Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa
(Ga 3, 13-17)
Phụng vụ Giáo hội hàng năm, dành ngày 14 tháng 9 để mời gọi con cái mình cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu với niềm vui vì được ơn cứu độ. Ngày này, Thánh Giá được trình bày không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để những người tin vào Chúa Giêsu tự hào và không có khóc lóc.
Cử Hành Với Niềm Vui
Thánh Giá, một khí cụ man rợ và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại người Do thái dùng làm hình khổ để đóng đanh Chúa Giêsu, nhưng Người đã biến nó thành phương thế để cứu độ thế gian. Từ đó, Thánh Giá trở nên Niềm Hy Vọng độc nhất trong Vinh Quang toàn thắng của Đức Kitô, ban tặng cho con ngươi hồng ân tha thứ và mọi phúc lành. Vì thế, “chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta” (Ca nhập lễ).
Điều này được phản ánh trong các bài đọc. Thánh Phaolô coi Thánh Giá là động lực lớn lao để “tán dương” Chúa Giêsu: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 8-11). Còn theo thánh Gioan thì Thánh Giá như là khí cụ để cứu độ con người: “Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3, 14). Nên hôm nay Giáo hội cử hành lễ suy tôn Thánh Giá với niềm vui vì được ơn cứu độ.
Nhìn ngắm Thánh Giá, chúng ta sẽ khám phá ra câu chuyện của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại nói chung và cách riêng mỗi người chúng ta.
Câu chuyện tình yêu
Khi suy tôn Thánh Giá, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa với tất cả tình yêu, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết nằm trên Thánh Giá, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu như vậy, và Giáo hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy.
Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16), mặc dù biết trước Con mình sẽ bị đóng đinh, được giương lên cao khỏi đất như “Con Rắn Đồng” trong sa mạc. Thật là một sự hy sinh lạ lùng, không thể nào hiểu thấu, mà thánh Phaolô phải diễn tả bằng một cách khác để bổ sung: “Thiên Chúa đã không tha cho chính Con Một của mình, nhưng phó nộp Người vì chúng ta hết thảy.” (Rm 8,32). Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta, câu chuyện tình của Chúa Cha, chuyện tình của Chúa Con, câu chuyện của Thánh Giá. Giảng trong Thánh lễ sáng thứ ba ngày 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết. Vị Thiên Chúa ấy sẽ hủy diệt vĩnh viễn cái tên xấu xa đích thực của sự dữ mà Sách Khải huyền gọi là ‘con rắn xưa’. Tội lỗi là việc làm của Satan. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng Satan. Ngài đã tự hạ mình xuống, trở thành hiện thân của tội để nâng con người lên“. Mầu nhiệm Thánh Giá diễn tả tình yêu vô bờ bến, tình yêu không thể nào mô tả được của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Trong lịch sử cứu độ, con rắn được nhắc đến lần đâu tiên trong Sách Sáng Thế và lần cuối cùng là trong Sách Khải Huyền. Rắn là loài vật mà theo Kinh Thánh mang một biểu tượng mạnh mẽ của sự nguyền rủa, của tội lỗi (x.St 2,) và một cách mầu nhiệm cũng là biểu tượng của sự cứu chuộc. Trong hành trình sa mạc. Dân chúng không muốn đi trong cảnh lương thực ít ỏi như thế nữa. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Chúa cho rắn bò ra làm hại những kẻ cứng lòng không tin, để gieo rắc sự sợ hãi và cái chết cho đến khi dân chúng biết chạy đến nài xin Môsê sự tha thứ. Thiên Chúa lại truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng treo lên cây gỗ, để tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống. Thật là mầu nhiệm, mầu nhiệm ở chỗ: Khi dân hối hận, Thiên Chúa không giết chết các con rắn, nhưng Ngài để chúng đó. Nếu có con rắn nào làm hại dân chúng, chỉ cần họ nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu. Giương cao con rắn lên.
Con rắn tượng trưng cho tội lỗi. Con rắn giết hại người ta nhưng nó cũng chữa lành. Và đó chính là mầu nhiệm của Đức Kitô. Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu là Đấng chẳng biết tội là gì, thì Thiên Chúa lại biến Người thành hiện thân của tội.” Như vậy cách nào đó, Đức Giêsu chính là con rắn được giương cao lên. Bài đọc I ngày lễ chất chứa cái nhìn có tính tiên tri: Chúa Giêsu như là hình ảnh con rắn,” hiện thân của tội lỗi”, đã được giương cao lên để cứu độ con người. (x. Trích bài giảng lễ thứ ba n 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô).
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
“Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói thật cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9). (Tin Mừng thứ Hai sau Chúa Nhật XXIV TN)
Lời khen ngợi của Chúa Giêsu ở trên dành cho viên đại đội trưởng vốn là một anh em lương dân. Người kinh ngạc về lòng tin sắt đá của ông đến độ nói rằng chưa hề thấy bao giờ. Nào chúng ta cùng xét xem nhờ đâu mà viên đại đội trưởng có được lòng tin mạnh mẽ như thế và qua đó sẽ nhận ra một vài yếu tố nền tảng để dệt xây đức tin.
1.Tấm lòng đầy tình yêu: Người bị bệnh nặng chỉ là một người nô lệ thế mà viên đại đội trưởng lại yêu quý cách lạ thường. Chắc hẳn ông không chỉ tìm thầy chạy thuốc cho người nô lệ mà khi nghe nói về Chúa Giêsu thì đã nhờ nhiều kỳ mục Do Thái giáo đến khẩn nài Chúa cứu giúp.
2.Trí óc biết luận suy: Mình chỉ là viên đại đội trưởng thế mà lời của mình, lệnh của mình ban ra thì trên dưới trăm người lính đều răm rắp tuân theo. Thế thì người mà dân chúng tôn xưng như là bậc danh sư, như là vị ngôn sứ vốn có lời quyền năng trên các thần ô uế, trên các bệnh hoạn tật nguyền chắc chắn nếu Người phán một lời thì đầy tớ của mình sẽ khỏi bệnh mà không cần Người vào tận nhà mình. Hơn nữa phải biết nghĩ cho ông Giêsu chứ, vì theo luật của Do Thái giáo thì người Do Thái nếu vào nhà lương dân thì sẽ mắc ô uế.
3.Sự khiêm nhu: Hai yếu tố trí khôn và tấm lòng cần được kết nối, đan quyện với nhau mới có thể hình thành lòng tin. Và yếu tố, đúng hơn là chất xúc tác làm cho chúng đan quyện, kết nối với nhau đó chính là sự khiêm nhu. Biết suy luận và có tấm lòng nhưng nếu cao ngạo cho rằng bàn tay ta có thể làm nên tất cả thì viên đại đội trưởng hẳn đã không nhờ người đến xin Chúa Giêsu cứu giúp.
Giáo hội khẳng định đức tin là cửa ngõ dẫn đến sự sống đời đời. Dữ liệu Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng lòng tin (đức tin) không hệ tại ở tôn giáo, ở giáo hội mà mình thuộc về. Khi đi rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu không chỉ kinh ngạc trước lòng tin của viên sĩ quan bách quản người Rôma này mà Người cũng đã từng kinh ngạc trước niềm tin kiên định của một phụ nữ lương dân, dòng giống Xirô-Phênixi có đứa con gái bị quỷ ám (x.Mc 7,24-30). Chúng ta đừng quên Abraham, người được gọi là “cha của các kẻ tin” chưa hẳn là tín đồ Do Thái giáo và chắc chắn không phải là Kitô giáo nếu xét ngưỡng cửa vào đạo là bí tích Thánh Tẩy.
Trong Thánh Lễ, trước khi đón nhận bí tích tình yêu cao quý là Thánh Thể, mầu nhiệm đức tin (the mystery of faith) thì Giáo hội cho chúng ta lặp lại lời tuyên xưng đức tin lấy từ lời của viên đại đội trưởng gốc lương dân ngày nào: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Ân sủng không loại trừ các yếu tố tự nhiên. Hãy dùng đức khiêm nhu mà nối kết trí khôn và tấm lòng để trở thành niềm tin. Lòng tin là một yếu tố cần thiết để tình yêu quyền năng của Thiên Chúa thành hiện thực cho chúng ta và tha nhân.
Hôm nay trong bài đọc thứ nhất thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê là hãy cầu nguyện cho vua chúa và những người cầm quyền để dân chúng được an cư lạc nghiệp (x.1Tm 2,2). Chắc chắn các vị lãnh đạo ngoài xã hội ít nhiều cũng có tâm và đủ tầm cách nào đó. Chỉ xin cho các vị có thêm đức khiêm nhu.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
10. Phàm ai coi trọng tất cả những thứ đến từ thế gian thì thuộc về ma quỷ.
(Thánh nữ Clare)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một huyện quan suốt ngày say rượu.
Buổi trưa nọ sau khi uống xong một bình rượu, và trong khi kêu công sai đi mua cho ông ta vài hủ rượu, thì đột nhiên nghe phía bên ngoài có người than oán.
Ông ta rất bực bội và ra lệnh thăng đường, quát công sai lấy thước đánh người than oán, công sai hỏi:
- “Đánh bao nhiêu hèo?”
Vì ông ta quá say nên đưa ra ba ngón tay, nói:
- “Đánh nó ba lít !”
(Tiếu tiếu lục)
Suy tư 57:
Làm quan say xỉn cả ngày thì có ba hậu quả:
- một là trí nhớ ngày càng dưới trung bình,
- hai là hành xử không cong bằng
- ba là năng lực càng lúc càng kém.
Quan say xỉn nên nói “đánh ba lít”, thì chắc chắn cuộc thăng đường của ông sẽ có nhiều tác hại cho người dân, và nhất là xét án không công minh.
Làm người Ki-tô hữu mà suốt ngày cứ lo nghĩ đến lấy gí ăn lấy gì sống mà không nghĩ đến mình có một người Cha rất yêu thương mình ở trên trời, thì có ba hậu quả sau:
- một là đức tin càng ngày càng yếu,
- hai là cuộc sống ngày càng giống người ngoại giáo,
- ba là không trở nên chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su trong cách sống của mình.
Chim bay trên trời Chúa vẫn nuôi và hoa huệ ngoài đồng Chúa vẫn cho mặc đẹp, thì huống gì là con cái của Ngài !
Quan say và quan tỉnh khác nhau là ở chỗ đó vậy...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
CẦU THAY NGUYỆN GIÚP
“Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi; cũng như tôi nghĩ, tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một chi tiết khá bất ngờ trong Tin Mừng hôm nay là, những lời khiêm tốn của viên sĩ quan chỉ đến được với Chúa Giêsu, qua trung gian những người bạn! Phải chăng, ông là kiểu mẫu cho chúng ta trong việc khẩn xin các thánh và những người khác ‘cầu thay nguyện giúp’ cho mình?
Mọi khi, nếu có một điều gì quan trọng cần thỉnh cầu cho một ai đó, chúng ta sẽ đến gặp trực tiếp người chúng ta cần. Ở đây, viên sĩ quan không làm thế! Và sẽ khá thú vị khi bài học của việc cầu nguyện được rút ra từ đó! Dĩ nhiên, ai cũng có thể trực tiếp đến với Chúa bất cứ lúc nào; thế nhưng, ‘bửu bối’ của viên sĩ quan chính là sự khiêm tốn! Vậy tại sao vị trung thần ngoại giáo giàu có và quyền thế ấy lại ứng xử như vậy? Câu trả lời đã sẵn, “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà”, “Tôi không xứng đáng đi mời Thầy”. Lạ lùng thay! Phải chăng, cách nào đó, ông đã biết Chúa Giêsu là ai? Hoặc dẫu chưa tuyên xưng niềm tin vào Ngài nhưng ông đã dám chắc Ngài thuộc về Thiên Chúa? Nếu Ngài đến từ Thiên Chúa, thì tôi là ai mà dám gặp Ngài? Và Chúa Giêsu đã thật sự kinh ngạc trước con người này, “Tôi nói thật với các ông, cả trong dân Israel, Tôi cũng chẳng thấy một lòng tin nào mạnh mẽ đến như vậy!”. Lúc ấy, từ xa, đầy tớ của ông được chữa lành.
Việc cầu cạnh các thánh không được thực hiện vì lẽ chúng ta sợ hãi Thiên Chúa hoặc vì Ngài sẽ bị xúc phạm khi chúng ta trực tiếp gặp Ngài. Không, ngàn lần không! Nhưng nó được thực hiện như một hành động ‘tuyệt đối khiêm nhường’. Bằng cách trao phó ước nguyện của mình cho ‘những người’ đang chiêm ngắm Thánh Nhan, chúng ta phó dâng lời cầu của mình lên Cha Trên Trời. Sự cậy trông vào việc ‘cầu thay nguyện giúp’ từ các ngài cũng là một cách chúng ta thừa nhận rằng, tôi không xứng đáng với chính công lênh của mình, không xứng đáng để đứng trước mặt Chúa, không xứng đáng để trình bày lên Ngài những thỉnh cầu.
Chính Phaolô trong thư Timôtê hôm nay khuyên chúng ta cầu xin cho những người khác, “Trước tiên, cha khuyên con hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người”. Thánh Vịnh đáp ca cũng xác nhận điều đó, “Chúc tụng Chúa, vì Ngài nghe tiếng tôi khẩn nguyện!”. Như vậy, là những con người tội lỗi, chúng ta còn làm được điều đó, phương chi các thánh ở trên trời!
Lời Chúa hôm nay giục giã chúng ta hãy chọn cho mình một vị thánh để bầu bạn và là người ‘cầu thay nguyện giúp’ trước Chúa. Khi làm điều này, chúng ta muốn nói rằng, sự đáp ứng của Thiên Chúa dành cho mỗi người chính là lòng thương xót thuần tuý nhưng không về phía Ngài. Ngài vui thích tưới gội ân sủng khi chúng ta hạ mình để đến với Ngài qua trung gian ‘một ai đó’. Mẹ Maria chẳng hạn, “Grigorusa”, một tước hiệu của Mẹ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là, “Mẹ chóng cầu bầu”. Với thánh Giuse, Đức Phanxicô nói, “Mỗi người có thể khám phá nơi ngài, một người không mấy ai chú ý, mỗi ngày đang ‘cầu thay nguyện giúp’, trợ lực và hướng dẫn khi chúng ta gặp khó khăn!”.
Thời nội chiến, một người lính trẻ mất cha và anh trai cùng lúc, tìm đến Washington xin miễn dịch; anh hy vọng có thể ở nhà giúp mẹ và em gái lo việc đồng áng. Đến Toà Bạch Ốc, anh xin gặp tổng thống; lính gác từ chối. Thất vọng, anh ra công viên, ngồi trên một phiến đá. Tình cờ, một cậu bé lại gần, hỏi anh, “Trông anh không vui. Chuyện gì vậy?”. ‘Người bạn tí hon’ mới quen nghe tâm sự của anh. Sau đó, không một lời, cậu nắm tay anh; đi một quãng, dẫn anh qua cửa sau, vào toà nhà; vượt các vệ sĩ và vào thẳng văn phòng tổng thống. Abraham Lincoln hỏi, “Tad, ba có thể giúp gì cho con?”; Tad nói, “Ba ơi, người lính này cần nói chuyện với ba!”. Kết quả, anh được về nhà!
Anh Chị em,
‘Người bạn tí hon’ đó chính là hình ảnh Giêsu, Đấng ‘cầu thay nguyện giúp’ số một của chúng ta; bên cạnh đó, chúng ta còn bao vị thánh khác, thánh bổn mạng của mỗi người chẳng hạn. Và thú vị thay, các linh hồn. Và ôi! Cả những người thân yêu tốt lành đã đi trước chúng ta nữa. Các ngài là những ‘nhà đàm phán’ thế giá thay cho chúng ta trước toà Chúa! Thế nhưng, đừng quên! Chính chúng ta cũng là những ‘vị thánh’ khi chúng ta sống đẹp lòng Chúa. Biết bao người đang rất cần lời cầu nguyện của chúng ta và Thiên Chúa cũng sẵn sàng đổ muôn ân phúc cho nhân loại trong những ngày hôm nay, nhờ lời ‘cầu thay nguyện giúp’ đêm ngày của chúng ta. Hãy là những ‘vị thánh’ đó cho các nạn nhân Corona, chiến tranh, kỳ thị, đói khổ và thấp cổ bé miệng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, ‘Trung Gian của các trung gian’, xin nhận lời con! Lạy các thánh, xin hãy ‘cầu thay nguyện giúp’ cho con; đồng thời, cho con cũng trở nên ‘một trung gian’ như các ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Lúc 07:45 theo giờ địa phương tức là 12g45 trưa theo giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha đã đáp xuống sân bay quốc tế Budapest.
Ngài đã khởi hành rất sớm từ 6g sáng tại phi trường quốc tế Fiumicino.
Trước khi đi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy thác chuyến viếng thăm tông đồ này cho sự chuyển cầu của “đông đảo những người tuyên xưng Đức tin anh hùng”, những người ở Hung Gia Lợi và Slovakia đã làm chứng cho Tin Mừng “giữa sự thù địch và bắt bớ” trong thời kỳ cộng sản.
Đức Giáo Hoàng đã đến sân bay quốc tế Budapest. Tại đây, ngài được chào đón bởi Sứ thần Tòa thánh tại Hungary, là Đức Tổng Giám Mục Michael Blume và Đại sứ Hung Gia Lợi cạnh Tòa thánh, Eduard Habsburg-Lothringen, là những người đã lên máy bay.
Chờ ngài trên đường băng là Phó Thủ tướng Hung Gia Lợi và hai người con trong trang phục truyền thống.
Sau các nghi thức chào đón rất sơ sài, Đức Thánh Cha đã lên xe hơi đi vào trung tâm thành phố, cách phi trường quốc tế khoảng 35’ lái xe.
Trước khi cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, Đức Giáo Hoàng sẽ được tổng thống János Áder, và Thủ tướng Viktor Orbán, tiếp kiến riêng.
Những cuộc gặp này diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Budapest, nơi sau đó Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám mục Hung Gia Lợi.
Chiều nay, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Slovakia, nâng số quốc gia mà ngài đã đến thăm kể từ khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng của ngài lên con số 54.
Chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Budapest, thủ đô Hung Gia Lợi, một quốc gia mà người Công Giáo chiếm tới hơn 60%, theo thống kê của chính Tòa Thánh, chưa biết sẽ thành công ra sao, nhưng nhiều người đã lưu ý đến độ dài khiêm nhường của nó: vỏn vẹn 7 tiếng đồng hồ và chủ yếu để Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52.
Quả thế, Robert Mickens, của Lacroix International, đặt câu hỏi Phải chăng Budapest chỉ đáng được một Thánh Lễ? (https://international.la-croix.com/news/letter-from-rome/is-budapest-worth-only-a-mass/14873?), mặc dù đó là ý định của Đức Phanxicô ngay khi loan báo về chuyến đi Budapest trên chuyến máy bay từ Irak trở về Rôma hồi tháng 3 năm nay.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo, Đức Phanxicô cho hay: “Đó không phải là một cuộc viếng thăm đất nước, mà chỉ vì một Thánh Lễ”. Đây quả là một chuyện lạ. Theo Mickens, các vị Giáo Hoàng tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế thường cũng viếng thăm đất nước của nơi tổ chức Đại Hội này. Mickens muốn biết lý do.
Có người cho rằng vì lập trường của ngài về một số vấn đề mục vụ/chính trị trái ngược hoàn toàn với các chính sách cực duy quốc gia của thủ tướng Hung Gia Lợi, Viktor Orbán. Trong đó, có các vấn đề di dân, quyền của nhóm LGBT, môi trường và sự gắn bó của Liên hiệp Âu châu.
Lý do đó không hẳn đúng vì cuối cùng, ngài sẽ gặp ông Viktor Orbán. Chỉ có điều ngài không gặp riêng ông Orbán mà gặp chung với Tổng thống János Áder. Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh cách nay một tuần, ngài cho biết không biết liệu ngài có gặp Ông Orbán hay không. Chuyện lạ, ngài là người phê chuẩn chương trình chuyến thăm, làm sao không biết cho được.
Mickens thì cho rằng, đây có thể là một chiến lược khiến Orbán “mất thăng bằng”. Vì Đức Phanxicô biết rõ không phải ai ai ở Hung đều ủng hộ Orbán hay chính phủ thối nát do ông và bè lũ đã tạo ra, mặc dù họ đã nắm được quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông trong nước, những phương tiện vốn vẽ Orbán như người được quốc gia yêu mến hơn cả, và những ai chống đối ông ta không phải là người Hung chân chính.
Thực ra, theo Micken, Orbán và đảng Fidesz của ông ta không được lòng dân Hung bao nhiêu. Fidesz chỉ thu được 47.5% tới 48.5% tổng số phiếu toàn quốc năm 2018, nhưng ở chính Budapest, tỷ số đó chỉ lả 38.6%. Sở dĩ họ nắm quyền với đa số 2/3 là nhờ liên minh với đảng Dân chủ Kitô giáo. Nhờ thế, họ viết lại cả hiến pháp mà không thèm lưu ý một phản đối hay yêu cầu tu chính nào, cũng như chiếm cả quyền kiểm soát ngành tư pháp và hạn chế khá nhiều quyền tự do.
Những người không thích hoặc thậm chí chống đối Orbán quả không vui khi được tin Đức Phanxicô gặp Orbán trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi xứ sở họ. Theo Mickens, có người cho là Đức Phanxicô quá lưu ý đến Đại Hội Thánh Thể mà không lưu ý tới hệ luận chính trị của quyết định này.
Ngoài ra, có lẽ Đức Phanxicô còn có một lý do khác, theo Mickens, là để công khai, chính thức, và long trọng ngỏ lời cám ơn một người thân thiết: Đức Tổng Giám Mục Piero Marini. Vị Tổng Giám Mục này vốn là Chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, một chức vụ ngài đảm nhiệm từ năm 2007, đồng thời là chưởng nghi của hai vị giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, từ năm 1987 tới năm 2007, và nay sắp rời chức vụ khi tới tuổi 80 vào tháng Giêng tới.
Nicole Winfield của A.P. thì gọi cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với Viktor Orbán là khoảnh khắc lúng túng nhất trong triều giáo hoàng của ngài vì chính sách dân túy, cánh hữu vốn không được ngài ưa thích. Theo cô, chuyến thăm ngắn ngủi này cho thấy Đức Phanxicô muốn tránh dành cho Orbán quyền được khoác lác, tăng tiến lợi điểm chính trị khi được đón tiếp một vị giáo hoàng trong một chuyến viếng thăm đất nước đúng nghĩa.
Các nhà tổ chức chuyến viếng thăm, theo Winfield, luôn nhấn mạnh việc Giáo Hội Hung Gia Lợi và nhà nước chỉ mời Đức Giáo Hoàng đến bế mạc Đại hội Thánh thể Quốc tế. Cha Kornel Fabry, Tổng thư ký Đại hội Thánh thể, nói đùa: “Nếu tôi chỉ được mời ăn tối, thì đâu có thể ở lại ngủ đêm”.
Tuy nhiên, ai cũng thấy là giữa ngài và Orbán có nhiều mâu thuẫn. Ngài từ lâu vốn liên đới mạnh mẽ với di dân, từng lên tiếng chỉ trích điều ngài gọi là “chủ nghĩa dân túy quốc gia” được các chính phủ như chính phủ Hung Gia Lợi cổ vũ.
Quả vậy, Orbán nổi tiếng là chống di dân và thường mô tả chính phủ ông như người bảo vệ “nền văn minh Kitô giáo” ở Âu Châu và thành lũy chống di dân từ các nước đa số theo Hồi Giáo. Năm 2015, ông bác bỏ các đề nghị định cư tại Hung Gia Lợi các người tỵ nạn từ Trung Đông và Phi Châu và đã dựng một hàng rào dọc theo biên giới phía nam Hung Gia Lợi để ngăn chặn các người tầm trú tại Liên Hiệp Âu Châu tràn vào.
Winfield cũng cho rằng cuộc gặp mặt của Đức Phanxicô với Orbán sẽ không được quay phim, một chuyện rất hiếm trong chuyến đi của Đức Phanxicô tại đây.
Ngoài ra, Winfield cho rằng chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ được nhiều người theo dõi vì nó diễn ra sau cuộc giải phẫu ruột già lấy đi đến 13 inches, khiến ngài phải nằm bệnh viện đến 10 ngày trời. Tuy gần đây, ngài đã tiếp tục các sinh hoạt bình thường, nhưng vẫn phải dùng thuốc và không đứng lâu được.
Chuyến tông du giáo hoàng nào cũng rất vất vả trong những điều kiện bình thường: gặp gỡ liên tục, chuyển vận liên hồi và những buổi phụng vụ lâu giờ, luôn dưới ống kính truyền hình. Chính vì thế, sau chuyến thăm Iraq đầu năm nay, Đức Phanxicô hứa sẽ sinh hoạt chậm lại. Nhưng trong chuyến thăm Hung và Slovakia, không có dấu hiệu chi của việc chậm lại này: 12 bài diễn thuyết trong 4 ngày, khởi đầu với chuyến bay lúc 6 giờ sáng tới Budapest hôm Chúa Nhật và kết thúc tại Bratislava, Thủ đô Slovakia, sau 9 biến cố lớn riêng rẽ nhau.
Phần nào để đánh tan các lo ngại chính đáng, ngài hứa “có lẽ trong chuyến di đầu tiên này, tôi nên cẩn thận hơn, vì người ta phải bình phục hoàn toàn”. Nói thế rồi, ngài nói thêm trong cuộc phỏng vấn của COPE: “Nhưng cuối cùng đâu rồi cũng thế thôi, ông sẽ thấy!”
Phát ngôn viên Tòa Thánh, Matteo Bruni, cũng trấn an mọi người: không có biện pháp chăm sóc sức khỏe đặc biệt nào kèm theo chuyến đi, tất cả chỉ là chuyện chuẩn bị bình thường.
Nhân dịp này, Bruni cũng cho hay: tập chú chuyến thăm Hung Gia Lợi có tính tâm linh và Đức Phanxicô vẫn thường thực hiện những chuyến viếng thăm ngắn ngủi để dự một biến cố đặc biệt mà không phải chu toàn các trói buộc nghi thức của một chuyến viếng thăm quốc khách đúng nghĩa. Như năm 2014, ngài chỉ đến Strasbourg để đọc diễn văn trước Quốc Hội và Hội Đồng Âu Châu mà không ở lại thăm viếng Pháp.
Inés San Martín của tạp chí Crux thì cho rằng trong Thánh Lễ bế mạc Đại hội Thánh thể Quốc tế tại quảng trường Anh Hùng tại Budapest, Đức Phanxicô thế nào cũng nhắc đến Đức cố Hồng Y József Mindszenty, người đã ngồi tòa giải tội hàng giờ tại cùng một địa điểm trong cùng biến cố năm 1938.
Theo Từ điển Bách khoa Britannica, Mindszenty “hiện thân cho cuộc chống đối không khoan nhượng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản tại Hung Gia Lợi”. Trong Thế chiến II, ngài bị cầm tù, và khi thế chiến này kết thúc, ngài chống đối chủ nghĩa cộng sản và việc cộng sản bách hại Kitô giáo tại đất nước ngài. Ngài bị tra tấn và bị kết án tù chung thân khiến cả thế giới phẫn nộ. Sau 8 năm ngồi tù, ngài được tạm trú tại toà đại sứ Mỹ tại Budapest. Mười lăm năm sau, ngài được phép rời đất nước, và qua đời tại Áo năm 1975.
Các Kitô hữu chịu bách hại tại Hung đã gợi hứng để các nhà tổ chức Đại hội mời các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục của các nước bị bách hại tới tham dự như các Đức Hồng Y Raphael Sako của Iraq, Charles Bo của Miến Điện và John Onaiyekan của Nigeria. Người ta hy vọng Đức Phanxicô sẽ gặp các vị này.
Martín cho hay, theo Eduard Habsburg, Đại sứ Hung Gia Lợi bên cạnh Tòa Thánh, bất chấp các dị biệt ý kiến về di dân và chủ nghĩa duy quốc gia giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ tướng Orbán, hai bên cũng có nhiều điểm tương đồng, như “việc bảo vệ gia đình, tự do tôn giáo, và bảo vệ các Kitô hữu tại Trung Đông”. Hung Gia Lợi đầu tư hàng triệu Mỹ kim vào việc tái thiết Cao nguyên Ninivê ở Iraq, được chính Đức Phanxicô thăm viếng trong chuyến tông du Iraq và tỏ lời cám ơn chính phủ Hung Gia Lợi.
Đại hội Thánh Thể là một lễ kỷ niệm Sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích Thánh Thể trong đó những người tham gia đến từ khắp nơi trên thế giới.
Truyền thống này đã bắt đầu tại Pháp vào năm 1881 và đã phát triển thành một sự kiện Công Giáo quốc tế, được tổ chức gần như bốn năm một lần trong suốt 140 năm qua.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đang diễn ra vào ngày 5-12 tháng 9 tại thủ đô của Hung Gia Lợi hay còn gọi là Hungari với lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta trong những ngày này biết đặc biệt ý thức rằng Chúa Kitô đang ở với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, rằng Người không từ bỏ Giáo hội, dân tộc, nhân loại của Ngài. Tất cả sức mạnh và hy vọng của chúng ta đều bắt nguồn từ nơi Ngài!
Đại hội ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại đến năm 2021 do đại dịch coronavirus.
Sự kiện kéo dài một tuần đã lên đến đỉnh cao vào ngày 12 tháng 9 với thánh lễ bế mạc do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại Quảng trường Anh hùng.
Trong chương trình này chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em những hình ảnh quá sức ngoạn mục: Giữa đại dịch hàng trăm ngàn người kiệu Thánh Thể, các quân binh chủng dẫn đầu
Phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong cuộc Gặp gỡ Các Đại diện Hội đồng Đại kết và Một số Cộng đồng Do thái
tại tại Bảo tàng Mỹ thuật (Budapest) Chúa nhật ngày 12 tháng 9 năm 2021
Anh em thân mến!
Tôi rất vui được gặp anh em. Lời nói của anh em, những lời mà vì đó tôi xin cảm ơn anh em, cũng như sự hiện diện của anh em bên cạnh nhau, thể hiện khát vọng hợp nhất lớn lao. Chúng nói lên một cuộc hành trình, đôi khi phải đi lên, nặng nề bởi quá khứ, nhưng anh em đối diện với nó một cách can đảm và đầy thiện chí, nâng đỡ nhau dưới tầm nhìn của Đấng Tối Cao, Đấng chúc phúc cho anh em chung sống (x. Tv 133, 1).
Tôi xem qúy vị như anh em trong đức tin nơi Chúa Kitô, và tôi chúc lành cho cuộc hành trình hiệp thông mà qúy vị đang theo đuổi. Những lời của người anh em giáo hội Calvin làm tôi cảm động, xin cảm ơn. Tôi nghĩ đến Tu viện Pannonhalma, trung tâm linh đạo sống động của đất nước này, nơi qúy vị đã gặp nhau, ba tháng trước để cùng nhau suy gẫm và cầu nguyện với nhau. Cầu nguyện với nhau, cho nhau, và cùng nhau làm việc bác ái, với nhau, vì thế giới mà Thiên Chúa yêu thương vô cùng này (x. Ga 3,16): đây là cách cụ thể nhất để hướng tới sự hợp nhất trọn vẹn.
Tôi xem qúy vị như anh em trong đức tin của Ápraham, tổ phụ của chúng ta, và cảm ơn qúy vị vì những lời lẽ rất sâu sắc đã chạm đến trái tim tôi. Tôi đánh giá rất cao cam kết của qúy vị trong việc phá bỏ những bức tường ngăn cách trong quá khứ. Người Do Thái và Kitô hữu, qúy vị muốn nhìn thấy ở người khác không phải một người xa lạ, mà là một người bạn; không phải một kẻ thù, mà là một người anh em. Đó là sự thay đổi cách nhìn được Thiên Chúa chúc phúc, sự hoán cải mở ra những khởi đầu mới, sự thanh luyện đổi mới cuộc sống. Các lễ trọng Rosh Hashanah và Yom Kippur, rơi đúng vào thời điểm này, và nhân dịp này tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến qúy vị, là những dịp ân sủng để làm mới mẻ sự gắn bó với những lời mời gọi thiêng liêng này. Thiên Chúa của tổ phụ chúng ta luôn luôn mở ra những con đường mới: như Người đã biến sa mạc thành con đường dẫn đến Đất Hứa thế nào, Người cũng mong muốn dẫn dắt chúng ta từ những sa mạc khô cằn của hận thù và dửng dưng đến quê hương hằng mong ước là sự hiệp thông như vậy.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Kinh thánh, những người được mời gọi theo Chúa cách đặc biệt phải luôn đi ra ngoài, tiến bước, đến những vùng đất chưa được khám phá và những không gian chưa ai nói tới. Chúng ta hãy nghĩ tới Ápraham, người đã rời bỏ quê hương, họ hàng và đất nước. Ai theo Chúa đều được kêu gọi ra đi. Người yêu cầu chúng ta gạt bỏ những hiểu lầm trong quá khứ, những cao ngạo cho rằng mình có lý và gán sai lầm cho người khác, để đặt mình lên con đường hướng tới lời hứa hòa bình của Người, vì Thiên Chúa luôn có kế hoạch hòa bình, không bao giờ bất hạnh cả (xem Grm 29:11).
Tôi muốn lặp lại với qúy vị hình ảnh rất khêu gợi của Cây cầu Chaînes, kết nối hai phần của thành phố này: nó không hòa lẫn hai phần này mà giữ cho chúng hợp nhất. Các mối dây nối kết chúng ta cũng phải như vậy. Bất cứ khi nào có cơn cám dỗ muốn đồng hóa người khác, chúng ta không xây dựng mà là phá hủy. Tương tự như vậy, khi chúng ta muốn đặt nó trong một khu khép kín, thay vì tích hợp nó. Biết bao lần trong lịch sử, điều này đã xảy ra! Chúng ta phải coi chừng, chúng ta phải cầu nguyện để điều đó sẽ không xảy ra nữa. Và cam kết cùng nhau cổ vũ một nền giáo dục cho có tình huynh đệ, để những luồng hận thù muốn tiêu diệt nó không chiếm ưu thế. Tôi nghĩ đến mối đe dọa của chủ nghĩa bài Do Thái vẫn còn thịnh hành ở châu Âu và các nơi khác. Đó là một ngòi nổ phải được dập tắt. Nhưng cách tốt nhất để tháo ngòi nổ là làm việc với nhau một cách tích cực, nghĩa là cổ vũ tình anh em. Cây Cầu còn dạy chúng ta: nó được nâng đỡ bởi những sợi xích lớn, hình thành từ nhiều vòng. Chúng ta là những chiếc vòng này và mỗi chiếc vòng đều có tính nền tảng: đây là lý do tại sao chúng ta không thể sống trong nghi ngờ và thiếu hiểu biết, xa cách và bất hòa nữa.
Một cây cầu đặt hai phía lại với nhau. Theo nghĩa này, nó kêu gọi khái niệm giao ước, vốn có tính nền tảng trong Kinh thánh. Thiên Chúa của giao ước yêu cầu chúng ta không nhượng bộ thứ luận lý cô lập và lợi ích đảng phái. Người không muốn liên minh với người này mà gây thiệt hại cho người kia, nhưng với những con người và cộng đồng làm cầu nối hiệp thông với tất cả mọi người. Ở đất nước này, qúy vị đại diện cho các tôn giáo đa số, qúy vị có nhiệm vụ tạo thuận lợi cho các điều kiện để tự do tôn giáo được tôn trọng và được mọi người cổ vũ. Và qúy vị có một vai trò làm gương cho mỗi người: ước chi không ai nói rằng các lời gây chia rẽ là phát xuất phát ra từ miệng lưỡi của những người của Thiên Chúa, mà chỉ là những thông điệp cởi mở và hòa bình. Trong một thế giới bị xâu xé bởi nhiều cuộc xung đột, những người đã nhận được ân sủng nhận biết Thiên Chúa của giao ước và hòa bình có nhiệm vụ phải cung cấp một chứng từ tốt hơn.
Cầu Chaînes, ngoài việc nổi tiếng nhất, cũng là cây cầu lâu đời nhất ở thành phố này. Nhiều thế hệ đã đi qua nó. Do đó, nó mời gọi chúng ta nhớ lại quá khứ. Ở đó, chúng ta tìm thấy nhiều đau khổ và bóng tối, hiểu lầm và bách hại, nhưng xét tới cội nguồn, chúng ta sẽ khám phá ra một di sản tinh thần chung lớn hơn. Đây là kho báu cho phép chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai khác. Tôi cũng xúc động nghĩ về nhiều hình bóng của những người bạn Thiên Chúa, những người đã rõi ánh sáng của Người trong đêm tối của thế giới. Tôi xin trích dẫn, trong số những người khác, một nhà thơ lớn của đất nước này, Miklós Radnóti, người mà sự nghiệp sáng chói của ông đã bị tan tành bởi lòng căm thù mù quáng của những kẻ, chỉ vì ông là người gốc Do Thái, trước nhất đã cấm ông dạy học và sau đó đã bắt ông đi khỏi gia đình.
Bị nhốt trong một trại tập trung, vực thẳm tối tăm và bị tước đoạt cả nhân tính, ông vẫn tiếp tục làm thơ cho đến khi qua đời. Cuốn Carnet de Bor của ông là tập thơ duy nhất còn sống sót cuộc diệt chủng: nó minh chứng cho sức mạnh của lòng tin vào hơi ấm của tình yêu trong cái lạnh giá của bằng lăng [lager] và soi sáng bóng tối của hận thù bằng ánh sáng của đức tin. Tác giả, bị nghẹt thở bởi xiềng xích áp bức linh hồn mình, đã tìm thấy trong một tự do cao hơn lòng can đảm để viết: "Bị bắt, với tất cả hy vọng tôi đã học được biện pháp" (Carnet de Bor, Thư gửi vợ). Và ông đã hỏi một câu hỏi vẫn còn vang vọng với chúng ta ngày nay: “Và bạn, bạn đang sống như thế nào? Tiếng nói của bạn, nó có tìm thấy tiếng vang trong thời đại này không? »( Carnet de Bor, Câu chuyện đầu tiên). Anh em thân mến, tiếng nói của chúng ta chỉ có thể làm vang vọng Lời này mà Thiên đàng đã ban cho chúng ta, tiếng vang của hy vọng và hòa bình. Và ngay cả khi chúng ta không được lắng nghe, hoặc nếu chúng ta bị hiểu lầm, đừng bao giờ phủ nhận Mặc khải mà chúng ta là các chứng nhân.
Cuối cùng, trong sự đơn độc hoang vắng của trại tập trung, khi nhận ra rằng mình sắp ra đi, Radnóti đã viết: “Bản thân tôi bây giờ là gốc rễ… Tôi là một bông hoa, tôi đã trở thành gốc rễ” (Carnet de Bor, Gốc rễ). Chúng ta cũng được kêu gọi để trở thành gốc rễ. Chúng ta thường tìm kiếm những hoa trái, những kết quả, những khẳng định. Nhưng Đấng làm cho Lời Người sinh hoa kết trái trên trái đất, với sự dịu dàng y như mưa làm cho đồng ruộng nảy mầm (x. Is 55:10), nhắc nhở chúng ta rằng con đường đức tin của chúng ta là những hạt giống: hạt sẽ biến thành rễ dưới đất, rễ nuôi dưỡng ký ức và ươm mầm tương lai. Đây là điều mà Thiên Chúa của tổ phụ chúng ta yêu cầu nơi chúng ta, bởi vì – giống như một nhà thơ khác từng viết - “Thiên Chúa chăm sóc nơi khác, Người chăm sóc điều núp sâu tận cùng mọi sự. Ở bên dưới. Chôn rất sâu. Cội rễ ở đấy ”(R.M. Rilke, Wladmir, le peintre des nuages). Chúng ta chỉ đạt đến độ cao nếu chúng ta có gốc rễ sâu. Bén rễ vào việc lắng nghe Đấng Tối Cao và những người khác, chúng ta sẽ giúp những người đồng thời của chúng ta chào đón và yêu thương nhau. Chỉ khi chúng ta là cội rễ của hòa bình và là mầm mống của hợp nhất, chúng ta mới trở nên đáng tin cậy trong con mắt thế giới đang dõi theo chúng ta, với nỗi hoài nhớ nở hoa hy vọng. Cảm ơn qúy vị và chúc qúy vị cùng nhau lên đường tốt đẹp, xin cảm ơn qúy vị! Xin lỗi vì tôi đã ngồi để nói chuyện với qúy vị, nhưng tôi không phải là người 15 tuổi. Cảm ơn qúy vị.
Như chúng tôi đã đưa tin, sau nghi thức chào đón chính thức tại sân bay quốc tế Budapest, Đức Thánh Cha đã lên xe hơi về Bảo tàng Nghệ thuật Budapest nơi ngài có cuộc gặp gỡ với tổng thống và thủ tướng.
Cũng tại địa điểm này, lúc 09:15, ngài đã gặp các giám mục Hung Gia Lợi, hội đồng đại kết các giáo hội và một số cộng đoàn Do Thái của Hung Gia Lợi.
Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha trong buổi sáng Chúa Nhật, và cũng là lý do chính ngài đến Hung Gia Lợi, là thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest. Thánh lễ đã diễn ra tại Quảng trường Anh hùng lúc 11:30.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Sự đáp trả đó đổi mới chúng ta trong tư cách là các môn đệ của Chúa. Nó diễn ra trong ba bước, là các bước mà các môn đệ đã thực hiện và chúng ta cũng có thể thực hiện. Nó liên quan đến việc tuyên xưng Chúa Giêsu, phân định với Chúa Giêsu, và theo Chúa Giêsu.
1. Tuyên xưng Chúa Giêsu. Chúa hỏi: “Các con nói Thầy là ai?” Thánh Phêrô, nói thay cho những môn đệ khác khi trả lời rằng “Thầy là Đấng Kitô”. Phêrô đã nói tất cả bằng vài từ này; câu trả lời của ông là đúng, nhưng sau đó, thật ngạc nhiên, Chúa Giêsu “nghiêm cấm họ không được nói cho ai biết về ngài” (câu 30). Tại sao lại cấm triệt để như vậy? Có một lý do rất chính đáng: gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Mêsia, là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Luôn luôn có nguy cơ tuyên xưng căn tính thiên sai một cách sai lầm, theo những tiêu chuẩn của con người, chứ không phải theo các tiêu chuẩn của Chúa. Thành ra, từ lúc đó, Chúa Giêsu dần dần tiết lộ thân phận thực sự của Ngài, căn tính “vượt qua” mà chúng ta tìm thấy trong Bí tích Thánh Thể. Ngài giải thích rằng sứ mệnh của Ngài sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vinh quang phục sinh, nhưng chỉ sau khi trải qua thập tự giá. Nói cách khác, mọi sự sẽ được mạc khải tùy theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là điều mà thánh Phaolô đã nói với chúng ta “không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này” (1Cr 2, 6). Chúa Giêsu yêu cầu sự im lặng về danh tính của Ngài là Đấng Mêsia, chứ không yêu cầu im lặng trước thập tự giá đang chờ đợi Ngài. Trên thực tế - thánh sử ghi nhận - sau đó Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy “công khai” (Mc 8:32) rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (câu 31).
Trước những lời nói khó nghe này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể thất vọng, sửng sốt. Chúng ta cũng muốn một Đấng Mêsia quyền năng hơn là một người tôi tớ bị đóng đinh. Bí tích Thánh Thể ở đây để nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa là ai; không chỉ trong lời nói, nhưng một cách cụ thể, cho chúng ta thấy Thiên Chúa như bánh bẻ ra, như tình yêu bị đóng đinh và ban tặng. Chúng ta có thể thêm vào các yếu tố nghi lễ, nhưng Chúa luôn ở đó trong sự đơn sơ của Bánh sẵn sàng được bẻ ra, phân phát và ăn. Để cứu chúng ta, Chúa Kitô đã trở thành tôi tớ; để cho chúng ta sự sống, Ngài đã chấp nhận cái chết. Chúng ta cũng nên để cho mình phải sửng sốt trước những lời nói khó chịu đó của Chúa Giêsu. Và điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.
2. Phân định với Chúa Giêsu. Phản ứng của Phêrô trước sự loan báo của Chúa là đặc trưng của bản tính con người: ngay khi thập tự giá, là một viễn cảnh đau thương, xuất hiện, chúng ta nổi loạn. Vừa tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Phêrô liền bị lời Thầy dạy làm cho tai tiếng và cố gắng khuyên Chúa Giêsu đừng đi theo đường lối đó. Ngày nay, cũng như trong quá khứ, thập tự giá không phải là thời trang hoặc điều gì đó hấp dẫn. Tuy nhiên, thập tự giá chữa lành chúng ta từ bên trong. Đứng trước Chúa bị đóng đinh, chúng ta trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm đầy kết quả, một cuộc xung đột gay gắt giữa “suy nghĩ như Chúa” và “suy nghĩ như con người”. Một mặt, chúng ta có cách suy nghĩ của Thiên Chúa, đó là cách nghĩ của tình yêu thương khiêm nhường. Một lối suy nghĩ tránh áp đặt, phô trương và hiếu thắng, luôn hướng đến điều tốt đẹp cho người khác, thậm chí đến mức hy sinh bản thân. Mặt khác, chúng ta có cách nghĩ của con người: đây là sự khôn ngoan của thế gian, gắn liền với danh dự và đặc quyền, và sự giành giật uy tín và thành công. Ở đây, những thứ được coi là đáng kể là sự vênh vang và quyền lực, và bất cứ thứ gì thu hút sự chú ý nhất và tôn trọng nhất trong mắt người khác.
Bị mù bởi lối suy nghĩ đó, Phêrô gạt Chúa Giêsu sang một bên và trách móc Ngài (xem câu 32). Chúng ta cũng có thể gạt Chúa “sang một bên”, dồn Ngài vào một góc trong trái tim mình và tiếp tục nghĩ mình là người ngoan đạo và đáng kính, trong khi đi theo cách riêng của chúng ta mà không để mình bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta trong cuộc đấu tranh nội tâm này, bởi vì Ngài muốn chúng ta, giống như các Tông đồ, đứng về phía Ngài. Một bên là Chúa và một bên là thế gian. Sự khác biệt không phải là giữa người có tôn giáo hay không, mà cuối cùng là giữa Chúa thật và vị thần là chính “bản thân”. Thật là khác biệt biết bao giữa Thiên Chúa âm thầm ngự trị trên thập tự giá và vị thần giả mà chúng ta muốn trị vì bằng quyền lực để làm câm lặng kẻ thù của chúng ta! Thật khác biệt biết bao, giữa Chúa Kitô, Đấng tự mạc khải mình với tình yêu, và tất cả các đấng cứu thế đầy quyền năng và chiến thắng được thế giới tôn thờ! Chúa Giêsu làm chúng ta lo lắng; Người không hài lòng với những tuyên bố về đức tin, nhưng yêu cầu chúng ta thanh tẩy lòng đạo của mình trước thập giá của Người, trước Bí tích Thánh Thể. Chúng ta nên dành thời gian để chầu Thánh Thể, để chiêm ngắm sự yếu đuối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để chiêm ngắm. Chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống chữa lành cho chúng ta sự tự quy hướng vào chính mình, để chúng ta có thể mở rộng tâm hồn tự hiến, giải thoát chúng ta khỏi sự cứng nhắc và tự ái, giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tê liệt trong việc bảo vệ hình ảnh của chúng ta, và truyền cảm hứng cho chúng ta noi theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài dẫn chúng ta đến. Và như vậy, chúng ta đến với bước thứ ba.
3. Theo Chúa Giêsu. “Hãy lùi lại phía sau Thầy, Satan” (câu 33). Với mệnh lệnh nghiêm khắc này, Chúa Giêsu đưa Phêrô trở lại với chính mình. Bất cứ khi nào Chúa ra lệnh cho một điều gì đó, Ngài đã có mặt để ban ân sủng. Do đó, Phêrô nhận được ân sủng để lùi lại và một lần nữa đi theo sau Chúa Giêsu. Cuộc hành trình của Kitô hữu không phải là một cuộc chạy đua hướng tới “thành công”; nó bắt đầu bằng cách lùi lại, tìm tự do bằng cách không cần phải là trung tâm của mọi thứ. Phêrô nhận ra rằng trung tâm không phải là Chúa Giêsu như ông nghĩ, mà là Chúa Giêsu thật. Phêrô sẽ tiếp tục sa ngã, nhưng khi nhận được hết sự tha thứ này đến sự thứ tha khác, ông nhìn thấy rõ ràng hơn khuôn mặt của Thiên Chúa. Và Phêrô sẽ chuyển từ sự ngưỡng mộ trống rỗng đối với Chúa Kitô thành sự bắt chước Chúa Kitô đích thực.
Đi sau Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Đó là thăng tiến trong cuộc sống với sự tin cậy vững chắc của chính Chúa Giêsu, khi biết rằng chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Đó là theo bước Thầy đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45). Đó là bước ra mỗi ngày để gặp gỡ các anh chị em của chúng ta. Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta đến với cuộc gặp gỡ này, để nhận ra rằng chúng ta là một Thân thể, và sẵn sàng để mình bị bẻ ra vì người khác.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta, cũng như đã biến đổi các vị thánh vĩ đại và can đảm mà anh chị em tôn kính. Tôi đang đặc biệt nghĩ đến Thánh Stêphanô và Thánh Elizabeth. Giống như các ngài, chúng ta có thể không bao giờ hài lòng với những điều xoàng xĩnh; Xin cho chúng ta đừng bao giờ cam chịu một đức tin dựa trên nghi lễ và sự lặp đi lặp lại, nhưng càng ngày càng cởi mở hơn với sự mới mẻ đầy tai tiếng của Thiên Chúa bị đóng đinh và phục sinh, là Bánh được bẻ ra để ban sự sống cho thế giới. Bằng cách này, bản thân chúng ta sẽ hạnh phúc và mang lại niềm vui cho người khác.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế này đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng quan trọng hơn, là sự khởi đầu của một chặng đường khác. Vì đi phía sau Chúa Giêsu có nghĩa là luôn luôn nhìn về phía trước, đón nhận thời ân sủng, và bị thử thách mỗi ngày bởi câu hỏi của Chúa đối với chúng ta, các môn đệ của Ngài: Các con nói Thầy là ai?
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau khi cử hành Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Thánh Thể ở Budapest, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Anh Hùng.
Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Thánh Thể có nghĩa là “tạ ơn” và khi kết thúc buổi cử hành này, cũng là bế mạc Đại hội Thánh Thể và chuyến thăm Budapest của tôi, tôi muốn gửi lời cảm ơn từ trái tim mình. Cảm ơn đại gia đình Kitô hữu Hung Gia Lợi, mà tôi mong muốn được ôm vào lòng tất cả các nghi lễ, lịch sử, các anh chị em Công Giáo và cả các hệ phái khác, tất cả đang trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất hoàn toàn. Về vấn đề này, tôi thân ái chào Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, một Người Anh đang tôn vinh chúng ta qua sự hiện diện của Ngài. Đặc biệt, xin cảm ơn các giám mục anh em yêu quý của tôi, các linh mục, các nam nữ tu sĩ thánh hiến, và tất cả các anh chị em, các tín hữu thân mến!
Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người đã làm việc chăm chỉ để thực hiện Đại hội Thánh Thể này và thánh lễ ngày hôm nay.
Tôi cũng muốn tỏ lòng biết ơn của tôi đối với các cơ quan dân sự và tôn giáo đã chào đón tôi, tôi muốn nói köszönöm: cảm ơn, người dân Hung Gia Lợi. Bài thánh ca đi kèm với Đại hội này nói với anh chị em như vậy: “Trong một ngàn năm, thập tự giá là cột trụ của sự cứu rỗi của chúng ta, ngay cả bây giờ, dấu chỉ của Chúa Kitô cho chúng ta là lời hứa về một tương lai tốt đẹp hơn”.
Tôi cầu chúc anh chị em đạt được điều này, cầu mong cây thánh giá là cầu nối của anh chị em giữa quá khứ và tương lai! Tình cảm tôn giáo là huyết mạch của dân tộc này, và là điều gắn bó với cội nguồn. Nhưng cây thập tự giá, được cắm sâu trong lòng đất, ngoài việc mời gọi chúng ta bén rễ tốt, còn giơ tay và giang rộng cánh tay về phía mọi người: Chúa Kitô khuyên chúng ta hãy giữ cho cội rễ của mình được vững chắc, có sức lôi cuốn; kín múc từ các nguồn mạch, và mở lòng chúng ta ra với những khát vọng của thời đại chúng ta. Mong muốn của tôi là anh chị em giữ vững cội nguồn và cởi mở. Isten éltessen! Những lời chúc tốt đẹp nhất!
“Thập giá Truyền giáo” là biểu tượng của Đại hội này: cầu mong Thập giá dẫn dắt anh chị em loan báo bằng đời sống của mình Tin Mừng giải phóng về sự dịu dàng vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Trong nạn đói tình yêu ngày nay, đó là sự nuôi dưỡng mà con người chờ đợi.
Ngày hôm nay, cách đây không xa, tại Warszawa, hai nhân chứng của Tin Mừng được tuyên phong Chân Phước: đó là Đức Hồng Y Stefan Wyszyński và Sơ Elisabetta Czacka, đấng sáng lập Dòng Các Nữ Tu Dòng Thánh Giá Phanxicô. Hai nhân vật hiểu biết rõ ràng về thập tự giá: Vị Giáo Chủ Ba Lan, bị bắt và bị biệt giam, luôn là một mục tử can đảm noi theo trái tim của Chúa Kitô, sứ giả của tự do và phẩm giá con người; Sơ Elizabeth, người bị mất thị lực khi còn rất nhỏ, đã dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ người mù. Gương của những vị vừa được tuyên Chân Phước kích thích chúng ta biến bóng tối thành ánh sáng bằng sức mạnh của tình yêu.
Cuối cùng, chúng ta hãy cùng đọc kinh Truyền Tin, tôn kính danh cực thánh của Đức Maria. Vào thời cổ đại, để thể hiện sự tôn trọng, người Hung Gia Lợi không gọi tên Đức Maria, nhưng gọi Mẹ với cùng một tước hiệu danh dự được sử dụng cho các nữ hoàng. Xin “Đức Nữ hoàng, quan thầy của anh chị em” ở cùng anh chị em và chúc lành cho anh chị em!
Từ thành phố vĩ đại này, tôi muốn gởi phép lành Tòa Thánh đến với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em và thanh niên, người già và bệnh tật, người nghèo và những người bị loại trừ. Tôi muốn nói với anh chị em: Isten, áldd meg a magyart!, nghĩa là Xin Chúa phù hộ cho người Hung Gia Lợi!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Theo VaticanNews, chiều ngày 12 tháng 9, 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Bratislava, Thủ đô Slovakia, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến tông du ngoại quốc thứ 34 của ngài.
Tại Phi trường Quốc tế Bratislava, ngài được một phái đoàn các thẩm quyền dân sự và tôn giáo, và hai trẻ em nghinh đón. Các em mặc y phục cổ truyền và mang theo quà tặng là bánh mì, muối và hoa, vốn được coi là biểu tượng của lòng hiếu khách Slovakia.
Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ hai thăm Slovakia, sau Đức Gioan Phaolô II năm 2003.
Theo Spectator (https://spectator.sme.sk/c/22740682/pope-francis-has-arrived-in-slovakia.html), Đức Phanxicô được nghênh đón bởi Tổng thống Zuzana Čaputová, Thủ tướng Eduard Heger, Chủ tịch Quốc Hội Boris Kollár (Sme Rodina), Ngoại trưởng Ivan Korčok, Thị trưởng Bratislava Matúš Vallo, các đại diện Giáo Hội, các khách mời như Ombudswoman Mária Patakyová, František Mikloško trong tư cách đại diện cho phong trào bất đồng Công Giáo thời cộng sản, và nạn nhân sống sót thảm họa Diệt chủng Herta Vyšná,.
Cũng có cả hàng ngàn tín hữu nghinh đón ngài tại phi trường Bratislava.
Tổng thống Čaputová nói rằng lời lẽ đầu tiên Đức Giáo Hoàng nói với bà sau khi tới đây là “Bà mời tôi tới Slovakia hồi tháng 12, thì giờ đây tôi xin chu toàn lời hứa”.
Bà hy vọng chuyến viếng thăm của ngài sẽ góp phần vào việc hòa giải trong xã hội. Tổng thống gặp riêng Đức Giáo Hoàng tại phòng dành cho khách danh dự tại phi trường.
“Một người hành hương tại Slovakia”
Sau đó, vào buổi chiều, một cuộc gặp gỡ đại kết đã được tổ chức tại tòa sứ thần Tòa Thánh tại Bratislava. Trong bài diễn từ của ngài với cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cám ơn các vị đại diện Giáo Hội đã đến gặp gỡ ngài. Ngài tự xưng mình là “một người hành hương tại Slovakia”.
Ngài cũng nói về tự do, cho rằng tự do của anh chị em cũng là tự do của ngài. Ngài nói thêm rằng điều tốt đẹp nhưng cùng một lúc khó khăn là có được đức tin trong tự do. Trong diễn từ của ngài, Đức Giáo Hoàng nhắc tới di sản của hai thánh Cyril và Methodius và cả đóng góp của các ngài vào việc truyền bá Kitô giáo.
Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng tỏ ý hy vọng Slovakia tiếp tục hành trình đại kết của mình.
Theo VaticanNews, tuy cuộc tông du này được mệnh danh là cuộc tông du tâm linh, nhưng cũng là một cuộc tông du trong đó, Đức Giáo Hoàng sẽ kéo người ta chú ý tới những người từng chịu đau khổ dưới các chế độ toàn trị, với con mắt hướng về tương lai. Vô số các câu truyện thuật lại các khó khăn thời cộng sản và quốc xã ở Slovakia. Cách nhà thờ chính toà chỉ bằng ném một hòn đá là đài kỷ niệm biến cố Diệt chủng, xây trên nền một nguyện đường từng bị phá sập để xây cây cầu qua Sông Danube.
Chế độ công sản cũng đem khổ cực cho xã hội và Giáo hội tại đất nước này với nhiều linh mục bị cấm thi hành thừa tác vụ của họ. Nhiều người ở đây vẫn còn nhớ tuổi trẻ của họ phải sống dưới sự cai trị của cộng sản.
Mặc dù thời thế đã thay đổi, nhất là trong 30 gần đây kể từ cuộc Cách Mạng Nhung (Velvet Revolution), cái bóng một Châu Âu ngày càng thế tục hóa là mối quan tâm của Giáo Hội tại Slovakia.
Một cuộc thống kê cách nay vài năm cho thấy có tới 70% dân chúng được thăm dò tự nhận là Kitô hữu. Tuy nhiên, các vị Giám Mục ở đây nhấn mạnh nhiều đe dọa mới, trong đó, có đe dọa vật chất chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa, và cảnh cáo Giáo Hội ở Slovakia không nên ngủ yên trên các thành tựu của mình.
Cũng như nhiều nước ở Âu Châu, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiểu tác động trầm trọng lên xã hội ở đây. Giới trẻ đang buộc phải học ở nhà và họ lo âu cho tương lai. Nhiều người tới các thành phố kiếm việc làm trong khi nhiều người nhìn sang các nước khác của Âu Châu và xa hơn nữa, hy vọng có việc làm tốt hơn. Ghi nhớ điều này, Giáo Hội ở Slovakia hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dành cho tuổi trẻ xứ này một thông điệp khuyến khích họ “tiến tới” trong đức tin.
Cuộc viếng thăm của ngài, vì thế bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Ngài sẽ thăm Trung tâm Bethlehem dành cho người nghèo và vô gia cư, và Cộng đồng Roma ở Lunik IX thuộc Košice. Và Thứ Tư, ngài sẽ tới Đền thánh Quốc Gia tại Šaštín để kính viếng Đức Mẹ Sầu Bi.
Người dân Slovakia mong ngài đến để củng cố và tăng cường đức tin của họ, một đức tin đang có chiều hướng trở thành nửa nóng nửa lạnh.
VaticanNews phỏng vấn Cha Marek Vanus, SVD, hiện đang làm việc tại giáo xứ Suy tôn Thánh giá ở khu Petržalka thuộc Bratislava, đồng thời là một giảng sư về nền thần học Kinh Thánh.
Cha cho rằng củng cố đức tin đúng là ước mong của tín hữu Slovakia, nhưng phải là một đức tin được đem ra sống, không chỉ nhờ phụng vụ mà còn nhờ việc giúp đỡ những người kém may mắn như người nghèo và người bị gạt ra bên lề.
Theo cha, hiện nay có nhiều người trở nên “dửng dưng” đối với đức tin. Nên cha hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp những người dửng dưng này gần lại đức tin hơn.
Trong chuyến viếng thăm này, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ tọa một buổi Phụng vụ Byzantine ở Prešov và viếng Đền Đức Mẹ Sầu bi ở Šaštín. Buổi đầu dành cho nghi lễ Công Giáo Hy Lạp, buổi sau dành cho Nghi lễ Rôma, qua hai cử chỉ này, Đức Giáo Hoàng muốn chứng tỏ “lòng tôn kính đối với cả hai truyền thống hiện đang cùng hiện diện tại Slovakia”.
Cha cũng cho rằng tình huynh đệ giữa mọi người theo tinh thần thông điệp Fratelli Tutti cũng sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, tìm thấy nơi người khác một người bạn, một người anh em.
Ngoài ra, trong bầu khí bất ổn của đại dịch Covid-19, nhiều người trở thành ưa phê phán, không hài lòng với bất cứ điều gì và chỉ trích mọi người. Điều này không tốt: phải biết thừa nhận điều tốt nơi người khác và cố gắng tìm cách dẫn đầu một cuộc đối thoại, thay vì kết án người khác”.
Cha cũng mong nhờ chuyến viếng thăm này, ơn gọi đang trên đà xuống dốc sẽ tìm được sự khích lệ lớn lao.
Devin Watkins của VaticanNews nhấn mạnh tới khía cạnh đại kết, điều mà đức Phanxicô thực hiện đầu tiên khi đặt chân lên đất Slovakia. Ngài thúc giục cuộc gặp gỡ đại kết chống lại cơn cám dỗ nô lệ bên trong bằng sức mạnh kép của chiêm niệm và hành động. Cuộc gặp gỡ này diễn ra tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và qui tụ đại diện của 11 Giáo Hội thành viên của Hội Đồng Đại Kết, trong đó, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Slovakia là quan sát viên.
Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Phanxicô nói rằng “một dấu hiệu là đức tin Kitô giáo là, và muốn là, một hạt giống hợp nhất và chất men huynh đệ tại xứ sở này.
Ngài nhắc lại nhiều năm bị chế độ vô thần bách hại thời Liên bang Xô viết, “khi tự do tôn giáo bị đàn áp tàn bạo”. Sau khi Bức Màn Sắt kết lliễu, tự do trở lại. “Nay qúy vị đang chia sẻ kinh nghiệm lớn lên trong đó, qúy vị đang tiến tới chỗ khám phá ra quả là tươi đẹp, nhưng cũng khó khăn xiết bao phải sống đức tin của qúy vị trong tự do”.
Ngài cảnh cáo người Slovakia chống lại cơn cám dỗ trở lại với cơn cám dỗ tồi tệ hơn: “Nô lệ bên trong”. Ngài nhắc đến “Huyền thoại Tòa Dị giáo Vĩ Đại” trong Anh em Nhà Karamazov, trong đó, Chúa Giêsu trở lại trần gian và một lần nữa bị cầm tù.
Tòa Dị Giáo tra vấn Chúa Giêsu, tố cáo Người đánh giá quá cao sự tự do của con người, cho rằng người ta thích trao đổi tự do của họ lấy “một thứ nô lệ êm ái hơn”.
Đức Phanxicô kêu gọi các Kitô Hữu đừng rơi vào cạm bẫy đổi tự do lấy “bánh mì và một chút gì khác thế” tức “không gian và đặc ân”. “Tại đây, từ tâm điểm Châu Âu Châu này, chúng ta có thể hỏi: phải chăng Kitô hữu chúng ta đã đánh mất một số nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng tiên tri? Chân lý Tin Mừng có giải phóng chúng ta hay không?”
Đức Phanxicô nhắc lại lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của hai thánh Cyril và Methodius, “Tông đồ của người Slavs”. Các ngài có thể giúp người Slovakia tái khám phá tình hiệp thông huynh đệ nhân danh Chúa Giêsu, và đặt tự do tôn giáo và nội tâm vào tâm điểm của các mối liên hệ giữa các tuyên tín khác nhau.
Ngài nói rằng không thể có hy vọng để Âu Châu được Tin Mừng ảnh hưởng nếu các Kitô hữu không hợp nhất với nhau. Ngài cầu nguyện “Xin các thánh Cyril và Methodius, ‘tiền hô của phong trào đại kết’ giúp chúng ta cố gắng hết sức làm việc cho một cuộc hoà giải tính đa dạng trong Chúa Thánh Thần”.
Và như trên đã nói, ngài đưa ra hai gợi ý giúp đổi mới tự do và đức tin nơi các Kitô hữu Slovakia: chiêm niệm và hành động. Ngài nói chiêm niệm là “nét khác biệt của các dân tộc Slav” có thể giúp họ tái khám phá “vẻ đẹp của viêc thờ phượng Thiên Chúa” và vượt thắng sự tập chú hẹp hòi “vào tính hiệu năng của tổ chức”. Hành động, theo ngài, bổ túc cho chiêm niệm, và dẫn Kitô hữu tới hợp nhất đưới cùng một chính nghĩa trợ giúp người nghèo và người bị hắt hủi.
Ngài nói, “chia sẻ công việc bác ái có thể mở ra các chân trời rộng rãi và giúp chúng ta thực hiện các tiến bộ lớn lao hơn nhằm vựơt qua thiên kiến và hiểu lầm”.
Sau cùng, Đức Giáo Hoàng tỏ bày niềm hy vọng mọi Kitô hữu một ngày kia sẽ tái hợp nhất quanh Bàn tiệc Thánh Thể của Chúa. Ngài nói, “Xin ơn phúc của Thiên Chúa hiện diện trên bàn cho mọi người, để, dù chúng ta chưa có thể chia sẻ cùng một Bữa ăn Thánh thể, chúng ta vẫn có thể cùng nhau nghinh đón Chúa Giêsu bằng cách phụng sự Người trong người nghèo”.
Đức Thánh Cha được chào đón khi đến Sân bay Quốc tế Bratislava bởi một phái đoàn chính quyền và tôn giáo cùng hai em bé mặc trang phục truyền thống và mang theo một món quà gồm bánh mì, muối và hoa, một biểu tượng của sự chào đón.
Chúng tôi nhận thấy đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay là nữ tổng thống Zuzana Čaputová, năm nay 48 tuổi, nội các, Sứ Thần Tòa Thánh tại Slovakia là Đức Tổng Giám Mục Giacomo Guido Ottonello cùng với đông đảo các Giám Mục của nước này.
Chuyến thăm 4 ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Slovakia bao gồm nhiều yếu tố. Hai trong số những điểm nổi bật là cử hành Phụng vụ Thánh Byzantine ở Prešov và một chuyến viếng thăm Đền thờ Quốc gia kính Đức Mẹ Sầu Bi tại Šaštín. Đức Giáo Hoàng cũng dự kiến dành thời gian đến một trung tâm dành cho người vô gia cư và gặp gỡ những người trẻ tuổi. Tất nhiên, ngài cũng sẽ dành thời gian cho các linh mục và tu sĩ người Slovakia.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Slovakia sau chuyến hành hương của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến quốc gia này vào tháng 9 năm 2003.