Ngày 11-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:59 11/09/2010
NGẬM KHUYÊN

N2T


Dương Bảo của thời Hán triều lúc chín tuổi nhìn thấy một con chim hoàng tước (chim sẻ vàng) bị con vọ hung dữ tấn công rơi dưới gốc cây, một bầy kiến vây lấy con hoàng tước, chuẩn bị tha nó về tổ để làm thức ăn. Dương Bảo có lòng tốt cứu con chim đem về nhà nuôi, ba tháng sau thì con hoàng tước mới hoàn toàn bình phục và bay khỏi nhà của Dương Bảo.

Một tối nọ, chim hoàng tước hóa thân làm một đồng tử áo vàng, mang đến bốn vòng khuyên trắng tặng cho Dương Bảo, và nói con cháu của Dương Bảo mai sau sẽ như bạch khuyên cao quý thanh tao, làm quan hiển đạt. Quả nhiên về sau Dương Bảo một nhà bốn đời đều là danh thần của Hán triều, đặc biệt con trai là Dương Trấn, học thức uyên bác, được mỹ danh là “Khổng tử Quan Tây”.

Mà hôm nay, trên núi Ngưu Tâm Dụ ở Hoa Sơn vẫn còn di chỉ “đài thả chim tước”.

(Tục tề hài ký)

Suy tư:

Người ta nói “cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán” thật đúng không sai, bởi vì trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều người dẵ vì bác ái mà cứu người, để rồi họ được chính những người ấy hãm hại mình. Lịch sử loài người, đông tây nam bắc, đều có chuyện “cứu nhơn nhơn trả oán”.

Người Ki-tô hữu biết rằng cứu giúp người khác thì không cần họ trả ơn đền đáp, nhưng họ cũng là những con người nên cũng có những lúc oán giận vì sự vô ơn của người mà họ giúp đỡ. Nhưng nhờ ơn Chúa giúp, họ vẫn cứ đem tấm lòng nhân ái đi cứu giúp những người cần giúp khác mà không nản chí.

Chuyện con chim hoàng tước đã hiện thân thành một em bé áo vàng để trả ơn người đã giúp mình, chỉ là một truyện cổ tích đầy tính giáo dục. Nhưng người Ki-tô hữu không hiện thân thành ai cả để giúp người, nhưng họ nhân danh tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô để giúp đỡ người khác, và như thế thì có thể nói: Chúa Giê-su Ki-tô hiện thân thành con người của chúng ta, để nhờ chúng ta mà Ngài ban ơn cho người khác vậy.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 24 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:00 11/09/2010
CHỦ NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 15, 1-32

“Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.


Bạn thân mến,

Thành kiến của con người đã làm cho bạn và tôi xa cách người anh em chị em của mình, và qua những hành động ấy, mà chúng ta cũng từ từ xa cách Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường của mình.

Chúa Giê-su đến để cứu và chữa lành, nên Ngài đã đồng bàn ăn cơm với những người mà các kinh sư và biệt phái cho là tội lỗi, nhưng đối với Ngài thì họ chính là những người rất cần được xót thương.

Trước hết, người cần được xót thương là bạn và tôi, bởi vì tuy chúng ta là người Ki-tô hữu nhưng lòng dạ thì mẫu mã chẳng khác chi các kinh sư và biệt phái đã khiển trách Chúa Giê-su, vì Ngài đã cùng ăn cùng uống với những người thu thuế, khi đã chỉ trích như thế thì tất nhiên là họ cũng coi khinh những người thu thuế và đĩ điếm.

Bạn và tôi là người cần được Chúa Giê-su chữa lành và xót thương, vì chúng ta cũng đã nhiều lần khinh dể và lên án những người anh em chị em bất hạnh, khi vì không có gì ăn nên đã lấy cắp một củ khoai của người bán hàng trong chợ; khi bạn và tôi lên án một lỗi nho nhỏ của anh chị em, là vì để che giấu những việc xấu xa của chúng ta đã làm hơn anh em gấp nhiều lần mà bạn và tôi đã phạm nhưng không ai biết…

Bạn và tôi đã lên tiếng trách cứ phê phán người anh em đã ngồi ăn với những người ma cô đĩ điếm bên lề đường, nhưng chúng ta lại ngồi với gái hạng sang trong nhà hàng máy lạnh kín đáo; họ là những người có khi vì bác ái mà đồng hành với những người được coi là tội lỗi, nhưng chúng ta cùng ăn với gái hạng sang là vì để thỏa mãn dục vọng của mình. Chúa Giês-u đã không ngần ngại tìm kiếm cứu chữa để những con người tội lỗi ấy trở thành những con người mới, nhưng bạn và tôi lại xa lánh họ, cho nên chúng ta cần được Thiên Chúa xót thương hơn những người ấy, vì bạn và tôi đã như những người biệt phái trách cứ Chúa Giêsu …

Hạnh phúc cho những người được Chúa Giê-su chữa lành, vì chính họ đã được tình yêu thần thánh chạm đến.

Con chiên lạc đã trở nên giá trị sau khi được Chúa Giêsu tìm thấy và vác trên vai trở về nhà.

Chính điều này đã làm cho người Pha-ri-siêu và các kinh sư bực mình hơn nữa, bởi vì chính họ là những người tự cho mình là thánh thiện trổi vượt trên mọi người, nên họ đã chướng tai gai mắt khi Chúa Giê-su đứng về phía những người bị xã hội bỏ rơi.

Một con chiên lạc và một đồng bạc bị mất là hình ảnh của người hôm qua, hôm nay và ngày mai mà tôi đang sỉ vả, khinh chê và lên án là phường tội lỗi; khi lên án người anh em chị em là người tội lỗi, là bạn và tôi đã làm quan tòa tiếm quyền của Thiên Chúa để luận tội tha nhân mà không biết rằng, chính mình cũng đã có nhiều lần sa ngã và có khi sa ngã còn tệ hại hơn họ nhiều.

Bạn thân mến,

Ma quỷ sẽ cười vui thắng lợi khi chúng ta phê phán anh em chị em của mình, bởi vì đó chính là một trong những động cơ thúc đẩy anh em chị em xa dần Thiên Chúa và xa cộng đoàn giáo xứ của họ.

Không ai là không có tội, không ai là không sa ngã chí ít là một lần, không ai là không có tâm hồn hối hận sau khi sa ngã phạm tội, nhưng chính bạn và tôi là những người Ki-tô hữu có trách nhiệm một phần trong việc sa ngã của họ, đó là khi chúng ta sống không đúng với lời của Chúa Giê-su dạy, do đó mà chúng ta phải có bổn phận –trong tình liên đới- đi tìm và giúp đỡ những anh chị em đang bị xã hội tục hóa, mà sống như không có Thiên Chúa trong cuộc đời của họ, nhất là những người đang bị xã hội lên án…

Chúa Giê-su đã đến thế gian để tìm kiếm và cứu chữa những người tội lỗi, trong đó có cả bạn và tôi, cho nên khi được chữa lành thì bạn và tôi lại có bổn phận đi tìm và dẫn dắt những anh chị em vì bất hạnh, vì người đối xử bất công, vì bị xã hội quên mất mà đang xa dần Thiên Chúa là tình yêu, trở về với Thiên Chúa là Cha rất yêu thương họ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:03 11/09/2010
N2T


29. Con người ta nên đấu tranh với chính mình nhiều hơn, lâu ngày mới có thể hoàn toàn chiến thắng chính mình.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:05 11/09/2010
N2T


521. Thuyết phục bản thân anh thì hoàn toàn không thể giành được cuộc tranh chấp.

 
Như khí cụ tình yêu của Chúa
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:47 11/09/2010
NHƯ KHÍ CỤ TÌNH YÊU CỦA CHÚA

(Chúa Nhật 24 Thường niên năm C, 2010)

Dẫn nhập đầu lễ:

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tiến bước trên con đường yêu thương. Đi trên nẻo đường đó, trước hết, mỗi người phải tin và cảm nhận được chính Thiên Chúa yêu thương mình. Và chính trong tình yêu sâu thẳm dạt dào đó, chúng ta mở lòng để yêu thương anh chị em và mỗi ngày trở nên khí cụ tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống.

Để xứng đáng cử hành thánh lễ, một thể hiện tình yêu trọn vẹn của chính Đức Kitô dành cho Thiên Chúa và cho con người, chúng ta cùng sốt sắng thú nhận tội lỗi.

Chia sẻ Lời Chúa:

Một trong những lý do khiến nhiều người tìm tới cái chết “tự tử” đó là khi tình yêu bị đánh mất, khi tình yêu bị phản bội, khi không còn ai yêu thương…

Câu chuyện bi thảm về cái chết của Rômêo và Juliette trong bi hùng kịch bất hủ của William Shakespeare là một thuyết minh sống động cho ý nghĩa nầy.

Nhưng, cho dù bị mất hết tình yêu của con người, nếu, ai đó vẫn còn tin vào tình yêu của Thượng Đế thì vẫn còn cơ may để hy vọng, để vươn lên.

Nổi thất vọng lớn lao nhất, bi đát nhất chính là khi không còn tin vào tình yêu của Thiên Chúa, khi không còn điểm tựa nơi Thượng Đế. Tông Đồ Giuđa có thể đã thuộc đối tượng nầy khi thất vọng vì tội lỗi bán thầy đã quay lưng lại với chính Đấng đẫ từng dạy rằng: “Con phải tha thứ không phải 7 lần nhưng là 70 lần 7 lần” để tìm lấy cái chết thắt cổ tự vận.

Tin rằng “Thượng Đế là Một Đấng Từ Bi giàu lòng thương xót” mãi mãi vẫn là một thách đố, một “chuyện khó chấp nhận” đối với tâm thức của một số đông người, nhất là những người đã hơn một lần bị vùi dập dưới sức nặng của đau thương, tai họa, khổ sầu…

Thượng Đế của những con người nầy nếu không trở thành một thần tượng xa lạ trên mây trời, thì cũng chỉ là một Thượng đế của kinh hoàng sợ hải như lời than vãn của ông Gióp lúc bị thử thách đau thương:

“Nầy có sang Đông, tôi sẽ chẳng thấy Người,
Đi sang Đoài, cũng không gặp được.
Tôi lên Bắc tìm Người cũng không gặp thấy,
Có xuống Nam Người cũng biệt tăm…” (G 23, 8-9)
“Vì thế, trước nhan Người, tôi đâm sợ hải,
Chỉ nghĩ đến Người là đã khiếp kinh.
Thiên Chúa làm cho tôi nhát đảm,
Đấng Toàn Năng làm cho tôi phải kinh hoàng…” (G 23, 15-16)


Thế nhưng, cái “sợi chỉ đỏ xuyên suốt chân lý về Thiên Chúa” được chính Ngài mặc khải qua Thánh Kinh lại là “Một Thiên Chúa yêu thương”, “Một Đấng Thượng Đế giàu lòng thương xót”. Để cho con người mày mò học biết và cảm nhận chân lý cao siêu này, Thiên Chúa quả đã thực dày công và kiên nhẫn. Cả một chuổi dài lịch sử của dân tộc Ít-ra-en chưa đủ, cho dù Ngài đã thể hiện không biết bao nhiêu biến cố và kỳ công. Trích đoạn sách Xuất Hành của Bài Đọc I, Chúa Nhật 24 TN C, là một trong muôn vàn những cách mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước về chân dung đích thực của Ngài: Nhờ lời can gián và cầu khẩn của Mô-sê, Vị Lãnh đạo sát cánh cùng Dân Chúa trên từng cây số lữ hành về đất hứa, Thiên Chúa đã “nguôi giận” và tha thứ cho tội bất trung, mê tín của dân, dám đúc hình bò thờ lạy thay vì trung tín với Giao ước…Trình thuật của sách “Xuất Hành” về biến cố “Bò Vàng” nầy đã nêu bật “hình tượng Môsê một Vị Trung Gian đầy ấn tượng” như một tiên báo rõ nét vai trò của “Vị Trung Gian Giao Uớc Mới, Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ đứng ra lấy máu mình để chuộc tội cho “bàn dân thiên hạ”…..Lòng khoan dung tha thứ, chậm bất bình và rất mực yêu thương của Thiên Chúa còn được tái diễn hoài hoài không phải chỉ ở giữa lòng lịch sử của dân Ít-ra-en, không phải chỉ trong một thời gian nhất định…mà cho muôn thế hệ loài người ở khắp muôn nơi và mọi miền thế giới. Và đó phải chăng là một trong những lý do để Thiên Chúa “ban tặng Người Con Một” (Ga 3,16) và cũng là tiêu đích để Người Con đó “cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Thật vậy, với Đức Giês-Kitô, con người từ đây có thể “rờ đụng” được một Thiên Chúa là Cha yêu thương, có thể cảm nhận được một Thượng Đế gần gũi biết “cảm thương” và giàu lòng lân tuất, có thể tiếp cận, ngỏ lời, van xin một “Ông Trời”, một Thượng Đế, một Đấng Tối Cao luôn biết lắng nghe và quan tâm đến từng hơi thở và nhịp đập của trái tim con người. Chân lý nầy đã được Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục vụ “Vui Mừng và hy vọng” xác quyết bằng những lời sau:

“Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Ngài đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”. (G.S 22)

Nhập thể làm người để con người nhận ra Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa, đó chính là sứ vụ của Ngôi Hai, là trọng tâm của chương trình cứu rỗi, là tiêu đích của “Lời mặc khải. Kể từ khi có tiếng khóc oa oa của Em bé Giêsu nơi hang lừa máng cỏ ở giữa đám mục đồng cù bơ cù bất tại Bêlem, kể từ lúc có người tử tội Giêsu bị đóng đinh trên đồi canvê vào chiều thứ Sáu giữa hai người trộm cướp…Thượng Đế không còn là một “Ông Trời Già” xa tít trên các tầng mây để chỉ biết “hù dọa”, đe phạt hay “bắt” con “bắt” cháu ngang ngược dã man…mà là một Thiên Chúa là Tình yêu, một Tình yêu khoan dung tha thứ, một tình yêu thông cảm quảng đại, một tình yêu rộng mở trao ban, một tình yêu cho đi và tận hiến.

Vâng, Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa “không nỡ lòng nhìn thằng vào đôi mắt thẹn thùng, hổ thẹn, mặc cảm của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” để rồi ân cần chia sẻ một tín thư hy vọng, yêu thương thay vì lời tuyên án: “Phần tôi, tôi cũng không kết án chị đâu…” (Ga 7,1-11). Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa sẵn sàng để cho người “đàn bà tội lỗi” nhỏ những giọt nước mắt hối cãi ăn năn trên chân mình mà làm lại cuộc đời…(Lc 7,46-38). Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa vẫn đưa mắt nhân từ “nhìn lại” để mở đường cho bao nhiêu Phêrô biết sám hối ăn năn sau những lần bội phản….(Lc 22,61-62), cho người thu thuế Gia-Kê hân hoan làm lại cuộc đời (Lc 19,1-10). Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là một Thiên Chúa biết thổn thức trước cái chết của người bạn Ladarô (Lc 11,35), biết cảm thông nổi xót xa đau đớn của người mẹ góa Naim khi mất đứa con một (Lc 7,11-17), nổi khốn khổ của người đàn bà Canaan bị loạn huyết chỉ dám ước mơ rờ đụng tới cái gấu áo của Thầy để được khỏi….(Lc 8,43-48). Và hôm nay, liên tiếp mấy dụ ngôn của Tin Mừng Luca, Đức Giêsu muốn tuyên cáo một cách cách dõng dạc: Thiên Chúa một người cha rất mực yêu thương sẵn sàng mở rộng vòng tay tha thứ chờ đón những đứa con hư trở về, sẵn sàng mở tiệc hoan vui để tội nhân được khoác áo mới làm lại cuộc đời trong tin yêu hy vọng…(Lc 15,1-32).

Chính Thánh Phaolô vói trích đoạn thư thứ nhất gởi đồ đệ Timôthê trong BĐ 2 hôm nay, đã chia sẻ kinh nghiệm được yêu thương như một chứng từ sống động:

“Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người xót thương, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người…Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi…”

Sống niềm tin kitô hữu là luôn trở thành “bài thuyết minh sinh động” về chân lý nền tảng đó: Thiên Chúa là tình yêu. Và những ai có tham vọng trở thành đại thánh nhân giữa lòng Hội Thánh thì cũng chỉ cần sống đạt tiêu chí “tình yêu” mà Phúc âm của Đức Kitô đã vạch lối chỉ đường đó thôi, như một Têrêsa Hài Đồng: “ Ở giữa lòng Hội Thánh, em sẽ là tình yêu”, hay như Á Thánh Anrê Phú Yên “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, chúng ta hãy đem mạng sống đáp đền mạng sống”.

Giá cao luôn được dành cho của quí. Tình yêu lớn đòi phải hy sinh nhiều. Như câu chuyện ngụ ngôn của Oscar Wide "Con chim hoạ mi và cây hoa hồng": Để làm nên quà tặng tình yêu, chim hoạ mi chấp nhận ép tim vào gai nhọn của hoa hồng để cây hoa hút máu tạo nên một cánh hoa hồng đẹp, làm quà tặng tình yêu". Chính Đức Kitô đã thể hiện “tình yêu lớn” cho tất cả chúng ta khi Ngài chấp nhận chết khổ hình thập giá như một chứng minh cho lời dạy trước đó của mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Và như thế, lời cầu xin hôm nay, trong thánh lễ nầy, cho chính chúng ta cũng như cho mọi người là hãy xin cho được “trở nên khí cụ tình yêu của Chúa” như lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô khó khăn. Chúng ta hãy cùng hát lên bài ca kinh đó như lời kết cho bài giảng hôm nay:

“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ tình yêu của Chúa…”

LM. Giuse Trương Đình Hiền.

 
Hôn Nhân: Bí Tích Tình Yêu Kiên Vững
Phaolô Phạm Xuân Khôi
12:19 11/09/2010

Tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2010 - Bài 1: “Hôn Nhân: Bí Tích Tình Yêu Kiên Vững”



Vì gia đình là đơn vị đầu tiên và là nền tảng của xã hội, cho nên chính Thiên Chúa đã lập ra Bí Tích Hôn Nhân tự nhiên ngay từ khi tạo dựng con người. Ngài muốn hai vợ chồng yêu thương nhau và kết hợp với nhau đến nỗi cả hai trở nên một. Đã nên một thì không còn phân chia được nữa, cho nên Chúa Giêsu đã nói: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly.” (Mc 10:9).

Xã hội ngày nay đang cố gắng lật đổ trật tự tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết lập từ thủa ban đầu. Họ muốn tái định nghĩa hôn nhân để biện minh cho những hành động vô luân của con người. Không những thế, họ muốn đầu độc những thế hệ tương lai bằng việc bình thường hóa những cách sống trái tự nhiên, những liên hệ bất chính và những hành động vô luân. Để thực hiện được những điều ấy, việc đầu tiên người ta đang làm là phá vỡ nền tảng gia đình và bần cùng hóa tình yêu, cùng nhồi sọ trẻ em những quan niệm sai lầm về tình yêu và hôn nhân ngay trong giáo dục học đường và các phương tiện truyền thong đại chúng.

Là những phụ huynh và giáo lý viên, Hội Thánh mời gọi chúng ta hãy chiến đấu để bảo vệ chân lý về tình yêu và gia đình. Để giúp chúng ta những phương tiện trong trận chiến này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chọn chủ đề cho chương trình Giáo Lý năm nay là “Hôn Nhân: Bí Tích của Tình Yêu Kiên Vững”. Quý vị có thể tải xuống những tài liệu học hỏi bằng Tiếng Anh cho các giáo xứ, các giáo lý viên, giới trẻ và các gia đình cho trọn năm từ trang web của HĐGMHK:

http://www.usccb.org/catecheticalsunday/resources.shtml

Trong cố gắng phổ biến những tài liệu của Huấn Quyền, chúng tôi mạo muội viết một số bài ngắn gọn tóm tắt các giáo huấn của HĐGMHK để chia sẻ với độc giả và nhất là các giáo lý viên trong bài này và những bài kế tiếp.

Hôn Nhân: Một Bí Tích của Tình Yêu Kiên Vững



Đức Cha Daniel Flores đã tóm tắt Thần Học về Hôn Nhân trong bài Hôn Nhân: Một Bí Tích của Tình Yêu Kiên Vững. Ngài nhấn mạnh rằng tình yêu trong hôn nhân là một ơn gọi phát nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa quá yêu con người đến nỗi sai Con Một Ngài nhập thể để mặc khải cho chúng ta qua cuộc đời, giáo huấn và cuộc tử nạn của Người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta yêu thương trong chân lý, yêu như chính Thiên Chúa đã yêu chúng ta. Hơn nữa tình yêu trong hôn nhân Kitô giáo được bắt nguồn từ tình yêu của Đức Kitô, là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, cùng là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh mầu nhiệm Tình Yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Đức Kitô chính là Mặc Khải và Nguồn Mạch Tình yêu của Thiên Chúa. Trên Thánh Giá Chúa Giêsu đã vì chúng ta mà tự hiến Mình để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Qua cái chết trên Thánh Giá, Người ban cho chúng ta ơn nhận biết Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa: là hiến chính mình mà không nuối tiếc, hoàn toàn hy sinh, quên mình, để chia sẻ sự sống thần linh với chúng ta. Nhờ đón nhận tình yêu này mà chúng ta cũng biết yêu thương như Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Qua đó chúng ta thực sự được thông phần vào Tình Yêu của Thiên Chúa. Tình yêu ấy tiếp tục là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu, đặc biệt qua Bí Tích Thánh Thể.

Hôn Nhân Kitô Giáo: Dấu Chỉ của Giao Ước. Thiên Chúa đã nâng hôn nhân lên thành một giao ước qua Máu của Con Ngài. Mặc dù hôn nhân tự nhiên được Thiên Chúa thiết lập ngay khi tạo dựng con người, như một dấu chỉ tự nhiên. Người nam và người nữ được tạo dựng để bổ túc cho nhau. Ngay từ đầu hôn nhân đã là một sự kết hợp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ. Sự hiện diện của Đức Kitô trong tiệc cưới Cana (Ga 2) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hôn nhân như một dấu chỉ giúp chúng ta hiểu sứ vụ của Chúa Giêsu. Thiên Chúa tự mình đến trong một con người để đóng ấn giao ước tình yêu vĩnh cửu và chung thủy của Ngài với dân Ngài. Hơn nữa Chúa Giêsu thường tự nhận mình là “chàng rể” sửa soạn cho tiệc cưới (x. Mt 22; Mk 2:18-20) hay “chàng rể” trở về từ một cuộc hành trình dài (x. Mt 25). Tất cả những điều này dẫn đến một chân lý là Đức Chúa Giêsu Kitô là chàng rể thật đang chuẩn bị cho lễ cưới của Người với Hội Thánh, được cử hành khi Người hiến mình cho Hội Thánh trên Thập Giá (x. Eph 5:25).

Hôn Nhân là một Mầu Nhiệm Cao Cả. Từ quan điểm này, chúng ta thấy rõ hơn nguồn gốc của giáo huấn về đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân. Giáo huấn của Chúa làm sáng tỏ giáo huấn trong Cựu Uớc. Mặc dù ông Môsê cho phép ly dị, nhưng Chúa nói: “Tôi bảo thật các ông, người nào ly dị vợ (trừ trường hợp hôn nhân không thành) và lấy người khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19:9). Quyết tâm yêu thương giữa một người nam và một người nữ phản ảnh giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô dạy rằng hôn nhân Kitô giáo là một sự bày tỏ hữu hình tình yêu của Đức Kitô. Ngài gọi hôn nhân là một “mầu nhiệm cao cả” liên quan đến sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Hôn nhân Kitô giáo cho người ta thấy những gì hàm chứa trong mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô. Sự liên hệ giữa hai vợ chồng vừa phản ảnh vừa thông phần vào sự liện hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Nếu chúng ta muốn biết những dấu đặc thù của hôn nhân Kitô giáo, chúng ta chỉ cần chiêm ngắm những dấu đặc thù của tình yêu mà Đức Kitô mặc khải trong Tin Mừng. Cũng vậy, nếu ai muốn biết thí dụ điển hình về tình yêu của Đức Kitô ra sao thì chỉ cần nhìn xem tình yêu ấy phản ảnh thế nào trong đời sống hôn nhân của các Kitô hữu.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2010 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
 
Chuỗi Mân Côi dạy chúng ta cầu nguyện
Trầm Thiên Thu
18:42 11/09/2010
Tác giả Thomas H. Groome Cũng như nhiều tín hữu Công giáo khác, tôi sinh trưởng trong một gia đình đọc kinh Mân Côi mỗi tối. Chúng tôi biết tại sao chúng tôi làm vậy. Mẹ tôi thường khuyến khích chúng tôi rằng người có uy tín nhất để chuyển lời cầu nguyện lên Chúa Giêsu là Mẹ Maria. Là người con ngoan, làm sao Ngài từ chối Mẹ mình được chứ? Là con cái, chúng tôi thường đến với việc lần chuỗi Mân Côi buổi tối bằng lời cam kết: “Một chút nữa, mẹ nha”. Nhưng chúng tôi đã quỳ gối. Đó là thời gian tĩnh lặng đáng yêu đã nối kết gia đình có 9 đứa con vào thời gian cuối ngày với những điều căng thẳng bình thường giữa anh chị em với nhau. Nhiều năm sau đó, khi chúng tôi tụ họp để canh thức cha mẹ, và rồi lại canh thức anh chị, chúng tôi vẫn lần chuỗi Mân Côi với nhau, và điều đó vẫn nối kết chúng tôi. Cha Paddy Peyton, người tam gia cuộc Thập tự chinh Mân Côi đã đúng khi ngài nói: “Gia đình nào cùng cầu nguyện với nhau thì vẫn sống hài hòa với nhau”. Giọng đọc đều đều Kinh Kính Mừng dạy tôi biết sau đó là suy gẫm. Mẹ tôi thường khuyến khích chúng tôi “suy gẫm về các mầu nhiệm”. Mẹ tôi thật khôn ngoan. Trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae (RVM), ĐGH Gioan-Phaolô II đã gọi chuỗi Mân Côi là “con đường chiêm niệm” (a path of contemplation). Nếu một người trong chúng tôi bỏ lỡ việc lần chuỗi chung với gia đình, mẹ tôi luôn nhắc nhở: “Nhớ lần chuỗi nghe con”. Chúng tôi biết mẹ luôn để chuỗi tràng hạt bên gối đầu để thức giấc có chuỗi lần ngay. Bà tôi cũng khuyến khích chúng tôi: “Nếu các con bắt đầu lần chuỗi Mân Côi và rồi ngủ quên thì các thiên thần và các thánh sẽ đọc xong chuỗi cho các con”. Từ nhỏ, tôi đã biết kinh Mân Côi là lời cầu nguyện vừa chung vừa riêng, là cách đọc kinh và suy niệm như đọc thần chú lặng lẽ vậy. Điều này làm tôi tin rằng chúng tôi có thể đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria, và có các thánh cùng cầu nguyện với chúng tôi. Việc lần chuỗi Mân Côi dạy tôi biết bổn phận cầu nguyện riêng cũng như với người khác, và tôi có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Chuỗi Mân Côi có thể có tất cả các lợi ích về giáo lý đối với những người hậu hiện đại, thêm vào đó là hiệu quả mạnh mẽ của cách cầu nguyện. Sự phổ biến rộng rãi của việc lần chuỗi Mân Côi giảm sút sau Công đồng Vatican II – một tác động ngoài dự kiến đối với nỗ lực của Công đồng muốn tái tập trung các Kitô hữu vào Chúa Giêsu, Thánh kinh và phụng vụ. Nhưng khi ĐGH Gioan-Phaolô II chú giải trong Tông thư RVM về kinh Mân Côi: “Nhờ Mẹ Maria về đặc tính, trong trái tim là một lời cầu nguyện mà Đức Giêsu là trung tâm và có chiều sâu của các sứ điệp Phúc âm trong toàn bộ”. Điều chú ý đối với Tông thư RVM là ĐGH Gioan-Phaolô II thêm 5 mầu nhiệm mới vào kinh Mân Côi: Mầu nhiệm sự sáng. Khoảng 500 năm qua, toàn bộ kinh Mân Côi gồm 15 chục, mỗi chục tập trung vào một mầu nhiệm nào đó về cuộc đời Đức Kitô hoặc Mẹ Maria. Sau đó, 15 chục được gom lại thành 3 chuỗi 50 – gọi là năm sự Vui, năm sự Thương và năm sự Mừng. Tuy nhiên, mầu nhiệm thứ năm mùa Vui tập trung vào việc tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thánh – khi Ngài 12 tuổi. Còn mầu nhiệm thứ nhất mùa Thương suy niệm sự lo buồn của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani – một khoảng trống rất lớn. Tôi vui mừng khi ĐGH Gioan-Phaolô II thêm năm mầu nhiệm mới tập trung vào cuộc đời Chúa Giêsu. Khi người Công giáo lần chuỗi năm sự Sáng, chúng ta có thể đào sâu sự nhận thức của chúng ta và tận tâm sống làm môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta không thể xác định cách nào và khi nào kinh Mân Côi bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Truyền thống cổ nói rằng kinh Mân Côi được Đức Mẹ đích thân trao cho thánh Đa Minh. Mặt khác, các tu sĩ Đa Minh đã góp phần tiêu chuẩn hóa và đại chúng hóa kinh Mân Côi qua suốt thế kỷ 15 và 16. ĐGH Piô V, một tu sĩ dòng Đa Minh, đã thành lập lễ Đức Mẹ Mân Côi (nay kính vào ngày 7/10). Ngài tin hiệu quả của kinh Mân Côi bằng việc chiến thắng người Thổ nhĩ kỳ trong trận Lepanto năm 1571. Khoảng năm 1000, người ta bắt đầu đọc 150 kinh Lạy Cha, chia thành ba bộ 50 và đếm bằng xâu chuỗi hạt, gọi là tràng hạt (paternosters). Điều này trở thành phổ biến là “thánh thi của người đau khổ” (the poor man’s Psalter) vì là “bản sao” của các tu sĩ mỗi ngày đọc 150 thánh vịnh. Khi lòng sùng kính Mẹ Maria tăng lên hồi thế kỷ 12, các tu sĩ chiêm niệm khổ tu dòng Xitô và dòng thánh Bruno đã góp phần phát triển và đại chúng hóa kinh Kính Mừng. Quan trọng là hình ảnh Thiên Chúa mà giáo hội rao giảng là người nghiêm khắc và phán xét. Đây là lý do tại sao lòng sùng kính Đức Mẹ tăng lên, vì người mẹ yêu thương có vẻ dễ gần gũi hơn người cha nghiêm khắc. Kinh Mân Côi nổi bật từ khuynh hướng của các Kitô hữu bình thường được kêu gọi để cầu nguyện thường xuyên, để thánh hóa thời gian và công việc suốt ngày. Họ biết các tu sĩ nam nữ cũng làm vậy với Kinh Nhật tụng của giáo hội. Nhưng giáo dân không có thời gian để đọc kinh chung. Khuynh hướng của họ cầu nguyện riêng. Kinh Mân Côi nổi lên từ khuynh hướng tốt của dân thường mà bí tích Rửa tội kêu gọi họ tới đời sống thiêng liêng. Điều này đòi hỏi việc cầu nguyện thường xuyên. Ngày nay chúng ta nên được linh hứng bởi các khuynh hướng khôn ngoan của họ. Việc cầu nguyện thường xuyên sẽ luôn là chủ yếu để nâng đỡ đời sống Kitô hữu. Tiếp theo, chúng ta cần nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa và mối quan hệ của Ngài với chúng ta xuyên suốt thời gian và các hoạt động của cuộc sống – không chỉ ở trong nhà thờ. Các Kitô hữu được rửa tội không thể ủy thác cho người khác – như các tu sĩ nam nữ trong các tu viện – để cầu nguyện thay họ. Chúng ta cần cầu nguyện cho mình, cho nhau và cho giáo hội – dù chúng ta cầu nguyện một mình. Chắc chắn những rắc rối của cuộc sống có thể lắng dịu nhờ cầu nguyện và suy niệm bằng việc lần chuỗi Mân Côi. Cách tốt nhất để lần chuỗi Mân Côi? Truyền thống là suy niệm về mầu nhiệm mỗi chục kinh hơn là tập trung vào lời kinh. Như vậy, với mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui về việc Truyền tin, mỗi người có thể nghĩ về sáng kiến tuyệt diệu của Thiên Chúa, về sự cởi mở của Mẹ Maria sẵn sàng thực hiện Ý Chúa,… Cũng có thể tưởng tượng và sống trong bối cảnh khi Sứ thần Gabriel hiện ra với Đức Mẹ, lắng nghe để trao đổi giữa Sứ thần và Đức Mẹ,… Mục đích của việc suy niệm như vậy là đưa mầu nhiệm vào cuộc sống thường nhật để khuyến khích cương vị tông đồ của mỗi Kitô hữu. ĐGH Gioan-Phaolô II khôn ngoan nhận xét rằng chúng ta có trong chuỗi Mân Côi “một kho tàng được tái phát hiện”. TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Catholic Digest)

Đường đờiKhi mới học lái xe, tôi cố gắng chạy cua một đường vòng trên một đoạn đường vùng quê đầy sỏi đá. Tôi đạp mạnh thắng thay vì phải rà thắng. Thế là xe trượt bánh, chết máy và hất hai cha con văng xuống đường. Hai cha con im lặng nhìn nhau giữa đám bụi cuộn tới. Tôi chờ bị trách mắng. Cha tôi hít sâu rồi bảo tôi khởi động lại máy.Đã 30 năm trôi qua. Bây giờ cha tôi không còn, còn tôi đã có 3 đứa con. Bí quyết bình tĩnh với 5 đứa con của cha tôi là gì? Tôi cứ phải đấu tranh hằng ngày để tập kiên nhẫn. Giá như cha còn sống để cho tôi lời giải đáp khi tôi tập cho con tôi lái xe.Tôi siết dây an toàn khi con tôi đứng phía sau nói: “Ở đây mát quá!”. Tôi quan sát nó khởi động máy, rồ máy, điều chỉnh kính chiếu hậu, vừa soi vừa vuốt tóc, rồi mở đài mà nó thích, và cuối cùng là quay đầu xe. Nó cho xe chạy chậm xuống đường. Tôi thấy và bắt đầu thư giãn. Ra đến đường, nó sang số và tăng ga.Tôi la lớn: “Coi chừng cột đèn!”. Xe xẹt qua cách vài ly. Nó nói: “Ba thấy đó, không có vấn đề gì. Vậy mới đã”. Nó tăng tốc. Tôi căng thẳng. Nó lạng lách làm tôi chóng mặt. Tôi nhỏ nhẹ: “Coi chừng, giảm ga đi con. Chạy chậm xuống chỗ cua phía trước kìa!”. Theo phản xạ, tôi tưởng tượng đạp hết thắng. Nó nói: “Con không có chạy nhanh”. Tôi hướng dẫn: “Quẹo phải ở ngã tư phía trước kìa”.Nhá đèn signal, nó cua vòng rộng và đâm thẳng vào dải phân cách. May mà không có xe nào trờ tới. Tôi nói ngay: “Chạy như vậy đó hả?”. Im lặng. Tôi phải ráng kiềm chế cơn giận.Tới đoạn nhiều xe, tôi phải cố im lặng để nó có thể tự lái. Một lúc sau nó quay sang tôi: “Ba, con lái thế nào?”. Nó có vẻ tự mãn. Tôi nói: “Tốt lắm”. Nó nói thêm: “Ba phải cho con thêm thời gian”. Tôi cười: “Được. Con sẽ trở thành tài xế giỏi”.Nó cười khoái chí. Đạp ga. Mặt nó tươi hẳn lên. Trước mặt nó có bao điều mới lạ, rộng mở thênh thang. Tôi cảm thấy có điều điều kỳ diệu.Bỗng dưng tôi cảm thấy thanh thản, ngỡ mình như hồi còn trẻ được cha cho cho tập lái xe. Ký ức ùa về. Tôi nhớ cha quá! Cách đây 30 năm, một đám bụi phủ kín hai cha con và chiếc xe. Thời gia thấm thoát thoi đưa…Bầu trời trong xanh. Tôi xoay người nhìn ra ngoài. Con trai tôi lo lắng hỏi: “Có xe nào phía sau không ba?”. Tôi nói: “Không. Nhưng có hoàng hôn đẹp lắm. Để ý đường mà chạy Có gì ba sẽ cho con biết”.Qua cửa xe, gió chiều hiu hiu thổi, bụi bay nhè nhẹ. Mùi thơm thoang thoảng trong gió. Tôi hít sâu. Xe chạy vào con đường có đồng ruộng hai bên. Trời tối dần. Se lạnh. Mùa Đông đang về. Con đường thời gian ở vào cuối năm. Con đường cuộc đời cũng ngắn dần…

(chuyển ngữ từ The Christian Science Monitor)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một “Vatican thu nhỏ” sẽ tháp tùng ĐGH trong cuộc công du Anh quốc
Phụng Nghi
07:47 11/09/2010
VATICAN CITY (CNS) -- Vào trung tuần tháng 9 sắp tới đây, khi Đức giáo hoàng Benedict XVI viếng thăm Anh quốc, ngài sẽ mang theo một đoàn tùy tùng những người phụ tá để giúp điều hành trôi chảy mọi việc cho vị giáo chủ 83 tuổi này mỗi khi ngài du hành ra nước ngoài.

Một “Vatican thu nhỏ”, nhỏ gọn để vừa đủ chỗ trên chiếc máy bay riêng của ngài, nhưng đa dạng để có thể đáp ứng được mọi tình huống trong những địa hạt chiến lược – như những cuộc khủng hoảng về ngoại giao, hỗn loạn về an ninh, lộn xộn về lễ nghi phụng vụ, trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí, và ngay cả những cứu cấp về y tế.

Nhiều người giữ những vai trò theo chốt trong đoàn tháp tùng của Tòa thánh, đã là những nhân viên kỳ cựu, có kinh nghiệm tại chỗ từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, trên chuyến bay tới Anh quốc lần này cũng mang theo ít nhất một người “lính mới” lần đầu tiên đi theo Đức giáo hoàng trong chuyến tông du.

Có lẽ nhân vật nổi bật nhất trên chuyến bay là người đứng cạnh Đức giáo hoàng mỗi khi ngài trả lời những câu hỏi của phóng viên báo giới: đó là cha Federico Lombardi, người phát ngôn của Tòa thánh. Cha Lombardi là một linh mục Dòng Tên, 68 tuổi, đã từng chia sẻ những thử thách về giao tế công cộng với Đức giáo hoàng trong các cuộc du hành, kể từ khi ngài đọc bài diễn từ về Hồi giáo tại Regensburg ở Đức năm 2006.

Những lời bình luận ứng khẩu của Đức giáo hoàng trên chuyến bay cũng đã từng khơi dậy bao nhiêu cuộc tranh biện công khai, về những vấn đề từ các cuộc hiện ra của Đức Mẹ cho đến bao cao su ngừa thai. Tuy các câu hỏi trong cuộc họp báo trên những chuyến bay này nay đã được lựa chọn trước trong số những câu báo chí đệ trình, nhưng rõ rệt là cha Lombardi đã cố gắng không sửa chữa, thêm bớt.



Hồng y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa thánh, là người không rời xa Đức giáo hoàng trong suốt những cuộc tông du ra nước ngoài, và tham dự phần lớn những cuộc gặp gỡ riêng của Đức thánh cha với các nhà lãnh đạo chính trị, các nguyên thủ quốc gia. Hồng y Bertone không nói được nhiều tiếng Anh, nên trợ tá ngài trong cuộc thăm viếng này sẽ có Đức ông Leo Cushley, một người Ái nhĩ lan 49 tuổi, đứng đầu bộ phận ngôn ngữ Anh của phủ quốc vụ khanh.

Ngoài ra, vì đây là một cuộc thăm viếng ngoại giao, Đức giáo hoàng sẽ mang theo Tổng giám mục Dominique Mamberti, bộ trưởng của Tòa thánh phụ trách liên lạc với các quốc gia, người thường xuyên điều hành những chi tiết về các liên lạc với nước ngoài.

Đức ông Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức giáo hoàng Benedict, được khán thính giả các đài truyền hình trên khắp thế giới quen mặt, với mái tóc vàng hoe. Đức ông là người hướng dẫn Đức giáo hoàng vào ghế ngồi, trao cho ngài các văn bản, và thường luôn để mắt theo dõi mỗi khi ngài hiện diện nơi sân khấu công cộng.

Trên các bàn thờ nơi Đức giáo hoàng sẽ cử hành thánh lễ, dường như lúc nào cũng có mặt Đức ông Guido Marini, người phụ trách điều hành các lễ nghi phụng tự. Đức ông Marini, người cao lớn và mảnh khảnh, thái độ thật đạo hạnh, đã chuẩn bị hàng tháng cho các phụng vụ sẽ cử hành tại Anh quốc, và đích thân đến Scotland cũng như Anh để giám sát các địa điểm hành lễ.

Một nhân vật khác quen thuộc trong cuộc tông du là Alberto Gasbarri, viên chức thuộc Đài Phát thanh Vatican, người tổ chức các cuộc viếng thăm nước ngoài của Đức giáo hoàng. Gasbarri, người đảm nhiệm công tác này ngay từ những ngày đầu trong triều đại giáo hoàng Gioan Phaolô II, là một giáo dân ăn mặc chải chuốt, thường đi trước Đức giáo hoàng khoảng 10 bước – tiện để bảo đảm không có những tình huống bất ngờ xảy ra.

Domenico Giani chỉ huy công tác an ninh của Tòa thánh, chắc phải là người bị nhiều áp lực nhất trong các cuộc tông du của Đức giáo hoàng. An ninh tuy được bảo vệ do phía quốc gia đứng mời, nhưng vai trò của Giani là điều hợp bề mặt chung giữa toán an ninh của Anh và con số ít ỏi những nhân viên của Vatican tháp tùng Đức giáo hoàng. Mặc đồ lớn, đeo cà-vạt, Giani và nhóm của ông đi sát cạnh Đức giáo hoàng Benedict mỗi khi ngài di chuyển, rồi sau đó, khi ngài đã an vị, họ mờ khuất vào phía hậu trường.

Một thành viên trong đoàn tuỳ tùng rất ít khi lộ diện là bác sĩ Patrizio Polisca, y sĩ riêng của Đức giáo hoàng. Ông túc trực sẵn sàng 24/7 suốt cuộc du hành. Tuy nhiên, lần đi này Polisca còn một nhiệm vụ đặc biệt khác nữa: ông còn là chủ tịch nhóm các y sĩ đã cố vấn cho Bộ Phong Thánh của Vatican, nên ông có vai trò trong việc chuẩn nhận phép lạ cần thiết để tuyên phong chân phước cho Hồng y John Henry Newman – đây là biến cố chính yếu trong cuộc tông du này.

Tổng giám mục Kurt Koch, tân chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo, sẽ lần điều tiên tháp tùng Đức giáo hoàng. Tuy cuộc thăm viếng này rõ rệt có những hình thái đại kết, nhưng sẽ không thấy tổng giám mục Koch xuất hiện ở trung tâm hiện trường: lý do là vì Vatican coi cuộc tông du này như là một cơ hội để chú tâm vào nhu cầu làm chứng tá cho Kitô giáo nói chung, không phải là một phiên làm việc để giải quyết các vấn đề đại kết.

Một nhóm khoảng 20 viên chức khác được cộng chung vào danh sách của Tòa thánh sẽ đáp chiếc máy bay của Đức giáo hoàng. Các phụ tá của ngài ngồi phía trước phi cơ, còn số khoảng 70 ký giả báo chí đi theo chuyến bay ngồi ở phía sau – đây là một thứ trật tự vẫn giữ nguyên từ hơn 40 năm qua trong các cuộc tông du của giáo hoàng.
 
Top Stories
Catholics in England suffered long repression
Robert Barr, AP
17:02 11/09/2010
STONOR, England, Sep 11 – For nearly three centuries after the Reformation, Catholics in England were outlaws.

But in the turmoil and persecution that followed the break between King Henry VIII and Rome, noble families such as the Stonors clung to their faith, "in spite of dungeon, fire and sword," as the Victorian hymn "Faith of our Fathers" put it.

Đức TGM Nichols
"We're just stubborn, really," says Ralph Thomas Campion Stonor, the seventh Lord Camoys, a title bestowed on an ancestor for valor in the Battle of Agincourt in 1415.

Pope Benedict XVI will recall the years of persecution during his upcoming tour of Britain Sept. 16-19. He will visit Westminster Hall, the medieval chamber within the Houses of Parliament where the Catholic Thomas More was tried and convicted of treason in 1535. More refused to swear an oath accepting the annulment of King Henry's marriage, thus becoming one of the first of the legion of English Catholic martyrs.

The Stonor family's history mirrors the vicissitudes of Catholics, both noble and humble, who defied the law and risked death to preserve their faith through times of persecution until they regained full legal rights in the 19th century.

The Stonors were among those described as respectable "recusants," people who refused to attend Church of England services; respectable because they did not join in any plots to overthrow the monarchy.

It was possible, even in the turbulent times of Queen Elizabeth I, to be openly Catholic and still enjoy royal favor. A notable case was the composer William Byrd, who wrote music for the Chapel Royal and for the Catholic Mass.

The Stonor family sheltered another famous martyr, the Jesuit priest Edmund Campion. Campion's printing press was discovered at the Stonor house after Campion was arrested in 1581. Dame Cecily Stonor, who had already been paying yearly fines equivalent to 50,000 pounds ($77,000) in today's money, and her son John were arrested as well.

She stoutly refused to renounce her faith in which, she declared, she found "nothing taught in it but great virtue and sanctity, and so by the grace of God I will live and die in it."

The heavy fines and confiscation of Catholic lands depleted the wealth of the Stonors, who by the 14th century had owned 22 manors in eight counties plus 60 acres (24 hectares) of land in the center of London.

Various post-Reformation laws barred Catholics from entering London, traveling more than 10 miles (16 kilometers) from home or owning horses worth more than 10 pounds, but the Stonor family continued to live in some comfort in their grand house, nestled between hills in the countryside 40 miles (65 kilometers) west of London.

Camoys pointed out a painting from the more relaxed time of King James II, a Catholic who reigned from 1685 to 1688. The painting shows a large number of horses — clearly worth more than allowed — outside the house, along with a fine carriage.

Persecution ran both ways. Queen Mary, the Catholic daughter of Henry VIII, vigorously sought to uproot the Church of England; Archbishop Thomas Cranmer, author of the Book of Common Prayer, and Bishops Nicholas Ridley and Hugh Latimer were among scores burned at the stake during her reign from 1553 to 1558. Mary also bestowed a knighthood on Francis Stonor.

Pope Pius V fueled official paranoia in 1570 by publishing a bull pronouncing the Protestant Queen Elizabeth to be excommunicated and deposed. Nonetheless, Elizabeth knighted the second Francis Stonor as a gesture of reconciliation.

Pope Sixtus V supported the Spanish Armada and promised financial support for the invasion which never came, because the English navy repulsed the Spanish fleet in 1588.

Though officially suppressed, Catholics developed an organization in the following century with four Vicars Apostolic acting much like bishops, overseeing districts. One of the vicars was John Talbot Stonor, who died in 1756; it helped that he had support from a relative, the Duke of Shrewsbury, who was Lord Chamberlain, Camoys said.

Camoys, an investment banker, in 1998 became the first Catholic since the Reformation to be appointed Lord Chamberlain, a senior royal official, and he is a financial adviser to the Vatican.

The family chapel, still open under a license granted by King Edward III in 1349, is a touchstone of his faith, he says.

"It's the chapel, the existence of the chapel, the continuity of that chapel — that is the thing that is foremost in our minds and keeps us going," Camoys said.

"It is an amazing fact that only about three Catholic chapels survived through it all."

The chapel boasts a Stations of the Cross carved from wood and presented to Camoys' parents by Graham Greene, the late Catholic novelist.

Laws restricting Catholic rights were enacted in every reign from Elizabeth I to George II, who died in 1760. In 1832, Catholics won the right to vote, and one of the first to benefit was Thomas Stonor. He moved easily into the establishment, serving Queen Victoria as Lord-in-Waiting for 28 years.

For ordinary Catholics, the most significant date was 1791, when they were allowed to celebrate Mass openly.

The ban on Catholics entering Oxford or Cambridge universities remained in force until the 1870s, during the lifetime of Cardinal Newman, the convert from the Church of England who is to be beatified by Benedict on Sept. 19.

Newman, born in 1801, saw the early years of the 19th century as a dark time for the faith, reduced in his eyes to "but a few adherents of the old religion, moving silently and sorrowfully about, as memorials of what had been."

In contrast, Camoys pointed to a portrait of an 18th century ancestor, his proud, almost haughty face framed in a long wig. "They don't look downtrodden, do they?" Camoys said.

Other Catholic noble families survived, including the Dukes of Norfolk who are the pre-eminent nobles of England, though the fourth duke was beheaded for plotting against Queen Elizabeth.

Ordinary Catholics shared in the suffering. Margaret Clitherow, a butcher's wife from York, was executed in 1586 by being pressed to death with heavy weights. A convert to Catholicism during Elizabeth's reign, Clitherow sheltered priests in her home.

The faithful risked prison to gather up relics, or even a scrap of bloody fabric, after the execution of a Catholic, she said.

After it emerged from the shadows, the English Catholic Church grew rapidly as Irish immigrants flooded into Britain. Today's church is even more diverse; Archbishop Vincent Nichols says he knows of parishes whose members represent more than a hundred languages.

Occasionally, though, one hears echoes of the old nervousness about being associated with the Roman church: Former Prime Minister Tony Blair waited until he had left office to convert to Catholicism.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chân dung Léopold Michel Cadière: truyền giáo, khoa học và văn hóa
+GM Giuse Vũ Duy Thống
07:00 11/09/2010
LÉOPOLD MICHEL CADIÈRE (1869-1955)

Trong nửa đầu của thế kỷ 20, lịch sử VN là một chuỗi dài những biến động: từ biến động chính trị kéo theo những biến động dân sự dân sinh dân cư và cả dân tộc nữa. Trong hoàn cảnh đó, ít có ai yên ổn để quan tâm đến văn hóa dân gian thuần túy và đặc biệt đến vấn đề nhân chủng tôn giáo một cách miệt mài.
Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, có một người đã âm thầm chọn Việt Nam làm quê hương của mình, đã chăm chút với công việc tỉ mỉ của con ong cái kiến để ghi chép mô tả cũng như để giới thiệu với thế giới về nhiều lãnh vực văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc dẫu gặp nhiều đau khổ và trắc trở nhưng luôn hồn nhiên và đáng kinh ngạc với tín ngưỡng gia đình. Con người đáng trân trọng ấy hôm nay chúng ta nhớ đến cách đặc biệt, dịp lễ giỗ 55 năm, bằng một cuộc hội thảo nhiều tính nhân văn “uống nước nhớ nguồn”, giầu tính văn hóa “ôn cố tri tân” và đậm tính tâm linh muốn để người đã khuất “nối linh thiêng vào đời” của người đương đại. Con người ấy chính là Cố Cả Léopold Michel Cadière.

1. Léopold Cadière trước hết là một nhà truyền giáo

Thời của ngài là tiền bán thế kỷ 20 vốn thích thú với những cuộc mạo hiểm, hoặc bằng chinh phạt đem về cho mẫu quốc những vùng thuộc địa khuyếch trương buôn bán, hoặc bằng chinh phục đem về cho Chúa những tâm hồn đón nhận ơn trời. Là linh mục công giáo thuộc Hội Thừa sai Ba-lê, Léopold Cadière chỉ có một lý tưởng cao nhất cũng là ước mơ mạo hiểm một đời là được đặt chân tới miền đất lạ mà đem cái đẹp cái sáng của Phúc Âm gieo vãi vào tận lòng người, biến họ nên con cái của Cha trên trời. Việt Nam thời ấy được xem như vùng sâu vùng xa đúng với tên gọi lấy châu Au làm trung tâm, vùng Viễn Đông, l’Extrême-Orient.

Giã từ quê hương ở tuổi 22 tràn đầy sinh lực, Léopold Cadière đến Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp truyền giáo từ Huế đến các vùng phụ cận, trong tư cách là môt mục tử nhiệt thành chăm lo đến đời sống tinh thần cũng như thể chất của mọi tín hữu thuộc quyền. Giáo phận Huế là nơi ngài đã trải ra đời sống truyền giáo và mục vụ, chắc hẳn còn nhiều kỷ niệm với những dấu ấn không quên, nơi các giáo xứ thuộc tỉnh Quảng Bình (Tam Tòa, Cù Lạc, Gò khế, Cổ Vưu 14/15 năm), hay không xa Cửa Tùng (Di Loan 27/28 năm). Léopold Cadière trên nửa thế kỷ tại Việt Nam trước hết trong tư cách là nhà truyền giáo không mỏi mệt.

2. Nhưng Léopold Cadière còn là một nhà khoa học say mê trong các lãnh vực ngôn ngữ học, nhân chủng học, thực vật học.

Thật vậy, đọc lại tiểu sử đời ngài qua những thời điểm gắn liền với những địa danh và địa bàn dân cư, người ta không biết khi nào ngài làm việc truyền giáo và lúc nào ngài nghiên cứu khoa học; nơi ngài, người ta cũng chẳng biết đâu là chỗ việc truyền giáo dừng lại và đâu là nơi việc nghiên cứu khoa học khởi đầu. Ngài nhiệt huyết với công cuộc truyền giáo và ngài cũng đầy khả năng trong công trình khoa học. Chắc chắn do say mê truyền giáo, ngài đã đến Việt Nam, và một khi được gửi đến một vùng phong phú chất liệu khoa học, ngài đã vận dụng khéo léo cân đối nhuần nhị niềm say mê vốn có kia vào cả trong lãnh vực nghiên cứu khoa học nữa. Có thể nói nơi LÉOPOLD CADIÈRE, truyền giáo đã gợi hứng và cung cấp điều kiện cho khoa học, và tới phiên mình, khoa học lại nâng đỡ và làm phong phú cho truyền giáo. Mượn ngữ vựng của ngành kim khí điện máy, có thể ví truyền giáo là mạch ALéopold Cadière (Auto Level Control) cho khoa học, và khoa học là mạch Feedback cho truyền giáo.

Rảo qua danh mục 250 bài viết, thuyết trình và tác phẩm của ngài, nhất là tên tuổi của ngài trên tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) hay tại trường Viễn Đông Pháp ở Hà Nội (l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient), người ta không ngớt kinh ngạc vì tài năng khoa học và vì sự hài hòa giữa 2 lãnh vực khác nhau trong một con người. Léopold Cadière là nhà truyền giáo say mê nghiên cứu, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu say mê truyền giáo.

3. Cuối cùng, Léopold Cadière còn là một nhà thực hiện việc hội nhập văn hóa hết mình.

Trên mạng lưới thông tin điện tử, dịp này, người ta cho phát đi hình ảnh của Léopold Cadière, khiến nhiều người ở thế hệ sau như chúng tôi, nhìn vào dễ nhận ra một dáng đứng văn hóa lớn, đã đến và hội nhập vào trong văn hóa Việt Nam hết mình, cũng như đã nghiên cứu văn hóa Việt Nam và đem vào đó những yếu tố độc sáng của Kitô giáo.

Ngài hội nhập bằng cách mang tên Việt Nam theo cách Việt Nam: linh mục được gọi là Cố; còn danh xưng Cả là hình thức tĩnh lược của tên gọi Cadière. Ngài còn hội nhập bằng cách phục sức hoàn toàn giống như các vị bô lão làng quê Việt Nam: cũng quần trắng áo thâm, cũng râu chòm hiền hậu, cũng thực phẩm địa phương, nhất là nói tiếng Việt chẳng thua kém ai. Có thể nước da vẫn cứ là Tây, nhưng tâm hồn đã là Việt nam trọn vẹn, như ngài bộc bạch lúc bị cầm cố tại Vinh (7 năm 1945-1953) về ký ức không phải của một người bị Việt Nam hóa, mà là ký ức của một người tự nguyện trở thành Việt Nam (Souvenirs non d’un vieil annamitisé, mais d’un vieil annamitisant).

Cách riêng khi soi rọi nhiều góc cạnh trong lối sống dân gian để mở đường suy tư về tôn giáo, như chủ đề “Gia đình và tôn giáo ở VN” hoặc “Tín ngưỡng và cách hành đạo của người VN”, Cố Cả đã xa gần gieo một nhịp cầu từ văn hóa sang đức tin Công giáo, được gọi đơn giản là sự gặp gỡ, điều mà sau này thần học Công giáo mệnh danh là “hội nhập văn hóa”.

Phác vẽ lại chân dung Cố Cả theo kỹ thật 3D: truyền giáo, khoa học và văn hóa như trên không có tham vọng bao trùm, mà chỉ muốn như một chiếc giá ba chân nâng lên chân dung của Cố nhân dịp tưởng nhớ 55 năm ngày tạ thế. Cuộc đời và hoạt động của Cố còn nhiều khía cạnh độc sáng khác, mà hôm nay cũng như những ngày kế tiếp, các thuyết trình viên sẽ sẵn lòng trình bày và chắc chắn sẽ dẫn cử tọa đến với những khám phá bất ngờ thú vị.

Trong niềm lâng lâng tưởng nhớ một con người đáng kính bằng một cuộc hội thảo đặc biệt tại Tòa Giám Mục Huế, với tư cách chủ tịch UBVH trực thuộc HĐGM.VN, xin được cùng với Đức Tổng Stêphanô, chủ nhà, hân hạnh tuyên bố khai mạc hội thảo.

Chúc quý vị một ngày thật đẹp và thật ý nghĩa.