Ngày 13-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngọn lửa tình yêu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:24 13/08/2013
Chúa Nhật XX THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 12, 49-53

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Nghe ngọn lửa bùng cháy, ai cũng cảm thấy sợ sệt bởi vì lửa cháy bừng có thể thiêu rụi nhà cửa, ruộng vườn vv…Nếu con người không ngăn chặn ngọn lửa kịp thời. Đọc Tin Mừng, chúng ta nhiều khi cũng cảm thấy lo âu, đặc biệt là đoạn Phúc Âm của thánh Luca hôm nay với những lời nguyền rủa của Chúa Giêsu :” Thầy đã đến để ném lửa vào mặt đất và Thầy ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên “. Nghe những lời này của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ đâm ra sợ sệt, lo âu. Nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy và hiểu rõ hơn ý của Chúa Giêsu muốn nói.

Trong đoạn Tin Mừng này, trước hết chúng ta phải hiểu chữ lửa theo ý Chúa. Lửa ở đây, giống như Việt Nam chúng ta có câu ca dao :” Lửa thử vàng, gian nan thử đức “ . Lửa là đức tin, là đau khổ. Đức tin có được trui luyện, có được củng cố, thanh luyện, đức tin mới trở nên vững vàng vì “ Đức tin không có việc làm là đức tin chết “. Chúa Giêsu cũng nói : “ Thầy phải chịu một phép rửa và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”. Phép rửa trong bài Tin Mừng có nghĩa là đau khổ. Điều này nói đến cuộc khổ hình của Chúa Giêsu trên Thập giá. Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu đau khổ là con đường, là cách thức Chúa Giêsu đã chọn để cứu độ chúng ta, do đó, chúng ta cũng phải đi theo con đường của Chúa :” Tôi tớ không lớn hơn Thầy…”. Đây là cách thức duy nhất Chúa đã chọn để làm gương cho mọi người chúng ta.

Ý nghĩa khác nữa trong bài Phúc Âm của thánh Luca :” Chúa báo trước cho những ai tin theo Ngài là vì đức tin, vì theo đạo, vì theo Ngài, họ có thể bị chính những người thân yêu của mình khinh chê, ghen ghét, ruồng bỏ vv…Đọc Sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận thấy rất rõ cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã gặp khốn khó khi ở trong một gia đình có một hay hai người quyết định tin theo Chúa thì họ liền bị những người thân trong gia đình ngăn cản, ghen ghét, khó chịu, ruồng bỏ vv…Còn trên bình diện rộng lớn hơn, lịch sử của đạo đã cho hay có nhiều Vị Thánh Tử Đạo đã bị Vua Chúa Quan Quyền ruồng rẫy, bắt bớ, giam cầm và kết án tử hình.

Lịch sử Hội Thánh cho thấy, đức tin rất cần thiết cho mọi người để người môn đệ Chúa có thể bền vững tới cùng. Lửa mà Chúa nói đến ở đây cho chúng ta hiểu về thứ lửa thiêng liêng mà Chúa thắp sáng trong tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận, lửa này sẽ gây nên trong chúng ta những hiệu quả tốt nhờ đó chúng ta luôn biết cảm tạ Chúa vì tất cả đều là hồng ân Chúa ban, rồi chúng ta luôn tìm Chúa, luôn hướng về Ngài, luôn nhìn lên cao để trái tim chúng ta đốt cháy ngọn lửa yêu mến Chúa. Sau đó, chúng ta luôn khao khát nói về Chúa bởi trái của chúng ta đầy ắp Chúa, thắp sáng cho mọi người thấy Chúa. Chính vì thế, dù đang sống nơi trần gian với những khó khăn thử thách, với những cám dỗ của ma quỷ bủa vây, giăng mắc, chúng ta vẫn luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa.

Sống nơi gian trần, chúng ta đang bước từng bước trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta đã chọn Chúa, đã đến, xem, ở lại và đi theo Chúa trong Hội Thánh, dưới mái nhà tình thương là Đạo Công Giáo mà Chúa thiết lập. Và sự chọn lựa đi theo Chúa, sống cho Chúa, phục vụ anh em là nếp sống, tư duy và hành động của chúng ta.. Nên, mọi thứ khác như tiền tài, vật chất, của cải, danh vọng phải là thứ yếu đối với chúng ta. Mọi thử thách, chông gai, đau khổ, thử thách gian nan không làm chùn bước chúng ta và không làm lung lay hành động tốt, tư duy chân chính của chúng ta. Chúng ta chọn Chúa hay chọn tiền tài, danh vọng. Đây là những vấn nạn đòi chúng ta nghiêm túc trả lời và giải đáp.

Thánh Augustinô viết :” Tốt đẹp biết bao vì Thiên Chúa là ngọn lửa bùng cháy làm cho chúng ta biết yêu mến Người “. Ngọn lửa của Chúa là ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đến để biến đổi con người của các tông đồ. Ngọn lửa ấy phải được chiếu tỏa rộng khắp nơi mỗi người và trên khắp cùng thế giới này.

Cha Vincent Cabanac đã nói :” …Chúng ta cũng có thể đốt cháy lên tình yêu vì Chúa và vì tha nhân, như ngọn nến cháy sáng đảm bảo sự sống đang tồn tại, và chiếu sáng vào nơi tối tăm hay một con tim rực cháy thúc đẩy chúng ta trao ban tất cả. Bằng những lời nói khiến cho người nghe ngạc nhiên, Chúa Giêsu không trở thành mối đe dọa, nhưng lời nói của Người làm cho đời sống của chúng ta nên thanh sạch bằng cách mạc khải cho chúng ta điều cần thiết này “.

Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa.Xin Chúa Thánh Thần hãy đến để biến đổi tâm hồn cứng cỏi của chúng chúng con bằng chính lửa yêu mến Chúa. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Phép rửa ở đây có nghĩa là gì ?
2.Lửa theo Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này là gì ?
3.Đạo Công Giáo là Đạo gì ?
4.Lời nói của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm hôm nay có ý gì ?
5.Đi theo Chúa chúng ta phải theo con đường nào ?

 
Đức Mẹ hồn xác về trời
Lm JB. Nguyễn Minh Hùng
22:10 13/08/2013
ĐỨC MẸ HỒN XÁC VỀ TRỜI

Ta không biết gì về việc Chúa rước Đức Mẹ hay Đức Mẹ rời cuộc sống trần gian bằng cách thức nào. Chỉ có một văn bản ngụy thư “Đức Mẹ đi vào giấc ngủ” (Mary’s Dormition), thế kỷ thứ V, cho biết, những giây phút cuối đời của Đức Mẹ, khi các tông đồ vây quanh để cầu nguyện thì Chúa Kitô đến đưa Đức Mẹ về Thiên Đàng. Dù sao truyền thống của Hội Thánh và một vài hình ảnh mà nhiều bản văn Kinh Thánh gợi lên, củng cố cho đức tin của chúng ta trong việc nhìn nhận Người Mẹ Thật của chúng ta đã tiên phong hưởng hạnh phúc cả hồn lẫn xác.

I. TRUYỀN THỐNG ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH.

Niềm tin Đức Mẹ được triệu hồi cả hồn lẫn xác về trời bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của Hội Thánh. Đến thế kỷ VI, Hội Thánh phương đông đã sớm cử hành lễ Đức Mẹ Đi Vào Giấc Ngủ vào khoảng giữa tháng giêng. Sau này, hoàng đế Maurice (582-602) xác định dứt khoát lễ nay cử hàng ngày 15 tháng 8.

Với lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, Đức Giáo Hoàng Theodore (642-649) đã muốn thiết lập lễ này cho nghi lễ Rôma ngay thế kỷ sau đó, thế kỷ thứ VII. Năm 813, Công Đồng Mayence truyền cho toàn Châu Âu cử hành lễ này với tên gọi là Lễ Mông Triệu (Thiên Chúa triệu hồi Đức Mẹ về trời), chính thức nhìn nhận cách mặc nhiên Đức Mẹ được triệu hồi về trời.

Đến năm 1854, sau khi đức Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì phong trào sùng kính Đức Mẹ vốn đã mạnh mẽ từ lâu trong Hội Thánh, nay như được dịp khuấy động dữ dội hơn. Chỉ trong vòng chưa đầy một trăm năm sau, tính đến năm 1945, khắp thế giới có khoảng tám triệu thỉnh nguyện thư của các tín hữu và khoảng gần 100. 000 thỉnh nguyện thư khác đến từ các giám mục, linh mục, các tu sĩ, các nhà thần học xin Tòa Thánh chính thức xác định tín điều về Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên hay Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Trước những lời thỉnh cầu tha thiết ấy, để có thể quyết định một cách thận trọng nhất vấn đề đức tin quan trọng này, Đức Piô XII công bố Thông Điệp Deiparae Virginis để xin ý kiến Giám mục đoàn trên khắp thế giới. Thật lạ lùng, sau năm năm hỏi ý kiến, chỉ có sáu giám mục nghi ngờ về tính chất ‘mặc khải’ của việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Dù niềm tin Đức Mẹ hồn xác về trời đã có từ rất lâu trong truyền thống Hội Thánh, nhưng mãi đến ngày 1.11.1950, tức vào ngày lễ các thánh Nam Nữ, bằng một phán quyết long trọng: “Chúng tôi khẳng định, chúng tôi tuyên bố và chúng tôi minh định như một tín điều được Thiên Chúa mặc khải rằng Đức Maria Vô Nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc sống trần gian, đã được cất nhắc về vinh quang trên trời cả xác lẫn hồn” (tông hiến Munificentissimus Deus), Đức Piô XII đã công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Đức Giáo hoàng đã không chọn ngày nào, lại chọn ngày lễ các thánh Nam Nữ để công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tôi thấy có một ý nghĩa lớn: Giữa hàng ngũ các thánh của Chúa, Đức Maria trổi vượt trên tất cả về sự thánh thiện và lòng yêu mến Chúa. Sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Mẹ đã mở đường cho Đức Mẹ đi tiên phong trước mọi thụ tạo, tiến về cùng Chúa, hưởng vinh quang nơi Chúa bằng toàn bộ con người, gồm cả xác lẫn hồn của Đức Mẹ.

II. VÀI HÌNH ẢNH GỢI Ý TRONG CÁC BẢN VĂN THÁNH KINH CỦA NGÀY LỄ.

Ta chú ý lời của Đức Maria trong Tin Mừng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47). Chính Đức Mẹ – Đức Mẹ chứ không phải bất cứ tập thể hay cá nhân nào, dù là Hội Thánh hay chúng ta – đã ca ngợi Chúa, ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Đức Mẹ đã tuyên xưng hành động cứu độ của Chúa, và gọi Chúa là “Đấng Cứu độ tôi”.

Những chữ “Đấng Cứu độ tôi”, quả thật là lời quy hướng về Chúa. Đức Mẹ đã nhìn nhận, đã tin tưởng thực sự rằng: Chỉ có Chúa, chỉ trong Chúa, Đức Mẹ mới được vinh quang và hạnh phúc vô cùng như thế.

Lời ca ngợi quy hướng về Thiên Chúa của Đức Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”, còn được hỗ trợ bởi nhiều lời Kinh Thánh khác.

Chẳng hạn, lời thánh Phaolô trong bài đọc II: “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của nhữn kẻ yên giấc…Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực” (1Cr 15, 20tt).

Đã từng có ai thuộc về Chúa Kitô như Đức Mẹ? Bởi thế, nếu Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, đã trở về trời cả hồn và xác, thì Đức Mẹ, người thuộc về hoa quả đầu mùa ấy một cách trọn vẹn, cũng được đưa về trời hồn xác, không có gì là điều khó hiểu. Bởi chính Đấng Cứu Độ đã thực thi ơn cứu độ trên khắp nhân loại, chắc chắn sẽ thực thi cách hoàn hảo nhất hành động cứu độ ấy trên chính người mẹ của mình.

Bài đọc I, trích sách Khải Huyền kết thúc: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta và uy quyền của Chúa Kitô của Người đã được thực hiện” (Kh 12, 10).

Đây là lời nhấn mạnh sự chiến thắng trong ơn cứu độ của Chúa Kitô. Chắc chắn như chúng ta, Đức Mẹ đã không thể làm gì ngoài sức mình. Nhưng Đức Mẹ biết dùng sức mình để chiến đấu trong ơn thánh Chúa. Đức Mẹ đã không sống hay làm một mình, nhưng phó thác đời mình cho Chúa, để nhờ Chúa mà Đức Mẹ chiến thắng.

Bởi Đức Mẹ tin chắc rằng, dù phải sống trong đau thương đến đâu, thậm chí nỗi đau đớn đến cùng cực như người mang thai “kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con”, hay sự dữ ập đến hãi hùng như “con rồng đỏ khổng lồ” đang đe dọa dữ dội, thì sự cứu độ của Chúa và vương quyền của Chúa Kitô đã được thực hiện.

Mà sự cứu độ của Chúa đã được thực hiện, thì sự cứu độ ấy, chắc chắn bao trùm lên chính cuộc đời của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã sống và chiến đấu với mọi thử thách trong Chúa. Ơn cứu độ dành cho tất cả những ai kiên trì chiến đầu và chiến thắng. Ơn cứu độ ấy thật xứng đáng trước tiên dành cho Mẹ của Chúa Kitô, Người Nữ Chiến Thắng.

Điểm qua ba bài đọc, ta nhận ra: cùng đích của mọi ơn lành là chính Chúa Kitô. Bởi thế, dù là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng Hội Thánh lại mời gọi ta hướng về Thiên Chúa, hướng về Chúa Kitô. Bởi chỉ nhờ ơn cứu độ do Chúa Kitô thực hiện trong cuộc phục sinh vinh hiển của Người, theo ý Thiên Chúa, Đức Mẹ mới được đưa ra khỏi trần gian, được trọng thưởng đặc biệt hồn xác lên trời.

Bởi vậy, mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời là mừng sự nối kết gần gũi hết sức giữa niềm tin Mông Triệu của Đức Mẹ và niềm tin phục sinh của Chúa Kitô, người Con một yêu dấu của Đức Mẹ. Đó là sợi dây liên kết tất yếu giữa Mẹ và Con.

Bởi như Chúa đã phục sinh thế nào, thì Mẹ của Chúa cũng là người trước hết hưởng vinh quang phục sinh của Con mình thế ấy. Chúa đã không để Đức Mẹ chịu cảnh hư nát, vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa, Đấng Vĩnh Cửu. Vì vậy, chúng ta tôn vinh Đức Maria hồn xác lên trời, cũng đồng thời là lúc chúng ta tôn vinh mầu nhiệm phục sinh cao cả của Chúa Kitô.

Đức Mẹ đã về trời, đó là dấu chỉ hữu hiệu cho đức tin của ta: Tương lai không còn là điều đáng ngại hay lo lắng, nhưng trở nên điều đáng quan tâm xây dựng, và cuộc sống này trở thành những ngày chuẩn bị cho tương lai ấy.

Chúng ta chuẩn bị bằng cách bắt chước Đức Mẹ sống lành thánh trong tin yêu, sống niềm phó thác tuyệt đối trong tay Chúa, biết lắng nghe, thực thi Lời Chúa, sống tư cách làm con Chúa trong đời sống bác ái với anh chị em. Nhất là với những người từng giờ, từng phút chia sẻ cuộc sống thánh hiến với chúng ta…

Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ để thấy rằng, Đức Mẹ dù là người Nữ Chiến Thắng, người Nữ Vinh Quang với triều thiên sao sáng, nhưng bị vây bủa đầy chông gai, thử thách.

Nhìn lên Đức Mẹ như thế, để nhận ra chính mình mà vững niềm cậy trông. Bởi chúng ta cũng phải cam chịu nhiều thử thách.

Vinh quang chỉ có thể lớn lên từ trong thử thách mà thôi.

III. NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ: SỐNG ĐỨC TIN TRỌN VẸN.

Chúng ta đang sống trong năm Đức Tin. Một lần nữa, chúng ta lại nói với nhau về đức tin, để nhận diện lại khuôn mặt của đức tin trong chúng ta, nhằm có thể dâng hiến lên Thiên Chúa một đức tin lấp lánh, khả dĩ cầu mong đẹp lòng Chúa, cầu mong Chúa thương tặng ban phúc lành của Người dồi dào trên chúng ta.

Nhưng không chỉ nói về đức tin, mà phải là một đức tin trọn vẹn như Đức Mẹ. Ước mong trong dịp mừng lễ Đức Mẹ được triệu hồi cả hồn và xác về trời, chúng ta cũng được Chúa ban thêm đức tin, để cũng được tin một cách trọn vẹn như Đức Mẹ. Và càng ước mong nhiều hơn, nhờ đức tin trọn vẹn, qua một đời làm người, nhất là làm người sống ơn gọi tu trì, chúng ta sẽ được Chúa đưa về trời hưởng cuộc sống vững bền, quý báu.

Tin trọn vẹn vào Chúa. Đó là nhân đức thứ nhất mà ta có thể nhận ra nơi Đức Mẹ. Đức Mẹ tin Chúa ngay cả những lúc biến động nhất, đen tối nhất, thất vọng nhất. Đức Mẹ tin Chúa ngay cả khi xem ra như không còn gì để tin. Đức Mẹ đã ngã mình vào tay Chúa, để mặc Chúa dắt dìu, đưa lối và chủ động tất cả trong suốt hành trình dương thế của Người.

Như Đức Mẹ, và để tỏ lòng thảo hiếu với Đức Mẹ, Chúng ta cũng phải có lòng tin trọn vẹn. Thư gởi tín hữu Do thái dạy: “Chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền” (Dt 10,22).

Như vậy, bằng một đức tin trọn vẹn, chúng ta sẽ được giải thoát, được cứu chữa, được thứ tha, đến nỗi lương tâm được tẩy sạch, và thân xác được tinh tuyền.

Đức Mẹ, một khi đã tin tưởng vào Chúa, thì bằng chính đức tin sáng ngời ấy, Người đã được giữ gìn, đã được thánh hóa đến mức hoàn hảo, đến mức trắng trong. Đức tin trọn vẹn đã đưa Đức Mẹ đến gần Chúa, đến với ơn thánh hóa lớn lao của Chúa.

Cũng vậy, thánh Phêrô khuyên hãy lấy đức tin mạnh mẽ mà chống lại ma quỷ là kẻ tìm đủ cách để tiêu diệt đức tin của chúng ta : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (Pr 5,8-9).

Cùng bàn về đức tin, thánh Gioan tông đồ khuyên các tín hữu đầu tiên trong Hội Thánh hãy tin thật trong lòng: “Ai tin Con Thiên Chúa, kẻ đó phải mang lời chứng ấy trong lòng mình” (1 Ga 5,10).

Có lòng tin, ta sẽ đủ mạnh chống lại ma quỷ, tránh xa tội lỗi, và ngày càng lớn lên trong ân sủng Chúa. Một lòng tin mạnh mẽ đã kết hợp Đức Mẹ với Chúa Giêsu thế nào, thì chúng ta, khi sống lòng tin ấy, cũng sẽ nên một với Chúa như thế. Được kết hợp với Chúa chính là sức mạnh vô cùng của loài người chúng ta, nhằm chống lại sự dữ, chống lại cám dỗ, chống lại ba thù.

Đức tin sẽ giúp chúng ta can đảm và bền đổ đến cùng trong ơn gọi theo Chúa của mình. Chúa Giêsu khuyên hãy chọn đứng về phía đức tin, để mãi mãi đời ta được bảo đảm, được bao bọc bởi phần rỗi cao cả đời đời, chứ không phải chỉ là những sự chóng qua ở đời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn đời đời, nào được ích lợi gì?” (Mc 8,36).

Tác giả Thư Do Thái cũng khuyên hãy sống bền đổ trong đức tin cho đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc: “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10,39).

Nhìn về Đức Mẹ, chúng ta an tâm khi đặt trọn đức tin của mình vào Chúa. Bởi Đức Mẹ là hình ảnh báo trước, là mẫu mực cho tất cả những ai tin vào Chúa, mà Chúa đã đặt để như tấm bia, như vách núi sừng sững báo trước sự trung thành trong lời hứa và sự trả công cho tất cả những ai dám đặt đời mình trong tay Chúa.

Nói cách khác, qua Đức Mẹ, Chúa ngỏ lời với chúng ta rằng: Những người tin trọn vẹn vào Chúa, sẽ được Chúa trọng hậu, yêu mến và dành một chỗ đứng cao sang trong đời vĩnh cửu. Bởi Đức Mẹ đã đạt được sự toàn mỹ, chúng ta cũng sẽ chạm đến sự toàn mỹ ấy, khi vững vàng tin vào Chúa.

Nhưng lòng tin trọn vẹn cũng đòi phải tuyên xưng ra bên ngoài. Chúa Giêsu nói rõ: “Ai chấp nhận Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ chấp nhận kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng sẽ chối kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời ” (Mt 10,32-33 ).

Thánh Phaolô quả quyết với tín hữu Rôma: “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Thánh nhân còn căn dặn giám mục Timôthê: “Con hãy sống gương mẫu về đức tin” (1 Tm 4,12).

Sống đức tin trọn vẹn còn đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau bênh vực đức tin. Thánh Phaolô mong ước tín hữu Philiphê hiệp nhất với nhau để bênh vực đức tin: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em. Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban” (Pl 1,27-28).

Tắt một lời, đức tin là cánh cửa đầu tiên mở ra cho đời Kitô hữu của chúng ta đi gặp Đấng Cứu Độ mình. Hơn ai hết, những Kitô hữu sống ơn gọi tu trì như từng người đang hiện diện đây, cần phải có đức tin mạnh mẽ, đức tin kiên cường, đức tin vượt thắng, đức tin say sưa trong yêu thương, đức tin điên cuồng trong từng hoàn cảnh cho dù đau khổ hay hạnh phúc…

Đức Mẹ như vầng dương chiếu soi cho cuộc đời chúng ta. Mạnh dạn sống như Đức Mẹ đã sống, mạnh dạn tin trọn vẹn như Đức Mẹ đã tin, chúng ta không sợ lạc lối.

Đức Mẹ là khuôn mẫu của lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa của chúng ta. Rập khuôn theo Đức Mẹ chúng ta yên lòng, vì chắc chắn khuôn mẫu ấy chiếm được lòng yêu mến của Chúa.

Chúa không chỉ đón nhận Đức Mẹ, mà là đón nhận một cách triều mến tác phẩm xinh đẹp của Chúa. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta tin chắc rằng, chúng ta cũng là tuyệt phẩm trong tay Chúa như Đức Mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ công nghiệp của Đức Mẹ, xin thánh hóa toàn bộ cuộc đời chúng con, để chúng con cùng được như Đức Mẹ, xứng đáng lãnh lấy phần thưởng đời đời trên thiên quốc. Amen.

Tân Thạnh Đông ngày 13.8.2013

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đã tìm ra vị linh mục bí ẩn trong tai nạn ở Missouri.
Têrêsa Thu Lan
09:44 13/08/2013
Jefferson City, Missouri, 12 tháng 8 năm 2013 / 02:12 (CNA) -. Vị linh mục bí ẩn đã xức dầu cho cô thiếu nữ bị tai nạn xe ở gần Center, Mo. đã được xác định là Cha Patrick Dowling, của Giáo phận Jefferson.

"Tôi cảm ơn Thiên Chúa và những nhân viên cứu hộ đã có một trình độ thông thạo đáng ngạc nhiên," cha Dowling đã bình luận như vậy với CNA.

"Tôi cảm ơn họ đã chào đón tôi trong một tình huống căng thẳng như vậy và đã cho phép tôi thi hành chức vụ linh mục."

Cô Katie Lentz đã bị mắc kẹt trong chiếc Mercedes loại cũ, bị đâm vào bởi một chiếc xe vượt qua đường ranh. Tài xế chiếc xe đó đã bị buộc tội Say Rượu Khi Lái Xe (DWI).

Nhân viên cứu hộ đã mất một giờ để cố gắng đưa cô Lentz ra, nhưng vỏ xe rắn chắc đã làm mòn các thiết bị khẩn cấp cuả họ.

Mặc dù đường cao tốc đã bị chặn lại, "tôi đã không đậu lại với những chiếc xe khác", Cha Dowling cho biết. Ngài đã lái xe đến thật gần, "và đi bộ 150 mét còn lại. Tôi hỏi người cảnh sát nếu có cần một linh mục không... Sau khi kiểm tra, ông ta cho phép tôi tới. "

"Khi cô gái xin tôi cầu nguyện cho chân cô bớt đau, tôi đã làm như vậy. Cô xin tôi cầu nguyện lớn tiếng và tôi đã đọc kinh lớn tiếng một thời gian ngắn... các nhân viên cứu hộ cần có chỗ để làm việc, và không muốn bị ai quấy rầy. Tôi bước sang một bên và lần chuỗi Mân Côi âm thầm cho đến khi cô gái được đưa ra khỏi xe. "

Một khi cô Lentz đã được giải thoát, Ngài giải thích, "Sau đó tôi bắt tay với anh cảnh sát, cảm ơn anh, rồi đi. Tôi rất ngưỡng mộ sự điềm tĩnh của tất cả mọi người tham gia. "

"Anh cảnh sát xa lộ tỏ ra bình tĩnh đáng ngạc nhiên và hoàn toàn kiểm soát mọi sự việc. Tất cả mọi người làm việc trôi chảy như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. "

Cha Dowling cho CNA biết Ngài đã ban phép xá tội (cấp bách) và xức dầu cho cô Lentz.

Ngài cho biết đó là nhiệm vụ thông thường của một linh mục, "trong những trường hợp ngoại thường, việc xá tội (cấp bách) được cử hành cùng lúc với việc xức dầu."

"Quí bạn nên biết rằng, có rất nhiều người đã cầu nguyện ở đó, nhiều người, nhiều người lắm... và họ đều rõ ràng là cầu nguyện để chữa lành và cho sự an toàn của cô ấy."

"Có lẽ tôi chỉ là một phần kết quả của lời cầu nguyện của họ, tôi đến và Xức Dầu và xá tội, (nhưng) tôi đã không nói một lời nào... tôi đã không nói bất cứ điều gì giống như là các máy móc sẽ bắt đầu làm việc hoặc họ sẽ thành công cứu cô ấy ra khỏi xe. "

"Điều đó đã không đến từ môi miệng của tôi, mặc dù có tới hai người noí rằng họ đã nghe như thế."

Ngày hôm đó Cha Dowling lái xe qua vùng Center trên đường về sau khi làm lễ ở Ewing. Ngài là người gốc Ai-len (Ái Nhỉ Lan), được thụ phong linh mục cho Giáo phận Jefferson vào năm 1982. Ngài đã phục vụ tại nhiều giáo xứ trong giáo phận, và đã hai lần đi truyền giáo tại Peru.

Cha Dowling hiện đang là tuyên úy các nhà tù và phục vụ những người nói tiếng Tây Ban Nha của Giáo phận Jefferson.

Cập nhật:

Cha Dowling đã tới thăm cô Lentz ở phòng cấp cứu. Ngài tả rằng "khi tôi nói cho cô ấy biết tôi là linh mục đả xức dầu cho cô thì cô ấy bật khóc, tôi không hiểu tại sao."

Ngài phỏng đóan với một chút hài hước: "Có lẽ tôi là một thất vọng lớn nhất cho cô ấy, vì tôi không phải là một thiên thần gì cả."

Mặc dù trên đầu của Ngài có một mái tóc "muối tiêu" chứ không phải là một vòng haò quang chói lói, nhưng gia đình cuả cô Lentz cho biết Ngài là một thiên thần đối với họ: " Rõ ràng Chuá đã thương Katie cách đặc biệt và đã gửi những người trợ giúp đến"

Về chuyện có thiên thần hay không, cha Dowling kết luận trên thông cáo chính thức cuả mình như sau:

"Tôi nghĩ rằng đã có nhiều thiên thần ở đó, với bối cảnh (cách suy nghĩ ) như thế, tôi xin được ca ngợi đội chữa lửa cuả New London và Hannibal, các vị Cảnh sát trưởng / nhân viên của Ralls County, các nhân viên cảnh sát xa lộ, đội máy bay trực thăng, các y tá; tất cả mọi người đã làm việc rất chuyên nghiệp. Xin Chúa ban phước lành cho công việc của quí bạn. Tôi hy vọng những lời khen ngợi sẽ phải dành cho những vị có công ấy."

Xem video phỏng vấn với đài TV KHQA

 
Cuộc canh tân của Đức Phanxicô đã khởi sự
Vũ Văn An
05:11 13/08/2013
Nhiều quan sát viên đang tỏ ra sốt ruột trước viễn ảnh canh tân giáo triều nói riêng và canh tân Giáo Hội nói chung của Đức Phanxicô. Theo Sandro Magister, gần đây, Đức HY Dolan, một người rất mộ mến đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng cũng đành đứng vào số những người sốt ruột này với câu tuyên bố giống hệt hai môn đệ trên đường Emmau xưa: “chúng tôi muốn một vị có kỹ năng quản trị tốt và kỹ năng lãnh đạo nữa, nhưng cho đến nay, việc này chưa được hiển nhiên”.

Nhưng theo John L. Allen, cách mạng là chuyện nực cười. Có những cuộc cách mạng do nhóm này phát động nhưng bị nhóm khác cướp mất, như trường hợp Ai Cập, nơi các nhà dân chủ cấp tiến trở thành khách bàng quan đối với cuộc tranh đua thực sự giữa quân đội và Huynh Đệ Hồi Giáo. Lại có những cuộc cách mạng phát sinh từ một chủ nghĩa lý tưởng vĩ đại nhưng đã mau chóng trở thành màn khói che đậy giả hình, như nhiều cuộc nổi dậy của cộng sản. Và nhiều cuộc cách mạng chỉ đơn giản xì hơi mất dạng, trong khi một số ít khác cuối cùng đã tạo ra được những hệ thống mới, những hệ thống dù vẫn có yếu điểm nhưng thực sự đã biến đổi thế giới, đó là cách mạng Pháp hay cách mạng Mỹ.

Hiện còn quá sớm để biết chắc đường đi của cuộc canh tân do Đức Pahnxicô chủ xướng. Một phần vì ở bình diện cơ cấu và nhân sự, ngài chưa đưa ra được thay đổi “ngoạn mục” nào. Một phần khác, vì việc so sánh xem ra không chính xác chút nào: dù sao, Đạo Công Giáo cũng là một gia đình của niềm tin, chứ không phải một hội chính trị.

Nhưng có lẽ điều chắc chắn duy nhất hiện nay là cuộc cách mạng, hay canh tân, của Đức Phanxicô đã đang khởi sự rồi. Hồi giữa tháng Bẩy, tạp chí tin tức L’Espresso của Ý đã cho chạy hàng tít ở trang bìa với câu: "Ce la farà?" tạm dịch là “liệu ngài có làm được không?”. Làm được gì? Không cần giải thích, ai cũng hiểu là cố gắng canh tân Giáo Hội Công Giáo.

Trong số các cải tiến hàm ý ở đây, có việc Đức Phanxicô quyết định không đi nghỉ vào mùa hè này, mà ở lại Vatican, chứ không tới dinh mùa hè Castel Gandolfo. Tuy nhiên, người ta vẫn cho rằng tháng Tám là tháng êm ả, sau cuộc tông du mệt nhọc tại Ba Tây để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một êm ả của bản nhạc dạo dẫn vào những hành động đáng kể trong mùa thu.

Đã có thay đổi

Nhiều người xác tín rằng trong các vấn đề đáng lưu ý, sự thay đổi đã diễn ra rồi. Điều rõ ràng nhất là chưa đầy 4 tháng, Đức Phanxicô đã vực dậy tăm tiếng quốc tế của ngôi vị giáo hoàng và vốn liếng thiêng liêng của nó. Ấn bản Ý của Vanity Fair mới đây đã bầu ngài làm “Người Của Năm”, với những trích dẫn nhằm ca ngợi của những giới hết sức đáng ngạc nhiên như Elton John, người cho rằng Đức Giáo Hoàng là “một phép lạ khiêm nhường trong thời đại hư danh”.

Các cuộc thăm dò tại nhiều nơi trên thế giới cho thấy tỷ lệ ca ngợi cao đến làm các chính khách và những người nổi tiếng phải thèm thuồng. Một cuộc thăm dò mới đây ở Ý cho thấy mức tiếng tăm của Đức Phanxicô lên tới 85%, đem lại cho Giáo Hội một hiệu quả trông thấy; tỷ lệ người Ý cho biết họ tin tưởng Giáo Hội đã lên tới 63% so với 46% hồi tháng Giêng, dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI.

Một quan sát viên Vatican kỳ cựu là Marco Politi, hiện giữ một mục trên nhật báo Il Fatto Quotidiano, cho hay: “Đã có sự thay đổi thái độ khắp trên thế giới đối với ngôi vị giáo hoàng kể từ ngày Đức Phanxicô được bầu. Quả có sự bộc lộ cảm tình lớn lao, không những chỉ từ các tín hữu mà từ cả những người có tinh thần thế tục và xa cách Giáo Hội nhất”.

Thiển nghĩ, Politi không hề nói quá. Nói theo kiểu chính trị, Đức Phanxicô không thua gì Nelson Mandela, một nhân vật mà thế giá tinh thần không bị ai nghi vấn. Người ta cho hay trong chuyến tông du Ba Tây vừa qua, những người chủ đạo cuộc bất ổn trên phố xá nước này dẵm lên nhau để thấy rõ ai được người ta kính mến và tôn trọng hơn.

Người ta cũng cho rằng Đức Phanxicô là một “giáo hoàng không dính” (Teflon pope) theo nghĩa không điều xấu nào xem ra dính chặt (stick) cả. Bất cứ khi nào có chuyện tai tiếng xẩy ra, người ta đều không đổ cho Đức Giáo Hoàng, ngược lại còn coi đó như một bằng chứng nữa cho thấy ngài là người cần thiết.

Đây là một dẫn chứng: cuối tháng Bẩy, một tờ báo Ý tường trình rằng vị giáo phẩm mà Đức Phanxicô đích thân chọn lựa để cải tổ Ngân Hàng Vatican từng dính líu tới một vụ ái tình đồng tính lộ liễu lúc còn phục vụ tại tòa sứ thần ở Uruguay, hơn một thập niên trước. Những ai có khuynh hướng chấp nhận tường trình này theo giá trị bề mặt thì coi nó như một bằng chứng chứng tỏ có “nhóm vận động đồng tính” tại Vatican mà Đức Phanxicô sẽ lật úp; những ai có khuynh hướng bác bỏ tường trình này thì cho rằng đây chỉ là bằng chứng cho thấy cuộc cải tổ của Đức Phanxicô đang gặp chống đối. Nhưng ai cũng nhất trí rằng Đức Phanxicô là giải pháp chứ không phải vấn đề.

Nói cho ngay, phần lớn người bình dân không lưu ý chi tới những trò chơi nội bộ ấy. Các nhà quan sát Vatican rất có thể bị ám ảnh bởi những câu hỏi như Đức Phanxicô sẽ cử vị nào làm Hồng Y quốc vụ khanh hay ngài sẽ đưa ra cải tổ nào đối với Viện Các Công Trình Tôn Giáo (Ngân Hàng Vatican); vấn đề của họ về một vị giáo hoàng thường là ngài có gây cảm hứng hay không?

Cho tới nay, câu trả lời là có. Xét vì tất cả các tai tiếng, báo chí xấu và tranh cãi mà Giáo Hội Công Giáo phải kinh qua suốt một thập niên qua, thì nếu đây không phải là cách mạng, thì còn là gì nữa?

Tại Rôma, các dấu hiệu cũng cho thấy rõ một trật tự mới đã được tạo ra. Các giáo sĩ từng phản đối điều bị họ cho là càng ngày càng khó khăn chi li về phụng vụ dưới thời hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, chẳng hạn, vì khi tới tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng thường bị phê phán là không mặc phẩm phục xứng đáng. Các phê phán như thế từ giữa tháng Ba đã không còn nữa.

Lối sống đơn giản của Đức Phanxicô đang gây ảnh hưởng dây chuyền. Người ta thường thấy các vị hoàng tử của Giáo Hội ngày nay mặc bộ áo chùng đen đơn giản của giáo sĩ hơn là các phẩm phục sang trọng mà trước đây các vị quen mặc, và một số vị ký tên trên các thư từ chính thức chỉ đơn giản với tên thông thường, bỏ hẳn các tước vị như đức này đức nọ (His Eminence)...

Điều đáng nói nữa là chính những người ăn xin quanh Vatican cũng cảm thấy có điều gì thay đổi lớn đang xẩy ra tại đây. Các viên chức Vatican cho hay khi từ chối lời xin tiền lẻ của những người này, họ thường được nghe những câu đáp lễ tương tự như thế này "Cosa direbbe Papa Francesco?" – nghĩa là, "Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ nói gì đây?”

Trò chơi đã kết thúc

Tất cả những chuyện trên có thể bị coi là chuyện tầm phào, thuộc phong thái hời hợt, không đáng kể, nhưng không ai chối cãi hiện đang có việc thay đổi ở một bình diện sâu xa hơn.

Chỉ cần đơn cử trường hợp sau: tại Vatican trước đây vẫn từ lâu đã có sự phân biệt trong nhóm/ngoài nhóm, giữa nhóm đa số đi làm đúng giờ và làm hết mình, và nhóm thiểu số ưu đãi điều khiển “trò chơi”, chiếm độc quyền việc lui tới với Đức Giáo Hoàng, kiểm soát việc phân phối nhân sự và tài nguyên, ngoài ra còn giật dây quyền hành trên căn bản đỡ đầu và quen biết chính trị.

Mới 4 tháng trước đây thôi, trò chơi ấy rất thịnh hành. Các nhân viên có tham vọng biết rất chính xác phải làm thân với ai, phải dự những buổi tiếp tân nào, phải tránh phong trào nào, phải tận tụy với ai. Nhiều viên chức Vatican thấy chuyện ấy tởm gớm, nhưng không thiếu người tìm cách đẩy nó tới chỗ tuyệt hảo...

Hiện nay, sự phân biệt tay trong/tay ngoài này gần như không còn nữa. Qua việc sống tại Casa Sancta Marta, tự gọi điện thoại lấy, không cần các “người canh cửa” thông thường, Đức Phanxicô cho thấy rõ không ai được độc quyền nói nhỏ vào tai ngài.

Omar Bello, một nhà báo Công Giáo, người Á Căn Đình và là tác giả một cuốn sách mới về Đức Giáo Hoàng, cho hay: “ngài rất dễ thương, nhưng cũng rất hay kiểm soát, giống mọi người cầm quyền khác”.

Các cố gắng phát hiện bè đảng quanh Đức Giáo Hoàng đã hoàn toàn thất bại. Trong tháng Năm và tháng Sáu, chẳng hạn, người ta thấy Đức Phanxicô hay xuất hiện cạnh Đức TGM người Ý Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, khiến nhiều người cho rằng vị TGM này có thể đã trở thành nhân vật gây ảnh hưởng lớn. Nhưng sau đó không lâu, vào ngày 22 tháng Sáu, ngài đâu có để vị TGM này bên cạnh ngài trong một buổi hòa nhạc tại Vatican.

Điều được các quan sát viên của Vatican nhận ra là mọi cố gắng tìm xem ai lên ai xuống đã không còn chỗ đứng nữa. Điều mới lạ là kiểu trò chơi vốn được hiểu và được chơi xưa nay đã kết thúc rồi.

Các viên chức Vatican dấu tên nhiều lần cho hay Đức Phanxicô là người của riêng ngài, tự thu lượm lấy tin tức và tự đưa ra các quyết định; theo một nghĩa nào đó, cung cách quản trị của ngài vẫn là cung cách của một cha giám tỉnh Dòng Tên thuở nào. Không có cố vấn hậu trường (eminence grise), và những khuôn mặt như Đức Cha (nay là Hồng Y) Stanislaw Dziwisz dưới thời Đức Gioan Phaolô II hay Đức Cha (nay là TGM) Georg Gänswein dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, những người đóng vai quyền lực đàng sau ngôi tòa.

Với Đức Phanxicô, bạn thấy gì thì căn bản chính là cái đó.

Các đặc điềm của trật tự mới

Theo Allen, trật tự mới có bốn đặc điểm rõ rệt sau đây.

Thứ nhất, Đức Phanxicô cương quyết phá bỏ tính độc quyền của người Ý trong việc cai quản toàn thể Giáo Hội. Ngài đã thiết lập ba cơ chế để lên xương thịt cho cuộc canh tân của ngài: nhóm 8 Hồng Y giúp ngài trong việc cai quản, một ủy ban điều tra Ngân Hàng Vatican, và một Ủy Ban Giáo Hoàng để nghiên cứu các cơ cấu kinh tế và hành chánh của Vatican. Nói chung lại, ba cơ chế này bao gồm 21 người hiện đang nắm các chức vụ gây ảnh hưởng thực sự, nhưng trong đó, chỉ có 3 người là người Ý thôi. Tuy nhiên, có người còn cho rằng chỉ có 2 người Ý rưỡi thôi, vì người Ý được chỉ định vào ủy ban canh tân kinh tế và hành chính, một nữ tín hữu giáo dân tên Francesca Immacolata Chaouqui, thực ra là con của một người mẹ Ý còn cha là người Ai Cập!

Bên dưới sự kiện trên có thể là một tính toán không thể không có đối với việc canh tân, nhất là canh tân tài chánh. Như một vị Hồng Y không phải người Ý từng nói với tờ National Catholic Reporter: “Muốn có sự trong sáng về tiền bạc, bạn đừng lấy Ý làm mẫu gương”.

Thứ hai, rõ ràng Đức Phanxicô muốn nâng cao vai trò giáo dân, không hẳn cho có hình thức mà là nhằm cải cách Vatican và cách cai quản Giáo Hội. Ủy Ban do ngài thiết lập để nghiên cứu các cơ cấu kinh tế và hành chánh, chẳng hạn, gồm 8 người, trong đó chỉ có một giáo sĩ là Đức Ông Lucio Angel Vallejo Balda, người Tây Ban Nha, hiện là thư ký của Phủ Doãn Kinh Tế Sự Vụ tại Vatican, và vốn là thành viên của Hội Linh Mục Thánh Giá, một chi nhánh của Opus Dei. Bẩy người kia đều là giáo dân thuộc các lãnh vực kinh tế, luật pháp và quản trị kinh doanh.

Nói theo luận lý học, thì đây rõ ràng hàm ý việc tỉa bớt vây cánh của “các ông trùm” giáo sĩ. Trên tờ báo Ý La Repubblica, ký giả Marco Ansaldo gọi ủy ban là cuộc “lật nhào” Giáo Triều Rôma hoàn toàn. Vì các thành viên này không phải báo cáo cho các viên chức quyền lực của Vatican, mà báo cáo thẳng lên Đức Giáo Hoàng.

Bốn tháng trước đây, nếu ai muốn ảnh hưởng tới các hoạt động tài chánh của Vatican, họ phải nói chuyện với một vị Hồng Y người Ý. Nay họ được khuyên nên gọi cho nhà kinh tế học người Malta tức Joseph F.X. Zahra, người đứng đầu Ủy Ban.

Cách tính sổ mới

Thứ ba, Đức Phanxicô đang phát sinh ra nền văn hóa tính sổ mới, dẫn tới cái hiểu của người Anglo-Saxon vốn cho rằng “tính sổ” (accountability) có nghĩa một ai đó có thể bị sa thải thực sự.

Động thái quan trọng là hai đơn từ chức vào ngày 2 tháng Bẩy của các viên chức cao cấp của Ngân Hàng Vatican: giám đốc Paolo Cipriani và phó giám đốc Massimo Tulli, cũng như việc huyền chức vào đầu tháng Sáu của Đức Ông Nunzio Scarano, một kế toán gia tại cơ quan Quản Trị Di Sản Tòa Thánh. Không bao lâu sau, Scarano đã bị bắt giam vì có liên quan tới việc nhập lậu gần 30 triệu dollars vào Ý, ngoài ra còn bị điều tra thêm về tội rửa tiền liên quan tới các trương mục của ngài tại Ngân Hàng Vatican.

Lịch sử trước đây cho hay ít có ai bị sa thải tại Vatican, một phần vì chính sách bảo vệ lao động nghiêm ngặt, và một phần vì Giáo Hội vốn là một gia đình hơn là một đại công ty.

Bất chấp có nhiều giá trị, nhưng người hiểu chuyện vẫn nhấn mạnh rằng hệ thống trên có khuynh hướng làm nản lòng những người sẵn sàng “thổi còi” vì tin rằng những người làm bậy chả bao giờ phải chịu hậu quả cả.

Scarano là một điển hình. Người trong cuộc hiểu rõ lương Vatican mỗi tháng 2,000 dollars không thể đủ cho lối sống khá xa hoa của ngài, một lối sống, mà theo các công tố viên Ý, bao gồm các bộ sưu tầm đắt giá của những danh họa như Giorgio de Chirico và Marc Chagall.

Hai viên chức Vatican dấu tên, và biết rõ Scarano, cho tờ National Catholic Reporter hay họ luôn thấy có điều gì đó bất ổn về vị giáo sĩ này, nhưng không bao giờ báo cáo cả vì thấy rồi cũng huề cả làng. Họ cho hay nay thì đã khác rồi và họ sẵn sàng báo cáo.

Thứ tư, bất kể là do bản năng hay do chiến thuật hữu ý, Đức Phanxicô cho thấy ngài đang đem Giáo Hội trở lại phe giữa của chính trị, sau một thời gian khá dài bị nhiều quan sát viên cho là nghiêng về phía hữu.

Nhà báo Ý kỳ cựu Ý, là Sandro Magister, gần đây có nhận xét: “Không phải là chuyện tình cờ khi, sau 120 ngày đầu triều giáo hoàng của ngài, Đức GH Phanxicô vẫn chưa nói các chữ như phá thai, an tử, hôn nhân đồng tính”... Ấy thế nhưng, ngài không im lặng như thế đối với chủ đề chính trị khác như nghèo đói, môi sinh và di trú. Quả đáng lưu ý trong lần đầu du hành ra ngoài Rôma, Đức Phanxicô đã chọn Lampudesa, một hòn đảo phía nam Địa Trung Hải, nơi dừng chân chính của các di dân Phi Châu và Trung Đông khốn cùng trên đường đi tìm tương lai ở Âu Châu. Đức Phanxicô kêu gọi phải thương cảm nhiều hơn đối với các di dân này, lên án thế giới về thái độ dửng dưng phổ quát của nó.

Dù chuyến đi này nói chung được nhiều giới ca tụng, nhưng phe hữu bài di dân tại Âu Châu rất bất bình. Erminio Boso, một phát ngôn viên của Liên Đoàn Phía Bắc thuộc phe cực tả Ý, cho rằng “Tôi bất cần để ý tới giáo hoàng... Điều tôi yêu cầu là ngài cung cấp tiền bạc và đất đai cho những người bên ngoài cộng đồng này”. Ông ta có ý chỉ các di dân không có giấy tờ.

Việc trở lại cánh giữa này xem ra cũng đúng cả về phương diện Giáo Hội nữa. Tại Rôma, hiện nay người ta cảm thấy những vị môi giới quyền lực có chủ trương ôn hòa như Đức HY Oscar Rodríguez Maradiaga của Honduras, phối trí viên của Ủy Ban 8 Hồng Y, đang gây được nhiều ảnh hưởng, trong khi những vị có chủ trương tân bảo thủ hay bảo thủ như Đức HY Raymond Burke của Mỹ, đứng đầu tòa án tối cao của Vatican, đang mất dần ảnh hưởng. Giáo Hội rất có thể xoay chuyển trong các liên minh chính trị của mình, nhưng xem ra, trong cuộc chiến văn hóa, có sự ưa thích rõ rệt đối với Tin Mừng xã hội.

Các điểm trên rõ ràng có ý nghĩa đủ để tạo ra một cuộc canh tân, nhưng còn nhiều điều nữa sẽ xẩy ra trong một tương lai gần, nhất là khi các ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu việc cải tổ hoàn thành các phúc trình của họ.
 
Hết ăn chay, bạo động lại bùng lên, 4000 người Hồi Giáo cướp phá một thị trấn Kitô Giáo tại Ai Cập
Đặng Tự Do
07:27 13/08/2013
Giáo chủ Chính Thống Coptic Ai Cập Tawadros II
Các tín hữu Kitô lo buồn
Một đám đông 4,000 người Hồi Giáo cướp phá các doanh nghiệp của các tín hữu Kitô trong thị trấn Bani Ahmed, ngoại ô thủ đô Cairo của Ai Cập, và đốt cháy nhà cửa của họ. Giáo phận Chính Thống Coptic địa phương đã cho biết như trên.

Ngày 3 tháng Tám, một người Hồi giáo và một tín hữu Kitô đã tranh luận sôi nổi về một bài hát nổi tiếng ủng hộ các tướng lãnh quân đội được phát trên một đài phát thanh nghe được từ máy thu thanh của quán cà phê. Cuộc tranh luận ồn ào đã diễn ra trong khi có đông đảo người Hồi giáo và các tín hữu Coptic tụ tập bên ngoài quán cà phê.

Vào buổi tối, một đám đông khoảng 4,000 người Hồi giáo đã cướp phá các cửa hàng của các tín hữu Kitô trong vùng và đốt cháy bảy căn nhà.

Sáng hôm sau, một đám đông bao vây nhà thờ Chính Thống Coptic, ngăn chặn không cho các Kitô hữu vào tham dự phụng vụ thánh.

Vào ngày 09 tháng 8, người Hồi giáo trong vùng lại cố ý phóng hoả một căn nhà của người Hồi giáo bị bỏ hoang để buộc tội các Kitô hữu, nhưng các nhân viên an ninh đã kịp thời ngăn chặn hành động này.

Báo cáo của Worldwatch Monitor nói rằng nhà thờ và các cửa hàng của các tín hữu Kitô tại địa phương vẫn đóng cửa vì sợ bị tấn công.

Hôm 9 tháng 8, giáo chủ Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập là Đức Tawadros Đệ Nhị đã phải hủy bỏ một buổi gặp gỡ với các tín hữu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô ở thủ đô Cairo vì sợ cộng đoàn của ngài bị tấn công.

Theo dự trù ban đầu Đức Tawadros Đệ Nhị sẽ trao đổi về Thánh Kinh và trả lời thắc mắc của các tín hữu trong buổi học hỏi Thánh Kinh do ngài chủ tọa.
 
Đức Thánh Cha gửi điện văn cho Tuần Lễ Gia Đình tại Ba Tây
Bùi Hữu Thư
16:28 13/08/2013


2013-08-12 Vatican Radio

Các phụ huynh được mời gọi để dậy cho con cái biết bảo vệ đời sống, và ý thức rằng đời sống là một quà tặng của Thiên Chúa. Đây là điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong điện văn gửi nhân dịp Tuần Lễ Quốc Gia cho Gia Đình tại Ba Tây.

Chủ đề cho năm nay của tuần lễ này là: “Việc chuyển tiếp và giáo dục về đức tin Kitô trong gia đình.” Tuần Lễ Gia Đình được khởi sự vào ngày Chúa Nhật và được Hội Đồng Giám Mục Ba Tây cổ võ.

Trong điện văn, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các phụ huynh trong “sứ mệnh cao quý và đòi hỏi” của họ là “những người cộng tác đầu tiên” với Thiên Chúa, trong việc cung ứng cho con cái của họ những hướng dẫn quan trọng, và bảo đảm cho chúng có một tương lai tốt đẹp.

Vì lý do này, Đức Thánh Cha nói, trích dẫn Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin Lumen Fidei: điều quan trọng là các phụ huynh, bên trong gia đình của mình, cần “khuyến khích việc chia xẻ các biểu lộ về đức tin để giúp cho con cái dần dân trưởng thành trong chính đức tin của chúng.” (Lumen Fidei, 53)

Ngoài ra, các phụ huynh được mời gọi để chuyển tiếp cho con cái, bằng lời nói và hành động, “chân lý nền tảng về đời sống và tình yêu nhân loại đang tiếp nhận ánh sáng mới từ sự mạc khải của Thiên Chúa.”

Trong một nền văn hóa làm suy giảm giá trị của đời sống con người, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng phụ huynh được mời gọi để giảng dậy cho con cái biết bảo vệ đời sống, khởi sự ngay trong bào thai, và ý thức rằng đời sống là một quà tặng của Thiên Chúa và một sự bảo đảm cho tương lai của nhân loại.

Ngài cũng nói về tầm quan trọng của việc chăm sóc cho người già, nhất là các ông bà của con cái: vì họ là “những kỷ niệm sống động” của một cộng đồng, và biểu hiệu cho sự khôn ngoan.

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành Toà Thánh và dâng các gia đình Ba Tây cho Đức Mẹ Aparecida.
 
Bài suy niệm tại cơ mật viện bầu giáo hoàng năm 2013 đã được bật mí
Vũ Văn An
19:34 13/08/2013
Bản tin chính thức của Tòa Thánh đã cho đăng bài suy niệm được Đức HY người Malta là Prosper Grech đọc cho các vị Hồng Y cử tri tại cơ mật viện bầu giáo hoàng hồi tháng Ba năm nay, sau khi cửa Nhà Nguyện Sistine đã đóng lại. Bài suy niệm này được đọc ngày 12 tháng Ba, liền sau đó là việc bỏ phiếu của các Hồng Y cử tri, việc mà Đức HY Grech không được tham dự vì đã 87 tuổi. Sau đây là một số đoạn chủ yếu đăng trên Acta Apostolicae Saedis số 5 tháng Tư tới 3 tháng 5 năm 2013, liên quan tới những điểm “mà Chúa Kitô muốn có nơi Giáo Hội của Người”.

"Hành động mà chư huynh sắp thực hiện bên trong Nhà Nguyện Sistine này...”
Prosper Grech

[…] Tôi không có ý định tạo ra căn tính mẫu cho vị tân giáo hoàng, lại càng không phải trình bày một kế sách hành động cho vị giáo hoàng tương lai. Nhiệm vụ rất tế vi này là của Chúa Thánh Thần, Đấng, trong nhiều thập niên mới đây đã thương ban cho chúng ta hàng loạt các vị giáo hoàng tuyệt vời thánh thiện. Ý định của tôi (chỉ) là: rút tỉa từ Thánh Kinh một vài suy tư giúp chúng ta hiểu Chúa Kitô muốn gì nơi Giáo Hội của Người. […]

Tin Mừng không khoan nhượng

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu sai các tông đồ đi khắp thế giới để làm muôn dân thành môn đệ và rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần (Mt 29:19). Giáo Hội làm điều này bằng cách trình bày Tin Mừng không khoan nhượng, không làm loãng bất cứ lời nào. […]

Khi ta khoan nhượng đối với Tin Mừng, ta sẽ giốc rỗng hết mọi tính năng động của nó như thể lấy hết chất nổ khỏi trái lựu đạn cầm tay. Ta cũng không được sa cám dỗ mà nghĩ rằng vì người ta tin Công Đồng Vatican II đã san bằng ơn cứu rỗi cho cả những người ở bên ngoài Giáo Hội nữa, nên nhu cầu rửa tội đã trở thành tương đối. Ngày nay còn có thêm sự lạm dụng của nhiều người Công Giáo dửng dưng, họ sao lãng hay bác bỏ việc rửa tội cho con cái.

Tai tiếng của Thánh Giá

Việc công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã trở thành cụ thể qua việc công bố “Chúa Giêsu Kitô, và là Đấng bị đóng đinh” (1 Cor 2:2). […] Chính tai tiếng của Thánh Giá này đã khiêm hạ hóa “sự kiêu căng” trong tâm trí con người và nâng nó lên để nó chấp nhận sự khôn ngoan phát xuất từ trên cao. Cả trong trường hợp này nữa, tương đối hóa con người của Chúa Kitô bằng cách đặt Người song song với các “vị cứu tinh” khác là giốc rỗng Kitô Giáo hết mọi bản chất của nó.

Chính việc rao giảng về tính vô lý của Thánh Giá, trong non 300 năm, đã thu nhỏ các tôn giáo của Đế Quốc Rôma đến tận cùng và mở tâm trí người ta đón nhận viễn ảnh mới của hy vọng và phục sinh. Thế giới hiện đại cũng đang khát khao cùng một niềm hy vọng này, sau khi khốn khổ vì cơn trầm cảm hiện sinh.

Giáo Hội của Tử Đạo

Chúa Kitô bị đóng đinh liên hệ chặt chẽ với Giáo Hội bị đóng đinh. Đây là Giáo Hội của các tử đạo, từ những tử đạo của các thế kỷ đầu tiên tới rất nhiều tín hữu ngày nay, trong nhiều quốc gia, đang gặp nguy cơ tử hình chỉ vì đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. […] Chúa Giêsu từng tiên báo “nếu họ bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15:20). Cho nên, bách hại là "quid constitutivum" (điều tạo nên) Giáo Hội, […] nó là cây thập giá mà ta phải ôm lấy. Nhưng bách hại không luôn luôn là thể lý, vì còn thứ bách hại của lầm lạc nữa: “Phúc cho các con khi người ta lăng mạ các con và bách hại các con, và nói đủ loại xấu xa một cách lầm lạc về các con vì Thầy” (Mt 5:11). Gần đây, chư huynh cảm nghiệm rõ điều này qua một số cơ quan truyền thông vốn không yêu thương gì Giáo Hội. Khi lời tố cáo lầm lạc, ta đừng lưu ý tới nó, dù nó gây cho ta nỗi đau mênh mông.

Khi lời tố cáo nói sự thật

Khi điều người ta nói về ta là sự thật thì lại là chuyện khác, như từng xẩy ra trong nhiều lời tố cáo tội ấu dâm. Lúc đó, ta phải khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta, và tìm cách nhổ tận gốc cái ác bằng mọi giá, như Đức Bênêđíctô từng làm, với lòng hối tiếc sâu xa. Và chỉ bằng cách này, ta mới lấy lại được tính khả tín trước mặt thế giới và nêu được gương thành thực. Ngày nay, nhiều người không tiến tới chỗ tin vào Chúa Kitô nữa vì gương mặt Người đã bị phủ bóng hay bị dấu kín đàng sau một định chế thiếu trong sáng. Nhưng nếu gần đây ta khóc vì nhiều biến cố không đẹp, từng xẩy ra với các giáo sĩ và giáo dân, thậm chí ngay trong phủ giáo hoàng, thì ta phải sét rằng các sự xấu xa này, dù lớn lao bao nhiêu, nhưng nếu so với một vài xấu xa trong lịch sử Giáo Hội, thì không là gì mà chỉ là một cơn nóng lạnh. Và cũng như các sự xấu xa kia đã nhờ ơn Chúa trợ giúp mà vượt qua được thế nào, thì cơn khủng hoảng lần này cũng sẽ được vượt qua như thế. Nhưng cả cơn nóng lạnh cũng cần được chữa chạy đàng hoàng để nó đừng biến thành chứng viêm phổi.

Khói Satan trong Giáo Hội

Tinh thần xấu xa của thế gian, “mysterium iniquitatis” (mầu nhiệm sự ác) (2 Tx 2:7), không ngừng cố gắng xâm nhập Giáo Hội. Mặt khác, ta đừng bao giờ quên lời cảnh cáo của các tiên xưa tại Do Thái là đừng tìm cách liên minh với Babylon hay Ai Cập, mà phải bước theo chính sách trong sạch "ex fide" (bằng đức tin) nghĩa là tin tưởng một mình Thiên Chúa (xem Is 30:1; 31:1-3; Hs 12:2) và giao ước của Người mà thôi. Hãy can đảm! Chúa Kitô làm tâm trí ta ra nhẹ nhàng khi Người nói lớn “Các con hãy tin tưởng, Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16:33). […]

Các ly giáo đang ló dạng

Không kém khó khăn cho vị giáo hoàng tương lai là nhiệm vụ duy trì hợp nhất trong chính Giáo Hội Công Giáo. Giữa những người cực đoan cực duy truyền thống và những người cực đoan cực duy cấp tiến, giữa các linh mục nổi loạn chống đức vâng lời và những người không chịu thừa nhận dấu chỉ thời đại, vẫn luôn có nguy cơ có những ly giáo nho nhỏ không những có thể gây hại cho Giáo Hội mà còn đi ngược thánh ý Thiên Chúa nữa: họp nhất bằng bất cứ giá nào. Nhưng hợp nhất đâu có nghĩa độc dạng. Hiển nhiên hợp nhất không đóng cửa đối với cuộc thảo luận bên trong Giáo Hội vốn hiện hữu trong toàn bộ lịch sử Giáo Hội. Mọi người được tự do phát biểu suy nghĩ của mình về trách nhiệm của Giáo Hội, nhưng các đề xuất này phải phù hợp với "depositum fidei" (kho tàng đức tin) mà vị giáo hoàng cùng với mọi giám mục có trách nhiệm phải gìn giữ. […]

Tự do tính dục và tiến bộ

Ngày nay, bất hạnh thay, thần học đang bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ yếu ớt là lối suy nghĩ đang thống trị môi trường triết học, nên ta cần một nền tảng triết học vững chắc để có thể khai triển các tín điều với một khoa chú giải giá trị biết nói thứ ngôn ngữ mà thế giới hiện đại có thể hiểu được. Tuy nhiên, đôi khi xẩy ra việc: các đề xuất của nhiều tín hữu đối với việc tiến bộ của Giáo Hội được đặt căn bản trên bình diện tự do tính dục. Chắc chắn, luật lệ và truyền thống chỉ có tính Giáo Hội thì có thể thay đổi được, nhưng không phải thay đổi nào cũng có nghĩa là tiến bộ, cần biện phân liệu các thay đổi này có nhằm gia tăng tính thánh thiện của Giáo Hội hay chỉ làm lu mờ nó. […]

Số còn lại ít oi không qùy gối trước thần Baan

Tại Tây Phương, ít nhất tại Âu Châu, Kitô Giáo đang gặp khủng hoảng. […]Ở đấy đang thống trị một sự ngu dốt và bất kính không những đối với học thuyết Công Giáo, mà ngay cả những điều ABC của Kitô Giáo nữa. Do đó mà có cảm nhận khẩn trương phải có cuộc tân phúc âm hóa bắt đầu với lời giảng sơ truyền tinh ròng (pure kerygma) và minh bạch công bố với người không tin, sau đó là việc liên tục dạy giáo lý với sự nuôi dưỡng của lời cầu nguyện. Nhưng Chúa không bao giờ bị bại bởi sự sao lãng của con người và xem ra, khi người ta đóng cửa đối với Người tại Âu Châu, Người đang mở cửa ở nơi khác, nhất là tại Á Châu. Và ngay ở Tây Phương, Thiên Chúa vẫn duy trì cho Người số sống sót (remnant) trong Israel nhất định không chịu qùy gối trước thần Baan, số sống sót mà ta tìm thấy phần lớn trong các phong trào giáo dân; các phong trào này được ban cho nhiều đặc sủng giúp họ góp phần đáng kể vào việc tân phúc âm hóa. [...] Tuy nhiên, cần thận trọng để các phong trào này đừng tin rằng Giáo Hội đã cùng kiệt ở nơi họ. Tóm lại, Thiên Chúa không thể bị đánh bại bởi sự dửng dưng của ta. Giáo Hội là của Người, các cửa hỏa ngục sẽ không làm gót chân Giáo Hội bị thương mà nó cũng không thể bóp nghẹt được Giáo Hội. [...]

Đức tin của người đơn sơ

Còn một yếu tố hy vọng nữa trong Giáo Hội mà ta không nên coi thường, đó là “sensus fidelium” (cảm thức của tín hữu). Thánh Augustinô gọi cảm thức này là “thầy dạy bên trong” của mọi tín hữu. [...] Thầy dạy này tạo nơi thẳm sâu tâm hồn một tiêu chuẩn để biện phân chân giả, nó làm ta phân biệt một cách bản năng điều gì "secundum Deum" (hợp ý Chúa) điều gì phát xuất từ thế gian và từ tên ác quái (1 Ga 4:1-6). […] Ngọn than của đức tin đạo hạnh được giữ cho nồng cháy bởi hàng triệu các tín hữu đơn sơ, những người không hề được gọi là thần học gia nhưng nhờ sự nồng đậm của lời cầu nguyện, của suy niệm và sùng kính đã có thể đem tới nhiều tham kiến sâu sắc cho các mục tử của mình. Chính những người này “sẽ tiêu diệt cái khôn của người khôn và vô hiệu hóa cái hiểu của người hiểu” (1 Cor 1:19). Điều này có nghĩa: khi thế gian, với tất cả các nhận thức và tri thức của nó, từ bỏ lời của lý trí nhân bản, thì Lời của Thiên Chúa sẽ sáng lên trong các tâm hồn đơn sơ, vốn hợp thành sinh tủy nuôi dưỡng toàn bộ xương sống của Giáo Hội.[...]

Dưới bàn tay Chúa Kitô phán xét

Dù tuyên xưng Chúa Thánh Thần là linh hồn Giáo Hội, ta không luôn lưu tâm tới Người trong các kế hoạch của ta về Giáo Hội. Người vượt lên trên mọi phân tích xã hội học và mọi tiên đoán sử học. Người siêu việt mọi tai tiếng, mọi chính trị nội bộ, mọi tham vọng, và mọi vấn đề xã hội, vốn vì những phức tạp của chúng mà đang che khuất gương mặt Chúa Kitô, một gương mặt phải ngời sáng qua cả những đám mây dầy đặc. Ta hãy lắng nghe Thánh Augustinô: “Các tông đồ thấy Chúa Kitô và tin vào Giáo Hội mà các vị không thấy; ta thấy Giáo Hội và phải tin vào Chúa Kitô, Đấng mà ta không thấy. Nhờ bám chặt lấy điều ta thấy, ta sẽ tiến tới chỗ thấy Đấng mà hiện nay ta không thấy” (Bài Giảng 328, 3).[...] Năm 1961, Đức Gioan XXIII, tại Nhà Nguyện Sistine, đã tiếp kiến ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh. Chỉ vào khuôn mặt trọng vọng của Chúa Kitô phán xét trong bức tranh tường của Michelangelo, ngài nói với họ rằng Chúa Kitô cũng sẽ phán xét hành động của từng quốc gia trong lịch sử. Chính chư huynh cũng đang hiện diện tại cùng một Nhà Nguyện này, dưới khuôn mặt của Đấng Kitô ấy với bàn tay giơ cao không phải để đè bẹp mà để soi sáng lá phiếu của chư huynh, để nó "secundum Spiritum," chứ không "secundum carnem" (theo Thần Khí chứ không theo xác thịt) […] Chính bằng cách này người được chọn không phải là của chư huynh mà là của Người. [...]
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dạ tiệc gây qũy tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu tại Melbourne thành công rực rỡ
BTC Melbourne
06:42 13/08/2013
Dạ tiệc gây qũy tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu

Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria vẫn luôn là lòng yêu mến đặc biệt mà người Công Giáo dành riêng cho Đức Mẹ. Với người Công Giáo Việt Nam, thì Đức Mẹ Lavang là biểu tượng cho sự quan tâm chăm sóc đặc biệt mà Đức Mẹ dành riêng cho đoàn con cái đất Việt trong những lúc thử thách gian truân và nguy khốn.

Trong tâm tình đó, vào tối thứ sáu ngày 11 tháng 10 năm nay và thứ bảy 12 tháng 10 từ 9 giờ sáng tới 10 giờ tối, Cộng Đồng Công Giáo Người Việt Tổng Giáo Phận Melbourne sẽ tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu để quảng bá lòng sùng kính và yêu mến Mẹ Maria trong tước hiệu Mẹ La Vang. Năm nay Giáo Hội hoàn vũ lấy chủ đề Đức Tin, vì vậy chủ đề năm nay của Đại Hội Thánh Mẫu là “Đồng Hành Với Mẹ La Vang Trong Niềm Tin”.

Để chuẩn bị cho công việc tổ chức được tốt đẹp, tối ngày thứ sáu 2 tháng 8 tại Anabella Receptions, Ban Tổ Chức Đại Hội Thánh Mẫu đã tổ chức buổi dạ tiệc với mục đích gây qũy để có tài chánh trang trải cho các chi phí tổ chức Đại Hội.

Xem hình Bữa Tiệc Gây Qũy xin vào link sau đây: https://www.dropbox.com/sh/7lga7qkhu5zfgqs/Iq09vGAVnK

Nhờ sự hưởng ứng nồng nhiệt của các cộng đoàn Công Giáo, tối hôm đó gần 670 người đã đến tham dự bữa tiệc này. Số người tham dự bao gồm giáo dân đến từ 12 công đoàn Công Giáo, Hoan Thiện, Vinh Sơn Liêm, Gioan Hoan, St John East Melbourne, St Joseph Springvale, Holy Name, Holy Child, Holy Eucharist, Our Lady Maidstone, Our Lady Sunshine, St. Martino, Christ the King

Trong phần khai mạc, 3 MC duyên dáng, Phương Chi, Anh Minh, Quang Minh, đã giới thiệu các anh chị trong Ban Điều Hành Hội Đồng Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne và Ban Điều Hợp Tổ Chức Đại Hội Thánh Mẫu. Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn văn Long đã nói đôi lời về mục đích của ngày Đại Hội Thánh Mẫu, Ngài ngỏ lời cảm tạ đến qúy ân nhân đã đóng góp tài chánh hoặc công sức cho ngày Đại Hội Thánh Mẫu, Ngài cám ơn mọi người đã đến tham dự hỗ trợ cho những công việc chuẩn bị cho ngày Đại Hội Thánh Mẫu.



Ngoài những món ăn ngon còn có chương trình phụ diễn văn nghệ rất phong phú qua các tiết mục tốp ca, hợp ca và múa. Linh Mục Hoàng Kim Huy cùng với nhóm tốp ca Nam của ca đoàn Cung Chiều đã mở đầu chương trình văn nghệ qua 2 nhạc phẩm ưng ý nhất của Đức Huy “Tôi Cũng Yêu Em” và “Một Tình Yêu”. Ca đoàn Thánh Gia trình bày bài “Hãy Nói Lời Yêu Thương” đã mang đến cho mọi người những giây phút thân tình thương yêu.

Ca đoàn Vô Nhiễm thuộc cộng đoàn Vinh Sơn Liêm đã làm cho mọi người một chút hồi tưởng về quê nhà qua một nhạc phẩm mang âm hưởng của miền Nam với nắng ấm và lũy tre xanh. Các ca viên trong 4 ca đoàn của cộng đoàn Vinh Sơn Liêm, Babylon, Cecilia, Vô Nhiễm và Belem đã làm cho khách tham dự trải qua những giây phút lắng đọng tâm hồn suy tư về lời hát mời gọi mọi người hãy yêu thương nhau, cùng nhau đồng hành trong tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta thường nghe nói “tài không đợi tuổi”, câu này thật đúng với nhóm múa của nhóm bà mẹ Công Giáothuộc cộng đoàn Holy Eucharist đã cống hiến một tiết mục văn nghệ hết sức hấp dẫn. Trong bộ đồng phục mầu xanh đậm, có một vài viền mầu trắng chạy dài chung quang đôi bờ vai, nhún nhảy theo tiếng nhạc, một nhạc phẩm nổi tiếng của ban nhạc trẻ ABBA “Dancing Queen”, các chị trong Phong trào Cursillo, các chị (nghe nói có bà đã lên chức bà Ngoại) đã làm rung động hôi trường với dòng nhạc disco của thập niên 1980’s.

Xen kẽ vào những tiết mục văn nghệ là phần trình bày tổng quát về phương cách tổ chức, tình hình tài chánh và chương trình cho ngày Đại Hội. Trong buổi dạ tiệc, với sự mời gọi của hai anh Trung và Nhân, đã có 5 vị mạnh thường quân đã đóng góp một số tiền rất lớn cho các tặng phẩm tượng Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ mặc áo dài VN, tranh gạo Lòng Chúa Thương Xót, tranh gạo Đức Mẹ La Vang, tranh cát hai mặt Đức Mẹ La Vang & Nhà thờ Đức Bà, cây Bonsai.

Ngoài ra còn có rất nhiều người đã hiến tặng phong bì cũng như mua vé sổ xố gây qũy. Công ty Tobin Brothers và anh chị Phúc Thủy chủ nhân Anabella Receptions cũng đã gửi tặng Đại Hội Thánh Mẫu LaVang một số kinh phí rất đặc biệt. Tiết mục sổ xố đã mang đến cho mọi người những giây phút hồi hộp mong đợi được nghe gọi vé số của mình. Có tất cả 5 giải thưởng, tổng cộng $5000. Điều đáng trân trọng là 5 giải thưởng này đã được một số mạnh thường quân bảo trợ. Số tiền gây qũy này là ngoài sự mong đợi của Ban Tổ Chức, điều đó nói lên tinh thần đoàn kết, tinh thần liên đới và tinh thần hiệp nhất của các cộng đoàn và tấm lòng tạ ơn với Mẹ La Vang.

Trước khi ban phép lành kết thúc buổi tiệc gây qũy, Đức Cha Long đã gừi lời nhắn nhủ xin các Linh Mục, Tu Sĩ, qúy cộng đoàn, quí ân nhân, và mọi gia đình trong Cộng Đồng Công Giáo tiếp tục tích cực hỗ trợ cho Đại Hội Thánh Mẫu được thành công tốt đẹp.

BTC Đại Hội Thánh Mẫu La Vang
 
Cảm tưởng Ngày Thánh Mẫu 2013 tại Carthage,MO. USA từ 8/8/2013 - 11/8/2013
Bách Việt
08:20 13/08/2013
Cảm tưởng Ngày Thánh Mẫu 2013 tại Carthage,MO. USA từ 8/8/2013 - 11/8/2013

Đoàn hành hương của chúng tôi khởi hành hành từ Nhà thờ giáo Xứ Lavang,Houston,TX, trực chỉ Carthage MO dự Ngày Thánh Mẫu tại chi dòng Đức Mẹ Đồng Công, Carthage MO. lúc 6 giờ sáng

ngày thứ năm mùng 8/8/2013 và đã tới nhà dòng lúc 5:45 PM cùng ngày, để kịp khai mạc Ngày Thánh mẫu lúc 7:00PM.

Chủ đề Ngày Thánh mẫu năm nay:

PHÚC CHO BÀ LÀ KẺ ĐÃ TIN (Lc 1:45)

và nhân dịp

*Giáo Hội Cử Hành Năm Đức Tin

*Kỷ Niệm 25 năm Các Thánh Tử Đạo VN được Phong Thánh

*Mừng Kỷ Niện 60 năm Thành Lập Dòng Đồng Công

Chuyến hành hương của chúng tôi gồm 2 xe Bus (1 to,1 nhỏ) khởi hành và đi về cùng lúc do hội Knight of Columbus của giáo xứ Đức Mẹ Lavang,Houston,TX tổ chức. Trong chuyến xe Bus của tôi do chị Ngọc Oanh( in charge) Gồm có 55 chổ ngồi, trong số hành khách có 1 Linh Mục và 5 sisters (diện du lịch và du học từ VN), làm chuyến hành huơng của chúng tôi, thêm nhiều hứng khởi và thích thú.

trên đường trở về từ NTM hôm Chúa Nhật 11 tháng 8,2013 đoàn hành hương chúng tôi ghé qua chỗ xe bus hành hương MO bị lật kỳ 8/2008 để cầu nguyện cho 17 nạn nhân và gia đình nạn nhân. trong chuyến hành hương này 1 cô con gái của 1 nan nhân cũng đi NTM để chủ ý cầu cho bố.

trên đường đi hành hương chúng tôi cùng đọc kinh văn côi, Chúa tình thương, chia sẻ cảm nghiệm, kể những câu chuyên tiếu lâm, văn nghệ... làm cho cuộc hành trình hình như chóng hơn và thêm nhiều kỷ niệm. chúng tôi cũng nhắc nhở nhau cùng cầu nghuện cho các nạn nhân vụ xe Bus Hành hương NTM, MO kỳ 8/2008 làm cho 17 người hành hương tử nạn và rất nhiều người bị thương...cũng khởi hành từ Houston,TX.

Năm nay khí hậu tại NTM Carthage MO trong nhửng ngày hành hương thật tốt đẹp, trời cũng đe dọa mưa, nhưng không có mưa to chỉ mưa lất phất 1 tý, làm cho khí hậu perfect, ban đêm thì phải đắp chăn,nên mọi chương trình ngày Thánh mẫu được thi hành đầy đủ.xố người tham dự NTM năm nay thật là đông đảo, tôi đến đất nhà dòng vào ngày chiều thứ năm mà đã đầy up các tents, lều, xe cộ khắp nơi, tới thứ Bảy thì còn kinh khủng hơn nữa, nhất là lúc kiệu Tượng Đức Mẹ Fatima, ước tính khoảng 60-70 chục ngàn người. các cha đồng tế có tới hơn 2 trăm cha, các tu sỉ, nữ tu thì cũng khá nhiều. Có rất nhiều người muốn đi rước kiệu với cộng đoàn của mình, nhưng không thể tìm tới nơi được vì số người tham gia qúa đông. chật cứng không thể di chuyển.

Năm nay nhà dòng xây dựng thêm 2 mái che bên cạch lể đài chính nên trông rất là vỉ đại và hoành tráng,nếu có bị mưa thì cha cụ, các sisters, Brothers, ca đoàn củng không bị ướt, và các cha đồng tế không phải mặc "bao rác" che mưa như những năm bị mưa trước đây!

Các bài giảng, hội thảo rất là nhiều và hay,gồm hai ngôn ngữ hợp cho các lứa tuổi, do các giảng thuyết viên nổi tiếng, kinh nghiệm như cha Vũ thế Toàn,cha Hy,Nguyển Đình Thắng, lại còn buổi thuyết trình về cuộc tiến trình phong thánh cho cha Bửu Diệp do cha Trần thế Tuyên, cũng là cáo thỉnh viên cho việc vận động này, sau đó ngài cho biếu không, T, shrit, dvd, book về cha Bửu Diêp, hy vọng kết qủa sẻ được trong ngày rất gần.

Riêng tôi tòi còn nhớ hai bài giảng rất hay và cảm động: truyền giáo của cha Nguyển hải Dương ngày lể sáng thứ Sáu và bài giảng hạnh phúc thay cho nhửng ai và dân tộc nào có, và sống Đức Tin như guơng Đức Mẹ... ngày thứ Bảy trong Thánh lễ Đại trào của cha Hy.

trong những NTM này có 4 Đức Cha Tham dự:

4 Đức Cha: 2 Đức Cha Mỹ Và 1 Đức Cha VN đến từ Địa phận Quy Nhơn(Nguyễn văn Khôi) và 1 từ Canada(Đức Cha (Nguyên Mạnh Hiếu).

còn văn nghệ và sổ số gồm rất nhiều mục vũ, hài kịch rất đẹp và hay của các cộng đoàn, cả băng các ca sĩ nổi tiếng, ái mộ từ Paris By Night trình diễn,góp vui.

Các quán ăn thì đông nghẹt người là người, nhất là quán Đồng Hành,( Arlington,TX. lúc nào đầy người, chắc là hốt bạc! vì quán này nhiều món ăn hấp dẩn, nóng và nhiều người phục vụ. còn qún bán đá của truyền thanh tin mừng từ CA có lẽ đói vì khí hậu qúa mát mẻ, nên đá(ice) không bán được là bao, tội nghiệp,tội nghiệp.

trong những ngày hành hương, tôi nhiều lần phải rơi lệ, cầu khẩn xin Chúa và Đức Mẹ cho tôi 1 đức Tin mạnh mẽ, biết tin tưởng,phó thác vào Chúa Mẹ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời.

Tôi rất cảm phục vì thấy các thành phần tham dự: người lớn, cụ già, con nit, hay choai choai, cùng tới đây tham dự ngày Thánh Mẫu, có người tới đây lái xe tới 24 giờ, họ từ Boston,Canada, hay ngay cả âu châu,Úc châu,VN. Ai ai cũng hớn hở,cười,nói. Họ tới đây, đất Mẹ vì nhiều lý do, có kẻ để gặp gỡ bạn bè,học hỏi, và tăng thêm cho đời sống tinh thần, đức tin,sống đạo có kẻ để cầu khấn, vui chơi hay bất cứ vì lý do gì, tôi cũng rất là cảm phục.

Bách Việt
 
Tin Giáo Hội Việt Nam 06/8 - 13/8/2013
VietCatholic Network
14:06 13/08/2013
Tin GHVN Tuần 18 Năm 2013

1. Tin GP Thái Bình

Khai mạc khóa Linh Thao cho sinh viên Công Giáo

Trong dịp hè 2013 Giáo phận Thái Bình tổ chức khóa linh thao cho các bạn sinh viên Công Giáo tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức. Dưới sự hướng dẫn của cha Giuse Trịnh Duy Suýt – Dòng Tên S.J.

Theo dự kiến, khóa linh thao được diễn ra từ ngày 04 đến ngày 10 tháng 8 năm 2013, lần lượt với 5 chủ đề cho từng ngày như:

Cảm nhận tình yêu Chúa; Hoán cải nội tâm; Ơn gọi người Kitô hữu; Hành trình theo Chúa Giêsu; Đời sống mới trong Chúa phục sinh và một đề tài kết thúc khóa linh thao là: Chiêm niệm để được tình yêu.

Đồng hành trực tiếp trong suốt những ngày linh thao này là cha Giuse Trịnh Duy Suýt – Dòng Tên.

Cùng với cha Suýt, đồng hành còn có soeur Maria Esther Trần Thanh Thủy – Dòng Chúa Quan Phòng, soeur Maria Đinh Thị Kim Dung và soeur Anna Têrêxa Võ Thị Lan – Dòng Đức Maria Trinh Vương, soeur Maria Đoàn Thị Đào – Dòng Phaolô, và khoảng 70 sinh viên đến từ các giáo phận: Thái Bình, Hà Nội, Bùi Chu, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Chương trình linh thao bắt đầu từ lúc 8h00’ ngày 05.8.2013, với bài gợi ý đầu tiên về “phương pháp và cách thức cầu nguyện” của soeur Maria Đoàn Thị Đào S.P.C. Trong bài gợi ý này, soeur đã giúp cho các tham dự viên tìm ra những điểm khó khăn và thuận lợi trong một giờ cầu nguyện và tìm biết ý Chúa muốn nói gì với mình.

10 giờ 30’ Thánh lễ khai mạc linh thao do cha Giuse Trịnh Duy Suýt chủ sự.

Lời mở đầu thánh lễ, cha nhắn nhủ các tham dự viên hãy tận dụng những ngày này để sống trong sự bao bọc của Thiên Chúa, chìm đắm trong chiêm niệm để được gặp Ngài. Đó là mục đích của khóa linh thao.

Trong dịp linh thao này, mọi người có cơ hội được ở với Chúa và sau đó được Chúa sai đi, mang ơn cứu độ đến cho những người, mà chúng ta gặp gỡ và nuôi sống họ, bằng chính Mình và Máu thánh Chúa.

Cuối ngày, mọi người ghi lại những nhận định của mình, trong ngày được ở bên Chúa. Rút tỉa những ưu khuyết điểm từ những việc đã làm, và những việc chưa làm được.

Một ngày mới sẽ bắt đầu với những cố gắng mới, mong ước được biến đổi thành con người mới, để trở nên khí cụ Chúa dùng, sinh nhiều hoa trái cho mình và cho người khác.

2.Tin TGP Hà Nội

Giáo xứ Chính Tòa, nghi thức tuyển chọn và ghi danh dự tòng

lúc 20giờ00, Chúa Nhật ngày 04 tháng 08 năm 2013, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã cử hành thánh lễ tuyển chọn và ghi danh cho 31 anh chị em dự tòng tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội.

Đây là các anh chị em thuộc lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân khoá 35 của giáo xứ Chính Toà, đã bắt đầu học giáo lý từ đầu tháng 2 năm 2013, nay đã chuẩn bị hoàn thành khoá học và xin được gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo.

Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Phêrô đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các anh chị em dự tòng được tuyển chọn trong thánh lễ này, đồng thời hướng cộng đoàn biết vượt lên trên những giá trị vật chất để biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Trong bài giảng lễ, Đức TGM Phêrô giải thích các bài đọc Thánh Kinh Chúa Nhật XVIII thường niên năm C, qua đó ngài đã cho thấy cái nhìn của Chúa Kitô về tiền bạc và các giá trị vật chật, không phải là cái nhìn bi quan yếm thế, nhưng là cái nhìn vượt lên trên, khuyến khích con người không chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất, mà còn đi tìm những giá trị thiêng liêng thuộc về Thiên Chúa, nhất là phải biết dùng chính những của cải vật chất, những khả năng Chúa ban để tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời.

Sau bài giảng, Đức TGM đã chủ sự nghi thức tuyển chọn và ghi danh. Tên của các anh chị em dự tòng được xướng lên, trình diện trước Đức TGM.

Tiếp đó, Đức TGM đã chính thức tuyển chọn họ vào ứng viên của các bí tích khai tâm Kitô giáo là Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

Nghi thức tuyển chọn và ghi danh được cử hành trong thánh lễ dành cho giới trẻ, đã khích lệ tinh thần của các bạn trẻ rất nhiều. Đồng thời cũng củng cố đức tin của các anh chị em dự tòng, để họ tiếp tục vững bước trên con đường trở nên con Thiên Chúa.

3. TỈNH DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM

Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục tại nhà thờ Ba Chuông Sàigòn

Từ sáng sớm, những người thân quen với nhà dòng, với các tiến chức đã qui tụ về nhà thờ Ba Chuông trong niềm vui chung. Cộng đoàn giáo xứ chia nhau mỗi người một việc trang trí cho Thánh Lễ truyền chức linh mục. Ban tiếp tân hân hoan chào đón quý cha, cùng cộng đoàn dân Chúa và những người thân quen. Mặc dù trời mưa rơi lất phất, nhưng ban tiếp tân vẫn nhiệt tâm và ra tận cổng đón mời khách.

7 g 45, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc đến, tay bắt mặt mừng. Các cha, quý tu sĩ nam nữ và những người thân quen có dịp gặp lại nhau trong ngày đại lễ như thế này. Các cha vui vẻ và nói đùa với hàn huyên thăm hỏi nhau

8 giờ, các tân chức cùng đoàn đồng tế tiến vào Thánh Đường. Cuối cùng là Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo.

Trước khi Thánh Lễ bắt đầu, Đức Cha Giuse chào cộng đoàn và mời gọi mọi người cùng sám hối để dâng Thánh Lễ. Cách riêng, Đức Cha mời gọi các tiến chức hãy cầu nguyện và đặc biệt kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sau bài Tin Mừng phụng vụ Thánh Lễ Chúa Hiển Dung, là phần xướng danh các ứng viên phó tế tiến chức linh mục gồm có các thầy:

-Phanxicô Xaviê Trần Kim Ngọc

-Giuse Võ Viết Cường

-Giuse Nguyễn Văn Phương

-Giuse Trần Hưng Đạo

-Gioan Baotixita Cáp Hữu Trí

-Phêrô Phạm Huy Khánh

-Giuse Hồ Đức Ký

-Giuse Phạm Văn Vũ

-Giuse Vũ Ngọc Thanh

-Giuse Mai Văn Điệp

Sau đó, Đức Cha chia sẻ cùng cộng đoàn dân Chúa và các tiến chức và mời gọi cộng đoàn cùng hòa chung niềm vui với dòng Đaminh như niềm vui của 3 môn đệ được thấy Chúa hiển dung.

Nghi thức truyền chức linh mục được tiếp tục với phần đặt tay chúc lành, kinh cầu các Thánh, lời nguyện phong chức. Sau đó các tân tức nhận áo lễ từ các ông bà cố và được các linh mục nghĩa phụ mặc giùm. Kế tiếp đến là nghi thức xức dầu, trao lễ vật. Các cha đồng tế ôm hôn chúc bình an. Một tràng pháo tay thật giòn dã chúc mừng quý tân chức.

Sau lời nguyện kết lễ, Cha Giám Tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình thay mặt cộng đoàn Dòng ngỏ lời cảm ơn Đức Cha Giuse.

Trong lời cảm ơn, Cha Giám Tỉnh cũng nhắc đến kỷ niệm, thật là hạnh phúc cho Tỉnh Dòng và cộng đoàn, bởi đây là lần đầu tiên Đức Cha đến với giáo xứ Đaminh Ba Chuông cũng là lần đầu tiên Đức Cha trao sứ vụ linh mục, sau khi Đức Cha lãnh sứ vụ Giám mục.

Trong phần đáp từ, Đức Cha xin quý cha, cộng đoàn, quý ông bà cố hãy luôn cầu nguyện cho các tân chức.

Đức Cha kêu gọi các tân chức hàng ngày hãy dâng những khó khăn, những hy sinh, những đau khổ lên Chúa như các môn đệ gặp đau khổ sau khi xuống núi trở về với đời thường. Quý cha mới hãy dâng những vui buồn đó như của Lễ dâng lên Chúa.

Sau khi nhận phép lành cuối Lễ, các tân chức cùng chụp hình lưu niệm với quý cha đồng tế và Đức Cha.

4. Dòng Nữ Đa Minh Bắc Ninh có thêm 15 nữ tu tuyên khấn.

Lần này có 11 nữ tu tuyên khấn lần đầu và 4 nữ tu tuyên khấn trọn đời, đó là hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho Dòng Nữ Đa Minh Bắc Ninh trong Thánh Lễ khấn lần đầu tiên của Hội Dòng.

Thánh Lễ được Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt SJ. cử hành long trọng tại Trung tâm Thánh mẫu Từ Phong vào lúc 08h30 sáng 06.08.

Cùng đồng tế với Đức Cha, có đông đảo quý Cha trong và ngoài giáo phận, nhất là sự xuất hiện của đông đảo quý Cha đến từ Dòng Đa Minh, quý tu sĩ Nam Nữ, quý bậc phụ huynh, thân nhân, ân nhân và khoảng hơn 2000 giáo dân từ khắp nơi đổ về, chung niềm vui với các nữ tu tuyên khấn và Hội Dòng.

Trong bài giảng, Đức Cha Giáo phận đã chia sẻ với các nữ tu về những niềm vui, cũng như những sự lo lắng qua kinh nghiệm sống đời dâng hiến của chính Đức Cha.

Ngài cũng so sánh những chị em khấn hôm nay như những “người nộp” mình cho Chúa.

Qua đoạn Tin Mừng ngày Lễ Chúa Hiển Dung, Đức Cha nhấn mạnh đến sự lựa chọn Ơn gọi của mỗi người. Ngài lấy hình ảnh Chúa Giêsu khi đứng trên núi Tabor là nơi Ngài đã đưa ra lựa chọn lên Giêrusalem để “nộp mình” đền tội cho thiên hạ và Chúa đã gọi Phêrô là satan khi ông ngăn cản Chúa lên đường.

Sau bài chia sẻ của Đức Cha, là nghi thức tuyên khấn. Lần lượt 11 nữ tu khấn lần đầu và 4 nữ tu khấn trọn đời đã tiến lên gian cung thánh, để Đức Cha thẩm vấn và quỳ trước mặt Sơ Bề Trên đọc lời xin tuyên khấn.

Tiếp đó các khấn sinh đã tiến ra bục thư ký đặt bút ký tên xác tín và quyết tâm sống theo những lời đã khấn hứa. Kể từ đây, các nữ tu này đã chính thuộc về Chúa và nhận chiếc nhẫn tuyên khấn cùng với bản Hiến Pháp của Hội Dòng từ tay Đức Cha.

Hội Dòng Nữ Đa Minh Bắc Ninh được chính thức tái thiết lập và gia nhập giáo phận Bắc Ninh vào ngày 01.01.2013 cũng là ngày Lễ kính Thánh Mẫu Thiên Chúa – tước hiệu của Hội Dòng.

Hiện nay, Hội Dòng có tổng cộng trên 200 nữ tu, tập sinh, tiền tập và đệ tử đang học tập và phục vụ trong giáo phận.

Thánh Lễ khấn hôm nay, cũng chính là Thánh Lễ khấn đầu tiên kể từ khi Hòi Dòng được tái thiết lập và trở về với quê Mẹ Bắc Ninh. Nữ tu Maria Chu Thị Dâng hiện đang làm bề trên tổng quyền tiên khởi của Hội Dòng.

Qua Thánh Lễ khấn hôm nay, 11 nữ tu khấn lần đầu và 4 nữ tu khấn trọn đời cũng chính là những hoa trái đầu tiên của Hội Dòng.

5. Các nữ tu Dòng Đaminh Rosa Lima khấn Dòng tại Sàigòn

Sáng ngày 05 tháng 8, tại nguyện đường dòng nữ Đaminh Rosa Lima có mười bảy nữ tu khấn lần đầu và tám nữ tu khấn trọn đời.

Trong số các nữ tu khấn năm nay, hầu như thân nhân của các khấn sinh đã có mặt tại Thủ Đức từ mấy hôm trước.

Các khấn sinh này, đến từ các giáo phận: Saigòn, Xuân Lộc, Long Xuyên, Bà Rịa, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Vinh, Thanh Hóa và Hải Phòng. Tuổi cao nhất là 34 và nhỏ nhất là 25 tuổi.

Hầu hết các khấn sinh đã học xong đại học hoặc tốt nghiệp cao đẳng.

Khoảng 7 giờ sáng, sân nhà Dòng đã nhộn nhịp từng đoàn người tiến vào. Quý ông bà cố, quý anh chị em, cháu chắt, gia đình nội ngoại của các tân khấn sinh đã rủ nhau đến. Cảm động nhất là quý cha giáo sư, quý cha xứ, quý cha bảo trợ, quý cha họ hàng thân hữu cũng đã đến từ rất sớm để chuẩn bị đồng tế cùng với Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, cầu nguyện cho hai mươi lăm tân khấn sinh.

8 giờ 30 đoàn rước tiến vào nguyện đường trong lời ca trầm bổng của ca đoàn Thỉnh Sinh.

Mở đầu thánh lễ Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã mời cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa với các nữ tu chuẩn bị tuyên khấn lần đầu và khấn trọn hôm nay. Đức Cha mời gọi các nữ tu hãy bỏ tất cả những gì bên ngoài và chỉ qui về một đích là dâng chính bản thân mình lên Thiên Chúa, thay cho tất cả mọi hy lễ.

Nghi thức khấn Dòng được các nữ tu long trọng tuyên khấn, trước sự hiện diện của cộng đoàn.

Trong khi tuyên khấn, các khấn sinh đặt tay của mình trong tay của nữ tu Tổng Phụ Trách Agnes Nguyễn Thị Thịnh.

Các khấn sinh được thay chiếc lúp trắng bằng chiếc lúp đen tượng trưng cho việc từ nay hãy từ bỏ chính mình và chọn việc tùng phục Thiên Chúa qua các vị đại diện của Người.

Các khấn sinh cũng được lãnh nhận Hiến Pháp của Dòng như là kim chỉ nam sau sách Tin Mừng trong đời sống phục vụ Giáo Hội.

Các nữ tu khấn trọn đời thì phải tiến lên, nằm phủ phục (nằm sấp) trước bàn thờ, vị Chủ Tế đã mời gọi cả cộng đoàn nài xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành qua kinh cầu Các Thánh.

Sau đó các khấn sinh được Đức Cha chủ sự làm phép và đeo vào tay mỗi người một chiếc nhẫn, như một dấu chỉ của sự trung tín trong đời thánh hiến.

Nữ tu Bề Trên tuyên bố các khấn sinh trọn đời hôm nay đã trở thành thành viên chính thức của Hội Dòng và được hưởng mọi quyền lời và nghĩa vụ của Dòng.

Những tràng pháo tay chúc mừng vang lên khắp nguyện đường. Bằng cử chỉ ôm từng nữ tu trong tay như là dấu chứng của Soeur Bề Trên đón nhận các Khấn Sinh này trong những giây phút đầu tiên trở thành phần tử của Dòng.

Được biết, theo hiến pháp Dòng Đaminh Rosa Lima, để được khấn Dòng các nữ tu phải trải qua 5 năm trong giai đoạn Thỉnh Sinh, Tiền Tập và Tập Viện.

Đầu tiên là giai đoạn Thỉnh Sinh học các chương trình huấn luyện trong hai năm. Sau hai năm này, các thỉnh sinh được lên giai đoạn Tiền Tập. Giai đoạn này các nữ tu được học các môn học, tìm hiểu về Dòng.

Sau một năm tiền tập sẽ được lên nhà Tập trong hai năm.

Trong hai năm Tập Viện, các nữ tu cầu nguyện, trao đổi và “ bàn bạc” về cuộc đời tu trì, để đi đến quyết định trở thành nữ tu chính thức hay không? Sau hai năm Tập Viện, các nữ tu phải có quyết định dứt khoát cho việc chọn lựa đời sống tu trì của mình.

Cũng trong hai năm tập này, các nữ tu không được gặp gỡ người ngoài, không được về thăm gia đình. Chỉ có một mình với Thiên Chúa.

Đây là một chặng đường dài trong đời sống tu tập cho đến ngày tuyên khấn đời.

6. Tin GP Hải Phòng

Khai mạc khoá huấn luyện Huynh đoàn Dòng Ba Đaminh của giáo phận

Vào lúc 20g00 tối ngày 05/08/2013, tại Trung tâm Toà Giám mục Hải phòng, khoá huấn luyện cho các thành viên Huynh đoàn Dòng Ba Đaminh được khai mạc.

Có 65 thành viên đại diện cho Huynh đoàn ở các giáo xứ, đã quy tụ về đây để học tập trong dịp này. Tham dự nghi thức khai mạc, có Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận, cha Giuse Nguyễn Văn Thông, Tổng đại diện và cũng là trưởng ban tổ chức, cha Gioan B. Vũ Văn Kiện, quản lý và cũng là cha giáo dạy môn phụng vụ.

Khoá huấn luyện này được thực hiện trong khuôn khổ của Năm đức tin của giáo phận, nhằm giúp người tín hữu đào sâu đức tin và tăng cường chia sẻ đức tin cho người khác.

Trong lời phát biểu khai mạc, Đức Cha đã mời gọi các học viên hãy tích cực dùng thời gian quý báu để học hỏi và cầu nguyện, nhờ đó mà đức tin được vững mạnh, đồng thời mới có thể loan truyền đức tin cho người khác. Tiếp lời Đức Cha, cha Giuse Thông thay mặt Ban Tổ Chức nói lên tầm quan trọng của khoá học.

Sau đó, cha quản lý Gioan B. Kiện đã lưu ý các học viên về việc giữ giờ giấc, sử dụng các vật dụng, theo qui luật của nhà chung, hầu đem lại nhiều kết quả trong việc học và giữ được bầu khí thân tình vui tươi.

Theo như chương trình đã được xếp đặt, khoá huấn luyện sẽ diễn ra ngày thứ Ba và thứ Tư.

Ngày thứ Năm, các học viên sẽ hiệp thông với các thành viên ở khắp nơi, mừng lễ kính thánh Đaminh tổ phụ, Quan thầy của Huynh đoàn, tại nhà thờ Chính toà.

Nghi thức khai mạc đã khép lại với giờ chầu Thánh Thể. Đức Cha, quý Cha cùng mọi thành viên sốt sắng dâng khoá huấn luyện này lên cho Chúa và xin Người chúc lành để việc học tập đạt được kết quả như lòng ước nguyện.

7. Tin GP Đà Nẵng

Thánh lễ truyền chức linh mục cho 7 thầy phó tế

Ngày 03 tháng 8 năm 2013, tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã truyền chức linh mục cho 7 thầy phó tế, gồm có:

02 thầy thuộc giáo phận Đà Nẵng,

05 thầy thuộc các dòng tu.

Các tân chức linh mục được thụ phong hôm nay là:

Phaolô Hồ Quang Phúc và Giacôbê Lê Quý Đạt, thuộc Giáo phận Đà Nẵng

Phêrô Maria Nguyễn Văn Vịnh, Dòng Đồng Công

Gioan Baotixita Trần Đình Thắng, Dòng Thánh Thể

03 Đan Sĩ: Philipphê Minh Đặng Chung, Anrê Dũng Lạc Mai văn Diên và Phanxicô Cẩn Phạm Minh Thiết thuộc Đan viện Thiên An Huế.

Hiện diện trong Thánh Lễ truyền chức, có đông đảo các linh mục thuộc giáo phận Đả Nẵng và các giáo phận bạn và các tu sĩ thuộc các dòng tu liên hệ.

Đặc biệt, có Đức Tân Giám Mục Anphong Nguyễn Hữu Long, thuộc tu hội Xuân Bích, nguyên Giám đốc Đại chủng viện Huế, thuộc hàng giáo sĩ giáo phận Đà Nẵng, vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tiến cử làm Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa; Viện Phụ Đan viện Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh, Cha Giuse Phan Ngọc Trợ, Bề trên Giám tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam, Cha Piô Maria Nguyễn Quang Đán, Tổng Phục vụ Dòng Đồng Công, Cha Giuse Hồ Thứ tân giám đốc và quý Cha giáo sư Đại Chủng viện Huế, đông đảo các tu sĩ nam nữ, chủng sinh, giáo dân và thân hữu của các tân chức. Thánh Lễ diễn ra trang nghiêm sốt sắng

Để đáp ứng nhu cầu mục vụ truyền giáo trong Giáo phận, nhất là tại tỉnh Quảng Nam đất rộng dân thưa, đi lại khó khăn, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các dòng tu được tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội khắp nơi, Giáo phận đã mời các dòng tu đến làm việc trên cánh đồng của Giáo phận. Hiện diện trong Giáo phận đến nay đã có các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đồng Công, Dòng Ngôi Lời, Dòng Đa Minh, Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn, Dòng Thánh Thể, Dòng Tên, Dòng Augustinô.

Trong thời gian tới, Dòng Don Bosco cũng sẽ đến phụ trách một trường dạy nghề tại thành phố Đà Nẵng, và Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa sẽ đến phụ trách một phòng khám Đông y tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Thánh Lễ kết thúc trong bầu khí hân hoan và vui mừng. Các tân linh mục sẽ lần lượt về dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại các xứ đạo quê hương mình.

8. Tin GP Phan Thiết

Giáo xứ Gia An hành hương linh địa Đức Mẹ Tàpao

Đến Linh Đài Trung Tâm Thánh Mẫu Mẹ Tàpao, có Cha Giacôbê Tạ Chúc, quản xứ giáo xứ Gia An, và Cha Giuse Phạm Thanh Tính, quản xứ giáo xứ Chợ Sàng, Quảng Bình, hai cha cùng dâng Thánh Lễ đồng tế, với ý cầu nguyện, xin dâng mọi công việc của giáo xứ Gia An lên Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Tàpao xin Chúa chúc lành cho các công trình đang và sắp thực hiện và Chúa cho giáo xứ Gia An được bình an.

Trong Thánh Lễ với sự hiệp thông có quý Thầy, quý Soeur, Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ, và đông đảo bà con giáo dân giáo xứ Gia An cùng giáo xứ Chợ Sàng, Quảng Bình.

Thánh lễ kết thúc lúc 8 giờ 50, Cha Chủ tế chúc lành cho bà con giáo dân các giáo xứ ra về bình an.

9. Tin GP Đà Lạt

Thánh Lễ Vĩnh Khấn và Ngân Khánh của các nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ

Hòa với niềm vui của Giáo Hội, của Hội Dòng và tỉnh dòng, thân nhân và ân nhân của 5 Khấn sinh và 3 nữ tu mừng Ngân Khánh

Các Nữ Tu: Maria Lương Thị Hoa, Maria Lương thị Hồng, Maria La Bouyen Nai Luệ, Têrêsa Nguyễn Thị Hoài Trâm và Maria Phạm Nguyễn Thị Minh Hương tuyên khấn vĩnh viễn trong Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Ba Nữ Tu: Maria Phan Thị Thúy Hằng, Maria Nguyễn Thị Mai Hương và Maria Nguyễn Thị Kim Cúc mùng Ngân Khánh khấn Dòng 25 năm.

Thánh lễ khấn dòng tại nhà thờ giáo xứ Thánh Giuse Thợ Tạo Tác Đàlạt bắt đầu với tiếng hát du dương của bài ca nhập lễ. Đoàn rước tiến vào nhà thờ trong niềm phấn khởi. Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Đà Lạt chủ tế thánh lễ. Cùng đồng tế có trên 20 cha, gồm các cha Phó Giám Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn, quý cha Quản Hạt, Cha sở giáo xứ Tạo Tác.

Ngoài ra sự hiện diện của quý Bề trên, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân và thân nhân, cùng cộng đoàn Dân Chúa nhiều nơi đến tham dự.

Sau phần giới thiệu các ứng sinh xin tuyên khấn của nữ tu Đặc Trách Khấn Sinh, các ứng sinh đã nói lên ước nguyện của mình, được hiến dâng tất cả cuộc đời, theo chân Đức Giêsu Kitô trong Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và đã đọc lời tuyên khấn trước toàn thể cộng đoàn.

Soeur Bề Trên Giám Tỉnh thay mặt Bề Trên Tổng Quyền nhận lời khấn.

Các khấn sinh cũng nhận được chiếc nhẫn hôn ước trong giây phút linh thiêng này. Kể từ nay, họ vĩnh viễn thuộc về Chúa Kitô và là thành viên chính thức của Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Toàn thể các Nữ Tu đã tiến lên trao những lời chúc bình an, thể hiện rằng trong hành trình dâng hiến, các khấn sinh luôn có những chị em trong Dòng cùng đồng hành, nâng đỡ, cùng nhau sống trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội và Hội Dòng.

Thánh lễ tiếp diễn với phần phụng vụ thánh thể. Ba Nữ Tu Mừng Ngân Khánh lặp lại lời Vĩnh Khấn đã tuyên hứa cách nay 25 năm về trước.

Kết thúc thánh lễ là nghi thức sai đi của các Tân Khấn Sinh. Soeur Bề Trên Giám Tỉnh đọc bài sai của mỗi khấn sinh, cả nhà thờ hòa với tâm tình mừng vui

- Nữ tu Maria Lương Thị Hoa, được sai đến tỉnh dòng Việt Nam

- Nữ tu Maria Lương Thị Hồng, được sai đến tỉnh dòng Đông Phi

- Nữ tu Maria LA BOUYEN Nai Luệ, được sai đến tỉnh dòng Philippine

- Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Hoài Trâm, được sai đến tỉnh dòng Anh - Ái nhĩ lan

- Nữ tu Maria Phạm Thị Minh Hương, được sai đến tỉnh dòng Việt Nam.

Các Khấn sinh đã đã đón nhận những bài sai cho sứ vụ của mình

Thánh Lễ tuyên khấn kết thúc bằng những lời Tri Ân và chúc bình an cho nhau

10. Tin GP Phú Cường

Giáo xứ Búng: mừng kính Thánh Phêrô Đoàn Công Quí và 125 năm xây dựng nhà thờ

Giáo xứ Búng đã long trọng tổ chức lễ mừng: Kỷ niệm 125 xây dựng nhà thờ Búng, 25 năm hiển thánh Cha thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Cử hành năm Đức Tin tại họ đạo Búng với chủ đề: “sống và thực hành đức tin như các bậc tiền nhân”.

Chương trình bắt đầu lúc 17 giờ chiều ngày 30/07 với phần diễn nguyện do các sơ của Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho trình diễn. Bên cạnh đông đảo giáo dân trong họ đạo đến tham dự, dòng họ, thân tộc của Thánh Phêrô Quí từ giáo xứ Lương Hòa (Hậu Giang) cũng dành thời gian về dự lễ.

Sau phần diễn nguyện, kiệu Hài Cốt Thánh Quí được rước quanh nhà thờ và Thánh lễ được tổ chức tại Đài Thánh Quí.

Đúng 19 giờ 30, theo như chương trình văn nghệ đạ dự định thì có Cha J.B Nguyễn Sang hỗ trợ thực hiện với sự góp mặt của các ca sỹ: Giao Linh, Thanh Trúc, Hoàng Hiệp, nhóm hài Trung Dân, ảo thuật của Ka Luân. Giáo xứ Búng tham gia biểu diễn 3 tiết mục của Ca đoàn (hợp xướng) và các em thiếu nhi.

Đáng tiếc là Cha J.B Nguyễn Sang vào giờ chót không thể tham gia vì ông cố Giuse thân phụ của Cha Sang mới qua đời vào sáng cùng ngày (30/07).

Cha sở Micae Lê Văn Khâm đã có lời tri ân Cha J.B Nguyễn Sang trước buổi văn nghệ, vì toàn bộ chương trình văn nghệ cũng như diễn nguyện của các sơ Dòng Phaolô Mỹ Tho đều do Cha Sang hỗ trợ; đồng thời Cha sở cũng chia buồn cùng Cha Sang về việc ông cố Giuse được Chúa gọi về. Cộng đoàn đã dành 1 phút đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông cố Giuse.

Cơn mưa dầm dai dẳng ít nhiều ảnh hưởng đến buổi văn nghệ. Tuy nhiên, vẫn đông khán giả đội mưa ngồi xem hết chương trình và các ca sĩ, nhóm múa, hài kịch… cũng hết mình biểu diễn trong cơn mưa. Tất cả làm cho bầu không khí như ấm lại giữa trời mưa lạnh.

Chương trình văn nghệ kết thúc lúc 21 giờ 30.

Sáng ngày 31/07 là ngày lễ chính thức, chủ tế Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước giám mục giáo phận Phú Cường, quý Cha trong giáo phận, quý Cha gốc họ đạo Búng, đại diện các giáo xứ trong hạt Phú Cường, các dòng tu, cộng đoàn và đặc biệt, thân tộc, dòng họ của Thánh Phêrô Đoàn Công Quí ở khắp nơi cũng có mặt đông đủ hơn. Giáo dân trong họ đạo cũng đến tham dự Thánh lễ chật kín cả nhà thờ.

09 giờ, đoàn đồng tế đến trước Đài Thánh Quí dâng hoa và thắp hương, sau đó vào nhà thờ cử hành Thánh lễ.

Trong Thánh lễ, Cha phó Vinhsơn đã ôn lại lịch sử nhà thờ Búng được xây lại lần thứ 6 (năm 1888) đến nay đã được 125 năm; đồng thời, cũng kỷ niệm 25 năm Giáo Hội tôn phong hiên thánh cho 117 thánh tử đạo VN, trong đó có Thánh Phêrô Đoàn Công Quí – một linh mục gốc họ đạo Búng; Thánh lễ còn mừng giỗ Thánh Quí cũng như cử hành năm Đức Tin tại giáo xứ.

Kết thúc Thánh lễ có nghi thức hôn xương của Thánh Phêrô Đoàn Công Quí.

11. Tin GP Sàigòn

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mừng Lễ Thánh Anphongsô - Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế.

Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn được quý cha, quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế giúp mục vụ, nên Thánh lễ mừng Thánh Tổ phụ hôm nay được cử hành rất long trọng.

Đúng 5giờ 30, giờ hành hương được bắt đầu. Cha Vinhsơn Trần Trí Tuệ hướng dẫn cộng đoàn chiêm ngắm hình ảnh của Cha Thánh Anphongsô với lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Những lời nguyện xin tha thiết được dâng lên Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Cha Thánh Anphongsô và Đức Mẹ.

Giờ hành hương kết thúc, cộng đoàn cùng tập hát trước Thánh lễ. Ngoài trời mưa nhẹ như là mưa hồng ân của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên con cái của Cha Thánh Anphongsô

Đoàn rước bắt đầu, Thánh giá nến cao dẫn đầu đoàn rước, quý thầy theo sau. Kế tiếp là quý cha thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn và những vùng lân cận, đặc biệt có cha Bề trên cộng đoàn Hà Nội Matthêu Vũ Khởi Phụng. Cuối đoàn rước là vị chủ tế Thánh lễ hôm nay: Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - giám mục giáo phận Cần Thơ.

Trước Thánh lễ, Cha Giuse Hồ Đắc Tâm - chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ngỏ lời chào mừng Đức Cha Stêphanô. Cha chánh xứ cũng nhắc đến kỷ niệm đẹp của Đức Cha Stêphanô đó là Đức Cha từng là cậu giúp lễ của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Hằng năm, vào ngày giỗ của thầy Fidel Nhuận - giúp phụng vụ phòng thánh thời đó - Đức Cha đều đến đây để dâng lễ cho thầy. Đặc biệt hôm nay, Đức Cha về đây cùng với Nhà dòng, với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu mừng lễ Thánh Anphongsô.

Trong bài chia sẻ, Cha Maccô Bùi Quan Đức mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lên Cha Thánh Anphongsô - một người có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Từ quyển sổ rửa tội, tên Anphongsô gắn liền với Maria de Ligori, Thánh Anphongsô thuộc về Mẹ Maria khi được làm con Chúa. Từng chuỗi ngày thất bại với nghề luật sư, Thánh Anphongsô dâng thanh gươm luật sĩ cho Mẹ. Mỗi ngày, Thánh Anphongsô lần 8 chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Tràng chuỗi này được để lại ở tu phục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế để nhắc nhớ tu sĩ luôn kính mến Đức Mẹ.

Sau lời nguyện kết thúc, ông chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ thay mặt cộng đoàn cảm ơn Đức Cha Stêphanô cũng như quý cha, quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế. Những bó hoa tươi tượng trưng cho tấm lòng của cộng đoàn được dâng lên Đức Cha, cha Phó Giám tỉnh.

Phép lành toàn xá được Đức Cha Stêphanô trao ban cho cộng đoàn đã kết thúc thánh Lễ mừng kính Thánh Anphongsô.

12. Tin GP Mỹ Tho

Khóa học Truyền thông 2013 của giáo phận đã kết thúc.

Ngày đầu tiên thật sự ngỡ ngàng khi bước vào cổng Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, cứ nghĩ là khóa học này chắc toàn là những người trung niên tham dự; nhưng khi tiến vào phòng học, thì có rất nhiều bạn trẻ và bầu không khí cũng náo nức, đông vui không thua kém gì các khóa học khác.

Có người chỉ nghe Cha trưởng ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận Mỹ Tho Giuse Nguyễn Tuấn Hải, nhưng chưa được biết mặt Ngài. Đến đầu giờ chiều Thứ Hai ngày 22.07, Ngài khai mạc khóa Truyền thông 2013; thật bất ngờ, Ngài trẻ hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng đoán mò.

Trong suốt khóa học, các học viên cảm nhận được sự ân cần, tận tình dạy bảo của quý cha, quý sơ và quý anh chị trong Ban giảng huấn. Các vị đều muốn truyền đạt hết kiến thức và kinh nghiệm của mình cho các học viên. Ở đây, các vị không còn là những nhà Truyền thông bình thường nữa, mà trở thành những nhà Truyền giáo loan báo Tin Mừng nước Chúa.

Về thành phần học viên tham dự, có những người đáng tuổi cha mẹ, cô chú, anh chị hay em. Nhưng, tuổi tác không hề có chút gì trở ngại gì cho những mối quan hệ trong khóa học. Trong họ, ai cũng nhận thấy được một sức sống trẻ trung cùng với tinh thần đam mê học hỏi rất cao. Và tất nhiên là những ngày học đã đạt hiệu quả rất tốt. Sau khóa học này, các anh chị em học viên ai cũng biết tạo Email, cài đặt Photoshop, Corel, tạo Blog, viết Nguyệt tác, làm Phóng sự ảnh cho trang Mục Vụ Truyền Thông (MVTT) mỗi giáo hạt.... Điều đặc biệt là mỗi giáo hạt, giáo xứ đều có riêng một trang Web cho mình và tất cả cùng nằm trong trang MVTT của Giáo phận Mỹ Tho. Thiết nghĩ Thiên Chúa đã xây dựng "tình liên đới truyền thông" cho chúng ta thật tuyệt vời.

Trong khóa học này, nói lên được sự thánh thiện, biết từ bỏ chính mình của các anh chị học viên qua các giờ đạo đức, mà Ban Giảng huấn đã sắp xếp trong chương trình học. Tất cả đều hướng về cùng đích duy nhất đó chính là Thiên Chúa Tình yêu. Qua đây, các khóa sinh nhận ra được hình ảnh của Thiên Chúa hằng hữu trong những lúc học tập, lúc cầu nguyện, lúc cử hành các giờ đạo đức, lúc sinh hoạt và vui chơi nơi quý cha, quý sơ và các anh chị em học viên xung quanh mình.

Một ấn tượng khác về khóa học này chính là buổi văn nghệ chiều Thứ Sáu ngày 26.07.2013. Đó chỉ là buổi văn nghệ mang tính chất bỏ túi nho nhỏ, nhưng các anh chị em học viên đã tham gia một cách tích cực; và cố gắng hết mình luyện tập các tiết mục cho hay, lôi cuốn và hấp dẫn được khán giả. Các tiết mục tham gia rất phong phú gồm nhiều thể loại như: hát, múa, câu đố vui bằng hình ảnh, kịch và có cả hóa trang nữa...

Nhận thấy được sự tự tin, thoải mái và tinh thần tự giác làm việc hết mình của các anh chị em học viên. Mọi người hăng say học hỏi và thực hành đến độ quên cả giờ giải lao; thậm chí không màng đến giờ cơm, giờ nghỉ trưa của mình với mong muốn hoàn thành các bài tập, nhiệm vụ được giao.

Và vui mừng thay, khi Cha Giuse Vũ Hữu Hiền- Tổng thư ký Ủy ban Truyền Thông HĐGMVN và Cha Hải đều khen rằng khóa học Truyền thông 2013 này tốt hơn so với hai khóa học trước.

Giờ đây, các anh chị em học viên đã chính thức trở thành Thành viên Mục vụ Truyền thông của Giáo phận. Tin rằng tất cả mọi người sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, cố gắng hơn để biết cách định hướng, xây dựng hành trình Truyền thông tin mừng cứu độ nước Chúa, theo đúng câu châm ngôn mà MVTT đã đưa ra:

TÍCH CỰC - LOAN BÁO TIN MỪNG

XÂY DỰNG - VĂN MINH TÌNH THƯƠNG
 
Chủng Sinh tĩnh tâm tại Giáo Hạt Thanh Oai:
Thạch Bích
14:06 13/08/2013
Chủng Sinh Tĩnh Tâm Tổng Kết Tháng Hè tại Giáo Hạt Thanh Oai

Hôm nay, Thứ hai ngày 12 tháng 08 năm 2013, quý thầy chủng sinh Giáo Phận Hà nội đang giúp hè tại Giáo Hạt Thanh Oai đã quy tụ về giáo xứ Thạch Bích để tĩnh tâm và tổng kết những tháng giúp hè 2013.

Xem Hình

Dù ở cách xa nhưng khoảng 8 giờ 30, quý thầy đã tề tựu đông đủ tại giáo xứ Thạch Bích trong không khí vui tươi, tay bắt mặt mừng vì lâu lâu anh em mới lại gặp nhau đông đủ như vậy.

Đúng 8 giờ 45 anh em tập trung chào cha quản hạt Phaolô Nguyễn Văn Đoàn, chính xứ Thạch Bích. Sau đó anh em lên nhà thờ để chuẩn bị cho giờ tĩnh tâm. Sau bài hát kính Chúa Thánh Thần, cha quản hạt đã giúp anh em nhình lại hành trình hai tháng hè qua. Với kinh nghiệm mục vụ lâu năm, cha đã chia sẻ cho anh em về tinh thần phục vụ, tương quan giữa chủng sinh và cha giúp xứ. Ngài nói: “ anh em hãy gắn bó với cha xứ, chân thành chia sẻ những vui buồn với các ngài. Phải biết vâng lời, nhưng không phải vâng lời tối mặt. Nếu có sáng kiến, hãy khiêm tốn và mạnh dạn chia sẻ với ngài và chờ ngài quyết định… Anh em đi đâu, làm gì hay giúp ở xứ họ nào thì nên có chương trình trước và báo cho cha xứ biết trước”. Tiếp theo cha quản hạt nhẫn mạnh về chữ “ nhẫn ”… Nhịn một chút sóng yên gió lặng – Lùi một bước biển rộng trời cao. Có khi nhẫn để bình an – có khi nhẫn để thênh thang cõi lòng. Không nhẫn không gần được đạo… Sau đó cha quản hạt chia sẻ cho anh em biết về chương trình của Đại Hội Ve Chai sắp tới, ngài mời gọi anh em cộng tác và giúp đỡ những nhóm ve chai trong xữ của anh em …

Sau buổi chia là giờ chầu Thánh Thể với chủ để: “Tạ Ơn”

Đoạn Tin Mừng (Mc 6,30-32): “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”, đã mời gọi và giúp quý thầy dừng lại để nghỉ ngơi nơi trái tim Chúa.

Sau những giây phút thiêng liêng, lắng đọng, nghỉ ngơi trong trái tim Chúa, quý thầy lại có những giây phút thật sôi động trong giờ giao lưu thể thao cùng với cha quản hạt và cha phó Antôn.

12h00, cha quản hạt đã mời quý thầy dùng cơm với giáo xứ. Ngài lại tiếp tục chia sẻ và kể những câu chuyện hài hước làm cho buổi tiệc thêm đậm đà hơn.

Trước khi anh em chào cha quản hạt ra về, Ngài đã không quên tặng quà và cầu chúc anh em ra về được bình an.

Sau buổi tĩnh tâm sáng nay quý thầy lại “xuống núi” để tiếp tục sứ vụ mà Chúa và Giáo Hội trao phó.

BTT Thạch Bích
 
Tàpao dưới cơn mưa : Đêm nhạc “Cảm Mến Hồng Ân”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:10 13/08/2013
Tàpao Dưới Cơn Mưa: Đêm Nhạc “Cảm Mến Hồng Ân”

Những ngày này, vào biển Đông, siêu bão Utor tiếp tục mạnh lên, gây gió mạnh tới 170 km/h (cấp 14). Cơn bão với vùng ảnh hưởng rộng hàng trăm km khiến vùng vịnh Bắc Bộ hứng chịu cấp gió nguy hiểm. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh và mưa rất nhiều.

Xem Hình

Mặc dù, đài truyền hình đã thông báo về mưa bão, nhưng hàng chục ngàn người vẫn hành hương về bên Mẹ Tàpao ngày 12-13/8/2013.

Từ chiều 12, trời đổ mưa nặng hạt.Mưa núi bao giờ cũng có gió lạnh và dai dẵng. Từng đoàn xe chở khách hành hương đã đến Tàpao. Các ca đoàn và các ca sĩ cũng đã có mặt đầy đủ.

Đêm nhạc tạ ơn Thiên Chúa và ngợi ca Đức Mẹ bắt đầu và kết thúc dưới cơn mưa. Đoàn rước kiệu Đức Mẹ tiến lên lễ đài, áo mưa và dù che. Các linh mục, tu sĩ nam nữ và khán giả đều mặc áo mưa và che dù, cùng thưởng thức đêm nhạc “Cảm mến hồng ân” dưới những cơn mưa.

Dù mưa có tạo chút khó khăn cho ban tổ chức, dù mưa có làm cho người tham dự có chút ái ngại, nhưng chương trình vẫn bắt đầu. Cha JB Hoàng Văn Khanh, TĐD Giáo phận khai mạc và giới thiệu Nhạc sư Kim Long kỷ niệm 45 năm Linh mục với cộng đoàn.

Đêm nhạc có 2 phần: Tạ ơn Thiên Chúa và ngợi ca Mẹ Maria. Phần trình diễn do Ca Đoàn Vượt Qua (Sài Gòn), Ca Đoàn Sao Mai (Xuân Lộc), Dòng Mân Côi (Sài Gòn) và các ca sĩ như Thanh Sử, Diệu Hiền, Xuân Trường, Đông Nghi, Hoàng Hiệp, Hà Bảo Thu.

Gần 2 giờ đồng hồ, ngồi dưới mưa thưởng thức những bài thánh ca từ đơn ca, diễn nguyện đến hợp xướng, cộng đoàn vẫn vui vẻ lắng nghe, lắng đọng, nhiệt thành và lâng lâng niềm cảm tạ. Mưa rừng làm cho khí trời dịu mát, trong lành. Lời ca tiếng hát tạ ơn và ngợi khen quyện trong gió ngàn vang khắp rừng núi phủ kín cánh đồng kho.

Những ngày tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới 2013 tại Rio de Janeiro, tôi cùng với hàng triệu bạn trẻ đi trong mưa và đứng dưới mưa tham dự chương trình Đại Hội, nhiều trận mưa rào nặng hạt và những cơn mưa nhẹ bay bay đã cùng đồng hành với chúng tôi trong những ngày đầu khó phai những kỷ niệm.

Tối nay, tại đại ngàn Tàpao, cùng mọi người ngồi dưới mưa dự đêm thánh ca nên tôi liên tưởng với nhiều ấn tượng có đôi chút lãng mạn trong mưa.

Đi trong mưa và ngồi dưới mưa mới thấy rõ hơn sự nồng nhiệt của khách hành hương từ thập phương về bên Mẹ Tàpao.

Tháng 8 dầm dề những trận bão và áp thấp nhiệt đới. Cám ơn những cơn mưa núi rừng Tàpao. Mưa làm mọi con đường đầy ngập bùn lầy lội, chỗ ngồi cũng ướt sủng nhưng không làm giảm những lời hoan ca và tiếng vỗ tay tán thưởng sau mỗi tiết mục; mưa lạnh ngấm vào da thịt nhưng tâm hồn mỗi người được sưởi ấm bằng những giai điệu những cung bậc của lời ca thánh.

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết bế mạc bằng những tâm tình cám ơn dưới cơn mưa.

Gần hai tiếng, cộng đoàn thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn với những bài thánh ca của một tác giả vô cùng quen thuộc, đã đóng góp cho nền thánh nhạc Việt Nam hàng nghìn bài, hàng nghìn tác phẩm, trong đó nhiều ca khúc dân Chúa Việt Nam đã thuộc nằm lòng. Đó là Linh mục nhạc sư Kim Long, hay là với tên gọi thân thương hơn như các ca viên đã gọi ngài là “Bố ơi, Bố ơi”. Đối với giới thông thạo thánh ca, cách riêng thánh ca Việt Nam thì đêm nay là một sinh hoạt đặc biệt mang màu cảm mến hiệp thông với Cha Giáo Kim Long nhân dịp kỷ niệm 45 hồng ân linh mục. Đối với Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, đây là một sự kiện hồng ân “nằm mơ cũng không thấy” được hòa theo những giai điệu và tiết tấu, linh thiêng mà vương vấn, thánh thiện mà rộn ràng, và dẫu là thánh ca cầu nguyện đi nữa thì vẫn tràn đầy cảm xúc đê mê. Đối với Linh Mục Nhạc sư Kim Long thì rõ ràng, đêm nay là thời khắc trải lòng qua các cung bậc bổng trầm đan xen giữa hợp xướng và đơn ca qua hai phần trình tấu, để cuối cùng đọng lại chỉ trong một tâm tình duy nhất là cảm mến hồng ân. Như vậy, đêm nay, tất cả là hồng ân, cho đi và nhận về, nhận về và tiếp tục cho đi. Xin cảm tạ sự góp công to lớn của Cha Giáo Kim Long, sự góp sức nhiệt huyết của các ca đoàn, các ca viên cũng như các ca sĩ, sự góp phần âm thầm của các thân hữu gần xa và sự góp mặt đầy khích lệ của quý khách hành hương thập phương để sự kiện đêm nay diễn ra cách gọn nhẹ, hoàn thành mỹ mãn dẫu trời có điểm xuyết những hạt mưa. Đêm nhạc không những đã đem lại kết quả mong muốn mà còn để lại dấu ấn khó quên cho Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao. Hy vọng trong tương lai, núi rừng này còn được vang lên thêm nữa nhiều bài thánh ca của Cha Giáo Kim Long.

Mười hai tháng tám Tàpao

Cây reo lá hát ngạt ngào hương danh.

Một trời cảm mến hồng ân

Rừng thức giấc núi lâng lâng chuyển mình.

Trong tâm tình lâng lâng, Đức Cha Giuse tuyên bố khép lại đêm nhạc “Cảm mến hồng ân” và ban phép lành. Ngài chúc mọi người có một giấc ngủ ngon và bình yên, chuẩn bị cho thánh lễ tạ ơn vào sáng mai.

Viết tại Tàpao 13.8

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Lễ Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney
Diệp Hải Dung
09:01 13/08/2013
Lễ Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney

Sáng thứ Ba 13/08/2013 rất đông đủ các Hội Đoàn Đoàn Thể đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly – Sydney hành hương ngày 13 kính Đức Mẹ và mừng kính Thánh Nữ Monica Quan Thầy của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Tổng Giáo Phận Sydney.

Xem hình

Mọi người tập trung trước tượng đài Đức Mẹ. Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch Cựu Linh Hướng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney điều hợp dâng giờ đền tạ Đức Mẹ và sau đó kiệu cung nghinh tượng Thánh Nữ Monica về hội trường Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse. Cuộc kiệu rất trang nghiêm mọi người cùng hiệp với Ca đoàn Monica dâng lên Đức Mẹ Chuỗi Mân Côi Mùa Mừng cầu cho Gia Đình và Cộng Đồng đặc biệt cầu cho các Hội viên đã qua đời.

Khi kiệu tượng Thánh Nữ Monica về đến hội trường an vị trên bàn thờ. Chị Nguyễn Thị Tuyết đọc sơ lược về tiểu sử của Thánh Nữ Monica đồng thời Cha Đặng Đình Nên Linh hướng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney nhân dịp ngày 13 hành hương kính Đức Mẹ và giới thiệu qúy Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền, Cha Trần Văn Trợ Cựu Linh hướng Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney và Cha Uy Giáo phận Hải Phòng VN cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Dương Thanh Liêm đã nói về cuộc đời của Thánh nữ Monica là một người mẹ tuyệt vời, một người vợ trung trinh, một hình ảnh của vị Thánh nhân mà chúng ta mừng kính Bổn Mạng hôm nay..Cha cũng kể về một vài mẫu truyện thực tế ngoài đời để áp dụng cho đời sống của những người mẹ hiện tại. Ngoài ra Cha còn dẫn chứng về bài Phúc Âm hôm nay mà Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương cho đứa con trai của một bà góa đã chết được sống lại để người mẹ bớt đau khổ. Nhưng đối với Thánh nữ Monica thì cái khổ lớn nhất của Ngài không phải vì chồng vì con, cho dù cậu Augustino có hư hỏng cách mấy Ngài vẫn thương. Cái khổ mà làm cho Ngài khổ là chồng và con không còn biết đến Thiên Chúa là ai nữa…

Sau bài giảng là nghi thức Xức Dầu Thánh cho các vị cao niên, các vị đau yếu trong Cộng Đồng. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn chữa lành phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Hà Pi Liến Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney, kế tiếp chị Hà Trí Tri Hội Trưởng lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý quan khách và tất cả mọi người đã dành thời gian quý báu đến tham dự lễ Quan Thầy của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney. Cám ơn quý Ban Thường Vụ, quý Hội Đồng Mục Vụ, Ban Mục Vụ Trung Tâm Bringelly và các Ban Ngành Đoàn Thể. Con cũng cám ơn quý Cha Cựu Linh Hướng Nguyễn Thái Hoạch và Cha Trần Văn Trợ,.

Sau cùng Cha Linh Hướng Đặng Đình Nên ngỏ lời cám ơn qúy Cha và Cha Dương Thanh Liêm cũng đã giúp thuyết giảng trong Thánh lễ. Đặc biệt cám ơn qúy Ban Mục Vụ Trung Tâm Bringelly và qúy ân nhân đã giúp cho ngày mừng kính Bổn Mạng hôm nay.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng bổn mạng trong nhà ăn Trung Tâm và kết thúc vào lúc 1pm

Diệp Hải Dung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Danh xưng và tôn chỉ hội đoàn Legio Mariae
JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
08:41 13/08/2013
DANH XƯNG VÀ TÔN CHỈ HỘI ĐOÀN LEGIO MARIÆ

I.- ĐẶT VẤN ĐỀ:

Kể từ ngày hiện diện tại Việt Nam cách đây đúng 65 năm (12/08/1948 – 12/8/2013), cậy nhờ Hồng ân Thiên Chúa, được sự tín nhiệm và cho phép của Giáo quyền khắp nơi, Hội đoàn Legio Mariæ với tên gọi Đạo Binh Đức Mẹ đã và đang hoạt động trên 26/26 giáo phận trong cả nước, với 4.262 Senior Præsidia (đơn vị nòng cốt) gồm: * 52.492 hội viên trưởng thành (senior) hoạt động; * 78.807 hội viên tán trợ; và * 17.104 hội viên thiếu niên (Junior) (trích báo cáo của Hội đồng Senatus Việt Nam tháng 12/2012). Sự phát triển vượt bậc này đã nói lên sự hưởng ứng nồng nhiệt của Giáo quyền và Giáo dân Việt Nam đối với Legio Mariæ.

Tuy vậy, vẫn có sự hiểu lầm, coi đây như là một tổ chức chính trị núp dưới bóng tôn giáo. Sự hiểu lầm đáng tiếc này không chỉ từ phía ngoài Ki-tô giáo, mà còn có cả bên trong Giáo Hội (các linh mục khi được mời làm Linh Giám – chức vụ trông coi, giám sát những hoạt động của hội đoàn – cũng e dè, ngại ngùng không dám nhận). Đó phải chăng là một vấn nạn cần được giải gỡ? Tác giả bài viết này không phải là một hội viên (chính thức hay tán trợ), xin khách quan tìm hiểu để minh nhiên vấn đề.

Trước hết, để có một cái nhìn tổng quát, xin nêu nội dung Thủ Bản (Tài liệu căn bản của Legio Mariæ)

II.- NỘI DUNG THỦ BẢN:

Nội dung Thủ Bản có tổng cộng 41 chương (bao gồm 612 số lề). Vì vấn nạn chỉ tập trung vào danh hiệu của Legio, nên chỉ xin đề cập đến 5 chương liên quan (với 31 số lề):

* CHƯƠNG 1- DANH HIỆU VÀ NGUỒN GỐC (số 1-4)

* CHƯƠNG 2- CHỦ ĐÍCH (số 5)

* CHƯƠNG 3- TINH THẦN (số 6)

* CHƯƠNG 4- SỨ VỤ CỦA LEGIO (số 7-16)

1. “Hãy mang chiến phục của Thiên Chúa” (Ep 6, 11). (số 7).

2. Họ phải là “Một hiến tế sống động, thánh hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian” (Rm 12,1-2). (số 8).

3. Không được trốn tránh những cực nhọc và lao phiền (2 Cr 11, 27). (số 9).

4. Phải “đi con đường bác ái theo gương Chúa Ki-tô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta” (Ep 5, 2). (số 10-11).

5. Phải “chạy hết quãng đường của mình” (2 Tm 4, 7). (số 12-16).

* CHƯƠNG 5- ĐẶC ĐIỂM CỦA LÒNG TÔN SÙNG (số 17-31).

1. Thiên Chúa và Đức Ma-ri-a (số 18-19).

2. Đức Ma-ri-a trung gian các ơn (số 20).

3. Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội (số 21-22).

4. Đức Ma-ri-a Mẹ chúng ta (số 23-25).

5. Tôn sùng Đức Mẹ là nền tảng cho việc tông đồ của Legio (số 26-28).

6. Chỉ biết Đức Ma-ri-a là đủ! (số 29-30).

7. Đưa Đức Ma-ri-a đến với thế giới (số 31).

III.- XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA VẤN NẠN:

Vấn nạn xảy ra chỉ tập trung vào DANH XƯNG của LEGIO MARIÆ. Đó là:

1- Đề từ cuốn Thủ Bản:

Ngay ở trang đầu tiên của sách Thủ Bản có trích dẫn 3 lời đề từ (lời dẫn nêu rõ tiêu đề của sách):

* “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, Đẹp như mặt trăng, Rực rỡ như mặt trời, Uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận, Bà là ai?” (Dc 5, 10)

* “Danh xưng của Trinh nữ là Ma-ri-a” (Lc 1, 27).

* LEGIO MARIÆ danh hiệu khéo chọn biết bao” (Đức Pi-ô XI).

Trong kinh Catena (kinh nguyện của Legio) thì “Câu Dạo” (tựa như “Lời Giáo Đầu” trong Kinh Phụng Vụ) cũng dùng câu trích sách Diễm ca như nêu trên (Dc 5, 10).

Nếu không phải là hội viên, độc giả chỉ đọc câu: “Uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận” thì tưởng chừng như đây là một đạo binh vũ khí đầy mình, oai phong lẫm liệt, sẵn sàng xung trận. Và như thế sẽ đi đến ngộ nhận cho rằng Legio Mariæ là một đạo quân thực sự, được chỉ huy bởi một Nữ tướng oai hùng.

2- Danh hiệu quân đội Rô-ma:

Legio Mariæ được tổ chức theo lối quân đội Rô-ma thời xưa, mượn luôn cả danh xưng; vì “Quân đội Rô-ma có lẽ là đơn vị tác chiến giỏi nhất thế giới từ xưa tới nay. Bí quyết để toàn thắng là vì tinh thần của quân nhân. Tinh thần quân đội Rô-ma có thể tóm trong những điểm sau đây: tuân lệnh cấp trên, ý thức về nhiệm vụ rất cao, gặp trở ngại không sờn lòng, trải qua gian khổ rất dẻo dai, thi hành sứ mạng cách trung kiên không sai một tiểu tiết…

Họ ở ngoài chiến tuyến với nhiệm vụ nặng nề bao la và giữ vẹn bờ cõi. Nhiều gương xán lạn nói lên chí anh hùng bất khuất. Đây một viên đại đội trưởng đứng chết ngay nhiệm sở của mình, trong lúc thành Pompéi bị vùi vì núi lửa; gương khác, Lữ đoàn Tê-ba-nô với ba vị tướng lãnh: thánh Mau-ri-xi-ô Ê-xu-pê-nô và Can-đi-đô, đứng yên chịu cuộc tàn sát vào thời kỳ Ma-xi-mi-a-nô cấm đạo” (“Thủ Bản” – phụ lục 4, tr. 440).

Một đạo quân hùng mạnh bách chiến bách thắng được lãnh đạo bởi một Nữ tướng anh hùng, thì chẳng phải là có mưu đồ chính trị đó sao? Sự hiểu lầm đó là điều tất nhiên. Và vì thế, xin bình tĩnh cùng tìm hiểu cặn kẽ vấn đề:

IV.- GIẢI GỠ VẤN NẠN:

A. DANH XƯNG ĐẠO BINH ĐỨC MẸ:

1- Về lời đề từ cuốn Thủ Bản (hay Câu Dạo trong kinh Catena):

Thực ra, đây chỉ là lời trích từ sách Diễm Ca trong Cựu Ước: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?" (Dc 6, 10).

Đó là “Bài ca tuyệt diệu thứ 5” trong 5 bài tình ca của vua Sa-lô-môn diễn tả mối tình giữa Chàng và Nàng. Theo nghĩa “chiểu tự” (nghĩa đen của chữ viết – T/H Lời Chúa, số 27), thì Chàng ở đây là vua Sa-lô-môn, còn Nàng là những thiếu nữ Si-on và nói chung là tất cả đất nước và con người It-ra-en: “Bạn tình của anh hỡi, nàng đẹp tựa Tia-xa, duyên dáng tựa Giê-ru-sa-lem, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ” (Dc 6, 4). Tuy nhiên, thực chất khi viết những bài tình ca đó, vua Sa-lô-môn muốn nói đến Tình Yêu Thiên Chúa đã dành cho ngài những ân sủng tuyệt diệu. Như vậy, những bài tình ca ấy đã hàm nghĩa “ẩn dụ” (ví ngầm – T/H Lời Chúa, số 27) với ngụ ý: “Ngay từ thưở ban đầu Thiên Chúa đã tạo thành và thánh hiến sự kết hợp nam nữ (St 1-2). Sự kết hợp chính đáng đó có một giá trị tôn giáo sâu xa. Người ta có lý để hiểu rằng, ngoài nghĩa đen của sách Diễm Ca, còn có thể nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người, như hôn ước của Đức Ki-tô với Hội Thánh” (Ep 5, 23).

Vì thế, “Người Do-thái vẫn coi đây là bài ca tuyệt vời diễn tả mối tình tuyệt vời giữa Thiên Chúa và Dân được tuyển chọn. Hội Thánh hiểu về mối tình giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh; các giáo phụ, các nhà thần bí hiểu về mối tình giữa Chúa Ki-tô và mỗi tâm hồn” (xc. Kinh Thánh trọn bộ, phần “Dẫn nhập Cựu Ước”, mục đ- “Sách Diễm Ca”).

Hội Thánh đã được Đức Ki-tô coi là hiền thê (x. Ep 5, 23), lại còn được trao phó cho Đức Mẹ nhận làm con (x. Ga 19, 26), như vậy thì việc ẩn dụ (ví ngầm) giữa Nàng (trong Diễm Ca) và Đức Mẹ là hoàn toàn có cơ sở. Và việc Người Nữ “uy hùng như đạo bình xếp hàng vào trận” chỉ là cách dùng hình ảnh cụ thể (theo “nghĩa chiểu tự”) để nhấn mạnh vào những đặc điểm tâm linh (theo “nghĩa thiêng liêng”). Cũng vì thế, nên:

2- Về danh hiệu quân đội Rôma:

Trong Thủ Bản của Legio, chương 4 (“Sứ vụ của Legio”), có tất cả 5 mục (như nêu trên), thì mục 1, với tiêu đề: “Hãy mang chiến phục của Thiên Chúa” (Ep 6,11) có nội dung: “Legio ngày nay mượn danh hiệu quân đội Rô-ma lừng danh trong nhiều thế kỷ, vì những đức tính trung kiên, can đảm, kỷ luật, nhẫn nại, lại thu lượm nhiều thành quả, nhưng quân đội này thường phục vụ những quyền lợi thấp hèn và không bao giờ vượt khỏi phạm vi trần tục. Tất nhiên, Legio Mariæ không thể dâng cho Nữ Vương của mình một đoàn thể hữu danh vô thực (vì như thế khác nào dâng một tác phẩm mỹ thuật đã gỡ bỏ hết những trân châu, chỉ còn lại mỗi cái khung). Những đức tính cố hữu của binh sĩ Rô-ma chỉ là mức độ tối thiểu trong quân vụ của Legio. Thánh Clê-men-tê, nhờ Thánh Phê-rô đưa vào đạo, là người cộng sự của Thánh Phao-lô đã nêu gương quân đội Rô-ma cho Giáo Hội bắt chước.”

Rõ ràng Legio mượn danh hiệu quân đội Rô-ma chỉ nhằm học hỏi và áp dụng những đức tính trong tinh thần chiến đấu của đội quân này (trung kiên, can đảm, kỷ luật, nhẫn nại), hoàn toàn không theo những việc làm với mục đích “phục vụ những quyền lợi thấp hèn và không bao giờ vượt khỏi phạm vi trần tục” của họ.

Như vậy là đã rõ, danh xưng “Đạo Binh Đức Mẹ” chỉ là nhắm đến mặt tinh thần, hoàn toàn không vụ vật chất. Một cách cụ thể thì Đạo Binh Đức Mẹ hoàn toàn không chiến đấu với kẻ thù bằng những vũ khí vật chất, bởi kẻ thù ở đây không phải là những con người cụ thể, mà là những thế lực vô hình (tội lỗi, sự dữ, ma quỷ). Chính tiêu đề của mục 1 là lấy ý trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6, 10-13).

Để chiến đấu và chiến thắng những thế lực thù địch vô hình đó, thì người chiến sĩ: “Hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6, 14-18).

Một cách cụ thể thì vũ khí để chiến đấu chỉ có thể là “hiền hậu, khiêm nhường, vâng phục, thanh khiết, nhẫn nhục, can đảm, kiên trì cầu nguyện, trung tín phục vụ trong tình “Mến Chúa yêu người”, như chính Đức Ma-ri-a đã sống và thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Mẹ.

Ngoài ra, chỉ cần coi tiêu đề 4 mục tiếp theo:

Mục 2: Họ phải là “Một hiến tế sống động, thánh hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian” (Rm 12, 1-2);

Mục 3: “Không được trốn tránh những cực nhọc và lao phiền” (2Cr 11, 27);

Mục 4: Phải “đi con đường bác ái theo gương Chúa Kitô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta” (Ep 5, 2);

Mục 5: Phải “chạy hết quãng đường của mình” (2 Tm 4, 7), cũng đã thấy nổi bật tinh thần Legio Mariæ:

B.- TINH THẦN LEGIO:

Để nêu cao tinh thần của Legio Mariæ, sách Thủ Bản (chương 3) đã khẳng định: “Tinh thần Legio là chính tinh thần của Đức Ma-ri-a. Hội viên Legio sẽ đặc biệt cố gắng rèn luyện cho được lòng khiêm nhường sâu thẳm của Đức Ma-ri-a, đức vâng lời hoàn hảo, tính hiền hậu như Thiên Thần, lời cầu nguyện liên lỉ, sức hãm mình toàn diện, thanh khiết không tì vết, chí nhẫn nhục anh dũng, trí khôn ngoan siêu phàm, tình mến Chúa vừa can đảm vừa xả thân, và nhất là bắt chước Đức Tin, một nhân đức mà chỉ có Mẹ Ma-ri-a mới thực hiện hoàn toàn không ai sánh kịp. Nhờ tình yêu và đức tin của Mẹ Ma-ri-a chỉ dẫn, Legio của Người đảm nhận mọi nhiệm vụ “không bao giờ viện cớ là khó quá, vì họ cho rằng mọi việc đều có thể làm và được phép làm” (Gương phúc III, đoạn 5).

Sứ vụ duy nhất của Giáo Hội là Truyền Giáo và tất cả mọi Ki-tô hữu đều được sai đi thì hành sứ vụ cao trọng đó: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Chính Đầu của Giáo Hội, Đức Giê-su Ki-tô khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, đã nói: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Sai chiên (mà lại là “chiên con” còn nhỏ dại) đi vào giữa bầy sói thì chiên phải chiến đấu để tự bảo vệ; vì thế, người được sai đi được coi như một chiến sĩ, mà muốn thi hành trọn hảo sứ vụ, thì người chiến sĩ cần phải “mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5, 8).

Một cách cụ thể, người chiến sĩ Ki-tô phải học và sống đúng theo “Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Nữ Vương các Tông đồ. Khi còn ở trần gian, Người đã sống một cuộc đời giống như mọi người, lo toan cho gia đình và mệt nhọc vì gia đình. Nhưng Đức Mẹ Ma-ri-a vẫn kết hợp mật thiết với Con mình và đã góp phần vào công việc của Chúa Cứu Thế một cách đặc biệt. Tất cả phải có lòng tôn sùng chân thực đối với Đức Ma-ri-a và cầu xin Mẹ hiền chăm sóc đến đời sống và việc tông đồ của mình” (Thủ Bản, AA 4 - chương 3).

C.- CHỦ ĐÍCH CỦA LEGIO:

Sách Thủ Bản (chương 2) viết: “Chủ đích của Legio Mariæ là thánh hóa hội viên bằng việc cầu nguyện, và dưới sự lãnh đạo của giáo quyền, tích cực cộng tác vào hành động của Đức Ma-ri-a và của Hội Thánh, là đạp đầu con rắn và mở rộng nước Chúa” (“con rắn” là biểu tượng của sự dữ, ác thần, ma quỷ – “Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” – St 3,14-15). Chủ đích của Legio Mariæ là:

a. Mục đích trực tiếp của giáo dân cộng tác vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm là chính mục đích tông đồ của Hội Thánh, tức là nhằm loan báo Tin Mừng, thánh hóa nhân loại, và giáo dục lương tâm tín hữu, để họ có thể đem tinh thần của Tin Mừng thấm nhập vào cộng đoàn và các môi trường trong cuộc sống.

b. Cộng tác với hàng giáo phẩm theo cách thức riêng của người giáo dân, nghĩa là góp kinh nghiệm và lãnh trách nhiệm của mình trong việc điều khiển các hội đoàn, trong việc tìm kiếm những điều kiện thể hiện công tác mục vụ của Hội Thánh, cũng như trong việc soạn thảo và thực hiện kế hoạch hoạt động.

c. Hành động liên kết với nhau như các bộ phận của một thân thể, để biểu lộ rõ rệt hơn đời sống cộng đồng của Hội Thánh và làm cho công cuộc tông đồ thêm hữu hiệu.

d. Hoặc tự nguyện hiến dâng, hoặc được mời hoạt động và trực tiếp cộng tác vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm, giáo dân hoạt động dưới quyền điều khiển tối cao của giáo phẩm. Hàng giáo phẩm có thể hợp thức hóa sự cộng tác này bằng một văn kiện ủy nhiệm công khai.

Điều này chứng tỏ, mục đích chủ yếu của Legio Mariæ là để – trong cương vị giáo dân – cộng tác với Giáo Hội mở mang Nước Chúa đến tận cùng trái đất. Nói cách khác, mục đích chính yếu của Legio Mariæ là tạo cơ hội cho người tín hữu sống đạo một cách sốt sắng, nhiệt thành và sinh động trong tình “Mến Chúa yêu người”, đem Lời Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc. Và điều cơ bản để đạt được mục đích ấy, chính là biểu lộ lòng tôn sùng tuyệt đối Mẹ Lời Chúa – Đức Nữ Vương Ma-ri-a vinh hiển bên ngai tòa Thiên Chúa trên Thiên Quốc.

D.- LỜI KẾT CỦA THỦ BẢN VỀ DANH XƯNG “ĐẠO BINH ĐỨC MẸ”:

Cuối chương 4, Thủ Bản đã kết luận về danh xưng “Đạo Binh Đức Mẹ”:

“Vì thế, Legio hết sức hãnh diện mang tước hiệu Đức Ma-ri-a. Legio là một tổ chức của Đức Mẹ. Do đó, nền tảng của hội là lòng tin cậy vô biên của đoàn con cái đối với Mẹ hiền. Legio in sâu vào tâm trí và làm cho lòng tin cậy đó thêm mạnh mẽ để họ biết hoàn toàn dung hòa lòng trung tín và tinh thần kỷ luật khi chung nhau làm việc. Vì thế, Legio coi tổ chức của mình như một guồng máy hùng mạnh, chỉ cần tuân theo chỉ thị của giáo quyền là bao trùm cả thế giới.

Như thế, thiết nghĩ không phải là tự phụ. Nhờ đó, Đức Ma-ri-a sẽ dùng Legio làm khí cụ của Người, để thực hiện chương trình làm Mẹ trong các linh hồn và tiếp tục công việc trường cửu của Người là toàn thắng và đạp nát đầu con rắn hỏa ngục. Chúng tôi hy vọng như thế lại là điều phi lý sao?” Vấn đề đã hoàn toàn sáng tỏ: Để thi hành sứ vụ nòng cốt của Hội Thánh là Truyền Giáo, thì Legio Mariæ là một trong những đạo binh cộng đồng trách nhiệm với toàn thể Giáo Hội đem Tin Mừng Cứu Độ đến tận cùng trái đất (x. Is 49, 6; Cv 13, 47).

V.- MINH NHIÊN VẤN ĐỀ:

Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội” (Lumen Gentium) nơi Chương Mở Đầu, trong Lời Giới Thiệu, đã viết:

“Phong trào Công Giáo Tiến Hành hoặc những phong trào tương tự trong giáo dân đã cổ võ một tinh thần tông đồ mới và đồng thời làm cho họ tin tưởng cách chính đáng là họ thuộc về Giáo Hội nhiều hơn. Sự ý thức "thuộc về" sâu xa hơn ấy tiến triển dần dần trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội không được coi là một thực tại dành riêng cho các giáo sĩ nhưng cho hết mọi người cùng sống, cùng khổ và cùng làm việc trong đó. Như thế, khoa thần học về giáo dân được phát huy một cách đặc biệt và sống động, nêu ra mối suy tư thần học về Giáo Hội.”

Legio Mariæ đích thị là một phong trào “giáo dân đã cổ võ một tinh thần tông đồ mới”. Để minh chứng cho những điều trình bày ở trên, xin được trưng dẫn những ân ban thánh chỉ từ Giáo Hội Mẹ dành cho đoàn con Legio dưới sự bảo trợ của Đức Nữ Vương Maria:

* Ngày 16/09/1933 Đức Pi-ô XI đã gởi thư chúc lành cho Legio Mariæ. Ngài viết: “… do đó, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng con nên những tay cộng tác trong việc cứu rỗi, và đây là phương pháp tốt nhất để tỏ lòng các con biết ơn Đấng Cứu Chuộc”.

* Ngày 22/07/1953 Quyền chưởng ấn J.B Montini gởi thư cho ông Frank Duff nhờ chuyển đến tổ chức Legio Mariæ một thông điệp bày tỏ lòng ái mộ và những lời khen tặng của Đức Pi-ô XII: “… Ngài chia vui với ông khi nhận thấy ngọn cờ của Legio được dựng lên khắp bốn phương…”

* Ngày 19/03/1960 Đức Gio-an XXIII đã gởi đến Legio Mariæ bức thư ngắn nội dung như sau: “Ta thân ái gởi đến các ủy viên và hội viên Legio Mariæ trên toàn thế giới phép lành Tòa Thánh đặc biệt, để chứng tỏ mối tình phụ tử của Ta và bảo đảm những thành quả thiêng liêng dồi dào cho công cuộc đáng khen ngợi mà họ đang thực hiện”.

* Ngày 06/01/1965 Đức Phao-lô VI gởi đến ông Frank Duff thông điệp, bắt đầu như sau: “Ông Duff thân mến, Đức Thánh Cha muốn nhân dịp này ban một thông điệp khen thưởng và khích lệ Legio Mariæ… vì những mục tiêu đạo đức, những công việc đã thực hiện và phát triển rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho việc tông đồ Công Giáo. Sự kiện ấy chứng minh quý phong trào là một khí cụ khiến hiệu lạ lùng để xây dựng và mở rộng nước Chúa…” (qua Quốc Vụ Khanh A.G Ciognani).

* Ngày 02/06/1966 Quốc vụ khanh A. Dell Acqua đã gởi đến ông Frank Duff bức thư trả lời về việc Đức Thánh Cha chấp nhận trên nguyên tắc kinh nhật tụng (có sửa chữa phần nào) và Thủ Bản Legio Mariæ (giữ nguyên).

* Ngày 30/10/1982 Đức Gio-an Phao-lô II nói: “Legio là một trong những đoàn thể dấn thân vào việc làm sinh sản và phát triển Đức Tin qua việc truyền bá và tái lập lòng sùng kính Đức Ma-ri-a…”

Riêng đối với Legio Mariæ Việt Nam, cũng được hàng Giáo phẩm rất ưu ái:

+ Đức cố Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê, Linh Giám tiên khởi Legio Mariæ Việt Nam, “Præsidium Đức Bà Lên Trời” (12/08/1948) – Giáo xứ Hàm Long – Hà Nội.

+ Đức cố Giám mục giáo phận Phú Cường Giu-se Phạm Văn Thiên (1907-1997), Linh Giám tiên khởi Hội đồng Senatus Việt Nam.

+ Cố Linh mục Phêrô Trần Văn Thông (1927-1991), Phó Linh Giám tiên khởi Hội đồng Senatus Việt Nam.

+ Linh mục Nguyễn Công Danh, Linh Giám Hội đồng Senatus Việt Nam (1997 đến nay)

Tóm lại, với quá trinh công khai hoạt động 92 năm (trên thế giới), 65 năm (ở Viêt Nam), đã chứng tỏ “Mục đích, Tinh thần và Sứ vụ của Legio Mariæ” hoàn toàn mang tính cách Tông đồ Giáo dân, cộng tác với Giáo Hội, thi hành sứ vụ “Đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15); và để đạt được hiệu quả tối ưu, Legio đã “biểu lộ lòng nhiệt thành tôn sùng Đức Mẹ Chúa Trời. Legio nhờ hội viên của mình để thực hiện việc trên đây: mỗi hội viên có nhiệm vụ phải giúp vào bằng cách nguyện gẫm hẳn hoi và bằng việc làm do lòng sốt sắng. Muốn cho việc tôn sùng này trở nên một nghĩa vụ chính thức Legio, mỗi hội viên phải coi đó là một phận sự, buộc ngặt như đi họp hằng tuần và làm việc tông đồ. Mọi người phải nhất trí chu toàn phận sự đó. Đây là một điểm có nhắc lại bao nhiêu lần cũng không phải là thừa” (Thủ Bản, chương 5/5 – “Đặc điểm của lòng tôn sùng”).

VI.- KẾT LUẬN:

Sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân” (số 1) viết: “Thánh Công Ðồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa, nên chú tâm hướng về các Ki-tô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm Ki-tô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Kinh Thánh chứng minh cách phong phú điều đó (x. Cv 11, 19-21; 18, 26; Rm 16, 1-16; Pl 4, 3)”.

Chính vì thế, nên Giáo Hội từ nhóm 12 Tông đồ tiên khởi, nay đã phát triển thành một đại tôn giáo gồm hàng tỷ tín hữu. Sự cộng tác nhiệt thành và mật thiết của Giáo dân trong sứ vụ Tông đồ thường xuyên thông qua các Hội dòng, các tổ chức, Hội đoàn, phong trào Công Giáo tiến hành, mà trong đó có Hội đoàn Legio Mariæ.

Mong rằng mọi định kiến hay thành kiến sai lệch về Legio Mariæ nói riêng (và nói chung là các Hội đoàn, phong trào giáo dân trong Giáo Hội) được Thần Khí thanh tẩy, để toàn thể Giáo Hội trở nên một Thân Mình duy nhất của Đầu là Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa, ngõ hầu được hưởng ân sủng từ Lời cầu nguyện của Người: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).

Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đất Gặp Trời
Nguyễn Trung Tây, SVD
21:15 13/08/2013
ĐẤT GẶP TRỜI
Ảnh của Nguyễn Trung Tây, Lm. (SVD)
Mây trắng nhấp nhô, “Ngàn vạn lối…”
Cỏ khô ngơ ngẩn, “Nẻo nào về?”
Mênh mông mở rộng, “Hồn ơi, lạc ! …”
Nơi đó, đừng lo, đất gặp trời…
Bước tới !
(NTT)