Ngày 26-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cội nguồn sự ác
LM. Inhaxiô Trần Ngà
01:48 26/08/2009
CỘI NGUỒN CỦA SỰ ÁC

(Suy niệm Tin Mừng Mác-cô (Mc 7, 1-8.14-15.21-23) trong Chúa nhật 22 thường niên)

Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh, có hàng ngàn người xuống đường tuần hành qua các đường phố, hô to các khẩu hiệu chống chiến tranh. Ban đầu, đám đông hô vang: "đả đảo bom giết người!"

Sau đó, trong nhóm tham gia biểu tình có cuộc tranh luận nhỏ: "Làm gì có bom giết người! Bom đạn có giết ai đâu? Chỉ có những người ác chế ra bom đạn, rồi ném bom lên đầu người khác mới gây nên tội giết người."

Thế là sau đó, người ta hô khẩu hiệu khác, hợp tình hợp lý hơn: "Đả đảo những kẻ giết người!"

Nhưng rồi lại có người bàn thêm: "Đâu phải tự dưng mà người lại giết người. Phải có động cơ nào đó thúc đẩy mới có chuyện giết người. Nếu không có lòng tham lam, ghen tị và những dục vọng xấu xa thúc đẩy, nào có ai lại đi giết người?" Ý kiến nầy được xem là chí lý.

Thế là cuối cùng, mọi người hô to khẩu hiệu khác: "Đả đảo lòng tham lam! Đả đảo ghen tị! Đả đảo hận thù!" (dựa theo Cha Anthony de Mello)

Chính những dục vọng đen tối trong lòng người mới là nguyên nhân chính gây nên mọi xấu xa trong cuộc đời và trên thế giới. Cội nguồn sự ác nằm trong thâm tâm con người.

Vì chưa hiểu điều nầy, những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giê-su cứ lo rửa ráy bên ngoài mà không lo rửa sạch nội tâm. Họ chú mục vào việc rửa tay trước khi dùng bữa, cho rằng đó là việc quan trọng hàng đầu và trách móc các môn đệ Chúa Giê-su đã bỏ qua tập tục đó.

Nhân cơ hội nầy, Chúa Giê-su dạy cho các ông một bài học: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mác-cô 7, 14-15. 21-23)

Để hiểu rõ hơn bài học nầy, chúng ta hãy nhìn lại trường hợp Cain và Aben.

Cain và Aben là hai anh em ruột thịt hằng ngày vẫn yêu mến, hoà thuận với nhau.

Thế rồi, sau khi thu hoạch hoa màu lợi tức, hai anh em cùng nhau dâng của lễ đầu mùa lên Thiên Chúa. Thiên Chúa nhận lễ vật của Aben mà từ khước lễ vật của Cain.

Thế là từ đó, trong Cain phát sinh lòng ghen tị. Lòng ghen tị lớn dần lấn át cả tình anh em ruột thịt khiến Cain dụ em ra đồng và xông vào đánh chết người em.

Chính lòng ghen tị trong tâm hồn Cain là nguyên nhân chính xui khiến anh giết chết Aben.

Một trường hợp tương tự khác là vua Sa-un và Đavít.

Thời ấy, Gô-li-át, một kiện tướng của quân Philitinh, một người khổng lồ có sức mạnh vô địch, khiêu chiến với quân Ít-ra-en. Trong hàng ngũ quân Ít- ra-en, không ai dám đương đầu với tên khổng lồ ấy.

May thay, Đa-vít xuất hiện kịp thời. Cậu dùng ná bắn lủng trán Gô-li-át, rồi dùng chính gươm của y mà chặt đầu y. Quân Ít-ra-en bấy giờ thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, đánh tan quân địch không còn manh giáp.

Sau đó, phụ nữ từ các thành Ít-ra-en tuôn ra các ngã đường chào mừng vua Sa-un chiến thắng và ca tụng Đa-vít như vị anh hùng kiệt xuất: "Vua Sa-un giết được một ngàn, còn Đa-vít giết được hàng vạn". (Samuen I, 18, 6-8)

Lời ca tụng đó làm cho lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Sa-un. Nhà vua tìm mọi cách tiêu diệt Đa-vít và cuối cùng đem quân truy lùng tận những hang núi sâu, mưu toan tiêu diệt vị anh hùng tài năng và dũng cảm nầy.

Đúng là những gì xấu xa trong lòng người mới làm cho người ta ra nhơ uế. Cội nguồn sự ác nằm trong thâm tâm con người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn vào tận đáy lòng mình để phát hiện ra những ham muốn xấu xa, những kiêu căng và ghen tị, những tham lam và thù ghét đang âm ỉ trong lòng. Chính những thứ đó mới là nguyên nhân gây nên tội ác, tạo nên mọi điều xấu xa trong xã hội loài người.

Nếu chúng ta không phát hiện và nhổ bỏ những dục vọng xấu xa đen tối khỏi tâm hồn mình, thì dần hồi chúng sẽ lớn mạnh lên, sẽ điều khiển chi phối đời sống chúng ta và chúng ta sẽ trở thành những con rối trong bàn tay dục vọng.

Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Lề luật và truyền thống
Đinh Lập Liễm
06:38 26/08/2009
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN B

LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG

+++

A. DẪN NHẬP

Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng của Ngài và ban cho họ Lề luật để tuân giữ. Đối với họ, nhiệt thành tuân theo lề luật là một cách thể hiện lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. Ai yêu mến Lề luật và đem ra thực hành được kể là người khôn ngoan vì lề luật sẽ trở nên cho họ nguồn phát sinh sự khôn ngoan và đường dẫn tới sự sống và hạnh phúc.

Tuy nhiên, thực hành Lề luật không có nghĩa là chỉ thi hành những nghi thức bên ngoài và coi đó là xong nhiệm vụ. Những hình thức bên ngoài là cần thiết nhưng chúng chỉ là những yếu tổ bổ sung và phụ thuộc mà cái cần thiết nhất là tấm lòng. Hay nói cách khác, cần nhất là cái động lực thúc đẩy chúng ta làm. Chính cái động lực này đánh giá việc làm của chúng ta: nếu động lực tốt thì việc làm sẽ tốt, nếu động lực xấu thì việc làm sẽ xấu. Nếu việc làm mà thiếu động lực tốt thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình: ”Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng chúng thì xa Ta”(Is 29,13).

Thiên Chúa đòi chúng ta một tấm lòng yêu mến và chân thành. Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ mà chính là lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa thúc đẩy chúng ta làm những công việc đó. Làm việc mà thiếu lòng yêu mến thì tất cả sẽ trở nên vô giá trị và vô ích. Hãy thực hiện lời thánh Augustinô: ”Ama et fac quod vis”: Cứ yêu đi rồi làm gì thì làm.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Đnl 4,1-2,6-8

Ông Maisen truyền đạt cho dân Israel Lề luật của Thiên Chúa để họ đem ra thực hành. Ông căn dặn dân chúng hãy trung thành giữ Lề luật Chúa, đừng thêm cũng đừng bớt điều gì. Những thánh chỉ của Chúa không phải là gì khác ngoài cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài vì không có dân tộc vĩ đại nào đuợc Thần minh ở gần như Đức Chúa của dân Do thái mỗi khi họ kều cầu Ngài.

Do đó, những ai biết nhận ra tầm quan trọng, biết tuân giữ và biết sống theo Lề luật là những người khôn ngoan. Dân ngoại cũng phải nhận định rằng Israel là một dân tộc vĩ đại vì được Thiên Chúa ban cho họ những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề luật mà ông Maisen truyền lại cho họ. Giữ Lề luật là tỏ lòng yêu mến và trung thành với Đức Chúa.

+ Bài đọc 2: Gc 1,17-18.21b-22.27

Thánh Giacôbê, tác giả của lá thư này, không phải là một trong mười hai Tông đồ, nhưng là một người bà con của Đức Giêsu. Ngài lãnh trách nhiệm tổ chức và điều hành cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem. Ngài nài xin các tín hữu hãy ân cần đón nhận Lời Chúa vì Lời Chúa quả là một ân huệ to lớn. Nhưng Ngài còn thêm: đón nhận Lời Chúa chưa đủ, còn phải đem ra thực hành để được sinh hoa kết quả. Cụ thể là “thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi vết nhơ của thế gian”.

+ Bài Tin mừng: Mc 7,1—8a.14-15.21-23

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu tranh luận với nhóm biệt phái nhiều điều, nhưng chung qui là vấn đề sạch dơ:

- Họ dựa vào luật để qui định những cái gì sạch, cái gì dơ và từ đó buộc mọi người phải rửa tay trước khi dùng bữa.

- Họ chỉ chú trọng đến những cái gì bên ngoài dơ hay sạch chứ không chú trọng vào bên trong. Còn Đức Giêsu nhắc cho họ phải chú trọng đến vấn đề sạch dơ trong tâm hồn.

- Nhận thấy họ chỉ chú trọng vào những hình thức đạo đức bên ngoài, còn nội tâm thì trống rỗng nên Đức Giêsu coi họ chỉ là những người đạo đức giả: ”Dân này thờ kính Ta bằng mội miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”.

- Ngài kết án việc làm sai trái của họ: lẫn lộn luật Thiên Chúa và tập tục của tiền nhân. Sai trái hơn nữa là họ lấy tập tục của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Thèm lòng chứ ai thèm thịt.

Người đời thường nói:”Thèm lòng chứ ai thèm thịt” hoặc “Vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy”, có nghĩa là người ta đến giỗ tết hiếu hỉ, thăm nom vì quan hệ tình cảm, vì cái lòng tốt đối với nhau chứ không phải cốt để ăn uống hoặc là thèm muốn miếng thịt đem biếu nhau. Trong quan hệ hằng ngày người ta cần cái lòng tốt chứ không cần hình thức bề ngoài. Câu tục ngữ này cũng giúp chúng ta hiểu rằng khi đến với Chúa, ta không cần phải chú trọng quá vào hình thức mà cần tấm lòng của chúng ta đối với Chúa, đó là yêu Chúa và tha nhân.

I. LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG

Trong Cựu ước, bộ luật có tới 613 khoản, nhưng những khoản luật đó chỉ nói trên nguyên tắc, còn trong áp dụng thực hành người ta còn thêm vào những lời cắt nghĩa mà ta gọi là truyền thống hay truyền khẩu. Như vậy có hai thứ luật:

1. Luật thành văn

Trong hai thứ luật này có cái cổ hơn và quan trọng hơn là Lề luật thành văn. Lề luật này căn cứ trên sách Torah (Ngũ Kinh), nghĩa là 5 cuốn sách đầu tiên của Cựu ước, đôi khi còn gọi là luật Maisen. Thật ra, Ngũ kinh hàm chứa một ít qui tắc và chỉ dẫn chi tiết, nhưng về các vấn đề đạo đức, những gì được nêu lên chỉ là một loạt nguyên tắc mà người ta phải tự giải nghĩa và ứng dụng cho riêng mình. Trong một thời gian dài, dân Do thái bằng lòng với những “kiểu mẫu” này. Họ áp dụng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp.

2. Luật truyền khẩu hay truyền thống

Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu Lề luật, dưới biệt hiệu là Luật sĩ (Kinh sư). Nhóm người này thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng hơn, với nhiều chi tiết hơn. Do đó, họ muốn triển khai, phóng đại, phân tích các nguyên tắc lớn ấy biến chúng thành hàng ngàn lề luật, qui tắc nhỏ nhặt, để điều khiển từng hành động, từng hoàn cảnh của đời sống. Các luật lệ và qui tắc ấy không hề được viết ra cho đến sau thời Chúa Giêsu một thời gian dài. Chúng vẫn được gọi là Luật truyền khẩu, đây chính là cái gọi là tương truyền của người xưa.

II. TRUYỀN THỐNG TRONG NGHI THỨC RỬA TAY

1. Tập tục rửa tay

Trong khoảng thời gian này, trong dân chúng Do thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo lề luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa.

Có nhiều luật lệ rõ ràng và nghiêm nhặt về việc rửa tay. Trước khi dùng bữa và giữa hai món ăn, người ta phải rửa tay, và phải rửa theo một nghi thức nhất định. Để bắt đầu, phải làm cho đôi bàn tay không còn dính đất cát vôi vữa sỏi sạn vụn hay các vật tương tự. Nước rửa tay phải được đựng trong những choé đá lớn, hay bình bằng đồng, để chính chúng cũng thanh sạch theo ý nghĩa lễ nghi, và để được chắc chắn là chúng không được dùng vào việc gì khác và chẳng có vật gì rơi rớt hay lẫn lộn, pha trộn vào đó.

Nghi thức rửa tay phải như thế này: trước hết bàn tay được xoè ra, các đầu ngón tay chỉ lên trên, nước phải được đổ phía trên và chảy xuống ít nhất đến cổ tay. Lượng nước tối thiểu phải dùng là một phần tư log, tương đương với số nước đựng đầy một vỏ quả trứng rưỡi. Trong lúc bàn tay vẫn còn ướt phải rửa bàn tay này bằng mu bàn tay kia. Đây là cách giải nghĩa cách thức rửa tay bằng mu bàn tay kia: mu bàn tay này phải kỳ cọ vào lòng bàn tay kia và toàn thể bề mặt của bàn tay kia. Như thế có nghĩa là trong giai đoạn này, hai bàn tay đã ướt nước, nhưng bây giờ nước đó đã bị dơ vì đã tiếp xúc với hai bàn tay dơ rồi. Một lần nữa phải chụp các ngón tay lại, chúc xuống dưới rồi đổ nước lên, sao cho nước từ cổ tay chảy xuống khắp các đầu ngón tay. Sau khi đã làm đúng như thế, thì đôi tay mới được sạch.

2. Rửa tay là việc quan trọng

Đây là vấn đề không phải chỉ là vệ sinh mà là tập tục tôn giáo về “sạch” và “dơ”, được ghi thành luật của Maisen trong sách Lêvi, được thêm vào nhiều chi tiết và qui định rõ ràng qua truyền thống.

Vào thời Đức Giêsu, dân Do thái tuân giữ những lệnh truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào lề luật thành văn của Ngũ Kinh. Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi vì nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống, nhưng trong quá trình thực thi luật lệ này, một điều bi đát đã xẩy ra vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài: tuân giữ những nghi thức này thì được kể là làm đẹp lòng Thiên Chúa, còn không giữ chúng đồng nghĩa với phạm tội. Nói tóm lại, tuân giữ những nghi thức bên ngoài này được đồng hóa, được đánh giá là đạo đức, là biết phụng sự Chúa.

Truyện: Nhịn uống để rửa tay.

Có một thầy tiến sĩ luật Do thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng, người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông bị thiếu nước.

Các sĩ quan cai ngục không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy luật sĩ một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng, người ta khám phá ra bí mật. Thầy luật sĩ ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.

3. Ý nghĩa việc rửa tay

Ngày nay, có một sự quan tâm to lớn đối với việc làm sạch sẽ thân thể. Vì thế mới có mọi thứ quảng cáo về xà bông và nước hoa. Và cũng có sự quan tâm về môi trường – với chất lượng của nước uống, thực phẩm và không khí. Điều đó không phải là quan trọng. Chỉ có một điều là có một môi trường khác còn quan trọng hơn: môi trường đạo đức. Điều xấu là ô nhiễm tồi tệ nhất trong mọi thứ ô nhiễm (Flor McCarthy).

Thực ra, việc rửa tay không phải chỉ nhằm việc vệ sinh thân thể nhưng là việc vệ sinh tâm hồn. Rửa tay là có ý rửa cho linh hồn mình được sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Trong thánh lễ, khi chủ tế rửa tay với chút nước thì đọc: ”Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tôi con phạm xin Ngài thanh tẩy”. Nhưng tiếc thay, nhiều người Do thái chỉ chú trọng rửa tay là rửa tay theo truyền thống mà không để ý đến việc thanh tẩy tâm hồn mình. Vì thế, nhà thần học William Barclay nói:”Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tủy mà không một chút áy náy vì họ đã tuân giữ một cách chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác”.

III. SAI LẦM TRONG VIỆC GIỮ TRUYỀN THỐNG

1. Họ chỉ biết giữ lấy truyền thống

Đọc bốn sách Tin mừng, ta phải nể phục sự nghiêm túc giữ luật của các luật sĩ Do thái: họ giữ luật Maisen cẩn thận từng chi tiết, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của Lề luật, họ còn giữ cả những chi tiết nhỏ mọn trong truyền thống Do thái giáo.

Nhưng Đức Giêsu đã cho họ thấy rằng sự thánh thiện không hệ tại việc giữ một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều. Cái đó ở trong nội tâm chứ không phải ở bên ngoài.

Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái cốt tủy của lề luật. Đức Giêsu đã tố giác điều ấy: ”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng (=tức những điều phụ thuộc), mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”(Mt 23,23). Như vậy, theo Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong lề luật, tinh thần của lề luật, cũng là cốt tủy của sự thánh thiện, chính là chân lý, công lý và tình thương.

Đối với lòng nhiệt thành giả tạo có vẻ quá hình thức này, Đức Giêsu nghĩ thế nào về họ ? Ngài trách cứ họ hai điều: một là giả hình, hai là làm đảo lộn giá trị.

2. Họ là những người giả hình

Họ giả hình vì cũng như thời tiên tri Isaia, người ta không nghĩ đến sự hối cải trong các tâm hồn, mà chỉ bận tâm đến việc thực hiện mấy việc bên ngoài: ”Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”(Is 29,13).

Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, có nghĩa là sự gian dối không có chỗ nơi Ngài, không được Ngài ưa thích và ủng hộ. Trái lại, Thiên Chúa lên án cách sống giả hình, sai lạc với sự thật. Thiên Chúa không khinh chê người yếu đuối, tội lỗi, nhưng khinh chê những người đạo đức giả. Thiên Chúa yêu thương, tha thứ cho những yếu đuối, tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không thể chấp nhận kẻ sống giả hình.

Nếu chỉ có những hành động bên ngoài mà không có tinh thần cốt tủy bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước mặt Chúa. Còn những người luật Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một số thói quen mà ta gọi là “việc đạo đức”, những hình thức do con người sáng tạo...thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn.

Những người giả hình này đáng người ta tặng cho cái nhãn hiệu “Tốt mã dẻ cùi”. Chim dẻ cùi là một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông mã, lông đuôi sặc sỡ ngũ sắc, coi giống chim phượng. Người ta đã gọi là phượng hoàng Nam (phượng hoàng của nước Nam) hay phượng hoàng đất. Nhưng chim dẻ cùi phải cái tật hay ăn cứt chó, cứt lợn. Người ta đã có câu:

Dẻ cùi tốt mã dài đuôi,

Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi.

Dẻ cùi tiếng hót lại không hay, vì vậy dẻ cùi tuy đẹp mã thật, song người ta không qúi mà lại khinh. Người ta thường dùng câu “Tốt mã dẻ cùi” để riễu người bề ngoài đẹp đẽ sáng sủa, ăn bận diêm dúa mà bụng dạ bẩn thỉu không tốt mà lại vô tài.

(Văn Hoè, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 198)

Truyện: Sư máy.

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “Sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).

3. Họ làm đảo lộn giá trị

Họ chỉ giữ tập tục của tiền nhân là những tập tục của con người đặt ra. Các tiền nhân của người Do thái đặt ra nhiều tập tục tỉ mỉ mà các biệt phái và luật sĩ tuân giữ rất nhiệm nhặt. Biệt phái là những người Do thái rất sùng đạo, nhưng sùng đạo cách giả hình, vụ hình thức, vì họ chỉ chú trọng đến những hình thức bên ngoài như nhiệm nhặt gìn giữ các tục lệ của tiền nhân, chuộng hình thức bên ngoài mà không có tinh thần bên trong.

Chúa khiển trách họ:”Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người, vì các ngươi bỏ qua các giới răn của Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Chúa khiển trách họ là người làm đảo lộn giá trị vì họ chỉ chú ý đến việc tuân giữ các tập tục của tiền nhân mà lại bỏ qua những giới răn căn bản của Chúa. Họ coi trọng việc thuộc về con người hơn việc thuộc về Thiên Chúa.

IV. ĐIỀU CHÚA MUỐN DẠY TA

Nhân dịp các luật sĩ chê trách các tông đồ không rửa tay khi dùng bữa, Đức Giêsu muốn dạy cho họ một bài học: cái xấu xa không phải từ ngoài mà vào mà ở trong mà ra. Ngài nói:”Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình... Tất cả những điều xấu xa dó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”. Do đó, chính cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay việc dữ.

Theo lời Chúa dạy, chúng ta thấy yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bề ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có giá trị hay không. Nhiều người có những hành động rất tốt nhưng lại làm vì những động lực ích kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên xấu. Chẳng hạn những hành động giả nhân giả nghĩa nhằm được một lợi lộc nào đó, như bố thí thật nhiều để được khen, để có tiếng là đạo đức hầu lừa đảo người khác, hay làm việc tích cực chỉ nhằm để được lên chức, để nắm quyền hành nhằm thao túng lũng đoạn tập thể. Ngược lại, có những người “tình ngay mà lý gian”, hành động thì có vẻ như xấu, bị kết án, nhưng lại được Thiên Chúa chúc lành.

Vậy điều quan trọng là phải đổi mới trái tim. Đổi được trái tim là đổi được tất cả. Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy.

Chúng ta cần lưu ý rằng luân lý của Đức Giêsu là một thứ luân lý phổ quát biết bao ! Ngài biết rõ lòng người. Đó là luân lý căn bản tự nhiên mà Ngài đặt lại thành giá trị vượt lên trên những tập tục riêng của một nền văn minh. Không có một tục lệ quốc gia nào, một tập tục tổ tiên nào có thể đi ngược lại những luật căn bản này, mà mọi người đều phải công nhận trong thâm tâm của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện hệ tại tình trạng tốt đẹp tâm hồn hơn là tại những hành động bên ngoài. Xin cho chúng con biết quan tâm đến việc tu tâm dưỡng tính, nghĩa là có một tâm hồn ngay thẳng, luôn thành thật, luôn tôn trọng và bênh vực công lý, luôn yêu thương mọi người. Tâm tốt lành ấy mới chính là điều cốt yếu làm nên sự công chính thánh thiện của chúng con, hơn là giữ luật lệ một cách chi tiết hay việc làm cho thật nhiều (JKN).

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Bề trong, bề ngoài
LM Giuse Nguyễn Hữu An
17:37 26/08/2009
BỀ TRONG, BỀ NGOÀI

CN 22 B

Thư chung gửi Cộng đồng Dân Chúa Hà nội, nhân dịp Năm Học Mới và Năm Linh Mục 2009, Đức TGM Giuse viết: “Mỗi năm đến ngày khai trường cả xã hội rộn lên niềm hi vọng. Hi vọng, vì học hành là tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của gia đình và đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay không phải phục vụ chiến tranh, có điều kiện hơn để được ăn được học, sẽ thăng tiến và giúp đất nước thăng tiến. Mỗi mùa khai trường là một mùa hi vọng. Hi vọng mỗi năm học là một cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng. Nhưng những hi vọng ấy không làm giảm bớt những lo âu ngày càng nhiều và càng nặng gánh. Lo vì cứ mỗi năm chi phí cho việc nhập học lại tăng lên. Lo vì nạn chạy trường ngày càng phổ biến khiến cho ngày nhập học trở thành ngày buồn tủi cho những trẻ em và những gia đình không có điều kiện. Nhưng lo nhất là chất lượng giáo dục. Chất lượng tri thức không chắc có với những chương trình liên tục cải cách nhưng vẫn liên tục sai sót, với nạn học vẹt, với nạn dạy cho hết giờ, với nạn dạy thêm học thêm nặng nề cả về tinh thần lẫn kinh tế. Đáng quan ngại nhất là chất lượng đạo đức. Làm sao không lo âu khi trường học đáng lẽ phải là nơi gương mẫu về đạo đức lại là nơi mà sự gian dối trở thành bình thường trong thi cử, làm bài và cả trong ứng xử. Làm sao không lo âu khi trường học không dạy môn lễ phép lịch sự, thiếu môn học đạo đức, không quan tâm đến môn học làm người…Tôi tha thiết kêu gọi anh chị em, các giáo xứ và các gia đình, đừng khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường, nhưng hãy lo liệu cung cấp cho con em mình nền giáo dục Kitô giáo cơ bản. Đó là nền giáo dục giúp phát triển con người toàn diện, không chỉ có thân xác khỏe mạnh, trí tuệ thông minh mà quan trọng trên hết phải có tâm hồn đức hạnh. Đặc biệt hãy dạy cho con em mình tôn trọng sự thật, sống lương thiện theo lương tâm và biết tôn trọng lợi ích chung là những điều rất cần thiết mà xã hội hôm nay đang thiếu thốn trầm trọng…”

Quả thật, thời đại chúng ta đang sống quá chú trọng tới bề ngoài, săn sóc cái bề ngoài. Qúa hình thức, những phong trào, khẩu hiệu, hô hào…nhưng lại thiếu trầm trọng sự chăm sóc nội tâm của con người. Đạo đức, lương tâm, sự thật, công bình đang xuống cấp. Người ta nói nhiều đến cái ngoại diện, ngoại hình; chăm sóc ngoại diện, ngoại hình; trọng dụng, đề cao ngoại diện, ngoại hình. Ngoại hình kém thì khó kiếm công ăn việc làm, khó lấy vợ lấy chồng. Người ta bỏ ra rất nhiều tiền, tiêu tốn nhiều thời gian, nhiều công sức để săn sóc sắc đẹp, gìn giữ ngoại hình cho hấp dẫn. Hàng ngày xem TV, nhiều chương trình quảng cáo sản phẩm: xà phòng mới, dầu gội đầu mới, nhiều loại nước hoa... Tất cả đều nhằm chăm sóc cho làm da, mái tóc, cơ thể... nhưng đều là bề ngoài. Ngày nay, người ta cũng để ý nhiều hơn đến chất lượng của những thức ăn và thức uống... Mọi thứ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những thứ từ bên ngoài được đưa vào trong cơ thể con người. Nhưng xem ra người ta rất ít lo chăm sóc cái bề trong của con người, như lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về tội... và cũng rất ít để ý tới những cái từ trong lòng phát ra. Người ta ít lưu tâm tới yếu tố quan trọng hơn cái bên ngoài là nội tâm của con người. Mặc dù nói rất nhiều đến văn hoá, văn minh, đến những giá trị tinh thần, những yếu tố chân thiện mỹ, trong thực tế người ta chỉ chú trọng tới vật chất và lợi nhuận, của cải và địa vị xã hội, chỉ muốn thụ hưởng những tiện nghi, những thú vui trần thế. Vì không chú trọng giáo dục cái tâm, nên lương tâm con người càng ngày càng xuống cấp. Lương tâm nhiều người không còn ngay thẳng, nhưng quanh co gian dối, không còn trong sáng, nhưng tăm tối và vẩn đục.

Không thể xây cái gì bền vững trên sự giả dối. Ngày nay người ta có thể nghi ngờ bất cứ chuyện gì. Đọc một số liệu hay một bản báo cáo của một cơ quan, một tổ chức, một công ty, xí nghiệp..., nhà nghiên cứu luôn luôn nghi vấn: Có đúng vậy không? Đứng trước một học bạ, một văn bằng, một học vị, nhiều khi cũng có thể nghi ngờ là không thật. Uống một viên thuốc, dùng một món đồ, ăn một tô bún, một miếng giò hay một trái cây, người cẩn thận vẫn thường không yên tâm: chất lượng thật hay giả, có hóa chất không? Thậm chí có lúc đi ngang qua một biệt thự của một cán bộ, công chức hay ngay của một giám đốc công ty, không ít người buột miệng: "Làm gì mà giàu sang thế? Hay lại...?".

Bề ngoài và bề trong liên quan với nhau và tác động lẫn nhau, nhưng về mặt luân lý đạo đức, bề trong mới là phần quyết định, như Chúa Giêsu đã nhận xét trong bài Phúc Âm: "Từ lòng con người phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống" (Mt 15,19).

Lời Chúa ứng dụng rất đúng cho thời đại hôm nay, không những cho xã hội mà cho cả chúng ta nữa. Cái tâm không được chăm sóc, nên trong ấy ngổn ngang những điều xấu: tham lam, độc ác, xảo trá, ganh tỵ, kiêu căng, tà dâm, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó từ bên trong xuất ra, làm cho con người ô uế, xã hội bị hư hỏng, môi trường bị ô nhiễm. Tất cả những điều xấu ấy làm phát sinh các xung đột, tạo ra tình trạng áp bức bóc lột, đưa đến giết chóc và chiến tranh.

Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm. Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người:

- Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.

- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.

- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.

- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.

- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …

Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị.

Ðạo Do Thái trọng lề luật, nặng hình thức. Ðạo Chúa Giêsu là Đạo tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Chúa dạy rằng: Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối.

Xã hội thường quá đề cao cái bao bì, cái bên ngoài. Thiên Chúa thì nhìn tận đáy lòng. Người không đánh giá con người theo dáng vẻ bề ngoài. Ðối với Chúa Giêsu, người Biệt phái thường chỉ được cái mã thôi. "Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bề ngoài trông thì đẹp nhưng bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế" (Mt 23,27). Vì chỉ chú trọng cái bề ngoài nên lắm khi họ có những suy nghĩ và hành động bất nhất không hợp lý, đôi lúc còn tức cười nữa. Ðối với Chúa Giêsu, hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền dâng cúng trong Ðền thờ vẫn nhiều hơn "thật nhiều tiền" của những người giàu có bỏ vào đó. Có ai biết rằng hai đồng tiền đó là "tất cả tài sản của bà", nhưng Chúa Giêsu thì biết rõ (Mc 12,41-44). Giá trị của việc dâng cúng không tùy thuộc nơi số lượng của cải dâng cúng nhưng tùy thuộc tấm lòng thành.

Người ta phải quay về với cái tâm của mình, phải tìm sự thật về mình không phải từ cái chúng ta có, như của cải, địa vị, học thức, quyền bính..., không phải từ cách mình thường nghĩ về mình, cũng không phải từ dư luận của kẻ khác, mà là đối diện với Thiên Chúa.

Muốn trở về với nội tâm, cần phải có thời gian thinh lặng, phải học bài học thinh lặng. Nhiều người trẻ thiếu sự thinh lặng nên thiếu chiều sâu, chỉ ham vui nhất thời, không thấy được những giá trị đích thực của cuộc sống, không khám phá ra chân lý, không được thu hút bởi điều thiện, không biết thưởng thức những vẻ đẹp thanh cao, không gặp được Chúa trong tâm hồn, không có kinh nghiệm về Chúa.

Trong thinh lặng, hãy đón nhận Lời Chúa đã được gieo vào tâm hồn. Hãy đưa Lời Chúa ra thực hành, không dừng lại bình diện lý thuyết. Thư thánh Giacôbê nêu ra hai điều phải làm để đào tạo một lương tâm trong sạch: thực thi bác ái nhất là đối những người phận nhỏ, không để bị lây nhiễm những thói hư của thế gian.

Tin vào Tình yêu của Thiên Chúa. Thường xuyên tiếp xúc với Chúa trong đời sống cầu nguyện, để cảm nghiệm Thiên Chúa ở gần, Thiên Chúa ở trong lòng chúng ta. Có gần gũi với Chúa mới biết được thánh ý của Người và đem ra thực hành. Như thế nội tâm ngày càng phong phú.

Khi đó có thể, đem tâm đặt trên ngực để yêu thương, đặt trên tay để giúp đỡ người khác, đặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân, đặt trên chân để mau mắn chạy đến với người cùng khổ, đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh, đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác, đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
13 Cánh Sẻ Cát Minh trong Đan Viện miền Deux-Sèvres
Lê Đình Thông
00:10 26/08/2009
13 Cánh Sẻ Cát Minh trong Đan Viện miền Deux-Sèvres

Hàng năm, vào tháng 8, mỗi sáng tôi đều dự thánh lễ trong một đan viện nhỏ ở miền Deux-Sèvres. Tôi có dịp đếm từng cánh sẻ nâu Carmélites. Năm nay, số nữ tu trong tu phục mầu nâu vẫn là 12: một ngồi xe lăn, một nữ tu khác chống nạng, một đàn thánh nhạc phụng vụ. Nhánh cây Niort trong đại thụ Carmel ở Pháp trĩu nặng tuổi đời của 12 nữ tu. Năm nay có thêm một cánh sẻ nâu dự tu. Cánh chim non thứ 13 vừa nhập đàn, nguyên quán miền Viễn Đông, mái tóc huyền buông dài. Cánh sẻ 13 hẳn đến từ nước Việt, nơi có Dòng Kín Kim Long ở bên bờ sông Hương của Mẹ Marie-Aimée Nguyễn Thị Tài, trưởng nữ của Quận Công Nguyễn Hữu Bài. Cánh sẻ thứ 13 sẽ còn trụ trì lâu năm trong đan viện cổ kính, sau khi 12 cánh chim đầu đàn lần lượt bay về quê trời. Ngoài lời kinh nguyện, cuộc sống của các nữ tu là sự lặng thầm và lao động, trong niềm vui Cát Minh (Cát: niềm vui tốt lành; Minh: trong sáng). Nhà nguyện nhỏ, tổ ấm của 13 cánh sẻ nâu được chở che bởi thập giá Cát Minh với ba đường chỉ khâu, vá víu vết thương thánh tích.



Thánh giá Cát Minh và Thập giá chắp vá vết thương thánh tích

Những cánh sẻ Cát Minh gọi đàn

Trong bài này, 13 nữ tu Cát Minh hóa thân thành chim sẻ như những cánh sẻ nâu chốn quê nhà. Đôi cánh chắp lại giống cánh voan đội trên đầu đan sĩ. Trong văn học công giáo, Dialogues des Carmélites trở thành áng văn tuyệt tác. ‘‘Những cánh sẻ Cát Minh gọi đàn’’ nhằm giới thiệu di cảo bất hủ của văn hào Pháp Georges Bernanos (1888-1948), trong khung cảnh mùa hè lặng thầm của đan viện Cát Minh ở Niort. Tác giả trước tác trong cơn bạo bệnh. Chủ đề tác phẩm là sự ám ảnh về cái chết, thể hiện qua những mẩu đối thoại giữa mẹ bề trên và nữ tu Blanche. Cô Blanche thoát chết trong chuyến xe song mã của cha mẹ. Năm 1798, cô dâng mình trong tu viện Cát Minh. Mẹ bề trên hỏi vì sao cô quyết định nhập dòng ‘‘Thưa mẹ, vì con cảm thấy như bị cuốn hút bởi cuộc sống hùng anh đan viện’’. Thực ra, Blanche nương mình chốn đan viện để thoát khỏi sự sợ hãi. Một thời gian ngắn sau ngày Blanche vào dòng, mẹ bề trên lâm chung. Một nữ tu trẻ phát biểu về cái chết của mẹ bề trên: Người ta bảo rằng Chúa lòng lành mà cũng nhầm người, như ở phòng áo đôi khi người ta đưa nhầm chiếc áo của người khác. ‘‘Sœur Constance, cái chết của người khác có nghĩa như thế nào ?’’. ‘‘Điều này có nghĩa là vào giờ lâm tử, cá nhân bi chết nhầm cảm thấy kinh ngạc vì cái chết đến quá đột ngột, nhưng cũng có khi cảm thấy phúc thật. Chị có thấy tôi đang bận chiếc áo tươm tất chỉnh tề không ?’’

Mẹ bề trên qua đời vào lúc cuộc Cách mạng Pháp bùng nổ. càng lúc càng đe dọa cuộc sống bình yên của các nữ tu. Dòng Cát Minh trải qua chuỗi ngày gian khổ. Một số sẵn sàng tử đạo. Nhưng Blanche vẫn còn sợ chết. Các nữ tu bị trục xuất khỏi dòng. Những cánh sẻ chia lìa, tan tác. Blanche phải sống trong ngôi nhà từ đường, thân phụ vừa bị lên đoạn đầu đài. Blanche trở thành đầy tớ cho gia nhân của song thân trước đây. Các nữ tu khác bị bắt bớ, hành hình. Tấm bi kích cuối cùng diễn ra lặng câm: người ta dựng máy chém ở Quảng trường Cách mạng. Ngày 17-7-1794, 16 nữ tu Cat Minh nối bước nhau lên đoạn đầu đài, vừa đi vừa hát ‘‘Salve Regina ’’ (Lạy Nữ Vương) và ‘‘Veni creator’’ (Xin Thánh Linh ngự đến). Bản đồng ca Cát Minh yếu dần vì chỉ còn hai nữ tu, rồi cánh sẻ cuối cùng. Tiếng hát cuối của các nữ tu Cát Minh tắt lịm trên quảng trường Cách Mạng, tuy đông người mà hoang vắng, bỗng dưng được tiếp nối bằng lời kinh rất đỗi hào hùng. Vì tiếng hát cất lên từ rất xa, nên vị nữ tu hát kinh Chúa Thánh Thần dến nốt nhạc cuối Amen. Nữ tu Blanche hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, nét mặt thánh thoát không khiếp sợ trước lưỡi hái tử thần. Tiếng Amen vừa lịm tắt, tiếng máy chém cộc lốc vội vàng rớt xuống.:

‘‘Veni, creator, Spiritus,

Mentes tuorum visita,

Imple superna gratia

Quae tu creasti pectora

.... . . . . . . . . . . . . . . .

‘‘Deo Patri sit gloria,

Et Filio, qui a mortuis

Surrexit, ac Paraclito

In saeculorum saecula

Amen’’

Lạy Thánh thần Sáng tạo xin hãy đến

viếng thăm tâm hồn tín hữu

và đong đầy ơn phúc Trên Cao

trong trái tim nhân thế do Người tạo dựng.

…………………………………

Vinh danh Ngôi Cha

và Ngôi Con sống lại từ cõi chết

cùng Thánh Linh là đấng ủi an

Bây giờ và thiên thu vạn đại

Amen

Đan viện Cát Minh Niort hai lần bị giải thể

Đan viện Cát Minh Niort thành lập từ năm 1648, gồm 8 nữ tu. Tháng 9-1789 (Cách mạng Pháp), 29 nữ tu đan viện Niort ký tên phản đối một dự luật của Quốc hội muốn giải tán các cộng đoàn nữ tu. Năm 1790, các nữ tu từ chối không tuyên thệ gia nhập hiến chế dân sự giáo sĩ. Ngày 22-9-1790, thị trưởng Niort tuyên đọc đạo luật ngày 17-8 ra lệnh tống xuất các nữ tu ra khỏi tu viện. Các nữ tu phải hồi tục, chia thành từng nhóm nhỏ tiếp tục cuộc sống tu trì tại gia. Năm 1800, tu viện bị phát mãi. Các nhóm nhỏ Cát Minh không thể về lại đan viện ở Niort. Năm 1851, linh mục Charles Gay thỉnh cầu Đức Cha Pie, giám mục Poitiers, xin lấy lại đan viện Niort. Vì tu viện đã bị phát mại, thị trưởng Niort mua lại một thửa đất ở phố Napoléon (nay là Strasbourg). Ngày 8-11-1858 giáo quyền cử hành phép nhà. Việc xây cất kéo dài từ 1959 đến 1864. Năm 1901, đan viện gặp nạn, phải đương đầu với một đạo luật mới, bị buộc phải di cư sang Thumaide (Bỉ). Đến năm 1918 trở lại Niort, 15 nữ tu đã qua đời, có thêm 12 nữ tu mới.

Năm 1933, hai nữ tu Cát Minh Niort sang Trung Quốc giúp đan viện Cát Minh ở Trùng Khánh và Côn Minh. Năm 1955, 16 nữ tu Cát Minh Hà Nội sang dđn việc Niort tá túc. Sau đó các nữ tu Việt Nam sang định cư ở Dolbeau (Canada).

Sau đây là vài niên hiệu đáng ghi nhớ:

Nguyện đường Đan viện Cát Minh Niort
Nguyện đường Đan viện Cát Minh Niort

-1648: thành lập Đan viện Cát Minh Niort. Đan viện Carmel Niort từng nhận các nữ tu Cát Minh ở Hà Nội, hiện nay là một tập sinh Việt Nam.

-1838: thành lập Đan viện Cát Minh Lisieux.

- 1888: Thérèse Martin nhập dòng Carmel Lisieux. Nhà dòng có 26 nữ tu, tuổi trung bình là 47.

-1861: Đan viện Cát Minh Lisieux thành lập Đan Viện Cát Minh ở Saigon. Đây là Đan viện Carmel đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó, Đan viện Carmel Lisieux thành lập Dòng Carmel ở Hà Nội, Phnom Penh, Huế, Bùi Chu, Ilo Ilo (Phi Luật Tân), Bangkok (Thái Lan), Manila (Phi Luật Tân), Thanh Hóa, Vân Nam (Trung Quốc) và Singapore. Chính trong ý hướng truyền giáo của Đan viện Carmel Lisieux, nếu Têrêxa không lâm bệnh nặng, vị nữ tu này chắc chắn đã lên đường đi Hà Nội. Têrêxa so sánh đời sống đan viện với sa mạc. Thiên Chúa muốn mỗi đan sĩ sống ẩn dật. Têrêxa nhập dòng để cầu nguyện cho các linh mục và chúng sinh. Khi bước qua ngưỡng cửa nguyện đường đan viện Carmel Lisieux, khách thập phương hiệp thông với thánh nữ từng trải qua cuộc sống tu trì từ 9-4-1888 đến 30-9-1897; đồng thời kết hiệp với lời nguyện của cộng đoàn Cát Minh.

Mộ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Nguyện đường Cát Minh Lisieux


Trên mộ thánh nữ Têrêxa là Thánh tượng Thánh Mẫu. Ngày 13-5-1883, Đức Mẹ đã chữa lành cho Têrêxa bằng nụ cưới hiền mẫu. Hàng năm, vào chủ nhật cuối tháng 9 có lễ cung nghinh xương thánh tại Lisieux, năm nay ngằm ngày 27-9-2009.

La Rochelle, ngày 24-8-2009
 
Diễn viên nổi tiếng Hollywood tạ ơn Chúa và đức tin Công Giáo đã cứu ông thoát chết
Peter Nguyễn Minh Trung
00:51 26/08/2009
DIỄN VIÊN NỔI TIẾNG HOLLYWOOD TẠ ƠN CHÚA VÀ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO ĐÃ CỨU ÔNG THOÁT CHẾT

ROME, ITALIA (CNA) - Diễn viên Hollywood nổi tiếng Mickey Rourke, người vừa tham dự liên hoan phim Sarajevo tuần trước, đã cho một tờ báo của Bosnia biết rằng ông tạ ơn Chúa và đức tin Công giáo vì đã cho ông "cơ hội thứ hai" trong cuộc đời để vượt qua những cơn nghiện, cũng như giúp ông trong mỗi lần có ý định tự tử.

Phát biểu với tờ nhật báo Avaz, ông cho biết: "Chúa đã cho tôi cơ hội thứ hai trong cuộc đời và tôi cảm tạ Ngài."

Rourke bắt đầu nổi tiếng từ những năm 80 của thế kỷ trước qua những bộ phim thể loại hành động và tình cảm. Bước sang thập niên 90, ông không tham gia đóng phim nữa mà chuyển sang chơi môn quyền anh và ít lâu sau đó thì trở thành con nghiện nặng của rượu và thuốc.

Theo tờ báo, trong suốt những thời khắc khó khăn nhất cuộc đời mình, hai người bạn chân thành, tốt nhất của Rourke là bác sĩ tâm thần của ông và một vị linh mục.

Rourke nói: "Khi bạn vấp ngã, người ta sẽ đạp cho bạn ngã xuống sâu hơn nữa. Thế giới này đầy rẫy những cám dỗ về vật chất và sự đố kị lẫn nhau. Sẽ tệ hơn nếu bạn là người nổi tiếng mà bị vấp ngã, người ta sẽ không muốn bạn đứng dậy. Và cũng sẽ rất khó khăn, nếu như không muốn nói là gần như vô vọng, khi chính bản thân bạn muốn đứng trở lại. Kinh nghiệm đầu tiên của đời tôi rất khắc nghiệt, nhưng với cuộc sống thứ hai này những thứ đó dường như không còn tồn tại nữa...Thiên Chúa đã tặng ban cho tôi cơ hội được làm lại, cứ như có người đang đứng trên cao thấy tôi té ngã và đỡ tay nâng dậy."

Cách đây vài năm, Rourke bắt đầu quay trở lại màn ảnh rộng, và năm nay ông đã đoạt giải Quả Cầu Vàng cho phim "Kẻ Đô Vật", đây là quả cầu vàng đầu tiên của ông. Rourke còn được đề cử giải Oscar.

Giờ đây bản thân ông không còn quan tâm nhiều đến Hollywood nữa, Rourke nói: "Tôi chẳng quan tâm về Hollywood và mấy người ở đó nghĩ gì nữa. Tôi không nghĩ về nó đơn giản chỉ vì tôi không quan tâm. Thậm chí tôi còn chẳng mơ màng gì đến cái chốn ấy."

Vào năm 2005, khi bắt đầu đóng những vai chính hơn trong các bộ phim, Rourke đã tiết lộ với một tờ tạp chí rằng ông có ý định tự tử và thường xuyên gặp gỡ cha xứ của mình tại New York. Ông nói: "Nếu không phải là người Công giáo thì tôi đã cho một phát súng vào đầu mình rồi."
 
Thêm một phép lạ tại Lộ Đức chữa lành người bất toại
Peter Nguyễn Minh Trung
01:44 26/08/2009
TURIN, ITALIA (CNA) - Một phụ nữ bị bệnh thần kinh nghiêm trọng phải ngồi xe lăn để di chuyển đã hoàn toàn có thể tự do bay nhảy sau chuyến hành hương đến Lộ Đức vào đầu tháng 08 qua. Người phụ nữ này tin rằng chính nhờ tắm nước tại Lộ Đức mà bệnh của bà đã khỏi.

Bà Antonia Raco, 50 tuổi, đã ngồi xe lăn từ 4 năm nay vì chứng tê liệt cơ bắp do mất tế bào thần kinh (Amyotrophic Lateral Sclerosis), hay còn gọi là bệnh sơ cứng teo cơ. Bà đã thực hiện chuyến hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức hôm 05-08-2009.

Nói với thông tấn xã ANSA, bà Raco cho biết: "Từ khi trở về nhà, tôi đã có thể đi lại và làm mọi thứ như trước đây, thậm chí tôi còn chạy được nữa."

Bà Raco sống ở một ngôi làng gần thành phố Potenza miền Nam nước Ý. Bà nói rằng bà muốn coi điều này như "một món quà, một hồng ân hơn là một phép lạ."

Bà tường thuật lại việc lúc đang tắm ở dòng suối chữa lành tại Lộ Đức: "Khi đó tôi nghe có tiếng khích lệ tôi và một cơn đau mãnh liệt ở hai chân."

Thứ ba tới, Raco sẽ đến để các chuyên gia khám tại bệnh viện danh tiếng Molinette ở Turin. Bác sĩ chuyên khoa Adriano Chiro tại bệnh viện là người chữa trị bệnh tật cho bà từ năm 2005.

Lộ Đức thuộc Pháp quốc đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng kể từ năm 1858, khi thánh nữ Bernadette Soubirous được thị kiến Đức Mẹ ở hang núi. Theo những lời chỉ dẫn của Đức Maria, thánh nữ Bernadette cạo mặt đất đá bên cạnh hang núi cho tới khi dòng suối nước chảy ra. Suối này cung cấp cho người hành hương 27.000 gallon nước mỗi ngày. Nhiều phép lạ đã được ghi nhận nhờ nước từ Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Thánh nữ Bernadette qua đời ngày 16-04-1879 ở tuổi 35. Ngày 22-09-1909, Đức cha Gauthey của giáo phận Nevers và các giáo chức Giáo hội đã cho khai quật thi hài của thánh nữ Bernadette Soubirous. Trước sự hiện diện của nhiều vị chuyên gia được Tòa Thánh chỉ định cho vụ án phong thánh, bao gồm 2 bác sĩ và một nữ tu bề trên của công đoàn khi xưa của thánh nữ. Tất cả đều chứng kiến thân xác của thánh nữ còn nguyên vẹn không hề hư nát không thể lý giải được về mặt khoa học, còn cây Thánh Giá và chuỗi hạt trong tay của thánh nữ thì đã bị ôxi hóa. Chính điều này đã góp phần bổ sung vào kho phép lạ cho biến cố phong thánh của thánh nữ. Sau khi khai quật quan tài, người ta tắm rửa và thay quần áo cho thánh nữ trước khi đặt thân xác ngài trở lại một quan tài hai lớp. Ngày nay, xác thánh nữ Bernadette nguyên vẹn và tươi tắn như đang nằm ngủ được trưng bày trong quan tài pha lê cho dân chúng kính viếng và vẫn không hề có dấu hiệu phân hủy sau 130 năm kể từ ngày mất.

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16924)
 
Vatican phủ nhận tin đồn sắp có cải cách về phụng vụ
Peter Nguyễn Minh Trung
01:46 26/08/2009
VATICAN (CNA) - Văn phòng Báo chí Tòa Thánh hôm nay đã ra thông cáo bác bỏ những bài viết của các tờ báo tại Italia cho rằng Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đang chuẩn bị thực hiện những thay đổi để nêu bật tính thánh thiêng của phụng vụ. Thông cáo nói thêm rằng hiện nay Tòa Thánh không có bất kỳ đề xuất nào về việc thay đổi nghi thức phụng tự đang được sử dụng để cử hành Thánh Lễ.

Trợ lý Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cha Ciro Benedettini, cho biết hiện nay chưa có bất kỳ đề xuất thay đổi nào với các bản văn sách lễ đang dùng.

Cha Benedettini ra thông cáo này sau khi nhà quan sát Vatican Andrea Tornielli viết một bài báo nói rằng các Giám mục thuộc Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã biểu quyết thông qua một loạt các cải tổ về phụng vụ để trình lên Đức Thánh Cha xét duyệt hôm 12-03-2009.

Tornielli còn viết rằng các Đức cha thuộc bộ này gần như nhất trí cao độ "nhằm khôi phục các giá trị thánh thiêng vĩ đại hơn cho nghi lễ phụng vụ, để phục hồi ý nghĩa đích thực của việc tôn sùng Thánh Thể, để làm sống lại cử hành Thánh Lễ nghi thức Latinh, để canh tân phụng vụ và đặt dấu chấm hết đối với các lạm dụng, thử nghiệm, sáng tạo bất xứng."

Bài báo còn viết các Giám mục biểu quyết để tái khẳng định lại hình thức rước lễ bằng miệng chứ không được dùng tay. Không những thế, Tornielli còn thêm thắt một chi tiết là nhiều hội đồng giám mục đã bị Tòa Thánh chỉ trích vì dám cho phép rước Mình Thánh Chúa trên tay.

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16921)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi canh tân việc suy tôn Lòng Thương Xót Chúa
Bùi Hữu Thư
01:48 26/08/2009
Điện văn gửi các tham dự viên Tuần Phụng Vụ thứ 60 tại Ý

Rôma, Thứ ba 25 tháng 8, 2009 (ZENIT.org) – Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi “một sự canh tân việc suy tôn Lòng Thương Xót” và sự tha thứ của Chúa, trong một điện văn gửi qua Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone cho các tham dự viên Tuần Phụng Vụ Quốc Gia lần thứ 60 tại Ý.

Đức Thánh Cha Benedict XVI
Điện văn mở đầu cho các công tác của tuần lễ này, có chủ đề “Suy tôn Lòng Thương Xót. Hãy hòa giải với Thiên Chúa,” được tổ chức bởi Trung Tâm Sinh Họạt Phụng Vụ của Hội Đồng Giám Mục Ý. Tuần Lễ được tổ chức tại Barletta, trong miền Pouilles. Thực vậy, đã 35 năm qua Nghi Thức Thống Hối mới bằng tiếng Ý đã được phổ biến.

Đức Thánh Cha chúc cho Tuần Lễ Phụng Vụ “đóng góp cho việc nuôi dưỡng một sự trở lại và canh tân cho việc suy tôn Lòng Thương Xót và sự cảm nghiệm có ý thức về sự tha thứ của Chúa”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “Chúng ta cần có những tôn sư thiêng liêng, những bậc khôn ngoan, và các thánh,” khi ngài nhắc đến tấm gương của “Cha sở Thành Ars.”

Đức Thánh Cha đòi hỏi, “Cần kiểm chứng xem ngoài việc thay đổi nghi thức, chúng ta có tạo dựng được một não trạng thần học, thiêng liêng và mục vụ đầy đủ không?”

Thực sự, Đức Thánh Cha đã xác định được một trong “những ưu tiên mục vụ” của thời đại chúng ta, trong việc “chân thành tạo dựng lương tâm của tín hữu, vì khi con người dần dần mất đi ý thức về tội lỗi, thì tiếc thay con người cũng gia tăng mặc cảm tội lỗi; điều mà chúng ta muốn trừ bỏ bằng những phương thức xoa dịu hãy còn thiếu sót.”

Do đó Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi các vị chủ chăn cùng đồng hành với ngài cách thiêng liêng để cảm nhận được sự hòa giải, và có kinh ngiệm về “một một giáo lý mới, một giáo lý hướng dẫn về các mầu nhiệm để trau dồi thêm những hiểu biết về bí tích.”
 
Đức Hồng Y Venezuela kêu gọi chống lại đạo luật mới về giáo dục
Peter Nguyễn Minh Trung
05:20 26/08/2009
CARACAS, VENEZUELA (CNA) - Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám Mục Caracas, kêu gọi người dân Venezuela phải hành động nhiều hơn là dừng ở mức phàn nàn về đạo luật giáo dục mới, trong đó hủy bỏ tất cả các lớp học tôn giáo ở các trường công. Ngài nài nỉ mọi người dân hãy cùng nhau chống lại những đạo luật mới, và rằng họ có quyền phản kháng đối với những đạo luật vô lý thông qua cuộc trưng cầu ý dân.

Trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình, Đức Hồng Y Urosa nhắc đến các đạo luật về giáo dục gần đây và nói rằng người dân Venezuela nên dùng mọi phương tiện có được để bảo vệ "hàng loạt các quyền không thể bị lấy đi" mà chính phủ đang cướp ra khỏi tay người dân.

Đạo luật về giáo dục mới đã được hội đồng lập pháp quốc gia nước này thông qua khi không có sự nhất trí của các nhà lãnh đạo đối lập và những người kêu gọi phản biện về đạo luật.

Đức Hồng Y Urosa phê bình gay gắt chính quyền Venezuela đang nuôi dưỡng sự đối đầu thay vì sự hiệp nhất giữa người dân trong nước. Đức Hồng Y cũng bác bỏ mọi bình luận của phó chủ tịch hội đồng lập pháp quốc gia Saul Ortega nói ngài là kẻ nói dối trắng trợn. Đức Hồng Y nhấn mạnh: "Khi ai đó không tán thành việc làm của chính phủ, người đó sẽ bị quy kết là kẻ bịp bợm."

Đức Hồng Y nói việc giáo dục tôn giáo trong trường học là một đặc quyền của Giáo hội đối với dân chúng Venezuela đã tồn tại trong suốt hàng thế kỷ qua, và quyền này không thể bị thủ tiêu chỉ bằng vài nét bút ngớ ngẩn của những kẻ độc tài.

Ngài cũng cho biết thêm, hiện nay sự phản đối đạo luật giáo dục mới đã lan rộng khắp nơi, đặc biệt là đã có tiếng nói từ các giáo viên và một số phương tiện truyền thông. Các Giám mục Venezuela chống đối luật này vì nó cổ vũ cho một nền giáo dục thế tục, và lấy đi quyền của trẻ em là được giáo dục về tôn giáo.

Giáo hội sẽ làm mọi thứ có thể để việc giảng dạy về tôn giáo luôn được tiếp tục, để thăng tiến tâm linh và đạo đức của trẻ em Venezuela.
 
Thượng nghị sĩ Kennedy qua đời
Phụng Nghi
16:10 26/08/2009
BOSTON, Mass (Catholic Online) - Trong một bản tuyên bố đã chuẩn bị trước, gia đình ông nói với thế giới đang đợi chờ cái chết của ông rằng Thượng nghị sĩ Hoa kỳ Edward “Ted” Kennedy đã thua cuộc trong trận chiến với căn bệnh ung thư: “Chúng tôi mất đi trụ cột không thể thay thế của gia đình, ánh sáng tươi vui trong cuộc sống chúng tôi, nhưng cảm hứng về niềm tin, sự lạc quan và kiên trì của ông sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi… Xin cảm tạ những người đã săn sóc và yểm trợ ông trong năm cuối đời, và những ai đã sát cánh với ông biết bao năm trường trong hành trình không mệt mỏi để tiến đến công lý, công bình và vận hội cho tất cả mọi người.”

Ông là người được Thượng nghị sĩ Harry Reid gọi là vị “Tổ phụ” của Đảng Dân chủ, được coi là “con sư tử cấp tiến”, và là người con cuối cùng của đại gia tộc Kennedy ở Hoa kỳ, một vương triều chính trị. Ông mất tại nhà riêng ở Hyannis Port, bang Massachusetts, thọ 77 tuổi. Được chẩn đoán có u trong não hồi tháng 5 năm 2008, gần đây ông đã được chữa trị bằng quang tuyến và hóa liệu pháp trong cuộc chiến chống ung thư.

Những lời ca tụng đang được tuôn đổ về từ lớp người thuộc nhiều khuynh hướng chính trị thường xung khắc nhau, đối với một con người chắc chắn sẽ được tưởng nhớ như là một thần tượng chính trị. Ngay cả những người chống đối Thượng nghị sĩ Kennedy về những lập trường của ông cũng chứng minh nhiệt tình và vẻ khả ái cá nhân của ông. Ông là người mạnh mẽ ủng hộ ứng cử viên Barack Obama trong kỳ bầu cử sơ bộ đầy thử thách năm 2008 của Đảng Dân chủ.

Tổng thống Obama, hiện đang nghỉ hè tại Martha’s Vineyard, tuyên bố khi nghe tin ông qua đời rằng tổng thống và Đệ nhất phu nhân rất “đau lòng… Một chương sách quan trọng trong lịch sử đất nước chúng ta đã chấm dứt. Xứ sở chúng ta đã mất đi một nhà lãnh tụ vĩ đại đã tiếp lấy ngọn đuốc sáng của những người anh gục ngã và trở thành một Thượng nghị sĩ Hoa kỳ vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.”

Ông Kennedy đắc cử Thượng nghị sĩ năm 1962 trong thời anh ông là John Kennedy làm tổng thống. Do đó ông trở thành người thứ ba trong những Thượng nghị sĩ phục vụ lâu dài nhất trong lịch sử Hoa kỳ. Vị Thượng nghị sĩ được mọi người gọi là “Ted” đã sống suốt nửa thế kỷ trong Thượng viện. Trong thời gian đó, một số lập trường chính trị mà ông duy trì lúc ban đầu đã đổi thay.

Ông được coi là người tích cực đề xướng cái hiện nay được gọi là một nghị trình xã hội “tự do” hay đúng hơn là “cấp tiến”. Tuy nhiên sự thay đổi lập trường của ông về quyền căn bản của con người, tức là quyền được sống, cũng như những người khác nay được gắn liền với nhãn hiệu này (trong đó có mục sư Jesse Jackson) đã thay đổi hoàn toàn. Quả thực, cùng với sự thay đổi của Kennedy, toàn bộ nội dung ý nghĩa của những nhãn hiệu chính trị đó dường như cũng đã thay đổi. Thượng nghị sĩ Kennedy bắt đầu sự nghiệp chính trị như một người mạnh mẽ bênh vực quyền sống của trẻ em còn trong bụng mẹ. Chẳng hạn, vào năm 1971, Thượng nghị sĩ Kennedy đã mô tả lập trường Phò sinh mạnh mẽ lúc đó trong những lời nói sau đây:

“Mặc dầu có mối quan ngại sâu xa về việc một phụ nữ mang thai bất đắc dĩ đáng được quan tâm và xem xét, nhưng cảm quan riêng của tôi thấy là việc hợp pháp hóa phá thai theo yêu cầu không phù hợp với giá trị mà nền văn minh chúng ta đặt trên sự sống con người. Thụ thai do mong muốn hay không muốn, tôi tin rằng sự sống con người, ngay ở những giai đoạn đầu tiên, có một số quyền lợi nào đó mà ta phải công nhận – đó là quyền được sinh ra, quyền được yêu thương, quyền được lớn lên.

“Tôi chia sẻ niềm xác tín của những người cảm thấy rằng nước Mỹ đang hoạt động để chăm sóc cho những đứa trẻ, thụ thai do không muốn cũng như mong muốn, và bảo vệ đặc biệt cho những kẻ không thể bảo vệ được cho chính mình. Tôi cũng chia sẻ quan điểm của những người không muốn chấp nhận phá thai như là câu giải đáp cho các khó khăn của xã hội chúng ta -- những khó khăn đó là một hệ thống an sinh không thích đáng, những chương trình huấn nghệ yếu kém, và trợ giúp tài chánh không đủ cho tất cả mọi công dân trong xã hội.

“Khi lịch sử nhìn lại thời kỳ này, nó sẽ công nhận thế hệ này là một thế hệ biết chăm sóc con người đủ để ngăn chận chiến tranh, cung ứng một cuộc sống xứng đáng cho mọi gia đình và làm tròn trách nhiệm với con cái ngay từ lúc mới hoài thai.”

Sau khi thay đổi lập trường về nhân quyền căn bản này, Thượng nghị sĩ Kennedy trở thành một trong những người bảo vệ nồng nhiệt nhất công vụ thịnh hành của một nước Mỹ sau phán quyết Roe v Wade: Ông ủng hộ phá thai không hạn chế theo yêu cầu.

Chắc chắn Thượng nghị sĩ Kennedy là một người đạt được sự kính trọng của các đồng nghiệp trong Thượng viện. Ông cũng được sự kính nể của những đối thủ chính trị. Ông là người mạnh mẽ cổ súy cho chương trình Cải tổ Y tế hiện đang được hành pháp đề ra, và cái chết của ông đến đúng vào lúc đang có những tranh cãi mạnh mẽ về đề tài này.

“Cải tổ Y tế” sẽ còn là đề tài tiếp tục được tranh biện khi Quốc hội trở lại họp vào tháng 9 này. Giữa một khúc quanh với nhiều biến cố, người kế nhiệm Thượng nghị sĩ Kennedy tại Thượng viện sẽ được lựa chọn trong một kỳ bầu cử đặc biệt. Nhiều tiểu bang cho phép ông Thống đốc được chỉ định người thay thế. Tuy nhiên, năm 2004 bang Massachusetts đã thay đổi lối bổ nhiệm như vậy.
 
Sự phát triển toàn bộ nhân loại đòi hỏi việc bảo vệ môi sinh
Bùi Hữu Thư
20:56 26/08/2009
Tiếp kiến chung ngày thứ tư

Đức Thánh Cha Benedict XVI


Rôma, Ngày thứ Tư, 26, tháng 8, 2009 (ZENIT.org) – Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định là việc bảo vệ môi sinh là một thành phần của sự tranh đấu cho việc phát triển nhân loại cách trọn vẹn. Ngài yêu cầu cộng đồng thế giới và các chính phủ có hành động hợp tác để chiến thắng sự ô nhiễm, nạn đói kém và khổ đau.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã giảng bài giáo lý ngày thứ Tư tại Castel Gandolfo, trước khoảng 5.500 người, trong đó có trên 2,000 người Đức và do đó ngài đã nói một phần ngắn bằng tiếng Đức.

Nhưng bằng tiếng Pháp, ngài đã đặc biệt chào mừng “các khách hành hương đến từ Burkina Faso, Bỉ và Pháp.”

Đức Thánh Cha tuyên bố, “Vào cuối kỳ nghỉ hè này, tôi mời các bạn cảm tạ Thiên Chúa về ơn lành quý giá Người đã ban cho chúng qua các tạo vật được dựng nên.”

Ngài đã nhận xét rằng, “Việc bảo vệ môi sinh, gìn giữ các nguyên liệu, và khí hậu của trái đất đã được trao phó cho chúng ta chịu trách nhiệm chăm lo.”

Sau đó Đức Thánh Cha đã kêu gọi: “Để đáp ứng, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một sự phát triển toàn vẹn cho nhân loại, được linh hứng bởi các giá trị về bác ái và chân lý, để giúp ích cho các dân nước ngày nay và tương lai!”

Đức Thánh Cha đã kết luận, “Xin Thiên Chúa chúc phúc cho các bạn!”

Trong phần bài giảng bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxicô Thành Assisi. Ngài nói, “Các anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa và mượn lời của Thánh Phanxicô trong bài Ca Vịnh Tạo Vật: “Lạy Thiên Chúa tối cao toàn năng, ngợi khen, vinh danh và chúc tụng Người (…) Chúc tụng Thiên Chúa cùng muôn loài thọ tạo.”

Ngài kết thúc như sau, “Chớ gì chúng ta cũng có thể cầu nguyện và sống với tinh thần của những lời của Thánh Phanxicô này.”
 
Top Stories
The Case against Vietnam
Dominic Thien
06:12 26/08/2009
The Case against Vietnam

In 2001, Vietnamese Foreign Ministry spokeswoman, Ms Thanh T. Phan responded to AFP’s question about the Geneva Vietnam Commission on Human Rights accusation that “Vietnam is systematically legalizing religious repression” as “deliberately slandering Vietnam”. Such statement can be found at the archives (www.vietnamembassy-usa.org). She further elaborated that “Freedom to adhere to or not to adhere to a religion or religious belief of all Vietnamese citizens is clearly stipulated in Vietnamese laws and ensured in practice.” It has been 8 years since the statement made. However, with recent erupting of freedom suppressions in various parts of Vietnam, one has to wonder how truth is that statement? Vietnam’s knack for greed led to jungle laws that reap corruption.

Since the 1990’s, Vietnamese around the world, particularly those in the US, have pumped millions USD home to assist charitable activities, churches, and temples for rebuilding the ravaged nation. Apparently, after the 1975 reunification, the regime failed miserably to bring prosperity to the liberated people of Vietnam. Only after the government decided on the barely open-door policy that foreign aids began to flow in.

What is frustrated and appalling is that local officials everywhere were pocketing part of humanitarian aid, the locals termed such bribery as “tien cafe” (coffee money). The corruption within the Vietnamese government is sickening to imagine since its people faced so many hardship. Such effect has pathetically lived up to the Transparency International’s 2008 rating of 121 for corruption perceptions index (lower CPI is better), an increase from 111th rank in 2007 in comparison to other countries around the globe.

So Phan’s statement that “There is an increasing number of newly-built, repaired and restored churches, pagodas and places of worship.” is very misleading and most ambiguous. It is a cover-up for the injustices. The rosy surface attempts to impress western travelers, including US government or Vatican representatives with signs of religious liberty for Christianity and other religions. However, what observers will not see or hear is the tremendous hidden cost of controlling people’s religious activities. So is freedom of religion a basic right or a privilege with a price tag? Is Vietnam a country of freedom, or should it be labeled as “greedom” since greed dominated those in control?

In a democratic society, laws served as means to regulate orders and protect the people. If one reverses the word “laws”, the term becomes “swal”. The word “swal” is an obsolete implementation of the word “swell” according to the Webster dictionary. This obsolescence may as well apply to “forest of laws” in Vietnam since they failed to serve the people. Like its brethren China, it is more appropriate to say that Vietnam plays by “jungle laws”.

Since 1954, when North Vietnam declared the state to be socialism by platform, the local Church began its journey of suffering. In the name of common goods, the Marxist state preempted many church facilities and land. Seminaries and convents were closed, and Hanoi nunciature (the 2.5 acre property in dispute) were seized by the government. After 1975, the reunification of Vietnam motivated the state to confiscate more Catholic-based schools, hospitals, monasteries and religious buildings in the south. The Church suffered tremendously in terms of missionary and evangelization work. Thousands of religious people such as seminarians, brothers, and nuns were forced home. In the regime’s mindset, the Church of the poor or the Church who care for 5000+ abandoned HIV patients is a threat. It is a threat because the Church practice principles that contradict their Marxist views. What the Vietnamese government failed to understand is that the Catholic sees the image of God in humanity. Thus, she exists to serve the poor and the needy, not the State.

The clash between the Church and the Vietnamese government occurred because of the corruption and abuse by the irresponsible civic leaders. The UBND (People’s Committee), using eminent domain concept, intended to sell Church’s land to private investors for exploitation. This grossly injustices forced the Archbishop Kiet Q Ngo to respond strongly since the end of 2007. Instead of lawfully reaching a just solution, the Hanoi officials aggravated gentle church goers as these Catholics protest by praying and organizing vigil services at the disputed sites. Many dissenting Catholics harassed by the police and hired thugs, icons and statues of Mary and saints vandalized to intimidate the faithful. Even AP chief bureau Ben Stocking was beaten and held in police custody for 2.5 hrs.

Last year, Hanoi paid gangsters to terrorize the Redemptorists missionary who were at the center of the second land dispute. The Viet mafia made obscene and life threatening phone calls to the religious order. Then recently, the world witnessed the Christian persecution at Tam Toa church in Vinh diocese. Policemen watched as hired street thugs beat priests and laity in broad day light. Mobster-like actions of government officials are inconsistent with PM Dung T. Nguyen’s promise of “new and important step towards the normalization of bilateral relations” with the Vatican in his 2007 trip.

Religious liberty is talked about, but is not guaranteed in Vietnam. For a small country that worked so hard to gain membership into WTO and ASEAN, its government falls short of living up to the international trust and respect. Vietnam needs to walk the talks by honoring the Catholic Church’s right to her properties, as well as others throughout the land.

The Church of the poor should not be feared and retaliated. Rights to pursue religious belief only inspire moral actions in the people, and lead to the State’s advantage.

Now is the time for the world body to pressure Vietnam, and influence democracy in this once ravaged nation. Re-enlist Vietnam back to the “Country of Particular Concern” is a start, while trading and financial restrictions need to be considered as alternatives.
 
US remains concerned over free speech in Vietnam: envoy
AFP
18:43 26/08/2009
US remains concerned over free speech in Vietnam: envoy

HANOI — Vietnam has made progress on religious freedom but its efforts to "criminalise" free speech were among rights issues which still raise concern, the United States ambassador said Wednesday.

"We applaud the progress that Vietnam has made in some areas, such as improving the ability of religious people to practise their faith," Michael Michalak told a news conference marking his first two years as ambassador.

"We remain concerned, however, over other of Vietnam's human rights practices," he said.

These practices included efforts to crack down on the media and to "criminalise free speech, which will make it more difficult to tackle corruption and environmental degradation," he said.

He repeated US concerns over the arrest in June of human rights lawyer Le Cong Dinh, and several others "supposedly affiliated with opposition groups."

State media recently reported that Dinh and others accused of being dissidents have admitted their guilt.

Michalak said he was disappointed that government-run television had broadcast "confessions" from people for activities which would be regarded elsewhere as normal discussions aimed at strengthening the rule of law.

State media has reported that authorities are working to bring Dinh to trial quickly, along with others accused including Nguyen Tien Trung, 25, and Tran Anh Kim, 60.

They are allegedly linked to the banned Vietnam Democratic Party and have been accused of "acts against the Vietnamese state," Vietnam News reported.

Among the allegations against Kim is that he wrote documents demanding "a pluralist and multiparty system," Vietnam News said.

The US State Department in 2004 designated Vietnam as a "country of particular concern" for severe violations of religious freedom. It was removed from the list in November 2006 after Hanoi passed laws upholding religious freedom and outlawing forced renunciations.

"I believe in my discussions with people all over Vietnam... they all believe that there has been very good progress on religious freedom here," the ambassador said, adding that "it's not perfect" and the US continues to discuss some issues with the government.

Most Vietnamese are Buddhist but the country also has Southeast Asia's second-largest Catholic community.

Michalak said the United States remained concerned over the imprisonment of Catholic priest Nguyen Van Ly, who was convicted in 2007 and jailed for eight years for spreading propaganda against the communist state.

After a war between the two countries which ended in 1975, the United States lifted a trade embargo against Vietnam in 1994 and normalised diplomatic ties a year later.

The bilateral relationship is growing "across the board" and is increasingly based on regular diplomatic exchanges and policy dialogues, Michalak said.

He added that the United States may be the number one investor in Vietnam at the moment.

"I believe that the interest on the part of American companies in Vietnam remains very, very high," he said.
 
U.S. ''disturbed'' by portrayal on Vietnam state TV
Reuters
18:45 26/08/2009
U.S. "disturbed" by portrayal on Vietnam state TV

HANOI (Reuters) - The U.S. government was "disturbed" by the negative portrayal of its assistance to Vietnam in a state TV broadcast last week, and remains concerned about Vietnam's human rights practices, the U.S. ambassador said on Wednesday.

State broadcaster VTV aired more than 20 minutes of footage during a prime-time newscast last week of "confessions" by four people arrested for advocating democracy in Vietnam.

One of the four, lawyer Le Cong Dinh, was showed mentioning meetings with U.S. officials, including former Deputy Secretary of State John Negroponte and Ambassador to Vietnam Michael Michalak.

"We were disappointed by the VTV broadcast that cited 'confessions' by several Vietnamese citizens for activities that, in many places in the world, are regarded as normal, usual discussions aimed at strengthening rule of law in Vietnam," Michalak told reporters on Wednesday.

"We were also disturbed by the negative portrayal of U.S. assistance to Vietnam," he added.

Rights groups and some analysts say Dinh's arrest on charges of "conducting propaganda against the government" in June, and the arrests of several other activists in recent months, are part of a widening crackdown by the Communist one-Party state.

Michalak said he applauded Vietnam's progress in improving the ability of religious people to practice their faith, but said there were concerns in other human rights areas, including media freedom and freedom of speech.

The day after the VTV broadcast, state-run newspapers carried articles saying more than two dozen people, including Dinh, would soon stand trial on security charges.

Dinh, and others arrested on the same charge, could face up to 20 years in prison, according to Human Rights Watch.
 
Vietnamese priests and religious in USA discuss pastoral concerns and pray for the Church in Vietnam
J.B. An Dang
22:40 26/08/2009
Vietnamese Catholic priests and religious in America have gathered in California to share their pastoral experiences, discuss their pastoral concerns, and to pray for the Church in their homeland that has been continually facing government persecution. An U.S. Catholic delegation led by former president of the United States Conference of Catholic Bishops has visited Vietnam.



Vietnamese-born Bishop Dominic Mai Thanh Luong of Orange County, along with 140 Catholic priests and dozens of religious from various dioceses throughout the United States of America have chosen to meet one another in Santa Clara, North California since Monday Aug. 24 in a weeklong conference.



According to statistical figures from U.S. Conference of Catholic Bishops, more than half a million of the 1.3 million Vietnamese-Americans in the United States are Catholics. They include 850 priests, 70 permanent deacons and 3,000 Religious and seminarians.



Participants have been discussing on a number of current pastoral issues ranging from seeking initiatives to increase vocations, to sharing one's own experience in priesthood and religious life, how to deal with the growing rate of divorce, and factors that influence church attendance among Vietnamese Catholic youth.



The Center for Applied Research in the Apostolate (CARA) at Georgetown University, which conducts an annual survey of ordination classes, reported in 2007 that one of three ordinands was born outside the US, with the largest numbers coming from Vietnam, Mexico, Poland, and the Philippines.



Right after the end of Vietnam War, vocations to priesthood and religious life have flourished among Vietnamese Catholic youths who have been able to escape the communist country. However, recent data have shown a decline rate.



At the same time, the divorce rate among Vietnamese Catholics is rising especially in inter-faith marriages of couples between the ages of 25 and 40. Among Vietnamese Catholics, divorce is uncommon, and has been viewed as a disgrace not only for the couple but also for their families.



Church attendance among youth is another problem in Vietnamese Catholic communities. Initiatives including Youth Mass in English, and education services to help children overcome language obstacles have been discussed along subtle influences of secularism.



Participants have been discussing at length the situation of the Church in their homeland. “The constant government oppression of the Church - which at times amounts to outright persecution - has caused great concerns among Vietnamese Catholic communities around the world and requires appropriate reactions,” said Fr. John Tran, a participant at the conference.



“Vietnamese police had beaten up brutally hundreds of Catholics in Tam Toa and even two priests of the Vinh diocese were beaten to half death. Facing these sorts of bad news we feel very sorrowful. We pray and discuss on what we can do to help the Church in our Mother land,” he added.



In another development, a US Catholic delegation visited Vietnam to strengthen relations between the Churches in the two countries.



Bishop William Stephen Skylstad of Spokane - a former president of the United States Conference of Catholic Bishops - and his delegates, arrived Vietnam on Aug. 16 after attending the 9th Federation of Asian Bishops’ Conferences Plenary Assembly, held Aug. 11-16 in Manila.

Cardinal Jean Baptise Pham Minh Man of Saigon Archdiocese greeted the U.S. delegates on Sunday Aug. 16 when they arrived in Vietnam. In their six-day visit which had wrapped up on Aug. 21, U.S. delegates visited Saigon Archdiocese, Hue Archdiocese and the dioceses of Da Nang and My Tho.

Especially, the delegation visited the Shrine of Our Lady of La Vang, near Hue, on Aug 20. Thirty-five local priests and 2,000 lay Catholics and Religious were at the shrine for the occasion.

Bishop Skylstad, who was accompanied by a Vietnamese-American priest Fr.Joachim Le Quang Hien and laywoman Virginia Farris, a Church worker, praised Vietnamese Catholics for being able to keep a strong faith against all odds. He proudly noted that Vietnamese Catholics in his diocese have a deep devotion to the Eucharist and the Blessed Mother.
 
Xuan Loc, la “ricchezza” della fede risposta alle sfide della società moderna
Asia-News
23:13 26/08/2009
La diocesi ha organizzato un corso di formazione sui temi della pastorale sociale, al quale hanno partecipato oltre 200 parrocchie. Per affrontare i problemi del Paese non basta il denaro, ma serve una vera “carità cristiana”. L’attenzione al mondo dei giovani e dei malati.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Un corso di formazione di base per discutere di problemi sociali ed elaborare proposte o attività – rivolte in particolare ai giovani – in linea con “lo spirito e la carità cristiana”. È l’iniziativa organizzata dal 17 al 20 agosto scorso dal Comitato per le attività sociali e caritative della diocesi di Xuan Loc, nella provincia di Dong Nai (Sud-est Vietnam). Perché le sfide della modernità “non possono essere risolte solo con il denaro”, ma vanno affrontate con la “ricchezza” che deriva dalla fede.

Il progetto è stato proposto e sviluppato da padre Nguyen Van Uy, responsabile della Caritas diocesana, e ha coinvolto sacerdoti e laici di tutte le parrocchie. Riuniti in piccoli gruppi di discussione, i partecipanti hanno condiviso progetti e idee per iniziative future.

Padre Tran Cong Hien, della parrocchia di Binh Hai, spiega ad AsiaNews che “accanto alla conoscenza, dobbiamo sviluppare nuove qualità necessarie per confrontarci con le questioni sociali, nel contesto odierno della Chiesa cattolica in Vietnam”. Egli aggiunge che, a dispetto della povertà diffusa e delle scarse risorse economiche, la diocesi “grazie all’amore di Cristo e allo Spirito Santo cerca di superare le difficoltà e le sfide”.

Padre Joseph guida il centro vocazionale Peace School, impegnato nell’opera di assistenza ai bambini poveri della provincia. Il sacerdote spiega le finalità dell’istituto, che intende formare giovani in grado di trovare lavoro “nelle fabbriche, negli ospedali, nei negozi e nelle scuole”. Egli aggiunge però che non bastano “conoscenza e l’istruzione”, ma è altrettanto necessaria la “ricchezza dello spirito cristiano, che aiuta gli studenti ad acquisire atteggiamenti e comportamenti corretti per vivere nella società”.

La diocesi di Xuan Loc vanta più di 200 chiese e parrocchie; i sacerdoti sono 266 e i religiosi 1830. I fedeli sono più di 600mila, oltre un terzo del totale della popolazione. Il Comitato per le attività sociali e caritative diocesano ha investito circa quattro milioni di euro per attività sociali e benefiche, tra cui la costruzione di strade nelle aree rurali, la rieducazione di giovani tossicodipendenti, la cura dei disabili, degli orfani, degli studenti e dei malati di Aids.
 
Xuan Loc, the ''riches'' of faith in response to the challenges of modern society
Asia-News
23:14 26/08/2009
The diocese organized a training course on the subjects of social pastoral care, attended by over 200 parishes. To address the problems of the country money is not enough, a real "Christian charity" is needed. Attention to the world of the young and the sick.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - A course of basic training to discuss social problems and develop proposals or activities - aimed particularly at young people - in line with "the spirit of Christian charity." This was the initiative organized last August 17 to 20 by the Committee for social and charitable activities of the diocese of Xuan Loc, Dong Nai province (south-east Vietnam). Because the challenges of modernity "can not be solved only with money", but must be dealt with the "riches" that come from faith.

The project was proposed and developed by Father Nguyen Van Uy, head of the diocesan Caritas, and involved priests and laity of all parishes. Gathered in small discussion groups, participants shared projects and ideas for future initiatives. Father Tran Cong Hien, from the parish of Binh Hai, told AsiaNews that "next to knowledge, we must develop new qualities necessary to deal with social issues in today's context of the Catholic Church in Vietnam". He adds that, despite widespread poverty and poor economic resources, the diocese "through love of Christ and the Holy Spirit is trying to overcome difficulties and challenges”.

Father Joseph leads the vocational centres’ Peace School, engaged in the work of assistance to poor children in the province. He described the purpose of the institute, which “aims to train young people unable to find work in factories, hospitals, shops and schools”. He adds, however, that "knowledge and education" are not enough, rather the "riches of the Christian spirit, which help students acquire correct attitudes and behaviours to live in society” are also necessary.

The diocese of Xuan Loc boasts more than 200 churches and parishes, 266 priests and 1830 religious. The faithful number more than 600 thousand, over a third of the total population. The diocese Committee on social and charitable activities has invested about four million Euros in social activities and charities, including the construction of roads in rural areas, rehabilitation of young drug addicts, the care of the disabled, orphans, students and AIDS patients.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Theo Bước Chân Thầy (3)
Vũ Văn An
04:11 26/08/2009
Biển nhiều tên

Tại Nadarét, trước khi viếng Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin, chúng tôi rẽ qua viếng Nhà Thờ Hội Đường, do Giáo Hội Công Giáo Melkite Hy Lạp sở hữu, nằm về phía cuối Chợ Chính. Theo Phúc Âm Luca, được vị tuyên úy đọc lớn tiếng giữa căn phòng, chính tại Hội Đường này, Chúa Giêsu đã mở sách Isaia mà cho người đồng hương biết rằng mình là Đấng Được Xức Dầu. Nhưng họ chỉ biết Người là “con ông Giuse” và vì quá tức giận, họ đã đem Người “lên tận đỉnh núi” dự tính xô Người xuống vực thẳm.

Núi ấy được truyền thống nhận dạng là Núi Vực Thẳm (Mount Precipice hay Mount Kedumim), tọa lạc ở bên ngoài Nadarét, khá xa với Nhà Thờ Hội Đường (ít ra cũng khoảng 3 cây số). Lúc đi viếng Núi Tabor, đoàn hành hương chúng tôi có đi qua núi này, nhưng không dừng lại. Triền ngọn núi quả dựng đứng, không giống các ngọn đồi trong nội thành Nadarét. Bị xô xuống đó, người bị xô chết là phần chắc. Nhưng Chúa đã thoát được. Điều đáng ghi nhận là trong chuyến tông du gần đây của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Núi Vực Thẳm đã được chọn làm địa điểm nghênh đón ngài tại Nadarét và chính tại đây ngài đã đọc bài diễn văn kết thúc Năm Gia Đình.

Như thế, chúng tôi đã viếng hầu hết các nơi thánh tại Nadarét, ngoại trừ Vương Cung Thánh Đường Chúa Giêsu Niên Thiếu, do các cha Salêdiêng quản lý, và Nhà Thờ Chúa Kitô do Giáo Hội Anh Giáo sở hữu.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi viếng các thánh điểm quanh vùng Hồ Galilê. Khối nước ngọt khổng lồ dài 22 cây số, rộng 12 cây số này được người Kitô giáo biết nhiều nhất dưới cái tên vừa kể, một cái tên mà Morton cho là dịu dàng bậc nhất và dù tách biệt nó khỏi thừa tác vụ của Chúa Giêsu, nó vẫn là một từ ngữ đáng yêu vì chỉ cần nghe ba vần của nó, người ta cũng đã như thể nghe thấy tiếng nuớc hồ vỗ vào bờ. Nó êm ru không như tên Giuđêa cứng cỏi, nó dịu dàng không như Giuđêa hung dữ. Không cần viếng Đất Thánh, người ta cũng thấy được cái cứng cỏi đất đá của Giuđêa và nghe được tiếng nước rơi từ các mái chèo trên Galilê.

Ngoài tên Hồ hay Biển Galilê ra, Tân Ước còn dùng tên Hồ hay Biển Tiberias để gọi khối nước này (Ga 6:1), có lẽ vì nó gần thị trấn Tiberias, do Vua Hê-rô-đê An-ti-pa thiết lập và đặt tên theo Hoàng Đế Rô-ma Tiberius. Phúc âm Luca (5:1) thì gọi nó là Hồ hay Biển Gennesaret, theo một bình nguyên mầu mỡ nằm về phía tây. Cựu Ước, trái lại, gọi nó là Biển Chinnereth hay đọc là Kinnereth (Ds 34:11; Gs 13:27). Tên này có thể phát xuất từ chữ kinnor trong tiếng Hi Bá Lai, có nghĩa là cây đàn harp hay cây đàn lyre vì hình thù của Biển rất giống hai loại nhạc cụ này. Trên đường từ khu Kibbutz Ginosar xuống thuyền trên Biển Galilê, chúng tôi có thấy người ta trưng bày hai loại nhạc cụ này.

Điều trên cho thấy, đối với người Do Thái, họ thích dùng tên Kinneret hơn. Sở dĩ như thế, vì người Do Thái vốn không ưa những gì dính dáng tới Tân Ước. Mặt khác cái tên Galilê cũng không được họ thích nghe. Vì Galilê vốn có nghĩa là “vòng đai hay vùng dân ngoại”, nó chưa bao giờ có tính Do Thái hoàn toàn, ngay từ thời xa xưa. Salômôn từng hiến 10 thành thuộc Galilê cho Hiram, Vua của Tyre, để trả một phần món nợ xây đền thờ Giêrusalem. Những thời kỳ tiếp theo cũng đã xẩy ra nhiều cuộc xâm lấn của Dân Ngoại. Nên người Do Thái Giáo Chính Thống tại Giêrusalem luôn nhìn người Galilê với con mắt khinh miệt và từng cười nhạo giọng nói địa phương của họ, như câu truyện “chối Chúa” của Phêrô đã chứng tỏ. Nhưng vùng ấy là vùng thân thiết của Chúa Giêsu, quê hương Nadarét của Người không xa nơi này bao nhiêu, và nơi này là địa bàn rao giảng của Người, nó là thửa đất mầu mỡ cho lời của Người từ một hạt cải nhỏ xíu trở thành cây cao nhiều cành. Morton bảo mỗi lần nghe tiếng Galilê, tâm trí ông đều gợi lên hình ảnh Người, không phải hình ảnh Đức Kitô như trong lời giảng của Phaolô, mà là hình ảnh Chúa Giêsu thân thiết nhất với tâm hồn ta, Đấng đã để trẻ em tới với mình và rao giảng một phúc âm đầy yêu thương và lân tuất cho người khiêm hạ, đơn sơ và trĩu nặng.

Địa điểm đầu tiên của vùng Biển Galilê mà chúng tôi tới thăm là Tagbah. Đây không phải là một thành phố mà là một khu vực nhỏ ở bờ tây bắc, không xa Caphácnaum. Thời xưa, Tagbah cũng được biết dưới tên Heptapegon có nghĩa là Chốn Bẩy Nguồn, vì có tới bẩy con suối cung cấp nước ấm, làm gia tăng lượng tảo (algae) cho vùng biển này, mà tảo thì rất lôi cuốn đối với cá. Chính vì thế, các ngư phủ kéo nhau tới Bẩy Nguồn cả hàng mấy ngàn năm nay. Đến thế kỷ thứ 4 sau Chúa Giáng Sinh, Bẩy Nguồn trở thành địa điểm quen thuộc để khách hành hương thời Byzantine nghỉ ngơi và dùng bữa ăn ngoài trời, nhờ nó có nhiều bóng cây và nhiều cá mú ngon miệng. Nên không phải là tình cờ mà hai trong ba thánh điểm hành hương tại vùng này có liên hệ tới thực phẩm dư thừa: phép lạ hóa bánh trong thừa tác vụ Galilê của Chúa Giêsu và bữa sáng với cá bên hồ sau khi Chúa sống lại. Ngọn đồi bên trên hai nơi đó chính là Núi Bát Phúc, nơi Chúa Giêsu giảng bài giảng bất hủ trong lịch sử nhân loại.

Nhà Thờ Hóa Nhiều Bánh và Cá (cũng gọi là Nhà Thờ Hóa Nhiều) là một nhà thờ hiện đại, nhưng được xây trên địa điểm một nhà thờ có từ thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Nó duy trì được một tranh ghép rất tuyệt diệu của Kitô Giáo sơ khai cũng như viên đá truyền thống trên đó bữa ăn lạ lùng đã được dọn ra. Bữa ăn này được thuật lại trong Máccô 6:30-44. Chúa Giêsu đã cho năm ngàn đàn ông và chắc chắn nhiều hơn thế các đàn bà và trẻ em ăn trưa bằng năm chiếc bánh và hai con cá được Người hóa ra nhiều, nhiều đến nỗi đám đông ăn no nê mà vẫn dư tới 12 thúng đầy bánh và cá vụn.

Theo Egeria, một nhà hành hương người Tây Ban Nha thuộc thế kỷ thứ 4, phiến đá trên đã trở thành một bàn thờ và tín hữu đến kính viếng thường đục lấy những mẩu đá nhỏ đem về lấy hên. Có lẽ vì thế nay phiến đá chỉ còn vào khoảng 1 x 0.60 x 0.14m, nằm dưới một bàn thờ mà phía trước có một tranh ghép rất đẹp, mới được phục hồi, mô tả hai con cá nằm hai bên một giỏ bánh. Không ai được phép đục đẽo nó nữa. Đoàn hành hương chúng tôi chỉ được phép chụp hình và hôn kính nó mà thôi.

Một phiến đá thứ hai cũng được nhận dạng từ lâu là phiến đá trên đó Chúa Giêsu Phục Sinh dọn bữa sáng cho các môn đệ bên bờ hồ Galilê. Hôm ấy, thấy Chúa Giêsu Phục Sinh trong ánh lửa bập bùng của buổi sáng tinh mơ, không một môn đệ nào dám lên tiếng hỏi xem người dọn bữa cho họ là ai. Vì còn là ai khác “chịu” giúp họ bắt được nhiều cá và còn dọn bữa sáng với đủ cả cá và bánh (lại cá và bánh nữa) cho họ một cách thân tình đến thế, ngoài Thầy mình (Ga 21). Phiến đá này, nằm trong Nhà Thờ Thánh Phêrô Tối Thượng Quyền, cũng thuộc Tagbah, to hơn phiến đá trong Nhà Thờ Hóa Nhiều và vì thế nằm choán phía trước một bàn thờ nhỏ, trông có phần “sạch sẽ” hơn, được đặt tên hẳn hòi là Mensa Christi (Bàn ăn của Chúa Kitô).

Gọi là Nhà Thờ Tối Thượng Quyền là để nhấn mạnh đoạn cuối câu truyện trong đó, Chúa Giêsu trao quyền chăm sóc các chiên và chiên con của Người cho Thánh Phêrô, sau khi hỏi ông có yêu Người không ba lần. Nhà hành hương Egeria nhắc tới thánh điểm này khi cho biết: gần Nhà Thờ Hóa Nhiều Bánh và Cá, “là một số bậc đá mà Chúa Giêsu đã đứng trên đó”. Có lẽ bà muốn nhắc tới những bậc bằng đá nằm về phía Hồ của Nhà Thờ. Người ta không rõ những bậc đá này có từ bao giờ, nhưng rất có thể đã có từ thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 lúc người ta khai thác hầm đá vôi ở đây. Điều lý thú là bên dưới các bậc đá này có sáu hàng cột đôi hình trái tim được đặt tên là Mười Hai Tòa. Có lẽ chúng được lấy từ một tòa nhà hoang phế, đem về đây để tưởng niệm Mười Hai Tông Đồ, theo câu nói của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Luca “Để các con được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Lc 22:30).

Egeria không nhắc gì tới ngôi nhà thờ nào tại đây. Nhưng từ cuối thế kỷ thứ 4, đã có một nhà thờ tại thánh điểm này. Đến thế kỷ thứ 9, ngôi nhà thờ tại đây được nhắc đến dưới tên Nhà Thờ Than Hồng với Mười Hai Tòa đã được đặt ở đó để tưởng niệm Mưới Hai Tông Đồ. Ngôi nhà thờ nhỏ hiện nay do Dòng Phanxicô xây năm 1933, bằng đá xám, tại ngay bờ tây bắc của Hồ Galilê. Tại chân tường nhà thờ về phía tây, người ta còn thấy rõ các bức tường của nhà thờ thế kỷ thứ 4. Morton nhận định rằng: Dòng Phanxicô luôn có cái nhìn khảo cổ chính xác và giá trị, không như phần lớn các nhà thờ của Chính Thống Giáo tại vùng này. Khách hành hương sau khi viếng Nhà Thờ, có thể tản bộ và ngâm chân dưới làn nước mát của Biển Hồ Galilê đang lăn tăn gợn sóng không xa.

Thánh điểm thứ ba tại Tagbah là Núi Bát Phúc, có ngôi nhà thờ bát giác nổi tiếng của Barluzzi, mà không một khách hành hương nào bỏ qua. Đoàn hành hương chúng tôi tới đó để dâng Thánh Lễ trong ngày. Phúc âm hôm đó dĩ nhiên là Mátthêu 5: 1-12: Bài Giảng Trên Núi hay Hiến Chương Nước Trời, đề cập tới tám mối phúc thật. Tám mối phúc này được in bằng tiếng Latinh, trên tám tấm kính mầu, gắn tại tám góc của mái vòm nhà thờ.

Từ thế kỷ thứ 4, khách hành hương đã tuốn đến đây để tưởng niệm Bài Giảng Trên Núi, như lời tường thuật của Egeria. Sau khi nhắc tới Nhà Thờ Hóa Nhiều Bánh và Cá, bà cho hay: “Gần đấy, trên núi cao, có một cái động được Chúa Cứu Thế leo lên và giảng Các Mối Phúc”. Vết tích ngôi nhà thờ nhỏ thuộc thế kỷ thứ 4 đã được tìm thấy ở chân đồi phía dưới nhà thờ hiện nay, có cả vết tích của một đan viện nữa. Còn nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1938. Đó là một ngôi nhà thờ, tuy nhìn bên ngoài khá cao và lớn, nhưng có nội cung nhỏ. Chính vì thế, chúng tôi không được cử hành Thánh Lễ trong đó, mà được chỉ thị rước cha từ trong nhà thờ tiến lên một bàn thờ ngoài trời ở trên đồi để cử hành. Từ bàn thờ này, chúng tôi được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh nhà thờ trên tấm phông xanh ngát của Biển Hồ Galilê, giữa một khung cảnh mát rượi của cây cao bóng cả. Khung cảnh này quả thích hợp để dân chúng tụ tập nghe bài giảng vô cùng độc đáo của Thầy Chí Thánh. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó cũng là động lực khiến các khách hành hương “tái khám phá” ra nơi Chúa giảng này để vừa vang vọng lời của Người vừa ngắm toàn diện khung cảnh những nơi Người từng sống và giảng dạy (4).

Con thuyền Giêsu

Tuy nhiên, cao điểm trong ngày phải kể là cuộc đi thuyền trên Biễn Hồ Galilê. Đoàn hành hương chúng tôi băng qua khu Kibbutz Ginosar để lên riêng một chiếc thuyền gỗ tương đối còn mới và sạch sẽ có khoảng bốn người phục vụ. Thuyền mang cờ Do Thái và người đàn bà trưởng toán nói tiếng Anh rất thành thạo. Bà hãnh diện cho rằng thuyền của bà là một mô phỏng Con Thuyền Giêsu thuộc thế kỷ thứ nhất mà hai anh em Moshe và Yval Lufan, vốn là các ngư phủ thuộc thế hệ thứ hai của Kibbutz này, mới tìm ra năm 1986. Tiếc rằng chúng tôi không được vào Bảo Tàng Viện Yigal Allon nằm ngay trong khu Kibbutz Ginosar, nơi trưng bày Con Thuyền Giêsu này, nên không kiểm nghiệm được lời nói của người trưởng toán chiếc thuyền gỗ đưa chúng tôi lênh đênh trên Biển Hồ từng là nơi diễn ra khá nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, được Người dùng làm phương tiện đào tạo các môn đệ của Người. Tại đây, Người từng dẹp yên sóng gió (Mt 8:23-27), bước đi trên nước (Mt 14:24-33), giúp các môn đệ thu hoạch mẻ cá lạ (Ga 21:6) và từng ngồi thuyền để dạy dỗ dân chúng (Mc 4:1-2).

Khác thuyền của các môn đệ ngày xưa, thuyền chở chúng tôi chạy bằng động cơ, với tay lái đặt ở một khoang thuyền trên cao, đứng ở đó, người điều khiển có thể bao quát cả vùng chung quanh. Nhưng điều ấy vẫn không tránh được một tai nạn suýt xẩy ra với một toán đua xe máy nước cận kề. Rất may, chiếc thuyền thắng kịp.

Thuyền đưa khách hành hương đi một vòng, đủ thì giờ cho chúng tôi cùng nhau đọc và suy niệm đoạn phúc âm Chúa dẹp yên sóng gió và suy niệm về những can thiệp của Chúa trong cuộc đời mình. Phải nhận một điều: cũng đoạn phúc âm đã được đọc và suy niệm nhiều lần này nay vang lên một âm sắc thật đặc biệt như ru hồn khách hành hương trở lại với gần hai ngàn năm trước để cùng đồng hành với Thầy Chí Thánh và các môn đệ của Người, những người ngư phủ tầm thường và xoàng xĩnh, đến sóng gió vật lý cũng run sợ, nhưng được Thầy vừa huấn luyện vừa ban sức mạnh cho, đã đủ can đảm vượt bất cứ thứ trùng khơi nào sau này, kể cả trùng khơi chính trị và tôn giáo, để xây dựng Nước của Người. Chúng tôi còn ở rất xa lý tưởng ấy.

Và vì bụng bắt đầu đói, nên người trưởng đoàn đã dẫn chúng tôi vào một nhà hàng gần đó. Dường như nhà hàng này là nhà hàng duy nhất trong vùng cung cấp bữa ăn đặc biệt trong đó bắt buộc phải có món Cá Phêrô. Hầu hết các đoàn hành hương đều đổ dồn về đây để dùng bữa. Lúc chúng tôi tới, hầu như các dẫy bàn của nhà hàng đều đã có người chiếm dụng. Họ thuộc đủ các quốc tịch và ngôn ngữ khác nhau và ai cũng hân hoan thưởng thức nguyên một con Cá Phêrô, được chiên dòn, sắp sẵn trên một chiếc dĩa lớn. Phục vụ trong nhà hàng toàn là nam giới. Họ rất thành thạo, và không khách hành hương nào phải chờ đợi lâu trước khi con Cá Phêrô được bưng lên thơm phức. Loại cá này hiển nhiên có rất nhiều trong vùng. Lúc chúng tôi ăn ở đó, ít nhất số thực khách cũng phải là 200 người và còn nhiều đợt khác nữa. Ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, chưa hề nghe có ai tới Hồ Galilê lại không ăn Cá Phêrô. Thực ra, tại biển Galilê có đến ba loại cá. Cá mòi (sardine) có lẽ là loại cá nhỏ mà cậu bé trong Phúc Âm cung cấp để Chúa Giêsu hóa nhiều, nuôi hơn 5,000 người. Loại cá thứ hai là loại cá dầy có râu mép tiếng Anh gọi là barbel. Loại cá thứ ba chính là Cá Phêrô trông giống như cá rô nhưng to và dẹp hơn, có con nặng tới 1 ký rưỡi, tiếng Anh gọi là musht. Không hiểu tại sao, người ta gọi loại cá này là Cá Phêrô. Nhưng nếu Thánh Phêrô chuyên môn đi lùng loại cá này mà đánh, thì hẳn ngài phải phát đạt lắm, vì loại cá này ai ăn cũng khoái. Người nào trong chúng tôi cũng cho rằng bữa trưa hôm nay là bữa trưa ngon nhất trên Đất Thánh.

Tại vùng Biển Hồ Galilê, chúng tôi còn tới viếng thánh điểm Caphácnaum mà ngày xưa vốn là địa bàn hoạt động của Chúa Giêsu và các môn đệ. Khu chúng tôi tới thăm nằm ngay bên cạnh Biển Hồ Galilê, về phía bắc, được rào chung quanh, có tấm biển trên cổng ra vào viết hàng chữ “Caphácnaum của Chúa Giêsu”. Điều ấy quả không ngoa, vì Mátthêu 9:1 và Máccô 2:1 gọi nó là “thành của Người”. Ở đấy, Người thực hiện rất nhiều phép lạ. Dù sao, nó cũng là thành của hai môn đệ đầu tiên: Phêrô và Anrê (Mc 1: 29). Tại đây, Người cũng kêu gọi anh em Giacôbê và Gioan (Mc 1:16), rồi Mátthêu (Mc 2:13). Tuy nhiên, cũng như Nadarét, Caphácnaum từng bị Chúa nguyền rủa: “Vào ngày chung thẩm, Xôđôm sẽ được xử khoan hồng hơn ngươi” (Mt 11:23-24).

Tại khu khảo cổ này, chúng tôi được viếng Nhà Thờ Caphácnaum. Nhà thờ này được xây trên địa điểm truyền thống vẫn cho là nhà của Thánh Phêrô. Đây là một căn nhà nằm gần bãi biển, thuộc khu nghèo nàn vì tường làm bằng đá đen basan, có mái nhẹ và không cửa sổ (nên phải đục mái để hạ người bất toại xuống, xem Mc 2:1-2). Có bằng chứng cho thấy từ giữa thế kỷ thứ nhất, một phòng của căn nhà đã được để riêng ra cho công chúng sử dụng và khi Egeria tới đó năm 381, bà cho hay, căn nhà của “thủ lãnh các tông đồ đã được biến thành một nhà thờ, với các tường nguyên thuỷ vẫn còn đấy”. Qua thế kỷ thứ 5, một nhà thờ lớn hơn, hình bát giác thay thế nhà thờ cũ. Và năm 570, nhà hành hưoơg người Piacenza cho hay “nhà Thánh Phêrô nay là một vương cung thánh đường”. Sau thời gian này, Caphácnaum hầu như bị bỏ hoang, đến cả Thập Tự Chinh cũng không lưu ý tới. Một du khách vào thế kỷ 13 cho hay thị trấn này chỉ còn khoảng bẩy căn nhà của các ngư phủ nghèo nàn.

Phải chờ đến thế kỷ 19, các tu sĩ Dòng Phanxicô mới tới đây mua đất đai, dựng hàng rào, trồng cây cối làm nơi dừng chân cho khách hành hương. Và họ bắt đầu các công trình khai quật và trùng tu trong các năm từ 1905 tới 1926. Nhà Thánh Phêrô được họ khám phá năm 1968. Ngôi nhà này chắc chắn là nhà của Thánh Phêrô, nơi Chúa Giêsu từng cư ngụ, vì có bằng chứng nó được tôn kính và được công chúng sử dụng rất sớm (từ giữa thế kỷ thứ nhất). Mặt khác, sự nhận diện này không hề mâu thuẫn với bất cứ điều gì đã được khai quật và thực sự phù hợp với những chi tiết Thánh Kinh. Năm 1990, Dòng Phanxicô cho xây một nhà thờ tân tiến có hình dáng hết sức đặc biệt, ngay trên địa điểm căn nhà trên. Nhà thờ hình sáu cạnh, trông giống con thuyền vũ trụ, dựng trên cột cao, có nền bằng kính để khách hành hương có thể nhìn thấy ngôi nhà thờ nguyên thủy ở bên dưới. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có tới đây năm 2000.

Ngoài nhà thờ này, chúng tôi cũng được thấy tàn tích của một hội đường Do Thái, chỉ cách nhà thờ một dẫy nhà đã có từ các thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ sáu. Khác với nhà Thánh Phêrô, hội đường này được xây bằng đá vôi trắng, vốn không có trong vùng, trên một thế đất cao và được trang hoàng hết sức mỹ thuật. Phía sau hội đường là một dẫy nhà có tới mấy chục căn, dĩ nhiên đã đổ nát, chỉ còn lại những bức tường phân cách các phòng. Tiếp nối dẫy nhà này và song song với hội đường là nơi thu góp rất nhiều các tảng đá được đẽo gọt và khắc rất tinh xảo đủ hình từ ngôi sao Đavit tới chân nến bẩy ngọn. Các cây cọ (palm) và khuynh diệp Úc Châu mà các tu sĩ Phanxicô trồng ngày nào là bóng mát qúy giá đối với chúng tôi giữa cái nắng chói chang của trời Caphácnaum đang hạ. Hàng trăm sinh viên đại học Paris đang im lặng suy niệm dưới bóng những hàng cây ấy khiến người ta nhớ lại việc Chúa Giêsu từng giảng dạy tại hội đường này.

Đoàn chúng tôi cũng thuận đường xuống cực nam Biển Hồ Galilê để viếng Yardenit, nơi người ta tin Chúa Giêsu được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho. Yardenit vốn có nghĩa là Yarden Nhỏ. Mà Yarden là tiếng Do Thái chỉ Sông Gióc-đan. Yardenit, nằm trong khuôn viên Kibbutz Kineret, là một địa điểm hành hương rất sầm uất của Kitô giáo thế giới: hàng năm, nó đón tiếp ít nhất nửa triệu người đến thăm, riêng năm 2000, số du khách tới đây là hơn một triệu. Lúc chúng tôi tới nơi, rất nhiều đoàn hành hương đang ở dưới sông. Có đoàn với đồng phục trắng toát đang cử hành nghi thức rửa tội bằng cách dìm hẳn người xuống nước, trong khi đồng đạo ca hát trong điệu thánh vũ nhịp nhàng. Cả một bầu khí đạo hạnh và vui tươi xuất hiện dưới làn nước trong xanh, giữa một khung cảnh thơ mộng của trời, của mây, của cây, của đá, của công trình nhân bản và công trình thiên nhiên hòa lẫn. Đoàn chúng tôi chọn địa điểm rửa tội yên tĩnh ở cuối khúc sông, ngay chỗ Gióc-đan rẽ để chẩy về Biển Chết cách đó gần 100 cây số. Ở đấy, chúng tôi cùng cầu nguyện và tham dự nghi thức đổ nước trên đầu, với chính làn nước đã từng được đổ lên đầu Thầy Chí Thánh. Quả không còn phương tiện nào cảm kích hơn để tưởng nhớ bí tích Rửa Tội đã tiếp nhận từ hồi tấm bé. Lên bờ, chúng tôi còn có dịp đọc lại đoạn trích Phúc Âm Thánh Máccô 1: 9-11 bằng tiếng Việt, được đoàn hành hương của Giáo Xứ Mẹ Việt Nam ở Washington D.C., do Đức Ông Peter Nguyễn Thanh Long hướng dẫn, ghi trên một bảng đá lớn gắn lên bờ tường bao quanh khu Yardenit vào ngày 15 tháng 11 năm 2007. Trong giây phút rất nhanh, chúng tôi có cảm giác như quê hương Việt Nam đang hiện diện đâu đó rất gần.

Chú thích

(4) Jerome Murphy O'Connor, Oxford Archaeological Guides: The Holy Land, tr.280)
 
Tham dự Chương Trình Giảng Phòng Tam Nhật Mừng Kính Mẹ La-Vang tháng 8-2009 tại Montréal.
Theresa Phạm
05:33 26/08/2009
Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời năm nay, một thánh lễ mà chưa lần nào tôi thấy như mình sốt sắng và có ý nghĩa vì...

Thứ Sáu, hăm hở xách máy hình đi chụp con phố cũ vào sáng tinh mơ. Thành phố buổi sáng đã rộn lên sức sống bởi những bóng dáng người qua lại trên phố, bắt đầu cho một ngày mới. Mặt trời mọc không đúng hướng, tất cả những căn nhà cổ xưa đều bị ngược ánh sáng. Tấm hình nào cũng tối mù mù. Không bỏ cuộc, tự nhủ: “Sáng không có nắng thì ta đi buổi chiều vậy. Nắng buổi chiều chắc chắn sẽ làm đẹp cho những tấm hình hơn.” Hớn hở định ngày thứ bảy, ca trực sẽ hết lúc 4 giờ, giờ đó còn nắng, thong thả chụp sẽ có được chục tấm chứ chẳng về không ?

Bình thường tờ báo nhỏ là thứ gọn vừa tầm tay lại được ưa thích nghiền ngẫm từ đầu tới cuối mới buông tha nó. Thế mà không hiểu sao, tự dưng lại vớ đại tờ báo khổ lớn, loại đăng các tin “mì ăn liền” đọc cho lẹ. Coi hết tin thì đụng phải trang quảng cáo to bành: “Chương Trình Giảng Phòng Tam Nhật Mừng Kính Mẹ La Vang. Linh Mục Giảng Phòng: Cha Tiến Lộc, dòng Chúa Cứu Thế, VN”. Đã qua hai ngày rồi. Đã trể mất hai ngày, chỉ còn thứ bảy và Chúa Nhật. Cái đầu lại nhẩm tính giờ giấc để được một công mà ba chuyện: ca trực, chụp hình và dự lễ.

Thứ Bảy, tiếng chuông điện thoại thưa thớt reng, đồng hồ nhích từng chút một. Thoáng đó đã ba giờ. Còn một tiếng nữa là hết giờ. Ơi sao hôm nay nhàn thế nhỉ. Bốn giờ, cây kim dài đã nhích đúng con số 12. Ấy thế mà chẳng thế tắt máy đứng lên ra về như đã dự định. Cả buổi không bận, tới gần hết giờ thì việc đổ dồn. Cầm cự, nấn ná… Bốn giờ ba mươi. Hết việc. Thở dài. Thế là hết, không đủ thời gian đi chụp hình rồi. Chỉ có nước trực chỉ hướng “Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam vùng Montréal” thôi vậy.

Mua vội cái bánh mì ngọt ở quán cơm dưới đường, phóng như bay ra trạm xe điện. Năm rưỡi, nhà thờ đã đông người. Tiếng cha Tiến Lộc đã oang oang vọng ra ngưỡng cửa. Chết rồi, không lẽ mình tới trễ, cha đã làm lễ rồi à? Bình tâm ngồi nghe, mới biết không phải, thì ra cha đang giải thích về nghi thức xưng tội, còn sớm. Lễ bắt đầu lúc sáu giờ rưỡi cơ mà.

Càng lắng tai nghe cha nói, lòng lại càng lo lắng. Chết rồi, từ hồi vô đạo tới giờ, không biết mình xưng tội bao nhiêu lần rồi? Tính trên đầu ngón tay. Có hai lần duy nhất đi xưng tội. Vậy kỳ này có nên xưng tội nữa không? Cha đang nói cái gì kìa… À cha nói về việc người xưng tội đã có xưng tội tuần trước, thì tuần sau lại xưng tội với cha nữa, lại cũng cái tội cũ ấy mà xưng… Cha càng nói thì càng vỡ lẽ. Ừ phải, đã lâu lắm rồi, hôm nay nhân dịp có các cha về, mình cũng nên thanh tẩy bản thân, xưng và ăn năn tội với Chúa cho nhẹ đỡ những dằn vặt trong tâm hồn về những tội lỗi cưu mang bấy lâu nay.

Nghĩ thế mà lòng không thấy thoải mái chút nào. Biết xưng tội làm sao đây? Mình không phải dân đạo gốc, lấy chồng thì theo đạo chồng. Có thuộc kinh nào ngoài ba kinh chính: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, và kinh Sáng Danh. Ngay cả kinh Tin Kính dài ngoằn, học hoài vẫn không thuộc. Ngày mới vào đạo, cũng lật sách kinh ra ngồi học. Học được các kinh nho nhỏ như kinh Sấp Mình, Kinh Phù Hộ, Kinh Tin Kính, thế mà rồi trí khôn lại quên lẫn mất các kinh ấy. Còn nhớ, lần đầu xưng tội, vì là bổn đạo mới, cha giải tội không hỏi han lắc léo, cha nghe xưng tội xong thì ban phép lành rồi đi ra. Cảm giác lần đầu xưng tội, bình thường. Phải, chỉ là một cảm giác bình thường, không có gì đặc biệt cả. Lần thứ hai đi xưng tội. Khai đủ các tội lỗi xong thì cha ngồi giải tòa bắt đọc kinh Ăn Năn Tội. Đang đọc ngon lành, bổng khựng, quên mất câu kế là gì rồi. Như đứa trẻ phải trả bài cho thầy giáo ngày xưa còn bé học tiểu học. Tim hồi hộp, trí óc trắng như tờ giấy, chữ nghĩa chạy đi đâu mất rồi. Ấp a ấp úng rồi im tịt. Cha lên tiếng khó chịu. Bắt về nhà học kinh lại, lần sau đi xưng tội lại mới được cha ban phép lành. Rời khỏi phòng xưng tội mà lòng trí bực bội. Bao câu hỏi dồn dập hiện hình. Hồi học giáo lý, bác Tám già đâu có bảo phải đọc kinh khi xưng tội đâu? Không ai nói lúc vào xưng tội phải đọc kinh ăn năn sám hối cả. Ông bạn đời đơn giản giải thích: “ Em có lòng ăn năn hối lỗi xưng tội là tốt rồi.” Cứ tin là mình lòng thành xưng tội là được. Ai dè lại bị cha la một trận. Vừa bối rối lại vừa bực. Lòng thành tâm ăn năn tội biến thành lòng bực bội khó chịu. Tự nhủ sẽ không thèm đi xưng tội lần nữa. Vậy mà tối đó vẫn ngoan ngoãn giở sách ra ngồi học liền bài kinh Ăn Năn Tội. Ơ mà sao câu kinh kỳ thế này: “…Mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa…”, than thầm: “Mèn, mình có “phản nghịch” với “lỗi nghĩa” cùng Chúa hồi nào đâu mà lại phải xưng như thế. Chỉ là phạm tội thì đi thú tội cùng Chúa. Dốc lòng chừa cải, đấm ngực ăn năn cùng Chúa với lòng thành khẩn là đủ rồi, tại sao phải vơ vào mình cái tội tày đình mà mình không hề có thế này. Không được. Bài kinh này cũ rồi, ý từ không hợp với suy nghĩ của mình. Không chấp nhận. Thế là gấp sách lại. Không học nữa. Bài kinh bỏ dở. Mất cả việc xưng tội. Đã lâu lắm rồi. Hôm nay quyết định vào xưng tội mà lòng áy náy. Không biết cha ngồi giải tòa có bắt mình đọc bài kinh đó nữa không? Không biết cái tâm trạng xưng tội xong nó như thế nào? Nó có nhẹ nhàng tâm tư như đọc sách thấy các cha hay nói như thế? Hay là lại thấy tâm thần hãi sợ và không lấy gì làm hoan hỉ trong việc làm bổn phận này? Trên bục, cha Tiến Lộc vừa chấm dứt phần giải thích nghi lễ xưng tội và hòa giải thì đã thấy lác đác vài người đứng chờ trước phòng xưng tội rồi. Tưởng chỉ có hai cha ngồi giải tòa, nhưng mà không phải. Có cả thảy năm phòng giải tòa tất cả. Run run đẩy cửa bước vào. Lo lắng nhưng thành khẩn cung khai những điều lỗi và thành tâm xin Chúa tha tội, thành khẩn xin cha chúc lành cho linh hồn tội lỗi này. Cha ngồi giải tòa hiền lành ban nghi thức hòa giải. Đẩy cửa bước ra, lòng nhẹ nhàng như vừa trút được một gánh nặng cưu mang bấy lâu nay. Chưa tới giờ làm lễ, bước ra ngoài đi dạo vài vòng trước khi vào lễ chính thức. Vòng vòng đi, lòng vòng ngẫm nghĩ, phát hiện ra việc xưng tội không dễ dàng chút nào. Dù đã sắp xếp trong đầu các tội chính, dù đã xưng khai, mà sao còn áy náy trong lòng? Dường như mình chưa xưng hết thì phải! Dường như điều lỗi chính mình lại quên xưng mất rồi. Mà sao điều gì cũng thấy nó quan trọng cần phải xưng cả. “Quên” ? Không phải là quên, mà là không chỉ định rõ ý mình muốn cung xưng điều đó với cha. Lại tự hỏi: “Vậy mình có còn mắc tội không? Hay là phải chạy vào xưng thêm rõ ràng hơn nữa mới phải? Có cần thiết không?...” Ông bạn đời thấy tội nghiệp cái con người khù khờ tội lỗi nên bảo: “Em đã thành tâm xưng những tội chính thì được rồi, không cần phải xưng nữa làm gì.” Thế mà vẫn chưa yên lòng. Vẫn thấy khó chịu trong lòng. Có mấy khi mà mình đi xưng tội đâu chứ. Có mấy khi có nhiều cha về mở phòng giải tòa với hướng dẫn rõ ràng như thế đâu chứ. Thôi, vào xưng tội thêm lần nữa cho chắc ăn. Xưng với cha khi nãy hay chạy qua cha khác? Hồi nãy đã xưng mà không nhớ điều đáng phải khai, bây giờ chạy vào khai thêm, không biết cha sẽ nghĩ sao? Lòng ngại ngùng và ngượng ngập ghê đi! Thôi cứ đứng chờ, phòng nào trống thì vào, cha nào cũng là cha, các cha cùng ngồi nghe lời xưng tội thế gian để làm cái công việc hòa giải cho Chúa mà. Một cánh cửa xịt mở. Một người bước ra. Phòng trống, thôi cứ vào. “Thưa cha… khi nãy con đã có xưng tội rồi, nhưng mà con chưa xưng hết tội, thấy lòng áy náy, con vào xưng thêm tội …..”. Cha lắng nghe. Một sự im lặng ngột ngạt. Cha bắt đầu hỏi. Hơi bất ngờ vì không nghĩ cha sẽ hỏi kỷ càng tường tận. Bất ngờ hơn là điều mình cho rằng quan trọng thì lại không thấy cha hỏi đến. Ngập ngừng. Rồi thành thật trả lời. Cha không bắt phải đọc kinh, mà bảo phải làm cho đúng lẽ công bằng đối với tội của mình thì mới được hoàn toàn hết tội. Ra khỏi phòng giải tòa, một bao tạ phiền muộn nặng chình chịt trong lòng. Lòng hết còn phơi phới. Cái cảm giác khó chịu lại đến giống y như lần bị bắt về học lại kinh Ăn Năn Tội. Nỗi thất vọng và buồn bã xâm chiếm tâm hồn. Trong buổi thánh lễ, hai tiếng “lẽ công bằng” cứ vang vang trong đầu. Lẽ công bằng, lẽ công bằng là như thế nào. Làm sao để thực hiện được lẽ công bằng khi mà thực tế có rất nhiều điều bất công hiện hữu. Làm sao thực hiện được lẽ công bằng này để chuộc lại lỗi lầm của mình. Những bức xúc dường như lắng dịu khi để hết tâm hồn vào lời giảng của cha Tiến Lộc trên bục. Lời giảng cùng lối khôi hài tế nhị và sống động của cha đã làm mọi người bật cười. Tiếng cười vui vẻ như chấp nhận và hài lòng với lối giảng mộc mạc, gần gũi và rất thực tế đó. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tham dự một buổi lễ dài gần tiếng rưỡi mà không thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Những suy tư của cha thật là rất phù hợp, và dường như được cập nhật với lối suy nghĩ của thời đại hôm nay. Chính nhờ bài giảng của cha Tiến Lộc mà tự dưng tìm được đáp số cho cái thắc mắc về “lẽ công bằng”. Hết còn giận cha ngồi giải tòa. Lại thầm cám ơn cái khó tính đó của cha mà nhìn ra được đáp số cho việc chuộc lại lỗi lầm của mình. Chấm dứt bài giảng, cha Lộc còn hứa hẹn bài giảng ngày hôm sau cha sẽ nói về người bên đạo Tin Lành và Đức Mẹ Maria. Thầm nhủ, chắc chắn là phải có mặt vào buổi lễ ngày mai rồi. Cha giảng bài xúc tích và dí dỏm như vầy, hơn nữa đề tài cha nói, gợi trí tò mò quá. Không thể vắng mặt buổi lễ này được.

Cuối lễ, có một bất ngờ. Nhà thờ thắp nến và kêu gọi giáo dân cùng cất tiếng hát xin Đức Mẹ thương đến con dân nước Việt.

“Mẹ ơi, đoái thương cho nước Việt Nam, trời u ám… Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an…”

Ngọn nến lung linh trong bóng tối, tay chuyền tay, ánh sáng loé lên ngọn sáng yếu ớt trong tiếng ca cầu xin Đức Mẹ che chở cho dân tộc Việt Nam có được những nhà lãnh đạo biết thương yêu dân tộc. Ngọn nến lung linh như niềm tin mong manh của giáo dân chỉ biết trông cậy vào Mẹ, cầu xin Mẹ hướng dẫn chở che cho các tín hữu đang cơ cực và yếu thế trong cuộc đấu tranh cho công lý trong hòa bình tại các giáo xứ Thái Hà và Tam Tòa.

Bài hát đã đưa tôi về lại những đêm họp mặt đọc kinh trong khu xóm đạo của vùng cao nguyên Đà Lạt xa xưa. Bài hát đưa tôi về lại công viên nhà thờ trên đường Yên Đổ vào ngày Giáng Sinh năm nào. Bài hát này đã được cất lên trong giai đoạn đất nước đang trong cơn dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Hôm nay bài hát lại cất lên trong đêm đen của lòng nhân ái. Nơi thiếu vắng lòng vị tha của một dân tộc đang lạc bước. Ngọn nến nhỏ lung linh cho tâm hồn kẻ tha hương một chút ấm lòng như đang gần gũi với các giáo hữu bên kia bờ đại dương. Màu nến vàng lung linh theo tôi vào trong giấc ngủ muộn màng lúc hai giờ sáng, trong chập chờn âm vang của tiếng hát trầm thống cầu xin cùng Mẹ Thiên Chúa đoái thương cho dân tộc mình.

Mặc dù ngủ trễ, nhưng tám giờ sáng là đã ra khỏi giường chuẩn bị cho buổi lễ chính của ngày Chúa Nhật này. Đây là lần đầu tiên nhập đoàn cùng đám rước kiệu Đức Mẹ. Đoàn người đi trong im lặng, tiếng ca và giọng đọc của một giọng nam, cùng một giọng nữ để hướng dẫn đọc kinh thật truyền cảm. Tiếng đọc kinh lại vang rền trong đoàn người đưa kiệu. Người dân bản xứ túa ra đường hay đứng trên ban-công nhìn đoàn người trật tự rước kiệu Đức Mẹ trong không khí tôn nghiêm và thành kính. Những tà áo dài màu thiên thanh của các ca viên nữ của ca đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm nổi bật dáng dịu dàng của người thiếu nữ Việt Nam. Lâu lắm rồi mới được ngắm nhìn những tà áo thướt tha đó nơi này.

Tượng Đức Mẹ đã được đưa vào nhà thờ, bàn thờ đã được trưng bày với nến, với hoa. Các em thiếu nhi Thánh Thể mở đầu bằng hai điệu múa chào mừng lễ hội. Buổi lễ hôm nay không chỉ có một cha xứ mà có thảy năm cha cùng làm lễ đồng tế. Cha xứ giới thiệu từng người. Bấy giờ mới biết tên từng cha một, đồng thời còn được biết các cha từ xa cùng về dự lễ. Có cha từ quê hương Việt Nam xa xôi, có cha từ nước láng giềng Hoa Kỳ, có cha từng sinh hoạt với giáo dân từ nhiều năm nay. Cha xứ bảo đây là lần đầu tiên nhà thờ làm lễ mừng Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, lớn và đông các cha như thế này. Giảng phòng bốn ngày, ngày nào cũng đông giáo dân tham dự. Rước kiệu Đức Mẹ cũng đông đảo bà con, một điều chưa hề thấy của xứ đạo này. Cảm thấy vừa là vinh hạnh cho các cha khách, vừa là vinh hạnh cho giáo dân.

Có lẽ trên bục giảng vì có nhiều ánh sáng từ các đèn vàng tỏa ra, hơi nóng của nến, đồng thời nhiệt độ nóng không gió bên trong làm nhà thờ càng nóng hơn. Tội nghiệp cha Tiến Lộc, vừa giảng bài mà cứ chốc chốc cha lại phải lâu mồ hôi nhễ nhãi tuôn. Nhìn cha ngồi chiêm nghiệm lời Chúa, thấy thương cái dáng mộc mạc của cha. Bất chợt để ý thấy áo lễ của cha có hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bế Chúa Giêsu Hài Đồng. Bức hình nổi tiếng mà có lần nào đó đọc được lời giải thích rằng, Chúa Giêsu Hài Đồng đang nắm chặt cánh tay Mẹ khi chiếc giầy nơi chân của người sút dây như sắp rơi tuột. Mẹ Maria đã ôm chặt Chúa con vào lòng mà chở che khi người còn là hài đồng. Đó cũng là một hình ảnh tôn kính Mẹ Maria của dòng Chúa Cứu Thế. Cha Tiến Lộc bảo hôm nay nhà thờ nóng giống như cái nóng ở La-Vang vậy.

Rồi cha kể về đức tin của người được Đức Mẹ La-Vang dẫn đưa về lại với Chúa Cha. Trong một bài giảng của cha, không chỉ học được một bài, mà là hai-ba bài học khác nhau lồng trong một bài giảng. Các ý tứ không rời rạc mà lại ăn khớp nhau khiến bài giảng thật xúc tích. Lối kể chuyện dí dỏm của cha cũng là một điểm nhấn thu hút người nghe không thấy tẻ nhạt và nhàm chán. Sợ nhất là các cha chỉ thích trích sách phúc âm, câu thứ mấy, trang số mấy, của ông Thánh nào rồi cứ thế mà trích dẫn, chẳng có lấy một bài học sống động nào trong lời giảng. Một cha khách từ Châu Phi sang giảng ở nhà thờ Tây gần nhà đã làm mất buổi sáng vui vẻ khi bước vào dự lễ với lối giảng như thế. Có cha Tây với mái tóc đã điểm sương nhiều hơn màu muối tiêu thì lại càng não nùng. Khi cha giảng, chỉ thấy cha kể công đi nhà thờ này giảng, đến nhà thờ kia giảng, cha lúc nào cũng kể lể một chương trình bận rộn của mình. Thế mà việc làm lễ cho nhà thờ chính của giáo xứ do cha chủ trì, chẳng mấy khi thấy cha về làm lễ - chắc cha chê giáo dân nghèo! Buổi lễ nào cha giảng không hiểu cha muốn nói gì thì hai vợ chồng ngó nhau hỏi: “Cha nói gì? Hiểu không vậy?” – Lắc đầu, chẳng biết cha vừa nói gì! Dường như bài giảng đã không được soạn kỹ. Ý không mạch lạc, lung tung và hỗn tạp. Một buổi sáng không tiếp thu điều gì ngoài việc được rước mình thánh Chúa. Hôm nào đi lễ mà có cha Tây trẻ, giọng nói nhỏ nhẹ và hiền lành, thì mừng, vì cha siêng ơi là siêng. Mỗi bài giảng của cha là một đề tài hấp dẫn. Nghe cha giảng, cách cha nói, cảm nhận được cha yêu Chúa nhiều lắm, vì trong bài giảng là cả một tâm tình dành cho Thiên Chúa Cha. Những hôm được nghe bài giảng hay như thế, trên đường về nhà, thường có tâm tình vui vẻ và lòng muốn ca hát ngợi khen Chúa không thôi. Chẳng bù với những bài giảng cũ xì lập đi lập lại… cha nào làm biếng biết liền. Có một buổi lễ, ngỡ ngàng khi thấy một cha Việt lập lại bài giảng cách đây 2 năm ông đã giảng. Bài giảng có các năm A, B, C. Cứ tới năm A,B hay C, cũng vào mùa nào đó, thì cha cũng lại giảng một bài như vậy.Thất vọng ghê đi. Lại thắc mắc, vậy lời Chúa chỉ có bấy nhiêu, vậy cha soạn bài để đó, không cần học hỏi thêm, không cần tìm hiểu thêm về Chúa nữa hay sao? Ôi Chúa là nguồn vô tận, nên khi nào đọc hay nghe được một bài giảng có soạn thảo kỹ lưỡng, biết là cha đó yêu Chúa nhiều lắm mới có thể để hết tâm tình vào việc đem Chúa đến cho giáo dân. Cám ơn những vị đã viết sách, đã giảng dạy lời Chúa cho con với tâm tình hiến dâng đó.

Dù thiếu ngủ, sáng lại đi rước kiệu Đức Mẹ, nhà thờ lại nóng, mà đầu óc vẫn tỉnh táo, không thấy mệt mỏi hay buồn ngủ chút nào. Lại còn tiếc sao buổi lễ hôm nay nhanh quá, dù rằng buổi lễ hôm nay kéo hơn hai tiếng đồng hồ. Hồi nào tới giờ thấy nói các cha dòng CCT đi giảng phòng, mà không hiểu giảng phòng là gì? Bây giờ thì thắc mắc ấy đã được làm sáng tỏ. Những buổi giảng phòng như vậy, thật là ích lợi cho giáo dân, không phải vì là lễ hội, cũng không phải vì có nhiều cha về vì đông thì vui, mà vì đó là cơ hội cho những người mới gia nhập đạo hiểu thêm về sinh hoạt của đạo mình vừa bước vào. Bởi vì họ không phải là những bổn đạo gốc, nên những sinh hoạt của giáo xứ và những lề luật của giáo hội, thường không được nắm rõ và hiểu biết tường tận. Chính nhờ những dịp như vầy, người tân tòng mới có thể hội nhập vào đời sống người tín hữu Kitô, mới gần gũi và hiểu biết hơn lề lối sinh hoạt của bổn đạo.

Anh em ta về cùng nhau ta quay quần này,
Một, hai, ba, bốn, năm,
Anh em ta về cùng nhau ta xum họp này,
Năm, bốn, ba, hai, một,
Một đều chân bước nhé,
Hai quay nhìn nhau đi,
Ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa,
Bốn nhớ rằng chúng ta bốn bể, anh em một nhà,
Năm nhớ mãi lời (tình) này trong câu ca.

Bài hát “Anh em ta về” của cha Tiến Lộc, năm xưa là bài ca tôi thường hát khi tập tễnh đi sinh hoạt. Hôm nay mới thật sự biết mặt, biết tên tác giả của bài hát này. Bao nhiêu người đã về tụ họp dưới bóng đức tin của Mẹ Hằng Cứu Giúp để cùng suy niệm lời Chúa, cùng suy niệm về ơn lành được Mẹ dẫn đưa đến Chúa, cùng cầu nguyện cho chính mình và người anh-chị-em nơi quê nhà. Lời kêu gọi về họp mặt quay quần bên nhau trong bài hát ấy cũng ý nghĩa không kém nếu đem áp dụng vào buổi họp mặt của buổi lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời hôm nay.

Âm vang của mùa giảng phòng năm nay thật là ý nghĩa với chính bản thân. Bởi vì, thấy mình được ơn ích về nhiều mặt. Thấy yêu kính Đức Mẹ hơn trong dịp lễ Mông Triệu này. Nhờ có Mẹ mà được nhận lãnh bí tích hòa giải cùng với Chúa. Nhờ Mẹ mà được thấy, được nghe lời giảng tâm tình của cha Tiến Lộc. Làn hơi mới của đức tin học được từ buổi giảng phòng này, niềm vui có được từ buổi lễ được tham dự, tất cả là một kỷ niệm khó quên mà âm vang của nó vẫn còn đọng lại khi viết những dòng chữ này.

24Aug 2009.
 
Lòng nhân hậu giữa đời thường
An Mai
06:29 26/08/2009
LÒNG NHÂN HẬU GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Thật bàng hoàng và đau đớn khi nghe tin một sinh viên - một tri thức trẻ - đã cam tâm mang bình axít vào chính ngôi trường thân thương của em học để mà tạt. Nạn nhân bị tạt là ai vậy ? Nạn nhân chính là người Thầy suốt bao năm trường cưu mang em, dạy dỗ em ! Nạn nhân chính là những tri thức trẻ đồng trang lứa với em đang ngồi trên ghế giảng đường để sau này mang những dòng nhựa nhân cách chảy vào đời.

Sáng ngày 24 tháng 8, tại giảng đường RĐ302 trường Đại Học Nông lâm TP.HCM, thầy cùng trò lớp DH06CK đang mãi mê nghe giảng bài mới thì bỗng nhiên một dòng nước lạ được rưới lên đầu. Một lát sau, khi cơ thể thấy rát rát, nóng nóng mới biết rằng mình vừa bị dội axít.

Thầy, trò: tổng cộng 14 người phải nhập viện. Người nhẹ thì ở Bệnh viện Đa Khoa Thủ Đức còn người nặng thì phải chuyển lên Chợ Rẩy. Đau nhất có lẽ là thầy Đặng Hữu Dũng (51 tuổi, Phó khoa Cơ khí- Công nghệ trường ĐH Nông Lâm).

Tìm hiểu nguyên nhân thì người học trò thân yêu ấy đã “nợ” nhiều môn học trong hơn 3 năm qua. Người học trò ấy còn thiếu môn tiếng Anh chuyên ngành do thầy Dũng phụ trách nên chưa thể tốt nghiệp được. Chẳng hiểu lý do gì mà cứ trượt mãi và từ đó, lòng căm giận của trò loé lên, trò cho rằng thầy trù dập mình và rồi đã đi mua 5 lít axit về để “dằn mặt” thầy !

Thầy đau lắm, thầy chỉ biết nói rằng chỉ vì thầy mà các bạn sinh viên bị lây ! Nhân hậu quá, thương tâm quá ! Vì một chút nông nổi bộc phá nơi một con người để rồi hậu quả khôn lường đã đến. Nhân hậu hơn nữa như là một lời tha thứ của thầy Dũng: “Hãy cho cậu ấy một con đường nếu cậu ấy biết hối cải”. Lẽ ra, trong cơn đau đớn thể xác do sức tàn phá của axit đã làm cho thầy uất hận, lên án đứa học trò cũ của mình hay là dùng những lời lẽ chua cay đổ dồn lên cậu ấy nhưng không, thầy đã làm ngược lại.

Không biết thầy Dũng có phải là kitô hữu hay không nhưng con đường, cách hành xử của thầy sao đẹp qúa. Thầy đã đi theo con đường mà ngày xưa Giêsu đã đi là tha thứ cho những người tội lỗi, những người yếu đuối và cũng ước mong sao những người ấy hối cải.

Lối hành xử này là lối hành xử đậm chất Giêsu, đậm chất kitô giáo vì lẽ cuộc đời này vẫn diễn ra hàng ngày hình ảnh của những người bất lương, những kẻ luôn tìm cách hại người khác nhưng rồi những người bị hại, những người bị chà đạp vẫn gióng lên tiếng nói của yêu thương và tha thứ.

Hình ảnh ấy cũng đang sáng nơi giáo xứ Thái Hà, nơi giáo xứ Tam Toà. Dù bị chà đạp, dù bị vu khống, dù bị đối xử bất công nhưng Thái Hà, Tam Toà và hàng triệu hàng triệu người Công Giáo ở Việt Nam vẫn nói lên tiếng nói của sự tha thứ, của sự chờ đợi nơi những con người bất công, vu khống.

Sự việc đã xảy ra, đau đớn đang dằn vặt nhưng cần phải nhìn lại cách lối giáo dục. Nếu thật sự có cái tâm, nếu thật sự còn chút tình người thì người học trò ấy chẳng bao giờ mang axít đi tạt vào thầy và trò cả. Chất lượng giáo dục và đào tạo như thế nào chắc có lẽ không cần phải bàn. Có quá nhiều cải cách, có quá nhiều đổi mới và có qúa nhiều thành quả được nghe trong các bài báo cáo thật hoành tráng nhưng thực tế sao mà đau lòng quá.

Ở môi trường đào tạo tri thức, đào tạo con người mà còn như vậy thì huống hồ gì là những môi trường khác, những môi trường đi tìm miếng cơm manh áo.

Rồi đây, vết thương thầy Dũng cũng như những nạn nhân của vụ tạt axit này cũng sẽ lành nhưng vết thương lòng chẳng biết bao giờ có thể lành được.

Thực trạng giáo dục nó làm sao ấy ? Hình như con trẻ ngày hôm nay quên mất hai tiếng “cảm ơn”, hai tiếng “xin lỗi”, hai tiếng “ghi ơn” … để rồi hành xử theo kiểu ăn thua. Cũng chẳng trách ai cả vì lẽ có ai can đảm đứng ra để nhận trách nhiệm về mình đâu. Nếu có chuyện gì xảy ra thì lại là “vô ý gây ra hậu quả nghiêm trọng …”. Cứ nhìn xem các vụ án tham nhũng, chiếm đoạt của công thành của tư thì ta sẽ rõ. Tất cả đều “vô ý gây hậu quả” !

Thầy Dũng có quyền nặng lời ai oán trước người hại mình, thầy Dũng có quyền nói tiếng nói xét xử người ác nhưng không ! Thầy đã làm ngược lại ! Hình ảnh của Thầy cũng gần với hình ảnh của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chính Đức Giáo Hoàng đã vào tận ngục thất để thăm kẻ ám sát mình và nói lời tha thứ !

Thế đấy ! Giữa cái dòng chảy bôn ba của cuộc đời này, có những con người rất dữ tợn, có những con người bằng mọi cách để triệt hạ anh chị em đồng loại, có những con người đánh mất cái lòng nhân, cái tình người thì vẫn loé lên những hình ảnh, những tấm lòng nhân hậu như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như thầy Đặng Hữu Dũng. ..

Những hình ảnh đẹp ấy như như xoa dịu nỗi đau của một thế giới đang nhuốm đậm màu của nền văn hoá của sự chết, nền văn hoá của sự chà đạp, nền văn hoá của sự hơn thua.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thủ tướng csVN bỗng nhiên ngoan đạo?
Hà Long
05:45 26/08/2009
Thủ tướng csVN bỗng nhiên ngoan đạo?

Đạo lý của người Phật tử là biết trở về bản ngã và tìm ra sinh lộ cho chính mình, đó là cửa Phật vì được dựa vào nguyên lý “Buông dao đồ tể là sẽ trở thành Phật”. Câu nói này cho thấy cửa Phật rộng thênh thang, cho dù một người sống ác đến đâu nhưng khi biết quăng đao nghĩa là từ bỏ ác tính thì sẽ thành Phật. Con đường của sự buông đao là một cuộc hành trình gian truân phải diệt được cái ác trong tâm, trong lời nói và trong hành động, phải vượt lên được luật nhân quả của nhà Phật bởi vì đã tự mình gieo nhân nào thì sẽ gặt qủa đó.

Chân lý của người công giáo được dựa vào sự “Trở về” để được thứ tha, có nghĩa là phải thật lòng ăn năn xám hối và làm hòa với Chúa qua bí tích giải tội để được trở về vị trí là con của Chúa. Không những thế người đó còn phải làm hòa lại với tha nhân, nơi mình đã gây ra tội ác hoặc reo rắc mầm mống chia rẽ bất hòa.

Trong vài tuần qua tại nơi thà thờ đổ nát Tam Tòa và tu viện Bát Nhã đã bị csVN với sự góp tay của các nhóm côn đồ đã gây nhiều tội ác hành hung dân lành, cướp bóc tài sản. Tiếp theo báo đài loan tin xảo trá sai sự thật nhằm kích thích quần chúng để đổ tội lên đầu dân lành.

- Cũng trong thời gian này xảy ra những động thái kỳ lạ nơi thủ tướng csVN khi người dân thấy ông ta tìm đến cửa Phật và cổng nhà thờ. Ông ta muốn buông dao đồ tể chăng hoặc hối hận ăn năn xám hối cho những tội ác đã gây ra? Hay là ông ta có những ý đồ bất lương nào khác nơi cửa Phật, nơi cổng nhà thờ?

- Theo tác giả An Dân cho biết chương trình truyền hình thời sự VTV1, ngay tối 18/8/2009, đã cho phát rộng rãi bản tin này kèm theo hình ảnh vị Chủ tịch HĐGMVN (Phêrô Nguyễn Văn Nhơn) cùng với một số cháu thiếu nhi người (Thượng) K’hor tươi cười bên cạnh thủ tướng. Đáng tiếc trang Website của giáo phận Đà Lạt không đưa tin về vụ việc này cũng như không có hình ảnh cho mọi người theo dõi.

-Theo trang Website của chùa Vĩnh Nghiêm đưa tin chiều ngày 15-08-2009, “ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã đến thăm và trồng cây lưu niệm tại chùa Vĩnh Nghiêm. Được biết cây Bồ-đề này được chiết từ cây Bồ-đề tại nơi đức Phật thành đạo, Bodh Gaya, do chính phủ Ấn Độ tặng Thủ tướng. Đ.Đ. Thích Thanh Phong, Trụ trì, Đ.Đ. Thích Giác Dũng, Chánh na, Đ.Đ. Thích Giác Hiệp, Phó na đã đón tiếp ngài Thủ tướng. Thủ Tướng dâng hương lễ Phật, và phóng sinh chim, cầu quốc thái dân an. Ngài đánh giá cao các hoạt động của Phật giáo nói chung và của Tổ đình Vĩnh Nghiêm nói riêng.”

Chỉ trong 3 ngày ông Dũng đã tìm đến nhà thờ và nhà chùa. Long thể của ngài thủ tướng bất an? Vì Tam Tòa? Vì Bát Nhã? Hoặc vì Bauxite Tân Rai?

Mái chùa hoặc tháp chuông nhà thờ đang có thể là nơi trú ẩn an toàn nhất cho ngài thủ tướng trong giây phút này chăng?

Dâng hương lễ Phật, và phóng sinh chim lồng, cầu quốc thái dân an mà ngài thủ tướng cộng sản Việt Nam đã làm ở chùa Vĩnh nghiêm là điều hoàn toàn đối trọi lại với thế giới vô thần do chủ nghĩa cộng sản chủ mưu nhằm tiêu diệt tôn giáo và luôn gây đại họa cho thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Thật ra điều ông Dũng đang làm đúng là một tội phản động vì phản bội lại đảng cộng sản VN.

Ông Dũng đã buông đao chủ nghĩa cộng sản để trở thành Phật? Ông Dũng đang ăn năn xám hối để Thiên Chúa có dịp thứ tha? và chính ông đang làm việc bác ác theo tinh thần Kitô giáo qua việc trao tặng 26 căn nhà cho 26 hộ đồng bào dân tộc nghèo tại Tân Rai.

Lần bước theo ông Dũng lại có thêm ngài chủ tịch Nguyễn Minh Triết mon men đến thăm chùa Bà Đa tọa lạc tại phía Bắc cầu Tuyên Sơn, miền Trung vào ngày 24/8/2009. Ông Triết đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên nhà chùa và tặng bức tranh thêu cho chùa Bà Đa. Ông Triết cũng muốn tìm công quả nơi cửa chùa? Bất an vì Bauxite chăng?

Dù sao đi nữa chúng ta cũng được phép nhắc nhở các ngài thủ tướng và chủ tịch nước rằng: Theo nhà Phật với luật nhân quả được giải nghĩa rất rõ ràng: ”Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ!”. Theo công giáo thì Thiên Chúa rất công minh chính trực: “Có tội thì phải đền!”

 
Lời chủ chăn: Giáo dục kitô giáo và Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội
+ĐHY GB Phạm Minh Mẫn
08:16 26/08/2009
Lời Chủ chăn, 25.8.2009

Giáo dục kitô giáo và Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội

Kính gởi: Anh em linh mục và anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận,

Ngày 27.6.2009, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nhắn nhủ các Giám mục Việt Nam " Người công giáo tốt là người công dân tốt" (xem bài huấn từ của ĐTC dành cho các Giám mục VN). Ngày 7.7.2009, Ngài đã công bố Thông điệp "Bác Ái trong Chân Lý" cho Giáo Hội toàn cầu và cả thế giới. Ngày 8.7.2009, trước cử toạ nhiều ngàn người thuộc nhiều quốc gia quy tụ trong Hội trường Phaolô VI, cạnh đền thờ Thánh Phêrô, chính Ngài đã giới thiệu Thông điệp đó như chỉ nam cho sự phát triển con người thành người tốt góp phần xây dựng một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu, trong công lý và hoà bình. Chân lý và tình yêu, công lý và hoà bình, là bốn giá trị trụ cột của Tin Mừng. Xây nhà - nhà riêng hay nhà chung, nhà thờ hay nhà nước - trên bốn giá trị trụ cột đó là xây nhà trên nền đá vững chắc, và nhà sẽ tồn tại vững bền qua mọi thử thách của thời gian. Tôi ước mong trong những tháng tới, khi chúng ta có bản dịch Việt ngữ trong tay, anh chị em hãy cố gắng dành thời giờ tổ chức cùng nhau học tập Thông điệp theo chiều cao, chiều sâu, chiều rộng và chiều dài của nó, cùng nhau rút ra những bài học thực hành cho mọi lãnh vực văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị của cuộc sống hôm nay.

Trong lời Chủ chăn này, tôi xin nhường lời cho Đức Thánh Cha giới thiệu về Thông điệp "Bác Ái trong Chân Lý" của Ngài.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục

Thông điệp mới của tôi "Bác Ái trong Chân Lý", vừa được công bố hôm qua. Nhìn từ nền tảng, Thông điệp phát xuất từ một đoạn văn trong thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Êphêsô: "Sống trong chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu" (Eph 4,15). (Đức Kitô vừa là Đầu của Giáo Hội, vừa là Chân Lý, vừa là hiện thân tình yêu cứu độ của Chúa Cha là Đấng tạo thành loài người theo hình ảnh của Người là Tình Yêu).

Do đó, tình yêu trong chân lý là động lực chính cho sự phát triển chính thực của mỗi người cũng như của toàn thể nhân loại. Chính vì thế, toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về xã hội xoay quanh nguyên lý "Bác Ái trong Chân Lý". Chỉ với tình yêu được lý trí và đức tin soi sáng, loài người mới có thể vươn tới những mục tiêu phát triển mang tính nhân bản và nhân hoá. Là nguyên lý nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, tình yêu trong chân lý mang tính tiêu chuẩn cho mọi hành động luân lý của con người (xem số 6 của Thông điệp).

Trong phần dẫn nhập, Thông điệp ghi nhận hai tiêu chuẩn: công lý và công ích. Công lý là một thành phần toàn vẹn của tình yêu "trong việc làm và trong chân lý" (1 Ga,3,18). Mến thương ai thì muốn điều thiện hảo cho họ, và cố gắng mang lại điều thiện hảo cho họ. Bên cạnh điều thiện hảo cho cá nhân, còn có điều thiện hảo cho đời sống xã hội...Càng nỗ lực mang điều thiện hảo phù hợp với nhu cầu của những người quanh cận, chúng ta càng yêu thương họ cách thiết thực (xem số 6 của Thông điệp). Do đó có hai tiêu chuẩn cho mọi hành động của con người: công bằng và ích chung. Gắn kết với ích chung, bác ái mang chiều kích xã hội. Thông điệp mời gọi mỗi kitô hữu hãy thực thi bác ái, vì cơ cấu tổ chức xã hội mở ra lối đi cho bác ái (xem số 7).

Như các tư liệu giáo huấn khác của Giáo Hội, Thông điệp này cũng đi sâu vào việc phân tích cùng suy tư của Giáo Hội về những vấn đề sống còn của nhân loại trong thế kỷ 21 nầy. Nó gắn liền với những gì Đức Phaolô VI đã viết cách đây 40 năm trong Thông điệp "Sự Phát triển của các Dân tộc", trong đó Ngài phác thảo những đường nét chính, đến nay vẫn mang tính thời sự, cho sự phát triển toàn vẹn của con người cùng thế giới hôm nay.

Theo như tin tức được phổ biến rộng rãi trong những ngày tháng gần đây, tình hình thế giới liên tục làm xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng, và chướng kỳ của những bất bình đẳng rõ ràng đang tiếp tục tồn tại bất chấp những nỗ lực trong thời gian qua.

Một mặt, xuất hiện những dấu hiệu về sự mất cân đối trầm trọng trong lãnh vực xã hội cũng như kinh tế. Mặt khác, từ nhiều phía, có lời kêu gọi cải cách, không thể trì hoãn nữa, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Hướng đến mục đích đó, hiện tượng toàn cầu hoá có thể là một cơ hội, nhưng chính vì lẽ ấy, điều quan trọng là khởi động một cuộc đổi mới sâu xa về luân lý và văn hoá, là có một sự phân định mang tinh thần trách nhiệm đối với những quyết định hướng đến công ích. Một tương lai tươi sáng hơn là điều khả thể cho mọi dân tộc, khi tương lai đó được xây trên nền tảng sự tái khám phá những giá trị căn bản của đạo đức. Điều cần là có một hoạch định mới về tài chính nhằm tái thiết tổng thể công cuộc phát triển trên nền tảng tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa cũng như đối với nhân loại là tạo vật của Ngài.

Tất nhiên, Thông điệp không nhằm cống hiến những giải pháp kỹ thuật cho những vấn đề xã hội rộng lớn trong thế giới hôm nay. Điều này nằm ngoài chuyên môn của thẩm quyền giáo huấn trong Giáo Hội (xem số 9). Thông điệp nhắc lại những nguyên tắc căn bản cần thiết cho công cuộc phát triển con người trong những năm sắp đến. Những nguyên tắc đó gồm có trước hết là mối quan tâm đến sự sống con người, được coi như trọng tâm của công cuộc phát triển chính thực; thứ đến là sự tôn trọng tự do tôn giáo là điều luôn luôn gắn liền với sự phát triển con người; và từ bỏ quan điểm xác quyết chỉ có con người là tác giả tuyệt đối của vận mạng mình.

Niềm tin tuyệt đối vào tiềm năng của khoa công nghệ, đã được thời gian xác minh chỉ là ảo tưởng. Điều chúng ta cần là những con người ngay chính trong lãnh vực kinh tế cũng như chính trị, có lòng thành quan tâm đến ích chung. Đặc biệt, nhìn vào những tình huống nghiêm trọng trên thế giới, điều khẩn thiết là hướng dư luận quần chúng về thảm kịch đói khổ và an toàn lương thực bao trùm một phần lớn nhân loại. Thảm kịch này chất vấn lương tâm chúng ta: đối diện với thảm kịch đó, giới hữu trách có nhiệm vụ xóa bỏ những nguyên nhân trong cơ cấu tổ chức, đồng thời cổ võ phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo nhất. Tôi tin rằng con đường liên đới nhằm đến sự phát triển các nước nghèo nhất sẽ giúp tìm ra đáp số cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hôm nay. Rõ ràng là vai trò và quyền hạn chính trị của các nhà nước cần được thận trọng thẩm định lại vào một kỷ nguyên mà bối cảnh kinh tế, giao thương và tài chính của thế giới hạn chế quyền lực tối cao của họ.

Mặt khác, không thể thiếu sự tham gia có trách nhiệm của mọi người dân trong lãnh vực chính trị quốc gia và quốc tế, một phần nhờ sự dấn thân mới của các liên đoàn lao động hướng đến thiết lập những hiệp hội quốc gia cũng như quốc tế. Trong lãnh vực nầy, các phương tiện truyền thông xã hội phải đóng vai trò hàng đầu nhằm gia tăng đối thoại giữa các nền văn hoá cùng các truyền thống khác nhau.

Vì thế, nếu muốn hoạch định một dự án phát triển không mang tính trì trệ và méo mó như hiện nay, điều cần là suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa và mục đích của phát triển. Tình trạng sức khoẻ của môi trường hành tinh đòi hỏi điều đó. Cuộc khủng hoảng văn hoá và luân lý khắp nơi trên địa cầu yêu cầu điều đó. Kinh tế cần những chuẩn mực đạo đức để có thể góp phần phát triển con người, cần khám phá sự đóng góp quan trọng của nguyên tắc nhưng không, "lôgich của quà tặng", trong nền kinh tế thị trường mà quy luật không thể chỉ là lợi nhuận.

Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi khi có sự dấn thân của mọi người thuộc mọi giới, kinh tế cùng chính trị, sản xuất cũng như tiêu dùng. Điều này giả thiết lương tâm phải được huấn luyện và phải biết chú tâm đưa những tiêu chuẩn luân lý vào trong phác thảo những dự án. Nhiều người lên tiếng nhắc nhở rằng những quyền con người phải đi đôi với những nghĩa vụ làm người, bằng không quyền đó có nguy cơ trở nên độc tài.

Điệp khúc ngày càng được lặp lại là toàn thể nhân loại cần chọn một lối sống khác, một lối sống bao hàm sự gắn kết giữa hai loại nhiệm vụ, một là những nhiệm vụ của mỗi người đối với môi trường, hai là những nhiệm vụ của mỗi người đối với bản thân người khác cũng như đối với mối liên hệ của họ với mọi người.

Nhân loại là một gia đình, và cuộc đối thoại giữa niềm tin cùng lý trí chỉ phong phú hoá gia đình nhân loại, chỉ làm cho công việc từ thiện trong đời sống xã hội có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra một lối đi cho sự hợp tác giữa người tín hữu với người không tín ngưỡng, cho mọi người cùng đồng hành trên con đường kiến tạo công lý và hoà bình cho thế giới hôm nay.

Trong Thông điệp, tôi có nêu ra nguyên tắc "phụ đới và liên đới". Hai nguyên tắc nầy gắn liền với nhau, như tiêu chuẩn và đường lối cho sự hợp tác huynh đệ nêu trên.

Cuối cùng, trước những vấn đề với chiều sâu và chiều rộng của nó trong thế giới hôm nay, tôi cũng lưu ý cần có một cơ cấu tổ chức quyền lực chính trị quốc tế, theo luật định, biết tôn trọng hai nguyên tắc vừa nêu, có quyết tâm thực hiện ích chung, đồng thời quan tâm tôn trọng những truyền thống đạo đức và tôn giáo trong nhân loại.

Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh: Không thể lắp đầy cơn khát của lòng người chỉ bằng những của cải vật chất. Rõ ràng là chân trời của nhân loại cao hơn và rộng hơn của cải vật chất... Vì thế, mỗi chương trình phát triển cần phải quan tâm hướng con người - gồm xác và hồn - đến sự tăng trưởng không những về phương diện thể xác, song còn về phương diện tâm linh. Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội không ngừng quy chiếu về sự phát triển toàn vẹn đó, một sự phát triển có định hướng và động lực là "tình yêu trong chân lý".

Tôi cầu mong Thông điệp này giúp cho nhân loại cảm thấy mình thuộc một gia đình đang dấn thân kiến tạo một thế giới sống trong công lý và hoà bình. Tôi nguyện cầu cho người tín hữu đang hoạt động trong lãnh vực kinh tế và chính trị, hiểu rằng chứng từ Tin Mừng của mình thật sự quan trọng trong nhiệm vụ phục vụ đất nước và thế giới hôm nay. Cách riêng, tôi mời gọi các vị lãnh đạo các nước đang gặp gỡ nhau..., hãy cùng nhau đi đến thống nhất những định hướng và những quyết định hữu ích cho sự phát triển toàn vẹn và vững bền của các dân tộc, đặc biệt những dân tộc nghèo khổ nhất...
 
Những kẻ xưa đánh cắp lòng tin nay lại dùng giấy gói lửa
Lê Sáng
17:21 26/08/2009
NHỮNG KẺ XƯA ĐÁNH CẮP LÒNG TIN NAY LẠI DÙNG GIẤY GÓI LỬA

Không hiểu vì lý do gì mà cuốn từ điển tiếng Việt do UBKHXH nhà nước CHXHCN Việt Nam xuất bản lần đầu 1987, có bút phê của Phạm Văn Đồng, sau đó tái bản nhiều lần lại không có từ [lòng tin] ???. Trong khi đó những người cộng sản ở Việt Nam thuộc các thế hệ nối tiếp nhau lại luôn mồm sử dụng tính từ [lòng tin]. Không chỉ csvn, mà những người đồng chí Trung Quốc của họ cũng luôn mồm sử dụng tính từ này, trong quan hệ giữa hai đảng vốn được họ xác định là chiến lược. Gần đây có ông giáo sư của Trung Quốc lớn tiếng nêu vấn đề phải xây dựng lòng tin giữa hai đảng cộng sản VN và TQ mới giải quyết được các vấn đề nọ kia của hai nhà nước: 24/8/2009, tại Nhà khách Chính phủ, Học viện Ngoại giao đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Tăng cường lòng tin trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

(http://www.vtca.vn/Chitiettintuc/tabid/10606/ArticleID/110000/tid/10509/language/vi-VN/Default.aspx)

Lòng tin là sự tin tưởng giữa con người với nhau về những việc làm có liên quan trong tương lai – Súc vật thì không có lòng tin. Vì thế lòng tin giữa người với người phản ánh nhân cách, phản ánh năng lực nhận thức giữa các bên. Đương nhiên lòng tin phải được xây dựng trên cơ sở quá khứ của từng người. Ít ai dám tin vào lời hứa của những kẻ có tiền sử dối trá, lật lọng. Không có lòng tin, các công việc sẽ ngưng trệ, con người sẽ mệt mỏi vì phải cảnh giác, phải thu nạp quá nhiều tin tức, quá tải xử lý tin, nhiều khi là những tin tức thừa vì không dám mạo hiểm mạng sống của mình. Những kẻ lừa đảo biết rằng khi đã có lòng tin, đối tượng của nó sẽ dễ dàng với nó hơn, nên chúng ra sức xây dựng lòng tin trước khi chính thức lừa đảo… Không có vụ lừa đảo nào chót lọt nếu không lợi dụng được lòng tin của khổ chủ.

Lòng tin là một thứ quí giá, nó giúp con người bớt phải trả giá về thời gian, về công sức một cách phí phạm trong tiến trình phát triển của mình. Không chỉ thế, nó còn thăng tiến nhân cách của con người, giúp cá nhân hoà với cộng đồng, giúp cộng đồng nhân lên sức mạnh… Tuy nhiên nếu lòng tin bị sử dụng một cách phi pháp, vô luân, nó sẽ đẩy lùi lịch sử hàng trăm năm, nhấn chìm xã hội loài người trong bạo lực đau thương… Và khi người ta phát hiện lòng tin của mình bị đánh cắp, ngọn lửa hận thù sẽ bừng cháy, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất khó dập tắt… Rất khó tha thứ bởi không còn cơ sở nào để tin tưởng mà tha thứ cho nhau nữa…

Trong các cuộc cách mạng xã hội người ta luôn dùng lòng tin giữa người với người để tập hợp lực lượng cũng như phối hợp hành động… Không có cuộc cách mạng nào có thể thành công mà lại không có mảy may lòng tin giữa người với người… Tuy nhiên không phải cuộc cách mạng nào người ta cũng sử dụng lòng tin của con người một cách đúng đắn và trong khuôn khổ luân thường đạo lý. Cuộc cách mạng 1945 đưa những người cộng sản ở Việt Nam lên nắm quyền lực là một ví dụ. Khởi đầu những người vô sản đi tìm kiếm sự hậu thuẫn quốc tế để giành độc lập cho quốc gia đã đặt nhầm lòng tin nơi chủ thuyết cộng sản, có thể do ấu trĩ, hoặc do tham vọng quyền lực. Đến hôm nay, không một người csvn nào, kể cả những người đang nắm giữ quyền lực tin vào sự hiện hữu của chủ thuyết cộng sản nữa, vì nó đã quá nhãn tiền. Việc họ lớn tiếng tuyên bố nọ kia chẳng qua là vì họ sợ hãi khi nghĩ đến việc mất quyền lực, họ không chỉ mất quyền lợi, mà còn phải đền tội… Trong số hơn 3 triệu đảng viên cộng sản ở Việt Nam hiện nay, có đến trên 90% không thuộc học thuyết cộng sản, thậm chí không biết có bao nhiêu bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin.

Cách mạng tháng 8/1945 thì ngay những người cộng sản lão thành ngày nay cũng đã thú nhận họ đi theo là do lòng tin ngây thơ chứ chẳng hiểu gì sâu sa cả. Quần chúng nhân dân phần lớn là người lao động, không biết chữ, họ được những người cộng sản nửa mùa chỉ biết cái tên cộng sản, chứ chưa biết chủ thuyết cộng sản như thế nào đưa ra những lời hứa, những vẽ vời hoang tưởng về cuộc sống thiên đường XHCN … Vì lòng tin mà đi theo làm cách mạng … Đến hôm nay họ mới ngã ngửa người ra khi mục sở thị một xã hội quái gở, bại hoại, suy đồi ở hạ tầng, gian tham tàn bạo ở thượng tầng… Nhân dân bắt đầu nhận ra lòng tin khi xưa của họ đã bị đánh cắp. Thế là xã hội có thừa thù hận, một xã hội hỗn loạn. Bộ máy thống trị thì hỗn quan hỗn quân tranh thủ vơ vét tham nhũng công khố khi đương quyền, sắn sàng hất cẳng nhau... Người dân không được bảo vệ. Họ thấy rằng liên kết với quan chức cộng sản, liên kết với tội phạm xã hội đen để buôn gian bán lận thì được lợi nên nảy sinh ra số không nhỏ “dân gian”… Xã hội hỗn loạn ngay từ những hoạt động nhỏ nhất, dễ kiểm soát nhất là giao thông. Không ở đâu trên thế giới lại có tình trạng giao thông hỗn loạn và nguy hiểm như ở Việt Nam. Trong khi với bộ máy công an như của nhà nước csvn, họ thừa sức giải quyết vấn nạn này trong một năm, thận chí vài tháng. Nhưng họ không coi đó là một việc cần làm nên bỏ mặc. Công an csvn chỉ lo đán áp giết chóc tiếng nói đối lập, lo tham nhũng, chia chác quyền lợi của mình, của phe phái mình…

Cao điểm của phản ứng vì lòng tin bị đánh cắp là có rất nhiều cán bộ cộng sản cao cấp phản tỉnh, lên tiếng bằng cách này cách khác đòi xem xét lại chính sách của đảng, của nhà nước, xem xét lại những hành động giết chóc dân lành bừa bãi của người cộng sản, xem xét lại thực tại nhà nước cộng sản Việt Nam với học thuyết cộng sản của Mác… Sự kiện các tôn giáo phản ứng dữ dội với nhà nước cũng bắt đầu từ việc nhà nước csvn lợi dụng lòng tin của các tôn giáo về phật tánh trong con người, tin vào tính bản thiện của con người mà họ nhẫn nại, kiên trì chịu đựng người cộng sản bao nhiêu năm nay… Chẳng những họ không được đền đáp, tôn trọng mà còn bị lợi dụng lừa phỉnh, rồi tấn công một cách trắng trợn, lưu manh, vô luật pháp…

Sự kiện tổng giáo phận Hà Nội cuối năm 2007 như giọt nước tràn ly. Nếu người Công Giáo bất bình vì sự tráo trở của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì các tôn giáo khác, người dân Việt cảm thấy sợ hãi khi một kẻ mang danh nguyên thủ quốc gia lại nuốt lời ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Đã thế lại còn dùng các thủ đoạn lưu manh hèn hạ, rồi trâng tráo biện minh cho thuộc hạ của mình “Về cơ bản là đúng”. Người dân Việt sống trong xã hội cộng sản hiểu được rằng Nguyễn Tấn Dũng làm những việc nêu trên là do cơ chế của xã hội cộng sản, dù muốn hay không, ông ta không có quyền làm theo ý riêng… Nhưng như thế, nguyên thủ quốc gia của cộng sản mà còn bị cơ chế cộng sản bắt làm con tin, phương chi người dân, ai bảo vệ họ ??? Không ai có thể vô can, vô tội trong xã hội cộng sản cả. Muốn ai có tội, công an cộng sản chỉ cần lấy cái mũ tội này tội kia chụp lên đầu họ là xong. Bloger Hải Điếu Cày, luật sư Lê Trần Luật gương còn tày liếp. Không bắt được họ im mồm, không có bằng chứng họ liên kết với các tổ chức người Việt ở nước ngoài… Công an cộng sản tặng họ tội trốn thuế…

Khi sự kiện Tổng Giáo Phận Hà Nội còn chưa nguôi ngoai trong lòng người công chính, thì csvn lại tổ chức tấn công đánh người tại Tam Toà. Lần này lưu manh công an cộng sản không ngần ngại leo thang bạo quyền đánh trọng thương cả linh mục. Điều này chứng tỏ nhà nước cộng sản quyết tâm dùng bạo quyền để trấn áp và răn đe dân chúng, bất chấp công lý, bất chấp luật pháp của chính họ ban hành. Họ biết rằng mặt nạ đã rớt, giữ tiếng tốt chẳng được - Cùng thì quẫn. Quan chức cộng sản thậm chí còn bày đặt đưa linh mục cách li khỏi giáo dân để cho lưu manh công an cộng sản hành hung. Đúng là người cộng sản đang mạo hiểm sự tồn tại của chính họ. Thế giới văn minh ngày nay đã có biết bao nhiêu gương tày liếp của những thế lực bạo quyền cấp nhà nước, của những chính khách bàn tay vấy máu, bị sụp đổ bị bắt đưa ra toà xét xử, lên giá treo cổ... So với bộ máy nhà nước của Iraq thời Sadam Hussein về kinh tế, quân sự, chính trị thì nhà nước csvn chưa bằng 1/10 mà lịch sử thì đã diễn biến trên thực tế, nhưng người cộng sản có mắt như mù. Hay họ vẫn mơ tưởng hão huyền về một sự thoả thận nào đó với Mỹ, với Trung Quốc ??? Nhưng gương tày liếp về cuộc đảo chính giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Cuộc chiến tranh “dạy cho csvn một bài học” 1979 vẫn lù lù ra đó… ??? Chỉ có thể kết luận về việc csvn dùng bạo quyền chà đạp công lý là mù quáng và mạo hiểm sinh mệnh của chính họ mà thôi.

Lòng tin về một cuộc cách mạng đổi đời, lòng tin về một nhà nước của dân do dân vì dân mà người cộng sản lừa dối tuyên truyền bao nhiêu năm nay sụp đổ nhãn tiền tận trong tiềm thức người dân… Thay vì nhận thức lại, thay vì cải tà qui chính, người cộng sản lại hung hãn tấn công đồng bào của mình. Thế là ngọn lửa hận thù trong lòng người dân bừng cháy… Bây giờ mà có một thế lực chính trị nào tập hợp được những đốm lửa này, chắc chắn nước Việt sẽ lại chìm trong máu lửa, người cộng sản chắc chắn sẽ không có đất để chôn chứ đừng nói đến việc lên tầu di tản trên biển như người Việt quốc gia những năm sau 1975…

Những người cộng sản khi xưa lén lút đánh cắp lòng tin để lên nắm quyền. Phản phúc, lật lọng giữa thanh thiên bạch nhật - Nguyễn Tấn Dũng và những người cộng sản hôn nay tự tay châm lên ngọn lửa căm hờn âm ỉ trong lòng người dân Việt bao nhiêu năm qua. Thật là mỉa mai khi ngày đầu lên nắm quyền, Nguyễn Tấn Dũng khảng khái nói rằng “yêu nhất là trung thực, giận nhất ghét nhất là giả dối”. Sau khi tự lột mặt lạ tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, Nguyễn Tấn Dũng lại ngựa quen đường cũ đến Toà Giám Mục Đà Lạt gặp Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn chủ tịch HĐGMVN không biết để làm gì ??? Báo chí bồi bút cộng sản cũng không nói nội dung, mục đích cuộc gặp. Đương nhiên một vị Giám Mục Công Giáo không bao giờ từ chối gặp mặt dù là một người nghèo hèn chứ chưa nói đến thủ tướng...

Nhưng như để gửi thông điệp “Thủ tướng đi gặp Giám Mục Công Giáo không phải là lép vế”. Ông ta chỉ thị cho bộ máy tuyên truyền láo lếu của nhà nước csvn kết án tu sĩ công giáo ở tổng giáo phận Hà Nội là âm mưu lật đổ chế độ… Chưa thấy tác dụng bịp bợm của nó, người ta đã thấy sự ngu dốt của ông ta cùng thuộc cấp: Giáo hội Công Giáo, từ tu sĩ đến giáo dân bất kể ở đâu trên thế giới này, là những chi thể trong cùng một thân thể, và còn được kết nối với não bộ mầu nhiệm của Thiên Chúa nữa. Chắc chắn Nguyến Tấn Dũng không hiểu được Thiên Chúa là gì, vậy ông ta định dùng tay phải để đánh tay trái trong một thân thể mầu nhiệm mà ông ta mù tịt về nó hay sao ??? Ông ta hy vọng dùng Giám Mục này để chống lại Giám Mục kia hay sao ??? Quả là sự dốt nát truyền thống của người cộng sản.

Những đốm lửa hận thù cộng sản trong dân chúng, người cộng sản vẫn dùng xã hội đen để trấn áp dập tắt, và trong quá khứ có vẻ hiệu nghiệm… Nhưng ngọn lửa nến ánh sáng trong tâm linh của tín đồ các tôn giáo không dễ dùng xã hội đen để che khuất chứ chưa nói đến dập tắt được… Ngọn nến, ngọn lửa ấy như ánh sáng dẫn đường cho các thành phần dân chúng khát khao sự thật, khát khao công lý đi đúng đường, đúng hướng, đúng luật pháp quốc tế buộc người cộng sản phải thừa nhận các chuẩn mực nhân quyền của nhân loại. Dù là lửa căm hờn, hay lửa nến ánh sáng, người cộng sản đừng mơ có thể dùng giấy để gói lửa. Thương thay cho dân tộc Việt sinh ra đứa con bất hiếu, mù loà, đi ngược lịch sử chẳng thể làm gì với cường quyền ngoại bang, nhưng lại rất hung hãn với đồng bào của mình.

Sài Gòn 26/08/2009 + Lê Sáng Phóng Viên VietCatholic
 
Một gương đấu tranh
Lữ Giang
17:25 26/08/2009
Một gương đấu tranh

Ngày 18.8.2009, ông Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung), cựu Tổng Thống Hàn Quốc (Nam Hàn) đã qua đời ở tuổi 85 vì bệnh viêm phổi. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gởi lời chia buồn và ca tụng ông, còn dân chúng Nam Hàn và Bắc Hàn đều bày tỏ sự ngưởng mộ đối với ông.

Đại diện của nhiều quốc gia đã đến Nam Hàn tiển đưa ông. Ngay cả chính phủ Bắc Hàn cũng gởi một phái đoàn đến viếng ông. Sáu viên chức của nhà cầm quyền Bắc Hàn, mặc com-lê đen và đeo cà vạt đen, đã tới đặt vòng hoa tại bậc thềm Quốc Hội Nam Hàn, nơi quàn linh cữu của ông. Phóng viên John Sudworth của đài BBC tại Seoul nhận định chuyến viếng thăm này trước hết cho thấy cựu Tổng thống Nam Hàn Kim Đại Trọng được kính trọng như thế nào ở cả hai miền Nam - Bắc.

Đêm 19.8.2009 đã có khoảng 10 nghìn người đến bệnh viện Yonsei Severance viếng ông, hơn 10 nghìn người đến viếng bàn thờ ông đặt tại Tòa Thị Chính Seoul và hàng chục ngàn người đã tưởng niệm ông tại 115 bàn thờ lập trong cả nước.

Sau 6 ngày để tang trong cả nước, tang lễ của ông đã được tiến hành theo nghi thức quốc táng vào lúc 14 giờ chiều Chủ nhật 23.8.2003 và được an táng tại Nghĩa Trang Quốc Gia ở Dongjak-dong. Đây là vị cựu tổng thống thứ hai được làm lễ quốc táng tại Nam Hàn. Người thứ nhất là Tổng Thống Pác Chung Hy.

Chính gia đình ông Kim Đại Trọng và Đảng Dân Chủ, đảng đối lập với chính quyền hiện tại, đã yêu cầu chính phủ Nam Hàn cử hành quốc táng cho ông và tối 19.8.2009 chính phủ Nam Hàn đã đưa ra quyết định như vậy. Đảng Đại Dân Tộc đang cầm quyền cũng đã bày tỏ thương tiếc ông. Đảng này đã ca ngợi sự đóng góp to lớn của ông trong việc phát triển dân chủ, và quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc, và khẳng định dấu ấn quan trọng của ông trong hòa hợp nhân dân và hòa bình giữa hai miền.

Sở dĩ ông Kim Đại Trọng được dân chúng Đại Hàn và nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới ca tụng là vì ông đã bỏ cả cuộc đời để theo đuổi dân chủ và thúc đẩy thống nhất hai miền Nam Bắc.

“Chính sách Ánh Dương” (Sunshine Policy) của ông, một chính sách nhằm cải thiện quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc trên danh nghĩa vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh. Chính vì chính sách này, ngày 13.10.2000, Ủy Ban Giải Nobel đã tuyên bố tặng Giải Nobel Hòa Bình cho ông với lý do: “Qua Chính sách Ánh Dương, ông Kim Đại Trọng đã cố gắng vượt qua hơn 50 năm chiến tranh và thù nghịch giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Cuộc viếng thăm Bắc Hàn của ông thúc đẩy tiến trình làm giảm bớt căng thẳng giữa hai quốc gia.”

Trước khi nói về nội dung của “Chính sách Ánh Dương”, vai trò của nó trong thời đại “diễn biến hoà bình”, những tính toán của chính phủ Nam Hàn và Hoa Kỳ, những thành quả và những trở ngại, những tranh luận..., chúng tôi xin nói qua về cuộc đời tranh đấu kiên cường và không mệt mỏi cho dân chủ và nhân quyền của cựu Tổng Thống Kim Đại Trọng.

VÀI NÉT VỀ KIM ĐẠI TRỌNG

Ông Kim Đại Trọng sinh ngày 3.12.1925 tại làng Ha Enido, tỉnh Cholla, một làng nhỏ ở phiá nam Nam Hàn, trong một gia đình Công giáo. Đây là một khu vực nghèo nhất nước Đại Hàn. Người dân ở đây bị đa số người Nam Hàn coi là thấp kém hơn họ. Tuy nhiên, ông Kim Đại Trọng vẫn cố gắng vươn lên. Năm 1943 ông tốt nghiệp trường thương mại và mãi đền năm 1970, sau khi ra đời nhiều năm, ông mới tốt nghiệp Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại Học Kyunghee ở thủ đô Hán Thành.

Vào đời, ông đứng đầu một công ty chuyển vận hàng hải nhỏ, đến năm 1954, ông bắt đầu hoạt động chính trị, nhưng ông đã gặp nhiều gian khổ và thất bại. Mãi đến năm 1961, sau hai lần thất cử, ông mới đắc cử vào Quốc Hội Nam Hàn. Tuy nhiên, khi ông vừa đắc cử thì ngày 16.5.1961 Tướng Pác Chung Hy làm đảo chánh và giải tán Quốc Hội. Năm 1963, ông tái đắc cử và trở thành phát ngôn viên của Đảng Dân Chủ. Năm 1969, Tổng Thống Pác Chung Hy quyết định sửa hiến pháp để ông có thể làm Tổng Thống nhiệm kỳ thứ ba. Ông Kim Đại Trọng đã chống lại việc này.

Năm 1971, ông được Đảng Tân Dân Chủ chọn làm ứng cử viên Tổng Thống để tranh cử với Tướng Pác Chung Hy. Trong thời gian tranh cử, ông đã bị mưu sát 5 lần. Tuy ông bị thất bại, nhưng Tướng Pác Chung Hy thấy ông là một nguy cơ lâu dài nên muốn loại trừ ông. Một tháng sau, trên đường đi họp, một chiếc xe vận tải 14 tấn đã lao thẳng vào xe ông. Tài xế nhanh trí lách vào lề, tông vào một xe khác làm ông và hai tùy tùng bị thương, ông bị gãy chân. Năm sau, Quốc Hội gồm các dân biểu thân chính đã làm luật ban cho Pác Chung Hy quyền làm Tổng Thống trọn đời và cấm mọi hoạt động chống lại nhà cầm quyền. Ông đã cương quyết chống lại luật này.

Thấy tình hình trong nước quá nguy hiểm, theo lời khuyên của nhiều người, ông đã đi qua Mỹ rồi Nhật để lánh nạn và tiếp tục vận động chống độc tài. Trưa 8.8.1973, ông Kim Đại Trọng đã họp với một số thành viên của đảng Hòa Hợp Dân Chủ tại phòng số 2212 của khách sạn Grand Palace. Mục đích của cuộc họp là chuẩn bị cho hội nghị thành lập một liên minh dân chủ của người Hàn Quốc tại Nhật Bản để đấu tranh với chế độ độc tài trong nước. Ngay sau cuộc họp, ông Kim bị 5 kẻ lạ mặt xông vào phòng khống chế, bịt mắt và bí mật chuyển sang phòng 2210 gần đó. Tại đây, ông đã bị chích thuốc mê và bị chuyển đến Osaka. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang bị trói chặt vào một cột gỗ trên một chiếc tàu ngoài khơi Nhật Bản. Những kẻ bắt cóc định đem ông ném xuống biển. Trong giờ phút tuyệt vọng, ông bắt đầu cầu nguyện. Bổng nhiên một chiếc trực thăng đã bay đến sát con tàu chở ông và từ trên đó có tiếng loa vọng xuống: "Ông có phải là Kim Đại Trọng không?". Bị phát hiện, những kẻ bắt cóc đã không dám thực hiện ý đồ giết ông. Ông bị đưa về Nam Hàn giam giữ và đánh đập tàn nhẫn. Nhờ sự can thiệp của Hoa Kỳ và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, ông được phóng thích nhưng bị quản thúc tại gia ở Hán Thành. Năm 2007, Cơ quan gián điệp Nam Hàn thừa nhận đã bắt cóc ông vào năm 1973 và ngụ ý vụ này được tiến hành dưới sự hậu thuẫn của Tổng Thống Pác Chung Hy.

Ngày 1.3.1976, ông và nhóm ông công bố “Tuyên Ngôn Ngày Độc Lập cho Dân Chủ Hóa” (Independence Day Declaration for Democratization) nhằm phát động một phong trào đòi dân chủ. Ông bị bắt và bị tuyên án 5 năm tù. Đến năm 1978 ông được phóng thích nhưng lại bị quản chế tại gia.

Ngày 26.10.1979 Tổng Thống Pác Chung Hy bị một trong các cận vệ ám sát. Ông Choi Kyu-hah được phong làm Tổng Thống lâm thời. Ông được phục hồi tất cả các quyền công dân. Tháng 8-1980, Tướng Chung Đô Hoan (Chun Doo-hwan) người cầm đầu một nhóm sĩ quan đầy thế lực, đã được Hội nghị Quốc gia về Thống nhất một tập thể cử tri, bầu làm Tổng thống thay Tướng Pac Chung Hy. Phong trào chống chính quyền độc tài lại nổ ra tại Kwang Du quê hương ông. Quân đội đàn áp và giết chết ít nhất 200 người. Tháng 6 năm 1979, Tổng Thống Chung Đô Hoan ra tối hậu thư cho ông: hoặc là cộng tác với chính quyền hoặc chịu chết. Ông từ chối.

Tháng 5 năm 1980, ông Kim Đại Trọng đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy đòi hỏi dân chủ tại Quang Du. Quân đội đã dẹp tan cuộc nổi dậy này làm cho 191 người chết và 852 người bị thương. Tuy nhiên theo tài liệu không chính thức có hơn 1000 người chết.

Tháng 8 năm 1980, ông bị bắt giam và bị truy tố về tội phản quốc. Ngày 4.12.1980, trong một toà án quân sự chỉ diễn ra trong 6 phút, ông bị kết án tử hình! Theo tin tức báo chí, lần này ông cũng thoát chết, vì các phong trào đấu tranh cho nhân quyền đòi chính phủ Nam Hàn phải trả tự do cho ông. Ông được giảm án xuống còn khổ sai chung thân, rồi khổ sai 20 năm.

Tuy nhiên, theo tài liệu văn khố mới được công bố tại Nam Hàn vào ngày 18.5.2009, ngay sau khi ông Kim Đại Trọng bị tuyên án tử hình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết thư cho Tổng Thống Chung Đô Hoan xin ân xá cho ông. Gần một tháng sau, ngày 5.1.1981, Tổng Thống Chung Đô Hoan phúc đáp thư ĐGH trong đó Tổng Thống nói ông Kim Đại Trọng bị kết án vì tội phản quốc, lật đổ chính phủ, chứ không phải vì vấn đề chính trị. Tuy nhiên, trong thư đó Tổng Thống Chung Đô Hoan cũng thừa nhận rằng lời kêu gọi của ĐGH hoàn toàn vì nhân đạo và bác ái.

Ngày 23.1.1981, Tổng Thống Chung Đô Hoan đã giảm án cho ông Kim Đại Trọng, từ án tử hình xuống còn tù chung thân. Vào tháng 2 năm 1981, ĐGH đã viết thư cám ơn Tổng Thống Chung Đô Hoan, trong đó Ngài viết: “Tổng Thống đã ân cần đáp ứng lại lời kêu gọi của tôi hoàn toàn có tính nhân đạo là xin ân xá án cho ông Kim Đại Trọng.”

Năm 1982, chính quyền Chung Đô Hoan lại rút bản án của ông xuống còn 20 năm tù và buộc ông phải đi Hoa Kỳ sinh sống. Trước lễ Giáng Sinh năm 1982, ông bị tống xuất sang Hoa Kỳ. Ông sống tại Boston và dạy ở Đại học Harvard.

Năm 2000, trong một chuyến công du Ý, Tổng Thống Kim Đại Trọng đã viếng thăm Vatican và trong cuộc hội kiến với ĐGH Gioan Phaolô II, Tổng Thống đã nói với ĐGH: “Đức Thánh Cha đã cứu mạng sống tôi. Tôi xin tri ân Ngài”.

Năm 1985, ông tự ý trở lại Nam Hàn nên bị quản chế tại gia. Nhưng sự trở về của ông đã làm dấy lên phong trào đòi dân chủ ở Nam Hàn. Tháng 6 năm 1987, ông được phục hồi quyền công dân. Ông đã ra tranh cử Tổng Thống hai lần vào năm 1987 và 1992, nhưng thất bại. Năm 1997, ông đắc cử Tổng Thống Nam Hàn với 40,3% số phiếu. Đây là vị Tổng Thống Công Giáo đầu tiên ở Nam Hàn.

Tuy nhiên, khi ông mới lên cầm quyền thì Nam Hàn rơi vào một cuộc khủng hoảng về tài chánh rất nghiêm trọng. Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nhảy vào, buộc chính phủ phải thi hành những biện pháp cải tổ thật cứng rắn để cứu nguy. Ông đã đưa ra những biện pháp để phục hồi lại nền kinh tế Nam Hàn và đã thành công, nên uy tín của ông ngày càng lên cao. Đầu năm 2003, khi ông rời dinh Tổng Thống, quỹ dự trữ của Nam Hàn đã lên đến gần 124 tỷ Mỹ kim, tức 13 lần số cao hơn số dự trữ lúc ông lên nhậm chức. Năm 2002, mức trao đổi mậu dịch lên đến 3.150 tỷ Mỹ kim, tức tăng gấp rưỡi mức trao đổi lúc ông vừa mới cầm quyền.

CHÍNH SÁCH ÁNH DƯƠNG

Điều làm cho Tổng Thống Kim Đại Trọng trở nên nổi tiếng là “Chính sách Ánh Dương” của ông nhằm đưa tới sự thống nhất đất nước Đại Hàn.

Chính sách Ánh Dương được mô phỏng theo một câu chuyện trong ngụ ngôn của Aesop (620-560 trước Công Nguyên), một người nô lệ và người kể chuyện dưới thời Hy Lạp cổ. Câu chuyện ngụ ngôn đó nói về Gió Bấc và Mặt Trời thi nhau lột áo con người. Gió Bấc thổi rất mạnh, nhưng con người cứ ôm chặt lấy áo và không buông nó ra. Trái lại, Mặt Trời chiếu những tia nắng ấm áp khiến con người tự nguyện cởi áo ra để tận hưởng tiết trời tuyệt đẹp. Kết quả, Mặt Trời đã thắng Gió Bấc. Đây là một chính sách nhằm mở đường cho Bắc Hàn tự mình thay đổi để có một đời sống tốt đẹp hơn.

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC vài tuần trước khi qua đời, ông Kim Đại Trọng nói: "Chưa có trường hợp nào mà chủ nghĩa Cộng sản bị đánh bại nhờ vào chiến tranh hay bao vây kinh tế."

Với thế mạnh về kinh tế, tháng 6 năm 2000, ông đã đến Bình Nhưỡng dự hội nghị cấp cao với Chủ Tịch Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), bàn về việc thống nhất Nam - Bắc, mở đầu cho những quan hệ giữa hai miền. Sau chuyến đi này, mức trao đổi hàng hóa giữa hai bên tăng lên đến 360 triệu Mỹ kim mỗi năm, và số du khách từ miền Nam sang thăm miền Bắc đã lên trên nửa triệu người. Một số gia đình bị chia cách vì chiến tranh đã có cơ hội gặp lại nhau. Các cuộc thảo luận giữa hai miền tuy có lúc đã gặp khó khăn những vẫn được tiến hành. Với những thành quả này, năm 2000, ông đã được tặng giải Nobel Hòa Bình.

Ông đã đưa ra “Kế hoạch Marshall mini”, giúp Bắc Hàn tái thiết lại, và cam kết viện trợ ngay cho Bắc Hàn 600.000 tấn phân bón và 500 triệu Mỹ kim, và hứa sẽ nghiên cứu xây đựng lại các hạ tầng cơ sở cho Bắc Hàn. Số tiền đầu tư vào công tác này được dự trù từ 1 đến 3 tỷ trong vòng 5 năm.

Cùng với hàng loạt các dự án như tuyến đường sắt liên Nam – Bắc Hàn, Cụm công nghiệp Gaeseong, đặc khu du lịch Núi Kim Cương là những điểm sáng trong nỗ lực hoà giải và hợp tác giữa hai miền. Ông Kim Đại Trọng đã từng nói: "Đặc khu du lịch Núi Kim Cương chính là con cả của Chính sách Ánh Dương của tôi".

Theo thoả thuận giữa chính phủ Nam Hàn và Bắc Hàn, kể từ tháng 11 năm 1998, đặc khu này sẽ do những người ngoại quốc, đặc biệt là những người Nam Hàn và Bắc Hàn từ ngoại quốc về điều hành và khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay, trong thực tế việc khai thác dịch vụ du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu do tập đoàn Hyundai Asan thực hiện.

Một số lãnh vực khác cũng đã được thỏa thuận như thành lập khu vực đánh cá chung tại vùng biển tranh chấp và mở hội đàm cấp cao thường xuyên, các gia đình bị chia rẽ khi hai miền phân cách cũng sẽ có điều kiện đoàn tụ nhiều hơn, v.v.

NHỮNG KHÓ KHĂN PHẢI ĐỐI PHÓ

Chính sách Ánh Dương cũng chỉ là một trong những kế hoạch “diễn biến hòa bình” mà các quốc gia Tây phương ngày nay đang áp dụng để làm biến đổi dần các chế độ cộng sản còn lại và các chế độ tài, đưa các nước này đi dần vào một qũy đạo mới. Nó được tiến hành sớm hay muộn, chậm hay nhanh là tuỳ thuộc vào tình hình thực tế ở tại mỗi nước và nhu cầu mà các cường quốc đang nhắm tới. Riêng tại Đại Hàn, Chính sách Ánh Dương đã gặp những trở ngại sau đây:

1.- Không kiểm soát được tay chân bộ hạ

Tháng 12 năm 2003, ông Park Jie-won, một phụ tá của Tổng Thống Kim Đại Trọng đã bị tòa án Hán Thành kết án 12 năm tù về tội chuyển tiền bất hợp cho chế độ Kim Chính Nhật trước ngày hội nghị thượng đỉnh 2 nước vào tháng 6 năm 2000. Theo bản cáo trạng, Park Jie-won chuyển bất hợp pháp cho chế độ Bắc Hàn số tiền 15 tỉ wons (tương đương 12,5 triệu đôla) lấy từ một công ty lớn của Nam Hàn. Toà án Hán Thành tuyên bố rằng nỗ lực của ông Park Jie-won vì hoà bình trên bán đảo Triều Tiên nên bản án đã được giảm nhẹ.

Viện công tố khám phá ra Tập đoàn Hyundai đã chi cho Bình Nhưỡng khoảng 500 triệu đôla cũng vào thời điểm nói trên. Sáu bị can khác, trong đó có Lim Dong-won, cựu Giám đốc tình báo Nam Hàn, được hưởng án treo.

Trước đó, cựu Tổng thống Kim Đại Trọng đã lên truyền hình xin lỗi tất cả người dân Nam Hàn về vụ tai tiếng chính trị này.

Tổng thống Kim Đại Trọng cam kết xây dựng một chính phủ trong sạch, trong khi hai người con trai của ông bị kết án về tội trốn thuế và tội nhận hối lộ. Chuyện này đã làm ông đau lòng không ít.

2.- Con rối Trung Quốc tỏ ra bất trị

Chính sách Ánh Dương bao hàm những giới hạn sau đây: Không tha thứ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào của Bắc Hàn. Nam Hàng cũng sẽ không tìm cách “thâu tóm’’ Bắc Hàn bằng bất cứ hình thức nào. Cả hai bên chủ động hợp tác.

Bắc Hàn cũng đã từng tuyên bố mong muốn tiến tới thống nhất giữa hai miền Nam - Bắc không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, thông qua cơ cấu liên bang, duy trì bộ máy lãnh đạo và hệ thống của mỗi bên.

Tuy nhiên, cho đến nay Bắc Hàn vẫn chưa thoát khỏi vai trò làm con rối cho Trung Quốc và lãnh tụ Kim Chính Nhật cũng đã tỏ ra thích hợp trong vai trò này, nên nhiều chuyện rắc rối thỉnh thoảng lại xẩy ra.

Trong những năm qua, Bình Nhưỡng đã từng dùng tầu chở điệp viên từ Bắc xâm nhập vào Nam, đưa máy bay xâm phạm không phận Nam Hàn. Chính sách Ánh Dương đã bị ngưng lại vào tháng 10 năm 2002, khi Hoa Kỳ loan báo Bắc Hàn lén lút tái tục chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Gần đây, Bắc Hàn đã tự ý rút khỏi Hiệp Ước Chống Phổ Biến Võ Khí Hạt Nhân và đuổi thanh tra võ khí Liên Hiệp Quốc ra khỏi Bắc Hàn.

Ngày 2.7.2009 Bắc Hàn đã hai lần bắn thử tên lửa tầm ngắn. Tên lữa Bắc Hàn có tầm bắn 130 km. Trước đó Bình Nhưỡng đã thông báo sẽ tiến hành tập trận từ ngày 11 tháng 7 và yêu cầu tầu bè của Nhật Bản không lại gần khu vực bờ biển.

Bất chấp lời cảnh báo của Hoa Kỳ và LHQ, cuối tháng 5, Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai và sau đó, còn thực hiện một loạt vụ bắn thử tên lửa. Ngày 12 tháng 6, Hội Đồng Bảo An LHQ đã ra nghị quyết 1874, tăng cường các biện pháp trừng phạt, lập ra một cơ chế kiểm soát các phương tiện vận tải trên bộ, trên không, trên biển, đến và đi từ Bắc Hàn, đồng thời mở rộng cấm vận buôn bán vũ khí đối với nước này.

Mặc dầu Bắc Hàn đã có những hành động như trên, các quốc gia liên hệ đều tin rằng Bắc Hàn không dám làm những chuyện mạo hiểm nguy hiểm hơn, vì không có khả năng. Bắc Hàn chỉ làm reo để đòi viện trợ hay nói lên một sự cảnh báo nào đó của Trung Quốc mà thôi.

3.- Chỉ muốn cởi mở có giới hạn

Nam Hàn rất sợ kiểu thống nhất của nước Đức khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ, vì một sự thống nhất như vậy có thể đưa tới rối loạn và khủng hoảng kinh tế. Trong giai đoạn đầu, Nam Hàn chỉ muốn tạo điều kiện để có thể đầu tư thuận lợi vào Bắc Hàn thay vì đầu tư vào Trung Quốc và một số nước khác. Sau khi cuộc sống và dân trí ở Bắc Hàn được nâng cao, vấn đề thống nhất sẽ được diễn biến tự nhiên trong hoà bình.

Hoa Kỳ cũng chủ chủ trương thúc đẩy Bắc Hàn cởi mở đến một mức cần thiết như ở Việt Nam chứ chưa mong đợi có một sự thay đổi toàn diện. Bà cựu Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã từng lên tiếng thúc giục Bắc Hàn và Miến Điện theo gương (example) của Việt Nam. Bà nói:

“Nếu các nhà lãnh đạo của Miến Điện và Bắc Hàn theo gương của Việt Nam, nếu họ có sự lựa chọn chiến lược có những bước cần thiết để liên kết với cộng đồng thế giới, điều đó sẽ mở con đường cho hoà bình và cơ hội”.

(If the leaders of Burma and North Korea were to follow the example of Vietnam, if they make the strategic choice and take the necessary steps to join the international community it will open a new path of peace and opportunity).

“Gương” Việt Nam bao gồm ba yếu tố chính là đoạn tuyệt với quá khứ, ổn định tình hình và phát triển kinh tế. Như vậy, Việt Nam trong hiện tại đã được Hoa Kỳ coi như một thứ “model” mà Bắc Hàn và Miến Điện nên noi theo.

Hoa Kỳ không chủ trương thống nhất Nam – Bắc Hàn trong một thời gian ngắn. Hoa Kỳ muốn “cởi áo” Bắc Hàn một cách từ từ. Đây cũng là chủ trương của các chính quyền Nam Hàn trong những năm qua. Một viên chức cấp cao của Nam Hàn đã nói:

"Chúng tôi có một cơ chế thống nhất rõ ràng. Thống nhất từ từ, từng bước vì nếu thống nhất nhanh sẽ gây đối đầu... Để làm được điều đó, cần thúc đẩy hội nhập, hoà nhập, mở cửa kinh tế và cởi mở hơn về chính trị..."

MẶT TRỜI VẪN CHIẾU NẮNG ẤM

Người kế nhiệm Tổng Tống Kim Đại Trọng là một học trò của ông, đó là Tổng Thống Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyễn), đắc cử vào tháng 12/2002. Xuất thân từ một gia đình nông dân, luật sư Roh Moo-hyun cam kết chống tham nhũng và hòa hợp với Bắc Hàn. Ông nhận chức vào tháng 2/2003,

Với Bắc Hàn, ông đưa ra "Chính sách Hòa bình và Thịnh vượng" được thực hiện theo tôn chỉ hoà giải, thống nhất từ từ, không nóng vội.

Tháng 10/2007 ông đã thực hiện một chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng bằng đường bộ. Sau 3 tiếng rưỡi chạy xe từ Seoul tới Bình Nhưỡng, đoàn đại biểu gồm khoảng 300 người (13 viên chức cao cấp, 137 trợ lý và cố vấn, 50 nhà báo và 98 nhân viên phục vụ) đã có mặt tại hội trường văn hóa ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Chính Nhật đã tổ chức lễ đón chính thức phái đoàn ở đó.

Phát biểu khi đi bộ qua biên giới có chiều ngang 243 km, Tổng thống Roh Moo-hyun đã cam kết sẽ thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói: “Tôi hy vọng sau khi bước qua giới tuyến này, sẽ ngày càng có nhiều người hành động như tôi. Giới tuyến này sẽ được xoá bỏ và bức tường ngăn cách hai miền sẽ sụp đổ.”

Trong cuộc họp với Chủ tịch Kim Chính Nhật ông đã yêu cầu thực hiện chính xác thoả thuận mới nhất giữa 6 nước về việc vô hiệu hoá chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Nhưng nhiệm kỳ 5 năm của Tổng Thống Roh Moo-hyun đầy sóng gió với bê bối và đấu tranh nội bộ. Sau khi mãn nhiệm, ông đã bị thẩm vấn về các vụ nhận tiền hối lộ. Nhiều người cho rằng thông tin về nghi án hối lộ bị rò rỉ hàng ngày khiến ông "không thể chịu được" và dẫn tới quyết định tự sát hôm 23.5.2009.

Người kế nhiệm Tổng Tổng Roh Moo-huyn là tân Tổng Thống Lee Myung-bak. Ông này thuộc đảng bảo thủ nên không mặn mà với chủ trương hoà giải. Tuy nhiên, chính phủ này cũng không ngăn cản kế hoạch hoà giải. Mới đây, chính phủ Lee Myung-bak đã thảo luận cụ thể với Hoa Kỳ về những quan hệ giữa công ty Hyundai Asan và Bắc Hàn. Theo quan điểm của Nam Hàn, những quan hệ này không vi phạm Nghị quyết 1874 của LHQ vì các chương trình du lịch tại miền Bắc do doanh nghiệp tư nhân thực hiện và Nghị quyết của LHQ cũng cho phép các hoạt động hỗ trợ mang mục đích nhân đạo và phát triển.

Nhìn lại, dân chúng Nam – Bắc Hàn và thế giới đã ngưởng mộ ông Kim Đại Trọng vì những nổ lực tranh đấu không mệt mỏi cho dân chủ của ông và ông đã có công lớn trong việc phá vỡ băng giá giữa Nam và Bắc Hàn kéo dài trong suốt 50 năm, đưa đất nước Đại Hàn vào một triển vọng mới tốt đẹp hơn.

Theo đài BBC, ông Kim Đại Trọng có vị trí đặc biệt trong lịch sử Triều Tiên nhờ viễn kiến, lòng dũng cảm và sự kiên trì của ông trong suốt nhiều năm chiến đấu cho tự do chính trị.

(Ngày 25.8.2009)
 
Gửi ông Bộ 4T: “Công dân tốt”
An Dân
18:41 26/08/2009
Gửi ông Bộ 4T: “Công dân tốt”

Mấy ngày nay, huấn từ của Đức Benedict 16 gửi các đức giám mục Việt Nam nhân chuyến Ad limina vừa qua đã được các cơ quan thông tấn báo chí một chiều, dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ 4T, sử dụng tối đa, nhắm đánh phá những ai yêu chuộng công lý và hoà bình, cách riêng các linh mục thuộc giáo xứ Thái Hà.

Câu nói của Đức Giáo hoàng được các cơ quan báo chí nhà nước sử dụng nhiều nhất là câu Đức Giáo hoàng nói với các giám mục: “Một người Công giáo tốt là một công dân tốt”.

Có những tờ báo bê nguyên cả câu này làm tựa cho bài báo để nhấn tới tính khẩn thiết các giám mục phải dạy cho các linh mục và giáo dân trở thành những công dân tốt.

Có những tờ báo sau khi trích dẫn câu này và một vài tư tưởng của vị chủ chăn trong Giáo hội, với thủ thuật cắt xén tinh vi, đã cố tình bịa đặt rằng “Huấn từ của Giáo hoàng không gợn chút mâu thuẫn nào với chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam”, làm như Giáo hoàng cũng ủng hộ các “chủ trương lớn của đảng” và Nhà nước Việt nam, giống y như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có lần đã áp đặt trong vụ việc linh mục Nguyễn Văn Lý.

Ở đây, muốn hiểu thế nào là “công dân tốt” như Đức Giáo hoàng chỉ dạy, thì phải đặt câu nói này trong hệ tư tưởng và giáo lý của Hội thánh Công giáo mà ngay Đức Giáo hoàng cũng phải tuân giữ.

Vậy, thế nào là “công dân tốt” trong hệ tư tưởng và giáo lý của Hội thánh Công giáo?

Công đồng Vaticanô 2, trong Hiến Chế Mục Vụ, số 74 viết: “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó, chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi công ích. Họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng phải tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng”.

Cần để ý, ở đây, Công đồng nhấn mạnh, nếu có tôn trọng thì “tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên, luật Tin Mừng”, chứ không phải luật thiết định dù cho đó là luật do Quốc hội ban hành.

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 1915 viết: “Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội. Các phương thức tham gia có thể thay đổi tuỳ từng nước, từng nền văn hoá. “Phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia càng đông càng tốt vào việc nước trong sự tự do đích thực”.

“Cũng như mọi bổn phận luân lý khác, việc mọi người tham gia vào công trình công ích, cũng đòi hỏi các thành viên của xã hội hoán cải không ngừng. Phải kết án nghiêm khắc những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình. Cần chăm lo phát triển những định chế nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người”.

Giáo lý Công giáo, số 2242 khi nói về người công dân tốt còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với lương tâm ngay thẳng, Kitô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Thiết tưởng những gì Đức Giáo hoàng hướng dẫn cho các giám mục Việt nam, được các cơ quan thông tấn báo chí “lề phải” trích dẫn, không đi ra ngoài những gì Hội thánh đã dạy mà ngay cả Đức Giáo hoàng cũng phải tuân hành.

Không biết ông Bộ 4T, sau khi biết thế nào là “công dân tốt” theo nghĩa của Hội thánh Công giáo, thì có còn muốn các giám mục phải khẩn thiết dạy cho các linh mục và giáo dân trở thành những công dân tốt nữa hay không?

Theo nghĩa này thì ông Bộ 4T còn lâu mới là “công dân tốt”, có chăng chỉ là công dân có “tầu lạ” mà thôi.

26/8/2009
 
Bài giảng của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện trong thánh lễ cầu nguyện cho Tam Tòa tại DCCT Sài Gòn
LM. Nguyễn Thể Hiện,dcct
20:31 26/08/2009
Bài giảng của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện trong thánh lễ cầu nguyện cho Tam Tòa tại DCCT Sài Gòn

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta hiệp thông với Gíao phận Vinh trong tâm tình nào, trong xác tín nào? Chúng ta chia sẻ nỗi ưu tư gì của Hội Thánh của Chúa Kitô với dân tộc mình tại Vinh, tại Tam Toà, tại Quảng Bình bây giờ, kính thưa anh chị em?

Chiến tranh trên đất nước chúng ta đã kết thúc lâu lắm rồi. Rất nhiều người trong số các bạn trẻ đang ngồi đây sinh ra sau khi chiến tranh đã kết thúc. Nhưng mà ngay cả những bạn trẻ ấy chắc cũng đã không ít lần kinh nghiệm về sự tàn ác và sự không thể chấp nhận được của chiến tranh.. Quả thực, chiến tranh là tàn ác và không thể chấp nhận.

Nhưng sau mấy chục năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, ngày nay, chúng ta lại thấm thía một kinh nghiệm khác, kinh nghiệm rằng: khi một quốc gia phải tái thiết sau chiến tranh, thì lúc đó, những cuồng vọng và khí lực của chiến tranh trở nên bất lực. Phải có một sức mạnh mới. Và đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của sự hiểu biết và của lòng trắc ẩn đối với con người. Đó là sức mạnh của sự vị tha và sự hợp tác. Đó là động lực sáng tạo của một ý chí muốn sống và muốn kiến thiết, của một ý chí muốn tha thứ và muốn hoà giải. Sử dụng những cuồng vọng của chiến tranh để xây dựng đất nước? Thất bại. Sử dụng những khí lực chiến tranh để xây dựng đất nước? Thất bại. Chỉ có một con đường thôi: con đường của tình yêu mến, của sự tha thứ, của sự nâng niu sự sống.

Nhà thờ vốn là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và sự hồi sinh. Biến nhà thờ thành một tượng đài của lòng thù hận, là một tội ác, là một sự xúc phạm lớn lao đối với niềm tin tôn giáo của chúng ta. Có thể lưu giữ nơi nhà thờ Tam Toà những di tích nhắc nhở chúng ta về tính chất tàn ác không thể chấp nhận được của chiến tranh. Nhưng nếu chỉ như thế thôi, thì không thể chấp nhận. Sứ điệp quan trọng hơn, và cũng là sứ điệp chính yếu, mà nhà thờ Tam Toà đem lại cho chúng ta và cho thế hệ tương lai, phải là sứ điệp của tình yêu, của sự hoà giải và của sự phục sinh, chứ không phải sứ điệp của lòng hận thù.

Những sự kiện bi đát đang diễn ra tại Tam Toà, cho thấy: khi người ta chỉ nhấn mạnh lòng thù hận, thì không thể có hoà bình đích thực. Nhấn mạnh lòng thù hận kẻ khác, thường khi, là đang tra tay xây dựng nền văn minh sự chết. Chúng ta đã sống quá lâu trong một bầu khí xã hội đề cao lòng căm thù. Và một di chứng nặng nề của đường lối xây dựng xã hội dựa trên lòng căm thù ấy, chính là sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức trong xã hội. Con người Việt Nam vốn hiền hoà thuận thảo, nay phải đối diện, rất thường khi, với một tình trạng bạo lực kinh khủng từ ngay trong gia đình, huống nữa là trong tương quan xã hội. Tại sao vậy? Sự quá nhấn mạnh lòng căm thù, thậm chí đến độ trong một thời gian dài, lòng căm thù giai cấp đã trở thành một thước đo để người ta đánh giá nhau, đã đẩy chúng ta đến những bi kịch bạo lực như chúng ta đang phải thường xuyên chứng kiến trong xã hội chúng ta. Cần phải chấm dứt việc lấy lòng căm thù làm tiêu chuẩn và nền tảng xây dựng xã hội. Đã quá dài rồi khoảng thời gian mà trong đó, chúng ta đề cao bạo lực.

Vì thế, hơn lúc nào hết, ngày nay, việc đề cao Tin Mừng về lòng yêu thương, sự hoà giải và sự hồi sinh, là một trong những đòi hỏi khẩn thiết của xã hội chúng ta và của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Thế mà, ngay trong hoàn cảnh cấp thiết này, người ta vẫn muốn biến nhà thờ, là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và hồi sinh, thành tượng đài của lòng căm thù.

Anh chị em tín hữu Giáo phận Vinh, trong ý thức về tính cách khẩn thiết của sứ mạng loan báo Tin Mừng tình thương, của sứ mạng xây dựng nền văn minh tình thương, của sứ mạng làm chứng cho sức mạnh của tình yêu cứu độ, đã muốn có một ngôi nhà thờ mới được xây trên nền của ngôi nhà thờ cũ, mà không xoá bỏ di tích nhắc nhở tính cách tàn ác của chiến tranh. Đó là ước muốn công bố một sứ điệp toàn diện về hoà bình, nhấn mạnh tính cách tích cực của tình yêu thương mà vẫn không quên tính cách tàn ác của chiến tranh và bạo lực. Nếu không ý thức về điều này, chúng ta có thể bị lừa. Báo chí mấy ngày nay nói đến chuyện như thể người ta muốn xoá đi cái di tích của chiến tranh. Thậm chí có kẻ nói rằng mấy giáo dân ở Giáo phận Vinh muốn mọi người quên đi tội ác của đế quốc Mỹ. Nói như thế là bất công đối với anh chị em. Đối với anh chị em ở Giáo phận Vinh, cái quan trọng là một sứ điệp về tình yêu mến, một sứ điệp về sự hoà giải, một sứ điệp về sự phục sinh cần phải được công bố trên nền của ngôi nhà thờ ấy.

Như thế là đang có hai ước muốn và chọn lựa trái ngược nhau tại Tam Toà: ước muốn đề cao lòng hận thù và ước muốn truyền tải cho hậu thế một sứ điệp của tình yêu thương và khát vọng hồi sinh. Và có lẽ sự đối nghịch của hai ước muốn đó đã là một trong những nguyên nhân chính gây nên những thảm cảnh đau thương cho anh chị em tín hữu tại Tam Toà.

Chúa Giêsu đã chịu chết để thực hiện Tin Mừng của tình thương yêu, tha thứ và phục sinh. Anh chị em tín hữu tại Tam Toà đang được tham dự đặc biệt vào công trình đó của Chúa. Và những lời Chúa Giêsu nói trong bài tin mừng mà chúng ta vừa nghe, cũng là những lời nói với và nói cho anh chị em tín hữu Giáo phận Vinh hôm nay: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

Hiệp thông với nhiều nơi và với nhau cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà hôm nay, là chúng ta cầu nguyện cho ước vọng cao cả và tốt đẹp về tình yêu mến được trở thành hiện thực. Đó là một trong những điểm nhấn chính yếu của các cuộc cầu nguyện được tổ chức trong những ngày này. Xin cho chính quyền Tỉnh Quảng Bình nói riêng và của cả Nước nói chung, biết tôn trọng ước nguyện tốt lành đó của tất cả chúng ta.

Cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà hôm nay, cũng chính là chúng ta đang khẳng định lập trường về một đường hướng xây dựng xã hội. Trong tư thế là Hội Thánh của Chúa Kitô đi giữa lòng dân tộc mình, mang lấy khát vọng của dân tộc mình, chúng ta muốn bày tỏ một lập trường, muốn chọn lựa một lập trường về đường hướng xây dựng xã hội, dựa trên tình yêu, đề cao sự sống và sự hoà giải. Sẽ không thể có hoà bình và sự thịnh vượng đích thực, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh lòng căm thù. Cho nên, cầu nguyện cho Tam Toà hôm nay cũng là một cách thức để chúng ta bày tỏ chọn lựa đó của chúng ta. Chúng ta chọn lựa một đường hướng xây dựng xã hội nhấn mạnh trên tình yêu, trên sự tha thứ, trên sự hội sinh, trên sự sống, chứ không phải là trên lòng hận thù.

Đó là điểm thứ nhất mà tôi muốn mời cộng đoàn suy niệm trong thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho Tam Toà hôm nay.

Điểm thứ hai có liên quan trực tiếp hơn với những gì đang diễn ra tại Tam Toà. Bằng việc tập trung trong những buổi cầu nguyện như thế này, chúng ta muốn truyền đi một sứ điệp: chúng ta không thể chấp nhận việc tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn bất nhân để đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến trong xã hội.

Có một kiểu chuyên chế tuy đã phần nào lui về quá khứ xét theo danh nghĩa, nhưng vẫn còn rơi rớt trong thực tế, và nhất là vẫn còn để lại những di chứng nặng nề trong đời sống xã hội chúng ta. Trong số những di chứng ấy, có nạn độc đoán, nạn ém nhẹm hoặc bóp méo sự thật, nạn đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến bằng những thủ đoạn bất nhân và tàn độc. Những di chứng ấy, cộng thêm tệ nạn tham nhũng và thói tự tư tự lợi, đã khiến cho xã hội chúng ta xuống cấp trầm trọng. Trong những gì liên quan đến tôn giáo, nhất là liên quan đến Kitô giáo, những di chứng ấy lại càng thêm nặng nề do thái độ nghi kỵ đầy thành kiến đối với Hội Thánh và các Kitô hữu.

Trong một thời gian khá dài, và có trường hợp còn đang trong hiện tại, có những người đã miệt mài trong việc làm cho thái độ nghi kỵ đầy thành kiến ấy càng ngày càng trầm trọng. Mới chưa đầy một năm trước đây, cả một hệ thống truyền thông đã toa rập với vài người có quyền lực trong chính quyền thành phố Hà Nội để đánh hội đồng Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, khi họ gian xảo cắt xén lời phát biểu của ngài để gây nên một cơn lên đồng tập thể của nhiều thành phần dân chúng, hòng tạo ra sự hận thù giữa các thành phần xã hội. Biết bao bài báo và chương trình phát thanh, truyền hình, đã không ngần ngại mạ lỵ và vu khống các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà suốt một thời gian dài. Không ai có thể chắc chắn rằng những cách làm bất minh đó không tái diễn trong sự kiện Tam Toà hiện nay.

Trái lại, như những gì vừa diễn ra tại Đồng Hới sáng nay (với 2 linh mục bị những người được trang bị dùi cui đả thương giữa thanh thiên bạch nhật, phải đưa vào trạm y tế chữa trị), chúng ta biết rằng người ta chẳng ngại áp dụng các biện pháp đầy chất bạo lực và gây thù hận, để cư xử với những tín hữu Công Giáo.

Thực ra, hành xử như thế cũng chẳng khác gì việc tấn công người khác bằng một thanh sắt nóng bỏng: một khi cầm miếng kim loại nóng bỏng kia lên, bàn tay của anh chắc chắn sẽ bị thiêu huỷ ngay trong chính lúc anh thiêu huỷ người khác. Thù ghét chính là hạt giống sự chết trong con tim tôi, vì nó tìm kiếm sự chết cho người khác. Tình yêu là hạt giống sự sống trong con tim tôi, vì nó tìm kiếm sự thiện cho người khác.

Chúng ta hiệp thông với anh chị em tại Giáo phận Vinh để nói rằng chúng ta không thể chấp nhận việc người ta tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn bất nhân để đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến về việc xây dựng xã hội.

Một đàng, chúng ta biết rằng có lẽ những lời thánh Phaolô viết cho anh em tín hữu tại Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài thánh thư, cũng là lời được anh chị em tại Vinh nói với chúng ta và cho chúng ta: “Nhưng kho tàng Tin Mừng, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi”.

Đàng khác, theo giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta xác tín rằng: “Bạo lực là giải pháp không thích đáng. Với xác tín về niềm tin vào Đức Kitô và với ý thức về sứ mạng của mình, Giáo Hội tuyên bố: bạo lực là tội ác, không thể chấp nhận bạo lực làm giải pháp cho các vấn đề; bạo lực là điều không xứng đáng với con người. Bạo lực là sự dối trá, vì nó đi ngược lại sự thật của đức tin và sự thật của nhân loại. Bạo lực phá huỷ tất cả những gì nó hô hào bảo vệ, từ phẩm giá đến sự sống và tự do của con người”.

Đó là lập trường của Giáo Hội. Đó là lập trường của chúng ta..

Bằng việc tham dự những giờ cầu nguyện như thế này, chúng ta công bố với thế giới cái lập trường căn bản đó: chúng ta không chấp nhận việc tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn tàn ác để dập tắt những ý kiến khác biệt, nhất là những ý kiến liên quan đến việc xây dựng xã hội. Ví dụ những ý kiến mà anh chị em giáo dân ở Vinh đang bày tỏ qua khát vọng được xây dựng trên nền nhà thờ Tam Toà cũ một ngôi thánh đường mới: ý kiến về việc chọn lựa rằng chúng ta xây dựng xã hội của chúng ta không phải trên lòng căm thù, không phải trên bạo lực, cho dù là bạo lực cách mạng, không phải là trên lòng căm thù, cho dù là lòng căm thù giai cấp. Đã quá đủ rồi cái chọn lựa đó. Chọn lựa đó đã tỏ ra thất bại rồi, thưa anh chị em. Và chúng ta bày tỏ một khát vọng được xây dựng xã hội của chúng ta trên một chọn lựa mới, trên một đường hướng mới dựa trên tình yêu, dựa trên sự tha thứ, dựa trên sự tôn trọng sự sống. Và với việc cầu nguyện này, chúng ta hiệp thông cùng với toàn thể Giáo phận Vinh không phải chỉ trong đau thương hiện tại, mà còn là trong xác tín, trong chọn lựa: chọn lựa một cách thức hiện diện và công bố Tin Mừng, chọn lựa việc sẵn sàng chịu mọi bách hại để công bố sứ điệp của Tin Mừng tình thương, hoà giải và sự sống.

Nguyện xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thương đoàn con cái của Mẹ, là tất cả chúng ta và nhất là những anh chị em tín hữu chúng ta tại Quảng Bình. Nguyện xin Chúa Cứu Thế gìn giữ chúng ta trong sự bình an và ơn cứu độ của Người. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thoả hiệp với một đường lối xây dựng cuộc sống bằng cách khơi sâu lòng hận thù và sử dụng bạo lực, nhưng luôn luôn biết hiến mình phục vụ tình yêu thương, hoà giải và hồi sinh.

Chớ gì cái tham vọng quái gở muốn biến một ngôi nhà thờ thành chứng tích khơi dậy lòng căm thù, bị gạt sang một bên, để cho khát vọng về tình yêu, khát vọng về hoà giải, khát vọng về sự sống được nở hoa. Đó chính là lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta, và đó cũng là lời tuyên xưng đức tin đầy xác tín của tất cả cộng đồng chúng ta. Amen..
 
Đọc hồi ký của Nhạc sĩ Tô Hải
Nguyễn Thanh Giang
23:19 26/08/2009
Vào cái đêm bước vào tuổi 80 được 8 tháng 26 ngày, nhạc sĩ Tô Hải đã viết những dòng sau đây cho đoạn kết cuốn hồi ký của mình: “Hãy cho tôi được chết như các anh Trần Độ, Lê Liêm…, khi đăng ‘cáo phó’ không có cái mục ‘đảng viên Đảng CSVN’, dù so với các anh, tôi chỉ là con tôm, con tép! Các anh đã ‘được khai trừ’. Các anh đã dám ‘công khai chống Đảng Cộng sản’, dám công khai nhận ‘bản án đầy vinh quang’! Không hề sợ hãi, cúi đầu. Không hèn lâu như tôi.” (trang 469)

Cầu nguyện như vậy, nhưng ông cũng đã vùng lên thét lớn: “Phải sống! Tôi phải sống. Vì có sống tôi mới có thể làm nhân chứng cho cái thời đại… đểu cáng nhất trong lịch sử nước tôi, chẳng tư bản, chẳng cộng sản, chẳng ra ngô ra khoai, chẳng phải, chẳng trái, chẳng luân, chẳng lý, chẳng luật, chẳng pháp, thậm chí chẳng cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm gì hết!” (trang 375)

Người viết những dòng đó chính là người đã từng “vừa làm lính trong ‘tổ chức’ (Tô Hải vào Đảng Cộng sản từ năm 1949), vừa sáng tác, vừa biểu diễn với cả tâm hồn và trái tim, rất tự nguyện, rất hiến dâng, không mảy may mặc cảm, suy tính, tôi đã sẵn sàng ra chiến trường chết như một chiến sĩ với câu hát ‘Đấu tranh này là trận cuối cùng…’ trên môi” (trang 439), là người đã có công lớn trong sự nghiệp “dùng âm nhạc phục vụ động viên lính cụ Hồ”. (trang 439

Bởi thế cho nên ông đã sám hối một cách vật vã: “Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là ‘con đại bàng… cánh cụt’, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông… Nhưng, ‘vừa là tội đồ vừa là tòng phạm’, làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa? Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Vigny, con bói cá của Musset tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẩu trái tim, một mẩu trí óc, một chút hơi tàn của thân xác.” (trang 54)

Tâm trạng ông giống như tâm trạng của Nguyễn Đình Thi sám hối lúc sắp từ giã cuộc sống:

“Tất cả người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi! Xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn…”


Tô Hải đã từng van xin: “Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức” (trang 53). Ông nghĩ mình vừa là tội đồ, vừa là tòng phạm bởi vì: “Chúng ta mới dại dột làm sao! Chúng ta đã đánh đổi lương tâm trong sáng ấy lấy một thứ lương tâm đen tối không phải của mình. Lương tâm thời buổi đánh nhau của tao, của chúng mày, ơi các bạn của tôi, đều là lương tâm của… người khác! Lương tâm của ông Diệm, ông Thiệu chống cộng sản, lương tâm của ông Mác, ông Lê, ông Mao, ông Hồ không khoan nhượng với kẻ thù giai cấp!” (trang 92). Cho nên: “Ôi! Cái đầu biết nghĩ, trái tim biết xúc động làm khổ những con người có học như tao, như chúng mày đấy, các bạn của tao ơi! Thằng giàu có bên xứ người cũng như thằng trắng tay trong lòng tổ quốc đều có nỗi đau tự đánh mất hết tuổi trẻ của mình. Chúng mày cảm thấy lạc lõng giữa trời Âu, Mỹ. Còn tao, đau hơn, thấy mình lạc lõng trên chính đất nước mình, ngay giữa lòng con, cháu mình. Một cuộc tha hương trên đất mẹ.” (trang 91)

Sao lại cảm thấy “lạc lõng trên chính đất nước mình”? Vì, trong khi từ chốn thị thành ồn ào đến nơi thâm sơn cùng cốc, trẻ phải học, già phải tụng niệm rằng cuộc chiến Nam-Bắc vừa qua là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Tô Hải cho rằng “Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ. Cuộc ‘mà cả’ về Việt Nam đâu có ở Việt Nam. Nó diễn ra từ khi Nixon sang Tàu, Brezhnev sang Mỹ, ở các cuộc bắt tay, khi nóng, khi lạnh giữa các ông trùm chính trị ở các cuộc hội đàm công khai, bí mật và kết cuộc là sự ‘nắn gân’, đọ sức, mặc cả nhau bằng cuộc chiến leo thang ở Việt Nam. Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám ‘đánh cú liều’ vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ! Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô… tất cả là… Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21… tất cả đều đến từ Matxcơva… Còn dân Việt Nam chỉ có… người, mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ ‘xâm lược’ là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng… ‘oánh’!” (trang 266)

Trong tâm khảm ông, cuộc chiến tương tàn ấy thật là hãi hùng: “Tất cả những người từng nhìn tận mắt cảnh ‘tay phải chém tay trái’, từng khóc lặng trước cái chết của cả một tiểu đoàn, một đoàn xe, một đơn vị thanh niên xung phong, từng ngửi mùi xác chết ở các ngọn ‘đồi thịt băm’ trong chiến dịch Lam Sơn 719, liệu còn lòng dạ nào viết lên những khẩu hiệu như ‘Tiêu diệt đến tên ngụy cuối cùng’? Trong cuộc chiến đã được Việt Nam hóa, bên ăn cơm quốc gia cũng như bên uống nước lã cộng sản đã đẩy ra mặt trận cả trăm ngàn trai trẻ Việt để họ lăn xả vào chém giết nhau! Những ‘đồi thịt băm’ mới này còn kinh hoàng hơn nhiều so với ‘đồi thịt băm’ Khe Sanh, vì ở đó người Mỹ có đủ phương tiện dọn sạch những gì còn lại của một xác lính Mỹ. Trái lại, trong chiến dịch Lam Sơn 719, hàng trăm thây người chỉ là những đống thịt thối rữa phơi mưa, phơi nắng làm mồi cho hàng đàn quạ đen và chó hoang! Chẳng bên nào kịp lo chôn cất hoặc thắp bó hương cầu cho linh hồn họ được siêu thoát! Tôi có thêm dịp để tự đặt cho mình những câu hỏi: ‘Thằng Mỹ ăn cái giải gì trong cuộc chiến hao tài tốn của này?’ Hay: ‘Chỉ vì các anh là cộng sản nên tôi phải diệt?’ Hoặc: ‘Vì sao nhiều người sợ, nhiều người căm cộng sản đến thế?’ v.v…” (trang 288)

Không phải chỉ riêng Tô Hải, hồi ức chiến trường xưa càng rùng rợn bao nhiêu thì mặc cảm tội lỗi của các văn nghệ sĩ càng ghê gớm bấy nhiêu. Hãy nghe Chế Lan Viên:

“Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30!
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong…”


Tô Hải không chỉ nguyền rủa cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn mà còn xét lại cả cuộc kháng chiến chống Pháp: “Sau này, loại thanh niên ‘yêu nước hồn nhiên’ bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng: ‘Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật giành tự do, độc lập cho đất nước!’ Và các nhà viết sử nhà nước cộng sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim — Không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối. Thực tế lúc ấy là Việt Minh đã xuất hiện như tổ chức duy nhất, chỗ dựa duy nhất, lá cờ duy nhất, để lũ thanh niên ‘yêu nước ngơ ngác’ chúng tôi đi theo. Chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố giải tán Đảng của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… và cả ‘cố vấn’ Bảo Đại nữa. ‘Quả lừa lịch sử’ bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây! Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân… mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít… mà chém giết nhau thì nhiều?” (trang 125)

“Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.” (trang 388)

“Tại sao các dân tộc khác, xung quanh ta thôi, họ đều là thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ lại được độc lập, tự do, mở mang đất nước, kinh tế phát triển? Còn Việt Nam? Cái gì đã để cho họ ghét tới mức thay nhau diệt sạch dân mình thế nhỉ? Hỏi tức là trả lời! Tôi đã một lần nữa khẳng định được lý do của cuộc chiến tranh này: Đây là cuộc chiến của loài người chống nạn cộng sản vô luân, vô đạo lý! Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho cái chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người âm mưu làm vua của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước, người ta đã có từ nửa thế kỷ nay rồi vì may mắn thay, họ không có Đảng Cộng sản cầm quyền!” (trang 272)

Ông như vừa trải qua một “giấc Nam Kha khéo bất bình” để rồi tỉnh dậy bàng hoàng thấy “Trước mắt ngày nay chẳng có cái gì hết, không lý thuyết cách mạng vô sản, không đảng cộng sản, không ‘Bác Hồ’ anh minh lãnh đạo mà chỉ là một cuộc vơ vét cuối cùng của đoàn thủy thủ chuẩn bị nhảy khỏi con tầu sắp đắm với hành khách là nhân dân Viêt Nam bất hạnh! Đoàn thuỷ thủ ấy gồm những tên lưu manh vô học, những tên giám-đốc-không-vốn, những tay cầm đầu hải quan mà buôn lậu, những tay phụ trách tư pháp, toà án, thanh tra chuyên nghề kết án người vô tội, những tên quản lý nhà đất mà cướp nhà, cướp đất để chia nhau vô tội vạ, những kẻ buôn lậu ma tuý nằm ngay trong những trung tâm đầu não chống ma túy. Và ở bậc cao nhất của cung đình là những tên đại lưu manh trơ tráo, chẳng Mác chẳng Xít gì, đang trấn áp, đe dọa người dân bằng nhà tù, súng đạn, để ăn cướp bất cứ thứ gì có thể cướp, vơ vét của cải đất nước làm của riêng, lấy tiền bỏ vào các tài khoản khổng lồ ở nước ngoài do con, cháu, bồ bịch, tay chân chúng làm chủ!” (trang 79)

Ông không tin vào thực tài của những người lãnh đạo khi nhân ra: “Hàng lô hàng lốc những ông giám đốc, tỉnh uỷ, trung ương uỷ viên, đại biểu Quốc hội đều có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… mà chẳng hề có tên trong hồ sơ sinh viên, nghiên cứu sinh ở bất cứ trường đại học nào! Hầu hết đều là tiến sĩ, thạc sĩ… Mác-Lênin, tốt nghiệp ở cái trường Đảng do ông giáo sư tiến sĩ tên Nguyễn Đức Bình, uỷ viên ‘bộ chính troẹ’ làm… giám đốc!” (trang 395)

Với những người lãnh đạo như thế thì lời cảnh báo sau đây của Tô Hải không phải hoàn toàn không đáng lưu tâm: “Cái đểu cáng nhất của bọn cầm quyền hiện nay là chúng dám làm bất kỳ điều gì có thể làm miễn ních đầy túi tham. Chúng sẵn sàng bán nước cho bất kể kẻ nào muốn mua, dù là Tầu, Mỹ, hay Nga. Một ngày nào đó chúng sẽ tuyên bố giải tán Đảng chưa biết chừng. Đó là lúc chúng đã ‘hạ cánh an toàn’ với đống của cải chiếm được. Cũng chưa biết chừng có những tên còn tự đứng ra, hoặc cho con cháu đứng ra lập Đảng này, Đảng nọ, rồi lớn tiếng chửi cái Đảng hiện tại hơn ai hết… để lại chiếm những ghế ngon lành trong một chính quyền mới của những tên tư bản đích thực mà chính chúng sẽ là đại diện!?” (trang 404)

Lời cảnh báo của Tô Hải càng làm ta sửng sốt, lo ngại khi thấy người ta ầm ầm đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên, thiết lập xa lộ thênh thang nhất, hiện đại nhất dẫn thẳng từ Trung Quốc đến Hà Nội, lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Càng kỳ lạ hơn là người ta không chỉ đàn áp các đám biểu tình ở trong nước mà cả đồng bào Việt Nam ở các nước khác biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam!

Đối với Cụ Hồ, nhiều tư liệu có thể tin là xác thực đã chỉ rõ rằng Cụ từng cưới một bà y tá người Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh làm vợ (đám cưới này có cả vợ ông Chu Ân Lai dự), Cụ cũng từng có một con trai với bà Nông Thị Xuân (người con trai này tên là Nguyễn Tất Trung, hiện đang ở Hà Nội). Về chuyện này, nhạc sĩ Tô Hải đã có cái nhìn thể tất: “Ông ta cũng là con người, cũng có quyền lấy vợ đẻ con, thậm chí ba bốn vợ như ông Lê Duẩn, cũng có quyền bồ bịch như ông Mitterand, ông Clinton chứ! Cái tội của ông là do bọn gọi là cộng sản An Nam phong kiến cố tình dựng ông ta lên thành ‘thánh sống’ (và ‘thánh chết’) để lừa bịp cái dân tộc đa số là nông dân thất học, đầu óc còn mê muội về thánh về thần. Ông ta chỉ là một nhà cách mạng chính hiệu cuồng tín với chủ nghĩa Mác-Lê mà thôi.” (trang 388)

Người viết bài này thì cho rằng, cả những người tô vẽ Cụ Hồ thành ông thánh, là vị cứu tinh; cả những ai thóa mạ Cụ là tên dâm tặc, là tội đồ dân tộc đều không đúng. Thực tế, Cụ cũng chỉ là một con người, một con người tài trí, tài trí đến mức có thể làm được những việc rất phi thường theo ý Cụ. (Đánh giá những việc làm ấy là công to hay tội lớn? Lịch sử sẽ còn bàn thảo công phu và sẽ được phán xét công minh.)

Đã là người thì có hỷ, nộ, ái, ố, dục, có xấu tốt, có đúng sai. Người ta thường cho rằng cái sai lớn nhất của Cụ Hồ là đã đưa chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam.

Nếu chỉ lợi dụng chủ nghĩa Marx-Lenin để huy động được nông dân và lực lượng vô sản vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì chẳng nói làm gì. Đàng này, đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã nói trong hồi ký “Đi tìm cái Tôi đã mất”: “Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do, công bằng và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến thế!”

Như tự kiểm cuối đời, như lời di huấn viết lúc đã ngọai bát tuần, học giả Nguyễn Khắc Viện cũng thổ lộ: “Đời tôi là đời một thằng ngây thơ. Trong hai chữ ‘thơ’ và chữ ‘ngây’, tôi xin giữ lại cho mình chữ ‘thơ’ vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ ‘ngây’ để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin… vứt nó đi!”

Tô Hải thì quyết liệt hơn. Ông rền rĩ thống thiết: “Tinh hoa đất nước giờ đâu tá? Ai cũng hèn như tôi sao?… Ai sẽ đưa con thuyền Việt Nam khỏi con đường vô định này, nếu những người hèn vẫn không dám nhận là mình hèn, không kiên quyết giã từ cái ngu dại, không lên án những gì mà mình lầm tưởng là ‘vinh quang rực sáng’ lại chính là ‘tội lỗi ngút trời’, không biết khuyên nhủ con cái chớ có giẫm vào vết chân đầy máu và nước mắt mà mình đã đi qua… Phải kiên quyết giã từ cái quá khứ đầy vinh quang vô ích của mình. Chỉ có sự giác ngộ chính trị cuối cùng này mới giải toả được mọi nỗi đau. Sự ‘trở cờ’, ‘phản bội’ để ‘đi tìm một sự trung thành mới’ như Jean Paul Sartre nói không ai dám làm ư? Vì còn… sĩ diện! Vì còn bị quá khứ níu kéo? Bỏ một thứ tà đạo, một niềm tin mù quáng, vứt vào sọt rác cái chiêu bài hoen rỉ, mốc meo, chẳng khác gì ly dị một con vợ độc ác, chẳng yêu gì mình khó lắm sao? Sao rất ít ‘thức giả’ dám tuyên bố công khai: Tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản?” (trang 411)

Và: “tôi đã nhận ra cái nhục của một thằng suốt đời ăn theo, nói leo, nói dối, đã nhìn thấy bộ mặt thật của cái chủ nghĩa bất lương mà tôi đi theo một cách vô tình và bất đắc dĩ, nhưng không dám rời bỏ nó”. (trang 301)

Nỗi đau khổ đến quằn quại của những người có lương tri như ông còn bị nhân lên là do: cứ tưởng được người ta dắt dẫn mình rồi mình cũng như tình nguyện cùng họ dụ dỗ bao nhiêu đồng bào đổ cả núi xương, sông máu, cả biển đầy nước mắt mồ hôi để xây dựng nên một mô hình xã hội “triệu lần hơn… ” thế nào kia; hóa ra, quanh quéo sao lại trở về với kinh tế thị trường. Cho nên ông không thể lòng không nhủ lòng: “Phải nói lên cho mọi người biết rằng cái giá mà cả dân tộc phải trả bằng hàng chục triệu mạng sống để đổi lấy cái… ‘thị trường tự do’ là cái sẵn có ở các nước cựu thuộc địa nghèo nàn lạc hậu như hoặc hơn Việt Nam trước đây, chẳng cần đến đảng cộng sản, chẳng cần đến các lãnh tụ vô cùng sáng suốt và duy nhất đúng đắn, chẳng cần đến chiến tranh, chẳng cần đến cái gọi là ‘chủ nghĩa anh hùng cách mạng’.” trang 282)

Trớ trêu và cay đắng sao: “những người cộng sản bỗng bừng tỉnh, thấy mình trót bỏ phí cuộc đời để theo một lý tưởng ba lăng nhăng. Vậy thì tội gì mà không tương kế tựu kế, cứ phất cái ngọn cờ rách cộng sản lên mà lập thành một đảng mới, một đảng mafia, làm giầu cho mình và cho con cháu! Cuộc vơ vét bằng hết của cải, tài nguyên đất nước vào tài khoản của mấy thằng cộng sản to đầu nhất bắt nguồn từ những ngày chiếm được ‘viên ngọc Sài Gòn’. Cái trò đánh lận con đen, thay chủ nghĩa cộng sản đạo đức giả bằng chủ nghĩa tư bản đỏ đích thực bắt đầu từ đây.” (trang 360)

Ngộ nghĩnh mà oái oăm sao, mới hôm qua người ta coi giầu có là kẻ thù và tôn cái nghèo lên hàng lãnh tụ, người ta coi “mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản” là lý tưởng… thì hôm nay, người ta hô toáng lên: “Đảng viên phải biết làm giầu”. Báo Nhân Dân ra ngày 15 tháng 6 năm 1994 còn nêu quy định giầu có là một trong 5 tiêu chuẩn để được bầu vào cấp ủy Đảng.

Cho nên Tô Hải ngao ngán vì quá đỗi thất vọng: “Không cách nào cứu vãn được tâm hồn, đạo đức của một dân tộc khi cả dân tộc đó chạy theo một cuộc thi kỳ quái được công khai khuyến khích: Làm giàu! Đáng sợ hơn là người ta thi nhau làm giàu trên cơ sở… hai bàn tay trắng và cái đầu… rỗng tuếch, cái mồm sẵn sàng nuốt tất cả sắt, thép, nhà, cửa, gỗ, quặng, xi măng… Tiền, vàng, đất đai là của ‘trời ơi’, ‘của chùa’, giờ đây nằm gọn trong tay kẻ có chức, có quyền! Cái chủ nghĩa ‘tư bản rừng rú’, cái thị trường tự do định hướng xã hội chủ nghĩa có một không hai trong lịch sử loài người đã đẻ ra những quái thai ‘tư bản đỏ’, không tài, không vốn và hầu hết không đầu!” (trang 92)

Thật vậy, người ta cứ cố duy trì cho được cái thứ mặt người “kinh tế thị trường”, chân tay quỷ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là để tạo ra tình trạng “đất đai là của ‘trời ơi’, ‘của chùa’”. Có thế người ta mới có thể biến hóa để những thứ đó: “giờ đây nằm gọn trong tay kẻ có chức, có quyền”!

Cho nên ngày nay “ở Việt Nam không có cá nhân ăn cắp, ăn cướp mà chỉ có ăn cắp, ăn cướp tập thể, ăn cắp ăn cướp theo băng đảng qua cách phân phối của cải chiếm được. Có tài thánh cũng chẳng truy ra nổi nguồn gốc tài sản mà bốn đời làm việc, với lương bộ trưởng, một người cũng chẳng xây nổi căn nhà đáng giá hàng nhiều ngàn lần tháng lương của anh ta! Nghĩa là có chính sách cho sự ăn cắp và ăn cướp công khai và… có tổ chức.” (trang 389)

Gần kết thúc Hồi ký, Tô Hải lại hơn một lần rền rĩ: “cuộc đời không cho phép tôi… chết sớm như các bạn Xiêm, Ích, Tước, Niệm, Hòa… mà bắt tôi phải sống, sống để trở thành một thằng hèn, hèn cho đến những ngày ‘vừa viết vừa run’ tập hồi ký này.” (trang 440)

Nhưng…

*

Trước sự kiện Khổng Tử đem con gái gả cho Công Dã Tràng, Luận ngữ đã bình rằng:

Công Dã Tràng là học trò của Khổng Tử, đã từng bị ngồi tù. Khổng tử vẫn bằng lòng đem con gái mình gả cho Công Dã Tràng. Vì sao? Theo Khổng Tử, phạm tội mà vi phạm điều nhân là kẻ vô đạo thất đức, phạm tội mà không vi phạm điều nhân là người đáng thương. Công Dã Tràng tuy có tội, nhưng không vi phạm điều nhân. Cho nên vẫn là con người có nhân, kiên trì phấn đấu sẽ đắc đạo (về sau được tôn lên làm bậc tiên hiền), Khổng Tử quyết gả cho Công Dã Tràng để thể hiện lòng tin của mình vào học trò.

Tô Hải dù đã tự nguyện chui vào rọ cộng sản (tức ngồi tù) nhưng không vi phạm điều nhân (chẳng những thế còn làm điều nhân thật đáng trân trọng là đã trên dưới tám mươi, lại đau yếu mà vẫn cậm cạch ngồi viết cuốn hồi ký đầy tâm huyết, rất giá trị này). Cho nên, rồi đây khi đi gặp Khổng Tử, chắc ông nhạc sĩ này sẽ được Khổng Tử gả cho con gái đẹp như “Nụ cười sơn cước” (1).

Chỉ đáng trách là có những bọn người không hề bị “ngồi tù” (hoàn toàn khác chúng tôi, họ không hề bị Mác – Lê mê hoặc, không hề tin vào chủ nghĩa cộng sản mặc dù họ đang cầm thẻ đỏ), nhưng nhờ cả một thế hệ “yêu nước hồn nhiên”, “yêu nước ngơ ngác”, “yêu nước dại khờ”… đổ hết máu xương, mồ hôi nước mắt ra xây ngai vàng hôm nay cho họ được chễm chệ ngồi; để rồi, có ai đó than thân trách phận, ai đó thức tỉnh đem trải nghiệm bản thân ra khuyên nhủ họ thì liền bị họ xua sai nha lục soát, tra vấn, tống tù hay lệnh cho bọn bồi bút vô liêm sỉ trổ tài khuyển mã xuyên tạc, bôi bẩn, lăng nhục. Bất kể đấy là những người đáng bậc cha, bậc anh, bậc thầy của họ.

Gấp Hồi ký lại, tôi ngâm thầm câu hát ngày xưa: “Hỡi gió chiều có nhớ chăng? Mãi mối tình còn vấn vương” (2). Và, tôi thương, tôi yêu Tô Hải.

Hà Nội ngày 24 tháng 8 năm 2009
© 2009 Nguyễn Thanh Giang

Chú thích:
(1) Tên một bài hát của Tô Hải
(2) Lời trong bài hát "Nụ cười sơn cước" của Tô Hải
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tiếng Vỗ Một Bàn Tay
Nguyễn Ngọc Danh
07:55 26/08/2009

TIẾNG VỖ MỘT BÀN TAY



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Tháng Chín sang mùa gió heo may

Đầu non thấp thoáng dáng Thu gầy

Chúa về động biếc hỏi Phật tổ

Đâu rồi: ” Tiếng Vỗ Một Bàn Tay “

Ngoc Danh

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Đàn Bỏ Quên
Lm. Tâm Duy
08:16 26/08/2009

CÂY ĐÀN BỎ QUÊN



Ảnh của Lm. Tâm Duy.

Bỗng một ngày, ngàn dặm chia cách

Bài ca vui chìm vào lãng quên

Đời nghiệt ngã bỏ lơi cây đàn

Tơ phím chùng nhớ quay nhớ quắc. ..

(Trích thơ của Minh Thanh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Laban – Laus Deo Semper
Nguyễn Trọng Đa
22:57 26/08/2009
Laban
Laban, ông La-ban. Là con trai của ông Bethuel (Bơ-thu-ên), một hậu duệ của ông Nahor (Na-kho) từ miền A-ram. Khi ông Abraham (Áp-ra-ham) cao niên muốn tìm vợ cho con trai Isaac (I-xa-ác), ông sai một tôi tớ trung thành về dòng tộc của ông để tìm bạn đời thích hợp cho con. Với ơn Đức Chúa giúp, ông chọn Rebekah (Rê-bê-ca). Bethuel, thân phụ cô, và Laban, anh trai cô, cũng hỗ trợ việc chọn lựa và Rebekah kết hôn với Isaac (St 24). Nhiều năm sau đó, Jacob (Gia-cóp), con trai của Isaac và Rebekah, được sai đến sống nhà cậu mình để hy vọng cưới một trong các con gái của cậu làm vợ (St 28). Trong nhiều năm Jacob làm việc cho Laban, và trong thời gian này ông cưới cả hai con gái của cậu mình, là Leah (Lê-a) và Rachel (Ra-khen). Jacob trở nên giàu có bất chấp thủ đọan gian trá của Laban, và cuối cùng ông từ giã bố vợ, đi với hai vợ và con cái trở về quê hương (St 29-31).
Labarum
Labarum, Cờ hiệu của vua Constantine. Là cờ hòang gia của hòang đế Constantine và cũng là cờ hiệu quân sự của ông, sau chiến thắng tại Cầu Milvian năm 312. Cờ màu tía mang dòng chữ bằng tiếng Hi Lạp “Với dấu thánh giá này, con sẽ thắng," treo trên cái giáo dài mạ vàng. Trên đỉnh cái giáo có các chữ chi-rho, là biểu tượng hoặc chữ tắt của Chúa Kitô. 50 binh lính được giao nhiệm vụ bảo vệ cờ hiệu này.
Lackawanna
Đền thánh Đức Mẹ Lackawanna. Là đền thánh quốc gia dâng kính Đức Mẹ Chiến thắng, ở vùng ngọai ô thành phố Buffalo, bang New York (Mỹ). Năm 1876, linh mục Nelson Baker, thuộc giáo phận Buffalo, bắt đầu làm việc tại một cô nhi viện ở Lackawanna, nơi ngài thành lập Hội Đức Bà Chiến thắng để cảnh báo cho người ta biết về các nhu cầu bức thiết của trẻ em. Để tạ ơn Đức Mẹ về sự đáp trả rộng lòng của các tín hữu, ngài đã xây dựng tòa nhà nay đã trở thành vương cung thánh đường, được cung hiến năm 1926.
La Conquistadora
Đền thánh Đức Mẹ La Conquistadora. Là đền thánh “Đức Mẹ Chiến Thắng” trong nhà thờ chính tòa Santa Fe, bang New Mexico (Mỹ). Đền thánh có một trong những tượng Đức Mẹ cổ nhất ở Mỹ, được đưa đến New Mexico năm 1625. Năm 1680 người Da đỏ gây sự và giết chết 21 tu sĩ Phanxicô đang làm việc với họ. Người Da trắng bỏ trốn, đem theo tượng Đức Mẹ. Mười ba năm sau, người Tây Ban Nha lưu vong, do ngài De Vargas chỉ huy, đã khấn với Đức Mẹ rằng họ sẽ tôn vương Đức Mẹ là Nữ vương của họ tại nhà thờ chính tòa Santa Fe, nếu Đức Mẹ cho phép họ lấy lại tài sản mà không phải đổ máu. Trong niềm tín thác, người Tây Ban Nha trở về. Không hiểu vì lý do nào, người Da đỏ rút khỏi thành trì và thống đốc Vargas đi vào thành phố Santa Fe mà không gặp sự kháng cự nào. Tượng Đức Mẹ La Conquistadora trở lại nhà thờ. Ông Vargas xây dựng một nhà nguyện như ông đã hứa. Nhà nguyện này được thay thế bởi nhà nguyện Rosario ở ngọai ô thành phố, và tượng "La Conquistadora" được rước trọng thể đến nhà nguyện vào ngày thứ 14 sau Chủ nhật lễ Chúa Ba Ngôi hàng năm, khi rời đền thánh trang trí đẹp trong nhà thờ chính tòa cho ngày lễ hàng năm của Mẹ.
Lacticinia
Lacticinia, sữa (chữ Latinh lac) và các sản phẩm từ sữa, nghĩa là phó mát và bơ, và trứng cùng sản phẩm động vật trước đây bị cấm trong mùa Chay, cũng như thịt thú vật. Trong thời đầu Trung Cổ, sữa và các sản phẩm từ sữa bị cấm cả vào các Chủ nhật trong mùa Chay.
Lady Day
Lễ Truyền tin, lễ Đức Bà. Nguyên thủy là lễ Truyền tin cho Đức Trinh nữ (ngày 25-3), mặc dầu hiện nay tước hiệu này được áp dụng cho các lễ Đức Mẹ khác, chẳng hạn lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng thiên.
Lady'S Chapel
Nhà nguyện Đức Bà. Là một phòng nhà thờ hoặc một tòa nhà dâng hiến đặc biệt cho Đức Bà, Đức Trinh Nữ Maria. Bên trong nhà thờ, địa điểm này thường gắn liền với cung thánh, hoặc là một tòa nhà nhỏ rời liên kết với một nhà thờ chính. Trong các nhà thờ chính tòa ở Anh, nhà nguyện này kéo dài trục chính về phía đông; ở Pháp nhà nguyện này là nhà nguyện lớn nhất và ở gần phía đông nhất trong các nhà nguyện ở mặt ngòai gian giữa nhà thờ chính, và được nghĩ như là nhà nguyện triều thiên. Trong nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở New York City, đó là một nhà nguyện lớn thích hợp cho một cộng đòan nhỏ phía sau bàn thờ chính.
Laetare Sunday
Chủ nhật Laetare, Chủ nhật “Hãy vui lên”. Là Chủ nhật thứ tư của Mùa Chay, với chữ đầu tiên của ca nhập lễ là Laetare, “Hãy vui lên, hỡi Jerusalem." Vì đây là Chủ nhật giữa Mùa Chay, linh mục mang lễ phục hồng, hoa được phép chưng trên bàn thờ, và đàn organ đệm hát. Trong ngày Chủ nhật này, Hoa Hồng Vàng được làm phép. Ngày này còn được gọi là Mediana, Ngày Giữa Mùa Chay, Ngày Lễ Các Mẹ, Ngày Hoa hồng, hoặc Chủ nhật Tĩnh Dưỡng.
Laic
Laic, Laicus – giáo dân.
Laicism
Chính sách duy thế tục, chủ nghĩa chống giáo sĩ, chủ nghĩa chống giáo quyền, não trạng tục hóa. Là việc giáo dân kiểm soát hòan tòan công việc Giáo hội. Là một chương trình duy thế tục, chối bỏ giá trị của các lý tưởng tôn giáo cho đời sống dân sự, xã hội và chính trị, cản trở Giáo hội thực hiện chức năng của mình bên ngòai nhà thờ và nhà nguyện. Là những người đề xướng chống giáo sĩ, đề nghị tách rời Giáo hội và Nhà nước, chính quyền giám sát việc thế tục hóa và kiểm sóat các công việc trước đây thuộc Giáo hội, như giáo dục, hôn nhân, bệnh viện, giáo xứ, tu viện, nhà thờ, và các tổ chức khác. Trong lịch sử chính sách này xuất hiện như là chủ nghĩa Pháp giáo, thuyết Febronius, thuyết Giuse và trong các luật chống tôn giáo ở Pháp và Mexico. Nó là một phần của lý thuyết chính trị của chủ nghĩa Cộng sản và là nổi bật trong các quốc gia mà chính quyền giải thích sự tách rời Giáo hội và Nhà nước như là sự lệ thuộc của Giáo hội vào Nhà nước. (Từ nguyên Latinh laicus, thuộc về người dân; từ chữ Hi Lạp l_os, người dân.)
Laicization
Hồi tục, tục hóa. Là hành vi giảm một giáo sĩ hoặc một vật của Giáo hội xuống bậc giáo dân hoặc tục hóa. Chẳng hạn chuyển một nhà thờ qua mục đích thế tục; việc chính quyền hủy bỏ việc kiểm sóat của Giáo hội trên một cơ sở, nơi mà việc kiểm sóat và ảnh hưởng đã từng có hiệu quả. Trong việc giáo sĩ xin hồi tục, Tòa thánh, vì các lý do ngọai thường và vì lợi ích lớn hơn của Giáo hội, có thể cho hồi tục một giám mục, một linh mục hay một phó tế. Tuy nhiên, mặc dầu là hồi tục, người này không mất năng quyền bí tích và vẫn là một người đã được truyền chức. Nhưng người này được miễn cách hợp pháp các bổn phận thông thường gắn với thánh chức, và miễn lời khấn khiết tịnh độc thân, cho phép người này có quyền kết hôn. Tuy nhiên, trong tình trạng khẩn cấp, một linh mục hồi tục có thể ban hiệu lực các bí tích xức dầu và hòa giải.
Laity
Giới giáo dân. Là các tín hữu không có chức thánh và không thuộc bậc tu sĩ được Giáo hội chuẩn thuận.
La Leche, Our Lady Of
Đền thánh Đức Mẹ La Leche. Là đền thánh tại St. Augustine, bang Florida (Mỹ), dâng kính Nuestra Señora de la Leche, với tước hiệu đầy đủ là “Đức Bà là Mẹ của Sữa và Sinh con khỏe mạnh.” Đền thánh có từ năm 1565, khi St. Augustine được thành lập bởi linh mục Pedro Menéndez de Avilés, có bốn linh mục giáo phận đi theo ngài. Đền thánh là một phần của vùng truyền giáo xưa nhất nước Mỹ, tên là Nombre de Dios, nơi thánh lễ đầu tiên được cử hành tại Mỹ. Trung tâm của đền thánh là một bức tượng Đức Bà đang cho Con bú. Bức tượng gốc đến từ Madrid và nhà nguyện đầu tiên đã bị phá hủy. Nhưng bức tượng mới, trong nhà nguyện hiện nay được xây dựng năm 1915, là bản sao y chang bức tượng gốc.
Lamb
Con chiên, cừu non. Là một biểu tượng của Chúa Kitô. Con chiên được trình bày dưới nhiều hình thức từ đầu thế kỷ thứ tư. Nhiều hình thức cho thấy con chiên giữ thăng bằng một cây gậy ở chân phải trước, với một vết thương ở ngực rót máu vào chén thánh, tượng trưng Máu Chúa Kitô trong cuộc Khổ nạn; cây gậy mang một lá cờ nói lên sự chiến thắng của Chúa Kitô trong sự Phục sinh của Chúa; con chiên nằm hay đứng trên một cuốn sách đóng với bảy cờ đuôi nheo đóng ấn, tượng trưng Chúa Kitô là vị Thẩm phán. Con chiên là biểu tượng của sự hiền hòa và ngoan ngõan: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng" (Is 53:7). Nhưng con chiên chiến thắng được mô tả cách tượng trưng trong bài ca được gán cho thánh Ambrose “Giờ đây trong lễ đại triều của Con Chiên,” và thánh Gioan nói về sự phẫn nộ của Con Chiên khi niêm ấn thứ sáu bị đập vỡ. Con Chiên cũng là biểu tượng của thánh Gioan Tẩy Giả, và tại nhà thờ chính tòa Chartres (Pháp) có hình con chiên với tấm bảng ghi hàng chữ “Đây Chiên Thiên Chúa,” có ý nhắc đến Chúa Kitô, “Đấng xóa tội trần gian.” Thánh nữ Agnes, trinh nữ tử đạo, cũng có biểu tượng là con chiên.
Lamech
Lamech, ông La-méc. Là con trai của ông Methushael (Mơ-thu-sa-ên), và là chồng của Adah (A-đa) và Zillah (Xi-la). Lamech là thân phụ của Jabal (Gia-van), Jubal (Giu-van), và Tubal-cain (Tu-van Ca-in), những người trong sách Sáng thế (St) được mô tả là những người tiên phong trong việc phát triển các dụng cụ và sinh họat nơi người du mục thời xa xưa (St 4:18-24).
Lamed Vav
Lamed Vav, “36 người công chính”. Là truyền thống trong sách huấn giáo Do Thái cho rằng thế giới luôn phải có ít nhất 36 (lamed vav) người công chính để Chúa duy trì loài người tồn tại. Họ thường là những người có tâm hồn khiêm nhượng, và sự thánh thiện của họ chỉ có Chúa biết mà thôi.
Lamentabili Sane Exitu
Sắc lệnh Lamentabili Sane Exitu (“Với kết quả thảm thương”). Là sắc lệnh của Bộ Thánh vụ, được công bố dưới triều thánh Giáo hòang ngày 3-7-1907 chống lại chủ nghĩa Tân tiến. Sắc lệnh kết án 65 mệnh đề rút ra từ các bài viết của những kẻ theo thuyết này, nhất là Alfred Loisy và George Tyrrell. Sắc lệnh được công bố một thời gian rất ngắn trước khi xuất hiện thông điệp Pascendi Dominici Gregis (“Nuôi sống đoàn chiên của Chúa”, ngày 8-9).
Lamentations
Ai ca. Là lời của ngôn sứ Jeremiah (Giê-rê-mi-a) được hát trong ba ngày cuối cùng của Tuần Thánh.
Lamentations Of Jeremiah
Ai ca của Jeremiah (Giê-rê-mi-a), Sách Ai ca (Ac). Trong Kinh thánh bản Bảy Mươi và Kinh thánh bản Phổ thông, sách Ai ca gồm có bốn bài ai ca và một lời nguyện, khóc than sự sụp đổ của Jerusalem, do ngôn sứ Jeremiah viết ra. Các bài ai ca là thơ chữ đầu, vì mỗi câu thơ bắt đầu với một mẫu tự liên tiếp của bảng chữ cái. Nhận định của Josephus rằng các bài ai ca này được sáng tác sau khi Josiah (Vua Giô-si-gia, năm 608 trước Công nguyên) đã băng hà và các chương Ai ca 4 và 5 đã có từ thời Maccabean (Ma-ca-bê) là không có cơ sở. Thật ra tất cả đều được ngôn sứ Jeremiah sáng tác sau khi Jerusalem đã sụp đổ (năm 586 trước Công nguyên).
Lamp
Ngọn đèn. Là một biểu tượng của Lời Chúa. “Lời Chúa là ngọn đèn soi sáng chân con." Ngọn đèn thắp sáng được dùng để mô tả sự hiểu biết, một trong các ơn ban của Chúa Thánh Thần, và đôi khi được vẽ kèm với cuốn Kinh thánh để chỉ sự học hỏi tín lý.
Lance, The Holy
Lưỡi đòng. Là dụng cụ dùng để đâm cạnh sườn của Chúa Kitô sau khi Chúa đã chết trên Thánh giá. Người ta cho rằng thánh Helena đã tìm thấy lưỡi đòng tại Jerusalem. Đầu lưỡi đòng vỡ đã được đem về Constantinople và năm 1241 đem về Paris, nơi lưỡi đòng đã bị mất tích trong cuộc Cách mạng Pháp. Phần dưới và lớn hơn của lưỡi đòng được đem về Constantinople trước năm 900, và năm 1492 lưỡi đòng được đưa về Rome, và được bảo quản tại nhà thờ thánh Phêrô đến ngày nay.
La Negrita
Đền thánh Đức Mẹ La Negrita. Là đền thánh dâng kính Đức Bà các Thiên thần tại Cartago, Costa Rica. Một tượng đen nhỏ của Đức Bà và Hài Nhi được một thanh nữ Da đen phát hiện năm 1635, cô đưa tượng về nhà, nhưng tượng tự trở về nơi tượng đứng ban đầu. Việc này xảy ra nhiều lần, cho đến khi một linh mục bảo quản tượng trong một thùng đựng có khóa ở nhà xứ. Cuối cùng người dân xây dựng một đền thánh để dâng kính tượng, và tượng được long trọng đội triều thiên năm 1927. Đền thánh La Negrita là địa điểm hành hương nổi tiếng cho người dân Costa Rica.
Languages, Ecclesiastical
Ngôn ngữ Giáo hội. Là các ngôn ngữ dùng trong phụng vụ Giáo hội và trong giáo huấn chính thức của Giáo hội. Có hai ý nghĩa riêng biệt của một ngôn ngữ Giáo hội. Trong phụng vụ, có sự riêng biệt rõ hơn giữa Nghi lễ Roma và các nghi lễ khác hiệp thông với Tòa Thánh. Trong Nghi lễ Roma, ngôn ngữ phụng vụ cho đến thế kỷ thứ tư là chủ yếu tiếng Hi Lạp. Tiếng Latinh dần dà thế chỗ. Và tiếng Latinh trở thành phổ quát cho đến Công đồng chung Vatican II, và Công đồng cho phép dùng tiếng địa phương trong phụng vụ. Về mặt tín lý, Nghi lễ Roma cũng dùng tiếng Hi Lạp trong ba thế kỷ đầu tiên, và dần dà dùng tiếng Latinh. Tuy nhiên ngôn ngữ gốc của bảy Công đồng chung đầu tiên là tiếng Hi Lạp, bởi vì các Công đồng này (cho đến năm 787) đều được tổ chức tại Đông phương. Trong các Giáo hội Đông phương hiệp thông với Tòa Thánh, ngôn ngữ phụng vụ đã và vẫn là tiếng Hi Lạp. Nhưng các ngôn ngữ khác đã được dùng ngay từ ban đầu, chẳng hạn tiếng Coptic. Về tín lý cũng vậy. Một số bản viết tay cổ của Kinh Thánh, kể cả Tân Ước, được viết bằng tiếng Syria, tiếng Armenia, tiếng Coptic và tiếng Georgia. Các tuyên bố tín lý, trừ các tín lý do Tòa Thánh trực tiếp công bố, cũng thường được viết bằng tiếng Hi Lạp hoặc tiếng chính thức của nghi lễ ấy.
Lapsi
Lapsi, người sa ngã, người bỏ đạo. Là các Kitô hữu ở thế kỷ 13 đi theo tà giáo bằng cách dâng của lễ cho các thần hoặc thực thi các hành vi bội giáo. Có ba hạng người sa ngã này: người sacrificati (dâng lễ vật), là những người thực sự đã dâng của lễ cho các thần; người thurificati (dâng hương), là những người chỉ đốt nhang cho các thần; và người libellatici (mua chứng thư), là người viết rằng đã dâng của lễ cho các thần nhưng thực sự không dâng của lễ. Sau chỉ dụ Decius (năm 250-25) những người bỏ đạo vì yếu đuối thường muốn ăn năn sám hối và trở về với việc phụng tự Kitô giáo. Đức Giáo hoàng Cornelius và thánh Cyprian ủng hộ họ trở về, và các công nghị thời ấy cảm nhận rằng sau khi hoàn tất một số việc sám hối công khai họ nên được cho tái gia nhập đạo. Nhưng Novatian phản đối sự khoan dung này và thành lập một cộng đoàn ly giáo. Cuộc ly giáo Donatist được tạo ra do một tầng lớp người bỏ đạo mới, gọi là "traditores, phản bội", hầu hết là giáo sĩ, họ trao sách thánh cho chính quyền dân sự và sau đó sám hối ăn năn. Nhiều công nghị, trong đó có Công đồng Nicaea I năm 325, nêu ra các qui luật liên quan việc xử lý với người bỏ đạo.
La Purisima Concepción
Cứ điểm truyền giáo La Purisima Concepción. Là cứ điểm truyền giáo Vô Nhiễm gần Lompoc, bang California (Mỹ), được thành lập ngày 8-12-1787. Lúc ban đầu nó nằm trong một thung lũng thấp, nhưng lũ lụt và đất rung chuyển làm cho địa điểm không được chú ý nữa, cho nên năm 1813 một tòa nhà mới được xây trên vùng đất cao gần Santa Barbara. Trong 10 năm, người ta xây dựng nhà thờ, tu viện, sân vườn, hàng quán, và nhà ở người Da đỏ gần đó. Nhưng do các cuộc nổi dậy của người Da đỏ, cứ điểm bị bỏ hoang và hoang phế năm 1835. Tuy nhiên, một phong trào tái thiết, do Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ bảo trợ, đã bắt đầu từ năm 1914; đống đổ nát được dọn dẹp và việc tái xây dựng đã thành công.
La Salette
Đền thánh Đức Mẹ La Salette. Là đền thánh kính dâng Đức Trinh Nữ Khóc trong giáo phận Grenoble ở miền nam nước Pháp. Chính tại đây vào năm 1846 hai trẻ vô học tình cờ gặp nhau khi đang chăn gia súc. Mélanie Calvat, chín tuổi, và Maximin Giraud, 11 tuổi, nằm ngủ bên sườn đồi. Khi thức dậy, hai em nhìn thấy một bà xinh đẹp ngồi trên một tảng đá trong dòng suối cạn khô. Bà ngồi khóc, nhưng bà trấn an hai em, và nói riêng với từng em điều bà gọi là một bí mật. Bí mật chỉ được tiết lộ một phần mà thôi, mặc dầu vào năm 1851 hai em kể với Đức Giáo hoàng Piô IX điều Đức Mẹ đã nói với mình. Trả lời cho những ai hỏi hai em về sứ điệp, hai em chỉ nói rằng họ cần sống khiêm nhượng, cầu nguyện và sám hối, và một sự trừng phạt thảm khốc đang chờ nhân loại nếu nhân loại không ăn năn hối cải. Nạn đói, động đất, dịch bệnh sẽ xảy đến. Mélanie tiết lộ một phần bí mật vào năm 1849, nhưng Tòa Thánh tuyên bố rằng không chi tiết nào của mặc khải La Salette được công bố thêm nữa. Việc sùng kính Đức Mẹ La Salette được Giám mục giáo phận Grenoble chuẩn y năm 1851, và được các Giáo hoàng kể từ thánh Giáo hoàng Piô X chấp thuận. Địa điểm Đức Mẹ hiện ra được đánh dấu bằng một nhà thờ to lớn, bên cạnh tu viện của Dòng Truyền giáo La Salette, là Dòng phụ trách quản lý đền thánh này.
Las Lajas, Our Lady Of
Đền thánh Đức Mẹ Las Lajas. Là đền thánh dâng kính Đức Mẹ ở Colombia, trong đó có một tượng ảnh lớn của Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Nhi được vẽ trên một thanh sa thạch, được tìm thấy trong một hang động trên dãy núi Andes. Địa điểm được phát hiện như là nơi chữa lành bệnh cho nhiều người dân Da đỏ sống gần đó; thậm chí con cái họ bị chết cũng được cho sống lại nữa. Trên cánh tay phải của Đức Mẹ có treo một chuỗi Mân Côi, trong khi hai bên Đức Mẹ có hai người đứng, mà người ta nghĩ rằng đó là thánh Phanxicô và thánh Đa Minh. Vô số phép lạ được chứng thực đã thu hút khoảng 150.000 người mỗi năm đến ngôi nhà thờ nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi gần đó, và việc lên tới nhà thờ là thật khó khăn vất vả.
Last Blessing
Chúc lành cuối cùng. Sau khi cử hành bí tích xức dầu bệnh nhân, linh mục ban phúc lành tòa thánh để ban ơn đại xá cho người hấp hối. Linh mục đọc: “Cha (tôi) dùng quyền Toà Thánh đã uỷ cho, ban ơn Đại Xá và ơn tha thứ mọi tội lỗi cho con (ông, bà, anh, chị, em). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần." Người hấp hối hoặc những người đứng bên cạnh thưa: “Amen." Ơn đại xá được hưởng, không phải lúc linh mục đọc, nhưng trong giờ lâm chung, nghĩa là in articulo mortis
Last Gospel
Bài Phúc âm cuối lễ. Là bài Phúc âm trước đây trong Nghi lễ Latinh được đọc vào cuối thánh lễ, thường trích trong chương nhất Tin mừng theo thánh Gioan (câu 1-14), trừ các ngày trong Mùa Chay, lễ vọng, và các Chủ nhật khi một lễ trọng được cử hành, và thánh lễ thứ ba trong ngày Lễ Giáng sinh.
Last Judgment
Phán xét cuối cùng. Là việc Chúa Kitô phán xét lần cuối cùng cho nhân lọai vào ngày tận thế khi mọi kẻ chết sống lại (Mt 25:34, 41).
Last Sacraments
Các bí tích cuối cùng. Là các bí tích mà tin hữu lãnh nhận trước khi qua đời, đó là Bí tích Hòa giải, Bí tích Thánh Thể (như Của ăn đàng) và Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.
Last Supper
Bữa tiệc ly. Là bữa ăn cuối cùng của Chúa Kitô với các tông đồ, đêm trước ngày Chúa chịu nạn. Trong dịp này, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục, nói với các tông đồ một bài dài về Chúa Ba Ngôi và đức ái Kitô giáo, như thánh Gioan đã ghi lại. Sau đó Chúa tiến về Vườn Gethsemane (Ghết-sê-ma-ni) và chịu Đau khổ trong Vườn.
Last Will
Di chúc. Là tuyên bố chính thức về cách thức một người chuyển giao tài sản của mình sau khi qua đời. Khả năng làm di chúc buộc một người phải sử dụng lý trí đầy đủ và khả năng để lại di chúc đúng theo dân luật và giáo luật. Một số vấn đề luân lý có ảnh hưởng là: 1. bổn phận làm di chúc trong một số trường hợp nào đó, nghĩa là việc tranh cãi có thề xảy ra giữa các người thừa kế; 2. người làm di chúc phải để lại một phần tài sản cho người bà con gần nhất, nhất là vợ và các con là những người cần sự giúp đỡ; 3. về việc chấp nhận thừa kế, các người thừa hưởng phải nộp mọi khoản nợ và thuế liên quan đến tài sản; 4. các chi tiết của di chúc phải được thực hiện đúng theo ý định minh nhiên hoặc mặc nhiên của người làm di chúc. Ngoài ra, trong khi người làm di chúc còn sống và còn minh mẫn, người ấy có thể hủy bỏ di chúc, mặc dầu phải theo qui định trong vấn đề này ở các điều khoản của dân luật.
Latency Period
Thời kỳ phát triển cá tính, giai đoạn tiềm tàng. Là thời kỳ nằm giữa sự tiếp xúc thể lý với một kích thích và phản ứng thực sự của một người. Từ ngữ này thường áp dụng có các trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 12, khi trẻ em, trừ phi bất thường hoặc bị kích động thiếu sự khôn ngoan, chưa phản ứng với kích thích tính dục. Giáo hội khuyên các bậc cha mẹ hãy dạy cho con trong độ tuổi này các nguyên tắc đức tin, và giáo dục con trong các tập quán luân lý tốt, mà con cái cần, như là nền tảng cho đời sống Kitô giáo trưởng thành của con cái.
Lateran Palace
Điện Lateran. Là dinh thự giáo hoàng tại Roma được dùng như nơi ở của Đức Giáo hoàng từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ 14. Dinh thự được đặt tên của Plautius Lateranus, một thành viên thượng viện Roma, qua đời thời Hoàng đế Nero, và dinh thự được hoàng đế Maximian tặng cho hoàng đế Constantine như là của hồi môn của công chúa con gái mình, sau đó hoàng đế Constantine tặng lại cho Đức Giáo hoàng tại vị Miltiades năm 313. Hỏa hoạn đã thiêu hủy dinh thự hai lần. Đức Giáo hoàng Sixtus V đã xây lại một dinh nhỏ hơn. Nhà thờ Đấng Cứu Chuộc Rất Thánh, thường gọi là nhà thờ thánh Gioan Lateran, được xây dựng bên cạnh. Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập Viện bảo tàng các bảng chữ hang toại đạo và đồ cổ Kitô giáo ở đây. Chính tại nơi đây Vấn đề Roma được giải quyết ổn thỏa với hiệp ước ký năm 1929, trong đó có điều khoản nói rằng Điện Lateran thuộc quyền sở hữu của Giáo hoàng như là tài sản thuộc quyền lãnh ngoại.
Lateran Treaty
Hiệp ước Lateran. Là hiệp ước ký ngày 11-2-1929, dàn xếp chung cuộc Vấn đề Roma, và thiết lập Thành Vatican như là một quốc gia dưới quyền của Đức Giáo hoàng. Đồng thời, Tòa thánh công nhận nước Ý với thủ đô chính trị là Roma. Nước Ý nhìn nhận “Tôn giáo Công giáo, Tông truyền và thuộc Roma như là quốc giáo của quốc gia.” Ý tuyên bố “sự độc lập chủ quyền của Tòa thánh trong bình diện quốc tế," và công nhận “chủ quyền tài phán của Tòa thánh trong Thành Vatican.” Đồng thời, một thỏa ước được ký kết, nói rõ rằng được dạy giáo lý Công giáo trong trường học, chính quyền công nhận hôn nhân đúng theo giáo luật, và Công giáo Tiến hành tự do hoạt động, miễn là không có tính chính trị.
Latin
Tiếng Latinh. Nguyên thủy đây là tiếng Ý địa phương của vùng Roma. Là tiếng nói hàng ngày của Đế quốc Roma thời Chúa Kitô, và các bản dịch Kinh thánh qua tiếng Latinh được làm sớm nhất vào thế kỷ thứ hai. Phụng vụ cũng được cử hành bằng tiếng latinh (cùng với tiếng Coptic, Hy Lạp và Ethiopia) từ thời các thánh Tông đồ. Tiếng Latinh dần dần trở thành ngôn ngữ chính thức của Giáo hội Tây phương, và từ thời Tertullian (khoảng năm 160-khoảng năm 220) được dùng chủ yếu trong các bản văn thần học. Một thay đổi có tính lịch sử đã xảy ra tại Công đồng chung Vatican II, khi Công đồng tuyên bố rằng “Việc dùng tiếng La tinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi Lễ La tinh. Tuy nhiên, có thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong Thánh Lễ hoặc trong việc Cử Hành các Bí Tích, hoặc trong những phần khác của Phụng Vụ; cho nên việc dùng tiếng bản quốc này cũng dễ dàng được chấp thuận hơn” (Hiến chế về Phụng vụ, I, 36). Kể từ Công đồng chung này, Giáo hội tiếp tục sử dụng tiếng Latinh trong các văn bản chính thức, đòi hỏi các linh mục tương lai học tiếng Latinh, và cổ vũ việc sử dụng ngôn ngữ này trong các phần Thánh lễ được cộng đoàn đọc hay hát, chẳng hạn kinh Gloria (Vinh Danh), Credo (Tin Kính), Sanctus (Thánh Thánh Thánh), Pater Noster (Lạy Cha), và Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa). (Từ nguyên Latinh Latinum, là khu vực của Ý có thành Roma tọa lạc.)
Latin American Episcopal Conference
Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh. Là Hội đồng được Đại hội đồng hàng Giáo phẩm châu Mỹ Latinh đề nghị thành lập, và được Đức Giáo hoàng Piô XII chấp thuận năm 1955. Như một cơ quan hợp tác giữa các Giám mục Nam Mỹ, hội đồng chọn một đại biểu cho Thượng Hội đồng, với trách nhiệm là nghiên cứu các vấn đề có ích lợi chung, tìm ra các giải pháp, và giúp phối hợp hoạt động của hàng Giáo phẩm. Làm việc chặt chẽ với Tòa Thánh, hội đồng họp thường niên và có một ban thư ký thường trực giúp việc.
Latin Architecture
Kiến trúc Latinh. Là kiến trúc thời đầu Kitô giáo ở châu Âu, nhất là trong Giáo hội Latinh và được phát triển nơi người dân Latinh ở Ý. Nó xuất hiện lần đầu dưới triều đại hoàng đế Constantine, và được sử dụng cho đến thế kỷ thứ tám. Do đó, các nhà thờ được xây dựng theo hình chữ T hoặc hình dạng basilican, và có đặc tính là kiến trúc giản dị. Tiêu biểu nhất là các nhà thờ thánh Gioan Lateran, Đền thờ thánh Phêrô, và đền thánh Phaolô Ngoại thành, tất cả đều bị phá hủy, và duy nhất là Đền thờ thánh Phaolô được xây lại y như kiểu cũ.
Latin Church
Giáo hội Latinh. Là phần lớn của Giáo hội Công giáo, vốn sử dụng tiếng Latinh trong phụng vụ và có bộ giáo luật riêng. Đồng nghĩa với Nghi lễ Latinh là Giáo hội Tây phương và Tòa thượng phụ Tây phương. Tuy nhiên từ ngữ Giáo hội Latinh là khá mơ hồ. Đôi khi trong một cách xấu, Giáo hội Đông phương dùng từ ngữ này để gán cho mọi người công giáo “Latinh”, do họ tuân phục Đức Giáo hoàng. Từ ngữ cũng được một số người Anh giáo dùng để nói đến một phần ba của Giáo hội Công giáo toàn cầu, và hai phần còn lại là người Anh Giáo và người Chính thống giáo. Cuối cùng đôi khi nó được dùng bởi những người Công giáo thuộc về một trong các Nghi lễ Đông phương (hoặc không-Latinh), để chỉ nghi lễ này để phân biệt với các nghi lễ khác của Giáo hội Công giáo Roma.
Latin Cross
Thánh giá Latinh. Biểu tượng này được xem là Thánh giá của Tây phương. Đây là Thánh giá chịu nạn với phần dưới của góc vuông là dài hơn, tương tự như các Thánh giá trong ảnh tượng có hình Chúa Kitô chịu chết. Nó là biểu tượng của sự từ bỏ mình như Chúa Kitô đã diễn tả: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mc 8:34).
Latria
Thờ phượng. Việc thờ phượng chỉ dành cho Chúa mà thôi, do sự cao cả của Chúa, và cho thấy sự tùng phục hoàn toàn của con người với Chúa. Đây là sự tôn thờ đặc biệt. Là sự thờ phượng tuyệt đối, nó chỉ dành cho Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi, hoặc một trong Ba Ngôi, Chúa Kitô là Thiên Chúa và là con người, Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Phép Thánh Thể. Các biểu tượng của Chúa, chẳng hạn ảnh tượng liên quan đến Chúa Ba Ngôi, có thể nhận sự thờ phượng tương đối, vốn không thờ biểu tượng, nhưng thờ Chúa mà biểu tượng nêu ra ý nghĩa. (Từ nguyên Hi Lạp latrei_, thờ phượng, phụng sự.)
Latrocinium
Latrocinium, Công đồng phi pháp Êphêsô. Là “Công đồng đánh cướp”, hoặc “Nghị hội đánh cướp”, diễn ra tại Ephesus vào tháng 8-449. Tên Công đồng này được Đức Giáo hoàng Leo I đặt cho, khi ngài lên án công đồng ủng hộ lạc thuyết Nhất tính của Eutyches. Các quyết định của công đồng này đã bị đảo ngược bởi Công đồng chung Chalcedon năm 451. (Từ nguyên Latinh latro, lính đánh thuê; kẻ cướp + cinium, công việc: latrocinium: công việc của lính đánh thuê; cướp bóc.)
Laud
Laud, Laudes—Kinh Sáng, giờ Kinh Ca ngợi Ban sáng.
Lauda Sion
Thánh thi Lauda Sion. Là thánh thi “Hỡi Sion, hãy ngợi khen,” được thánh Tôma Aquinas sáng tác năm 1274, và làm ca tiếp liên cho phụng vụ lễ Corpus Christi (Mình thánh Chúa Kitô).
Laudis Canticum
Tông hiến Laudis Canticum (Bài ca chúc tụng Thiên Chúa). Là tông hiến của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, qua đó Thần Vụ, được duyệt lại theo sắc lệnh của Công đồng chung Vatican II, được chính thức công bố. Văn kiện này đưa ra sự tổng hợp về lịch sử của Thần Vụ từ thời đầu Kitô giáo, nhắc lại các quy định do Công đồng chung đặt ra, và rồi tuyên bố rằng Phụng vụ các giờ kinh mới (Liturgia Horarum) là hình thức duy nhất được chấp thuận của Thần vụ, được Tòa thánh khẳng định cho Giáo hội hoàn vũ trong Nghi lễ Latinh (ngày 1-11-1970).
Lauds
Giờ kinh Ca ngợi ban sáng, giờ kinh Sáng. Là một trong bảy giờ kinh phụng vụ, được hát hay đọc trong Thần Tụng, lấy tên gọi từ các Thánh vịnh 148, 149, và 150. Kể từ Công đồng chung Vatican II, nó được thay thế trong sách Nhật tụng bởi “Giờ kinh Sáng.”
Laura
Laura, cộng đồng ẩn tu, lối sống ẩn tu. Là một loạt lều ẩn tu chung quanh một tu viện. Cũng là lối sống của các tu sĩ ẩn tu trong các lều này, hoặc các cửa hàng dọc đường gần tu viện. Các đan tu trong ẩn viện sống riêng trong lều của mình, và chỉ gặp nhau vào các giờ qui định cho các công việc đặc biệt, làm cho họ có đời sống vừa ẩn tu vừa cộng đoàn. Mặc dầu hầu hết các ẩn viện này đã biến mất, một trong các ẩn viện nổi tiếng nhất thời hiện đại là ẩn viện liên kết với các tu viện Chính thống giáo trên núi Athos (Hi Lạp).
Laus
Đền thánh Đức Mẹ Laus (Hồ Lụa). Là đền thánh dâng kính Đức Mẹ Thung lũng Chúc phúc gần thành phố Gap, miền đông nam nước Pháp. Đây là nơi diễn ra một loạt cuộc hiện ra của Đức Mẹ với một bé gái chăn chiên Pháp nghèo 16 tuổi tên là Benoite Rencure trong năm 1664. Trong lần hiện ra đầu tiên, thánh Maurice dẫn cô gái đến thung lũng gần đó, nơi Đức Mẹ hiện ra với cô trong vòng hai tháng, và yêu cầu cô xin xây dựng một nhà thờ ở đó để dâng kính Đức Mẹ. Nhà thờ được xây dựng sau nhiều phép lạ chữa lành bệnh xảy ra tại đây. Ba lần nhà thờ bị cướp phá, nhưng sau mỗi lần được xây dựng lại. (Từ nguyên Latinh laus, ca ngợi.)
Laus Deo Semper
Laus Deo Semper, “Hãy ca tụng Chúa luôn mãi”. Viết tắt L.D.S., là khẩu hiệu của nhiều vị thánh, nhất là các thánh trong truyền thống đan tu.