên Chúa.”

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố bác bỏ tin giả này. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Matteo Bruni bị chỉ trích là chưa đủ mạnh nên một ngày sau đó, đích thân tổng trưởng Bộ Truyền Thông Tòa Thánh đã có cuộc họp báo về vấn đề này.

“Đức Thánh Cha không bao giờ nói những gì Scalfari đã viết, ” người đứng đầu ngành truyền thông Tòa Thánh Paolo Ruffini nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm ngày 10 tháng 10, năm ngoái 2019 và thêm rằng “cả những nhận xét được trích dẫn và những tái dựng cũng như các giải thích theo ý riêng của tiến sĩ Scalfari về các cuộc đàm thoại, xảy ra hơn hai năm trước, không thể được coi là một tường thuật trung thực về những gì Đức Giáo Hoàng đã nói.”

Ông Ruffini nhấn mạnh rằng: “Trái lại, sự thật có thể được tìm thấy xuyên suốt trong huấn quyền Hội Thánh và của chính Đức Thánh Cha Phanxicô là thế này: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật.”

Scalfari, là người nổi tiếng không ghi chép trong các cuộc phỏng vấn, đã tung ra nhiều tin giả về Đức Thánh Cha Phanxicô trong quá khứ.

Năm 2018, ông tuyên bố Đức Giáo Hoàng đã phủ nhận sự tồn tại của hỏa ngục. Đáp lại, Vatican nói rằng Đức Giáo Hoàng đã không hề cho ông ta phỏng vấn và nhà báo này đã trình bày không chính xác một cuộc trò chuyện giữa ông ta và Đức Thánh Cha trong một chuyến viếng thăm chúc mừng Phục sinh. Nguyên văn tuyên bố của Tòa Thánh hôm 30 tháng Ba, 2018 như sau:

“Đức Thánh Cha gần đây đã tiếp kiến người sáng lập ra nhật báo La Repubblica trong một cuộc tiếp kiến riêng vào dịp lễ Phục sinh, nhưng không có bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Tất cả mọi thứ được báo cáo bởi tác giả trong bài báo hôm Thứ Năm là kết quả của việc tái dựng lại của chính ông ta, trong đó, những lời lẽ nguyên văn do Đức Giáo Hoàng nói ra đã không được trích dẫn. Do đó, không có tường trình trực tiếp về phát biểu nào có thể được coi là bản văn trung thành các lời của Đức Thánh Cha.”

Lần đầu tiên Scalfari báo cáo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những bình luận phủ nhận sự tồn tại của địa ngục là vào năm 2015. Vatican cũng bác bỏ báo cáo đó.

Tháng Mười Một năm 2013, sau cuộc tranh cãi dữ dội về những trích dẫn mà nhà báo này đã gán cho Đức Thánh Cha Phanxicô, Scalfari thừa nhận rằng ít nhất một số từ ngữ ông ta đăng tải một tháng trước “không được chia sẻ bởi chính Đức Giáo Hoàng”.


Source:American Magazine