Ngày 24-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 25/08: Tỉnh thức! Làm thế nào để tỉnh thức theo Tin Mừng? – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
04:19 24/08/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

"Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Đó là lời Chúa
 
Nẻo đường của những khát khao
Lm. Minh Anh
06:22 24/08/2022
NẺO ĐƯỜNG CỦA NHỮNG KHÁT KHAO

“Sao Ngài biết tôi?”.

Pascal nói, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không gặp con!”. Có lẽ đúng hơn, phải nói, “Chúa sẽ không tìm con, nếu con đã không gặp Ngài; không gặp Ngài nơi thâm sâu nhất của chính Ngài!”. Thiên Chúa luôn yêu thương những người đi bước trước; vậy mà, chuyển động của Ngài về phía con người luôn luôn đi trước việc nó tiến về phía Ngài. Ngài đã có mặt nơi tâm điểm khát khao của nó; Ngài biết rõ nó, ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Tư tưởng của Pascal được đọc thấy nơi vị thánh ‘biệt phái tông đồ’ Barthôlômêô, Nathanael, Giáo Hội kính nhớ hôm nay; đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và con người độc đáo này. Với Tin Mừng Gioan, thoạt tiên, Chúa Giêsu không hề xuất hiện như một nhà thuyết giáo; Ngài xuất hiện như một con người sống động, dễ gặp, để ai ai cũng có thể gặp Ngài trên những nẻo đường của họ, ‘nẻo đường của những khát khao!’. Điều đánh động trước tiên, trong những lần gặp đó, là tính đơn sơ đáng ngạc nhiên của chúng.

Tính đơn sơ đáng ngạc nhiên chính là cách thức tác giả kể lại những lần gặp gỡ sớm sủa của những con người đầu tiên đến với Đấng mà họ sẽ là môn đệ Ngài. Chẳng hạn, với hai môn đệ của Gioan, “Các anh tìm gì?”; “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; “Hãy đến mà xem!”. Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả hụt hẫng. Thế mà, cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; để rồi, “Chúng tôi đã gặp Ngài!”. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc gặp gỡ vô vị, tầm thường… thậm chí cũng không là cuộc gặp gỡ thân thiện thường ngày. Có một điều gì đó hoàn toàn khác; và họ đã gặp Ngài ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Chuyển động của cuộc gặp gỡ trở nên sâu sắc với Nathanael, người đã mỉm cười, một nụ cười ngờ vực khi nghe Philipphê bảo, mình đã gặp Đấng Messia nơi Giêsu Nazareth, “Từ Nazareth, làm sao có cái chi hay?”; Philipphê đơn sơ đáp, “Hãy đến và xem!”. Kìa, con người sống trong hoài mong Đấng Thiên Sai ấy, những ước ao thấy Ngày của Ngài, đã đến và đã xem. Cả hữu thể ông khát khao sự tỏ mình của Thiên Chúa, vốn mang lại cho thế gian cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn; nhưng làm sao có thể tưởng tượng Đấng các ngôn sứ loan báo vốn sẽ đến cách rạng rỡ lại xuất thân không mấy rõ ràng từ một thị trấn heo hút trong những vùng núi miền hạ Galilê? Nathanael nghĩ đến một ý tưởng “quý phái” hơn về Đấng Thiên Sai. Thế mà trước lời mời của bạn, ông bằng lòng đến gặp Ngài. Và ông lặng trân khi nghe lời chào của con người không quen biết này, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối!”. Ôi! Một lời bộc phát như sấm rền! Nathanael nghẹt thở, “Sao Ngài biết tôi?”. Qua câu hỏi này, toàn bộ hữu thể của ông ‘tan chảy’, bộc lộ… trong sáng như vàng ròng!

Anh Chị em,

“Sao Ngài biết tôi?”. Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ hay như một người ngoài; Ngài biết Nathanael một cách thấu đáo, cá vị. Chính cái biết và cái thấu hiểu của Chúa Giêsu đối với Nathanael đã khiến ông hoàn toàn ‘tê liệt’ và thay đổi; vì giờ đây, sự chờ mong của ông đã được đáp đền một cách ứa trào! Có lẽ không ai trong chúng ta dám hỏi Chúa, “Sao Ngài biết tôi?”. Bởi chúng ta xác tín Ngài là Thiên Chúa, tác giả của sự sống; những gì chúng ta có, những gì chúng ta là; chẳng những Ngài đã từng gặp chúng ta, gọi chúng ta, mà còn hơn thế nữa, “Trong Ngài chúng ta sống và hiện hữu”. Ngài không ngừng tìm kiếm, chờ đợi, hết sức tôn trọng và yêu thương. Phần chúng ta, hãy học biết và tìm gặp Ngài cách cá vị; đừng ngần ngại thổ lộ tâm can cùng Ngài, những kín ẩn trong nơi sâu thẳm của lòng mình! Đó chính là ‘nẻo đường của những khát khao’, nơi những con người biết nhau, và yêu nhau!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

"Lạy Chúa, Chúa biết con hơn con biết con; không khát khao Chúa, con sẽ khát khao tất cả ‘các thứ’ không phải Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hiền lành, đức tính của bậc anh hùng
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:12 24/08/2022
Hiền lành, đức tính của bậc anh hùng

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C

(Lc 14, 1a.7-14)

Chúng ta đang sống trong một thế giới tự cao tự đại, kiêu ngạo, giả hình, háo danh, đề cao quyền lực và lợi nhuận, say mê thống trị và chiếm đoạt, bè phái và chia rẽ. Sự dịu dàng, hiền lành đang dần vắng bóng, thay vào đó là sự cộc cằn, thô lỗ, hay nóng giận và thù hằn. Lòng khiêm nhường lại càng hiếm hoi, khi người ta sống theo chủ nghĩa khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ, cậy vào tài năng của mình và đề cao cái tôi.

Trong thực tế, khiêm nhường là đặc điểm chung của các nhà lãnh đạo tuyệt vời, các vị cao sang đều mến chuộng đức khiêm nhường. Lịch sử nhân loại đã không có ít bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình trong sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Hiền lành và khiêm nhương không phải là thái độ của kẻ hèn nhát, sẵn sàng chịu khuất phục, nhưng là đức tính của bậc anh hùng, của người đã làm chủ được bản thân mình. Chỉ ai khiêm nhường mới có khả năng yêu thương thực sự. Và chỉ ai yêu thương thực sự mới thích sống hiền hậu và khiêm nhường. Người ăn ở khiêm nhường chẳng những được người đời kính trọng mà cả Thiên Chúa cũng yêu thích kẻ khiêm nhường. Lời Chúa trong sách Huấn Ca dạy : Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa. "Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa" (Hc 3, 19-21. 30-31).

Lời Chúa trích Sách Khôn Ngoan khuyên chúng ta hãy ở khiêm nhường. Kẻ khiêm nhường: vừa đẹp lòng người vừa đẹp lòng Chúa. Người hiền lành thì thu phục nhân tâm, cứu vãn tình bạn và cảm hóa được lòng người. Ai cũng muốn kết giao và quí trọng người hiền lành. Tiếp xúc với người hiền lành, chúng ta thấy nhẹ nhàng thoải mái, bởi vì họ luôn hòa nhã và chân thành, bản thân họ cũng sẽ đạt được nhiều quả ngọt trong cuộc sống. Người hiền lành sống chân thành, vị tha, biết nhẫn nại và kiềm chế, đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành là một trong tám mối phúc : "Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm sản nghiệp" (Mt,5,5). Người hiền lành là người bình tĩnh, đơn giản, nhẹ nhàng, vâng phục và hòa bình, đối xử tốt với người khác và không cãi vã với ai, được người khác quý mến và chiến thắng sự giận dữ.

Bằng dụ ngôn khách được mời tới dự tiệc cưới, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy khiêm nhường dành chỗ nhất, chỗ trọng cho người khác : "Đừng tìm kiếm chỗ nhất ". Chúa biết chúng ta thường thích chỗ nhất ở nơi công cộng, trong nhà cũng như ngoài phố, nơi hội họp cũng như bàn ăn… Người biết ý định của chúng ta, nên Người khuyên chúng ta : "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất" (Lc 14,8).

Chỗ nhất là chỗ quan trọng nhất. Ta chọn ngồi chỗ nhất là vì ta thấy mình quan trọng, xứng đáng được hưởng vinh dự đó... Tiếc thay, chỗ nhất chỉ có một chứ không có nhiều, nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình. Những cuộc tranh giành như thế vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia... Ở đâu có hai người trở lên là có đụng chạm, chỉ vì có một chỗ nhất. Vì thế Chúa Giêsu khuyên bảo ta: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,11). Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý và bền vững. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, còn ai tự hạ thì rồi được tôn.

Vì muốn chọn chỗ nhất, nên ngươi ta thường thích giao du với người có thế giá, có học, có của, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế mà xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, vì kém cỏi về mọi mặt. Chúa Giêsu dẫn chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh, giảm bớt sự kiêu căng, nâng cao đức khiêm nhường.

Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

Lm. An tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 24/08/2022

41. Đức Chúa Giê-su tự nguyện dùng tình yêu và hy sinh của chúng ta để cứu linh hồn người khác, cho nên chúng ta đem tất cả những đau khổ dâng hiến cho Ngài, vì các linh hồn mà làm hết mình vì bổn phận tông đồ.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:02 24/08/2022
79. VÔ MỆNH HỮU TÀI

Tên Giáp nọ xuất thân là một người nghèo xơ nghèo xác, đột nhiên phát tài lớn, ăn sung mặc sướng, khuôn mặt béo nục trỏn tròn, trở thành một phú ông.

Nhưng hắn ta vốn đa nghi nên đóng tiền bảo hiểm hỏa hoạn nhà ở. Mỗi tối nhứt định phải tự mình đi khóa các cửa, tất cả các ổ khóa ấy đều là hàng ngoại, nhưng chỉ có một chìa khóa mà thôi nên luôn mang trong mình, đến sáng sớm hôm sau mới đích thân đi mở khóa. Bất luận là mùa đông mùa hạ mưa gió, nhứt định tự tay mình đóng mở khóa, bởi vì hắn ta sợ kẻ trộm bên ngoài vào nhà, lại sợ người trong nhà cắp đồ đi ra.

Có người nói:

- “Ông đề phòng kẻ trộm rất chu đáo, nhưng nếu gặp vật gây cháy thì sao?”

Giáp trả lời:

- “Tôi đã đóng bảo hiểm rồi, sợ gì chứ?”

Người ấy hỏi:

- “Vật gây cháy đương nhiên là có bảo hiểm, nhưng nếu ban đêm mà bị hỏa hoạn, không mở cửa kịp thì làm sao đây?”

Giáp nghe xong thì cho rằng đây là chuyện rất đáng lo lắng, suy nghĩ rất lâu bèn đi bảo hiểm nhân mạng, lại còn đóng tiền bảo hiểm nhân mạng cho vợ con nữa, sau đó đắc ý nói với mọi người:

- “Từ nay về sau dù cho có hỏa hoạn thì cũng chẳng ăn nhằm gì”.

Có người hỏi:

- “Lẽ nào ông không sợ chết sao?”

Tên Giáp cười ha ha đáp:

- “Tôi đã đóng bảo hiểm nhân mạng rồi, dù có chết cháy, dù tính mạng tôi không còn, thì số tiền bảo hiểm đó có thể đến tay, sợ gì chứ?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 79:

Con người ta càng giàu có thì càng sợ chết, cho nên mới bày ra cái chuyện bảo hiểm nhân mạng và tài sản: các cầu thủ thì bảo hiểm đôi chân, các cô ca sĩ thì bảo hiểm cái cổ họng, làm người mẫu thì bảo hiểm cái mặt, doanh nghiệp thì bảo hiểm xí nghiệp.v.v...ai cũng lo sợ cho tính mạng của mình phải bị thương tích, hoặc tai nạn chết mà không có gì cả.

Bảo hiểm nhân mạng không có nghĩa là khỏi chết, nhưng đến kỳ Chúa định, thì cả công ty bảo hiểm cũng như người được nó bảo hiểm cũng chẳng còn.

Vậy mà có nhiều người Ki-tô hữu chỉ lo bảo hiểm phần xác, mà không nghĩ gì đến phần hồn cả. Phần xác có bảo hiểm thì rồi cũng chết thành tro bụi, nhưng phần hồn được bảo hiểm thì sẽ sống đời đời với Đức Chúa Giê-su. Bảo hiểm phần hồn chính là tham dự các bí tích cách sốt sắng, nhất là thành tâm yêu mến Đức Chúa Giê-su Thánh Thể và rước lễ mỗi ngày, và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình...

Đó chính là cách bảo hiểm an toàn nhất cho linh hồn và thân xác. Ai khôn ngoan thì làm như thế, bằng không thì khi chết rồi, một giọt nước lã cũng không có (Lc 16, 24-26), chứ đừng nói là lãnh được tiền bảo hiểm. Ha ha ha...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khiêm tốn phục vụ trong cách đối nhân xử thế
Lm. Đan Vinh
20:50 24/08/2022

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN C
Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14
KHIÊM TỐN PHỤC VỤ TRONG CÁCH ĐỐI NHÂN XỬ THẾ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 14,1.7-14

(1) Một ngày Sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : Họ cố dò xét Người. (7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này : (8) “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) Trái lại, khi anh được mời thì hãy ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (12) Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

2. Ý CHÍNH :

Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các người Pha-ri-sêu và cũng dạy các môn đệ hai bài học đối nhân xử thế: Một là khi được mời dự tiệc phải biết hành xử khiêm tốn bằng cách tránh tranh giành chỗ ngồi hơn kém. Hai là người chủ tiệc phải tránh phân biệt giàu nghèo để mời cả những người nghèo khó, tàn tật... đến dự. Đây là điều kiện để xứng đáng được mời dự bàn tiệc Nước Trời đời sau.

3. CHÚ THÍCH :

- C 1 : + Đức Giê-su đến nhà một thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu : Tin mừng Lu-ca cho thấy người đứng đầu nhóm Pha-ri-sêu ở đây có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà mình dùng bữa (x Lc 11,37), + Dùng bữa : Tin mừng ghi lại nhiều sinh hoạt của Đức Giê-su liên quan đến việc dùng bữa: Dự tiệc cưới tại Cana (x. Ga 2,2), dự tiệc do người Pha-ri-sêu khoản đãi (x. Lc 14,1), ăn bữa cơm gia đình ở làng Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,38-42), đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi (x. Mt 9,10), hai lần nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng (x. Mt 14,19-21; 15,36-38), dùng bữa Tiệc Ly với các môn đệ trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,14-20). Ngoài ra, sau khi phục sinh, Chúa Giê-su cũng dùng bữa tối với hai môn đệ tại làng Em-mau (x. Lc 24,30), Người ăn cá nướng trước mặt các môn đệ (x. Lc 24,41-43), và cùng ăn bữa sáng với các ông tại bờ hồ Ga-li-lê (x. Ga 21,9-13).). + Họ cố dò xét Người : Ở đây những người Pha-ri-sêu dò xét không phải để bắt lỗi, nhưng chỉ để tìm hiểu về Đức Giê-su.
- C 7-9 : + Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi : Đây là thái độ biểu lộ thói kiêu ngạo của người Pha-ri-sêu khi luôn tìm kiếm hư danh trước mặt người khác. + Khi anh em được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất... : Đức Giê-su dạy bài học khôn ngoan và phép xã giao khi tham dự tiệc cho người Pha-ri-sêu và các môn đệ.
- C 10-11 : + Thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”... : Điều kiện để được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa là phải trở nên như trẻ nhỏ (x. Mt 18,3-4). Cần ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình, coi mình chỉ là đầy tớ vô dụng (x. Lc 17,10), để không cậy vào sức riêng khi làm các công việc siêu nhiên, nhưng biết cậy trông vào ơn Chúa giúp (x. Ga 15,5). + Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống... : Tội nặng nhất chính là tội kiêu ngạo và ngược lại, nhân đức lớn nhất là đức khiêm nhường như lời ca ngợi Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a : “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Thánh Phao-lô cũng đề cao sự khiêm hạ của Đức Giê-su trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê (x Pl 2,6-11). Chính Người đã hạ mình rửa chân cho môn đồ trước khi dạy các ông bài học hãy yêu thương nhau (x Ga 13,14).
- C 12-14 : + Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng : Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè... : Lời dạy của Đức Giê-su trái với lối ứng xử của người đời. Những hạng người được Đức Giê-su đề cập tới ở đây đều là những người nghèo : Nghèo tiền bạc (so sánh với Tin Mừng Mát-thêu nhấn mạnh đến sự nghèo khó trong tâm hồn), bé mọn (x. Lc 10,21), khiêm hạ (x. Lc 18,14). Chính Đức Giê-su cũng được sinh ra như một người nghèo. Qua câu này Người kêu gọi mọi người hãy đối xử tốt với những ai lâm cảnh khốn cùng, làm ơn cho những người không có khả năng báo đáp. Đó là điều kiện vào Nước Trời.

4. CÂU HỎI :

1) Hãy kể ra những lần Đức Giê-su dùng bữa được ghi trong Tin mừng?
2) Khi dạy người dự tiệc chọn ngồi chỗ cuối để được chủ nhà mời lên cỗ trên. Phải chăng đó cũng là một hành động kiêu ngạo?
3) Đức Giê-su đã dạy thế nào về giá trị của đức khiêm nhường?
4) Thánh Phao-lô dạy về gương khiêm nhường tự hạ của Đức Giê-su ra sao trong thư thứ hai gửi giáo đòan Phi-líp-phê?
5) Tội nặng nhất khiến Lu-xi-phe và các thần dữ phải sa hỏa ngục và ông bà nguyên tổ A-đam E-và bị đuổi ra khỏi địa đàng là tội gì?
6) Đức Giê-su đã dùng phương thế nào để ban ơn cứu độ, giải thóat lòai người khỏi chết và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

2. CÂU CHUYỆN :

1) KHIÊM TỐN LÀ PHƯƠNG CÁCH GÂY THIỆN CẢM HỮU HIỆU :
Sách Trang Tử có thuật lại câu chuyện như sau : Dương Chu sang nước Tống vào một trọ nhà kia. Chủ nhà có hai nàng hầu, một đẹp, một xấu. Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quý trọng nàng hầu xấu mà khinh rẻ nàng hầu đẹp. Lấy làm lạ, Dương Chu hỏi thằng bé trong nhà. Chú bé nói : Người thiếp đẹp tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chẳng ai nhìn thấy cái đẹp của nàng nữa. Còn người thiếp xấu tự biết mình xấu mà quên cái xấu. Không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa. Dương Chu liền gọi học trò đến dặn : Các con nhớ ghi lấy : Giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người ta yêu quý tôn trọng.

2) CÂU CHUYỆN HẠ MÌNH CỦA HAI CON DÊ NÚI :
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng : trên con đường nhỏ hẹp sát bên sườn núi, một bên là vách núi cao cheo leo, bên kia lại là vực sâu thăm thẳm, có hai con dê núi đi ngược chiều nhau. Vì con đường quá nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một con đi qua, nên hai con dê đứng đối đầu nhau không biết làm gì để tiếp tục đi. Nếu chen lấn, chúng chắc sẽ bị rơi xuống vực thẳm bên cạnh tan xương nát thịt. Sau cùng chúng đã nghĩ ra một cách hoàn hảo : một con dê đã chịu qùy mọp xuống đất để con kia bước qua thân mình. Thế là sau đó cả hai lại có thể tiếp tục đi theo con đường của mình.

3) MỘT NGƯỜI HUẤN LUYỆN CÁ HEO KHIÊM TỐN :
Cách đây ít lâu, tại bang Phờ-lo-ri-đơ (Florida) Hoa Kỳ, tờ Thời báo Xanh Pi-tơ-bớc (St Petersburg Times) có đăng một câu chuyện thú vị về ĐÔNG SU-LƠ (Don Shula), huấn luuyện viên của đoàn cá heo ở Mai-ơ-mi (Miami). Ông đang cùng vợ con nghỉ hè tại một thị trấn nhỏ ở miền Bắc tiểu bang Mai-ơ-mi. Vào một buổi chiều nọ, vì trời mưa nên Su-lơ cùng vợ và 5 đứa con quyết định đi xem một xuất phim đang chiếu tại rạp hát chính của thị trấn. Khi họ đến nơi thì bị trễ mất 10 phút. Thế nhưng họ thấy đèn trong rạp vẫn còn sáng, báo hiệu phim chưa bắt đầu. Khi Su-lơ và gia đình bước vào trong rạp thì tất cả 6 người đang ngồi ở băng ghế đầu liền hân hoan đứng dậy hướng về phía họ và vỗ tay hoan hô. Su-lơ vừa vẫy tay chào lại vừa mỉm cười đáp lễ. Sau khi đã ngồi vào chỗ, Su-lơ quay sang nói với bà vợ : “Chúng ta từ Mai-ơ-mi cách xa cả ngàn dặm đến đây, thế mà người ta vẫn nhận ra anh và đón tiếp anh thật nồng nhiệt ! Chắc hẳn là đám cá heo trình diễn trên truyền hình đã lan đến tận nơi ngõ ngách này !” Ngay lúc đó, một người đàn ông tiến lại bắt tay và Su-lơ đã vui vẻ hỏi ông ta : “Làm sao ông bạn biết tôi sắp đến đây xem phim để chào đón tôi như vậy?” Ông ta trả lời : “Thưa ông, tôi chẳng biết ông là ai cả. Chẳng qua là ngay trước khi gia đình ông bước vào rạp hát, viên quản lý rạp có nói với chúng tôi rằng : “Trong vòng 15 phút nữa, nếu không có thêm 4 khán giả nữa vào rạp thì ông ta sẽ buộc phải trả lại tiền vé và hủy bỏ xuất chiếu này”. Vì thế khi thấy gia đình ông đến vừa đủ 4 người theo yêu cầu của quản lý rạp, nên chúng tôi rất vui và bây giờ tôi đến cám ơn gia đình ông đã đến kịp thời, giúp chúng tôi khỏi phải về không”.
Câu chuyện trên làm sáng tỏ giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay : Người đòi các tín hữu chúng ta phải khiêm tốn noi gương Người. Đông Su-lơ đã thể hiện sự khiêm tốn ấy : Là một huấn luyện viên cá heo tài giỏi, nên cũng thật tự nhiên khi Su-lơ nghĩ rằng những người trong rạp hát đã nhận ra ông là ai. Đến khi người đến bắt tay cho biết mình chẳng hề biết ông thì Su-lơ lại là người đầu tiên tự chế giễu mình. Ông rất vui khi phát hiện ra điều này, nên đã kể chuyện đó trên báo chí cho nhiều người biết về thói háo danh của mình, điều mà bình thường lẽ ra ông đã phải giấu kín. Chỉ người thực sự khiêm tốn mới làm được như Su-lơ là công khai nói ra sự thật không mấy tốt đẹp của mình !

4) KHIÊM NHƯỜNG NOI GƯƠNG MẸ TÊ-RÊ-XA CAN-QUÝT-TA :
Trên thế giới hôm nay có một bà lão 87 tuổi, qua đời 05/09/1997, chẳng có chức vị gì trong xã hội, thế mà lại nhận được nhiều giải thưởng cao quý nhất thế giới, như giải No-bel Hòa Bình. Bà còn được các Tổng thống, Chủ tịch nước lớn nhất thế giới mời bà đến viếng thăm, như Tổng bí thư Gooc-ba-chop Liên Xô, tổng thống Mỹ Re-gan, thủ tướng Trung Quốc, Ấn Độ … Đó là mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta : Một nữ tu đã tình nguyện hầu hạ những người cùng khổ, bệnh tật, và nằm nửa sống nửa chết ở các hè phố tại thành Can-quýt-ta nước Ấn Độ.

5) CUỘC BIẾN DẠNG KỲ LẠ SAU BẢY NĂM SỐNG PHÓNG ĐÃNG :
Họa sỹ kiêm điêu khắc gia thiên tài LE-O-NAR-DO DA VIN-CI đã vẽ bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly trong vòng 7 năm. Đó là bức tranh vẽ Đức Giê-su và 12 Tông đồ đang dùng bữa ăn cuối cùng trước khi cuộc tử nạn. Cuộc đi tìm khuôn mặt làm người mẫu rất khó khăn : Giữa hàng ngàn thanh niên, họa sĩ mới chọn được một người có gương mặt thánh thiện và thanh khiết để vẽ khuôn mặt Đức Giê-su.
Sáu năm tiếp theo ông mới vẽ xong 11 Tông đồ, chỉ còn người môn đồ phản Thầy Giu-đa là chưa vẽ. Họa sỹ đã bỏ ra nhiều công sức để tìm kiếm một người đàn ông có khuôn mặt cực kỳ gian ác để làm mẫu vẽ mặt Giu-đa. Cuối cùng ông đã tìm được tên tử tội ở Rô-ma có khuôn mặt thích hợp của kẻ phản bội. Người tử tù này đã từng giết người và cướp của. Được phép của Hoàng đế, tên tử tội được đưa tới Mi-lan nơi bức tranh đang vẽ dở. Khi nét vẽ cuối cùng được hoàn thành, Le-o-nar-do bảo người lính gác mang người tử tù đi, nhưng bỗng nhiên hắn ta vùng vẫy và quỳ xuống bên người họa sĩ khóc nức nở : “Ôi, ngài Da Vin-ci, ngài không nhận ra tôi sao? Tôi chính là người mà 7 năm trước ngài đã chọn làm người mẫu để vẽ khuôn mặt của Đức Giê-su !”.
Quả thật, chỉ có 7 năm thôi mà cuộc sống trác táng tội lỗi đã làm biến dạng một người có khuôn mặt thánh thiện của Chúa Giê-su trở thành người mang gương mặt xấu xa của tên phản bội Giu-đa ! Đó là sự biến đổi lạ kỳ trong quá trình hình thành bức tranh “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng.
Nhưng cũng trong bữa tiệc ly này còn có một sự đảo ngược kỳ lạ hơn thế nữa : Đức Giê-su, vốn là Thầy là Chúa nhưng đã tình nguyện làm công việc của người tôi tớ là phục vụ, khi Người quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó chính là bài học khiêm hạ mà Đức Giê-su muốn dạy cho mọi tín hữu chúng ta hôm nay.

3. SUY NIỆM :
Sau một trận bão, người ta thường thấy những cây cao bị đổ gãy, đang khi những cây nhỏ và thấp thì vẫn đứng trơ trơ. Sau cuộc chính biến, những kẻ quyền cao chức trọng bị mất chức, tù tội… đang khi những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước hay sau cuộc đảo chính cũng vẫn sinh hoạt bình thường. Thực trạng đó phần nào diễn tả về giá trị của sự khiêm hạ được Đức Giê-su dạy các người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay như sau : Một là nếu họ là khách được mời thì cần khiêm tốn ngồi vào chỗ xứng hợp với mình, tránh cảnh “trèo cao té đau ! ”. Hai là nếu họ là chủ nhà thì phải quan tâm mời cả những người nghèo khó bệnh tật đến dự tiệc nữa.
Cũng vậy, bàn tiệc Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai có lòng khiêm hạ và tinh thần nghèo khó (x. Lc 14,21). Vậy khiêm hạ là gì? Phải chăng khiêm hạ là phủ nhận giá trị thực sự của mình? Ta phải làm gì để học gương khiêm hạ của Đức Giê-su?

1) Khiêm hạ là gì? Đức Giê-su nêu gương và dạy sống khiêm hạ ra sao? :
- Tin mừng hôm nay đã thuật lại câu chuyện : Khi được viên thủ lãnh các người biệt phái mời đến nhà dự tiệc, Đức Giê-su thấy một số khách thuộc nhóm biệt phái tranh nhau ngồi chỗ nhất trong bàn tiệc. Người đã dạy như sau : “Khi được mời dự tiệc cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có ai quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh : “Xin nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ xuống ngồi chỗ cuối” (Lc 14,8-9).
- Các tín hữu cũng cần học sống theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su về sự khiêm hạ như sau : ”Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30). Thánh Phao-lô cũng dạy : “Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá» (Pl 2,6-8). Tuy là Thầy là Chúa, nhưng Người đã nêu gương khiêm hạ là rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly và sau đó đã dạy các ông bài học khiêm hạ là hãy rửa chân phục vụ nhau (x Ga 13,14-15).

2) Thiên Chúa yêu thương kẻ khiêm nhường và ghét kẻ kiêu ngạo :
Đức Giê-su đã ca tụng Chúa Cha “Vì đã mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn…” (x Mt 11,25). Những kẻ bé mọn ở đây là những người khiêm nhường tự hạ. Đức Giê-su đã yêu thương những kẻ khiêm nhường và quở trách bọn người tự cao giả hình : ”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác” (Mt 23,27-28).

3) Phân biệt giữa khiêm nhường thật với khiêm nhường giả :
Tác giả sách Đường Hy Vọng đã viết : “Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con mới khiêm nhượng thật.” (ĐHV số 509).
- Khiêm nhường hay khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ cho người khác tôn lên.
Khiêm tốn cũng không phải là thái độ tự ti mặc cảm, tự khinh bản thân hay trốn tránh trách nhiệm… Nhưng là ý thức khả năng và ưu điểm của mình là do Chúa ban, rồi quy mọi vinh quang về cho Thiên Chúa, noi gương Đức Ma-ri-a khi được bà Ê-li-sa-bét khen là có phúc, Mẹ đã dâng lời ca ngợi Chúa như sau : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn !” (Lc 1,48-49).
- Người khiêm tốn thực sự không sợ chức vụ cao hay sợ ngồi vào ghế nhất, nhưng đối với họ : chiếc ghế không phải là mục tiêu phải đạt được, mà chỉ là phương tiện để phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn. Họ luôn cư xử nhẹ nhàng, hòa nhã và tinh tế với mọi người, luôn đặt lợi ích và quyền lợi của người khác trên bản thân. Biết giới hạn của mình và chỉ thực hiện những gì trong tầm tay và khả năng. Họ không đứng chỉ tay năm ngón nhưng sẵn sàng sắn tay áo lên để làm việc chung với mọi người.
- Người khiêm tốn sẽ luôn ý thức về thân phận yếu đuối thiếu sót của mình nên sẽ có thái độ bình tĩnh khi nghe người khác phê bình, rồi sẵn sàng nhận lỗi và khắc phục các sai sót. Họ không tự tìm vinh danh cho mình, nhưng luôn cố gắng chu toàn bổn phận rồi phó thác thành bại cho Chúa quan phòng. Luôn ý thức chức vụ và quyền hành là để phục vụ, vì thế họ sẵn sàng rút lui khi sức khỏe và khả năng suy giảm không còn có thể tiếp tục phục vụ cách hữu hiệu.

4) Ta phải làm gì để tập sống khiêm hạ noi gương Đức Giê-su?

- Phải tránh thói kiêu ngạo :
Tránh thói tự ái cao : Không dễ nổi nóng khi nghe người khác phê bình hay kể tội mình. Tránh to tiếng xúc phạm người khác.
Tránh “nổ” khi khoe khoang thành tích để đề cao mình, và chứng tỏ sự trổi vượt của mình hơn người khác.
Tránh thói “sĩ diện hão” khi cố làm ra vẻ cao quý hơn những gì đang có, vì không muốn thua kém ai. Chẳng hạn : Dù không có năng lực nhưng lại tìm mua bằng cấp và lo chạy chọt để được cấp bằng khen về các thành tích không có thực của mình.
Tránh thói “thích chơi sang” khi tiêu xài vung vít gây lãng phí của chung… Tránh thái độ ganh ghét đố kỵ những kẻ mình không ưa hay có sự nổi trội hơn mình, bằng việc nói xấu họ nhằm hạ uy tín của họ.
Tránh thái độ độc đoán háo thắng : Do cao ngạo nên không muốn nghe những góp ý của thuộc cấp, vì thế công việc họ phụ trách khó có thể phát triển tốt đẹp.

- Phải tập sống khiêm hạ như sau :
Cần nhìn nhận sự thật, nhận biết cả ưu lẫn khuyến điểm của mình. Trong việc tông đồ cần nhận ra sự bất toàn của mình để xin ơn Chúa trợ giúp, như Đức Giê-su đã dạy môn đệ : ”Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !” (Ga 15,5b).
Tập nhận ra các ưu điểm của người khác và thành thật khen ngợi để động viên họ.
Tập chọn phần thua thiệt : quyền lợi ít hơn và trách nhiệm nhiều hơn tha nhân.
Tập đi bước trước đến với tha nhân hơn là chờ họ phải đến với mình.
Tập nói năng bình tĩnh vừa đủ nghe khi sửa dạy con cái hay thuộc cấp.
Tập làm những việc nhỏ bé tầm thường ít người muốn làm.
Tập làm những việc bác ái trong âm thầm không nhằm tìm tiếng khen.
Tập nhận các thành công là do ơn Chúa và là kết quả của chung tập thể. Khi gặp thất bại nhận do sự thiếu sót của mình và tránh đổ lỗi cho hoàn cảnh hay tha nhân.
Như vậy, khiêm nhường là noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su như Người đã nói : “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Ngoài ra khiêm nhường còn là sẵn sàng rửa chân phục vụ tha nhân trong yêu thương (x. Ga 13,4.14), nhất là hiến thân phục vụ những kẻ nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi, noi gương Đức Giê-su, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,35-45).

4. THẢO LUẬN : Ta nên phản ứng thế nào khi nghe người khác phê bình mình, để trở nên người khiêm tốn noi gương Đức Giê-su?

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Xin cho con luôn biết quên mình để yêu mến Chúa và làm mọi việc vì danh Chúa.
Xin cho con biết khiêm tốn tự hạ, luôn biết ca tụng và chỉ phụng sự một mình Chúa.
Ước gì con biết hãm mình đền tội và sống kết hiệp mật thiết với Chúa.
Ước gì con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến cho con và theo Chúa đến cùng.
Xin đừng để điều gì lôi cuốn con xa lìa Chúa. Xin hãy gọi con, để con được nghe Lời Chúa và sau này được về trời hưởng nhan thánh Chúa.- Amen. (Theo th. Âu-Tinh).
 
Hớn hở reo ca
Lm. Minh Anh
20:55 24/08/2022

HỚN HỞ REO CA
“Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời!”.

Mark Zuckerberg, tỷ phú trẻ, chủ Facebook, đã viết cho đứa con thứ hai, ngày cậu bé chào đời, “August, chào mừng con đến với thế giới! Thế giới có thể rất khắc nghiệt, nhưng quan trọng là con phải có thời gian để vui đùa. Tuổi thơ thật huyền nhiệm, con chỉ có một lần để làm trẻ thơ. Do đó, đừng nghĩ nhiều về tương lai, đã có ba mẹ, vốn sẽ làm mọi thứ có thể để biến thế giới này tốt đẹp hơn cho con và mọi đứa trẻ ở thế hệ con được ‘hớn hở reo ca!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không riêng gì Mark Zuckerberg mà hầu hết mọi cha mẹ trên thế giới đều mong ước cho con mình không chỉ tuổi thơ mà cả cuộc đời được ‘hớn hở reo ca’. Cha mẹ trần gian còn như thế, phương chi Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời. Đó là giấc mơ của Ngài dành cho từng người. Và để giấc mơ ấy có thể hoá thực, Lời Chúa hôm nay nói đến tỉnh thức, như là điều kiện để con cái Chúa có thể reo ca. Bấy giờ, ngày sống của chúng ta sẽ là một lời tán dương liên lỉ, “Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

Thư Côrintô hôm nay cho thấy một Phaolô đang ‘hớn hở reo ca’ khi ngài cảm nhận một niềm vui thánh thiện nơi giáo đoàn của mình, “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em. Trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn. Chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến”; ngài nói “Chúa Kitô lại đến”, và cảm tạ khi biết họ tỉnh thức. Với Tin Mừng, Chúa Giêsu ví mình như trộm trong đêm, như chủ chợt về. Ngài nói, hãy tỉnh thức vì không biết giờ nào trộm viếng, chủ về; với thế giới, đó là ngày thế mạt; với mỗi người, đó là giờ lâm chung! Chúa không cố ý đến bất ngờ để bắt quả tang ai, nhưng Ngài mời chúng ta tỉnh thức và kiên trì chờ đợi. Chờ đợi là một thách đố của tình yêu. Ai biết chờ, người ấy biết yêu! Thật ra, Chúa không đến bất ngờ, chỉ bất ngờ với ai không tỉnh thức; bởi Chúa biết, nhiều người thức mà không tỉnh, nhiều người tỉnh mà không thức!

Thức mà không tỉnh là mê. Ở đây không nói đến mê ngủ, nhưng nói đến mê lầm, mê muội, mê đắm. “Mê” đến nỗi quên Chúa, quên người, quên cả chính mình; quên ruột rà, quên bà con; và nhất là quên nhân cách, quên lương tâm, quên linh hồn. Thức mà không tỉnh là thế!

Tỉnh mà không thức là thấy điều lành nhưng không ao ước; có ao ước cũng không thực hiện; có thực hiện cũng chẳng gắng sức; có gắng sức lại ngại hy sinh; và hy sinh lớn nhất vẫn là từ bỏ cái tôi, từ bỏ chính mình. Bởi thế, sẽ không ngạc nhiên khi người ta định nghĩa, “Hoả ngục là nơi được lát bằng những thiện chí”. Tỉnh mà không thức là vậy!

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời!”. Chúa muốn chúng ta hồn nhiên vui đùa “chúc tụng Thánh Danh” như những trẻ thơ trước mặt Ngài. Sở dĩ, một đứa trẻ có thể hồn nhiên vì nó biết cha mẹ luôn để mắt đến nó, và nó cũng luôn hướng mắt về họ. Đó chính là sự tỉnh thức Chúa Giêsu mong đợi! Như “Tuổi thơ thật huyền nhiệm, mà mỗi người chỉ có một lần để làm trẻ thơ”, thì mỗi người chúng ta cũng chỉ có một đời để sống. Bởi thế, thay vì quá chú tâm vào những sự dưới thế, chúng ta hãy biết ngước mắt về trời, hướng lòng lên Chúa, giữ mình sạch tội và ra sức làm điều đẹp lòng Ngài. Được như thế, đích thị, chúng ta đã sống tỉnh thức! Thánh Phaolô nói, “Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, anh em hãy làm vì sáng danh Chúa!”. Tắt một lời, dù ở đấng bậc nào, chúng ta chu toàn bổn phận mình, nghiêm túc sống từng giây phút hiện tại, với xác tín rằng, tôi đang được Chúa yêu thương. Và như thế, chúng ta khác nào một trẻ thơ ngày ngày ‘hớn hở reo ca’ trước mặt Thiên Chúa, Cha của mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để mỗi ngày có thể ‘hớn hở reo ca’, xin giúp con biết giữ tâm hồn mình luôn trong trắng như tâm hồn của một trẻ thơ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đẳng Cấp Xã Hội
Lm Vũđình Tường
21:57 24/08/2022
Xã hội học nói về hai loại đẳng cấp xã hội. Một là do sinh ra trong gia đình, dòng tộc giầu có, danh tiếng, hoặc quốc tịch. Hai là do khả năng cá nhân do cố gắng tạo thành. Bởi vị thế xã hội liên quan đến người khác nên đẳng cấp xã hội thay đổi khi cá nhân đó thay đổi địa điểm. Thí dụ, thầy giáo đóng vai trò quan trọng hơn khi nói chuyện với học trò, nhưng đồng đẳng cấp xã hội khi nói chuyện với đồng nghiệp, nhưng đẳng cấp lại nhỏ hơn khi nói chuyện với hiệu trưởng. Vị thế xã hội cần có trong xã hội bởi nó giúp người ta biết chỗ đứng của mình. Mình đang nói chuyện với ai? Người đó thuộc thành phần nào và ở giai cấp nào?. Không tuân thủ luật giao tế, chính cá nhân đó trở nên lạc lõng, trơ trẽn, và do đó tác hại phẩm giá của chính mình. Đức Kitô không hề phản đối về vị thế, địa vị cá nhân trong xã hội, bởi chính Ngài xác nhận 'có người có vị thế cao hơn cũng được mời'. Tuy nhiên Đức Kitô chỉ trích cách hành xử đẳng cấp xã hội về hai phương diện. Thứ nhất là cách lạm dụng, hành xử kiêu căng, phân biệt và coi thường người có vị thế đẳng cấp thấp hơn. Thứ hai là chọn bạn cùng giai cấp, chung thành phần sang giầu quyền thế, loại bỏ, coi thường thành phần nghèo khó. Chiếm đoạt, hoặc mua bán, hoặc tự phong nhờ danh người khác để có ưu thế xã hội thì không có chi đáng hãnh diện. Được xã hội tưởng thưởng mới là điều đáng hãnh diện.

Một người trong nhóm lãnh đạo Pharisiêu mời Đức Kitô đến nhà ông dự tiệc. Đức Kitô quan sát thấy phần đông khách được mời tranh nhau chiếm chỗ ngồi dành riêng cho khách danh dự. Họ tự phong cho mình vị thế xứng đáng ngồi ghế danh dự. Bởi ngồi ghế danh dự sẽ được nhiều người biết đến và rất có thể được phục vụ kĩ càng hơn và phẩm chất thực phẩm cũng cao hơn. Bởi lối hành xử kiêu căng, tự nâng mình lên như thế nên Đức Kitô lên tiếng cảnh báo họ. Tự nâng mình lên hàng thế giá như thế có thể bị hạ nhục và làm khó cho chủ nhà. Hạ nhục bởi nếu vị khách đến sau đóng vai quan trọng hơn được mời, lúc đó chủ nhà đành phải nói với bạn, xin ông nhường chỗ này cho vị khách kia. Điều này rất khó xử cho chủ nhà. Dù không muốn làm mất lòng khách, nhưng không còn chọn lựa nào khác.

Vấn đề thứ hai, Đức kitô cảnh báo chủ tiệc, nhưng thực ra Ngài nói với toàn thể quan khách, bởi Ngài quan sát thấy khách dự tiệc toàn là thành phần, kẻ ngang về tiền, kẻ ngang về tài, có vai vế trong xã hội. Những người này được mời bởi chính khách mời là thành phần sau này đóng vai trò quan trọng cho chủ hoặc là nới tay trong việc thương lượng ngầm với nhau về công ăn, việc làm, hay thiên tư trong việc cấp phép trong kinh doanh, thương trường. Đức Kitô dùng cơ hội này cảnh báo mọi người. Thứ nhất, lối hành xử vừa kiẹu căng, vừa thiếu công minh, phân biệt phe nhóm, bè phái, không tồn tại nơi tiệc Thiên quốc. Thứ hai, thành phần hành xử thiếu công minh, bè phái, thiên vị không được vào dự tiệc Thiên quốc. Đức Kitô dùng chữ 'kẻ lành' (c.14) được vào tiệc Thiên Quốc. Kiêu căng, tự cao, tự đại, phe nhóm, bè phái không phải là lối hành xử của 'kẻ lành'.

Tiệc trần gian chú trọng đến vấn đề ăn miếng trả miếng. Hôm nay tôi mời bạn, ngày khác bạn mời lại tôi. Ta vẫn nghe nói: Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại. Có đi, có lại mới toại lòng nhau. Như thế mời dự tiệc ngầm ngụ í còn điều gì đó sau bữa tiệc. Vì thế khách được mời là thành phần có khả năng đáp trả bằng cách nào đó.

Tiệc Thiên quốc sẽ không có tình trạng cạnh tranh nhau về chỗ sang hèn và cũng không có tình trạng đáp trả. Không có cạnh tranh nhau về chỗ sang hèn vì người được tuyển chọn vào tiệc thiên quốc phải là thành phần khiêm nhường. Bởi họ khiêm nhường trong lối sống, lối hành xử, và khiêm nhường đến từ trong tâm hồn, nên không ai trông mong ngồi chỗ sang trọng. Hơn nữa không có gì cao trọng hơn tình yêu Thiên Chúa. Được vào dự tiệc Thiên Quốc là được hưởng nguồn tình yêu cao cả không gì trên trần gian có thể sánh bằng vì thế mọi người đều cảm thấy rất vui, tràn đầy hạnh phúc khi được vào dự tiệc Thiên quốc. Một khi tấm lòng no thoả, không còn thiếu thốn chi nên không có cạnh tranh, thèm khát, ước ao bất cứ thứ gì. Thứ hai tiệc Thiên Quốc do chính Thiên Chúa trao ban. Ngài là Đấng duy nhất quyết định ai ở vị trí nào. Mọi sự ta có đều do Chúa ban vì thế không ai có gì đáng giá để đáp trả lại lòng từ ái Chúa. Vì thế ngay cả tư tuởng đáp trả cũng không có, nói chi đến đáp trả. Đức Kitô nhắc đến trong tiệc Thiên quốc bao gồm đủ mọi thành phần, sang hèn, đui què, bởi họ cũng là con cái Thiên Chúa. Con người không có gì đáp trả lòng từ ái Chúa, vì thế con người chỉ biết diễn tả tấm lòng bằng tâm tình khiêm nhu và lời tạ ơn.

TiengChuong.org

Social Status

The field of sociology talks about two kinds of social status: the ascribed status and achieved status; the former is privileged by birth, wealth, position and citizenship; and the latter is achieved by talents or knowledge. Because social status is relative to others, it changes each time a person comes to a new social setting. For example, a teacher holds higher status than students, but equal to her fellow teachers and lower than the head of her department. This social status is needed for social interactions because it dictates how one should behave in public. Failing to observe these public expectations would bring not just shame, but damage one's reputation. Jesus had no trouble accepting the social status when he stated that 'A more distinguished person may have been invited', but rejected the exclusion and bias in its implementation. True honour is not seizing but rather rewarding.

One of the leaders of the Pharisees invited Jesus to have a party at his house. At the party, Jesus showed less interest in food but more in people and their behaviour. He observed that many guests loved to be seated at places of honour, which were prominent seats for everyone to see, and which enjoyed privileged service and better food. Coming to a social party became a show of power and superiority, which Jesus would not ignore. It is not power and superiority, but rather humility and obedience are the way of the kingdom. For Jesus, self -appointed for places of honour in public would cause shame to oneself and trouble to the host. Shame happens when the seat you have chosen, has been allocated to someone else who ranks before you. The host of the party is in trouble because he has no choice but must shame you.

The second problem was inclusiveness. Jesus noticed that all the guests invited were from the inner circle of the elite or rich neighbours. This practice implies that I invite you, you will return the favour in the future. Jesus corrected this favour - mentality. Instead of inviting prominent guests, the host should include others as well. He told the host,

'When you have a party, invite the poor, the crippled, the lame, the blind; that they can't repay back means you are fortunate, because repayment will be made to you when the virtuous rise again'. v. 14.

The teaching alludes to the eschatological banquet in God's kingdom. A social party is inclusive and for social purposes. The heavenly banquet is God's gift for everyone. The entry ticket to the heavenly banquet is not about social status, but humility at heart. Those who are humbly before God and love others entered the heavenly banquet. The Lord of hosts expects no favourable return from anyone. Everything we have comes from God and we have nothing worthwhile to repay God's favour. Humility and obedience are all we have to give thanks to God.

Because social status doesn't exist in the heavenly banquet; there will be no shame and no unhealthy competition for places of honour. Every seat in God's kingdom is a place of honour because God's love is superior to all human glory. Inviting the poor and the marginalized to a party implies that they too are God's children. Hospitality should be open to all. As we receive hospitality from God, we should learn to share it with others.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: tuổi già là lúc tiệc vui đang chờ đợi chúng ta
Vũ Văn An
14:40 24/08/2022


Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư, ngày 24 tháng 8 năm 2022, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã kết thúc loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào Bản Tiếng Anh của Tòa Thánh.



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày tốt lành!

Chúng ta vừa mừng việc Triệu mời Mẹ Chúa Giêsu về trời. Mầu nhiệm này soi sáng sự nên trọn ơn thánh vốn lên khuôn số phận của Đức Maria, và nó cũng soi sáng đích đến của chúng ta, phải không? Đích đến ấy là thiên đàng. Với hình ảnh Đức Trinh Nữ được triệu về trời này, tôi muốn kết thúc chu kỳ các bài giáo lý về tuổi già. Ở phương Tây, chúng ta chiêm ngưỡng ngài được nâng lên, được bao phủ bởi ánh sáng huy hoàng; ở phương Đông, ngài được mô tả đang nằm, ngủ, được các Tông đồ cầu nguyện xung quanh, trong khi Chúa Phục sinh ôm ngài trong tay như một đứa trẻ.

Thần học luôn luôn suy tư về mối tương quan của ‘việc mông triệu’ độc đáo này với sự chết, điều mà tín điều không xác định. Tôi nghĩ điều còn quan trọng hơn là làm rõ mối tương quan của mầu nhiệm này với sự phục sinh của Chúa Con, một điều sẽ mở đường phát sinh sự sống cho tất cả chúng ta. Trong hành động thần linh kết hợp Đức Maria với Chúa Kitô Phục Sinh, sự hư hoại thể xác bình thường của cái chết con người không những được vượt qua, mà việc triệu mời cả xác để hưởng sự sống của Thiên Chúa đã được dự ứng. Thực vậy, số phận phục sinh của chúng ta đã được dự ứng: bởi vì, theo đức tin Kitô giáo, Đấng Phục sinh là con đầu lòng của nhiều anh chị em. Chúa Phục Sinh là Đấng đi trước, trước hết, Đấng đã sống lại trước nhất, người đầu tiên; rồi chúng ta sẽ sống lại, nhưng số phận của chúng ta là: sống lại.

Theo lời Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô, chúng ta có thể nói rằng nó hơi giống như lần sinh ra thứ hai (x. Ga 3: 3-8). Nếu lần đầu tiên sinh ra ở dưới đất, thì lần thứ hai sinh ra ở trên trời. Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Tông đồ Phaolô, trong đoạn văn được đọc ở lúc đầu [buổi yết kiến], nói về những đau đớn khi sinh nở (x. Rm 8:22). Trong khoảnh khắc chúng ta ra khỏi bụng mẹ, chúng ta vẫn là chính chúng ta, cùng một con người khi còn trong bụng mẹ thế nào; thì, sau khi chết, chúng ta được sinh ra ở trên trời, ở nơi Thiên Chúa ngự, và chúng ta vẫn là chính chúng ta như thế, những người từng bước đi trên trái đất này. Nó tương tự với những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu: Đấng Phục sinh vẫn là Chúa Giêsu: Người không mất nhân tính, kinh nghiệm, hay thậm chí thể xác của mình, không, bởi vì nếu không có nó, Người sẽ không còn là chính Người nữa, Người sẽ không là Chúa Giêsu: nghĩa là, với nhân tính của Người, với kinh nghiệm sống của Người.

Kinh nghiệm của các môn đệ, những người mà Người đã hiện ra trong bốn mươi ngày sau khi phục sinh, nói với chúng ta điều này. Chúa cho các ngài thấy những vết thương đã đóng dấu sự hy sinh của Người; nhưng chúng không còn là sự xấu xí của nỗi nhục nhã đau đớn, giờ đây, chúng là bằng chứng không thể xóa nhòa cho tình yêu chung thủy đến tận cùng của Người. Chúa Giêsu Phục sinh với thân xác của Người sống trong tình thân mật Ba Ngôi Thiên Chúa! Và trong đó Người không mất trí nhớ, Người không từ bỏ lịch sử của Người, Người không làm tan biến các mối liên hệ Người từng sống trên trái đất. Với những người bạn của Người, Người hứa: 'Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em – Người đi để chuẩn bị một chỗ cho chúng ta, cho tất cả chúng ta - thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó’ (Ga 14: 3). Và Người sẽ đến, không những chỉ đến với mọi người vào ngày tận thế, mà Người sẽ đến mỗi lần vì mỗi chúng ta. Người sẽ đến tìm chúng ta để đưa chúng ta đến với Người. Theo nghĩa này, cái chết là một bước tiến tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng đang chờ đợi tôi để đưa tôi đến với Người.

Đấng Phục sinh sống trong thế giới của Thiên Chúa, nơi có một chỗ dành cho tất cả mọi người, nơi đất mới đang thành hình và thành phố trên trời, nơi ở cuối cùng của con người, đang được xây dựng. Chúng ta không thể tưởng tượng được sự hiển dung của tính thể xác tử sinh này của chúng ta, nhưng chúng ta chắc chắn rằng nó sẽ giữ cho khuôn mặt của chúng ta được nhận ra và cho phép chúng ta vẫn là con người trong thiên đàng của Thiên Chúa. Nó sẽ cho phép chúng ta tham dự, với một cảm xúc tuyệt vời, vào sự chứa chan hạnh phúc vô hạn của hành động sáng tạo của Thiên Chúa, mà các cuộc phiêu lưu bất tận của Người chúng ta sẽ được trải nghiệm đầu tay.

Khi Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa, Người mô tả nó như một tiệc cưới; như một bữa tiệc, nghĩa là, giống như một bữa tiệc, một bữa tiệc với những người bạn đang chờ chúng ta; như công việc làm cho ngôi nhà trở nên hoàn hảo, và điều bất ngờ làm cho mùa màng bội thu hơn việc gieo hạt. Coi trọng các lời lẽ của Tin Mừng về Nước Trời sẽ giúp chúng ta nhạy cảm tận hưởng tình yêu lâm bồn và sáng tạo của Thiên Chúa, đồng thời làm chúng ta hòa nhịp với đích đến chưa từng có của cuộc đời mà chúng ta gieo vãi. Ở tuổi già của chúng ta, những người đương thời thân mến của tôi - và tôi nói với những ông già và bà già - ở tuổi già của chúng ta, tầm quan trọng của nhiều 'chi tiết' làm nên cuộc sống của chúng ta - một cái vuốt ve, một nụ cười, một cử chỉ, một nỗ lực được đánh giá cao, một bất ngờ không dự ứng, một sự vui vẻ hiếu khách, một mối dây chung thủy - trở nên sắc nét hơn. Những điều chủ yếu của cuộc sống, những điều mà chúng ta coi là thân thiết nhất khi chúng ta sắp từ giã, trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Anh chị em hãy xem: sự khôn ngoan của tuổi già này là nơi thai nghén chúng ta, là nơi soi sáng đời sống của trẻ em, của những người trẻ tuổi, của người lớn, của toàn thể cộng đồng. Chúng ta, những người cao niên nên là điều này cho người khác: ánh sáng cho người khác. Cả cuộc đời của chúng ta xuất hiện như một hạt giống sẽ phải chôn vùi để sinh hoa và kết trái. Nó sẽ phát sinh, cùng với mọi sự khác ở trên đời. Không phải không có cơn đau đẻ, không phải không có cơn đau, nhưng nó sẽ được sinh ra (x. Ga 16: 21-23). Và sự sống của thân xác sống lại sẽ sống động gấp trăm ngàn lần sự sống mà chúng ta đã nếm trải trên trái đất này (x. Mc 10: 28-31).

Anh chị em thân mến, không phải ngẫu nhiên, Chúa Phục Sinh trong lúc đợi các Tông đồ bên hồ, đã nướng một ít cá (x. Ga 21: 9) rồi ban cho các ông. Cử chỉ quan tâm đầy yêu thương này cho chúng ta một thoáng nhìn về những gì đang chờ đợi chúng ta khi chúng ta qua bờ bên kia. Đúng, anh chị em thân mến, đặc biệt là các anh chị em lớn tuổi, những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống vẫn chưa đến. “Nhưng chúng con đã già rồi, còn điều gì chưa đến?” Điều tốt nhất, bởi vì điều tốt nhất của cuộc sống vẫn chưa đến. Chúng ta hãy hy vọng, chúng ta hãy hy vọng vào sự viên mãn của sự sống này đang chờ đợi tất cả chúng ta, khi Chúa gọi chúng ta. Xin Mẹ của Chúa và Mẹ của chúng ta, Đấng đã đi trước chúng ta về trời, phục hồi nơi chúng ta sự dự ứng háo hức mong đợi này, bởi vì nó không phải là một mong đợi vô cảm, nó không phải là một mong đợi chán nản, không, nó là một mong đợi với đầy háo hức dự ứng, đó là một sự mong đợi: 'Khi nào Chúa của tôi sẽ đến? Khi nào tôi mới có thể đến đó?’Một chút sợ hãi, vì tôi không biết đoạn này có ý nói gì, và đi qua cánh cửa đó gây ra một chút sợ hãi - nhưng luôn có bàn tay của Chúa đưa chúng ta về phía trước, và bên kia cánh cửa là bữa tiệc vui.

Chúng ta hãy chú tâm, những người già thân yêu, những người đương thời của tôi, chúng ta hãy chú tâm. Người đang mong đợi chúng ta. Chỉ một cuộc vượt qua nữa, là vào dự tiệc vui.

Cảm ơn anh chị em.

____________________________________________________

Lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine và thế giới

Sau bài giáo lý, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi thống thiết sau đây để vãn hồi hòa bình cho Ukraine và thế giới:

Tôi tiếp tục lời mời gọi của tôi để cầu xin Chúa ban hòa bình cho nhân dân Ukraine thân yêu, những người trong sáu tháng nay đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Tôi hy vọng các bước cụ thể sẽ được thực hiện để chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân ở Zaporizhzhia.

Tôi mang trong trái tim tôi các tù nhân, đặc biệt là những người trong điều kiện mong manh, và tôi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền làm việc để họ được thả tự do. Tôi nghĩ đến các trẻ em, rất nhiều người chết… rồi rất nhiều người tị nạn - ở đây ở Ý có rất nhiều… rất nhiều người bị thương, rất nhiều trẻ em Ukraine và trẻ em Nga đã trở thành trẻ mồ côi. Và là trẻ mồ côi không có quốc tịch, các em mất cha hoặc mẹ, bất kể là người Nga hay người Ukraine.

Tôi nghĩ đến quá nhiều sự tàn ác, rất nhiều người vô tội đang phải trả giá cho sự điên rồ, sự điên rồ của tất cả các bên, bởi vì chiến tranh là sự điên rồ và không ai trong chiến tranh có thể nói: ‘Không, tôi không điên.’ Sự điên cuồng của chiến tranh.

Tôi nghĩ tới cô gái tội nghiệp đó bị đánh bom dưới ghế xe hơi của cô ấy ở Moscow.

Người vô tội trả giá cho chiến tranh, người vô tội! Chúng ta hãy nghĩ về thực tại này và nói với nhau: chiến tranh là sự điên rồ.

Và những kẻ kiếm lợi từ chiến tranh và buôn bán vũ khí là tội phạm giết nhân loại.

Và chúng tôi nghĩ đến những quốc gia khác đã bị chiến tranh trong một thời gian dài: hơn 10 năm ở Syria; chúng ta nghĩ về cuộc chiến ở Yemen, nơi có rất nhiều trẻ em phải chịu đói; chúng ta nghĩ về những người Rohingya đi khắp thế giới vì sự bất công khi bị đuổi khỏi vùng đất của họ.

Nhưng hôm nay theo một cách đặc biệt, sáu tháng sau khi bắt đầu chiến tranh, chúng ta nghĩ đến Ukraine và Nga, tôi đã dâng cả hai nước cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria. Xin Mẹ, với tư cách là Mẹ, hãy hướng ánh nhìn về hai đất nước thân yêu này: xin Mẹ nhìn sang Ukraine, nhìn sang Nga, và mang lại hòa bình cho chúng ta! Chúng ta cần hòa bình!
 
Vatican News nói về trường hợp Đức Hồng Y Becciu rằng tham dự công nghị Hồng Y không giống như được phục hồi
Đặng Tự Do
18:05 24/08/2022


Các nguồn tin của Vatican lưu ý rằng tất cả các Kitô hữu đều tham gia vào đời sống của Giáo hội, mỗi người tùy theo địa vị của mình.

Trong khi văn phòng báo chí Vatican chưa đưa ra phản hồi chính thức về tuyên bố của Hồng Y Angelo Becciu cho rằng các đặc quyền Hồng Y của ngài đang được phục hồi ngay cả khi phiên tòa tài chính vẫn tiếp tục diễn ra, một bài báo trên ấn bản tiếng Ý của Vatican News đã đưa ra nhận định.

Các nguồn tin tại Tòa thánh nhắc lại rằng các quyền của Hồng Y không đề cập đến việc tham gia vào đời sống của Giáo hội; Các Kitô hữu được kêu gọi tham gia vào đời sống của Giáo hội, tùy theo địa vị của họ: trong trường hợp của các Hồng Y, điều này có thể bao gồm một lời mời - đôi khi mang tính cá nhân – là tham dự một số cuộc họp dành riêng cho các Hồng Y.

Đây là nhận định của nhà báo Salvatore Cernuzio.

Do đó, Vatican News đề cập đến lời mời từ Đức Giáo Hoàng nhưng không đề cập đến việc phục hồi tước vị Hồng Y.


Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Becciu được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phục chức?
Đặng Tự Do
18:06 24/08/2022


Đức Hồng Y Angelo Becciu, cựu tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, người đã phải từ bỏ mọi chức vụ trong bối cảnh bị cáo buộc dính líu vào một vụ bê bối tài chính, cho biết ngài sẽ tham gia công nghị Hồng Y sắp tới diễn ra trong hai ngày 29 và 30 tháng 8.

Ngài cho biết ngài cũng sẽ tham gia vào công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8.

Hồng Y Becciu đã thông báo tin này trong một thánh lễ được cử hành tại Golfo Aranci ở quê hương Sardinia, nơi ngài đang trải qua kỳ nghỉ.

Nếu đúng như thế, quyết định dường như đến trực tiếp từ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vì quyết định của Đức Giáo Hoàng về việc loại Becciu khỏi chức vụ là cá nhân, nên rất có thể việc mời vị Hồng Y người Ý tham gia công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới cũng có thể được coi là một quyết định cá nhân của giáo hoàng.

Nói cách khác, có thể không có bất kỳ sự chính thức nào về việc phục hồi, chỉ đơn thuần là một xác nhận ngắn gọn rằng Đức Phanxicô đã mời vị Hồng Y 74 tuổi đến Tòa Thánh.

Việc Becciu từ chức khỏi tất cả các chức vụ tại Vatican của ngài và từ bỏ các đặc quyền của Hồng Y được công bố vào ngày 24 tháng 9 năm 2020, trong một thông báo từ Văn phòng Báo chí Tòa thánh được công bố vào buổi tối.

Sau đó, Đức Hồng Y Becciu tiết lộ rằng Đức Giáo Hoàng đã nói với ngài trong một buổi tiếp kiến vào buổi tối hôm đó rằng vị Giáo Hoàng không còn tin tưởng ngài nữa và có những cáo buộc tham ô chống lại ngài.

Các cáo buộc sau đó được chính thức đưa ra trong điều được gọi là “phiên tòa thế kỷ” của Vatican, và Hồng Y Becciu nằm trong số 10 bị cáo.

Hồng Y Becciu bị buộc tội tham ô, rửa tiền, gian lận, tống tiền và lạm dụng chức vụ.

Phiên tòa tập trung vào việc mua một bất động sản sang trọng ở London của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hồng Y Becciu cũng phải đối mặt với cáo buộc phân bổ tiền từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho Caritas ở khu vực quê hương của ngài.

Ngoài ra, Sardinia còn được gọi để trả lời cho sự tham gia của Cecilia Marogna với tư cách là cố vấn cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Việc chấm dứt các đặc quyền Hồng Y của Becciu chưa bao giờ được chứng nhận bởi một sắc lệnh chính thức của Hồng Y Đoàn.

Vị Hồng Y đã giữ lại tước hiệu nhưng không còn là thành viên của các cơ quan trung ương Tòa Thánh mà ngài được chỉ định và không tham gia vào các cuộc họp của các Hồng Y.

Kể từ ngày 24 tháng 9 năm 2020, Hồng Y Becciu đã không còn tham gia vào bất kỳ hội nghị nào nữa.

Do đó, việc phục hồi sẽ chỉ liên quan đến các chức năng cơ bản, chứ không phải việc tái hòa nhập vào các vai trò mà Hồng Y Becciu đã nắm giữ trước đây. Khi Hồng Y ra đi, ngài là tổng trưởng Bộ Tuyên thánh và là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Dòng Malta. Những nhiệm vụ này sẽ không được giao lại cho ngài, ít nhất là trong khi phiên tòa xét xử tham nhũng đang được tiến hành.

Hồng Y Becciu lần đầu tiên đưa tin về sự tái hòa nhập của mình trong một thánh lễ ngày 21 tháng 8 mà ngài cử hành ở Sardinia, nơi ngài đang đi nghỉ. Đức Hồng Y cho biết giáo hoàng đã gọi cho ngài vào ngày 20 tháng 8.

Ngài nói: “Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng gọi điện cho tôi để nói với tôi rằng tôi sẽ được phục hồi chức vụ Hồng Y và yêu cầu tôi tham gia vào một cuộc họp với tất cả các Hồng Y sẽ được tổ chức trong vài ngày tới tại Rôma. Vì lý do này, Chúa Nhật tới tôi sẽ không thể có mặt trong thánh lễ vì bận ở Rome “.

Tuy nhiên, việc Becciu tái hòa nhập với các chức năng Hồng Y của mình không có nghĩa là sự phục hồi hoàn toàn vì Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn muốn phiên tòa ở Vatican diễn ra theo đúng quy trình.

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Hồng Y Becciu vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2021 và cử hành Thánh Thể trong nhà của ngài, nhưng điều này không giúp cho vị Hồng Y tránh khỏi phiên tòa.

Tuy nhiên, Hồng Y Becciu đã lan truyền tin tức về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng vào năm 2021, và thông tin này không được Văn phòng Báo chí Tòa thánh xác nhận chính thức trong một tuyên bố - mặc dù nó đã được đưa tin trên Vatican News.

Hồng Y Becciu là vị Hồng Y đầu tiên bị tòa án Vatican xét xử, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô, với sắc lệnh ngày 30 tháng 4 năm 2021, quyết định rằng tòa án cũng có thể buộc tội các vị Hồng Y. Trước đây, các Hồng Y chỉ có thể bị xét xử bởi tòa án cao nhất của Vatican, Apostolic Signatura, bao gồm hai thành viên Hồng Y và một chủ tịch tòa án. Trên thực tế, các Hồng Y trước đây chỉ có thể được xét xử bởi các Hồng Y.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video thánh lễ an táng Lm Vũ Thành, chính xứ Các Thánh Tử Đạo, Houston
Xứ Các Thánh Tử Đạo Houston
17:20 24/08/2022
 
VietCatholic TV
Hàng loạt vụ nổ ở Crimea. Ukraine thề tái chiếm lãnh thổ. Tướng Mỹ: Putin thua rồi, hết biết làm sao
VietCatholic Media
04:22 24/08/2022


1. Hàng loạt vụ nổ được báo cáo ở Sevastopol, thủ phủ của Crimea

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 24 tháng 8, UkrInform, là hãng Thông tấn quốc gia Ukraine cho biết các vụ nổ một lần nữa được báo cáo từ Sevastopol, thành phố có hạm đội Nga ở Crimea bị chiếm đóng.

Trong khi đó, quân Nga nói rằng các vụ nổ là do hệ thống phòng không của họ phản ứng lại một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Hiệp hội Tái hòa nhập Crimea viết trên trang web của mình rằng:

“Quân xâm lược Nga đang theo đuổi với những 'pha nguy hiểm về công chúng sự vụ liên quan đến các vụ nổ' ở Sevastopol. Trong vài ngày gần đây, quân xâm lược Nga đã định kỳ thông báo về 'các hoạt động phòng không thành công' ở Sevastopol bị chiếm đóng. Đồng thời… các vụ nổ và hỏa hoạn liên quan dẫn đến hoảng loạn hàng loạt, chủ yếu nơi các 'thực dân Nga' và 'khách du lịch', cũng như các cộng tác viên địa phương.”

Ngoài ra, có thông tin cho rằng, trong điều kiện như vậy, “thống đốc” tội phạm của Sevastopol bị chiếm đóng, Mykhailo Rozvozhaev, không chỉ “đích thân kiểm tra” hầm trú bom “mẫu mực và tiêu chuẩn”,... mà còn thông báo qua kênh Telegram của mình rằng ông ta đang tạo ra một chatbot đặc biệt, nơi cư dân thành phố có thể gửi tin nhắn, ảnh và video về những cá nhân và đối tượng đáng ngờ. “

Ngoài ra, Rozvozhaev “không loại trừ khả năng nhân dân tự vệ tuần tra đường phố.”

Lần này ông cũng vội vàng thông báo cho công chúng về công tác “phòng không”.

Như đã đưa tin trước đó, hàng loạt vụ nổ đã xảy ra ở Crimea và Sevastopol trong những tuần gần đây. Các nhà chức trách Nga cho biết các máy bay không người lái đã bị bắn rơi và hệ thống phòng không của họ đang hoạt động trong khu vực, mà không đưa ra chi tiết hoặc xác nhận các báo cáo như vậy.

Vào ngày 16 tháng 8, các vụ nổ đã làm rung chuyển quận Dzhankoy ở Crimea bị chiếm đóng. Các vụ nổ đã được báo cáo tại kho đạn và một trạm biến áp, trong khi một tuyến đường sắt cũng bị hư hại. Người Nga thông báo rằng hơn 3.000 cư dân đã di tản khỏi làng Maiske ở quận Dzhankoy.

2. Estonia tấn công trở lại tuyên bố của Nga cáo buộc nước này chứa chấp nữ sát thủ

Estonia đã đáp trả lại tuyên bố của Nga rằng quốc gia Baltic đang chứa chấp một cá nhân mà Mạc Tư Khoa cáo buộc có liên quan đến vụ giết Darya Dugina.

Các nỗ lực của các cơ quan an ninh FSB của Nga nhằm liên kết cái chết của Daria Dugin - con gái của Alexander Dugin, một đồng minh có ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin - với Estonia là một “sự khiêu khích”, Ngoại trưởng Estonia, Urmas Reinsalu, đã đưa ra lập trường trên sáng thứ Tư 24 tháng 8.

Daria Dugin đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe hơi ở ngoại ô Mạc Tư Khoa hôm thứ Bảy. Hôm thứ Hai, FSB, sau một cuộc điều tra rất chớp nhoáng, tuyên bố rằng một nữ công dân Ukraine có liên quan đến vụ giết hại Daria Dugin và đã bỏ trốn đến Estonia vào hôm Chúa Nhật.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Reinsalu nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi coi đây là một trường hợp khiêu khích trong một hàng dài các hành động khiêu khích của Liên bang Nga, và chúng tôi không có gì để nói thêm về điều đó vào lúc này”.

Vào ngày 16 tháng 8, Estonia đã dỡ bỏ một đài tưởng niệm xe tăng thời Liên Xô khỏi thị trấn Narva nơi hầu hết người dân nói tiếng Nga, gần biên giới với Nga. Estonia sau đó đã bị tấn công mạng lớn nhất trong 15 năm.

Nhóm hacker Killnet của Nga đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Trong một tuyên bố trên tài khoản Telegram của mình vào ngày 17 tháng 8, nhóm này cho biết họ đã chặn quyền truy cập vào hơn 200 tổ chức nhà nước và tư nhân của Estonia.

Reinsalu cho rằng Nga đang gây áp lực với nước này vì đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra.

“Tại sao Estonia lại trải qua những cuộc tấn công mạng lớn nhất kể từ đêm náo loạn sau khi hạ tượng Chiến sĩ Đồng? Tại sao hai tuần trước, cựu tổng thống Nga đã nói rằng đó là thất bại của họ khi Estonia trở thành một quốc gia tự do?”

“Tôi nghĩ rằng tất cả các sự kiện và các hành động khác nhau được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn và mục đích của việc này là gây áp lực rõ ràng bằng nhiều phương pháp khác nhau đối với Estonia và một số quốc gia khác đang ủng hộ Ukraine.”

FSB tuyên bố hôm thứ Hai rằng việc giết chết Dugina được “chuẩn bị và thực hiện bởi các dịch vụ đặc biệt của Ukraine.” Nó cáo buộc một phụ nữ Ukraine, được cho là sinh năm 1979, có liên quan đến cái chết của Daria Dugin.

Tuyên bố của FSB cáo buộc rằng công dân Ukraine đến Nga vào ngày 23 tháng 7 cùng với con gái và thuê một căn hộ trong cùng tòa nhà với Daria Dugin.

“Vào ngày xảy ra án mạng,” công dân Ukraine và con gái “đã tham dự lễ hội văn học và âm nhạc Truyền thống, nơi Daria Dugin có mặt với tư cách khách mời danh dự”.

Theo FSB, công dân Ukraine sau đó đã rời Nga qua vùng Pskov để đến Estonia sau vụ nổ xe hơi.

Mặc dù các phương tiện truyền thông Nga cho rằng Bộ Ngoại Giao Nga đã chính thức yêu cầu dẫn độ người phụ nữ Ukraine Natalia Vovk và con gái Sophia Shaban, 12 tuổi, về Nga quy án, Bộ Trưởng Ngoại Giao Reinsalu khẳng định rằng ông chưa hề nhận được một yêu cầu như thế từ phía Nga. Các quan sát viên cho rằng sẽ không bao giờ có một yêu cầu như thế. Họ cho rằng Nga sẽ không theo đuổi vụ này, và rằng Putin chính là người đã ra lệnh giết chết Dugin, và ông ta muốn thông điệp của mình trong vụ ám sát này tỏ tường với tất cả mọi người có liên quan: Những ai chống lại ông ta đều phải chết. Cái chết của Daria Dugin diễn ra chỉ 8 giờ sau khi cha cô là Alexander Dugin bày tỏ sự bất mãn với Putin và hô hào một sự thay đổi tận căn chế độ hiện hành, một ý tưởng nhiều người cho rằng muốn lật đổ Putin. Những thất bại quân sự của Putin tại Ukraine khiến tên tuổi của ông ta bị mai một trong khi Alexander Dugin giờ đây nổi như cồn.

Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của Daria Dugin.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Estonia và Nga để đưa ra bình luận.

3. Tổng thống Zelenskiy dự lễ thượng kỳ Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chúc mừng người dân Ukraine nhân Ngày Quốc kỳ Ukraine và bảo đảm với họ rằng Quốc kỳ Ukraine sẽ trở lại từng thành phố và làng mạc, hiện đang bị Nga tạm chiếm.

“Lá cờ xanh và vàng của Ukraine sẽ lại tung bay, nơi quê hương của họ. Nơi nó sẽ bay một cách chính đáng - trong tất cả các khu định cư bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine, những khu vực đang bị quân Nga chiếm đóng tạm thời. Nó sẽ bay mãi mãi ở Melitopol tại Quảng trường Chiến thắng, nơi không thể có những người sẽ thua trong cuộc chiến này. Lá cờ xanh và vàng sẽ ở đó. Ở Kherson tại Quảng trường Tự do - không thể có lá cờ của những người không biết tự do là gì. Lá cờ xanh và vàng sẽ ở đó. Nó sẽ bay trên Đại lộ Azovskyi ở Berdiansk và trên Ngõ Zelena ở Skadovsk, ở nhà máy điện hạt nhân ở Enerhodar và ở Nhà máy Thủy điện Kakhovka, trên Hải đăng Adziogol và Savur-Mohyla, trên bờ Siverskyi Donets và Kalmius, gần Oleshky Sands. Không thể có lá cờ của những người lần đầu tiên nghe thấy những cái tên Ukraine này”, Tổng thống Ukraine nói.

Theo ông Zelenskiy, quốc kỳ Ukraine cũng sẽ tung bay tại các thành phố của Crimea.

Zelenskiy nhấn mạnh: “Bất kể ai đó cố gắng xoay chuyển lịch sử như thế nào, những màu sắc này đều có liên quan lịch sử với Crimea.

Ngoài ra, Tổng thống Ukraine tin rằng lá cờ Ukraine chắc chắn sẽ tung bay ở Vùng Donetsk và Vùng Luhansk.

“Vào đêm trước Ngày Độc lập, chúng ta bày tỏ lòng kính trọng tới một trong những biểu tượng chính của chúng tôi, một trong những điều thiêng liêng lớn nhất của chúng ta – đó là Quốc kỳ Ukraine. Một sự kết hợp của hai màu sắc mà chúng tôi vô cùng yêu thích, trân trọng và sẽ không bao giờ thay đổi cho bất kỳ màu nào khác. Chúng tôi sẽ không bao giờ nhận ra màu sắc ngoại lai trên đất của chúng ta và trên bầu trời của chúng ta. Chúng ta luôn sẵn sàng bảo vệ lá cờ xanh và vàng của mình”, tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh rằng Quốc kỳ Ukraine có lịch sử lâu đời và trải qua nhiều sự kiện, địa danh. Đặc biệt, Quốc kỳ Ukraine đã được gắn trên xe bọc thép của quân đội Ukraine giải phóng các khu định cư của Ukraine khỏi quân xâm lược Nga vào năm 2014 và 2022.

Lễ kéo Quốc kỳ Ukraine có sự tham dự của đại diện Văn phòng Tổng thống Ukraine, Verkhovna Rada tức là Quốc Hội của Ukraine, các quan chức chính phủ và quân nhân. Những người tham gia đã tổ chức một giây phút im lặng cho những người đã thiệt mạng trong công cuộc bảo vệ lá cờ và nhà nước của Ukraine.

Tưởng cũng nên biết thêm rằng Ukraine đánh dấu Ngày Quốc kỳ vào ngày 23 tháng 8, một ngày trước Lễ Quốc Khánh 24 tháng 8.

4. Tướng Mỹ Putin hết ý tưởng rồi, mọi thứ ở Ukraine sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhanh chóng

Tờ Newsweek vừa có bài tường trình nhan đề “Putin Is 'Out of Ideas,' Things in Ukraine Will Get Worse Rapidly: General”, nghĩa là “Putin hết ý tưởng rồi, mọi thứ ở Ukraine sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhanh chóng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đinh Nhung.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Barry McCaffrey hôm thứ Hai cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “hết ý tưởng” và sẽ thấy mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhanh chóng đối với bản thân trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

McCaffrey đã tweet rằng quân đội của Putin “hoạt động trong một chiếc hộp”, trong khi toàn bộ nước Nga đang “có dấu hiệu căng thẳng nghiêm trọng do tổn thất quân sự ngày càng tăng và sự cô lập về kinh tế.”

Ukraine đã báo cáo một loạt các cuộc tấn công thành công vào các mục tiêu và nhóm của quân Nga trong những tuần gần đây bằng cách sử dụng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp, được Tướng quân đội Mỹ về hưu Mark Hertling mô tả là “kẻ thay đổi cuộc chơi” vào tháng trước. Trong khi Ukraine ghi lại những chiến thắng có chọn lọc này, Mạc Tư Khoa bị cho là đã thực hiện các lệnh ép buộc để củng cố hàng ngũ của mình, đồng thời cung cấp các ưu đãi bằng tiền mặt cho quân đội hiện có của mình để thúc đẩy họ chiến đấu.

Putin cũng đã phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế của cuộc xâm lược chứng kiến các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây nhằm vào dầu mỏ, các nhà tài phiệt của Nga và các thực thể khác.

Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục bày tỏ sự tự tin vào khả năng thành công trong cuộc xung đột. Ivan Nechayev, Phó Cục trưởng Cục Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước rằng các mục tiêu của Nga nhằm “phi quân sự hóa và phi Quốc Xã hóa Ukraine” sẽ thành hiện thực.

Ông nói: “Chỉ khi các mục tiêu của Nga đạt được, thì mới có thể bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.”

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là một người nói tiếng Nga bản địa và là người Do Thái, người đã có các thành viên trong gia đình thiệt mạng trong Cuộc tàn sát do Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến thứ hai. Ông được bầu với khoảng 3/4 số phiếu bầu vào năm 2019, khi thủ tướng Ukraine cũng là người Do Thái, điều này sẽ phản bác lại những tuyên bố của Nga rằng người Ukraine đã áp dụng ý thức hệ “Đức Quốc xã”.

Dòng tweet hôm thứ Hai của McCaffrey cũng liên quan đến sự xuất hiện của vị tướng này trên MSNBC, trong đó ông thảo luận về những tác động của một vụ nổ xe hơi ở Mạc Tư Khoa vào đêm thứ Bảy khiến Daria Dugina, 29 tuổi, con gái của một trong những đồng minh của Putin, là Alexander Dugin, thiệt mạng.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã cáo buộc cơ quan mật vụ Ukraine tổ chức vụ tấn công và cáo buộc một nữ công dân Ukraine đã đến Mạc Tư Khoa vào tháng 7 để thực hiện vụ tấn công này. Chính phủ Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ đánh bom.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Zelenskiy, cho biết: “Ukraine chắc chắn không liên quan gì đến điều này, bởi vì chúng tôi không phải là một quốc gia tội phạm, như Liên bang Nga. Và hơn thế nữa, chúng tôi không phải là một quốc gia khủng bố.”

McCaffrey nói trên MSNBC rằng “không thể” tin rằng người Ukraine đứng đằng sau cái chết của Dugina, và tự hỏi liệu vụ nổ chết người có thể chỉ ra rằng một phe nổi dậy đang chống lại Putin hay không. Ông nói thêm rằng ông cho rằng vụ việc có thể thể hiện “sự tuyệt vọng ngày càng tăng” của người Nga khi Ukraine tiếp tục chống lại quân đội của Putin.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một chương trình truyền hình cơ quan mật vụ của Nga, gọi tắt là FSB, đã cáo buộc rằng một điệp viên Ukraine có tên là Natalia Vovk, sinh năm 1979, đã thực hiện vụ tấn công này. FSB tuyên bố Vovk là thành viên của SBU của Kyiv.

Vovk được cho là đã đến Nga vào ngày 23/7 cùng với con gái Sophia Shaban, 12 tuổi, trước khi lái chiếc Mini Cooper theo dõi Dugina.

Theo FSB một quả bom đã được gài dưới chiếc Toyota Land Cruiser Prado mà Daria Dugina đang lái. Quả bom chứa từ 400 đến 800g thuốc nổ TNT. Một số chuyên gia cho rằng với số thuốc nổ đó, nó tương đương với 'một vụ nổ đồng thời của sáu quả lựu đạn'. Cơ quan an ninh Nga nói rằng quả bom đã được gài trong xe của Dugin khi chiếc xe này đậu bên trong một bãi đậu xe dành cho thượng khách tới dự một buổi lễ hội.

'Một chiếc Mini Cooper đã được sử dụng để theo dõi cô Daria Dugina. Các bảng số trên chiếc xe đã được thay đổi ba lần với các biển số của Cộng hòa nhân dân Donets, Kazakhstan và Ukraine.

Theo FSB, vào ngày gây án, Vovk và con gái của cô ấy đến lễ hội Truyền thống, và sau đó lái xe theo sau Daria Dugina. Khi đi được khoảng cách gần 3km, Vovk nhấn nút trên một hệ thống điều khiển từ xa làm nổ tung chiếc xe trước mặt. Trái với các báo cáo ban đầu của thông tấn xã TASS theo đó Dugin lái xe theo một con đường khác, FSB cho biết Dugin lái xe ngay phía sau cô con gái và tận mắt chứng kiến toàn bộ thảm kịch.

Sau vụ nổ vào ngày 21 tháng 8, Cô Natalia Vovk và con gái Sophia Shaban đã rời Pskov để đến Estonia.

Các phương tiện truyền thông Nga cho rằng Bộ Ngoại Giao Nga đã yêu cầu Estonia cho dẫn độ hai mẹ con người Ukraine về Nga. Nhiều phương tiện truyền thông Estonia cho rằng câu chuyện người mẹ dắt con đi theo trong điệp vụ đánh bom xem ra có vẻ thần thoại, hoang đường, nếu không muốn nói là nhảm nhí.

5. Cố vấn Zelenskiy cho biết nhiều thường dân rời Kyiv vì lo sợ bị Nga tấn công

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết nhiều thường dân đang cố gắng rời khỏi Kyiv trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công của Nga vào ngày độc lập của đất nước vào ngày 24 tháng 8.

Phát biểu với chương trình Today của BBC Radio 4, Oleksiy Arestovych cho biết mọi người đang lo lắng và “chắc chắn có một số lo ngại” rằng một cuộc tấn công có thể tấn công các trung tâm ra quyết định ở thủ đô Ukraine vào thứ Tư.

Arestovych nói:

Mọi người đang phản ứng với tin tức. Họ đang cố gắng bảo đảm rằng họ có các phương án dự phòng, họ không muốn mất quá nhiều thời gian ở gần trung tâm gần các tòa nhà của chính phủ chúng tôi.

Anh ấy nói thêm:

Có nguy cơ Nga sẽ cố gắng tấn công chính xác vào thời điểm đó để bù đắp cho việc họ không thể có được bất kỳ thành công nào trên chiến trường, không có được bất kỳ thành công nào trong việc khuất phục Ukraine và về cơ bản là tất cả những thất bại mà họ đã trải qua trong sáu tháng qua.

Bình luận của Arestovych được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo Nga có thể “tăng cường” các nỗ lực tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và cơ sở chính phủ của Ukraine trong những ngày tới.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã khuyến cáo người dân Ukraine phải đặc biệt cẩn thận vào ngày độc lập, với lý do có nguy cơ bị Nga tấn công hỏa tiễn và “các hành động khiêu khích” khác.
 
HĐGM Tây Ban Nha lên tiếng về tình trạng bách hại ở Nicaragua. Chia rẽ trong GH tại Đức
VietCatholic Media
05:16 24/08/2022


1. Nhà báo đã đưa tin về vụ thảm sát các Kitô hữu ở Nigeria phải hầu tòa vì tội “nói xấu trên mạng”

Một nhà báo đã viết một bài báo cáo buộc chính phủ Nigeria không bảo vệ những người theo đạo Kitô bị các chiến binh vũ trang bách hại đã bị bắt và sẽ bị xét xử với tội danh “nói xấu trên mạng”.

Luka Binniyat, một phóng viên nhân quyền Công Giáo, đang phải đối mặt với án tù sau khi viết một bài báo trong đó chính phủ Nigeria bị chỉ trích vì không hành động trước mối đe dọa đang diễn ra đối với các cộng đồng Kitô giáo.

Trong bài báo, Binniyat đã báo cáo về cáo buộc rằng Ủy viên Nội vụ của tiểu bang Kaduna, Samuel Aruwan, đã hiểu sai về vụ thảm sát những người theo đạo Kitô không vũ trang là một “cuộc đụng độ” giữa dân làng và những người chăn gia súc.

Binniyat sẽ ra tòa trước một thẩm phán Nigeria vào ngày 6 tháng 9 với tội danh tác động không gian mạng, trợ giúp và tiếp tay cho các hành vi vi phạm mạng, những cáo buộc mà anh ta phủ nhận.

Binniyat nói với CNA rằng việc bắt giữ anh ta dựa trên đơn khiếu nại của Aruwan, sau một bài báo có tiêu đề “Ở Nigeria, Cảnh sát tuyên bố các vụ thảm sát là 'Ác độc' nhưng lại không bắt giữ ai cả,” được xuất bản vào ngày 29 tháng 10 năm 2021, trên Epoch Times.

Trong bài báo, Binniyat đã tường thuật về những vụ giết hàng loạt các tín hữu Kitô ở hai ngôi làng Nam Kaduna. Trong cộng đồng của Madamai, 38 Kitô Hữu đã bị tàn sát vào ngày 28 tháng 9 năm 2021 bởi những người chăn cừu Fulani theo đạo Hồi có vũ trang. Một tháng sau, tại ngôi làng Kitô giáo Jankassa, cách Madamai khoảng 3 dặm về phía nam, những người chăn gia súc có vũ trang đã giết chết 4 dân làng, theo báo cáo của Binniyat.

Một quan chức Nigeria, Aruwan, đã đưa ra một tuyên bố báo chí vào ngày hôm sau nói rằng bạo lực là kết quả của “cuộc đụng độ” giữa dân làng địa phương và những người chăn gia súc. Tuyên bố đã khuấy động sự phẫn nộ của Kitô Hữu cả ở Nam Kaduna và ở những khu vực Kitô Giáo khác ở Vành đai giữa của Nigeria.


Source:Catholic News Agency

2. Quan điểm về phá thai chia rẽ sâu sắc Giáo Hội tại Đức

Trong khi bà Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân, gọi tắt là ZdK, có ảnh hưởng rất lớn tại Đức, đã kêu gọi “cung cấp phá thai trên toàn quốc”, thì nhóm Công Giáo Maria 1.0 - một sáng kiến dành riêng cho “sự hợp nhất của Giáo hội hoàn vũ và trung thành với huấn quyền giáo hoàng”- đã chỉ trích sự im lặng chói tai “của hội đồng giám mục Đức về chủ đề này”.

Hội Đồng Giám Mục Đức có liên hệ chặt chẽ với ZdK trong Tiến Trình Công Nghị đã tìm cách tách mình khỏi lời kêu gọi của bà Irme Stetter-Karp, thay vào đó cầu xin “một dịch vụ tư vấn đủ tiêu chuẩn trên toàn quốc cho phụ nữ”.

Nhưng đối với Maria 1.0, quan điểm này của các Giám Mục Đức là “hoàn toàn vô nghĩa”. Trong một lá thư với gần 2.000 người ký, nhóm kêu gọi chấm dứt mọi hợp tác với lãnh đạo ZdK, người đã “vượt qua ranh giới đỏ”. Maria 1.0 đặt câu hỏi “tại sao Giám mục Tiến sĩ Bätzing muốn định hình tương lai của Giáo Hội Công Giáo ở Đức cùng với một phụ nữ đặt quyền sống của những người dễ bị tổn thương nhất và không được bảo vệ dưới điều kiện tiên quyết là quyền tự quyết của phụ nữ và do đó công khai vi phạm giáo lý của Giáo hội”.

Ngoài ra, một bản kiến nghị yêu cầu Irme Stetter-Karp từ chức đã thu thập được hơn 4.000 chữ ký trên Change.org.


Source:Aleteia

3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Nicaragua

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Juan José Omella, Tổng giám mục Barcelona, bày tỏ lo âu và tố giác tình trạng suy giảm trầm trọng về nhân quyền tại Nicaragua, từ khi nhà nước do Tổng thống Ortega điều khiển, bắt giam các linh mục, giám mục và đóng cửa các đài Phát thanh Công Giáo.

Trong thư gửi Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua, hôm 19 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Omella bày tỏ lập trường trên đây và viết:

“Trong những tuần lễ gần đây, chúng tôi lo âu vì những tin tức về tình hình trầm trọng mà Giáo hội tại Nicaragua đang trải qua, trong sứ mạng loan báo Tin mừng và những khó khăn mà chính phủ đặt ra cho sứ mạng này, qua việc đóng cửa các đài phát thanh của các giáo xứ và đài Canal Católica của Hội đồng Giám mục Nicaragua, cũng như những chướng ngại mà cảnh sát đặt ra ngăn cản không cho các tín hữu đến nhà thờ và bắt giam các linh mục”.

“Tình trạng này càng lôi kéo sự chú ý với vụ bắt giam Đức Giám Mục giáo phận Matagalpa, xét vì những hoàn cảnh và bối cảnh của những vụ giam giữ như thế thực sự gây lo âu, vì chúng tạo nên sự vi phạm trầm trọng nhân quyền tại Nicaragua.”

Vì thế, Đức Hồng Y Omella kêu gọi nhà nước Nicaragua “trả tự do ngay cho Đức Cha Rolando Álvarez cũng như tôn trọng nhân vị và sứ mạng của Đức Cha. Chúng tôi cũng yêu cầu những ai có nhiệm vụ quan tâm đến thiện ích của nhân dân Nicaragua hãy lo lắng bảo vệ tự do của mọi người, và toàn dân trong thời đại đau thương thiếu tự do hiện nay”.

Sau cùng, Đức Hồng Y Omella kêu gọi tất cả các tín hữu Công Giáo Tây Ban Nha hiệp ý cầu nguyện cho nhân dân Nicaragua trước ảnh Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm, bổn mạng của chúng ta để những người bị bắt giữ sớm được trả tự do cũng như tái lập tự do cho Giáo hội và toàn dân Nicaragua yêu quí”.
 
Sau đề nghị của 19 tướng Mỹ, Biden chi thêm 3 tỷ. Câu chuyện người đẹp nữ sát thủ của Nga và Ukraine
VietCatholic Media
18:01 24/08/2022


1. Mỹ chuẩn bị gói viện trợ quốc phòng 3 tỷ USD mới cho Ukraine

Hoa Kỳ dự định thông báo việc phân bổ viện trợ quốc phòng trị giá 3 tỷ USD vào Ngày Độc lập của Ukraine.

“Khi cuộc chiến của Nga với Ukraine kéo dài, hỗ trợ an ninh của Mỹ đang chuyển sang một chiến dịch dài hạn hơn có khả năng sẽ giữ nhiều quân đội Mỹ ở Âu Châu trong tương lai, bao gồm cả kế hoạch sắp công bố thêm khoảng 3 tỷ USD viện trợ để huấn luyện và trang bị để các lực lượng Ukraine có thể chiến đấu trong nhiều năm tới.”

Số tiền này sẽ tài trợ cho các hợp đồng cho máy bay không người lái, vũ khí và các thiết bị khác có thể không xuất hiện trên chiến trường trong một hoặc hai năm, họ nói.

AP cho biết: “Không giống như hầu hết các gói trước đây, khoản tài trợ mới chủ yếu nhằm giúp Ukraine bảo đảm thế trận quốc phòng trung và dài hạn.”

Các lô hàng trước đó, hầu hết được thực hiện dưới sự quản lý của Tổng thống, tập trung vào nhu cầu tức thời hơn của Ukraine đối với vũ khí và đạn dược cũng như liên quan đến vật chất mà Ngũ Giác Đài đã có trong kho có thể được vận chuyển trong thời gian ngắn.

“Ngoài việc cung cấp hỗ trợ lâu dài hơn mà Ukraine có thể sử dụng cho các nhu cầu quốc phòng tiềm năng trong tương lai, gói mới còn nhằm trấn an các quan chức Ukraine rằng Hoa Kỳ có ý định tiếp tục hỗ trợ, bất kể cuộc xung đột này kéo dài bao lâu “

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ cũng đang để mắt đến các kế hoạch mở rộng huấn luyện cho quân đội Ukraine bên ngoài đất nước của họ, và cho các quân đội ở sườn phía đông và phía nam của Âu Châu, những nơi cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất bởi sự xâm lược của Nga.

Kể từ tháng 8 năm 2021, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hỗ trợ an ninh trị giá hơn 10 tỷ USD.

2. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết Vladimir Putin đang đặt cược rằng phản ứng của khối đối với cuộc xâm lược Ukraine của ông ta sẽ bị phá vỡ khi giá cả tăng vọt chạm vào túi tiền của cử tri Âu Châu.

Tổng thống Nga nhận thấy “sự mệt mỏi của người Âu Châu và sự miễn cưỡng của người dân khi phải gánh chịu hậu quả của việc ủng hộ Ukraine”, Borrell nói với các phóng viên.

Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng ta sẽ phải chịu đựng, phải trả các chi phí trong Liên Hiệp Âu Châu. Chúng ta phải cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ ngoài việc cung cấp vũ khí. Đối mặt với một kẻ từ chối ngừng chiến tranh, chúng ta phải có khả năng chống lại nó.”

Borrell nói rằng giữ cho 27 quốc gia thành viên thống nhất là nhiệm vụ phải được thực hiện “từng ngày”. Ông cũng nói:

Các quốc gia thành viên là những người làm chủ chính sách đối ngoại của họ. Chúng ta phải bảo đảm rằng lợi ích của họ đạt được một điểm chung. Chúng tôi luôn ở trong chế độ thỏa hiệp.

3. Johnson: Vương quốc Anh sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bất kỳ lãnh thổ Ukraine nào

Boris Johnson đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không cho phép Vladimir Putin lặp lại việc sáp nhập Crimea đối với các khu vực khác của Ukraine.

Ông Johnson cho biết trong một bài phát biểu từ xa tại hội nghị Quốc tế về Crimea, Anh quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng quân sự, nhân đạo, kinh tế và ngoại giao cho đến khi Nga “chấm dứt cuộc chiến ghê tởm này và rút lực lượng của mình khỏi toàn bộ Ukraine”.

Thủ tướng kêu gọi các đồng minh tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi lực lượng Nga rút khỏi “toàn bộ” lãnh thổ của nước này.

Thủ tướng Johnson nói:

Putin đang có kế hoạch sáp nhật những phần đất khác của Ukraine - thực tế là tất cả Ukraine – như những gì ông ấy đã làm với Crimea.

Nhà lãnh đạo Nga đang chuẩn bị “nhiều cuộc thôn tính hơn và nhiều cuộc trưng cầu dân ý giả mạo hơn”.

Johnson thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới rằng việc sáp nhập Crimea của Nga “hoặc bất kỳ lãnh thổ nào khác của Ukraine” không bao giờ được công nhận.

4. Alexander Dugin là ai?

Diễn biến đáng chú ý trong tuần qua là vụ ám sát nhắm vào nhà tư tưởng cực hữu người Nga Alexander Dugin nhưng lại trúng vào cô con gái Daria Dugin, 30 tuổi, qua đời trong một vụ đặt bom xe hơi thảm khốc. Cái chết của Daria Dugin cũng gây ra những tranh cãi trong thế giới Chính Thống Giáo chung quanh lời chia buồn của Thượng Phụ Kirill. Tờ Daily Mail có bài giải thích về Alexander Dugin trong bối cảnh có những đồn thổi cho rằng ông ta đang nổi như cồn sau những thất bại của Putin trong cuộc chiến ở Ukraine.

Alexander Dugin chịu trách nhiệm định hình thế giới quan của vòng tròn bên trong của Putin. Ông đã kêu gọi thủ tiêu dân tộc Ukraine và mạnh mẽ thúc đẩy Nga xâm lược quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua.

Thời trẻ, Dugin nổi lên như một thủ lĩnh của tổ chức dân tộc chủ nghĩa Nga bài Do Thái khét tiếng, có tên gọi là Pamyat.

Ông thành lập nhà xuất bản của riêng mình sau khi Liên Xô sụp đổ, giành được vị trí giảng dạy trong đại học vì các tác phẩm của mình.

Dugin tin rằng Giáo hội Chính thống Nga có sứ mệnh trở thành một định chế cai trị toàn bộ Âu Châu và Á Châu - thống nhất tất cả các dân tộc nói tiếng Nga thành một nhà nước duy nhất.

Ông đã vạch ra kế hoạch của mình để đạt được mục tiêu này trong cuốn sách “Nền tảng của địa chính trị” xuất bản năm 1997, một văn bản vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong giới tinh hoa Nga và thậm chí đã được quân đội Nga sử dụng làm sách giáo khoa.

Giáo sư người Nga này đã thành lập 'Đảng Âu-Á' vào năm 2001, được đặt tên theo một cuốn tiểu thuyết giả tưởng năm 1984 của George Orwell.

Cuốn tiểu thuyết của ông kêu gọi một đế chế Nga trải dài từ Dublin đến Vladivostok, thậm chí kêu gọi chinh phục tòn bộ Trung Quốc.

Dugin đã bị bãi nhiệm khỏi chức vụ trưởng Khoa Xã hội học Quan hệ Quốc tế tại Đại học Mạc Tư Khoa sau khi tranh cãi về 'các nước cộng hòa nhân dân' trên lãnh thổ Ukraine. Quan điểm của Dugin là chiếm được vùng đất nào thì tạo thành một nước cộng hòa nhân dân ở nơi đó, và liên kết vào đế chế Nga.

Nhưng kể từ đó, hầu hết các ý kiến của ông đều được Putin tán thành đến mức Dugin được gọi là Rasputin của Putin. Grigori Yefimovich Rasputin sinh ngày 21 tháng Giêng năm 1869 tự xưng là một nhà thần bí, và được trọng dụng như quân sư trong triều đình Nicholas Đệ Nhị, là Hoàng đế cuối cùng của Nga. Rasputin đã có một ảnh hưởng đáng kể ở cuối thời Đế quốc Nga.

Alexander Dugin sinh ngày 7 tháng Giêng, 1962, năm nay mới 60 tuổi nhưng bắt chước Rasputin để râu dài nên nhìn già hơn tuổi thật của ông ta.

Bảy năm sau, quan điểm của ông trở thành hiện thực sau khi Điện Cẩm Linh công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk từ các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine bị chiếm đóng.

Dugin kêu gọi sáp nhập Crimea từ năm 2008, trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga với Georgia.

Ông ta đã đến khu vực tranh chấp Nam Ossetia, nơi ông ta chụp ảnh với một bệ phóng hỏa tiễn.

Ông cũng tham gia điều phối các phong trào ly khai ở Ukraine trong cuộc chiếm đóng năm 2014, mà Mỹ đã trừng phạt ông.

Nhà khoa học chính trị tuyên bố ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 sau khi một máy bay chiến đấu của Nga bị bắn rơi ở biên giới Syria.

Dugin cũng phát triển các liên kết với các đảng chính trị cực hữu và cực tả trong Liên minh Âu Châu, cố gắng gây ảnh hưởng đến chính sách của Liên Hiệp Âu Châu đối với Ukraine và Nga.

5. Ai là 'bà mẹ sát thủ Ukraine' bị cáo buộc thổi bay con gái của tay trùm phát xít Nga?

Cơ quan mật vụ Nga FSB nói rằng cô ấy là một điệp viên kỳ cựu và là kẻ giết người được đào tạo - nhưng Kyiv có một câu chuyện rất khác

Đó là một cái tên được lấy ra từ sự mù mờ và được dán trên các trang nhất các trên khắp thế giới: Natalia Vovk, người phụ nữ mà Nga cho rằng đã thổi bay con gái của 'quân sư cho Putin'.

FSB tuyên bố cô là một cựu chiến binh của tiểu đoàn Azov của Mariupol đã trở thành gián điệp, người đã dành nhiều tuần theo dõi Darya Daria Dugin trước khi đặt 800g chất nổ dưới ghế lái xe của cô vào ngày 20 tháng 8 và cho nó nổ tung khi cô rời một lễ hội gần Mạc Tư Khoa.

Nhưng Kyiv đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với vụ giết người, Tiểu đoàn Azov nói rằng họ không có hồ sơ nào về việc cô Vovk đã phục vụ trong tiểu đoàn của họ, và bằng chứng xuất hiện từ các tài khoản mạng xã hội vẽ ra một bức tranh trái ngược với mô tả của Mạc Tư Khoa.

Vậy, Natalia Vovk thực sự là ai? Đây là những gì chúng tôi biết về cô ấy...

FSB cho biết Natalia sinh ra ở thành phố Mariupol, vùng Donetsk của Ukraine, vào năm 1976 - khi nước này vẫn còn là một phần của Liên Xô.

Các tài khoản Telegram Phò-Cẩm Linh cũng đã chia sẻ những gì họ tin rằng cô ta có họ mới khi kết hôn là Shaban.

Và có vẻ như có một số sự thật nhất định đối với thông tin đó.

Một hồ sơ hiện đã bị xóa trên VKontakte - một mạng xã hội của Nga tương đương với Facebook – đã hiển thị hồ sơ thuộc về một Natalia Shaban hay Vovk sống ở Mariupol.

Tài khoản của cô ấy hoạt động lần cuối vào năm 2016 và có vài chục người theo dõi.

FSB cũng tuyên bố Natalia đã mang theo con gái của cô là Sofia - vào Nga khi cô theo dõi Dugin trước khi vụ giết người xảy ra.

Và các tài khoản mạng xã hội ủng hộ Nga đã chia sẻ một cái tên mà họ tin rằng là con trai của Natalia: Danil Shaban.

Dữ liệu Vkontakte từ cùng một hồ sơ được phát hiện bởi trang web điều tra Proekt dường như cũng xác nhận thông tin đó.

Natalia thực sự dường như có hai con - một trai và một gái - và hồ sơ riêng biệt trên Facebook, VKontakte và TikTok xuất hiện dưới tên Danil Shaban cho biết anh sinh ra ở Mariupol vào năm 2000.

Tuy nhiên, sau đó, các câu chuyện được đưa ra bởi các nguồn Nga và Ukraine khác nhau.

Câu chuyện của Nga

FSB cho biết Natalia đã vượt biên giới từ Ukraine vào ngày 23/7 khi lái một chiếc Mini Cooper mang biển số do Cộng hòa Nhân dân Donetsk cấp – Đó là khu vực bị chiếm đóng của Ukraine hiện đang kiểm soát Mariupol.

Các điệp viên đã công bố đoạn phim CCTV mà họ nói cho thấy cô ấy ở điểm qua biên giới, khi lính canh kiểm tra chiếc xe.

Họ nói rằng cô ấy sau đó đã đổi biển số do Kazakhstan cấp và lên đường tới Mạc Tư Khoa, nơi cô ấy thuê một căn hộ trong cùng tòa nhà với Daria Dugin.

Cô cũng được cho là đã thay đổi màu tóc từ vàng sang nâu để tránh bị phát hiện, được thấy trong nhiều camera quan sát do FSB phát hành mà họ cho rằng được chụp ở cầu thang trong khu chung cư của cô.

Natalia bị cáo buộc đã dành nhiều tuần theo dõi Daria Dugin, trước khi đặt một quả bom vào gầm xe của cô khi cô tham dự một lễ hội thơ truyền thống tại khu nhà Zakharovo gần Mạc Tư Khoa vào thứ Bảy với cha mình là ông Alexander Dugin.

Sau khi đặt bom, FSB cho biết Natalia đã đổi biển số xe hơi một lần nữa - lần này là biển số của Ukraine - và lái xe đến Estonia, nơi cô vào Liên Hiệp Âu Châu.

Các kênh Telegram của Điện Cẩm Linh cho biết cô ấy đã di chuyển về phía Tây kể từ đó và lần cuối cùng được phát hiện đã vào một khách sạn ở Áo với hai phụ nữ và một trẻ em.

Họ cũng tuyên bố đã phát hiện ra một quảng cáo trên mạng xã hội Ukraine đang cố gắng bán chiếc Mini Cooper mà cô đang lái.

RIA Novosti, tờ báo chính của Nga, tuyên bố đã phỏng vấn cha của Natalia, người nói với họ rằng cô phục vụ trong các lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông cho biết cô đã nghỉ hưu vì 'lý do sức khỏe' và không tham gia các hoạt động chống khủng bố ở Donbas - cái tên mà Ukraine đặt cho cuộc xung đột âm ỉ ở các khu vực phía đông sau cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào năm 2014.

Natalia rời Ukraine tị nạn 'một thời gian trước', ông nói và nói thêm rằng ông không biết cô đã đến Nga.

Ông ấy nói thêm rằng cô ấy đã gọi điện về nhà vài ngày trước và nói với ông ấy rằng cô ấy đang ở Lithuania.

FSB cũng đã công bố một bức ảnh về những gì họ nói là ID của Natalia do lực lượng vũ trang của Ukraine cấp mà họ nói rằng chứng minh cô ấy là một phần của Azov.

Câu chuyện của Ukraine

Kyiv đã không phủ nhận sự tồn tại của Natalia, nhưng đã mạnh mẽ phủ nhận có bất cứ điều gì liên quan đến cái chết của Daria Dugin.

Những thông tin do Kyiv đưa ra và được tiết lộ bởi nhiều nguồn thân Ukraine tranh cãi quyết liệt về những phần chính trong câu chuyện của Nga.

Một phát ngôn viên của tiểu đoàn Azov nói với truyền thông Ukraine rằng Natalia chưa bao giờ phục vụ trong tiểu đoàn của họ - bởi vì đơn giản là không có nữ quân nhân nào trong hàng ngũ của họ.

Nguồn tin nói thêm rằng thẻ căn cước mà FSB trưng ra thực sự là của Vệ binh Quốc gia chứ không phải của một người lính Azov.

Ông cho biết các dấu bút chì trên giấy tờ tùy thân cho thấy nó đã bị vô hiệu vì người phụ nữ đã kết hôn và thay đổi họ của mình.

Người lính suy đoán rằng ID không hợp lệ đã được đặt trong kho lưu trữ của lực lượng bảo vệ quốc gia Ukraine ở Mariupol - một tòa nhà mà Nga hiện đang chiếm giữ - và đã bị quân đội của họ phát hiện ra và bị thao túng cho mục đích tuyên truyền.

Các nhà điều tra Internet cũng tuyên bố đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy hình ảnh trên giấy tờ tùy thân đã bị sửa chữa.

Các tài khoản Telegram ủng hộ Ukraine cũng tiết lộ những gì xuất hiện trong một hồ sơ tiết lộ rằng người chồng đầu tiên của Natalia - được xác định là Andrey Vovk - có liên hệ với các phiến quân thân Nga ở Donbas.

Andrey, người có danh tính xuất hiện trên cơ sở dữ liệu theo dõi 'những kẻ phản bội' Ukraine, bị cáo buộc đã giúp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giả mạo về việc ly khai khỏi Ukraine.

Tất cả những điều đó cho thấy Natalia có thể có thiện cảm với Nga hơn là với Ukraine.

Proekt cũng phát hiện ra những mâu thuẫn trong các tài khoản mạng xã hội.

Theo trang Vkontakte của Danil Shaban, anh sinh năm 2000, tức là 22 tuổi. Và theo FSB, Sofia Shaban 12 tuổi khi cùng mẹ đến Nga hai tháng trước.

Những bức ảnh của Natalia trên mạng xã hội cho thấy cô có hai đứa con - một trai và một gái - cả hai đều có nét giống cô và giống nhau, nhưng không cách nhau đến 10 tuổi.

Hơn nữa, trang web tuyên bố quảng cáo cho Mini Cooper đã được đăng một ngày trước vụ nổ và một video trên TikTok của Danil cho thấy anh ta đang lái một chiếc xe tương tự ở Kyiv vào ngày 16 tháng 8 - khi Natalia được cho là có mặt với chiếc xe ở Mạc Tư Khoa.

Các tài khoản mâu thuẫn về danh tính thực sự của Natalia càng làm vẩn đục thêm dòng nước của một vụ án vốn đã âm u, với các nguồn tin cho rằng quả bom là tác phẩm của giới tinh hoa Nga bất mãn nhắm vào vòng trong của Putin hoặc một hoạt động 'cờ giả' của FSB.

Kyiv khẳng định FSB đứng sau toàn bộ hoạt động này.

Chuyên gia Nga được kính trọng Andrei Piontkovsky cho biết vụ sát hại Daria Dugin là chuyên nghiệp, và cho thấy các cơ quan mật vụ Nga đứng sau vụ này.

'Rõ ràng đây là tác phẩm của cơ quan dịch vụ đặc biệt của Nga. Dugin nổi tiếng là một nhà lãnh đạo không chính thức của đảng cực phát xít, là đảng gần đây đang ngày càng chỉ trích Putin là 'chưa đủ phát xít', ông nói.

Theo Piontkovsky, Dugin và các đồng phạm đã bắt đầu lo lắng rằng những người thân cận của Putin, cũng như chính Putin đang cố gắng bằng mọi cách thoát ra cuộc khủng hoảng hiện nay bằng một đường lối hòa bình.

Dugin và các đồng phạm lo ngại rằng cuộc ám sát vừa qua cũng như các cuộc ám sát trong tương lai được tiến hành bởi các điệp viên trung thành của Putin trong bối cảnh có tin đồn họ muốn lật đổ nhà lãnh đạo Nga khỏi quyền lực.

Sự thất vọng và tức giận ngày càng gia tăng về cuộc chiến của Nga ở Ukraine được thể hiện rõ nét khi một trong những cựu Bộ Trưởng của Putin thậm chí còn dám gọi tổng thống là “một thằng hề”, và là một người đã bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy qua mặt dễ dàng.

Những nghi ngờ gia tăng rằng vòng trong của Putin có thể đã chống lại ông ta và vụ đánh bom được thực hiện sau khi Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, đã công khai chế nhạo Putin.

Girkin nói rằng Zelenskiy thường bị gắn mác 'chú hề' vì anh ấy là một diễn viên hài truyền hình trước khi được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, thực ra Putin mới là một thằng hề.

Girkin nói: “Nhưng rồi chiến tranh đã đến. Không giống như Putin, Zelenskiy không chạy trốn hay ẩn nấp trong boongke”.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã “thông báo, phát động và tiến hành một cuộc tổng động viên” những người trong độ tuổi nhập ngũ của đất nước mình và 'đạt được một lượng lớn vũ khí được giao từ NATO', đồng thời đã “đánh lừa được Điện Cẩm Linh”.

Cuối cùng, Girkin, người thường tự xem mình là một đại công thần của chế độ, thẳng thừng gọi Putin là một “thằng hề”.
 
Hồng Y Becciu được ĐGH phục chức? Tin vui cho Giáo Hội Hoàn Vũ: Giáo Hội sắp có thêm hai hiển thánh
VietCatholic Media
18:04 24/08/2022


1. Vatican News nói về trường hợp Đức Hồng Y Becciu rằng tham dự công nghị Hồng Y không giống như được phục hồi

Các nguồn tin của Vatican lưu ý rằng tất cả các Kitô hữu đều tham gia vào đời sống của Giáo hội, mỗi người tùy theo địa vị của mình.

Trong khi văn phòng báo chí Vatican chưa đưa ra phản hồi chính thức về tuyên bố của Hồng Y Angelo Becciu cho rằng các đặc quyền Hồng Y của ngài đang được phục hồi ngay cả khi phiên tòa tài chính vẫn tiếp tục diễn ra, một bài báo trên ấn bản tiếng Ý của Vatican News đã đưa ra nhận định.

Các nguồn tin tại Tòa thánh nhắc lại rằng các quyền của Hồng Y không đề cập đến việc tham gia vào đời sống của Giáo hội; Các Kitô hữu được kêu gọi tham gia vào đời sống của Giáo hội, tùy theo địa vị của họ: trong trường hợp của các Hồng Y, điều này có thể bao gồm một lời mời - đôi khi mang tính cá nhân – là tham dự một số cuộc họp dành riêng cho các Hồng Y.

Đây là nhận định của nhà báo Salvatore Cernuzio.

Do đó, Vatican News đề cập đến lời mời từ Đức Giáo Hoàng nhưng không đề cập đến việc phục hồi tước vị Hồng Y.


Source:Aleteia

2. Công nghị Hồng Y ấn định ngày tôn phong hai vị hiển thánh mới

Trong Công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới, chiều thứ Bảy, ngày 27 tháng Tám tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố ngày tôn phong hai vị chân phước lên bậc hiển thánh. Đó là chân phước Gioan Baotixita Scalabrini và Artemide Zatti.

Ngày 21 tháng Năm năm nay, Đức Thánh Cha đã chấp nhận đề nghị của Hội đồng Hồng Y và Giám mục thành viên Bộ Phong thánh, phong hiển thánh cho chân phước giám mục Gioan Baotixita Scalabrini, theo thể thức tương đương và không cần phải có phép lạ.

Trước đó, ngày 09 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước Artemide Zatti, trợ sĩ dòng Don Bosco ở Argentina.

Thánh Scalabrini là tông đồ những người di dân và hai dòng nam nữ do ngài thành lập đều nhắm phục vụ và làm tông đồ cho người di dân. Ngài vốn là một linh mục nhiệt thành, được chân phước Giáo hoàng Piô IX bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Piacenza, bắc Ý năm 1875, lúc mới 39 tuổi. Năm 1887, ngài thành lập Dòng Thừa sai thánh Carlo Borromeo để săn sóc những người Ý di cư ra nước ngoài. Năm 1895, ngài thành lập ngành nữ của dòng này. Năm 1901, ngài đích thân lấy tàu từ cảng Genova để sang Mỹ viếng thăm mục vụ cho những người Ý di cư tại đây, và để gây ý thức trong dư luận tại Mỹ về chính nghĩa của những người Ý di cư. Ngài qua đời năm 1905 tại Piacenza và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước năm 1997.

Còn chân phước Artemide Zatti, trợ sĩ dòng Don Bosco, sẽ là tu huynh đầu tiên của dòng được phong thánh.

Thầy Zatti sinh tại Bắc Ý, cùng với gia đình di cư sang Argentina năm 1897, khi được 17 tuổi. Sau đó gia nhập dòng này trong bậc tu huynh. Thầy phục vụ trong bệnh xá và bệnh viện của dòng với tất cả lòng bác ái và tinh thần phục vụ đối với các bệnh nhân và những người nghèo tại thành phố Viedma, cho đến khi qua đời năm 1951, thọ 71 tuổi. Thầy được phong chân phước ngày 14 tháng Tư năm 2002.

Phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước Zatti được Tòa Thánh chấp nhận, liên quan đến một người đàn ông Philippines ở Tanauan, Batangas, cách Manila gần 100 cây số, bị đột quỵ trầm trọng vì thiếu máu cục bộ (ischaemia) ở não bộ.

Ngày 11 tháng Tám năm 2016, đương sự bị chóng mặt, ói mửa, khó bước đi. Được chở tới khu cấp cứu của bệnh viện “Daniel Mercado Medical Center” ở thành phố Tanunan, trong hoàn cảnh rất nặng. Bác sĩ khám thấy ông bị đứt mạch máu ở não thùy bên phải, gây vết thương đầy máu. Ngày 13 tháng Tám, bệnh trạng nặng thêm. Được chở vào khu điều trị khẩn trương, các bác sĩ khuyên mổ, nhưng gia đình từ khước vì không có phương tiện tài chánh để trang trải, và ngày 21 tháng Tám, họ đưa bệnh nhân về nhà, bất chấp ý kiến của các bác sĩ, vì họ muốn bệnh nhân qua những giờ cuối cùng trong gia đình. Ngày 22 tháng Tám, bệnh nhân được xức dầu và thân nhân chờ đợi sự ra đi của ông.

Sáng ngày 24 tháng Tám sau đó, ông đột nhiên rút ống thông mũi - dạ dày cung cấp dưỡng chất và ống oxy, đồng thời muốn ăn uống, và trong những ngày sau đó, ông tiếp tục sống bình thường. Chính em ruột của ông là một trợ sĩ dòng Don Bosco ở Roma, cùng ngày ông bị đưa vào nhà thương, đã bắt đầu cầu nguyện xin chân phước tu huynh Artemide Zatti cứu giúp anh mình.

3. Đức Hồng Y Becciu được Đức Giáo Hoàng Phanxicô 'phục chức'?

Đức Hồng Y Angelo Becciu, cựu tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, người đã phải từ bỏ mọi chức vụ trong bối cảnh bị cáo buộc dính líu vào một vụ bê bối tài chính, cho biết ngài sẽ tham gia công nghị Hồng Y sắp tới diễn ra trong hai ngày 29 và 30 tháng 8.

Ngài cho biết ngài cũng sẽ tham gia vào công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8.

Hồng Y Becciu đã thông báo tin này trong một thánh lễ được cử hành tại Golfo Aranci ở quê hương Sardinia, nơi ngài đang trải qua kỳ nghỉ.

Nếu đúng như thế, quyết định dường như đến trực tiếp từ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vì quyết định của Đức Giáo Hoàng về việc loại Becciu khỏi chức vụ là cá nhân, nên rất có thể việc mời vị Hồng Y người Ý tham gia công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới cũng có thể được coi là một quyết định cá nhân của giáo hoàng.

Nói cách khác, có thể không có bất kỳ sự chính thức nào về việc phục hồi, chỉ đơn thuần là một xác nhận ngắn gọn rằng Đức Phanxicô đã mời vị Hồng Y 74 tuổi đến Tòa Thánh.

Việc Becciu từ chức khỏi tất cả các chức vụ tại Vatican của ngài và từ bỏ các đặc quyền của Hồng Y được công bố vào ngày 24 tháng 9 năm 2020, trong một thông báo từ Văn phòng Báo chí Tòa thánh được công bố vào buổi tối.

Sau đó, Đức Hồng Y Becciu tiết lộ rằng Đức Giáo Hoàng đã nói với ngài trong một buổi tiếp kiến vào buổi tối hôm đó rằng vị Giáo Hoàng không còn tin tưởng ngài nữa và có những cáo buộc tham ô chống lại ngài.

Các cáo buộc sau đó được chính thức đưa ra trong điều được gọi là “phiên tòa thế kỷ” của Vatican, và Hồng Y Becciu nằm trong số 10 bị cáo.

Hồng Y Becciu bị buộc tội tham ô, rửa tiền, gian lận, tống tiền và lạm dụng chức vụ.

Phiên tòa tập trung vào việc mua một bất động sản sang trọng ở London của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hồng Y Becciu cũng phải đối mặt với cáo buộc phân bổ tiền từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho Caritas ở khu vực quê hương của ngài.

Ngoài ra, Sardinia còn được gọi để trả lời cho sự tham gia của Cecilia Marogna với tư cách là cố vấn cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Việc chấm dứt các đặc quyền Hồng Y của Becciu chưa bao giờ được chứng nhận bởi một sắc lệnh chính thức của Hồng Y Đoàn.

Vị Hồng Y đã giữ lại tước hiệu nhưng không còn là thành viên của các cơ quan trung ương Tòa Thánh mà ngài được chỉ định và không tham gia vào các cuộc họp của các Hồng Y.

Kể từ ngày 24 tháng 9 năm 2020, Hồng Y Becciu đã không còn tham gia vào bất kỳ hội nghị nào nữa.

Do đó, việc phục hồi sẽ chỉ liên quan đến các chức năng cơ bản, chứ không phải việc tái hòa nhập vào các vai trò mà Hồng Y Becciu đã nắm giữ trước đây. Khi Hồng Y ra đi, ngài là tổng trưởng Bộ Tuyên thánh và là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Dòng Malta. Những nhiệm vụ này sẽ không được giao lại cho ngài, ít nhất là trong khi phiên tòa xét xử tham nhũng đang được tiến hành.

Hồng Y Becciu lần đầu tiên đưa tin về sự tái hòa nhập của mình trong một thánh lễ ngày 21 tháng 8 mà ngài cử hành ở Sardinia, nơi ngài đang đi nghỉ. Đức Hồng Y cho biết giáo hoàng đã gọi cho ngài vào ngày 20 tháng 8.

Ngài nói: “Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng gọi điện cho tôi để nói với tôi rằng tôi sẽ được phục hồi chức vụ Hồng Y và yêu cầu tôi tham gia vào một cuộc họp với tất cả các Hồng Y sẽ được tổ chức trong vài ngày tới tại Rôma. Vì lý do này, Chúa Nhật tới tôi sẽ không thể có mặt trong thánh lễ vì bận ở Rome “.

Tuy nhiên, việc Becciu tái hòa nhập với các chức năng Hồng Y của mình không có nghĩa là sự phục hồi hoàn toàn vì Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn muốn phiên tòa ở Vatican diễn ra theo đúng quy trình.

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Hồng Y Becciu vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2021 và cử hành Thánh Thể trong nhà của ngài, nhưng điều này không giúp cho vị Hồng Y tránh khỏi phiên tòa.

Tuy nhiên, Hồng Y Becciu đã lan truyền tin tức về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng vào năm 2021, và thông tin này không được Văn phòng Báo chí Tòa thánh xác nhận chính thức trong một tuyên bố - mặc dù nó đã được đưa tin trên Vatican News.

Hồng Y Becciu là vị Hồng Y đầu tiên bị tòa án Vatican xét xử, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô, với sắc lệnh ngày 30 tháng 4 năm 2021, quyết định rằng tòa án cũng có thể buộc tội các vị Hồng Y. Trước đây, các Hồng Y chỉ có thể bị xét xử bởi tòa án cao nhất của Vatican, Apostolic Signatura, bao gồm hai thành viên Hồng Y và một chủ tịch tòa án. Trên thực tế, các Hồng Y trước đây chỉ có thể được xét xử bởi các Hồng Y.
Source:Catholic News Agency