Ngày 13-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Để Được Cùng Mẹ Đi Theo Chúa Lên Trời
Lm Đan Vinh
09:00 13/08/2017
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,39-56

(39) Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. (41) Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.(46) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, (47) thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (48) Phận tỳ nữ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới. Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (49) Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn ! (50). Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. (52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Ngươi nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. (53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư. Người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (54) Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, (55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”. (56) Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng có thể được chia thành ba phần như sau:

- Phần I (39-40): Sau khi trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế do lời thưa “xin vâng”, Đức Ma-ri-a vội vã lên đường thăm viếng bà chị họ Ê-li-sa-bét, đã có thai được 6 tháng, như lời sứ thần cho biết. Hai bà mẹ đều được chúc phúc vì đã quảng đại đáp lời mời gọi, cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

- Phần II (41-46a): Thần Khí tác sinh và hoan lạc đã bao trùm Đức Trinh Nữ, cũng làm cho con trẻ Gio-an đang ở trong dạ mẹ nhảy mừng, chào đón Đấng Thiên sai trong lòng Đức Ma-ri-a. Thần Khí ấy cũng tác động làm cho bà Ê-li-sa-bét nhận biết cô em họ Ma-ri-a đây, chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai, đã đến viếng thăm mình. Cũng chính Thần Khí ấy làm cho niềm vui của Đức Ma-ri-a bộc phát thành bài ca “Ngợi khen” (Magnificat).

- Phần III (46b-56): Bài ca tóm lại lịch sử của dân Chúa trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Cách riêng Chúa đã làm cho Ma-ri-a những điều trọng đại, cũng như đã từng làm trong lịch sử dân It-ra-en: Người hạ những kẻ quyền thế kiêu căng xuống và nâng những người hèn mọn khiêm nhường lên; ban cho kẻ nghèo khó được no đầy ơn phúc và để người giàu có bị đuổi về tay không. Người luôn phù trì cho dân tộc Ít-ra-en, đúng như lời Người đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham, rằng sẽ thương xót ông và con cháu đến muôn đời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 39: + Lên đường vội vã: Chỉ một thời gian ngắn sau biến cố Truyền tin, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét (hay cũng gọi là I-sa-ve), mà sứ thần đã cho biết bà mới có thai được 6 tháng. Bà này đã chịu tủi hổ trước mặt người đời, vì bị son sẻ không con. + Đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa: Có lẽ thành mà Đức Ma-ri-a định tới là một trong mười một địa hạt miền Giu-đê. Nhiếu người nghĩ đó là A-in Ka-rim, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem 6 cây số về phía Tây. Con đừong từ Na-da-rét đến A-in Ka-rim dài 150 cây số.

- C 40-41: + bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét: Cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ thật ra là cơ hội để thai nhi Giê-su gặp gỡ thai nhi Gio-an là vị tiền hô của Người. + Đứa con trong bụng nhảy lên: Gio-an Tẩy Giả bắt đầu sứ mệnh ngôn sứ bằng động tác nhảy lên trước Đấng Thiên Sai (Mêsia) đang ẩn mình trong dạ mẹ, giống như vua Đa-vít xưa đã nhảy mừng khi ra đón rước Hòm Bia Giao Ước. Truyền thống coi sự kiện này là dấu hiệu Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền. + Bà được đầy ơn Chúa Thánh Thần: Thánh Thần đã tác động khiến bà Ê-li-sa-bét cảm nhận được Mẹ Đấng Mê-si-a mang Người đến viếng thăm nhà mình.

- C 42-44: + Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc: Bà Ê-li-sa-bét ca tụng cô em họ Ma-ri-a thực là diễm phúc hơn mọi phụ nữ, vì thai nhi trong lòng Ma-ri-a là Đấng được chúc phúc. + Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?: “Chúa tôi” ở đây là danh xưng của Đấng Mê-si-a. Nhờ được Thần Khí tác động mà bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra Chúa của mình là Thai nhi mà cô em Ma-ri-a đang cưu mang. Danh xưng Đức Giê-su là “Chúa” được Tin Mừng Lu-ca sử dụng đến 40 lần. + Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng: Ê-li-sa-bét chia sẻ cho Ma-ri-a sự lạ mà bà cảm nghiệm vừa xảy ra nơi bản thân. Đó cũng chính là lý do khiến bà nhận biết Đức Ma-ri-a đang cưu mang Thai Nhi Cứu Thế.

- C 45: + Em thật có phúc, vì đã tin: Ma-ri-a đã tin vào những lời Chúa phán với mình khi sứ thần truyền tin sẽ được thực hiện, và trở thành người tín hữu đầu tiên của thời Tân Ước. Ngược lại với ông Da-ca-ri-a chồng bà vì không tin và đòi thấy dấu lạ, nên đã bị câm cho đến ngày các điều đó xảy ra (x. Lc 1,20).

- C 46-50: +“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa: Sau khi nghe bà Ê-li-sa-bét khen là có phúc, Ma-ri-a đã quy hướng lời ca khen đó về cho Thiên Chúa trong bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat). Bài này mô phỏng theo bài ca mà bà An-na là mẹ của ngôn sứ Sa-mu-en, sau khi được Đức Chúa cho sinh con trai và mang đứa trẻ lên Đền Thờ tại Si-lô thời Tư tế Ê-li, để thánh hiến dâng cho Đức Chúa (x. 1 Sm 2,1-10). Kinh này nhấn mạnh hai đìều: Một là người nghèo hèn bé mọn được Chúa bênh vực (x. Xp 2,3 ; Mt 5,3); Hai là dân Ít-ra-en được Chúa tuyển chọn và yêu thương (x. Đnl 7,6). Đức Ma-ri-a đã hát lên để bày tỏ lòng tri ân của mình (cc 46-49) và của toàn dân It-ra-en (cc 50-55), vì nay đến lúc lời hứa cứu độ của Đức Chúa đã được thực hiện.

- C 51-55: + Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh: Chúa dùng quyền năng để can thiệp và bênh vực người hèn yếu (x. Tv 118,15-16). + Vì Người nhớ lại lòng thương xót: Cựu Ước thường ghi là “Thiên Chúa nhớ lại” để diễn tả việc Người luôn trung thành với lời hứa và thi hành những lời Ngừơi đã phán qua các ngôn sứ (x. St 8,1; 9,15; Xh 2,24). Lu-ca cũng không quên ghi lại lời chúc tụng tương tự trong bài ca của Da-ca-ri-a: “Người nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).

- C 56: + Ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng: Ở lại để phục vụ và giúp đỡ cho bà chị Ê-li-sa-bét, làm các việc nhà giúp đỡ bà, trong thời kỳ cuối trước khi sinh con, khi bà không thể lao động bình thường được. Nhưng Đức Ma-ri-a chỉ phục vụ đúng mức mà thôi. + rồi trở về nhà: Một tuần sau ngày bà Ê-li-sa-bét sinh nở, sau khi con trẻ được đặt tên và được chịu phép Cắt Bì để được gia nhập vào dân Ít-ra-en, thì Đức Ma-ri-a đã trở về nhà tại thành Na-da-rét.

4. CÂU HỎI: 1) Lý do nào khiến Đức Ma-ri-a phải vội vã lên đường viếng thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét ? 2) Truyền thống Công Giáo khẳng định Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền từ lúc nào ? 3) Bà Ê-li-sa-bét được đầy Thánh Thần đã gọi Đức Ma-ri-a bằng tước hiệu nào ? 4) Tại sao bà Ê-li-sa-bét khen Đức Ma-ri-a diễm phúc, trái với ông Gia-ca-ri-a là chồng bà ? 5) Bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat) có nguồn gốc thế nào trong Cựu Ước và nội dung nhấn mạnh những tư tưởng nào ? 6) Đức Ma-ri-a ở lại nhà bà Ê-li-sa-bét trong bao lâu và nhằm mục đích gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: Bà Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần đã ca tụng Đức Ma-ri-a rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (41-42a), và: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (45). Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (46).

2. LỊCH SỬ NGÀY ĐẠI LỄ VÀ CÂU CHUYỆN :

1) LỊCH SỬ TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI:

+ Từ thuở ban đầu, các giáo đoàn tiên khởi đều tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Từ những đoạn Thánh Kinh Tân Ước, đến các giáo phụ, rồi Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431 đã tuyên bố “Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa”. Đã có những lễ nói đến lúc chấm dứt cuộc đời của Đức Ma-ri-a như: Lễ Đức Mẹ An Giấc (dormitio), Lễ Đức Mẹ Chuyển Biến (Transitus), Lễ Đức Mẹ Sinh Ra Trên Trời (Natalis), Lễ Đức Mẹ được Nâng Lên Trời (Assumptio).

+ Riêng Lễ Đức Mẹ An Giấc (Dormitio) đã được long trọng cử hành đó đây trong Giáo Hội Đông Phương. Nhất là từ sau Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 7, lễ này mới được du nhập vào Giáo Hội Tây Phương.

Từ đó về sau nhiều thư thỉnh nguyện của các giám mục, các dòng tu, các nhà thần học được gửi đến Đức Giáo Hoàng để xin Ngài định tín về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong Công đồng Vaticăng I, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó, vì theo các ngài thì việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có liên quan mật thiết với đức đồng trinh và chức vụ làm mẹ Đấng Cứu Thế của Ngài. Hơn nữa, vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện như lời thánh Phao-lô: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến người, tức là cho những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Dựa theo các thỉnh nguyện thư đó, năm 1946, Đức Pi-ô 12 đã gửi đến mỗi giám mục một lá thư và yêu cầu trả lời như sau: “Đức cha và hàng giáo sĩ, giáo dân trong giáo phận của Đức cha, có xác tín và có muốn công bố việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời như một tín điều hay không ?” Hầu hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện như vậy. Thế là vào ngày 1.11.1950, Đức Pi-ô 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời cho toàn thể Giáo Hội tin kính và mừng chung vào ngày 15 tháng 8 hằng năm.

+ Đức Thánh Cha đã xác quyết: “Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô một cách huyền nhiệm, vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm Mẹ, cộng tác quảng đại với Đấng Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân ngài đã được, Đức Trinh Nữ cũng đã gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ, để nên giống Con Mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được tôn vinh trên trời cả hồn lẫn xác, nơi Ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời” (trích CGKPV trang 334).

2) MẸ MA-RI-A HẰNG CỨU GIÚP NHỮNG AI CHẠY ĐẾN KÊU CẦU NGƯỜI:

ĐU-LỚT HAI-ĐƠ (Douglas Hyde) vốn là một người vô tín và thù ghét đạo Công giáo. Ông là chủ bút một tờ báo lớn ở nước Anh. Với tư cách là chủ bút, ông nghiên cứu về Giáo hội để viết những bài phê bình chống đối gay gắt. Tuy nhiên một điều lạ lùng đã xảy ra, là ông càng nghiên cứu về giáo lý của Giáo Hội, thì tâm trí ông lại càng thêm tin tưởng vào các chân lý ấy. Tuy vậy ông vẫn chưa quyết định dứt khóat theo đạo ngay.

Một hôm, trên đường từ nhà đến tòa soạn ở trung tâm thủ đô Luân Đôn, lúc xe lửa đến trạm dừng, Đu-Lớt thấy tấm biển ghi “Nhà thờ Công giáo” ở bên đường, ông liền thử vào bên trong nhà thờ xem sao. Ông ngồi vào hàng ghế ở cuối nhà thờ và rồi thắc mắc tại sao mình lại có mặt ở đây? Bấy giờ ông thấy một cô gái bước vào nhà thờ, nét mặt âu lo buồn khổ. Cô ta đi thẳng đến trước tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên trái của cung thánh nhà thờ và quỳ dưới hình Đức Mẹ một hồi lâu. Sau đó, cô đứng dậy đi xuống cuối và ra khỏi nhà thờ. Khi cô đi ngang, Đu-lớt nhận thấy nét mặt của cô ta đã bình thản trở lại chứ không còn lo âu sầu não như khi mới bước vào nhà thờ.

Ngay lúc đó Đu-lớt quyết định thử làm theo cô ta là cũng đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ. Sau này ông đã viết trong cuốn “tôi tin” (I believed) như sau: “Tôi không biết người ta đã cầu nguyện với Đức Mẹ thế nào ? Cuối cùng tôi nghe thấy chính mình sắp nói ra một điều gì đó thích hợp. Tuy nhiên

khi bắt đầu thốt ra thì tôi lại thấy lời đó có vẻ kỳ cục làm sao ! Nhưng điều này không quan trọng gì. Tôi biết rõ là sự tìm kiếm bấy lâu nay của tôi đã đạt tới mục đích… Lúc ra khỏi nhà thờ, tôi cố gắng hồi tưởng lại những gì tôi nói và hầu như tôi bật cười lên khi nhớ lại những lời ấy. Chúng giống hệt những lời ngân lên trong một điệu khiêu vũ !” Cuối cùng Đu-lớt đã đạt tới đức tin vào Chúa Giê-su qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

3) ĐƯỢC CHÚA BAN ƠN CỨU ĐỘ NHỜ CÓ LÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ:

Một hôm trong đám những người hành hương đến Arc có một người đàn bà mang đại tang. Bà vào giữa nhà thờ đứng như trời trồng ở giữa mọi người. Bà có vẻ rất đau khổ. Lý do là chồng bà, một người đã bỏ đạo từ lâu cách đây mấy bữa đã nhảy xuống sông tự tử… đã chết mà không được lãnh nhận những bí tích cuối cùng. Cha Gioan Maria Vianey đi qua… Bà chưa kịp nói gì thì Cha ghé vào tai bảo bà:

- Ông nhà đã được cứu rỗi rồi.

Thấy người đàn bà có vẻ quá ngạc nhiên, cha nói lại một lần nữa:

- Tôi đã bảo ông nhà đã được cứu rỗi rồi mà.

Bà thắc mắc hỏi lại với một giọng đầy hoài nghi, cha nhấn mạnh từng tiếng:

- Tôi bảo bà là ông nhà đã được cứu rỗi rồi. Ông hiện đang ở trong Luyện ngục. Phải cầu nguyện nhiều cho ông ta. Giữa nhịp cầu và dòng nước ông đã có được một thời gian để ăn năn thống hối. Bà còn nhớ là trong tháng Đức Mẹ, bà đã cho làm một bàn thờ trong phòng của bà không? Thỉnh thoảng, chồng của bà, mặc dầu đã bỏ đạo cũng đến hợp lời cầu nguyện với bà. Thái độ đó đã đem lại cho ông ta ơn thống hối và tha tội vào phút cuối cùng của cuộc đời.

3. SUY NIỆM:

1) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ ĐỨC GIÊ-SU: Mẹ đã thụ thai và hạ sinh Đức Giê-su: Tin Mừng Lu-ca thuật lại việc Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế nhờ có Chúa ở cùng, và luôn kết hiệp mật thiết với Người. Sau lời thưa “xin vâng”, Ma-ri-a đã đuợc thụ thai mà vẫn bảo toàn đức trinh khiết nhờ quyền năng Thánh Thần (x. Lc 1,28-38). Sau đó Ma-ri-a theo “Ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê lên thành Bê-lem, miền Giu-đê là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,4-7).

2) KÍNH MỪNG MA-RI-A ĐẦY ƠN PHÚC: Ma-ri-a đã được dư đầy ơn phúc và luôn được Thiên Chúa ở cùng như lời chào của sứ thần truyền tin (x. Lc 1,28).

+ Mẹ đầy ơn phúc vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa.

+ Mẹ có phúc vì đã tin Lời Chúa: Bà Ê-li-sa-bét đã ca tụng Đức Ma-ri-a: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

+ Mẹ có phúc vì cưu mang Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa làm người: Nên Mẹ đã được ví giống như Hòm Bia Giao Ước Mới của Thiên Chúa (x. Ga 1,14; Mt 1,23).

+ Nhưng nhất là Mẹ có phúc vì đã nghe và thực hành Lời Chúa: Đức Giê-su đã bổ túc lời khen của một phụ nữ ca khen công cưu mang nuôi dưỡng Chúa của Mẹ như sau: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Do đó, Đức Giáo Hòang Phao-lô VI đã gọi Đức Ma-ri-a là “người môn đệ tiên khởi và tuyệt hảo nhất của Đức Ki-tô”.

3) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ HỘI THÁNH:

+ Chính Chúa Giê-su đã đặt Đức Ma-ri-a làm Mẹ Hội Thánh khi trao Mẹ cho môn đệ Gio-an đại diện Hội Thánh, để ông thay Người phụng dưỡng Mẹ sau khi Người lên trời, như Tin Mừng Gio-an thuật lại: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su có Thân Mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với mẹ rằng: “Thưa bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).

+ Đức Ma-ri-a là Mẹ của Hội Thánh vì là mẹ của Đức Giê-su là Đầu, nên cũng là Mẹ của Hội Thánh là thân thể Người, trong đó có các tín hữu chúng ta, như thánh Phao-lô dạy: “Thiên Chúa đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh. Mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (x. Ep 1,22b-23); “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18).

+ Đức Ma-ri-a nêu gương các nhân đức cho các tín hữu học tập như sau:

Nêu gương tin cậy mến qua việc lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn xin vâng (x. Lc 1,30-36);

Nêu gương bác ái chủ động đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ, và cho thai nhi Gio-an “nhảy mừng” trong dạ mẹ vì được khỏi tội tổ tông truyền. Đức bác ái nơi Mẹ còn thể hiện qua việc Mẹ sẵn sàng ở lại ba tháng để phục vụ bà Ê-li-sa-bét cho tới khi bà sinh con, rồi mới trở về nhà (x. Lc 1,39-56).

Mẹ cũng nêu gương cầu nguyện tín thác khi chỉ cầu xin Đức Giê-su giúp đỡ đôi tân hôn và để Người toàn quyền quyết định phải làm gì, làm khi nào và làm như thế nào. Dù chưa tới “Giờ” hành động, nhưng Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên, là biến nước lã thành rượu ngon để giúp đôi tân hôn như lời Mẹ cầu bầu (x. Ga 2,1-11).

4) ĐỨC MA-RI-A ĐƯỢC CHÚA BAN THƯỞNG HỒN XÁC LÊN TRỜI:

Ngoài truyền thống hay Thánh Truyền là ký ức tông truyền, Giáo Hội còn dựa trên một số đoạn Thánh Kinh cho thấy Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết với Đức Giê-su Đấng Cứu Độ như sau:

+ “Dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,14-15): Câu này có ba cách hiểu: Một là “Sự chiến thắng của dòng giống người đàn bà trên dòng giống con rắn” (Bản văn tiếng Do Thái). Hai là “Người đàn bà sẽ đạp lên đầu mi” (Bản văn tiếng La Tinh), khẳng định vai trò của Mẹ Đấng Mê-si-a trên con rắn hỏa ngục là ma quỷ (x. Kh 12,13.17). Ba là “Người đó sẽ đánh vào đầu mi” (Bản văn Bảy mươi tiếng Hy Lạp), hiểu về Đức Giê-su là Đấng sẽ chiến thắng con rắn ma quỷ.

+ “Đấng đầy ân sủng, luôn được Thiên Chúa ở cùng” (x. Lc 1,28): Đầy ơn phúc và luôn có Chúa là hoàn toàn trong sạch thánh thiện, nên Mẹ không phải chết như loài người chúng ta. “Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31): Đức Ma-ri-a được chọn làm Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng sẽ thay vua Đa-vít để cai trị Ít-ra-en, và triều đại Người sẽ luôn vững bền.

+ Đức Ma-ri-a là E-và Mới: Đã cộng tác với Đức Giê-su là A-Đam mới, để vâng phục Chúa Cha (x. Rm 5,12-19 ; PI 2,6-11). Mẹ đã tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn (x. Ga 19,25), thì cũng được dự phần vào sự phục sinh vinh quang với Người. Đức Giê-su A-đam Mới đã qua đau khổ thập giá để phục sinh và lên trời, thì tiếp theo Chúa là Đức Ma-ri-a E-và Mới cũng được Thiên Chúa triệu hồi về trời hồn xác.

5) ĐỂ CÓ THỂ CÙNG MẸ THEO CHÚA LÊN TRỜI:

+ Việc Hội Thánh tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” dạy các tín hữu chúng ta ý thức rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời. Nơi đó chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta” (Pl 3,20). Tuy nhiên chúng ta chỉ được lên trời nếu biết tin yêu Chúa, phải bỏ ý riêng và tội lỗi của mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa noi gương Mẹ xưa.

+ Ngày nay tuy Mẹ Ma-ri-a đã lên Trời, nhưng Mẹ vẫn luôn cầu bầu cùng Chúa Giê-su cho chúng ta là con cái Mẹ đang còn ở trần gian. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta được chết lành trong tay Đức Mẹ.

+ “Đến với Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a” (Ad Jesum per Mariam): Hãy năng cầu nguyện kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a, noi gương Hội Thánh thời sơ khai (x. Cv 1,14). Hãy hiệp cùng Mẹ cầu xin Chúa Giê-su giúp vượt qua mọi khó khăn như đôi tân hôn tại tiệc cưới Ca-na xưa (x. Ga 2,3).

+ Sống đức Tin, Cậy, Mến noi gương Đức Mẹ: Hãy năng nghe Lời Chúa phán, suy đi nghĩ lại để tìm hiểu ý Chúa muốn và sẵn sàng xin vâng ý Chúa, chấp nhận mọi may rủi xảy đến với lòng tín thác vào Chúa như Mẹ đã làm và được Tin Mừng thuật lại: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).

4. THẢO LUẬN:

1) Trời hay Thiên Đàng ở đâu ? Phải chăng ở trên không trung hay trên một hành tinh nào đó trong vũ trụ ? 2) So sánh giữa việc lên trời của Đức Mẹ hôm nay giống và khác với việc thăng thiên của Chúa Giê-su thế nào ? 3) Thân xác Chúa Giê-su và thân xác Đức Mẹ hiện nay ở đâu ? 4) Theo giáo lý Công giáo thì đến ngày tận thế, xác loài người ta sẽ sống lại và chịu phán xét. Vậy những thân xác đã bị hóa thành tro bụi hay bị thú dữ ăn thịt thì làm sao sống lại được ? 5) Những kẻ khi còn sống mà bị mù què câm điếc, mặt mũi xấu xí, thì khi sống lại có bị như vậy nữa không ? 6) Ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì để sau này cũng được Chúa ban hạnh phúc Thiên Đàng cùng Mẹ ?

5. NGUYỆN CẦU:

1) LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Hôm nay con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thực hiện việc lớn lao nơi Đức trinh Nữ Ma-ri-a, là người con thân yêu và là nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Chúa đã thương cho Mẹ trở nên giống Con mình là Chúa Giê-su: Nhờ giữ đức trinh khiết vẹn toàn, tâm hồn không vương chút bùn nhơ tội lỗi; Nhờ biết đặt trọn niềm tin vào lời Chúa phán sẽ được thực hiện; Nhờ luôn xin vâng ý Chúa làm Mẹ Đấng Thiên Sai; Nhờ biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa; Nhờ tham phần vào sự đau khổ của Chúa Giê-su trên đường thánh giá... mà Mẹ Ma-ri-a đã được Chúa ban thưởng bội hậu là được lên trời cả hồn lẫn xác. Xin cho chúng con luôn yêu mến và kết hiệp cùng Mẹ trên bước đường theo Chúa, để sẽ cùng được lên trời với Chúa và với Mẹ sau này.

2) LẠY MẸ MA-RI-A LÀ MẸ RẤT NHÂN TỪ. “Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”.

LẠY MẸ. Hôm nay cùng với Hội thánh hoàn cầu, chúng con long trọng mừng lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ mỗi khi gặp gian nan thử thách như bị thất bại trong việc làm ăn; Những lúc con không biết phải làm gì để vượt qua hoàn cảnh khó khăn nan giải... Trong những giờ phút đau thương ấy, xin cho chúng con biết chạy đến nép mình dưới tà áo Mẹ, để được Mẹ ủi an che chở, để được Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban cho chúng con các ơn lành hồn xác. Nhất là xin Mẹ đừng để khi nào chúng con sa vào con đường lầm lạc. Xin dạy chúng con luôn lắng nghe Lời Chúa Giê-su con yêu của Mẹ, như Mẹ đã dạy các người giúp việc tại Ca-na xưa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 2017
Lm. Anthony Trung Thành
09:02 13/08/2017
Để Lên Trời cần bắt chước các nhân đức của Mẹ

Sống trên đời ai cũng có một người mẹ. Người mẹ đó không chỉ sinh ra chúng ta mà còn yêu thương và nuôi dạy chúng ta lớn lên thành người. Vì vậy, qua mọi thời, con người không ngớt lời ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ. Con dân Nước Việt cũng có nhiều câu ca dao tục ngữ, để nói lên tình yêu vô bờ bến của người mẹ:

Đôi vai mẹ một gánh đầy huyền thoại,

tình yêu thương hào phóng đến khôn cùng;

Mênh mông bát ngát đại dương,

Cũng không sánh được tình thương mẹ hiền.

Nhưng cho dầu có dùng hết ngôn ngữ trần gian để ca tụng tình mẹ, thì cũng không thể nào diễn tả hết:

Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá,

Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi !

Trong đức tin Công Giáo, mỗi người kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Đức Maria. Công ơn của Mẹ Maria đối với mọi người không những không thua kém người mẹ trần thế mà còn gấp ngàn lần. Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người chúng ta. Nhờ Mẹ, chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người. Nhờ Mẹ chúng ta có tất cả trong đức tin: Được làm người Công Giáo, được lãnh nhận các Bí tích, được có nhiều cơ hội để lo phần rỗi hầu ngày sau được về Thiên đàng.

Mẹ được Thiên Chúa ban cho 4 đặc ân cao cả: Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc ân Đồng trinh trọn đời, đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Hồn Lẫn Xác Lên Trời. Đối với đặc ân Hồn Xác Lên Trời đã được truyền thống Giáo Hội và các kitô hữu tôn kính từ xa xưa, nhưng mãi tới ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII mới tuyên bố thành tín điều. Mặc dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rõ về đặc ân này, nhưng nếu chúng ta để ý thì chúng ta vẫn thấy đặc ân Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác ẩn chứa trong nhiều đoạn Kinh Thánh. Chẳng hạn, lời thiên thần chào Mẹ “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ.” Hay lời ca tụng của bà Êlizabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Rồi, lời ca tụng Thiên Chúa của Đức Mẹ trong bài Magnificat: “Từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (x. Lc 1,48-49).

Mặt khác, bình thường chúng ta cũng có thể dễ chấp nhận đặc ân này. Bởi vì, thân xác chết là do tội lỗi. Nhưng Đức Maria không hề mắc tội Tổ tông truyền và tội riêng. Do đó, thân xác Mẹ không bị hủy hoại tiêu tan.

Hơn nữa, các thánh và nhiều bậc thông thái trong Giáo Hội cũng đã từng quả quyết về việc Đức Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác. Thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: “Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.” Cha Ađômêô thì nói rằng: “Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.”

Ngày lễ hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta tuyên xưng niềm tin hồn xác lên trời của Mẹ. Đồng thời, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì đã thưởng công Mẹ hồn xác lên trời. Mặt khác, đây là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, quê hương chúng ta ở trên trời. Mẹ đã lên trời, đó là niềm hy vọng để mỗi người chúng ta tiếp bước theo sau. Nhưng để được lên trời với Mẹ chúng ta phải cố gắng sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi. Sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi đó chính là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ:

Thứ nhất, chúng ta bắt chước nhân đức khiêm nhường của Mẹ: Sau lời sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với Thiên thần rằng: “Này tôi là tớ tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” (Lc 1,38). Từ đó, Mẹ sống tinh thần khiêm nhường thẳm sâu trước mặt Chúa và mọi người: Khi Bà Êlizabét ca ngợi Mẹ, Mẹ đã qui hướng tất cả những gì mình có là do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn;”(Lc 1,49). Mẹ sống âm thầm trong vai trò làm vợ và làm mẹ tại mái ấm gia đình Nagiarét đến nỗi không ai biết Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa; Khi Đức Giêsu được nổi danh do lời giảng dạy và các phép lạ Ngài làm, Đức Mẹ vẫn sống âm thầm và ẩn danh…Tất cả điều đó cho chúng ta thấy nhân đức khiêm nhường của Mẹ. Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ hai, chúng ta bắt chước Mẹ sống tin tưởng và phó thác vào Chúa: Sau khi thưa xin vâng, Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu. Bào thai trong cung lòng của Mẹ ngày càng lớn lên. Nhưng không ai hiểu về nguyên nhân, kể cả Thánh Giuse. Bằng chứng là Thánh Giuse định tâm bỏ Mẹ mà trốn đi. Rồi, người thân và làng xóm láng giềng, chắc chắn không thiếu những lời đàm tiếu, thị phi. Vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đúng như lời bà Thánh Êlizabét ca tụng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”(Lc 1,45). Sự tin tưởng và phó thác vào Chúa của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ ba, chúng ta bắt chước Mẹ để sống hiền lành và nhịn nhục: Từ khi cưu mang Đức Giêsu cho đến khi Con Mẹ chịu chết treo trên thập giá, Đức Mẹ phải đối diện với biết bao đau khổ: Đau khổ khi nghe ông Simêon nói tiên tri về Mẹ và Hài Nhi; Đau khổ khi đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập khỏi tay Hêrôđê lùng bắt; Đau khổ khi lạc mất Con ở Jêsusalem trong ba ngày; Đau khổ khi gặp Đức Giêsu vác Thập giá trên đường đến Núi Sọ; Đau khổ khi thấy Đức Giêsu bị đóng đinh; Đau khổ khi chứng kiến việc tháo xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá; Đau khổ khi phải chứng kiến việc chôn xác Đức Giêsu trong mồ. Nhưng trong khi chịu đựng những đau khổ đó, Đức Mẹ không hề trách móc kêu la một lời nào. Sự hiền lành và nhịn nhục cảu Mẹ là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.

Thứ tư, chúng ta bắt chước Mẹ để hết lòng yêu mến Chúa: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ được thể hiện qua như việc tiêu biểu như: Ba tuổi Mẹ đã dâng mình trong đền thờ; Khi Thiên thần đến truyền tin cũng là lúc Mẹ đang đắm chìm trong lời kinh nguyện; Mẹ thưa “Xin Vâng” để cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Hơn ba mươi năm Mẹ nuôi nấng chăm sóc Đức Giêsu; Mẹ chạy đôn đáo tìm cho bằng được khi Đức Giêsu đi lạc trong đền thờ... Tất cả những thái độ trên đều thể hiện một lòng yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự của Mẹ. Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ năm, chúng ta bắt chước Mẹ để sống yêu thương hết mọi người: Vì yêu thương nhân loại nên Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó nhân loại được cứu chuộc. Vì yêu thương nên Mẹ đã vội vã lên đường thăm bà Êlizabét để chia sẻ niềm vui có Chúa và để giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở. Vì yêu thương nên Mẹ đã cầu bầu cùng Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu ngon để cứu gia chủ khi họ hết rượu. Vì yêu thương nên khi đã về trời Mẹ vẫn hiện ra đây đó trên thế giới để ủi an nâng đỡ con cái loài người…Đó là mẫu gương yêu người cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Như vậy, Đức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhờ những đặc ân Thiên Chúa ban mà còn nhờ những nhân đức mà Mẹ ra sức rèn luyện. Chúng ta muốn được lên Thiên đàng phải đi con đường Mẹ đã đi, phải sống như Mẹ đã sống, đó là biết noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.

Lạy Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu, Chúa đã cho Mẹ hồn xác lên trời. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin giúp chúng con biết sống làm sao để một ngày kia cũng được hưởng hạnh phúc trên Trời với Mẹ. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Xin Giơ Tay Nâng Đỡ Con Trong Phong Ba
Lm. Vinh Sơn scj
09:54 13/08/2017
Chúa Nhật XIX Thường Niên A

Một viên sĩ quan người Anh được phái đến phục vụ ở một xứ xa quê nhà. Ông cùng gia đình xuống tàu vượt biển để đi đến nơi được bổ nhiệm.

Tàu rời bến được vài ngày thì biển động mạnh, một cơn bão kinh khủng ập đến làm thuyền có nguy cơ bị đắm. Sự lo lắng nỗi sợ hãi xâm chiếm tất cả mọi người trên con tàu. Là một phụ nữ “chân yếu tay mềm”, vợ của viên sĩ quan là người tỏ ra lo sợ hơn cả. Bà trách cứ chồng bà, vì trái với phản ứng sợ hãi của vợ, ông là một quân nhân nhiều phen đối diện với trận địa sinh tử trong gang tấc nên tỏ ra rất bình tĩnh. Hơn nữa ông là người có đức tin mạnh mẽ xác tín vào Thiên Chúa…

Thái độ bình tĩnh của vị sĩ quan bị bà xem như một biểu lộ sự thiếu lo lắng, yêu thương đối với bà và con cái. Sau khi nói vài lời ngắn gọn với vợ, ông rời căn phòng, nhưng liền sau đó ông quay trở lại với thanh kiếm trên tay. Với ánh mắt thảm não, ông tiến về phía người vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Lúc đầu bà này sợ tái mặt, nhưng sau đó bỗng bà cười lớn tiếng, không hề tỏ vẻ sợ hãi.

- Làm sao em có thể cười khi em cảm thấy mũi nhọn của lưỡi kiếm trên ngực em? Em không sợ sao? - viên sĩ quan hỏi –

- Làm sao em sợ được - bà trả lời, - khi em thấy lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người thương em.

- Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Chúa là Cha - Người hằng yêu mến anh?" (theo cau chuyen: Chúng ta ở trong tay Chúa).

Sự xác tín mạnh mẽ Chúa luôn quan tâm lo lắng trước phong ba bão tố của viên sĩ quan gợi cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu hiện diện đúng lúc khi Ngài đến trên mặt biển đến với các môn đệ dẫn đưa các ngài vào bến bờ bình an.

Sau phép lạ bánh hóa nhiều (x. Mt 14, 13-21), Đức Giê-su đã hối thúc các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ hồ bên kia trước, Ngài ở lại giải tán đám đông dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình thâu đêm. Ngài thường cầu nguyện vào những thời điểm trang trọng: ví dụ khi Ngài phép rửa (x. Mc 3, 21- 22), Ngài Biến Hình ( x. Lc 9, 28, -36), trước khi đưa ra những quyết định quan trọng: chọn các môn đệ (x. Lc 6, 12 – 16), Đứng trước cuộc thương khó Ngài cầu nguyện tha thiet trong vườn Cây Dầu ( x. Mt 26, 36 -46; Mc 14, 32 -42 ; Lc 22, 39 -45). Ngài cầu nguyện cho các môn đệ sẽ phải đối diện với phong ba bão tố ập tới như là hình ảnh báo trước sau này nhưng còn người theo ngài cũng phải đối diện với đêm đen của niềm tin, với phong ba bão tố của cuộc đời…

Ban đêm, Tin mừng xác định : “Vào khoảng canh tư, Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với họ”. Ngày xưa, đêm được chia thành bốn canh: canh một từ sáu giờ chiều đến chín giờ đêm, canh hai từ chín giờ đêm đến mười hai giờ khuya, canh ba từ mười hai giờ khuya đến ba giờ sáng, canh tư từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng. “Đêm tối” (Mt 14, 25), là giờ của thử thách, của “quyền lực bóng tối” (x. Lc 22,53).

Ban đêm giữa đêm tối của thử thách, Đức Giê-su đi trên mặt biển trong phong ba bão táp đến với các môn đệ đang lâm nguy. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, “biển” là nơi có các sức mạnh tà thần cư ngụ và hoạt động (x. G 7,12; Is 27,1; 51,9t; Đn 7…). Khi nói “đang ở trên mặt biển” có nghĩa là đang ở trong tình trạng bị các sức mạnh của bóng tối đe dọa. Vậy “biển” ở đây mang hình ảnh là một trở ngại ngăn cách các môn đệ với Đức Giêsu. Còn cuồng phong là biểu tượng cho tất cả những gì ngăn cản con người tiến bước trong hành trình đức tin. Các môn đệ phải nỗ lực băng qua biển, mệt mỏi chống chọi lại cuồng phong là biểu tượng của người theo Chúa đang vất vả chiến đấu với mọi thế lực bóng tối muốn tiêu diệt chúng ta…

Đức Giêsu tỏ quyền năng mình là Thiên Chúa đi trên biển chế ngự biển và phong ba ? Ngài cứu các môn đệ bằng cách làm cho họ cũng có thể đi qua biển và mọi người bình an về tới bến. Như thế, Đức Giêsu chứng tỏ Người sở hữu quyền lực thần linh tuyệt đối (phương diện Kitô học), và quyền lực ấy là để cứu vớt các môn đệ (phương diện Cứu độ học).

Con thuyền là biểu tượng của Hội Thánh (x. Mt 8, 24). Các môn đệ đang ở trên đó. Không có mặt Thầy, tinh thần của các ông hẳn thiếu tự tin; Hoàn cảnh lại thêm gay go vì gió ngược (x. Mt 14, 24). Con thuyền bị “tra tấn” vì cơn giông trên biển giữa đêm tối. Con thuyền lênh đênh chèo chống vất vả trước phong ba cũng là biểu tượng của mọi người chúng ta lênh đênh trên biển đời giữa phong ba bão tố của thử thách, mịt mù.

Đức Giêsu không có ở trên thuyền, nhưng Ngài không vắng mặt, dù là Người còn ở cách xa họ. Nhưng khoảng cách không thể ngăn cản Đức Giêsu hiệp thông với các môn đệ Người (x. Mt 18,20). Người đến với họ cách bất ngờ, từ trên cao, sau những giây phút cầu nguyện vào ngay thời điểm không ngờ : thuyền như sắp chìm… các môn đệ hầu như tuyệt vọng dù đã làm những cố gắng cuối cùng.

Thật thế, giữa đêm tối trong tâm của bão to sóng biển, Thầy đang đi trên mặt biển đến với các ông, nhưng do bóng đêm bao phủ, cuồng phong đe dọa khiến cho các môn đệ lầm tưởng là ma, nên hoảng hốt la lên : ma kià ! Kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua rất gần gũi với trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống : chính chúng ta trong thử thách gian nan, không nhận ra hay cũng đã lầm tưởng sự hiện diện ân cần, chia sẻ của Chúa. Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi: Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với và tuyệt vọng.

Trước sự ngộ nhận về thầy trong sự sợ hãi cực độ, Đức Giê-su đã trấn an các môn đệ “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" (Mt 14, 27) Chúa Giê-su muốn khẳng định với các môn đệ và cùng nhắn nhủ chúng ta tin tưởng vào sự hiện diện yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa. Nhất là Ngài luôn can thiệp đúng thời đúng lúc để không còn sợ hãi trước những mối hiểm nguy của phong ba, của đêm tối trong cuộc sống.

Phêrô khi nhận ra thầy, xin thầy cho mình đi đến với Ngài như là chế ngự được phong ba biển cả. Ban đầu ông nhìn và nhắm hướng đi thẳng vào Thầy nên ông đi dễ dàng đi trên sóng nước. Và kìa biển nổi gió, bão táp ập đến, làm ông hốt hoảng sợ hãi và chìm dần, ông khẩn cầu đến Thầy: “xin cứu con” (x. Mt 14, 30). Thật khó cho ông khi phải trải nghiệm với phong ba bão tố. Vâng, thật khó cho tất cả mọi người chúng ta khi trải nghiệm với hoàn cảnh gian nan, đối diện với sóng gió của cuộc đời, có lẽ chúng ta cũng mang tâm trạng sợ hãi như Phêro. Hãy tha thiết xin Ngài cứu giúp...

Vâng, thật thế :

Đời có bao thứ sóng gió đẩy đưa,

bao nhiêu cám dỗ cuốn lôi.

Con thân xác nặng nề, kéo dìm con xuống.

Con hoang mang, bàng hoàng sợ hãi…

Xin cứu con đừng để con chìm trong mênh mông biển đời....

Xin nắm lấy tay và dẫn con đi khi con sợ hãi trước phong ba.

Xin đỡ nâng niềm tin còn mềm yếu của con,

để con vững bước, bước những bước tiến về bến bờ,

Bến bờ Chúa dẫn đưa…

Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Trung Phi đồng thanh yêu cầu quân Hồi Giáo Ma Rốc trong lực lượng Hoà Binh LHQ rút khỏi Bangassou.
Trần Mạnh Trác
14:59 13/08/2017
Bangui (Agenzia Fides 11/8/2017)- Dân chúng ớ Bangassou, một thành phố ở phía Nam của cộng hòa Trung Phi sát với Nigeria, đang đòi hỏi đội quân Ma Rốc (Hồi Giáo) thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc phải rút lui.

"Yêu cầu đó là hợp pháp" là lời khẳng định cuả vị giám mục Công Giáo ớ Bangassou và cuả vị đạo trưởng Hồi Giáo Oumar Kobine Layama, là 2 vị lãnh đạo trong nỗ lực hoà giải tôn giáo tại cộng hòa Trung Phi (PCRC).

Họ là thành phần của một phái đoàn được gửi tới từ thủ đô Bangui để điều tra về tình hình thành phố Bangassou. Đoàn đại biểu còn bao gồm các đại diện chính trị địa phương, chính quyền nhà nước và xã hội dân sự.

Trong một báo cáo trước đây, đức giám mục Juan José Aguirre Muños đã lên án quân MINUSCA (sứ mệnh hoà bình Trung Phi cuả LHQ) là "Say Máu" (trigger happy): họ phản ứng với các biến cố bằng cách bắn tỉa bừa bãi, và đánh người vô tội.

"Dân chúng là nhân chứng và là nạn nhân của đội quân Ma-Rốc" ông đạo trưởng Hồi Giáo Layama nói "Dân chúng muốn họ rời khỏi Bangassou bởi vì họ đã thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ thường dân. Họ làm rất ít hoặc không làm gì cả khi quân du kích tấn công. Một số người còn nói rằng quân Ma-Rốc là nguyên nhân gây ra một số các trường hợp giết người vì họ đã xử tử thường dân và vu khống là quân du kích" ông đạo trưởng nói thêm.

Bangassou trở thành hiện trường xung đột giữa cựu phiến quân Seleka (Hồi Giáo) và dân quân Anti-Balaka (Thiên Chúa Giáo), sau khi quân Uganda và lực lượng đặc biệt cuả Mỹ rút khỏi khu vực và không còn tiếp tục tìm bắt tên Joseph Koni của đám khủng bố Lord's Resistance Army (LRA, quân khủng bố Thiên Chuá Giáo).

"Nhiều chục người đã bị bắn chết ở làng Gambo trong những ngày 4 và 5 tháng 8," theo lởi ĐGM Aguirre." Sự việc bắt đầu khi dân quân Anti-Balaka đe dọa Gambo, là vùng bưng biền cuả phiến quân Seleka trong bốn năm qua. Quân Seleka đã cưỡng chế người dân địa phương trong vùng kiểm soát cuả họ, đặc biệt nhắm vào phụ nữ, bắt cóc và cưỡng hiếp họ ngay trước mặt chồng con cuả họ."

"Ngày 4 tháng 8 khi quân Anti- Balaka xâm nhập vào Gambo thì binh lính Ma Rốc của sứ mệnh LHQ MINUSCA lập tức khai hỏa, họ bắn như điên dại vào cả thường dân, buộc đám Anti-Balaka phải rút lui vào rừng, sau đó để chỏ phiến quân Seleka trở lại. Nhóm này tìm thấy một số nhân viên Hội chữ thập đang họp tại bệnh viện, chúng liền cắt cổ tất cả mọi người, kể̉ cả phụ nữ và trẻ em".

Ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đã phải lên tiếng đau buồn vì biến cố trên, vào lúc kết thúc thông điệp ngày 9 tháng 8, Ngài nói: "Tôi đau buồn sâu sắc bởi những tin tức về việc thảm sát gây ra cuối Chúa Nhật tại Nigeria, bên trong một nhà thờ, nơi nhiều người dân vô tội bị giết"

Giáo hội Công Giáo tại đây không ủng hộ bắt kỳ phe phái nào, Seleka hay Anti-Balaka. Trong nhiều tháng qua và cho đến bây giờ, nhà thờ chính toà cuả Bangassou vẫn là nơi trú ẩn cho một số người Hồi Giáo đông đến 2000 người, che chở họ khỏi sự đe dọa cuả nhóm Anti-Balaka.
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện sau vụ bạo động “hận thù” ở Charlottesville.
Giuse Thẩm Nguyễn
10:03 13/08/2017
(EWTN News/CNA) Tin từ Washington. Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện sau khi một người bị chết và nhiều người khác bị thương trong một cuộc biểu tình phản đối của nhóm gọi là độc tôn chủng tộc da trắng ở Charlottesville, Virginia.

Đức Hồng Y Daniel Dinardo đã nói trong một bản tuyên bố vào ngày 11 tháng Tám rằng “những hành động hận thù phân biệt này trong cuộc biểu tình ở Charlottesvile là một cuộc tấn công phá hại sự đoàn kết quốc gia của chúng ta và do đó chúng tôi kêu gọi mọi người hãy khẩn thiết cầu nguyện có những thái độ ôn hòa.”

“Chúng tôi cầu nguyện cho những gia đình và những người có người thân bị chết và bị thương vừa qua. Chúng tôi cùng chung tiếng kêu gọi người hãy bình tĩnh.”

Theo tờ New York Times, sau cuộc đụng chạm bạo động xảy ra giữa nhóm độc tôn chủng tộc da trắng và những người chống lại tại công viên Emancipation của thành phố Charlottesville, một chiếc xe đã lao nhanh vào đám đông, làm chết một người và bị thương 19 người khác.

Nhóm độc tôn chủng tộc da trắng tập đã trung để phản đổi việc di dời một bức tượng của Tướng Robert E. Lee, một tướng ủng hộ duy trì chế độ nô lệ, ra khỏi công viên. Nhóm này bắt đầu biểu tình vào đêm Thứ Sáu, vẫy cờ và hô to “các người sẽ không thay thế được chúng tôi” và “Người Do Thái sẽ không thay thế được chúng tôi”.

Vào sáng hôm sau, hằng trăm người chống lại nhóm này, trong đó gồm các lãnh đạo tôn giáo và nhóm Black Lives Matter, một tổ chức của người Mỹ Phi Châu, chống lại phân biệt chủng tộc đối với người da đen, đã tụ tập và sau cùng đã đụng độ với nhóm độc tôn chủng tộc da trắng tại công viên Emancipation. Vào sáng sớm mọi sinh hoạt tương đối ổn định, nhưng sau đó bạo động tăng dần và Lực lượng Bảo Vệ Quốc Gia đã đến để giải tán đám đông.

Tổng Thống Donald Trump vào hôm Thứ Bẩy đã tuyên bố lên án mạnh mẽ các cuộc bạo động, hận thù đến từ mọi phía.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Hội Đồng Giám mục Hàn Quốc ra tuyên bố 'Khích Lệ Tinh Thần' và kêu gọi cầu nguyện cho Hoà Bình nhân dịp lễ Mông Triệu.
Trần Mạnh Trác
16:46 13/08/2017
Các giám mục Hàn Quốc đã phát hành một bản tuyên bố gọi là 'Khích Lệ Tinh Thần' trước những căng thẳng tại bán đảo Triều tiên.

Trong bản tuyên bố, các giám mục yêu cầu các "quốc gia láng giềng" (Trung Quốc, Nhật bản, Nga, Hoa Kỳ) tránh leo thang quân sự, hoặc có những "hành động bừa bãi," chỉ có thể gây ra " cái chết của vô số người, sự tàn phá gây tử vong cho cả hai bên, kéo lùi lịch sử cuả loài người, và hằn sâu vết thương cho toàn bộ nhân loại. " Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người tham gia vào "cuộc đối thoại cho hòa bình" và làm việc cho "sự tồn tại chung của nhân loại, đó mới là mục đích đích thực của ngoại giao và chính trị".

Các giám mục Hàn Quốc kêu gọi cắt giảm ngân sách quân sự và gia tăng việc chi tiêu cho những phát triển con người và văn hóa. Họ kêu gọi sử dụng "lương tâm, trí tuệ, đoàn kết, lòng mộ đạo và sự tôn trọng lẫn nhau". Một buổi cầu nguyện sẽ được tổ chức vào ngày lễ bổn mạng của các giả đình, và cũng là ngày lễ độc lập của Triều tiên.

Trong tin nhắn gửi cho báo chí các giám mục kết án Bình Nhưỡng đã thử nghiệm hoả tiễn liên lục địa, nhưng đồng thời cũng cảnh báo tất cả các "việc gây sự bất hợp lý" có thể làm tăng thêm sự căng thẳng.

Bản tuyên bố được ký bởi ĐGM giáo phận Uijeongbu là Peter Lee Ki-heon, Ngài là chủ tịch Ủy ban hòa giải của người Hàn Quốc và ĐGM giáo phận Daejeon là Lazarus You Heung-sik, chủ tịch của ủy ban công lý và hòa bình.

Bản tuyên bố đưa ra nhiều khích lệ tinh thần nhắm vào nhân dân Triều tiên ở phía Bắc và phía Nam, kêu gọi ngăn cản việc gia tăng ngân sách quân sự đang ở đỉnh cao chất ngất, và thay vào đó, sử dụng một số nguồn lực cho "văn hóa và phát triển con người" cuả bán đảo Triều tiên.

Các giám mục kêu gọi mọi Kitô hữu và mọi dân tộc trên thế giới phải trở thành nhửng "người làm lành". Việc xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều tiên có thể là "bước ngoặt" ("U-turn") đem lại hòa bình cho thế giới.

Sau đây là nội dung của bản tuyên bố 'Khích Lệ Tinh Thần:'



Khích Lệ Tinh Thần của hội đồng các giám mục cho hòa bình của bán đảo Triều tiên

"Hãy cùng nhau bước đi trong ánh sáng của Chúa" (Is 2,5)

Đối mặt với tình hình căng thẳng xung quanh bán đảo Triều tiên, Hội đồng giám mục Công Giáo Hàn Quốc kêu gọi:

1. Khích lệ tinh thần cho các nhà lãnh đạo chính trị của Hàn Quốc và Triều tiên

Sau việc phóng tên lửa Hwasong-14 đã xảy ra một tình hình căng thẳng với nhiều rủi ro tiềm ẩn trên bán đảo Triều tiên. Việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều tiên rõ ràng là một sự vi phạm nghị quyết cuả Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và là một hành động gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền hòa bình ở đông bắc châu Á vì đã đẩy các quốc gia láng giềng vào một cuộc chiến vũ khí hạt nhân. Vì thế Giáo hội Hàn Quốc mạnh mẽ lên án tất cả các việc gây hấn bất hợp lý của Bắc Triều tiên và phản đối tất cả các hành động gây căng thẳng trên bán đảo Triều tiên mà hiệu quả là đẩy lùi các cố gắng hòa bình. Chúng tôi khẳng định rằng nền hòa bình tuyệt đối, thật sự và bền vững không thể thực hiện nhờ vũ khí hạt nhân. Do đó chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo chính trị Hàn Quốc và Bắc Triều tiên hãy ủng hộ một cuộc đối thoại hòa bình và làm hết sức mình để thiết lập một thể chế đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều tiên thông qua sự hợp tác với các quốc gia láng giềng.

2. Khích lệ tinh thần cho các nhà lãnh đạo chính trị của các nước láng giềng cuả bán đảo Triều tiên

Đề cập đến chiến tranh một cách thiếu suy xét thì đã là một hành động bạo lực chống lại nhân loại. Hành động vội vã và bừa bãi là dã man và điên rồ sẽ không để lại cho chúng ta bất cứ điều gì khác hơn là cái chết của vô số con người, sự tàn phá gây tử vong cho cả hai bên, kéo lùi lịch sử cuả con người, và hằn sâu vết thương cho toàn bộ nhân loại. Do đó Hội đồng giám mục Công Giáo Hàn Quốc khuyên tất cả các nước láng giềng không nên thực hiện các quyết định gây ra thù hận và làm suy yếu sự phát triển đạo Đức và tinh thần của nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia láng giềng sẽ giải quyết tình hình hiện nay một cách trưởng thành và hài hòa, như thế họ có thể đóng góp cho hòa bình và sự tồn tại của nhân loại, mà trong thực tế, là mục đích chính của nền ngoại giao và chính trị.

3. Khích lệ tinh thần cho đồng bào người Triều tiên

Sự lây lan của vũ khí hạt nhân là một "hành động xấu xa" mà về cơ bản có thể đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều tiên cũng như trên toàn thế giới. Chiến tranh, một khi xảy ra thì chưa bao giờ cho phép quay trở lại, sẽ chỉ để lại người Hàn Quốc những vết sẹo sâu và những tàn phá không thể khắc sưả chữa được. Vũ khí hạt nhân và quân đội không thể đảm bảo hòa bình cho bán đảo thân yêu của chúng ta. Thay vào đó, sự bình an thật sự chỉ có thể đạt được nhờ việc đối thoại để tìm kiếm công lý nhắm vào việc phát triển hòa giải và hợp tác của nhân dân Triều tiên bởi vì "hiệu quả của công lý là hòa bình" (Is 32:17). Chúng ta, người Triều tiên, được kêu gọi cưỡng lại cái sức mạnh ma quái đang cố gắng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay. Tại sao không làm giảm những ngân sách quân sự đã cao chất ngất của hai quân đội Hàn Quốc và Bắc Triều tiên và sử dụng chúng vào việc phát triển con người và văn hóa? Như vậy, chúng ta đảm bảo với đồng bào khác của chúng ta rằng chúng ta phát huy các sáng kiến cho hòa bình và công lý, cho bán đảo của chúng ta và cho nhân loại.

4. Khích lệ tinh thần các Kitô hữu và tất cả các dân tộc trên thế giới

Hòa bình trên bán đảo Triều tiên không chỉ liên quan đến vùng đông bắc Á châu, nhưng là toàn thế giới bởi vì bán đảo này, với sự hiện diện của nhiều nước láng giềng mạnh mẽ, đóng một vai trò "cân bằng quyền lực" của hòa bình trên thế giới. Do đó tình hình hiện nay đòi hỏi một nỗ lực hợp tác chặt chẽ liên quan đến lương tâm, trí tuệ, đoàn kết, lòng mộ đạo và sự tôn trọng lẫn nhau. Hãy đừng có một thái độ thờ ơ hoặc im lặng vô trách nhiệm; chúng ta hãy cố gắng cùng nhau tìm kiếm (xin nhắc lại, với trí tuệ, lương tâm và suy nghĩ hợp lý) sự khôn ngoan làm cho chúng ta nhìn thấy gốc rễ của vấn đề và cung cấp cho chúng ta những giải pháp thích hợp. Chúng tôi xin được khích lệ tinh thần, trước hết cho tất cả các Kitô hữu trớ nên cộng tác viên của công việc sáng tạo và cứu rỗi của Thiên Chúa. Việc giải giới nguyên tử và thiết lập hòa bình ở bán đảo Triều tiên sẽ là một xoay chiều (U-turn,) góp phần vào tương lai cuả nhân loại, bằng cách cung cấp một nhãn quan cuả thế giới mà trong đó giá trị của mọi sinh vật sẽ được hoàn thiện nhờ vào một nền công lý và hoà bình thực tế và chên thật. Chúng ta hãy đoàn kết và kiên trì trong cầu nguyện và hành động cho sự thay đổi, để người dân trong khu vực có thể "đúc kiếm thành cày và đúc thương thành liềm" (Is 2:4). Với sự đoàn kết như vậy, cầu xin cho ánh sáng của công lý và tình yêu của Thiên Chúa khắc phục được những mâu thuẫn và hận thù, nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, đi đôi với hành động cụ thể.

Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi người Công Giáo Hàn Quốc hãy kêu cầu đến sự can thiệp cuả Đức Mẹ cho hòa bình của bán đảo Triều tiên nhân dịp ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Chúng ta được kêu gọi làm những công nhân cuả hòa bình.

Sau cùng, chúng tôi thúc giục tất cả anh chị em trên thế giới hãy lưu tâm, cầu nguyện, đáp ứng tốt và làm việc với nhau trong thân ái để giải quyết cuộc khủng hoảng của bán đảo của chúng tôi. Giáo hội Hàn Quốc sẽ không thiếu sót trong việc tham gia, và hơn hết, trong việc cầu nguyện liên tục.

"Xin Chúa thương xót chúng tôi! Xin cho chúng tôi được hòa bình. Amen."

Nhân dịp kỷ niệm Hàn Quốc độc lập 72 năm, ngày 15 tháng tám năm 2017

Tổng giám mục Peter Lee Ki-heon, giám mục của Uijeongbu, và chủ tịch Ủy ban nhân dân Triều tiên hòa giải của hội đồng giám mục Công Giáo Hàn Quốc

Tổng giám mục Lazarus You Heung-sik, giám mục của Daejeon và chủ tịch của công lý và hòa bình của hội đồng giám mục Công Giáo Hàn Quốc.

 
Các tín hữu Công giáo dùng YouTube để loan báo Tin mừng
Hồng Thủy
16:28 13/08/2017
Những người Công Giáo theo dõi mạng YouTube trên thế giới, hãy đoàn kết – công cuộc tái Loan báo Tin mừng cần các bạn. Đây thực sự là sứ điệp của buổi họp trực tuyến của người Công Giáo dùng YouTube, một cuộc họp mặt qua mạng internet được tổ chức lần đầu tiên của hàng chục tín hữu Công Giáo khắp thế
giới vào tháng trước, về vấn đề đem Tin mừng đến các kênh YouTube của họ. Có khoảng 50 kênh đã đăng nhập để tham dự, phần lớn từ Mỹ, nhưng cũng có những kênh từ Italia, Brasil và Tây ban nha.

Buổi gặp gỡ được bắt đầu bởi sáng kiến của Daniel Glaze, chủ của phân nửa kênh “That Catholic Couple”; nửa còn lại thuộc về Ana, vợ của Daniel. Trên kênh của họ, họ trình bày cho những người theo dõi về cuộc sống của chính họ, một đôi vợ chồng trẻ và cũng là những người lần đầu tiên làm cha mẹ. Daniel cho biết ý tưởng này xuất hiện khi anh đang xem một video trên Catholic Youtube và tự hỏi rằng các tín hữu Công Giáo có biết nhau và có từng cộng tác với nhau không.

Steve Lewis, chủ của kênh “Steve, the Missionary” và Maria Mitchell, nhà sản xuất của kênh “Ascension Presents” cũng có cùng câu hỏi như thế. Tại sao không có nhiều hơn các tín hữu Công Giáo trên trang Youtube như trên các mạng xã hội khác như Twitter? Tại sao không có một cộng đồng Công Giáo trên mạng Youtube?

Daniel đã gọi các bạn của mình và hỏi họ điều gì họ muốn làm cho ý tưởng này. Và Catholic YouTubers Hangout (cuộc hội kiên của các người Catholic dùng YouTube) đã ra đời như thế. Hội nghị trên mạng được mở cho bất cứ kênh YouTube nào, mà cách nào đó có tính Công Giáo, nghĩa là nội dung của nó nói về Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo, hoặc người chủ của kênh là một tín hữu Công Giáo làm việc dưới sự hướng dẫn của đức tin. Cuộc họp có mục đích kép: tạo một cộng đồng của các người Công Giáo dùng YouTube và khuyến khích sự cộng tác trong cộng đồng này.

Lewis nhận định rằng cần có cộng động người Công Giáo dùng YouTube, vì “người Công Giáo cần phải có tiếng nói trong cuộc hội đàm siêu tiến, hoàn toàn vật chất và vô thần đang xảy ra trên YouTube”. Lewis muốn có một diễn đàn YouTube Công Giáo, là nơi được dẫn dắt bởi các cuộc đối thoại và các nhà sáng tạo Công Giáo, giống như trên trang Twitter hay Instagram. Lewis còn muốn rằng các tín hữu Công Giáo còn là thành phần của mọi nơi trên mạng YouTube. Lewis nói rằng chúng ta cần được quyền được nghe tại các cuộc tranh luận trên ‘Gamer YouTube,' 'Politics YouTube,' or 'Movie-Nerd YouTube’.

Lewis cũng nhận định rằng hai điều này quan trọng cho việc truyền giảng Tin mừng. Điều thứ nhất quan trọng vì nó trả lời các câu hỏi của những người quan tâm đến đức tin; điều thứ hai quan trọng để đưa Tin mừng vào những nơi chốn mới giữa dân chúng trên thế giới. Lewis là người yêu thích dùng YouTube và cũng là nhà truyền giáo của Hội sinh viên Công Giáo, anh nhận ra điều cần thiết đưa Tin mừng đến một trong những diễn đàn mạng xã hội yêu thích.

Daniel lưu ý rằng các cuộc hội thoại trên kênh có chủ đề Công Giáo của anh không nhất thiết phải nói rõ ràng về Công Giáo, nhưng về cuộc sống của một gia đình trẻ được hướng dẫn bởi quan điểm Công Giáo. Daniel chia sẻ: “Chúng ta cần các nội dung Công Giáo đa dạng trên YouTube, nghĩa là chúng ta cần các tác giả của các phim Công Giáo sống thực hành đức tin của họ và trình bày nó qua các video. Ví dụ, kênh “That Catholic Couple” của tôi là một video blog, trên đó chúng tôi thường chia sẻ thế nào là một gia đình trẻ. Chúng tôi nói về đức tin của chúng tôi, nhưng nội dung của chúng tôi không luôn luôn rõ ràng là Công Giáo. Hơn thế, chúng tôi cần những chiều kích khác nhau trên diễn đàn để đưa Tin mừng vào trong các góc thích hợp của YouTube.”

Lewis mời gọi các người Công Giáo dùng YouTube làm hai điều: thứ nhất, xem và đăng ký các kênh khác, bởi vì nó giúp xây dựng cộng đồng; thứ hai, tiếp tục xem các video yêu thích không có tính tôn giáo, vì nó có thể giúp các nhà làm video trau dồi một phong cách chuyên nghiệp hơn.

Daniel nói thêm rằng cần có một cộng đồng YouTube Công Giáo, vì nó thúc đẩy người khác trở nên tốt hơn. Sáng tạo nghệ thuật là điều Giáo Hội thường đi trước nhưng trong những năm gần đây Giáo Hội đã thụt lùi, đặc biệt trong việc tạo một video tốt. Lewis nói rằng như bất cứ phương tiện truyền thông nào, việc quay video có thể “đươc rửa tôi” và được dung để vinh dang Thiên Chúa.

Daniel dự định tiếp tục tìm kiếm những cơ hội để tạo việc phát triển cộng đồng và cộng tác giữa các ngừoi Công Giáo dung YouTube, với mục đích giúp loan báo sứ điệp Tin mừng. Lewis khuyến khích các tín hữu Công Giáo chia sẻ các video và các blog giúp loan truyền sứ điệp Tin mừng: “Việc truyền giảng Tin mừng trên mạng internet không nhắm đến nổi tiếng nhưng là thấy được nhu cầu và giải đáp nó.” (CAN 10/08/2017)
 
Diễn biến vô tiền khoáng hậu: Pakistan cử hành quốc táng cho một nữ tu Công Giáo
Đặng Tự Do
23:15 13/08/2017
Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, Tổng thống Mamnoon Hussein và Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi của Pakistan, nơi tuyệt đại đa số dân theo Hồi Giáo, đã công bố Pakistan sẽ tổ chức quốc táng cho nữ tu Ruth Pfau, người Đức là Y Khoa bác sĩ vừa qua đời ngày 10 tháng 8, thọ 87 tuổi. Đám tang của chị sẽ được cử hành tại nhà thờ chính tòa Karachi.

Thông cáo của văn phòng thủ tướng Pakistan đã ví chị Ruth Pfau như là Mẹ Teresa của Pakistan, một người “đã được sinh ra ở Đức, nhưng trái tim bà luôn ở với chúng ta ở Pakistan này.” Trong khi đó, thông cáo của Tổng thống Mamnoon Hussein nói rằng “Nữ tu Bác sĩ Pfau đã đặt một dấu chấm hết cho bệnh phong ở Pakistan. Ơn đức này là không thể nào quên được. Bà đã rời quê hương mình và biến Pakistan thành nhà của mình để phục vụ nhân loại. Nước Pakistan bày tỏ lòng kính trọng đối với bác sĩ Pfau, và bày tỏ niềm hy vọng rằng truyền thống phục vụ nhân loại tuyệt vời của bà sẽ được tiếp tục.”

Chị Ruth Pfau sinh ngày 9 tháng 9 1929, tại Leipzig trong một gia đình có 6 người con. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nhà cửa của chị bị dội bom, sau đó gia đình lại phải sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức vài năm trước khi vượt biên tìm tự do thành công sang Tây Đức.

Trong thập niên 1950, chị theo học ngành y khoa tại Đại Học Mainz và tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, trước một tương lai rạng rỡ sáng ngời, chị từ bỏ mọi sự và gia nhập Dòng Nữ Tử Trái Tim Đức Mẹ và được gởi sang Ấn Độ. Tuy nhiên, do những trục trặc về visa vào Ấn, chị phải dừng chân tại Karachi, Pakistan.

Trong một cuốn hồi ký, chị Ruth Pfau cho biết vào năm 1960, lúc mới 31 tuổi, chị quyết định dâng hiến đời mình cho việc chăm sóc các bệnh nhân phong cùi tại Pakistan sau khi chứng kiến một thanh niên phải bò bằng chân và tay vào phòng cấp cứu. Trong xã hội Pakistan, những bệnh nhân phong cùi thường bị gia đình, và xã hội bỏ mặc và xa lánh.

Chị Ruth Pfau đã đích thân chăm sóc cho người phong cùi, và mở các trường đào tạo các bác sỹ, và thành lập các trung tâm điều trị. Năm 1996, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố căn bệnh được kiểm soát hoàn toàn ở Pakistan. Theo thống kê mới nhất, số người bị bệnh phong tại quốc gia này đã giảm xuống chỉ còn 531 bệnh nhân.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đồng hương Giáo phận Vinh tại Melbourne, mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời bổn mạng Giáo Phân Vinh
Trần Văn Minh
05:16 13/08/2017
Melbourne, vào lúc 3 giờ chiều Chúa nhật 13 Tháng Tám Năm 2017. Trong một ngày đẹp trời, tại Nhà thờ Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Church.) Đồng hương và thân hữu Giáo phận Vinh tại Melbourne, đã họp mặt thật đông đảo, để cùng nhau hướng lòng về với Giáo phận Mẹ nơi quê nhà, hiệp thông dâng lễ vọng mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là bổn mạng Giáo phận Vinh Việt Nam.

Xem hình

Trong một chiều thời tiết rất đẹp, tại ngôi Thánh đường Chúa Chiên Lành cũng đẹp, mọi người hiện diện càng đẹp hơn trong những ngày đầu mùa Xuân xứ Úc. Đồng hương Giáo phận Vinh từ khắp các vùng trong tiểu bang đã tề tựu đông đủ để dâng Thánh lễ mừng bổn mạng giáo phận, được quý Linh mục Vinh đang phục vụ mục vụ trong Tổng Giáo phận Melbourne và từ Việt Nam qua đồng tế. Trong số quý linh mục về dâng lễ hôm nay cùng đồng hương Giáo phân Vinh, chúng tôi thấy có quý Linh mục:
Giuse Phạm Đình Lĩnh chủ tế
Phêrô Nguyễn Văn Hương (VN)
Phalô Nguyễn Trọng Thiên.
Phêrô Trần Văn Thanh.
Giuse Nguyễn Hồng Ánh.
Anton Nguyễn Thế Vĩnh.
Phạm Xuân Tạo
Nguyễn Văn Xưa
Nguyễn Văn Cao
Nguyễn Ngọc Giao (VN)
Nguyễn Kim Đồng (VN)
Lê Xuân Trường (VN)
Phạm Trọng Phương (VN)
Trần Minh và phó tế Thọ cùng đồng tế.
Trước bục giảng, di ảnh của Đức Ông Xuân Ly Băng, người con của giáo phận mới qua đời được đồng hương nhớ đến cùng dâng lễ cầu nguyện.

Trước khi cử hành Thánh lễ, Linh mục Nguyễn Hồng Ánh Chánh xứ Nhà thờ Chúa Chiên Lành đã hân hoan ngỏ lời chào mừng quý cha và đồng hương Giáo phân Vinh, Ban mục vụ Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng giáo phận Melbourne cũng đã đến dâng lễ, cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa đã về hiệp dâng Thánh lễ vọng mừng kính Đức Mẹ Lên Trời là bổn mạng Giáo phận Vinh.

Đặc biệt, phụng vụ Thánh ca trong Thánh lễ hôm nay, một Ca Đoàn mà những người con cái Giáo Phận Vinh đã thành lập ra mang tên là: Ca Đoàn Bình Gỉa, đã dùng lời ca, tiếng hát mà ca khen mừng kính Lễ Đức Mẹ về Trời. Mừng kính bổn mạng và chung niềm vinh hạnh được vui cùng toàn thể Giáo phận.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, Linh mục Nguyễn Ngọc Giao đã chia sẻ về hiện tình xã hội, xin tóm tắt như sự dửng dưng của con người đối xử với nhau trong một xã hội băng hoại về mọi mặt, nhất là về đạo đức xuống cấp. Khi những người con cái của Giáo phận dám đứng lên để chống lại những cái ác, cái xấu thì bị trù dập từ các vị Giám mục, Linh mục hay bất cứ người dân bình thường nào dám nói nên những bất công của xã hội thì đều bị đe dọa, bắt bớ, đánh đập, tù đầy!

Người con Giáo phận Vinh chỉ trông cậy nơi Chúa, nơi Đức Mẹ để xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa bảo vệ cho con cái Mẹ, như nhiều năm tháng qua Đức Mẹ luôn che chở và phù hộ cho con dân Giáo phận Vinh.

Ông Trần Đức Danh đã thay mặt đồng hương hiện diên cám ơn đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý vị đại diện cộng đồng, quý đồng hương đã góp công, góp của để cùng nhau tổ chức lễ bổn mạng của giáo phận, đây là dịp cho những người đồng hương Vinh có cơ hội gặp gỡ nhau, dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa và hàn huyên, thăm hỏi nhau hằng năm. Dịp này, ông cũng mời mọi người nhớ về quê hương, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời nguyện xin thiết tha cho quê hương, cùng hát chung bài Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam thật sốt sắng.

Đây là lần thứ Ba, con cái Giáo phận Vinh tại Melbourne gồm có quý Linh mục và giáo dân cùng hội tụ về trong tình đồng hương gắn kết với nhau.
Thánh lễ kết thúc trong niềm vui chung, mọi người lại có cơ hội hàn huyên tâm sự trong tình đồng hương. Một bữa tiệc nhẹ được tổ chức tại hội trường giáo xứ, trong niềm vui, thân thương trong cái nắng chan hòa ấm áp.

 
Lễ Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney
Diệp Hải Dung
08:53 13/08/2017
Sáng Chúa Nhật 13/08/2017 rất đông đủ mọi người đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly – Sydney hành hương ngày 13 kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 100 năm và mừng kính Lễ Quan Thầy của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Tổng Giáo Phận Sydney.

Xem Hình

Mọi người tập trung trước tượng đài Đức Mẹ và Cha Phêrô Đặng Đình Nên Linh hướng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney dâng lời nguyện và xông hương tượng đài Đức Mẹ, kiệu tượng Thánh Nữ Monica sau đó cung nghinh tượng Thánh Nữ Monica về hội trường Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse. Cuộc kiệu rất trang nghiêm mọi người cùng hiệp dâng lên Đức Mẹ Chuỗi Mân Côi Mùa Mừng cầu cho Gia Đình và Cộng Đồng.

Khi kiệu tượng Thánh Nữ Monica đã về đến Hội Trường và an vị trên bàn thờ, mọi ngưởi cùng lắng nghe sơ lược về tiểu sử của Thánh nữ Monica sau đó Cha Phêrô Đặng Đình Nên Linh hướng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney và cũng nhân dịp ngày 13 kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đồng thời gồm có qúy Cha Canut Nguyễn Thái Hoạch, Cha Giuse Vũ Hoàng Anh và Cha Thomas Thành hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Linh hướng Đặng Đình Nên nói về sự liên lỷ kiên trì cầu nguyện của Thánh nữ Monica để rồi Thiên Chúa đã đoái thương nhậm lời và ban ơn hoán cải cho Augustino là con trai của Thánh nữ trở về với Chúa với Giáo Hội…

Sau bài giảng là nghi thức Xức Dầu Thánh cho các vị cao niên, các vị đau yếu trong Cộng Đồng. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn chữa lành phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney, kế tiếp chị Phạm Thị Yên thay mặt Ban Chấp Hành của Hội ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý quan khách và tất cả mọi người đã dành thời gian quý báu đến tham dự lễ Quan Thầy của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney. Cám ơn quý Ban Thường Vụ, quý Hội Đồng Mục Vụ, Ban Mục Vụ Trung Tâm Bringelly và các Ban Ngành Đoàn Thể.

Sau cùng Cha Linh Hướng Đặng Đình Nên ngỏ lời cám ơn quý Cha đã đến cùng hiệp dâng Thánh lễ và đặc biệt cám ơn Ca đoàn Monica đã hát rất hay giúp mọi người sốt sắng trong Thánh lễ.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng bổn mạng trong nhà ăn Trung Tâm.

Diệp Hải Dung
 
Trung tâm trị bệnh của chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Củ Chi
Thiên Lý
20:27 13/08/2017
6 Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã được Tỉnh dòng sai đến hiện diện tại vùng ven thuộc Ấp Giòng Sao, Xã Tân Phú Trung vào Ngày 15.8.2015 với sứ vụ chăm sóc anh chị em bệnh nhân nghèo, nhưng mãi tới ngày 3.10.2015 Phòng Chẩn trị HY VỌNG mới chính thức khai trương và đưa vào hoạt động.

Mỗi ngày chị em có dịp tiếp xúc với hơn 100 anh chị em bệnh nhân đến từ các thôn làng thuộc nhiều Xã trong Huyện Củ Chi và Hốc Môn, chị em cố gắng chăm sóc và chữa trị bệnh tật thể lý và xoa dịu nỗi đau tâm linh cho họ cách tận tình. Nhiều bệnh nhân được phục hồi sức khỏe và ghi lại tâm tình tri ân :

“Tôi đã điều trị tại Phòng Chẩn trị YHCT từ thiện Hy Vọng độ 3 tháng. Nay bệnh đau đầu và suy van tĩnh mạch chi dưới đã được bình phục. Tôi nhận thấy Phòng khám trị bệnh rất nhiệt tình và có kết quả. Tôi mong rằng Phòng khám tiếp tục trị bệnh cho bà con trong thời gian dài. Tôi chân thành cám ơn quí soeurs tại Phòng khám Hy Vọng.” (BN Huỳnh Văn Giáp Xã Phước Vĩnh An, Huyện Củ Chi)

“Anh em chúng tôi ngụ tại Huyện Hốc Môn đã đến điều trị bệnh di chứng TBMMN, yếu ½ người tại Phòng Chẩn trị YHCT từ thiện Hy Vọng độ 4 tháng. Hiện nay bệnh tật của chúng tôi đã thuyên giảm được 90%. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các soeurs đã tận tình cứu chữa, mong các soeurs được ân sủng chiếu rọi của Thiên Chúa và mong sẽ có ngày chúng tôi đền đáp công ơn này để Phòng Chẩn trị có điều kiện cứu giúp cho loài người…” (BN Tạ Quốc Đại và Nguyễn Đức Minh).

Xem hình

“Tội bị bệnh thoái hóa cột sống cổ đã đến điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y, nay tôi đã hết đau và bệnh đã khỏi. Tôi được các soeurs đón tiếp vui vẻ, thái độ chăm sóc ân cần cũng giống như người thân trong gia đình. Tôi rất mừng và xin cảm ơn các soeurs Phòng khám Hy Vọng, mong các soeurs luôn mạnh khỏe để tiếp tục sứ mạng giúp người, giúp đời.” (BN Vũ Huy Nam, Tân Phú Trung).

Cho tới hôm nay đã có 1710 bệnh nhân đến điều trị với hơn 45.000 lượt châm cứu và kết hợp thuốc Đông Y. Tạ ơn Chúa Quan Phòng đã gửi đến cho Phòng Chẩn trị HY VỌNG nhiều vị ân nhân xa gần, họ đã quảng đại giúp Phòng khám có điều kiện phục vụ các bệnh nhân nghèo tại vùng nông thôn có hiệu quả hơn. Hằng ngày, có 5 thiện nguyện viên Công Giáo và 1 phật tử cùng cộng tác với chị em trong công tác chăm sóc BN. Đầu năm 2017, có Thầy Hưng thuộc Dòng Thừa Sai Thánh Tâm đến bấm huyệt cho BN bị liệt 2 ngày/tuần ; cô Tuyết (phật tử) bấm huyệt cho BN bị thoái hóa cột sống cổ và lưng 3 ngày/tuần. Ngoài sự giúp đỡ trong chuyên môn, chị em còn được Chú Trường (BN Tin Lành) cung cấp hoa Lan để trang trí nhà nguyện và Chú Tơ (BN Tin Lành) cung cấp sữa tươi làm Yaour ; chị Thủy (BN GX Bắc Đoàn) tặng thịt heo hằng tuần.

Nhân dịp viếng thăm Phòng Chẩn Trị YHCT Hy Vọng vào ngày 1.11.2016, Bác sĩ Lê Hùng Chủ Tịch Hội Đông Y Tp. HCM đã ghi cảm tưởng như sau : “Đây là một khu khám bệnh rất khang trang sạch đẹp, thoáng mát. Thăm các buồng bệnh, tôi cảm nhận được sự chăm sóc ân cần của các soeurs. Tất cả các bệnh nhân đều xúc động, giảm bệnh và rất biết ơn sự chăm sóc của các soeurs. Đây là một Trung tâm từ thiện rất đẹp, đầy đủ tiêu chuẩn và tràn ngập tình thương tình người.” Bác sĩ Lê Hùng đã gửi các nhóm Y, Bác sĩ nước ngoài đến thực tập châm cứu và xoa bóp tại Phòng khám.

Chị Alexia năm nay tròn 85 tuổi nhưng vẫn tình nguyện làm chị nuôi lo toan bữa ăn trưa cho chị em thật chu đáo và ngon miệng. Tạ ơn Chúa đã ban chị Alexia cho chúng em, chị như là cây cao bóng cả che mát cho đàn em nương bóng đời dâng hiến và phục vụ.

Chị Huy say mê vun xới, chăm bón vườn hoa muôn sắc và một số câythuốc quí tô điểm nét đẹp cho Phòng khám thật tuyệt vời nhờ sự cộng tác của chị Uyên (giáo dân Bắc Đoàn), Bà Tư và chú Thái (bệnh nhân của phòng khám). Vườn rau sạch phía sau cung cấp cho nhà bếp đồng thời có thêm phần thu nhập, ruộng cho một nông dân nghèo thuê trồng lúa đem lại nguồn gạo sạch cho cộng đoàn.

Từ việc chăm sóc chữa trị bệnh tật thể lý cho anh chị em bệnh nhân, nay nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng cho một vài bệnh nhân ước muốn được làm con Chúa nên chị Kim Lan đang dạy giáo lý dự tòng cho anh Ba, Chú Thái và em Yến, con gái chị Hồng Nguyên (BN K) ; Chị Thiên An dạy giáo lý hôn nhân cho anh Ba và chị Hồng Nguyên để lãnh nhận Bí tích Rửa tội cho 2 người con của anh chị và hợp thức hóa cho vợ chồng anh Ba và Hồng Nguyên. Chị Anne-Marie Lý dạy giáo lý cho ông bà Sáu 79 tuổi được hợp thức hóa hôn nhân sau 45 năm kết hôn và dạy giáo lý dự tong cho anh chị Khoa – Thóa. Đó là quà tặng tinh thần mà chị em đã và đang gặt hái để kính dâng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tuy chỉ là em út trong Tỉnh dòng nhưng chúng em đã được hân hạnh tiếp đón chị TCV Jolanda Dellman đến viếng thăm và lắng nghe chị em chia sẻ kinh nghiệm hội nhập vùng ven. Chị đã ghi vào sổ vàng tâm tình thân thương : “Tôi rất vui mừng được gặp gỡ cộng đoàn và lắng nghe những kinh nghiệm đầu tiên trong sứ mạng mới này. Khu vườn đẹp tuyệt vời và các phòng châm cứu khang trang sạch sẽ. Tôi cầu chúc chị em tiếp tục sứ vụ tốt đẹp dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Lên Trời. tôi nhớ đến chị em trong kinh nguyện tôi và tôi sẽ chia sẻ cuộc thăm viếng này với Hội Đồng Trung ương và sr Francoise Massy, Bề trên Tổng quyền của chúng ta.”

Vâng ! Tất cả là hồng ân ! Xin chia sẻ với chị xa gần và cùng hiệp thông trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân tình người. Kính mời quí anh chị em đến viếng thăm Thí Điểm truyền giáo Mẹ Lên Trời nhé.

Hoan hỉ tiếp đón anh chị em xa gần.

Thiên Lý fmm
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Dấu vết và ý nghĩa lễ Đức Mẹ lên trời
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
13:33 13/08/2017
Dấu vết và ý nghĩa lễ Đức mẹ lên trời

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ mừng kính lễ Đức mẹ Maria hồn xác lên trời trọng thể ngày 15.Tháng Tám với lòng cung kính cùng niềm hy vọng cho chính mình mai sau một khi quãng đường đời sống trên trần gian chấm dứt cũng sẽ được như Đức Mẹ Maria.

Nhưng đâu là dấu vết hay đúng hơn lịch sử ngày lễ mừng kính này, và ngày lễ này ẩn chứa ý nghĩa đạo đức thần gì cho người tín hữu Chúa Kito?

Giáo Hội bên Đông phương mừng kính lễ Đức mẹ lên trời rất sớm ngay từ năm 451sau Chúa giáng sinh.

Đến thế kỷ thứ 7. Giáo Hội Tây phương bên Roma chấp nhận ngày lễ này và mừng kính vào ngày 15.Tháng Tám hằng năm.

Ngày 01. Tháng Mười Một 1950 Đức Giáo Hoàng Pio XII. với văn kiện Munificentissimus Deus công bố thành tín điều Đức mẹ Maria sau khi qua đời được Thiên Chúa thưởng công đưa cả hồn và thân xác về trời.

Trong Kinh Thánh không có chương đoạn nào trực tiếp nói đến chuyện này. Nhưng cách gián tiếp có nói đến.

Nơi Thánh Vịnh 132, 8 có câu: 8 „Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh Chúa ngự về chốn nghỉ ngơi.“

„5 Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc,

nép mình vào người yêu ?“ ( Diễm ca 8,5)

Hình ảnh một người phụ nữ trên nền trời trong sách Khải Huyền„ Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao“ (Kh 12,1), cùng đoạn nơi sách Sáng Thế „15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3,15). Và lời Thiên Thần truyền tin noí với Maria„"Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.“ (Lc 1,28) là những chỉ dẫn nói về việc đức mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn thân xác vinh quang.

„19 Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn“ (.Kh 11,19).

Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn không để bị vướng mắc tội tổ tông truyền mà mọi loài thụ tạo khác trong công trình tạo dựng thiên nhiên có, mà hậu qủa của tội tổ tông là phải chết và thân xác bị tan vữa thành tro bụi. Nhưng trong trường hợp đức mẹ Maria thân xác không bị thành ra như thế.

Và đức mẹ Maria là người mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn là mẹ sinh thành Chúa Giesu, Con Thiên Chúa, cùng luôn luôn là người trong trạng thái đồng trinh, nên có thể thân xác đức mẹ Maria không bị tan rã phá hủy.

Năm tháng ngày đức mẹ Maria qua đời không có sử sách ghi chép để lại. Người ta phỏng đoán vào khoảng giữa 13 và 15 năm sau khi Chúa Giêsu trở về trời đức mẹ Maria qua đời.

Hai địa điểm đều muốn nhận là nơi đức mẹ qua đời: Jerusalem và Ephesus. Nơi thánh địa Jerusalem chứng minh cho rằng có mộ đức mẹ Maria từ thế kỷ thứ 5. được ưu tiên công nhận. Nhưng cũng có những lập luận thiên về Ephesus.

Thánh giáo phụ Gioan thành Damascus ( + 749) viết về truyền thống thân xác tin Đức mẹ Maria được đưa về trời:

“ Thánh Juvenal, giám mục thành Jerusalem, công bố trong Công đồng Chalcedon cho Vua Markian vạ hoàng hậu Pulcheria, vì họ muốn giữ xác Đức mẹ, biết võ rằng, đức mẹ Maria đã qua đời trước sự hiện diện của các Tông đồ. Nhưng nấm mồ chôn đức mẹ đã thành ngôi mộ trống, khi Thánh Toma cho mở ngôi mộ ra. Theo đó, các Tông đồ đi đến kết luận thân xác đức mẹ Maria đã được đưa về trời.“

Là loài thụ do Thiên Chúa tạo dựng nên trong công trình thiên nhiên, và vì tội nguyên tổ, nên con người có ngày sinh ra và ngày sau cùng của đời sống trên trần gian, và thân xác bị tan rã thành tro bụi.

Đức mẹ Maria cũng đã trải qua kiếp sống như vậy.Nhưng thân xác của mẹ không bị tiêu tan ra tro bụi, mà được Thiên Chúa cứu chuộc đưa về trời.

Từ thế kỷ thứ 9. đã có tập tục làm phép cây cỏ vào ngày lễ mừng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời. Tập tục đạo đức này phổ biến rộng rãi trong dân chúng Giáo Hội Công Giáo và rất sống động thời xa xưa và thời trung cổ bên Âu châu do lòng đa9o đúuc của người tín hữu Chúa Kito.

Vào ngày lễ này người ta hái những bông hoa thiên nbhiên bó thành từng bó đem tới thánh đường để được làm phép sau thánh lễ.

Tập tục này theo phỏng đoán bắt nguồn từ Thánh giáo phụ Gioan thành Damacus. Thánh nhân viết thuật lại , khi Thánh Toma cho mở ngôi mộ chôn Đức Mẹ ra, người ta không thấc xác Đức mẹ Maria, nhưng có những bông hoa lan tỏa ra mùi hương thơm.

Từ tường thuật đó người tín hữu gom góp những bông hoa cây cỏ đồng nội lại xin làm phép để tưởng nhớ tới biến cố Đức mẹ được đưa về trời, và đồng thời với lòng tin tưởng mang về treo trong nhà xin ơn chúc lành chộng lại những bệnh nạn, những tai ương, cho khỏi bị sâm chớp xét đánh. Và nguời ta cũng xay nghiền những bó bông đó ra làm thức ăn cho gia xúc ăn.

Tùy theo địa phường mỗi vùng người ta hái gom những loại cỏ kác nhau lại thành từng bó.

Có nơi gom 7 loại hoa cỏ lại với tâm niệm nhớ đến một tuần lễ có 7 ngày Thiên Chúa tạo dựng công trình thiên nhiên. Hay nhớ đến 7 Bí tích trong Giáo Hội.

Có nơi gom tới 9 loại bông hoa cây cỏ khác nhau lại, với tư tưởng đạo đức thần học đem chia 9 cho 3 thành 3. Con số ba chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Có nơi người gom 12 loại bông hoa cây cỏ khác nhau, trong ý hướng nhớ về Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng 12 Thánh Tông đồ của Chúa Giêsu.

Có nơi gom 14 loại bông hoa cây cỏ khác nhau thành bó, cho rằng nhờ 14 vị Thánh cầu xin phù hộ cứu giúp trong cơn hoạn nạn khốn khó.

Có nơi gom lại thành bó với 24 bông hoa cây cỏ, nhớ đến 12 chi tộc dân Israel được Thiên Chúa chọn và 12 Tông đồ của Chúa Giesu chọn.

Có nơi gom lại 72 bông cỏ lại trong ý nghĩa ngày xưa Chúa Giesu tuyển chọn 72 môn đệ và sai họ đi rao giảng nước Thiên Chúa.

Mừng lễ đức mẹ Maria được Chúa thưởng công đưa về trời cả hồn lẫn thân xác là lễ đức tin và đồng thời là lễ niềm hy vọng vào tương lai cho đời sống con người.

Vì tin rằng sự chết không là tiếng nói sau cùng cho cuộc đời con người, nhưng cũng sẽ được Thiên Chứa cứu độ cho sống bên Chúa Giesu trên trời như Đức Mẹ Maria sau quãng đời sinh sống trên trần gian.

Về sống bên Chúa Giesu Kito trên trời, Đấng cứu độ trần gian, là tương lai cùng đích của con người chúng ta.

Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 2017

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 32)
Vũ Văn An
21:38 13/08/2017
Chương mười: Khủng hoảng và tai tiếng

Nếu một chuyên viên thượng thặng về quản trị mà tiến hành một cuộc nghiên cứu tiếp thị về Giáo Hội Công Giáo, chỉ dựa vào các bài báo, các sách vở bình dân và các cuốn phim của Holywood mà thôi nhằm có được một cảm thức nào đó đối với sản phẩm cốt lõi của Giáo Hội, thì kết luận của họ rất có thể là: Đạo Công Giáo không hoạt động để cứu linh hồn người ta mà chỉ để tạo ra tai tiếng. Từ các giáo hoàng thuộc gia đình Borgia tới Ngân Hàng Vatican, từ các tiêu chuẩn luân lý tồi tệ của hàng giáo sĩ vào lúc xẩy ra cuộc Cải Cách của Thệ Phản tới các tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em thời nay, chưa bao giờ có giai đoạn nào trong lịch sử Giáo Hội mà lại không có những lúc lỡ nhịp nổi tiếng. Một số các vụ này trầm trọng đến chết người, các vụ khác thì bị cường điệu hóa hay bị trích dẫn ra ngoài bối cảnh, nhưng tất cả đều đã trở thành một phần của gánh nặng hành lý mà Giáo Hội cứ thế phải mang trong các thế kỷ qua.

Nhìn quanh, điều xem ra rõ ràng là khuynh hướng của Giáo Hội trong việc lôi cuốn cả tai tiếng lẫn khủng hoảng ít khi giảm đi cùng với dòng thời gian. Việc công chúng soi mói các định chế nhiều hơn, cộng với chu kỳ tin tức nhanh hơn, làm cho các tai tiếng lan nhanh như vi khuẩn chỉ trong vòng nháy mắt, thật ít cơ hội cho các giới chức giập tắt ngọn lửa trước khi nó lan đi. Thành thử, ở đầu thế kỷ 21, các cuộc khủng hoảng và tai tiếng là đặc điểm thường hằng trong sinh hoạt Công Giáo giống như các bí tích và năm phụng vụ. Chương này tập trung vào ba cuộc khủng hoảng lớn mà hiện Giáo Hội Công Giáo đang gặp phải (xin xem chương trước về các tai tiếng tài chánh):

• Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em;
• Các căng thẳng sâu xa về phụ nữ;
• Sự chia rẽ xấu xa và phổ biến trong Giáo Hội, thường được mô tả như là hình thức độc hại của “chủ nghĩa bộ lạc”.

Tai tiếng và khủng hoảng có chi khác nhau?

Người ta quen dùng các hạn từ “tai tiếng” và “khủng hoảng” thay thế lẫn cho nhau, nhưng thực ra, chúng khác nhau. Theo thông tục, “tai tiếng” là hoàn cảnh trong đó một định chế hay một cá nhân nổi bật nào đó, bị khám phá làm một điều gì đó cách bất hợp pháp, giả hình, vô luân hay hoàn toàn ngu đần. Giáo huấn Công Giáo truyền thống có một cái hiểu hơi khác một chút, khi định nghĩa “tai tiếng” (scandal) là tác phong có thể lôi kéo người khác phạm tội, cho dù tự nó, nó không nhất thiết là điều sai. Tùy theo hoàn cảnh, một linh mục nhậu vài ly tại một nơi công cộng khi ăn uống với bạn bè có thể bị coi là “gây tai tiếng” vì có nguy cơ khuyến khích việc say sưa dù ngài rất tỉnh táo. Dù có sắc thái khác nhau như thế, nhưng cả hai nghĩa đều nói lên ý tưởng về một tác phong không hay hoặc gây bối rối.

Mặt khác, “khủng hoảng” được tạo ra khi một lực lượng mới nổi lên hoặc ở bên trong hoặc ở bên ngoài Giáo Hội, đôi khi không do lỗi của chính nó, nhưng đem lại một đe dọa hay thách thức mới có tính quan trọng. Thí dụ, việc Đức chiếm đóng Rôma năm 1943 tạo nên cuộc khủng hoảng cho Tòa Thánh vì có lời đồn cho rằng binh lính Quốc Xã sẽ tấn công nơi này và bắt giam Đức Giáo Hoàng. Đức Piô XII đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch để tiếp tục cai quản nếu việc đó diễn ra. Một thí dụ khác, việc ra đời của các tân kỹ thuật sinh học trong mấy thập niên gần đây, đặc biệt đem lại viễn ảnh sinh ra con người cách vô tính, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trí thức khi Giáo Hội cố gắng đem giáo huấn luân lý truyền thống của mình gây ảnh hưởng lên cảnh vực khoa học đang thay đổi nhanh chóng. Trong cả hai trường hợp, bạn không thể đổi lỗi cho Giáo Hội Công Giáo đã tạo ra các hoàn cảnh ấy.

Nhưng cứ sự thường, một tai tiếng rất có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng. Cuộc cải cách của Thệ Phản ở thế kỷ 16 chắc chắn đã tạo ra cả một thử thách to lớn cho Đạo Công Giáo. Giáo Hội mất một nửa Âu Châu, nhưng cuộc thách thức của Luther cũng sản sinh ra nhiều năng lực mới mẻ và mạnh mẽ nơi Phong Trào Phản Cải Cách. Một phần, vì điều bị Luther và những người theo ông phản đối là một số tai tiếng lớn ở cuối thời trung cổ, trong đó, có cảnh vô luân của hàng giáo sĩ (say sưa, cờ bạc, ăn mặc lòe loẹt, và nàng hầu), nạn buôn bán chức vụ (ban phát chức vụ trong Giáo Hội để lấy tiền) và việc bán ân xá (chứng thực được giảm thời gian trong luyện ngục ở đời sau, hoặc cho mình hoặc cho bạn bè và người thân). Đến thời Luther, thị trường ân xá đã trở thành trơ tráo đến độ đã thực sự tạo ra cả một bài thơ quảng cáo đầu tiên trong lịch sử. Một vị giảng thuyết Dòng Đa Minh người Đức, tên là Johann Tetzel, đi hết thị trấn này đến thị trấn kia để chào bán ân xá bằng cách hò rằng “khi đồng tiền kho bạc leng keng, linh hồn Luyện Ngục tùng xeng nhẩy mừng!” Không có những tai tiếng như thế, cuộc khủng hoảng do Phong Trào Cải Cách Thệ Phản đặt ra chắc chắn sẽ không lớn lao đến vậy.

Đâu là một số tai tiếng gần đây trong Giáo Hội Công Giáo?

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và đội ngũ của ngài ở Vatican đã phải đối phó một cách bất công, quá phần đóng góp của các ngài vào cuộc khủng hoảng. Thực vậy, năm 2011, các nhà báo nổi tiếng của Ý là Andrea Tornielli và Paolo Rodari xuất bản một cuốn sách dầy 300 trang, cung cấp tài liệu cho một số tình tiết có tiếng hồi đó về triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô. Đó là:

Cuộc khủng hoảng lớn lao về việc lạm dụng tình dục, nổ ra tại Hoa Kỳ năm 2002 rồi diễn ra ở khắp Âu Châu năm 2010. Đợt khủng hoảng thứ hai này khiến người ta xem xét lại thành tích bản thân của chính Đức Bênêđíctô về vấn đề này lúc ngài còn là Tổng Giám Mục của Munich hồi thập niên 1970, trong đó, một linh mục ấu dâm thoát qua kẻ hở rồi tiếp tục lạm dụng các trẻ em khác.

Bài diễn văn hồi tháng Chín năm 2006 của Đức Bênêđíctô XVI tại Regensburg, Đức, tức bài diễn văn đã làm nổ ra cuộc phản đối của người Hồi Giáo vì đã liên kết Muhammad với bạo lực. Kết quả của cơn giận này là việc đặt bom lửa trong các nhà thờ Kitô Giáo tại West Bank và Gaza Strip và việc bắn chết một nữ tu người Ý ở Mogadishu, Somalia.

Việc bổ nhiệm, và sau đó, nhanh chóng bị thất sủng, vị tân Tổng Giám Mục của Warsaw, người bị khám phá là có mối liên hệ mờ ám với mật vụ thời Xô Viết. Vị tân Tổng Giám Mục này được cử nhiệm ngày 6 tháng Mười Hai năm 2006, và phải từ bỏ chức vụ ngày 5 tháng Giêng năm 2007, sau khi bị tố cáo làm điểm chỉ viên cho chế độ Xô Viết.

Việc cử nhiệm hồi tháng Giêng năm 2009 vị tân giám mục cho giáo phận Linz, Áo; vị này chưa kịp được tấn phong đã phải từ chức giữa lúc có cuộc tranh cãi quốc tế liên quan tới việc ngài tin rằng cơn bão Katrina là hình phạt của Thiên Chúa đối với sự đồi trụy của New Orleans, còn Harry Potter thì thực hành việc thờ Satan. Vị đáng lý ra làm giám mục này không ra đi một cách âm thầm, trái lại, công khai phàn nàn rằng việc mình ra đi là một chiến thắng đối với “các linh mục cấp tiến chuyên sống với các nàng hầu”.

Quyết định của Đức Bênêđíctô năm 2007 nhằm phục hồi Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh, trong đó, có lời cầu nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh gây tranh cãi vì đã cầu cho người Do Thái ăn năn trở lại. Cuối cùng, Vatican phải duyệt lại lời kinh để làm vừa lòng người Do Thái, nêu lên vấn nạn tại sao một ai đó không nghĩ tới việc làm việc đó trước khi cơn bão nổ ra.

Bãi bỏ vạ tuyệt thông cho 4 giám mục duy truyền thống năm 2009, kể cả vị lên tiếng bác bỏ việc Quốc Xã sử dụng phòng hơi ngạt và cho rằng không có chứng cớ lịch sử nào cho thấy Adolf Hitler chịu trách nhiệm sát hại 6 triệu người Do Thái. Một lần nữa, Vatican cho rằng mình không biết gì về quá khứ của vị giám mục trước khi nổ ra cuộc tranh cãi, mặc dù chỉ cần dành 5 phút rà Google là đủ thấy rõ hồ sơ của vị này.

Các nhận định của Đức Bênêđíctô XVI trên chuyến bay tới Châu Phi năm 2009, cho rằng bao cao su làm cho vấn nạn AIDS ra tệ hơn. Trong số nhiều hậu quả khác, các nhận định của ngài đã đem đến việc lần đầu tiên trong lịch sử có lời phản đối chính thức của quốc hội một quốc gia ở Âu Châu (Bỉ), trong khi chính phủ Tây Ban cho không vận một triệu bao cao su qua Châu Phi để phản đối.

Các cuộc tranh chấp công khai giữa các Hồng Y, mà nổi tiếng hơn cả là Đức Hồng Y Christoph Schonborn của Vienna, Áo, và Đức Hồng Y Angelo Sodano của Ý, lúc đó là Quốc Vụ Khanh dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Sau khi hai vị công khai cãi vã nhau về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, Đức Bênêđíctô XVI phải tổ chức một cuộc gặp gỡ để hoà giải.

Đấy mới chỉ là một số tình tiết cho thấy sự việc không êm xuôi, chứ bảng liệt kê này không hề đầy đủ. Các tác giả đáng lý ra còn phải kể đến các tình tiết thảm hại hơn như cuộc tông du Ba Tây năm 2007 của Đức Bênêđíctô, trong đó, xem ra ngài đưa ra ý kiến cho rằng người bản địa nên biết ơn các nhà khai hoang người Âu Châu của họ; hay phản ứng ngược của người Do Thái và người Công Giáo có tinh thần cải cách chống lại sắc lệnh năm 2009 của Đức Bênêđíctô nhằm thừa nhận các nhân đức anh hùng của Đức Piô XII, do đó, làm cho việc phong thánh của vị giáo hoàng thời chiến này gần hơn một bước; và cả “vụ Boffo” đầy kỳ lạ vào năm 2010, liên quan tới các lời tố cáo cho rằng các tùy viên cao cấp của Đức Giáo Hoàng đã tạo ra các hồ sơ giả của cảnh sát để cho rằng Dino Boffo, chủ bút nổi tiếng của một tờ báo Công Giáo Ý, từng xách nhiễu người bạn gái của một gã mà ông ta muốn lăng nhăng về đồng tính. (Có lý thuyết cho rằng Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, tùy viên hàng đầu của Đức Giáo Hoàng, không thích đường lối phê phán của Boffo đối với thủ tướng Ý lúc đó là Silvio Berlusconi, người lúc ấy đang bị tai tiếng đi lại với một gái gọi vị thành niên).

Với thời gian, mộ số vụ tai tiếng trên sẽ loãng dần trong ký ức người ta. Hiện nay, cả những người quen quan tâm đến tình hình của Giáo Hội cũng khó nhớ được tên của cả Đức Tổng Giám Mục Ba Lan đã nhắc trên đây (Stanislaw Wielgus) lẫn vị người Áo súyt nữa làm giáo phẩm (Gerhard Wagner). Các vụ khác sẽ mãi mãi là những vết nhơ khó xóa mờ trong các sử sách Giáo Hội, nhất là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, mỗi vụ việc đều minh họa sự khôn ngoan trong nhận xét của cố thủ tướng Anh, Harold Macmillan; ông này cho rằng: lực lượng đáng sợ nhất trong chính trị là “các biến cố”, tức những khai triển không ngờ xẩy đến, đã làm tiêu tan mọi ưu tiên của nhà lãnh đạo. Không ai, kể cả các vị giáo hoàng, có thể tránh khỏi định luật này của Macmillan.

Còn tiếp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ao Sen Cuối Hạ
Mỹ Lê
19:12 13/08/2017
AO SEN CUỐI HẠ
Ảnh của Mỹ Lê
Mới đây mùa hạ sắp qua
Hoa sen vẫn đẹp ao nhà vẫn thơm.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 14/08/2017: Miến Điện trông đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:01 13/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Nicolás Maduro quay 179 độ với Tòa Thánh

Hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã lên tiếng kêu gọi Venezuela đình chỉ việc triệu tập Quốc Hội Lập Hiến nhằm viết lại hiến pháp quốc gia. Phản ứng lại lời kêu gọi này Nicolás Maduro, nói Vatican đã chiều theo bạo lực “chống lại cách mạng Bolivaria, chính phủ hợp pháp của Venezuela và toàn dân Venezuela nói chung.”

Đây là lần đầu tiên Nicolás Maduro công khai bày tỏ thái độ bất mãn với Tòa Thánh.

Nói với đài phát thanh Á Căn Đình, Maduro nói “Tôi nghĩ rằng quan điểm của Đức Hồng Y Pietro Parolin về đất nước tôi thật là đáng tiếc.”

Maduro cho rằng vị Hồng Y cánh tay phải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chiều theo bạo lực “chống lại cách mạng Bolivaria, chính phủ hợp pháp của Venezuela và toàn dân Venezuela nói chung.”

Y tố cáo hàng giáo phẩm tại Venezuela là “có truyền thống liên minh với những nhóm quyền thế, và đã phá hoại đất nước này gần một thế kỷ”. Maduro đã nói như trên với đài phát thanh Rebelde của Buenos Aires. Đây là một đài phát thanh ít được người ta biết đến.

Các giám mục Venezuela đã công khai phản đối việc thành lập Quốc Hội Lập Hiến. Các ngài coi đó là một hành động “bất hợp pháp và không hợp lệ” chống lại lợi ích cao nhất của nhân dân Venezuela.

Trước thông báo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào hôm thứ Sáu tuần qua, Vatican luôn cố giữ một thái độ quân bình đối với tình hình tại Venezuela; trong khi các Giám Mục nước này tỏ ra thẳng thắn và quyết liệt hơn đối với chế độ phản dân hại nước của Maduro. Chế độ Maduro khai thác triệt để sự khác biệt này nhằm cáo buộc hàng giáo phẩm Venezuela là quá khích. Giờ đây, tuy công khai bày tỏ bày tỏ thái độ bất mãn với Tòa Thánh, Maduro cũng chỉ mới quay 179 độ, vẫn còn dành lại 1 độ cho Đức Giáo Hoàng.

Thật vậy, sau khi công kích Đức Hồng Y Pietro Parolin, Maduro nói thêm rằng “có một điều này, đó là, chúng tôi, những người Công Giáo, những người dân của Chúa Kitô; phân biệt một bên là Đức Thánh Cha Phanxicô như là người bảo vệ cho các dân tộc với sự khiêm tốn của ngài, và một bên hoàn toàn khác là hệ thống quan liêu của ngành ngoại giao Tòa Thánh”

2. Tổng Giám Mục Tô Cách Lan dự đoán Giáo Hội tại Mỹ sẽ vấp phải nhiều chống đối

Phát biểu trong cuộc họp với các linh mục trong tổng giáo phận Philadelphia, Đức Tổng Giám Mục Philip Tartaglia Glasgow, Tô Cách Lan, nói người Công Giáo Mỹ nên học hỏi từ những vấn đề Giáo Hội đã phải đối mặt tại Vương quốc Anh.

Tổng giám mục người Scotland dự đoán rằng “một số phiên bản của những vấn đề chúng tôi phải đối mặt hiện nay ở Scotland không sớm thì muộn anh em sẽ phải đối mặt trong tương lai. Đặc biệt, tôi muốn cảnh báo về sự gia tăng lòng thù hận đức tin”.

Đức Tổng Giám Mục Tartaglia cho biết người Công Giáo đang là nhóm tôn giáo hoạt động mạnh nhất ở Scotland, vì Giáo Hội Tin Lành đang ngày càng thu hẹp dần. Do đó, Giáo Hội Công Giáo trở thành người đại diện chính của Kitô giáo và là mục tiêu chính cho những kẻ chống đối đức tin Kitô giáo. Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng toàn cầu hóa đang làm cho những vấn đề Giáo Hội phải đối diện ở một địa phương có nhiều khả năng trở thành những vấn đề toàn cầu.

3. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc kêu gọi hòa bình

Trước các căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên, hôm thứ Ba 8 tháng 8, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tổ chức một buổi lễ liên tôn ở Seongju để đánh dấu sự kết thúc chiến tranh Triều Tiên và để cầu nguyện cho hòa bình.

“Bán đảo Triều Tiên là một thùng thuốc súng đã sẵn sàng phát nổ để gây ra những cuộc chiến tranh khác”. Đức Cha Hyginus Kim Hee-joong, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hàn Quốc cảnh báo. Ngài lưu ý rằng Chiến tranh Triều Tiên đã được kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình, ngài nói rằng nguy cơ chiến tranh vẫn còn đó và một cuộc xung đột quy mô sẽ “làm sụp đổ toàn bộ Đông Bắc Á.”

Các giám mục Hàn Quốc để phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa đang được Hoa Kỳ lắp đặt nhằm bảo vệ quốc gia này chống lại một cuộc tấn công từ Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên.

Các vị nói trong bản tuyên bố đưa ra hôm 8 tháng 8 rằng:

“Thật là ảo tưởng khi kiến tạo hòa bình bằng vũ khí”.

4. Phản ứng của Tòa Thánh về vụ thảm sát tại một nhà thờ Công Giáo tại Nigeria

Các tay súng đã xông vào một nhà thờ Công Giáo ở bang Ekwusigo, Nigeria hôm Chúa Nhật 6 Tháng Tám, giết chết mười một người và ít nhất làm nhiều người khác bị thương.

Đó là những con số do cảnh sát đưa ra. Tuy nhiên, các nhân chứng tại chỗ cho biết con số thương vong còn cao hơn nhiều. Giáo xứ thánh Philip, nơi xảy ra vụ thảm sát, cho biết có tới 35 người đã bị thiệt mạng.

Thanh tra cảnh sát Garba Umar cho rằng vụ nổ súng này có liên quan đến các băng đảng buôn bán ma túy trong khu vực. Trong khi đó, cha Hygi Aghaulor, là giám đốc truyền thông của giáo phận Nnewi từ chối bình luận về nguyên nhân vụ tấn công. Ngài cho biết giáo phận đang cầu nguyện cho các nạn nhân. Nhiều người cho rằng vụ tấn công có thể là do các thành phần cực đoan Hồi Giáo gây ra.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện chia buồn nhân danh Đức Giáo Hoàng đến Đức Giám Mục Hilary Paul Odili Okeke của giáo phận Nnewi, Nigeria, sau vụ tấn công vào nhà thờ Thánh Philip tại Ozubulu.

Trong điện thư, được gửi một ngày sau vụ tấn công, Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha đã “vô cùng đau buồn trước sự thiệt mạng và bị thương của nhiều người sau vụ tấn công bạo lực” và “gởi lời chia buồn chân thành đến tất cả các tín hữu của Giáo Phận Nnewi, đặc biệt là gia đình của những người quá cố và tất cả những ai chịu ảnh hưởng bởi thảm kịch này.”

Đức Hồng Y viết thêm: “Đức Thánh Cha khấn xin phép lành của Thiên Chúa ban ơn an ủi và sức mạnh cho toàn thể giáo phận”.

5. Giám mục Chính thống giáo phản đối việc phát mãi các bất động sản tại Jerusalem cho người định cư Do Thái

Một giám mục Chính thống giáo ở Jerusalem đã lên tiếng phản đối một quyết định của tòa án Israel cho phép người định cư Do Thái được mua các bất động sản gần nhà thờ Mộ Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Atallah Hanna nói rằng các bất động sản, bao quanh tu viện ở thành phố cổ Jerusalem “được xây dựng bởi các giám mục, linh mục và các tu sĩ,” và hình thành “một phần của di sản của Jerusalem về văn hóa, tinh thần và bản sắc dân tộc. Những người Do Thái định mua các tài sản này không đại diện cho Giáo Hội Ả Rập của chúng tôi, và không nên được đồng hóa với người Chính Thống Giáo”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng việc phát mãi các tài sản thuộc sở hữu của các tín hữu Chính Thống là nhằm loại bỏ sự hiện diện của Kitô giáo ở Jerusalem.

6. Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Miến Điện vào tháng 11

Nguồn tin của Giáo Hội Công Giáo Miến Điện cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Miến Điện vào tháng 11 năm nay.

Trong mấy tháng qua, Tòa Thánh đã thông báo về viễn cảnh một chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến các quốc gia châu Á như Ấn Độ và Bangladesh. Đầu tuần này, Giáo Hội địa phương cho biết Tổng thống Htin Kyaw đã mời Đức Thánh Cha sang thăm Miến Điện, một quốc gia đang thay đổi dần sau những năm dưới sự cai trị của quân đội. Miến Điện và Vatican đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau vào tháng Năm vừa qua.

Nếu chuyến viếng thăm này được thực hiện thì đó sẽ là chuyến đi đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Miến Điện. Chắc chắn là các nhà lãnh đạo Phật giáo trong cả nước sẽ phản đối chuyến viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng. Giới lãnh đạo Phật giáo tại đây đã tỏ ra tức giận sau khi Tòa Thánh kêu gọi sự chú ý đến một chiến dịch bạo lực chống lại nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Đức Cha Raymond Sumlut Gam của giáo phận Banmaw nói với UCANews rằng các giám mục nước này đã từng mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Miến Điện vào năm 2014. Ngài nói rằng “giờ đây tôi thấy một chuyến tông du như thế là hoàn toàn có khả năng xảy ra.”

Vatican chưa đưa ra lời bình luận nào về diễn biến này.

7. Vatican bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh đầu tiên tại Myanmar - Miến Điện

Chính phủ Miến Điện vừa chấp thuận việc Vatican bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Liên bang Miến Điện.

Thỏa thuận này là kết quả của việc Miến Điện và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay sau cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn quốc gia Miến Điện tại Vatican vào hôm 4 tháng 5 vừa qua.

Sau chuyến viếng thăm đó, Vatican tuyên bố rằng Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm một sứ thần tới Miến Điện và sẽ nhận một đại sứ từ quốc gia Đông Nam Á này.

Đức Tổng Giám mục Tschang sinh ngày 30 tháng 10 năm 1949 tại Seoul (Nam Hàn), được thụ phong linh mục năm 1976 và được tấn phong giám mục năm 2003 tại Rôma.

Ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh vào năm 1985 và từng phục vụ trong các Tòa Sứ thần tại El Salvador, Ethiopia, Syria, Pháp, Hy Lạp và Bỉ với nhiều chức vụ khác nhau cho đến năm 2002.

Ngài làm Sứ thần tại Bangladesh từ năm 2003-2007 và Uganda từ năm 2007-2012. Từ năm 2012 cho đến nay, ngài làm Sứ thần tại Thái Lan và Campuchia, kiêm Khâm sứ tại Miến Điện và Lào.

Công Giáo là tôn giáo thiểu số ở Miến Điện trong tổng số dân 51 triệu người mà phần lớn Phật giáo. Có khoảng 700.000 người Công Giáo do 16 giám mục, hơn 700 linh mục và 2.200 tu sĩ phục vụ tại nước này.

Đức Tổng Giám Mục Tschang được cử làm Sứ thần Tòa Thánh tại Miến Điện nhưng Tòa Sứ Thần vẫn đặt tại Bangkok, Thái Lan.

8. Những hoạt động mừng 100 năm ngày sinh Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero

Nhiều người El Salvador đã tham dự cuộc đi bộ 150 cây số trong 3 ngày để kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Chân phước Tổng Giám Mục Oscar Romero.

Đức Cha Oscar Romero, nguyên là Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô San Salvador, nổi tiếng về các hoạt động bênh vực người nghèo và nhân quyền, bị đội quân tử thần của nhóm cực hữu sát hại ngày 24 tháng 3 năm 1980 trong lúc cử hành thánh lễ tại nguyện đường một nhà thương ở ngoại ô San Salvador. Ngài được tuyên chân phước ngày 23 tháng 5 năm 2015 tại thủ đô San Salvador trước sự tham dự của 250 ngàn tín hữu.

Các tham dự viên cuộc đi bộ tưởng niệm sắp tới sẽ khởi hành từ Nhà thờ chính tòa San Salvador ngày thứ sáu 11-8-2017 và sẽ đến thành phố Barrios ngày 13-8, nơi chân phước Oscar Romero sinh ra ngày 15-8 năm 1917.

Cuộc hành hương có chủ đề là “Tiến bước đến nơi sinh của vị ngôn sứ”, và sẽ tiến qua 4 giáo phận là San Salvador, San Vicente, Santiago de Maria và San Miguel.

Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Đức TGM Romero sẽ được Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, người Chile, Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, chủ tế tại Nhà Thờ Chính Tòa San Salvador.

Nhiều thánh lễ khác cũng sẽ được cử hành tại một số nơi ở El Salvador như thánh lễ ngày 12-8 tại giáo phận Santa Ana, do Đức TGM Leon Kalenga Badikebele, Sứ thần Tòa Thánh tại Congo, và Đức Hồng Y Gregorio Rosa Chavez, người cộng tác thân tín của Chân phước Romero sẽ trình bày về cuộc sống và sự nghiệp của thánh nhân