Ngày 13-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:06 13/08/2009
CẦN MỘT THẦN TÍCH

N2T


Chúng sinh họp mặt đông đủ hướng về Đấng tạo hóa, nói:

- “Cho chúng con một thần tích, như thế chúng con mới tin Ngài là Thiên Chúa chân chính”.

- “Các ngươi muốn thần tích như thế nào?”- Đấng tạo hóa buồn, thương hại nhìn mọi người, nói tiếp: “Các người có biết, các tinh tú làm thế nào mà phát sáng chăng ? Hoa lan làm thế nào mà nở rộ chứ ? Hạt giống vì sao nảy mầm ? Trẻ con trưởng thành như thế nào…? Dòng suối nhỏ chảy ra biển lớn rồi tiếp tục quay về nơi nguồn gốc của nó; cá hồi chó đi ngược dòng sông lớn trở về nơi sinh trưởng của nó…

Một đời đi qua, một đời lại đến, các ngươi có mắt nhưng nhìn không thấy; có tai nhưng nghe không được, tâm hồn lại bị mỡ lợn bịt kín, cái gì cũng không cảm nhận được sao?”

Suy tư:

Không một học sinh nào đòi coi bằng cấp của thầy cô giáo, chỉ có những người hay ghen và kiêu căng mới làm như thế, vì trên lãnh vực chuyên môn, kiến thức của trò không hơn thầy.

Người Do Thái và các thượng tế, biệt phái đòi Chúa Giê-su làm một dấu lạ để họ tin vào Ngài là Đấng Messia, nhưng Ngài chẳng có làm một dấu lạ nào.

Mà thực ra, Chúa Giê-su đã làm nhiều dấu lạ: người chết sống lại, người què biết đi, người câm nói được, người điếc nghe được, và dấu lạ vĩ đại nhất chính là sự sống lại của Ngài.

Hơn hai ngàn năm qua, thế gian vẫn còn đòi Thiên Chúa làm phép lạ.

Có những Ki-tô hữu cũng đòi Ngài làm phép lạ.

Trong cuộc sống của mình, cũng có lúc chúng ta đòi Chúa Giê-su làm phép lạ:

- Khi buồn thì xin phép lạ cho gặp sự vui.

- Khi thất vọng thì xin Ngài phép lạ cho được hy vọng.

- Làm ăn thua lỗ, thi rớt cũng xin Ngài làm phép lạ…

Cái gì cũng xin phép lạ, mà bản thân việc gì cũng chẳng mó tới, học hành thì biếng nhác, làm việc thì sợ khổ, Chúa đâu làm phép lạ cho những người ấy!

Phép lạ, kỳ tích trước hết phải do chính nơi bản thân của mình nổ lực làm, nổ lực học hành, phải hăng say vui vẻ chu toàn bổn phận thì Chúa mới ban ơn, ban phương tiện cho chúng ta chứ, đó chính là Chúa ở trong chúng ta và cùng làm việc với chúng ta vậy!

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:10 13/08/2009
N2T


24. Thiên Chúa không thưởng cho chúng ta đôi cánh, thì chúng ta đừng vọng tưởng bay cao, chỉ nên đi chậm chậm dưới đất.

(Chân phúc Avitus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:17 13/08/2009
N2T


197. Đem kinh nghiệm của quá khứ không vui bỏ đi, để đợi chờ công việc mới đến.

 
''Ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa''
Tuyết Mai
17:16 13/08/2009
Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (Ep 5, 15-20).

Có phải chăng tất cả những anh chị em đang sống trong ơn Chúa Thánh Thần đều được Chúa Thánh Thần mạc khải cho hiểu những lời nói trên của Thánh Phao-lô là đúng và là rất thiết yếu trong cuộc sống ngày lại ngày trên trần gian đầy dẫy những tội lỗi, cám dỗ, và quyến rũ!?? Có tiếp nhận ơn Chúa Thánh Thần, tự nhiên Ngài sẽ mở lòng, mở trí, mở trái tim cho chúng ta cảm nhận được sự sống đời sau mới vô cùng là quan trọng, chứ không phải cuộc sống thật tạm bợ trên trần gian này, đang cho chúng ta đầy những khổ ải, phong ba, và bão táp, không có tương lai, mà chúng ta là những con người yếu đuối lại cứ cố gắng muốn tìm cách cho được sống mãi, sống hoài, sống muôn đời.

Có ơn Chúa Thánh Thần, thật chúng ta chỉ muốn hằng ngày ca hát, xướng lên những lời ngợi ca, chúc tụng, tôn vinh, Ba Ngôi Thiên Chúa. Còn mọi thứ cần thiết khác cho cuộc sống ngày lại ngày, Ngài sẽ lo liệu và nuôi dưỡng cho chúng ta. Thật không gì vui sướng cho bằng khi cuộc sống của chúng ta hằng ngày có Chúa giữ gìn. Phải, khi chúng ta có được ơn Chúa Thánh Thần, thì tâm hồn chúng ta luôn rộn lên những niềm vui bất tận, như cái máng hứng nhận tất cả luồng sinh khí, sinh động, không biết mệt mỏi, cho chúng ta sức mạnh như nguồn điện được cung cấp từ Trên.

Có được ơn Chúa Thánh Thần, thì những sự gì khôn ngoan của trần gian chúng ta được Ngài cho biết để tránh hay khai trừ. Sự gì khôn ngoan của trần gian thì chúng ta tất cả đều cảm thấy như rất mỏi mệt và rất hoang phí thời giờ. Có ơn Chúa, chúng ta cảm thấy như không còn phải lo lắng gì cho ngày mai như ăn gì hay mặc gì, mà thật thoải mái an bình tuy dù mọi người chung quanh chúng ta phải tất bật, vất vả, và lo toan đủ mọi điều. Thật thoải mái và tốt lành thay! Khi chúng ta có được sự bình an của Chúa ban. Sự bình an này không phải ai cũng có đâu! Không phải Chúa dậy chúng ta không làm ăn gì để nuôi sống bản thân, gia đình, và anh chị em, nhưng Chúa dậy tất cả chúng ta là trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời và mọi sự ở trên trời, thì Ngài sẽ lo liệu tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống ngày lại ngày của chúng ta, nhất là phần Linh Hồn đời đời của chúng ta.

Tìm đến Chúa, dễ dàng lắm anh chị em ạ! Không khó đâu! Cần thiết nhất là chúng ta đầu tiên hãy chạy đến Chúa để xin Chúa tha tội cho chúng ta là những con người luôn yếu đuối, Chúa biết điều đó hơn hết thảy vì Ngài đã mặc lấy xác phàm của chúng ta mà, chỉ trừ tội lỗi, vì Ngài là Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa Cha, Ngài từ Trời mà đến nên Ngài không có tội. Hãy kiên nhẫn tìm đến Ba Ngôi Thiên Chúa luôn, vì không phải Thiên Chúa xa lánh chúng ta, nhưng vì những gì chúng ta đeo đuổi nơi trần gian này, đã làm chúng ta xa lánh Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo và Lành Thánh, mà trong chúng ta lại chứa đựng tất cả những gì thật gian xảo thật xấu xa, mà chúng ta cố tình không từ bỏ, thì chúng ta không thể nào Gặp được Ngài!?? Có phải Chúa dậy chúng ta là không được làm tôi hai chủ!??

Bản tánh con người yếu đuối của chúng ta trên trần gian này thì muôn đời đều có một mẫu số chung, là cái gì mình có được trong tay, cầm được, sờ được, thấy được thì chúng ta mới cảm thấy có được sự bình an. Còn những gì lờ mờ khó hiểu, không thấy, không cảm nhận được, trên sách vở, thì chúng ta đều coi là không thật, như thử hỏi, những anh chị em mang danh là Kitô hữu, được rửa tội từ nhỏ, nếu có được sự lựa chọn là chủ Tiền và Chủ Thiên Chúa thì họ chọn ai??? Điều kiện Chủ Tiền là họ muốn gì được nấy! Được làm bá chủ trái đất cho đến khi họ chết. Chọn Chủ là Thiên Chúa, thì cuộc sống của họ là chỉ được bình an của Thiên Chúa ban, có cuộc sống đủ ăn đủ dùng mà thôi! Cũng sống cho đến khi Chúa gọi ra đi, thì anh chị em nghĩ mà xem, sẽ được bao nhiêu người chọn Thiên Chúa làm Chủ của đời mình, mà không hết thảy chọn ông Chủ của mình là Tiền phải không! Ấy vậy cho nên Thánh Phaolô của chúng ta cũng cố gắng dậy chúng ta làm cho được những điều thiện hảo như trên là: "anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.".

Vâng, không gì khôn ngoan cho bằng là chúng ta tìm đến Thầy chí thánh chí ái của chúng ta là Đức Giêsu Kitô, vì Ngài là Đường, là Chân Lý, và là Sự Sống Muôn Đời của tất cả toàn thể nhân loại chúng ta. Amen.
 
Linh mục, một huyền nhiệm
Xuân Ly Băng
17:26 13/08/2009
LINH MỤC, MỘT HUYỀN NHIỆM

1.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Một cách nhưng không
Và từ vực sâu bất xứng
Chúa tuyển chọn và gọi ngài
Để quản lý và thông ban kho tàng cứu độ
Của Trái Tim Chúa
Cho muôn người muôn nơi.

2.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài để cử hành Hy Lễ
Tác thành Thánh Thể
Là bí tích Hiệp Nhất và Tình Yêu
Là thần lương cực trọng
Bánh các thiên thần
Nuôi người dương thế
Là nguồn sống cho dân Chúa lữ hành
Qua mọi thời đại

3.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như đôi tay từ phụ
Để ẵm vào lòng
Nhất là những đứa con hư
Để dung tha tội lỗi
Hoà giải con người
Và dẫn đưa về gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa

4.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như lửa Thánh Linh
Để thiêu huỷ tội tình nhân thế
Đốt nóng lên những mảng đời băng giá
Toả sáng bảy nguồn Thiên ân
Cho mặt đất được canh tân
Cho rực lên Tin Mừng cứu độ

5.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa gọi ngài là muối cho đất mẹ
Xin ngài đừng biến chất
Để ướp mặn đời
Đang giảm suy về lương tâm và đạo đức

Ôi linh mục
Chúa gọi ngài là ánh sáng trần gian
Để không ai vì thiếu ngài
Mà phải đi trong tối tăm lầm lạc

Ôi linh mục
Chúa gọi ngài là thành xây trên núi
Không giấu được ai
Để mọi người – qua nếp sống của ngài
Họ tôn vinh thánh danh Chúa

6.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài để rao truyền lời hằng sống
Miệng lưỡi ngài đầy dẫy sự khôn ngoan
Lời ngài sáng lên niềm hy vọng
Lời ngài làm bừng lên sự sống
Lời ngài lan toả niềm vui Nước Trời
Là hoan lạc của Thánh Linh
Vì lời ngài phải chứng minh
Cho Chân Thiện Mỹ

7.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như viên đá sống động
Để dựng xây Toà nhà thiêng liêng
Là Hội thánh Chúa
Ngài sống hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi
Để thông hiệp với mọi thành phần dân Chúa
Ngài là cặp mắt của người mù
Là đôi chân của người tàn phế
Là miệng lưỡi, là đôi tai
Của người câm, người điếc
Ngài là con đường cho dân Chúa đi
Từ sinh ra cho đến trở về đất mẹ

8.
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ôi linh mục
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như mục tử tốt lành
Nuôi chiên bằng cỏ đồng xanh
Sẵn sàng bỏ mạng để bảo vệ đàn chiên
Ngài là tôn sư sáng suốt
Nuôi dân bằng giáo lý tinh tuyền
Là ngôn sứ can trường
Diệt trừ mọi điều gian dối
Bênh vực chân lý và công bình
Xây dựng Tình Thương
Mọi nơi ngài hiện diện

9.
Ôi linh mục
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như chiếc bánh thơm ngon
Được bẻ ra từng miếng nhỏ
Để mọi người có thể đến ăn
Nhất là những ai nghèo đói
Về tình thần và thể xác

10.
Ôi linh mục
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như hạt lúa miến
Phải được vùi dập dưới đất đen
Và được chết đi để nảy mầm sinh mộng
Lớn lên và sinh bông trái thật dồi dào
Làm phong nhiêu đồng ruộng

11.
Ôi linh mục
Chỉ những thời gian tĩnh lặng
Âm thầm trước Trái Tim Chúa
Ngài mới thấy ơn gọi ngài là diệu kỳ
Thiên chức ngài thật vô cùng cao quý
Sứ vụ ngài thật thánh thiêng
Vì ngài là hiện thân của Đức Kitô
Là Đường là Sự Thật là Sự Sống
Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát
Đấng đã chết và phục sinh
Cho loài người muôn đời được sống

12.
Ôi linh mục
Chỉ những thời gian vắng vẻ
Quỳ trước Nhà Chầu
Như thánh Gioan Viannê ngày trước
Ngài mới thấy thân mình bé nhỏ
Như hạt cát biển đông
Mông manh như chiếc lá vàng trước gió
Như bọt trôi bèo dạt vô thường
Và ngài mới thấy tình Chúa bao la
Như trời cao biển rộng
Bát ngát vô biên
Đến bao giờ ngài mới đáp đền tương xứng?

13.
Ôi linh mục
Đi vào chiều sâu của những phút giờ tĩnh lặng
Trước Thánh Thể Chúa
Và thánh tượng Đức Mẹ đồng trinh
Ngài mới thấy Ơn Chúa cấp bách biết chừng nào
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ
Cho ngài được nên giống Đức Kitô
Nghèo khó như hang đá
Hy sinh như thập giá
Khiêm tốn như ngọn đèn chầu
Từ ban mai cho đến mãi canh thâu
Phải là một ngày tròn đầy của linh mục

11/8/2009
 
Hiệp nhất với Chúa trong Bí tích Thánh Thể
Lm Jude Siciliano, OP
17:36 13/08/2009
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN (B)

Cn 9: 1-6; Tv 34; Ep 5: 15-20; Ga 6: 51-58

Sách Châm Ngôn mô tả tính Khôn Ngoan, một đặc tính của Thiên Chúa, qua hình ảnh của một phụ nữ. Đối với những ai khao khát tìm hiểu Thiên Chúa và đường lối của Người, thì sự Khôn Ngoan dọn ra một bữa tiệc sang trọng mừng đón tất cả. Và “Hởi người ngây thơ hãy lại đây”. Khi Chúng ta đói khát Chúa, chúng ta không có hành vì nào bằng là chỉ muốn tóm lấy để ăn.

Có lẽ chúng ta đã tìm ăn nơi bàn tiệc khác; đã tìm sống theo khôn ngoan của người đời; đặt tin tưởng vào những của cải vật chất; dựa vào những sự vật hào nhoáng tạm bợ bên ngoài; trì hoãn việc tìm của ăn thiêng liêng v.v… Những ai trong chúng ta là người học hành cao, có thể nghĩ đọc sách sẽ giúp chúng ta giải quyết những thắc mắc của cuộc đời. Và rồi kết quả vấn đề mà chúng ta đang khao khát; chỉ như là uống nước trái cây cho đầy bao tử vì Chúng ta có thể cảm thấy thoải mái lúc đầu, nhưng một lát sau lại thấy hình như chẳng còn gì.

Sách Châm Ngôn tóm tắt những việc tìm kiếm ấy trong phần cuối đoạn 9, diễn tả “bữa tiệc” điên rồ và nực cười (9:13-18) đó là đi tìm sự khôn ngoan ở nơi mà mọi thứ đã không còn tồn tại. Ở Mỹ có rất nhiều tài liệu để đọc về giá trị dinh dưỡng của các món ăn và cho chúng ta biết chúng ta ăn những loại gì không đủ sức dinh dưỡng, và lâu ngày các thức ăn ấy sẽ làm hại hơn là giúp ích cho cơ thể chúng ta. Chúng ta hãy khôn ngoan tìm những thức ăn có thể bồi bổ sức khỏe, và đối với của ăn thiêng liêng cũng phải tìm những món ăn có hiệu lực thiêng liêng. Khôn Ngoan mời gọi chúng ta “Hãy đến! Hãy ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã hâm”.

Khôn Ngoan dùng từ ngữ diễn tả người phụ nữ tròn đầy của Chúa Giêsu, và diễn tả tình thương yêu của Đức Chúa, và Ngài lo lắng muốn chúng ta tìm kiếm của ăn đầy đủ dinh dưỡng. Đức Chúa nói với chúng ta “Ta thấy các con đói khát, và chỉ có mình Ta mới làm cho các con thỏa mãn. Ta gọi Con Ta đến với các con, đó là Khôn Ngoan hiện thực. Hãy ăn và uống của Con Ta cho vì đó là chính thân thể của Con Ta”. Và trong lúc quần chúng cãi vả nhau và với Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu nói ngay với những người đói khát. Cũng như Khôn Ngoan trong Châm Ngôn “Ta đã dùng bàn tiệc”, và mời gọi rất nhiều người đến dự để ăn uống, ăn “của ăn thật và của uống thật”.

Phúc âm thánh Gioan không đặt phép thánh thể vào bữa tiệc ly. Ba phúc âm Nhất lãm đều đặt phép Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly, vì vậy thánh Gioan nghĩ Kitô Hữu đã biết chuyện Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể nên Gioan không viết lại nữa. Trong đoạn 6 thánh Gioan viết “lời bàn luận về Bánh Hằng Sống”. Trong lời bàn luận chủ đề về sự Khôn Ngoan hòa với chủ để phép Thánh Thể (Ga 6:35-50). Bài phúc âm đọc hôm nay diễn tả những từ như “ăn”, “của ăn”, “uống”, “thịt”, “máu”. Những từ đó rất cụ thể, sống động. Trong đoạn này Chúa Giêsu diễn tả một cách sống sượng làm người Do Thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.

Chúng ta đã thường nghe những lời này trong phụng vụ, trong Kinh thánh, và trong ngôn ngữ về đức tin, và chúng ta đã quen thuộc với những thành ngữ ấy. Nhưng chúng ta không cảm nhận được sự ngạc nhiên của những người lần đầu nghe những lời nói ấy. Phúc âm hôm nay cũng diễn tả ảnh hưởng của các lời nói của Chúa Giêsu đối với những người sống chung cùng thời với Ngài. Đám đông quần chúng nghe lời Chúa Giêsu, hiểu theo nghĩa đen của những lời đó, nên sau đó có nhiều người bỏ Ngài. Hiện nay chúng ta vẫn còn có những tranh luận giữa các giáo hội Kitô hữu về cách hiểu ý của Chúa Giêsu trong những lời Ngài đã nói

“Bài bình luận về Bánh Hằng Sống” do việc Chúa Giêsu đã cho đám đông quần chúng ăn bánh thật. Vì thế họ mới để ý nghe Ngài, vài họ đã được ăn no nê về vật chất. Nhưng đó chỉ là một dịp mở đầu để bàn thêm về những thứ bánh khác mà Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta, đó là chính thân thể của Ngài. Và đây mơi là bánh giúp chúng ta no nê. Để diễn tả những ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng lời nói rất cụ thể. Hãy ghe lại những lời đó trong phép Thánh thể hôm nay “Hãy cầm lấy…mà ăn, đây là Mình Thầy. Hãy cầm lấy… mà uống, đây là máu thầy”.

Có điều gì mà Chúa Giêsu không cho chúng ta không? Ngài có thể cho gì hơn là mình và máu Ngài không? Chúng ta có nghe được trong lời Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn ở gần chúng ta như thế nào không? Thiên Chúa muốn đời sống của Ngài hòa với đời sống của chúng ta để chúng ta thành một với Ngài. Chúa Giêsu đã hứa lời đó với chúng ta là nếu chúng ta ăn thịt và uống máu của Ngài thì chúng ta sẽ được sống muôn đời, không phải sự sống kéo dài ở đời này, mà chính sự sống viên mãn có ngay từ bây giờ mà chúng ta không phải chờ đợi.

Chúng ta hãy hy vọng, việc ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể ngày hôm nay sẽ nhắc chúng ta nhớ đến lời giảng dạy đó của Ngài. Chúng ta cũng hy vọng bữa tiệc Thánh hôm nay luôn luôn giữ chúng ta làm một với Chúa Giêsu, Để chúng ta bắt đầu ngay từ hôm nay lãnh nhận sự sống muôn đời của Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Của ăn và của uống, Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta ăn và uống ngày hôm nay giúp chúng ta, những người tin Chúa Giêsu, thành một cộng đoàn. Lời Chúa Giêsu nói về máu Ngài là cho chúng ta nghĩ đến việc Ngài sẽ đổ máu trên cây Thánh giá. Chúng ta, những người dự vào tiệc thánh này, hãy nhìn xa hơn, như Chúa Giêsu đã làm, là chúng ta hãy nhìn vào những thiếu thốn, đau khổ của thế giới chung quanh chúng ta, và chính Chúa Giêsu cũng cho họ Mình và Máu Ngài. Chúng ta ăn và uống vì chúng ta tin. Những người khác phải thấy được đức tin của chúng ta thể hiện trong việc làm và lời nói. Chúng ta không thể sống đời sống của Chúa Giêsu mà không vào bàn tiệc Mình và Máu Ngài đã dọn cho chúng ta. Vì thế, hởi những kẻ, hãy tìm đến bàn tiệc Khôn Ngoan mà Chúa đã đặt sẵn cho chúng ta.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Đức Maria, chiếc la bàn kỳ diệu
Gioan Lê Quang Vinh
23:25 13/08/2009
ĐỨC MARIA, CHIẾC LA BÀN KỲ DIỆU

Ngày còn bé, đám học trò con trai thích những trò chơi vật lý, trong đó có trò chơi lấy nam châm chà xát lên cây kim, chà xát một chiều, cho đến khi cây kim có từ tính. Lúc đó, cây kim được giữ đúng cách thì sẽ biến thành kim chỉ hướng nam bắc. Cây kim này và nhất là chiếc la bàn chuyên nghiệp là những thứ thu hút nhiều học trò. Có một từ trường cực mạnh ở phương bắc, kéo tất cả kim nam châm hướng về đó. Nhờ vậy mà ở mọi thời, thiên hạ trên rừng dưới biển đi không đi sai đường hay lạc hướng. Nếu Thiên Chúa là từ trường cực mạnh và vĩnh cửu, thì nhân loại có một chiếc la bàn tuyệt vời là Đức Maria, vì Mẹ qui hướng về Chúa trọn vẹn. Mầu nhiệm Mẹ Lên Trời là kết thúc tuyệt đẹp của cuộc đời cao cả và hướng thượng ấy.

Maria, cả đời qui hướng về Chúa

Một lần tôi ra đề cho các em làm bài giáo lý: “Em hãy kể lại việc thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria”. Có một em nhỏ viết thế này: “Lúc ấy, Đức Maria đang làm việc trong bếp”. Mới đọc câu trả lời này thì chắc ai cũng thấy bất ngờ vì chúng ta đã quen với việc tưởng tượng hình ảnh Đức Maria được sứ thần hiện đến báo tin trọng đại lúc Mẹ đang quì cầu nguyện. Nhưng ngẫm lại thấy em nhỏ cũng có thể có lý, vì cuộc đời của Mẹ hướng về Chúa chắc chắn không chỉ là trong giờ dành riêng cho cầu nguyện, mà mọi lúc mọi nơi đều là thời khắc Mẹ tiếp xúc với Thiên Chúa. Kinh Thánh chỉ ghi vắn gọn: “Đức Maria ghi nhớ những điều ấy và suy niệm trong lòng”. Mẹ suy niệm mọi sự vào mọi lúc trong tâm tình gắn bó với Thiên Chúa.

Lòng Mẹ hướng về Chúa như kim nam châm hướng về phương bắc, và đó là điều đương nhiên. Lời kinh Magnificat là lời diễn tả không chỉ tâm tình của Mẹ lúc đi thăm bà Elisabet, mà còn diễn tả trọn vẹn tâm hồn của Mẹ, bởi vì Mẹ nói: “Người đã làm cho tôi những điều cao cả”. Không phải một điều cao cả, là Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa, mà là “những điều cao cả” trong cả đời Mẹ. Ý thức ấy chắc chắn giúp Mẹ sống thân tình với Thiên Chúa là lẽ sống của Mẹ.

Một trong những dấu chỉ cho thấy Mẹ qui hướng về Chúa là Mẹ hoàn toàn quên mình. Từ mầu nhiệm Truyền Tin, ngày Con Mẹ lạc trong Đền Thờ, cho đến tiệc cưới Cana rồi sau này tiệc thánh Canvê, Mẹ luôn biểu lộ một tâm hồn vì Chúa, vâng ý Chúa và hướng trọn về Ngài. Ngay cả khi Mẹ đi tìm Chúa Giêsu lúc Người rao giảng, Mẹ cũng chẳng chạy ào đến và gọi “Giêsu, con ơi”, mà Mẹ vẫn tế nhị đứng xa xa, cho đến khi có người nhận ra và thưa với Chúa Giêsu rằng có Mẹ đến tìm.

Ôi Maria, lòng Mẹ thật cao cả vô cùng.

Maria, kim chỉ nam cho nhân loại lạc bước

Ngay từ lúc Chúa Giêsu khởi đầu rao giảng, Mẹ đã thi hành công khai vai trò làm kim chỉ nam ấy: “Người bảo gì, anh em hãy làm theo”. Mẹ nói như thế với những người phục vụ tiệc cưới Cana. Một câu nói của Mẹ thôi đã đủ cho con người biết cách hành động thế nào cho phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng.

Việc Thiên Chúa đưa Hồn Xác Mẹ Lên Trời là phần thưởng Ngài dành riêng cho Mẹ của Ngài, và cũng là kết cuộc đương nhiên của một cuộc đời luôn hướng về siêu việt. Và bởi vì Chúa Giêsu đã công bố cho loài người rằng “Đây là Mẹ con”, thì việc Mẹ lên Trời là niềm hy vọng của đoàn con Mẹ còn tại thế.

Khi chúng ta sử dụng la bàn, chúng ta tin tưởng vì la bàn luôn chỉ đúng hướng. Dù chúng ta đi ngược về xuôi, la bàn vẫn trung tín một hướng chính xác. Dù chúng ta đang băn khoăn giữa ngàn vạn hướng trong đời, Đức Maria vẫn là chiếc la bàn đáng tin cậy nhất. Mà còn hơn nữa, Mẹ cũng là sợi dây kéo chúng ta về hướng chân thật của muôn đời.

Nếu hiểu Thiên Đàng, nơi Mẹ được Chúa đưa về, ở trên chín tầng cao xanh thì Mẹ có thể đang sống xa đoàn con. Nhưng nếu hiểu cho chính xác, Thiên Đàng là nơi có Chúa ngự trị, thì Mẹ vẫn ở giữa con cái mình trong từng giây phút cuộc đời họ. Bằng chứng là qua dòng lịch sử, Mẹ luôn hiện ra đúng lúc nhân loại cần đến Mẹ, với những thông điệp rõ ràng và cấp bách. Mẹ về Trời, vẫn tiếp tục chỉ hướng cho con cái bước đi.

Con cái Mẹ cũng là chiếc la bàn cho anh em

Mỗi người con của Mẹ như cây kim nhỏ bé đã được thông ban “từ tính” của Mẹ là la bàn vững chắc. Do đó, con cái Mẹ biết hướng đi cho đời mình. Và họ cũng phải làm chiếc la bàn hướng dẫn cho anh em.

Khi khu rừng càng xum xuê dày đặc, người đi rừng càng dễ vướng chân và lạc lối. Ngày nay xã hội trần thế ngày càng trở nên hỗn loạn với bao lời mời gọi bị nhiễu sóng. Thông tin các loại tràn lan. Bao cám dỗ vây lấy con người ngay từ sáng sớm mỗi ngày. Những lo toan làm con người bị lôi vào vòng lẩn quẩn của kiếp lao nhọc. Chúng ta không lo vì đã có Mẹ chỉ cho con đường hạnh phúc là tìm đến Thiên Chúa.

Đến lượt mình, chúng ta cũng chỉ lối cho anh chị em còn vướng vào bao hệ luỵ trần gian, bao cám dỗ đủ loại, bao bạo lực và bất công… Chiếc kim nhỏ bé có thể mất từ tính. Nhưng có một khí cụ có thể truyền sức mạnh từ chiếc la bàn Maria cho chúng ta. Khí cụ ấy Mẹ đã xác nhận và truyền rõ ràng trong sứ điệp Fatima. Đó là tràng chuỗi Mân côi, vườn Hoa Hồng tuyệt vời của nhân loại. Một trong những cách mừng kính Lễ Mẹ Lên Trời ý nghĩa nhất là khởi đầu lại việc đọc kinh Mân côi và sống mầu nhiệm Mân côi trong cuộc đời mình.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
 
Trường ca Mẹ về Trời
Đinh văn Tiến Hùng
23:30 13/08/2009
Điệp khúc:
Hồng ân Thiên Chúa bao la,
Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Người,
Hôm nay Mẹ Chúa về trời,
Đoàn con dâng Mẹ ngàn lời hoan ca.

Tiểu khúc 1 :Nữ Vương Mẹ Chúa Trời.
Maria ôi Mẹ đầy phúc lạ !
Cao sang hơn mọi người Nữ trần gian,
Ngôi Hai Thiên Chúa bỏ chốn cao sang,
Hạ sinh trong lòng Bà nơi trần thế,
Và từ đây tiếp muôn ngàn thế hệ,
Sẽ tung hô Bà là Mẹ Chúa Trời.
Bao Đế vương đầy quyền lực loài người,
Sẽ cúi đầu trước vinh quang Thánh Mẫu.

Tiểu khúc 2 :Nữ Vương Muôn Loài.
Maria ôi muôn loài tôn kính !
Trời đất chuyển mình sông núi reo ca,
Rạng rỡ tinh câu xao động ngàn hoa,
Loài cầm thú cũng bừng lên sức sống,
Mừng nhân loại thoát khỏi cơn ác mộng,
Giải lời nguyền tội nguyên tổ khi xưa,
Người xuất hiện tuôn hồng phúc như mưa,
Đạp đầu rắn làm kinh hoàng quỉ dữ.

Tiểu khúc 3: Nữ Vương Hoà Bình.
Maria ôi nhân loại mong đợí !
Đến xua tan thần chết và chiến tranh,
Người giang tay cứu vớt vạn sinh linh,
Để đem lại một tình yêu bất diệt,
Người Sứ giả quyền năng và diễm tuyệt,
Đuổi bóng đêm như ánh sáng bình minh,
Cho loài người sống hạnh phúc thanh bình,
Tôn thờ Chúa và Yêu thương đồng loại.

Tiểu khúc 4: Nữ Vương Thiên Quốc.
Maria ôi Nữ Vương tuyệt diệu !
Vượt lên cao soi sáng khắp Thiên cung,
Mẹ Thiên Chúa thật cao trọng vô cùng,
Diễm huyền lạ lòng tràn đầy ơn phúc,
Chín tầng trời trổi hoan ca bái phục,
Thần Thánh nghiêng mình chiêm ngưỡng uy linh,
Vị Nữ Vương lộng lẫy chốn Thiên đình,
Triều thiên toả muôn hào quang rực rỡ.

Tiểu khúc 5: Nữ Vương Lòng Con.
Maria ôi lòng đầy nhân ái !
Cả đời con luôn tha thiết mến yêu,
Hồn xác con Mẹ ấp ủ sớm chiều,
Ru dịu ngọt trong bàn tay trìu mến,
Sóng vùi dập lôi thuyền con lạc bến,
Mẹ đón chờ và hướng dẫn lối đi,
Hỗ trợ con trong những lúc gian nguy,
Mẹ ngời sáng như Hải đăng soi lối.

Lễ kính Đức Mẹ lên trời 15/8/09
 
Xin Mẹ La Vang
Tâm Giao
04:27 13/08/2009
La Vang
chiều xưa úa vàng mùa Bách Hại
Mẹ đã về nâng dậy đàn con
La Vang
chiều nay huy hoàng đại hội
con dâng Mẹ
đây Tam Tòa, đang vào mùa Bắt Đạo
đây Việt Nam, còn đền tội đến bao giờ
La Vang chiều nay
giữa cồng chiêng đón Mẹ
có len lỏi lệnh truyền bạo chúa
giữa tung hô Trinh Nữ
có hò reo quân dữ đóng đinh
Mẹ ơi! cho con gặp Người giữa đám đông
Mẹ ơi!

Ngày 12.08.2009
 
Yêu mến và tìm kiếm những sự trên trời
LM. Trần Bình Trọng
05:33 13/08/2009
YÊU MẾN VÀ TÌM KIẾM NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

Lễ Ðức Mẹ Lên Trời, Năm B
Kh 11:19a - 12:1-6a, 10ab; 1Cor 15:20-27; Lc 1:39-56


Ngay từ thuở Giáo Hội sơ khai, toàn thể Giáo Hội đều tin rằng Ðức Maria được cất nhắc lên Trời cả hồn lẫn xác. Trước khi tín điều Ðức Maria hồn xác lên trời được công bố năm 1950 thì một cuộc thăm dò ý kiến trên toàn thế giới đã được thực hiện. Kết quả là người công giáo trên toàn thế giới đều tin rằng Ðức Maria được đưa về trời cả hồn và xác.

Ðể diễn tả ân huệ của việc Ðức Maria hồn xác lên trời, phụng vụ Lời Chúa hôm nay trích sách Khải huyền, dùng những mỹ từ thật huy hoàng lộng lẫy: Và một điềm lạ xuất hiện trên không trung, một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao (Kh 12:1). Trong Phúc âm, bà Isave, chị họ trinh nữ Maria, được ơn linh ứng, đã cất tiếng ca tụng trinh nữ Maria: Bà có phúc hơn mọi người nữ (Lc 1:42). Còn trinh nữ Maria thì ghi nhận những việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình nên mới cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa trong Lời ca Ngợi khen - Magnificat: Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Ðấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn! (Lc 1:46-49).

Việc Ðức nữ Maria nhận ra những ân huệ và quyền năng Thiên Chúa đã làm nơi mình không làm giảm đức khiêm tốn của trinh nữ, cũng không phải để khoe khoang, nhưng để từ nay thiên hạ muôn đời sẽ cùng trinh nữ ca tụng Thiên Chúa quyền năng cao cả.

Nhìn vào đời mình, người tín hữu cũng phải khám phá ra những ân huệ của Thiên Chúa, không lớn thì nhỏ, đã làm nơi mình để có thể cất tiếng ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa như trinh nữ Maria. Trong chiều hướng đó thì đã có bao giờ ta dâng lời cảm tạ và ca tụng Thiên Chúa về những hồng ân Chúa đã ban cho cá nhân, gia đình như ơn được sinh ra làm người, ơn được nhận lãnh đức tin, ơn được sống trong gia đình: có mẹ, có cha và có anh chị em. Nhận lãnh ân huệ và tài năng mà cho rằng mình không có, có thể là cách khiêm nhường giả. Nếu trong lời cầu nguyện, mà ta chỉ phàn nàn kêu trách là ta đã quên ơn Chúa hay ta đòi hỏi quá nhiều. Phàn nàn kêu trách, khiến ta không nhìn thấy chiều sáng của cuộc đời.

Hằng ngày ta có nhiều cơ hội để tạ ơn Chúa như tạ ơn cho một ngày đẹp trời có nắng ấm, có gió hiu hiu thổi nhè nhẹ, hoặc tạ ơn cho một giấc ngủ yên lành, khiến tâm thần thoải mái; tạ ơn cho một bữa ăn ngon miệng. Có những người không dám tạ ơn Chúa cho bữa ăn ngon, sợ rằng làm như vậy là mất nhân đức hi sinh hãm mình

Lễ Mẹ lên Trời phải giúp ta cảm thấy ý muốn sống trên đời, hầu đặt hi vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. Lễ Mẹ lên Trời phải hướng lòng trí ta đến những sự việc cao cả, và dạy ta sẽ đi về đâu. Lễ Mẹ lên Trời báo trước việc trở về nhà vĩnh cửu cho tương lai của người tín hữu. Việc mừng Lễ Mẹ lên trời dạy ta ý nghĩa trọn vẹn của sự cứu rỗi: việc cứu rỗi cả hồn lẫn xác trong ngày tận thế. Ngày tận thế ta cũng sẽ được nên giống trạng thái Mẹ lên trời: hồn kết hợp với xác.

Trong mầu nhiệm kinh mân côi Mùa mừng, ta suy gẫm: Thứ bốn thì ngắm Ðức Chúa Trời cho Ðức Bà lên Trời, ta hãy xin ơn chết lành trong tay Ðức Mẹ. Và Thứ Năm thì ngắm Ðức Chúa Trời thưởng Ðức Mẹ lên Trời, ta hãy xin Ðức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Ðức Mẹ trên nước thiên đàng. Ðể được chết lành trong tay Ðức Mẹ và để được thưởng cùng Ðức Mẹ trên nước thiên đàng, ta phải làm gì và sống như thế nào? Có bao giờ ta đã hướng lòng trí về trời, hướng về những ý tưởng cao đẹp: chân, thiện, mỹ? Mỗi tuần ta dành cho nước trời được bao nhiêu thời giờ để dâng thánh lễ, cầu nguyện và làm việc từ thiện, bác ái? Hay ta chỉ mải miết với những sự vật trần thế, không còn thời giờ cho Chúa, cho gia đình, cho việc đạo đức, việc thiện hảo?

Giáo hội công giáo luôn khuyến khích và cổ võ việc tôn sùng Mẹ Maria, vì việc tôn sùng Mẹ sẽ giúp ta thiết lập mối liên hệ gần gũi với Chúa. Nếu ta xin người khác cầu nguyện cho mình, thì tại sao lại không xin Mẹ Maria cầu bầu cho ta vì Mẹ đóng vai trò quan trọng trong chương trình cứu chuộc của Chúa?

Lời cầu nguyện xin Mẹ dạy cho biết yêu mến những sự trên trời:

Ôi Maria! Lạy Mẹ lên trời.
Thuở xưa Mẹ đã yêu mến những sự trên trời.
Mẹ không mơ ước điạ vị làm mẹ Ðấng cứu thế,
nhưng sẵn sàng chấp nhận khi được yêu cầu.
Xin dạy con biết mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa
và tuân theo thánh chỉ của Chúa.
Xin cũng dạy con tìm kiếm và yêu mến những sự trên trời
như Mẹ. Amen.

 
Sống Đời Tận Hiến
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
06:08 13/08/2009
Sống Đời Tận Hiến

Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ, đã về tham dự Đại Hội Thánh Mẫu 2009 do Tỉnh Dòng Đồng Công tại Missouri tổ chức. Cha đã chủ tế và chia sẻ trong Thánh Lễ Giáo Sĩ & Tu Sĩ vào thứ bảy, 8-8-09. Dưới đây là toàn văn bài chia sẻ.

Kính thưa Quý Đức Ông, quý Cha, quý Tu Sĩ,

Hôm nay, chúng ta dâng Thánh Lễ kính Đức Mẹ, đồng thời hòa với niềm vui Giáo Hội mừng kính Thánh Đaminh, một vị đại thánh thuyết giáo lừng danh của Giáo Hội. Chúng con xin được chúc mừng với quý Cha, quý tu sĩ nam nữ thuộc Dòng Đa Minh trong ngày vui này.

Gia sản ngài để lại cho Giáo Hội, không chỉ là những gương lành đạo đức, đời sống cầu nguyện, lòng tận tụy, sự nhiệt thành và tinh thần hy sinh không mệt mỏi trong công việc thuyết giáo, mà còn là phương thức cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi, được truyền tụng, chính Đức Mẹ trong một lần thị kiến truyền dạy ngài quảng bá. Chúng ta mang ơn Mẹ Mân Côi, chúng ta mắc nợ Thánh Đa Minh, vì qua việc cầu nguyện Mân Côi, chúng ta được hiểu biết và được kết hợp mật thiết với cuộc đời của Chúa Jêsu hơn.

Nhiều người, nhiều gia đình trong Giáo Hội ở mọi thời đại đã trở nên và còn sẽ trở nên Thánh hơn, khi kín múc sức mạnh và ân sủng từ việc lần chuỗi Mân Côi. Xác tín vào những ân huệ Chúa ban qua cách cầu nguyện này, Tổng Giám Mục Raymond Burke, nguyên chủ chăn TGP Saint Louis, hiện là Chưởng Quản Tòa Án Tối Cao của Tòa Thánh, khi chia sẻ về những cuộc khủng hoảng mà người công giáo và hội thánh đang đối đầu, trong bài thuyết trình 'Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo về' Nền Văn Hóa Sự Chết' mới đây tại buổi hội thảo Công Giáo Toàn Quốc Hoa Kỳ, thủ đô Washington DC, đã khuyên: 'Trong cơn khủng hoảng hiện nay, lần chuỗi Mân Côi hằng ngày và cầu xin Đức Bà Cứu Giúp Giáo Hữu chuyển cầu là những phương thế hiệu nghiệm để mang chiến thắng về cho đời sống và tình yêu'.

Ước gì, qua gương lành của các đấng thánh, mỗi người chúng ta siêng năng hơn, sốt sắng hơn khi cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, để được bình an, để vượt qua những khó khăn, khủng hoảng trong cuộc đời tu trì của chúng ta, cũng như để làm gương cho giáo dân, và cũng để được nhận lãnh những ân sủng cần thiết!

Năm nay là Năm Linh Mục. Đức Thánh Cha Benedict XVI, vì yêu thương các Linh Mục, nên đã mời gọi toàn thể cộng đồng Dân Chúa hướng về các Linh Mục. Ngài mong muốn mọi người cùng học hỏi, yêu mến, cầu nguyện cho ơn gọi Linh Mục, qua đó cảm thông và yêu thương những người được Chúa mời gọi dấn thân trong sứ vụ thiêng liêng này.

Trong thư gởi các Linh Mục để thiết lập Năm Linh Mục, nhân dịp kỷ niệm 150 năm qua đời của Thánh Gioan Maria Vianney, Cha Sở Xứ Ars, Quan Thầy các Linh Mục và Linh Mục Chính Xứ, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự quan tâm, lòng ưu ái và tình yêu thương của mình đối với các Linh Mục như sau: 'Tôi nghĩ đến tất cả các Linh Mục đang giới thiệu cho các tín hữu kitô và cho toàn thế giới lễ vật khiêm tốn và thường ngày những lời nói và cử chỉ của Chúa Kitô, đang nỗ lực gắn bó với Ngài bằng tư tưởng, ý chí, tình cảm và phong cách của tất cả cuộc sống của họ. Làm sao mà tôi không thể làm nổi bật sự vất vả tông đồ của họ, sự phục vụ dẻo dai và âm thầm của họ, đức ái phổ quát của họ được? Làm sao mà tôi không thể ca ngợi sự trung tín can đảm của biết bao Linh Mục mà cho dầu phải đối diện với những khó khăn và những sự thiếu thông hiểu, vẫn trung thành với Ơn Gọi của mình: ơn gọi 'Bạn của Chúa Kitô', đã lãnh nhận từ Ngài một ơn gọi đặc biệt, đã được chọn gọi và sai đi'?

Biểu đồng tình với Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Claudio Hummes, Bộ Trưởng Bộ Giáo Sĩ, cũng đã viết trong lá thư gởi cho các Linh Mục, nhằm chuẩn bị cho năm trọng đại này rằng: 'Giáo Hội hãnh diện vì các Linh Mục của mình, yêu mến họ, tán dương họ, khâm phục họ và nhìn nhận lòng biết ơn các công việc mục vụ và chứng tá đời sống của họ'. Đức Hồng Y cũng hy vọng rằng: 'Ước gì năm này sẽ là một cơ hội để hăng say tìm hiểu giá trị của Căn Tính Linh Mục, hiểu biết thần học về chức Linh Mục Công Giáo và ý nghĩa đặc biệt của ơn gọi và sứ vụ của Linh Mục trong giáo hội và trong xã hội. Điều đó cần đến những cơ hội học hỏi, những ngày tĩnh tâm, những linh thao suy tư về chức vụ Linh Mục, những thuyết trình và hội thảo thần học trong các phân khoa của Giáo Hội, các nghiên cứu khoa học và xuất bản tương ứng.'

Các vị chủ chăn của Giáo Hội Việt Nam, cũng đã mời gọi cộng đoàn dân chúa nơi các ngài được Đức Thánh Cha tín nhiệm giao phó chăn dắt hết sức khuyến khích mọi người cùng 'Học Hỏi về ơn gọi Linh Mục', 'Cầu Nguyện với các Linh Mục và cho các Linh Mục', và Hành Động để phát triển 'tình hiệp thông thân hữu giữa các Linh Mục với nhau' và với 'cộng đoàn được ủy thác cho các vị ấy'. Học Hỏi, Cầu Nguyện và Hành Động thực tế là ba việc cụ thể mà Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ Tịch HĐGM VN, để đề nghị với cộng đoàn dân chúa trong hai giáo phận Thanh Hóa và Phát Diệm.

Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Chủ Chăn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, trong thư gởi cộng đoàn dân Chúa trong Tổng Giáo Phận của ngài vào tháng 5, 2009, cũng cầu xin Chúa 'không những ban cho Giáo Hội nhiều thợ gặt mà còn cầu xin để có những thợ gặt lành nghề, những mục tử như lòng Chúa mong ước'. Và theo ngài, 'Mục tử như lòng Chúa mong ước là những mục tử có các đức tính nhân bản cần thiết và đời sống thiêng liêng sâu xa, nhất là đức Ái mục tử'.

Mẫu gương mà Đức Thánh Cha nêu ra cho các Linh Mục, chính là Thánh Gioan Maria Vianney mà Giáo Hội hoàn vũ vừa long trọng kỷ niệm 150 năm ngày mất của ngài mấy hôm trước đây. Ngài là vị Linh Mục có đời sống tâm linh sâu xa, luôn kết hợp với Chúa qua đời sống chay tịnh nghiêm ngặt, nguyện cầu liên lỉ, và cũng như hết lòng yêu thương và cống hiến toàn bộ thời gian, sức lực không những đoàn chiên được sai đến chăn dẫn, mà còn cho những con chiên khác tìm đến Chúa qua ngài trong bí tích hòa giải.

Thật mong anh em Linh Mục chúng ta trong năm nay, cũng có những kế hoạch cho riêng mình: học hỏi, cầu nguyện và có những chương trình hành động cụ thể, trước là nhìn lại ơn gọi, căn tính Linh Mục của mình, sau là tiếp tục can đảm dấn thân trong sứ vụ thiêng liêng đó với lòng nhiệt thành, tin tưởng, và hy vọng.

Với quý Thầy và quý Soeur,

Giáo Hội luôn tri ân và đề cao về ơn gọi tu trì của quý Thầy và quý Soeur. Giáo Hội, trong Hiến Chế Dòng Tu (7) ca ngợi: 'Các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, thì những hội dòng ấy vẫn phải luôn luôn giữa địa vị cao quý trong nhiệm thể Chúa Kitô'.

Khó có thể tưởng tượng được những sự phong phú, đa dạng, nhiều sắc thái, cũng như nét đẹp và sự thánh thiện của Giáo Hội khi thiếu bóng dáng của quý Thầy và quý Soeur trong cuộc đời âm thầm chiêm niệm, cầu nguyện, hay trong những hoạt động tông đồ ở những lãnh vực khác nhau: giáo dục, nhân đạo, mục vụ... mà quý Thầy và quý Soeur dấn thân phục vụ.

Kính thưa quý Đức Ông, quý Cha, quý Tu Sĩ,

Dù căn tính mỗi người có khác nhau, dù sứ vụ được trao phó có khác nhau, chúng ta vẫn cùng giống nhau một điều: là anh chị em của nhau trong tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa và của Mẹ Maria. Chúng ta cần cầu nguyện cho nhau, để ủi an và được an ủi, để cảm thông và được thông cảm, để hỗ trợ và được hỗ trợ, để giúp đỡ và được giúp đỡ nhau. Thật ra, nói cho cùng, tất cả công việc, các mục vụ, các công tác, chúng ta đang thi hành ở bất cứ nơi nào, trong cương vị gì, hoàn cảnh nào... cũng đều là cho Chúa!

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện và nâng đỡ cho những anh chị em của chúng ta đang nghỉ dưỡng sau khi cống hiến cuộc đời phụng sự cho Chúa và phục vụ Giáo Hội, tha nhân. Nhiều vị đang chống chỏi với tật bệnh, đang sống trong cô đơn, hiu quạnh cũng như đang gặp khó khăn về đời sống vật chất trong sinh hoạt hàng ngày, rất cần sự giúp đỡ.

Chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho anh chị em đang suy sụp tinh thần, đang trong cơn hoạn nạn, đang gặp khủng hoảng vì phải đương đầu với những vấn nạn về ơn gọi, về căn tính của mình, hay là đang gặp những khó khăn, những rắc rối, những bất hòa, những hiểu lầm, những đố kỵ, những ganh ghét, giận hờn, những tố cáo, kiện tụng... Là tội nhân hay là nạn nhân, ai cũng cần được tha thứ, cần được cảm thông, và nhất là cần được yêu thương!

Chúng con rất lấy làm hãnh diện và tự hào về hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ Việt Nam, vì chính mắt thấy, tai được nghe rất nhiều điều tốt lành, thánh thiện, cũng như về tinh thần và thái độ phục vụ hết sức vui vẻ, hòa đồng, thân ái, nhẫn nại, khiêm nhường, giúp đỡ và yêu thương của quý vị trong giáo xứ, cộng đoàn mình phục vụ. Chân thành cám ơn sự dấn thân, lòng quảng đại, sự hy sinh trong sứ vụ của các đấng.

Xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang yêu dấu chúc lành và ban ơn can đảm cho mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn được an vui, trung tín với sứ vụ của mình.

Xin Cha Thánh Đaminh và Cha Thánh Gioan Maria Vianney là những anh em quý mến của các Linh Mục và Tu Sĩ, cùng đồng hành với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên đường thánh thiện, nhân đức, tận tâm, nhiệt thành và hy sinh, giống như các ngài, trong cuộc đời phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân của chúng ta.
 
Đức Mẹ - Mẫu gương đức tin của chúng ta
Lm Jude Siciliano, OP
13:43 13/08/2009
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Kn 11: 19a, 12:1-6a, 10ab; Tv 45; I Cor 15: 20-27;Lc 1: 39-56

Ít khi chúng ta được nghe đọc sách Khải huyền trong phụng vụ. Nếu Anh chị em là tôi thì chắc cũng ít khi giảng về sách Khải huyền. Và khi đọc Thánh Kinh chúng ta cũng ít khi đọc đến sách Khải huyền. Đây là một dịp giảng về sách Khải huyền, vì thế tôi sẽ chú trọng đến bài đọc thứ nhất, và thêm vài ý nghĩ về lễ hôm nay.

Khi tôi làm mục vụ ở trại tù San Quentin ở California, một trại tù cho những tù trọng án, tôi rất ngạc nhiên những người tù đọc Thánh Kinh lại thích sách Khải huyền. Vì sao họ lại thích sách đó, và những gì đã thu hút họ? Trong sách Khải huyền có nhiều điển tích quá đáng thương làm giáo dân ít khi đọc. Tôi bắt đầu hiểu những người tù thích đọc sách Khải huyền vì sách đó diễn tả sự tranh chấp giữa thiện và ác. Và họ hy vọng một ngày nào đó sự trừng phạt nặng nề họ đang chịu sẽ được bãi bỏ. Đây cũng là sự ao ước của những Kitô Hữu tiên khởi sống dưới thời bị đô hộ của đế quốc La Mã bách hại họ. Và cũng để an ủi những tù nhân phía bắc trại San Quentin. Đó cũng là tin an ủi cho tất cả chúng ta, những người phải chống lại sức mạnh của “Con mãng xà” trong thế giới ngày nay.

Một điểm khác nữa thu hút sự chú ý của các tù nhân, họ tin là biết được mật mã, và họ biết tìm ra những dấu hiệu và những hàm ý chính trong sách Khải huyền. Họ cảm nhận ra họ là một thành phần có sự hiểu biết đặc biệt, và những kẻ khác đều không hiểu gỉ cả. Họ còn tự cao về sự “hiểu biết” đó, đối với những người cùng hoàn cảnh như họ. Nhưng, mặc dù họ có những ý nghĩ sai lầm về sách Khải huyền, chúng ta cũng có thể hiểu vì sao họ thích sách ấy vì những lời tiên và viên tướng trong đó. Sách Khải huyền nói đến những người bị trừng phạt nặng nề.

Sách Khải huyền được viết cho những Kitô Hữu thời tiên khởi, vì họ bị bắt buộc phải thờ kính Hoàng Đế La Mã. Nếu họ không làm như thế, họ sẽ bị trừng phạt về tôn giáo và về chính trị nữa. Kitô Hữu phải chọn một Chúa để thờ. Nếu họ chọn Chúa về tôn giáo, họ sẽ bị giết. Sách Khải huyền không phải là một sách trừu tượng, về những hình ảnh kì lạ và những mẫu chuyện hợp thời. Sách Khải huyền được viết để giúp Kitô Hữu trung thành với đức tin, và để giúp họ hiểu Con Chiên (như trong bài đọc hôm nay, người con) sẽ được toàn thắng.

Đối với chúng ta, chúng ta có thể hiểu và tin là đức tin của chúng ta sẽ mạnh mẽ không? Lượt qua báo hôm nay thì lại thấy thêm xe gài bom khủng bố ở Iraq. Dân quân vũ trang vẫn còn chém giết ở Sudan; ở các nước nhược tiểu bệnh nhân AIDS còn chết nhiều vì thiếu thuốc men; ở Gaza vẫn còn tranh chấp giữa người Israel và người Palestin v.v… Chúng ta thử tự hỏi “Ai là người làm chủ hiện nay?”. Thế giới bị sự dữ hoành hành ghê sợ. Thiện và ác, sức nào sẽ thắng? Chúng ta, những người có đức tin đứng ở bên thắng, hay sức yếu hèn của chúng ta sẽ ta dần trước sức mạnh của “con mãng xà đỏ có 7 đầu và 10 sừng”?

Sách Khải huyền muốn cam đoan cho chúng ta biết là sự thiện sẽ thắng. Cũng như những Kitô Hữu thời tiên khởi, chúng ta có thể bị mặc cảm rồi bỏ rơi những việc làm chúng ta cam kết vì đức tin, trước ánh sáng và quyền lực của sự ác. Chúng ta, những Kitô Hữu theo vị Chúa nào? Thiên Chúa đang ở đây, và chúng ta muốn và có thể trung thành với Ngài là Thiên Chúa của Thánh Kinh và của công chính. Ngài sẽ làm mọi nên công chính. Sách Khải huyền mời gọi chúng ta hướng mắt về Thiên Chúa sẽ thấy sức mạnh ghê gớm của con mãng xà, đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời. Nhưng, người con trai sinh ra thì được đưa ngay lên Thiên Chúa và sẽ thắng.

Trong sách Khải huyền không có mật mã nào để giúp chúng ta giải thích những lời đó, và các lời đó giúp chúng ta tưởng tượng ra nhiều cách khác nhau để giải thích. Sự chiến đấu chống sự đe dọa của cái xấu của sự ác đang muốn cuốn trôi tất cả sự thật là có thật. Một dân tộc mới; cộng đoàn Kitô hữu; được sinh ra trong đau đớn và quằn quại. Nhưng mặc dù có đe dọa đến sự sống của người con, người con ấy được Thiên Chúa đưa ngay lên trời và được bằng an. Ai đọc sách này cũng hiểu là đây là Thánh Kinh Do Thái. Cũng như Thiên Chúa đã che chở cho người Do Thái, Nay Ngài sẽ tiếp tục che chở cho dân tộc mới của Người. Lời Chúa không phải là lời nói trong quá khứ, mà giúp dựng nên, che chở cho dân mới mà Chúa Giêsu đã hiến thân trong hiện tại.

Cộng đoàn Kitô hữu mà thánh Gioan nghĩ đến đang gặp rất nhiều khó khăn. Sách Khải huyền khuyến khích họ tin tưởng vào Thiên Chúa vì Thiên Chúa thấu hiểu sự đau khổ của họ, và Ngài sẽ đến cứu họ. Sự ác không thắng được. Vì thế, bài sách Khải huyền đọc trong ngày lễ Đức Mẹ lên trời hôm nay liên kết với bà ca ngợi của Đức Maria. Đức Maria mừng rỡ trong việc cứu chuộc của Thiên Chúa. “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh… dẹp tan lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế…” Rõ là Thánh Kinh được ghi ra hai hình thức, để nói lên một sự hy vọng vào Thiên Chúa. Thánh Gioan không viết tiên đoán cho tương lai. Nhưng ông viết sách Khải huyền để khuyến khích và an ủi những Kitô Hữu trong thời đó, đang trải qua bao đau khổ hầu giúp họ, và giúp cả chúng ta giữ vững sự trung tín vào quyền uy và lẽ công chính của Thiên Chúa sẽ chiến thắng.

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời. Chúng ta thấy Đức Mẹ là mẫu gương cho đức tin của chúng ta. Cũng như Đức Mẹ, chúng ta đem Chúa Kitô đến thế gian này. Chúng ta nên nhớ là tuy Chúa Kitô đau khổ, nhưng Ngài đã được Thiên Chúa giữ gìn Ngài. Ngài trở về lại với Thiên Chúa và Ngài sẽ trở lại để đưa tất cả chúng ta đến nơi an nghỉ với Ngài. Vậy thì con mãng xà không thắng được. Người Kitô Hữu đang chiến đấu với sự ác có thể nói lên rằng “Thiên Chúa, Đấng cứu độ đã đến”. Thiên Chúa, nguồn ao ước của chúng ta đang đưa tay cứu giúp chúng ta ngay lúc này là lúc chúng ta đang chiến đấu

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám đốc Ngân hàng nói: Thông điệp Caritas in Veritate là kim chỉ nam để định nghĩa lại nền kinh tế thế giới
Peter Nguyễn Minh Trung
17:14 13/08/2009
ROME (CNA) - Giám đốc Ngân hàng Etica ở Italia, ông Fabio Salviato, nói rằng: Thông điệp mới "Caritas in Veritate" của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI là một quyển kim chỉ nam để tái định nghĩa hệ thống kinh tế thế giới.

Trong bài phỏng vấn với Radio Vatican hồi tuần này, vị giám đốc 51 tuổi cho biết thông điệp của Đức Giáo Hoàng là một "sách hướng dẫn làm chúng ta sáng tỏ hệ thống kinh tế, tài chính mới trong giai đoạn hiện nay."

Ông còn chú ý rằng "Caritas in Veritate" kêu gọi mọi người tìm kiếm "một sự thay đổi về văn hóa dựa trên việc đặt con người là trung tâm."

"Bằng cách đáp trả những nhu cầu của con người, chiến đấu chống lại nghèo đói, và lưu tâm đến môi trường, từ đó một sự tái định nghĩa hệ thống kinh tế tài chính sẽ xuất hiện.", ông nói thêm.

Ông nói: "Tôi cho rằng Đức Thánh Cha không những đã cho chúng ta thấy ánh sáng, mà còn ban cho chúng ta một quà tặng vĩ đại, một kim chỉ nam cho những nhà lãnh đạo kinh tế. Không những thế, đây còn là một sách hướng dẫn cho tất cả những ai mang vác trọng trách trong thế giới chính trị, tài chính hay xã hội dân sự. Thông điệp "Caritas in Veritate" (Bác ái trong Sự thật) là một điểm nhấn văn hóa của những tham khảo và chỉ dẫn, được đặt nền tảng trên thực tại nhân học căn bản của luật tự nhiên, không mang tính ý thức hệ, chỉ dẫn mọi người cách thức làm thế nào để xây dựng, hay tái xây dựng, một hệ thống kinh tế tài chính mới sau cuộc khủng hoảng và khó khăn hiện nay."

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16829)
 
Sứ thần Vatican e ngại sẽ có nhiều bạo động chống Kitô giáo tại Pakistan
Bùi Hữu Thư
17:29 13/08/2009
VATICAN CITY (CNS) – Một giới chức Toà Thánh cho hay, Luật phạm thượng tại Pakistan, thường được nhóm quá khích Hồi giáo sử dụng để gây bạo động, như “lưỡi kiếm Damocles" treo trên đầu các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác.

Đức Tổng Giám Mục Adolfo Yllana, sứ thần Vatican tại Pakistan, nói ngài e ngại những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa nhóm đa số Hồi giáo và Kitô hữu có thể đưa đến nhiều hành động bạo tàn. Ngài đang họp với các giới chức cao cấp Pakistan vào trung tuần tháng Tám để thảo luận về tình hình liên tôn căng thẳng.

Đức Tổng Giám Mục Yllana đã trình bầy trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo của Tòa Thánh L'Osservatore Romano ngày 12 tháng 8, sau khi một cộng đồng Kitô bị tấn công ngày 1 tháng Tám khiến cho tám người bị thiệt mạng. Một đám đông Hồi giáo đã nhóm lửa đốt nhiều căn nhà Kitô hữu sau khi có tin đồn thất thiệt là một cuốn Kinh Coran, sách thánh của Hồi giáo đã bị làm cho ô uế.

Luật phạm thượng của Pakistan trừng phạt nặng nề những xúc phạm không được minh định rõ ràng đối với tiên tri Mohammed hay Kinh Coran.

Đức Tổng Giám Mục Yllana nói, "Trên thực tế, luật cấm phạm thượng đã trở nên một công cụ dễ dàng để kết án bất cứ loại hành động bất hợp pháp nào. Chẳng hạn, một Kitô hữu chỉ cần không trả nợ cũng đủ bị kết tội phạm thượng – và từ đó chỉ còn bước ngắn nữa là có bạo động.

Ngài nói "Tôi sợ rằng trừ khi có sự thay đổi, sẽ còn nhiều bạo động hơn nữa. Trên đầu các Kitô hữu và tín hữu của các tôn giáo thiểu số đang có treo lưỡi kiếm của Damocles, biểu hiệu bằng luật phạm thượng.” Các vị lãnh đạo giáo hội tại Pakistan đã kêu gọi việc bãi bỏ đạo luật này.

Đức Tổng Giám Mục nói, trong các năm gần đây đã có một sự suy thoái trong mối liên hệ giữa Hồi giáo và tất cả các tôn giáo thiểu số tại Pakistan. Các hành động bạo tàn và không khoan dung đối với các tôn giáo thiểu số xẩy ra rất thường xuyên và thường không được giới truyền thông bá cáo.

Ngài trách một số giáo sĩ Hồi giáo đã khuyến khích việc bạo động.

Ngài nói, "Trong đến thờ Hồi giáo tại vài thị trấn, các thầy cả imam dùng loa phóng thanh để loan báo các công kích chống các nhóm thiểu số. Các tín đồ Hồi giáo bị kích thích và trở nên bạo động.”

Ngài nói, những căng thẳng gia tăng chứng tỏ rằng việc đối thoại liên tôn tại Pakistan đã không có hiệu quả tại tầng lớp dân chúng.

Ngài nói, "Tại Pakistan chúng ta cần đem việc đối thoại đến với dân chúng. Não trạng phải thay đổi, và một nền văn hóa bao dung cần được làm cho lan rộng. Đây là một điều kiện thiết yếu, nếu không Pakistan sẽ lâm nguy vào một cơn lốc xoáy của sự bạo tàn.”

Cho đến nay, ngài nói, đối thoại chỉ nằm ở cấp các vị lãnh đạo tôn giáo. Nhưng tại cấp điạ phương, nhiều người Pakitan không kính trọng những ai có tín ngưỡng khác họ. Tại một vài vùng trên quốc gia, người Kitô hữu bị coi là “không trong sạch.”

Ngài nói, giáo dục là chìa khóa cho một sự cải tiến văn hóa tối cần thiết để tiến đến hòa giải và hòa bình.
 
RU 486 là thuốc phá thai
Linh Tiến Khải
04:34 13/08/2009
Một số nhận định của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia về quyết định của chính phủ cho bán thuốc ngừa thai RU 486

Ngày 30-7-2009 Hội đồng quản trị dược khoa Italia gọi tắt là AIFA, đã bỏ phiếu chính thức cho phép hưu hành thuốc ”Mefipristone”, hay RU 486 là thuốc phá thai. Mỗi liều gồm hai viên: viên đầu tiên giết chết phôi thai và viên tiếp theo trục phôi thai chết ra ngoài. Vì thuốc không được bán ngoài tiệm nên phụ nữ dùng thuốc này phải vào nhà thương, phải được các nhân viên y tế kiểm soát nghiêm ngặt và thông tin tức đầy đủ để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra như: xuất huyết, nhiễm trùng hay bị chết.

Cho tới nay đã có 29 trường hợp phụ nữ chết vì dùng thuốc RU 486. Loại thuốc này được dùng nội trong tuần thứ bẩy sau khi thụ thai. 5% phôi thai bị giết chết trong vòng 2 ngày, 75% bị giết chết trong vòng 5 ngày, 15% trong vòng 15 ngày và 5% sau hơn 15 ngày. Tuy nhiên vẫn có từ 5 tới 8% phụ nữ phải nạo thai.

Ông Maurizio Sacconi, Bộ trưởng trợ cấp xã hội, đã viết thư cho Hội đồng quản trị dược khoa Italia và ghi nhận ”quyết định độc lập” này nhưng yêu cầu Hội đồng này đưa ra các chỉ dẫn phù hơp với khoản luật 194 của Hiến Pháp bắt buộc việc phá thai phải do một bác sĩ sản khoa thực hiện trong cơ cấu y khoa của nhà thương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, về quyết định nói trên của Hội đồng quản trị dược khoa Italia cho phép dùng thuốc phá thai RU 486.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y nghĩ gì về quyết định trên đây của hội đồng quản trị dược khoa Italia, và một cách gián tiếp trong một cách thế nào đó cũng là quyết định của chính quyền Italia?

Đáp: Tôi cảm thấy buồn sầu, cay đắng và lo lắng. Tôi nghĩ rằng quyết định này diễn tả một cảnh xuống dốc văn minh của đất nước Italia. Đây là việc tụt dốc văn hóa, vì ở đâu sự toàn vẹn của sự sống chẳng những không được thừa nhận và tôn trọng, mà còn bị xúc phạm và hủy bỏ, thì không thể nói rằng nền văn minh đang tiến tới được.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong các tháng qua tại Italia đã có qúa nhiều tin tức tiêu cực liên quan tới sự sống: từ vụ chị Luana bị bỏ cho chết đói chết khát, cho tới quyết định của Tòa Bảo Hiến liên quan tới luật 40 cho phép phá thai, và bây gìơ lại có việc chấp thuận cho phá thai bằng chất hóa học, tức là thuốc RU 486 nữa. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Giờ đây, người ta có khuynh hướng yêu sách tuyệt đối tôn trọng sự tự do cá nhân, nghĩa là cởi bỏ mọi tương quan với sự tự do và quyền lợi của các người khác. Trái lại, thực tế cho thấy không chỉ có một quyền duy nhất, mà có rất nhiều quyền khác nhau, cần phải đối thoại với nhau. Một đàng có phụ nữ - đó là điều chắc chắn rồi - nhưng mà trước mặt phụ nữ cũng còn có quyền của một sự sống mới là đứa con đang trong thời thụ thai, đang ở trong giai đoạn yếu ớt của nó nữa. Khi quyết định tiêu diệt sự sống là xã hội con người trở thành ít nhân bản hơn. Và thật là điều cay đắng khi thấy quyền của kẻ mạnh thắng thế trong xã hội ngày nay.

Hỏi: Người ta cho rằng thuốc RU 486 chỉ là một khả thể lựa chọn khác giúp phá thai thôi, chứ không có gì lạ. Đức Hồng Y có đồng ý thế không?

Đáp: Tiêu chuẩn tự do lựa chọn xem ra chỉ tốt đẹp, nhân bản và tôn trọng bề ngoài thế thôi, chứ không đúng. Trong các vấn đề khác nhau liên quan tới sự sống, thì không phải là chuyện muốn làm hay không muốn làm một điều gì đó, nhưng là biết thừa nhận các giá trị và các quyền khách quan tương xứng với các bổn phận chủ quan của con người, biết thừa nhận nhân phẩm là giá trị phải lựa chọn trước hết mọi lựa chọn. Xét cho kỹ, diễn văn về sự tự do chọn lựa điều mình thích chỉ khẳng định quyền của kẻ mạnh mà thôi.

Hỏi: Việc đưa ra các biện pháp mới trong các lãnh vực nóng bỏng như vậy thường diễn tả các tâm thức và tập tục mới. Nó có đúng với trường hợp của việc phá thai bằng chất hóa học hay không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Viên thuốc phá thai khiến cho mọi sự trở thành dễ dàng hơn, cả khi có các biện pháp bắt buộc phải thực hiện nó trong khung cảnh của một cơ cấu nhà thương. Trong nội tại của vấn đề, xem ra càng ngày người ta càng có tâm thức coi tương quan giữa chủ thể với một sự sống mới là một chuyện hoàn toàn cá nhân, riêng tư. Nhưng có sự khác biệt: đó là chủ thể người lớn chắc chắn là mạnh mẽ hơn thai nhi, là người yếu đuối không có phương thế tự khẳng định và tự vệ.

Hỏi: Viên thuốc RU 486 tái đặt lại vấn đề tranh giành giữa quyền của người mẹ và quyền của đứa con. Làm thế nào để giải gỡ được nút thắt này thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nền văn hóa thống trị ngày nay ngày càng khẳng định quyền tuyệt đối của cá nhân, chứ không khẳng định quyền tuyệt đối của bản vị con người. Trong khi bản vị con người - tự bản chất của nó - luôn luôn ở trong thế đối thoại với các chủ thể khác, đối thoại với sự tự do của họ và với các quyền lợi và bổn phận của họ. Một nền văn hóa tập trung nơi cá nhân thì quan niệm con người trong các phạm trù tự do và tự quyết tuyệt đối, coi nó là một hòn đảo bên cạnh các hòn đảo khác và chỉ có tương quan với nhau vì tiện lơi hơn là vì tình liên đới. Trong khi tương quan giữa các bản vị con người có tư tưởng mạnh là lo lắng cho người khác, vì coi người khác là một món qùa qúy báu, cả khi tương quan này có mắc mỏ và đòi hỏi mỗi người phải tiên phong dấn thân đi nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, việc phá thai băng chất hóa học hướng tới chỗ làm cho bào thai biến mất, bằng cách nấp sau bóng của một viên thuốc tầm thường phải uống. Nó có thể có hiệu qủa nào?

Đáp: Khi khiến cho kiểu phá thai mới dễ dàng hơn, thì chắc chắn là người ta ngày càng gia tăng tâm thức coi việc phá thai như chuyện uống một viên thuốc ngừa thai, và đó là điều mà phần đầu của luật 194 tuyệt đối khai trừ. Đây là thuốc giết thai nhi, chứ không phải thuốc ngừa thai.

Hỏi: Trong các ngày qua người ta cũng nói tới việc phá thai ”lén lút hợp lệ”, và việc kết án phụ nữ phá thai phải sống trong cô đơn và phải đau khổ hơn nữa trong hoàn cảnh đó. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Cả sự kiện này nữa cũng thuộc nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa, được che đậy dưới cái mặt nạ tôn trọng sự tự do của nữ giới, nhưng thật ra đó là bỏ rơi phụ nữ cho chính họ, cho thảm cảnh, nỗi khổ đau và lo lắng của họ, trong khi một nền văn hóa nhân bản đích thật phải dẫn đưa tới chỗ dấn thân lo lắng cho họ.

Hỏi: Các đòi buộc mà Hội đồng quản trị dược khoa AIFA đưa ra liên quan tới việc dùng viên thuốc RU 486 bao gồm việc phải vào nhà thương và ở lại đó cho tới khi phá thai xong, có thể lượng định trở lại các hiệu qủa của việc phá thai bằng chất hóa học hay không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Việc xúc phạm tới sự sống con người vẫn còn nguyên đó, cũng như thảm cảnh sau khi phá thai vẫn còn nguyên đó, chứ không thay đổi. Việc đưa ra một viên thuốc chắc chắn là không thể khiến cho sự suy tư hay nghĩ lại được dễ dàng hơn. Những điều kiện do Hội đồng quản trị dược khoa đưa ra có thể hãm lại phần nào các sai lệch trên bình diện tâm lý, cảm xúc và thực hành. Nhưng tôi xin lập lại: tất cả những điều đó tuyệt đối không giảm thiểu sự dữ khách quan là việc phá thai, tức là hủy bỏ một sự sống, giết chết một người.

Hỏi: Hiện nay vì lý do lương tâm đã có tới hơn 70% các bác sĩ phản đối việc cho dùng thuốc RU 486. Hiện tượng này có ý nghĩa gì thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nó là một sự kiện tích cực, khiến cho chúng ta phải suy tư về sự nhậy cảm mạnh mẽ vẫn còn sống động trong lòng người dân Italia, một cách đặc biệt nơi một số các bác sĩ và y tá. Cầu mong cho sự phản đối vì lý do lương tâm và các xác tín sâu thẳm ngày càng lớn mạnh hơn nữa, như là dữ kiện và như là chứng tá đối với dư luận công cộng để cho ý thức sâu xa đó được tồn tại.

Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ gì về số thống kê do bộ Y tế đưa ra cho biết là số các vụ phá thai thuyên giảm tại Italia, cả khi đó là 121.000 vụ?

Đáp: Tôi hy vọng nó là dấu chỉ của một ý thức lớn hơn về sự thánh thiêng của cuộc sống con người, và vì thế khiến cho người ta biết tôn trọng nhiều hơn đối với mọi hình thái của sự sống.

Hỏi: Hội đồng quản trị dược khoa đưa ra quyết định cho phép dùng thuốc RU 486 ngay trong lúc chính quyền Italia đưa ra sáng kiến quốc tế chống lại các vụ cưỡng bách phá thai. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như thế thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đây là một sự mâu thuẫn tỏ tường. Tôi nghĩ là thế giới công giáo phải lên tiếng mạnh mẽ hơn để trình bầy các xác tín sâu xa của mình vì ích lợi của xã hội.

Hỏi: Đức Hồng Y chờ đợi gì nơi các giáo dân trong cuộc tranh đấu bảo vệ sự sống này?

Đáp: Tôi chờ đợi nơi các giáo dân một tiếng nói can đảm rõ ràng và có lý sự hơn trên mọi bình diện. Liên quan tới các đề tài của sự sống thì không thể chấp nhận sự trung gian. Vì chấp nhận sự trung gian cho các vấn đề nòng cốt có nghĩa là chối bỏ chúng. Sự sống con người không phải là một ý kiến, mà là một giá trị không thể xúc phạm, và cũng không thể lấy cớ để nói rằng nó là một vấn đề độc lập với giáo huấn của Giáo Hội. Sự độc lập mà Công Đồng Chung Vaticang II nói tới không phải là một sự độc lập tuyệt đối, mà có tương quan tới một lương tâm ngay thẳng và được đào tạo.

Hỏi: Việc cho phép dùng thuốc RU 486 nói trên một lần nữa chứng minh cho thấy một quyết định quan trọng liên quan tới sự sống con người như thế mà lại do một cơ quan kỹ thuật pháp lý đưa ra. Các giới chức chính trị có làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự sai lầm nay hay không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi tin là không. Đáng lý ra người ta đã có thể làm nhiều hơn nữa trong việc tôn trọng các cơ cấu dân chủ. Cả các lưu ý của giới chức chính trị âu châu cũng không phải là một tiêu chuẩn đúng đắn.

Hỏi: Thế mà người ta đã lấy đó để biện minh cho sự xem ra không thể tránh được của việc chấp nhận cho dùng thuốc RU 486, là làm sao?

Đáp: Âu châu chỉ là một cái cớ, mà người ta dùng một cách tùy tiện theo các lợi lộc riêng tư, thế thôi. Lấy cớ là phải phù hợp với Âu châu chỉ là một một lý cớ không thật. Các mục tiêu do các tổ chức siêu quốc đưa ra chỉ có thể được chú ý, khi chúng được định hướng một cách tốt lành theo trật tự luân lý. Nếu không, thì một nước thành viên phải phản đối không theo và làm gương cho các nước khác trong việc đi ngược lại các mục tiêu ấy.

Hỏi: Có người khó chịu đối với việc nhắc lại luật Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông những ai cộng tác vào việc phá thai. Đây đã là một điểm chắc chắn trong giáo huấn của Giáo Hội, mà sao bây giờ có người mới khám phá ra nó?

Đáp: Giáo Hội có các luật đưa ra các hình phạt, không phải để mà phạt, mà có mục đích sư phạm và đào tạo, khiến cho tín hữu phải suy tư trở lại về sự nghiêm trọng của một hành động của mình. Việc phạt vạ là mồt liều thuốc. Trong thông điệp ”Yêu thương trong sự thật” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói rằng giá trị nền tảng của sự sống con người ngày nay là một trong các sự nghèo, đặc biệt khi nó giòn mỏng.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có nhiều người cho rằng phải phòng ngừa các vụ phá thai. Nhưng làm thế nào để cho nó được hữu hiệu đây?

Đáp: Cũng như đối với nhiều sự dữ của nền văn hóa ngày nay, ”phòng ngừa” có nghĩa là giáo dục cho con người biết yêu thương, giáo dục cho nó biết ý nghĩa về bản vị con người, biết sống tính dục với tinh thần trách nhiệm chứ không tùy theo ý muốn của mình, biết giữ gìn nó như là một kho tàng qúy báu chứ không phải phung phí hay chỉ sống nó trong chiều kích thịt xác mà thôi.

Hỏi: Tại sao Giáo Hội lại dấn thân một cách mạnh mẽ trong các vấn đề sinh học như vậy thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Bởi vì Giáo Hội yêu thương con người một cách toàn diện chứ không phải chỉ yêu thương một vài khía cạnh của con người mà thôi. Vấn đề có tích cách nhân chủng, và Đức Thánh Cha cũng nhắc tới điều này trong thông điệp ”Yêu thương trong sự thật”. Tất cả những gì liên quan tới con người không thể không lôi kéo sự chú ý của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã đến trần gian để cứu rỗi tất cả mọi người và toàn con người. Vì thế Giáo Hội không thể im lặng cũng không thể thờ ơ đối với những gì liên quan tới con người, và do đó cũng liên quan tới xã hội và quốc gia. Và Giáo Hội không nhắm gì khác ngoài việc phục vụ hạnh phúc của con người.

(Avvenire 2-8-2009)
 
Đức Thánh Cha xin tín hữu cầu nguyện cho các linh mục ngày càng giống Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành
Linh Tiến Khải
04:36 13/08/2009
Trong tinh thần Nam Linh Mục và trong những ngày cuối cùng chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người cầu xin Mẹ Maria cho các linh mục được ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Con Mẹ, để phân phát kho tàng tình yêu vô giá của vị Mục Tử Nhân Lành cho nhân loại.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp 4.000 tín và du khách hành hương tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo sáng thứ tư 12-8-2009. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, lễ trọng kính Đức Trinh Nữ Diễm Phúc hồn xác lên trời đã gần kề, tức vào thứ bẩy tới đây, và chúng ta đang ở trong Năm Linh Mục, vì thế tôi muốn đề cập tới mối dây liên hệ giữa Đức Mẹ và chức linh mục. Đó là mối dây liên kết đâm rễ sâu trong mầu nhiệm Nhập Thể. Khi Thiên Chúa quyết định làm người nơi Con của Ngài, Ngài đã cần đến tiếng ”xin vâng” tự do của một thụ tạo. Thiên Chúa không hành động chống lại sự tự do.

Và thế là đã xảy ra một điều thực sự ngoại thường: Thiên Chúa tự khiến cho mình tùy thuộc sự tự do, tùy thuộc tiếng ”xin vâng” của một thụ tạo của Ngài; Ngài chờ đợi tiếng ”xin vâng” ấy. Trong một bài giảng của mình thánh Bênađô thành Chiaravalle đã giải thích một cách thê thảm lúc định đoạt ấy của lịch sử đại đồng, khi trời, đất và chính Thiên Chúa chờ đợi điều thụ tạo ấy nói lên.

Như thế, tiếng ”xin vâng” của mẹ Maria là cánh cửa qua đó Thiên Chúa đã có thể bước vào thế giới để làm người. Như vậy Mẹ Maria thực sự bị lôi cuốn một cách sâu xa vào mầu nhiệm Nhập Thể, vào mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta. Và việc Nhập Thể, việc làm người của Chúa Con ngay từ ban đầu đã có mục đích trao ban chính mình, trao ban chính mình với nhiều tình yêu trong Thập Giá, để trở thành bánh cho sự sống của thế giới. Và như thế hiến tế, chức linh mục và việc Nhập Thể đồng hành với nhau, và Đức Maria ở trong trung tâm mầu nhiệm ấy.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Bây giờ chúng ta hãy đến với Thập Giá. Trước khi chết Chúa Giêsu thấy Mẹ Người dưới chân Thập Giá; và Ngài thấy người con trai yêu dấu, và người con trai yêu dấu đó chắc chắn là một người, một cá nhân rất quan trọng, nhưng còn hơn thế nữa: đó là một mẫu gương, diễn tả trước tất cả các môn đệ yêu dấu, của tất cả những người được Chúa kêu gọi để trở thành ”môn đệ được yêu” và một cách đặc biệt cũng là gương mặt của các linh mục. Chúa Giêsu nói với Đức Maria: ”Thưa Mẹ, đây là con Mẹ”. Đó là một loại di chúc: Ngài phó thác để cho Mẹ lo lắng cho người con, cho người môn đệ. Nhưng Chúa cũng nói với môn đệ: ”Này là mẹ con”.

Phúc Âm nói với chúng ta là từ giờ phút ấy thánh Gioan, người con yêu dấu, đưa Mẹ ”về nhà mình”. Đó là bản dịch tiếng Ý, nhưng văn bản tiếng Hy lạp có ý nghĩa sâu xa hơn và phong phú hơn nhiều. Chúng ta có thể dịch như thế này: người đem Mẹ vào trong nơi sâu thẳm nhất cuộc sống của mình, trong chỗ sâu xa nhất của đời mình ”eis tà ìdia”, trong chỗ sâu thẳm nhất của bản thể mình. Rồi Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa kiểu nói này như sau:

Đem Mẹ Maria về với mình có nghĩa là đưa Mẹ vào trong sự năng động của toàn cuộc sống mình - nó không phải là cái gì bề ngoài - vào trong tất cả những gì tạo thành chân trời công tác tông đồ của mình. Như vậy xem ra chúng ta hiểu tương quan đặc thù giữa chức làm mẹ của Đức Maria và các linh mục tạo thành nguồn gốc đầu tiên, lý do nền tảng tình yêu thương ưu tuyển mà Mẹ dành cho từng linh mục. Thật vậy, Mẹ Maria đặc biệt yêu thương các linh mục vì hai lý do: thứ nhất bởi vì các vị giống Chúa Giêsu, là tình yêu tối cao của con tim Mẹ, và thứ hai bởi vì cũng như Mẹ, các linh mục dấn thân trong sứ mệnh loan báo, làm chứng và trao ban Chúa Kitô cho thế giới.

Để cho mình có được căn tính và trở nền đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Con Thiên Chúa và Con Mẹ Maria, mỗi linh mục có thể và phải thực sự cảm thấy mình là con yêu dấu của Bà Mẹ rất cao qúy và khiêm nhường là Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Công Đồng Chung Vaticăng II mời gọi các linh mục hướng nhìn lên Mẹ Maria như mẫu gương toàn thiện của cuộc đời mình, bằng cách khẩn cầu Mẹ như ”Mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm vĩnh viễn, là Nữ Vương các Tông Đồ và là Đấng bảo trợ thừa tác vụ linh mục”. Và Công Đồng viết tiếp: ”Vì thế các linh mục phải lấy lòng con thảo thành kính tôn sùng và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria” (Presbyterum ordinis, 18).

Cha sở thánh họ Ars, mà chúng ta đặc biệt kính nhớ trong Năm Linh Mục này, yêu thích lập lại rằng: ”Chúa Giêsu Kitô, sau khi đã cho chúng ta tất cả những gì Ngài có thể cho được, còn muốn làm cho chúng ta được thừa tự những gì qúy báu nhất của Ngài, đó là trao ban cho chúng ta Mẹ Thánh của Ngài” ( B. Nodet, Il pensiero e l' anima del Curato d' Ars, Torino, 1967, tr.305). Đây là điều có giá trị đối với mọi Kitô hữu, đối với tất cả chúng ta, và một cách đặc biệt đối với các linh mục.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện để Mẹ Maria biến tất cả mọi linh mục, trong tất cả mọi vấn đề của thế giới ngày nay, trở nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu Con Mẹ, để các vị là những người phân phát kho tàng tình yêu vô giá của Vị Mục Tử Nhân Lành. Lậy Mẹ Maria là Mẹ của các linh mục, xin cầu cho chúng con!

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Ý và xin mọi người cầu nguyện cho các linh mục ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Ngài cũng cầu chúc mọi người có những ngày nghỉ hè tươi vui khỏe mạnh.

Đức Thánh Cha đã chào đặc biệt các nữ tu dòng Nữ Tử Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa và các người tham dự cuộc rước Đuốc Hy Vọng, và cầu chúc mọi người được trần đầy ơn của Chúa Thánh Thần để canh tân tinh thần và công tác tông đồ.

Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nói ngày hôm kia là lễ thánh nữ Chiara thành Assisi, là người đã biết can đảm và quảng đại sống gắn bó với Chúa Kitô. Ngài mời gọi các bạn trẻ noi gương thánh nữ để có thể trung thành đáp trả tiếng Chúa mời gọi. Đức Thánh Cha khích lệ các anh chị em đau yếu kết hiệp các khổ đau của họ với các khổ đau của Chúa bằng cách vác thánh giá bệnh tật với lòng tin. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới trở thành các tông đồ rao giảng Tin Mừng tình yêu của Chúa trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Đức Thánh Cha cũng ra bao lơn quay ra quảng trường thành phố Castel Gangolfo để chào và ban phép lành cho hơn 2000 tín hữu đã không tìm ra chỗ trong sân nhà nghỉ mát. Ngài hẹn gặp lại mọi người vào thánh lễ mừng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời cử hành tại nhà thờ giáo xứ sáng thứ bảy tới đây.
 
Gặp gỡ ''Sư huynh Martino'', vị y tá lớn tuổi nhất phục vụ Đức Giáo Hoàng
Peter Nguyễn Minh Trung
16:38 13/08/2009
ROME (CNA) - Sư huynh Fray Martin Mendez, hay còn được biết đến dưới cái tên trìu mến khác "Br. Martino", là một thành viên của Dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa. Năm nay sư huynh 76 tuổi và đã có 33 năm kinh nghiệm phục vụ tại Vatican, 21 năm cùng với đội ngũ y bác sĩ cứu thương của Vatican đi theo Đức Giáo Hoàng trong các chuyến tông du. Sư huynh Martino hiện đang làm việc tại Sở Y Tế Vatican. Trong suốt đời mình, sư huynh đã phục vụ cho Đức Paul VI, John Paul II và Đức Benedict XVI đương kim Giáo hoàng.

Xem video về Sư huynh Martin tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=WlUzsTBi5HI

Br. Martino là một trong những nhân viên năng động lớn tuổi nhất tại Tòa Thánh, những ai biết đến sư huynh đều phải thốt lên rằng đó là một con người làm việc không mệt mỏi. Sư huynh còn được một số người khác gọi dưới cái tên "Br. Candy" (Sư huynh Kẹo ngọt) vì luôn đối xử trìu mến và dịu dàng với mọi người, đặc biệt là những người hay phàn nàn về ca làm việc của họ và muốn nghỉ ngơi thêm đôi chút.

Sau 25 năm làm y tá của Đức Giáo Hoàng, vị tu sĩ người Tây Ban Nha này đã chuyển sang làm tại Sở Y Tế Vatican được 8 năm. Sư huynh Martino theo học ngành y từ những năm còn ở Madrid (Tây Ban Nha) rồi sau đó trở thành tu sĩ Dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa, sư huynh được cử đi hoạt động tại khắp các miền trên đất nước Tây Ban Nha, rồi đến Bolivia. Sư huynh luôn giữ được tâm hồn trong trẻo và lãng mạn dù phải đối mặt với những điều kiện làm việc đầy áp lực. Trong một phỏng vấn với tờ báo Tây Ban Nha lúc còn ở Bolivia, sư huynh đã hồi tưởng: "Tôi nhớ có một đêm nọ tôi đứng bên hồ nước cao nhất thế giới, hồ Titicaca ở biên giới giữa Peru và Bolivia, có độ cao 4000m so với mặt nước biển. Ở nơi đó thật tuyệt."

Chia sẻ lại niềm vui mà sư huynh nhớ mãi trong những ngày phục vụ cho Đức Giáo Hoàng khi ngài đi tông du. Br. Martino kể: "Khi người ta nói với tôi rằng tôi quá già để đảm đương công việc này và nên kiếm một việc khác thay thế thì hơn, lúc đó tôi rất buồn. Nói thật thì chiếc xe cứu thương phục vụ Đức Thánh Cha đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Sau đó ít lâu tôi lại có cơ hội để vui lên vì biết rằng tôi được Tòa Thánh chọn làm y tá cho Đức Giáo Hoàng trong những trường hợp khẩn cấp."

Từ khi được nghỉ ngơi vào mỗi thứ tư, sư huynh tận dụng cơ hội này để trực trong xe cứu thương vào các buổi tiếp kiến chung thứ tư hằng tuần của Đức Thánh Cha.

Sư huynh Martino đã có mặt vào lúc Đức Giáo Hoàng Paul VI đang trong giờ lâm tử, nhưng sau đó đã không hiện diện được tại Rome suốt 33 ngày thuộc triều đại ngắn ngủi của Đức John Paul I. Sau khi Đức John Paul II lên ngôi, sư huynh trở thành y tá riêng của ngài suốt nhiều năm và có mặt bên ngài vào những thời khắc khó khăn nhất của triều Giáo hoàng, như vụ ám sát ngày 13-05-1981 tại Quảng trường St. Peter. Sư huynh nói: "Lúc Đức Thánh Cha bị ám sát, tôi đã ngồi rất gần ngài, kỳ diệu thay khi tôi không bị trúng đạn."

Khi được hỏi là khi nào sẽ nghỉ hưu, "Sư huynh Kẹo ngọt" cười nói: "Làm sao tôi biết ?! Khi nào Thánh Ý Chúa muốn tôi nghỉ thì tôi sẽ nghỉ. Còn nếu muốn biết khi nào tôi sẽ bị thôi việc, xin cứ hỏi chuyện các bề trên của tôi."

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16812)
 
Tòa Thánh ra mắt bộ DVD giúp học hỏi Thánh Lễ Latinh 1962
Peter Nguyễn Minh Trung
16:39 13/08/2009
ROME (CNA) - Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei, đã được Đức Thánh Cha sát nhập vào Bộ Giáo lý Đức tin, vừa cho ra mắt bộ gồm 2 đĩa DVD để giúp các linh mục và cộng đoàn tín hữu biết rõ hơn về cách thức cử hành Thánh Lễ ngoại thường theo nghi thức Latinh.

Bộ DVD này bao gồm một đoạn phim dài quay lại toàn bộ một Thánh Lễ theo nghi thức Latinh do Đức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, nguyên chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, cử hành tại Vương Cung Thánh Đường St. Mary Major năm 2003.

Bộ DVD cũng có những phần phụ chú giải thích chi tiết các cử chỉ và động tác cũng như các dòng chữ đỏ trong sách lễ, từ những chuẩn bị trước Thánh Lễ (Preparatio ad Missam) cho đến những hành động tạ ơn tại phòng để đồ Thánh.

Hai DVD trong cùng một bộ được phát hành bằng bốn thứ tiếng (Italia, Anh, Tây Ban Nha và Pháp) dự định sẽ là đóng góp cụ thể đầu tiên của Tòa Thánh trong việc thực hiện đầy đủ những ước muốn của Đức Giáo Hoàng quy định rõ ở Tự sắc Nghi lễ Phụng tự Summorum Pontificum, được Đức Benedict XVI công bố vào tháng 07-2007. Tự sắc nêu trên cho phép cử hành rộng rãi trên khắp thế giới Thánh Lễ Triđentô được Chân phước Giáo hoàng John XXIII phê chuẩn năm 1962.

Tuy nhiên, Ủy ban Ecclesia Dei vẫn chưa công bố rằng bộ DVD có thể được mua ở đâu và bằng cách nào.

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16828)
 
Đức Giáo Hoàng sẽ gặp các cựu sinh viên
Peter Nguyễn Minh Trung
17:35 13/08/2009
CASTEL GANDOLFO (CNA) - Theo thông lệ hằng năm từ khi còn là giáo sư đại học, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ quy tụ một số các cựu sinh viên của ngài trước đây lại trong "Cuộc gặp gỡ bàn tròn Ratzinger". Nhóm này sẽ gặp Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo từ ngày 27 đến 30 tháng 08 để thảo luận với nhau những quan tâm về văn hóa và thần học.

Trước khi lên ngôi Giáo hoàng, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger thường tổ chức cuộc gặp gỡ này vào mùa hè mỗi năm với một số các cựu sinh viên thuộc phân khoa thần học từ khi ngài còn làm giáo sư ở Đại học Tubingen và Ratisbona. Trong số các cựu sinh viên của ĐHY Ratzinger có ĐHY Christoph Schonborn, Tổng Giám Mục Vienna (Áo), một trong những người biên soạn thủ bản "Sách Giáo lý vấn đáp của Giáo hội Công giáo".

Từ năm 2005, Đức Benedict XVI vẫn giữ truyền thống gặp gỡ tốt đẹp này với nhóm "Ratzinger Schulerkreis" dù đã trở thành Giáo hoàng. Những cuộc thảo luận vài năm trước đây của ngài với nhóm cựu sinh viên tập trung vào chủ đề thuyết tiến hóa và đạo Hồi.

Năm nay, nhóm sẽ tập trung thảo luận về "Sứ mệnh của Giáo hội", chủ đề trung tâm của những suy tư thuộc nền thần học Ratzinger.

Người cựu sinh viên duy nhất của Đức Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ là Linh mục Dòng Tên Joseph Fessio, chủ biên của Tờ Ignatius. Cha Fessio tham dự đều đặn các cuộc gặp gỡ hằng năm, và năm nay cũng không ngoại lệ, cha nói: "Tôi sẽ đến".

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16825)
 
Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho những nạn nhân của động đất và bão lũ tại Châu Á
Peter Nguyễn Minh Trung
18:23 13/08/2009
CASTEL GANDOLFO (CNS) - Đức Thánh Cha Benedict XVI cầu nguyện cho những người là nạn nhân của thiên tai tại Philippines, Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhiều người đã chết và nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn trong những cơn bão và động đất tại Á châu.

Trong buổi tiếp kiến chung vào thứ tư hằng tuần hôm 12-08 tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha nói: "Tôi muốn biểu lộ sự gần gũi về tinh thần tới tất cả những anh chị em đang gặp phải khó khăn nghiêm trọng tại Á Châu, tôi xin mọi người cầu nguyện cho họ cũng như cho những ai đã qua đời. Tôi hy vọng họ sẽ nhận được nhiều cứu trợ và giúp đỡ về vật chất, tinh thần."

Cơn bão Morakot với sức gió mạnh hàng trăm kilômét giờ và hoàn lưu bão rộng đã quét qua Philippines hôm 05-08 làm 22 người chết. Sau đó nó di chuyển đến Đài Loan hôm 08-08 gây ra mưa lớn và sạt lở nghiêm trọng, 66 người thiệt mạng. Tiếp theo, ngày 09-08, cơn bão lại di chuyển vào đất liền của Trung Quốc gây mưa nặng hạt và lụt lội lớn tại quốc gia này, khiến hàng triệu người phải sơ tán, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy và nhiều người chết. Hàng chục ngàn người tại 3 quốc gia trên đã thành người vô gia cư. Còn tại Nhật Bản, người dân phải gánh chịu tổn thất nặng nề sau một loạt những thiên tai, một trận động đất mạnh 6.9 độ ritcher ở nước này hôm 09-08, tiếp đó là cơn bão Etau hôm 10-08 và một trận động đất khác 6.5 độ ritcher hôm 11-08.

(Nguồn: http://www.catholicnews.com/data/briefs/cns/20090812.htm)
 
Bốn người Công giáo được tưởng thưởng Huân chương Tự do Hoa kỳ
Phụng Nghi
20:59 13/08/2009
WASHINGTON (CNS) - Bốn người Công giáo: Thượng nghị sĩ Hoa kỳ Ted Kennedy, Bác sĩ Pedro Jose Greer Jr., người chăm sóc sức khỏe cho kẻ nghèo và không nhà cửa, nữ diễn viên và vũ công Chita Rivera, cựu Tổng thống Ái nhĩ lan Mary Robinson, cùng với 12 người khác đã được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Hoa kỳ hôm 12 tháng 8 vừa qua. Đây là vinh dự công dân cao quý nhất nước Mỹ.

Các vị được chọn tưởng thưởng huân chương “vì sự nghiệp của họ là những nhân tố tạo ra đổi thay” trong nhiều lãnh vực khác nhau, như nghệ thuật, thể thao, y tế và chính trị.

Trong nghi lễ cử hành tại Phòng Phía Đông tòa Bạch cung, Tổng thống Barack Obama khi giới thiệu những vị đầu tiên được ông trao tặng Huân chương Tự do có nói rằng “điều đoàn kết chúng ta lại là một niềm tin… hầu hết những người Mỹ có niềm tin rằng cuộc đời chúng ta ra sao là do chúng ta hình thành nên nó.”

Ông nói rằng mỗi vị được tuyên dương là “một tấm gương về một cuộc đời đã sống tốt đẹp.”

Ông Obama đứng cạnh mỗi vị và trao tặng huân chương trong khi các thành tích cá nhân của vị đó được tuyên đọc. Ông cũng trao một tấm plaque cho các thành viên trong gia đình đến nhận lãnh vinh dự thay cho thân nhân họ.

Bác sĩ Greer là phụ tá viện trưởng phụ trách học vụ tại Phân khoa Y học trường Đại học Quốc tế Florida. Ông đã thành lập Camillus Health Concern, điều hành do Little Brothers of the Good Shepherd (Tiểu đệ dòng Chúa Chiên Lành) để cung ứng sự chăm sóc sức khỏe mỗi năm cho khoảng 10 ngàn bệnh nhân không nhà cửa tại Miami.
Tổng thống trao huân chương cho Bs. Pedro Jose Greer


Ông cũng thành lập Bệnh viện Thánh Gioan Bosco (St. John Bosco Clinic), cung ứng sự chăm sóc y tế căn bản cho các trẻ em và người lớn bất hạnh tại vùng Little Havana ở Miami.

Bà Robinson là nữ tổng thống đầu tiên của Ái nhĩ lan (Ireland) từ năm 1990 đến 1997. Sau đó bà giữ chức Cao Ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền trong 5 năm, và tiếp tục hoạt động cho công cuộc chăm sóc sức khỏe toàn cầu cũng như bảo vệ nhân quyền giữa thời toàn cầu hóa.

Thượng nghị sĩ Kennedy, là đảng viên Dân chủ bang Massachusetts, được vinh danh vì các thành tích của ông trong suốt 46 năm phục vụ tại Thượng viện, đặc biệt là sự nghiệp liên quan đến giáo dục, dân quyền và y tế. Buổi lễ trao tặng Huân chương Tự do này được cử hành chỉ một ngày sau khi người chị ruột của ông là bà Eunice Kennedy Shriver qua đời. Năm 1984 bà cũng nhận được huân chương này vì công cuộc thành lập và điều hành các Thế vận hội Đặc biệt.

Hồi tháng 5 năm 2008, Kennedy được chẩn đoán là có u ung thư trong não bộ, và kể từ đó ông không thường xuyên có mặt tại Washington. Trong buổi lễ này ông cũng không tới dự, nhưng các con đã đại diện ông. Bà Kara Kennedy, con gái ông, đã thay mặt ông nhận lãnh huân chương.

Người Công giáo thứ tư là vũ công và nữ diễn viên Chita Rivera, được tuyên dương vì đã “phá bỏ những rào cản và linh hứng cho cả một thế hệ phụ nữ đi theo bước chân của bà.” Năm 2002 bà cũng là người gốc Hispanic đầu tiên được Trung tâm Kennedy vinh danh. Từ lâu bà được coi là một người Công giáo đạo hạnh.

Trang mạng internet của bà thuật lại câu chuyện về những lời đồn đãi hồi năm 1955 rằng bà và nam diễn viên Ricardo Montalban có một mối tình ngoại hôn với nhau khi hai người đóng chung trong cuốn phim "Seventh Heaven." Người ta thường thấy hai người cùng rời rạp hát với nhau sau các buổi trình diễn.

Trang mạng nói: “Còn lâu mới có chuyện ngoại tình, mà chỉ là việc hai diễn viên Công giáo cùng rời rạp hát để đến tham dự thánh lễ tại một nhà thờ nằm trên đường 42.”

Các vị được tuyên dương khác biệt nhau về xứ sở sinh sống cũng như những thành công về chuyên môn. Họ đại diện cho những thế giới khoa học, toán học, tiêu khiển, nhân đạo, các hoạt động về dân quyền, tôn giáo, nhân loại học, thể thao, pháp luật, y khoa, gây quỹ bác ái và chính trị.

Những vị được vinh danh gồm có một người Mỹ da đỏ, các cư dân Mỹ khác, các công dân của nước Bangladesh, Nam Phi, Anh quốc, Ái nhĩ lan, cùng một vị giữ hai quốc tịch Bahamas và Hoa kỳ.

Một vị là Tổng giám mục Anh giáo Desmond Tutu thuộc Nam Phi, được Obama mô tả là “người ca trưởng của lương tâm chúng ta.”

Sau đây là danh sách các vị khác:

- Thẩm phán hồi hưu Sandra Day O'Connor, người phụ nữ đầu tiên trong Tối cao Pháp viện Hoa kỳ;

- Diễn viên Sidney Poitier, giữ song tịch Bahamas và Hoa kỳ, đã giữ chức vụ đại sứ Bahamas tại Nhật bản;

- Nancy Goodman Brinker, người sáng lập tổ chức Susan G. Komen Race for the Cure;

- Nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking, công dân nước Anh;

- Cầu thủ môn tennis Billie Jean King;

- Mục sư Joseph Lowery, nhà lãnh đạo nhân quyền;

- Chuyên gia nhân chủng học Joseph Medicine Crow, người sau cùng còn sống của Bộ lạc Plains Indian được vinh danh như là “chiến trưởng” của bộ tộc;

- Muhammad Yunus, nhà kinh tế và hoạt động chống nghèo đói tại Bangladesh;

- Bác sĩ Janet Davison Rowley, người nghiên cứu căn bệnh ung thư và chuyên gia di truyền học.

Hai vị được tuyên dương sau khi đã qua đời là:

- Harvey Milk, được coi là người công khai luyến ái đồng giới đầu tiên trên toàn quốc được đắc cử vào chức vụ tại một thành phố lớn, bị ám sát năm 1978;

- Jack Kemp, cựu cầu thủ chuyên nghiệp môn football, nghị sĩ, thứ trưởng bộ gia cư và được đề cử tranh chức phó tổng thống Hoa kỳ, mới mất hồi tháng 5 vừa qua.
 
Top Stories
Corruption, Communism, and Catholicism in Vietnam
Samuel Gregg D.Phil.
01:08 13/08/2009
This year marks the 20th anniversary of Communism’s defeat in Central-East Europe. As many remember the tumbling of Communist regimes in countries such as Poland, East Germany, and Hungary, others will recall Marxism’s terrible legacy: millions of dead and tortured, “reeducation” and labor camps, show-trials, unparalleled economic destruction, and the worst environmental devastation in history.

As the recently deceased ex-Marxist philosopher Leszek Kolakowski concluded in his magisterial multi-volume Main Currents of Marxism, this was not accidental. It was Marxist philosophy’s logical outcome. By definition, no political program built upon an explicitly materialist viewpoint can consider itself limited by the idea of an innate human dignity, or anything suggesting a more-than-flesh-and-blood dimension to human life.

This is one reason why Marxist regimes are invariably hostile to religious belief. Another is the fact that some religions – such as Christianity – embody the insistence that there are inherent limits to state power, including that exercised by the “dictatorship of the proletariat.” To accept the notion of religious liberty, grounded in the duty of all people to seek the truth, is to accept the limited state. And that is something that no Communist government can ever truly acknowledge.

Thus it was no coincidence that the Soviet regime fiercely persecuted the Orthodox Church within the U.S.S.R. between 1920 and 1940, executing literally thousands of clergy. Nor was it by chance that the Catholic Church throughout post-war Communist Central-East Europe felt the weight of state oppression, with thousands of priests and nuns arrested, tortured, and occasionally executed, while practicing believers were driven to the margins of life.

It would be nice if this were all history, but if we ever needed proof that Communist regimes don’t change their stripes, one need only look at the little-reported but growing confrontation between the Catholic Church in Vietnam and Vietnam’s Communist authorities.

There are about 6 million Catholics in Vietnam today (about 8 percent of the population). They are the biggest religious minority in a nation which has been ruled in its entirety by a Communist government since 1975. Like all Communist regimes, Vietnam had its “re-education” camps. The regime has also long harassed the Catholic Church. There is no greater symbol of this than the late Cardinal François-Xavier Nguyen Van Thuan, widely regarded as a modern saint. Before exiling him, the regime imprisoned him for 13 years, nine of which were spent in solitary confinement.

Some of the reasons for this treatment of Vietnam’s Catholic Church are historical. Vietnam’s rulers are acutely aware that Catholics were among the most committed anti-Communist Vietnamese during the Vietnam War. Many Vietnamese also identified Catholicism with French colonial rule.

This background, however, is of marginal significance in explaining the violent crackdown presently being experienced by Catholics throughout Vietnam. Put simply, it’s about government corruption.

As Vietnam’s Catholic bishops wrote in 2008, corruption is a huge problem in Vietnam. This is true of any country where the state is not constrained by the rule of law and the primary incentives for economic gain lie in taking others’ property rather than creating wealth through entrepreneurship. Vietnam, however, is listed by Transparency International as one of the world’s most corrupt countries.

The most recent self-enrichment scheme of Vietnam’s Communist political class has been to “requisition” peasants’ land which they then re-sell to the highest bidder, while quietly taking their “cut” of the action. The Church has long taken the peasants’ side in these matters. The bishops’ statement of last year insisted that private property rights must be respected.

Now Church property is increasingly the target. In late 2008, for example, Vinh Long provincial officials announced their intention to “appropriate” the land of a convent of nuns which also functioned as an orphanage in order to build a hotel. More recently, land in Hanoi that the government itself acknowledges has been owned by a Catholic monastery since 1928 was simply given over by the state for residential construction.

These stories are replicated all over Vietnam. In response, thousands of Catholics have mounted peaceful public protests for almost a year. As Amnesty International reports, the state’s reply has been intimidation and violence. Lay Catholics have been denounced in typical Marxist terms as “counter-revolutionaries”, arrested, and subjected to show-trials. Nuns and priests have been savagely beaten by police and “counter-demonstrators”. One woman told Amnesty, “they shout bad words about our mothers and fathers, and say things like ‘kill the archbishop’ and ‘kill the priests.’”

Vietnam is a country where Marxism, aptly described by Kolakowski as “the greatest fantasy of our century,” has once again been exposed as nothing more than a useful cover for a corrupt political class to maintain its power and live at everyone else’s expense. And, once again, Christians and the cause of religious liberty are paying the price.
 
Viet bishops call for peaceful dialogue
J.B. An Dang
06:10 13/08/2009
Catholic bishops in Vietnam are calling for peaceful dialogue amid ongoing persecutions against Catholics in the diocese of Vinh and the government’s unwillingness to settle disputes with Catholics peacefully.

In an editorial published on VietCatholic News on Aug. 12, Vietnam Conference of Catholic Bishops has expressed bishops’ growing concerns on the tensions caused by recent land disputes between Catholics and local authorities, and the extreme way these disputes have been handled.

"Public opinion has been greatly concerned as recent disputes regarding Church property have ended up with law enforcement measures by the government up to and not limit by prosecutions and imprisonments against Catholics", the bishops said, noting the level of violence and hostility against Catholics by law enforcement forces and state media.

According to Vietnamese bishops, the main cause of current tensions is the prolonged, unresolved complaints and denunciations on land, including religious land in general and of the Catholic Church in particular. At the heart of the matter lies the outdated and inconsistent land law.

Echoing their viewpoints expressed on the issue at Hanoi nunciature, bishops state that “Vietnam land laws must be revised to take the right to own private property into consideration as stated in the Universal Declaration of Human Rights: ‘Everyone has the right to own property alone as well as in association with others.’ and ‘No one shall be arbitrarily deprived of his property.’ (article17). We, therefore, assume that instead of resolving the issues by dealing with each case on an individual basis, authorities have to search for a more thorough solution, meaning to let the people have the right to own land and property. People in return must be responsible for the society. This demand becomes more urgent during the globalization process, when Vietnam has been more tuning in with the global rhythm. This should be the premise to resolve people’s complaints and denunciations on land and property; and at the same time, contributes to the economic growth and the steady development of the country.”

Lamenting on the abuse of the State’ absolute power on land, bishops continue: “According to the current Land Laws, all land belongs to the people and the state would be the representative of ownership. With their status as the representative owner, however, the State has the absolute right to decide the fate of the land. For example, pursuant to Rule 5 of the Land Laws, the State has the following rights: to decide the use of the land, to transfer land, to rent it out, to revoke land use, to modify the purpose of land use, to set value on land, to decide on the limit on land transfer and set time limit on land use.”

“Should this enormous power are not tied up with any guideline and an effective body to supervise, it would be inevitable for abuse to flourish by those who are decision makers on land issues. The problem is the abuse of power to gain personal interest, especially when land becomes a valuable commodity as it is now,” they warn.

Their warnings have been proven by what have happened in Vietnam: “Reality has shown that land has become people's ‘assets’, ‘capital’, ‘commodity’ in today's market. This is the premise or cause for desire to appropriate or to gain profits from land.

Land is undoubtedly has become a most lucrative source of profit, also the best breeding ground for corruption to take place, therefore, the goal to prevent it from happening cannot be ignored in the contents of Land Laws.”

In order to deal with issues effectively, they suggest that: “Acknowledgement and protection of the right to own land individually as well as preventing corruption to take place are the goals to be achieved when Land Laws are being modified.”

“Only when being able to reflect the above points, the Land Laws can be truly established because of and for the people.

It is one of the realistic solutions for untying the knots on the land issues, one of which is the history of ownership on homes, lands, schools, hospital, worshiping places for religions confiscated or appropriated by the government.”

Having pointed out the outdated and inconsistent land law as the main cause of land disputes, the bishops went on noting that "the prolonged, unresolved complaints and denunciations on land have transformed into massive gatherings and protests." Regrettably, to deal with them, the government opted to violence and the distortion of truth through its state media rather than looking for a mutual resolution which represents the fair and reasonable application of the law in which the rights and dignity of the citizens/ land owners are respected and protected.

"In the process of solving the disputes, a number of the mass media were proven to be effective in spreading doubts and mistrust instead of bridging the nation with mutual understanding and unification," the bishops lamented, warning that "The mass media can only bring benefits to people and society when it serves the truth and gives a true reflection of reality."

Noting that whenever Catholics express their views not in line with the government state media immediately interpreted as a "facing off" attitude, the bishops called for the respect of truth as "only when the truth is respected can the media community finish their duty which is to inform and educate the public of a just, democratic and civilized society."

Citing a paragraph from Pope Benedict XVI's speech to Vietnamese Bishops on their adlimina visit on June 27, 2009 "You know, as well as I do, that healthy collaboration between the Church and the political community is feasible. In this regard, the Church invites all her members to be loyally committed to building a just, supportive and fair society. Her intention is certainly not to replace government leaders; she only wishes to be able to play a fair role in the nation's well being, at the service of the whole people, in a spirit of dialogue and respectful collaboration," bishops concluded with an affirmation that Catholics in Vietnam are sincere in their desire to actively contribute to the stable and steady development of the country based on truth, justice and love.
 
I vescovi vietnamiti chiedono al governo dialogo e una legge giusta per la terra
Asia-News
14:32 13/08/2009
L’attuale legislazione sui terreni è la principale cause delle tensioni sociali nel Paese, perché dà tutti i poteri allo Stato. Ciò provoca abusi di potere e rischi di corruzione. I presuli ripetono quanto detto loro da Benedetto XVI, che la Chiesa non vuole sostituirsi al governo, ma ricerca unicamente - in spirito di dialogo e di cooperazione rispettosa - di prendere in giusta parte alla vita della nazione, a servizio di tutto il popolo.

Hanoi (AsiaNews) – I vescovi vietnamiti ricordano al governo l’impegno dei cattolici per il bene del Paese, chiedono di accettare il dialogo e di ripensare alla attuale legislazione sulla terra, che ne affida l’intera gestione allo Stato. Con la possibilità di abusi di potere e rischi di corruzione.

In un articolo pubblicato su VietCatholic News, i presuli scrivono che “la pubblica opinione è stata fortemente preoccupata di come è stato posto termine a recenti dispute riguardanti proprietà della Chiesa, con l’imposizione di misure legali e da sfrenati persecuzioni e arresti di cattolici”.

La causa principale delle attuali tensioni, essi notano, è nella attuale legislazione sui terreni. “La legge del Vietnam sui terreni – scrivono – va rivista per riconoscere il diritto di proprietà privata, secondo quanto afferma la Dichiarazione universale dei diritti dell’uomo, per la quale ‘Ogni individuo ha il diritto ad avere una proprietà privata sua personale o in comune con gli altri’ e ‘Nessun individuo potrà essere arbitrariamente privato della sua proprietà’ (art. 17). Noi siamo perciò convinti che invece di risolvere le questioni affrontando ogni caso su base individuale, le autorità debbono cercare una soluzione più completa, riconoscendo alle persone il diritto di possedere terreni e proprietà. Le persone, da parte loro, devono essere responsabili di fronte alla società. Questo richiesta è resa più urgente dal processo di globalizzazione, al ritmo del quale il Vietnam si sta maggiormente accordando. Questa potrebbe essere la premessa per risolvere le la lamentele e le denunce della gente sui terreni e le proprietà e, allo stesso tempo, contribuire alla crescita economica e allo sviluppo del Paese”.

I vescovi ricordano che, secondo la legge vigente, “tutta la terra appartiene al popolo e lo Stato è l’agente della proprietà. In tale stato di rappresentante della proprietà, lo Stato ha il diritto assoluto di decidere la sorte della terra. Per esempio, secondo il paragrafo 5 delle Leggi territoriali, lo Stato ha i seguenti diritti: decidere l’uso della terra, trasferirla, darla in uso e revocarlo, modificarne la finalità, stabilirne il valore, decidere sulle limitazioni al suo trasferimento, e o stabilire il tempo del suo utilizzo”.

Questo “enorme potere non limitato da alcuna direttiva, né da un reale organo di controllo, permette inevitabilmente il fiorire di abusi da parte di coloro che decidono sulle questioni territoriali. Il problema è l’abuso di potere per interesse personale, specialmente quando il terreno diventa un valore economico, come ora”. E “la realtà ha dimostrato che la terra è divenuta ‘patrimonio’, ‘capitale’ e ‘merce’ nel mercato attuale. Questa è la premessa o la causa del desidero di impadronirsi o trarre profitto dalla terra. La terra è indubbiamente divenuta la maggior fonte di profitto e anche il maggior terreno di coltura che permette alla corruzione di mettere radici e quindi l’obiettivo di prevenire che ciò avvenga non può essere trascurato dai contenuti della Legge sulla terra”.

I vescovi notano poi che “nel processo per risolvere le dispute, i media hanno dimostrato di diffondere dubbi e falsità, invece di condurre a nazione verso la mutua comprensione e unificazione”. Essi affermano che “i media possono portare beneficio alle persone e alla società quando sono al servizio della verità e offrono una vera riflessione sulla realtà” e che invece ogni volta che i cattolici esprimono opinioni non in linea col governo, i media statali l’interpretano come un atteggiamento “di scontro”.

In proposito viene richiamato quanto Benedetto XVI ha detto ai vescovi vietnamiti in occasione della loro visita “ad limina” del 27 giugno scorso, quando ha affermato: “Voi sapete come me che una sana collaborazione tra la Chiesa e la comunità politica è possibile. A questo proposito, la Chiesa invita tutti i membri ad impegnarsi fedelmente per costruire una società giusta, solidale ed equa. Essa non intende sostituirsi al governo, ma ricerca unicamente - in spirito di dialogo e di cooperazione rispettosa - di prendere in giusta parte alla vita della nazione, a servizio di tutto il popolo”.
 
Vietnamese bishops invite the government to take part in dialogue and adopt fair land laws
Asia-News
14:33 13/08/2009
Existing land laws are the main cause of the country’s social tensions because they invest all power in the state. This has led to abuses of power and has made corruption easier. Vietnam’s Catholic prelates reiterate Benedict XVI’s view that the Church does not replace the government but seeks only and in a spirit of dialogue and respectful collaboration to play its just role in the life of nation and in the service of the whole people.

Hanoi (AsiaNews) – In an article published by VietCatholic News, the Catholic bishops of Vietnam reminded their government that Vietnamese Catholics are committed to working for the good of the country. They also called on the authorities to accept their appeal for dialogue and review the current land laws which concentrate everything in the hands of the state, creating great opportunities for corruption.

“Public opinion has been greatly concerned by recent disputes regarding Church property,” which have ended with the government taking legal action, including the “prosecutions and imprisonments of Catholics,” the bishops wrote. From their point of view, the main cause for current tensions is Vietnam’s own land laws.

These “laws must be revised to take the right to own private property into consideration as stated in the Universal Declaration of Human Rights.” Article 13 states in fact that “Everyone has the right to own property alone as well as in association with others” and “No one shall be arbitrarily deprived of his property.”

For the prelates “instead of resolving the issues by dealing with each case on an individual basis, authorities have to search for a more thorough solution”. They must “let the people have the right to own land and property. People in return must be responsible for” what happens in society.

“This demand becomes more urgent” as a result of “the globalization process,” which is forcing Vietnam to evolve according to global trends.

“This should be the premise” on which people can find solutions to the “complaints and denunciations” in matters concerning “land and property. [.. . ] At the same time, [this] contributes to the economic growth and the steady development of the country.”

Furthermore, the bishops note that “[a]ccording to the current Land Laws, all land belongs to the people” with the state as “the representative of ownership.” As such however, “the State has the absolute right to decide the fate of the land. For example, pursuant to Rule 5 of the Land Laws, the State has the following rights: to decide the use of the land, to transfer land, to rent it out, to revoke land use, to modify the purpose of land use, to set value on land, to decide on the limit on land transfer and or set time limit on land use.”

“Should this enormous power not” be subject to “some guidelines” and an effective supervisory body? If it is not, abuses in land use by decision makers are inevitable, for personal gain, especially “when land becomes a valuable commodity as it is now,” they warn.

“Reality has shown that land has become people's ‘assets’, ‘capital’, ‘commodity’ in today's market. This is the premise or cause for [a] desire to appropriate or gain profits from land.”

Indeed, “land has undoubtedly become a most lucrative source of profit,” a “breeding ground for corruption;” therefore, the goal of land laws must be “to prevent it”.

In “the process of solving disputes, a number of the mass media were” shown “to be effective in spreading doubts and mistrust instead of” encouraging mutual understanding in the nation, the bishops lament.

“Mass media can only bring benefits to people and to society when they serve the truth and give a true reflection of reality.” Instead, “whenever Catholics express views” that are “not in line with the government, state media immediately” blame them for adopting a “‘facing off’ attitude’.”

Quoting from Pope Benedict XVI's speech to Vietnamese bishops on their ad limina visit on June 27, 2009, the article said: “You know, as well as I do, that healthy collaboration between the Church and the political community is feasible. In this regard, the Church invites all her members to be loyally committed to building a just, supportive and fair society. Her intention is certainly not to replace government leaders; she only wishes to be able to play a fair role in the nation's well being, at the service of the whole people, in a spirit of dialogue and respectful collaboration”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trại Hiệp Nhất lần V Huynh Trưởng giáo phận Phan Thiết
Thanh Bình
17:01 13/08/2009
PHAN THIẾT (4-5/8/2009) - Hằng năm, cứ vào mùa Hè, Thiếu Nhi và Huynh Trưởng giáo phận Phan Thiết lại có những ngày họp mặt, cắm trại, huấn luyện để nâng cao kiến thức về Phong Trào TNTT, nhất là về 3 phương diện: Trí Dục, Đức Dục, Thể Dục dành cho người trẻ.

Năm nay, thay vì mừng bổn mạng ( Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô) ở mỗi Liên Đoàn ( Giáo hạt) như mọi năm, thì khoảng 5.000 em Thiếu Nhi trong các Liên Đoàn tập trung về linh địa Tàpao để mừng Năm Thánh dành cho giới Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo phận.

Rồi Huynh Trưởng cũng có những ngày Trại như mọi năm. Mỗi năm có 1 Trại Hiệp Nhất, năm nay ( 2009) là Trại Hiệp Nhất lần V. Cha Fx, Nguyễn Quang Minh, Tổng Phụ Trách Phong Trào TNTT làm Trại Trưởng với sự cộng tác của Quí Cha Tuyên Uý và các Trưởng Ban Nghiên Huấn.

Ngày 4 – 5 tháng 8, 2009 tại khuôn viện rộng rãi của Đan Viện Châu Thuỷ, Hàm Tân, Huynh Trưởng thuộc các xứ đoàn trong giáo phận đã tập trung về gần 1.000 trại sinh. Với chủ đề của Trại Hiệp Nhất lần V là: Sống Đức Tin để phục vụ các em Thiếu Nhi Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay.

Hai ngày sống trong bầu không khí thật thiên nhiên, thật ấm cúng, tràn đầy Tình Chúa, tình người, các Huynh Trưởng đã cảm nhận rõ ràng đức tin của người kitô hữu thật quan trọng và cần thiết trong mọi hoàn cảnh, nhất là nơi các em thiếu nhi trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay.

Trước đó, ngày nào trời cũng mưa ! Bao nhiêu âu lo đều phó dâng cho Chúa. Đan Viện Phụ và quí Cha, quí Thầy Đan Viện Châu Thủy cầu nguyện cho Trơì đừng mưa. Các Cha, các Huynh Trưởng cũng cầu xin cho mọi sự tốt đẹp. Vơí đức tin đơn sơ nhưng chân thành, Chúa thương hai ngày Trại Hiệp Nhất không mưa, trời mát, đẹp. Tối lửa trại lại có trăng sáng ! Xin Tạ Ơn Chúa.

Ngày Khai mạc, các trại sinh vui mừng chào đón Đức Đan Viện Phụ và Quí Cha.

Các khóa do các Cha, các Trưởng trình bày thật cụ thể, sống động với sự tiếp nhận nhiệt tình của các trại sinh. Cảm động nhất là giờ Chầu Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện Đan Viện. Gần 1.000 trại sinh nghiêm trang, quì trong và ngoài hành lang sốt sắng thờ lạy, tin yêu Chúa Giêsu Thánh Thể là Nguồn Sống đích thực, là niềm vui và là vị Huynh Trưởng Tối Cao của Phong Trào.

Ngày kế tiếp, sau Sa mạc, các trại sinh lại vui mừng đón tiếp Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Đan Viện Phụ, Cha Hạt Trưởng Hàm Tân, Quí Cha đến dâng Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho các trại sinh. Còn gì sung sướng và hạnh phúc hơn cho ơn gọi Huynh Trưởng, khi được Chúa yêu thương, Quí Đức Cha, Đan Viện Phụ, Quí Cha yêu thương, nâng đỡ, khích lệ !

Hai ngày trại trôi qua nhưng đọng lại trong tâm trí các Trại sinh tràn ngập ân sủng của Chúa và bao la tình người. Đó cũng là những hành trang quí gía để các Huynh Trưởng tiếp tục sứ mạng đốt sáng đức tin cho các em thiếu nhi.
 
Lễ Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney
Diệp Hải Dung
17:12 13/08/2009
SYDNEY - Sáng thứ Năm 13/08/2009 rất đông đủ các Hội Đoàn Đoàn Thể đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly – Sydney mừng kính Lễ Quan Thầy của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney.

,u>Xem hình ảnh

Mọi người tập trung trước tượng đài Đức Mẹ và Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn Linh hướng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney xông hương tượng đài Đức Mẹ và kiệu tượng Thánh Nữ Monica. Cha kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho Tự Do - Hòa Bình – Công Lý tại quê nhà, sau đó mọi người cùng làm việc đền tạ dâng lời nguyện lên Đức Mẹ và đồng thời cung nghinh kiệu Thánh Nữ Monica về Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse. Cuộc kiệu rất trang nghiêm, mọi người sốt sắng dâng lên Đức Mẹ chuỗi kinh Mùa Mừng cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Cộng Đồng, đặc biệt là cho quê hương Việt Nam.

Khi kiệu tượng Thánh Nữ Monica đã về đến Hội Trường và an vị phía trên bàn thờ, kế tiếp phần đọc sơ lược tiểu sử của Thánh Nữ Monica. Ngài sinh ở Phi Châu là một người mẹ rất mẫu mực hiền đức luôn sùng kính tôn thờ Thiên Chúa. Đặc biệt Thánh nữ hết lòng cầu nguyện cho con trai là Thánh Augustino được ơn trở lại. Với sự kiên kỳ trong cầu nguyện của Thánh nữ Monica đã nhìn thấy con mình được rửa tội trước khi Thánh nữ qua đời.

Sau khi chấm dứt phần đọc tiểu sử. Thánh lễ do quý Cha Tuyên uý Trưỏng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Mai Đào Hiền, Cha Tâm cùng đồng tế và Thầy Phó tế Đặng Đình Nên phụ giúp lễ. Sau bài giảng là nghi thức Xức Dầu bệnh nhân cho các vị cao niên, các vị đau yếu trong Cộng Đồng. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn chữa lành phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Đinh Kiên Giang Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney, kế tiếp Bà Nguyễn Thị Kim Nhẫn Hội Trưởng lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu sĩ Nam Nữ, quý quan khách và tất cả mọi người đã dành thời gian quý báu đến tham dự lễ Quan Thầy của Hội Monica. Sau đó Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn tuyên đọc danh sách Tân Ban Chấp Hành Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney và Trưởng các Chi Hội của nhiệm kỳ 2009 – 2012 đồng Cha trao Chứng Chỉ Phép Lành Tòa Thánh cho Tân Ban Chấp và các Chi Hội Bankstown, Cabramatta, Fairfiled, Lakemba, Marrickville, Miller, Mt. Pritchard và Revesby.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng bổn mạng trong nhà ăn Trung Tâm, tham dự cuộc xổ số may mắn lấy hên và kết thúc bế mạc vào lúc 2.30pm.
 
Lễ công bố tước Đức Ông và trao phép lành Tòa Thánh cho các cha chịu khổ vì Đạo
TGM Hải Phòng
19:24 13/08/2009
HẢI PHÒNG - Hôm qua, ngày 10 tháng 8 năm 2009, lễ kính thánh Lô-ren-xô, Giáo phận Hải Phòng tổ chức thánh lễ trao tước Đức Ông cho cha già Lô-ren-xô Phạm Hân Quynh và trao phép lành Tòa Thánh cho bốn cha đã từng chịu đau khổ, lao tù vì đạo Chúa: cha Antôn Khổng Minh Số, cha Giuse Nguyễn Văn Luân,cha Stêphanô Nguyễn Văn Hiển và cha Giuse Nguyễn Xuân Đài.

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, chủ sự thánh lễ và các nghi thức trao ban. Cùng về tham dự thánh lễ đặc biệt này có Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên Giám mục Giáo phận Phát Diệm, phó chủ tịch Ủy Ban Bác Ái Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Cha Tổng Đại Diện Giáo phận Bắc Ninh, các cha trong Giáo phận Hải Phòng, Giáo phận Phát Diệm, Giáo phận Bắc Ninh, quí tu sĩ nam nữ và đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài Giáo phận.

Nghi thức trao tước Đức Ông được bắt đầu bằng việc công bố sắc phong của Tòa Thánh ghi nhận những công trạng của cha già Lô-ren-xô đối với Giáo Hội và đặc biệt là đối với Giáo phận Hải Phòng. Trong bài phát biểu chúc mừng Đức ông, cha Antôn Khổng Minh Số, đại diện linh mục đoàn Giáo phận, đã bày tỏ niềm vui mừng và lòng tri ân sâu xa của Giáo phận đối với những công lao to lớn của Đức ông. Cha cũng bày tỏ cho biết việc Tòa Thánh trao tước Đức ông cho cha già Lô-ren-xô không chỉ là đặc ân, là niềm vui riêng của cha già mà là đặc ân và niềm vui cho toàn Giáo phận Hải Phòng. Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục Giáo phận, thay mặt Đức Thánh Cha, trao sắc phong cho Đức ông và bày tỏ lòng quí mến, kính trọng cũng như ghi nhận những công lao mà Đức ông đã dành cho Giáo phận.

Trong chuyến đi Ad limina viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Thánh Cha, Đức Giám Mục Giáo phận còn xin Tòa Thánh ban phép lành đặc biệt cho bốn cha trong Giáo phận đã từng phải chịu đau khổ, lao tù vì đạo Chúa: cha Antôn Khổng Minh Số, cha Giuse Nguyễn Văn Luân, cha cha Stêphanô Nguyễn Văn Hiển và cha Giuse Nguyễn Xuân Đài. Việc Đức Cha xin phép lành Tòa Thánh cho bốn cha, không những để xin Chúa đổ muôn ơn lành xuống trên các cha, nhưng cũng là để ghi nhận đau khổ mà các cha hy sinh cho Chúa và Giáo Hội trong những năm tháng lao tù.

Trong bài giảng, Đức Cha nhắc đến biến cố tử đạo của thầy Phó tế Lô-ren-xô. Đức Cha đã chia sẻ rằng sở dĩ thánh Lô-ren-xô sẵn sàng vui lòng chấp nhận bị lửa thiêu đốt cho đến chết là vì ngài có sẵn lửa yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội trong tâm hồn. Và chính nhờ ngọn lửa yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội trong tâm hồn mà Đức ông đã luôn trung thành, luôn hăng say yêu mến và phục vụ Thiên Chúa và mọi người, kể cả những người bách hại mình. Và cũng chính nhờ ngọn lửa yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội trong tâm hồn mà bốn cha vui lòng đón nhận lao tù, khổ đau để Chúa được cả sáng, Giáo Hội được vinh quang.

Dù rất mệt và phải ngồi xe lăn nhưng cuối lễ Đức ông bày tỏ lòng tri ân cảm tạ Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Cha Giáo phận, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, quí cha và tất cả mọi người hiện diện trong thánh lễ đã tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho ngài. Ngài bày tỏ mong muốn việc trao tước Đức ông không chỉ là hồng ân và niềm vui cho riêng ngài mà là cho toàn Giáo phận

Chúng ta cùng cảm tạ Chúa, chúng ta cùng bày tỏ niềm vui mừng với Đức ông, với bốn cha và với toàn Giáo phận về biến cố lớn lao này. chúng ta cùng cầu chúc Đức ông và bốn cha luôn bình an và dồi dào ơn Chúa. Xin Chúa tiếp tục thực hiện những gì Ngài muốn nơi Đức ông và bốn cha để qua các ngài, Chúa đổ muôn ơn lành xuống cho Giáo phận chúng ta.

(Nguồn: http://gphaiphong.org/vietnam/?act=news&mID=38&nID=505)
 
Đôi dòng lịch sử giáo xứ Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm
LM Tôma Aquinô Nguyễn Bá Khuê
05:44 13/08/2009
ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ GIÁO XỨ PHÚC NHẠC

Tượng Bà Thánh Đê
Phúc Nhạc (núi phúc), tên gọi của giáo xứ, đã được các bậc tiền bối đặt cho thật là đẹp. Đó là một địa danh tràn đầy phúc lộc của Trời cao. Phúc Nhạc có bề dầy lịch sử trong Giáo phận Phát Diệm, vì là giáo xứ có tuổi đời thành lập đứng thứ hai trong giáo phận, chỉ sau giáo xứ Hảo nho. Theo dòng thời gian, lịch sử Phúc Nhạc được dệt nên bằng những bước thăng trầm. Con cái Phúc Nhạc rất bình dị, hiền hòa, dễ thương, nhưng cũng rất bền bỉ, dẻo dai và can trường.

Chính họ đã làm cho Phúc Nhạc trở thành miền đất thiêng thánh. Thiêng thánh vì là quê hương của nhiều thánh tử đạo: máu của các thánh tử đạo Phúc nhạc đã hoà vào dòng máu tử đạo của Giáo Hội Việt Nam làm nên một mùa màng tốt tươi cho Giáo Hội; thiêng thánh vì Phúc Nhạc được đặt làm trung tâm kính các thánh Tử Đạo của giáo phận. Sau đây xin ghi lại những bước thăng trầm của Giáo xứ Phúc Nhạc.

1. Phúc Nhạc: Thời kỳ hình thành.

Giáo xứ Phúc Nhạc được tách ra khỏi giáo xứ Hảo Nho và được thành lập từ năm 1790. Nhà thờ Phúc Nhạc tọa lạc bên đường quốc lộ số 10, khoảng giữa từ ngã tư Cầu Lim Ninh Bình và Nhà Thờ Đá Phát Diệm.

Từ ngày thành lập, Phúc Nhạc không ngừng phát triển trên diện rộng và chiều sâu. Phúc Nhạc đã nhanh chóng trở thành “giáo xứ mẹ” khi sinh ra các xứ: Tôn Đạo, Phát Diệm, Tam Châu, Bình Hòa, Hiếu Thuận, Yên Vân, Nam Biên, Gia Lạc, Cách Tâm, Dưỡng Điềm…

Dòng Mến Thánh Giá Phúc Nhạc cũng được thành lập rất sớm (năm 1788). Nhà dòng được xây dựng ở họ Thôn Đồng quê hương bà Thánh Inê Lê Thị Thành, quen gọi Inê Đê (lấy tên con là Đê). Sau biến cố 1954 nhà dòng không còn ng¬ười, cơ sơ sinh hoạt, nhà nguyện bị đổ nát (hiện tại chỉ còn nền móng nhà nguyện), đất đai bị dân lấn chiếm. Việc
Họ Thôn Đông, giáo xứ Phúc Nhạc, quê hương Bà Thánh đê
khôi phục lại nhà dòng Mến Thánh Giá cho nhà Phúc Nhạc là nguyện vọng của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương Phát Diệm và giáo dân Phúc Nhạc. Công việc cũng đang được đề nghị tìm giải pháp khả thi, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính từ phía chính quyền địa phương.

Kể từ ngày thành lập giáo xứ, Phúc Nhạc đã trải qua hơn 20 cha chính xứ: khởi đầu là cha già Nghiêm chính xứ và cha Thánh Ngân làm phó xứ, rồi đến cha Thánh Khoan từ 1828 – 1837… Đây là thời kì giáo xứ phát triển rất mạnh, các đoàn hội công giáo hoạt động tích cực, lòng đạo của giáo dân rất sốt sáng.

2) Phúc Nhạc: thời kỳ bách hại và khủng hoảng

Trong thời kỳ bách hại đạo, Giáo Hội Việt Nam phải hứng chịu muôn vàn đau khổ do các vua, quan Nhà Nguyễn: từ bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục, chém giết, đến vu khống thóa mạ, tẩy chay như một thứ dịch bệnh hay lây. Có nhưng vùng được các quan địa phương có cảm tình với đạo thì giáo dân đỡ khổ, nhưng vùng nào gặp phải nhưng ông quan có ác cảm thì khổ đau còn gia tăng gấp bội. Phúc Nhạc không được may mắn như những vùng khác; bằng chứng là con số tử đạo rất đông. Có thể nói giáo xứ Phúc Nhạc là cái nôi sinh ra các vị tử đạo của giáo phận Phát Diệm. Có những vị đã được phong thánh, nhưng còn nhiều vị mà hồ sơ tử đạo của họ đang còn được cứu xét. Các vị đã được phong thánh như: cha
Đền Bà Thánh Đê ở giáo xứ Phúc Nhạc
thánh Khoan, cha thánh Đạt và thánh nữ Inê Lê Thị Thành (Bà Đê). Hài cốt của các Ngài một phần được lưu giữ ở gầm bàn thờ giáo xứ, phần còn lại được phân chia cho các xứ kính viếng. Các vị đang chờ được tôn phong như: cha Phêrô Cẩn (tử đạo ngày 21-05-1897), cha Tôma Mai Khanh, 3 cha khác nữa không rõ tên tuổi và ngày tử đạo, và tiểu chủng sinh tên Phaolô Bột. Tất cả hài cốt của các ngài đang được bảo quản tại nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc. Các ngài đã góp phần ghi lên trang sử vàng cho giáo xứ và Giáo Hội Việt Nam.

Đặc biệt trong 118 vị thánh tử đạo Việt Nam, Thánh nữ Inê Lê Thị Thành, quen gọi là bà thánh Đê quê Phúc Nhạc, một phụ nữ thôn quê, chất phác nhưng có lòng trung kiên vững vàng can đảm làm chứng cho Chúa. Hình như Chúa quan phòng muốn tô điểm rực rỡ tấm gương duy nhất đại diện cho toàn thể nữ giới Việt Nam đặc biệt cho các bà mẹ công giáo noi theo.

Sau thời bách hại, thánh giá cũng còn nguyên đó, năm 1949 quân đội viễn chinh Pháp lập đồn trú tại vùng Phúc Nhạc, lấy nhà xứ và tiểu chủng viện Phúc Nhạc làm trại đóng quân. Vùng đất thiêng thánh bị miễn cưỡng biến thành khu quân sự, nhà xứ phải di chuyển sang họ Thôn Đồng; tiểu chủng viện Phúc Nhạc bị quân đội Pháp chiếm dụng phân nửa.

Tiểu chủng viện Phúc Nhạc (nhà nước còn chiếm)
Năm 1954 Pháp rút quân khỏi Phúc Nhạc, thì Việt Minh lại tiếp quản, khó khăn vẫn tiếp tục đổ xuống trên giáo xứ. Biến cố di cư vào Miền Nam đã tàn phá giáo xứ Phúc Nhạc cả về nhân sự, cả về cơ sở vật chất mà hậu quả đến ngày nay cũng chưa khắc phục hoàn toàn. Đồng bào công giáo không còn mấy: trước 1954, giáo xứ có 11 họ đạo, nhưng sau 1954 chỉ còn lại 7 giáo họ, giáo dân thưa thớt. Cha già cố Liêm đã hưu trí tại họ Tân Hợp, phải trở lại tiếp tục trông coi giáo xứ. Năm 1960 cha già cố Liêm qua đời, các cha trong giáo phận không còn mấy, lúc đó cha Matthêu Đặng Đức Hậu chính xứ Tam Châu phải kiêm mấy năm rồi qua đời. Giáo xứ lại vắng bóng chủ chăn, bị cấm cách, kiểm soát nên tinh thần đạo của giáo dân sa sút trần trọng. Các cơ sở của giáo xứ bị hư hỏng, nhà thờ không còn cửa, cỏ dại mọc tràn lan tới cả cửa nhà thờ, nhà xứ hoang vu, đất đai nhà xứ bị chiếm đoạt, đền bà thánh Inê Đê bị hư hỏng, tiểu chủng viện Phúc Nhạc bị nhà nước mượn làm trường học, nhà dòng không còn ai, cơ sở bị đổ nát, đất đai bị dân lấn chiếm nay chỉ còn móng nhà nguyện, có thể nói đây là thời kỳ đen tối nhất của lịch sử giáo xứ Phúc Nhạc.

3) Phúc Nhạc: Thời kỳ phục hưng và phát triển

Sau chiếu chỉ tha đạo của vua Tự Đức (hòa ước Nhâm Tuất), Phúc Nhạc lại bắt đầu mở ra một trang sử mới: mọi sinh hoạt tôn giáo và các hội đoàn phát triển mạnh mẽ. Các cha xứ, cha phó luôn luôn đồng hành coi sóc bổn đạo một cách tận tình. Đời sống đức tin của tín hữu trong giáo xứ được trưởng thành hơn. Dòng Mến Thánh Giá đượcc khôi phục. Điều đáng nói nhất là trong thời kỳ này tiểu chủng viện Phúc Nhạc được thiết lập. Tiểu chủng viện Phúc Nhạc do đức cha Chiêu (Theurel) ủy cho cố chính Phước (Pugimier) xây dựng và làm giám đốc năm 1867. Tiểu chủng viện sơ khai là nhà gỗ lợp rạ rồi lợp bổi, tiếp theo cố Tràng Khánh xây nhà nguyện ở trung tâm bằng gạch và lợp ngói nam, tháp
Nhà nguyện TCV Phúc Nhạc này tiêu điều!
chuông cao 12 m (hiện nay tháp vẫn còn nhưng nhà nguyện đã mất mái). Năm 1927 cố Tràng Tuấn khởi công xây nhà 3 tầng đồ sộ nhất Ninh Bình: dài 100 m rộng 15 m hoàn thành năm 1930 đời cố Nhạc. Diện tích khu tiểu chủng viện rộng 6 mẫu bắc bộ (21600 m2). Từ khi thành lập tiểu chủng viện đến năm di cư 1954 đã có 14 cha giám đốc, 25 cha thừa sai Pháp và 45 cha Việt Nam. Các thầy giáo có 120 thầy, số chủng sinh 1026 đã mãn khóa. Xuất thân từ tiểu chủng viện này có 7 đức Giám mục: đức cha Gioan Phan Đình Phùng, đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, đức cha Giuse Lê Quí Thanh, đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, đức cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật, 377 linh mục và hàng trăm thầy giảng.

Phúc Nhạc, từ sau cái chết của cha Đặng Đức Hậu (1965) vắng bóng chủ chăn cho đến năm 1982, mới có chủ chăn được bổ nhiệm: cha Antôn Đoàn Minh Hải, Chính xứ Phúc Nhạc. Từ năm 1982 – 1992, cha xứ Antôn Hải cùng bà con giáo dân nỗ lực xây dựng lại cơ sở vật chất và nhất là đời sống đức tin được phục hồi và củng cố.

Từ năm 1999 – 2007 cha Giuse Trần Văn Khoa, Chính xứ Phúc Nhạc, tiếp tục khôi phục giáo xứ về mọi phương diện. Phúc Nhạc quả thực đã hồi sinh.

Từ năm 2007 đến nay, cha Tôma Aquinô Nguyễn Bá Khuê, Chính xứ, tiếp tục công việc của các đấng tiền nhiệm, đang cố gắng hoàn thiện về cơ sơ vật chất và chăm lo đời sống đức tin trên nền tảng Đức Ái và niềm Cậy Trông.

LM Nguyễn bá Khuê đứng trước bàn thờ Bà Thánh Đê
Giáo xứ Phúc Nhạc được giáo phận đặt làm trung tâm tử đạo năm 1996. Năm 2005 nâng cấp thành đền thánh tử đạo. Đây là trung tâm hành hươnng của giáo phận Phát Diệm. Hàng năm mừng đại lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11) tại trung tâm tử đạo Phúc Nhạc, quy tụ từ 3000 – 5000 tín hữu. Bên cạnh đó Phúc Nhạc còn là nơi đón tiếp các đoàn hành hương và các nhóm tĩnh tâm. Hy vọng nhờ Ơn Chúa và các thánh Tử Đạo Phúc Nhạc cầu bầu, Phúc Nhạc trở nên đúng với tên gọi của mình là “Núi Phúc” cho giáo dân Phúc Nhạc và cho khách thập phương đến cầu khẩn tại đây.

Nhìn chung với đà phát triển và trong sự quan phòng của Thiên Chúa, đời sống đức tin của Phúc Nhạc không ngừng lớn mạnh. Phúc Nhạc đang cống hiến cho đời nhiều hoa thơm quả ngọt: khởi đi từ các thánh tử đạo, đến con cái Phúc Nhạc từ khắp nơi đang tận tình phục vụ Thiên Chúa và loài người. Hơn 50 linh mục và nhiều nữ tu. Đặc biệt Chúa đã chọn đức cha Giuse Nguyễn Năng, một người con của Phúc Nhạc, làm chủ chăn giáo phận Phát Diệm. Với lòng yêu mến quê hương dân tộc và bầu nhiệt huyết tông đồ của ngài, ngài sẽ cùng với mọi thành phần Dân Chúa xây dựng cộng đồng giáo phận mỗi ngày một thăng tiên hơn trong tinh thần “hiệp thông và phục vụ”.
 
Liên Đoàn CGVN-HK xin cầu nguyện cho Đức Cha Đa-Minh Mai Thanh Lương
LM. Nguyễn Thanh Liêm
05:44 13/08/2009
Liên Đoàn CGVN-HK Mời Gọi Cộng Đồng Dân Chúa Cầu Nguyện Cho Đức Cha Đa-Minh Mai Thanh Lương

Wednesday, 12 August 2009 17:58 LĐCGVN-HK. Đức cha Đa-Minh Mai Thanh Lương, Giám mục phụ tá Giáo phận Orange, California, mấy hôm trước vào bệnh viện để được thông tim (by pass). Liên Đoàn CGVN-HK xin quý cha, phó tế, tu sĩ và cộng đồng Dân Chúa cùng hiệp dâng tâm tình khẩn nguyện xin Chúa cho Đức cha Đa-Minh sớm phục hồi sức khỏe!
 
Lễ cung nghinh thánh tượng Đức Bà trên sông Seine 2009 và bên sông Hồng 1950
Lê Đình Thông
16:02 13/08/2009
Cung nghinh Thánh tượng Đức Bà Paris ven sông

Lễ Cung Nghinh Thánh Tượng Đức Bà Trên

Sông Seine (2009) và Bên Sông Hồng (1950)


Rước kiệu Đức Mẹ trên sông Seine
Nhân đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm nay, Tổng Giáo phận Paris tổ chức trọng thể cuộc rước kiệu trên ốc đảo Thành phố và đảo Thánh Louis. Theo sắc dụ của Vua Louis XIII, các họ đạo trên khắp nước Pháp đều tổ chức rước kiệu mừng lễ 15-8. Thỏa ước 1801 ký giữa hoàng đế Nã Phá Luân I và Đức Thánh Cha Piô VII ấn định 15 tháng 8 trở thành ngày nghỉ lễ. Từ 1873, cuộc hành hương toàn quốc được tổ chức hàng năm tại Lộ Đức do các linh mục dòng Đức Mẹ Lên Trời (Assomptionnistes) tổ chức. Cha Nguyễn Tiến Dưng là linh mục Việt Nam đầu tiên nhập dòng Assomptionnistes. Ngài hiện tham dự phụng vụ Thánh thể và rước kiệu tại Lộ Đức. Hàng năm vào ngày 15-8, có khoảng 15 ngàn tín hữu, trong số có khoảng 1 ngàn bệnh nhân và người khuyết tật khẩn nguyện Đức Mẹ ban ơn lành tại hang đá Misabielle ở Lộ Đức.

Năm nay, có khoảng 20 ngàn tín hữu Paris tham dự rước kiệu ven sông trước khi lên tầu để mở hội hoa đăng thắp sáng sông Seine, biến sóng hiền hòa giữa kinh thành ánh sáng trở thành chuỗi mân côi cuộc chảy trên sóng nước. Từ năm 2004, Giáo phận Paris tổ chức các cuộc hành hương hàng năm trên sông Seine (Pèlerinage fluvial). Chương trình bắt đầu bằng kinh chiều lúc 17 giờ 45. Tiếp theo là Thánh Lễ trọng thể do Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris, cử hành. Cuộc rước kiệu bằng hương hoa tràng hạt bắt đầu lúc 19 giờ 30, đến 20 giờ lên tầu tiếp tục cuộc hành hương trên sóng nước sông Seine.

Thánh tượng Đức Mẹ Fatima (bản gốc tại Fatima, trên triều thiên có gắn viên đạn đồng ám sát hụt ĐTC Gioan-Phaolô II)

Thánh tượng Đức Mẹ Fatima
59 năm về trước, vào ngày 1-11-1950, trong tông hiến ‘‘Munificentissimus Deus’’, Đức Thánh Cha Piô XII công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong hiến chế Tín lý Giáo hội ‘‘Ánh sáng Muôn dân’’ (Lumen gentium), công đồng Vatican II đã tuyên xưng tín điều này. 15-8-1950 còn là ngày lịch sử của Giáo hội Việt Nam nói chung, cách riêng là Tổng giáo phận Hà Nội.

Trong điện thư gửi cho chúng tôi, ông Trần Hữu Tri kể lại rằng ngày 15-8-1950, linh mục Giuse-Maria Trịnh Như Khuê, cha xứ Hàm Long (Hà Nội) đã được tấn phong Giáo mục Địa phận Hà Nội, hiệu tòa Synaitana.

Thánh tượng Thánh Mẫu trước Nhà Thờ Lớn Hà Nội
Trên cung thánh, khẩu hiệu của vị tân giám mục ‘‘Hãy Theo Ta’’ được viết trên lụa trắng. Để chuẩn bị ngày lễ tấn phong, từ chiều 14-8, giáo xứ Cửa Bắc (Hà Nội), nay là Giáo xứ Đa Minh, đã cử hành trọng thể lễ cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ. Cuộc thanh du khởi đi từ Địa phận Hải Phòng. Chiều ngày 15-8-1950, thánh tượng an vị trên xe hoa, được rước từ nhà thờ Cửa Bắc về Nhà Thờ Lớn Hà Nội, trước sự tham dự đông đảo của giáo dân thành phố. Tiền sảnh ngôi đại thánh đường Thánh Giuse treo ba tấm màn màu thiên thanh, xung quanh viền vải xanh đậm. Sáng ngày 22-8-1950, Đức tân Giám mục Trịnh Như Khuê cử hành Thánh lễ đại triều, dâng địa phận Hà Nội cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Trên bàn thờ lộ thiên là Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima. Đức Cha Trịnh Như Khuê, sau này là Hồng Y Việt Nam tiên khởi tham dự mật nghị Hồng Y bầu ĐTC Gioan-Phaolô II, đã đọc lời khấn nguyện: ‘‘Xin giúp chúng con xây dựng một nhà thờ nguy nga dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.’’ Sau đó thánh tượng Đức Mẹ Fatima thánh du các nhà thờ tại Hà Nội, bắt đầu là nhà thờ Hàm Long.

ĐHY Trịnh Như Khuê
Với nghi thức dâng kính Giáo phận Hà Nội cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, lịch sử thăng trầm của Giáo phận tuy trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhưng sau cùng ‘‘Trái Tim Mẹ sẽ thắng’’.

Paris, ngày 13-8-2009
 
Thánh lễ Vĩnh Khấn của hội dòng Mến Thánh Giá Vinh
Jos Thông
16:54 13/08/2009
VINH - Sáng nay 13-8 tại Dòng Mến Thánh Giá Vinh đã diến ra Thánh lễ Vĩnh Khấn cho một số chị thuộc dòng Mến Thánh Giá giáo Phận Vinh.

http://catholicvideo.org/Albums/90813mtgVinh13082009/

Đúng 7h đoàn đồng tế gồm có sự hiện diện của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Cha J.B Nguyễn Khắc Bá_ Giám đốc Đại Chủng Viện Vinh Thanh cùng các linh mục trong giáo phận, bên cạnh đó với sự tham dự đông đảo của tu sỹ, chủng sinh và giáo dân cùng với những ân nhân, thân nhân của các chị Vĩnh khấn đã bước vào Thánh lễ với bài ca lên đền.

Theo truyền thống của hội dòng Mến Thánh Giá Vinh thì ngày lễ khấn truyền thống của hội dòng là 20-11 hằng năm. Nhưng hôm nay là một Thánh lễ đặc biệt, bởi vì một số chị trong hội dòng phải đi học xa và đi công việc phục vụ nên đã không thể có mặt trong ngày lễ khấn của hội dòng theo lịch định hằng năm.

Thánh lễ Vĩnh khấn hôm nay gồm có 4 Chị là: Maria Nguyễn Thị Thu( du học Mỹ) Chị Maria Cao Thị Minh Huệ( du học mỹ) Maria Chu Thị Hữu( Sắp đi du học Tiệp) và chị Maria Mai Thị Hạnh(đang đi phục vụ).

Thánh lễ Vĩnh khấn được diễn ra trong bầu khí thật thiêng liêng và thánh thiện của Tu Viện, trong bài giảng Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã nói: “Bậc dòng là bậc trọn lành nhưng không phải tất cả mọi người theo bậc này đều trọn lành nhưng định hướng mọi người đến trọn lành” đây là một lời giáo huấn giúp cho các chị cố gắng trên con đường nên Thánh mỗi ngày.

Rồi đến nghi thức Vĩnh Khấn, các khấn sinh tiến lên bàn thờ đặt tay trong tay chị Tổng Phụ Trách trước mặt đấng bản quyền giáo phận tuyên khẩn. Sau khi đọc lời tuyên khấn, các khấn sinh đã phủ phục trước bàn thờ cùng với đoàn đồng tế và cộng đoàn tham dự Thánh lễ hát kinh cầu các Thánh, để nhờ lời các Thánh nam nữ trên Thiên Đàng cầu cùng Chúa ban thêm sức mạnh để các Chị sống trọn đời tận hiến cho Chúa Kitô

Tiếp theo những nghi thứcVĩnh khấn là các chị được nhận cây Thánh Giá từ Đức Giám Mục giáo phận. Thánh Giá là biểu tượng cao quý của hội Thánh và của hội dòng Mến Thánh Giá. Các Chị nhận lấy cây Thánh Giá hôm nay với niềm vui sướng tràn trề, các vĩnh Khấn đã cung nghinh cây Thánh giá cùng với cộng đoàn tham dự phụng vụ với bài Thánh Ca và từ nay các chị thuộc trọn về Chúa Kitô.

Sau khi Thánh lễ kết thúc, đại diện tân Vĩnh khấn đã cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho các chị hồng ân trọng đại này và cảm ơn tới Đức Cha, quý cha và tất cả mọi người đã tham dự Thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho các Chị và hội dòng. Sau đó, Đức Cha đã đáp lời và Ngài nhắn nhủ: Từ nay các con dù có đi đâu làm bất cứ việc gì đừng làm theo cá nhân các con, nhưng là làm việc nhân danh cả cộng đoàn”

Thánh lễ đã khép lại trong bầu khí hân hoan cảm tạ muôn vàn hồng ân của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy thêm lời cầu xin Chúa cho các Chị vừa tuyên lời Vĩnh khấn được trọn suốt đời thuộc về Chúa Kitô, nhờ đó các Chị là chứng nhân của niềm tin và hy vọng của giáo hội trong công cuộc loan báo Tin Mừng thời đại hôm nay.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đảng cướp Cộng sản Việt Nam đang đến hồi cáo chung
Hồn Việt
15:44 13/08/2009
Đảng cướp Cộng sản Việt Nam đang đến hồi cáo chung

Trước đây Đảng cướp cộng sản Việt Nam từng cao rao chủ nghĩa tư bản giãy chết. Nhưng đợi hoài mà chẳng thấy nó chết, đã vậy nó còn tái xuất hiện ở Liên Xô củ và Đông Âu và đang chuẩn bị đưa tiển những tàn dư của chủ nghĩa cộng sản xuống mồ. Bây giờ hóa ra lại đến lúc tuyên bố Đảng cộng sản Việt Nam đang giãy chết.

Qủa thật, chúng đang tự đào mồ chôn mình với tất cả những gì chúng đang làm trên đất nước VN. Và chắc chắn là chúng biết rõ điều đó hơn ai hết.

Chúng đang làm những nổ lực vơ vét, đàn áp, cướp của sau cùng và chuẩn bị khăn gói lên đường tìm cách chuồn êm vào thời điểm thuận tiện.

Đảng cộng sản Việt Nam thật ra chỉ là một danh xưng mà đảng cướp cầm quyền tại VN tự đặt cho mình vì thực ra, chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ hiện hữu trên thực tế làm sao mà có thể nói nó giãy chết được.

Trong lịch sử con người, không có sự hủy hoại nào kinh khủng cho bằng sự hủy hoại mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho nhân loại, ngay cả nạn dịch của Châu Âu trước đây, ngay cả nạn phát xít Đức quốc xã, ngay cả đại dịch Sida ngày nay.

Tuy vẫn mãi mãi là một thứ chủ nghĩa không tưởng, nhưng nó đã và còn gây ra những hậu qủa tai hại không thể tưởng được. Thật không có gì là cực đoan khi đồng hoá nó với quyền lực của ma qủy, của Ác thần bởi nó cũng qủy quyệt tinh ma không thua gì ma qủy.

Nó đã cướp đi không biết bao nhiêu là sinh mạng qua nhiều thời đại, đánh mất cuộc đời của biết bao thế hệ, lừa dối không biết bao nhiêu người, hủy hoại lương tâm của biết bao nhiêu thanh niên nam nữ, phá hoại văn minh, ngăn cản đà tiến của xã hội.

Cái học thuyết được gọi là cộng sản đó sau khi nhen nhóm trong trí tưởng tượng của Mác đã được những đồ đệ cuồng tín, độc tài Lênin, Stalin, Titô, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh áp dụng một cách mê muội.

Chủ nghĩa cộng sản thật ra đã cáo chung với sự sụp đổ của khối Liên bang Xô viết và Đông Âu được biểu trưng bởi việc kéo sụp bức tượng của Lênin bởi chính tay của những người trước đây tự xưng mình là cộng sản ngay tại quãng trường Đỏ- tòa thánh của cộng sản - sau thắng lợi của cách mạng Nga tháng 10/1917, nhưng cái bóng ma cộng sản đó vẫn còn là nổi ám ảnh tại Cuba, tại Châu Á, đặc biệt ở VN với cái học thuyết láo toét mới được đảng cướp cầm quyền nặn ra đúng lúc: học thuyết tư tưởng HCM- (bởi chính bản thân Hồ chủ tịch đã khẳng định ông chẳng có tư tưởng nào riêng mà chỉ là học tro,̀ đồ đệ trung thành của chủ nghĩa Mác Lênin), dưới một lớp áo đẹp đẽ hơn của chủ nghĩa tư bản đỏ như kiểu đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, nhằm duy trì quyền lực của chúng, chứ bản thân cái đảng cướp cầm quyền ấy nào còn tha thiết gì với cái chủ nghĩa cộng sản không tưởng của ông tổ Mác mà chúng đã chối bỏ ít ra từ khi cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Bởi những người cộng sản đích thực dấn thân cho lý tưởng cộng sản hoặc đã tự sát do thất chí, hoặc đã rút lui vào bóng tối, hoặc kịp tỉnh ngộ để nhận ra cái ảo tưởng đã gặm nhấ́m và nuốt trọn gần như cả cuộc đời họ chứ không vênh váo trơ trẽn như cái bọn cộng sản dỏm VN, đầu trộm đuôi cướp, đeo bám quyền lực, tiếp tục vơ vét của cải, hút máu đồng bào, hành dân hại nước.

Chúng nói láo và quen sống bằng nói láo. Nói láo một cách thô thiển vô học, kiểu điếc không sợ súng, dấu đầu lòi đuôi mà không chút hổ thẹn với chính lương tâm của mình, mà có lẽ lương tâm của chúng đã chết từ lâu rồi mới đẩy chúng đến mức sa đọa hổ lốn như vậy.

Thật không thể phủ nhận sự hấp dẫ̉n ma qủy của lý tưởng cộng sản đặc biệt đối với giới trí thức trên khắp thế giới như một thứ mode của dân trí thức trong qúa khứ, nó lôi cuốn thậm chí cả đến hàng giáo sĩ, tu sĩ, cả đến giám mục, hồng y. Nếu ở Trung Quốc có cả một giáo hội công giáo quốc doanh, thì ở VN tuy không có GHCG quốc doanh chính thức, nhưng vàng thau lẫn lộn trong cái gọi là Ủy ban đoàn kết công giáo. Dù muốn dù không một khi đã gia nhập vào tổ chức của nhà nước cộng sản mà Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình vốn bị mang tiếng là giám mục đỏ đã khuyến cáo giải tán ít ra là đối với các linh mục tu sĩ không lâu trước khi ngài qua đời vì ngài thấy hoàn toàn không còn lý do tồn tại. Dù có những linh mục, tu sĩ hay giáo dân trong số đó có thể lúc ban đầu gia nhập tổ chức này vì thiện ý nhưng thử hỏi làm sao có thể làm tôi hai chủ được như Đức Giêsu đã nói. Hoặc theo Chúa hoặc theo cộng sản không thể có con đường ở giữa vì ai cũng biết rõ ràng trên lý thuyết sách vở rành rành, cộng sản chủ trương diệt đạo tận gốc mà chủ yếu là Kitô giáo. Làm sao họ có thể chung sống với cộng sản, nhận được những đặc quyền đặc lợi của chúng ban mà không ít nhiều làm tôi mọi cho chúng, không ít nhiều bán linh hồn cho chúng, không ít nhiều chấp nhận những nhượng bộ phương hại đến chân lý, chưa nói là chấp nhận làm tay sai cho chúng để hưởng lợi lộc, nhất là khi chúng đi đến chỗ̉ phủ nhận chính nguồn gốc, lý tưởng cộng sản ban đầu-là xóa bỏ việc người bóc lột người. Chúng trở thành Tư bản đỏ bóc lột chính những người vô sản nghèo hèn, ngày càng hiện rõ nguyên hình là một con qủy hút máu nhân dân, đồng bào ngay cả những người nghèo khổ nhất.

Chúng nhận mình là con cháu bác Hồ. Một mặt thì đề cao, thần thánh hóa Hồ chủ tịch, ca ngợi đức độ cao dày, những lời dạy mà chúng từng trưng dẫn, thậm chí biến thành khẩu hiệu và gán cho cụ Hồ, trong khi đó lại sống hoàn toàn ngược lại với chính những lời dạy bảo đó. Ví dụ chúng từng rêu rao Hồ chủ tịch dạy yêu nước yêu đồng bào, thì chúng lại cướp nước, bán nước hút máu đồng bào. Hồ chủ tịch dạy cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư thì chúng lại phung phá, vơ vét, kiếm chác vô tư. Hồ chủ tịch dạy cán bộ công an phục vụ nhân dân thì chúng lại sách nhiểu đè đầu bóp cổ nhân dân chẳng khác nào đi bêu nhọ bác Hồ của chúng hay tự chúng cho thấy những lời dạy đó chỉ là điều bịa đặt, còn bác Hồ của chúng cũng chẳng khác gì chúng. Kiểu cha nào con nấy như Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh (mà đúng hơn phải gọi là Tổng Bí Lù Nông Đức Mánh) đã tự nhận chúng là con cái của bác Hồ, làm cho vong linh của Hồ Chí Minh vốn không được nghĩ yên còn phải chịu thêm sự sỉ nhục của chính con cái mình.

Chúng đi ngược lại chính cái gốc gác vô sản mà chúng dựa vào nhằm quy tụ tầng lớp công nông vốn là đại đa số để cướp chính quyền đê. Sau khi cướp được chính quyền chúng chểm chệ ngồi lên chiếc ghế quyền lực, tha hồ vơ vét, làm giầu trục lợi, ăn chơi xa xĩ, sống trên xương máu của đồng bào, của cả những người ít nhiều do bị lừa bịp đã góp công giúp chúng cướp chính quyền. Chúng đã lừa bịp biết bao thanh niên, thiếu nư,̃ nhồi sọ họ với cái lý tưởng giải phóng đồng bào miền Nam thân yêu để họ bán mình, hy sinh, thậm chí cả mạng sống mình cho cái lý tưởng bịp bợm, để rồi cuối cùng, khi vào tới Sàigòn họ bở ngỡ tưởng mình lạc vào một thế giới văn minh phồn hoa nào đó.

Thử hỏi cộng sản giải phóng hay vơ vét cướp bóc làm của riêng. Chưa nói tới chuyện chúng phá hoại văn minh vì dốt nát. Chúng giải phóng cái gì? Giải phóng đồng bào khỏi tiền của, vàng bạc, nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn, gia súc, văn hóa văn minh, phong tục lễ giáo, gia đình, tổ tiên, vợ chồng, con cái ư? Biết bao nhiêu nỗ̉i thống khổ, lầm than, cơ cực, tan thương, ly biệt mà chúng đã gây ra: nào là cái cảnh ăn uống làm việc như súc vật, hành hạ thể xác, tra tấn tinh thần, tạo nên cảnh con khóc cha, vợ khóc chồng, anh em ly tán, nước nhà đổ nát, tan thương, chợ chiều vắng lặng, ruộng vườn bỏ hoang. Biết bao nhiêu sinh linh phải chết oan uổng, trôi sông, lạc chợ, vùi thây chốn sa trường hay trôi nỗi vật vờ trên biển cả mênh mông.

Nổi kinh khiếp cộng sản và khao khát tự do đã làm cho bao nhiêu triệu đồng bào, cả người già em bé, phụ nữ chân yếu tay mềm đành phải từ bỏ quê hương xứ sở, nhà cửa ruộng vườn, bỏ lại đằng sau mình tất cả mọi người thân yêu với biết bao kỷ niệm êm đềm, liều mình với sóng biển, đương đầu với phong ba bảo táp, nạn cướp biển thậm, chí chẳng cần biết đi đến đâu, cập vào bến nào, miễn sao thoát khỏi ách cộng sản, khỏi cơn ác mộng ám ảnh tâm trí họ là đủ rồi.

Chúng đã từng lếu láo mị dân bằng cách nhồi sọ yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, một kiểu ăn cắp văn của nhà đạo (yêu Chúa là yêu giáo hội) trong khi những gì chúng đã và đang làm chứng minh điều ngược lại.

Thử hỏi cái đảng cướp cộng sản hiện nay thuộc về giai cấp nào? Chúng đại diện cho giai cấp nào? Chúng còn trơ trẽn đến độ còn tự nhận mình là cộng sản. Theo nghĩa nào đây? Hay là theo nghĩa cộng sản là cộng mọi tài sản của kẻ khác vào tài sản của riêng mình?

Thử hỏi chúng còn tư cách nào, lý do nào để cao rao chủ nghĩa cộng sản khi chính bản thân chúng đã chối bỏ cái lý tưởng,“căn tính” cộng sản của mình, chà đạp trắng trợn lên những quyền lợi chính đáng, căn bản của nhân dân của đồng bào, của tầng lớp vô sản đích thực. Biết bao nam nữ công nhân từng ngày bị bóc lột với công việc nặng nhọc, không có điều kiện nghĩ ngơi giải trí, đồng lương chết đói, vắt kiệt thể xác lẫn tinh thần, bị ngược đãi bởi các chủ nhân nước ngoài ngay trên quê hương đất Việt, bị tướt mất nhân phẩm, bị bán như những món hàng cho giới chủ nhân nước ngoài như những nhân công rẻ̃ mạt, hoặc làm vợ kiểu Ôsin mà vẫn thầm cảm ơn đảng và nhà nước cải thiện cuộc sống cho mình.

Còn nông dân chỉ có mãnh đất làm kế sinh nhai vậy mà thường xuyên bị chèn ép, sách nhiễu, chiếm đoạt đất đai vô căn cớ, từ miền Bắc cho đến miền Tây Nam Bộ.

Ở thành thị người lao động nghèo chẳng những không được trợ giúp tạo điều kiện làm ăn sinh sống, lại còn bị công an đuổi bắt, thậm chí đánh đập, tịch thu phương tiện lam̀ ăn sinh sống, khi cố gắng buôn gánh bán bưng, trong khi bọn buôn lậu của nhà nước ung dung tự tại, được công an bảo kê.

Rồi nào là những vụ án tham nhũng của các quan chức bị báo chí tố cáo phanh phui nhưng vì đụng đến cấp trung ương, nên được các ngài che chắn, ém nhẹm, bịt đầu mối đến độ các nhà báo và ngay cả công an cấp tướng đụng đến còn bị bắt giử, vùi dập, bịt miệng.

Ai có chút thao thức quan tâm đến vận mệnh nước nhà, đến cảnh ngộ của đồng bào mình mà lại không ngậm ngùi chua xót khi thấy các tham quan ăn trên ngồi trước, ném tiền bạc triệu cho những cuộc ăn chơi xa xĩ, trong khi bên cạnh đó có biết bao nhiêu trẻ em lang thang, thất học, xin ăn đầu đường xó chợ, biết bao người già không ai chăm sóc lê lết tấm thân kiếm ăn qua ngày, biết bao nam nữ công nhân mặt mày phờ phac, xanh xao sau mỗi giờ tan ca, những tốp nông dân lôi thôi lếch thếch đi biểu tình vì bị o ép tước đoạt ruộng đất, hay những người buôn gánh bán bưng sợ sệt khóc lóc khi bị công an rượt đuổi hay tịch thu phương tiện làm ăn thô sơ.

Những người đó không phải là đồng bào của chúng sao? Họ cũng là những con người xứng đáng được hưởng những quyền lợi tương xứng với phẩm gía của mình chứ. Dù sao đi nữa, dù có thể bị coi là đồ phế thải, là gánh nặng của xã hội, họ vẫn đáng giá hơn nhiều so với bọn tham quan ăn bám hút máu nhân dân.

Chính quyền cộng sản cho xây bao nhiêu khách sạn nhà hàng, những nơi ăn chơi giải trí thượng lưu để hốt tiền trục lợi, trong khi bệnh viện hay trường học thì bỏ bê, hay móc tiền túi của dân ra mà làm với danh nghĩa xã hội hoá.

Cứ nghĩ xem, nội chỉ có mấy chiếc ghe, chiếc xuồng đưa học sinh vùng xa qua sông mà chúng còn không thèm chu cấp đàng hoàng, cũng chẳng thèm kiểm tra độ an toàn làm cho biết bao học sinh thơ dại phải chết chìm dưới những dòng sông oan nghiệt.

Chúng có kêu gọi cho vay vốn cho dân nghèo hay lâu lâu tặng một căn nhà tình thương thì băct loa, đài báo kêu to, chẳng qua cùng là lấy cớ để xin viện trợ và hợp thức hoá việc chi dùng viện trợ qua mặt các nhà hảo tâm, số lớn còn lại bỏ túi làm của riêng. Đến cả tiền quyên góp cho nạn nhân bị thiên tai bảo lụt mà chúng còn không tha, lấy làm của riêng,̀ huống hồ gì là tiền viện trợ.

Chúng đưa con cháu của chúng vào ngành hải quan để hốt tiền xây nhà lầu, sắm xe hơi. Chữ̉ tây chữ̉ ta, đọc chữ̉ được chữ̉ mất, nhưng lạỉ giỏi ngó cái túi rủng rĩnh tiền bạc của việt kiều hay ngoại kiều để làm thủ tục đầu tiên (tiền đâu?). Chúng xin đểu đến nổi gây tai tiếng thế giới làm nhục quốc thể, và chỉ cần có tiền là sẳn sàng bán đứng lương tâm, trách nhiệm, cho du nhập bất kỳ thứ rác rưởi gì vào đất nước cũng được, vô tư, chẳng sao cả.

Các cơ quan hành chánh công quyền lẽ ra là để phục vụ nhân dân, lại trở thành phương tiện để chúng hạch sách, làm khổ nhân dân, bố thí, buôn bán dịch vụ, móc túi nhân dân.

Chúng tham lam, ăn dơ ăn bẩn, ăn đủ thứ không chừa bất cứ thứ gì: ăn nhà ăn cửa, ăn đất ăn đá, ăn xi măng, cốt sắt, thậm chí ngay đến cả phân cũng không chừa...

Chúng tìm mọi cớ để chiếm đoạt, xâm phạm đất đai, cơ sở thờ tự, tu trì của các tôn giáo, đàn áp tiếng nói lương tâm đấu tranh cho tự do dân chu,̉ công bình xã hội của các chức sắc tôn giáo, đặc biệt những nơi xa ánh sáng mặt trời, gây chia rẽ phá hoại trong nội bộ hàng ngũ tôn giáo.

Chúng có nới lỏng cho một số hoạt động tổ chức tôn giáo, trao trả một vài cơ sở tôn giáo chẳng qua cũng là để đánh lừa dư luận, lấy lòng dụ dỗ, đánh lạc hướng, khóa miệng các vị lãnh đạo tôn giáo để họ chỉ quan tâm lo những việc nội bộ thuần túy tôn giáo mà dững dưng với thời cuộc, không dám hay không màng đến việc bênh vực công bình xã hội; hoặc vì ích lợi chính trị, ngoại giao hay kinh tế trên trường quốc tế mà thôi.

Điều nguy hại nhất trong các điều nguy hại là chúng làm cho lương tâm i, nhất là của giới trẻ trở nên sai lạc trầm trọng. Chúng phá đổ mọi nền tảng đạo đức xuất phát từ các tôn giáo, thay vào đó là não trạng làm giầu ăn chơi hưởng thụ trụy lạc. Bởi bản thân chúng là những tên đạo đức gỉa, miệng thì rêu rao cổ võ tự do dân chủ, đạo đức nếp sống văn hoá lành mạnh nhưng tay thì đàn áp, bóp ghẹt mọi hình thức đấu tranh dân chủ và mở rộng cho những hình thức ăn chơi văn hóa đồi trụy.

Thử hỏi giới trẻ vốn là tuổi nhạy cảm và dấn thân cho những lý tưởng cao đẹp, vậy mà giới trẻ của VN ra sao? Hậu qủa của bao nhiêu chục năm sống dưới chế độ CS đã tạo nên một thế hệ trẻ có máu làm giầu ăn chơi trác táng hưởng thụ, sống vô trách nhiệm tự hào dân tộc rởm thay vì dấn thân cho những gía trị nhân bản đạo đức công bình xã hội, tự do dân chủ. Cứ theo dỏi những diễn tiến xung quanh các giải bóng đá Tiger hay Sea games thì rõ. Mỗi khi đội tuyển VN thắng, biết bao nhiêu thanh niên nam nữ, thậm chí người lớn nhí nhố, đổ xô ra đường, hò hét la ó, thậm chí đập phá ăn mừng. Còn khi đất nước bị đe doạ bởi nạn xâm lăng của Tàu cộng, khi những quyền căn bản của con người bị chà đạp, khi đồng bào, người lao động, công nhân của mình bị bóc lột, chà đạp nhân phẩm, khi những người nghèo bị đẩy ra bên lề xã hội, thử hỏi được mấy người quan tâm để ý, chứ đừng nói đến chuyện biểu tình.

Cũng dể hiểu thôi. Chính vì quen sống trong một đất nước độc đảng, độc tài chuyên chế, đảng trị, trong cơ chế xin cho, nơi mà quyền tự do bị tướt đoạt, lâu lâu hưởng được một miếng tự do, hít thở được một chút tự do thì mừng quýnh cảm ơn đảng và nhà nước không hết, nơi mà những quyền căn bản của con người bị khinh rẽ chà đạp được coi là chuyện bình thường, thì thử hỏi làm sao giới trẻ có thể có khái niệm về quyền lợi và sự tự do chính đáng để mà đòi hỏi. Ngay cả đến một số đấng bậc tôn giáo của chúng ta mà còn nghĩ mang ơn đảng và nhà nước ban cho “đặc ân” này, “đặc quyền” nọ thì hỏi sao dân ngu khu đen biết cái gì mà yêu với sách.

Vì vậy chẳng có lạ, khi quân cướp bóc chẳng mấy chốc trở thành những đại ân nhân. Lâu lâu chúng nhả cho một miếng xương thừa thải, bố thí cho một vài miếng tự do thì được dân ca tụng, cảm ơn rối rít...

Làm sao để có thể diễn tả, vạ́ch trần cho hết tội ác, bất công của đảng cướp cộng sản gây ra cho dân, cho nước ở mọi cấp độ trong mọi lĩnh vực.

Đã đến lúc những người yêu nước thực sự phải nhìn cho thấu đâu là những lý do đưa nước nhà đến chổ tụt hậu, đến thảm họa xâm lấn của Tàu cộng, đưa đồng bào mình đến sự nghèo nàn và lạc hậu, đâu là quân cướp bóc, bán nước cầu vinh, đục khoét di sản quốc gia, hút máu nhân dân.

Chẳng lẽ chúng ta chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân, gia đình, phe nhóm, cộng đoàn của chúng ta, xem ra không bị đụng chạm quyền lợi, và cho rằng như thế là đủ chăng?

Chẳng lẽ chúng ta lại có thể yên tâm tiếp tục học hành, làm việc một cách dửng dưng khi đất nước đang bị đe dọa xâm lấn từng ngày, đồng bào lầm than cơ cực, bị sách nhiễ̉u, bóc lột, đàn áp, đè đầu đè cổ bởi quân cướp nước, bán nước cầu vinh sao?

Chẳng lẽ chúng ta có thể tiếp tục rao giảng bác ái, nhưng lại đứng bên lề các vấn đề công bình xã hội, dửng dưng với số phận hẩm hiu của hàng triệu đồng bào của mình, bị áp bức bóc lột, khinh rẽ, bị tướt đoạt những quyền lợi chính đáng của công dân sao?

Đã đến lúc mọi người yêu nước có thiện chí thực sự, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái phải vào cuộc, phải đoàn kết chung vai sát cánh quyết tâm một lòng đấu tranh vì dân vì nước, vì tương lai của dân tộc, cho công bình xã hội, tự do dân chủ, sự phồn thịnh của đất nước, hạnh phúc của đồng bào nhân danh công lý, chân lý và tình thương.

Hởi các bạn trẻ, hãy tỉnh dậy đi thôi! Tỉnh dậy khỏi những ảo tưởng mà đảng cướp cộng sản đã và đang nhồi nhét vào đầu các bạn, hãy vun đắp nung nấu lý tưởng đấu tranh cho công bình lẽ phải, tự do dân chủ, phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của đồng bào.

Hởi các đảng viên cộng sản có thiện chí, ước gì lương tri của các bạn vẫn còn đủ sáng để nhận ra lẽ phãi, sự lầm đường lạc lối do bị ma qủy cộng sản nhồi sọ và kịp thời quay trở lại với đường ngay nẻo chính, phục vụ dân nước thực sự bằng việc tự động rút lui khỏi những chiếc ghế quyền lực bao lâu nay giam hãm các bạn, bằng việc góp phần lật đổ đảng cướp thống trị cầm quyền.

Hởi các chiến sĩ bộ đội và công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ở khắp mọi miền quê hương đất nước, hãy có lòng yêu nước thực sự. Hãy nhìn ra đâu chính là kẻ thù thực sự của đất nước, của dân tộc: chính là những tên đang ngồi trên đầu trên cổ các bạn chỉ biết đục khoét, vơ vét của cải làm giàu trên xương máu của chính các bạn, của gia đình các bạn, của đồng bào chúng ta. Hãy mạnh dạn chĩa súng vào những tên kẻ thù của tổ quốc, của dân tộc, những tên đạo đức giả đội lốt minh quân hiền thần hại dân hại nước, bán rẻ lương tâm, tổ quốc, dựa dẫm làm tôi mọi cho Tàu cộng ngoại bang, để mong bảo vệ quyền lực địa vị của mình, buộc chúng rời bỏ ngay tức khắc những chiếc ghế quyền lực.

Hởi các nhà lãnh đạo các tôn giáo, hơn ai hết, tiếng nói và chứng tá anh hùng của các vị có một sức mạnh, ảnh hưởng thần thánh, tạo nên phép lạ như đã từng xảy ra tại Liên Xô và Đông Âu khởi đầu với lời kêu gọi của Đức cố GH Gioan Phaolô II. Các vị có thể tập hợp kêu gọi mọi tín hữu, mọi người thiện chí đồng tâm hiệp ý dấn thân thực sự bênh vực đòi hỏi những quyền căn bản của con người cho đồng bào của mình, đấu tranh để công lý, hoà bình, lẽ phải, chân lý và tình thương thực sự ngự trị trên quê hương VN sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá và nhất là bị đảng cướp cộng sản dày xéo, khai thác đến kiệt quệ.

Chúng ta không thể nhân danh bác ái, ôn hoà để im tiếng, thụ động, để cho quyền lợi chính đáng của mình và nhất là của con dân thấp cổ bé miệng bị chà đạp trắng trợn. Không thể nói chuyện bác ái, khi công lý bị chà đạp. Bác ái đích thật phải dựa trên chân lý. Lại càng ngớ ngẫn hơn khi nghĩ có thể đối thoại với những người đạo đức giả, từ chối nhìn nhận chân lý,̀ những người mà Phúc âm nói tội của họ được xem là tội phạm đến Thánh Thần, không được tha thứ. Đây là lúc phải nói đến quyền tự vệ chính đáng, hay đúng hơn là bổn phận đấu tranh bênh vực cho những người nghèo, theo nghĩa là những người thấp cổ bé miệng, bị khinh rẽ và đẩy ra bên lề xã hội, bằng tiếng nói mạnh me,̃ vạch trần thẳng thừng thói đạo đức giả, như Đức Giêsu đã làm trong thời đại của Ngài. Cần phải có một sự đồng lòng, nhất trí giữa các chủ chăn dấn thân cho công bình xã hội, bằng sự tố cáo vạch trần tội ác của những tên đạo đức giả, gây ý thức cho con chiên về nhiệm vụ đối với trần thế, huy động và tập hợp sức mạnh tinh thần của mọi người đấu tranh cho công lý, công bình xã hội theo tác động của Thánh Thần. Coi chừng việc nhân danh bác ái, chẳng qua là sự che đậy cho sự hèn nhát, muốn được yên thân. Chính quyền chỉ có lý do tồn tại khi nó vì, dân vì nước, đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Một khi chính quyền đi ngược lại, phản bội lợi ích của dân nước, thậm chí chà đạp trắng trợn những quyền lợi chín đáng của công dân, nó hoàn toàn không còn lý do để tồn tại và mọi người dân có nhiệm vụ chính đáng để lật đổ nó bằng nổ lực của riêng mình, theo cách thức mà mỗi người được kêu gọi.

Lịch sử đã chứng minh không có cuộc đấu tranh nào mà không có hy sinh đổ máu, không có vinh quang nào mà không qua khổ giá. Nếu máu của các vị anh hùng tử đạo làm phát sinh những hạt giống đức tin thế nào, thì máu của những vị anh hùng dấn thân đấu tranh cho công bình xã hội, tự do dân chủ, chân lý và tình thương sẽ phát sinh hạt giống bình an, hoan lạc trên đất nước VN.

Hãy tin rằng ma qủy dù có mưu mô qủy quyệt đến đâu cũng đã bị đạp nát đầu. Mọi thế lực bạo chúa, tàn ác cũng có lúc diệt vong. Từ Nêrô, Tần Thủy Hoàng, cho đến Hitler, Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, dù cho có tung hoành ngang dọc một thời rồi cũng phải ngã gục dưới lưởi hái của tử thần.

Nhưng ho chết mà vẫn không được yên, bởi sử sách vẫn mãi lưu danh như những tội phạm của nhân loại.

Hãy tin rằng ngày tàn của đảng cướp cộng sản VN đang đến gần. Tất cả sự hung hãn đê hèn, mất tính người của chúng thể hiện qua việc vùi dập những người đấu tranh cho dân chủ, tự do và công lý vì lý do lương tâm, đặc biệt qua vụ Tam Toà gây phẩn nộ khắp nơi trong nước và trên thế giới, nói lên sự yếu nhược tận căn, là những nổ lực giãy dụa sau cùng trước khi ngả gục.

Chúng ta có quyền mơ ước đến một quê hương đất nước, dân chủ, tự do, công bình, dân chúng được ấm no, an vui, hạnh phúc, đối xử với nhau bằng tình người chân thật trong một thế giới yêu thương.

Để hiện thực giấc mơ đó, chúng ta, hơn tám mươi triệu công dânVN hãy ra sức góp phần vào sự cáo chung của đảng cướp cộng sản VN. Hay có lẽ chính chúng đang cần mỗi người trong chúng ta đưa một ngón tay đẩy chúng xuống cái huyệt mà chính chúng đang đào để chôn lấp bản thân chúng.

13/8/2009
 
Tôi cũng muốn làm ''quần chúng tự phát''
Tạ Phong Tần
17:34 13/08/2009
Sau thời gian hơn 11 năm lăn lông lốc qua các đơn vị: CSĐT, CAP, CSHS, ANĐT (CA tỉnh BL), CL&ST tui tổng kết kinh nghiệm bản thân mình về "xã hội đen" (XHĐ) như sau:

1- XHĐ không bao giờ cố ý đánh nhau với thường dân nếu đương sự không xâm hại gì đến quyền lợi của băng nhóm mình; (Cái này tui đã đích thân "bị thử nghiệm" khi tự dưng xe chết máy đúng vào lúc 2 băng XHĐ trẻ vác mã tấu ào ào lăn xả vào chém nhau trên Xa lộ Hà Nội vào buổi tối năm 2005, nhưng không thằng nào thèm chém tui, bởi lẽ chúng nó thấy tui dắt xe đi bộ và đội mũ bảo hiểm thì biết ngay tui không phải "địch". Tui dắt xe vào lề đường đứng lại xem cho đến tàn cuộc chiến, nghe tiếng còi xe cảnh sát hú thì mạnh ai nấy chạy).

2- XHĐ cũng có "nghĩa khí giang hồ" của XHĐ (không giống truyện kiếm hiệp của Kim Dung Tiên sinh nhưng cũng tương tự như vậy), thường dân đừng vội khinh thường XHĐ mà lầm. XHĐ nhiều người hành xử đáng kính nể hơn những kẻ gian hùng đạo đức giả, miệng giảng thuyết giáo điều, tay bốc đô-la sau lưng;

3- XHĐ đánh nhau với XHĐ trong các trường hợp: giành địa bàn làm ăn, thu phục băng nhóm khác, giành gái, bảo kê;

4- XHĐ cũng có thể câu kết với chính quyền (Ví dụ: CA) trong những trường hợp "2 bên cùng có lợi" và XHĐ sẳn sàng "tung hê mọi bí mật" thành "bật mí" nếu chính quyền "phản thùng", sẳn sàng "giải quyết đẹp" luôn cả chính quyền (Ví dụ: cài cắm cơ sở, đặc tình vào băng ổ nhóm nào đó để giương bẫy bắt cho được đối tượng bị CA "chấm" trước nhưng sau đó bỏ tù luôn cơ sở, đặc tình). Hoặc XHĐ khi nhậu xin xỉn cũng có thể khoe khoang "thành tích" của mình để lấy le với đồng bọn, băng nhóm khác thì bộ mặt chính quyền bị XHĐ bôi tro trát trấu trở thành tà quyền. Vì vậy, dùng biện pháp chính quyền câu kết XHĐ là con dao 2 lưỡi.

5- XHĐ không bao giờ rời địa bàn của mình đến địa bàn khác đánh nhau loạn xạ không mục đích (ở ý 2) bởi lẽ XHĐ hiểu rất rõ quy củ giang hồ "rừng nào cọp nấy", lạng quạng chúng đánh má nhìn không ra.

6- XHĐ cũng sợ "ủ tờ" lãng nhách nếu phạm vào ý 1 ở trên.

Tui có thể mạnh dạn khẳng định rằng: XHĐ cũng biết sợ "ủ tờ", sợ chính quyền, nên làm XHĐ là "5 ăn 5 thua", không oai chút nào hết. Thời gian gần đây, sau khi đọc tất tần tật các loại tin tức lề trái lẫn lề phải về sự kiện Thái Hà, Tam Tòa, tui thấy có một thứ lực lượng mới oai vệ hơn XHĐ rất nhiều, đó là "quần chúng tự phát". Đây là lực lượng "chỉ có ở VN", không có ở bất cứ quốc gia "đang giãy chết bên bờ vực thẳm" nào.

CL&ST tui cũng muốn làm "quần chúng tự phát", bởi lẽ:

1- Thích đánh dân chúng thế nào thì cứ đánh vô tội vạ, đánh đổ máu, đánh gây thương tích, gãy răng, gãy tay, đập tài sản, ném đồ dơ, chận xe... nếu thấy bọn họ có hành động, cử chỉ gây "đỏ con mắt bên trái, ngứa con mắt bên phải" của mình. Vô tư đi, "quần chúng tự phát" có thể vi phạm pháp luật ngay trước mặt chính quyền mà không bị "ủ tờ" đâu, bằng chứng là từ trước đến nay tui chưa thấy quý vị "quần chúng tự phát" nào bị pháp luật sờ gáy cả.

2- In truyền đơn phát tán tự do với lời lẽ hăm dọa giết người sặc mùi dao búa, vô pháp vô thiên, xem thường tính mạng người khác, đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự "đe dọa giết người"... nhưng không hề bị truyền thông nhà nước đưa tin, lên án; "uy thế" hơn hẳn bọn trộm cắp, cướp giật, lừa đào, hiếp dâm, côn đồ tép riu mỗi ngày vẫn xuất hiện hà rầm trên mặt báo.

3- Oai hơn cả Công an. Công an còn phải dựng cho mình cái vỏ bọc "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", cá nhân Công an nào muốn làm xằng làm bậy thì lén lén làm, ai nói đến thì chối bay chối biến, chớ đâu dám làm công khai như "quần chúng tự phát".

4- Được "lưu danh thiên cổ" mà không cần có tài năng, đạo đức, trình độ văn hóa gì ráo, thậm chí ngược lại càng tốt.

5 - Nghe đồn làm "quần chúng tự phát" thì được phát tiền. (Lý do này quan trọng đại nhất nhưng tui chưa tự kiểm chứng được, nêu lên để bà con tham khảo thôi).

...

Ô hô! Làm "quần chúng tự phát" là sướng nhất. Quý vị nào còn lý do khác, mời phát biểu ý kiến nào!

(Nguồn: Blog http://conglysuthat.multiply.com/journal/item/618/618)
 
Bài hát: Tam Tòa Thắp Sáng Niềm Tin
Nhạc: LMT, thơ: Nắng Saigòn
17:45 13/08/2009
 
Nghe bài hát: Mẹ giáo phận Vinh, Mẹ Tam Tòa
GP Vinh
17:53 13/08/2009