Ngày 12-09-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
05:46 12/09/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 24 TN

Lc 7,1-10

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin tin kính thờ lạy Chúa. Chúng con xin hợp với các thiên thần ca ngợi Chúa. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, biết siêng năng tham dự thánh lễ và rước Chúa mỗi ngày. Xin giúp chúng con luôn chuẩn bị tâm hồn trong sạch xứng đáng là đền thờ của Chúa.

Lạy Chúa, nhân loại ngày hôm nay đang tôn thờ những vật chất mau qua. Họ tôn thờ tiền bạc, danh vọng và lạc thú. Vì danh lợi thú họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm của mình và chà đạp lên phẩm giá làm người của tha nhân. Nhiều người đang đánh mất tình người. Họ lao vào tranh dành quyền lợi để rồi cắn xé lẫn nhau. Công lý và hoà bình dường như không trọn hảo ở dương gian. Xin tha thứ cho nhân loại lỗi lầm của chúng con. Xin giúp chúng con biết nhận ra chân thiện mỹ để sống đúng lương tri của con người, là quy hướng về sự thiện, là sống theo sự thiện. Xin giúp chúng con biết nhận ra Chúa là Chúa tể mọi loài để chúng con tôn thờ Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa, xin dẫn chúng con trên đường chân lý và giúp chúng con tránh xa những thói đời tội lỗi lầm lạc. Amen

Thứ Ba sau Chúa nhật 24 thường niên

Lc 7,11-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì Chúa luôn đồng hành với chúng con. Chúa lúc nào cũng ở gần chúng con. Khi chúng con gặp đau khổ, chắc chắn Chúa cũng chạnh lòng thương xót chúng con như xưa Chúa đã chạnh lòng trước nỗi khổ của người mẹ mất con thành Nain. Chúng con xin phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Xin Chúa gìn giữ hộ phù chúng con trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, trái tim con người là họa ảnh của Chúa vốn giầu lòng thương xót và thành tín. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại quá chai lỳ, thờ ơ trước nỗi khổ của người khác. Chúng con không quan tâm đến cái chết của người hàng xóm. Chúng con không cảm thông với nỗi bất hạnh của tha nhân. Chúng con bỏ ngoài tai tiếng van xin của anh em. Xin tha thứ cho hành vi thiếu bác ái của chúng con. Xin ban tặng cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết cảm thông trước những thống khổ của tha nhân và mau chóng giúp đỡ trong khả năng của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đủ can đảm và đầy hy vọng để vượt qua những thử thách gian nan trong cuộc đời. Chúng con biết rằng chính lúc khó khăn nhất, Chúa đang ở bên cạnh, đồng hành, và nâng đỡ chúng con. Xin dạy chúng con biết nương tựa nơi Chúa là khien che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con. Amen.

Thứ Tư sau Chúa nhật 24 TN

Lc 7,31-35

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám tạ Chúa đã sống thật đơn hèn để gần gũi với chúng con. Chúa đã mang lấy thân phận con người để sống hoà nhập với loài người chúng con. Chúa còn trở thành tấm bánh đơn sơ để trao ban chính sức sống thần linh của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình cùa Chúa để chúng con luôn biết sống chân thành với nhau, và mặc lấy tâm tình trẻ thơ để sống khiêm tốn trước mặt Chúa.

Lạy Chúa, tuy mang danh là Kitô hữu, nhưng chúng con vẫn chưa đủ dứt khoát để dấn bước theo Chúa, chưa đủ xác tín vào lời Chúa. Chúng con chưa nhất quán trong đời sống hằng ngày với lời Chúa và lề luật của Chúa. Chúng con tin Chúa nhưng lại không dám sống theo những đòi buộc của đức tin. Chúng con mang danh là ky-tô hữu nhưng lại không dám mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để sống với tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con sức mạnh của lòng tin, để chúng con can đảm làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 24 TN

Lc 7,36-50

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Với thân phận yếu đuối bất toàn, chúng con xin mượn lời của thánh Phê-rô để thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sống yêu thương mọi người. Yêu thương người công chính và yêu thương cách đặc biệt với những kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con cám ơn Chúa đã không từ khước đến dùng bữa ở nhà người tội lỗi. Chúa cũng không từ chối lòng ăn năn sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi khi bà lấy tóc lau chân Chúa. Và hôm nay, tình thương đó Chúa cũng dành cho chúng con. Một linh hồn tội lỗi được Chúa viếng thăm. Xin nhận nơi chúng con lòng sám hối chân thành và ước muốn sửa đổi chính mình nên hoàn thiện hơn. Xin giúp chúng con không chỉ khóc lóc ăn năn vì tội lỗi của mình mà còn biết bù đắp lại bằng chính tình yêu của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống tha thứ cho nhau, biết quên đi lầm lỗi của nhau, và biết dùng tình yêu và lòng kiên nhẫn để giúp nhau làm lại cuộc đời.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là tội nhân được Chúa yêu thương, xin giúp chúng con biết đón nhận nhau trong bao dung và tha thứ. Và xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thiếu cảm thông và thái độ bất khoan dung với tha nhân. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 24 TN

Lc 8,1-3

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đã quy tụ chúng con nên một trong Chúa. Chúng con thật hạnh phúc khi được xum vầy bên Chúa và bên nhau quanh bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng con nên một với nhau trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến. Xin giúp chúng con biết sống hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn tôn trọng từng người chúng con. Chúa chọn và gọi từng người chúng con nên môn đệ của Chúa. Chúa không phân biệt sang hèn. Chúa không phân biệt giới tính hay màu da sắc tộc. Chúa quý trọng khả năng của từng người. Chúa đón nhận lòng tốt của mọi người. Xin cho chúng con cũng biết tôn trọng lẫn nhau. Biết nhìn nhận giá trị việc làm của tha nhân. Xin giúp chúng con biết sống hiệp nhất với nhau để cùng nhau xây dựng nước Chúa ngày một phát triển hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con biết yêu mến Chúa nồng nàn để chúng con biết góp sức mở mang nước Chúa, và yêu mến tha nhân như chính mình để chúng con luôn tôn trọng và đối xử tốt với nhau. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 24 thường niên

Lc 8,4-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã ở cùng chúng con luôn mãi qua bí tích Thánh Thể. Chúng con cảm tạ Chúa đã gieo vào cuộc đời chúng con biết bao tình thương và ân sủng của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa còn gieo vào tâm hồn chúng con sự sống phục sinh vĩnh cửu của Chúa. Chúng con xin cảm tạ và tri ân tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những sỏi đá, gai góc, nắng hạn trong cuộc đời chúng con. Tâm hồn chúng con còn những sỏi đá như ung nhọt đang làm băng hoại tâm hồn chúng con qua những mối tội đầu. Tâm hồn chúng con còn bị ràng buộc bởi biết bao những đam mê mù quáng, những hưởng thụ bất chính. Và cuộc đời chúng con còn những lối mòn của thói quen phạm tội, những bước chân lầm lạc đã dẫn chúng con xa rời tình thương của Chúa. Xin Chúa hãy mưa xuống hồng ân làm mới lại tâm hồn chúng con bằng ân sủng của Chúa. Xin giúp chúng con biết cải thiện đời mình như thuở đất tốt để hoa trái thánh thiện, công bình, bác ái được triển nở trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu, xin tình yêu Chúa hướng dẫn chúng con đi trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Amen
 
Giơ cao Thánh Giá
Jos. Tú Nạc, NMS
07:59 12/09/2009
The Exaltation of the Cross (Numbers 21: 4-9; Philippians 2: 6-11; John 3: 13-17)

Lift high the Cross,
The love of Christ proclaim
Till all the world adore His sacred name
.”

Bài thánh ca phổ biến này diễn tả tuyệt vời tình cảm của chúng ta vì hôm nay chúng ta kỷ niệm lễ mừng về sự hân hoan của Thánh Giá, cũng được biết đến như Suy Tôn thánh Giá hoặc đơn giản là Lễ mừng Thánh Giá. Chúng ta kỷ niệm lễ mừng quan trọng này với hai lý do: thứ nhất, để hồi tưởng một sự kiện lịch sử mà đã chứng minh là vô cùng quan trọng trong đời sống Ki-tô giáo; và thứ hai, là để nhấn mạnh về biểu tượng và thực tế của thập giá trong cuộc sống hằng ngày của mỗi Ki-tô hữu nam hay nữ.

Sự kiện quan trọng này, chúng ta hồi tưởng, là việc tìm thấy những di tích Thánh Giá vào năm 326 mà Chúa Giê-su bị đóng đinh. Theo Thánh John Chrysostom, Thánh Helen, mẹ của Hoàng đế Constantine mong mỏi tìm kiếm thập giá của Đức Ki-tô. Vì lý do này bà đã du hành tới Jerusalem nơi mà Bà đã tổ chức một cuộc đào bới tại đồi Calvery. Những người đào bới đã lộ ra ba thập giá gỗ. Họ không thể nói thập giá nào là của Chúa Giê-su và thập giá nào là của hai tên trộm. Cuối cùng, họ mang một người đàn bà bệnh tật và một người đàn ông đã chết người mà đã được đem đi mai táng. Ba cây thập giá này được lần lượt đặt trên người đàn bà đau ốm và người đàn ông đã chết. Hai trong những thập giá này đã không có kết quả, nhưng khi tiếp xúc với thập giá thứ ba, người đàn bà bệnh tật này đã được khỏi bệnh và người đàn ông đã chết kia đã trở lại với cuộc sống. Những chuyện kỳ diệu này đã được biểu lộ một cách rõ ràng thập giá nào trong ba là Thánh Giá.

Tin tức về việc phát hiện Thánh Giá thật đã nhanh chóng lan truyền và những tín đồ đã tập trung để tận mắt nhìn Thánh Giá thật và để tôn kính. Vị giáo trưởng Jerusalem, Makarios, đứng trên một bục cao đã giơ cao Thánh Giá “tôn vinh”, cho tất cả mọi người nhìn thấy. Dân chúng đã quì sụp xuống, cúi mình trước Thánh Giá và kêu khóc: “Lạy Chúa, đầy lòng nhân từ!” Sau đó Thánh Helen đã trao Thánh Giá cho một nhà thờ vào ngày 13 tháng Chín năm 335. Lễ mừng về việc tìm thấy và tôn vinh Thánh Giá được đề cử kỷ niệm hằng năm vào ngày sau đó – 14 tháng Chín. Nhà thờ đặc quyền tổ chức nghi lễ Holy Sepulchre ngày nay được coi là nơi thiêng liêng nhất trái đất bởi những người Ki-tô giáo của mọi giáo phái.

Ngày nay, dấu hiệu thập giá đã trở nên một biểu tượng Ki-tô giáo phổ biến. Khi người ta hắt hơi, người ta tự làn dấu Thánh Giá hoặc những vận động viên làm dấu Thánh Giá trước hoặc trong khi thi đấu, chúng ta nhận ngay ra họ là những Ki-tô hữu. Hôm nay, những thập giá trang sức trở nên “mode” thời trang với hình thức của những sợi dây chuyền, hoa tai, kim gài và tương tự. Hình ảnh chúa trên Thánh Giá (crucifix) giúp ta nhận biết đó là ngôi nhà thờ Ki-tô giáo. Tương tự, những hình Thánh Giá trong gia đình, trong nhà trường, lớp học là một bằng chứng trung thành, và là điều nhắc nhở đức tin của chúng ta trong Chúa Ki-tô người mà đã chết trên thập giá để đem lại tự do cho chúng ta. Tất cả những điều này là phương thức quan trọng và ích lợi của việc tuyên xưng và giơ cao thập giá của Chúa Ki-tô. Thập giá không chỉ là một miếng gỗ. Đó là một toát yếu biểu tượng của khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Đức Ki-tô bởi những điều mà chúng ta đã được cứu chuộc. Đó là biểu tượng của đức tin chúng ta trong con người đã bị chết vì đóng đinh và đã phục sinh, Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta.

Chúa Giê-su đã dạy chúng ta rằng thập giá là một hình ảnh kiên định trong đời sống hằng ngày của những môn đệ Người: “Nếu ai muốn trở thành môn đệ của ta hãy để họ khước từ bản thân và đón nhận thập giá hằng ngày và theo ta” (Luca 9: 23). Đón nhận thập giá bằng cách này chúng ta cần phải thực hiện nhiều hơn hãy đeo một hình Thánh Giá hoặc đặt Thánh Giá ở những nơi quanh ta. Giơ cao Thánh Giá còn là đường lối của Chúa Giê-su yêu cầu chúng thực hiện là lối sống của chúng ta. Để chấp nhận sự từ bỏ bản thân và dâng hiến như là phần của đời sống hằng ngày. Dâng hiến có nghĩa để từ bỏ điều gì đó là giá trị đối với chúng ta vì Thiên Chúa và sự tốt lành của hàng xóm chúng ta. Mặt khác, vì đó là tình yêu. Tình yêu được đo lường bằng sự dâng hiến. Những người mà yêu thương thật nhiều và dâng hiến thật nhiều. Vì dâng hiến không làm vho chúng ta bần cùng thiếu thốn mà càng trở nên phong phú. Đây là những gì mà chúng ta thấy trong Đức Ki-tô. Đây là những gì chúng ta tìm gặp trong đời sống của các thánh. Đây là những gì chúng ta được gọi mời. Chúng ta hôm nay, tất cả hãy kiên quyết:

Giơ cao Thánh Giá,
Tình yêu của Đức Ki-tô lên tiếng
Tất cả thế giới hãy tôn thờ Danh Thánh Người
.”
 
Năm Linh mục
Xuân Ly Băng
08:02 12/09/2009
NĂM LINH MỤC

Tạ ơn Chúa vô vàn
Đã ban Năm Linh Mục
Là thời gian đại phúc
Là thời điểm hồng ân
Chúa tuôn đổ vô ngần
Ân tình Trái Tim Chúa
Cho tín hữu mọi miền

Với linh mục cách riêng
Là thời cơ thích hợp
Chỉnh đốn đời sống mình
Rà soát lại lương tâm
Sửa sai điều lầm lỗi
Thanh luyện mình sáng tối
Nhờ cầu nguyện chuyên sâu
Trước Thánh Thể nhiệm mầu
Sống nội tâm tĩnh lặng
Để đồng hình đồng dạng
Với chính Chúa Giêsu
Là Mục Tử nhân từ
Hiền lành và khiêm nhượng
Khó nghèo trong cuộc sống
Trong sạch và đơn sơ
Bác ái thật vô tư
Sống đời thường phục vụ

Giáo hội còn khuyên nhủ
Giáo hữu ở khắp nơi
Phải tha thiết dâng lời
Nguyện cầu cho linh mục
Nguyện cầu cùng linh mục

Mong sao Năm Hồng Phúc
Thật dạt dào Thiên Ân
Mọi người được canh tân
Sống Phúc Âm trọn vẹn

Ngày 09/09/2009
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:41 12/09/2009
CON SÂU RÓM QUÁ XẤU

N2T


Có một con sâu róm đi qua trước mặt con trâu, con trâu la lớn: “Trời ạ, nó xấu quá”.

- “Không, nó rất đẹp”- Đấng tạo hóa nói.

- “Ngài thật cảm thấy nó rất đẹp ư?”- Con trâu nghi ngờ và chán ngán, nói tiếp: “Ngài coi, toàn thân nó toàn lông là lông, béo phệ ụt ịt, muốn tởm lợm bao nhiêu thì tởm lợm bấy nhiêu ”.

- “Bé con, con nhìn vẻ bên ngoài của nó, còn Ta nhìn vẻ bên trong của nó”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Tôi ghê nhất là con sâu, mà sâu róm lại càng rùng mình ghê hơn nữa, nếu có ai đem nó doạ tôi, thì tôi phải chạy xa mười mét, vậy mà nó sẽ trở thành “nàng bướm” đẹp không chê vào đâu được.

Có người khi nghe nhắc tới “chị em ta” thì khinh bỉ chịu không nỗi, nhất là các ông bà được gọi là đạo đức thánh thiện, trong đó cũng có các linh mục, bà xơ cũng “nhìn không nổi” các cô gái ấy. Nếu các linh mục có nghiên cứu qua môn xã hội học thì chắc là hiểu rõ tâm lý và hoàn cảnh của các cô gái ấy hơn, để giúp cho họ tìm một lối thoát trở về hội nhập với mọi người; nếu các bà xơ cũng bỏ đi ánh mắt nghiêm khắc mà đến với họ, thì dễ dàng giúp họ tìm lại phẩm giá của mình.

Chúa Giê-su không kết án ném đá người phụ nữ ngoại tình như các kinh sư và biệt phái, Ngài cũng chẳng tránh né khi cô Maria Magdala xức dầu thơm nơi chân Ngài. Và rồi Magdala đã trở lại với con đường thánh thiện, người phụ nữ ngoại tình cũng an lòng ra đi.

Chúa Giê-su cũng đã không ngần ngại đồng bàn dự tiệc với những người thu thuế, mà đối với những kinh sư, biệt phái, họ là những phường tội lỗi. Và hiệu quả thì như thế nào ? Gia-kêu lùn đã bồi thường thiệt hại gấp đôi cho những người bị ông làm khó dễ, Gia-kêu đã trở thành một con người hoàn lương.

Chúng ta thường nhìn vẻ bên ngoài để đánh giá cái giá trị bên trong tâm hồn của một con người.

Bên ngoài con sâu róm quả là tởm lợm, nhưng khi lột đi cái ghê cái tởm lợm ấy đi, thì nó biến thành con bướm đẹp tuyệt vời.

Maria Magdala đã lột bỏ cái vỏ đĩ điếm xấu xí, cô đã trở thành trợ tá đắc lực cho công việc tông đồ của Chúa

Một anh Gia-kêu lùn, một người trộm lành, một Magdala… đã trở thành những người hữu ích cho đời. Và một cô gái bán thân hôm nay, một em bé bụi đời hôm kia, cũng sẽ trở thành những người hữu ích cho xã hội, cho Giáo hội mai sau, nếu chúng ta –những người Ki-tô hữu được gọi là đạo đức hoặc may mắn- quên đi dáng xấu xí bên ngoài của họ, mà nhìn cái đẹp bên trong của những tâm hồn ấy.

Hãy tập nhìn mọi sự bằng cái nhìn yêu thương và tích cực của Thiên Chúa.

------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:42 12/09/2009
N2T


53. Khi người ta nhận được sự tán thưởng mà không sinh ra kiêu ngạo, thì lập tức đạt tới sự yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, mức độ hoàn mỹ không hề sợ hãi.

(Thánh Benedict)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:43 12/09/2009
N2T


225. Cuộc sống thì giống như một người cần phải đồng thời đọc xong mỗi trang sách.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha truyền chức 5 tân Giám Mục, trong đó có tân TGM Pietro Parolin
LM Trần Đức Anh, OP
10:13 12/09/2009
VATICAN -. Sáng 12-9-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo về Roma để truyền chức cho 5 GM tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong số 5 vị có Đức Ông Pietro Parolin, nguyên là thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, và đã từng hướng dẫn Phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam 7 lần, lần chót hồi tháng 2 năm nay. Ngài được bổ nhiệm làm TGM Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela. Ngoài ra có Đức Ông Gabriel Caccia, nguyên là Phó Phụ tá quốc vụ khanh, được bổ nhiệm làm TGM Sứ thần Tòa Thánh tại Liban. Ba vị khác là Đức TGM Franco Coppola tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Burundi, Đức cha Raffaello Martinelli, tân GM giáo phận Frascati phụ cận Roma, và sau cùng là Đức Cha Giorgio Corbellini, Chủ tịch Văn phòng lao động của Tòa Thánh. Cả 5 tân chức đều là người Italia và từ lâu phục vụ tại Tòa Thánh.

Hai vị phụ phong trong buổi lễ là ĐHY Tarcisio Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và ĐHY William Joseph Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin. Hiện diện tại buổi lễ có 18 HY, hơn 50 GM, đông đảo các nhà ngoại giao và lối 7 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, ĐTC đã dựa vào nghi thức truyền chức và các bài đọc để quảng diễn về sứ vụ Giám Mục như việc im lặng đặt tay trên đầu tiến chức và lời cầu nguyện thánh hiến, đặc biệt là trong khi lời nguyện truyền chức được xướng lên, sách Tin Mừng, sách Lời Chúa được mở ra trên đầu tiến chức. ĐTC nói: "Tin Mừng phải thấm nhập vào tiến chức, có thể nói Lời hằng sống của Chúa phải xâm chiếm tiến chức. Xét cho cùng, Tin Mừng không phải chỉ là lời nói - chính Chúa Kitô là Tin Mừng. Nhờ Lời Chúa, sự sống của Chúa Kitô phải xâm chiếm con người tiến chức, để họ hoàn toàn trở nên một với Chúa, để Chúa Kitô sống trong họ và mang lại hình thái và nội dung cho cuộc sống của tiến chức...”

Cũng trong bài giảng, sau khi nêu bật chức Tư Tế không phải là sự thống trị nhưng là phục vụ và thánh Phaolô đã nhắn nhủ các tín hữu thành Corinto: "Mỗi người hãy coi mình như tôi tớ của Chúa Kitô và là những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cor 4,1ss), ĐTC nhấn mạnh 3 đặc tính của người tôi tớ của Chúa:

- Trước tiên Chúa yêu cầu người tôi tớ phải trung thành... Giáo Hội không phải là Giáo Hội của chúng ta, nhưng là Giáo Hội của Thiên Chúa.. Người đầy tớ phải tường trình về cách thức mình quản lý thiện ích đã được ủy thác cho mình. Chúng ta không gắn chặt con người với chúng ta, chúng ta không tìm kiếm quyền bính, danh giá và sự quí chuộng cho chúng ta. Chúng ta dẫn đưa con người về cùng Chúa Giêsu Kitô.

- Đặc tính thứ hai: người tôi tớ phải khôn ngoan. Khôn ngoan ở đây không có nghĩa là xảo quyệt. Sự khôn ngoan đòi một lý trí khiêm tốn, có kỷ luật và tỉnh thức, không để mình bị chóa mắt vì những thành kiến: không phán đoán theo ước muốn và đam mê, nhưng tìm kiếm sự thực, kể cả sự thật gây khó chịu. Khôn ngoan có nghĩa là đặt mình tìm kiếm chân lý và hành động phù hợp với chân lý.

- Đặc tính thứ ba là tốt lành như Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn về người đầy tớ tốt lành và trung tín (Mt 25,21.23). ĐTC nói: ”Sự tốt lành gia tăng với sự kết hiệp nội tâm với Thiên Chúa hằng sống, nhất là nó đòi phải có một sự hiệp thông sinh động với Thiên CHúa, gia tăng kết hiệp nội tâm với Chúa.. Chúng ta trở nên tôi tớ tốt lành nhờ mối liên hệ sống động với CHúa Giêsu Kitô. Chỉ khi nào đời sống chúng ta diễn ra trong cuộc đối thoại với Chúa, chỉ khi nào bản chất và các đặc tính của Chúa thấu nhập vào trong và uốn nắn chúng ta, chúng ta mới có thể trở thành những đầy tớ thực sự tốt lành của Thiên Chúa”. (SD 12-9-2009)
 
Triển lãm về các nữ tu Công Giáo Hoa Kỳ
Trần Mạnh Trác
11:20 12/09/2009
Triển lãm về các nữ tu Công Giáo HK.

DALLAS - (Business Wire) -- Women & Spirit: Catholic Sisters in America (Phụ Nữ & Nghị Lực: Những Nữ Tu Công Giáo tại Hoa Kỳ) là một triển lãm kể lại muôn nghìn câu chuyện của những phụ nữ đầy óc sáng tạo đã đóng một vai trò tiên phong quan trọng trong việc hình thành phong cảnh xã hội và văn hóa Hoa Kỳ, sẽ được mở tại The Women`s Museum: An Institute for the Future, Dallas (Bảo tàng viện Phụ Nữ: Một học Viện cho tương lai, tại Dallas), từ ngày 25-9 cho tới Ngày 13 Tháng 12, 2009, trước khi di chuyển đến viện bảo tàng The Smithsonian và viện bảo tàng Ellis Island.

Women & Spirit là một dự án của The Leadership Conference of Women Religious (Hội đồng lãnh đạo của các nữ tu) (LCWR) cùng hợp tác với trung tâm bảo tàng Cincinnati, là nơi phối hợp kế hoạch triển lãm toàn quốc.

Đặt chân đến bờ biển nước Mỹ gần 300 năm trước đây, các nữ tu Công giáo đã xây dựng và điều hành các trường học, bệnh viện, trại mồ côi, trường cao đẳng, và các tổ chức xã hội khác và đã liên tục phục vụ hàng triệu người. Điều đáng chú ý là họ đã tạo ra những cơ chế lâu dài trong một thời gian mà phụ nữ có rất ít cơ hội nghề nghiệp, nếu gọi là có.

Nhửng di tích và băng dĩa đưa ra một cái nhìn mới về lịch sử nước Mỹ, trong đó có những câu chuyện đầy cảm hứng của các nữ tu tham gia việc phát minh ra lồng nuôi trẻ em đẻ non (incubators), xây dựng bệnh viện Mayo Clinic và lập ra chương trình cai rượu (Alcoholics Anonymous).

Trong những năm gần đây, LCWR đã làm việc với các dòng nữ tu để nghiên cứu và phân loại các di tích chưa biết đến trước đây, cũng như thâu thập những mẫu chuyện sinh động, những hình ảnh, và video từ nhiều thời điểm lịch sử kể từ thời Nội Chiến, Đại Suy Thoái, phong trào Dân quyền, cho tới cơn bão Katrina.

"Có ít người biết rằng những phụ nữ dũng cảm này đã đến đây để giúp đỡ những người khai hoang, những người di dân và những trẻ em để họ có cơ may hội nhập vào cơ cấu xã hội Mỹ ", Sơ Jane Burke, SSND Giám đốc điều hành LCWR tuyên bố.

"Thông qua cuộc triển lãm đặc biệt này, chúng ta được học vai trò thực sự của những nữ tu Công Giáo trong việc định cư và hình thành nước Mỹ. Những đóng góp to lớn của họ, chưa bao giờ được ghi trong sách sử, được đem ra ánh sáng trong cuộc triển lãm hấp dẫn này", bà Wanda Brice, Giám đốc điều hành The Women`s Museum, cho biết.

Nhà phân tích lão thành của CNN tại Vatican là John Allen ghi nhận,"Bộ triển lãm The Women & Spirit làm sống lại câu chuyện của các nữ tu tại Hoa Kỳ. Vượt qua tất cả các cảnh ngộ, những người phụ nữ rất là vô danh này đã thay đổi đất nước."

Chương trình triển lãm được thiết kế bởi Bob Weis của hãng Design Island và sản xuất bởi Seruto & Company.

Các địa điểm triển lãm kế tiếp và ngày tháng sẽ được công bố sau. Video và hình ảnh có sẵn tại www.womenandspirit.org
 
Đại loạn trong đảng Dân Chủ? rắc rối về dự luật cải tổ Y Tế
Trần Mạnh Trác
12:44 12/09/2009
Washington DC, ngày 11 tháng 9 2009 / 01:23 (CNA). - Dân biểu Dân Chủ phò sự sống Bart Stupak tuyên bố rằng ông có thể chặn đứng các đề xuất cải cách Y tế của đảng, trừ phi chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi (D-CA) cho phép một cuộc bỏ phiếu ghi thêm Tu Chính Án Hyde vào dự luật.

Tu chính án Hyde, đặt theo tên của cố dân biểu Henry Hyde (R-IL) cấm dùng tiền từ người đóng thuế để trả tiền phá thai. Dự luật Y tế hiện nay, HR 3200, đang bị phê phán vì có các biện pháp cho phép quỹ liên bang đi vòng qua tu chính án Hyde và đồng thời áp đặt bảo hiểm phải bao hàm việc phá thai.

DB Stupak của Michigan tuyên bố ông có tới 39 đồng minh Dân chủ có thể hợp lực với đảng Cộng hòa để ngăn chặn dự luật được đưa ra sàn, trừ phi các nhà lãnh đạo cho phép một cuộc bỏ phiếu tu chính án Hyde.

"Nếu bạn không cung cấp cho chúng tôi một cơ hội bỏ phiếu, mọi sự sẽ rớt", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CBN. Ông nói thêm rằng ông không muốn bất kỳ có một "chính sách đi cửa hậu" nào trên vấn đề phá thai.

DB Stupak giải thích rằng ông "rất thận trọng" về vấn đề này vì bất kỳ phụ lục nào của những người phò sự sống nhằm ngăn chặn phá thai đã bị từ chối hoặc phần văn từ bị làm loãng ra (watered down) bởi cơ cấu hành chính hiện tại.

"Chúng tôi muốn nhìn thấy ngôn ngữ [của các điều luật], chúng tôi muốn làm việc với các nhóm phò sự sống, chúng tôi muốn chắc chắn rằng chúng tôi đang làm đúng tất cả mọi thứ", ông nói với CBN.

Dự luật hiện tại là một "thay đổi quyết liệt " đi ngược với chính sách quốc gia trong quá khứ về việc tài trợ công cộng cho phá thai, DB Stupak nhận xét thêm rằng ông không muốn gây nguy hại cho "sự thánh thiêng của sự sống" kể từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc.

DB Stupak cũng nói rằng ông sẽ không bỏ phiếu cho dự luật chung kết, trừ phi ông đã xem xét kỹ lưỡng nó.
 
Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý - Nghệ Thuật Thực Hành Lectio Divina, Luôn Luôn Cũ mà Luôn Luôn Mới
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
18:59 12/09/2009
Câu nói của Thánh Augustinô thành Hippô “luôn luôn cũ mà luôn luôn mới” diễn tả việc người ta lại chú tâm đến phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh đang tái xuất hiện trong Hội Thánh ngày nay. Khắp nước, các nhóm học hỏi Thánh Kinh ở các Giáo Xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, và những nhóm chia sẻ Đức Tin khác đã tái khám phá ra một phương thức đơn giản nhưng sâu sắc để cùng nhau nghe và cảm nghiệm Lời Chúa qua hình thức cầu nguyện cổ xưa, là lectio divina.

“Việc đọc Lời Chúa mỗi Giờ.. . và việc đọc sách các giáo phụ và các bậc thầy linh đạo trong một số Giờ cho thấy rõ hơn ý nghĩa của mầu nhiệm đang cử hành, giúp thấu hiểu các Thánh Vịnh và dọn đường cho tĩnh nguyện. Như thế lectio divina, nghĩa là vừa đọc vừa suy niệm Lời Chúa để cầu nguyện, bắt nguồn từ việc cử hành Phụng Vụ.” (GLCG 1177)

“Việc suy niệm cần phải vận dụng tư tưởng, trí tưởng tượng, xúc cảm và ước muốn. Việc vận động các khả năng là điều cần thiết để đào sâu xác tín về Đức Tin của chúng ta, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Kitô. Các Kitô hữu cố gắng trên hết mọi sự là suy gẫm về các mầu nhiệm của Ðức Kitô như trong lectio divina hay kinh Mân Côi. Hình thức "miệng đọc lòng suy" này có giá trị rất lớn, nhưng kinh nguyện Kitô giáo còn phải vươn xa hơn nữa: vươn tới việc nhận biết tình yêu Chúa Giêsu và kết hiệp với Người.” (GLCG 2708).

Lectio divina là một hình thức suy niệm bắt nguồn từ việc cử hành Phụng Vụ được khởi đầu từ những cộng đồng tu viện sơ khai. Đó là phương pháp thực hành của các cha và các thầy dòng khi các ngài chuẩn bị cho Thánh Lễ và khi cầu nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh. Việc sử dụng phương pháp này được tiếp tục trong các dòng tu vào thời Trung Cổ như các dòng Bênêđictô và Carmêlô, là những dòng không những thực hành lectio divina hằng ngày mà còn truyền kho tàng này lại cho các thế hệ tương lai. Viêc thực hành lectio divina ngày nay lại tái xuất hiện như một cách tuyệt vời để suy niệm Lời Chúa.

Từ Latinh (Lectio Divina) có nghĩa gì?


Từ Latinh “lectio divina” có thể được dịch là “đọc điều thuộc về Thiên Chúa”. Lectio divina là một phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Khi một người đọc và mời Lời Chúa trở nên một lăng kính biến đổi có thể làm cho chúng ta chú tâm đến những biến cố của đời sống hằng ngày, người ấy có thể sống cách sâu xa hơn và dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa hơn trong những biến cố thường nhật. Phương pháp lectio divina được thực hành theo bốn bước: lectio (đọc), meditatio (suy niệm), contemplatio (chiêm niệm), và oratio (cầu nguyện).

“Lectio” hay “đọc” là bước đầu tiên trong tiến trình cầu nguyện. Các cha và thầy dòng thời sơ khai hiểu rằng thành quả của các ngài như những tu sĩ tùy thuộc vào sự đơn giản, kính cẩn, và mở lòng của các ngài ra với Chúa Thánh Thần là Đấng đưa “người đọc” đến gần Lời Thiên Chúa. Mục tiêu của việc đọc này là không đọc vội vàng cho hết vài chương Thánh Kinh. Người đọc, thay vì cố gắng đọc hết một phần lớn của Thánh Kinh, thì áp dụng một thái độ suy niệm đối với một đoạn Thánh Kinh ngắn, ngừng lại ở từng chữ hay cụm từ làm cho tâm trí họ rung động.

Việc “đọc đưa đến “bước thứ nhì”, được gọi là “meditatio”, có nghĩa là suy niệm, là bước mời gọi người ta suy niệm về điều vừa đọc. Các Cha, các thầy dòng ngày xưa cắt nghĩa tiến trình này là một sự suy nghĩ sâu xa, và chậm rãi về Lời Chúa mà người ta vừa đọc, một sự suy đi nghĩ lại, gần giống như cách con bò (nhai lại khi) ăn cỏ. Khi mà Lời Chúa được đọc trong bước này, tiến trình suy đi nghĩ lại dần dần kéo sự chú tâm của người suy niệm từ những quan tâm của trí khôn đến những quan tâm của tâm hồn.

Lời Chúa đánh động một người cách sâu xa hơn với bước thứ ba, mà người xưa gọi là “comtemplatio” hay “chiêm niệm”. Đặc tính của chiêm niệm là mở tâm hồn ra, nhờ đó người đọc cảm nghiệm được Thiên Chúa như Đấng cầu nguyện trong nội tâm, Đấng cho phép người đang chiêm niệm nhận biết Lời Chúa mà không cần lời hay hình ảnh. Nhờ ơn Chúa, contemplatio cho người ta một khả năng đặc biệt để liên kết những hiểu biết mới được khám phá ra với những kinh nghiệm hằng ngày trong đời sống, bằng một sự hứng khởi đến từ Lời Chúa, và nhờ ân sủng điều ấy có khả năng làm tươi mát tâm hồn và trí khôn.

Bước thứ tư và cuối cùng là “oratio”, có nghĩa là “cầu nguyện”, mời người ta đáp lại tiếng Thiên Chúa. Lời đáp trả này có tính cách đối thoại và có thể được hiểu như là “một cuộc đàm đạo giữa bằng hữu”, như Thánh Têrêxa Avila định nghĩa cầu nguyện. Người ta bỏ giờ ra để thưa với Chúa về điều vừa đọc, vừa nghe, hay vừa cảm nghiệm, hoặc về những thắc mắc nảy sinh tận vực thẳm của cuộc đời. Câu trả lời này có thể có khả năng đổi đời khi một người đón nhận những sự thúc đẩy của Lời Chúa đi đến chấp nhận tất cả những gì mà cuộc đời hiện thời đang có. Một người có thể tìm thấy Thiên Chúa trong những thăng trầm của cuộc đời, khi vui cũng như khi đau buồn, và trong những giây phút bình thường của cuộc sống hằng ngày.

Lectio Divina Phong Phú Hóa Đời Sống Giáo Xứ Thế Nào?


Trong Hội Thánh ngày nay, lectio divina có thể cung cấp một phương pháp đơn giản nhưng mãnh liệt để chia sẻ Đức Tin giữa các Kitô hữu trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Thí dụ, sơ Diane Simons, IHM, trưởng ban Giáo Lý (DRE) và phụ tá về mục vụ tại Giáo Xứ Annunciation ở Bellmawr, New Jersey, đón chào giáo dân của Giáo Xứ mỗi tối thứ tư.

Họ bỏ ra một tiếng đồng hồ để cầu nguyện, và kết thúc bằng một giai đoạn lectio divina dựa vào một trong những bài đọc của Chúa Nhật tới. Đó là thời gian linh thánh cho các giáo dân của Giáo Xứ, cả về tính cách cộng đồng lẫn cá nhân. Như một tham dự viên nói với sơ Simons rằng: “Đến ngày Chúa Nhật thì tôi đã quen thuộc với bài đọc. Tôi nghe Lời Chúa bằng tâm hồn tôi và tìm thấy ý nghĩa thâm sâu đối với Chúa Giêsu trong đời tôi”.

Sơ Rosemary Quigg, IHM, phục vụ tại Giáo Xứ Rose of Lima ở Miami, Florida, tổ chức một lớp học hỏi Thánh Kinh vào giữa tuần cho dân chúng thuộc nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Trong số các tham dự viên có những y tá vừa về nhà sau khi làm việc ca đêm, và các chiêu đãi viên hàng không trong ngày nghỉ. Các tham dự viên thực hành lectio divina trong khi suy niệm và chuẩn bị cho việc công bố Lời Chúa vào Thánh Lễ Chúa Nhật tới. Có lần sơ Quigg nghe thấy một tham dự viên nói: “Đây là điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm ở đây”.

Lectio Divina có Dành Cho Giáo Lý Viên không?


Khoảng thời gian của đầu thiên niên mới, tôi có dịp họp với các vị lãnh đạo về Giáo Lý của 11 Giáo Phận khắp nơi trong nước. Chúng tôi đã tham dự những khoá hội thảo một tuần lễ mỗi mùa hè tại một đại học Công Giáo khác nhau. Được tuyển chọn như những Học Giả Quốc Gia về Giáo Lý, chúng tôi được Hội Giáo Dục Công Giáo Quốc Gia (National Catholic Educational Associatiom [NAEA]) và những nhà xuất bản các tài liệu Giáo Lý lớn bảo trợ. Mỗi người trong chúng tôi phải theo đuổi một dự án Giáo Lý dưới sự lãnh đạo của ông Robert Colbert, giám đốc văn phòng tôn giáo của NCEA.

Trong những khóa này, một đồng nghiệp, sơ Finnuola Quinn, OP, đã thảo ra một dự án cho các Giáo Lý viên trong Giáo Phận của sơ ở Louisiana, trong đó họ dùng lectio divina để cổ võ việc hiểu biết trong cầu nguyện về những đề tài công lý được tìm thấy trong các bài đọc trong Thánh Lễ của năm Phụng Vụ. Khi các Giáo Lý viên thực hành lectio divina, sơ Quinn hy vọng rằng họ sẽ đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về quan niệm công lý như được bày tỏ trong các bài đọc thánh. Không cần phải nói, sơ Quinn đã trở lại vào mùa hè năm sau với những câu chuyện tuyệt vời về các Giáo Lý viên và lectio divina.

Trong Giáo Phận Camden, New Jersey, nơi mà tôi thường phục vụ như huấn luyện viên Giáo Lý, các khoá đào luyện Giáo Lý viên luôn luôn bao gồm lectio divina. “Việc “đọc Lời Thiên Chúa” này cung cấp cho chúng tôi nhiều phương pháp mà các Giáo Lý viên có thể dùng trong Giáo Xứ đối với những người mà họ dạy Giáo Lý, dù là những người phục vụ trong các trường Công Giáo hay trong chương trình giáo dục của Giáo Xứ.

Các Giáo Lý viên có thể tìm thấy rằng lectio divina nâng đỡ họ khi họ đảm nhận thừa tác vụ dạy Lời Chúa. Khi các Giáo Lý viên cầu nguyện bằng Thánh Kinh qua lectio divina, việc thực hành thường xuyên của họ không những đặt nền móng cho việc chia sẻ Đức Tin chân chính, mà còn phục vụ như một tài nguyên giúp cộng đồng chú tâm đến giáo huấn của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các Sách Tin Mừng. Lectio divina liên hệ với sứ vụ Phúc Âm hóa của các Giáo Lý viên, cũng là sứ vụ truyền giáo của Tin Mừng, sứ vụ của Chúa Giêsu.

Một Cách Đơn Giản để Thực Hành Lectio Divina


Khi các Giáo Lý viên và các thây cô các trường Công Giáo họp lại để soạn thảo chương trình hay trong những buổi họp thầy cô, họ có thể dành thì giờ ra để cầu nguyện bằng lectio divina. Trong một khung cảnh yên tĩnh, họ có thể bắt đầu bằng cầu nguyện trước khi bắt tay vào nhưng công việc của buổi họp. Bài đọc được chọn có thể là bài Tin Mừng của Chúa Nhật Giáo Lý 2009 (Chúa Nhật Thứ 25 Thường Niên), Marcô 9:30-37. Trước hết đọc lớn tiếng đoạn Thánh Kinh. Sau một vài giây phút thinh lặng để suy niệm, đọc lại cùng bản văn Thánh Kinh ấy. Sau khi đọc và nghe lần thứ hai, mỗi người trong những người họp lại được mời để nói lên một chữ hay một câu mà họ nghe được trong bài đọc. Mỗi người nói lên một câu, như là “Người đang dạy các môn đệ” hay “Con Người sẽ sống lại” hoặc “đón nhận một đứa trẻ như đứa trẻ này” hay “làm đầy tớ mọi người.” Tất cả mọi người có mặt nói lên những lời hay những câu đã đánh động họ hay họ đã nghe cách mới mẻ mà không chú thích hay cắt nghĩa gì cả.

Sau đó, đọc lại bài này cho cả nhóm lần thứ ba, cũng kèm theo bằng một thời gian ngắn để suy niệm. Bây giờ các Giáo Lý viên được mời chia sẻ bất cứ phần nào của bài đọc mà họ cảm thấy có ý nghĩa, giáo hóa, và đào luyện. Thêm vào việc nhắc lại những lời của Tin Mừng, các cá nhân có thể nói về đời sống gia đình, đưa ra những cái nhìn Giáo Lý về năm tới, hoặc nhắc lại “sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa họ” (x. Mt 18:20). Khi mọi người bắt đầu chia sẻ điều họ đã nghe trong bài đọc và lắng nghe những tư tưởng của nhau, một mối liên hệ thiêng liêng có thể bắt đầu được hình thành, và mối dây này có thể giúp mỗi Giáo Lý viên đào sâu sự liên hệ với Thiên Chúa, là Đấng hiện diện giữa cộng đoàn đang tụ họp.

Ở thời điểm này của buổi họp, trong lòng các Giáo Lý viên có thể nảy ra những câu hỏi khác: Chúa muốn nói gì với chúng ta qua Lời Ngài? Bài đọc này nói riêng với tôi điều gì? Điều đó có ý nghĩa gì đối với các Giáo Lý viên tụ họp nơi đây, hay cho toàn thể Giáo Xứ? Lời Chúa có thực sự hoạt động như “thanh gươm hai lưỡi” (DT 4:12) không? Nó có cắt tâm hồn không? Lời Chúa giúp chúng ta thay đổi tâm hồn thế nào? Làm sao để chúng ta chuyển sứ điệp này của Thiên Chúa vào đời sống chúng ta tuần này cách êm ái và biết ơn?

Khi một người trở thành quen thuộc với lectio divina, người ấy có thể thích ứng phương pháp này để dùng với bất cứ nhóm nào trong Giáo Xứ, dù là nhóm trẻ, các thừa tác viên hoặc các vị cao niên. Lectio divina có thể trở nên một hình thức cầu nguyện hữu dụng cho mỗi giai đoạn của việc đào luyện Đức tin xuốt đời.

Sơ Antoine Lawlor, IHM, DMin.

Trong Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2009 của HĐGMHK
 
Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý - Chia Sẻ Lời Chúa trong Gia Đình
Phaolô Phạm Xuân Khôi
19:29 12/09/2009
Gia đình nào cũng có những kho tàng quý giá. Có những kho tàng được chưng bày nơi phòng khách để mọi người chiêm ngắm. Có những kho tàng bị cất kỹ vì sợ trộm cắp. Đồng thời cũng có những kho tàng người ta hoàn toàn quên mất. Vậy kho tàng quý giá nhất của gia đình bạn là gì? Gia đình bạn tỏ ra hân hoan và hãnh diện với kho tàng ấy ra sao?

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng “Phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa để bàn tiệc lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, số 51). Là người Công Giáo, chúng ta có thật sự coi Thánh Kinh là một kho tàng, một bàn tiệc đặc biệt, mà gia đình chúng ta tụ tập chung quanh mỗi ngày không? Cuốn Thánh Kinh gia đình có phải là một bảo vật quý giá nhất trong gia đình chúng ta không? Khi bàn đến những phương pháp thực tiễn để chia sẻ Lời Chúa trong gia đình, có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng cuốn Thánh Kinh gia đình, dù được chưng bày nơi phòng khách hay nằm lâu ngày trên một kệ sách, vẫn là một kho tàng tinh thần quý giá nhất trong một gia đình Công Giáo.

Một Lời Sống Động và Linh Nghiệm


Tác giả Thư Do Thái viết: “Quả thật, Lời Thiên Chúa sống động, linh nghiệm và sắc bén hơn gươm hai lưỡi, xuyên qua giữa linh hồn và thần trí; gân và tủy, và có thể phân biệt các toan tính và suy tư của lòng người” (DT 4:12). Lời Chúa thì “sống động và linh nghiệm” bởi vì, theo sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo [GLCG], chúng ta đón nhận Lời ấy “không phải như lời loài người, ‘mà như thực sự là Lời của Thiên Chúa’” (GLCG, số 104, trích 1 Thes 2;13).

Nhưng làm thế nào để Lời Chúa trở nên “sống động và linh nghiệm” trong nhà chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong những quan hệ nghề nghiệp và xã hội của chúng ta? Dưới đây là một ít phương pháp thực tiễn để làm cho kho tàng Thánh Kinh trở thành bàn tiệc mà ở đó gia đình chúng ta được nuôi dưỡng và củng cố để sống đời Kitô hữu.

Đọc, Suy Niệm và Canh Tân


Chúng ta nên bắt đầu mở Lời Chúa ra trong gia đình bằng cách dành một số thì giờ mỗi tuần để đọc một đoạn Thánh Kinh ngắn, có thể là Bài Tin Mừng Chúa Nhật. Vì thì giờ eo hẹp và làm việc phụ trội, dành thì giờ của gia đình ra để đọc Thánh Kinh nhắc nhở cho chúng ta sự cần thiết của việc đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi sự. Việc tụ họp chung quanh bàn tiệc Lời Chúa phong phú hóa và củng cố kinh nghiệm về gia đình như một “Hội Thánh tại gia”.

Nên chọn một nơi thoải mái và yên tĩnh, tránh xa những đồ vật làm chúng ta chia trí như máy truyền hình và tiếng reo của điện thoại. Đọc lớn tiếng đoạn Thánh Kinh rồi để cho các phần tử của gia đình có thì giờ suy niệm và cùng nhau chia sẻ ý nghĩa của đoạn Thánh Kinh ấy. Bởi vì Thánh Kinh là “Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (GLCG, số 81, DV 9), thì giờ gia đình bạn dành để đọc Thánh Kinh này đem gia đình bạn đến sự hiệp thông với Thiên Chúa. Hãy nhắc nhở cho mọi người tụ họp lại biết rằng việc làm này trong gia đình đưa họ đến một cuộc gặp gỡ sống động với Đức Kitô, là Đấng hiện diện giữa họ như Lời Chúa.

Những Nguồn Tài Liệu Thực Tiễn


Tuy nhiên phải cẩn trọng khi giải thích Thánh Kinh. Muốn giải thích Thánh Kinh, chúng ta phải học hỏi về Thánh Kinh và các giáo huấn của Hội Thánh về Thánh Kinh. Trong những năm gần đây có nhiều tài liệu học hỏi Thánh Kinh Công Giáo bằng tiếng Anh hơn. Nếu bạn biết tiếng Anh, hãy chọn một tài liệu dễ đọc và thích hợp với tuổi của các trẻ em trong gia đình. Tiếc rằng chúng ta không co nhiều tài liệu bằng tiếng Việt Nam, nhưng gần đây cũng có nhiều trang web Công Giáo chuyên về Thánh Kinh như trang Lời Nhập Thể (http://loinhapthe.com/), và các trang web của Ủy Ban Thánh Kinh Việt Nam (http://www.kinhthanhvn.org/home.jhtml?locale=vi), VietCatholic.netGiaoly.org cùng nhiều websites khác. Hãy dùng những tài liệu này như học cụ, chứ đừng dùng để thay thế cho việc đọc chính Lời Chúa trong Thánh Kinh. Không tài liệu nào, dù có được viết hay ho đến đâu đi nữa, mà có thể thay thế cho việc đọc lời Chúa.

Nếu dùng Thánh kinh tiếng Anh thì nên dùng New American Bible, nếu dùng tiếng Việt thì hiện nay chỉ có bộ Thánh Kinh của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ, tuy chưa hoàn hảo, nhưng dễ đọc hơn. Bộ sách của Cha Nguyễn Thế Thuấn thì hơi khó hiểu đối với giáo dân. Chúng ta hy vọng một ngày nào đó sẽ có bản dịch Thánh Kinh chính thức của Giáo Hội Việt Nam. Tuy bản dịch New American Bible không viết cho trẻ em, nhưng được dùng trong Thánh Lễ tại Hoa Kỳ cho nên chúng ta nên giúp các em làm quen với bản dịch này. Sự liên hệ giữa New American Bible và Phụng Vụ là điều quan trọng trong việc giúp các trẻ em thêm xác quyết về Đức Tin của Hội Thánh: nó làm cho các em thấy sự liên hệ giữa những điều được công bố và nghe trong Phụng Vụ cùng những gì các em đọc ở nhà.

Các phụ huynh có con em nhỏ được khuyến khích đem và tủ sách nhi đồng của gia đình nhiều câu truyện hay phim ảnh được trích từ Thánh Kinh, đồng thời nên bỏ thì giờ ra đọc và thảo luận về những ý nghĩa của những câu truyện thánh này tùy theo trình độ khác nhau. Khi các trẻ em, với khả nang tự nhiên để kinh sợ và kinh ngạc, thắc mắc về những câu truyện trong Thánh Kinh, chúng ta có thể hướng dẫn cho các em thấy sự liên hệ giữa câu truyện và đời sống các em cùng gia đình các em với chính câu truyện cứu độ. Các truyện và các nhân vật trong Thánh Kinh tỏ lộ những sự yếu đuối và tình trạng tội lỗi của con người có thể cho chúng ta những dịp để thảo luận, tùy theo lứa tuổi, những thực trạng của đời sống con người trong ánh sáng của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Dùng Thánh Kinh mà Cầu Nguyện với Hội Thánh


Các gia đình cũng có thể đọc Thánh Kinh trong giờ cầu nguyện chung của gia đình. Phụng Vụ Giờ Kinh có nội dung Thánh Kinh và gây hứng khởi từ đầu đến cuối. Cho nên khi cầu nguyện bằng Phụng Vụ Giờ Kinh trong gia đình, dù là Kinh Sáng hay Kinh Chiều, gia đình bạn tham dự vào lời cầu nguyện chung và phổ quát của Hội Thánh. Một lần nữa, có một số tài liệu có thể dùng để đơn giản hóa và dễ dàng cầu nguyện bằng Kinh Sáng hay Kinh Chiều. Bạn có thể tải các kinh nguyện bằng Tiếng Anh từ:

http://www.ebreviary.com/ hoặc

http://www.universalis.com/today.htm.

Bạn cũng có thể tải các Kinh Nguyện bằng tiếng Việt từ:

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/giokinh/giokinh1.htm hoặc

http://www.lavang.co.uk/PhungVu/GKPV.htm

Một cách thực tiễn khác để giúp bạn mở Lời Chúa tại gia là qua việc thực hành lectio divina. Phương pháp thực hành cổ kính của Kitô giáo được phục hồi trong thời đại chúng ta. Phương pháp này được Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa 2008 khuyến khích vá cũng được ĐTC Bênêđictô XVI nhấn mạnh nhiều lần. Qua một số bước - đọc, suy niệm, chiêm niệm, và cầu nguyện – lectio divina làm cho Lời Chúa sinh hoa kết trái thiêng liêng cách dồi dào trong đời sống các tín hữu. Gia đình bạn cũng sẽ cảm nghiệm được sự sung mãn của Lời Chúa bằng cách áp dụng phương pháp suy niệm và đọc Lời Chúa trong cầu nguyện này tại nhà. Có nhiều tài liệu về lectio divina mà quý bạn có thể đọc thêm. Trong bài Cách dùng Thánh Kinh trong việc Dạy Giáo Lý và Cầu Nguyện (http://giaoly.org/vn/modules.php?name= News&op=viewst&sid=644) chúng tôi có giải thích những bước khác nhau trong lectio divina. Trong bài về “Nghệ Thuật Thực Hành Lectio Divina, Luôn Luôn Cũ mà Luôn Luôn Mới” (http://vietcatholic.net/News/Html/71105.htm) chúng ta đã bàn chi tiết về phương pháp này.

Một nguồn để cầu nguyện bằng Thánh Kinh mà chúng ta thường không để ý đến là một số những Kinh Nguyện Công Giáo khác nhau như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, và Tràng Hạt Mân Côi. Những Kinh Nguyện này được bắt nguồn từ Thánh Kinh, có thể giúp gia đình chiêm niệm sự khôn ngoan của Thánh Kinh và đời sống của Chúa Giêsu theo các sách Tin Mừng.

Sau cùng, một cách thực tiễn để làm cho Thánh Kinh nên sống động là trao cho các phần tử trong gia đình nhiệm vụ thu thập những hình ảnh nghệ thuật nói lên hay diễn tả những đề tài Thánh Kinh của một câu Thánh Kinh đặc biệt nào đó. Hãy dùng những bức tranh, những pho tượng, các cửa kính vẽ màu, hay một bản nhạc làm điểm quy chiếu để suy niệm Lời Thiên Chúa như lời này mặc lấy hình ảnh nghệ thuật trong truyền thống Kitô giáo.

Từ Nghe đến Sống Lời Chúa


Đời sống của các thánh chứa đầy những gương sáng của những người thánh thiện nam cũng như nữ đã chuyển Lời Chúa từ lời nói sang hành động trong đời các ngài. Thực ra, người ta có thể nói rằng đời sống của một vị thánh giống như một quyển sách chú giải Thánh Kinh. Các thánh nổi bật vì khả năng và ân sủng đặc biệt để trở thành những người không những nghe Lời Chúa mà còn thực hành Lời Chúa (x. Gc 1:22). Trong các nhân đức Tin, Cậy, Mến của các thánh, Lời Chúa được ghi chép trên những trang Thánh Kinh được trở nên sống động trong cuốn sách của đời sống các ngài.

Điển hình là trường hợp Thánh Augustinô, Giám Mục và Tiến Sĩ Hội Thánh, và câu chuyện trở lại thời danh của ngài. Ở chương 12 trong cuốn thứ 8 của bộ sách Tư Thú của ngài, Thánh Augustinô kể lại khúc quanh của đời ngài khi ngài tuôn lệ chiến đấu với quá khứ cá nhân và trí thức của ngài. Trong khi ngồi trong một công viên, ngài đã nghe tíếng một em bé hát đi hát lại, “Hãy cầm lấy nó đọc, hãy cầm lấy nó mà đọc”. Khi ngài quay lại cầm lấy cuốn Thánh Kinh mà ngài vừa bỏ xuống vài phút trước đó, ngài đã đọc một đọan văn của Thánh Phaolô kêu gọi ngài từ bỏ cách sống mà ngài đã sống trước kia. Ngài viết tiếp: “Tôi không còn muốn đọc thêm và cũng không cần đọc thêm nữa. Trong giây lát, khi tôi đọc đến cuối câu, hình như ánh sáng tự tin tràn ngập lòng tôi và tất cả mọi tối tăm của sự nghi ngờ đã bị đẩy lui” (Tự Thú, bản dịch của R.S. Oine-Coffin [London: Pengun Books, 1961] tr. 177-178). Cuộc đời còn lại và công việc của Thánh Augustinô được dùng để sống ý nghĩa của Lời Thiên Chúa.

Nuôi Gia Đình Bạn bằng Lương Thực Nuôi Linh Hồn


Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy rằng ít người Công Giáo tự mình đọc Thánh Kinh hay đọc như một gia đình. Nhưng còn chỗ nào tốt hơn để gặp gỡ con người Đức Chúa Giêsu Kitô bằng nơi Lời Chúa? Như Thánh Giêrônimô đã ghi nhận, “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”.

Hội Thánh luôn mời gọi chúng ta trở về với Lời Chúa. Bởi vì khi chúng ta cầu nguyện bằng Thánh Kinh, dù cá nhân hay trong gia đình, cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa hằng sống không phải chỉ là một cuộc tập dượt bằng trí thức nhưng là một bữa tiệc đầy bổ dưỡng tinh thần. Trong khi chúng ta tìm cách chia sẻ Lời Chúa trong các gia đình, chúng ta sẽ cảm nghiệm trực tiếp điều mà Công Đồng Vaticanô II có ý nói đến trong Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải (Dei Verbum) khi viết rằng “Trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái Ngài và ngỏ lời với họ. Đó là sức mạnh và quyền năng của Lời Chúa có thể nâng đỡ và tăng cường sinh lực cho Hội Thánh, cùng ban sức mạnh Đức Tin cho con cái Hội Thánh, là lương thực cho linh hồn, mạch sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho họ” (DV số 21).

------------------------

Viết phỏng theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2009 của HĐGMHK.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thông báo về kì nghỉ tĩnh dưỡng của Đức Tổng giám mục Hà Nội
LM Gioan Lê Trọng Cung
07:25 12/09/2009
Tòa tổng giám mục Hà Nội

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2009

Kính gửi Quý cha, Quý Nam Nữ Tu sĩ nam nữ cùng tất cả anh chị em,

Trong những ngày vừa qua, Giáo tỉnh Hà Nội liên tiếp có những ngày lễ trọng đại:
Ngày 8/9/2009: Tấn phong Giám Mục tại Phát Diệm
Ngày 9/9/2009: Thánh lễ Tạ ơn, khởi đầu sứ vụ Mục tử của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ tại Thái Bình
Cùng ngày 9/9/2009: Thánh lễ An táng Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, nguyên Giám Mục Phụ Tá Hà Nội.

Sau những ngày lễ lớn, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã đi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tại Nhà Dòng Châu Sơn, Phát Diệm. Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội báo tin để Quý Cha, Quý Nam Nữ Tu sĩ, cùng anh chị em Giáo hữu hiệp ý cầu nguyện cho ngài.

Chánh văn phòng
Tòa tổng giám mục Hà Nội
 
Học chạy hay học bơi?
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
07:30 12/09/2009
Người ta nói rằng đối với học sinh nước ngoài, bài học thể dục đầu tiên khi đến trường là bài học bơi. Còn ở Việt Nam lại là bài học chạy. Lúc nhỏ chạy quen rồi nên lớn lên chạy đủ thứ: nào là chạy trường, chạy điểm, chạy lớp; lớn lên nữa thì chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền. Khi phạm tội bị bắt thì chạy án, chạy tội, v.v... Kính thưa các loại chạy!!!

Thử hỏi ở Việt Nam chúng ta hiện nay có được bao nhiêu trường học đưa môn bơi lội vào chương trình thể dục ? Đành rằng để có môn bơi lội, cần có hồ bơi, mà muốn có hồ bơi phải có kinh phí. Nhưng chẳng lẽ xây một hồ bơi mini lại nằm ngoài khả năng của các trường hay sao ? Đáng tiếc là khi qui hoạch thiết kế xây dựng các trường học, không hề có chỗ cho các hồ bơi.

Nhớ hồi còn học phổ thông, những môn thể dục “trường kỳ kháng chiến” là chạy, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ... Toàn là những môn “trời ơi”. Gọi là những môn “trời ơi” vì khi ra trường rồi, chẳng thấy em nào vác tạ đi đẩy để tập thể dục, hay nhảy cao nhảy xa để rèn thể lực bao giờ cả. Hoạ may thì còn môn cầu lông, bóng chuyền, bóng đá. Gần đây, nghe đâu hơn 140 em học sinh ở quận Sơn Trà, Quãng Nam còn được học làm quen với môn chơi golf nữa. Nghe mà ngứa lỗ tai. Đa số học sinh Việt Nam là con nhà nghèo, thuộc diện hai lúa ba lúa, vậy mà được cho đi học thú tiêu khiển của các đại gia và con nhà quí tộc, thì quả nhiên chỉ ở Việt Nam mới có. Thế mới oách cơ chứ ! Trong khi một trong những môn học thiết thực là môn bơi lội thì không hề thấy trong chương trình.

Hậu quả là mỗi năm dịp hè về lại cúng cho Thuỷ thần Hà bá mấy chục sinh mạng non trẻ oan khiên (thực tế con số có thể cao hơn vì ở các khu du lịch biển, người ta không dám đưa tin do sợ mất khách !?). Và cũng báo hại mỗi lần những người có trách nhiệm dẫn các em đi picnic, dã ngoại hay đi tắm biển đều thấp thỏm lo âu vì sợ tai hoạ đổ trên đầu mình. Con cái người ta thường là con một, con cầu con khẩn. Có mệnh hệ gì thì mình lãnh đủ.

Khi đến Việt Nam, du khách nước ngoài cứ ngỡ Việt Nam là một “cường quốc về bơi lội” vì nhìn đâu họ cũng thấy nước, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, sông rạch chằng chịt; còn ở các thành phố lớn chỉ cần một trận mưa to, đường xá thành sông. Vả lại một đất nước nhỏ bé nhưng có đến hơn 3000km bờ biển, vậy mà tỉ lệ học sinh biết bơi thì hỡi ôi! Một đoàn học sinh 50 em ra biển Mũi Né, được hỏi em nào biết bơi, thì có đến 49 em lắc đầu. Một tốp huynh trưởng 30 em được hỏi ai không biết lội, 28 em đồng loạt đưa tay. Làm sao những người đưa các em đi không ngại không ngán được!

Thiết nghĩ, trước sự thật phủ phàng này, ngành giáo dục phải chịu một phần trách nhiệm.
 
Phát Diệm, bề dầy lịch sử
LM Phêrô Hồng Phúc
08:01 12/09/2009
PHÁT DIỆM, BỀ DÀY LỊCH SỬ
Kỷ niệm lễ tấn phong Giám mục 8.9.2009

Hơn thế kỷ năm xưa Phát Diệm
Còn là nơi mặt biển mênh mông
Ngày đêm gió nổi sóng gầm,
Không trung én lượn, biển trầm cá bơi.
Nay Phát Diệm nơi nơi đổi khác
Các công trình rải rác đó đây.
Đền thờ, Thánh thất dựng xây,
Phố phường đông đúc, tự đây an hoà.
Và đặc biệt nguy nga tráng lệ
Là công trình tài nghệ, tinh vi
Thánh đường Phát Diệm còn ghi
Kỹ năng điêu khắc kém gì thiên nhiên.
Một hồ lớn mặt tiền án ngữ
Bốn bề xây còn giữ nguyên tuyền.
Giêsu tượng Chúa dịu hiền
Dang tay như đón con chiên mọi miền.
Bốn cổng lớn tiếp liền hồ lớn
Dẫn người xem tới chốn “Bồng lai”
Phương Đình bằng đá đẹp thay
Hai bên song trúc như ai hoạ vào!
Một sập lớn khác nào đánh bóng
Đặt giữa Đình có móng xây cao
Quả chuông mới quý làm sao
Nặng gần hai tấn, tiếng cao ngất trời.
Còn nhớ mãi cuộc đời Cụ Sáu
Lưu Thánh đường con cháu mai sau
Công ơn thế kỷ đượm màu
Mộ ngài còn đó - phía sau Phương toà.
Rồi tiếp đến là Nhà Thờ lớn
Đại Giáo Đường giữa chốn “Bồng lai”
Bẩy mươi tư mét chiều dài
Ngang hai mốt mét với hai chái thềm
Lối kiến trúc theo nền mỹ thuật
Thanh bình mà nổi bật uy phong.
Hai gian Cung thánh chạm bong
Thiếp vàng rực rỡ, hoa văn uốn mềm.
Cũng nên kể bốn Đền Thờ cạnh
Phản ánh nguồn sức mạnh tài năng
Cha ông ta đã tạo thành
Càng thêm tô điểm đại danh Giáo đường.
Còn một chốn lạ thường hơn nữa
Như sinh ra ở giữa “Chốn tiên”
Ngôi Nhà thờ đá nguyên tuyền
Tựa hồ như một khối liền tạo nên.
Lại còn cả Sơn viên “Lộ Đức”
Hang “Giáng sinh” rất mực nên thơ.
Cỏ cây, hoa lá phất phơ
Càng tăng cảnh núi, Đền thờ đẹp thêm.
Một vài nét kể tên sơ lược
Mới phần nào tả được nét chung
Còn bao chi tiết lạ lùng
Làm sao tả hết được từng mỹ quan.
Đây Phát Diệm khang trang là thế
Giầu trữ tình, đượm ý non sông
Đặc thù kiến trúc Á Đông
Thoả lòng du khách xa gần viếng thăm.
Nay đã trên trăm năm kỷ niệm
Dáng Nhà thờ Phát Diệm hiên ngang
Vẫn luôn vang vọng cung đàn
Lời kinh sớm tối nhẹ nhàng êm vui.
Trăm năm trải ngọt bùi lịch sử
Ngôi Nhà thờ tuần tự in sâu:
Việt Nam Giám Mục khởi đầu
Nhận Toà Phát Diệm hoàn cầu biết tên.
Kể từ đó lễ truyền Chức Thánh
Linh mục đoàn nhận lãnh ơn riêng
Tấn phong Giám mục bản quyền
Nhà thờ thấm đượm ơn thiêng Chúa Trời.
Bao Tín hữu ra đời từ đó
Phép Rửa là ngọn gió tái sinh
Bảy nguồn Bí Tích cực linh
Tình yêu Thánh Thể hiến mình không ngơi.
Năm một chín hai mươi tám (1928) kể
Có Đại hội Thánh Thể diễn ra
Niềm vui toả khắp gần xa
Đẹp như Phát Diệm, xứng là Việt Nam!
Năm Giám mục đang nằm Cung thánh
Một Pháp và bốn đấng Việt Nam
Tựa như bằng chứng nói rằng:
Đông, Tây, Kim, Cổ hợp thành đất thiêng.
Những sự kiện gắn liền lịch sử
Có hồng ân, có thử thách nhiều.
Nhà thờ biết mấy thân yêu
Bị bom tàn phá đổ xiêu trong ngoài.
Năm một chín bẩy hai (1972) ghi khắc
Năm đau thương nước mắt chan hoà
Mái gian Cung thánh tung ra
Loạt bom khoét sát, rải qua bờ hồ.
Nhìn toàn bộ cơ đồ chao đảo
Đức Cha Bùi Chu Tạo lệ rơi
Hoang tàn, đổ nát ai ơi
Trên đài tiếng Việt giọng Người nghẹn đi.
Được sửa chữa - vừa khi có phép
Giáo dân về dọn dẹp khẩn trương.
Hố bom sâu hoắm vết thương
Nhưng lòng Tin Mến sâu hơn cảnh sầu.
Quăng viên đá khởi đầu xuống hố,
Đức Cha xin ơn Chúa hoàn thành.
Hố bom lấp lại thật nhanh
Phục hồi, tái tạo chính bằng niềm tin.
Càng gian khổ càng thêm bền sức
Càng đau thương nhân đức càng nhiều.
Mỗi viên đá thấm tình yêu
Quên ăn, mất ngủ bao nhiêu con người.
Từng viên đá như cười trong nắng
Lợp kín dần Cung thánh đau thương.
Ghi ơn Cụ Sáu Thánh đường
Đức Cha phát Diệm công ơn bảo tồn.
Thiên niên kỷ tràn tuôn ơn thánh
Ngài ra đi nhận lãnh triều thiên.
Tám năm nay lại nối liền
“ĐỊA LINH NHÂN KIỆT” bản quyền địa phương.
Đức cha mới quê hương Phát Diệm
Đất thiêng nay trang điểm hiền tài,
Trăm năm Phát Diệm trải dài
Chúa cho tỏa sáng, tay Ngài dẫn đưa.
 
Sinh viên Công giáo Nông nghiệp Hà nội thăm trại phong Chí Linh
SVCG Nông Nghiệp
11:52 12/09/2009
HÀ NỘI - Phải chăng trong chúng ta đã có ai từng một lần đến hay gặp gỡ với các cụ, các ông, các bà và với những người anh em không may mắn bằng chúng ta. Họ là người mắc bệnh phong.

Thật ngẹn ngào và xúc động với biết bao cảm xúc tràn về trong tôi. Xuất phát từ lòng can đảm và sự chân thành tôi đã nhìn thẳng vào ánh mắt tràn đầy nỗi niềm của những con người sống trong mảnh đất đầy cỏ cây hoa lá đó, nhưng mảnh đất đó vẫn bị coi như mảnh đất nơi “sa mạc” hay chăng thì cũng chỉ là mảnh đất nơi “hải đảo” kia. Có lẽ rằng, nếu bạn không muốn nhìn trại phong Chí Linh với ánh mắt đó nữa thì hãy thử một lần bước chân tới đó và cảm nhận.

Nếu bạn phải trả lời câu hỏi: “ cháu đến trại phong, đến đây với chúng ta là những người bị bệnh phải cách ly và bị mọi người kỳ thị và xa lánh, cháu có sợ không? ” bạn sẽ trả lời sao đây? Tôi tin chắc rằng: nếu bạn chưa một lần đến trại phong để được gặp gỡ, tiếp xúc với họ hay bạn chưa từng một lần tìm hiểu về căn bệnh đó, thì thật xót xa cho câu trả lời đầy cay nghiệt về số phận của những con người nơi đó như: cũng có những người bạn của tôi đã trả lời rằng: đó là căn bệnh lây lan, truyền nhiễm và thật sợ hãy nếu như phải gặp những người mắc căn bệnh đó, những con người mà tay chân của họ chẳng còn hình dạng gì nữa. Đúng là những người bị mắc bệnh phong thì tay chân của họ sẽ phải mang tật hơn thế nữa thì có thể tay chân của họ sẽ bị mất đi. Nhưng điều quan trọng tôi phải khẳng định với bạn rằng: Đó là căn bệnh không bị lây lan. Có thể bố mẹ bị nhưng con cái của họ thì không hề bị làm sao cả.

Nếu như bạn đã có dịp đến với trại phong Chí Linh thì chắc rằng trong bạn có rất nhiều tâm trạng bởi những nụ cười rạng ngời chất chứa đầy lòng khao khát tình thương yêu từ những người xung quanh của những em nhỏ hay của các cụ ông, cụ bà nơi đó trong buổi giao lưu ở hội trường rất ngắn ngủi nhưng đầy tình thân đó.

Kết thúc giờ giao lưu trong hội trường nhóm sinh viên chúng tôi đã chia nhau ra đi tới phòng của các cụ để chia sẻ và tâm sự với các cụ. Chính qua sự thăm viếng này mà chúng tôi có cơ hội nhìn thực tế tới cuộc sống đầy khó khăn và bần cùng của những con người sống nơi đây. Họ sống dường như là để cho qua những ngày tháng không biết đến bến bờ của hạnh phúc.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng chúng tôi là những người được may mắn hơn họ rất nhiều khi nhìn thấy những khổ đau mà các bệnh nhân nơi đây đang phải gánh chịu.

Nhân đây chúng tôi cũng muốn mời các bạn trẻ và các sinh viên khác củng tham dự với chúng tôi tôi để cảm nhận được niềm vui khi được chia sẻ. Những người bênh nhân phong họ không mong chờ vào sự bố thí hay sự thương hại của các chúng ta, nhưng họ luôn chờ đợi nơi chúng ta một vòng tay nhân ái biết đón nhận họ. Và chỉ một việc đơn giản đó thôi cũng đã làm đem lại hạnh phúc cho biết bao con người trong cuộc sống này và nhất là những bệnh nhân phong của chúng ta. Chúng ta hãy trở thành những bác sĩ đáng yêu để có thể chữa lành vết thương lòng cho họ. Với tình yêu thương bao la Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Nguyện xin Chúa luôn nâng đỡ và chở che cho những người không may mắn bị mắc bệnh phong đó.

Xin Chúa dắt dìu chúng con đi trong tình Ngài để chúng biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm với những người anh em không may mắn bằng chúng con.
 
Hành Hương Theo Bước Chân Thầy (5)
Vũ Văn An
20:09 12/09/2009
Giêrusalem về đêm

Cử hành thánh lễ tại Nhà Thờ Chúa Chiên Lành xong, chúng tôi từ giã Giêricô, lên đường đi Giêrusalem. Đây mới đúng là lên Đền. Giêricô nằm ở một thế đất dưới mặt biển 260 mét, trong khi Giêrusalem nằm trên một thế đất cao hơn mặt biển tới gần 600 mét. Độ cao như thế cách nhau gần một kilô mét, trong khi đường dài cách nhau chỉ khoảng 27 kilô mét. Không lạ gì, khi bình luận đoạn phúc âm Thánh Luca (10: 29-37) nói về người Samaritanô nhân hậu, đến chỗ “tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy”, vị tuyên úy của cộng đoàn tôi cho rằng: không hẳn là đi xuống mà là lao xuống, lao xuống như bay, nếu đi xe (mà các vị tư tế thì đi xe là cái chắc, đâu có đi lừa như anh chàng quê mùa xứ Samaria!) vì từ Giêrusalem mà xuống Giêricô, đường rất giốc. Chắc vị tuyên úy của tôi muốn giảm khinh cho thầy tư tế này chăng, vì lao xuống như bay thì làm sao thắng kịp, thôi tránh qua bên kia mà đi cho rồi!

Chúng tôi đi theo chiều ngược với thầy tư tế, nhưng cho dù xe chở chúng tôi không phóng như bay, có gặp người mắc nạn dọc đường, chúng tôi cũng bắt chước thầy mà thẳng đường, chứ không cần “tránh qua bên kia” mà tới Giêrusalem. Thầy tư tế nghĩ bổn phận của thầy chỉ là việc phụng sự ở Đền Thờ. Hết việc phụng sự ấy là hết bổn phận. Chúng tôi phải lên Đền, chú mục của chúng tôi lúc này là lên Đền, mong sao cho chóng tới lúc được thấy Đền.

May mắn, đường không xa lắm, chỉ một loáng, đã thấy bảng chỉ đường mang tên Giêrusalem, một tên mà từ tấm bé, chúng tôi từng được nghe nhắc tới, lúc thì đủ âm đủ vần như trên, lúc thì đọc tắt Gia Liêm nghe cho có vẻ địa danh Việt Nam. Thực thế, không thành phố nào được người khắp thế giới biết tới ngay từ hồi tấm bé bằng Giêrusalem. Nó được Thánh Kinh nhắc tới 632 lần, trong đó, Tân Ước nhắc tới 145 lần, với đủ âm sắc của thất tình: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố,dục. Lần đầu tiên, nó được nhắc tới dưới tên tắt Salem là trong trình thuật Menkixêđê, vị quân vương kiêm tư tế, chúc phúc cho tổ phụ Ápraham (St 14: 18-20). Dưới tên đầy đủ, nó được nhắc tới lần đầu trong sách Giôsuê 10:1 khi nhắc tới Ađôni Xeđéc, vua Giêrusalem, được tin Giôsuê chiếm thành Ai… Lần chót, nó được nhắc tới là trong Khải Huyền 21:10 “Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống”. Cả ba hình ảnh khởi đầu và kết thúc ấy về Giêrusalem đều là điềm rất tốt cho chuyến hành hương đầy mong đợi của chúng tôi. Có điều tự thân nó, Giêrusalem là một thành phố có thân phận thật long đong. Theo từ nguyên, nó vốn có nghĩa là hòa bình, hoà hợp, toàn bộ. Mà thực tế, nó là hiện thân của chiến tranh, của mâu thuẫn, tranh chấp, chia rẽ dọc dài từ ngày hiện hữu. Nó từng bị hủy diệt hai lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần và bị chiếm đóng và chiếm lại 44 lần.

Có lúc, như dưới triều Hoàng Đế Hadrian của La Mã (thế kỷ thứ hai công nguyên), nó đã bị đổi tên thành Aelia Capitolina mà dân Israel bị ngăn cấm không được lai vãng, tới tận thế kỷ thứ 7. Và ngày nay, dù nằm trọn dưới quyền kiểm soát của Nhà Nước Israel, nó vẫn là miếng mồi tranh chấp chưa biết sẽ ngả ngũ ra sao, giữa hai thẩm quyền Israel và Palestine.

Giêrusalem nhìn từ Đường Chúa Vinh Hiển Vào Thành
Rồi những ngọn đồi với những toà nhà bám vào sườn đầy cây dần dần xuất hiện, tạo nên một cảm giác nhẹ nhõm cho đôi mắt sau khi cứ phải nhìn mãi một mầu đất sa mạc độc điệu. Nhìn qua tay phải, khách hành hương đã thấy thung lũng toàn một mầu xanh phân chia Núi Cây Dầu với Thành Thánh đúng nghĩa. Nhìn lên, đã thấy tường thành cũ và mái vòm vàng ươm lóng lánh dưới ánh mặt trời của Đá Tảng (Dome of The Rock). Khí hậu mát mẻ của Giêrusalem thật tương phản với Giêricô. Chúng tôi vội vàng làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn The Olive Tree trên đường St George, tắm rửa, ăn cơm chiều xong, là vội đi thăm Giêrusalem về đêm.

Giêrusalem là thành phố quốc tế, nên sinh hoạt về đêm của nó hết sức đa dạng, nhiều mặt. Nhưng mặt quan trọng nhất của nó vẫn là tôn giáo và là mặt được cha tuyên úy Mai Văn Kính quan tâm và được đại đa số chúng tôi biểu đồng tình. Dù sao, sau khi chiếm được Giêrusalem của người Giơvút, việc đầu tiên Vua Đavít làm là rước Hòm Bia Thiên Chúa về đó. Và kể từ ngày đó, Giêrusalem trở thành Thành Thánh của Thiên Chúa. Dù ngày nay, người theo chủ thuyết Sion (Zionism) có bất cần sự kiện và ý nghĩa lịch sử ấy, và chỉ dựa vào lực lượng và thực tế chính trị để giải quyết các vấn đề của Giêrusalem nói riêng và của cả Israel nói chung ra sao thì ra, nhưng giải pháp có thực phải bao gồm mặt tôn giáo này. Do đó, trạm đầu tiên trong cuộc tham quan Giêrusalem về đêm của chúng tôi là nhà thờ chính tòa St George của Giáo Hội Anh Giáo, toạ lạc tại đường Nablus, khá gần với khách sạn nơi chúng tôi cư ngụ. Trái với dự đoán, nhà thờ này đã được xây dựng theo lối tân Gô-tích vào cuối thế kỷ 19 và là tòa của Giám Mục Giêrusalem thuộc Giáo Hội Anh Giáo miền Giêrusalem và Trung Đông. Nhà thờ khá lớn, đứng từ khách sạn The Olive Tree, đó là nhà thờ dễ nhìn thấy nhất. Không biết số giáo dân Anh Giáo tới đây tham dự các buổi phụng vụ có đông không, nhưng người quản thủ là một người Palestine theo Công Giáo La Mã. Anh ta khá ngạc nhiên khi nghe tại Việt Nam, số người Công Giáo lên đến hơn 7 triệu. Bỏ nhà thờ St George, chúng tôi tiếp tục hướng về phía Cổ Thành, băng qua nhiều nhà trọ nổi tiếng như YMCA. Điều ngạc nhiên là Tòa Tổng Lãnh Sự của Mỹ cũng nằm tại khu vực này mà không cần kín cổng cao tường cũng như lực lượng an ninh cùng khắp như Sài Gòn thuở nào. Vấn đề an ninh trên đất Israel không như báo chí và truyền thông quốc tế tô vẽ.

Rồi tường thành Giêrusalem sừng sững xuất hiện dưới màn trời đêm, lúc chúng tôi băng qua một số sạp hàng bán lẻ của người Palestine. Mùi thịt nướng thơm
Tường Thành Giêrusalem nhìn từ Nhà Thờ Hấp HỐi
phức khiến nhớ tới Sài Gòn và những quán ăn cùng khắp. Cổng Đamát đen ngòm nằm dưới kia, người qua lại khá đông. Chúng tôi tiếp tục đi trên vỉa hè đường Sultan Sulaiman để tới cổng Hêrốt đang sửa chữa. Băng qua đường, chúng tôi đi dọc theo thung lũng Kít-rôn chìm lỉm trong một mầu đen thăm thẳm, nơi Chúa Giêsu và các môn đệ thường băng qua để tới Vườn Diệtsimani. Băng qua cây cầu trên đường Lion, chúng tôi tới nhà thờ Các Dân Tộc mà tên chính thức gọi là Nhà Thờ Hấp Hối. Lúc ấy nhà thờ đã đóng cổng và cửa, nên chúng tôi chỉ biết đứng ngoài chụp hình và cố mở to hai mắt để đọc những hàng chữ viết bên dưới một bức bích họa vẽ cảnh Chúa hấp hối một mình: “sustinete hic et vigilate mecum” (anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy, Mt 26:38). Trời Giêrusalem về đêm khá lạnh, nhưng chúng tôi vẫn nán lại trước Nhà Thờ Hấp Hối một lúc.

Quay lưng lại nhà thờ, chúng tôi thấy thấp thoáng những ngôi mộ của Nghĩa Trang Hồi Giáo và bức tường Cổ Thành. Mái Vòm của Đền Thờ Đá Tảng chìm hẳn vào bóng đêm. Xe cộ không nhiều, thỉnh thoảng dăm, ba chiếc chạy vượt qua. Chúng tôi theo đường Lion, tiến qua Cổng Sư Tử, vào hẳn trong Cổ Thành. Đi bộ ngoài đường phố, chỉ có đoàn chúng tôi giữa trời đêm xe lạnh của Giêrusalem. Nhưng bên trong Cổ Thành, nhất là từ chỗ bắt đầu Đường Thánh Giá, người Palestine vẫn sinh hoạt tấp nập. Cũng một con đường, ở ngoài tường thành là Lion, mà bên trong mang tên Mujahidin, nơi có nhà Đức Mẹ Sinh Ra và nhà thờ Thánh Anna, thân mẫu của Ngài. Nối dài chính là nơi bắt đầu Đường Thánh Giá (Via Dolorosa) với nhà thờ Đánh Đòn. Đường khá hẹp, lát đá gồ ghề, hai bên là những tòa nhà và ngôi nhà liền nhau với tường gần như được xây bằng cùng một loại đá giống nhau. Bộ hành và xe cộ đủ loại cùng chia sẻ một mặt đường nhỏ hẹp ấy.

Cuộc tham quan đêm nay mang tính thăm dò, nên chúng tôi chỉ đi một phần của Đường Thánh Giá, để sau đó, rẽ vào đường Al-Wad, nơi có nhiều cửa hàng sầm uất, bán đủ mọi mặt hàng, nhưng phần lớn vẫn là đồ kỷ niệm. Người đi lại ở chỗ này đông hơn ở khúc Đường Thánh Giá và cũng chính tại đây, chúng tôi được thấy sự hiện diện của 2 binh sĩ Do Thái với súng ống và trang bị đầy đủ. Họ từ chối không đứng chụp hình chung với chúng tôi, nhưng chỉ hai nhân viên bán quân sự đang từ phía Đường Thánh Giá bước tới và cho hay: chúng tôi có thể chụp hình chung với hai người đó. Hai nhân viên bán quân sự này chỉ đeo sơ sài một dùi cui bên hông, đầu không đội nón, và trang phục rất gọn nhẹ. Cũng tại đây, chúng tôi được chứng kiến phong cách một người “tôn giáo” Do Thái với phẩm phục toàn đen, kể cả nón rộng vành, đi thật nhanh để băng qua Al-Wad giữa rừng người mà chúng tôi đoán không thuộc cùng chủng tộc với ông ta, hay ít nhất, cũng không “thánh” như giòng giống ông ta. Ông ta cố gắng hết sức để không đụng vào ai và dùng chiếc nón rộng vành của mình che một bên mặt, không biết để người ở một bên Al-Wad không nhìn thấy ông ta, hay để ông ta khỏi phải nhìn họ. Hình ảnh này khiến chúng tôi nghĩ tới người Biệt Phái và học lý khắc nghiệt của họ về sự thánh, nơi thánh và người thánh. Không ngờ mấy ngàn năm, học lý khắc nghiệt ấy vẫn còn sống nguyên vẹn.

Đường Al-Wad dẫn thẳng ra Cổng Đamát, từ đó, chúng tôi băng qua Đường Sultan Sulaiman và rẽ vào Đường Nablus để về lại khách sạn.Cuộc đi bộ về đêm không giúp học hỏi bao nhiêu, chỉ là khúc dạo đầu cho những ngày sắp tới. Nhìn lại tường thành sừng sững, tôi nhớ lời nhận xét của Morton về các bức tường nói chung của cổ thành Giêrusalem. Ông bảo: có những bức tường như bức tường ở Andalusia, miền Nam Tây Ban Nha, dựng lên làm rào cản đối với những đôi tình nhân. Lại có những bức tường như bức tường ở Tuscany, được dựng lên để ngừa những tên sát nhân. Và cũng có những bức tường như bức tường của Hampton Court Palace, Anh Quốc, được dựng lên để kẻ thường dân không thấy những vui chơi phè phỡn của giai cấp qúy tộc. Nhưng các bức tường của Cổ Thành Giêrusalem quả chẳng giống bức tường nào ông từng gặp. Chúng có dáng dấp lấm lét (furtiveness) nào đó phát sinh từ tâm trạng sợ sệt và bất an. Chúng khá cao, rêu phong và đắm chìm trong thời gian. Các cửa của chúng như được xây cho kẻ lùn… Hàng thế kỷ nghi ngờ và bách hại… đã đúc nên một nét khiếp sợ của gái đồng trinh (a virginal terror) lên các tường thành Giêrusalem, gần như thể mỗi người gõ chuông, mỗi người gõ cổng đều là một tên khiếp dâm bàn thờ. Mọi vẻ đẹp đều được dấu kín phía sau những bức tường ấy. Thực thế, tường nào xem ra cũng xấu xí một cách cố tình, dường như để đánh lừa kẻ cướp và nhìn vào chúng, người ta nhớ tới các nữ tu thánh thiện ngày nào từng xẻ mặt xẻ mũi để bảo toàn đức hạnh khi quân cướp mọi rợ tấn công thành lũy cuối cùng của Đế Quốc Rôma…

Dù sao, đi ngang qua Cổ Thành, Morton thấy có cái gì tù túng. Những lối đi lù mù, những bức tường cao và trơ trụi, và những toà nhà hỗn tạp dựng lên để vinh danh Thiên Chúa, được bó gọn chặt chẽ với nhau bằng một tường thành thật cao. Bước tường thành, vốn là áo giáp và thuẫn đỡ cho thành phố trong những lúc nguy biến, vẫn tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm trí người ta và bạn nhận ra điều này từng giây từng phút trong ngày. Ở bên trong bức tường, bạn thấy rõ vòng ôm trọn vẹn của nó, và nếu ở bên ngoài bức tường ấy, bạn sẽ thấy nó dùng đôi tay đá mầu nâu ôm trọn lấy thành phố như thể không cho nó thấy thế giới hiện đại.

Bảng chỉ dẫn bằng ba thứ tiếng
Các nhận xét vào đầu thế kỷ 20 ấy phần nào đã lỗi thời. Sau nhiều đợt cải tiến, mầu sắc của Giêrusalem ngày nay đã ra khác nhiều. Tuy nhiên, mầu sắc dù có thay đổi, kích thước và lối sắp xếp của Cổ Thành Giêrualem hầu như vẫn nguyên vẹn và vì thế, nhiều cảm nhận của Morton hình như vẫn còn giá trị. Bảo tồn dáng dấp xưa, nhất là đối với một thành phố có chiều dầy hơn 5,000 năm như Giêrusalem, vẫn phải là một ưu tiên. Hơn nữa, lịch sử nhiều khi chỉ là một lặp lại những gì từng xẩy ra nhiều năm trước đó. Nhìn tấm bảng trên đường Nablus chỉ lối vào Vườn Mộ (Garden’s Tomb), người ta đọc được ba thứ tiếng khác nhau: tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập và tiếng Anh. Mọi tấm bảng chỉ dẫn trong thành phố Giêrusalem, và theo nguyên tắc, trên lãnh thổ Do Thái, đều theo cùng một nguyên tắc ba thứ tiếng ấy, theo thứ tự trên hay theo thứ tự ngược lại. Tuy nhiên, không ở đâu nguyên tắc này được tuân giữ bằng ở Giêrusalem. Nguyên tắc này có từ thời nước Anh được Hội Quốc Liên ủy quyền cai trị vùng đất gọi là Palestine sau Thế Chiến I (tháng Sáu năm 1922), nghĩa là sau khi Tướng Edmund Allenby của Anh bước qua Cổng Jaffa ngày 11 tháng Mười Hai năm 1917, chiếm lại Cổ Thành Giêrusalem khỏi tay Đế Quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông vốn được coi là nhà chinh phục Kitô Giáo đầu tiên, sau Thập Tự Quân, tiến vào Thành Thánh. Theo điều 23 của bản Ủy Quyền Palestine trên đây, “Tiếng Anh, tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái phải là ba ngôn ngữ chính thức của Palestine”. Điều ấy chỉ là một lặp lại chính sách của Cổ La Mã, lúc họ cai trị Palestine thời Chúa Giêsu. Thực thế, Tổng Trấn Philatô từng dùng ba thứ tiếng La Tinh, Hy Lạp và Do Thái viết lên tấm bảng đóng vào thập giá của Người: Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Lễ giỗ đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
LM. Nguyễn Thanh Liêm
15:10 12/09/2009
Thông báo:



Kính thưa quý Cha, Phó Tế, Tu Sĩ và ông bà anh chị em,



Ngày 16 tháng 9 năm 2009 tới đây là Giỗ 7 năm cùa Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.



Kính xin quý Cha, Phó Tế, Tu Sĩ cùng quý ông bà anh chị em hiệp thông với nhau cầu nguyện với và cho Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê thân yêu của chúng ta.



Xin cầu nguyện để tiến trình Phong Thánh cho ngài đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.



Các Lễ Giỗ được khuyến khích tổ chức các nơi theo hoàn cảnh và điều kiện ở địa phương cho phép.



Xin gởi những bài viết, hình ảnh, video về địa chỉ: ldcgvn@gmail. com để sẽ được đưa lên website: liendoanconggiao. net.



Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Báo cáo về buổi lượng giá kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ
Võ Thị Khoái
21:03 12/09/2009
Báo cáo về buổi lượng giá kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ

Tên trẻ em: N.L. D
Ngày sinh; 06.11.2005= 3 tuổi 8 tháng 22 ngày

Ngày lượng giá: 28.07.2009= 45 tháng
Người thực hiện: Võ Thị Khoái
Thời gian thực hiện: 8g30 đến 9g 37p
Địa điểm: Phòng Lượng Giá trẻ em


Tổng số điểm: 24đ
Tuổi phát triển: 14 – 16tháng
Tuổi trung bình: 15 tháng

IQ= 33
Chưa xác định tay chủ lực, sử dụng cả 2 tay
Mắt chưa hợp tác
Chân chưa hợp tác

Nhận xét:

I.Về khả năng bắt chước:

- D biết chơi cúc cù, kéo khăn che mặt cô, bắt tay cô khi cô đưa tay. Có phản ứng nhìn cô, tỏ thai độ vui khi cô bắt chước chạy theo Duy.
- Chưa tự rung chuông khi cô yêu cầu, chưa bấm được chuông mà chỉ sờ.chưa bắt chước tiếng mèo kêu..

II.Nhận thức giác quan:

- Nhìn theo bọt xà phòng, đưa mắt nhìn bọt xà phòng di chuyển nhưng chưa biết thồi. Có nghe tiếng chuông nhưng bất động không phản ứng
- Lắp ráp đúng chỗ, kết ráp hình nào vào khuôn nấy 3 hình vuông tròn tam giác. Lắp ráp 4 đồ vật có hình thể khác nhau chính xác.
- Chưa xếp được theo màu sắc, chưa nhìn vào sách có hình..

III. Vận động tinh

- Tham gia thả rơi khối vào trụ, phối hợp cả hai tay để làm việc nhưng chưa tham gia xâu hạt, chưa cầm thanh gỗ nhỏ khi yêu cầu..Chưa hợp tác làm những mục tiêu khác

V Phối hợp mắt tay

- Lắp ráp đúng 3 hình với 3 kích cở khác nhau chính xác không cần thử sai. Kể cả lắp ráp 4 đồ vật có hình thể khác nhau chính xác. Do trong dụng cụ Pep thiếu một hình, D biết chạy lại rổ chứa dụng cụ tìm hình con gà thiếu! Chồng các dĩa tách
- Chưa hợp tác cầm bút vẽ nguệch ngoạc..

VI. Tư duy

Biết cho khi xin, tìm vật được dấu, tiên liệu được những điều quen
.Chưa chỉ các phần thân thể khi yêu cầu, chưa phân biệt được hai đồ vật khác nhau..

VII Kỹ năng ngôn ngữ

D biết thể hiện nhu cầu xin giúp đỡ bằng cách mượn tay người khác.
Chưa có ngôn ngữ diễn đạt, bi bô khi vui thích. .


HÀNH VI RỐI LOẠN

1. Quan hệ

-Có quan hệ hợp tác nhưng không đồng bộ.
Nhìn thoáng người quan hệ
- Thiếu quan hệ tiếp xúc, xem như người trước mặt không có mặt, thoảng hoạt có làm cử chỉ xin
- Thét la chống đối một cách rõ rà khi bực bội,

2./ Lãnh vực ý thích ý thức về mình- Phản ứng với vật liệu sử dụng

- Chú ý mong manh như một trẻ nhỏ, Khẳng định tính chủ thể một cách mạnh mẽ (uy quyền)
- Khó tìm động cơ thúc đẩy, dững dưng với những vật dụng sách, hột hạt…
- Ít lưu tâm chú ý đến các dụng cụ
- Lăng xăng khó ổn định, tập trung.
- Bực bội chống đối khi được yêu cầu

3./ Giác quan

Nhìn thẳng vật dụng, nhìn vật bình thường
Thính giác: tỏ ra lơ đảng không phản ứng cách nhạy bén với âm thanh
Xúc giác bình thường chạm tay vào đất sét làm theo ý thích, chua thực hiện theo yêu cầu
Chạy đi chạy lại trên ghế nhiều lần khi không muốn hợp tác.

4./ Ngôn ngữ.

Bi bo như trẻ nhỏ khi vui thích, khi chạy tới lui.
Chưa có ngôn ngữ diễn đạt.trao đổi.
Không có hiện tượng điệp khúc, hay lặp đi lặp lại

Hành vi cụ thể
- Bùng nổ nhiều lần trong giờ lượng giá ( 3 lần) Muốn thoát ra ngoài, chạy đến cửa, khi không muốn hợp tác
- Lật đổ bàn ghế khi bưc bội,
- Yêu cầu cô đến ngồi trên ghế, ngồi vào lòng cô, nắm tóc cô,
Giựt mắt kính cô
- Rất uy quyền, đậy cốc nước vào miệng cô, bắt cô uống nước còn lại sau khi em đã uống !

Mục tiêu hàng đầu: Giao tiếp – Tâm vận động – vui chơi …Thời gian 3 tháng
 
Văn Hóa
Phát Diệm ơi! Yêu thương mấy cho vừa!
Đinh văn Tiến Hùng
15:01 12/09/2009
Nhớ làm sao những tháng năm dịu ngọt,
Thương làm sao những năm tháng Quê xưa,
Phát Diệm ơi ! Yêu thương mấy cho vừa,
Hồn thơ cũ tìm về bao kỷ niệm !

Đây Kim Sơn đất tân bồi Phát Diệm,
Đất doanh điền Nguyễn công Trứ khổ công,
Đây Thánh Đường mang đậm nét Phương Đông,
Kỳ công do bàn tay Cha Trần Lục.
Hạt giống Phúc Âm nhiều đời hun đúc,
Bao Vị Anh hùng Tử Đạo hiên ngang,
Tô thắm đẹp trang Giáo sử vẻ vang,
Cùng xây đắp Niềm tin cho Giáo Hội.
Ngôi Giáo đường vang hồi chuông mời gọi
Mái Phương Đình lộng gíó mát chiều hôm,
Cuốn bước chân, nâng nhẹ bổng tâm hồn,
Đi theo mẹ buổi kinh chiều êm ả.
Nhưng Tháng Hoa là vui hơn tất cả,
Hoa muôn màu tung cánh nhẹ rơi rơi,
Chiêng trống rền vang giục giã từng hồi,
Rước kiệu Mẹ vòng quanh ao hồ rộng.
Tượng Chúa Làm Vua giữa trời gió lộng,
Giang cánh tay che chở cả đoàn chiên,
Tràn ngập thương yêu,chan chứa dịu hiền,
Hồng ân Chúa lung linh soi bóng nước.
Những Giáng Sinh đẹp trong mơ ngày trước,
Đêm muôn màu vào Lễ Hội Hoa Đăng,
Rợp trời sao toả ánh sáng Cung Hằng,
Lòng ngây ngất mừng Hài Nhi Giáng Thế.
Nhà Hội Quán Chúa Nhật tham dự Lễ,
Ngàn học sinh Trần Lục rất nghiêm trang,
Hồn trắng trong theo khúc nhạc ca vang,
Đại Nhạc Kịch ‘ Mi-Sa ‘ nơi Hí viện.
Tuổi học trò đáng yêu đầy kỷ niệm,
Bỗng một ngày bày ma quỉ lộng hành,
Gieo tang thương phá huỷ cả tuổi xanh,
Tôi ngậm ngùi xa Quê từ ngày ấy.
Nơi xứ người nhớ Quê xưa biết mấy,
Nhưng hôm nay bỗng rạo rực con tim,
Hồi sinh Sức sống,mãnh liệt Niềm tin,
Với Vị Chủ Chăn “ Hiệp Thông & Phục Vụ “
Giáo Đường reo vang hồi chuông qui tụ,
Gọi Đàn Chiên nô nức từ muôn phương,
Rừng cờ bay,biểu ngữ ngập tràn đường,
Ngày Đại Hội Mừng Kỷ Nguyên Hy Vọng.

Lòng nao nức lại dâng tràn sức sống,
Yêu làm sao những năm tháng Quê xưa,
Phát Diệm ơi ! Thương nhớ mấy cho vừa,
Dâng Kinh nguyện An Bình cho Giáo Phận.

(Người con viễn xứ Phát Diệm
mừng Giáo Phận Phát Diệm có Vị Chủ Chăn Mới:
Giám Mục Giuse Nguyễn Năng)