Ngày 21-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cửa hẹp vào nước trời
Lm. Vinh Sơn SCJ
08:59 21/08/2016
Chúa Nhật XXI Thường Niên C: CỬA HẸP VÀO NƯỚC TRỜI

Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30

Trong nhiều bộ lạc Da đỏ Mỹ châu họ hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng, người ta tổ chức như sau : Khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ :”Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.

Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.

Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút lui. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện : cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên :”Bố đã trở lại”. Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.

Để trưởng thành em đã phải phấn đấu…

Tin mừng Luca 13,23-30, cụ thể lời của Chúa Giêsu vang vọng bên tai chúng ta: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp” (Lc 13,24) chính “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14), lời Chúa Giêsu khẳng định.

Chiến đấu đi qua cửa hẹp, đời là cố gắng, cố gắng như một cuộc chiến đấu không ngừng để vể quê Trời, Cho nên Tin mừng nói đến hình ảnh: “Chỉ những ai mạnh sức mới chiếm được Nước Trời” (Mt 11,12; Lc 16,16).

Thiên Chúa không tính toán từng tấc đất trên nước trời nên làm cửa hẹp như chúng ta thường tính toán ở thế gian vì “một tấc đất là một tấc vàng” nên phải tận dụng tối đa. Thiên Chúa giàu lòng thương xót và tình yêu, hơn nữa Ngài muốn cứu độ hết mọi dân tộc, ngôn sứ Isaia đã tuyên bố về Vương quốc tập hợp hết mọi dân tộc (x. Is 66,18-21), Chúa Giêsu cũng xác nhận: “người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa” và chính Ngài đã tuyên bố Nước Trời cho tất cả: “Cha các ngươi Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này” (Mt 18,14). Thánh Phaolô đã chia sẻ về ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu rỗi” (1Tm 2,4). Ngài vẫn mở rộng cửa cho hết mọi người, và cửa có hẹp là do chúng ta quá kồng kềnh, nặng nề vì những vun vén cá nhân, phình to vì tự hào, vì tham vọng… vì lòng tôi hạn hẹp…

Chúa Giêsu kêu gọi tôi và bạn chiến đấu đi qua cửa hẹp. Chiến đấu với chính mình, làm cho bớt cái tôi cồng kềnh của mình để lọt qua được cửa hẹp. Vì nếu quá cồng kềnh không qua được cửa, chúng ta sẽ không vào được, cho nên có nhiều người phải bước sang một bên nhường bước và nhìn người khác đi qua cửa hẹp...

Nếu như cuộc sống nơi trần thế có những cảnh bảo lãnh để đi vào một lối khác dù không thể qua cửa hẹp... Nước trời sẽ không có cảnh bảo lãnh do quen biết hay đi đường hậu, đường vòng... Chỉ có đi qua cửa hẹp: Phải cố gắng, phải chiến đấu...

Những người mong muốn vào nước Chúa mà không chiến đấu được tượng trưng bằng những người đứng trước cửa kì kèo với gia chủ trong Tin Mừng: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi” (Lc 13,26). Nhưng Đức Kitô dứt khoát "Ta không biết các ngươi từ đâu tới'' (Lc 13,25.27). Thật thế, Nước Trời chỉ có một cửa duy nhất, sẽ không có cửa hậu hay cửa ngoài luồng. Một khi đã không vào được cửa hẹp thì sẽ mãi mãi đứng ngoài cổng cửa vương quốc Nước Trời.

Kiên cường chiến đấu để qua được cửa hẹp là sứ điệp của Chúa Giêsu mời gọi tôi và bạn, Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm tranh đấu của Ngài: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện” (2Tm 4,6-8). Kiên cường đến hơi thở cuối cùng, dù trong cuộc chiến đấu để qua được cửa hẹp để lại những thương tích nơi tâm hồn và thân xác, chiến đấu như tác giả thư Do thái khuyên nhủ: “Anh em hãy chịu đựng những gian nan thử thách như người môn đệ của Thiên Chúa, Đấng đối xử với anh em như con cái… Vậy anh em hãy kiên cường lên bàn tay rụng rời của mình và đầu gối bại nhược của anh em” (Dt 12,7.12).

Vâng, hãy chiến đấu, chiến đấu trong chính con người mình và thức tỉnh như “lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 129,6) với cả ngoại cảnh bên ngoài đưa đến, để giữ mình “khỏi mọi thứ tham lam”, cái tham lam đó làm tôi phình to cồng kềnh không thể qua cửa hẹp:

• Với chính mình: làm nhỏ cái tôi cồng kềnh bằng tâm hồn rộng mở chia sẻ, nếu tâm hồn càng hạn hẹp với anh em, cái tôi càng lớn khiến tôi không lọt qua cửa. Vâng, hãy chiến đấu với những tư tưởng tiêu cực, chia rẽ, những ham muốn bất chính nuôi dưỡng cái tôi như chất béo cho cơ thể.

• Với ngoại cảnh: đời là một cuộc lữ hành, tất cả những gì gặp trên cuộc lữ hành khiến con người có thể lưu luyến nặng nề tâm hồn, lòng tham chỗi dậy, cái gì cũng muốn khiến tôi tham lam ôm lấy tất cả: vật chất, tiền tài danh vọng... làm hành lý tâm hồn tôi thêm nặng nề. Tôi đến cổng nhưng không thể bước qua vì tôi “quá khổ” so với cửa, nên cửa trở nên hẹp so với tôi. Vâng, tất cả những ngoại cảnh trong cuộc sống, tôi cần chiến đấu để tự do với nó, không để nó ràng buộc, càng không để tâm tư nặng nề với chính nó, để cho tôi được nhẹ nhàng cất bước về nhà cha, để tôi nhỏ lại so với cửa Hằng sống.

Nếu tôi và bạn mặc lấy tinh thần chiến đấu theo lời kêu gọi của Đức Kitô, dù cửa có hẹp vẫn cứ rộng cho chính mình như thánh Gioan Kim khẩu suy tư về cổng hẹp, dù hẹp nhưng cửa vẫn rộng rãi với chúng ta, vì tôi và bạn đã thanh thoát được mọi sự cồng kềnh của tâm hồn, cho nên thánh nhân khẳng định: "Cánh cửa hẹp này sẽ cho lối vào cuộc sống vĩnh cửu, mặc dù hẹp, chúng ta tìm thấy sự rộng rãi của nó khi chúng ta đi qua".

Thật thế, hãy bước qua cửa hẹp vì

“Cửa hẹp đường thiêng mở lạ lùng…”

(Vân Uyên, Tấm Mồ Không)

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 20/08/2016
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney Mừng Kính Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
09:07 21/08/2016
Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney Mừng Kính Bổn Mạng 35 Năm

Chiều Chúa Nhật 21/08/2016 vào lúc 2 giờ chiều các Hội Đoàn Đoàn Thể, quý Quan Khách và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta mừng kính Lễ Bổn Mạng Kỷ Niệm 35 Năm Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta - Sydney.

Xem Hình

Sau 3 hồi chiêng trống truyền thống Việt Nam, ban Tây Nhạc Cecilia thổi bài Kính Mừng Nữ Vương. Đức Giám Mục Phêrô Huỳng Văn Hai Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang đặt bên đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ và bắt đầu kiệu Thánh tượng Mẹ La Vang rước vào nhà thờ. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng, mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Mừng nguyện cầu xin Mẹ chúc lành cho Gia Đình, cho Giáo Đoàn và cho Cộng Đồng.

Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ vào trong nhà thờ và an vị trên cung thánh. Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm Đặc trách Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục Phêrô Huỳnh Văn Hai Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long đã ưu ái đến thăm Giáo đoàn và Chủ tế Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn kỷ niệm 35 Năm và quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Dương Thanh Liêm Quản Nhiệm Giáo xứ Cabramatta, Cha Nguyễn Hữu Trung, Cha Văn Xưa cùng hiệp dâng Thánh lễ và Thầy Phó tế Trần Phú phụ giúp Lễ.

Đặc biệt trong Thánh lễ các em Thiếu Nhi Thánh Thể với nghi thức trang trọng cung nghinh Lời Chúa, rước từ cuối Thánh đường và tất cả mọi người cùng hướng về sách Phúc Âm để đón nhận Lời Chúa là Lời Hằng Sống.

Trong bài giảng Đức Giám Mục Huỳnh Văn Hai nói về những ơn lạ của Đức Mẹ hiện ra và cứu giúp rất nhiều người đặc biệt là Mẹ hiện ra ở La Vang vào thời vua Cảnh Thịnh bách hại Đạo (1789). Đức Mẹ đã cứu nhiều người bị bệnh tật đau yếu không phân biệt lương hay giáo..chúng ta hãy đến với Mẹ phó thác cậy trông vào Mẹ và sẽ được Mẹ che chở….

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Quản Nhiệm Giáo xứ Thánh Tâm Cabramatta ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và Cha nói hôm nay Giáo đoàn mừng kỷ niệm 35 năm thì lúc đó Cha mới có 5 tuổi, Cha chúc cho Giáo đoàn luôn thăng tiến trong Cộng Đồng và Giáo Hội. Kế tiếp anh Trần Hồng Phước Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng cũng ngỏ lời chúc mừng Lễ Quan Thầy của Giáo Đoàn, Ca Đoàn và Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngoài ra Giáo đoàn Cabramatta cũng đã đóng góp giúp ích cho Cộng Đồng trong nhiều thời gian qua. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang chúc lành cho Giáo Đoàn.

Sau cùng ông Đào Duy Thái Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục, quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Sau cùng xin cám ơn quý ân đã đóng góp trợ giúp công và của để Giáo đoàn mừng kính Bổn Mạng hôm nay được mọi sự tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan trong hội trường mừng kính Bổn Mạng và tham dự văn nghệ do Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trình diễn. Cha Dương Thanh Liêm cũng đóng góp giúp vui phần văn nghệ rất đặc sắc và hào hứng.

Diệp Hải Dung
 
Xứ Trảng Táo, giáo phận Xuân Lộc đón cha chánh xứ
Khổng Hữu Nguồn
09:29 21/08/2016
GIÁO XỨ TRẢNG TÁO ĐÓN CHA CHÁNH XỨ TIÊN KHỞI

Sáng Chúa Nhật 21/08/2016 Cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Trảng Táo, hạt Xuân Lộc, Giáo phận Xuân Lộc hân hoan đón chào cha chánh xứ tiên khởi Giuse Phạm Thanh Quang.

Cha Tổng Đại Diện Gioan Đỗ Văn Ngân thay mặt Đức Cha giáo phận chủ sự nghi thức nhận xứ của cha Giuse Tân chánh xứ.

Xem Hình

Cùng dâng lễ với Cha Tổng Đại Diện, có Quý Cha Quản hạt, Quý Cha Cố, Quý Cha Giáo, Quý Cha trong giáo hạt Xuân Lộc.

Tham dự lễ, có Quý Dì, Quý Chủng sinh, Quý Chức Ban hành giáo, có Bà Cố và thân nhân gia đình cha Giuse Tân chánh xứ, Quý khách gần xa, và Cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Trảng Táo.

Mở đầu nghi thức nhận xứ, Cha Gioan Tổng Đại Diện, thay mặt Đức Cha giáo phận công bố văn thư của Đức Cha giáo phận nâng giáo họ biệt lập Trảng Táo lên thành giáo xứ, và tiếp đến là Cha Đaminh Ngô Công Sứ, Quản Hạt Xuân Lộc đọc thư bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Thanh Quang về làm Chánh xứ Giáo xứ Trảng Táo.

Trong nghi thức nhận xứ, Cha Tổng Đại Diện giới thiệu đôi nét về giáo xứ Trảng Táo cũng như giới thiệu Cha xứ mới Giuse, đồng thời ngài mời gọi mọi người trong giáo xứ hãy cộng tác với Cha xứ nhằm vinh danh Chúa, mở mang Nước Chúa nơi mảnh đất truyền giáo rộng lớn bao la này.

Tiếp đến là lời tri ân và chào mừng của vị đại diện cộng dân Chúa giáo xứ Trảng Táo kính dâng lên Qúy Đức Cha, Cha Tổng Đại Diện, Qúy Cha Quản Hạt, Qúy Cha Cố, Qúy Cha, Qúy Tu sĩ nam nữ, Qúy Khách và Cộng đoàn hiện diện.

Sau nghi thức nhận xứ, Cha Giuse Phạm Thanh Quang, Tân Chánh xứ tiên khởi bày tỏ lời tri ân đến Qúy Đức Cha, Cha Tổng Đại Diện, Qúy Cha Quản Hạt, Qúy Cha Cố, Qúy Cha, Qúy Tu sĩ và mọi người. Trong dịp này, ngài chia sẻ với cộng đoàn giáo xứ Trảng Táo và ngài ví giáo xứ như một đoàn tầu xe lửa, mà toa đầu là cha xứ, quý chức, quý đoàn hội, các giới, và 5 toa tiếp theo là 5 giáo họ trong một giáo xứ, tất cả đều liên đới hiệp nhất yêu thương dạt dào tình Chúa, chan chứa tình người.

Phần phụng vụ Thánh Thể diễn ra thật sốt mến trang nghiêm.

Sau lễ Qúy Cha chụp hình lưu niệm tại gian cung thánh và kế đến là cùng với cộng đoàn, các ngài ghé vào hoa viên giáo xứ dùng tiệc liên hoan, hát cho nhau nghe, chia sẻ niềm vui với Cha xứ mới Giuse, với cộng đoàn giáo xứ Trảng Táo.

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ TRẢNG TÁO

Năm 1994, Cha Giuse Đinh Văn Huấn, Chánh xứ Tam Thái đã đến thăm 21 gia đình đang sống trên địa bàn Trảng Táo, và ngài quy tụ các gia đình này tạm thời sinh hoạt trong giáo họ Anton thuộc giáo xứ Tam Thái.

Ngày 16/4/1995, Cha Giuse đã dâng thánh lễ phục sinh đầu tiên trong Trảng Táo với khung cảnh đơn sơ, nghèo khó.

Sau đó giáo họ Trảng Táo được thành lập, đồng thời Cha Giuse cùng với cộng đoàn Trảng Táo chọn thánh Martino làm Quan Thầy giáo họ.

Một năm sau, Cha Giuse hướng dẫn mọi người trong giáo họ dựng ngôi nhà nguyện nhỏ đơn sơ tre lá để làm nơi thờ phượng và cầu nguyện.

Ngày 31/5/2004, giáo họ Trảng Táo được Cha Phaolo Phạm Văn Viện, Chánh xứ Tam Thái quản nhiệm. Một năm sau, Cha Phaolo hướng dẫn mọi người trong giáo họ dựng một ngôi nhà nguyện tiền chế với diện tích 12m x 24m.

Năm 2009, Cha Phaolo cùng với bà con giáo dân xây dựng lại ngôi nhà nguyện với diện tích lớn hơn là 16m x 40m và đã hoàn thành được 80%.

Năm 2010, giáo họ Trảng Táo được nâng lên thành giáo họ biệt lập và Cha Gioan Baotixita Bùi Thanh Bình, Chánh xứ Trung Ngãi quản nhiệm, trong thời gian này Cha Gioan Baotixita cùng với mọi người đã tích cực hoàn thiện ngôi nhà nguyện như hiện nay.

Năm 2013, giáo họ Trảng Táo được Cha Đaminh Hà Thế Tâm, Chánh xứ Hiệp Lực quản nhiệm. Và ngày 09/8/2016 vừa qua, giáo họ Trảng Táo được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận quyết định nâng lên thành giáo xứ, và bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Thanh Quang về làm Chánh xứ tiên khởi.

Tính đến nay giáo xứ Trảng Táo đã hơn 20 năm hình thành và phát triển. Nhờ sự giúp đỡ của Qúy Cha quản nhiệm và Qúy Cha, hiện nay giáo xứ Trảng Táo từng bước đi vào ổn định và nề nếp, đời sống đức tin đang lớn mạnh.

Địa bàn giáo xứ rộng hơn 200 cây số vuông, giáo xứ có 105 gia đình Công Giáo, chiếm tỷ lệ 12,97 % so với đại gia đình anh chị em các tôn giáo bạn và không tôn giáo trên cùng địa bàn.

Giuse Khổng Hữu Nguồn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (33, hết)
Vũ Văn An
19:09 21/08/2016
IX. Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót(tiếp theo và hết)

3. Đức Maria như nguyên mẫu của lòng thương xót

Nền thần học của Thánh Ambrôsiô đã phát biểu những điều đã trở thành hiển hiện trong nhiều kinh nguyện và mô tả bằng hình ảnh trên đây. Trong cuốn chú giải của ngài về Tin Mừng Luca, ngài mô tả Đức Maria như nguyên mẫu (loại hình) của Giáo Hội (23). Công Đồng Vatican II đã minh nhiên tiếp nhận lời quả quyết này (24). Với tư cách người thứ nhất trong số những người được cứu chuộc, Đức Maria là loại hình, nghĩa là nguyên mẫu của mọi người được cứu chuộc. Trong trật tự ơn thánh, Đức Maria là mẹ chúng ta (25). Công Đồng Vatican II diễn tả xác tín này, một xác tín được man vàn Kitô hữu tin nhận, như sau: “với lòng bác ái mẫu thân, ngài chăm sóc anh chị em của Con mình, những người vẫn đang lữ hành trên trần gian vây quanh bởi nhiều nguy hiểm và khó khăn, cho tới lúc được dẫn vào quê hương diễm phúc của họ” (26).

Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã học hỏi để hiểu Đức Maria không những như một chứng tá và nguyên mẫu, mà còn như môt tạo vật đặc biệt của lòng Chúa thương xót. Đức Maria được cứu chuộc như mọi người được cứu chuộc khác, nhưng khác với họ, ngài không mắc bất cứ tì vết nào của tội lỗi ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của ngài (27). Vì lý do này, Giáo Hội Đông Phương mọi Đức Maria là Đấng Hoàn Toàn Thánh Thiện (Παναγία). Trong ngài và trong trọn cuộc sống ngài, lòng Chúa thương xót, vốn chống lại tội lỗi, trấn áp nó, và dành chỗ cho sự sống, đã vẻ vang chiến thắng. Như thế, ngài là dấu hiệu chỉ rằng quyền lực tội lỗi, từ căn bản, không thể làm hỏng kế hoạch cứu rỗi nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng thời, ngài là con tầu an toàn trong hồng thủy, số sót (remnant) thánh thiêng của nhân loại và cũng là bình minh của sáng thế mới. Vẻ đẹp nguyên thủy và vẻ đẹp tối hậu, hoàn hảo của tạo vật sáng ngời trong vẻ đẹp của ngài, một vẻ đẹp được ca ngợi trong văn chương và nghệ thuật tôn giáo mọi thế kỷ. Ngài là tạo vật hoàn hảo. “Nơi Đức Maria, có thể nói ta nhìn thấy kế hoạch nguyên thủy và, đồng thời, cả mục tiêu của Đấng Tạo Dựng nữa: đó là con người được cứu rỗi (28).

Những lời phát biểu như thế xem ra kỳ cục đối với lối suy nghĩ duy tục hóa, một lối suy nghĩ chỉ hiểu thực tại một cách còi cọc, nghèo nàn, vì đối với nó, nghịch lý thay, chẳng có gì thánh thiêng bằng thực tại phàm tục. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào nền văn chương trong đó Đức Maria là chủ đề thường hằng cho tới tận ngày nay đủ giúp ta khỏi bị lạm dụng bởi thứ ấn tượng này. Người ta có thể nghĩ tới Gretchen trong Faust của Goethe: “Ôi hãy cúi xuống, đấng đầy sầu bi, xin cúi mặt nhân từ xuống nỗi khốn khổ của con!” Chủ đề này lại tái xuất hiện thời Lãng Mạn, trong các công trình của Brentano và Eichendorff. Hӧlderlin và Rilke cũng đã sử dụng các tư liệu truyền thống này, dù không hẳn theo nghĩa Giáo Hội hay thiêng liêng, nhưng, dù sao, họ vẫn cho thấy Đức Maria tiếp tục gây hiệu quả ra sao như một hình ảnh lý tưởng, gương mẫu hiển dung của nhân loại. Các yếu tố truyền thống không những được tiếp nối nơi Hymnen an die Kirche của Gertrud von Le Fort, mà còn được làm cho hiện diện trong ngôn ngữ thi ca mạnh mẽ nữa (29).

Việc nói tới Đức Maria như tấm gương cụ thể và như thể hiện đặc biệt của lòng Chúa thương xót vẫn chưa kết thúc tính sinh ích của nó, ngay trong thế giới hiện đại. Việc nói tới này còn cho chúng ta ngày nay thấy rằng sứ điệp Kitô Giáo về lòng thương xót đã mặc lấy hình thức trần thế và nhân bản cụ thể, để chúng ta nắm được sức mạnh biến đổi của lòng Chúa thương xót không chỉ bằng đầu óc mà còn bằng trái tim nữa.

Trong mọi tạo vật, Đức Maria hiện thân cho tin mừng về lòng Chúa thương xót một cách tinh ròng và đẹp đẽ nhất. Ngài là tạo vật tinh ròng nhất mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa và là tấm gương phản chiếu chính tâm điểm và bản tóm lược của Tin Mừng. Ngài rạng rỡ chiếu sáng tính tương đắc hoàn toàn của lòng Chúa thương xót và biểu lộ sự sáng láng và vẻ đẹp biến đổi mọi sự vốn được ban cho thế giới từ lòng thương xót nhân từ của Thiên Chúa. Chính lúc phải đối diện với những điều kiện sống thường rất khắc nghiệt của thời nay và lối hiểu thường nhàm chán và vô vị về cuộc sống, Đức Maria quả là một nguyên mẫu và mẫu mực sáng ngời của nền văn hóa thương xót mới. Ngài là như thế đối với cuộc sống của mọi Kitô hữu, đối với Giáo Hội và việc canh tân của Giáo Hội dựa trên ý niệm thương xót, và, cuối cùng, đối với việc xây dựng nền văn hóa thương xót trong xã hội chúng ta. Do đó, ta có thể mô tả Đức Maria một cách rất chính xác như là nguyên mẫu và mẫu gương của nền văn hóa và linh đạo thương xót Kitô Giáo đổi mới.

Giáo Hội Công Giáo còn đi thêm một bước xa hơn nữa. Đức Maria không những là nguyên mẫu và mẫu gương, ngài còn là đấng bào chữa đầy thương xót của Giáo Hội và của các Kitô hữu nữa. Do đó, kể từ thế kỷ 15, lời xin sau đây đã được thêm vào Kinh Kính Mừng, vốn là lời kinh Thánh Mẫu nổi tiếng nhất và phổ biến nhất, bắt nguồn từ chính lời chào kính của thiên thần và của Thánh Nữ Êlisabét (Lc 1:28, 42): “Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử” (30). Cầu nguyện cách này cũng không xa lạ gì đối với Martin Luther lúc còn trẻ. Trong lời giải thích của ông về Kinh Ngợi Khen (Magnificat), ông thấy trong đó có niềm hy vọng vào hành động của Thiên Chúa qua sư trung gian của một tạo vật (31). Do đó, ông kết luận lời giải thích của mình như sau: “Ước chi Chúa Kitô ban cho chúng ta điều này nhờ lời chuyển cầu và vì Mẹ Maria thân yêu của Người” (32).

Các Kitô hữu Tin Lành ngày nay thường lo lắng điều này: khi chúng ta quá trông cậy vào lời chuyển cầu, tính duy nhất của vai trò làm đấng trung gian của Chúa Kitô sẽ gặp nguy hiểm. Đây là một hiểu lầm hiển nhiên. Dĩ nhiên, chúng ta không đặt Đức Maria ngang hàng với Chúa Kitô hay đặt ngài cạnh tranh với Người. Thực vậy, Đức Maria sống thực lòng Chúa thương xót một cách hoàn toàn và bất phân chia. Ngài hướng về lòng Chúa thương xót được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho nó. Vậy thì Giáo Hội nên dành cho Đức Maria một vai trò độc lập song song với Chúa Kitô hay một vai trò bổ túc cho vai trò của Chúa Kitô? Đức Maria không lấy khỏi Chúa Kitô bất cứ điều gì mà cũng không thêm cho Người bất cứ điều gì, vì Người là đấng trung gian cứu rỗi duy nhất (33). Đúng hơn, trong lời chuyển cầu của ngài, Đức Maria chỉ hiện thực hóa, theo cách đặc biệt và độc đáo, việc làm đại biểu bênh vực cho người khác, một điều mà giả thiết bất cứ Kitô hữu nào cũng phải có như một đặc điểm để phân biệt họ với người khác. Nếu muốn phát biểu ý nghĩa của điều này bằng thuật ngữ Kinh Viện, thì ta có thể nói: Đức Maria sống và làm việc hoàn toàn nhờ sức mạnh từ đệ nhất nguyên nhân của sự cứu rỗi; nhờ sức mạnh và tùy thuộc vào đệ nhất nguyên nhân này, ngài tham dự vào đó như một đệ nhị nguyên nhân.

Cho nên, chúng ta không thờ phượng Đức Maria. Thờ phượng chỉ dành cho và độc hữu dành cho Thiên Chúa mà thôi. Nhưng chúng ta tôn kính Đức Maria trên mọi loài thụ tạo khác; tôn kính ngài như thụ tạo hoàn hảo nhất của Thiên Chúa và như một dụng cụ trong tay Thiên Chúa (34). Vì Thiên Chúa là vị Thiên Chúa của những con người nhân bản và Người muốn thể hiện việc cứu rỗi của Người cho họ qua các con người nhân bản. Điều này cũng là một dấu hiệu chỉ lòng nhân hậu và thương xót của Người, vốn là những điều ngời sáng trong Đức Maria, ngời sáng một cách điển hình và độc đáo.

Như thế, Đức Maria quả đã tóm lược nơi ngài các mầu nhiệm vĩ đại nhất của đức tin và rạng chiếu chúng ra bên ngoài (35). Nơi ngài, sáng lên hình ảnh con người mới, được cứu chuộc và hòa giải và thế giới mới, đã biến đổi, một hình ảnh làm say sưa chúng ta trong vẻ đẹp không tài nào mô phỏng được của nó và nên kéo chúng ta ra khỏi mọi bần cùng uể oải. Đức Maria nói với chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy: tin mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô là điều tốt đẹp nhất từng được ngỏ với chúng ta xưa nay và là điều tốt đẹp nhất chúng ta từng được nghe xưa nay. Đồng thời, nó là điều đẹp đẽ nhất vì nó có sức biến đổi chúng ta và thế giới chúng ta nhờ vinh quang Thiên Chúa, vốn được lòng thương xót nhân hậu của Người biểu lộ. Lòng thương xót này là hồng ân của Thiên Chúa và, đồng thời, là trách vụ của Kitô hữu chúng ta. Chúng ta giả thiết phải thi hành lòng thương xót. Chúng ta nên sống lòng thương xót bằng lời nói và việc làm và làm chứng cho nó. Nhờ cách này, thế giới thường đen tối và lạnh lẽo của chúng ta phần nào trở nên ấm áp hơn, nhẹ nhàng hơn, đáng yêu hơn và đáng sống hơn vì tia sáng thương xót. Thương xót là phản ảnh vinh quang Thiên Chúa trong thế giới này và là bản tóm lược sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, vốn được ban cho ta như một hồng phúc, một hồng phúc mà ta phải chuyển ban cho người khác.
__________________________________________________________________________________________________________
(23) Thánh Ambrôsiô, Chú Giải Tin Mừng Luca, II, 7.
(24) Lumen Gentium, 63.
(25) Đã dẫn, 61.
(26) Đã dẫn, 62, từng được Đức Gioan Phaolô II trích dẫn trong Dives in Misericordia (1980), 9.
(27) Denzinger, Enchiridion, 280. Xem Gerhard Lohfink và Ludwig Weimer, Maria-Nicht ohne Israel: Eine neue Sicht der lehre von der Unbefleckten Empfängnis (Freiburg i. Br.: Herder, 2008).
(28) Schӧnborn, We Have Found Mercy, 125.
(29) Ulrich Schacht, “Meerstern, wir dich grüẞen…’ Eine literarisch-theologische Exkursion in die duetsche Marien-Dichtung”, trong Seidel và Schacht, Maria, Evangelisch, 117-36.
(30) A. Heinz, “Ave Maria”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác chủ biên (Freiburg: Herder, 1993-2001), 1:1306tt.
(31) Luther, “The Magnificat”, 329.
(32) Đã dẫn, 355.
(33) Lumen Gentium, 62.
(34) Đã dẫn, 66.
(35) Đã dẫn, 65.


 
Thông Báo
Ban Giám Đốc VietCatholic xin thành kính phân ưu cùng Cha Nguyễn Phước
VietCatholic Network
21:14 21/08/2016
CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Bà Cố Maria NGUYỄN THỊ THUẦN

Sinh năm 1918

Là thân mẫu cha John Nguyễn Phước, bút hiệu Phan Du Sinh,

ký giả VietCatholic,

đã về nhà Cha lúc 21g20 ngày Chúa Nhật 21-08-2016

tại tư gia số 51 Anna phường 5, Tp. Đà Lạt

Giáo xứ Du Sinh, Giáo phận Đà Lạt.

NGHI THỨC TẨN LIỆM

Tại tư gia vào lúc 15g00 ngày 22.08.2016

THÁNH LỄ AN TÁNG

được cử hành vào lúc 08g00 ngày thứ Tư 24-08-2016

tại thánh đường Giáo xứ Du Sinh, Giáo phận Đalạt

Sau đó hỏa táng tại đài hỏa táng nghĩa trang Du Sinh thành phố Đà Lạt.

Xin quý cha và anh chị em dâng lễ hiệp lời cầu nguyện cho linh hồn Maria.

Email của cha Phước: johnofm@gmail.com

Ban Giám Đốc VietCatholic xin thành kính phân ưu cùng Cha Nguyễn Phước và xin Chúa là Cha Toàn Năng thương đón nhận linh hồn Maria vào nước Ngài.


Lm. Gioan Trần Công Nghị

Giám Đốc VietCatholic Network
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vá Lưới
Nguyễn Ngọc Liên
19:06 21/08/2016
VÁ LƯỚI
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Ngày đẹp trời lướt sóng ra khơi
Khi biển động vá lưới
nghỉ ngơi an nhàn.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 16–22/08/2016: Kinh doanh vũ khí trên xương máu người Trung Đông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:33 21/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Gracias: Giáo Hội luôn luôn là một nhân tố của hòa bình và hòa giải tại Ấn Độ

“Chúng ta rất tự hào về đất nước của mình và sự đồng hành của Giáo Hội với quê hương. Vào ngày quốc khánh lần thứ 70, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Giáo Hội tiếp tục đóng một phần không thể thiếu trong việc xây dựng đất nước cũng như xây dựng một cộng đồng tự do và liên đới, bình đẳng và công lý. Giáo Hội Công Giáo đã và đang xây dựng đất nước Ấn Độ và đóng góp đáng kể cho sự tiến bộ của đất nước thân yêu của chúng ta.”

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai, hay còn gọi là Bombay, đã nói như trên hôm thứ Hai 15 tháng 8, Lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cũng là ngày Độc Lập cuả Ấn Độ.

Ngài nói thêm:

“Sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế và hàng loạt các lĩnh vực khác như chính trị và văn hóa ở Ấn Độ là độc đáo, trong tinh thần không phân biệt đối xử về đẳng cấp cũng như tín ngưỡng. Đáp ứng với nhu cầu của thời đại, Giáo Hội Công Giáo làm hết sức mình để thúc đẩy phẩm giá và đời sống con người.”

Thống kê cho thấy 85 phần trăm các hoạt động chăm sóc sức khỏe do Giáo Hội điều hành liên quan đến các vùng nông thôn nơi Hội Thánh quên mình phục vụ cho những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:

“Quan trọng hơn, trong năm thứ 70 của nền độc lập, Chân Phước Mẹ Teresa sẽ được phong thánh, và chính phủ hoan nghênh và dự phần bằng cách gửi một phái đoàn cao cấp tham dự lễ tuyên thánh tại Rôma”

2. Các giám mục Bangladesh lên án vụ sát hại giáo sĩ Hồi giáo và trợ lý tại New York

Ngày 13 tháng 8 vừa qua, một giáo sĩ Hồi giáo và trợ lý của ông, cả hai đều là người Bangladesh, đã bị bắn chết tại New York. Sau buổi cầu nguyện buổi chiều, hai người đã bị bắn vào đầu ở cự ly rất gần khi đi ngang qua Ozone Park, ở quận Queens.

Vị giáo sĩ Hồi Giáo tên là Maulana Alauddin Akonjee, 55 tuổi, và người phụ tá là Thara Uddin, 64 tuổi, ăn mặc theo kiểu Hồi Giáo khi bị bắn. Bên cạnh đó, Akonjee mang theo trong mình 1,000 Mỹ Kim. Số tiền này không bị lấy đi. Hai chi tiết này khiến báo chí tại Bangladesh đồn đoán là hai người đã bị giết vì niềm tin Hồi Giáo của họ.

Hôm 14 tháng 8, cảnh sát New York bắt giữ một nghi can trong vụ giết người này, tên là Oscar Morel, 35 tuổi, cư ngụ tại Brooklyn. Các báo cáo cho biết cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng lục và một số quần áo tương tự như trong video thu được tại hiện trường.

Động cơ của vụ giết người này chưa được xác minh.

Đức Cha Gervas Rozario, Giám Mục Rajshahi và là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Bangladesh, đã mạnh mẽ lên án vụ giết người này.

Trong tổng số 168,957,000 dân, người Công Giáo chỉ có 290,000 sinh hoạt trong một tổng giáo phận và 5 giáo phận.

3. Washington bán 1.5 tỷ Mỹ Kim vũ khí cho Saudi Arabia

Bất chấp những thành tích vi phạm nhân quyền tồi tệ của Ả Rập Saudi trong các chiến dịch quân sự ở Yemen, Hoa Kỳ vẫn quyết định bán một số lớn thiết bị quân sự cho quốc gia này, kể cả 130 xe tăng chiến đấu Abrams.

Năm ngoái, Mỹ đã bán được hơn 20 tỷ Mỹ Kim các thiết bị quân sự cho Ả Rập Xê Út.

Hợp đồng mới bao gồm 130 xe tăng, các loại vũ khí và các khí tài chiến tranh đa dạng. Riyadh thề sẽ chiến đấu chống quân khủng bố Hồi Giáo IS nhưng các vũ khí mua của Mỹ trong thực tế được dùng chủ yếu cho việc tiêu diệt các đối thủ Hồi Giáo Shiite trong khu vực. Chỉ có mười máy bay chiến đấu tham gia vào liên minh chống quân khủng bố Hồi Giáo IS. Hàng trăm máy bay còn lại được sử dụng trong cuộc chiến chống người Hồi Giáo Houthi tại Yemen.

Hàng trăm thường dân đã chết vì các hành động quân sự của Saudi Arabia tại Yemen từ tháng Ba năm ngoái. Ả Rập Saudi đã sử dụng máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất để thả bom chùm do Mỹ chế tạo. Đây là một thứ vũ khí khủng khiếp, rất không chính xác, gây thương vong bừa bãi đã bị cấm bởi 119 quốc gia.

Hoa Kỳ không phải là thế lực phương Tây duy nhất kiếm lời trong cuộc chiến gần như bất tận tại Syria và rộng hơn là vùng Trung Đông.

Pháp và Anh tiếp tục bán vũ khí cho Ả Rập Saudi và Qatar, làm tăng sự bất ổn trong khu vực.

Người ta tuyên chiến với quân khủng bố Hồi Giáo IS nhưng không hề ngăn chặn bọn này buôn bán dầu để tài trợ cho chiến tranh và mua vũ khí.

4. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không phá bỏ các nhà thờ bị tịch thu

Bộ Môi trường và Quy hoạch đô thị của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không phá bỏ các nhà thờ Armenia mà Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu hồi tháng Ba trong cuộc tấn công nhắm vào những người Kurd ly khai ở Diyarbakir.

Tuyên bố này đã được đưa ra để trả lời cho những lời truy vấn của ông Garo Paylan, một thành viên gốc người Armenia trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng chục ngôi nhà thờ thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền đã bị Thổ Nhĩ Kỳ tịch thu vì cho là có dính líu đến tổ chức PKK của người Kurd nhằm đòi tự trị.

5. Đức Hồng Y Mario Polli của Buenos Aires công kích nạn tham nhũng trong chính quyền cũ

Đức Hồng Y Mario Polli của Buenos Aires đã bày tỏ sự bất bình của ngài với tình trạng tham nhũng trong chính quyền của cựu nữ Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner

Đức Hồng Y Polli đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm để thay thế ngài trong việc coi sóc tổng giáo phận Buenos Aires.

Trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên, Đức Hồng Y nhận định là nữ tổng thống Kirchner đang mất đi sự hỗ trợ của công chúng sau câu chuyện một viên chức bị bắt giữ vì mang một số ngoại tệ lớn ra nước ngoài.

Hồi đầu tháng này, một nhân viên trong chính quyền của Kirchner đã bị bắt giữ vì mang theo một túi tiền trong đó có tới 9 triệu Mỹ Kim tiền mặt.

Một cuộc điều tra đang được tiến hành về tình trạng tham nhũng trong chế độ của tổng thống Kirchner.

6. Đức Tổng Giám Mục Chaput: cả hai ứng cử viên tổng thống đều 'có vấn đề'

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã cho biết những suy nghĩ cá nhân của ngài về cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, theo đó ngài vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu như thế nào.

“Cả hai ứng cử viên, nói thế nào cho đúng đây, cả hai đều ‘có vấn đề’, không người nào trổi vượt hơn so với người kia.” Đức Tổng Giám Mục viết, trong một cột báo của tổng giáo phận Philadelphia. Ngài nhấn mạnh rằng ngài chỉ đưa ra một suy nghĩ cá nhân trước cuộc đua, và cử tri Công Giáo có thể quyết định theo ý riêng của họ. Mục tiêu mà ngài muốn nhấn mạnh là cử tri có một nghĩa vụ đạo đức phải bảo vệ quyền được sống.

Đức Tổng Giám Mục Chaput lý luận rằng vì cả hai ứng cử viên của hai chính đảng đều có khiếm khuyết, các cử tri Công Giáo có thể bị cám dỗ để bỏ phiếu cho một ứng cử viên độc lập thứ ba, hay không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống này, hoặc bỏ một phiếu có tính quyết định cho một ứng cử viên mà họ làm không nhiệt tình ủng hộ. “Tôi vẫn chưa biết trong cuộc tranh cử này cuối cùng tôi sẽ bỏ phiếu cho ai”, ngài viết.

7. Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội nói về các đoạn trong kinh Qu'ran liên quan đến bạo lực

Một viên chức tại Vatican đã thách thức các học giả Hồi giáo đưa ra những giải thích mang tính hòa bình đối với nhiều đoạn trong kinh Qu'ran của Hồi Giáo.

Theo Đức Cha Giám Đốc Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội “nhiều đoạn trong kinh đưa ra một sự ủng hộ rõ ràng cho việc sử dụng bạo lực.”

Đức Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo nói: “Thật là ‘ngây thơ’ để bỏ qua những đoạn có vấn đề của kinh Qu'ran, và đó là một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo Hồi giáo làm sao có thể đưa ra một diễn giải hòa bình cho những đoạn văn này, đặc biệt dưới ánh sáng của những áp lực từ những kẻ cực đoan”

Đức Cha Sánchez Sorondo nói thêm là ngài “không dám mơ tưởng đến chuyện bảo ban người Hồi giáo giải thích đức tin của họ như thế nào”. Tuy nhiên, bất kỳ học giả Hồi giáo nào sẵn sàng chấp nhận những thách thức trong việc lên án bạo lực sẽ “tìm thấy một đồng minh mạnh mẽ và đầy tình huynh đệ trong Giáo Hội Công Giáo.”

8. Tờ Quan Sát Viên Rôma vinh danh một vị giám mục thầm lặng của Trung Quốc

Tờ Quan Sát Viên Rôma đã vinh danh Đức Cha Vinh Sơn Huang Shoucheng của giáo phận Mingdong tỉnh Phúc Kiến phía đông. Ngài vừa mới qua đời hôm 30 tháng 7 ở tuổi 93. Đức Cha là một Giám Mục thầm lặng, không được cộng sản Trung quốc công nhận.

Đám tang của ngài, hôm 2 tháng 8, tại nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Mân Côi của Mindong, thu hút ít nhất là 20,000 người, mặc dù nhà cầm quyền Trung quốc chỉ cho phép 3,000 tín hữu tham dự thánh lễ an táng.

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết:

“Trong hơn 60 năm linh mục, và giám mục của ngài, Đức Cha Huang đã phải chịu 35 năm giam cầm trong tù, trong các trại lao động cưỡng bức và bị quản thúc. Ngài đã đưa ra một chứng tá đức tin anh hùng, với một lòng trung thành vô điều kiện với người Kế Vị Thánh Phêrô và trong sự hiệp thông sâu sắc với Giáo Hội phổ quát”.

“Ngài được người đời nhớ đến như là một con người ‘khiêm tốn và thông minh, và là một mục tử vĩ đại’”.

Tờ báo ghi nhận rằng nhờ những cố gắng phi thường của ngài giữa những nghịch cảnh và bách hại, giáo phận Mindong đã có khoảng 90,000 người Công Giáo với hơn 60 linh mục, 200 nữ tu và 300 phụ nữ sống thánh hiến để tham gia vào việc truyền giáo.

9. Tân tổng giám mục ở biên giới Mỹ - Mễ Tây Cơ nói chúng ta cần phải phá bỏ các bức tường

Đức Tân Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Tijuana, Mễ Tây Cơ, đã đi thăm biên giới Mỹ-Mexico vào ngày 11 tháng 8 vừa qua. Ngài dựa vào hàng rào biên giới, và nói, “Chúng ta cần phải xây dựng những chiếc cầu và phá đổ các bức tường.”

Đức Tổng Giám mục Francisco Moreno Barron nói rằng ngài hy vọng ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump “sẽ luôn luôn có những người thân cận giúp ông có một phản tỉnh sâu sắc để ông có thể tái định hướng những xác tín của mình vì lợi ích của toàn bộ cộng đồng nhân loại vượt qua những lợi ích của một quốc gia duy nhất”. Tờ San Diego Union-Tribune cho biết như trên.

Cha Patrick Murphy, là người đang điều hành một trung tâm tạm trú trên biên giới cho biết Đức Tân Tổng Giám Mục đã từng “làm việc tại Michoacan, nơi giam giữ hàng loạt những người bị trục xuất, và cũng là nơi có rất nhiều người đến xin tị nạn chính trị. Ngài biết rõ thực tại bi đát của những người tầm trú”.
 
Thánh Ca
Hãy tha bảy mươi lần bảy - Trình bày: Đình Trinh
Br. Đạt Phùng
07:40 21/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây