Ngày 16-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời 15/08/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 16/08/2020


Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

"Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: "Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng

Xướng: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy.

Xướng: Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ.

Xướng: Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người.

Xướng: Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26

"Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-56

"Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.
 
Câu chuyện của một sự dịch chuyển
Lm Minh Anh
00:15 16/08/2020

Câu chuyện của một sự dịch chuyển
“Chúa thương xót hết mọi người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay có chung một chủ đề: lòng thương xót của Thiên Chúa cũng dịch chuyển, người lương kẻ giáo, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương. Isaia linh cảm tính phổ quát của ơn cứu độ mà Thiên Chúa sẽ ban cho mọi nước mọi dân; thánh Phaolô nói, Chúa thương xót hết mọi người, con trong nhà, con người ngoài; và qua Chúa Giêsu, Tin Mừng xác nhận ý định ngàn đời của Thiên Chúa, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương.

Bàn tiệc Lời Chúa hôm nay thịnh soạn một cách bất ngờ. Vì lẽ thường, vào các Chúa Nhật thường niên, liên quan đến bài Tin Mừng, chỉ có bài đọc một; thế mà hôm nay, cả ba bài đều có chung một chủ đề.

Qua bài đọc thứ nhất, Isaia tiên báo về sự hào hiệp đại lượng của Thiên Chúa vì rồi đây, Người sẽ gửi giấy mời dự tiệc Nước Chúa đến tận các dân ngoại. Isaia trực giác về lòng xót thương của Thiên Chúa vốn sẽ được tỏ cho muôn dân; ông linh cảm về tính phổ quát của ơn cứu độ vốn sẽ được dịch chuyển, mở rộng. Qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa nói về dân ngoại rằng, “Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện”; “Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ. Vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Rõ ràng, ý định ngàn đời của Thiên Chúa đã được hé lộ, lòng thương xót của Người dịch chuyển, người lương kẻ giáo, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương.

Dân ngoại hỷ hoan phớn phở, họ sẽ vui mừng khoái trá vì biết Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người đã ban cho họ ơn cứu độ. Niềm vui nhận biết Người vỡ oà qua Thánh Vịnh đáp ca, “Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài”.

Tường tận hơn, thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, giải thích với anh em tân tòng qua thư Rôma rằng, “Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được xót thương”. Ngài muốn nói, vì người đạo dòng cứng lòng, nên dân ngoại được kêu gọi; để một khi thấy dân ngoại được kêu gọi, may ra người đạo dòng dịch chuyển mà ăn năn trở về cùng Chúa để lại được thương xót, “Nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì việc họ được thâu nhận lại sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết? ”.

Đặc biệt với bài Tin Mừng, một phụ nữ ngoại giáo được Chúa Giêsu thương chữa lành cho con gái mình. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay rõ ràng là câu chuyện của một sự dịch chuyển, dịch chuyển từ vùng đất Israel sang vùng đất dân ngoại; dịch chuyển từ sự bất xứng đến với sự xứng đáng của người ngoại giáo; dịch chuyển từ niềm tin của bà đến với lòng thương xót Chúa và cuối cùng, dịch chuyển từ lòng thương xót Chúa đến phép lạ con gái bà được mạnh lại.

Và để có thể hiểu cũng như nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa của tiến trình dịch chuyển này, một lần nữa, chúng ta lùi lại một chút trước đó với thánh Matthêu. Ở đó, Matthêu cho thấy Dân Chúa chọn từ chối Con Thiên Chúa và dân ngoại được vui hưởng Ngài. Ở vùng đất ngoại giáo Tyrô và Sidon ấy, Chúa Giêsu được chào đón với tước vị con vua Đavít bởi một phụ nữ ngoại giáo. Bà cầu xin một phép lạ mà thoạt đầu Chúa Giêsu lờ đi, nhưng bà cứ nài nỉ đến nỗi các môn đệ xin Ngài can thiệp kẻo bà cứ quấy rầy. Chúa Giêsu nói với bà, Ngài đến để chỉ lo cho các chiên lạc Israel. Tương phản với Dân Chúa chọn, người phụ nữ chấp nhận sự hư không của mình, chấp nhận ngang hàng với chó con để được nhặt những gì từ bàn chủ rơi xuống. Chúa Giêsu đầu hàng trước niềm tin và sự khiêm hạ của bà, Ngài khen ngợi và ban cho bà điều bà xin.

Anh Chị em,

Chúng ta, dân được chọn, đến với Chúa là Đấng ban cho chúng ta của ăn mỗi ngày như thế nào? Chúng ta cảm thấy mình công chính vì đã giữ luật Chúa để cảm thấy như Thiên Chúa đang mắc nợ chúng ta? Hay qua thái độ của người phụ nữ này, đức tin dẫn chúng ta đến một chỗ thấp hơn dưới gầm bàn của chủ nơi chúng ta chấp nhận một sự tuỳ thuộc tuyệt đối vào sự chăm sóc của Người, đồng thời, chờ đợi những miếng vụn rơi xuống từ bàn Người. Đừng quên, ngay chỉ với những mảnh vụn này thôi cũng đủ nuôi sống chúng ta, cho chúng ta no nê hơn những gì người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay ao ước. Như một người nghèo, bất xứng và vô dụng, hãy đến với Thiên Chúa và lòng nhân lành của Người sẽ nâng chúng ta lên. Người nâng lên, ban cho chúng ta điều này điều kia vì Người nhân lành chứ không vì chúng ta có công trạng này, công nghiệp nọ.

Mahatma Gandhi còn được gọi là thánh Cam Địa, người có công dành độc lập cho đất nước Ấn Độ, có lần tuyên bố, “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không phục những người Kitô hữu”. Câu nói của vị thủ tướng, người đã từng lấy giáo lý của Chúa Kitô làm nền tảng cho chủ trương bất bạo động đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét mình, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa hay Người mắc nợ chúng ta? Chúng ta có xứng đáng với ơn lành của Người không? Là con cái trong nhà, có bao giờ chúng ta để cho ơn Chúa qua đi không? Hay là chúng ta đang dịch chuyển đời sống ân sủng của con cái Chúa đến với một đời sống mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là những “Kitô hữu vô thần”?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lòng thương xót Chúa đổ xuống trên con vượt quá sự hiểu biết của con, một tội nhân nghèo hèn. Xin cho con biết dịch chuyển đến gần Chúa mỗi ngày làm sao để bớt bất xứng hơn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thì ra, đức tin là thế đó !
LM. Giuse Trương Đình Hiền
07:23 16/08/2020
Chúa Nhật XX Thường Niên Năm A 2020

Thiên Chúa muôn đời vẫn là một “ẩn số” mà nhân loại cứ phải khao khát kiếm tìm trong khắc khoải khôn nguôi, như Thánh Augustinô đã từng thốt lên: “Chúa đã dựng nên con, nên lòng con mãi khắc khoải kiếm tìm cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”. Một thái độ tự hào, tự mãn, cho rằng mình đã chiếm được Thiên Chúa, đã nắm bắt chân lý, để rồi không còn biết vươn mình lên đi tới hay khiêm hạ khát khao kiếm tìm lại chính là một thái độ phản lại niềm tin, hay một niềm tin, nếu có, đã trở nên nghèo nàn và rỗng tuếch.

Nhưng thật ra, không phải con người đi tìm nhưng chính Thiên Chúa mới là kẻ tìm kiếm con người trước !.

Nếu khởi đầu lịch sử, khi Thiên Chúa đến kiếm tìm và gặp gỡ nhân loại “trong cơn gió nhẹ ban chiều” ở nơi vườn diệu quang” (St 3, 8) để hàn huyên tâm sự lại đã gặp một A-đam, E-va trần truồng đang núp trốn, thì Ngài đã không thất vọng nản lòng để quay mặt đi xa; nhưng rồi sau đó đã tiếp tục lên đường không mệt mỏi, kêu gọi, ước giao, hẹn thề hết Áp-ra-ham, đến Gia-cóp, hết I-sa-ac đến Giuse…; sau đó là Mô-sê với bao chịu đựng nhọc nhằn của 40 năm trường hành về Đất Hứa, cũng chỉ để hình thành một Dân Tộc của niềm tin, một Dân của Giao ước. Mà đâu chỉ có dân ít-ra-en; cho dù trong phương án cứu độ, đó chính là Dân ưu tuyển. Thiên Chúa kiếm tìm tất cả mọi người, mở lối đưa đường cho tất cả những ai thành tâm thiện chí khát khao Ngài, kiếm tìm Ngài và chân chất sống theo những chỉ dạy của Ngài khắc ghi trong đáy thẳm tâm hồn, như lời sứ ngôn I-sa-i-a trong Bài đọc 1 hôm nay: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người…”

Và cuộc kiếm tìm của Thiên Chúa đã đến đỉnh điểm khi “Ngài ban Con Một, để ai tin vào Người con đó sẽ không phải chết nhưng được sống vĩnh hằng” (Ga 3, 16).

Quả thật, trong cuộc hành trình rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Ki-tô Con Một Thiên Chúa đã từ Bắc xuống Nam, từ Đông lên Tây, dọc ngang khắp vùng Palestina để “kiếm tìm” những con chiên lạc mà đưa về cho Thiên Chúa một đàn chiên và một chủ chiên.

Ngoài những con chiên lạc “con giòng cháu giống thuộc dân ưu tuyển Ít-ra-en”, Chúa Giê-su lại bôn ba sang các miền ngoại giáo lân cận để tìm kiếm nơi cộng đồng dân ngoại những tâm hồn khao khát chân lý cứu độ để dẫn họ về trong chân lý và tình thương.

Tin mừng Matthêu hôm nay đã tường thuật những bước chân tiến về vùng ngoại giáo Tyrô và Siđon của Chúa Giêsu; và chính nơi vùng ngoại đạo nầy, Ngài đã gặp được một người đàn bà ngoại giáo Canaan nhưng “mạnh tin”.

Bà mạnh tin khi bà nhận ra chàng thợ mộc đến từ Na-da-rét kia chính là “Con Vua Đa-vít”, một danh xưng mà vào thời điểm đó, chỉ có những tấm lòng khát mong và đầy tràn niềm hy vọng vào một Đấng Thiên Sai đang đến mới sử dụng.

Bà mạnh tin khi bà xác tín rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có đủ quyền năng chữa con bà khỏi quỷ ám, một quyền năng chỉ dành cho Thiên Chúa.

Bà mạnh tin khi vững vàng trông cậy vào tình yêu vô biên của chính Chúa Giêsu bất chấp những thử thách nặng nề là sự làm ngơ, chối từ và cả khinh miệt.

Chính ở nơi tâm hồn cương nghị và đầy khiêm hạ của người phụ nữ ngoại giáo Canaan nầy, Chúa Giêsu đã tìm được niềm an ủi trong công cuộc “đi bủa lưới giăng câu” các linh hồn trên những nẻo đường nơi vùng đất lạ.

Và khởi đi từ đó, Ngài đã truyền cho các Tông Đồ hãy mạnh dạn “đưa thuyền ra chỗ nước sâu”, “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng.”

Thế nhưng, chúng ta cũng đừng quên, Chúa Giêsu đã không ít lần đã thất bại thảm thương; mà cuộc thất bại cay đắng nhất trên con đường rao giảng Tin Mừng lại xảy ra trên chính quê hương Na-da-rét của Ngài. Chính tại nơi đây, Ngài đã “không làm được phép lạ nào” chỉ với lý do: “Vì họ cứng lòng tin”.

Nếu ở tại đất ngoại giáo có được một tâm hồn phụ nữ Canaan sẵn sàng đánh đổi niềm tin vào Ngài bằng mọi giá, thì tại Giê-ru-sa-lem, đã có hàng trăm người đã sẵn sàng chối từ Ngài để chọn Ba-ra-ba, vì họ không thể đánh cược niềm tin vào một con người rách nát thảm thương sắp bị Philato tuyên án tử.

Họa hoằn lắm mới có một Lê-vi giã từ bàn đếm tiền của người thu thuế để bỏ lại đằng sau tất cả sự giàu có trần tục mà lên đường làm môn đệ của Ngài; hay một Gia-kê “lùn tịt về thân xác và cả nhân phẩm hay đức độ”, sẵn sàng cho đi tất cả của cải trần gian để sống cho những giá trị của cái nghèo Nước Trời.

Vâng, những người ở Na-da-rét hay Giê-ru-sa-lem đó cùng với các tư tế và biệt phái, hay những người quyền cao chức trọng lúc bấy giờ họ tin rằng họ đã có sẵn một “đức tin chân truyền đúng mực”, họ không cần phải mở lòng ra để đón nhận hay khát mong một “tin mừng” huyễn hoặc nào nữa, nhất là một “Tin Mừng” với “những giá trị” gần như đối nghịch hẳn với tâm thức và sự kiếm tìm của họ như “khó nghèo, hiền lành, trong sạch, yêu thương kẻ thù, tha thứ luôn luôn, chọn đường thập giá…”. Đặc biệt, “giải pháp thập giá” quả là một thử thách quá lớn mà họ không dễ gì vượt qua hay chọn lựa, bởi họ đã quen chọn cho mình con đường dễ dàng, nhung lụa, vinh quang…

Tuy nhiên, “niềm tin qua nẻo đường thập giá”, hay chọn lựa đức tin ngay trong lúc đối diện với dập vùi bế tắc vẫn có đấy thôi! Người đàn bà Canaan khi đối diện với những thử thách nghiệt ngã vẫn kiên cường “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”; hay người trộm bên hữu đã sẵn sàng tin vào một con người chỉ còn tấm thân tàn ma dại: “Lạy Thầy, khi nào Thầy về Vương Quốc của Thầy, xin nhớ đến tôi” !

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay gần như truy vấn tất cả mọi người chúng ta về hành trình đức tin của chính mình. Chúng ta gần như sống và thực hành đức tin như một chuyện “đã rồi”, một “chọn lựa dễ dàng và không hề thử thách”.

Vẫn còn đó nhiều người trong chúng ta sẵn sàng quay lưng lại với Giáo Hội với nhà thờ, chỉ vì một tự ái không đâu trước một lời quở trách.

Vẫn còn đó nhiều tâm hồn khô khan nguội lạnh chẳng còn thiết tha cầu nguyện và trung thành đến với Chúa chỉ vì Chúa chưa đáp ứng những khát vọng và lời nguyện xin.

Vẫn còn đó những người mang tâm trạng oán trách và cả lòng thù hận Chúa vì phải đương đầu với những khổ đau, thất bại, bệnh tật hay đói nghèo…

Và chung chung, chúng ta muốn giữ “nguyên trạng đức tin” mà không cần phải đặt lại, kiếm tìm hay hoán cải…

Thánh Tông Đồ Phaolô đã có một “kinh nghiệm đắt giá” về thái độ “cố chấp”, “cứng lòng”, “giữ nguyên trạng” của chính mình và nơi dân tộc mình; và nhờ “cú đánh ngã ngựa trên đường Đamát”, ngài đã được mở mắt và “tiến về phía Dân Ngoại”. Ngài đã không ngừng chia sẻ “kinh nghiệm thiêng liêng nầy”, như được thuật lại trong Bài đọc 2 hôm nay: “Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót” (Rm 11, 13-15. 29-32).

Trên những nẻo đường thế giới hôm nay Chúa vẫn sục sạo đi tìm. Nhưng con đường Chúa đề nghị để theo Ngài không bao giờ tầm thường và dể dãi. Câu trả lời của người phụ nữ ngoại đạo Canaan hôm nay và thái độ đức tin đầy khiêm nhu tín thác của bà mãi mãi là một điểm quy chiếu cho mọi cuộc lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Vâng, đó là một mô hình mẫu tuyệt vời của đức tin hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Thì ra, đức tin là thế đó. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:12 16/08/2020
Chương 27

KHẮC KHỔ



“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”.

(1Pr 5, 8)


1. Người khắc khổ vì Thiên Chúa mà cắt đứt tình cảm lệch lạc.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:18 16/08/2020
7. CÁCH VIẾT CHỮ TRỌC

Chùa Bao Sơn ở bên Thái Hồ Tô Châu, có một hòa thượng rất tinh thông chữ nghĩa.

Có một tú tài chế nhạo hỏi:

- “Chữ “trọc 禿” của con lừa trọc viết như thế nào? ”

Hòa thượng liền nói:

- “Lấy chữ “tú 秀” của tú tài, cái đít thì làm cho cong cong và xoay lại chính là nó” (1).

(Nhã Ngược)

Suy tư 7:

Tuổi trẻ mà có chút tài thì thường hay xấc láo coi trời bằng vung, trước mặt người lớn tuổi thì không chút vị nể vì cho rằng họ già cả rồi, hủ lậu rồi làm gì bằng mình được, thế là họ phách lối đem chữ tàu chữ tây ra hù dọa...

Anh tú tài xấc láo với vị hòa thượng tài giỏi thông kim bác cổ, nên anh ta bị một vố đau nhớ đời.

Có một vài người bạn trẻ thời nay có bệnh “hách” với người đáng tuổi cha ông mình, họ hách với ông cụ hàng xóm vì mình đang làm cán bộ nhà nước; họ hách với bà cụ bán nước sâm bên đường vì mình là công an đường phố, họ hách với bạn bè vì mình được đi học nước ngoài; họ hách với những người nghèo vì mình là con cái nhà giàu...

Cũng có một vài vị chức sắc trẻ hách dịch với các chức sắc già và cho họ là lẩm cẩm trong thời đại khoa học vi tính này, họ quên mất rằng khoa học và tri thức cũng đều nhường bước cho sự đạo hạnh.

Bệnh “hách” rất hay lây nhưng dễ chữa lành, nếu chúng ta –những người trẻ- biết dùng phương thuốc khiêm tốn và đạo hạnh của người Ki-tô hữu để chữa nó.

(1) Chữ ﹝秀﹞đọc là ”tu” nghĩa là trọc, hơi giống chữ “秀” đọc là “xiu” nghĩa là tú, lấy phần dưới chữ “tú” bẻ cong và uốn ngoặc lại thì thành chữ ﹝禿﹞“trọc”, hòa thượng chơi chữ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Bo kêu gọi đoàn kết, đối thoại trước hội nghị hòa bình
Thanh Quảng sdb
04:29 16/08/2020
Đức Hồng Y Bo kêu gọi đoàn kết, đối thoại trước hội nghị hòa bình

Đất nước Myanmar đã lâm vào cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ, Giáo Hội Công Giáo đã đi tiên phong kêu mời thống nhất đất nước bằng đối thoại, bằng thương lượng, chứ không phải vũ lực.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Đức Hồng Y Bo khẳng khái: “Giải đáp cho đất nước Myanmar là con đường đối thoại, chứ không còn con đường nào khác!” Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng giám mục Yangon, cho biết như trên trong một công bố đề ra trong khuôn khổ phiên họp đàm phán về Hòa bình của thế kỷ 21, lần thứ 4 của Liên quân, sẽ diễn ra ở Naypyitaw, thủ phủ của Myanmar từ ngày 19 đến 21 tháng 8.

Đức Hồng Y, chủ tịch Liên đoàn Hội đồng các Giám mục Á Châu (FABC), nói: “Tất cả chúng ta đã bị chiến tranh vùi dập. Không ai chiến thắng cả. Con đường duy nhất là hòa bình. Với hòa bình, nhân loại sẽ chiến thắng!”

Hòa đàm Panglong

Bà Aung San Suu Kyi, Tham vấn của Nhà nước Myanmar, Lực lượng vũ trang (Tatmadaw) và các nhà lãnh đạo của các nhóm dân tộc vũ trang khác nhau sẽ tham gia các cuộc đàm phán Hòa bình (UPC) sắp tới với hy vọng chấm dứt các cuộc xung đột giữa các sắc tộc trong đất nước này cả mấy thập kỷ qua...

Chính phủ cho Quân đội Arakan (AA), lực lượng đang chiến đấu với quân đội Tatmadaw ở các bang Rakhine và Chin, là một tổ chức khủng bố. Do đó, họ bị loại ra khỏi cuộc đàm phán Panglong. Các nhà phân tích cho hay nếu tổ chức AA này bị loại thì e khó có thể qui tụ các nhóm khác về tham dự, cho thấy cuộc đàm phán đã thất bại vì các vấn đề của của hai miền Rakhine và Chin sẽ không được giải quyết.

Đàm phán Panglong lần thứ nhất đã diễn ra vào năm 1947 tại một đất nước khi đó còn được gọi là Miến Điện do Anh cai trị, đã đặt nền móng cho sự ra đời của quốc gia Myanmar sau này. Ba của bà Suu Kyi là Tướng Aung San đã có công nối kết bốn sắc tộc chính là Bamar, Chin, Kachin và Shan ngồi lại với nhau.

Viễn kiến của người sáng lập

Trong thông điệp của mình, Đức Hồng Y Bo cam kết những tâm tình cầu nguyện cho sự thành công của hội nghị được bắt đầu vào thứ Tư tuần này. ĐHY mơ ước rằng các nhà lãnh đạo đất nước đã mơ về một quốc gia thống nhất, sau những tàn phá của cuộc xâm lược và chủ nghĩa thực dân Nhật Bản. Họ đã chiến đấu "để xây dựng dựa trên những khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, mầu da chủng tộc để cùng nhau chung sống, dựng xây một đất nước giầu mạnh và một dân tộc đại đoàn kết!”

ĐHY lấy làm tiếc trước vụ ám sát ông Aung San một cách dã man vào năm 1947, đã dẫn đến những xung đột, chiến tranh triền miên cho người dân Myanmar.

Con đường hòa bình là thống nhất và đối thoại

Vị Hồng Y 71 tuổi này, vừa là Chủ tịch của Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu và Tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình Quốc tế, cầu mong rằng những người tham dự các cuộc đàm phán bây giờ sẽ đảo ngược được các trang sử bi thương chết chóc và đau khổ của đất nước, đặc biệt trong cơn đại dịch này!

Về vấn đề này, ĐHY nhắc lại lời kêu gọi ngưng chiến toàn cầu ngay lập tức của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres và của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Hồng Y nói: “Virus sẽ chỉ được khắc phục thông qua sự hiệp nhất. “Chính qua sự hiệp nhất, chúng ta sẽ xây dựng lại quốc gia của mình sau những năm bị tàn phá về kinh tế - xã hội, môi trường và y tế của cơn dịch toàn cầu”.

Với những hệ lụy của cơn đại dịch Covid-19 và trước những xung đột dài đằng đẵng, Đức Hồng Y nói, "Không có con đường nào khác để giải thoát đất nước chúng ta khỏi những rối reng hiện này ngoài đối thoại." “Đối thoại chân thành phát xuất từ trái tim và khối óc rộng mở, từ nỗi niềm đam mê yêu mến chân lý, nối kết xã hội chúng ta và ban cho nó “sức sống”, chính đối thoại sẽ giải đáp được những khác biệt.”

Quân đội dưới một chính phủ dân chủ

Đức Hồng Y kêu gọi xây dựng một đất nước liên hiệp thực sự được điều động bởi một chính phủ biết quan tâm đến mọi công dân của mình, một con đường đưa Myanmar bước vào thể chế dân chủ.

ĐHY cảnh báo rằng các giải pháp quân sự nhằm giải quyết sự khác biệt là phản tác dụng và phải được loại bỏ và thay thế bằng sự hợp tác, văn minh và khôn ngoan.

ĐHY thúc giục kiến tạo một quân đội bao trùm tất cả các nhóm sắc tộc, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, quân đội này phải nằm dưới quyền điều khiển của một tổng thống do dân bầu và có trách nhiệm dân chủ.

ĐHY lưu ý rằng vũ khí lớn nhất của nền dân chủ là hòa giải và công lý, Đức Hồng Y cám ơn tất cả những ai đi theo con đường này thông qua việc đối thoại và tôn trọng những hiệp ước.

Đức Hồng Y Bo tin rằng hòa bình, nghĩa là phát triển, là có thể xảy ra cho Myanmar. Ngài mong muốn rằng “đàm phán Panglong” sẽ đem đến cho nhân dân Myanmar “”một tầm nhìn, một lòng dũng cảm và một trái tim quyết tâm đưa đất nước bước vào con đường dẫn đến hòa bình”.
 
Tổng thống Pháp nói trước hội nghị các nhà tài trợ: Tương lai của Li Băng đang bị đe dọa
Đặng Tự Do
05:12 16/08/2020


Các cường quốc trên thế giới có nhiệm vụ hỗ trợ người dân Li Băng sau khi một vụ nổ lớn tàn phá thủ đô của họ trong khi chính tương lai của đất nước này đang trong tình trạng bị đe dọa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị các nhà tài trợ khẩn cấp.

Nền kinh tế đầy nợ nần của Li Băng đã chìm trong khủng hoảng và lao đao vì đại dịch coronavirus trước vụ nổ ở cảng Beirut khiến 158 người thiệt mạng. Nhưng các chính phủ nước ngoài cảnh giác về việc viết các chi phiếu khống cho một chính phủ bị chính người dân của họ cho là tham nhũng sâu sắc.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị các nhà tài trợ trực tuyến, ông Macron nói rằng phản ứng quốc tế cần được điều phối bởi Liên hợp quốc tại Li Băng.

“Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là hành động nhanh chóng và hiệu quả, điều phối viện trợ của chúng ta trên thực tế địa phương để viện trợ này đến tay người dân Li Băng càng nhanh càng tốt, ” ông Macron nói qua liên kết video từ nơi nghỉ hè ở thành phố Riviera.

Tổng thống cho biết lời đề nghị hỗ trợ bao gồm cả việc hỗ trợ cho một cuộc điều tra khách quan, đáng tin cậy và độc lập vào tháng Tám.

Vụ nổ hôm 4 tháng 8 đã khiến một số người Li Băng kêu gọi một cuộc nổi dậy để lật đổ các nhà lãnh đạo chính trị của họ.

Hội đồng Giám mục Italia đã trợ giúp một triệu Euro để giúp đỡ dân chúng Li Băng về thuốc men cho những người bị thương, lương thực, nước uống và nơi tạm trú cũng như nâng đỡ tâm lý cho các nạn nhân khác.

Thủ tướng Li Băng Hassan Diab và toàn bộ chính phủ nước này đã từ chức sau vụ nổ chết người ở Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng. Trong một bài phát biểu ngắn trên truyền hình, ông Diab cho biết ông đang “lùi một bước” để có thể sát cánh cùng mọi người “và chiến đấu trong cuộc chiến giành sự thay đổi cùng với họ”. Ông nói: “Hôm nay tôi tuyên bố từ chức chính phủ này. Xin Chúa bảo vệ Li Băng”.

Ông Hassan Diab, một người Hồi Giáo Sunni, đã lặp lại câu “Xin Chúa bảo vệ Li Băng” ba lần.

Việc chính phủ từ chức đã được dự đoán ngay cả khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Theo dự trù, Thủ tướng Hassan Diab sẽ giữ vai trò điều hành chính phủ tạm thời cho đến khi có ứng cử viên mới được thống nhất chọn ra.

Hiến pháp của Li Băng không chính thức quy định nhưng theo một thỏa hiệp được gọi là Thỏa Thuận Quốc Gia vào năm 1943, tổng thống của nước này bắt buộc phải là một người Công Giáo theo nghi lễ Maronite.

Theo hiến pháp của Li Băng, tổng thống được Quốc Hội chọn ra trong một nhiệm kỳ 6 năm. Sau khi tổng thống Michel Suleiman hết nhiệm kỳ vào tháng 5, 2014, trong hơn hai năm trời, Quốc Hội không chọn được một tổng thống khác.

Trước đây, Li Băng vẫn được coi là tiền đồn của Công Giáo tại Trung Đông, vì người Công Giáo chiếm đa số tại quốc gia này. Tình trạng đó đã thay đổi đáng kể sau cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6, 1967 dẫn đến một làn sóng nhập cư của người Palestine. Cuộc nội chiến tại Syria cũng đưa đẩy hơn 2 triệu người Syria, chủ yếu là người Hồi Giáo tràn vào Li Băng, khiến quốc gia này giờ đây trở thành một quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo như các nước khác trong vùng.

Đó là lý do tại sao từ tháng Năm, 2014 đến ngày 31 tháng 10, 2016, Li Băng không có tổng thống.

Đối với hàng trăm nghìn người có nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy bởi vụ nổ tuần trước tại một nhà kho chứa 2, 750 tấn ammonium nitrate, việc từ chức của nội các Hassan Diabxem ra sẽ không giúp ích gì nhiều cho họ.

Đối với nhiều người trên khắp Li Băng, toàn bộ hệ thống chính trị cần được thay thế.

Li Băng đang đối mặt với thời gian khó khăn phía trước.

Đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với hàng triệu việc làm bị mất, người dân bị cắt lương và tiền tiết kiệm biến mất.

Quá trình chính trị để bổ nhiệm một thủ tướng mới và kêu gọi bầu cử sớm sẽ mất nhiều tuần. Đây là thời khắc nguy hiểm cho quốc gia này.
Source:Business Standard
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lược sử các giáo phận Việt Nam : Giáo phận Bắc Ninh
Hà Như Nguyệt/GP Bắc Ninh
08:02 16/08/2020
Bắc Ninh là cái nôi xứ Kinh Bắc xưa. Non xanh, nước biếc, thế đất linh thiêng, xứng được coi là vùng địa linh, nhân kiệt. Sông núi Bắc Ninh gắn liền với bao trang sử oai hùng dựng và giữ nước. Phía Tây có núi Tam Đảo, Sóc Sơn gắn với sự tích Thánh Gióng, phía đông có Lục đầu Giang, bến Bình Than gắn với tên tuổi Trần Quốc Toản và Hưng Đạo Vương. Phía bắc có sông Thương, thành Xương Giang. Phía nam có sông Đuống; thành Luy Lâu và Chùa Dâu là trung tâm chính trị và tôn giáo của vùng đất Giao Chỉ xưa kia, dòng sông Như Nguyệt còn vang mãi bản tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt, “Nam quốc Sơn Hà, Nam đế cư“… Bắc Ninh ôm trọn trong mình một kho báu văn hóa dân gian đệ nhất trời Nam và là di sản của văn hóa nhân loại đó là những làn điệu dân ca Quan họ. Quan họ tuy hình thành trong sinh hoạt lao động, sản xuất mà không hề dân dã, tầm thường, dung tục. Khi hát lên những làn điệu dân ca sao thanh thoát, tình tứ, ngọt ngào… chắc bởi vì “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình, người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên“… Hay bởi nơi đây “một làn nắng cũng mang điệu dân ca“.

Khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào Kinh Bắc ngay thời kỳ đầu trong công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Tin Mừng ngay lập tức đã được tổ tiên, cha ông ta đón nhận trong hân hoan và quảng đại, đức tin vô giá được lưu truyền, giữ gìn bằng mồ hôi nước mắt lẫn máu đào cho ngày nay và mai sau.

Chặng đường qua của giáo phận Bắc Ninh là một chặng đường nếm trải biết bao khó khăn, thứ thách, thậm chí phải đổ cả máu mình ra để làm chứng và bảo vệ đức tin. Với sự hi sinh lẫm liệt của cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự, …. thời Minh Mạng, rồi một trăm vị đầu mục dưới triều vua Tự Đức ngày 4/4/2862 tại cổng thành tả Bắc Ninh…. Những thập kỷ tiếp theo, Giáo phận Bắc Ninh phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng niềm tin sắt son vào Đức Kitô vẫn không ngừng phát triển. Máu của cha ông tổ tiên đổ ra đã không trở nên vô ích, mà làm cho hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết trái, bởi vì “máu các vị tử đạo làm trổ sinh Kitô hữu” và là nền móng vững chắc của giáo phận Bắc Ninh.

I.Bối cảnh giáo phận

a. Địa lý và dân số:

Giáo phận Bắc Ninh hiện nay nằm ở phía Đông Bắc của Hà Nội Việt Nam, có diện tích 24.600 km2. Phía bắc giáp giáo phận Lạng Sơn, phía nam giáp giáo phận Hà Nội, phía đông giáp giáo phận Hải Phòng, phía tây giáp giáo phận Hưng Hoá.

Vùng đất của giáo phận hiện nay nằm trọn vẹn trên 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc cùng một số huyện, xã của các tỉnh lân cận như thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn và Phú Thọ. Trên diện tích ấy có gần 9 triệu dân cư, hầu hết là người Kinh, trừ khoảng 600 ngàn người thuộc các dân tộc anh em khác sống rải rác ở các tỉnh vùng núi như người H’mong, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa. Số tín hữu Công Giáo khoảng 125, 000 người (1, 38% dân số), trong đó khoảng 500 người Công Giáo là những anh em dân tộc thiểu số. Người dân thuộc các tỉnh đồng bằng chủ yếu sống bằng nghề nông, trong khi người dân thuộc các tỉnh miền núi thường sống nhờ vào nương rẫy và các sản phẩm từ rừng núi. Bối cảnh phức tạp này đang là thách thức rất lớn cho công việc mục vụ cũng như công cuộc truyền giáo của giáo phận ngày nay.

b. Lịch sử

Trước khi được thành lập, giáo phận Bắc Ninh đã là một phần của giáo phận Đàng Ngoài (1659-1679), rồi của giáo phận Đông Đàng Ngoài (1679-1883). Ngày 29/5/1883, Đức Thánh Cha Lêô XIII ký tông sắc thiết lập giáo phận Bắc Đàng Ngoài bao gồm cả phần đất của giáo phận Lạng Sơn ngày nay. Năm 1924, giáo phận Bắc Đàng Ngoài được đổi tên thành Giáo phận Bắc Ninh.

Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, giáo phận Bắc Ninh đã phải chịu đựng và trải qua biết bao cam go, thử thách, nhất là khi đất nước chịu cảnh chia đôi từ năm 1954-1975. Sau khi Hiệp Định Giơ-ne-vơ được kí kết năm 1954, đã có 47 linh mục, tất cả chủng sinh và gần 40, 000 người Công Giáo di cư vào Miền Nam. Giáo phận chỉ còn lại 14 linh mục già, 12 thầy giảng, 11 nữ tu Dòng Đa-minh và khoảng 30, 000 tín hữu Công Giáo. Trước đó trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1946-1954 đã có 250 trên tổng số 300 nhà thờ trên khắp giáo phận bị phá hủy. Trong những năm chiến tranh khó khăn ấy cũng đã có những cuộc di cư của những người Công Giáo từ vùng xuôi lên các tỉnh vùng núi, chính vì vậy mà hiện nay giáo phận cũng đang có nhu cầu cấp thiết phải xây dựng nhà thờ, nhà nguyện cho những vùng đó. Từ năm 1954, các linh mục lớn tuổi dần dần qua đời. Đến năm 1994, mới có hai linh mục được phong chức. Trong thời gian này, số linh mục trong giáo phận bị thiếu hụt trầm trọng, có những lúc cả giáo phận chỉ còn “một linh mục rưỡi” (một cha hoạt động chính thức, còn một cha hoạt động trong âm thầm). Trong suốt thời kì khó khăn và thiếu vắng linh mục này, tòa giám mục đương nhiên trở thành ngôi nhà chung cho toàn thể giáo phận, nhất là vào các dịp lễ trọng và mùa chay có đến hàng nghìn người đến tham dự thánh lễ và lãnh nhất các bí tích mỗi ngày.

Chỉ sau khi Đại Chủng Viện Hà Nội được mở cửa trở lại năm 1989 thì số linh mục trong giáo phận mới dần dần tăng lên. Hiện tại giáo phận đã có được 71 linh mục, coi sóc 81 giáo xứ và 327 giáo họ, với gần 125, 000 tín hữu sống rải rác trong khắp giáo phận. Cho dù suốt thời kì dài giáo phận gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng đời sống đức tin của giáo phận vẫn luôn được duy trì và không ngừng phát triển.

Vì những khó khăn trên mà giáo phận đã phải có những sáng kiến mục vụ sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế và giữ gìn đức tin những người tín hữu còn ở lại, đó là đào tạo những nhân sự nòng cốt là anh chị em giáo dân để họ tham gia và cộng tác vào những công việc chung của giáo phận, thiết lập ban hành giáo ở tất cả các xứ họ để thay mặt Đức Giám Mục hay cha xứ điều hành xứ họ, đào tạo các tông đồ giáo dân, các chị em tận hiến để giúp các em thiếu nhi học kinh bổn và dâng hoa, thành lập các giới để giúp đỡ nhau trong các sinh hoạt giáo dân…, đặc biệt là cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Có thể nói những sáng kiến này đã có từ lâu, tuy nhiên nó được áp dụng và hoạt động hữu hiệu từ thời Đức Cha Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng (1963-1994), được tiếp tục trong thời Đức Cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến và vẫn đang được tiếp tục cho đến ngày nay.

Thực vậy, trong suốt những năm thi hành chức vụ, Đức Cha Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng và Đức Cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến đã thành lập và xây dựng Ban Hành Giáo (Hội Đồng Giáo xứ), cổ vũ việc đọc kinh ở nhà thờ và trong gia đình. Chính Đức cố Giám Mục Phao-lô Giu-se là người đã sáng lập Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất nhằm giúp cho việc dạy kinh bổn và giáo lý trong các xứ họ. Cả hai Đức Cha, Đức Cha Phao-lô Giu-se và Đức Cha Giu-se Ma-ri-a đã nỗ lực đào tạo những người giáo dân trong các xứ. Nhờ họ thì các tín hữu trong giáo phận mới có thể giữ vững và sống đức tin trước muôn vàn khó khăn thử thách.

Sau khi đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến qua đời (2006), Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt làm giám quản giáo phận Bắc Ninh (2006-2008). Hiện nay, một người con nữa của giáo phận Bắc Ninh là đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, sau nhiều năm được nuôi dưỡng và tu luyện ở Dòng Tên, nay trở về phục vụ trên cương vị là mục tử của giáo phận Bắc Ninh.

II.Hiện trạng Giáo Phận ngày nay

Để viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông tổ tiên và để phù hợp cho công việc mục vụ trong hoàn cảnh hiện tại, ngày nay giáo phận được chia ra làm 4 giáo hạt: Tây Bắc, Tây Nam, Bắc Giang và Bắc Ninh.

2. Giáo hạt Tây Nam

Nằm trọn vẹn trong tỉnh Vĩnh Phúc và một số quận và huyện của thành phố Hà Nội, giáo hạt Tây nam hiện nay có 101 họ đạo nằm trong 22 giáo xứ, số giáo dân hiện nay là 32, 500 người dưới sự coi sóc của 13 linh mục và cha quản hạt là cha tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh.

Giáo xứ Vĩnh yên

Nơi đầu tiên được đề cập đến đó là xứ Vĩnh Yên. Giáo xứ Vĩnh Yên nằm ở trung tâm thành phố Vĩnh Yên gồm 3 họ đạo là nhà xứ, An Định và Tam Đảo, với số giáo dân là 525 nhân danh. Đến đây trong không khí của buổi sáng mùa hạ, ánh nắng nhẹ nhàng và những cơn gió man mác càng khiến những chia sẻ và chương trình của Cha tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh trở nên lôi cuốn hơn.

Ngài đã chia sẻ về tinh hình đời sống đức tin của giáo xứ nói chung và những sinh hoạt của giới trẻ nói riêng. Ngài cho biết : Người Ki tô hữu nơi đây có một niềm tin sắt son, cho dù họ phải trải qua rất nhiều khó khăn để giữ đạo, cho đến bây giờ bà con giáo dân vẫn luôn duy trì đều đạn ngày ba buổi đến nhà thờ tham cầu nguyện. Số giáo dân ít ỏi còn lại sau biến cố năm 1954 tưởng rằng không thể nào giữ vững được niềm tin, đất đai nhà thờ đã bị chiếm dụng gần hết, còn đức tin là còn tất cả, đức tin của người giáo hữu nơi đây hôi sinh mãnh liệt kể từ ngày có cha xứ về ở trực tiếp.

Nhà thờ Tam đảo

Tam đảo là một họ lẻ thuộc giáo xứ Vĩnh Yên nằm trên dãy núi Tam Đảo thơ mộng. Giáo xứ Tam Đảo ngày xưa và nhà thờ Tam Đảo hiện tại nằm trên khu du lịch Tam Đảo do người Pháp khai sinh. Tam Đảo cách Tòa giám mục Bắc Ninh 90km. Vì ở độ cao nên khí hậu Tam Đảo rất mát mẻ dễ chịu. Khởi đầu khi thành lập năm 1906, giáo xứ có gần 200 giáo dân với ngôi nhà thờ bằng tranh lá. Năm 1937, giáo xứ đã xây dựng ngôi thánh đường hiện nay theo lối kiến trúc Pháp với chiều dài 26m, rộng 11m. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” đã làm cho toàn bộ những ngôi biệt thự tại Tam Đảo bị phá hủy hoàn toàn, nhà thờ là công trình kiến trúc duy nhất được bảo toàn. Tuy nhiên, với chính sách và đưòng lối của chế độ Cộng Sản tôn giáo không là một tiêu chuẩn tự do nên từ năm 1954, nhà thờ bị chính quyền quản lý và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trừ mục đích chính đáng là thờ phượng Thiên Chúa! Sau nhiều lần đối thoại qua lại, ngày 8-8-2008, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có thiện chí trao trả lại nhà thờ Tam Đảo cho chủ sở hữu đích thực của nó là giáo phận Bắc Ninh. Hiện tại, sau hơn nửa thế kỷ sử dụng sai mục đích, không được sửa chửa bảo trì, nhà thờ Tam Đảo đã xuống cấp nặng nề, nhiều hạng mục công trình hư hỏng, vỡ nát. Vì thế, rất cần những tấm lòng quảng đại mở rộng bàn tay giúp đỡ để nhà thờ Tam Đảo có thể được trùng tu, phục hồi xứng đáng là nơi Chúa ngự.

Khi Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đang là giám mục giáo phận Bắc Ninh, ngài đã đặt tước hiệu cho nhà thờ Tam Đảo là nhà thờ Nữ Vương, nay Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt muốn thêm vào tước hiệu đó là nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình. Bởi vì, theo Đức Cha nếu hiểu hòa bình là im tiếng súng, chiến tranh không còn, đã có hòa bình. Nhưng nếu hiểu hòa bình một cách sâu xa hơn như là trạng thái mọi người dân sống thái hòa, bình an thì hiện Việt Nam vẫn chưa có hòa bình, người dân vẫn hằng ngày phải đấu tranh vật lộn dưới sức đè nặng của bao thứ giặc: giặc dốt, giặc đói, giặc gian dối, bất công xã hội, sự vô cảm trước nỗi đau của dân chúng… Vì thế, Đức cha muốn kêu gọi mọi người nài xin Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình ban ơn phù giúp cho con cái Mẹ, cho dân tộc Việt Nam. Đức cha mơ ước nhà thờ Tam Đảo sẽ là nơi hành hương của nhiều người trong cũng như ngoài giáo phận Bắc Ninh và cả những du khách quốc tế. Tam Đảo sẽ không chỉ là nơi có khí khậu mát mẻ, mà còn là nơi tràn ngập những làn gió mát tâm linh, những làn gió hiền hòa làm mát dịu lòng người.

Sau 58 năm trời từ ngày đất nước chia đôi vì chiến tranh, nhà thờ Tam Đảo được chính quyền trả lại cho giáo phận Bắc Ninh nói riêng và cho giáo hội Việt Nam nói chung. Ngày 2-9-2008, Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt cùng 12 linh mục giáo phận Bắc Ninh đã long trọng dâng thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ. Có tới hơn 2, 000 giáo dân đã tới tham dự thánh lễ. Đây là một con số kỉ lục về số lượng người tham dự thánh lễ tại nhà thờ Tam Đảo từ trước đến nay. Giáo dân ngồi chật kín trong và xung quanh nhà thờ. Cả một khối giáo dân đông đảo như muốn ôm chặt lấy ngôi thánh đường vừa được chính quyền trao trả lại.

Thật là kì lạ, khi thánh lễ bước sang phần Phụng vụ Thánh Thể, thì rất nhiều đám mây bay tới quấn lấy nhà thờ, ùa vào đầy nhà thờ. Khi thánh lễ kết thúc thì mây cũng tan. Một quang cảnh thiên nhiên thật thơ mộng, nhưng với con mắt tâm linh, thì đó giống như một quanh cảnh “thần hiện”, Chúa đến với con cái Ngài. Đức cha nói quang cảnh nhà thờ Tam Đảo hôm nay giống như cảnh Chúa Giêsu cùng các môn đệ trên núi Tabo ngày xưa!

Giáo xứ Nội Bài

Giáo xứ Nội Bài có 14 giáo họ, với số giáo dân hiện nay là 3, 500 nhân danh, nằm trên địa bàn của các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn của thành phố Hà Nội.

Họ nhà xứ Nội Bài có gần 1000 giáo dân nằm ngay cạnh phi trường quốc tế Nội Bài một trong những cửa ngõ quốc tế quan trong nhất của Việt nam, họ Xuân Dục với bài thơ “Núi Đôi” nổi tiếng của Vũ Cao. Họ Xuân Lai có vị đầu mục Giuse Hoàng Thế Nhẫn đã chịu tử đạo trong đợt 100 vị đầu mục chết vì đạo tại cổng tả thành Bắc Ninh ngày 4/4/1862. Xuân Lai cũng là quê hương của đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục đương nhiệm của giáo phận Bắc Ninh.

Hiện nay, cha xứ giáo xứ Nội Bài là cha Giuse Trần Quang Khiêm, cha có nhiều sáng kiến mục vụ để phát triển đời sống đức tin người Kitô hữu. Giáo xứ Nội Bài có sự hiện diện của các dì dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, các dì đã giúp dạy giáo lí, dâng hoa và ca đoàn….

Cách riêng, nhóm bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc và nghĩa trang thai nhi ở họ Bến Cốc (họ lẻ của giáo xứ Nội Bài) là nghĩa trang thai nhi đầu tiên ở Miền Bắc đã có từ cách đây hơn 7 năm do sáng kiển của một số giáo dân và được sự giúp đỡ tận tình đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, lúc đó ngài đang là cha giáo ở đại chủng viện Hà Nội, sau hơn 7 năm nhóm bảo vệ sự sống của họ Bến Cốc đã thu lượm và chôn cất được gần 20 mươi nghìn thai nhi.

Giáo họ Xuân Dục

Giáo họ Xuân Dục hay làng Xuân Dục nằm sát cạnh “Núi Đôi” thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cách tòa giám mục Bắc ninh khoảng 60 km về hướng Bắc và cách Sân Bay Nội Bài 15 km về hướng Đông.

Làng Xuân Dục đã trở nên thơ mộng và nổi tiếng trong bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao:

Bảy năm về trước em mười bảy

Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng

Xuân Dục, Đoài Đông hai nhánh lúa

Bữa thì anh tới bữa em sang

…………..

Từ núi qua thôn đường nghẽn lối

Xuân Dục Đoài Đông cỏ ngút đầy

Sân biến thành ao nhà đổ chái

Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay

Tin mừng đã được loan báo tại Xuân Dục cách nay hơn 90 năm, nhưng cho đến nay giáo họ Xuân Dục chỉ mới có được 163 nhân danh. Ngôi nhà thờ nhỏ bé của giáo họ Xuân Dục mấy chục năm tuổi đã bị xuống cấp nhiều do chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời tiết. Đời sống đức tin của giáo dân vẫn được duy trì cho dù trải qua rất nhiều khó khăn thử thách. Để nuôi dưỡng và phát triển đời sống đức tin, giáo họ đã thành lập hội Mân Côi, Huynh Đoàn Đa Minh giáo dân và thiếu nhi Thánh Thể. Ngày nay bà con giáo dân vẫn đều đặn ngày ba buổi tới nhà thờ cầu nguyện, viếng Mình Thánh Chúa và cha xứ về dâng thánh lễ mỗi tuần một lần.

Ngỏ lời với cộng đoàn, đức cha mời gọi cộng đoàn sống và vâng theo ý Chúa trong đời sống hằng ngày, ngài cũng kêu gọi anh chị em giáo hữu sống theo tinh thần Tin mừng, và bài trừ các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy… ra khỏi đời sống gia đình và giáo họ.

Nhân dịp năm mới, đức cha cầu chúc cộng đoàn luôn an khang và thánh đức. Cuối cùng, đức cha ban phép lành năm mới cho tất cả mọi người lương cũng như giáo đang hiện diện trong thánh lễ đầu xuân này.

Ước mong đời sống đức tin cũng như kinh tế của người dân trong giáo họ Xuân Dục ngày càng phát triển để xứng đáng với làng Xuân Dục đã đi vào thơ ca, có bề dày lịch sử và gặt hái được nhiều thành quả để mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận Tin mừng vào năm 2015.

Giáo xứ Tư Đình

Tư Đình là giáo xứ duy nhất của giáo phận Bắc Ninh nằm trong nội thành của thành phố Hà Nội. Với số giáo dân là 1, 477 người, sống dải rác trên 8 họ đạo là họ nhà xứ Tử Đình, Kim Lan, Ngọc Động, Xuân Thụy, Hạ Dương, Nông Vụ và Đề Trụ.

Hiện nay đời sống đức tin giáo dân rất sốt sắng và vững mạnh, tuy nhiên cũng như nhiều giáo xứ khác ở thành phố, người tín hữu Tư Đình cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như làn sóng di dân ồ ạt, giới trẻ đang phải đối mặt với trào lưu tục hóa. Cha xứ Tư Đình hiện tại là cha Đaminh Vũ Quang Chí (Mỹ), ngài thiết lập và động viên thiếu nhi tham gia phong trào thiếu nhi Thánh Thể, ngài thường xuyên đến các họ lẻ dâng lễ và động viên khích lệ bà con giáo dân, đặc biệt cha đã tổ chức những buổi sinh hoạt và dâng lễ cho những người di dân vào các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng. Từ nhiều năm nay, giáo xứ luôn mở rộng đón tiếp và tạo điều kiện chỗ ăn chỗ ở cho các sĩ tử trong các dịp thi đại học và cao đẳng hàng năm.

Giáo xứ Hòa Loan

Với dòng thời gian, mảnh đất giáo xứ Hoà Loan đã chứng kiến và trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm thử thách. Hạt giống đức tin của cha ông đã vất vả gieo trồng, đã có những lúc tưởng chừng như bị vùi dập, mất đi vĩnh viễn. Nhưng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ngày hứa hẹn một mùa màng bội thu cũng đang ló rạng. Ngược thời gian, chúng ta cùng điểm lại đôi nét về lịch sử một chặng đường gần hai thế kỷ qua của giáo họ nhà xứ Hoà Loan.

Giáo Xứ Hoà Loan toạ lạc trong khu vực Kinh Đô Phong Châu từ thời các Vua Hùng. Đến đời Lý Thái Tổ, miền đất này thuộc huyện Vĩnh Tường, nổi tiếng với quan phủ là chồng của thi sĩ nổi danh Hồ Xuân Hương, xưa thuộc tỉnh Sơn Tây, nay thuộc xã Lũng Hoà huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo các cụ truyền kể: vào đầu thế kỷ 19 (khoảng năm 1820), mảnh đất Hoà Loan được đón nhật hạt giống Tin Mừng. Ban đầu có ba chi họ trên hai chục gia đình, gồm khoảng 100 nhân danh lãnh nhận phép Rửa Tội. Cụ Dương Văn Hương 83 tuổi kể lại: vào Thời vua Tự Đức, năm 1861 có Linh Mục Phêrô Thạc, sinh quán tại Xứ Hoà Loan chịu tử đạo nhưng nay chưa tìm được tư liệu về vị tử đạo này.

Vào khoảng năm 1881-1882, họ giáo Hoà Loan đã làm được 5 gian nhà nguyện bằng tre gỗ lợp tranh, số tín hữu dần dần được tăng lên. Đến đầu thế kỷ 20, giáo họ Hoà Loan đã có trên 60 hộ, với hơn 300 nhân danh.

Năm 1910, thời Đức cha Vê- las-cô Khâm làm Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh, Ngài đã thiết lập giáo Xứ Hoà Loan, với 4 họ đạo là Hoà Loan, Bồ Sao, Cửa Sông, Hương Nghĩa. Họ Hoà Loan được nâng lên làm nhà xứ. Đức Cha Giáo Phận đã bổ nhiệm Linh Mục Mac-ti-nô Thành về làm Cha chánh xứ tiên khởi, và cha phó xứ là Cha Định. Từ khi có cha xứ trực tiếp coi sóc và ở cùng, giáo dân đã được các ngài hướng dẫn, dạy dỗ cách sống đạo, giữ đạo, tăng trưởng về đức tin, luôn được dự thánh lễ và lĩnh thụ các Bí Tích Thánh.

Vào năm 1913 cha xứ Thành đã tổ chức xây dựng một nhà nguyện bằng tường gạch mái ngói, có chiều dài 12m rộng 6m với tổng bằng 72m. và một nhà giáo lý quy mô, diện tích 80m, có ngăn cách các phòng như phòng khách, phòng nghỉ, gọn gàng sạch đẹp.

Giáo xứ Hoà Loan đã vinh dự lần lượt được đón nhận nhiều cha về coi sóc: kế tiếp Cha Thành là cha già Lý; cha Phêrô Tịch; cha Linh; cha Nguyễn Quang Hiển, Cha già Tuấn. Cha Đỗ Thành Nhân; cha già Thận; cha Quyền, cha già Bích; cha Ngô Văn Tố.

Vào năm 1941, cha già Bích đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường có chiều dài 41m, rộng 10m. Công trình đang xây dựng tường bao xung quanh cao trên 3m, tháp cao 5 đến 6m, thì vào năm 1943 do hoàn cảnh khó khăn phải tạm dừng. Đến năm 1948- 1949, đất nước lâm cảnh chiến tranh, cha già Bích tản cư lên xứ Văn Thạch, không về lại được, và Ngài đã qua đời tại xứ Văn Thạch, cha phó cũng di dời đi nơi khác. Năm 1950, Đức Cha cử cha Giuse Nguyễn Khắc Mẫn đến coi sóc xứ Hoà Loan.

Năm 1954 chiến tranh Việt – Pháp tạm dừng, đất nước chia hai miền Nam – Bắc. Một biến cố xảy ra: giáo dân các giáo phận Miền Bắc ùn ùn di cư vào Miền Nam. Giáo dân nhà xứ Hoà Loan cũng di cư vào Miền Nam quá nửa. Cả cha xứ cũng theo giáo dân vào Nam. Cảnh giáo xứ, gia đình, kẻ Bắc người Nam: tan đàn sẻ nghé, giáo xứ không chủ chiên, bơ vơ, vườn không nhà trống. Mãi cho đến Mùa Chay năm 1957, thời Đức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám Mục Hải Phòng, Giám Quản Giáo Phận Bắc Ninh cử cha già Đa Minh Hoàng Nghĩa Châu, đến làm cha xứ Vĩnh Yên, và quản xứ Hoà Loan. Hàng năm, cha già lo cho giáo dân được lĩnh thụ các nhiệm tích, các ngày lễ trọng Cha đến dâng lễ, động viên an ủi giáo dân vững tin vào Thiên Chúa, tin tưởng thế nào cũng có ngày giáo xứ sẽ có chủ chăn. Đến Mùa Chay năm 1960, Đức Cha giáo phận lại chuyển đổi cha già Châu đi nơi khác, giáo xứ lại trở nên trống vắng. Kể từ Mùa Chay năm 1960 Cho đến mùa Chay năm 1994: 34 năm nhà xứ Hoà Loan không có một linh mục nào đến dâng lễ nữa. Giáo dân muốn dự lễ và lĩnh thụ các nhiệm tích phải đi bộ 30 km về xứ Trung Xuân, lúc đó là Cha Micae Lê Bá Cầm. Cuối năm 1962 Cha già Cầm qua đời. Từ đây, giáo Xứ Hoà Loan muốn đi dự lễ hoặc lĩnh thụ các nhiệm tích lại phải về giáo xứ Yên Mỹ, cách xa trên 40 km nhờ cậy cha già Giuse Nguyễn Hữu Tất. Tháng 4 năm 1971, cha già Tất qua đời, cả tỉnh Vĩnh Phúc gồm 12 xứ đạo, trên 30 ngàn giáo dân mà không có bóng một linh mục nào coi sóc.

Trong suốt 34 năm; hơn một phần ba thế kỷ, giáo xứ Hoà Loan có nhiều cụ già khi sắp lìa đời không được lãnh các nhiệm tích sau hết, các trẻ em không được học hỏi giáo lý, đến tuổi khôn lớn không hiểu biết gì về đạo. Nơi duy nhất có linh mục đó là: Toà Giám Mục Bắc Ninh cách Hoà Loan hơn 100 km. Đời sống kinh tế thì thiếu thốn, đói nghèo, không tiền tàu xe, phương tiện khác không có, nên có nhiều người độ tuổi: từ 25 đến 30 năm không biết Thánh Lễ là gì, không được lĩnh thụ các nhiệm tích, đức tin như tàn lụi. Mùa Chay năm 1994, Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến cử cha Giuse Trần Quang Vinh về coi sóc giáo hạt Vĩnh Phúc, tới năm 1998 chuyển giao cho Cha Giuse Bùi Xuân Bính. Với 12 Giáo Xứ, gần một trăm họ đạo trên 30 ngàn giáo dân, một gánh nặng quá sức cho một linh mục. Kể từ Mùa Chay năm 1994 cho đến Mùa Chay năm 2005, giáo họ Hoà Loan có các Cha đến dâng lễ mỗi năm một lần, ban các nhiệm tích cho Giáo dân.

Trải qua năm tháng dài chiến tranh, cộng thêm thiên tai mưa bão, thời tiết khắc nghiệt, ngôi nhà nguyện xuống cấp trầm trọng, sửa đi sửa lại nhiều lần. Dân họ ít người, từ cụ già bạc đầu đến em bé bồng trên tay tổng số có trên 100 người, đời sống kinh tế quá khó khăn, thiếu thốn.

Ngày 9 tháng 10 năm 2005, Cha xứ mới là Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Huy Liệu về trực tiếp coi sóc các xứ: Dân Trù, Trung Xuân và Hoà Loan. Kể từ đó, các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng luôn luôn có Thánh Lễ, các bí tích được ban thường xuyên hơn khi co nhu cầu.

Cùng chung nỗi băn khoăn, trăn trở với Đức Cha Cố Giuse Nguyễn Quang Tuyến, cha xứ Phanxicô Xaviê đã bắt tay xây dựng nhà thờ. Ngài đã cầu nguyện, kêu gọi, khích lệ tinh thần giáo dân, thế là cả giáo xứ đồng tâm nhất trí với nhau, mọi thành phần Dân Chúa trong 10 họ đạo của xứ cùng chung sức chung lòng, đóng góp tinh thần cũng như vật chất, đồng thời kêu gọi quí ân nhân, quí vị hảo tâm trong nước cũng như hải ngoại, đã tận tâm giúp đỡ bằng lời cầu nguyện, bằng tài chính, vật chất để giáo họ Hoà Loan có được ngôi Thánh Đường khang trang này. Tuy nhỏ bé so với các nơi khác, nhưng cũng tin rằng ngôi thánh đường mới này sẽ là nơi xứng đáng làm đền Thờ để Chúa ngự, và dâng Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngoài ra, ngôi thánh đường còn là một biểu tượng của niềm tin lớn mạnh, của giáo dân giáo xứ Hoà Loan sau bao nhiêu thử thách mà vẫn kiên cường đứng vững. Ngôi thánh đường theo chúng tôi được biết, còn là một biểu tượng của sự đoàn kết, hợp nhất, yêu thương giữa những người Công Giáo cũng như những bà con tôn giáo bạn.

Ngôi thánh đường mang danh hiệu: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ nhờ lời cầu bầu của các ngài, để mãi mãi sẽ là biểu tượng của niềm tin thuỷ chung, son sắt, kiên định và hiệp nhất trong yêu thương trên mảnh đất tái truyền giáo này.

Hiện nay, giáo xứ đã thiết lập được nhiều các đoàn thể Công Giáo tiến hành như hội Giuse, hội Mân Côi, huynh đoàn Đa Minh giáo dân, thiếu nhi Thánh Thể, ban kèn, trống trắc… với mục đích mọi người cùng nhau sống đức tin và làm chứng và loan báo Tin Mừng cho những người xung quanh.

Giáo xứ Vinh Tiến và Thống Nhất

Vinh Tiến và Thống Nhất là hai giáo xứ truyền thống của giáo phận Bắc Ninh. Với số giáo dân là 3, 525 người, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông và một số ngành nghề khác. Nói đến Vinh Tiến và Thống Nhất, tòa giám mục Bắc Ninh phải cám ơn người giáo dân ở hai giáo xứ này rất nhiều, vì trong thời gian tòa giám mục gần như bị cô lập với bên ngoài thì giáo dân Vinh tiến Thống Nhất đã chở củi trên những xe đạp và xe thồ trên đoạn đường khoảng 60 km đến làm chất đốt cho tòa giám mục trong những ngày Chúa Nhật và dịp lễ Trọng. Rất tiếc vào thời gian đó kĩ thuật còn thô sơ cho nên không có máy ảnh để ghi lại những hình ảnh về một thời đáng nhớ đó.

Cha xứ hiện nay là cha Gioakim Nguyễn Văn Thoan, ưu tư lớn nhất của cha và giáo xứ là đào tạo cho các em thiếu nhi có kiến thức giáo lý vững chắc để các em có thể đứng vững đức tin trước mọi sóng gió của cuộc sống, đặc biệt các em phải xa gia đình từ rất sớm để học hành và tìm kế sinh nhai. Hiện nay, giáo xứ đã thiết lập được các hội đoàn như Thiếu Nhi Thánh thể, huynh đoàn Đa minh giáo dân, hội Giuse, Mân Côi, đoàn hoa, trống trắc….

Đến thăm giáo xứ vào các ngày Chúa Nhật, ta mới nhận thấy cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của một giáo xứ có bề dày lịch sử và đức tin sống động. Hàng trăm em thiếu nhi đang ngồi học từng nhóm và sinh hoạt giáo lý dưới sự hướng dẫn của các anh chị huynh trưởng khắp sân nhà thờ vì giáo xứ vẫn chưa có được một phòng giáo lý cho các em. Cuối các buổi học vào các ngày Chúa Nhật, cha xứ dâng thánh lễ riêng cho các em thiếu nhi. Những kiến thức giáo lý các em học được bây giờ cùng với Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà các em lãnh nhận mỗi ngày Chúa Nhật sẽ là hành trang vững chắc cho đời sống đức tin mai sau.

Giáo xứ Phúc Yên

Giáo xứ Phúc Yên tọa lạc ngay tại trung tâm thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, các tòa giám mục Bắc ninh 50 km và sân bay quốc tế Nội Bài 10 km về hướng Nam.

Khi giáo phận Bắc ninh được thành lập (29/5/1883), Phúc Yên lúc là một họ lẻ của giáo xứ Đông Bài. Năm 1902 giáo họ Phúc Yên được nâng lên hàng giáo xứ. Đến năm 1932, Phúc Yên đã là một giáo xứ lớn của giáo phận Bắc ninh, với số giáo dân là 600 người. Năm 1935, toàn thể giáo xứ nỗ lực xây dựng được ngôi nhà thờ khang trang, đẹp đẽ với tổng diện tích là 520 m2, tháp cao 35 m, trên diện tích đất nhà thờ là 15, 951 m2.

Nhờ vào lòng đạo đức của giáo dân và sự nhiệt thành truyền giáo của cha xứ, giáo xứ Phúc Yên phát triển rất nhanh. Năm 1941, giáo dân Phúc Yên đã tăng lên 1, 153 nhân danh, giáo xứ đã xây dựng được ngôi nhà giáo lí 2 tầng rộng rãi (ngôi nhà này đã bị đổ vào thời tiêu thổ kháng chiến).

Biến cố năm 1954, nhiều giáo dân giáo xứ Phúc Yên đã di cư vào Nam, ở lại giáo xứ chỉ còn lại một số gia đình, nhưng số giáo dân ít ỏi này vẫn duy trì cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống đức tin và lưu truyền lại cho con cháu.

Biến cố đau thương của giáo xứ mà mọi người vẫn luôn ghi nhớ ngày 17/9/1967 ngôi nhà thờ giáo xứ Phúc Yên bị phá đổ. Sau đó, vào thập niên 70 nhà nước đã trưng thu toàn bộ đất đai nhà thờ và nhà chung.

Tuy cơ sở vật chất của giáo xứ không còn, nhưng đức tin của giáo dân thì không mất. Giáo dân vẫn duy trì tập trung cầu nguyện ở một số gia đình. Nhờ lời cầu nguyện liên lỉ và nhờ vào lòng Chúa thương xót, giáo dân phúc Yên không chỉ giữ được đức tin, mà số giáo dân còn gia tăng rất nhanh.

Trong hoàn cảnh khó khăn vì không có nơi cầu nguyện, giáo dân Phúc Yên đã không biết mệt mỏi làm đơn kiến nghị với các cấp chính quyền đễ xin hoàn lại khu đất nhà thờ đã bị trưng thu. Sau hơn 30 năm trời kiên trì bền bỉ làm đơn gửi lên các cấp chính quyền và liên lỉ cầu nguyện, cùng với sự khích lệ của các vị chủ chăn. Cuối cùng, Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của giáo dân Phúc Yên, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý hoàn trả lại 5, 033 m2 vào cuối năm 2008.

Ngày nay, với số giáo dân là 3, 883 người, sống rải rác trên các giáo họ là họ nhà xứ Phúc Yên, Bến Xây, Đại Lợi, Kim Anh, Kim Tràng, Tân Lợi và Văn Lôi. Phúc Yên có cha Phêrô Nguyễn Công Văn về ở trực tiếp với giáo xứ, cho nên đời sống đức tin sắt son của giáo dân Phúc Yên thủa nào càng trở nên vững mạnh. Giáo xứ có thánh lễ đều đặn, mọi người hằng ngày vẫn cầu nguyện và dành thời gian quí báu làm giờ kính lòng Chúa thương xót để Ngài ban muôn vàn ơn xuống cho giáo xứ và cho toàn thể thế giới.

Thị xã Phúc Yên là nơi có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và có nhiều trường học. không những vậy, Phúc Yên là trung tâm của nhiều giáo xứ xung quanh trong vùng Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, thị xã Phúc yên là nơi rất thuận tiện cho việc giao thông đi lại vµ chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài 10 km. Vì vậy, giáo phận Bắc ninh đã quyết định xây dựng ngôi đền kính lòng Chúa thương xót ở giáo xứ Phúc Yên để tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho giáo phận, và là nơi thuận tiện cho mọi người từ Nam đến Bắc có thể hành hương và lui tới cầu nguyện. Đền kính lòng Chúa thương xót là công trình đánh dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Cũng từ ngôi đền thánh này, nguồn mạch thiên liêng là Máu và Nước đã tuôn trào ra từ Trái Tim Chúa, để tất cả những ai tín thác vào Người sẽ hưởng được những ân sủng trường sinh.

Lời khẩn nguyện “lạy Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu, xin thương xót và che trở chúng con”, “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa” đã, đang và mãi mãi vang vọng lên trước nhan thánh Chúa từ giáo xứ Phúc Yên nói riêng và trên toàn thể giáo phận Bắc ninh.

Giáo họ Tân Lương, Trung Lương và giáo họ Mã

Giáo họ Tân Lương và Trung Lương thuộc xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cách tòa giám mục Bắc ninh khoảng 60 km và cách sân Bay Nội Bài khoảng 8 km về hướng Bắc. Hiện nay hai giáo họ Tân Lương và Trung Lương có khoảng 300 giáo dân. Giáo họ Trung Lương đã có được ngôi nhà nguyện nho nhỏ để cho giáo dân hàng ngày đến cầu nguyện.

Còn giáo họ Tân Lương vẫn chưa có nhà thờ, hàng ngày bà con giáo dân vẫn phải đến ngôi nhà cấp bốn khoảng 30 m2 đọc kinh, ước mong của giáo dân nơi đây là sớm xây dựng được ngôi thánh đường mới xứng đáng làm nơi Chúa ngự và hàng ngày bà con giáo dân có thể đến cầu nguyện và viếng Mình Thánh.

Giáo họ Mã nằm ngay cạch Núi Sóc (đền Sóc Sơn) là nơi gắn với truyền thuyết anh hùng thánh Gióng bay về trời sau khi thắng giặc Ân. Hiện nay giáo họ Mã có khoảng 100 giáo dân và họ chủ yếu làm nghề bán các đồ lưu niệm ở đền Gióng. Ngôi nhà thờ khoảng 85 m2 của giáo họ Mã nằm trên quốc lộ 3 ngay sát ngã ba lối rẽ vào đền Gióng. Khi dâng thánh lễ và cầu nguyện ở nhà thờ Mã, mọi người cứ cảm tưởng đang dâng thánh lễ trong một quán Ba ngay giữa Hà Thành vì tiếng ầm ào của các phương tiện qua lại trên đường quốc lộ và tiếng nhạc xập xình của những nhà xung quan. Ước mong của giáo dân nơi đây là đổi nhà thờ ra một miếng đất nào rộng rãi, yên tĩnh và thoáng mát để thuật tiện cho việc cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa.

1. Giáo hạt Tây Bắc:

Giáo hạt Tây Bắc nằm trong 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, cùng một số xã và huyện của hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ. Giáo hạt Tây Bắc kéo dài từ giáo xứ La Tú thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đến giáo xứ Bạch Xa thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, với chiều dài khoảng 200 km.

Hạt Tây Bắc hiện tại có 90 giáo họ nằm trong 28 giáo xứ, với số giáo dân là 48, 134 người, do 12 cha coi sóc. Linh mục quản hạt hiện nay là cha Giuse Hoàng Văn Lịch.

Giáo xứ Đồng Chương

Cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh 165km về phía Bắc là Giáo xứ Đồng Chương – nơi nhiệm sở của Cha Quản hạt Giuse Hoàng Trọng Lịch. Quang cảnh giáo xứ Đồng Chương chẳng khác gì giáo điểm truyền giáo trong bộ phim « Giáo điểm trên cao » của đạo diễn Roland Joffé.

Trong không gian đặc trưng của núi rừng phía Bắc, Đồng Chương là một trong những giáo xứ lớn nhất của giáo phận Bắc Ninh bao gồm 7 họ đạo : họ nhà xứ Đồng Chương, Đất Đỏ, Tân Phúc, Núi Dài, Vân Thành, Gò Hu, Tân Hèo và một số giáo điểm khác nằm rải rác trong huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay giáo xứ có 5, 173 người Công Giáo.

Với địa thế là trung tâm của tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, đất đai nhà thờ rộng rãi, số giáo dân đông và nhiệt tình, đạo đức, cho nên giáo xứ Đồng Chương thường là nơi tổ chức các dịp lễ lớn cấp giáo phận như Lễ Truyền Dầu, và những sinh hoạt của các hội đoàn… đặc biệt lễ đại hội giới trẻ của giáo phận, nghi thức cung nghinh Thánh Giá giới trẻ trọng thể từ giáo xứ Đông Chương đến giáo xứ Yên Thịnh (trên đoạn đường 21 Km, mất 2 tiếng đồng hồ) vào ngày Chúa nhật Lễ Lá năm nay (2011), có hàng ngàn các bạn trẻ tham dự.

Giáo xứ Tân Cương

Khác với giáo xứ Đồng Chương với dòng Lô Giang : Mùa mưa nước ngập, mùa khô cạn dòng”, Tân Cương nằm bên bờ hồ Núi Cốc thơ mộng nổi tiếng với câu chuyện tình lãng mạn “nàng Công và chàng Cốc”, nhắc đến Tân Cương không thể không nhắc đến mảnh đất với hương vị chè hảo hạn.

Những người tín hữu đầu tiên lên vùng Tân Cương lập nghiệp vào khoảng những năm 1930-1940, đó là một nhóm nhỏ giáo dân của giáo phận Bùi Chù. Hiện nay giáo xứ Tân Cương có 6 giáo họ, với hơn 6 nghìn nhân danh, cha xứ là cha Giuse Nguyễn Văn Đinh.

Có thể nói Tân Cương là một trong nh÷ng giáo xứ đạo đức bậc nhất của giáo phận, cho dù trải qua muôn vàn khó khăn thử thách, nhưng giáo xứ vẫn phát triển không ngừng, thành quả là hiện nay Tân Cương có hàng chục nam nữ tu sĩ và 3 linh mục đang phục vụ ở nhiều nơi. Với nỗ lực của toàn thể giáo dân vào cuối năm 2010 giáo xứ đã thánh hiến ngôi thánh đường bề thế vào loại bậc nhất của giáo phận Bắc Ninh hiện nay.

Giáo xứ Thái Nguyên

Giáo xứ Thái Nguyên tọa lạc ở trung tâm thành phố Thài Nguyên, với gần 4, 000 nhân danh sống ở trên các giáo họ:Tam Giang, Oánh, Lưu Xá, Đồng Quang, Quán Triều, Tân Thành và nhà xứ Thái Nguyên.

Nói đến Thái Nguyên, chúng ta phải cảm phục trước đời sống đức tin trung kiên, bền bỉ và nhiệt thành của bà con giáo dân. Trong suốt nhiều thập niên kể từ sau biến cố năm 1954, Thái Nguyên gần như bị tách biệt khỏi giáo phận. Tuy nhiên người tín hữu nơi đây vẫn kiên trì giữ vững đức tin và bảo vệ từng tấc đất nhà Chúa. Cho đến sau những năm 1990 khi đức cố giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng được phép đi kinh lí vùng Thái Nguyên, những chuyến kinh lí của ngài đã mở ra một chân trời hy vọng cho giáo xứ, hàng ngàn người được lãnh nhận bí tích hòa giải, hàng trăm đôi hôn nhân được gỡ ngăn trở…. Trong những năm tiếp sau đó, đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến vẫn thường xuyên có những chuyến thăm viếng mục vụ để nâng đỡ và củng cố đức tin người Kitô hữu.

Ngày nay, giáo xứ Thái Nguyên vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, tuy nhiên người tín hữu Công Giáo ở Thái Nguyên vẫn luôn giữ được truyền thống đức tin sắt son, đời sống đức tin của giáo dân Thái Nguyên đã từng bước hòa nhập vào những sinh hoạt chung của giáo phận.

Hiện nay, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Đại đang là cha xứ, ngài có nhiều sáng kiến mục vụ phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Ngài mời các sơ dòng Phaolô, dòng Mến Thánh Giá về chuyên lo cho việc di dân, đồng hành với các bạn sinh viên và giới trẻ, phát triển phong trào thiếu nhi Thánh Thể, mở các lớp giáo lý vào đời và chương trình giáo lý hôn nhân cho những bạn trẻ sắp lập gia đình….

Giáo xứ Phú Cường

Phú Cường là một trong những giáo xứ vừa mới được thành lập năm 2010, trước đây giáo họ Phú Cường thuộc giáo xứ Đại Từ. Giáo dân từ các địa phận Thái Bình, Bùi Chu và Phát Diệm di cư lên vùng Phú Cường này để kiếm kế sinh nhai trong những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Giáo xứ hiện nay có 8 giáo họ, với số giáo dân là 963 nhân danh sống rải rác trong huyện Định Hóa và một số xã của huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Người dân nơi đây rất nghèo vì đời sống của họ chủ yếu dựa vào cây chè và các sản phẩm rừng núi.

Trải qua nhiều thập niên kể từ khi di cư lên đây lập nghiệp cho đến tận năm 2010, giáo xứ không có cha xứ trực tiếp coi sóc, nhưng giáo dân nơi đây vẫn cố gắng xây dựng được những ngôi nhà nguyện đơn sơ nhỏ bé làm nơi sớm tối lui tới cầu nguyện để nuôi dưỡng và gìn giữ đức tin, dạy kinh bổn cho con cháu và thực hành đời sống Công Giáo bằng những việc đạo đức bình dân như ngắm đứng, dâng hoa, rước kiệu… Hiện nay giáo xứ có cha xứ trực tiếp coi sóc, ngài đang dần dần gây dựng cơ sở vật chất, củng cố đức tin người tín hữu như thành lập hội Mân côi, Giuse, huynh đoàn Đa Minh giáo dân, thiếu nhi Thánh Thể…. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mới giáo xứ cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu nơi cầu nguyện, nhiều giáo họ chưa có đất để làm nhà thờ, đường đi lại khó khăn hiểm trở….

Giáo Xứ Bạch Xa

Bạch Xa là giáo xứ xa nhất của giáo phận, nằm bên tả ngạn sông Lô thuộc thôn Bến Đền, xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cách tòa giám mục Bắc Ninh gần 300Km. Nơi đây có núi Đức Mẹ Bạch Xa do cha Quang người Tây Ban Nha đặt tượng từ ngày 15/04/1926.

Ngày xưa, ngôi nhà thờ được xây dựng ngay chân núi Đức Mẹ, nhưng do lũ lụt nên nhà thờ đã được di chuyển lên cao hơn, đó là nhà thờ bây giờ với diện tích 360m2.

Sau này, Đức cha cố Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến cùng với cha quản xứ Giuse Hoàng Văn Lịch đã mua được một khu đất cách nhà thờ khoảng 200m với tổng diện tích là 5, 500m2, đó chính là vực khu nhà xứ bây giờ và trong tương lai khu đất này sẽ được xây dựng ngôi nhà thờ mới.

Ngày 28/2/2008 Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã bổ nhiệm cha Giuse Trần Quang Khiêm làm chính xứ Bạch Xa; kể từ khi có cha xứ, ngôi nhà thờ và khu nhà xứ đã được nâng cấp dần; đời sống đạo của giáo dân dần được củng cố. Giáo xứ Bạch Xa hiên nay có 4 họ đạo: Bạch Xa; Minh Dân; Đồn Bầu; Tân Thành và 2 giáo khu: Minh Khương; Yên Thuận, với số giáo dân là 2.100 nhân danh.

Giáo xứ Bạch Xa cũng đã thành lập được các đoàn hội như: Giuse, Mân Côi, ca đoàn, giáo lý Viên. Đời sống của giáo dân chủ yếu là nghề nông nghiệp, giáo dân giữ đạo truyền thống rất tốt, Bạch Xa và Minh Dân vẫn giữ được 3 giờ kinh trong ngày.

Hiện nay, cha xứ Giuse Ngô Ngọc Đoàn về coi sóc giáo xứ Bạch Xa, ngài vẫn tiếp tục củng cố đời sống đạo của giáo dân và khích lệ sinh hoạt các đoàn thể ngày một phong phú hơn.

Giáo xứ Bắc Kạn

Nhà thờ Bắc Kạn nằm ngay giữa trung tâm thị xã Bắc Kạn, trên sườn một ngọn đồi; một vị trí khá thơ mộng: có núi đồi chập trùng bao quanh. Phía trước (hướng Đông) là con suối, thượng nguồn của con Sông Cầu thơ mộng, cách tòa giám mục Bắc Ninh 170 Km về hướng Bắc, tuy nhiên họ lẻ xa nhất của Bắc Bắc Kạn cách nhà xứ 110 Km và cách tòa giám mục Bắc Ninh 280 Km. Khuôn viên nhà thờ hiện nay chỉ còn lại khoảng 500 m2

Trước những năm 40, Bắc Kạn là một giáo xứ sầm uất, có cha xứ coi sóc. Nhưng sau biến cố 1947 – 1950, do chiến tranh bom đạn, cha xứ cùng với giáo dân phải sơ tán, loạn lạc. Từ đó, giáo xứ Bắc Kạn trở nên thưa thớt, tiêu điều.

Ngày 29/2/2008 Giáo xứ Bắc Kạn được giao cho cha Giuse Hà Mạnh Hoàn. Sau khi cha Giuse được giáo phận cử đi đi du học tại Pháp Quốc, ngay sau đó (ngày 04/12/2010) Đức Cha đã bổ nhiệm cha phó Vinh Sơn Nguyễn Văn Quân lên coi sóc và ngài đã tu sửa lại ngôi nhà thờ với khuôn viên khang trang sạch sẽ hơn.

Hiện nay giáo xứ Bắc Kạn có 508 nhân danh, sống rải rác trong các giáo họ Chợ Đồn (cách nhà xứ Bắc Kạn 40 km), Nà Phặc (cách nhà xứ 40 km), Na Rì (cách nhà xứ 80 km), Ba Bể (cách nhà xứ 80 km), Pắc Nậm (cách nhà xứ 110 km) và một vài giáo khu khác.

Mới đây, cha Giuse Nguyễn văn Tĩnh đã được bổ nhiệm về giúp cha xứ Thái Nguyên, đặc biệt phụ trách các giáo họ Pắc Nậm, Nà Phặc và Ba Bể.

Cho dù địa bàn rộng lớn, rừng núi hiểm trở và còn nhiều khó khăn, nhưng giáo dân Bắc Kạn vẫn ngày càng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngày nay giáo xứ đã thiết lập được các đoàn hội như: Giuse, Mân Côi, ca đoàn và giới trẻ để giúp nhau nuôn dưỡng và phát triển đức tin. Giáo dân vẫn duy trì giữ đạo truyền thống ngày đọc kinh hai buổi sáng – tối, tại nhà xứ có thánh lễ thường xuyên. Nhưng giáo dân sống tản mác, không tập trung, công việc cũng khác nhau. Đời sống của giáo dân nơi đây nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Đó là cả một thách thức đòi hỏi rất nhiều hy sinh của các vị mục tử mới này.

3. Giáo hạt Bắc Giang

Nhắc đến Bắc Giang là người ta nhắc đến vải thiều, nhắc đến dòng sông Thương, sông Lục Nam và sông Cầu vẫn êm đềm chảy theo năm tháng để gặp nhau nơi Lục Đầu Giang. Người ta còn không quên nhắc đến cây Dã Hương nghìn tuổi ở giáo xứ Tiên Lục vẫn toả hương thơm ngát cho muôn đời như dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho nhân loại.

Giáo hạt Bắc Giang nằm trong tỉnh Bắc Giang và huyện Hữu Lũng tỉnh lạng Sơn, số giáo dân hiện nay là: 25, 438 người, có 83 giáo họ thuộc 23 giáo xứ, do 9 linh mục coi sóc, cha quản hạt là cha Giuse Nguyễn Huy Tảo.

Giáo xứ Bắc Giang- Đền Thánh Tâm Bắc Giang

Đền tọa lạc tại trung tâm thành phố Bắc giang, nên cũng được gọi là Đền Thánh Tâm Bắc giang.

Nơi đây chính là giáo xứ Bắc giang, Đức cha Colomer Lễ đã thành lập giáo xứ Bắc Giang năm 1894. Sau đó đức cha Gordaliza Đức cha Phúc đã cho xây một thánh đường đẹp nhất Giáo phận, vì là trung tâm tôn giáo và chính trị của Phủ Lạng Thương ngày xưa và cũng là của Bắc giang ngày nay.

Trong thời kỳ chiến tranh oanh tạc miền Bắc, ngày19/12/1972, nhà thờ đã bị đổ nát, chỉ còn đống gạch vụn!

Cũng trong thời gian khó khăn này, Đức cha Phao-lô Phạm Đình Tụng, đương nhiệm Bắc ninh lúc ấy, đã không ngớt hướng về Thánh Tâm, cổ vũ toàn Giáo phận tin tưởng phó thác vào lòng thương xót Chúa gìn giữ và che chở giáo phận. Đồng thời Ngài khấn hứa với Thánh Tâm, rằng ngài sẽ xây dựng một Đền kính Thánh tâm Chúa.

Sau 31 năm coi sóc Giáo phận Bắc ninh, Ngài được cử về Tổng Giáo phận Hà nội, là lúc mà Giáo hội Việt nam nói chung và nói riêng Bắc ninh được trở lại bầu khí an bình. Đức cha không thể không nhớ lời khấn hứa, sau nhiều lần hội ý chọn địa điểm. Cuối cùng Bắc giang được chọn với ý nghĩa tôn giáo và lịch sử.

Đức Hồng Y tổng Giám mục Hà nội, nguyên Giám mục Bắc ninh về đặt viên gạch để khởi công xây dựng Đền Thánh Tâm ngày 4/5/2001. Để từ nay nhà thờ Bắc giang không chỉ là trung tâm của giáo hạt, nhưng là trung tâm của cả giáo phận: Đền Thánh Tâm Giáo phận Bắc ninh.

Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến đã cắt băng khánh thành ngày 3/10/2004.

Đức Giám Mục đương nhiệm Cosma Hoàng văn Đạt vẫn kế tục các vị tiền nhiệm. Vậy cứ thứ Sáu đầu tháng, ngài lại đến dâng lễ cầu cho giáo phận tại Đền Thánh Tâm. Đồng thời luôn cổ vũ phong trào dâng hoa Thánh Tâm trong toàn Giáo phận đã từng được duy trì nửa thế kỷ nay. Ngày lễ kính Thánh Tâm hằng năm, Đức cha cũng đến chủ tế Thánh lễ trọng thể tại đây: Số 6A, Nguyễn văn Cừ, Tp Bắc giang, tỉnh Bắc giang.

Giáo xứ bao gồm 5 giáo họ: họ nhà xứ Bắc giang, họ Cầu Chính, Mẹt, Ảm và Ngọc Lâm, với tổng số giáo dân là 1.255 người, do cha Giuse Nguyễn huy Tảo phụ trách.

Giáo xứ Đại Lãm và Tiên Nha

Người dân ở Đại Lãm và Tiên Nha không còn nhớ Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất thân yêu này từ bao giờ, tuy nhiên Giáo xứ Bâm và Tiên Nha đã có hai vị tử đạo là Gioan Bích và Phaolô Cần trong số 100 vị đầu mục chết vì đức tin ngày 4/4/1862, mà giáo phận Bắc ninh sẽ mừng kỉ niệm 150 năm ngày mất của các ngài vào năm 2012 này.

Đại Lãm là một trong 12 giáo xứ đầu tiên của giáo phận Bắc Ninh được thành lập từ thời đức cha Colomer Lễ (1883-1902), nằm ở xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, giáo xứ Đại Lãm có 3, 903 giáo dân sống trên các họ đạo: Bâm, Phú Yên, Đông Phú, Thanh Rã, Chuông Vàng, Câu Mơ. Còn giáo xứ Tiên Nha có gần 1, 000 nhân danh sống rải rác ở các các họ nhà xứ Tiên Nha, họ Hai Mười, Lục Nam, Nghè, Trường Khanh, Mỹ An, Chũ và giáo điểm An Châu. Hiện tại, cha Giuse Nguyễn Hoàng Ân là linh mục chính xứ và cha Giuse Hoàng Anh Tuấn là cha phó phụ trách giáo xứ Tiên Nha.

Nói đến Đại Lãm, chúng ta nhớ ngay đến đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng. Từ ngày 20/7/1975, ngay sau khi chịu chức giám mục âm thầm ở phòng nguyện U8 (phòng nguyện chưa đầy 8 m2) ở tòa giám mục Bắc ninh, đức cha Đaminh bị trục xuất khỏi tòa giám mục Bắc Ninh và bị quản chế tại giáo xứ Đại Lãm và ngài đã phục vụ ở đây cho đến cuối đời.

Suốt một đời dâng hiến, đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng đã sống một cuộc đời đạm bạc khó nghèo với bản thân, nhưng lại quảng đại rộng rãi với người khác. Ngài đã coi sóc nhiều giáo xứ khác nhau. Và ngài cũng luôn được những nhân viên an ninh theo dõi “coi sóc” một cách đặc biệt tại giáo xứ, tại nơi bị quản chế và cả trong nhà tù. Trong sứ mạng cộng tác với các đức cha coi sóc giáo phận, người ta thấy nơi đức cha Đaminh một tầm nhìn xa trông rộng, một sự hiểu biết uyên thâm, một trái tim nhân hậu yêu thương. Ngài đặc biệt chú trọng đào tạo nhân sự và gắng sức hội nhập đức tin vào văn hóa dân gian bằng việc sáng tác nhiều kinh nguyện, ca vãn, dâng hoa… theo nhịp điệu văn vần, thơ vè dân gian, đi sâu vào lòng mọi tín hữu.

Ngày 28/01/1992, sau gần 3 năm bị tai biến não, đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng, vị giám mục chưa một lần được dâng thánh lễ đại triều, đã từ giã cõi đời đầy bi hùng tại giáo xứ Đại Lãm, sau 17 năm trời bị quản chế và cư trú bắt buộc. Phần mộ của ngài hiện đang nằm khiêm tốn trong nghĩa trang giáo xứ Đại Lãm.

Đại Lãm con sản sinh ra rất nhiều các linh mục và nam nữ tu sĩ đang phục vụ trong và ngoài giáo phận Bắc Ninh. Trong số những người con của giáo xứ Đại Lãm, chúng ta phải đặc biệt nhớ đến đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Ngài là vị giám mục người Bắc ninh đầu tiên phục vụ ở giáo phận Bắc ninh, và là vị mục tử suốt đời hy sinh và tận tuy vì đàn chiên. Hình ảnh vị mục tử hiếu khách và gần gũi với mọi người không kể sang hèn vẫn còn in đập trong trái tim của mỗi người chúng ta.

Ngay nay, tuy gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế thị trường, nhưng người dân giáo xứ Đại Lãm vẫn giữ được truyền thống đức tin, các hội đoàn vẫn sinh hoạt đều đặn, bà con vẫn siêng năng đến cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ ngày 3 buổi, hoạt cảnh Mười Cô Trinh Nữ mà giáo xứ Đại Lãm dàn dựng và trình diễn tại thánh địa La Vang và nhiều nơi khác nữa đã đi vào tâm trí của biết bao người Công Giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại. Hiện tại, hoạt cảnh Mười Cô Trinh Nữ vẫn được các chị Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất duy trì và lưu truyền lại cho thế hệ tương lai như một phương cách loan báo Tin Mừng hữu hiệu và độc đáo qua các làn điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh.

Giáo điểm An Châu chỉ có hơn 20 giáo dân thuộc huyện Sơn Động và giáo họ Chũ có hơn 300 nhân danh ở huyện Lục Ngạn, đây là hai giáo điểm mà hiện nay giáo phận đang đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng và tái truyền giáo. Các tông đồ giáo dân đã thường xuyên được gửi đến vùng rừng núi này, họ đến cùng ăn, cùng ở và sống chứng tá Phúc Âm để những người chưa biết Chúa nhận ra ánh sáng Tin Mừng và giúp những người đã bỏ đạo quay về với Chúa. Trong thời gian qua, công việc loan báo Tin Mừng ở vùng này đã thu được kết quả đáng trân trọng: gần 100 anh chị em lương dân vừa mới được lãnh nhận bí tích rửa tội, và 23 cặp vợ chồng được hợp thức hóa hôn nhân để gia nhập vào gia đình Giáo Hội. Hy vọng ngày càng có nhiều các tông đồ giáo dân nhiệt thành và các nhà truyền giáo mang Tin Mừng đến vùng này để làm cho cả núi bột của vùng rừng núi Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam được dạy men Tin Mừng.

Giáo xứ Mỹ Lộc (Ba Họ)

Mỹ Lộc là một trong giáo xứ truyền thống và cổ nhất của giáo phận Bắc Ninh, được thành lập thời kỳ đức cha Colomer Lễ (1883-1902)[1]. Hiện nay giáo xứ Mỹ Lộc có gần 4000 nhân danh và bao gồm 6 họ đạo (họ nhà xứ Mỹ Lộc, Yên Cư, Hòa An, Sàn và Đình Quynh hay còn gọi là Bố Hạ), nằm ở cả hai bên bờ Sông Thương thuộc vùng trung du và miền núi huyện Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế của tỉnh Bắc Giang, và một số xã trong huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn, cách tòa giám mục Bắc ninh 45 Km về hướng Đông Bắc.

Người dân giáo xứ Mỹ Lộc chủ yếu là những người nông dân chất phác và họ không nhớ chính xác được Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất này từ bao giờ. Tuy nhiên, giáo xứ Mỹ Lộc đã có một vị đầu mục là Nguyễn Văn Mật (Giuse Mật)[2] năm trong danh sách 100 vị đầu mục tử đạo tại cổng thành Bắc ninh ngày 4/ 4/1862, điều này chứng tỏ người dân Mỹ Lộc đã đón nhận Tin Mừng trước đó rất lâu rồi. Theo những suy luận bình thường thì rất có thể Tin Mừng được gieo vào vùng đất Mỹ Lộc mang dấu ấn của các thừa sai Dòng Tên. Bởi vì giáo xứ Ba Họ ngày xưa chỉ có ba họ đạo là Mỹ Lộc, Tiên Lục và Sàn, trong đó hai vị thánh Dòng Tên nổi tiếng là Inhaxiô và Phanxicô Xaviê được đặt làm bổn mạng của hai giáo họ Mỹ Lộc và Sàn.

Máu vị tử đạo của giáo xứ Mỹ Lộc làm trổ sinh cho giáo phận Bắc Ninh và giáo phận Lạng Sơn 4 linh mục, và hàng chục nam nữ tu sĩ đang phục vụ trong và ngoài giáo phận. Cây cổ thụ giáo xứ Mỹ Lộc không chỉ dừng lại ở hai bên bờ Sông Thương nhỏ bé thân yêu, mà đã trổ bông và vươn tới nhiều nơi khác trong cũng như ngoài nước. Cùng với làn sóng di cư trong biến cố chia đôi đất nước năm 1954, rất nhiều người con giáo xứ Mỹ Lộc đã rời bỏ quê hương đi vào miền Nam, sau đó một số đã sang định cư ở nhiều nơi trên thế giới. Cho dù đi bất cứ nơi đâu, nhưng những người con giáo xứ Mỹ Lộc vẫn luôn hướng về nơi chôn rau cắt rốn qua lời cầu nguyện hay về thăm quê hương trong các dịp lễ đặc biệt và các ngày lễ bổn mạng.

Trong suốt thời kỳ khó khăn thử thách, giáo xứ Mỹ lộc vẫn luôn duy trì đời sống đức tin qua các sinh hoạt đạo đức bình dân, hàng ngày mọi người vẫn đến nhà thờ cầu nguyện và viếng Mình Thánh Chúa 3 lần đều đặn, cử hành suy tôn Lời Chúa tại các nhà thờ trong các ngày Chúa Nhật và lễ trọng.

Ban hành giáo và các hội đoàn đóng vai trò rất quan trong trong việc gìn giữ và phát triển đức tin, các vị ban hành giáo như các cha xứ thay mặt Đức Giám Mục giáo phận điều hành xứ họ, trông coi nhà thờ và nhà chung, tổ chức các sinh hoạt đạo đức bình dân trong các xứ họ như: chầu Thánh Thể, rước kiệu, ngắm đứng, dâng hoa….. Các cô tận hiến và các ông bà quản dạy kinh bổn, hát, trống trắc, dâng hạt, dâng hoa…., những hình thức sinh hoạt này rất hữu ích để duy trì và lưu truyền đức tin cho các thế hệ trẻ. Có thể nói, đức tin của người tín hữu nơi giáo xứ Mỹ Lộc nói riêng và nhiều khu vực khác ở miền Bắc nói chung được nuôi sống và lưu truyền qua các hình thức cầu nguyện và lễ hội.

Ngày nay, giáo xứ Mỹ Lộc đã có cha xứ trực tiếp coi sóc sau hơn 40 năm vắng bóng linh mục. Tuy nhiên, trước bối cảnh tục hóa và đa nguyên hóa, người trẻ trong giáo xứ Mỹ Lộc cũng như nhiều nơi khác trong giáo phận Bắc ninh đang phải đối mặt với những thách thức mới. Bởi vậy cha xứ, ban hành giáo, các hội đoàn cùng với các gia đình đang nỗ lực xây dựng lại giáo xứ sau những tháng ngày u ám và cùng nhau giáo dục giới trẻ để con em có thể đứng vững trước hoàn cảnh mới. Ước mong sao giáo xứ Mỹ Lộc mãi mãi giữ được truyền thống đức tin mà cha ông đã phảỉ đánh đổi bằng cả mạng sống mình. Nguyện xin Chúa qua lời cầu bầu của các thánh bổn mạng và vị tử đạo Giuse Nguyễn Văn Mật gìn giữ và chúc lành cho mọi người con giáo xứ Mỹ Lộc ở khắp mọi nơi.

Giáo xứ Tiên Lục

Tiên Lục là giáo xứ miền trung du nằm ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cách tòa giám mục Bắc ninh 50 km về hướng Đông Bắc.

Nhắc đến Tiên Lục, phải nói đến cây Dã hương cổ thụ nghìn năm tuổi có một không hai trên thế giới. Cây Dã hương nghìn năm tuổi là niềm tự hào biết bao nhiêu thế hệ và đã trở thành biểu tượng linh thiêng của nhiều người dân trong vùng.

Người dân của giáo xứ Tiên Lục đã đón nhận Tin mừng được gần 200 năm. Hạt giống Tin Mừng đã bám rễ sâu vào vùng đất Tiên Lục và đã không ngừng sinh hoa kết trái. Hiện nay, giáo xứ Tiên Lục có 1389 nhân danh, có một linh mục đang phục vụ trong giáo phận Bắc ninh và hơn 10 nữ tu đang phục vụ trong và ngoài giáo phận.

Tin mừng đã được gieo vào giáo xứ Tiên Lục cách đây gần 200 năm, nhưng cho mãi đến tận năm 1928 (thời cha Thuần coi sóc Tiên Lục) thì giáo họ Tiên Lục[3] mới bắt đầu khởi công xây dựng ngôi thánh đường khang trang bề thế so với thời bấy giờ và cho đến tận năm 1942 (thời cha Liêm coi sóc) thì ngôi thánh đường này mới được hoàn thành. Tuy nhiên, cho đến nay ngôi thánh đường xây dựng bằng vôi vữa và lợp ngói đã xuống cấp trầm trọng.

Cuối năm 2009, được phép của bề trên giáo phận, toàn thể giáo dân giáo xứ Tiên Lục một lòng một ý, đóng góp tiền của, công sức và bắt đầu xây dựng ngôi nhà thờ mới. Chỉ sau đúng 18 tháng 3 ngày, ngôi thánh đường mới khang trang bề thế đã hoàn thành và được đức cha giáo phận về thánh hiến vào 25/2/2011 và lấy tước hiệu là “Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh”.

Ngày lễ thánh hiến ngôi thánh đường mới đã đánh dầu một bước ngoặt trong lịch sử của giáo xứ, bởi vì ngôi thánh đường mới là biểu tượng đức tin của giáo xứ và là nơi để mọi người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Để có được ngôi thánh đường mới này, mọi người Kitô hữu trong giáo xứ Tiên Lục nói riêng và những người giáo dân trong các giáo xứ xung quanh phải đánh đổi bằng biết bao công sức, tiền của, thậm chí phải đánh đổi cả bằng mạng sống.

Ngày 25 tháng 2 năm 2011 là một ngày trọng đại cho mọi người con của giáo xứ Tiên Lục ở khắp mọi nơi, đặc biệt là của những ai đang hiện diện trong thánh lễ thánh hiến này. Ước mong sao, từ ngôi thánh đường nguy nga hoành tráng vào bậc nhất của giáo phận Bắc ninh, mọi người con của giáo xứ Tiên Lục và của giáo phận Bắc ninh sẽ lĩnh hội được nhiều ơn thánh. Cũng chính từ ngôi thánh đường này, hương thơm của Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa sẻ tỏa ra cho tất cả mọi người, ngôi thánh đường sẽ không chỉ mang lại hương thơm và sức khỏe tốt cho mọi người như cây Dã hương nghìn năm tuổi, mà mang lại sự sống đời đời cho tất cả mọi người.

Giáo xứ Núi Ô

Núi Ô là giáo xứ thuộc vùng đồng chiêm trũng nằm ở hữu ngạn Sông Thương, thuộc thôn Núi Ô, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cách tòa giám mục Bắc ninh 40 Km về phía Bắc và cách thành phố Bắc giang 20 Km về hướng Nam.

Tin mừng đã được rao giảng ở vùng đất Núi Ô từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Mới đầu chỉ có một vài người đón nhận Tin mừng, tuy nhiên Tin mừng đã dần dần bám dễ sâu vào dải đất thân yêu này và đã sinh hoa kết trái. Ngày nay, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng giáo xứ Núi Ô đã có hơn một nghìn nhân danh.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong lịch sử, nhưng người dân thuộc giáo xứ Núi Ô vẫn duy trì đời sống đức tin. Có thể nói giáo xứ tồn tại được đến ngày nay là nhờ vào ơn Chúa và nhờ vào lòng đạo đức bình dân qua việc cùng nhau đọc kinh sớm tối hàng ngày, và qua những sinh hoạt phụng vụ bình dân như: dâng hoa, ngắm đứng, rước kiệu, suy tôn Lời Chúa ngày Chúa nhật và lễ trọng….

Kể từ năm 1954 đến nay giáo xứ Núi Ô không có cha xứ trực tiếp coi sóc, điều hành giáo xứ và duy trì đời sống đức tin là các ông trùm, bà quản (ban hành giáo) và các cô tận hiến. Trong suốt thời gian dài, các vị trong ban hành giáo ngẫu nhiên phải đóng vai trò như một cha xứ, trong thời gian này, công việc chính của ban hành giáo là thăm viếng và an ủi bệnh nhân, điều hành các buổi phụng vụ, các sinh hoạt giáo xứ, hàng tuần phải lén lút đến tòa giám mục để thay Mình Thánh Chúa và chép các bài giảng ngày Chúa Nhật và lễ trọng do đức cha soạn ra để về đọc cho cộng đoàn trong những buổi suy tôn Lời Chúa.

Ngôi nhà thờ nhỏ bé của giáo xứ Núi Ô mà mọi người vẫn gọi vui là cái “chuồng trâu hay chuồng bò” được làm bằng tre nứa, chỉ có thể che nắng chứ không che mưa, đã xuống cấp trầm trọng và quá nhỏ bé so với tầm mức của một giáo xứ đã có trên một ngàn giáo dân.

Ngày nay, giáo xứ đã có cha quản xứ và hàng tuần có thánh lễ, đời sống kinh tế của giáo dân cũng khấm khá hơn đôi chút. Vì vậy, toàn bộ giáo dân trong giáo xứ và cha quản xứ đã quyết định xây dựng ngôi thánh đường mới. Tất cả mọi người một lòng một ý cùng đóng góp công sức tiền của để xây dựng ngôi thánh đường và ước mong ngôi nhà thờ mới chóng được hoàn thành. Ngôi thánh đường mới này là ước ao của bao nhiêu thế hệ của giáo dân Núi Ô. Nhiều cụ cao niên trong giáo xứ ước mong ngôi thánh đường mới được hoàn thành trước khi họ nhắm mắt xuôi tay, và con cháu các cụ hàng ngày được đến đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích tại ngôi nhà thờ mới này.

Giáo xứ Đạo Ngạn

Chúng tôi đến giáo xứ Đạo Ngạn nhân dịp giáo xứ tổ chức lễ Đức Mẹ Mân Côi, bảo trợ giáo xứ và đây cũng là dịp giáo xứ tạ ơn để mừng kỷ niệm 3 mốc lịch sử lớn đó là: 200 năm đón nhân Tin Mừng (1810 – 2010), 125 năm thành lập giáo xứ (1885 -2010), 100 năm xây dựng Ngôi Thánh Đường (1910 – 2010).

Đạo Ngạn hôm nay khác với mọi ngày, ngay từ sớm những đoàn người đã tấp nập tiến về nhà thờ Đạo Ngạn. Cùng với những chiếc xe lớn nhỏ của các phái đoàn, quí khách và quí cha trong khắp giáo phận, nhất là hai giáo hạt gần là Bắc Giang và Bắc Ninh đổ về để tham dự ngày trọng đại này và cùng với giáo xứ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng cách bày tỏ tấm lòng liên đới đoàn kết yêu thương nhau trong tình huynh đệ tương thân tương ái, vui với người vui.

Đúng 9 giờ, đoàn rước quí cha đồng tế từ nhà xứ tiến vào nhà thờ trong tiếng trống rộn rã, tiếng kèn đồng oai hùng vang lên làm cho bầu khí của giáo xứ Đạo Ngạn vốn sinh hoạt nhộn nhịp thường ngày của các chị tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất càng thêm rộn rã phấn khởi vui tươi. Khi đoàn rước tiến vào đến cuối nhà thờ thì ca đoàn đã cất vang lên những giọng ca thánh thót nhịp nhàng với bài thánh ca “ chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca, chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa, qua bao tháng năm mong chờ…thật là một niềm vui chan chứa được cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa qua thánh lễ này.

Giáo xứ Đạo Ngạn từ thời kỳ đầu 1810 cho đến ngày hôm nay 2011, đã trải qua biết bao những khó khăn thử thách, những thăng trầm của cuộc sống, tưởng chừng đã có lúc giáo xứ bị xóa sổ, nhưng nhờ ơn Chúa thương ban qua lời bầu cử của Đức Mẹ Mân Côi, đức tin của giáo dân Đạo Ngạn vẫn tồn tại và phát triển.

Với biết bao hồng ân Chúa thương ban cho giáo xứ như vậy, nên khi bước vào đầu thánh lễ, cha chủ sự không quên khơi lên tâm tình tạ ơn Chúa, cám ơn các bậc tiền nhân, cũng như các ân nhân đã ban ơn cũng như giúp cho giáo xứ có được như ngày hôm nay.

Thánh lễ tạ ơn của Giáo Xứ Đạo Ngạn đã kết thúc trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người và được khép lại trong những bức hình lưu niệm. Nhưng trong lòng mỗi người vẫn để lại những âm vang của lời Chúa là hãy theo gương Đức Maria biết lắng nghe Lời Chúa và siêng năng cầu nguyện.

Ngày nay, trên phần đất còn giữ lại được của tiểu chủng viện Anton Ninh ngày xưa là trụ sở chính của tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất. Nhờ tu hội Hiệp Nhất đời sống đức tin của giáo xứ ngày một phát triển. Đặc biệt, nhờ vào lời cầu nguyện và lòng hảo tâm của các vị ân nhân, các chị tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất đã xây dựng được một trường học mẫu giáo để nuôi dạy các trẻ em, và bệnh xá Sara để khám chữa bệnh cho cả giáo dân và lương dân trong vùng.

4. Giáo Hạt Bắc Ninh

Giáo hạt Bắc ninh nằm trong Tỉnh Bắc Ninh và một số xã của tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Giáo hạt Bắc ninh hiện nay có 15, 079 người tín hữu Công Giáo, hiện nay hạt Bắc Ninh có 19 giáo xứ (53 giáo họ), số linh mục là 15 cha và cha quản hạt là Giuse Nguyễn Đức Hiểu.

Giáo xứ Nhà thờ Chính Tòa

Giáo xứ nhà thờ Chính Tòa hiện nay bao gồm: Giáo xứ Chính Tòa ( khoảng trên 500 nhân danh), Họ Thị- Đáp Cầu ( khoảng 730 nhân danh), Họ Thanh Sơn ( khoảng 30 nhân danh), họ Phương Vĩ (1 nhân danh và nhà thờ không mái). Ngược dòng lịch sử, song song với việc xây dựng và phát triển Giáo phận Bắc Ninh ( Bắc Đàng Ngoài), Giáo xứ Chính Tòa Bắc Ninh cũng trải qua những thăng trầm của Giáo phận. Năm 1888, Đức Cha Antonio Colomer Lễ (1883- 1902) đã thiết lập và xây dựng ngôi nhà thờ Chính Tòa và được khánh thành vào năm 1892. Từ đây, Giáo phận có được cơ sở sinh hoạt và quy tụ mọi thành phần Dân Chúa để sống đức tin và truyền giáo. Nằm ở trung tâm cái nôi văn hóa Kinh Bắc, nhà thờ Chính Tòa là địa điểm dễ quy tụ giáo dân trong vùng lân cận, là trung tâm điểm của Giáo phận nên Giáo xứ cũng không ngừng được xây dựng và phát triển theo dòng thời gian. Từ năm 1902 đến 1925, Đức Cha Maximino Velasco Khâm coi sóc Giáo phận. Ngài đã xây dựng nhiều cơ sở như chủng viện Đạo Ngạn, Dòng Đaminh Xuân Hòa…. Từ năm 1925- 1931, Đức Cha Teodoro Gordaliza Phúc coi sóc Giáo phận. Ngài quan tâm đặc biệt đến những người bệnh phong và xây dựng nên Giáo xứ Quả Cảm. 1932- 1947, Đức Cha Eugenio Artaraz Chỉnh Giám Mục Giáo phận Bắc Ninh, đây là giai đoạn chiến tranh loạn lạc, ly tán. Ngài đã khuyên giáo dân truyền giáo bằng đời sống gương mẫu đạo đức, dẹp bỏ những tệ nạn xã hội. Từ năm 1947- 1950 Giáo phận trống tòa. Giai đoạn này có nhiều giáo dân di cư để tránh chiến tranh, nhiều nhà thờ bị tàn phá (tiêu thổ kháng chiến). Từ năm 1950 -1955, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn coi sóc Giáo phận. Ngài đã xây dựng Tòa Giám Mục, trường trung học Vinh Sơn Liêm, nhà in Chân Phúc Cẩm. Từ năm 1955- 1963, Đức Cha Giám quản Phêrô Khuất Văn Tạo coi sóc Giáo phận. Giai đoạn này ngài gặp nhiều khó khăn vì chính quyền lệnh cho ngài phải quay về Hải Phòng. Từ năm 1963- 1994, Đức Cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Giám Mục chính tòa tiên khởi của Giáo phận Bắc Ninh. Trước bối cảnh khó khăn thiếu thốn của Giáo phận, ngài đã cầu nguyện và tín thác giáo phận cho Thánh Tâm Chúa. Ngài cũng đã ‘âm thầm’ đào tạo nhân sự và thích nghi văn hóa trong việc dạy kinh bổn và giáo lý cho giáo dân. Giai đoạn này, ngài đã gây dựng nên Các Chị Tận Hiến, tiền thân của Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất ngày nay. Giai đoạn này, Giáo phận có thêm Đức Cha Đa Minh Đinh Huy Quảng (1975- 1994). Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Dụ được tấn phong Giám Mục (1979) tại Giáo phận Bắc Ninh để coi sóc Giáo phận Lạng Sơn. Từ năm 1994- 2006, Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến coi sóc Giáo phận. Ngài đã củng cố xây dựng những cơ sở thiết yếu cho sinh hoạt giáo xứ, Giáo phận. Ngài cũng quan tâm đào tạo chủng sinh, linh mục cho Giáo phận. Từ năm 1998, Giáo phận đã có lễ phong chức linh mục đều đặn. Năm 2006- 2008, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám quản Giáo phận Bắc Ninh và ngài đã phong chức cho 10 linh mục và cho nhiều xứ có Cha quản nhiệm. Ngày 4.8.2008 Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt. SJ làm Giám Mục Chính Tòa Giáo phận Bắc Ninh. Ngài tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển mọi mặt cho Giáo phận. Ngài đặc biệt quan tâm đến công cuộc giáo dục đào tạo và bác ái xã hội trong Giáo phận để xây dựng một nền văn hóa ” Tình Thương và Sự Sống”.

Giáo xứ Từ Phong

Đền Thánh Mẫu Từ Phong nằm trên ngọn đồi thơ mộng, ngay sát trên đường quốc lộ 18 (Hà nội-Bắc ninh-Hạ long- Móng cái), cách Tòa giám mục 15 km về hướng Nam.

Từ Phong là một giáo xứ nhỏ được thành lập năm 1929 với 5 họ đạo: Từ Phong, Dũng Quyết, An Ðặng, Ðào Viên và Thành Dền do cha xứ Lộc coi sóc. Khi biến cố 1954 xảy đến, tất cả 54 hộ gia đình trong giáo xứ đã lên đường di cư vào Miền Nam. Cha xứ đã đạp xe đi kêu gọi một số giáo dân ở lại, cha nói: “cha ở lại giữ xứ đạo và cha rất vui mừng có các con cũng ở lại với cha”. Tuy nhiên, chỉ có 7 gia đình ở lại với cha, còn 47 gia đình khác đã di cư vào Miền Nam.

Từ đó cho đến những năm cuối của thế kỉ trước, những gia đình ở lại đã kiên cường giữ vững niềm tin trong muôn vàn gian khó, cấm cách và bắt bớ. Giáo xứ có tượng đài Ðức Mẹ nằm trên một quả đồi, trong quá khứ, đã có lần hợp tác xã cho máy xúc tới xúc đất đồi và muốn xúc luôn cả phần đất đền Ðức Mẹ. Lạ lùng thay, cứ mỗi khi máy xúc tiến gần đến đền Ðức Mẹ thì máy lại bị hỏng, không thể hoạt động được nữa. Nhiều lần lặp lại như vậy, các công nhân đâm hoảng sợ và kế hoạch “xúc đền Ðức Mẹ” đã không thành.

Năm 1990, giáo dân trong giáo xứ đã hợp lực, đồng tâm đóng góp xây dựng lại tượng đài Ðức Mẹ Ban Ơn – đây là bức tượng Ðức Mẹ lớn nhất giáo phận Bắc Ninh. Cho tới nay nhiều người đau ốm đã được Ðức Mẹ ban ơn chữa lành; nhiều người không Công Giáo cũng thành tâm tin tưởng chạy đến cầu xin Mẹ ban ơn giúp đỡ. Chính vì những sự lạ lùng đó, Ðức cố Giám mục Bắc Ninh Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến đã quyết định xây dựng Trung Tâm Thánh Mẫu giáo phận trên quả đồi này để dâng kính Mẹ.

Với sự bổ nhiệm của bề trên, ngày 11.1.2007, cha Giuse Nguyễn Hoàng Ân đã chính thức tới nhận xứ Từ Phong. Và ngày 30 tháng 9 năm 2007 thì Nhà Thờ Trung Tâm Thánh Mẫu đã được khánh thành.

Nhờ ơn Chúa và Mẹ chở che cùng lòng tin yêu son sắt của tín hữu, đến nay giáo xứ Từ Phong đã có 68 hộ gia đình với 293 nhân danh do cha giám đốc Trung Tâm Thánh Mẫu Đaminh Nguyễn Văn Kinh coi sóc.

Kể từ khi cha Đaminh về Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong, cha luôn tìm cách phát triển về mọi mặt và tạo mọi điều kiện để nơi đây sẽ là nơi cho giáo dân từ khắp tứ phương về hành hương Kính Đức Mẹ. Bên cạnh đó, cha luôn thao thức đến công việc bác ái xã hội của giáo phận, nên ngày 08/03/2009, cùng với Đức Cha giáo phận Cosma Hoàng Văn Đạt, các ngài đã khởi công xây dựng khu nhà xứ, nhưng với mục đích chính là “Khu Nhà Mở” dành cho các chị em lỡ lầm chót mang thai ngoài ý muốn cư ngụ trong thời gian sinh nở; nơi đây các chị em đã được sự chăm sóc tận tình của các sơ Đaminh trong giáo phận.

Ngày nay, vào các ngày thứ 7 đầu tháng và các ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh về Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong dâng lễ xin Đức Mẹ cầu bầu cho giáo phận ngày một phát triển hơn.

Giáo xứ Xuân Hòa

Giáo xứ Xuân Hòa có khoảng 1.200 giáo dân thuộc các họ đạo: Xuân Hòa, Trại Đường, Trại Phán, Trại Ngà, Trại Hà, Xuân Bình và Bất Phí nằm trong huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Giáo xứ Xuân Hòa đón nhận hạt giống đức tin rất sớm từ năm 1659 khi thành lập giáo phận Đàng Ngoài tên Kẻ Roi (Xuân Hòa) đã được nhắc đến.

Nhà thờ Xuân Hoà được xây vào năm 1879 do cha Viadé Thanh, đây là một ngôi nhà thờ cổ kính làm bằng gỗ lim với những hoa văn trạm trổ cầu kì, tinh xảo. Toàn bộ gian cung thánh rộng lớn được sơn son thiếp vàng với rất nhiều hình ảnh từ Kinh Thánh. Tượng Chúa chịu nạn trên bàn thờ chính nhà thờ Xuân Hoà chính là pho tượng đã được dùng để bắt các đầu mục (Ban hành giáo) Bắc Ninh bước qua (quá khoá). Tuy nhiên, đúng 100 vị đầu mục đã nhất quyết chung thành với đức tin và đã bị xứ trảm và chôn sống tại cổng tả thành Bắc Ninh ngày 4/4/1862. Trên trần nhà thờ Xuân Hoà còn lưu giữ một số dụng cụ dùng để tra tấn, xiềng xích, gông cùm các vị tử đạo Bắc Ninh. Trong nhà thờ đang lưu giữ thi hài của 27 vị tử đạo, trong đó 26 vị là những người con của Xuân Hòa. Giáo dân Xuân Hòa hiện nay cho dù đi bất cứ nơi đâu, họ vẫn luôn tự hào về truyền thống tổ tiên đã lấy dòng máu thắm làm chứng cho niềm tin yêu son sắt mãnh liệt của họ vào Thiên Chúa.

. Khu nhà chung rất rộng, vì đây là trụ sở Dòng Đaminh dành cho các cha Tây Ban Nha. Cách nhà chung khoảng 300m có một khu đất cao xây đá và gạch xung quanh, đó là nền của nhà thờ dự định xây năm 1931.

Gần nhà chung có Nhà Mụ Dòng Đaminh được xây dựng vào năm 1909 với quy mô lớn và còn tồn tại đến nay, mà ngày nay là Tu Viện Nữ Đaminh Xuân Hoà.

Trải qua dòng thời gian, giáo Xứ Xuân Hoà đã dâng hiến cho Giáo Hội những người con ưu tú là: Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, giám mục giáo phận Xuân Lộc; cha Giuse Nguyễn Thanh Liên, tổng đại diện giáo phận Kontum, cha Đaminh Nguyễn Văn Đức; cha Giuse Nguyễn Văn Tri; Cha Giuse Nguyễn Thế Hiển; Cha Giuse Nguyễn Văn Tịch (Họ Xuân Bình); cha Giuse Nguyễn Văn. Nam, giáo phận Cần Thơ bây giờ đã chính thức trở về làm việc ở giáo phận mẹ Bắc ninh, cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh; cha Phêrô Nguyễn Công Văn; cha Giuse Nguyễn Văn Phong….

Giáo xứ Xuân Hoà có 14 cha coi sóc và gần đây nhất là cha Phanxicô Nguyễn Văn Huân và cha phó Phêrô Nguyễn Văn Thuỷ, OP.

Đời sống của giáo xứ tương đối ổn định, giáo dân giữ đạo theo truyền thống và còn giữ được nếp sống văn hoá cổ, như rước kiệu, ngắm đứng, dâng hoa cổ…. Giáo xứ có đầy đủ các đoàn hội như: Dòng Ba, Mân Côi, Giuse, Ca Đoàn, Giáo Lý Viên, Thiếu Nhi Thánh Thể, đoàn kèn đồng, đội bát âm, trống trắc….

Giáo họ Trại Ngà

Giáo họ Trại Ngà hiện nay có 75 nhân danh, thuộc giáo xứ Xuân Hòa. Trước năm 1954, Trại Ngà là một họ đạo sầm uất có nhà cha, nhà Mụ Đaminh, có nhà giáo lý, và nhà thờ được xây dựng năm 1927. Sau biến cố lịch sử 1954, đa số giáo dân Trại Ngài di cư vào niềm Nam, ở lại giáo họ lúc đó chỉ còn có 4 gia đình. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gìn giữ và sinh hoạt đức tin, thậm chí cuối thập niên 70 và thập niên 80 giáo dân còn không được đến nhà thờ, và các công trình nhà cha, nhà giáo lý, nhà Mụ đều bị trưng thu và nhà thờ đã có lúc bị biến thành nhà kho hợp tác xã. Giáo dân thì ít, với những thử thách đức tin tưởng chừng giáo họ không còn tồn tại nữa. Nhưng bốn gia đình nhỏ bé này vẫn âm thầm cầu nguyện, và can đảm kiên trì đấu tranh để gìn giữ và đòi lại nơi thờ phượng. Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương giáo họ Trại Ngà vì Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng ai có lòng yêu mến Chúa bao giờ. Cuối cùng, nhà thờ của giáo còn tồn tại cho đến ngày hôm này và giáo họ vẫn giữ được một ít đất đai của nhà thờ.

Năm 2008 dân họ bắt đầu đại trùng tu nhà thờ đã bị hư hỏng nặng, đầu năm 2009 tiến hành xây tháp chuông và năm 2010 xây Đài Đức Mẹ, đến nay cả ba công trinh trên đã hoàn thành.

Trong thời kinh tế phát triển, giáo họ Trại Ngà sống ngay kề thành phố Bắc Ninh, kinh tế đi lên, đời sống đạo cũng có nhiều ảnh hưởng nhiều. Xung quanh giáo họ đã có các trường cao đẳng, các khu công nghiệp mọc lên, bởi vậy giáo dân góp phần đón tiếp và phục vụ những người di dân đến đây học tập và làm ăn, trong đó có rất đông người Công Giáo. Cũng vậy, nhờ vào những người di dân Công Giáo mà giáo họ Trại Ngà trở nên trung tâm sinh hoạt tôn giáo và đời sống tôn giáo của giáo họ phát triển rất nhanh. Thật vui mừng vì đời sống đức tin một ngày một đi lên của giáo họ Trại Ngà.

Giáo xứ Phượng Mao

Phượng Mao là một giáo xứ cách Tòa Giám mục Bắc Ninh khoảng 8km. Theo ông Giuse Phạm Sĩ Đường, người gốc Phượng Mao, hiện đang sinh sống tại Từ Đức, thì “theo bố mẹ truyền lại, nhà thờ Phượng Mao được khánh thành vào năm 1917, còn ngày thành lập giáo xứ năm nào thì cũng không rõ”. Trước năm 1954, Phượng Mao là một giáo xứ lớn, nhà thờ 9 gian, khoảng 1000 nhân danh. Năm 1954, có khoảng 99% dân Phượng Mao đã bỏ làng quê vào Nam sinh sống. Từ đó, nhà thờ vắng bóng linh mục và giáo dân. Năm 1966, một số giáo dân từ Thái Bình lên Phượng Mao lập nghiệp.

Những người dân gốc Phượng Mao, tuy đã bỏ làng quê ra đi nhưng tình yêu mến quê cha đất tổ vẫn còn đọng lại trong nơi sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Do đó, từ khắp nơi xa xôi trong và ngoài nước, người dân gốc Phượng Mao này đã không tiếc công tiếc của đóng góp xây dựng nhà thờ mới. Nhà thờ mới khánh thành ngày 13-10- 2000 và khánh thành tháp chuông ngày 30-02-2004. Bổn mạng đệ nhất của giáo xứ là Các Thánh Anh Hài, lễ kính ngày 27-12 hằng năm và bổn mạng đệ nhị là thánh Âu Tinh Mới, lễ nhớ ngày 19-12 hằng năm.

Trong lòng nhà thờ có phần mộ của cha cố Phê-rô Phạm Văn Tự, qua đời năm 1934. Đặc biệt, trên gian cung thánh có phần một của 10 đấng tử đạo tại cổng tả thành Bắc Ninh vào ngày 04-04-1862. Mười đấng tử vì đạo đó là: Ông Tần, ông Miên, ông Thạnh, ông Ngật, ông Thủy, ông Minh, ông Nghĩa, ông Xuân, ông Cát và ông Sử.

Từ khi khánh thành nhà thờ, cứ mấy tháng một lần, cha Đa Minh Nguyễn Văn Kinh mới về dâng lễ một lần. Năm 2007, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Huân về dâng lễ mỗi tuần một lần.

Vào ngày 08-11-2009, với quyết định số 110/2009/ QĐ-TGM, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh đã chính thức bổ nhiệm linh mục Cosma Hoàng Thanh Quốc, Dòng Đa Minh Việt Nam làm cha chính xứ Phượng Mao. Ngày 26-11-2009, Cha Cosma đã về nhận xứ. Hiện nay, Giáo xứ Phượng Mao gồm có 3 họ: Họ nhà xứ Phượng Mao, với 28 gia đình và 130 nhân danh; Họ Trại Phán có 21 gia đình và 83 nhân danh; Họ Trại Hà có 6 hộ và 30 nhân danh. Tuy chỉ có 55 gia đình và 243 nhân danh, nhưng giáo xứ Phượng Mao cũng có Hội Mân Côi, Hội Gia Trưởng, và các em học giáo lý. Mỗi tháng, mỗi đoàn thể sinh hoạt và chầu Thánh Thể. Tháng 5 và tháng 10, Hội Mân Côi và các em kiệu hoa xung quanh nhà thờ và dâng hoa kính Đức Mẹ, còn tháng 6 thì dâng hoa kính Trái Tim Chúa Giê-su. Giáng Sinh thì có hoạt cảnh giáng sinh và phát quà Noel. Mùa Chay thì có ngắm 15 sự thương khó Chúa Giê-su và canh thức Phục sinh. Mỗi khi có giáo dân ốm đau, cha xứ cùng các đoàn thể tới thăm và tặng quà cho bệnh nhân. Khi có người qua đời, cha xứ và các đoàn thể không những chỉ lo hậu sự, mà sau khi chôn cất xong, cha xứ cùng giáo dân tới đọc kinh tại nhà hiếu. Cuộc sống của bà con giáo dân xứ Phượng Mao ngày càng ổn định và thăng tiến. Ước mong sao đời sống tâm linh của bà con giáo dân ngày càng triển nở và sinh hoa kết quả.

Giáo xứ Đình Tổ

Đình Tổ trước kia còn gọi là làng Tó thuộc phủ Thuận Thiên, Bắc Ninh. Hiện tại là thôn Đình Tổ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đức tin được bén rễ sâu từ năm 1927, rồi 10 năm sau tức năm 1937 ngôi thánh đường đã được dựng nên tuy ko to lớn nhưng cũng khang trang đẹp đẽ đủ cho giáo dân đến cầu nguyện. Lúc đó Giáo xứ Đình Tổ có các họ đạo sau: Đại Từ, Bùng Đông, Hướng Đạo, Hành Lạc, Đình Dù, Đề Trụ, Đìa, Xuân Đào, Đông Mai, Xuân Cần, Đồng Tỉnh, Đồng Than, Suy Liệt.

Sau biến cố 1954, giáo dân di cư vào Miền Nam gần hết chỉ còn lại một số giáo dân nhà xứ Đình Tổ. Hai họ Hướng Đạo và Hành Lạc còn rất ít người.

Ngày nay Đình Tổ có 380 nhân danh, nhà xứ 305, Hướng Đạo 54, Hành Lạc 21. Còn một số giáo dân của Đề Trụ chuyển về Xứ Tư Đình.

Địa bàn Đình Tổ hiện nay thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Do vậy mà chủ yếu bà con giáo dân sinh sống bằng nghề nông nghiệp, một vài nhà chăn nuôi. Giáo xứ Đình Tổ tuy nhỏ bé nhưng lại toàn tòng. Tuy thuận lợi về toàn tòng nhưng vì điều kiện số giáo dân ít ỏi lại không có Cha xứ nên sinh hoạt sống đạo của bà con có phần nào bị hạn chế rất nhiều. Hơn nữa, vì địa lý không thuận lợi, giáo xứ xa với các xứ họ khác nên người giáo dân cũng ít đi lễ, đi giao lưu với bên ngoài. Chính vì vậy, cuộc sống sống đạo bị đóng khung trong môi trường của địa phương. Bà con giáo dân vẫn đọc kinh và suy niệm Lời Chúa một tuần một lần vào tối thứ bảy do các Sơ Đa minh Đình Tổ hướng dẫn. Riêng họ Hành Lạc vì chưa có nhà thờ, nên kinh hạt do bà con tự tổ chức ở các gia đình.

Sau biến cố 1954 cũng chỉ có các cha phụ trách thỉnh thoảng về dâng lễ: Cha Quyền, Can, Văn, Huân, Hậu, Tòng, Phùng.

Riêng nhà xứ thì khá hơn hàng tuần vào tối chúa nhật vẫn có cha về dâng lễ, vì vậy đời sống đức tin của bà con được nâng lên rất nhiều, các đoàn thể như Giuse, dòng Ba Đa Minh, hai ca đoàn, đoàn hoa, hội mân côi, thiếu nhi mỗi ngày một thăng tiến và phát triển. Tuy nhiên cũng còn một số điểm hạn chế trong đời sống sinh hoạt giáo xứ, tức là vẫn còn mắc ngăn trở hôn nhân, đám ma, đám cưới vẫn tổ chức linh đình, tình trạng các em học giáo lý ngày càng ít đi.

Giáo xứ Ngô Khê

Một giáo xứ truyền thống nằm cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh khoảng 5km. Làng Ngô Khê được thuộc tổng Phong Quang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hình thể gần giống hình bầu dục, được bao bọc bởi lũy tre xanh và một hàng ao hồ xung quanh làng. Có ba con lộ chính, thường gọi là đường vườn dội, vườn ngoài và đỗi đình. Có giếng nước chung cả làng dùng nếu muốn, được đào sát đỗi đình. Bãi ruộng sau nhà Quan Cư là ruộng chùa (quan gọi).

Trong cả làng được tổ chức các đường đi lại gọn sạch cho cả hai xóm: xóm Ngõ Cả và xóm Ngõ Lẻ. Ngôi giáo đường xây cất giữa làng phân biệt giữa hai xóm Cả và Lẻ. Nhà Cha ở đầu nhà thờ, nhà Quan Cư ở cuối. Công trình xây dựng nhà thờ do đời cụ trùm Phúc và cụ trùm Dụng. Tháp chuông và đường kiệu chung quanh nhà thờ do hai cụ trùm Thiệp và cụ trùm Hưng xây dựng. Nhà thờ có hai quả chuông: Chuông ta do dân họ mua sắm, chuông tây trên tháp cao do hai gia đình cụ Hưng và cụ Huynh cung đức năm 1952. Tên ân nhân được ghi khắc tại quả chuông này. Thánh bổn mạng của dân làng và của nam giới: Thánh Giu-se bạn đức trinh nữ Maria, lễ mừng kình ngày 01 tháng 05 hàng năm. Bổn mạng nữ giới: Thánh nữ Phi-lô-mê-na đồng trinh, tử đạo.

Dân làng Ngô Khê toàn tòng Công Giáo, được phúc đón nhận đức tin vào cuối thế kỉ 19 khoảng năm 1983 đời đức cha Khâm, do công ơn của Cụ Tổng Cần vận động toàn dân tin theo Thiên Chúa Giáo. Điểm dễ nhận từ xa, là tháp chuông cao. Làng Ngô Khê được bao bọc bởi con đê, ba mặt giáp danh các làng bạn như sau:

Phía bắc giáp làng Châm Khê, phía Đông giáp làng Đào Thôn và phía đông nam giáp làng Dương Ổ tất cả đều nằm phía bên kia sông Ngũ Huyện Khê.

Đức tin được đón nhận và sinh sôi, từ đó những thế hệ người Ngô Khê sinh ra đều đượng mang trong mình đức tin của cha ông từ lúc lọt lòng, dân làng Ngô Khê đã đón nhận và gìn giữ đức tin ấy với lòng trung kiên và hoa trái đã trổ sinh khi lần lượt sản sinh ra các linh mục suất thân là người làng Ngô Khê, và việc xây dựng ngôi Nhà Thờ năm 1933 cùng với sự kiện làng Ngô Khê được trở nên một giáo xứ năm 1952.

Từ khi thành lập cho đến nay, giáo xứ đã không ngừng phát triển về đời sống kinh tế và tâm linh nhờ sự dẫn dắt coi sóc của quý cha. Quý cha đã coi sóc Giáo Xứ Ngô Khê: Cha Tuần – Cha Tân – Cha Trung – Cha Phong – Cha Trang – Cha Tự – Cha Thái – Cha Lô – Cha Quyền – Cha Huyền. Cha Trang có công làm cho họ Ngô Khê biết đạo. Trong nhà thờ thời kỳ làm phúc, Cha giảng mỗi ngày ba bài. Cha giảng hay quá nên nhà thờ chật ních người nghe. Ngày nào cũng vào với Cha sau buổi lễ, Cha đi từng nhà hỏi thăm, khuyên bảo an ủi kẻ nghèo khó. Do đó có những người bỏ xưng tội lâu năm, có những người bê tha, xấu nết đều ăn năn cải tà quy chính, và chịu khó đi nghe giảng thuyết mỗi ngày. Thời kỳ cha Trang cũng thành lập được nhiều đoàn thể Công Giáo tiến hành, nhất là hội Nghĩa Binh Thánh Thể. Các em nam nữ đua nhau vào hội, và sáng nào cũng dậy sớm đi hết các xóm hô hào mọi người dậy đi lễ. Cho đến nay, nhờ nếp sống đạo đức và những nét văn hóa truyền thống giáo xứ Ngô Khê đã phát triển và sản sinh nhiều linh mục, tu sĩ cho Giáo Hội.

Có được những thành quả phát triển như hiện nay một nhân tố cũng rất quan trong là việc sống nếp sống theo lệ dân, lệ làng, hương ước. Từ việc vào làng đến ma chay lễ tết đều mang đậm nét truyền thống, tất cả các thành viên đều có quyền lợi vàn nghĩa vụ thực hiện nếp sống theo hương ước. Do vậy mà dân làng có đời sống đạo đức gắn kết với nhau rất tốt, Trước đây nghề nghiệp chính của dân làng là nông nhiệp và một số ít là tiểu thủ công nghiệp. Nếp sống ít sô bồ, toàn dân hiệp nhất yêu thương giúp đỡ nhau, cùng thăng tiến về đời sống cũng như đức tin. Những năm gần đây, xu hướng đô thị hóa và việc quy hoạch khu công nghiệp đã ảnh hưởng phần nào tới nhịp sống đạo của giáp xứ Ngô Khê. Đất ruộng bị thu hẹp đi, nhà tầng mọc lên một nhiều, nhịp sống bình yên ngày nào dần mai một và biến chuyển. Tuy hiện nay giáo xứ Ngô Khê đang đứng trước những thách đố cũng như những cơ hội trong việc giữ gìn và phát triển đời sống đức tin nhưng nhìn chung giáo xứ vẫn có một nếp sống đạo đức, thánh thiện

Giáo xứ Nguyệt Đức

Giáo xứ Nguyệt Đức một giáo xứ cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh 4km về phía Bắc, nơi có ngôi nhà thờ và tháp xây bằng đá soi bóng xuống dòng sông Như Nguyệt. Giáo xứ được thiết lập ngày 13/03/2009 thời Đức Tổng Giu- se Ngô Quang Kiệt làm giám quản giáo phận Bắc Ninh, dưới sự quản nhiệm của Cha Giu-se Nguyễn Đức Hiểu, nay là cha Phanxicô Bùi Quang Thuận.

Nhà thờ được xây dựng năm 1931. Có lẽ do đặc thù công việc sông nước và địa lý, giáo xứ đã nhận thánh Phêrô Tông Đồ làm thánh bảo trợ.

Trước năm 1954, họ đạo Nguyệt Đức thuộc Giáo xứ Đạo Ngạn, một giáo xứ sầm uất vào bậc nhất Giáo Phận Bắc Ninh thời bấy giờ. Lúc đó trên địa bàn Giáo xứ có Tiểu Chủng Viện, có Trung tâm chăm sóc các trẻ em cơ nhỡ do các Dì Phước phụ trách.

Sau năm 1954, trong chuyến Kinh Lý Mục Vụ và ban phép Thêm Sức, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn đã chấp thuận đề nghị của dân họ sát nhập Giáo họ Nguyệt Đức vào Giáo xứ Chính Tòa Bắc Ninh. Ngày nay, Giáo xứ Nguyệt Đức có gần 1000 nhân danh.

Giáo xứ Đồng Nhân-Trung Nghĩa

Đồng nhân là họ lẻ thuộc xứ Trung Nghĩa, nằm ở hữu ngạn Sông Cà Lồ, cách tòa giám mục Bắc Ninh 20 Km về hướng Bắc. Ngôi nhà thờ giáo họ Đồng Nhân được xây dựng từ năm 1926 nhưng vẫn đứng vững dù trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc. Ngôi nhà thờ này cũng là biểu tượng cho đức tin của biết bao nhiêu thế hệ người Kitô hữu ở đây, cho dù đã có những lúc tưởng như không còn nữa trước những khó khăn thử thách.

Khi đất nước bị phân đôi vào năm 1954, tưởng rằng giáo họ không còn tồn tại được nữa vì hầu như toàn bộ giáo dân di cư vào Miền Nam, ở lại giáo họ lúc ấy chỉ còn lại vài gia đình. Nhưng nhóm nhỏ người Kitô hữu ở Đồng nhân vẫn luôn cố gắng gìn giữ đức tin bằng việc đều đặn ngày ba buổi đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Ngày Chúa Nhật và lễ trọng ai có sức khỏe thì đạp xe hoặc đi bộ xuống Tòa Giám Mục Bắc Ninh để tham dự thánh lễ và lãnh nhận bí tích Hòa giải. Còn những người ở nhà thì tổ chức suy tôn Lời Chúa tại nhà thờ. Nhờ đó mà đời sống đức tin vẫn luôn được duy trì và ngày càng phát triển.

Giáo họ Đồng Nhân ngày nay có khoảng ba trăm nhân danh, và họ sống chủ yếu là nghề nông và một vài nghề phụ khác. Giáo họ cũng đã thành lập được một số hội đoàn nòng cốt để nâng đỡ đời sống đức tin, như: Dòng Ba Đa Minh, Hội Mân Côi, Hội Gia Trưởng, Dâng Hoa, Thiếu Nhi Thánh thể. Các buổi cầu nguyện vẫn được duy trì ngày ba buổi, và cha xứ đã đều đặn về dâng thánh lễ hai buổi một tuần. Các lớp giáo lý được mở thường xuyên, nhất là trong các dịp hè để các em có điều kiện học hỏi về Chúa và Giáo hội. Đặc biệt, nhờ lời cầu nguyện và đời sống đức tin của cha ông, giáo họ đồng nhân đã sản sinh ra được một linh mục, một thầy đã khấn trọn và một thầy đang học năm thứ hai tại Đại Chủng Viện Hà Nội.

Ngày nay, cùng với Giáo phận Bắc Ninh, giáo họ Đồng nhân đang dần dần được hồi sinh. Ước muốn sao, nhờ ơn Chúa, nhờ đức tin của cha ông và những nỗ lực của mọi thành phần Dân Chúa, đời sống đức tin của giáo họ Đồng nhân sẽ luôn được thăng tiến về mọi mặt.

Giáo xứ Phong Cốc

Giáo xứ Phong Cốc thuộc xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh là một giáo xứ cách không xa nhà thờ chính Tòa Giám Mục giáo phận khoảng 30 km, đây là một giáo xứ nhỏ, thuộc miền quê nghèo, với số giáo dân thưa thớt. Giáo xứ Phong Cốc gồm 4 họ đạo: Phong Cốc, Cổ Pháp, Đào Viên và Kiều Lương. Số tín hữu tổng cộng khoảng 600 nhân danh dải rắc ở các giáo họ.

Giáo xứ Cẩm Giang

Giáo xứ Cẩm Giang bắt nguồn từ một xóm nhỏ của thôn Nguyễn, thuộc xã Cẩm Chương hay Cẩm Giang, Tổng Tam Sơn, Huyền Đông Ngàn phủ Từ Sơn. Giáo xứ Cẩm Giang có thánh bảo trợ là Tê-rê-sa Avila với số giáo dân là 1.598 người. Cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh khoảng 15 km theo quốc lộ 1A, giáo xứ có vị trí địa lý thuận lợi để giao thương kinh tế và văn hóa.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử giáo xứ đã đón nhận được biết bao hồng ân của Thiên Chúa, từ khi đón nhận đức tin cho đến nay đã được 223 năm và kỷ niệm 112 năm Nhà thờ xứ Cẩm Giang.

Đức tin đã được đón nhận và phát triển nhanh chóng qua các dòng họ; lúc đầu là họ Ngô, họ Trương, họ Nguyễn, họ Trần, họ Hà ở Cẩm Giang; về sau có thêm họ Nguyễn ở Thổ Hà nhập cư đến, họ Phạm, họ Bùi. Số người Công Giáo ngày càng đông lên và được chia làm hai Giáp là Giáp Nội và Giáp Xuất.

Thời gian đầu (1700- 1790) giáo xứ xây dựng nhà thờ tranh tre là nứa trên đất họ Ngô ( nay thuộc bờ ao thôn Nguyễn) sau đó nhà thờ được chuyển về đất họ Trương (nay là đất chỗ bà Kỳ) số giáo dân ngày một đông thêm. Trong thời vua Tự Đức ra sắc chỉ cấm đạo (1860- 1862), giáo xứ đã vinh dự có được Cha Thánh Đaminh Cẩm (1859) và cụ lang Nghĩa (1862) tử đạo; sau thời cấm đạo đến năm 1883 giáo xứ Cẩm Giang cũng phát triển theo sự hưng thịnh của Giáo hội Việt Nam. Lúc này cũng chính là lúc Giáo phận Bắc Ninh được thành lập và giáo xứ Cẩm Giang là một trong 11 Giáo xứ của Giáo Phận.

Cha coi sóc đầu tiên là Cha Phạm Khắc Đoán, ngài là nhà nho sỹ và có tài kiến trúc, hội họa. Ngài là tác giả xây dựng nên hương ước, nhà thờ Cẩm và khuôn viên giáo xứ như hiện nay. Sau đó là thời cha Khải thay thế coi sóc giáo xứ. Do nhu cầu mục vụ, ngài đã nới rộng thêm gian Cung Thánh như bây giờ. Tiếp theo là cha Trấn, cha Châu (quê Nam Định) coi sóc giáo xứ. Từ năm 1940-1945 cha Mẫn chính xứ cẩm, ngài đã cho xây nhà xứ, cổng, bàn thờ sơn son thiếp vàng. Kế tiếp từ năm 1945-1950 Cha Ngô Văn Yên Chính xứ Cẩm, sau đó ngài về làm hiệu trưởng trường Vinh Sơn Liêm Bắc Ninh.

Từ năm 1951-1962 Cha Phê-rô Nguyễn Văn Lộc Chính xứ Cẩm. Từ năm 1962 trở đi hầu hết các Cha đều giám quản gião xứ Cẩm, Cha chính Quảng (Đức Cha), Cha Can, Cha Kinh, Cha Văn, Cha Đại, Cha Ân; mãi đến năm 2007 Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt (giám quản Giáo phận Bắc Ninh) bổ nhiệm cha Giuse Phạm Đức Hậu làm cha chính xứ. Sau hai năm coi sóc, ngài được cử đi du học. Giáo xứ được Cha Giu-se Trần Quang Vinh giám quản đến năm 2009 Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã bổ nhiệm Cha Giuse Trần Bá Hạnh chính xứ Cẩm Giang như hiện nay.

Giáo xứ Dũng Vi

Giáo xứ Dũng Vi được hình thành và phát triển từ năm 1887 nhờ vào công lao của Thày Đaminh Tín, ngài đã đỡ đầu và lo việc tòng giáo cho những người đầu tiên trong giáo họ- giáo xứ.

Lúc đầu có 12 cụ đại diện cho dân làng đứng ra xin tòng giáo, sau 2 năm (1889) Đức Cha Lễ đã phê chuẩn thành lập giáo họ Dũng Vi và nhận thánh Giu-se làm Bổn Mạng giáo họ.

Trải qua những thăng trầm, giáo họ đã được thánh bổn mạng gìn giữ và chuyển cầu được muôn ơn lành. Đặc biệt là hồng ân có được các chủ chăn từ khi hình thành giáo họ- giáo xứ cho đến nay, nhờ vậy mà giáo họ không ngừng phát triển và thăng tiến về đời sống tâm linh.

Từ năm 1887 đến năm 2011 đã có 21 Linh Mục làm Mục vụ tại Dũng vi, đặc biệt cha Giuse Nguyễn Khắc Mẫn đã có công xây dựng ngôi thánh đường Dũng Vi (1939); Có 14 thày đã về phục vụ. Nhờ hồng ân và sự dẫn dắt của các bậc chủ chăn đến nay giáo họ đã có 600 nhân danh với nhiều hội đoàn, bao gồm: Ban hành giáo 5 vị, 50 thành viên dòng Ba Đaminh, 80 thành viên họ gia trưởng, họ mân côi 57 thành viên. Ca đoàn giới trẻ 80 em, đoàn kèn 24 thành viên, đoàn hoa 20 em, đoàn trống trắc 20 em, thiếu nhi Thánh Thể 100 em và 28 em lễ sinh. Mặc dù còn non trẻ nhưng nhìn trung nếp sống đạo trong giáo xứ tương đối đạo đức và có nét truyền thống.

Giáo xứ Ngăm

Giáo xứ Ngăm nằm cách tòa giám mục Bắc Ninh khoảng gần 30 km về phía Nam, nằm bên hữu ngạn sông Đuống. Trước năm 1954, Ngăm Giáo là một trong những giáo xứ sầm uất nhất của giáo phận Bắc ninh. Theo các cụ kể lại, Tin mừng đã được loan báo ở Ngăm cách đây khoảng 200 năm, và gần như toàn bộ người dân ở làng Ngăm đều đón nhận Tin mừng ngay từ khi được các nhà truyền giáo gieo vào mảnh đất thân yêu này. Đến năm 1954, số nhân danh của Ngăm giáo đã lên đến 1, 200 người. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ giáo dân đã di cư vào miền Nam sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chỉ còn 3 giáo dân ở lại để gìn giữ giáo xứ và ngôi thánh đường thân yêu.

Hiện nay, số giáo dân ở Ngăm Giáo đã lên tới gần 60 người và có các sơ dòng Đa minh đến cùng ăn, cùng ở với giáo xứ. Tuy Ngăm giáo không có cha xứ trực tiếp coi sóc, nhưng họ vẫn duy trì ngày ngày đến nhà thờ để cầu nguyện và gìn giữ đức tin.

Ngôi thánh đường Ngăm giáo đã tròn trăm tuổi và đã xuống cấp nhiều, nhưng nhờ sự chăm sóc của số giáo dân ít ỏi và đặc biệt là sự quảng đại giúp đỡ của những người con xa quê hương, ngôi thánh đường đã được tu sửa lại và vẫn bền vững qua thời gian.

Giáo xứ Lai Tê

Lai Tê ngày xưa gọi là Lai Tây, tổng Lường Xá, Lang Tài, Bắc Ninh. Hiện nay là thôn Lai Tê, xã Trung chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, phía bắc giáp trung chính, phía đông giáp Lai Đông, Tuần La, phía Tây giáp Phú Lương và Cẩm Giàng.

Người dân Lai Tê đã đón nhận tin Mừng đời Gia Long, do 2 cụ tổ họ bùi ở Hải Dương mang con cháu về lập nghiệp. Sau biến cố năm 1954, 2/3 giáo dân Lai Tê di cư vào miền Nam. Hiện nay số giáo dân ở giáo xứ Lai Tê là 1.400 nhân danh, và con cháu Lai Tê ở Miền nam có khoảng 2.600 người.

Người dân Lai Tê chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, cùng với một số ngành nghề phụ khác như chài lưới, đan lát, chăn nuôi gia cầm. Đời sống hàng ngày nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng các gia đình vẫn luôn tạo điều kiện cho con em đi học, số sinh viên đang học đại học và cao đẳng hiện nay tương đối đông, cho đến nay Lai Tê tự hào về truyền thống học hành vì có 1 tiến sỹ, 9 thạc sỹ và 50 cử nhân.

Từ khi có đức tin giáo xứ Lai Tê đã 4 lần xây dựng nhà thờ, nhà thờ hiện nay được xây từ 1930, trong lòng nhà thờ có mộ của 17 vị tử đạo trong số 100 vị đầu mục và hài cốt của thánh Đaminh Cẩm.

Giáo xứ Lai Tê đã cung cấp cho giáo phận 3 linh mục và nhiều tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong và ngoài giáo phận. Cha xứ giáo xứ Lai Tê hiên nay là cha Phaxicô Xaviê Nguyễn văn Huân và cha phó ở trực tiếp với giáo xứ Lai Tê là cha Tôma Nguyễn Văn Phùng.

Nhờ sáng kiến mục vụ của cha xứ, cha phó và của ban hành giáo, cùng với sự nhiệt tình của giáo dân và các đoàn thể, đức tin giáo dân Lai Tê khá ổn định và ngày một phát triển. Lai Tê có đến 18 đoàn thể khác nhau, như hội Giuse, Mân Côi, huynh đoàn Đa minh giáo dân, giáo lý viên, thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn…. Hàng tuần, các đoàn thể chia nhau chầu Thánh Thể và chia sẻ Lời Chúa, huynh đoàn Đaminh giáo dân hàng ngày vẫn duy trì 3 buổi cầu nguyện. Các em thiếu nhi được học giáo lý và có thánh lễ riêng hàng tuần đều đặn. Các đoàn thể cùng nhau làm việc bác ái xã hội, thăm nom các người già và những ai khó khăn bệnh tật.

Trại phong Quả Cảm

Cách TGM Bắc Ninh 5km và được thành lập từ năm 1913, trại phong Quả Cảm là ngôi nhà chung của những gia đình không may mắc phải bệnh phong hủi. Trải qua nhiều biến cố hiện này trại phong này đang nằm trong sự quản lý của chính quyền. Dù còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng ở đây vẫn có những người đã tình nguyện đến cùng ăn cùng ở và chăm sóc cho những người có số phận không được may mắn. Người đó chính là cô Xuân – một người đã gắn bó cùng trại phong từ những ngày tóc còn xanh.

Trên cương vị là Giám mục Giáo phận cùng với những kinh nghiệm đã có trong quãng thời gian mục vụ trước đây, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt tiếp tục quan tâm và giúp đỡ một cách đặc biệt đối với những con nguời không may mắn. Không chỉ riêng ở trại phong Quả Cảm, Ngài còn quan tâm đén rất nhiều những trại phong và nhà tình thương khác. Nhờ vậy mà những người đó luôn lạc quan và tin tuởng vào tình yêu Thiên Chúa.

Tòa giám mục Bắc ninh

Tòa giám mục Bắc ninh tọa lạc tại thành phố Bắc ninh, tỉnh Bắc ninh. Tòa giám mục là cơ quan đầu não, là nơi ở, nơi làm việc của Đức Giám Mục và của các ủy ban của giáo phận. Đối với tòa giám mục Bắc ninh có một vài điểm khác với nhiều tòa giám mục nơi khác, kể từ thời đức cố giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1963-1994) tòa giám mục đã trở thành “một gia đình” hay là“ngôi nhà chung” đúng nghĩa cho tất cả mọi người.

Tòa giám mục trước kia là một ngôi biệt thự theo kiến trúc kiểu pháp được xây dựng từ thời đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn (1950-1955). Hiện tại, ngôi nhà này đang là nơi ở của cha xứ nhà thờ chính tòa, giáo phận dự kiến trong tương lai sẽ sử dụng ngôi nhà này làm nhà truyền thống của giáo phận, vì nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện đáng nhớ trong suốt những thời kì có thể nói là khó khăn nhất của giáo phận. Đặc biệt, trong phòng nguyện vẫn thường gọi là phòng U8 ( căn phòng chỉ có diện tích 7, 83 m2), chính nơi đây đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã thường dâng lễ, cầu nguyện và đã truyền chức trong âm thầm cho 2 Đức Giám Mục, 13 linh mục và 6 thày phó tế trong khoảng thời gian từ năm 1964-1990.

Tòa giám mục 3 tầng hiện nay được xây dựng vào năm 1991 đến năm 1993, thời đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đang là giám mục giáo phận Bắc ninh. Trong ngôi nhà chung này, ngoài là nơi ở, nơi làm việc của đức cha và một số ủy ban, còn diễn ra nhiều các hoạt động khác như các linh mục tĩnh tâm hàng tháng, các cuộc gặp gỡ của nam nữ tu sĩ, nhiều cuộc gặp gỡ của giáo dân, ban hành giáo với nhau và với đức cha giáo phận.

Bầu khí gia đình hay bầu khí nhà chung được đức cố Hồng Y Phaolô Giuse gây dựng vẫn luôn được duy trì cho đến ngày hôm nay, những ai đã một lần tới tòa giám mục Bắc ninh sẽ cảm nhận rõ ràng được bầu khí gia đình hay bầu khí nhà chung tại đây.

Khi nói đến tòa giám mục Bắc ninh, phải nhắc đến nhà cơm tòa giám mục, nơi đây không còn khoảng phân cách giữa giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ hay giáo dân mà tất cả mọi người đều cùng dùng bữa ăn chung với nhau. Cho dù bữa ăn đơn sơ đạm bạc, nhưng tất cả đều cảm nhận được bầu khí gia đình giữa các thành viên trong gia đình tòa giám mục và giữa các thành viên trong đại gia đình giáo phận.

Nhà Thánh Phêrô Tự

Để cổ võ, nuôi dưỡng và đào đào nhân sự là các linh mục tương lai cho giáo phận, nhưng vì hoàn cảnh các tiểu chủng viện không được mở, cho nên giáo phận đã phải có chương trình đào tạo các ứng sinh trước khi vào Đại chủng Viện, mô hình đào tạo này còn được gọi là tiền Chủng Viện. Chương trình đạo tạo và nuôi dưỡng gơn gọi lấy tên một vị thánh linh mục của giáo phận là thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự làm bổn mạng và gọi tắt là Nhà Thánh Phêrô Tự.

Nhà Thánh Phêrô Tự đã thâu lượm được những kết quả đáng khích lệ: trong những năm vừa qua, các chú ứng sinh Nhà Thánh Phêrô dự thi vào Đại chủng viện Hà nội thương đặt kết quả cao. Theo đánh giá của các cha trong giáo phận, mô hình đào tạo nhà Thánh Phêrô Tự đã có những ứng sinh chất lượng và tốt hơn các ứng sinh học các trường cao đảng và đại học ở ngoài xã hội.

Với hoàn cảnh thực tế hiện này, và để đáp ứng được những nhu cầu và đòi hỏi của Giáo hội và xã hội. Nhà Thánh Phêrô mong ước có cơ sở vật chất đủ để đám ứng nhu cầu đào tạo ơn gọi cho giáo phận và Giáo hội. Bên cạnh đó, Ban ơn gọi cũng cần nhiều hơn nữa nhân sự tốt cùng với Ban ơn gọi đào luyện các chú ứng sinh được tốt hơn.

Trung Tâm Mục Vụ (TTMV)

Trung tâm mục vụ giáo phận Bắc ninh nằm ngay trong khuân viên tòa giám mục Bắc Ninh với ngôi nhà khép kín 4 tầng, được xây dựng thời đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Ngôi nhà này cũng được gọi là “Nhà Giáo Dân” hay “Nhà Mục Vụ” bởi vì ngôi nhà này cũng được dùng cho các giáo dân về ngủ nghỉ trong các dịp lễ trọng và các sinh hoạt khác của giáo dân.

Vì hoàn cảnh và nhu cầu thực tiễn của giáo phận, TTMV luôn là nơi quy tụ mọi thành phần Dân Chúa, là ngôi trường để đào tạo người Kitô hữu trưởng thành, đào tạo các thừa tác viên cho các xứ họ, giáo phận để họ tham gia đầy đủ vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội.

Trong quá trình huấn luyện, TTMV mở những khóa học ngắn hạn và dài hạn, tại TTMV và di động đến các xứ họ. TTMV luôn kết hợp chặt chẽ với các Ủy ban và Tiểu ban của giáo phận mở các chương trình mục vụ quản trị xứ họ, hôn nhân và gia đình, giới trẻ, thiếu nhi, tác viên Tin Mừng, thánh nhạc, các khóa tĩnh tâm… Cũng vậy, TTMV luôn liên kết chặt chẽ với các sinh hoạt của xứ họ và giáo phận đễ chương trình giảng dạy luôn được cập nhật, có tính thực tiễn cao, hầu có thể đáp ứng được những nhu cầu mục vụ ngày càng phong phú và đa dạng của thời đại.

Cụ thể trong năm học 2009-2010, TTMV đã mở được 18 khóa học và tĩnh tâm khác nhau, năm học 2010-2011, TTMV mở 25 khóa học và tĩnh tâm, mỗi đợt huấn luyện và tĩnh tâm thường kéo dài khoảng từ 1 đến 3 tuần. Trong hai năm học vừa qua đã có tổng số gần 2000 lượt người đến tham gia các khóa học, hội thảo và sinh hoạt khác nhau tại TTMV.

III. Các Nhóm Thánh Hiến, Ban Hành Giáo và Hội Đoàn

1. Các Nhóm Thánh Hiến

Từ khi thành lập giáo phận 1883, các tu sĩ đã góp một phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển địa phận, về nam tu có nhà Đức Chúa trời, về nữ tu có các nhà Mụ (Phước) Đaminh, và nhà Mụ của chị em yêu Mến Câu Rút (Crucis), ngoài ra còn có các nữ tu dòng thánh Phaolo de Charte do cac sơ người Pháp coi sóc, đến mở trường và lập nhiều nhà ở Bắc Ninh. Nhìn chung, công việc của nữ tu là trông coi nhà Mồ côi, nhà Thiên Thần, dạy giáo lý, cho của Ăn Đàng, mở nhà thuốc, phát thuốc, mở trường dạy học và các công việc truyền giáo ở vùng xâu vùng xa.

Biến cố lịch sử năm 1954, cuộc di cư ồ ạt làm ảnh hưởng đến đời sống thánh hiến trong giáo phận. Các sơ nhà Mụ, và các sơ Phaolô lục đục di chuyển vào niềm nam. Chỉ còn một số ít tu sĩ già và nhưng tu sĩ bệnh tật ở lại trông coi nhà cửa và giữ đất đai cho Giáo Hội. Mảnh đất giáo phận Bắc Ninh trở nên vắng bóng các các nữ tu và các thành phần khác của đời sống thánh hiến.

Nhưng ý Chúa thật nhiệm màu, đến năm 1963, khi tòa thánh bổ nhiệm đức cha Phaolô Maria Phạm Đình Tụng ( sau này được vinh thăng Hồng Y) coi sóc. Đây là thời điểm khó khăn nhất, giáo phận với một giám mục trẻ, và một vài linh mục chủ yếu là các cha già yếu. Quả là khó khăn cho vị giám mục trẻ trong việc quản trị. Nhờ ơn Chúa và khả năng lãnh đạo, đức cha đã qui tụ những người nữ muốn sống đời tận hiến, sống tại gia đình, nhưng vào nhà xứ dạy giáo lý kinh bổn và dâng hoa.( đức cha đã sáng tác những bài giáo lý kinh bổn, dâng hoa theo văn vần, thơ lục bát, và theo làn điệu quan họ Bắc Ninh, dâng hoa Đức Mẹ vào tháng Năm và Thánh Tâm Chúa vào tháng Sáu).

Chính nhờ đó mà đã duy trì được đời sống đức tin cho cả giáo phận trong lúc khó khăn thử thách vì thiếu nhân sự trầm trọng.

Từ con số hạt giống rất khiêm tốn, trải qua năm tháng ngày nay đã lớn mạnh trở thành một tu hội hợp pháp theo giáo luật gần 300 chị em tận hiến sống theo ơn gọi này.

Đức tổng và mọi người sẽ được nghe các nữ tu Hiệp Nhất hát quan họ Bắc Ninh. Tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận những người nữ tận hiến này.

Đa phần các người nữ tận hiến sống trong các nhà Mụ (phước) di cư vào niềm nam. Trong đó, một số ít chị em theo linh đạo của đức cha Lambert de la Mốt lập nên dòng Mến thánh giá Thủ Đức ngày nay. Còn đa số các chị em sống theo linh đạo của cha thánh Đaminh, vì thế hình thành nên các dòng nữ Đaminh ở trong các giáo phận niềm nam.

Chỉ còn “số sót”, là một số ít cách chị em sống trong nhà Mụ (Phước Đaminh) ở lại địa phận bám trụ, giữ đất, giữ nhà. Chính nhờ sự trung kiên, trung tín, và can đảm của họ mà ơn gọi của các nhà Mụ vẫn phát triển. Phải đến những năm 1990 thì những chị em nhà Mụ mới được gửi vô dòng đaminh nữ rosa lima để đạo tào và khấn dòng. Tính đến hiện nay, con số khấn dòng đã lên tới 60 nữ tu, không kể tiền tập và tập sinh. Đây là con số nữ tu Đaminh cần thiết để Đức Cha giáo phận thiết lập một hội dòng nữ đầu tiên của giáo phận trong tương lai gần.

Đức cha đã gửi văn thư cho Tòa Thánh và đang chờ phúc đáp. Kính mong Đức Tổng đại diện Tòa Thánh lưu ý việc này với đức tổng Fernando Filoni, Tân bộ trưởng bộ Phúc Âm Hóa các dân tộc. Vì đây là nhu cầu cần thiết và thiết yếu cho đời sống thánh hiến của giáo phận chúng con.

Hiện nay, giáo phận chúng con tiếp quản các chị em tu hội Thánh Tâm, chị em là người của giáo phận và phục vụ trong giáo phận theo tinh thần sống tận hiến giữa đời do Đức Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận khởi lập. ngoài ra, hiện tại, giáo phận được sự phục vụ rất đông đảo của các hội dòng nam và nữ không thuộc giáo phận, các dòng nam như Đaminh, dòng Tên, Chúa Cứu Thế, Dons Bosco, dòng Đồng Công và sự trở lại của các nữ tu Mến Thánh Giá và Sant Paul de Charts.

Vị thế hiện nay của những con người thánh hiến trong giáo phận rất đa dạng. Họ chủ yếu tận hiến cho các công việc mục vụ giúp xứ và các giáo họ. Đồng thời, họ dành nhiều thời gian có các hoạt động tông đồ xã hội.

Tuy nhiên, họ đang phải đương đầu với nhiều thách đố mới nảy sinh, vì thế cần một nền đào tạo tương xứng, đội ngũ nhà đào tạo và điều hành có khả năng, và những phương tiện làm việc thích hợp. Tất cả những nhu cầu cần thiết cấp bách để những người tận hiến có thể trở lời những đòi hỏi của giáo hội địa phương và xã hội ngày hôm nay ở giáo phận Bắc Ninh.

Đức cha đương nhiệm Cosma, từ ngày coi sóc địa phận, rất quan tâm nâng đỡ đời sống thánh hiến. Ngài thành lập Ủy ban tu sĩ, và giao cho ủy ban này mở các khóa huấn luyện thần học cơ bản cho các nữ tu, các khóa tập huấn về dâng hoa, tập huấn về Tam Nhật vượt qua, về vọng Giáng sinh. Công việc của các nữ tu ngày càng đa dạng hơn: côi viện mồ côi, khuyết tật, các nhà mở. Vì thế, gia đình đời sống thánh hiến giáo phận đang khởi sắc đi lên.

2. Ban Hành Giáo và Các Hội Đoàn

Tuy không sống trong đời sống tu trì nhưng những người giáo dân tham gia nhiệt thành vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội, đó là các vị Ban hành giáo và các đoàn thể trong các xứ họ đã, đang và sẽ góp phần cho sự phát triển đời sống đức tin của giáo phận.

Ban hành giáo

Do những khó khăn của thời cuộc, rất nhiều giáo xứ trong giáo phận không có Cha xứ trực tiếp coi sóc, vì vậy mà đời sống đạo có phần suy giảm nhưng đa số bà con giáo dân vẫn giữ vững đức tin. Trước muôn vàn khó khăn thử thách, Đức Cố Hồng Y Phao lô Giuse lúc đó đang là giám mục giáo phận Bắc Ninh đã tổ chức đào tạo, xây dựng và kiện toàn các vị ban hành giáo để họ trở thành cánh tay nối dài của Đức Giám Mục và giải quyết mọi công việc lớn nhỏ trong các xứ họ. Kể từ đó cho đến nay, vai trò của các vị ban hành giáo hết sức quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển đức tin.

Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh

Cùng với việc củng cố và xây dựng các ban hành giáo, Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse còn củng cố và phát triển huynh đoàn giáo dân Đa-minh tại nhiều xứ họ trong giáo phận nhằm duy trì và bảo vệ đời sống đức tin. Trải qua nhiều năm tháng khó khăn nhưng Huynh đoàn giáo dân Đa-minh vẫn không ngừng phát triển và trở thành hội đoàn nòng cốt và có số thành viên lớn nhất trong giáo phận.

Hiện nay số đoàn viên, đặc biệt là các đoàn viên trẻ của Huynh đoàn ngày một tăng thay vì chỉ có các cụ già như trước đây. Cũng chính nhờ sự cầu nguyện không biết mệt mỏi của Huynh đoàn mà nhiều giáo xứ trong giáo phận ngày một thăng tiến, nhiều nhà thờ trong giáo phận luôn duy trì được ba buổi kinh trong ngày.

Hội mân côi

Bên cạnh huynh đoàn giáo dân Đa minh mà mọi người vẫn thường gọi là dòng Ba, hiện nay trong hầu hết các xứ họ đã thành lập được Hội Mân Côi.

Hội mân côi là nơi gặp gỡ chia sẻ Đức tin, đời sống gia đình giữa những người đang giữ vai trò làm vợ và làm mẹ trong các gia đình.

Từ những thập niên 90 của thế kỷ trước, với những nhu cầu cấp thiết Đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến đã tổ chức và thành lập hội Mân côi để từ hội các bà, các mẹ noi gương Đức Trinh Nữ Maria luôn biết sống vâng phục và phó thác. Dần dần hoạt động của hội ngày càng ổn định và đi vào chiều sâu. Hiện nay cha phụ trách Hội Mân Cồi là cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều.

Hội Gia Trưởng

Song song cùng với hội Mân Côi của những người làm vợ làm mẹ trong gia đình, Giáo phận còn có hội dành cho những người làm chồng, làm cha để qua đó thăng tiến đời sống đạo cũng như đời sống hôn nhân và gia đình.

Hội Gia trưởng Giáo phận Bắc ninh chính thức được thành lập vào năm 1995 với sự thao thức của Đức cha Cố Giuse Nguyễn Quang Tuyến. Vì lúc đó hoàn cảnh Giáo phận thiếu Linh mục coi sóc, đời sống đức tin gặp khó khăn thử thách từ nhiều phía. Mong ước của Đức cha là các người làm chồng và làm cha trong Gia đình thật sự có đời sống theo gương mẫu Thánh cả Giuse.

Với thao thức đó Đức cha đã mời Thầy Ba Xuân thuộc Tu hội Naza về giúp đỡ, cùng với lòng nhiệt thành thăng tiến các gia đình trong đời sống đạo Thày đi nhiều xứ họ để qui tụ các bậc Trưởng Gia đình vào Hội Thánh Giuse. Từ ngày đầu thành lập cho tới nay, Hội đã sinh hoạt được 17 năm và quân số đã lên tới trên 7.000 thành viên và có mặt ở hầu hết tất cả các giáo xứ trong Giáo phận. Cha Giuse HoàngTrọng Hựu đang là linh mục phụ trách Hội Gia Trưởng hiện nay.

Nhóm Loan Báo Tin Mừng

Truyền giáo là bản chất của Giáo hội vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha. Tiếp nối sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, và theo bước chân những nhà truyền giáo- cha anh tổ tiên, người tín hữu ở Giáo Phận Bắc Ninh chưa bao giờ biết mệt mỏi khi mang Tin Mừng đến cho anh chị em lương dân.

Do hoàn cảnh khó khăn nên hơn 60 năm qua, công việc Loan Báo Tin Mừng có phần nào bị đình trệ. Gần đây, ý thức về truyền giáo đã bắt đầu được khơi dạy lại. Các Nhóm tông đồ giáo dân được sai đi loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, cho anh chị em dân tộc thiểu số và tái truyền giáo cho những người khô khan nguội lạnh.

Trong thực tế, công cuộc rao giảng Tin Mừng đang được giáo phận quan tâm cách đặc biệt. Nhóm Loan Báo tin Mừng đã được thiết lập từ 5 năm trước đã thu được những thành quả nhất định, và hy vọng sẽ có được nhiều hoa trái trong tương lai. Bẩy mươi lăm tông đồ giáo dân đã và đang sinh sống và làm việc ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh khác nhau để cùng sống và làm việc với người địa phương, để làm chứng qua đời sống hàng ngày và lời rao giảng của họ. Các tông đồ giáo dân này đã được trợ cấp một phần từ quỹ rao giảng Tin Mừng của giáo phận.

Mỗi tháng các thành viên của Nhóm này trở về tòa giám mục hay nhà xứ ở gần khu vực họ sinh sống để tĩnh tâm và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệp truyện giáo. Mỗi năm họ được đào tạo khoảng một tháng về kiến thức Thánh Kinh, Giáo lý, về đời sống và kỹ năng giao tiếp…., những thách thức mà họ đang phải đối mặt hiện nay là học ngôn ngữ địa phương và những kinh nghiệm về truyền giáo.

Hướng tới phương thức rao giảng Tin Mừng cho thời đại ngày hôm nay, hầu hết các thành viên trong Nhóm Loan Báo tin Mừng đang nỗ lực sống đời sống chứng tá Tin Mừng, để nhờ đó Tin Mừng của Chúa Phục Sinh được thấm nhuần vào đời sống và tâm thức của mọi người dân trong giáo phận Bắc Ninh. Để có được mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo tại giáo phận Bắc Ninh, chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần ban nhiều ân sủng xuống trên các anh chị em trong Nhóm Loan Báo Tin Mừng và cho công cuộc loan báo Tin Mừng của giáo phận.

Giới Trẻ

Có thể nói, Giáo Phận Bắc Ninh là một gia đình mà thành phần trẻ rất đông đảo và đóng vai trò quan trọng. Trong năm Thánh 2010 và năm Giới trẻ 2011, ở hầu hết các xứ họ, các bạn trẻ tham gia rất tích cực vào các sinh hoạt chung của cộng đoàn. Từ ca đoàn, giáo lý viên, ban kèn, ban nhạc, đến các nhóm truyền giáo, các nhóm bảo vệ sự sống, các nhóm sinh viên, … tất cả nói lên sức sống đang vươn lên từ những trái tim người trẻ.

Nhận thấy vai trò hết sức quan trọng của giới trẻ nên Giáo phận đã không ngừng kêu mời, tổ chức và đào tạo nên những bạn trẻ có đức tin đủ mạnh và có tri thức đủ lớn để góp phần làm cho giáo phận ngày một trẻ chung hơn. Muốn làm được như vậy Giáo phận đang có nhiều những chương trình và sân chơi bổ ích dành cho các bạn trẻ.

Tuy nhiên, chúng ta biết là giới trẻ đang phải đối diện với nhiều thách đố. Trong một giai đoạn khá dài thiếu linh mục, nên ở hầu hết các xứ họ việc học hỏi về Lời Chúa và đời sống đức tin rất hạn chế, trong khi các thay đổi về kinh tế và công nghệ của xã hội ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và cách sống của giới trẻ. Đa số các xứ họ nằm trong vùng nông thôn, giới trẻ có khuynh hướng tìm công việc ở các đô thị để sớm thoát được cảnh nghèo. Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông cũng khuyến khích giới trẻ theo một lối sống dễ dãi, thiên về hưởng thụ. Trong khi đó, cách giữ đạo truyền thống ở các xứ họ đôi khi không kịp đáp ứng những thay đổi của thời đại.

Giới trẻ là tương lai của thế giới và của Giáo hội. Giữa xã hội ngày càng đầy rẫy những cơn sóng biến động, người trẻ luôn khao khát được nhìn thấy những ngôi sao sáng để định hướng cho con thuyền cuộc đời. Người trẻ cần được tôi luyện để làm muối làm men cho đời. Vì thế các bạn trẻ có lý do chính đáng để mong đợi sự dấn thân và thiện chí nơi các vị mục tử, những người đồng hành cũng như những người đi trước.

Trước những khó khăn, thách đố của thời cuộc, cả Giáo Phận nói chung, các xứ họ và các đoàn thể nói riêng đã, đang và sẽ nỗ lực tối đa để giúp đỡ, đồng hành cùng các bạn trẻ. Năm 2011 là một năm đặc biệt và để dành riêng cho các bạn trẻ của giáo phận. Năm Giới trẻ đã chính thức khai mạc vào ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và sẽ bế mạc vào ngày 11 tháng 11 năm 2011 và đây cũng là ngày Đại Hội Giới Trẻ của Giáo Tỉnh Hà Nội. Như chúng ta đã biết, chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội năm 2011“Thầy gọi anh em là bạn” (Ga 15, 15).

Với chủ đề ấy trước hết Giáo Phận cũng như Giáo tỉnh mong muốn giới trẻ là những người bạn của Chúa Giêsu. Tình bạn tự nó là điều cao quý. Đối với giới trẻ, tình bạn là điều thiết yếu cho cuộc sống. người ta thường nói: Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là ai. Chúa Giêsu muốn sống với các môn đệ không phải như các đầy tớ mà như những người bạn. Điều này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Mỗi người trẻ, và tất cả các bạn trẻ của Giáo Phận hãy đón nhận tình bạn của Người, chọn Người là bạn, người bạn cao quý nhất, người bạn thân thiết nhất. Từ tình bạn với Chúa Giêsu, chúng ta tập sống tình bạn với mọi người khác, rồi tiến đến xây dựng nền văn hóa tình bạn với mọi người.

Để có thể trở nên muối và men cho đời, các bạn trẻ cần luôn trau dồi cho mình đầy đủ hành trang để có thể đứng vững trước phong ba, bão táp của cuộc đời. Một trong những tổ chức nhằm duy trì, củng cố và phát triển tri thức – đức tin cho các bạn trẻ đó chính là hội sinh viên Công Giáo. Tính đến nay Giáo phận Bắc Ninh đã có rất nhiều Nhóm sinh viên Công Giáo hoạt động mạnh mẽ cả trong và ngoài giáo phận như Nhóm Hà Nội, Nhóm Nông Nghiệp, Nhóm Thái Nguyên, Nhóm Xuân Hòa, Nhóm Cẩm Giang, Nhóm Hưng Yên, Nhóm Sài Gòn… Đây thực sự là tổ chức nhằm quy tụ những bạn trẻ ham học hỏi và sẵn sàng dấn thân phục vụ. Các bạn rất năng động và sáng tạo trong các hoạt động như tổ chức tĩnh tâm theo Mùa phụng vụ, làm công việc tông đồ bác ái, chia sẻ sinh hoạt theo lịch và tổ chức các đợt tiếp sức mùa thi cho các em thí sinh đại học và cao đẳng. Được sự quan tâm của Đức Cha, Cha đặc trách, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ và quý vị ân nhân hội sinh viên Công Giáo của Giáo phận đang ngày một thăng tiến và theo như dự kiến vào ngày 15 và 16 tháng 10 năm 2011, các bạn sinh viên sẽ tổ chức Đại hội lần thứ nhất để tạo nền móng cho hoạt động chung cũng như chuẩn bị chào đón Đại Hội Giới Trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ IX.

Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể

Kể từ khi Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt về coi sóc giáo phận đến nay, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngài là tài thành lập và phát triển Phong Trào Thiều Nhi Thánh Thể, vì tương lai của giáo phận hoàn toàn tùy thuộc vào các em thiếu nhi ngày hôm nay.

Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể là một đoàn thể Công Giáo tiến hành nhằm hai mục đích:

+ Đào tạo thanh thiếu nhi về hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên để họ trở thành những con người kiện toàn và Kitô hữu hoàn hảo.

+ Đoàn thể hoá và hướng dẫn thanh thiếu nhi truyền thông Tin Mừng và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.

Nhằm đạt tới kết quả tối đa trong việc giáo dục đoàn sinh, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể dùng hai phương pháp : Tự nhiên và siêu nhiên để huấn luyện.

Trong tương lai gần, giáo phận mong muốn ở tất cả các xứ họ đều có Phong Trào thiếu Nhi Thánh Thể để đạo tạo và giúp đỡ các em phát triển cả về thể chất lẫn đời sống đức tin. Để những ước nguyện đó nhanh chóng trở thành hiện thực, giáo phận đã mời các cha dòng Chúa Cứu Thế ra để giúp đào tạo và hướng dẫn các em thiếu nhi dần dần tham gia vào phong trào. Từ những khóa học này các em sẽ trưởng thành hơn để trở về giúp đỡ cũng như phát triển phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể trong các xứ họ của mình.

Hiện nay, cha Đa Minh Vũ quang (Mỹ) Chí đang là tổng tuyên úy và cha Giuse Đinh Đồng Ngôn là phó tuyên úy Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh thể Giuse hoàng Lương Cảnh của giáo phận Bắc Ninh.

Tạm Kết

Khi nhìn lại lịch sử của giáo phận Bắc Ninh suốt chặng đường đã qua, vinh quang có và bão tố cũng nhiều. Nhưng kì lạ thay, màu nhiệm thay, hồng ân Chúa qua tác động của Chúa Thánh Thần làm đổi thay tâm tính của lòng người, cục diện đã từng bước đổi thay sau những biến cố thăng trầm. Giờ là lúc chúng ta hãy ý thức rằng Thiên Chúa đã trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa ngay tại giáo phận Bắc Ninh cho mỗi người con Bắc Ninh. G­¬ng s¸ng liÖt oanh cña những dũng nh©n tö ®¹o, bao tấm gương lẫm liệt can tr­êng trong bức hại không phải là khơi lại những kí ức đau buồn, nhưng là để nhắc nhở mỗi người con Bắc Ninh ý thức được nền móng của đức tin. Nhắc nhở chúng ta nắm lấy vận mệnh của giáo phận trong thời điểm hiện tại để xây dựng và phát triển gia đình giáo phận. Noi gương ông cha, tổ tiên để cùng nhau bồi đắp nền “văn minh tình thương và sự sống” như thông điệp hậu đại hội Dân Chúa.

Trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, giáo phận Bắc Ninh được nuôi dưỡng bởi vô số những tấm lòng nhân ái cùng lời cầu nguyện của biết bao người. Thật cảm động biết ơn những người thiện chí, những nhà hảo tâm, cùng các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước đã nguyện cầu và giúp đỡ giáo phận. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi, thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các vị tử đạo Bắc Ninh chúc lành cho tất cả chúng ta.

Bắc Ninh, lễ Thăng Thiên 2013

Hà Như Nguyệt


[1] Xc. Đinh Đồng Phương, Giáo Phận Bắc Ninh (1993), tr 66-68

[2] Mộ của vị tử đạo Giuse Mật ở trong lòng nhà thờ Mỹ Lộc hiện nay.

[3] Giáo họ Tiên Lục trước đây thuộc giáo xứ Mỹ Lộc (Ba Họ), chỉ mới được nâng lên hàng giáo xứ thời đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt là giám quản giáo phận Bắc Ninh (2006-2008)
 
VietCatholic TV
Cục Hải Quan và Biên Phòng Hoa Kỳ tịch thu hàng chục ngàn giấy tờ giả từ Trung Quốc lén đưa vào Mỹ
Giáo Hội Năm Châu
03:37 16/08/2020


Cục Hải Quan và Biên Phòng Hoa Kỳ, gọi tắt là CBP, vừa thông báo hiện có hàng chục ngàn giấy tờ tuỳ thân giả mạo đang được âm thầm tuồn vào nước Mỹ qua ngả các phi trường quốc tế.

Theo tiết lộ của cục CBP, tại phi trường quốc tế O'Hare ở Chicago, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2020 đã có 19, 888 bằng lái Mỹ giả mạo được chuyển qua phi trường này. Những bằng lái giả mạo được đóng trong 1, 513 kiện hàng, phần lớn được gởi đến từ Trung Quốc và Hồng Kông. Một số khác đến từ Anh Quốc và Nam Hàn. [1]

Riêng tại phi trường Dallas-Forthworth, tiểu bang Texas, nhà chức trách cho biết, họ đang thấy một sự gia tăng đáng kể trong những kiện hàng với giấy tờ tuỳ thân giả mạo được chuyển qua đây. Những nhân viên kiểm hàng quốc tế báo cáo đã có khoảng 2 ngàn thẻ giả chỉ trong một năm rưỡi đã được chuyển qua phi trường này.

Tại Memphis, tiểu bang Tennessee, chỉ riêng tháng 3 năm nay, nhân viên cục CBP đã tịch thu gần 2000 bằng lái và sổ thông hành giả mạo. Được biết, mỗi giấy tuỳ thân này có thể được bán với giá từ $250 US- $500 US trên thị trường chợ đen và cho nhiều loại khách hàng tiêu thụ. [2]

Giám đốc phi trường khu vực Dallas, ông Timothy Lemaux đã chỉ ra rằng những thẻ giả mạo này cho thấy nguy cơ những thông tin cá nhân của khách hàng tại Mỹ đã có thể bị kẻ cắp nước ngoài lạm dụng là có thật.

Đại diện cục CBP tại Chicago, giám đốc Ralph Piccirilli tuyên bố “Những bằng lái giả này có thể dẫn đến một hậu quả thê thảm. Những tổ chức tội phạm có thể dùng chúng để tránh bị chú ý trong khi phạm pháp”.

Trong một thông cáo báo chí, cục CBP còn cảnh báo “Những giấy tờ (tuỳ thân) gian lận này có thể dẫn đến hành vi trộm cắp danh tính, chấp pháp tại nơi làm việc, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, những gian lận liên quan đến các tội pham về di trú như buôn lậu và vận chuyển người”. Đặc biệt nghiêm trọng hơn cả là “những giấy tờ (tuỳ thân) này có thể được sử dụng bởi những người có liên quan đến khủng bố nhằm giảm thiểu khả năng sẽ bị các biện pháp kiểm soát du lịch làm khó dễ. “, tuyên bố viết!

Cục CBP cũng cho biết, đại đa số những thẻ giả này là dành cho sinh viên đại học. Có nhiều thẻ chỉ dùng một tấm hình nhưng nhiều tên khác nhau. Điều làm cho các giới chức thuộc chi cục tại Michigan lo ngại nhất là những mã vạch trên những thẻ Michigan giả này thật sự có hiệu lực khi được sử dụng!

Giám đốc Ralph Piccirilli gọi nguy cơ nói trên là “rất thật”, và đưa ra lời cảnh cáo nhắm vào giới trẻ “Điều khiến chúng tôi bất an nhất về chuyện ngăn chận này, ngoài số lượng mà chúng tôi đang thấy ở đây, là chuyện rất nhiều người trong giới trẻ đã chia sẻ thông tin cá nhân của họ một cách tự do với những kẻ chuyên giả mạo ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục cộng tác với cơ quan cảnh sát địa phương để giáo dục công chúng và bất cứ ai đang có ý định mua căn cước giả trực tuyến về những nguy cơ tiềm ẩn khi chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin nhận dạng của quý vị với ý đồ tội phạm.”

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn quyết định về thể thức bỏ phiếu, hẳn không ai dám chắc nếu số căn cước giả mạo kia không bị ngăn chận bởi nhà chức trách, liệu việc này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực thế nào trong số phiếu dành cho một trong hai ứng cử viên lưỡng đảng đang ra sức giành phần thắng về mình?

Tham khảo:

[1] https://www.foxnews.com/us/fake-drivers-licenses-flooding-into-us-from-china-other-countries-us-says

[2] https://justthenews.com/government/security/counterfeit-drivers-licenses-being-smuggled-us-abroad-officials-say
 
Lời khuyên quý báu của ĐTC Lễ Đức Mẹ Lên Trời – Li Băng trong cơn biến loạn sau vụ nổ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:07 16/08/2020


1. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Bẩy Lễ Đức Mẹ Lên Trời

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Bẩy Lễ Đức Mẹ Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc Đức Mẹ lên Thiên đàng là một thành tựu lớn hơn vô hạn so với những bước đầu tiên của con người trên mặt trăng.

Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bài huấn đức của ngài:


Anh chị em thân mến,

Khi con người đặt chân lên mặt trăng, có một câu nói đã trở nên nổi tiếng ‘Một bước đi nhỏ đối với một người, một bước nhảy vọt cho nhân loại’. Thực tế, nhân loại đã đạt đến một cột mốc lịch sử. Nhưng hôm nay, trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta cử hành một sự chinh phục vĩ đại hơn nhiều. Đức Mẹ đã đặt chân lên thiên đàng: Mẹ đến đó không chỉ bằng tinh thần, mà còn bằng thể xác, với tất cả con người của Mẹ. Bước tiến này của Trinh nữ khiêm hạ thành Nazareth là bước nhảy vọt của nhân loại. Đặt chân lên mặt trăng chẳng đem lại cho chúng ta bao nhiêu, nếu chúng ta không sống như anh chị em với nhau trên Mặt đất này. Nhưng một người trong chúng ta sống trên Thiên đàng trong thân xác bằng xương bằng thịt mang lại cho chúng ta hy vọng: chúng ta hiểu rằng chúng ta là quý giá, và được tiền định để phục sinh. Thiên Chúa sẽ không để thân xác chúng ta tan biến vào hư vô. Với Chúa sẽ không có gì bị mất! Nơi Đức Maria, mục tiêu này đã đạt được và chúng ta có lý do trước mắt chúng ta để tiếp tục cuộc lữ hành: không phải để giành được những điều ở dưới thế này, là những thứ sẽ tan biến, nhưng là giành lấy những sự vĩnh cửu trên trời. Và Đức Mẹ là ngôi sao dẫn lối cho chúng ta. Như Công đồng dạy: “Mẹ chiếu sáng như một dấu chỉ niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi cho Dân Chúa trong cuộc lữ hành trần thế” (Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium, 68).

Đức Mẹ khuyên bảo chúng ta điều gì? Trong Phúc Âm ngày hôm nay, điều đầu tiên Mẹ nói với chúng ta rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1:46). Chúng ta thường nghe những lời này đến mức có lẽ chúng ta không còn để ý đến ý nghĩa của những lời đó nữa. “Ngợi khen” theo nghĩa đen là ‘phóng đại’, là làm cho lớn ra. Trong cuộc sống của Mẹ không phải là không có những vấn đề, nhưng Mẹ vẫn ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta thì ngược lại, chúng ta để cho mình bị đè bẹp trước những khó khăn và sợ hãi! Đức Mẹ không để mình đầu hàng như thế, vì Mẹ đặt Chúa như là Đấng vĩ đại trước hết trong cuộc đời. Từ đây, lời Ngợi Khen được bùng lên, từ đây niềm vui phát sinh: không phải vì trong cuộc sống không có vấn đề, là những điều sớm muộn cũng sẽ đến, nhưng từ sự hiện diện của Chúa. Bởi vì Chúa là Đấng vĩ đại. Và trên hết mọi sự, Ngài nhìn đến những người bé nhỏ. Chúng ta là yếu điểm yêu thương của Ngài: Thiên Chúa nhìn đến và yêu mến những người bé nhỏ.

Trong thực tế, Mẹ Maria tự nhận mình nhỏ bé và tán dương “những điều cao cả” (c. 49) mà Chúa đã làm cho Mẹ. Những điều cao cả ấy là gì? Thưa trước hết và trên hết đó là món quà bất ngờ của sự sống: Đức Maria là một trinh nữ và mang thai; và cả Elizabeth, người đã già, đang mong có một đứa con. Chúa tác thành những điều kỳ diệu với những người nhỏ bé, với những người không tin mình là vĩ đại nhưng trong cuộc sống lại dành không gian rộng lớn cho Chúa. Ngài mở lòng thương xót đối với những ai tin cậy nơi Ngài và nâng cao những kẻ khiêm nhường. Đức Maria ngợi khen Chúa về điều này.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta có nhớ ngợi khen Chúa không? Chúng ta có tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta không? Chúng ta có tạ ơn Chúa vì mỗi một ngày Ngài ban cho chúng ta, vì tình yêu, và ơn tha thứ cùng sự dịu dàng của Ngài. Và còn hơn thế nữa, Chúa đã ban cho chúng ta Mẹ của Người, và những anh chị em mà Chúa đặt để trên đường đời của chúng ta. Nếu chúng ta quên đi những điều tốt đẹp, con tim chúng ta sẽ co lại. Nhưng nếu, như Mẹ Maria, chúng ta nhớ đến những điều vĩ đại mà Chúa làm, dù chỉ một lần trong ngày, chúng ta sẽ ngợi khen Ngài, và đó sẽ là một bước tiến dài. Con tim sẽ rộng mở, niềm vui sẽ tăng lên.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ là cửa Thiên đàng ban cho chúng ta ân sủng biết bắt đầu mỗi ngày bằng cách ngước nhìn lên trời, hướng về Thiên Chúa, để thưa với Người: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa!” như những người nhỏ bé thưa lên cùng Đấng Cao Cả. “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa!”


Source:Holy See Press Office

2. Trợ giúp khẩn cấp của Giáo Hội Công Giáo dành cho Li Băng

Như chúng tôi đã đưa tin Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, đã công bố gói viện trợ lương thực 250, 000 euro khẩn cấp cho các nạn nhân của vụ nổ kinh hoàng ngày 4 tháng 8 ở Beirut, Li Băng.

Khoản tài trợ ACN sẽ tập trung vào các gia đình nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ nổ đã tàn phá khu vực cảng của thủ đô Li Băng và các khu vực lân cận, bao gồm các khu dân cư của người Công Giáo như Mar Maroun và Achrafieh.

Trong thông cáo công bố hôm 7 tháng 8 năm 2020 tại Roma, cho biết số tiền trợ giúp vừa nói rút từ ngân khoản gọi là “tám phần ngàn”, tức là tiền thuế các tín hữu Công Giáo đóng góp cho Giáo hội. Các giám mục Italia nói rằng: “Thảm trạng vụ nổ xảy ra cho đất nước Li Băng, vốn đã bị khủng hoảng nặng nề về tài chánh, kinh tế và xã hội. Khủng hoảng càng gia tăng trong năm ngoái, khiến cho nhiều gia đình chỉ có lợi tức hơn năm Mỹ kim mỗi ngày, và lâm vào tình trạng nghèo đói”.

Tại Ðức, nhiều giáo phận Công Giáo cũng đóng góp để trợ giúp dân chúng tại Liban, như tổng giáo phận Paderborn đã dành ngay 50, 000 Euro để cứu trợ cấp thời và được chuyển qua Caritas quốc tế.

Tổng giáo phận Bamberg cũng đóng góp ngân khoản tương tự. Ðức Tổng giám mục Ludwig Schick của giáo phận Bamberg, kiêm Chủ tịch Ủy ban Giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, nói rằng: “Chúng tôi cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và thân nhân của họ, cầu cho những người bị thương sớm được bình phục thể xác và tâm hồn. Liban là con tim của toàn thể Trung Ðông. Quốc gia bé nhỏ này đã đón nhận và giúp đỡ rất nhiều người tị nạn từ Syria. Ngoài ra, Liban cũng cần được giúp đỡ để ổn định về chính trị, chẳng vậy, toàn thể Trung Ðông cũng sẽ bị hậu quả lây”.

Nhiều giáo phận khác ở Ðức, như Mainz, Limburg, Köln, Muenster cũng đóng góp từ 50, 000 đến 150, 000 Euro để hỗ trợ Caritas Liban, trong công tác cứu trợ các nạn nhân.

3. Tổng thống Pháp nói trước hội nghị các nhà tài trợ: Tương lai của Li Băng đang bị đe dọa

Các cường quốc trên thế giới có nhiệm vụ hỗ trợ người dân Li Băng sau khi một vụ nổ lớn tàn phá thủ đô của họ trong khi chính tương lai của đất nước này đang trong tình trạng bị đe dọa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị các nhà tài trợ khẩn cấp.

Nền kinh tế đầy nợ nần của Li Băng đã chìm trong khủng hoảng và lao đao vì đại dịch coronavirus trước vụ nổ ở cảng Beirut khiến 158 người thiệt mạng. Nhưng các chính phủ nước ngoài cảnh giác về việc viết các chi phiếu khống cho một chính phủ bị chính người dân của họ cho là tham nhũng sâu sắc.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị các nhà tài trợ trực tuyến, ông Macron nói rằng phản ứng quốc tế cần được điều phối bởi Liên hợp quốc tại Li Băng.

“Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là hành động nhanh chóng và hiệu quả, điều phối viện trợ của chúng ta trên thực tế địa phương để viện trợ này đến tay người dân Li Băng càng nhanh càng tốt, ” ông Macron nói qua liên kết video từ nơi nghỉ hè ở thành phố Riviera.

Tổng thống cho biết lời đề nghị hỗ trợ bao gồm cả việc hỗ trợ cho một cuộc điều tra khách quan, đáng tin cậy và độc lập vào tháng Tám.

Vụ nổ hôm 4 tháng 8 đã khiến một số người Li Băng kêu gọi một cuộc nổi dậy để lật đổ các nhà lãnh đạo chính trị của họ.

Hội đồng Giám mục Italia đã trợ giúp một triệu Euro để giúp đỡ dân chúng Li Băng về thuốc men cho những người bị thương, lương thực, nước uống và nơi tạm trú cũng như nâng đỡ tâm lý cho các nạn nhân khác.
Source:Business Standard

4. Tương lai của Li Băng sau vụ nổ chết người ở Beirut

Thủ tướng Li Băng Hassan Diab và toàn bộ chính phủ nước này đã từ chức sau vụ nổ chết người ở Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng. Trong một bài phát biểu ngắn trên truyền hình, ông Diab cho biết ông đang “lùi một bước” để có thể sát cánh cùng mọi người “và chiến đấu trong cuộc chiến giành sự thay đổi cùng với họ”. Ông nói: “Hôm nay tôi tuyên bố từ chức chính phủ này. Xin Chúa bảo vệ Li Băng”.

Ông Hassan Diab, một người Hồi Giáo Sunni, đã lặp lại câu “Xin Chúa bảo vệ Li Băng” ba lần.

Việc chính phủ từ chức đã được dự đoán ngay cả khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Theo dự trù, Thủ tướng Hassan Diab sẽ giữ vai trò điều hành chính phủ tạm thời cho đến khi có ứng cử viên mới được thống nhất chọn ra.

Hiến pháp của Li Băng không chính thức quy định nhưng theo một thỏa hiệp được gọi là Thỏa Thuận Quốc Gia vào năm 1943, tổng thống của nước này bắt buộc phải là một người Công Giáo theo nghi lễ Maronite.

Theo hiến pháp của Li Băng, tổng thống được Quốc Hội chọn ra trong một nhiệm kỳ 6 năm. Sau khi tổng thống Michel Suleiman hết nhiệm kỳ vào tháng 5, 2014, trong hơn hai năm trời, Quốc Hội không chọn được một tổng thống khác.

Trước đây, Li Băng vẫn được coi là tiền đồn của Công Giáo tại Trung Đông, vì người Công Giáo chiếm đa số tại quốc gia này. Tình trạng đó đã thay đổi đáng kể sau cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6, 1967 dẫn đến một làn sóng nhập cư của người Palestine. Cuộc nội chiến tại Syria cũng đưa đẩy hơn 2 triệu người Syria, chủ yếu là người Hồi Giáo tràn vào Li Băng, khiến quốc gia này giờ đây trở thành một quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo như các nước khác trong vùng.

Đó là lý do tại sao từ tháng Năm, 2014 đến ngày 31 tháng 10, 2016, Li Băng không có tổng thống.

Đối với hàng trăm nghìn người có nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy bởi vụ nổ tuần trước tại một nhà kho chứa 2, 750 tấn ammonium nitrate, việc từ chức của nội các Hassan Diabxem ra sẽ không giúp ích gì nhiều cho họ.

Đối với nhiều người trên khắp Li Băng, toàn bộ hệ thống chính trị cần được thay thế.

Li Băng đang đối mặt với thời gian khó khăn phía trước.

Đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với hàng triệu việc làm bị mất, người dân bị cắt lương và tiền tiết kiệm biến mất.

Quá trình chính trị để bổ nhiệm một thủ tướng mới và kêu gọi bầu cử sớm sẽ mất nhiều tuần. Đây là thời khắc nguy hiểm cho quốc gia này.
 
Ba Lan tưng bừng mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời – Ngoài Chúa Ba Ngôi ra, quỷ sợ ai nhất?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:04 16/08/2020


1. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ba Lan

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là các cuộc rước kiệu Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ba Lan.

Tính cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, Ba Lan vẫn còn đang phải trải qua tình trạng khó khăn với số người nhiễm bệnh lên đến 832 người trong vòng 24 giờ của ngày 14 tháng 8. Tuy nhiên, các cuộc rước kiệu Lễ Đức Mẹ Lên Trời vẫn được diễn ra trong các thành phố và các vùng quê nơi ít chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng Tám là một trong 13 ngày quốc lễ trong một năm của Ba Lan. Ngay cả trong thời kỳ cộng sản, ngày 15 tháng Tám vẫn là một ngày quốc lễ, mặc dù bọn cầm quyền cộng sản lúc đó gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan để kỷ niệm cuộc chiến tại Warsaw vào năm 1920.

Thông tấn xã KAI của Công Giáo Ba Lan cho rằng giải thích của bọn cầm quyền cộng sản chỉ là một lối giải thích miễn cưỡng. Cộng sản không muốn gọi ngày 15 tháng Tám là ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng cũng không dám mừng ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan một cách trọng thể vì sợ mất lòng Liên Sô. Cho nên, trong suốt thời cộng sản, ngày 15 tháng Tám, dân chúng được nghỉ ngơi đi nhà thờ, không phải tham gia các cuộc mít-tinh hay các cuộc diễn binh, diễn hành trên đường phố.

Năm 1920, hồng quân Liên Sô tấn công Ba Lan. Quân Ba Lan liên tục rút chạy tán loạn trước sức tấn công vũ bão của đối phương. Trước đại họa đất nước bị chìm trong họa vô thần, hàng giáo sĩ Ba Lan kêu gọi anh chị em cầu nguyện đặc biệt với Đức Mẹ nhất là khi gần đến ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngày 12 tháng Tám, 1920, hồng quân Liên Sô do Nguyên Soái Mikhail Tukhachevsky lãnh đạo tạo thành 2 gọng kềm tiến đánh thủ đô Warsaw và thành phố Modlin Fortress. Tình thế gần như tuyệt vọng đối với người Ba Lan.

Tuy nhiên, một ngày sau Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là ngày 16 tháng Tám, 1920, tướng Józef Piłsudski của Ba Lan mở cuộc phản công từ phía Nam thủ đô Warsaw. Hồng quân Liên Sô đại bại, rút chạy tán loạn về phía Đông liều lĩnh bơi qua sông Neman để thoát thân. Trong một ngày duy nhất, hơn 10, 000 quân Liên Sô tử trận, 500 bị mất tích dưới dòng sông Neman đang chảy như thác lũ, 30, 000 quân nhân bị thương và trầm trọng nhất là 66, 000 quân nhân bị bắt sống tại mặt trận. Tướng Józef Piłsudski, một quân nhân chuyên nghiệp, đã tạo ra một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Nhưng ông là một người khiêm nhường, và đầy đức tin. Ông cho rằng chính nhờ Đức Mẹ và niềm tin vào Đức Mẹ mà quân Ba Lan từ tình trạng đang xuống tinh thần trầm trọng đã có thể đánh một trận oai hùng như vậy.

Thừa thắng xông lên, quân Ba Lan lần lượt thắng hết trận này sang trận khác, quét sạch quân Liên Sô ra khỏi bờ cõi đất nước. Cuối năm đó, Lênin đã phải nuốt nhục ký hiệp ước với Ba Lan.

Đại sứ Anh quốc tại Ba Lan là ông Edgar Vincent nhận xét rằng cuộc chiến ngày 16 tháng Tám, 1920 là cột mốc lịch sử. Nhờ cuộc chiến đó, phần còn lại của Âu Châu đã thoát khỏi mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản của Lênin.

Tháng 6 năm ngoái 2019, lần đầu tiên, sau khi cộng sản sụp đổ trên toàn cõi Âu châu, các tín hữu Ba Lan lại thấy niềm tin Kitô của mình bị công khai xúc phạm trên các đường phố. Liên tiếp trong nhiều tuần lễ bắt đầu từ giữa tháng Sáu, các cuộc diễn hành đồng tính nổ ra trên hầu hết các thành phố lớn của Ba Lan. Có nơi chỉ một vài trăm người, nhưng cũng không thiếu các trường hợp quy tụ được cả chục ngàn người, đặc biệt là người trẻ.

Các nhà hoạt động đồng tính diễn các vở kịch giễu cợt Phụng Vụ Công Giáo, công kích giáo lý Công Giáo, bỉ báng Đức Mẹ, nói những lời lộng ngôn, coi tôn giáo như một rào cản ngăn không cho con người được hưởng tự do.

Nghiêm trọng nhất là vụ phạm thánh hôm 29 tháng 7 trong đó, một nhóm đồng tính đã xúc phạm tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúng đã treo cờ đồng tính trên thánh giá Chúa và bịt mặt Chúa bằng một miếng vải có dấu hiệu của những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Bức tượng bị nhóm đồng tính tấn công được đặt ngay trước cửa Vương Cung Thánh Đường Thánh giá ở thủ đô Warsaw.

Việc mạo phạm bức tượng Chúa Giêsu Kitô đang vác thánh giá tại trước Vương cung thánh đường Thánh giá đã gây ra nhiều phẫn nộ trong lòng người dân Ba Lan.

Công tố viện đã quyết định khởi tố vụ này và cảnh sát đang một cuộc điều tra về việc xúc phạm các di tích và chống lại tình cảm tôn giáo.

2. Ý nghĩa Lễ Đức Mẹ Lên Trời

Lễ Đức Mẹ Lên Trời, trước đây còn gọi là Lễ Đức Mẹ Mông Triệu, là một ngày lễ quan trọng trong niên lịch Phụng Vụ đối với các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phương, Cộng đồng Anh giáo, vì các tín hữu tin rằng khi qua đời thì linh hồn và thể xác của Đức Maria đã được đưa về thiên đàng.

Giáo Hội Công Giáo Rôma đã xác định sự kiện này là một “tín điều”; và Đức Giáo Hoàng Piô XII đã ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế “Munificentissimus Deus”, nghĩa là Thiên Chúa vô cùng vinh hiển. Trong hiến chế này, Đức Thánh Cha Piô XII tuyên bố rằng: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác” bởi những lý do: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; thân xác Đức Giêsu sinh ra từ thân xác Đức Maria; thân xác Đức Maria không hề sa sút nhưng vẫn trinh khiết vẹn toàn và bởi đó thật xứng đáng nếu thân xác ấy không bị hư nát sau khi chết; và vì đã liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô trong sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian, nên Đức Maria cũng thật xứng đáng được chia sẻ tình trạng vinh quang của thân xác.

Trong thánh kinh không có bằng chứng trực tiếp nào về việc Đức Maria lên trời, nhưng Hội thánh Công Giáo rút ra kết luận đó từ cách gọi Đức Maria đầy ân sủng được ghi trong Tin mừng Luca (Lc 1:28). Vì đầy ân sủng nên Mẹ được gìn giữ khỏi phải chịu hậu quả của tội lỗi, tức là thân xác không phải hư nát sau khi chết và thân xác được hạnh phúc trên trời ngay cả khi ngày tận thế chưa đến. Khi đặt niềm tin vào việc Đức Maria lên trời, Hội thánh không dựa vào Kinh Thánh mà dựa vào truyền thống được kể lại. Đây chắc chắn là giáo lý đã được mạc khải, bởi vì các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đã nhất trí tin rằng đó là một phần trong mạc khải của Thiên Chúa.

Ngoài ra, niềm tin về Đức Mẹ Lên Trời cũng được biết đến như là nền Thần học Thánh Mẫu trong Giáo hội Chính Thống Đông phương.

Đức Mẹ Lên Trời là một ngày lễ lớn, thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 8. Ở một số quốc gia châu Âu, đây là ngày nghỉ lễ chính thức, bao gồm: Áo, Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Croatia, Litva, Luxembourg, Tây Ban Nha, một số tổng của Thụy Sĩ và Chí Lợi, Ecuador, Liban, Sénégal.

Lễ Đức Mẹ Lên Trời một ngày nghỉ lễ ở các quốc gia có cộng đồng Chính thống giáo lớn như Cộng hòa Macedonia, Rumani, Gruzia và Hy Lạp.

Thành phố thủ đô của Paraguay được đặt tên là Asunción để tôn vinh sự kiện Đức Mẹ Lên Trời.

3. Câu chuyện “Không Kể Chúa Ba Ngôi, Quỷ Sợ Ai Nhất? ”

Tại thành Marcasona nước Pháp, có một chàng thanh niên khô đạo, dám ngạo mạn khinh chê phép lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ đã truyền dạy thánh Đaminh phải cổ võ mọi người thi hành. Chúa đã để cho y bị quỷ ám để tỏ rõ uy quyền Đức Mẹ.

Các gia nhân phải khó khăn lắm mới đưa được anh ta đến với cha thánh Đaminh xin ngài trừ quỷ. Cha truyền đưa anh ta đến nhà thờ. Và trước mặt đông đảo giáo dân, cha thánh Đaminh lớn tiếng hỏi ma quỷ:

– Trên Thiên đàng, không kể Chúa Ba Ngôi, còn đấng nào mày sợ hơn cả?

Tên quỷ la hét, tru trếu ghê rợn, hắn nhất định không chịu trả lời. Cha Đaminh truyền cho nó phải nói sự thật. Nhưng hắn miễn cưỡng chỉ xin nói nhỏ vào tai cha Đaminh chứ không muốn cho mọi người nghe.

Cha Đaminh nhất định không chịu. Cha liền sấp mình xuống đất nài xin Đức Mẹ bắt ma quỷ nói công khai.

Ma quỷ tinh khôn và xảo quyệt đáo để, nó giả vờ khiêm nhường nói với cha:

– Chúng tôi là kẻ nói dối, xin ngài đừng tin. Xin ngài hãy nhờ các Thiên thần là những kẻ thật thà trả lời cho ngài biết.

Cha Đaminh đâu có chịu thua ma quỷ. Ngài sấp mình xuống trước tòa Đức Mẹ van nài Mẹ dùng quyền phép bắt ma quỷ phải xưng thú ra, để giáo dân biết rõ.

Nhận lời van xin của cha thánh Đaminh, Đức Mẹ thân hiện ra, cầm roi đánh tên quỷ bắt buộc ma quỷ phải nói ra sự thật. Bấy giờ hắn kêu la có vẻ hằn học tức tối với Đức Mẹ. Hắn biết rằng nói ra sự thật thì thiệt hại cho nó lắm, vì như thế người ta sẽ tôn kính Đức Mẹ hơn, và các linh hồn sẽ vuột khỏi tầm tay của hắn. Bất đắc dĩ ma quỷ phải to tiếng công khai rằng:

– Tất cả mọi người hãy lắng tai mà nghe: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có quyền phép gìn giữ, bảo vệ những ai tôn kính Ngài khỏi sa Hỏa ngục. Ai sùng kính yêu mến Ngài thật tình thì thoát khỏi tay chúng tao. Mỗi lời Bà ấy xin cùng Thiên Chúa thì thần thế và hiệu nghiệm hơn mọi lời các thánh. Ai sắp mất linh hồn sa Hỏa ngục mà kêu tên Mẹ Maria thế nào cũng được cứu giúp. Nếu không có Mẹ Maria giúp đỡ che chở, thì đạo Công Giáo đã phải vô cùng khốn đốn, khó lòng mà đứng vững được trước sức tấn công như vũ bão của chúng tao. Bà ấy ban cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi được khỏi sự dữ, được ơn ăn năn thống hối mọi tội và được về Thiên đàng.

Bấy giờ cha thánh Đaminh bảo tất cả mọi người đọc kinh Mân Côi thật chậm và thật sốt sắng. Và một sự lạ đã xảy ra, sau mỗi kinh Kính Mừng mà cha Đaminh và dân chúng đọc chung với nhau, thì một nhóm ma quỷ xuất ra từ thân xác khốn khổ của người đó, dưới hình dạng những cục than đỏ. Khi bọn quỷ ám xuất ra hết, thì người lạc giáo ấy hoàn toàn trở lại bình thường.