Ngày 26-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tri ân Mẹ trần gian và Mẹ thiên quốc
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
09:06 26/08/2008
TRI ÂN MẸ TRẦN GIAN VÀ MẸ THIÊN QUỐC

Tôi chào đời vào một ngày trong thập niên 30. Tôi chào đời như một hồng ân vô biên của THIÊN CHÚA, của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA và của cả Mẹ tôi nữa.

Ngày mang thai tôi, Mẹ tôi bị bệnh và phải đi khám thai. Khám xong, bác sĩ trịnh trọng nói với Mẹ tôi:

- Thai nhi này không thể sống và cũng không nên sống!

Nói bằng lời không thôi chưa đủ, ông còn trịnh trọng viết bằng mực đen trên giấy trắng:

- Thai nhi này không thể sống và cũng không được sống!

Bằng mọi giá, ông muốn Mẹ tôi phải phá thai. Và ông viết toa thuốc cho Mẹ tôi.

May mắn thay Mẹ tôi là phụ nữ can đảm và tràn đầy Đức Tin. Mẹ tôi đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA và nơi sự phù trợ của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Khi trở về nhà, Mẹ tôi đến trước bức ảnh Đức Mẹ MARIA và phó dâng thai nhi cho Đức Mẹ. Chưa hết. Mẹ tôi còn cẩn trọng dán ”toa thuốc giết người” dưới ảnh thánh Đức Mẹ.

Lòng tin tưởng phó thác của hiền mẫu đã được Đức Mẹ MARIA ân thưởng. Đức Mẹ cho tôi chào đời trong điều kiện bình thường giống mọi thai nhi khác. Mẹ tôi cũng mạnh khoẻ, như người ta thường nói: ”Mẹ tròn con vuông!” Tôi còn hồng phúc chào đời vào một ngày đẹp nhất, ngày mà Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo dành để tôn kính Đức MARIA Mẹ THIÊN CHÚA: mồng Một tháng Giêng!

Thời gian tuần tự trôi qua cho đến ngày thứ 40 thì tôi lâm trọng bệnh. Bệnh tình làm biến dạng cả thân hình bé nhỏ của tôi, gây lo lắng và kinh hoàng cho mọi người thân trong gia đình. Mọi người thất vọng và nghĩ rằng, chắc chắn tôi sẽ không sống được lâu.

Mọi người thất vọng, nhưng Mẹ tôi thì không. Mẹ tôi vẫn luôn tin tưởng nơi sự phù trợ của Đức MARIA, Hiền Mẫu Thiên quốc của cả hai Mẹ con chúng tôi. Mẹ tôi chuẩn bị mang tôi đến tận đền thánh Đức Mẹ ở Pompei (Nam Ý), để một lần nữa, phó dâng tôi cho Đức Mẹ. Bất chấp mọi lời dèm pha và ngăn cản, cho rằng tôi sẽ chết dọc đường vì bệnh tình và vì đường xá quá xa xôi, Mẹ tôi vẫn một thân một mình bồng tôi, lấy xe lửa đi Pompei.

Tại đền thánh, quỳ dưới bức ảnh Đức Mẹ MARIA, Mẹ tôi vừa khóc vừa tha thiết khẩn cầu Đức Mẹ cứu chữa tôi.

Lạ lùng thay, ngay tại đền thánh, dưới chân bức ảnh Đức Mẹ, tôi được khỏi bệnh và thân hình trở lại bình thường. Khuôn mặt tôi trở nên hồng hào tươi tốt.

Khi trở lại nhà, mọi người - từ bác sĩ y tá đến người thân trong gia đình - ai nấy đều kinh ngạc trước sự khỏi bệnh nhanh chóng và lạ lùng của tôi.

Giờ đây, khi viết lại chứng từ này, tôi muốn lớn tiếng cao rao lòng nhân từ khoan dung của Đức Mẹ MARIA đã cứu sống tôi. Tôi cũng không quên ghi ơn người Mẹ hiền đức của tôi, nhất quyết cưu mang và cho tôi chào đời, mặc bao gian nguy, có thể hại đến chính mạng sống của người.

Chứng từ tri ân của ông Antonio Riccardi, người Ý.

... ”Tính tự cao hạ đứa tự cao xuống, người tự hạ sẽ được tôn vinh. Chính nhân kinh tởm kẻ sống bất công. Ác nhân kinh tởm người theo đường chính trực.. Mọi lời THIÊN CHÚA phán đều được chứng nghiệm. Người là khiên thuẫn cho ai tìm ẩn náu nơi Người. Đừng thêm thắt chi vào lời Người phán dạy, kẻo bị Người quở trách, và con thành kẻ nói dối nói gian. Con chỉ xin hai điều. Xin Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt. Thứ nhất, xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Thứ hai, xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có. Chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: 'THIÊN CHÚA là ai vậy?' Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cấp, làm ô danh THIÊN CHÚA của con” (Sách Châm Ngôn 30, 5-9).

(P. Arturo D'Onofrio, ”Con MARIA un cammino di Fede e di Amore”, LER, 1988, trang 101)
 
Mẩu đối thoại giữa mẹ và các con về chúc lành
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:55 26/08/2008
Mẩu đối thoại giữa mẹ và các con về chúc lành

Từ khi đôi bạn nam nữ yêu nhau, và cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình, một tương lai chung cho hôm nay cùng ngày mai. Họ đều cầu xin trông mong cho có con.

Con cái là ân đức phúc lộc, là chúc lành của Trời cao cho đời họ. Con cái là nụ hoa cùng tương lai niềm vui cho khu vườn mái ấm gia đình họ đang xây dựng.

Thiếu vắng nụ cười, thiếu vắng vẻ mặt ngây thơ trong trắng vô tội với đôi mắt trong sáng long lanh như sao trời, thiếu vắng nước mắt ngắn dài tiếng khóc kêu la của trẻ con, cùng lời nói thỏ thẻ tâm tình của con cái với cha mẹ, đôi vợ chồng cảm thấy đời sống gia đình trống vắng tẻ nhạt!

Con cái là niềm vinh dự cho cha mẹ. Nhưng con cái cũng mang đến nhiều vấn đề lo âu cho cha mẹ. Dẫu vậy, không phải vì thế mà không có cuộc sống tốt đẹp được. Vì cuộc đời mà không có thách đố, thì làm sao có kinh nghiệm sống trải qua? Cuộc đời mà không có đòi hỏi tìm phương cách giải quyết, thì làm sao có cơ hội phát triển khả năng tiềm tàng nơi mỗi con người? Chả thế mà người đời thường tâm niệm: Lửa thử vàng. Gian nan thử đức! là thế.

Người mẹ được Trời cao ban cho đàn con khoẻ mạnh khôn lớn. Chị vui mừng hãnh diện và hằng âm thầm cám ơn Trời cao ân đức này. Ðồng thời hằng để tâm chăm lo săn sóc cho những người con mình sống sao cho xứng đáng nên người tốt hữu ích cho xã hội và Giáo Hội Chúa Giêsu.

1. Bé Thảo hỏi mẹ: Mẹ ơi, con thường nghe nói đến chúc lành nhiều lần. Những ai được chúc lành vậy mẹ?

-Con biết không, được sinh ra có đời sống khoẻ mạnh, thân thể chân tay lành lặn cùng trí óc tỉnh táo; có cuộc sống no cơm ấm áo, có cha mẹ anh chị em và được đi học như con là được chúc phúc nhiều lắm rồi đó con.

Ðời sống của cha con cũng như của mẹ và cả của các con sau này cùng của tất cả mọi người, không phải chỉ có, chỉ dừng lại nơi những căn bản đó. Nhưng còn tiếp tục trải rộng hơn nữa. Vì thế, theo mẹ, tất cả mọi người cần phải sống liên kết gắn bó với nhau.

Và chúng ta cám ơn những người đã trao tặng chúng ta nụ cười tình thân ái, những người dang đôi tay nâng đỡ ta trong cuộc sống.

Họ là những người được chúc phúc.

2. Bé Mai: Nhưng thưa mẹ, hôm nọ có mấy người quen đến nhà ta chơi thì họ thế nào?

-Con biết không, mấy người hàng xóm hôm nọ đến nhà ta thăm ba các con đang bị bệnh. Ðó là nghĩa cử tình người rất cao đẹp. Họ mang đến cho ba, cho gia đình ta sự an ủi. Gia đình ta cảm thấy được chúc phúc. Họ mang chúc lành đến cho chúng ta.

Vâng, họ là những người được Trời cao chúc phúc đấy con.

3. Bạn Hải: Hôm nọ tụi học trò chúng con được một chị nữ tu nói cho biết về cuộc đời Thánh Monica. Chị ta kể nhiều tình tiết mà bọn chúng con chưa nghe bao giờ. Thật hấp dẫn. Thế chị ta có được chúc phúc không?

-Ồ, sao lại không con! Chị được chúc phúc không phải vì chị kể nói chuyện có duyên hay hấp dẫn. Nhưng vì chị đã mang thông tin hữu ích xây dựng cho các con. Nghe biết gương cuộc đời Thánh Monica biết đâu sau này lúc nào đó, nhất là khi các con gặp hoàn cảnh khó khăn thử thách trong gia đình, sẽ nhớ lại gương đời sống tràn đầy tình yêu mến cùng niềm hy vọng nơi Thiên Chúa và chan chứa tình người của Thánh Monica dành cho người con Thánh Augustinô của mình. Tấm gương sống động của Thánh Monica giúp con có đà sức sống vươn lên, vượt qua hoàn cảnh phức tạp khó khăn. Đó là một điều cần cho đời sống.

Vì thế ta cần có những người giúp mở đường dẫn lối trong đời sống cùng thôi thúc đồng hành với. Và lẽ dĩ nhiên, những người như chị nữ tu đó được Trời cao chúc phúc phù hộ nhiều lắm !

4. Bạn Chi: Chị Hiệu trưởng trường con rất ít nói. Chúng con thường nói với nhau: Bà ta qúa tiết kiệm lời nói! Vậy chị ta có được chúc phúc không?

-Ðâu phải cứ phải nói nhiều mới được. Không phải Chị qúa tiết kiệm lời nói như các con nghĩ đâu. Chị Hiệu trưởng của các con xử sự như vậy, một là do bản tính Trời đã phú ban cho chị; hai là chị ta đã tập được một thói quen rất tốt.

Nói cũng là điều tốt. Nhưng lắng nghe còn tốt hơn nhiều. Lắng nghe người khác không chỉ là một nghệ thuật sống. Nhưng qua đó còn đem đến cho người đang nói, đang thổ lộ tâm tình cảm thấy được kính trọng chú ý đến.

Họ cảm thấy được thông cảm, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn đau buồn. Vì có người lắng nghe mình.

Những người lắng nghe người khác cũng là người được chúc phúc đấy con.

5. Bạn Duy: Ông thầy giáo dậy chúng con học đàn Ghi-ta luôn nhắc nhở phải thực tập chơi đàn hằng ngày. Nhưng không thấy ông nói phải chơi đàn như người này, như người kia. Tại sao vậy mẹ?

-Ông thầy của con muốn dậy con chơi đàn cho giỏi. Nhưng ông không muốn con phải trở nên như người khác. Người khác có thể là một mẫu gương cho ta noi theo. Nhưng họ không là con. Và con cũng không thể bắt chước hoàn toàn như họ được. Ðiều đó không cần thiết.

Mỗi người có một khả năng riêng biệt khác nhau. Con cần phát triển khả năng riêng của con cho tinh xảo. Như thế mới có cái gì sắc xảo cá biệt của một người được.

Những người như thầy dậy đàn ghi-ta của con có tấm lòng quảng đại muốn giúp đỡ, và tôn trọng chấp nhận người khác như họ được tạo dựng nên. Ðó là cung cách sống vừa trí thức, vừa nhân bản tình người.

Những người như thế được Trời cao yêu mến chúc phúc.

6. Bạn Tâm: Ở nhà thờ chúng con thường nghe đến đoạn nói về Tám mối Phúc thật. Là cái gì vậy hở mẹ?

-Ðó là đoạn phúc âm kinh thánh của Chúa Giêsu để lại đó con. Chúa Giêsu nói đến tám trường hợp được chúc phúc cho những người làm việc phúc đức. Mẹ nhớ mãi từ ngày còn nhỏ, ông bà thường hay kể nhắc nhở mẹ trong đời sống: Ai thương xót người khác là có phần phúc thật!

Ông Bà thường dạy mẹ khi thương xót cảm thông với hoàn cảnh cuộc sống của người khác là nhận ra Thiên Chúa ở nơi họ. Ngài đang cùng sống với họ.

Và qua họ, Ngài ở giữa con người chúng ta.

Lễ kính Thánh nữ Monica, 27.08.2008.

Nhớ về các người mẹ.
 
Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
12:19 26/08/2008
LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA

Thời thế chiến thứ hai 1939-1945 một số đội quân của các nước thuộc miền Nam Liên Xô trấn đóng tại Yugoslavi. Sau đây là câu chuyện của một sĩ quan pháo binh trẻ người Nga.

Ở Nga, tôi chỉ là tên lính quèn. Từ nhỏ, tôi vẫn nuôi mộng ước: lớn lên sẽ trở thành sĩ quan cấp cao. Nhưng cơ may chưa đến. Thế chiến thứ hai bùng nổ bỗng trở thành cơ hội ngàn vàng cho tôi thực hiện mộng ước. Tôi gia nhập quân ngũ. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc nhất trần gian! Trong quân đội, tôi chiến đấu anh dũng. 12 lính trẻ - trong đó có tôi - được chọn để thăng cấp sĩ quan.

Buổi sáng hôm ấy chúng tôi nghiêm chỉnh sắp hàng. Vị chỉ huy xuất hiện. Ông còn đang đọc danh sách thì một bạn đồng ngũ của tôi bước ra khỏi hàng tiến đến bên vị chỉ huy. Anh bạn vừa chỉ vào tôi vừa báo cáo:

- Thưa chỉ huy trưởng, đồng chí này không xứng đáng thăng cấp sĩ quan, vì anh ta luôn mang trong mình ảnh thánh Đức MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA. Anh ta có lòng sùng kính Đức Mẹ. Anh ta là tên gián điệp, một kẻ phản quốc!

Vị chỉ huy quắc mắt nhìn tôi và dõng dạc chất vấn:

- Có đúng anh là tên phản bội không?

- Không, không đúng! Tôi không phải là kẻ phản bội!

- Anh có mang ảnh Đức Mẹ không?

- Thưa chỉ huy, có, tôi vẫn mang trong mình ảnh thánh Đức Mẹ.

Rồi tôi vội vàng nói thêm một hơi:

- Các vị thống chế nổi danh của Nga như Suvorov - từng chiến thắng hoàng đế Napoléon và đẩy lui quân Pháp - cũng mang trong mình ảnh thánh Đức Mẹ. Điều đó đâu có gì là sai quấy, trái với luật lệ?

Vị chỉ huy trịnh trọng ra lệnh:

- Anh hãy lập tức rời khỏi hàng ngũ! Đây là huy hiệu sĩ quan. Bây giờ anh phải chọn đạp lên một trong hai: hoặc là huy hiệu hoặc là Ảnh Đức Mẹ!

Tôi bước thêm ba bước và đạp lên chiếc huy hiệu. Trong nháy mắt, giấc mộng đẹp nhất của tuổi trẻ cuộc đời tôi tan thành mây khói!

Ngay sau đó, tôi bị đổi ra chiến tuyến, nơi đang có các cuộc giao tranh dữ dội. Tôi bị quân Đức bắt làm tù binh rồi bị sát nhập vào các đội quân và bị đưa về Yugoslavi. Thế là từ một tù binh tôi lại trở thành sĩ quan chỉ huy quân đội ở đây!

Tôi không biết có ngày nào đó, tôi được hân hạnh trở về làng cũ, nằm bên bờ sông Volga, thăm lại người mẹ hiền yêu dấu hay không. Trước ngày tôi gia nhập quân ngũ, mẹ tôi âu yếm trao cho tôi Ảnh Thánh Đức Mẹ MARIA và dặn dò tôi phải luôn mang trong mình. Điều mà tôi vẫn làm cho đến ngày hôm nay.

Nếu tôi không được may mắn gặp lại hiền mẫu nơi trần gian thì tôi hy vọng nhờ sự bảo trợ của Đức MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA, tôi sẽ gặp lại mẹ hiền trên Thiên quốc.

Câu chuyện thứ hai xảy ra tại Etiopi, thuộc đại lục Phi châu.

Menelik II (1844-1913) là vua Etiopi. Năm 1889, vua Menelik ký hiệp ước bảo hộ với Ý. Bốn năm sau - 1893 - nhà vua tuyên bố bãi ước. Năm 1896, khi Ý đem quân chiếm dãy núi Abissinia, vua Menelik dàn trận đánh đuổi tan tành quân Ý và bắt về một số tù binh.

Ít lâu sau, nhà vua nhận được bức thư viết từ Ý, lời lẽ thống thiết:

- Tâu Hoàng Thượng, thần thiếp là người mẹ đáng thương. Con trai của thần thiếp đang làm tù binh bên Hoàng Thượng. Xin Hoàng Thượng dủ lòng thương một người mẹ bất hạnh và trả tự do cho con trai thần thiếp. Nhân danh Đức Mẹ MARIA thần thiếp khẩn khoản xin Hoàng Thượng lắng nghe lời van nài của một người mẹ khốn khổ.

Đọc xong bức thư, vua Menelik truyền gọi anh tù binh Ý đến và bảo:

- Trẫm cho khanh tự do. Khanh hãy về nói với mẹ khanh rằng: ”Không phải hoàng đế Menelik trả tự do cho con, nhưng chính là Đức Mẹ MARIA, Nữ Vương Thiên Quốc”. Khanh biết đó, Đức MARIA cũng là Mẹ của trẫm. Và một khi Người Mẹ chấp thuận điều gì, thì đứa con không có quyền từ chối. Khanh hãy ra về bằng an và nguyện xin Đức MARIA, Mẹ chúng ta, phù hộ cho khanh và cho mẹ của khanh!

... Đây là sấm ngôn của THIÊN CHÚA: ”Nhưng ngay cả lúc này, các con hãy hết lòng trở về với CHA, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van”. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng THIÊN CHÚA của anh chị em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. Người hối tiếc vì đã giáng họa. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh chị em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên THIÊN CHÚA của anh chị em (Sách Gio-en 2,12-14).

(Janez Jenko, ”MARIA e il nostro tempo”, Edizioni Paoline, 1973, trang 50-52)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 26/08/2008
HAI ĐỒNG BẠC

N2T


Người nọ cùng với vợ đi thăm bạn ở làng bên cạnh, thì được mời đi coi đua ngựa. Tình hình thi đấu thật là hấp dẫn mọi người, hai vợ chồng cá cược liên tục không nghỉ, trước khi trời tối thì hai vợ chồng chỉ còn lại hai đồng bạc.

Ngày hôm sau, chồng thuyết phục vợ để cho ông ta một mình đi đánh cá ngựa. Trong cuộc cá cược đầu tiên cá độ là một con thì 50 ăn 1, ông ta liền đánh con ngựa ấy và đã thắng, ông ta lại đem toàn bộ tiền thắng ấy đánh con ngựa khác, lại thắng nữa, số hên tới tấp, trước khi trời tối thì ông ta đã kiếm được năm vạn bảy ngàn đồng.

Trên đường về nhà thì đi ngang qua một sòng bạc, trong lòng như có âm thanh dẫn dắt ông ta đi đánh bạc, lúc này lại thôi thúc ông ta “hãy tiến vào.”

Ông ta tiến vào sòng bài và đứng trước cái dĩa quay, tiếng nói trong lòng nói với ông ta “số 13”. Thế là toàn bộ năm vạn bảy ngàn đồng đều đặt vào số 13. Cái dĩa quay tròn, sau đó nhà cái hét lên “số 14”. Tay trắng trở về nhà, bà vợ đứng ngay cửa đón ông ta và hỏi: “Có hên không ?”

Ông ta nhún nhún vai nói: “Thua luôn cả hai đồng.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Chỉ có hai đồng bạc mà cá cược được rất nhiều tiền, nhưng lòng tham không dừng ở đấy, thế là tay trắng vẫn trắng tay khi lòng tham tiếp tục chiếm hữu tâm hồn.

Mỗi một con người đều có lương tâm, và tiếng nói của lương tâm là tiếng nói ngay thẳng, chính trực, nên được gọi là tiếng nói của Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn của con người qua mọi thời đại, để dù cho khi pháp luật chưa hình thành thì con người vẫn có thể nghe theo tiếng lương tâm của mình mà làm điều lành và tránh điều dữ.

Người có máu mê cờ bạc thì tiếng nói của lòng tham mạnh hơn tiếng nói của lương tâm, cho nên rốt cuộc thì tan gia bại sản; người có máu dê băm lăm thì tiếng nói nhục dục mạnh hơn tiếng nói của lương tâm, cho nên thân bại danh liệt; người có lòng tham của cải bạc tiền thì tiếng nói của tiền bạc mạnh hơn tiếng nói của lương tâm, cho nên trắng trợn bốc lột tham nhũng hối lộ...

Khi tiếng nói của lương tâm của người nào đó im bặt, thì có nghĩa là họ đã trở thành rô-bô (người máy) theo sự điều khiển của ma quỷ, cho nên mới có câu nguyền rủa dành cho họ: “cái thứ người táng tận lương tâm.”

Hết thuốc chữa...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 26/08/2008
N2T


12. Cầu cứu các thánh thì có ích, bởi vì có lúc lời cầu nguyện của một người không đạt được, nhưng nhờ lời cầu nguyện của nhiều người thì có thể đạt được.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Được và Mất
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:10 26/08/2008
CN 22 NĂM A ( Mt 16,21-27)

ĐƯỢC VÀ MẤT

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự nếu họ mất vì Thầy Giêsu thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Theo Thầy là đi vào con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết treo trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.

Từ bỏ là một quy luật.

- Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

- Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ... có thế mới phát triển dần thành người lớn.

- Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

- Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia... mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác.

Làm môn đệ Chúa Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải "từ bỏ mình". Cái phần "mình" được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần "Chúa" được gia tăng bấy nhiêu. "Từ bỏ mình" hoàn toàn thì sẽ trở thành "Kitô khác" hoàn toàn.

Như thế tuy bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy là đi vào con đường con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường (Đức Cha Ngô Quang Kiệt).

Theo Thầy là đi vào con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

"Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đẵ chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen." (Mẹ Têrêxa Calcutta).
 
Bi hài một chiếc răng sún!
Anmai, CSsR
09:09 26/08/2008
Bi hài một chiếc răng sún!

Đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh đã qua đi, đã để lại cho thế giới rất nhiều ấn tượng đẹp từ khâu tổ chức cho đến các màn trình diễn đặc sắc và hoành tráng. Thế nhưng, đàng sau cái vẻ huy hoàng và đặc sắc ấy ngầm chứa những sự thật bi đát của cuộc đời.

Một chuyện hết sức nhỏ nhưng nó để lại trong lòng nhiều người một vết thương lòng khó tẩy xoá. Cô bé Yang Peiji lớp 1 thể hiện bài hát của mình với giọng hát thật đậm chất một “thiên thần nhỏ” nhưng nhân vật chính này lại bị cái khiếm khuyết là có chiếc răng sún nên phải thay vào đó một cô bé chín tuổi Lin Miaoke thay thế. Yang Peiji vì chiếc răng sún của mình phải nép vào hậu trường thể hiện bài hát trong khi đó Lin Miaoke vui vẻ diễn “lip-sync”.

Cái răng sún của Yang Peiji không có tội, Lin Miaoko hát nhép thay bạn cũng chẳng có lỗi gì vì các em đã bị những cái “đầu rất lớn làm tổn thương sự hồn nhiên thơ ngây của các em. Tất cả mọi chuyện chỉ vì người ta dị ứng với một khiếm khuyết nhỏ của con người. Chẳng lẽ những khiếm khuyết ấy là cái tội ?

Ngày xưa, với những người kém nhan kém sắc một chút hay bị khuyết một chút gì đó trên khuôn mặt của mình thì ngậm ngùi than thân trách phận là sinh ra nhằm “ngôi sao xấu”. Ngày nay, với trình độ khoa học thẩm mỹ phát triển, với vô số cơ sở thẩm mỹ và mỹ phẩm đã giúp cho con người chỉnh sửa cái khiếm khuyết không may mắn mà mình gặp phải. Chắc có lẽ vì quá chú trọng đến cái bên ngoài để rồi người ta đánh mất đi cái chất thật, cái bên trong, cái tinh tuý, cái cốt lõi của con người.

Không chỉ riêng có chuyện của em Yang Peiji xảy ra trong ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh nhưng còn nhiều và nhiều chuyện của Yang Peiji diễn ra trong đời thường. Hậu quả từ chuyện chắp vá như thế cũng chẳng phải là chuyện mới. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhớ con người rằng “không lấy vải mới vá vào áo cũ” vì khi ấy làm áo cũ toạc ra và tấm vải mới chẳng ra làm sao cả !

Nhớ lại cách đây không lâu, khi người ta mang bánh giầy ra để mà dâng kính Vua Hùng nhân ngày giỗ tổ. Nhìn bề ngoài chiếc bánh thật là đẹp và hoành tráng nhưng khi cắt ra thì ở trong nó chỉ là mút thôi !

Không phải là người ta không biết hành động của người ta chỉ mang tính lấp liếm, giả tạo, lừa phỉnh nhưng họ cứ cố làm để đạt cho mục đích của họ dù phương tiện gì đi nữa. Thói sống giả tạo này hình như ngày mỗi ngày nó cứ lan rộng trong xã hội và thậm chí cả giáo hội nữa. Người ta cứ dùng tất cả những hoa mỹ bóng bẩy để che lấp cái mưu đồ thâm độc bên trong của họ. Thoạt nhìn bên ngoài thì hay thật nhưng nếu biết sự thật thì quá là đau lòng như chuyện chiếc răng sún của bé Yang Peiji vậy.

Một bài học quá quen thuộc mà đau đớn những người sống không thật phải đón nhận.

Một lần nữa qua chuyện bi hài của chiếc răng sún cho ta lựa chọn lối sống. Hoặc là đón nhận nhau thật lòng với những khiếm khuyết không mong muốn của con người; hoặc là bằng mọi cách thậm chí tán tận lương tâm, luân thường đạo lý để che đậy những cái khiếm khuyết của con người.
 
Anh em hãy hiến thân làm của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa!
Phaolô Phạm Xuân Khôi
23:26 26/08/2008
Chú giải Thánh Thư Chúa Nhật XXII Thường Niên – A (Rom 12:1-2)

Trong những tuần trước, Thánh Phaolô bàn đến vai trò của dân Do Thái và các Kitô hữu gốc Dân Ngoại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài kết luận rằng giờ đây, dù là Do Thái hay Dân Ngoại, mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên có một điều khó khăn là các Kitô hữu gốc Dân Ngoại phải thờ phượng Thiên Chúa thế nào thì Ngài chưa đề cập đến. Các Kitô hữu gốc Do Thái ở Giêrusalem vẫn còn Đền Thờ để có thể dâng hy lễ cho Thiên Chúa, còn các Kitô hữu gốc Dân Ngoại thì không. Hôm nay Thánh Phaolô trả lời cho họ rằng việc họ không được dâng lễ ở Đền Thờ không mấy quan trọng. Điều thật sự đáng kể trước mặt Thiên Chúa là dâng chính mình làm của lễ sống động, đẹp lòng Ngài, là thờ phượng Ngài trong tinh thần. Thực ra hai câu này đáng lẽ là kết luận của chương 11, trong đó Thánh Phaolô đưa ra cách thực hành những điều ngài đã chỉ dạy trong các chương trước.

Câu 1 - Tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm.

Chính vì từ bi mà Thiên Chúa đã cho Dân Ngoại được đồng thừa tự với dân Do Thái trong chương trình cứu độ của Ngài, cho nên điều quan trọng trong việc thờ phượng Thiên Chúa, dù ở Đền Thờ hay bất cứ đâu, là dâng chính mình làm của lễ hy sinh thánh thiện và đẹp lòng Ngài, là một việc thờ phượng trong tinh thần như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria (x. Ga 4:23). Qua việc thờ phượng trong tinh thần, đúng hơn là trong Thần Khí, mà con người mới cảm nghiệm được lượng từ bi (hay lòng thương xót) của Thiên Chúa.

Công Đồng Vaticanô II dạy: “Việc loan truyền Phúc Âm của các Tông Ðồ đã triệu tập và đoàn tụ Dân Chúa, để tất cả những ai thuộc về dân này một khi đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, sẽ tự hiến làm ‘lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa’ (Rom 12:1)” (Presbyterorum ordinis, 2).

Tất cả Kitô hữu đều là tư tế. Chức vụ tư tế của chúng ta được bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Tẩy. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được gia nhập hàng tư tế thánh thiện, dâng những của lễ thiêng liêng vừa lòng Thiên Chúa, qua Ðức Giêsu Kitô” (1 Phr 2:5).

Chính Đức Kitô đã dâng mình làm của lễ đẹp lòng Chúa Cha trên Thánh Giá. Không những thế, Người còn muốn hy tế này được tái trình bày để “nhớ đến Người” cho đến tận thế. Là phần tử của Nhiệm Thể Người, chúng ta cũng được đặc ân dâng lễ lên Thiên Chúa qua Đức Kitô bằng cách kết hợp những hy sinh của chúng ta với hy sinh của Người trên Thập Giá mà dâng lên Đức Chúa Cha.

Cách thờ phượng tốt đẹp nhất chính là Bí Tích Thánh Thể, là nguồn mạchtột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Lumen Gentium, #11, GLCG #1324). Bí Tích Thánh Thể biến đổi tất cả đời sống chúng ta thành việc phụng tự thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết:

“Hình ảnh phụng tự mới tỏ hiện như là việc hiến dâng trọn vẹn con người trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh. Sự lưu tâm của vị Tông đồ đối với việc hiến dâng thân xác của chúng ta nhấn mạnh tính cụ thể và nhân bản của việc phụng tự không chút coi thường thân xác. Cũng liên quan đến điểm này, vị thánh thành Hippone còn nhắc nhở chúng ta rằng nơi ‘hy lễ của những người Kitô hữu, dù đông đảo đến đâu, nhưng trong Đức Kitô, chúng ta chỉ làm nên một thân thể duy nhất. Như người tín hữu biết, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm ấy trong bí tích bàn thờ, nơi Hội Thánh nhận ra mình được hiến dâng trong chính hy lễ mình dâng hiến’(De civitate Dei, X,6: PL 41,284 (202))” (Sacramentum Caritatis, 70).

“Việc phụng tự mới của Kitô hữu bao trùm hết mọi khía cạnh của đời sống, bằng cách biến đổi chính đời sống này: ‘Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa’ (1Cr 10,31). Trong mọi hành vi của đời sống, người Kitô hữu được mời gọi bày tỏ việc phụng tự đích thực dành cho Thiên Chúa. Chính trong việc phụng tự đích thực mà căn tính Thánh Thể của đời sống Kitô hữu bắt đầu hình thành. Vì liên hệ đến cả thực tại nhân loại của tín hữu trong đời sống cụ thể hằng ngày, Thánh Thể có khả năng ngày qua ngày tạo nên sự biến đổi nơi con người, được mời gọi trở nên hình ảnh của Con Thiên Chúa (x. Rom 8:29tt)” (Sacramentum Caritatis, 71).

Câu 2 - Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.

Chúng ta sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, vì thế Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta ba điều chính để giúp chúng ta sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, ngõ hầu biến đời sống mình thành của lễ sống động mà dâng lên Thiên Chúa.

1) Đừng theo thói đời này.

Là các môn đệ Đức Kitô, chúng ta được Người sai vào thế gian để trở thành men, thành muối, thành ánh sáng của Đức Kitô trong thế gian. Nhiệm vụ của chúng ta là biến đổi thế gian qua các công việc mình làm giữa thế gian. Chúng ta không có quyền tránh né thế gian, trái lại “trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình,… [chúng ta] tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử ” (Gaudium et Spes, 34).

Chúng ta cũng không được phép chiều theo áp lực của thế gian mà làm những điều trái với ý định của Thiên Chúa. Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy: “‘Ðừng theo thói đời này’ (Rom 12:2), nghĩa là đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo khiến hoạt động con người vốn qui hướng về phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, lại biến thành phương tiện phạm tội” (Gaudium et Spes, 37).

Vì tội Adam nên thế gian đã bị thống trị bởi tội lỗi, bởi quyền lực của bóng tối. “Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán (x. Mt 24:13; 13:24-30, 36-43). Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa ” (Gaudium et Spes, 37).

Nhiều khi chúng ta bỏ rất nhiều tiền bạc, tài năng và thì giờ ra giúp đỡ giáo xứ, cộng đồng, và người nghèo, trong các đoàn thể hay phong trào đạo đức, nhưng công việc của chúng ta ra vô ích trước mặt Thiên Chúa vì chúng ta làm “theo thói đời này ”. Nghĩa là chúng ta không làm vì vinh danh Chúa mà vì những ý đồ thầm kín của mình, như tìm kiếm tư lợi, quyền lực, danh vọng, thỏa mãn riêng tư,…. Làm như thế là chúng ta không làm theo Thánh Ý Thiên Chúa mà làm theo ý riêng mình. Lý do chính là não trạng chúng ta đã bị ô nhiễm bởi những thói xấu của thế gian.

2) Canh tân lòng trí

Để thay đổi não trạng đã bị ô nhiễm bởi những thói xấu của thế gian, Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải “canh tân lòng trí ”. Con người sống để tìm hạnh phúc. Vì hiểu lầm hạnh phúc là tiền tài, danh vọng, thú vui…, nên người ta mới sống theo thói thế gian và bị ô nhiễm bởi thế gian. Canh tân lòng trí là nhận ra đâu là hạnh phúc thật, và thanh luyện con người của mình để đạt được hạnh phúc ấy.

Tân Ước dùng nhiều cách để diễn tả hạnh phúc thật mà Thiên Chúa mời gọi con người đến hưởng: Nước Thiên Chúa trị đế, hưởng nhan thánh Chúa, hưởng niềm vui của Chúa, an nghỉ trong Chúa. Thiên Chúa cho chúng ta sống ở đời để nhận biết, phụng sư, và yêu mến Ngài ngõ hầu nhờ đó mà được hạnh phúc thật. Hạnh phúc thật là được thông phần bản tính Thiên Chúa và sự sống đời đời. Hạnh phúc này là ân huệ siêu nhiên. Hạnh phúc mà Ngài hứa bắt chúng ta phải đương đầu với những quyết định lựa chọn luân lý, mời gọi ta thanh luyện tâm hồn khỏi những bản năng xấu và tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Chúng ta không thể tìm thấy hạnh phúc thật nơi tiền tài, danh vọng, quyền bính, hay thành công về bất cứ phương diện nào, hoặc nơi bất cứ tạo vật nào, nhưng chỉ nơi Thiên Chúa, nguồn mọi thiện hảo và tình yêu. Mười Giới Răn, Bài Giảng Trên Núi và giáo huấn các Tông Đồ chỉ cho chúng ta đường đến hạnh phúc thật. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta tiến tới từng bước một, qua các việc làm hằng ngày. Nhờ tác động của lời Ðức Kitô, chúng ta dần dần sinh hoa kết quả trong Hội Thánh để vinh danh Thiên Chúa (x. GLCG 1720-1729).

Để canh tân lòng trí, Thánh Phaolô dạy: “Anh em phải coi mình như đã chết cho tội lỗi, và đang sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô. Cho nên đừng để tội lỗi cai trị trong thân xác hay chết của anh em nữa, làm cho anh em phải chiều theo những dục vọng của thân xác. Cũng đừng nhường chi thể của anh em cho tội lội, như dụng cụ để làm điều bất chính, nhưng hãy tự hiến cho Thiên Chúa như những người đã được sống lại từ cõi chết, và dâng chi thể của anh em cho Thiên Chúa như khí cụ để làm điều công chính” (Rom 6:11-13).

Như thế, Chúng ta hãy trút bỏ những việc làm tăm tối, và mặc lấy giáp bào của sự sáng. Chúng ta hãy ăn ở lương thiện như người đang sống giữa ban ngày; không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương. Nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô, và đừng theo tính xác thịt để thoả mãn các nhục dục” (Rom 13:12-14).

3) Biết đâu là Thánh Ý Chúa và những gì là đẹp lòng Chúa

Nhờ canh tân lòng trí, chúng ta trở nên con người mới trong Đức Kitô. Qua việc kết hợp với Đức Kitô và sống trong Chúa Thánh Thần, chúng ta phân biệt được đâu thật sự là Thánh Ý Thiên Chúa, và đâu là những luận điệu sảo trá người ta dùng để biện minh cho những ích lợi ích kỷ của cá nhân hay đảng phái. Như thế chúng ta cũng biết điều gì là tốt và hoàn hảo trước mắt Ngài, đáng được Ngài chấp nhận. Khi đó chúng ta sẽ dễ dàng từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa” (x. Mt 16: 24).

Tóm lại

Một khi chúng ta hiểu và sống cuộc đời mình như một Thánh Lễ nối dài, chúng ta bắt đầu hiểu rằng việc phụng tự của Hội Thánh là một chu kỳ bắt đầu từ đời sống thường nhật qua Bí Tích Thánh Thể rồi lại trở về đời sống thường nhật. Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa ở nhà thờ trong ngày Chúa Nhật thế nào, thì chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong “tinh thần” trong tuần tại sở làm, văn phòng, trường học và gia đình như vậy. Thờ phượng như thế còn đẹp lòng Thiên Chúa hơn những của lễ mắc tiền nhất mà chúng ta dâng ở Đền Thờ.

Lạy Chúa xin cho con ý thức rằng con sống trên đời này để làm theo Thánh Ý Chúa, để con luôn biết từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Lạy Mẹ, xin giúp con luôn ngoan ngoãn làm theo Thánh Ý Chúa. Xin Thánh Phaolô cầu cho con biết sống cho Đức Kitô như ngài đã sống. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1) Tôi có sống Bí Tích Thánh Thể trong đời sống thường nhật không? Tôi sống thế nào?

2) Tôi đang phục vụ trong các việc mục vụ của Hội Thánh vì lý do gì? Tôi có thể thanh luyện ý định của tôi để đẹp lòng Thiên Chúa hơn không? Thanh luyện cách nào?

3) Làm thế nào để tôi biết Thánh Ý Thiên Chúa? Chúa đang muốn tôi làm gì?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lại một làn sóng bạo lực chống Kitô giáo ở Orissa, Ấn Độ: một nữ tu bị thiêu sống.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:58 26/08/2008
Bubaneshwar (AsiaNews) - Theo sĩ quan cảnh sát Ashok Biswall, một nhóm Ấn giáo quá khích đã tràn vào trại mồ côi ở quận hạt Bargarh (Orissa) và thiêu sống một nữ tu Công Giáo. Một linh mục hiện diện trong trại mồ côi cũng bị thương nặng và đang được chữa trị trong bệnh viện vì những vết bỏng đa chất thương. Một nữ tu khác ở Trung Tâm Xã Hội Bubaneshwar thì bị một nhóm Ấn giáo quá khích cưỡng hiếp tập thể trước khi toà nhà tiện khi bị đốt cháy. Các nguồn tin cho Tin Tức Á Châu hay rằng tại một nơi khác, một linh mục bị thương và hai người bị bắt cóc. Loạt hành động bạo lực chống Kitô giáo vì thế mà dài thêm.

Hai ngày trước, 23/08/2008, bang Orissa (Đông Bắc Ấn Độ) đã bị phủ bóng bạo lực sau vụ sát hại vị lãnh đạo Ấn giáo cấp tiến là Thầy giảng Laxanananda Saraswati. Các nhà thờ, các trung tâm của cộng đoàn và trung tâm mục vụ, các trại mồ côi cũng bị tấn công hôm 24/08. Ngày 25/08, nhiều đám đông lớn tiếng “Giết các Kitô hữu; phá hủy các cơ sở của chúng”.

Căng thẳng ở bang này vẫn còn dâng cao. Tổ chức Ấn giáo Vishwa Hindu Parishad (VHP) còn có kế hoạch biểu tình trong hai ngày 25 và 26/08. Các tốp Ấn giáo cuồng tín thuộc VHP cũng như Sangh Parivar đang dạo quanh các đường phố, làng mạc, chặn các lối đi, đưa các thành viên thành viên của chúng đột kích cướp bóc và gây rabạo lực.

Theo các tường thuật trực tiếo thì Trung Tâm xã hội của Tổng Giáo phận cũng bị tấn công và đốt phá. Trước đó những kẻ tấn công cũng đã cưỡng hiếp Nữ tu Meena, một nữ tu làm việc tại trung tâm. Trung Tâm Mục vụ địa phương, vốn thoát khỏi làn sóng bạo lực hồi tháng Mười Hai, giờ cũng bị phá hủy hoàn toàn. Cha Thomas, người điều hành trung tâm này đang nằm viện vì bị thương nghiêm trọng ở đầu.

Cha Ajay Singh cho Tin Tức Á Châu hay một nữ tu đã bị thiêu sống trong trại mồ côi mà nữ tu điều hành ở quận Bargarh. Các nữ tu của Mẹ Têrêsa cũng bị những người Ấn giáo tấn công bằng cách ném đá làm cho một người bị thương nghiêm trọng. Tất cả các cơ sở Kitô giáo hiện đang gặp nguy hiểm vì các tốp Ấn giáo quá khích đang lang thang trên các đường phố, đập phá cửa chính, đập vỡ cửa sổ, gồm một số trường hợp là nhà của Kitô hữu. Nhiều linh mục và nữ tu phải trốn chạy.

Ở Bubaneshwar, các chiến binh Ấn giáo ném đá vào Toà Tổng Giám Mục nhưng không dám vào bên trong vì sự hiện diện của cảnh sát.

Ở Phulbani, nhà thờ giáo xứ và nhà của giáo sĩ địa phương bị tất công và đốt cháy. Tất cả linh mục địa phương phải trốn chạy và tìm nơi ẩn náu tại tại nhà của các thành viên tu hội địa phương. Nhà trọ sinh viên theo học ở Phulbani cũng bị đốt.

Một số nhà truyền giáo Bác ái tham dự một khoá học về y tế ở Brahamanigoan cũng bị chặn lại nhiều giờ trong làng.

Các nữ tu ở nơi khác cũng phải rời bỏ tu viện của họ để tìm nơi ẩn náu ở một số trường học.
 
Nghiệp đoàn bác sĩ Ai cập cấm cấy ghép các bộ phận thân thể giữa người theo Hồi giáo và Kitô giáo
Phụng Nghi
11:44 26/08/2008
Cairo (CNNA) – Nghiệp đoàn các bác sĩ Aicập, dưới quyền lãnh đạo của các “Huynh đệ Hồi giáo” (Muslim Brothers), một bộ phận cực đoan của đạo Hồi, đã ra quyết định cấm thay các bộ phận thân thể giữa những người theo Hồi giáo và Kitô giáo. Quyết định này tạo ra hàng loạt những lời phản kháng và bất an trong cả hai cộng đồng.

Theo tin của hãng thông tấn EFE, một người phát ngôn của Giáo hội Coptic trả lời cho quyết định nói trên như sau: “Tất cả chúng ta đều cùng mang dòng máu Ai cập, nếu mục đích của biện pháp này là để cấm việc mua bán các bộ phận thân thể, thì chúng tôi phản đối vì điều đó có thể xảy ra ngay trong đám tín hữu cùng tôn giáo.”

Người phát ngôn nói: quyết định của nghiệp đoàn như thế “rất nghiêm trọng” vì nó có thể đưa đến những bước kế tiếp như cấm hiến máu giữa người Kitô giáo và Hồi giáo, hoặc ngăn không cho một bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân thuộc tôn giáo khác. “Chúng tôi sợ rằng trong tương lai sẽ có những bệnh viện riêng cho người Kitô giáo và bệnh viện riêng cho người theo đạo Hồi.”

Hamdi El Sayed, giám đốc nghiệp đoàn, nói rắng quy định mới này nhằm “bảo vệ những người Hồi giáo nghèo nàn khỏi bị người theo Kitô giáo giàu có mua các bộ phận thân thể của họ, hoặc ngược lại” và “ngăn chận mọi âm mưu nhằm lừa đảo người tàng tật để cướp đi các bộ phận trong thân thể họ, nhất là nếu chuyện đó xảy ra giữa người theo Kitô giáo và người Hồi giáo, bởi vì trường hợp như thế là cửa ngõ mở vào một cuộc khủng hoảng giữa hai cộng đồng.”

Abel Moti Bayumi, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo Al Azhar, nói rằng quy định này “có tính cách kỳ thị, vì nó vi phạm nhân quyền, Hiến pháp và tình đoàn kết quốc gia.” Ông cảnh báo: “Nếu nghiệp đoàn không hủy bỏ quyết định này, càng ngày sẽ có thêm những xung đột giữa người theo Kitô giáo và Hồi giáo.
 
Một giám mục Trung quốc bị bắt đúng ngày Thế vận hội bế mạc
Phụng Nghi
09:00 26/08/2008
Bắc kinh (CWNews) - Vị giám mục giáo hội Công giáo hầm trú xuất chúng nhất tại Trung quốc đã bị bắt hôm chủ nhật 24 tháng 8, đúng vào ngày buổi lễ bế mạc Thế vận hội được tổ chức tại Bắc kinh.

Đức giám mục Jia Zhiguo ở Chính Định (Zhengding) đã bị một số sĩ quan công an bắt giữ tại nhà thờ chính tòa Wuqiu. Không có lý do nào được nêu ra ngay sau vụ bắt giữ và nhà chức trách không tiết lộ nơi giam giữ vị giám mục già nua này.

Giám mục Jia nay đã 73 tuổi, lãnh đạo một giáo phận năng động có trên 100 ngàn giáo dân Công giáo tại giáo phận Hà bắc (Hebei), đã trải qua 15 năm trong tù, từ năm 1963 đến 1978. Sau khi được tha, ngài đã bị bắt đi bắt lại tới ít nhất 12 lần; bình thường mỗi lần ngài bị bắt giam để tra hỏi trong nhiều ngày. Từ năm 1989 đến nay ngài bị giam giữ tại gia.

Trong thời gian Thế vận hội, người Kitô hữu Trung quốc đã bị cảnh báo cho biết không được tổ chức các nghi lễ mục vụ công khai. Chừng 1000 người Công giáo tại Chánh định, bất chấp các lệnh đó, đã đến dâng Thánh lễ kính Đức Mẹ Lên Trời cùng với giám mục Jia tại nhà thờ chính tòa Wuqiu hôm 15 tháng 8. Nhà cầm quyền Trung quốc – đặc biệt tại giáo phận Hà bắc, nơi giáo hội Công giáo hầm trú rất mạnh – đã có thành tích bắt bớ các vị lãnh đạo Kitô giáo trước và sau những biến cố lớn, chẳng hạn như đại hội đảng Cộng sản. Thế vận hội đưa tới một loạt những cảnh báo rằng các hoạt động tôn giáo nào “không có phép” thì không được thực hiện. Cơ quan thông tấn AsiaNews cho biết một số thành viên trong giáo hội thầm lặng tiên đoán sẽ có một cuộc đàn áp liền sau Thế vận hội, khi sự chú ý của giới truyền thông đã giảm thiểu đi.
 
Tuyên ngôn của các Giám Mục Công Giáo California nhằm ủng hộ dự luật 8
Nguyễn Kim Ngân
19:33 26/08/2008

TUYÊN NGÔN CỦA CÁC GIÁM MỤC CÔNG GIÁO CALIFORNIA NHẰM ỦNG HỘ DỰ LUẬT 8:



Về Việc Sửa Đổi Hiến Pháp để Phục Hồi Định Nghĩa về Hôn Nhân

Dẫn nhập:

Thiên hạ đang nóng lòng khao khát thay đổi. Đổi thay không còn thuần túy là “hương vị” của cuộc đời, nói theo ngạn ngữ của Tây phương. Thay đổi đã trở thành lẽ sống còn: Thay đổi hay là chết! Tôn chỉ thượng thặng của một ứng cử viên Tổng Thống hiện nay đang xoáy sâu vào điểm này. Phải thay đổi chứ! Đương nhiên! Dứt khóat! Chẳng lẽ cứ để ù ù cạc cạc, trì trệ hoài như thế này sao?

Thực ra từ ngàn xưa thay đổi vẫn là quy luật của vũ trụ, của thiên nhiên, cũng như của loài người. “Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”—một triết gia thượng cổ Hy lạp đã bảo thế--bởi lẽ làn nước trong xanh kia vẫn tiếp tục tràn qua thân thể bạn, để rồi chảy xuôi mãi, không bao giờ trở lại. Trịnh Công Sơn cũng có những lời văn vẻ tương tự: ‘vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên…bốn mùa thay lá, thay hoa, thay mãi đời ta.’ Qủa vậy, có bao giờ ta níu kéo thời gian được đâu? Hôm qua đã lui vào quá khứ để rồi mãi mãi trở thành lịch sử. Dẫu có “hoành tráng” đến như Thế vận hội Bắc Kinh vừa qua chăng nữa, rồi cũng phải bế mạc! Vận động trường “Tổ chim” có “ấn tượng” mấy chăng nữa, rồi cũng phải đóng cửa để làm…chuyện khác. Thay đổi hóa ra là điều kiện của kiếp làm người! Vì là điều kiện thành ra nó cũng đem đến trăm đắng ngàn cay cho kiếp nhân sinh. Ngày nào dọn vào căn nhà mới (chưa vị tất là mới tinh, nhưng dù sao vẫn là quá đẹp so với căn chung cư ọp ẹp vừa vẫy tay từ gĩa!), ta thấy cuộc đời ôi đẹp làm sao. Nhưng rồi chỉ vài ba năm sau, căn nhà lý tưởng của mình đã trở thành túp lều lụp xụp so với căn nhà trên triền đồi người bạn vừa đóng escrow tuần qua. Hóa ra cái gì mình có, dù có đẹp đến mấy rồi cũng ‘xuống cấp.’ Chẳng thế mà lúc nào bồn cỏ nhà hàng xóm cũng xanh hơn bãi cỏ nhà mình đó sao? Cơm nguội ở nhà ăn mãi đâm ngán, chỉ mong ra tiệm để được thưởng thức một tô phở tái, kèm theo ly cà phê nóng mà cô tiếp viên ‘còn nóng hơn cả cà phê’ bưng ra. Cái bẫy thay đổi, đổi thay nằm ở chính cái nghịch lý ấy.

Trớ trêu hơn nữa: chỉ vì ‘có mới nới cũ,’ thành ra từ điều kiện và nhu cầu, đổi thay đã trở thành cái mốt thời thượng, không phải chỉ dưới hình thức thuần túy tân trang: mắt, môi, má, cằm, bụng, đùi…nhưng là thay đổi thực sự, toàn diện, tận gốc, một lần cho tất cả, không khoan nhượng, tuyệt...nòi, tại một địa điểm lừng danh thế giới: Thái Lan.

Chủ trương ‘thay đổi hay là chết’ đưa người ta đi đến chỗ thay đổi chỉ để đổi thay, bất chấp hậu quả và liên lụy: kiếm cô bồ nhí thế chỗ cho mụ vợ ‘sầu giá’ nhà quê; hoặc tìm kép nhí dung dăng trên phố thay cho thằng chồng vũ phu, chỉ biết biếu em ‘cái chai em cầm’ thay cho hột soàn cà rá. Tiêu biểu cho những đổi thay loại này chính là cao trào sửa đổi chính định nghĩa của hôn nhân. Lường trước được hệ quả khủng khiếp của thái độ cực đoan này, các Giám Mục California đã lên tiếng chính thức cảnh giác về nguy cơ trào lưu đánh đổ hôn nhân truyền thống hầu áp đặt một bản chất khác cho hôn nhân, cũng như lên tiếng bênh vực cho cơ chế nền tảng vốn khai sinh ra tế bào kết tinh thành xã hội loài người. Vì tầm mức quan trọng của nó, Dự Luật 8 đựợc đem ra trưng cầu dân ý vào tháng 11, 2008 tại California, cùng với việc tuyển chọn nhân vật nắm giữ chức vụ cao nhất của cường quốc này. Xin mời bạn đọc theo dõi bản lược dịch tuyên ngôn của các Gíam Mục California về vấn đề hết sức quan trọng này.

Mùng Một tháng Tám, 2008

“Chỉ có tảng đá tình yêu hoàn toàn và không thể đảo ngược giữa người nam và người nữ mới có khả năng trở thành nền tảng của một xã hội vốn là mái ấm cho cả nhân loại.” (Lời ĐGH Bênêđictô XVI công bố nhân khóa hội thảo về Hôn nhân và Gia đình, tại Viện Gioan Phaolô II, ngày 11 tháng Năm, 2006).

Vấn đề Dự Luật 8 đặt ra trước mắt chúng ta hôm nay chính là “Hôn Nhân”—một cơ chế cổ xưa, nhưng vẫn tân kỳ, của loài người, vốn có trước cả Giáo hội lẫn chính quyền. Lịch sử cho thấy rằng hôn nhân tiềm tàng ở bên trong các xã hội bền vững, triển nở và nồng ấm. Cho dù có những khác biệt về văn hóa, điều không hề thay đổi chính là: hôn nhân là mối tương quan lý tưởng giữa một người nam và một người nữ nhằm mục đích sinh sản và tiếp nối nòi giống nhân loại.

Ngày 15 tháng Năm, 2008, Tòa Án Tối Cao Pháp Viện California đã phán quyết rằng luật lệ hiện hành.định nghĩa hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là vi hiến. Sự thay đổi triệt để trong chính sách chung này sẽ gây ra nhiều hậu quả sâu xa cho xã hội, bởi vì: (1) nó hạ giảm khía cạnh thực tế về sinh học và hữu cơ của hôn nhân—điều này cho thấy nó đã bén rễ sâu xa đến thế nào vào trong miền đất của văn hóa, ngôn ngữ, và luật pháp của chúng ta, cũng như nó hoàn toàn phớt lờ đi lối thông hiểu phổ cập về từ ngữ hôn nhân; và (2) nó hạ thấp từ ngữ “hôn nhân” xuống ngang tầm với “sự hùn hạp”—tức là một sắp xếp có tính chất khế ước thuần túy của người lớn giữa các cá nhân trên 18 tuổi. Trẻ em—nếu có—không còn là lý lẽ tiên quyết có tính xã hội của thể chế này nữa.

Với tư cách là thầy dậy đức tin, chúng tôi mời gọi toàn thể tín hữu Công giáo hãy cẩn trọng uốn nắn lương tâm mình, bằng cách quy hướng về nguồn mạc khải Kinh Thánh, về sự khôn ngoan của Truyền Thống, về kinh nghiệm và viễn kiến của các bậc thánh nhân nam nữ, cũng như về điều có thể lãnh hội được chỉ nhờ vào lý trí mà thôi.

Thâu tóm lại giáo huấn về hôn nhân, Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo số 1603 và 1604 dậy rằng: Thiên Chúa chính là tác giả của hôn nhân. Ơn gọi hôn nhân được ghi khắc vào tận bản chất của người nam và người nữ khi họ được khai sinh từ bàn tay Thiên Chúa. Hôn nhân không hề là một thể chế thuần nhân cho dù nó phải kinh qua nhiều biến thiên suốt dòng thời gian trong các nền văn hóa, cơ cấu xã hội, và các thái độ linh thiêng khác nhau. Phúc lợi của cá nhân và của xã hội nhân lọai lẫn Kitô giáo đều kết chặt với tình trạng lành mạnh của đời sống hôn nhân và gia đình.

Với ý nghĩ ấy, các Giám Mục chúng tôi xin gửi đến quý tín hữu Công giáo vài lời khuyên nhủ khi đáp ứng lại trước sự thay đổi triệt để này trong chính sách chung của California về hôn nhân.

Trước hết, việc kết hợp đồng tính không hề là một với kết hợp dị tính. Hôn nhân giữa người nam và người nữ không chỉ bao gồm sự bổ túc tình dục như tự nhiên sắp đặt, mà còn bao gồm khả năng sinh sản nữa. Phúc lợi lý tưởng của trẻ em là được sinh ra từ một hôn nhân truyền thống và được nuôi dậy bởi một người cha và một người mẹ. Chúng tôi nhìn nhận rằng có những người cha, người mẹ độc thân, và chúng tôi ngưỡng mộ những hy sinh cao cả của họ trong việc dưỡng dục con cái.

Thứ đến, chúng tôi muốn nhắc nhở rằng hôn nhân phản ảnh mối tương quan của Thiên Chúa đối với chúng ta—và hôn nhân kiện toàn, làm phong phú và duy trì nhân loại. Khi hoàn hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ tự hiến mình cho Thiên Chúa như đồng tạo-hóa của một hữu thể nhân sinh mới. Bất cứ một nếp sống ghép đôi nào—cho dù có thể mang lại sự an ninh và tình bạn cho các cá nhân liên hệ--đều không phải là hôn nhân. Chúng ta cần hỗ trợ cho hôn nhân truyền thống như chính ngọn nguồn khai sinh nền văn minh chúng ta, như chính nền tảng của một xã hội có khả năng trở thành mái ấm cho mọi con người, và như phản ánh mối tương quan của ta với Thiên Chúa.

Kế nữa, ta cần nhớ rằng, là con cái Thiên Chúa, mang phẩm giá con người, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Việc bảo vệ lối thông hiểu truyền thống về hôn nhân không bao giờ có hàm ý khinh miệt những người anh chị em chúng ta—ngay cả khi họ có ý kiến bất đồng.

Tiếp đến, ta phải cầu nguyện và tìm ra một giải pháp công bằng cho vấn đề rất quan trọng cho phúc lợi của toàn thể gia đình nhân loại này.

Tiếp nữa, là công dân tiểu bang California, ta cần nắm lấy cơ hội để đảo ngược phán quyết của Tòa Án Tối Cao Pháp Viện. Trong kỳ tổng tuyển cử tháng Mười Một năm nay, sẽ có Dự Luật 8 được đưa ra như sau: “Chỉ duy hôn nhân giữa một người nam và một người nữ mới có giá trị hoặc được nhìn nhận tại California.” Nói như thế chỉ có nghĩa là xác nhận định nghĩa có tính lịch sử, hợp luận lý, và hữu lý về hôn nhân—chứ không hề lấy đi bất kỳ một phúc lộc nào từ các sắp xếp mang tính khế ước khác.

Sau cùng, chúng tôi mạnh mẽ khuyến khích các tín hữu Công giáo triệt để ủng hộ cả về tài lực lẫn nhân lực cần thiết để làm sao cho Dự Luật 8 được thông qua. Hãy nhớ thực thi quyền công dân và đi bầu đông vào tháng Mười Một sắp tới.
 
Tòa Thánh lên án các vụ tấn công tín hữu Kitô tại Ấn Độ
LM. Trần Đức Anh, OP
19:59 26/08/2008
VATICAN - Tòa Thánh lên án bạo lực chống các tín hữu Kitô tại Ấn Độ và liên đới với các Giáo Phận và dòng tu ở địa phương.

Trong những ngày qua, các nhóm Ấn giáo cuồng tín tại bang Orissa đã tấn công và thiêu sống một nhân viên của Giáo Hội, hành hung các LM và phá hủy tài sản của Giáo Hội.

Trong thông cáo công bố hôm 26-8-2008, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh lên án những hành động vừa nói, vì chúng làm tổn hại phẩm giá và tự do của con người, làm thương tổn sự sống chung hòa bình. Tòa Thánh cũng yêu gọi mọi người, trong tinh thần trách nhiệm, hãy chấm dứt mọi hành vi bạo hành, và tái lập bầu không khí đối thoại, tôn trọng lẫn nhau.

Hôm 25-8-2008, Cha Alphonse Toppo, Tổng đại diện giáo phận Sambalpur bang Orissa nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ rằng: một đám người ấn giáo đã đốt một trung tâm tiếp đón trẻ em nghèo ở Pandharpur, thiêu sống một nữ giáo dân quản lý nhà này. LM giám đốc trung tâm là cha Edward Sequeira thì bị đánh trọng thương.

Theo Cha Toppo, một nữ tu viện và một trung tâm dành cho các trẻ nữ, tài sản của Giáo Hội tại Madhupur cũng bị một nhóm ấn giáo cuồng tín thiêu hủy.

Ngoài ra, LM Mrutyunjay Digal, Bí thư của Đức TGM Raphael Cheenath thuộc giáo phận Cuttack Bhubaneshwar, cho biết một nhóm ấn giáo đã tấn công tòa GM địa phương, nhưng không đột nhập được vì có cảnh sát canh gác. Họ ném đá vào nhà khách của tòa TGM. Cha Thomas Chellen Giám đốc trung tâm mục vụ ở huyện Kandhamal và một nữ tu bị bọn người ấn giáo đánh đập và đưa vào khu vực một đền thờ ấn giáo. Tin kế tiếp cho biết chị nữ tu đã bị hãm hiếp và bọn người này có ý định thiêu sống vị LM và nữ tu.

Trong tuyên ngôn ngày 25-8-2008, HĐGM Ấn độ bày tỏ lo âu vì các nhóm ấn giáo đã vu khống cho cộng đồng các tín hữu Kitô là đã sát hại một lãnh tụ ấn giáo, và tạo nên những cuộc tấn công các tín hữu Kitô và các tổ chức của Giáo Hội.

Lãnh tụ ấn giáo này, Swami Saraswati đã bị một nhóm hơn 20 người theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông bắn chết tại am của ông hôm 23-8-2008 cùng với 5 đạo sĩ khác của Ấn giáo ở Orissa.

ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tuyên bố tại Rimini hôm 25-8-2008 rằng không điều gì có thể biện minh cho các cuộc sát hại như vậy. Các hành động ấy là tội ác chống lại nhân loại, và người ta không thể nhân danh tôn giáo để phạm những tội ác như thế.

ĐHY Tauran cho biết mới đây ngài đã đến New Delhi để gặp gỡ hai nhóm lãnh đạo ấn giáo, nhưng không có vị nào nói với ngài về những vụ bạo hành như thế. Đây không phải là lần đầu tiên những vụ tấn công các tín hữu Kitô xảy ra tại Ấn độ. (CNS 25-8-2008)
 
Top Stories
Migliaia di cattolici in piazza ad Hanoi a sostegno dei Redentoristi
Asia-News
06:46 26/08/2008
Una pacifica manifestazione di solidarietà per la richiesta dei religiosi di riaver il terreno del loro monastero e della parrocchia di Thai Ha, illegalmente confiscati dalle autorità della capitale. L’arcivescovo invita alla “comunione” tra i fedeli.

Le migliaia di cattolici si sono riunite al luogo
Le migliaia di cattolici si sono riunite al luogo
Hanoi (AsiaNews) – Migliaia di cattolici sono scesi in piazza ad Hanoi, per una pacifica manifestazione di sostegno ai Redentoristi ed ai parrocchiani di Thai Ha nella controversia sulla proprietà dei terreni della stessa parrocchia e del monastero, che li oppone alle autorità locali. L’arcivescovo della capitale, in una lettera inviata dagli Stati Uniti, ove è per una visita, si dice “in profonda comunione” con i religiosi e i parrocchiani che esorta a “continue preghiere” e “ad essere in comunione fra loro”.

Proprio in tale spirito, domenica scorsa, cattolici di Hanoi insieme ad altri provenienti dalle province settentrionali del Paese si sono riuniti di fronte al terreno in contestazione (nella foto).

Sempre domenica, in una lettera a tutti i Redentoristi, padre Vincent Nguyen Trung Thanh ribadisce l’illegalità della pretesa del governo di trattenere i terreni confiscati, mentre i religiosi hanno “tutti i documenti e le testimonianze” necessari a provare il loro diritto di proprietà. La contestazione riguarda un terreno acquistato dai Redentoristi nel 1928. Alla presa di potere dei comunisti, nel 1954, la maggior parte dei religiosi fu imprigionata o deportata. Fu lasciato solo padre Joseph Vu, come responsabile dei 15 acri del terreno e della parrocchia. In seguito, malgrado le proteste, un po’ alla volta le autorità si sono impossessate della proprietà, ora ridotta a circa mezzo acro. Per sostenere le loro pretese, le autorità di Hanoi affermano che i terreni furono donati al governo da padre Vu. “Padre Joseph Vu - afferma in proposito il superiore dei Redentoristi – ha ripetutamente dichiarato e scritto di non aver mai donato alcuna parte della zona”. Il superiore fa inoltre riferimento al canone 1292, in base al quale l’autorità competente per le disposizioni sui beni è comunque il vescovo diocesano. “Padre Joseph Vu era solo un sacerdote locale, non era proprietario e non aveva l’autorità per prendere una decisione di quel genere”.

Padre Vincent Nguyen Trung Thanh nella lettera di domenica scorsa riferisce anche di quanto accaduto il 19 agosto, quando migliaia di cattolici hanno impedito, con la loro presenza, alle forze di sicurezza di distruggere crocefissi e immagini della Vergine portati in una parte del terreno disputato.

Padre Nguyen, infine, esorta tutti i Redentoristi del Vietnam ad essere solidali con quelli di Hanoi ed annuncia per il 28 agosto una veglia di protesta al monastero dei Redentoristi di Saigon.
 
政府令教友离开同大堂最后通牒到期
Asia-News
06:50 26/08/2008
政府令教友离开同大堂最后通牒到期

by J.B. An Dang

当局旨在结束始于今年一月六日的要求收回教会财产的抗议活动。一九二八年,赎主会士们购买下了这块土地。一九五四年,越南共产党当局执政、越南南北分裂后,将这座圣堂收为国有。传教士们被关押或者流放。教会建筑总面积达六万平方米,目前只剩下了2,700平方米

河内(亚洲新闻)—越南政府当局要求天主教徒撤离河内总主教区永援圣母堂的最后通牒已经到期。根据这项命令,教友们必须停止要求政府归还教产的祈祷聚会。

四月六日,圣堂所在地同大区政府人大发表声明,指示威者正在进行“非法活动”;威胁一旦从一月六日开始的静坐示威祈祷不在昨天当地时间十二点前结束,将采取“极端行动”。

天主教徒们要求收回的教产,是赎主会士们于一九二八年购买的。当时,传教士在这片总面积达六万平方米的土地上建造了圣堂、会院和修道院。一九五四年,越共执政、越南南北分裂后,传教士们全部被捕入狱或者被流放。今天,这片总面积达六万平方米的教产仅剩下了2,700平方米。

后来,天主教会多次要求收回教产。而在这段时间里,当局在这片土地上建造了医院、兜售给了国有公司企业和政府官员。今年,甚至将部分土地卖给了一家包装公司。此举,是引发天主教徒抗议的导火索。一月六日,教友们在这里矗立起了十字架、圣母像、组织了祈祷和示威(见照片)、长期静坐。一名示威者表示,“我们别无选择,只能聚集在这里和平祈祷,从而引起政府对这一问题的关注”。

最后通牒到期后,仍有百余名教友和会士坚守在那里,继续祈祷。许多身着警服和便衣的警察在周围拍照、录像。
 
Vatican condemns anti-Christian attacks in India
Philip Pullella
10:43 26/08/2008
VATICAN CITY, Aug 26 (Reuters) - The Vatican on Tuesday strongly condemned a spate of attacks against Christians in India by Hindus, saying the violence was an affront to human dignity and religious freedom.

A statement deplored the anti-Christian violence, in which at least two people were killed and a Christian orphanage and more than a dozen churches torched in the eastern state of Orissa, and called for an end to what it called "bullying".

Separately, the Rome-based Italian missionary agency Misna said it had received reports that two Jesuit priests had been abducted in the area but had no further details.

"It expresses its solidarity with local Churches and the religious orders involved, and condemns these actions, which are an affront to dignity, peoples' freedom, and endanger peaceful civil coexistence," the Vatican statement said.

It called for "an end to all bullying" and a return to dialogue and a climate of mutual respect.

Authorities imposed a curfew in parts of the state in an attempt to quell the violence, which began after a local Hindu leader linked to the main opposition Hindu-nationalist Bharatiya Janata Party (BJP) and four others were killed last week.

The leader had been heading a local campaign to reconvert Hindus and tribal people from Christianity.

Police blamed the killings on local Maoist rebels taking sides in a controversy over religious conversions, but Hindus say Christians were to blame for the killings.

Earlier on Tuesday, Cardinal Jean-Louis Tauran, head of the Vatican's department for inter-religious affairs, told an Italian newspaper the attacks against the Christians were "a sin against God and humanity".

"There is no justification possible. One certainly cannot invoke religion for for crime of this sort," he told the Corriere della Sera.

Tauran said he had been to India recently and acknowledged that the Vatican did not understand Hinduism as well as it should.

"I think my department should intensify our contacts with religious leaders," Tauran said.

A top body of Indian bishops counted 32 incidents of violence against Christians in Orissa over the past two days. In protest, it said some 25,000 Catholic schools and colleges in India would be closed on Friday.

(Source: Reuters, by Philip Pullella)
 
Orissa, Inde : nouvel accès de violences antichrétiennes perpétrées par des hindouistes
Eglises d'Asie
10:49 26/08/2008
Orissa, Inde: nouvel accès de violences antichrétiennes perpétrées par des hindouistes

Les informations qui parviennent à Bhubaneswar en provenance de différentes régions de l’Etat de l’Orissa sont alarmistes. Dans la capitale de cet Etat de l’est du pays, différents rapports indiquent que les violences antichrétiennes qui ont éclaté après l’assassinat d’un responsable religieux hindou, le 23 août dernier, ont fait au moins cinq morts les 25 et 26 août. Des groupes d’hommes en armes parcourent les campagnes, les villages et les villes, pourchassant les chrétiens, mettant à sac les églises, les propriétés d’Eglises ainsi que les centres de santé gérés par les Eglises chrétiennes. A New Delhi, la Conférence des évêques catholiques de l’Inde, tout en appelant au calme, a condamné avec la plus grande fermeté ces attaques.

Ce nouvel épisode de violences antichrétiennes (1) a éclaté après l’assassinat de Swami Laxmanananda Saraswati et de cinq de ses proches le 23 août. Agé de 85 ans, connu de longue date pour son opposition aux conversions d’Indiens au christianisme, ce religieux hindou a trouvé la mort dans son ashram de Tumudibandha. Le lendemain, une organisation maoïste, The People’s Liberation Revolutionary Group, a revendiqué les meurtres, les justifiant par le fait que le religieux hindou, membre du groupe fondamentaliste hindou, le Vishwa Hindu Parishad (VHP, Conseil mondial hindou), mêlait religion et politique. Immédiatement, toutefois, les dirigeants du VHP et d’autres organisations hindouistes ont rejeté cette revendication, affirmant qu’un « complot fomenté par les chrétiens » était derrière l’assassinat du religieux hindou. Les communautés chrétiennes dans le district de Kandhamal, à 300 km de Bhubaneswar, ont rapidement compris qu’elles devaient craindre un nouvel épisode de violences antichrétiennes. Depuis, il semble que ces violences se généralisent et se sont étendues à tout l’Etat de l’Orissa.

A Kandhamal, un travailleur social catholique, rapporte l’agence Ucanews, indique que, le 26 août, une personne a été tuée par les hindouistes dans le village de Badimunda. Toujours dans ce même district, un groupe d’hommes armés a molesté une religieuse catholique, active auprès du centre pastoral de Nuagaon. La plupart des catholiques ont fui, cherchant refuge dans les forêts alentour, le couvre-feu décrété par les autorités ne suffisant manifestement pas à empêcher les groupes d’hindouistes de semer la terreur.

La veille, dans le district de Bargarh, des émeutiers ont attaqué un orphelinat pour enfants de lépreux tenu par des religieuses catholiques. Ils y ont mis le feu et une infirmière, Rajani Majhi, âgé de 20 ans, a trouvé la mort. Le directeur de l’institution, le P. Edward Sequeira, a été tabassé par les assaillants et a été hospitalisé. Le même jour, dans un autre accès de violences, deux catholiques et un hindou ont été tués. L’incident s’est produit dans le village de Tiangia, dépendant de la paroisse de Betticola, de l’archidiocèse de Cuttack-Bhubaneswar. Selon les récits qui nous sont parvenus, l’hindou, Dasharath Pradhan, proche des chrétiens, a trouvé la mort en cherchant à protéger des catholiques de la vindicte des hindouistes.

Selon les témoignages recueillis, les violences de ces trois derniers jours ont affecté l’ensemble de l’Etat. Pour l’Eglise catholique, les cinq juridictions de l’Orissa (l’archidiocèse de Cuttack-Bhubaneswar, les diocèses de Balasore, de Berhampur, de Rourkela et de Sambalpur) ont à déplorer des attaques. Le P. Sudhakar Senapati, curé de la cathédrale à Cuttack, ville située à 20 km de Bhubaneswar, décrit la situation comme « très tendue ». A trois reprises, la police a repoussé des manifestants qui voulaient investir le lieu de culte. « Des dirigeants hindouistes ont appelé à tuer les chrétiens et à détruire leurs institutions », rapporte-t-il.

Dès le 24 août, l’archevêque de Cuttack-Bhubaneswar avait « fermement » condamné l’assassinat du religieux hindou et de ses proches, le qualifiant d’acte « ignoble et lâche ». Il avait offert ses condoléances et appelé à la paix entre les communautés (2). A New Delhi, le cardinal Varkey Vithayathil, président de la Conférence épiscopale, a demandé à tous les catholiques dans le pays d’organiser « des manifestations pacifiques » pour signifier « le très ferme refus de ces attaques répétées » contre les chrétiens. En signe de protestation, toutes les institutions éducatives catholiques du pays fermeront leurs portes le 29 août.

(1) A Noël 2007, des violences antichrétiennes avaient fait cinq morts dans le district de Kandhamal; de nombreuses institutions chrétiennes avaient été détruites ou endommagées (voir EDA 477, 480, 483, 488). En juillet dernier, des chrétiens dalits ou appartenant aux milieux aborigènes avaient à nouveau été pris pour cible par des militants hindouistes (voir EDA 489).

(2) Les chrétiens représentent 2,4 % et les hindous 94,4 % des 36,8 millions d’habitants de l’Orissa, un des Etats de l’Union indienne où les extrémistes hindous sont les plus actifs. Les attaques antichrétiennes y ont été nombreuses et parfois meurtrières. Outre les attaques de Noël dernier, deux des plus notables incidents de ces dernières années se sont produits en Orissa: en 1999, à Keonjhar, des militants fondamentalistes hindous ont brûlé vifs, dans leur voiture, le pasteur australien Graham Stuart Staines et ses deux enfants; un prêtre catholique, le P. Arul Doss, du diocèse de Balasore, a été tué la même année (voir EDA 280, 282, 290, 293, 380, 381, 382, 383, 387, 389, 414, 418).
 
Thousands of Catholics in the streets in Hanoi in support of Redemptorists
Asia-News
14:44 26/08/2008
Catholics lead a peaceful demonstration of solidarity in favour of the religious order’s demand to have their monastery land and Thai Ha parish back. The latter was illegally seized by the capital’s government. The archbishop urges the faithful to be “in communion” among themselves.

Thousands of Catholics gathered at the site
Thousands of Catholics gathered at the site
Hanoi (AsiaNews) – Thousands of Catholics took to the streets in Hanoi in support of Redemptorists and Thai Ha parishioners over a land dispute between the Redemptorist convent and the local parish on the one hand and local authorities on the other.

In a letter sent by Archbishop Joseph Ngo of Hanoi from the United States where he is on a visit, the prelate expressed his deep “communion” with the men religious and the parishioners whom he urges to continue praying and be “in communion” among themselves.

In such a spirit Catholics from Hanoi and other northern provinces gathered on Sunday in front of the disputed property (see photo).

In a letter issued also on Sunday to all Redemptorists Fr Vincent Nguyen Trung Thanh renewed the charge that the local government had illegally seized monastery land, and that the religious possessed all the necessary papers and witnesses” to prove ownership.

The Redemptorist religious order purchased the disputed property in 1928, but most of the Redemptorists in Vietnam were jailed or deported after the Communist takeover in 1954. Fr Joseph Vu Ngoc Bich was left alone in charge of the 15 acres of land and the parish church.

Later, despite protests, the authorities slowly took the property piece by piece, leaving only about half an acre. In order to back their claim Hanoi authorities said that Father Vu had donated the land to the government.

However, “Fr Joseph Vu repeatedly said and wrote that he never donated any part of the property,” said the Redemptorist superior.

Citing Canon 1292 the latter stated that only the diocesan bishop can dispose of Church property.

“Fr Joseph Vu was only a local priest. He was neither the owner [of the land], nor had any authority to make such a decision.”

In last Sunday’s letter Fr Vincent Nguyen Trung Thanh also referred to what happened on 19 August when thousands of Catholics by their sheer presence prevented security forces from destroying crucifixes and images of the Virgin that had been left in an area of the disputed land.

Lastly Father Nguyen urged all Redemptorists of Vietnam to be in solidarity with those of Hanoi, announcing a protest vigil at the Saigon Redemptorist monastery on 28 August.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cuộc hành trình “Thắp sáng Trại phong Di Linh” của ca đoàn giáo xứ Xóm Chiếu Sàigòn
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:40 26/08/2008

Cuộc hành trình “Thắp sáng Trại phong Di Linh”



Di Linh, Lâm Đồng - “Thắp sáng Trại phong Di Linh” là chủ đề mà các ca viên của các ca đoàn giáo xứ Xóm Chiếu, Quận 4, Sài Gòn chọn cho cuộc hành trình của mình để đến với những người bệnh phong cùi trong hai ngày 23 – 24/08/2008.

Xem hình ảnh Thắp Sáng Trại Phong Di Linh

Sáu mươi tám năm về trước, ngày 30/10/1940, thi sĩ Hà Mặc Tử, một thi sĩ Công Giáo với những bài thơ đời và thơ đạo nổi tiếng đã qua đời ở tuổi 28 vì mắc căn bệnh phong cùi không thể chữa trị. Ngày hôm nay, với sự tiến bộ của y khoa, bệnh phong (cùi, hủi) hoàn toàn có thể chữa khỏi, nhưng vì mức độ tàn phá cơ thể cũng như những biến chứng tai ác, nên dù người ta có kiến thức nhiều hơn về căn bệnh này, các bệnh nhân phong vẫn phải gánh chịu nhiều thành kiến xã hội, bị xa lánh, cô lập, và thậm chí bị hắt hủi.

Đặt chân lên Cao Nguyên Di Linh cũng là lúc bầu trời đã tối mịt, con đường quanh co ghập ghềnh đồi dốc từ thị trấn vào Trại Phong lại càng tối hơn vì chúng tôi đến đây đúng vào lúc cúp điện. Bước xuống xe cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được cái không khí lạnh của vùng cao 1.000 mét so với mực nước biển này. Sự chu đáo của ban tổ chức tỏ ra hữu hiệu, máy phát điện mang theo cũng có chỗ sử dụng rồi đây, và chủ đề của anh em ca viên các ca đoàn chúng tôi dường như cũng đúng theo nghĩa đen: “Thắp sáng Trại phong Di Linh”.

Khi mọi công tác chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau hoàn tất cũng là lúc mọi người đã vã mồ hôi và cái nóng lại ngập tràn cơ thể. Lúc chúng tôi ngã lưng nghỉ ngơi sau một chuyến đi mệt nhoài cũng là lúc các dì (các nữ tu trong Trại phong) phải thức thay chúng tôi đến một hai giờ sáng để chuẩn bị bữa ăn sáng cho 330 phần ăn. Các dì là thế đó, luôn hy sinh vì tha nhân, và điều đó có lẽ luôn đúng đối với 9 nữ tu Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phục vụ trong Trại phong này.

Trở lại với các phần ăn sáng, những phần ăn tưởng chừng bình thường của người Sài Gòn nhưng lại là ao ước của biết bao người ở Trại phong này: Một hộp xôi với một cái đùi gà chiên! Các dì cho biết, đối với các gia đình sống trong trại thì nhu cầu ăn uống của họ rất là đơn giản, chủ yếu là gạo để họ có thể sinh sống, thức ăn thì chủ yếu là rau. Đối với những người bệnh nặng, đủ tiêu chuẩn trợ cấp của nhà nước thì mỗi tháng cũng chỉ được hưởng 200.000 đồng (200.000 đồng thời bão giá thì thật là con số nhỏ nhoi!), còn những người không có tiêu chuẩn chủ yếu sống nhờ vào tình thương của các mạnh thường quân và đặc biệt sự chăm sóc, nuôi nấng của các dì nơi đây.

Khi bình minh ló dạng cũng là lúc chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà thờ gỗ mà vị sáng lập trại, Đức Cha Cassaigne, đã xây dựng lên từ mấy mươi năm về trước. Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay mang một sắc thái đặc biệt mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi được tham dự: kinh Mân Côi đầu lễ được thay phiên từng chục kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha, Kinh Sáng Danh bằng tiếng Việt và tiếng K’Ho, Thánh Lễ với bài đọc 2, Kinh Tin Kính, Kinh Cám Ơn sau lễ bằng tiếng K’Ho.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật nói đến việc Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Trong bài giảng lễ Cha chủ tế cũng nói đến đức tin, ngài nói rằng gần 50 ca viên chúng tôi đến đây “đã làm cho bầu khí phụng vụ của chúng ta trở nên ấm áp hơn, và có thể nói làm cho Thánh Lễ này thực sự đem lại rất nhiều ấn tượng cho chúng ta. Không những họ chia sẻ cùng một đức tin với chúng ta trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa hằng sống mà chính chúng ta cũng đang chia sẻ một đức tin mạnh mẽ của chúng ta cho họ nữa. Không phải họ đến với chúng ta trong tư cách của những người là ân nhân chia sẻ tình thương, chia sẻ những gì họ có cho chúng ta mà thôi, nhưng họ cũng trao ban cho chúng ta một niềm tin để chúng ta thấy rằng tất cả mọi nơi, mọi lúc, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và họ cũng trao ban đức tin đó cho chúng ta. Không những chúng ta đón nhận, chúng ta cũng đã và sẽ trao ban cho họ một trong những điều căn bản mà đời sống của chúng ta hằng ngày, chúng ta vẫn đang sống và làm chứng tá, chính là niềm tin mạnh mẽ của chúng ta trong đau khổ, đây có thể nói là sự nâng đỡ rất lớn, sự chia sẻ đức tin rất lớn cho chính bản thân của họ, là những người trẻ trong hoàn cảnh sống phồn hoa và có nhiều biến động hơn tất cả chúng ta. Chúng ở trong khung cảnh rất đầm ấm, bình an, còn chính họ phải qua nhiều thử thách gian nan trong môi trường sống đầy sôi động cũng như thách thức khắc nghiệt. Và vì vậy khi trở về với hoàn cảnh sống của mình, chính niềm tin và sự nâng đỡ đức tin của chúng ta là những người đã trải qua rất nhiều năm tháng trong đau đớn của bệnh tật về tinh thần cũng như thể xác, sẽ là một sự nâng đỡ rất lớn đức tin của họ để chính trong những thử thách gian nan đó, chính trong những giờ phút khủng hoảng niềm tin nơi Chúa và nơi con người họ nhìn đến Thánh Lễ hôm nay, nó là một ấn tượng để chia sẻ và trao ban niềm tin đến cho họ”.

Sau Thánh Lễ, tất cả mọi người tập trung về sân chính trước khu hành chính của Trại, tất cả mọi người tham dự Thánh Lễ, từ các cụ già cho đến các trẻ nhỏ đều được tham dự một buổi ăn sáng trong huynh đệ. Các em nhỏ được tập trung thành vòng tròn và sự tận tụy của các ca viên đã mang đến cho các em một buổi ăn sáng ngon lành dưới cái nắng dịu nhẹ của vùng cao, các chị xé từng thớ thịt cho các em nhỏ, chăm chút từng li từng tí cho các em để các em có thể hoàn tất phần ăn của mình.

Theo các dì, đã lâu rồi mới có một cuộc quy tụ thật đông đảo như hôm nay vì thường thì các đoàn công tác xã hội lên đây vào ngày thường nên các em người đi học, người đi làm. Chính vì đông đảo thiếu nhi như vậy, khoảng 90 em, nên sau khi ăn sáng các em tham dự vào các trò chơi vận động rất hết mình, nét hớn hở vui tươi lộ rõ trên khuôn mặt của các em và theo nhận xét của các anh chị thành viên trong đoàn thì bọn trẻ đã chơi hết mình. Chẳng những trẻ con, thiếu niên mà một vài người lớn mang bệnh thiểu năng, trí tuệ kém phát triển cũng tham gia trò chơi một cách hứng thú.

Sau gần một tiếng đồng hồ vui vầy bên nhau, các trẻ em lại được cười vui thích thú vì được xem phim Tom và Jerry trên màn ảnh máy chiếu của đoàn trang bị mang theo. Trong khi trẻ con xem phim, thì một Việt kiều tên Phương và một người bạn Pháp cũng đến đây chia sẻ những phần quà cho các gia đình bệnh nhân trong trại. Thật là quý báu khi có sự chung sức tài trợ hiện vật, hiện kim của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để những gia đình bệnh nhân phong có thể có cái ăn cái mặc.

Theo lời các dì ở đây, thì dẫu cho một số người còn có thể lao động được khi cơn bệnh không còn bộc phát hay như con em họ cũng không nhiễm bệnh do đây là căn bệnh không di truyền và các dì cũng đã chăm sóc để con cái họ không bị lây nhiễm thì họ cũng chỉ có thể gieo trồng vườn tượt nhỏ để có chút ít rau để sống thôi chứ trong trại hoàn toàn không thể trồng trọt, sản xuất gì được. Bởi lẽ một điều thật đơn giản là sản phẩm của trại phong thì không có nơi tiêu thụ! Con em của các gia đình trong trại cũng đi làm thuê làm mướn khi mùa vụ thu hoạch cà phê, nhưng số tiền kiếm được cũng nhỏ nhoi do xuất thân của họ. Do hoàn cảnh như thế nên đa số quần áo, trang phục của họ đều phải dựa vào những người hảo tâm, khi thì quần áo cũ, khi thì chăn màn chiếu, khi thì đồ mới… cái nào vừa vặn thì mặc bằng không thì các dì sửa lại cho họ có cái mặc. Nhưng có một điều các dì đã lam được là hầu hết trẻ nhỏ trong trại đều lễ phép, đều được tài trợ đi học hết cấp 3 và tùy theo nguyện vọng mà các em cũng được tài trợ cho học đại học. Thành quả đạt được là đã có 02 bác sĩ là con cái bệnh nhân về phục vụ tại trại và 01 giáo viên cấp ba hiện đang dạy tại Di Linh.

Xem phim xong, các em mỗi người một phần quà ra về và 152 gia đình trong trại cũng được chúng tôi gởi đến những phần quà nghĩa tình chia sẻ. Từ ba tháng trước, ban tổ chức đã bắt đầu kêu gọi tất cả các ca viên trong các ca đoàn dành dụm, bớt chi xài để có tiền giúp các bệnh nhân cũng như ai có điều kiện thi kêu gọi quyên góp trong anh em, bè bạn.

Những ngày cuối trước chuyến đi, ngoài tiền bạc ra, từng thùng hàng, từng bao đồ cũ nhưng còn sử dụng được của anh chị em được gởi tới tấp, và chúng tôi cũng đã mua thêm cho mỗi gia đình một áo mới hay xấp vải để giúp họ có cái mặc. Gạo, mì, nuớc tương, dầu ăn, quần áo, tập vở, bút viết… những thứ tưởng chừng bình thường đối với chúng tôi ở xứ Sài Gòn phồn hoa đô hội nhưng lại là những thứ mà biết bao người nghèo khổ khốn cùng nói chung, các gia đình bệnh nhân phong nói riêng cần đến và trông chờ sự trợ giúp của những người con cái Chúa cũng như các vị hảo tâm muôn phương. Cái nắng chói chang của buổi trưa đã làm các ông, các bà thấm mệt vì mới nhận quà của anh Việt kiều rồi quay sang nhận quà của chúng tôi. Một người trong đoàn chúng tôi nhận xét rằng họ nhận quà cũng thật khổ sở, mệt nhọc. Đa số trong họ hoặc già cả, hoặc thương tật hoặc mất sức hay là phụ nữ nên khi nhận một bao gạo mười ký cộng một số đồ lỉnh kỉnh cũng là quá sức.

Khi thăm các bệnh nhân nặng đang nằm điều trị trong bệnh viện chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự sạch sẽ, khang trang nơi đây. Bệnh viện cho bệnh nhân phong mà còn sạch sẽ, tươm tất hơn rất nhiều bệnh viện ở Sài Gòn mà chúng tôi có dịp ghé qua. Ngạc nhiên là thế nhưng trong lòng tôi không khỏi cảm phục công sức của các dì đã tận tụy chăm sóc cho các bệnh nhân.

Trong giờ nghỉ ngơi chờ cơm trưa chúng tôi được trò chuyện cùng Dì Bề trên nơi đây, Sr. Mai Thị Mậu. Chỉ mới tối hôm qua thôi, dì nói với một người trong ban tổ chức chúng tôi rằng dì hơi đau chân, nhưng từ sáng đến trưa hôm nay, từ trước Thánh Lễ đến lúc trò chuyện, dì cứ thoăn thoắt chạy ngược chạy xuôi, giọng nói sang sảng, rõ ràng mạch lạc làm cho chúng tôi thật nể phục, không ai nghĩ rằng dì đã ở độ tuổi 68, ở độ tuổi mà dì có thâm niên 40 năm quản lý Trại phong này. Dì đã cho chúng tôi có dịp tìm hiểu về những phong tục của người K’Ho, trong đó đáng chú ý nhất là phong tục theo mẫu hệ, người dì hoặc người cậu rất quan trọng đối trong gia đình. Khi người vợ chết đi thì người người chồng phải trở về gia đình sinh sống, các con phải ở lại bên vợ. Người chồng muốn sinh sống bên vợ, và nuôi dưỡng con mình thì phải làm một lễ xin phép và có sự đồng ý của người dì hoặc cậu. Dì cũng kể rằng có những tục lệ bồi thường rất khắc nghiệt, nhiều tiền của, dì phải quyết liệt và giảng giải về tình thương trong Chúa Kitô họ mới bỏ những luật tục đó.

Tại trại phong, chúng tôi cũng được tiếp xúc với các nữ tu khác, các dì luôn cởi mở, thân tình trong trò chuyện và thường nhắc đến những đau đớn và khổ sở mà người bệnh và gia đình của họ phải gánh chịu. Có những nữ tu còn rất trẻ, đến nỗi một số anh trong đoàn chúng tôi phải trầm trồ: “Dì sao mà xinh đẹp thế!?!”. Con cái Chúa là thế đó, bỏ qua tất cả, tiền tài, danh vọng, nhan sắc để dấn thân phục vụ những người bị xã hội khinh khi, miệt thị khi mắc trong người căn bệnh nan y. Điều này làm tôi nhớ một câu mà một linh mục đã viết trên mạng: “Yêu chính là hy sinh, bạn có dám yêu chăng?”. Cầu xin Chúa ban cho các dì ở đây luôn yêu thương các bệnh nhân nghĩa là hy sinh tất cả để đền đáp tình yêu mà Chúa đã ban cho chính mỗi con người.

Cuộc hành trình kết thúc, nhưng đọng lại trong chúng tôi là một câu nhắc nhở của chị Hạnh trong Ban tổ chức: “Hãy chắp nối những cuộc hành trình như thế này để tạo nên cuộc đời đi tìm ‘kho báu’”.

Thay mặt ban tổ chức, qua bài viết này, tôi xin cám ơn các ân nhân đã đóng góp tiền bạc, hiện vật để anh em chúng tôi thể thực hiện hành trình đến với các bệnh nhân phong. Xin cám ơn Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Sài Gòn, Cha Sở và Quý Cha trong Giáo Xứ Xóm Chiếu luôn nâng đỡ tinh thần, khích lệ chúng con thực hiện chuyến công tác này. Xin cám ơn Ba Mẹ anh Minh đã thu xếp chỗ ở cho gần 50 người chúng tôi thật chu đáo. Xin cám ơn Cha Sở Giáo xứ Di Linh đã đến dâng Thánh Lễ và khích lệ chúng con, cũng như các Dì đã giúp sức chúng con rất nhiều để chúng con có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu, giúp đỡ gia đình các bệnh nhân và vui đùa cùng các em nhỏ.

Cầu mong sao các ca đoàn, các hội đoàn trong các giáo xứ có điều kiện cũng đến với những người nghèo khổ, bệnh tật, khốn cùng để họ được ủi an, chia sẻ cũng như chúng ta, những người con cái Chúa, thực hiện Lời Chúa dạy: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han". (Mt 25,35-36).
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tiếng cồng chiêng của giáo dân Mường nơi linh địa Thái Hà
Tiều Phu
11:53 26/08/2008
Nhật ký Thái Hà ngày 26/08/2008: Tiếng cồng chiêng nơi linh địa



Lúc 8h30

Đảo qua linh địa xem có gì khác lạ, vô tình chúng tôi nghe được câu chuyện giữa một tu sĩ của tu viện Thái Hà với một anh công an đeo quân hàm đại úy:

- Bác Thảnh đấy à.
- A, chào ngài.
- Trật tự an ninh đêm qua ở đây thế nào hả bác?
- Chẳng có chuyện gì cả.
- À bác này, chúng tôi đọc sơ qua báo chí nhà nước, thấy nói rằng chính giáo dân chúng tôi cắt ảnh Đức Mẹ, rồi rắc cát lên. Hôm ấy, có cả bác chứng kiến, có cả em chứng kiến và bao nhiêu nhân viên an ninh chìm nổi chứng kiến là chính một anh thanh niên đeo băng đỏ của công ty may Chiến Thắng trèo lên cắt ảnh xuống. Vậy mà báo chí xuyên tác, vu khống cho người giáo dân chúng tôi đến như thế mà các bác để yên được sao!
- Ối giời, báo chí bây giờ…!
- Vậy thì các bác phải đứng ra làm chứng để người dân đừng tin cái chuyện nhảm nhí, bịa đặt của báo chí nữa.

Anh đại úy ầm ừ, nói lí nhí điều gì đó chúng tôi nghe không rõ, rồi anh lẳng lặng đi chỗ khác.

Xem hình ảnh các buổi cầu nguyện tại Thái Hà ngày 26.8.2008

Lúc 12h5

Nghe biết có đoàn hành hương nào đấy mang cồng chiêng đến linh địa cầu nguyện, chúng tôi liền trở lại xem sự thể thế nào. Đứng trước linh đài lúc này là ba tu sĩ mặc áo dòng, trong khi đó giáo dân đứng xung quanh. Sau lời kinh truyền tin, tiếng cồng chiêng nổi lên vang vọng khắp linh địa. Mấy người với trang phục dân tộc Mường, vừa đánh công chiêng vừa ứa lệ. Họ mừng rỡ và xúc động không sao cầm được nước mắt khi đến viếng thăm linh địa và cầu nguyện cách riêng cho giáo xứ Thái Hà. Một bà tâm sự: “Xem truyền hình mấy ngày qua, chúng tôi sốt ruột quá, cầu nguyện ở nhà cũng không được, nên đành phải xuông đây”. Tình thương mến thương của dân Chúa là vậy!

Lúc 15h

Biết có thêm một đoàn hành hương nữa đến cầu nguyện tại linh địa, lực lượng an ninh và bảo vệ được tăng cường. Có một dân phòng không biết được tăng cường từ đơn vị nào đến, phóng xe thẳng vào tu viện, tay cầm dùi cui, miệng hỏi thăm: “Đất nhà thờ Thái Hà đang có tranh chấp nằm ở chỗ nào bác nhỉ?” Ông từ giữ đền Đức Mẹ đơn sơ, vui vẻ trả lời: “Đi qua đền thánh Giêrađô, rẽ phải, rồi đi thẳng là tới”.

Đoàn hành hương vừa đến, kết hợp với đoàn hành hương dân tộc Mường, rước quanh linh địa hai vòng. Họ vừa đi vừa đọc kinh trong tiếng cồng chiêng trầm bổng. Mấy tay quay phim, chụp hình của Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) tha hồ quay chụp. Họ bò ra cả đất mà quay. Chắc tối nay hoặc ngày mai, dân Việt Nam lại phải chứng kiến những cảnh mà đài truyền hình “phù phép” để bôi nhọ giáo dân Thái Hà.

Lúc 19h20

Thánh lễ tối kết thúc, giáo dân lại đi sang linh địa cầu nguyện. Buổi cầu nguyện tối nay sống động hơn hẳn, vì có tiếng cồng chiêng của anh chị em dân tộc Mường. Tưởng rằng họ đã trở về với rừng núi sau buổi cầu nguyện ban chiều, ai ngờ tối nay họ vẫn còn đây. Nghe nói, có lẽ họ sẽ tiếp tục ở đây cầu nguyện cho công lý và sự thật được sáng tỏ nơi giáo xứ Thái Hà.
 
Tôi đứng ở Thái Hà mà suy tư
Mai Hạnh
12:44 26/08/2008
TÔI ĐỨNG Ở THÁI HÀ MÀ SUY TƯ

Diễn tiến ở Thái Hà vẫn không thay đổi, những thông tin mới nhất cho thấy cả hai bên không dừng bước. Người dân ở Thái Hà dựa vào đâu để tiếp tục kiên trì đấu tranh ? Phía chính quyền dựa vào đâu để “cương quyết” dẹp bỏ ?

Một lần nữa Vatican sẽ can thiệp để giáo sĩ tại Thái Hà cùng với giáo dân “cuốn cờ” lui bước như cuộc “cuốn cờ” ở Tòa Khâm sứ ?

Không chắc.

Vì đã một lần Vatican tỏ thiện chí, nhưng vấn đề kéo dài không giải quyết, bài “ c…trâu để lâu hóa bùn !” Vatican đã ngộ ra, chắc chắn Vatican đã thấy những giọt nước mắt của người giáo dân Hà Nội khi nghe lời cha của mình “cuốn cờ”. Thấy những giọt nước mắt là thấy được lòng trung tín, thấy được nỗi oan khiên, thấy được lòng hy sinh đại độ.

Chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của phái đoàn Tòa Thánh nói lên điều gì ? Tại sao không như những chuyến đi trước: Hà Nội, Huế và Saigon ? Thăm một số dòng tu, thăm một số chủng viện, cử hành thánh lễ, họp mừng vỗ tay ? Mà lại là Hà Nội, Quảng Trị và Đalat, có phải Tòa Thánh muốn nói với người giáo dân Việt Nam rằng, Tòa Thánh ủng hộ cuộc đấu tranh cho công lý và sự thật ? Tòa Thánh muốn gọi đích danh tên của chuyến đi là “ Tòa Khâm sứ, La Vang và Giáo Hoàng Học viện ? Những cơ sở đã bị cưỡng đoạt trong quá khứ.

Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chính quyền cho biết: không phải giám mục nào cũng đồng ý với các ông” ( nói với các cha ở Thái Hà ). Cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt bước vào phòng họp thường kỳ 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ( HDGMVN ), chắc chắn vấn đề được đặt lên bàn hội nghị, Đức Tổng Giám Mục bước ra vẫn vẻ mặt bình an và vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh, gần đây, ngài còn viết thư an ủi và khích lệ Thái Hà. Phải có sự đồng tâm nhất trí của HĐGMVN, đó là điều chắc chắn.

Có thể có một vị giám mục nào đó trong một phút nao lòng nói vài câu đẩy đưa, có thể có những vị giám mục im lặng không lên tiếng, nhưng như thế không phải là không đồng ý và phản đối cuộc đấu tranh. Hãy trở lại quá khứ một chút, vụ phong thánh cho các anh hùng Tử đạo tại Việt Nam, trừ mấy “cụ quốc doanh” mà ai cũng biết tận tường là đã bán lương tâm, còn lại thì tất cả các giám mục Việt Nam, kể cả các giám mục im lặng, kể cả vị giám mục “một phút nao lòng nói vài câu đẩy đưa”, vị nào cũng lập bàn thờ “Andre Dũng Lạc và các bạn tử đạo tại Việt Nam” khẩn cầu đêm ngày, năm nào cũng “cúng giỗ” thật hoành tráng. Nói các Đấng không bằng lòng, phản đối là mơ ngủ hoặc là một trò chia rẽ rẻ tiền.

Các dòng tu thế nào ? Chắc chắn sẽ ủng hộ, chí ít là ủng hộ bằng lời cầu nguyện, mà các anh chị em ở Thái Hà cần nhất là lời cầu nguyện. Họ ủng hộ vì nhà dòng nào cũng bị áp bức, bị lấy đất, lấy cơ sở một cách trắng trợn, táo tợn hơn là lấy để làm những chuyện đồi bại ( vụ lấy cơ sở làm vũ trường, mại dâm, ma túy, phá thai, … ).

Dòng Chúa Cứu Thế thế nào, Cha Giám Tỉnh đã viết thư cho anh em trong Tỉnh Dòng: “sinh mệnh anh em nhà Hà Nội gắn liền với sinh mệnh của từng anh em”, đã là quá rõ.

Tin vào Chúa và tin vào sức mạnh quyền năng của Chúa, tin vào Mẹ và tin vào tình thương che chở của Mẹ, tin vào sự nghiệp của Hội Thánh không quyền lực nào phá nổi. Người giáo dân và giáo sĩ Thái Hà tiếp tục con đường của mình.

Về phía chính quyền

“Cương quyết” vì bị áp lực từ nhiều phía,

Muốn bảo vệ quyền lực, muốn chứng tỏ mình có quyền. Sẽ bị va chạm tự ái nếu giáo dân có những lời lẽ và hành động thiếu tôn trọng, vì thế cương quyết trở thành “cương quyết” trong ngoặc kép.

Bị áp lực từ những người có chức có quyền, họ đã nuốt hết tài sản và chia ba chia bảy rồi, tiền đã vào túi để chuyển ra nước ngoài rồi, không thể nhả ra được nữa, phải làm cho đến cùng, phải bịt miệng và phải trấn áp bằng bạo lực cho im tiếng. Thế nhưng “ai ăn mà bây giờ mình phải chịu”, chẳng dại gì chạm vào thần thánh, nên cương quyết trở thành “cương quyết”.

Tôn giáo là một ngưỡng riêng của con người, nhiều lần có kẻ dại dột dùng vũ lực súng ống mà triệt phá đập hạ, nghe đâu đã phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình. Có đem vũ khí và mọi thứ của vũ lực bước vào cái ngưỡng mênh mang không hề biết như vậy được không ? Thế là cương quyết thành “cương quyết”.

Vì thế chắc là: Giáo dân vẫn kiên trì như đã vẫn kiên trì, chính quyền sẽ ra thêm nhiều văn bản nữa cũng chẳng đi đến đâu. Vấn đề chỉ giải quyết được khi chỉ ra và có biện pháp với bọn người tham nhũng cướp của giữa ban ngày mà thôi.

Thái Hà ngày 26/8/2008
 
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là ...quan !
Kim Long
12:45 26/08/2008
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là. ..quan !

Bằng mọi xảo thuật từ tinh vi đến hạ đẳng, một số quan tham của chính quyền đã cố “hô biến” miếng đất của giáo xứ Thái Hà để chia chác. Đó là một khu đất có chủ (có đầy đủ tất cả những giấy tờ cần thiết để chứng minh trước pháp luật) mà đúng ra các tổ chức nhà nước phải đứng ra bảo vệ nếu họ biết tuân hành luật pháp đích thực chứ không phải chỉ nói suông.

Mất lòng tin hoàn toàn vào tính “chí công, vô tư” của các nhà hữu trách, giáo dân và tu sĩ cũng phải đứng ra tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Họ đòi hỏi công lý bằng cách thắp nến cầu nguyện trong ôn hoà. Trong ánh nến và lời kinh, họ cầu mong cho công bằng và sự thật được nảy mầm trên đất Việt nhiều đau thương. Đó cũng là tiếng nói chung của những người thành tâm, thiện chí giữa một xã hội mà sự gian trá đang làm kim chỉ nam cho tất cả mọi hành động hoặc là gần như thế.

Dùng cường quyền để chiếm đất và để che đậy hành vi này, chính quyền đã không ngần ngại sử dụng đến phương tiện truyền thông đại chúng. Truyền hình cũng như truyền thanh và báo chí của Hà Nội mấy ngày gần đây đã không ngớt lời kết án chỉ trích các tu sĩ và linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và bà con giáo dân giáo xứ Thái Hà đủ chuyện. Những chuyện họ đăng lên toàn láo toét. Thật là nực cười vì cách làm việc hết sức ngây ngô và ấu trĩ của một số nhà báo tham gia vào vụ việc này. Ngây ngô vì họ tưởng là những người nghe, người đọc báo ngày nay dễ dàng tin vào những điều gian trá họ loan !! Sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã lâu nên ai cũng thừa hiểu cung cách làm việc “vừa ăn cướp vừa la làng” này của quý vị lắm rồi. “Biết rồi, khổ quá, nói mãi”. Ấu trĩ ! Là vì đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba gần thập niên rồi mà mấy ông nhà báo này vẫn còn lơ mơ, lẫn lộn giữa chuyên môn của mình là nhà báo chứ không phải là thẩm phán. Đáng ra họ phải đưa tin khách quan và chính xác, thì họ lại “cả vú lấp miệng em”, vu khống và kết án bậy bạ. Họ tạo ra những màn kịch, tạo ra những giáo dân giả để nói những lời vu vơ. Cách làm việc vừa khôi hài vừa rẻ tiền đã phản tác dụng ! Nếu họ làm kiểu này trong những đất nước có nền dân chủ thật sự thì chắc là họ đã phải hầu toà vì cái tội nói bậy. Các nhà báo này không biết sự thật hay không muốn biết sự thật về chuyện đang xảy ra ở Thái Hà? Để trả lời, đòi hỏi họ phải đặt mình trước lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Chọn lựa của họ là gì ? Là trách nhiệm và lương tâm trước công lý và sự thật hay kiểu “lương tâm không bằng lương tháng”? Nội dung và cung cách đưa tin của họ đã nói lên tất cả !

Tuy nhiên trong chuyện này mới thấy được dã tâm của những người điều hành phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ta.

Đã từ lâu những người Công giáo đã bị xếp vào công dân hạng hai mặc dù họ cũng đã và đang thực hiện những bổn phận của những người công dân có trách nhiệm với lương tri và với hồn thiêng dân tộc. Chỉ cần đánh giá một cách khách quan những gì họ đã và đang đóng góp cho quê hương thì ai cũng nhận ra lòng yêu nước của họ. Tuy nhiên họ vẫn bị phân biệt đối xử vì họ đã yêu nước mà không muốn hoặc không thể yêu chủ nghĩa xã hội; vì họ không muốn “làm tôi hai chủ”. Họ phải chọn Thiên Chúa hơn chủ nghĩa cộng sản.

Trong những văn bản pháp lý thì người ta nói là bảo vệ họ nhưng thực tế thì người ta làm khác. Thực chất những văn bản pháp lý đó được tạo ra chính là để có cái gì đó có thể nói khi Nhà nước bước ra khỏi lỹ tre làng bang giao với thế giới tiên tiến.

Báo chí và các phương tiện truyền thông của Nhà nước đã lợi dụng việc Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế và bà con giáo dân Thái Hà phản đối việc đất đai của mình bị “tham quan” dùng bạo lực cưỡng chiếm một cách bất công, phun ra những lời vu khống, xuyên tạc sự thật bất chấp lương tri và lẽ phải. Hành động của báo chí và giới truyền thông chính là muốn tạo ra một sự hiểu lầm giữa những người Công giáo và không Công giáo, tạo nên sự mâu thuẫn và hiềm khích giữa họ. Mặt khác cũng nhân cơ hội này chính quyền muốn đè bẹp luôn uy tín của Dòng Chúa Cứu Thế và bà con giáo xứ Thái Hà. Đây có thể được xem như là kế “ly gián”. Nó thật là thâm độc và nham hiểm nhưng cũng chẳng làm được gì đâu. Vì chân lý luôn mãi là chân lý, còn bạo quyền xảo trá sẽ bị diệt vong.

Khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi được dạy phải căm thù chế độ phong kiến. Vì trong xã hội đó không có công bằng mà chỉ có bóc lột, tóm lại là các loại cướp. (Đúng hay sai thì lịch sử sẽ trả lời). Nhưng cướp có hai loại là cướp đêm và cướp ngày. Kẻ cướp ban đêm được gọi là giặc, còn cướp ngày là quan. Đó là ngày xưa. Ngày nay thì sao, bọn cướp ngày còn nữa không? Hãy lượt xem những gì đang xảy ra trên quê hương đất nước Việt Nam, ở nhà thờ Thái Hà hiện nay là chúng ta có ngay câu trả lời. Phải thừa nhận là các “tham quan” ngày nay cướp còn có tổ chức và tinh vi hơn ngày xưa nhiều lắm vì có các cơ quan ngôn luận rầm rộ trợ lực. Đâu rồi tiếng nói của những quan thanh liêm có lòng tự trọng và có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước và của cả dân tộc?

Tội nghiệp bà con giáo dân Thái Hà không quản nắng mưa, hy sinh, chịu khó để bảo vệ công lý. Đòi cho công lý được thực hiện chính là không chấp nhận, đồng loã với bất công, với cái ác. Ăn thua một mảnh đất là chuyện nhỏ, nhưng hy sinh cho chính nghĩa là hành vi của thánh nhân. Nói không với gian trá và bất công là một ơn gợi của Ngôn sứ Chúa Kitô.
 
Nghe LM Nguyễn Văn Khải phát biểu quan điểm với Chủ tịch UBND Quận Đống Đa
PV VietCatholic
16:06 26/08/2008
Linh mục Nguyễn Văn Khải phát biểu quan điểm với Chủ tịch UBND Quận Đống Đa chiều ngày 22.8.2008

Điều đầu tiên tôi xin thưa là chúng tôi là dân, là công dân của đất nước Việt Nam, là công dân của Quận Đống Đa này. Việc các vị xuống với chúng tôi là càng hiếm rồi, nhưng chúng tôi lên đây cũng hiếm. Cực chẳng đã thì thảo dân mới đến cửa công quyền.

Hôm nay chúng tôi lên đây là cơ hội để chúng ta trao đổi với nhau và để các cán bộ nghe tiếng nói của nhân dân. Cho nên phải cho chúng tôi cơ hội để trình bày, chứ nếu chỉ đến để thông báo thì tôi nghĩ ông chỉ cần làm cái thông báo gửi xuống Nhà thờ, thế là xong.

Thứ hai là vừa rồi tôi nghe, thấy Cha Chính xứ và ông Chủ tịch đều có chung mục đích là giải quyết cho ổn thỏa vụ này, là có an ninh trật tự ổn định xã hội. Nhưng cha Chính xứ muốn ổn định an ninh trật tự từ chiều sâu, từ trong lòng dân, còn ông Chủ tịch thì chỉ muốn an ninh trật tự ở bên ngoài. Nhưng không hiểu chữ an ninh trật đó như thế nào, chứ tôi thấy thì có mấy anh công an và ông Chủ tịch Phường đấy thấy, giáo dân đi ra đi vào xếp hàng rất trật tự ngăn nắp và cầu nguyện đúng giờ, đúng buổi sớm, trưa,chiều tối. Không ai có hành động gì quá khích cả.

LM Khải và các LM Thái Hà gặp chủ tịch Quận Đống Đa
Trong lời của ông Chủ tịch, tôi thấy cứ lặp đi lặp lại từ “quá khích”?, tôi thấy so với các nhóm dân về đây biểu tình, khiếu kiện tập thể như các nhóm dân ở xung quanh Hà Nội này thì chúng tôi rất an tâm về giáo dân của mình, bởi giáo dân rất kiềm chế, không có bạo lực bằng lời nói cũng như hành động. Ngay cả việc ông nói đe dọa công nhân của Công ty May Chiến Thắng, tôi nghĩ là phải hiểu ngược lại. Chúng tôi có quay phim chụp hình đoạn đó.

Khi công ty may Chiến Thắng sang xúc phạm đến ảnh tượng, phông bạt của người ta, thì người ta có ý kiến lại, nhưng khi Cha Phong ra nói một câu là giáo dân bỏ hết đi về ngay, để cho họ lấy bạt và ảnh đi. Cho nên chúng tôi an tâm và tự hào về giáo dân của mình rất biết kiềm chế, nếu như những nhóm dân khác, thì chúng tôi nghĩ là có xung đột lớn. Những công an làm việc ở hiện trường biết điều đó.

Điểm thứ ba là việc giữ gìn pháp luật, chúng tôi phải thưa với quý vị thế này: Chúng tôi là những người tu hành, giảng dạy đạo lý, nếu chúng tôi không tuân theo pháp luật, thì không thể nào nói được ai. Chúng tôi dạy dân sâu hơn cả pháp luật nữa là tuân theo đạo đức, tuân theo lương tâm mình.

Các linh mục đã hết sức kiềm chế và giáo dân cũng thế thôi, để thực thi theo đúng pháp luật. Giáo dân có cách hiểu pháp lý theo cách của họ. Không biết nhà nước dạy dân về pháp luật đến đâu, nhưng căn cứ vào các lý lẽ, thì mảnh đất ấy vẫn là mảnh đất của Nhà thờ. Vì đất ấy chưa bao giờ Nhà nước ra quyết định tịch thu, chưa bao giờ nhà nước thuê, chưa bao giờ nhà nước mua. Nhà thờ cũng chưa bao giờ cho mượn, hiến tặng, bán. Mà chủ thể sở hữu đó là Nhà thờ thì hiện diện liên tục hơn 80 năm nay. Đó là cộng đồng giáo dân ở Họ đạo Nam Đồng, nay là Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà hiện diện từ cuối thế kỷ 19. Chúng tôi còn giữ những giấy tờ bằng chữ nho, tiếng Pháp và tiếng Việt liên quan đến khu đất ấy nữa. Đó là mua của ai, quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào.

Vậy thì quý vị cũng phải hiểu cho rằng về căn bản luật pháp là vẫn thuộc quyền sử dụng của họ. Nếu Nhà nước có ra luật là đất đai thuộc sở hữu toàn dân đi chăng nữa, thì quyền sử dụng vẫn thuộc của họ. Trong cảnh họ thấy các cơ sở tôn giáo bên trong mảnh đất bị phá, thì tôi cũng thấy đau lòng dù tôi mới vào đó có một lần thôi. Nhưng căn cứ các hình chụp ngày xưa, thì tôi thất rất đau lòng khi các cơ sở tôn giáo bị xúc phạm như thế.

Ngay khi phá các cơ sở tôn giáo bên trong, thì có mấy nhà họ lấn làm nhà ra giữa đường, rồi họ làm nhà sâu vào bên trong khu đất, họ mới lấn, mới làm chưa được 1 năm nay. Họ xâm phạm công khai như thế mà không ai xử lý cả?

Rồi Công ty Chiến Thắng còn phá tường, làm con đường bê tông lớn đi vào, rồi phân lô khu đất ra. Dân đến nói với chúng tôi là chúng tôi mua đất ở đây thế này, thế kia. Người dân có hiểu biết luật pháp trong mức độ của họ, nên họ đã hành động.

Theo như tôi thấy, nếu quả thực quan tâm đến đời sống của dân thực, thì các ông thấy nội thành Hà Nội 4 quận cũ chỉ có 6 nhà thờ. 6 nhà thờ đó cho một thành phố chỉ có 500.000 dân thời Pháp mà thôi, bây giờ dân số Hà Nội đã 3.000.000 dân, dân Công giáo tăng lên rất nhiều mà 6 cơ sở cũ đất nhà thờ nào cũng bị thu hẹp lại. Như nhà thờ chúng tôi, bản đồ là hơn 60.000 mét vuông, nay chỉ còn hơn 2.700 mét vuông. Ông chủ tịch thấy ngày thứ bảy, chủ nhật thế nào? Hết cả đường đi lối lại, không đi nổi, tôi mà đi đâu về khi đang làm lễ, thì phải ở ngoài phố hoặc nhà dân đợi lễ xong mới về được. Hàng chục nghìn người vào thứ 7, chủ nhật. Đang khi đó thì đất của Nhà thờ bỏ không, bỏ hoang, rồi bán chia nhau.

Các ông phải xem vấn đề bức xúc là từ đâu? Mình phải xem tìm an ninh thế nào? Tôi biết rằng nhà nước mình đây đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, chúng tôi luôn luôn mong muốn một nhà nước có tính chất pháp quyền bao nhiêu càng tốt cho dân bấy nhiêu, tốt cho các cán bộ thi hành nhiệm vụ của mình bấy nhiêu.

Bời thế, nên chúng tôi xin các ông cho chúng tôi cơ hội để trình bày, để các ông biết lắng nghe lời dân, chúng tôi đây cũng là dân của các ông cả. Các ông xem người có đạo trong Thành phố này gia tăng bao nhiêu. Chỉ xung quanh Hồ Tây đã có 600 di tích, đền, chùa, miếu, vậy mà trong cả Thành Phố chỉ có 6 nhà thờ thôi mà đất lại thu hẹp như vậy. Mà bây giờ lại nghe bảo định thu hồi đất để làm công trình công cộng, làm đường… thì xin thưa với các ông, cứ xuống nghe tiếng dân thì thấy. Còn chúng tôi chỉ mong xã hội an bình, đất nước dân chủ, văn minh cho mọi người dân được cơ may hạnh phúc.

Tôi rất đau lòng khi thấy mình đây là anh em mà tranh cướp đất của nhau, đang khi đất của mình trên biên giới cửa khẩu Hữu Nghị quan, ở Trường Sa, Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm, trên biển bị Trung Quốc lấn. Đồng bào Thanh Hóa và giáo dân chúng tôi ở đảo Lý Sơn đánh cá trên biển Việt Nam mà bị Trung Quốc bắt, bắn chết. Đang khi trong nước tranh cướp đất của nhau mà ở bên ngoài như vậy?

Phải chi mình được bình an phát triển, mọi người đoàn kết với nhau để đương đầu với ngoại xâm. Các ông cứ vào các trang web của Trung Quốc, tôi đọc thấy đầy rẫy những trang, bài của chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc coi Việt Nam là thù địch và tìm cơ hội tấn công.

Vì thế, chúng tôi mong rằng các cấp chính quyền ở đây tạo điều kiện để giúp dân được bình an từ gốc.

Các cấp chính quyền cũng nên nói với báo chí truyền thông nên phản ánh chân thực, không nên vu cáo, xuyên tạc, chụp mũ, bôi nhọ… như vậy nó lại phản tuyên truyền.

Chúng tôi có thấy cán bộ đến để vận động thuyết phục giải tán bà con, chứ không phải để lắng nghe bà con về những bức xúc.

Chúng tôi không hành lễ bên ngoài, chúng tôi chỉ có hành lễ trong Nhà thờ, còn ngoài đó, giáo dân ra cầu nguyên và chúng tôi ra cầu nguyện cùng giáo dân. Các ông nên xem lại các khái niệm về Cầu nguyện và hành lễ, hành lễ khác và cầu nguyện khác nhau. Không bao giờ chúng tôi làm lễ ngoài đường bao giờ cả.

Về vấn đề pháp luật, các ông cho rằng khi giáo dân phá tường là vi phạm pháp luật. Nhưng xét từ gốc của pháp luật, thì khu đất đó đang là của Nhà thờ, nhà nước chưa có văn bản tịch thu, chưa mua, chưa mượn, nên họ quan niệm rằng họ làm đúng pháp luật.
 
Trả lời cho các bạn đọc của báo ''Hà Nội Mới'' cần biết
Dom. Phan Dũng
17:14 26/08/2008
BÁO HÀ NỘI MỚI CẦN BIẾT

Đọc các bản tin của Báo Hà Nội Mới quanh vụ việc Giáo Xứ Thái Hà. Từ lời lẽ của nhóm phóng viên hèn nhát luôn giấu mặt dưới cái tên Nhóm Phóng viên nội chính cho đến những ngôn từ trích đăng của một số công dân ảo có lai lịch không rõ ràng. Nhà không số, phố không tên, ai biết đâu mà lần hoặc các công dân chỉ có nick name hay dòng địa chỉ email mà có thể chủ nhân của nó ở đâu đó tít trong toà soạn báo Hà nội mới ( Có thể lắm chứ, có thể ai đó gứi mail quạt cho mấy tay công dân ảo đó một trận là coi chừng nhân thân của bạn đã nằm trong danh sách có hành vi chống phá XHCN). Các dòng tin đó đã đủ chứng minh cho người đọc về tư cách đạo đức của những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng này.

Dưới đây tôi xin trích đăng vài dòng và cũng có vài ý kiến nhỏ đối với những người không biết phân biệt phải trái này.

Bạn đọc Trần Minh Hiền ở 103 phố Cầu Đất, Hải Phòng viết: "Thưa cha Phụng! Con là một con chiên ngoan đạo. Từ trước đến nay con chỉ nghe các cha giảng dạy phải yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Vậy con xin hỏi cha mấy câu sau đây: 1. Nhân danh ai mà cha đã làm chuyện thất đức khởi xướng việc phá tường đòi đất, làm hình ảnh của Chúa bị hoen ố như vậy? 2. Cha cũng là một công dân, sao cha lại vi phạm pháp luật như vậy thì còn ai tin cha nữa?".

Với bạn Trần Minh Hiền. Tôi không tin bạn là người Công giáo, nhưng nếu bạn là người Công giáo hẳn chưa chắc bạn đã là con chiên ngoan đạo, vì nghe câu hỏi của bạn. Tôi thấy bạn không hề biết trong Phúc âm tường thuật chuyện Chúa Giêsu cầm roi đánh đuổi những người buôn bán làm hoen ố nơi thờ phượng. Bạn có biết hiện nay ngay tại Việt nam có bao nhiêu nơi thờ phượng bị những kẻ tham nhũng trong chính quyền hiện nay cướp trắng, không những chỉ buôn bán mà thôi, chúng còn biến những dòng tu, đất thánh thành ổ truỵ lạc, dâm ô, nhậu nhẹt, trác táng. Vụ Giáo xứ Thái Hà chỉ là một trường hợp điển hình chiếm đất mua bán sang tay kiếm chác để biến nơi thờ phượng thành nơi buôn bán. Còn thế nào là vi phạm pháp luật? Cha Vũ Khởi Phụng đã làm gì vi phạm?. nếu Cha vi phạm. Chính quyền đã chẳng để yên cho đến hôm nay, mà cũng chẳng cần chính quyền, Tự Giáo dân cũng đã tẩy chay Cha rồi. Chẳng lẽ, kêu gọi con chiên đấu tranh chống bất công áp bức, nêu cao tinh thần công bằng bác ái và coông lý cho Người Công giáo Thái Hà nói riêng và cho nhân dân Việt nam nói chung là vi phạm pháp luật. Nếu bạn chưa biết, hãy chịu khó đi tìm hiểu thực tế, hoặc giả có tiếc tiền du lịch tham quan các nơi bị chiếm đoạt thì nhín lại ít tiền chơi game để tìm các thông tin ấy trên Internet. Tìm hiểu xong hãy nói chuyện, đừng phát biểu bừa bãi như vậy, chỉ để làm cho người khác cười cho.

Bạn đọc Tony Manh ở 12 Rue de St. Marc Moncton, Canada, gửi. Bạn đọc này viết: "Là một người Việt sống xa quê đã trên 30 năm nhưng tôi vẫn hướng về nguồn cội với tấm lòng da diết. Từ mấy ngày nay, qua các trang mạng tôi biết tin giáo dân Thái Hà do sự xúi giục và ủng hộ ngầm của linh mục Phụng đã làm những chuyện tày trời là "phá tường chiếm đất" mà nếu ở đất nước Canada này thì đã bị cảnh sát bắt giữ".

Đối với Tony Manh: Không biết bạn sống ở Canada nhưng bạn có học hỏi được những điều tốt đẹp dân chủ công bằng ở đất nước ấy không. Nhưng tôi thấy bạn kiến thức quá thiển cận. Tại Canada làm gì có chuyện Nhà nước chiếm đất của dân, đặc biệt là chiếm đất của các tôn giáo, thế nên họ không có chuyện dân oan biểu tình đòi đất. Vì sao Bạn biết không. Một thằng quan chức tham ô nào đó chỉ manh nha chiếm đất bất hợp pháp của bất cứ sở hữu nào là chính quyền đã tóm cổ bỏ tù thằng đó rồi. Họ làm như vậy đấy nên làm gì để đến lúc “Phá tường chiếm đất” để bị bắt bỏ tù. Tôi nói thế hẳn bạn phải hiểu, còn chưa hiểu thì như dân mạng thường nói botay.com với đầu óc bã đậu của bạn thôi.

Bạn Minh Quân ở số 4 Hàm Long, Hà Nội cho biết: "Tôi rất buồn vì những sự kiện xảy ra ở nhà thờ Thái Hà. Hằng ngày, hình ảnh giáo dân mang ảnh Chúa để vào những nơi không đúng với quy định của giáo luật rồi cầu nguyện đã làm trái tim hàng trăm người công giáo nhói đau".

Với Minh Quân: Bạn viết thế tôi không biết bạn buồn vì chuyện gì? Bạn rất buồn và hàng trăm trái tim người công giáo nhói đau vì tại Thái hà bị oan ức đến nỗi phải mang ảnh Chúa để vào những nơi không đúng với quy định của Giáo luật để cầu nguyện? Nếu bạn buồn vì chuyện đó thì rất cảm ơn về sự hiệp thông của bạn. chỉ xin đính chính lại một điều là hàng triệu trái tim người Công giáo chứ không phải hàng trăm. Tuy nhiên nếu bạn cho rằng bạn buồn vì giáo dân đã vi phạm khi mang hình ảnh Chúa để cầu nguyện tại nơi không xứng đáng thì bạn lầm to. Bạn nên nhớ rằng. Ngay từ khi chuẩn bị rước lễ lần đầu bạn đã được dậy rằng: Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng nghe tiếng ta cầu xin. Chúa hiện thân cả ở bụi gai với Ông Môisê, Chúa ở trên núi Tabor hoang vắng… và trong lịch sử cấm đạo hàng mấy trăm năm tại Việt nam, lịch sử vu oan để cầm tù các nhà Dòng của Cộng sản Việt nam hồi thập niên 70 và 80 trước đây. Các Cha thường phải giấu cả Chúa trong tù nữa đấy, để mà hành lễ, để thờ phượng. Còn Thái Hà là linh địa, là đất Thánh thiêng, Đất của Chúa thì làm sao không thờ phượng được, một điều nữa là dĩ nhiên dân xứ Thái Hà đâu chỉ muốn lập bàn thờ Chúa và mẹ đơn sơ như vậy. Trả đất cho Họ đi. Họ sẽ còn lập cả nhà Thờ to đùng đùng ấy chứ. Nói thế hẳn là bạn sẽ biết đúng sai, Phải không nào?

Bạn Nguyễn Xuân Lộc ở Riversid, Marickville, Sydney, Australia, email: loc16r@bigpond.com viết: "Là những con chiên ngoan đạo, chúng tôi rất bất bình một số linh mục xứ Thái Hà đã lôi kéo con chiên mang hình Chúa vào chiếm đất công, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật, làm dư luận nhân dân bất bình".

Với bạn Xuân Lộc: Cũng giống bạn Tony Manh trên kia? Tuy nhiên, bạn tệ hơn Tony Manh vì bạn còn tự xưng là con chiên ngoan đạo. Chắc chẳng bao giờ bạn xem tin tức trên những trang web của Công giáo như wwwchuacuuthe.com. Trang Ephata, trang Memaria.org, trang Conggiaovietnam.net để mà học hỏi những việc lành thánh thiện nên bạn mới nói như trên, mà bạn chỉ xem tin tức trên các trang báo như Hà nội mới, Kinh tế đô thị, an ninh thủ đô… vì các trang này thường cho đăng những hoa hậu bikini, những hình ảnh nóng của người mẫu, siêu sao nên bạn không biết là có rất nhiều dư luận uất ức, bất bình về việc chính quyền dùng bạo lực cướp đất, đàn áp. Bao che, bịp bợm, vu khống… với người Công giáo Thái Hà. Hãy nhớ nguyên tắc khi ra quyết định nào đó. Là tìm hiểu thật cặn kẽ, đầy đủ các thông tin bạn nhé, chứ đừng phiến diện qua loa rồi quy chụp, kết án các Linh Mục tội ấy không nhỏ đâu, Là người Công giáo bạn phải biết điều ấy chứ? Hay bạn là công giáo dởm.

Bạn Bùi Hoàng Ân ở Mỹ, email: giangho_30000@yahoo.com đề nghị, chính quyền nên có biện pháp xử lý ngay, không thể kéo dài. "Tôi không theo đạo hay tôn giáo nào nhưng cũng rất hay tới nhà thờ nghe giảng kinh thánh, nay tự nhiên có ác cảm, thật sự đáng buồn cho Nhà thờ Thái Hà", bạn Bùi Hoàng Ân viết.

Thực tình, tôi không tính viết cho bạn vì chỉ nghe cái nick của bạn cũng đủ biết bạn thuộc dạng nào. Chưa cần nói đến lời lẽ sặc mùi giang hồ đao to búa lớn, Tuy nhiên, vì tình yêu của Chúa Giêsu không phân biệt một ai nên tôi viết cho bạn một lời khuyên này thôi. Người ta có câu “ Quay lại là bến bờ” hay “ Buông dao đồ tể để thành Phật”. Bạn viết rằng, bạn hay nghe giảng kinh thánh, nhưng bạn hãy biết thêm điều này nữa, chỉ nghe thôi chưa đủ đâu, Hãy kiếm một Linh mục nào mà bạn tin tưởng để tâm sự với sự thật từ chính bản thân bạn. Bạn sẽ hiểu mọi chuyện và có đủ can đảm để buông dao quay lại. xem lúc ấy bạn có còn những lời đề nghị khiếm nhã ấy không?

Nhóm Phóng viên nội chính của báo Hà Nội Mới viết: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất”, để từ đó khăng khăng cho rằng khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng thuộc quyền sở hữu của Nhà thờ. Luật pháp của Việt Nam quy định, đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân giao Nhà nước thống nhất quản lý. Và như vậy, không một ai- đương nhiên kể cả Nhà thờ Thái Hà - được quyền sở hữu đất.” “Không thể dựa vào luật của Giáo hội để đòi lại quyền sở hữu khu đất đã thuộc quyền quản lý của Nhà nước từ nhiều năm nay. Nếu cứ theo lý lẽ của Nhà thờ mà đòi đất, thì những chủ sử dụng đất trước Nhà thờ cũng đòi đất như vậy thì Nhà thờ Thái Hà nghĩ sao?”

Cái kiểu hành xử như giang hồ của chính quyền Việt nam như báo hà nội mới trích đăng một số điều luật như trên. Dân là chủ sở hữu, giao tài sản cho đầy tớ Nhà nước quản lý. Bây giờ đầy tớ đủ lông đủ cánh quay lại cắn chủ và đuồi chủ ra khỏi nhà. Thế nên mới khẳng định “ không một ai- đương nhiên kể cả Nhà thờ Thái Hà - được quyền sở hữu đất”. Trong vụ Giáo xứ Thái Hà và nhiều vụ tranh chấp đất đai khác của các tổ chức, tôn giáo, cá nhân. Nghị định 23 của chính phủ vi phạm trắng trợn vào một quy phạm cơ bản khi xây dựng luật. Đó là luật bất hồi tố. vì vậy không thể, cướp xong rồi dùng quyền lực để làm ra một cái nghị định, nghị quyết nào đó để hợp thức hoá. Dù thế nào đi nữa, Bản chất thằng ăn cướp vẫn là ăn cướp. Không thể khoác một cái áo nào đó mà thằng ăn cướp lại thành thành lương thiện được. Điều duy nhất để thằng ăn cướp trở thành lương thiện là nó thành tâm sám hối và dốc lòng chừa tội cũng như phải trả cho đến đồng xu cuối cùng những thứ đã cướp từ trước đó. Vì vậy, mong rằng nhóm phóng viên nội chính đừng mang những ảo tưởng quyền lợi cá nhân nào đó để làm cho ngọn bút phải tà đầu vì đã dùng bút bóp mép sự thật hay dùng bút ca tụng những luật lệ bất công. Đừng mang lý lẽ ngang như cua như trích đăng “Nếu cứ theo lý lẽ của Nhà thờ mà đòi đất, thì những chủ sử dụng đất trước Nhà thờ cũng đòi đất như vậy thì Nhà thờ Thái Hà nghĩ sao?” Thật quái gở cho cái tư tưởng này, Đất do Tôn Giáo mua chứ có đi ăn cướp được như các quan đâu mà nói chuyện chủ trước đòi lại. Đã bán đất, tức bán quyền sở hữu làm sao còn đòi được nữa mà mang lý sự cùn như vậy. Từ ngày mua đến giờ, Giáo xứ Thái hà chưa bán, cho, tặng, hiến… cho bất cứ ai, vì bị chính quyền cộng sản trước đó dùng bạo lực chiếm đoạt nên nay họ phải có quyền đòi đất lại chứ. Không những chỉ đòi tại Thái hà mà còn phải đòi ở hàng ngàn nơi khác nữa. Mang oai là phóng viên báo chí mà hiểu biết chỉ như thế, lý lẽ ngang phè như cua vậy. Thảo nào dân oan khắp nơi không còn tin tưởng vào phóng viên cộng sản mà phải cực thân biểu tình, tự đòi công bằng lẽ phải ở khắp nơi.

Vài dòng để các nhà biên tập, phóng viên báo Hà nội mới cần biết và dừng lại vì chẳng bịp được ai nữa đâu.
 
“Đã giải quyết … đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý”!
Têrêxa Dương Anh Thư
17:32 26/08/2008
“Đã giải quyết … đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý”!

Trong bài viết có tựa đề “Sự thật không thể che đậy” trên báo Hà Nội Mới ra ngày 23/8/2008 có đọan viết: “Thành phố có đủ căn cứ và trên thực tế đã xem xét, giải quyết các đơn kiện đòi đất của Giáo xứ Thái Hà đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý”.

Tôi xin phân tích với nhóm phóng viên nội chính về cái “luật”, cái “tình”, cái “lý” mà chính quyền Hà Nội đã sử dụng khi giải quyết đơn khiếu nại của Giáo xứ Thái Hà.

Về luật, chính quyền Hà Nội chỉ bê ra cái Nghị Quyết 23, vốn là “câu thần chú biến đất của người khác thành của Nhà nước” rồi tuyên bố từ đây không xem xét lại chính sách ‘ăn cướp đất đai’ ấy nữa. Nếu Hiến Pháp hay Bộ luật dân sự quy định phải tôn trọng quyền sở hữu của các cá nhân hay tổ chức thì chính quyền thừa biết các văn bản kiểu nghị quyết 23 kia là trái với Hiến pháp, vậy mà cứ nhất định không xem xét lại! Rõ ràng cứ phải để nó tồn tại như thế để chủ nó vô phương đòi lại.

Về trình tự thủ tục khiếu nại tố cáo theo đúng luật thì chính quyền Hà Nội cũng nhất định quên luôn! Tôi xin mạo muội nhắc các quan điều 8 Nghị định 53/2005/NĐ-CP quy định: “người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại…người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng có liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình…Việc gặp gỡ, đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, tóm tắt kết quả về các nội dung đã đối thoại…Kết quả việc gặp gỡ, đối thoại là một trong các căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại.

Pháp luật quy định là thế, nhưng nếu có một hai buổi họp thì chính quyền Hà Nội tranh thủ cao giọng nhắc nhở, bảo ban cha con giáo xứ Thái Hà, khá lắm là chỉ nhằm “thông tin” như ông Trịnh Kiên Đỉnh chủ trì cuộc gặp gỡ trước đây tuyên bố. Họ cứ oang oang một bài tủ: đất quan đã “quản lý” là của quan, “xăng có thể cạn, lốp có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”! Đâu có đối thoại nên làm gì có chuyện thấu tình, đạt lý? Không chừng các bậc “phụ mẫu chi dân” cho rằng pháp luật quy định như vậy là thừa, là bất lợi cho việc các ngài dạy dỗ dân ngu nên lờ đi cho xong chuyện. Nhiều lần phía các linh mục và giáo dân yêu cầu trưng ra các chứng cứ chứng minh việc giao đất đai và các văn bản quản lý đất đai thì các quan lại cho là “tài liệu mật” trong khi Nghị định nói trên cho rằng đây là “quyền” của người tham gia đối thoại. Các vị lãnh đạo chính quyền sợ đưa ra chứng cứ e rằng sẽ bị kỷ luật hay bị đi tù như làm lộ bí mật quốc gia chăng? Hay các quan không bao giờ đối thoại, chỉ quen đè đầu cỡi cổ bắt nạt bỏ tù nhân dân nên nghĩ rằng mình có quyền không áp dụng khỏan lụât này? Hay các quan lại sợ đưa ra các văn bản quản lý kiểu văn bản của nhà 32 bis Nguyễn Thị Diệu: “Nhà vắng chủ nên Nhà nước là chủ”, tức là loại văn bản “nhà đất này thuộc nhà nước vì nhà nước đã bức tử chủ nhà”? Hay như văn bản quản lý nhà các nữ tu Phaolô, nhà để “đào tạo trẻ em thành các thế lực phản động chống phá Cách Mạng” nên phải tịch thu? Quý Cha và anh chị em giáo dân Thái Hà coi chừng chính quyền dùng “photoshop” chế biến giấy tờ rồi đăng báo chửi rủa, sau đó ra tòa thì chánh án cầm giấy “photoshop designed” tuyên án tử hình hàng loạt. Tôi đề nghị Giáo xứ Thái Hà cần giám định các giấy tờ nếu Nhà nước đưa ra muộn màng, mà phải giám định tại các cơ quan giám định không thuộc hệ thống quản lý của Nhà nước ta!

Tiếp đến cũng cần thấy cách hành xử theo “lý của kẻ mạnh” trong chỉ đạo của Chính quyền TP Hà Nội. Luật pháp Việt Nam quy định người khiếu nại ít nhất có quyền khiếu nại 2 lần đến các cơ quan có thẩm quyền trong một vấn đề. Khi người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết lần 1 thì có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa (Điều 17, điểm d). Trong khi Giáo xứ Thái Hà mới có giải quyết khiếu nại lần thứ nhất, chính quyền Hà Nội xem như đó là giải quyết cuối cùng nên chỉ đạo “Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa về đầu tư và xây dựng công trình; cân đối, bố trí nguồn vốn, ngân sách Thành phố để thực hiện xong dự án ngay trong năm 2008” (Trích CV 4213/UBND-NNĐC). Chính quyền Hà Nội cũng nên biết rằng, luật Khiếu nại tố cáo còn cho phép khiếu nại lần thứ 3 lên Thủ tướng Chính phủ theo điểm 2 điều 28 “ Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Tôi vừa biết rằng chính quyền Tỉnh Lâm Đồng cho hay, việc giao lại đất tại Đồi Mai Anh Đà Lạt là kết quả của lần khiếu nại thứ 3 theo quy định trên đây. Vì trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Trưởng Bộ Xây dựng đã 2 lần bác đơn của các sơ Nữ tử Bác ái. Nhưng trong chuyện Thái Hà thì biết đâu Bộ xây dựng và Thủ tướng đã chỉ đạo từ xa nên Thành phố tin chắc trước sau trên dưới cũng theo một “bài thuốc” sắc từ Nghị Quyết 23?

Chính các phóng viên nội chính cũng tuyên bố dõng dạc trong bài có tựa đề “Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cần sớm yêu cầu giáo sĩ và giáo dân chấm dứt hành vi sai trái” trên báo Hà Nội Mới ngày 21/08/2008 rằng: “ Trong khi thành phố đã và đang tập trung giải quyết đơn của linh mục Chánh xứ Thái Hà về vấn đề đất đai tại khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng…Vụ việc đang trong quá trình giải quyết thì một số giáo sĩ không những không hợp tác với các cơ quan Nhà nước mà còn làm những việc sai trái …”. Thế đấy, các anh khẳng định khu đất kia đang trong thời gian khiếu nại, nên bên khiếu nại cầu nguyện trên khu đất tranh chấp là “vi phạm pháp luật” còn các quan tiến hành xây dựng công trình công cộng trên đó thì các anh im thin thít?! Rõ ràng các anh đã sơ hở “lòi mặt chuột”, khi các anh ghi tiếp “ngày 6-8-2008, đại diện UBND quận Đống Đa và phường Quang Trung đã đến làm việc và thông báo với giáo xứ Thái Hà về việc triển khai công tác theo ý kiến chỉ đạo của thành phố tại công văn số 4231”. Đất đai trang tranh chấp mà các bác đòi “triển khai công tác” gì trên đó? Thế mà gọi là “đạt lý” à!

Có phải thói quen xu nịnh và tâng bốc các quan đã làm lương tâm nghề nghiệp của các anh chỉ thấy “hầu bao” của các quan tham??? Đâu có khó khăn gì để thấy việc chính quyền đến thông báo triển khai dự án là “giọt nước làm tràn ly”, để rồi giáo dân Thái Hà phá tường rào vào cầu nguyện tại khu đất để thể hiện quyết tâm bảo vệ khu đất có nguy cơ bị cướp mất vĩnh viễn. Vâng, chính quyền không tuân thủ pháp luật mà cứ oang oang cao giọng dạy dỗ con dân giáo xứ Thái Hà phải tôn trọng pháp luật. Thực là nực cười!

Nhóm phóng viên nội chính không biết rằng chính ông Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã khẳng định nguyên nhân của tình trạng khiếu nại tố cáo như sau: "Chúng ta cần nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, có thể chỗ này chỗ khác phát sinh khiếu nại tố cáo là do người dân làm chưa đúng hoặc do kẻ địch lợi dụng, nhưng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính chúng ta, từ việc ban hành chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện. Khiếu nại tố cáo thường tập trung vào lĩnh vực đất đai, vì sao? Chính vì việc triển khai các dự án có liên quan đến đất đai thường có lợi cho chủ đầu tư, cho một bộ phận ở địa phương mà bất lợi cho người dân". Trích báo Tuổi trẻ ngày 23/8/2008 trong bài “Người có thẩm quyền ít đối thoại với dân” .

Phải chăng “lương tâm không bằng lương tháng”. Mới hôm qua, một bác sĩ tâm lý bảo với tôi rằng: “Chúng nó đứt hết dây thần kinh xấu hổ rồi!”
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Dân số và sự sống con người: Những nguy cơ của chính sách dân số khắc nghiệt (3)
Fx. Tran Kim Ngoc, OP
19:56 26/08/2008
Dân số và sự sống con người: Những nguy cơ của chính sách dân số khắc nghiệt

1.4. Những nguy cơ của chính sách dân số khắc nghiệt

Kể từ khi sản xuất được viên thuốc tránh thai (1958), chế tạo ra được những phương pháp tránh thai để áp dụng vào việc kế hoạch hóa gia đình cho đến nay, người ta đã thấy được một số hậu quả có ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống con người, nhất là những người nữ. Có nhiều nguy cơ sinh học sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của các bà mẹ và các đứa trẻ được sinh ra nếu cứ sử dụng thường xuyên các loại thuốc ngừa thai, các phương pháp phá thai, và cứ sử dụng hoài và không đúng cách thì phụ nữ có nguy cơ vô sinh, ung thu vú, tử cung… [1]

“Do chính sách một con và tư tưởng thích có con trai nối dõi nên nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc đã tìm mọi cách để bảo đảm rằng đứa con sinh ra sẽ là trai. Một số bậc phụ huynh đã trả tiền để được siêu âm giới tính thai nhi bất hợp pháp và nạo phá thai nếu đó là thai nữ.” [2] Việc áp dụng các biện pháp tránh thai hoặc các chính sách dân số khắc nghiệt sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống con người sau này.

1.4.1. Chênh lệch giới tính

Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, các chính sách hạn chế sinh sản đã làm cho tỷ lệ nam nữ không bình thường. Tại các nước có chính sách hạn chế sinh sản, chúng ta đều thấy rõ sự chênh lệch giới tính. Số nam sinh ra thường ít hơn nữ theo tỷ suất sinh sản tự nhiên, nhưng tại những nơi áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, số trẻ nam được sinh ra lại nhiều hơn nữ. Sự chênh lệch càng lớn hơn tại những nước có nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhất là các nước Châu Á. [3] Với quan niệm trọng nam khinh nữ, cùng với biện pháp siêu âm tiền sản để biết thai nhi là nam hay là nữ, khi người ta biết được là nữ thì người ta bỏ đi, còn nam thì giữ lại. Cái điều này đã làm cho sự chênh lệch giới tính ngày càng cao, nhất là tại Trung Hoa. [4]

Người ta rất lo ngại về sự tác động xấu của chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc đối với tệ nạn buôn người. Ông Steven Law, thứ trưởng lao động Mỹ, cho biết trong số khoảng 600-800 ngàn người bị mua bán ra nước ngoài trên toàn thế giới có đến 250 ngàn nạn nhân là ở Trung Quốc. Sự mất quân bình giới tính ở Trung Quốc là do chính sách một con. Chính sách này là một trong những nguyên do gây ra tình trạng này. [5]

Từ sự chênh lệch này sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đền xã hội nhức nhối. Việt Nam đang đứng trong tình trạng báo động về sự chênh lệch giới tính. Tỷ lệ là 100 gái/120 trai. Theo Nguyễn Bá Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, trong quý I năm 2007, có 338.000 bé được sinh ra thì có khoảng 154.400 bé gái và 183.700 bé trai. Năm 2006, tỷ lệ này là 100 gái/110 trai, tương đương với Trung Quốc những năm 1988-1990, khi đất nước này bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính. [6] Mức chênh lệch này không đồng đều, mỗi nơi mỗi khác. “Tại thời điểm 2005, Hòa Bình có tỷ lệ 100 gái/111 trai; Tuyên Quang là 100/112; Phú Thọ 100/111; Thái Nguyên 100/112; Phú Yên 100/116…[7]

Sự mất cân bằng giới tính ở trẻ mới sinh là một trong những mặt trái của việc thực hiện chính sách kiểm soát sinh đẻ. Tình trạng này thường xuất hiện ở những nước có chính sách hạn chế sinh đẻ khắc nghiệt, chẳng hạn như ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, các tỉnh có sự chênh lệch cao cũng là những địa phương thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình. Và hình như, nơi nào người ta thực hiện chính sách tốt thì nơi đấy sự chênh lệch giới tính càng cao. [8]

1.4.2. Những vấn đề xã hội

Từ việc chênh lệch giới tính quá lớn, một số rất lớn đàn ông không tìm được vợ, nhất là những người nghèo và ít học. Điều này không chỉ là vấn đề của bản thân người không cưới được vợ mà là một gánh nặng cho toàn xã hội. Khi người đàn ông sống trong sự kìm nén, không được thỏa mãn nhu cầu sinh lý, thì sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội khác: nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, nô lệ tình dục, sinh hoạt tình dục bừa bãi… sẽ có nhiều người bị bệnh tâm lý, bệnh tâm thần và các căn bệnh khác liên quan đến tình dục. Ở Trung Quốc, số đàn ông rất lớn không thể lấy được vợ. Từ nhu cầu giải quyết sinh lý của những người này, nhiều băng đảng đã cấu kết buôn bán phụ nữ. Gần đây, nhiều cô gái Việt lấy chồng ở Đài Loan, cứ tưởng là sang đó được hạnh phúc, đổi đời, ai ngờ sang đó làm vợ cho nhiều người trong một gia đình. Nhiều phụ nữ Việt đã bị lừa bán ra nước ngoài cho những chủ chứa. Việc mất thăng bằng về giới tính không phải là chuyện nhỏ. Một đại diện của Việt Nam tại UNPFA có văn phòng ở Hà Nội cho biết: “Hệ quả của tình trạng mất cân bằng về giới tính đã và đang xảy ra tại các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Họ phải nhập khẩu các cô dâu, nhiều người trong số này là từ Việt Nam. Tôi không biết Việt Nam sẽ nhập khẩu cô dâu từ đâu nếu chuyện tương tự xảy ra tại đây trong 10 hoặc 15 năm tới”. [9]

Christophe Guilmoto nói: “Khó có thể tưởng tượng ảnh hưởng chính xác của việc thiếu phụ nữ trong 20 năm tới. Không một xã hội loài người nào mà chúng ta biết lại phải đối mặt với vấn đề tương tự”. [10]

Nguyễn Bá Thủy cho biết: “Sự mất cân bằng này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm tình bạn và vấn đề hôn nhân. Nhiều nam giới không tìm được bạn tình hoặc vợ sẽ lâm vào tình trạng gia tăng nồng độ nội tiết tố nam (testosteron), dẫn đến tăng tính hung hãn. Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm cũng sẽ tăng.” [11] Những năm gần đây, làn sóng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới để đưa sang Camphuchia, Trung Quốc… đang ngày càng gia tăng và có quy mô lớn. [12] Không chỉ là chuyện buôn người, nhưng rồi đây, những người đàn ông muốn lấy được vợ hoặc để giải quyết vấn đề ức chế sinh lý phải dùng những biện pháp bỉ ổi khác, và điều này đã xảy ra rồi.

“Một số làng quê đã xuất hiện tình trạng con gái bị phong tỏa không cho tiếp xúc hoặc lấy chồng ở nơi khác, các thanh niên làng khác sang chơi, tìm hiểu bạn gái thì bị trai làng sở tại đuổi đánh, nhiều vụ đã thành án mạng, tình đoàn kết của hai làng bị phá vỡ qua nhiều thế hệ; một số tệ nạn xã hội khác cũng gia tăng, đó là hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em, quan hệ tình dục đồng tính…”[13]

Các chuyên gia lo ngại hiện tượng này có thể gây ra những hậu quả xã hội khôn lường. Một số người tin rằng việc hàng triệu đàn ông không thể kiếm được vợ có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng các hành vi bạo lực, chống xã hội. [14]

“Theo sự phân tích của giới chuyên môn, sự mất cân bằng giới tính sẽ đưa tới nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Nạn trai thừa gái thiếu sẽ có phần tác động làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái cũng như hoạt động mại dâm. Ở khía cạnh khác, nhiều nhà xã hội học cho rằng một số thanh niên nam giới bị cô đơn vì không tìm được người yêu bạn tình hay để lập gia đình, sẽ có thể bị lâm vào tình trạng gia tăng những bệnh tâm thần, và có thể làm cho tính tình thay đổi chẳng hạn như trở thành hung hãn.” [15]

1.4.3. Môi trường

Những năm gần đây, nhân loại phải chịu nhiều thảm họa do thiên nhiên gây ra. Những thiên tai xảy ra phần lớn là do ý thức của con người. Mỗi khi con người khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi thì người ta không thể lường được hậu quả của nó. Môi trường đang trở thành đề tài nóng bỏng, khiến các nhà khí tượng, khoa học, xã hội học, sinh thái học và các quốc gia đang phải bận tâm. Môi trường đang là vấn đề của toàn xã hội, của toàn thế giới. Những gì đang xảy ra trong môi trường hiện nay là hồi chuông báo động cho con người. Nếu con người không ý thức được tầm quan trọng của mình đối với môi trường thiên nhiên, thì hậu quả không chỉ là mình phải gánh chịu trước mắt nhưng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các thế hệ con cháu sau này. Người ta đang nỗ lực kêu gọi mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi công ty xí nghiệp và mỗi quốc gia phải hành động ngay để cứu vãn môi trường. Người ta kêu gọi bảo vệ các loài động thực vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Người ta kêu gọi khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vừa phải. Người ta kêu gọi trồng cây gây rừng… Nhưng người ta quên đi một điều, một điều rất quan trọng có lẽ ảnh hưởng đến môi trường nhất, đó là sự mất cân bằng giới tính nơi con người, dân số già cỗi, sinh đẻ khan hiếm. Sự mất cân đối trong việc gia tăng dân số tự nhiên không là nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường ư? Chắc chắn là có. Con người cũng là một nhân tố trong môi trường thiên nhiên. Mỗi một nhân tố trong môi trường bị suy thoái thì chắn hẳn môi trường sống của các nhân tố còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng. Như chúng ta đều biết, con người làm chủ môi trường, con người có quyền thống trị trên thiên nhiên và con người cũng là một yếu tố trong thiên nhiên. Do đó, mức tăng trưởng tự nhiên về dân số là điều rất quan trọng đối với sự tồn vong của môi trường thiên nhiên.

“Cuộc sống có qui luật của nó. Con người muốn tồn tại và phát triển thì cần phải có những tác động để hạn chế những hiểm hoạ của thiên nhiên, nhưng cũng cần phải có những giải pháp để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống như qui luật của nó, có những điều không thể thay đổi và chúng ta cần phải sống chung với nó một cách hoà bình để giữ vững sự cân bằng của vũ trụ. Có như vậy chúng ta mới có thể thành công trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng con người.” [16]

Dù nói gì thì nói, dù kêu gọi gì thì cứ kêu gọi, nhưng nếu không kêu gọi bảo vệ nhân vị sự sống, không tôn trọng giá trị và phẩm giá của con người thì những tiếng kêu đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Con người là nhân tố quyết định trong mọi vấn đề sống con. Để bảo vệ và duy trì môi trường sống cho mọi loài vật thì tiên vàn bảo vệ và duy trì sự sống và phẩm giá con người.

Chú thích:
[1] Thảo Nguyên, Thuốc tránh thai - con dao hai lưỡi, truy cập ngày 15/11/2007; http://www.sahara.com.vn/index.php?page=5&sub=943&script=tintuc&type=news&script=tintuc&view=10488.
[2] Thanh Bình, Trung Quốc soạn thảo luật chống mất cân bằng giới, truy cập ngày 18/11/2007; http://vietnamnet.vn/thegioi/2007/08/733788/.
[3] Mất cân bằng giới tính: Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[4] Chính sách một con của Trung Quốc và tệ nạn buôn người, truy cập ngày 15/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-03/2006-03-13-voa41.cfm?renderforprint=1&textonly=1&&TEXTMODE=1&CFID=223242319&CFTOKEN=62695177.
[5] Ibidem.
[6] Chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh đã đến mức báo động, truy cập ngày 21/11/2007; http://chamsoctre.com/content/view/304/32/.
[7] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó., truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.
[8] Thanh Nhàn, Việt Nam chưa sợ mất cân bằng giới tính, truy cập ngày 05/12/2007; http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2006/07/3B9EC3AD/.
[9] Mất cân bằng giới tính: Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[10] Ibidem.
[11] Chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh đã đến mức báo động, truy cập ngày 21/11/2007; http://chamsoctre.com/content/view/304/32/.
[12] Phạm Trần, Hàng chục ngàn phụ nữ VN bị bán qua biên giới, truy cập ngày 22/11/2007; http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2004/12/357765/.
[13] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó, truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.
[14] Thanh Bình, Trung Quốc soạn thảo luật chống mất cân bằng giới, truy cập ngày 18/11/2007; http://vietnamnet.vn/thegioi/2007/08/733788/.
[15] Báo động tình trạng chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh ở Việt Nam, truy cập ngày 20/11/2007; http://www.sbtn.net/?catid=61&newsid=21071&pid=157.
[16] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó, truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.
 
Văn Hóa
Phỏng vấn: Nghĩ về Giới trẻ Việt Nam
Phóng viên Dân Chúa Úc Châu
09:03 26/08/2008

Phỏng vấn:Nghĩ về Giới trẻ Việt Nam

Tuổi trẻ Việt Nam tại WYD2008, Ảnh Nguyễn Trung Tây
...Thuận lợi, tôi nghĩ tuổi trẻ Việt Nam của ngày hôm nay họ có cả một gia đình, bố mẹ hy sinh tất cả cho con cái. Bởi thế, tuổi trẻ của ngày hôm nay chỉ việc đi học, quật banh tennis, chơi football, đi bơi, chơi game, và chatting trên máy computer. Còn tuổi trẻ thời của tôi thì không được như vậy, chúng tôi vừa lạc loài lại vừa mồ côi. Nhưng bởi lạc loài và mồ côi, chúng tôi lại càng phải phấn đấu nhiều hơn. Bởi thế chúng tôi thâm trầm với cuộc sống và cũng dễ tha thứ cho lỗi lầm nhiều hơn, và tôi nghĩ đây là thuận lợi của tuổi trẻ thời 80... (Nguyễn Trung Tây)

Phóng viên Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu (PvDCUC) xin hân hạnh giới thiệu đến độc giả một cuộc phỏng vấn về giới trẻ Việt Nam tại Úc nói riêng và mối tương quan của giới trẻ Việt Nam với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney nói chung. Những người PvDCUC phỏng vấn không phải ai khác, mà là chính Ban Biên Tập nòng cốt của Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu. Chắc hẳn độc giả ai cũng đã từng quen thuộc với những nét chữ quen thuộc của:

— Cây viết chủ lực Trần Bá Nguyệt,

— Trang Học Sinh của Thầy Giáo trường Dòng,

— Trang Vườn Tâm Tư của Minh Ngọc và Minh Duy,

— Trang Kiến Thức Bốn Phương của Cô Giáo lớp Năm,

— Trang Bạn Gái của Thu Thủy, và

— Trang Niềm Tin Việt Nam của Nguyễn Trung Tây.

Giờ đây, xin được giới thiệu tới độc giả những khuôn mặt của Ban Biên Tập và những dòng tâm sự của họ về giới trẻ và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney…

PvDCUC: Kính chào các anh chị đồng nghiệp. Hân hạnh được tái ngộ với Ban Biên Tập và những cây viết nòng cốt Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu. Xin quý cha, và quý vị tự giới thiệu về mình và nói một chút về Trang Riêng của mình (nếu có) tới độc giả Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu.

Trần Bá Nguyệt


Trần Bá Nguyệt: Xin cám ơn Pv DCUC. Nói về mình thật khó và viết về mình còn khó hơn nữa. Tôi là Phanxico Savie Trần Bá Nguyệt. Nghề nghiệp chính là “gõ đầu trẻ”. Sau khi ra trường thấy nghề báo chí cũng vui nên đi học báo chí và chuyên về tin tức cho đài truyền hình Nhật (TBS) mặc dù cũng có đôi lúc làm báo tiếng Việt. Nhưng cái chính đưa cuộc đời gắn liền với viết lách cho giới trẻ và gia đình đó là những năm (từ 1961) hoạt động công giáo tiến hành chuyên biệt trong Phong Trào Thanh Sinh Công, vừa được dự nhiều khoá huấn luyện, hội thảo trong và ngoài nước, trong phong trào cũng như với các đoàn thể khác, vừa được học viết lách, tổ chức hội họp, trại sinh hoạt, đại hội các cấp lại còn được may mắn tiếp xúc với các bạn trẻ cùng trang lứa, những bậc vị vọng, những bậc cao niên tiếng tăm và các đấng, các bậc trong giáo hội. Những năm làm việc cho Văn Phòng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục, và các Uỷ Ban chuyên môn, báo Hiệp Thông cũng như được đi dự các hội nghị gia đình thế giới tại Roma, Manila, hội nghị truyền giáo tại Thái Lan đã mài dũa thêm cho cái nhìn, những nhận định và hướng đi của cuộc sống cũng như trách nhiệm trong việc viết lách. Dân Chúa Úc Châu mở ra cho tôi một chân trời và một nơi tuyệt vời để đóng góp một chút gì đó cho công việc (nói như Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu Lần thứ nhất tại Chiang Mai) đó là “Kể lại câu chuyện anh thanh niên Giêsu nghèo nàn và khốn khổ” cho những anh em gặp gỡ trên bước đường đời bằng ngôn từ và hành động trần thế của mình.

Thầy Giáo trường Dòng


Thầy Giáo trường Dòng: Kính chào độc giả Dân Chúa Úc Châu. Xin được tự giới thiệu, tôi biệt danh Thầy Giáo trường Dòng, hiện đang phụ trách Trang Học Sinh. Tôi đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em, bố thuộc hạng thấp cổ bé miệng trong quân đội, nhưng trong gia đình bố vẫn là chủ gia đình. Cái học được kể là cách để thoát kiếp nghèo và làm rạng rỡ danh dự cho gia đình. Trang Học Sinh được lên khuôn để mọi người chia sẻ với nhau cái lo về giáo dục, đức dục của con cháu mình ở nơi xứ Úc này. Chia sẻ những kinh nghiệm học thời còn ở xứ mình, và đồng thời giúp nhau giải quyết các vấn nạn học vấn của con cháu mình nơi xứ người, vì đối với dân tộc Việt mình thì trước tiên là học lễ, hậu mới học văn.

Minh Ngọc: Xin tự giới thiệu, tôi là Minh Ngọc, phụ trách trang VƯỜN TÂM TƯ. Tôi đến với Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu do cơ duyên phát nguồn từ Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu. Khi vượt biên đến được hải phận Indonesia, được tàu tuần duyên kéo vào, qua một đảo nhỏ rồi về cặp bến Jakarta, được cố Linh Mục Gildo Dominici cho đọc tờ Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu, tôi vui mừng biết bao, bởi vì vị Tổng Thư Ký là người em kết nghĩa cuả Ba tôi, Chú Đỗ La Lam, chúng tôi trân quý gia đình chú như chính trong gia tộc của mình. Từ đó tôi bắt đầu cộng tác với những bài viết về chuyến vượt biên trùng trùng gian nguy, đau khổ, rồi đến cuộc sống mới trên đất nước tạm dung này.

Khi Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu ra đời, thời gian đầu vì bận bịu với công việc và con thơ, tôi chưa thể cộng tác. Đến thời Cha Nguyễn Hữu Quảng làm Chủ nhiệm, Cha Đinh Thanh Bình, Chủ bút, được Cha và các anh chị ban biên tập kêu gọi, tôi nhập cuộc từ đó. Thời gian trôi qua, vì hoàn cảnh, người đến, kẻ đi, không nhớ là bao nhiêu, nhưng tôi vẫn trung thành, vẫn cầm cự đến bây giờ, gặp gì viết đó, đầu mây, cuối gió gì cũng có. Cho đến bây giờ, NSDCUC ngoài Cha Chủ nhiệm, tôi tự dưng trở thành “cây cổ thụ”. Về sau, khi các Cha và anh chi em đề nghị tôi mở mục “gỡ rối tơ lòng”, tôi quyết định lấy đề mục là VƯỜN TÂM TƯ. Tôi phụ trách lá thư đầu tiên. Sau đó là thùng thư của tôi đầy ắp những lá thư gửi về, viết bằng thư có, viết bằng e-mail cũng có. Khi ấy tôi mới thấy trùng trùng nhiêu khê, nhưng lỡ rồi, tuy sợ, nhưng tôi viết tiếp tục trang VƯỜN TÂM TƯ. Từ đó tôi thường hụt hơi, nghẹt thở với những gút mắc, trái ngang của độc giả gởi tới trong lúc tôi không thụ huấn một trường lớp nào về tâm lý học cả mà chỉ với kinh nghiệm bản thân và những học hỏi trong đời sống qua các sự kiện xảy ra quanh mình hay trên sách báo… Vì vậy tôi chưa bao giờ dám nhận là khuyên lơn ai cả mà trong tư thế kẻ chăm sóc mảnh vườn nhỏ bé đó, tôi chỉ xin được chia sẻ buồn vui với độc giả bằng thiển nghĩ của riêng tôi, chắc chắn không thể nào hài lòng mọi người trong lý lẽ “chín người mười ý” trên đời. Tôi chỉ biết cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi “tay cứng” mà “cây viết mềm” cho tôi được đến với độc giả bằng tất cả chân tình. May mà cả năm nay có Minh Duy đồng hành, tôi đỡ cô đơn. Cám ơn Minh Duy thật nhiều. Kính mong nhận được mọi ý kiến xây dựng của độc giả khắp nơi. Đa tạ.

Cô giáo Lớp Năm


Cô Giáo Lớp Năm: Kính chào Phóng viên Dân Chúa Úc Châu và quý độc giả Nguyệt san Dân Chúa. Tôi xin tự giới thiệu, bút danh Cô Giáo Lớp Năm, hiện phụ trách trang Kiến Thức Bốn Phương. Thông thường, là cô giáo thì phải dạy học, là nhà báo thì phải viết lách, thế mà tôi không giống ai ở hai điểm trên, bởi tôi không dạy học mà cũng không là nhà báo. Nhưng có một lần tôi gặp LM Nguyễn Trung Tây. Chuyện qua chuyện lại một hồi, tôi nói: “Con muốn đóng góp sức mọn phục vụ Chúa và bảo tồn văn hoá Việt Nam…” Thế là cha bảo: “Cô Giáo Lớp Năm có thể phụ trách một mục gì đó trong tờ Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu hay không? Trang Kiến Thức Bốn Phương chẳng hạn?” Nghe nói vậy, thoạt tiên tôi cũng hơi lo lo bởi hai điều; một, ai chả biết kiến thức thì phần nhiều liên quan tới khoa học, đời sống, và thiên nhiên chứ đâu có dính dáng chi đến tôn giáo đâu, nhưng sau đó tôi lại nghĩ “Dân (của) Chúa” thì cũng cần phải có kiến thức phổ thông để mà cảm nghiệm được cái đẹp bao la của Chúa trong thiên nhiên và trong khoa học chứ; hai là tôi không biết có làm trọn trọng trách được giao phó này không? Vì theo tôi làm báo khó lắm, không phải chuyện đùa. Nhưng nhờ LM Nguyễn Trung Tây khuyến khích, tự nhiên tôi lên tinh thần.

Giờ đây tôi tháng tháng đóng góp những bài hữu ích trong trang Kiến Thức Bốn Phương để quý độc giả biết thêm về các địa danh, thiên nhiên, đời sống, và khoa học. Còn riêng bản thân tôi, Cô Giáo Lớp Năm cũng được học thêm nhiều điều hay, điều lạ khắp bốn phương trong Thế Giới, và đôi lúc học từ cái cũ trở nên cái mới qua những bài sưu tầm mà tôi gửi tới Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu hằng tháng. Cám ơn PvDCUC đã cho tôi cơ hội để gặp gỡ và chia sẻ những tâm tình tới quý độc giả của Trang Kiến Thức Bốn Phương.

Thu Thủy: Kính chào quý độc giả. Tôi là Thu Thủy, phụ trách Trang Bạn Gái.

Nguyễn Trung Tây


Nguyễn Trung Tây: Kính chào quý độc giả của Nguyệt San. Tôi là LM Nguyễn Trung Tây thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Úc Châu. Tôi sinh ra tại Sài Gòn. Trôi nổi theo dòng đời, thuyền tỵ nạn của tôi cuối cùng tấp vào đảo Pulau Bidong năm 1982. Sau hai năm lang thang tại những trại tỵ nạn Pulau Bidong, Sungai Besi tại Mã Lai và Bataan tại Phi Luật Tân, tôi tái định cư tại San Jose năm 84. Cũng có một thời gian tôi đi học tại West Valley College, rồi San Jose State, ra trường, đi làm, rồi cũng bồ bịch (bồ bịch thôi chứ không có lăng nhăng…), cuối cùng Chúa lại “đẩy” tôi vào nhà Dòng Ngôi Lời Tỉnh dòng Chicago. Rồi bây giờ là Tỉnh Dòng Úc Châu. Mà thôi, Ngôi Lời Chicago hay là Ngôi Lời Úc Châu, Lời nào cũng là Lời cả. Tôi hiện nay đang dạy Kinh Thánh tại Đại Học Yarra Theological Union, một phân khoa của Melbourne College of Divinity. Ngoài ra, tôi cũng phụ trách Trang Niềm Tin Việt Nam của Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu.

Nói về Trang Niềm Tin Việt Nam, tôi nhớ có lần có người hỏi tôi, “Tại sao lại là Niềm Tin Việt Nam?”. Câu hỏi khiến tôi nhớ lại lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức với các Đức Giám Mục Mã Lai, Singapore, và Miến Điện vào ngày 6 tháng 6 năm 2008 vừa qua. Ngài nói,

“…nếu muốn cho đức tin được phát triển, nó cần phải đâm rễ sâu trên đất Á Châu, nếu không người ta sẽ coi nó như một thứ đồ nhập cảng từ ngoại quốc, xa lạ với văn hóa và truyền thống của dân tộc quý huynh” (Phạm Xuân Khôi, Kitô Giáo và Sự Hiểu Biết về Linh Đạo Á Đông, Vietcatholic.net, 6/6/2008).

Trong tinh thần hội nhập, tôi đã giới thiệu Trang Niềm Tin Việt Nam tới độc giả Việt Nam đang sinh sống không phải tại Việt Nam hoặc tại Hoa Kỳ, mà là tại Úc Châu. Theo dõi trang Niềm Tin Việt Nam, quý độc giả sẽ nhận ra tất cả những nhân vật Vợ hoặc Chồng (của Chuyện Vợ Chuyện Chồng), Ông Tư hoặc Dì Từ (của Chuyện Ông Tư Dì Tư), Peter hoặc Michelle hoặc Andy (của Chuyện Peter, Michelle, Andy) mang đậm nét Việt Nam-Úc Châu, rất là đời thường, nhưng lại rất son sắt trong đời sống đức tin thường nhật của họ. Tôi nhớ trong một lần giao tiếp, có người nói với tôi nửa đùa nửa thật là xin cha đừng có viết những bài có tính cách “chuyện cõi trên” quá. Well, well, well! Tôi, tôi không nghĩ những truyện ngắn Niềm Tin Việt Nam thuộc về “chuyện cõi trên”, nhưng mà là những câu chuyện rất thường, và lại rất thực (nếu tôi hiểu đúng ý của “chuyện cõi trên”).

PvDCUC: Chắc chỉ trừ quý cha là những người tu hành, đang sống đời sống khiết tịnh, còn lại tất cả mọi người trong chúng ta đều có con cái đang lớn, hoặc đã trưởng thành. Một cách tổng quát, quý vị nghĩ chi về giới trẻ Việt Nam tại Úc? Quý vị có những khó khăn hoặc thuận lợi chi trong khi giao tiếp hoặc làm việc (nếu có) với giới trẻ hay không? Xin kể ra những khó khăn? Xin chia sẻ những thuận lợi?

Trần Bá Nguyệt: Giới trẻ ở Úc được hưởng bầu không khí tự do tuyệt vời so với giới trẻ tại quê nhà hay ở những nước khác mặc dầu cũng có những điểm chung. Nói như hai tác giả (Aidan Macfarlan và Ann McPherson) viết về giới trẻ Úc (Teenagers: the Agony, the Ecstasy, and the Answers) thì phần lớn những bạn ở lứa tuổi 15 đến 35 là những người hăng say học hành và lo làm việc. Nền văn hoá Úc Châu cũng ảnh hưởng đến toàn bộ một lối sống trong đó nam nữ bình đẳng, chủng tộc bình đẳng và cơ hội học hành, làm việc là của tất cả mọi người. Thường thì những anh chị em giới trẻ hoạt động đều là những người đầy nhiệt tâm và ý thức cao nên làm việc chung với họ rất thích. Họ không nề hà công việc và giờ giấc. Điều này cũng giống như những thanh niên nam nữ khác đã và đang lao vào những công tác xã hội hay tôn giáo ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, những thành phần khác không tham gia các sinh hoạt hội đoàn thì thường hay bị lôi cuốn vào những sinh hoạt không lành mạnh như báo chí và đài phát thanh thường nhận định. Điều đó cho thấy các hội đoàn thanh niên quan trọng đến mức như thế nào trong việc cùng gia đình đổ khuôn cho giới trẻ. Dầu sao chăng nữa, số hư hỏng không nhiều, số hăng say cũng không nhiều vậy thì cái phải làm là làm sao ảnh hưởng được đến thành phần “thứ ba” gồm những thanh thiếu niên thầm lặng sống lẫn lộn trong chín mươi chín con chiên “không đi lạc”.

Thầy Giáo trường Dòng: Giới trẻ Việt Nam tại Úc được sống trong hoàn cảnh thuận lợi cho việc phát triển thân xác, nhưng lại bị nhiều thứ cám dỗ làm cho khó có thể phát triển và trưởng thành về mặt tinh thần, đạo lý và đức dục. Thật đáng thương thay cho giới trẻ như bày chiên có chủ chiên nhưng không hiểu được tiếng kêu của chúng.

Minh Ngọc: Hôm nay được hỏi câu này, tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm “mắt thấy tai nghe” nha. Giao tiếp cũng nhiều mà trong nghề nghiệp, tôi cũng thường làm việc với giới trẻ. Từ đó nhận thấy rằng, ở một xã hội văn minh và tự do này, hầu như trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, người trẻ ở đây luôn muốn được…độc lập trong tư tưởng cũng như cuộc sống. Con cái sinh ở VN, trưởng thành trên nước Úc hay sinh ra ở đây cũng không khác nhau mấy trong quan niệm sống (kinh nghiệm bản thân). Sau khi trưởng thành, có thể kể từ tuổi mười sáu, họ thường sống với chủ kiến riêng, tự túc, tự lập, ít khi nghe lời cha mẹ. Do đó những bậc làm cha mẹ trong cộng đồng Việt Nam nói riêng và người Á Châu nói chung, đều có những nỗi ưu tư giống nhau: sợ con cháu mất gốc, sợ tự do quá đáng sẽ có cuộc sống buông thả theo trào lưu văn minh mà cũng thác loạn theo!

Song song với những khó khăn này thì cũng không thể phủ nhận về mặt thuận lợi khác như, họ rất dễ hòa hợp, dễ chung đụng nếu người lớn cũng cởi mở khi giao tiếp với họ, tôn trọng cảm nghĩ và sự lựa chọn của họ nếu không phải là sai trái hay gây hậu quả không tốt cho thanh danh của gia đình hay quê hương, dân tộc.

Tóm lại, muốn được sống yên vui trên đất nước tạm dung này (chỉ với ông bà, cha mẹ mà thôi, còn với con cháu của mình thì có khi đây là quê hương của họ rồi!), điều tốt nhất là tìm cách xích lại gần con cháu mình và hòa hợp với chúng, dùng tình thương mà cảm hóa thì đỡ phải…thất vọng hay buồn phiền.

Thu Thủy: Tôi thấy giới trẻ Việt Nam tại Úc nói chung cởi mở thân thiện, hăng hái và thẳng thắn, về đức tin thì hời hợt chưa có chiều sâu về Giáo lý. Nhưng các em gặp gỡ khá nhiều trở ngại về ngôn ngữ (tiếng Việt) trong khi giao tiếp.

Nguyễn Trung Tây: Thời tôi mới lớn lên tại Sài Gòn vào những năm cuối của thập niên 70, tôi nhận ra tuổi trẻ Việt Nam tại miền Nam là tuổi trẻ của lạc loài ngay trên mảnh đất quê hương bởi biến cố 75. Ngoài cái lạc loài, tuổi trẻ 18, 19 tuổi của chúng tôi vào những năm 1979 còn phải chuẩn bị lên đường tham gia mặt trận biên giới phía Bắc với Trung Cộng giơ cao súng AK bắn nát đầu tuổi trẻ, hoặc phía Tây Nam là Khờ-Me Đỏ sẵn sàng dơ cao mã tấu chặt đứt đầu chúng tôi. Tôi may mắn hơn những người bạn cùng trang lứa, bởi vào năm 82, tôi vượt thoát sang được Mã Lai, tái định cư tại San Jose, CA năm 1984. Nhờ thế, tôi nhận ra tuổi trẻ của chúng tôi vào thập niên 80 tại Hoa Kỳ là tuổi trẻ của cố gắng hội nhập vào dòng chính. Thêm nữa, thời của thập niên 80 và đầu thập niên 90, tuổi trẻ hải ngoại là tuổi trẻ mồ côi, bởi phần lớn chúng tôi không có cha mẹ hoặc người thân vượt biên đi theo. Bởi mồ côi, tuổi trẻ của chúng tôi tại hải ngoại là tuổi của cây non mọc dại, rất hên là nhờ lòng từ tâm và bầu sữa của người Mẹ Hoa Kỳ, tôi có cơ hội đi học, ra trường. Riêng tuổi trẻ của thời sau năm 1990, nhiều người đi sang Úc theo diện đoàn tụ, hoặc bảo lãnh, cho nên họ không mồ côi bởi họ có ba mẹ, anh chị đi kèm theo.

Thuận lợi, tôi nghĩ tuổi trẻ Việt Nam của ngày hôm nay họ có cả một gia đình, bố mẹ hy sinh tất cả cho con cái. Bởi thế, tuổi trẻ của ngày hôm nay chỉ việc đi học, quật banh tennis, chơi football, đi bơi, chơi game, và chatting trên máy computer. Còn tuổi trẻ thời của tôi thì không được như vậy, chúng tôi vừa lạc loài lại vừa mồ côi. Nhưng bởi lạc loài và mồ côi, chúng tôi lại càng phải phấn đấu nhiều hơn. Bởi thế chúng tôi thâm trầm với cuộc sống và cũng dễ tha thứ cho lỗi lầm nhiều hơn, và tôi nghĩ đây là thuận lợi của tuổi trẻ thời 80.

PvDCUC: Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008 đã chấm dứt vào ngày Chúa Nhật, 20 tháng 8, tại vận động trường Randwick, BBT có nghĩ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nói chung và Đại Hội Giới Trẻ Giới Sydney 2008 nói riêng sẽ thay đổi hoặc có những ảnh hưởng lớn tới những người trẻ trên thế giới và giới trẻ Úc Châu hay không?

Trần Bá Nguyệt: Phần lớn ủng hộ và thấy một đại hội như thế là rất cần, nhưng không phải không có những chống đối dù không nhiều (ví dụ như hôn nhân đồng phái tính hay lạm dụng tình dục…) và dù không nhắm vào chủ đề hội nghị là Đức Tin. Chắc chắn việc tổ chức Đại Hội tại Úc Châu có ảnh hưởng nhiều đến lục địa “miền dưới”, tách biệt khỏi những lục địa khác, ở chỗ cho thấy sự hiện diện và sự cổ vũ lớn lao của rất nhiều những con người tốt, cho thấy ý thức về niềm tin vẫn rất mạnh mẽ của các bạn trẻ trong 193 quốc gia tham dự. Đại hội cũng cho thấy sự kết hợp tốt đẹp giữa các thành phần chủng tộc khác nhau tại Úc trong các khâu tổ chức, sự tự nguyện hăng say trong các công tác tiếp đón trước và sau Đại Hội. Từ đó sẽ phát hiện ra nhiều thành phần tích cực vẫn đang tiềm ẩn đâu đó trong giới trẻ, giới trung niên và cả giới già. Cái cần là làm sao qui tụ họ lại trong một hình thức sinh hoạt nào đó để bầu nhiệt huyết của họ không tàn lụi và ngọn lửa phát xuất từ lòng hăng say của họ được tiếp nối.

Thầy Giáo trường Dòng: Chắc chắn là có, không nhiều thì ít. Vì ơn Chúa Thánh Thần sẽ tác động những người trẻ này. Chủ yếu là các bạn trẻ có dám thay đổi chính mình và quyết tâm thực hiện hay không.

Minh Ngọc: Sau Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008, tôi nghĩ chắc cũng như bao nhiêu lần tổ chức trước nay ở những quốc gia khác nhau, đều là một “hiện tượng hâm nóng bầu nhiệt huyết sẵn đong đầy trong tâm hồn giới trẻ”, bình thường tiềm ẩn bên trong vì những sinh hoạt giới hạn trong cuộc sống. Những kỳ Đại hội như vậy sẽ là cơ hội cho họ gần gũi nhau, tạo điều kiện quen nhau, hiểu nhau hơn trong cọng đồng thế giới một cách rộng rãi, thú vị.

Thu Thủy: Tôi nghĩ Đại Hội Giới Trẻ sẽ giúp các em củng cố và xác nhận niềm tin vào Kitô Giáo của riêng mình. Đại Hội Giới Trẻ cũng giúp các em gây tình đoàn kết với các người trẻ thuộc mọi dân tộc trên khắp thế giới; qua đó xây dựng một xã hội đầy nhân bản, công bằng bác ái.

Nguyễn Trung Tây: Thay đổi? Thiệt tình mà nói, trong thời gian chuẩn bị cho Đại Hội, những giáo xứ Úc mà tôi đã có dịp đi qua đều không thấy rộn ràng những sinh hoạt dành riêng cho giới trẻ để giúp họ chuẩn bị tinh thần và tâm lý trước khi lên đường hành hương về Sydney. Những sinh hoạt duy nhất mà tôi biết thời gian tiền Đại Hội phần lớn là của tuổi trẻ Việt Nam tại Melbourne. Tôi nhớ, có lần, vào một buổi tối thứ Năm, ngày 29 tháng 5 vừa qua, tôi tham dự chương trình Cấm Phòng tổ chức tại nhà St. John, dành riêng cho giới trẻ Việt Nam để giúp họ chuẩn bị tâm hồn cho ngày Đại Hội. Bước vào trong thánh đường, tôi giật mình nhận ra tuổi trẻ ngồi chật kín cả một khu thánh đường rộng thênh thanh. Trong Chủng Viện Ngôi Lời nơi tôi đang sinh sống và làm việc, nhà Dòng cũng có lên chương trình, tuần một hai lần đọc kinh cầu nguyện cho Đại Hội Giới Trẻ. Thế thôi. Rồi lại thêm với hiện thực về khủng hoảng xăng dầu khiến nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới phải hủy bỏ những chuyến bay bởi không có đủ khả năng về tài chánh. Mà chúng ta cũng đã biết, Úc Châu là một xã hội thế tục, tôn giáo không có vị trí trong những câu chuyện hằng ngày của người dân. Tuổi trẻ thì không tham dự thánh lễ và những sinh hoạt của giáo xứ. Bởi thế tôi cũng không hiểu Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney năm nay sẽ có những tầm ảnh hưởng đến thế nào trong đời sống niềm tin của người tuổi trẻ Úc Châu. Nhưng, tôi vẫn tin vào ngọn lửa của Chúa Thánh Linh. Thì đấy, người nhát gan chối Chúa ba lần như Phêrô, thế mà sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Linh vào ngày Đại Hội Thánh Linh đầu tiên trong dòng lịch sử ơn cứu độ, người ngư phủ Biển Hồ không còn nhát sợ nữa, nhưng dám đứng lên giảng đạo oang oang ngay giữa nơi thanh thiên bạch nhật, khiến nhiều người cứ tưởng là Phêrô say…

PvDCUC: Nói về giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Úc, quý vị có nghĩ các giáo xứ hoặc cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu đã đầu tư một cách cần thiết và đúng mức vào các sinh hoạt dành riêng cho giới trẻ hay chưa? Nếu chưa, quý vị có đề nghị nào thiết thực để chúng ta có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu Thiên Chúa tới các bạn trẻ trong khuôn viên xứ đạo?

Trần Bá Nguyệt: Nhiều bạn trẻ hăng say hoạt động than phiền là họ không được sự tiếp tay cũng như sự ủng hộ bằng cách cho phép hoạt động tại các giáo xứ có cộng đồng người Việt. Vì thế họ - như những đám lục bình - dạt sang những “khu vực” khác, tốt có, xấu có. Úc là một nước tự do. Cho phép các bạn trẻ đến sinh hoạt, dù dưới hình thức nào đi chăng nữa, tại các giáo xứ là điều rất đáng làm vì trước hết tránh cho họ bị lôi cuốn vào những môi trường không lành mạnh. Lý do là giới trẻ, cũng như các giới khác, cần phải sống và sống chung với nhau. Không cho phép chỗ này không có nghĩa là các thành phần ấy sẽ không tìm nơi khác để gặp nhau hoặc sẽ không gặp nhau nữa. Nhiều khi chính sự xa lánh ấy là cái cớ để giới trẻ bỏ đi và đi xa cho đến một lúc muốn kéo họ lại thì thật là khó. Phải tránh kiểu “giữ đạo” lỗi thời bằng đọc kinh rỉ rả và phải biến niềm tin của họ thành những hành động thực tế ngay trong cuộc sống hàng ngày của họ ở khắp mọi nơi chứ không phải chỉ bằng cách đọc kinh ở nhà thờ. Đi thăm những anh em nghèo khổ, những người bệnh hoạn, những gia đình khó khăn… Báo chí địa phương mới đăng một gia đình 13 người con bị đuổi ra khỏi nhà vì không trả được tiền thuê nhà và hiện đang ở nhờ một trường tiểu học. Hãy đến với họ, những “thành phần thứ tư” tại các thành phố giàu sang như Melbourne.

Thầy Giáo trường Dòng: Dù đã có ít nhiều cố gắng nhưng chưa đủ để gọi là đầu tư và quan tâm đến giới trẻ Công Giáo một cách đúng mức. Cần phải có những cuộc thăm viếng giáo dân của từng giáo khu, xứ đạo, từng thành phố, từng giáo phận. Tổng kết xem có bao nhiêu thanh niên nam nữ tùy theo phái tính, tuổi tác, học vấn, nghề nghiệp, độc thân hay có gia đình và sở thích. Để lập thành từng nhóm, hội đoàn sinh hoạt tùy theo giờ giấc rảnh rỗi, hầu mọi người có thể tham dự sinh hoạt chung được với nhau, và nhất là cùng nhau sống đạo giữa đời là yêu Chúa, yêu tha nhân và thực hiện chúc ngôn của Chúa Giêsu.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể tổ chức những buổi cấm phòng hay giảng thuyết riêng cho giới trẻ Công Giáo. Tổ chức những đoàn thể sinh hoạt riêng cho giới trẻ; Giờ chầu Thánh Thể cho giới trẻ; Thánh lễ dành cho giới trẻ, sinh hoạt ngoài trời, du ngoạn, và tĩnh tâm. Tổ chức những khóa huấn nghệ, dạy Anh văn cho người mới đến, thăm viếng kẻ yếu đau, các trẻ em mồ côi, bụi đời, tân tòng hay làm những công việc từ thiện khác

Thu Thủy: Tôi thấy nói chung các giáo xứ và cộng đồng Việt Nam đã và đang đầu tư rất nhiều vào các sinh hoạt dành cho giới trẻ như: Junior Legio, Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Thanh thiếu niên Salesian đấy chứ...

PvDCUC: Úc Châu là một xã hội thế tục (secular society). Chắc chắn quý vị cũng đã biết, hiện tượng vài ba người tuổi trẻ Úc Châu gốc Âu Châu tham gia thánh lễ hoặc sinh đạo xứ đạo là một hiện tượng khá phổ biến trên toàn lãnh thổ. Cộng đồng Việt Nam thì khác, giới trẻ vẫn còn tham gia tuy không nhiều so với thời bên Việt Nam, những vẫn còn là một lực lượng đáng kể trong những sinh hoạt của xứ đạo. Dưới lăng kiếng niềm tin, quý vị nghĩ sao về tương lai sống đạo của giới trẻ Việt Nam tại Úc? Bi quan hay lạc quan?

Trần Bá Nguyệt: Tại sao lại bi quan? Những thành phần hư hỏng thời nào cũng có, nhưng không bao giờ là đa số. Cái chính là làm sao giúp cho đại đa số thầm lặng đang sống rất bình thường sẵn sàng lao vào chiến trường để thể hiện niềm tin của mình, tình yêu thương của mình với anh em mọi nơi, mọi chỗ, mọi tuổi tác và mọi chủng tộc.

Thầy Giáo trường Dòng: Việc bi quan hay lạc quan này phải để dành cho giới trẻ trả lời. Và cho biết lý do tại sao lại có sự khác biệt này. Có phải là do nhà thờ thường xuyên đóng và chỉ mở cửa đúng giờ. Hay tại các vị chủ chăn không năng động và không tích cực trong mục vụ thăm viếng giáo dân để có thể am hiểu về những ưu tư, lo lắng của giới trẻ. Vì thế giới này sẽ thuộc về tay ai yêu họ và chứng tỏ được rằng mình yêu họ thật.

Minh Ngọc: Giới trẻ gốc Úc Châu hay có thể nói tất cả các nước Tây Phương, ít tham dự Thánh Lễ hay sinh hoạt giáo xứ thì ai cũng nhìn thấy.

Đối với người Việt Nam, tuy hiện giờ vẫn còn một lực lượng đáng kể trong sinh hoạt của xứ đạo, nhưng nhìn chung phần lớn cũng vẫn chỉ với những em dưới tuổi vị thành niên, trên tuổi đó, dường như ngày một thưa dần!

Bởi vì các em đã thành niên, họ có quá nhiều nhu cần cá nhân vào cuối tuần như: học hành nhiều quá trong suốt tuần lễ, cuối tuần thèm ngủ, đi chơi với bạn, cặp bồ, v.v.

Quá nhiều lý do để bỏ lễ Chúa Nhật. Chỉ tham dự những Thánh Lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh,. v.v.

Theo tôi nghĩ, cái đà này sẽ cứ thế mà tiếp diễn, cho nên với giới trẻ Việt Nam, tuy nhờ có sự nhắc nhở của cha mẹ thì cũng không đến nỗi bi quan nhưng chắc cũng không mấy gì lạc quan hơn trong tương lai đâu!

Thu Thủy: Tương lai sống đạo của giới trẻ Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào phụ huynh. Khi còn nhỏ các em được chở đến các giáo xứ hoặc trung tâm để các em làm quen với đoàn thể, giáo lý và đức tin. Nếu vì lý do nào đó các em không được tiếp xúc với các sinh hoạt Công Giáo thì tương lai giới trẻ Việt Nam tại Úc làm sao mà lạc quan cho được.

Nguyễn Trung Tây: Tôi thấy người trẻ lớn lên tại Úc tự tin, có kiến thức chuyên môn cao. Mặc dầu Úc Châu là một xã hội thế tục, người dân không tuyên xưng đức tin (làm dấu, đọc kinh, đeo thánh giá, mặc áo dòng) nơi công cộng, tuổi trẻ không tham gia vào sinh hoạt giáo xứ, nhưng trường hợp thiếu vắng khuôn mặt giới trẻ xảy ra phần lớn tại những giáo xứ Tây mà tôi có dịp làm lễ cuối tuần mà thôi. Còn cộng đồng Công Giáo Việt Nam, khuôn mặt của giới trẻ vẫn hiện diện trong nhiều sinh hoạt cuối tuần, Thiếu Nhi Thánh Thể nè, Ca Đoàn nhé, rồi là Lớp Giáo Lý. Tôi nghĩ giới trẻ Việt Nam vẫn tham gia vào những sinh hoạt của giáo xứ đấy chứ. Về điểm này, tôi muốn xin phép dừng lại một phút để tôi xin được gửi ngàn vạn cánh hồng đỏ tặng riêng những Nữ Tu đang âm thầm làm việc với các lớp Việt Ngữ, Giáo Lý, Ca Đoàn, và Thiếu Nhi Thánh Thể (đương nhiên cũng có các Linh Mục). Nhờ sự hiện diện âm thầm của các nữ tu Việt Nam, giới trẻ đã có nơi chốn sinh hoạt đức tin vào những dịp cuối tuần. Ngoài ra, đây cũng là một băn khoăn mà tôi vẫn tự hỏi, “Tại sao trong các thánh lễ, tuổi trẻ vắng mặt, nhưng trong các buổi công tác thiện nguyện cho nạn nhân thiên tai, tuổi trẻ lại rộn ràng nhộn nhịp những bước chân tiếng cười”. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong đời sống thường nhật mà tôi nghĩ mình nên tìm hiểu để kiếm cho ra nguyên nhân cốt lõi. Có phải tại vì làn sóng (wavelength) trong nhà thờ không còn phát chung một tần số với làn sóng của tuổi trẻ tại Úc Châu? Tôi không biết, tôi không có câu trả lời. Nhưng rõ ràng và thực tế tuổi trẻ Úc Châu gốc Tây tiếp tục bỏ phiếu không bước chân tới nhà thờ.

PvDCUC: Có một số người nghĩ là tuổi trẻ Việt Nam ở Úc là Việt-Úc (Vietnamese-Australian). Tôi nhớ trong lần phỏng vấn tháng 7 vừa qua, em Annie Nguyễn Thanh Thảo tự giới thiệu là mình đã được sinh ra và lớn lên tại Perth. Dấu gạch ngang (-) xuất hiện ở giữa hai danh từ Việt và Úc nói lên một điều là các bạn trẻ này không còn chỉ là Việt Nam… Quý vị nghĩ sao về cụm từ Việt-Úc khi nói về giới trẻ Việt Nam tại Úc?

Trần Bá Nguyệt: Con người dù là gì đi nữa vẫn là con người. Nói vậy có nghĩa là không phân biệt Úc hay Việt, hay là chủng tộc gốc gác gì. Đó là sự thật hiển nhiên. Vì thế có khác biệt gì đâu khi giới trẻ Việt Nam đi sinh hoạt với và sinh hoạt như những thanh niên chủng tộc khác hoặc kéo những thanh niên chủng tộc khác về “nhà mình” để sinh hoạt. Cái chính là con người. Chủng tộc, màu da, ngôn ngữ không phải là rào cản đối với con người khi họ muốn và khi họ có cơ hội đến gần nhau và nhất là cùng nhau làm những công việc tốt cho mọi con người.

Thầy Giáo trường Dòng: Trước hết những nhà hướng dẫn cũng cần học hỏi để có thể nói được cùng ngôn ngữ với giới trẻ, nghĩa là vừa nói được tiếng Việt và tiếng Anh để có thể hiểu, cảm thông, an ủi và dùng kinh nghiệm sống của mình để giải thích cho giới trẻ về những vấn nạn của đời sống đức tin, đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ.

Khuyến khích giới trẻ tiếp tục giữ truyền thống sống đạo của các bậc cha ông đã anh dũng giữ đạo và tử vì đạo trong thời kỳ cấm đạo.

Nguyễn Trung Tây: Bởi câu hỏi về Việt-Úc của Phóng viên Dân Chúa Úc Châu, tự nhiên tôi nhớ tới câu chuyện là nhiều người Việt Nam khi về lại Việt Nam sau một khoảng thời gian dài xa cách, họ mới khám phá ra phương cách ứng xử của mình không còn là phương cách ứng xử của người bên Việt Nam nữa. Khi đó, cả hai bên, bên Việt và bên Úc mới nhận ra có cả một khoảng cách xa hoặc gần giữa hai con người cùng mang một vẻ Việt Nam. Tôi nghĩ có một vài người bên hải ngoại vẫn quên đi mình đang dần dần trở thành người bản xứ trong tư tưởng và cách sống. Người Việt Nam bên Úc sống độc lập, không có nhiều liên hệ hàng xóm như người Việt Nam bên Việt Nam. Bù lại người Việt Nam từ Việt Nam qua Úc thăm họ hàng cũng nhận xét là đời sống bên đây buồn. Thì chuyện đương nhiên… Hỏi sao mà không buồn bởi vì hàng xóm đâu có ai biết ai đâu. TV nhà ai, người đó coi. Bear Victoria Bitter của nhà ai, người đó uống. Úc Châu mà. Cho nên tôi nghĩ, bố mẹ Việt Nam bên đây phải uyển chuyển rất nhiều trong phương cách dạy dỗ, bởi con cái của mình đâu chỉ còn là thuần túy Việt Nam, nhưng mà là thanh niên Việt Nam trưởng thành trong nền văn hóa Úc Châu.

PvDCUC: Xin được cám ơn cho thời giờ quý báu của mọi người trong Ban Biên Tập. Có lẽ đã lâu lắm rồi, độc giả Nguyệt san không hoặc chưa có dịp gặp mặt và lắng nghe những dòng tâm tư của Ban Biên Tập Nguyệt san. Thời điểm tháng 8 sau Đại Hội Giới Trẻ Sydney là một cơ hội hiếm có để chúng ta gặp gỡ quý độc giả qua trang báo. Trước khi chấm dứt cuộc phỏng vấn, xin được hỏi quý vị còn có điều chi khác mà quý vị muốn chia sẻ với độc giả Dân Chúa Úc Châu, quý vị phụ huynh, và tuổi trẻ Công Giáo Việt Nam (và không phải Công Giáo, nếu có) nữa hay không?

Trần Bá Nguyệt: Hãy đến với nhau, hãy nở một nụ cười, và hãy cùng nắm tay nhau để hơi ấm được chuyền đi từ bàn tay này qua bàn tay khác. Hãy luôn luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp [- dù rất nhỏ -] mà anh chị em có thể làm cho nhau. Xin luôn luôn được như vậy.

Kính chào và xin cám ơn Pv DCUC. Xin cáo lỗi vì những ý nghĩ bình thường và có thể làm phật lòng bạn đọc.

Thầy Giáo trường Dòng: Ước gì mọi người tín hữu cùng quý vị tu sĩ nam nữ thấy được sự cần thiết của vấn đề giới trẻ: Thu gom, góp nhặt lại những đóm lửa đức tin còn cháy sáng trong một số các bạn trẻ ngày hôm nay, để tạo thành một bó đuốc với ngọn lửa mến Chúa, yêu người cháy sáng ngời cho thế hệ tương lai.

Ước gì tín hữu, các bậc làm cha mẹ, các tu sĩ nam nữ cùng với các đấng bậc có trách nhiệm lo cho giới trẻ hãy tự nhận gánh trách nhiệm để lo lắng cho tuổi trẻ. Vì chúng như bày chiên không chủ chăn giữa một nền văn hóa mới, chỉ biết ưa chuộng tiền bạc, vật chất và hiện tại hơn là tương lai.

Ước gì các nhà lãnh đạo tôn giáo Úc Châu biết cùng nhau ngồi lại để nghiên cứu về các vấn nạn mà giới trẻ Úc Việt đang gặp và phải đối phó, để có thể tổ chức Đại Hội Giới Trẻ hàng năm thì tốt biết mấy.

Thu Thủy: Xin các cộng đoàn Việt Nam nên có những sinh hoạt văn nghệ và thể thao, thỉnh thoảng chúng ta có thể giao hữu với nhau trong tinh thần đoàn kết giữa những người trẻ. Hằng năm các cộng đoàn nên có buổi văn nghệ chung để các bạn trẻ có dịp sinh hoạt chung. Ngoài ra chúng ta cũng nên giới thiệu những người trẻ xuất sắc trong cộng đoàn vào trong Ban Lãnh Đạo của giáo xứ.

Nguyễn Trung Tây: Tôi nhớ chỉ mới đây thôi, trong cùng một ngày thứ Bẩy, tôi ghé vào bốn gia đình thân quen thăm hỏi hai người thân vừa mới mổ tim, một người thân bác sĩ nghi ngờ bệnh ung thư, một người thân khác bác sĩ cũng đặt nhiều câu hỏi về sức khỏe đường dài. Một tuần sau, trường YTU của tôi nhận được tin Sr. Joan Nowotny, cựu Giáo sư Triết Học, kiêm cựu Academic Dean của trường Đại Học Yarra Theological Union đã lặng lẽ ngủ yên trong Chúa vào một buổi tối thứ Bẩy. Giây phút Sr. lìa trần, không ai biết, chẳng ai hay. Đám tang của Sr., bởi Đại Hội Giới Trẻ 08, chỉ có vài ba người tham dự nhỏ lệ khóc thương cho một đời người.

Càng ngày, có lẽ bởi tuổi đời, cộng thêm với đời sống tu sĩ đã tạo cho tôi nhiều cơ hội để cảm nghiệm ra nét vô thường của cuộc sống. Bởi thế tôi trân trọng rất nhiều những gì Thiên Chúa đang ban cho tôi: gia đình, sức khỏe, đời sống, người thân, bạn bè, và đời tận hiến. Bởi lẽ vô thường tuần hoàn của đời sống, con cái của chúng ta sẽ lớn dần, rồi sẽ là rời bỏ tổ ấm bay đi. Bây giờ là hiện thực con cái còn đang ở với chúng ta, xin hãy tôn trọng và thương yêu họ.

Ngoài ra, bởi nhận ra lẽ vô thường của đời sống, tôi hay bàn về câu chuyện tử tế, bởi tôi tin rằng, mai này, khi Global Warming xầm sập kéo đến bôi xóa tất cả phố phường, lúc đó chỉ còn sót lại trong tâm thức vũ trụ hai chữ Tử Tế mà thôi. Nếu vậy, tại sao lại không sống tử tế với tha nhân?

Xin cám ơn Phóng viên Dân Chúa Úc Châu và xin quý độc giả tha lỗi nếu tôi có nói chi làm phiền lòng đến quý vị. Xin được cùng tiếp tục cầu nguyện cho nhau.

www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn
Diệp Hải Dung
00:08 26/08/2008

BẠN



Ảnh của Diệp Hải Dung – Australia

Họ hàng xếp đặt của Trời

Tự do chọn bạn ơn Trời chẳng quên.

God gives us our relatives - thank God we can choose our friends.

( Ethel Watts Mumford – nđc chuyển ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bóng Đổ Trên Tường
lm. Nguyễn Trung Tây
20:49 26/08/2008

BÓNG ĐỔ TRÊN TƯỜNG



Ảnh của Nguyễn Trung Tây, Lm

Phù vân nối tiếp phù vân,

Vô thường nối tiếp vô thường,

Trần gian nối tiếp trần gian,

Tất cả bóng đổ bên tường.

(Nguyễn Trung Tây)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền