Ngày 04-09-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy Mở Ra
Lm Vũđình Tường
07:05 04/09/2009
Câm và điếc thường đi đôi. Không nói được cũng chẳng nghe được vì thế họ lệ thuộc vào mắt nhìn, quan sát, nhận xét, phỏng đoán việc đang xảy ra quanh họ.

Câm và điếc có tài nhận xét các biểu tượng. Biểu tượng, hình ảnh là cách họ dùng để thông tin, đối thoại, diễn tả tư tưởng, tình cảm của con người. Người mắt sáng cũng cần đến biểu tượng.

Biểu tượng

Biểu tượng và hình ảnh luôn chứa đựng những ý nghĩa thầm kín. Biểu tượng xuất hiện trong thiên nhiên cũng lắm và do bàn tay con người tạo ra cũng nhiều. Chúng chứa đựng những tin tức liên quan đến sinh hoạt đất trời và cuộc sống. Nhìn thấy cây đâm chồi, nảy lộc người ta biết ngay đông sắp tàn, xuân đang đến. Nhìn cánh nhạn bay người ta biết hè về bên cửa ngõ.

Tài xế lái xe dọc đường lệ thuộc rất nhiều vào các bảng chỉ dẫn nhận biết khi nào đi nhanh, khi nào chạy chậm. Nơi nào đậu xe an toàn, nơi nào không.

Rất nhiều trường hợp khuôn mặt tố cáo tấm lòng. Trẻ em làm điều sai đứng trước cha mẹ, thầy cô thường cảm thấy mất tự nhiên. Người lao nhọc quá sức, lo lắng quá độ, biếng ăn, khó ngủ, khó dấu được vẻ mệt mỏi xuất hiện trên khuôn mặt.

Một khi, vì lí do nào đó, không thể giải thích bằng ngôn từ thì biểu tượng là cách duy nhất con người dùng để diễn tả tư tưởng thầm kín bên trong. Tù nhân trong các trại tù hiểu rõ điều này hơn cả. Nơi mạng người bị coi rẻ, dư thừa xúc phạm cá nhân người ta nhìn nhau biểu tỏ nỗi lòng.

Bác sĩ chẩn bệnh cũng lệ thuộc nhiều vào triệu chứng xuất hiện nơi cơ thể con bệnh. Bác sĩ tâm lí lại chú trọng vào phong cách con người diễn tả qua cách nói, thế ngồi, điệu bộ, đi đứng, giọng nói, cách nhìn.

Biểu tượng trở thành một phần cuộc sống, con người dùng để diễn tả tình cảm, nội tâm. Biểu tượng cũng trở thành dấu chỉ cho người khác nhận xét nhau. Vì là chẩn đoán nên kết quả khi được, khi hỏng. Đúng sai ảnh hưởng bởi kinh nghiệm sống, quan niệm sống. Đức tin đóng vai trò quan trọng trong việc nhận xét sự việc, diễn dịch các dấu chỉ trong biểu tượng.

Cởi trói

Đức Kitô ra lệnh 'hãy mở ra' tức thì người câm điếc nói được và nghe được. Anh không còn câm và điếc nữa. Từ lúc đó anh trở thành người bình thường. Anh nhận được ơn lạ là do thân hữu giúp anh. Phúc âm thuật lại người ta đem đến cho Ngài một người câm điếc. Người ta đây chính là những người tốt bụng, những người giúp anh được cởi trói khỏi tình trạng câm và điếc. Họ không có khả năng chữa trị cho anh khỏi câm và điếc, nhưng họ đưa anh tới gặp Chúa và thay anh kêu cầu Chúa chữa. Nhờ họ giúp đưa anh tới gặp Đức Kitô mà anh hết câm và điếc. Như thế công việc tốt lành chúng ta có thể làm được là dẫn người khác đến gặp Chúa, cộng thêm lời cầu xin. Giải quyết vấn đề như thế nào là công việc của Chúa, Ngài có cách riêng của Ngài. Trường hợp của anh này hơi khác lạ. Chúa đưa anh ra riêng một nơi rồi dùng tay chạm vào tai anh và dùng nước miếng bôi trên lưỡi anh. Ngài ra lệnh không được kể chuyện đó cho ai biết. Nhưng Ngài càng cấm họ càng đồn xa.

Đức Kitô chữa lành bệnh tật thân xác, dẫn con người nhận biết Chúa chữa lành tâm linh, chữa vết thương lòng. Ngài là Đấng duy nhất chữa lành tâm linh, nội tâm.

Điếc giả, điếc thật

Chúa ban cho người câm điếc ơn nói được và nghe được. Anh nghe được điều hiện tại và nghe điều tương lai. Như thế ơn Chúa ban cho trong hiện tại nhưng lại xử dụng được về lâu, về dài trong tương lai.

Đức Kitô dùng hình ảnh chữa lành thân xác dẫn ta đến câm điếc tâm linh. Điếc tâm linh xảy ra khi nghe lời Chúa mà không hiểu, hoặc hiểu, mà thiếu thực hành. Lời Chúa âm thầm qua đi, như thế có khác chi người điếc không nghe thấy Lời Ngài. Bịt tai, ngoảnh mặt làm ngơ chính là điếc giả câm, điếc có chọn lựa.

Bất công lan tràn trong xã hội. Khi chính ta là nạn nhân; khi chứng kiến cảnh bất công xảy ra cho người khác. Thấy bất công mà chọn thái độ lặng im, không lên tiếng bênh vực lẽ công chính, ủng hộ chân lí. Bị oan ức, chịu câm nín có khác chi người câm không nói được. Thái độ câm giả, câm từng lúc, câm giai đoạn là căn bệnh mới của thời đại. Bệnh này rất phổ thông trong giới lãnh đạo, đạo cũng như đời.

Đời trớ trêu

Kẻ nói được thì không chịu nói, kẻ không được nói lại muốn nói.

Nhờ thân hữu dấn thân, dẫn đến với Đức Kitô, lên tiếng thay, kêu cứu giúp, người câm điếc được đổi đời. Anh không bị câm điếc suốt đời.

Bao tiếng nức nở, khóc than. Bao lời kinh vang vọng. Bao tiếng kêu gào công lí, lời kết án, vạch trần tội ác. Kêu gọi ngừng phá thai, tránh hiếp đáp nơi sân trường, đừng phá huỷ môi sinh, tránh lọc lừa và nhiều thứ tội ác khác. Cần có người lớn, đồng lên tiếng thay, cùng kêu cứu giúp. Có như thế mới mong có đổi đời cho người phận nhỏ. Bao lâu còn tình trạng giả câm, làm bộ điếc trường kì. Bao lâu còn tình trạng đua câm, thi điếc, bấy lâu thế giới còn tiếp tục nghe những tiếng than khóc đột xuất phát ra từ những tâm hồn đau thương.

Lời Chúa luôn có sức mạnh, rất hiệu nghiệm. Lời Ngài thể hiện khi có những Kitô hữu dấn thân vì anh em.
 
Hãy mở ra
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
09:13 04/09/2009
Chúa Nhật XXIII thường niên (Mc 7, 31-37)

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Chúa Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Chúa Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Epphatha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Chúa Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó ới ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sự kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Khi ở nước ngoài, có dịp gặp những người Việt sinh sống xa quê hương xứ sở, tôi hỏi họ: “Sống ở nước ngoài, điều gì khiến ông bà buồn khổ nhất”. Họ trả lời: “Khổ nhất là chúng con sống như những người điếc và ngọng. Không biết tiếng nên ngọng nghiụ, nói chẳng nên lời, thành ra không làm cho người ta hiểu được mình. Người ta nói gì mình cũng chẳng hiểu, thật y như người điếc”.

Nghe và nói là hai cánh cửa. Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình ra thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng, phải nói ra thì người khác mới hiểu. Nghe là cánh cửa mở ra đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông. Mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Sống bên nhau mà không hiểu nhau thì thật đáng buồn và đáng sợ.

Nếu điếc và ngọng thể lý đã đáng buồn và đáng sợ, thì điếc và ngọng tâm lý còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.

Có nhiều thứ điếc.

Có thứ điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Nghe mà không hiểu. Hoặc nghe tưởng là hiểu hoá ra lại hiểu sai. Trường hợp này còn tệ hại hơn là không nghe thấy gì.

Có thứ điếc vì định kiến. Đã có sẵn định kiến với ai, ta không muốn nghe người ấy nói nữa. Người ấy có nói hay đến đâu, ta cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến đâu, ta cũng cho là xấu. Những ý kiến của người ấy không thể lọt vào tai ta. Nếu có vào thì chỉ vào những phần xấu.

Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe. Đây là trường hợp của người tự làm cho mình trở thành điếc. Mất tin tưởng vào anh em. Tuyệt vọng vì cuộc sống. Tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân. Đoạn tuyệt với mọi người.

Sau cùng, có thứ điếc thiêng liêng không nghe được Lời Chúa. Không nghe được Lời Chúa vì thiếu học hỏi. Nhưng nhất là không nghe được Lời Chúa vì cứng lòng. Vì để nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, cần phải mở lòng nữa. Bao lâu tâm hồn đóng kín, không nhậy cảm trước những lời mời gọi ăn năn sám hối, không tỉnh thức tiếp thu những lời hướng dẫn về đường lành, thì tai người ta sẽ chẳng nghe được Lời hằng sống. Bao lâu tâm hồn còn đuổi theo dục vọng, còn toan tính những điều gian dối, bấy lâu người ta vẫn còn điếc đặc trước những Lời của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, có nhiều thứ ngọng.

Có thứ ngọng do khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Ta không hiểu người mà cũng chẳng thể làm cho người hiểu ta.

Có thứ ngọng do ích kỷ. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của ta, mà chẳng xét đến những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em. Nên lời ta nói chẳng lọt vào tai anh em. Lời ta nói trở nên ngọng nghịu, anh em nghe mà không hiểu.

Có thứ ngọng do sợ sệt. Vì sợ sệt, ta không dám nói lên sự thật. Những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.

Có thứ ngọng do lười biếng. Vì lười biếng, ta không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em. Vì lười biếng, ta không nói được những lời an ủi người đang buồn sầu. Vì lười biếng, ta không nói được những lời chia vui với người anh em gặp may mắn. Nhất là vì lười biếng, ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên chúa.

Những đam mê, những dục vọng, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.
Có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm cho lưỡi ta ngọng.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến nói với ta: “Ephata”. Hãy mở ra.

Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.

Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa.. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Hãy kể ra những thứ ngọng và nói lý do của những thứ ngọng đó
2- Hãy kể ra những thứ điếc và nói lý do của những thứ điếc đó.
3- Khi gặp người khác bạn thích nói hay thích nghe. Hoặc bạn không muốn nói cũng chẳng muốn nghe ?
4- Lắng nghe có dễ không. Bạn có để ý lắng nghe Chúa và nghe nhau không ?
5- Nói những điều tốt đẹp rất có ích lợi. Bạn đã có kinh nghiệm gì về điều này chưa ?
 
Bệnh tật của con người
Lm Giacôbê Tạ Chúc
09:19 04/09/2009
BỆNH TẬT CỦA CON NGƯỜI

Triết lý Á Đông vẫn thường quan niệm:” Sinh, lão, bệnh, tử”, luôn uốn khúc quanh trong cuộc đời của mỗi con người. Sống làm người, ai cũng chẳng khát mong cho mình:” Một tinh thần minh mẫn, trong một cơ thể cường tráng”. Bệnh tật về thể lý là một trở ngại lớn cho con người trong cuộc đời trần gian. Cơ thể tật nguyền sẽ dẫn đến tinh thần cũng phế tàn, và hạnh phúc thật sự mong manh. Chúa Giêsu xót thương con người, Ngài đến để băng bó và chữa lành, Ngài là vị lương y của những bệnh nhân cần thầy thuốc. Người câm điếc trong Tin mừng hôm nay, thật sự phấn khởi khi được Chúa chữa lành.

Chúa Giêsu chữa lành thân xác

Tội nghiệp cho người câm điếc, thế giới của anh thật giới hạn, mọi giao tiếp hằng ngày, anh không thể lĩnh hội được, ngôn ngữ thì bế tắc và thính giác của anh cũng không tồn tại. Anh sống trong một thế giới bị đóng kín hòan tòan. Có thể nói anh bị cô lập và bị mất hết tất cả những gì mà một con người bình thường đều được hưởng. Xã hội Do thái thời đó rất coi thường những người bệnh tật, theo quan niệm của họ, đó là những người bị ô uế, những người tội lỗi. Chúa Giêsu không khinh thường và không lên án những bệnh nhân. Trái lại Ngài rất thương tình và sẵn sàng giúp đỡ họ. Isaia đã báo trước về hình ảnh của một Đấng Messia giàu tình thương yêu. Khi Đấng Cứu thế xuất hiện, thì sẽ có những sự lạ lùng xảy ra: “ Bấy giờ mắt kẻ mù sẽ mở, tai người điếc sẽ thông. Bấy giờ què quặt sẽ nhảy nhót tựa hưu nai, lưỡi người câm cũng sẽ reo hò, vì có nước phun trong sa mạc, suối khe trong cõi hoang giao”(Is 36,5-6). Bằng những cử chỉ, hành động, và lời, Chúa Giêsu mở miệng và mở tai cho nạn nhân, và Ngài ban lại cho anh một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Chúa Giêsu chữa lành tâm hồn

Nếu như bệnh tật về thể xác làm cho con người đau khổ thì bệnh họan về tâm hồn cũng không kém phần khổ đau. Người bệnh bị cộng đòan xa tránh, mọi tiếp xúc gặp gỡ sẽ rất có khỏang cách. Nhân phẩm và tự do của người bệnh cũng bị xúc phạm. Thể xác đã nát tan, tâm hồn cũng tơi tả. Nhất là khi mặc cảm về tội lỗi như một sợi dây tuyệt vọng thắt chặt lên cuộc đời của một tội nhân. Công khai trước đám đông để chữa lành bệnh tật, Chúa Giêsu đồng thời cũng muốn trả lại cho người câm điếc các giá trị về tâm hồn mà anh đã bị tước đọat.

Chúa Giêsu là vị lương y hòan hảo

Khi Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc, Tin mừng của tác giả Marcô ghi nhận: “ Kinh ngạc đến cực điểm, họ nói: “Mọi sự, Ngài đã làm cách hòan hảo; Ngài làm cho những kẻ điếc được nghe, và những người câm nói được”(Mc 7, 37). Sự sống của con người là cao quý, nhưng con người mãi mãi sẽ không thể quên được nguồn sống đích thực của mình, chính là Thiên Chúa: “ Tạng phủ tôi chính Người đã gầy tạo, Người đã dệt tôi trong dạ mẹ tôi”(Tv 139,13).Quyền năng của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu là một năng quyền tuyệt đối và bất khả thay thế. Ngài làm được tất cả mọi sự, các phép lạ trong Tin mừng chứng minh quyền năng vô song đó.

Lạy Chúa Giêsu, bên ngòai xem ra chúng con vẫn bình thường trong thân xác, nhưng biết đâu bên trong tâm hồn lại đang mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo. Chúng con điếc khi không nghe tiếng gọi của Chúa, ngày ngày vẫn vang vọng trong cõi lòng. Chúng con câm khi không dám nói lên những tiếng nói cho công bằng và lẽ phải.
 
Xin Chúa Hãy Mở Ra!
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
09:27 04/09/2009
Tâm hồn con xin Chúa hãy mở ra
Để lắng nghe bao cõi lòng tan vỡ
Đang vọng về tiếng thở than nức nở
Mong tìm lời đáp trả cảm thông

Hãy mở ra, xin Chúa dủ thương lòng
Bao tháng ngày tim con chai cằn quá
Thiếu tương liên trước dòng đời hối hả
Sợ luỵ phiền khi lên tiếng đỡ bênh

Miệng con đây xin Chúa chữa cho lành
Thôi câm nín trước nhân tình sầu não
Biết góp lời chung xây hoài bão
Trong sự thật, trong công lý, bình an

Chữa tai con khỏi chứng điếc y nan
Biết mở ra đón nghe lời chân lý
Biết nhận thâu bao thanh âm tri kỷ
Biết gạn trừ những xuyên tạc dối gian

Xin mở ra đời nhân chứng can trường
Để ca khen: tốt đẹp, tình Chúa thương
Để đời con không còn câm điếc
Cho anh em cho cuộc sống yêu thương !
 
Niềm vui nước Thiên Chúa
Anmai, CSsR
09:33 04/09/2009
CHÚA NHẬT 23 Thường niên (Is 35, 4-7; Gc 2,1-5; Mc 7, 31-37)

Xem lại bản đồ Palestina, thì lộ trình đi rao giảng của Chúa Giêsu như sau. Rời Tyrô, người lữ hành sẽ đi về phía Bắc, tức phía Siđôn. Còn nếu muốn tiến xuống phía biển Ghênêsaret (biển Galilêa) ở vùng Dêcapôli tức vùng đông nam biển hồ, thì người ta phải đi ngược lại từ Tyrô.

Ở đây, bản văn Marcô viết: ngang qua Siđôn, đến biển Galilêa băng giữa xứ Dêcapôlia. Như thế, lộ trình này không phù hợp với bản đồ địa lý. Qua sự kiện này, Thánh Sử Máccô gợi nhắc một lần nữa rằng Ngài chỉ muốn trình bày ý nghĩa của những cuộc hành trình của Chúa Giêsu. Người đến đất dân ngoại vì ơn cứu rỗi cũng được trao ban cho các dân ngoại.

Với hành trình như vậy, hôm nay chúng ta được nghe lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành anh chàng vừa điếc và vừa ngọng. Trình thuật này được biên soạn theo kiểu kết cấu tương đồng với câu chuyện chữa lành người mù ở Mc 8,22-26. Chúng ta thử phác họa sơ lược vài chi tiết song chiếu:

Mc 7,31-37
Câu 31: Người ta đem đến cho Người một người vừa điếc vừa ngọng.
Câu 33: Kéo người ấy ra xa dân chúng… Người tra ngón tay vào tai, nhổ nước miếng Người đụng vào lưỡi người ấy.
Câu 36: Rồi người căn dặn không được nói cho ai biết.

Mc 8,22-26
Câu 22: Người ta đem đến cho Người 1 người mù…
Câu 23: Dắt tay người mù, Người đưa nó ra ngoài làng; đoạn nhổ nước miếng vào mắt nó đặt tay cho nó.
Câu 26: Ngài cho nó về nhà mà dặn rằng: đừng nói với ai trong làng.

Như vậy, trong nhãn quan thần học Máccô, những phép lạ luôn mang giá trị của dấu chỉ thời đại Thiên sai mà Chúa Giêsu đến khai mở. Ở Thời đại ấy, ở Nước ấy của Thiên Chúa thì sẽ không còn những người đui mù, câm điếc nữa mà ở Nước Thiên Chúa là những người hạnh phúc, bình an và vui mừng. Nước Thiên Chúa, Nước của bình an và hoan lạc ấy được Thánh Sử gợi nhắc ở câu 37. “Bấy giờ mắt mù sẽ mở, tai người điếc sẽ thông. Bấy giờ què quặt sẽ nhảy nhót tựa hươu nai, lưỡi người câm cũng sẽ reo hò”. Câu này có nét gì đó tương đồng với đoạn sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe:

Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ!
Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,
ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em."
Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.
Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.
Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,
đất khô cằn có mạch nước trào ra.
Trong hang chó rừng ở sậy, cói sẽ mọc lên. (Is 35, 4-7)
Nước Thiên Chúa còn hơn thế nữa. Nước Thiên Chúa là nơi mà:
Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,
không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa.
Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan
vì những gì chính Ta sáng tạo.
Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ
và dân ở đó thành nỗi vui mừng.
Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng.
Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la.
Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu
và người già tuổi thọ không tròn;
vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ,
và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa.
Người ta sẽ xây nhà và được ở,
sẽ trồng nho và được ăn trái.
Người ta sẽ không xây nhà cho kẻ khác ở,
không trồng nho cho kẻ khác ăn;
vì cây được bao nhiêu tuổi, dân Ta cũng sẽ thọ bấy nhiêu;
và những kẻ Ta chọn sẽ được hưởng kết quả do tay chúng làm.
Chúng sẽ không luống công vất vả,
không sinh con cho con chết bất ưng,
vì chúng sẽ là dòng dõi
những người được Đức Chúa ban phúc lành,
bản thân chúng cũng như cả nòi giống.
Trước khi chúng kêu Ta, chính Ta đã đáp lời,
chúng hãy còn đang nói thì Ta đã nghe rồi.
Sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ,
sư tử cũng ăn rơm như bò,
còn rắn sẽ lấy bụi đất làm lương thực.
Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của Ta." Đức Chúa phán như vậy
. (Is 65, 17-25)

Qua đoạn sách ngôn sứ Isaia về hình ảnh của Nước Thiên Chúa, ta thấy nước ấy là một nước tràn đầy hoan lạc và bình an. Ở trong nước ấy “chiên con và sói con cùng ăn cỏ, sư tử cùng ăn rơm như bò” chứ không có chuyện thiệt hơn, tranh giành, cãi cọ và chà đạp người khác.

Sự hơn thua, tranh giành và chà đạp người khác thời nào cũng có. Cách riêng, thời của Chúa Giêsu, những người biệt phái, những người pharisêu tự cho mình là hơn người khác để rồi coi thường người khác. Nước Thiên Chúa không có chỗ cho những người như thế.

Chắc có lẽ bực mình và chướng mắt trước những con người chỉ nhìn cái bề ngoài, xét đoán cái bề ngoài mà không trân trọng cái bên trong, cái chất thật của con người nên thánh Phaolô hôm nay đã phải thốt lên: “Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này", còn với người nghèo, anh em lại nói: "Đứng đó! " hoặc: "Ngồi dưới bệ chân tôi đây! ", thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? (Gc 2, 3-4).

Ở Nước của Thiên Chúa thì không có chuyện phân biệt đối xử như vậy. Ở Nước Thiên Chúa là như thế này: Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao (Gc 2, 5).

Nước Thiên Chúa, ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, những người thấp cổ bé miệng như anh chàng câm điếc hôm nay Chúa Giêsu đã chữa lành. Niềm vui Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta nếu chúng ta sống trong tâm tình khiêm hạ, nhỏ bé, coi tất cả mọi người như anh em như lời thánh Giacôbê vừa mời gọi chúng ta và chúng ta cũng không miệt thị, không phân biệt đối xử với những người tật nguyền như Chúa trong tin mừng hôm nay.

Xin Chúa mở con mắt chúng ta thật to để chúng ta nhìn thấy những anh chị em thấp cổ bé miệng đang ở gần ta, ở xung quanh ta để ta xoa dịu, chia sẻ nỗi đau, sự thấp bé của họ để ta mang hạnh phúc đến cho anh chị em đồng loại ngay thế gian này và những hạnh phúc ấy chính là những hạnh phúc nho nhỏ mang chúng ta đến hạnh phúc, đến niềm vui ở trên trời mà Chúa đang dọn sẵn và chờ đợi chúng ta.
 
Sinh nhật Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa
Jos. Tú Nac, NMS
09:37 04/09/2009
Một bài đọc đã dùng trong Lễ Thiên Chúa giáo La Mã trong số những Bài đọc về Lễ Mừng Sinh Nhật hoặc sự giáng sinh của Mẹ Maria, đã được biết đến ở Đông Phương như Mẹ Thiên Chúa (theotokos), vào ngày 8 tháng Chín – theo Thánh Andrew của Crete về sự giáng sinh của Maria như một mục đích bỏ giao ước cũ để trở trở thành giao ước mới, biên giới nơi mà những dấu hiệu và những biểu tượng đưa ra phương hướng dẫn đến thực tế. Bài đọc này chỉ ra rằng ngày 8 tháng Chín được cử hành lễ kỷ niệm như sinh nhật của Mẹ Maria, sự giáng sinh của Mẹ Maria được ghi chép trong Tin Mừng đầu tiên của Thánh James (Protoevangelion) một công việc của thế kỷ thứ hai đó không phải là phần lề luật của Kinh Thánh tế lễ. Ở đó, chúng ta được kể rằng cha mẹ của Maria là các Thánh Joachim và Ann. Nơi truyền thống của Mẹ Maria Đồng Trinh trực thuộc Giáo Hội của Thánh Ann ở Jerusalem nơi mà người ta tin rằng Joachim và Ann đã sống. Giáo Hội Công Giáo La Mã dạy rằng bằng một hành động của Thánh ý Chúa, sự khai sinh của Mẹ Maria thiêng liêng xảy ra không mang Tội Tổ Tông Truyền – Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Giáo lý này như một ý niệm tinh tuyền.

Ôi Mẹ Thiên Chúa Đồng Trinh, khai sinh Mẹ,
hân hoan đón chào với tất cả trần gian.
Vì từ thưở Mẹ thai sinh Mặt Trời công lý,
Đức Ki-tô là Chúa của chúng con.
Hủy diệt tai ương, Người chúc phúc;
và nguyền rủa điêu tàn, Người ban cho chúng con
máu thịt trường sinh.
Hồng phúc Mẹ tràn đầy hơn bao người nữ
và ân sủng là trái Mẹ cưu mang.
Vì từ thuở Mẹ thai sinh Mặt Trời công lý,
Đức Ki-tô là Chúa của chúng con.

(trích “The Divine Office”)

Sự hoàn thành lề luật là chính Đức Ki-tô, người mà không dẫn dắt chúng ta tránh khỏi ngôn ngữ văn chương nhiều cho lắm khi nâng đỡ chúng ta đến với nội dung tinh thần của nó. Vì sự hoàn hảo của lề luật là đây, rằng người làm luật nhấn mạnh tuyệt đối đã thực hiện công việc của mình và chuyển đổi ngôn ngữ văn chương thành nội dung tinh thần, đánh giá mọi điều tự bản thân, suy tư vấn đề trước chủ thể, sống bởi ân sủng. Người đã khuất phục lề luật, vì đã hợp nhất với nó một cách hài hòa, không lẫn lộn những cá biệt đặc trưng của điều này với điều khác, nhưng việc thực hiện sự tiếp chuyển bằng một cách phù hợp nhất vì Thiên Chúa. Người đã thay đổi bất cứ điều gì là gánh nặng, rình rập, áp bức mà không nhẹ nhàng và tự do, để chúng ta phải biến thành nô dịch không còn “dưới sự lãnh đạo từ những khuynh hướng thiết yếu của thế gian,” như các Tông Đồ nói, hoặc không nắm giữ trung thành như những người đầy tớ nô lệ phục vụ dưới quyền công văn luật pháp.

Đây là đỉnh cao, mọi sự giúp đỡ trìu mến, thân thương mà Đức Ki-tô ban tặng chúng ta. Đây là điều tiết lộ của sự huyền bí, đây là sự dốc cạn của bản tính thiêng liêng, đây là sự hiệp nhất của Thiên Chúa và con người, và sự tôn kính của nhân cách mà đã được thừa nhận. Việc đến cới con người của Thiên Chúa hiển nhiên và rạng rỡ vô vàn chắc chắn cần một khúc nhạc dạo đầu hân hoan để giới thiệu món quà vô giá về sự cứu rỗi đối với chúng ta. Lễ mừng giờ đây, ngày khai sinh Mẹ Thiên Chúa, là khúc nhạc dạo đầu, trong khi những hành động căn bản là sự liên kết của Ngôi Lời với xác thịt đã được định trước. Hôm nay Đức Nữ Đồng Trinh được sinh ra, đã được định hướng, được tạo thành, và đã được chuẩn bị cho Mẹ với vai trò Mẹ Thiên Chúa – người mà nắm quyền Vương Đế tất cả của mọi thời đại.

Quả là chính đáng, sau đó, chúng ta đã kỷ niệm huyền nhiệm này từ khi đó là dấu hiệu cho chúng ta một ân huệ gấp đôi. Chúng ta được dẫn dắt hướng tới chân lý, và chúng ta được dẫn dắt tránh khỏi điều kiện nô lệ của chúng ta đối với công văn luật pháp. Điều này có thể như thế nào? Bóng tối khuất phục trước sự xua đuổi của ánh sáng, và ân sủng thay đổi sự trói buộc tuân theo pháp luật cho tự do. Nhưng nửa đường giữa hai thế đứng của mầu nhiệm hôm nay, tại ranh giới nơi những dấu hiệu và biểu tượng đưa ra những phương hướng dẫn tới thực tế, và cái cũ được thay thế bởi cái mới. Vì lý do đó, hãy để mọi sự sáng tạo hát ca và nhảy múa và hợp nhất để tạo ra sự đóng góp xứng đáng đối với việc kỷ niệm ngày này. Hãy có một lễ chung cho các thánh trên thiên đàng và loài người dưới thế. Hãy để mọi thứ, những thứ thuộc về thế gian và những thứ gì đó thuộc trên trời, hợp nhất trong ngày kỷ niệm hân hoan. Hôm nay, thế giới sáng tạo này được tôn lên một vị trí thiêng liêng cho người mà đã tạo ra muôn loài. Sinh vật được chuẩn bị một cách mới mẻ để trở thành nơi cư ngụ của Đấng Sáng Tạo.

(Trích: The Discourse by St. Andrew of Crete – Oratio 1: PG 97, 806- 810.) (The Nativity of Our Lady, the Theotokos – St. Andrew of Crete)
 
Xin cho được nghe và nói
LM. Trần Bình Trọng
13:31 04/09/2009
XIN CHO ÐƯỢC NGHE VÀ NÓI

Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm B
Is 35:4-7; Gc 2:1-5; Mc 7:31-37


Thường người ta coi sự vật mà họ có là tự nhiên phải có hay phải xẩy ra, nên không đánh giá được sự vật họ có cho tới khi người ta mất đi sự vật đó. Chẳng thế mà cổ nhân mới nói: Có hay đau mắt mới thương người mù. Về khả năng nói và nghe, người ta cũng coi là ngẫu nhiên. Tuy nhiên nếu đặt mình vào địa vị người điếc và ngọng trong Phúc âm hôm nay, người ta mới đánh giá được cơ quan nói và nghe. Người ngọng và điếc phải cảm thấy ước muốn được chữa lành nên người ta mới xin Ðức Giêsu đặt tay chữa anh ta. Phúc âm ghi lại Chúa đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở hơi và bảo: ‘Ephata’, nghĩa là hãy mở ra. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được dễ dàng (Mc 7: 34-35).

Việc Chúa Giêsu làm trong Phúc âm hôm nay là việc hoàn thành lời ngôn sứ Isaia tiên báo là Ðấng Thiên sai sẽ đến làm cho người điếc được nghe (Is 35:5) và người câm được nói (Is 35:6). Hai việc này cũng được dân chúng trong Phúc âm hôm nay chứng kiến khi họ nói: Ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được (Mc 7:37).

Mục đích của việc Thiên Chúa tạo dựng lưỡi và tai, là để ta có thể thông đạt cho người khác, nghĩa là nói cho người khác nghe và nghe người khác nói. Có bao giờ ta cảm đội Thiên Chúa đã ban cho ta cái lưỡi để nói và tai để nghe không? Một cách tốt nhất để cảm đội ơn Chúa về hai cơ quan nói và nghe là biết dùng cho đúng mục đích của Ðấng Tạo dựng. Miệng lưỡi ta được dựng nên để thông đạt tin tức, nói sự thật và sự thiện hảo, chứ không phải nói lừa dối và nói lời ghen ghét. Tai ta phải được dùng một cách khôn ngoan chứ không phải để nghe và khuyến khích người khác nghe nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian. Nghe người khác nói hành, nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống là lạm dụng mục đích của Ðấng tạo dựng đôi tai. Khi vào toà cáo giải, ta có thể xưng tội nói hành nói xấu người khác, nhưng có bao giờ ta xưng tội đã nghe người khác nói hành nói xấu không?

Việc người ta xin Ðức Giêsu chữa người điếc và ngọng bao hàm lòng tin tưởng cậy trông vào quyền năng Chúa. Và việc Chúa chữa người ngọng và điếc xẩy ra trong lãnh thổ dân ngoại của miền Thập tỉnh. Ðiều đó chỉ cho thấy Chúa Giêsu cũng để ý đến dân ngoại và thương xót họ. Việc Chúa chữa người điếc và ngọng còn ám chỉ mục đích gì khác nữa chứ không phải chỉ để người đó có thể nghe và nói chuyện giữa loài người với nhau thôi. Miệng lưỡi và lỗ tai còn được tạo dựng với mục đích cao hơn nữa là để nghe và loan truyền lời Chúa nữa. Ðó là việc mà người điếc và ngọng được chữa khỏi và bạn hữu anh ta đã làm. Họ loan truyền với nhau: Ông ấy làm việc gì cũng tốt cả (Mc 7:37).

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, linh mục chạm vào tai ta, và đọc chính lời Chúa nói trong Phúc âm hôm nay: Hãy mở ra. Ðây có nghĩa là tai ta phải được mở ra đón nhận lời Chúa và lắng nghe lời Chúa bằng đức tin. Ðức tin mở tai ta cách thiêng liêng. Ta có thể nghe lời Chúa trong Thánh kinh. Tuy nhiên nếu không có đức tin, ta chỉ nghe như đọc chuyện thường, chứ không phải nghe lời Chúa. Lời Chúa phải có sức tác động tâm hồn và thay đổi đời sống con người. Lời Chúa mạc khải trong Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại. Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, những người khiêm tốn, mới lãnh hội được lời Chúa. Biết lắng nghe là một yếu tố quan trọng trong việc thông đạt hàng ngày. Người biết lắng nghe là người không những chỉ nghe bằng tai, mà còn nghe với cả tâm hồn.

Tóm lại mục đích của việc tạo dựng miệng lưỡi và lỗ tai là để dùng vào việc ca tụng và làm vinh danh Thiên Chúa. Chúa cho ta lỗ tai nghe để nghe những lời ca tụng Người. Chúa cho ta miệng lưỡi để tung hô ngượi khen Chúa.

Hôm nay ta cầu xin Chúa dạy ta biết sống trong tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa cho ta có thể nói được với nhau và nói được với Chúa trong lời cầu nguyện và thờ phượng, biết ơn Chúa vì ta có thể nghe được người khác, cũng như nghe được lời Chúa khi có người tuyên xưng. Trong thánh lễ ta lắng nghe lời Chúa trong Thánh kinh và trong bài giảng, và cả trong thánh ca và thánh nhạc.. Lời Chúa không phải là tiếng nói một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả. Nghe lời Chúa rồi ta cầu xin cho được biết đáp trả bằng cách loan truyền lời Chúa, bằng việc thờ phượng và cầu nguyện, bằng đời sống đức tin.

Trong bài giảng lễ Chúa nhật, có linh mục kia hỏi cử toạ xem có ai nhớ tuần trước linh mục giảng về điều gì không? Cử toạ yên lặng một lúc. Cuối cùng một thanh niên có vẻ bụi đời, giơ tay phát biểu:
- Dạ thưa Cha, con nhớ rồi.
- Sao Anh nhớ thế nào? Linh mục hỏi.
- Thưa Cha, con nhớ Cha giảng thế này: Ðó... đó.. đ. đó là lời Chúa.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết nghe và loan truyền lời Chúa:

Lạy Thiên Chúa toàn năng!
Con xin tạ ơn Chúa đã ban cho con
miệng lưỡi và lỗi tai để thông đạt với loài người
và để cảm tạ Chúa.
Xin Chúa soi sáng cho giới bác sĩ và khoa học gia,
biết tìm phương tiện và cách thế,
giúp người điếc và ngọng được thông đạt
với nhau và với Chúa theo cách thế của họ. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 04/09/2009
ĐIỂM KHỞI ĐẦU, ĐIỂM CUỐI

N2T


Chim sẻ hỏi:

- “Sự chết thật có nhiều sợ hãi không?”

Đấng tạo hóa trả lời:

- “Cái này con cần phải hỏi con, con đặt sự chết ở điểm khởi đầu hay điểm cuối ?”

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Nói đến sự chết ai mà không sợ, nhưng có những vị thánh không sợ chết, mà trái lại, ngày ngày các ngài đều suy gẫm về sự chết.

Nếu chúng ta đặt sự chết ở điểm khởi đầu, có nghĩa là chúng ta xác tín: “Chết không phải là hết, mà là bắt đầu cuộc sống mới”, tức là cuộc sống vĩnh cữu với Thiên Chúa, thì không có gì đáng sợ hãi, bởi vì khi chúng ta đã xác tín như thế, thì chúng ta luôn tìm điều lành để làm và tránh điều ác

Còn nếu chúng ta đặt sự chết ở điểm cuối, có nghĩa là: chết là hết, thì thật là đáng sợ hãi, bởi vì khi chúng ta đặt sự chết ở điểm cuối thì chúng ta sẽ sống trong ích kỷ, không nghĩ đến sự chết và do đó mà dễ dàng sống trong tội...

Giáo Hội dạy chúng ta tin: sau khi chết thì có phán xét, phán xét rồi thì hưởng phúc thiên đàng đời đời, hay là bị án phạt hỏa ngục đời đời.

“Vì chính khi chết đi là lúc vui sống muôn đời…”

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 23 B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:06 04/09/2009
CHỦ NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 7, 31-37.

“Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”


Bạn thân mến,

Chúa Giê-su đến trần gian, mục đích của Ngài là cứu nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ, đem ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng không phải vì thế mà Ngài bỏ qua không đoái hoài đến những đau khổ nơi thân xác của con người, hay nói cách khác, Ngài không những cứu linh hồn con người mà còn cứu cả thân xác của họ. Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy điều ấy khi Ngài làm cho người câm nói được và người điếc nghe được.

Chúa Giêsu đã làm hai công việc trên một con người tức là Ngài chữa lành bệnh trong tâm hồn và nơi thân xác của người bệnh. Ngài đến không phải chỉ để rao giảng, để mời gọi mọi người thống hối và tin vào Ngài, nhưng Ngài còn làm nhiều việc khác để bảo đảm với những người đi theo Ngài rằng: cứ tin đi thì cơn bệnh nơi thân xác cũng sẽ được lành.

Câm và điếc thường đi đôi với nhau, ai đã bị câm thì cũng sẽ điếc, đó là bẩm sinh, nhưng có những người sau một tai nạn thì bị câm nhưng không điếc, hoặc là nghe được nhưng nói không được, những người này thường đau khổ hơn những người bị câm điếc bẩm sinh vì họ nghe được người ta nói gì, nhưng không thể nói lại cho người ta nghe về cảm nghĩ của mình, quả là đau khổ thật.

Có những lúc bạn và tôi sáng mắt mà cũng như mù, bởi vì chúng ta nhìn mà không thấy những đau khổ của người anh em bất hạnh; có những lúc bạn và tôi lớn tiếng phê bình anh em chị em vì họ thất hứa, mà chúng ta không nhìn thấy họ đang băn khoăn trong lòng vì sự thất hứa của chính mình...

Có những lúc bạn và tôi bị câm mà chúng ta vẫn cứ tưởng mình nói được, đó là lúc chúng ta thấy một em nhỏ ăn xin đang bị người bạc đãi mà chúng ta không một lời bênh vực, chúng ta thấy người đau khổ mà không một lời an ủi, chúng ta thấy các bạn thanh niên nam nữ sống lơ là với Chúa mà không một lời khuyên bảo, chúng ta đã bị câm khi thu mình trong cái vỏ an phận và thỏa mãn của mình.

Chúng ta đừng nhìn người câm điếc mà thương hại, nhưng hãy thương hại và cầu nguyện cho chính bệnh câm điếc trong tâm hồn của bạn và tôi.

Bạn thân mến,

Cha Vincent Lebbe người Bỉ, ngài đã dạy các con cái của ngài thuộc dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả như sau: “Cứu người” là cứu toàn bộ con người, bởi vì linh hồn và thân xác không thể tách lìa nhau, cứu tất cả khó khăn của họ mà không đòi điều kiện, không hỏi họ có theo (vào) đạo hay không, để tránh người ta hồ nghi các giá trị công tác xã hội của chúng ta”.

Như thế là đã rõ, mỗi khi bạn và tôi đi khuyên bảo người nghèo khó hãy theo đạo, hãy đến nhà thờ, nhưng chúng ta vẫn làm ngơ trước cảnh đói ăn của họ, và có khi không nhìn thấy họ đang lo buồn vì kế sinh nhai mà không đến nhà thờ như bao giáo dân khác được, chúng ta hãy học theo gương của Chúa Giê-su khi chữa lành bệnh tật phần hồn thì đồng thời cũng làm cho thân xác của họ được khoẻ mạnh.

“Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến trần gian để cứu và chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn và nơi thân xác của con người, Chúa đã dạy chúng con một bài học yêu thương trọn vẹn, đó là yêu thương nỗi khổ đau nơi thân xác và trong tâm hồn của người anh em bất hạnh. Xin Chúa ban cho chúng con có một tình yêu thương vô vị lợi, để khi chúng con đi an ủi giúp đỡ tha nhân, thì đồng thời cũng biết chia sẻ với họ những gìmà khả năng chúng con có được. Amen”

----------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 04/09/2009
N2T


46. Sự tiến bộ của linh hồn là ở trong sự tiến bộ của đức khiêm nhường.

(Thánh Benedict)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:10 04/09/2009
N2T


218. Tôi nhìn sự nhàn rỗi trong tất cả sự giàu có là sự giàu có đẹp nhất.

 
Cũng một kiếp người
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
16:58 04/09/2009
Có một cái nhìn tóm tắt kiếp nhân sinh đầy vẻ bi quan: « Đời là bể khổ, tình là dây oan ». Cũng theo cách nhìn ấy, trẻ sơ sinh ngay khi lọt lòng mẹ đã cất tiếng khóc chào đời. Cuộc sống quanh ta diễn ra biết bao nhiêu sự biệt ly thống thiết. Có những cái chết tang thương ngay độ tuổi thanh xuân trẻ trung làm bao người tiếc nuối. Có những số phận thật nghiệt ngã dường như sinh ra để mang lấy khổ đau tật nguyền. Có những mối tình bạc bẽo gây bất hạnh cho những kẻ hẩm hiu. Có những thời khắc thiên nhiên nổi trận lôi đình bởi những trận cuồng phong, bão táp nhấn chìm con người trong đại dương lầm than cơ cực. Có những căn bệnh hiểm nghèo cắt đứt ngay đường sống sự nghiệp và công danh lẫy lừng của những kiếp người ngắn ngủi. Có những bất công chất nặng trên đôi vai của những kẻ vô tội oan uổng… Và dường như những ngôn ngữ nói về đau khổ thì phong phú hơn nhiều những từ ngữ mô tả hạnh phúc sướng vui.

Con người như muốn lừa dối mình mà cố gắng né tránh nhắc đến những hiện tượng kể trên và mong muốn nó đừng xảy ra đối với mình. Nhưng nó đã trở thành một thực tại không thể phủ nhận. Đã có ngày mở mắt chào đời thì ắt có ngày nhắm mắt lìa đời. Dù muốn dù không điều gì phải đến sẽ đến. Điều đáng bàn ở đây là cần phải có thái độ đón nhận ra làm sao.

Một sự hiển nhiên cho thấy rằng hạnh phúc hay bất hạnh không hệ tại nơi điều kiện vật chất hay những yếu tố môi trường thiên thời địa lợi. Có những kẻ ném tiền qua cửa sổ để mua những « cuộc vui tới sáng trận cười thâu đêm » nhưng tâm hồn vẫn đơn côi trống trải. Có những hạng người lắm bạc nhiều tiền mà chẳng hề được coi là sang trọng quyền quý. Lại có những kiếp nghèo bền mà không bao giờ hèn mạt. Hạnh phúc nằm ngay trong ta được thể hiện qua cái nhìn lạc quan, cách suy nghĩ chín chắn, và hành động đúng đắn.

Trong lịch sử của nhân loại và của bất cứ dân tộc nào, không thiếu những đại trượng phu vì nghĩa lớn thà chết chẳng thà chịu khuất phục trước những mua chuộc ngon ngọt của kẻ thù. Có những tâm hồn ngay thẳng chẳng hề ngả theo đường tà vạy. Có những người tuy tuổi đời ngắn ngủi nhưng tên tuổi sự nghiệp lại được nhắc đến cho hậu thế. Bất cứ nơi nào thời nào đều có những tấm gương sáng ngời tồn tại theo năm tháng thời gian.

« Hổ chết để da, người chết để tiếng ». Người công trạng và kẻ tội đồ rồi cũng qua đi và đều được soi chiếu bởi lăng kính của lịch sử khách quan. Người ta bảo rằng sự chết đem lại cho con người quyền bình đẳng. Người giầu có cũng không thể kéo dài ngày đời sống cho mình. Bậc bá tước vương hầu rồi ra cũng chỉ còn những nắm xương khô mục nát. Cái mà người đời còn nhắc đến nơi người quá cố vẫn là đức độ và danh thơm tiếng tốt.

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Những thử thách gặp phải trên đường đời giúp tôi luyện tính cách và sự trưởng thành. Đồng thời, giúp tâm hồn trở nên mềm mỏng mở ra để có cái nhìn, sự đồng cảm cũng như sự tương thân tương ái với đồng loại gặp khổ đau. Trong thế giới con người với đủ thứ vàng thau lẫn lộn làm nổi bật lên những tâm hồn quang minh chính đại mà không bao giờ bị lu mờ. Như một định luật tương phản, màn đêm đen không che nổi ánh sáng soi tỏ mồn một.

Mỗi người chỉ một lần sinh ra và cũng chỉ một lần phải đối diện với cái chết. Vậy phải sống sao để khi tôi cất tiếng khóc chào đời, mọi người cười nhìn tôi trong sung sướng. Rồi một mai khi tôi nhắm mắt lìa đời, mọi người khóc thương tôi trong tiếc nuối.
 
Hôn nhân,,, còn cứu vãn được không?
Phaolô Ngô Suốt C.T.S.
17:12 04/09/2009
Cuộc sống tự do phóng túng và nặng tính cá nhân chủ nghĩa của nền văn minh Hiệp chủng quốc cùng với đời sống sung túc, lắm tiện nghi hiện nay hằng cám dỗ con người chỉ muốn hưởng thụ - đã, đang và sẽ còn đưa đẩy nhiều gia đình Kitô hữu vào con đường tan vỡ. Tuy nhiên, tình yêu trong hôn nhân vẫn có thể được phục hồi, hạnh phúc gia đình vẫn có thể cứu vãn, nếu như các cặp vợ chồng cùng thiết tha mong muốn. Nói như thế có lạc quan quá đáng chăng? Thưa không, vì hôn nhân là kế hoạch đầu tiên và chính yếu của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ (Cựu ước được bắt đầu bằng Adam và Êvà; Tân ước bắt đầu bằng Giuse và Maria). Hôn nhân do Thiên Chúa sáng lập để tương thông và trao ban tình yêu của mình cho loài người, Đồng thời kêu mời nhân loại cùng đến chia sẻ tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi đó Ngài đã chúc lành, thánh hóa và quan tâm đến hôn nhân cho đến cùng. Ngài có thể hàn gắn, làm mới lại tất cả, vì đối với Thiên Chúa không việc gì là không có thể.

Có ngàn lẻ một lý do dẫn đến cuộc chia tay. Nó có thể bắt nguồn từ những yếu tố khách quan như do họ hàng, thân tộc (bên trọng bên khinh; thân nhân xúi dục…,) do cuộc sống kinh tế khó khăn, do trình độ kiến thức chênh lệch, do đông con hay do sự bất thuận về tiền bạc, do tính khí thất thường của người phối ngẫu, v.v...Tuy nhiên phần lớn nguyên do là từ chính các đương sự: hoặc do không thỏa mãn hay do không đạt được mục đích mong muốn (kể cả chuyện chăn gối vợ chồng) hoặc do nhận thức sai về tình cảm (không ít người sống đời hôn nhân tưởng mình yêu thật một đệ tam nhân, không còn xúc cảm nữa đối với người phối ngẫu nên cho rằng họ không hợp nhau). Vậy có thể cứu vãn những gì đã mất chăng? Có thể làm mới lại những xúc cảm của thuở ban đầu được chăng ?

Các cặp vợ chồng chia tay thường có câu trả lời chung: “chúng tôi không còn yêu nhau nữa ! ” Trong câu trả lời trên, chúng ta thấy động từ “yêu” quyết định cho cho sự tồn tại hay kết thúc của cuộc hôn nhân. Khi phát biểu như thế, họ đồng thời rút lại lời thề hứa hết sức trang trọng khi xưa: “Tôi sẽ yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời tôi”. Thiết nghĩ, ta nên bắt đầu bằng việc định nghĩa bản thân của yêu là gì; sau đó sẽ đặt vấn đề là người có đức tin phải hiểu đúng nghĩa chữ yêu thế nào; Thiên Chúa muốn đôi vợ chồng phải yêu thương nhau ra sao cho phù hợp với hoạch định của Ngài.

Khi hỏi mười người về chữ yêu, hẳn là có đến chín định nghĩa khác nhau ! Mỗi người đều dựa trên cảm nghiệm và quan niệm riêng của mình để định nghĩa. Do đó, có thể nói rằng không có một một định nghĩa nào được xem là chính xác và đầy đủ cả. Vì tình yêu lớn lao quá, sâu sắc quá nên khó có thể hiểu hay diễn tả được hết mọi chiều kích của nó qua ngôn từ. Tuy nhiên có điều chắc chắn là kẻ đang yêu luôn trông đợi đón nhận sự đáp trả của đối tượng mình yêu.

Từ sự cố gắng khảo sát một điều không thể khảo sát, ráng hiểu một điều không thể hiểu được, nên nhiều người có nhận thức sai lầm về tình yêu. Đại đa số cho rằng tình yêu dựa trên cảm xúc hay rung động (feeling or emotion), nên khi gặp thấy ai vừa mắt, nghe vừa tai, vội cho rằng mình yêu, mình “phải lòng” (falling in love) người đó rồi.
Xin mở ngoặc để định nghĩa đôi chút về từ ngữ “phải lòng” (falling in love). Khi “phải lòng” ai đó, ta cứ tưởng mình yêu thật rồi. Theo tâm lý học, trong trường hợp này, có hai vấn đề xảy đến. Trước hết, cảm nghiệm “falling in love”, là cảm nghiệm đặc biệt liên quan đến tình áí, giới tính (vì không ai nói mình “falling in love” với con cái, hay với bạn bè cùng giới tính, trừ khi đồng tính cả), cho dù chúng ta yêu thương con cái hết sức, hay quan tâm đặc biệt đến bạn bè cùng phái. Nói cách khác, chúng ta chỉ “falling in love” vì động cơ tính dục thúc đẩy một cách ý thức hay không ý thức mà thôi. Thứ đến, cảm nghiệm “falling in love” hoàn toàn mang tính cách tạm thời. Dù chúng ta “falling in love” với bất kỳ ai đi nữa thì sớm muộn cảm xúc đó rồi sẽ kết thúc. Dĩ nhiên, ta không nói mình sẽ thôi yêu người đó, nhưng muốn cho thấy rằng sự ngây ngất của cảm nghiệm “falling in love” rồi sẽ qua đi. Như vậy “phải lòng” không phải là tình yêu, vì “phải lòng” tiêu biểu sự lôi cuốn phát xuất từ dục vọng; mà dục vọng chỉ là một trong những khía cạnh của tình yêu. Cho nên, từ “cảm xúc phải lòng” cho đến “tình yêu thật” là một khoảng cách thật xa xôi, lắm khi không thể đạt tới.

Người ta còn nhầm lẫn tai hại khi đồng hóa tình yêu với sự cảm xúc hay “rung động”, vì như thế có thể lẫn lộn giữa việc yêu thương một người và việc yêu thương một cảm nghiệm. Trong trường hợp thứ hai, con người ta không được yêu; và điều này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa, thường kết cục bằng sự chia lìa, đổ vỡ. Bởi vậy cần có thời gian để chuẩn bị cho hôn nhân. Tình yêu giống như rượu: nó cần thời gian để chín mùi. Vì thế, các bạn trẻ không nên vội vàng trong việc lập gia đình, nếu cho rằng đời sống hôn nhân là mảnh đất lý tưởng giúp thỏa giấc mộng vàng. “Nếu sự theo đuổi, tán tỉnh nhau là một giấc mơ, thì hôn nhân có thể biến thành chiếc đồng hồ báo thức”, Đức Cha Fulton Sheen đã nói thật chí lý.

Do sự phát triển tự nhiên về tâm sinh lý, đến một tuổi nào đó con người bắt đầu phát triển bản năng hay sự thôi thúc (theo nguyên ngữ, hai từ ngữ này có cùng một nghĩa. Vì “bản năng” xuất phát từ La ngữ “instinguere”, có nghĩa gần như thúc dục, thôi thúc). Con người cần và bị thôi thúc đến với những sinh vật khác, vì con người vốn là một sinh vật bị giới hạn, không tự đủ được (Đức Gioan Phaolô II Đáng Kính giải thích rằng nhận biết được sự giới hạn và thiếu thốn của con người là khởi điểm để hiểu được sự lệ thuộc của con người đối với Thiên Chúa. Con người cần Thiên Chúa, cũng như mọi thụ tạo khác đơn giản cần đến Ngài để tồn tại).

Thánh Kinh dạy rằng: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2:24). (gắn bó: cleave, gốc Hy lạp có
nghĩa “glued together”, làm cho dính chặt vào nhau) Như vậy đã có thứ tự lớp lang ngay từ thuở ban đầu. Thiên Chúa đã muốn hai người phải chân thành trao ban (commitment) tất cả cho nhau trước đã, rồi tình yêu chồng vợ ắt tự nhiên xảy đến. Ý định của Thiên Chúa đối với hôn nhân là thế đó. Thảo nào ông bà chúng ta trước khi kết hôn, nhiều khi không hề biết mặt nhau, vậy mà vẫn ăn đời ở kiếp với nhau, sống đạo đức, tốt lành làm sao; không ai nghe nói đến việc các cụ ly thân, ly dị bao giờ. Trong khi những người trẻ tuổi hiện nay, mới quen biết đã vội vội vàng vàng cho rằng đây đúng là người mình yêu, do Chúa gởi đến, Đức Mẹ tìm cho v.v.., rồi chẳng bao lâu sau, đối mặt với kết cục bi đát, đau thương. Đặc biệt các bạn trẻ khi gặp ai đó, vừa ý, phải lòng, tuyên bố ngay “I like him (her)”; “I love him (her)” hoặc chỉ ít lâu sau không ngần ngại quả quyết: “I will marry him (her)”. Khi được hỏi tại sao “yêu nhanh” vậy. Họ trả lời do “culture” (văn hóa, ảnh hưởng từ phim ảnh, sách báo. ..). Đúng là văn hóa của “Hiệp chủng quốc” !

Là người có đức tin, chúng ta được mạc khải về một tình yêu mà thế gian không thể hiểu thấu cũng như không hề có. Tân Ước gọi tình yêu này là “Agape love” (gốc Hy lạp, là thứ tình yêu dựa trên đức ái, tình yêu mà Đức Kitô đã dành cho nhân loại). Tình yêu này đặt căn bản trên hai tiêu chuẩn 1/ hoàn toàn không vị kỷ, đặt quyền lợi kẻ khác lên trên lợi ích riêng mình. 2/ trao ban tất cả (commitment) cho kẻ khác dù phải hy sinh cả mạng sống mình, mà không cần đáp trả. Đây là tình yêu tuyệt vời khi áp dụng cho hôn nhân để hai người phối ngẫu “thành một xương một thịt”, một sự sống. C.S Lewis nhận xét rằng khi Chúa Giêsu nói chông và vợ trở nên một thân xác, Ngài không hoàn toàn nói đến tình cảm (sentiment) nhưng nói đến một sự kiện, sự kết hiệp chồng vợ không chỉ bằng thể lý, thân xác mà bằng cốt lõi tinh thần, nên một tức có chung một linh đạo, chung một linh hồn.

Thánh Kinh hoàn toàn không đề cập đến cái thế gian gọi là tình yêu, sẽ làm nền móng cho hôn nhân. Hôn nhân dựa trên thứ tình yêu này hay bị dao động, thay đổi theo tình cảnh bên ngoài. Sự xúc cảm, sự rung động (feeling, emotion) tự chúng sẽ không bao giờ giữ vững được hôn nhân. Chính sự trao ban (commitment) qua lại mới trói buộc hai vợ chồng với nhau, nhờ việc cả hai cùng nhau chia sẻ ngọt bùi đắng cay, cùng nhau tiến về phía trước biến “agape love” thành hành động.

Tuy hôn nhân không nhất thiết làm cho người ta hạnh phúc, nhưng những người trong cuộc có thể biến hôn nhân mình thành niềm vui thú bằng cách cho đi chính mình (giving yourself away) khi họ cùng làm việc chung, phục vụ lẫn nhau, khi họ cầu nguyện chung, cùng giúp nhau thăng tiến về đời sống tâm linh, cùng hướng đến hôn nhân vĩnh cửu ở cõi vĩnh hằng. Nói khác đi, trong hôn nhân, nếu những người trong cuộc chỉ cố tìm niềm vui của cảm xúc, không tự nguyện cho đi chính mình, hoặc chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu hiện tại và quên đi bổn phận mà Phúc Âm đòi hỏi, thì kết cuộc, họ sẽ gặt hái không ít đắng cay, đau khổ. Hôn nhân của họ bị lung lay tận gốc, bị sụp đổ là điều không tránh khỏi.

Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 giải thích rằng rằng yêu đồng nghĩa với cho đi chính mình, đối nghịch với tình yêu không phải ghét bỏ nhau nhưng là việc sử dụng nhau, xem người phối ngẫu chỉ như một phương tiện. Cứ nhìn vào các gia đình tan vỡ, ta sẽ thấy các đôi phối ngẫu đã sử dụng nhau như phương tiện để thỏa mãn nhu cầu tính dục của riêng mình, hay khai thác kinh tế, lợi nhuận, danh vọng v.v... nơi nhau. Vậy phải làm gì để phục hồi hay làm mới lại tình yêu của họ trong hôn nhân? Dĩ nhiên, phải thành thực công nhận rằng từ trước đến gìờ những người này chưa bao giờ yêu hoặc biết yêu cách đích thực. Vì nếu đã yêu thật sự thì làm gì có chuyện cần phải hàn gắn, làm lại từ đầu ! Yếu tố đầu tiên giúp cho tình yêu của đôi phối ngẫu được phục hồi hay làm mới lại đó là cả hai đều phải một lòng một ý muốn tái tạo hạnh phúc hôn nhân, phải cùng chạy đến với Thiên Chúa toàn năng, tha thiết nài xin Ngài. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ sẵn lòng và vui mừng biến đổi cuộc sống của những gia đình đó, vì Ngài chính là nguồn mạch Tình yêu. Hãy luôn nhớ rằng không có ơn Chúa trong đời đôi lứa thì sẽ không có gì thành tựu cả; đôi phối ngẫu sẽ không tài nào ăn đời ở kiếp với nhau, hay chịu đựng được nhau lâu.

Tái tạo tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi sự nỗ lực trong cả ba lãnh vực: sự tự lựa chọn ý nguyện, hành động và xúc cảm (feeling) (cảm xúc tình yêu đến sau cùng vì nó không phải là nguyên tố chính yếu mang tính quyết định trong hôn nhân. Thực ra, tình yêu được đặt nền tảng trên sự trao ban (commitment) không thay đổi dành cho nhau). Hôn nhân là hành động của ý nguyện (will), do đó phải được khởi động từ tâm trí bạn, tại nơi đây bạn diễn tập sự lựa chọn và quyết định rằng cho dù rơi vào tình huống nào đi chăng nữa bạn vẫn sẽ không bao giờ ngừng yêu đương. Lúc bấy giờ, bạn sẽ phải đối đầu với những điều đã làm cho vợ chồng điêu đứng, gây nên đổ vỡ, làm cho hai người mất đi cảm xúc của tình yêu. Hãy gói trọn những cảm xúc, mặc cảm không vui trước kia như hờn giận, bất mãn, đổ lỗi, bực dọc, xúc phạm, cay đắng, lợi dụng v.v...rồi ném chúng ra khỏi gia đình bạn. Chỉ có sự đối thoại trong tinh thần cởi mở, quyết tâm sửa đổi và hoàn toàn tha thứ cho nhau mới có thể hàn gắn, chữa lành, hoặc làm mới lại từ đầu tình yêu hôn nhân.

Mỗi người phối ngẫu phải nhìn nhận rằng mình đã đánh mất cảm xúc yêu thương vì trước kia chỉ muốn nhận lãnh từ người bạn đời của mình hơn là mong muốn cho đi; chỉ mong được thỏa mãn những nhu cầu của riêng mình hơn là tự nguyện làm thỏa mãn những điều bạn mình muốn; mình đã không tự giác hy sinh cho nhau (hy sinh là can đảm bỏ điều nay để đạt được điều kia). Do không yêu thương thực sự, nên họ đã sử dụng nhau như phương tiện. Nếu bạn tha thiết nguyện ước thay đổi và chân thành cầu xin, Thiên Chúa sẽ thông ban cho các bạn “tình yêu kỳ diệu” (Agape love) như lời Ngài đã hứa (và chính Ngài đã sống tình yêu này). Các bạn nhớ cho tình yêu trở thành những gì bạn làm, chứ không phải những gì bạn cảm xúc (feeling). Nếu khi mới quen và có ấn tượng tốt (falling in love) về một đệ tam nhân nào đó, nhưng khi ý thức rằng bạn không thể tiến xa hơn, không thể trao ban chính mình (commitments) cho người đó thì phải quyết tâm –dù ray rứt cách mấy- dừng lại, cắt đứt mối liên hệ ở đó. Thời điểm này đòi hỏi bạn phải biến quyết tâm thành hành động; và đó phải là một hành động phát xuất từ suy nghĩ của người đã trưởng thành từ lâu, chứ không “dại khờ” như thuở xa xưa còn non trẻ. Phải dứt khoát đừng giữ lại trong tư tưởng dù chỉ một chút ấn tượng hay tình cảm thuở trước.

Hai yếu tố cần phải có nhằm duy trì tính bền vững của hôn nhân là lòng trung thành và sự tín thác. Trước kia vì một lý do nào đó, bạn đã không thể trung thành hay tín thác vào người bạn đời của mình, thì thời điểm này đòi hỏi bạn phải thực hiện cho được điều đó. Nếu bạn cố gắng luyện tập sự dứt khoát trong quyết định, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khì thấy sự đổi thay trong cung cách sống, trong cách cư xử của vợ hay chồng bạn. Vì không ai có thể vô tâm, thờ ơ đối với người đã hết lòng trung thành tín thác vào mình, đã hy sinh tất cả cho mình ! Một điểm thiếu sót có lẽ do chủ quan hay do tính ích kỷ gây ra, đó là chưa bao giờ người vợ hay chồng tự đặt câu hỏi mình muốn gì ở nhau, mình đã cố gắng hết sức để làm vừa lòng người phối ngẫu chưa !

Từ ban đầu, khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa xếp đặt mọi thứ trong trật tự để khỏi bị xáo trộn. Người chồng đóng vai trò chủ chốt và là người yêu; người vợ giữ vai người trợ thủ và sống hết mình cho tình yêu. Đây là hai vị trí cố đinh, tuy khác nhau nhưng lại cần đến nhau để bổ khuyết cho nhau, nhằm xây đắp nên một mái ấm hạnh phúc. Nếu như người vợ muốn bước vào vị trí của người chồng, đồng nghĩa với việc buộc người chồng phải bước đi chỗ khác, thì cả hai đều sẽ không đứng đúng chỗ của mình. Nếu điều đó xảy ra thì làm sao trong gia đình có tôn ti trật tự -mấu chốt của sự thuận hòa, làm sao vợ chồng hành xử với nhau cho đúng được.

Quan hệ vợ chồng được đặt nền tảng trên nguyên tắc “cho đi và nhận lại”. Bổn phận của người phối ngẫu là phải luôn luôn tìm kiếm và đem đến cho người bạn đời những gì tốt đẹp nhất mình có thể, hoàn toàn không mưu tìm điều gì cho riêng mình cả. Thánh Kinh dạy rằng người vợ phải phục tùng (submission -đây là từ ngữ được dùng trong quân đội) chồng mình. Sự tự nguyện phục tùng chồng được xem như một quà tặng, một ơn đặc biệt, bời vì nó đi ngược lại khuynh hướng tự nhiên của con người. Còn người chồng phải dành tất cả năng lực mình có để phục vụ và yêu thương vợ mình, như Thánh Kinh dạy. Một khuyết điểm thường thấy: hôn nhân đòi hỏi cả hai phía phải trao ban 100% cho nhau, nhưng trong thực tế, người ta chỉ mới trao cho nhau 50%. Do đó, sự so đo tính toán -một trong những điều tối kỵ- nảy sinh sẽ từ từ đưa gia đình đến chỗ rạn nứt. Trong gia đình người chồng luôn là linh hồn còn người vợ là trái tim, cả hai cần ý thức vai trò không thể thay thế của nhau, bổ khuyết cho nhau trong tinh thần tôn trọng.

Một điểm không kém quan trọng cần để tâm trong hôn nhân, đó là sự quan hệ ái ân: một điều hết sức tế nhị, mang tính riêng tư. Cần lưu tâm đến điều này, cho dù chỉ có một số rất nhỏ cuộc hôn nhân -có thể nói không đáng kể trong cộng đồng người Việt- bị tan vỡ vì vấn đề này. Hiện nay khoa học tiến khá xa trong lãnh vực này: các chuyên gia có thể hướng dẩn những thao tác, kỷ thuật đặc biệt giúp cho vợ chồng đạt được những khoái cảm tột bực (dĩ nhiên không ngược lại giáo huấn của Giáo Hội)- điều mà trước kia ít được đề cập đến cách công khai. Phải can đảm nêu lên nhu cầu cần được giới chuyên môn giúp đỡ của của những người sống đời đôi lứa. Mặc dù không ai chối cãi rằng việc ái ân làm gia tăng nồng độ tình yêu, thế nhưng người ta có thể yêu thương nhau thiết tha mà không nhất thiết phải diễn tả tình yêu đó qua sự quan hệ xác thịt.

Thiên Chúa trù hoạch rằng chúng ta không thể thật sự thỏa mãn chỉ bằng quan hệ xác thịt. Ai cho rằng tình yêu và tính dục (sex) là hai thực thể riêng biệt trong hôn nhân là không ổn, vì theo kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa, tình yêu “Agape” trong hôn nhân không loại trừ tính dục, trái lại sẽ làm cho tình yêu và xúc cảm của tính dục gia tăng hơn nhiều. Quả vậy, sự thỏa mãn lớn lao nhất trong việc ái ân vợ chồng là được trở nên một –trong tinh thần và cả thể xác- với người mình yêu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lưu ý rằng các đôi vợ chồng phải nhận thức cho được giá trị của việc họ “ăn ở” với nhau: mỗi lần họ “sinh hoạt vợ chồng” tức mỗi lần hôn nhân của họ được làm mới lại (renew), lời thề hứa trước bàn thờ hôm nao được lặp lại.

Đức Cha Fulton Sheen nói rằng mọi người đều phát xuất từ bụi đất nên không có gì đáng yêu cả. Họ trở thành đáng yêu và có thể yêu được là nhờ chính Chúa đã rót vào mỗi người một ít tình yêu. Người ta thường phân tình yêu ra làm nhiều loại, nhưng đối với Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối thì chỉ có một thứ tình yêu; đó là loại Tình yêu được Tin Mừng nhắc đi nhắc lại: tình yêu Agape. Thánh lễ chính là nơi tình yêu “Agape” được không ngừng tái diễn. Đến với Thánh Thể, bạn sẽ được nhận lãnh và thông chuyển tình yêu “Agape” này. Ngài đang chờ đợi để thông ban tình yêu của Ngài cho bạn - điều mà Ngài đã nhắm đến từ khi tạo dựng nhân loại.

Ngài lập bí tích hôn nhân, chúc lành cho hôn nhân và tưởng rằng con người không bao giờ dám đi ngược lại lệnh truyền “Không được phân ly” của Ngài. Thế nhưng Ngài cũng ban cho con người sự tự do để lựa chọn, để quyết định. Tiếc thay và cũng đáng trách thay, con người đã sử dụng sai sự tự do đó. Thay vì dùng nó để sống theo lương tâm ngay chính, phù hợp với ý định của Thiên Chúa, người ta đã tự ý làm nô lệ cho những nguyên lý sai trái, đầy tại hại, đem chúng vào trong cuộc sống của mình và nhắm mắt làm theo chúng. Việc bạn cố gắng phục hồi, làm mới lại tình yêu hôn nhân gia đình hôm nay nói lên tinh thần phục thiện tốt lành, đồng thời cho thấy bạn đã sử dụng đúng quà tặng “tự do” mà Chúa ban. Những lời sau đây của Đức Cha Fulton Sheen về hôn nhân gia đình thật thâm thúy:

“Không có người nam nào hoàn chỉnh, mà cũng chẳng có người nữ nào hoàn chỉnh cả. Và hai người không hoàn chỉnh thì không bao giờ làm thành một điều hoàn chỉnh; chẳng khác nào một nửa trái táo và một nửa củ hành chỉ có thể làm thành một “trái táo củ hành”. Đàn ông thì nhiều khiếm khuyết hơn đàn bà, bời vì họ tìm kiếm sự giàu có và quyền lực, và cả hai điều này đều ở ngoài người phụ nữ. Do vậy hôn nhân là công việc của hai người thợ không hoàn chỉnh xây dựng chung một căn nhà lý tưởng mà họ hằng mơ mộng. Họ đóng những cái bất hoà vào với nhau bằng sự hòa thuận và sửa chữa những khuyết điểm, hư hỏng của nhau bằng lòng nhân từ. Từ đó hôn nhân trở thành một tình yêu, mà sự duyên dáng của người phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng, và luôn làm cho người đàn ông ân cần đáp trả ngày một hơn”.

Trong các lễ cưới, hình như mọi người đều trích đọc thư của Thánh Phaolô. Có lẽ bởi vì không ai có những lời khuyên bảo vợ chồng đầy đủ, sâu sắc, tâm tình và chân thành đến tuyệt vời như Ngài. Thiết tưởng nếu ai cũng sống đúng như lời Ngài dạy, gia đình họ tất sẽ an vui, hạnh phúc và thánh thiện. Tuy nhiên, cũng chính Ngài đã dạy điều dường như trái ngược, với những lời khuyên trên, trong thư thứ nhất gởi Giáo đoàn Corintô rằng: ”Thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có” (7:29). Phải chăng Ngài muốn chúng ta hướng đến thượng giới, tìm đến những chuyện không tưởng cao vời? Không, ngài chỉ muốn nhắc nhở chúng ta biết dùng những cái hiện hữu như phương tiện để chiếm hữu Nước Trời – là mục đích tối hậu của đời người Kitô hữu. Đời sống gia đình cho dẫu kỳ diệu, hạnh phúc tuyệt vời, nhưng hạnh phúc Thiên đàng còn diệu kỳ, ân phúc hơn gấp triệu triệu lần. Đây chính là hạnh phúc mà ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã muốn mời gọi mỗi chúng ta chung hưởng.

.Xin nêu ra vài điểm mà những người sống đời hôn nhân chúng ta nên làm:

1/ Năng tham dự Thánh lễ, rước lễ, ít nhất vài lần trong tuần. Dành thời gian trong ngày để cầu nguyện, đồng thời khiêm tốn nhờ nhiều người cầu nguyện.
2/ Đối thoại với người phối ngẫu trong tinh thần bác ái, tự thú, nói thẳng, nói thật, nói hết tất cả trong tinh thần cởi mở, phục thiện và sẵn lòng tha thứ.
3/ Năng tham dự các khóa hội thảo về gia đình hay thăng tiến hôn nhân. Đừng ngần ngại gặp các chuyên gia khi có trắc trở về lãnh vực tính dục (sex).
4/Tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể của Giáo xứ. Rộng rãi đóng góp cho Giáo Hội địa phương.
5/ Sinh đẻ có kế hoạch. Chỉ ngừa thai theo phương pháp tự nhiên.
6/ Tôn trọng và phụng dưỡng cha mẹ đôi bên lúc tuổi già và nuôi nấng giáo dục con cái theo đường hướng của Giáo Hội Công Giáo.
7/ Đừng bao giờ đặt Giáo Hội trước hoàn cảnh đã rồi (trước khi đôi bạn có những quyết định quan trọng, nên nhờ Giáo Hội giúp ý kiến để hàn gắn, cứu vãn trước đã).

Tóm lại, phải xác tín rằng không có ơn Chúa, chúng ta sẽ trắng tay, chẳng có gì cả. Để cứu vãn, phục hồi tình yêu hôn nhân, cũng như duy trì hạnh phúc gia đình mình, mỗi người chúng ta phải tự nguyện đi bước trước trong thành tâm hòa giải, sửa chữa và tha thứ cho nhau. Tình yêu phát xuất từ ý nguyện (will), đòi hỏi sự trao ban (commitment) và cuối cùng thể hiện qua cảm xúc (feelling). Nói cách khác khi tự nguyện trao ban chính bản thân mình cho nhau, khi mưu tìm sự tốt lành, vui thỏa cho người phối ngẫu, thì chính lúc đó tình yêu sẽ xuất hiện, tự nhiên dâng tràn. Bấy giờ cả hai sẽ nên một xương một thịt đúng như kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa. Các bạn nhớ cho bằng quyền năng và ân sủng, Thiên Chúa thông chuyển tình yêu “Agape” cho mỗi người; và như thế, lúc đó tất cả sẽ biến đổi, tràn trào vượt lên trên điều bạn mong chờ, suy tưởng. Cũng đừng quên rằng Thánh Thể -chất liệu không thể thiếu- là chất keo đặc biệt để cột chặt tình yêu hai vợ chồng lại với nhau. Mỗi lần rước Thánh Thể là mỗi lần đôi bạn được “keo” lại, được làm mới lại trong tình yêu Agape.

Xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa những người sống đời đôi bạn. Xin Thánh Gia luôn hàn gắn, chữa lành và làm mới lại tình yêu của các gia đình.

Lạy Chúa, Ngài đã yêu thương tạo dựng, rồi đặt để chúng con vào sống chung trong một gia đình. Xin ban ơn nâng đỡ, xin đồng hành với mỗi người trong gia đình chúng con. Xin thông chuyển tình yêu “Agape” để vợ chồng chúng con biết chân thành trao ban chính mình cho nhau, không giữ lại gì cả, như xưa Chúa đã dâng hiến thân mình trên Núi Sọ để nhân loại chúng con được sống và sống sung mãn. Xin cho gia đình chúng con luôn được sống trong sự bình an và tín thác vào Chúa.

Muôn đời chúng con xin cảm tạ ơn Ngài.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 23 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
22:34 04/09/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 23 TN

Lc 6,6-11

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Bàn tiệc Thánh Thể luôn là dấu chỉ sự hiệp nhất và bình an. Qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng con được quây quần bên Chúa, được chia sẻ cùng một sức sống thần linh là chính Máu Thịt Chúa. Xin giúp chúng con biết sống liên đới với nhau trong tình huynh đệ, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết lấy tình bác ái mà bao bọc, cảm thông và tha thứ cho nhau.

Nhưng Chúa ơi, đời sống chung thường làm cho chúng con ganh tỵ và hiềm thù lẫn nhau. Chúng con dò xét, rình rập tội người khác thì giỏi mà chẳng bao giờ chịu nhìn lại chính mình. Chúng con bắt lỗi nhau thì nhiều mà chẳng thấy cảm thông nâng đỡ nhau. Cuộc sống đã cơ cực vì miếng cơm manh áo lại còn khó khăn hơn khi được sống bình yên dưới cái nhìn nhân ái của người đời. Cây muốn lành mà gió chẳng yên. Ai cũng muốn bình yên nhưng chúng con lại cứ thổi vào nhau những bỏ vạ cáo gian, những chua cay tị hiềm. Ai cũng muốn hạnh phúc nhưng mấy ai dám ra đi chung xây hạnh phúc cho tha nhân.

Lạy Chúa, là Đấng thấu suốt mọi sự. Xin cho chúng con cái nhìn của Chúa để chúng con cảm thông nâng đỡ lẫn nhau. Xin cho chúng con biết tôn trọng đời sống riêng tư của mỗi người để cuộc sống chung là niềm vui, là hạnh phúc thay cho những bất hòa khổ đau. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 23 TN

Lc 6,12-19

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là nguồn suối tình yêu. Chúng con luôn được tắm mát trong hồng ân của Chúa. Tình thương Chúa như mưa sa luôn thẩm thấu vào cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết đền đáp tình yêu của Chúa qua đời sống làm chứng nhân cho Tin mừng của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Lạy Chúa, vì yêu thương, Chúa không ngừng chọn gọi những cộng tác viên để mang tình yêu của Chúa đến cho nhân trần. Chúa đã chọn gọi Abraham. Chúa đã chọn gọi Đavit. Chúa đã chọn gọi các ngôn sứ và các tông đồ. Ở mọi thời. Ở mọi nơi, dường như Chúa vẫn đang tìm kiếm những con người thích hợp để làm việc cho Chúa. Chúa vẫn đang cần nhiều tâm hồn dám làm chứng cho Chúa. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con thích đón nhận ân ban của Chúa mà lại ngại hy sinh vì Chúa. Chúng con thích xòe đôi bàn tay để nhận lãnh nhưng lại ngại trao ban. Chúng con thích cầm giữ hơn là bố thí ban ơn. Chúng con toan tính thiệt hơn. Chúng con vụ lợi. Xin tha thứ vì thói ích kỷ của chúng con. Xin giúp chúng con sống quảng đại với Chúa và với tha nhân.

Lạy Chúa, xin sai chúng con đi vào đời rắc gieo tình yêu Chúa cho nhân thế. Xin Chúa đồng hành và chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 23 thường niên

Lc 6,20-26

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Thiên Chúa giầu sang nhưng lại tỏ bày cho chúng con thấy Chúa thật đơn sơ, nghèo hèn. Chúa mang lấy thân phận con người trong nghèo khó. Chúa ở lại với chúng con qua tấm bánh đơn hèn. Chúa ẩn mình nơi nhà tạm đơn sơ. Chúa muốn trút bỏ mọi vinh quang của một vì Thiên Chúa cao cả để gần gũi và cảm thông với phận người chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu thẳm sâu của Chúa.

Nhưng Chúa ơi, sao Chúa lại sinh ra trong thân phận người nghèo? Đói nghèo cực khổ lắm! Vừa túng thiếu, vừa vất vả nhọc nhằn, lại bị người đời khinh bỉ, xem thường! Phải chăng, Chúa chỉ muốn đồng cảnh ngộ để đồng cảm với chúng con? Chúa đã chọn lối sống nghèo để an ủi cho số đông nhân loại hôm nay đang đối diện với cái nghèo. Và con đã hiểu, Chúa chọn lối sống nghèo để nhắc nhở cho chúng con về giá trị vật chất đời này chỉ là tạm thời. Cuộc sống trong Nước của Chúa mới có giá trị trường tồn. Xin Chúa giúp chúng con biết sống nghèo như Chúa. Biết chọn sống nghèo để gần Chúa, gần anh em hơn là giầu sang mà bỏ Chúa, và xa rời tha nhân. Xin giúp chúng con biết sống cho người nghèo và vì người nghèo, để chúng con biết tìm niềm vui trong cuộc sống bác ái mến thương.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Nước trời bằng những của ăn không bao giờ hư nát là những việc lành phúc đức, những hy sinh từ bỏ đàng tội lỗi, những ước muốn hoàn thiện mỗi ngày nên giống Chúa là Đấng hoàn thiện. Amen

Thứ năm sau Chúa nhật 23 thường niên

Lc 6,27-38

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã thương ngự đến tâm hồn chúng con. Dù rằng chúng con không xứng đáng. Dù rằng tâm hồn chúng con còn chứa chấp biết bao hận thù, ghen ghét, chia rẽ, tẩy chay. Chúa vẫn yêu thương. Chúa không chấp nhất tội chúng con. Xin cho chúng con biết sống một cuộc đời yêu thương và tha thứ như Chúa.

Nhưng Chúa ơi! Nhân loại hôm nay luôn chìm đắm trong biển máu của hận thù, chia rẽ. Bản thân chúng con cũng khó lòng tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Chúng con biết rằng, đây không phải là ý cha thể hiện dưới đất, nhưng sao chúng con lại khó có thể vâng theo ý Chúa khi sống tha thứ cho nhau. Chúa muốn chúng con tha nợ cho nhau. Chúa muốn chúng con lấy tình anh em một nhà mà đối xử nhân hậu với nhau. Chúa muốn chúng con đến với nhau bằng bằng ánh mắt, bằng con tim, bằng lời nói yêu thương và không được tự cho phép có bất cứ suy nghĩ, lời nói, cử chỉ thiếu bác ái bao dung nào. Chúa muốn mỗi người chúng con khi biết tha thứ cho nhau sẽ mang lại cho thế giới sự hiệp nhất và bình an. Chúa muốn dùng những nghĩa cử tha thứ, bao dung của chúng con để cho Nước Chúa trị đến. Xin giúp chúng con biết ý thức về lầm lỗi của mình để chúng con cũng biết cảm thông với tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con luôn học nơi Chúa một tình yêu tha thứ, chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 23 TN

Lc 6,39-42

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng thánh thiện tinh tuyền. Chúa không chấp nhất tội lỗi chúng con. Dù rằng chúng con ngàn lần không xứng đáng diện kiến trước tôn nhan Chúa. Thế mà, Chúa còn đích thân đến tìm gặp chúng con. Chúa còn ở lại với chúng con qua bí tích Thánh Thể đầy yêu thương và gần gũi với chúng con. Xin giúp chúng con biết thanh tẩy trí lòng nên trong sạch, vẹn tuyền hầu xứng đáng với tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, mỗi lần chúng con soi mình trước sự thánh thiện của Chúa, chúng con lại hổ thẹn về mình. Tâm hồn chúng con sao ô uế quá! Lòng trí chúng con sao tục lụy quá! Chúng con quá nặng tính xác thịt. Chúng con còn quá nhiều khuyết điểm. Xin giúp chúng con biết sửa mình, biết canh tân đời sống cho xứng với phẩm giá làm người là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết học nơi Chúa cái nhìn của yêu thương, của bao dung và nhân ái. Xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thành kiến, tiêu cực đối với tha nhân. Xin giúp chúng con biết mang đến cho nhau những cái nhìn yêu thương, những lời nói cảm thông, những việc làm bác ái để cuộc sống chúng con thắm đượm niềm vui và hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết học nơi Chúa tình yêu, để chúng con ra đi và mang lại hoa trái của yêu thương cho những bước đường chúng con đi. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 23 thường niên

Lc 6,43-49

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Mỗi lần chúng con được chiêm ngắm Chúa nơi bí tích Thánh Thể, là một lần chúng con thấy Chúa thật khiêm cung. Chúa khiêm cung đến nỗi chỉ là tấm bánh làm vui lòng mọi người. Chúa khiêm cung đến nỗi chịu hòa tan nên một trong cuộc đời chúng con khi chúng con đón rước Chúa vào lòng. Chúa đã đi vào trần thế trong khiêm cung âm thầm để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con biết sống một cuộc đời như Chúa: khiêm cung, đơn sơ. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa Cha.

Nhưng Chúa ơi! Xin tha thứ vì những lần chúng con không đủ khiêm tốn để lắng nghe tiếng Chúa qua những lời góp ý chân thành của cha mẹ, anh em, bè bạn. Xin tha thứ vì những lần chúng con đã cố chấp mà cãi gàn, cãi dở trước những điều sai trái của chính mình. Xin giúp chúng con biết xây dựng đời mình trên Lời Chúa để Lời Chúa hướng dẫn chúng con đi trong chân lý vẹn toàn.

Lạy Chúa, lời Chúa là sự thật và là sự sống đời đời. Xin giúp chúng con biết mở lòng đón nhận Lời Chúa và thực thi thi suốt cuộc đời. Xin cho chúng con biết sống Lời Chúa hôm nay để mai sau chúng con được sống hạnh phúc viên mãn bên Chúa muôn đời. Amen

Lm Jos Tạ duy Tuyền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH khen ngợi cuốn phim về cuộc đời Thánh Augustin
Phụng Nghi
07:26 04/09/2009
CASTEL GANDOLFO, Italy (CNS) - Đức giáo hoàng Benedict khen ngợi cuốn phim về Thánh Augustin được quay để trình chiếu trên TV. Ngài nói rằng cuốn phim gồm hai phần này “trình bày mọi khía cạnh cuộc đời con người đã trải nghiệm tất cả những khó khăn, ưu phiền và thất bại.”

Hơn nữa, cuốn phim còn cho thấy rằng “chung cuộc, chân lý sẽ thắng thế mọi gian truân, trở ngại”. Phim dài hơn 3 giờ, nhưng ngài chỉ xem phiên bản rút ngắn được trình chiếu hôm 2 tháng 9. Ngài cho biết thêm:

“Đây là niềm hy vọng lớn lao lúc kết cuộc: Chúng ta không thể tự mình tìm ra chân lý, nhưng chính chân lý thể hiện trong con người Đức Kitô, tìm ra được chúng ta.”

Phim có tựa đề “St. Augustine”, đạo diễn là Christian Duguay, người Canada đã từng nhận được giải thưởng. Đây là một sản phẩm được các công ty truyền hình Ý, Đức và Balan cùng cộng tác sản xuất.
Thánh Augustin (do Sandro Botticelli họa)


Các tài liệu quảng bá cho biết rằng cuốn phim nhiều tập này là một trong những phim được sản xuất riêng để chiếu trên TV, và sẽ có những phim nói về Hoàng đế La mã Nero, về Thánh Phêrô, và nhân vật Ben-Hur.

Đức giáo hoàng nói rằng cuộc đời của Thánh Augustin dường như đã chấm dứt một cách bi thảm, bởi vì đô thị Hippo, “là thế giới ngài sinh sống và phục vụ, bị tàn phá và tiêu diệt.”

“Nhưng, như được trình bầy ở đây, sứ điệp của ngài vẫn tồn tại và, ngay cả khi thế giới đổi thay, sứ điệp đó vẫn còn sống mãi bởi vì được dựa trên chân lý và hướng dẫn tình yêu thương bác ái, mà bác ái là định mệnh chung của chúng ta.”

Đức giáo hoàng thường nói rằng nếp suy tư của chính ngài đã được linh hứng rất nhiều từ Thánh Augustin, nhà thần học sống ở thế kỷ thứ tư này. Năm 1953, khi còn là một linh mục trẻ tuổi, ngài đã viết luận án tiến sĩ về những lời giảng huấn của Thánh Augustin, còn bức tông thư "Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu)” dựa nhiều trên tư tưởng của thánh nhân.

Sinh quán tại Bắc Phi, Thánh Augustin trong nhiều năm trường đã lơ là không nghe theo lời khuyên răn của người mẹ theo đạo Chúa, và sống một cuộc đời sa đọa trước khi trở lại và chịu phép thanh tẩy tại Milan (Ý) vào năm 33 tuổi

Sự thức tỉnh tinh thần của Thánh Augustin không phải là một việc xảy ra đầu hôm sớm mai mà là một tiến trình tiếp nối dài lâu. Đức giáo hoàng đã có lần phát biểu rằng đôi mắt của thánh nhân đã được khai mở do nhận biết tình yêu thương của Chúa, một tình yêu là “trái tim của Tin Mừng, là tâm điểm của Đạo Chúa.”
 
Án tử hình: Khoa học – Sự công bằng – Giáo Lý Công Giáo
Lưu Hiền Đức
13:28 04/09/2009
Án tử hình: Khoa học – Sự công bằng – Giáo Lý Công Giáo

Khoa học

Một người tử tù da đen ở Dallas, tiểu bang Texas vừa được giải oan sau 23 năm ngồi tù vì buộc tội hiếp dâm và cướp của. Anh Thomas McGowan được thả ra vào năm ngoái và đang chuẩn bị nhận số tiền đền bù hơn 1,8 triệu Mỹ kim. Anh sẽ được đền bù khoảng 80 ngàn Mỹ kim cho mỗi năm anh bị giam cầm, và gần 50 ngày Mỹ kim trợ cấp hàng năm từ nay cho đến hết cuộc đời.

Texas là tiểu bang hào phóng nhất trong số 27 tiểu bang có luật đền bù người bị bắt giam oan uổng. Anh Steven Phillips, bị giam gần 24 năm vì tội xúc phạm tình dục và trộm cắp cũng sẽ nhận khoảng 1,9 triệu Mỹ kim. Người nhận nhiều nhất trong lịch sử là anh James Woodard. Anh được đền bù gần 2,2 triệu Mỹ kim sau khi ở tù 27 năm vì bị buộc tội giết người oan uổng vào năm 1980.

Đây là những trường hợp điển hình trong số 38 người đã được tiểu bang Texas trao trả tự do sau khi các cuộc điều tra bằng DNA (mã di truyền) chứng minh họ vô tội. Tất cả những cựu tù nhân này đều thừa nhận họ không thể tự quản lý cuộc đời mình nên chính phủ cũng đã cử những chuyên gia tài chính quản lý tài sản cho họ cũng như khuyến khích họ nhận tiền hàng năm thay vì nhận một số tiền lớn cùng một lúc.

Họ trở về với nhiều cảm xúc lẫn lộn, vui vì gặp được người thân mà họ dường như không có hy vọng được gặp lại. Buồn vì đã uổng phí gần nửa đời người và tuổi trẻ vì bị buộc tội oan uổng.

Năm 2004, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật khuyến khích các tiểu bang điều tra DNA đối với những tử tù hoặc những tội nguy hiểm. Ở Texas, gần một nửa số tử tù nộp đơn xin được điều tra DNA đã được giải oan. Kiểm chứng bằng DNA đã cứu thoát một thanh niên 17 tuổi ở Houston bị buộc tội nhầm tội danh hiếp dâm.

Chúng ta sẽ nghĩ gì nếu tất cả các tử tù trên đều đã bị hành hình cách đây hơn 20 năm?

Sự công bằng

Nếu có ai giết chết con chúng ta hoặc người thân của chúng ta, chúng ta muốn kẻ phạm tội phải đền tội như thế nào? Theo thống kê mới nhất 75 phần trăm người Mỹ muốn kẻ đó bị tử hình. Cách đây hơn 40 năm, con số ủng hộ tử hình chỉ là 60 phần trăm. Không chỉ người dân mà ngay cả chính phủ cũng có khuynh hướng làm luật để tăng án tử hình đối với những tội phạm nguy hiểm. Đa số đưa ra lý do là nhằm làm cho những ai có ý định phạm tội phải run sợ trước án tử hình. Những người chống lại án tử hình thì cho rằng án tử hình thật sự là 1 cách trả thù man rợ như đã đề cập trong Kinh Thánh: “Mắt đền mắt, răng đền răng.”

Sự thật là rất nhiều quốc gia hủy bỏ án tử hình đã thống kê thấy tỉ lệ phạm tội nguy hiểm giảm đáng kể.

Giáo lý Công Giáo

Theo hướng dẫn của các Giám Mục Hoa Kỳ thì án tử hình đi ngược lại với giáo huấn của Chúa Giêsu. Vào năm 1980, các Giám Mục Hoa Kỳ đã thông qua giáo huấn rằng: Từ rất lâu, truyền thống Kitô hữu đã thừa nhận quyền của các chính phủ là bảo vệ người dân bằng cách sử dụng án tử hình trong một số trường hợp thật nghiêm trọng, tuy nhiên, án tử hình nên được cân nhắc một cách kỹ lưỡng trong bối cảnh hiện nay. Vì án tử hình có thể ngăn cản tử tù phạm thêm tội khác, nhưng án tử hình có chắc chắn sẽ làm những kẻ khác run sợ mà không gây ra những tội ác nghiêm trọng không?

Các Giám Mục nhận định rằng có bốn lý do để cân nhắc:

- Thứ nhất, tội phạm có nguồn gốc rất phức tạp từ sự nghèo đói, bất công, chúng ta nên diệt tận gốc nguyên căn hơn là chỉ cắt tỉa hậu quả của nó.

- Thứ hai, Thánh kinh đã dạy rằng mỗi con người đều lạ tạo vật giống hình ảnh Chúa tự ngay khi thụ thai trong bụng mẹ. Chúng ta phải tôn trọng phẩm giá của tạo vật này.

- Thứ ba, Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Con người được mời gọi để bảo vệ sự sống qua việc phục vụ lẫn nhau chứ không phải quyết định mạng sống của người khác.

- Thứ tư, loại bỏ án tử hình là chúng ta đang noi gương của Chúa Giêsu vì Chúa là nguồn mọi sự tha thứ và cứu chuộc, là tình yêu và lòng vị tha

“Chúng ta không thể giết người để dạy cho người ta thấy cái sai của việc giết ngườii. Chúng ta tự hạ thấp mình qua cái vòng luẩn quẩn bạo lực này, nhất là con cái chúng ta” (trích “Đối diện với Văn Hóa Bạo Lực” của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tháng 11 năm 1994).
 
Thánh Bonaventura trong tư tưởng Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
20:11 04/09/2009
Ngày 6 tháng Chín này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ rời Rôma đi thăm hai thành phố nhỏ, nhưng mang nhiều ý nghĩa đó là Viterbo và Bagnoreggio. Viterbo cách Rôma chừng 65 dặm, khoảng một giờ lái xe, là nơi việc bầu giáo hoàng theo thể thức “cơ mật viện” hay kín cửa (conclaves) đã xẩy ra lần đầu tiên. Thực vậy, cho tới năm 1271, việc tụ họp các vị hồng y lại để bầu tân giáo hoàng không được gọi là cơ mật viện, hay một cuộc họp diễn ra trong một căn phòng khóa kín. Sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Clement IV vào năm 1268, các vị hồng y họp nhau tại Viterbo không bầu được vị giáo honàg nào để thay thế ngài trong suốt ba năm trời. Cuối cùng, các viên chức của thành phố buộc phải khóa kín các vị hồng y lại trong phòng họp và hàng ngày chỉ cung cấp cho các ngài duy có bánh mì và nước lã mà thôi. Chẳng bao lâu sau đó, Đức Giáo Hoàng Gregory X được các ngài bầu lên. Chính vị giáo hoàng tân cử này đã ban hành sắc chỉ buộc việc bầu cử tân giáo hoàng phải diễn ra trong phòng khóa kín.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ dùng trực thăng bay từ dinh mùa hè tại Castel Gandolfo tới Viterbo. Nhưng trên đường về, ngài sẽ dừng chân tại Bagnoreggio. Có người tự hỏi: tại sao ngài lại dừng chân tại một thị trấn không quan trọng chút nào vậy? Thưa, Bagnoreggio chính là sinh quán của Thánh Bonaventura. Thánh nhân sinh tại đó năm 1217. Nhưng một vị giáo hoàng đâu có bắt buộc phải đi thăm sinh quán của mọi vị thánh? Câu trả lời chỉ có thể là: Thánh Bonaventura là một trong hai vị thánh đã lên khuôn cho tưn tưởng của Đức Đương Kim Giáo Hoàng. Vị thánh kia, chính là Thánh Augustine.

Tại Đức, các học giả phải viết hai luận án. Luận án đầu để nhận lãnh văn bằng tiến sĩ. Luận án sau, gọi là "Habilitationsschrift", để lãnh nhận chức giáo sư giảng dạy. Giữa thập niên 1950, người sinh viên trẻ tuổi Joseph Ratzinger đã viết luận án thứ hai này, tạm gọi là luận án hậu tiến sĩ, về Thánh Bonaventura và cái hiểu của ngài về lịch sử.

Thánh Bonaventura
Tường thuật báo chí cho hay Đức Giáo Hoàng sẽ kính viếng cánh tay của vị thánh này đang được giữ tại nhà thờ chính tòa Bagnoreggio, trong khi các phần thân thể khác của thánh nhân được chôn cất tại Pháp. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cũng sẽ tôn kính sự khôn ngoan sâu sắc trong cái nhìn của Thánh Bonaventura về mạc khải Kitô Giáo, và khi làm như thế, ngài sẽ duyệt lại một trong các quan tâm chính trong chính quan điểm thần học của riêng ngài.

Theo nghĩa này, nếu ta hiểu Đức Bênêđíctô đã học hỏi được gì nơi Thánh Bonaventura, ta sẽ hiểu rõ hơn điều ngài đang dự tính làm vào lúc này, trong triều đại ngài, để dìu dắt Giáo Hội vượt qua một giai đoạn khá nhiễu nhương trong lịch sử. Chính Đức Thánh Cha đã cho ta một ý niệm về bối cảnh tri thức trên trong một bài diễn văn ngài đọc trước một nhóm học giả mấy năm trước đây, trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Lúc ấy ngài nói rằng: “Luận án tiến sĩ của tôi nói về ý niệm dân Chúa nơi Thánh Augustine… Thánh Augustine đối thoại với ý thức hệ Rôma, nhất là sau vụ người Goths xâm chiếm Rôma vào năm 410, và do đó, tôi rất thích xem xem trong những cuộc đối thoại và các nền văn hóa khác nhau này, ngài định nghĩa ra sao về yếu tính của Kitô Giáo. [Tôi thấy] ngài coi đức tin Kitô Giáo không phải là một tiếp diễn đối với các tôn giáo khác, mà đúng hơn là một tiếp diễn của triết học như một chiến thắng của lý trí đối với mê tín…”

Như thế, ta có thể nghĩ rằng bước chính trong tiến trình hình thành nền thần học Ratzinger là hiểu Kitô Giáo như “một tiếp diễn đối với triết học” và như “một chiến thắng của lý trí đối với mê tín”.

Rồi người sinh viên trẻ tuổi Ratzinger tiến thêm bước nữa. Ngài nghiên cứu Thánh Bonaventura. Ngài nói tiếp: “Công trình hậu tiến sĩ của tôi nói về Thánh Bonaventura, một nhà thần học Dòng Phanxicô thế kỷ 13. Tôi khám phá ra một khía cạnh trong nền thần học Bonaventura mà tôi chưa thấy có trong các trước tác có trước, đó chính là tương quan của ngài với ý niệm mới mẻ về lịch sử, từng được Joachim thành Fiore thai nghén trong thế kỷ 12. Joachim nhìn lịch sử như một diễn tiến từ thời kỳ Chúa Cha (thời khó khăn cho loài người phải sống dưới lề luật), qua thời kỳ thứ hai của lịch sử, tức thời Chúa Con (nhiều tự do hơn, nhiều cởi mở hơn, nhiều tình anh em hơn), tới thời kỳ thứ ba của lịch sử, thời kỳ dứt khoát của lịch sử, tức thời Chúa Thánh Thần.

“Theo Joachim, đây là thời của hoà giải phổ quát, hòa giải giữa đông và tây, giữa Kitô hữu và người Do Thái giáo, thời không có luật (theo nghĩa của Thánh Phaolô), thời của tình bằng hữu đích thực trên trần gian.

“Ý niệm đáng chú ý mà tôi khám phá được là một luồng tư tưởng có ý nghĩa trong các tu sĩ Phanxicô đã xác tín rằng Thánh Phanxicô thành Assisi và cả Dòng Phanxicô đã đánh dấu buổi hừng đông của thời kỳ thứ ba trong lịch sử, và họ có tham vọng thực hiện được việc ấy; Bonaventura đã đối thoại một cách phê phán với luồng tư tưởng này”.
Joachim de Fiore


Như thế, thiển nghĩ nhà thần học trẻ tuổi Ratzinger đã rút tỉa từ Thánh Bonaventura quan niệm coi lịch sử nhân bản như một diễn tiến có chủ đích hướng về một mục tiêu chuyên biệt, một thời có những thông sáng tâm linh sâu sắc, “thời của Chúa Thánh Thần”.

Trong khi triết học cổ điển nói tới tính vĩnh cửu của thế giới, và do đó tới chu kỳ “đời đời trở lại” của thực tại, thì Thánh Bonaventura, theo gương Joachim, đã lên án quan niệm coi thế giới là vĩnh hằng, và bênh vực ý niệm cho rằng lịch sử là một diễn tiến có chủ đích gồm các biến cố không bao giờ trở lại, nhưng hướng về một chung cục.

Lịch sử có ý nghĩa

Lịch sử có liên hệ tới, và qui hướng về một ý nghĩa, về Ngôi Lời, về Chúa Kitô.

Điều này không hẳn để nói rằng nhà thần học trẻ tuổi Ratzinger hay Thánh Bonaventura muốn biến lối giải thích đặc thù của Joachim thành của riêng mình. Đúng hơn chỉ muốn nói rằng: giống như Thánh Bonaventura, nhà thần học Ratzinger đã bước vào đối thoại có phê phán với quan niệm tổng thể của ông này, nghĩa là lịch sử có một dáng dấp và một ý nghĩa; rằng, cũng như Thánh Bonaventura, ngài nghiêm chỉnh xem sét ý niệm này.

Người ta còn nhớ Ratzinger lãnh văn bằng hậu tiến sĩ ngày 21 tháng Hai năm 1957, lúc gần 30 tuổi, với khá nhiều “sóng gió”. Ủy ban giám khảo có nhiệm vụ xem sét công trình của ngài thực tế đã bác bỏ phần “phê phán” của luận án, đến độ ngài buộc phải cắt bỏ và viết lại, và chỉ trình bày phần “lịch sử” mà thôi, xoay quanh việc phân tích mối tương quan giữa Thánh Bonaventura và Joachim. Theo chính hồi ký “Milestones: Memoirs 1927-1977” của ngài, giáo sư của ngài là Michael Schmauss phê rằng lối giải thích của ngài về quan niệm mạc khải của Thánh Bonaventura chứng tỏ “một chủ thuyết duy hiện đại đầy nguy hiểm nhất định sẽ dẫn tới việc chủ quan hóa ý niệm mạc khải”. Lúc ấy, và cả bây giờ nữa, ngài vẫn cho rằng lời phê phán của Schmauss không đúng. Vì ngài cho rằng quan niệm mạc khải của Thánh Bonaventura không cùng nghĩa với quan niệm của chúng ta ngày nay là nghĩa “mọi nội dung mạc khải của đức tin”. Theo ngài, đối với Thánh Bonaventura, mạc khải luôn luôn đi kèm với ý niệm hành động, nghĩa là, mạc khải chính là hành vi qua đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra, chứ không phải chỉ là kết quả của hành vi đó.

Tại sao điều đó quan trọng? Chính ngài viết trong hồi ký Milestones: “Bởi vì thực sự là như thế, quan niệm mạc khải luôn luôn hàm nghĩa một chủ thể tiếp nhận: nơi nào không có người tiếp nhận mạc khải, nơi đó mạc khải không xẩy ra, vì không có tấm màn nào được kéo lên cả. Do chính định nghĩa, mạc khải đòi một ai đó có thể nắm bắt được nó”.

Nhưng tại sao việc này lại quan trọng? Ngài viết tiếp: “Các thông sáng này, có được nhờ đọc Thánh Bonaventura, sau này rất quan trọng đối với tôi, lúc Công Đồng thảo luận về mạc khải, về Thánh Kinh và thánh truyền. Vì, nếu Thánh Bonaventura đúng, thì mạc khải phải đi trước Thánh Kinh và được ký thác trong Thánh Kinh nhưng vẫn không hoàn toàn đồng nhất với Thánh Kinh. Điều này cũng có nghĩa là mạc khải luôn là điều gì đó vĩ đại hơn những gì đã được viết xuống. Và hơn nữa, nó cũng có nghĩa là không thể có cái thứ “sola scriptura” (chỉ có thánh kinh mà thôi) nguyên tuyền được, vì một yếu tố chủ yếu của Thánh Kinh chính là Giáo Hội trong tư cách chủ thể am hiểu, và hiểu như thế, thì ý nghĩa nền tảng của thánh truyền đã rành rành”.

Nói tóm lại, xét trong yếu tính, điều ngài rút tỉa từ Thánh Bonaventura đã thích ứng và hoàn bị điều trước đó ngài đã rút tỉa từ Thánh Augustine. Nếu tư tưởng của Thánh Augustine nhấn mạnh đến liên tục tính của Kitô Giáo với nền triết học cổ điển, và hợp lý tính của niềm tin Kitô Giáo so với tính dị đoan của ngoại giáo, thì tư tưởng của Thánh Bonaventura nhấn mạnh tới tương phản tính giữa Kitô Giáo và nền triết học cổ điển. Thực ra, tư tưởng ấy lên án phù phiếm tính của nền triết học cổ điển vì đã ôm ấp ý niệm coi thế giới là vĩnh cửu và mọi sự sẽ “đời đời trở lại”, chẳng qua do nó thiếu chân lý mạc khải về một “tác nhân” thần linh.

Nhà thần học Ratzinger gợi ý điều trên trong lời phi lộ cho công trình của ngài về Thánh Bonaventura: “Há việc Hy lạp hóa Kitô Giáo, một việc từng cố gắng vượt qua xì-căng-đan cá biệt thể (the particular) bằng cách hòa lẫn đức tin và siêu hình, đã chẳng dẫn tới việc khai triển theo chiều hướng sai lầm đó sao? Há nó đã chẳng tạo nên một phong thái tĩnh tụ (static) cho tư duy, gây hại cho năng động tính của phong thái Thánh Kinh đó sao?”

Cả nay nữa, nếu ta chịu đọc chương cuối trong tác phẩm mới đây của Đức Giáo Hoàng, cuốn “Chúa Giêsu thành Nazareth”, ta sẽ thấy thuật ngữ siêu hình vốn giả thiết hữu thể học về “con người như một liên hệ” mà nhiều người coi là sợi chỉ xuyên suốt mọi công trình của nhà thần học Ratzinger, từ công trình đầu tiên về Thánh Augustine vào năm 1953, qua luận án hậu tiến sĩ về Thánh Bonaventura (1956) tới cuốn Chúa Giêsu thành Nazareth (2007). Ngài cho rằng mạc khải Kitô Giáo phải vượt lên trên lý trí, mặc dù nó không và không được mâu thuẫn với lý trí.

Thành ra, khi dừng lại Bagnoreggio, theo một nghĩa nào đó, Đức Bênêđíctô XVI quả đã trở về với nguồn cội của cuộc tranh đấu tri thức sâu sắc nhất của mình, nơi ngài đã hiểu trọn vẹn tính mới mẻ của niềm tin Kitô Giáo và niềm tin ấy, chân lý mạc khải ấy, cùng một lúc, vừa hoà hợp vừa chống lại ra sao thứ “lý trí” vốn là của báu của nền triết học cổ điển.

Điều ấy làm cho cuộc du hành Bagnoreggio không phải chỉ là một cuộc du hành bình thường của một vị giáo hoàng, mà là một cuộc hành trình tìm về quá khứ tri thức và tâm linh riêng của chính Đức Thánh Cha, và trở về với cái cốt lõi trong cái nhìn tri thức và tâm linh của ngài.

Theo Robert Moynihan, sáng lập viên và chủ biên nguyệt san Inside the Vatican.
 
Top Stories
Vietnam blogger arrested as crackdown continues
AP
05:50 04/09/2009
HANOI, Vietnam -- Vietnamese police have arrested another blogger, her mother and diplomats said Friday, as authorities continued a crackdown against writers who have criticized Communist Party policies online.

Authorities arrested Nguyen Ngoc Nhu Quynh, 30, who writes under the pen name Me Nam, on Wednesday night at her home in Nha Trang, foreign diplomats said on condition of anonymity, citing protocol.

Quynh's mother, Nguyen Thi Lan, said police arrested her daughter around midnight, arriving at the house while she was sleeping with her child, who is almost 3. She said they accused Quynh, a tour guide, of violating national security laws.

Lan said more than two dozen officers came to the house. About half came inside to read the arrest order, while others waited on the street.

The diplomats confirmed the arrest and said another blogger known as "Sphinx" had also been questioned in connection with her case.

Quynh's arrest was the latest in a series of police moves against writers who had criticized government policies toward China, Vietnam's powerful northern neighbour.

All of them had criticized the government for its backing of a controversial bauxite mine in the Central Highlands, to be built by a Chinese company. They also spoke out against the government's handling of territorial disputes with China over the Spratly and Paracels archipelagos in the South China Sea.

According to Lan, police had previously questioned her daughter about T-shirts she had made saying, "No Bauxite, No China; Spratlys and Paracels belong to Vietnam."

On August 25, one of Vietnam's most popular bloggers, Huy Duc, was fired by the Saigon Tiep Thi newspaper after the Communist Party complained about his blog, "Osin."

Two days later, authorities detained 37-year-old Hanoi blogger Bui Thanh Hieu, who has been critical of the Communist Party's handling of relations with China and land disputes with the Roman Catholic Church.

The next day, police in Hanoi arrested Doan Trang, 31, a writer for the popular online newspaper VietnamNet.

The government tightened its rules for bloggers earlier this year, saying they must restrict their writings to personal matters.
 
Wietnam: Aresztowano dziennikarkę (The journalist arrested)
PAP
05:56 04/09/2009
ika 01-09-2009, ostatnia aktualizacja -Pod zarzutem naruszenia prawa o bezpieczeństwie narodowym zatrzymano wietnamską dziennikarkę, współpracującą z internetowym portalem VietnamNet - podano w Hanoi

Pham Doan Trang napisała w ostatnim czasie szereg artykułów, dotyczących wietnamsko-chińskiego sporu terytorialnego o wyspy Spratly i Paracelskie na Morzu Południowochińskim. Jak zapewnił jednak wydawca VietnamNet, postawione dziennikarce zarzuty nie mają nic wspólnego z jej pracą w tym portalu. Dostęp do prac Pham został jednak we wtorek zablokowany.

Wietnamska policja odmówiła skomentowania sprawy.

Na dzień przed zatrzymaniem Pham, w Hanoi aresztowano też blogera Bui Thanh Hieu, który zamieścił w sieci krytyczne uwagi na temat stanowiska rządu w takich sprawach jak stosunki z Chinami czy Watykanem. Blogerowi także postawiono zarzut naruszenia prawa o bezpieczeństwie narodowym.

Informacje o zatrzymaniu kolejnych krytyków władz zbiegły się w czasie z rządową zapowiedzią dorocznej amnestii.

Wietnamskie władze mają z okazji święta narodowego 2 września wypuścić z więzień 5459 zatrzymanych. Wśród nich znajdzie się jednak tylko 13 więźniów sumienia - osób, skazanych pod zarzutem naruszenia prawa o bezpieczeństwie narodowym. Amnestią nie został objęty m.in. ksiądz katolicki Nguyen Van Ly, skazany na osiem lat więzienia w 2007 roku za "działania antyrządowe". W jego obronie występowała m.in. grupa 37 amerykańskich senatorów.

(Source: http://www.rp.pl/artykul/356876.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Năm thánh Linh Mục: Linh Mục Dưỡng Phụ
Đinh Văn Tiến Hùng
09:16 04/09/2009
Ghi nhớ công ơn Linh Mục Dưỡng Phụ

Phao-lô Trần hữu Lý ( 1911 – 2003 )

Thân phụ tôi mất sớm khi tôi còn là một đứa trẻ 10 tuổi.Tôi không có sư phụ truyền dạy võ công hay nghề nghiệp để hành hịệp và mưu sinh. Nhưng tôi may mắn được 1 Linh mục nhận làm dưỡng tử.Kể từ đó tôi gọi ngài là Cha Bố hay Dưỡng Phụ.Hai chữ Dưỡng Phụ với tôi mang trọn vẹn ý nghĩa cả về tinh thần và vật chất.

Khi song thân qua đời,chị em tôi lâm vào cảnh mồ côi cơ cực.Người chị cả 18 tuổi vừa kết hôn theo chồng đi xa.Chị hai mới 16 phải gánh vác gia đình.Chị theo các bà bạn của mẹ với những chuyến buôn xa, lấy tiền nuội 3 đứa em còn nhỏ dại.Thày dạy tôi thương cảm hoàn cảnh giới thiệu tôi với một linh mục và ngài sẵn sàng giơ tay đón nhận tôi,mặc dù lúc ấy ngài đã có 6 đệ tử.Ngài gửi tôi vào tu viện khi ấy gọi là Truờng Thử hay Trường Tập vì các tập sinh cần thử thách về đạo hạnh và học hành qua 2 năm Lớp Nhì và Lớp Nhất Tiểu học,trước khi được tuyển chọn lên Tiểu Chủng Viện.

Lúc này Cha Bố đang làm quản lý địa phận Phát Diệm và trông coi vùng Xứ đạo đồn điền ven biển Cồn Thoi.Nhưng cha không ở đó – sau này tôi mới biết lý do – đây là vùng xôi đậu ban đêm Việt Cộng thường về quấy phá và chúng có ý hãm hãi cha nên ngài phải ở lại Giáo Khu an toàn của Đức Cha Lê hữu Từ - nơi đặt Tổng Bộ Tự Vệ Công giáo do cha Hoàng Quỳnh chỉ huy.Ngoài nhiệm vụ quản lý,cha dạy giáo lý các lớp Trung học Trần Lục cùng biên soạn tài liệu hướng dẫn hôn nhân cho nam nữ thanh niên..

Mỗi dịp nghỉ hè,các huynh đệ chúng tôi về sống với gia đình 1 tuần trước khi xuống Cồn Thoi.Nơi đây không khí mát mẻ trong lành,tốt cho sức khoẻ và học hành. Tuy là nghỉ hè, chúng tôi vẫn phải giữ đúng thời khoá biểu do đại sư huynh ấn định.Buổi sáng sau Thánh Lễ,ăn sáng rối học bổ túc những môn yếu kém,tới 12 giờ dùng cơm trưa.Buổi chiều sau nghỉ trưa được tự do đi tắm sông,lưới cá cua trôi theo dòng nước cuốn về, hay bắt sò,hến., đuổi theo những con ngỗng trời vô bờ biển kiếm mồi. Đến 9 giờ tối lên nhà nguyện,10 giờ tắt đèn ngủ.Cuối tuần thứ Bảy,Chúa Nhật nghỉ học,đi viếng các nhà thờ họ quanh vùng.Những ngày hè dù sống theo giờ giấc ấn định,nhưng mang lại cho chúng tôi nhiều ích lợi và thú vị.Tinh thần tỉnh táo,sức khoẻ hồi phục,môn học yếu kém các sư huynh đệ bổ túc cho nhau.Những chiều dạo chơi trên đê,nghe sóng biển rì rào ngoài xa,từng đàn hải âu dập dờn trên sóng.Những đêm trăng sáng, đại sư huynh tụ họp thanh thiếu niên xóm đạo,ngồi dọc hai bên bờ đê lộng giò,tập những bản thánh ca du dương dìu dặt.

Cứ hai tuần một lần,Cha Bố từ giáo khu Phát Diệm đi xe mô-tô chạy dọc con đê dài xuống thị sát công việc đồn điền. và giáo xứ. Mỗi lần nghe tiếng xe từ xa vọng lại,trẻ con thi nhau chạy dọc bên bờ đê hò reo: “ Cha bình bịch về ! Bình bịch về !.Độ ấy người dân quê đặt tên theo âm thanh phát ra – nôm na nhưng chính xác mà dễ nhớ: ’ xe bình bịch ‘.Theo tôi nghĩ có lẽ thời ấy,cả giáo khu Phát Diệm chỉ có mình cha dùng mô-tô làm phương tiện di chuyển và cũng vì cha cao lớn gần 2 thước mới đủ sức điều khiển nổi con ngựa Phù Đổng.Mỗi lần xuống,ngài vào chào cha già đang hưu dưỡng và thày phụ tá bàn bạc công việc.Sau đó gặp riêng đại sư huynh để biết tình hình tổng quát về chúng tôi,nếu có ai sai phạm điều gì cha gặp riêng khuyên bảo,không bao giờ to tiếng la rầy.Bố chỉ ở vài tiếng rồi ra về trong tiếng reo hò của bày trẻ chạy theo xe với làn khói dài tan loãng phía sau.

Trong thời gian tôi sống nơi tu viện,Cha Bố thường xuyên theo dõi gíúp đỡ đời sống chị em tôi.Vào các dịp Tết cha nhờ ngườii đem cho quà bánh để hưởng Xuân. Sau khi tôi đậu bằng Tiểu học cũng là lúc Hiệp Định Giơ-neo ký kết ngày 20/7/1954 chia đôi Đất Nước: Miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra thuộc Cộng sản Bắc Việt và từ vĩ tuyến 17 trở vào thuộc Miền Nam tự do.Dân chúng Miền Bắc – nhất là các xứ Công giáo – tìm đủ mọi cách trốn ra Hà Nội,Hải Phòng chờ phương tiện di cư vào Nam, trốn thoát chế độ Cộng sản.Tu viện chúng tôi di chuyển ra tạm trú nơi trường Saint Josept Hải Phòng chờ xuôi Nam.Trong khi chờ đợi,chú em trai 8 tuổi thất lạc các chị, chạy theo đoàn người di cư tới nơi.Tôi rất lo lắng vì chưa nhận được tin tức các chị và càng lo âu Không biết phảI làm sao cho em lúc này.Cha Bố xuất hiện đúng lúc,bảo tôi cứ yên tâm theo Tu viện vào Nam và ngài sẽ sắp đặt cho em tôi vào. Tuần lễ sau tôi theo Tu viện vào Nam trên chuyến tàu Pháp Saran…

Vào Miền Nam tôi nhập Tiểu chủng viện Phát- Diệm tại Phú Nhuận. Qua 2 năm học,tôi bị đau nặng nên Bề trên cho về gia đình để thuốc thang dưỡng bệnh.Nhưng tôi làm gì có gia đình vì chị em tôi đã phiêu bạt mỗi người một nơi,Cha Bố đưa tôi về xứ ngài săn sóc, chạy chữa.Nhờ sự tận tình của Dưỡng Phụ, hơn hai năm tôi đã bình phục.Lúc này tôi có thể trở lại trường,nhưng rất khó theo kịp học tập cùng các đồng môn – nhất là môn La-tinh – còn nếu lui lại 2 hay 3 năm cũng không phù hợp.Chính lúc tôi đang phân vân, Bố đã giải đáp thay tôi và nói: “ Thôi con ạ ! Chúa gọi thì nhiều nhưng chọn thì ít ! Chúa đã dọn cho con đi theo con đường khác ! “

Tôi vâng lời,nên sau khi đậu Trung học, tôi bước vào đời sớm để mưu sinh.Trong suốt cuộc sống từ kèm trẻ tư gia,thư ký hãng buôn,giáo viên Tiểu học,giáo chức Trung học,gia nhập Quân đội..tôi vẫn luôn liên lạc, lui tới thăm ngài.Có thể nói trong các huynh đệ sau này hoàn tục,chỉ có tôi luôn gấn bó với Cha Bố để đón nhận sự hướng dẫn,chỉ bảo,giữ tình cha con thân mật,đó cũng là cách tôi luôn tỏ lòng kính mến biết ơn Dưỡng Phụ.Tôi bị mất liên lạc với ngài gần 10 năm khi trong ngục tù Cộng-sản.Nhưng tôi luôn nhớ cầu nguyện cho ngài – và chắc ngài cũng nhớ tới đứa con ‘dưỡng tử ‘ mà cuộc đời buồn nhiều hơn vui-Sau khi mãn hạn tù,tôi tiếp tục mối giây liên lạc với ngài.Mặc dù sống dưới chế độ kìm kẹp của Cộng sản,tôi rất vui mừng vì thấy Bố còn khoẻ mạnh và vẫn can đảm hăng hái như xưa,xây dựng giáo đường,trường học,nữ tu viện rộng rãi khang trang,tổ chức các đoàn thể chặt chẽ,sốt sáng….Ngài biết cuộc sống khó khăn khi tôi mới từ lao tù trở về,luôn an ủi hỗ trợ…Những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh rồi cũng qua.Gia đình tôi được chính phủ Hoa kỳ chấp nhận cho đi định cư theo diện tị nạn chính trị.Trước ngày lên đường,tôi đưa gia đình lên từ biệt. Bố đặt tay trên đầu từng người và chúc chúng tôi thượng lộ bình an.

Định cư tại Mỹ hơn 10 năm,tôi chưa một lần trở về thăm Quê Hương,không phải tôi muốn chối bỏ Tổ -Quốc – nơi mình đã sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm vui buồn – mà vì ‘ Nước Non còn đó,Hồn Quê mất rồi ‘.Nhưng khi nghe tin Dưỡng Phụ bệnh nặng,tôi vội vã trở về thăm ngài.

Trở lại chốn xưa,tôi thấy nhiều sự đổi thay. Sự thay đổi ‘ phồn vinh giả tạo ‘ mà trước đây Cộng sản Bắc Việt đã gán ghép cho Miền Nam,giờ lại đúng cho một chế độ gian tham lừa bịp.Các cơ quan chính quyền,công ty,khách sạn,vũ trường…xây cất lộng lẫy mọc lên như nấm để moi tiền khách du lịch nước ngoài cùng Việt kiều áo gấm về làng khoe khoang du hí.! Trong khi còn quá nhiều những khu nhà ổ chuột của dân chúng nghèo đói,tất tưởi ngược xuôi kiếm sống cùng những trẻ em gầy ốm,rách ruới,bới từng đống rác mưu sinh.Dưới chân nhà cao ốc,gầm cầu,vất vưởng những người dân quê từ nông thôn đổ về thành phố sinh sống, vì đồng ruộng xác xơ thiếu nước,nông cụ,phân bón..thuế thu quá cao không thể bám vào mảnh đất của cha ông để sống…Bản thân tôi,khi sống nơi đất khách quê người luôn thấy trông trải cô đơn mong ngày trở về Quê cũ,nhưng chua xót thay lúc này tôi đang đứng trên Đất Nước thân yêu,giữa dòng người qua lại ồn ào,tôi vẫn thấy mình lạc lõng cô đơn ! …

Tôi tìm đến xứ đạo Cha Bố.Tháp giáo đường vẫn vươn cao trong nắng sớm.Ngôi nhà hưu dưỡng ngài xây sẵn cho ngày về hưu an dưỡng vẫn còn đây,nhưng Dưỡng Phụ thân yêu không còn ở đó ! Cha xứ mới cho biết hiện ngài đang trú ngụ tại Nữ Tu viện gần đây..Sơ Bề Trên hướng dẫn tôi tới gian phòng ngài dưỡng bệnh,Sơ cho biết mấy tuần trước cha đau nặng nằm liệt giường,nay đã đỡ hơn có thể ngồi dạy đọc kinh nguyện và làm lế tại phòng.Sơ lên tiếng gọi,Cha ngồi dậy,vịn vào thành giường tiến về phía cửa sổ.Bóng dáng ngài cao lớn,chắn ngang tầm cửa, thân mình gầy ốm, xanh xao,nét mặt mệt mỏi..Hình như cha chưa nhận ra ai,tôi vội lên tiếng: “ Thưa Bố,con là Hùng đây ! Bố có nhận ra con không ? Con mới ở nước ngoài về ! “ Cha vẫn chưa nhớ ra, có lẽ vì lãng tai và trí nhớ suy giảm.Tôi phải nhắc tên hai Sư huynh Linh Mục, ngài mới nhớ ra và mở cửa cho tôi bước vào.Bóng đèn tròn vàng vọt yếu ớt không đủ soi rõ căn phòng nhỏ hẹp,mỗi chiều chừng ba thước với chiếc giường, chiếc bàn nhỏ và chiếc ghế gỗ.Cha ngồi trên giường nhường ghế cho tôi.Tôi đưa mắt nhìn quanh thầm cảm phục sự hy sinh khó nghèo của ngài Căn nhà hưu dưỡng sẵn có.sạch sẽ rộng rãi vớí tiện nghi tạm đủ sao ngài không ở mà chấp nhận cuộc sống thiếu thốn thế này ? Sau chừng một giờ hàn huyên tâm sự giữa hai bố con lâu ngày xa cách.Khi thấy ngài đã mệt cần nghỉ ngơi,tôi đứng lên cáo từ,trao ngài chiếc phong thư.Bố cảm động vỗ nhẹ vào vai tôi trìu mến: “Bố cám ơn con ! Bố giành để uống thuốc cho mau lại sức ! “ Tôi nghe mà lòng xót xa vì đời sống đơn sơ nghèo khó của bố và cũng buồn vì hoàn cảnh eo hẹp của mình mang danh là sống ở nước ngoài về.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp lại Dưỡng Phụ,vì trở về Mỹ 2 tháng sau tôi nghe tin Bố mất,sau hơn 60 năm cuộc đời Linh Mục hiiến dâng cho Chúa,phụng sự Giáo Hội.Với tôi Dưỡng Phụ không phải là vị thánh như Cha Thánh Vianney cha sở họ Ars hay cha Trương bửu Diệp, nhưng suốt 64 năm đời Linh mục qua nhiều giáo xứ từ miền Bắc: Nam Biên,Như Sơn, Gia Lạc, Cồn Thoi cho tới miền Nam: Long Chữ, Bạch Đằng, Lạc Quang, ngài luôn tận tụy với nhiệm vụ Chúa trao phó, được mọi người kính trọng yêu mến vì giữ trọn 3 lời tuyên hứa: Khó nghèo – Khiết tịnh và Vâng lời.

Nhân dịp năm Thánh Linh Mục,tôi dưỡng tử xin ghi nhớ đôi dòng kỷ niệm về Linh Mục Dưỡng Phụ mà tôi luôn kính mến và biết ơn.Cũng là dịp tôi muốn đóng góp vài ý kiến nhỏ về sự quan tâm hỗ trợ cho các Linh mục đang truyền giáo nơi những vùng xa xôi hẻo lánh,dân chúng nghèo nàn nơi các vùng Thượng du miền Bắc,Tây nguyên miền Trung VN …đang cần những phương tiện tối thiểu như nhà thờ,trường học thuốc men,thực phẩm…- Chúng ta hiểu lòng Chúa muốn ngự nơi mái tranh khó nghèo như xưa sinh xuống gian trần nơi hang Be-lem, để chia xẻ tình thương yêu nhân loại hơn là nơi lâu đài nguy nga tráng lệ mà trống vắng cô đơn….. Đặc biệt,tôi muốn nói đến sự rộng tay nâng đỡ các Linh Mục già yếu hưu dưỡng tại Việt Nam.Cuối cùng tôi xin mượn lời Đức Tổng Giám Mục Giu-se Ngô quang Kiệt kêu gọi trong Tâm thư gửi cho các Linh Mục,Tu sĩ và Giáo dân hải ngoại:

“ Hiện nay cuộc sống của các Linh Mục già yếu,bệnh tật ở 26 Giáo phận Việt Nam còn rất nhiều khó khăn.Hội đồng Giám Mục Việt Nam dù rất muốn chăm sóc tất cả các ngài được chu đáo trong những tháng ngày còn lại, sau cả cuộc đời tận tụy và trung thành phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội,nhưng hoàn cảnh và điều kiện chưa cho phép.Đây là nỗi khổ tâm rất lớn của chúng tôi.

Trong những năm qua,lòng quảng đại của anh chị em,đặc biệt anh chị em tại hải ngoại,đã gíúp cuộc sống của các Linh Mục hưu dưỡng phần nào tốt hơn.Nhưng những trợ giúp đó chưa có chương trình ổn định lâu dài.Để công việc này có được qui mô rộng lớn và có kết quả lâu dài cho tất cả các Giáo Phận trên toàn quốc.Hội đồng Giám Mục VN đã ủy thác cho chúng tôi cùng với Hội Tương Trợ Linh Mục Hưu dưỡng và Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Ký xúc tiến công việc……”
 
200 thiếu nhi họ Đinh đồng tham dự thánh lễ khai giảng năm học mới
Trần Đinh
09:44 04/09/2009
HÀ NAM: Ngày 02 tháng 09 năm 2009, gần 200 học sinh cũng là Thiếu nhi Thánh thể thuộc giáo họ Đinh Đồng, xứ An Phú, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã tham dự Thánh lễ tạ ơn kết thúc chiến dịch hè và khai giảng năm học mới. Sau thánh lễ, các em được nhận những phần quà khích lệ và tham dự trò chơi bốc thăm trúng thưởng.

Trước Thánh lễ, các em được giao lưu, học hỏi và vui chơi với nhau. Với những bài hát, cử điệu và băng reo do các Thầy chủng sinh phụ trách, hầu hết các em đều cảm thấy vui tươi, hào hứng. Ngoài ra, các em cũng được khuyến khích, dặn dò những điều bổ ích làm hành trang bước vào năm học mới.

Trong Thánh lễ, cha chủ tế – Giuse Trịnh Duy Hưng - và cộng đoàn đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân của Ngài đã ban cho giáo họ và đặc biệt là cho các em học sinh trong suốt mùa hè vừa qua. Đồng thời cộng đoàn phụng vụ cũng phó dâng cho Chúa những nguyện ước, những băn khoăn và cả những thách thức mà các em sẽ phải đối mặt trong năm học sắp tới. Xin Chúa chúc lành và thánh hóa việc học của con em trong giáo họ.

Cuối Thánh lễ, Cha chủ tế đã dặn dò và ban những lời huấn dụ hữu ích cho các em. Ngài cũng cầu chúc cho tất cả con em trong giáo họ sẽ đạt được nhiều thành công trong năm học sắp tới. Sau những lời nhắn nhủ thân tình của cha đặc trách, tất cả các em đều được nhận những phần quà khích lệ do chính cha và Ban Khuyến Học trao tặng. Những phần quà này là những dụng cụ hỗ trợ cho việc học tập của các em như sách, vở, bút… Sau khi nhận những phần quà khích lệ, các em đã rất hào hứng và hồi hộp tham dự trò chơi bốc thăm trúng thưởng. Những phần quà tuy đơn sơ nhưng đã đem lại những giây phút thư giãn và vui tươi, tạo cho các em tâm lý thỏai mái trước khi bước vào năm học mới.

Được biết, giáo họ Đinh Đồng là một trong 8 giáo họ thuộc giáo xứ An Phú. Có khoảng 1000 giáo dân đang sinh hoạt trong giáo họ. Hiện tại, giáo họ Đinh Đồng có gần 200 em học sinh đang theo học tại các trường, trong đó có 79 em đang học tiểu học, 86 em đang theo học trung học và 16 em đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp.

Việc tổ chức Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho năm học mới là một trong những sinh hoạt thường niên của giáo họ. Đây là sáng kiến của Cha đặc trách và của Ban Khuyến Học giáo họ. Có thể nói việc tổ chức Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho năm học mới là một hoạt động có ý nghĩa vì nó giúp những phụ huynh trong giáo họ ý thức và có trách nhiệm hơn về việc học hành của con em mình. Đồng thời, nó cũng tạo ra động lực thúc đẩy các em cố gắng và hăng say hơn trong việc học hành của bản thân.
 
Lời cảm tạ và chúc mừng Đức Cha giáo phận Thái Bình
LM Gieronimo Nguyễn Phúc Hạnh
10:25 04/09/2009
Trọng kính hai Đức Cha kính mến của chúng con.

Hôm nay trước sự hiện diện của quý cha, quý Bề trên Hội Dòng, quý tu sĩ nam nữ, quý khách, con xin được đại diện cho mọi thành phần dân Chúa trong đại gia đình Giáo Phận giãi bày tâm tình của chúng con:

Trước hết, khi nhìn thấy hai Đức Cha cùng hiện diện giữa chúng con, chúng con nhận ra sự liên tục của tình thương Chúa, một tình thương không để gián đoạn, một tình thương quan phòng của Trời Cao, một tình thương mang tính ưu tiên, cho dù Giáo Phận chúng con chỉ là Giáo Phận nhỏ bé. Sự kiện này đòi chúng con nâng lòng lên và chung lời tạ ơn. Tạ ơn Chúa, cám ơn mọi người.

Chúng con tạ ơn Chúa vì sự kiện này. Chúng con cũng cám ơn những trung gian đã đem tình thương của Chúa cho Giáo Phận chúng con: đó là Đức Thánh Cha Bênêđictô và Tòa Thánh, cũng như các Đấng bậc đã lo liệu cho chúng con có ngày hôm nay. Chính trong tâm tình ấy mà giờ này, các tháp chuông trong Giáo Phận đang cùng vang lên để tạ ơn Chúa trên trời, để báo tin vui cho mọi người muôn nẻo.

Chúng con nhiệt liệt chào mừng quý cha, quý Bề trên, quý tu sĩ nam nữ, quý khách đã đến với Giáo Phận chúng con trong dịp trọng đại này.

Kính thưa quý Đức Cha, người thời xưa dùng hình ảnh cây Thung, cây Huyên để nói về công ơn cha mẹ, khi nhìn gốc Thung gốc Huyên cằn cỗi, người con cái liền tưởng nhớ công lao vất vả của bậc sinh thành:

Nhìn Thung, Huyên theo tháng ngày cằn cỗi,
Lưng gù vì mệt mỏi cõng thương đau
Phong sương đã phủ trắng mái đầu…
Lòng cha mẹ biết nói sao cho hết
?

Chúng con hôm nay khi nhìn lên Đức Cha Phanxicô Xaviê, đã mười chín năm ở với chúng con, đã dành cho chúng con biết bao lao công khổ tứ, tóc đã bạc, da đã mồi, chúng con cũng cảm thấy mến thương khôn tả… Rồi khi nhìn vào những thành quả về mục vụ và những đổi thay tiến triển Đức Cha để lại cho Giáo Phận… chúng con nhận ra quyền năng Chúa quan phòng thật kỳ diệu, đã dùng Đức Cha như khí cụ yêu thương để ban ơn cho chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa, chúng con cám ơn Đức Cha… ơn nặng nghĩa dày này đòi một sự đền ơn đáp nghĩa. Sự đền ơn đáp nghĩa ấy hôm nay xin được nói lên bằng lời kinh nguyện mà cả Giáo Phận sẽ mãi mãi dành cho Đức Cha khả kính.

Vâng chúng con nhận rằng gia đình Giáo Phận Thái Bình mang nặng ơn Đức Cha. Chúng con cũng hiểu rằng: Sống biết ơn thì hơn nói lời cảm tạ.

Kính thưa quý Đức Cha, tình thương Thiên Chúa thật bao la, đã thương thì thương mãi mãi, bằng chứng là Người lại ban cho chúng con một chủ chăn mới, để đồng hành với chúng con trong cuộc sống đức tin, để hướng dẫn chúng con đi theo con đường của Chúa. Một điều nữa làmn cho chúng con vui mừng vì cho tới hôm nay, nhiều người trong chúng con mới được nhìn thấy người Cha chung Chúa gửi tới cho Giáo Phận. chúng con vui lắm, chúng con mừng lắm… Không biết Đức Cha có vui không, có bằng lòng về sống với chúng con không, thưa Đức Cha Phêrô của chúng con?... Tự thắc mắc nhưng rồi chúng con tự an ủi rằng: chắc chắn Đức Cha vui, chắc chắn Đức Cha sẵn lòng về sống với chúng con, bởi lẽ đây là sự sắp xếp của Chúa quan phòng, bởi lẽ Đức Cha đã noi gương thánh Boscô tổ phụ của Đức Cha mà xin cùng Chúa: XIN BAN CHO CON CÁC LINH HỒN. Thì này đây, Chúa trao ban cho Đức Cha một tăm hai mươi ngàn có lẻ các linh hồn,, để Đức Cha dưỡng nuôi chăm sóc, để Đức Cha toại lòng ước mong, như vậy thì hẳn là Đức Cha phải vui. Và thế là Đức Cha vui, chúng con cũng vui, cả nhà cùng vui. Nhà thơ Tế Hanh diễn tả tình yêu của ông đối với con sông quê hương bằng hình ảnh tuổi thơ bơi lội trên sông, đã viết:

Tôi dang tay ôm nước vào lòng,
Sông mở nước ôm tôi vào dạ.
Hôm nay con mạo muội đổi thành:
Đức Cha dang tay ôm Giáo Phận vào lòng,
Giáo Phận mở lòng ôm Đức Cha vào dạ…
Vì lẽ đón nhận nhau là động tái trước hết của Tình Yêu
.

Nói đến Tình Yêu, một thứ keo tình yêu đã gắn kết Đức Cha với Giáo Phận chúng con. Tình yêu ấy có cội nguồn từ một quả tim vĩ đại nhất trong nhân loại, quả tim mà Giáo Phận này tự thuở thành lập đã nhận làm Đấng Bảo Trợ, làm cội nguồn của niềm hy vọng và hạnh phúc của mình. Xin Đức Cha hãy dẫn chúng con tới nếm hưởng nguồn tình yêu trong quả tim cực thánh ấy, để phát sinh mỗi ngày một nhiều hơn chất keo gắn kết Giáo Phận chúng con với Chúa, với Chủ Chăn và với nhau, nhờ sự trung gian của trái tim Mẹ Người, một mẫu gương tuyệt vời về cách sống tình yêu.

Giờ đây, vì thời gian không cho phép, con xin phép ngừng lời, dù cho Tình còn dài, mà Ý cũng khôn vơi. Toàn thể gia đình Giáo Phận xin tỏ bày niềm vui mừng và lòng tuân phục đối với người Cha Chung.

Và chúng con xin một lần nữa tỏ lòng tri ân Đức Cha Phanxicô Xaviê, trong niềm hân hoan chào đón Chủ Chăn mới của Giáo Phận. chúng con cũng hân hoan chào mừng và cám ơn sự hiện diện của Quý Cha, quý Bề Trên, quý khách đang hiện diện trong thánh lễ trọng này. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.
 
ĐC Nguyễn Năng: “Giáo Hội là một gia đình, ở đâu cũng là nhà mình, người nào cũng là anh chị em mình, truyền thống nào cũng là gia sản chung”
WHĐ
10:38 04/09/2009
WHĐ (3.09.2009) – Như tin đã đưa, ngày 25-07-2009, Tòa Thánh đã bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Năng, Giám đốc Cơ sở 2 ĐCV Thánh Giuse (Xuân Lộc), làm giám mục chính tòa giáo phận Phát Diệm. Việc bổ nhiệm này khép lại giai đoạn hai năm giám quản do Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đảm trách (2007-2009), mở ra một trang lịch sử mới cho giáo phận. Nhân dịp này, Bản tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ) thực hiện cuộc phỏng vấn Đức tân Giám mục Giuse, qua đó cung cấp cho quý độc giả những cảm nhận và chia sẻ đầu tiên của vị mục tử lãnh đạo dân Chúa tại Phát Diệm, một giáo phận giàu truyền thống và kinh nghiệm lữ hành. Xin chân thành cảm ơn Đức cha Giuse đã nhận trả lời phỏng vấn của WHĐ.

1. Những cảm nhận đầu tiên của Đức cha khi nhận được tin Tòa thánh bổ nhiệm vào chức vụ mục tử, lãnh đạo giáo phận Phát Diệm?

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Tâm trạng đầu tiên là một sự ngỡ ngàng, không phải ngỡ ngàng vì bản tin được công bố, vì bản tin chỉ là kết thúc của một tiến trình chuẩn bị từ lâu, nhưng là ngỡ ngàng trước một sứ mạng với những trách nhiệm mới và khó khăn. Cũng như các linh mục khác, tôi rất mong ước làm linh mục, nhưng không thích làm giám mục. Chỉ vì tinh thần Giáo Hội mà tôi chấp nhận sự đề cử của các vị hữu trách và sự chọn lựa của Toà Thánh. Tất cả mọi sự đều là hồng ân của Chúa, nhưng có những ơn mình thích, có những ơn mình không thích. Tôi đang tập muốn điều Chúa muốn. Ngày thụ phong linh mục, tôi hân hoan vui sướng và hăng say chuẩn bị cho ngày tiến chức và tạ ơn. Còn bây giờ được chọn làm mục tử của một giáo phận, tôi cảm thấy lo nhiều hơn vui. Đó là tâm trạng của một người được trao phó một trọng trách nhưng lại cảm thấy bản thân quá bất xứng. Tuy nhiên Lời Chúa nhắc tôi luôn cậy trông phó thác cho Chúa. Vấn đề không phải là tôi sẽ làm được gì cho Chúa và Giáo Hội, nhưng là Chúa có thể dùng tôi để thực hiện chương trình của Ngài không.

2. Giáo phận Phát Diệm cách giáo phận Xuân Lộc hơn 1500 cây số. Đức cha có cảm thấy còn khoảng cách nào khác ngoài khoảng cách địa lý?

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Cùng với tâm trạng ngỡ ngàng và lo lắng, tôi cũng cảm thấy ngại ngùng khi phải đi xa nơi mà mình đã sống, đã được đào tạo và đã làm việc từ hơn 50 năm qua. Khi nhập tịch vào giáo phận Xuân Lộc, tôi chọn sống và chết cho Xuân Lộc. Mọi sự nơi tôi mang dấu ấn của Xuân Lộc. Vốn là một người sinh ra tại Phát Diệm, nhưng tôi không biết gì nhiều về Phát Diệm, ngoài những kiến thức đọc trong sách vở hay qua vài lần về thăm như một người khách du lịch. Trở về quê hương, nhưng đối với tôi mọi sự đều là mới. Như một trẻ thơ, tôi bắt đầu học tên người, tên xứ, học phong tục và tập quán, học lịch sử và văn hoá, học truyền thống đức tin, học nếp sống đạo của giáo dân. Tóm lại là học làm người của Phát Diệm.

Có những cái phải học, nhưng không phải là xa lạ, vì trong hơn 50 qua, gia đình tôi sống tại giáo xứ Phúc Nhạc và Bạch Lâm là những nơi in đậm truyền thống Phát Diệm. Hơn nữa khi quan niệm Giáo Hội như là một gia đình, thì ở đâu cũng là nhà mình, người nào cũng là anh chị em mình, truyền thống nào cũng là gia sản chung. Khi ta giữ khoảng cách với mọi người, thì mọi người đều là kẻ xa lạ. Nhưng khi ta đến với mọi người và thật lòng yêu mến họ, thì họ là người nhà của ta. Tôi nhận thấy rằng dù tôi chưa về sống tại Phát Diệm, nhưng Phát Diệm đã yêu mến tôi và tôi yêu mến Phát Diệm, và tình yêu xoá bỏ mọi khoảng cách.

3. Được biết Đức cha chọn khẩu hiệu “Hiệp thông và Phục vụ” cho sứ vụ giám mục. Xin Đức cha chia sẻ cho độc giả WHĐ về ý nghĩa của sự lựa chọn này.

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Theo sách Công vụ Tông đồ, Hiệp thông (koinonia) và Phục vụ (diakonia) là hai yếu tố nòng cốt làm thành đời sống của Giáo Hội nhằm làm chứng (marturia) cho Đức Kitô Phục sinh. Muốn làm chứng cho Chúa, Giáo Hội phải hiệp thông và phục vụ. Sự hiệp thông mang nhiều chiều kích: trước hết là hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, để từ nguồn mạch và theo mẫu gương hiệp thông của Ba Ngôi, kiến tạo sự hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa và sống hiệp thông với cả những người ở ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội, vì Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện và hoạt động nơi họ. Sự hiệp thông như vừa trình bày được diễn tả qua hình ảnh ba người giang tay liên kết với nhau để làm thành chữ H-T tức là Hiệp Thông.

Hình ảnh ba người giang tay gợi lên Tam quan của Phương đình Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Điều đó muốn nói lên rằng sự hiệp thông mang tính cách cụ thể của cộng đồng Giáo Hội địa phương. Giáo Hội địa phương chính là một gia đình, mà gia đình này là hoạ ảnh của sự hiệp thông Ba Ngôi. Mọi Kitô hữu được mời gọi để xây dựng Giáo Hội địa phương và làm chứng cho Chúa trong tính đặc thù của địa phương mà vẫn không làm phương hại đến sự hiệp thông của Giáo Hội phổ quát.

Hiệp thông phải đưa đến Phục vụ. Giáo Hội không phải là một tổ chức co cụm, nhưng được sai đi để phục vụ con người, vì con người là con đường của Giáo Hội. Như Đức Kitô, mọi thành phần trong giáo phận Phát Diệm cần nắm tay nhau và dấn thân để phục vụ sự sống và phẩm giá của con người, làm sao để mọi người được sống sung mãn và phát triển toàn diện: tâm hồn và thể xác, hiện tại và vĩnh cửu, cá nhân và cộng đồng, kinh tế, văn hoá và đạo đức…

Thánh giá Đức Kitô nằm ở trung tâm đời sống Giáo Hội và bao trùm mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Nguồn mạch và gương mẫu của sự hiệp thông và phục vụ chính là Thánh giá Đức Kitô. Toàn huy hiệu thấm nhuần màu đỏ, màu của sự sống được khơi nguồn từ Thánh giá. Nếu không đi theo con đường của Tin Mừng và không liên kết với Đức Kitô chịu khổ nạn và phục sinh, sự hiệp thông và phục vụ của Giáo Hội cùng lắm chỉ là biểu hiện của một tình yêu nhân bản chứ không thể là một sự làm chứng cho Ngài.

4. Vào lúc này, Đức cha muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng Dân Chúa tại Phát Diệm?

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Giám mục được đặt lên để làm người phục vụ Dân Chúa. Tôi xin được lặp lại lời của thánh Augustinô: “Cho anh em, tôi là giám mục; với anh em, tôi là Kitô hữu. Giám mục là tên chỉ chức vụ, còn Kitô hữu là tên chỉ ân huệ”. Dù là giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tất cả chúng ta là những chi thể sống động trong Nhiệm Thể là Giáo Hội, chúng ta đồng trách nhiệm về Giáo Hội. Nếu tất cả mọi thành phần trong cộng đồng Dân Chúa hiệp thông với Chúa và với nhau cách chân thành tận đáy lòng, chúng ta mới có thể làm cho giáo phận được thăng tiến và có thể làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu thực sự. Nếu không, chúng ta sẽ vô tình biến Giáo Hội thành một tổ chức xã hội như bao xã hội khác, và việc chúng ta làm chứng cho Chúa chẳng đem lại kết quả gì sâu xa.

Kế đến, Phát Diệm là giáo phận có truyền thống sống đạo sâu xa vững vàng ăn rễ sâu vào văn hoá dân tộc. Từ ngày thành lập giáo phận đến nay đã hơn một trăm năm qua những thời kỳ khác nhau, từ giai đoạn xây dựng, sang giai đoạn thử thách, rồi phục hồi, lúc nào các thành phần Dân Chúa cũng chứng tỏ một đức tin vững mạnh. Ước mong giáo phận tiếp nối và phát huy truyền thống đức tin đó. Xã hội Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Khi đời sống vật chất được nâng cao, con người dễ rơi vào thái độ hưởng thụ và thực dụng. Hiện nay làn sóng vật chất và kỹ thuật đang tấn công các giá trị tinh thần và đạo đức, nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng và có nguy cơ tan vỡ, giới trẻ có khuynh hướng sống vội và hưởng thụ. Là Kitô hữu, chúng ta cũng không thoát khỏi những cám dỗ và khủng hoảng ấy. Nếu không học hỏi Lời Chúa và sống đạo cách ý thức và trưởng thành, đức tin của chúng ta cũng sẽ mai một. Tất cả mọi chương trình của Giáo Hội đều phải phát xuất từ chỗ thánh hoá bản thân, từ lòng tin và tình yêu đối với Chúa và Giáo Hội. Đó chính là khởi điểm cần thiết và chắc chắn để thăng tiến giáo phận. Và đó cũng chính là niềm mong ước xin được gửi đến cộng đồng Dân Chúa Phát Diệm.
 
Khóa Bồi dưỡng Nhân Sự phục vụ cộng đoàn tại giáo xứ Tân Phước, Saigòn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
12:00 04/09/2009
SAIGÒN - Để chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn nhân sự phục vụ cộng đoàn giáo xứ trong nhiệm kỳ tới (2009-2013), giáo xứ Tân Phước, Hạt Phú Thọ, Tổng Giáo Phận Sàigòn đã tổ chức một khóa bồi dưỡng ngắn ngày trong các tối 3,4 và 5 tháng 9 năm 2009, từ 19 giờ đến 21 giờ tại hội trường giáo xứ. Tham dự Khóa bồi dưỡng này là 100 giáo dân nam nữ cốt cán. Ngoài các thành viên Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, các Ban Điều Hành các Giáo Họ, các Ban Mục Vụ, các Giới sắp mãn nhiệm và các hội đoàn, còn có một số anh chị em có khả năng trở thành các chức việc trong các cơ cấu sắp tới của giáo xứ.

Xem hình ảnh

Nội dung Khóa bồi dưỡng gồm 3 đề tài:

(1) Quy chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ (2002) của Tổng Giáo Phận

(2) Năm giai đoạn tiêu biểu của một Giáo Hội trưởng thành (tài liệu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu) và

(3) Năm mô hình về Giáo Hội của Giáo Hội học ngày nay (tài liệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sàigòn).

Người hướng dẫn 3 tối học hỏi chia sẻ là Ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, giảng viên Mục Vụ Thánh Kinh của Học Viện Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sàigòn.

Cha chính xứ Tân Phước, linh mục Giuse Vũ Minh Danh có mặt trong cả ba buổi học với anh chị em giáo dân, khiến mọi người đều cảm nhận sâu sắc tinh thần và bầu khí đầm ấm gia đình.
 
Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
Trần Hoành
12:49 04/09/2009
Nói tới giáo phận Phát Diệm người ta thường nhớ tới những tên tuổi đã đi vào lịch sử, như Cụ Sáu Trần Lục, đức cha Nguyễn Bá Tòng, đức cha Lê Hữu Từ...và đặc biệt là quần thể nhà thờ Phát Diệm, một công trình kiến trúc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, từ lâu đã thu hút rất đông khách thập phương tới chiêm ngưỡng. Nhưng Phát Diệm không phải chỉ có thế. Phát Diệm còn có biết bao người khác, tuy không được nhắc tên, nhưng trong dòng thời gian đã âm thầm góp phần không nhỏ kiến tạo lên Phát Diệm và làm cho giáo phận tiếp tục phát triển. Trong số những con người âm thầm đó phải kể tới các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm.

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM

Đức tân GM Nguyễn Năng thăm Dòng MTG Phát Diệm (11/8)
Năm 1901, khi giáo phận Phát Diệm được thành lập, Dòng Mến Thánh Giá đã có 3 nhà; các nhà đều đứng biệt lập, sống như những Tu hội và chỉ có lời khấn tư: Nhà Bạch Cát (Bạch Liên) thành lập năm 1749, nhà Phúc Nhạc thành lập năm 1788, nhà Thành Đức thuộc xứ Cách Tâm thành lập năm 1823 (1).

Năm 1902, một năm sau khi giáo phận được thành lập, đức cha Alexandre Marcou Thành đã cho 9 chị từ nhà Phúc Nhạc xuống Phát Diệm lập nhà mới tại xã Lưu Phương (bên cạnh giáo xứ chính tòa Phát Diệm) (2). Kể từ đó, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm được khai sinh và nhà Lưu Phương này chính thức trở thành nhà mẹ của Hội Dòng.

Năm 1912, thành lập nhà tập. Năm 1916, đức cha Marcou Thành trao cho cha Louis de Cooman Hành, Tổng Đại Diện Giáo Phận Phát Diệm (sau sẽ làm Giám Mục Phó giáo phận Phát Diệm), quyền coi sóc Hội Dòng.

Với trách nhiệm mới, đức cha de Cooman Hành bắt đầu cải tổ Hội Dòng: Thống nhất các cộng đoàn trong giáo phận, soạn hiến pháp mới và quy định việc khấn dòng theo giáo luật (1917), sửa đổi tu phục: nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh Giá trước ngực, sửa đổi tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu: Bà Mẹ: Bề Trên chung cho cả Hội Dòng trong giáo phận, Bà Nhì: Phụ Tá của Bà Mẹ, Tổng Quản Lý: Chị giữ việc; tại các cộng đoàn nhỏ: Bà đứng đầu gọi là Bà Nhất, Chị Cai gọi là Quản Lý.

Hai đức cha giáo phận chuẩn bị cho các nữ tu thực sự đi vào tinh thần đời sống thánh hiến bằng một thời gian dài học hỏi, tập sống đời tu và thực hành các lời khấn theo giáo luật. Ngày 02 tháng 02 năm 1925 các ngài đã long trọng chủ sự lễ khấn tạm lần đầu cho 61 nữ tu tại Lưu Phương, Phát Diệm. Đây là lễ khấn tạm lần thứ I của các nữ tu Mến Thánh Giá trên đất nước Việt Nam theo giáo luật mới được ban hành năm 1917 (3), sau 255 năm (1670-1925) kể từ khi đức cha Phêrô Maria Lambert de La Motte nhận lời khấn của hai nữ tu A-nê và Pao-la tại Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay) ngày 19 tháng 02 năm 1670 (4). Sáu năm sau, ngày 01 tháng 02 năm 1931, 61 nữ tu này đã tuyên khấn trọn đời và đây cũng là một biến cố lịch sử quan trong: lần đầu tiên các nữ tu mến Thánh Giá khấn trọn đời tại Việt Nam.

Năm 1932, giáo phận Thanh Hoá được tách rời từ giáo phận Phát Diệm, Hội Dòng Mến Thánh Giá cũng được tách đôi. Các cộng đoàn nằm trong lãnh thổ giáo phận Thanh Hoá thuộc về Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá (5)

Trong tinh thần chia sẻ ơn Chúa, năm 1942 các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm đã giúp cải tổ Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá. Năm 1946: giúp thành lập Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi (Bùi Chu). Năm 1951: giúp cải tổ Dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu, sau đổi thành Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (6).

Ngay từ khi bắt đầu thành lập (1902) Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm vẫn không ngừng phát triển. Vào năm 1954 Hội Dòng có 191 nữ tu đã khấn, 25 tập sinh, 17 đệ tử và 14 cộng đoàn hoạt động trong 14 giáo xứ của giáo phận Phát Diệm: Cộng đoàn Bạch Liên thiết lập 1749, Phúc Nhạc 1788, Cách Tâm (Thành Đức) 1823, Phát Diệm (Lưu Phương) 1902, Ninh Bình 1919, Văn Hải 1927, Khiết Kỷ 1937, Hướng Đạo 1938, Tôn Đạo 1940, Vô Hốt 1940, Dưỡng Điềm 1940, Quyết Bình 1950 (7), Như Tân 1952 và Tân Khẩn 1953.

CHIA LY VÀ TANG TÓC

Sau Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ ngày 02 tháng 7 năm 1954, diễn ra cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc vào miền Nam, cuốn hút theo Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Ngày 11 tháng 07 năm 1954, cùng với đức cha Lê Hữu Từ và đa số linh mục Phát Diệm, khoảng 183 nữ tu, gồm cả khấn sinh, tập sinh và đệ tử di cư vào Nam. Những tưởng đây là cuộc lánh nạn tạm thời, ngờ đâu đó là cuộc ra đi không hẹn ngày về. Chỉ còn 30 nữ tu đã lớn tuổi ở lại miền Bắc, chia nhau trông coi 9 nhà, còn 4 nhà phải đóng cửa vì không có người ở (8).

Và thử thách dồn dập xẩy tới. Bà mẹ bề trên A-nê Nguyễn Thị Toàn bị bắt đi tù cải tạo 3 năm (1954-1957), nữ tu Vũ Thị Sáng bị tù 2 năm (1961-1963). Năm 1956 nhà nước tịch thu hoàn toàn nhà cửa và đất đai của các cộng đoàn Bạch Liên, Phúc Nhạc, Ninh Bình, Văn Hải, Khiết Kỷ, Tôn Đạo, Vô Hốt, Dưỡng Điềm, Quyết Bình, Như Tân và Tân Khẩn. Chỉ còn lại 3 cộng đoàn: Lưu Phương (bị chiếm một phần đất), Thành Đức và Hướng Đạo. Cả ba cộng đoàn đều bị kiểm soát thường xuyên ngày cũng như đêm.

Năm 1957, Bà A-nê Nguyễn Thị Toàn trở về sau 3 năm tù. Mặc dầu gặp muôn vàn cản trở, nhưng với sự hỗ trợ của đức cha Bùi Chu Tạo và quý cha, Hội Dòng đã nhận 30 thỉnh sinh, chia làm 3 lớp đào tạo trong những năm 1958, 1959 và 1960. Ngày 01 tháng 01 năm 1963 Đức cha Bùi Chu Tạo nhận lời khấn tạm của 30 tập sinh này (9).

Năm 1966-1967, viện lí do chiến sự, chính quyền đã buộc 12 nữ tu phải về gia đình (đợt một). Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, trong thời gian này giáo phận đang thiếu linh mục trầm trọng, rất cần người phục vụ các xứ đạo. Vì thế, các nữ tu trở thành những trợ tá rất đắc lực trong công việc mục vụ tại các giáo xứ: Tân Khẩn (3 nữ tu), Trì Chính (2 nữ tu), Mông Hưu (2 nữ tu), Phương Thượng (2 nữ tu), Cồn Thoi (1 nữ tu), Phát Diệm (1 nữ tu), Dưỡng Điềm (1 nữ tu) (10).

Rồi tang tóc đau thương đã đổ xuống. Ngày 11 tháng 03 năm 1968, 6 quả bom đã rơi trúng khu vực nhà mẹ Lưu Phương làm tan nát 24 nóc nhà, trong đó có nhà nguyện, nhà tập và nhà đệ tử, chỉ còn sót lại nhà hội chung và một tháp chuông, chôn vùi luôn mẹ bề trên A-nê Nguyễn Thị Toàn và 4 nữ tu khác (3 chị mới khấn tạm). Ngày 20 tháng 03 năm 1968 chính quyền lại ra lệnh cho 10 nữ tu trẻ phải về gia đình (đợt hai), trừ lại 3 chị lớn tuổi và 3 cô hộ tu mù, què (11). Nhà mẹ lúc này trở nên điêu tàn, hoang vắng. Đức cha Bùi Chu Tạo xót xa, cám cảnh và tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới những người con đau khổ. Cứ mỗi 3 tháng ngài gọi các chị về Nhà chung để tĩnh tâm, an ủi và nâng đỡ tinh thần các chị. Rồi mỗi năm đức cha cho khấn tạm lại; khi nào hoàn cảnh cho phép thì khấn chung, lúc khó khăn thì khấn tư.

Trong số 30 chị đã khấn tạm năm 1963, 3 chị chết vì trúng bom, 3 chị khác chết vì bệnh, 2 chị chuyển hướng, còn lại 22 chị. Năm 1973, đức cha làm đơn xin chính quyền cho các nữ tu đã phải về nhà đợt một vào năm 1966-1967 (còn lại 10 trong số 12) được trở lại nhà dòng. Các chị tiếp tục nhận ơn gọi và xây dựng lại Hội Dòng. Không ai trong số 22 nữ tu này đã khấn trọn đời (11)

DẤU HIỆU HỒI SINH

Năm 1991 hoàn cảnh xã hội có chút đổi thay, các nữ tu phải về nhà đợt hai (1968), được trở lại nhà dòng. Với sự giúp đỡ của đức cha Bùi Chu Tạo, nữ tu An-na Đinh Thị Hiền được gửi vào Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp (gốc Phát Diệm di cư), để làm kì chuẩn bị khấn trọn đời theo giáo luật, và chị đã khấn trọn đời tại đây ngày 12 tháng 06 năm 1991. Sau đó chị trở về Phát Diệm nhận trách nhiệm Đại Diện. Ngày 14 tháng 09 năm 1991, bà Đại Diện An-na Hiền đã nhận lời khấn cho 7 chị cùng lớp tại nhà nguyện toà giám mục Phát Diệm (vì nhà nguyện của Hội Dòng đã bị bom tàn phá). Ngày 24.10.1991 một số ơn gọi mới được gửi vào nhà mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp để được huấn luyện ở các lớp đệ tử (1 năm), tiền tập viện (1 năm) và tập viện (2 năm), vì lúc này Hội Dòng tại miền Bắc còn thiếu thốn nhiều mặt, nhất là chưa có đủ nhân sự.

Cùng năm này, với sự giúp đỡ của đức cha Bùi Chu Tạo, một nhà nguyện tạm thời được cất lên trên chính nền nhà nguyện cũ đã bị bom tàn phá. Thánh lễ khánh thành nhà nguyện được tổ chức ngày 01 tháng 01 năm 1992. Tại nhà nguyện này, ngày 14.9.1992, đức cha Bùi Chu Tạo đã chủ sự lễ khấn trọn đời cho 8 chị còn lại, sau 29 năm khấn tạm (1963-1992), một kỷ lục chờ đợi, vượt ra ngoài qui định tối đa 9 năm theo giáo luật.(13).

Năm 1993, Hội Dòng tái thiết khu trường đệ tử cho tập sinh ở. Và từ đó dần dần tái thiết các nhà khác, cũng như tái lập các cộng đoàn mà ngày trước đã bị đóng cửa. Lớp khấn lần đầu ngày 11 tháng 08 năm 1995, sau 32 năm kể từ lớp khấn năm 1963, đã khởi sắc lại sức sống trẻ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Từ đó đến nay, hằng năm vẫn có đều đặn các lớp tiếp nối vào nhà thử, nhà tập, khấn tạm, và khấn trọn.

SỐ CỘNG ĐOÀN VÀ NHÂN SỰ

Mặc dầu trải qua bao gian khổ, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển. Hiện nay Hội Dòng đã có 14 Cộng đoàn, và số nhân sự mỗi năm gia tăng.

1991 - Tổng số: 22 nữ tu
• khấn trọn: 8
• khấn tạm: 14
• tập sinh: không có

4.9.2009 – Tổng số: 293 nữ tu, 14 cộng đoàn.
• khấn trọn: 81
• khấn tạm: 92
• tập sinh: 33
• tiền tập sinh: 49
• đệ tử: 58

BỀ TRÊN ĐƯƠNG NHIỆM

Bà Tổng Phụ Trách Maria Phan Thị Mai

ĐỊA CHỈ

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm,
Xóm 5, Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình, Việt Nam.
ĐT. 0084-303-862321

CÁC HOẠT ĐỘNG HIỆN NAY CỦA HỘI DÒNG.

1. Phục vụ theo nhu cầu giáo hội địa phương: Dậy giáo lý trẻ em tại các giáo xứ; phụ trách ca đoàn; phục vụ phòng thánh; đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân tại nhà, cũng như giúp họ trong những giờ sau hết; khuyên bảo, giúp đỡ những gia đình mắc rối và những người sống xa lìa Thiên Chúa; thăm viếng các bệnh nhân ở các bệnh viện và các gia đình nghèo khó, cô đơn…

2. Hoạt động giáo dục: mở ba trường mầm non tư thục từ thiện tại ba cộng đoàn Lưu Phương, Cách Tâm và Hướng Đạo để nuôi dạy các cháu thuộc gia đình nghèo.

3. Hoạt động y tế: Mở một trung tâm khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền dân tộc tại nhà mẹ Lưu Phương để giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

4. Ngoài ra, các nữ tu làm vườn, làm ruộng (số ruộng trên 50 mẫu trước biến cố chia đôi đất nước năm 1954 đã bị tịch thu, chỉ còn lại 2 mẫu !), làm thêu, làm may, dệt chiếu, làm bánh lễ, nuôi heo, gà, vịt. Số thu nhập rất khiêm tốn, không đủ nuôi sống các nữ tu, Hội Dòng buộc lòng phải xin gia đình các em mới nhập tu đóng góp trong 3 năm đầu, mỗi năm khoảng 50 Mỹ kim. Tất cả các dự án tốn kém chỉ có thể thực hiện nhờ hảo tâm của những tấm lòng quảng đại.

Hiện có 20 nữ tu học y khoa và sư phạm giáo dục tại Hà Nội, 2 nữ tu học thần học và tu đức tại Roma, 7 nữ tu học thần học tại trung tâm huấn luyện Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam tại sài Gòn, 2 nữ tu học y tá tại Mỹ. Trong tương lai dự định mở trung tâm nhận và săn sóc các người khuyết tật và bệnh nhân tâm thần, mở lớp dậy Anh ngữ và vi tính cho học sinh nghèo và mở thêm nhà mầm non cho con em thuộc gia đình nghèo (chi phí bằng một nửa so với các nhà mầm non của chính quyền)..

ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP

Đã tốt nghiệp lớp 12, tuổi tối thiểu là 17, tối đa là 21 (linh động với những trường hợp có bằng cấp ngoài xã hội), có giấy giới thiệu của cha xứ, có sức khỏe thể lý và tâm lý bình thường, có đơn thỉnh nguyện của đương sự và giấy cam đoan của gia đình.

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC VỀ ƠN GỌI.

Chị phụ trách Têrêsa Trần Thị Hường, Cộng Đoàn Thành Đức, Thôn Thành Đức, Xã Chính Tâm, Huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình, ĐT: 0084-303-730 926.

NHU CẦU CẤP BÁCH

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh và đào tạo nhân sự, Hội Dòng cần xây cất ngay nhà nguyện, hội trường và phòng học. Nhà nguyện hiện thời được tạm cất lên trên nền đất của nhà nguyện cũ đã bị bom tàn phá. Nhà nguyện này nay trở nên quá hẹp đối với 300 nữ tu và nhất là trong tương lai Hội Dòng sẽ còn nhận thêm mỗi năm khoảng từ 20 tới 25 ơn gọi mới. Vì thế Hội Dòng đã khởi công xây một ngôi nhà hai tầng: tầng dưới làm phòng học và hội trường, tầng trên làm nhà nguyện. Nhờ sự hi sinh, tiết kiệm và lao động của mọi thành phần trong Hội Dòng, nhất là nhờ lòng quảng đại hào hiệp khắp nơi Hội Dòng đã trang trải được phần lớn kinh phí xây cất, nhưng phải buộc lòng vay mượn thêm để hoàn thành công trình. Ngày 22.8.2009 vừa qua nhà nguyện mới đã được thánh hiến. (14).

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đóng một vai trò quan trọng trong giáo phận Phát Diệm, vì là dòng tu duy nhất có những hoạt động trải rộng tại giáo phận (giáo phận Phát Diệm còn có dòng Châu Sơn; nhưng đây là một dòng chiêm niệm). Họ cần có nhà nguyện để có nơi tập trung cầu nguyện, kín múc nguồn sức mạnh linh thiêng, giúp họ tiếp tục hăng say sống đời tận hiến để phục vụ. Họ cần có phòng ốc và ngân quĩ để đào tạo mầm non. Niềm tin, con tim, khối óc và bàn tay của các nữ tu đang ngày ngày góp phần củng cố đời sống đạo của giáo dân, xoa dịu đau khổ cho bao người khuyết tật, bệnh hoạn, khó nghèo và neo đơn, dậy bảo bao trẻ thơ nên người lương thiện. Trong xã hội Việt Nam với nền luân lý bị phá sản trầm trọng hiện nay, các nữ tu Việt Nam, trong đó có các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm, không khoanh tay ngồi đó nguyền rủa bóng tối, nhưng họ đã đứng dậy thắp lên những ngọn nến. Với lý tưởng cao cả và tình yêu vô vị lợi họ như men trong bột, như muối cho đời, góp phần kiến tạo một xã hội tươi đẹp hơn với những con người biết lấy tình người mà cư xử với nhau (15), biết trọng lẽ phải và công lý. Các nữ tu đang là những nhân chứng hết sức cần thiết cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc hôm nay. Họ thực đáng cảm phục và đáng được nâng đỡ. Tiếp tay với các nữ tu cũng là góp phần phục vụ giáo hội và quê hương.

Chú thích
1. VINH-SƠN TRẦN NGỌC THỤ, Lịch sử giáo phận Phát Diệm, Paris 2001. tr. 92-99
2. Kỷ niệm Lễ Bạc Dòng chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm, Lê Bảo Tịnh, Phát Diệm 1950, tr. 9.
3. Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh trong thời cấm đạo (19.02.1670), vì thế mặc dầu đức Cha Lambert de La Motte đã có ý định nhờ các nữ tu đến từ Pháp giúp việc huấn luyện và sống đúng theo chuẩn mực của Giáo Hội, nhưng ngài đã không thực hiện được. Hơn nữa, thời đó các nữ tu chỉ có lời khấn trọng (dành cho các nữ tu dòng chiêm niệm trong các đan viện); còn các dòng khác chỉ là các tu hội thực hành các lời hứa, chứ chưa phải là lời khấn. Vì vậy mà dòng Mến Thánh Giá được chuẩn nhận không phải trực tiếp do văn thư từ tòa thánh, mà do văn thư của Bộ Truyền Giáo; và đuợc thành lập như một tu hội, trực thuộc bản quyền của vị giám mục giáo phận. Kể từ năm 1917, Giáo hội mới qui định lời khấn đơn, dành cho các dòng có đời sống phục vụ tông đồ truyền giáo. Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm là Hội Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện cải tổ việc khấn dòng theo giáo luật năm 1917. Kể từ năm 1925, các Hội Dòng Mến Thánh Giá khác cũng thực hện việc cải tổ này (x. Kỷ niệm Lễ Bạc Dòng chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm, Lê Bảo Tịnh, Phát Diệm 1950; ĐINH THỰC, Các nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ tại Roma 1961, bản dịch của chính tác giả tại Sài Gòn 1994; Nhóm nghiên cứu linh đạo MTG, Tiểu sử bút tích Đức Cha Phê-rô Ma-ri-a Lambert de la Motte – Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, Sài Gòn 1998; FAUCONET-BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne. Pierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Conchinchine 1624-1679, Archives Des Missions Étrangères, Paris 2006), MAI ĐỨC THẠC, Tiểu Sử Đức Cha Thành, Saigon, 1967, trang 57, Bulletin de la Société des Missions Etrangères de Paris, số năm 1931, trang 295
4. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr.396.
5. Từ Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (1902), đã phát sinh ra Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa (1932), và Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp (1954) (x. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam – Niên Giám 2004, tr. 398-399).
6. VINH-SƠN TRẦN NGỌC THỤ, sách đã dẫn tr. 92-99..
7. Kỷ niệm Lễ Bạc Dòng chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm, Lê Bảo Tịnh, Phát Diệm 1950.
8. VINH-SƠN TRẦN NGỌC THỤ, sách đã dẫn tr. 92-99..
9. TRẦN PHÚC VỊ, Thư gửi chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm, Phát Diệm 2001
10. Sđd.
11. Sđd.
12. Sđd.
13. Theo Giáo Luật 1983, điều 655: việc khấn tạm phải được thực hiện trong kì hạn mà luật riêng ấn hành, không dưới ba năm và không trên sáu năm; điều 657§2: lời khấn tạm không được quá 9 năm.
14. Thời điểm bắt đầu thi công cũng là lúc giá cả vật liệu leo thang và các nữ tu phải mua sắm vật liệu với giá rất cao, khiến ngân quĩ thiếu hụt trầm trọng, Hội Dòng buộc lòng phải vay mượn để hoàn thành cộng trình. Ngoài số nợ còn phải trả, Hội Dòng còn cần thêm sự giúp đỡ để trang bị ghế cho nhà nguyện và cửa cho nhà học
15. Kỷ niệm Lễ Bạc Dòng chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm, Lê Bảo Tịnh, Phát Diệm 1950, tr. 13-14; VINH-SƠN TRẦN NGỌC THỤ, sách đã dẫn, tr. 97-98): Một thí dụ tiêu biểu cho sự dấn thân của các nữ tu: « Phải chứng kiến những cảnh hãi hùng trong tháng ba đói 1945, người ta mới ý thức những phương tiện dấn thân của chị em nữ tu Việt Nam này. Họ xung phong đi từng hai người một, rảo bước trên những đoạn đường nhà quê, tay mang gói cơm đã nắm lại từng nắm nho nhỏ, nhiều khi là của đã bớt khẩu phần của mình, họ tìm những người chết lả bên đường, cho ăn từng chút một để cho tỉnh lại và để chịu các phép bí tích cần thiết. Có lúc thấy họ mất hẳn cái tính e dè sợ hãi của nữ giới, họ ngồi kề bên những thân xác tả tơi dơ bẩn, để an ủi, để giúp nạn nhân…. Họ còn lanh chân đi trước cả linh mục, hướng dẫn ngài đi ban các phép cho những người đang thoi thóp thở những hơi cuối cùng“.

Một số tài liệu khác:
1. TRẦN PHÚC LONG, Kỷ yếu Phát Diệm 1891-1991, Long Beach, năm 1992.
2. VŨ SINH HIÊN, Nhìn lại 100 năm thành lập giáo phận Phát Diệm, Bruxelles 2001.
3. Mgr OLICHON, Le Père Six, Curé de Phát Diệm, Vice-Roi en Annam, Paris, 1935.
4. NGUYỄN GIA ĐỆ và một số tác giả, Trần Lục, Montréal 1996.
5. PHẠM BÁ NHA và một số tác giả, Tiểu sử và thư mục Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Paris 2003.
6. ĐOÀN ĐỘC THƯ và XUÂN THUỶ, Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm 1945-1954, Sài Gòn 1973.
7. NGUYỄN GIA ĐỆ, Giám mục Lê Hữu Từ, Montréal 2001.
8. Đặc biệt thư thông tin của bà Maria PHAN THỊ MAI, đương kim tổng phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, cũng như nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại với các nữ tu trách nhiệm tại cộng đoàn Lưu Phương và Hướng Đạo và nữ tu Ca-ta-ri-na TRẦN THỊ THẮM, Roma.
9. Linh mục ĐÀO QUANG TOẢN, một người đã dầy công nghiên cứu lịch sử giáo hội Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin và tài liệu rất quí báu về Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông cáo của Tòa Giám mục về Gx Tam Tòa và những vấn đề liên quan
+ GM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên
07:28 04/09/2009
TÒA GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI
Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An
Số 12/09 TB.TGM


Xã Đoài, ngày 04 tháng 9 năm 2009

Kính gửi: Quý Cha, quý tu sỹ, chủng sinh và anh chị em giáo dân Giáo phận Vinh,

Thưa quý Cha và anh chị em thân mến,
Từ ngày 20 tháng 7 năm 2009, sau khi 19 anh chị em giáo dân tại Tam Tòa bị đánh đập, bắt giữ; Thánh giá, tài sản của Giáo Hội và của giáo dân Tam Tòa bị chiếm đoạt bất công, toàn giáo phận đã hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa.
Để nhắc nhở mọi người phải hết lòng cậy trông Chúa và thể hiện tình liên đới, các nhà thờ trong giáo phận đã treo biểu ngữ:

“CẦU NGUYỆN CHO GIÁO DÂN TAM TÒA,
BỊ CÔNG AN QUẢNG BÌNH ĐÁNH ĐẬP VÀ BẮT GIỮ”.

Tới nay tất cả 19 giáo dân Tam Tòa bị bắt giữ đã được thả về. Chúng ta cám ơn Chúa. Các giáo xứ dỡ biểu ngữ.

Tuy nhiên, tới nay tài sản của Giáo Hội và của giáo dân Tam Tòa vẫn chưa được trả hết, chúng ta yêu cầu chính quyền Quảng Bình phải bảo đảm công bằng.

Những anh chị em đã bị đánh đập, bắt giữ, nhất là 2 Cha đã bị đánh đập tàn nhẫn tại Đồng Hới, Quảng Bình bị tổn thương nặng về thể lý và tâm lý, đang cần được chữa trị. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện, giúp đỡ để quý Cha và giáo dân Tam Tòa được mau bình phục, sớm ổn định cuộc sống.

Xin cám ơn quý Cha cùng tất cả anh chị em.

Thân mến,

Giám mục giáo phận Vinh
 
Tin Đáng Chú Ý
Dân biểu Liên Bang Cao Quang Ánh và truyền thông báo chí Việt ngữ Bắc California
Hoàng Hoa
12:04 04/09/2009
SAN JOSÉ - Sáng ngày 25 tháng 8, 2009 tại San Jose, CA USA một cuộc họp mặt trao đổi nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, … giữa Dân biểu Liên Bang (DBLB) Cao Quang Ánh đến từ Louisiana với gần đầy đủ các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ miền Bắc California nhân dịp Ông tham dự tiệc gây quỹ cho Đảng Cộng Hoà tại San Jose.

Cuộc họp báo dài hơn một giờ tại một địa điểm khang trang trong Little Saigon trên đường Story Road và Mclaughlin. Các cơ quan truyền thông báo chí đã nêu nhiều câu hỏi quan tâm về mọi đề tài về Hoa Kỳ và cộng đồng Việt Nam; nhất là việc CSVN được cho là sắp mở một lãnh sự quán tại Houston, Texas vào tháng 9, 2009. Ông Huỳnh Lương Thiện nhân dịp trao tặng BDLB bức thư Cảm ơn của Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali và nhiều Đoàn thể đăng trên báo San Francisco Examiner của 37 vị TNS Hoa Kỳ ký tên đòi CSVN trả tự do LM Nguyễn Văn Lý hiện đang bị CSVN giam cầm một cách bất lương trong một phiên toà bịt miệng được dàn dựng một cách rừng rú. Nhân dịp này Hoàng Hoa thay mặt Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Tính Toán Dử Kiện Biển Đông gửi tặng bốn bức bản đồ lịch sử về biển, ranh giới biển và thềm lục địa của VNCH.

Buổi họp đã chấm dứt trong sự lưu luyến chia tay.

Được biết buổi được sự giới thiệu và mời gọi của Ông Huỳnh Lương Thiện chủ nhiệm báo Mõ San Francisco.
 
Văn Hóa
Nhớ thầy cũ
Vân Sơn
09:07 04/09/2009
Trong tim in đậm tiếng Phát Diệm
Nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm
Còn bé đi học ở trường quê
Viết ra, cổ họng sao nghèn nghẹn

Thầy Nguyện dạy con học vỡ lòng
Dáng thầy trong chiếc áo dài thâm
A-quả na, cả lớp lập lại
Nhớ thầy khoé mắt thấy rưng rưng

Thầy Khánh quen thuộc của lớp Ba
Thầy mang kính lão trông hiền hoà
Con thường được thầy "cho" thước kẻ
Thầy như thấp thóang bóng cha già

Thầy Châu nổi tiếng là dữ nhất
Học trò của thầy giỏi ra phết
Thầy dạy bọn trẻ chơi thể thao
Trèo cây, cướp cờ vui hết sức

Quên làm sao được Thầy Già Ven
Là Tổng Giám Thị nhiều năm liền
Dáng thầy mảnh khảnh như muốn ngả
Trong nắng ban mai, lúc chiều tàn

Cha Điệu bợp tai con nhiều lần
Vì hay trốn lễ ra ngòai sân
Đánh đáo, đánh bi cùng chúng bạn
Cha khuyên chăm học, cố gắng hơn

Bây giờ khất thực ở xứ Đoài
NGƯỜI XƯA nay đã khuất núi rồi
Thơ ấu lùi dần vào dĩ vãng
Kim Sơn - Phát Diệm, con nhớ đời.
 
Bên mộ mẹ
Tuyết Mai Texas
09:19 04/09/2009
Dây khổ qua rừng, leo trên mộ mẹ
Hoa xương rồng chen thắm nụ hồn nhiên
Bên kia đời hay bên cõi thần tiên
Mẹ ơi còn mãi tiếng ru hiền ngọt ấm

Lần con về... nghe lòng mình nằng nặng
Bởi quê hương có phải chỗ mẹ nằm?
Mẹ có nghe tiếng vượn cười ngỗng nghễnh
Ai mặc ai, vượn vẫn vượn ngàn năm

Dây khổ qua rừng leo trên mộ mẹ
Phủ cả đồi hoang phủ cả nghĩa trang
Người đã khuất tưởng chừng không nói nữa
Bỗng đâu đây những âm vọng buồn than

Con có về đưa Mẹ đi đâu đó
Để không còn nghe điệp khúc tàn vong
Người đã chết cho chồi xanh vươn lá
Sao mãi còn nghe tiếng vọng hờn oan!

Chỗ Mẹ nằm, quê hương con tuyệt lạ
Bỗng ra ma, ra bóng họa phù vân!
Tiếc nghìn năm công Cha Ông cao cả
Mà cháu con để tay trắng cơ bần

Con có về đưa Mẹ đi đâu đó
Khỏi hổ danh con cháu giống Lạc Hồng...
 
Mẹ Việt Nam ơi
Lê Dân Việt
09:35 04/09/2009
Mẹ Việt Nam hiền lành và đôn hậu
Luôn sẵn sàng che chở con vẹn toàn
Mẹ là nguồn sức mạnh của ủi an
Thương chúng con, mẹ nhọc nhằn quá đỗi

Thương dân oan, lòng dạt dào như suối
Thương giáo oan, lòng đau khổ cực hình
Mẹ cúi lạy, cầu xin các Thần Linh…
Cứu giang sơn, đang dần dà mất hết

Bởi việt gian quá tráo trở, gian lận
Dâng đất, biển cho đảng quỉ sáng ngời
Cứ gian dối, chúng tua rập vẽ vời
Các con mẹ, coi chúng là bạo chúa

Dân ghét đảng, chủ nghĩa ấy muôn thuở
Đảng chúng nó, chà đạp tổ tiên cha…
Cứ chuyên chính, trấn áp dân không tha
Thế mới biết, đảng quỉ ma ác độc

Hại đạo đời, hại tất cả tang tóc
Tâm ngông cuồng, hành động rất dã man
Chúng ác độc, nước mắt mẹ tuôn tràn
Thương đoàn con, bị cộng vây đập đánh

Lũ trung ương, kẻ buôn Thần bán Thánh
Các con ơi! Đứng lên hạ lũ yêu
Với quyết tâm đẩy chúng nó tiêu diêu…
Là các con thoát cảnh đời khổ giá

Hãy hiệp lực, chúng con là tất cả
Không kể con, dù là lương hay giáo
Vì tổ quốc, các con phải đứng lên
Quyết một lòng, cứu đạo, cứu nước non

Giang sơn này, vì các con mãi còn
Đừng để cộng dâng thêm cho Tàu nữa
Đừng để Trung khai thác đất Tây Nguyên
Vì như thế, là coi như mất nước!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hải Âu Và Bầu Trời Xanh
Diệp Hải Dung
22:50 04/09/2009

HẢI ÂU VÀ BẦU TRỜI XANH



Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia (Port Kembla Beach Wollongong)

Chỉ chờ xuôi gió thuận đường bay

Chim sẽ họp đàn cao tiếng hót

Xoè tung đôi cánh vượt trời mây.!!

(Trích thơ của Hàn Thiên Lương)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News