Ngày 25-08-2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Kitô hữu Iran bị bỏ tù vì phân phát Thánh Kinh
Anthony Đông Thái
08:18 25/08/2013
Một Kitô hữu Iran bị bỏ tù vì phân phát Thánh Kinh

Theo báo cáo của cơ quan thông tấn truyền giáo của Vatican - Fides, một người Iran cải giáo theo Chúa đã bị kết án 10 năm tù vì phân phát Kinh Thánh trong đất nước của mình.

Mohammad-Hadi Bordhar đã bị bắt giữ ở Iran trong tháng Mười Hai và báo cáo nói rằng ông muốn "rao giảng Tin Mừng bằng cách phân phát 12.000 sách kinh nhỏ (bỏ túi)".

Anh bị cáo buộc "tội ác chống lại an ninh quốc gia".

Sau khi được rửa tội, người đàn ông đã làm một "nhà thờ tại gia" trong nhà của ông ở Rasht thuộc miền bắc Iran, theo báo cáo của Fides. Cảnh sát Iran đã tìm thấy sách, CD và hơn 6.000 quyển Kinh Thánh tại nhà anh.

Mohammad-Hadi Bordhar cho biết anh đã từng bị bắt vào năm 2009 và bị kết tội bỏ đạo nhưng sau đó đã được thả.

Fides dẫn lời các tổ chức phi chính phủ nói rằng mối quan tâm về Thiên Chúa giáo trong giới trẻ người Iran là việc đáng lo ngại với giới chức trách và nhiều nhà thờ bị đóng cửa.

Cơ quan này cho biết tổng thống mới của Iran, ông Hassan Rouhani, đã làm dấy lên hy vọng qua những phát biểu của ông về các quyền dân sự.

Số lượng Kitô hữu ở Iran là rất nhỏ, ước tính ít hơn 1% dân số.

Anthony Đông Thái

 
Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô với hàng Giám Mục Mỹ Châu Latinh
Linh Tiến Khải
08:27 25/08/2013
Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô với hàng Giám Mục Mỹ Châu Latinh

Lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật 28-7-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám Mục, trong đó có 45 vị thuộc Ủy ban điều hành Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi.

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với các Giám Mục đã là diễn văn dài nhất của ngài kể từ khi lên giữ chức vụ chức Giám Mục Roma kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ.

Trong diễn văn Đức Thánh Cha đã tóm tắt một vài đặc thái của Hội nghị Aparecida triệu tập năm 2007 về đề tài truyền giáo cho châu Mỹ Latinh với hai chiều kích chương trình và mô thức thực hiện cụ thể tại các Giáo Hội địa phương. Ý thức về một Giáo Hội được tổ chức để phục vụ tất cả mọi tín hữu và những người thiện chí. Trong số các thách đố ơn gọi tông đồ thừa sai có việc canh tân nội bộ Giáo Hội và đối thoại với thế giới hiện nay.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đề cập tới vài cám dỗ chống lại ơn gọi tông đồ thừa sai khiến cho Giáo Hội đánh mất đi căn tính đích thật của mình và trở thành một thực thể khác, nhưng không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô. Tiếp tục diễn văn nói với các hàng Giám Mục Mỹ châu Latinh, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một vài tiêu chuẩn Giáo Hội học, giúp hiện thực ơn gọi tông đồ thừa sai trong bối cảnh của Mỹ châu Latinh hiện nay.

Sau đây là nội dung phần đầu bài diễn văn quan trọng này.

Mở đầu bài nói chuyện Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tôi cảm tạ Chúa về cơ may có thể nói chuyện với anh em, chư huynh Giám Mục, đặc trách Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh CELAM trong nhiệm kỳ 2011-2015. Từ 57 năm qua tổ chức CELAM phục vụ 22 Hội Đồng Giám Mục của Mỹ châu Latinh và vùng Caraibi bằng sự cộng tác một cách liên đới và phụ đới để thăng tiến, kích thích và làm năng động tính cách giám mục đoàn và sự hiệp thông giữa các Giáo Hội của Vùng này với các Chủ Chăn của nó.

Cũng như anh em, tôi là chứng nhân của sức thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trong Hội nghị khoáng đại lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh tại Aparecida hồi tháng 5 năm 2007. Hội nghị này tiếp tục linh hoạt các công việc của tổ chức CELAM đối với sự mong ước canh tân của các Giáo Hội riêng rẽ. Việc canh tân đó đã được tiến hành trong nhiều Giáo Hội địa phương. Tôi ước mong tập trung buổi nói chuyện này vào gia tài của cuộc gặp gỡ huynh đệ mà chúng ta tất cả đã coi như là Sứ mệnh truyền giáo đại lục.

Tiếp tục diễn văn Đức Thánh Cha đã ghi nhận vài đặc thái của Hội nghị Aparecida và nói: có bốn đặc thái riêng của Hội nghị lần thứ V này. Chúng như bốn cột trụ của việc phát triển của Hội nghị Aparecida và chúng trao ban cho nó sự độc đáo.

Đặc thái thứ nhất là Hội nghị bắt đầu mà không có tài liệu. Tại các Hội nghị Medellin, Puebla và Santo Domingo, các công việc đã bắt đầu với một lộ trình chuẩn bị đạt tột đỉnh với một loạt tài liệu làm việc giúp khai triển việc thảo luận, suy tư và chấp thuận tài liệu chung kết. Trái lại hội nghị Aparecida đã thăng tiến việc tham dự của các Giáo Hội địa phương như lộ trình chuẩn bị đạt tột đỉnh trong một tài liệu tổng kết. Tài liệu này tuy được dùng như điểm tham chiếu trong Hội nghị lần thứ V, nhưng đã không được coi như tài liệu khởi hành. Công việc khởi đầu bao gồm việc góp chung các ưu tư của các Chủ Chăn trước sự thay đổi của thời đại và việc cần thiết phục hồi cuộc sống tông đồ và truyền giáo mới là mục đích mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo Hội.

Đặc thái thứ hai là môi trường cầu nguyện với Dân Chúa. Thật quan trọng nhắc tới bầu khí cầu nguyện được tạo ra bởi việc chia sẻ Thánh Thể hằng ngày và các lúc cử hành phụng vụ khác, trong đó chúng ta đã luôn luôn được Dân Thiên Chúa đồng hành. Đàng khác, bởi sự kiện các công việc được tiến hành dưới hầm Đền Thờ, ”nhạc hoạt động” đệm cho các công việc đó là các thánh ca và lời cầu của tín hữu.

Đặc thái thứ ba là Tài liệu kéo dài trong sự dấn thân, với Sứ mệnh truyền giáo đại lục. Trong bầu khí cầu nguyện và đời sống đức tin đó nảy sinh ước muốn của một lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và dấn thân Truyền giáo đại lục. Hội nghị Aparecida không kết thúc với một tài liệu, mà kéo dài trong việc Truyền giáo đại lục.

Đặc thái thứ bốn là sự hiện diện của Đức Bà Mẹ của châu Mỹ Latinh. Đây là Hội nghị đầu tiên của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi được nhóm tại Đền Thánh Đức Mẹ.

Nói tiếp trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha trình bầy các chiều kích của việc truyền giáo cho lục địa Châu Mỹ Latinh. Ngài nói: Việc Truyền giáo lục địa được dự phóng trong hai chiều kích: có chương trình và mô thức thực hành.

Truyền giáo có chương trình, như tên của nó nói lên, bao gồm việc thực hiện các hành động có ấn tích truyền giáo. Việc truyền giáo mô thức thực hành trái lại, đòi buộc đặt để các sinh hoạt thông thường của các Giáo Hội địa phương trong chìa khóa truyền giáo. Một cách hiển nhiên, ở đây như là kết quả người ta đưa ra tất cả một năng động cải tổ các cơ cấu Giáo Hội. Việc ”thay đổi các cơ cấu” (từ tàn lụi sang mới mẻ) không phải là hoa trái của một nghiên cứu về việc tổ chức sự thiết đặt Giáo Hội hữu hiệu, từ đó sẽ là một việc tái tổ chức tĩnh, nhưng là kết qủa của năng động truyền giáo. Điều khiến cho các cấu trúc hư nát gẫy đỗ, điều dẫn đưa tới chỗ thay đổi con tim của các Kitô hữu, chính là tính cách truyền giáo. Từ đó nảy ra tầm quan trọng của mô thức truyền giáo.

Truyền giáo đại lục có chương trình hay như mô thức truyền giáo đòi hỏi việc tạo ra ý thức của một Giáo Hội được tổ chức để phục vụ tất cả mọi người đã được rửa tội và những người thiện chí. Người môn đệ Chúa Kitô không phải là một người bị cô lập trong một nền tu đức duy nội tại, nhưng là một người sống trong cộng đoàn để tự hiến cho tha nhân. Vì thế truyền giáo đại lục bao hàm việc thuộc về Giáo Hội.

Một định hướng như thế này, bắt đầu với việc là môn đệ truyền giáo và kéo theo việc hiểu biết căn tính của Kitô hữu như là thuộc về Giáo Hội, đòi hỏi chúng ta phải nêu rõ đâu là các thách đố hiện nay của tính cách truyền giáo của việc làm môn đệ. Tôi sẽ chỉ minh nhiên hai thách đố thôi: việc canh tân nội bộ Giáo Hội và đối thoại với thế giới hiện nay.

Đại hội Aparecida đã đề nghị Việc hoán cải mục vụ như là điều cần thiết. Sự hoán cải này bao gồm việc tin vào Tin Mừng, tin nơi Chúa Giêsu Kitô Đấng đem Nước Thiên Chúa đến, tin nơi sự hòa nhập của Người vào lòng thế giới, tin nơi chiến thắng của Người trên sự dữ, tin nơi sự trợ giúp và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tin nơi Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô và là tổ chức kéo dài năng động của sự Nhập Thể.

Trong ý nghĩa đó như là các Chủ Chăn chúng ta cần đặt ra các câu hỏi quy hướng về các Giáo Hội mà chúng ta chủ trì. Các câu hỏi này dùng như hướng dẫn giúp duyệt xét tình trạng của các Giáo phận trong việc tiếp nhận tinh thần của hội nghị Aparecida và là các câu hỏi thich hợp chúng ta phải thường xuyên đặt ra như là việc xét mình.

Thứ nhất, chúng ta có làm sao để cho công việc của chúng ta và của các Linh Mục của chúng ta có tính cách mục vụ hơn là quản trị không? Ai là người chính yếu được thừa hưởng cộng việc của Giáo Hội. Giáo Hội như là tổ chức hay Dân của Thiên Chúa trong tổng thể của nó?

Thứ hai, chúng ta có vượt thắng được cám dỗ chú ý một cách phản ứng tới các vấn đề phức tạp nảy sinh ra hay không? Chúng ta có tạo ra một thói quen phò tích cực hay không? Chúng ta có thăng tiến các không gian và cơ hội giúp biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa không? Chúng ta có ý thức được trách nhiệm phải duyệt xét lại các sinh hoạt mục vụ và hoạt động của các cơ cấu Giáo Hội, bằng cách tìm thiện ích của tín hữu và của xã hội không?

Thứ ba, trong thực hành, chúng ta có làm cho tín hữu giáo dân trở thành những người tham dự vào Sứ Mệnh truyền giáo không? Chúng ta có cống hiến Lời Chúa và các Bí Tích với lương tâm trong sáng và xác tín rằng Chúa Thánh Thần biểu lộ trong đó không?

Thứ bốn, việc phân định mục vụ bằng cách sử dụng các Hội đồng mục vụ giáo phận có là một tiêu chuẩn quen thuộc hay không? Các Hội đồng ấy, và các Hội đồng mục vụ và hội đồng kinh tế giáo xứ có là các khoảng không đích thực cho việc tham dự của giáo dân vào việc cố vấn, tổ chức và lên chương trình mục vụ hay không? Hoạt động tốt của các Hội đồng là điều định đoạt. Tôi tin rằng chúng ta đang rất chậm trễ trong lãnh vực này.

Thứ năm, chúng ta là các Chủ Chăn, Giám Mục và Linh Mục, chúng ta có ý thức và xác tín về sứ mệnh của giáo dân và để cho họ được tự do để họ phân định sứ mệnh mà Chúa trao phó cho họ, một cách phù hợp với con đường môn đệ của họ hay không? Chúng ta có yểm trợ họ và đồng hành với họ, bằng cách thắng vượt bất cứ cám dỗ lèo lái họ hay bắt họ tùng phục trái phép không? Chúng ta có luôn luôn cởi mở để cho mình được mời gọi trong việc tìm kiếm thiện ích của Giáo Hội và Sứ Mệnh của Giáo Hội trong thế giới không?

Thứ sáu, các nhân viên mục vụ và các tín hữu nói chung có cảm thấy họ là thành phần của Giáo Hội, có tự đồng hóa với Giáo Hội và đem Giáo Hội tới gần với các người đã được rửa tội nhưng sống xa Giáo Hội không?

Như chúng ta có thể hiểu ở đây liên quan tới các thái độ. Việc hoán cải mục vụ một cách chính yếu liên quan tới các thái độ và việc cải tổ cuộc sống. Một sự thay đổi thái độ là năng động cần thiết: ”nước vào tiền đình” và chỉ có thể khơi rãnh cho nó bằng cách đồng hành với nó và phân định. Thật là quan trọng phải luôn chú ý rằng để khỏi đi lạc trên con đường này địa bàn là căn tính Công Giáo được hiểu như là thuệc về Giáo Hội.

Thách đố thứ hai là đốl thoại với thế giới hiện nay. Cần phải nhớ các lời của Công Đồng Chung Vaticăng II: các niềm vui và các hy vọng, các nỗi buồn và các âu lo của con người thời nay, nhất là của các người nghèo và những ai đau khổ, cũng là các niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và âu lo của các môn đệ Chúa Kitô (GS, 1). Chính đây là nền tảng cuộc đối thoại với thế giới hiện nay.

Câu trả lời cho các vấn nạn hiện sinh của con người ngày nay, đặc biệt của các thế hệ mới, bằng cách chú ý tới ngôn ngữ của họ, bao gồm một sự thay đổi phong phú, cần bước đi với sự trợ giúp của Tin Mừng, của Huấn Quyền và Giáo Lý Xã Hội của Hội Thánh. Các quang cảnh và các nơi rao giảng rất khác nhau. Chẳng hạn, trong cùng một thành phố, có các hình dáng tập thể khác nhau quy định hình dáng ”các thành phố khác nhau”. Nếu chúng ta chỉ ở lại trong các mẫu mực của ”nền văn hóa xưa kia”, nói cho cùng một nền văn hóa của nền tảng đồng quê, kết qủa sẽ là việc hủy bỏ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa ở trong tất cả mọi phía: cần phải biết khám phá ra Người để có thể loan báo Người trong tiếng nói của mọi nền văn hóa; và mỗi một thực tại, mỗi một ngôn ngữ đều có tiết nhịp khác nhau.

Trong phần hai bài nói chuyện với hàng Giám Mục châu Mỹ Latinh Đức Thánh Cha Phanxicô trình bầy vài cám dỗ chống lại ơn gọi tông đồ thừa sai và đề ra một vài tiêu chuẩn Giáo Hội học giúp thực thi ơn gọi đó.

Đức Thánh Cha nói: việc chọn lựa cuộc sống môn đệ thừa sai sẽ bị cám dỗ. Vì thế thật quan trọng phải hiểu biết chiến thuật tinh thần gian ác để có thể phân định. Đây không phải là việc đi ra để xua đuổi qủy dữ, nhưng chỉ là sự sáng suốt và khôn lanh theo tinh thần Tin Mừng mà thôi. Tôi chỉ xin nêu lên một vài thái độ diễn tả gương mặt của một Giáo Hội bị ”cám dỗ”. Đây là việc hiểu biết vài đề nghị nào đó hiện nay có thể giảm thiểu năng động của tông đồ thừa sai, khiến cho tiến trình hoán cải mục vụ dừng lại hay thất bại.

Cám dỗ thứ nhất là ý thức hệ hóa sứ điệp tin mừng. Đây là một cám dỗ mà Giáo Hội đã có ngay từ đầu: tìm một giải thích thực dụng tin mừng vượt ngoài chính sứ điệp của Tin Mừng và Giáo Hội. Một thí dụ, hội nghị Aparecida trong một lúc nào đó đã đau khổ vì cám dỗ này dưới hình thức của sự ”khử trùng”. Người ta dùng phương pháp ”nhìn xem, phán đoán, hành động”. Cám đỗ nằm ở chỗ lựa chọn một “nhìn xem” hoàn toàn lạnh lùng, một ”nhìn xem” trung lập, là điều không thể nào thực hiện được. Việc nhìn xem luôn luôn bị ảnh hưởng bởi cái nhìn. Không có việc giải thích thực dụng lạnh lùng. Khi đó câu hỏi nêu lên là chúng ta đi xem thực tại với cái nhìn nào? Hội nghị Aparecida trả lời: với cái nhìn của người môn đệ. Các số từ 20 tới 31 của tài liệu được hiểu theo nghĩa này. Có các cách ý thức hệ hóa sứ điệp khác và hiện nay xuất hiện tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi các đề nghị thuộc loại này. Sau đây tôi xin nhắc tới vài đề nghị:

Thứ nhất, chủ thuyết giản lược xã hội hóa. Đây là ý thức hệ hóa dễ khám phá ra. Trong vài thời điểm nó đã rất mạnh. Nó là một yêu sách giải thích dựa trên một kiểu giải thích của các khoa học xã hội, và bao gồm các lãnh vực khác nhau: từ chủ thuyết thị trường tự do cho tới các loại phạm trù hóa mác xít.

Thứ hai, việc ý thức hệ hóa tâm lý. Đây là một giải thích ưu việt, nói cho cùng nó giản lược việc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và sự phát triển cuối cùng của nó thành một năng động của việc tự hiểu biết mình. Người ta thường cống hiến nó trong các khóa tu đức, các cuộc tĩnh tâm vv... Và kết cục nó trở thành một thái độ tự tại quy chiếu về mình. Nó không biết gì tới siêu việt, và vì thế không biết gì tới truyền giáo.

Thứ ba là đề nghị ngộ đạo khá gắn bó với cám dỗ kể trên. Nó thường được gặp trong các nhóm ưu việt với một đề nghị tu đức cao hơn, không nhập thể, và kết thúc bằng các thái độ mục vụ của loại ”các vấn nạn của việc thảo luận”. Đó đã là sự lệch lạc đầu tiên của cộng đoàn Kitô tiên khởi, và nó tái xuất hiện trong dòng lịch sử Giáo Hội, với các ấn bản được duyệt lại và sửa chữa. Một cách tầm thường người ta gọi họ là ”các tín hữu Công Giáo được soi sáng” (để hiện nay là những kẻ thừa tự của nền văn hóa duy quang luận).

Thứ bốn là đề nghị của Pelagio. Nó xuất hiện một cách nền tảng dưới hình thức tái thiết. Trước các bệnh của Giáo Hội người ta chỉ tìm một giải pháp kỷ luật, trong việc tái lập các thái độ và hình thức đã lỗi thời và cũng không có khả năng có ý nghĩa trên bình diện văn hóa. Tại châu Mỹ Latinh nó được hiệm thực trong các nhóm nhỏ, trong một vài dòng tu, trong các khuynh hướng ”an ninh giáo thuyết hay kỷ luật”. Một cách nền tảng nó ở trong thế tĩnh, mặc dù có thể tái hứa hẹn một năng động vào bên trong biến đổi. Nó tìm ”thu hồi” qúa khứ đã mất.

Cám dỗ thứ hai là chủ trương hữu hiệu. Hoạt động của nó trong Giáo Hội gây tê liệt. Hơn là với thực tại của đường đi, nó hứng khởi với ”bảng chỉ đường”. Quan niệm duy hữu hiệu không nhân nhượng mầu nhiệm, nó nhắm sự hữu hiệu. Nó giản lược thực tại của Giáo Hội vào cấu trúc của một tổ chức phi chính quyền. Điều có giá trị là kết qủa có thể nhận thấy được và các thống kê. Từ đó người ta đi tới tất cả các kiểu doanh nghiệp của Giáo Hội. Nó làm thành một loại ”thần học của sự phồn thịnh” trong khía cạnh tổ chức mục vụ.

Cám dỗ thứ ba là chủ thuyết duy giáo sĩ, nó cũng là một cám dỗ rất thời sự tại châu Mỹ Latinh. Một cách kỳ lạ là trong đa số các trường hợp đây là một sự đồng lõa tội lỗi: cha sở giáo sĩ hóa giáo dân, và giáo dân xin cha sở giáo sĩ hóa mình, bởi vì nói cho cùng thì tiện lợi hơn cho họ. Hiện tượng của khuynh hướng giáo sĩ giải thích phần lớn sự thiếu trưởng thành và sự tự do Kitô nơi một phần giáo dân châu Mỹ Latinh. Hoặc là không lớn lên, đó là trường hợp của đa số, hoặc là ru rú dưới các lớp áo của các ý thức hệ hóa như đã thấy, hay có các dáng bề ngoài một phần và hạn chế. Trong các vùng đất của chúng ta có một hình thức tự do giáo dân qua các kinh nghiệm của dân chúng: tín hữu Công Giáo như là dân chúng. Ở đây người ta thấy có một sự độc lập lớn hơn, nói chung lành mạnh, được diễn tả ra một cách nền tảng trong lòng đạo đức bình dận. Chương nói về lòng đạo đức bình dân trong tài liệu Aparecida miêu tả chiều kích này môt cách sâu xa. Đề nghị của các nhóm kinh thánh, của các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản, và của các Hội đồng mục vụ đi theo hướng vượt thắng chủ thuyết duy giáo sĩ, và làm cho trách nhiệm của giáo dân lớn lên.

Chúng ta có thể tiếp tục miêu tả vài cám dỗ khác chống lại tông đồ truyền giáo nhưng tôi tin rằng các cám đỗ trên đây là các cám dỗ quan trọng nhất và trong lúc này có sức mạnh lớn hơn tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi.

Trong phần sau cùng của diễn văn Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị vài tiêu chuẩn có tính cách Giáo Hội học.

Thứ nhất, việc làm môn đệ thừa sai, mà tài liệu Aparecida đề nghị với các Giáo Hội châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi, là con đường mà Thiên Chúa muốn cho ngày ”hôm nay”. Tất cả dự phóng ảo tưởng (về tương lai) hay việc tái lập (qúa khứ) không phải là tinh thần tốt. Thiên Chúa thực tại và biểu lộ ra trong ngày ”hôm nay”. Hướng về quá khứ, sự hiện diện của Người được ban cho chúng ta như ”ký ức” của công trình cứu chuộc vĩ đại trong dân Người cũng như nơi mỗi một người trong chúng ta; hướng về tương lai nó được ban cho chúng ta như ”lời hứa” và niềm hy vọng. Trong qúa khứ Thiên Chúa đã hiện diện và để lại bước chân của Người: ký ức giúp chúng ta gặp gỡ Người. Trong tương lai nó chỉ là lời hứa... và không ở trong một ngàn lẻ một ”các điều có thể trong tương lai”. Ngày ”hôm nay” là giống với đời đời nhất; còn hơn thế nữa ngày ”hôm nay” là ”tia sáng của vĩnh cửu”. Trong ”Hôm nay” người ta định đoạt cuộc sống vĩnh cửu.

Việc làm môn đệ thừa sai là ơn gọi: được gọi và được sai đi. Nó được ban cho ngày ”hôm nay” nhưng trong sự ”hướng tới”. Không có việc làm môn đệ thừa sai tĩnh một chỗ. Người môn đệ thừa sai không thể chiếm hữu chính mình, cái tự tại của họ hướng tới sự siêu việt của môn đệ thừa sai và sự siêu việt của sứ mệnh đó không chấp nhập việc tự quy chiếu về chính mình: hoặc là họ quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô, hoặc họ quy chiếu người dân mà họ phải loan báo Tin Mừng cho. Chủ thể tự siêu việt. Chủ thể dự phóng về cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu, là Đấng xức dầu biến chúng ta thành môn đệ, và cuộc gặp gỡ với những người chờ đợi việc loan báo.

Chính vì thế tôi thích nói rắng thế đứng của người môn đệ thừa sai không phải là một thế đứng trung tâm, nhưng ở ngoại ô: họ sống hướng về các vùng ngoại ô... bao gồm cả các vùng ngoại ô của sự vĩnh cửu trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Trong việc loan báo Tin Mừng, nói về các ”vùng ngoại ô của cuộc sống” là phân tâm, và chúng ta thường sợ hãi ra khỏi trung tâm. Người môn đệ thừa sai được mời gọi đi tới các vùng ngoại ô của cuộc sống.

Tiêu chuẩn Giáo Hội học thứ hai. Giáo Hội là cơ cấu, nhưng khi Giáo Hội đứng lên ở trung tâm, thì nó hoạt động và từ từ biến thành một tổ chức phi chính quyền. Khi đó Giáo Hội yêu sách có ánh sáng riêng của mình, và thôi là ”mầu nhiệm của mặt trăng” như các Giáo Phụ nói với chúng ta. Càng ngày Giáo Hội càng tự lấy mình làm điểm quy chiếu, và sự cần thiết truyền giáo yếu kém đi. Từ ”Cơ cấu” Giáo Hội biến thành ”Công trình”. Giáo Hội thôi là Hiền Thê để sau cùng là Người quản trị, từ Nữ tỳ biến thành ”Người kiểm soát”. Hội nghị Aparecida muốn có một Giáo Hội Hiền Thê, Mẹ, Nữ tỳ, người tạo dễ dàng cho đức tin, chứ không phải người kiểm soát đức tin.

Tiêu chuẩn Giáo Hội học thứ ba. Tại Aparecida chúng ta đã chú ý đến hai phạm trù mục vụ phát xuất một cách độc đáo từ Tin Mừng, và cũng có thể được dùng như tiêu chuẩn giúp lượng định giá trị kiểu cách, trong đó chúng ta sống ơn gọi môn đệ thừa sai một cách Giáo Hội: đó là sự gần gũi và việc gặp gỡ.

Không có điều nào mới cả, nhưng chúng làm thành mô thức trong đó Thiên Chúa đã tự mặc khải trong lịch sử. Đó là vì ”Thiên Chúa gần gũi” dân Người, sự gần gũi đạt tột đỉnh với việc nhập thể. Đó là vì Thiên Chúa đi ra để gặp gỡ dân Người. Bên châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi có các mục vụ ”xa cách”, mục vụ kỷ luật, dành ưu tiên cho các nguyên tắc, các thái độ, các tiến trình tổ chức... hiển nhiên là không gần gũi, không dịu hiền, không vuốt ve. Người ta không biết tới cuộc ”cách mạng của sự hiền dịu” khơi dậy sự nhập thể của Ngôi Lời. Có các mục vụ áp đặt với một độ xa cách tới nỗi không có khả năng đưa tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và với người anh em. Từ loại mục vụ này cùng lắm chỉ có thể chờ đợi một chiều kích chiêu dụ tín đồ, nhưng chúng không bao giờ đưa tới chỗ đạt được việc tháp nhập vào Giáo Hội cũng như thuộc về Giáo Hội. Sự gần gũi chiếm hữu được hình thái đối thoại, và tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ. Bài giảng là một viên đá so sánh giúp điều chỉnh sự gần gũi và khả năng gặp gỡ của một mục vụ. Các bài giảng như thế nào? Chúng đưa chúng ta tới gần gương mẫu của Chúa chúng ta, là Đấng ”nói như ngươi có uy tín”, hay chúng chỉ là giáo điều, xa vằng và trừu tượng?

Tiêu chuẩn giáo hôi học thứ bốn là Giám Mục, Người hướng dẫn mục vụ, hướng dẫn Sứ mệnh đại lục, có chương trình cũng như là mô thức. Vị Giám Mục phải hướng dẫn thì khác với việc ngồi chễm chệ như ông chủ. Ngoài việc nhấn mạnh các gương mặt vĩ đại của hàng Giám Mục châu Mỹ Latinh mà chúng ta tất cả đều biết, tôi ước muốn thêm ở đây vài đường nét liên quan tới chân dung của vị Giám Mục, mà tôi đã trình bầy với các vị Sứ Thần trong cuộc họp chúng tôi đã có tại Roma.

Các Giám Mục phải là các Mục Tử, gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với nhiều hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm như sự tự do trước mặt Chúa, cũng như sự khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ của cuộc sống. Là những người không có ”tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của một Giáo Hội chứ không đợi chờ một Giáo Hội khác. Là những người có khả năng thức tỉnh trên đoàn chiên đã được giao phó, và săn sóc tất cả những gì duy trì doàn chiên hiệp nhất: canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa nó, nhưng nhất là làm cho niềm hy vọng lớn lên: ước gì các Mục Tử ấy có mặt trời và ánh sáng trong tim. Là những người có khả năng nâng đỡ các bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Và có ba chỗ của Giám Muc ở với dân mình: hoặc là ở đàng trườc để chỉ đường, hay ở giữa để duy trì đoàn chiên hiệp nhất và trung lập hóa các tán loạn, hoặc ở đàng sau để tránh cho ai đó ở lại đàng sau, nhưng cũng một cách nền tảng, để cho chính đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra các con đường mới.

Tôi không muốn nói nhiều hơn đến các chi tiết sau cùng về con người của vị Giám Mục, nhưng chỉ xin thêm một cách đơn sơ, bao gồm cả tôi nữa trong khẳng định này: là chúng ta hơi chậm trễ trong những gì quy chiếu về sự Hoán cải mục vụ. Thật thích hợp là chúng ta giúp nhau nhiều hơn một chút để làm các bước đi mà Chúa muốn cho chúng ta trong ngày ”hôm nay” này của châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi. Và thật tốt là bắt đầu từ đây.

Tôi xin cám ơn anh em đã kiên nhẫn lắng nghe tôi. Xin tha lỗi cho diễn văn vô trật tự của tôi, và tôi xin anh em, chúng ta hãy nghiêm chỉnh ý

thức về ơn gọi của chúng ta là phục vụ Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, vì chính ở đây chúng ta thực thi và cho thấy quyền bính: trong khả năng phục vụ. Xin cám ơn anh em.

(SD 28-7-2013)

Linh Tiến Khải
 
ĐTC sẽ loan báo ngày phong hiển thánh cho ĐGH Gioan XXIII và Phaolô II
Linh Tiến Khải
08:29 25/08/2013
Đức Thánh Cha SẼ LOAN BÁO NGÀY PHONG HIỂN THÁNH CHO ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

RIMINI: Ngày 20-8-2013 Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã xác nhận rằng ngày 30-9-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ loan báo ngày phong hiển thánh cho Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã trả lời phóng viên Luca Collodi của đài Vaticăng trong cuộc phỏng vấn, khi ngài tham dự buổi khánh thành cuộc triển lãm về thánh Giovanni Battista Piamarta trong khuôn khổ Đại hội các dân tộc tại Rimini trung Italia. Đức Hồng Y cho biết ngày 29-7-2013 trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha đã cho biết lễ phong thánh sẽ diễn ra trong năm 2014. Và ngài sẽ thông báo thời điểm.

Đức Gioan XXIII đã là một tiên tri lớn và là người đã triệu tập Công Đồng Chung Vaticăng II, trong khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đã thực thi và phát triển các giáo huấn của Công Đồng trong tất cả các khía cạnh và sức mạnh của nó. Hai vị thật là hai cột trụ của nền văn hóa và sự thánh thiện của Kitô giáo (RG 20-8-2013)

Linh Tiến Khải
 
Tự do tôn giáo là con đường dẫn tới Hòa bình
Linh Tiến Khải
09:37 25/08/2013
RIMINI - Chiều ngày 23-8-2013 tại đại hội tình bạn các dân tộc ở Rimini, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng tòa Thánh đối thoại liên tôn, đã thuyết trình về đề tài ”Tự do tôn giáo như con đường dẫn tới hòa bình”. Ngài khẳng định rằng tôn giáo là sức mạnh giúp xây dựng hòa bình trên thế giới.

Đức Hồng Y nhắc lại lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mạnh mẽ lên án nạn khủng bố bạo lực đội lốt tôn giáo trong diễn văn nói với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh năm 2006. Khủng bố đội lốt tôn giáo có nhiều lý do phức tạp, như ý thức hệ chính trị trộn lẫn với các ý niệm tôn giáo lệch lạc. Nó không ngần ngại tấn kích các người vô tội, không phương thế tự vệ, hay đưa ra các điều kiện vô nhân, gieo kinh hoàng sợ hãi cho dân chúng, nhằm gây áp lực với các giới hữu trách chính trị, để họ phải tuân theo các dự án của chính những kẻ khủng bố. Không có gì có thể biện minh cho các hành động tội phạm xấu xa, dùng tôn giáo làm bình phong, và hạ thấp sự thật về Thiên Chúa xuống mức độ mù quáng của luân lý tồi bại. Không thể làm ngơ Thiên Chúa, vì con người là sinh vật tôn giáo. Không có nền văn minh nào mà không có tôn giáo.

Trong bài tham luân Đức Hồng Y Tauran nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là một quyền nền tảng của con người. Nó là sự tự do thiết lập một tương quan cá nhân với sự siêu việt, tự do thực hành niềm tin của mình một cách công khai, và tự do tuyên xưng nó. Trong một xã hội và trong một quốc gia nó là quyền của con người được trật tự pháp lý thừa nhận. Nhà nước phải trung lập trong nghĩa tích cực, bằng cách bảo đảm sự tự do đó của con người, và phục vụ công ích. Nhà nước tân tiến dân chủ không thừa nhận tôn giáo nào hết, để có thể thừa nhận tất cả mọi tôn giáo. Vì thế quyền tự do tôn giáo lớn hơn sự tự do phụng tự và cả tự do tư tưởng.

Tiếp đến Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn khẳng định rằng tin không chỉ là một thực tại cá nhận, mà cũng là một thực tại tập thể của cộng đoàn tín hữu nữa. Việc lựa chọn một tôn giáo tốt nhất là một hành động nội tại, trong khi quyết định theo một tôn giáo xác định bao gồm các hành động bề ngoài: phụng tự, giảng dậy, phổ biến giáo lý vv... Lựa chọn và quyết định có một tương quan với Thiên Chúa là hành động quan trọng nhất con người có thể làm. Nó phải xảy ra, mà không có các áp lực bên ngoài.

Đức Hồng Y Tauran cũng phân biệt giữa tôn giáo là tương quan tùy thuộc Thiên Chúa và các giáo phái chủ trương thống trị các sức mạnh siêu nhiên để phục vụ mình. Liên quan tới việc cộng tác giữa Nhà nước và cộng đoàn tôn giáo ngài ghi nhận rằng nó phải là tương quan tin tưởng hai chiều, nhằm phục vụ công ích và bảo vệ các giá trị dân chủ, bảo đảm một số khía cạnh nền tảng của tôn giáo như các biểu lộ của phụng tự, tự do thành lập hội đoàn và đề nghị đức tin với mọi người. Sau cùng Đức Hồng Y Tauran khẳng định rằng niềm tin tôn giáo là một sức mạnh giúp xây dựng hòa bình. Khi tin nơi phẩm giá duy nhất của con người và các quyền bất khả nhượng của nó trong việc phục vụ tha nhân và thăng tiến toàn nhân loại, người ta hiểu khả năng xây dựng hòa bình của tôn giáo. Các tín hữu là một tài nguyên cho xã hội, vì họ củng cố thiện ích chung, giáo dục tình huynh đệ và liên đới, chứng minh cho thấy sự khác biệt là sự phong phú, chứ không phải một nguy hiểm. Với cuộc sống trung thực của mình, tín hữu nhắc nhở quyền tối thượng của luân lý đạo đức trên ý thức hê, con người trên sự vật, và trí tuệ trên vật chất. Thật chí lý lời của luật gia Luigi Tapparelli người Ý: ”Lấy mất đi tôn giáo khỏi xã hội, con người sẽ mau chóng biến thành hàng hóa” (SD 23-8-2013).
 
ĐTC: Đừng sợ hãi bước qua cửa hẹp của Chúa Giêsu để gia nhập gia đình của Thiên Chúa
Linh Tiến Khải
11:27 25/08/2013
Chúa Giêsu là cửa dẫn chúng ta vào trong gia đình ấm êm của Thiên Chúa và sự hiệp thông với Người. Chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin nơi Chúa Giêsu, để cho Người luôn ngày càng bước vào trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta ra khỏi các ích kỷ, các khép kín, các thờ ơ của chúng ta đối với tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khích lệ như trên trước mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 25-8-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về đề tài ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu đang từ Galilea đi lên thành Giêrusalem và dọc đường, thánh sử Luca kể, có một người nọ tới gần và thưa với Người: ”Lậy Chúa, có ít người được cứu rỗi phải không?” (Lc 13,23). Chúa Giêsu không trả lời cậu hỏi một cách trực tiếp: không là điều quan trọng biết xem có bao nhiêu người đươc cứu rỗi, mà quan trọng hơn biết đâu là con đường của ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi băng cách nói: ”Các con hãy cố gắng vào cửa hẹp, bởi vì nhiều người sẽ tìm vào mà không thành cộng” (c. 24). Chúa Giêsu muốn nói gì vậy? Đâu là cửa mà chúng ta phải vào? Và tại sao Chúa Giêsu lại nói về cửa hẹp? Đức Thánh Cha trả lời như sau:

Cửa đó là chính Chúa Giêsu (x. Ga 10,9). Người là cửa, là đường cho sự cứu rỗi. Người dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Và cửa là Giêsu không bao giờ đóng, cửa này không bao giờ đóng, nó luôn luôn mở và mở cho tất cả mọi người, không phận biệt, không loại trừ, không đặc ân. Bởi vì anh chị em biết không, Chúa Giêsu không loại trừ ai hết. Có lẽ có ai đó trong anh chị em sẽ có thể nói với tôi rằng: Nhưng mà thưa cha, chắc chắn là con bị loại trừ rồi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi lắm: con đã làm những điều xấu xa, con đã làm biết bao nhiêu, trong cuộc sống...” Không, bạn không bị loại trừ đâu! Chính vì điều đó mà ban là người được ưa thích, bởi vì Chúa Giêsu luôn luôn ưa thích kẻ có tội hơn. Để tha thứ cho họ, để yêu thương họ... Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn để ôm bạn vào vòng tay của Người, để tha thứ cho bạn... Đừng sợ: Ngài chờ đợi bạn. Hãy linh hoạt lên, hãy can đảm bước vào cửa của Người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói hình ảnh cái cửa hay trở lại trong Phúc Âm, và nhắc nhờ tới cửa nhà, của tổ ấm gia đình, nơi chúng ta tìm thấy an ninh, tình yêu và hơi ấm. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng có một cửa làm cho chúng ta bước vào trong gia đình của Thiên Chúa, trong sự ấm áp của nhà Thiên Chúa, của sự hiệp thông với Người. Tất cả chúng ta đều được mời gọi bước qua cửa đó, bước qua cửa của đức tin và vào trong cuộc sống của Người, để cho Người vào trong cuộc sống của chúng ta, để Người biến đổi nó, canh tân nó, ban cho nó niềm vui tràn đầy và lâu bền.

Ngày nay chúng ta đi qua trước biết bao nhiêu cửa mời gọi vào bằng cách hứa hẹn một hạnh phúc, mà rồi chúng ta nhận ra rằng nó chỉ kéo dài một lát, nó cạn kiệt trong chính nó, và không có tương lai. Nhưng tôi xin hỏi anh chị em: Chúng ta vào qua cửa nào đây? Và chúng ta muốn cho ai vào qua cửa cuộc sống chúng ta? Và Đức Thánh Cha mạnh mẽ mời gọi như sau:

Tôi muốn mạnh mẽ nói rằng: chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin nơi Chúa Giêsu, để cho Người ngày càng bước vào hơn trong cuộc sống chúng ta, để ra khỏi các ích kỷ của chúng ta, ra khỏi các đóng kín của chúng ta, ra khỏi các thờ ơ của chúng ta đối với các người khác. Bởi vì Chúa Giêsu soi sáng cuộc sống chúng ta với một ánh sáng không tắt nữa. Nó không phải một pháo bông, không phải là một ánh chớp: không. Nó là một ánh sáng yên tĩnh kéo dài luôn mãi, và trao ban cho chúng ta hòa bình. Chúa Giêsu là ánh sáng mà chúng ta gặp, nếu chúng ta qua cửa của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên cửa của Chúa Giêsu là một cửa hep, không phải bởi vì nó là một phòng tra tấn. Không, không phải vì vậy! Nhưng bởi vì người đòi hỏi chúng ta mở con tim ra cho Người, nhận biết chúng ta là kẻ tội lỗi, cần đến ơn cứu rỗi của Người, sự tha thứ của Người, tình yêu của Người, khiêm tốn tiếp nhận lòng thương xót của Người và để cho Người canh tân chúng ta. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng là tín hữu kitô không phải là một nhãn hiệu! Tôi xin hỏi anh chị em: anh chị em là tín hữu kitô của nhãn hiệu hay của sự thật? Mỗi người hãy tự trả lời trong lòng mình nhé. Không bao giờ là tín hữu kitô của nhãn hiệu! Nhưng là kitô hữu thực thụ của con tim. Là kitô hữu là sống và làm chứng cho đức tin trong lời cầu nguyện, trong các việc bác ái, trong việc thăng tiến công lý, và thực thi điều thiện. Toàn cuộc sống chúng ta phải đi qua cửa hẹp là Chúa Kitô.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, là Cửa Trời, giúp chúng ta đi qua cửa đức tin, để cho Con Mẹ biến đổi cuộc sống chúng ta như đã biến đổi cuộc sống của Mẹ, để đe, tin vui của Phúc Âm tới cho tất cả mọi người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã lại kêu goi hòa bình cho dân nước Siria. Ngài nói: Tôi tiếp tục theo đõi tình hình tại Siria với nỗi đau đớn lớn lao và sự âu lo. Việc gia tăng bạo lực trong một trận chiến huynh đệ với, các tai ương và hành động tàn ác gia tăng, mà chúng ta tất cả cũng đã có thể trông thấy trong các hình ảnh kinh khủng của những ngày này, lại một lần nữa thúc đẩy tôi lên tiếng để cho tiếng súng im lặng. Không phải xung đột cống hiến các viễn tượng hy vọng giúp giải quyết các vấn đề, nhưng là khả năng gặp gỡ và đối thoại.

Từ cùng tận trái tim tôi, tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi của tôi, qua lời cầu nguyên và tình liên đới, với tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột này, với tất cả những người đau khổ, đặc biệt là các trẻ em, và tôi xin mời gọi họ luôn giữ cho niềm hy vọng hòa bình cháy sáng. Tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế tỏ ra nhậy cảm hơn đối với tình hình thê thảm này và dấn thân để trợ giúp Quốc gia Sirai thân yêu tìm ra một giải pháp cho một cuộc chiến gieo tàn phá và chết chóc. Chúng ta tất cả cùng cầu nguyện, Chúng ta tất cả cùng xin Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con. Xin tất cả mọi người: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau và chúc mọi người trở về với cuôc sống thường ngày an lành và cùng nhau nhìn tương lai với niềm hy vọng.
 
Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông
Vũ Văn An
19:58 25/08/2013
Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nói ngôn từ chính trị. Sau các bạo động và chết chóc tại Cairo, ngài quyết định chỉ thêm lời cầu nguyện để bạo lực chấm dứt tại đó. Thực ra, Đức Bênêđíctô XVI cũng không nói ngôn từ chính trị khi cho công bố tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Medio Oriente. Ngày nay, ta cần đọc lại văn kiện này để hiểu rõ lập trường của Giáo Hội tại Trung Đông, gồm luôn cả các nước thuộc Bắc Phi.

Có nhiều lý do khiến Ecclesia in Medio Oriente trở thành một văn kiện quan trọng. Nó phản ảnh nỗi đau của các nhóm thiểu số Công Giáo tại các quốc gia vốn được gọi là Mùa Xuân Ả Rập. Nó nói tới vấn đề người Kitô hữu ra đi không ai thấy. Nó làm nổi việc Giáo Hội Công Giáo phải “điều chỉnh lại và tiến bước” với Thánh Kinh làm khởi điểm. Lấy Thánh Kinh làm khí cụ tự biết mình và cũng để đối thoại. Thực vậy, vai trò tích cực mà tôn giáo có thể đóng trong một môi trường tranh chấp là điều rất quan trọng.

Đúng thế, lúc Đức Bênêđíctô XVI triệu tập Thượng Hội Đồng về Trung Đông, thì phong trào quần chúng mà sau này gọi là “Mùa Xuân Ả Rập” chưa xuất hiện. Mặt khác, cũng đúng nữa là việc Trung Đông và Bắc Phi lúc ấy đang sôi sục. Các sứ thần Tòa Thánh, tức hệ thống đại sứ của Đức Giáo Hoàng, từng cảnh giác Tòa Thánh rằng bạo động chống các Kitô hữu đã gia tăng, cuộc ra đi âm thầm đã không còn được ngăn chặn bao nhiêu nữa và các căng thẳng xã hội sắp nổ bùng.

Hậu cảnh ấy đã khiến Đức Giáo Hoàng triệu tập một thượng hội đồng miền. Các đại diện Giáo Hội tại Trung Đông đã tụ về Rôma năm 2011 trong 3 tuần lễ để trình bày các nan đề của họ. Tuy nhiên, họ cũng đã chi tiết hóa nhiều khía cạnh tích cực như đối thoại với các tôn giáo khác chẳng hạn.

Năm 2010, khi các vụ ném bom các nhà thờ Kitô Giáo gia tăng gấp bội, người Hồi Giáo đã xuống đường để cùng các Kitô hữu phản đối. Tại Libăng, hệ thống bác ái của Giáo Hội Công Giáo mới đây đã hỗ trợ làn sóng tị nạn bất ngờ từ Syria, trong đó nhiều người theo Hồi Giáo. Các điển hình này chỉ là một trong rất nhiều điển hình từng đã xẩy ra.

Đàng khác, Kitô Giáo hiện là tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trên thế giới. Đức Bênêđíctô XVI đã nêu điều này ra khá nhiều lần, và Đức Phanxicô cũng vậy. Nó là một sự kiện, dựa trên các dữ liệu có thể định số được, và được chứng minh qua Phúc Trình Về Tự Do Tôn Giáo Trên Thế Giới do cơ quan Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn công bố mới đây. Phúc trình này bao trùm 196 quốc gia và đề cập tới mọi tôn giáo, không riêng gì Kitô Giáo.

Như vậy, ta phải làm gì?

Ecclesia in Medio Oriente cung cấp cho ta nhiều chỉ dẫn. Chữ được dùng nhiều nhất trong tông huấn là chữ “hiệp thông”. Và hiệp thông được tượng trưng bằng lời mời gọi tìm đồng thuận cho “bản dịch chung về Lời Cầu Nguyện Của Chúa, tức Kinh Lạy Cha, sang các ngôn ngữ bình dân của vùng”.

Tông huấn này là một văn kiện dài 90 trang, được chia thành 3 phần, với phần nhập đề và phần kết luận. Trong đó, không một tuyên bố chính trị nào được trình bày, vì như chính Đức Bênêđíctô từng viết, quan điểm của Tòa Thánh liên quan tới các vấn đề chính trị của Trung Đông ai cũng đã biết rõ rồi.

Bởi thế, Đức Bênêđíctô đề nghị ta nên khởi đi từ Lời Chúa, từ cuộc đối thoại với các tôn giáo về các chủ đề quan trọng nhất, mà chủ đề đầu tiên hẳn là tự do tôn giáo, và từ việc cần phải khai triển một sự hợp tác hữu hiệu “trong những điều liên quan tới hoạt động bác ái và việc cổ vũ các giá trị sự sống con người, công lý và hoà bình”.

Trên hết, Đức Bênêđíctô XVI biết rõ: Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông “sẽ không có khả năng biểu hiện hoàn toàn sự hiệp thông này trên bình diện đại kết và liên tôn nếu chính mình không làm sống lại sự hiệp thông này ngay trong mình, ngay trong mỗi Giáo Hội của mình và trong mọi thành viên của mình: các thượng phụ, các giám mục, các linh mục, các tu sĩ, các người tận hiến và các giáo dân”

Đức Bênêđíctô XVI công bố tông huấn hậu thượng hội đồng này tại Libăng, trong đan viện Harissa, khi ngài tông du tại đó. Dịp này, ngài nhấn mạnh rằng tông huấn là lời kêu gọi “dọn đường để tái khám phá tính yếu tính” nghĩa là lời kêu gọi sequela Christi (theo chân Chúa Kitô) trong một môi trường khó khăn và đau đớn “có thể khiến ta quên khuấy mất thánh giá vinh quang”. Ngài cũng thêm rằng lời kêu gọi này có tính yếu tính vì “Thiên Chúa vốn ghét tính nhút nhát”.

Bởi thế, Kitô hữu được mời gọi làm chứng một cách kiên vững, trong hiệp thông. Họ cũng được mời gọi trở thành một phần của diễn trình “xây dựng dân chủ” mà Tòa Thánh vốn cổ vũ xưa nay.

Tháng Chín năm 2012, tại Istanbul, Miguel Anguel Ayuso Guixot, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, đã nói chuyện tại hội nghị quốc tế về “Sự thức tỉnh Ả Rập và nền hòa bình ở Trung Đông: Các viễn tượng Hồi Giáo và Kitô Giáo”. Tập chú của bài nói chuyện này là lời kêu gọi nuôi dưỡng nền văn hóa dân chủ, một cố gắng mà theo ông, “đòi thời gian, cố gắng, nhẫn nại và giáo dục”.

Lời kêu gọi trên cũng là lời kêu gọi của Thông Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2012 với chủ đề “Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình”. Cố gắng ngoại giao của Tòa Thánh luôn mạnh mẽ chú trọng tới việc nuôi dưỡng dân chủ, và dưới ảnh hưởng của Đức Bênêđíctô, làm sao biến sự thật thành trụ cột cho các liên hệ ngoại giao. “Hòa Bình Trong Sự Thật” vốn là chủ đề của thông điệp đầu tiên cho Ngày Thế Giới Hòa Bình của Đức Bênêđíctô XVI.

Trong bài nói chuyện ở Istanbul, Ayuso phân tích những gì xẩy ra sau Mùa Xuân Ả Rập. Ông giải thích rằng “các thành quả đầu tiên của Mùa Xuân Ả Rập là các chiến thắng của các chính đảng duy Hồi Giáo tại Morocco, Tunisia và Ai Cập”. Ông nhấn mạnh rằng chắc chắn đó là thành quả của dân chủ, vì các chính đảng này “đã tiếp nhận một ngôn ngữ thực tiễn và ôn hòa”. Nhưng nay, theo ông, “người ta cần theo dõi và khai triển thêm cũng như nuôi dưỡng một nền văn hóa dân chủ”.

Ayuso cũng nhấn mạnh đâu là các bước của việc theo dõi nói trên: “khai triển vai trò rõ rệt của luật pháp, theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và đồng thời “khai triển các định chế thích đáng của nhà nước và bắt chúng phục vụ mọi công dân”. Nhiên hậu, nên coi các cuộc bầu cử tại các quốc gia của Mùa Xuân Ả Rập chỉ như “bước đầu để thiết lập tính hợp pháp cho những người hiện nay phải lên tiếng nhân danh nhân dân”. Cuối cùng, Ayuso cảnh giác đối với mối nguy “dân chủ có thể bị sử dụng để hợp pháp hóa các ý thức hệ cực đoan và bảo thủ”.

Nhìn trở lui, mọi quan tâm được Ayuso nêu ra đều đã diễn ra một cách đáng kể tại Ai Cập. Cha Khalil Samir Khalil, một tu sĩ Dòng Tên thông thạo về Trung Đông, cũng đã đề cập tới các nan đề đối với cuộc cách mạng Ai Cập, khi ngài giới thiệu Phúc Trình hàng năm của cơ quan Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn về tự do tôn giáo.

Cha Samir kể lại rằng: “Khởi đầu, người trẻ xuống đường trong đoàn kết. Người Copts và người Hồi Giáo đứng chung với nhau. Các khẩu hiệu của họ nhắc người ta nhớ tới cuộc cách mạng năm 1919 chống đô hộ Anh, khi các linh mục và các giáo sĩ Hồi Giáo diễn hành bên cạnh nhau để đòi quyền độc lập dưới lá cờ có cả lưỡi liềm và thánh giá. Những cuộc biểu tình phản đối này đã dẫn tới Thoả Hiệp Anh-Ai năm 1920 và dẫn tới nền độc lập Ai Cập năm 1922. Liên minh này đã xẩy ra một lần nữa tại Công Trường Tahir trong cuộc cách mạng 25 tháng Giêng, 2011. Kitô hữu kết thành hàng rào người để bảo vệ tín hữu Hồi Giáo khỏi quân đội trong các buổi cầu nguyện vào thứ Sáu của họ, và ngược lại, vào hôm Chúa Nhật, người Hồi Giáo đã bảo vệ Kitô hữu để họ tham dự Thánh Lễ. Sau khi Mubarak bị lật đổ, người từng cai trị Ai Cập suốt trong 20 năm, số người quá khích gia tăng và kiểm soát các cuộc biểu tình. Vào lúc đó, người trẻ lại một lần nữa xuống đường, để lặp lại rằng mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng là một nhà nước thế tục và bình đẳng cho mọi công dân, và kêu gọi một khả thể sống thực đức tin của mình trong tự do, không có bất cứ loại hạn chế nào”.

Tuy nhiên, người ta không thể ngăn được xu hướng nghiêng về cực đoan, một xu hướng đã dẫn tới chiến thắng bầu cử dân chủ cho Huynh Đệ Hồi Giáo và sau đó là các cố gắng của Tổng Thống Morsi nhằm sản xuất ra một hiến pháp Hồi Giáo.

Trong hậu cảnh này, Giáo Hội đã hành xử như mình nên hành xử: cố gắng bảo vệ cộng đồng của mình.

Khi hỗn loạn bắt đầu diễn ra tại Ai Cập, Cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập, nhấn mạnh với hãng tin AsiaNews rằng “Chúng tôi không thể gọi điều đang diễn ra tại Ai Cập là một cú đảo chính. Quân đội quyết định bảo vệ cuộc cách mạng ôn hòa do giới trẻ Ai Cập tổ chức, một cuộc cách mạng được hàng triệu người Ai Cập của xứ sở ủng hộ. Nếu là một cú đảo chính, thì quân đội hẳn đã lập tức chỉ định một người của chính họ làm tổng thống lâm thời rồi. Hẳn họ đã thay đổi chính phủ và lên cầm quyền rồi”.

Thay vào đó, Cha Greiche cho hay: quân đội “không là thành phần của hệ thống chính trị, họ chỉ hướng dẫn cuộc đối thoại giữa các bên. Vị nguyên thủ quốc gia lâm thời hiện nay không phải là một chính khác, mà là một ‘chuyên viên kỹ thuật’, Ông Adli Mansour, đứng đầu Tòa Lập Hiến. Ông hứa sẽ thành lập một chính phủ lâm thời do một liên minh bao gồm mọi chính đảng và định chế của xã hội Ai Cập”.

Ấy thế nhưng, vẫn có những quan sát viên nghĩ rằng sự kiện quân đội đang quản lý thời kỳ chuyển tiếp cũng có thể được nhìn như ngày chung cuộc của cách mạng Tahir.

Trong số các quan sát viên này, có nhà báo Ý Paolo Caridi, từng sống tại Ai Cập. Trên trang mạng Invisible Arabs (những người Ả Rập vô hình), cô nhấn mạnh rằng “Ai Cập bắt đầu nổ tung ngay ở lúc họ vỗ tay tán thưởng cuộc biểu diễn của các máy bay chiến đấu trên bầu trời Tahir, trước nỗi hân hoan của một dân tộc, một lần nữa, lại trao mình trong bàn tay một hệ thống cộng hòa từng sinh ra với Gamal Abdel Nasser, tưởng rằng mình được giải thoát khỏi một lạm quyền nữa, lạm quyền do sự lãnh đạo bảo thủ của Huynh Đệ Hồi Giáo gây ra”.

Việc có nhiều ý kiến dị biệt này cho thấy khó có thể có được một quan điểm rõ rệt về tình hình tại Ai Cập. Chính vì thế Giáo Hội, thay vì đi vào chính trị, đã kêu gọi hoà giải và đối thoại, là các vũ khí ngoại giao duy nhất mà Giáo Hội tự cung cấp cho chính mình để thực thi nghị trình quốc tế của mình. Một nghị trình quốc tế hoàn toàn bắt nguồn từ chủ thuyết nhân bản toàn diện, mà mục tiêu là ích chung.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin thêm về Dòng Tên phong chức Phó Tế Và Linh Mục
Chỉnh Trần, S.J.
06:37 25/08/2013
SJVN – Sáng nay, bầu không khí tĩnh mịch thường ngày của Học Viện thánh Giuse Dòng Tên Việt Nam bỗng trở nên rộn ràng và náo nhiệt bởi tiếng bước chân, tiếng nói cười của dòng người đang tiến về tham dự Thánh Lễ phong chức Phó tế cho các thầy:

1. Đaminh Vũ Duy Cường, S.J.
2. Giuse Bùi Quang Minh, S.J.
3. Matthia Nguyễn Kim Đoàn, S.J.
4. Micae Bùi Hà Ngân, S.J.
5. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
6. Nguyễn Đức Phương, O.carm.

Xem Hình

và phong chức Linh mục cho các thầy phó tế:

1. Tôma Aquinô Tạ Trung Hải, S.J.
2. Giuse Chu Thái Hiệp, S.J.
3. Antôn Nguyễn Thành Nguyên, S.J.

Thánh Lễ do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Komtum cử hành cùng với sự hiệp thông của cha Giuse Phạm Thanh Liêm, Giám tỉnh Dòng Tên, cha Stêphanô Lê Thành Tựu, bề trên Dòng Cát Minh, hơn 60 linh mục đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý tôn giáo bạn, quý thân nhân, ân nhân, bạn hữu, cộng tác viên của 2 hội dòng và đông đảo anh chị em tín hữu.

Đúng 6 giờ, đoàn rước nhịp nhàng tiến về lễ đài tại khuôn viên Học Viện Dòng Tên trong lời ca du dương của ca đoàn Cecilia.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Micae đã ngỏ lời chúc mừng 2 hội Dòng vì hồng ân có thêm các tân linh mục và phó tế. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn phụng vụ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cách đặc biệt cho các tiến chức trong sứ mạng mới mà Thiên Chúa trao phó cho họ.

Ngay sau phần công bố Tin Mừng, nghi thức truyền chức phó tế và linh mục được bắt đầu với 3 phần: Tuyển chọn, Phong chức và Diễn nghĩa.

Trong phần tuyển chọn, cha Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam giới thiệu và chứng nhận với Đức Cha chủ sự 6 thầy, trong đó có 5 thầy Dòng Tên và 1 thầy thuộc Dòng Cát Minh sẽ lãnh chức phó tế, cùng 3 thầy phó tế thuộc Dòng Tên được coi là xứng đáng lãnh nhận chức thánh Phó tế và Linh mục.

Sau lời tuyên bố chấp thuận phong chức Phó tế và Linh mục cho các tiến chức của Đức Cha Micae, cộng đoàn Dân Chúa cùng tung hô lời tạ ơn Chúa và dành cho các tân phó tế và linh mục tràng pháo tay chúc mừng nồng nhiệt.

Tiếp đến là bài giảng của Đức Cha Micae.

Dựa vào trình thuật của thánh Gioan kể về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ và hỏi thánh Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không,” Đức Cha Micae đã chia sẻ những thao thức của ngài về đến sứ mạng loan báo Tin Mừng, một sứ mạng gắn liền với ơn gọi Kitô hữu nói chung và ơn gọi sống đời thánh hiến nói riêng.

Dựa theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp gửi cho các tham dự viên của Đại hội Truyền giáo toàn quốc lần thứ tư của Argentina: “Tôi khuyến khích anh em ra khỏi chính mình và đi đến mọi biên giới, cả về địa lý lẫn hiện sinh, để loan báo Chúa Giêsu và làm cho mọi người biết đến sứ điệp của Chúa,” vị Giám mục đến từ vùng đất truyền giáo Tây Nguyên đã mạnh mẽ mời gọi các tân Linh mục và Phó tế cùng cộng đoàn dân Chúa can đảm bước ra khỏi gia đình, cộng đoàn, xứ đạo và nhà dòng của mình để tích cực dấn thân loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Sau phần huấn dụ của Đức Giám Mục chủ tế, nghi thức phong chức được tiếp tục với Kinh Cầu Các Thánh, nghi thức đặt tay và lời nguyện phong chức.

Trong phần phong chức Phó tế, các tân phó tế được cha Giám Tỉnh Dòng Tên và cha Bề trên Dòng Cát Minh giúp đeo dây Phó tế. Sau đó, các tân phó tế quỳ trước Đức Giám Mục, nhận sách Phúc Âm và nghe lời dặn dò của ngài: “Con hãy nhận lấy Phúc âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy.”

Phần phong chức linh mục cũng diễn ra tương tự. Đức Giám Mục và quý cha đồng tế thinh lặng đặt tay trên đầu các tân linh mục trong giai điệu du dương của 2 bài hát bằng tiếng La Tinh: Ubi Caritas và Jesu Dulcis Memoria. Kế đến, các tân linh mục nhận phẩm phục từ tay thân mẫu của mình và được quý cha bề trên cộng đoàn của mình giúp mặc phẩm phục.

Sau đó, từng vị lần lượt quỳ trước Đức Giám Mục và được ngài xức dầu Thánh. Từ nay, bàn tay này sẽ chúc lành và thánh hóa, nâng dậy những ai khổ đau, vấp ngã, bệnh tật, và dâng lễ tế mỗi ngày cầu cho nhân loại. Đức Cha cũng trao chén thánh cho các 3 tân linh mục nhằm diễn tả rằng đời Linh mục gắn liền với việc dâng lễ trên bàn thờ, với hy tế thập giá của Chúa Giêsu, với chén đắng mà Ngài chia sẻ.

Nghi thức phong chức phó tế và linh mục kết thúc. Thánh Lễ diễn ra như bình thường với phần phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi Thánh Lễ kết thúc, cha Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ Giám tỉnh Dòng Tên, đại diện 2 hội dòng cám ơn Đức Cha Micae, quý cha, quý bề trên, quý tu sĩ nam nữ, quý khách và cộng đoàn phụng vụ đã đến hiệp dâng Thánh Lễ, cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với các tân chức phó tế và linh mục.

Thánh Lễ phong chức khép lại với bài ca “Quảng đại dâng hiến”, một lời kinh của Thánh Inhaxiô, đấng sáng lập Dòng Tên. Bài ca nói lên khao khát dâng hiến cuộc đời cho Chúa và phục vụ tha nhân của thánh Inhaxiô và những ai bước theo linh đạo của ngài:

“Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa, như Chúa đáng được phụng sự,
biết cho đi mà không tính toán
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm nghỉ ngơi,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn
là được biết con đang thi hành Ý Chúa.
Con xin dâng Chúa con người của con,
Những gì con có xin dâng lại cho Chúa.
Này là tự do ý chí của con, này là trí nhớ trí hiểu của con
Mọi sự đều thuộc về Chúa,
Xin dùng con theo Thánh Ý Ngài
Xin ban tình yêu và ân sủng Chúa. Amen.”


Xin cho các tân phó tế và linh mục hôm nay cũng biết noi gương thánh Inhaxiô sẵn sàng hiến dâng trọn con người và cuộc đời của mình cho Chúa, để được Ngài sai đến với mọi biên cương và “từ một ngọn lửa thắp lên muôn vàn ngọn lửa” (Sắc lệnh Tổng Hội 35)

Xin tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Ngài đã thương ban cho anh em Dòng Tên Việt Nam. Xin tri ân quý thân nhân, ân nhân và bạn hữu xa gần đã đến hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với các tân chức, cũng như đã chung tay góp sức với nhà Dòng trong việc đào tạo ơn gọi.

Hẹn gặp lại quý vị trong Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên loan báo Tin Mừng tại Việt Nam 18/01/2014!
 
Giáo xứ Nghĩa Ải: Thánh Lễ ban Bí Tích Thêm Sức.
Tin Yêu
06:37 25/08/2013
HÀ NỘI - Ngày 25/08/2013, Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám Mục Giáo phận Hà nội đã dâng thánh lễ ban Bí tích Thêm sức cho 266 em thiếu nhi thuộc giáo xứ Nghĩa Ải - Hạt Thanh Oai – TGP Hà Nội. Cùng đồng tế với Ngài, có Cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn - Quản Hạt Thanh Oai, cha xứ Giuse Bùi Quang Tào, cha phó Antôn Nguyễn Ngọc Sáng, cha Antôn Phạm Văn Dũng, Phó văn phòng TGM và quý cha trong giáo hạt.

Xem hình ảnh

Ðúng 8giờ 45, Ðức Tổng mục đến Nghĩa Ải. Cha Quản Hạt, cha xứ cùng các em lãnh nhận bí tích Thêm sức và đông đảo bà con giáo dân chào đón Ðức Giám Tổng tại cổng Thánh đường.

9 giờ15, Ðoàn đồng tế tiến vào nhà thờ trong tiếng kèn, tiếng trống và bài ca nhập lễ: "Xin Thánh Thần Chúa đến...". Thánh lễ được cử hành long trọng và sốt sắng.

Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức ban Bí tích Thêm Sức.

Cuối thánh lễ, một em đại diện các em cảm ơn Ðức Cha, Cha Quản Hạt, Cha xứ, quí cha, quí thầy, quí sơ, quí Ban Giáo xứ, các anh chị giáo lý viên và cộng đoàn.

Các em cảm nhận từ nay mang trong mình dấu ấn Chúa Thánh Thần; một sức mạnh thiêng liêng, chính Ngài sẽ là tác nhân biến đổi các em trở thành nhân chứng của Ðức Kitô, và Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành với các em trên mọi nẻo đường sống đạo và truyền giáo. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để các em luôn sống trong sự hướng dẫn của Thánh Thần trong đời sống chứng nhân hiệp nhất và yêu thương.
 
Giáo xứ Gia Định Sàigòn : Thánh lễ tuyên hứa và thăng cấp thiếu nhi
Nguyễn Xuân
11:00 25/08/2013
GIÁO XỨ GIA ĐỊNH, TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN: THÁNH LỄ TUYÊN HỨA VÀ THĂNG CẤP THIẾU NHI

Để chuẩn bị cho ngày khai giảng các lớp giáo lý vào ngày 01/09/2013, từ đầu tháng 08/2013, giáo xứ đã tập trung tất cả thiếu nhi học giáo lý các cấp, đồng thời đón nhận các thiếu nhi mới, đặc biệt các em Chiên Con, lần đầu tiên tham gia lớp giáo lý.

Xem hình

Sau thời gian ổn định, chia lớp, tập các nghi thức, sáng hôm nay Chúa Nhật 25/082013, Cha Tuyên úy Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt đã dâng thánh lễ Thăng cấp cho các thiếu nhi. Đặc biệt các em Chiên Con, Ấu 3, Thiếu 3, Nghĩa 3 của năm học trước sẽ lên Ngành mới, sẽ được mang màu khăn mới trên vai. Sự thăng cấp này đánh dấu một bước trưởng thành trong đời sống đức tin của các em. Các em Ấu, khi thăng cấp Thiếu, không chỉ sống Ngoan như ở ngành Ấu, mà khẩu hiệu mới của các em Thiếu sẽ là Hy sinh, hy Sinh để phụng sự Chúa, hy sinh để giúp đỡ anh em, hy sinh hãm mình và làm gương sáng tông đồ bằng một đời sống biết yêu thương và phục vụ anh em. Tương tự như thế, các em Nghĩa sĩ, Hiệp sĩ sẽ tìm hiểu, yêu mến, và phụng sự Chúa Kitô bằng tất cả cuộc sống dấn thân theo Chúa Kitô, làm chứng nhân cho Chúa trong môi trường sống, noi gương thánh Phaolô và các thánh Tử Đạo, sống tôn chỉ của ngành một cách trung kiên. Trong thánh lễ hôm nay cũng có 6 Hiệp sĩ được chọn làm Dự trưởng để rồi sau một thời gian tập sự và được đào luyện các em sẽ trở nên Huynh trưởng.

Hỗ trợ các huynh trưởng trong công tác dạy giáo lý cho các thiếu nhi, xứ đoàn được diễm phúc lớn đón nhận sự tham gia tích cực của các sơ và thầy trợ úy các dòng thánh Phaolô, Đức Mẹ Lên Trời, Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Nữ vương Hòa Bình…Vì có sự thuyên chuyển trong dòng, mỗi năm, tuy số trợ úy có thay đổi nhưng luôn được bổ sung. Hôm nay, cha tuyên úy đã trao tác vụ và khăn trợ úy cho 6 tân trợ úy.

Bài Tin Mừng hôm nay rất phù hợp với ý nghĩa thánh lễ "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào…” (Lc13,24) Bắt đầu năm học mới này, vào mỗi Chúa Nhật, các thiếu nhi cũng như các anh chị sẽ vào cửa hẹp bằng cách hy sinh những giờ phút chơi, giải trí hấp dẫn, hiện hữu khắp nơi để đến lớp giáo lý. Theo đó, các phụ huynh cũng phải khéo léo giải thích cho con em mình biết ích lợi của việc học giáo lý.

Đầu thánh lễ, cha nhắc các em chuyên cần trong việc học giáo lý và siêng năng tham dự thánh lễ ngày thường. Đặc biệt đối với các em sắp được lãnh nhận bí tích Thánh Thể và Thêm sức, các em phải tham dự tối thiểu số thánh lễ ngày thường, theo qui định. Cha biết có vài phụ huynh than phiền về qui định này nhưng cha mong các phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của qui định này đối với các em. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, thánh Phaolô nhắn nhủ “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách.Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”(Heb 12,5-7).

Cuối cùng, để các huynh trưởng giáo lý viên ý thức và thực hiện tốt công tác dạy giáo lý các bạn long trọng tuyên hứa: Nhờ ơn Chúa giúp, nhờ lời cầu bàu của Đức Maria và các thánh, dưới sự hướng dẫn của các cha, các bạn xin cố gắng dùng thiện chí, khả năng và điều kiện cho phép để phụng vụ Chúa và Giáo Hội qua sứ mạng làm huynh trưởng giáo lý viên. Cha tuyên úy đón nhận lời tuyên hứa của các bạn và chính thức trao tác vụ dạy giáo lý cho các bạn đồng thời trao các thiếu nhi vào tay các bạn để các bạn hướng dẫn các em sống đức tin ngày càng tốt hơn.

Ước mong các huynh trưởng giáo lý viên luôn khiêm tốn, quảng đại và nhiệt thành với sứ mạng các bạn đã tự nguyện lãnh nhận

Nguyễn Xuân
 
Giới hiền mẫu hạt Phước Lý mừng quan thầy thánh Monica
Phước Lý
17:29 25/08/2013
GIỚI HIỀN MẪU HẠT PHƯỚC LÝ MỪNG QUAN THẦY MONICA

HÀNH HƯƠNG LÃNH ƠN TOÀN XÃ

Sáng Chúa Nhật ngày 25.8.2013, hàng trăm chị em hiền mẫu thuộc các giáo xứ trong hạt quy tụ về giáo xứ cha Quản hạt- giáo xứ Bắc Thần cùng tham dự ngày hội Mừng Quan thầy Thánh Monica: Giao lưu sinh hoạt, thi đua giáo lý, tham dự thánh Lễ Tạ ơn nhận ơn Toàn xá theo ơn rộng ban của Đức Cha Giáo Phận Xuân Lộc trong Năm sống Đức tin.

Xem Hình

Cha đặc trách giới Hiền mẫu hạt Phước Lý- cha Gioakim Nguyễn Văn Hiểu, chánh xứ Bắc Minh hiện diện từ khá sớm như thêm lời khích lệ cho giới Hiền mẫu.

Đúng 8 giờ 30 bước vào cuộc thi Giáo lý với chủ đề Năm sống Đức tin của gia đình Giáo Phận Xuân Lộc: gia đình và Giáo xứ sống Đức tin trong Hiệp thông và Bác ái. Cuộc thi diễn ra hai hình thức: Thi viết để tuyển chọn người đi thi cấp Giáo phận (hơn 30 người đăng ký dự thi); đại đa số các mẹ còn lại tham dự học hỏi thi đua được thiết kế theo kiểu Game show, do chính cha đặc trách đặc trách điều khiển. Mỗi xứ được tùy chọn 1 câu hỏi, được 10 giây suy nghĩ trước khi trả lời, ai trả lời đúng được cha đặc trách ‘thưởng nóng’ bao thư tiền có tính tượng trưng, vui là chính.

Sau phần thi đua học hỏi Giáo lý Năm sống Đức tin, có 15 phút giải lao, chuẩn bị tâm hồn để tham dự Thánh lễ Tạ ơn.

Đúng 10 giờ, đoàn Rước kiệu thánh Quan thầy Monica gồm quý hiền mẫu đại diễn giới Hiền mẫu mỗi xứ và các cha đồng tế khởi đi từ cổng nhà xứ tiến về Nhà thờ,

Cha quản hạt Phước Lý Chủ tế. Đầu lễ cha gởi lời chúc mừng quan thầy của giới hiền mẫu với những tràng pháo tau nồng nhiệt. Đặc biệt cha nêu cao gương sáng thánh đức của thánh Quan thầy Monica và kêu mời mỗi hiền mẫu hãy noi gương thánh Quan thầy ở nơi mỗi mái ấm gia đình.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa do cha giáo Phêrô Nguyễn Than Sơn theo bài Tin Mừng Chúa Nhật 21 với câu Lời Chúa chủ lực: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” (Lc 13, 24). Ngài nói: “Tin Mừng hôm nay có thể được hiểu như một lời cảnh báo: Hãy đề phòng một nguy cơ của lối sống hưởng thụ và thực dụng, đó là thái độ lưng chừng, ỷ lại, thỏa hiệp và buông thả. Thái độ sống ấy khiến con người ươn lười, ngại cố gắng hy sinh. Thái độ của kẻ tự hào mình là dân ưu tuyển, bám víu vào truyền thống giữ Đạo, vênh váo với một mớ công đức, để rồi biến thành kẻ xa lạ trước mặt TC”

Sau đó cha giảng lễ nêu bật gương sáng thánh nữ Monica- quan thầy giới Hiền mẫu trong việc kiên trung- tín thác vào Chúa khi lựa chọn qua cửa hẹp. “Cuộc đời đầy nước mắt của thánh nhân vén tỏ cho chúng ta thấy sức mạnh diệu kỳ của trái tim người mẹ: những con người yếu đuối, lặng thầm nhưng có trái tim thật mạnh mẽ và rộng lớn, có thể làm cho góc tối của nghèo nàn, túng quẫn nên ấm nồng hạnh phúc, có thể làm cho những hoàn cảnh mịt mù nhất được tỏa sáng tình người, làm cho phiến đá thô thiển thành pho tượng tuyệt mỹ; làm cho gia đình trở thành vườn ươm đức tin, thành chiếc nôi sự sống; làm cho đau khổ, thất bại thành ân phúc; làm cho tội nhân trở thành những thánh nhân, Trên những lối nẻo của hành trình nhân loại, biết bao cuộc đời đã lớn lên, thành đạt, thành nhân và thành thánh vì được dệt nên từ trái tim thầm lặng nhưng diệu kỳ của những người mẹ như thế”.

Kêt thúc bài chia sẻ Lời Chúa, Cha giảng lễ kêu mời: Mừng lễ thánh nữ Monica hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho thân mẫu của mình - còn sống cũng như đã qua đời. Và xin Chúa chúc lành cho nhưng người mẹ đang tất tả, nặng lòng vì con cái- những người đã lặng lẽ dệt nên cuộc đời bằng những sợi yêu thương, lặng lẽ dựng xây gia đình bằng những phiến đá âm thầm của hy sinh, phục vụ, lặng lẽ làm nên những cung bậc tuyệt vời cho giai điệu của hạnh phúc bằng lòng kiên nhẫn, độ lượng không bến bờ; những người đã làm nên điều cao cả từ cái tầm thường, tẻ nhạt và vất vả của cuộc sống, những người đang cố gắng hy sinh ươm gieo niềm tin và sự sống giữa dòng đời xuôi ngược.

Trước khi kết thúc Thánh lễ Tạ ơn, cha Đặc trách công bố và phát Vi bằng ân nhân cho quý bà mẹ thuộc giới Hiền mẫu các giáo xứ trong hạt.

Sau đó một chị đại diện giới Hiền Mẫu Giáo hạt có đôi lời cám ơn cha quản hạt, cha đạc trách, quý cha, quý di cùng mọi người …

Niềm vui mừng lễ Quan thầy giới Hiền mẫu được nối dài trong bữa ăn liên hoan mang tính đầm ấm gia đình. Các tiết mục văn nghệ khá đa dạng (đơn ca, tốp cá, múa,…) do chính hiền mẫu mỗi xứ tự biên tự diễn, tuy cây nhà lá vườn song cũng mang tính chuyên nghiệp khiến cho ngày Họp mặt giới Hiền mẫu thêm rộn vui tiếng cười.

Được biết, so với năm ngoái, năm nay Mừng lễ quan Thầy giới hiền mẫu tham gia đông đủ hơn, nhiệt tình hơn…phần nào phản ảnh tình hiệp thông yêu thương trong gia đình Giáo hạt đang tiến triển trong ơn Chúa.

Tin, ảnh: Phước Lý
 
Tin Giáo Hội Việt Nam 21/8 - 27/8/2013
VietCatholic Network
20:57 25/08/2013
'>Tin GHVN Tuần 20 Năm 2013
1. Tin GP Bắc Ninh
Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt thăm mục vụ giáo xứ Tân Cương và Ngọc Lâm
Sáng 18-8 Đức Cha giáo phận Bắc Ninh đã đến giáo xứ Tân Cương – giáo hạt Thái Nguyên và dâng Thánh lễ ban bí tích thêm sức cho 150 em thiếu nhi.
Sau Thánh Lễ thêm sức Đức Cha Tạm biệt giáo xứ Tân Cương, đến thăm bà cố của một thầy ở Phúc Thuận đang bị bệnh. Ông bà cố bày tỏ niềm xúc động, khi được vị chủ chăn của Giáo phận đến viếng thăm.
Buổi chiều cùng ngày, Đức Cha đến thăm công trình xây cất nhà thờ Ngọc Lâm đang trong thời gian hoàn thiện. Đức Cha khích lệ giáo dân cũng như những người đang trực tiếp thi công xây dựng nhà thờ Ngọc Lâm. Ngài vui mừng, phấn khởi, khi thấy bà con giáo dân Ngọc Lâm sốt sắng, yêu thương nhau và ngôi Thánh đường đang được tiến hành xây dựng lại, một cách tốt đẹp.
Sau biến cố ngày 17 tháng 01 làm rung động hàng vạn con tim, Mái nhà thờ bị sập xuống. Đến nay Ngôi nhà thờ của giáo họ Ngọc Lâm đang có bộ mặt mới. Được dựng xây vững chắc và đi vào giai đoạn hoàn thiện.
Trước khi tạm biệt bà con giáo họ Ngọc Lâm, Đức Cha đã ban phép lành cho toàn thể giáo dân giáo họ. Cầu nguyện cho giáo họ được bình an và chóng hoàn thành ngôi Thánh đường.
2. Tin GP Sàigòn
Thánh Lễ phong chức 5 thầy phó tế và 3 Tân Linh Mục cho các tu sĩ Dòng Tên VN
Sáng 22/08/2013, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum đã đến học viện Dòng Tên chủ sự Thánh lễ Phong chức cho 5 thầy Phó tế và phong chức Linh mục cho 3 thầy thuộc tỉnh Dòng Tên Dòng Việt Nam
Quí thầy được Phong chức Phó tế gồm có:
-Đaminh Vũ Duy Cường
-Matthia Nguyễn Kim Đoàn
-Giuse Bùi Quang Minh
-Micae Bùi Hà Ngân
-Tôma Vũ Ngọc Tín
-Phong chức Linh mục cho 3 thầy:
-Tôma Aquinô Tạ Trung Hải
-Giuse Chu Thái Hiệp
-Antôn Nguyễn Thành Nguyên
Cùng đồng tế trong Thánh lễ hôm nay, có quý Cha Giám tỉnh, quí cha thuộc Hội Dòng, quí cha giáo, quí cha bảo trợ, quí cha trong Giáo phận cũng như ngoài Giáo phận. Trong niềm hân hoan và trang nghiêm của ngày lễ, đông đảo cộng đoàn hợp nhau ca ngợi tình thương của Thiên Chúa đã tuôn đổ trên mỗi người và đặc biệt trên các thầy
Tất cả mọi người hiện diện trong Thánh Lễ phong chức cùng hiệp một ý: Cầu xin cho các tân tiến chức luôn bền đỗ trong ơn gọi, dẫu trải qua bao thăng trầm, vui buồn, khắc khoải, lo âu, yếu đuối, vấp ngã… Nhờ tình thương của Chúa xin cho các Tiến Chức bước theo Chúa triệt để hơn, thuộc trọn về Chúa Giêsu, trở nên giống Chúa Giêsu hơn và là “những người mục tử như lòng Chúa mong ước”.
3. TGP Hà Nội
Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Hà Nội tham dự Hội nghị thường niên về gia đình tại La Vang - Huế
Trong ba ngày từ 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 2013, tại linh địa La Vang đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ IV của Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình - HĐGM Việt Nam và cuộc hội ngộ các gia đình toàn quốc.
Đại diện cho phái đoàn TGP Hà Nội tham dự hội nghị lần này là linh mục Alphongsô Nguyễn Ngọc Châu - Đặc trách Ban Mục Vụ Gia Đình cùng với 2 anh Lê Quang Trung và Vũ Văn Tuyến.
Hội nghị thường niên lần thứ IV có chủ đề: "Gia đình sống đức tin cùng Mẹ La Vang".
Thánh lễ khai mạc do Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Đà Nẵng, chủ tịch UBMVGĐ của HĐGMVN chủ sự.
Bài giảng trong thánh lễ, Ngài nhắc nhở đến mỗi gia đình Công Giáo có một thứ tài sản quý giá nhất đó là đức tin Kitô giáo.
Trong những ngày diễn ra Hội nghị, các ý kiến phát biểu của các Giáo phận xoay quanh các chủ đề sau:
- Tình trạng di dân tại các đô thị, tại đây giới trẻ dễ bị cám dỗ bởi trào lưu sống của xã hội tục hóa.
- Thiết lập Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình tại các Giáo phận.
- Quan tâm học hỏi về vấn đề giáo dục gia đình tại các hội đoàn.
- Tình trạng ly dị, phá thai đáng báo động ngay cả với những gia đình Công Giáo.
- Giữ được truyền thống đạo đức gia đình, hạn chế được vấn đề ly hôn.
- Tập trung đẩy mạnh việc học hỏi về gia đình cho những hội đoàn nòng cốt có sẵn trong các giáo xứ như hội hiền mẫu hay hội gia trưởng.
- Chú trọng vào vấn đề giáo dục dự phòng cho các bạn trẻ khi còn chưa lập gia đinh.
- Tiến tới mỗi giáo xứ- giáo hạt thanh lập các ban mục vụ về gia đình.
Hội nghị cũng thông báo Đại hội thường niên lần thứ V vào năm tới, sẽ được tổ chức tại giáo tỉnh miền Bắc, thời gian và địa điểm sẽ được thông báo sau.
Buổi chiều ngày bế mạc, các tham dự viên đã chia sẻ 3 đề tài về gia đình.
Tại buổi thảo luận này, còn có sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli (Lê ô- Pôn Đô –Zi ren li, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam.
Hội nghị bế mạc với thánh lễ vọng mừng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời tại linh đài La Vang do Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli chủ sự.
Trong thánh lễ có cử hành nghi thức nhắc lại lời hứa hôn phối dành cho các cặp hôn nhân, kỷ niệm kim khánh hoặc ngân khánh.
Thánh lễ kết thúc trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng gợi lên tâm tình tri ân Chúa và cảm tạ Đức Mẹ và hẹn ngày tái ngộ vào năm tới tại giáo tỉnh miền Bắc.
4. Tin GP Hải Phòng
Thánh lễ tạ ơn mừng giai đoạn 2 xây dựng nhà thờ Tiên Am
Sau bao nhiêu lo lắng và vất, hôm nay niềm vui đã chớm nở trên khuôn mặt người dân Tiên Am.
Công trình xây cất nhà thờ đã tiến thêm một chặng nữa là: hoàn thành giai đoạn II lợp mái.
Trong niềm vui thiêng liêng ấy, cộng đoàn giáo xứ đã hân hoan dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và nói lên tấm lòng tri ân với tất cả những ai góp của, góp công, xây dựng nhà thờ giáo xứ.
Thánh Lễ tạ ơn được cử hành lúc 9g30, ngày 17/08/2013, do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên giám mục giáo phận chủ sự. Cùng đồng tế, có cha quản nhiệm Isiđôrô Phạm Văn Toản và một số cha khách. Ngoài những người con dân của giáo xứ Tiên Am, Thánh lễ hôm nay còn có sự hiện diện của quý ân nhân xa gần và quý khách mời từ các giáo xứ lân cận.
Đức Cha cũng nhắc lại tinh thần Đức tin vững mạnh của người dân Tiên Am từ các thế hệ cha anh.
Đức tin ấy tưởng bị tàn phai do hoàn cảnh lịch sử khó khăn.
Sự kiện Tiên Am được nâng lên hàng giáo xứ và công trình nhà thờ đang xây cất là những bằng chứng hùng hồn cho tinh thần sống đạo. Đức Cha mời gọi người tín hữu Tiên Am hãy tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, để công trình nhà Chúa sớm được hoàn thành, đời sống đức tin tiếp tục lớn mạnh và sinh nhiều hoa trái.
Được biết, trước đây Tiên Am là một họ lẻ thuộc giáo xứ Nam Am với hơn 400 giáo dân. Ngôi nhà thờ của giáo họ đã xuống cấp và trở nên chật hẹp. Ước nguyện của bà con nơi đây là sớm có một ngôi nhà thờ mới rộng rãi và khang trang. Đáp ứng nguyện vọng ấy cùng với thiện ý của cha xứ Antôn Nguyễn Văn Ninh, công trình nhà thờ Tiên Am được khởi công vào ngày 19/10/2006.
Kể từ ngày khởi công đến nay đã 7 năm tròn. 7 năm qua với biết bao khó khăn, nhất là về nguồn tài chính hạn hẹp.
Thánh Lễ kết thúc trong niềm vui mừng của cha Quản nhiệm và cộng đoàn giáo xứ Tiên Am.
5. Tin GP Vinh
Đại lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, bổn mạng của giáo phận Vinh
Thánh lễ diễn ra lúc 7 giờ sáng ngày 15/08/2013 do Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế cùng đồng tế có Đức Cha tân phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, quý cha trong giáo phận, quý tu sĩ nam nữ và đông đảo bà con giáo dân tham dự.
Lễ mừng Đức Mẹ lên trời lần này là Thánh lễ kỷ niệm 121 năm giáo phận Vinh được dâng hiến cho Mẹ cách đặc biệt.
Bài giảng trong thánh lễ, Đức Cha Phaolô Maria đã diễn tả cách sinh động tín điều Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Ngài cũng đã nhấn mạnh đến tình thương của Mẹ về trời dành cho con cái nơi dương thế và mong muốn ai cũng được về trời như Mẹ.
Theo truyền thống, vào dịp Đại lễ Quan thầy Giáo phận, tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài cũng như tất cả các nhà thờ trong Giáo phận, Đức Giám Mục và các linh mục quản xứ sẽ tuyên đọc bản Kinh Dâng Giáo phận cho Đức Mẹ. Hôm nay, Đức Cha Phaolô Maria một lần nữa đã lặp lại niềm tin tưởng phó thác vào lòng yêu thương và sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria.
Trước khi thánh lễ kết thúc, Đức Cha Phaolô Maria đã ban phép lành Tòa Thánh trong Năm Đức Tin cho mọi người hiện diện trong thánh lễ và cho toàn thể đoàn con Giáo phận nói chung.
Thánh lễ mừng kính Mẹ Lên Trời đã kết thúc trong niềm hân hoan và vui mừng.
6. Tin GP Phan Thiết
Gx Đức Mẹ Thiên Chúa đón nhận thêm 6 Tân Tòng
Chúa Nhật XX Thường Niên 18.8.2013, giáo xứ Mẹ Thiên Chúa hân hoan đón nhận thêm 6 Tân Tòng gia nhập Hội Thánh. Sau một thời gian được học hỏi Giáo lý. Đây cũng là dịp để Cha xứ cho một số em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn do ở xa Giáo xứ được rước lễ lần đầu.
Có thể nói, đây không chỉ là niềm vui riêng của giáo xứ “Mẹ Thiên Chúa”, nhưng còn là niềm vui chung của giáo phận Phan Thiết, ngày càng có thêm nhiều người gia nhập đạo Công Giáo
Có được thành công như vậy là do tất cả mọi người trong giáo xứ luôn ý thức sứ mệnh truyền giáo bằng đời sống chứng nhân của mình.
Chính Cha quản xứ là người đi đầu trong việc truyền giáo, không chỉ bằng việc thăm viếng, quan tâm giúp đỡ những người bệnh tật, nghèo đói, mà Cha còn tổ chức thường xuyên các môn thể thao như: bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông cho các thanh thiếu niên không phân biệt tôn giáo. Nhờ đó, tất cả mọi người, đều đến tham gia cách nhiệt tình và yêu thương.
7. Tin GP Xuân Lộc
Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý có thêm 12 Đan sĩ khấn trọn đời
Trong niềm hân hoan cùng với Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý có thêm niềm vui tạ ơn khác, đó là có thêm 12 Đan sĩ được khấn trọn đời.
Thường ngày, Đan Viện luôn tĩnh lặng trong cầu nguyện và lao động, nhưng hôm nay, từ sáng sớm với những bước chân rộn rã, hân hoan, tấp nập của các ông bà cố, thân nhân, linh tông và huyết tộc của các Thầy khấn sinh. Quý Thầy được khấn trọn đời hôm nay gồm có:
1. Phêrô Lê Tùy Nguyễn Văn Quản.
2. Gioan Tẩy Giả Nguyễn Văn Cường.
3. Achileo Phan Ngọc Sang.
4. Marcellino Nguyễn Đình Minh.
5. Martino Porres Trần Văn Toàn.
6. Salesio Phạm Kim Ngân.
7. Noberto Nguyễn Văn Hoan.
8. Gernado Trần Văn Đàn.
9. Pacomio Nguyễn Sơn Vinh.
10. Gioan XXIII Nguyễn Văn Tấn.
11. Micae Hồ Quốc Hội
12. Phêrô Kim Ngôn Nguyễn Bảo Duy

Đúng 9 giờ, đoàn đồng tế với trên 50 linh mục gồm: Quí cha trong Đan viện và Quí Cha khách, tiến về Nguyện Đường Đan viện.
Chủ tế Thánh lễ Khấn là Cha viện Phó Phaolô Phạm Văn Hùng.
Viện phụ Gioan Baotixita Trần Văn Chuyên chủ sự Nghi lễ Khấn Trọn.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha chủ tế Phaolô Phạm Văn Hùng thay mặt Đan viên và quý thầy vĩnh khấn có đôi lời cám ơn quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, thân nhân, ân nhân và quý khách. Nhân dịp này, Ngài cũng thông báo Đan viện đang tuyển nhận ứng sinh vào Đan viện, và mời gọi mọi người hãy cổ vũ và giới thiệu những “Ơn gọi” cho Đan Viện.
Sau Thánh lễ, niềm vui được tiếp nối trong bữa tiệc đầm ấm trong gia đình Đan Viện.
8. Tin GP Bà Rịa
Họp Mặt Các Ban Thánh Nhạc
Nhân dịp mừng lễ kính thánh Giáo hoàng Piô X, Bổn mạng các Ca – Nhạc đoàn giáo phận
Sáng Chúa Nhật ngày 18.8.2013, gần 1000 anh chị em Ca – Nhạc đoàn từ khắp các giáo xứ thuộc giáo phận Bà Rịa đã quy tụ về nhà thờ chánh tòa Bà Rịa để tham dự ngày gặp gỡ, giao lưu và mừng lễ Thánh Piô X.
Trong ngày họp mặt, có sự hiện diện của Linh mục Nhạc sư Kim Long, phó Ban Thánh nhạc toàn quốc; Cha phó Ban Thánh nhạc giáo phận Bà Rịa, cùng quý Cha Đặc trách Thánh nhạc của các giáo hạt; Nhạc sĩ Ngọc Linh; Giảng viên Thanh Mạnh, ủy viên Ban Thánh Nhạc giáo phận Sài Gòn; Giảng viên, ca sĩ Thanh Sử.
Sau phần khai mạc, các anh chị em ca viên đã được giao lưu và nghe bài thuyết trình của Linh mục Nhạc sư Kim Long. Ngài nhấn mạnh: “Thánh nhạc phải đặt trọng tâm là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu. Nói cách khác, Thánh nhạc vì phụng vụ chứ Thánh nhạc không vì nhạc”…
Tiếp theo đó là phần trình diễn báo cáo của các em học viên “Khóa thường huấn thánh nhạc hè 2013” do Ban Thánh nhạc giáo phận tổ chức tại giáo xứ Long Hương cũng như trao giấy chứng nhận và khen thưởng cho các em đã hoàn thành khóa học.
Buổi họp mặt kết thúc trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Thánh lễ tạ ơn do Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Đại diện Giáo phận Bà Rịa chủ sự cùng quý Cha đồng tế.
9. Tin GP Sàigon
Giáo xứ Bình Thuận, hạt Bình An, khánh thành Nhà Giáo lý
Sáng ngày 15 tháng 8 năm 2013, cùng với Giáo Hội long trọng mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, giáo xứ Bình Thuận đã có Thánh lễ Tạ ơn, làm phép và khánh thành nhà Giáo lý.
Cộng đoàn giáo xứ hân hoan đón tiếp Đức Cha Phêrô giám mục phụ tá TGP Sài Gòn chủ sự Thánh lễ. Cùng đồng tế có Cha Giuse Phạm Bá Lãm, Hạt trưởng hạt Phú Thọ; Cha Giuse Trịnh Văn Viễn, Hạt trưởng hạt Bình An, 30 linh mục trong giáo phận, quý tu sĩ, quý ân nhân và quý khách.
Trước hết, đoàn đồng tế tiến lên ngôi nhà mới để Đức Cha phụ tá Phêrô làm phép và cắt băng khánh thành. Sau 10 tháng thi công, giáo xứ đã có được ngôi nhà khang trang dành cho các sinh hoạt mục vụ. Trước khi làm phép, Cha chánh xứ Phanxicô Salêsiô Nguyễn Quốc Hoàng ngỏ lời chào đón Đức Cha, quý cha và quý khách mời. Đồng thời, cha cũng trình bày ngắn gọn về diện tích xây dựng, tài chánh và có sự giúp đỡ của 26 giáo xứ để hoàn thành công trình này.
Tiếp đến, đoàn đồng tế trở lại nhà thờ để bắt đầu Thánh lễ tạ ơn. Chia sẻ Tin Mừng, Đức Cha quảng diễn ý nghĩa của ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Cuối Thánh lễ, ông chánh trương, đại diện cho giáo xứ dâng lời tri ân Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân và mọi người. Sau đó, mọi người cùng dự bữa tiệc huynh đệ. Giáo xứ còn gửi tặng mọi người bức phù điêu nhỏ chân dung Mẹ Hằng Cứu Giúp là bổn mạng của giáo xứ.
10. TGP Sàigòn
Lễ khấn trọng thể Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu, Hạt Tân Định
Vào sáng ngày 15/8/2013, giáo xứ Bùi Phát đã vui mừng đón chào đông đảo quý cha trong và ngoài nước của Dòng Anh Em Hèn Mọn qui tụ về đây để mừng kính Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời.
Cũng trong ngày lễ trọng đại này, có 10 khấn sinh của Dòng đã long trọng tuyên khấn sống đời thánh hiến.
Đúng 9g00, đoàn đồng tế với hơn 50 linh mục, 10 khấn sinh và quý ông bà cố đã hân hoan tiến lên cung thánh. Chủ tế Thánh lễ là cha Giuse Vũ Văn Lực - đặc trách Tỉnh dòng Việt Nam, bên cạnh đó còn có sự hiện diện của cha Gary Klauer (OFM Conv) - phó Giám tỉnh USA; cha Benedict Seung - Jae Baek (OFM Conv) - Tổng cố vấn, Roma; cha Chris Shorrock (OFM Conv) - đại diện Giám tỉnh Australia; cha Giuse Nguyễn Văn Tuấn (OFM Conv) - giảng thuyết và cha Giuse - chánh xứ Bùi Phát.
Thánh lễ vĩnh khấn mở đầu với lời chào mừng của cha Giuse - đặc trách Tỉnh dòng Việt Nam gởi đến quý cha bề trên, quý cha giáo, cha hạt trưởng, và toàn thể cộng đoàn giáo xứ Bùi Phát.
Phần chia sẻ Tin Mừng, cha Giuse - giảng thuyết đã gởi đến toàn thể cộng đoàn và cách riêng các khấn sinh những suy niệm của ngài về ơn gọi Phan Sinh.
Nghi thức tuyên hứa của 10 khấn sinh đã diễn ra long trọng, sốt sắng, do cha phó giám tỉnh Hoa Kỳ chủ sự. Từng khấn sinh đã đến, quỳ và đặt tay, trong tay của cha chủ sự, để thể hiện lòng ước ao được nên giống Chúa Kitô, qua đời sống tu trì.
Kế tiếp, cha chủ sự thánh hiến cho các tân khấn sinh, và các tân khấn sinh được quý cha cùng quý thày hiện diện trong Thánh lễ hôn chúc bình an, một cử chỉ thân thương, nói lên sự liên kết, gắn bó, đón nhận anh em vào đại gia đình Phan Sinh.
Danh sách 10 tu sĩ, khấn trọn đời gồm có:
1. Thầy Phêrô Maria Nguyễn Hữu Phước, OFM Conv
2. Thầy Phêrô Vũ Bình Quốc, OFM Conv
3. Thầy Antôn Maria Lê Sỹ Dương, OFM Conv
4. Thầy Phaolô Raphael Lê Đức Chánh, OFM Conv
5. Thầy Gioan Baotixita Đoàn Cao Thuấn, OFM Conv
6. Thầy Giuse Piô Trần Văn Dương, OFM Conv
7. Thầy Giuse Cup ê tin ô Phạm Văn Nhương, OFM Conv
8. Thầy Phêrô G. Eymard Hoàng Thành Đông, OFM Conv
9. Thầy Đaminh Nguyễn Công Hoài, OFM Conv
10. Thầy Giuse Maria Trần Văn Long, OFM Conv
Trước khi Thánh lễ kết thúc, cha phó Giám tỉnh đã thay mặt nhà Dòng cám ơn quý cha đồng tế, quý ông bà cố, đã quảng đại dâng hiến cho Chúa những người con yêu quý, để gánh vác sứ mạng của nhà Dòng. Đồng thời, cha đặc trách Tỉnh dòng Việt Nam cũng nhân cơ hội này, bày tỏ tấm lòng tri ân đến ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận Sàigòn, cách đây 9 năm, Ngài đã đón nhận hội Dòng AEHMVT vào trong TGP.
11. Tin Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
Sáng thứ Hai 19.8.2013, hơn 200 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã có mặt tại Tu viện DCCT Sài Gòn để tham dự buổi thường huấn chung hàng năm của Tỉnh Dòng.
Kỳ thường huấn năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ 19/8 đến 22/8/2013 với chủ đề chung: “Một số chia sẻ trong các lãnh vực Tín lý, Xã hội và Giáo luật”, do quý cha trong Dòng trình bày.
Các chủ đề cụ thể bao gồm:
- Ngày thứ I: Cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh với đề tài: “Giáo Hội ‘Bí Tích Ơn Cứu Độ Phổ Quát’ theo Công Đồng Vaticanô II”
- Ngày thứ II: Cha Giuse Lê Quang Tuấn với đề tài: “Kitô học và những vấn đề hiện đại”
- Ngày thứ III: Cha Maccô Bùi Quan Đức cùng với quý cha Giuse Nguyễn Thể Hiện, Giuse Lê Quang Uy và Giuse Đinh Hữu Thoại sẽ trình bày đề tài: “Mục vụ công lý và hòa bình trong truyền thống DCCT”
- Ngày thứ IV: Quý cha Giuse Hoàng Phúc, Giuse Lê Quang Tuấn và Giuse Nguyễn Ngọc Bích trình bày đề tài: “Làm thế nào để kiến tạo một môi trường phục vụ an toàn”.
Kỳ thường huấn hàng năm là dịp để các tu sĩ trong Dòng đổi mới và trau dồi thêm kiến thức.
Ngoài ra đây cũng là dịp để các tu sĩ đang làm việc từ khắp nơi trở về trụ sở chính của Dòng, gặp gỡ và trao đổi với nhau những kinh nghiệm mục vụ tại các điểm truyền giáo.
Kỳ thường huấn năm nay kết thúc vào sáng thứ Sáu 23/8/2013 với thánh lễ phong chức phó tế cho 9 tu sĩ của Dòng, do Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục giáo phận Phú Cường chủ phong.
12. Thánh Lễ an táng hai Đức Cha: Giuse Hoàng Văm Tiệm GM giáo phận Bùi Chu và Tôma Nguyễn Văn Tân GM giáo phận Vĩnh Long
-Tại GP Bùi Chu: Thánh lễ an táng Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm được cử hành vào lúc 8 giờ 30 sáng, thứ Tư ngày 21.8.2013 tại quảng trường nhà thờ Chính Toà Bùi Chu do ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn TGM giáo phận Hà Nội kiêm chủ tịch HĐGMVN chủ tế, cùng đồng tế có Đức Khâm Sứ toà thánh Leopoldo Girelli, 20 giám mục trong HĐGMVN, 300 linh mục trong và ngoài giáo phận.
Sau Thánh Lễ tiễn biệt, linh cửu Đ/cha Tiệm được an táng trong nhà thờ chính toà Bùi Chu.
Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm với 28 năm trong thiên chức Linh Mục và 12 năm trong thiên chức Giám Mục
-Tại GP Vĩnh Long: Thánh lễ An táng Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân được cử hành vào lúc 9 giờ 30, sáng thứ Năm, ngày 22.08.2013 do ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn TGM giáo phận Hà Nội kiêm chủ tịch HĐGMVN chủ tế, cùng đồng tế có Đức Khâm Sứ toà thánh Leopoldo Girelli, 18 giám mục trong HĐGMVN, 300 linh mục trong và ngoài giáo phận. Trong đó có những người là bạn là Giám Mục, Linh Mục năm xưa học chung tại GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN ĐÀ LẠT, cũng có những người bạn đi du học tại Ý chung với Ngài. Ngoài ra còn có các linh mục học trò ở Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long, có rất đông các linh mục học trò là cựu học viên và đang là học viên tại Đại Chủng Viện Thánh Qúy (Cần Thơ) hôm nay. Đặc biệt với gần 11.000 giáo dân trong giáo phận đã đến hiệp dâng thành lễ cầu nguyện cho Đức Cha Tôma
Bài giảng chia sẻ Thánh Lễ do Đức Cha Phalô Bùi Văn Đọc GP Mỹ Tho nói hạnh tích và lòng mến mộ Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân
ĐC Tôma Nguyễn Văn Trâm Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa chủ sự nghi thức từ biệt và phó dâng linh hồn Đức Cha Tôma cho lòng thương xót Chúa.
Quan tài được di chuyển ra phần mộ ở Đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ. Trước khi hạ huyệt, Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên đọc lời nguyện và làm phép huyệt, rảy nước thánh và xông hương. Sau khi quan tài đã được hạ huyệt, các Đức Cha lần lượt đến tiễn biệt Đức Cha Tôma mỗi vị một năm đất trong tiếng nhạc trầm lắng du dương.
Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân với 21 năm trong thiên chức Linh Mục và 13 năm trong thiên chức Giám Mục
 
Lễ Khánh thành và Cung hiến Nhà thờ Giáo xứ Tân Hội giáo phận Nha Trang
Antôn Nguyễn Minh Dũng
21:01 25/08/2013
Giáo xứ Tân Hội nằm ở hai bên quốc lộ IA, cách thành phố Sài Gòn 355 cây số về hướng Bắc. Trước kia, giáo xứ Tân Hội là giáo họ Láng Mun, thuộc giáo xứ Dinh Thủy-Tấn Tài.

Xem hình ảnh

Vào những năm 1870-1880, có một số giáo dân từ Quảng Nam-Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên vào lập nghiệp tại Đài Sơn (Láng Mun Trong) và Tân Hội (Láng Mun Ngoài). Họ cất một nhà nguyện tại Đài Sơn.

Năm 1884, phong trào Văn Thân nổi lên, nhà nguyện bị đốt phá, giáo dân một số tử vì đạo, một số ẩn náu tại nhà bà con bên lương ở các làng lân cận, một số khác đi theo Cha Quản Xứ Dinh Thủy-Tấn Tài là Cố Đề (RP Villaume) vào lánh nạn tại Sài Gòn.

Khoảng 1 năm sau, khi tình hình bắt đạo tương đối lắng dịu, Cố Đề đưa giáo dân về lại. Số giáo dân thuộc giáo họ Láng Mun tập trung ra sống tại Tân Hội và cất một nhà nguyện tại địa điểm nhà xứ cũ.

Năm 1914, giáo dân xây 3 lò gạch để chuẩn bị làm nhà vuông và nhà thờ. Năm 1916, Cố Sáng (RP Jules Labiause, Quản Xứ Dinh Thủy-Tấn Tài từ năm 1907-1920) bắt đầu cho xây nhà vuông đầu tiên (tại địa điểm nhà các Nữ tu hiện nay). Nhà vuông này được xây xong năm 1917 và được sử dụng làm nhà nguyện, còn nhà nguyện thì được phá đi để xây nhà vuông thứ hai.

Nhà thờ cũng được khởi công xây dựng vào năm 1917, do Cố Sáng trực tiếp chỉ đạo. Nhà vuông thứ hai hoàn thành năm 1919 và nhà thờ hoàn thành năm 1920, với mặt tiền là một tấm vách, mái lợp ngói móc, cửa ngõ đơn sơ, không có bàn ghế, chỉ sử dụng chiếu để ngồi.

Năm 1932, cơn bão Nhâm Thân phá sập tấm vách mặt tiền nhà thờ. Sau cơn bão, Cố Châu (RP Ledarré, Quản Xứ Dinh Thủy-Tấn Tài từ năm 1928-1945) cho xây tháp chuông bằng gạch và vôi vữa với phần nhọn có cốt thép, vách nhà thờ được nâng cao thêm, ngói móc thay bằng ngói Hải Phòng, cửa sổ làm lại bằng kính và cửa chính làm bằng gỗ chạm trỗ công phu.

Năm 1947, Đức Cha Marcel Piquet đã nâng giáo họ Láng Mun lên hàng giáo xứ và sau này dưới thời Đức Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận làm Giám mục giáo phận Nha Trang, giáo xứ được đổi tên là Tân Hội.

Trải qua dòng thời gian gần một thế kỷ, ngôi nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng và đã trở nên quá nhỏ bé so với số giáo dân hiện nay là hơn 2.500. Vì thế tất cả bà con giáo dân đều tha thiết mong muốn xây dựng lại một ngôi nhà thờ mới vững chắc và khang trang hơn.

Từ năm 2000 đến năm 2011, được sự đồng ý và động viên của Đức Giám Mục giáo phận, các Linh mục Quản xứ và bà con giáo dân đã tích cực lo liệu về mặt bằng, kinh phí, hồ sơ thiết kế và giấy phép xây dựng.

Vì ngôi nhà thờ nằm ngay bên quốc lộ IA, ở ngã ba đi vào trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, mà nay quốc lộ IA đã được nâng cao lên đáng kể và khuôn viên nhà thờ lại không được rộng cho lắm, cho nên giáo xứ đã chọn phương án thiết kế ngôi nhà thờ mới có tầng trệt làm nơi để giáo dân chầu Mình Thánh Chúa, đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót, sinh hoạt, tập hát, học giáo lý…

Sau khi về nhận chức Quản xứ ngày 23/8/2011 và sau khi nhận được Giấy phép của Sở Xây dựng do cha Cựu Quản xứ Gioakim Trần Minh Kông trao lại, với sự động viên và khích lệ của Đức Giám Mục giáo phận, Cha Gioan Baotixita Phạm Hồng Thái đã bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh các khâu chuẩn bị để có thể sớm khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới.

Nhờ sự nỗ lực huy động của các Cha Cựu Quản xứ và sự tích cực đóng góp của bà con giáo dân trong thời gian khoảng 10 năm, trong ngày bàn giao chức vụ quản xứ, Cha Cựu Quản xứ Gioakim Trần Minh Kông đã chuyển lại cho Cha Tân Quản xứ Gioan Baotixita Phạm Hồng Thái số kỳ phiếu ngân hàng có tổng trị giá là 1.713.024.997 đồng.

Công trình xây dựng nhà thờ Tân Hội chính thức bắt đầu vào ngày lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ 21/11/2011 với phần thi công khai móng. Sau khi đổ xong phần móng và tầng trệt, ngày 18/3/2012, Đức Giám Mục giáo phận đã vào chủ tế lễ Đặt viên đá đầu tiên. Ngài đã chúc lành và động viên mọi thành phần Dân Chúa hoàn toàn tín thác nơi Chúa và nỗ lực hết mình cho công trình xây dựng Nhà Chúa.

Từ sau ngày đặt viên đá đầu tiên, nhờ hồng ân Thiên Chúa tiếp tục tuôn tràn, sự cầu bầu đắc lực của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, sự giúp đỡ quảng đại của quý Ân nhân và Thân nhân trong nước cũng như hải ngoại, sự hy sinh và nỗ lực không ngừng của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ, công trình xây dựng nhà thờ đã diễn tiến khá suôn sẻ và tốt đẹp, nhờ đó vào ngày 21/11/2012, giáp 1 năm ngày thi công khai móng, giáo xứ đã tổ chức thánh lễ Tạ Ơn và cử hành nghi thức làm phép Hang Đá Đức Mẹ do Cha Đại diện Đức Giám Mục miền Ninh Thuận chủ tế; và vào ngày 27/12/2012, Đức Giám Mục giáo phận đã vào dâng thánh lễ Tạ ơn và chủ sự nghi thức làm phép hai quả chuông mới.

Sau hơn 1 năm 8 tháng xây dựng, ngôi nhà thờ mới đã hoàn thành tốt đẹp. Ngày 23/8/2013, ngày kỷ niệm tròn 2 năm Cha Gioan Baotixita Phạm Hồng Thái về nhận chức Quản xứ, Đức Giám Mục giáo phận Giuse Võ Đức Minh đã vào chủ tế Lễ Khánh thành và Cung hiến Nhà thờ.

Cùng đồng tế với Đức Giám Mục giáo phận Nha Trang, còn có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ Tịch HĐGMVN, Giám mục giáo phận Thanh Hóa, Đức Ông Giuse Nguyễn Thế Thoại, Cha Tổng Đại diện Giuse Lê Văn Sỹ và khoảng 70 cha trong cũng như ngoài giáo phận.

Sau nghi thức cắt băng khánh thành trọng thể tại tiền sảnh nhà thờ, đoàn đồng tế và bà con giáo dân đã hân hoan tiến vào nhà thờ để cử hành thánh lễ Cung hiến.

Trong lời chào mừng, Cha Quản xứ có nhắc lại là khi chưa về làm Quản xứ Tân Hội, vào những dịp được mời về dự các lễ ở đây, nghe những bài phát biểu và cám ơn, bao giờ ngài cũng thấy vị đại diện của giáo xứ thêm mấy dòng về lòng khát mong cháy bỏng của giáo dân sớm được xây mới lại ngôi nhà thờ. Ngôinhà thờ Tân Hội được xây mới lại theo sự ủy thác của Đức Giám Mục giáo phận và quý Cha trong miền Ninh Thuận, vừa phải đáp ứng nhu cầu của giáo xứ, vừa phải có tầm mức xứng đáng với vị trí của giáo xứ được Chúa an bài cho nằm ở cửa ngõ đi vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ngài cũng cho biết nhà thờ Tân Hội được xây lại muộn màng hơn so với nhiều nhà thờ khác, đó là chỉ nói riêng trong miền Ninh Thuận. Giáo dân Tân Hội đã phải kiên nhẫn chờ đợi một thời gian khá lâu. Tuy thế, điều này cũng có lợi, vì nhờ đó mà có được sự chuẩn bị qua nhiều đời của các Cha Cựu Quản xứ. Ngài ví các Cha Cựu Quản xứ như vua Đavít chuẩn bị cho vua Salômon trong việc xây dựng đền thờ Giêrusalem. Ngoài ra giáo xứ cũng có được thêm kinh nghiệm qua việc quan sát các giáo xứ bạn xây dựng nhà thờ. Giáo dân càng khao khát bao nhiêu thì càng tỏ ra tích cực bấy nhiêu và bà con giáo dân trong nước cũng ở hải ngoại càng nhiệt tình hơn với việc xây dựng Nhà Chúa.

Cha Quản xứ Gioan Baotixita ghi nhận quyết định của Đức Giám Mục giáo phận là rất kịp thời, đúng lúc; nếu trễ hơn thì thế hệ vốn tha thiết với việc xây dựng Nhà Chúa sẽ qua đi và tất nhiên công việc xây dựng sẽ càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ngài cũng ghi nhận sự cộng tác năng động của Cha Phó Simon Bùi Anh Tuấn, sự nỗ lực hết mình của Hội đồng giáo xứ, của các Đoàn thể và của đại đa số bà con giáo dân trong giáo xứ cũng như ở hải ngoại, kẻ góp công, người góp của để xây nên ngôi nhà thờ bằng tất cả tâm tình của những người tin kính và yêu mến Thiên Chúa.

Trong nghi thức Cung hiến, ngoài các phần thông thường là Hát Kinh cầu các thánh, Lời nguyện cung hiến, Xức dầu bàn thờ và tường nhà thờ, Xông hương bàn thờ, cộng đoàn và tường nhà thờ, Thắp đèn bàn thờ và các đèn trong nhà thờ, còn có nghi thức Đặt hài cốt các thánh tại bàn thờ. Hài cốt được đặt tại bàn thờ nhà thờ Tân Hội là một mẩu xương của thánh Tử Đạo Anrê Kim Thông xin từ Tòa Giám mục giáo phận Qui Nhơn.

Sau phép lành cuối lễ của Đức Giám Mục Chủ tế, vị đại diện Hội đồng giáo xứ thay mặt bà con giáo dân dâng lời cảm tạ và Đức Giám Mục giáo phận trao Bằng khen cho các ân nhân đã có những đóng góp đáng kể trong công trình xây dựng nhà thờ Tân Hội.

Buổi lễ kết thúc bằng bữa tiệc thân mật vào lúc 11g30 dành cho quý khách và vào lúc 16g 30 dành cho giáo xứ.

Sau đây là lời cảm tạ của vị Đại diện Giáo dân và một số hình ảnh của Lễ Khánh thành và Cung hiến nhà thờ giáo xứ Tân Hội giáo phận Nha Trang.

Lời cảm tạ của vị Đại diện Giáo dân giáo xứ Tân Hội:

Trọng kính Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận Nha Trang,

Trong bầu khí chan chứa niềm vui mừng hân hoan và ngập tràn cảm xúc của ngày trọng đại hôm nay, trước hết chúng con xin kính dâng lên Đức Cha tâm tình hiếu thảo và cảm tạ tri ân chân thành nhất của chúng con.

Hồi còn ở Đà Lạt, Đức Cha đã để ý và đã nhiều lần hỏi thăm về giáo xứ Láng Mun-Tân Hội của chúng con. Do đó, ngay từ những ngày đầu về nhậm chức Giám mục giáo phận Nha Trang, Đức Cha đã dành cho chúng con những quan tâm ưu ái đặc biệt.

Đức Cha đã khôn ngoan sắp xếp, để trong từng giai đoạn, chúng con có được những vị mục tử luôn sẵn sàng tận hiến cho đoàn chiên và lo liệu những điều tốt đẹp nhất cho giáo xứ.

Đức Cha đã hiểu rất rõ về nhu cầu và ước muốn có được một ngôi nhà thờ mới của chúng con. Và với tấm lòng phụ tử đầy khôn ngoan và nhân ái, Đức Cha đã cho phép, động viên, khích lệ và nâng đỡ để ngày hôm nay giáo xứ chúng con có được một ngôi nhà thờ mới khang trang, tráng lệ, hiện đại, thỏa lòng mong ước của mọi thành phần dân Chúa.

Chúng con xin cúi đầu cảm tạ và chúng con xin kính chúc Đức Cha luôn được Chúa ban cho dồi dào hồng ân hồn xác, để Đức Cha có thể chu toàn tốt đẹp mọi nhiệm vụ Chúa giao phó.

Trọng kính Đức Cha Phó Chủ Tịch HĐGMVN, Giám mục giáo phận Thanh Hóa,

Thật là một vinh dự lớn lao cho chúng con khi được đón tiếp Đức Cha về tham dự Lễ Khánh thành và Cung hiến ngôi nhà thờ mới của giáo xứ chúng con

Mặc dầu đang rất bận rộn với biết bao công việc, không những của giáo phận Thanh Hóa mà còn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhưng vì tình nghĩa với quê hương Nha Trang, với miền đất Ninh Thuận và cách riêng với Cha Quản xứ của chúng con, Đức Cha đã cố gắng sắp xếp để hiện diện với chúng con trong ngày vui trọng đại này.

Chúng con xin hết lòng cám ơn Đức Cha. Chúng con xin kính chúc Đức Cha luôn được hồn an xác mạnh, để Đức Cha có thể chu toàn tốt đẹp mọi nhiệm vụ Chúa giao phó tại giáo phận Thanh Hóa và cùng với Hội đồng Giám mục mang lại nhiều sức sống mới cho Giáo Hội tại Việt Nam.

Kính thưa Đức Ông, Kính thưa Cha Tổng Đại diện, quý Cha Hạt trưởng và quý Cha,

Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Ông, Cha Tổng Đại diện và quý Cha đã đến đồng tế Lễ Khánh thành và Cung hiến nhà thờ giáo xứ chúng con. Sự hiện diện đông đảo của quý Cha là niềm vinh hạnh rất lớn cho chúng con và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ thôi thúc chúng con tích cực sống và thực hành đức tin của chúng con.

Đặc biệt, chúng con xin hết lòng cám ơn quý Cha Cựu Quản xứ. Khi đến coi sóc giáo xứ chúng con, quý Cha đã cảm nhận rất rõ nhu cầu và ước muốn của chúng con về một ngôi nhà thờ mới. Từ đó, dưới sự khích lệ của các Đấng Bề trên và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, quý Cha đã tích cực vận động, lo liệu, sắp xếp, chuẩn bị những bước cơ bản. Nếu không có giai đoạn làm đất, ươm mầm, gieo hạt, nhiều khi chỉ âm thầm nhưng cũng rất vất vả, thì đã không có ngày thu hoạch tưng bừng phấn khởi như hôm nay.

Kính xin Đức Ông, Cha Tổng Đại diện và quý Cha tiếp tục cầu nguyện và chúc lành cho chúng con, để chúng con ngày càng trở nên xứng đáng hơn với những ân huệ lớn lao mà Chúa đã thương ban cho chúng con.

Chúng con xin hết lòng cám ơn Hội Thừa Sai Paris đã kịp thời giúp đỡ chúng con.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Ủy ban nhân dân các cấp và quý Sở Ngành tỉnh Ninh Thuận đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi, nhất là trong việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng nhà thờ.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý Công ty đã tư vấn, thiết kế, tổ chức thi công và giám sát công trình xây dựng nhà thờ. Quý vị đã tích cực góp phần để ngày hôm nay, tại ngã ba đi vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, có được một ngôi nhà thờ đẹp, bề thế, là niềm hãnh diện không những của Giáo Hội mà còn của cả xã hội nữa.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Ban Hội đồng Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, quý Tu sĩ, Chủng sinh và các vị khách quý đến từ các giáo phận và giáo xứ bạn. Sự hiện diện của quý vị trong Lễ Khánh thành và Cung hiến hôm nay là một bằng chứng hùng hồn về mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Chúng tôi xin kính chúc quý vị luôn luôn là những viên đá sống động và vững chắc, góp phần xây nên tòa nhà của Chúa ở trần gian này.

Kính thưa quý vị ân nhân, Dự án xây mới nhà thờ Tân Hội đã được khởi xướng từ năm 2000 và đã chính thức khởi công cách đây hơn 20 tháng.

Trong hơn 13 năm, nhất là từ hơn 1 năm trở lại đây, chúng tôi đã đón nhận được vô số những tấm lòng quảng đại, vô số những bàn tay hào phóng, trong cũng như ngoài giáo xứ, trong nước cũng như ở hải ngoại.

Vì nhiệt tâm đối với Nhà Chúa và vì tình nghĩa đối với giáo xứ, quý vị đã nhiệt tình ủng hộ, giúp cho công trình xây dựng nhà thờ Tân Hội có thể khởi sự và hoàn thành tốt đẹp.

Có những người đã âm thầm đóng công góp của như các bà góa trong Tin Mừng, nhưng cũng có nhiều người đã đóng góp một cách rất đáng kể.

Cách riêng chúng tôi xin hết lòng cám ơn quý ân nhân và thân nhân của Cha Quản xứ. Quý vị đã liên tục đóng góp, đã miệt mài ủng hộ, gần như không ngơi nghỉ, ngay từ những ngày đầu cho đến khi công trình được hoàn tất.

Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn quý ân nhân và thân nhân của Cha Phó xứ.

Đặc biệt, chúng tôi xin hết lòng cám ơn những anh chị em gốc giáo xứ Tân Hội đang sinh sống ở hải ngoại, nhất là những anh chị em đang sống ở Úc và Mỹ. Anh chị em đã rất quan tâm đến công trình xây dựng Nhà Chúa tại giáo xứ và đã đóng góp một cách rất hào phóng.

Trong giờ phút cảm động này, chúng tôi không biết nói gì hơn, chúng tôi chỉ biết xin Thiên Chúa, là Đấng luôn cao cả hơn lòng chúng ta, trả công bội hậu cho tất cả quý vị. Xin Ngài đổ vào vạt áo của quý vị những đấu đầy tràn, hảo hạng, đã dằn, đã lắc.

Tình thương Thiên Chúa ngàn đời xin ca tụng, Ân nghĩa muôn người vạn kiếp nguyện khắc ghi.

Sau đây kính xin hai Đức Cha và quý Cha cho phép chúng con được có đôi lời với Cha Quản xứ và Cha Phó xứ của chúng con.

Kính thưa Cha Sở, Trong lời chào mừng lúc khởi đầu thánh lễ, Cha có nói trước đây trong các lần về dự lễ tại giáo xứ chúng con, lúc nào Cha cũng nghe chúng con bày tỏ lòng khát mong được xây mới lại ngôi nhà thờ. Cha đã nghe. Cha đã ghi nhớ tất cả và suy đi nghĩ lại trong lòng. Nhưng có lẽ chính Cha cũng không ngờ là Chúa quan phòng lại sắp xếp để Cha là người thực hiện nỗi khát mong cháy bỏng của chúng con.

Ngay sau khi về nhận chức Quản xứ và sau khi tiếp nhận những bước chuẩn bị từ các Cha Cựu Quản xứ, cùng với sự ủy thác của Đức Giám Mục giáo phận, trong tâm tình hoàn toàn tín thác vào tình thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu, Quan Thầy của giáo xứ, và vào sự chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Cha đã bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh các khâu chuẩn bị để có thể sớm khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới. Và sau hơn 1 năm 8 tháng xây dựng, mặc dù số kinh phí ban đầu chỉ mới được một phần bảy so với tổng kinh phí, hôm nay ngày kỷ niệm tròn 2 năm Cha về coi sóc giáo xứ chúng con, chúng con hân hoan được đón tiếp quý Đức Cha, quý Cha, quý ân nhân và quý khách về cử hành Lễ Khánh thành và Cung hiến ngôi nhà thờ mới của giáo xứ.

Thật sự chúng con không biết nói gì để diễn tả cho hết tấm lòng hiếu thảo, kính mến và biết ơn của chúng con. Khi bước vào ngôi thánh đường, chúng con tưởng mình như đang giữa giấc mơ.

Việc Chúa làm cho chúng con ôi vĩ đại,
Chúng con thấy mình chan chứa ngập niềm vui.


Nhưng để giáo xứ có được niềm vui mừng hân hoan chan chứa ngập tràn như ngày hôm nay, Cha đã phải dốc hết trí tuệ, tâm huyết và sức lực của Cha. Cha biết rất rõ công trình do Chúa và các Đấng Bề trên ủy thác vượt quá sức của Cha và của giáo xứ, cho nên Cha đã cảm thấy như được Chúa an bài khi có người thân mời Cha đi hành hương đến những linh địa nổi tiếng trên thế giới, cho nên vào cuối mỗi ngày, khi công trường đã hoàn toàn yên ắng, Cha đã đi qua đi lại một mình với tràng chuỗi mân côi trên tay.

Chính nhờ sự khôn ngoan, thánh thiện, khiêm tốn, hiền hòa và nhân hậu mà Cha đã đánh động được nhiều con tim, đã gợi mở được nhiều tâm hồn, đã nắm lấy được nhiều bàn tay, nhờ đó đã có rất nhiều ân nhân quảng đại ủng hộ cho công trình xây dựng Nhà Chúa, từ trong giáo xứ cho đến ngoài giáo xứ, từ trong nước cho đến ở hải ngoại.

Cha không những đã xây dựng một ngôi nhà thờ khang trang, tráng lệ, hiện đại, với tầng trệt rộng rãi, đa năng, mà Cha còn vận động ân nhân ủng hộ xây dựng cho chúng con một hang đá Đức Mẹ, một tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu và một nghĩa đường phục sinh.

Tất cả chúng con và các thế hệ con cháu chúng con sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của Cha. Cúi xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho Cha, cho các ân nhân và thân nhân của Cha. Và xin Ngài ban cho Cha thật nhiều bình an, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

Ngôi nhà thờ đã được khánh thành và cung hiến. Mọi thành phần Dân Chúa đang vui mừng hoan hỷ, nhưng chúng con cũng ý thức rằng gánh nặng vẫn chưa trút hết khỏi đôi vai của Cha. Chúng con xin hứa sẽ tiếp tục kề vai sát cánh bên Cha và ước mong giáo xứ sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự trợ giúp quảng đại để Cha có thể sớm thanh thản lo toan những công việc khác của giáo xứ.

Kính thưa Cha Phó,Trong quá trình xây dựng nhà thờ, Cha đã phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã hợp lực cách nhiệt tình và có hiệu quả với Cha Sở và Hội đồng giáo xứ, đã nỗ lực vận động các ân nhân và thân nhân, nhờ đó công trình xây dựng đã diễn tiến mau chóng và thuận lợi hơn. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha.

Trọng kính hai Đức Cha, Kính thưa Đức Ông, Cha Tổng Đại diện và quý Cha,

Sáng hôm nay, được đứng trong ngôi nhà thờ mới rộng rãi khang trang, chúng con bồi hồi tưởng nhớ tới các vị tổ tiên tiền bối đã dày công khai sáng và xây dựng từ giáo họ Láng Mun cho đến giáo xứ Tân Hội của chúng con, nhất là những vị đã anh dũng dùng chính máu đào của mình để tuyên xưng đức tin trong những năm 1884-1885.

Chính dòng máu tử đạo và công đức của các ngài đã kéo xuống cho chúng con muôn vàn ơn phúc của Chúa. Chúng con nguyện sẽ mỗi ngày mỗi sống xứng đáng hơn với những ân huệ lớn lao mà Chúa và Hội Thánh đã thương ban cho chúng con.

Kính xin hai Đức Cha, Đức Ông, Cha Tổng Đại diện và quý Cha tiếp tục cầu nguyện và chúc lành cho chúng con. Chúng con đồng cảm tạ.
 
Văn Hóa
Cây Dừa Sau Nhà.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:37 25/08/2013
Cây Dừa Sau Nhà.

Ngồi ngắm cây dừa sau nhà tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ so sánh cây dừa với cuộc đời của mình. Cây dừa cao lên do những lớp bẹ dừa, hết lớp này già thì lớp non khác trổ sinh. Người trước dọn đường cho những người đi sau và người đi sau cần nhớ ơn người đi trước.

Cây dừa cao vút, ngả nghiêng theo gió chiều. Cây dừa càng cao thì càng có nhiều dấu tích những bẹ dừa già bị đào thải. Từ vút cao trên ngọn dừa những bẹ dừa non màu lá mạ tha hồ mà ngắm mà nhìn thế giới xung quanh, nhất là chắc nó hãnh diện lắm vì thế đứng cao của mình, thương hại cho những ngọn cỏ lùm hoa thấp lè tè phía duới. Nó đâu có biết rằng vị trí cao hôm nay của nó đã được những bẽ dừa đi trước xây dựng, bồi đắp bằng cách chết đi, biến thành những đốt dừa nâng đỡ vinh quang của nó .

Quan sát những bẹ dừa già phía dưới, có bẹ chỉ còn cái cuống bám vào thân dừa, có bẹ thì chỉ còn vài lá đã khô héo, có bẹ nuối tiếc vài lá vàng xác sơ. Càng lên cao bẹ dừa càng xanh, từ xanh đậm đến xanh màu lúa non ở trên ngọn. Khi những bẹ dừa già cỗi, chết đi lại là lúc nó làm cho cây dừa vươn cao thêm, cao thêm.

Ngẫm về đời người cũng thế, mình cũng có thời là trẻ thơ tung tăng cắp sách đến trường, có thời là thanh niên ôm nhiều mơ ước, có thời thành đạt danh vọng tiền tài rủng rỉnh, có thời đóng góp xây dựng cho xã hội và có thời về hưu để nhường chỗ cho những người trẻ hơn khác.

Thời gian nào, gian đoạn nào trong đời cũng có mục đích của nó nếu chúng ta sống trọn vẹn và làm đầy đủ những việc cần phải làm.

Có người bảo giới trẻ là tương lai của xã hội, của Giáo Hội, thế thì giới già là gì của xã hội? Phải chăng là gánh nặng của xã hội?

Văn hoá Việt Nam mình rất kính trọng người già vì cho rằng người già giữ túi khôn của xã hội. Ra đường gặp người già phải cúi chào, phải nhường lối bước cho người già...Bố mẹ ông bà được con cái, cháu chắt phục dưỡng chăm sóc rất tận tình. Các cụ đươc chết tại nhà trong vòng tay yêu thương của con cái. Tôi còn nhớ câư " bé cậy cha già cậy con" nói lên sự gắn bó yêu thương, sự hỗ tương trong gia đình.

Sống ở nước ngoài người già đã không còn được kính trọng nhiều nữa. Với cái nhìn duy vật chất, người già đã trở thành gánh nặng cho con cái, cho xã hội bởi người già không còn làm ra của cải vật chất nữa. Rất ít các cụ được con cái chăm sóc tại nhà mà đa phần được gởi vào viện dưỡng lão.

Tôi có quen một gia đình khá giả nhưng luôn duy trì văn hoá lễ giáo Việt Nam. Bố của anh chị đã già nhưng anh chị vẫn chăm sóc trong nhà. Ông cụ sợ nhất là bị các con đưa vào viện dưỡng lão . Cụ nói rằng nếu phải đưa cụ vào viện dưỡng lão thì thà cho ông cụ được chết ngay trong căn phòng này. Cuối cùng thì ông cụ đã ra đi tại nhà và căn phòng của ông cụ anh chị vẫn giữ nguyên và lúc nào cũng có một bình hoa tươi ở trên bàn. Ông cụ này thật là người có được hạnh phúc tuyệt vời.

Tôi từng có dịp đi thăm các cụ già trong viện dưỡng lão ở đây. Các cụ được chăm sóc thuốc men đầy đủ nhưng thiếu một cái gì đó rất linh thiêng, rất nhiệm màu. Vừa bước vào khu người già là tôi bắt gặp ngay những ánh mắt lạc lõng nhìn về cõi xa xăm như chờ đợi ai đó của các cụ. Một cụ bà khi đang nói chuyện với tôi mà mắt cứ nhìn về phía cửa. Cụ đã ngoài 80 tuổi nhưng trông còn dáng dấp của một thời trâm anh ngày xưa tuy ánh mắt và khuôn mặt thì đượm nhiều suy tư buồn lo. Việc đầu tiên cụ than trách là sao Chúa không cất cụ về sớm mà để cụ sống mãi, đã trên 80 rồi mà không chết ,để cụ và con cháu cụ phải khổ!

Cụ cho biết là lâu lắm rồi chẳng có đứa con, cháu nào của cụ đến thăm cả. Mà con cháu của cụ đâu có ít ỏi gì cho cam, những tám đứa con trai và hai đứa con gái và hàng tá cháu chắt. Nhớ lại ngày hai cụ và gia đình mới đặt chân đến xứ Mỹ này, chân ướt chân ráo, tuy vất vả kiếm sống qua ngày nhưng mà vui vì mọi người đều ở chung trong cùng một nhà. Rồi kể từ ngày ông mất đi do một tai nạn nghề nghiệp, cụ bà cứ heo hon mãi trong khi các con đã khôn lớn. Cụ lau nước mắt kể tiếp: hai đứa con lớn của tôi hiện nay là hai ông nha sĩ trong cái thành phố này, còn những đứa khác thì cũng vào loại ăn nên làm ra hơn người, nhưng, cụ lại chép miệng, nhưng chúng nó bạc lắm anh ạ. Đầu tiên là chúng cãi nhau về chuyện tôi ở nhà ai, cứ nghe chúng bàn bạc là tôi đã thấy nhục rồi. Đứa nào cũng có lý do chính đáng để không thể nuôi tôi được, tôi đành lên tiếng là hãy đưa mẹ vào viện dưỡng lão cũng được. Thế là chúng nó đều đồng ý đưa tôi vào đây. Những tuần lễ đầu thì chúng thay nhau đến thăm, tôi nghĩ là mình đã tìm ra giải pháp đúng cho mình và cho các con. Mình cứ ở đây rồi tối hay cuối tuần chúng vào thăm thì cũng được, nhưng sau này thì những cuộc thăm viếng cứ thưa dần. Đã mấy năm rồi chẳng thấy đứa nào tới, không biết các con tôi có gặp khó khăn gì không? Tôi chỉ biết cầu nguyện cho các con cháu tôi được bình an thôi, nhưng ruột gan của tôi thì như lửa đốt anh ạ. Không biết các con tôi lúc này ra sao, hay tôi có làm gì để chúng giận không , hay tôi sống dai quá, mà đành lòng bỏ mẹ ở đây một mình như thế này. Rồi cụ ôm tôi khóc nức nở. Tôi cũng khóc. Sau đó tôi hỏi cụ là tên con cụ là gì để tôi tìm giúp cho, cụ lắc đầu ngậm ngùi; “tôi vẫn tin là các con tôi sẽ đến trước khi tôi nhắm mắt lìa đời, thế nào rồi chúng nó cũng đến!!!. Anh đừng tìm kẻo thiên hạ lại nghĩ con tôi là bất hiếu, chắc không phải vậy đâu…các con tôi thưong mẹ lắm mà…”

Không phải chỉ có cụ bà này thôi đâu, có nhiều cụ trong thảm cảnh này lắm. Sao mà lòng người lại bạc bẽo thế! Có cụ cứ nắm chặt lấy tay tôi không nói, nhưng tôi nhận được sư thiếu vắng tình thương trong những cái nắm tay bịn rịn ấy. Cứ mỗi lần vào thăm các cụ trong viện dưỡng lão là tôi lại khóc và khi ra về tôi thấy lòng mình ngao ngán cho sự đời đen bạc. Tôi nhìn lên trời cao " Chúa ơi, xin thương đến những người già đang cô đơn này!"

Hỡi những người làm con,cha mẹ già chẳng cần tiền bạc gì của quý anh chị. Họ chỉ cần tình yêu thương mà họ đã gieo vãi vào trong tâm hồn non trẻ của những người con. Họ hy vọng những hạt giống yêu thương nhân nghĩa ấy lớn lên đâm bông và kết trái.

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương và là Đấng An Ủi, xin thương đến những người già nua đang bị những cô đơn buồn tủi giày vò. Xin tha thứ và biến đổi những người con vì vô tình đã đối xử tệ bạc với cha mẹ mình.

San Jose ngày 23 tháng 8 năm 2013

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giữa Trời Mênh Mông
Tấn Đạt
21:28 25/08/2013
GIỮA TRỜI MÊNH MÔNG
Ảnh của Tấn Đạt
Dẫu ngươi đi khắp thế gian
Tai nghe mắt thấy cả đời
Cũng đều vô nghiã giữa trời hư vô.
(Trích thơ của Omar Khayyâm-Gs Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)