Ngày 11-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thầy là ai?
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
03:41 11/09/2018
Chúa Nhật 24 Thường Niên B

Từ xưa đến nay, câu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” của Đức Giêsu vẫn luôn là đề tài để người đời suy nghĩ, dù tin hay phủ nhận vẫn phải khắc khoải về Con Người này: Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Cộng sản, chính trị…

“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đó là đức tin Kitô giáo. Từ đây phát sinh Kitô giáo vì người tin vào Đức Giêsu thành Nazareth đã tuyên xưng Người là Đức Kitô, là Cứu Chúa của họ. Lời tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô” có hai vế: Đức Giêsu thành Nazareth và Đức Kitô. Đức Giêsu thành Nazareth là con người lịch sử đã sống, đã chết và đã phục sinh. Qua biến cố đó, nhiều người đã nhìn nhận và tuyên xưng Người là Đức Kitô. Câu tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô” gói trọn con người lịch sử Đức Giêsu thành Nazareth và Đấng được tuyên xưng là Cứu Chúa, là Đức Kitô, Đấng được niềm tin của Kitô hữu tôn vinh.

1. Gặp gỡ “Đức Giêsu Kitô”.

Ignace Lepp là một chứng nhân của hành trình thao thức tìm kiếm và cuối cùng đã gặp gỡ “Đức Giêsu Kitô”.

Ignace Lepp đã viết cuốn sách “Từ Các Mác đến Giêsu Kitô”. Tác giả kể lại đời mình và những lý do làm ông tham gia phong trào cộng sản thế giới, để rồi sau đó trở thành tín hữu, rồi làm Linh Mục của Giáo Hội Công Giáo.

a. Thao thức tìm kiếm

Ignace sinh trong một gia đình giàu có, trưởng giả, ăn mặc sang trọng, nói năng lễ độ, cư xử hòa nhã, lịch thiệp. Giai cấp này khinh bỉ giới thợ thuyền mà họ cho là một bọn thất học, thô lỗ, cộc cằn thiếu tư cách làm người, và đáng sống trong cảnh bần hàn.

Một hôm tình cờ Ignace đọc được cuốn tiểu thuyết “Người Mẹ” của Marxim Gorky trong đó tác giả mô tả đời sống cơ cực, lầm than của dân lao động Nga làm việc trong các nhà máy kỹ nghệ hồi đầu thế kỷ 20.

Gorky không những đã tả hết những nổi nhọc nhằn, đời sống lam lũ của giới thợ thuyền, và bằng một nhận xét sắc bén ông cho thấy đời sống cơ cực của những người này chính là hậu quả của sư bóc lột của giới chủ nhân, sống xa hoa trên mồ hôi và sự khổ cực của dân lao động. Lần đầu tiên Ignace biết được chi tiết đời sống của hạng người mà bấy lâu cậu vẫn thường khinh rẻ và chỉ nhìn thấy từ xa. Và cũng nhờ cuốn sách đó mà cậu biết rằng chính giai cấp tư sản đã bần cùng hóa dân lao động.

Sau khi đọc thêm một vài cuốn nói về đời sống cùng khốn của dân lao động, như những tác phẩm của Anatole France, Victor Hugo, Tolstoi, v.v., Ignacce cương quyết từ bỏ giai cấp của mình để hoạt động cho giới cần lao. Cậu bị thu hút bởi những hứa hẹn của phong trào cộng sản thế giới : tạo nên một xã hội không có giai cấp, không phân chia ranh giới quốc gia, trong đó mọi người được sống bình đẳng, không bị bóc lột và áp chế. Từ đó, đối với cậu, tất cả những tín điều của thuyết duy vật biện chứng đều là những chân lý tuyệt đối, hợp với khoa học.

Cậu được thu nhận vào một tiểu tổ Thanh Niên Cộng Sản lúc vừa 15 tuổi. Trong thời gian này, Ignace đã đi phát truyền đơn, dán bích chương, dự những cuộc biểu tình, mít tinh và diễn thuyết nhân các ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười và Lễ Lao Động.
Việc cậu lên diễn đàn phát biểu trong một buổi lễ lao động đã được báo chí trong thành phố tường thuật chi tiết. Hay được tin này, gia đình cậu đã rất tức giận và buộc cậu phải từ bỏ phong trào nếu không sẽ cắt mọi yểm trợ tài chánh. Nhất quyết theo đuổi lý tưỏng của mình, cậu bỏ nhà ra đi, không mang theo một tý gì, ngoài bộ quần áo đang mặc và ít tiền túi.

Cậu sang ở một thành phố khác và trở lại nhà trường học xong cấp trung học. Ở đó cậu cũng được một tờ báo cộng sản nhận vào làm biên tập và thông tín viên. Cậu bắt đầu viết sách báo, ghi tên vào đại học và học thêm vài ngôn ngữ khác. Vì có trình độ học vấn khá và biết nhiều thứ tiếng, cậu được cất nhấc vào nhiều chức vụ quan trọng trong đảng, như cầm đầu tổ chức tuyên truyền khích động trong một vùng, tổng bí thư một hội trí thức cách mạng quốc tế. Sau đó Ignace được cử đi hầu hết các quốc gia Âu châu để tuyên tuyền cho chủ nghĩa cộng sản và giúp thành lập những tiểu tổ địa phương. Trong giai đoạn này, cậu theo học nhiều lớp do các giáo sư cộng sản giảng dạy và đọc nhiều sách về lý thuyết cộng sản.

Trong lúc hoạt động cho phong trào cộng sản trong các nước độc tài và bảo thủ, Ignace bị bắt nhiều lần. Lần cuối cùng ông bị bắt ở Đức, lúc đó Hitler đã lên cầm quyền. Ông bị kết án tử hình, nhưng lúc sắp bị đem ra pháp trường thì ông được cứu thoát và được bí mật đưa sang Nga.

b. Đỉnh cao danh vọng.

Vui mừng được đến nước cầm đầu phong trào cộng sản thế giới, ông xin ở lại Nga để phục vụ cho cách mạng. Ông rất được trọng vọng và được giao phó công tác đi diễn thuyết và được bổ làm giáo sư triết học cộng sản ở nhiều trường đại học. Nhờ chức vụ đó, ông được đi hầu hết khắp nước Nga và tiếp xúc với mọi giới. Kinh nghiệm này đã làm ông vỡ mộng một cách ê chề.

Cái thiên đường vô sản ở Nga mà phong trào cộng sản quốc tế thường khoe khoang với thế giới bên ngoài thật ra là một nhà tù khổng lồ, trong đó mọi người, tù nhân cũng như cai ngục, đều sống trong lo âu và sợ hãi. Mỗi lời nói, hành vi và thái độ đều được cân nhắc kỹ lưỡng xem có phù hợp với đường lối của đảng không (mà đường lối thì thay đổi rất bất thường) vì mỗi sơ suất, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể dẫn đến tù đày.

Vì được xem là một lý thuyết gia lỗi lạc của chế độ nên đi đâu Ignace cũng được đón tiếp nồng hậu. Điều này khiến ông càng thất vọng hơn nữa. Trong khi, vì chính sách kinh tế khắc nghiệt của Stalin, dân chúng Nga sống trong cảnh đói rách bần cùng thì giới lãnh đạo cộng sản sống một cuộc đời vương giả. Họ chiếm cứ những biệt thự sang trọng và những nhà nghỉ mát của giới quý tộc và chủ nhân thời Nga hoàng. Các bữa tiệc của họ đầy cao lương mỹ vị, rượu volka và caviar không bao giờ thiếu. Các "mệnh phụ phu nhân" cũng khoe khoang áo quần, nữ trang với nhau như giới tư sản trong các xã hội tư bản. Những gia đình quyền quý này cũng có kẻ hầu người hạ mà họ sai bảo và đối xử còn trịch thượng hơn các chủ nhân tư bản Tây Âu.

c. Thất vọng

Chàng Ignace, bây giờ đã trưởng thành mới nhận thức được rằng xã hội Xô Viết thực chất chỉ là một xã hội phân chia giai cấp, trong đó giai cấp công nhân, thay vì được giải phóng khỏi mọi áp bức như đảng cộng sản rêu rao với thế giới bên ngoài, thực ra bị bóc lột tối đa, và tất cả mọi người, có lẽ chỉ trừ Stalin, đều sống trong sự sợ hãi, nghi kỵ lẫn nhau kể cả bạn bè thân nhất hay vợ chồng, con cái.

Ignace hoàn toàn thất vọng với chế độ Xô Viết, mà chàng cho là đã phản bội lý tưởng cách mạng. Chàng thấy mình không thể nào tiếp tục sống trong bầu không khí ngột ngạt, đầy nghi kỵ và lo lắng như vậy được nữa. Chỉ trích sự sai lầm của chế độ không còn được đặt ra nữa vì Ignace biết sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn có thể nguy hiểm cho tính mệnh của mình. Chàng cũng không thể xin ra khỏi đảng hay xin ra nước ngoài, vì làm như vậy người ta có thể buột cậu tội phản đảng, hay nguy hơn nữa, bị nghi là gián điệp của các nước tư bản trà trộn ngay từ đầu để lũng đoạn cách mạng. Với một cáo trạng như vậy, cái chết chắc như cầm trong tay.

May thay trong thời gian đó nhiều người vẫn được phép thư từ với bạn hữu nước ngoài. Dịp may hiếm có đó đã xảy ra khi một "Hội nghị về Hòa bình thế giới" được tổ chức ở Luân đôn, Ignace đã vận động để được mời dự. Với giấy mời trong tay, chàng xin xuất cảnh và rất ngạc nhiên khi được cấp hộ chiếu. Tuy nhiên chàng chỉ thấy an toàn khi ra khỏi biên giới Liên Bang Xô Viết.

d. Chán nản

Khi trở về lại Tây Âu, Ignace rất chán nản. Lý tưởng mà chàng hăng say phục vụ trong mười mấy năm trời thật ra chỉ là môt sai lầm khổng lồ. Đem thử nghiệm vào một quốc gia, lý thuyết này chỉ đem lại cho nhân dân lao động xứ đó một xã hội đầy bất công, áp bức, thù hận và tạo ra một chế độ độc tài cực kỳ tàn ác. Thất vọng chua cay đó đã làm Ignace mất hết tin tưởng vào cuộc sống mà chàng cho là vô nghĩa. Để lấp khoảng trống trong tâm hồn, chàng đã chìm đắm vào những bê tha trụy lạc. Nhưng ngay sau những cuộc chời bời trác táng đó chàng lại càng chán nản hơn. Có lần chàng đã nghĩ đến tự tử, và đã dự định nhiều lần nhưng không đủ can đảm tự kết liễu đời mình.

e. Lý tưởng huyền diệu

Một hôm đi chơi về khuya, Ignace tình cờ thấy trên cái bàn của phòng khách, nơi chàng ở trọ, một cuốn sách có nhan đề “Quo Vadis?” (Thầy Đi Đâu ?). Vì khó ngủ, chàng tò mò mở sách ra đọc. Đó là một cuốn tiểu thuyết tả lại cảnh những người Ki-tô hữu đầu tiên bị bách hại dưới thời Neron. Lần đầu tiên, sau khi thất vọng về chế độ cộng sản Xô Viết, Ignace đọc cuốn sách này một cách say mê, chàng đã đọc thẳng một mạch cho đến sáng. Chàng thấy những nạn nhân của cuộc bách hại này chỉ vì theo đuổi một lý tưởng mà họ cho là cao đẹp đã chịu để cọp và sư tử xé xác ăn tươi nuốt sống mình trong các đấu trường còn hơn là chối bỏ niềm tin đó.

Để tìm hiểu thêm những lý do gì mà những tín đồ Thiên Chúa giáo này đã dám liều chết đến như vậy, chàng tìm đọc thêm những sách khác nói về tôn giáo này. Những sách tả về đời sống của các cộng đồng Thiên Chúa giáo đầu tiên làm chàng thích thú. Chàng thấy họ sống một đời sống đúng như lý tưởng mà chàng thường ấp ủ : chia sẻ của cải cho nhau, thương yêu nhau như anh em môt nhà. Chàng tự hỏi không biết các cộng đồng Thiên Chúa giáo tiên khởi có sống thật như vậy không, hay đó chỉ là những tài liệu tuyên truyền như các chế độ cộng sản thường làm. Chàng tìm đọc thêm nhiều sách khác của nhiều tác giả khác, có người theo Thiên Chúa giáo, có người vô thần. Nội dung những sách đó có khác nhau về chi tiết, nhưng đại cương thì rất giống nhau. Tất cả đều nói lên sự yêu mến, việc chia sẻ của cải cho nhau trong các cộng đồng đó là hợp lẽ phải. Chàng thấy lối sống đó hợp với lý tưởng mà chàng hằng mơ ước, một xã hội cộng sản chân chính không dựa trên hận thù và đấu tranh mà dựa trên tình yêu thương vô điều kiện.

Tất cả những sách vở chàng đọc được về lối sống của các cộng đồng nói trên đều dẫn đến lời giảng của một người : Giêsu ở thành Nazareth, và một nguồn tài liệu: các sách Phúc Âm. Ignace cảm thấy bị lôi cuốn vào những lời giảng dạy tuyệt vời của Giêsu. Bài giảng trên núi và các dụ ngôn không những rất thi vị, mà còn chứa một học thuyết huyền diệu. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho Ignace chính là con người Giêsu, một người rất mực giản dị và nhân hậu với tất cả những người cùng khổ. Giêsu sống hoàn toàn bình đẳng không những với các môn đệ mà với những người nghèo khó nhất. Cách Giêsu đối xử với những người tội lỗi như bà Marie ở Magdala và những người thâu thuế thật khác xa với các phương pháp mà công an và cảnh sát ở Liên Bang Sô Viết đối xử với công dân của họ.

Sau khi đọc kỹ sách Phúc âm và nhiều sách khác, Ignace cho rằng những điều viết về Giêsu là có thật.

Với một tính tình hiếu động, chàng nhất quyết dâng hiến trọn vẹn đời mình cho lý tưởng mới cũng như trước kia chàng đã từng hăng say hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản. Ignace đã xin rửa tội theo đạo Công Giáo và xin được làm linh mục để phục vụ mọi người, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, quốc gia hay chủng tộc trong một tình yêu tuyệt đối.

Ignace Lepp thao thức tìm kiếm và cuối cùng đã gặp gỡ “Đức Giêsu Kitô” và đã trở nên Linh mục. Câu chuyện tuyệt đẹp về một hành trình ơn gọi. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Còn anh em bảo Thầy là ai?" là thao thức cho những ai khao khát chân lý.

2. Ba bức chân dung về Đức Giêsu

Ðức Giêsu đặt một câu hỏi quan trọng cho các môn đệ: "Người ta bảo Thầy là ai?". Dân chúng chỉ có một cái nhìn mơ hồ và thiếu sót về Ðức Giêsu. Họ coi Ngài là Gioan Tẩy Giả, là tiên tri Êlia hay một tiên tri nào đó. Họ cũng dành cho Ngài những danh hiệu cao quý nhất: là Êlia, bậc tôn sư lỗi lạc trong hàng ngũ ngôn sứ; là Giêrêmia, vị ngôn sứ giúp quốc gia trong cơn khốn khó. Cả hai vị này bất quá chỉ là người dọn đường cho Đấng Kitô. Vì thế đối với người đương thời, Đức Giêsu cao lắm chỉ được coi là người dọn đường, chứ không phải là chính Đấng Cứu Thế. Chỉ có Phêrô, đại diện cho các môn đệ, mới có thể nhận diện đúng chân tướng của Chúa: Ngài là chính Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

"Thầy là ai?”, Ðức Giêsu là ai? Ðó là một câu hỏi được đặt ra cho mọi thời đại. Câu hỏi được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời. Câu hỏi này ngày nay cũng gặp được nhiều câu trả lời khác nhau, và mỗi câu trả lời kéo theo một nếp sống khác nhau.

Tuy nhiên điều quan trọng ở chỗ là mỗi người Kitô hữu đặt cho mình câu hỏi: đối với tôi, Đức Giêsu là ai? Bức chân dung nào đã điều khiển những tư tưởng, tâm tình và hoạt động của tôi? Phải làm thế nào để trình bày chân dung sống động của Đức Giêsu cho anh chị em của tôi hôm nay?

Phần tôi, rất thích ba bức chân dung về Đức Giêsu: Hài nhi trong máng cỏ, Tử tội trên thập giá và Tấm Bánh trên bàn thờ.

- Là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai, nhưng khi chấp nhận làm người, Đức Giêsu đã được sinh ra trong một chuồng chiên, được mẹ bọc tả đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,12). Ngôi Hai làm người là “một tin mừng trọng đại” cho toàn dân, lại phải “ở nhờ” nhà súc vật (Lc 2,11).
- Đức Giêsu lên ngôi vua trên Thập giá. Cái chết đau thương tủi nhục của một tử tội lại trở nên hiến tế, nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
- “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đấng ban sự sống cho muôn loài (CV 17,25), Đấng mà vừa nghe Danh thánh thì cả trên trời dưới đất và trong âm phủ, muôn vật phải bái quỳ (Pl 2,10) đã trở nên Tấm Bánh nuôi nhân loại qua Thánh lễ mỗi ngày.

Máng cỏ là nhà Chúa sinh ra. Thập giá là ngai Chúa lên ngôi vua. Tấm bánh là Mình Thánh Chúa. Bức tranh máng cỏ - chuồng chiên là sự chiến thắng cám dỗ về của cải vật chất. Bức tranh Thập giá- Đồi Sọ mô tả chiến thắng về chức quyền. Bức tranh Tấm Bánh- Thánh Thể giải bày chiến thắng cám dỗ về danh vọng.

Thiên Chúa làm người và đã trở nên tôi tớ. Thiên Chúa đã đóng đinh mọi sức mạnh áp chế, mọi quyền lực thống trị. Người đã trở nên anh em để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho con người.

Đấng mà chúng ta tôn thờ và yêu mến không chỉ là Đức Chúa, Đấng Tối Cao, Đấng Thánh, mà còn là Con Người, là anh em, là người trao ban sự sống dồi dào.

Lạy Chúa Giêsu, tựa như thánh Phêrô, con cũng tuyên xưng Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con muốn sống với trọn con tim điều mình tuyên xưng: Chúa có vị trí quan trọng nhất trong những chọn lựa hằng ngày của con. Amen.

 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 24 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:32 11/09/2018
Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc 8, 27-35)
CHÚA KITÔ


Trở về làng nhỏ nơi đây,
Đọc đường Chúa hỏi, vậy Thầy là ai?
Các ông đáp lại đều sai,
Gio-an Tẩy Giả, mở khai lối đường.
Ê-li-a đấng phi thường,
Tiên tri nào đó, yêu thương xuống trần.
Môn đồ lúng túng tinh thần,
Nhìn quanh Người hỏi, thần nhân thế nào?
Được ơn linh hứng trên cao,
Phê-rô đại diện, cao rao chính Thầy,
Ki-tô Đấng Thánh này đây,
Năng quyền dấu chỉ, đong đầy thánh ân.
Giê-su nghiêm cấm biện phân,
Loan tin khổ giá, gian trần giết đi.
Ba ngày sống lại phát huy,
Thương ban sự sống, gẫm suy sống đời.

Chúa Kitô là trung tâm điểm của vũ trụ. Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể. Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng tin mừng, nhưng người ta không biết thực sự Chúa là ai. Bài Phúc âm hôm nay, Chúa hỏi các môn đệ rằng: Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp: Thưa là Gioan Tẩy giả, là Êlia hay một vị tiên tri nào đó. Như vậy, chưa ai biết về nguồn gốc chính xác về Chúa Giêsu.

Chúa lại hỏi các Tông đồ: Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Phêrô đại diện các Tông đồ liền tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô. Lời tuyên xưng thật chính xác, nhưng vượt ngoài sự hiểu biết của ông. Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu. Khi Chúa Giêsu mặc khải về Đấng Kitô sẽ phải chịu đau khổ, bị các kỳ lão chối bỏ, bị giết và sẽ sống lại. Phêrô lại là người đầu tiên can ngăn Chúa. Như vậy Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Kitô, nhưng ông đã không hiểu sứ mệnh của Chúa Kitô.

Ai trong chúng ta cũng có tâm trạng giống thánh Phêrô. Chúng ta đâu muốn thầy mình bị đau khổ và chúng ta cũng không muốn chịu đau khổ. Đôi khi chúng ta vác thánh giá theo Chúa, chúng ta còn tìm mọi cách để thánh giá được giảm nhẹ và dễ dàng hơn. Chúa Kitô mở con đường dẫn đến ơn cứu độ qua con đường thập giá. Đường thập giá là con đường dẫn tới vinh quang và sự sống đời đời.

Muốn có triều thiên chiến thắng phải bước qua đau khổ. Phải chết đi mới có thể sống lại. Hạt lúa miến phải gieo xuống đất và thối đi mới sinh bông hạt. Muốn được vinh quang, chúng ta không thể đi con đường tắt. Muốn theo Chúa phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Chúng ta nhìn thấy thánh giá ở mọi nơi, trên nóc nhà thờ, trong nhà thờ, nơi đất thánh, trong các tư gia và trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần mỗi ngày. Khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm chịu chết và sống lại của Chúa Kitô.

Mỗi khi làm dấu thánh giá, nhắc nhở chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Ghi dấu thánh giá trên mình là chúng ta cùng hiệp thông đau khổ của chúng ta với sự đau khổ của Chúa trên cây thánh giá. Thánh giá trở thành dấu chỉ niềm tin của các Kitô hữu. Ngày xưa cha ông của chúng ta bị bách hại vì tin cây Thánh Giá. Quan quyền chỉ đòi hỏi các ngài bước qua thánh giá là được tha chết. Các ngài kiên trung tin tưởng vào Chúa Kitô chịu chết và Phục Sinh, chẳng có lời hứa nào làm cho các ngài nao núng.

Chúa Kitô đã chọn con đường Thánh giá để cứu độ. Muốn được ơn cứu độ, chúng ta hãy vác thánh giá lên và đi theo Chúa. Thánh giá chính là những khổ đau trong cuộc sống hằng ngày. Hãy tháp nhập những khổ đau của chúng ta vào những đau khổ của Chúa. Chúng ta sẽ tìm được nguồn an ủi tuyệt vời.

THỨ HAI, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 2, 1-8; Lc 7, 1-10).
CỨU CHỮA


Vài người kỳ lão van xin,
Thầy ơi cứu chữa, đoái nhìn bệnh nhân.
Sĩ quan cầu cứu người thân,
Nguy cơ sắp chết, rất cần Thầy thương.
Chúa đi theo bước lên đường,
Báo người thân cận, đón đường nài van.
Chúng tôi không dám phiền than,
Nhà tôi không xứng, chuyển van lời mời,
Lạy Thầy, xin phán một lời,
Bệnh tình đầy tớ, sẽ rời mau thôi.
Có nhiều quân lính của tôi,
Sẵn sàng tuân lệnh, lên đồi xuống non.
Niềm tin mạnh mẽ vuông tròn,
Chúa khen viên chức, sắt son tấm lòng.
Xin ơn lành mạnh cầu mong,
Về nhà đầy tớ, cận vong phục hồi.

THỨ BA, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 3, 1-13; Lc 7, 11-17).
CHỖI DẬY


Con trai quí nhất qua đời,
Cảm thương mẹ góa, một thời đơn côi.
Đám đông chia xẻ khúc nhôi,
Mẹ con xa cách, hỡi ôi thảm sầu.
Cuộc đời muôn nỗi bể dâu
Động lòng thương xót, cầu bầu thi ân.
Người khiêng đứng lại dừng chân,
Quan tài, Chúa chạm, người thân sống còn.
Thương đau khóc lóc mỏi mòn
Chúa truyền chỗi dậy, trao con mẹ hiền.
Bà con lối xóm mọi miền,
Ngợi khen Con Chúa, ngạc nhiên vô cùng.
Tiên tri xuất hiện trong vùng,
Viếng thăm dân tộc, bao dung tấm lòng.
Loài người chờ đợi khát mong,
Chứng nhân phép lạ, dõi dòng loan tin.

THỨ TƯ, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 3, 14-16; Lc 7, 31-35).
SO SÁNH


Người đời lắm chuyện ai ơi,
Ở sao cho khéo, thói đời dèm pha.
Ngồi xem so sánh gần xa,
Đua đòi bắt bẻ, gây ra lỗi lầm.
Trẻ em đường phố thành tâm,
Đùa vui thối sáo, âm thầm chẳng theo.
Bi ai ngâm giọng phường chèo,
Chẳng ai than khóc, sầu gieo trong lòng.
Gio-an Tẩy Giả tinh trong,
Không ăn không uống, theo dòng tà ma.
Con Người ăn uống vui ca,
Mê ăn tham uống, xấu xa tội đời.
Bạn bè tội lỗi đầy vơi,
Ghen tương xét đoán, gây lời dối gian.
Thành tâm suy gẫm nài van,
Nhận ra dấu chỉ, ơn ban bởi trời.

THỨ NĂM, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 4, 12-16; Lc 7, 36-50).
YÊU MẾN


Ngỏ lời mời Chúa vào nhà,
Một người Biệt Phái, mặn mà đón đưa.
Lạ thay phụ nữ vô bừa,
Mang bình bạch ngọc, đổ thừa xức chân.
Bà ta nức nở tới gần,
Quì bên cạnh Chúa, hôn chân khóc ròng.
Gia đình Biệt Phái bên trong,
Vấn vương tự hỏi, trong lòng nghĩ sao.
Tiên tri thấu tỏ trên cao,
Người này phạm tội, biết bao lỗi lầm.
Đôi lời gợi ý thâm tâm,
Nợ nhiều, nợ ít, tha cầm sạch trơn.
Ai thương ông chủ nhiều hơn,
Tha nhiều món nợ, mang ơn bội phần.
Chúa thương tha tội gian trần,
Yêu nhiều tha hết, hồng ân diệu vời.

THỨ SÁU, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 6, 2-12; Lc 8, 1-3).
NHÂN CHỨNG


Ra đi rao giảng Tin mừng,
Cùng đoàn môn đệ, vào từng làng quê.
Chúa thương giảng dậy chẳng nề,
Đơn sơ nghèo khó, cận kề yêu thương.
Nhiều người theo Chúa trên đường,
Tin Mừng Nước Chúa, muôn phương đón chào.
Người giầu, kẻ khó, khát khao,
Tông đồ môn đệ, truyền rao chí tình.
Đàn ông, phụ nữ, hết mình,
Đi làm nhân chứng, tâm linh rạng ngời.
Hân hoan sánh bước vào đời,
Chia phần của cải, cho người khó khăn.
Dù bao gian khó cản ngăn,
Hăng say nhiệt huyết, xả lăn rao truyền.
Nguồn thiêng ân phúc tinh tuyền,
Yêu thương liên kết, thề nguyền tin yêu.

THỨ BẢY, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 6, 13-16; Lc 8, 4-15).
GIEO GIỐNG


Dụ ngôn gieo giống đức tin,
Người gieo hạt giống, mắt nhìn khắp nơi.
Tay vung gieo hạt vào đời,
Vệ đường rơi rớt, chim trời mổ nhanh.
Hạt rơi đá sỏi bộ hành,
Héo đi nhanh chóng, không thành chồi non.
Bụi gai rơi hạt bé con,
Um tùm bóp nghẹt, héo hon nắng ngày.
Hạt rơi đất tốt mọc ngay,
Sinh hoa kết trái, mong thay ơn trời.
Đức tin hạt giống mọi thời,
Gieo lòng nhân thế, mỗi người lắng nghe.
Nghe rồi quên lãng hội hè,
Vui lòng đón nhận, nào dè tháo lui.
Tâm hồn thiện hảo mài dùi,
Lắng nghe Lời Chúa, an vui tâm hồn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phản ứng quá đáng của phó tế James Garcia đối với Đức Hồng Y Donald Wuerl
Đặng Tự Do
01:11 11/09/2018
Trong hoàn cảnh Giáo Hội phải đương đầu với tai tiếng lạm dụng tính dục, điều cần thiết như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra trong lá thư gởi toàn thể dân Chúa là chúng ta “phải gần gũi các nạn nhân trong tình liên đới, và hiệp nhất trong lời cầu nguyện và chay tịnh” tạo ra một bầu khí hòa dịu, huynh đệ để cùng nhau giải quyết vấn nạn đang làm điêu đứng Giáo Hội. Tiếc rằng, nhiều người không nghĩ như thế và tung ra những tuyên bố giật gân khiến cho tai tiếng lạm dụng tính dục còn trầm trọng hơn với những hậu quả khôn lường cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.

Dưới đây là bản dịch ra Việt Ngữ toàn văn một bài báo trên Washington Post. Quý vị độc giả hãy tự rút ra kết luận của riêng mình. Kết luận của riêng tôi là phản ứng của phó tế James Garcia đối với Đức Hồng Y Donald Wuerl là quá đáng, và bất kính.

Catholic clergyman in D.C. calls on cardinal to resign – Giáo sĩ Công Giáo tại thủ đô kêu gọi Hồng Y từ chức

Một thành viên trong hàng giáo sĩ Công Giáo tại Washington thường xuất hiện trong các buổi lễ đã đưa ra một tuyên bố đầy kịch tính kêu gọi Đức Hồng Y Donald Wuerl từ chức, đó là cú đánh mới nhất nhắm vào vị Hồng Y đã tơi bời trước những lời chỉ trích.

Phó tế James Garcia, trưởng ban nghi lễ tại Nhà thờ Chánh Tòa Thánh Matthêu Tông Đồ của thủ đô, thường đứng bên cạnh Hồng Y Wuerl trong hầu hết các cử hành phụng vụ long trọng trong năm. Nhưng Garcia đã viết trong một bức thư gửi cho Hồng Y Wuerl, và đồng thời công bố trực tuyến hôm thứ Bảy, rằng từ nay về sau anh ta sẽ từ chối phục vụ trong bất kỳ Thánh Lễ nào do Hồng Y Wuerl chủ sự. Các thầy phó tế có lời thề vâng phục giám mục của mình, do đó, đây là một cử chỉ táo bạo.

“Thời hèn nhát và lo cho riêng mình đã vùi sâu trong quá khứ. Những nạn nhân kêu đòi công lý và các tín hữu xứng đáng được có những mục tử không khoan nhượng. Xin lỗi và tháp tùng là rất quan trọng. Nhưng bao nhiêu lời xin lỗi cũng chẳng đủ đâu trừ khi và cho đến khi các giám mục và các giáo sĩ đồng lõa khác bị loại bỏ hoặc từ chức’’ Garcia viết trong bức thư của mình.

Và anh ta đã nói thẳng với Hồng Y Wuerl: “Tôi không thể, trong lương tâm trong sáng của mình, tiếp tục hỗ trợ cá nhân ngài, dù trong tư cách là một thầy trợ tế hay một trưởng ban nghi lễ.”

Kể từ khi bồi thẩm đoàn Pennsylvania công bố một báo cáo điều tra việc lạm dụng trẻ em trong tiểu bang này của hơn 300 linh mục hồi tháng 8 vừa qua, Hồng Y Wuerl – là người lãnh đạo một số linh mục lạm dụng này trong 18 năm làm giám mục tại Pittsburgh trước khi ngài trở thành tổng giám mục Washington - đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức từ nhiều phía. Hàng chục người biểu tình với những biểu ngữ bên ngoài nhà thờ chánh tòa Thánh Matthêu và bên ngoài nơi cư trú của vị Hồng Y. Hơn 40 giáo viên Công Giáo đã không tham dự Thánh lễ khai trường, và tụ tập kêu gọi Hồng Y Wuerl từ chức.

Bức thư của Garcia, được xuất bản trên một blog của một người bạn của Garcia, là Joelle Casteix, một người ủng hộ các nạn nhân lạm dụng tình dục, góp thêm tiếng nói của một thành viên trong hàng giáo sĩ đang làm việc chặt chẽ với Hồng Y Wuerl. Và khi Hồng Y Wuerl đang phải vất vả đối phó với bản báo cáo bồi thẩm đoàn: ngài đã sang Vatican. Tại đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên vị Hồng Y nên hỏi ý kiến các linh mục của ngài liệu ngài có nên yêu cầu Đức Giáo Hoàng chấp nhận việc từ chức của mình hay không. Sau khi trở về ngài tuyên bố một “mùa chữa lành” kéo dài sáu tuần.

Một tuần trước khi mùa này bắt đầu, Garcia đã tung ra bức thư này trực tuyến.

Các Phó tế là những giáo sĩ được phong chức trong Giáo Hội Công Giáo, như các linh mục, nhưng họ có những nhiệm vụ khác và có thể kết hôn. Họ có thể rửa tội cho trẻ em và chuẩn bị cho các cặp vợ chồng kết hôn. Garcia đã giúp dạy các lớp khai tâm Kitô Giáo cho người lớn, và là trưởng ban nghi lễ, với nhiệm vụ bảo đảm rằng các nghi thức phụng vụ phức tạp nhất trong nhà thờ diễn ra suôn sẻ và trang trọng.

Garcia, là một luật sư tại Arlington đã lập gia đình, bắt đầu theo đuổi chức phó tế vào năm 2009 và trở thành một thầy phó tế vào năm 2013. Anh được bổ nhiệm làm việc tại giáo xứ chánh tòa Thánh Thánh Matthêu Tông Đồ của tổng giáo phận Washington.

Trong các lời thề, các phó tế cam kết vâng lời giám mục của họ. Năm năm trước, trong nghi lễ phong chức, Garcia đã quỳ gối trước mặt Hồng Y Wuerl, và khi vị Hồng Y hỏi câu hỏi truyền thống: “Con có hứa tôn trọng và vâng phục ta và những người kế nhiệm của ta không?” Garcia trả lời: “Thưa có.”

Nhưng Garcia cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tối thứ bảy rằng anh không tin rằng anh đang phá vỡ lời thề của mình bằng cách từ chối tham gia một lần nữa trong các Thánh Lễ do Hồng Y Wuerl cử hành. Anh đã thảo luận về quyết định của mình với cha chánh xứ, và anh tuyên bố sẽ tiếp tục công bố Tin Mừng và thực hiện các nhiệm vụ khác của mình trong các Thánh Lễ không do Hồng Y Wuerl chủ sự. Garcia lý luận rằng Hồng Y Wuerl không ra lệnh cho anh ta phải giúp ngài trong Thánh Lễ, nên việc anh ta từ chối không tham dự vào các Thánh Lễ do Hồng Y Wuerl chủ sự không phải là một hành động bất tuân phục.

Ed McFadden, phát ngôn viên của tổng giáo phận Washington, từ chối bình luận về lá thư được tung ra đêm thứ bảy.

Garcia nói rằng anh ta biết rằng một số người trong Giáo Hội sẽ không đồng ý với quyết định của anh ta và thậm chí có thể thách thức rằng anh đã chà đạp lên lời thề của một phó tế. Nhưng theo anh ta, các giám mục phải từ chức để Giáo Hội có thể lấy lại thẩm quyền lực luân lý của mình.

“Các nhà lãnh đạo Giáo Hội cần phải có một mức độ trách nhiệm lớn hơn những gì các ngài đang gánh vác cho đến nay” anh nói.
 
Thánh lễ tại Santa Marta 11/9/2018: Các Giám Mục phải chuyên chăm cầu nguyện để chiến thắng Satan
Đặng Tự Do
07:20 11/09/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các giám mục lướt thắng Satan, là kẻ đang tìm cách tạo ra những vụ tai tiếng, bằng sự chuyên chăm cầu nguyện, khiêm nhường và gần gũi với dân Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 11 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, có vẻ như Satan đang tấn công các giám mục của Giáo Hội Công Giáo để gây ra các vụ tai tiếng.

Đức Thánh Cha mời gọi các giám mục trên thế giới nhớ đến ba điều trong thời điểm khó khăn hiện nay. Thứ nhất, sức mạnh của các vị hệ tại nơi việc các vị có phải là những người siêng năng cầu nguyện hay không. Thứ hai, các vị phải khiêm nhường để nhớ rằng các vị đã được Chúa chọn. Và cuối cùng, các vị phải gần gũi với đàn chiên.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 6: 12-19), trong đó Chúa Giêsu đã trải qua một đêm cầu nguyện trước khi chọn Mười Hai Tông Đồ, mà Đức Thánh Cha gọi là “các giám mục đầu tiên”.

Những người chuyên chăm cầu nguyện

Trước hết, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các giám mục phải là những người siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện, theo Đức Thánh Cha, “là một sự an ủi đối với vị giám mục trong những thời điểm khó khăn,” vì họ biết rằng “Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi và cho tất cả các giám mục.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều này sẽ mang lại sự an ủi và sức mạnh cho các giám mục, là những người đến lượt mình được kêu gọi để cầu nguyện cho chính các ngài và dân Thiên Chúa. Điều này, theo Đức Thánh Cha, là nhiệm vụ đầu tiên của vị giám mục.

Khiêm nhường nhìn nhận mình được Chúa chọn

Kế đến, Đức Thánh Cha đã mời gọi các giám mục hãy là những người khiêm tốn, bởi vì các ngài đã được Chúa chọn.

“Vị giám mục yêu mến Chúa Giêsu không cố gắng trèo lên một chiếc thang [danh vọng], trong khi thực thi ơn gọi của mình như thể đó đơn thuần chỉ là một nhiệm vụ nhằm tìm kiếm một vị trí tốt hơn hay để được thăng chức. Không. Một giám mục phải cảm thấy mình được chọn, và có một sự xác tín rằng mình được chọn. Điều này khiến ngài thân thưa với Chúa rằng: ‘Chúa đã chọn con, là người rốt cùng, là kẻ tội lỗi.’ Ngài khiêm nhường, bởi vì ngài cảm thấy được chọn và cảm nhận ánh mắt của Chúa Giêsu trên toàn bộ bản thể mình. Điều này mang đến cho ngài sức mạnh.”

Gần gũi với mọi người

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng các giám mục được kêu gọi gần gũi với dân Chúa, và không được đóng kín trong một tháp ngà.

“Vị giám mục không thể xa cách đàn chiên; ngài không thể có những thái độ đẩy mình ra xa họ. .. Ngài không cố gắng tìm nơi trú ẩn giữa những kẻ quyền thế hay giới tinh hoa. Không. Những người thuộc ‘giới tinh hoa’ chỉ trích các giám mục, trong khi dân chúng có thái độ yêu mến đối với các ngài. Đây gần như là một nghi thức xức dầu đặc biệt để củng cố vị giám mục trong ơn gọi của ngài.”

Satan đang tìm cách gây ra các tai tiếng

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng các giám mục cần ba thái độ này để đối mặt với tai tiếng mà Satan đang quất tới tấp vào các ngài.

“Trong những lúc này, có vẻ như Satan đã bẻ gãy xiềng xích và đang tấn công các giám mục. Đúng, chúng ta, các giám mục, đều là những kẻ tội lỗi. Satan cố gắng vạch ra những tội lỗi, phơi bày những tội lỗi ấy để làm mọi người hoang mang. Satan, như chính nó nói với Thiên Chúa trong chương đầu tiên của sách Gióp, công việc của nó là ‘rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây tìm kiếm một người nào đó để buộc tội’. Sức mạnh chống trả Satan của vị giám mục là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và của chính mình, và sự khiêm nhường nhìn nhận mình được Chúa chọn và giữ mình gần gũi với dân Chúa, mà không tìm kiếm một cuộc sống quý tộc làm phôi pha dầu đã được xức.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho các giám mục trên thế giới và cho chính ngài:

“Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho các giám mục của chúng ta: cho tôi, cho những người ở đây, và cho tất cả các giám mục trên khắp thế giới.”
 
Giám Mục Anh: Có một cuộc khủng hoảng gồm ba lãnh vực đang diễn ra trong Giáo Hội
Đặng Tự Do
08:10 11/09/2018
Đức Cha Philip Egan, vị Giám Mục thứ tám của Giáo phận Portsmouth, ở miền Nam nước Anh, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang làm điêu đứng Giáo Hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho National Catholic Register hôm 10 tháng 9, vị Giám Mục Anh, năm nay 65 tuổi, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng tai tiếng lạm dụng tính dục đang diễn ra trong Giáo Hội không chỉ bao gồm hai lãnh vực là những tội lỗi và tội ác chống lại giới trẻ bởi các thành viên trong hàng giáo sĩ; và việc xử lý sai và che đậy bởi hàng giáo phẩm. Thực ra, cuộc khủng hoảng hiện nay còn có một chiều kích thứ ba là những tội lỗi liên quan đến giới đồng tính trong hàng giáo sĩ.

Đức Cha nói:

“Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô. Giáo Hội là thánh thiện, mặc dù, như chúng ta có thể thấy, Giáo Hội được tạo thành từ những con người tội lỗi như bạn và tôi. Giáo Hội tồn tại để kêu gọi những người tội lỗi và giúp họ trở nên thánh thiện.

Có một cuộc khủng hoảng bao gồm ba lãnh vực ở đây: thứ nhất, là những tội lỗi và tội ác chống lại giới trẻ bởi các thành viên trong giáo sĩ; thứ hai, các nhóm đồng tính tập trung quanh Tổng Giám Mục McCarrick, nhưng cũng có mặt ở các miền khác trong Giáo Hội; và kế đến, thứ ba, là việc xử lý sai và che đậy bởi hàng giáo phẩm ngay cả ở các tầng lớp cao nhất.”

Đức Cha Egan cảnh cáo rằng những vấn đề này sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đến chứng tá của Giáo Hội trước thế giới và sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội của Người. Ngài nói:

“Chúng ta biết rằng tất cả những vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong xã hội hiện đại, và chúng ta biết rằng ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như ở đây ở Vương quốc Anh này, đã có những quy ước phòng ngừa rất mạnh mẽ được thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những vụ tai tiếng vẫn ảnh hưởng đến chính tính chất bí tích của Giáo Hội và gây thiệt hại cho sứ mệnh truyền giáo của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng việc truyền giáo luôn luôn là hai chiều, như hít vào và thở ra.

Chúng ta không thể trao ra những gì chúng ta chưa có. Trong chập chùng những vụ tai tiếng này, không dễ dàng để đưa ra các chứng tá đức tin.”

Ngài nói tiếp:

“Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, cầu khấn sự cầu bầu của Đức Maria, là Mẹ của Giáo Hội, để chúng ta có thể lớn lên trong sự thánh thiện, để chúng ta có thể làm sâu sắc thêm đức tin của chúng ta, tăng gấp đôi lòng nhiệt thành cầu nguyện, sự hăng say học hỏi Kinh Thánh, lòng yêu mến Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể, và những nỗ lực của chúng ta để sống trong thực tế những gì chúng ta tuyên xưng.”

Bức thư thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đã được gửi đến Đức Thánh Cha vào ngày 22 tháng Tám, và được công bố trên trang web của Giáo phận Portsmouth. Đức Cha Egan nói rằng đề xuất của ngài nảy sinh bởi những vụ tai tiếng tình dục gần đây ở Mỹ, đặc biệt là sau khi báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố, cũng như các trường hợp khác ở Ái Nhĩ Lan, Chí Lợi và Úc.

“Lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ dường như là một hiện tượng hoàn vũ trong Giáo Hội,” Đức Cha Egan viết trong thư gởi cho Đức Giáo Hoàng. “Là một người Công Giáo và là một Giám mục, những điều được phơi bày này làm tôi đau buồn và cảm thấy nhục nhã.”

Đức Cha Egan nói rằng, bên cạnh những cảm giác này, ngài cảm thấy bị thôi thúc phải đưa ra một “gợi ý mang tính xây dựng” hơn và xin Đức Giáo Hoàng cân nhắc việc triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống và công việc mục vụ của hàng giáo sĩ.


Source: - National Catholic Register - UK Bishop: ‘There Is a Three-Level Crisis’ in the Church
 
Trung cộng đốt Thánh Kinh, đóng cửa nhà thờ, bắt các tín hữu từ bỏ đức tin trong khi leo thang đàn áp.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:49 11/09/2018


Chính quyền Trung cộng đang phá hủy Thánh Giá, đốt Thánh Kinh, đóng cửa nhà thờ và bắt các tín hữu ký vào bản khai từ bỏ đức tin của họ nơi các cộng đoàn tại Bắc Kinh và các tỉnh lân cận.

Cuộc đàn áp tự do tôn giáo này là một phần của chiến dịch chính thức để “Hán hóa” tôn giáo bằng cách buộc giáo hữu phải trung thành với đảng Cộng Sản vô thần và loại bỏ bất cứ thách thức nào đối với quyền lực của đảng trong nước.

Ông Bob Fu thuộc ban Cứu Trợ Trung Cộng nói rằng “Cộng đồng quốc tế cần được báo động và phản ứng vì sự vi phạm trắng trợn về tự do tôn giáo và niềm tin này.”

Luât sư của T.T. Trump và cố vấn trưởng của Trung tâm Luật và Tư pháp Hoa Kỳ (ACLJ) đã viết trên một mạng tweet rằng “Tình hình của người tín hữu Trung Quốc trở nên khốc liệt từng ngày. Chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi để áp lực tối đa với Trung Cộng nhằm chấm dứt sự đàn áp này.”

Theo Fox News, việc đàn áp đối với tín hữu ở Trung Cộng thì không có gì là mới. Một bản tường trình của nhóm giám sát tiến trình dân chủ hóa toàn cầu Freedom House cho biết rằng các Kitô hữu và những nhóm tôn giáo khác đã bị hành hạ từ năm 2012.

Một phần ba những người có tôn giáo ở Trung Cộng được coi là phải đối diện với đàn áp ở mức độ “cao” đến “rất cao”, từ việc quan liêu hành chánh và bóc lột kinh tế đến bị cầm tù khổ sai và ngay cả bạo lực.

Nhưng những nhà chuyên môn và hoạt động nói rằng đây là thời điểm mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang thực hiện cuộc đàn áp nghiêm khắc nhất đối với các Kitô hữu ở trong nước từ khi tự do tôn giáo được công nhận bởi Hiến Pháp Trung Cộng vào năm 1982.

Chiến dịch leo thang đàn áp tín hữu trùng hợp với việc củng cố quyền lực mới đây của Tổng Bí Thư Tập Cận Bình khiến ông ta trở thành nhà lãnh đạo Trung Cộng quyền lực nhất từ khi Mao Trạch Đông, một lãnh đạo cộng sản khét tiếng đã làm cho hàng triệu người bị chết.

Các nhà hoạt động đã quay phim quang cảnh giống như những đống sách kinh thánh đang bị đốt cháy và các bản khai của những người đã ký tên đã từ bỏ đức tin của họ. Nhà cầm quyền bị cáo buộc đã bắt những người tin phải ký vào tờ khai chối đạo, nếu không họ sẽ bị đuổi học hay tước mất phúc lợi an sinh.

Một cha xứ Công Giáo ở tỉnh Hà Nam thuộc Nanyang, xin dấu tên vì sợ bị chính quyền trả thù, đã xác minh rằng nhiều thánh giá, thánh kinh và bàn ghề văn phòng đã bị thiêu cháy trong một cuộc bố ráp tại nhà thờ của ngài vào ngày 5 tháng Chín.



Ngài nói rằng chính quyền địa phương đã trong tiến trình bàn thảo với giáo hội để canh tân, nhưng chẳng có đi đến được một thỏa thuận nào.

Theo luật pháp Trung Cộng, những tín hữu chỉ được phép thờ phượng ở những cộng đoàn được chính quyền cho phép. Nhưng có hằng triệu các Kitô hữu thuộc về giáo hội hầm trú đã lờ đi những quy định của chính quyền.

Các quan chức thì lại cho rằng tranh chấp nổ ra là do tín hữu, và rằng chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo.

Chiến dịch chống tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến Kitô giáo. Có khoảng 1 triệu người Uighur và những nhóm thiểu số Hồi giáo khác sống ở phía Tây Bắc của nước này cũng đã bị giam giữ trong các trại cải huấn, bắt buộc bỏ đạo Hồi giáo và tuyên xưng trung thành với Đảng Cộng Sản.

Chính quyền Trung Cộng từ chối thành lập các trại cải huấn, nhưng nhấn mạnh đến tầm quan trọng để giải quyết chủ nghĩa cực đoan.

Trung quốc hiện nay có khoảng 38 triệu người Tin Lành và người ta tiên đoán rằng nước này sẽ là nước có dân số Kitô hữu lớn nhất thế giới trong vài thập niên tới.

.
Source: Fox News Chinese officials burn bibles, close churches, force Christian to denounce faith amid 'escalating' crackdown
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ triều yết Đức Thánh Cha vào ngày thứ Năm 13/9
Đặng Tự Do
16:12 11/09/2018
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí hôm thứ Ba 11 tháng 9, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết một số thành viên thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ được triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày thứ Năm 13 tháng 9 tại Dinh Tông Tòa, Vatican.

Ông Greg Burke cho biết trong phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, ngoài Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB), còn có Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, phó chủ tịch USCCB, và Đức Ông Brian Bransfield, tổng thư ký của USCCB. Bên cạnh đó còn có Đức Hồng Y Sean O'Malley, Tổng Giám Mục Boston, chủ tịch của ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em, đang có mặt tại Vatican sau phiên khoáng đại lần thứ 9 của ủy ban này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong tuyên bố đưa ra một ngày sau khi những cáo buộc do Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đưa ra được công bố, Đức Hồng Y DiNardo cho biết ngài rất tha thiết được có một buổi triều yết với Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y viết:

Hôm mùng 1 tháng Tám, tôi đã hứa rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ theo đuổi đến cùng nhiều vấn nạn được đặt ra xung quanh hành vi của Tổng Giám mục McCarrick với toàn bộ quyền hạn của mình; và khi đã đến tận cùng giới hạn thẩm quyền của mình, Hội Đồng Giám Mục sẽ đạo đạt lên những vị có thẩm quyền cao hơn. Vào ngày 16 tháng 8, tôi đã kêu gọi có một cuộc Thanh Tra Tông Tòa, làm việc cùng với một ủy ban giáo dân quốc gia được ban cấp thẩm quyền độc lập, để tìm kiếm sự thật. Hôm qua, tôi đã triệu tập Ủy ban Thường trực một lần nữa, và Ủy ban tái khẳng định lời kêu gọi một cuộc thanh tra khẩn cấp và toàn diện về những lý do tại sao sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của một giám mục anh em lại có thể được dung thứ trong thời gian quá lâu và đã không có gì ngăn cản việc thăng tiến của người ấy.

Bức thư gần đây của Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò khiến cuộc thanh tra này càng trở thành một vấn đề trung tâm và cấp bách. Các câu hỏi được nêu ra xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời đó, những người vô tội có thể bị bôi xấu bởi những cáo buộc sai trái và những người có tội có thể ung dung lặp lại những tội lỗi trong quá khứ.

Tôi rất tha thiết được có một buổi triều yết với Đức Thánh Cha để nhận được sự hỗ trợ của ngài cho kế hoạch hành động của chúng ta.”

Hôm 30 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tiếp một vị giáo sĩ nổi tiếng khác của Mỹ, là Đức Hồng Y Donald Wuerl, người đã và đang phải đối diện với những lời kêu gọi ngài từ chức sau những báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania cho rằng ngài đã không giải quyết đến nơi đến chốn các cáo buộc lạm dụng tình dục khi còn là giám mục Pittsburgh. Cụ thể là ngài đã cho một số linh mục lạm dụng làm việc mục vụ trở lại, một việc mà trong thư gởi cho các linh mục và cộng đoàn dân Chúa tổng giáo phận Washington, ngài đã khẩn khoản xin “tha thứ cho những sai sót của tôi, cho những khuyết điểm của tôi, và xin ghi nhận sự hối tiếc của tôi vì bất kỳ đau khổ nào tôi đã gây ra”. Cố nhiên, dưới ánh sáng của những nhận thức mới về tâm sinh lý và khả năng hoán cải/tái phạm của những kẻ lạm dụng tính dục trẻ em, và những tiến trình mới được phát triển sau này, một số quyết định của Đức Hồng Y Donald Wuerl khi còn là Giám Mục Pittsburgh là sai. Nhưng trong bối cảnh của những thập niên trước, có thể nói không sợ sai lầm rằng ngài không phải là vị Giám Mục duy nhất trên thế giới này hành xử như thế, nếu không muốn nói là một “thực hành” phổ biến dưới áp lực của tình trạng khan hiếm ơn gọi và ý chí bảo vệ thanh danh của Giáo Hội bằng mọi giá.


Source: Associated Press Sex abuse: Pope to meet Thursday with US bishops
 
Vài Suy Nghĩ Về Việc Lạm Dụng Tình Dục Của Các Giáo Sĩ Tại Hoa Kỳ
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
17:54 11/09/2018
Vài Suy Nghĩ Về Việc Lạm Dụng Tình Dục Của Các Giáo Sĩ Tại Hoa Kỳ

Trong những ngày qua Giáo Hội Hoa Kỳ liên tục chịu áp lực bởi những tin tức giật gân, trước hết đó là tin Đức Hồng Y Theodore McCarrick (nay chỉ gọi là Tổng Giám Mục McCarrick) bị cáo buộc về tội lạm dụng tình dục các chủng sinh, rồi đến lượt báo chí đưa tin gần 300 linh mục thuộc Giáo Phận Pennsylvania lạm dụng tình dục trẻ em trong suốt hơn mấy thập kỷ,con số nạn nhân lên đến gần 1000 người. Đây là một nỗi đau rất lớn của Giáo Hội toàn cầu nói chung và Giáo Hội Hoa Kỳ nói riêng. Nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi cho chúng tôi: Tại sao trong Giáo Hội lại có thể xảy ra những chuyện động trời như vậy? Chúng ta phải làm gì bây giờ? Bản thân người viết không có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này, nên chỉ xin mạo muội trình bày một vài cảm nghiệm cá nhân, với hy vọng giúp bạn đọc có những suy nghĩ và ứng xử hợp lý với sự việc này.

Thành tâm phản tỉnh:

Trước hết, thật xấu hổ khi điều tồi tệ này xảy ra trong Giáo Hội.Vâng, không ai muốn nó xảy ra, nhưng khi đã xảy ra rồi thì đây là dịp thích hợp để chúng ta thành tâm phản tỉnh chính mình. Chúng ta ai nấy đều phải công nhận, lạm dục tình dục, hay xâm phạm tình dục người khác, nhất làđối với trẻ em, là một tội ác và đáng lên án. Các vị chủ chăn là những người hằng ngày rao giảng Lời Chúa nhưng có một số lại làm điều trái với tinh thần của Tin Mừng.Trong hoành cảnh này, chúng ta cũng phải công nhận, đức khiết tịnh và lòng trung thành trong thời đại ngày nay đã bị suy thoái. Cũng giống như trong đời sống hôn nhân, nhiều đôi nam nữ đã không giữ được lòng chung thủy đối với bạn đời của mình, mà đi ngoại tình, rồi li dị nhau, thì các linh mục và tu sĩ cũng không giữ được đức trong sạch mà mình đã khấn hứa với Chúa và với Giáo Hội lúc ban đầu. Dĩ nhiên, Giáo hội luôn có nhiều linh mục và tu sĩ tốt lành và thánh thiện biết làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người. Nhưng với những hành vi sai trái của một số linh mục, thì tất cả các linh mục, giám mục khác và ngay cả giáo dân đều bị ảnh hưởng. Vì lòng yêu mến Giáo Hội,chúng ta hãy cúi đầu nhận tội và xin lòng thứ tha trước mặt các nạn nhân và trước mặt Chúa. Chúng ta đã khiếncho Giáo Hội bị tổn thương, thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm thanh tẩy và xây dựng lại một Giáo Hội thánh thiện hơn. Giáo Hội cần đến mọi người chúng ta, Giáo Hội không muốn chúng ta rời bỏ nhà thờ,mà cần sự đồng hành và giúp sức để Giáo Hội được phục hưng như thuở ban đầu.

Sẵn sàng lắng nghe:

Điều thứ hai, đó là chúng ta cần cởi mở để lắng nghe. Chúng ta không nên tránh né, để ngoài tai hoặc có thái độ vô can trước những tin tức này, nhưng nên bình tĩnh tìm hiểu, tiếp thu nhiều nguồn tin khác nhau. Đặc biệt khi tìm hiểu, chúng ta sẽ có dịp lắng nghe được tiếng khóc than của các nạn nhân. Như lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô mà Đức Thánh Phanxicô sử dụng lại trong thư gửi cho cộng đồng dân Chúa ngày 20 tháng 8 vừa qua, “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau”, thì chúng ta cũng sẽ hiểu được nỗi đau của các nạn nhân và gia đình của họ.Nỗi đau này không của riêng ai, mà là của hết mọi người. Hơn nữa, khi chúng ta đọc và nghetin tức, chúng ta cũng nên biết tìm cách bảo hòa, thu tập tin tức từ nhiều góc độ và thái độ khác nhau. Ngoài những nguồn tin của các đài truyền hình hay báo chí công cộng có ý chống đối Giáo Hội, thì chúng ta cũng nên theo dõi các chương trình truyền hình và báo chí của Giáo Hội, lắng nghe lời nhận định của các vị chủ chăn, hiểu theo sự chỉ dạy của Giáo Hội. Vì khi những sự việc này xảy ra, Giáo Hội đã rất tích cực tiếp xúc với những người trong cuộc, nhất là các nạn nhân và gia đình của họ. Giáo Hội đã rất cố gắng bàn thảo và tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia, để đưa ra được nhiềuphương pháp tốt nhằm giải quyết thỏa đángvấn đề, mang lại công bằng và niềm hy vọng cho người khác.

Gia tăng cầu nguyện:

Khi nghe những tin tức này nhiều người chúng ta cảm thấy rất đau buồn. Đặc biệt khi nghe nhiều lời bàn tán, thậm chí lên án Giáo Hội thì càng làm cho chúng ta hoang mang.Thực tế trí khôn ngoan và khả năng phán đoán của con người nhiều khi không đủ để nhận định rõ một vấn đề, cho nên chúng ta cần có sức mạnh của ơn trên, vì thế thái độ thứ ba chúng ta cần có, đó là gia tăng sự cầu nguyện và sám hối. Như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Sám hối và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở mắt và trái tim chúng ta ra trước những đau khổ của người khác và vượt qua được lòng khao khát quyền lực và tài sản thường là gốc rễ của những tệ nạn đó.” Khi chúng ta cầu nguyện chúng ta mới loại bỏ được những tính tham lam, thái độ biên kiến. Khi chúng ta cầu nguyện Chúa sẽ ban thêm sức mạnh và khả năng để chúng ta luôn biết nói không phải tội lỗi. Và khi chúng ta cầu nguyện thì Chúa Thánh thần sẽ hướng dẫn chúng ta để chúng ta thấy được những điều chúng ta cần làm để thăng tiến Giáo Hội, mang lại lợi ích cho nhiều người.

Thực thi bác ái:

Việc phản tỉnh, lắng nghe và cầu nguyện sẽ giúp Giáo Hội nhìn thấy được có nhiều lúc Giáo Hội đi lệch tinh thần Phúc Âm, cho nên điều thứ tư chúng ta cần phát huy, đó là tích cực thực thi lòng bác ái. Nói cách khác, trong thời gian qua Giáo Hội dành quá nhiều công sức cho việc chạy đưa với những thành tích bề ngoài như xây dựng nhà thờ, trường học, trung tâm hành hương và nhiều công trình tôn giáo khác. Giáo Hội có lẽ quên đi sứ vụ quan trọng và cốt yếu của mình, đólà chăm sóc các linh hồn và phục vụ người nghèo.

Chắc chắn trong thời gian qua nhiều người trong chúng ta cũng đã phải trải qua những khoảnh khắc đau khổ và thất vọng về Giáo Hộivì nạn lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục và giám mục. Nhưng chúng ta hãy động viện nhau để lấy lại tinh thần mà tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta, nhất là tinh thần yêu mến Giáo Hội và lòng nhiệt huyết tông đồ nơi mỗi người. Và vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội, chúng ta hãy thành tâm suy xét về những thiếu sót của mình, sẵn sàng lắng nghe, nhiệt thành cầu nguyện và tích cực thực thi việc làm bác ái mọi lúc mọi nơi. Vì qua những việc làm này, chúng ta sẽ giúp Giáo Hội tìmlại và thực thi những hành động cụ thể hợp với tinh thần của Tin Mừng. Một lần nữa, xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicôtrong thư gửi cho dân Chúa ngày 20 tháng 8 vừa qua để nhắn nhủ cho nhau: “Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra.”

Xin Mẹ Maria luôn cầu bầu cùng Chúa, cho anh chị em và gia đình, nhất là các vị chủ chăn luôn được bình an và tinh thần mới trong Đức Kitô.

Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
 
Chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha: Giới thiệu quốc gia Latvia
Đặng Tự Do
18:56 11/09/2018
Nhận lời mời của các vị đứng đầu nhà nước và các giám mục những quốc gia sở tại, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến các quốc gia vùng Baltic từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2018. Ngài sẽ thăm các thành phố Vilnius và Kaunas ở Lithuania; Riga và Aglona ở Latvia và Tallinn ở Estonia. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về Latvia.



1. Địa dư

Latvia (/la't-vij-a/), tên chính thức là Cộng hòa Latvia, là một quốc gia trong vùng Baltic ở Đông Bắc châu Âu. Latvia rộng 64,589 km2, tức gần bằng Lithuania hay bằng một phần năm của Việt Nam, nhưng với một dân số ít hơn là 2,381,000 dân.

Quốc ca: Dievs, svētī Latviju! /diɛ-u̯s svɛː-tiː ˈlat-vi-ju/ (Chúa chúc phúc cho Latvia).

Latvia nằm dọc theo bờ biển phía đông nam của biển Baltic, giáp với Estonia về phía bắc, Lithuania về phía nam, Nga và Belarus về phía đông và giáp biển Baltic về phía tây.

Latvia có 9 thành phố lớn trong đó nổi bật là thủ đô Riga với hơn 1,234,000 dân, theo thống kê vào năm 2014. Thành phố lớn thứ hai là Daugavpils /dàw-ɡàw-pils/ với gần 100,000 dân.

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Latvia là một ngôn ngữ rất cổ còn tồn tại cho đến nay trong số các ngôn ngữ Ấn-Âu.

2. Vài nét về lịch sử Latvia

Latvia là một quốc gia có lịch sử lâu đời tại châu Âu. Tổ tiên của người Latvia là những bộ lạc Baltic cổ đã sống ở phía đông bờ biển Baltic từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Chúa Giáng Sinh.

Do nằm ở một vị trí chiến lược, Latvia thường xuyên bị xâm chiếm bởi những quốc gia lớn hơn xung quanh. Từ thế kỷ 18, Latvia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Latvia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ và âm nhạc, nên mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1918, nền cộng hòa của Latvia chính thức được thành lập. Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Estonia, Latvia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Latvia.

Tháng 3/1949, 43,000 người bị bắt vì cho rằng đã từng phục vụ cho Đức Quốc xã. Họ bị đưa sang Siberia trong chiến dịch Priboi được tiến hành tại cả ba nước Baltic. Cho đến năm 1952, khoảng chừng 136,000 cho tới 190,000 người Latvia với lý do là đã cộng tác với quân Đức. Tiếng Latvia bị cấm dùng trong những nơi công cộng, và được thay thế bằng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức. Từ năm 1959, Liên Sô lại có kế hoạch Nga hóa Latvia nên người Latvia rất căm thù người Nga.

Ngày 23 tháng 8 năm 1989, nhân kỉ niệm 50 năm Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, hai triệu người Estonia, Latvia và Lithuania đã nối thành một dải người từ Tallinn đến Vilnius, thể hiện tình đoàn kết của ba nước Baltic cùng chung nguyện vọng tách khỏi Liên Sô. Biến cố này thường được gọi là cuộc cách mạng bất bạo động mỉm cười và ca hát.

Sau cuộc chính biến bất thành tại Mạc Tư Khoa của các thành phần cộng sản quá khích nhằm lật đổ ông Gorbachev, ngày 21 tháng 8 1991, Latvia tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập chấm dứt thời kỳ hơn 50 năm chiếm đóng của Liên Sô.

3. Giáo Hội tại Latvia

Theo thống kê năm 2011, 79% dân số là các tín hữu Kitô, trong đó người Công Giáo có 476,700 người, tức là 22.7%, sinh hoạt trong 3 giáo phận và 1 tổng giáo phận. Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther với hơn 700,000 tín hữu. Bên cạnh đó còn có Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với 370,000 tín hữu.

Giáo Hội tại Latvia có 135 linh mục trong đó có 108 linh mục triều và 27 linh mục dòng; 1 phó tế vĩnh viễn, 32 nam tu sĩ, và 109 nữ tu.

Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Pedro López Quintana, người Tây Ban Nha. Ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại cả ba quốc gia vùng Baltic.

Tổng giáo phận duy nhất tại Latvia là tổng giáo phận thủ đô Riga hiện do Đức Tổng Giám Mục Zbigņev Stankevičs /dʒɪ-nɛv stæn-kɛ-viks/ lãnh đạo. Niên giám Tòa Thánh năm 2015 ghi nhận có 222,910 người Công Giáo trong tổng giáo phận Riga, chiếm 18.1% dân số. Tổng giáo phận có 69 giáo xứ, 30 linh mục triều, 13 linh mục dòng, một phó tế vĩnh viễn, 14 nam tu sĩ không có chức linh mục và 64 nữ tu.

Đức Hồng Y Jānis Pujats /dʒæ-nɪ̈s pjʊ̈-ʒɑtz/, năm nay 88 tuổi là Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Riga. Ngài được coi là một trong những tiếng nói chỉ trích Tông huấn Amoris Laetitia.

Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther. Tuy nhiên, Latgale, người Latvia gọi là Latgola /l'ɑt-gɔ-lɒ/, một miền ở phía Đông Nam Latvia, lại là một miền gần như toàn tòng Công Giáo trước thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô. Trong hơn 50 năm chiếm đóng, người Nga đưa dân sang vùng này. Cho nên, ngày nay 65.8% dân số là Công Giáo và 23.8% dân số là Chính Thống Giáo Nga.

Thủ phủ của Latgale là Aglona, nơi có Đền Thánh kính Đức Mẹ lớn nhất Latvia, cách thủ đô Riga 201km. Trong thời gian chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha, chính phủ Latvia quyết định ngày thứ Hai 24 tháng 9 năm 2018 là quốc lễ; và tăng cường 6 chuyến tàu tốc hành để dân chúng có thể di chuyển từ Riga đến Đền Thánh kính Đức Mẹ Aglona, là một địa điểm quan trọng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

4. Xã hội Latvia ngày nay

Ngày nay, Latvia là thành viên của Liên minh châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Hiệp định Schengen, OECD và NATO. Latvia cũng là một thành viên của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, và là một thành viên trong Liên minh hợp tác Bắc Âu-Baltic của các nước Bắc Âu.

Liên Hợp Quốc xếp Latvia vào hàng thứ 46 trong chỉ số “phát triển nhân bản”. Lý do là vì sau nhiều năm bị ngoại bang đô hộ, người dân Latvia tỏ ra đặc biệt quan ngại trước những di dân người Nga đang sống tại quốc gia này. Hiện nay, có khoảng 270, 000 trong số 740,000 người Latvia gốc Nga không được thừa nhận có quyền công dân do di dân từ Nga sang trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô dù họ đã sống tại Latvia từ lâu. Những người này không có bất cứ quốc tịch nào và là căn nguyên khiến Latvia bị chỉ trích.

Năm 2016, Nils Ušakovs, đô trưởng Riga, một người Latvia gốc Nga, đã bị Trung Tâm Ngôn Ngữ Học quốc gia Latvia phạt tiền vì dám viết tiếng Nga trên Facebook của ông ta.

Latvia ngày nay là một quốc gia phát triển kinh tế rất nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người là 27,600 Mỹ Kim một năm theo thống kê vào năm 2017.

5. Chính trị Latvia

Latvia theo Quốc Hội chế. Quốc Hội, gọi là Saeima /sæ-eɪ-mɒ/, gồm một viện duy nhất với 100 đại biểu có quyền bãi nhiệm tổng thống trong một cuộc biểu quyết với tỷ số hơn 2/3. Tổng thống chỉ là người đại diện cho nhà nước trong quan hệ quốc tế, thực hiện các quyết định của Quốc hội về phê duyệt các điều ước quốc tế, và là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Tổng thống hiện nay là ông Raimonds Vējonis /reɪ-mondz vɛ'-dʒʊ̈n-əns/, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1966, đã đảm nhận chức vụ từ ngày 8 tháng 7 năm 2015. Ông là thành viên của Đảng Xanh, một phần của Liên minh Xanh và Nông dân. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường và Phát triển Khu vực vào năm 2002 và vào năm 2011. Ông cũng là Bộ trưởng Bộ Môi trường từ năm 2003 đến năm 2011. Ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Latvia năm 2014 và giữ chức vụ đó cho đến khi trở thành Tổng thống vào năm 2015.

Ông Raimonds Vējonis có cha là người Latvia, mẹ là người Nga. Ngoài tiếng Latvia, ông nói thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Ông có gia đình và 2 con. Ông là một người theo dị giáo Baltic, một tôn giáo đa thần.

6. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Latvia

Theo chương trình đã được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 10g10, ngài sẽ đến đặt hoa tại Đài Tưởng Niệm các nạn nhân của cộng sản và phát xít, trước khi có cuộc gặp gỡ đại kết với Chính Thống Giáo tại Cung Văn Hóa Riga.

Lúc 10g40, Đức Thánh Cha tham dự buổi cầu nguyện đại kết tại nhà thờ chính tòa Riga của Tin Lành Lutheran.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm nhà thờ chánh tòa Thánh Giacôbê Tông Đồ vào lúc 11g50.

Ngài sẽ ăn trưa với các giám mục trong Nhà Thánh Gia của Tòa Tổng Giám Mục vào lúc 12g30.

Buổi chiều, lúc 14g30, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Riga Harbour đến Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, ở Aglona.

Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho anh chị em giáo dân Latvia lúc 16g30.

Sau nghi thức tiễn biệt diễn ra tại sân bay trực thăng Aglona vào lúc 18g30, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng máy bay trực thăng đến sân bay quốc tế Vilnius của Lithuania; nghĩa là ngài quay trở lại quốc gia đầu tiên trong chuyến tông du này. Chỉ sau 15 phút bay trực thăng, ngài sẽ đến nơi.


Source: - Wiki Lavia

Catholic Hierarchy - Latvia
 
Cùng với các Đức Thánh Cha tưởng nhớ lại biến cố 11/9
Thanh Quảng sdb
21:10 11/09/2018
Cùng với các Đức Thánh Cha tưởng nhớ lại biến cố 11/9
Biến cố 11/9/2001

Khi đối diện với chủ nghĩa khủng bố dã man diễn ra vào ngày 11/9, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng danh dự Benedictô XVI, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều nhắc nhở thế giới hãy theo đuổi con đường hòa bình và yêu thương, vượt lên trên mọi hình thức hận thù và bạo loạn.
Nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, chúng ta hãy quay lại cuốn phim ngược dòng thời gian để ghi lại những lời nói và hành động của ba vị Giáo hoàng đã từng chứng kiến nỗi kinh hoàng của biến cố 11/9.
Đ GP II trong buổi triều yết sau biến cố 11/9

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã theo dõi các sự kiện trên truyền hình. Thư ký của Ngài cho báo chí hay Đức GPII tìm cách liên lạc với Tổng thống Mỹ George W. Bush qua điện thoại để nói lên sự đồng cảm của mình với những người dân Mỹ quốc. Nhưng Ngài không thể liên lạc được với tổng thống vì lý do an ninh. Thay vào đó, Đức Thánh Giáo Hoàng đã gửi một điện văn với nội dung Ngài rất kinh hoàng trước “các cuộc tấn công vô nhân đạo” và Ngài hiệp thông trong lời cầu nguyện trong mọi nỗ lực trợ cứu.
Ngày hôm sau là ngày thứ Tư, ĐứcThánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp cuộc triều yết hàng tuần trong một tâm trạng căng thẳng khổ đau... Biến cố 11/9 vừa qua "là một ngày đen tối nhất trong lịch sử loài người, một cuộc tấn công khủng khiếp vào phẩm giá con người." Ngài nói thêm: "Trái tim của con người là một vực thẳm, đôi khi dấy lên những hành vi không thể diễn tả được."
ĐTC Bênêđítô thắp lên một ngọn nến và yên lặng cầu nguyện

Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI: 2008
Vào ngày 20 tháng 4 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI thực hiện chuyến Tông du đầu tiên của Ngài đến mảnh đất bị san phẳng vì biến cố 11/9 (Ground Zero) ở New York. Để tưởng nhớ các nạn nhân, Đức Giáo Hoàng đã im lặng và quyết định không phát biểu một lời nào. Thay vào đó, Ngài cầu nguyện.
Dưới bầu trời mây âm u xám xịt, dàn nhạc chơi một giai điệu buồn thảm khi Ngài bước xuống đài tưởng niệm chưa hoàn thành để nhìn vào một cái hồ lóng lánh nước. Ngài thốt lên lời cầu nguyện "Lạy Thiên Chúa, Đấng thấu xuốt mọi tâm can, xin nhìn đến chúng con còn đang giao động mạnh mẽ bởi biến cố thảm sầu này, chúng con đang cố tìm kiếm ánh sáng và sự hướng dẫn của Chúa, khi chúng con phải đối đầu với những sự kiện khủng khiếp như thế này!"
Đức Giáo Hoàng Benedict sau đó thắp một cây nến để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết ở New York, Washington DC, và trên chuyến bay United 93 bị rơi ở Pennsylvania.
ĐTC thinh lặng đặt lên bờ hồ một đóa hồng trắng để tưởng nhớ các nạn nhân biến cố 11/9

Giáo hoàng Phanxicô 2015
Bảy năm sau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp nối bước chân của các vị tiền nhiệm, Ngài đến viếng thăm đài tưởng niệm Ground Zero đã hoàn thành và được khánh thành vào ngày 25 tháng 9 năm 2015. Trong im lắng chỉ nghe có âm thanh của nước chảy lúc Đức Thánh Cha đặt bông hồng trắng ở bờ hồ đang phản chiếu mây trời.
Tại địa điểm mang tính biểu tượng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tổ chức một cuộc họp liên tôn, và kêu gọi tất cả các tôn giáo cùng nhau làm việc cho hòa bình.
ĐTC nói: "Nơi đây, nơi đầy chết chóc thương đau, nay đã trở thành một nơi đầy sức sống". Đó là "bài ca chiến thắng mà các tiên tri đã tiên báo về “sự sống phá hủy cái chết, sự thiện thắng điều ác, và hòa giải hiệp nhất thắng hận thù chia rẽ."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Ái Hữu TGP Huế Seattle mừng Bổn Mạng 2018.
Nguyễn An Quý
07:47 11/09/2018
Tukwila. Chiều thứ Bảy ngày 8 tháng 9 năm 2018, một buổi chiều khá đẹp đến với xứ cao nguyên tình xanh, nhiệt độ trên dưới 70 độ F nên trời khá mát dịu sau nhiều ngày nóng bức. Hôm nay ngày họp mặt thân hữu của những gia đình giáo dân gốc Quảng Trị và Thừa Thiên, cùng Thành Phố Huế để mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ là Quan Thầy của Hội. Hình ảnh Huế Đô lại được gợi nhớ về một thời áo tím qua những tà áo tím mà các chị em phụ nữ mặc và đang hiện diện trong thánh lễ tạ ơn mừng lễ Bổn Mạng.

Xem Hình

Đúng 6 giờ, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn gồm một số quý vị trong Hội Ái Hữu TGP Huế cùng với ban giúp lễ và quý cha đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh theo nhịp hát của ca đoàn Cung Chiều. Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế thánh lễ cùng đồng tế có cha Nguyễn Văn Dụ gốc Giáo Phận Huế, cha Thao và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế chào mừng Quý Cha đến với Giáo Xứ , chào mừng các giáo hữu từ xa đến thăm Seattle, chào mừng quý sơ hiện diện, đặc biệt chào mừng quý gia đình Hội Ái Hữu Tổng Giáo Phận Huế hiện diện trong ngày mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Bổn Mạng của Hội, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau (tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ lời Chúa. Hôm nay giáo hội mừng Chúa Nhật 23 mùa thường niên. Thánh Marcô giới thiệu Chúa Giêsu với câu chuyện người câm nói được , người mù được thấy, người điếc được nghe: "Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Effetha!" (nghĩa là "Hãy mở ra!"), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!"

Linh mục Nguyễn Văn Dụ người gốc Giáo Phận Huế nhân chuyến thăm Seattle đã đến đồng tế thánh lễ nhân dịp lễ Bổn mạng của Hội Ái Hữu TGP Huế, ngài phụ trách giảng lễ. Bài chia sẻ tin mừng khá phong phú, trong bài giảng ngài nhấn mạnh về đời sống gia đình mà trước đây Đức Gioan Phaolo II chủ trương và hiện nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang ra sức cỗ vũ. Ngài nói: trong gia đình đời sống tình thương là trụ cột của Gia đình. Tình yêu gắn liền với cuộc sống, nếu không có tình yêu thì đời sống gia đình dễ bị lung lay. Muốn có tình thương, con người luôn sống bằng tất cả sự chân thành của mình đối với nhau trong đời sống vợ chồng và con cái với cha mẹ, luôn trân quý nhau bằng những câu nói chân thành và hãy nói với nhau: vui lòng- xin lỗi và cám ơn, đó là kim chỉ nam. Đề cập đến bài tin mừng, ngài nói: Hôm nay tin mừng gợi cho ta hình ảnh Chúa Giêsu cho kẻ câm được nói, người điếc được nghe, ngài chữa người câm điếc như tin mừng thánh Marco đã giới thiệu. Đề cập đến ngày lễ Bổn Mạng của Hội Ái Hữu Huế, ngài nói: hôm nay tôi lại có dịp tham dự ngày vui của Hội Tổng Giáo Phận Huế, đây là một niềm vui khi được gặp lại những đồng hương của Huế . Trong niềm vui tạ ơn, xin Chúa chúc lành cho toàn thể quý ông bà anh chị em Huế trong ngày mừng Sinh Nhật Đức Mẹ Bổn Mạng của Huế.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, một lần nữa cha chánh xứ cám ơn quý cha đã đên với giáo xứ, cám ơn cộng đoàn dân Chúa hiện diện và chúc mừng toàn thể quý thành viên trong gia đình Hội Ái Hữu TGHP Huế trong ngày mừng lễ Bổn mạng.

Sau thánh lễ là tiệc mừng tại Hội trường. Tham dự tiệc mừng gồm cha chánh xứ Đào Xuân Thànhh, cha Nguyễn Văn Dụ và cha Thao và nhiều thành viên thuộc gia đình Hội Ái Hữu TGP Huế cùng với đại diện các Giáo Đoàn, Hội Đoàn. Cha chánh xứ khai mạc buổi tiệc mừng, sau đó ngài bận đi công tác nên ngài mời cha Dụ chúc lành và phút cầu nguyện cho buổi tiệc.

Buổi tiệc mừng được diễn ra trong bầu khí thân thương với chương trình văn nghệ đặc sắc do ca sĩ Lâm Mai Hương, Thùy Trang và nhiều ca sĩ khác giúp vui. Cha Thao cũng tham gia đóng góp văn nghệ với giọng ca truyền cảm. Đặc biệt cha Nguyễn Văn Dụ trước đây ở Phủ Cam và ngài rất vui mừng khi gặp lại những người thân thương của Gia Đình Phủ Cam và các Đồng Hương Huế trong buổi tiệc mừng này, ngài cũng chia sẻ những lời khá tâm tình.

Buổi tiệc mừng chấm dứt vào khoảng hơn 10 giờ đêm. mọi ngươì chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Trường Giáo Lý - Việt Ngữ La Vang Tổ Chức Lễ Khai Giảng Niên Khóa 2018-2019
Phan Hoàng Phú Quý
07:58 11/09/2018
Portland-Oregon Chúa Nhật ngày 09 tháng 9 năm 2018 lúc 9 giờ sáng trường Giáo Lý& Việt Ngữ La Vang đã tổ chức thánh lễ khai giảng niên khóa năm 2018-2019 tại khuôn viên giáo xứ Đức Mẹ La Vang.

Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca
Chúng con về nơi đây để tạơn Thiên Chúa
Qua bao tháng năm mong chờ, say sưa thánh ân vô bờ
Đựơc cùng nhau bên Chúa , thỏa lòng con ước mơ


Trên đây là những tâm tình dâng Chúa được ca đòan Thánh Linh cùng với cộng đoàn dân Chúa cất cao lời ca tụng đểđón chào quý linh mục tiến về lể đài.

Trước khi bắt đầu thánh lễ, linh mục chánh xứ Đa minh Phạm Tĩnh đã ngỏ lời chào mừng quý thầy cô, quý vị giảng viên trong ban Giáo Lý và Việt Ngữ, những người đã hy sinh thời gian va trí tuệ để cống hiến tài năng của mình trong môi trường giáo dục, bảo tồn văn hóa và giữ gìn đức tin Công Giáo.

Xem Hình

Trong phần chia sẽ lời Chúa linh mục Đinh Văn Nghị thuộc dòng Đa Minh đã chia sẽ về chuyện Đìếc mà chúng ta vừa nghe qua trong bài Tin Mừng hôm nay vàâu đó cũng là bài học cho chủ đềcả năm học mà chúng ta khai giảng .Điếc thể lý vàĐiếc tâm linh khong quan trong và nguy hiễm bằng cái Điếc lưng chừng, đa số chúng ta bịđìếc lưng chừng, điếc lưng chừng làđiếc chỉ nghe một phần ba(1/3)thôi, còn hai phần ba (2/3) chúng ta tự suy diễn ra, thế là sai hết, nhiều khi còn tệ hơn đíếc nữa.

Do đó chúng ta cần đặc biệt lưu ý:

-Chuẩn bị nói với nhau, phải tập thinh lặng trước khi nói.

-Biết thở dài một tí, luôn luôn biết than thở vì cuộc sống tạm bợ của chúng ta rất là mong manh, hôm nay chúng ta còn đó, nhưng mai kia không biết sẽ ra sao?

-Luôn luôn ngước mắt lên trời để mà than thở với Thiên Chúa chúng ta, xin Chúa mỡlòng con, mỡ trí khôn con, mỡ cả linh hồn con, đồng thời cũng xin Chúa mỡlòng con cái mình, mỡlòng vợ, chồng mình, mỡ lòng cha mẹ mình, để cho tâm hồn mọi người được bình an lại, để những cãm xúc xấu xa tội lỗi trong con người mình không nỗi lên, có như thế chúng ta mới chữa được bệnh Điếc, và khi bệnh điếc đã chữa khỏi rồi thì chúng ta có được cuộc sống an bình với nhau, xây dựng vơi nhau và đặc biệt chúng ta gắn bó với nhau, chúng ta lo cho con cái chúng ta, lo cho hạnh phúc mỗi người chúng ta.

Ước gì mỗi người chúng ta đều thừa nhận mình bịđiếc, để rồi xin Chúa chữa lành cho.

Trong thánh lễ hôm nay ngoài phần phụng vụ ngày Chúa Nhật thường niên, còn có nghi thức Sai Đi dành cho quý thầy cô.

Quý thầy cô là những người cộng tác nhiệt thành với linh mục chánh xứ và những người hữu trách, sẳn sàng dấn thân phục vụ lợi ích chung, hầu giúp giáo xứ mỗi ngày một thăng tiến, đồng thời giúp các em học sinh tăng trưởng trong đức tin, đức cậy và đức mến, cũng như bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của dân tộc Việt.

Linh muc giáo xứ cũng đã gởi đến quý thầy cô thông điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ Nhị dành riêng cho các giáo viên:

Mục đích của việc dạy giáo lý là giáo dục con người toàn diện về trí dục và đức tin, tức là giúp các em gặp gỡ Đức Kitô bằng sự hiểu biết đích thưc qua sứ mệnh Tin Mừng và bằng cảm nghiệm sâu xa, để chính các em có thể hiểu được và sống trọn vẹn cho sứđiệp đó. Muốn được như vậy chính bản thân giáo viên cần phải chuyên cần học hỏi lời Chúa, có đời sống nội tâm kết hợp mật thiết với Chúa, có tinh thần cầu nguyện .

Đặc biệt dân tộc Việt Nam, trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Denver Colorado ngày 15/8/1993.Đức Thánh Giáo Hoàng còn nhắn nhủ rằng “Ưóc gì những thế hệ mới của ViệtNam lớn lên đều hãnh diện về nguồn gốc VN của mình, về nền văn hóa phong phú của mình, về sự cao cả tinh thần của tiền nhân, họđã từng đương đầu với mọi thử thách, anh chị em đã từng trung thành giữ gìn bản sắc của người VN cũng như căn tính Kitô giáo của anh chị em trong mọi nơi, mọi lúc ở trên toàn thế giới.”

Quý Thầy côđã long trọng tuyên hứa: Nhờơn phù trợ của Thiên Chúa, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Đức Mẹ La Vang, Thánh cả Giuse, nhờ lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, nhờ sự hướng dẫn của quý cha, chúng con xin cố gắng dùng thiện chí, khả năng vàđiều kiện cho phép để phục vụ Chúa và giáo hội qua sứ mạng làm giáo lý viên và thầy cô Việt ngữ mà chúng con vui mừng lãnh nhận, chúng con tha thiết xin chúa dạy bảo và khơi dậy nơi chúng con lòng nhiệt thành phục vụ, xin ban cho chúng con đức tin kiên trung, lòng cậy bền vững, và tình mến nồng nàn hầu chu toàn bổn phận tông đồ của chúng con.

Sau thánh lễ các em được hướng dẫn vào lớp trong tinh thần trật tự và tương kính lẩn nhau.

Tường thuật từ thành phố Hoa Hồng Portland

Phan Hoàng Phú Quý
 
Lễ truyền chức phó tế tại TGP Melbourne
Hình Lê Hải
23:52 11/09/2018
Hình ảnh lễ truyền chức phó tế tại Tổng Giáo Phận Melbourne Ngày 8/9/2018

Xem hình
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bản Lên Tiếng về các tù nhân lương tâm và thực trạng nhân quyền tại Việt Nam
UB Công Lý Hòa Bình GP Vinh
09:49 11/09/2018
GIÁO PHẬN VINH
BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
BẢN LÊN TIẾNG
Về Các Tù Nhân Lương Tâm Và Thực Trạng Nhân Quyền Tại Việt Nam


Xã Đoài, ngày 05 tháng 9 năm 2018

Việt Nam đã tham gia các công ước Quốc tế về nhân quyền. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận những quyền căn bản đó của con người.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xảy ra tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng gia tăng bắt giữ và kết án nặng nề đối với những người đấu tranh một cách ôn hòa cho nhân quyền và tự do. Đặc biệt, sau những biến động xã hội do thảm họa Formosa gây ra, khi tình hình tạm lắng, nhà cầm quyền lại gia tăng bắt bớ, bỏ tù những người đấu tranh đòi tôn trọng và bảo vệ môi trường. Nhiều người trong số họ bị cưỡng ép vào những tội danh nặng nề với những bản án hết sức hà khắc. Điều khủng khiếp ở đây là họ đã bị nhà cầm quyền bắt giam, điều tra và xét xử bằng những cách thức thiếu minh bạch, không đúng trình tự tố tụng như quy định của pháp luật, thiếu chứng cứ xác đáng và diễn ra trong những phiên tòa chóng vánh, thiếu sự quan sát độc lập từ phía thân nhân cũng như của người dân. Chính vì thế, nhiều người trong số họ đã phản ứng chống lại bản án và chế độ hà khắc của nhà tù bằng cách tuyệt thực.

Bên cạnh đó, sự lạm quyền của lực lượng an ninh ngày càng gia tăng và bằng các thủ đoạn tăm tối, họ đã hành xử cách bất công đối với những người bất đồng chính kiến, những người dám lên tiếng đòi hỏi nhân quyền, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo một cách ôn hòa. Những băng nhóm được gọi là “quần chúng nhân dân tự phát” và “đội cờ đỏ” được thường xuyên sử dụng để hành hung, đe dọa, hạn chế quyền đi lại hoặc cư trú của những người bất đồng chính kiến nói trên. Mặt khác, các nhân viên an ninh Việt Nam cũng áp dụng việc cấm xuất nhập cảnh một cách tùy tiện đối với họ.

Một cách tổng quát: Tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong những năm qua đã thể hiện những bước thụt lùi nghiêm trọng. Nhiều lúc lực lượng an ninh và cơ quan công quyền đã không tôn trọng chính Hiến pháp và pháp luật.

Trước thực tế nêu trên, chúng tôi, Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo phận Vinh, lên tiếng để thức tỉnh những người hữu trách trong bộ máy cầm quyền, đặc biệt đề nghị lực lượng an ninh cần phải thượng tôn pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành các công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, để đảm bảo minh bạch và công bằng cho các tù nhân lương tâm.

Chúng tôi cũng kêu gọi các tổ chức hoạt động vì nhân quyền và những người yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình, đặc biệt người dân Việt Nam, cùng lên tiếng và chung tay góp sức trong việc bảo vệ nhân quyền, vì đó là những giá trị phổ quát, bất khả xâm phạm của con người mà chính Tạo hóa đã ban tặng.

Cách riêng, dưới nhãn quan Kitô Giáo, mỗi người là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (x.1Cr 12,26). Vì thế, lên tiếng bênh vực, đồng hành với những người đang chịu bất công, đặc biệt các tù nhân lương tâm, đó là trách nhiệm và là mệnh lệnh lương tâm của các Kitô hữu.

Chúng tôi tin rằng, nếu mọi người đều ý thức tôn trọng và bảo vệ nhân quyền thì tương lai tốt đẹp sẽ đến với đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

TM. BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
TRƯỞNG BAN
(đã ký)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Đính
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Cách thay đổi bài đọc trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nói thêm về lễ nhớ Mẹ Hội Thánh.
Nguyễn Trọng Đa
08:02 11/09/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong chủng viện chúng con, có thói quen cho các chủng sinh giảng trong giờ Kinh chiều thứ bảy. Việc này diễn ra sau bài đọc và trước khi đọc Xướng đáp. Tuy nhiên, linh mục huấn luyện yêu cầu rằng thay vì đọc các bài đọc trong sách nhật tụng, chúng con đọc Tin Mừng Chúa Nhật, bởi vì đó là cơ sở cho việc giảng của chúng con và suy niệm Chúa Nhật. Thưa cha, liệu sự thay các bài đọc của Kinh chiều 1 của Chúa Nhật bằng Tin Mừng Chúa Nhật là được phép không? - R. S., Manila, Philippines.


Đáp: Câu trả lời ngắn gọn là không. Bài đọc vắn trong giờ Kinh Chiều (hoặc bất kỳ giờ kinh nào) không thể được thay thế bằng bất kỳ văn bản Tin Mừng nào.

“Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ” mô tả bản chất của các bài đọc nói chung như sau:

“Đọc Kinh Thánh nói chung

“140. Theo truyền thống từ xưa, vẫn đọc Kinh Thánh công khai trong phụng vụ, không phải chỉ trong thánh lễ, mà còn khi đọc kinh nhật tụng nữa. Bởi thế mọi Kitô hữu hãy hết lòng quý chuộng, vì chính Hội Thánh đã đề nghị như vậy, không phải theo sự lựa chọn hay khuynh hướng riêng của mỗi người, nhưng là do mối liên hệ với mầu nhiệm mà Hội Thánh trình bày cho ta trong suốt năm phụng vụ, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, tới Thăng Thiên, Hiện Xuống, và cho đến lúc mong chờ hạnh phúc Chúa đã hứa và ngày quang lâm của Đức Giêsu. Hơn nữa, khi cử hành phụng vụ bao giờ sau khi đọc Sách Thánh cũng có lời nguyện, để tăng hiệu lực cho bài đọc và nhờ bài đọc mà ta hiểu lời nguyện rõ hơn và giúp ta cầu nguyện sốt sắng hơn, nhất là khi cầu nguyện bằng thánh vịnh.

“141. Trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, có một bài đọc Kinh Thánh dài hay vắn.

“142. Giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều có thể đọc bài dài tùy ý, như nói ở trên, số 46.

“Đọc Kinh Thánh theo chu kỳ trong Giờ Kinh Sách

“143. Trong chu kỳ các bài đọc Kinh Thánh váo giờ Kinh Sách, cần lưu ý đến thời gian phải đọc một số sách, như truyền thống cổ kính vẫn làm. Lại cũng phải để ý đến chu kỳ các bài đọc trong thánh lễ nữa. Vì Các Giờ Kinh Phụng Vụ liên lạc chặt chẽ với thánh lễ nên các bài Sách Thánh trong kinh nhật tụng bổ túc cho các bài đọc trong thánh lễ và làm cho ta có một cái nhìn đầy đủ về toàn bộ lịch sử cứu độ.

“144. Trừ trường hợp ngoại lệ nói ở số 73, thì trong giờ Kinh Sách, không đọc Tin Mừng, vì năm nào cũng đọc trọn bộ Tin Mừng trong thánh lễ rồi” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Trường hợp ngoại lệ trong số 73 về không đọc các bản văn Tin Mừng liên quan đến vọng lễ chứ không giờ kinh hàng ngày.

“Các ngày vọng lễ

“70. Toàn thể Hội Thánh cử hành đêm Canh Thức Vượt Qua theo những chỉ dẫn trong các sách phụng vụ; thánh Âu-tinh nói: “Đêm vọng lễ này trọng đại đến nỗi chỉ mình nó cũng đáng tên là vọng lễ, tuy cũng dùng tiếng này chung cho các lễ khác”. “Đêm hôm nay chúng ta thức, vì là đêm Chúa sống lại và làm cho chúng ta được sống trong thân xác Người, một thân xác không còn chết hay ngủ nữa. Vậy chúng ta thức lâu hơn để mừng Chúa sống lại: Người sẽ ban cho chúng ta được hiển trị với Người trong cuộc đời vĩnh cửu”.

“71. Nhiều nhà thờ có thói quen tổ chức canh thức để mừng một số lễ trọng, nhất là lễ Giáng Sinh và Ngũ Tuần, như trong đêm Canh Thức Vượt Qua, phải duy trì và khuyến khích thói quen tốt này, theo cách thức riêng của mỗi nơi. Ở đâu có thói quen vọng lễ để mừng cho thêm long trọng một số lễ, hay tổ chức những cuộc hành hương phải giữ những quy luật chung về việc cử hành Lời Chúa.

“72. Các giáo phụ và các nhà tu đức đã rất năng khuyên các tín hữu và nhất là những ai sống đời chiêm niệm nên cầu nguyện vào lúc đêm khuya, vì đây là lúc rất thích hợp để thôi thúc chúng ta mong chờ Chúa trở lại, như lời Tin Mừng: “Nửa đêm có tiếng hô to: “Kìa Tân Lang đã tới, hãy tiến ra đón Người” (Mt 25, 6): “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến. Biết đâu là chập tối hay nửa đêm, biết đâu là lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc, 13, 35). Vậy, những ai đọc Kinh Sách vào lúc ban đêm thật đáng khen.

“73. Vả lại, theo nghi thức Rôma, vì phải đặc biệt lưu ý đến nhu cầu của những người tận tâm lo việc tông đồ, nên giờ Kinh Sách bao giờ cũng khá vắn. Những ai muốn theo truyền thống cử hành lâu hơn, buổi vọng lễ Chúa Nhật, lễ trọng và lễ kính, phãi giữ như sau:

“Tiên vàn, phải đọc Kinh Sách như đã chỉ trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho đến hết các bài đọc. Sau hai bài đọc và trước thánh thi “Lạy Thiên Chúa”, thêm các thánh ca có nội dung chúc tụng chỉ trong phần phụ lục. Rồi đọc Tin Mừng, đoạn tùy nghi thêm bài giảng vắn. Cuối cùng hát thánh thi “Lạy Thiên Chúa” và đọc lời nguyện.

“Các ngày lễ trọng và lễ kính, lấy Tin Mừng trong sách lễ. Các ngày Chúa Nhật, lấy trong các bài đọc về mầu nhiệm Phục Sinh, có chỉ trong phần phụ lục sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ” (Bản dịch, như trên).

Khả năng mở rộng các bài đọc trong giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều, như được nhắc đến trong số 142, được mô tả như sau:

“46. Tuy nhiên tùy ý chủ tọa và nhất là khi có giáo dân tham dự, có thể chọn một bài Sách Thánh dài hơn, lấy trong Kinh Sách hay các bài đọc trong lễ, đặc biệt các bài vì lý do riêng không đọc được hôm đó. Cũng được phép thỉnh thoảng chọn một bài đọc khác thích hợp hơn, nhưng phải lưu ý điều nói trong các số 249-250, 251.

“47. Khi cử hành có giáo dân tham dự, có thể tùy nghi thêm một bài giảng vắn, để giúp cử tọa hiểu ý nghĩa bài đọc hơn”.

“248. Giờ Kinh Sách bao giờ cũng phải đọc bài Kinh Thánh theo tuần lễ chỉ định. Khi đọc kinh nhật tụng cũng phải nhớ lời của Hội Thánh là “trong khoảng thời gian mấy năm nhất định phải đọc cho giáo dân phần Kinh Thánh quan trọng hơn cả”.

“Vì thế Mùa Vọng, Múa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, không được bỏ đứt quãng các bài Kinh Thánh dành cho giờ Kinh Sách. Mùa Thường Niên, khi có lý do chính đáng như tĩnh tâm, hội học về mục vụ, cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất và những trường hợp tương tự, thì một ngày nào đó, hay nhiều ngày liên tiếp, có thể chọn những bài Kinh Thánh trong số những bài khác hay dành cho các ngày khác.

“249. Nếu gặp lễ trọng, lễ kính hay lễ nào đặc biệt mà phải gián đoạn các bài đọc liên tiếp, thì trong tuần lễ đó được phép đọc thêm các phần đã bỏ, hay tùy ý lựa chọn.

“251. Lời Chúa, lời nguyện, các câu hát (thánh thi, điệp ca) và các lời chuyển cầu những ngày thường trong một mùa đặc biệt, thì có thể đọc vào những ngày khác cùng một mùa” (Bản dịch, như trên).

Do đó, trong khi Phụng vụ Các Giờ Kinh có một mức độ linh hoạt nhất định đối với việc lựa chọn bài đọc, điều này không bao hàm việc sử dụng các bản văn Tin Mừng.

Ngoại trừ các vọng lễ được đề cập ở trên, các bản văn Tin Mừng duy nhất trong Phụng Vụ Giờ Kinh là ba thánh ca Benedictus (Chúc tụng Đức Chúa), Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa) và Nunc Dimittis (Trong tay Ngài, Lạy Chúa).

Sau bài trả lời của tôi ngày 12-6-2018 về sự không có xung đột giữa lễ nhớ Đức Maria Mẹ Hội Thánh với các lễ nhớ khác, một bạn đọc Nigeria hỏi: “Chúng ta đã có các tước hiệu của Đức Mẹ, như Đức Trinh Nữ, Hoa Hồng Mầu Nhiệm, Mẹ Hội Thánh. Lễ mới của ngày thứ hai sau lễ Hiện Xuống ảnh hưởng như thế nào đến lễ cũ?”.

Đáp: Không có sự xung đột vì tước hiệu của Đức Maria như là Hoa Hồng Mầu Nhiệm, Mẹ Hội Thánh, không hiện diện trong lịch phổ quát. Tước hiệu Mẹ Hội Thánh được gắn liền với một lần Đức Mẹ hiện ra năm 1941 gần Brescia, nước Ý. Lần hiện ra này và đền thờ Đức Mẹ có sự nhìn nhận của giáo quyền địa phương, và tước hiệu được mừng lễ vào ngày 13-7.

Tòa Thánh đã không có tuyên bố nào về sự hiện ra này của Đức Mẹ, nhưng đã cho phép sự chấp thuận của Giám mục địa phương đứng vững. Đó là một ngôi đền hành hương Đức Mẹ nổi tiếng với nhiều sáng kiến mục vụ khác nhau.

Đức Thánh Cha Phaolô VI, sẽ sớm được tuyên thánh, lần đầu tiên tuyên bố Đức Maria là Mẹ Hội Thánh vào cuối Công đồng chung Vatican II. Mặc dù Đức Thánh Cha thánh thiện là một người gốc Brescia, có rất ít điều để chỉ ra rằng sự hiện ra của Đức Mẹ có ảnh hưởng đến quyết định của Ngài. Thay vào đó, dường như đây là một cách để vượt qua một bế tắc trong Công đồng, mà trong đó các Giám mục đã tranh luận về tước hiệu, nhưng đã chọn không lấy sáng kiến mới với một tước hiệu mới của Đức Mẹ. Sự tung hô Đức Mẹ của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã có giá trị phổ quát, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực thi điều này, bằng cách thiết lập một lễ nhớ phụng vụ mới. (Zenit.org 11-9-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Tiền ! Tiền !
Đinh Văn Tiến Hùng
20:46 11/09/2018
” Tiền bạc giết tâm hồn hơn là gươm giáo giết thể xác. “ ( Walter Scott )
“ Thượng Đế không có ngân hàng và vải liệm không có túi”(Chuck Feeney)
*”Giá trị cuộc sống của những tỉ phú hảo tâm cống hiến phần lớn tiền của cho công ích xã hội thật đáng ngưỡng phục và cao quí biết bao ! “


TIỀN mua được hạnh phúc hay sao ?
Mải mê tích lũy thật dồi dào,
Tưởng có tiền thỏa mãn tất cả,
Hãy nhủ mình đừng quá tự hào !

TIỀN mua nhà lộng lẫy khang trang,
Gia đình xum họp sống huy hoàng,
Vợ chồng con cháu chung hạnh phúc,
Nhưng tránh làm sao khỏi khóc than !

TIỀN sắm đồng hồ chói ngọc vàng,
Xem giờ, mà nhìn lại thấy sang,
Thời gian qua mau đâu trở lại,
Năm tháng đời sẽ hết mơ màng !

TIỀN mua giường hảo hạng nệm chăn,
Sao giấc ngủ vẫn thấy băn khoăn,
Bởi vì lòng mình luôn trăn trở,
Trên giường này giấc ngủ khó khăn.

TIỀN tìm thuốc bách bệnh tiêu tan,
Thuốc tăng sinh lực, sâm Đại Hàn,
Trăm thứ đắt tiền ta đều sẵn,
Mà sao thân thể cứ bất an !

TIỀN mua cả bằng giả thi gian,
Đút lót chạy địa vị cao sang,
Coi chừng sẽ lên voi xuống chó,
Thật là tiền mất tật lại mang !
TIỀN tham vơ vét của người dân,
Xuất ngoại trộm cắp đã nhiều lần,
Bị bắt quả tang ôi nhục nhã !
Danh dự dân Việt chúng bất cần.

TIÊN mờ mắt Cộng sản Việt nam,
Cướp của dân thủ đoạn tham tàn,
Bán biển đất cho bọn Tàu cộng,
Tài sản bất chính sẽ tiêu tan !


TIỀN hối lộ tội lỗi bỏ qua,
Trộm cướp giết người cũng thả ra,
Than ôi ! Kim ngân phá luật lệ,
Đạo suy đồi, đất nước tan hoang !

TIỀN khó mua cuộc sống an hòa,
Sống vui sống khỏe ở tại ta,
Đừng tưởng tiền mua tiên cũng được,
Thân tàn ma dại chẳng có tha !

TIÊN của phù vân chóng phôi pha,
Lòng tự đắc không muốn thua ai,
Tiền tài danh vọng sẽ trôi hết,
Chỉ có Tình yêu chẳng phôi phai.


TIỀN không mua được nụ cười,
Sống sao cho đẹp cuộc đời hôm nay,
Ai ơi ! nhớ lấy điều này,
Tiền rừng bạc bể có ngày tiêu tan,
Sống sao để khỏi oán than,
Hai tay buông xuống tâm can an bình.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Phụ dẫn : Muốn biết thêm giá trị của ‘TIỀN’ xin độc bài kèm theo ‘Kết thúc cuộc đời của 8 nhà kinh doanh lớn’ sau đây :

Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Chúa

Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất Hoa Kỳ, đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại Miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và muốn khẳng định câu phương ngôn thường tình của con người ở khắp nơi là ‘Có tiền mua tiên cũng được’. Thế nhưng, 25 năm sau những gì đã xảy đến cho 8 nhà kinh doanh này :

- Charles Schwab, giám đốc 1 trong những công ty sắt lớn nhất nước Mỹ, đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối đời ông đã phải sống nhờ vào tiền vay của người khác.
- Samuel Insull, giám đốc chuyên sản xuất các vật dụng trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi.
- Howard Hopson, giám đốc hãng Gas lớn nhất trở thành điên dại.
- Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không còn một đồng xu.
- Richard Whiney, giám đốc phòng Hối đoái lớn tại Nữu Ước, vừa bình phục bệnh trong một nhà thương điên.
- Albert Pall, một nhân vật cao cấp trong chính phủ, vừa ra tòa vì dính líu vào một vụ tham nhũng.
- Hai người cuối cùng trong danh sách 8 người thành công nhất nước Mỹ, khoảng thập niên 20, cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.

Bức tranh trên đây, không hẳn đã là số phận tất yếu của những người giàu có. Vì có biết bao nhiêu người giàu đã có một cuộc sống an bình hạnh phúc ?
Tiền bạc của cải tự không phải là một điều xấu. Ai trong chúng ta cũng cần tiền bạc của cải để sống tốt đẹp với nhân phẩm. Sự túng thiếu bần cùng là điều mà Thiên Chúa không muốn cho con cái Ngài phải lâm vào.
Tuy nhiên tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao 2 lưỡi. Nếu biết sử dụng như một phương tiện, tiền bạc sẽ giúp con người sống xứng đáng tốt đẹp hơn. Nếu trái lại, con người chạy theo tiền bạc như là cứu cánh cuộc đời, nghĩa là con người tôn thờ nó như thần tượng, để quên đi tất cả những giá trị khác trong đời sống, thì lúc đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu xảy ra với con người.
Khi kể lại dụ ngôn của người quản lý, biết dùng tiền bạc để mua lòng bạn bè, Chúa Giê-su muốn kéo chúng ta trở về với chân lý nền tảng trong đời sống : ‘ Hãy chuẩn bị cho cuộc sống mai sau ! Hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh hằng ! Hãy hướng tất cả vào cùng đích cuộc sống ! Hãy dùng tiền bạc, cư xử thế nào để luôn có người bạn sẵn sàng đón tiếp chúng ta nơi cửa Thiên Đàng ! ‘

( Sưu tầm trên Mạng )
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News