Ngày 20-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:27 20/08/2019

13. Khinh thường bản thân mình là bí quyết của khiêm tốn.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://jmtaiby.blogspot.com
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:34 20/08/2019
92. GIẢ DANH TÚ TÀI

Ông phú hộ nọ có đứa con rất ngu đần nhưng giả danh tú tài. Có một lần đi kiện, khi trình đơn kiện lên nói với quan là phải truy án khoản nợ, quan thấy hắn ta nói năng cử chỉ thô lỗ, bèn hoài nghi nên hỏi hắn ta:

- “Mày đã là tú tài thì giải thích chương này coi sao: “Hằng công sát Tử Củ’.”

Hắn ta không biết câu này là xuất xứ từ sách cổ “luận ngữ”, mà chỉ sợ án bị cọc người lại và để tránh hiềm nghi nên luôn miệng nói:

- “Thật ra tiểu nhân không biết gì cả ạ !”

Quan sứ liền sai nha dịch đánh anh ta hai mươi thước bảng lớn.

Con của phú ông sau khi đi ra khỏi cửa quan, nói với gia nô:

- “Ông quan huyện này thật không biết điều, nói ông nội ta giết Ông Tiểu Cửu, lại còn đánh ta hai mươi thước bảng lớn”.

Gia nô nói:

- “Đó là lời của sách cổ, đáng lý ra ngài nên biết một vài chữ chứ !”

Hắn ta nói:

- “Ta luôn miệng nói là không biết mà vẫn cứ đánh hai mưoi thước bảng; nếu nói biết thì chẳng lẽ ta phải bồi mạng hay sao ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 92:

Người Việt Nam chúng ta có câu tục ngữ: “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà”, nhưng nếu con ngu thì có lẽ tại người cha...

Người cha là gia trưởng và là người cầm cân nảy mực trong gia đình dù cho sống trong xã hội nào đi chăng nữa, đó là trật tự tự nhiên của xã hội loài người.

Thời nay có những người làm cha gia đình không cầm cân nảy mực mà chỉ muốn cầm chai bia ly rượu tối ngày, thì dù con cái không ngu cũng phải ngu, bởi vì ông không biết tự chế mình thì không thể dạy con được; có những người cha gia đình hết la rồi chửi con cái tối ngày thì dù con cái hiền lành ngoan ngoãn cũng trở thành những kẻ bỏ nhà đi bụi; có những ông bố chỉ biết cờ bạc chứ không biết dạy con cho nên người bởi vì bản thân của ông ta thích la ó chửi mắng, thì con cái trước sau gì cũng giả danh “tú tài” để đi ăn cướp mà thôi...

Con ngoan là do cha mẹ dạy dỗ và nêu gương trước, con hư là do cha mẹ không sống đời đạo đức.

Cha mẹ là người Ki-tô hữu thì biết sống và dạy con cái theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su, thì dù con có ngu cũng trở thành thông minh bởi vì chính Chúa Thánh Thần đang dạy dỗ chúng nó qua cuộc sống đạo đức thánh thiện của cha mẹ chúng nó...

Cầm cân nảy mực của cha mẹ trong gia đình, trước hết chính là phải sống mực thước và gương mẫu với chính bản thân mình qua ánh sáng của Phúc Âm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://jmtaiby.blogspot.com
 
Phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời
Lm Đan Vinh
18:37 20/08/2019
Chúa Nhật 21 Thường Niên C
Is 66,18-21 ; Dt 12,5-7.11-13 ; Lc 13,22-30

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 13,22-30

(22) Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. (23) Có kẻ hỏi Người : “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” Người bảo họ : (24) “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào. Vì tôi nói cho anh em biết: Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. (25) Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa mà nói : “Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào !”, thì ông sẽ bảo anh em : “Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến !” (26) Bấy giờ anh em mới nói : “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. (27) Nhưng ông sẽ đáp với anh em : “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !” (28) “Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. (29) Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (30) Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

2. Ý CHÍNH :

Trong Tin mừng hôm nay, Lu-ca ghi lại Lời Đức Giê-su trả lời cho hai câu hỏi: Câu hỏi một : Ai sẽ được ơn cứu độ ? Thưa hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ với các tổ phụ của dân Do thái, đang khi chính dân này lại bị loại ra ngoài. Câu hỏi hai : Muốn được hưởng ơn cứu độ đòi người ta phải làm gì ? Thưa đòi người ta phải chiến đấu để vào qua cửa hẹp.

3. CHÚ THÍCH :

- C 22-24 : + Đức Giê-su ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy : Trên đường từ miền Ga-li-lê (Bắc), theo đường bộ về Thủ đô Giê-ru-sa-lem thuộc miền Giuđê (Nam), Đức Giê-su đã đi ngang qua nhiều thành thị làng mạc. + Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ? : Thời Đức Giê-su có hai quan niệm về ơn cứu độ trái ngược nhau: Phe lạc quan thì cho rằng bất cứ ai gốc Do thái, tuân giữ Luật pháp Mô-sê, thì đương nhiên sẽ được ơn cứu độ. Còn phe bi quan, chịu ảnh hưởng của sách mạo thư (4 Esdra) thì chỉ có rất ít người được ơn cứu độ mà thôi. + Hãy chiến đấu để qua được cửu hẹp mà vào : Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi của người kia, mà Người khuyên hãy cố gắng phấn đấu và bền chí để được cứu thoát (x. Lc 16,16 ; Mt 11,12 ; 24,13). + Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được : Không vào được vì đã quá muộn (x. c. 25), hoặc vì muốn đi con đường rộng thênh thang là đường dẫn tới diệt vong (x. Mt 7,13-14), hay vì khổ người quá to, vì tham lam tiền bạc thú vui nên không thể đi lọt qua được cửa hẹp.
- 25-27 : + Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại : “Cửa khóa lại” là biểu tượng của ngày tận thế chung toàn thể nhân loại hay giờ chết riêng của mỗi người. Những kẻ không sống theo ý Chúa, khi phải ra trước tòa Chúa phán xét thì đã muộn, vì bấy giờ cửa đã khóa lại. + “Thưa Ngài xin mở cửa cho chúng tôi vào !” : Đợi đến lúc chết hay lúc tận thế mới chịu hồi tâm sám hối và nài xin vị Thẩm phán mở cửa cho vào thì đã muộn. + “Ta không biết các anh từ đâu đến !” : Đây là kiểu nói Do thái, tương đương với câu: “Ta không biết các ngươi là ai”. Vị Thẩm phán không nhận những người Do thái xấu xa làm gia nhân. Để được làm dân Thiên Chúa thì nguyên việc thuộc dòng giống Áp-ra-ham không đủ (x. Lc 3,8 ; Ga 8,33-41), mà còn phải biết đón nhận Đức Giê-su, nghĩa là phải được vị Thẩm phán cánh chung nhận biết nữa (x. Lc 13,25-27). + Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi : “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ những người Do thái sống đồng thời với Đức Giê-su, đã được mắt thấy tai nghe những lời giảng dạy và các phép lạ Người làm. Họ tưởng rằng sự liên hệ ấy là bảo đảm cho họ được vào Nước Thiên Chúa. Nhưng họ đã lầm. + “Ta không biết các anh từ đâu đến” : Lời tuyên bố được lặp lại hai lần nói lên sự dứt khoát từ chối những kẻ cố chấp không tin Đức Giê-su và không chịu ăn năn sám hối được vào Nước Thiên Chúa. + “Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !” : Hình phạt đau khổ nhất trong hỏa ngục là không được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa, không được nhận Người là Cha của mình.
- C 28-30: + Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng: Kiểu nói này diễn tả hình phạt hỏa ngục, dành cho những kẻ làm điều gian ác. Trong hỏa ngục, chúng sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tức giận. + Khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa: Những ai đi qua cửa hẹp nghĩa là sống công chính sẽ được về với các Tổ phụ dân Do thái là Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp và các Ngôn sứ, nghĩa là sẽ được hưởng ơn cứu độ. Giống như trường hợp La-da-rô nghèo khổ khi chết được thiên thần đem vào lòng Tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 16,22). + Còn mình lại bị đuổi ra bên ngoài: Những người Do thái cố chấp không chịu đón nhận Tin mừng Đức Giê-su rao giảng sẽ bị loại ra ngoài và chịu hình phạt. + Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót: Người Do thái luôn được ưu tiên đón nhận ơn cứu độ (x. Cv 3,26). Nhưng họ đã từ chối, nên Tin mừng đã được rao giảng cho dân ngoại (x. Cv 13,46; 18,6). Như vậy là có sự thay đổi thứ tự trước sau giữa dân Do thái và dân ngoại.

4. CÂU HỎI :
1) Đức Giê-su dạy phải đi con đường nào để được ơn cứu độ ?
2) Hành động của ông chủ khóa cửa lại diễn tả điều gì ?
3) Muốn được ơn cứu độ thì nguyên việc thuộc dòng giống Do thái, và được sống đồng thời với Đức Giê-su đã đủ chưa ? Đòi người ta phải có những điều kiện quan trọng nào khác ?
4) Điểm nổi bật nhất giúp phân biệt giữa thiên đàng với hỏa ngục là gì và những ai sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).

2. CÂU CHUYỆN :

1) CON ĐƯỜNG RỘNG RÃI SẼ DẪN ĐẾN ĐAU KHỔ BẤT HẠNH :

Một đôi vợ chồng trẻ kia đều là công nhân trong xí nghiệp may. Họ mới lấy nhau và sống hòa hợp hạnh phúc trong một căn phòng chật hẹp. Họ bàn nhau phải kiếm nhiều tiền để mua một căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng với đồng lương công nhân như hiện nay thì đủ sống được cũng còn là may. Rồi một hôm cô vợ được một người quen giới thiệu chỗ làm mới là làm chiêu đãi viên trong một quán bia ôm. Công việc này lại được tiền “bo” của khách cao gấp chục lần so với đồng lương công nhân trước đó. Anh chồng vì muốn sớm đổi đời nên đã đồng ý cho vợ đi làm. Anh hy vọng sau một thời gian vài ba năm ăn nhịn để dành, hai vợ chồng sẽ mua được ngôi nhà ưng ý và sẽ cho vợ nghỉ làm. Nhưng sự việc xảy ra lại không đơn giản như họ nghĩ. Từ khi đi bán bia ôm, cô vợ làm ra nhiều tiền và được nhiều người vừa giàu có lại vừa có địa vị theo đuổi tán tỉnh, dần dần cô đã thay đổi tính nết trở thành một con người khác hẳn. Cô không còn mặn nồng với người chồng mà giờ đây cô đánh giá là bất tài, lười biếng và chỉ biết ăn bám vào vợ. Từ suy nghĩ trên, cô thường tỏ ra khinh thường chồng và ăn nói chua ngoa. Do nhiễm thói hư của các cô bạn cùng chỗ làm, cô cũng hay gắt gỏng và la mắng chồng bằng những lời thô tục, khiến anh cảm thấy buồn bực. Anh ta chỉ còn biết bầu bạn với rượu bia để giải sầu. Cuộc sống chung của hai người không còn nồng ấm và vui vẻ như trước. Cuối cùng họ đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Thật đúng như lời Chúa phán: “Con đường rộng rãi là đường dẫn tới hư mất” (Mt 7,13), và người đời cũng có câu “sự thành công không đến ngẫu nhiên, nhưng chính là kết quả của những cố gắng liên tục kèm theo sự kiên trì dài lâu”.

2) SỐ PHẬN CỦA TÀU HỎA KHÔNG ĐI THEO ĐƯỜNG RAY:

Một hôm chiếc tàu hỏa nghĩ rằng “Tại sao ta lại phải bị gò bó đi trên hai làn đường sắt? Tại sao ta lại không chạy nhảy như hươu nai, chạy qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao nhiêu muông thú khác?” Thế rồi nó đã vượt qua hai làn đường sắt gò bó, để được tự do… Hậu quả của sự chọn lựa nầy thật vô cùng bi thảm. Nhưng nếu chiếc tàu hỏa chịu đi trên hai làn đường ray chật hẹp, thì nó đã về đến bến ga an toàn rồi.
Trong gia đình, một hôm chị vợ tự nghĩ: thật uổng phí cả cuộc đời thanh xuân khi ngày nào mình cũng phải làm các việc tầm thường như nấu ăn, rửa chén, quét nhà… để phục vụ chồng con. Tại sao ta không tự giải phóng cho mình thoát khỏi công việc nhàm chán này? Tại sao ta lại không chơi bời cách thoải mái như các cô gái ở hộp đêm?
Thế rồi cô đã bỏ nhà cửa chồng con để được theo nếp sống tự do phóng đãng, và kết cục là gia đình bị đổ vỡ ly tán, và cô đã trở thành một người đàn bà bất hạnh…

3) CUỘC CHẠY ĐUA GIỮA THỎ VÀ RÙA:

Trong các chuyện ngụ ngôn của LA-PHÔNG-TÊN (Lafontaine) có câu chuyện chạy đua giữa thỏ và rùa: Con thỏ rất nhanh chân, còn rùa thì bước đi chậm chạp. Thế mà kết cuộc rùa chậm lại thắng thỏ nhanh chân. Chính là do rùa đã biết thân biết phận của mình, nên nó đã cố gắng phấn đấu hết khả năng để vượt chặng đường qui định. Rùa vẫn biết khả năng thắng cuộc rất mong manh. Nhưng sự cần cù vượt khó: vượt qua nỗi mệt nhọc, vượt qua khả năng giới hạn của mình, vượt qua sự chê cười của đối phương... Chính sự cố gắng đó đã đưa rùa đến chiến thắng vẻ vang.
Còn thỏ, do quá ỷ lại vào tài năng, nên rong chơi thoải mái, tìm của ăn dọc đường để thưởng thức. Rối thỏ ung dung nằm ngủ ngon lành. Khi chợt tỉnh dậy, thỏ không còn thấy rùa đâu nữa bèn chạy tăng tốc nhưng không còn kịp nữa, rùa đã đến đích trước. Thỏ đành ôm hận và chịu thất bại do thái độ khinh địch của mình.
Có tài năng, nhưng quá ỷ lại, không biết cố gắng phấn đấu thì tài năng cũng trở thành vô ích. Còn nếu biết vượt khó, chắc chúng ta sẽ đạt được thành công. Do đó, Đức Giê-su đã khuyên các môn đệ như sau: “Hãy cố gắng qua cửa hẹp để vào Nước Trời”.

4) “CÓ NHỮNG KẺ ĐỨNG CHÓT SẼ LÊN HÀNG ĐẦU…” :

Một buổi trưa hè yên tĩnh, thánh Phê-rô đang nghỉ trưa thì nghe thấy có tiếng kèn kêu “pin pin” trước cổng thiên đàng, rồi một người đàn bà sang trọng đeo nhiều vàng bạc trang sức từ trong chiếc xe hơi sang trọng đi cùng anh tài xế đến xin vào thiên đàng. Thánh Phê-rô liền ra mở cổng dẫn vào. Khi đi tới khu nhà biệt thự sang trọng, thánh Phê-rô liền lấy chìa khóa trao cho anh tài xế vào vào ở trong một ngôi nhà đồ sộ. Bà chủ nghĩ thầm : “Gã tài xế của mình mà còn được ở trong ngôi nhà khang trang như thế, thì chắc mình sẽ được ở một dinh thự đẳng cấp đến chừng nào”. Nhưng sau đó thánh Phê-rô lại dẫn bà chủ đến một túp lều lụp xụp ở góc vườn và nói :
- Cái chòi kia chính là nhà của bà.
Bà nhà giàu liền tỏ thái độ bất bình và nói với thánh Phê-rô :
- Ngài có bị lộn không đó ? Tôi mà lại phải ở trong cái chòi tồi tàn kia sao ?
Thánh Phê-rô trả lời :
- Thưa bà, ta không bị lộn đâu. Vì với số vật liệu ít oi mà bà đã gởi lên thiên đàng, ta chỉ có thể làm được một cái chòi như vậy cho bà mà thôi !
Đó thật là một bất ngờ lớn cho “những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho danh vọng giàu có, nhưng lại lối sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, mà không biết chia sẻ cho người đau khổ bất hạnh như Lời Chúa dạy. Chính thói tham lam ích kỷ đã biến họ đang đứng hàng đầu thành người đứng hàng chót trong Nước Trời.

5) VIỆC BÁC ÁI CHỈ CÓ GIÁ TRỊ NẾU ĐƯỢC LÀM KHI ĐANG SỐNG:

"Một ông nhà giàu đã than phiền với một người bạn thân : "Nhiều người không thích tôi. Họ cho rằng tôi là một người ích kỷ và keo kiệt. Nhưng họ đâu biết rằng tôi đã nhờ luật sư làm chúc thư, trong đó tôi hứa sau khi chết, sẽ tặng tất cả tài sản để làm việc bác ái từ thiện giúp đỡ người nghèo".
Ông bạn kia liền nói: "Ồ, câu chuyện của ông làm tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa con bò và con heo. Heo phàn nàn với bò: “Cả hai chúng ta đều cho loài người những gì thuộc về mình: Bạn chỉ cho họ sữa tươi để uống, còn tôi cho họ nhiều hơn thế: nào là thịt để làm dăm bông, tiết canh, lòng heo và cả giò heo nữa… Thế mà loài người lại khinh thường tôi, nhưng tỏ vẻ âu yếm vồ về bạn. Tại sao họ lại cư xử quá bất công với loài heo chúng tôi như thế ?'
Bò suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói cho heo biết nguyên nhân: “Bạn nói đúng lắm. Nhưng có sự khác biệt giữa lòng tốt của tôi và của bạn: bạn chỉ cho loài người các món ăn ngon sau khi đã chết; còn tôi cho họ sữa uống mỗi ngày ngay khi còn sống !"

3. THẢO LUẬN :

1) Tôi hiện đang mắc thói hư nào nghiêm trọng nhất ?
2) Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì cụ thể để tu sửa thói hư ấy hầu xứng đáng được Chúa đón nhận vào Nước Trời đời sau ?

4. SUY NIỆM :
Tin mừng hôm nay trình bày về những điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập là: Phải vào qua cửa hẹp, phải vào kịp thời trước khi cửa đóng, và phải đủ các điều kiện để được vào trong Nước Thiên Chúa.

1) PHẢI VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA NGANG QUA CỬA HẸP :

- Đức Giê-su đã tự ví mình là cửa chuồng chiên : “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7). Người đòi những ai muốn vào Nước Thiên Chúa phải qua cửa hẹp : “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”. Theo thánh Phao-lô : “Bước qua cửa hẹp” là phải chiến đấu đến cùng, phải đi con đường thập giá, phải can đảm chống lại các cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, đồng thời luôn làm theo thánh ý Chúa Cha như Chúa Giê-su dạy : ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
- Bước qua cửa hẹp là chọn sống phù hợp với Tin Mừng : là đi con đường hẹp, leo dốc và ít người muốn theo. Đó là đường thánh giá của Đức Giê-su, luôn bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa Cha (x Lc 22,41). Người cũng đòi các môn đệ phải chọn qua cửa hẹp là bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo (x. Lc 9,23).
- Bước qua cửa hẹp đòi phải loại trừ “cái tôi” : “cái tôi” ích kỷ, cái tôi nặng nề vì những vun quén cá nhân, “cái tôi” phình to ra vì tự mãn, sĩ diện hão và tham vọng cao. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp bao nhiêu, nhưng trở nên hẹp là do “cái tôi” quá khổ. Cần phải làm cho “cái tôi” ấy nhỏ lại giống trẻ thơ mới được vào Nước Trời (x. Mt 18,3). Để trở nên như trẻ nhỏ, chúng ta phải biến đổi mình nên khiêm nhường tự hạ hơn (x. Mt 18,3-7). Đây là một cuộc chiến đấu với chính mình. Khi huỷ mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp để vào Nước Trời. Hãy noi gương khiêm hạ của Gio-an Tẩy giả khi trả lời các môn đệ về mối liên quan giữa ông với Đức Giê-su : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

2) ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA :

- Phải chiến đấu mới vào được Nước Trời : Đời sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục để vượt qua “cái tôi” ích kỷ và phải nhanh chân chiến đấu để vào Nước Trời trước khi quá muộn. Ơn Cứu độ là của Chúa ban cho, nhưng đòi ta phải kiên trì cầu xin và biết giơ tay đón nhận. Ước gì đừng bao giờ chúng ta tự hào vì đã biết Chúa, nhưng phải luôn khiêm hạ, để được Chúa biết và nói với chúng ta : “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).
- “Ta không biết các ngươi” : Nhiều người Do thái đã đến chậm khi cửa Nước Trời đã đóng lại. Họ gõ cửa đòi vào. Họ tưởng mình chắc sẽ có một chỗ nơi bàn tiệc Nước Trời, vì họ đã từng ngồi đồng bàn với Đức Giê-su, và đã nhiều lần nghe Người giảng dạy, đã chứng kiến các phép lạ Người làm. Thế nhưng họ đã bị Chúa từ chối : “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi những quân làm điều bất chính !” (Lc 13,27). Chúa cũng có thể nói với mỗi người chúng ta như vậy, nếu chúng ta tuy có chăm chỉ học hỏi Kinh thánh và cầu nguyện, có siêng năng xưng tội rước lễ, nhưng lại không thực hành theo Lời Chúa dạy, không chịu mở cửa tâm hồn để mời Chúa vào làm chủ cuộc đời của ta.
- Sống sứ điệp Tin Mừng hôm nay :
+ Có khi nào chúng ta nghĩ rằng mình cũng ở trong số những người bị đuổi đi cho khuất mắt Chúa và trong số những quân làm điều bất chính nói trên hay không ? Lời chữa mình của người Do thái xưa cũng có thể là của nhiều người trong chúng ta hôm nay : Vì chúng ta đã từng năng dự thánh lễ và nghe giảng lời Chúa mỗi ngày, từng là thành viên Hội đồng Mục vụ hay Ban Chấp Hành các hội đoàn Công Giáo tiến hành… Nhưng điều quan trọng Chúa đòi phải có là phẩm chất đức tin chứ không phải chỉ là danh hiệu bề ngoài. Phẩm chất của người Ki-tô hữu là sống theo Lời Chúa dạy và luôn chiến đấu loại bỏ các thói hư để ngang qua cửa hẹp mà vào Nước Trời.
+ Để bước qua một cánh cửa hẹp, chúng ta phải tập thói quen bác ái : luôn quên mình để sống khiêm nhường phục vụ tha nhân, quyết tâm loại trừ các thói hư cồng kềnh là lòng tham tiền bạc, tranh giành địa vị cao thấp, ham hưởng thụ lạc thú bất chính: nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, cờ bạc cá độ gây tán gia bại sản… Những thói hư cồng kềnh còn là thói ích kỷ, làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân bên cạnh…
+ Vất bỏ những thói hư nói trên quả thật không dễ dàng, vì đây là một cuộc “chiến đấu” nội tâm trường kỳ và đầy khó khăn. Tuy vậy, chúng ta không được nản lòng, vì xác tín rằng : có Chúa Ki-tô luôn đồng hành với chúng ta. Người sẽ cử Thánh Thần đến ở lại với chúng ta nếu chúng ta biết cầu xin và sẵn sàng đón nhận ơn thánh hóa của Người. Đến giờ chết của chúng ta, Chúa Giê-su sẽ vui mừng đón nhận chúng ta vào dự bàn tiệc Nước Trời đời đời với Người cùng với toàn thể các thánh.

5. LỜI CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cửa hẹp ít người muốn bước vào, nhưng Chúa lại chọn đi qua cửa hẹp và đòi chúng con cũng phải qua cửa ấy để vào Nước Trời. Cửa hẹp chúng con phải qua chính là những đau khổ thập giá, là sự hy sinh từ bỏ các đam mê lạc thú bất chính… Xin cho chúng con luôn biết chọn đi con đường hẹp, dám hành động theo những đòi hỏi từ bỏ của Tin Mừng. Ước gì khi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, kèm theo sự hãm mình đền tội, vui lòng chấp nhận những đau khổ gặp phải trong cuộc sống, chúng con sẽ được bình an trong tâm hồn và hy vọng sẽ được Chúa đón nhận vào hưởng hạnh phúc thiên đàng đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các vị tử đạo hiển linh, khủng bố Hồi Giáo IS không làm sao phá hủy được đền thờ
Đặng Tự Do
17:50 20/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cuộc đời của hai thánh Behnam và Sarah được ghi lại trong Biên niên ký được viết bởi một tu sĩ cư ngụ tại Edessa, ngày nay là Urfa của Thổ Nhĩ Kỳ vào trong thế kỷ 12. Theo Biên niên ký này, Công chúa Sarah và anh là Hoàng tử Behnam, sống vào thế kỷ thứ Tư đã được chữa lành khỏi bệnh phong hủi bởi thánh Mátthêu thành Qaraqosh bên cạnh một con suối kỳ diệu. Sau khi được chữa lành xác thịt, thánh nhân cũng đã rửa tội cho họ.

Vua cha Nimrud Sinharib Đệ Nhị đã tức điên lên khi biết con theo đạo. Trong lúc điên cuồng, nhà vua đã cho quân giết Công chúa Sarah và Hoàng tử Behnam, cùng với 40 người hầu của họ.

Hoàng hậu Sirin đã bí mật cho đào một đường hầm dài 7 km từ hoàng cung đến nơi các con bà tử đạo, để bà có thể đi và khóc con mình. Khi nhà vua khám phá, ông xúc động và đưa toàn dân theo đạo thánh Chúa. Ông cũng cho xây tại nơi các con mình tử đạo nhà thờ và tu viện kính hai thánh Behnam và Sarah.

Thánh Tám, năm 2014, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được thành phố Qaraqosh của Iraq. Chúng gây ra các tàn phá kinh hoàng và vẽ bậy bạ lên các bức tường như quý vị và anh chị em có thể thấy đây.

Sau khi thành phố Mosul được hoàn toàn giải phóng vào ngày 10 tháng Bẩy, 2017, các nỗ lực tái thiết nhà thờ và tu viện gần đó đã được ráo riết tiến hành, và đã thành công. Nhân Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hôm thứ Năm 15 tháng Tám vừa qua, các tín hữu đã vui mừng đón Đức Tổng Giám Mục Petros Mouche của Mosul, và các linh mục từ khắp nơi đến tái thánh hiến ngôi thánh đường lịch sử này.

Đức Tổng Giám Mục Mouche đã thánh hiến một bàn thờ mới của nhà thờ. Bàn thờ cũ đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS đốt cháy. Sau khi cải tạo và xây dựng lại, nội thất của nhà thờ đã được sơn màu trắng, che hết các hình vẽ bậy bạ và những vết cháy do bọn khủng bố gây ra.

Tất cả những người tham dự đều bày tỏ vui mừng trước sự hồi sinh đang diễn ra của cộng đoàn các tín hữu vùng Qaraqosh.

“Cộng đồng của chúng tôi giờ đây có khoảng 800 gia đình,” cha George Jahola nói với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn hôm 15 tháng Tám.

“Vào năm 2014, khi chúng tôi bỏ lại nhà thờ và nhà cửa của mình để chạy giặc. Thành phố này có khoảng 50,000 cư dân Kitô giáo,” Cha Jahola bùi ngùi nói.

“Bây giờ dân số Kitô giáo trong thành phố đã giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước đây. Khoảng 26,000 Kitô hữu đã trở lại Qaraqosh,” Cha Jahola nói thêm.

Qaraqosh, nếu hiểu theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thì có nghĩa là “con chim đen”. Đó là ý mỉa mai của người Thổ. Nguyên nghĩa, Qaraqosh cần phải được hiểu là “vùng đất Chúa ban.”

Trong thời gian chiếm đóng, Nhà nước Hồi giáo đã mạo phạm các nhà thờ ở Qaraqosh. Trong một số trường hợp, chúng viết các hướng dẫn chiến đấu trên tường nhà thờ. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết nhà thờ Thánh George của Công Giáo nghi lễ Syria đã bị biến thành một nhà máy chế tạo bom và được sử dụng làm kho lưu trữ các nguồn cung cấp hóa chất chết người để tạo ra các vũ khí hóa học. Trong khi đó, nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội đã bị sử dụng làm trường bắn trong nhà. Một số nhà thờ khác bị chúng đặt bom đánh sập.

“Nhà thờ hai thánh Behnam và Sarah đã bị cháy nám đen và tháp chuông đã bị phá hủy. Nhưng chúng tôi không bao giờ ngừng mơ ứớc rằng nhà thờ của chúng tôi sẽ được xây dựng lại đẹp như thuở nào,” Cha Jahola nói, biểu lộ niềm vui trước thực tại trước mắt là ngôi nhà thờ ngày nay đã được gần như trước đây.

Thánh lễ Giáng sinh đã được cử hành tại nhà thờ vào tháng 12 năm 2018 trong khi nhà thờ vẫn còn đang được tái thiết. Tháp chuông đã được xây dựng lại vào đầu năm 2019.

Theo Cha Jahola các tín hữu đã bắt đầu dự án tái thiết ngay cả trước khi thành phố Mosul, và đồng bằng Nineveh được giải phóng, khi họ còn là những người tị nạn tại thành phố Erbil. Họ đã làm việc cật lực để tái xây dựng lại các ngôi nhà và cộng đồng của mình.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã được đánh bại khỏi Mosul vào tháng Bẩy, năm 2017, và thị trấn cuối cùng còn lại của chúng tại Syria đã sụp đổ vào đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu chạy trốn khỏi cuộc tấn công của ISIS vào năm 2014 đã không dám trở về nhà của họ ở Mosul và vùng Nineveh.

Mặc dù các vùng lãnh thổ bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã biến mất, các mối đe dọa an ninh đối với các Kitô hữu và người Yazidis trong khu vực vẫn còn. Theo ước tính của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, có tới 15,000 quân IS vẫn còn lẩn trốn đây đó.

Kitô giáo đã có mặt ở đồng bằng Nineveh và vùng Kurdistan của Iraq kể từ thế kỷ thứ nhất, ngay từ thời các thánh Tông Đồ. Nhiều cộng đoàn ngày nay vẫn còn dùng tiếng Aramaic là ngôn ngữ chính Chúa Giêsu đã nói khi xuống thế làm người.


Source:Catholic News Agency
 
Tổng giáo phận Portland đau đớn vì các phụ nữ phò đồng tính la hét, chỉ trích ĐTGM, và Cha Sở, phá hỏng Thánh Lễ
Đặng Tự Do
06:50 20/08/2019
Ngày 14 tháng Tám vừa qua, một ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tờ The Oregonian, một nhật báo tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ đã đưa lên các mạng xã hội một video clip. Cùng với video này là một bài tường thuật chỉ trích Đức Tổng Giám Mục Alexander King Sample của tổng giáo phận Portland, và đặc biệt là Cha George Kuforiji, là Cha Sở giáo xứ Thánh Phanxicô thành Assisi ở số 1131 SE Oak St. Portland, Oregon 97214.

Video này không thu được tác dụng như tờ Oregonian mong muốn. Trái lại nó gây ra một làn sóng bất bình trong dư luận người Công Giáo Hoa Kỳ đối với các phụ nữ “phò đồng tính” đã làm gián đoạn thánh lễ Chúa Nhật 30 tháng Sáu vừa qua.

Năm 2017, Đức Ông Charles Lienert, đã nghỉ hưu, nhưng được Tòa Giám Mục yêu cầu về coi sóc tạm thời giáo xứ vì những biểu hiện bất thường xảy ra tại đây. Giáo xứ thường xuyên tham dự các cuộc diễn hành đồng tính bất chấp những khuyến cáo của Đức Tổng Giám Mục, dây stola, và áo lễ của các linh mục đầy rẫy những “rainbow” là dấu hiệu của những người đồng tính. Trong thánh lễ, sau khi đọc kinh Tin Kính, các phụ nữ trong giáo xứ còn đọc một “kinh rất lạ” mà họ gọi là “community commitment” – cam kết cộng đồng. Đó là kết quả của một thời gian dài từ năm 1993 đến 2017, tổng giáo phận khoán trắng chức vụ “pastoral administrator” cho một người phụ nữ giáo dân.

Tháng 7 năm ngoái, 2018, tổng giáo phận bổ nhiệm Cha George Kuforiji, là người Nigeria di dân sang Hoa Kỳ vừa được thụ phong linh mục vào năm 2015, về làm Cha Sở chính thức tại đây.

Sau khi đến giáo xứ, Cha George Kuforiji đã cương quyết yêu cầu chỉ sử dụng các bản văn Phụng Vụ được Giáo hội phê chuẩn trong Thánh lễ. Trước đó, các bản văn Phụng Vụ đề cập đến Thiên Chúa qua các đại danh từ “He”, “Lord”, “King”, đã bị các phụ nữ này sửa đổi thành các thuật ngữ trung lập về giới tính. Ngài cũng cấm việc đọc “kinh rất lạ” sau kinh Tin Kính.

Bùng nổ đã xảy ra sau khi Cha George Kuforiji soạn ra các dây stola, và các áo lễ có những “rainbow” để chuẩn bị quăng vào sọt rác.

Trong Thánh Lễ ngày 30 tháng Sáu (Chúa Nhật thứ 13 Mùa Thường Niên), sau kinh Tin Kính, các phụ nữ này bắt đầu đọc “kinh rất lạ”. Đến khi Cha George Kuforiji bắt đầu truyền phép, họ giơ cao các biểu ngữ. Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy người đàn bà này hét lên: “Chúng ta đang đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, tiếng gọi của tình yêu, Chúa Giêsu của sự bao gồm”. Ý muốn nói bao gồm người đồng tính.

Họ la hét làm gián đoạn Thánh Lễ. Cha George Kuforiji rất bình tĩnh. Ngài nói chuyện nhẹ nhàng với họ để Thánh Lễ có thể được tiếp tục. Nhưng một người phụ nữ chống nạnh hét vào mặt ngài: “Ông mà cũng có thể trở thành linh mục được à?”. Cha George Kuforiji nhẹ nhàng hỏi lại: “Chị không có lòng kính sợ Chúa sao?”

Một người phụ nữ còn chạy lên cung thánh, tố cáo cả Đức Tổng Giám Mục và Cha George đã “lạm dụng” giáo dân khi thay đổi Phụng Vụ mà không hỏi ý kiến họ.

Câu chuyện đến đây chưa hết đâu vì tờ The Oregonian cho biết các phụ nữ này còn tiếp tục “quậy cho đến cùng”.

Sau khi video này được phát tán rộng rãi, trong tuần qua tổng giáo phận Portland, Oregon đã ra một thông cáo bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Cha George và nỗi buồn của tổng giáo phận trước hành động bất kính đối với Phụng Vụ thánh.

Trong số các phản ứng trên các phương tiện truyền thông Công Giáo và các mạng xã hội trước vụ này, rất nhiều phản ứng rất gay gắt. Nhiều người cho rằng nếu Cha George là một người da trắng, các phụ nữ luôn mồm nói mình là những người yêu thương này, có lẽ đã không dám mắng vào mặt ngài như vậy.

Trong số các phản ứng ôn tồn, điềm đạm hơn, có bài “Thank God for courageous priests like Fr George Kuforiji” đăng trên tờ Catholic Herald ngày 16 tháng Tám, của Giáo sư Chad C. Pecknold, giảng dạy Thần học Hệ thống tại Catholic University of America ở Washington DC.

Nguyên bản tiếng Anh có thể đọc tại đây. Đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Thank God for courageous priests like Fr George Kuforiji

Tạ ơn Chúa vì những linh mục can đảm như Cha George Kuforiji


Chad C. Pecknold, Ph.D.

Khi xuất hiện các giáo xứ cực đoan như giáo xứ Thánh Phanxicô ở Portland, các giám mục và linh mục phải hành động dứt khoát

Mục sư Tin Lành Luther và cũng là một nhà hài hước Hans Fiene gần đây đã nhận xét rằng “những người Tin Lành khó chịu nhất trên thế giới là những người Công Giáo cấp tiến thời bùng nổ dân số sau thế chiến thứ hai.”

[Những người Công Giáo cấp tiến thời bùng nổ dân số sau thế chiến thứ hai: liberal boomer Catholics. Sau thế chiến thứ hai, tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác, đã xảy ra bùng nổ dân số sau khi những người lính được trở về với gia đình, được trợ cấp và nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển chưa từng thấy. Michael Levy (4Political.com) trong bài “Why were the Baby Boomers so liberal?” giải thích rằng những hãi hùng của chiến tranh do những bọn cầm quyền hiếu chiến như Hitler, Mussolini.. gây nên đã khiến các nhà giáo dục chú trọng đào tạo một thế hệ trẻ dám phản kháng, bất tuân dân sự khi cần thiết, chủ nghĩa cá nhân được đề cao như một đối trọng với chủ nghĩa tập thể đẩy con người vào chỗ chết cho những ý tưởng điên rồ. Tâm thức phản kháng ấy cũng ảnh hưởng đến một lớp người Công Giáo sinh vào hậu bán thập niên 1940 và thập niên 1950, gọi là liberal boomer Catholics. Mục sư Hans Fiene cho rằng những người Công Giáo này hành xử cấp tiến như người Tin Lành cực đoan - Chú thích của người dịch]

Nhận xét, vừa hài hước vừa chân thực này, đã được đưa ra sau một đoạn video về cuộc biểu tình ngày 30 tháng Sáu trong một Thánh lễ được tổ chức tại nhà thờ Thánh Phanxicô ở Portland, Oregon. Thánh lễ thưa thớt với hầu hết những người tham dự là những người lớn tuổi cấp tiến, tức giận với tân linh mục người Nigeria của họ, Cha George Kuforiji, vì ngài đã liên tục đưa ra các cải cách Phụng Vụ nhằm khôi phục các thánh lễ cho phù hợp với đức tin Công Giáo.

Hầu hết những người biểu tình là những người phụ nữ. Họ đã quát vào mặt vị linh mục hiền lành, đến từ châu Phi, vì ngài đã bãi bỏ phần bổ sung của họ sau khi đọc kinh Tin Kính, và vì ngài đã gỡ bỏ các băng rôn đầy mầu sắc chính trị họ treo phía trước giáo xứ. Kết luận mà “những người Công Giáo cấp tiến thời bùng nổ dân số” đã rút ra là Cha George ắt phải là một kẻ chống lại tình yêu! “Chúng ta đang đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, tiếng gọi của tình yêu,” một người phụ nữ đã hô vang. “Chúa Giêsu của sự bao gồm. Chúa Giêsu của sự phản kháng chống chính quyền vì khi chúng ta chống lại luật pháp, chúng ta ở trong Thần Khí Chúa.” Một người phụ nữ khác hét lên “Amen!”

Một trong những người biểu tình đã hỏi Cha George: “Ông mà cũng có thể trở thành linh mục được à?” với ý muốn nói ngài không có tình yêu đối với người đồng tính và không thẩm quyền thay đổi thói quen thờ phượng của họ. Bà ta khẳng định thẩm quyền của mình: “Tôi đã ở đây hơn 15 năm. Ông chỉ mới ở đây có một năm thôi.”

Không có một chút hàm ý nào nại đến thẩm quyền của giáo sĩ, Cha George chỉ đơn giản hỏi ngược lại “Chị không có lòng kính sợ Chúa sao?” Người phụ nữ quay lưng bỏ đi trước câu hỏi này, và đó thật là một điều đáng tiếc vì đó mới là điều quan trọng duy nhất.

Một trong những người biểu tình khăng khăng cho rằng Cha George và Đức Tổng Giám Mục Sample đã “lạm dụng” họ thông qua những cải cách này mà không hỏi ý kiến của họ xem họ có mong muốn như thế không. Tuy nhiên, điều đã rõ ràng là “sự tham gia của giáo dân” vào Thánh lễ tự nó đã trở thành “việc điều khiển” Thánh lễ theo ý họ, đến mức có thể nói rằng nhiều giáo dân là những người đang lạm dụng, thao túng Phụng Vụ cho phù hợp với các nghị trình phụng tự cấp tiến của họ. Thay vào đó, cha George đã nhắm đến việc khôi phục Phụng Vụ của giáo xứ cho phù hợp với các chuẩn mực do Giáo hội thiết lập.

Cuộc biểu tình kết thúc với việc các giáo dân hát bài hát tiêu biểu cho kỷ nguyên dân quyền, “We Shall Overcome”, nối thành một vòng tay chống lại vị linh mục da đen của họ. Những người biểu tình quả đã mù quáng đến độ nực cười.

Rất may, Cha George nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Đức Tổng Giám Mục Sample. Sau khi video biểu tình này lan truyền rộng rãi, Tòa Giám Mục đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ vị linh mục Phi châu, nói rằng “tổng giáo phận rất hạnh phúc khi được làm việc với Cha George Kuforiji, Cha sở của Giáo xứ Thánh Phanxicô, để phục hoạt giáo xứ hầu có thể phục vụ tốt hơn dân số ngày càng tăng trong khu vực cũng như cho các thế hệ Công Giáo tương lai ở Portland.”

Mối quan tâm đối với “các thế hệ tương lai”, là một lời quở trách nhẹ nhàng đối với một thế hệ Woodstock dường như không thể hình dung được bất kỳ tương lai nào không phù hợp với tầm nhìn ương ngạnh và hoài cổ của họ. Khi giáo dân có lòng tôn kính đối với một cuộc diễu hành đồng tính hơn là cuộc rước kiệu tuyệt vời trong đó chính Chúa ngự đến trong Thánh lễ, thì cần phải có các biện pháp khẩn cấp.

Một số người cho rằng Cha George đã tiến quá nhanh. Con người là sinh vật của thói quen, và vì thế ngài nên tiến chậm hơn để hoán cải trái tim và tâm trí của họ cho phù hợp với Giáo hội. Có một sự thật nhất định trong sự thận trọng này. Tôi không phản đối chủ nghĩa “tiệm tiến” trong việc hình thành một giáo xứ sốt sắng hơn. Đôi khi phải mất một hoặc hai năm để chuẩn bị một giáo xứ cho việc làm một hàng rào cung thánh [trước vẫn dùng để giáo dân quỳ rước lễ - chú thích của người dịch], hoặc cho việc biết im lặng trong nhà thờ. Nhưng những Giáo phụ tiên khởi của Giáo Hội không bao giờ chọn một cách tiếp cận “tiệm tiến” khi đối mặt với dị giáo thể hiện nơi sự bất kính trong Phụng Vụ, và khi xuất hiện các giáo xứ cực đoan như giáo xứ Thánh Phanxicô ở Portland, các giám mục và linh mục phải hành động dứt khoát để bảo vệ các Thánh lễ chống lại sự lạm dụng các tập quán địa phương. Như Chesterton nói, một số thói quen phải được nghiền nát dưới chân.

Cảm ơn Chúa vì chứng tá can đảm và trung thành của Đức Tổng Giám Mục Sample và Cha George. Câu hỏi Cha George hỏi đàn chiên của chính mình phải trở thành một câu hỏi cấp bách hơn bao giờ hết đối với mỗi chúng ta: “Bạn không có lòng kính sợ Chúa sao?”

Nếu thánh ý Chúa cho các linh mục châu Phi có thể thường xuyên hỏi chúng ta câu hỏi này, thì tôi nói rằng Giáo hội Phi châu có thể sớm qua mặt Giáo Hội tại Mỹ châu.


Source:Catholic Herald
 
Vượt qua nỗi sợ: Rước kiệu Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lớn nhất tại Kerela, Ấn Độ
Đặng Tự Do
07:09 20/08/2019
Những hình ảnh ngoạn mục ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ấn Độ trong năm nay.

Trừ ra tại Đức, Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời là một ngày lễ lớn của Kitô giáo tại các quốc gia phương Tây. Đó là ngày quốc lễ ở Áo, Bỉ, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Ngoài các nước Âu châu vừa nêu, Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời không phải là một ngày quốc lễ, đặc biệt là tại Ấn Độ nơi làn sóng bài Kitô trong những ngày này đang lên cao nhất.

Từ đầu năm đến nay, các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh còn trải qua một loạt các vụ khủng hoảng tệ hại.

Tuy nhiên, chính trong bối cảnh bi đát này, hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân lại có nhiều sáng kiến hướng về Đức Mẹ xin Mẹ cầu bầu cho Giáo Hội trong cơn thử thách hiện nay.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh rước kiệu Đức Mẹ trên đường phố Kerela như thể muốn nói rằng trong thử thách, niềm tin vào Đức Mẹ càng son sắt hơn bao giờ.

Cho đến thời điểm chúng tôi thực hiện chương trình này, từ đầu năm đến nay, ngoại trừ chính bản tin chúng tôi đang trình bày với quý vị và anh chị em đây, các tin tức liên quan đến Giáo Hội tại Ấn Độ toàn là những tin buồn, không có một tin vui nào.

Thật thế, ngày 23 tháng 5, cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền, cho biết các Kitô hữu tại Ấn, “tái mặt” nhận ra rằng Đảng Ấn Giáo cực đoan BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước.

Như thế là sau 5 năm mòn mỏi chịu đựng chính phủ của lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi, các tín hữu Kitô còn phải vác thánh giá thêm ít nhất là 5 năm nữa.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.

Trên đây là các khó khăn từ bên ngoài. Chúng ta còn gặp phải các khó khăn đến từ bên trong nội bộ của chính mình.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Kết quả điều tra khách quan của Giáo Hội và cả của cảnh sát cho thấy một nhóm 2 linh mục đã cáo gian Đức Hồng Y. Trước kết quả điều tra này, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.

Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện thêm cho Giáo Hội tại quốc gia này.

Nhân nói về niềm hy vọng ngay cả trong thời thử thách Thúy Nga và Kim Phượng xin gởi đến quý vị và anh chị em câu chuyện:

Thiên đàng là của con

Một cô gái bị cám dỗ rất nặng nề đến mức cô mất hết mọi hy vọng về phần rỗi đời đời

Với những tội lỗi của mình, cô nghĩ rằng cô đã có chỗ trong Hỏa ngục đời đời, không còn hy vọng gì được Thiên Chúa yêu thương và hưởng phúc Thiên đàng nữa. Ngày kia, thánh Philipphê Mesi đến thăm cô. Sau khi nghe cô thổ lộ tâm hồn, thánh nhân nói:

- Thật là tai hại, con gái yêu của ta, khi con tin rằng con đã được dành cholửa đời đời, Thiên đàng mới là của con.

Cô gái tội nghiệp nức nở thưa:

- Cha ơi, con không thể tin được điều ấy.

- Đó là vì con khờ dại. Cha sẽ chứng minh cho con thấy. Chúa Giêsu đã chịuchết cho ai?

Cô gái đáp:

- Cho người tội lỗi.

- Đúng lắm, thế bây giờ con nghĩ con là một vị thánh sao?

Cô gái vừa khóc vừa trả lời:

- Không, con là một kẻ đầy tội lỗi.

- Như vậy, chính vì con mà Chúa Giêsu đã chết, và chắc chắn Chúa chết làđể cho con được vào Thiên đàng. Vậy thì Thiên đàng là của con, bởi con đã gớm ghét tội lỗi, con đừng nghi ngờ chi nữa.

Những lời của thánh Philipphê Mesi bắt đầu thấm vào tâm hồn cô gái. Và từ lúc ấy, lời nói “Thiên đàng là của con” đã không ngừng an ủi cô và khiến cô không còn mất lòng tin tưởng vào tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa nữa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh Anphongsô từng nói:

“Nếu vì lỗi lầm mà bạn có nhiều lý do để sợ chết bao nhiêu, thì bạn lại càng có hy vọng được sống muôn đời bấy nhiêu nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, công nghiệp ấy có thể cứu bạn mạnh hơn cả ngàn vạn lần tội lỗi làm cho bạn hư đi. Như thế với lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến ngai tòa ân sủng để được hưởng lòng khoan dung. Ngai tòa ấy chính là thập giá, nơi Chúa Giêsu ngự như trên một ngai vàng, để ban phát lòng nhân từ cho bất cứ ai chạy đến với Ngài”.
 
Lãnh đạo Sinh viên Hồng Kông: Người Công Giáo nên đảm nhận “vai trò chính” trong các cuộc biểu tình ôn hòa
Nguyễn viết Tấn dịch
10:05 20/08/2019
HỒNG KÔNG - Chủ tịch lâm thời của Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Hồng Kông nói với CNA tuần này rằng anh muốn thấy sinh viên Công Giáo và các Kitô hữu khác đảm nhận vai trò lớn hơn trong các cuộc biểu tình đang diễn ra chống lại chính phủ, trong bối cảnh lo ngại về sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc.

"Đối với phong trào này, đó là cơ hội tuyệt vời để người Công Giáo và tín hữu Tin lành hợp tác với nhau," Edwin Chow, một sinh viên ngành Chính quyền và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói với CNA.

"Đó là một cơ hội tốt để chúng ta trở nên hợp nhất. Bởi vì tôi nghĩ đối với hầu hết người Công Giáo và Tin Lành, chúng ta có cùng một giá trị, cùng một mục tiêu ... vì vậy đó là lý do tại sao chúng ta hợp tác, và tôi nghĩ sau khi tín hữu Tin Lành và Công Giáo hợp tác, sức mạnh và quyền lực của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn."

Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Hồng Kông đã biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, nơi các tòa án Cộng sản sẽ xét xử các tội phạm bị cáo buộc - một kế hoạch mà vào tháng Sáu đã bị đình chỉ vô thời hạn.

Kể từ khi dự luật bị đình chỉ, những người biểu tình cũng đã lên tiếng chống lại việc sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát Hồng Kông, bao gồm cả việc sử dụng đạn cao su và hơi cay, gây nên thương tích.

Giám Quản Tông Tòa Hồng Kông, Hồng Y John Tong, đã yêu cầu chính phủ loại bỏ hoàn toàn luật dẫn độ và cho mở một cuộc điều tra độc lập về việc sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát Hồng Kông.

Trong khi Chow nói rằng các Kitô hữu, trong số họ là người Công Giáo, đã đóng vai trò lớn khi các cuộc biểu tình bắt đầu – họ hướng dẫn hát các bài thánh ca như “Sing Hallelujah to the Lord" (Hát Lên Mừng Chúa) trên đường phố trong các cuộc biểu tình, từ đó vai trò của họ đã giảm dần.

Khi các cuộc biểu tình tiếp diễn, anh nói một số người tham gia trở nên "hung hãn hơn, cực đoan hơn." Chow cho biết anh nghĩ rằng các cuộc biểu tình đã trở nên cực đoan hơn bởi vì ngay cả sau hai cuộc tuần hành vào tháng Sáu người ta đã chứng kiến hơn một triệu người tuần hành, chính phủ vẫn không trả lời yêu cầu của những người biểu tình.

Nhiều người biểu tình bắt đầu hành động như cố gắng đột nhập vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp, hoặc đụng độ với cảnh sát vì quá thất vọng.

"Tôi nghĩ rằng các nhóm Tin Lành và Công Giáo nên tham gia nhiều hơn vào các cuộc biểu tình, để có vai trò lớn hơn, bởi vì tôi nghĩ ngày nay các cuộc biểu tình trở nên cực đoan hơn và mọi người rất dễ xúc động,” Chow nhận xét.

Đối với các nhóm Công Giáo và Tin Lành, chúng tôi có trách nhiệm và chúng tôi có khả năng làm dịu bạn bè của chúng tôi. Bởi vì tôi nghĩ hát thánh ca, ngay từ đầu, nó tạo ra một bầu không khí yên bình, và nó có một sức mạnh để giữ cho mọi người rất bình tĩnh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng điều này khi chúng ta thực hiện việc này một lần nữa."

Chow nói, mối đe dọa của dự luật dẫn độ rất quan trọng đối với người Công Giáo, vì họ sợ rằng nếu luật được giới thiệu lại và thông qua, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do tôn giáo, nó trao cho chính phủ Trung Quốc thêm quyền hạn để bắt giữ các Kitô hữu và chuyển họ sang Trung Quốc đại lục nếu họ phạm tội chống lại chính quyần đại lục.

Anh đã trích dẫn một trường hợp vào năm 2001, khi người Hồng Kông mang Kinh thánh đến Trung Quốc đại lục, và chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ họ.

"Chính phủ Trung Quốc đang đàn áp Giáo hội ở Trung Quốc đại lục, và vì vậy chúng tôi lo lắng rằng khi chúng tôi liên lạc với Giáo hội đại lục, có thể một ngày nào đó chính phủ Trung Quốc cũng sẽ bắt giữ người Hồng Kông để đàn áp dân Hồng Kông", anh nói.

Mặc dù dự luật dẫn độ đã được thâu hồi, nhưng tình hình ở Hồng Kông vẫn chưa kết thúc. Những người biểu tình đang kêu gọi hủy bỏ nó một cách dứt khoát và một số người đang yêu cầu bà Lam từ chức.

Chow cho biết hơn 160.000 sinh viên, giáo viên và cựu sinh viên đã ký một bản kiến nghị chống lại dự luật dẫn độ.

Liên đoàn đã lo ngại về dự luật dẫn độ kể từ tháng Năm, và vì vậy họ bắt đầu nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này bằng cách phát tờ rơi vào đầu tháng Sáu, Chow nói.

Nhóm này cũng tổ chức các buổi cầu nguyện và Thánh lễ gần các địa điểm biểu tình vào đầu tháng Sáu, khi các cuộc biểu tình lớn hơn bắt đầu.

Chow cho biết các giáo sĩ đã rất ủng hộ. Liên đoàn đã mời nguyên Hồng y Giám mục Joseph Trần Nhật Quân cử hành Thánh lễ vào ngày 16 tháng Sáu, trước trụ sở chính quyền.

Giám Mục Phụ Tá Joseph Hà Chí Thành cũng đã rất tích cực trong việc đi đến các địa điểm biểu tình, ủng hộ giới trẻ, và lên tiếng ủng hộ những người biểu tình. Đức cha Hà đã tham gia một buổi cầu nguyện đại kết liên tục qua đêm bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp với hàng ngàn Kitô hữu.

"Những người Công Giáo bình thường khác, một số người Công Giáo lớn tuổi, họ cũng tham gia vào các hoạt động của chúng tôi. Vì vậy, bạn có thể thấy rằng không chỉ thanh thiếu niên đang ủng hộ, tham gia vào toàn bộ cuộc biểu tình, mà cả người già, một số người lớn ... họ cũng tham gia, họ cũng ủng hộ toàn bộ cuộc biểu tình. "

Henry Au, một doanh nhân làm việc trong ban giám đốc của Phòng Thương mại Ái Nhĩ Lan tại Hồng Kông, là một trong những người Công Giáo lớn tuổi ấy, người đã và đang ủng hộ phong trào. Ông nói với CNA rằng mặc dù ông chỉ tham dự thực sự hai hoặc ba cuộc tuần hành, ông đã cố gắng hỗ trợ vật chất cho những người biểu tình theo cách nào ông có thể.

Ông nói rằng người Công Giáo lớn tuổi ít đi và biểu tình trên đường phố, nhưng họ vẫn có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp tài chính để tổ chức các Thánh lễ và mua thiết bị bảo vệ cho người biểu tình.

Ông nói cảnh sát sẽ thường thu giữ điện thoại di động của người biểu tình và sử dụng những bức ảnh trên đó để làm bằng chứng chống lại họ, và các công ty viễn thông đang giúp chính phủ truy tìm số điện thoại. Để bảo vệ chống lại điều này, ông cho biết người Công Giáo lớn tuổi đã mua các công cụ truy cập WiFi di động giúp người biểu tình để họ có thể kết nối mà không bị truy ra.

"Chúng tôi không nói rằng những bạn trẻ luôn luôn đúng... nhưng quý vị không nên sử dụng đạn, hoặc thậm chí là đạn nhựa, để bắn vào đầu chúng", ông Au nói. "Cách họ đối xử với thế hệ trẻ là hoàn toàn không thể chấp nhận được."

Anh nói rằng những người biểu tình nói chung ôn hòa và không phá hoại. Vào ngày 1 tháng 9, các sinh viên sẽ phải quay lại trường, anh nói, vì vậy vẫn còn phải xem liệu các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc.

Chow cho biết tuần trước một số người biểu tình thấy có cảnh sát chìm trong đám đông. Chính phủ có thể sử dụng chiến lược này để tạo ra "cảm giác khủng bố" để những người biểu tình không còn tin tưởng lẫn nhau và bị chia rẽ, anh nói.

Cha Bernardo Cervellera, chủ bút của Asia News, nói với EWTN News Nightly rằng thanh niên Công Giáo là những người hoàn toàn dấn thân trong cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ. Ông nói rằng những người lớn tuổi có thể ít có xu hướng tham gia vào các cuộc biểu tình vì các mối sợ hãi bạo lực.

Hai yêu cầu này là những yêu cầu chính của phong trào đang thực hiện qua tất cả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, theo cha Cervellera.

Cha Cervellera nói, Chính quyền Trung Quốc đã chi phối chính quyền Hồng Kông, từ chối một nền dân chủ toàn diện trên lãnh thổ và cố gắng kiểm soát hệ thống giáo dục, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Hồng Kông.

Hồng Kông có toàn quyền tự do thờ phượng và truyền giáo, cha Cervellera nói, bởi vì trong 50 năm qua, đây là một xã hội tự do, nơi các quyết định của các giáo phận không chịu sự kiểm soát của chính phủ.

Sự sợ hãi của chúng tôi là nếu luật dẫn độ này có hiệu lực, điều này có thể phá hủy khả năng của các linh mục, giáo dân ở Hồng Kông, những người có thể giúp đỡ Giáo hội ở Trung Quốc. Bởi vì theo cách này, sự giúp đỡ của người Công Giáo ở Hồng Kông đến Trung Quốc có thể được coi là một vụ án hình sự.

Đức Hồng Y Tong đã mời người Công Giáo ở Hồng Kông tham dự một nghi thức tôn vinh Thánh Thể vì sự an bình của lãnh thổ vào Thứ Sáu, ngày 23 tháng 8 tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Assisi.

Có khoảng 581.000 người Công Giáo ở Hồng Kông, hoặc khoảng 8% dân số.

Người Hồng Kông hiện có nhiều quyền tự do đáng kể hơn so với người Trung Quốc sống ở đại lục, bao gồm cả việc truy cập internet không bị kiểm duyệt. Hồng Kông là thuộc địa của Anh cho đến năm 1997, và nó được trả lại cho Trung Quốc theo nguyên tắc của một quốc gia, hai hệ thống, cho phép lãnh thổ này có hệ thống lập pháp và nền kinh tế riêng.

Giáo hội ở Trung Quốc đại lục đã bị chia rẽ trong khoảng 60 năm giữa Giáo hội hầm trú, tổ chức bị đàn áp và việc bổ nhiệm giám mục cho họ thường không được chính quyền Trung Quốc thừa nhận, và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một tổ chức được chính phủ chuẩn nhận.

Nguồn: National Catholic Register
 
Phái đoàn Tòa thánh và Việt Nam đang họp đàm tại Vatican
Thanh Quảng sdb
19:40 20/08/2019
Phái đoàn Tòa thánh và Việt Nam đang đàm phán tại Vatican

Trong hai ngày này 21 & 22 tháng Tám, các phái đoàn Tòa thánh và Việt Nam đang họp mặt để thảo luận về các mối quan hệ song phương, cũng như một số khía cạnh về đời sống Giáo hội địa phương và chuyến thăm tương lai của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Tòa Thánh.
Theo ông Matteo Bruni Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho hay theo như những thỏa thuận trước đây thì cuộc họp lần thứ tám của hai bên Tòa thánh và Việt Nam này được tổ chức tại Vatican từ ngày 21 đến 22 tháng 8.
Ông cũng cho hay cuộc đàm phán này nhằm phát triển và thúc đẩy mối quan hệ song phương, đặc biệt tập trung vào một số vấn đề của đời sống Giáo hội tại Việt Nam cũng như các vấn đề liên quan đến vị thế và sứ mệnh của vị Đại diện không thường trú của Đức Thánh cha và chuyến viếng thăm của Đức Hồng Quốc vụ khanh Pietro Parolin trong tương lai gần đây.
Đoàn Việt Nam được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Tô Anh Dũng đưng đầu và Đức ông Antoine Camilleri, thư ký phụ trách các mối Quan hệ các quốc gia, đại diện cho Tòa Thánh.
 
Top Stories
In his letter of August 15, Cardinal Bo calls for peace
Églises d'Asie
10:57 20/08/2019
BURMA - Cardinal Charles Maung Bo, Archbishop of Rangoon, addressed the Burmese people on the day of August 15, on the occasion of the Feast of the Assumption, in a long letter of more than 7,000 words. In his message, Cardinal Bo calls for peace despite the disappointments of recent years, after the hopes raised by the election of a civilian government in 2015, after decades of military rule. The archbishop of Rangoon has warned in particular about the ongoing internal conflicts in the Shan, Karen and Arakan states, and threats to the religious and civil liberties of minorities.

Cardinal Charles Maung Bo, Archbishop of Rangoon and President of the FABC (Federation of Asian Bishops' Conferences), issued a letter on the occasion of the Feast of the Assumption, August 15, addressed to the Burmese faithful. In his letter, the cardinal pointed out that the hopes raised by democracy have been disappointed and that the country is still wounded. Bishop Bo expressed deep concern about the ordeals that the Burmese people are experiencing. "Seven years ago, we saw what we thought was a new era," he said."Political prisoners were released, cease-fires were signed, civil rights and press freedom were relaxed, and a dialogue among political leaders led to the first credible elections in a quarter of a century, and resulted in the election of a civilian democratic government in 2015. But in recent years, new shadows have emerged, threatening the rays of hope that had begun to emerge. Ongoing conflict, abuse and the spread of religious and racial hatred threaten the hopes, freedoms and dignity of the people across the country. "Bishop Bo added that Burma faced new threats to religious freedom as religious leaders continue to spread hate speech by inciting discrimination and violence, and unfair laws and rules restrictions against the religious freedom of minorities. The 71-year-old cardinal continued, "Burma is a wounded nation. She still suffers from her old wounds, and she has been hit again. " Yet the Archbishop of Rangoon called the faithful to continue to cling to their dreams, to imagine a new nation"Where righteousness and virtue flow like a river". "As long as we do not have real freedom - free from fear - we will not be able to recover. As long as human rights violations continue, we will not be free from fear, " he warned.

Call for unity in diversity

"As long as journalists can not do their job without fear of arrest and imprisonment, no one will be free. As long as any citizen any religion or origin can not be assured of being able to do his duty without fear of being arrested, no one will be truly free. It is time to seek true peace, based on genuine justice and freedom, " said Cardinal Bo, adding that Burma suffered civil wars, which prevented the population from truly being at peace for several decades. The archbishop of Rangoon expressed concern over parts of the Kachin, Shan and Arakan states, where fighting is still ongoing and people in need have been deprived of assistance and access to humanitarian aid."Whatever the ins and outs of these conflicts between several groups in our country, no one can be deprived of their basic rights, access to food, shelter, care and education," he said. stressed Bo, who also called for unity in diversity, "on a beautiful land of many ethnicities, languages, cultures and religions". "If we want to realize this dream of peace, we must learn to love the diversity of our country and to seek unity," he said. "True peace and true freedom, after all, depend on our respect for ethnic and religious diversity and the protection of the human rights of all, regardless of race, religion or gender. "Cardinal Bo appealed to all Burmese people to build a nation based on the radicality of love and light, not on hatred and darkness. "Let's build a Burma where hope is not just an illusion," he said. Bishop Bo assured that his message is dictated by love, by a desire for justice and mercy. "Burma needs the three - love, justice and mercy - desperately. This is all the more important as in 2020, the country will experience the second democratic elections since the end of military rule. " For him, the solution based on a federal system which ensures that"Natural resources are shared and distributed fairly, rather than looted by a small elite. The Church in Burma is ready to be a place of mercy for all, a center of reconciliation, to defend the rights of all without exception. "

(Églises d'Asie - le 20/08/2019, With Ucanews, Yangon)
 
''Hope in the desert'': words of a Hong Kong priest before the demonstration on August 18
Églises d'Asie
10:59 20/08/2019
HONGKONG - Several hundred Catholics took part in the mass demonstration on Sunday August 18, held in Victoria Park, alongside more than 1.7 million people. Another demonstration, organized by the Civilian Front for Human Rights, is also scheduled for Saturday, August 31. Before the demonstration on August 18, the faithful took part in a time of prayer organized by the Justice and Peace Office of Hong Kong, on the theme "Hope in the desert". During the celebration, after a few hymns and Bible readings, Fr. Carlos Cheung, a Salesian from Hong Kong, spoke about the current crisis in Hong Kong.

As we are reminded of today's readings, God is always with us, and we walk to the promised land by embracing the hope bestowed by God: "You have seen it also in the wilderness: the Lord your God has given you worn, like a man carries his son, all along the road you have traveled until you arrive in this place "(Deut 1, 29-31). Whatever the difficulties, we do not give up easily. We must remember that during this campaign, we are not looking for short term wins. This is a long-term fight. Even if the government ignores our demands for the moment, we must continue unabated in our parish, in our community, among our friends and family members. Here, each of us is responsible and responsible for awakening the people around us. We have been exposed to unrelenting violence for more than two months. Protesters were violently treated and arrested. As early as June, police repressed people with excessive use of force, breaking the security rules and violating international human rights standards. July 21st, the police even allowed random attacks of bandits against citizens. Residents, ordinary citizens and even ordinary passersby were attacked with tear gas and arrested for no good reason. The government helps cover police abuses and spreads false news by misinforming the public. Today, the government goes so far as to defame its opponents and spreads political propaganda. Worse still, the government went so far as to utter shameless lies at a press conference. Do we want to be manipulated by a government that repeats these shameful political blows in the name of justice? Do not we feel anything? Dear brothers and sisters, where is our conscience? Where is our ethical sense? How should the Church provide ethical guidance here? where is our consciousness? Where is our ethical sense? How should the Church provide ethical guidance here?

Peace, wisdom and hope

Today, these are not just questions of different political positions. These are abuses committed by the government, and people wrongfully arrested and prosecuted unfairly. As Christians, can we choose to remain silent when the world needs us to raise our voices? In addition to prayer, we must also tell the government that it is mistaken in insisting on such an approach. The Lord has created us with dignity and freedom. As we read in the Old Testament, Mordechai, Esther's foster father, prayed to the Lord with these words: "Lord, Lord, sovereign King of the universe, everything is subject to your power, no one can to oppose you when you want to save Israel. "What we defend here tirelessly is human dignity, the dignity of being sons and daughters of God! Let us pray with Esther's words: "My Lord, our King, you are the One; come and help me, for I am alone, I have no other help than you, and I will risk my life. "We must stop all the suffering caused by unreasonable actions and the oppression of the authorities. Today, we must protect our young people, protect our Hong Kong, and protect Jesus from unfair trials so that he is not mistreated and wrongly accused once again. On June 4, 1989, young people were massacred in Tiananmen Square. The same thing could still happen in Hong Kong. That's why we have to show restraint. In this campaign against the authorities, as citizens of Hong Kong, we do not see real violence committed by our young people. In comparison, the violence of the police is obvious. Two million people took to the streets to demand the withdrawal of the draft law on extradition, but the central government remained deaf to the calls. If it is the government that ignores our voices, why attack the young? God bless us, bless our young people and Hong Kong. With peace, wisdom and flexibility, awaken the consciences of all. Let's dare to lift ourselves with pride, hope and fear.

(Églises d'Asie - le 20/08/2019, With Asianews)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam Hòa Bình ?
Hà Minh Thảo
15:31 20/08/2019
Từ năm 1968, nhiều biến động do cuộc tổng tấn công đầy máu lửa và thương vong Tết Mậu Thân đưa đến Hòa đàm Paris để Mỹ tháo chạy dù trong danh dự. Đồng thời, để tuyên bố năm 1969 là Năm Đức Tin của Giáo phận Nha Trang, Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cho phổ biến Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’, đó là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công Giáo.

Trong phần “Tiến Lên Trong An Bình”, Ðức cha xác định: « Người Công Giáo yêu chuộng Hòa bình, nhưng người Công Giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công Giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công Giáo:

- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.

- Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.

- Hòa bình chân chính không phải là Hòa bình chiến lược.

- Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.

- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.

- Hòa bình phải được xây dựng trên tinh thần mới: Kích động đời sống cộng đồng các dân tộc.

- Hòa bình phải được xây dựng trên não trạng mới: Tôn trọng mối bang giao giữa các quốc gia, quí trọng tình huynh đệ giữa các dân tộc, cộng tác giữa các sắc tộc vì tiến bộ chung; nhìn nhận và tin tưởng các tổ chức Hòa bình quốc tế.

- Hòa bình phải được xây dựng trên sự tôn trọng và nhìn nhận những quyền lợi của con người và nền độc lập của mỗi quốc gia. »

Trong khuôn khổ bài này, chúng ta tìm hiểu tại Việt Nam, các đặc tính Chân lý (hay Sự thật), Công bằng, Tự do và Bác ái có hội đủ để được gọi là Hòa Bình không ?

I/- CHÂN LÝ.

Ngay từ 12 giờ ngày 30.04.1975, toàn dân miền Nam liên tục và khắp nơi được nghe và được đọc ‘Không gì quý hơn Ðộc Lập Tự Do’. Vì bị nghe và phải đọc nhiều quá, khiến người dân mất Ðộc lập vì không còn được suy nghĩ như thời Việt Nam Cộng hòa (nhiều nhạc phẩm bị cấm nghe) và mất Tự do (do bị cấm này nọ và nhân viên ngân hàng, thí dụ, lương tháng bị sụt nặng từ 50, 60 ngàn chỉ còn 10 ngàn. Rồi còn được đề nghị ‘chuyển ngành’, nhưng ‘ngành với ngọn’ biết nơi đâu mà chuyển khi nhiều xí nghiệp bị dẹp và sa thải người. Chỉ còn con đường rộng mở : đi v ùng kinh tế mới. Do đó, người ta đề nghị nên thêm nên thêm vài chữ để trở thành ‘Không gì quý hơn Ðộc Lập Tự Do và không cộng sản’. Bình luận lời này của Bác, người ta kết luận : « Hồ Chí Minh nói 10 điều, chín đúng, một sai ».

Trong khi đó, người dân thấy « Nguyễn Văn Thiệu nói 10, chín sai và một đúng. Ðó là : ‘Ðừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm ».

A.- Những người tù không bản án ...

Theo thông báo của bạo quyền cưỡng chiếm miền Nam nước Việt từ ngày 30.04.1975, theo lời cộng sản nói, những thành phần ‘có nhiều nợ máu’ phải trình diện 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6 năm 1975 tại các trường trung học Sài Gòn. Lãnh đạo cộng sản ‘long trọng hứa lèo’ về sự ‘khoan hồng cách mạng’ bằng yêu cầu các sĩ quan trung và cao cấp Quân đội Việt Nam Cộng hòa phải mang theo đồ dùng cả nhân và đóng đủ tiền ăn 1 tháng, khoảng trên 13 ngàn mấy trăm. Sau đó, trình diện đi tù đợt 2 gồm các sĩ quan cấp úy đóng tiền ăn 10 ngày.

Ngày đầu tiên trình diện, các SQ (bao gồm các sĩ quan Quân đội, Cảønh sát, các viên chức dân cử và công cử) được ‘cách mạng’ cho thưởng thức cách trị bệnh cộng sản, nằm dài trên ghế học trò, được nhỏ nước tỏi tươi nồng nặc vào hai lỗ mũi. Hôm sau, truớc khi di chuyển đến trại tù, các SQ này được một trong các nhà hàng sang trọng như Ngọc Lan Đình ở Chợ Lớn đưa bàn ghế tới, cứ 10 người một bàn như ‘nhập đại tiệc’, với 7 món ăn mà chúng ta thường gặp trong các tiệc cưới…

B.- … còn bị ngược đãi và …

Hai chiến sĩ anh hùng QLVNCH đã can đảm ‘trốn trại’ đầu tiên, tìm đường vượt thoát khỏi cảnh tù đày nhục nhã vào một đêm có gần nửa vành trăng trên bầu trời. Ðó là các Thiếu tá Quách Hồng Quang (Biệt Động Quân) và Phạm Hữu Thịnh (Ban Liên Hợp 4 Bên ở Sài Gòn, gốc An Ninh Quân Đội).

Lúc từ 0 giờ khuya đến 2 giờ sáng một đêm mưa lất phất, trên nền trời và cảnh vật, ánh trăng sáng lờ mờ, hai anh Thịnh và Quang đi ra hướng cầu tiêu ở gần hàng rào kẽm gai, chọn thời điểm thích hợp để thực hiện cuộc vượt ngục. Nhiều tiếng súng nổ vang giữa đêm khuya vắng lặng và tiếng kẻng báo động vang dội khắp nơi, đánh thức mọi người.

Sáng hôm sau, bộ đội quản giáo cho biết có hai anh trốn trại, một bị bắn chết tại vòng rào trại, một bị thương và bị bắt đang nằm ở y xá. Sau khi mỗ lấy viên đạn còn ghim trong người ra, nay hồi tĩnh, anh Thịnh lại bị nhốt trong connex, để gần chòi gác, thật bi thảm, ngày thì nóng như thiêu như đốt, đêm khuya lạnh lẽo đến tận xương tủy. Anh Thịnh còn mẹ già, vợ gốc Hoa. Anh cho biết sở dĩ anh bị bắn trọng thương vì anh quay lại cứu bạn mình, anh Quang, quần áo đang bị vướng dây kẽm gai mà anh gỡ ra còn nhùng nhằng. Lính gác trên chòi canh phát hiện bắn anh Quang nhiều phát đạn, anh bị thương và nằm dán chặt vào hàng rào. Trong khi anh Thịnh đã chạy đến cây mít, cách hàng rào trại chừng trăm mét. Vừa tới hàng rào dây kẽm gai, anh Thịnh nghe tiếng súng nổ liên hồi vội quay lưng chạy và một viên đạn cấm vào lưng anh, té qụy. Theo lời anh Thịnh kể thì anh Quang chỉ bị thương còn sống và cái áo của anh còn dính với mấy móc kẽm gai, đám cán độ trại đến nả bồi thêm vài tràng đạn nữa, kết liễu đời oanh liệt của một chiến sĩ BĐQ ưu tú can trường QLVNCH, Quách Hồng Quang.

Cộng quân Bắc Việt tàn ác lắm, chúng đã muốn giết Thiếu tá Thịnh, khi mỗ lấy đạn ra không có thuốc tê, thuốc mê gì cả. Anh đau đớn quá chết ngất không còn biết gì nữa, chúng muốn làm gì thì làm, may mà anh còn sống đến ngày bị xử bắn đễ làm gương tại Suối Máu.

C.- … bị lường gạt.

Thời gian trôi qua, 10 ngày đối với các Sĩ quan cấp Úy, mọi người Việt mới thức tĩnh để biết nhà nước xâm lược lừa gạt về sự khoan hồng cộng sản. Hạch hỏi chúng, chúng trả lời thời gian 1 tháng lương thực chỉ để đi đường đối với cấp Tá trở lên. Do đó, biết bao nhiêu những tù nhân vô tội này đã phải đi ‘học tập cải tạo’ trên 15 năm.

Sự thật còn cho thấy : Hiện nay, trên thế giới, không có nước nào muốn gây chiến với Việt cộng, ngoài trừ Tàu cộng đang đối măët nhau bằng võ lực tại Bãi Tư Chính. Các nước khác như Mỹ, Pháp, v.v có lên tiếng không vì thương xót dân Việt, nhưng chỉ để quảng cáo vũ khí sát thương của họ

II.- CÔNG BẰNG.

Trong một nước Việt cai trị bởi một cộng đảng độc tài đảng trị thì làm gì có công bằng. Thật vậy, trong chêá độ ‘hồng hơn chuyên’, công việc quản trị đất nước được chia chác cho các đảng viên được Quan Thầy tin cậy bổ nhiệm cở Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh… Chỉ có đại biểu quốc hội được bầu nhưng là thứ ‘đảng cử, dân bầu’, nên người dân khinh chê. Nhưng khi xuất ngoại, nhờ xài tiền dân đóng thuế, ngoại nhân khen là kẻ ‘tài đức’.

Thật công bằng khi người Mỹ gốc Việt nhờ hưởng phương tiện học và hành cao nên đã trở thành những tiến sĩ và tướng lãnh phục vụ Hoa Kỳ. Nhưng khi Chánh quyền đem đại quân (trên 500 ngàn) vào Miền Nam để tiêu xài kho vũ khí Ðệ Nhị Thế chiến mà các Tướng Mỹ không được phép thắng với hơn 58 ngày người chết. ‘Ra đi trong danh dự’ cũng có nghĩa là ‘thua và tháo chạy’. Bao giờ người Mỹ gốc Việt biết dùng ‘lá phiếu dân chủ’ và để yêu cầu Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ thật sự giúp công dân Việt được hưởng các dân quyền mà Chánh quyền Hoa Kỳ đã hứa từ trên 40 năm qua.

Xin mời chúng ta cùng xem : https://www.youtube.com/watch?v=ij_9nDY4xVc

Bảy Lốp Tám Lém Con trai Lê Duẩn Bị Hạ Gục Bởi Tướng Loan VNCH Như Thế Nào

{ Ða tạ quý vị đã thực hiện vidéo này cho thấy ‘lòng tốt’ của nhà nước Mỹ đối với người Việt Nam không cộng sản trong thời chiến cũng như hôm nay. Chúng tôi cũng xin ngưỡng mộ Phó Ðề đốc Mỹ gốc Việt Nguyễn Từ Huấn}.

III.- TỰ DO.

Ðọc Thánh Kinh, Cựu Ước, sách Sáng thế, chương 1, câu 27 : « Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa Người đã dựng nên nó. Người tạo nên người nam và người nữ. ». Nhưng ‘Theo hình ảnh của Thiên Chúa’ là như thế nào ?

Ðó là Thiên Chúa đã tạo nên mỗi người chúng ta có Trí Khôn (hay Lý Trí) và Tự Do. Trí khôn để giúp chúng ta nhận xét Việc nào đúng (tốt) phải làm và Việc nào sai (xấu) phải tránh, đừng làm. Phần đầu chương 1 nói trên kể lại tiến trình tạo dựng vũ trụ. Thí dụ, tại các câu 16 và 17, Người đã dùng Trí Khôn để hoạch định việc tạo thành mặt trời (ngày) và mặt trăng (đêm) cùng các vì sao. Nhận thấy điều đó tốt, Người đã Tự Do hoàn thành và thấy điều đó tốt lành.

Một nhận thức khác. Ngôi Hai Thiên Chúa, Ðức Kitô, trước cái chết đau đớn, mồ hôi máu chảy ra, muốn từ chối cái khổ hình, nhưng Lý Trí cho biết nếu không chấp nhận chết và chết trên Thập giá thì Nhân loại không được tha tội. Xác tín như vậy, Ðức Kitô đã Tự Do gánh chịu mọi khổ hình đến chết để cứu rỗi mọi người trong chúng ta.

Phần lớn chúng ta, những người tị nạn ở hải ngoại hay đã nhập tịch, đã thấy mất ít nhiều Tự Do từ khoảng thời gian 30.04.1975. Ðồng bào Miền Nam, từ cái ngày đẫm máu đó, đã mất Tự Do, trừ những kẻ nằm vùng, mua được ‘dù lộng’ hay kết thân với ‘nón cối, dép râu. Sau đó, những người tù vì yêu nước, thương đồng bào như các chị Nguyễn Thị Như Quỳnh hay Tạ Phong Tần hiện đang ở Hoa kỳ để hiểu biết chế độ nhà tù cộng sản. Ngoài ra, các nhà tù còn giam tù nhân sinh viên ái quốc Nguyễn thị Phương Uyên bị cấm đi học sau khi ra tù, Nguyễn Ðặng Minh Mẫn 8 năm tù tội vì những chữ ‘HSTSVN’ (Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam). Vô cùng sót sa cho hai bạn trẻ này.

Tại sao Người Việt chúng ta bị mất Tự Do ? Ðề tài chúng ta sẽ bàn trong một lần khác. Nhưng xin nhắc Tiền Nhân chúng ta đã dạy ‘Biết mình, biết người, trăm trận thắng’.

VI.- BÁC ÁI.

Khi ghép cụm từ ‘xã hội chủ nghĩa’ cho tên nước ‘Việt Nam’, bộ chính trị cộng đảng có biết chăng ý nghĩa của cụm từ đó đòi hỏi lợi nhuận quốc gia cần phải phân phối cho toàn xã hội tỉ lệ theo sự đóng góp của mỗi cá nhân. Tại sao tại các nước dân chủ tiến bộ, các viên chức cao cấp đều có nghĩa cử khai tài, mà tại Việt Nam, đảng viên cộng sản có quyền từ chối điều luật đó vì tự cho là ‘vi phạm đời tư’.

Trong thế kỷ 19, các dòng tu đã nhập cuộc vào trận chiến chống lại nghèo đói, bịnh tật và tình trạng bất cập trong việc giáo dục. Khi ra đời sau đó, cộng sản quốc tế công kích các hành động bác ái này chỉ làm cản trở các hoạt động ‘cách mạng’ chống lại giới chủ kỹ nghệ.

V.- NIỀM MONG ƯỚC.

Ngày 19.08.2019, vì Nga bị loại khỏi G7 (bảy nước kinh tế phát triển thế giới gồm Hoa Kỳ, Canda, Nhật, Anh, Pháp, Ý và Liên hiệp Âu châu) do việc xâm chiếm Crimée năm 2014, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nước tổ chức G7 năm 2019, đã mời và tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Poutine tại Fort de Brégançon. Trong cuộc họp báo, ông Macron đề nghị Nga hãy để các ứng cử viên đối lập được tranh cử. Ông Poutine cho đó là đúng luật và chê trách các cuộc đụng độ đẫm máu giữa những ‘gilets jaunes’ và cảnh sát ở Paris. Tổng thống Pháp nhắc : « Họ đã được ứng cử bầu Nghị viện Âu châu và sẽ tham gia tranh cử Hội đồng Thành phố sắp tới».

Tại Hoa Kỳ, các cuộc vận động tranh cử về ngày bầu cử 03.11.2020 cho Tổng thống và lưỡng viện Lập pháp đã bắt đầu, mong ước quý cử tri Mỹ gốc Việt đoàn kết để cùng nhau dồn phiếu cho một ứng cử viên Tổng thống và bầu chọn các Dân biểu, các Thượng nghị sĩ cùng một Ðảng nhờ sự phục vụ của quý Vị trong chính quyền dân sự và Quân đội Liên bang và các Tiểu bang. Hy vọng nỗ lực của tập thể người Mỹ gốc Việt và dân chủ tính của lá phiếu để giúp đồng bào quốc nội có cơ hội sử dụng lá phiếu dân chủ và tự do để bầu chọn một Chánh phủ pháp quyền vì dân và cho dân hầu lập lại nền giáo dục nhân bản và một nền pháp trị trừng phạt các đảng viên ấu dâm không ân giảm nhờ tuổi đảng.

Trước khi dừng bút, chúng tôi tin chắc mọi người trong chúng ta đều có nghe nhạc phẩm ‘Ðêm Nguyện Cầu’ được chấm dứt với những lời

‘Quê hương non nước tơi ai gây hận thù tội tình

Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?’.

Hà Minh Thảo
 
Càng Học Bác, Càng Nhếch Nhác
Phạm Trần
20:57 20/08/2019
Đảng cầm quyền độc tài, độc đảng Cộng sản Việt Nam rất ồn ào về chuyện 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh (1969-2019), nhưng càng học Bác, cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền, càng nhếch nhác. Sau đây là những hậu qủa nhãn tiền:

Trong Di chúc, ông Hồ viết :”Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.”

Đảng trả lời:” Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Quy định, Điều lệ Đảng,v.v.. cho thấy, vẫn còn một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở, không thống nhất giữa nói và làm. Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ xuất hiện ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty...” (Tạp chí Tuyên giáo, ngày 10/4/2019)

HẾT CÒN TIN ĐẢNG

Trong khi đó, theo Nghị quyết Trung ương 4/Khóa đảng XII thì trong đảng đã có “Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị” như :

1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra còn: ” Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.”

Và :” Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Tham vọng chức quyền v.v…”

Tình hình như thế mà Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại hồ hởi lạc quan:”Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.” (bài viết Nguyễn Phú Trọng, 31/01/2019

Ngược lại, Trương Ngọc Nam (PGS, TS), Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại bảo rằng :”Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, Đảng cần phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái, biến chất, quan liêu, tham nhũng…” (Tạp chí Cộng sản, 02/04/2019))

Như thế là thế nào ? Lãnh đạo nói một đàng, đảng viên làm một nẻo là tại ai ? Ai nói thật và ai nói dối ?

TỪ PHÊ BÌNH ĐẾN LIÊM CHÍNH

Thế tồi ông Hồ lại khuyên:”Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”

Nhưng tại sao ông Hồ chỉ muốn có “dân chủ trong Đảng” mà không cho toàn dân quyền có dân chủ ? Vì ông độc tài và chỉ muốn đảng do ông lập ra giữ độc quyền lãnh đạo, như đã viết trong Cương lĩnh đảng, Điều lệ đảng và Hiến pháp quốc gia, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.

Do đó không lạ khi thấy “con cháu Bác” đã quay đầu không nghe Bác như Nghị quyết 4/XII tự khai:”Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.”

Như thế thì còn gì là “các cháu ngoan” hay “học trò của Bác” ?, Cán bộ, đảng viên mà hư hỏng như thế thì làm gì có :” Đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”, như Điều lệ Đảng năm 2011 đã quy định ?

Tình hình rệu rã, mất định hướng, chia năm xẻ bảy trong nội bộ còn được phản ảnh trong Nghị quyết Trung ương 4/Khóa đảng XII :” Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Nghị quyết còn cảnh giác rằng:”Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.”

Vậy, khi ông Hồ căn dặn:”Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thi đảng đã làm gì để hương linh ông được thảnh thơi ?

Đảng chẳng làm gì cả mà còn tham nhũng ngập đầu từ trên xuống dưới. Mọi đẳng cấp tham nhũng. Lợi ích nhóm, tranh giành quyền lực, chạy chức chạy quyền, xài bằng giả không còn là điều hiếm thấy ở Việt Nam.

Đảng cũng ra lệnh cho cán bộ lãnh đạo, nhất là “cấp chiến lược” phải kê khai tài sản, nhưng khai xong lại trao cho cơ quan chủ qủan, hay cơ sở làm việc để chỉ công khai nội bộ, thay vì công bố cho dân biết thì khai cũng như không.

Do đó, hành động chống tham nhũng mị dân này đã đưa đến kết luận “tình hình vẫn còn nghiêm trọng” từ năm này qua năm khác, kể từ khi có lệnh phòng, chống tham nhũng năm 2005.

VẪN TRƠ NHƯ ĐÁ

Thế rồi, trước thềm Đại hội đảng địa phương để tiến đến Đại hội đảng tòan quốc Khóa XIII vào tháng Khóa/2021, đảng đã ra rả ngày đêm :”Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.”

Nhưng vào ngày 16/07 (2019), trong kết luận “tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng” Ban Bí thư lại nói toạc móng heo thế này:” Qua nắm tình hình, ý kiến phản ánh của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục bộ", "thân quen", "lợi ích nhóm", mất dân chủ, thiếu gương mẫu, "nể nang, dễ dãi", "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau" trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... Bên cạnh đó, có nơi, cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ "mất phiếu", ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền...”

Như vậy là các cấp đảng không còn coi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị ra gì nữa. Các cấp địa phương đã “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” với Trung ương, nên Ban Bí thư mới cảnh giác :”Những hạn chế, yếu kém trên đã gây khó khăn, làm mất nhiều công sức của cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng trong công tác cán bộ, tạo dư luận không tốt.”

Tốt hay xấu, như đã thấy trước mắt, không còn được ai quan tâm nữa, ngay cả lời Di chúc của ông Hồ nói về Đoàn viên và Thanh niên Cộng sản. Ông bảo:” Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”

THANH NIÊN CHÁN ĐẢNG

Nhưng thực tế đã chứng minh Thanh niên, thiếu nữ của thời đại Internet Thế kỷ 21 không còn u mê như cha anh họ của thời chiến tranh bị đảng xỏ mũi kéo vào chỗ chết.

Giới trẻ ngày nay đã tỉnh ngộ để nhìn ra lừa bịp của đảng sau 30 năm huynh đệ tương tàn. Rất nhiều người đã nhạt đảng, xa đoàn, không còn muốn gia nhập Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lớp dự bị của đảng.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, khi được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice Of Viiệt Nam) hỏi:” Từ năm 2011-2017, toàn Đảng kết nạp hơn 1,4 triệu đảng viên, nhưng trong giai đoạn này cũng có gần 51.000 đảng viên bị sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?

Đáp:”Việc kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng là việc làm bình thường, thường xuyên của một Đảng chân chính. Những con số trên cho thấy, số quần chúng ưu tú được kết nạp trong 6 năm qua vẫn lớn hơn 23 lần so với số đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên hay khai trừ.

Song, con số gần 51.000 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ trên tổng số gần 5 triệu đảng viên là con số quá lớn đối với một Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền mà con số bị xóa tên và kỷ luật nhiều như vậy là điều đáng buồn.”

H: Số lượng kết nạp đảng viên mới tăng nhanh, nhưng thực tế ở nhiều nơi, công tác phát triển đảng vẫn là một thách thức lớn, có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Lo ngại hơn là một bộ phận thanh niên ngại vào Đảng. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề trên do đâu?

Đ:” Có điều kiện đi một số địa phương trong cả nước, tôi thấy kết nạp đảng viên mới hiện nay là vấn đề khó khăn ở một số nơi, kể cả những địa phương là cái nôi của cách mạng Việt Nam, kể cả thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Có mấy nguyên nhân quan trọng sau đây: Tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở nhận thức về vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng cũng còn chưa thực sự chú trọng. Nhiều tổ chức, cơ sở Đảng, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên, nên có những chi bộ mấy năm không kết nạp được đảng viên mới nào.

Thực tế những năm qua, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức đảng cơ sở có những biểu hiện chưa tốt nên việc bồi dưỡng quần chúng kết nạp Đảng cũng chưa tốt.

Về đảng viên, bên cạnh đại bộ phận đảng viên tốt, còn một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là đảng viên cấp cao không có sự nêu gương, nhiều đồng chí bị xử lý kỷ luật, xóa tên ra khỏi Đảng, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù.

Nhiều thanh niên nhìn vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy thì vào Đảng làm gì….”

Ngay đến việc học về Chủ nghĩa Cộng sản Mac-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là môn bắt buộc, nếu muốn có bằng khi tốt nghiệp, sinh viên đã phải “ngậm đắng nuốt cay” bước qua cầu để quên đi mau chóng. Không ai muốn nhắc lại hay đeo vào thân làm gì.

Tình trạng tương tự cũng xẩy ra cho công tác "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" sau 3 năm, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa XII).

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nêu ra những mặt hạn chế, yếu kém của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị như :” Chưa thực sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung đột phá để thực hiện Chỉ thị; những vấn đề bức xúc, nổi cộm chưa được quan tâm đúng mức; còn lúng túng, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện…Việc cảnh báo, phòng ngừa sai phạm thiếu kịp thời; chưa phát hiện sớm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, dẫn đến vi phạm kỷ luật đảng hoặc bị xử lý theo pháp luật.” Như vậy thì nội bộ đảng CSVN đã nát chưa, hay mới mục thôi ?

Nếu vẫn còn khỏe và anh hùng như vẫn tuyên truyền thì hà cớ chi chưa giám “truy tố” Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc hay Tòa Hòa giải Quốc tế về vụ đem Tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 và nhiều Tầu chiến hộ tống vào Bãi Tư Chính, bên trong thềm lục địa của Việt Nam, cách Vũng Tầu 370 cây số, từ ngày 03/07 (2019) ?

Nên nhớ, trong Di chúc, ông Hồ còn căn dặn rằng:”Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”

Vậy ông Nguyễn Phú Trọng và toàn đảng CSVN hãy đấm ngực xét mình xem đã làm được điều ông Hồ mong ước chưa ?

Nếu chưa thì hãy ngồi xuống cho dân đứng lên. -/-

Phạm Trần

(08/019)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tội cố tình làm sai lệch luật phụng vụ.
Nguyễn Trọng Đa
10:08 20/08/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu là sai về luân lý chăng, khi cố tình làm sai lệch luật phụng vụ? Phạm tội như thế được đánh giá thế nào? - R. C., Bangalore, Ấn Độ.


Đáp: Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, và đòi hỏi nhiều cấp độ và một số phân biệt tinh tế.

Từ quan điểm khách quan, một sự sai lệch trong phụng vụ có thể bao gồm từ một lỗi nghi thức nhẹ, đến sự lạm dụng lớn làm cho buổi lễ không hợp lệ và thậm chí là phạm thánh nữa.

Câu hỏi về khả năng phạm tội luân lý cũng là một câu hỏi hóc búa, vì nó phụ thuộc cả vào thực thể khách quan của sự sai lệch, và thái độ chủ quan mà nó được thực hiện.

Lỗi chất thể tương tự trong phụng vụ có thể được gây ra bởi sự thiếu hiểu biết, do một sự huấn luyện không đầy đủ, hoặc do biết nhưng cố tình không tuân theo các quy định phụng vụ. Do đó, khả năng phạm tội luân lý chủ quan sẽ tương ứng theo một cách nào đó với nhận thức và sự chủ ý của hành động.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự thiếu hiểu biết có thể góp phần vào khả năng phạm tội. Chẳng hạn, ít nhất là trong các vấn đề phụng vụ quan trọng, một linh mục không nên biện hộ cho sự thiếu hiểu biết, vì nhiệm vụ của linh mục là phải biết cách thực hiện các nghi thức phụng vụ chính yếu một cách đúng đắn. Linh mục có lẽ không nhận thức được một số quy định tóm tắt được giấu trong sách chuyên môn, nhưng ngài sẽ có lỗi nếu thiếu kiến thức về các nhiệm vụ thừa tác cơ bản của mình.

Sự phán đoán về khả năng phạm tội chủ quan do sự lệch lạc phụng vụ là chủ yếu một câu hỏi về lương tâm, vì chỉ có con người phạm sai lầm, đôi khi nhờ sự hướng dẫn của vị linh hướng hoặc cha giải tội, mới có thể biết thái độ nội tâm của mình tại thời điểm hành động được thực hiện. Khả năng phạm tội luân lý này có thể xếp từ không có tội cho một sai lầm nhỏ, đến tội nặng cho một sự lạm dụng cố ý.

Trong một số tình huống, người thực hiện hành vi lạm dụng sẽ công khai biểu lộ các lý do nằm bên dưới hành động, và điều này có thể làm giảm bớt hoặc làm trầm trọng thêm lỗi phạm. Thí dụ, tôi biết một linh mục được gửi đến một cộng đồng miền núi biệt lập, nơi đó Thánh lễ hiếm khi được cử hành do việc di chuyển phải mất nhiều giờ. Cha đến một nhà thờ đầy giào dân đang chờ, nhưng không có chén thánh trong phòng thánh. Cha sử dụng một chén tốt nhất mà cha có thể tìm thấy, nhưng nói với mọi người rằng cha đang làm điều đó như một ngoại lệ, và đó không phải là điều đúng để làm. Trong một bối cảnh hoàn toàn khác, cách nay vài năm, một linh mục châu Âu đã vi phạm nghiêm trọng luật phụng vụ, trong khi tuyên bố trước các người quay phim rằng cha biết những gì cha đang làm là vi phạm, nhưng cha đang hành động vì lý do ý thức hệ, vốn là trái với giáo lý Công Giáo.

Liên quan đến sự phán đoán khách quan các hành vi lạm dụng phụng vụ, có lẽ tài liệu xử lý triệt để nhất đối với chủ đề này là Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) năm 2004. Cuối tài liệu này, trong Chương VIII, Huấn thị đưa ra một số gợi ý để xác định mức nghiêm trọng, và đâu là “các sửa chữa” như Huấn thị gọi tên. Xin mời đọc:

“169. Khi có một lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, thì phải nhìn nhận đó là một sự làm sai đi thật sự phụng vụ Công Giáo. Thánh Tôma đã viết: “Ai thay mặt Giáo Hội hiến dâng cho Thiên Chúa một sự thờ phượng đi ngược với những hình thức mà Giáo Hội tự quyền Thiên Chúa đã thiết lập và chính Giáo Hội này thực hành, thì mắc lỗi giả mạo”.

“170. Để sửa chữa các lạm dụng đó, “công việc khẩn cấp nhất là đào tạo dân Thiên Chúa, mục tử và tín hữu, về mặt kinh thánh và phụng vụ”, để đức tin và kỷ luật của Giáo Hội liên quan đến Phụng Vụ thánh, được trình bày và lĩnh hội một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nơi nào mà các lạm dụng vẫn tồn tại, thì phải hành động theo các quy tắc của giáo luật, để bảo toàn di sản thiêng liêng và những quyền của Giáo Hội, nhờ vào tất cả phương tiện chính đáng.

“171. Trong những điều lạm dụng khác nhau, xét về mặt khách quan, có phần là những graviora delicta (những tội phạm nặng hơn), có phần là những chất thể nặng và những lạm dụng khác nữa phải được quan tâm xa tránh và sửa chữa cẩn thận. Ngoài tất cả những gì được đề cập chính yếu trong Chương I của Huấn Thị này, phải ân cần quan tâm đến những điều quy định sau đây.

“1. NHỮNG GRAVIORA DELICTA (TỘI PHẠM NẶNG HƠN)

“172. Các graviora delicta nghịch cùng Hy Tế rất đáng kính và bí tích Thánh Thể phải được giải quyết theo theo “Quy tắc liên quan đến những graviora delicta dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”, là :

a) lấy hay giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh, hoặc ném Mình Máu Chúa xuống đất ;

b) không phải là linh mục mà dám cử hành phụng vụ Hy Tế Thánh Thể, hay giả bộ cử hành;

c) đồng tế hy tế thánh thể, dù đã có lệnh cấm, với các thừa tác viên của các Cộng Đoàn giáo hội không có kế thừa các tông đồ và không nhìn nhận phẩm cách bí tích của việc truyền chức linh mục ;

d) truyền phép với mục đích phạm thánh một chất thể này mà không có chất thể kia trong cử hành Thánh Thể, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài cử hành Thánh Thể.

“2. NHỮNG CHẤT THỂ NẶNG

“173. Tính trầm trọng của một chất thể được lượng giá trên căn bản giáo lý chung của Giáo Hội và tùy theo những quy tắc mà Giáo Hội đã thiết lập. Trong những chất thể nặng, người ta luôn luôn kể đến cách khách quan những chất thể làm cho tính thành sự và phẩm cách của Phép Thánh Thể Chí Thánh lâm nguy, nghĩa là những chất thể nghịch lại với các quy tắc được trình bày trên đây trong các số 48-52, 56, 76-77, 79, 91-92, 94, 96, 101-102, 104, 106, 109, 111, 115, 117, 126, 131-133, 138, 153 và 168. Vả lại, phải quan tâm đến các quy định khác của Bộ Giáo Luật, và đặc biệt, đến những quy định có trong các điều 1364, 1369, 1373, 1376, 1380, 1384, 1385, 1386 và 1398.

“3. NHỮNG LẠM DỤNG KHÁC

“174. Hơn nữa, các hành vi phạm đến những gì được nêu ở những đoạn khác của Huấn Thị này và trong những quy tắc được giáo luật thiết lập, không được xem là không đáng kể hơn, nhưng chúng phải được kể trong số những lạm dụng khác phải xa tránh và phải ân cần sửa chữa.

175. Rõ ràng là tất cả những gì đã được trình bày trong Huấn Thị này, không có liên quan đến tất cả những vi phạm đến Giáo Hội và đến kỷ luật của Giáo Hội, đã được xác định trong các điều của giáo luật, trong các luật phụng vụ và trong các quy tắc khác của Giáo Hội, theo giáo lý của Huấn Quyền hay theo truyền thống lành mạnh. Nơi nào có mắc bất cứ điều sai nào, thì điều sai đó phải được sửa chữa theo các quy tắc của giáo luật.

“4. GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

“176. Giám Mục giáo phận, “vì là người phân phát chính yếu mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã được giao phó cho ngài săn sóc, được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các bí tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm vượt qua”. Vậy, ngài có quyền, “trong giới hạn thẩm quyền của ngài, ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ”.

“177. “Xét vì ngài có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành mọi luật lệ của Giáo Hội. Ngài phải đề phòng đừng để du nhập các lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội, nhất là về thừa tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các bí tích và á bí tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các thánh”.

“178. Vì thế, mỗi khi Đấng Bản Quyền sở tại hay của một Hội Dòng tu sĩ hoặc của một Tu Hội tông đồ biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, thì chính ngài hoặc nhờ một giáo sĩ khác xứng hợp, phải thận trọng điều tra, về các sự kiện, hoàn cảnh, cũng như về khả năng quy trách nhiệm của hành vi.

“179. Những tội phạm nghịch cùng đức tin, cũng như những graviora delicta phạm khi cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, phải được giao ngay cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “xét xử và, cùng lúc, tuyên bố hay bắt chịu những hình phạt của giáo luật theo các quy tắc của luật chung hay luật riêng”.

“180. Mặt khác, Đấng Bản Quyền phải tiến hành theo các quy tắc của giáo luật, bằng cách áp dụng, nếu có, những hình phạt theo giáo luật, và, đặc biệt, nhớ lại những quy định của điều 1326 của Bộ giáo luật. Nếu là những hành vi nặng, ngài phải thông báo cáo cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

“5. TÔNG TOÀ

“181. Mỗi khi Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, Bộ thông báo cho Đấng Bản Quyền hay, để vị này làm điều tra về sự việc. Nếu hành vi đang nói đến được xác nhận là nặng, Đấng Bản Quyền, càng sớm càng tốt, phải gởi về Bộ này một bản về các hành vi liên quan đến cuộc điều tra đã làm, và, có thể, đến hình phạt đã bắt chịu.

“182. Trong những trường hợp khó khăn nhất, vì lợi ích của Giáo Hội hoàn vũ, mà chính ngài cũng chia sẻ việc chăm sóc bằng việc ngài chịu chức thánh, Đấng Bản Quyền không được chểnh mảng giải quyết vấn đề, sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Về phần mình, chính Bộ này, căn cứ vào những quyền hạn mà Đức Giáo Hoàng Rôma đã ban cho mình, phải giúp đỡ Đấng Bản Quyền, tuỳ trường hợp, bằng cách nhường cho ngài những miễn chuẩn cần thiết, hay thông báo cho ngài những huấn thị và những quy định mà ngài phải áp dụng cách chu đáo.

“6. NHỮNG KHIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC LẠM DỤNG VỀ PHỤNG VỤ

“183. Tuỳ theo khả năng của mỗi người, tất cả đều có bổn phận quan tâm đặc biệt để Phép Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh được bảo vệ khỏi mọi bất kính và mọi biến dạng, và để mọi lạm dụng được hoàn toàn sửa chữa. Bổn phận này, bổn phận quan trọng nhất, được ủy thác cho mọi người và mỗi thành viên của Giáo Hội, phải được thực hiện mà không thiên vị ai.

“184. Mọi người Công Giáo, dù là linh mục, phó tế hay giáo dân, được nhìn nhận có quyền tố cáo một lạm dụng nào đó về phụng vụ, nơi Giám Mục giáo phận hay Đấng Bản Quyền có thẩm quyền được giáo luật nhìn nhận, hay nữa nơi Tông Toà vì tối thượng quyền của Đức Giáo Hoàng Rôma. Tuy nhiên, nên có hết sức trình bày trước cho Giám Mục giáo phận việc khiếu nại hay tố cáo ấy. Điều đó phải luôn luôn được thực hiện trong tinh thần chân lý và bác ái” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). (Zenit.org 20-8-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/deliberate-deviations-from-the-norms/
 
VietCatholic TV
Nỗi buồn của TGP Portland: Phụ nữ phò đồng tính phá tan một thánh lễ, mắng chửi TGM và linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:30 20/08/2019
Ngày 14 tháng Tám vừa qua, một ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tờ The Oregonian, một nhật báo tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ đã đưa lên các mạng xã hội một video clip. Cùng với video này là một bài tường thuật chỉ trích Đức Tổng Giám Mục Alexander King Sample của tổng giáo phận Portland, và đặc biệt là Cha George Kuforiji, là Cha Sở giáo xứ Thánh Phanxicô thành Assisi ở số 1131 SE Oak St. Portland, Oregon 97214.

Video này không thu được tác dụng như tờ Oregonian mong muốn. Trái lại nó gây ra một làn sóng bất bình trong dư luận người Công Giáo Hoa Kỳ đối với các phụ nữ “phò đồng tính” đã làm gián đoạn thánh lễ Chúa Nhật 30 tháng Sáu vừa qua.

Năm 2017, Đức Ông Charles Lienert, đã nghỉ hưu, nhưng được Tòa Giám Mục yêu cầu về coi sóc tạm thời giáo xứ vì những biểu hiện bất thường xảy ra tại đây. Giáo xứ thường xuyên tham dự các cuộc diễn hành đồng tính bất chấp những khuyến cáo của Đức Tổng Giám Mục, dây stola, và áo lễ của các linh mục đầy rẫy những “rainbow” là dấu hiệu của những người đồng tính. Trong thánh lễ, sau khi đọc kinh Tin Kính, các phụ nữ trong giáo xứ còn đọc một “kinh rất lạ” mà họ gọi là “community commitment” – cam kết cộng đồng. Đó là kết quả của một thời gian dài từ năm 1993 đến 2017, tổng giáo phận khoán trắng chức vụ “pastoral administrator” cho một người phụ nữ giáo dân.

Tháng 7 năm ngoái, 2018, tổng giáo phận bổ nhiệm Cha George Kuforiji, là người Nigeria di dân sang Hoa Kỳ vừa được thụ phong linh mục vào năm 2015, về làm Cha Sở chính thức tại đây.

Sau khi đến giáo xứ, Cha George Kuforiji đã cương quyết yêu cầu chỉ sử dụng các bản văn Phụng Vụ được Giáo hội phê chuẩn trong Thánh lễ. Trước đó, các bản văn Phụng Vụ đề cập đến Thiên Chúa qua các đại danh từ “He”, “Lord”, “King”, đã bị các phụ nữ này sửa đổi thành các thuật ngữ trung lập về giới tính. Ngài cũng cấm việc đọc “kinh rất lạ” sau kinh Tin Kính.

Bùng nổ đã xảy ra sau khi Cha George Kuforiji soạn ra các dây stola, và các áo lễ có những “rainbow” để chuẩn bị quăng vào sọt rác.

Trong Thánh Lễ ngày 30 tháng Sáu (Chúa Nhật thứ 13 Mùa Thường Niên), sau kinh Tin Kính, các phụ nữ này bắt đầu đọc “kinh rất lạ”. Đến khi Cha George Kuforiji bắt đầu truyền phép, họ giơ cao các biểu ngữ. Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy người đàn bà này hét lên: “Chúng ta đang đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, tiếng gọi của tình yêu, Chúa Giêsu của sự bao gồm”. Ý muốn nói bao gồm người đồng tính.

Họ la hét làm gián đoạn Thánh Lễ. Cha George Kuforiji rất bình tĩnh. Ngài nói chuyện nhẹ nhàng với họ để Thánh Lễ có thể được tiếp tục. Nhưng một người phụ nữ chống nạnh hét vào mặt ngài: “Ông mà cũng có thể trở thành linh mục được à?”. Cha George Kuforiji nhẹ nhàng hỏi lại: “Chị không có lòng kính sợ Chúa sao?”

Một người phụ nữ còn chạy lên cung thánh, tố cáo cả Đức Tổng Giám Mục và Cha George đã “lạm dụng” giáo dân khi thay đổi Phụng Vụ mà không hỏi ý kiến họ.

Câu chuyện đến đây chưa hết đâu vì tờ The Oregonian cho biết các phụ nữ này còn tiếp tục “quậy cho đến cùng”.

Sau khi video này được phát tán rộng rãi, trong tuần qua tổng giáo phận Portland, Oregon đã ra một thông cáo bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Cha George và nỗi buồn của tổng giáo phận trước hành động bất kính đối với Phụng Vụ thánh.

Trong số các phản ứng trên các phương tiện truyền thông Công Giáo và các mạng xã hội trước vụ này, rất nhiều phản ứng rất gay gắt. Nhiều người cho rằng nếu Cha George là một người da trắng, các phụ nữ luôn mồm nói mình là những người yêu thương này, có lẽ đã không dám mắng vào mặt ngài như vậy.

Trong số các phản ứng ôn tồn, điềm đạm hơn, có bài “Thank God for courageous priests like Fr George Kuforiji” đăng trên tờ Catholic Herald ngày 16 tháng Tám, của Giáo sư Chad C. Pecknold, giảng dạy Thần học Hệ thống tại Catholic University of America ở Washington DC.

Nguyên bản tiếng Anh có thể đọc tại đây. Đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Thank God for courageous priests like Fr George Kuforiji

Tạ ơn Chúa vì những linh mục can đảm như Cha George Kuforiji


Chad C. Pecknold, Ph.D.

Khi xuất hiện các giáo xứ cực đoan như giáo xứ Thánh Phanxicô ở Portland, các giám mục và linh mục phải hành động dứt khoát

Mục sư Tin Lành Luther và cũng là một nhà hài hước Hans Fiene gần đây đã nhận xét rằng “những người Tin Lành khó chịu nhất trên thế giới là những người Công Giáo cấp tiến thời bùng nổ dân số sau thế chiến thứ hai.”

[Những người Công Giáo cấp tiến thời bùng nổ dân số sau thế chiến thứ hai: liberal boomer Catholics. Sau thế chiến thứ hai, tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác, đã xảy ra bùng nổ dân số sau khi những người lính được trở về với gia đình, được trợ cấp và nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển chưa từng thấy. Michael Levy (4Political.com) trong bài “Why were the Baby Boomers so liberal?” giải thích rằng những hãi hùng của chiến tranh do những bọn cầm quyền hiếu chiến như Hitler, Mussolini.. gây nên đã khiến các nhà giáo dục chú trọng đào tạo một thế hệ trẻ dám phản kháng, bất tuân dân sự khi cần thiết, chủ nghĩa cá nhân được đề cao như một đối trọng với chủ nghĩa tập thể đẩy con người vào chỗ chết cho những ý tưởng điên rồ. Tâm thức phản kháng ấy cũng ảnh hưởng đến một lớp người Công Giáo sinh vào hậu bán thập niên 1940 và thập niên 1950, gọi là liberal boomer Catholics. Mục sư Hans Fiene cho rằng những người Công Giáo này hành xử cấp tiến như người Tin Lành cực đoan - Chú thích của người dịch]

Nhận xét, vừa hài hước vừa chân thực này, đã được đưa ra sau một đoạn video về cuộc biểu tình ngày 30 tháng Sáu trong một Thánh lễ được tổ chức tại nhà thờ Thánh Phanxicô ở Portland, Oregon. Thánh lễ thưa thớt với hầu hết những người tham dự là những người lớn tuổi cấp tiến, tức giận với tân linh mục người Nigeria của họ, Cha George Kuforiji, vì ngài đã liên tục đưa ra các cải cách Phụng Vụ nhằm khôi phục các thánh lễ cho phù hợp với đức tin Công Giáo.

Hầu hết những người biểu tình là những người phụ nữ. Họ đã quát vào mặt vị linh mục hiền lành, đến từ châu Phi, vì ngài đã bãi bỏ phần bổ sung của họ sau khi đọc kinh Tin Kính, và vì ngài đã gỡ bỏ các băng rôn đầy mầu sắc chính trị họ treo phía trước giáo xứ. Kết luận mà “những người Công Giáo cấp tiến thời bùng nổ dân số” đã rút ra là Cha George ắt phải là một kẻ chống lại tình yêu! “Chúng ta đang đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, tiếng gọi của tình yêu,” một người phụ nữ đã hô vang. “Chúa Giêsu của sự bao gồm. Chúa Giêsu của sự phản kháng chống chính quyền vì khi chúng ta chống lại luật pháp, chúng ta ở trong Thần Khí Chúa.” Một người phụ nữ khác hét lên “Amen!”

Một trong những người biểu tình đã hỏi Cha George: “Ông mà cũng có thể trở thành linh mục được à?” với ý muốn nói ngài không có tình yêu đối với người đồng tính và không thẩm quyền thay đổi thói quen thờ phượng của họ. Bà ta khẳng định thẩm quyền của mình: “Tôi đã ở đây hơn 15 năm. Ông chỉ mới ở đây có một năm thôi.”

Không có một chút hàm ý nào nại đến thẩm quyền của giáo sĩ, Cha George chỉ đơn giản hỏi ngược lại “Chị không có lòng kính sợ Chúa sao?” Người phụ nữ quay lưng bỏ đi trước câu hỏi này, và đó thật là một điều đáng tiếc vì đó mới là điều quan trọng duy nhất.

Một trong những người biểu tình khăng khăng cho rằng Cha George và Đức Tổng Giám Mục Sample đã “lạm dụng” họ thông qua những cải cách này mà không hỏi ý kiến của họ xem họ có mong muốn như thế không. Tuy nhiên, điều đã rõ ràng là “sự tham gia của giáo dân” vào Thánh lễ tự nó đã trở thành “việc điều khiển” Thánh lễ theo ý họ, đến mức có thể nói rằng nhiều giáo dân là những người đang lạm dụng, thao túng Phụng Vụ cho phù hợp với các nghị trình phụng tự cấp tiến của họ. Thay vào đó, cha George đã nhắm đến việc khôi phục Phụng Vụ của giáo xứ cho phù hợp với các chuẩn mực do Giáo hội thiết lập.

Cuộc biểu tình kết thúc với việc các giáo dân hát bài hát tiêu biểu cho kỷ nguyên dân quyền, “We Shall Overcome”, nối thành một vòng tay chống lại vị linh mục da đen của họ. Những người biểu tình quả đã mù quáng đến độ nực cười.

Rất may, Cha George nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Đức Tổng Giám Mục Sample. Sau khi video biểu tình này lan truyền rộng rãi, Tòa Giám Mục đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ vị linh mục Phi châu, nói rằng “tổng giáo phận rất hạnh phúc khi được làm việc với Cha George Kuforiji, Cha sở của Giáo xứ Thánh Phanxicô, để phục hoạt giáo xứ hầu có thể phục vụ tốt hơn dân số ngày càng tăng trong khu vực cũng như cho các thế hệ Công Giáo tương lai ở Portland.”

Mối quan tâm đối với “các thế hệ tương lai”, là một lời quở trách nhẹ nhàng đối với một thế hệ Woodstock dường như không thể hình dung được bất kỳ tương lai nào không phù hợp với tầm nhìn ương ngạnh và hoài cổ của họ. Khi giáo dân có lòng tôn kính đối với một cuộc diễu hành đồng tính hơn là cuộc rước kiệu tuyệt vời trong đó chính Chúa ngự đến trong Thánh lễ, thì cần phải có các biện pháp khẩn cấp.

Một số người cho rằng Cha George đã tiến quá nhanh. Con người là sinh vật của thói quen, và vì thế ngài nên tiến chậm hơn để hoán cải trái tim và tâm trí của họ cho phù hợp với Giáo hội. Có một sự thật nhất định trong sự thận trọng này. Tôi không phản đối chủ nghĩa “tiệm tiến” trong việc hình thành một giáo xứ sốt sắng hơn. Đôi khi phải mất một hoặc hai năm để chuẩn bị một giáo xứ cho việc làm một hàng rào cung thánh [trước vẫn dùng để giáo dân quỳ rước lễ - chú thích của người dịch], hoặc cho việc biết im lặng trong nhà thờ. Nhưng những Giáo phụ tiên khởi của Giáo Hội không bao giờ chọn một cách tiếp cận “tiệm tiến” khi đối mặt với dị giáo thể hiện nơi sự bất kính trong Phụng Vụ, và khi xuất hiện các giáo xứ cực đoan như giáo xứ Thánh Phanxicô ở Portland, các giám mục và linh mục phải hành động dứt khoát để bảo vệ các Thánh lễ chống lại sự lạm dụng các tập quán địa phương. Như Chesterton nói, một số thói quen phải được nghiền nát dưới chân.

Cảm ơn Chúa vì chứng tá can đảm và trung thành của Đức Tổng Giám Mục Sample và Cha George. Câu hỏi Cha George hỏi đàn chiên của chính mình phải trở thành một câu hỏi cấp bách hơn bao giờ hết đối với mỗi chúng ta: “Bạn không có lòng kính sợ Chúa sao?”

Nếu thánh ý Chúa cho các linh mục châu Phi có thể thường xuyên hỏi chúng ta câu hỏi này, thì tôi nói rằng Giáo hội Phi châu có thể sớm qua mặt Giáo Hội tại Mỹ châu.


Source:Catholic Herald