Ngày 15-08-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:06 15/08/2011
NGƯỜI CHỬI QUÁ NHIỀU
N2T

Có một người, vì trong nhà có người bị bệnh bèn mời thầy thuốc đến chữa trị, thầy thuốc đòi rất nhiều tiền nhưng bệnh nhân vẫn không lành, người nhà có chút tức tối, bèn sai thằng con đi đến nhà thầy thuốc ấy mà chửi.
Một lúc sau thằng con trở về, người nhà hỏi nó có chửi không, thằng nhỏ trả lời là “không”.
Người nhà hỏi nó đã đi rồi sao lại không chửi ?
Đứa nhỏ trả lời:
- “Có rất nhiều người đứng trước nhà ông ta mà chửi, con làm sao có thể chen chân vào mà chửi được chứ ?”

Suy tư:
Nghề nào cũng có cái đức của nó, nếu không có cái đức thì nghề nghiệp chỉ làm hại người khác mà thôi, điển hình là nghề bác sĩ, mà người ta thường gọi là thầy thuốc.
Thầy thuốc không có đạo đức thì thầy thuốc sẽ biến thành kẻ giết người, biến thành kẻ tội phạm, bởi vì sinh mạng con người ta đều giao phó trong tay người thầy thuốc, nhưng nếu người thầy thuốc không có đạo đức thì không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình, do đó mà làm cách cẩu thả, không coi mạng sống con người là quý báu cao cả.
Thiên Chúa đã trao quyền chữa bệnh cứu người cho các thầy thuốc, nhưng nếu bác sĩ vì coi tiền bạc lớn hơn mạng sống của con người mà từ chối chữa trị họ, hoặc chữa trị với sự vô trách nhiệm, thì có ngày họ sẽ “tính sổ” trước mặt Thiên Chúa vậy.
Và cũng sẽ miệng người đời “chửi” mãi đó. Ha ha ha...
---------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:08 15/08/2011
N2T

11. Nếu như muốn cứu các linh hồn thì phải thường luôn chấp nhận đau khổ, bất luận làm việc gì, trong bất cứ việc gì, cũng phải hạ mình khiêm tốn.

(Thánh Gioan Bosco)
 
Phêrô, Đấng làm đầu Giáo Hội
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:50 15/08/2011
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 16, 13-20

Trong ba năm đi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã tuyển chọn một số môn đệ đi theo Ngài. Chúa Giêsu đã dạy dỗ dân chúng, đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền cho dân, đã làm nhiều phép lạ. Tiếng tăm và danh thơm tiếng tốt của Ngài đã lan tỏa khắp nơi. Nhiều tiếng đồn đoán về lai lịch, sự nghiệp của Ngài. Có người cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, có người nói Ngài là Isaia, Giêrêmia hay là một ngôn sứ nào đó. Thực tế, Chúa rất muốn biết suy nghĩ của các môn đệ về Ngài…

Chúa Giêsu tin tưởng các môn đệ và muốn biết quan điểm của các môn đệ về Ngài khi đã có rất nhiều đồn đoán của dân chúng về lai lịch của Ngài, Phêrô được Thiên Chúa Cha mạc khải, đã nhanh nhảu thay các môn đệ khác, thưa với Chúa Giêsu :” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “ ( Mt 16, 16 ). Chúa Giêsu đã công khai khen Phêrô là người có phúc và trao trao cho Ông quyền trên Giáo Hội :” Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy “ ( Mt 16, 18-19 ).

Chúa đã tuyển chọn và đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Ngài dưới trần gian này. Và Ngài đã đổi tên Simon thành Phêrô, tiếng Aram Phêrô, Kêpha nghĩa là Đá Tảng. Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài trên Tảng Đá Phêrô vững chắc, trường tồn và Ngài hứa bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi cuộc tấn công của ma quỷ. Chúa Giêsu lại trao cho Phêrô chìa khóa tượng trưng cho quyền bính trên trời dưới đất. Với quyền Chúa trao ban, Phêrô cai quản, điều khiển, giáo huấn và thánh hóa Giáo Hội của Đức Kitô trong tinh thần phục vụ và yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên được Chúa trao phó.

Phêrô được Chúa thương đó, được Chúa cắt nhắc làm đầu Giáo Hội nhưng chỉ ít phút sau đó, Đức Kitô đã phải nặng lời với Ông :” Satan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người “ ( Mt 16, 23 ). Phêrô yêu mến Chúa nhưng Phêrô lại rất bộc trực, nóng nảy . Chúa Giêsu biết rõ Phêrô, đã chọn Ông là một dân chài, nóng nảy, bộc trực, ít học, hay sa ngã và cả phản bội nữa. Tuy nhiên, Chúa đã nhìn tận tâm can của Phêrô, thấu suốt con người của Phêrô. Phêrô yếu đuối, sa ngã đó, nhưng Phêrô lại có tâm tình khiêm tốn tột cùng và có lòng sám hối chân thành.

Chúa Giêsu hiện ra trên bờ hồ Ghennêxarét khi Phêrô và các môn đệ suốt một đêm thả lưới, mệt nhoài, vất vả nhưng không hề bắt được một con cá nào, dù rằng Phêrô và các bạn là những dân chài chuyên nghiệp : họ biết chỗ nào cá hay ăn, chỗ nào nông, chỗ nào sâu, tuy nhiên, nghe lời Chúa bảo các Ông chèo thuyền ra xa bờ và bỏ lưới bên mạn phải thuyền. Phêrô và các bạn kéo lưới lên, một mẻ quá lớn đến nỗi lưới muốn rách và các môn đệ đã bắt được 163 con cá lớn. Phêrô không mừng, Phêrô cũng chẳng hồ hởi vì phép lạ vừa xẩy đến với Ông, với các bạn đồng môn. Phêrô nghĩ ngay tới thân phận bất xứng, tội lỗi của mình. Phêrô liền tới sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà thưa :” Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi “ ( Lc 5, 8 ). Và trước sự khiêm tốn thẩm sâu của Phêrô, Chúa Giêsu đã không ngần ngại tuyển chọn Phêrô :” Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người chài lưới người ta “ ( Lc 5, 10 ).

Phêrô là một con người biết ăn năn hối cải, biết quay trở về với Thiên Chúa. Khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc thống khổ của Ngài, Phêrô không hiểu gì về cái chết của Chúa. Ông cứ tưởng Chúa Giêsu thiết lập Vương Quốc và khôi phục dân Israen. Phêrô không thể nào tưởng tượng được Thầy mình sẽ phải đau khổ, phải chết. Nên, Phêrô đã cản ngăn ý định cứu thế của Chúa. Chúa đã mắng Phêrô thậm tệ. Phêrô không dám cãi lại vì yêu Thầy, biết mình sai, Phêrô im lặng, âm thầm ăn năn sám hối. Trong cuộc thương khó của Chúa, trước đó Phêrô rất hăng, thưa với Chúa :” Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã “ . Phêrô quả thực là con người thật mau mắn, rất chân thực, tuy nhiên ngay sau đó Ông đã phản bội Chúa, chối Chúa tới ba lần. Phêrô đã khóc khi Chúa nhìn Ông và Ông đã thật lòng sám hối ăn năn. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, nên trong chức vị làm đầu Giáo Hội, Phêrô đã luôn củng cố đức tin của các tín hữu và rao giảng về lòng tha thứ của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết cảm nghiệm sâu xa lời khuyên bảo của Thánh Phêrô, Vị Tông Đồ Trưởng lãnh đạo Giáo Hội của Chúa :” Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em “ ( Cv 3, 19 ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ ?

1.Tại sao Chúa Giêsu lại muốn biết các môn đệ nghĩ Ngài là ai ?
2.Nhiều người đã nói gì về Chúa ?
3.Phêrô đã nói gì về Chúa Giêsu ?
4.Quan niệm của các môn đệ về Vương Quốc của Chúa Giêsu ?
5.Chúa Giêsu có bằng lòng với sự suy nghĩ của Phêrô về Ngài ?
 
Hội Thánh: Chủ thể đích thật của Phụng Vụ
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
22:33 15/08/2011
Đó là đầu đề bài báo L’ Eglise, sujet authentique de la liturgie đăng trong tạp chí Documentation catholique số 2473, năm thứ 93, từ ngày 7-21.8.2011, trang 721-722. Bài báo này ghi lại lá thư của ĐGH Biển Đức XVI gửi ĐHY Zénon Grocholewski, Chưởng Ấn Viện Thánh Nhạc Roma, nhân dịp kỷ niệm Bách Chu Niên ngày thành lập. Nội dung lá thư phác họa lại lịch sử hình thành của Viện, do thánh GH Pio X thiết lập và nhắc lại chức năng của phụng vụ cũng như thánh nhạc..

Biến cố quan trọng này là dịp cho mọi người yêu mến thánh nhạc vui mừng, đặc biệt các vị mục tử trong Giáo hội hằng lưu tâm đến phẩm giá cao quí của phụng vụ mà thánh nhạc là thành phần hoàn chỉnh (x CĐ Vat. II, HCPV số 112). ĐGH hoan hỷ bày tỏ niềm vui và lời khen ngợi đến ĐHY Viện Trưởng và toàn thể các thành viên.

Viện này trực thuộc Tòa thánh, là thành phần kinh điển trong hệ thống các đại học Roma mang tính giáo hoàng. Trong dịp kỷ niệm Bách Chu Niên này, ĐGH nhớ đến mọi người từ một trăm năm qua đã nối tiếp nhau hoạt động cho Viện lớn mạnh và phát triển như ngày nay.

1. Đôi dòng lịch sử

Như nhiều người còn nhớ, tông huấn Tra le sollecitudini của thánh GH Pio X ban hành ngày 22.11.1903 là để chấn chỉnh lại nền thánh nhạc theo truyền thống Giáo hội, nhằm chống lại ảnh hưởng xâm lấn của nhạc đời, nhất là nhạc kịch (opéra). Muốn thực hiện mục đích này, cần phải có một trung tâm đào tạo thánh nhạc, để truyền thông các giá trị và kỹ thuật thánh nhạc, theo truyền thống vẻ vang đã có từ đời ĐGH Ghê-go-ri-ô Cả. 8 năm, sau khi ban hành tông thư, một trường thánh nhạc cao cấp được thành lập vào năm 1911. 20 năm sau, ĐGH Pio XI nâng trường lên thành viện. Viện Thánh Nhạc Roma chính thức ra đời từ đó. Suốt một trăm năm qua, Viện Thánh Nhạc đã soạn thảo, truyền đạt nội dung giáo thuyết, mục vụ của Tòa thánh và Công đồng Va-ti-ca-nô II, liên quan đến thánh nhạc, để soi sáng và hướng dẫn các nhạc sĩ cũng như các nhà phụng vụ.

2. Ưu vị của bình ca

Về vấn đề này, ĐGH Biển Đức XVI muốn làm nổi bât điều ngài rất quan tâm, đó là từ thánh GH Pio X cho đến ngày nay, Tòa thánh vẫn liên tục đưa ra những giáo huấn về thánh nhạc trong phụng vụ. Các ĐGH Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II đã đặc biệt muốn tái khẳng định rằng đối tượng của thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu (HCPV số 112), đồng thời nhấn mạnh đến các tiêu chuẩn căn bản của truyền thống, như ý nghĩa của việc cầu nguyện, sự trang trọng và vẻ đẹp của phụng vụ, việc tham dự linh động vả tích cực của cộng đoàn, việc theo sát các bản văn và động tác phụng vụ, nỗ lực thích nghi với các nền văn hóa địa phương, ưu vị của bình ca được coi như mẫu mực, cùng những hình thức biểu cảm khác làm nên gia sản của Hội thánh về phụng vụ và thánh nhạc, như các hình thức đa âm hợp xướng, các ban hát chọn lọc trong các nhà thờ chánh tòa (schola cantorum) v.v… Đó là những tiêu chuẩn mà ngày nay cần phải hết sức lưu ý. Sở dĩ như vậy, vì đã có những yếu tố trong gia sản phong phú của thánh nhạc hay tính phổ quát của bình ca bị coi nhẹ, và xếp vào hạng bảo tàng thuộc quá khứ, không còn được đếm xỉa gì đến nữa. Thậm chí có người cho rằng truyền thống hạn chế tự do và sáng tạo của cá nhân cũng như tập thể.

3. Chủ thể của phụng vụ

Vì vậy, phải luôn luôn hỏi lại mình xem ai là chủ thế đích thật của phụng vụ. Câu trả lời đơn giản thôi : đó là Hội thánh, vì không phải cá nhân hay tập thể nào cử hành phụng vụ mà là chính phụng vụ. Phụng vụ trước hết là hoạt động của Thiên Chúa qua Hội thánh. Hội thánh có lịch sử, truyền thống và sức sáng tạo của riêng mình. Phụng vụ và thánh nhạc có liên hệ mật thiết và bền bỉ với nhau qua truyền thống và tiến bộ. Hai quan niệm này bổ túc cho nhau, vì “truyền thống là một thực tại sống động và bao hàm nguyên lý phát triển của tiến bộ” (Huấn từ cho Viện Phụng Vụ ngày 6.5.2011).

Có thể nói tất cả những điều trình bày ở trên là lương thực hàng ngày cho đời sống và công việc của Viên Thánh Nhạc Giáo Hoàng. ĐGH khuyến khích Viện tiếp tục tiến bước và dấn thân đổi mới trong việc đào tạo các sinh viên trở thành những nhạc viên sở trường trong các bô môn của thánh nhạc, dựa trên nền tảng những nguyên tắc vững vàng với kinh nghiệm tích lũy từ một trăm năm nay.

Như vậy, Viện Thánh Nhạc Giáo Hoàng có thể cống hiến hữu hiệu cho việc đào tạo các mục tử và giáo dân trong các Giáo Hội địa phương, giúp họ biết lượng giá đích đáng phẩm chất của các sáng tác âm nhạc trong phụng vụ.

Cuối cùng ĐGH bày tỏ sự lưu tâm săn sóc của ngài cùng với lời cầu nguyện, nhờ sự can thiệp ở trên Trời của Đức Mẹ Ma-ri-a và thánh Xê-xi-li-a cho Nhạc Viện. Ngài chúc cho lễ kỷ niêm Bách Chu Niên thu hồi được nhiều kết quả mỹ mãn và ban phép lành Toà Thánh cho ĐHY Chưởng Ấn cùng các thành viên trong Toàn Viện.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và ơn gọi: người trẻ muốn có tiếng nói và được mời gọi
Bùi Hữu Thư
05:38 15/08/2011
VATICAN (CNS) – Một giới chức cao cấp của Tòa Thánh nói: Trong khi Giáo Hội Công Giáo tìm cách giúp cho những người trần thế đến được quê thật của họ trên Thiên Đàng, quá nhiều lúc giáo hội lại coi những người trẻ y như họ là những người đến từ một hành tinh khác.

Đức Tổng Giám Mục Joseph W. Tobin, Bộ Trưởng Thánh Bộ Đời Tận Hiến và Đời Sống Tông Đồ nói: "Giới trẻ có thể cảm thấy như họ ở bên ngoài lề của đời sống của nhiều giáo xứ điạ phương, với những người không nói cùng một ngôn ngữ như họ, và những người này coi họ như mới đến từ Hỏa Tinh.”

Đối với nhiều giới trẻ Công Giáo, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới có thể là một biến cố của giáo hội nơi họ có thời gian, không gian và tình bạn cần thiết để khởi sự suy tư về cách thức Thiên Chúa muốn họ sống đức tin trong giáo hội và thế giới.

Ngoài sự kiện giản dị là họ được chia xẻ một kinh nghiệm với hàng trăm ngàn bạn đồng lứa trên toàn thế giới, biến cố này cung cấp cho họ những cơ hội về phụng vụ, cầu nguyện thinh lặng và giáo lý.

Đức Tổng Giám Mục nói: "Rồi trong đó, họ cũng gặp gỡ những bạn trẻ đã bước vào cuộc đối thoại tất cả chúng ta đều phải có với Đấng Tạo Hóa, và hỏi rằng, “Chúa muốn con làm gì?”

Ngài nói: Họ sẽ gặp các người trẻ đã tìm được “sự thành đạt, sự tự do và niềm vui trong đời sống tu sĩ hay linh mục.”

Tuần lễ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới từ ngày 16 đến 21 tháng 8 sẽ là lần đầu tiên có một đại hội quốc tế giới trẻ với một cuộc gặp gỡ đặc biệt của Đức Thánh Cha với các nữ tu dưới 35 tuổi. Khoảng 1.500 nữ tu sẽ gặp ngài ngày 19 tháng 8. Buổi sáng hôm sau Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ với khoảng 4.000 chủng sinh.

Đức Tổng Giám Mục Tobin nói: “Các cuộc gặp gỡ này quan trọng đối với những người đang nghĩ đến ơn gọi cuả đời sống linh mục hay tu sĩ, cũng như những ai đã khởi sự hành trình tiến tới việc tuyên khấn hay truyền chức.”

Khi Đức Tổng Giám Mục còn là bề trên cả của Dòng Chúa Cứu Thế, ngài nói, một thành viên trẻ tuổi của nhà dòng chia xẻ là một cuộc gặp gỡ các giới trẻ như thế có ý nghĩa gì đối với thầy.

Đức Tổng Giám Mục 59 tuổi nói: "Thầy ấy nói đó là lần đầu tiên trong đời người trẻ, thầy được ở trong cùng một phòng với những linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khác có tóc, nhưng không bạc.”

Ngài nói: Còn về sự kiện Đại hội Giới Trẻ là đất gieo hạt cho ơn gọi, “tôi công nhận là vài năm về trước tôi hơi nghi ngờ.” Nhưng các cuộc nghiên cứu cho hay có khá nhiều người trẻ gia nhập các dòng tu nam và nữ đã nêu biến cố quốc tế này là một kinh nghiệm đã đóng góp cho ơn gọi của họ.

Ngài nói, điều quan trọng là phải có những gì tiếp nối và yểm trợ sau khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới bế mạc.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới Tại Madrid Từ 16/8/11 - 21/8/11:
Nguyễn Kim Ngân
11:56 15/08/2011
Ngày Giới Trẻ Thế Giới Tại Madrid Từ 16/8/11 - 21/8/11:

Biến cố lớn nhằm đáp ứng cuộc khủng hoảng trầm trọng của thế giới hôm nay

EWTN, ngày 13 tháng 8, 2011: Ngày Giới Trẻ Thế Giới (NGTTG) diễn ra tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, sẽ giúp nhiều người trẻ tìm thấy “nền móng để xây dựng cuộc đời” giữa thời khủng hoảng, như nhận xét của một viên chức nồng cốt tổ chức biến cố trọng đại này.

“Thế giới thời hậu-duy-tân (phỏng dịch từ ‘postmodern’) đang trải qua một cuộc khủng hoảng khó khăn và sâu xa. Chủ nghĩa duy tương đối đã tạo ra một khoảng trống về các chân giá trị và ý nghĩa cuộc đời.” Đây là tuyên bố của Đức Hồng Y (ĐHY) Stanislaw Rylko, chủ tịch Uỷ Ban Giáo Hoàng về Giáo Dân, trên đài phát thanh Vaticăng ngày 13 tháng 8 năm 2011 vừa qua.

NGTTG tại Madrid nhằm cống hiến một câu trả lời rõ ràng và đầy thuyết phục trước các nhu cầu của con người thời đại, đó là: (1) có một nền tảng, và (2) đó chính là Nhân Vật sống động mang tên Giêsu Kitô.”

NGTTG đúng ra là những ngày gồm nhiều diễn biến, khởi sự từ thứ Ba, 16 tháng 8, và kết thúc bằng Thánh Lễ do đức đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI chủ sự vào Chúa Nhật 21 tháng 8, 2011.

ĐHY Rylko khẳng định rằng biến cố này có thể giúp cứu vớt giới trẻ thoát khỏi một “nền văn hóa không hề có một điểm tựa nào,” điều tất nhiên dẫn đến hậu quả là “con người bị bật gốc, bởi không còn một nền tảng an toàn và lành mạnh nào cho cuộc sống.”

Để làm được như thế, ĐHY nói tiếp, mỗi giáo phận địa phương phải bảo đảm việc chuẩn bị thật kỹ lưỡng và theo dõi thật đầy đủ, nhằm tránh cho tuần lễ tại Madrid không trở thành một “đốm lửa lóe lên rồi phụt tắt.”

ĐHY cũng cho thấy địa điểm tổ chức NGTTG năm nay là một vũ trụ thu nhỏ trong đó đang diễn ra cảnh đụng độ thời thượng giữa hai nền văn hóa: một bên là của thời hậu-duy-tân, còn bên kia là của Kitô giáo chính thống.

ĐHY giải thích như sau: “Tây Ban Nha là một phòng thí nghiệm khổng lồ nơi đang phô diễn với sức mạnh tối đa những vấn nạn nghiêm trọng và những thách đố của thời đại hậu-duy-tân, tỉ như hiện tượng duy tục, những trào lưu hướng về một chủ nghĩa duy tục triệt để, những luật lệ của quốc gia được ban hành rõ ràng đi ngược lại luật tự nhiên (như quyền sống, bản chất của hôn nhân và gia đình).”

Tây Ban Nha cũng đang vướng phải một cuộc khủng hoảng kinh tế và là một trong các nước công nghệ phát triển nhưng có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới. Như thế, hiển nhiên là xã hội Tây Ban Nha đang “khao khát niềm hy vọng, đang khẩn cấp kiếm tìm những triển vọng cho tương lai.”

Do đó, chính nhờ NGTTG, Giáo Hội Tây Ban Nha được “kêu mời để khám phá lại ơn gọi ngôn sứ của mình cũng như niềm can trường mới mang đầy tinh chất của Tin Mừng.”

ĐHY kết luận bằng việc lặp lại lời ĐGH Biển Đức XVI kêu gọi “toàn thể người trẻ--và tất cả những ai đang chia sẻ niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, cũng như những ai đang hoài nghi vật vờ, hoặc không tin vào Ngài—cùng hướng về Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tất cả sẽ thông phần vào niềm hy vọng vốn có thể “định đoạt số phận cuộc đời mình” và có thể trở thành “một kinh nghiệm về Chúa Giêsu, đấng đã sống lại và còn đang sống, và một cảm nghiệm về tình yêu của Ngài dành cho mỗi người chúng ta.”

(xin đọc thêm: http://ewtnnews.com/catholi-news/Wold.php?id=3781#ixzz1V6zQIsBC)

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

08/15/2011

Nguyễn Kim Ngân

 
Tình trạng tương lai các giáo xứ tại Hoa Kỳ
Pt Huỳnh Mai Trác
14:17 15/08/2011

Trong tương lai các giáo xứ ở Hoa Kỳ sẽ là những giáo xứ rất lớn, bởi vì số giáo dân mỗi ngày mỗi tăng lên khá nhiều nhưng số đi tu làm linh mục càng ngày càng giảm bớt, bởi vậy trong một bảng nghiên cứu: “Tình trạng thay đổi khuôn mặt của các giáo xứ Công giáo tại Hoa Kỳ.”

Trong một bài báo phát hành ngày 18 tháng 7, cơ quan thông tin Công giáo Hoa Kỳ CNS đăng lại bản báo cáo của Cơ quan Nghiên Cứu Mục vụ Tông đồ (CARA): có sự gia tăng người Công giáo ở Hoa Kỳ (khoảng 67 hay 68 triệu người) và sự giảm thiểu số linh mục (khoảng 11% trong khoản thời gian từ năm 2000 đến 2010) tạo nên những thay đổi lớn lao trong các giáo xứ. Những giáo xứ nhỏ được gom lại và thay thế bằng những giáo xứ lớn .

Trước sự phát triển giáo dân Công giáo nhất là các giáo dân gốc Latinh, các giáo xứ ở Hoa Kỳ có cơ phát triển thành những giáo xứ lớn, vào khoảng năm 2010 trở về sau. Tại mỗi giáo còn hoạt động, trung bình có khoảng 3277 giáo dân tức là gia tăng khoảng 45% so với năm 2000.

Vì thiếu các linh mục nên các giáo xứ được gom lại và toàn quốc có khoảng 17,784 giáo xứ như vậy số giáo xứ đã giảm bớt 7,1% so với năm 2000.
Và để cung ứng nhu cầu của giáo dân, các giáo xứ đã tăng các thánh lễ và trung bình mỗi giáo xứ đã dâng lễ khoảng năm thánh lễ hay nhiều hơn trong mỗi tuần.( Nguồn tin: CNS)
 
WYD 2011: Lễ Mẹ Hồn Xác Về Trời tại thủ đô Madrid
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
17:28 15/08/2011
Mẹ Maria sao mai dẫn đường cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011
Lễ Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời 15.08.2011 tại thủ đô Madrid
Chiều hôm nay, chiều 15.8, tôi đáp máy bay xuống phi trường quốc tế Aeropuerto, thủ đô Madrid. Ngay khi bước chân xuống phi trường tôi đã gặp nhiều nhóm các bạn trẻ thuộc nhiều quốc gia với đủ mọi tiếng nói và mầu da. Nhưng tất cả đều tay bắt mặt mừng, họ vui tươi tiến bước và ca hát vang trời.

Ngay tại phi trường, trước các trạm xe Metro hay xe bus, có nhiều bạn trẻ Tây Ban Nha, vận áo mầu xanh lá cây, mầu của hy vọng. Họ là những người trẻ trong số mấy chục ngàn bạn trẻ tình nguyện giúp hướng dẫn cho ĐHGTTG (WYD 2011)…

Đáp xe Metro với giá vé 1 Âu Kim cho tuyến đường dài mười mấy cây số từ phi trường vào trung tâm thành phố, tôi đã cùng đồng hành với nhiều nhóm bạn trẻ trên chuyến xe Metro số 8.

Đường phố thủ đô Madrid hôm nay rợp bóng cờ và khắp nơi đều treo những khẩu hiệu hay biểu ngữ chào mừng ĐHGTTG 2011 (Jornada Mundial da Juventude 2011). Trời trong xanh. Nắng vàng tràn ngập đường phố. Nhiệt độ trên 36 độ C. Báo hiệu những ngày nóng như thiêu như đốt sắp tới…không những nóng về nhiệt độ, nhưng sức nóng của lòng tin hun đúc con tim hàng triệu bạn trẻ. Sức nóng chiếu tỏa từ Mặt Trời công chính là chính Đức Giêsu Kitô, với chủ đề „Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời sống mình trên nền tảng Chúa Giêsu Kitô, vững vàng vào đức tin" (Thư Colosseo 2,7)“.

Nhiều bạn trẻ và đặc biệt giáo hội Công Giáo tại Tây Ban Nha cũng như các giáo hội tại các nước Âu Châu đang bị làn sóng vô thần và cơn bão tố vật chất đe dọa làm bật cội rễ đức tin đã dón nhận từ mấy ngàn năm qua. Khiến các giáo hội Tây Ban Nha truyền giáo trước đây là quê hương của bao nhiêu vị đại thánh: Thánh I Nhã, Thánh Phanxicô Xavie, Thánh nữ Têrêxa d’Avila…có nguy cơ đánh mất cội nguồn đức tin.

Khách sạn của tôi nằm gần Plaza de Espagna, một công viên xinh đẹp, gần đền thờ đền thờ thần Debod (Templo de Debod). Đây là ngôi đền cổ xưa, nằm ở phía Nam Ai Cập, gần ngọn thác lớn đầu tiên của sông Nil, thờ nữ thần Isis. Đền đã được dỡ ra và mang về dựng lại trong một công viên đẹp nhất thủ đô Madrid - đó là do chính phủ Ai Cập đền đáp công sức của người Tây Ban Nha trong việc bảo tồn khu di tích Abu Simbel. Đây là một trong hiếm hoi công trình của người Ai Cập cổ đại nằm bên ngoài quốc gia này.

Cuối công viên, bên kia đại lộ là nhà thờ thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu…Tình cờ buổi chiều hôm nay, ghé thăm viếng Mình Thánh Chúa, tôi được tham dự thánh lễ mừng lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời dành cho nhóm các bạn trẻ các giáo phận đến từ Pháp…Vì đến muộn, nên tôi không thể đồng tế với hàng mấy chục linh mục và một Đức Cha người Pháp chủ tế. Nhà thờ chứa khoảng bốn năm trăm bạn trẻ, không còn một chỗ trống. Các bạn trẻ ca hát với tất cả con tim và tham dự thánh lễ thật sốt sắng. Hầu hết các bạn trẻ tham dự thánh lễ đã quỳ gối lúc truyền phép. Nhiều bạn rẻ bái quỳ trước khi rước lễ. Sau khi rước lễ nhiều bạn trẻ quỳ gối cám ơn Chúa. Ngồi bên các bạn trẻ dâng lễ, tôi cảm nghiệm sâu xa hơn bộ mặt tươi trẻ và sức sống tràn đầy của giáo hội. Họ vỗ tay vang dội cả nhà thờ khi hát các bài thánh ca, nhất là hát bài Magnificat, Linh hồn tôi tung hô Chúa của Mẹ Maria.

Sau thánh lễ, điều hợp viên nhóm trẻ Pháp giới thiệu các phái đoàn các bạn trẻ đến từ nhiều giáo phận Pháp…Có cả nhóm các bạn trẻ nói tiếng Pháp từ các vùng Nouvelle Caledonie, từ đảo Antilles ….

Buổi chiều, tôi rảo qua thăm quan quảng trường Plaza de Espana…

Quảng trường Plaza de Espana là một trong những quảng trường lớn và và được dân chúng ưa chuộng nhất. Buổi chiều hôm nay có cả hàng ngàn người già trẻ lớn bé tụ họp hoặc phơi nắng trên bãi cỏ xanh, hoặc ngồi nghỉ dưới bóng cây xanh mát. Quảng trường nằm không xa cung điện của vua…Sừng sững bên cạnh quảng trường hai tòa nhà đã một thời cao nhất thủ đô Maddrid: Edificio España cao 117 mét và được kiến thiết từ năm 1948 đến 1953. Vào ngày 23.06.2005, tòa nhà này đã bán đấu giá với giá 277 triệu Âu kim và hiện nay 19 tầng dưới trong số 25 tầng lầu được sử dụng làm khách sạn Crowne Plaza với 306 phòng.

Không xa Edificio España là tòa nhà mệnh danh là Torre de Madrid được xây vào năm 1957, cao 142 mét…Có tục danh là “tòa nhà lạc đà” và là dinh thự cao nhất thủ đô Madrid mãi cho đến năm 1989 khi tòa nhà Torre Picasso cao 157 mét được hoàn thành.

Trong quảng trường có tượng đúc bằng đồng nhà văn nổi tiếng nhất của nền văn học Tây Ban Nha đó là đại văn hào Miguel de Cervantes đã sáng tác áng văn chương tuyệt tác: chuyện Don Quixote…Du khách thích chụp hình kỷ niệm bên tượng đồng Don Quixote đang cưỡi ngựa và Sancho Panza cưỡi lừa… Bên cạnh là tượng của văn hào Miguel de Cervantes đang chiêm ngưỡng các tác phẩm của mình đã tạo ra.

Buổi chiều tối ngày mai, nhân ngày khai mạc WYD 2011 sẽ có chương trình văn nghệ biểu diễn ca vũ nhạc nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 26 ngay tại công trường này và tại nhiều địa điểm khác tại thủ đô Madrid.

Chiều về nghỉ ngơi tại khách sạn để lấy sức cho ngày mai. Hy vọng Đức Mẹ là sao mai dẫn đường chỉ lối cho hàng triệu bạn trẻ đến tham dự WYD 2011 được đầy lòng tin cậy mến như Mẹ để tiến bước trên con đường lữ thứ trần ai… Mẹ cũng là dấu chỉ hoàn tất cuộc lữ hành cho toàn thể giáo hội tại thế. Mẹ chiến thắng và đạp dập đầu thần dữ đang rình cắn gót chân Mẹ.

Xin được ghi lại đây chương trình tổng quát cho ĐHGTTG 2011 tại thủ đô Madrid, để tất cả chúng ta cùng hiệp thông trong niềm tin yêu với hàng triệu bạn trẻ, với vị cha chung của Giáo Hội hoàn vũ:

Ngày thứ ba (16.8): Buổi sáng: chào đón quan khách và phái đoàn các bạn trẻ đến dự Đại Hội. Buổi chiều: Thánh Lễ Khai Mạc tại quảng trường Cibiles do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Madrid chủ tế và các Đức Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục đồng tế. Tiếp theo là các sinh hoạt riêng của mỗi đoàn thể và mỗi nhóm bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến.

Ngày thứ tư đến thứ sáu (17 đến 19.8): vào các buổi sáng: các khóa Giáo Lý và các cuộc hội thảo của các nhóm cùng một tiếng nói do các Đức Giám Mục và các Linh mục hướng dẫn. Buổi chiều: các sinh hoạt vui chơi giải trí, các chương trình văn nghệ, hòa nhạc, và các cuộc thăm viếng. Buổi tối dành cho các giờ cầu nguyện, các nghi thức Sám Hối và ban Bí Tích Hòa giải, các Thánh Lễ sẽ được cử hành tại các địa điểm bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Riêng tối thứ sáu có giờ Ngắm Đàng Thánh Gía trọng thể do chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ tọa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ đến chủ tọa Đại Hội vào ngày thứ năm (18.8). Ngài tới phi trường Barajas Madrid vào buổi trưa. Sau nghi thức chào mừng Đức Thánh Cha tại phi trường của các đại diện cao cấp của chính quyền và giáo quyền cũng như đại diện giới trẻ, Đức Thánh Cha sẽ lên xe với đại diện các bạn trẻ năm châu di chuyển thong thả qua các đường phố chính của thủ đô Madrid để các bạn trẻ và những người xếp hàng trên các vỉa hè chào đón Ngài, và tiến về quảng trương Cibiles. Sau đó Ngài đến Tòa Sứ Thần Toà Thánh nghỉ ngơi, và ban chiều Ngài sẽ thức thăm viếng các vị lãnh đạo cao cấp của chính phủ Tây Ban Nha.

Ngày thứ sáu (19.8), Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ cho các nữ tu tại tu viện Escorial vào lúc 11g30 trưa. Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp và nói chuyện với khoảng 2000 giáo sư đại học để bàn về vai trò của các trường đại học Công Giáo trong việc giáo dục giới trẻ trong xã hội ngày nay. Buổi tối Đức Thánh Cha sẽ cùng giới trẻ và các giáo hữu Ngắm Đàng Thánh Gía trọng thể. Mỗi Đàng Thánh Giá sẽ được diễn lại theo đúng truyền thống diễn Đường Thánh GIá trong Tuần Thánh của các giáo phận Tây Ban Nha.

Thứ bẩy ngày 20.8: buổi sáng, các bạn trẻ di chuyển đến địa điểm phi trường quân sự Cuatro Viventos để chuẩn bị tham dự Canh Thức Cầu Nguyện. Buổi chiều: Canh Thức Cầu Nguyện và nghỉ qua đêm ngoài trời.

Chúa Nhật ngày 21.8: Thánh Lễ Bế Mạc và Phép Lành Tòa Thánh; sau đó loan báo thời gian và địa điểm sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế giới lần sau, và chuyển Thánh Giá Hành Hương cho đại diện giới trẻ của nước sẽ tổ chức Đại Hội lần tới.

Ngày thứ bẩy (20.8), Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ cho các chủng sinh lúc 10 giờ sáng tại Vương Cung Thánh Đường Madrid. Trong khi đó các bạn trẻ sẽ di chuyển đến phía phi trường quân sự Cuatro Viventos Madrid để chuẩn bị đêm canh thức chầu Thánh Thể vào tối thứ bẩy. Trong giờ chầu Thánh Thể, Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến giới trẻ lên Trái Tim Chúa Giêsu để xin thánh hóa giới trẻ và tinh luyện tình yêu của mọi người trong Tình Yêu Thương của Chúa.

Chúa Nhật (21/8) Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ Bế Mạc trọng thể tại phi trường quân sự Cuatro Viventos cùng với các vị Hồng Y, Giám mục, Linh Mục vào lúc 10g30 sáng. Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha ban Phép lành trọng thể; rồi loan báo địa điểm và thời gian sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ tới; rồi chuyển THÁNH GÍA HÀNH HƯƠNG cho đại diện Giới Trẻ của nơi sẽ tổ chức Đại Hội lần tới. Buổi chiều Đức Thánh Cha sẽ lên máy bay từ phi trường Barajas để trở về Roma.

Tường trình từ Madrid

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
 
Mang Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới Nghị Viện Âu Châu
Vũ Văn An
20:04 15/08/2011
Liên Minh Tuổi Trẻ Thế Giới (World Youth Alliance), một tổ chức quốc tế chuyên cổ vũ nhân quyền và tình liên đới nơi giới trẻ, mới đây nhấn mạnh tới tầm quan trọng và các hiệu quả tích cực của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Trong chiều hướng này, Liên Minh đã bảo trợ một buổi điều trần công cộng trước Nghị Viện Âu Châu, với chủ đề “Liên Đới, Tự Do, Dân Chủ… Kinh Nghiệm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới và đóng góp của nó vào Dự Án Âu Châu”. Trong buổi điều trần này, hai người từng tham gia Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước đây đã trình bày kinh nghiệm bản thân của họ về ngày này.

Leen Van Blauwen và Klemen Žumer, cả hai đều đang làm việc với Nghị viện Âu Châu và là những người dấn thân sống sứ điệp của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đã trình bày các hiệu quả tích cực của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đối với đời họ. Leen Van Blauwen hiện cũng là phụ tá của Cha Piotr Mazurkiewisz, Tổng Thư Ký COMECE (Ủy Ban Các Hội Đồng Giám Mục của Cộng Đồng Âu Châu). Kinh nghiệm đầu tiên của cô về Ngày Giới Trẻ Thế Giới là ở Rôma, năm 2000, với Đức Gioan Phaolô II. “Khi Đức Thánh Cha gọi chúng tôi, những người trẻ tham dự nghi lễ bế mạc, là ‘các môn đệ của thiên niên kỷ mới và là lính canh bình minh’ tôi hết sức xúc động”. Cô bảo: sau cuộc gặp gỡ ấy, cô đã thay đổi cuộc sống để đi theo lời kêu gọi này.

“Tất cả những kêu gọi này nung nấu trái tim tôi và không những tôi cố gắng thâm hậu hóa chúng mà còn thông truyền cho người khác nữa. Đó là lý do từ đó tôi tiếp tục tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, không phải cho riêng mình mà còn để rao truyền sứ điệp hy vọng nữa”. Cô chứng thực tầm quan trọng của tuổi trẻ đối với xã hội Âu Châu nhờ sứ điệp tích cực của Ngày Giới Trẻ Thế Giới và lời kêu gọi trở nên những người công dân có trách nhiệm.

Klemen Žumer hiện là cố vấn của Nghị Viên Âu Châu Joseph Daul, Chủ Tịch Đảng Nhân Dân Âu Châu, Dân Chủ Kitô Giáo. Kinh nghiệm đầu tiên của anh về Ngày Giới Trẻ Thế Giới là tại Paris năm 1997. Các chứng từ của anh nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các nghị viên hiện diện . Họ nhìn nhận tầm quan trọng của giới trẻ và khả năng lên khuôn tương lai của họ. Họ cũng nhìn nhận ảnh hưởng tích cực và thay đổi đời sống của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, các ảnh hưởng rất bổ ích cho cộng đồng Âu Châu.

Các chứng từ của Van Blauwen cũng nhấn mạnh tới vai trò tích cực của tôn giáo đối với Liên Hiệp Âu Châu: “Đối với tôi, Đức Gioan Phaolô II và cả Đức Bênêđíctô XVI nữa đã khuyến khích giới trẻ chúng tôi rằng chúng tôi có thể tạo ra khác biệt, rằng tương lai tùy thuộc chúng tôi, không phải nhờ trở thành những nhà cách mạng nhưng qua việc thực hiện điều Thiên Chúa đang kêu gọi chúng tôi thực hiện, trong đó có học hành, làm việc cho người khác, lãnh các trách nhiệm xã hội và chính trị trong các tổ chức của thành phố nhỏ cũng như ở bình diện cao hơn”.

Văn phòng nhỏ của Liên Minh Tuổi Trẻ Thế Giới tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được đặt tại địa điểm Love & Life, Palacio de Deportes, của Hội Hiệp Sĩ Columbus và các Nữ Tu Sự Sống. Họ sẽ tổ chức những buổi du ngoại “Liên Đới”, các buổi huấn luyện nhằm giúp giới trẻ trở thành các nhà lãnh đạo hiểu biết giá trị nhân phẩm. Trang mạng của Liên Minh : www.WYAatWYD.com.
 
Trung Quốc: Các linh mục hầm trú bị giam giữ
Nguyễn Trọng Đa
21:31 15/08/2011
Hà Trạch - Hai trong số bốn linh mục hầm trú bị giam giữ tại tỉnh Sơn Đông tuần trước vẫn còn bị giam giữ, theo các nguồn tin Giáo hội.

Linh mục Vương Thành Lợi (Wang Chengli), giám quảngiáo phận Hà Trạch, hiện đang ở một trung tâm giam giữ tại quận Đông Minh, nguồn tin nói.

Người Công giáo địa phương nói rằng họ đã không nghe bất kỳ thông tin nào về cha, và chỉ có thể tiếp tục cầu nguyện cho cha.

Cha Vương đã bị bắt đi cùng với ba linh mục khác, làcha Triệu Vô Cấp (Zhao Wuji), cha Lý Huyện Dương (Li Xianyang) và cha Tôn Quý Xuân (Sun Guichun)ngày 3-8 tại nhà một giáo dân.

Một số cảnh sát quận Đông Minh đã vào ngôi nhà trên với lý do bắt giữ một tên trộm, và đã dẫn các linh mục đi.

Sau đó các linh mục bị thẩm vấn bởi cảnh sát, các quan chức tôn giáo và nhân viên an ninh từ thành phố Hà Trạch, theo nguồn tin Giáo hội.

Nguồn tin cho rằng các vụ bắt giữ là nhằm buộc các linh mục tham gia Hội Công giáo Yêu nước hoặc trong liên quan với kế hoạch của cộng đồng chính thức để tấn phong Giám mục, có thể là vào cuối năm nay.

Các cha Triệu và Lý đã được trả tự do ngày 7-8, còn cha Tôn được trả tự do một ngày sau đó.

Nguồn tin nói: “Các quan chức đã cảnh cáo các vị không được làm công tác mục vụ và ban các bí tích tại Hà Trạch, nếu không họ sẽ bị bắt lại và bỏ tù".

Tuy nhiên, Cha Tôn đã bị các quan chức tôn giáo quận bắt lại ngày 9-8, và hiện chưa biết cha đang ở đâu.

Các nguồn tin Giáo hội cũng lo ngại rằng Cha Vương sẽ không được trở về giáo phận trong tương lai gần, vì cha là lãnh đạo của cộng đoàn hầm trú.

Nguồn tin nói thêm, các quan chức có thể ép buộc hoặc hối lộ cho giáo dân để họ phản bội các linh mục, vì các ngài thường hoạt động trong bí mật.

Nguồn tin cũng cho biết các vụ bắt giữ sẽ không nản chí tinh thần của họ, khi họ nói rằng "chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng và sẽ tiếp tục duy trì các nguyên tắc Giáo Hội và làm chứng cho chân lý".

Chỉ có một số ít linh mục hầm trú và bốn linh mục chính thức trong giáo phận Hà Trạch, vốn đang trống tòa từ sau cái chết của Đức Giám mục Giuse Wang Dianduo, Dòng thánh Âu Tinh chiêm niệm (OAR), năm 2004. (UCA News 12-8-2011)
 
Caritas kêu gọi khẩn cấp cứu trợ người dân Kenya
Phạm Kim An
21:43 15/08/2011
Roma - Caritas Quốc tế đang kêu gọi mọi người giúp 4 triệu euro (5,6 triệu USD) để giúp người dân Kenya trong thời kỳ hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua.

Hơn 3,6 triệu người cần trợ giúp khẩn cấp, nhưng số người có thể tăng lên 5 triệu nếu tình hình xấu hơn. Caritas sẽ cung cấp thức ăn và nước uống, và cũng sẽ giúp nông dân cải thiện cây trồng của họ, và đẩy mạnh việc chăn nuôi gia súc của họ.

Ông Alistair Dutton, giám đốc nhân đạo của Caritas Quốc tế, vừa trở về từ một chuyến đi đến Kenya và Ethiopia. Ông nói: "Mọi người đều lo lắng là không biết đi kiếm xin thức ăn và nước uống ở đâu, và làm sao cung cấp nước uống cho gia súc của họ nữa. Không di cư đến nơi khác, họ có rất ít sự chọn lựa".

Caritas sẽ hỗ trợ 30.420 hộ gia đình trong 14 giáo phận bị ảnh hưởng nặng nhất của Kenya, trong chương trình cứu trợ khẩn cấp dài tám tháng. Việc này sẽ bao gồm cung cấp cho nhiều hộ gia đình hai bữa ăn mỗi ngày, 7,5 lít nước sạch cho mỗi người mỗi ngày, và giúp thức ăn dinh dưỡng cho các người bị tổn thương và mắc bệnh kinh niên.

Các biện pháp khác nữa là trao cho 13.700 nông dân nghèo các hạt giống ngũ cốc chịu hạn để gieo trồng trong thời gian có mưa vào tháng 10 và tháng 11 năm nay, tặng thêm vật nuôi cho hơn 1.300 hộ gia đình. Caritas cũng sẽ cải thiện việc lấy nước và lưu trữ nước thông qua việc cung cấp bồn chứa, và hỗ trợ sự hoạt động của việc khoan giếng.

Tình hình hạn hán ở Đông Phi là ở mức độ tệ hại nhất với trên 13 triệu người bị ảnh hưởng. Các quốc gia bị hạn hán gồm có Kenya, Ethiopia, Somalia, Djibouti và Uganda. Tháng trước, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố các điều kiện nạn đói ở nhiều miền của Somalia.

Ông Alistair Dutton nói: “Somalia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì không có hệ thống tại chỗ để giúp đỡ người nào. Vụ thu hoạch mùa màng thất bại và không có nhà nước phục vụ nhân dân".

Ông Dutton cho biết rằng một trong các lý do tình trạng hạn hán lặp đi lặp lại là do các quận không có cách nào lưu giữ nước khi trời mưa. Caritas tập trung các dự án dài hạn của mình vào các sáng kiến, vốn sẽ giúp đỡ các cộng đồng bảo tồn nước và sử dụng nước tốt hơn, chẳng hạn hồ chứa, lỗ khoan giếng và các tập tục nông nghiệp hiệu quả hơn. (Caritas Internationalis 12-8-2011)
 
ĐTC xin cầu nguyện cho Đại hội Giới trẻ Thế giới và chuyến đi Madrid của Ngài
Nguyễn Trọng Đa
21:44 15/08/2011
Castel Gandolfo - "Tôi xin mọi người cùng đồng hành cách thiêng liêng với tôi, bằng lời cầu nguyện cho chuyến đi của tôi đến Madrid trong một vài ngày tới, để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới", - ĐTC Biển Đức XVI nói như thế với khách hành hương hiện diện ngày 14-8 tại Castel Gandolfo để đọc kinh Truyền Tin trưa Chủ nhật với Ngài.

Nhưng ĐTC Biển Đức XVI cũng xin lời cầu nguyện này trong hầu hết các ngôn ngữ, mà Ngài thường dùng để kết luận lời chào của mình với khách hành hương: bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức. Chỉ các người hành hương Ba Lan đã có lời chào đặc biệt, nhân dịp lễ Thánh Maximilian Kolbe, mà Giáo Hội mừng kính ngày 14-8.

Đại hội Giới trẻ Thế giới sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 21-8 tại Madrid. Trong các ngày đầu của Đại hội, sẽ có các cuộc gặp mặt và dạy giáo lý với giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Từ ngày 18 đến ngày 21, ĐTC Biển Đức XVI sẽ tham dự, và Ngài cũng sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Tây Ban Nha và xã hội dân sự.

Tây Ban Nha, với truyền thống Công giáo sâu rộng, cũng là một trong các quốc gia thế tục hóa nhất ở châu Âu, và nổi tiếng với chính trị cấp tiến và hiện đại. Tuy nhiên, ĐTC Biển Đức XVI đặc biệt quan tâm rằng, giới trẻ tham gia Đại hội Giới trẻ Thế giới sẽ trở thành chứng nhân của đức tin cho bạn bè và đồng nghiệp chưa tin vào Chúa.

Trước đó, ĐTC Biển Đức XVI diễn giải Tin Mừng ngày Chúa Nhật XX thường niên A, về một phụ nữ Canaan liên tục cầu xin Chúa Giêsu chữa lành con gái của bà (Mt 15,21-28), cho đến khi Chúa Giêsu trả lời bà.

ĐTC Biển Đức XVI nói: "Chúng ta cũng được kêu gọi phát triển trong đức tin, để tiếp cận và tự do đón nhận quà tặng của Thiên Chúa. Đây là cuộc hành trình mà Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ của mình, người phụ nữ Canaan và tất cả con người thuộc mọi thời đại và mỗi một người chúng ta, phải chọn để đi. Đức tin mở lòng cho chúng ta biết và chấp nhận căn tính thực sự của Chúa Giêsu, tính cách mới lạ và độc đáo của Ngài, Lời Ngài, để sống một mối quan hệ cá nhân với Ngài, để biết rằng đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải mình cho chúng ta không như một một thực thể trừu tượng, vô danh và không dung mạo, nhưng như một con người muốn đi vào một mối quan hệ của tình yêu sâu sắc và tham gia với chúng ta trong suốt cuộc đời của chúng ta. Mỗi ngày, trái tim của chúng ta cần phải sống kinh nghiệm của hoán cải, chuyển từ một con người tự khép kín với mình đến một con người cởi mở cho hành động của Chúa (x. 1Cor 2,13-14), đến một con người tinh thần, tự cho phép mình được thử thách bởi Lời Chúa và mở lòng ra cho tình yêu của Chúa".

Ngài kết luận: "Anh chị em thân mến, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin chúng ta mỗi ngày, thông qua việc lắng nghe Lời Chúa, cử hành các Bí tích, cầu nguyện cá nhân và sống bác ái với người lân cận. Chúng ta kêu xin sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà chúng ta chiêm ngắm vào ngày mai trong lễ Ngài lên trời cả hồn lẫn xác, xin Mẹ giúp chúng ta loan báo và làm chứng với đời ta cho niềm vui vì đã gặp gỡ Chúa".

Trong số các khách hành hương, có một nhóm người đến từ Cuba, cùng đi với Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino, tổng giáo phận Havana: Đây là nhóm hành hương Cuba đầu tiên đến Roma để viếng mộ các thánh tông đồ, và ĐTC Biển Đức XVI đặc biệt bày tỏ "sự gần gũi và tình mến thương của Ngài” đối với họ. (AsiaNews 14-8-2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Minh Thánh Tâm Toàn Quốc Tham Dự Đại Hội Thánh Mẫu lần thứ 34
Joachim Nguyễn Văn Trạch
08:34 15/08/2011
LIÊN MINH THÁNH TÂM TOÀN QUỐC THAM DỰ ĐẠI HỘI THÁNH MẪU XXXIV

Hưởng ứng lời mời gọi của Cha Tổng Tuyên Uý và Ban Trị Sự Trung Ương; Đại diện các Đoàn LMTT, Liên Đoàn LMTT, Liên Miền LMTT và toàn thể anh em LMTT toàn quốc đã khởi đầu cuộc hành hương tiến về Carthage, Missouri ngay sáng thứ Tư, ngày 4 tháng 8, 2011. Anh em đi thật sớm chẳng những vì muốn gặp tượng Đức Mẹ Thánh Du Fatima, muốn tham dự Đại Hội Thánh Mẫu từ khởi đầu đến cuối; mà còn mong muốn gặp mặt các anh em Liên Minh Thánh Tâm trên toàn quốc về họp mặt nơi đây.

Xem hình LMTT dự đại hội Thánh Mẫu

Cũng như các nơi khác, anh em từ miền Tây Nam, (Orange couty, San Diego...California) đã có mặt trên xe bus khởi hành khi trời còn chưa sáng hẳn. Riêng anh em miền Tây (San Jose, Sacramento ...California) đáp các chuyến bay khác nhau hẹn gặp tại Missouri. Vượt 1,850 miles, gần 3 ngàn cây số, tình cờ lúc giữa trưa ngày thứ Năm, anh em Tây và Tây Nam gặp nhau ở trạm nghỉ lần chót trong nhà hàng Mc Donald và IHOP, thành phố Tulsa, Oaklahoma trước khi đến địa điểm đại hội. Nhà hàng máy lạnh khiến anh em nhớ nhung khí hậu California vào lúc cao điểm mùa Hè này mặt trời khuất trong mây nên chỉ có trên dưới 70 độ F; ngược lại, khung trời Oaklahoma mấy tuần nay nóng bức oi ả đốt cháy da thịt ở 106 độ F với độ nước đọng trong không khí rất cao như khí hậu miền Trung nước Việt. Anh em nhìn nhau xin chấp nhận đây là mùa hành hương "thử thách sức chịu đựng" ở tưổi đã cao.

Về đến khu đại hội khoảng 2 giờ trưa, người nhận lều trại, người lo ổn định phòng ốc ngoài phố vừa xong là điện thoại reng lên tới tấp. Anh em miền Trung Tây --Minesota-- mau mắn gọi điện thoại sớm nhất thông báo có một số anh em đã đến nơi bình an. Còn một số rất đông do anh Đoàn Trưởng Gioakim Phạm Ngọc Ánh hướng dẫn đang trên đường tới. Toán “chủ lực” trên 30 người này sẽ đến trước 7 giờ chiều thứ Năm cho kịp thánh lễ khai mạc đại hội tại Carthage, Missouri.

(Xin mở một dấu ngoặc viết một vài hàng về nơi này: Carthage, Missouri là một thị trấn nhỏ nhoi, dân số khoảng 15 ngàn người. Khi chiến tranh Nam-Bắc bùng nổ; nơi đây đã từng xảy ra 2 trận chiến lịch sử gọi là “Battle of Carthage”: Lần thứ nhất là ngày 5 tháng 7, 1861 và lần thứ nhì vào tháng 10, 1863. Carthage hiện nay vẫn là nơi đất rộng mênh mông, cây cối xanh mơn mởn. Từ năm 1978, nơi đây Dòng Đồng Công hàng năm vẫn tổ chức Ngày Thánh Mẫu quy tụ lúc đầu khoảng ngàn người. Những năm gần đây người ta ghi nhận có từ 50 đến 70 ngàn khách hành hương từ khắp nơi trên đất Mỹ, Canada không kể một số người khác đến từ Âu, Úc và cả Á Châu nữa. Năm nay khách hành hương rất khó khăn thuê được phòng trọ vì ngày 23 tháng 5 năm nay (2011) một cơn bão lốc khủng khiếp “Deadliest Tornedo”chưa từng thấy trong 61 năm gần đây ập xuống thị xã Joplin cách Carthage khoảng 10 miles. Nó mang đi 116 mạng sống và rất nhiều bị thương. Nhà cửa sập nát rất nhiều nên các hãng bảo hiểm phải thuê khách sạn cho người mất nhà trú ngụ. Đó là lý do tại sao khách sạn vào thời điểm Ngày Thánh Mẫu năm nay đã đắt đỏ lại khó tìm cho được nơi ưng ý. Xin trở lại ngày Thứ Năm, Ngày Khai Mạc Đại Hội Thánh Mẫu.)

Chiều thứ Năm anh em sốt sáng tham dự thánh lễ khai mạc tại lễ đài chính nơi mặt tiền một tòa nhà sừng sững như đền đài thành “Rôma”. Chót đỉnh thật cao nổi bật một “banner” chủ đề đại hội năm nay: "Ngài bảo gì, hãy làm theo" (Ga 2:5). Ngài bảo gì, hãy làm theo thật vô tình đã trùng hợp và nhắc nhở lời khấn nguyện của LMTT trước tượng Đức Mẹ Thánh Du Fatima một lần đến thăm giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Sacramento, California ngày 25 tháng 10 năm 2009. Ở tiệc cưới Cana, các người giúp việc vâng lời Mẹ kín nước vào chum như Chúa bảo. Chúa đã làm phép cho nước hóa nên rượu (Ga 2:1-11). Cũng trong tâm tình vâng phục, anh em LMTT chúng con đã cầu nguyện và xin làm những gì Chúa phán để Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm chúng con sẽ nên MỘT.

Thánh lễ chiều thứ Năm hôm nay là thánh lễ Đại Trào tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa do ĐGM Springfield, Missouri, James V. Johnston chủ tế. Đồng tế với ngài, có ĐGM Cần Thơ, Stephano Tri Bửu Thiên cùng với trên 200 linh mục. Sau thánh lễ, anh em LMTT trang trọng tham dự giờ chầu Thánh Thể như chưa bao giờ có; vì cuộc đời anh em đã tuyên hứa gắn liền với Thánh Thể Chúa lâu rồi mặc cho trời lúc 9 giờ tối vẫn còn “thổi lửa” trên 100 độ F.

Sáng thứ Sáu, mới 10 sáng, trời đã nóng trên dưới 100 độ F. Hôm nay lại một lần nữa được "toát mồ hôi." Một số anh em có nhiệm vụ họp tổng dượt chương trình, dù nóng, cũng đã chờ sẵn tại đài Đức Mẹ. Hiện diện trong buổi họp có Cha TTÚ Paul Phan Quang Cường và quý anh đại diện tham dự: Anh Trưởng BTS TƯ, anh Tổng Thư Ký TƯ, anh Đoàn Trưởng và cựu Đoàn Trưởng LMTT St Anne-Giuse Hiển, Minesota, anh Tổng Thư Ký miền Tây, anh Giuse Trưởng Ban Phụng Vụ LĐ San Jose, California, và anh Ủy viên Tổ Chức TƯ bàn thảo và quyết định cho chương trình sinh hoạt thứ Bẩy. Ngoài ra buổi họp cũng chia cho LMTT khắp nơi giữ những nhiệm vụ trong giờ sinh hoạt và rước kiệu. Thánh lễ chiều thứ Sáu cũng là thánh lễ Đại Trào kính Các Thánh Tử Đạo VN do Đức TGM New Orleans, LA, Gregory Aymond chủ tế. Đồng tế với ngài, có ĐGM Cần Thơ, Tri Bửu Thiên và ĐC Phó GP Phú Cường Giuse Nguyễn Tấn Tước cùng với trên 200 linh mục và có đến trên 3-4 chục ngàn giáo dân tham dự.

Trưa thứ Bẩy, trời nóng như rang cũng chẳng làm nản chí anh em LMTT mang đầy lý tưởng. Nơi này chuẩn bị slides show, nơi kia dựng cờ đoàn. Trong khi các anh tiếp tân sắp sẵn tặng phẩm lên bàn trước khán đài thì bên trong hậu trường văng vẳng tiếng hát các bài ca cộng đồng. Trước bục giảng, cha TTÚ lướt qua các điều cần nhấn mạnh trong khi cha Phó TTÚ tô màu những chữ cần đổi giọng. Các ngài làm mọi cách để truyền đạt những ý chính cho giờ riêng của mình được chau chuốt và đúng giờ. Đồng hồ chỉ đúng 2:45pm; Sinh hoạt được bắt đầu. Sau chỉ vài lần mời gọi; phòng họp Hội Trường Nhà Ba Lầu gần 500 chỗ đã gần chật ních. Người ta nhận thấy có đủ các thành phần tham dự gồm có quý cha, quý sơ, quý thầy, quý ông, quý bạn thanh niên và đặc biệt có rất nhiều quý bà tham dự để về nói lại với các ông nhà.

Nắng ban chiều đột nhiên tăng vọt, sức máy lạnh giảm dần xuống. Cử tọa lừ đừ như mệt mỏi. Thay đổi chiến thuật, hai cha thuyết trình cùng một lúc làm sinh động hội trường hẳn lên. Cử tọa lãnh hội được hầu hết các điều quan trọng liên quan đến LMTT như: “Chúa Giêsu tuôn đổ tình yêu ngay khi trái tim Người bị đâm thâu qua. Sau đó, tại nhiều nơi bằng nhiều cách, Chúa đã mạc khải cho chúng ta phải liên kết với Thánh Tâm Người. Rõ nét nhất là vào thế kỷ thứ XVII, Người hiện ra và truyền cho thánh nữ Margaret Mary Alacoque (1647–1690) loan truyền và thiết lập các việc đền tạ tôn sùng Thánh Tâm Chúa. Lần khác, Người hiện ra và hứa với loài người qua thánh nữ Faustina Kowalska (1938) “Khi một linh hồn tìm đến Ta với lòng tín thác; Ta sẽ đổ tràn ân sủng trên họ… để họ tỏa ra cho các linh hồn khác… Không một linh hồn nào kêu cầu Ta mà bị thất vọng…Hãy loan truyền cho thế giới lòng thương xót của Cha.”

“Năm 1887, cha Dòng Tên Édouard Hamon lập ra Phong Trào LMTT tiên khởi tại Gianãđại. Sau đó, năm 1948, cha Gérard Gagnon (cha Nhân) và cha Giacôbê Đào Hữu Thọ phát động Phong Trào LMTT cho thích nghi với hoàn cảnh Việt Nam. Hiện nay LMTT ở Việt Nam vẫn giữ các điều đã tuyên hứa dưới các danh xưng khác. Người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn giữ vững truyền thống mỗi giáo xứ hoặc cộng đoàn CGVN có một đoàn LMTT. Được biết, vị tuyên uý hiện nay của PT LMTT tại Hoa Kỳ là cha Phaolô Phan Quang Cường và năm 2005 ĐGM San Jose, California Patrick McGrath bổ nhiệm Đức Ông Đaminh Đỗ Văn Đĩnh làm tuyên uý tiên khởi cho Liên Đoàn LMTT San Jose.”

Hiện nay, tại miền Tây Hoa Kỳ và miền Tây Nam Hoa Kỳ đã có tổ chức Liên Miền LMTT gồm nhiều LĐ LMTT trong các giáo phận hợp lại và sinh hoạt chung với nhau. Thường thường các đoàn có sinh hoạt cho đoàn viên hàng tháng, các liên đoàn có sinh hoạt đoàn viên chung với nhau ít nhất là một lần mỗi năm. Các miền có sinh hoạt chung cho đoàn viên toàn miền một lần mỗi 2 năm và Phong Trào LMTT toàn quốc có dự định tổ chức một đại hội cho LMTT toàn quốc cứ 4-5 năm một lần. Trả lời câu hỏi tại sao phải có PT LMTT toàn quốc? Tại sao các đoàn không nên hoạt động riêng lẻ theo thói quen như hiện nay?; Quý cha TTÚ và Phó TTÚ đã lấy ví dụ “Thác nước Hetch Hetchy Valley là nước từ tuyết tích lũy trên các đỉnh núi tan ra chảy thành thác quốc gia Yosemite National Park trong tiểu bang California. Thác này đã tạo thành sông đưa nước đầy các hồ, kinh rạch chảy vào điền thổ trồng cấy và nước uống cho dân số San Francisco, San Mateo và một phần quận San Joaquin — tổng cộng trên 2 triệu rưỡi người được hưởng nhờ. Tương tự như vậy, Phong Trào, Liên Miền, Liên Đoàn và các Đoàn sẽ nương tựa giúp đỡ lẫn nhau. Một thí dụ khác dựa theo thần học thánh Phaolô tông đồ khi ngài ví mỗi chi thể trong thân xác có một nhiệm vụ riêng nhưng bổ túc cho nhau để trở nên thân thể trong Hội Thánh mà Hội Thánh chính là thân thể của Đức Kitô do chính Người là Đầu. Ước vọng của LMTT là “Nước Chúa Trị Đến”, là được mời gọi mở rộng Nước Chúa, một điều mà không phải chỉ gói trọn tại một địa phương. LMTT vì là sóng triều của Công Giáo Tiến Hành nên phải có sự hoạt động chứ LMTT không phải chỉ lo làm tốt công việc xin tiền, khiêng kiệu, giữ xe vân…vân.”

Theo nhận xét của một số người tham dự thì buổi sinh hoạt này rất thành công qua số lượng người đặt các câu hỏi hoặc đóng góp các ý kiến cũng như trên 10 đoàn ghi tên để liên lạc cộng thêm với các lần vỗ tay rất dài và rất có thể các người ghi tên làm đoàn viên sẽ gia tăng đáng kể trong số ước lượng có khoảng chừng 4-5 ngàn đoàn viên LMTT hiện nay trong khoảng 300 giáo xứ và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Rất đông anh em không thể tham dự muốn được nghe hoặc đọc lại bài thuyết trình của hai cha. Chúng tôi sẽ tiếp xúc với quý ngài và sẽ cho đăng tải vào thời gian sớm nhất.

Thứ Bảy ngày biệt kính Đức Mẹ có rước kiệu tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du đã đến thăm Miền Nam Việt Nam năm 1965. LMTT đến dự đại hội, dù đi riêng hay đi chung, mặc đồng phục hay không; anh em đều tham gia xếp hàng chung dưới “banner” Phong Trào LMTT và 3 lá cờ Liên Đoàn Giáo Phận San Jose, Giáo Phận Orange, California và Đoàn Thánh Anna-Giuse Hiển Minesota dẫn đầu bởi chính toán rước thánh giá nến cao do PT LMTT phụ trách.

Đứng trong hàng đi kiệu mà ướt đẵm mồ hôi! Uống nước càng nhiều càng ướt sũng áo quần! Theo thống kê ghi nhận trong tuần qua; khu Carthage, MO quá nóng. Khu vực Tulsa, Oaklahoma trải dài đến Carthage, Missouri nhiệt độ ở khoảng 100 đến 114 độ F. Riêng độ (dew point) nước đọng trong không khí ở khoảng nấc 62 đến 69! Theo tìm hiểu của người viết, ta cảm thấy dễ chịu khi độ nước đọng ở khoảng nấc 37 trở xuống; mồ hôi toát ra rồi khô đi ngay. Ngược lại, ta cảm thấy khó chịu khi độ nước đọng ở khoảng nấc 45 trở lên. Ở nấc 62 đến 69 thì khó chịu qúa sức! Mồ hôi ra; đọng lại trên người đầm đề không khô đi được!

Nói luôn mãi đến “trời nóng” như vậy không để phàn nàn, mà thật ra là nghiêng mình cảm phục đoàn người khoảng vài chục ngàn tham gia rước thánh tượng Đức Mẹ Fatima. Hãy hình dung một rừng người xếp hàng 10 chiều ngang dài lê thê như đoàn tầu lửa chừng 3 miles tăm tắp ngút ngàn (trên 4 cây số) dưới sức nóng như chảo rang rồi bất thình lình ập xuống một cơn mưa rào 2 phút ướt đẵm thêm quần áo đang sũng mồ hôi! Vậy mà chỉ thấy vài người chạy trốn! Còn tất cả thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Riêng LMTT, quý anh thủ kỳ nói như căn dặn hàng quân rằng nóng cũng giữ hàng mưa cũng giữ hàng không rã đám. Một lần nữa, xin kính phục LMTT trong số rừng người kiên gan bền chí chỉ vì niềm tin!

Sau kiệu, Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên chủ tế thánh lễ kính Đức Mẹ và giảng thuyết. Có 3 ĐTGM và GM Hoa Kỳ cùng với trên 200 linh mục đồng tế. Giáo dân đông nghẹt người tham dự trên dưới 3 chục ngàn san sát như nêm chung quanh lễ đài chính và một màn ảnh cực lớn ngang hông lễ đài cho hàng ngàn người không còn chỗ chen chân cùng thông công trong thánh lễ. Thật sự người viết khi dự lễ đã có lúc chia trí không hiểu nổi động cơ nào thúc đẩy họ ngàn ngàn lớp lớp người từ chập chững biết đi cho đến cụ già trăm tuổi, từ các bà lệ khệ mang nặng bụng bầu cho đến những người quằn quại trên xe đẩy, bất kể nắng mưa nghiệt ngã từ ngàn dặm diệu vợi có đến nửa vòng trái đất về đây cắm lều vật vã cả một cuối tuần dài đằng đẵng! Chắc hẳn mỗi người phải có một ước vọng to lớn hoặc xin một ơn gì thầm kín nào đó thay đổi cuộc sống tâm linh hoặc thể xác cho riêng mình.

Trả lời cho câu hỏi trên; xin mượn lời kết bài giảng của Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên làm lời giải đáp và cũng là lời kết cho bài viết này. Cuối bài giảng, Đức Cha xin mọi người cùng đọc chung với ngài một lời kinh giản dị nhưng đã là bước đầu cho bao người được ân phúc! Ngài bắt đầu chẫm rãi: “Lạy Thánh Nữ Ðồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời . Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van, chạy đến sấp mình xuống duới chân Ðức Mẹ là Nữ Ðồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi . Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhậm lời con cùng. Amen” Lời kinh này xúc động người viết và đã được một ơn xin. Tin tưởng rằng Ðức Mẹ đã bầu chữa cứu giúp cho ngàn ngàn người được ơn như lòng mong ước.

Liên Minh Thánh Tâm ơi! Đức Mẹ đã nói "Ngài bảo gì, hãy làm theo" (Ga 2:5). Chúng ta vâng lời Mẹ mà làm theo ý Chúa sẽ được toại nguyện. Cá nhân được sửa đổi, Phong Trào được thăng tiến nên MỘT.

Đoàn viên LMTT Joachim Nguyễn Văn Trạch
 
Gia Đình Khuyết Tật Hạt Bảo Lộc, Đà Lạt Cùng Cử Hành Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Trần Văn Cảnh
08:42 15/08/2011
Gia Đình Khuyết Tật Hạt Bảo Lộc, Đà Lạt Cùng Cử Hành Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời Với Đức Cha Antôn

Xứ Tân Thanh, Giáo phận Đà Lạt : 9 giờ sáng ngày thứ hai, 15/08/2011, trên 500 thành viên Gia Đình Khuyết Tật Hạt Bảo Lộc đã quy tụ về đây, để cùng cử hành thánh lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời với nhau. Theo chị trách nhiệm, đây là lần thứ 11 Gia Đình Khuyết Tật Bảo Lộc đã cùng nhau cử hành thánh lễ Mẹ Lên Trời. Trong lời mở đằu, chị đã chào mừng và đặc biệt cám ơn Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo Phận, đã rõ rệt bày tỏ lòng thương với Gia Đình Khuyết Tật Bảo Lộc mà về đây dâng lễ hôm nay. Cùng đồng tế với Đức cha Antôn, có cha quản xứ Tân Thanh, và hai cha khách cùng đi với Đức cha.

Chia sẻ LỜI CHÚA, hướng về Gia Đình Khuyết Tật hạt Bảo Lộc và về Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức cha Antôn đã đặt hai câu hỏi và cho đáp án.

1. Ngày sau, khi sống lại, con có còn khuyết tật như bây giờ không ?

Không hẳn là dùng dụ ngôn, nhưng bắt chước Chúa Giêsu khi xưa, Đức cha Antôn không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng đã kể một câu truyện sống của ngài.

Các đây 10 năm, ngài nói, tôi gặp một sinh viên Đại Hàn, bị tai nạn và cụt một chân. Anh đến xin học giáo lý với tôi. Trong những trao đổi, anh có đặt với tôi một câu hỏi :

-Thưa cha, ngày sau, khi sống lại, con có còn bị cụt chân như bây giờ không ?

Tôi trả lời anh bằng cách kể lại cho anh nghe đoạn Phúc Âm Thánh Mát Thêu về « Kẻ chết sống lại » rằng : « Hôm đó, có những người thuộc nhóm Xađốc, đến gặp Ðức Giêsu, Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người : "Thưa Thầy, ông Môsê có nói: Nếu ai chết mà không có con, thì anh hay em của người ấy phải cưới lấy người vợ góa, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình. Mà, trong chúng tôi, nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ rồi chết, và vì không có con nối dòng, nên để vợ lại cho em. Người thứ hai, rồi người thứ ba, cho đến hết bảy người, người nào cũng vậy. Sau hết, người đàn bà ấy cũng chết. (28) Vậy, trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số bảy người, vì tất cả đều đã lấy bà"? Ðức Giêsu trả lời họ : "Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Ðám đông kinh ngạc khi nghe lời Người dạy ». (Mat, 22, 23-30).

Và tôi cắt nghĩa thêm :

-Câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ bảo rằng trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Chúa không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của anh. Nhưng để giúp anh hiểu hơn về câu trả lời của Chúa, tôi xin mời anh quan sát con sâu biến thành bướm. Sâu xấu xí, mà bướm thì đẹp đẽ, sặc sỡ. Sâu dẫu có què một vài chân, thì khi lột xác biến thành bướm, cũng không thiếu gì cả, đủ các chân, cánh,…

2. Phải làm sao để được cùng Mẹ về Trời ?

Đức Mẹ là một người phàm như chúng ta, nhưng khi chết đã được Chúa cho cả hồn lẫn xác lên trời đó là tín điều mà Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã long trọng tuyên bố cho thế giới vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 : “Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được lên trời vinh hiển cả xác hồn”. Chúng ta phải làm sao để được cùng Mẹ Maria về trời ? Câu trả lời thực đơn sơ : Chúng ta phải bắt chước Mẹ mà sống gương lành của ba chữ mà Mẹ đã sống : Xin vâng (Fiat), Ngợi khen (Magnificat) và Đứng vững (Stabat).

Xin vâng. Phúc Âm Thánh Lu Ca kể rằng « Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào nhưvậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế,người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thaiđược sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Luc, 1, 26-38)

Ngợi khen. Thánh Luca kể tiếp rằng : “Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũngđược chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngườiđã nói với em." Bấy giờ bà Maria nói : "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi ». (Luc, 1, 39-47).

Đứng vững. Mẹ Maria luôn theo sát Chúa. Và những giờ phút đau đớn nhất, Chúa đau đớn nhất và Mẹ đau đớn nhất, Mẹ vẫn đứng vững. Đứng vững bên thập giá Chúa. Thánh Gioan làm chứng rằng : “Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala » (Gioan, 19,25).

Mừng lễ Mẹ Maria hồn và xác lên trời hôm nay, tôi xin kính chúc quí ông bà và anh chị em theo được gương Mẹ Maria, để “Xin vâng theo tiếng Chúa”, “Ngợi khen Chúa” và “Đứng vững bên Chúa”, hầu sau này được cùng Mẹ về Trời.

Kết thúc Thánh Lễ ngày họp mặt, Gia Đình Khuyết Tật hạt Bảo Lộc đã dâng hoa tạ ơn Đức cha Antôn và chị Đại Diện đã cám ơn Ngài. Rồi Đức cha Antôn và cha sở xứ Tân Thanh đã phát quà cho từng thành viên Gia Đình Khuyết Tật Hạt Bảo Lộc đã về đây hôm nay dự lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Tân Thanh, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Ngày 15 tháng 08 năm 2011

Trần Văn Cảnh
 
Thánh Lễ Mừng Kính Đức Mẹ tại Tàpao
Hồng Hương
21:38 15/08/2011
Sáng thứ bảy ngày 13.8.2011, bầu trời Tàpao trong veo đẹp lạ lùng, những cơn gió nhẹ mang lại cảm giác dễ chịu cho các khách hành hương nô nức về Tàpao để cùng mừng vui với Mẹ Maria trong ngày Chúa đưa Mẹ về trời.

Xem hình ảnh

Những giây phút bên Thánh Thể Chúa tối 12 hôm trước vẫn còn đọng lại dư âm sốt mến trong lòng nhiều khách hành hương, để trong giờ khấn Đức Mẹ sáng nay được bày tỏ bằng những lời nguyện xin dâng lên nhờ Đức Mẹ chuyển cầu đến Chúa. Vẫn như những lần hành hương trước, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết cùng với vị tiền nhiệm là Đức Cha Nicôla và quý linh mục hiện diện cùng cầu nguyện với cộng đoàn.

Tất cả niềm vui tạ ơn, cùng với Mẹ Maria ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa được diễn tả đầy đủ trong đỉnh cao là Thánh Lễ trọng thể Mừng Kính Mẹ Maria Hồn Xác Về Trời do Đức Cha Giuse chủ sự. Giữa xanh tươi của cỏ hoa trên triền đồi hòa với màu xanh của cây rừng, thánh tượng Đức Mẹ Tàpao trên Linh đài nổi bật lên với màu trắng tinh khôi âu yếm nhìn xuống đoàn con từ khắp muôn phương về bên Mẹ.

Trước khi bước vào thánh lễ, Cha GB Trần Văn Thuyết, hạt trưởng Đức Tánh, thay mặt TTHH Thánh Mẫu Tàpao và cộng đoàn dâng lời chúc mừng Đức Cha Giuse nhân 10 năm ngài được tấn phong Giám mục, Đức Cha Phaolô mừng 10 năm Giám Mục và Đức Cha già khả kính Nicôla kỉ niệm 37 năm Giám Mục. Quý Đức Cha đã gắn bó và quan tâm cách đặc biệt về mọi phương diện để giờ đây Linh địa Tàpao có được một quang cảnh khang trang đón khách hành hương từ muôn nơi về đây kính viếng Mẹ. Cùng với Mẹ Tàpao, cộng đoàn hiệp dâng lời tạ ơn và cầu nguyện cho quý Đức Cha.

Trong lời mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giuse mời cộng đoàn hướng về thánh lễ Mừng kính Mẹ Maria Lên Trời hôm nay với ba ý nguyện: Hiệp thông niềm vui với Đại Hội Thánh Mẫu tại La Vang, hiệp thông cầu nguyện và chung chia niềm vui với quý bà, quý chị em tên thánh Maria mừng Bổn Mạng dịp này, và một nhóm khách hành hương đặc biệt là những anh em thiện nguyện mà cách đây 20 năm đã khởi đầu việc trùng tu lại thánh tượng Đức Mẹ Tàpao có mặt hôm nay. Với những tâm tình này, cộng đoàn sốt sắng dâng thánh lễ.

Bài giảng lễ, khởi đi từ thắc mắc về nụ cười thật tươi của thánh tượng Đức Mẹ Tàpao, Đức Cha Giuse dẫn cộng đoàn vào trang Tin Mừng Luca 1, 39-56 để cùng tìm ra câu hỏi. Ba lý do có thể giải mã về nụ cười của Mẹ: thứ nhất bởi vì Thiên Chúa đã trao gởi cho Mẹ những hồng ân trọng đại như lời Mẹ đã thốt lên “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao việc trọng đại”. Đó là hồng ân được làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và hồng ân Mẹ Cả Hồn Xác Về Trời mà cộng đoàn mừng kính hôm nay. Lý do thứ hai gắn liền với định tín “Mẹ hồn xác lên trời”. Mẹ Maria vì không nhiễm tội nguyên tổ nên Mẹ cũng không phải qua nhịp cầu của sự chết, sự tan rã xác thân, vì vậy lên trời cả hồn lẫn xác. Tất nhiên thân xác này đã được biến đổi bởi ơn Phục Sinh của Đức Kitô. Đức Maria vì gắn bó với ơn cứu độ của Chúa Kitô con Mẹ, nên Mẹ được hưởng trước ơn cứu độ ấy, cho dù sau này Đức Kitô mới thực hiện công cuộc ơn cứu rỗi của Ngài. Mẹ nói “thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”.

Về lý do thứ ba, Đức Cha Giuse dẫn giải “Đức Trinh Nữ Maria hân hoan vui mừng là bởi vì những gì Mẹ đã nhận được sẽ trở thành những gì Mẹ sẽ trao ban. Mà một khi đã trao ban thì có người lãnh nhận và đoàn con cái đã nhìn lên Mẹ là đối tượng hy vọng. Mẹ đã được lãnh nhận ơn Chúa tràn đầy để rồi được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác không phải là lúc Mẹ xa rời cuộc sống trần thế cho bằng cơ hội Mẹ gần gũi với con cái của Mẹ hơn bao giờ hết”.

Đức Cha nhắn nhủ “để nhận được những ơn lành từ Mẹ hồn xác lên trời thì chính mỗi người chúng ta cũng phải hòa vào dòng chảy niềm vui ấy bằng cách thực hiện những việc bác ái, bằng cách thực hiện những việc tốt lành, những việc đạo đức trong cuộc sống hôm nay”. Ngài tóm kết, là những người con của Mẹ, chúng ta cũng noi nơi Mẹ trong từng ngày sống bởi “Thiên đàng là món lời của tương lai khi chúng ta biết đầu tư vốn liếng bằng chính cuộc sống này”. Để “nếu Mẹ đã được về trời cả hồn lẫn xác thì mai ngày chúng ta cũng sẽ được chia sẻ với Mẹ niềm vui thiên đàng”.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui của lời cầu chúc tốt lành của Quý Đức Cha và đoàn đồng tế đến tất cả khách hành hương. Hòa với ca đoàn giáo xứ Chính Tâm, cộng đoàn dâng lên Mẹ lời ngợi khen cảm mến. Cách riêng quý bà quý chị em thì niềm vui được nhân lên gấp bội vì được mừng Bổn Mạng cách trọng thể. Trong ánh nắng chan hòa, khách hành hương hân hoan bước chân tiến lên Linh đài để kính viếng Mẹ.

Đến với Đức Mẹ tại Trung tâm Tàpao này, mỗi khách hành hương mang trong lòng một nỗi niềm riêng. Có người là tâm tình tạ ơn vì những hồng ân đã nhận được, có người đến bên Mẹ với trĩu nặng ưu tư, có người đến dâng lên Mẹ những đớn đau thân xác mong được chữa lành. v.v. Nhưng cũng có những khách hành hương đến chỉ để xin được nhìn ngắm và đáp lại lời hẹn ước với Mẹ. Tất cả đều hướng về Mẹ để qua Mẹ đến với Chúa bởi như lời Đức Cha Giuse thì “Mẹ là người đi đầu cho ta được tiếp bước. Mẹ là người đi trước cho ta được theo sau. Và Mẹ trong thời gian là người đi mau để mỗi người chúng ta được níu kéo dắt dìu”. Xin Đức Mẹ Tàpao cầu bầu cho mỗi người chúng con luôn biết noi gương Mẹ sống thánh ý Chúa trong cuộc đời mình để mai này cũng được hưởng phúc Thiên đàng như Mẹ.
 
GM Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu khánh thành Công trường Nữ Vương Hòa Bình Scarborough, Canada
Dominic David Trần
21:58 15/08/2011
Như những lời kinh tha thiết trên dòng sông tha hương của kiếpngười còn vang vọng mãi trong tim óc những người Công giáo ViệtNam ly hương. Trong xóm đạo, những năm tháng xa xưa,cứ mỗi tối các gia đình lạiluân phiên cung nghinh ĐứcMẹ đến đọc kinh Tối.Các gia đình quây quầnbên thánh tượng và tôn nhận Đức MẹMaria là Nữ Vương gia đình sau chuỗi lần hạtMân Côi.

Xem hình ảnh

" LạyNữ Vương gia đình, Mẹ ở đây vớichúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹcon cùng nhau chia xẻ. XaChúa và Mẹ chúng con biết trông cậy vào ai, đời chúng con gian nan khổ sở lắmnhưng có Mẹ ở bên, chúng con quên hết ưuphiền, vui sống qua kiếp lưu đày. Mong ngày sau sống sung sướngcùng Mẹ trên Nước Thiên Đàng. Amen."

Nhân năm Thánh Mẫuthế giới 1987, LM Phêrô Maria Phạm Hoàng Bá, Quản nhiệm Giáo XứCác Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto đã thành lập HộiTông Đồ Cầu Nguyện củaGiáo Xứ để bà con Công Giáo Việt Nam trong vùng Đại thủ phủToronto được liên kết tình nồng nơi đấtlạnh này. Thế hệ phụcvụ Hội Tông Đồ Cầu Nguyệnvà tôn Nữ Vương gia đình tại Toronto đến nay đều bướcqua tuổi "thất thập cổlai hi".

Nhữnglời kinh Mân Côi và Lạy Nữ Vươnggia đình vẫn không gìa đitheo năm tháng. Con cháu củathế hệ trên, thí dụ như ĐứcGiám Mục Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu,LM Giuse Phạm Hồng Chương cùng nhữngngười cùng thời cùng tuổi vẫn nhớvà vẫn sống trong lời Kinh ấy dù rằngkhông thể quây quần như thuởtại cố hương ViệtNam.

Ban ngày thì bậnkiếm sống và quay theo nhịp sống BắcMỹ, ban tối trước khi đọcKinh đi nghỉ phải chuẩn bịhộp cơm trưa cho ngày mai trướcđã.. . cái vòng quay đó cứlập đi lập lại. Nhưngchắc chắn trong một đêm nào đó, qua giấc mơ có nhiềungười Việt Nam lương giáo bấtluận nhất là dân Sàigòn - họ thấy mình đang dừngchân trước Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn gọitắt là Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn. Mặttrước Nhà Thờ Đức Bà có Công viên và tượng đài ĐứcMẹ Hòa Bình. Trên bệ đá phía trước bức tượngcó gắn một tấm bảngđồng khắc hàng chữ Latinh: REGINA PACIS - OPRAPRONOBIS (NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH - CẦU CHO CHÚNG CON). (hình chụp ban ngày)

Cho dù ghé thăm vào ban ngày vớitrời mây xanh xanh haytrong ánh đèn vàng ban tối,( hình chụp ban đêm) tượng Đức Mẹbằng cẩm thạch trắng,trong tư thế đứng thẳng,tay cầm qủa địa cầu,trên trái địa cầu có đính Thánh Giá, mắt Đức Mẹđăm chiêu nhìn lên trờinhư đang cầu nguyện cho ViệtNam và cho thế giới được sốngtrong hoà bình. Chân ĐứcMẹ đạp trên đầu con rắn.

Vâng, hình ảnhNhà Thờ Đức Bà Sàigòn và tượng đài Nữ Vương Hoà Bình là hành trang trong trí nhớcủa biết bao người Sàigòn, người miền Nam Việt Nam hiện đang lưu lạc khắp nămchâu.

Như vậy con người trên thế giới trầnthế này luôn luôn mong được sống trong hòa bình; đặc biệtngười Việt Nam vốn sinh ra và lớnlên trong chiến tranhđiêu tàn triền miên cònkhát khao hòa bình hơn bất cứ dân tộcnào khác.

Vì có NữVương Hòa Bình; nên Sàigònđẹp lắm Sàigòn ơi! Nhưngkhông phải lứa tuổi hay hoàn cảnh cá nhân nào cũng thuận tiện cho việc về Sàigònkính viếng Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình; và cũng không có cách nào để có được NhàThờ Đức Bà Sàigòn tại Toronto khi đã có Nhà Thờ Chính Tòa St. Michael của TổngGiáo phận Toronto.

Nếu khôngmang được Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn sang đây thì để vơi bớt nỗi niềm thương nhớ quêhương sao chúng ta không xây dựng Công trường Nữ Vương Hòa Bình tại Đại thủ phủToronto. Vâng, vì đời chúng con gian nan khổ sở lắmnhưng có Mẹ ở bên, chúng con quên hết ưuphiền, vui sống qua kiếp lưu đày. Mong ngày sau sống sung sướngcùng Mẹ trên Nước Thiên Đàng.

SCARBOROUGH -TORONTO: vào đúng 4:30PM ngày 14 tháng Tám năm 2011, chiều Chúa Nhật thứ 20 mùa thường niên tạiGiáo Xứ St. Rose of Lima, Liên cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong vùng Đại thủphủ Toronto đã hân hoan tụ họp đầy kín Nhà Thờ để kính mừng áp Lễ trọng Đức MẹHồn Xác Lên Trời và long trọng khánh thành Công trường Nữ Vương Hoà Bình.

ĐứcCha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu,Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo PhậnToronto, chủ tế Thánh Lễ. Cùng đồng tế vớiĐGM Vinh sơn Nguyễn là qúy Linh Mục Giuse Phạm Hồng Chương,Cha Sở St Rose of Limakiêm Quản Nhiệm Cộng đoàn Thánh Giuse- Scarborough; LM Phêrô MariaPhạm Hoàng Bá, Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang- Mississauga; LM Giuse Nguyễn Ngọc Duy, GX Our Lady of Peace- Etobicoke; LM Phaolô Nguyễn Văn Duy, St. Matthew’sChurch - Oakville; LM Giuse Lý Chí HùngCSJB, Chinese Martyrs Catholic Church-Markham; LM Antôn Trần Mạnh Tiến, GX All Saints Church, Coquitlam BC; LM Gioan Baotixita Nguyễn Đình Lượng, GP Ban Mê Thuột du học tạiOttawa; LM. Giuse TrầnVăn Bột, GP Bùi Chu; LM.Denis Phạm Bình Vượng du học Rôma. NữTu sĩ Têrêxa Ngô Hoài Bích SSPC, BềTrên, Jacqueline Xuân SSPC cùng các dựtu Dòng Missionary Sisters of St. PeterClaver cũng đến thôngcông. Các Đại chủng sinh Francis Nguyễn Quốc Cường,Giuse Nguyễn Quang Diệu; Giuse Phạm Văn Công cũng về phục vụ Thánh Lễ.

Đức GM Vinh sơnNguyễn đã long trọng cử hành áp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên trời sau lời chào mừng giớithịêu của Cha Sở Giuse Phạm Hồng Chương.

Sau các bài đọcvà Phúc Âm, vị Linh Mục, thay mặt cho Giáo sĩ đoàn đồng tế, đã thuyết giảng thậtchu đáo về mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời theo đúng trình tự của các Ngắmtrích trong chuỗi Kinh Mân Côi.

Năm Sự Vui Thứ1; khi Đức Trinh Nữ Maria thưa rằng Vâng, này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa tôiXin Vâng (Fiat) như lời Thánh Thiên thầntruyền. Hai tiếng xin vâng, khiêm nhường của Đức Bà đã là biến cố đặc biệttrong lịch sử cứu độ thế gian. Thứ 2: Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, ta hãyxin cho được Lòng Yêu Người. Khi gặp người chị họ, bài Thánh Ca Tin Mừng(Magnificat) Linh hồn tôi ngợi khen Chúa của Đức Bà Maria đã là một trong nhữngbản tuyên ngôn đặc biệt về Đức Ái, Đức Tin Công giáo. Khi Thiên Chúa quyết địnhchọn Đức Maria làm Mẹ của Đức Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã cho Đức Mẹ được thôngphần vào chương trình cứu độ thế gian của Chúa, và bà Isave đã thốt lên: Bà cóphúc hơn mọi người nữ và Đức Maria đã tuyên xưng rằng diễm phúc ấy chính làChúa đã nhủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tá- vì vậy đến muôn đời sẽ khen tôi đầyơn phúc. Diễm phúc ấy cao trọng hơn ân sủng Thiên Chúa đã ban cho bà Isave đượclàm mẹ ở tuổi gìa nhưng vẫn sanh ra thánh Gioan Tiền hô Tẩy giả. Thứ 3 thì ngắmĐức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá- ta hãy xin cho được lòng khó khăn. Hơn2000 năm qua kể từ khi vâng lệnh Đức Chúa Cha để giáng sinh xuống thế làm ngườiphàm nhân, ngay sau phút Hiển Linh được làm Mẹ Thiên Chúa, toàn gia đình ThánhGia thất đã phải lên đường vượt biên sang Ai Cập để trốn tránh sự truy sát củatiểu vương Hêrôđê. Thứ 4 thì ngắm Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh tahãy xin cho được lòng Vâng lời chịu lụy. Kính sợ và Vâng Lời Thiên Chúa là đầumối mọi sự Khôn ngoan. Như trong ngắm thứ 2 của Năm Sự Sáng, Chúa Giêsu hóa nướcthành rượu ngon tại tiệc cưới Cana, Đức Bà đã khuyên người giúp việc, "Ngườibảo gì các anh cứ làm theo." Tin tưởng Thiên Chúa chúng ta không bao giờthất vọng vì chúng ta sẽ thấy được quyền năng và vinh quang Chúa tỏ hiện. Thứ 5thì ngắm Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh ta hãy xin cho đượclòng Giữ nghĩa cùng Chúa luôn. Theo Chúa, tin vào Chúa và kiên giữ Đức Tin CậyMến đến cùng thì sẽ nhận được phần thưởng trên Nước Trời.

Trong ngắmNăm Sự Mừng thứ 4 thì ngắm Đức Bà Hồn Xác Lên Trời- ta hãy xin cho được Ơn chếtlành trong tay Đức Mẹ. Thứ 5 thì ngắm Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên NướcThiên Đàng - ta hãy xin Đức Mẹ cầu bầu cho ta được hưởng mọi sự trên Nước ThiênĐàng. Trong trình thuật Phúc Âm, khi Đức Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng NướcTrời thì có người thông báo rằng; " Thưa Thầy, có Mẹ và các anh em đang chờgặp Thầy." Chúa Giêsu đã tuyên phán; " Hễ bất cứ ai vâng phục và làmtheo thánh ý của Đức Chúa Cha - thì họ chính là Mẹ, là anh em của ta."

Khi vâng phụcthánh ý Thiên Chúa, cũng như Đức Mẹ đã xin vâng theo thiên ý của Chúa, chúng tađược chúc phúc như Đức Mẹ đã tuyên xưng. Chúng ta hân hoan ca tụng, Mẹ ơi đờicon vững bước theo Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng. Cuộc sống thế giannày chẳng qua chỉ là chốn khách đầy, chốn lưu đày - chỉ có Thiên Đàng là nơichúng ta theo thánh ý Chúa và gương mẫu của Đức Mẹ Maria xin vậng và hy vọng đượcsống vui vẻ cùng Mẹ đời đời chẳng cùng.

Cũng trongThánh Lễ, Đức GM Vinh Sơn Nguyễn đã trao Phép Lành của Toà Thánh cho các anh chịGiuse Hà Đăng Trung- Anna Hà Thị Diệp và Phêrô Đinh Văn Hết-Maria Diệp Thị Mỹ Hậunhân kỷ niệm ngân khánh thành hôn. Đức GM Vinh Sơn, Cha Sở Giuse Phạm Hồng Chưuơngcùng với các Linh Mục đồng tế, các Tu sĩ và toàn thể cộng đoàn đã chứng kiếnqúy anh chị Trung-Diệp và Mỹ Hậu-Hết lập lại lời thề hôn.

Trước khi kếtlễ đại diện Ban điều hành Cộng đoàn Công giáo Thánh Giuse đã bày tỏ lòng tri ânđến Đức GM Vinh sơn Nguyễn, Cha Sở Giuse Phạm Chương, qúy Linh Mục, Tu Sĩ vàtoàn thể bà con giáo dân và đồng bào đồng hương đã đến tham dự thánh lễ hômnay. Nhân ngày Lễ khánh thánh Công Trường Nữ Vương Hòa Bình tại Scarborough-Toronto, Cộng đoàn chân thành cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Đức GM Vinh SơnNguyễn, Cha Sở Giuse Phạm Hồng Chương và tất cả qúy ân nhân, đồng bào, giáo dânđã tận tình chung sức để giúp cho Công trường Nữ Vương Hòa Bình được hoàn thànhtheo đúng tinh thần nghệ thuật thánh và các quy định xây dựng kiến trúc an toàncủa Chính quyền Đô thị Toronto. Đặc biệt, Cộng Đoàn Thánh Giuse-Scarborough cảmơn vị ân nhân và gia đình đã kính dâng tượng Nữ Vương Hòa Bình, Công Ty AntiquaStone Inc. đã guíp đỡ các thủ tục pháp lý và xây dựng hoàn thành công trường;qúy anh chị Bá - Liên -Láo đã giúp đỡ tặng phần hàng rào quanh công trường.

Trong ít phútđại diện giáo sĩ tu sĩ đoàn đồng tế, Cha cố Phêrô Maria Phạn Hoàng Bá đã chia xẻ- tất cả chỉ là Hồng Ân Thiên Chúa- chúng ta tiếp tục sống trong tâm tình biết ơnvà tạ ơn Thiên Chúa, xin Đức Hiền Mẫu Maria cầu bầu cho mọi người. Đức Giám MụcVinh Sơn Nguyễn đã ban phép lành trọng thể kết lễ. Mọi người được mời gọi thamdự Lễ khánh thành Công Trường Nữ Vương Hòa Bình ngay sau Thánh Lễ.

Vào đúng17:50PM cùng ngày, Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu- Giám Mục Phụ Tá TGPToronto, LM Giuse Phạm Hồng Chương Cha Sở GX Rose of Lima kiêm Quản nhiệm Cộngđoàn Công giáo Việt Nam Thánh Giuse-Scarborough cùng tất cả Linh mục đoàn đồngtế, các Nam nữ Tu sĩ và toàn thể giáo dân đồng bào đại diện trên vùng Đại thủphủ Toronto đã hân hoan tiến về Công trường Nữ Vương Hoà Bình nằm nay bên hôngphải Nhà Thờ. Đức Giám Mục Vinh sơn Nguyễn đã long trọng cử hành cắt băng khánhthành, nghi thức thánh hiến, làm phép Tượng Đài Đức Mẹ. Cả Cộng đoàn cùng hânhoan hát bài Kính mừng Nữ Vương, Nữ Vương Hoà Bình. Sau đó các cháu thiếu nhiđã tiến hoa, rắc hoa, phụng vũ dưới chân tượng đài Đức Mẹ.

Tượng đài ĐứcMẹ tại Công trường Nữ Vương Hoà Bình Scarborough là một bản sao của Công trườngRegina Pacis tại mặt trước Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn nhưng với quy mô nhỏ hơn bằngđá cẩm thạch trắng Việt Nam. Đài bằng hoa cương cùng màu nhưng do AntiquaStones Inc tại Canada thực hiện. Danh hiệu Đức Mẹ khắc trên đế này bằng tiếngAnh Our Queen of Peace. ĐGM Vinh sơn Nguyễn và Cha Sở Giuse Phạm đã thả nhữngchùm bong bóng mang theo nhiếu hoa giấy bay rắc trên toàn Công trường. Trong tiếngvỗ tay reo hò của cả Cộng Đoàn đã kết thúc Lễ khánh thành Công trường Nữ VươngHòa Bình và Kính Mừng Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời thể hiện niềm nhớ quê hương bằngtượng đài và Công trường Nữ Vương Hòa Bình.

Có một nhàvăn Pháp đã viết một tác phẩm mang tựa đề hình như là; " Un petit soleildans l'eau froid." tạm dịch nghĩa đen là " Một chút mặt trời trong nướclạnh." Ở miền Đất Lạnh Tình Nồng Canada" này, là tựa đề một tác phẩmcủa nhà văn Trà Lũ, là trong những giáo dân đầu tiên tham gia thành lập Cộng đoàn

Công Giáo ViệtNam Toronto từ năm 1976 đến nay- hy vọng rằng chính nhà văn Trà Lũ và mọi ngườisẽ tìm được những giây phút hạnh phúc, sẽ xoa dịu được nỗi nhớ quê hương- NhàThờ Đức Bà Sàigòn mỗi khi đến viếng thăm cầu nguyện tại Công trường Nữ VươngHoà Bình.

Cũng trongThánh Lễ, Đức GM Vinh Sơn Nguyễn đã trao Phép Lành của Toà Thánh cho các anh chịGiuse Hà Đăng Trung- Anna Hà Thị Diệp và Phêrô Đinh Văn Hết-Maria Diệp Thị Mỹ Hậunhân kỷ niệm ngân khánh thành hôn. Đức GM Vinh Sơn, Cha Sở Giuse Phạm Hồng Chưuơngcùng với các Linh Mục đồng tế, các Tu sĩ và toàn thể cộng đoàn đã chứng kiếnqúy anh chị Trung-Diệp và Mỹ Hậu-Hết lập lại lời thệ hôn.

Trước khi kếtlễ đại diện Ban điều hành Cộng đoàn Công giáo Thánh Giuse đã bày tỏ lòng tri ânđến Đức GM Vinh sơn Nguyễn, Cha Sở Giuse Phạm Chương, qúy Linh Mục, Tu Sĩ vàtoàn thể bà con giáo dân và đồng bào đồng hương đã đến tham dự thánh lễ hômnay. Nhân ngày Lễ khánh thánh Công Trường Nữ Vương Hòa Bình tại Scarborough-Toronto, Cộng đoàn chân thành cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Đức GM Vinh SơnNguyễn, Cha Sở Giuse Phạm Hồng Chương và tất cả qúy ân nhân, đồng bào, giáo dânđã tận tình chung sức để giúp cho Công trường Nữ Vương Hòa Bình được hoàn thànhtheo đúng tinh thần nghệ thuật thánh và các quy định xây dựng kiến trúc an toàncủa Chính quyền Đô thị Toronto. Đặc biệt, Cộng Đoàn Thánh Giuse-Scarborough cảmơn vị ân nhân và gia đình đã kính dâng tượng Nữ Vương Hòa Bình, Công Ty AntiquaStone Inc. đã guíp đỡ các thủ tục pháp lý và xây dựng hoàn thành công trường;qúy anh chị Bá - Liên -Láo đã giúp đỡ tặng phần hàng rào quanh công trường.

Trong ít phútđại diện giáo sĩ tu sĩ đoàn đồng tế, Cha cố Phêrô Maria Phạn Hoàng Bá đã chia xẻ- tất cả chỉ là Hồng Ân Thiên Chúa- chúng ta tiếp tục sống trong tâm tình biết ơnvà tạ ơn Thiên Chúa, xin Đức Hiền Mẫu Maria cầu bầu cho mọi người. Đức Giám MụcVinh Sơn Nguyễn đã ban phép lành trọng thể kết lễ. Mọi người được mời gọi thamdự Lễ khánh thành Công Trường Nữ Vương Hòa Bình ngay sau Thánh Lễ.

Vào đúng17:50PM cùng ngày, Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu- Giám Mục Phụ Tá TGPToronto, LM Giuse Phạm Hồng Chương Cha Sở GX Rose of Lima kiêm Quản nhiệm Cộngđoàn Công giáo Việt Nam Thánh Giuse-Scarborough cùng tất cả Linh mục đoàn đồngtế, các Nam nữ Tu sĩ và toàn thể giáo dân đồng bào đại diện trên vùng Đại thủphủ Toronto đã hân hoan tiến về Công trường Nữ Vương Hoà Bình nằm nay bên hôngphải Nhà Thờ. Đức Giám Mục Vinh sơn Nguyễn đã long trọng cử hành cắt băng khánhthành, nghi thức thánh hiến, làm phép Tượng Đài Đức Mẹ. Cả Cộng đoàn cùng hânhoan hát bài Kính mừng Nữ Vương, Nữ Vương Hoà Bình. Sau đó các cháu thiếu nhiđã tiến hoa, rắc hoa, phụng vũ dưới chân tượng đài Đức Mẹ.

Tượng đài ĐứcMẹ tại Công trường Nữ Vương Hoà Bình Scarborough là một bản sao của Công trườngRegina Pacis tại mặt trước Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn nhưng với quy mô nhỏ hơn bằngđá cẩm thạch trắng Việt Nam. Đài bằng hoa cương cùng màu nhưng do AntiquaStones Inc tại Canada thực hiện. Danh hiệu Đức Mẹ khắc trên đế này bằng tiếngAnh Our Queen of Peace. ĐGM Vinh sơn Nguyễn và Cha Sở Giuse Phạm đã thả nhữngchùm bong bóng mang theo nhiếu hoa giấy bay rắc trên toàn Công trường. Trong tiếngvỗ tay reo hò của cả Cộng Đoàn đã kết thúc Lễ khánh thành Công trường Nữ VươngHòa Bình và Kính Mừng Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời thể hiện niềm nhớ quê hương bằngtượng đải và Công trường Nữ Vương Hòa Bình thực tiễn.

Có một nhàvăn Pháp đã viết một tác phẩm mang tựa đề hình như là; " Un petit soleildans l'eau froid." tạm dịch nghĩa đen là " Một chút mặt trời trong nướclạnh." Ở miền Đất Lạnh Tình Nồng Canada" này, là tựa đề một tác phẩmcủa nhà văn Trà Lũ, là trong những giáo dân đầu tiên tham gia thành lập Cộngđoàn Công Giáo Việt Nam Toronto từ năm 1976 đến nay- Hy vọng rằng chính nhà vănTrà Lũ và mọi người sẽ tìm được những giây phút hạnh phúc, sẽ xoa dịu được nỗinhớ quê hương- Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn mỗi khi đến viếng thăm cầu nguyện tại Côngtrường Nữ Vương Hoà Bình.

Sau khi chụphình kỷ niệm với một số bà con giáo dân, Đức Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếucùng qúy Giáo sĩ Tu sĩ và quan khách đã đến dự buổi Tiệc Mừng gây qũy xây dựng-bảotrì Công trường Nữ Vương Hòa Bình tại Nhà hàng Ocean Castle Seafood Restaurant.Linh Mục Giuse Trần Tập, Quản Hạt, Cha Sở St. Cecilia's Church kiêm Quản XứCác Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto, Nữ Tu sĩ Rose Trần Thị Hải, Dòng Thánh GioanTẩy giả tại Hamilton cùng đến chung vui.

Đức Giám MụcVinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu đã dâng lời tạ ơn Chúa và làm phép của ăn, chúc buổitiệc thành công tốt đẹp.

Các ca nghệsĩ trong cộng đoàn đã góp phần trình diễn giúp vui thật hào hứng. Tất cả phầnbán vé, quyên tặng, và đấu giá đã hoàn thành mỹ mãn- giúp cho Ban Tổ chức CôngTrường Nữ Vương Hoà Bình và Tiệc mừng hôm nay thanh thỏa mọi chi phí cần thiết.

Tất cả chỉ làHồng Ân Thiên Chúa. Ngày Chúa nhật 14/08/2011 theo dự báo sẽ là cơn mưa có sấmchớp ngay vào buổi Lễ và nghi thức thánh hiến tượng đài. Qủa thực các thánh phốchung quanh Toronto đã hưởng những trận mưa như trút nước ngoại trừ thành phốScarborough. Khi mọi người vế đến nhà hàng thì trời đổ mưa trên Scarbough và tạnhhẳn trước khi tiệc tàn vào lúc 10:30PM.

Ngày Chúa nhật14/08/2011 trọng thể kính mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời trong niềm nhớ quê hương, Lễ khánh thành Công trường Nữ Vương Hòa bình và Tiệc Mừng thanh thỏa qũy xâydựng tại Nhà hàng đã thành công tốt đẹp. Đã có nhìèu lời tri ân cảm tạ đến cácĐấng bậc Giáo phận, qúy Giáo sĩ Tu sĩ, và toàn thể Cộng Đoàn - thế nhưng cần phảicông bằng thành tâm để nói rằng tình đoàn kết cộng tác trong tình thương, tất cảvì Chúa và vì hòa bình chúng ta mới làm nên việc. Sau cùng, cần phải ghi nhậnnhững nỗ lực, những cố gắng, những thiện chí của Linh Mục Giuse Phạm Hồng Chươngvà qúy thiện nguyện viên Ban Tổ chức tại chính Cộng đoàn Công giáo Việt NamThánh Giuse- Scarborough.

Nguyện xinTình Thương và Hòa Bình của Thiên Chúa cùng lời cầu bầu của Nữ Vương Hòa Bìnhluôn ở trên người Việt Nam chúng con. Ước mong chúng con vui hát lên niềm hy vọngvào Nước Thiên đàng, quê hương vĩnh cửu mà chúng con hằng mong đợi;

"Trêncon đường về quê mà có bóng Mẹ, con tiến lên bình an, vững thêm lòng tin.

Trên con đườngvề quê mà có bóng Mẹ, con vững thêm lòng tin, tiến lên bình an."
 
Hành hương Đức mẹ La Vang Huế 2011 - Đại hội giới trẻ Huế
Minh Phương
22:05 15/08/2011
HUẾ - Hòa nhịp với tinh thần Quốc tế Giới trẻ tại Tây Ban Nha, Giáo Phận Huế đã tổ chức Đại Hội Giới Trẻ nhân dịp Hành Hương Đức Mẹ La Vang năm 2011, mừng kính trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác lên trời.

Xem hình ảnh

Năm nay là năm Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 29, nhưng đã được kết hợp tổ chức vào dịp Bế mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam vào ngày 6 tháng giêng. Nên dịp này chỉ có hành hương và Kiệu Đức Mẹ La Vang thường niên. Nhưng lượng người đi hành hương vẫn rất đông. Mặc dù theo chương trình đã được thông báo thì 6giờ30 tối mới bắt đầu Rước Kiệu, nhưng ngay từ sáng ngày 14, hàng chục ngàn khách hành hương với đủ mọi phương tiện ô tô lớn nhỏ và xe máy đã tấp nập hướng về Thánh Địa La Vang. Khuôn viên Trung Tâm đã được mở rộng và trồng cây tạo bóng mát, những hàng lều trại được giăng đầy dưới những hàng cây dim mát. Giữa quãng trường Mân Côi là 20 trại lớn theo mẫu của Singapore mà cha quản nhiệm đã đặt làm. Phía trước Linh Đài Đức Mẹ, do các tín hữu dâng cúng tăng phần khang trang nơi Thánh Địa.

Đúng 10 giờ sáng, Đại Hội giới trẻ Giáo phận Huế khai mạc do Đức Giám Mục phụ tá F.X. Lê Văn Hồng chủ sự. Đây là lần đầu tiên, giáo phận Huế tổ chức đại hội giới trẻ với sự tham dự đông đảo lên tới 2 ngàn thành viên. Tất cả đều được dựng trại theo từng giáo xứ và Giáo Hạt tại Quãng Trường Lễ Đài, nơi dự kiến sẽ xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang. Với chủ đề: “ NHỜ MẸ, BÉN RỄ VÀ XÂY DỰNG TRÊN NỀN TẢNG CHÚA KITÔ.” Đại hội đã được nghe cha AnTôn Nguyễn Văn Tuyến thuyết trình đề tài: “ BÉN RỄ SÂU VÀ XÂY DỰNG TRÊN NỀN TẢNG CHÚA KITÔ.” Theo Sứ điệp của Đức Thánh Cha gởi cho Giới trẻ thế giới năm 2011. Sau đó, từng Giáo hạt đã tổ chức thảo luận và chia sẽ đề tài dưới sự hướng dẫn của các cha đặc trách giới trẻ từng giáo hạt. Giới trẻ cũng là lực lượng nòng cốt kế thừa tương lai của giáo phận, nhất là việc giữ gìn an ninh trật tự cũng như các công tác trong các dịp lễ lớn của giáo phận. Với 2 ngàn thành viên, giới trẻ đã tham gia giữ trật tự Lễ Nghi trong các buổi rước kiệu và thánh lễ.

Cuộc Rước Kiệu Đức Mẹ La Vang một cách trọng thể với số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay do Đức Giám Mục phụ tá Tổng Giáo phận Huế chủ sự. Đúng 18 giờ30, ngài thay mặt toàn thể cộng đoàn hành hương dâng hương lên Mẹ. Sau đó là các vũ khúc tôn vinh Mẹ do các Thanh Tuyển sinh Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng biễu diễn. Mở đầu bằng vũ khúc: “ Tung hô Mẹ Maria…”. Các em thiếu nhi thiên thần thuộc giáo xứ Đơn Dương giáo phận Đà Lạt múa dâng hoa. Cùng hòa nhịp với buổi rước kiệu là nhịp trống tiếng kèn của đội kèn nữ xứ Thượng Phúc giáo phận Thái Bình và đội kèn giáo xứ chính tòa Phủ Cam giáo phận Huế. Dưới bầu trời đầy sao và ánh trăng rằm, lung linh ánh nến rực rở màn đêm. Đoàn kiệu từ Lễ Đài tiến về nhà Hành Hương ra quãng trường Mân Côi, lên Linh Đài Đức Mẹ. Tại Linh Đài, vũ khúc Ngợi ca, tôn vinh tạ ơn Mẹ do các thanh tuyển kết thúc buổi rước kiệu.

Thánh lễ vọng mừng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời do Đức Giám Mục phụ tá chủ tế. Trong bài chia sẽ, Đức cha chủ tế đã nhấn mạnh đến việc suy thoái đạo đức của một số giới trẻ trên thế giới, các phương tiện truyền thông như truyền hình, internet thiếu lành mạnh đã lôi cuốn thanh thiếu niên đến việc xuống cấp trầm trọng về đạo đức. Do đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã thức tỉnh và mời gọi các bạn trẻ với Sứ Điệp: “ Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Giêsu Kitô, vững mạnh trong Đức Tin.” Ngài mời gọi giới trẻ hãy cậy nhờ vào Chúa bằng cách cầu nguyện với Người và sống bác ái yêu thương mọi người. Mẫu gương gắn kết đời mình với Chúa là mẫu gương sống động của Đức Maria, Mẹ luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng tất cả những gì Chúa đã nói với Mẹ.

Thật vậy, như trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha gởi cho giới trẻ, Ngài đã dẫn lời tiên tri Giêrêmia: “ Phúc thay kẻ phó thác vào Chúa, có Chúa là niềm tin. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, tỏa rễ vào dòng nước, chẳng sợ gì khi nóng bức, lá vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.”

Thánh lễ vọng mừng kính Đức Mẹ lên trời hồn xác diễn ra trong cảnh yên bình, dưới ánh trăng rằm chiếu tỏa.

Sau thánh lễ, Đức cha chủ tế cùng với Đức Tổng Giám Mục giáo phận Huế cùng ban phép lành cho cộng đoàn hành hương.

Kết thúc thánh lễ, các tòa giải tội được đặt dọc theo con đường lên Linh Đài, ai ai cũng mong chờ được nhận bí tích hòa giải và ăn năn đền tội trước Linh Đài Đức Mẹ La Vang. Suốt đêm, xung quanh Linh Đài hầu như không có một nào kín người cầu nguyện với Mẹ. Và dòng người vẫn tiếp tục tuôn đổ về Thánh địa càng lúc càng đông hơn.

Sáng ngày 15, chỉ mới 4 giờ sáng, quãng trường Mân Côi và hai bên Linh Đài Đức Mẹ đã không còn chổ chen chân, lực lượng bảo vệ trật tự phải vất vả làm việc để ổn định cho thánh lễ lúc 6 giờ sáng. Theo ước tính của chúng tôi, lượng người hành hương lúc này đã lên đến trên 200 ngàn người. Với một khuôn viên rộng lớn của Trung Tâm Hành Hương La Vang, mà hầu như chổ nào cũng người người chen chúc. Mặc dù đây là dịp hành hương thường niên.

Vào lúc 5giờ30, buổi lần hạt Mân Côi với bài suy niệm Năm sự Vui một cách sốt sắng. Như lời Đức Thánh Cha đã ví: “ Tràng chuổi Mân Côi là tóm lược của Tin Mừng.”

Đúng 6 giờ, đoàn đồng tế được rước về Linh Đài, thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Mẹ lên trời hồn xác do Đức Tổng Giám Mục chủ tế, cùng đồng tế có Đức Giám Mục giáo phận Đà Nẵng, Đức Giám Mục phụ tá giáo phận Huế và đông đảo linh mục trong và ngoài nước.

Sau thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục đã nói đến việc chuẩn bị xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, đồ án thiết kế đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phê duyệt và đã trình lên chính quyền để xin phép xây dựng. Việc khởi công chỉ trong nay mai, ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện để mọi sự tiến triển tốt đẹp.

Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, quản nhiệm La Vang nói lời cảm ơn Đức Tổng, quý Đức cha, linh mục, tu sĩ nam nữ và cộng đoàn hành hương đã sốt sắng về bên Mẹ nhân dịp lễ Đức Mẹ lên trời hồn xác. Ngài cũng cảm ơn các đoàn thể đã tích cực làm việc trong những ngày qua để tạo nên sự thành công của những ngày đại lễ. Cuối cùng, ngài cảm ơn chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng, xã Hải Phú đã tích cực tạo mọi điều kiện để khách hành hương thuận lợi trong việc về hành hương. Nhất là ngài cảm ơn việc chính quyền đã tích cực mở rộng con đường 2km từ quốc lộ 1 vào Trung Tâm, mặc dù chưa hoàn thành nhưng cũng tương đối rộng rải tiện cho việc đi lại. Ngài cũng mong mỏi chính quyền quan tâm tiếp tục mở rộng con đường 4km trước cổng Trung Tâm, để dịp Đại Hội Hành Hương lần thứ 30 vào năm 2014 được tốt đẹp.

Những ngày hành hương kết thúc, con cái Mẹ vẫn còn quyến luyến chưa vội rời xa Mẹ dù đã trãi qua những ngày vất vả.
 
Trên đường đi dự Đại hội Giới Trẻ thế giới - Tường trình từ Italia
Giuse Nguyễn Joe Vĩnh
22:10 15/08/2011
Sau những ngày tháng mong đợi để đến ngày đi hành hương. Chúng tôi bắt đầu lên đường du lịch hành hương và rồi có dịp tham dự, hiệp thông với Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (Youth World Days) tại Thủ Đô Madrid - Tây Ban Nha năm 2011.

Phái Đoàn Hành Hương Niềm Úc Châu của chúng tôi gồm 112 người, đến từ các thành phúc Adelaide, Brisbane, Melbourne, Perth, Sydney, trong đoàn có: 2 linh mục (hướng dẫn và đặc trách nam giới); 3 Nữ Tu (hướng dẫn và đặc trách nữ giới), 02 giáo dân phụ tá, 1 nam và 1 nữ. Tổng cộng phái đòan có: 34 nam, 72 nữ và 1 em bé gái hơn 10 tuổi. (Khi đặt chân đến New York, đất Mỹ, phái đoàn chúng tôi lại có thêm một thành viên từ Úc bay thẳng qua New York và một số bạn bè thân nhân định cư ở Hoa Kỳ, từ Nam Cali bay lên nhập cuộc).

Phái Đòan xuất hành và đáp các chuyến bay từ các Phi Trường Quốc Tế của các Tiểu Bang Úc Châu qua nhiều ngả đường bay khác nhau, tất cả đều gặp nhau tại Zurich - Thụy Sĩ để cùng bao chung một chuyến bay Swiss Air Line đến Đất Thánh.

Phái Đoàn đã hành hương qua các quốc gia theo lộ trình: Từ Úc qua Singapore, Thái Lan, (hoặc theo hướng Hồng Kông), Thụy Sĩ, Israel, Jordan, Ai Cập, Rôma, Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Áo Quốc, Mỹ, và Canada. Có những nhóm đã lên đường trước cả tuần đi du ngoạn sang Singapore và Thái Lan, rồi sau đó với nhập chung phái đoàn

Chúng tôi, ai nấy đều ao ước được đặt chân đến Đất Thánh, miền đất mà chính Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên, đi rao giảng Tin Mừng rồi Tử Nạn và Phục Sinh. Một Đức Giêsu lịch sử, đã làm người, sống tại Đất Nước Do Thái.

Niềm vui của chúng tôi là khi được đến tận nơi mà Đức Mẹ qùi gối đáp lời "Xin Vâng". Qùi cầu nguyện trước tảng đá mà Chúa Giêsu đã qùi cầu nguyện nơi Vườn Cây Dầu trước cuộc khổ nạn. Hôn kính tảng đá nơi đặt Xác Chúa Giêsu khi hạ xuống từ trên Thập Giá, rồi kính viếng Mồ Chúa... và bao nhiêu địa danh khác gắn liền với cuộc đời Đáng Cứu Thế thật đáng tôn kính, thờ lạy, rất linh thiêng, và hấp dẫn biết bao đã làm rung động bao con tim mời gọi chúng tôi lên đường.

Thỉnh thỏang có những ngày trên TV nói tới thời sự về cuộc chiến tranh Israel và Palestines. Lịch sử cuộc chiến đã có từ hơn 5 ngàn năm qua. Nhất là mới đây lại thêm Cuộc Chiến Cách Mạng Hoa Lài tại Ai-Cập, vùng phía Bắc Phi Châu. Nhưng những địa điểm mà chúng tôi đã đi qua đều được coi là an toàn và không có gì xảy ra cả.

Và cũng có lẽ rất nhiều người đã mơ ước, một lần trong đời mình được đi hành hương hay thăm viếng Thành Phố được mệnh danh là Thành Phố Vĩnh Cửu (Eternal City Rôma)

Đa số chúng ta ai cũng biết, Rôma là cái nôi của Giáo Hội Công Giáo và nền văn hóa, văn minh Kitô. Rôma là Thủ Đô của Quốc Gia Ý Đại Lợi, nhưng đồng thời cũng là Thủ Đô của nghệ thuật, kiến trúc Rôma, một thành phố thật phong phú với những di tích lịch sử oai hùng, một thời vang bóng của Đế Quốc La Mã.

Đặc biệt Rôma còn có Vatican, một Quốc Gia nhỏ bé nhất thế giới với diện tích 1087 acres, thuộc quyền Đức Giáo Hoàng, đấng kế vị Thánh Phêrô làm chủ chăn của hơn 1 tỷ người Công Giáo khắp nơi trên thế giới. Quốc Gia Vatican được thiết lập Năm 1929 theo Hiệp Ước Laterano ký giữa Đức Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939) và Vua Nước Ý, Victor Emmanuel III. Dân số chưa tới 1.000 người, gồm luôn cả Vệ Binh Giáo Hoàng, nhưng có đầy đủ tư cách và tổ chức của một quốc gia, được công nhận và có ảnh hưởng sâu rộng trên mọi lãnh vực sinh họat quốc tế.

Hàng năm, không những nhiều dân tộc của nhiều quốc gia trên thế giới mà ngay cả Người Việt Nam chúng ta ở khắp nơi thường hay tổ chức đi "Hành Hương" Đất Thánh và đến Giáo Đô La Mã (Rôma).

Năm nay, Chuyến Hành Hương Niềm Tin 2011 Úc Châu chúng tôi đã đi qua 14 quốc gia - Vòng quanh thế giới với gần 50 đêm ngày, bắt đầu từ 31 Tháng 7 đến hết trung tuần Tháng 9 Năm 2011 mới trở về đoàn tụ với gia đình nơi quê hương Úc Châu.

Đòan hành hương của chúng tôi cũng đã có khỏang chục người đã từng tham dự các chuyến hành hương trước đây. Còn lại đa số là những người đi lần đầu. Tất cả chúng tôi đã trở thành bạn hữu thân quen, và hiểu biết tính tình của nhau, không còn xa lạ sau chuyến hành hương nữa. Chúng tôi lại có thêm bạn bè cũ và mới từ nhiều tiểu bang trong Úc Châu để nới rộng vòng tay thân ái, sau mỗi lần có dịp du ngoạn hành hương chung với nhau. Giờ đây có lẽ khắp các tiểu bang trong Úc Châu, tôi đã có nhiều bạn bè thương mến, mà không sợ bị đói hay lạc lõng mỗi lần có dịp đi đó đây.

Khác với các chuyến đi du lịch thường xuyên mà cá nhân tôi đã một vài lần tham dự. Chúng tôi đi hành hương lần này có nhiều điểm như mở rộng một chân trời hiểu biết về những cảnh trí mới lạ, không khác một chuyến đi nghỉ hè, nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày tháng bận rộn với công việc làm.

Nhưng ngoài những điểm nêu trên, đối với người Công Giáo, theo thiển nghĩ của tôi, chúng ta đi hành hương chính là thời gian tách rời khỏi những bận tâm của cuộc sống hằng ngày để tâm tư lắng đọng, bình an, phản tỉnh qua cảm nghiệm về đức tin và ý nghĩa của đời sống.

Các cuộc hành hương luôm luôn có thời gian dành ra để tìm lại, quay về, và tiếp cận với cội nguồn của đức tin, với Đấng Quyền Năng tạo dựng con người và vạn vật vũ trụ. Do đó, trong chuyến hành hương này, chúng tôi cảm nhận và mỗi ngày đều được tham dự các Thánh Lễ cử hành ở các Đền Thờ, Đền Thánh, Nhà Thờ, hoặc Vương Cung Thánh Đường nổi tiếng. Đặc biệt trong lần hành hương này, phái đoàn chúng tôi đã được nhân viên của tòa thánh hướng dẫn đến cử hành thánh lễ trên bàn thờ ngay trên phần mộ của thánh Phêrô vị tông đồ cả kế vị Chúa Giêsu và thăm viếng các phần mộ của trên 250 vị Giáo Hoàng tiền nhiệm và kính viếng bàn thờ và phần mộ nơi đang quàn giữ thi hài của Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngoài việc kính viếng những nơi đã ghi các dấu tích lịch sử của Chúa Kitô và các Thánh Tông Đồ, hoặc lịch sử truyền giáo của Giáo Hội ở Rôma và nhiều nơi xa; chúng tôi còn có dịp thưởng ngọan những cảnh vật nơi xứ lạ quê người và đặc biệt còn được du ngọan trên chuyến hải hành của các con tàu trên các sông Nile xứ Ai Cập, Kim Tự Tháp trung tâm lưu giữ các phát minh khoa học và toán học thế giới.

Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên và cũng là dịp hiếm có, một không hai của phái đoàn chuyến tôi dùng đường bộ bằng xe Bus băng qua các Sa Mạc nóng như thiêu đốt trên vùng Bắc Phi thăm viếng núi Sinai, nơi Thiên Chúa trao 10 điều răn cho ông Môi Sen, rôi tiếp tục hành trình xuyên qua đường hầm, chui xuống dưới nước, đáy sông của con kênh đào Suez lớn, nổi tiếng thế giới chia cắt giữa 2 vùng Á Châu và Phi Châu, con kênh quan trọng về phương tiện vận chuyển đường thủy nối liền giữa 2 đại đương. Chúng tôi được đi thăm quan nhiều eo biển tuyệt đẹp trong lần hành hương này,

Trên Đất Ý, chúng tôi đã lần lượt viếng thăm Thành Phố Assissi, Tu Viện và Phần Mộ của Thánh Phanxicô Khó Khăn, Nhà Thờ và Mộ Phần của Thánh Nữ Clara. Rồi đến Thành Phố Laciano, nơi đã xẩy ra biến cố Phép Lạ Thánh Thể hồi Thế Kỷ Thứ 8.

Hành hương ở Rôma, ngòai việc thăm viếng những Thánh Đường nổi tiếng, như: Đền Thờ và Quảng Trường Thánh Phêrô, Đền Thánh Phaolô ở ngọai thành, Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Gioan Laterano, Cầu Thang Thánh, Đền Thờ Đức Bà Cả, chúng tôi còn được chui xuống quan sát, đi bộ xuyên các đường hầm của Hang Tọai Đạo, thời bị bách hại và đến xem Đấu Trường cổ Colôsêo...
 
Tường trình Đại Hội Giới trẻ Thế giới: từ Madrid
Tiền Hô
22:30 15/08/2011
MADRID - Hôm nay 15/8, ngày mai là Đại hội giới trẻ Thế giới sẽ chính thức khai mạc. Trong những ngày qua, chúng tôi tìm đến khu vực IFEMA tọa lạc ở Campo de las Naciones, là một trong những nơi mà các thiện nguyện viên phải đến trình diện và nhận nhiệm vụ và khách hành hương đến nhận ba lô hành trang.

Campo de las Naciones là một quận cửa ngõ đi vào thành phố Madrid. Từ phi trường quốc tế Barajas, bắt chuyến tàu điện ngầm (metro) số 8 (hướng về Nuevos Ministerios) để đến đây chỉ mất vài phút. Nói về hệ thống tàu điện ngầm của Madrid, nhà chức trách khẳng định rằng đó là một trong những thứ thuộc vào hiện đại nhất trên thế giới. Quả vậy, không gian rộng lớn, xe điện tân kỳ và các bảng chỉ dẫn rất rõ ràng, bạn không phải lo lắng đi nhầm đường.

Dừng tại trạm Campo de las Naciones, bạn có thể thấy dãy tường sơn quốc kỳ của rất nhiều quốc gia và gương mặt của nhiều sắc tộc, đó như là một cách mà Madrid chào đón khách đến từ khắp năm châu. Vừa bước ra khỏi trạm tàu điện, bạn sẽ dễ dàng thấy IFEMA (Feria de Madrid). Đây là một khu vực rộng lớn thường ngày dùng để tổ chức hội chợ triển lãm. Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được thì ban tổ chức đã phải chi một số tiền không nhỏ để thuê làm chỗ lưu trú cho thiện nguyện viên của đại hội.

Việc thiện nguyện tại đại hội có rất nhiều tiểu ban khác nhau: tiếp tân, hậu cần, giúp đỡ người khuyết tật, truyền thông, dẫn đường cho khách hành hương ... Với tổng số khoảng 30.000 thiện nguyên viên, đến từ hơn 30 quốc gia khác nhau, độ tuổi trung bình là từ 18-25 tuổi, họ là một trong những nhân tố quyết định cho sự thành công của đại hội. Nếu bạn là một khách hành hương cần sự trợ giúp nào đó, không khó để tìm một thiện nguyện viên vì họ mặc đồng phục áo màu xanh lá hoặc đeo ruy-băng xanh lá trên cổ tay với dòng chữ "Voluntario" rất nổi bật.

Trong những ngày này, IFEMA có thể gọi là một Liên Hợp Quốc thu nhỏ, bởi lẽ nhiều bạn trẻ thuộc nhiều sắc dân tề tựu cùng nhau, là khách hành hương thì mang tinh thần giao lưu quốc tế, củng cố đức tin; còn thiện nguyện viên thì mang tinh thần dấn thân, phục vụ cho đại hội, cho Giáo Hội. Và hôm nay cũng là ngày cao điểm khách hành hương đổ về Madrid. Chúng tôi đã thấy một phái đoàn từ Hoa Kỳ, Đông Timor, Nigeria, Nhật, Ý Phi Luật Tân... và mong đợi gặp phái đoàn người Việt Nam.

Thông tin quan trọng khách hành hương cần nhớ

Khách hành hương đến phi trường quốc tế Barajas hãy tìm đến các thiện nguyện viên của đại hội (áo màu xanh lá, chữ VOLUNTARIO) để họ giúp đỡ. Nếu có ghi danh tham dự Đại hội một cách chính thức (có đóng tiền), khi đến địa điểm tập trung thì trình giấy chứng nhận việc đăng ký và passport cho các thiện nguyện viên để nhận ba lô hành hương với các vật phẩm cần thiết. Trong đó, hai loại quan trọng và cần giữ cẩn thận đó là tập vé mua thứ ăn (nếu có yêu cầu trong đơn ghi danh) và thẻ đi tàu điện ngầm. Với loại vé/thẻ này, khách hành hương có thể mua thức ăn tại rất nhiều nhà hàng ở Madrid (có hợp tác) và đi tàu điện ngầm suốt 3 ngày hoặc 7 ngày miễn phí. Cẩn thận giữ đừng để thất lạc hoặc trộm mất, vì bạn chỉ được cấp một lần mà thôi. Nếu không, bạn sẽ phải mua vé mua thức ăn bên ngoài với giá khá đắt, khoảng trên 6 euro một khẩu phần.

Địa điểm sinh hoạt giáo lý cho người Việt:
The Parish Cristo de la Paz,
Avda. Porto Alegre, 8 - 28019 Madrid.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phải Chăng Danh Xưng “Ðức Mẹ Ðồng Công Cứu Chuộc” Sẽ Trở Thành Tín Ðiều? (5)
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
14:30 15/08/2011
Phải Chăng Danh Xưng “Ðức Mẹ Ðồng Công Cứu Chuộc” Sẽ Trở Thành Tín Ðiều? (5)

Tuần san Newsweek số ra ngày 25/8/1997 đã đăng bài của Kenneth L. Wooward - viết cùng với Andrew Murr, Christopher Dickey, Eric Larson, Sarah Van Boven, và Hersch Doby - dưới tựa đề “Hail, Mary” (Kính mừng Maria). Trong bài này Woodward và nhóm cùng viết với ông đã trình bày tương đối khách quan về một phong trào đặc biệt - có tên là “Vox Populi Mariae Mediatri, tạm dịch là: Tiếng dân yểm trợ Đức Maria Đấng Trung Gian” - đã gửi thỉnh nguyện thư lên Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, xin ngài dùng quyền Bất Khả Ngộ (Infallibility) để công bố một tín điều (dogma) mới về Ðức Mẹ Maria, nhân dịp giáo hội đi vào thiên kỷ thứ ba, và mừng Ðại Năm Thánh, năm 2000. Tín điều này sẽ xác định ba điều: Ðức Mẹ Ðồng Cứu Chuộc nhân loại với Chúa Kitô (Co-Redemptrix, chữ này đã được nhiều người dịch qua tiếng Việt là “Ðồng Công Cứu Chuộc.” Xin trở lại vấn đề đó sau), Ðức Mẹ là Ðấng Trung Gian của mọi ân sủng (Mediatrix of all Graces), và Ðức Mẹ là Ðấng Bào Chữa cho Dân Chúa (Advocate for the People of God).

Woodward, qua tài liệu do ông Mark Miravalle - giáo sư môn thần học của trường đại học Franciscan ở Steubenville, Ohio - cung cấp, cho biết rằng trong bốn năm trước đó đã có những thỉnh nguyện thư mang trên bốn triệu chữ ký của giáo dân Công giáo, gửi từ 157 quốc gia lên Ðức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II. Trong số những thỉnh nguyện viên này đã có gần 500 Ðức Giám Mục, 42 Ðức Hồng Y kể cả các ÐHY John O’Connor (RIP) của New York và Joseph Glemp của nước Ba Lan, cộng thêm sáu vị khác, lúc đó đang phục vụ trong điện Vatican. Ngoài ra còn có thêm chữ ký của Mẹ Têrêsa ở Calcutta (RIP) và nữ tu Angelica, sáng lập viên đài truyền hình Công Giáo EWTN ở Birmingham, tiểu bang Alabama, Mỹ.

Tuy nhiên, cơ quan ngôn luận chính thức của điện Vatican, tờ L’Osservatore Romano, loan tin trong tháng 6/97 rằng ÐTC đã cho thành lập một ủy ban gồm 23 nhà thần học về Ðức Maria (Mariologists), để nghiên cứu, thảo luận và đề nghị câu trả lời cho thỉnh nguyện nói trên. Nhiều người đã nghĩ rằng ủy ban gồm toàn những “chuyên viên” về Thánh Mẫu học này sẽ nhanh chóng chấp thuận thỉnh nguyện. Nhưng thật là một ngạc nhiên khi tất cả 23 vị đã cùng đề nghị ÐTC không nên công bố tín điều mới này, họ viện lẽ rằng những điều được thỉnh nguyện đã đi ngược lại với giáo huấn của Công Ðồng Vatican II; hơn nữa, một tín điều về Ðức Maria như vậy sẽ phá đổ tất cả mọi thành quả đạt được trong nỗ lực hòa giải với các giáo hội Tin Lành suốt ba thập niên trước đó.

Thực sự, vấn đề không thể coi là đơn giản vì chính Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một trong những ÐGH sùng kính Ðức Mẹ nhất trong lịch sử giáo hội. Ngài đã xác tín rằng Ðức Mẹ Fatima đã cứu ngài thoát chết trong cuộc ám sát vào ngày kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima, 13 tháng 5, năm 1981. Trong các Tông Thư hay Thư Mục Vụ, ngài luôn luôn chúc tụng Ðức Mẹ và thường dùng những từ như Ðấng Trung Gian, Ðấng Bào Chữa hay ngay cả Ðấng Ðồng Cứu Chuộc để tôn vinh Ðức Mẹ. Tháng 5/1997, trong cuộc triều yết chung ở quảng trường thánh Phêrô, ÐTC đã đi ra ngoài Kinh Thánh để tuyên xưng rằng chính Ðức Mẹ là người đầu tiên đã nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại. Ngài thêm rằng tuyên xưng điều này rất “phù hợp” (fitting) với vai trò của Ðức Mẹ.

Hơn nữa, Woodward và nhóm của ông đã viết thêm về những hiện tượng hiện ra và ảnh hưởng sâu rộng của Ðức Mẹ trong lịch sử giáo hội. Ðể tôn vinh Ðức Mẹ, người ta đã xây những đại vương cung thánh đường lừng danh trên thế giới như Nôtre Dame ở Paris, Hagia Sophia ở Constantinople, và Santa Maria Maggiore ở Roma. Qua Ðức Mẹ, những đại thi sĩ như Villon và Dante, đến Hopkins, Eliot, và Auden (ngay cả nhà thơ Hàn Mặc Tử của Việt Nam) đã tìm ra nguồn cảm hứng cho thi tác của họ. Trong lãnh vực âm nhạc, không tuyệt tác nào về Ðức Mẹ hay hơn khúc “Ave Maria” của Schubert. Các tuyệt phẩm về họa đa số đều vẽ cảnh Truyền Tin và cảnh Ðức Mẹ bồng Ðức Chúa Con.

Thế kỷ XX phải được gọi là thế kỷ của Ðức Mẹ. Hầu như khắp các lục địa người ta đã bá cáo trên 400 cuộc “hiện ra” của Ðức Mẹ (tài liệu của Miravalle), nhiều hơn là tổng số lần hiện ra của ba thế kỷ trước cộng lại. Những thông điệp này được phong trào nói trên, mà Miravalle là một trong những người chủ trương, diễn giải rằng đã nói lên thiên kỷ sắp tới là thời đại của Ðức Mẹ (Age of Mary) mà tín điều do ÐTC công bố sẽ xác định sự “hiền mẫu trung gian” (maternal mediation) của Ðức Mẹ giữa Thiên Chúa và loài người. Phong trào đã thêm Medjugorje (cựu Nam Tư) là địa điểm hành hương cùng với Fatima và Lourdes (Lộ Ðức), mặc dù các sự hiện ra ở Medjugorje đã chưa được giáo hội chính thức công nhận. Tuy nhiên, số người được nhận “thông điệp” mỗi ngày một nhiều hơn và hầu như đã trở thành “lạm phát” khiến nhiều người trở nên hoang mang.

Ở lãnh vực khác, những kẻ thích làm chính trị trong giáo hội cũng đang cố “kéo” Ðức Mẹ về phía của mình. Nhóm phụ nữ đòi quyền bình đẳng (feminists), 20 năm trước đã gạt Ðức Mẹ ra ngoài và gọi Mẹ là “Ðức Mẹ Ðồng Trinh Ðàn Áp” (Oppressive Virgin Mother) do hàng giáo phẩm tạo nên, thì nay đã trở giọng tuyên xưng Ðức Mẹ là một “phụ nữ tự do” (free woman) đã chọn sự “xin vâng” với Chúa trong cuộc truyền tin, trong khi bà Eve chọn sự bất tuân lệnh của Chúa trong vườn địa đàng. Nhờ sự “xin vâng” này của Ðức Mẹ (một phụ nữ) mà đã có lịch sử ơn cứu rỗi. Cả những nhà “thần học giải phóng” thuở đó cũng “tìm thấy” một Ðức Maria khiêm nhường và là một biểu tượng của Chúa đang “đứng về phía những người nghèo.”

Nhóm viết bài cùng với ông Woodward đã đi xa hơn và diễn giải rằng bí mật về sức mạnh (hay ảnh hưởng) nhiệm mầu của Ðức Mẹ có lẽ vì Ðức Mẹ không có một lịch sử riêng cho mình. Ðức Mẹ đã “lôi cuốn” (entices) từng thế hệ mới, hình dung về Mẹ. Các thánh sử cũng chỉ viết sơ sài về Ðức Mẹ. Mác-cô cho rằng Ðức Mẹ đã không hiểu hay không đồng ý về những việc Chúa đang làm; Mát-thêu ghi nhận cuộc giáng sinh; Luca trình bày Ðức Mẹ như một tì nữ trung tín của Chúa và là phát ngôn nhân của những kẻ lạc loài (outcast). Trong Phúc Âm của thánh Luca, Ðức Mẹ đã được tuyên xưng là “đầy ơn phúc” và “mọi thế hệ sẽ gọi Mẹ là có phúc.” Trong Phúc Âm của thánh Gioan, chỉ một lời yêu cầu của Ðức Mẹ mà Chúa đã biến nước thành rượu, phép lạ đầu tiên. Cũng thánh Gioan đã ghi lại việc Ðức Mẹ đã đứng dưới chân thánh gía, chứng tỏ Mẹ cũng là một tông đồ của Chúa.

Từ những ghi nhận đơn sơ này, vai trò của Ðức Mẹ đã từ từ trở nên quan trọng hơn. Mẹ đã thu nhập và biến đổi những nữ thần ngoại giáo mạnh mẽ nhất. Mẹ là Ðức Mẹ đã ban sự sống, nhưng cũng là “Pietà” đã nhận sự chết. Một khi thuyết khổ hạnh (asceticism) đã trở thành ‘đường nên thánh’ trong Kitô giáo, Ðức Mẹ đã trở nên “trọn đời đồng trinh”, gương mẫu của đức thanh sạch và sự tự từ bỏ. Năm 431, ở Công Ðồng Ê-phê-sô (Ephesus) Ðức Mẹ đã được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Từ đó, các nhà thần học đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm những ý nghĩa mầu nhiệm về Ðức Mẹ trong Kinh Thánh.

Thời Trung cổ, sự ảnh hưởng của Ðức Mẹ càng mạnh mẽ hơn. Trong khi các nhà thần học đang cố công diễn giải thứ tự và sự bình đẳng trừu tượng của Thiên Chúa Ba Ngôi thì vai trò của Ðức Mẹ đã ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt trong giới người nghèo. Mẹ đã trở thành hình ảnh nhân lành của Mẹ Thiên Chúa. Từ đó đã có niềm tin rằng Ðức Mẹ nhân lành đã không vương mắc tội tổ tông. Niềm tin đó đã trở thành tín điều ở thế kỷ thứ 19, khi ÐGH Piô IX đã công bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, năm 1854. Ðã có sự chống đối mạnh mẽ trong các hệ phái Tin Lành. Cùng lúc, thuyết Thế Tục (Secularism) cũng đã gây ảnh hưởng nhiều hơn. Trước những nguy nan đó, giáo hội Công Giáo Âu Châu đã chạy đến với Ðức Mẹ. Ðối với con người kinh tế của Karl Marx, siêu nhân của Nietzsche, và tà thần (Faust) của Goethe, giáo hội đã trình bày một phản chứng mang nữ tính: một người mẹ lo âu và phán quyết, đã cảnh báo nhân loại về thảm họa chiến tranh nếu nhân loại không ăn năn và cải đổi. Các cuộc “hiện ra” đã gia tăng, đặc biệt với những trẻ con miền đồng quê như ở Lourdes và Fatima. Hàng trăm dòng tu nam, nữ đã được thành lập và tất cả đã, bằng cách này hay cách khác, được dâng hiến cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm.

Khoảng giữa thế kỷ XX, những đền thánh cho Ðức Mẹ “da đen” như ở Guadalupe,

Mexico; Montserrat ở Spain; và Czestochowa ở quê hương Ba Lan của ÐTC Gioan Phaolô II đã nói lên các căn tính quốc gia và tôn giáo. Ðến khi tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được công bố vào Năm Thánh 1950 thì Ðức Mẹ đã trở thành cột sống của nền văn hóa Công Giáo. Ở Công Ðồng Vatican II trong thập niên 60’s, một công bố đặc biệt về Ðức Mẹ đã được đề nghị và những từ như Ðồng Cứu Chuộc, Ðấng Trung Gian đã được nhắc tới. Nhưng đa số nghị phụ, đặc biệt những vị nghiêng về Kinh Thánh, đã không đồng ý, các ngài lo ngại những điều đó sẽ đưa đến việc “tôn thờ” Ðức Maria (Mariolatry).

Woodward và nhóm của ông viết tiếp rằng cũng như trong qúa khứ, khuôn mặt của Ðức Maria hiện tại là phản ảnh của thời đại. Trong khi thế giới tiến gần tới thiên kỷ mới, Ðức Maria xuất hiện (hay được trình bày) như một nhân vật tiên tri, tiên đoán về thế tận. Mỉa mai thay, những người Công Giáo lên tiếng mạnh mẽ nhất về một tín điều mới đã có những tư tưởng không khác gì những người Tin Lành qúa khích (fundamentalists) đã giảng về ngày tận thế. “Nếu chúng ta từ chối (tín điều về Ðức Mẹ), tôi nghĩ rằng thử thách, bắt đạo, và thảm họa sẽ theo sau.” Nữ tu Angelica đã nói như vậy trên chương trình truyền hình trực tiếp “Mother Angelica Live” của bà. Bà tin rằng: “Nếu ÐTC công bố tín điều này, thì thế giới sẽ thoát khỏi đại họa và đem lại lòng thương của Chúa nhiều hơn cho trái đất.”

Giáo hội Công Giáo từ hàng thế kỷ đã từ chối những tiên đoán về thế tận, đặc biệt là những tiên đoán đến từ các mạc khải tư, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những nguời làm công việc này. Ông bà Ted và Maureen Flynn, được coi như những “chuyên viên” về các sự hiện ra, đã góp nhặt tất cả những thông điệp của Ðức Mẹ (được giáo hội công nhận cũng như không được công nhận) từ cả một thế kỷ nay để tạo thành một khung cảnh thiên kỷ. Họ tiên đoán về những cảnh báo siêu nhiên, phép lạ vĩ đại nhất thế giới, theo sau là ba ngày tối tăm mà họ gọi là “cuộc sửa phạt vĩ đại” (the great chastisement).

Những người chống lại việc xin công bố tín điều mới về Ðức Mẹ như nhà Thánh Mẫu học Pháp, René Laurentin, đã cho việc thỉnh nguyện trên là phi Kinh Thánh và là một điều sỉ nhục (affront) cho cái chết cứu rỗi đặc biệt của Chúa Kitô. Ðiều này đã khiến nhóm của Woodward đi đến kết luận rằng hiện đang có sự tranh chấp lớn trong giáo hội để được lòng ÐTC. Nhưng ÐTC có sự khôn ngoan riêng của ngài. Dù sao, nhóm thỉnh nguyện vẫn còn là thiểu số, bốn triệu người trên tổng số một tỷ - một ngàn triệu - giáo dân (theo thống kê lúc đó, 1997) chưa hẳn đã là con số lớn. Ngoài ra, còn khoảng 2,700 ÐGM và ít nhất 90 ÐHY đã chưa lên tiếng về việc này.

Kể từ khi giáo hội công bố về quyền bất khả ngộ của ÐGH năm 1874, chỉ một lần duy nhất quyền này đã được xử dụng để công bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, do ÐGH Piô XII vào dịp Năm Thánh 1950. Năm 2000 đã là Ðại Năm Thánh (Jubilee: Ðại Năm Thánh được cử hành cứ mỗi 100 năm; và Năm Thánh – Holy Year – cho mỗi 25 năm) thời điểm thuận tiện nhất cho việc công bố tín điều mới. Nhưng ÐTC Gioan Phaolô II có lần đã công nhận rằng quyền bất khả ngộ của giáo hoàng đã là một trở ngại lớn cho việc hòa đồng giữa các giáo hội Kitô. Mặt khác, ngài cũng nhìn thấy thế giới đã sa vào một nền “văn hóa của sự chết” rất đúng lúc để trình bày quan niệm về Ðức Nữ Trinh thiên kỷ (Millennial Madonna). Một cách chắc chắn, ÐHY O’Connor của New York đã viết rằng ÐTC sẽ tìm ra ngôn ngữ cho tín điều mới về Ðức Mẹ mà không làm cho các anh em Tin Lành phiền lòng. Nhưng có vị khác, như LM John Roten chủ tịch Viện Nghiên Cứu Thánh Mẫu Học ở đại học Dayton, đồng thời cũng là một trong 23 vị đã đề nghị ÐTC không nên công bố tín điều này, đã nói rằng: “Tại sao phải làm phí phạm quyền bất khả ngộ cho điều không lấy gì làm quan trọng?” Và vị LM này “đề nghị” ÐTC chỉ lập một ngày lễ mới, hay tạo một tước vị mới cho Ðức Mẹ thay vì “đi đến chỗ thái qúa và công bố một tín điều.”

Nhóm Woodward kết luận rằng “Nếu Hồn Xác Lên Trời đã là một tín điều, Ðức Maria đã có những gì mà các Kitô hữu chỉ hi vọng được hưởng, như sự tái hợp với Con của Mẹ (Chúa Kitô) trong vinh quang của Ðức Chúa Cha bởi năng quyền của Ðức Chúa Thánh Thần. Còn gì hơn nữa cho bất cứ bà mẹ nào?”

THÁI ÐỘ CỦA CHÚNG TA

Bài viết trên, được đăng trên tờ báo “đời” như tuần san Newsweek, đã được coi là tương đối khách quan vì nó đã không viết một chiều, hay công kích giáo hội Công Giáo cách cực đoan như nhiều tờ báo khác. Hiển nhiên những người viết này đã có, hay được cố vấn bởi những người có kiến thức thần học, nhưng chắc chắn vẫn còn những thiếu sót hay lệch lạc, do sự vô tình hoặc cố ý, tùy theo mục đích riêng của nhóm người viết, hay của tờ báo. Người đọc cần nhận chân ý nghĩa của từng phần trong bài báo này.

ÐỒNG CỨU CHUỘC

Trước hết, thế nào là Ðồng Cứu Chuộc theo định nghĩa của giáo hội? Ðức Trinh Nữ Maria hợp tác (co-operates) với Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại. Ðiều này kết hợp bởi các yếu tố: Ðức Mẹ đã trở nên Mẹ của Ðấng Cứu Thế, và nhất là qua tình thương và việc cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu trên đồi Canvê (Calvary.)

Ðó là lời giải thích của các nhà thần học đương thời, nhưng từ thời các Thánh Phụ (những thế hệ lãnh đạo sau các thánh Tông Ðồ), các ngài đã thấy không cần phải tách rời Sự Cứu Chuộc khỏi Cuộc Nhập Thể,vì trong nhập thể đã bao gồm cả sự cứu chuộc rồi. Mãi đến những thế hệ thánh phụ và thần học gia sau này (khoảng thời thánh Irenaeus, thế kỷ thứ II) vấn đề mới lại được đặt ra, cộng thêm những tương quan với Ðức Maria, và còn tiếp tục cho đến nay.

Thánh Ireneaeus trình bày tư tưởng Ðức Maria là nguyên nhân của sự cứu chuộc cho chính Mẹ và cho cả nhân loại. Thánh Ambrose đã nhìn thấy tương quan giữa Nhập Thể và Cứu Chuộc. Chính ngài và có lẽ cả thánh Jerome nữa đã không muốn nghiên cứu sâu hơn về việc Hồn Xác Lên Trời. Thánh Augustinô đã không tiếp tục lý thuyết Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Nhưng sự can thiệp của Ðức Mẹ đối với giáo hội trần thế ngày càng sáng tỏ và được công nhận. Ðiều này đã đưa đến việc phải nghiên cứu sự tham gia của Mẹ vào công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu, đặc biệt trong khung cảnh của đồi Canvê. Một môn đệ của thánh Bernard, Arnold thành Bonneval, đã nghiên cứu về hiệu qủa của sự cứu rỗi và sự tham dự của Ðức Mẹ.

Tư tưởng về một sự hợp tác (partnership, consortium) giữa chúa Giêsu và Ðức Mẹ đã được nói đến từ thế kỷ XIII. Ông Richard thành St. Laurent và có lẽ cả thánh Bonaventure đã dùng chữ Coadjutrix để gọi Ðức Mẹ là Ðấng Trợ Giúp (Helper).

Từ thế kỷ XVII và đặc biệt là từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến đến Công Ðồng Vatican II, người ta đã thường nhắc đến chữ Ðồng Cứu Chuộc (Coredemptrix). Ðây cũng là chủ đề của đại hội Thánh Mẫu ở Pháp năm 1947, và đại hội Thánh Mẫu Quốc Tế ở Roma năm 1950. Nhưng ÐGH Piô XII đã không chấp thuận chữ Coredemptrix, thay vào đó, ngài đã dùng chữ Phụ Tá của Ðấng Cứu Thế (Associate of the Redeemer).

Ở Công Ðồng Vatican II, các Nghị Phụ đã nhắc đến chữ hợp tác (consortium), 36 Nghị Phụ đã xin Công Ðồng công bố Ðức Mẹ Ðồng Cứu Chuộc thành tín điều, nhưng Công Ðồng đã chỉ dùng chữ “Nữ tì của Chúa” (the Handmaid of the Lord) để nói đến Ðức Mẹ. Ðồng thời các danh xưng khác đã được Công Ðồng chấp thuận như Ðấng Bào Chữa (hay Trạng Sư, Bầu Cử, Cầu Bầu - Advocate); Ðấng Trợ Giúp (Helper, Adjutrix); Ðấng Hộ Trì (Auxiliatrix); và Ðấng Trung Gian (Mediatrix). Những danh xưng trên đã được Công Ðồng xác định cách rõ ràng trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gentium), khoản 62.

Những giáo huấn của các ÐGH thời cận đại đã quan tâm về “phong trào” này:

“Ðức Chúa Cha ban truyền rằng Chúa Giêsu là nhân vật chính trong sự cứu rỗi, với Ðức Maria như người Phụ Tá.” (Tông Huấn Ad caeli reginam, 11/10/1954, của ÐGH Piô XII). Cùng với Chúa Giêsu, Ðức Mẹ đạp dập đầu con rắn (sách Sáng Thế 3:15) tại cuộc Nhập Thể, Ngôi Lời nhận Xác Thể qua Ðức Maria, và nhất là ở Cuộc Thương Khó (Passion), khi Chúa Giêsu chịu chết cho loài người, Ðức Maria đã cùng chịu đau khổ với Ngài bởi một sự “hợp nhất của lòng muốn và sự đau khổ.” (Tông Huấn Ad diem illum, 3/2/1904, của thánh Giáo Hoàng Piô X). Chỉ một mình Ðức Kitô, Chúa và Người, là Ðấng Cứu Thế trong một ý nghĩa đầy đủ, hoàn hảo và tuyệt đối của danh từ. Nhưng Ðức Chúa Cha đã chuẩn bị Ðức Maria cho ơn sủng và chức năng Ðồng Cứu Chuộc qua sự Vô Nhiễm Nguyên Tội và thiên chức Mẹ Thánh của Mẹ.

Sự Ðồng Cứu Chuộc độc đáo của Ðức Mẹ thấp hơn sự Cứu Chuộc của Chúa Kitô trong phẩm cách và quan phòng, chỉ phù hợp với Mẹ mà thôi. Sự Ðồng Cứu Chuộc của Ðức Mẹ tùy thuộc vào sự Cứu Chuộc của Chúa Kitô nhưng cả hai hội nhập tức khắc qua năng quyền làm mẹ của Mẹ. “Có thể nói một cách chính đáng rằng Ðức Mẹ đã cùng cứu chuộc (redeemed together) nhân loại với Chúa Kitô.” (Tông Thư Inter sodalicia của ÐGH Benedict XV, năm 1918).

Công Ðồng Vatican II đã xác định không nên lập thành tín điều “những vấn nạn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn qua việc nghiên cứu của các nhà thần học.” (Lumen Gentium, 54). Trên thực tế, chính các nhà Thánh Mẫu học đã không đồng ý với nhau ở nhiều điểm như: (1) Công lênh cứu rỗi (soteriological merit) của Ðức Mẹ không chỉ căn cứ trên sự “phù hợp” (fittingness), nhưng căn cứ vào công lý đơn giản (de condigno ex mera condignitate.) Khác với công trạng của Chúa Kitô, chỉ một mình đã xứng đáng trong một công lý chắc chắn (de condigno ex rigore justitiae). (2) Bản chất sự chia sẻ khổ giá với Chúa Kitô của Ðức Mẹ chỉ trong một nghĩa rộng. (3) Tương quan trong hành động cứu rỗi của Chúa và Ðức Mẹ.

Nhóm của ông Woodward đã chưa chính xác khi viết rằng: “Ðức Maria tham dự (participates) vào sự cứu chuộc do con Mẹ hoàn tất.” (Trg. 49). Từ chính xác nhất có lẽ phải mang ý nghĩa cao hơn là ÐẤNG HỢP TÁC (Cooperator), và thấp hơn việc xếp Ðức Mẹ ngang hàng với Chúa Kitô (như Chúa Kitô đã đồng bản tính và cùng năng quyền với Ðức Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn là Ngôi Con.) Hiện tại, nhiều thần học gia Công giáo cũng như ngoài Công giáo cho rằng chữ Coredemptrix đã nâng Ðức Mẹ lên ngang hàng với Chúa Kitô.

ÐẤNG TRUNG GIAN

Danh hiệu Ðấng Trung Gian (ÐTG, Mediatrix) đã được giáo hội Ðông Phương dùng để kính Ðức Mẹ từ khoảng thế kỷ thứ VII. Mãi đến thế kỷ thứ XII, thánh Bernard của giáo hội La Tinh (Tây Phương) mới làm cho chữ này thành thông dụng. Danh hiệu ÐTG đã không phải là một chức vị với quyền hành đặc biệt dành cho Ðức Maria. Cũng như chữ Ðồng Cứu Chuộc, danh hiệu này có thể mang nhiều ý nghĩa tùy mỗi tham chiếu khác nhau. Có ba “thời điểm” (moments) trong cuộc đời của Ðức Mẹ, đã cho thấy tác động trung gian của Mẹ: Cuộc Nhập Thể (Incarnation), Sự Ðóng Ðinh (Crucifixion), và thời Hiện Tại (the Present) với vinh quang Nước Trời mà Ðức Mẹ đang được hưởng, trong khi giáo hội trần thế còn phải chờ đợi.

Tại cuộc Nhập Thể của chúa Kitô, Ðức Mẹ là Ðấng Trung Gian vì Con Thiên Chúa đã trở nên con người qua Mẹ. Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian giữa Ðức Chúa Cha với loài người, còn Ðức Mẹ là vị Trung Gian giữa Chúa Kitô và loài người (thánh Bonaventure). Thánh Tôma Aquinô (Thomas Aquinas) cũng đồng ý rằng Ðức Mẹ đã nhân danh cả nhân loại để lên tiếng “xin vâng” ở cuộc Truyền Tin. Kế đến, Ðức Mẹ là ÐTG đã thể hiện trong sự kết hợp, nhưng vẫn độc lập với sự thương khó của Chúa Kitô trong hiến tế trên đồi Canvê. Cuối cùng, Ðức Mẹ là ÐTG ngay ở thời điểm hiện tại.

Sự trung gian (STG) của Ðức Mẹ rất khác với STG của Chúa Kitô. STG của Chúa Kitô là căn nguyên, tự toàn, và tuyệt đối cần thiết để được cứu rỗi. STG của Ðức Mẹ cũng khác với STG của các thụ tạo như các thiên thần, các thánh, các linh mục. STG của những vị này chỉ thể hiện trong những trường hợp đặc biệt cho những ơn đặc biệt. STG của Ðức Mẹ là phổ quát (universal), chỉ tùy thuộc vào Chúa Kitô và chắc chắn được ơn.

Niềm tin rằng mọi ơn sủng Chúa ban đều qua Ðức Mẹ đã được nhiều người chấp nhận mặc dù chưa có sự thỏa thuận chung về việc phương cách hành động của Ðức Mẹ trong việc này. Thánh Mẫu học xác định rằng sự can thiệp trung gian của Ðức Mẹ ảnh hưởng trên tất cả nhân loại, có tính cách phổ quát, và với tất cả các loại ân sủng: ơn thánh hóa, thêm nhân đức, các ơn của Chúa Thánh Thần, các ơn hiện sủng; vì Mẹ đã cùng cứu chuộc với Chúa Kitô. Nhưng Ðức Mẹ không tạo nên (produce) ơn thánh hóa cho nhân loại qua các Bí Tích. Tuy nhiên, con người không bắt buộc phải cầu nguyện cùng Chúa qua Ðức Mẹ. Ơn Chúa ban luôn luôn qua Ðức Mẹ dù con người có xin qua Mẹ, hoặc Mẹ có lên tiếng bầu cử hay không.

Về điểm này, trong hai thế kỷ qua, các ÐGH đã dạy rằng: Ðức Mẹ là “một giòng suối thiêng, qua đó, mọi ơn sủng và đặc ân tuôn chảy đến tận tâm hồn của những kẻ tội lỗi nhất.” (Gloriosae Dominae ÐGH Benedict XIV, 1748). “Chúa ban mọi ơn qua Ðức Maria.” (Octobri mense, ÐGH Lêô XIII, 1891). “Trong Thánh Ý Chúa, người ta nhận mọi ơn qua Ðức Mẹ.” (Các ÐGH: Thánh Piô X, Benedict XV và Piô XII). Danh xưng Ðấng Trung Gian (Mediatrix) đã được các nghị phụ trong Công Ðồng Vatican II chấp thuận (LM, 62).

ÐẤNG BÀO CHỮA

Từ thời Trung Cổ, danh xưng Ðấng Bào Chữa (Advocate, Advocata) đã được dùng để nói lên sự cầu bầu đặc biệt của Ðức Mẹ. Thánh Ireaneus đã xử dụng từ này từ thế kỷ thứ II. Thánh Gioan thành Damascus đã dùng một chữ Hi Lạp tương đương: Paracletos. Ðến thế kỷ thứ XII, danh xưng này đã được dùng trong kinh Salve Regina, và thánh Bernard đã thường xuyên xử dụng từ này. ÐGH Lêô X đã nhắc đến chữ này trong tông thư Pastoris Aeteni, năm 1520 của ngài. Từ đó, hầu hết các ÐGH kế tiếp đã dùng danh xưng này với Ðức Mẹ. Cuối cùng, trong Hiến Chế Lumen Gentium, 62, các nghị phụ đã chúc tụng đức Mẹ qua danh xưng này cùng với những danh xưng khác như đã nói ở trên.

Nhóm của ông Wooward còn thiếu chính xác ở vài điểm nữa như họ nói rằng thánh Toma Aquinô đã mạnh mẽ chống lại niềm tin Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, (Trg. 52). Thực ra, thánh nhân đã viết rằng “Ðức Nữ Ðồng Trinh đã thụ thai với tội nguyên tổ, nhưng tội ấy đã được tẩy rửa trước khi Ðức Mẹ sinh ra.” (ST 3a, 27.2 ad 2.) Chúng ta cần nhớ rằng thánh nhân đã có quan niệm này từ thế kỷ XIII, hơn 600 năm sau “Ðức Mẹ Vô Nhiềm Nguyên Tội” mới trở thành tín điều. Sự chưa hoàn hảo trong nghiên cứu của ngài đã tương tự như sự thiếu hoàn hảo trong nghiên cứu của các thánh Ambrose, Jerome và Augustine từ thuở giáo hội sơ khai, về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Cũng như cá nhân con người, giáo hội đã được sinh ra và từ từ trưởng thành theo thời gian, Giáo hội càng lớn mạnh thì Chúa càng mạc khải thêm những mầu nhiệm của Ngài. Những mạc khải này có thể đến từ niềm tin của các tín hữu, nhưng phần nhiều đã qua việc nghiên cứu lâu dài từ thế hệ này qua thế hệ khác của các nhà thần học, để rồi cuối cùng được chấp nhận bởi Ðức Giáo Hoàng cùng các Ðức Giám Mục và được công bố như những giáo huấn chính thức của giáo hội (Ordinary Magisterium). Những nghiên cứu của các thánh hay các nhà thần học trải dài trong suốt lịch sử của giáo hội đôi khi xem ra chưa hoàn hảo ở điểm này hay điểm khác, nhưng thực ra đó là những khởi đầu cần thiết để giúp những người nghiên cứu về sau có một cái nhìn chính xác hơn qua sự mạc khải tỏ tường hơn trong ơn Chúa.

Nhóm của ông Woodward còn nói rằng khẩu hiệu giáo hoàng của ÐTC Gioan Phaolô II: “Totus tuus” chỉ ám chỉ riêng Ðức Mẹ. Đây là một thiếu sót quan trọng, vì khẩu hiệu trên phải hiểu là “Tất cả thuộc về Chúa, về Ðức Mẹ, về toàn thể giáo hội, về tất cả.”

Trở lại việc công bố một tín điều mới về Ðức Mẹ bao gồm ba điểm chính: Ðồng Cứu Chuộc, Ðấng Trung Gian và chuyển mọi ơn thiêng, và Ðấng Bào Chữa cho Dân Chúa. Ðã không có khó khăn nhiều ở điểm thứ ba. Ðiểm thứ hai vẫn còn phải thảo luận thêm ở vài nơi trong phần: “Mọi ơn Chúa đều qua Ðức Mẹ.” Ðiểm đầu tiên đã trở thành khó khăn nhất, không phải vì việc Ðức Mẹ có đồng cứu chuộc nhân loại với Chúa Kitô hay không, nhưng ở chỗ Ðức Mẹ có ngang hàng với Chúa trong việc cùng cứu chuộc nhân loại chăng? Và điều đó đã xoay quanh chữ COREDEMTRIX! Có vị đã trả lời cách đại cương rằng “như vậy thì dùng chữ khác”, như ÐHY O’Connor, nhưng khó là ở chỗ nhiều người vẫn còn muốn giữ chữ Coredemptrix.

Người viết bài này cũng xin có ý kiến xây dựng về việc phiên dịch chữ Coredemptrix qua tiếng Việt, không đặc biệt nhằm vào cá nhân hay tập thể nào, nhưng chỉ mong nói lên sự chính xác của việc phiên dịch danh xưng quan trọng này. Xin được trình bày vấn đề trong sự tôn trọng và tương kính ở mức độ cao nhất.

Chữ Coredemptrix hay rõ hơn: Co-Redemptrix đã được nhiều người dịch qua tiếng Việt thành “Ðồng Công Cứu Chuộc.” “Co” là một “tiếp đầu ngữ” (prefix) chỉ đơn giản có nghĩa là “cùng” hay “đồng.” Thí dụ: “co-author” dịch là “đồng tác giả”, chứ không ai dịch là “đồng công tác giả” bao giờ! Ðôi khi chữ này cũng chỉ một công việc kém hơn, thí dụ: “co-pilot”, thời trước 1975 được dịch là “phi công phụ.”

Thêm chữ “công” vào danh xưng Ðồng Cứu Chuộc để làm sáng nghĩa hơn? Không hẳn như vậy vì chữ này đã làm lệch hẳn ý nghĩa trung thực của chữ Co-redemptrix. Xin đan cử một thí dụ nữa: Hai người bạn nói chuyện với người thứ ba, họ nói rằng: “Chúng tôi đồng (hay cùng) xây ngôi nhà này.” Người nghe sẽ hiểu ngay là cả hai người đã góp công vào việc hoàn thành ngôi nhà đó, nhưng không nhất thiết là họ phải góp công ngang hàng với nhau, hoặc ai hơn ai. Nhưng nếu họ nói cách xác quyết hơn: “Chúng tôi đồng công xây ngôi nhà này.” Người nghe có thể sẽ phải hiểu là họ muốn nhấn mạnh rằng họ cùng góp công, góp của ngang nhau và không ai hơn ai!

Nếu nói rằng cần phải thêm chữ “công” vào những những chữ “đồng cứu chuộc” vì ngôn ngữ, trong sự chuyển tiếp từ chữ nôm sang quốc ngữ mới (theo mẫu tự La Tinh), ở nước ta thời Ðệ Nhị Thế Chiến đã chưa được phát triển như hiện tại. Như vậy, có phải ở thời điểm hôm nay, khi con người đã đi vào Thiên Kỷ mới, danh xưng này cần được sửa đổi cho chính xác hơn, thành “Đức Mẹ Đồng Cứu Chuộc”, để khỏi gây hiểu lầm giữa các giáo hữu Công Giáo cũng như khỏi bị chất vấn bởi những anh em Tin Lành, nói riêng và tất cả những Kitô hữu khác ngoài Công Giáo, nói chung?

Cuối cùng thì Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không công bố tín điều mới (1). Điều này có nghĩa giáo hội còn phải nghiên cứu, học hỏi về Thánh Mẫu học nhiều hơn và sẵn sàng đón nhận những mạc khải, linh ứng mới cho đức tin. Người ta không thể chỉ dùng thần học hay ngữ học để minh định mầu nhiệm Nước Trời. Cần phải để Ơn Chúa tác động trong giáo hội cũng như trong cá nhân con người. Ơn Chúa sẽ tác động trong giáo hội qua sự xác định của vị cha chung (ÐGH) và những người hợp tác với ngài (các ÐHY, ÐGM, nhà thần học). Ơn Chúa sẽ tác động trong con người để đáp lại những giáo huấn đó, nhưng con người vẫn có tự do để đáp lại, hay không đáp lại lời mời gọi của Chúa. Khó khăn đã khởi đi từ đó và sẽ còn tiếp diễn mãi trong lịch sử giáo hội thế trần. Tuy nhiên, những “va chạm” đôi khi đã trở nên cần thiết để nẩy sinh những tư tưởng biểu lộ niềm tin chân chính của giáo hội trong Thánh Ý Chúa.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(1): Hiện giáo hội Công Giáo đã có 4 tín điều về Đức Mẹ: Mẹ Thiên Chúa (công bố năm 431); Trọn đời đồng trinh (649); Vô nhiễm nguyên tội (1854); và Hồn xác lên trời (1950).
 
Văn Hóa
Bông hồng dâng Mẹ Việt Nam
Thanh Sơn
22:08 15/08/2011
BỒNG HỒNG DÂNG MẸ VIỆT-NAM
(Vu Lan mùa báo hiếu)


THÁNG năm xa cách muôn trùng
NĂM nay cũng vậy bão bùng lòng con
DÂNG ngàn giọt lệ lăn tròn
MẸ bên Quốc Tổ mỏi mòn đợi con
ĐÓA hồng thay tầm lòng son
HỒNG như màu máu tim con dâng trào

TẤM thân đau quặn cồn cào
LÒNG con nhớ Mẹ xiết bao năm trời
TƯƠI ngoài trong héo Mẹ ơi!
THẮM hương lòng Mẹ suốt đời của con
LÀM trai trung hiếu khó tròn
QÙA thay lòng kính của con dâng về
KÍNH dâng mẹ, một lời thề
YÊU thương Tổ Quốc và Quê Hương mình

SÔNG dài Đất-Nước điêu linh
DÀI từ Bản Giốc nối tình Cà Mau
BIỂN đông nhìn thấy mà đau
RỘNG xưa nay hẹp toàn "tàu lạ" không
BAO nhiêu công của cha ông
NHIÊU điều bởi lũ bất công cộng Hồ

KHÔNG còn liêm sỉ tham ô
BẰNG lòng bán cả cơ đồ Việt-Nam
TÌNH không, tiền ngập túi tham
MẸ Việt-Nam hỡi! con căm phẫn lòng
SỚM muộn cũng thỏa ước mong
CHIỀU rồi đời chúng long đong sắp tàn
THƯƠNG con Mẹ chẳng phàn nàn
CON yêu của Mẹ thơm ngàn HOA-SEN
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Vỏ Ôc Khô – The Sea Shells.
Nguyễn Đức Cung
21:53 15/08/2011
NHỮNG VỎ ỐC KHÔ – The Sea Shells.
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Không chịu cát vùi, khoe mình trên mé bãi
Những vỏ ốc chứa âm thanh trong đấy
Gió đại dương đi qua ca hát suốt bốn mùa...
(Trích thơ của Thuận Hữu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
WYD 2011: Video Ngày Giáo Phận tại Gibraltar
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:17 15/08/2011
Từ ngày 11 đến nay hàng trăm ngàn bạn trẻ đã thăm viếng 63 giáo phận. Trong đó, có 61 giáo phận của Tây Ban Nha. Đặc biệt hơn hết, thực sự chưa bao giờ có, trong lịch sử 26 năm ngày Quốc Tế Giới Trẻ, là các bạn trẻ đã và đang thăm viếng hai giáo phận, không thuộc nước chủ nhà.

Về phiá bắc, đó là giáo phận Bayonne thuộc Pháp, và về phiá Nam là giáo phận Gibraltar trong miền lãnh thổ của Anh Quốc.

Trong bài phóng sự ngày hôm nay, trước hết, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị khán thính giả, một vài nét về giáo phận Gibraltar.

Thưa quý vị khán thính giả,

Gibraltar là bán đảo ở phần cực Nam của Tây Ban Nha, trong vùng biển Địa Trung Hải, tương tự như mũi Cà Mau của Việt Nam.

Chúng ta có thể đến bán đảo này bằng đường hàng không hay đường thủy. Các du khách đến từ Anh, phần lớn là dùng các phương tiện này.

Chúng ta cũng thể băng qua biên giới với Tây Ban Nha bằng đường bộ. Tưởng cũng nên biết thêm là trong các giằng co về chủ quyền của bán đảo này, Tây Ban Nha đã nhiều lần đóng cửa biên giới đường bộ. Thành ra, trong thập niên 1950, đường hàng không và đường thủy là hai phương tiện giao thông chủ yếu để đến Gibraldi.

Toàn bộ dân số trên hòn đảo này khoảng 28,000 người, trong đó có đến 22,000 người là Công Giáo, chiếm 78% dân số. Hiện nay toàn bộ giáo phận có 5 giáo xứ/ được coi sóc bởi 18 linh mục triều, một linh mục dòng và 11 nữ tu.

Hình ảnh mà bạn đang thấy là một nhà thờ rất nhỏ trong số 5 nhà thờ trên bán đảo này. Phố xá hàng quán, các cơ sở lớn nhỏ của Gibraldi tập trung trên duy nhất một con đường lớn gọi là Main Street. Các đường còn lại đều rất nhỏ hẹp, chủ yếu để đi lại giữa các khu dân cư.

Dù hòn đảo này rất nhỏ, đi chưa hết một ngày là có thể thăm mọi thắng cảnh. Tuy nhiên, đã đến Tây Ban Nha mà không ghé thăm Gibraltar, thì thiết tưởng là rất uổng.

Do vị trí chiến lược của bán đảo này, nơi đây đã là bãi chiến trường, của nhiều cuộc chiến. Người Hồi Giáo vào thế kỷ thứ 8, đã tấn công vào Âu Châu, sau khi chiếm được bán đảo này.

Trên tháp canh này là những căn cứ quân sự của Anh. Những lô cốt khổng lồ với những khẩu đại bác lớn được dấu bên trong núi đã giúp người Anh kiểm soát vùng biển Địa Trung Hải trong suốt các cuộc thế chiến.

Nguồn lợi chủ yếu trong những năm qua của người dân trong vùng gắn liền với việc tiếp liệu cho các căn cứ quân sự của Anh. Nhiều đơn vị hải quân và không quân Anh vẫn đang hoạt động với quân số đáng kể trên bán đảo này.

Trong vài thập niên trở lại đây, du lịch đã là một nguồn lợi kinh tế khác của Gibraldi.

Gibraltar là hình ảnh của một thế giới thu nhỏ. Thật vậy thưa quý vị, ở đây ta có thể gặp những người Tây Ban Nha, người Ý, người Do Thái, người Ả rập, và còn nhiều sắc dân khác nữa.

Tây Ban Nha đã nhiều lần muốn lấy lại chủ quyền của hòn đảo này. Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 10/9/1967/ đa số người dân Gibratar, đã bày tỏ ý muốn tiếp tục sống, dưới sự cai trị của người Anh.

Tháng 7/2002, một cuộc trưng cầu dân ý khác, theo đó lãnh thổ này được coi là chủ quyền chung, của cả Tây Ban Nha và Anh. Tuy nhiên,trong khi chỉ có 187 người chấp thuận, có đến 17,900 người đã bác bỏ ý kiến đó.

Tuy nhỏ, nhưng Gibradi có những thắng cảnh rất đẹp. Một đường cáp khổng lồ đưa khách du lịch từ trung tâm thành phố lên đến đỉnh núi nơi du khách có thể nhìn toàn cảnh thành phố rất hùng vĩ. Khách du lịch cũng có thể thăm một hang động rất đẹp là hangTổng Lãnh Thiên Thần Micae. Đây là điạ điểm du lịch thu hút nhất của thành phố này.

Một hình ảnh được coi là tiêu biểu của Gibraldi đó là những đàn khỉ rất thân thiện với khách du lịch. Người dân địa phương tin rằng ngày nào còn những chú khỉ này thì ngày ấy họ còn hy vọng được sống dưới sự cai trị của người Anh.

Chúng tôi xin kết thúc bài phóng sự này, với việc chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha, của Tây Ban Nha tại Kinh Thành Madrid.

Tuy chỉ có 20 triệu dân trong đó chỉ có 26% là người Công Giáo, Australia đã dành cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô một cuộc đón tiếp thật ngoạn mục với hàng trăm ngàn người đứng chật các đường phố tại Sydney để chào đón Đức Thánh Cha.

Tây Ban Nha có đến 46 triệu dân trong đó Công Giáo chiếm trên 97%. Tuy nhiên, trong lịch sử cận đại và cả ngay hiện nay, làn sóng bài Kitô rất mạnh tại Tây Ban Nha.

Trong thời Đệ nhị Cộng Hòa Tây Ban Nha từ ngày 14 tháng 4 năm 1931 đến ngày 1 tháng 4 năm 1939 do Mặt trận bình dân gồm các thành phần thân cộng lãnh đạo. 13 Giám Mục, 4,172 linh mục triều, 2,364 linh mục và tu sĩ dòng, 283 nữ tu và hàng triệu người Công Giáo đã bị giết trong khi tất cả các nhà thờ bị tịch thu và hàng ngàn nhà thờ, tu viện bị đốt phá.

Giáo Hội Tây Ban Nha thường xuyên than phiền về chính sách chống Công Giáo của thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero, thủ lĩnh của đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha cầm quyền từ năm 2004 cho đến nay.

Để nhắc người dân Tây Ban Nha căn cội Công Giáo của mình, khi Đức Thánh Cha băng ngang qua cổng Alcalá vào ngày 18 tháng 8 tới đây, tất cả các nhà thờ tại Madrid sẽ đổ chuông chào mừng Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.