Ngày 11-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa như… Kẻ trộm!
Lm Nguyễn Xuân Trường
00:29 11/08/2019
Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu sánh ví Ngài như kẻ trộm! Giêsu ma, Chúa mà đi ăn trộm à!? Không, Chúa không ăn trộm, nhưng giống kẻ trộm ở cái tính bất ngờ. Trộm đến chẳng đời nào báo trước. Cũng thế, chính giờ phút ta không ngờ thì Chúa đến. Vì bất ngờ nên Chúa bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.

1.Tỉnh thức. Tỉnh thức không chỉ đơn giản tỉnh ngủ, là thao thức vì ai. Tỉnh thức chính là trạng thái tinh thần luôn canh chừng cảnh giác trước những nguy hiểm gây hại cho đời mình, luôn mau chóng nhận ra những môi trường, hoàn cảnh, trào lưu, xu hướng xã hội cuốn đời mình đi vào lầm lạc, lạc lối. Tỉnh thức đúng nhất là nhìn cuộc đời và con người bằng cặp mắt của Chúa!

2.Sẵn sàng . Để sẵn sàng thì luôn cần những hành động chuẩn bị đầy đủ. Trước mọi chuyến đi xa, chúng ta luôn chuẩn bị đủ thứ hành lý tư trang. Trước chuyến đi xa nhất để về đời sau ta đã chuẩn bị những gì làm hành trang? Một cơn cám dỗ ngọt ngào mà tinh quái khiến người ta không chuẩn bị, đó là: Cứ tà tà, còn lâu mới chết! Người đầy tớ trong chuyện Phúc Âm cũng đã nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”.

Trong đời có lời ca: Lỡ mai anh chết em khóc không? Trong đạo, để tỉnh thức và sẵn sàng khi Chúa đến, mỗi chúng ta phải hỏi lòng mình: Lỡ mai tôi chết, tôi săn sàng chưa?
 
Mẹ về trời
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
00:35 11/08/2019
Mẹ về trời trong ánh quang vàn rực rỡ
Lớp lớp thiên thần nghênh rước tung hô
Con yêu dấu – Chúa Giêsu đón Mẹ
Cả xác hồn đượcThiên Chúa cất lên

Mẹ về trời, xưa mẹ Chúa Kitô
Mẹ Thiên Chúa nay hiển vinh tuyệt mỹ
Chốn Thiên Đàng, nơi trần thế hỉ hoan
Tung hô Mẹ Nữ Vương cả trời đất

Mẹ về trời vẫn vẹn toàn trinh khiết
Dù mang thai Con Chúa rất uy quyền
Và hạ sinh Đấng Cứu Tinh nhân loại
Theo quyền năng Thiên Chúa đã an bài

Mẹ về trời tội riêng không vương vấn
Tội tổ tông không hề bén gót chân
Bởi Thiên Chúa luôn yêu thương gìn giữ
Thuở đời đời cho nhận lãnh đặc ân

Mẹ về trời sau trần gian sống thánh
Luôn xin vâng hợp tác với ơn thiêng
Đầy ơn phúc vì Thiên Chúa ở cùng
Và làm cho biết bao điều cao cả

Mẹ về trời nhưng vẫn đang dìu dắt
Đỡ nâng con trong kiếp sống lữ hành
Thắng ác thần kinh Mân Côi huyền nhiệm
Được chết lành trong giờ phút lâm chung

Mẹ về trời xin cầu bầu cùng Chúa
Ngày cánh chung khi phán xét xác, hồn
Con được hưởng phúc trường sinh bất diệt
Mãi tụng ca Thiên Chúa nơi thiên đường.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh giá của Nhà thờ Chính tòa Nagasaki trở về từ Hoa Kỳ 74 năm sau khi mất tích sau vụ đánh bom nguyên tử.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:13 11/08/2019
Một cây thánh giá đã trở thành nhân chứng cho vụ đánh bom hạt nhân tại thành phố này và đã mất tích trong nhiều thập kỷ, đã tìm được và đưa về nhà thờ.

Cây thánh giá từng được treo trong Nhà thờ Chính Urakami cũ, đã bị phá hủy trong vụ đánh bom nguyên tử tại Nagasaki của Mỹ vào ngày 9/8/1945 và được đưa trở lại từ một trường đại học Mỹ đến Nhà thờ Chính tòa Urakami hiện nay vào ngày 7 tháng 8. Nó sẽ được trưng bày công khai dịp kỷ niệm 74 năm của vụ đánh bom này để kêu gọi hòa bình thế giới và xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Cây thánh giá được làm bằng gỗ, cao khoảng 1 mét và rộng khoảng 30 cm. Nó được cho là có các tính năng tương tự như cây thánh giá làm trang hoàng điểm cao nhất của bàn thờ trong khoảng năm 1934 và 1938.

Trong một bức ảnh dường như được chụp khoảng một tháng sau khi kết thúc chiến tranh, cây thánh giá có thể bị sụp đổ giữa đống đổ nát, nhưng sau đó không rõ vị trí của nó.

Theo các nguồn tin bao gồm cả Nhà thờ Chính tòa Urakami, Walter Hooke, một thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đóng quân ở Nagasaki sau chiến tranh, đã nhận được thánh giá từ Đức Tổng Giám Mục Paul Aijiro Yamaguchi, trước đó là giám mục. Năm 1982, Hooke đã tặng cây thánh giá cho Trung tâm Phương sách Hòa bình (PRC) tại Trường Wilmington ở Wilmington, Ohio, Hoa Kỳ. Sau đó, nó được trưng bày tại trung tâm. Hooke qua đời ở tuổi 97 vào năm 2010 và Yamaguchi đã qua đời năm 1976 ở tuổi 82.

Trong buổi lễ trao lại thánh giá vào ngày 7 tháng 8, Giám đốc Trung tâm Phương sách Hòa bình (PRC) Tanya Maus đã trao thánh tích cho Đức Cha Mitsuaki Takami, Tổng Giám mục Nagasaki, người đã bình luận: "Tôi nghĩ rằng nó sẽ trở thành một chứng nhân không thể bị lay chuyển cho việc tiếp tục giảng dạy về vụ đánh bom nguyên tử."

Thánh giá sẽ được làm phép trong Thánh lễ khai mạc từ 6 giờ chiều ngày 9 tháng 8, và sau đó sẽ được trưng bày trong Nhà thờ Chính tòa Urakami trong khoảng từ hai đến ba tuần. Thánh giá sẽ được trưng bày thế nào sau thời gian đó, đang được cân nhắc.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Source: https://mainichi.jp/english/articles/20190808/p2a/00m/0na/016000c
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần 1: Các Thư Thánh Phaolô
Vũ Văn An
18:50 11/08/2019
3.5 Các lá thư của Thánh Tông đồ Phaolô.

Thánh Phaolô làm chứng cho nguồn gốc thần thiêng của Sách thánh Israel, của Tin Mừng của ngài, của thừa tác vụ tông đồ và các lá thư của ngài.



a. Thánh Thánh Phaolô làm chứng cho nguồn gốc thần thiêng của Sách thánh

Thánh Phaolô rõ ràng nhìn nhận thẩm quyền của Kinh thánh, ngài làm chứng về nguồn gốc thần thiêng của nó và ngài coi chúng như những lời tiên tri của Tin mừng.

Qua thuật ngữ "Sách Thánh" (Rm 1,2), Thánh Phaolô muốn chỉ các cuốn sách tiếp nhận từ truyền thống Do Thái viết bằng tiếng Hy Lạp. Ngài không bao giờ đặt câu hỏi về sự thật hay sự linh hứng của chúng. Là một tín hữu Do Thái, ngài tiếp nhận chúng như các chứng từ cho thấy ý muốn và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Với các đồng tín hữu của mình, ngài tin vào sự thật, sự thánh thiện và sự thống nhất của chúng. Qua chúng, Thiên Chúa truyền đạt chính mình Người cho chúng ta, thách thức chúng ta và bày tỏ ý muốn của Người cho chúng (Rm 4:23-25; 15:4; 1 Cr 9:10; 10:4, 11).

Cũng phải nói thêm rằng Thánh Phaolô đọc và tiếp nhận Kinh thánh như những lời tiên tri về Chúa Kitô và của thời đại chúng ta (Rm 16: 25-26), nói cách khác như những lời tiên tri về sự cứu rỗi được hiến tặng trong và qua trung gian Chúa Giêsu Kitô và vì vậy, như những lời tiên tri về Tin Mừng (x. Rm 1:2): những trước tác này được định hướng theo Kitô học và phải được đọc như vậy (xem 2 Cr 3).

Như Lời của Thiên Chúa và làm chứng cho Tin mừng, Kinh thánh xác nhận tính thống nhất và ổn định của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Đấng là một như từ thuở khởi đầu (xem Rm 9:6-29).

b. Thánh Phaolô làm chứng cho nguồn gốc thần thiêng của Tin Mừng của ngài

40. Trong chương đầu tiên của thư gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô thừa nhận đã bắt bớ Giáo hội vì lòng nhiệt thành với Lề Luật, nhưng ngài thú nhận rằng Thiên Chúa, vì lòng nhân hậu vô hạn của Người, đã mặc khải cho ngài Con của Người (x. Gl 1:16; xem Eph 3:1-6). Nhờ sự mặc khải này, Chúa Giêsu thành Nadarét, Đấng trước đây, đối với Thánh Phaolô, là người phạm thượng, một Mêxia giả mạo, nay trở thành Đấng Phục sinh, Đấng Mêxia vinh quang, Đấng chinh phục sự chết, Con Thiên Chúa. Trong cùng lá thư này, ở câu Gl 1:12, ngài tuyên bố rằng Tin mừng của ngài đã được mặc khải cho ngài. Chữ Tin Mừng ở đây chúng ta phải hiểu là các thành phần chính của đời sống, hành trình và sứ mệnh của Chúa Giêsu, ít nhất cái chết và sự phục sinh cứu độ của Người.

Trong thư Galát 1-2, ngài loan báo rằng Tin mừng của ngài không bao gồm việc cắt bì. Nói cách khác, ngài tuyên bố rằng, theo những gì đã được mặc khải cho ngài, không cần thiết phải cắt bì hoặc trở thành người giữ Luật Môsê mới được thừa hưởng các lời hứa cánh chung. Đối với Thánh Phaolô, sự kiện bắt các Kitô hữu có nguồn gốc không Do Thái cắt bì không phải là vấn đề ngoại biên hay có tính địa phương, nhưng chạm đến trái tim của Tin mừng. Ngài kiên quyết tuyên bố rằng người cắt bì – để trở thành người giữ Luật Môsê và để có được, nhờ cách này, sự công chính - sẽ làm cho cái chết trên thập giá của Chúa Kitô trở nên vô ích: "tôi đây, Phaolô, tôi nói cho anh em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Kitô sẽ không có ích gì cho anh em” (Gl 5: 2; xem Gl 2:21; 5:4). Do đó, điều đang bị đe doạ là chính Tin Mừng, một Tin Mừng đã được mặc khải cho ngài và do đó, không thể sửa đổi.

Ở thư Galát 1-2, Thánh Phaolô chứng minh ra sao rằng Tin Mừng của ngài – mà việc cắt bì không phải là một thành phần - có nguồn gốc thần thiêng? Ngài bắt đầu bằng cách khẳng định rằng đặc điểm này của Tin Mừng không thể phát xuất từ ngài, bởi vì, khi còn là một người Pharisiêu, ngài đã chống đối nó cách quyết liệt, và do đó, nếu nay ngài tuyên bố ngược lại với những gì ngài đã nghĩ trước đây, thì đó không phải là do sự bất ổn về tri thức: tất cả những người đồng đạo của ngài đều biết rõ rằng ngài kiên định trong các xác tín của ngài (x. Gl 1:13-14). Sau đó, Thánh Phaolô cho thấy rằng Tin Mừng của ngài không thể đến từ các Tông đồ khác, không những vì ngài đã chỉ thấy họ không lâu sau cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, mà còn vì ngài không ngần ngại mâu thuẫn với Thánh Phêrô, người đáng chú ý nhất trong các tông đồ, khi vị này có lập trường muốn biến việc cắt bì trở thành một yếu tố phân biệt giữa các Kitô hữu (xem Gl 2:11-14). Cuối cùng, vì Tin mừng của ngài được mặc khải cho ngài, ngài cũng phải tuân theo những gì Chúa đã nói với ngài. Đó là lý do tại sao ngài có thể khẳng định, ở đầu bức thư gửi tín hữu Galát, "Tuy nhiên, nếu chính chúng tôi, hoặc nếu một thiên thần từ trời tuyên bố với anh em một tin mừng khác với những gì chúng tôi đã loan báo cho anh em, hãy để người ấy bị tuyệt thông” (Gl 1:8, xem Gl 1:9).

Tại sao Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến đặc điểm được mặc khải của Tin mừng của ngài? Nguồn gốc thần thiêng này bị tranh biện bởi các nhà truyền giáo chủ trương Do thái hóa, vì việc cắt bì đã được áp đặt bởi một mệnh lệnh có tính sấm ngôn thần thiêng trong luật Môsê (St 17: 10-14). Thực thế, St 17: 10-14 quả quyết rằng để được ơn cứu rỗi, điều cần là phải thuộc về gia đình Ápraham và, vì lý do này, phải cắt bì. Như thế, trong hai bức thư của mình - Thư Galát và thư Rôma - Thánh Phaolô hẳn cho thấy rằng Tin Mừng của ngài không đi ngược lại Sách thánh và không mâu thuẫn với St 17: 10-14, một đoạn văn không thừa nhận ngoại lệ. Thực thế, Thánh Phaolô không thể tuyên bố rằng sấm ngôn này vô giá trị vì nó được công nhận là quy phạm bởi mọi người Do Thái thực hành đạo. Vì Thánh Phaolô không thể làm ngơ đoạn văn này, nên ngài phải diễn giải nó một cách khác, nhưng ngài không thể làm như vậy mà không dựa vào các đoạn Sách thánh khác (St 15:6 và Tv 32:1-2 trong Rm 4:3, 6), vốn tạo thành quy tắc mà căn cứ vào đó St 17:10-14 phải được giải thích.

c. Thừa tác vụ tông đồ của Thánh Phaolô và nguồn gốc thần thiêng của nó

41. Thánh Phaolô cũng phải nhấn mạnh đến nguồn gốc thần thiêng của hoạt động tông đồ của ngài, vì một số người trong nhóm các Tông đồ đã mói xấu ngài và coi thường giá trị Tin Mừng của ngài; mặc dù đã gặp Đấng Phục sinh, ngài không phải là một thành phần trong số những người từng sống với Chúa Giêsu và là chứng nhân sự dạy dỗ, các phép lạ và cuộc khổ nạn của ngài. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô khẳng định sự kiện ngài đã được để riêng ra và được Chúa gọi làm Tông đồ cho dân ngoại (xin xem Rm 1:5; 1 Cr 1:1, 2 Cr 1:1, Gl 1:1). Đây cũng là lý do tại sao, trong diễn từ dài tự khen mình ở 2 Cr 10-13, ngài nhắc đến các mặc khải nhận được từ Chúa (2 Cr 12:14). Đó không phải là một sự cường điệu tu từ hay một lời nói dối ngoan đạo nhằm làm nổi bật tư cách tông đồ của ngài, mà là một bằng chứng xác thực đơn giản. Trong diễn từ ca ngợi chính mình ở 2 Cr 10-13, Thánh Phaolô nhấn mạnh rất ít về các mặc khải ngoại thường mà ngài được hưởng, và trước nhất nhấn mạnh đến những đau khổ làm tông đồ của ngài cho Giáo hội, vì sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối mong manh của ngài. Nói cách khác, khi ngài kể lại các điều mặc khải nhận được từ Thiên Chúa, Thánh Phaolô không làm như vậy để được các giáo hội ngưỡng mộ, nhưng để chứng tỏ rằng các đặc điểm đặc trưng của vị Tông đồ chân chính, đúng hơn, là các mệt mỏi và đau khổ. Vì lý do này, chứng từ của ngài đáng tin cậy.

Trong Gl 2:7-9, Thánh Phaolô cũng lưu ý rằng khi ngài đến Giêrusalem, Thánh Giacôbê, Thánh Phẹrô, và Thánh Gioan, những người có ảnh hưởng nhất trong các tông đồ, đã thừa nhận rằng Thiên Chúa đã lập ngài thành Tông đồ dân ngoại. Do đó, Thánh Phaolô không phải là người duy nhất khẳng định nguồn gốc thần thiêng của ơn gọi của ngài, vì nó được các thẩm quyền trong giáo hội thời đó công nhận.



d. Thánh Phaolô chứng thực nguồn gốc thần thiêng của các lá thư của ngài

42. Thánh Phaolô không chỉ xác nhận nguồn gốc thần thiêng của hoạt động tông đồ và Tin Mừng của ngài. Sự kiện Tin Mừng của ngài đã được mặc khải cho ngài không tự động bảo đảm tính chính xác và độ đáng tin của việc truyền tải nó. Đây là lý do tại sao ngài đề cập, ngay ở đầu các lá thư của ngài, đến ơn gọi và sứ mệnh tông đồ của ngài: ví dụ, trong thư Rôma 1:1, ngài tự định nghĩa ngài như sau: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa". Do đó, ngài khẳng định rằng các lá thư của ngài đã trung thành truyền tải Tin Mừng của mình và muốn mọi giáo hội cùng đọc chúng (xem Cl 4:16).

Ngay cả những khuyên dạy về kỷ luật không liên kết trực tiếp với Tin mừng cũng phải được các tín hữu của các giáo hội khác nhau tiếp nhận như thể chúng là một lệnh truyền của Chúa (xem 1 Cr 7:17b; 14:37). Thánh Phaolô chắc chắn không gán cùng một thẩm quyền cho mọi trước tác của ngài, như lập luận giải nghi của 1 Cr 7 cho thấy, nhưng vì chúng thường giải thích và biện minh cho Tin Mừng của ngài, nên các luận điểm của ngài (xem Rm 1-11 và Gl 14). ) chắc chắn tạo thành một cách giải thích mới về chính Tin mừng, một cách giải thích có thẩm quyền.

3.6. Thư gửi tín hữu Do Thái

43. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái không có cao vọng tông đồ minh nhiên, khác với Thánh Phaolô, người tuyên bố đã nhận được Tin mừng trực tiếp từ Chúa Kitô (xem Gl 1:1,12,16).

Tuy nhiên, bức thư này có hai đoạn có tầm quan trọng đặc biệt: Dt 1:12, trong đó tác giả tổng hợp lịch sử mặc khải của Thiên Chúa cho con người, và cho thấy mối liên hệ chặt chẽ của sự mặc khải thần thiêng giữa hai giao ước, và Dt 2:1-4, nơi ngài tự trình bầy mình như người thuộc thế hệ Kitô hữu thứ hai, nhận được lời Thiên Chúa, sứ điệp cứu rỗi, không trực tiếp từ Chúa Giêsu, nhưng qua trung gian các nhân chứng của Chúa Kitô, các môn đệ đã từng được nghe Người.

a. Lịch sử mặc khải của Thiên Chúa

Ở đầu trước tác của mình, tác giả nhận xét: " Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua (1) các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, trong những ngày chúng ta đang sống này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua (2) Thánh Tử” (Dt 1:1-2). Trong câu khai mạc đáng ngưỡng mộ này, tác giả đã vẽ lại trọn lịch sử của Lời Thiên Chúa được ngỏ cùng con người. Đoạn văn có tầm quan trọng quyết định đối với chủ đề mặc khải và linh hứng và xứng đáng được giải thích chính xác.

Ở đấy, một sự kiện chính đã được khẳng định cách long trọng: Thiên Chúa tìm cách bước vào mối liên hệ bản thân với con người. Đối với cuộc gặp gỡ này, Người đưa ra sáng kiến: Thiên Chúa lên tiếng. Động từ được sử dụng không có túc từ trực tiếp và nội dung của lời này không được xác định. Mặt khác, những người được đặt trong mối liên hệ đều được xác định: Thiên Chúa, cha ông, các Tiên tri, chúng ta, Thánh Tử. Ở đây, Lời Thiên Chúa không được trình bày như một mặc khải sự thật, nhưng như một phương tiện để thiết lập mối liên hệ giữa con người.

Trong lịch sử Lời Thiên Chúa, hai giai đoạn chính được phân biệt. Việc lặp lại cùng một động từ "lên tiếng hay nói" thể hiện một sự liên tục rõ ràng, và sự song hành của hai câu mang lại sự tương đồng của hai sự can thiệp. Nhưng sự khác biệt nhấn mạnh đến sự đa dạng của thời đại, cung cách, người nhận và người trung gian.

Về những điều liên quan với thời đại, đối với dữ kiện đầu tiên ("Thuở xưa"), một khái niệm phức tạp hơn đã được đặt đối lập với nó về trình tự thời gian. Tác giả sử dụng một kiểu nói của Kinh thánh "thời sau hết", một kiểu nói mơ hồ chỉ thời tương lai (xem St 49: 1), nhưng ý nghĩa của nó đặc biệt liên quan đến thời điểm Thiên Chúa tự tỏ mình ra một cách dứt khoát: "lúc cuối thời"(xem Edk 38:16, Đn 2:28: 10:14). Tác giả lấy lại biểu thức này, nhưng thêm vào đó một cụm từ chỉ độ chính xác mới: "trong những ngày chúng ta đang sống này". Độ chính xác nhỏ trên bình diện vật chất, nhưng cho thấy một sự thay đổi tận gốc về viễn ảnh. Trong Cựu Ước, sự can thiệp dứt khoát của Thiên Chúa luôn được định vị trong viễn ảnh đen tối của tương lai. Ở đây, tác giả quả quyết rằng thời sau hết đã có mặt, vì một kỷ nguyên mới đã được khai mở bởi cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô (xem Cv 2:17,: 1 Cr 10:11, 1 Pr 1:20). Nếu "những ngày chúng ta đang sống này" là một phần của thời sau hết, thì ngày tối hậu vẫn chưa đến (x. Ga 6:39: 12:48), nó chỉ đang đến gần mà thôi (xem Dt 10:25). Nhưng, kể từ bây giờ, sự hiện hữu của Kitô hữu đã tham dự vào những sự thiện dứt khoát, được hứa cho thời sau hết (Dt 6: 4-5: 12:22-24, 28). Mối liên hệ của Thiên Chúa với con người đã thay đổi bình điện: nó chuyển từ hứa hẹn qua thể hiện, từ hình tượng loan báo đến sự hoàn thành. Sự khác biệt có tính định tính.

Cách thức mà Lời Chúa được trình bày khác nhau đối với hai thời đại của lịch sử cứu độ. Trong thời cổ đại, nó được đặc trưng bằng tính đa dạng: “nhiều lần”, “nhiều cách". Trong tính đa dạng này, có một sự phong phú. Thiên Chúa, một cách không mệt mỏi (xem Grm 7:13), tìm phương thế để tiếp cận chúng ta: ra lệnh, đưa ra lời hứa, xử phạt những kẻ nổi loạn, an ủi những người đau khổ, sử dụng mọi hình thức biểu lộ có thể có như thần hiện gây kinh sợ, các thị kiến đầy an ủi, các sấm ngôn ngắn gọn, những bức tranh lịch sử vĩ đại, bài thuyết giáo tiên tri, các thánh ca và nghi thức phụng vụ, lề luật, câu truyện. Nhưng tính đa dạng cũng là một dấu hiệu của sự không hoàn hảo (x. Dt 7:23; 10:1-2, 11-14). Thiên Chúa tự phát biểu Người một cách hạn chế. Như một nhà sư phạm giỏi, Người bắt đầu bằng cách nói những điều sơ đẳng nhất, dưới những hình thức dễ tiếp cận nhất. Người nói về dòng dõi và đất đai, hứa hẹn và thực hiện việc giải phóng dân Người, ban cho họ những định chế tạm thời: các triều đại hoàng gia, chức tư tế cha truyền con nối. Nhưng tất cả điều này chỉ là một hình ảnh loan báo. Trong giai đoạn sau hết, Lời Thiên Chúa sẽ được ban cho một cách trọn vẹn, dứt khoát và hoàn hảo. Các kho tàng rải rác trong các thời đại trước được tập hợp và đem tới đỉnh cao của chúng trong sự thống nhất của mầu nhiệm Chúa Kitô.



Song song với việc các thời kỳ tiếp nối nhau, ta thấy có sự thay đổi các lớp người lắng nghe Lời Thiên Chúa. Lời thuở xưa ngỏ cùng "cha ông" theo nghĩa rộng, nghĩa là cho toàn bộ các thế hệ đã nhận được sứ điệp tiên tri (Dt 3:9). Lời sau cùng được ngỏ cùng "chúng ta". Đại từ "chúng ta" bao gồm tác giả và người nhận bản văn của ngài, nhưng cả những người đã nghe Lời Chúa và những người đương thời của họ (Dt 2:3).

Để mô tả những người trung gian, tác giả sử dụng một biểu thức đáng kinh ngạc, khác thường: theo nghĩa đen (Dt 1:1-2), Thiên Chúa nói "trong" các tiên tri, "trong Thánh Tử"; trong khi biểu thức thông thường là "qua trung gian" (xem Mt 1:22, 2:15, v.v., Cv 28:25). Tác giả có thể thấy rõ sự hiện diện tích cực của chính Thiên Chúa trong các sứ giả của Người.

Đây là ý nghĩa duy nhất phù hợp với biểu thức thứ hai "trong Thánh Tử". Tiếp nối các tiên tri theo nghĩa rộng nhất - nghĩa là, đối với tất cả những người mà Kinh thánh kể lại các vụ lên tiếng, là sứ giả tối hậu tức "Thánh Tử". Địa vị được chọn làm tên cho Người, ở cuối câu, kéo chú ý tập trung vào Người (Dt 1: 2-4). Cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với con người chỉ thể hiện duy nhất ở trong Người. Trước tiên, Thiên Chúa gửi "các tiên tri đầy tớ" của Người (Grm 7:25; 25:4; 35:15; 44:4); nhưng bây giờ sứ giả của Người không còn đơn thuần là một người đầy tớ nữa, mà là "Thánh Tử". Nói qua trung gian các Tiên tri, Thiên Chúa tự tỏ mình ra, nhưng một cách gián tiếp, bởi một người đứng làm trung gian; giờ đây, cuộc gặp gỡ với Lời Thiên Chúa được thể hiện nơi Thánh Tử. Bây giờ, không còn là một người khác với Thiên Chúa nói với chúng ta về Lời nữa, mà là một ngôi vị thần thiêng, mà sự hợp nhất với Chúa Cha được phát biểu bằng một công thức mạnh mẽ hơn tác giả có thể tìm thấy " phản ánh vinh quang Thiên Chúa, biểu thức hoàn hảo của hữu thể Người” (Dt 1: 3). Thiên Chúa không lấy làm đủ việc Người tỏ mình ra cho chúng ta bằng cách sử dụng ngôn ngữ của chúng ta: Người đến, trong con người của Chúa Giêsu Kitô, để thực sự chia sẻ cuộc hiện sinh của chúng ta, và nói không những ngôn ngữ của lời nói, mà còn là ngôn ngữ của cuộc sống hiến dâng và của máu đổ ra.

b. Mối liên hệ của tác giả với sự mặc khải của Thánh Tử

44. Khi khai triển một khía cạnh của học thuyết liên quan đến Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người trong các Tiên tri và trong Thánh Tử (xem Dt 1:1-14), tác giả ngay lập tức làm rõ mối liên hệ của nó với cuộc sống và đề cao mối liên hệ của nó với Thánh Tử: "Vì thế, chúng ta càng phải chú tâm hơn nữa vào những lời đã nghe, kẻo bị cuốn trôi đi mất. Quả vậy, nếu lời được các thiên thần loan báo đã có hiệu lực, và nếu mọi vi phạm cũng như bất tuân đều bị phạt đích đáng, thì làm sao chúng ta thoát khỏi, nếu chúng ta thờ ơ với ơn cứu độ cao quý như thế? Ơn cứu độ đó, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe cho chúng ta thấy là có hiệu lực, đồng thời được Thiên Chúa chứng thực bằng những dấu lạ điềm thiêng, bằng nhiều quyền năng khác nhau và bằng các ân huệ của Thánh Thần mà Người phân phát tuỳ ý muốn của Người"(Dt 2:1-4).

Các Kitô hữu được mời gọi chú ý nhiều đến lời mình nghe. Nhưng nghe sứ điệp không đủ; phải gắn bó với nó bằng cả trái tim và cuộc sống của mình. Không có sự gắn bó nghiêm túc vào Tin Mừng, người ta có nguy cơ lầm đường lạc lối (xem Dt 2:1). Bất cứ ai tự xa rời Thiên Chúa chỉ có thể bị lạc lối và tiêu vong. Trong khi đó, ai cố gắng gắn bó với sứ điệp mình nghe thì tiến gần lại Thiên Chúa (Dt 7:19) và nhận được ơn cứu rỗi.

Sau khi đã giới thiệu chủ đề trên (Dt 2:1), tác giả khai triển nó thành một câu dài (Dt 2:2-4). Ngài đặt cơ sở cho lập luận của mình trên sự so sánh giữa các thiên thần và Chúa.

Yếu tố duy nhất giống hệt nhau giữa hai bên là biểu thức "được loan báo bởi". Lời được loan báo bởi các thiên thần; "ơn cứu rỗi" khởi đầu được loan báo bởi Chúa.

Khi nhắc đến "lời", tác giả nghĩ nhiều hơn đến việc công bố Lề Luật ban hành ở Sinai. Kiểu nói "ơn cứu rỗi" là kiểu nói bất ngờ. Có lẽ chúng ta mong đợi một thuật ngữ song hành với "lời". Việc thiếu song hành này rất phong phú về nội dung. Nó cho thấy một sự khác biệt sâu xa giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trong giao ước cũ, chỉ có một "lời", một lề luật bên ngoài chỉ đạo và trừng phạt. Trong giao ước mới, đó là ơn cứu rỗi thực sự được đề nghị. Vậy, liệu có lời bào chữa nào cho những người bác bỏ ơn cứu rỗi chăng? Nơi họ, chỉ có sự bất tuân và vô ơn mà thôi. Họ không bác bỏ một đòi hỏi, mà tự khép lòng mình đối với tình yêu.

Diễn từ dài trên đây về chủ đề này cho thấy ơn cứu rỗi đã kết hợp ra sao giữa tác giả và những người tiếp nhận trước tác của ngài đồng thời chỉ ra ba đặc điểm của ơn cứu rỗi: lời truyền giảng của Chúa, thừa tác vụ của các môn đệ đầu tiên, chứng từ của Thiên Chúa (x. Dt 2: 3b-4). Đặc tính đầu tiên của ơn cứu rỗi là nó bắt đầu được Chúa loan báo. Tác giả không sử dụng một động từ đơn giản ("bắt đầu"), mà là một cụm từ vòng vo trang trọng: "ở đầu". Đây có thể là một việc kín đáo nhắc tới St 1:1. Ơn cứu rỗi tạo nên một sáng thế mới. Tước hiệu "Chúa" ám chỉ Chúa Kitô, Thánh Tử vốn là Đấng mặc khải tối hậu được Thiên Chúa sai đến (xem Dt 1: 2). Ơn cứu rỗi mà Người mặc khải là đỉnh cao của công trình cứu độ của Thiên Chúa. Việc loan báo được thực hiện bởi Chúa đã đến với "chúng ta" (Dt 2:3) - "chúng ta", nghĩa là tác giả và người nhận tác phẩm của ngài - qua trung gian thừa tác vụ của các nhân chứng từng "nghe” và từng là các môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô. Thiên Chúa, mà từ Người, mọi mặc khải và ơn cứu rỗi phát xuất (Dt 1: 1-2), xác nhận thừa tác vụ của các môn đệ như dấu lạ, phép lạ và ơn Chúa Thánh Thần (xem Cv 5:12, Rm 15:19). 1 Cr 12:4,11; 2 Cr 12:12).

Sau khi gợi lên một cách tổng hợp toàn bộ lịch sử mặc khải (Dt 1:1-2), tác giả cho thấy (xem Dt 2:1-4) rằng chính ngài, và do đó, tác phẩm của ngài, được liên kết với với Thánh Tử và với Thiên Chúa qua trung gian thừa tác vụ chứng nhân trực tiếp của Chúa.

Kỳ tới: Sách Khải Huyền
 
Văn Hóa
Vu Lan – Nhớ Mẹ trên trời
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
00:38 11/08/2019
Tháng 7 Âm lịch với những cơn mưa dầm dề như nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ sướt mướt tiễn biệt, sau khi được gặp nhau hằng năm vào đêm mùng 7. Đây cũng là thời gian các tín đồ Phật giáo bước vào mùa báo hiếu với đỉnh cao là lễ Vu lan tổ chức vào giữa tháng.

Vu lan, còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trong ngày này, các Phật tử khi lên Chùa lễ Phật thường cài trên ngực áo một bông hoa: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa". (Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Tháng 7 Âm lịch cũng tương ứng với tháng 8 theo lịch Gregorien mà ta gọi là Dương lịch. Trong tháng này, người Công Giáo cũng có một lễ trọng vào giữa tháng là lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời.
Mỗi người Công Giáo, ngoài người mẹ trần thế - người mẹ mà khi người khuất núi, ta thấy xót xa, nhớ thương không nguôi - còn có một người Mẹ chung của cả nhân loại luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta suốt cuộc đời. Người mẹ có mặt trong cuộc đời chúng ta không chỉ là linh hồn mà còn cả thân xác, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.

Người mẹ E-và đầu tiên của nhân loại đã từ bỏ Thiên Đàng khi nghe lời con rắn rủ rê chồng cùng mình nếm thử trái cấm và từ đó “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,19).

Trong lúc trần truồng trốn chạy khi biết mình phạm tội, E-và biết mình đã đánh mất thiên chức làm mẹ chúng sinh khi Thiên Chúa phán với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3,15).

Cũng chính vì tội tổ tông đó mà khi từ giã cuộc sống trần thế, thân xác con người sẽ phải mục nát và trở về kiếp tro bụi. Nhưng Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội không hề mắc tội tổ tông và cũng không hề có tội riêng, vì suốt cuộc sống thánh thiện Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa.

Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn và xác về trời vì Mẹ không hề phạm tội, nên thân xác Mẹ, cũng như thân xác Chúa Giêsu không bị huỷ hoại tiêu tan. Thân xác Mẹ trực tiếp đi từ tình trạng dương thế qua tình trạng vinh quang mà không bị hủy hoại, mục nát.

Không giống như các Phật tử khi mất mẹ trở thành người mồ côi và ngậm ngùi nhận lấy bông hồng trắng trong ngày Vu lan với lời thơ tiếc nuối:
“Còn đâu cài đoá bông hồng
Giờ đây dáng mẹ, chìm trong ngút ngàn.”

Người Công Giáo chúng ta có niềm tin chắc chắn vào Đức Kitô Phục sinh. Đức Kitô là khởi đầu của những người sống lại, và Đức Maria là khởi đầu của những người được cứu rỗi, là người đầu tiên giữa “những người thuộc về Đức Kitô” đã sống lại. Đức Mẹ về trời là ấn tín bảo đảm cho những ai tin vào Đức Kitô cũng sẽ được sống lại - dù sẽ phải trải qua một thời kỳ huỷ hoại, mục nát - và lên trời sau khi hoàn tất cuộc sống lữ hành trần gian.

Sự bảo đảm đó chỉ thành hiện thực nếu chúng ta luôn luôn cầu nguyện và tuân theo chỉ dẫn của Mẹ: sống vâng phục thánh ý Chúa (x. Lc 1,38). Chỉ một câu kinh Kính mừng, chúng ta ca tụng mẹ là Đấng đầy ân phước để rồi từ đó chúng ta xin Mẹ gìn giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy trong cuộc đời.

Bắt chước Mẹ xác quyết xin vâng theo ý Chúa chứ không bắt Chúa phải theo ý của mình. Đón nhận ý Chúa với lòng tin là luôn sống vâng phục và đẹp lòng Chúa trong sự giằng co của cái tôi chính mình, đón nhận mọi thăng trầm của cuộc sống trong bình an phó thác.

Trong tâm tình hân hoan mừng kính Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, chúng ta vui mừng cài một bông hoa màu hồng trên áo vì có một người Mẹ bất tử, một người Mẹ ở trên thiên quốc luôn sẵn lòng ban ơn cho con cái khi chúng kêu xin. Một người Mẹ đã đi qua biết bao thăng trầm của dòng đời để có thể hiểu hết những khó khăn của con người.

Mẹ đã hiểu và chắc chắn Mẹ sẽ chia sẻ với chúng ta những khó khăn trong cuộc đời. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta - nhờ lời Mẹ chuyển cầu - sống cuộc đời thánh thiện đẹp lòng Chúa, xa tránh mọi tội lỗi, mọi dịp tội, để sau cuộc lữ hành trần thế này, chúng ta cũng được về trời hưởng phúc Thiên Đàng cùng Mẹ và các Thánh với niềm tin:

Mẹ về trời, con không mất mẹ
Mẹ về trời, dọn chỗ cho con
Mẹ về trời, khẩn cầu cùng Chúa
Cho chúng con được phúc Thiên Đàng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sen Cuối Mùa
Đặng Đức Cương
22:11 11/08/2019
SEN CUỐI MÙA
Ảnh của Đặng Đức Cương

Hoa sen sao khéo giữ màu,
Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 12/08/2019: Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje
Giáo Hội Năm Châu
18:28 11/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Diễn biến lớn nhất trong tuần qua là Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje. Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje đã bắt đầu cách đây 30 năm khi Linh Mục Slavko Barbaric bắt đầu tụ tập và tiếp đón các bạn trẻ để nói với họ về lòng sùng kính Đức Mẹ Medjugorje và các vụ Đức Mẹ hiện ra tại đây.

Tuy nhiên, Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje trong tuần qua là lễ hội lớn nhất trong 30 năm qua theo sau quyết định của Đức Thánh Cha cho phép các giáo phận trên thế giới tổ chức các cuộc hành hương chính thức về địa điểm này. Đây là lễ hội giới trẻ Medjugorje lần đầu tiên được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Công Giáo sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố những quyết định mới nhất về tình trạng của địa điểm hành hương nổi tiếng này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tường thuật biến cố này.

Sau đây là phần tin chi tiết của chúng tôi cùng các tin tức khác.

1. Hàng trăm ngàn người trẻ tham dự thánh lễ bế mạc Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje

Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje bắt đầu từ hôm 1 tháng Tám và kéo dài 6 ngày đã được bế mạc hôm thứ Ba 6 tháng 8 với thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa chủ tế.

Đức Tổng Giám Mục đã phân tích vài nét trên gương mặt tông đồ Philiphê và viên hoạn quan người Etiopi như kể trong chương 8 sách Công Vụ. Chính hoạt động của Thiên Chúa mở lòng cho hai người và khiến cho họ trở thành những người loan báo Tin Mừng xác tín. Giống như rất nhiều người thời nay ông hoạn quan đọc Sách Thánh nhưng không hiểu ý nghĩa và cần có ai đó giải thích cho họ. Có nhiều văn bản kinh thánh chứng minh cho thấy ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả mọi người không loại trừ ai, kể cả các hoạn quan.

Philiphê là người trao truyền Tin Mừng mới. Cung cách hành xử của ông giống như trong ơn gọi của tổ phụ Abraham. Ông thi hành lệnh Chúa truyền, đứng dậy, bước đi, chạy đến gần và đồng hành với hoạn quan Etiopi, rồi giải thích cho quan hiểu toàn lịch sử cứu độ, khiến cho quan tin vào Chúa Giêsu Kitô và xin được rửa tội. Rồi quan cũng trở thành người loan báo Tin Mừng. Hai gương mặt và cung cách hành xử của họ giúp chúng ta hiểu sứ mệnh truyền giáo của mình. Chúng ta là những người đem sứ điệp cứu độ của Chúa tới cho toàn nhân loại. Nó cũng khiến cho chúng ta phải tìm hiểu về bản chất và ơn gọi làm người của mình và biết khiêm tốn lắng nghe tiếng Chúa kêu mời, cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ và trao ban cho cuộc sống một ý nghĩa sâu xa, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người. Chỉ khi con người lấy Chúa Kitô làm tâm điểm cuộc sống nó mới tìm ra ý nghĩa đích thực và ơn gọi làm người của nó, đặc biệt trong một kỷ nguyên của trống rỗng và nhiều sai lạc như kỷ nguyên ngày nay.

Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje năm nay là lần đầu tiên có sự tham dự của các quan chức đến từ Tòa Thánh như Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma và Đức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa.

2. Nguồn gốc Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje

Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje đã bắt đầu cách đây 30 năm khi Linh Mục Slavko Barbaric bắt đầu tụ tập và tiếp đón các bạn trẻ để nói với họ về lòng sùng kính Đức Mẹ Medjugorje và các vụ Đức Mẹ hiện ra tại đây.

Cho tới nay sau Ngày Quốc Tế Giới Trẻ do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập, Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje là lễ hội lớn thứ hai quy tụ đông bạn trẻ.

Trong suốt 30 năm qua, mỗi năm đều có một lễ hội giới trẻ tại Medjugorje. Năm nay là lễ hội giới trẻ lần thứ 30 tại Medjugorje. Tuy nhiên, đây là lễ hội giới trẻ Medjugorje lần đầu tiên được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Công Giáo sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố những quyết định mới nhất về tình trạng của địa điểm hành hương nổi tiếng này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tường thuật biến cố này.

Lễ hội năm ngoái đã có 100,000 bạn trẻ đến từ 60 nước tham dự. Năm nay, sau quyết định của Đức Thánh Cha đã có khoảng 160,000 bạn trẻ tham dự thánh lễ bế mạc.

Trong các ngày đại hội người trẻ tham dự các buổi cử hành Thánh Thể, lần Hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, chầu Thánh Thể, canh thức cầu nguyện, hành hương và xếp hàng xưng tội. Mỗi lần lễ hội như thế cần có hàng trăm linh mục ban bí tích Hòa Giải cho các bạn trẻ.

3. Sơ lược về Medjugorje

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.

Ngày thứ Bẩy 18 tháng Giêng năm 2014, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh lúc bấy giờ là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng một ngày trước đó. Ủy ban đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 triệu tập, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.

4. Lập trường của Tòa Thánh về linh địa Medjugorje

Đến nay Tòa Thánh chưa công bố chính thức kết luận của ủy ban điều tra do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina. Tuy nhiên, căn cứ vào câu trả lời các ký giả trong chuyến bay trở về từ Sarajevo hôm 6 tháng Sáu, 2015, nhiều người tin rằng Tòa Thánh sẽ không công nhận biến cố Medjugorje như tường thuật của các thị nhân.

Hôm 16 tháng 5, 2017, tờ Vatican Insider, một tờ báo được coi là thạo các tin nội bộ của Tòa Thánh đã gây sửng sốt cho nhiều người khi tường thuật rằng Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, đã bỏ phiếu đồng thuận rằng bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 là chân thật.

Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban điều tra tỏ ra nghi ngờ về hàng ngàn những thị kiến được cho là đã xảy ra kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1981, và được cho là vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Hai trong số 17 thành viên của ủy ban cho rằng những thị kiến được cho là đã xảy ra sau ngày 4 tháng 7 năm 1981 không phải là siêu nhiên, trong khi 15 thành viên khác nói rằng họ không thể đưa ra các phán quyết.

Ủy ban nhận định rằng sáu người nói đã được nhìn thấy Đức Mẹ và một người thứ bảy, là người tuyên bố rằng mình bắt đầu nhận được những sứ điệp của Đức Mẹ kể từ tháng 12 năm 1982 đến nay, đã không được hỗ trợ đầy đủ về phương diện mục vụ.

Vatican Insider đã công bố báo cáo trên vào ngày 16 tháng 5, ba ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói về một số chi tiết trong bản báo cáo này với các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay từ Fatima, Bồ Đào Nha, về lại Rôma.

Trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 5, phòng báo chí Tòa Thánh đã từ chối bình luận về bài tường thuật này của tờ Vatican Insider.

5. Ý kiến của chính Đức Thánh Cha Phanxicô

Trên chuyến máy bay từ Bồ Đào Nha trở lại Vatican hôm 13 tháng 5, 2017, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn về đủ mọi vấn đề thời sự. Khi được hỏi về việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, ngài nói rằng những cuộc hiện ra lúc ban đầu cách nay hơn 3 thập niên thì đáng được nghiên cứu thêm, nhưng những thị kiến sau đó thì rất đáng hồ nghi. Theo ngài, căn cứ vào bản tường trình của ủy ban điều tra do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, được đệ nạp cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thì ta cần phân biệt hai loại hiện ra.

“Đối với các cuộc hiện ra thứ nhất, với các trẻ em, bản tường trình ít nhiều cho rằng loại này cần được tiếp tục nghiên cứu” nhưng còn đối với “những cuộc hiện ra được giả định là vẫn đang tiếp diễn, thì bản tường trình tỏ ý hồ nghi”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: “bản thân tôi còn hồ nghi hơn thế, tôi thích coi Đức Mẹ là Mẹ, Mẹ của chúng ta, hơn là một phụ nữ đứng đầu một văn phòng ngày nào cũng gửi đi một tin nhắn vào một giờ nhất định. Đó không phải là Mẹ Chúa Giêsu. Những cuộc hiện ra như thế vô giá trị”.

Ngài minh xác rằng đây chỉ là “ý kiến riêng” của ngài, nhưng nói thêm rằng Đức Bà không hề hành động bằng cách nói rằng “ngày mai vào giờ này, con hãy đến và ta sẽ trao tin nhắn cho những người ấy”.

Theo Vatican Insider, 13 trong số 14 thành viên ủy ban có mặt tại một cuộc họp đã bỏ phiếu đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm của Vatican đối với các cuộc hành hương chính thức của các giáo phận và giáo xứ tới Medjugorje.

Ủy ban cũng đề nghị việc biến nhà thờ giáo xứ Thánh Giacôbê Tông Đồ thành một nhà thờ giáo hoàng với sự giám sát của Vatican. Động thái này không phải là thừa nhận những cuộc hiện ra, nhưng là thừa nhận những nhu cầu vê đức tin và mục vụ của những người hành hương; đồng thời bảo đảm những hiến tặng tài chính của những người hành hương được kế toán phù hợp.

Vai trò của Ủy ban là đưa ra các khuyến nghị đối với Đức Giáo Hoàng; báo cáo của ủy ban không phải là một phán đoán chính thức của Giáo Hội về những cuộc hiện ra. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên vào ngày 13 tháng Năm rằng “cuối cùng, một cái gì đó sẽ được tuyên bố,” nhưng ngài không đưa ra một thời biểu cụ thể.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Mozambique, Madagascar và Mauritius từ 4/9/2019 đến 10/9/2019

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho hay cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một một chuyến tông du đến Mozambique, Madagascar và Mô-ri-xơ vào tháng Chín tới này.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới các đảo Madagascar và Mauritius của Ấn Độ Dương và tới quốc gia Đông Nam Phi Mozambique.

Trong một công bố vào thứ Tư vừa qua, Giám đốc lâm thời của Văn phòng báo chí Tòa Thánh, ông Alessandro Gisotti, cho hay cuộc tông du dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 10 tháng 9.

Ông cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các thành phố Maputo ở Mozambique, Antananarivo ở Madagascar và Port Louis ở Mauritius. Chương trình cho chuyến tông du sẽ được công bố trong thời gian tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm ba quốc gia này như một sứ giả của hòa bình, hy vọng và hòa giải, tất cả các chủ đề của chuey61n tông du được nổi bật trong các logo chính thức của cuộc tông du này.

7. Giám đốc công chúng sự vụ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ chức vì lập trường ủng hộ nhiệt liệt tổng thống Trump

Cô Judy Keane, Giám đốc công chúng sự vụ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (gọi tắt là USCCB) đã xin từ chức vì những lập trường ủng hộ nhiệt liệt tổng thống Trump của cô có thể gây khó khăn cho các Giám Mục Hoa Kỳ.

Judy đã gây ra các tranh cãi qua các tweets nhiệt tình ủng hộ Tổng thống Trump và tấn công các nhân vật của đảng Dân chủ bao gồm Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của New York và Thượng nghị sĩ Kamala D. Harris của California.

Judy đã là giám đốc công chúng sự vụ USCCB từ năm 2016. Cô có một tài khoản cá nhân trên Tweeter được nhiều người theo dõi tại @JkeanePr, trong đó cô ghi rõ chức vụ của mình với dòng chú thích: Đây là ý kiến của riêng tôi.

Trong số các tweet gây tranh cãi có một bài vào ngày 29 tháng 5 nhằm trả lời những lời chỉ trích của ông Newt Gingrich, phát ngôn viên Hạ Viện Hoa Kỳ, về cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống Trump là ông Robert S. Mueller III. Tài khoản Keane, kể từ đó đã được đặt ở chế độ riêng tư, chỉ những người theo dõi được cô chấp thuận mới có thể xem các tweets của cô.

“Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất CHƯA TỪNG CÓ, nền kinh tế vô cùng mạnh mẽ dưới thời tổng thống Trump - đó là hư cấu sao? Ngoài một lỗi đánh máy đánh máy duy nhất, tất cả những thành tựu có thể đọc ở đây:” cô viết và đưa ra một đường link vào một trang web liệt kê các thành tựu của Tổng thống Trump.

Cô cũng “like” một tweet của người khác, là Laura Ingraham, trong đó cho rằng Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của New York đáng được lãnh “giải thưởng Nobel về sự ngu xuẩn”.

Các phương tiện truyền thông không thích Judy Keane nói cô bị các Giám Mục Hoa Kỳ sa thải. Tuy nhiên, thực tế là các ngài chỉ nhắc nhở cô là Hội Đồng Giám Mục không muốn dính líu đến chính trị đảng phái. Cô quyết định từ chức để không gây khó khăn cho USCCB.