Ngày 13-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tha thứ, mùa Xuân tình yêu
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
04:38 13/09/2017
Chúa Nhật XXIV Thường niên A
Mt 18, 21 – 35

Văn hào Nga, Lêon Tolstoi kể câu chuyện ngụ ngôn.
Có một người hành khách đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu đựng đựơc những lời van xin đó, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy đá ném vào người hành khất. Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: ta sẽ mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi.

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng, ông đi theo đoàn người áp giải, tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên mình. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tuỵ đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ như ta mà thôi.

Có hai thứ mùa xuân. Xuân đất trời và xuân tâm hồn. Xuân đất trời, mầm non nẩy lộc, cây cối xanh tươi. Xuân tâm hồn, bình an thanh thản. Người hành khất đã tìm lại mùa xuân tâm hồn. Vì biết tha thứ nên tâm hồn mang nặng hờn căm oán ghét giờ đây đã hồi sinh, nảy mầm. Từ đây, cuộc sống trở nên tươi đẹp. Mới mẻ của mùa xuân tâm hồn con người là sự tha thứ.

Tin Mừng tuần trước, Chúa Giêsu dạy hãy sửa lỗi cho nhau. Tin Mừng tuần này, Chúa dạy hãy tha thứ. Góp ý xây dựng là một nét đẹp của tình yêu. Tha thứ là mùa xuân của tình yêu.
Trang Tin Mừng thuật lại cuộc đàm đạo về ơn tha thứ.

Phêrô đến gần Chúa Giêsu hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?. Đối với người Do thái là “quá tam ba bận”. Có tha chỉ tha ba lần thôi, đến lần thứ tư phải trừng phạt. Họ suy luận:Thiên Chúa trừng phạt kẻ ác khi nó lỗi phạm lần thứ tư; người phàm không thể nhân lành hơn Thiên Chúa nên con người không thể tha thứ cho nhau quá ba lần. Trước lời suy luận và giảng dạy như thế của các kinh sư, Phêrô chắc mẫm sẽ được Thầy khen ngợi khi đề nghị tha bảy lần. Vì tha thứ bảy lần là đã gấp đôi truyền thống Do thái và còn cộng thêm một lần nữa. Phêrô đến với Chúa bằng tâm thức của luật dân Chúa đang tuân giữ "Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần" (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn. Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm bàng hoàng người nghe: Không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Tha thứ đến 490 lần. Ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen với công thức toán học để tìm ra con số lần phải tha thứ cho anh em mà là tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi.

Để các môn đệ hiểu bài học tha thứ không giới hạn này, Chúa Giêsu đã cụ thể hoá bằng câu chuyện. Một người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, có giá trị tương đương một trăm triệu, một số nợ khổng lồ vì một ngày công chỉ một đồng (x. Mt 20,9). Vua ra lệnh bán y, vợ con, tài sản của y để trả nợ. Người đầy tớ liền sấp mình, van lơn xin khất nợ. Nhà vua động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.Tên đầy tớ được tha hết mọi nợ nần, được trả tự do, không còn làm nô lệ nữa. Trớ trêu thay, vừa được tha về, tên đầy tớ gặp một người bạn chỉ mắc nợ y một trăm đồng, một món nợ rất nhỏ so với món nợ khổng lồ y vừa được vua tha bổng, y tóm lấy, bóp cổ đòi trả nợ ngay. Người bạn sấp mình dưới chân y, van lơn xin khất nợ, nhưng y không nghe, bắt bạn tống giam vào ngục. Chuyện chướng tai gai mắt này đến tai vua, vì những người bạn của anh không thể nhắm mắt làm ngơ được. Kết cục, tên đầy tớ ác độc bị vua ra lệnh hành hạ. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu khẳng định: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Tha thứ cho nhau là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ. Chúa Giêsu cho thấy tính cấp thiết và cần thiết của ơn tha thứ.

- Phải tha thứ vì ai cũng lỗi lầm.

“Nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo cả. Là con người, ai cũng có những sai trái, những lầm lỗi. Xét lại bản thân, sẽ thấy chính mình cũng có nhiều sai trái, lắm khiếm khuyết và lầm lỗi. Vô ý và hữu ý, cố tình và vô tình xúc phạm nhau. Chỉ cần một chút cảm thông, một ít hiểu biết sẽ dễ dàng bỏ qua, không chấp nhất. Người mang nặng oán hờn là người không bao giờ bình an. Như người hành khất mang hòn đá căm hờn mười mấy năm nặng nề. Trong các thứ khổ hạnh, giữa những thứ đắng cay, có một thứ rất cay đắng, đó là thiếu vắng thông cảm, là tâm hồn mang hận thù. Khi thù ai, tâm hồn tôi không còn phẳng lặng. Khi tôi bị người khác thù hận, tôi sống trong đề phòng sợ hãi. Cả hai đều là ngục tối. Cả hai đều đánh mất bình an tâm hồn.

Tha thứ là việc vô cùng khó. Tha thứ vượt qua khả năng tự nhiên của con người, nhất là đối với người Việt Nam chúng ta “sống để bụng, chết đem theo”. Câu nói đó cho thấy người Việt Nam giận dai, thù dai, nhớ dai những xúc phạm của người khác như thế nào. Cần phải tha thứ cho nhau. Thánh Phaolô đã khuyên bảo: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32). Đức Phật cũng dạy lấy ơn trả oán chứ đừng lấy oán trả oán: Lấy oán trả oán, oán chập chùng. Lấy đức trả oán, oán tiêu tan.

- Mỗi người cần được thứ tha.

Mỗi người trong đời có biết bao lỗi lầm. Đời người là một chuỗi những vấp ngã được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời người, nếu bị ngăn lại sẽ thành ao tù, nó sẽ trong lành khi chảy đến anh em. Luật “mắt đền mắt răng đền răng” là luật công bằng, nhưng ơn tha thứ mới đem lại mùa xuân cho cuộc đời. Thánh Phanxicô Assidi cũng đã xác định : vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.

- Tha thứ để được Chúa thứ tha.

Chúa Giêsu nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy kinh Lạy Cha, Chúa mời gọi mỗi người phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm cho mình. Ở cuối kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu căn dặn: Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15). Thánh Phaolô sống Lời Chúa dạy và đã tha thiết mời gọi: “Anh em hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”(Col 3,13).

- Tha thứ là hồng ân của Thiên Chúa.

Trả thù là khuynh hướng nhân loại, tha thứ là hồng ân Thiên Chúa. Quan toà có thể không tha thứ cho tội nhân, nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho người tội lỗi, nếu họ thực lòng ăn năn hối cải.
Trong lúc đau đớn tột cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).

Thế giới hôm nay đang bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia; những hiềm thù giữa các bộ tộc anh em; những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị; những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Cần phải có những người dám chịu thiệt thòi, dám bẻ gãy oán thù bằng tha thứ, dám tin rằng tình thương có thể biến đổi quả tim chai đá của con người. Giáo hội vẫn luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, vì chỉ khi ấy trái đất này mới có cơ may tồn tại.

Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Tha thứ đem về mùa xuân cho tâm hồn đâm chồi yêu thương, nảy lộc bình an. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, tình yêu bùng cháy, Phêrô đã sống hết mình cho sứ vụ Thầy trao. Phaolô đựơc ơn tha thứ, biến đổi cuộc đời, thành sứ giả lừng danh rao truyền Đức Kitô cho thế giới.

Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của lòng khoan dung. Thế giới có “Ngày khoan dung quốc tế” (International day of tolerance) do Liên Hiệp Quốc thiết lập vào ngày 16.11.1995. Người khoan dung độ lượng là người không chấp nhất, nhưng thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác. Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và của người khác. Mình cũng phạm lỗi sao mình lại kết án người khác? Thế giới có ngày khoan dung, người Kitô hữu cần cả đời khoan dung.

Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ.

Chúa Giêsu vì yêu thương đã hiến dâng chính mình trên hy tế thập giá đễ ban ơn cứu độ cho nhân loại. Với hiến tế Thánh Thể, Người vẫn tiếp tục tuôn đổ ơn cứu độ. Đón nhận Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu để chúng ta biết tha thứ cho nhau.


 
Nhìn lên con rắn Thánh giá
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
17:28 13/09/2017
Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Bài đọc 1 sách Dân Số kể chuyện, dân Do thái đi trong sa mạc, họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? …”. Vì thế, Thiên Chúa đã cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Sau đó dân hối lỗi chạy đến với Môsê và ông đã cầu khẩn cùng Chúa. Thiên Chúa thương xót, đã truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng treo lên giữa sa mạc, và bất cứ ai, hễ bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được chữa lành.

Bài Tin Mừng, trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu khẳng định : “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, sẽ đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21,6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Kitô (Ga 3,14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12,7-10).

Dịp hành hương Thánh Địa tháng 5 vừa rồi, chúng tôi có lên núi Nebo bên đất nước Jordanie. Chiêm ngắm tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn, biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê dựng nên, nhìn về Thánh địa và dâng lễ tại nhà nguyện trên núi.

1. Núi Nebo

Núi Nebo là một dãy núi ở Vương quốc Jordanie, cao khoảng 817m. Cựu ước đã đề cập đến nơi này. Trên núi Nebo, Thiên Chúa đã cho Môsê nhìn về Đất Hứa. Từ đỉnh núi nhìn bao quát bức tranh toàn cảnh về Thánh Địa và thành phố bờ Tây sông Giođan là Giêricô, thậm chí vào một ngày rất đẹp trời người ta có thể nhìn thấy cổ thành Giêrusalem.

Theo chương 34 của sách Đệ Nhị Luật, Môsê đã đi lên núi Nebo từ đồng bằng Môáp đến đỉnh Pisgah đối diện với Giêricô để nhìn về Đất Hứa.Giavê phán với Môsê: Đó là đất Ta đã thề với Abraham, Isaac và Giacop rằng: Ta sẽ ban nó cho dòng giống ngươi! Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó! . Và Môsê đã chết trong xứ Môab. Người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-pơor, nhưng không biết được mộ ông cho đến ngày nay.(Đnl 34,4-6).

Theo truyền thống Kitô giáo, Môsê đã được chôn cất trên núi này, tuy nhiên người ta vẫn không xác định được nơi chôn cất ông. Một vài truyền thống Hồi giáo cũng khẳng định điều tương tự, nhưng ngôi mộ của Môsê thì họ cho là ở Maqam El- Nabi Musa nằm về phía nam cách Giêricô 11 km và về phía đông cách Giêrusalem khoảng 20km trong hoang địa Giuđêa. Các học giả tiếp tục tranh luận xem ngọn núi hiện nay được gọi là là Nebo có phải là ngọn núi ngày xưa được đề cập trong bộ Ngũ kinh của Cựu ước không.

Theo sách Maccabê (2 Mcb, 2,4-7): Tiên tri Giêrêmia đã giấu Nhà tạm và Hòm Bia Giao Ước trong một cái hang trên núi Môsê đã lên và được chiêm ngắm cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Ngày 20/03/2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến núi Nebo trong cuộc hành hương Thánh địa. Ngài đã trồng một cây ô liu bên cạnh nhà thờ theo phong cách Byzantine như là một biểu tượng cho hòa bình.

Ngày 9/5/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến thăm địa danh này, đọc bài diễn văn ở đây và ngài nhìn về thành Giêrusalem từ đỉnh núi Nebo.

Nghệ sĩ người Ý, Giovanni Fantoni đã thực hiện tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn. Đây là biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê làm theo lệnh của Chúa để cứu sống người bị rắn cắn (Ds 21,4-9) và là thánh giá trên đó Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 3,14) .

Trên đỉnh cao nhất của ngọn núi mang tên Syagha, người ta khám phá ra di tích ngôi nhà thờ và một tu viện vào năm 1933. Ngôi Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào nửa bán thế kỷ thứ IV để kỷ niệm nơi Môsê qua đời. Thiết kế nhà thờ theo phong cách một Vương cung Thánh đường. Nó được mở rộng vào cuối bán thế kỷ thứ V và được xây dựng lại năm 597. Ngôi Nhà thờ đầu tiên được nhắc đến trong bản báo cáo về một cuộc hành hương của một người phụ nữ tên Aetheria vào năm 394. Người ta đã tìm thấy 6 ngôi mộ trống rỗng từ những phiến đá tự nhiên nằm dưới sàn khảm đá của nhà thờ.
Trong ngôi nhà nguyện hiện đại được xây dựng để bảo địa danh này và cung cấp nơi thờ phượng, người ta có thể nhìn thấy thấy những di tích của những sàn nhà khảm đá từ nhiều thời kỳ khác nhau. Một trong những bức tranh khảm đá lâu đời nhất là một tấm ghép với những hình chữ thập có viền hiện nay được đặt ở phía đầu Đông của bức tường phía Nam.

2. Tại sao lại treo con rắn ?

Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3,1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: chẳng chết chóc gì đâu! Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước: Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2,17).

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến, chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người.

3 . Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” ?

Trong Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô ở Milan, có 2 cột đá thật ấn tượng và giàu ý nghĩa; "cột rắn": một con rắn bằng đồng thời Byzantine vào thế kỷ thứ X được đặt trên đỉnh một cột ngắn, đối diện bên kia có “cột thập giá”.

Bài đọc 1 là “lời tiên báo” của sách Dân Số, một lời tiên báo rất huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế, về mầu nhiệm Thâp giá, nơi Đức Kitô là Con Người được “giương cao”. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh, tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời (x. Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người chúng ta, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu “chết để cho chúng ta được sống”.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu, ngay từ những lời nói đầu tiên đã đặt mầu nhiệm Thập Giá trong tương quan trực tiếp với hình ảnh con rắn biểu tượng của Tội và Sự Dữ : Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Một bên là con rắn bị giương cao. Một bên là Đức Kitô được giương cao trên cây thập giá.Trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn.Theo Thánh Phaolô: Đức Giêsu tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 ; Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7,13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Giêsu dạy, (chứ không phải báo trước) cho các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (Mc 8, 31).

Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh giá để nhìn thấy:

- Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
- Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị; chân tay của Người bị đinh nhọn đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính; và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt. Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

4 . Tại sao “nhìn lên” có khả năng chữa lành?

Theo lời của Đức Chúa, Môsê đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên thì được chữa lành. Hình phạt bị rắn độc cắn là rất nặng nề, còn ơn chữa lành thật nhẹ nhàng: nhìn lên thì được sống.

Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) với lòng tin chúng ta đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Thánh giá Đức Kitô chịu đóng đinh được các giáo phụ gọi là Cây Sự Sống, vì đã mang đến cho nhân loại Sự Sống của Thiên Chúa.

Thánh Giá mang lại cho nhân loại Ơn Tha Thứ của Thiên Chúa. Sự bất tuân của Adam đã mang đến án phạt và sự chết cho toàn thể nhân loại. Thì giờ đây, sự vâng phục của Chúa Giêsu mang lại Ơn Tha Tội của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại (bài đọc 2). Vì tình yêu vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá, Chúa Cha đã tha hết mọi tội lỗi cho nhân loại. Ơn tha thứ đã được ban một cách tràn đầy và cho mọi người, không trừ một ai. Ơn Tha Thứ ấy phát xuất từ Tình Yêu của Thiên Chúa Cha. Tình Yêu lớn hơn tội lỗi. Tình Yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá biểu lộ Gương Mặt đích thực của Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Thánh Giá mạc khải Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại chúng ta. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha đến nỗi sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa Cha, dâng hiến sự sống mình lên cho Chúa Cha. Thánh Giá cũng biểu lộ Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì những người mình yêu.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta yêu mến và tôn thờ Chúa Cứu Thế.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thế nào là tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ qua vụ án tiệm bánh ở Tối Cao Pháp Viện!
Giuse Thẩm Nguyễn
08:52 13/09/2017
(EWTN News/CNA) Washington DC. Cuộc tranh đấu của một tiệm bánh ở Colorado để duy trì quyền tự do bày tỏ của mình có thể là một trong những quyết định tự do tôn giáo có ảnh hưởng nhất của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong năm khi tòa án sẽ xem xét vụ án trong họp kỳ này.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và các nhóm Công Giáo khác đã đưa ra quan điểm trong bản kiến nghị về vụ Tiệm bánh Masterpiece kiện Ủy Ban Dân Quyền Colorado rằng “vấn đề không chỉ đơn giản là Jack Phillips có nướng bánh hay không, nhưng chính là quyền được sống theo niềm tin của mình trong đời sống hằng ngày, để phục vụ lợi ích chung.”

Vụ tiệm bánh Masterpiece Cakeshop đã được Tòa Tối Cao quyết định sẽ xử vào họp kỳ tới, nhắc nhớ một ngày vào tháng Bẩy năm 2012 khi ấy Jack Phillips đang làm việc tại tiệm bánh của mình ở Lakewood, Colo nằm ở ngoại ô Denver.

Phillips đã bắt đầu vào nghề từ năm 1993 với hai niềm đam mê – làm bánh và nghệ thuật. Phillips đặt tên cho tiệm bánh của mình là “Masterpiece” bởi vì tính cách nghệ thuật của công việc và cũng bởi vì niềm tin vào Chúa Kitô của anh. Anh nhớ lại bài giảng của Chúa trên núi trong Phúc Âm của Thánh Matthew, đặc biệt là lệnh truyền này “không ai được làm tôi hai chủ” và “ người không thể vừa phụng sự Chúa lại vừa phụng vụ tiền của được.”

Phillips đã phát biểu hôm thứ Tư tuần trước tại Hội Di Sản Văn Hóa (Heritage Foundation) đang chuẩn bị cho phiên xử tại Tòa Tối Cao rằng “Tôi mở tiệm bánh không phải là để kiếm được thật nhiều tiền, nhưng là tôi có thể sáng tác nghệ thuật, làm những cái bánh mà tôi thích và phụng vụ Thiên Chúa yêu thương của tôi.”

Nhớ lại vào một ngày tháng Bẩy, có hai người đàn ông bước vào tiệm bánh Masterpiece Cakeshop và bắt đầu xem hình mẫu của những chiếc bánh cưới. Phillips tiến lại và họ nói là muốn đặt một chiếc bánh cưới cho buổi kết hợp (đám cưới) đồng tính của họ.

Phillips chưa biết phải từ chối làm sao cho lịch sự vì anh không muốn làm bánh cưới cho người đồng tính. Cuối cùng thì anh cũng phải nói rõ cho họ biết là anh không thể làm bánh cho họ được,vì làm như thế là anh đã vi phạm vào niềm tin Kitô giáo của anh. Anh cũng cho biết là tiệm của anh từ chối làm một số loại bánh gồm bánh cho ngày Halloween, tiệc độc thân, bánh ly dị, bánh có rượu và bánh với lời viết của kẻ vô thần.

Khi hai người đàn ông này nghe giải thích như vậy, họ đùng đùng nổi giận bước ra khỏi tiệm. Sau đó Phillip nhận được nhiều cú điện thoại đe dọa. Ngày hôm sau anh nhận được lời đe dọa sẽ giết anh và anh đã gọi điện thoại cho bà chị lúc đó đang ở trong tiệm với đứa con gái bốn tuổi, bảo họ trốn ra phía sau tiệm trong khi chờ cảnh sát tới.

Hai người đồng tính này lúc đó cũng làm đơn khiếu nạn với Ủy Ban Dân Quyền Colorado vì cho rằng bị phân biệt đối xử.

Thế là Ủy ban này ra lệnh cho Phillips phải làm bánh cho cặp đực này và phải qua một lớp huấn luyện chống phân biệt. Trong phiên tòa vào năm 2014, công tố viên Diann Race so sánh việc từ chối làm bánh cho cặp đồng tính này lý giải cho tội phá hoại và nô lệ. Rice nói rằng “Tự do tôn giáo và tôn giáo đã được dùng để biện minh cho nhiều loại phân biệt đối xử trong suốt chiều dài lịch sử, như là bắt làm nô lệ hay là phá hoại.”

Hội Bảo Vệ Tự Do (Alliance Defending Freedom) giúp đưa vụ Phillip ra tòa. Phillip đã bị thua trước khi chánh án vào năm 2012, quyết địng rằng tiểu ban có quyền quyết định khi nào thì quyền tự do ngôn luận của Phillip phạm đến quyền của người khác.

Thế là Phillip khiếu nạn với ủy ban nhân quyền của tiểu bang và quyết định của họ chống lại anh. Phillip lại tiếp tục khiếu nại với Tòa Khiếu Nại của tiểu bang và tòa này cũng chống lại anh. Còn tòa Tối Cao Colarodo thì không nhận vụ án của anh.

Phillip lại kháng án lên Tòa Tối Cao. Ngày xử được dời tới dời lui,hết đông rồi lại sang hạ. Mãi đến mùa xuân 2017 Tòa mới nhận xử vụ án vào tháng Sáu, những ngày cuối của họp kỳ.

Phán quyết của Tòa Tối Cao sẽ có tầm quan trọng nhất trong các bản án quyết định về tự do tôn giáo của thế kỷ.

Dân biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-La) phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tại thủ đô Hoa Kỳ rằng “ Đây có thể là một trong những vụ án quan trọng nhất của Tu Chính Án Thứ Nhất về quyền tự do ngôn luận và quyền thực hành tự do tôn giáo trong lịch sử và nó có thể là một bước ngoặc về tính pháp lý của Tu Chính Án Thứ Nhất.”

Dựa theo bản án Obergerell v. Hadges vào năm 2013, bản tu chính cho rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là vi hiến và bắt đầu áp dụng luật chống phân biệt dựa trên giới tính. Sự từ chối phục vụ khách hàng đồng tính dù là cặp đực hay cặp cái của những chủ nhân một số cơ sở kinh doanh như tiệm hoa hay tiệm bánh được coi là phạm luật trong một số tiểu bang, trong đó có bang Colorado.

Trong thời gian phải đối diện với luật pháp, Phillip đã phải trả một giá rất đắt. Anh đã mất 40 phần trăm lợi tức gia đình và một nửa số công nhân của tiệm.

Hội Bảo Vệ Tự Do lập luận rằng trong vụ án Phillip, anh có quyền tự do bày tỏ tính nghệ thuật của một nghệ nhân và quyền này đã được công nhận trong Tu Chính Án Thứ Nhất. Nếu Tòa Tối Cao ra án lệnh nghiêng về Phillip thì tòa sẽ phải coi lại những vụ khác mà chủ cơ sở đang bị tố cáo là phân biệt đối xử. Vì thế, cũng theo Hội Bảo Vệ Tự Do thì sự xung khắc giữa một bên là sự tự do của Phillip, một nghệ nhân và một bên là ước muốn của khách hàng cần được giải quyết giữa người dân với nhau, chính quyền không nên can dự vào.

Con đường văn minh, tiến bộ và tự do không chà đạp những người có quan điểm khác bằng cách đẩy họ ra nơi công cộng. Người công dân tự do được quyền xác định tư tưởng và niềm tin của mình để được bày tỏ, xem xét và tuân thủ.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với HĐGM Colorado, các Hiệp hội Công Giáo và các tổ chức không phải là Công Giáo cũng đã cân nhắc vụ án này, đã nộp bản kiến nghị nhân danh tiệm bánh Masterpiece Cakeshop.

Bản kiến nghị cho rằng tự do tôn giáo không chỉ có nghĩa là tự do thờ phượng hay tự do hành đạo trong nơi riêng tư, Tu Chính Án Thứ Nhất khẳng định “bảo đảm quyền của mỗi cá nhân tìm kiếm sự thật trong những vấn đề tôn giáo và tuân thủ sự thật đó ở nơi riêng tư và nơi công cộng.”

Trong tông huấn công bố Tin Mừng mới đây, ĐGH Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “không ai có thể bắt tôn giáo chỉ có ở trong cõi lòng của đời sống cá nhân, không ảnh hưởng đến đời sống quốc gia và xã hội, không quan tâm đến các thể chế dân sự, không có quyền đưa ra quan điểm về các sự kiện ảnh hưởng đến xã hội.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Bão Irma đến nhà? Bà Sơ phải vung cưa máy.
Trần Mạnh Trác
09:51 13/09/2017
Người Việt Nam ta có câu “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.”

Tuy không phải là con cháu Bà Trưng Bà Triệu, nhưng Sơ Margaret Ann ở Miami cũng phải thấm nhuần cái ý chí cuả các bậc nữ lưu giòng giống Tiên Rồng, cho nên sau khi bão Irma đi qua, Sơ đã vung chiếc cưa máy lên...

Cử chỉ anh dũng ấy không lọt qua chiếc ống kính cuả một cảnh sát đi tuần, và chỉ trong chốc lát, màn video “bà Sơ vung cưa máy” cuả sở cảnh sát Miami-Dade đã làm chấn động thế giới, đến nỗi báo chí cuả xứ Tin Lành Anh Quốc cũng rối rít khen trên trang nhất, video đã có trên triệu lần truy cập, và trở thành biểu tượng kiêu hãnh cuả Miami, cuả sự phục hồi sau bão Irma.

Dọn dẹp sau cơn bão là một việc lớn, Sơ Margaret Ann, dòng Carmelo, là hiệu trưởng của trường trung học Archbishop Coleman F. Carroll, cho đài CNN biết:

"Con đường bị chặn, không ai đi qua được, và tôi thấy có xe bị mắc lầy, quay vòng vòng gần như đâm vào một bức tường. Vì vậy, tôi thấy có một nhu cầu, mà tôi lại có phương tiện để giải quyết, vì vậy tôi muốn giúp. "

Một chiếc cưa máy (chainsaws) đang nằm một xó trong một phòng tại trường học, Sơ Margaret Ann nói, "Chiếc cưa này đáng lẽ không phải ở đây. Nó cần phải được sử dụng."

Bằng cách sử dụng cái cưa, Sơ nói, “chúng tôi cố gắng sống điều mà nhà trường chúng tôi dạy cho học sinh: ‘Làm mọi sự có thể để giúp đỡ.’"

Và bây giờ thì nhiều người bắt đầu ‘nhận họ’ với bà Sơ, một cô Annette Zayas viết trong trang bình luận cuả video rằng, "Sơ ấy đi lễ ở giáo xứ của tôi đấy, Sơ luôn luôn có một nụ cười ấm áp với tất cả mọi người."

Nhiều người cảm ơn Sơ, cũng có người nhân dịp bình luận về việc bà Sơ không biết xử dụng một chiếc cưa máy, và mặc chiếc áo chùng như thế là nguy hiểm. Riêng anh Eggert Edwald thì viết:

"Dù cho ai đó có nhận xét rằng bà Sơ này không xử lý cái cưa máy một cách an toàn. Nhưng tôi thì đã được dạy rằng 'hãy làm tốt nhất để bạn có thể tự hào khi về nhà.' Đó là tất cả những điều chúng ta cần, Bà Sơ này thực sự đã bay cao” (That is all we ask for, she rocks")

Xem video

 
Cập nhật tin tức 2 cuộc trưng cầu ý dân Úc về hôn nhân đồng tính
Vũ Văn An
20:26 13/09/2017
Một trong các động thái của phe ủng hộ hôn nhân đồng tính là yêu cầu Tối Cao Pháp Viện tuyên bố bất hợp hiến cuộc trưng cầu ý dân được dự trù bắt đầu từ ngày 14 tháng Chín cho tới ngày 15 tháng Mười Một.

Rất tiếc cho họ là Tối Cao Pháp Viện đã không thuận theo yêu cầu của họ, trái lại đã cho phép cuộc trưng cầu ý dân tiến hành như dự định của Chính Phủ.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher

Dĩ nhiên, Đức Tổng Giám Mục Fisher của Sydney vận động cho lá phiếu “no” đối với câu hỏi duy nhất của cuộc trưng cầu: “Luật pháp có nên thay đổi để cho phép các cặp đồng tính cưới nhau không?”.

Trên tờ Daily Telegraph ngày 8 tháng Chín vừa qua, ngài cho rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ là một thiệt hại lớn cho tất cả mọi người, kể cả các cặp đồng tính, vì đời sống cá nhân và đời sống chung tùy thuộc sự lành mạnh của hôn nhân và gia đình.

Do kinh nghiệm của các nước đã hợp pháp hóa "hôn nhân" đồng tính, việc định nghĩa lại hôn nhân đem lại nhiều hậu quả không hay cho học trình, cơ hội nhân dụng, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, ý thức hệ phái tính…

Các nhà bình luận đã làm nổi bật trường hợp các định chế như trường học, bệnh viện và cơ sở phục vụ của giáo hội, cũng như các tiệm buôn và công nhân của họ, cả các cha mẹ và người dân thường cũng bị nạt nộ vì đã ủng hộ hôn nhân truyền thống. Cùng bầu khí kỳ thị ấy đang xuất hiện tại Úc: các lời gièm pha có tính kỳ thị đức tin (faithophonbic) nay đã trở thành quá quen thuộc! Chỉ cần ai nói tới các vấn đề đức tin cũng bị khoác cho nhãn hiệu: tên kỳ thị (hater).

Sự thực là nhiều Kitô hữu biết và yêu thương người đồng tính, họ chỉ muốn điều tốt nhất cho người này mà thôi. Nhưng họ cũng yêu thương những cuộc hôn nhân chân thực và muốn được ủng hộ mối liên hệ này.

Đức Tổng Giám Mục Fisher cho rằng người tôn giáo đang bị áp lực phải chọn một trong hai thái độ trên. “Nhưng tôi cương quyết duy trì việc kính trọng cả hai, cương quyết kêu gọi người Công Giáo Sydney làm y như thế”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Fisher, phần lớn những người tin vào hôn nhân truyền thống không cuồng tín. Mà họ cũng không phải là giáo sĩ. Thành thử nói rằng các giáo sĩ sẽ được che chở nếu luật hôn nhân bị thay đổi đâu có đem an ủi chi tới 99 phần trăm các tín hữu vốn không phải là giáo sĩ.

Ở đây, Đức Tổng Giám Mục Fisher dựa vào Đức Phanxicô, người vốn cho rằng ngài không phê phán những người đồng tính biết thực sự tìm kiếm Thiên Chúa và làm điều tốt, để quả quyết rằng việc chăm sóc mục vụ một cách mẫn cảm đối với người đồng tính hoàn toàn nhất quán với việc đề cao sự thật về hôn nhân.

Vì sự thật ấy là một thực tại tự nhiên: mọi nền văn minh, tôn giáo và hệ thống luật pháp lớn đều nhìn nhận hôn nhân là “sự kết hợp suốt đời của một người đàn ông và một người đàn bà”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher còn đi xa hơn nữa bằng cách quả quyết rằng “luật pháp có thể gọi các bà mẹ là các ông cha, hay gọi các ông cha là ‘phụ huynh hai’ (Paret Two) hay bãi bỏ các hạn từ như chồng và vợ, má và ba, nam và nữ. Các trường học có thể đổi Ngày Của Cha (Father’s Day) thành Ngày Của Người Đặc Biệt (Special Person’s Day). Nhưng sự thực vẫn là: tất cả chúng ta đều có một bà mẹ và một ông bố ở đâu đó và, dù sự việc không êm xuôi đi chăng nữa, điều chúng ta muốn hơn cả trong tư cách con cái là được sự chăm sóc có tính bổ túc của cả hai người. Thay đổi định nghĩa luật pháp của hôn nhân sẽ không bỏ được sự khác nhau giữa hai cái hiểu hôn nhân mà tôi đã phác họa. Nó chỉ thêm mơ hồ lẫn lộn và tự đánh lừa mà thôi”.

Kết luận, ngài nhấn mạnh “không ai phải xấu hổ vì nghĩ rằng hôn nhân là điều đặc biệt, là chuyện của hai phái tính trái ngược nhau, là dấn thân và con cái. Và không một ai bị dọa nạt phải im lặng đối với một quan điểm như thế”.

Ai đang đẩy người ta vào chân tường về ý nghĩa của hôn nhân

Cũng ngày 8 tháng Chín, tuần báo The Catholic Weekly ở Sydney cho đăng bài xã luận với tựa đề như trên.

Tuần báo này thuật lại vụ Thượng Nghị Sĩ Pauline Hanson trình diễn màn “cởi Burka” ở Quốc Hội Úc khiến Tổng Trưởng Tư Pháp George Brandis nổi sùng, cho bà ta một bài học rằng: “nhạo báng cộng đồng ấy (Hồi Giáo), đẩy họ vào chân tường, chế giễu giáo y của họ là một điều kinh khủng không nên làm, và tôi yêu cầu bà suy nghĩ về điều bà vừa làm”.

Nghe thấy thế, các thượng nghị sĩ Lao Động đứng lên, vỗ tay hoan hô vang dậy. Và truyền thông xã hội mô phỏng các thượng nghị sĩ này không hề chậm trễ. Trong đó có Andrew Probyn nói trên chương trình 7 giờ 30 của Đài ABC. Ông này nói rằng: “điều Pauline Hanson làm hôm nay là điều đáng ghét và đáng xấu hổ… Bà ta liều mình kích động sự hận thù đối với các phụ nữ dễ bị tổn thương”.

Tuần báo Catholic Weekly không hề ủng hộ hay bênh vực Pauline Hanson trong vụ này, mà chỉ thắc mắc khi kết tội như thế, những người này và phần lớn truyền thông có tự kết tội họ đã đẩy những người ủng hộ hôn nhân truyền thống vào chân tường không.

Cuối tuần trước đó, chương trình Insider của Đài ABC, chương trình mà Ông Probyn thường xuyên xuất hiện, có cho chơi một bài của Tim Minchin liên quan tới “cuộc tranh luận”, một thứ cũng quảng cáo giật gân (stunt) như màn Burka của Hanson.

Bài hát đó có một câu tố cáo bất cứ ai từ khước không ủng hộ “hôn nhân” đồng tính là những “cái l…cuồng tín” (bigoted c-ts).

Đài ABC phỏng vấn cặp đồng tính chống hôn nhân đồng tính

Nói cho ngay, chương trình 7 giờ 30 của Đài ABC, ngày 4 tháng Chín vừa qua, cũng đã phổ biến cuộc phỏng vấn một cặp đồng tính chống hôn nhân đồng tính.

Phóng viên Julia Holman của đài này cho rằng: “các người cổ vũ hôn nhân đồng tính cảnh cáo rằng cuộc thăm dò bằng bưu điện có thể dẫn đến một chiến dịch kỳ thị đầy cay độc. Nhưng nay, những người đối nghịch cho hay họ mới là những người đang trở thành nạn nhân nếu dám nói lên sự chống đối của họ đối với hôn nhân đồng tính”. Nên cô đã tới gặp những người bỏ phiéu “no” cho cuộc thăm dò, trong đó có một cặp tuy đồng tính nhưng lại cương quyết duy trì hôn nhân truyền thống (kết hợp đàn ông đàn bà).

Cặp đó là Mark Poidevin và Ben Rogers. Mark thổ lộ: “chúng tôi gặp nhau trên gay.com cách nay 15 năm và yêu nhau ngay lúc mới gặp. Chúng tôi trải qua đủ thứ thăng trầm, giống bất cứ ai khác, tôi nghĩ thế. Chúng tôi có nhiềuthờii khắc lên xuống”.

Ben đồng ý như thế. Và Mark nói tiếp: “nhưng như chị thấy, tôi yêu anh ta đằm thắm và không có ai khác tôi muốn sống đời với hơn anh ta. Thành thử…”.

Ben chen vào “vâng, đúng như thế. Và tôi, tôi cũng cảm thấy y như vậy. Vâng, đúng thế”.

Họ đúng là một cặp tiêu biểu, nhưng quan điểm của họ về hôn nhân đồng tính thì không tiêu biểu như bạn nghĩ. Mark quả quyết: “trước đây, tôi vốn ủng hộ hôn nhân đồng tính. Tôi muốn nói: tôi đã xin cưới Ben cách nay 5 năm”.

Ben chen vào: “tôi vừa giải thích cho anh ta. Tôi nói: ‘tôi không nghĩ đó là ly càphê của tôi’, cô thấy đó. Nó không phải là điều tôi viễn kiến. Như lúc ban đầu mới ra công khai, tôi nghĩ một trong các hậu quả của việc ra công khai là từ bỏ, chị thấy đấy, hôn nhân và con cái và những điều tương tự”.

Mark nói tiếp: “nếu chúng tôi tạo ngoại lệ cho một cộng đồng, tức việc là một cặp đồng tính, thì việc này sẽ dừng lại ở đâu? Lúc ấy có phải chúng ta sẽ thấy nhiều nền văn hóa khác được phép có đa hôn hay không? Liệu chúng ta có cho phép, có thấy tuổi đồng ý bị hạ thấp cho một nhóm thiểu số khác hay không? Đó là các lo lắng của tôi về việc này sẽ dẫn đến đâu”.

Đến chỗ này, Đài cho nghe cuộc điện đàm trực thoại của đài 96.5 Wave FM. Tiếng Mark Poidevin: “Vâng, người bạn đời của tôi và tôi là một cặp đồng tính, nhưng chúng tôi sẽ bỏ phiếu 'no’”.

Travis Winks, người trình bầy chương trình trực thoại: “anh nói gì? Ngưng một phút đi. Giữ điện thoại.

Melissa Greig, người cũng trình bầy chương trình trực thoại: “Bỏ phiếu ‘no’ chống lại bình đẳng hôn nhân sao? Hay…”

Travis Winks: Anh sẽ bỏ phiếu ‘no’ sao?

Mark Poidevi: Bỏ phiếu ‘no’ chống hôn nhân đồng tính.

Trở lại chương trình 7 giờ 30 của ABC, Julia Holman nói: “nhưng biện luận cho phiếu ‘no’ phải trả giá đó”.

Mark trả lời: “chiến dịch đã làm người ta bực bội cả từ hai phía và có lần tôi đã nghe các lời bình phẩm như thế này: ‘Mày là thằng kỳ thị đồng tính nếu mày không ủng hộ hôn nhân đồng tính’. Thì tôi đây, tôi đây là thằng đồng tính nhưng xin ra công khai mà tuyên bố rằng: à, không, không phải kỳ thị đồng tính. Bạn có quyền có quan điểm: bạn có quyền có quan điểm bất cứ về phía nào.Và tôi nghĩ người ta nên được kính trọng về bất cứ phía nào. Bạn không hề bất khoan dung nếu bạn không ủng hộ một quan điểm nào đó.

Phó chủ tịch Đảng Tự Do Liên Bang

Chương trình trên cũng phỏng vấn Karina Okotel, phó chủ tịch Đảng Tự Do Liên Bang. Bà này cho ABC hay: “với tôi, chị thấy đó, về việc kỳ thị chủng tộc, chị mang mầu da của chị ở bên ngoài. Nó là điều chị không tài nào dấu được. Nhưng khi chị có một quan điểm đặc thù, một quan điểm chính trị hay bất cứ quan điểm nào khác, và chị bị chế nhạo vì nó, thì đây là một điều chị dám từ bỏ hay ít nhất không nói ra. Và tôi nghĩ điều đang diễn ra là những ai có những quan điểm như thế đang bị làm cho xấu hổ đến nỗi đành phải im lặng. Và đó là một điều thật đáng buồn".

Nhận định của Julia Holman: “Karina Okotel là một luật sư và là phó chủ tịch của Đảng Tự Do. Bà nói rằng bà bị phản ứng dữ dội khi công khai phát biểu việc bà chống lại hôn nhân đồng tính".

Karina Okotel nói tiếp: “tôi nghĩ chủ yếu là phía ‘yes’, tôi dám nói thế, đã cố gắng dập tắt cuộc tranh luận hay ráng tô vẽ những người không ủng hộ hôn nhân đồng tính là kỳ thị người đồng tính hay không nắm vững thực tại hoặc chế giễu họ… [Thứ não trạng này] sẽ có nhiều hệ quả đối với tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội”.

Sau đó, ABC thuật lại các phát biểu của Penny Wong, người công khai đồng tính, Andrew Leigh, phụ tá Ngân Khố trong chính phủ bóng tối, Jim Chalmers, dân biểu Lao Động đơn vị Rankin, gân cổ cho rằng người đồng tính chịu nhiều báng bổ của dư luận ‘no’.

Lời Karina Okotel nói tiếp: “vào lúc này, tôi nghĩ nhiều người không dám bước vào cuộc tranh luận: họ không làm thế vì họ sợ bị phản ứng dữ dội; họ rất sợ quan điểm của họ bị lấy ra khỏi đồng văn hoặc bị coi là đầy kỳ thị, kỳ thị đồng tính, cuồng tín; và đây là điều không ai muốn bị gọi”.

ABC tường thuật nhận định của Tom Switzer, một nhà phát thanh bảo thủ. Ông này xác nhận các nhận định trên đây và cho biết: “Các quan điểm của tôi về hôn nhân đồng tính đã biến đổi. Nay tôi ủng hộ hôn nhân đồng tính. Nhưng nếu những người quá khích trong cuộc tranh luận này cứ tiếp tục sử dụng vấn đề này như phương thế để tạo nên một thứ chính thống mới, khó thở, không dung thứ bất cứ bất đồng nào và quỉ quái hóa những người tốt lành và tao nhã nhưng chống lại hôn nhân đồng tính, thì tôi, giống những người dân thường khác, sẽ thay đổi lá phiếu của mình”

Mark Poidevin thì cho rằng đây có thể sẽ giống như vụ Brexit ở Anh và cuộc bầu Trump làm tổng thống ở Mỹ: các cuộc thăm dò dư luận nói một đàng, nhưng ở thùng phiếu, dân nghĩ đàng khác và bỏ phiếu theo hướng khác.

Ben Rogers thì nói với con chó: Rexie, đừng có hợm hĩnh!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney
Diệp Hải Dung
21:37 13/09/2017
Sáng thứ Tư ngày 13/09/2017 rất đông đủ mọi người đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney mừng kính Đức Mẹ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam khai mạc trọng thể chương trình Mẹ Fatima Thánh Du các Giáo Đoàn.

Xem Hình

Sau 3 hồi chiêng trống cổ truyền, Cha Paul Văn Chi xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Fatima và điều hợp giờ đền tạ Đức Mẹ. Kế tiếp kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima rước về hội trường Trung Tâm. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long lọng, mọi người cùng dâng dâng Đức Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Vui cầu cho gia đình cho Cộng Đồng và Giáo Hội. Sau khi Thánh tượng Đức Mẹ an vị trên bàn thờ. Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm thay mặt Ban Tuyên Úy ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đã đến Trung Tâm Hành Hương mừng kính Đức Mẹ nhân ngày 13 và Cha cùng quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Trần Văn Trợ cùng hiệp dâng Thánh lễ

Trong bài giảng Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm nói sơ lược về hiện tượng Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ nhỏ cách nay đúng 100 năm tại làng Fatima bên Bồ Đào Nha và Cha cũng nói về niềm tìn của mọi người khi cầu nguyện..

Sau đó là nghi thức Xức Dầu Thánh cho những vị cao niên già yếu. Xin Thiên Chúa chữa lành phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Nguyễn Văn Minh thay mặt Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly ngỏ lời cám ơn qúy Cha và tất cả mọi người, đặc biệt cám ơn Ban Thường Vụ Cộng Đồng đã thu xếp đưa Thánh tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du viếng Trung Tâm và đọc lịch trình Thánh tượng Đức Mẹ Thánh Du các Giáo Đoàn trong Cộng Đồng. Cha Bùi Sơn Lâm cũng cám ơn quý Cha và mọi người, và Cha chúc mừng Trung Tâm đã đón Thánh tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du đầu tiên.

Thánh lễ kết thúc mọi người và Cha cùng qùy trước Thánh yượng Đức Mẹ Fatima dâng lên Mẹ 10 kinh Mân Côi Mùa Vui trong chương trình Triệu Kinh Dâng Mẹ kỷ niêm 100 năm Mẹ hiện ra.

Lịch sử Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du các Giáo Đoàn như sau:

Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima, kỷ vật của CĐCGVN, TGP Sydney được làm bằng gỗ cây sồi, Ban Tuyên Úy đã thỉnh về từ Fatima Bồ Đào Nha năm 1993 với Đòan Hành Hương Tin Yêu Với Mẹ, do sự bảo trợ của một ân nhân hảo tâm trong CĐ. Thánh Tượng đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị làm phép tại Roma. Cộng Đồng đã long trọng đón Mẹ từ phi trường Sydney về Trung Tâm Mục Vụ Revesby ngày 22 tháng 8 năm 1993, ngày lễ Mẹ Trinh Nữ Vương. Hiện nay Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima được đặt tại Trung Tâm Hành Hương Bringelly.

Theo sự thỉnh cầu của Ban Tuyên Úy CĐ, ngày 19 tháng 5 năm 2001, Tòa Ân Giải Tối Cao do năng quyền Đức Thánh Cha ủy thác đã ban Ơn Toàn Xá có hiệu lực 7 năm với các điều kiện thông thường là Xưng Tội Rước Lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, khi họ thực tình thống hối, mà đến viếng Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney, với tước hiệu Đức Trinh Nữ Maria Fatima, dưới hình thức hành hương và tham dự tại đó một buổi cử hành thánh hay ít ra dành một khoảng thời gian suy niệm trước tượng Đức Mẹ được đặt cho công chúng tôn kính, rồi kết thúc với việc đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và lời cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria, vào các ngày sau đây:

1. Ngày Thánh Mẫu để kính Đức Mẹ cách đặc biệt trong tháng Năm và tháng Mười;

2. Ngày 13 mỗi tháng;

3. Trong các Lễ Trọng kính Đức Trinh Nữ Maria;

4. Một lần, trong các dịp tĩnh tâm;

5. Một lần, trong ngày tín hữu tự ý chọn.

Sau khi Sắc Lệnh Ơn Toàn Xá năm 2001 hết hiệu lực, một lần nữa, theo sự thỉnh cầu của Ban Tuyên Úy, Tòa Ân Giải Tối Cao lại ban Sắc Lệnh Ơn Toàn Xá thứ hai có hiệu lực 7 năm từ ngày 18 tháng 8 năm 2010 đến ngày 18 tháng 8 năm 2017 cùng với các điều kiện như trên. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hân hoan nhận được Sắc Lệnh Ơn Toàn Xá thứ ba có hiệu lực 7 năm từ ngày 18 tháng 8 năm 2017 đến ngày 18 tháng 8 năm 2024.

Diệp Hải Dung
 
Curia Tân Sơn Nhì mừng sinh nhật Đức Mẹ
Phương Nga
21:59 13/09/2017
“ Bà sẽ sinh con trai và đặt tên con trẻ là Giêsu vì chính Ngu72i sẽ cứu dân NGười kho3ito65i lỗi của họ “(Mt1,21)

Trong tâm tình thảo hiếu,hàng năm giáo hội toàn cầu hân hoan mừng Sinh nhật Mẹ Maria vào ngày 08-09 và cũng trong tinh thần vui mừng ấy,Curia Tân Sơn Nhì đã tổ chức buổi lễ trọng thể vào hai ngày Thứ Tư 06-09-2017 Họp bạn và Thánh lễ vào lúc 8g30 thứ Sáu 08-09-2017 để mừng 53 năm Legio gx Tân Phú và 16 năm Curia Tân Sơn Nhì được thành lập và phát triển.

Xem Hình

HỌP BẠN:

Với 15 Presidia của toàn Curia,buổi Họp bạn được tổ chức thành 4 nhóm tại khu vực Nhà xứ và Nhà Mục vụ lúc 16g thứ Tư 06-09-2017.

Sau khi ổn định chỗ ngồi,Ban Quản trị giới thiệu về ý nghĩa và mục đích của buổi Họp bạn mời mọi người chào nhau và vỗ tay cùng thông qua chương trình sinh hoạt,chị Maria Madalena Thanh Nga tập hát cho cộng đoàn những bài ca ngợi Chúa và Mẹ Maria.

-Cầu nguyện: Chị Maria Lượt xướng kinh Chúa Thánh Thần-Kinh Khai mạc-Lần hạt 50 mùa Vui,kinh Lạy Nữ Vương.

-Đọc Thủ bản: Mỗi nhóm một Ủy viên phụ trách đọc Thủ bản chủ đề:Thành thực tôn sùng Đức Maria chương 6,trang 45 số lề 47.

-Những câu chuyện về công tác Legio và cảm nghiệm về Đức Maria.

-Huấn từ của Cha Linh giám: Hôm nay Cha không tham dự được 4 nhóm,nên Cha nhờ anh trưởng Phêrô Nguyễn Văn Kiến chia sẻ lại 3 ý chính;

Qua câu chuyện Anh Kiến kể,có người đã mang Mình Thánh Chúa về nhà riêng đặt trên bàn thờ phòng riêng mỗi ngày vào 2 lần chầu Thánh Thể như thế là Phạm sự Thánh vì:

- 1-Mình Thánh Chúa là cao trọng bậc nhất chí có hàng Giám mục mới được giữ lại trong nhà,còn giáo dân và các linh mục là không được phép;nếu các linh mục hoặc thừa tác viên kiệu Mình Thánh cho kẻ liệt thì phải đi thẳng từ nhà thờ đến nhà bệnh nhân,không ghé ngang đường,ngang chợ hay quán ăn quán uống.Tại sao như vậy,vì Mình Thánh Chúa dành cho các bệnh nhân,nếu thiếu không có gì bù đắp lại và trong thánh lễ thì mới được truyền phép Bánh và Rượu,nên khi thiếu Mình Thánh vẫn phải chờ đến thánh lễ mới có.

- Cũng không ai được mở cửa Nhà tạm khi không được phép của bề trên,vì nơi đó chỉ dành cho các linh mục đã có Chức thánh của Chúa mới được chạm tay vào.

- 2-Để việc phụng vụ thánh lễ được thuận tiện,Cha mời Thày và một vài Ca trưởng đến tập hát và dạy thanh nhạc cho các Hội viên Legio và đặt tên nhóm là “Chim Mồi”nhưng nhóm vẫn ngồi chung với cộng đoàn và hát thật vững cho cộng đoàn hát theo;những ai trung niên (50 trở lại) có điều kiện và thời gian thì Cha mời tham gia hết để hát ca tụng Chúa,chúng ta sẽ tập hát vào tối Thứ Năm hàng tuần và hát lễ Thứ Ba đầu tháng hàng tháng.

- 3- Legio Mariae là một Hội có hệ thông quốc tế và trải qua nhiều đời Giáo hoàng không ai có quyền thay đổi.Cuốn Thủ bản cũng là tài sản của Giáo hội mặc dù trước đó chính ông Frank Duke đã soạn thảo;một số Presidia hay dâng lời cầu nguyện trước khi vào họp điều đó không cần thiết và chúng ta cứ tuân thủ theo những kinh của Legio trong cuộc họp là đủ rồi.

- - Kết thúc buổi Họp bạn là Kinh Bế mạc của Legio và Cám ơn ,Trông cậy;trong suốt thời gian Họp bạn,cộng đoàn đã hát nhiều bài ca tụng Chúa và Mẹ Maria và kết thúc bằng bài “Xin Vâng”.

- THÁNH LỄ :

- Vào lúc 8g30 Thứ Sáu lễ chính mừng Sinh Nhật Mẹ Maria,toàn thể Curia Tân Sơn Nhì đã quy tụ về thánh đường để cùng tham dự thánh lễ.Đến dự có các khách quý : Cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh nguyên Linh giám Curia Tân Sơn Nhì (nay là Phó xứ Hòa Hưng )Cha Giuse Kiều Hoàng An đương nhiệm Linh giám Curia Tân Sơn Nhì Ông Phanxico Phạm Văn Điểm đại diện Commitium Sài GònÔng Phaolo Tuấn đặc trách Junior (Sài Gòn 3,Ông Phạm Văn Tâm Trưởng Curia Bình Tân,Ông G.B Trần Công Hùng Chủ tịch HĐMV Giáo xứ Tân P,hú cùng Viên chức Xứ họ, Đại diện các đoàn thể Công giáo Tiến hành Giáo xứ Tân Phú, Ban Quản trị Curia Tân Sơn Nhì cùng Ban Ủy viên Legio Các Hội viên của Curia Tân Sơn Nhì –Tổng giáo phậnSài GònÔng Đaminh Phan Văn Hùng Trưởng Ban Truyền Thông giáo xứ Tân Phú-Nhạc trưởng Maria Trâm và Têrêsa Lan,Thày G.B Nguyễn Minh Sơn (Dạy nhạc và Tập hát ,Ca đoàn Hiền Mẫu Giáo xứ Nghĩa Hò,Nhóm “Chim Mồi” của Curia Tân Sơn Nhì .Đúng 10g các Hội viên xuống rước đoàn đồng tế theo thứ tự:

-Anh Khương cầm Vexium

-Quý khách và Quý Ủy viên

-Hội viên Curia Tân Sơn Nhì

-Lễ sinh do Ông Ký Thông phụ trách.

-Cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh chủ sự cùng Cha Giuse Kiều Hoàng An đồng tế từ cuối nhà thờ lên cung thánh.Cha Giuse nguyên Linh giám nói với cộng đoàn:

Kính chào cha Giuse Linh giám,xin chào cộng đoàn;cách riêng các Hội viên Legio,hôm nay chúng ta quy tụ nơi đây để mừng Sinh nhật Mẹ Maria vì từ nơi Mẹ xuất phát mặt trời Công chính là Chúa Giêsu Kitô cứu độ trần gian.Chúng ta hãy vây quanh Mẹ để Mẹ phù hộ cho chúng ta.

Theo bài Tin Mừng Thánh Matthêu về Gia phả Chúa Giêsu Cha Giuse Kiều Hoàng An diễn giảng:

Thưa Cha Giuse,Anh chị em Legio thân mến

Trong phụng vụ Công giáo,ít khi mừng Sinh nhật của các vị Thánh,chỉ có 3 vị được mừng Sinh nhật đó là Chúa Giêsu con Thiên Chúa,Thánh Gioan Tẩy giả và Mẹ Maria.nếu Chúa Jesus là mặt trời Công chính thì Sinh nhật Đức Maria báo hiệu mặt trời sẽ xuất hiện.Chúng ta vừa nghe Tin Mừng về gia phả của Chúa Giêsu rất dài dòng nhưng Mẹ Maria lại được chọn trong ấy không phải là ngẫu nhiên và đó cũng không phải là một gia phả toàn những người thánh thiện mà có rất nhiều người tội lỗi.

Hôm nay mừng Sinh nhật Mẹ ta phải làm gì đây?không thể chỉ nói Yêu mẹ suông là chưa đủ,chúng ta phải thể hiện bằng lời nói việc làm và chu toàn công tác Legio;chúng ta cũng hay chạy đến kêu xin Mẹ bầu cử,nhưng ai dựng nên Mẹ? Có phải đó là Thiên Chúa? Vậy thì hãy cảm tạ ơn Chúa vì Mẹ Maria là quà tặng của Chúa dành cho con người và trong tâm thảo hiếu thì chúng ta cũng chính là Quà tặng của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ;nhưng chúng ta xét xem mình đã xứng đáng chưa?sau 53 năm thành lập chúng ta đã trở thành một ân huệ một tình yêu mà qua Mẹ Maria,Thiên Chúa đã ban cho con người chưa?

Trong tâm tình tạ ơn,tất cả chúng ta hãy dâng lên sự tha thiết “Lạy Chúa !chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng con và Chúa cũng ban chúng con là Quà tặng cho Mẹ nữa Amen”

Trước khi ban Phép lành,Anh trưởng Phêrô Kiến đã thay mặt Cộng đoàn dâng lời tri ân lên Cha Xứ Giuse, đã cho phép tổ chức buổi lễ Cảm tạ Cha chủ sự Giuse,Cha Linh giám Giuse đã đến Đồng tế thánh lễ ,Đại diện Commitium Sài Gòn 3,Đại diên Curia Bình Tân,Ca đoàn Hiền mẫu Nghĩa Hòa,Thày Sơn,Quý Nhạc trưởng,Ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Phú và các viên chức Xứ họ,Ban Truyền thông, Đại diện các đoàn thể,Ban Quản trị Curia Tân sơn Nhì cùng tất cả hội viên Legio trong Curia đã đến dâng lễ cầu nguyện cho Curia ngày một phát triển trong thánh đức và bình an.

Quý Cha và quý khách đã chụp hình lưu niệm cùng Hội viên Legio và cộng đoàn.Buổi lễ kết thúc lúc 11g30 cùng ngày trong sự hy vọng và tín thác vào lòng nhân lành của Chúa qua Mẹ Maria.

Phương Nga
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Khoác áo nào cũng cá mè một lứa
Phạm Trần
21:30 13/09/2017
“Tôi là Tương Lai, vào Đảng Lao Động Việt Nam ngày 6.1.1959, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm nay 2.9.2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh.”
Giáo sư Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương, sinh năm 1936 tại Thừa Thiên - Huế) là một nhà nghiên cứu xã hội học, văn hóa, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1988 - 1999, ông là Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam
Từ năm 1990 - 2006, ông là thành viên nhóm tư vấn các thủ tướng Cộng sản Việt Nam là Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.

Với các chức danh vừa kể, ông Tương Lai là một trí thức cao cấp trong ruột của đảng Cộng sản Việt Nam đương thời, hậu thân của đảng Lao Động. Nhưng cái gốc của đảng Lao Động, lại bắt rễ từ đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đầu tiên do ông Hồ Chí Minh (còn mang tên Nguyễn Tất Thành) thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Hồng Kông, theo chỉ đạo của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản. Sau đó ông Hồ lại thay áo thành đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 10/1930, theo lệnh của Đông Phương Bộ, một bộ phận của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản.

Theo tài liệu của Bách khoa toàn thư mở (BKTT) thì Đệ tam Quốc tế Cộng sản được thành lập vào tháng 3 năm 1919 ở Moskva dưới sự lãnh đạo của Vladimir Ilyich Lenin.
Như vậy, rõ ràng ông Hồ là cán bộ của Cộng sản Quốc tế và được sử dụng để nhiễm độc Cộng sản vào bán đảo Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Cao Miên, dưới danh nghĩa “chống thực dân, phong kiến và đấu tranh dành độc lập”.

TỪ CỘNG SẢN SANG ĐÔNG DƯƠNG

Quay ngược thời gian, theo tài liệu của Bách khoa Tòan thư mở (BKTT) thì:” Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do chỉ thị của Đông Phương Bộ (là một bộ phận của Đệ Tam Quốc tế) yêu cầu Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu cộng sản Việt Nam họp từ ngày 6 tháng 1 năm 1930 đến ngày 8 tháng 2 năm 1930 tại Hương Cảng, trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cộng sản tại Đông Dương (Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng; thành viên từ một nhóm thứ ba tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp có mặt). Hội nghị hợp nhất này diễn ra tại căn nhà của một công nhân ở bán đảo Cửu Long (Kowloon) từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 8 tháng 2 năm 1930, đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ.”

Thành phần tham dự được kể:” Tham dự Hội nghị có 2 đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh), 2 đại biểu An Nam Cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm) và 3 đại biểu ở nước ngoài (có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, đại biểu của Quốc tế Cộng sản). Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng như: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi. Ngày 24 tháng 2 năm 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh tại Đại hội II ghi ngày thành lập Đảng là 6 tháng 1 nhưng Nghị quyết tại Đại hội III năm 1960 đổi là ngày 3 tháng 2 năm 1930.

Nhưng chỉ 8 tháng sau, tài liệu cho biết:”Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông từ ngày 14 đến 31 tháng 10 năm 1930, tên của đảng được đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản) và Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên.”
Từ sau Đại hội này, đảng của ông Hồ rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa đảng Cộng sản Đông Dương.

Vì vậy, Luận cương Chính trị của đảng đã viết:”Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản.”

Sự lệ thuộc hòan toàn vào Cộng sản Nga còn được ghi trong Điều lệ của Đảng Cộng sản Đông Dương, tại Đại hội lần thứ nhất ngày 29 tháng 3 năm 1935.

Điều này viết: ”Đảng Cộng sản Đông Dương, đội tiền phong duy nhất của vô sản giai cấp, tranh đấu để thu phục đa số quần chúng vô sản, lãnh đạo nông dân lao động và tất thảy quần chúng lao động khác, chỉ huy họ làm cách mạng phản đế và điền địa (mưu cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập, dân cày được ruộng đất, các dân tộc thiểu số được giải phóng), lập chính quyền Xôviết công nông binh, đặng dự bị điều kiện tranh đấu thực hiện vô sản chuyên chính, kiến thiết xã hội chủ nghĩa là thời kỳ đầu của cộng sản chủ nghĩa theo chương trình của Quốc tế Cộng sản.”

Đối với đảng viên, Điều lệ đòi họ :”Phải tự nâng cao trình độ chánh trị của mình, phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và hết thảy các nghị quyết quan trọng của Đảng và các vấn đề chánh trị và tổ chức, phải giải thích cho quần chúng không có chân Đảng những nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản.”

Nhưng ngoài mặt, ông Hồ lại phát động chiến tranh dưới chiếc áo gỉa mạo Mặt trận Việt Minh, ra đời ngày 19-5-1941 để gọi là “giải phóng, giành độc lập cho dân tộc và phát triển đất nước.”

Sự giấu mặt Cộng sản của ông Hồ đã được Tác gỉa Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Quân đội CSVN tiết lộ trong Chương 4 của cuốn “Đường Tới Điện Biên Phủ”, rằng:”Mặt trận Việt Minh là cách lựa chọn đúng đắn của Nguyễn Ai Quốc để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945 mới có 5.000 đảng viên, nay đã thành một đội ngũ đông đảo: 760.000 người. Trong kháng chiến, mọi hoạt động của Đảng, cũng như những sinh hoạt của đảng viên, vẫn tiến hành bí mật. Chỉ đôi khi những người cộng sản mới xuất hiện dưới danh nghĩa "hội viên Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác".

Chính vì mưu mô lấy chiếc áo “Mặt trận Việt Minh” che mặt Cộng sản mà hàng chục ngàn người Việt Nam yêu nước, trong số có nhiều trí thức và thương gia đã mắc bẫy của Việt Minh để lao đầu vào lửa đạn hy sinh cho một lý tưởng, khi biết sai lầm thì đã qúa muộn.

Vì vậy điều được gọi là ông Hồ ra đi tìm được cứu nước chứa được bao nhiêu phầm trăm là sự thật ?

LAO ĐỘNG RA ĐỜI

Nhưng tại sao Đông Dương lại đổi thành Lao Dộng ?

Giải thích điều này, Tướng Giáp viết :”Đầu năm 1950, sau khi đi gặp các đảng bạn Liên Xô và Trung Quốc trở về, Bác bàn với Trung ương đã tới lúc Đảng ra hoạt động công khai. Tình hình cách mạng trong nước cũng như trên thế giới đã thay đổi nhiều. Qua những năm lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến, uy tín của Đảng trong nhân dân đã trở thành tuyệt đối. Các nước xã hội chủ nghĩa đã công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự xuất hiện công khai của Đảng sẽ mang lại một nguồn động viên mới trong nhân dân thúc đẩy cuộn kháng chiến sớm đi tới thắng lợi. Nhưng xét cả về bối cảnh quốc tế cũng như tình hình trong nước, để tập hợp quần chúng thật rộng rãi như chủ trương của Đảng nhiều năm qua, và hạn chế sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, Đảng cần có một cái tên mới. Bác đề nghị lấy tên Đảng Lao động Việt Nam. Việc thay đổi tên Đảng không phải là vấn đề riêng của cách mạng Việt Nam mà còn liên quan đến cách mạng Lào và Campuhia.”

Sự ra đời của đảng Lao Động, con đẻ của Cộng sản Đông Dương, ngày 19 tháng 2 năm 1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang chẳng qua chỉ để xoá đi thất bại đòan kết toàn dân của ông Hồ, sau khi đảng CSVN đã phản bội những cam kết hợp tác chân chính với các đảng phái Quốc gia trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến năm 1946.

Đồng thời cũng đã được hai đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đồng ý.

Vì vậy Tuyên ngôn của đảng Lao Động phổ biến ngày ấy xác nhận:

“Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nguyên tắc tổ chức của Đảng là dân chủ tập trung.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật nghiêm ngặt và tự giác.
Chính sách của Đảng là chính sách ích quốc lợi dân.
Luật phát triển của Đảng là phê bình và tự phê bình.”

Nhiệm vụ chính của Đảng Lao động Việt Nam hiện nay là:
Đoàn kết, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc để tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh đổ bọn can thiệp Mỹ, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, làm cho nước nhà độc lập và thống nhất thực sự.

Đảng Lao động Việt Nam hết sức ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hoà, đoàn kết và cộng tác chặt chẽ với các đảng phái, các đoàn thể trong Mặt trận Liên-Việt, để thực hiện dân chủ nhân dân về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, vǎn hoá.”

Trong Chính cương, đảng này còn cam đoan: “Giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội.”

CHỦ NGHĨA NGỌAI LAI

Về mặt tư tưởng chính trị, đảng của ông Hồ, dù có thay hình đổi dạng như con Tắc Kè từ ngày thành lập 3/2/1930, thì chủ nghĩa ngọai lai Cộng sản từng bị lên án đã giết chết hơn 100 triệu người trên thế giới, trong số này có cả ở Việt Nam, Trung Hoa và Nga Sô, vẫn được lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nhắm mắt đội lên đấu tung hô và tôn thờ.

Bằng chứng như Điều lệ của đảng Lao Động Việt Nam đã xác nhận mối quan hệ mật thiết với Chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô (Liên bang Xô Viết) và tư tưởng Cộng sản của Mao Trạch Đông bên Tầu:”Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Ǎngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.”

Đàng viên thì phải:”Luôn luôn cố gắng nâng cao trình độ chính trị, trau dồi tư tưởng của mình bằng cách học tập chủ nghĩa Mác - Ǎngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông.”

Tuy nhiên, đến Đại hội Đảng lần thứ 3 (1960) thì điều lệ đảng xóa bỏ chữ "Engels, Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông",và từ Đại hội Đảng lần thứ 7 (1991) thêm vào chữ "tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Do đó, đảng này đã viết lại rằng:” Đảng lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Đảng Lao động Việt Nam đi đường lối quần chúng trong mọi hoạt động của mình. Đảng Lao động Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ và có kỷ luật rất nghiêm minh. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cǎn bản của Đảng.”

Cương lĩnh của đảng năm 1991 xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Marx - Engels - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 ghi tiếp: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội .

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử 87 năm có mặt trên đất nước Việt Nam, từ đảng Cộng sản đầu tiên cho đến Đông Dương,Lao Động rồi lại quay về với Cộng sản từ 1976, những người Cộng sản đã nhúng tay vào máu dân tộc dòng dã 30 năm từ 1945 đến 1975.

Riêng cái tên Lao Động, được rêu rao trá hình tổng cộng 24 năm
cầm quyền từ 1951 đến 1975, đã làm tan hoang đất nước và gây ra rất nhiều tội ác đẫm máu trong các vụ án Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc từ 1953 đến 1956 với hàng chục ngàn nạn nhân bị xử oan. Con số người bị hành quyết được phỏng định từ 15,000 đến 25,000 người. Nổi tiếng và oan nghiệt nhất là Bà Nguyễn Thị Năm, hay Cát Hanh Long (tên một hiệu buôn do bà làm chủ ở Hải Phòng), một ân nhân của nhiều lãnh đạo hàng đầu của đảng CSVN khi còn kháng chiến như : Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt , Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị.

Ngoài ra còn phải kể đến tội ác của Lao Động trong vụ án Nhân văn Giai Phẩm 1955-1958; Vụ án “Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”, hay còn gọi là vụ án Xét Lại Chống Đảng, bắt đầu từ 1963 cho mãi đến 1973.
Ở trong miền Nam của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cái đảng Lao Động này đã mang quân xâm lược miền Nam từ 1954 đến 1975; là thủ phạm giết người trong cuộc được gọi là “tổng tiến công và nổi dậy” Tết Mậu Thân năm 1968 nói chung và thảm sát gần 8,000 người ở Huế nói riêng.

Tổn thất dân sự trong cuộc nội chiến do đảng Lao Động chủ động gây ra được ước tính từ 1,000,000 đến 4,000,000 người.

Ngoài ra, cũng cái đảng Lao Động này , sau đó lại mang tên Cộng sản từ năm 1976, sau khi chiến tranh kết thúc, còn nhúng tay vào các vụ làm chết hay mất tích của hàng chục ngàn quân và dân người miền Nam bị bắt vào các trại tù lao động gỉa danh cải tạo hay trên đường vuợt biển, vượt biên tìm tự do từ sau ngày quân Cộng sản miền Bắc chiếm miền Nam tháng 4/1975.

Như vậy, trong trường hợp Giáo sư Tương Lai, người đã dũng cảm tuyên “dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng (Cộng sản)của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh” thì có cán cân nào đo được quyêt định của ông ?
Hay ta cũng cần phải gọi hồn nguyên lãnh tụ Trung Hoa Đặng Tiểu Bình để yêu cầu ông giải thích tại sao ông đã nói câu “: Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột.” ?

Chuyện oái oăm của Giáo sư Tương Lai là liệu ông có sợ vỡ bình khi đánh chuột , hay chúng cũng cá mè một lứa vì đảng CSVN của ông Trọng cũng chỉ là hậu thân của đảng Lao Động do chính ông Hồ Chí Minh đổi tên thay cho Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 19 tháng 2 năm 1951 ?



Phạm Trần
(09/017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 40
Vũ Văn An
01:21 13/09/2017
Còn siêu cường đang lên khác của thế giới, tức Trung Quốc, thì sao?

Các dữ kiện chắc chắn về thống thuộc tôn giáo là điều có tiếng khó kiếm tại Trung Hoa vô thần, nhưng các ước lượng được nhiều người trích dẫn hơn cả về dân số Công Giáo của Trung Hoa ngày nay thường được Trung Tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần ở Hồng Kông cung cấp. Trung tâm này đặt tổng số dân số Công Giáo Trung Hoa ở mức khoảng 12 triệu người. Số này được chia thành khoảng 5 triệu người Công Giáo thờ phượng tại các nhà thờ được “Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc” do chính phủ kiểm soát nhìn nhận, và khoảng 7 triệu người Công Giáo thuộc “giáo hội hầm trú” nghĩa là những người thờ phượng tại các địa điểm không được chinh phủ chính thức nhìn nhận. Nếu con số 12 triệu người này đáng tin, thì Đạo Công Giáo ở Trung Hoa quả giữ được nhịp gia tăng của đà gia tăng dân số toàn quốc. Năm 1949, năm có cuộc kiểm tra dân số tiền Cộng Sản lần cuối cùng, có 3.5 triệu người Công Giáo ở Trung Hoa. Dân số nói chung tăng gấp 4 lần giữa các năm 1949 và 2005, y hệt cộng đồng Công Giáo.

Ở Trung Hoa nói chung, tôn giáo và linh đạo khá phát triển. Thực thế, nhiều nhà quan sát tin rằng Trung Hoa là thị trường linh đạo vĩ đại cuối cùng trên mặt đất. Bản sắc quốc gia Trung Hoa chưa bao giờ bị cột cứng vào Khổng Giáo như cách nước Nhật đồng hóa với Thần Đạo hay Ấn Độ với Ấn Giáo, và dù sao, Khổng Giáo cũng chỉ là một hệ thống đạo đức hơn là một con đường linh đạo. Bẩy thập niên nhồi sọ lý thuyết Mác Lênin đã thất bại, không thỏa mãn được cơn đói khát linh đạo của xứ sở, và ngày nay, người ta vẫn đang đi tìm một phương thức thay thế. Một cuốn sách nổi tiếng tựa là Các Ghi Chú Khi Đọc Luận Ngữ (Notes on Reading The Analects), một loại sách “Cháo Gà Cho Linh Hồn (Chicken Sopup for the Soul) của Khổng Giáo, bán được giữa khoảng 3 và 4 triệu bản riêng trong năm 2007, làm cho nó trở thành sách bán chạy nhất ở Trung Hoa kể từ cuốn “Sách Đỏ Nhỏ” (Little Red Book) của Mao Trạch Đông. Hồi Giáo đang lớn mạnh ở tây bắc Trung Hoa, trong khi Phái Ngũ Tuần đang gặt hái rất lớn ở khắp nơi. Sở Dữ Kiện Kitô Giáo Thế Giới (World Christian Database) nói rằng tính đến năm 2005, có 111 triệu Kitô hữu ở Trung Hoa, trong đó, khoảng 90 phần trăm là Thệ Phản, phần lớn thuộc Phái Ngũ Tuần. Điều này có nghĩa: Trung Hoa trở thành quốc gia theo Kitô Giáo lớn thứ ba trên mặt đất, chỉ sau Hoa Kỳ và Ba Tây. Trung Tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần dự phóng tới năm 2050, sẽ có 218 triệu Kitô hữu ở Trung Hoa, chiếm 16 phần trăm tổng dân số, đủ để biến Trung Hoa thành quốc gia Kitô giáo lớn thứ hai. Theo Trung Tâm này, có khoảng 10,000 cuộc trở lại mỗi ngày.

Việc thay đổi tôn giáo ở Trung Hoa có tầm quan trọng địa chính trị nào không?

Sự việc kết thúc ra sao có thể có tầm chiến lược hết sức quan trọng, ngay cả đối với những ai không cảm thấy bất cứ hậu quả thiêng liêng nào. Hãy xem xét ba đường đi có thể có đối với Trung Hoa, mỗi đường đi, trong căn bản, đều có lý, dựa vào các thực tại hiện có.

Brussels tại Bắc Kinh: chủ nghĩa duy vật thực tế có thể trở thành triết lý sống căn bản của Tân Trung Hoa; trong trường hợp này, siêu cường mới nhất của thế giới có thể tăng cường các xu hướng duy tục hóa phát xuất từ Tây Phương, nhất là từ Liên Hiệp Âu Châu, làm cho đời sống từ từ khó khăn cho các cộng đồng đức tin, trong việc họ cố gắng đóng một vai trò trong sinh hoạt công cộng của thế kỷ 21.

Nigeria với vũ khí nguyên tử: các phong trào Hồi Giáo đầy năng động tính có thể tạo ra một biệt khu Duy Hồi Giáo ở giữa nửa phần phía tây của xứ sở, có thể có liên hệ về tài chánh và ý thức hệ với các hình thức cực đoan Hồi Giáo Wahhabi của Saudi Arabia. Một khai triển như thế có thể có nghĩa: một siêu cường giầu có và được vũ trang tốt đang trở thành bất ổn bởi tranh chấp nội bộ, tạo nguy cơ cho hoà bình và an ninh hoàn cầu…

Một siêu cường Đại Hàn: nếu Kitô Giáo kết cục đạt được 20 phần trăm dân số, thì Trung Hoa có thể trở thành một dịch bản Nam Hàn cực kỳ lớn lao hơn, trong đó, Kitô hữu chiếm khoảng từ 25 tới 50 phần trăm dân số, tùy thuộc cách đếm. Phần lớn các nhà phân tích tin rằng vết chân Kitô giáo rộng lớn ở Nam Hàn ít nhất cũng là lý do phần lớn cho việc tại sao nó là một xã hội dân chủ hơn, thượng tôn pháp luật hơn, và thân Tây Phương hơn người anh em họ phương bắc.

Đạo Công Giáo ở Trung Hoa có điều gì độc đáo?

Xét về lịch sử, Đạo Công Giáo ở Trung Hoa gần như hoàn toàn là một hiện tượng có tính làng quê. Các nhà chuyên môn ngày nay nói rằng dù bị việc đô thị hóa lôi cuốn, 70-75 phần trăm người Công Giáo vẫn tiếp tục tập trung ở các làng mạc phần lớn gồm người đồng đạo của họ, nhất là ở các tỉnh Heibei và Shanxi, tại các khu vực đông bắc quanh Bắc Kinh. Ngay các khu Công Giáo ở thành phố cũng thường bao gồm các dân làng di cư tới, và kinh nghiệm cho hay đôi khi họ thấy khó giữ đức tin trong môi trường mới lạ này.

Sự ngoan cường của những dân làng Công Giáo này đã trở thành dã sử. Tờ Người Công Giáo Trung Hoa kể lại câu truyện một làng kia thuộc tỉnh Shanxi, nơi, năm 1985, một đội kế hoạch hóa gia đình tới để phân phối phương tiện ngừa thai theo chính sách “một con” của nhà nước. Dân làng bao vây chiếc xe của họ, và khi đội này lui về nơi trú đêm, dân làng liệng đá qua cửa sổ. Cuối cùng đội này phải yêu cầu cảnh sát đến giải cứu. Thế nhưng, đặc tính thôn quê của Giáo Hội cũng có nghĩa khó phát triển truyền giáo vì việc duy trì các cộng đoàn Công Giáo được coi là ưu tiên hơn việc tạo các thành viên mới. Người Công Giáo ít có đại diện tại các khu vực đô thị, là những nơi đang tạo ra nhiều “thị trường lớn mạnh” hết sức sinh động cho các phong trào tân linh đạo.

Các nhà chuyên môn cho rằng tính ốc đảo của một số cộng đoàn ở nông thôn cũng có nghĩa nhiều cuộc cải tổ do Công Đồng Vatican II(1962-1965) phát động không bao giờ tới được các nơi này. Ngay ở thành phố đô hội là Thượng Hải, thánh lễ bằng tiếng Trung Hoa đầu tiên cũng mãi tới năm 1989 mới được cử hành. Oái oăm thay, đây lại là điểm duy nhất được cả người Cộng Sản lẫn những người Công Giáo duy truyền thống Trung Hoa đồng thuận. Cả hai đều thích Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh hơn: người Cộng Sản thì cho rằng phần lớn dân chúng chẳng hiểu gì thứ thánh lễ này, và do đó, việc thờ phượng của Công Giáo ít có sức lôi cuốn người giáo dân bình thường.

Có một số nhân vật Công Giáo Trung Hoa tiên đóan sẽ có một giai đoạn nở rộ. Đức Cha Jin Luxian ở Thượng Hải, chẳng hạn, vốn là một nhân vật gây tranh cãi vì ngài sẵn lòng đăng ký với chính phủ, nhưng sau đó, ngài đã âm thầm làm hòa với Đức Giáo Hoàng và hiện nay, ngài được sự tôn trọng của nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp quốc tế. Là chủ đề một số báo tích cực năm 2007 của tờ Atlantic, Đức Cha Luxian gần đây đã cải tiến ngôi nhà thờ chính tòa của ngài, dựa vào khiếu thẩm mỹ cổ truyền Trung Hoa, một phần trong chương trình lớn hơn nhằm phát biểu đức tin Công Giáo bằng các biểu thức Trung Hoa chân chính. Ngài bảo: “nhà thờ cũ lôi cuốn 3 triệu người Công Giáo. Tôi muốn lôi cuốn 100 triệu người Công Giáo”.

Đâu là các thách đố chính của Đạo Công Giáo ở Trung Hoa?

Hiển nhiên, ưu tiên mục vụ cao nhất cho Đạo Công Giáo ở Trung Hoa ngày nay là vượt qua cảnh chia rẽ giữa Giáo Hội được chính phủ chấp nhận và Giáo Hội hầm trú. Một số người Công Giáo chấp nhận việc giám sát của nhà nước, cho dù đa số những người này làm thế không hẳn vì hào hứng trước dự án của người Cộng Sản muốn có một giáo hội “tự quản, tự tài trợ, tự truyền bá”, mà chỉ vì đây là một chiến lược tốt nhất để sống còn. Nhiều người Công Giáo khác đơn giản bác bỏ giải pháp này vì lòng trung thành không thể lay chuyển đối với vị giáo hoàng thân yêu của họ; họ thường coi các người Công Giáo của “giáo hội mở cửa” này là những người thỏa hiệp. Trong các hình thức cực đoan nhất, sự chia rẽ này đôi khi trở thành bạo động. Năm 1992, một linh mục “cởi mở” ở Henan bị hạ sát bởi một chủng sinh bất mãn vì cho rằng mình không được thụ phong chỉ vì có liên hệ với giáo hội không chính thức. Linh mục này chết trong Thánh Lễ khi uống chiếc chén đầy thuốc độc. Những năm gần đây, đã có nhiều cố gắng hàn gắn các chia rẽ này. Người ta ước lượng rằng 90 phần trăm các giám mục được tấn phong không có phép của Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu và nhận được sự chấp nhận của Vatican.

Thế nhưng, sự đe doạ bị chính phủ bách hại và xách nhiễu vẫn còn đó ở đầu hế kỷ 21. Xin đơn cử một trường hợp: đầu tháng Bẩy năm 2012, Cha Joseph Zhao Hong-chun, giám quản giáo phận Harbin, bị cảnh sát câu lưu để tránh việc ngài có thể vận động sự chống đối chống lại việc tấn phong tân giám mục Harbin, một cuộc tấn phong bất hợp pháp, do nhà nước dàn dựng. Ngài bị giữ 3 ngày và chỉ được thả sau khi việc tấn phong này diễn ra. Cũng gần thời gian này, Giám Mục phụ tá của Thượng Hải, Thaddeus Ma Daqin, bị giam tại nhà trong một chủng viện sau khi ngài công khai tuyên bố bỏ Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa do chính phủ kiểm soát ngay trong thánh lễ tấn phong ngài ngày 7 tháng Bẩy có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Một phần vì các tranh chấp kinh niên giữa giáo hội và nhà nước này, Đạo Công Giáo ở Trung Hoa cũng gặp nhiều chuyện đau đầu về hạ tầng cơ sở của Giáo Hội. Theo một cuộc phân tích năm 2005 của Nữ Tu Betty Ann Maheu của Dòng Maryknoll, có 6,000 nhà thờ Công Giáo tại Trung Hoa nhưng chỉ có 3,000 linh mục; điều này có nghĩa phân nửa nhà thờ Công Giáo trong nước không có linh mục trú sở. Nữ tu Maheu cho rằng đầu thập niên 1980, có sự nở rộ ơn kêu gọi, nhưng ngày nay, con số ơn gọi đang xuống dốc vì các cơ hội kinh tế phát triển hiện đang làm cho việc tuyển dụng và giữ người trở nên khó khăn hơn.

Trung Hoa hiện có 110 giáo phận Công Giáo và 114 giám mục hoạt động; nghĩa là trên lý thuyết, phần lớn các giáo phận đều có giám mục. Tuy nhiên, có tới hàng tá giám mục đang bị cầm tù, giam giữ tại nhà hay bị quản chế nghiêm ngặt. Đối với các vị không bị các giới hạn này, nhưng vì đã đăng ký với chính phủ, nên người ta nhất quyết hoài nghi tính hợp pháp của các vị. Vì các căng thẳng kinh niên giữa Trung Hoa và Vatican, các giáo phận đôi khi trống ngôi một thời gian dài. Một số các giám mục trẻ tuổi nhất trên thế giới ngày nay là ở Trung Hoa, nhiều vị được tấn phong lúc mới ở đầu tuổi 30, một phần vì sợ không có cơ hội đề cử một vị khác khi cần.

Còn tiếp
 
Giải đáp phụng vụ: Được phép mừng lễ các thánh Chính thống giáo phương Đông không?
Nguyễn Trọng Đa
08:58 13/09/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Theo Điều 355 của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), linh mục có sự lựa chọn, khi được phép, để cử hành "Thánh Lễ của bất kỳ Thánh nào được ghi trong Sổ bộ Các thánh Rôma (Martyrologium Romanum) cho ngày đó". Trong số các thánh được liệt kê trong ấn bản mới nhất (năm 2004) của Sổ bộ Các thánh Rôma, có một vài vị được tuyên thánh bởi Hội Thánh Chính thống Nga: thánh Têphanô thành Perm (26-4), thánh Antôn thành Kiev (3-5), thánh Theodosius thành Kiev (7-5), và thánh Sergius thành Radonezh (25-9). Cũng có tên trong Sổ bộ Các thánh Rôma là thánh Grêgôriô thành Narek (27-2) của Hội Thánh Tông truyền Armenia, người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong là Tiến sĩ Hội Thánh vào ngày 21-2-2015. Theo hướng dẫn nêu trong Qui chế Tổng Quát Sách lễ Rôma số 355, liệu có được phép cử hành Thánh Lễ để mừng kính bất kỳ thánh nào trong số các thánh Chính thống giáo được nêu trên đây không? - G. L., Whittier, California, Hoa Kỳ.

Đáp: Một nhận xét ban đầu được đưa ra là rằng Sổ bộ Các thánh Rôma đặc biệt nói trong phần dẫn nhập rằng Sổ bộ không thể ghi hết tất cả các thánh. Xin mời đọc:

"Danh sách Các Thánh và Chân Phước trong Sổ bộ các thánh Rôma

"29. Người ta không có ý định đưa ra trong Sổ bộ Các thánh Rôma - được coi như là một cuốn sách phụng vụ - một danh sách đầy đủ tất cả các Thánh và các Chân Phước, cũng không đưa ra lời tán tụng, mà từ đó các tài liệu giáo huấn khổ chế hay lịch sử của Giáo Hội, như là một gia đình của các Thánh và một dân thánh của Chúa (xem 1 Pr 2: 9, 1 Tx 5: 9-10, 2 Tx 2:13), có thể được gợi ý hoặc suy diễn.

"30. Tuy nhiên, Sổ bộ Các thánh Rôma cung cấp một danh sách các lễ kính, trước tiên về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Thiên Chúa, rồi đến các Thiên Thần và cuối cùng là của các tín hữu Kitô, những người được đại diện trong sự tôn kính ngày nay của Hội Thánh, cho dù phổ quát hoặc địa phương, và của một Dòng tu đặc biệt, nhưng chắc chắn không phải là một danh mục đầy đủ của tất cả những vị được hưởng sự nhìn ngắm Chúa trong ân phúc nhất và mãi đến muôn đời.

"31. Vì các lý do này, Sổ bộ Các thánh Rôma ghi tên các Thánh được ghi trong Lịch Rôma Tỗng quát, bởi vì tầm quan trọng phổ quát của các vị là trên hết trong toàn thể Hội Thánh của Nghi Lễ Rôma, cũng như nhiều vị, mặc dù không phải là tất cả, đã được đề nghị bởi từng Hội Thánh hoặc Dòng tu, và các vị được tưởng nhớ với bất cứ bậc phụng vụ nào. Vị thế địa phương hay đặc biệt của các vị Thánh và Chân Phước cổ từ thời Trung Cổ đến thời hiện tại được nêu ra bởi một dấu hoa thị (*), bên cạnh số chỉ định thứ tự thời gian của các Thánh và Chân Phước trong một ngày nhất định.

Do đó, mặc dù Sổ bộ Các thánh Rôma bao gồm bốn vị thánh trên đây, nhưng có ít nhất 24 vị thánh khác được mừng kính chung bởi cả Hội Thánh Chính thống và Hội thánh Công giáo phương Đông.

Do đó, bốn vị thánh này cũng có thể được mừng kính bởi người Công giáo Rôma, trong khi lễ mừng các vị thánh khác được dành cho người Công giáo phương Đông.

Có thể có nhiều lý do phức tạp, vốn cho phép người Công giáo cử hành thánh lễ mừng các thánh, do các thánh này đã được chính thức tuyên thánh theo qui định của một Hội Thánh phương Đông không hiệp thông với Tòa Thánh, và các vị thánh ấy có thể đã sống ngoài sự hiệp thông chính thức với Rôma.

Thánh Têphanô thành Perm (1340-1396), thánh Antôn thành Kiev (983-1073), thánh Theodosius thành Kiev (1029-1074), thánh Sergius thành Radonezh (1314-1392), và thánh Grêgôriô thành Narek (950-1003), hoặc sống phần lớn đời mình trước khi có sự chia ly giữa các Hội thánh phương Đông và Hội thánh Byzantine vào năm 1054, hoặc sống trong các giai đoạn khi sự tuân thủ cho sự chia ly này không bị cắt và xem ra còn khô khan. Thí dụ, mặc dù Rôma và Constantinople không còn hiệp thông từ năm 1054 (mặc dù được phục hồi một thời gian ngắn sau đó vài lần), điều này không nhất thiết ảnh hưởng đến các Giám mục và các cộng đồng ở Kiev và các khu vực biệt lập khác.

Chẳng hạn, thánh Grêgôriô thành Narek là Tiến sĩ đầu tiên của Hội Thánh đã sống bên ngoài sự hiệp thông trực tiếp với Giám mục Rôma. Từ lịch sử quan hệ giữa các Hội Thánh, chúng ta có thể nói rằng ngài thuộc về một hội thánh, vốn là tông truyền và có các bí tích đầy đủ. Mặc dù Hội Thánh Armenia của ngài vào thời đó bác bỏ học thuyết của Công đồng Chalcedon, nhưng các bài viết của ngài là chính thống. Ngài cũng đã được nhắc đến trong huấn quyền. Thí dụ, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có một số nhắc đến ngài:

"Thời Trung Cổ, các tín hữu Tây Phương phát triển việc lần hạt Mân côi như một hình thức đạo đức bình dân thay thế các giờ kinh Phụng Vụ. Trong Giáo Hội Ðông Phương, hình thức kinh cầu Ðức Bà (Acathiste và Paraclisis) còn rất gần với Phụng Vụ Giờ Kinh dạng hợp xướng của các Giáo Hội Bi-zan-tin; trong khi đó, những truyền thống Armenia, Copte và Siriaque lại ưa chuộng các thánh thi và thánh ca bình dân về Mẹ Thiên Chúa. Nhưng trong kinh Kính Mừng, các kinh cầu Thánh Mẫu, những thánh thi của thánh Ép-rem hay Grê-gô-ri-ô thành Narek, truyền thống cầu nguyện về căn bản vẫn là một” (số 2678, Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo Lý Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng nhắc đến ngài trong thông điệp Redemptoris Mater (Thân mẫu Đấng Cứu chuộc, ngày 25-3-1987):

"Trong bài tán tụng về Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), thánh Grêgôriô thành Narek, một trong những vinh quang nổi bật của Armenia, với nguồn cảm hứng thơ ca mạnh mẽ, ca ngợi các khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Nhập Thể, và mỗi mầu nhiệm này đối với ngài là một cơ hội để ca hát và tôn vinh phẩm giá phi thường và vẻ đẹp tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Ngôi Lời nhập thể”.

Với sự hình thành của Hội Thánh Công giáo Armenia, thánh Grêgôriô thành Narek nhận được sự tôn kính phụng vụ đầu tiên của mình trong Hội Thánh Công giáo, và sau đó được đưa tên vào Sỗ Bộ Các Thánh Rôma.

Các ngài cũng sống trước khi xuất hiện tiến trình tuyên thánh chính thức, được lập ra bởi các Giáo hoàng, và do đó phải tuân theo một tiến trình tuyên thánh được gọi là tiến trình tuyên thánh tương đương (equipollent canonization). Điều này có thể xảy ra khi một vị thánh được tôn kính từ trước đến nay, và không còn có thể tạo ra một tiến trình nào nữa. Thí dụ, Thánh Ephrem đã được tôn kính ở Syria kể từ thế kỷ IV. Đức Thánh Cha Biển Đức XV (1914-1922) tuyên ngài là Tiến sĩ Hội Thánh, và mở rộng lễ kính ngài cho toàn thể Hội Thánh. Một điều tương tự đã được thực hiện bởi Đức Thánh Cha Piô XI vào năm 1931 cho thánh Albertô Cả, và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho Juan Diego năm 1990; yêu cầu về một phép lạ thực sự trước khi tuyên thánh đã được bỏ qua, dựa trên nền tảng của việc tôn kính từ xa xưa rồi. Mặc dù không có tiến trình phong thánh, nhưng có một nghiên cứu chuyên sâu về ứng cử viên trước khi lời tuyên thánh được thực hiện.

Bởi vì các vị thánh này đã được tôn kính trong các Hội Thánh Công giáo phương Đông, nên chúng ta có thể nói rằng các ngài cũng là các thánh Công giáo. (Zenit.org 13-9-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Các Bạn Trẻ Có Nên Xăm Mình Không?
Dr. Anthony Le
19:38 13/09/2017
Các Bạn Trẻ Có Nên Xăm Mình (Tattoos) Không?

16 năm trôi qua kể từ khi tôi nhận lời làm Cha Đỡ Đầu Rửa Tội cho cậu Joshua Fry. Khi đó, tôi hãy còn rất trẻ và vừa mới bước vào quân ngũ. Khác với hầu hết mọi Sĩ Quan khác trong Lục Quân Hoa Kỳ, vốn xuất thân từ Trường Võ Bị West Point danh tiếng hay trường Citadel, vân vân…., riêng tôi, tôi bắt đầu đời binh nghiệp bằng việc gia nhập Khóa Huấn Luyện Cơ Bản (Basic Training) với các tân binh (enlisted) rồi sau đó mới chuyển vào Trường Huấn Luyện Sĩ Quan (Officer Candidate School hay OCS). Về sau, tôi mới biết, đa phần các sĩ quan tốt nghiệp OCS thường được các binh sĩ dành cho sự kính trọng và vâng phục nhiều hơn là những sĩ quan tốt nhiệp từ West Point, Citadel, vân vân.. chỉ vì đã dám nếm mùi đau khổ cùng với các tân binh, chứ không phải thuộc hạng giàu sang, học giỏi, hay quyền quý…

Lúc đó, cứ vào mỗi sáng Chúa Nhật, tôi thường hay tìm đến Thánh Lễ như là cách để chia sẽ lại biết bao nổi buồn vương vấn cùng vị Linh Mục Tuyên Úy, và nhất là trút hết nổi niềm đến với Chúa và Mẹ Maria sau một tuần dài huấn luyện mệt nhọc về cả thể xác lẫn tinh thần. Sau vài Chúa Nhật đầu, tự nhiên tôi cảm thấy vui hơn, và bắt đầu tình nguyện làm người đọc Sách Thánh, rồi Giúp Lễ, rồi vào Ca Đoàn, và sau cùng là giúp chuẩn bị phòng họp của Lục Quân sao cho được trang nghiêm và xứng hợp với Nghi Thức của Phụng Vụ (như dọn bàn ghế, dọn bàn thờ, đem sách Thánh và Sách Phúc Âm ra, thắp nến, cắm hoa, vân vân). Khi đó, ngoài cô trợ lý cho Cha Tuyên Úy (người làm việc có lương bổng đàng hoàng) ra, thì còn có một cặp vợ-chồng người Mỹ trắng đó là Ông John và Bà Mary Fry. Ông/Bà này là người thường dân (civilian) và làm việc thiện nguyện. Ba người này, Chúa Nhật nào cũng có mặt rất sớm từ lúc 7h sáng đến gần 1h trưa họ mới ra về. Chúa Nhật có 2 Thánh Lễ lúc 9h và 11h sáng. Nay họ lại có thêm tôi, một người trợ tá đắc lực mới của họ, vốn xuất thân từ hàng binh ngủ. Thời gian qua trôi qua, không biết đến lúc nào, bỗng dưng sau Thánh Lễ Chúa Nhật hôm đó, Cha Tuyên Úy (Đại Tá Michael F) và Ông Bà Fry gọi tôi ở lại và muốn trò chuyện riêng với tôi. Tôi lấy làm bất ngờ và hồi hộp không hiểu mình có làm gì sai trái không. Khi vào phòng Cha Tuyên Úy, tôi mới biết lý do là Ông/Bà Fry muốn mời tôi làm Cha Đỡ Đầu Rửa Tội cho bé Joshua Fry mà họ vừa mới nhận làm con nuôi, vì Ông/Bà Fry hiếm muộn. Lúc đó, trong đầu tôi bổng nảy lên một câu hỏi: tại sao lại chọn tôi – một người Á Châu xấu xí và kém tài? Tôi đâu có ở đây mãi đâu vì sau Khóa Huấn Luyện Cơ Bản, tôi sẽ được chuyển đến Fort Huchuca (Trung Tâm Huấn Luyện chuyên Ngành Tình Báo của Lục Quân Hoa Kỳ) thuộc tiểu bang Arizona rồi, rồi sau đó, tôi có biết được cuộc đời và phận số của tôi sẽ trôi dạt tới nơi đâu, nếu không muốn nói là liệu tôi có còn sống hay không nếu như tôi phải tham chiến, vân vân…., biết bao nhiêu câu hỏi cứ bùng lên….

Chưa kịp trả lời, Cha Tuyên Úy bèn ghi vào sổ ngày bé Joshua sẽ được rửa tội, đề tên tôi vào sổ, và trao cho tôi tờ giấy nói về Vai Trò của Người Làm Cha/Mẹ Đở Đầu (The Role of Godparents), tôi đọc thoáng qua bèn toát mồ hôi, rồi sợ hãi đến run người khi lật sang trang giấy thứ nhì, là trang nói về phần Giáo Luật (Book IV, Part I: Sacraments, Chapter IV: Sponsors) có liên quan tới Người Đỡ Đầu, đặc biệt là các Điều Luật 873 và 874. Tôi thầm trách mình: tại sao phải bị dính liếu vào chuyện đó, và liệu mình có làm được điều gì cho đứa trẻ gốc Mỹ trắng đó không? Trời ơi, cuộc đời sao mà khổ thế??? Dường như đọc được tâm trạng bối rối của tôi, Ông/Bà Fry liền mĩm cười và giải thích lý do tại sao họ chọn tôi. Đại khái là Ông/Bà thấy tôi sốt sắng và hay đăm chiêu cứ mỗi lúc tôi cầu nguyện. Ông/Bà muốn bé Joshua, sau này lớn lên, cũng giống như tôi vậy. Ôi, tôi nghe mà người cứ run lẩy bẩy. Tại sao phải là tôi??? Thôi, ván đã đóng thuyền, nên đành phải chấp nhận, và tự hứa với bản thân mình, sau này sẽ từ chối bất kỳ ai có nhã ý muốn mời mình làm Người Đỡ Đầu.

Tốt nghiệp Khóa Huấn Luyện Cơ Bản, tôi chuyển đến AZ, và cứ như thói quen, tôi lại tình nguyện giúp cho Cha Tuyên Úy Hewitt G. Hai tuần sau, tôi thật bất ngờ khi gặp lại Ông/Bà Fry. Phải chăng đó là duyên phận? Qua chuyện trò, mới hay tin sở của Ông Fry chuyễn ông đến vùng AZ. Thế là tôi có dịp được gần gũi với bé Joshua thường xuyên hơn. Tôi cảm thấy thích bé nhiều hơn. Rồi cuộc đời binh ngũ của tôi trôi qua theo năm tháng, và cứ mỗi năm là tôi tìm cách ghé đến thăm bé Joshua, dẫn bé đi dự Lễ, chỉ vẽ cho bé cách lần hạt Mân Côi, và nhất là tự ý cầu nguyện. Đến lúc, tôi không thể đếm thăm bé được, nhưng Ông/Bà Fry luôn tìm cách email cập nhật tin cho tôi hay về sự lớn khôn của bé Joshua. Riêng tôi, tôi vẫn nhớ bé mỗi ngày, qua lời cầu nguyện của tôi. Khi bé được 12 tuổi là lúc đó tôi có dịp chuyện trò qua Skype với bé hầu như là mỗi tuần. Từ đứa bé, Joshua nay đã trở thành một người thanh niên trẻ. Nói chung, Joshua học rất giỏi, sống có trách nhiệm và đạo đức, chắc có lẽ qua đời sống gương mẫu của Ông/Bà Fry và lòng mộ đạo của họ.

Bỗng dưng tháng qua, cậu gọi điện thoại và hỏi tôi nghĩ thế nào về việc cậu muốn xăm mình? Nghe thoáng qua, tôi liền giựt mình vì câu hỏi quá lạ. Tôi nhớ, hơn một thập niên trước, lúc tôi vào quân ngũ, trước khi được gởi đến trại huấn luyện, tất cả đều phải cởi hết quần/áo ra cho các giám thị viên y tế của Lục Quân (Army) khám xét. Nếu trên cở thể của bất kỳ ai, có dấu hiệu xăm mình, dẫu là nhỏ thôi và ở bất kỳ nơi nào trên cở thể, thì ứng viên đó bị loại ngay, và không bao giờ được cho gia nhập vào Quân Đội Hoa Kỳ. Nay tại sao lại có câu hỏi kỳ lạ vậy? Tôi trả lời với Joshua rằng ngày mai tôi sẽ gọi lại và cho biết câu trả lời.

Sau một đêm dài thức trắng nghĩ suy, sang hôm sau, tôi gọi lại cho Joshua. Tôi hỏi: “Vậy ý con là muốn xăm mình hay là vì con bị áp lực của bạn bè?” Cậu trả lời: “Cả hai” Tôi bèn hỏi lại: “Thế con nghĩ như thế nào về chuyện xăm mình? Con có nghĩ đó là chuyện đứng đắn phải làm không? Vì con hỏi ba về chuyện đó, trông có vẽ như con cũng đang đắn đo là liệu chuyện đó có hợp với luân lý không thì phải. Nếu thế thì con suy nghĩ gần đúng rồi đó!” “Thế ba nói đến chuyện luân lý có nghĩa là làm sao?” Joshua hỏi lại.

“Luân lý quyết định xem là liệu chuyện con sắp làm có tốt hay xấu. Hay nói khác đi, luân lý chính là nguyên tắc hay quy luật giúp con phân biệt được đâu là điều thiện từ điều ác, và đâu là sự đúng đắn từ việc sai lầm.”

(Moral determines if the action you are contemplating is good or bad. In other words, morality is the rule or principle that distinguishes good from bad or right from wrong!)

Đến đây Joshua gần như bối rối và sắp nổi giận. Cậu liền hỏi: “Vậy nói tóm lại, chuyện xăm mình, đối với ba là yes hay no?” Tôi bình tĩnh và trở lời Joshua rằng: “Trước hết, cách thức mà con hỏi ba phải nói cho con biết điều gì con nên làm, giống như kiểu con muốn ba đưa ra một quyết định cho con. Suy cho cùng, con hiện nay đâu còn là cậu bé 5 hay 6 tuổi nữa đâu, mà con nay đã 16 tuổi đầu rồi, do đó ba sẽ nói cho con nghe việc ba suy nghĩ về chuyện đó như thế nào, và ba mong chính con phải là người đưa ra quyết định đó.”

(First of all, you are asking me to tell you what to do and in a way to make a decision for you. But since you are not 5 or 6 years old anymore, you are now 16, I am going to tell you what I think about it, and I am going to ask you to make your own decision).

Nghe tới đây, Joshua có vẻ hạ giọng và lấy làm tự hào vì chí ít Joshua được tôi cư xử với cậu như là một người trưởng thành.

Tôi bèn tiếp tục: “Ba muốn nói con điều này, giả sử như con và ba quyết định cùng nhau hùm họp gia tài của chúng ta lại với nhau để mua một chiếc xe Tesla Đời X 75D. Và vì lý do nào đó, chúng ta vẫn chưa dồn đủ, thế là chúng ta phải dành dụm từng đồng xu nhỏ một cho đến khi nào tậu được chiếc xe đời mới đó thì thôi. Cả hai chúng ta đến đại lý xe, bỏ thật nhiều giờ để chọn lựa và cuối cùng, sau khi đắn đo suy nghĩ kỹ càng, chúng ta mua được chiếc Tesla và mang về nhà. Thế rồi sau vài tuần, chúng ta thích thú và ngắm nghía chiếc xe hạng sang đời mới đó, bỗng dưng đến một này nào đó, con thức giậy và nhận thấy rằng ba đã sơn trên xe đó hình ảnh của một con ó đen trên mui xe….”

(Tell me something, suppose you and I decided to put our fortunes together and buy a Telsa Model X 75D. And we do not go half way with this; we use every penny we have to get our dream car. We both go to the dealer, spend many hours shopping around and finally, come back home with a car. Then, for a few weeks, we enjoy our new car and all its perfections …. until, one day, you wake up to find that I had painted the image of a black owl on the hood of the car ….)

Nghe tới đây, Joshua, bên đầu dây điện thoại bên kia, có vẽ như không hài lòng với chuyện sơn đó….ít ra là vậy …

Tôi cứ thế mà nói tiếp: “Lúc đó, con sẽ chạy đến phòng ba, đập cửa thật mạnh và đấm vào mặt ba. Và ba, thú thật với con, sẽ làm điều tương tự như vậy, nếu người sơn hình con ó đen đó chính là con. Giờ con hãy hình dung xem liệu Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về việc sau khi Ngài đã trao ban cho con một thân hình tuyệt diệu và hoàn mỹ mà Ngài đã tạo dựng và ‘mua chuộc’ bằng chính cái giá của Sự Chết và Việc Phục Sinh của Ngài—để rồi chúng ta cứ mặc đó mà đi xăm hình hết khắp cơ thể?”

(You would have probably come up to my room, banged on my door and then punched me. And I, quite honestly, would have done the same if you were the one who had painted the image of the black owl on the hood of the car. Now, imagine what God thinks of the fact that after He gave us this wonderful and magnificent body that He made—and ‘bought’ at the price of His death and resurrection—we go and tattoo all over it?)

Joshua khẩn khoản hỏi lại “Vậy đó phải là tội không ba?”

Tôi đáp: “Hãy ngừng chút đã. Nên nhớ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta không những phải tránh xa tội lỗi, mà còn phải thật sự biết sống sao cho đẹp ý của Ngài. Chúng ta phải biết sống theo như cách mà Ngài mong muốn. Việc tránh phải xúc phạm đến các lề/quy luật mà Ngài dạy vẫn chưa đủ. Tất cả những gì mà Thiên Chúa tạo dựng nên đều hoàn hảo cả, kể cả thân xác của chúng ta. Và để Ba nói với con điều này rằng là Ngài không có dự định để cho chúng ta dùng chính cơ thể của chúng ta giống như những tấm biểu ngữ. Cơ thể của chúng ta, theo như những gì mà Giáo Hội dạy, là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, khi chúng ta trong trạng thái sạch tội. Giờ ba hỏi con câu này: tại sao con lại muốn xăm hình? Lý do là gì vậy?”

(Now hold on a bit. Keep in mind that God wants us not only to avoid sin, but to actually live in a way that pleases Him. We must live lives as He wishes. Just staying away from breaking rules is not good enough. Everything God makes is perfect, including our bodies. And let me tell you that He did not plan on us using our bodies as some sort of billboard. Our bodies, are, just as the Church teaches us, temples of the Holy Spirit, when we are in the state of grace. Now I have a question for you: why do you want a tattoo? What is the reason?)

Không để cho Joshua mở miệng trả lời, tôi nói tiếp: “Thiên Chúa Tốt Đẹp và Hằng Hữu của chúng ta trao ban cho chúng ta lý trí để chúng ta có thể quyết định được đâu là điều đúng đắn và đâu là điều sai trái. Thế đâu là lý do chính đáng để cho chúng ta xăm hình vào trong cơ thể của chúng ta nếu như đó không phải là áp lực từ những người khác hay áp lực bắt buộc chúng ta phải sống sao cho hợp với nền văn hóa và trào lưu trần tục tội lổi thời nay? Liệu áp lực đó không thôi có phải là lý do chính đáng để ta phải xăm mình hay không?”

(Again, our Eternally Good God gave us reason so we can decide what is right and what is wrong. So what could be the reason for us to tattoo our bodies other than pressure from others or pressure to conform to the culture or the evil secular trends nowadays? Is pressure alone a good reason for us to tattoo our bodies?)

Joshua trả lời thật nhanh: “Không! Dĩ nhiên là không phải vì lý do đó!”

Tiếp lời Joshua, tôi nói: “Khi Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta, Ngài làm điều đó dựa trên Sự Thông Thái Vô Biên của Ngài. Sự Thông Thái và lý trí của Ngài trong việc tạo dựng nên chúng ta hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết hạn hẹp của loài người chúng ta. Cơ thể của chúng ta phải trở nên những tấm gương phản chiếu về nội tâm hay những gì chúng ta có ở bên trong. Vì thế, một người tốt và mẫu mực chắc chắn sẽ chiếu rọi ra điều gì đó về chính người đó, sẽ biết cách hành xử, ăn mặc như thế nào để cho thế giới bên ngoài thấy được những gì mà người đó có ở bên trong. Ngược lại, kẻ xấu thì lúc nào cũng lộ ra sự xấu vì chưng những kẻ tội lổi và những người hiểm độc trước sau gì cũng đều giống nhau cả. Chẳng hạn như, một người phụ nữ xấu xa quyết định kiếm sống bằng việc bán thân cho bất kỳ ai trả cao giá thì làm sao có thể so sánh được với người phụ nữ tiết hạnh vốn quyết định can đảm và cương quyết gìn giữ sự trinh tiết của mình. Gương mặt của hai loại người này giống như ngày và đêm vậy.”

(When God made us. He did it based on His Infinite Wisdom. His Wisdom and reasons for making us go way beyond our little puny understanding. Our bodies should be mirrors of what we have inside. Thus, a good and virtuous person has a certain shine about him and will carry himself and dress in a way that will display to the world what he is inside. On the contrary, the bad always shows off his worse as evil and malicious people eventually look alike. Look, for example, at a bad woman who spends her life as a prostitute selling her body to whomever will pay more in comparision with a woman of virtue who protects her virginity with courage and daring. Their faces will be like night and day.)

Nói đến đây, Joshua liền ngắt lời tôi, và cậu nói “Ba ạ, một trong những điều mà chúng bạn trong trường nói với con rằng là trong Kinh Thánh, chẳng có đã động gì đến việc xăm mình cả?”

Tôi cười thầm và đáp: “Thế Kinh Thánh có nói điều gì chống lại việc dùng thuốc phiện, xì ke, thuốc lắc, hay ma túy không? Và nếu như Kinh Thánh không có đề cập, phải chăng những chuyện đó là có thể chấp nhận được hay không? Cùng với Thánh Kinh, Thiên Chúa cho chúng ta ý thức để nhận biết được đâu là điều tốt và đâu là điều xấu; luật lệ về luân lý hay vốn còn được gọi là luật tự nhiên thì được viết lên trong chính trái tim của chúng ta. Những ai không hề biết đến Thánh Kinh vẫn phải chịu trách nhiệm và bị ràng buộc là nên làm điều phải. Thiên Chúa không có dụng ý dùng Thánh Kinh như là kim chỉ nam duy nhất về cách hành xử của chúng ta. Nhân thể con cũng nên nói cho các bạn bè của con nên đọc qua Sách Cựu Ước Lêvi đoạn 19 câu 28 khi Thiên Chúa nói rằng: Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình, chớ xăm vẽ trên mình.”

(Is there anything in Scriptures against taking drugs/marijuana/ectasy/morphines, etc…? Does this mean it is okay? Along with the Scriptures, God gave us a sense of right and wrong; moral law called natural law is written in our hearts. People without access to the Scriptures are still responsible for doing what is right. God did not mean for the Scriptures to be the sole manual for our behavior. But incidentally you may direct your friends to Leviticus 19:28, where God says: ‘Do not cut your bodies for the dead or put tattoo marks on yourselves.’)

Nói đến đây thì Joshua hoàn toàn im lặng. Tôi không còn nghe được tiếng thở từng hồi của cậu qua điện thoại nữa. Dường như, cậu không còn muốn lắng nghe lời giải thích của tôi nữa thì phải!?

Tôi quyết định không bỏ lở cơ hội: “Joshua ạ, giờ đây con đã là người trưởng thành rồi. Con vừa học và vừa làm, nếu như ba không lầm, qua thân mẫu của con, ba biết con đang dồn tiền để mua chiếc xe đầu tiên trong cuộc đời của con. Vậy hãy suy nghĩ về tất cả những gì mà chúng ta đã trao đổi hôm nay và ba khuyên con là hãy tự đưa ra quyết định cho chính mình nhé. Liệu con phải hành xử giống như tất cả những người khác hay con nên làm những gì mà con cho là đúng đắn, và đó mới chính là điều quan trọng đó con. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã từng nói thế này: ‘Thân xác kẻ chết thì trôi theo dòng, còn thân xác của kẻ sống thì lúc nào cũng trôi ngược dòng nước xiết.’”

(But Joshua, you are practically an adult. You have a job and school work, if I am not mistaken from your parents, you are saving up for your first car. Just think about what we have talked about here today and, then, I encourage you to make your own decision. Will you go along with everyone else or will you do what you believe to be right? And that, my dear boy, is the real question. Archbishop Fulton Sheen once said: ‘Dead bodies float down stream, live ones swim against the current.’)

Joshua trả lời: “Dạ!”

Đêm đó, tôi lặng lẽ cầu nguyện cho Joshua: “Lạy Chúa, hãy ban cho Joshua sức mạnh, vì chỉ có mỗi mình Chúa mới biết được những ý tưởng ngông cuồng và sức ép mà những người trẻ Kitô Giáo ngày nay phải chống chọi lại!”

(Give Joshua strength, my Good Lord, for You alone know what sort of crazy opinions and peer pressure these young Christian people have to fight against these days!)

Dr. Anthony Le
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khấn Nguyện
Joseph Ngọc Phạm
08:19 13/09/2017
KHẤN NGUYỆN
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Khấn xin tâm được bình an
Nguyện theo ý chúa thương ban đời này.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 13/09/2017: Lễ tuyên phong Chân Phước cho hai vị tử đạo Colombia
VietCatholic Network
03:17 13/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những sinh hoạt chủ yếu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày 8 tháng 9 đã diễn ra tại Villavicencio, nơi đã từng xảy ra những trận đánh kinh hoàng và thường xuyên giữa phiến quân cánh tả, quân chính phủ và các dân quân cánh hữu trong suốt 52 năm nội chiến.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho hai vị giáo sĩ bị sát hại vì đức tin trong cuộc nội chiến này.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trước sự hiện diện của 400 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong hai vị tử đạo người Colombia lên bậc chân phước. Đó là Đức Cha Jesús Emilio Jaramillo Monsalve, bị sát hại cách đây 28 năm (1989) và cha Pedro María Ramírez Ramos, bị sát hại cách đây 69 năm (1948).

Đức Thánh Cha đã từ Bogotà bay đến phi trường quân sự của thành Villavicencio cách đó 94 cây số về hướng đông nam và ở cao độ 460. Khí hậu ở đây rất ẩm thấp và nóng, nhất là đối với những người từ Bogotà ở cao độ 2640 mét đến đây.

Trong số các tín hữu hiện diện, cũng có nhiều tín hữu đến từ các vùng rộng lớn Llanos và các làng của 112 bộ lạc thổ dân, cũng như các nạn nhân bị bạo lực. Họ chào đón ngài với các điệu vũ và những bài ca. Đại diện một số thổ dân đó, trong các y phục truyền thống, đã được Đức Thánh Cha chào thăm đặc biệt đầu thánh lễ trên lễ đài. Có thổ dân mình trần tặng cho ngài một chiếc lao của họ. Có người khác tặng cho ngài vòng đeo cổ của người thổ địa.

Lúc 9 giờ rưỡi sáng giờ địa phương, Đức Thánh Cha bắt đầu thánh lễ mừng kính Sinh Nhật Đức Mẹ, đặc biệt là nghi thức tôn phong chân phước cho 2 vị tử đạo.

Đầu thánh lễ đã diễn ra nghi thức phong chân phước. Tiểu sử tóm tắt của hai vị chân phước được xướng lên.

Tiểu sử hai chân phước tử đạo

- Trước tiên là Đức Giám Mục Jaramillo Monsalve. Ngài sinh ngày 16 tháng 2 năm 1916 tại Santo Domingo Colombia, gia nhập Hội Truyền giáo hải ngoại Yarumal và thụ phong linh mục ngày 1 tháng 9 năm 1940 lúc mới được 24 tuổi. Cha lần lượt đảm nhận các chức vụ: giáo sư, linh hướng chủng viện, giáo tập, giám đốc chủng viện, phụ tá Bề trên Tổng quyền, Cha sở nhà thờ chính tòa Buenaventura, Bề trên Tổng quyền, đặc ủy toàn quốc Colombia về Tông đồ giáo dân.

Ngày 11-11 năm 1970, lúc 54 tuổi, Cha được Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa ở Arauca và sau này ngài trở thành Giám Mục chính tòa tiên khởi tại đây khi hạt đại diện này được nâng lên hàng giáo phận.

Đức Cha Jaramillo Monsalve nổi bật về các hoạt động bênh vực các quyền của dân nghèo không có tiếng nói. Ngài xác tín rằng mọi người đều có quyền có tiếng nói. Đức Cha cũng là một mục tử quan tâm săn sóc các nhu cầu tinh thần của đoàn chiên và dấn thân chống lại những bất công xã hội. Đức Cha Jaramillo bị phiến quân tả phái Quân đội giải phóng quốc gia, gọi tắt là ELN, bắt cóc, tra tấn và sát hại ngày 3 tháng 10 năm 1989 cùng với linh mục José Munos Pareja. Lúc đó Đức Cha được 73 tuổi. Lực lượng du kích ELN do linh mục Manuel Pérez người Tây Ban Nha thành lập và theo chủ thuyết mác xít. Có một số linh mục cũng gia nhập tổ chức này.

- Vị tử đạo thứ hai được Đức Thánh Cha phong chân phước tại Colombia là Cha Pedro Maria Ramírez Ramos (1899-1948), bị giết vì sự oán ghét đức tin, tại Armero, tỉnh Tolima.

Cha sinh tại thành phố Huila, Colombia ngày 23-10-1899 và gia nhập chủng viện Garzón năm lên 16 tuổi, nhưng rời chủng viện này năm 21 tuổi (1020) và được đón nhận vào chủng viện Ibagué 8 năm sau đó, rồi thụ phong linh mục năm 1931. Cha lần lượt làm cha sở ở Chaparral (1931), rồi Cunday (1934) và Fresno (1943). Năm 1948, cha chuyển về làm cha sở ở Armero-Tolima.

Ngày 9 tháng 4 năm 1948, Cha Pedro đến nhà thương địa phương để viếng thăm một bệnh nhân, thì có những tin tức từ thủ đô Bogotà truyền tới về vụ ứng viên tổng thống của đảng cấp tiến, Ông Padro Eliecer Gaitán, bị giết. Một làn sóng bạo lực kinh khủng bùng nổ trên toàn Colombia và chính cha Pedro cũng phải trả giá. Những người ủng hộ ông Gaitán và những người theo phe tổng thống Mariano Ospina Pérez (1946-1950) chống đối và xung đột nhau.

Tại Armero-Tolima, các nhóm gây rối tìm cách tấn công cha Pedro vì họ cho rằng cha thuộc những nhóm bảo thủ, nhưng cha chạy được vào nhà thờ của các nữ tu dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi Thánh Thể. Một vài gia đình muốn giúp cha chạy trốn ban đêm ra khỏi làng nhưng cha quyết liệt từ chối.

Chiều ngày 10-4-1948, một nhóm đông những người cấp tiến xúc phạm thánh đường và tu viện của các nữ tu, đám đông bắt đầu la ó, đòi phải giao nộp cho họ các võ khí giấu kín. Các nữ tu chạy trốn hết. Và khi họ kiểm soát không thấy võ khí nào, họ bắt giữ cha Pedro và điệu ra quảng trường trung ương. Đám đông hành hung, và một kẻ lấy dao rựa chém cha chết. Lúc đó cha được 68 tuổi. Thi hài cha Pedro bị để lại quảng trường vài tiếng đồng hồ và chỉ đến nửa đêm, xác cha mới bị kéo tới cổng nghĩa trang, rồi sau đó được chôn trong một huyệt mộ, không có áo chùng thâm, và ngoài ra họ cấm không được cử hành lễ nghi tôn giáo nào. Khi một số quan chức chính quyền từ thủ đô Bogotà đến, lúc đó đã là ngày 21-4-1948, người ta mới cho phép giảo nghiệm thi hài và an táng cha theo nghi thức Công Giáo. Gần một tháng sau, thân nhân mới có thể đưa quan tài cha về nghĩa trang La Plata, quê hương của cha, và từ đó mộ của cha Pedro trở thành nơi hành hương.

Ít lâu trước đó, cha đã viết chúc thư tinh thần, trong đó cha bày tỏ ước muốn đổ máu mình cho dân thành Armero.

Cha Pedro bị nhóm ủng hộ đảng cấp tiến coi là “một người bảo thủ cuồng tín và nguy hiểm”. Thậm chí 37 năm sau, cha còn bị cáo buộc là đã gây ra vụ lở tuyết thê thảm ngày 13-11 năm 1985 làm cho 20 ngàn người chết, vì đã nguyền rủa đất nước trước khi chết.

Đức Thánh Cha đã đọc công thức cho phép tôn kính hai vị Tôi Tớ Chúa: Đức Cha Jaramillo Monsalve và Cha Pedro Maria Ramírez Ramos như chân phước, theo các qui luật của Giáo Hội. Hai bức chân dung của hai chân phước mới được vén màn, trong khi thánh tích của hai vị được rước lên đặt cạnh bàn thờ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ mời gọi toàn dân Colombia thực thi sự hòa giải và tha thứ.

Trước tiên, ngài nhắc đến lễ sinh nhật Đức Mẹ. Mẹ Maria là ánh quang đầu tiên loan báo đêm chấm dứt, nhất là ngày đang đến gần. Việc Mẹ sinh ra làm cho chúng ta trực giác sáng kiến yêu thương, dịu dàng, thương xót của tình yêu qua đó Thiên Chúa cúi mình trên chúng ta và mời gọi chúng ta đi vào một giao ước tuyệt vời với Chúa mà không điều gì và không ai có thể phá vỡ.

Đề cập đến bài Tin Mừng, với thánh Giuse toan tính âm thầm bỏ vị hôn thê Maria của mình khi khám phá Mẹ có thai, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: Tâm hồn cao thượng của thánh Giuse đã khiến cho thánh nhân đặt điều mà Người đã học được qua lề luật phải tùng phục đức bác ái; và ngày hôm nay, trên thế giới này, trong đó bạo lực tâm lý, lời nói và thể lý đối với phụ nữ thực là điều hiển nhiên, thánh Giuse xuất hiện như hình ảnh của người nam biết tôn trọng và tế nhị, tuy không có đủ mọi thông tin, nhưng vẫn quyết định bảo vệ thanh danh, phẩm giá và mạng sống của Mẹ Maria. Trong sự nghi ngờ của thánh Giuse không biết hành động cách nào cho tốt đẹp hơn, Chúa đã giúp đỡ Người chọn lựa phán đoán của Chúa bằng cách soi sáng cho thánh nhân.

Từ những điều trên đây, Đức Thánh Cha áp dụng vào hoàn cảnh của Colombia, một quốc gia đang cần sự hòa giải hơn bao giờ hết, một dân tộc đầy những chuyện yêu thương và ánh sáng, nhưng cũng có những đụng độ, xúc phạm, và cả chết chóc, nhưng ánh sáng của Tin Mừng có thể làm đầy những lịch sử tội lỗi, bạo lực và xung đột của chúng ta. Đức Thánh Cha nói:

“Hòa giải không phải là một lời trừu tượng; nếu không thì nó không mang lại thành quả nào, và chỉ gây ra sự xa cách. Hòa giải là mở ra một cánh cửa cho tất cả và từng người đã sống thảm trạng xung đột. Bao nhiêu nạn nhân đã thắng được cám dỗ dễ hiểu là muốn báo thù, bằng cách trở thành những người nắm giữ vai chính, đáng tin cậy hơn, trong tiến trình xây dựng hòa bình. Cần có những người can đảm đi bước đầu trong chiều hướng ấy, không đợi người khác làm trước. Chỉ cần một người tốt để có hy vọng! Mỗi người trong chúng ta có thể là người ấy! Điều này không có nghĩa là không nhìn nhận hoặc che đậy những khác biệt và xung đột. Đó không phải là hợp thức hóa những bất công cá nhân hoặc cơ cấu. Việc nại đến hòa giải không thể dùng để thích ứng với những hoàn cảnh bất công. Đúng hơn, như thánh Gioan Phaolô 2 đã dạy, “đó là một cuộc gặp gỡ giữa những ngừơi anh em sẵn sàng vượt thắng cám dỗ ích kỷ và từ bỏ những toan tính tự thi hành công lý; đó là thành quả của những tâm tình mạnh mẽ, cao thượng và quảng đại, dẫn tới việc thiết lập một sự sống chung dựa trên sự tôn trọng mỗi ngời và những giá trị riêng của mỗi xã hội dân sự”...

Đức Thánh Cha nêu bật tấm gương của hai vị chân phước mới, Đức Cha Jaramillo Monsalva và Cha Pedro María Ramírez Ramos tử đạo là dấu chỉ một dân tộc muốn ra khỏi vũng lầy bạo lực và oán hận.

Và ngài kết luận rằng: Mỗi người trong chúng ta có nghĩa vụ nói “đồng ý” với sự hòa giải.. Mỗi người trong chúng ta có nghĩa vụ nói “xin vâng” như Mẹ Maria và cùng Mẹ chúc tụng những kỳ công của Chúa, vì như Chúa đã hứa với các tổ tiên chúng ta, Chúa giúp tất cả và mỗi dân tộc, Chúa giúp Colombia ngày nay đang muốn hòa giải và mãi mãi giúp dòng dõi của Ngài.

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha còn chào thăm một nhóm những người sống sót sau trận lụt thảm hại hồi tháng 4 năm nay ở Mocoa, miền tây Colombia mà ngài đã đóng góp để cứu trợ các nạn nhân.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/09/2017: Hy vọng hòa bình le lói trên mảnh đất tang thương Colombia
VietCatholic Network
16:51 13/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho các ký giả trên đường trở về từ Colombia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Vatican sau chuyến tông du kéo dài 5 ngày của ngài tại Colombia.

Chiếc máy bay chở Đức Thánh Cha đã hạ cánh xuống sân bay Ciampino của Rome lúc 12:40 trưa Thứ Hai 11 tháng 9. Ngay sau đó, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, để tạ ơn cuộc hành trình thành công của ngài.

Ngài đã dành vài phút cầu nguyện trước ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi của Dân Rôma.

Trong chuyến bay kéo dài 11 giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời những câu hỏi của các nhà báo về chuyến viếng thăm các thành phố Colombia là Cartagena, Medellin, Villavicencio và thủ đô Bogotà.

Một ký giả đã hỏi Đức Thánh Cha về ý kiến của ngài liên quan đến quyết định của tổng thống Hoa Kỳ cắt bỏ chương trình DACA đã có hiệu lực từ năm 2012 theo đó các trẻ em dưới 16 tuổi nhập cư bất hợp pháp mà không có hồ sơ tội phạm, có thể ở lại Mỹ thêm 2 năm để chờ xin di trú. Hiện có khoảng 800 ngàn người ở trong ‘dạng’ này, họ đang được làm việc, hoặc đi học. Một ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Trump đã công bố hôm 5 tháng 9 rằng ông đã ngừng chương trình DACA. Quyết định của ông đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài có nghe nói đến quyết định của tổng thống Trump, nhưng không có thời gian để nghiên cứu chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, ngài nói các chính trị gia tự gọi mình là phò sinh thực sự không thể đưa ra các chính sách chia cắt gia đình và cướp đi tương lai của những người trẻ tuổi.

“Luật này, tôi nghĩ không phải là từ cơ quan lập pháp, nhưng từ hành pháp - tôi không chắc lắm nhưng nếu đúng như vậy, tôi hy vọng ông ta suy nghĩ lại một chút bởi vì tôi đã nghe Tổng thống Hoa Kỳ tự giới thiệu mình với tôi ông là một người phò sinh, một người rất phò sinh.”

“Nếu ông ta là một người phò sinh thực sự, ông ta phải hiểu rằng gia đình là cái nôi của cuộc sống và sự hiệp nhất của gia đình phải được bảo vệ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói mọi người phải rất thận trọng đừng đánh tan hy vọng và ước mơ của những người trẻ tuổi hoặc làm cho họ cảm thấy “bị bóc lột” bởi vì kết quả có thể là thảm khốc, một số người trẻ có thể hướng đến ma túy hoặc thậm chí tự tử.

Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ dành ra khoảng 35 phút để trả lời các câu hỏi của các nhà báo và bình luận về chuyến đi 5 ngày của ngài tới Colombia. Sau khi Đức Thánh Cha trả lời được tám câu hỏi, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với Đức Thánh Cha rằng đã đến lúc ngồi xuống vì máy bay đang tiến gần đến một khu vực có nhiều chấn động.

Khi gặp các nhà báo trên máy bay, trên mặt Đức Thánh Cha vẫn còn một miếng băng nhỏ trên lông mày trái của ngài và có một vết sưng to đã biến thành màu đen và xanh trên má. Thay vì nói đùa với các phóng viên về vết thương này, Đức Thánh Cha giải thích với họ rằng ngài đã vươn tay ra khỏi chiếc Popemobile để chào đón mọi người và khi quay lại. “Tôi đã không để ý đến miếng kiếng.”

Chuyến đi trở lại Rôma của Đức Thánh Cha không phải thay đổi đường bay như chuyến bay đến Côlômbia hôm 6 tháng 9 vì cơn bão Irma. Khi được hỏi về sự gia tăng cường độ các cơn bão gần đây và những gì ngài nghĩ về các nhà lãnh đạo chính trị cho rằng hiện tượng biến đổi khí hậu chỉ là một sự phóng đại, chứ không có thật. Đức Thánh Cha nói:

“Bất cứ ai phủ nhận điều này đều phải tìm đến các nhà khoa học và hỏi họ. Họ nói rất rõ ràng. Các nhà khoa học rất chính xác. “

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ông đọc một báo cáo trích dẫn một nghiên cứu của một trường đại học khẳng định nhân loại chỉ có ba năm để giảm tốc độ thay đổi khí hậu trước khi quá muộn. “Tôi không biết liệu ba năm có đúng hay không, nhưng nếu chúng ta không quay lại, chúng ta sẽ đi đến diệt vong, đó là sự thật”.

“Sự thay đổi khí hậu - bạn có thể thấy được những hậu quả. Và các nhà khoa học đã nói với chúng ta rõ ràng những con đường phải tiến hành là những gì.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi người đều có trách nhiệm đạo đức để hành động, “Và chúng ta phải nghiêm túc xem xét điều này.”

“Đó không phải là một trò chơi. Đó là một điều rất nghiêm túc.”

Các chính trị gia nào nghi ngờ sự thay đổi khí hậu là có thật hay không, hay hoài nghi về những hoạt động của con người đóng góp vào chuyện này nên nói chuyện với các nhà khoa học và “sau đó quyết định. Và lịch sử sẽ đánh giá quyết định của họ.”

Khi được hỏi tại sao ngài nghĩ rằng các chính phủ đã hành động quá chậm chạp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng điều này trước hết như Cựu Ước đã từng nói, “Con người là ngu ngốc, là những kẻ cứng đầu không chịu mở mắt ra nhìn”.

Ngaòi ra còn các lý do khác, hầu như luôn luôn là vì tiền.

Nói về chuyến tông du kéo dài 5 ngày ở Colombia, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài “thực sự cảm động bởi niềm vui, sự dịu dàng” và sự biểu hiện của người dân. Cuối cùng, họ là những người sẽ xác định xem Colombia có thật sự bình an không sau 52 năm nội chiến.

Các nhà chính trị và các nhà ngoại giao có thể làm tất cả những điều đúng đắn để đàm phán về các thoả thuận hòa bình, nhưng nếu dân chúng của quốc gia này không cùng đi trên cùng chuyến tàu với họ, hòa bình sẽ không kéo dài. Ở Colombia, theo Đức Thánh Cha, người dân có một mong muốn rõ ràng được sống trong hòa bình.

Ngài nói, “Điều làm tôi nhớ nhất về người Colombia,” là nhìn hàng trăm, hàng ngàn các bậc cha mẹ dọc theo những con đường mà ngài đi qua, đã giơ cao con cái của mình để Đức Giáo Hoàng nhìn thấy và ban phép lành cho chúng.

Những gì họ đang làm, đã nói lên rằng “Đây là kho báu của tôi. Đây là hy vọng của tôi. Đây là tương lai của tôi. Tôi tin vào điều này. “

Hành vi của bố mẹ những đứa trẻ, theo Đức Thánh Cha, “là một biểu tượng của hy vọng, và tương lai.”

2. Đức Thánh Cha bị thương trên mặt khi thăm thành phố Cartagena

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp một tai nạn nhỏ khi đến Cartagena, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến viếng thăm Colombia từ ngày 6 đến 11 tháng Chín. Ngài không hề nản lòng và vẫn tiếp tục chương trình trong ngày như đã dự kiến.

Hôm Chúa Nhật 10 tháng 9, khi đang đi trên chiếc Popemobile, Đức Thánh Cha đã cố vươn tay ra với một trong số hàng chục ngàn người đang chào đón ngài. Chiếc xe ngừng đột ngột, khiến cho Đức Thánh Cha mất thăng bằng. Đầu ngài va chạm vào thanh kim loại được dùng làm khung kính của chiếc xe, máu chảy trên mặt rơi xuống cả trên chiếc áo trắng của ngài.

Tai nạn xảy ra khi Đức Thánh Cha đến gần ngôi nhà tạm trú Talitha Kum dành cho những người vô gia cư ở Cartagena, Colombia.

Ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cùng đi với Đức Thánh Cha, nói với các nhà báo rằng vết thương không nghiêm trọng và nước đá đã được đắp trên mặt Đức Thánh Cha để cố gắng làm tan vết bầm.

Ngay sau khi tai nạn, được truyền hình trực tiếp, xảy ra, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận được một chiếc khăn tay màu trắng từ một trong những thành viên trong đoàn hộ tống bảo vệ an ninh cho ngài. Người đứng đầu đội an ninh, là ông Domenico Gianni, người Ý, đã lau chân mày của Đức Thánh Cha, và ra dấu cho biết máu đã rơi xuống chiếc áo choàng trắng của ngài.

Đoàn xe dừng lại để săn sóc vết thương cho Đức Thánh Cha trước cửa nhà của một phụ nữ tên là Lorenza Pérez, 77 tuổi. Bà là người nấu và phân phối các bữa ăn cho người vô gia cư.

3. Diễn từ của Đức Thánh Cha với các nhà lãnh đạo dân sự Colombia

Hoạt động của Đức Thánh Cha tại thủ đô Bogota hôm 7 tháng 9, tức là ngày thứ hai trong chuyến tông du Colombia rất dày đặc, Ngài có một bài diễn văn trước Tổng Thống Santos cũng như bài nói chuyện với các bạn trẻ. Sau đó, ngài gặp các giám mục Colombia và các Giám Mục trong Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM; và cuối cùng là thánh lễ ngoài trời ở Công Viên Simon Bolivar của Bogota.

Lúc 8 giờ 40 sáng ngày 7 tháng 9, hàng trăm người đứng dọc lộ trình đoàn xe hộ tống đưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ tòa sứ thần Tòa Thánh tới dinh Tổng Thống, nơi ngài có cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Juan Manuel Santos và giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của Colombia.

Hàng trăm người cũng đứng đợi ngài tại Casa Narino, một số mang thánh giá và chân dung vị giáo hoàng người Á Căn Đình. Trong đám đông, có một số binh sĩ với cánh tay cụt, các học sinh và viên chức khuyết tật.

Tại khuôn viên phủ tổng thống vào lúc 9 giờ sáng đã diễn ra nghi thức tiếp đón chính thức dành cho Đức Thánh Cha theo đúng nghi lễ ngoại giao, quốc thiều, duyệt qua hàng quân danh dự, trước sự hiện diện của khoảng 750 người, gồm chính quyền, giáo quyền, ngoại giao đoàn, và diện các giới chủ xí nghiệp, nhóm xã hội và văn hóa.

Trong cuộc gặp gỡ chính quyền và đại diện các tầng lớp xã hội Colombia, Đức Thánh Cha nồng nhiệt khích lệ mọi người dấn thân vào công trình hòa giải đất nước sau nửa thế kỷ nội chiến.

“Cuộc gặp gỡ này là cơ hội cho tôi được bày tỏ sự đánh giá cao các nỗ lực được thực hiện trong những thập niên gần đây để chấm dứt bạo lực võ trang và tìm kiếm những con đường hòa giải. Trong năm qua, chắc chắn đã có một tiến bộ đặc biệt; những bước tiến làm gia tăng hy vọng, với xác tín rằng sự tìm kiếm hòa bình là một công việc luôn mở rộng, một công tác không ngừng và đòi phải có sự dấn thân của tất cả mọi người. Công việc này đòi chúng ta không được giảm cố gắng kiến tạo sự đoàn kết quốc gia, và mặc dù có những trở ngại, dị biệt và những lối tiếp cận khác nhau về cách thức đạt tới sự sống chung hòa bình, chúng ta cần kiên trì trong cuộc chiến đấu để tạo điều kiện thuận lợi cho nền văn hóa gặp gỡ, nền văn hóa này đòi phải đặt con người ở trung tâm mọi hành động chính trị, xã hội và kinh tế, đặt nhân phẩm rất cao của con người ở vị thế đó, và tôn trọng thiện ích chung của con người. Ước gì nỗ lực ấy làm cho chúng ta xa tránh mọi cám dỗ trả thù và chỉ tìm kiếm lợi ích riêng và ngắn hạn. Hễ con đường dẫn tới hòa bình và hòa hợp càng khó khăn, thì chúng ta càng phải dấn thân nhìnnhận tha thân, chữa lành các vết thương và bắc những nhịp cầu, thắt chặt các mối liên hệ và giúp đỡ lẫn nhau (E.G. 67).

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng khẩu hiệu của Colombia là “Tự do và trật tự”, hai lời này gói ghém trọn một giáo huấn. Đó là các công dân phải được quí chuộng trong tự do của họ và được một trật tự ổn định bảo vệ. Không phải luật của kẻ mạnh, nhưng là sức mạnh của luật pháp, luật được mọi người chấp thuận, điều hành cuộc sống chung hòa bình. Cần có những đạo luật công chính có thể bảo đảm sự hòa hợp như thế và giúp vượt thắng những xung đột đã phá hủy đất nước này trong nhiều thập niên; cần những luật lệ không phát sinh từ đòi hỏi thực tiễn điều hành xã hội, nhưng phát sinh từ ước muốn giải quyết những nguyên nhân cơ cấu gây ra nghèo đói, tạo ra sự loại trừ và bạo lực. Chỉ như thế mới có thể chữa lành một thứ bệnh khiến cho xã hội trở nên mong manh và bất xứng, khiến cho xã hội luôn có thể lâm vào những cuộc khủng hoảng mới. Chúng ta đừng quên rằng bất công là căn cội gây ra những tai ương xã hội (Xc E.G. 202)

Đức Thánh Cha khuyến khích các giới hữu trách Colombia hãy nhìn đến những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội, hãy nhìn đến những người yếu thế, bị bóc lột và ngược đãi, những người không có tiếng nói, hãy nhìn đến nữ giới, sự đóng góp, tài năng và chức phận “làm mẹ” của họ trong các công tác khác nhau. Colombia cần tất cả mọi người để cởi mở hướng về tương lai trong niềm hy vọng.

Sau cùng Đức Thánh Cha nói đến vai trò của Giáo Hội, dấn thân cho hòa bình, công lý và thiện ích chung. Giáo Hội ý thức rằng những nguyên tắc Phúc Âm là một chiều kích quan trọng trong xã hội Colombia và vì thế chúng có thể góp phần rất nhiều làm cho đất nước đưcơ tăng trường. Đặc biệt sự tôn trọng thánh thiêng đối sự sống con người, nhất là những người yếu thế nhất và vô phương tự vệ, chính là viên đá tảng trong việc xây dựng một xã hội không còn bạo lực.Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Juan Manuel Santos, Đức Thánh Cha nói:

Sau diễn văn trên đây, Đức Thánh Cha đã tiến vào phủ Tổng Thống, và lên phòng khánh tiết ở lầu 1 để hội kiến riêng với tổng thống Juan Manuel Santos Calderón. Ông năm nay 66 tuổi (1951), tốt nghiệp kinh tế và thương mại tại Hoa Kỳ và từng làm thượng nghị sĩ, bộ trưởng thương mại, tài chánh, quốc phòng, và là một trong những người sáng lập Đảng xã hội thống nhất quốc gia Colombia hồi năm 2002. Ông Santos đắc cử tổng thống hồi năm 2010 và được tái cử 4 năm sau đó. Nhờ các hoạt động cổ võ hòa bình, hòa đàm với các lực lượng phiến quân, Ông đã được giải Nobel Hòa bình hồi năm ngoái.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/09/2017: Đức Thánh Cha lưu luyến tiễn biệt đất nước Colombia đau khổ
VietCatholic Network
20:48 13/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Colombia

Chiều Chúa Nhật 10-9, trong thánh lễ trước 500 ngàn tín hữu tại Cartagena, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dân Colombia “hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình.

Thánh lễ được cử hành lúc 4 giờ chiều tại cảng Contecar, một trong những khu vực chính của thành Cartagena, hải cảng quan trọng thứ 4 của toàn Mỹ châu la tinh. Cảng này là một vịnh thiên nhiên rộng hơn 8 ngàn hécta, và sâu 21 mét, chỉ cách kênh đào Panama 265 hải lý. Cảng có hạ tầng cơ cấu và các kỹ thuật tối tân, điều động hơn 40 triệu tấn hàng mỗi năm và tiếp nhận trên 3 ngàn tàu, kể cả những tàu lớn nhất thế giới.

Khu vực Contecar nơi Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ có thể chứa được 800 ngàn người và cũng thường được dùng cho các biến cố lớn, các sinh hoạt thể thao, công nghệ, âm nhạc và văn hóa.

Đến nơi vào lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu và khi đến gần bàn thờ, ngài được một phái đoàn các công nhân hải cảng địa phương đặc biệt chào đón.

Trên lễ đài, có đặt thánh tích của Thánh Phêrô Claver và thánh nữ Maria Bernarda Buetler, gốc Thụy Sĩ, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Capuxin Phan Sinh Đức Mẹ Phù Hộ, được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tôn phong hiển thánh hồi năm 2008.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các Giám Mục Colombia và hàng trăm linh mục. Thánh lễ có chủ đề là “Phẩm giá và các quyền con người”.

Trong bài giảng, dựa vào bài Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu dạy về cách thức sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người dân Colombia “hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình. Nếu Colombia muốn có một nền hòa bình ổn định và lâu bền, thì cần cấp thiết tiến theo chiều hướng tìm kiếm công ích, thực thi công chính, công lý và tôn trọng bản tính con người với những đòi hỏi đi kèm, chứ không phải chỉ ký kết các hiệp định hòa bình mà thôi. Ngài nói:

“Trong những ngày nay tôi nghe bao nhiêu chứng từ của những người đã đi gặp những kẻ đã gây ra đau khổ tai ương cho họ. Những vết thương kinh khủng mà tôi đã có thể nhìn thấy nơi chính thân thể của họ; những mất mát không thể chữa lành vẫn còn làm cho họ khóc lóc, nhưng những người ấy đã đi, đã thực hiện bước đầu trên con đường khác với những con đường đã đi qua. Vì từ mấy thập niên rồi Colombia đang tìm kiếm hòa bình, và như Chúa Giêsu dạy, - nếu hai bên chỉ đến gần nhau, đối thoại mà thôi thì vẫn không đủ, còn cần có sự can dự của nhiều tác nhân khác trong tiến trình đối thoại chữa lành các tội lỗi nữa. “Nếu họ không nghe, thì hãy dẫn một hai người nữa đi với con” (Mt 18,16), như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm.

Chúng ta đã học biết rằng những con đường bình định, dành ưu tiên cho lý trí trên sự trả thù, sự hòa hợp tế nhị giữa chính trị và luật pháp, không thể loại bỏ những hoạt động của dân chúng. Đề ra những khuôn khổ qui tắc và hiệp định giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện chí, thì vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu tìm ra giải pháp cho sự ác trong cuộc gặp gỡ đích thân giữa các phe với nhau. Ngoài ra, một điều luôn luôn hữu ích, đó là đưa vào trong các tiến trình hòa bình kinh nghiệm của các tầng lớp dân chúng. Những kinh nghiệm này, trong nhiều trường hợp, đã không được để ý tới; cần làm sao để chính các cộng đoàn mang lại những sắc thái cho các hoạt động tập thể tưởng nhớ những gì đã xảy ra. Tác nhân chính, chủ thể lịch sử của tiến trình này là dân chúng và văn hóa của họ, chứ không phải một giai cấp, một phe phái, một nhóm hoặc một lực lượng ưu tú. Chúng ta không cần một dự phóng của một nhóm ít người nhắm tới một thiểu số, hoặc một nhóm ít người thông thạo chiếm hữu tâm tình của tập thể. Đây là một thỏa thuận để sống chung, một khế ước xã hội và văn hóa” (E.G. 239)

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: chúng ta có thể đóng góp nhiều cho bước đường mới mà Colombia muốn thực hiện. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường tái hội nhập vào cộng đoàn nhờ một cuộc đối thoại hai người. Không gì có thể thay thế cuộc gặp gỡ chữa lành như thế; không có tiến trình tập thể nào chuẩn chước cho chúng ta thách đố gặp gỡ nhau, giải thích cho nhau, tha thứ. Những vết thương sâu đậm của lịch sử nhất thiết đòi những thẩm quyền qua đó người ta thi hành công lý, trong đó các nạn nhân có thể nhận ra chân lý, thiệt hại được đền bù thích đáng, và hành động minh bạch để tránh tái diễn những tội ác đã xảy ra. Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ để cho chúng ta ở ngưỡng cửa những đòi hỏi của Kitô giáo mà thôi. Chúng ta còn được yêu cầu tạo nên một sự thay đổi từ hạ tầng: đối lại với văn hóa chết chóc, bạo lực, chúng ta đáp lại bằng văn hóa sự sống, văn hóa gặp gỡ.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta đã hành động thế nào để bênh vực việc gặp gỡ, hòa bình? Chúng ta đã thiếu bỏ sót những gì, khiến cho những hành vi man rợ xảy ra trong đời sống của dân chúng ta? Chúa Giêsu truyền chúng ta phải đối chiếu những cách cư xử, những lối sống gây thiệt hại cho xã hội, phá hủy cộng đoàn. Bao nhiều lần xảy ra những bạo lực, sự loại trừ khỏi xã hội được bình thường hóa, mà chúng ta không lên tiếng, không giơ tay lên tố giác theo tinh thần ngôn sứ.

Cạnh thánh Phêrô Claver, có hàng ngàn Kitô hữu thời ấy, nhưng chỉ có một nhóm rất ít người bắt đầu một nền văn hóa gặp gỡ đi ngược lại. Thánh Phêrô Claver đã biết tái lập phẩm giá và hy vọng cho hàng trăm ngàn người da đen và người nô lệ, họ bị đưa đến đây trong tình trạng vô nhân đạo hoàn toàn, đầy kinh hoàng, mất mát mọi hy vọng. Thánh nhân không có bằng cấp nổi tiếng, thậm chí còn bị coi là người “tài cán tầm thường”, nhưng ngài có một thiên tài sống trọn vẹn Tin Mừng, gặp gỡ những người bị người khác coi là đồ bỏ.

Nhiều thế kỷ sau đó, ảnh hưởng của vị thừa sai và tông đồ này của Dòng Tên đã được thánh nữ Maria Bernarda Buetler noi theo, thánh nữ đã hiến cuộc đời, tận tụy phục vụ những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề tại chính thành phố Cartagena này”.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cuối cùng tại Colombia chiều Chúa Nhật 10-9, Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng cả Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy có thể là người khác khép kín, từ chối thay đổi, ở lỳ trong sự ác của họ. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những người tiếp tục phạm tội làm thương tổn cuộc sống chung và cộng đoàn:

“Tôi nghĩ đến thảm trạng đau thương ma túy, dựa vào đó người ta làm giàu bất chấp các luật lệ luân lý và dân sự; tôi nghĩ đến sự tàn phá các tài nguyên thiên nhiên và làm ô nhiễm hiện nay; thảm trạng bóc lột lao công; tôi nghĩ đến sự buôn bán tiền bạc bất hợp pháp, như đầu cơ tài chánh, thường có tính chất như những ác thú gây thiệt hại cho toàn thể hệ thống kinh tế và xã hội khiến cho hàng triệu người phải chịu nghèo đói; tôi nghĩ đến nạn mại dâm hàng ngày gây thiệt hại cho bao nạn nhân vô tội, nhất là nơi những người trẻ nhất, tước đoạt tương lai của họ; tôi nghĩ đến điều kinh tởm là nạn buôn người, đến các tội ác và lạm dụng chống các trẻ vị thành niên, nạn nô lệ vẫn còn làm lan tràn sự kinh khủng của nó tại bao nhiêu nơi trên thế giới, thảm trạng của bao nhiêu người di dân không được lắng nghe và người ta làm giàu bất hợp pháp trên họ và thậm chí cả một thứ tê liệt luật pháp chủ hòa không để ý đến thân mình của người anh em, thân mình của Chúa Kitô. Và trước những điều này, chúng ta cần phải được chuẩn bị và có lập trường vững chắc về các nguyên tắc công lý, không tước đoạt điều gì của đức bác ái. Không thể sống chung trong hòa bình mà không làm gì đối với những gì làm hư hỏng cuộc sống và thống lại chính sự sống. Về điểm này, chúng ta nhớ đến tất cả những ngừơi can đảm, không biết mệt mọi, đã làm việc và thậm chí bị mất mạng sống trong việc bảo vệ và bênh đỡ các quyền và phẩm già của con người. Lịch sử cũng đòi chúng ta giống như họ, dấn thân quyết liệt bảo vệ các quyền con người tại thành Cartagena này, nơi mà anh chị em đã chọn làm trụ sở toàn quốc bảo vệ các quyền con người.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 6 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Liền đó, Đức Thánh Cha đáp trực thăng tới Phi trường quốc tế Rafael Nunez của thành Cartagena. Tại đây ngài được Tổng thống Manuel Santos và Phu nhân, cùng với các quan chức chính quyền và các vị lãnh đạo giáo quyền tiễn biệt.

2. Diễn từ tạm biệt Colombia của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong diễn từ tạm biệt gởi đến người dân Colombia, diễn ra vào cuối thánh lễ ở cảng Contecar, Đức Thánh Cha nói:

Vào cuối buổi lễ này, tôi xin cảm ơn Đức Cha Jorge Enrique Jiménez Carvajal, là Tổng Giám mục của Cartagena, vì những lời tốt lành của ngài nhân danh các anh em Giám Mục của ngài và toàn thể dân Chúa.

Tôi cũng cảm ơn Tổng thống Juan Manuel Santos, các nhà chức trách dân sự, và tất cả những ai đã tham dự vào Phụng Vụ Thánh Thể này, dù là ở đây hay thông qua các phương tiện truyền thông.

Tôi biết ơn sâu sắc về công việc khó khăn và hy sinh đã được thực hiện để chuyến đi này trở nên khả thi. Nhiều người đã giúp đỡ, trao đi một cách tự nguyện và sẵn sàng thời gian và sức lực của họ. Đây là những ngày tuyệt vời và tươi đẹp; tôi đã có thể gặp gỡ nhiều người và trải nghiệm nhiều điều đã làm tôi xúc động sâu sắc. Anh chị em đã làm tôi rất nhiều.

Anh chị em thân mến, tôi muốn để lại cho anh chị em một từ cuối cùng. Chúng ta không hài lòng với "bước đầu tiên". Thay vào đó, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình mới mỗi ngày, đi gặp người khác và khuyến khích sự hòa hợp và tình huynh đệ. Chúng ta không thể đứng yên. Tại chính nơi này, ngày 8 tháng 9 năm 1654, Thánh Phêrô Claver qua đời, sau bốn mươi năm tự nguyện làm nô lệ, hoạt động không mệt mỏi vì lợi ích của người nghèo. Ngài không đứng yên: bước đầu tiên của ngài được tiếp bước theo sau bởi nhiều người khác. Gương sáng của Ngài lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ những người hàng xóm của chúng ta.

Anh chị em thân mến, Colombia cần đến anh chị em. Hãy tiến ra ngoài để gặp gỡ họ. Dẫn dắt họ đến việc chấp nhận hòa bình, không bạo lực. Hãy là "những nô lệ của hòa bình, mãi mãi". Hãy là "NHỮNG NÔ LỆ CỦA HÒA BÌNH, MÃI MÃI"

Sau thánh lễ, vào lúc 18h30, trực thăng đã đưa Đức Thánh Cha đến phi trường Cartagena. Tại đây, một buổi lễ chia tay đơn sơ đã diễn ra vào lúc 18h45. Sau đó, lúc 19h, máy bay đã cất cánh đưa ngài trở lại Rôma.

3. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các Giám Mục trong tổ chức CELAM

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi đã tường thuật, sáng ngày 7 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bài diễn văn trước Tổng Thống Santos cũng như bài nói chuyện với các bạn trẻ. Sau đó, ngài gặp các giám mục Colombia và các Giám Mục trong Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM; và cuối cùng là thánh lễ ngoài trời ở Công Viên Simon Bolivar của Bogota.

Lúc 3 giờ chiều, tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Bogotà, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu la tinh gọi tắt là CELAM, gồm 62 Giám Mục thành viên của tổ chức này, trong đó có 5 vị thuộc đoàn chủ tịch, 35 Giám Mục chủ tịch các Ủy ban và 22 vị Tổng thư ký của 22 Hội Đồng Giám Mục ở Nam Mỹ.

Trong cuộc gặp gỡ, sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Rubén Salazar, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi cám vì nỗ lực biến Hội đồng Giám Mục đại lục này thành một ngôi nhà phục vụ sự hiệp thông và sứ mệnh của Giáo Hội taị Châu Mỹ Latinh, một trung tâm đẩy mạnh ý thức là môn đệ thừa sai và một điểm tham chiếu sinh động cho sự hiểu biết và đào sâu “tính công giáo của Mỹ châu Latinh”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập tới tính cách cụ thể của việc rao truyền Tin Mừng và khẳng định rằng:

“Đi ra, khởi hành với Chúa Giêsu là điều kiện của thực tại cụ thể này. Phúc Âm nói tới Chúa Giêsu từ Thiên Chúa Cha đi ra, cùng các môn đệ rong ruổi trên các cánh đồng và làng mạc vùng Galilea. Đây không phải là một lộ trình vô ích của Chúa. Trong khi Ngài đi, Chúa gặp gỡ, trong khi gặp gỡ Ngài đến gần, trong khi đến gần Ngài nói, trong khi nói Ngài đụng vào với quyền năng của Ngài, khi đụng vào, Ngài chữa lành và cứu thoát. Dẫn về với Thiên Chúa Cha những người Ngài gặp gỡ là mục đích việc đi ra thường hằng của Ngài. Giáo Hội cần phải chiếm lại được các động từ mà Ngôi Lời của Thiên Chúa chia trong sứ mệnh của Ngài. Đi ra để gặp gỡ, chứ không đi qua, cúi xuống không lơ là, sờ mó không sợ hãi.. Cần phải hướng tới con người trong hoàn cảnh cụ thể của nó. Chúng ta không thể cất đi cái nhìn khỏi họ. Sứ mệnh được hiện thực trong kiểu thân thể sát nhau.

Trong hiện tình châu Mỹ Latinh Giáo Hội phải là bí tích của sự hiệp nhất. Giáo Hội tôn trọng gương mặt đa diện của đại lục này là sự phong phú. Giáo Hội cần tiếp tục phục vụ thiện ích đích thật của con người mỹ latinh. Phải không mệt mỏi làm việc để xây các cây cầu, đạp đổ các bức tường phân cách, hội nhập sự khác biệt, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ và dối thoại, giáo dục tha thứ và hoà giải, ý thức công bằng, khước từ bạo lực và can đảm xây dựng hoà bình. Gương mặt đích thật của châu Mỹ Latinh là gương mặt lai giống, gương mặt my latinh. Tôn giáo bình dân là phần đặc thái nhân chủng và là ơn Thiên Chúa muốn cho dân chúng biết Ngài. Các trang lịch sử sáng ngời nhất của Giáo Hội chúng ta đã được viết ra khi chúng ta biết nuôi dưỡng sự phong phú này, nói với con tim kín ẩn đập nhịp giữ gìn như một ngọn lửa sáng dưới tro, ý thức về Thiên Chúa và sự siêu việt của Ngài, tính cách thánh thiêng của sự sống, việc tôn trọng thụ tạo, các mối dây liên đới, niềm vui sống, khả năng hạnh phúc vô điều kiện.

Giáo Hội Mỹ Latinh cũng có khả năng là bí tích của niềm hy vọng, không than van. Dân tộc của chúng ta đã học biết rằng không có thất vọng nào có thể bẻ gẫy nó. Giáo Hội cần canh thức và cụ thể hoá niềm hy vọng ấy.

Niềm hy vọng tại Mỹ Latinh có gương mặt trẻ trung. Anh em đừng để mình bị lôi kéo bởi các hình hý họa coi giới trẻ chỉ chỉ là nạn nhân của ma tuý và bạo lực. Họ không sẵn sàng lập lại quá khứ đâu. Hãy rộng mở các khoảng không cho họ trong các giáo đoàn đuợc giao phó cho anh em, hãy đầu tư thời giờ và tài nguyên cho việc đào tạo họ và xin họ tận dụng các tiềm năng của họ để thành người.

Niềm hy vọng của Mỹ Latinh cũng có gương mặt của nữ giới. Nữ giới có một vai trò quan trọng trong đại lục mỹ latinh. Chính từ môi miệng của họ mà chúng ta đã học đức tin, chính từ sữa lòng họ mà linh hồn chúng ta có các nét lai giống. Tôi nghĩ tới các bà mẹ thổ dân, các bà mẹ của các thành thị với ba vòng làm việc, tôi nghĩ tới các bà nội bà ngoại giáo lý viên, tôi nghĩ tới các nữ tu và các phụ nữ kín ẩn tạo dựng thiện ích. Không có nữ giới Giáo Họi của lục địa sẽ mất đi sức mạnh liên tục tái sinh. Chính các phụ nữ với lòng kiên nhẫn tỉ mỉ thắp sáng lên và tái thắp sáng lên ngọn lửa đức tin. Thật là một bổn phận nghiêm chỉnh hiểu biết, tôn trọng, đánh giá cao thăng tiến sức mạnh giáo hội và xã hội của những gì nữ giới thực hiện trong xã hội và trong Giáo Hội.

Sau cùng niềm hy vọng của châu Mỹ Latinh đi ngang qua con tim, trí khôn và các cánh tay xây dựng của các anh chị em giáo dân.Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng:

Cần phải vượt thắng tâm thức duy giáo sĩ. Tuy đã có vài bước tiến nhưng các thách đố lớn của châu Mỹ Latinh vẫn còn ở trên bàn và tiếp tục chờ đợi việc thực thi thanh thản, có trách nhiệm, chuyên môn, nhìn xa thấy rộng, khúc chiết rõ ràng và ý thức đối với giáo dân Kitô, ý thức góp phần vào các tiến trình phát triển nhân bản đích thực, củng cố nền dân chủ chính trị và xã hội, vượt thắng cấu trúc nghèo đói triền miên, xây dựng sự thịnh vượng dựa trên các cải tổ lâu dài có khả năng bảo vệ thiện ích xã hội, thắng vượt các bất bình đẳng và cứu vãn sự ổn định, đề ra các mô thức phát triển kinh tế có thể thực hiện được tôn trọng thiên nhiên và tương lại đích thật của con người. Ý thức về niềm hy vọng này phải luôn luôn biết nhìn thực tại với đôi mắt của dân nghèo và bắt đầu từ tình trạng sống của người nghèo. Nếu chúng ta muốn phục vụ châu Mỹ Latinh như tổ chức CELAM, thì cần phải làm nó với sự đam mê. Ngày nay cần có đam mê hơn bao giờ hết.
 
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay Thứ Tư 13/9/2017
VietCatholic Network
23:07 13/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 13 tháng 9.

2. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho các ký giả trên đường trở về từ Colombia.

3. Diễn từ tạm biệt Colombia của Đức Thánh Cha Phanxicô.

4. Đức Thánh Cha gặp Ban chấp hành Liên HĐGM Mỹ la tinh.

5. Tóm lược 2 ngày sau cùng của chuyến công du 5 ngày của Đức Thánh Cha tại Columbia.

6. Chuyện bên lề chuyến tông du Colombia: Đức Thánh Cha cứu một mạng sống.

7. Các tù nhân ở Colombia cũng hợp nhất cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

8. Quan Sát Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng muốn có hòa bình, hãy dạy con em biết đối thoại.

9. Thư ngỏ gởi các nhà lãnh đạo Kitô: không thể cứ im lặng mãi trước sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan Hindu.

10. Cha Tom Uzhunnalil được thả tự do.

11. Hơn 4.000 tàu đánh cá Việt Nam bị tấn công tại biển VN, giáo hội Công giáo VN đã lên tiếng.

12. Giới thiệu Thánh Ca: Yêu thương cho Người.

Sau đây là phần tin chi tiết.