Ngày 26-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
04:03 26/08/2017
Chúa Nhật XXI thường niên năm - A

(Mt 16,13 - 19)

"Phần các con, các con bảo Thầy là ai?"(Mt 16, 15) là câu hỏi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ Chúa để trắc nghiệm sự hiểu biết của họ về danh tính của chính Chúa Giêsu, trên hành trình từ thượng lưu Galilê đi xuống. Hẳn đã nhiều lần người ta đặt cho các môn đệ câu hỏi về Chúa Giêsu, nay chính Thầy Giêsu hỏi họ về Ngài, một câu hỏi rất cụ thể được Chúa đặt ra, và chờ họ trả lời. Và này, Simon Phêrô đã thay mặt cả nhóm thưa: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16). Câu trả lời thật rõ ràng. Ở đây, Đức tin của Giáo Hội phản chiếu một cách trọn vẹn. Chúng ta cũng thế, chúng ta được soi sáng cách đặc biệt do lời tuyên xưng của Phêrô.

Đáp lại lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu trả nói: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16, 17).

Phêrô thật có phúc! Phúc của Phêrô phát xuất từ mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa Cha, chính Chúa Cha mạc khải cho ông. Đây là mạc khải chân lý nội tại, và đời sống của chính Thiên Chúa. Phêrô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đã trở thành chứng nhân tuyên xưng một chân lý siêu phàm. Lời tuyên xưng của ông là nền tảng đức tin của Giáo Hội Chúa: "Trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy" (x. Mt 16, 18). Dựa vào đức tin và lòng trung thành của Phêrô, Giáo Hội của Chúa Kitô được thiết lập. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ý thức rõ điều ấy, như sách Công Vụ Tông Đồ đã viết, khi Phêrô bị giam trong ngục. Hội Thánh khẩn thiết dâng lời khẩn nguyện lên cùng Chúa cho ông (x. Cv 12, 5), vì sự hiện diện của Phêrô vẫn cần thiết cho cộng đoàn trong những giai đoạn đầu của Hội Thánh: Chúa đã sai thiên thần của Người đến mà giải thoát họ khỏi tay những người bách hại (x.12, 7-11). Điều này đã được viết trong ý định của Thiên Chúa mà Phêrô, sau khi thừa nhận với anh em mình trong đức tin, đau khổ tử vì đạo ở Rôma, cùng với Thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại, cũng thoát chết nhiều lần.

Hôm nay, lời tuyên xưng đức tin của Phêrô tại địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, vào giai đoạn công khai sứ vụ cuối cùng, chuẩn bị bước vào cuộc thương khó dẫn tới cái chết đau thương và phục sinh của Chúa. Sau khi hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giêsu đã quyết định cùng với các môn đệ tách khỏi dân chúng, sang bờ bên kia để huấn luyện các ông.

Hai ngày Chúa Nhật trước, chúng ta nghe nói về Phêrô xin Chúa cho đi trên mặt nước, đang đi thì ông chìm dần xuống, Chúa cứu ông lên kèm theo lời quở trách: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" (Mt 14,31 ). Hôm nay, Chúa khen ông: "Hỡi Simon con ông Giôna, con có phúc" (Mt 16,17). Phêrô có phúc là vì ông đã mở lòng mình ra để đón nhận mặc khải của Thiên Chúa và nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. Câu hỏi: "Người ta bảo Con Người là ai? " (Mt 16, 13) được đặt ra trong dòng lịch sử cùng một câu hỏi: "Phần các con các con bảo Thầy là ai?" (Mt 16, 15). Và một lúc nào đó chúng ta cũng phải trả lời những câu hỏi: Chúa Giêsu là ai đối với tôi và tôi là ai đối với Chúa?

"Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16), là câu trả lời của Phêrô sau khi được Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình về chính mình. Nếu ngày hôm nay Chúa Giêsu hỏi chúng ta: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? " Chúng ta có thể trả lời Chúa một cách rõ ràng và chính xác như Phêrô. Nhưng nếu Chúa hỏi: Thầy là ai đối với mỗi người chúng ta ? Mỗi người phải suy nghĩ, nhìn vào chính tâm hồn mình để trả lời câu Chúa hỏi. Câu trả lời này hết sức riêng tư, không ai giống ai. Đối với người này, Chúa là gia nghiệp, Chúa là bạn trăm năm, là sức mạnh mỗi khi gặp thử thách; đối với người kia, Chúa là Đấng ai ủi khi buồn phiền,v.v…

Bây giờ chúng ta hãy hỏi ngược lại Chúa: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thấy con là ai ? Chúa xếp con vào loại người nào ?

Tin Mừng hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta hai câu hỏi quan trọng: Chúa Giêsu là ai trong cuộc đời chúng ta ? Và chúng ta là ai dưới cái nhìn của Chúa Giêsu ? Mỗi người chúng ta phải tự trả lời, không ai trả lời thay cho chúng ta được. Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình. Bước vào trong quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, Đấng sẽ mạc khải cho chúng ta căn tính của chính mình, đó là điều Phêrô làm. Khi nghe lời Chúa, bước đi với Chúa, ta thực sự trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là việc thực hiện ý muốn của riêng ta, nhưng là ý Chúa, cuộc sống sẽ trở nên đáng tin hơn. Và nếu ta thực sự muốn được kiện toàn bản thân mình, không có cách nào khác ngoài việc mở rộng đường cho Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 21 Mùa Quanh Năm 27/08/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
04:01 26/08/2017
Bài Đọc Chúa Nhật XXI thường niên – 27/08/2017

Bài đọc 1: Is 22,19-23
Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
Đức Chúa phán những lời này với ông Sép-na, tể tướng triều đình: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu. Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó, nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa. Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó.”
Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 137,1-2a.2bc-3.6 và 8bc
Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.

Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,
hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Đ.

Xin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.
Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn. Đ.

Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn;
đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết.
Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang. Đ.

Bài đọc 2: Rm 11,33-36
Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men.

Đó là lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng Mt 16,18
Allêluia. Allêluia. Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Allêluia.

Tin Mừng: Mt 16,13-20
Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước trời.
Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Đó là lời Chúa.
 
Giữ Chìa Khóa : Mệt Quá
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:54 26/08/2017
Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19).

Theo Thánh Kinh, quyền cầm buộc và tháo cởi chính là quyền quản trị. Kitô hữu chúng ta tin rằng từ khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy thì chúng ta đã được thông phần vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả tức là quản trị. Vậy thử hỏi chúng ta có được trao chiếc chìa khóa nào không ?

Nói đến chìa khóa là phải nghĩ ngay đến ổ khóa. Ổ khóa có ra là để thực thi chức năng bảo vệ và dĩ nhiên là bảo vệ những gì được xem là quý giá mà có thể bị mất vì kẻ trộm, kẻ cướp. Chúa Giêsu nói là “sẽ” trao chìa khóa cho Phêrô, thế thì Người trao cho ông khi nào ? Có thể khẳng định là Người đã trao chìa khóa Nước trời cho Phêrô trong lần hiện ra tại bờ hồ Tibêria khi Người từ cõi chết sống lại. “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy…Hãy chăn dắt chiên của Thầy…” (x.Ga 21,15-19).

Nhận lấy chìa khóa là nhận lấy trách vụ bảo vệ. Để có thể chu toàn trách vụ bảo vệ thì trước hết cần phải trân quý cái mình bảo vệ đồng thời nhận rõ các nguy cơ khiến có thể mất nó. Và chắc chắn người đảm nhận trách vụ bảo vệ phải hết sức công tâm và chuyên chăm với sứ mạng được trao phó. Điều này nói lên cái giá đương nhiên phải trả cách nào đó. Chính Chúa Giêsu đã hé mở cho Phêrô thấy khi nói tiếp rằng: “…con phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và con đến nơi con chẳng muốn”. Tin mừng diễn giải “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18-19).

Chúa Kitô đã trao cho Phêrô chìa khóa để bảo vệ các chiên trong đàn lẫn ngoài đàn của Người trên khắp thế giới. Dễ dàng suy tiếp là Chúa cũng đã trao chìa khóa cho các giám mục để chăm sóc, bảo vệ đặc biệt đoàn chiên trong các Hội thánh địa phương. Và Người cũng đã trao cho hết thảy chúng ta chìa khóa để bảo vệ, chăm sóc đoàn chiên trong Hội thánh tại gia là gia đình. Vấn đề đặt ra là chúng ta có trân quý những sự mà chúng ta được trao phó để bảo vệ, chăm sóc hay không.

Đấng đã nhận chìa khóa Nước trời từ Chúa Kitô đã để lại cho các vị mục tử trong Hội thánh những lời này: “Anh em hãy chăn dắt đàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em; lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham muốn lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên…”(1.P 5,1-4).

Giữ chìa khóa: mệt quá đi thôi, nhưng rồi “khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, chúng ta sẽ lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
CN 21A: Phêrô là Đá : Đá quy tụ, Đá hợp nhất.
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
07:57 26/08/2017
Nếu ta nhìn vào Tivi cách đây hơn chục năm, hoặc xem băng hình ghi lại các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong những năm cuối đời của ngài, hẳn ta sẽ nhìn thấy cây gậy của Đức Giáo Hoàng trở thành hữu dụng. Ngài chống và tựa trên chiếc gậy đó. Gậy không còn là biểu tượng cho quyền chăn chiên, quyền dẫn dắt, như ta thấy các giám mục vẫn thường dùng. Vị Giám mục Roma Gioan Phaolô II dùng gậy để chống đỡ chính mình.

Hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô II về già chống và tựa cả thân mình trên chiếc gậy đó có diễn tả được điều mà Tin Mừng hôm nay nói về Phêrô mà ĐGH là người kế vị không : Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục không thể phá được.Nếu Phêrô là Đá Tảng, thì kẻ kế vị người, cũng là tảng đá. ĐGH là đá tảng.

Nếu tảng đá được ví như cái gì chắc chắn, cho người khác tựa nương vào, thì với hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô khi vượt qua ngưỡng cửa bát tuần, đã bết bát về sức khoẻ thể lý, lúc nào cũng phải tựa nương vào chiếc gậy, có còn là hình ảnh của tảng đá cho người khác tựa nương hay không ? Hẳn là khó hình dung tưởng tượng.

Nhưng tảng đá, ngoài ý nghĩa vững chắc, tựa nương, thì tảng đá còn có một ý nghĩa khác không kém phần quan yếu. Đó là : Tảng đá là nơi qui tụ. Tảng đá là nơi hợp nhất.

1. Tảng đá qui tụ

Tảng đá như nền nhà, quy tụ gạch xi măng, cát, sắt… để làm thành căn nhà. Căn nhà trong mạch ý Tin Mừng hôm nay chính là Hội Thánh.

Nếu Đức Gioan Phaolô không diễn được hình ảnh tảng đá cho người ta tựa vào, thì hình ảnh cụ già Wojtyla trên 80 tuổi vẫn và có khi còn hơn thế nữa, càng trở nên rõ nét hình ảnh của tảng đá quy tụ. Bởi tâm lý chung, nhất là tâm lý người Việt, người ta quy tụ về nhà người bô lão, chứ không tụ họp nơi nhà đám trẻ (giống như Tết nhất tới, người ta qui tụ về nhà ông bà để chúc thọ). Người bô lão là yếu tố thuận lợi để tụ hội, hợp nhất.

Chẳng thế mà, tuy tuổi đã cao, rất cao, lại yếu ớt, nhưng Đức Gioan Phaolô đi đến đâu là qui tụ cả rừng người đến đó (ta không nhắc đến ĐGH đương kim vì tuy đã bát tuần, nhưng còn mạnh khoẻ chưa phải “chống” gậy !). Chục nghìn, trăm nghìn, nghìn nghìn. Triệu này triệu kia. Điều này thật đúng khi giới trẻ ùn ùn kéo tới với ngài trong các đại hội giới trẻ. Mehico, St Louis, Compostella, và đặc biệt tại Đại Hội giới trẻ tại Paris, Pháp 1997. Đặc biệt không phải vì con số, mà vì sức lôi cuốn không ngờ. Trước ngày Đại Hội ít lâu, một nhà báo vô thần đã nhận xét về bầu khí xuống dốc của người Công Giáo ở Pháp, và đoan chắc rằng đại hội sẽ rất ít người. Và với con số may ra được khoảng 100.000 người đến dự, thì bõ bèn gì để một vị giáo chủ già nua phải lần mò chống gậy sang tận Paris cho tốn công tốn sức. Nhưng rồi chuyện kinh ngạc đã xảy ra: Trên một triệu người trẻ tuốn về qui tụ tại Paris để gặp gỡ ĐGH, tảng đá qui tụ. Đại Hội sau đó 2000, con số bạn trẻ tụ họp tại Roma vượt xa con số này, trở thành kỉ lục với hơn 3 triệu người tham dự thánh lễ bế mạc. Ấy là ta chỉ kể tảng đá Phêrô qui tụ bạn trẻ, còn cả người lớn nữa, thì con số hẳn là hơn nhiều. Cụ thể, cụ già Wojtyla (tức ĐGH Gioan Phaolô 2) về thăm quê hương Balan lần thứ 9, qui tụ cả rừng người : hơn 3 triêu người tham dự thánh lễ tại Krakovia, giáo phận cũ của ngài trước khi về làm giám mục Roma. Một ông già qui tụ được bạn trẻ, nhiều người đến như thế, nghĩa là gì, nếu ngài không phải là tảng đá qui tụ.

Phát ngôn viên Tòa Thánh lúc đó, tiến sĩ Navaro Valls đã nhận xét : “Sức khỏe của ngài xuống hẳn, nhưng cảm ơn Chúa, điều đó không cản trở công việc của ngài. Tay bị run (vì bệnh Parkinson) phát âm nhiều chữ không rõ, nhưng đây có khi lại giúp ngài nói được với dân chúng hùng hồn hơn ở chiều kích mới.” “Cảm tưởng của tôi,” lời giáo sư Navaro Valls, “là khi người ta thấy tay ngài run, thì mọi thành quách bên trong của họ bị sụp đổ hết. Cánh tay run, đôi chân không vững phải tựa vào gậy lại có tác dụng mạnh hơn thân hình cường tráng của ngài cách đây hơn 20 năm khi mới lên nhận nhiệm vụ kế vị Phêrô tảng đá.” Phêrô là tảng đá, tảng đá quy tụ. Hình như càng già càng có khả năng quy tụ ! Nói thế không có nghĩa vị giáo hoàng trẻ tuổi thì ít có khả năng quy tụ hơn, nhưng muốn nói : đã là giáo hoàng, đấng kế vị Phêrô Tảng Đá, thì cũng là tảng đá quy tụ muôn người.

2. Tảng Đá Hợp nhất.

Qui tụ và hợp nhất có nét giống nhau, nhưng ta tạm phân biệt như sau: qui tụ là từ nhiều nơi trên khắp mặt địa cầu này hội tụ về một chỗ. Hợp nhất là cho dẫu phân tán ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng vẫn hướng về một người, một đích để hợp nhất. Phêrô là đá tảng hợp nhất.

Khi gọi Phêrô là Đá, trên nền đá này “tập kết” (quy tụ) gạch cát ximăng xây nhà Giáo Hội, Chúa Giêsu còn nói thêm: “quyền lực hỏa ngục không thể phá được.”

Phân tích có vẻ chú giải Kinh Thánh một chút, ta thấy trong hỏa ngục có ma quỷ. Hỏa ngục không thể phá đổ được, tức ma quỷ không thể lật nhào Hội Thánh được. Mà ma quỷ tiếng Hilạp là Diabolos (dia: xuyên qua; bolein=bolo=ném), tức kẻ gây chia rẽ, kẻ gây rối.

Trong ý hướng tảng đá hợp nhất, ta sẽ diễn dịch lại lời Chúa Giêsu như sau: Con là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Giáo Hội duy nhất, Kẻ Phá Rối, kẻ gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất ta xây dựng.

Thử điểm lại các tôn giáo trên thế giới, và cách riêng Kitô giáo thôi, ta thấy không có Hội thánh nào khác ngoài Hội Thánh Công Giáo Roma có sự hợp nhất hữu hình này.

Ví dụ Anh Giáo, với cơ cấu có 7 Bí Tích như Công Giáo (như về con số 7 chứ không phải như về tính thành sự), họ có 27 Giáo Hội khắp nơi. Nhưng họ đâu có một con người hữu hình, một điểm nhắm cụ thể để họ hướng về đâu. Anh Giáo tại Mỹ, đâu có lệ thuộc gì Anh Giáo tại Anh quốc là nơi phát sinh ra Anh Giáo. Anh Giáo tại Úc không liên hệ gì tới Mỹ, tới Anh. Họ toàn quyền tổ chức, họ phong chức giám mục cho cả người nữ nữa, điều mà Anh Giáo gốc tại Anh Quốc chưa dám (chỉ mới phong chức linh mục cho nữ thhôi).

Ví dụ như Chính Thống với 13 Lễ chế khác nhau, và ngay cả cùng một lễ chế, như lễ chế Byzantin mà ở 2 nước khác nhau thôi, thì Chính Thống Rumani chẳng cần hướng lòng mình về Chính Thống Nga. Chính Thống Nga chẳng cần ngó xem Chính Thống Constantinop (hiện ở Thổ Nhĩ Kì, nôi của Chính Thống Giáo) làm gì để noi theo. Mỗi nước có một Giáo Hội Chính Thống độc lập. Họ có liên kết với nhau cũng rất lỏng lẻo, và chỉ là liên kết trên phiên họp lâu lâu (mấy trăm năm…) một lần.

Còn Tin Lành thì càng khó thấy sự hợp nhất. Mấy trăm giáo phái khác nhau là mấy ngàn thế giới: nào là Lutheran, Presbyterian, Methodist, Baptist, Phục Lâm ngày thứ 7… Mỗi giáo phái là một thế giới, mà hơn thế nữa, mỗi giáo phái tại mỗi nước, lại không lệ thuộc gì, không hợp nhất gì với cùng một giáo phái đó, tại các nước khác. Ranh giới quôc gia phân chia luôn ranh giới đạo giáo. (Và còn nhỏ hơn, trong cùng một nước, mà tỉnh này khác tỉnh kia. Vd: Hội Thánh Tin Lành Vĩnh Phước và Hội Thánh Tin Lành Lê Thành Phương, đâu nhất thiết phải hợp nhất với nhau.)

Tóm lại các Hội Thánh kể trên chỉ có cấp quốc gia mà không có cấp hoàn vũ. Trong khi đó, Hội Thánh Công Giáo, dù ở chân trời góc biển nào, dù màu da khác nhau tương phản, đều qui về, đều hợp nhất dưới một con người hữu hình, mang danh hiệu đấng kế vị Phêrô, Tảng Đá hợp nhất. Đây là nét trổi vượt, tính hơn hẳn, là lợi thế của Hội Thánh Công Giáo Roma trên con đường hợp nhất Kitô hữu, đến nỗi có thành ngữ, đường nào cũng dẫn tới Roma.

Sách Giáo Lý Chung, số 882, nói về ĐGH như sau: “Đức Thánh Cha, giám mục của Roma, kẻ kế vị Phêrô, là nguồn mạch và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu về sự hợp nhất giữa các giám mục và sự hợp nhất của toàn thể cộng đoàn tín hữu.”

Anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Ta đã diễn dịch lại rằng “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Hội Thánh duy nhất, tên Phá Rối, tên Gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất Thầy xây dựng.”

Trong Kinh Tạ ơn của bất cứ thánh lễ nào, cử hành bằng bất cứ ngôn ngữ nào: Tây Tàu Mỹ, Lào, Campuchia, K’hor, H’Mong… đều có một lời cầu cho ĐGH, Tảng Đa hợp nhất. Ta hãy đặc biệt hiệp lòng. Và ta hãy long trọng tuyên xưng rằng ta tin vào một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, mà trong đó nét trổi vượt chính là sự hợp nhất, do bởi có ĐGH là đá tảng hợp nhất, tảng đá qui tụ. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Parolin nói về chuyến đi Nga, Thượng Phụ Kirill, Ukraine và Putin
Vũ Văn An
00:01 26/08/2017
Ngày 25 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã dành cho Văn Phòng Truyền Thông của Tòa Thánh một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài trả lời các câu hỏi về chuyến đi nói chung, về Thượng Phụ Kirill, về vấn đề Ukraine, và về Putin.

Nhận định chung của ngài là Nga “có một trách nhiệm đặc biệt trong các vấn đề hòa bình”. “Bất luận là đất nước, bất luận là nhà lãnh đạo của nó, họ đều có một trách nhiệm lớn lao trong việc xây dựng hòa bình và thực sự phải cố gắng đặt hòa bình, một ích lợi lớn lao hơn, lên trên mọi ích lợi khác”.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, điều dễ hiểu là người ta chờ đợi rất nhiều ở chuyến đi Nga của Đức Hồng Y. Vậy lúc trở về Vatican, Đức Hồng Y có những cảm quan gì?

Đức Hồng Y Parolin: Tôi tin việc lượng giá chuyến đi này là một sự lượng giá tích cực và, do đó, cảm quan của tôi hiển nhiên là cảm quan biết ơn Chúa đã đồng hành với tôi trong mấy ngày qua. Chúng tôi đã có thể chu toàn chương trình đã đưa ra, có những cuộc gặp gỡ đã hoạch định, và tôi phải nói rằng những cuộc gặp gỡ này, cả ở cấp Chính Quyền Dân Sự, lẫn với Tổng Thống Putin rồi sau đó với ngoại trưởng Lavrov và rồi với các vị lãnh đạo cao cấp của hàng giáo phẩm thuộc Giáo Hội Chính Thống Nga, tức Thượng Phụ Kirill và Tổng Giám Mục Hilarion, đều thực sự diễn ra trong một bầu không khí thân ái, một bầu không khí lắng nghe nhau và một bầu không khí tôn trọng nhau. Tôi có thể mô tả chúng là những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa; chúng cũng là các cuộc gặp gỡ xây dựng. Xem ra đối với tôi nên nhấn mạnh tới các chữ này: các cuộc gặp gỡ xây dựng. Rồi, điều cũng hiển nhiên là cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công Giáo. Trên hết, nhờ cuộc đàm thoại và đối thoại chúng tôi có được với các vị giám mục tại Tòa Khâm Sứ, nên chúng tôi biết được một cách thân thiết hơn thực tế, sinh hoạt của cộng đồng Công Giáo ở Nga, các niềm vui, niềm hy vọng của cộng đồng này, nhưng cũng biết cả các thách đố và khó khăn mà công đồng này hẳn đang phải đối phó. Tới một mức nào đó, cũng có thể nói là đã đại diện cho cộng đồng này, trình bầy các khía cạnh trên cho các nhà cầm quyền. Xin đơn cử một việc: đó là vấn đề hoàn trả lại một số nhà thờ, trước đây bị trưng thu thời chế độ Cộng Sản và cho đến nay chưa có dự liệu hoàn trả nào, dù cộng đồng Công Giáo quả đang cần có các nơi thờ phượng thích đáng. Do đó, tôi có thể nói, cuối cùng, xin chỉ dùng một chữ, đây là một chuyến đi hữu ích, một chuyến đi thích thú và là chuyến đi xây dựng.

Hỏi: Đức Hồng Y đã có dịp nói với Đức Thánh Cha về chuyến đi chưa? Đức Hồng Y có thể chia sẻ điều gì trong những điều Đức Hồng Y đã nói?

Đức Hồng Y Parolin: Vâng, dĩ nhiên là có, ngay sau khi trở về, tôi được Đức Giáo Hoàng triệu vời nên đã trình lên ngài một bản phúc trình rất ngắn, tổng hợp cả về nội dung cũng như các kết quả của chuyến đi và, lẽ dĩ nhiên, tôi cũng đệ trình ngài những lời chào kính đã được các vị tôi gặp ủy thác cho tôi, lòng âu yếm và sự gần gũi của cộng đồng Công Giáo, các lời chào kính đa dạng của các nhà cầm quyền. Tôi nhớ Tổng Thống Putin, và tôi tin việc này cũng đã được ghi lại trong phần gặp gỡ công khai, Tổng Thống Putin nhấn mạnh tới kỷ niệm sống động trong các lần ông được hội kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các năm 2013 và 2015, và cả lời chào kính huynh đệ của Thượng Phụ Kirill nữa. Hiển nhiên, Đức Giáo Hoàng rất hài lòng với các ấn tượng này, với những kết quả tích cực tôi trình lên ngài; Đức Giáo Hoàng rất, như ta thấy, rất cẩn trọng đối với bất cứ cơ hội đối thoại có thể có nào, ngài rất cẩn trọng, trân qúy mọi cơ hội đối thoại hiện có nào và ngài rất vui khi có các biện pháp được đẩy mạnh theo hướng này.

Hỏi: Trong cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Kirill, đâu là các đề tài chính?

Đức Hồng Y Parolin: Tôi có thể nói thế này: chủ yếu chúng tôi đã suy nghĩ đôi chút về bầu khí mới này, bầu không khí mới đang chi phối các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Giáo Hội Công Giáo, bầu khí mới này, bầu không khí mới này từng đã được thiết lập trong mấy năm qua và, dĩ nhiên, có những lúc được đẩy nhanh một cách cực kỳ đặc biệt nhờ cuộc gặp gỡ tại Havana giữa Thượng Phụ và Đức Giáo Hoàng, và sau đó là biến cố này. Quả thực, tôi nhận thấy về phía qúy đối thoại viên Chính Thống Giáo: họ hết sức cảm động đối với kinh nghiệm được tôn kính di tích của Thánh Nicholas thành Bari tại Mạc Tư Khoa và St Petersburg, nhưng theo nghĩa họ cảm động bởi đức tin và lòng đạo của dân chúng. Cũng cần nhấn mạnh rằng rất nhiều người Nga tuy thuộc truyền thống Chính Thống Giáo nhưng không lui tới với Giáo Hội, không thực hành đạo, dịp này đã tiếp xúc với Giáo Hội. Quả là một biến cố vĩ đại cả về phương diện chiều kích: người ta nói tới con số 2 triệu rưỡi tín hữu kính viếng di tích, lẫn về phương diện tác động của đức tin và linh đạo do biến cố này sản sinh ra. Sau đó, chúng tôi đã duyệt lại đôi chút các biện pháp đã đưa ra và các biện pháp cần được đưa ra trong tương lai. Đối với tôi, xem ra, cả ở phía họ, lẫn ở phía chúng ta, hiện có ước muốn phải triệt để khai thác các tiềm năng đã được mở ra trong giai đoạn mới này, và, dĩ nhiên, sự hợp tác có thể diễn ra trong môt số lãnh vực, ở những bình diện khác nhau: từ việc hợp tác văn hóa, học thuật, tới việc hợp tác nhân đạo… Đã có nhiều sự nhấn mạnh tới điểm này là đứng trước nhiều tình huống tranh chấp hiện có trên thế giới, hai Giáo Hội có thể thực sự tiến hành một nỗ lực nhân đạo sâu sắc và hữu hiệu. Cũng đã bàn một cách tôn trọng và đồng thời thành thực xem có những vấn đề gai góc gì trong các liên hệ giữa hai Giáo Hội; tuy nhiên, ít nhất, dường như đối với tôi, căn cứ vào những điều tôi thu lượm được, đã có cố gắng đưa ra một chiều hướng khá tích cực, tức, thăm dò những cách chung để bàn và cố gắng đạt được các giải pháp có thể có cho các vấn đề này. Và, dĩ nhiên, những cách chung này, những đề nghị cụ thể đã xuất đầu lộ diện này cũng cần được thẩm tra và có thể đem ra thi hành sau một cuộc biện phân thích đáng và suy nghĩ thêm.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, về các chủ đề nhậy cảm nhất: vấn đề Ukraine là một trong các chủ đề tế nhị nhất trong các liên hệ giữa Tòa Thánh và Nga. Chính Đức Hồng Y đã thăm Ukraine cách nay 1 năm. Sau chuyến thăm của Đức Hồng Y, có tin tức gì mới không?

Đức Hồng Y Parolin: Tin tức, ít nhất cho tới nay, không có tin tức gì cả… có lẽ quá sớm để nghĩ đến một thứ tin tức nào đó. Chúng ta hy vọng Chúa tạo ra các hạt giống tốt lành mà chúng ta đã cố gắng gieo, đâm trồi và mang hoa trái. Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề Ukraine là vấn đề được Tòa Thánh hết sức quan tâm: Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này… Điều hiển nhiên là vấn đề này không thể không bàn đến; nó không thể bị làm ngơ trong hoàn cảnh này. Tôi muốn nói một cách đặc biệt theo nghĩa cố gắng nhìn, lượng giá xem liệu có những biện pháp cụ thể nào có thể đưa ra để đạt một giải pháp lâu dài và công chính cho cuộc tranh chấp, giữa các phương thế hiện có, tức các Thoả Hiệp đã được hai bên thỏa thuận. Điều cũng được ghi nhận là Tòa Thánh vốn nhấn mạnh một cách đặc biệt tới các khía cạnh nhân đạo, bắt đầu với sáng kiến lớn của Đức Giáo Hoàng về Ukraine. Liên quan tới việc này, một trong các chủ đề là vấn đề thả tù binh; đây là một trong các chủ đề “nhân đạo” hết sức quan trọng trong việc đem một kích thích nào đó trở lại với trọn bộ diễn trình chính trị này, thoát khỏi tình huống ngưng trệ này để bắt đầu đẩy mạnh vấn đề ngưng bắn, vấn đề buông súng, vấn đề các điều kiện bảo đảm an ninh trên lãnh thổ, cả vấn đề các điều kiện chính trị để có thể tạo tiến bộ trong giải pháp hoàn cầu. Thực vậy, chúng tôi hy vọng một điều gì đó có thể giúp bước đi đúng hướng, lưu ý tới việc khi ta nói tới tình thế, tới các vấn đề nhân đạo, là chúng ta nói tới những con người và chúng ta nói về nỗi đau đớn. Và tôi tin rằng đó là tất cả những điều ta phải ghi nhớ khi cố gắng thêm để đi đúng hướng.

Hỏi: Báo chí, dĩ nhiên, rất lưu ý tới cuộc gặp gỡ của Đức Hồng Y tại Sochi với Vladimir Putin. Cuộc đàm thoại với Tổng Thống Nga ra sao?

Đức Hồng Y Parolin: Tôi xin nói rằng cuộc đàm luận với Tổng Thống Putin cũng phần nào như lời lượng định lúc ban đầu của tôi: nó là một cuộc gặp gỡ thân tình, một cuộc gặp gỡ tôn trọng lẫn nhau trong đó chúng tôi có thể bàn đến đủ mọi vấn đề, những vấn đề mà ít nhất chúng tôi muốn bàn đến, như vấn đề Trung Đông, tình hình ở Syria nói riêng, và trong bối cảnh này cả vấn đề sự hiện diện của các Kitô hữu nữa: chúng ta biết rằng một trong các trùng hợp hiện hữu giữa Nga và Tòa Thánh đúng là việc lưu ý tới tình thế của các Kitô hữu, vấn đề bách hại các Kitô hữu, một việc bách hại chúng tôi muốn kéo dài tới mọi nhóm tôn giáo, dĩ nhiên, và mọi nhóm thiểu số, tìm cách bao gồm cả người Hồi Giáo, như đã làm tại cuộc hội thảo tổ chức tại Geneva năm ngoái. Rồi đề tài Ukraine, chúng tôi đã nói đến phần nào; vấn đề Venezuela: tôi thấy báo chí cũng đã tường thuật một số lời tuyên bố đưa ra liên quan đến vấn đề này. Rồi đến các vấn đề song phương, mà tôi đã nhắc lúc đầu, chúng tôi trình bầy một số tình huống khó khăn của cộng đồng Công Giáo. Trên hết, tôi cố gắng nói điều này, đây là sứ điệp tôi muốn thông truyền: đó là nước Nga, vì vị thế địa dư, vì lịch sử của nó, vì nền văn hóa của nó, vì quá khứ của nó, vì hiện tại của nó, có một vai trò lớn lao phải đóng trong Cộng Đồng Quốc Tế, trong thế giới, một vai trò lớn phải đóng. Bởi đó, nó có trách nhiệm đặc biệt trong các vấn đề hòa bình, cả nước cũng như nhà lãnh đạo của nó, đều có trách nhiệm lớn lao trong các vấn đề xây dựng hòa bình và phải thực sự thực hiện một cố gắng để đặt lợi ích lớn lao hơn là hòa bình trên mọi lợi ích khác.

Hỏi: Cuối cùng, thưa Đức Hồng Y, ngoài các cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng ra, có còn khoảnh khắc hay khía cạnh đặc biệt nào khác mà Đức Hồng Y muốn nhấn mạnh không?

Đức Hồng Y Parolin: Có, đó là giây phút tươi đẹp được cử hành Thánh Lễ với cộng đồng Công Giáo. Nhà Thờ Chính Tòa đầy người và đây quả là một ngạc nhiên, vì là ngày thường trong tuần và do đó, chúng tôi không mong sẽ có nhiều người đến thế; rồi, tất nhiên, tôi luôn ngạc nhiên trước đức tin và lòng sùng kính của những người dân này: cách họ tham dự Thánh Lễ, họ hiện diện ở đây một cách hết sức chú ý, hết sức tôn kính, hết sức thinh lặng. Tôi tin họ đến đây trước hết để biểu lộ sự gắn bó của họ với Đức Giáo Hoàng và sự kiện họ là chi thể của Giáo Hội hoàn vũ. Thành thử, đó là khoảnh khắc tươi đẹp. Một khoảnh khắc tươi đẹp khác là ít phút đến thăm công việc của các nữ tu của Mẹ Têrêxa ở Mạc Tư Khoa. Chúng tôi đã có thể gặp và chào kính mọi người được các chị giúp đỡ, ở đấy, người ta cũng biểu lộ một lòng mộ mến lớn lao đối với Đức Giáo Hoàng. Và rồi, điều cuối cùng tôi muốn nhắc đến là: Tôi rất có ấn tượng đối với cuộc viếng thăm vào buổi tối Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô Cứu Chuộc, là Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Giáo của Mạc Tư Khoa; nhà thờ chính tòa này bị phá sập dưới chế độ Cộng Sản. Và, do đó, đấy cũng là một khoảnh khắc để tưởng nhớ lịch sử đau thương nhất của giai đoạn ấy, trong đó, người ta muốn tận diệt đức tin khỏi tâm hồn các tín hữu và loại bỏ mọi dấu hiệu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và Giáo Hội tại Lãnh Thổ này. Một điều đã không thành công, vì Thiên Chúa lúc nào cũng lớn hơn các dự án của con người.

Theo bản tiếng Anh của © ZENIT
 
Đức Giám Mục GP. Corpus Christi, Texas kêu gọi hãy nhớ đến những người không thể chạy trốn cơn bão Harvey.
Giuse Thẩm Nguyễn
08:18 26/08/2017
Đức Giám Mục GP. Corpus Christi, Texas kêu gọi hãy nhớ đến những người không thể chạy trốn cơn bão Harvey.

(EWTN News/CNA) Tin từ Corpus Christi, Texas. Khi cơn bão Harvey tới gần, ĐGM Corpus Christi đã chuẩn bị để thoát ra khỏi cơn bão. Ngài khẩn cấp kêu gọi mọi người hãy nhớ đến nhiều người bắt buộc phải ở lại, đặc biệt là những người nghèo nhất.

“Chúng ta có những người không có khả năng để rời khỏi thành phố. Đó là lý do tôi muốn ở lại: muốn hiện diện ở đây.” ĐGM Michael Mulvey nói với đài EWTN vào hôm 20 tháng Tám, thúc giục mọi người ra tay giúp đỡ càng nhiều càng tốt.

Trước khi cơn bão ập tới, gió vào sáng thứ Sáu đã mỗi lúc một thổi mạnh và cơn bão đã tràn vào bến tàu gần đó.

Ngài nói, “Thủy triều dâng cao. Thật là kỳ lạ. Nhưng dĩ nhiển là chưa có thiệt hại gì ở đây.”

Cơn bão có thể đổ bộ gần Corpus Christi vào sáng sớm thứ Bẩy với bão cấp 3 hay mạnh hơn. Đài khí tượng quốc gia dự báo gió mạnh ít nhất là 110 miles một giờ.

Theo tờ New York Time thì cơn bão có thể sẽ tràn vào Texas với lượng mưa trên 35 inches trong nhiều phần của tiểu bang. Có thể sẽ bị lụt lớn.

ĐGM Melvey đã gởi thông điệp đến các tín hữu nói rằng ngài đang cầu nguyện cho họ. Ngài sẽ trú bão ở phòng trong tại nhà cùng với cha tổng quản giáo phận và giám đốc chủng viện.

“Chúng tôi đang ở ngay trên vịnh. Chúng tôi đang ở tuyến đầu. Chúng tôi sẽ đóng các màn cửa xuống, do đó chúng tôi sẽ không thể nhìn thấy gì khi bão cuồng phong tới. Có thể chúng tôi sẽ không có điện. Chúng tôi sẽ thay nhau canh chừng. Tôi không biết có ai chợp mắt được không?”

Ít nhất cũng có ba giáo sĩ ở lại đây dùng thời gian để thăm viếng và cầu nguyện.

“Chúng tôi lần chuỗi mân côi. Chúng tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người ở trong thành phố này và những người trên đường dọc bờ vịnh.”

Đối với ĐGM Mulvey, rời bỏ thành phố đã là một chọn lựa có tích kỹ thuật và ngài đã trở lại thành phố sau chuyến đi vào hôm thứ Tư. Ngài nói rằng “Tôi nhất định ở lại đây. Dù sao tôi cũng đã trở lại và tôi sẽ không đi đâu nữa.”

Ngài gởi lời cám ơn đến cảnh sát, nhân viên y tế và những người đầu tiên đến đây làm việc trong cơn bão. Ngài cũng kêu gọi các tín hữu hãy tuân theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và “ở lại với nhau và cầu nguyện.”

Hãy nghĩ đến những đoạn Kinh Thánh về sóng nước như đoạn Chúa Giêsu đã làm cho sóng yên biển lặng. ĐGM khuyến khích các tín hữu Công Giáo hãy có “đức tin giống như thánh Phêrô” trong cơn bão.

Tiến sĩ Benedict Nguyen là chánh văn phòng quản trị và lưu trữ hồ sơ của giáo phận Corpus Chrsiti đã rời thành phố cùng với vợ và năm đứa con tuổi từ 10-21 để đến Kansas đã nói rằng “Chúng tôi đánh giá tình hình và quyết định về với gia đình “chờ xem thế nào.”

Ông nói rằng giáo phận đã có sự chuẩn bị nhiều ngày cho tình huống xấu nhất. Khó khăn như thế nào thì không ai đoán trước được và cũng chẳng ai biết được thiệt hại sẽ ra sao. Nhưng có lẽ sẽ bị cúp điện, một số tài sản bị hư hại và dĩ nhiên không chỉ có văn phòng của chúng tôi mà tất cả các giáo xứ.

Chúng tôi có tất cả 70 giáo xứ và 30 cơ sở và văn phòng của chúng tôi chỉ cách vịnh có hai dãy nhà. Chúng tôi ở trên lưng đồi, điểm cao nhất sau nhà thờ chánh tòa. Nhà thờ nhìn xuống trung tâm thành phố Corpus Christi và phía sau là vịnh.

Chúng tôi có những kế hoạch để liên lạc với các giáo xứ, lưu giữ các hồ sơ dữ liệu, liên lạc với những nhân viên và bảo quản kho hồ sơ của giáo phận. Mỗi giáo xứ cũng có kế hoạch riêng của họ.

Việc quan trọng là luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và cầu nguyện. Lo cho gia đình, lo cho con người là việc ưu tiên, những thứ khác thì có thể thay thế được.

Cùng lúc đó, giáo phận cũng ý thức về nhu cầu bảo vệ những di sản truyền thống của giáo phận.

Hội bác ái Công Giáo của Galveston, Houston là một trong số những hội giúp các nạn nhân. Họ có kế hoạch để đáp ứng những nhu cầu cấp bách như nơi ở, thức ăn và thuốc men cho những người bị mất tất cả vì cơn bão.

Vì dự báo sẽ có lụt lôi, văn phòng sẽ đóng cửa tới ngày thứ Hai. Tuy nhiên, trong trường hợp cần tiếp cứu xin gọi số 713-874-6664.

Giuse Thẩm Nguyễn.
 
Kỷ niệm 300 năm đội triều thiên ảnh Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan
Lm. Trần Đức Anh OP
10:34 26/08/2017
CZESTOCHOWA. Hôm 27-8-2017, thánh lễ trọng thể kỷ niệm 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ Jasna Gora, Nữ Vương Ba Lan, đã được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ ở Czestochowa.

Hiện diện tại buổi lễ có tất cả các GM Ba Lan, Tổng Thống và chính quyền dân sự, cùng với hàng trăm ngàn tín hữu hành hương.

Theo lưu truyền ảnh Đức Mẹ được thánh Luca thực hiện tại Jerusalem trên gỗ lấy từ bàn của nhà Thánh Gia ở Nazareth. Ảnh này được giữ tại Vương cung thánh đường cạnh Đan viện do các cha dòng Thánh Phaolô coi sóc. Lễ kính Đức Mẹ hằng năm vào ngày 27-8.

Năm 1717, ảnh Đức Mẹ được đội triều thiên do ĐGH Clemente 11 dâng tặng, nhưng triều thiên này bị lấy trộm hồi năm 1909. Qua dòng thời gian, các triều thiên khác được thay đổi theo nghi thức đặc biệt. Năm nay, bản sao triều thiên Đức Mẹ được giáo phận Crotone ở Italia dâng tặng và được đặt trên ảnh Đức Mẹ trong đêm 27 rạng ngày 28-7 vừa qua, kỷ niệm 1 năm cuộc hành hương của ĐTC Phanxicô tại đây, trong dịp Đại hội Giới trẻ Công Giáo thế giới ở Cracovia.

Để kỷ niệm 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ, Năm Thánh được cử hành trên toàn nước Ba Lan và sẽ kết thúc vào ngày 8-9 tới đây với thánh lễ do ĐHY Stanislaw Rylko người Ba Lan, chủ sự. ĐHY hiện là Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma.

Sứ điệp của ĐTC

ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp video cho các tham dự viên, trong đó ngài nhắc nhở rằng ”Bức Ảnh Thánh tỏ cho thấy Mẹ Maria không phải mà một Nữ Vương xa xăm ngự trên ngai, nhưng là người Mẹ ẵm Con, và cùng với Chúa Con, Mẹ ôm lấy tất cả chúng ta là con cái của Mẹ. Người là Mẹ thật, với khuôn mặt bị vết thương, một người Mẹ đau khổ nhận vào lòng những vấn đề của cuộc sống chúng ta. Người là Mẹ gần gũi, không bao giờ quên nhìn chúng ta; Người là một bà Mẹ dịu dàng, cầm tay dẫn dắt chúng ta mỗi ngày”.

ĐTC cũng cầu mong Năm Thánh kỷ niệm Đức Mẹ Jasna Gora là thời điểm thuận tiện để không một ai trong chúng ta cảm thấy mình mồ côi, trong thế giới mồ côi này, không ai trong chúng ta bị mồ côi, vì mỗi người có một Người Mẹ ở cạnh, là Nữ Vương khôn sáng về sự dịu dàng. Mẹ biết và đồng hành với chúng ta như từ mẫu đích thực, dịu dàng, và đồng can đảm, không bao giờ xâm nhập vào cuộc sống và luôn kiên trì trong điều thiện, kiên nhẫn trước sự ác và tích cực trong việc thăng tiến hòa hợp”.
 
Muà đại hồng thuỷ: Bão Harvey đổ vào Texas, các giám mục kêu gọi ''xin đừng quên người nghèo''
Trần Mạnh Trác
13:59 26/08/2017
Bão Biển Harvey với cường độ 4, sức gió 130mph (209km), đã đổ vào Texas lúc 9:45pm thứ Sáu 24-8-2017, trung tâm bão đi qua đông bắc cuả Corpus Christi, ngay thị trấn Rockport, 10 ngàn dân, nơi có nhiều người VN định cư. Cơn bão này chính thức chấm dứt một thời gian vắng bão dài (kể từ 2008), nhưng sẽ mang tới một trận đại hồng thuỷ.

Theo cục khí tượng, bão sẽ 'lân la' ít ra là 4 ngày quanh bờ biển cuả Texas và đổ 35in (0.9m) nước lũ xuống, thêm vào đó nước biển sẽ dâng cao tới 8ft (2.5m) gây ra nạn triều dâng và lụt lội cho tới Gaveston, Houston.

Cũng theo cục khí tượng thì các vùng 'sũng nước' như ở đồng bằng phiá Nam Texas sẽ 'không thể ở được' trong nhiều tuần, có thể kéo dài nhiều tháng.

Chính quyền Liên bang và Tiểu Bang có vẻ đã thấm nhuần bài học từ trận bão Katrina (New Orleans 2005) cho nên chuẩn bị rất kỹ lưỡng với phương châm 'thà dư còn hơn thiếu'. Đây là thử thách đầu tiên cho chính quyền Trump, lịch sử cho thấy một cơn bão có thể đánh chìm (Bush) hay nâng đỡ một chính phủ lên (Obama), chúng ta hãy chờ xem.

Tin sáng hôm nay cho biết có nhiều thiệt hại gây ra bởi cây đổ, mảnh vỡ bay, ít nhất có 250 ngàn nhà bị mất điện.

Trước đây nhiều ngày người ta đã di tản ra khỏi vùng ảnh hưởng, ngay cả ở Dallas, Bắc TX cũng có thiết lập trung tâm tiếp đón. Tuy nhiên vẫn có nhiều người không có phương tiện di chuyển và phài 'nằm chịu trận' tại chỗ, mà vùng Nam Texas này thì từ xưa đến nay vẫn là vùng có nhiều di dân nghèo nhất.

Đức Giám Mục Michael Mulvey cuả Corpus Christi đã lên tiếng kêu gọi quốc gia cần nhớ rằng nhiều người đang bị buộc phải ở lại, đặc biệt là những người nghèo nhất.

"Chúng ta vẫn còn nhiều người không thể rời khỏi thành phố. Đó là một trong những lý do mà tôi muốn ở lại, " đức giám mục cho biết, và khuyến khích tất cả mọi người hãy trợ giúp họ càng nhiều càng tốt.

Đức Giám mục Mulvey đáng lẽ theo chương trình có trước thì có thể không trở về thành phố, nhưng lựa chọn về lại với đoàn chiên.

Đức Giám mục Mulvey gửi ra một thông điệp đến các tín hữu, nói rằng ngài đã cầu nguyện cho họ. Ngài sẽ 'chịu trận' cơn bão trong một căn phòng bên trong, với cha chánh địa phận và cha giám đốc ơn gọi.

Ngài cho biết cả 3 giáo sĩ sẽ dành nhiều thời gian đi thăm viếng và cầu nguyện.

"Chúng tôi sẽ lần chuỗi một vài lần," ngài nói. "Chúng tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho những người trong thành phố này và những người sống dọc theo bờ biển vùng Vịnh."

"Tôi chắc chắn muốn ở lại đây," ngài nói. "Tôi chắc chắn không thể ngoảnh mặt quay đi nơi khác."

Ngài bày tỏ lòng biết ơn với cảnh sát, nhân viên y tế và các nhân viên cấp cứu làm việc trong cơn bão, khuyên các tín hữu làm theo hướng dẫn của chính quyền dân sự và "ở lại với nhau, và cầu nguyện."

Họ nên suy gẫm về đoạn tin mừng nói về nước, như đoạn về Chúa Kitô ngừng cơn bão biển. Ngài khuyến khích người Công Giáo hãy có "Đức tin như thánh Phêrô" trong cơn bão.

Tại Houston TX, Đức Hồng Y Daniel DiNardo cuả tổng giáo phận Galveston-Houston cũng đưa ra lời kêu gọi:

"Xin hãy cùng tôi dâng lời cầu nguyện cho tất cả những ai bị thiệt hại bởi trận bão và cần sự trợ giúp trong tai hoạ thiên nhiên này," Ngài viết. "Thêm vào đó, tôi cũng xin tất cả những người có đức tin hãy cầu nguyện cho các nhân viên và tình nguyện viên cứu trợ. Với tất cả những người cư ngụ trong tổng địa phận và dọc theo bờ vịnh, xin quí vị hãy cẩn trọng và xin Chuá đoái thương đến những người bị thiệt hại bởi trận bão Harvey"

Trong số các nhóm trợ giúp cơn bão là tổ chức từ thiện Công Giáo Catholic Charities cuả Tổng giáo phận Galveston-Houston. Họ đã lên kế hoạch để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp như nơi trú ẩn, thức ăn và thuốc men cho những người bị thiệt hại trong cơn bão.

Vì có thể bị lụt, cho nên văn phòng đã phải đóng cửa cho tới thứ hai. Tuy nhiên, đường dây nóng cứu trợ lũ lụt vẫn hoạt động, số: 713-874-6664.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng Vấn Cha Hiêrônimô Nguyễn Đình Công, Tân Giám Đốc Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Tại Việt Nam
Gioan Lê Quang Vinh
10:11 26/08/2017

Ngày 06/06/2017 vừa qua, Toà Thánh đã bổ nhiệm linh mục Hiêrônimô Nguyễn Đình Công, giáo phận Xuân Lộc, làm giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam, thay thế linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, Tổng giáo phận Sài Gòn, đã mãn nhiệm. Vietcatholic xin được phỏng vấn Cha Hiêrônimô.

PV. Kính chào Cha, chúng con xin chúc mừng Cha trong sứ vụ mới. Xin Cha cho chúng con biết khái quát về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.


Cha Hiêrônimô: Xin chào anh Quang Vinh cùng quý độc giả Vietcatholic. Từ khi các phương tiện truyền thông đưa tin tôi đươc Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám đốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo (Pontifical Mission Societies) tại Việt Nam, có nhiều người chúc mừng. Tôi hết lòng cám ơn. Để chu toàn trách nhiệm này, tôi rất cần lời cầu nguyện và sự cộng tác của mọi người.

Về mặt chức năng, các Hội Giáo hoàng truyền giáo là những Hội truyền giáo của Hội Thánh được đặt dưới quyền Đức Giáo Hoàng, vị Thủ Lãnh của Giám mục đoàn và là nguyên lý cũng như dấu chỉ của sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúng ta biết rằng Hội Thánh có nhiều tổ chức (hội, nhóm…) truyền giáo khác nhau nhưng chỉ có 4 Hội được đặt dưới quyền Đức Giáo Hoàng và được ủy thác cho Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc trông coi. Bốn Hội ấy là: 1) Hội Giáo hoàng truyền bá Đức Tin (Pontifical Society for The Propagation of the Faith – PSPF), 2) Hội Giáo hoàng truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ (Pontifical Society of Saint Peter the Apostle – PSSPA), 3) Hội Giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo (Pontifical Society of Missionary Childhood – MCA) và 4) Hiệp hội Giáo sỹ truyền giáo (Pontifical Missionary Union – PMU). Các Hội này giữ vai trò quan trọng trong việc hợp tác truyền giáo của Hội Thánh trên toàn thế giới. Đây là công cụ rất quý giá để khắc ghi vào lòng người tín hữu, ngay từ lúc còn tuổi thơ đến khi trưởng thành, và cả hàng giáo sỹ, tinh thần loan báo tin mừng không mệt mỏi.

Về mặt tổ chức, Tòa Thánh yêu cầu các Hội này phải được thiết lập trong tất cả các Giáo Hội địa phương, dù là Giáo Hội kỳ cựu hay non trẻ, và được coi là cơ quan chính thức phối hợp truyền giáo của Hội Thánh và mọi tín hữu. Cơ cấu tổ chức của các Hội này đi theo hàng dọc từ Tòa Thánh xuống các châu lục, vùng, quốc gia và giáo phận. Có một ủy ban tối cao do Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc là người đứng đầu điều hành. Ở cấp quốc gia, một vị giám đốc, do Tòa Thánh bổ nhiệm, có nhiệm vụ cổ võ, phối hợp và điều hành hoạt động truyền giáo của các Hội theo sự hướng dẫn của Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục.

Ở Việt Nam, do nhiều lý do khác nhau, các Hội Giáo hoàng truyền giáo vẫn còn khá mới đối với nhiều người. Cho đến nay tiến trình thiết lập các Hội này vẫn đang được thực hiện. Vị giám đốc tiên khởi tại Việt Nam là cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, được bổ nhiệm năm 2010 và tôi là người thứ hai. Điều này cho thấy rằng công việc phía trước còn nhiều và rất cần lời cầu nguyện cũng như sự cộng tác đắc lực của mọi người.

PV. Thưa Cha, xin Cha cho độc giả biết đôi nét về cá nhân và hành trình ơn gọi của Cha.

Cha Hiêrônimô: Tôi sinh ngày 03/03/1971, là út trong một gia đình 8 anh chị em. Năm 1990, tôi bắt đầu hành trình đời dâng hiến, học triết học và thần học tại Đại chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn (1997–2003) và thụ phong linh mục ngày 30/09/2005 tại giáo phận Xuân Lộc. Sau khi thụ phong, tôi được bổ nhiệm làm phó xứ Hà Nội, giáo phận Xuân Lộc (2005–2007). Từ năm 2007 đến 2015 tôi được gửi đi du học tại Học viện Đời sống Thánh hiến Á châu (ICLA) và Đại học Giáo hoàng Santo Tomas (UST), Manila, Philippines, tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ thần học, chuyên ngành Truyền giáo học. Từ năm 2011 đến nay, tôi làm Phó ban Loan báo Tin mừng, sau đó, làm Trưởng ban. Từ năm 2012 đến nay, cha làm giáo sư môn Truyền giáo học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Xuân Lộc. Hiện nay tôi đang làm chánh xứ giáo xứ Thịnh An, giáo phận Xuân Lộc và là linh mục Thừa sai Lòng Chúa Thương Xót của Toà Thánh.

PV. Thưa Cha, khi Cha đảm nhận sứ vụ mới, sứ vụ liên quan đến chính bản chất của Hội Thánh, thì đâu là những “vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng” của Cha, nói theo ngôn từ của Thánh Công đồng Vatican II?

Cha Hiêrônimô: Tôi là con của Hội Thánh nên tôi chia sẻ tất cả “vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng” của Mẹ mình. Nói cách cụ thể hơn, tôi là người Việt Nam, tôi chia sẻ tất cả vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng của Hội Thánh tại Việt Nam. Tôi mong ước cùng mọi người Công Giáo phục vụ Tin Mừng tại Quê hương thân yêu của chúng ta.

PV. Thưa Cha, việc truyền giáo ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn nào, và theo Cha, cộng đoàn dân Chúa cần phải làm gì trong giai đoạn này để thực thi một cách cụ thể lệnh truyền “Hãy đi rao giảng” của Đức Kitô?

Cha Hiêrônimô: Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng đồng thời cũng đang đối diện với nhiều thách đố. Thuận lợi lớn nhất, theo tôi nghĩ, là lòng đạo nơi tâm hồn các tín hữu. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam vẫn trung thành sống Tin Mừng từng ngày cho dù gặp nhiều gian nan thử thách. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam có một hàng ngũ mục tử khôn ngoan, tài đức, thánh thiện hướng dẫn Dân Chúa qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam có đội ngũ linh mục, tu sỹ và giáo dân biết vâng lời bề trên và tận tụy phục vụ Tin Mừng. Chúng ta có được như hôm nay là nhờ những nỗ lực vất vả của cha ông, các vị tử đạo, đã gieo trồng hạt giống Đức Tin để hôm nay được trổ sinh hoa trái. Thách đố lớn nhất, theo tôi nghĩ, là lòng đạo ấy, ngày nay, đang bị thử thách trầm trọng, bị bào mòn bởi nếp nghĩ và chọn lựa theo thế tục hơn theo Tin Mừng. Tôi nghĩ rằng cộng đoàn dân Chúa cần phải quan tâm đến vấn đề sống như thế nào (hiện diện) hơn là làm cái gì (hoạt động) để thông truyền sứ điệp Tin Mừng. Nếu đời sống người môn đệ không chuyển tải được sứ điệp Tin Mừng thì cho dù họ có làm nhiều “việc lớn” đi chăng nữa, cũng chỉ là hoạt động chứ chưa phải là hoạt động loan báo Tin Mừng.

PV. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Truyền Giáo năm nay 2017 có viết “Giới trẻ là hy vọng của truyền giáo”. Xin Cha cho chúng con biết sơ lược cái nhìn của Cha về giới trẻ và truyền giáo hôm nay.

Cha Hiêrônimô: Trong lãnh vực truyền giáo, tôi luôn tin tưởng và hy vọng vào người trẻ vì tôi nhận thấy càng ngày càng có nhiều bạn trẻ việc dấn thân cách tích cực hơn cho Tin Mừng. Tôi ước mơ rằng trong Giáo Hội tại Việt Nam ngày càng có nhiều người dấn thân đồng hành với người trẻ để cùng với họ phục vụ Tin Mừng theo cách thức của người trẻ.

PV. Chúng con xin cám ơn Cha và cầu chúc Cha tràn đầy ơn Chúa để Cha thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa và Hội Thánh trao phó.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
 
Giáo khu Nữ Vương thuộc Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
15:24 26/08/2017
Melbourne, Thánh lễ mừng kính Đức Maria Trinh Nữ Vương, bổn mạng của Giáo khu Nữ Vương thuộc Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, đã được cử hành trọng thể tại Nguyện đường Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm, lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy 26/8/2017 với đông đảo mọi người trong giáo khu về cùng cộng đoàn dâng lễ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.

Xem hình

Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn chủ sự cùng với Ca Đoàn Vô Nhiễm hợp lời ca tiếng hát dâng lên Thiên Chúa ca mừng Nữ Vương rất Thánh Maria trong ngày lễ mừng bổn mạng của Giáo khu Nữ vương. Thánh lễ tạ ơn và cũng để cầu nguyện cho mọi người trong giáo khu, nhất là các vị đã hy sinh phục vụ trong các ban chấp hành, cùng cầu nguyện cho những người trong giáo khu đã qua đời.
Trong phần chia sẻ lời Chúa: Chúa Nhật XXI thường niên năm A Mt 16,13-20 với lời của Chúa: “khi Thánh Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là con Thiên Chúa, và được Chúa trao quyền cho Thánh Phêrô xây dựng Hội Thánh Chúa.”. Linh mục chủ tế cũng chia sẻ về Đức Trinh Nữ Vương không những là Mẹ nhân loại, mà Mẹ còn là Nữ vương các Thánh trên trời. Mẹ là người đã bước qua tất cả các bước chân khổ nạn của Chúa. Cầu xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban mọi sự bình an cho mọi người trong giáo khu.
Cuối lễ, ông Lê Hải trưởng Giáo khu Nữ Vương đã thay mặt toàn thể giáo khu cám ơn Linh mục Quản nhiệm, Hội đồng mục vụ, các ban chấp hành các giáo khu bạn, các ban ngành đoàn thể, Ca đoàn Vô nhiễm cùng toàn thể mọi người trong giáo khu và cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ cảm tạ Thiên Chúa và Đức Maria Nữ Vương là bổn mạng giáo khu, Mẹ đã ban cho giáo khu muôn vàn hồng ân trong năm, và cầu nguyện cho các linh hồn của các thành viên trong giáo khu đã qua đời được về hưởng vinh phúc trên nước trời.
Mọi người được mời xuống hội trường trung tâm để dùng bữa tiệc nhẹ để cùng giáo khu mừng lễ bổn mạng. Trong niềm vui chung, mọi người đã chia sẻ thức ăn, nước uống, quây quần bên nhau để thăm hỏi và chuyện trò, thưởng thức các món ăn đặc sắc của các đầu bếp trong giáo khu nấu thật ngon để khoản đãi cộng đoàn. Cùng phần hát cho nhau nghe qua chương trình Karaoke
Được biết, Giáo khu Nữ Vương thuộc Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm là một giáo khu kỳ cựu, với 35 năm sinh hoạt và đóng góp trong cộng đoàn. Khởi đầu với 20 gia đình, nay tăng lên gần 200 gia đình, mọi người luôn gắn bó, đoàn kết yêu thương, thường đến với nhau qua những buổi đọc kinh tôn vương hàng tuần, cùng các sinh hoạt tông đồ khác, nhờ kinh Mân Côi tôn vương, đã gắn kết giáo khu trong tình thương yêu của Mẹ Maria Trinh Nữ Vương. Đặc biệt hơn nữa, đây là một giáo khu duy nhất chọn Đức Mẹ làm bổn mạng cho giáo khu. Và cũng là giáo khu có diện tích địa lý lớn nhất trong sáu giáo khu. Giáo khu nằm về phía Tây Nam Melbourne và dọc theo ven vịnh Phillip tới vùng Point Cook.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Giáo dân “chia sẻ” thay cho linh mục giảng lễ được không?
Nguyễn Trọng Đa
08:02 26/08/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong một cuộc nói chuyện tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Lourdes năm 1981, giáo sư Balthasar Fischer đã nêu ra khả năng của giáo dân can thiệp, thay vì nhà thuyết giảng được ủy nhiệm, để chia sẻ với nhau "bánh Lời Chúa được bẻ ra cho một thế giới mới", bằng cách thay thế việc giảng thuyết với sự chia sẻ của họ. Quyết định của Hội Đồng Giám Mục Đức về Thánh lễ của các nhóm nhỏ đã cho phép rõ ràng sự chia sẻ tự do, như là một khả năng hợp pháp bên cạnh bài giảng của thừa tác viên (tuy nhiên, với tư cách là thừa tác viên chính thức, vị này chịu trách nhiệm phối hợp việc chia sẻ). Điều quan trọng là tài liệu cơ bản của Đại hội đã tính đến khả năng này: "Khi các tín hữu cùng lắng nghe những gì Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Hội, dù là trong thinh lặng, qua bài giảng của linh mục hay qua sự chia sẻ kinh nghiệm của họ, như được soi sáng bởi đức tin, họ khám phá ra điều Thiên Chúa đang nói với họ trong đời sống hàng ngày của mình". Liệu sự chia sẻ như thế là hợp pháp không? Nó có được nhắc đến trong tài liệu chính thức nào chăng? - J. A., Prestwich, Vương quốc Anh.


Đáp: Cha Balthasar Fischer (1912-2001) là một chuyên viên phụng vụ nổi tiếng ở Đức, đã từng làm cho Ủy ban Chuẩn bị của Công đồng chung Vatican II, nhưng được nhớ đến nhiều nhất vì công việc hậu Công đồng của ngài, trong việc làm chủ tịch Ủy ban triển khai các Nghi thức mới của việc Khai tâm Kitô giáo cho người lớn. Ngài cũng đã viết nhiều sách, như cuốn "Signs, Words & Gestures, Dấu hiệu, Lời nói và cử chỉ" (1992).

Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ rằng thật là cần thiết để xem xét thời điểm phát biểu của cha Fischer. Cha và các Giám Mục Đức đang nói ở một thời điểm, khi mà chủ đề này vẫn còn đang được tranh luận, và Bộ Giáo luật mới vẫn chưa được ban hành. Theo quan điểm pháp lý nghiêm chỉnh, có vẻ như đề xuất này không thể được chấp nhận rộng rãi. Vì thế, Giáo luật mới đã nói:

"Ðiều 766: Giáo dân có thể được nhận giảng thuyết trong nhà thờ hay nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi, trong những hoàn cảnh nhất định, hoặc ích lợi xui khiến trong những trường hợp đặc biệt dựa theo các chỉ thị của Hội Ðồng Giám Mục và tuân hành điều 767, §1.

“Ðiều 767 §1. Trong những hình thức giảng thuyết, nổi bất nhất là bài giảng giải thánh lễ vì là phần chính của phụng vụ và dành riêng cho Linh Mục hay Phó Tế. Trong bài giảng ấy, phải làm sao để suốt một năm phụng vụ có thể trình bày các mầu nhiệm đức Tin và khuôn khổ đời sống Kitô giáo dựa vào bản văn Thánh Kinh.

"§2. Trong mọi thánh lễ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc, khi có dân chúng họp lại, thì buộc phải giảng lễ, trừ khi có lý do quan trọng mới được bỏ qua” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Các điều khoản này được đặt trong phần liên quan đến phận vụ giảng dạy của Giáo Hội. Một mặt, điều này giúp hiểu được tại sao bài giảng được dành riêng cho thừa tác viên có chức thánh, như là phần của thừa tác giảng dạy của ngài. Mặt khác, nó cũng giải thích rằng trong khi người giáo dân có thể rao giảng, điều này phải được phép của Giám Mục địa phương, và việc cho phép cũng đặt họ vào phận vụ giảng dạy của Giáo Hội.

Điều này cũng giải thích tại sao các chia sẻ tự phát của giáo dân thường không được thừa nhận, vì họ thiếu phần huấn luyện vể phận vụ giảng dạy của Giáo Hội.

Có nhiều tài liệu khác được xuất bản sau Giáo luật và lặp lại các điểm tương tự. Tài liệu rõ ràng nhất có lẽ là Huấn thị "Redemptionis Sacramentum, Bí Tích Cứu Độ" năm 2004:

"64. Bài giảng, được ban bố trong cử hành Thánh Lễ và là thành phần của chính phụng vụ, “thường do chính linh mục chủ tế hay một linh mục đồng tế mà ngài nhờ đảm trách, hay đôi khi, nếu là hợp thời, cũng do một phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng cũng có thể do một Giám mục hay một linh mục tham dự cử hành, dù các ngài không thể đồng tế”.

“65. Xin nhắc lại điều 767 §1 của Bộ Giáo luật đã bãi bỏ mọi quy tắc trước đây cho phép các tín hữu không có chức thánh giảng trong cử hành Thánh Thể. Quả nhiên, một việc cho phép như thế phải bị dứt khoát bác bỏ, và không tục lệ nào có thể chứng minh việc cho phép như vậy.

“66. Việc cấm giáo dân giảng trong lúc cử hành Thánh Lễ cũng liên quan đến các chủng sinh, các sinh viên thần học, đến tất cả những ai thi hành chức vụ “phụ tá mục vụ”, và đến bất cứ nhóm, phong trào, cộng đoàn hay hiệp hội giáo dân nào”. (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Bằng cách sử dụng từ ngữ "cấm, reprobated", bất kỳ quy định hoặc tập tục địa phương nào đều là còn phải bàn cãi. Sau đó tài liệu này nói rõ hơn:

"74. Nếu thấy cần để một giáo dân thông báo tin tức hay trình bày một chứng từ đời sống Kitô-hữu cho các tín hữu tụ họp trong nhà thờ, cách chung nên làm việc này ngoài Thánh Lễ. Nhưng mà, vì những lý do nghiêm trọng, được phép trình bày loại thông báo hay chứng từ này khi linh mục đã đọc xong lời nguyện Hiệp Lễ. Tuy nhiên, một việc làm như thế không được trở thành thói quen. Lại nữa, những thông báo và chứng từ này không được có những đặc tính có thể làm lẫn lộn chúng với bài giảng, và cũng như không là nguyên nhân để loại bỏ hoàn toàn bài giảng” (Bản dịch, như trên).

Một sự áp dụng của sự thay đổi này có thể được nhìn thấy trong sự phát triển các Quy chế của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, được phê duyệt như là "một hành trình của sự giáo dục Công Giáo". Các quy chế được chấp thuận cho năm năm vào năm 2002 có chú thích như sau:

"52) Xem Thông báo của Bộ Phượng Tự về các buổi cử hành nhóm của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, trong nhật báo L'Osservatore Romano, ngày 24-12-1988: "Thánh bộ cho phép rằng trong số các điều chỉnh được cung cấp bởi huấn thị Actio pastoralis, trong các số 6-11, các nhóm của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng nói trên có thể được Rước lễ dưới hai hình, luôn luôn với bánh không men, và có thể chuyển, "ad experimentum, theo thử nghiệm", nghi thức chúc bình an vào sau các lời nguyện tín hữu”. Theo các chỉ dẫn trong huấn thị Ecclesia de mysterio (Điều 3, § 3), để chuẩn bị cộng đoàn đón nhận bài gỉảng tốt hơn, linh mục, với sự thận trọng, có thể tạo cơ hội cho một số người hiện diện để diễn tả ngắn gọn những gì mà Lời Chúa được công bố nói về cuộc sống riêng của họ".

Tuy nhiên, vào năm 2005, Thánh Bộ Phượng Tự đã gửi một lá thư cho các lãnh đạo của "Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng" liên quan một số khía cạnh của việc cử hành Thánh lễ. Trong nhiều điều, Thánh bộ có nói như sau:

"3. Bài giảng, vì tính chất và tầm quan trọng của nó, được dành cho linh mục hay phó tế (xem Giáo luật, 767 § 1). Về phần thỉnh thoảng đóng góp các chứng từ của giáo dân, địa điểm riêng và phương pháp thích hợp cho việc này đã được nêu ra trong Huấn thị Liên Bộ 'Ecclesiae de Mysterio', vốn được ĐTC Gioan Phaolô II chấp thuận ‘trong hình thức đặc biệt’ và được công bố ngày 15-8-1997. Trong tài liệu này, đoạn 2 và 3 của điều 3 được đọc như sau:

"§2 - 'Có thể cho phép vài lời dạy ngắn gọn, nhằm giúp giải thích tốt hơn phụng vụ đang được cử hành, và thậm chí trong các hoàn cảnh đặc biệt, có thể cho phép một vài chứng từ, miễn là phù hợp với các quy tắc phụng vụ, được nói lên nhân dịp các phụng vụ Thánh lễ được cử hành vào các ngày đặc biệt (cho các chủng sinh, người bệnh, vv), và thực sự được nghĩ là hữu ích như một minh hoạ cho bài giảng thường lệ của linh mục cử hành Thánh lễ. Các hướng dẫn và chứng từ này không được giả định các đặc tính, vốn có thể làm cho họ bối rối với bài giảng.

"§3 - 'Khả năng “đối thoại"trong bài giảng (xem Directorium de Missis cum Pueris, số 48) có thể được thỉnh thoảng sử dụng cách thận trọng bởi thừa tác viên đang cử hành, như một phương tiện trình bày, mà không chuyển cho người khác nhiệm vụ rao giảng.

"Cũng cần chú ý cẩn thận đến huấn thị "Redemptionis Sacramentum", số 74.”

Dưới ánh sáng của các điều trên, khi ĐTC Biển Đức XVI đã nhất trí chấp thuận Các Quy Chế của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng năm 2008, chú thích liên quan không còn đề cập đến lời mời của linh mục cho các tín hữu, để họ tự diễn đạt về Lời Chúa nữa:

"13 §3. Để cử hành Thánh lễ trong các cộng đồng nhỏ, cần tuân giữ theo các sách phụng vụ đã được chấp thuận của Nghi Lễ Rôma, ngoại trừ các sự nhượng bộ rõ ràng từ Tòa Thánh (49).

"49) Xem ĐTC Biển Đức XVI, bài diễn văn cho các cộng đoàn của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, ngày 12-1-2006: Notitiae 41 (2005) 554-556; Thánh Bộ Phượng Tự, thư ngày 01-12-2005: Notitiae 41 (2005) 563-565; Thông báo của Bộ Phượng Tự và Kỷ luật Bí tích, về các buổi cử hành nhóm của Con Đường Phong Trào Tân Dự Tòng, trong nhật báo L'Osservatore Romano, ngày 24-12-1988: "Thánh bộ cho phép rằng trong số các điều chỉnh được cung cấp bởi huấn thị Actio pastoralis, trong các số 6-11, các nhóm của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng nói trên có thể được Rước lễ dưới hai hình, luôn luôn với bánh không men, và có thể chuyển, "ad experimentum, theo thử nghiệm", nghi thức chúc bình an vào sau các lời nguyện tín hữu”.

Mặt khác, các Quy chế năm 2008 bao gồm việc cử hành Lời Chúa mỗi tuần với bốn bài đọc. Trong hình thức này, một lời mời gọi như vậy là một cơ hội hợp pháp và thực sự tuyệt vời để lớn lên trong đức tin.

"§2. Trong việc cử hành Lời Chúa, trước bài giảng, vị linh mục mời gọi bất kỳ ai giữa các người hiện diện muốn diễn tả ngắn gọn về cách thức mà Lời Chúa được công bố đã nói với cuộc đời của mình. Trong bài giảng, vốn giữ một vị trí đặc biệt trong sự giáo dục của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, vị linh mục mở rộng việc công bố Lời Chúa, giải thích nó theo Huấn quyền, và hiện thực hóa nó trong "ngày hôm nay" của cuộc hành trình đức tin của các thành viên tân dự tòng”.

Điều gì là đúng cho "Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng" có thể áp dụng được cho bất kỳ nhóm nào khác, vốn có ý muốn đi sâu hơn vào Lời Chúa. Trừ các hoàn cảnh đã đề cập ở trên trong trích dẫn từ huấn thị "Ecclesiae de Mysterio", cách thức hữu ích nhất của sự chia sẻ Lời Chúa không phải là trong bối cảnh của bài giảng lễ, nhưng trong các tình huống khác, chẳng hạn buổi Cử hành Lời Chúa. Các buổi cử hành như vậy cũng có lợi thế là dành thời gian cần thiết cho những ai muốn chia sẻ các suy nghĩ của mình.

Chính trong bối cảnh này, như người đọc của chúng tôi đã trích dẫn: "Khi các tín hữu cùng lắng nghe những gì Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Hội, dù là trong thinh lặng, qua bài giảng của linh mục hay qua sự chia sẻ kinh nghiệm của họ, như được soi sáng bởi đức tin, họ khám phá ra điều Thiên Chúa đang nói với họ trong đời sống hàng ngày của mình". (Zenit.org 24-8-2017)

Nguyễn Trọng Đa