Ngày 26-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Monica - Sứ mạng Thiên Thần
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:18 26/08/2013
THÁNH MÔNICA - SỨ MẠNG THIÊN THẦN

Mônica, người mẹ hiền nhân ái.
Tin cậy mến, sáng mãi cho nhân gian.
Mẹ cầu nguyện, bền bỉ và nồng nàn.
Ngày hôm nay, trần gian vui mừng kính.


1. Mẹ là thiên thần của con

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:
- Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?.

Thượng Đế đáp:
- Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.

Đứa bé lại nài nỉ:
- Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?. Thượng Đế đáp: Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.

Đứa bé lại hỏi:
- Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?

Thượng Đế trả lời:

- Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.
- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?
- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.
- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.
- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.

Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:

- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.
- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".

Thiên chức làm thiên thần bảo trợ, được Thượng đế ủy thác cho các người Mẹ ở trần gian. Thiên chức làm mẹ là vinh dự lớn nhất của người phụ nữ. Vì thế, Liên Hiệp Quốc đã xác định: “ Tương lai thế giới nằm trong tay các Bà Mẹ” (LHQ 1995). Mẹ là quà tặng vô giá Thiên Chúa ân ban cho nhân loại.

Thánh Mônica đã hoàn thành sứ mạng Thiên Thần mang tên Mẹ. Ngài là mẫu gương cho mọi người mẹ trần gian trong sứ mạng Thiên Thần chăm sóc bảo vệ con cái.

Từ một gia đình có nhiều yếu tố mâu thuẫn. Từ hoàn cảnh bi đát của cuộc sống gia đình, nhiều thách đố và khó khăn trong niềm tin, trong giáo dục. Mẹ hiền Mônica vẫn luôn tín thác vào tình thương và sức mạnh của Chúa. Mẹ hiền Mônica tin tưởng cậy trông, kiên trì cầu nguyện, làm việc bác ái, gương sáng đức tin. Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc. Mônica đã giúp mọi người trở lại, người chồng nóng nảy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng và người con thông minh nhưng bướng bỉnh. Augustinô trở về với Chúa và đã theo tiếng gọi của Thiên Chúa, dâng hiến cuộc đời cho sứ mạng Tin Mừng và Ngài trở nên Giám Mục tại Thành Hippon và là một vị thánh vừa uyên bác vừa thánh thiện. Từ nay mẹ hiền Mônica đã có một gia đình hạnh phúc và thánh đức. Khi con cái đã được quy tụ trong một niềm tin và lòng yêu mến, Mônica mãn nguyện về cùng Chúa, tâm tình cuối cùng Mônica nói với con: “Mẹ không chờ mong, không tha thiết điều gì hơn, cha các con đã bình an về cùng Chúa trong thánh thiện … hãy cầu nguyện cho mẹ mỗi khi các con nhớ đến mẹ. Hướng về bàn thờ Chúa, hãy tin rằng nơi đó mẹ cùng cầu nguyện với các con …”. Sau những thử thách thật dài, thật lâu, mẹ hiền Mônica đã được Chúa thương thực hiện những gì ngài cầu xin mà nhiều người cứ tưởng là vô vọng.

Mẹ hiền Mônica trở nên gương mẫu cho các Bà Mẹ Công Giáo. Ngài là bổn mạng của các người mẹ Công Giáo trong mọi thời đại. Xuyên thời gian, niềm hạnh phúc lớn lao của Mônica vang vọng và lan tỏa trong Hội Thánh.

Mẹ hiền Mônica diễm phúc trong tư cách là người mẹ. Con cái là triều thiên của cha mẹ.Triều thiên phải trả giá bằng nhiều đau khổ. Triều thiên của Mônica là Augustinô. Chính Augustinô trở nên tiến sĩ Hội Thánh, xuyên dòng lịch sử luôn nhắc đến với lòng trọng kính và biết ơn. Augustinô vô cùng cảm kích trước tình thương và lời cầu nguyện của mẹ mình, Ngài đã được truyền cảm hứng để viết cuốn sách Confessions “Vô cùng viên mãn những gì mẹ tôi đã mong muốn ở tôi, mỹ mãn trong những lời nguyện cầu đã dành cho bà qua những lời thú tội này của tôi” (Book IX. 13. 17).

Nhưng làm thế nào mà Mônica có thể lãnh nhận được những triều thiên cao quí đó ? Thưa rằng: phải là một người vợ hiền và là một người mẹ hiền.

2. Mônica, người vợ hiền

Người vợ hiền sưởi ấm gia đình, quy tụ con cái. Như mặt trời mọc lên sưởi ấm thế nào, người vợ làm cho mọi thành viên trong gia đình cảm nhận được tình thương yêu hòa thuận. Mônica đã sống nhẫn nhục, yêu thương, tùng phục chồng, không nản chí và luôn dâng lên Chúa những lời kinh cầu nguyện trong nước mắt cho chồng… Hạnh phúc cho Mônica khi thấy người chồng của mình được ơn trở lại. Chắc chắn người chồng rất mãn nguyện và hãnh diện về người vợ hiền của mình.

3. Mônica, người mẹ hiền

Hiền lành khi đối diện với những người con khó tính, muốn làm ngược ý mẹ, làm những điều phiền lòng mẹ. Yêu mến, biết ơn mẹ, một người mẹ hiền lành, nhẫn nhục, kiên trì, niềm tin vững vàng, Augustinô kể lại : “Tôi đã làm nước mắt mẹ tôi chảy nhiều như dòng suối, mẹ đã khóc rất nhiều nhưng không làm tôi mềm lòng. Một vị Giám Mục đã an ủi mẹ tôi và nói rằng : “Con bà không hư đâu vì Chúa nhìn tới nước mắt của bà. Một người mẹ đã khóc nhiều và cầu nguyện kiên trì cho con mình thì người con không bao giờ hư mất…”

Khi con cái đã được quy tụ trong một niềm tin và lòng yêu mến, Mônica mãn nguyện về cùng Chúa. Tâm tình cuối cùng Mônica nói với con: “Mẹ không chờ mong, không tha thiết điều gì hơn, cha các con đã bình an về cùng Chúa trong thánh thiện … hãy cầu nguyện cho mẹ mỗi khi các con nhớ đến mẹ. Hướng về bàn thờ Chúa, hãy tin rằng nơi đó mẹ cùng cầu nguyện với các con …”.

Hạnh phúc gia đình là một cây xanh tươi cần được nuôi dưỡng mỗi ngày. Đó là trách nhiệm của vợ chồng và con cái. Tuy nhiên người mẹ luôn là trái tim của gia đình, là trung tâm điều hành mọi sinh hoạt của gia đình, là nơi mọi thành viên cần đến để nương tựa và tìm sự an ủi. Với trái tim mang hình ảnh của tình yêu quảng đại vô vị lợi của Thiên Chúa, các bà mẹ có khả năng thấm thấu vào lòng người, hấp dẫn, thu hút, chinh phục chồng con, và có khả năng biến đổi cả thế giới này.

Mẹ hiền là hồng ân Thiên Chúa tặng ban.
Mẹ hiền là một nhà giáo dục.
Mẹ hiền là người gương mẫu và cẩn trọng.
Mẹ hiền là người quân bình trong tương giao và thái độ cương nhu.
Mẹ hiền là người biết chuẩn bị cho tương lai của con.
Mẹ hiền là người dạy lòng tự trọng cho con.
Mẹ hiền là người sống vì con và yêu con.

Xin Thánh Nữ Mônica mẹ hiền ban cho các Bà Mẹ Công Giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như ngài. Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người. Xin cho các Bà Mẹ Công Giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân. Amen.
 
Thánh Monica và Thánh Augustinô
Trầm Thiên Thu
06:23 26/08/2013
Thánh Monica (331-387) là bổn mạng của những cha mẹ chịu đựng đau khổ vì gánh nặng gia đình. Bà được mệnh danh là “Người Bạn của Thánh Giá”. Giáo Hội kính nhớ bà vào ngày 27-8 hằng năm, 28-8 là lễ Thánh Augustinô.

Thánh Monica sinh năm 332 tại Tagaste, Bắc Phi (nay là Souk Ahras, thuộc Algeria). Bà sống các nhân đức Kitô giáo nổi bật, nhất là chịu đựng sự ngoại tình của người chồng, bà khóc hằng đêm vì “cậu ấm” Augustinô hoán cải, chuyên cần cầu nguyện cho con hoán cải, điều mà chính Thánh Augustinô đã viết trong cuốn Tự Thuật (Confession).

Dù bà là một Kitô hữu, cha mẹ vẫn bắt bà sớm kết hôn với người ngoại giáo tên là Patrixiô, dân thành phố Tagaste, một người chồng có tính nóng như lửa, nghiện rượu, luôn khó chịu vì vợ hay làm việc từ thiện và cầu nguyện.

Thánh Monica có 3 người con: Augustinô là con trai trưởng, Navigius là con trai thứ hai, và Perpetua là con gái út. Thánh Augustinô bướng bỉnh, lười biếng, và được gởi vào học tại trường Madaurus. Thánh Monica bị coi là một người vợ hay bị cằn nhằn, là con dâu đau khổ và là người mẹ thất vọng, nhưng bà không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh. Thánh Monica phải chịu đựng bà mẹ chồng cực kỳ khó tính. Nhưng lời cầu nguyện và gương lành của Thánh Monica đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công Giáo. Patrixiô mất năm 371, sau khi được rửa tội 1 năm, lúc này Augustinô 17 tuổi. Thánh Monica ở vậy nuôi dạy các con. Thánh Augustinô tiếp tục theo học tại trường Carthage, và tại đây chàng Augustinô bắt đầu ăn chơi trác táng.

Tại Carthage, sinh viên Augustinô theo tà thuyết nhị nguyên Manichean (Manichaeism), thuyết của Mani (216–276), Thánh Monica đã đuổi Augustinô đi chỗ khác, không được ăn uống và không được ngủ trong nhà. Đêm đó, Thánh Monica đã có thị kiến lạ là “đứa con trời đánh” sẽ trở lại, thế nên bà giải hòa với con. Từ đó, bà luôn theo sát con mọi nơi mọi lúc, cầu guyện và ăn chay vì con.

Rồi bà đã gặp một giám mục thánh thiện, giám mục này khuyên bà và nói tiên tri: “Đứa con của nước mắt sẽ không hư mất”. Thánh Monica bí mật theo con đi khắp nơi để tìm cách cứu con ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Tại Manila (Ý), Thánh monica đã gặp Thánh Ambrôsiô và được chứng kiến con trai Augustinô trở lại sau nhiều năm ròng rã.

Lúc 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy khoa hùng biện. Thánh Monica quyết định đi theo. Một đêm nọ, Augustinô nói với mẹ là sắp đi tạm biệt một người bạn. Nhưng không, Augustinô lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica rất đau khổ khi biết con lừa dối mình, nhưng bà vẫn đi theo. Bà vừa đến Rôma thì biết tin con trai “trời đánh” Augustinô đã đi Milan. Dù việc đi lại khó khăn, Thánh Monica vẫn theo con tới Milan và bất cứ nơi nào.

Tại Milan, Augustinô chịu ảnh hưởng một vị giám mục là Thánh Ambrôsiô, đồng thời là linh hướng của Thánh Monica. Bà nghe lời khuyên của Thánh Ambrôsiô và khiêm nhường từ bỏ mọi sự. Thánh Monica trở thành trưởng nhóm của các phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi bà ở Tagaste.

Bà tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô. Lễ Phục sinh năm 387, Thánh Ambrôsiô đã rửa tội cho Augustinô và vài người bạn của Augustinô. Ngay sau đó, nhóm của Augustinô đi Phi châu. Biết mình không còn sống bao lâu nữa, Thánh Monica nói với Augustinô: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”. Sau đó bà lâm bệnh, và sau 9 ngày bệnh nặng thì bà qua đời. Hầu như những gì chúng ta biết về thánh Monica là nhờ các tác phẩm của thánh Augustinô, đặc biệt là cuốn Tự Thuật (Confessions).

Thánh gia nhập Công Giáo lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi. Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân. Đó là nhờ nước mắt của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của Thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với Thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.

Trong những năm đầu đời, ngài đắm chìm trong kiêu ngạo và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời ngài – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý. Chính kinh nghiệm đời ngài mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ.

Cũng như tiên tri Giêrêmia và các tiên tri khác, Thánh Augustinô không thể im lặng: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

Không lâu sau khi con trai Augustinô trở lại, Thánh Monica qua đời ở tuổi 55.
 
Thánh Augustinô, bậc trí thức của mọi thời
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:29 26/08/2013
1. Hối nhân trở thành thánh nhân

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Tagaste, nay là thành phố Souk-Ahras thuộc nước Algeria, nằm phía Bắc Phi Châu. Cha ngài là thị trưởng Patricius, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu Công Giáo, đạo hạnh, gương mẫu, và giàu nhân đức. Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con trai yêu quý tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ. Ơn Chúa rất huyền nhiệm và linh động nơi cuộc đời Augustinô.

Khi còn bé, Augustinô là một cậu bé tinh nghịch, thông minh xuất chúng, nên cậu là niềm hãnh diện của ông Patricius. Sau 16 năm sống với gia đình tại Tagaste, ngài đã được cha mẹ cho đi học về văn khoa hùng biện tại Carthage vào cuối năm 370.

Thành phố Carthage là một thành đô phồn thịnh, những toà nhà nguy nga lộng lẫy, thổ dân ở đây đa số là đa thần, và lối sống cao sa dễ đưa con người vào con đường sa hoa trụy lạc. Cuộc sống ở đô thành đã thu hút biết bao bạn trẻ và Augustinô cũng không ngoại lệ.Tuy con đường học vấn trổi vượt hơn các bạn học, nhưng đời sống tâm linh và luân lý bị suy sụp.

Năm 19 tuổi, Augustinô đã trở thành giáo sư triết học. Sự thành công trong học vấn đã tạo cho ngài một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Những kiến thức thâm thúy và sự khôn ngoan của triết gia Cicero đã gợi trong tâm thức Augustinô nỗi khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan chân thật. Khi nghe giáo chủ của giáo phái Manikê hùng biện về giáo thuyết của họ, ngài bị thu hút và đã gia nhập giáo phái này.Với tài hùng biện sẵn có, ngài đã thuyết phục được bao nhiêu người gia nhập vào giáo phái đó.

Sau những năm theo học tại Carthage, năm 373 ngài trở về quê Tagaste, nhưng mẹ ngài không thể đón nhận một người thuộc bè phái Manikê dù đó là con trai của mình. Nhưng tình yêu đã khiến Monica tha thứ và hết lời khuyên con trở về chính lộ. Thời gian ở Tagaste, Augustinô đã mở lớp dạy môn khoa Ngữ Văn để kiếm tiền sinh sống.

Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành. Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý. Khi đến nơi, ngài đã lâm trọng bệnh và sau khi hồi phục ngài đã mở lớp dạy chuyên khoa văn hùng biện. Học sinh ở đây không trả lệ phí nên ngài nản lòng và bỏ dạy. Cuối cùng, ngài xin dạy tại đại học ở Milan. Là một giáo sư dạy triết học, ngài say mê tìm kiếm và đào sâu vào triết lý của Plato.

Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô. Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan. Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.

Hè năm 387, Augustinô cùng với mẹ và các bạn đồng hành đến cảng Ostia. Ít lâu sau, mẹ ngài qua đời và được chôn cất tại đây. Năm 388, ngài trở về Tagaste. Cùng với người bạn Alypius, ngài đã thành lập đan viện để sống chiêm niệm. Năm 391, ngài được phong chức linh mục thành Hippo và ở đây cho đến chết.

Khi nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, ngài đã viết rất nhiều sách để phi bác các lạc thuyết thời bấy giờ. Năm 395, ngài được phong làm phụ tá Đức Giám Mục thành Hippo. Sau khi Đức Giám Mục Valerius thành Hippo băng hà năm 396, thánh Augustinô lên kế vị. Sự khôn ngoan và thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải thánh kinh. Trong suốt quãng thời gian làm Giám Mục, ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền ngài.

Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài. Khi mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã gọi ngài một lần nữa qua cơn bệnh trầm trọng và đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngài đã được phong thánh và nâng lên hàng Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1303.

Thánh Augustinô trở lại vào năm 33 tuổi và 3 năm sau Ngài trở thành linh mục, rồi năm 41 tuổi làm giám mục. Ngài biết Chúa và yêu Chúa tuy muộn màng nhưng thật nồng cháy “Con đã yêu mến Ngài quá muộn, ôi Đấng tốt đẹp rất cổ kính và rất tân kỳ ! Con đã yêu mến Ngài quá muộn !

Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài. Chính những vật, nếu không hiện hữu trong Ngài thì không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa Ngài. Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài. Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài”. (Tự thuật X, 27, 38 ). Ngài đã cầu nguyện, đọc tìm hiểu Kinh Thánh và lắng nghe lời Chúa nên luôn thao thức “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. (Tự thuật I, 1, 1).

2. Thánh Augustinô, bậc trí thức của mọi thời

Thánh Augustinô để lại cho Giáo Hội một kho tàng tư tưởng quý giá trong 252 cuốn sách lớn nhỏ, 509 bài giảng đủ loại, và 207 lá thư xa gần. Những tư tưởng bất hủ của ngài thường được trích từ ba cuốn sách nổi tiếng là: Những thú nhận, Thành trì của Thiên Chúa, về Chúa Ba Ngôi.

Nội dung tư tưởng phần lớn tập trung vào ba lãnh vực: Triết học, thần học, linh đạo.Hình thức ngài dùng để diễn tả nội dung là rất phong phú. Tất cả đều mang dấu ấn của một người học cao về văn chương và hùng biện.

Đọc những tác phẩm của thánh Augustinô, người nghiên cứu thấy: Phần, mà ngài nhận được bởi người khác, là rất đa dạng. Phần, mà ngài tự suy nghĩ ra, là rất sâu sắc.Ngài đã là giáo sư ở Thagaste, ở Carthage, ở Roma, ở Milan.Ngài có quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè trí thức, trong đó có thánh Ambrôsiô.

Trí thức của thánh Augustinô được nhận thấy ở điểm chung này là: Say mê đi tìm sự thật, lẽ phải và đức khôn ngoan. Đối tượng là Thiên Chúa và con người.Sau khi đã mải miết đi tìm ở các trường phái, các trường học, các học giả, thánh nhân đã đi tìm nơi Đức Kitô. Ngài thú nhận: Chỉ Đức Kitô mới cho ngài thấy rõ sự thực, lẽ phải và sự khôn ngoan. Chỉ Đức Kitô mới là thầy chỉ cho ngài thấy con đường phần rỗi. Đức Kitô dạy ngài qua gương đạo đức của mẹ ngài là thánh Monica, qua Lời Chúa và trong nội tâm sâu thẳm của ngài.Ngài ghi lại tất cả cuộc đời thăng trầm của ngài một cách rất khiêm nhường.Với những tư tưởng trí thức trộn vào những kinh nghiệm bản thân, thánh Augutinh đã phản bác các bè rối một cách trí thức và đạo đức. Cũng với trí thức và đạo đức, ngài đã lập cộng đoàn tu viện ở Thagaste, đã sống đời mục vụ khi làm giám mục ở Hippone. Tại đây, ngài cũng đã trí thức trong lối sống của ngài.

Một chọn lựa đã được thánh Augustinô hay nhắc tới, đó là đời sống bên trong hơn đời sống bên ngoài. Trong mục vụ, thánh Augustinô lo cho đời sống bên ngoài của con chiên bằng nhiều cách, nhất là bằng cách dạy bảo, cảnh báo, khuyên răn. Nhưng điều quan trọng hơn ngài luôn cố gắng là, lo cho con chiên đi vào nội tâm mình, để gặp gỡ Đức Kitô. Trong cố gắng ấy, ngài thường nhấn mạnh đến đời sống phục vụ trong yêu thương, tình nghĩa theo gương Đức Kitô. Chính Đức Kitô mới là Đấng dạy dỗ nội tâm và đổi mới con người bên trong. Vì thế, mục đích sau cùng, mà ngài nhắm tới trong mọi bài giảng, là dẫn con người đến với Đức Kitô.

Thánh Augustinô là niềm tự hào của giáo phận Hippone, của Hội Thánh Phi châu, của Hội Thánh toàn cầu.

Nếu nhìn Hội Thánh Việt Nam qua gương trí thức của ngài, chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều điều phải cố gắng thêm.

Bước đầu của trí thức là biết nhận thấy vấn đề.Trong lãnh vực tư tưởng cũng như trong lãnh vực đời sống, trí thức vẫn là một tiếng gọi. Dù đối thoại, dù đối kháng, chúng ta cần phải trí thức. Nhất là trí thức Phúc Âm. Những chọn lựa đạo đức, nếu thiếu chiều sâu trí thức, sẽ khó có thể làm cho Chúa được vinh quang trên đất nước Việt Nam hôm nay một cách hữu hiệu và lâu bền.

Trên đất nước Việt Nam hôm nay và ngày mai, trí thức đang và sẽ phát triển ở mọi tầng lớp. Trí thức cũng đang được khát khao ngay ở thôn quê bình dân nghèo túng.

Ước mong Công Giáo Việt Nam khi hiện diện và đồng hành, sẽ không thiếu một đội ngũ trí thức tầm cỡ đi đầu. Vừa trí thức trong đạo, vừa trí thức ngoài đời. Khối trí thức ấy sẽ sát cánh kề vai với các trí thức xã hội, để cùng với tất cả đồng bào, xây dựng quê hương chung là Việt Nam yêu mến của chúng ta. Chúng ta thành khẩn dâng lên Chúa mong ước trên đây với tâm tình cầu nguyện khiêm cung. (x.Vietcatholic 27-8-2010, nhân lễ kính thánh Augustinô, suy nghĩ về trí thức; ĐGM Bùi Tuần).

3. “Giám mục vì anh chị em, Kitô hữu với anh chị em”

Cho anh chị em, tôi là Giám Mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.

Thánh Augustinô đã sống một đời sống cầu nguyện liên lỉ, không ngừng đào sâu Kinh thánh. Kinh nguyện trong cộng đoàn giúp ngài thêm mạnh mẽ. Sự ân cần của ngài đối với mọi người luôn là một huyền thoại: những người dự tòng chuẩn bị bí tích rửa tôi, những người bị mất phương hướng luân lý viết thư xin ngài chỉ giáo, những giáo lý viên chán nản, những linh mục mất định hướng thần học…

Đối với Augustinô, người kitô hữu phải kết hợp thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Vả lại, cuộc sống kitô hữu là gì, nếu không phải là mặc lấy Chúa Kitô, tái sinh trong Thiên Chúa và trong sự thăng tiến tâm linh cho đến lúc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt ?

Cầu nguyện

Ôi thánh Augustinô ngàn đời hạnh phúc.
Thiên Chúa đã chọn Ngài để trở thành mục tử của Hội thánh.
Thiên Chúa đã ban cho Ngài đầy Tinh thần Khôn ngoan và thông hiểu.
Suốt đời, Ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa với cả con tim thổn thức của mình.
Trong đức tin, với lòng tín thác, tình yêu và sự bền chí, chúng con kêu cầu Ngài vì Ngài là cha chúng con:
Xin giúp chúng con được củng cố trong đức tin, đức cậy và đức mến.
Xin giúp chúng con biết noi gương Ngài luôn khát khao Thiên Chúa là nguồn mạch của sự khôn ngoan đích thực.
Xin cũng giúp chúng con tìm thấy sự nghỉ an trong Thiên Chúa, chủ thể tình yêu vĩnh cửu mà thôi. Amen. (Lời nguyện trong tuần cửu nhật chuẩn bị năm thánh của tiểu chủng viện Thánh Augustinô-Koupélà).
 
Knock! And The Door...
Nguyễn Trung Tây, SVD
17:16 26/08/2013
Nguyễn Trung Tây
Knock! And The Door...


One of my favorite verses in the Gospel is that of Jesus’ saying, “Ask, and it will be given to you; search and you will find; knock, and the door will be opened” (Luke 11:9).

Indeed, many times I knock on the door while facing difficulties and challenges on my own journey of faith. And sometimes it takes only a short period of time for heaven to open the gate; and at other times, nothing happens; but still I stand by the door and keep knocking.

St. Monica once knocked on heaven’s door. Whether it was a rainy or sunny day, she stood there, patiently waiting for the moment. After a very long period of time, eventually the door opened to heed her fervent prayers, one for her husband, one for her son, Augustine.

Fruit of the Day:
Have you ever given up on knocking on heaven’s door?

And why, why did you quit?



Nguyễn Trung Tây
Gõ… Và Cánh Cửa…


Một trong những câu Kinh Thánh tôi thích là câu nói của Đức Giêsu, “Xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ, cánh cửa sẽ mở tung” (Luke 11:9).

Đã có nhiều lần tôi đứng gõ cửa thiên đàng trong khi phải đối diện với những khó khăn và thử thách trên con đường hành hương. Có những lần, ngay sau khi vừa chấm dứt tiếng gõ, cửa thiên đàng mở tung; nhưng cũng có những lần, cửa vẫn đóng kín then cài. Nhưng tôi vẫn đứng đó, tiếp tục gõ, tiếp tục chờ đợi giây phút.

Đã có một thời, Monica đứng gõ cửa. Dù là trời nắng, dù là trời mưa, bà vẫn đứng đó kiên nhẫn chờ đợi. Một thời gian dài, cửa thiên đàng mở tung cho những lời cầu nguyện liên lỉ, một cho chồng, một cho con, Augustine.

Lặng Thinh:
Còn riêng bạn, đã có bao giờ bạn ngưng, thôi không gõ cửa?

Mà tại sao bạn lại bỏ, thôi không gõ?
www.nguyentrungtay.com
 
Thánh Monica- Bổn mạng các Bà Mẹ Công giáo
Lm. Đaminh Hương Quất
22:41 26/08/2013
Thánh Monica- Bổn mạng các Bà Mẹ Công Giáo (27.8)

MONICA- NGƯỜI MẸ Công Giáo

BIẾT CÁCH LÀM THẬP GIÁ KHỔ ĐAU THÀNH THÁNH GIÁ TIN MỪNG CỨU ĐỘ

(Lc 7, 11-17)

Giáo Hội hôm nay mừng kính một bà mẹ Công Giáo tuyệt vời: Thánh nữ Monica, quan thầy của mỗi Bà mẹ Công Giáo và của giới Hiền mẫu. Mẹ Monica được Giáo Hội kính trước ngày kính đại thánh Augustino, hoa quả của lòng Mẹ Monica như một cách trân trọng- tri ơn đã góp phần tích cức làm tỏa sáng hương thơm trong vườn hoa thánh thiện trong Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô.

Bây giờ, giả như chẳng may làm vợ phải tay lang quân hay rượu chè, nóng tính, thường cau có, chắc hẳn qúy bà đã thấy thật khổ, thấy mình thật bất hạnh.

Người vợ sẽ khổ lắm, có khi nỗi đau xoắn lại thành cơn ghen tuông khi biết chồng đi ‘ăn phở’- chăng hoa với người phụ nữ khác, có vợ bé, vợ nhỏ…

Người mẹ sẽ sẽ rơi vào thảm kịch có lẽ bi đát nhất đời ng hơn khi thấy con cái- khúc ruột mình sinh ra phản trác, hư hỏng dù mình đã hết lời hết cách gióa dục, dạy bảo

Vâng chỉ cần một trong những cái khổ trên đã là bi kịch- bi kịch lớn đôi với chị em.

Thế mà Mẹ Monica- quan thầy của giới Hiền mẫu, phần lớn cuộc đời Bà bi bao trùm, bik vây quanh tất cả khốn khổ trên, kể cả người mẹ chồng không dễ chịu chút nào nữa: Chồng ăn chơi, chăng hoa, nóng tính…đau khổ nhất là người con trai cả Augustino.

Bài Tin Mừng hôm nay thuận lại nỗi đau ngất trời của người Mẹ góa thành Naim khi đưa con trai nối dõi tông tường độc nhất chết. Đấy là nỗi đau thường tình của người Mẹ khi thấy con chết, chảng lạ gì trong phận đời nhân sinh khi lá vàng còn mà lá xanh- lá non sớm rơi rụng. “Bà đừng khóc” Trái Tim của Chúa Giêsu xúc động trước hoàn cảnh bà góa thành Naim. Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm cho nỗi đau Mẹ mất con thành niềm vui lớn hơn khi thấy con được Chúa Giêsu cho sống lại.

Con chết thể xác đã là nỗi mất mát khôn tả. Con chết về phần Linh hồn vì sống trong tội lỗi, có nguy có mất ơn cứu độ đời đời thì nỗi đau đứng trước con chết theo lẽ tự nhiên bỗng trở nên qúa nhỏ bé.

Thống thân- nỗi đau thể xác làm sao sánh vơi thống tâm- nỗi đau tinh thân, rất là nỗi đau tinh thần liên quan đến Đức tin. Mẹ Monica đã ôm trọn nỗi thống tâm này, không chỉ một ngày, hai ngày, không phải một năm hai năm mà là nhiều chục năm: Hơn 30 năm Mẹ Monica đã khổ đau trong nước mắt vì chồng con.

Điều đáng nói, giữa những nghịch cảnh bi thương ấy, Mẹ Monica đã bừng sáng Đức tin trong kiên nhẫn cầu nguyện, trong tín thác hy vọng. Hơn 30 năm cầu nguyện trong khóc lóc, phải có một Đức tin mạnh mẽ- kiên trung lắm mới trụ vững..

Bằng đời sống thánh thiện, khiêm tốn, luôn đối xử tốt đầy yêu thương với chồng con và mẹ chồng, cuối cùng nhờ ơn Chúa Mẹ Monica đã chinh phục được chồng và mẹ chồng đều lương dân đón nhận Tin Mừng Cứu độ là Chúa Giêsu trước khi họ giã từ trần thế.

Đáng kể nhất là người cậu con Augustina đã trở về Đạo Thật lúc 33 tuổi (năm 387) và sau trở thành một đại thánh sau hàng chục năm ăn chơi, sống trong lầm lạc tội lỗi hơn cả bố, kể cả theo bè rối chống lại Giáo Hội.

Ít ngày trước khi mất, Mẹ Monica nói với con: “Mẹ chẳng trông mong điều gì trên đời này nữa. Trước đây lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại trên trần gian là để thấy xon được trở thành Kitô hữu trong Hội Thánh Công Giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Thiên Chúa đã ban cho mẹ quá điều mong ước: Mẹ còn đang được thấy con khinh chế hạnh phúc trần gian mà làm tôi tớ phụng sự Thiên Chúa…” (trích “Tự Thuận” của thánh Augustino) .

“Thiên Chúa đã ban cho mẹ quá điều mong ước”.

Người Mẹ thành Naim được Chúa Giêsu ban cho quá điều mong ước khi cho người con trai sống lại. Mẹ Monica- như lời mẹ xác quyết đã được Thiên Chúa đã ban cho quá điều mong mỏi khi thấy người con sống lại về phần hồn, hết mình phục vụ, bảo vệ Đức tin Tông truyền của Giáo Hội, nhất là trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội luôn trực diện sóng gió từ nhiều lạc giáo, bè rối.

Ta nhận Mẹ Monica làm Bổn mạng, vậy ta học hỏi - noi gương mẹ được điều gì trong trong vai trò làm mẹ làm vợ nơi gia đình, để góp phần xây dựng gia đình hiệp thông và yêu thương, giúp ra đình cùng nên thánh?

Thánh nữ Monica là Người Đàn Bà tuyệt vời mà tất cả chúng ta- nhất là các đức lang quân đều kỳ vọng, đều mong được phúc ấy mà sách Huấn ca vừa nghe nói đến.

“Phúc thay ai cưới được vợ hiền,

tuổi thọ se? tăng lên gấp đôi.

Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng,

được an vui suốt cả cuộc đời.

Vợ hiền là số tốt phận may

dành cho như?ng người kính sợ Đức Chúa :

Giàu hay nghèo, lòng va?n cứ an vui,

lúc nào nét mặt cu?ng tươi cười…” (x. Hc 26, 1-14)

Điểm nổi bật nơi Thánh quan Thầy Monica mà ta cần học hỏi noi gương Mẹ Moniac không chỉ ở một người vợ đảm đang hết lòng hết tình yêu thương thủy chung với chồng con, dù chồng con thế nào, mà là ở Đức tin trưởng thành: càng trong đau khổ, nghịch cảnh Đức tin càng tỏa sáng, càng tín thác vào Chúa.

Chính trong Đức tin này, Mẹ Monica đã biết cách làm cho thập giá khổ đau trở thánh Thánh giá Tin Mừng góp pần đem ơn Cứu độ cho người khác, trước tiên cho chồng con.

Hẳn nhiên trong đời sống gia đình không ai và không sao tránh khỏi những sóng gió, khổ đau bởi thập giá. Vấn đề ta có như Mẹ Monica trong ơn Chúa biết làm cho thập giá thành Thánh giá hay không?

Ta được mang danh thơm là phái đẹp là Mẹ hiền liệu có phản cảm không khi trong gia đình người ta lại chủ lực trong việc nổi nóng, la chồng quát con, không phải chuyện cá biệt mà là nhịp độ xem ra thường xuyên.

Điều mà tất cả chúng ta cần học- phải học nơi mẹ Monica ở việc kiên nhẫn một niềm tí thác- hy vọng vào trong cầu nguyện.

Điều ta tốt ta xin hợp ý Chúa thì tra tin chắc Chúa đã nhận lời, và Chúa sẽ trọng thưởng cho ta hơn cả những điều ta xin. Chúa đã nhận lời, còn việc khi nào Chúa cho thành hiện thực đấy là việc của Chúa, ta không có quyền đòi Chúa phải làm lúc nay lúc kia để rồi chán nản thất vọng.

Chúa đã nhận lời, điều đó không có nghĩa phó mặc cho Chúa theo kiểu phủi trách nhiệm: ta tin Chúa đã nhận lời, Chúa cho thành hiện thực khi nào tùy Chúa, việc ta cầu nguyện đã xong, đã hết trách nhiệm và phủi tay vô can…

Đời sống cầu nguyện liên lỉ và kiên nhẫn mà Chúa Giêsu dạy không phải như thế.

Mẹ Monica cầu nguyện không phải như thế, bằng chứng mẹ đã hơn 30 năm cầu nguyện trong nước mắt mặc dù Mẹ biết rõ Chúa đã nhận lời. Ngay ở những dòng nước mắt đầu tiên trong nguyện xin, như bà góa thành Naim trong Tin Mừng vừa nghe, Chúa đã trấn an “bà đùng khóc”, tức Chúa đã nhận lời.

Chúa nhận lời, Mẹ Monica biết thế, chúng ta biết thế song Chúa cũng đòi tao không ngừng cộng tác với Chúa trong việc tỏa sáng điều ta xin. Hơn nữa đứng trước Tình yêu cao lơn và nhưng không của Ngài ban cho ta ta không thể thờ ơ, đúng hơn cần phải tích cực thêm trong việc làm tỏa sáng Đức tin, trong việc làm vợ- làm mẹ nơi gia đình, trở nên một Monica trong thời đại mới.

Minh họa: Vợ không chịu nổi thói nhậu nhẹt, thói trăng hoa nghẹo hoa đùa bướm, nhất là chuyện bia ôm bia ấp của Chồng.

La mắng, đay nghiến, dọa đuổi … Vợ đã tìm hết cách mà vẫn không trị được Chồng. Cuối cùng họ ra tòa ly dị. Mọi sai trái đều do chồng

Ngày Chồng xách vali từ giã Vợ Con ra đi, đứa Con gái bé bỏng hồn nhiên hỏi bố:

- Bố đi bao giờ bố về.

- Bố sẽ không còn ở nhà này nữa. Mẹ không cho bớ ở nhà này nữa. Bố hứa hàng tuần sẽ về thăm các Con.

Đứa bé hỏi mẹ:

- Sao Mẹ không cho Bố ở nhà ?

- Tại bố hư.

Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em một miếng to bỏ ngay vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền.

Người mẹ dỗ: - Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, tha cho anh đi.

Đứa bé phụng phịu: - Thế mẹ có tha cho bố không ?.

Mẹ bừng tỉnh…

Ra ôm Con gái cưng, thật lòng: Mẹ xin lỗi con. Mẹ cũng hư…

Và hai dòng lệ…

Khi nhận thấy “mình hư”, ta sẽ rõ thấy lỗi lầm không nhỏ của ta trong việc làm gia đình bất ổn, ly tán.

Hôm sau, vợ đã chủ động đến giao hòa- xin lỗi Chồng.

Chồng thấy Vợ qúa đẹp, qúa quảng đại và đã quyết tâm tu sửa.

Mái ấm tưởng chừng sắp đổ nát nhờ biết ‘mình hư’, rồi yêu thương cảm thông tha thứ cho nhau nên mái âm đã không đổ vỡ, trái lại lại thêm vững chắc hơn.

Xin Thánh Monica Quan Thầy cầu bầu để mỗi người eẹ trong Gia đình Công Giáo không chỉ là Mẹ hiền mà còn là Vợ hiền. Nhờ sống gương sáng Đức tin của mình góp phần tích cực làm cho cả nhà nên thánh, thành Monica mới.

Lm. Đaminh Hương Quất
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các sinh hoạt cuối trong Năm Đức Tin ở Roma
Lm. Trần Đức Anh OP
07:42 26/08/2013
VATICAN. Từ nay cho đến khi kết thúc Năm Đức Tin, có 3 sinh hoạt lớn sẽ tiến hành tại Roma.

1. Hội nghị quốc tế các giáo lý viên

Sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 28-9-2013 tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, với sự tham dự của các vị chủ tịch các Ủy ban GM đặc trách về huấn giáo, truyền giáo và những đề tài tương tự; cùng với các vị lãnh đạo các văn phòng giáo lý quốc gia và giáo phận cùng nhiều giáo lý viên khác. Ngoài ra mỗi giáo phận có thể gửi một số giáo lý viên đại diện. Sau cùng là đại diện của các tổ chức giảng huấn dấn thân trong việc suy tư về đề tài huấn giáo.

Trong thông cáo giới thiệu hội nghị này, Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng khẳng định rằng:

“Trong số các mục đích của Năm Đức Tin, có nhu cầu phục hồi sự ”thống nhất sâu xa giữa hành vi đức tin và nội dung mà chúng ta chấp nhận tin” (Porta fidei, 10), vì đức tin, trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa và tiếp đến là hành động cảm tạ biến đổi con tim của người tin. Ngoài ra, ”sự hiểu biết về các nội dung cần tin sẽ không đủ nếu tâm hồn, vốn là cung thánh đích thực của mỗi người, không cởi mở đối với ơn thánh, giúp tín hữu có đôi mắt để nhìn sâu và hiểu được loan báo, tức là Lời Chúa” (Porta fidei 10).

”Trong sự mô tả vừa nói có bao hàm con người và vai trò của giáo lý viên. Trong thời đại kiến thức và kinh nghiệm bị phân tán như ngày nay, điều cấp thiết là nâng đỡ, thăng tiến và huấn luyện các giáo lý viên có khả năng đương đầu với những thách đố ngày nay, để cống hiến một chứng tá có khả năng khơi dây nơi cộng đoàn Kitô một năng động giúp trình bày đề nghị của Thiên Chúa với con người ngày nay, qua Đức Giêsu Kitô.

Hội nghị quốc tế về giáo lý muốn trình bày một suy tư về phần đầu trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và nhắm đến các vị hữu trách về huấn giáo của các Giáo Hội địa phương.

Hội nghị muốn đặt hình ảnh cuộc gặp gỡ của các môn đệ trên đường làng Emmaus với Đấng Phục Sinh như khuôn mẫu lịch sử các tín hữu. Việc huấn giáo và giáo lý viên là những dụng cụ để phong phú hóa cuộc gặp gỡ với Chúa và soi sáng sự chọn lựa bước theo Chúa.

Tiếp nối Hội nghị quốc tế có tính chất lý thuyết và thực hành trên đây, là cuộc hành hương của các Giáo Lý viên trong năm Đức tin, bắt đầu từ thứ bẩy, 28-9.

Theo chương trình, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, là cuộc hành hương tại Mộ Thánh Phêrô: các nhóm giáo lý viên sẽ vào Đền thờ Thánh Phêrô để tuyên xưng đức tin; đồng thời tại các địa điểm gần Đền Thờ này có một số nơi để cử hành bí tích hòa giải và chầu Mình Thánh Chúa.

Lúc 3 giờ chiều, có các buổi huấn giáo tùy theo ngôn ngữ tại một số nhà thờ ở Roma, và tiếp theo đó là thánh lễ.

Sáng Chúa Nhật 29-9 vào lúc 10 giờ rưỡi, có thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Quảng trường thánh Phêrô.

2. Cuộc hành hương của các Hội đoàn Thánh Mẫu

Sinh hoạt này sẽ diễn ra trong hai này 12 và 13-10-2013 với sự tham dự của hàng chục ngàn thành viên các Hội đoàn Thánh Mẫu, chuyên cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ.

Theo chương trình tổng quát: sáng thứ bẩy 12-10, từ 8 đến 12 giờ, các nhóm tín hữu sẽ hành hương tại mộ Thánh Phêrô, trong khi đó từ 9 đến 12 giờ có chầu Thánh Thể và cử hành bí tích hòa giải tại một số nhà thờ gần Quảng trường thánh Phêrô.

Ban chiều vào lúc 7 giờ có cuộc cung nghinh tượng Đức Mẹ Fatima tại Quảng trường thánh Phêrô với sự hiện diện của Đức Thánh Cha, và có các bài giáo lý về Thánh Mẫu.

Từ 7 giờ tối, Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ có mặt tại Đền thánh Đức Mẹ tình yêu Thiên Chúa cách trung tâm Roma 15 cây số. Tại đây giáo phận Roma sẽ tổ chức buổi canh thức cầu nguyện suốt đêm, trong đó có buổi đọc kinh Mân Côi được nối với các Trung Tâm Thánh Mẫu trên thế giới, kế đến là canh thức từ lúc 10 giờ.

Sáng hôm sau, Chúa Nhật 13-10, tượng Đức Mẹ được đưa trở lại Quảng trường Thánh Phêrô. Tại đây lúc 10 giờ có đọc kinh Mân Côi và nửa tiếng sau đó là thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành.

Đón rước tượng Đức Mẹ Fatima và thánh hiến cho Đức Mẹ

Hồi đầu tháng 8 năm nay, Ban giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ đào nha, cho biết chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu đưa nguyên bản tượng Đức Mẹ Fatima về Vatican cho dịp cử hành này. Đây sẽ là lần thứ 11 tượng Đức Mẹ Fatima, tạc hồi năm 1920, được đưa khỏi Đền thánh Đức Mẹ. Trong lần thứ 7, cách đây 29 năm (1984), tượng Đức Mẹ được đưa về Vatican trong lễ nghi thánh hiến thế giới cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô sáng ngày 25-3-1984.

Sau đó, ngày 8-10 năm thánh 2000, tượng Đức Mẹ Fatima lại được đưa về Vatican và trong dịp đó, Đức Gioan Phaolô 2 đã thánh hiến Ngàn Năm Mới cho Đức Mẹ trước sự hiện diện của 1500 GM đến từ các nơi trên thế giới.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 có một liên hệ đặc biệt với Đức Mẹ Fatima và ngài xác tín đã được Đức Mẹ gìn giữ trong cuộc mưu sát ngài ngày 13-5-19081 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Về sau ngài đã tặng cho Đức GM Fatima viên đạn mà ngài bị bắn và Đức Cha đã cho gắn viên đạn đó vào triều thiên bằng vàng của tượng Đức Mẹ.

Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã nhắc đến tượng Đức Mẹ Fatima trong buổi đọc kinh truyền tin đầu tiên Chúa Nhật 17-3 năm nay, tức là 4 ngày sau khi được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài nói đến một bản sao tượng Đức Mẹ Fatima được rước đi các nơi trên thế giới và kể lại rằng: ”Tôi còn nhớ hồi năm 1992, khi tôi mới làm Giám Mục, tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến thành phố Buenos Aires và đã có một thánh lễ trọng thể được cử hành cho các bệnh nhân. Tôi đã đi giải tội trong dịp thánh lễ ấy. Gần cuối thánh lễ, tôi đứng lên vì phải ban phép thêm sức. Lúc ấy có một bà cụ già, khiêm tốn, rất khiêm tốn, đến gặp tôi, bà cụ đã hơn 80 tuổi, bà xin xưng tội. Và tôi ngạc nhiên vì đức tin đơn sơ nhưng sâu xa của bà. Bà nói: ”Nếu Chúa không tha thứ tất cả, thì thế giới này không hiện hữu được”.

Một tháng sau, ĐHY José Policarpo, Thượng Phụ thành Lisboa, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã hai lần xin ngài phó thác sứ vụ Phêrô của Người cho Đức Mẹ Fatima.” Việc phó thác và dâng hiến ấy đã được ĐHY Policarpo thực hiện ngày 13-5 năm nay và đọc kinh như sau:

”Chúng con, các GM Bồ đào nha cùng với đông đảo các tín hữu hành hương, trong ngày kỷ niệm 96 năm Đức Mẹ hiện ra với các mục đồng, đứng dưới chân Mẹ đây, để thực hiện ước muốn của ĐGH Phanxicô, được bày tỏ rõ ràng, thánh hiến sứ vụ GM Roma và mục tử hoàn vũ của Người cho Mẹ, Đức Trinh Nữ Fatima”.

Cũng nên nhắc lại rằng việc thánh hiến thế giới cho Đức Mẹ Fatima được cử hành lần đầu tiên do ĐGH Piô 12 ngày 30-11 năm 1942 giữa lúc thế chiến thứ 2 đang hoành hành. Ngài nói bằng tiếng Bồ đào nha, qua đài phát thanh, dâng hiến thế giới cho Khiết Tâm Đức Mẹ, và ám chỉ tới cả nước Nga.

Sự kiện ĐGH Phanxicô không gặp vấn đề gì khi công khai bày tỏ lòng gắn bó với Đức Mẹ cũng được biểu lộ qua 5 lần ngài đến viếng thăm cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma. Lần đầu vào sáng ngày 14-3 năm nay, tức là chưa đầy 15 tiếng đồng hồ sau khi được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài đã đặt vòng hoa trước ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma và xin Đức Mẹ phù hộ cho dân thành này... Lần thứ 5 sáng ngày 29-7-2013, khi Đức Thánh Cha từ phi trường Ciampino về Vatican sau chuyến viếng thăm tại Brazil nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ. Ngài dừng lại tại Đền thờ Đức Bà Cả để cảm tạ Đức Mẹ.

3. Cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới

Biến cố chót dịp Năm Đức Tin được cử hành ở Roma là cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo từ các nơi trên thế giới trong hai ngày 26 và 27 tháng 10 với Đức Thánh Cha Phanxicô để cử hành ngày đời sống gia đình.

Cuộc hành hương có chủ đề là ”Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin! Cuộc hành hương của các gia đình tại Mộ Thánh Phêrô nhân Năm Đức tin”.

Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cũng là cơ quan tổ chức biến cố này, cho biết cuộc hành hương là cơ hội chia sẽ vui mừng của các gia đình trên thế giới. Các đôi vợ chồng sẽ được con cái và các ông bà nội ngoại tháp tùng. Họ được mời làm chứng về đức tin trong vui tươi và tín thác tại Mộ Thánh Phêrô. Tầm quan trọng của gia đình như nơi ưu tiên để thông truyền đức tin thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và suy tư về gia trị của chính gia đình và làm chứng về đức tin của chúng ta trong toàn thế giới.

Theo chương trình đại cương, các gia đình tại Quảng trường Nhân Dân (Piazza del Popolo) sáng thứ bẩy, 26-10, và lúc 2 giờ họ tuần hành về Quảng trường thánh Phêrô và cầu nguyện tại đây. Lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến gặp gỡ họ.

Sáng Chúa Nhật 27-10, có buổi đọc kinh Mân Côi, tiếp đến là thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành lúc 10 giờ cũng tại Quảng trường thánh Phêrô và sau đó là kinh Truyền Tin.

Năm Đức Tin nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2, do Đức Thánh Cha Biển Đức đề xướng và khai mạc ngày 11-10 năm 2012 sẽ kết thúc với thánh lễ trọng thể do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 24-11 tới đây tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong 14 tháng qua, rất nhiều sinh hoạt đã được cử hành tại các Giáo Hội địa phương cũng như tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Các bạn không bị loại trừ
Bùi Hữu Thư
10:48 26/08/2013


2013-08-25 Vatican Radio

Trong kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm ngày Chúa Nhật: “Hãy cố gắng đi qua cửa hẹp.”

Đức Thánh Cha ghi nhận là Chúa Giêsu trả lời câu hỏi bao nhiêu người sẽ được cứu rỗi. Nhưng Đức Thánh Cha nói: “Điều quan trọng không phải là bao nhiêu người sẽ được cứu chuộc, mà là cần phải biết con đường của sự cứu rỗi.” Chính Chúa Giêsu là cửa, một cửa “giúp cho chúng ta có thể bước vào gia đình của Thiên Chúa, vào sự ấm áp của nhà Chúa, để được hiệp thông với Người. Cửa này là chính Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh là “cánh cửa là Chúa Giêsu không bao giờ bị đóng lại.. . cửa luôn mở, và mở rộng cho tất cả mọi người, không phân biệt, không loại trừ một ai, không có ai được ưu tiên.”

Ngài tiếp, Chúa Giêsu không loại trừ bất cứ một ai. Có người có thể cảm thấy mình bị loại trừ vì họ là người tội lỗi – nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn từ bỏ ý tưởng này. Ngài nói: “Không, bạn không bị loại trừ! Chính vì lý do này mà bạn được ưa thích ơn, vì Chúa Giêsu thích người tội lỗi hơn, luôn luôn vì muốn tha thứ và yêu thương người này. Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn, để ôm lấy bạn, để tha thứ cho bạn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Chúng ta được mời gọi để bước qua cửa là Chúa Giêsu. “Xin đừng sợ hãi phải đi qua cái cửa của đức tin là Chúa Giêsu.” Xin đừng sợ hãi về việc “để cho Chúa Giêsu càng ngày càng bước vào đời sống chúng ta, để cho chúng ta vượt thắng tính ích kỷ, tính kép kín, và thờ ơ đối với kẻ khác.”

Chúa Giêsu nói về cửa hẹp không phải là đi vào “phòng tra tấn”, nhưng “là mời gọi chúng ta mở lòng cho Chúa, để công nhận rằng chúng ta là người tội lỗi, và cần được Chúa Cứu chuộc, cần đến sự tha thứ, tình yêu của Người, và cần đến lòng khiêm tốn để chấp nhận sự thương xót của Người và cần được Người cải tiến.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Kitô giáo không phải là một “nhãn hiệu” mà là một lối sống. Kitô hữu không chỉ là những người mang danh hiệu Kitô: “Không phải là Kitô hữu, không bao giờ là một Kitô hữu trên danh hiệu!” Ngài mời gọi chúng ta hãy là những Kitô hữu đích thật, những Kitô hữu trong tâm khảm.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Là Kitô hữu là phải sống và làm nhân chứng cho đức tin trong lời cầu nguyện, trong các công việc bác ái, trong việc cổ võ cho công lý và làm việc lành. Vì cửa hẹp là Chúa Kitô phải đi qua toàn thể đời sống chúng ta.”

Vào cuối kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào đón các khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, với những lời chào mừng đặc biệt cho những người đến từ Ý và Ba Tây, và cho các linh mục và chủng sinh của Đại Học Giáo Hoàng Bắc Mỹ. Ngài ghi nhận rằng vào những ngày nghỉ hè cuối mùa, Ngài chúc cho tất cả mọi người được bình yên và hăng say quay về với đời sống bình thường hàng ngày.
 
TGP Adelaide, tiểu bang South Australia - Thánh Lễ Kỷ Niệm Lần thứ 99 ngày Thế Giới Tỵ Nạn và Di Dân
Jos. Vĩnh SA
17:00 26/08/2013
Lúc 03 giờ 00 chiều, Chúa Nhật ngày 25.8.2013. Ủy Ban Đa Văn Hóa và Sắc Tộc, TGP Adelaide, tiểu bang South Australia đã tổ chức Thánh Lễ kỷ niệm lần thứ 99 ngày Thế Giới Tỵ Nạn và Di Dân.
Khoảng 02 giờ 00 chiều các cộng đồng sắc tộc và các giáo xứ đã tề tựu về nhà thờ Saint Patrick ngay trung tâm thành phố Adelaide để tham dự Thánh Lễ kỷ niệm lần 99 ngày Thế Giới Tỵ Nạn và Di Dân.
Thánh Lễ do ĐTGM Philip Wilson Tổng Giám Mục giáo phận Adelaide chủ tế, cùng đồng tế có Cựu TGM Leonard Faulkner, cha Philip Marshall Tổng Đại Diện và 12 linh mục Tuyên Úy của các cộng đồng sắc tộc trong TGP Adelaide.
Phụng vụ trong Thánh Lễ:
-Bài đọc I bằng tiếng sắc tộc Philipino
-Bài đọc II bằng tiếng Bồ Đào Nha miền East Timor.
-Lời nguyện giáo dân bằng ngôn ngữ của các sắc dân: Indonesian, Korean, Sudanese, Tongan and Chinese.
-Tiến lễ do hai gia đình thuộc hai sắc tộc Filipino và Tongan dâng của Lễ.
-Phụng vụ Thánh nhạc do ca đoàn của cộng đồng người Ba Lan phụ trách.
-Thánh ca dâng lễ do ca đoàn của cộng đồng Filipino.
-Một bài Thánh ca, nhạc Rock thật sôi nổi trong khi rước lễ, do cộng đồng hai sắc dân Congolese và Burundian Phi Châu vừa hát, vừa đánh trống, vừa nhẩy múa, đã làm sôi động và hâm nóng toàn thánh đường.

XEM HÌNH - SEE PHOTOS

Sau thánh lễ Ban Tổ Chức đã mời mọi người sang hội trường của giáo xứ dùng tiệc nhẹ với hai Đức Tổng Giám Mục.
Trong bữa tiệc đã chương trình văn nghệ giúp vui do các cộng đồng East Timor, Tonga và Phi Châu trình diễn.
Tiệc mừng kỷ niệm 99 năm ngày Thế Giới Tỵ Nạn và Di Dân đã chấm dứt lúc 5 giờ chiều cùng ngày.

 
Album nhạc cuả các Nữ Tu 'làm mưa làm gió' trên thị trường muà Hè.
Têrêsa Thu Lan
20:40 26/08/2013
Trong một muà Hè nóng bức như bây giờ mà có được một cơn mưa lạnh hay một làn gío mát thì thật là sung sướng biết bao, phải không quí bạn?

Mà nếu những làn gió hiu hiu đó lại vọng lên một tiếng nhạc du dương thì còn gì bằng?

Vậy thì, chúng ta còn đợi gì nữa mà không mau mau mang về những cuốn albums cuả các bà Sơ dòng Biển Đức ở Missouri, hay là cuả các Sơ dòng Đa Minh ở Michigan? Giá rẻ như bèo, $10 -$12, có thể mua ở Wal Mart, nếu may mắn các bạn còn tìm thấy ở đấy.

Các bà sơ sống âm thầm ở các vùng đồng quê hẻo lành này đã 'làm mưa làm gió' (nghiã bóng) suốt một muà Hè vừa qua trong làng âm nhạc Mỹ. Loại nhạc du dương cuả các bà vượt qua các loại nhạc ồn ào, làm cho nhiều người tự hỏi phải chăng vì tiếng ve sầu inh ỏi làm cho người ta phải đi tìm sự giải thoát với những gì êm dịu, hay phải chăng loại nhạc 'điên dại' đã hết hơi, phải nhường sân khấu lại cho một trào lưu mới? Hay phải chăng vì sức thu hút cuả một vị giáo hoàng mới làm cho người ta chú ý thêm về nhạc thánh ca?

Nhiều cuốn CD cuả dòng chiêm nghiệm Biển Đức (Benedictines of Mary, Queen of the Apostles, Gower, Missouri) đã giữ vị thế 'CD âm nhạc cổ điển' bán chạy nhất ở Mỹ qua 18 tuần liên tiếp, và đã có lần đứng thứ 8 về số doanh thu cuả tất cả các loại âm nhạc.

CD nổi tiếng nhất là cuốn "Angels and Saints at Ephesus" (Các Thiên Thần và các Thánh ở Ephesus), giữ chức vô địch 13 tuần trên bảng xếp hạng có tên là 'Billboard classical music charts'.

Các albums cuả dòng Biển Đức đều có chữ 'ở Ephesus' vì Ephesus là nhà cuả Đức Mẹ sau khi Chuá về Trời. Đức Mẹ sống âm thầm để thương yêu, cầu nguyện và nâng đỡ các thánh Tông đồ.

'Angels and Saints at Ephesus' có 17 bài, gồm nhiều ca vịnh thuộc loại 'nhạc Gregorio' hát từ cuốn sách kinh nguyện và những bài thánh ca hát trong sách lễ. Những bài được ưa chuộng nhất là các bài sáng tác bởi thánh Alphongsô đệ Ligouri (đấng sáng lập DCCT) và thánh Phanxicô Xavier (đồng sáng lập dòng Tên), và bài "Một bông hồng không tàn" (A Rose Unpetalled) viết bởi Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (Lisieux) do các Sơ đệm nhạc.

Hãng 'De Montfort Music' là nhà nhà sản xuất và phát hành.

Trong khi các Sơ Biển Đức vẫn tiếp tục sản xuất thêm nữa thì tuần vừa qua, một CD cuả một nhà dòng khác, dòng Nữ Đa Minh 'The Dominican Sisters of Mary, Mother of the Eucharist', chuyên việc giáo dục các thanh thiếu niên ở Ann Arbor, Michigan, đã vượt lên trên và dành lấy vị trí hạng nhất.

Cuốn CD có tên là “Mater Eucharistiae” (Mẹ cuả Bí Tích Thánh Thể), xuất bản ngày 13 tháng 8, cũng do hãng 'De Montfort Music' phát hành.

Điều làm mọi người ngạc nhiên và thích thú là 'Mater Eucharistiae' là cuốn CD đầu tay, nghiã là các Sơ Đa Minh là những ngôi sao mới toanh, 'tài không đợi tuổi', mới ra quân lần đầu là đã sáng chói rồi.

Và chắc chắn rằng trận đấu về doanh thu giữa cuốn albums "Mater Eucharistiae" và cuốn CD đương kim vô địch "Angels and Saints at Ephesus" sẽ còn nhiều pha hấp dẫn.

Noí cho vui vậy thôi, chứ các bà Sơ, không hiểu và cũng chẳng muốn để ý gi đến việc 'buôn bán', chỉ biết vui mừng rằng lời Chuá đã đến với nhiều gia đình. Sơ Joseph Andrew, bề trên dòng Đa Minh noí “It’s just trying to get Christ into homes.” (Chỉ cần đưa được Chuá Kitô vào các gia đình là mục đích của chúng tôi mà thôi.)

Chuá Kitô được giới thiệu với từng căn nhà qua âm nhạc? Đó là một sáng kiến đòi hỏi nhiều nỗ lực lâu dài. Tuy nhiên ít ra thì trong những tháng muà Hè này, những CD cuả những khuôn mặt 'vĩ đại' như Andrea Bocelli, miniseries “Downton Abbey” và 'best seller' “Fifty Shades of Grey” đã phải kính nhường các bà Sơ sống âm thầm và khiêm nhường.

Xin các bạn thưởng thức một vài đoạn nhạc vàng sau đây:

Nghe trọn bài 'Adeste Fideles' cuả các Sơ Biển Đức trình bày trong CD 'Christmas at Ephesus':







Xem quảng cáo và nghe nhạc đệm cuả các Sơ Biển Đức Benedictines of Mary, Queen of the Apostles, Gower, Missouri:



Xem cuộc sống tu viện và việc sản xuất CD 'Angels and Saints at Ephesus,' 13 tuần đứng nhất:







Xem cuộc sống tu viện và việc sản xuất CD 'Advent at Ephesus (2012),' 6 tuần đứng nhất:







Xem quảng cáo và nghe nhạc đệm cuả các Sơ Dominican Sisters of Mary, Mother of the Eucharist, Ann Arbor, Michigan:



Xem cuộc sống tu viện và việc sản xuất CD 'Mater Eucharistiae,' đang đứng nhất:







Phóng sự 'bất ngờ' quay đúng vào lúc các Sơ Đa Minh đang thu thanh nhưng nghe 'có khói trắng' trong cuộc bầu cử tân giáo hoàng:



 
Các học trò của Ratzinger lần đầu gặp mặt không có thầy
Vũ Văn An
22:06 26/08/2013
Lần đầu tiên kể từ năm 1977, Đức Bênêđíctô XVI sẽ không tham dự cuộc họp mặt hàng năm của các học trò tiến sĩ cũ. Ngài cho họ biết lý do: “trong tư cách giáo hoàng hưu trí, tôi không có ý định tham dự các biến cố công cộng”. Và thế là cuộc họp mặt của các học trò này, được dự trù cho các ngày từ 29 tháng Tám tới 2 tháng Chín, sẽ không có sự hiện diện của người thầy kính yêu.

Tuy thế, vị thầy này không bỏ rơi họ. Ngài vẫn chỉ đường cho họ. Chủ tịch nhóm, linh mục Stephan Horn, đã gặp ngài vào đầu tháng Sáu qua tại đan viện thuộc khuôn viên Vatican, nơi ngài đang cư ngụ. Trong cuộc gặp gỡ này, ngài thông báo dự định không tham dự, nhưng đã chọn cả chủ đề lẫn diễn giả chính cho cuộc họp mặt. Chủ đề là: “Vấn đề Thiên Chúa trong hậu cảnh tục hóa” với diễn giảng chính: Rémi Brague, nhà thần học Pháp từng lãnh Giải Ratzinger về Thần Học năm 2012.

Chủ đề trên vốn là chủ đề đặc trưng của Đức Bênêđíctô. Từ ngày mới thụ phong linh mục, ngài đã suy tư về vấn đề Thiên Chúa trong hậu cảnh tục hóa rồi. Lúc còn làm cha phó Nhà Thờ Máu Cực Thánh ở Munich, ngài năng ngồi tòa giải tội và lưu tâm tới hiện tượng tân ngoại đạo đang xuất hiện, trong đó nhiều Kitô hữu tự gọi mình như thế nhưng lại sống như người ngoại đạo. Các suy tư đó sau này đã được ngài tổng hợp thành khảo luận “Những Người Tân Ngoại Đạo và Giáo Hội”.

Mở lại cuốn sách trên, người ta sẽ hiểu toàn bộ công trình của Đức Bênêđíctô XVI, từ công trình của một nhà trí thức và thần học gia, qua các năm làm giám mục, rồi Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tới ngôi vị mục tử toàn thể Giáo Hội.

Ngài hay cảnh báo người ta về việc che phủ Thiên Chúa. Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, 27 tháng Mười Một năm 2011, chẳng hạn, ngài trích lời Tiên Tri Isaia nói rằng “Không ai khẩn cầu danh Ngài, hay cố gắng bám lấy Ngài. Vì Ngài đã bỏ chúng con và trao chúng con cho chính tội lỗi chúng con”. Ngài giận dữ và lớn tiếng lên án thời hiện đại, lên án một thế giới gồm “những kinh thành nặc danh” nơi “Thiên Chúa xem ra vắng bóng, và con người trở thành ông chủ duy nhất của nó, như thể con người là tác giả và là đấng dựng nên mọi sự”.

Chính trong các kinh thành này, con người cảm thấy như Thiên Chúa bỏ rơi họ. Chính trong một thế giới như thế, một thế giới “xem ra gần như tuyệt hảo” nhưng sau đó “nhiều điều không hay sẽ xẩy ra cả trong thiên nhiên lẫn trong xã hội, khiến ta nghĩ rằng Thiên Chúa dường như đã rút lui, dường như để mặc ta với số phận của chính ta. Nhưng thực ra, người chủ thực sự của thế giới này không phải là con người, mà là Thiên Chúa”.

Các chủ đề trên luôn luôn có tính chủ yếu trong tư duy của Đức Bênêđíctô. Một trong các tập chú chính cho tư duy của ngài là Âu Châu. Ngài cho rằng lục địa này đã bỏ qua một bên chính bản sắc và đức tin của nó. Nó phải giải quyết cuộc khủng hoảng tinh thần trước khi giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Thứ Bẩy trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm 2011 nói trên, ngài đã tiếp hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân. Dịp này, ngài nhấn mạnh rằng “đôi khi ta cố gắng để Kitô hữu có được một sự hiện diện rõ ràng trong xã hội, trong chính trị và trong kinh tế, nhưng lại không chú ý như vậy đối với việc củng cố đức tin của họ”.

Đức Bênêđíctô XVI luôn luôn kêu gọi phải có “các Kitô hữu chân chính” và đấy là lý do tại sao tại Đức, hồi tháng Chín năm 2011, và tại Assisi, hồi tháng Mười cùng năm, Ngài khen “người bất khả tri vì đã cảm thấy bất ổn về vấn đề Thiên Chúa, và nhờ thế gần gũi với Nước Thiên Chúa hơn là các tín hữu theo cho có lệ”. Trong cốt lõi, Đức Bênêđíctô kêu gọi phải có một Giáo Hội tự do hơn để tin vào Thiên Chúa.

Các học trò tiến sĩ của Đức Bênêđíctô hẳn hiểu rõ mọi điều trên đây. Tuy nhiên chắc chắn họ rất nhớ vị thầy của họ. Như Cha Joseph Fessio, người xuất bản và sáng lập viên của Ignatius Press và là một trong các học trò này, từng thuật lại, trong mọi cuộc họp mặt của nhóm, Đức Bênêđíctô đều có “một điều mới mẻ nào đó để phát biểu, một điều đến lúc đó, chưa ai nghĩ đến bao giờ”.

Tuy nhiên, Rémi Brague hẳn phải là người thích hợp nhất để đem lại cho cuộc thảo luận một hậu cảnh lịch sử và phê phán cần có. Là một sử gia, một nhà trung cổ học và là một chuyên viên về lịch sử các tôn giáo, ông là người đầu tiên tương phản tính thế tục với chủ nghĩa thế tục. Trong một bài phỏng vấn của trang mạng OpenDemocracy.net, năm 2010, Brague cho rằng “các người bênh vực tính thế tục đặc biệt muốn, hay có ý định, làm ngơ điều này: nó (tính thế tục) từng xuất hiện thời Trung Cổ, một thời kỳ vốn không nhấn mạnh tới xu hướng duy thế tục”. Brague nói thêm: “đường phân ranh giữa Giáo Hội và Nhà Nước là phát kiến của Kitô Giáo từng khởi đầu với các Giáo Phụ khi các ngài phản ứng chống lại việc Constantinô đòi quyền kiểm soát Giáo Hội, và điều này lên cao vào thời Trung Cổ’. Hơn nữa, Brague còn quả quyết rằng “đường ranh này được Giáo Hội, chứ không phải Nhà Nước, vẽ ra. Chính sách không thay đổi của Tòa Thánh từ cuộc Tranh Chấp Quyền Chỉ Định Giáo Chức (Investiture Controversy) cuối thế kỷ 11 hệ ở việc buộc Nhà Nước phải trở lại với trách vụ riêng của nó, một trách vụ hoàn toàn có tính trần thế, hay “thế tục” như người ta thường nói, là thực thi hòa bình, công lý và trật tự xã hội. Đàng khác, Nhà Nước tự nó không “thế tục”, nó luôn đòi dự phần vào tính thánh thiêng. Tính thế tục là một chiến thắng của Giáo Hội”.

Brague dựa vào từ nguyên học (etymology) để giải thích sự khác nhau giữa tính thế tục và chủ nghĩa thế tục. “Thế tục phát xuất từ chữ La Tinh saeculum, nghĩa là ‘thế kỷ’, mà nguyên thủy có nghĩa là khỏang thời gian dài nhất của đời người. Tính thế tục là thái độ của những người nghĩ rằng các hy vọng của con người không thể nào vượt quá một thế kỷ và do đó, phải hành động sao đó để nhân loại sinh tồn trong khoảng thời gian đó... Người chủ trương duy thế tục không có khả năng giải thích tại sao nên có con người nhân bản trên mặt đất này. Vì vốn cho rằng nhân sinh là sản phẩm của may rủi, của tình cờ, nên họ không thể nói cho ta hay tại sao nó tốt đối với chúng ta...”

Những điều trên có thể làm nền cho một cuộc tranh luận sống động. Có thể một phần của cuộc tranh luận này sẽ diễn ra tại Đan Viện Mater Ecclesiae. Vì dù Đức Bênêđíctô không tham dự các biến cố công cộng, nhưng không có gì ngăn cản ngài cử hành Thánh Lễ bế mạc cuộc họp mặt của các học trò cũ của ngài. Trong bài giảng năm ngoái, ngài phát động ý niệm cho rằng chân lý “không thể bị chiếm hữu” và cuộc họp của các học trò năm ấy đã tăng đà cho mối liên hệ đại kết với người Luthêrô và Chính Thống. Có thể cuộc họp năm nay của họ sẽ chỉ cho ta cách để thắng vượt việc con người thời nay tìm cách che khuất Thiên Chúa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Công đoàn Công Giáo Mẹ Mông Triệu Davenport IA mừng lễ bổn mạng
Ngô Triển
15:44 26/08/2013
Cộng Đoàn Công Giáo Mẹ Mông Triệu

Giáo xứ Chánh Tòa Thánh Tâm Chúa, Giáo Phận Davenport, IA

Mừng lễ Bổn Mạng Cộng Đoàn.


Hòa chung trong niềm hân hoan cùng với Giáo Hội, sáng Chúa Nhật ngày 18 tháng 08 năm 2013, cộng đoàn Công Giáo Mẹ Mông Triệu thuộc Giáo Xứ Chánh Tòa Thánh Tâm, Giáo Phận Davenport, IA đã long trọng mừng kính lễ Đức Mẹ Hồn Xác về Trời, bổn mạng của cộng đoàn.

Xem Hình

Đúng 11:00 sáng, tất cả các hội đoàn, đoàn thể và giáo dân người Mỹ cùng với người Việt, trong cũng như ngoài giáo xứ nô nức quy tụ trước tượng đài Mẹ La-Vang. Khuôn viên tượng đài Mẹ La-Vang được trang trí thật khang trang và lộng lẫy. Mang trong mình những tâm tình yêu mến, tất cả con dân Mẹ tạ ơn Mẹ vì đã đến với mỗi người chúng ta với tước hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’.

Bước vào phần mở đầu, Cha Giuse Nguyễn Thiện, quản nhiệm cộng đoàn, xông hương trước tượng đài Mẹ La-Vang và ba nén nhang được cắm lên do ba vị đại diện của cộng đoàn. Cha quản nhiệm với toàn thể giáo dân cùng hiệp ý trong lời kinh nguyện dâng nước Việt Nam cho sự che chở và quan phòng của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong lời ca tiếng nhạc trang trọng, tươi sáng và tượng hình của bài hát ‘Một Điềm Lạ’, các hội đoàn, toàn thể giáo dân cùng đoàn đồng tế nghiêm trang tiến vào nhà thờ. Cha quản nhiệm dâng hương trên bàn thánh và trước linh tượng Mẹ Mông Triệu, cùng với ba nén nhang của ba vị đại diện.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha quản nhiệm gởi lời chào mừng đến cộng đoàn- giáo xứ, cám ơn quý cha đồng tế, thày phó tế, tu sĩ nam nữ, giáo dân và các bạn bè Mỹ. Cha nói ‘Mừng Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng cộng đoàn- giáo xứ, là dịp để tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Ngài tuôn đổ trên chúng ta.’

Trong bài giảng, dựa trên tin mừng của thánh Luca 1: 39-56, nói về Đức Maria viếng thăm bà Elisabeth và bài ca Magnificat lừng danh, cha quản nhiệm chia sẻ với đại ý như sau: “Mừng lễ bổn mạng cộng đoàn- giáo xứ là dịp để chúng ta cùng chiêm ngắm vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Maria dựa vào gương sáng của Mẹ về đức tin và sự phục vụ, vì tin và phó thác hoàn toàn vào Chúa nên Mẹ thưa ‘xin vâng’ theo thánh ý Chúa. Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trong hành trình đức tin, nhờ đức tin đã khiến Mẹ thưa lời ‘xin vâng’ và là động lực để Mẹ cất cao lời ca tạ ơn ‘Magnificat’, và cũng chính đức tin đó đã đưa Mẹ đến dưới chân Thánh Giá Chúa. Mẹ đã được Thiên Chúa ban tặng bốn đặc ân và cũng là bốn tín điều của Hội Thánh: ‘Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh’- ‘Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa’- ‘Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội’- và ‘Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời’. … Chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ dâng bản thân, gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, và quê hương đất nước cho Mẹ. Hãy xác tín rằng, cùng với Mẹ, chúng ta đặt trọn niềm tin và phó thác vào Chúa Giêsu con Mẹ, để Ngài ở đâu chúng ta cũng được ở đó.”

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha sở Rich Adam ngỏ lời chúc mừng đến cộng đoàn Việt Nam và cũng cám ơn đến cộng đoàn Viêt Nam đặt thêm một tượng Thánh Tâm Chúa bằng đá non nước cao khoảng 2 mét, Bức tượng đã được mang từ Việt Nam qua và được đặt bên phải nhà thờ. Tuy là một cộng đoàn giáo dân nhỏ, nhưng đã tích cực đóng góp và giúp ích rất nhiều cho giáo xứ. Sau đó Ông Lại Kỳ, ban Ngoại Vụ, thay mặt cộng đoàn ngỏ lời cám ơn quý cha, phó tế, tu sĩ nam nữ, quý quan khách và mọi người đã đến tham dự Thánh Lễ và chúc mừng Bổn Mạng Cộng Đoàn.

Trước khi ban phép lành cuối lễ do cha chánh xứ, cha quản nhiệm đã làm phép và thánh hóa tượng Thánh Tâm Chúa với sự quy tụ của toàn thể cộng đồng dân chúa trước linh tượng Chúa. Kết thúc Thánh Lễ, cùng với ca đoàn, mọi người cất cao tiếng hát ‘kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông …’

Sau Thánh Lễ, mọi người cùng ở lại chung vui bữa tiệc thân mật trong khuôn viên nhà thờ. Mặc dù dưới cái nắng mùa hè, nhưng con cái Mẹ giờ đây vui tươi ra đi trong tâm tình của Mẹ, tâm tình ngợi ca và phục vụ …

Ngô Triển

Davenport, IA

21 tháng 08 năm 2013.

Cộng Đoàn Công Giáo Mẹ Mông Triệu, Giáo Phận Davenport IA, Mừng Lễ Mẹ Về Trời, Bổn Mạng Cộng Đoàn

Lời “Xin Vâng” Của Mẹ

Lịch phụng vụ Giáo Hội chọn ngày 15 tháng 08 hằng năm để mừng kính Mẹ Về Trời. Tước hiệu ‘Mẹ Hồn Xác Về Trời’ đã gắn liền và in sâu vào lòng mỗi người Kitô giáo nói chung và cách riêng nơi những người con dân Việt Nam, vốn rất mang nặng mối tình ‘mẫu tử’. Người Công Giáo chúng ta luôn hãnh diện và hân hoan mừng lễ Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, và Mẹ của mỗi người chúng ta.

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại giáo phận Davenport hằng năm tổ chức ngày lễ Mẹ Về Trời cách trọng thể hơn vì tước hiệu ‘Mẹ Về Trời’ còn là bổn mạng của cộng đoàn Công Giáo tại đây. Trong tâm tình han hoan khi về quay quần bên Mẹ, ai trong chúng ta cung mang theo mình những nỗi vui, buồn, những tâm tình ăn năn thống hối để tiến dâng lên Mẹ và khẩn cầu xin Mẹ luôn nâng đỡ ủi an cho mỗi người chúng ta được vơi đi những lo toan, phiền muộn giữa nơi cuộc sống trần gian này.

Mừng đại lễ ‘Mẹ về Trời’, cộng đoàn chúng ta vui mừng biết bao khi được nhận Mẹ làm Bổn Mạng của cộng đoàn. Trong tâm tình đó, Chúa Nhật vừa qua cộng đoàn chúng ta đã cử hành long trọng lễ tưởng niệm ngày Chúa đưa Mẹ về Trời.

Trước thánh lễ, nghi thức dâng hương trước tượng đài Mẹ do Cha quản nhiệm cùng ba vị đại diện cộng đoàn cử hành với sự quy tụ của đông đảo giáo dân trong cũng như ngoài giáo xứ, người Mỹ cũng như người Việt. Sau phần dâng hương, lần lượt từng hội đoàn, thành phần dân Chúa tiến vào nhà thờ, theo sau là đoàn đồng tế. Thánh lễ được cử hành rất long trọng và trang nghiêm. Sau bài Phúc Âm, cha chủ sự chia sẻ với cộng đoàn trong phần giangr thuyết, ngaì nói: “chúng ta phải biết noi gương Mẹ, biết nói lên lời ‘xin vâng’ lời ‘xin vâng’ phải được bắt nguồn từ tâm tình cảm tạ. Mẹ đã nhìn ra biết bao kỳ công Chúa làm nơi Mẹ, chính vì thế Mẹ đã hoàn toàn phó thác và thưa lên lời ‘xin vâng’. Chúng ta hãy cùng Mẹ cảm tạ Chúa vì biết bao nhiêu ơn lành Chúa đã thực hiện nơi Mẹ và nơi cộng đoàn chúng ta, nơi mỗi gia đình, nơi mỗi người chúng ta. Mẹ dạy chúng ta, phải biết phó thác trong tâm tình cảm tạ, biết ơn, và sẵn sang ‘Nếu chúng ta biết được Thiên Chúa yêu thương chúng ta bao nhiêu, chúng ta sẽ khóc lên vì vui sướng’.

Thánh lễ kết thúc rất tốt đẹp vào lúc 12:30, ngay sau thánh lễ là phần tiệc mừng của cộng đoàn. Mỗi người trong cộng đoàn ai nấy đều vui mừng trong tâm tình sốt sắng và yêu thương. Ước chi mỗi người chúng ta biết sống noi theo gương Mẹ, biết thưa lời ‘xin vâng’ như Mẹ trong mọi biến cố của cuộc đời chúng ta.

Trước khi nói lời chào, thay mặt cộng đoàn Công Giáo Mẹ Mông Triệu xin kính chúc quý vị muôn vàn hồng ân Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Mẹ của mỗi người chúng ta.

Lại Kỳ

Davenport 25 tháng 08 năm 2013
 
Hội Các Bà Mẹ CĐCGVN-Nam Úc mừng kính Thánh Nữ Monica Bổn Mạng của Hội
Jos. Vĩnh SA
17:05 26/08/2013
Hội Các Bà Mẹ thuộc CĐCGVN-Nam Úc đã tổ chức Thánh Lễ long trọng mừng kính Thánh Monica bổn mạng được cử hành vào lúc 09 giờ 00 sáng, Chúa Nhật ngày 25.8.2013 cùng với Cộng Đồng.
Thánh Lễ do Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm CĐ chủ tế, cùng đồng có Lm. Phêrô Trần Quang Tòng phó xứ Saint Augustine, Salisbury và Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải Cssr Dòng Chúa Cứu Thế đang du học ở Rôma, đến thăm Nam Úc.
Trước cử hành Thánh Lễ đoàn vũ các em thiếu nhi con cháu của các Bà Mẹ đã trình diễn vũ khúc dâng những ánh nến lung lên bàn thờ Thánh Nữ Monica và sau đó các đã đặt các ngọn trên bàn thờ để cùng hiệp dâng Thánh Lễ.
Phần phụng vụ Thánh Lễ do các hội viên của hội phụng vụ gồm: đọc sách Thánh, đọc lời nguyện giáo dân và dâng của Lễ.
Đặc biệt phần phụng vụ Thánh Nhạc đã do ca đoàn riêng của Hội Các Bà Mẹ hát Thánh nhạc. Các bà đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để tập hát cho ngày Lễ Mừng Bổn Mạng năm nay.
Trước khi kết thúc Thánh Lễ cha Khải đã cầu chúc các Bà Mẹ tràn đầy ơn Chúa, luôn vui vẻ và nhất là đẻ nhiều để có thêm con cháu, thêm tín hữu cho hội thánh Chúa và thêm nhân sự cho Cộng Đồng.

XEM HÌNH

Sau Thánh Lễ Ban Chấp Hành hội đã có một bữa tiệc linh đình do các Nội Tướng trổ tài nấu ăn, để khoản đãi khách và đãi gia đình các hội viên.
Trong bữa tiệc có phần phụ diễn văn nghệ giúp vui “cây nhà lá vườn” và Xổ Số, với những giải thưởng do các Mạnh Thường Quân của hội tặng. Bữa tiệc đã chấm dứt lúc 2 giờ 00 chiều.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Vồng
Lê Trị
21:11 26/08/2013
CẦU VỒNG
Ảnh của Lê Trị
Xin cho được cầu vồng sau mỗi cơn mưa.

May the Rainbow be certain to follow each rain.
(Irish Blessing quote)