Ngày 19-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:43 19/08/2019

12. Dung mạo bên ngoài nhiều khiêm tốn mà tâm bên trong ít khiêm tốn, thì nên biết rằng khiêm tốn là thật tâm bên trong và tỏ lộ ra nơi dung mạo bên ngoài, phải coi họ nhẫn nại như thế nào khi họ bị nguời khác nhục mạ khinh thị, thì đó mới thật là khiêm tốn thật.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://jmtaiby.blogspot.com
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:49 19/08/2019
91. MỘT ĐỒNG THÌ KHÔNG NÊN CỨU

Có một người rất bủn xỉn keo kiết.

Một hôm ra khỏi nhà gặp con sông nhỏ nước dâng cao, ông ta không đành bỏ tiền ra để ngồi thuyền qua sông nên liều cái mạng già lội bộ qua sông, dưới sông có gì ai mà biết được, nước sâu lại chảy mạnh nên đẩy ông ta trôi xa nữa dặm hơn.

May mà đứa con trai đứng trên bờ nhìn thấy, cuống cuồng cả lên, bèn kêu một chiếc thuyền đến cứu mạng ông ta, phu thuyền đòi một đồng bạc vuông mới dám đến cứu, nhưng con trai chỉ trả năm xu bạc mà thôi, hai bên trả giá rất lâu mà vẫn chưa xong.

Ông cha đang vùng vẩy loạn xạ trong nước sắp chết, nhìn con trai và nói lớn:

- “Con trai của ta, con trai của ta, năm xu thì được, nhưng một đồng thì không nên cứu !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 91:

Có người vì sợ tốn tiền nên bị chết chìm, có người vì sợ tốn tiền nên không cho con cái đi học, có người vì sợ mất tiền mà tật mang nên dù bệnh nặng cũng không thèm đến thầy thuốc...

Tất cả cái sợ trên đều bắt đầu từ lòng keo kiết mà ra.

Có người Ki-tô hữu vì sợ mất coi buổi trực tiếp đá banh thế giới nên đã không đi lễ ngày Chúa Nhật, có người sợ con cái ra đường mắc mưa bệnh nên không cho con cái đi học giáo lý ở nhà thờ, có người vì sợ lỡ hẹn với người yêu nên thà không đi lễ để đến nơi hẹn trước...

Chúng ta sợ đủ thứ, nhưng những thứ đó thì không giúp gì cho phần rỗi của chúng ta.

Mất linh hồn sa hoả ngục là cái đáng sợ nhất mà chúng ta lại không sợ, đúng là đáng sợ thật !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://jmtaiby.blogspot.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nhận định về tình hình Giáo hội của họ.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:52 19/08/2019
Bốn nhà xã hội Hoa kỳ Stephen J. Fichter, Thomas P. Gaunt SJ, Catherine Hoegeman CSJ và Paul M. Perl mới xuất bản cuốn sách “Catholic Bishops in the United States – Church Leadership in the Third Millennium”, Oxford University Press 2019 (Giám mục Công Giáo tại Hoa kỳ - Lãnh đạo Giáo hội trong Thiên niên kỳ thứ Ba).

Cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 2016 với 179 Giám mục chính tòa, 18 Giám mục Lễ nghi Đông phương, 65 Giám Mục Phụ Tá, 168 Giám mục nghỉ hưu. Cuốn sách cung cấp một tổng quan về các Giám mục Công Giáo và trách nhiệm của các ngài là “thánh hóa, cai quản và giảng dậy”.

Cuốn sách gồm 7 chương do Nhá Xuất bản Đại học Oxford ấn hành năm 2019. Lần này, xin được tóm lược về chương 3 với đề tài “Thách đố, Hy vọng và Ơn gọi”.

Câu hỏi được nêu lên với các Giám mục: Những thánh đố lớn lao đối với Giáo hội tại Hoa kỳ hôm này là gì?

Kết quả của những câu trả lời như sau: Thế tục (43%), Tự do tôn giáo (32%), Thái độ thờ ơ, mất đức tin, không thực hành đức tin (15%), Hôn nhân và gia đình (15%), Thiếu linh mục và những ơn gọi (13%), Luân lý tương đối (11%).

1/ Về vấn đề thế tục: 95 % đồng ý rằng văn hóa thế tục tại Hoa kỳ thù nghịch với những giá trị Công Giáo. 65% nhận định rằng các chỉ trích của báo chí và truyền thông thế tục gây vấn đề cho họ.

2/ Về tự do tôn giáo: Một phần ba nhận thấy vấn đề tự do tôn giáo là một thách đố lớn đối với Giáo Hội Công Giáo Hoa kỳ. Các luật lệ và qui định chính phủ ảnh hướng đến trường học, nhà thương và cơ quan bác ái của Giáo hội. Trên 60% Giám mục viết về đề tài tự do tôn giáo trong thư mục vụ.

3/ Về thái độ thờ ơ: 21% dân chúng không có liên kết với tôn giáo. Nhiều người thơ ơ với đức tin, bỏ cộng đồng đức tin hoặc chuyển sang cộng đồng khác.

4/ Về luân lý tương đối: 10% cho rằng luân lý tương đối là một thách đố lớn lao cho Giáo hội hôm nay. Thái độ thờ ơn và luân lý tương đối là hai thái độ đi cùng nhau và phản ánh sự không liên quan đến Giáo hội hoặc bất cử cộng đồng đức tin nào. Bốn trong năm Giám mục nói rằng họ gặp khó khăn tiếp cận người dân.

5/ Về hôn nhân: Dân số Công Giáo tăng 12 triệu từ 55,7 triệu lên 67,7 nhưng giảm đi một nửa về hôn phối. 21% trẻ em lớn lên trong “gia đình không truyền thống”. Giáo phận và giáo xứ gặp thách đổ với hiện tượng này trong mục vụ, giáo dục và hiểu biết về bí tích hôn nhân.

6/ Về linh mục và tu sĩ: 56% tường thuật rằng hình ảnh linh mục ngày này là một vấn đề lớn cho các ngài trên cơ sở hàng ngày. Những lời chỉ trích của giáo dân về linh mục cũng là vấn đế hàng ngày. 86% tường thuật rằng vấn đề thiếu linh mục cũng là vấn đề lớn về hành chánh. 7% coi việc trả lời về vấn đề linh mục lạm dụng tình dục là vấn đề.

Câu hỏi khác được nêu lên với các Giám mục: Ba khía cạnh nào của Giáo hội tại Hoa Kỳ ngày nay mang đến cho ngài những hy vọng lớn nhất?

Trong câu trả lời, các Giám mục nêu lên hy vọng vào tuổi trẻ và những người trẻ (51 %), vào ơn các gọi và chủng sinh (28%), vào giáo dân (27%), vào linh mục (24%), vào linh đạo và bí tích (23%), vào ĐTC Phanxicô (16%), vào di dân, người nói tiếng Tây ban nha và sự đa dạng (15%), rao giảng Tin mừng (15%).

1/ Về giới trẻ và người trẻ: Các Giám mục hy vọng vào giới trẻ và người trẻ đối nghịch với giảm sút về hôn nhân, rửa tội, tham gia trường Công Giáo và giáo dục tôn giáo tại giáo xứ. Sự tham gia của người trẻ là nguồn phấn khởi và năng lực trong Giáo hội.

2/ Về giáo dân: 27% Giám mục nói rằng giáo dân là nguồn hy vọng lớn. Vai trò và tham gia của giáo dân Công Giáo thay đổi rất nhiều từ Công đồng Vatican II. Giáo dân là thành viên của hội đồng mục vụ và tài chánh trong giáo xứ và giáo phận, họ thi hành các sứ vụ giáo dân và làm việc trong mọi phương diện của Giáo hội.

3/ Về linh đạo và bí tích: 25% Giám mục hân hoan cử hành bí tích, cử hành phụng vụ, rao giảng Lời Chúa để xây dựng Giáo hội.

4/ Về những ơn gọi: Hơn 28% Giám mục hy vọng nhiều về ơn gọi linh mục và tu sĩ. 13% lo lắng về thiếu linh mục và ơn gọi.

5/ ĐTC Phanxicô và các linh mục: là nguồn hy vọng lớn lao cho các Giám mục. Tuy nhiên, không thể không nhận ra những thách đố về quyền bính, chia rẽ và chỉ trích. Ba phần tư Giám mục thấy có vấn đề về cách thi hành quyền bình trong Giáo hội. Bốn phần mười Giám mục nói về những chia rẽ về thần học giữa các linh mục và hơn một nửa các Giám mục nhìn nhận rằng chỉ trích của giáo dân về các linh mục là vấn đề hàng ngày.

6/ Về di dân: Trong những năm gần đây, di dân Công Giáo từ u châu ít hơn so với nhóm di dân Mỹ Châu Latinh, Á Châu, Phi Châu. Sự khác biệt văn hóa và nhân văn của những người di cư Công Giáo gần đây rất khác biệt so với quá khứ. Một phần bẩy Giám mục nói di dân, người nói tiếng Tây Ban Nha và đa dạng văn hóa đem lại cho các ngài niềm vui lớn lao. Các ngài cảm nghiệm thấy sự gia tăng đa dạng về văn hóa và nhân văn trong Giáo hội ở Hoa kỳ là một nguồn hy vọng hơn là một thách đố cho Giáo hội.

7/ Rao giảng Tin mừng: Các Giám mục những cố gắng trong việc rao giảng Tin mừng là một trong những hy vọng. Những thách đố lớn lao là những lực lượng bên ngoài của nền văn hóa thống trị đối kháng với cộng đồng đức tin (Công Giáo hoặc tôn giáo khác), đó là thế tục hóa, khác biệt và hạn chế tự do tôn giáo. Trái lại, những hy vọng lớn nhất là: giới trẻ và giáo dân của Giáo hội.

Tóm lại, chúng ta nghe từ các Giám mục rằng những lực lượng xã hội và văn hóa bên ngoài đe dọa đời sống Giáo hội có thể được giải quyết bằng giới trẻ và giáo dân thông qua linh đạo và các bí tích.
 
Đức thánh cha Phanxicô viết Lời tựa cho một cuốn sách mới.
Thanh Quảng sdb
20:59 19/08/2019
Đức thánh cha Phanxicô viết Lời tựa cho một cuốn sách mới.

Đức thánh cha Phanxicô viết lời tựa cho một cuốn sách tổng kết 5 năm nghiên cứu về hàng ngàn các hiệp hội, mà theo ngài, các tổ chức này đã đóng vai trò quan yếu cho sự thăng tiến sâu xa của xã hội.
Sự xuất hiện của một phong trào mới bao trùm nhiều phong trào phổ biến được tóm gọn trong tác phẩm “Rerum Novarum” Những điều mới lạ của thời đại chúng ta mới được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha do Nhà xuất bản Vatican (LEV) và được Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh chuẩn bị.
Cuốn sách tổng kết một chuỗi các phiên họp thế giới được tổ chức ở châu Mỹ từ năm 2014 với sự tham gia của hàng ngàn đại diện các phong trào quen biết.

Biến đổi xã hội
Trong lời phi lộ, Đức thánh cha Phanxicô viết những người sống ở ngoại vi bên lề xã hội không chỉ đơn thuần là những người mà Giáo hội phải tìm đến trước tiên mà họ còn là một mầm mống giống như một hạt cải nhỏ bé sẽ trổ sinh nhiều hoa trái. Đức thánh cha Phanxicô kêu mời các phong trào thân quen này đại diện cho những lớp người nghèo túng này và hãy trở nên những đòn bẩy làm biến đổi xã hội chúng ta đang sống một cách sâu sắc.
Những con người đang nằm bên lề xã hội, họ không phải là những người thụ động chỉ biết ngửa tay xin tiền trợ cấp xã hội mà thôi mà họ còn là những nhân vật tích cực làm việc cho tương lai của chính họ.
Đức thánh cha Phanxicô cho hay: “Các phong trào thông dụng của các cấp xã hội như Giáo hoàng, Giáo sư… đang làm cho thế xã hội thay đổi một cách thâm sâu, dóng lên một tiếng kêu than từ vực sâu thẳm để tạo nên một dấu hiệu mâu thuẫn với một niềm hy vọng rằng ‘bất cứ điều gì cũng có thể thay đổi.
Đức thánh cha Phanxicô giảng giải thêm rằng những cách thế họ chống lại sự chuyên chế bóc lột của những chủ nhân ông lạm dụng sức lao động dân nghèo… Họ tha thiết hy vọng nhìn thấy một tương lai tốt đẹp hơn.

Hồi sinh nền dân chủ
Đức thánh cha Phanxicô tiếp tục cho rằng loài người đang phải đối mặt với một sự thay đổi mang tính cách thời đại mà đặc trưng là những lo âu, chiến dịch bài ngoại và phân biệt chủng tộc.
Theo ý Đức thánh cha Phanxicô thì các phong trào phổ biến có thể chống lại xu hướng đó, bởi vì tất cả các phong trào chúng là nguồn năng lượng đạo đức, làm hồi sinh một nền dân chủ cho chúng ta.
Đức thánh cha Phanxicô cho hay thuốc giải độc loại trừ chủ nghĩa duy dân tộc, sự trình diễn chính trị… nằm sẵn trong nỗ lực của các tổ chức; họ được thúc đẩy bằng chính cảm nghiệm của những người mà họ tôn sùng bản thân.

Đức thánh cha Phanxicô kết thúc phần ‘lời nói đầu’ bằng phản ảnh một suy tư về lao động của con người; đây là một quyền thiêng liêng cần được bảo vệ sao cho phù hợp với Học thuyết xã hội của Kitô giáo.
Phong trào phổ quát là một chứng tá cụ thể, hiển hiện minh minh rằng có thể đối chiếu như vứt bỏ cái văn hóa của chúng ta để kiến tạo ra các công việc mới như tập trung vào sự đoàn kết và cộng đồng.
Cuối cùng, Đức thánh cha Phanxicô đã kêu gọi một chủ nghĩa nhân văn mới cho những người Kitô để khắc phục những tâm lòng phũ phàng thiếu lòng trắc ẩn mà quan tâm đến lợi ích chung cho thời đại chúng ta đang sinh sống.
 
Hồng Kông: Chúa Nhật an bình
GiangThanh
07:41 19/08/2019
Hồng Kông ngày 18/8 thời tiết xấu, mưa trắng trời cùng với không khí ngột ngạt, nhưng vẫn không ngăn cản được ý chí của hơn 1,7 triệu dân xuống đường mít tinh và tuần hành ôn hòa.

Mặc dù lần này Cục cảnh sát chỉ phê chuẩn cuộc mít tinh trong phạm vi công viên Victoria, nhưng dân chúng đã thực hiện chiến thuật “流水式集會” (kế nước chảy). Từ trung tâm công viên Victoria, họ tiến đi trong mưa gió tới các ngả đường chính của đảo Hong Kong, sử dụng các thuật ngữ hợp pháp để đối phó trong khi di chuyển. Cuộc tuần hành đã diễn ra trong ôn hòa cho tới tận lúc kết thúc. Không có cảnh sát trang bị tận chân răng để sẵn sàng trấn áp như mọi khi, không có đạn cay, không có đụng độ, không có bắt bớ, ngoại trừ một số vụ kiểm tra căn cước thông thường. Tới 22h 30 thì tất cả được lệnh giải tán trong bình an.

Người ta đã reo lên để minh chứng rằng: Giờ đây, nếu không có cảnh sát, người Hồng Kông hoàn toàn biểu tình trong hòa bình. Và họ cũng truyền đi thông điệp: nếu hoạt động ôn hòa không mang lại kết quả, nếu chính quyền không chấp nhận đối thoại, sẽ là nguyên nhân cho bạo lực có thể tái phát, diễn biến khôn lường.

Trước đó 1 ngày, phía đối lập và phe thân Trung cũng có gần 500 ngàn người mít tinh để ủng hộ cảnh sát và chính quyền bà Lâm Trịnh, thậm chí có nhóm còn mang thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ mời giải phóng quân hỗ trợ can thiệp an ninh Hồng Kông. Dù có 1 số nguồn tin cho rằng giải phóng quân TQ đã tập trận ở biên giới Hồng Kông để sẵn sàng, nhưng chắc chắn điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, TQ chẳng dại dột làm điều này.

Sau 2 tháng đầy đụng độ căng thẳng, đây quả là một Chúa Nhật bình an. Nguyện cho Hương Cảng thực sự bình an trở lại như vốn dĩ của nó.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Thánh Nhạc Giáo phận Xuân Lộc Mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Giáo Hoàng Pio X
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, OP
08:49 19/08/2019
Sáng 18/8/2019, gần 900 thành viên đại diện Ban Thánh Nhạc Giáo phận Xuân Lộc, như quý Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Hạt, các nhạc sĩ, ca trưởng, nhạc công và ca viên đã quy tụ về Giáo xứ Võ Dõng, Hạt Gia Kiệm để tham dự ngày mừng lễ Thánh Giáo Hoàng Pio X,Bổn Mạng của Ban Thánh Nhạc.

“Cảm nghiệm sống hoan ca Lòng Thương Xót” là chủ đề ngày họp mặt đặt nền trên chủ đề mục vụ chung của Giáo Phận về cách sống Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong tất cả mọi hoạt động.

Xem Hình

8g30, sau những giờ phút đón tiếp, gặp gỡ trong tình thân và cùng một lý tưởng giữa các tham dự viên với nhau ở ngoài khuôn viên nhà thờ, chương trình chính thức được bắt đầu với phần thánh hóa ngày họp mặt do Cha Đa Minh Trần Công Hiển, Đặc Trách Ban Thánh Nhạc Giáo Phận chủ sự.

Trong lời khai mạc ngỏ với các tham dự viên, cha Đặc Trách đã nói đến mục đích của ngày họp mặt của Ban Thánh Nhạc Giáo Phận. Đồng thời, dựa trên Thánh vịnh 117,1 cũng như chủ đề của ngày họp mặt, Cha Đa Minh nhiệm vụ ca ngợi và loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người của từng thành viên một khi họ đã trải nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa trên cuộc đời mình.

Tiếp nối sau đó, Cha Giuse Vũ Anh Dũng, Thư Ký Ban Thánh Nhạc, đã điểm lại những hoạt động năm qua của Ban Thánh Nhạc toàn Giáo phận. Ngắn gọn và cụ thể, các tham dự viên có thể nhận ra được hồng ân Thiên Chúa trên những thành quả đạt được của toàn ban thánh nhạc giáo phận, cho dẫu việc thực hiện đó do cá nhân hay một nhóm thi hành. Và đó cũng là niềm vui để thấy sức sống, sự nhiệt thành phụng sự, tán dương Thiên Chúa qua nghệ thuật âm nhạc mang tính thánh thiêng mà mỗi người được Chúa tặng ban khả năng riêng biệt.

Phần học hỏi chủ đề “Sáng tác và chọn bài hát trong Phụng vụ” do Cha Roco Nguyễn Duy – Tổng Thư Ký Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc- trình bày và giải đáp thắc mắc. Dựa trên bản hướng dẫn Mục vụ Thánh Nhạc, Cha Tổng Thư Ký đã trình bày từng mục, cụ thể cho từng đối tượng là nhạc sĩ và ca trưởng.Ngoài việc lưu ý, nhắc nhở đến những điểm xem ra là thiết yếu để sáng tác một bài thánh ca như mục đích sáng tác, phần nhạc, giai điệu tiết tấu không cầu kỳ, người nhạc sĩ phải là người Công Giáo, là một nghệ sĩ chân chính, và họ cần viết- sáng tác trong cầu nguyện…Đồng thời, Cha Roco cũng lưu ý đến các nhạc sĩ về phép của Đức Giám Mục – Imprimature - cho các bài thánh ca muốn được hát trong phụng vụ. Kế đến, với các ca trưởng, Cha Nguyễn Duy lưu ý họ trong việc chọn bài hát hợp với phụng vụ, làm nổi bật phụng vụ, chứ không theo cảm xúc, hay ý thích cá nhân. Bài hát được chọn để hát, theo Cha Tổng Thư Ký, cần đạt được yếu tố về luật và phương diệnphụng vụ, về âm nhạc và cách diễn đạt. Ngài cũng nhắc để các ca trưởng, và cả ca viên đến vai trò của âm nhạc, hát lễ trong phụng vụ, làm sao đừng lấn át các cử hành phụng vụ, nhưng là trợ giúp và làm cho cử hành phụng vụ chính trở nên trang trọng, hân hoan, giúp cho cộng đoàn dễ hướng lên Thiên Chúa, với mục đích đặc biệt là để tôn vinh, ca ngợi Thiên Chúa trong phụng vụ đang cử hành. Điều này xem ra luôn cần phải được nhắc đi nhắc lại để các ca đoàn, nhất là các ca trưởng chọn bài hát, hay điều khiển ca đoàn hát thế nào làm nổi bật phụng vụ. Các nhạc khí sử dụng, hay âm lượng của đàn hỗ trợ tiếng hát cũng được Cha Roco lưu ý với những người đệm đàn. Sau phần trình bày theo chủ đề học hỏi, Cha Tổng Thư Ký đã giải đáp một vài thắc mắc từ các tham dự viên.

10g45, Thánh Lễ mừng bổn mạng do Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Nguyên Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc chủ tế. Cùng đồng tế với Đức Cha Đa Minh có Cha Quản hạt Hạt An Bình, Cha Đặc Trách Ban Thánh Nhạc, Cha Đặc Trách Ban Văn Hóa Giáo phận, cùng quý Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo hạt.

Như phần dẫn lễ cũng như lời mời gọi của Đức Cha Đa Minh với cộng đoàn, Thánh Lễ được dâng với ý chỉ cầu nguyện cho quý cha, tu sĩ nam nữ, nhạc sĩ, ca trưởng, người đệm đàn, ca viên đang phục vụ trong ban thánh nhạc Giáo phận có được lòng yêu mến Chúa thiết tha, sự nhiệt thành phục vụ Chúa và mưu ích phần rỗi cho các linh hồn.

Giảng trong thánh lễ, soi dọi vào cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia khi bị người đương thời chống đối vì đã chọn làm theo ý Chúa, cũng như từ lời Chúa Giêsu khẳng định: Ngài đã ném lửa xuống trần gian, ngọn lửa của tình yêu, nhưng rồi nảy sinh sự chia rẽ giữa con người với nhau, Đức Cha Đa Minh đã liên hệ đến cuộc đời và sứ mạng của những người đang phục vụ trong ban thánh nhạc. Mặc cho bị chống đối hay hãm hại, nhưng với Thiên Chúa, người ngôn sứ- người luôn sống và thi hành ý Chúa sẽ luôn được Ngài bảo vệ, như Thiên Chúa đã từng bảo vệ Giêrêmia. Và nếu Chúa Giêsu đã ném lửa của tình yêu vào trong thế gian và làm cho con người phân rẽ nhau chỉ vì sự đón nhận hay khước từ Tin Mừng nơi mỗi người, Đức Cha khuyên dụ những người đang phục vụ trong ban thánh nhạc hãy cố gắng học hỏi Lời Chúa, để Lời Chúa thấm sâu và biến đổi bản thân trở thành những khí cụ phục vụ Chúa, chia sẻ khả năng mình cho người khác. Thêm nữa, Đức Cha Đa Minh cũng mời gọi mọi người hãy soi dọi đời mình vào gương sống, cách làm việc, hoạt động canh tân Giáo Hội trong lãnh vực phụng vụ thánh nhạc của Thánh Bổn Mạng, cố gắng phục vụ Chúa và vì phần rỗi các linh hồn bằng những tài năng Chúa ban, làm cho cuộc đời họ phản chiếu được phần nào những nhân đức của Thánh Bổn Mạng, và vững tin phục vụ cho dẫu gặp những khó khăn. Kết thúc bài giảng, một lần nữa, Đức Cha Đa Minh cậy nhờ lời bầu cử của Thánh Giáo Hoàng Piô Xxin Chúa ban cho từng thành viên trong ban thánh nhạc biết thực hiện theo ý Chúa, tin vào kế hoạch và chương trình của Ngài, sống phản chiếu được phần nào cách hoan ca phụng sự Chúa, để ngày họp mặt đem lại thêm nhiều hoa trái tốt lành trong ân sủng của Thiên Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, một nhạc sĩ đã thay mặt các tham dự viên dâng lời tri ân lên Đức Cha Chủ tế, Cha Đặc Trách Ban Thánh Nhạc, Cha Quản Hạt Hạt An Bình, và quý Cha, đã hiện diện và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho mọi thành viên trong Ban Thánh Nhạc.

Ngày họp mặt mừng Bổn Mạng được nối tiếp niềm vui qua bữa trưa chia sẻ trong tình thân, sự hiệp nhất, với những mong ước phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội bằng những khả năng nghệ thuật Thiên Chúa đã phú ban cho mỗi người, hầu làm cho Danh Chúa được ca ngợi.

Tin, ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, OP
 
Hình ảnh lễ bổn mạng của Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình tại Melbourne
Lê Hải
17:08 19/08/2019
Melbourne, Vào lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật 18/8/2019. Tại Nhà thờ Thánh Phê Rô Vùng Epping Melbourne. Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh - Bình đã tổ chức dâng lễ đồng tế mừng bổn mạng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là bổn mạng của hai Giáo Phận Hà Tĩnh và Vinh.
Quý Linh mục gốc giáo phận Hà Tĩnh và Vinh

Xem hình
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mong Manh
Nguyễn Đức Cung
08:34 19/08/2019
MONG MANH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Mặc ai nhà ngói nhà tranh
Nhện ta thanh thản mong manh giữa trời
Không than không trách một lời.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 19/08/2019: Hàng Giáo Phẩm Phi Luật Tân cảnh báo: “Im lặng là đồng lõa”
Giáo Hội Năm Châu
03:28 19/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giám Mục Phi Luật Tân nói: “Im lặng là đồng lõa”.

Một giám mục ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân đã lên án những gì ngài mô tả là “sự im lặng của người Công Giáo”, đặc biệt là của các linh mục và giám mục, liên quan đến những vụ giết người kinh hoàng trong những ngày gần đây, cũng như vụ truy tố 4 Giám Mục Công Giáo.

Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Mục Phụ Tá Manila, than phiền rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã im lặng ngoại trừ một số giám mục và các giáo sĩ có đàn chiên bị ảnh hưởng trực tiếp”.

Ngài cảnh báo rằng giữ im lặng như thế, chúng ta đứng về phía những kẻ tấn công, và để cho họ tự do tiếp tục những cuộc tấn công và tuôn ra những luận điệu dối trá.

“Khi chúng ta cho phép một người nào đó tự do làm sai một lần, chúng ta sẽ không ngần ngại để chính y hay một người khác làm điều đó một lần nữa, và sau đó lại một lần nữa khác.”

Đức Cha Pabillo đã đưa ra những lời bình luận trên hôm 12 tháng 8 trong một tuyên bố kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về làn sóng bạo lực trên đảo Negros miền trung Phi Luật Tân.

Ngài nói rằng chúng ta không thể mặc cho chính quyền thực hiện hay không thực hiện các cuộc điều tra theo sở thích của họ, đặc biệt trong các vụ việc có liên quan đến các binh sĩ và cảnh sát chính phủ tham gia vào các cuộc thảm sát bừa bãi.

Ít nhất 15 người đã bị các binh sĩ và cảnh sát giết chết ở tỉnh Negros vào tháng Bẩy, để trả thù cho cái chết của bốn cảnh sát viên trong một cuộc phục kích.

Trước đó, hôm 30 tháng 3, ít nhất 14 người khác đã thiệt mạng trong một vụ được chính quyền Phi mô tả là cuộc chạm trán vũ trang với lực lượng an ninh.

“Một cuộc tắm máu hiện đang diễn ra ở Negros. Điều này không thể tiếp tục. Các vụ giết người phải dừng lại,” Đức Giám Mục Pabillo nói.

Các nhóm nhân quyền đã báo cáo ít nhất 87 vụ giết hại thường dân không có vũ khí ở tỉnh Negros đã xảy ra kể từ khi chính phủ tăng cường những chiến dịch gọi là “chống nổi dậy” vào năm 2017.

Đức Cha Pabillo nói rằng ngay cả cuộc chiến chống ma túy của chính phủ cũng có thể bị hủy bỏ nếu người dân đừng giữ im lặng.

“Nếu ngay từ đầu, những lời tố cáo đã nổi lên từ tất cả các khu vực trong đời sống xã hội, thì nhiều cuộc sống có thể đã không bị đánh mất.”

Các nhóm nhân quyền tuyên bố hơn 20,000 người đã bị giết trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.

2. Vụ truy tố 4 Giám Mục Phi Luật Tân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cao điểm của các cuộc hành quân cảnh sát chống ma túy đã diễn ra từ 1 tháng Bẩy 2016 đến 30 tháng Tám 2018 với kết quả là 22,983 người bị giết trong các trường hợp không minh bạch. Đó là con số do chính cảnh sát Phi Luật Tân công bố. Theo Human Rights Watch, con số người bị giết có thể còn cao hơn nhiều.

Nhiều người bị giết trong đêm bởi những kẻ bịt mặt. Nhiều người bị cảnh sát đưa đi và giết chết sau khi tạo dựng các hiện trường giả vu cáo họ chống lại các lực lượng thi hành pháp luật. Hàng chục ký giả cũng bị giết.

Chính vì thế, hàng giáo phẩm Công Giáo kiên quyết chống lại đường lối chống ma túy của tổng thống Rodrigo Duterte. Các ngài tố cáo rằng thực tâm của cuộc chiến này là nhằm làm im tiếng những người đối lập hơn là chống ma túy; và nhiều thường dân vô tội đã bị lạm sát.

Chính vì chống lại chủ trương giết người bừa bãi này, Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas, Đức Tổng Giám Mục Pablo David, Thầy Armin Luistro, Giám Đốc Đại Học De La Salle và cũng là Tổng Thư Ký Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã bị truy tố vào ngày 26 tháng Bẩy vừa qua. Trong những tuần gần đây, còn có thêm Đức Cha Honesto Ongtioco của Cubao, Đức Cha Teodoro Bacani, Cha Flaviano Villanueva Dòng Ngôi Lời, Cha Albert Alejo, Dòng Tên và Cha Robert Reyes, một linh mục triều.

3. Phản ứng yếu ớt trước vụ truy tố 4 Giám Mục Phi Luật Tân và các giáo sĩ

Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Mục Phụ Tá Manila, than phiền rằng vụ truy tố 4 Giám Mục Phi Luật Tân và các giáo sĩ tại nước này đã nhận được những phản ứng yếu ớt từ phiá người Công Giáo.

“Phải chăng vụ truy tố các giáo sĩ tội kích động bạo loạn đã gây ra được một sự sợ hãi bao trùm trong toàn xã hội?” Liên quan đến các vụ thảm sát tại Negros, Đức Cha Pabillo lưu ý rằng chỉ có bốn giám mục Công Giáo lên tiếng ngăn chặn sự đổ máu bất tận này.

“Tại sao các giám mục các giáo phận khác lại im lặng? Anh em phải chờ đợi những vụ giết người như thế lan sang các giáo phận khác sao?”

Đức Cha cũng than thở về sự im lặng của công chúng trước các cuộc tấn công vào các nhà phê bình chính phủ, bao gồm một số giám mục và linh mục Công Giáo, bị truy tố tội kích đông bạo loạn.

“Tất cả chúng ta đều biết rằng lời buộc tội này là hoàn toàn không có cơ sở. Chúng ta đều biết rằng đó là việc lạm dụng pháp luật để sách nhiễu. Tất cả chúng ta đều biết rằng đó là một mưu đồ để gây kinh hoàng cho những người dám phê bình chính phủ.”

“Im lặng không phải là một lựa chọn. Chúng ta phải nói – và nói ngay bây giờ! Hãy bảo vệ những người vô tội. Tố cáo những kẻ tấn công. Hãy nêu đích danh những lời buộc tội của họ là những lời nói dối!”

4. Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ về các vụ thảm sát gần đây

Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ về các vụ thảm sát gần đây rất đa dạng bao gồm việc kêu gọi phải có những luật lệ hiệu quả nhằm kiểm soát việc sử dụng sống trong dân chúng; và thay đổi tận căn thứ văn hóa bạo lực, thác loạn về tình dục, đề cao cá nhân, thù hằn chính trị. Cũng có các vị, như Đức Tổng Giám Mục Gustavo Garcia-Siller của San Antonio, chỉ trích mạnh mẽ chính sách sắc tộc của tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, hầu hết, các Giám Mục đều lên tiếng khuyên bảo anh chị em cầu nguyện nhiều cho đất nước.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Đức Cha Frank J. Dewane, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn viết:

“Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi phải có những luật lệ hiệu quả giải quyết đến nơi đến chốn lý do tại sao những vụ bạo lực súng giết người không thể tưởng tượng như thế này cứ lặp đi lặp lại, và tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta. Là những người có đức tin, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và xin ơn chữa lành cho tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng. Nhưng phải có các hành động cũng là điều cần thiết để chấm dứt những hành động ghê tởm này.”

5. Phản ứng của Đức Cha David Zubik, Giám Mục giáo phận Pittsburgh.

Lúc 1:05 phút sáng Chúa Nhật 4 tháng 8, Connor Betts, 24 tuổi trang bị một khẩu tiểu liên bắn nhanh đã nổ súng thảm sát bừa bãi trong khu vực các hàng quán bán khuya của thành phố Dayton, tiểu bang Ohio.

Chỉ trong vòng 30 giây sau khi y nổ súng, một cảnh sát viên đang có mặt tại hiện trường đã bắn chết y; nhưng khẩu tiểu liên của y bắn với tốc độ quá nhanh đến mức chỉ trong vòng 30 giây ngắn ngủi ấy, y đã có thể bắn chết 9 người, trong đó có em gái mình Megan Betts, 22 tuổi; và làm bị thương 27 người khác. Chính y đã cùng đi đến địa điểm này với em gái mình trước khi bắn chết cô ta. Diễn biến này gây âu lo cho Đức Cha David Zubik của giáo phận Pittsburgh.

Trong tuyên bố hôm 5 tháng Tám, Đức Cha Zubik đã nhắc lại biến cố này và kêu gọi phải có nhiều biện pháp kiểm soát súng ống nhằm “hạn chế quyền truy cập người dân đến các thứ vũ khí bắn nhanh với nhiều băng đạn.”

Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu phải đóng cửa và truy tố các trang web khuyến khích các hành vi bạo lực, cũng như để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân và nỗ lực vượt qua não trạng kỳ thị chủng tộc.

Theo các tiết lộ sơ khởi của FBI, một cuộc khám xét nhà tên Connor Betts đã tìm thấy những bài viết cho thấy y hứng thú với việc giết người. Khi còn là học sinh Trung Học tại trường Bellbrook High School, tên sát thủ này đã lập danh sách các nam sinh trong trường mà y muốn giết chết và các nữ sinh y muốn hãm hiếp.

6. Đức Tổng Giám Mục Chaput nói: Cần nhìn sâu xa hơn các triệu chứng để giải quyết tình trạng giết người hàng loạt

Chỉ riêng luật kiểm soát súng mà thôi thì không đủ để ngăn chặn một cách hiệu quả các vụ xả súng giết người hàng loạt, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia, cho biết như trên trong một bài xã luận trước các vụ xả súng giết người hàng loạt gần đây ở Gilroy, California; El Paso, Texas; và Dayton, Ohio.

Ngài tin rằng cần phải có sự thay đổi sâu rộng não trạng xã hội để chuyển hoá nền “văn hóa bạo lực” hiện nay.

Trong bài xã luận trên tờ Catholic Philly ngày 05 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Chaput nói rằng ngài hoàn toàn ủng hộ việc kiểm tra lý lịch và các hạn chế khác trong việc xem xét ai là người được quyền mua vũ khí. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục của Philadelphia nhấn mạnh rằng “chỉ có kẻ ngốc mới có thể tin rằng các luật 'kiểm soát súng ống' có thể giải quyết được vấn đề bạo lực xả súng giết người hàng loạt.

“Người dân sử dụng súng trong những vụ bi thảm này là các tác nhân luân lý với một tâm hồn bị biến dạng. Sự biến thái này được thực hiện bởi một thứ văn hóa thác loạn về tình dục, đề cao cá nhân, thù hằn chính trị, không trung thực về trí tuệ và thứ tự do đồi trụy mà chúng ta đã tạo ra một cách có hệ thống trong nửa thế kỷ qua.”

Đức Tổng Giám Mục đã quả quyết như trên từ kinh nghiệm của ngài khi còn là Tổng Giám mục Denver, những lúc ngài an ủi cộng đồng sau vụ nổ súng tại trường trung học Columbine, khi ngài lo việc chôn cất một số nạn nhân, và gặp gỡ gia đình của họ.

Trong buổi tường trình của ngài trước Thượng viện Mỹ một thời gian ngắn sau vụ nổ súng tại trường trung học Columbine, Đức Cha Chaput đã nói về “một nền văn hóa buôn bán bạo lực dưới hàng chục cách thế khác nhau”, là điều đã trở thành “ một phần của cơ cấu xã hội chúng ta.”

“Khi chúng ta xây dựng các chiến dịch quảng cáo đề cao sự ích kỷ và tham lam của người tiêu dùng, và khi tiền bạc trở thành thước đo phổ biến của các giá trị, thì chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy ý thức của chúng ta về cộng đồng bị xói mòn. Khi chúng ta tôn vinh và nhân lên gấp bội số lượng súng ống trong xã hội, thì đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ em sử dụng súng.”

Đức Tổng Giám Mục Chaput cũng đề cập đến việc sử dụng án tử hình và việc hợp pháp phá thai như “một số loại giết người được chúng ta coi là nhân quyền và được pháp luật bảo vệ.” Những điều ấy tạo ra những mâu thuẫn xã hội có khả năng hạ giảm ý thức tôn trọng mạng sống con người.

Năm 1999, Đức Cha Chaput đề nghị Hoa Kỳ nên đón nhận một “cam kết không ngừng trong việc tôn trọng sự thánh thiêng của mỗi đời sống con người, từ khi còn trong bụng mẹ đến cái chết tự nhiên,” nếu không vụ nổ súng tại trường trung học Columbine sẽ không phải là vụ xả súng giết người hàng loạt cuối cùng.

“Khi xem xét cách thức và lý do tại sao nền văn hóa của chúng ta đang rao bán bạo lực, tôi yêu cầu các bạn đừng dừng lại với các triệu chứng. Hãy nhìn sâu xa hơn.”

Đức Tổng Giám Mục Chaput lặp đi lặp lại lời kêu gọi này trong bài xã luận, và nói rằng, “điều trị các triệu chứng trong một nền văn hóa bạo lực không có kết quả đâu. Chúng ta cần nhìn sâu xa hơn. Cho đến khi chúng ta sẵn sàng làm điều đó, về cơ bản, sẽ không có gì thay đổi.”

Tập trung vào tâm hồn của những kẻ thực hiện các vụ xả súng giết người hàng loạt, những kẻ mà tâm lý đã bị biến thái bởi nền văn hóa bạo lực được tạo ra trong 50 năm qua, tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Chaput khác biệt rõ rệt so với những tuyên bố của các giám mục Công Giáo khác sau các vụ thảm sát hồi cuối tuần qua.

7. Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr của tổng giáo phận Cincinnati kêu gọi hướng về Đức Mẹ

Trong bài giảng Chúa Nhật 04 tháng Tám, Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr của tổng giáo phận Cincinnati cho biết “với một tâm trạng nặng nề chúng ta hãy hướng về Chúa trong lời cầu nguyện vào ngày Chúa Nhật này. Khi những vụ xả súng bi thảm và dữ dội vẫn tiếp diễn ở đất nước chúng ta, tôi cầu xin mọi người có đức tin hãy tham gia trong lời cầu nguyện cho các nạn nhân và người thân của họ. Xin cho chúng ta, những người Công Giáo của Tổng giáo phận Cincinnati này, biết hiệp nhất cầu xin cùng Đức Mẹ thay cho các gia đình và lối xóm của chúng ta cho ơn bình an và chữa lành của Chúa Giêsu, Con của Mẹ tuôn đổ xuống trên đất nước chúng ta.”

Dân chúng Mỹ hiện đang nắm giữ trong tay số vũ khí cá nhân bằng một nửa kho vũ khí cá nhân của toàn thế giới. Chính vì thế, Đức Cha Mark Seitz của El Paso, nơi xảy ra vụ thảm sát sáng thứ Bẩy 3 tháng 8, cho biết ngài không trông đợi nhiều vào việc gia tăng các biện pháp kiểm soát súng. Thay vào đó, Đức Cha kêu gọi người dân El Paso “tái cam kết yêu thương và theo đuổi các hành vi chính đáng để giúp xã hội Hoa Kỳ vượt qua các chia rẽ và xây dựng một xã hội yêu thương nhiều hơn”.

8. Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chủ nghĩa cô lập và Chủ nghĩa độc chủng chỉ dẫn đến chiến tranh”

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa-Vatican Insider của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng châu Âu cần tôn trọng bản sắc của các dân tộc mà không tự đóng khung chính mình. Ngài đề cập đến một số vấn đề như chính trị, di dân, Thượng hội đồng vùng Amazon, môi trường và sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.

Âu Châu phải được tồn vong vì đó là một di sản “không thể và không thể bị giải thể”. Đối thoại và lắng nghe, phải được “khởi đi từ bản sắc riêng của mỗi cá nhân “ và từ các giá trị nhân bản và Kitô giáo, như là những liều thuốc chống lại chủ quyền của chủ nghĩa Duy tôn giáo và chủ nghĩa độc chủng; đây cũng là động lực cho “một quá trình tái khởi động” mà không bao giờ được kết thúc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về những vấn đề này và nhiều vấn đề khác với ký giả Domenico Agasso, một chuyên gia và điều phối viên về những vấn đề nội bộ của Tòa Thánh ‘Vatican Insider’, và là một dự án trực tuyến hàng ngày của tờ nhật báo Ý “La Stampa”.

Đức Thánh Cha hy vọng châu Âu sẽ tiếp tục hiện thực giấc mơ của những người hình thành ra nó. Đó là một viễn kiến đã trở thành hiện thực bằng cách thể hiện sự thống nhất về lịch sử, văn hóa và địa lý đây là đặc trưng của lục địa này.

Theo Đức Thánh Cha thì thách đố chính của châu Âu trong việc tái khởi động chính nó phải bắt đầu bằng đối thoại. “Trong Liên minh châu Âu, chúng ta cần phải trao đổi với nhau, ngay cả đối đầu với nhau hầu có thể hiểu biết nhau”, Đức Thánh Cha giải thích làm thế nào thì làm phải đề cao “cái gia sản tinh thần” trước mọi lý luận! Ưu tiên phải là “châu Âu trước rồi mới tới từng quốc gia”.

Đức Thánh Cha đặc biệt bày tỏ mối quan tâm của Ngài trước những ý niệm về “Chủ nghĩa Quốc gia” và “Chủ nghĩa Độc chủng” mà ngài cho là một thái độ cô lập. Ngài bày tỏ mối lo âu của ngài trước những bài phát biểu tương tự như những bài phát biểu của nhà độc tài Hitler vào năm 1934.

Đức Thánh Cha cho hay chủ nghĩa Quốc gia thường là một cường điệu đưa tới một kết thúc tồi tệ là “nó dẫn đến chiến tranh”. Và Chủ nghĩa độc chủng là một cách áp đặt một thái độ dẫn đến chủ nghĩa quốc gia, ở đây chúng ta không nên nhầm lẫn với “chủ nghĩa đa chủng tộc”, đó là một thứ văn hóa cần được cổ súy. Đức Thánh Cha cho hay những chủ thuyết có chữ “ism” ở cuối một chữ trong tiếng Anh, hay chữ “duy” trong tiếng Việt thường có nghĩa không tốt!

 
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới hôm nay 19/8/2019: ĐTC mời gọi chúng ta hãy ngước nhìn niềm vui lớn lao trên Thiên đàng
VietCatholic TV
07:14 19/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:
1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 18/8/2019.
2- Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy ngước nhìn niềm vui lớn lao trên Thiên đàng.
3- Ngày 17 tháng 8, 2019: Hồng Y Cử tri còn 118 vị.
4- Rước kiệu Đức Mẹ long trọng từ sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris.
5- Giáo hội Ái Nhĩ Lan cử hành biến cố 140 năm cuộc hiện ra của Đức Mẹ.
6- Cứu trẻ em phải được ưu tiên hơn các quyết định chính trị.
7- Bệnh viện Ung thư Nhi đồng đầu tiên ở Peru được Giáo hội tài trợ.
8- Đức Hồng Y Thang Hán kêu gọi cầu nguyện cho Hồng Kông.
9- Hợp tác giáo dục y tế giữa Dòng Tên Mỹ và Việt Nam.
10- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
11- Hành hương Đức Mẹ La Vang thường niên.
12- Giới thiệu Thánh Ca: Dấu Ấn Tình Yêu
Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết.