Ngày 11-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:22 11/08/2016
95. HỎI VẶN HOẠT HỈ.
Điền Ba có tài tranh luận.
Một hôm, đệ tử của Điền Ba là Cầm Hoạt Hỉ đang đi trên đường thì gặp một bà lão, bà lão thi lễ và hỏi:
- “Ông có phải là học trò của Điền Ba không, nhất định là ông giống Điền Ba về tài tranh luận, lão đây có một nghi vấn muốn thỉnh giáo ông.”
Hoạt Hỉ nói: “Bà nói đi”.
Bà lão nói:
- “Bờm con ngựa sống hướng lên thì ngắn, đuôi con ngựa sống hướng xuống thì dài, đó là nguyên nhân gì ?”
Cầm Hoạt Hỉ cười nói:
- “Việc đơn giản như thế mà còn không biết sao ? Bờm con ngựa sống vểnh lên phía trên, ngược thế nên phải ngắn; đuôi con ngựa sống rủ xuống dưới, thuận thế nên phải dài”.
Bà lão lại hỏi:
- “Nhưng tóc của con người cũng vểnh lên phía trên, thuộc về ngược thế, tại sao lại dài chứ ? Râu cằm lại rủ xuống, thuộc về thuận thế, tại sao lại ngắn chứ ?
Cầm Hoạt Hỉ nhất thời không trả lời được.
(Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư 95:
Có nhiều giáo dân dù chỉ học biết giáo lý căn bản để lãnh các bí tích khai tâm, nhưng đời sống đạo đức thì vượt xa những người thông thái, vượt qua những người đi tu, bởi vì họ rất đơn sơ nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của họ.
Có nhiều giáo dân đi tham gia khóa giáo lý này, lớp bồi dưỡng giáo lý nọ và có khi tham gia những lớp thần học dành cho giáo dân, rồi về lại trong giáo xứ của mình, thay vì giúp cha sở xây dựng giáo xứ ngày càng phát triển hơn, thì lại đi cãi lý với cha sở về những điều mình đã thu lượm nơi các lớp giáo lý ấy, nào là: cha đi sai phụng vụ của Giáo Hội, nào là cha giải thích câu Lời Chúa ấy như thế không đúng với truyền thống của Giáo Hội, nào là cha trang trí trong cung thánh không phù hợp với phụng vụ, nào là vân vân và vân vân... Cũng có một số giáo dân đi học giáo lý, rồi thì tự đắc cùng nhau tranh luận thánh kinh, đi đến chỗ trở thành đối lập nhau và nguy hiểm hơn: trở thành đối địch nhau...
Học Lời Chúa và sống Lời Chúa thì khác xa nhau.
Chúng ta không thông thái về thần học, giáo lý cho bằng các giáo phụ của Giáo Hội, cho nên chúng ta không đủ tư cách để tranh luận về giáo lý, thần học, nhưng có một cách vừa có tính tranh luận, vừa có tính hộ giáo, vừa có tính truyền giáo đó là Sống Lời Chúa, bởi vì khi chúng ta sống và thực hành Lời Chúa, thì tự nó –cách sống của chúng ta- cũng là một lời tranh luận chắc chắn, một tính hộ giáo siêu việt và là cách truyền giáo hay nhất của mọi thời đại.
Cho nên, bớt đi tranh luận, nhưng gia tăng cách sống Lời Chúa và cầu nguyện trong cuộc sống của chúng ta, thì sẽ không có ai hỏi vặn về niềm tin của chúng ta nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:24 11/08/2016

16. Phục tùng là được con đường bình an.

(Thánh Dolerthe)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Fides quan ngại về những vu cáo liên quan đến Giáo Hội Công Giáo trong vụ đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đặng Tự Do
19:37 11/08/2016
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông Fethullah Gulen
Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc bày tỏ quan ngại rằng các ký giả Thổ Nhĩ Kỳ đã đi quá xa khi vu cáo Giáo Hội Công Giáo với những vai trò đầy huyền thoại trong cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7 vừa qua.

Những vụ cáo này thể hiện một tâm tình bài Công Giáo trong Giới Truyền Thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 15 tháng 7 vừa qua cái gọi là “Hội Đồng Quân Nhân Vì Hòa Bình Quê Hương” đã tổ chức một cuộc đảo chánh với sự tham gia của các quân nhân trong Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân Đoàn 3, một số đơn vị không quân, hải quân và quân cảnh. Quân đảo chánh đã dội bom vào tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và pháo kích vào dinh tổng thống. Cuộc đảo chánh đã thất bại sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi dân chúng xuống đường bảo vệ chính quyền và huy động các lực lượng trung thành trấn áp cuộc nội loạn. Trong cuộc đảo chánh này, 300 người đã bị giết 2,100 người bị thương. Toà nhà Quốc hội và dinh tổng thống bị hư hại nặng. 6,000 người bị bắt trong đó có 2,839 quân nhân và 2,745 thẩm phán. 15,000 nhân viên giáo dục bị mất bằng và 21,000 thầy giáo tại các trường học tư bị cấm không được hành nghề.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu vụ đảo chánh này. Giáo sĩ Fethullah Gulen là một Imnam và là một nhà giảng thuyết đạo Hồi. Ông cũng là một nhà văn và một nhà chính trị.

Fethullah Gulen đề cao Hồi Giáo ôn hòa, tin tưởng nơi những giá trị của sự khoan dung, sống chung hòa bình, đại kết với các tôn giáo, và việc cần thiết phải tách rời nhà nước khỏi Hồi Giáo.

Fethullah Gulen từng là một đồng minh chiến lược của tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho đến khi xảy ra cuộc điều tra vụ tham nhũng vào tháng 12 năm 2013. Ngày 17 tháng 12 năm 2013, 52 viên chức trong chính quyền của Erdoğan (lúc đó là thủ tướng) đã bị bắt.

Lợi dụng một kẽ hở trong nghị quyết cấm vận Iran của Liên Hiệp Quốc, các viên chức trong đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất cảng 13 tỷ Mỹ Kim vàng sang Iran để đổi lấy dầu thô về bán kiếm lời. Thủ tướng Erdoğan được cho là vô can vì đang ở nước ngoài thăm Pakistan. Các cuộc điều tra sau đó đã đưa tổng cộng 91 người vào tù.

Khi về nước, Erdoğan cho rằng Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu trong cuộc điều tra này. Fethullah Gulen đã phải lánh nạn tại Hoa Kỳ.

Sau cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7 vừa qua, các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ thi nhau bày tỏ lòng trung thành với tổng thống Erdoğan và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại Fethullah Gulen, kể cả các cáo buộc hoang tưởng nhất.

Tờ Cumhuriyet, trong số ra ngày 7 tháng 8, đã nhắc đến cuộc gặp gỡ vào tháng Hai năm 1998 giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông Fethullah Gulen. Ký giả Mine Kirikkanat của tờ này nói rằng ông Fethullah Gulen là một “gián điệp” của Giáo Hội Công Giáo đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore” (không nêu danh tính) và được cài vào Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu “Kitô Giáo hóa” nước này.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu Hoa Kỳ phải dẫn độ ông Fethullah Gulen về nước để xét xử về âm mưu lật đổ chính quyền. Về phần mình ông Fethullah Gulen cho rằng vụ đảo chánh hôm 15 tháng 7 là một vụ đảo chánh giả do chính tổng thống Erdoğan dàn dựng với mục đích thanh trừng nội bộ và kiếm cớ để ban cho mình nhiều quyền hành.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô ăn trưa với những người tị nạn Syria trong Vatican
Thanh Quảng sdb
20:24 11/08/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô ăn trưa với những người tị nạn Syria trong Vatican
Thanh Quảng sdb
Theo đài Vatican loan đi ngày 11/8/2016: Đức Thánh Cha Phanxicô đã ăn trưa với 21 người tị nạn Syria hôm thứ Năm vừa qua tại nhà Trọ Thánh Marta.
Trong bữa trưa, gồm nhiều người lớn và trẻ em, họ đều có thể chuyện vãn và chia sẻ với Đức Thánh Cha Phanxicô về những kinh nghiệm khởi đầu cuộc sống của họ tại nước Ý này.
Các trẻ em đã thu góp các tranh vẽ của các em thành một sưu tập để tặng cho Đức Thánh Cha, còn Đức Thánh Cha thì vui vẻ hướng dẫn các em các thứ đồ chơi và các quà tặng khác.
Những người tị nạn định cư tại thành phố Rome này ,đã được Cộng đoàn Thánh Egidio bảo trợ từ trại tỵ nạn Lesbos nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới hòn đảo của Hy Lạp này ngày 16/4/2016 vừa qua.
Nhóm đầu tiên về Rome cùng với Đức Thánh Cha trên chiếc máy bay Đức Thánh Cha đi thăm viếng, trong khi nhóm thứ hai đến Roma vào giữa tháng Sáu thể theo yêu cầu của Đức Thánh Cha.
Có mặt tại bữa ăn với Đức Thánh Cha Phanxicô và những người tỵ nạn Syria còn có Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu là Bí thư phủ Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh; Giáo sư Andrea Riccardi, người sáng lập cộng hoàn Thánh Egidio, và một số thành viên khác như Tổng Tư Lệnh Cận vệ Vatican là Tiến sĩ Domenico Giani và hai Quân viên đã giúp thuyên chuyển những người tị nạn từ đảo Lesbos về Ý.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ phàn nàn về luật báng bổ ở các quốc gia Hồi Giáo
Đặng Tự Do
20:52 11/08/2016
Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành một báo cáo thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới và nhấn mạnh mối quan hệ giữa luật báng bổ và những vi phạm nhân quyền trong các “xã hội Hồi giáo bảo thủ sâu sắc.”

Báo cáo nhận xét rằng “Sự cuồng nhiệt của xã hội đối với luật phạm thượng – chính sự cuồng nhiệt đó tự nó đã là một vấn đề - lại được tiếp tay bởi một bộ luật với những hình phạt nghiêm trọng dành cho những người bị cáo buộc là phạm thượng và bỏ đạo. Những lời vu cáo, thường được đưa ra xuất phát từ sự theo đuổi những lợi ích cá nhân hoặc cho các mục đích cá nhân của người tố cáo, không phải là hiếm. Bạo lực dữ dội nổ ra ngay sau những lời buộc tội như thế là rất đáng lo ngại”.

Báo cáo nói tiếp rằng “Ngoài các nguy cơ bạo lực của đám đông phát sinh ra bởi những lời buộc tội báng bổ, tòa án ở nhiều nước vẫn tiếp tục đưa ra các bản án khắc nghiệt đối với những người bị cáo buộc là phạm thượng và bỏ đạo. Đây được coi là một sách lược nhằm hạn chế nghiêm trọng tự do tôn giáo của dân chúng.”

David Saperstein, Đại sứ thiện chí cho tự do tôn giáo quốc tế, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 10 tháng 8 rằng “76% các quốc gia trên thế giới cung cấp các điều kiện cơ bản để mọi người tự do thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng của họ. Tuy nhiên, éo le là có đến gần ba phần tư dân số thế giới sống trong 24% các nước còn lại nơi mà tự do tôn giáo bị hạn chế nghiêm trọng.”
 
Lord David Alton: Phải chăng chúng ta sợ bị chặt đầu, cắt cổ?
Đặng Tự Do
22:04 11/08/2016
Vào tháng 11 tới đây nhà thờ Chánh Tòa tại Westminster, bên Anh Quốc sẽ được chiếu sáng bằng ánh sáng đỏ trong suốt một tháng để gây ý thức về sự bách hại nhắm vào các Kitô Hữu trên toàn thế giới

Lord David Alton là người chủ xướng chương trình này nói:

“Nếu mỗi giáo xứ trong quốc gia chúng ta cũng làm như thế chúng ta sẽ có thể đánh thức tầng lớp chính trị của quốc gia này về quy mô của sự bách hại”

Ông nhận xét rằng “Phải chăng chúng ta đã quá sợ bị chặt đầu, bị khủng bố đến mức đâu hết rồi những cuộc biểu tình? Tại sao chúng ta có ngập ngừng không dám nói ra? Đâu là những cuộc biểu tình khổng lồ, những đêm canh thức, những cuộc tụ họp của các liên đoàn sinh viên? Đâu rồi những lá thư được ký bởi hàng ngàn người này gửi lên Thủ tướng, các dân biểu. nghị sĩ, các nhà lãnh đạo chính trị để thúc giục họ phải làm nhiều hơn nữa. Đâu rồi những chiến dịch được mở ra nhằm chấm dứt tất cả mọi hình thức áp bức và bất công?”
 
Pháp: Linh địa Lộ Đức tăng cường an ninh trước ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Chân Phương
08:43 11/08/2016
Pháp: Linh địa Lộ Đức tăng cường an ninh trước ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời

Sau hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Pháp, an ninh đã được tăng cường tại linh địa Lộ Đức (Lourdes) cho ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Bà Beatrice Lagarde - Tỉnh trưởng vùng Pyrénées cho biết rằng, giới chức trách thậm chí còn xem xét hủy bỏ Thánh Lễ và cuộc rước kiệu vào ngày Thứ Hai tuần tới (15 tháng 8), vốn thường có khoảng 25.000 người tham dự.

Theo đó, hầu hết các lối đi vào linh địa sẽ bị đóng, người tham dự sẽ phải đi qua cổng an ninh để kiểm tra các túi xách của họ. Một số sự kiện đã được điều chỉnh: cuộc rước kiệu sẽ bắt đầu tại ngay khu vực linh địa, chứ không phải là từ thị trấn như thông thường.

Trong hai tuần tới, sẽ có 250 nhân viên an ninh túc trực tại khu vực này, bao gồm cả cảnh sát, sĩ quan bán quân sự và một đội rà phá bom mìn. Các con đường xung quanh linh địa Lộ Đức sẽ cấm giao thông, và các loại thùng rác sẽ được thay thế bằng các túi nhựa trong suốt.

Bà Lagarde nói: "Các tín hữu đều có quyền đi vào linh địa. Nhưng tất cả mọi thứ được thực hiện như vậy là nhằm làm cho linh địa được an toàn".

Việc thận trọng này là hệ quả sau vụ Cha Jacques Hamel bị hai người Hồi giáo ở Normandy giết hại hồi tháng trước, cũng như các cuộc tấn công vào Paris và Nice khiến nhiều người bị thiệt mạng.

Lễ Đức Mẹ Lên Trời là ngày lễ cấp quốc gia ở Pháp. Hầu hết các ngân hàng, doanh nghiệp đều nghỉ việc, còn nhiều thị trấn và ngôi làng thì tổ chức như là một ngày lễ hội.

Bác sĩ Michael Moran - một thành viên của Ủy ban Y khoa Quốc tế của Lộ Đức và là Trưởng phòng y tế cho khách hành hương của Giáo phận Down-Connor nói rằng, mặc dù "thật buồn" khi nhìn thấy các rào chắn trên những ngả đường quanh linh địa này, nhưng đó là điều mà hiện nay phải chấp nhận ở Âu Châu - đặc biệt là ở Pháp - vì một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra.

Bác sĩ Moran nói thêm: "Tôi đã ở Lộ Đức ngay tại thời điểm mà cuộc tấn công khủng bố thảm khốc xảy ra ở Nice vào ngày Lễ Độc Lập. Trong khi rước nến tại linh địa, đang được chứng kiến những tấm lòng nhân văn xung quanh mình thì những tin tức khủng khiếp về những gì đã xảy ra ở Nice bắt đầu loan truyền đến đây. Các ác tồn tại trong thế giới của chúng ta, và chúng ta không hy vọng còn nơi nào có thể tránh được các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố".

"Tinh thần của Lộ Đức và đức tin đích thật sẽ không bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa, tuy vậy, cho dù chúng ta đang sống trong thời kỳ khủng hoảng nhưng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Từ nay cho đến lúc đó, chúng ta nên tuân theo sự bảo vệ của bà Lagarde và thuộc hạ của bà cùng với nhà chức trách tại linh địa". (CatholicHerald)

Chân Phương
 
Nữ lục sĩ vàng Simone Biles: Ngoài tài năng, còn có đức tin vững vàng vào Chúa
Marta An Nguyễn
10:26 11/08/2016
Giữa hai lần đấu, Simone Biles tìm giờ để đi lễ
Simone Biles là nữ lực sĩ triển vọng của Thế Vận Rio 2016 trong bộ môn thể dục nghệ thuật. Các tiết mục của cô gần như hoàn hảo và thế giới ngạc nhiên trước sự bình thản của tinh thần Olympic của cô đứng trước áp lực vô biên của các giám khảo.

Cái gì đã thúc đẩy cô để thành người giỏi nhất?

Để tìm được câu trả lời này, gần đây tờ báo Mỹ Us magazine đã lục túi xách thể thao của cô, hy vọng biết được công thức của sự thành công này. Không có gì đáng ngạc nhiên, ngoài vài vật dụng, còn có một tràng chuỗi Mân côi mầu trắng.

Simone Biles giải thích: “Mẹ Nellie của tôi đưa tôi đi nhà thờ. Trước trận đấu, tôi không đi lễ được. Tôi cầu nguyện với Chúa khi tôi ở một mình, nhưng tôi có Chúa ở với tôi”.

Đức tin là một trong các chuyện ổn định duy nhất của cuộc sống khó khăn. Simone Biles sinh ở Ohio, con của một bà mẹ nghiện rượu và nghiện ma túy. Lúc cô lên ba, cơ quan xã hội không cho mẹ cô nuôi cô. Cô về ở với ông bà ngoại ở Texas, họ nuôi cô và em cô: «Xin gởi các cháu về tôi nuôi… Tôi không muốn người ngoài nuôi các cháu».

Bây giờ, cô gọi ông bà là «ba, má» và đi lễ ngày Chúa Nhật với ông bà. Hai ông bà đã có một ảnh hưởng rất lớn trên đời cô và đã nâng đỡ cô ngay từ những ngày đầu.

Khi lên 6 tuổi, Simone Biles bắt đầu tập nhảy thể thao và từ đó cô không bao giờ ngừng. Cha mẹ nuôi để ý thấy cô thích thể thao và có tài năng. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Washington Post, họ kể «ở nhà mẹ của cô, Simone rất thích nhảy trên bàn ghế, đến mức mẹ của cô phải la, bàn ghế không phải là dụng cụ để tập thể dục thể thao!».

Khi lên trung học, cô để hết sức của mình để tập thể dục thể thao. Cô trau dồi ít nhất 32 giờ mỗi tuần, cuối cùng cô có một người huấn luyện ở nhà. Đó là một chọn lựa mà mẹ của Simone để cô chọn, bà nói: «Bất cứ con chọn như thế nào, thì mẹ cũng nâng đỡ con… Nhưng con phải chọn, chứ không phải mẹ chọn, vì chọn lựa này sẽ thay đổi cả một đời của con».

Đức tin và gia đình

Từ khi cô dốc tâm vào thể dục thể thao, thành công đến với cô liên tục. Trong ba năm gần đây, cô đoạt được 14 huy chương thế giới về thể dục dụng cụ, trong đó có 10 huy chương vàng. Từ tháng 8-2013, cô không thua một trận tranh đua nào.

Để đạt được ở mức này, cô đã hy sinh rất nhiều, nhưng cha mẹ luôn nâng đỡ cô. Mẹ của cô cho biết: «Điều này đòi hỏi rất nhiều tận tâm và hy sinh. Chúng tôi đã bỏ hết các kỳ nghỉ hè để đi theo Simoe thi đấu. Đó là hy sinh về phần chúng tôi, vì đó là đam mê của con gái tôi. Chúng tôi sẵn sàng theo con trong từng chặng tiến trình đi của con mình».

Chúa Nhật 7 tháng 8, Simone Biles đã vượt được các vòng loại: có thể cô sẽ đoạt huy chương vàng. Nhờ nền tảng vững chắc của đức tin và của gia đình, Simone Biles có tất cả lợi điểm để thành công trong các thử thách và trong cuộc sống.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn, aleteia.org, Philip Kosloski, 2016-08-08)
 
Năm vị bác sĩ ở Mumbai Ấn Độ bị tù vì buôn bán nội tạng.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:53 11/08/2016
Năm vị bác sĩ ở Mumbai bị tù vì buôn bán nội tạng.

Cảnh sát ở thủ đô Ấn Độ đã bắt Giám Đốc Điều Hành và Trưởng Phân Khoa của một bệnh viện tư nhân về tội giả mạo thủ tục hiến tặng cơ phận.

Mumbai (AsiaNews/Agencies)- Cảnh sát Mumbai đã bắt giữ năm bác sĩ, gồm có Giám Đốc Điều Hành và Trưởng Phân Khoa tại một bệnh viện uy tín ở Ấn Độ vì có dính líu tới việc cấy ghép nội tặng bất hợp pháp sau khi đường dây buôn lậu thận bị phát giác vào tháng trước.

Sau khi nhận được tin báo vào ngày 14 tháng Bẩy, cảnh sát đã làm một cuộc bố ráp bệnh viện Hiranandani ở Mumbai và đã bắt quả tang việc lấy thận của một người đàn bà cấy cho một người đàn ông với giấy tờ kết hôn giả.

Chiếu theo luật về Cấy Ghép Cơ Phận Người, cảnh sát đã bắt giữ Giám Đốc Điều Hành là Bác sĩ Jujeet Chaterjee, Trưởng Phân Khoa là Bác sĩ Anurag Naik và ba vị bác sĩ khác nữa.

Ngoài hai người dính líu đến việc trao đổi nội tạng và năm vị bác sĩ này, còn có thêm bẩy người khác nữa cũng bị bắt để tiến hành điều tra.

Đây là vụ buôn bán thận lần thứ hai bị phát giác tại một bệnh viện hàng đầu ở Ấn Độ trong những tháng gần đây. Vào tháng Sáu, cảnh sát cũng đã bắt sáu người và ba bác sĩ trong một ca ghép thận tương tự tại một bệnh viện nổi tiếng Indraprastha Apollo ở thủ đô New Delhi.

Những kẻ buôn người đã dụ dỗ những người nghèo ở Gujarat bán thận của mình với giá rẻ mạt là 200,000 rúp ($3,000 dollars Mỹ) và rồi chúng bán lại với giá chợ đen từ $36,000 Dolars tới $45,000 Dollars một quả thận.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa nói: Không có mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học
Đặng Tự Do
21:56 11/08/2016
Không có mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa nhận xét như trên trong một cuộc nói chuyện gần đây với các nhà khoa học Nga.

Theo hãng tin Interfax, phát biểu tại trung tâm nghiên cứu hạt nhân Sarov, nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga nói rằng “khoa học, tôn giáo và nghệ thuật là những cách khác nhau con người dùng để tìm hiểu thế giới và loài người”.

Đức Thượng Phụ nhận xét rằng:

“Khoa học tìm hiểu ‘làm cách nào và tại sao như thế’, trong khi tôn giáo giải quyết các câu hỏi ‘để làm gì.’

Thật là ngây thơ để đọc Sáng Thế Ký như một cuốn sách giáo khoa về nhân chủng học. Đồng thời, thật là phản tác dụng khi tìm kiếm một câu trả lời về ý nghĩa của cuộc sống trong các sách giáo khoa về sinh học và vật lý.”
 
Miến Điện dự định triệt hạ các tu viện Phật giáo xây cất trái phép
Đặng Tự Do
22:15 11/08/2016
Chính phủ Miến Điện đã công bố các kế hoạch nhằm san bằng các nơi thờ tự đã được xây cất mà không có phép của chính quyền.

“Mọi tôn giáo tại Miến Điện đều phải tuân thủ các luật lệ và các quy tắc của quốc gia” Bộ trưởng văn hóa và tôn giáo Miến Điện là ông U Myint Win Zaq cho biết hư trên. Ông nói thêm là những tòa nhà tôn giáo nào đã được xây cất mà không có phép sẽ bị phá hủy. Quyết định này của chính quyền Miến Điện nhắm chủ yếu vào các cơ sở Phật giáo. Ước lượng có đến 250 tu viện Phật giáo sẽ bị phá hủy

Trong thời gian vừa qua một số nhóm Phật giáo quá khích đã xây các ngôi chùa ngay trong khuôn viên các nhà thờ tại thủ đô Yangoon và các vùng phụ cận. Quyết định này của Miến Điện có lẽ nhằm chấm dứt tình trạng này.
 
Đức Hồng Y Schӧnborn: các đòi hỏi của tình yêu
Vũ Văn An
23:28 11/08/2016
Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” của Đức Phanxicô tiếp tục bị một số người trong giới bảo thủ thách thức. Gần đây nhất, có Tiến Sĩ Josef Seifert, một nhà triết học Công Giáo nổi tiếng người Áo, lên tiếng kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô rút lại các phát biểu trong Tông Huấn mà ông coi là “sai lầm và (trong một số trường hợp) còn lạc giáo một cách khách quan nữa”.

Biết rất rõ một số người bảo thủ sẽ chống đối từng phần Tông Huấn này, một công trình không hẳn của riêng ngài, mà là thành quả tập thể, còn nói theo ngôn ngữ thần học Công Giáo, là thành quả hợp đoàn, trong hơn 3 năm với hai thượng hội đồng giám mục thế giới liên tiếp, Đức Phanxicô đã mời Đức Hồng Y Christop Schӧnborn làm người trình bầy Tông Huấn trong buổi ra mắt nó với thế giới. Tuy là một trong các đại biểu của phe cấp tiến, nhưng Đức Hồng Y Schӧnborn có rất nhiều uy tín (credit) “bảo thủ”; ngài vốn là học trò ưu tú của Đức Bênêđíctô XVI và là một trong những vị đã soạn ra Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Có thể nói: Đức Hồng Y Schӧnborn là một nhà bảo thủ với viễn kiến cấp tiến.

Mới đây, trong một mạn đàm với tập san America, Đức Hồng Y Schӧnborn cho thấy một lần nữa lối đọc Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương của ngài. Lối đọc này, theo tập san America, đã phản ảnh truyền thống Đa Minh, qua châm ngôn nổi tiếng của Thánh Tôma Aquinô: contemplata aliis trader (trao lại cho người khác những điều mình đã chiêm niệm).

Hành vi huấn quyền

Về giá trị của Tông Huấn, có người cho nó chỉ là ý kiến riêng của Đức Phanxicô chứ không có giá trị huấn quyền trọn vẹn, Đức Hồng Y Schӧnborn cho hay: không đúng như thế, Tông Huấn quả là một hành vi huấn quyền, xứng đáng gọi là tông huấn. Ở đây, rõ ràng Đức Giáo Hoàng sử dụng vai trò mục tử của ngài, thầy dạy đức tin, sau khi đã tham khảo 2 thượng hội đồng giám mục về gia đình.

Vả lại, đây là một văn kiện giáo hoàng có giá trị vĩ đại, một giáo huấn đích thực về sacra doctrina (học thuyết thánh). Không những thế, hành vi huấn quyền này còn làm cho giáo huấn của Giáo Hội thành hiện diện và có liên quan với thời nay. Đức Hồng Y Schӧnborn cho rằng: ta đọc Công Đồng Nixêa dưới ánh sáng Công Đồng Constantinốp và đọc Công Đồng Vatican I dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II thế nào, thì ta cũng nên đọc các phát biểu trước đây của huấn quyền về gia đình dưới ánh sáng các đóng góp của Niềm Vui Yêu Thương như thế. Chúng ta được hướng dẫn một cách sống động để biết phân biệt giữa tính liên tục của các nguyên tắc tín lý và tính gián đoạn của các viễn tượng hay các cách phát biểu bị điều kiện hóa bởi lịch sử. Huấn quyền sống động vốn có chức năng giải thích Lời của Thiên Chúa một cách chân chính.

Canh tân ngôn ngữ Giáo Hội

Theo Đức Hồng Y Schӧnborn, về phương pháp luận, Đức Phanxicô đã canh tân ngôn ngữ của Giáo Hội, không những theo đường lối tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của ngài, mà còn theo đường lối “Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay” của Vatican II nữa.

Ngôn ngữ trên cho thấy một sự cởi mở sâu sắc đối với việc chấp nhận thực tại. Việc cởi mở này không hề làm hại tới tín lý. Nó tạo ra một phần của điều ngài gọi là “cột thẳng đứng của tín lý”, tức khía cạnh “hiện nay” của lời Chúa, Lời đã nhập thể vào lịch sử, và Đức Giáo Hoàng thông đạt nó trong khi lắng nghe các câu hỏi được đặt ra ngay ở trên đường.

Điều Đức Giáo Hoàng bác bỏ là viễn tượng thu mình vào các công bố trừu tượng không liên hệ gì tới những chủ thể đang sống và làm chứng cho cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, một cuộc gặp gỡ đổi đời. Viễn tượng trừu tượng có tính giáo điều chỉ thuần thục hóa một số công bố nhằm áp đặt việc tổng quát hóa của chúng lên trên một số ưu tú, mà quên rằng khi ta nhắm mắt đối với người lân cận của mình, ta cũng nhắm mắt đối với Chúa, như Đức Bênêđíctô XVI nói trong “Deus Caritas Est”.

Duy lý tưởng lãng mạn

Niềm Vui Yêu Thương nhấn mạnh sự kiện này: gia đình không phải là một thực tại hoàn hảo và làm sẵn; viễn kiến này ngược với xu hướng quá duy lý tưởng hiện nay của một số giới trong Giáo Hội. Có người gọi xu hướng này là thuyết duy lý tưởng lãng mạn.

Đức Hồng Y Schӧnborn cho rằng Thánh Kinh không trình bầy hôn nhân như thế, đó chỉ là một lý tưởng trừu tượng. Đức Phanxicô thì gọi nó là “việc của người khéo tay”. Đôi mắt của Đấng Chăn Chiên Lành nhìn người ta, chứ không nhìn các ý tưởng để sau đó biện minh cho niềm hy vọng của chúng ta. Tách biệt các ý niệm này ra khỏi thế giới mà trong đó Ngôi Lời đã nhập thể sẽ dẫn tới việc khai triển ra “nền luân lý bàn giấy lạnh lùng” (số 312). Ta thường nói tới hôn nhân một cách trừu tượng đến nỗi đánh mất hết nét quyến rõ của nó. Đức Giáo Hoàng nói rất rõ: không gia đình nào là một thực tại hoàn hảo cả, vì nó bao gồm những người tội lỗi. Gia đình nào cũng đang trên đường lữ thứ. Đức Hồng Y tin rằng đây là viên đá nền của toàn văn kiện. Nó không liên hệ gì tới thuyết duy tục hay thuyết Platông trên mây trên gió, mà là thuyết thực tại của Thánh Kinh.

Tính đa dạng của các hoàn cảnh cụ thể

Như ta đã biết, Niềm Vui Yêu Thương nặng về mục vụ. Đức Phanxicô cho biết rất rõ: sẽ không có gì thay đổi về tín lý. Trên bình diện kỷ luật, theo Đức Hồng Y Schӧnborn, Đức Giáo Hoàng lưu ý đến tính đa dạng không cùng của các hoàn cảnh cụ thể. Ngài quả quyết rằng không nên chờ đợi một bộ qui định tổng quát mới, theo kiểu giáo luật, có thể áp dụng cho mọi trường hợp.

Trên bình diện thực hành (praxis), trong các hoàn cảnh khó khăn và các gia đình bị thương tổn, Đức Giáo Hoàng cho biết điều có thể làm được là khuyến khích để có được sự biện phân có trách nhiệm có tính cá nhân và mục vụ đối với từng trường hợp chuyên biệt.

Về phương diện trên, phải nhìn nhận điều này: “vì ‘mức độ trách nhiệm không bằng nhau trong mọi trường hợp’, nên các hậu quả hay hiệu quả của một qui luật không nhất thiết phải luôn luôn như nhau” (số 300). Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng việc biện phân này cũng liên quan tới “kỷ luật bí tích, vì biện phân có thể nhìn nhận rằng trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó, không có lỗi lầm nào hiện diện cả” (ghi chú số 336). Ngài cũng nói rõ rằng: “lương tâm cá nhân cần được lồng vào thực hành của Giáo Hội nhiều hơn” (số 303), nhất là trong “cuộc đàm đạo với vị linh mục, ở tòa trong” (số 300).

Cũng về thực hành, Niềm Vui Yêu Thương đứng trên bình diện hết sức cụ thể của đời sống mỗi người. Chúng ta thấy có tín lý đức tin và các phong tục, và kỷ luật được xây dựng trên tín lý và đời sống Giáo Hội, nhưng cũng có các thực hành bị điều kiện hóa bởi cá nhân hay cộng đoàn.

Theo Đức Giáo Hoàng, về bình diện hết sức cụ thể nói trên, hiện đang có sự diễn biến trong nhận thức của Giáo Hội đối với các yếu tố điều kiện hóa và giảm khinh, các yếu tố này hết sức chuyên biệt đối với thời đại ta:

“Giáo Hội sở đắc cả một tổng hợp suy tư chắc chắn liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh. Do đó, không thể đơn giản nói rằng tất cả những người trong bất cứ hoàn cảnh ‘bất hợp lệ’ nào đều đang sống trong tình trạng tội trọng hay không có ơn thánh hóa. Ở đây, nhiều điều có liên quan chứ không phải chỉ là việc không biết qui luật. Một chủ thể rất có thể biết đầy đủ về qui luật, thế nhưng lại gặp khó khăn lớn trong việc hiểu rõ ‘các giá trị cố hữu của nó’ (339) hay rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không giúp họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm. Như các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã nói ‘Có thể có các nhân tố khiến khả năng đưa ra quyết định trở thành hạn chế’”.

Đức Gioan Phaolô II đã mặc nhiên...

Nhắc đến đạn văn nổi tiếng số 84 trong Tông Huấn “Familiaris consortio” của Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Schӧnborn cho hay: vị Thánh Giáo Hòang này quả đã phân biệt hàng loạt các hoàn cảnh khác nhau. Ngài nhìn thấy sự khác biệt giữa những người đã thành thực cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân đầu của họ nhưng vẫn đã bị bỏ rơi một cách bất công và những người đã tự ý tiêu diệt một cuộc hôn nhân hợp pháp theo giáo luật. Sau đó, ngài còn nói tới những người bước vào cuộc kết hợp vợ chồng lần thứ hai để dưỡng dục con cái và trong thâm tâm, họ biết chắc cuộc hôn nhân thứ nhất của họ, nay đã không còn cứu vãn được nữa, thực ra chưa bao giờ thành hiệu cả. Mỗi trường hợp này tạo đối tượng cho một cuộc đánh giá dị biệt hóa về luân lý.

Có rất nhiều khởi điểm hết sức khác nhau trong việc tham dự mỗi ngày một sâu sắc hơn vào đời sống Giáo Hội, một đời sống mà ai ai cũng đều được mời gọi. Đức Gioan Phaolô II đã mặc nhiên giả thiết rằng người ta không thể đơn giản nói rằng mọi hoàn cảnh của người ly dị tái hôn đều tương đương như một đời sống trong tội trọng, bị loại ra ngoài sự hiệp thông yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

Thành thử, ngài đã mở cửa cho một lối hiểu rộng rãi hơn nhờ biện phân các hoàn cảnh đa dạng vốn không y như nhau một cách khách quan và nhờ sự xem xét của tòa trong.

Hoàn cảnh khách quan và tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội

Trả lời một câu hỏi khác, Đức Hồng Y Schӧnborn cho rằng tính phức tạp trong hoàn cảnh các gia đình hiện nay, mà cách đây vài thập niên chưa hề có, khiến ta phải có cách nhìn tinh tế hơn đối với các hoàn cảnh này. Nói rõ hơn, hoàn cảnh khách quan của một người không cho ta biết mọi sự về con người này trong tương quan của họ với Thiên Chúa và với Giáo Hội. Điều này buộc ta phải khẩn cấp suy nghĩ lại điều ta muốn nói khi nói tới các hoàn cảnh tội lỗi khách quan.

Theo Đức Hồng Y, Đức Phanxicô đã thực hiện một bước quan trọng là buộc chúng ta nói rõ ra điều vốn nói ngầm trong “Familiaris consortio” về mối liên hệ giữa tính khách quan của hoàn cảnh tội lỗi và sự sống ơn thánh trong tương quan với Thiên Chúa và Giáo Hội của Người, và như một hệ quả luận lý, về tính qui tội cụ thể. Đức Hồng Y Ratzinger, vào thập niên 1990, đã giải thích rằng chúng ta không còn tự động cho rằng sống trong các cuộc kết hợp vợ chồng mới là sống trong hoàn cảnh tội trọng nữa.

Đức Hồng Y Schӧnborn nói rằng: ngài nhớ ngài có nêu câu hỏi sau đây với Đức Hồng Y Ratzinger, năm 1994, khi Bộ Giáo Lý Đức Tin cho công bố tài liệu của họ về người ly dị tái hôn: “Có phải thực hành cũ mà con coi là đương nhiên và là điều con biết trước khi có công đồng, vẫn còn giá trị không? Thực hành này dự liệu khả năng, ở tòa trong với vị giải tội của họ, được nhận lãnh các bí tích, miễn là không gây ra tai tiếng”. Ngài đã trả lời rất rõ ràng, y hệt như lời qủa quyết của Đức Phanxicô: không có qui luật tổng quát nào bao trùm hết mọi trường hợp đặc thù. Qui luật tổng quát rất rõ ràng, và điều cũng rõ ràng là nó không thể bao trùm mọi trường hợp cách thấu đáo được.

Gián đoạn với quá khứ?

Đức Phanxicô nói rằng “trong một số trường hợp”, khi một người sống trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, nhưng chủ quan không thấy mình có tội hay không hoàn toàn có tội, thì họ vẫn có thể sống trong ơn thánh của Thiên Chúa, yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và bác ái, vì mục đích này, họ được lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội, kể cả các bí tích, ngay cả bí tích Thánh Thể, vốn “không phải là phần thưởng dành cho những người hoàn hảo, nhưng là thuốc đại lượng và của ăn cho những người yếu đuối”. Làm thế nào để có thể hội nhập lời khẳng định này vào tín lý cổ điển của Giáo Hội? Phải chăng ở đây có một sự gián đoạn với những điều đã được quả quyết trong quá khứ?

Đức Hồng Y Schӧnborn trả lời đại ý như sau: Vì luôn ghi nhớ viễn tượng của văn kiện, nên ngài tin rằng điểm căn bản đã được triển khai trong Niềm Vui Yêu Thương là tất cả chúng ta, bất kể thuộc loại người trừu tượng nào, đều được kêu gọi phải cầu xin lòng thương xót, mong muốn sự hồi tâm. “Lạy Chúa, con không đáng…”. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ nói trong một ghi chú về sự giúp đỡ bằng các bí tích “trong một số trường hợp” của các hoàn cảnh bất hợp lệ, ngài đã nói như vậy bất kể sự kiện này là vấn đề, vốn rất quan trọng, đã bị phát biểu sai lạc khi nó được ngôi vị hóa, và cũng bất kể sự kiện này nữa là một số người muốn giải quyết nó bằng một ngôn từ tổng quát hơn là bằng việc biện phân cá nhân về mình thánh Chúa Kitô, một biện phân mà mỗi người và mọi người chúng ta đều phải làm.

Với sự sáng suốt vĩ đại, Đức Phanxicô đã yêu cầu chúng ta suy niệm về đoạn 1 Cr 11: 17-34 (số 186) là đoạn quan trọng nhất nói về vấn đề rước lễ. Điều này cho phép ngài tái định vị vấn đề và đặt nó ở chỗ thánh Phaolô đã đặt. Đây là một cách tế nhị để chỉ ra một đáp ứng giải thích khác nhằm trả lời các câu hỏi vốn được lặp đi lặp lại. Điều cần thiết là phải đi vào chiều kích cụ thể của đời sống mới có thể “biện phân được Mình Thánh”, bằng cách nài xin sự thương xót. Rất có thể một người nào đó có đời sống tuân theo luật lệ, nhưng vẫn thiếu sự biện phân, và như Thánh Phaolô đã nói, người này “đã ăn và uống sự phán xét cho chính mình”.

Chúng ta lui tới các bí tích như những người ăn xin, như những viên thu thuế đứng ở cuối đền thờ không dám ngước mắt lên. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta không những nhìn vào các điều kiện bên ngoài (vốn rất quan trọng) mà còn phải tự hỏi mình rằng liệu chúng ta có khát khao sự tha thứ đầy thương xót hay không, để chúng ta có thể đáp ứng tốt hơn đối với tính năng đọc đầy thánh hóa của ơn thánh. Người ta không thể từ luật tổng quát bước qua “một số trường hợp” chỉ bằng cách nhìn vào những hoàn cảnh chính thức. Do đó, trong một số trường hợp, rất có thể có người sống trong hoàn cảnh tội lỗi khách quan nhưng vẫn có thể nhận lãnh được sự giúp đỡ của các bí tích.

Tại sao phải nói tới “một số trường hợp” mà không nói tới một luật chung nào đó, thì Đức Hồng Y cho hay: Nếu không nói như thế thì sẽ lại rơi vào khoa giải nghi học (casuistry) hết sức trừu tượng. Thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa là chúng ta sẽ liều mình tạo hoẹt ra điều đúng, như một ngoại lệ, để nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể trong hoàn cảnh tội lỗi khách quan. Ngài tin rằng, ở đây, Đức Giáo Hoàng đòi chúng ta phải yêu mến sự thật để biện phân những hoàn cảnh cá nhân cả ở toà trong lẫn ở toà ngoài.

Những người không thể hiện được ý niệm hôn nhân

Câu hỏi được nêu ra là: Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến “hoàn cảnh tội lỗi khách quan” chắc chắn ngài không muốn nói tới những người đã được tuyên bố vô hiệu trong cuộc hôn nhân đầu và sau đó đã tái hôn, ngài cũng không muốn nói tới những người đã hội đủ các điều kiện sống với nhau “như anh trai em gái” (hoàn cảnh của họ rất có thể bất hợp lệ nhưng thực tế họ không sống trong những hoàn cảnh tội lỗi khách quan). Thành thử, ở đây, Đức Giáo Hoàng muốn nói tới những người không thể hiện được ý niệm hôn nhân một cách khách quan, và không biến cải lối sống của họ phù hợp với đòi hỏi. Hiểu như vậy có đúng không?

Đức Hồng Y cho hay: đúng như thế. Trong kinh nghiệm đồng hành với người ta về thiêng liêng của ngài, khi Đức Thánh Cha nói tới những hoàn cảnh tội lỗi khách quan, ngài không ngừng ở một số trường hợp đã được nói rõ trong số 84 của tông huấn Familiaris Consortio. Ngài nói một cách rộng rãi hơn tới một số hoàn cảnh không hiện thân được một cách khách quan cái hiểu của chúng ta về hôn nhân. Ta phải cố gắng hết sức để khuyến khích việc phát triển một ý thức thông sáng trong khi “thừa nhận ảnh hưởng của những yếu tố cụ thể” (số 303).

Vai trò của lương tâm

Đức Hồng Y Schӧnborn cho rằng lương tâm có thể làm nhiều hơn là nhận ra rằng một tình huống nhất định không tương ứng khách quan với các đòi hỏi tổng quan của Tin Mừng. Nó còn có thể nhận ra, một cách chân thành và trung thực, những gì đối với lúc này là đáp ứng quảng đại nhất có thể dành cho Thiên Chúa, và tiến đến chỗ thấy một cách khá chắc chắn về đạo đức rằng đó là điều Thiên Chúa đang yêu cầu trong bối cảnh các giới hạn phức tạp và cụ thể của người ta, dù chưa hoàn toàn là lý tưởng khách quan (số 303).

Niềm vui

Đối với câu hỏi: Hình như Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh một cách mạnh mẽ tới chủ đề niềm vui. Tại sao vậy? Phải chăng chúng ta đang có nguy cơ mất nó? Vì lòng thương xót đang làm ta bối rối?

Đức Hồng Y Schӧnborn cho rằng: Việc nại đến lòng thương xót cho chúng ta thấy sự cần thiết phải đi ra ngoài chính bản ngã chúng ta để thực hành lòng thương xót và ngược lại, để lãnh nhận lòng thương xót của Chúa Cha. Giáo Hội của "Niềm Vui Tin Mừng" là Giáo Hội biết đi ra ngoài, và đi ra khỏi chính mình là điều gây ra sợ hãi. Chúng ta ra ngoài các an toàn có sẵn của chúng ta, để có thể để cho mình được kết hợp lại với Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nắm tay chúng ta để hướng dẫn chúng ta đi đúng hướng của chứng từ đức tin. Ngài muốn chỉ cho chúng ta một cuộc gặp gỡ sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, một cuộc gặp gỡ của tình yêu chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta tiến về phía cuộc gặp gỡ với người khác.

Cuộc hồi tâm mục vụ lúc nào cũng phải tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa nói trên, Đấng đang hoạt động ngày nay. Sự hiện diện này làm dấy lên niềm vui, niềm vui yêu thương. Tình yêu luôn đòi hỏi; nhưng không có niềm vui nào lớn hơn tình yêu.
 
Đức Hồng Y Bagnasco nói rằng châu Âu muốn gạt Kitô hữu ra ngoài lề xã hội vì sợ hãi
Đặng Tự Do
23:06 11/08/2016
“Các Kitô hữu ngày nay là các vị tử đạo,” Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý nhận xét như trên hôm 10 tháng Tám.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco của tổng giáo phận Genoa, đã cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa Thánh Laurensô vào ngày Giáo Hội kính nhớ vị tử đạo. Ngài nói trong bài giảng rằng đối với các Kitô hữu ngày nay, tử đạo diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những hình thức tử đạo đẫm máu, nhưng cũng có những hình thức yên ắng hơn, có những hình thức “tinh tế, nhưng không kém phần độc ác; hợp pháp nhưng không kém phần bất công”

Đức Hồng Y nhận xét rằng tại châu Âu, có một thế giới thế tục đang tìm cách gạt ra ngoài lề xã hội các Kitô hữu, nhằm tạo ra một “trật tự thế giới không có Thiên Chúa.” Nỗ lực đó chung cuộc sẽ thất bại, bởi vì mặc dù các tín hữu Kitô có thể bị áp bức, họ không bao giờ bị tận diệt.

Ngài nói thêm:

“Các nỗ lực để loại các tín hữu Kitô ra khỏi đời sống công cộng không phải là một dấu chỉ của sự thông minh, nhưng là biểu hiện của sự sợ hãi. Trong nỗi sợ đó, người ta quyết liệt muốn loại bỏ các niềm tin tôn giáo.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Commitium Lào Cai Yên Bái hành hương Năm Thánh
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành
21:53 11/08/2016
Commitium Lào Cai Yên Bái hành hương Năm Thánh

WGPHH: Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Legio Mariae hiện diện tại Việt Nam và Năm Thánh Lòng Thương Xót, thứ Hai ngày 08/08/2016, Comitum Lào Cai – Yên Bái hành hương viếng nhà thờ Sapa để lĩnh ơn toàn xá.

Xem hình

Thành phần tham dự có cha linh giám Giuse Nguyễn Văn Thành, Phêrô Phạm Thanh Bình và Phêrô Nguyễn Đình Đền, và khoảng 500 thành viên Legio Mariae trong Comitium Lào Cai – Yên Bái gồm Curia Yên Bái 1, 2, 3 và các Praesidia Lào Cai. Thời gian hành hương và họp kéo dài từ 13g45 đến 17g00.

Dưới sự điều hành của anh trưởng Comitium, đúng 13g45, cuộc họp được bắt đầu bằng kinh Chúa Thánh Thần và lần hạt năm chục Mùa Mừng. Các thành viên cầu nguyện rất sốt sáng để cầu nguyện cho việc sinh hoạt tôn giáo tại Mường Khương. Xin Chúa thương, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, ban cho anh chị em Công Giáo tại Mường Khương được bình an và can đảm.

Theo sự phân công của anh trưởng Comitium, Curia Yên Bái 3 và Praesidium Đức Mẹ Đức Mẹ Cực Mầu Cực Nhiệm thuộc giáo xứ Lào Cai phúc trình định kỳ. Qua bản phúc trình này, cho dù hoàn cảnh rất khó khăn tại địa phương Mường Khương, hội nghị nhận thấy lòng nhiệt thành của các thành viên. Phải làm việc trong bối cảnh phức tạp mà anh chị em vẫn giữ và phát triển được đó là điều đáng khen ngợi. Tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Mẹ!

Sau khi họp xong, nghi thức bước qua Cửa Thánh được bắt đầu. Đây là nghi thức dành cho những ai muốn lãnh nhận ơn xá. Mọi người xếp hàng thật ngay ngắn và đều đặn. Vì là nơi du lịch nên có rất nhiều người khách chú ý đến đoàn rước. Tiếp theo, Thánh lễ do cha xứ Sapa chủ tế và cha xứ An Thịnh chia sẻ khá ấn tượng. Ngài cũng dẫn các thành viên trong gia đình Comitium đến việc làm công tác tông đồ trong giáo xứ.

Cuối cùng, các thành viên đã chụp hình lưu niệm với quý cha trước cửa nhà thờ. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ cho tất cả mọi người.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành
 
Lễ ban bí tích Thêm Sức tại giáo xứ Kim Bích, GP Xuân Lộc
Hoàng Bá Quý
22:04 11/08/2016
Giáo Phận xuân Lộc: Sáng ngày 10 tháng 8 năm 2016, lúc 8g30, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đến kinh lý mục vụ, dâng lễ kính thánh Laurenso và ban Bí Tích Thêm Sức cho 142 em thiếu nhi tại Giáo xứ Kim Bích, Giáo hạt Hố Nai.

Xem Hình

Từ rất sớm, khuôn viên thánh đường đã rộn ràng hẳn lên với sự có mặt của các em thiếu nhi chịu phép đang được sự chăm sóc của quý dì, các anh chị giáo lý viên, quý vị phụ huynh và các cha mẹ đỡ đầu.

Lúc 8g20, Đức Cha Đaminh đã hiên diện cùng cộng đoàn giáo xứ và chụp hình lưu niệm cùng các em tại cuối thánh đường.

Đúng 9g00, Sau ít phút gặp quý chức Ban hành Giáo, nghe của Ông chánh trương báo cáo tình hình của Giáo xứ, Đức Cha đã hiện diện nơi cuối thánh đường cùng với quý cha tiến vào dâng thánh lễ.

Đồng tế cùng Đức Cha có cha quản hạt Hố Nai Đaminh Bùi Văn Án, cha xứ Giuse Phạm Cao Thanh, cha phó Phanxico Xavie Hoàng Trọng Bản, quý Cha trong hạt, quý Tu sĩ và công đoàn Dân Chúa.

Thánh lễ được cử hành trong bàu khí nghiêm trang và sốt sắng.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Ông Trưởng Ban hành giáo đại diện cộng đoàn dân xứ dâng lời tri ân Đức cha Đaminh đã viếng thăm mục vụ và ban bí tích hôm nay. Một em thiếu nhi đại diện cộng đoàn dâng lẵng hoa để bày tỏ lòng hiếu kính và biết ơn đối với Đức Cha. Dịp này, Đức Cha đã trao phần thưởng cho các em có kết quả học tập xuất sắc.

Trong phần ban huấn từ, Đức Cha đã bày tỏ sự ngac nhiên trước những công trình đẹp đẽ, khang trang của giáo xứ và đặc biệt khen ngợi Cha xứ, Cha phó, Ban hành giáo và cộng đoàn dân Chúa và Ngài đã nhờ cha Quản hạt tặng lẵng hoa vừa nhận cho Cha xứ và Ông trưởng ban hành giáo.

Đức Cha cầu chúc cộng đoàn dân xứ tiếp tục sống đoàn kết yêu thương, tiếp tục phát huy tinh thần bác ái theo gương thánh Laurenso Quan thầy trong gia đình, cộng đoàn và ngoài xã hội.

Xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ tình yêu của Người xuống trên các em lãnh nhận Bí Tích Thêm sức hôm nay, giúp các em trở thành những chứng nhân Lòng Thương Xót của Chúa nơi gia đình và xã hội.
 
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ: Lm Nguyễn Minh Hiền, nguyên chính xứ Giáo Xứ VN San Jose đã nhận 4 tội danh trốn thuế
Nguyễn Long Thao
10:55 11/08/2016
Văn phòng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ hôm thứ Ba 9 tháng 8 năm 2016 đã ra thông cáo báo chí cho biết Linh Mục Nguyễn Minh Hiền, nguyên chính xứ Giáo Xứ Việt Nam thuộc giáo phận San Jose đã chính thức nhận 4 tội danh trốn thuế, và không nhận tội danh gian lận ngân hàng.

Vụ LM Nguyễn Minh Hiền do bốn giới chức sau đây của bộ Tư Pháp khởi tố:

1. Phó Trợ Lý Tổng Trưởng Tư Pháp Caroline D. Ciraolo, đặc trách bộ phận Thuế Vụ của Bộ Tư pháp.
2. Chưởng lý Mỹ Brian J. Stretch đặc trách vùng Bắc California.
3. Ông Michael T. Batdorf nhân viên đặc trách điều tra hình sự của sở Thuế Vụ.
4. Luật sư Gregory Bernstein của ngành Thuế Vụ Bộ Tư Pháp

Theo thông cáo báo chí, LM Nguyễn Minh Hiền năm nay 56 tuổi đã thừa nhận rằng, trong khoảng thời gian bốn năm, từ năm 2008 đến năm 2011, Linh mục, theo đúng nguyên văn của thông cáo bộ Tư Pháp, đã ăn cắp tiền (stole money) của giáo dân dâng tặng cho giáo phận và đã cố tình trốn nộp thuế lợi tức về số tiền đã chiếm dụng từ năm 2008 đến năm 2011.

Linh mục đã nhận rằng LM ký thác số tiền này vào trương mục cá nhân, đã không cho người khai thuế lợi tức biết về số tiền này. LM cũng cho biết Linh Mục không còn giữ những biên nhận của những số tiền người ta đã dâng tặng mà LM đã đánh cắp, đồng thời đã khai man thuế vì đã không báo cáo số tiền này.

Về tội danh gian lận ngân hàng, bản thông cáo báo chí của Bộ Tư Pháp cho biết, LM Nguyễn Minh Hiền đã không nhận tội gian lận ngân hàng và Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đang cứu xét cáo buộc đó.

Phó Trợ Lý Tổng Trưởng Tư Pháp Caroline D. Ciraolo nói: “LM Nguyễn Minh Hiền đã lấy tiền của giáo dân và khai man thuế để tránh nghiã vụ đóng thuế lợi tức cho sở Thuế Vụ”.

Ông Phó Trợ Lý nói thêm "Bộ cứu xét tất cả các tội phạm hình sự về thuế để hành vi bất hợp pháp của LM phải chịu trách nhiệm, bất kể nghề nghiệp của họ. Không ai đứng trên pháp luật."

Bộ Tư Pháp chưa định ngày tuyên án về gian lận thuế cho LM Hiền. Mức án tối đa cho tội danh này là 5 năm tù ở và nộp tiền phạt cho mỗi tội danh trốn thuế.

Theo dự trù ngày 23 tháng 8 năm 2016, LM Hiền sẽ phải ra toà về tội danh gian lận ngân hàng. Cho tới khi xét xử, LM Hiền vẫn là người vô tội cho tới khi toà phán quyết LM Hiền có tội gian lận ngân hàng hay không. Hiện nay LM Hiền đã không nhận tội gian lận ngân hàng mà chỉ nhận tội có gian lận thuế.

Tưởng cũng nên nhắc lại LM Nguyễn Minh Hiền, chịu chức Linh Mục năm 1985, nguyên là Chánh Xứ Giáo xứ Việt Nam San Jose, nguyên Giám Đốc Trung Tâm CGVN, nguyên Tổng Quản đặc trách Mục Vụ cho người CGVN tại San Jose, được ĐGM McGrath thăng chức Đức Ông, bị Bồi Thẩm Đoàn Liên Bang HK tại Florida quyết định truy tố về các tội danh liên quan đến việc trốn thuế và giả mạo ngân hàng vào ngày 20 tháng 4 năm 2015.

Ông Abraham Simmons, phát ngôn viên của Phòng Công Tố cho biết rằng từ năm 2005 đến 2008, Đức Ông Hiền đã ký thác 14 chi phiếu đóng góp tiền cho giáo xứ vào trương mục của riêng mình. Tổng cộng 14 tấm chi phiếu này lên đến 19.000 đollars. Và từ năm 2008 đến 2011, Đức Ông đã không khai thuế lợi tức của mình lên tới 1.1 triệu đollars cho Sở Thuế Liên Bang.

Đức Ông Hiền đã bị bắt giữ tại Fort Lauderdale, Florida vào thứ Bẩy, ngày18-4-2015 và bị đưa ra trước Đại Bồi Thẩm Đoàn ngày thứ Hai, 20-4 vừa qua. Đức Ông bị truy tố về 14 tội danh lường gạt ngân hàng và 4 tội danh trốn thuế.

Bản cáo trạng ghi rõ rằng Đức Ông Hiền đã trốn thuế lợi tức cá nhân vào các năm:

-năm 2008 là 337.516 đollars,
-năm 2009 là 376.500 đollars,
- năm 2010 là 335.456 đollar
-năm 2011 là 93.012 đollars.

Xem thông báo của tòa Giám Mục San Jose

Xem thông cáo báo chí của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ
 
Sau vụ đàn áp tôn giáo Tòa Giám Mục Hưng Hóa thăm và làm việc với giáo dân Mường Khương.
Lm Nguyễn Văn Thành
09:11 11/08/2016
Sau vụ đàn áp tôn giáo Tòa Giám Mục Hưng Hóa thăm và làm việc với giáo dân Mường Khương.

Sau vụ đàn áp tôn giáo của chính quyền thị trấn, dưới sự chỉ đạo của chính quyền cấp huyện, Tòa Giám Mục Hưng Hóa đã thăm và làm việc với giáo xứ Lào Cai và giáo dân Mường Khương lần thứ hai. Lần thứ nhất, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long dịp đầu tháng 7 vừa qua. Lần thứ hai, ngày 10.8.2016, cha Chánh văn phòng Tòa Giám Mục làm trưởng đoàn.

Đoàn gồm có:

1. Linh mục Phêrô Lê Quốc Hưng – Chánh Văn Phòng Tòa Giám Mục

2. Linh mục Phêrô Inhaxiô Nguyễn Quang Triều – Đại diện Tư pháp giáo phận Hưng Hóa

3. Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình – Quản hạt Lào Cai, quản xứ Sapa

4. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành – Quản xứ Lào Cai

5. Linh mục Phêrô Nguyễn Đình Thái – Phó xứ Lào Cai

6. Linh mục Giuse Vũ Văn Nguyên – Phó xứ Lào Cai

7. Linh mục Antôn Le Văn Thi – Phó xứ Lào Cai

8. Đại diện Ban hành giáo Lào Cai

Xem Hình

Đoàn được đại diện những người Công Giáo tại Mường Khương tiếp đón rất niềm nở. Sau khoảng 2 tiếng, từ 9g00 đến 11g00, làm việc nghiêm túc, đoàn đã lắng nghe rất nhiều ý kiến của giáo dân. Đặc biệt, nhiều ý kiến bức xúc của những nạn nhân bị đánh đập dã man đề nghị Tòa Giám Mục cần phải có những bước đi cụ thể và mau lẹ hơn, nhất là làm việc với cấp tỉnh hay cấp trung ương về việc vi phạm nhân quyền và vi phạm tôn giáo của chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương còn hù dọa về công việc, về miếng cơm manh áo của họ.

Quý cha đại diện Tòa Giám Mục hứa sẽ chuyển những ý kiến này đến hai Đức Cha và xin các đấng sẽ sớm đưa ra những đường hướng cụ thể.

Mọi việc kết thúc khá tốt đẹp nếu không có việc một xe trước khi vào nhà bà Trầm bị 2 thanh niên đi xe máy ngược chiều ném chông vào bánh sau gây thủng lốp và chếc xe thứ hai cũng bị chông cắm vào 2 lốp trước khi ra khỏi thị trấn khoảng 3 cây số. Nhìn những chiếc chông giống nhau, ai cũng biết hành động hèn hạ của nhóm “đinh tặc” này có mục đích!
 
Văn Hóa
Người Đi Gieo Hạt Giống
Bùi Hữu Thư
07:23 11/08/2016
Trong khi bước đi trên đường đời,
Nên thận trọng khi gieo hạt giống.
Vì khi hạt giống đã gieo rồi,
Nó sẽ mọc nhanh như gió thổi.

Lúc gặt hái sẽ khó khăn hơn nhiều,
So với lúc hạt được vãi gieo.
Có biết bao hạt được bỏ xuống,
Nhưng ngày gặt, hái được bao nhiêu?

Đừng gieo những hạt giống hồ nghi,
Hay những hạt tham lam ích kỷ.
Cần những hạt nhuần thấm tình yêu,
Lúc gặt hái sẽ ích lợi hơn nhiều.

Không bao giờ gieo hạt bừa bãi,
Phải luôn luôn ghi nhớ trong đầu.
Nếu được gieo với tình yêu vững chãi,
Không bao giờ thấy phí phạm đâu.

Cần gieo những hạt giống cảm thông,
Và những hạt kiên nhẫn hòa đồng.
Để mai sai, khi đến mùa gặt,
Sẽ có nhiều hoa trái đâm bông.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Châu Đốc
Tấn Đạt
22:00 11/08/2016
CHIỀU CHÂU ĐỐC
Ảnh của Tấn Đạt
Ta về Châu Đốc núi Sam
Nơi bà Chúa Xứ khói lam đường chiều
Gặp em tuổi mới đôi mươi
Mặt mày rạng rỡ nụ cười thêm xinh
Dòng đời xuôi ngược mênh mông
Vô thường một cõi giữ lòng tĩnh tâm…
(Trích thơ của Nguyễn Minh Quang)
 
Thánh Ca
Chuyện Chiều Xưa - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
04:58 11/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây