Ngày 13-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 13/09/2020

19. Đức Chúa Giê-su Ki-tô là đầu của tất cả chúng ta, chúng ta là chi thể của Ngài, đầu đội triều thiên mão gai, chi thể lại có thể ham muốn sự thảnh thơi chăng? Cần phải tu thân khắc chế mình thì mới có thể kết hợp để xứng đáng với đầu.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 13/09/2020
25. LO XA TRƯỚC KHI CHẾT

Người nọ trước khi chết thì lập di chúc muốn con trai đóng hai cái gậy bằng đồng có hai vòng lớn hai bên quan tài.

Con trai hỏi:

- “Làm vậy có tác dụng gì chứ?”

Ông bố trả lời:

- “Tao biết sau này tụi mày nhất định sẽ nghe lời ông thầy địa lý mà đem ta dời chỗ này qua chỗ nọ !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư:

Con người ta, vì bất lực trước những vấn nạn đã gặp trong cuộc sống, nên thường tìm đến một vị tối cao linh thiêng mà con người gọi đó là thần, và khi gặp những thử nguy hiểm đến mạng sống thì cầu xin thần phù hộ...

Tin vào thầy địa lý cũng là một trong những điều mê tín mà người ta nói chỉ có các quốc gia lạc hậu mới nảy sinh nhiều chuyện mê tín, nhưng thực tế, người ta càng văn minh thì càng tin vào những điều gọi là dị đoan ấy, chẳng hạn như ở Đài Loan, một nước có nền khoa học tiên tiến và văn minh, nhưng cũng lắm ông thầy địa lý và những điều dị đoan khác đến mức báo động; chẳng hạn như ở các nước Mỹ và âu châu văn minh và hiện đại, vẫn có rất nhiều bè phái nhảm nhí xuất hiện, có những giáo phái xuất hiện công khai thờ quỷ sa tan, như thế thì biết, con người ta vẫn luôn phải nhờ vào sức mạnh vô hình để có thể cầu xin và bảo hộ.

Không có người Ki-tô hữu nào lập di chúc cho con cái phải đóng quan tài cho thật chắc kẻo bị dời đi theo lời thầy địa lý, bởi vì họ biết rằng, thân xác này sẽ trở về với tro bụi; nhưng cũng có rất ít người Ki-tô hữu lập di chúc nói với con cái rằng các con phải sống yêu thương hòa thuận với nhau và phải sống nên thánh...

Người khác thì lập di chúc chia gia tài của cải cho con cháu nên con cháu bất hòa, còn người Ki-tô hữu khi lập di chúc thì trối lại cho con cháu rằng, phải sống đạo cho tốt và sống yêu thương nhau nên con cái được thuận hòa.

Đó là lo xa trước khi chết vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 13/09/2020
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Tin Mừng: Ga 3, 13-17

“Con Người sẽ phải được giương cao”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính lễ suy tôn Thánh Giá của Đức Chúa Giê-su.

Nói hân hoan vì chính Đức Chúa Giê-su đã dùng cây Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại chúng ta khỏi ách tội lỗi của ma quỷ, hân hoan vì cây Thánh Giá chính là cây trường sinh đem lại sự sống đời đời cho chúng ta

Thánh Giá chính là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, đó chính là niềm tin và là biểu tượng thánh của người Công Giáo chúng ta, ở đâu có Thánh Giá là ở đó có bằng an và sức mạnh thần thiêng.

Đức Chúa Giê-su không chết dưới lưỡi gươm của quân lính để cứu chuộc nhân loại, Đức Chúa Giê-su cũng không chết vì chén thuốc độc để chúng ta được sống, nhưng Ngài đã chết bằng cách chịu đóng đinh trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại, do đó Thánh Giá là biểu tượng cho sự giao hoà giữa trời và đất, và là sự nối kết tình huynh đệ giữa con người với nhau, mà tâm điểm phát xuất chính là Đức Chúa Giê-su.

Phải qua thánh giá mới đến vinh quang, cũng như phải qua đò mới đến được bến bờ bên kia, nhưng người qua đò thì không còn nhớ đến con đò đã đưa mình qua sông, bởi vì con đò không còn ích gì cho họ nữa, nhưng cây Thánh Giá không những Thiên Chúa dùng để cứu chuộc chúng ta, mà còn đi với chúng ta cho đến hết cuộc sống ở trần gian:

- Thánh Giá nơi bí tích Rửa Tội đã làm cho chúng ta trở thành những người được cứu độ, đó là Thánh Giá của niềm tin.

- Thánh Giá nơi bí tích Thêm Sức làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa trong cuộc sống của mình, đó là Thánh Giá của tình yêu.

- Thánh Giá nơi bí tích Xức Dầu Thánh làm cho chúng ta được bình an, đó là Thánh Giá của hy vọng.


Vinh quang và chiến thắng không ở nơi cảnh thanh bình giả tạo nhưng ở nơi chiến trường, mà chiến trường của chúng ta –những người Ki-tô hữu- chính là bổn phận hàng ngày của mình; chiến trường của chúng ta cũng ở trong những khó khăn của cuộc sống, khi chúng ta chu toàn bổn phận chính là lúc chúng ta đem cây Thánh Giá của Chúa cắm vào nơi ươn hèn của tội lỗi, khi chúng ta vui vẻ cậy nhờ ơn Chúa để đi qua những khó khăn của cuộc sống, là chúng ta đã đem vinh quang của cây Thánh Giá dựng lên cao để cho mọi người biết rằng: sức mạnh và vinh quang của chúng ta chính là cây Thánh Giá.

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay Thánh Giá không còn là biểu tượng của đau khổ nữa, nhưng là của chiến thắng và vinh quang, bởi vì tất cả những đau khổ đưa nhân loại chúng ta đến chỗ chết chóc huỷ diệt, thì đã được Đức Chúa Giê-su –Đấng Cứu Chuộc trần gian- đã gánh lấy cho chúng ta, để giờ đây mỗi người trong chúng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ chiến thắng là cây Thánh Giá ngay trong cuộc sống đầy đau khổ và hạnh phúc của mình ở trần gian này.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tình Yêu vượt thắng
Lm Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
19:19 13/09/2020
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ: TÌNH YÊU VƯỢT THẮNG



Trong tác phẩm Giã Từ Vũ Khí, văn hào Ernest Hemingway nhận định rằng: “Thế giới này có thể nghiền nát con người ta bất kể là ai nhưng từ những đống hoang tàn đổ nát ấy sẽ lại xuất hiện những con người mạnh mẽ phi thường.” Thực tế cho thấy chiến tranh và hận thù cho dù khốc liệt đến mấy thì rồi ra cũng sẽ bị đẩy lui bởi những tấm lòng nhân ái và bao dung cao cả.

Không có tình thương nào cao quý hơn

Nhà sáng lập phong trào Hội Bạn Tù, Charles Wendell Colson (1931-2012) suốt một đời dấn thân cho lý tưởng truyền giảng Tin Mừng cho tù nhân. Ông đã ghi lại câu chuyện cảm động mà ông đã từng biết trong quá trình phục vụ. Thời Đệ Nhị Thế Chiến, có một nhóm gồm 20 tù binh Mỹ bị bắt giam tại một trại tập trung do Đức Quốc Xã thiết lập và quản lý. Như các tù binh khác, hàng ngày họ phải lao động nặng nhọc từ sáng sớm cho tới chiều tà. Khi mặt trời khuất bóng, họ về trại. Lúc ấy, toàn bộ các dụng cụ lao động họ đã được cấp phát ban sáng phải được giao nộp lại đầy đủ. Một hôm, khi kiểm đếm số cuốc xẻng, quản giáo trại giam phát hiện thiếu mất một chiếc cuốc. Theo luật trại giam, cứ 1 món đồ bị mất mà không tuy tìm ra người giấu cắp thì 5 người trong đội sẽ bị tử hình ngay tức khắc. Lúc ấy, cả đội bàng hoàng lo sợ vì sau một lúc tra khảo mà vẫn chưa có dấu hiệu tìm ta nghi phạm. Khi mắt viên quản giáo lóng lên vì giận dữ và tay ông bắt nâng súng lên đặt sát đầu tù nhân đầu hàng, bỗng nhiên bước ra khỏi hàng là một tù nhân trẻ, cậu ta có biệt hiệu là Ben. Vừa thấy Ben bước lên phía trước, viên quản trại như giải tỏa được nỗi bực dọc, ông ta nghĩ: “Cuối cùng thì hung thủ cũng xuất đầu lộ diện.” Như thể không muốn mất thêm một chút thời gian nào nữa, ông ta ngay lập tức chỉa súng về phía cậu Ben và bắn chết anh ngay trước mặt 19 đồng đội còn lại.

Sau khi viên quản trại bỏ đi, lúc bấy giờ mọi người mới xếp cất cuốc xẻng vào kho. Khi ấy họ mới phát hiện ra là 20 chiếc cuốc xẻng vẫn còn y nguyên, không thiếu một chiếc nào. Như vậy nghĩa là người quản trại đã đếm sai. Tiếc cho Ben, anh đã thiệt mạng vì sai phạm của người khác. Nhưng ngay trong bối cảnh tăm tối của bất công và oan khiên, tia nắng của lòng can đảm và tình yêu vị tha đã có dịp bừng sáng lên. Ánh sáng đó ít nhất đã gieo vào lòng đồng đội của anh niềm hy vọng là họ sẽ có ngày được trả tự do, được trở về với gia đình với người thân. Nếu không phải là Ben thì hôm đó đã có ít nhất 5 người khác bị giết oan. Chàng trai trẻ 19 tuổi tên Ben không những đã ghi nhớ mà còn thực hành cách triệt để từng lời giáo huấn của Đức Giêsu Kitô về mầu nhiệm tình yêu chân chính: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).

Người tù binh trẻ tên Ben xứng đáng được vinh danh. Đồng đội kính phục anh, thân nhân tự hào về anh không không phải vì anh đã lập chiến công cho quê hương tổ quốc nhưng vì anh đích thực là “bạn hữu” của Thầy Giêsu Chí Thánh, Đấng đã tuyên bố rằng: “Anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh em tuân giữ điều thầy truyền dạy anh em. Và giới răn Thầy truyền cho anh em đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15, 12 & 14). Tình yêu của “bạn hữu” họa lại tình yêu tuyệt hảo của Thầy. Thầy không chỉ yêu như chúng ta thường yêu. Thầy đã yêu là “yêu cho đến cùng” (x. Ga 13, 1).

Như Thầy Yêu Thương

Các sách Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật cái chết của Chúa Giêsu như một biến cố kinh thiên động địa. Nơi biến cố này, Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta ý nghĩa thâm sâu của hy tế thập giá:

Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. (x. Mt 27, 45-53).

Trước hết, tiếng kêu của Đức Giêsu trước lúc Người trút hơi thở là một hiện tượng phi tự nhiên. Các tử tội khi bị hành hình bằng cách đóng đinh vào thập giá, vì sức nặng của cơ thể trì ép lồng phổi, cộng thêm sự hao hơi tổn sức sau các cuộc tra tấn trước đó, thì thông thường họ có thể thì thào vài tiếng đã là hiếm huống chi là kêu lớn tiếng như Chúa Giêsu. Ở đây, trình thuật Thánh Kinh có ý nói rằng không ai có thể lấy đi sức sống của Đức Kitô. Người làm chủ mạng sống của Người và Người có quyền trao ban lúc nào tùy ý Người (x. Ga 10, 18). Nội dung của lời kêu than này được xem là trích từ phần đầu Thánh Vịnh 27. Đó là tiếng kêu thảng thốt khởi đầu cho một bài ca có kết thúc tốt đẹp. Quả thật Thánh Vịnh 27 kết thúc bằng tâm tình tràn trề niềm tin tưởng lạc quan về một chiến thắng vinh quang hiển hách. Như thế, tiếng kêu cuối cùng của Chúa trên thập giá chắc chắn phải là hiệu lệnh của vị thủ lãnh oai hùng khi tuyên bố toàn công thắng trận. Hy tế thập giá của Chúa Giêsu chính là chiến thắng vang dội nhất vì kể từ ngày ấy, tử thần bị báo tử, lối vào cõi trường sinh được khơi thông. Chưa hết, nhờ cái chết của Chiên Thiên Chúa mà tội trần gian được xóa bỏ, con người lại được giao hòa cùng Thiên Chúa (x. Rm 5, 6-10). Chính vì vậy mà bức màn trướng, biểu tượng của sự phân cách giữa Thiên Chúa và dân người, nay bị xé toang ra làm đôi. Kể từ giờ phút này, Thiên Chúa muốn cho con người biết là Người sẽ rời Nơi Cực Thánh để đến gần với họ hơn. Nhờ cái chết của Đấng chịu đóng đinh là cái chết tình nguyện, cái chết đền thay, cái chết minh chứng tình yêu (x. Ga 3, 16) nên Thập Giá Đức Kitô chính vì thế là biểu tượng của chiến thắng, của hòa giải, của sự hợp nhất giữa trời và đất, giữa muôn dân thiên hạ với nhau (x. Ep 2, 11-16). (Xem phần Chú Thích trong Kinh Thánh Cho Mọi Người, NXBTG, 2006, tr. 1714. )

Đường Thập Giá

Nhân dịp mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta được nhắc nhớ về một tình yêu thắng vượt mọi nỗi sợ hãi, mọi toan tính, mọi chia rẽ và xấu xa. Cho dù hoàn cảnh cuộc sống xung quanh chúng ta có đen tối thảm hại đến mức nào đi nữa nhưng rồi chúng ta nhất định sẽ vượt qua được nếu trong lòng chúng ta còn có tình yêu của Thiên Chúa hiện diện, trong tim chúng ta vẫn sáng ngời hình ảnh Đấng chịu đâm thâu, và trong đầu chúng ta vẫn cứ vang vọng lời Đức Giêsu truyền dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (x. Lc 9, 23-24).

Chớ gì chúng ta có thể thốt lên lời tâm niệm như Thánh Phaolô Tông Đồ: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6, 14).
 
Sẽ không bao giờ lãng quên
Lm. Minh Anh
23:07 13/09/2020

SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÃNG QUÊN
“Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em, Sẽ không bao giờ lãng quên

Tên gọi của ngày lễ ‘Suy Tôn Thánh Giá’ thật đúng với những ý nghĩa đáng suy tôn của nó, vì “Thiên Chúa đã tôn vinh Người”. Hôm nay, chúng ta tôn vinh, thờ lạy và khắc ghi hồng ân Thánh Giá của Chúa Giêsu như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở, “Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa”; nhờ đó, chúng ta yêu mến, đón nhận thập giá đời mình bằng sức mạnh Thánh Giá Chúa.

Thập giá thực sự có ý nghĩa gì? Nếu tách mình khỏi những gì chúng ta học được từ thập giá Chúa Kitô, nhìn nó dưới khía cạnh thế tục và lịch sử, thì thập giá chỉ là dấu chỉ của một thảm kịch lớn. Nó được liên kết với câu chuyện của một người đàn ông khá nổi tiếng với nhiều người, nhưng lại bị những người khác kịch liệt thù ghét. Cuối cùng, những kẻ thù ghét ấy đã sắp đặt một cuộc đóng đinh tàn bạo nhất dành cho Ngài. Vì thế, theo quan điểm thế tục, thập giá là một điều khủng khiếp.

Các Kitô hữu không nhìn thập giá theo quan điểm thế tục, chúng ta nhìn thập giá qua lăng kính linh thánh với lòng biết ơn. Thập giá Chúa Giêsu là một kỳ công của Thiên Chúa mà chúng ta không quên lãng vì Ngài dùng những đau khổ tột cùng để mặc cho nó một ý nghĩa khôn cùng; dùng cái chết để tiêu diệt sự chết; dùng tình yêu để cảm hoá ác tâm; dùng thứ tha để triệt tiêu hận thù; dùng ô nhục để đổi lấy linh hồn kẻ gây ra nó. Cuối cùng, Ngài đã chiến thắng trên đó và như thế, mãi mãi thập giá là một ngai toà cao trọng và vinh quang vốn đã trở thành Thánh Giá trổ sinh ơn cứu độ.

Điều Môisen đã làm trong sa mạc là hình ảnh báo trước cho Thánh Giá Chúa Kitô. Nhiều người đã chết vì rắn cắn; Chúa bảo Môisen treo con rắn trên cột để ai nhìn lên, sẽ được lành, và chính xác đó là những gì đã xảy ra. Trớ trêu thay, con rắn mang lại sự sống thay vì cái chết! Cũng thế, Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá đã trở nên nguồn sống cho ai ngước trông Ngài; Thánh Giá Ngài giờ đây trở nên khí cụ lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” như Thánh Gioan nói hôm nay; và nếu chúng ta có thể đo lường nồng độ tình yêu bằng nhiệt kế, thì thủy ngân sẽ bị tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đánh bay vút tận vô cùng. Tình yêu của Người là vô bờ bến vì Thánh Giá đã trở thành chiến thắng của tình yêu. Rắn đồng xưa cứu khỏi chết một số người, tạm thời; Con Thiên Chúa cứu sống muôn người, đời đời. Như vậy, Thánh Giá, kiệt tác và là kỳ công của Thiên Chúa mà chúng ta không bao giờ lãng quên để dâng lời tạ ơn.

Đau khổ xảy ra trong suốt cuộc đời mỗi người theo nhiều cách khác nhau. Với một số người, đó có thể là cơn đau nhức hàng ngày do sức khoẻ; với những người khác, những nỗi đau có thể ở mức độ sâu hơn nhiều: nỗi đau của cảm xúc, nỗi đau của các mối tương quan; riêng tư, cộng đoàn; thể chất, tinh thần. Nhưng thật ra, tội lỗi là nguyên nhân gây ra đau khổ lớn nhất; vì thế, những ai đang chiến đấu sâu sắc với tội lỗi trong cuộc sống của họ, người ấy phải chịu đựng sâu sắc tội lỗi đó.

Vậy thì đâu là câu trả lời của Chúa Giêsu? Câu trả lời của Chúa Giêsu là hướng cái nhìn của chúng ta lên Thánh Giá của Ngài. Chúng ta sẽ nhìn Ngài trong nỗi cùng khốn và đau khổ tột bậc Ngài chịu; trong cái nhìn đó, với đức tin, chúng ta được mời gọi để đọc cho được chiến thắng của Ngài trên đó; đồng thời, nhận biết rằng, Thiên Chúa mang lại điều lành từ tất cả mọi sự, ngay cả những khổ đau của chúng ta. Thiên Chúa Cha đã biến đổi thế giới vĩnh viễn qua sự đau khổ và cái chết của Chúa Con, chính Người cũng sẽ biến đổi chúng ta trong thập giá cuộc đời của mỗi người.

Một cậu bé tiểu học không bao giờ để ba mình đưa đến trường, em chỉ chịu mẹ đưa đi; mẹ không đưa đi, hôm ấy bỏ học. Ngày kia, mẹ em hỏi lý do; em trả lời vì khuôn mặt ba xấu quá, bạn bè trêu chọc con. Mẹ em ôm em và nói, “Lúc con còn nhỏ, nhà mình cháy, ba con xông vào để cứu con; ba con cố ôm lấy con, che cho con khỏi lửa. Một cột xà lửa rơi xuống, ba con cháy mặt”. Hiểu được, cậu bé hãnh diện về ba mình và từ đó, nhất định không chịu để mẹ đưa đến trường, nhưng là ba.

Anh Chị em,

Cũng thế, “Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Kitô”; như cậu bé, chúng ta học biết mầu nhiệm này; ở đó, sẽ có câu trả lời cho tất cả những cuộc nội chiến linh hồn của chúng ta mỗi ngày. Thánh giá Ngài là chìa khoá mở ra vinh quang, ân sủng và niềm vui phục sinh cho tất cả mọi khổ đau, kể cả sự chết. Hãy tháp nhập thập giá đời mình vào Thánh Giá Chúa để cũng trổ sinh hoa trái cứu độ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ lãng quên tình yêu Chúa dành cho con trên Thánh Giá; cho con biết nhìn lên để hưởng nếm chiến thắng sau cùng của Ngài; xin củng cố thập giá đời con để nó cũng trở nên Thánh Giá cứu độ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Kỳ diệu của ơn được tha thứ
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
23:15 13/09/2020
KỲ DIỆU CỦA ƠN ĐƯỢC THA THỨ

Nơi tòa giải tội, tôi đã từng gặp nhiều hối nhân bỏ xưng tội, bỏ rước lễ lâu năm. Một khi họ quyết tâm trở về, tôi nhận ra, hầu như tất cả họ đều cảm nghiệm tình trạng bất hạnh của mình. Xa Chúa, họ mất bình an hoàn toàn. Họ chới với, cô đơn, tuyệt vọng. Họ hổ thẹn và muốn chạy trốn hết mọi người.

Lẽ ra, khi thấy mình mất mát như thế, hối nhân phải đến tòa giải tội. Nhưng thật trớ trêu, càng xa Chúa, họ càng sợ tòa giải tội, bởi họ dư biết, đến với tòa giải tội cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối diện cùng lương tâm của mình. Mà lương tâm có bao giờ tha thứ hay bao che cho ai. Vì thế, họ cố tìm cách chạy trốn. Bao nhiêu năm cố gắng chạy trốn lương tâm, phiêu lưu trong tội lỗi, con người chỉ còn lại nơi mình toàn những chán chường, thất vọng.

Ngược lại, do một động lực nào đó, họ lên đường về lại cùng Chúa, họ sẽ bắt gặp một tình yêu đại lượng không gì bằng.

Họ sẽ lấy lại tất cả quyền làm con Thiên Chúa. Tâm hồn sẽ bình an vô cùng. Họ thấy mình như vừa sống lại sau một thời gian chính mình giết chết mình.

Có hối nhân còn nghẹn ngào vì ân hận, pha lẫn niềm sung sướng vì vừa được giải thoát, vừa như trút gánh nặng của lương tâm đè nặng tâm hồn bấy lâu nay, vừa cảm nhận tình yêu tha thứ mà Thiên Chúa không ngừng trao ban. Vì thế, giọt nước mắt trong tiếng nghẹn ngào sẽ là giọt hạnh phúc tuôn trào trên khóe mắt.

Cảm nhận được hạnh phúc khi trở về cùng Chúa, không phải vì chính việc họ trở về cho bằng họ đã chạm tới lòng nhân hậu vô cùng luôn nội tại nơi chính cung lòng Thiên Chúa đã dành cho họ, chờ đợi họ.

Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới đong đầy hạnh phúc trong lòng người. Tình yêu chờ đợi cách hết sức bền bỉ của Chúa, làm cho lòng cứng cỏi của con người bị thiêu cháy, chỉ còn lại niềm tin tưởng mà thôi.

Hãy nhớ, mỗi một lần ta phạm tội là mỗi một lần ta bứt ra khỏi tình yêu của Chúa. Còn tình yêu của Chúa lại vượt lên trên mọi tính toán, mọi đo lường của ta.

Người con hoang đàng trong Tin Mừng chỉ xin cha anh đối xử với anh như một người làm công. Nhưng cha anh lại hồi phục cho anh mọi giá trị làm con. Anh là con, chứ không phải làm công.

Vậy, chúng ta hãy trở về cùng Chúa. Người đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta là đứa con hoang đàng, nhưng không bị bỏ rơi.

Chỉ cần trở về cùng Chúa bằng việc ăn năn tội, xưng thú tội lỗi, là ta lại được Chúa trả lại mọi giá trị làm con của Chúa cho ta.

Hãy nhớ rằng, chỉ có con cái mới bỏ cha mình, còn người làm cha không dễ gì dứt bỏ con cái. Ta không sợ Thiên Chúa từ bỏ, vì Người yêu ta như yêu chính bản thân Người. Chỉ có ta liều lĩnh, đã nhiều lần từ chối tình yêu của Chúa mà thôi.

Lạy Chúa, chúng con thấy mình vẫn rơi vào tội lỗi của người con hoang đàng, bởi biết bao nhiêu lần chúng con đã phạm tội. Chúng con thèm tự do quyết định đời mình, nhưng tự do ấy biến chúng con thành nô lệ, một thứ nô lệ đớn hèn, đó là nô lệ cho tội lỗi.

Xin lôi kéo chúng con về cùng Chúa. Xin tha thứ tội lỗi chúng con. Xin ban sức mạnh để từ nay, chúng con quyết tâm chừa bỏ tội lỗi của mình
. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tha thứ và lòng nhân từ giúp giảm bớt khổ đau và chiến tranh ...
Thanh Quảng sdb
05:56 13/09/2020
Tha thứ và lòng nhân từ giúp giảm bớt khổ đau và chiến tranh...

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin, trưa Chủ Nhật 13/9/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy ngẫm bài Tin Mừng trong ngày về câu chuyện dụ ngôn của người đầy tớ không biết xót thương cho người bạn… và ĐTC khẳng quyết rằng nếu chúng ta không cố gắng tha thứ và yêu thương, chúng ta sẽ không được thứ tha và thương yêu lại.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời các Kitô hữu hãy noi gương nhân từ của Thiên Chúa, có vậy thế giới mới có thể vơi đi đau khổ và thương đau cũng như chấm dứt được chiến tranh, nếu chúng ta biết sống tha thứ và thương xót nhau."

Phát biểu trước khách hành hương đang qui tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha suy tư về dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót trong Phúc âm thánh Matthêu (18: 21-35). Một tôn chủ đã tha cho hắn một khoản tiền nợ khổng lồ, khi hắn kêu xin, cho hắn thêm thời gian để hoàn trả. Nhưng khi hắn bắt gặp một người bạn đầy tớ khác, chỉ nợ hắn một số tiền nhỏ, hắn đã bắt trả và dù người ban xin cho khất thời gian, nhưng hắn đã không chịu, tống người đó vào tù. Biết chuyện, tôn chủ đã trừng phạt hắn, vì hắn đã không biết xót thương lại bạn bè...

ĐTC nói: “Thế giới sẽ tránh được bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu thương đau, bao cuộc chiến… nếu con người biết sống tha thứ và nhân ái với nhau!”

Công lý dâng trào từ lòng thương xót

Khi suy tư về dụ ngôn này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào thái độ rộng lượng của Thiên Chúa, được đại diện là tôn chủ, và thái độ của con người được bộc lộ qua người đầy tớ. ĐTC nói: “Trên bình diện siêu nhiên, công lý sẽ dâng trào lòng thương xót, trong khi thái độ của con người, chỉ giới hạn ở sự công bằng”. Đức Thánh Cha cho biết, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta can đảm rộng mở tâm hồn đón nhận sức mạnh của sự tha thứ, bởi vì “không phải mọi sự trong cuộc sống đều có thể được giải quyết bằng công lý”.

Đức Thánh Cha giải thích sự cần thiết của tình yêu thương xót cũng là câu trả lời mà Chúa Giêsu dành cho thánh Phêrô, người đã hỏi Chúa Giêsu nên tha cho người có lỗi với ông bao nhiêu lần. “Theo ngôn ngữ biểu tượng của Kinh thánh, điều này có nghĩa là chúng ta được kêu gọi luôn tha thứ và tha thứ mãi mãi!”

Lòng nhân từ trong cuộc sống con người

Đức Thánh Cha diễn giải: “Con người có thể giảm bớt được bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu thương đau, và biết bao cuộc chiến, nếu loài người biết lấy tha thứ và thương xót làm cách sống!”

“Cần phải áp dụng tình yêu thương xót vào tất cả mọi mối quan hệ của con người: liên hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái, liên đới trong các cộng đồng của chúng ta và cả trong xã hội và chính trị”.

Trong bài diễn giải, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ ngài xúc động như thế nào, khi lắng nghe bài đọc thứ nhất trong Phụng vụ Chúa nhật hôm nay được trích từ Sách Sirach: "Hãy nhớ lại những ngày cuối cùng của bạn, hãy gạt bỏ thù hận sang một bên". ĐTC nói rằng lòng giận hờn và oán thù phát xuất từ những hành vi phạm tội, như cứ tiếp tục bám theo chúng ta... "Tha thứ không phải là cái gì nhất thời, nó là điều mà chúng ta cần thể hiện để làm tan đi nỗi oán hận, một sự hận thù cứ như canh cánh bên ta!" Nhưng khi suy nghĩ tới những giờ phút cuối cùng của đời ta, sẽ giúp chúng ta dứt bỏ được nó...

Lời mời gọi tha thứ của “Cha chúng ta”

Đức Thánh Cha nói dụ ngôn này giúp chúng ta hiểu được đầy đủ ý nghĩa của cụm từ trong kinh “Lạy Cha”: “Xin hãy tha tội chúng con, cũng như chúng con cũng tha cho những kẻ có lỗi với chúng con” (x. Mt 6,12). Những lời này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chứa đựng một sự thật nhất quyết: "Chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ cho mình, nếu chúng ta không tha thứ cho người lân cận. Nếu chúng ta không cố gắng để tha thứ và yêu thương, thì chúng ta cũng sẽ không được tha thứ và thương yêu."

Để kết thúc bài suy niệm, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời mọi người hãy tín thác vào Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa để xin Mẹ giúp ta biết nhìn nhận ra mình đang mắc nợ Thiên Chúa bao nhiêu, hầu chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót và nhân ái của Thiên Chúa.
 
Hỏa hoạn lại bùng lên lần thứ hai tại cảng Beirut
Đặng Tự Do
17:21 13/09/2020


Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 11 tháng 9, Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi, là Đức Thượng Phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronite bày tỏ sự âu lo của ngài trước vụ hỏa hoạn kinh hoàng thứ hai diễn ra tại cảng Beirut một ngày trước đó.

Một ngọn lửa đã bùng lên tại địa điểm xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, buộc mọi người phải tháo chạy tán loạn khỏi khu vực vì lo sợ về một vụ nổ khác. Trực thăng của quân đội vần vũ trên bầu trời trong cố gắng dập tắt trận hỏa hoạn kinh hoàng, trong khi còi báo động vang lên trong thành phố như thể quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh.

Khói từ đám cháy lan tỏa khắp các văn phòng và nhà dân xung quanh thành phố khi nó bùng cháy trong ít nhất năm giờ.

Vụ hỏa hoạn xảy ra một tháng sau khi một vụ nổ hôm 4 tháng 8, tàn phá Cảng Beirut khiến ít nhất 190 người thiệt mạng và hơn 6000 người bị thương.

Vụ việc làm dấy lên những lo ngại về an toàn đối với cảng, với những nghi ngờ rằng đây là sản phẩm của sự bất lực của chính phủ.

Li Băng đang đối mặt với một thời gian hết sức khó khăn.

Hàng trăm nghìn người có nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy bởi vụ nổ hôm 4 tháng 8 tại một nhà kho chứa 2, 750 tấn ammonium nitrate

Đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với hàng triệu việc làm bị mất, người dân bị cắt lương và tiền tiết kiệm biến mất.

Đây là thời khắc nguy hiểm cho quốc gia này.


Source:Sky News Australia
 
Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình sau hiệp định Israel và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất
Đặng Tự Do
17:21 13/09/2020


Tổng thống Trump đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình vì đã giúp môi giới một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Fox News đưa tin rằng Christian Tybring-Gjedde, thành viên Quốc hội Na Uy và là Chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO, đã đệ trình việc đề cử này.

“Vì công lao của ông ấy, tôi nghĩ ông ấy đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn so với hầu hết những người được đề cử Giải Hòa bình khác,” Tybring-Gjedde nói với Fox News.

Trong lá thư gửi Ủy ban Nobel, Tybring-Gjedde viết rằng chính quyền Trump đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia.

“Theo dự kiến các nước Trung Đông khác sẽ theo bước chân của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, thỏa thuận này có thể là một thay đổi lớn biến Trung Đông thành một khu vực hợp tác và thịnh vượng,” ông viết trong lá thư đề nghị.

Tybring-Gjedde cũng trích dẫn “vai trò quan trọng của tổng thống Trump trong việc tạo điều kiện tiếp xúc giữa các bên xung đột và… tạo ra động lực mới trong các cuộc xung đột kéo dài khác, chẳng hạn như tranh chấp biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, và xung đột giữa Bắc và Nam Hàn, cũng như đối phó với khả năng hạt nhân của Bắc Hàn.”

Và ông ca ngợi tổng thống đã rút một số lượng lớn lực lượng Hoa Kỳ khỏi Trung Đông.

“Tổng thống Trump đã phá vỡ kỷ lục trong 39 năm qua của các Tổng thống Mỹ là những người đã từng khởi đầu chiến tranh hoặc đưa Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Tổng thống cuối cùng tránh làm như vậy là Jimmy Carter, người đoạt giải Hòa bình.”

Tổng thống Trump hồi tháng trước đã đưa ra tuyên bố về thỏa thuận hòa bình lịch sử sẽ mở đường cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Với thỏa thuận này, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất trở thành quốc gia Ả Rập thứ ba, sau Ai Cập và Jordan, có quan hệ ngoại giao đầy đủ với nhà nước Do Thái.

Kể từ khi thỏa thuận được công khai, Israel đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng tìm hiểu các cơ hội kinh doanh với Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, đặc biệt trong các lĩnh vực không gian thương mại và công nghệ cao.

Trước đây, giải Nobel hòa bình đã được trao cho tổng thống Obama, bất ngờ đến mức chính ông Obama không hiểu tại sao mình được đoạt giải.

Dưới những chống đối tại Hoa Kỳ và trên trường quốc tế, Tổng thống Trump không mấy lạc quan về khả năng đoạt giải. Hồi tháng 2 năm 2019, ông nhận xét rằng: “ Có lẽ tôi sẽ không bao giờ được ai trao giải này.”

Ông Tybring-Gjedde cũng đã từng nộp đơn đề cử giải Nobel cho Tổng thống Trump cùng với một quan chức Na Uy khác vào năm 2018 sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore giữa tổng thống với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay còn gọi là Kim Chính Ân.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã đề cử Tổng thống Trump là người xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình.

Theo trang web chính thức của giải Nobel, đã có 318 ứng cử viên cho Giải Hòa bình năm 2020.

Ủy ban Nobel Na Uy bao gồm năm thành viên do Storting, tức là Quốc hội Na Uy, bổ nhiệm.


Source:New York Post
 
Lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô liên quan đến các cuộc biểu tình trên thế giới.
Thanh Quảng sdb
17:46 13/09/2020
Lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô liên quan đến các cuộc biểu tình trên thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chủ nhật 13/9/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến “nhiều cuộc biểu tình chống đối” trên khắp thế giới. ĐTC đã đưa ra những nhận xét như sau:

ĐTC cho biết những cuộc biểu tình bày tỏ "sự thất vọng ngày càng gia tăng" liên quan đến một số "tình huống chính trị và xã hội" quan yếu.

Tâm tình gửi đến những người biểu tình

Với những người biểu tình, ĐTC thúc giục họ trình bày các yêu sách của họ “một cách hòa hoãn, đừng để xảy ra bạo động và bạo lực”.

Tâm tình gửi đến những nhà lãnh đạo

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo và chính trị hãy lắng nghe những khát vọng của công chúng; các vị lãnh đạo trong chính phủ, hãy “lắng nghe tiếng nói của người dân mình và đáp lại những nguyện vọng chính đáng của họ, đảm bảo sự tôn trọng hoàn toàn đối với nhân quyền và tự do cho dân chúng.”

Tâm tình gửi đến các cộng đồng Giáo hội

ĐTC cũng nhắc nhở "các cộng đồng Giáo hội" ở những khu vực mà các cuộc biểu tình đang diễn ra. Ngài mời gọi các cộng đồng này “hãy làm mọi sự có thể “để yểm trợ cho các cuộc đối thoại” và “hòa giải”, dưới sự hướng dẫn của các mục tử của họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ khai giảng năm học Giáo lý
Văn Minh
08:57 13/09/2020
Vào lúc 6g30 sáng Chúa nhật, ngày 13.09.2020, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, gần 400 em thiếu nhi trong các lớp giáo lý cùng linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, Tuyên úy đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, đã long trọng khai mạc năm học Giáo lý (2020 – 2021) với chủ đề: “Cùng Mẹ Trà Kiệu ra khơi”.

Nghi thức khai giảng

Mở đầu là nghi thức chào cờ diễn ra ngay trước sân nhà thờ, bài hát “Thiếu nhi Tân hành ca” được các anh chị huynh trưởng giáo lý viên (GLV) cùng các em thiếu nhi cất lên một cách sốt sắng. Kế đó, Lm chánh xứ Gioakim đánh ba hồi trống vang lên như thúc giục các em bước vào năm học Giáo lý mới với niềm hy vọng đạt kết quả tốt đẹp.

Xem hình

Thánh lễ khai giảng:

Đúng 7g00, Lm Gioakim cùng các em thiếu nhi hiệp dâng Thánh lễ Chúa nhật XXIII thường niên. Tham dự Thánh lễ, ngoài các em thiếu nhi còn có đông đảo quý vị phụ huynh và cộng đoàn trong giáo xứ.

Trong phần giảng lễ, sau khi tóm tắt bài Tin Mừng Thánh Mátthêu (Mt 18, 21-35), Lm Gioakim mời gọi các em thiếu nhi sống theo Lời Chúa Giêsu truyền dạy rằng: “Hãy tha thứ cho anh em mình”. Quả thật, tha thứ là một niềm vui và là món quà của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Vì vậy, chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau. Như lời Chúa đã nói: “Nếu các ngươi tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi” (Mt 6,14).

Sau bài giảng, Lm chủ tế đọc lời nguyện làm phép khăn và rảy nước phép trên các em. Đồng thời, ngài trao khăn quàng cho chín anh chị Dự trưởng mới.

Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 8g15 cùng ngày.
 
Ngày Truyền Thống của Phong trào Cursillo Xuân Lộc
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P.
09:06 13/09/2020
Sáng Thứ Bảy 12/9/2020, gần 400 Anh Chị Em Cursillista Xuân Lộc đã tập trung tại Giáo xứ Bùi Chu, Hạt Phú Thịnh, để tham dự ngày Truyền Thống với Đại Hội Ultreya, và nhất là được tham dự Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá do Đức Cha Giáo Phận cử hành. Ngoài sự hiện diện của quý Cha, quý Soeur linh hướng, và anh chị em Cursillista của Xuân Lộc, còn có sự hiện diện của Cha Antôn Hà Văn Minh, Linh hướng Văn Phòng Điều Hành Cursillo Việt Nam, cùng rất nhiều Anh Chị Em trong Ban Điều Hành Phong trào Cursillo Giáo phận Sài Gòn, Phú Cường và Bà Rịa- Vũng Tàu. Thế nên, trên những khuôn mặt của Anh Chị Em Cursillista trong và ngoài giáo phận đã toát lên niềm vui, hạnh phúc khi họ lại được gặp gỡ, sẻ chia đức tin, sống tình bằng hữu sau một thời gian, các sinh hoạt của Phong trào Cursillo tại Xuân Lộc phải ngưng lại vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Xem Hình

8g sáng, chương trình chính thức bắt đầu với Đại hội Ultreya, bao gồm các phần như thường lệ như hội nhóm, chia sẻ chứng nhân, chia sẻ đáp ứng, đúc kết chia sẻ, thông tin phong trào và kết thúc phần đại hội. Với chủ đề “Người Cursillista trong sứ vụ loan báo Tin Mừng”, Anh Đa Minh N.T.M – thuộc Liên Nhóm Long Thành- đã chia sẻ kinh nghiệm sống động liên quan đến sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hai bài chia sẻ đáp ứng cũng đã toát lên hồn sống của anh chị em Cursillista trong hành trình sống sứ vụ đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người, cũng như biết tìm đến sự phân định khôn ngoan theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để có sự bình an và sống tinh thần phong trào Cursillo. Những bài chia sẻ đã đánh động vào tâm tình của người nghe, trở nên như ngọn lửa nóng có sức lan tỏa đến cho các anh chị em Cursillista khác trong cùng một thao thức cho sứ vụ. Như lời đúc kết chia sẻ của Cha Linh Hướng Antôn, bài chia sẻ chính đã toát lên hình ảnh “tình bằng hữu” trong việc đỡ nâng, chia sẻ sống đức tin mà tinh thần phong trào Cursillo thúc bách thành viên của mình, khi họ
cùng giúp nhau trở nên men Tin Mừng, là muối và ánh sáng cho trần gian; cũng như tìm kiếm sự phân định đúng đắn để tìm lấy sự bình an đích thực từ hai bài chia sẻ đáp ứng. Và điều này cho thấy “phong trào Cursillo của Xuân Lộc quả thật lớn mạnh”, như lời nhận xét của Cha Antôn trước khi khép lại phần đúc kết.

Liền kề sau phần Đại Hội là phần gặp gỡ, huấn dụ của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận với mọi thành viên Cursillista đang hiện diện. Trước khi chia sẻ bài huấn từ, Đức Cha Giáo phận đã chúc mừng ngày Truyền Thống của Phong trào Cursillo Xuân Lộc, cũng như bày tỏ niềm vui khi được hiện diện giữa anh chị em Cursillista Xuân Lộc, cũng như Ban Điều Hành của Phong trào Cursillo của các giáo phận khác. Đồng thời, Đức Cha cũng thông tri một số thông tin quan trọng với anh chị em: (1) lưu nhiệm một năm với Cha Giuse Đinh Nam Hưng – vì Cha nghỉ hưu- trong vai trò linh hướng Phong trào Cursillo Xuân Lộc, trong khi chờ đợi và chuyển giao công việc cho Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thành, đấng sẽ đảm nhận vai trò linh hướng thay thế Cha Giuse vào năm tới; (2) Giáo xứ Bùi Chu vẫn là địa điểm để phong trào Cursillo Xuân Lộc tổ chức, diễn ra các ngày sinh hoạt truyền thống, đại hội của Phong trào.

Trong bài huấn từ ngắn gọn, Đức Cha Giáo phận tha thiết mời gọi các anh chị em Cursillista Xuân Lộc hãy cộng tác tích cực ngay tại trong chính môi trường giáo xứ của họ để đạt đến bốn điểm cụ thể cho giáo xứ mình: mọi người đạo đức thánh thiện hơn; hiệp nhất, yêu thương nhau nhiều hơn; khơi gợi tinh thần bác ái để giáo xứ trở thành một cộng đoàn bác ái; và thúc đẩy mọi người có tinh thần truyền giáo. Diễn giải từng ý, Đức Cha Giáo phận nhắc rằng, việc cộng tác để mọi người trong giáo xứ thánh thiện, tốt lành hơn là để nghe theo lời chính Chúa Giêsu đã truyền đạt “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con, Đấng ngự trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48). Tiếp nữa, để có sự hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ, chính người Cursillista cần sống trước, để người khác biết rằng, sự hiệp nhất chỉ có thể đạt được khi mỗi người biết nhận ra sự bất toàn bản thân và cần phải canh tân, biết tôn trọng, chấp nhận và bổ túc cho nhau từ những khác biệt, hay những giới hạn của nhau. Và một cộng đoàn bác ái chỉ hình thành khi mỗi người có được tinh thần bác ái, sự nhạy bén của tình yêu, dẫn họ đi tới sự quan tâm đến những người nghèo khổ, người đau bệnh, người già, người bị bỏ rơi, cô đơn…lẫn nhau, có sự nhạy bén của tình yêu đích thực. Và cuối cùng, người Curisllia cộng tác để khơi gợi tinh thần truyền giáo nơi mọi người trong giáo xứ, ra đi đến những vùng ngoại biên để gặp gỡ những người chưa biết Chúa ngay trong giáo xứ mình. Đặc biệt, Đức Cha Giáo phận mong muốn anh chị em Cursillista hãy quan tâm đến anh chị em di dân trong “ngày thứ tư” của họ, để làm sao Giáo phận Xuân Lộc có được “mùa xuân truyền giáo” như lòng ngài mong ước và đã ngỏ lời với toàn thể Giáo phận.

10g30, sau bài huấn từ của Đức Cha và ít phút nghỉ ngơi, anh chị em Cursillista đã cùng tham dự Thánh Lễ Kính Suy Tôn Thánh Giá do Đức Cha Giáo Phận cử hành, cùng với đoàn đồng tế là quý Cha Linh hướng Phong trào Cursillo Xuân Lộc, và Cha Antôn, linh hướng Văn phòng Ban Điều hành Cursillo Việt Nam.

Với ý lễ dâng Suy Tôn Thánh Giá, và từ các bài đọc Phụng vụ Thánh Lễ, Đức Cha Giuse bắt đầu bài giảng khi suy niệm về cử hành phụng vụ ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Đức Cha mời gọi mọi người hãy cùng nhau “suy tôn tình yêu của Thiên Chúa” trong khi cử hành Lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa. “Chúng ta tôn thờ thánh giá là vì chúng ta tôn thờ Chúa bị đóng đinh trên cây Thánh Giá.” Dù với rất nhiều ý tưởng suy niệm từ Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá, nhưng như Đức Cha nói “Tôi chỉ muốn chia sẻ với anh chị em hai điều”. Ý suy niệm thứ nhất được lấy từ câu 8-9 trong Dân số 21, 4-9, liên hệ với Gioan 3, 16-15: con người chỉ được Thiên Chúa cứu khi nhận ra mình là tội nhân, rất cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng như Đức Cha nói, việc nhận ra mình có tội là điều rất khó, là một thách đố đối với từng người. Vì thế, Đức Cha khuyên phải có lòng khiêm nhường và hãy “xin Chúa ban cho chúng ta ơn nhận ra mình có tội, để rồi chúng ta thấy mình cần lòng thương xót của Thiên Chúa, và cả anh chị em mình nữa.”

Khám phá tình yêu vô biên của Chúa dành cho nhân loại trong đau khổ tột cùng và nhục nhã của Chúa, là ý suy niệm thứ hai mà cộng đoàn được lắng nghe. “Chúng ta không suy tôn sự đau khổ, nhưng là suy tôn tình yêu trong đau khổ đó. Đau khổ càng lớn thì tình yêu càng mạnh mẽ.’ Đức Cha tiếp, “Hãy sẵn sàng đón nhận những đau khổ trong cuộc đời, để những đau khổ đó trở thành nguồn ơn cho bản thân và cho người khác.” Mở rộng ra việc đón nhận đau khổ để sinh ích, Đức Cha nhắc nhở những Cursillista rằng, những “ngày thứ tư” của họ chỉ có ý nghĩa khi họ đặt để tình yêu vào trong đó. Tình yêu, là diễn tả lòng thương xót đối với người có tội. Tình yêu ấy, trước hết, là chấp nhận những yếu đuối của người khác. Thứ đến là sẵn sàng đón lấy những khổ đau đến trong cuộc đời, và dâng những khổ đau đó lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho những tội nhân. “Và như vậy, hành trình của người Curisllista, qua các sinh hoạt, tương quan, diễn tả được lòng thương xót của Chúa dành cho tha nhân, cũng như biến tha nhân thành đối tượng của lòng thương xót của mình. Và như vậy, biến Giáo phận chúng ta thành thánh địa của Lòng Chúa thương xót.”

Một ngày sinh hoạt của Phong trào Cursillo Xuân Lộc quả thật ý nghĩa, tràn ngập ân sủng và sự thánh thiêng với những hoa trái tốt lành. Chắc chắn rằng, từ ân sủng của Thánh Lễ và lòng thương xót của Thiên Chúa đã khơi mở cho những anh chị em Cursillista Xuân Lộc một hành trình mới của “ngày thứ tư” như lời Đức Cha Giáo phận đã chia sẻ “Lễ Suy tôn Thánh Giá mời gọi chúng ta luyện tập diễn tả tình yêu Chúa trong những hoàn cảnh đời mình.” Và đó cũng là cách thức để họ sống sứ vụ Loan báo Tin Mừng trong tại Giáo Phận này.

Tin và hình ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Thông Báo
Giới thiệu chương trình Suy Niệm Lời Chúa
VietCatholic Network
07:11 13/09/2020
Trong thời gian qua, mỗi ngày chúng tôi thường có 2 buổi phát hình: Lúc 5g sáng giờ Việt Nam, và lúc 7g tối giờ Việt Nam.

Bên cạnh hai chương trình thời sự này, bắt đầu từ ngày 21 tháng 9, chúng tôi sẽ có thêm một chương trình nữa là chương trình Suy Niệm Lời Chúa do 6 linh mục phụ trách. Chương trình này sẽ được phát hình vào lúc 8g tối giờ Việt Nam, tức là 11g tối giờ Miền Đông Úc Châu hay 6g sáng giờ California Hoa Kỳ.

Trong chương trình Suy Niệm Lời Chúa này, quý cha: Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Anthony Nguyễn Ngọc Dũng, Giuse Phạm Minh Ước, Giuse Nguyễn Xuân Hiếu, Phaolô Nguyễn Trọng Thiên và Phêrô Nguyễn Văn Cao sẽ trình bày với quý vị và anh chị em Bài Phúc Âm trong ngày, chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Ca.

Xin quý vị và anh chị em nhớ đón xem.
 
Văn Hóa
Tin mừng Gia Đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục
Vũ Văn An
01:14 13/09/2020

Năm 2014, trong một mật nghị hội của các Hồng Y do Đức Phanxicô triệu tập, Đức Hồng Y Walter Kasper đã đọc một bài diễn văn quan trọng về Tin Mừng Gia Đình, sau đó, được xuất bản thành sách, mà chúng tôi đã cho chuyển sang tiếng Việt (Vietcatholic, Tin Mừng Gia Đình, 21/07/2018). Bài diễn văn này, có thể nói, đã là gợi hứng cho hai Thượng Hội Đồng về gia đình năm 2014 và 2015 với kết quả là Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia của Đức Phanxicô năm 2016.



Cái đinh của các Thượng Hội Đồng và Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng nói trên là viễn ảnh cho phép một số người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời được rước lễ. Cho đến nay, viễn tượng này, thực tế, không hẳn đã trở thành một thực tại khắp trong Giáo Hội và dù nói chi đi chăng nữa, nó vẫn thuộc sự thận trọng của khoa giải nghi học như từ trước đến nay.

Tuy nhiên, lúc mới được gợi ý, nó gây ra một cuộc tranh luận có khi hết sức gay cấn. Tham dự cuộc tranh luận này về phía những người không chấp nhận viễn ảnh rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời có hai học giả là Juan José Pérez-Soba, Giáo sư Thần học Mục vụ tại Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô II ở Rôma, và Stephan Kampowski, Giáo sư Triết lý Nhân học tại Giáo hoàng Học viện Gioan Phaolô II Nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình ở Rôma, với tác phẩm cùng tên là Tin Mừng Gia Đình, do nhà Ignatius xuất bản năm 2014. Tựa đề phụ của tác phẩm đọc như sau : Quá Bên Kia Đề Xuất của Đức Hồng Y Kasper trong cuộc Tranh Luận về Hôn Nhân, Tái Hôn Dân Sự, và Rước Lễ trong Giáo Hội.

Trong Lời Nói Đầu cho cuốn sách, Đức Hồng Y George Pell, lúc đó đứng đầu văn phòng kinh tế của Tòa Thánh, cho rằng: “Nhiều người coi nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là cung cấp thuyền cấp cứu cho những người bị đắm tầu ly dị. Và thuyền cấp cứu phải sẵn có cho mọi người, đặc biệt cho các bên vô tội đáng thương. Nhưng các con thuyền cấp cứu này nên hướng về đâu? Về các ghềnh đá của đầm lầy hay về các bến cảng an toàn, những bến cảng chỉ tới được một cách khó khăn?”.

Đối với Đức Hồng Y Pell, “bến cảng an toàn” kia là “các mối liên kết chủ yếu giữa lòng thương xót và dạ trung thành, giữa sự thật và ơn thánh”.

Mà “tính bất khả tiêu của hôn nhân là một trong các sự thật phong phú của mạc khải Thiên Chúa”. Nó “không hề là một gánh nặng mà là một viên ngọc”. Và “khi nhận ra sự đẹp đẽ và sự tốt lành này, các xã hội sẽ thường xuyên bảo vệ nó bằng các biện pháp kỷ luật hữu hiệu. Họ hiểu ra rằng tín lý và thực hành mục vụ không thể mâu thuẫn nhau và ta không thể duy trì tính bất khả tiêu của hôn nhân mà lại cho phép ‘các người tái hôn’ rước lễ được”.

Trong phần Dẫn Nhập, hai tác giả cho rằng Đức Hồng Y Kasper “quá chú tâm tới một điểm, tuy rất quan trọng, nhưng quá hạn hẹp... Thành thử, mặc dù tìm cách minh giải các hạn từ của vấn đề người ly dị tái hôn rước lễ, nhưng chúng tôi sẽ không chỉ tập chú vào khía cạnh này mà thôi”.

Chính vì thế, họ bắt đầu “bàn đến thách đố văn hóa như chìa khóa nền tảng để hiểu vai trò của gia đình trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và thế gian”. Sau đó, họ sẽ “nhận diện tính trung tâm của gia đình trong công bố Kitô Giáo”. Chỉ đến phần kết luận, họ mới đề cập tới “nền chăm sóc mục vụ thoả đáng” căn cứ vào thách đố của thời ta.

Chúng tôi xin thoát dịch hai chương đầu của cuốn sách: Chương một: Công bố Tin mừng Gia đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục và Chương hai: Sự Thật của Hôn Nhân Bí Tích: Nơi Lòng Thương Xót và Lòng Trung Thành Gặp Nhau

********

Chương I. Công bố tin mừng gia đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục

1.1 Vẻ đẹp của tin mừng gia đình: tình yêu và tính dục con người

“Chúng ta không nên giới hạn cuộc tranh luận [về tin mừng gia đình] vào tình huống những người ly dị và tái hôn hay nhiều tình huống mục vụ khó khăn khác chưa được nhắc đến trong bối cảnh này mà thôi. Trái lại, ta phải bắt đầu một cách tích cực, khám phá và công bố một lần nữa tin mừng gia đình trong vẻ đẹp toàn diện của nó. Sự thật thuyết phục bằng chính vẻ đẹp của nó” (1). Những lời rất thâm thúy của Đức Hồng Y Walter Kasper này quả hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, phát biểu trước Mật Nghị Hội Đặc Biệt trong đó Đức Hồng Y Kasper sẽ đọc diễn văn. Đức Giáo Hoàng muốn tránh việc “sa vào ‘khoa giải nghi học’”, thay vào đó, ngài muốn “nhìn nhận rằng việc thành lập một gia đình, việc trở thành một gia đình ngày nay là một việc đẹp đẽ, chân thực và tốt lành xiết bao; và gia đình là điều thiết yếu đối với đời sống thế giới và tương lai nhân loại” (2). Trong chương này, chúng tôi sẽ cố gắng bước theo phương thức này, bằng cách khảo sát xem ta tìm đâu ra vẻ đẹp quyến rũ và đầy thuyết phục của tin mừng gia đình. Chúng tôi cũng sẽ khảo sát các trở ngại mà việc công bố tin mừng này gặp phải trong bối cảnh văn hóa hiện nay và xem xét các cách thế khả dĩ đương đầu được với chúng và lướt thắng chúng.

Vậy thì, đâu là vẻ đẹp trong viễn kiến Kitô Giáo về gia đình? Điều gì tốt và điều gì mới trong tin mừng mà Chúa Kitô và Giáo Hội của Người đã công bố về hôn nhân và gia đình? Khi Tin Mừng tới với thế giới La Hy cổ thời, nó mang theo một tính mới lạ thực sự, sâu xa thách thức nền văn hóa ấy bằng những cách rất giống với tình thế hiện thời của ta (3). Muốn thấy sự mới lạ này của Tin Mừng, ta hãy đọc lời khuyên mà tác giả của cổ thời La Mã Lucretius từng ngỏ với những người trẻ đang yêu:

“Dù nàng con gái bạn yêu nay thật xa vời,
Nhưng hình ảnh thần tượng của nàng thật gần xiết bao
Và tên ngọt ngào của nàng văng vẳng bên tai bạn.
Nhưng bạn cần trốn chạy hình ảnh ấy
Và tránh xa bất cứ điều gì nuôi dưỡng tình yêu của bạn;
Bạn phải bắt tâm trí bạn quay đi chỗ khác; và trút hết tinh dịch,
Đang hội tụ trong bạn, vào những thân xác man vàn khác,
Cũng đừng suy nghĩ bịn rịn vì một mối tình,
Giữ nó để vui, kết cục sẽ chồng đống
Nên tự chăm sóc lấy bạn kẻo đau khó tránh.
…………………………………………….
Quả thực niềm vui Vệ Nữ,
Ít chung đụng với những thế nhân có linh hồn tỉnh táo
Hơn những thế nhân không thích héo mòn vì tình yêu
(4).

Lucretius muốn nói gì ở đây về bản chất của tình yêu con người? Bằng những lời gấm hoa thơ mộng, ông đã hoàn toàn dung tục chủ trương rằng người đàn ông nên ngủ với nhiều người đàn bà khác nhau, chứ đừng lưu luyến một người, kẻo phải đau khổ vì tình âu yếm đối với nàng. Đàng khác, ông hàm ý cho rằng niềm khoái lạc giao hợp sẽ lớn lao hơn khi ta không bị tình yêu làm cho sao lãng. Như thế, xem ra, đối với ông, liên hệ tính dục ít có hay không có bất cứ liên hệ nào với tình yêu.

Một chủ trương tách biệt tính dục khỏi tình yêu tương tự như thế cũng tìm thấy ở gốc rễ điều vốn được gọi là cách mạng tình dục, một kiểu nói thường được liên kết với các biến cố của thập niên 1960, nhưng thực ra gốc rễ ý thức hệ của nó là một cuốn sách gây nhiều ảnh hưởng tựa là Cách Mạng Tình Dục của nhà phân tâm học người Áo, Wilhelm Reich, xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức năm 1939 dưới tựa đề Sexualitat im Kulturkampf: Zur sozialistischen Umstrukturierung des Menschen [Tính Dục trong Chiến Tranh Văn Hóa: Hướng Tới Việc Tái Cấu Trúc Con Người Theo Xã Hội Chủ Nghĩa] (5). Theo Reich, “kinh nghiệm y khoa về tính dục dạy ta rằng ức chế tính dục gây ra bệnh tật, trụy lạc và dâm đãng” (6). Đối với ông ta, “tiết chế là điều nguy hiểm và tuyệt đối có hại cho sức khỏe” (7), trong khi thực hành tính dục là một cách điều trị; khoái cảm tính dục dẫn tới sức khỏe và hạnh phúc: “năng lực tính dục là năng lực sinh học sẽ xác định ra đặc điểm cho xúc cảm và suy nghĩ trong tâm thần (psyche) con người” (8). Rồi ông viết thêm: “cốt lõi hạnh phúc ở trên đời là hạnh phúc tính dục” (9). Dù phương thức này tự cho mình là hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa, điều không thể chối cãi là nó rất giống với quan niệm xưa của Lucretius: đối với tính dục, điều quan trọng không phải là tình yêu mà là khoái cảm tính dục hay “năng lực tính dục”.

Đối với cả Lucretius của La Mã cổ thời lẫn Reich của Tây Phương hiện đại, nói tới các liên hệ tính dục, người khác chỉ có được sự quan trọng bậc nhì. Trong cả hai trường hợp, hoạt động tính dục hoàn toàn bị cắt đứt khỏi tình yêu. Đặc biệt đối với Reich, sở dĩ như thế là vì con người nhân bản nhất thiết phải tích cực về phương diện tính dục. Nếu họ tiết chế, họ sẽ bị bệnh. Như thế, nhu cầu làm tình giống như nhu cầu phải ăn uống. Người ta không thể không có nó trong một thời gian lâu. Nếu đúng như thế, thì hoạt động tính dục đã bị lấy ra khỏi lãnh vực tự do và trách nhiệm của một người rồi. Vì nếu ta nhất nhiết phải thoả mãn sinh hoạt tính dục, bất kể là vì một xung động hay vì sức khỏe thể lý và tâm thần đòi hỏi, thì hành vi làm tình khó có thể gọi là cuộc gặp gỡ của tình yêu. Trong lãnh vực tính dục con người, nếu việc tự chủ và tiết chế không thể nào có được, thì các hành vi làm tình khó có thể cho rằng mình là các phát biểu của tình yêu, vì tự bản chất, tình yêu là một điều đã được ủy thác cho tự do của ta.

Điều riêng thuộc về tình yêu chính là luận lý học của cho đi: tình yêu phải được tự do cho đi và tự do nhận lãnh. Một người vợ sẽ nghĩ gì về một đức ông chồng, lúc 3 giờ sáng đánh thức mình dậy đòi làm tình vì đột nhiên ông ta cảm thấy bị kích thích mạnh về tính dục? Làm thế nào một hành vi làm tình như thế có thể được coi là một hành vi yêu thương cho được? Một cuộc gặp gỡ tính dục như thế có khác gì cung cách trần tục và tầm phào của việc phải tiêu tiểu mỗi ngày mấy lần? Tính độc chiếm và vĩnh viễn trong mối liên hệ đàn ông đàn bà làm gì có được. Nếu một trong hai người phối ngẫu vì công việc phải xa nhà, không ai trong hai người có thể trông mong gì người kia sẽ tiết dục trong thời gian vắng nhau ấy, hệt như họ không trông mong người ấy sẽ tiết chế không ăn không uống trong thời gian này. Nếu, như Reich chủ trương, người ta thực sự phải thỏa mãn mọi thúc bách tính dục xẩy ra với họ để tránh không mắc những bệnh tâm thần nghiêm trọng, thì các liên hệ độc chiếm và lâu bền quả thực có hại cho sức khỏe một cách trầm trọng, điều mà chính ông ta từng kết luận.
Tuy nhiên, ta thắc mắc không biết viễn tượng độc chiếm và lâu bền có gì đẹp đẽ không. Rõ ràng mong muốn sự độc chiếm và lâu bền là một phần trong chính bản chất của tình yêu gợi dục. Yêu nhau rõ ràng muốn nói với nhau rằng “Anh là duy nhất của em: Anh là tất cả của em và em là tất cả của anh. Anh trao cho em trọn con người anh, một cách độc chiếm và suốt đời anh”. Chính ở đây, Tin Mừng đã đem tới một điều thực sự mới mẻ cho thế giới cổ thời, và một lần nữa, nó cũng đã làm như thế với thế giới ngày nay; lãnh vực tính dục con người, tức lãnh vực đụng tới sự dị biệt hóa tính dục của ta, có thể được cứu chuộc và nâng cao; nó không cần là một trận chiến bóc lột nhau, thống trị nhau, và rù quyến nhau nữa. Chúa Giêsu ban cho ta sức mạnh mới: tính dục có thể có một điều gì đó ăn có với tình yêu. Trước khi tác giả thư Êphêsô khuyên các bà vợ “phục tùng các người chồng” của họ “như phục tùng Chúa” (Eph 5:22), ngài bảo các người chồng và các người vợ “phục tùng lẫn nhau vì lòng tôn kính Chúa” (Eph 5:21), rồi ngài tiếp tục kêu gọi các người cHồng Yêu thương vợ mình “như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25).

Đó quả là một tình yêu tươi đẹp và chỉ có thể khả hữu nếu chữ “mãi mãi” khả hữu. Tính bất khả tiêu của hôn nhân cùng với tính độc chiếm tính dục không phải là một gánh nặng phụ trội đặt lên vai vợ chồng Kitô hữu. Đúng hơn, nó là phần tinh túy trong ý nghĩa của tình yêu đích thực và được ban cho các môn đệ của Chúa Kitô như một khả thể mới mẻ. Như Đức Hồng Y Kasper đã nói rất đúng, giáo huấn về sợi dây bất khả tiêu của hôn nhân “là một tin mừng, nghĩa là, niềm an ủi dứt khoát và lời đoan hứa tiếp tục có giá trị mãi mãi” (10). Tính bất khả tiêu hôn nhân và tính độc chiếm tính dục là các tin mừng; ly dị và bất trung mới là tin xấu. Ly dị và bất trung phát sinh từ “sự cứng lòng” (Mt 19:8). Chúa Giêsu nói rằng “Do đó, điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân rẽ” (Mt 19:6). Ở đây, ta nên nhớ rằng Người là Lời nhờ đó Thiên Chúa Cha sáng tạo ra vũ trụ; nên nếu Người nói thế, thì nó sẽ như thế. Như thế, khi truyền lệnh “con người không được phân rẽ”, Người cũng cung cấp cho ta khả thể sống trung thành suốt đời với nhau, và với khả thể này là ơn phúc mà trái tim ta hằng mong ước. Trong cuốn tiểu thuyết Per Sempre (Mãi Mãi) của Susanna Tamaro, nhân vật chính được người vợ hỏi: “ ‘Mãi mãi’ có bao giờ hiện hữu không?” Câu trả lời của chàng là: “Điều duy nhất hiện hữu là ‘mãi mãi’” (11). Tình yêu đích thực luôn muốn nói “mãi mãi”.

Trong một đoạn thơ tuyệt diệu, William Shakespeare nói lên sự nối kết thân mật giữa tình yêu và “mãi mãi” như sau:

Đối với cuộc hôn nhân của những tâm trí chân thực
Tôi đừng chấp nhận bất cứ cản trở nào. Yêu không còn là yêu
Khi thay đổi lúc gặp thay đổi,
Hay khuất phục khi bị di rời bởi người di rời:
Nhất định không! Đây là dấu nhất định mãi mãi
Là nhìn thẳng bão táp mà không run sợ;
Là sao sáng dẫn mọi con tầu mất hướng,
Dù đã mất cột buồm, giá trị không được ai biết tới.
Tình yêu không phải là trò phỉnh của Thời Gian, dù môi đỏ má hồng
Xuất hiện bên trong liềm cong chiếc vòng của nó:
Tình yêu không thay đổi cùng với thời khắc tuần giờ của nó
Nhưng chịu đựng chúng tới tận bờ diệt vong.
Dù điều ấy sai lầm và bạn chứng minh cho tôi thấy
Tôi cũng không bao giờ thừa nhận, cũng như chưa có người nào từng yêu cả
(12).

“Mãi mãi” là một tin mừng. Bất cứ ai từng yêu đều muốn tình yêu này kéo dài mãi mãi. Như thế, vấn đề đã ra khác: không phải là việc liệu chúng ta có muốn điều ấy hay không, mà là liệu chúng ta có nghĩ điều ấy khả hữu hay không. Và ở đây, tin mừng đã xuất hiện. “Mãi mãi” là điều mới lạ đích thực đã được Chúa Kitô đem tới, một khả thể mới đáp ứng các khát mong sâu xa nhất của trái tim con người. Điều này hiển nhiên đi ngược lại văn hóa đương thời. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, nền văn hóa ngày nay là một “nền văn hóa tạm bợ” hay một “nền văn hóa lâm thời” (13). Ngài khuyên các cặp vợ chồng đừng để bối cảnh văn hóa này lướt thắng nhưng đặt nền căn nhà của mình “trên phiến đá của tình yêu đích thực, tức tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa” (14). Bằng một hình ảnh hết sức gợi hình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Chúa Kitô hoàn toàn có khả năng nhân thừa tình yêu của vợ cHồng Y hệt như Người đã nhân thừa số bánh, là ban cho họ thứ tình yêu “tươi mát và ngon lành mỗi ngày” (15).

Vì sự kiện khả thể “mãi mãi” là thành phần chủ yếu của những gì tốt và mới trong tin mừng này, nên ta hoàn toàn không rõ Đức Hồng Y Kasper có ý nói gì, khi, trong lúc thảo luận về việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ, ngài yêu cầu phải có “một nền linh đạo mục vụ đổi mới có thể loại bỏ thứ quan điểm hẹp hòi, đầy tính luật lệ và chủ nghĩa khắt khe không đúng với tinh thần Kitô Giáo hiện đặt nhiều gánh nặng không ai chịu nổi lên vai người ta, những gánh nặng mà chính các giáo sĩ chúng ta không muốn vác mà cũng không thể vác nổi (xem Mt 23:4)” (16). Ở đây, các “gánh nặng không ai chịu nổi” là những gánh nặng nào? Phải chăng một trong các gánh nặng này là tính bất khả tiêu của hôn nhân? Điều này không nhất quán đối với điều ngài nói ở một chỗ khác, khi ngài gọi dây liên kết không thể nào tiêu hủy được là một “tin mừng” (17) và khi ngài nhấn mạnh rằng mình không muốn đặt nghi vấn nào về tính bất khả tiêu của hôn nhân (18).
Có phần chắc là gánh nặng không ai chịu nổi này cuối cùng chính là sự độc chiếm tính dục. Ít nhất thì đây cũng là cách giải thích hợp lý nhất của Đức Hồng Y Carlo Caffarra đối với đề xuất của Đức Hồng Y Kasper. Điều không thể chối cãi là: khi cho phép một số người ly dị và tái hôn được rước lễ, cho dù những cặp này trước đó có thực hiện một số hành vi đền tội, nhưng vẫn chưa thể hiện sự thay đổi có phẩm chất trong bậc sống của họ, Giáo Hội đã phần nào “ban cho cuộc kết hợp thứ hai một phán quyết hợp pháp nào đó” (19).

Nhưng cuộc kết hợp thứ hai này không thể là cuộc hôn nhân thứ hai, đồng thời với cuộc hôn nhân thứ nhất, “xét vì song hôn là đi ngược lại lời của Chúa” (20). Vì Đức Hồng Y Kasper minh nhiên chủ trương tính bất khả tiêu của hôn nhân, và xét vì ngài khó có thể có ý định đề xuất việc người ta có thể sống trong hai cuộc hôn nhân thành sự và bất khả tiêu cùng một lúc được, nên giải pháp của ngài, trên thực tế, hẳn phải là cho rằng “cuộc hôn nhân đầu vẫn tồn tại, nhưng cũng có loại sống chung thứ hai được Giáo Hội hợp pháp hóa” (21). Đối với Đức Hồng Y Caffarra, đề xuất này có hệ quả trầm trọng nhất như sau: “nó là việc thực hành tính dục con người ở bên ngoài hôn nhân được Giáo Hội hợp pháp hóa. Nhưng với việc hợp pháp hóa này, cột trụ nền tảng của giáo huấn Giáo Hội về tính dục đã bị phá sập”; cột trụ này chính là việc Giáo Hội luôn nhấn mạnh rằng khung cảnh thích đáng duy nhất để thực hành tính dục là khung cảnh yêu thương vợ chồng.

Rõ ràng Đức Hồng Y Kasper bỏ qua mối nối kết giữa tính bất khả tiêu và tính độc chiếm tính dục. Dù sao, khi nói tới “các gánh nặng không ai chịu nổi”, nếu ngài có ý chỉ một là tính bất khả tiêu của hôn nhân hai là đòi hỏi độc chiếm tính dục, thì đoạn Thánh Kinh xuất hiện trong tâm trí ta trong bối cảnh này sẽ không là đoạn Mátthêu 23:4 (“Họ buộc những gánh nặng, khó chịu nổi”) mà đúng hơn là đoạn Mátthêu 19:10, nơi ta đọc thấy sự ngỡ ngàng của các môn đệ trước lời dạy của Chúa Giêsu về hôn nhân: “Nếu đó là trường hợp của người đàn ông với vợ anh ta, thì tốt hơn không nên kết hôn”.

Một lần nữa, các đòi hỏi bất khả tiêu hôn nhân và độc chiếm tính dục của vợ chồng không phải là các gánh nặng mà Chúa Kitô và Giáo Hội của Người đặt lên các người phối ngẫu. Đây là các đòi hỏi của chính tình yêu. Bất cứ ai “sa vào lưới tình” đều có thể lấy kinh nghiệm của mình mà chứng thực điều đó. Vấn đề là ta cũng có thể “thoát được lưới tình”. Tình thơ mộng khi hai kẻ yêu nhau hứa hẹn cho nhau đủ tinh tú thiên giới, chỉ kéo dài chốc lát. Tin mừng là cái chốc lát khởi đầu ấy, cái hứa hẹn của dục tình (eros) ấy, có thể tìm được sự thành toàn của nó trong tình yêu (agape) (22). Dù quả cá nhân không phải là một con ngựa kéo xe và dù theo một cách, ta có thể nói rằng ta được “tạo dựng cho ngày Sabát” (23), miễn là việc nghỉ ngơi trong ngày Sabát là “ngày nghỉ ngơi trong Chúa” để tưởng niệm, để ngợi ca, và cảm tạ (24), thì điều cũng đúng là, theo một nghĩa nào đó, ta được dựng nên để làm việc không ngừng, tức là, để yêu thương. Vì yêu thương đòi ta phải làm việc không ngừng. Như Franceso Botturi từng nói, “[Tình yêu] là công việc của tự do; nó đòi lao công và có chiều kích lâu dài. Yêu là muốn yêu, nghĩa là, tự do mang ý hướng tính cảm giới mà tình trạng yêu thương tự phát cung ứng” (25). Cũng theo chiều hướng này, Erich Fromm đã có thể viết: “Yếu tính của tình yêu là ‘lao công’ cho một điều gì đó và ‘làm cho một điều gì đó lớn lên’… Tình yêu và lao công không thể tách biệt nhau. Ta yêu thích điều mà vì nó ta lao công, và ta lao công vì điều ta yêu thích” (26). Lao công của tình yêu này chính là quà phúc Thiên Chúa ban cho ta. Khi ban cho ta ơn phúc của Người, Thiên Chúa không chỉ đơn giản che dấu sự xấu xí của ta. Đúng hơn, Người biến đổi ta từ bên trong, ban cho ta ơn phúc hành động mới mẻ (27). Tin mừng là lời hứa yêu thương có thể được nên trọn. Tình yêu có thể lâu bền và trung thành.

Đó quả là tảng đá nền của giáo huấn Giáo Hội về tính dục con người và mối tương quan của nó với tình yêu. Giáo Hội dạy rằng các hành vi tính dục chỉ có thể là các hành vi yêu thương chân thực nếu chúng là các hành vi vợ chồng, nghĩa là, nếu chúng được thực hiện bởi một người đàn ông và một người đàn bà từng công khai cam kết đời mình cho nhau, vốn hứa giữ lòng trung thành với nhau và dành sự độc chiếm tính dục cho nhau, cũng như sẵn sàng sản sinh ra sự sống mới. Giáo Hội rút giáo huấn này ra từ chính bản chất tình yêu vợ chồng, một tình yêu có tính nhân bản, toàn diện, trung thành, độc chiếm và sinh hoa trái (28). Nhưng như chúng tôi đã nói trên đây, các hành vi tính dục chỉ có thể là các hành vi của tình yêu vợ chồng nếu việc tiết chế là việc có thể làm được. Nếu Reich đúng và việc tiết chế chỉ dẫn tới bệnh tâm thần, thì không ai có tâm trí lành mạnh lại đi trao đổi các lời đoan hứa kết hôn làm chi. Nếu tiết chế, bất kể là tạm thời hay toàn diện, là điều không thể có, thì các hành vi tính dục sẽ không bao giờ có thể là các biểu thức của tình yêu vợ chồng, vì chúng đã được thực hiện dưới sự thôi thúc của tất yếu. Sự độc chiếm tính dục cũng là điều không thể có được, vì luôn luôn sẽ có những lúc trong đó, các người phối ngẫu buộc phải tiết chế, đôi khi chỉ vì người vợ bị đau đầu, ấy là chưa kể các lý do sức khỏe trầm trọng hơn và thường trực hơn. Nếu ai đó phải làm tình, nhưng lại không thể đến với người phối ngẫu mình, vì nàng khó ở, thì hẳn anh ta sẽ phải đến với người khác, y hệt như anh ta vẫn cứ phải ăn cho dù không ăn với nàng được. Trong trường hợp này, tình yêu vẫn đòi sự độc chiếm mà việc làm tình không thể đem lại. Tình dục và tình yêu thuộc hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Sự kiện chúng thuộc về nhau là một tin vui của Tin Mừng, và chúng có thể sánh bước với nhau nhờ tiết chế là điều có thể làm được. Đây có lẽ là thách đố chính của Giáo Hội đối với cả hai nền văn hóa cổ xưa và đương thời. Nó là một nền nhân học hoàn toàn khác với nền nhân học đang được cổ vũ trong xã hội ngày nay, vốn ủng hộ tiền đề nền tảng của Reich.

Kỳ tới: 1.2 Có thể nghĩ tưởng tới sự tiết chế được không? Familiaris consortio và Sacramentum caritatis nói về người ly dị và tái hôn dân sự.
 
Linh Mục và những chuyện vui buồn...
LM. Vincent M.
11:17 13/09/2020
Cách đây hơn 36 năm, sau khi chịu chức LM, tôi được sai đến giúp chủng viện, 3 năm sau thì được sai đến một giáo xứ vừa giúp vừa học hỏi kinh nghiệm mục vụ.

Mỗi sáng thức dậy sớm tập thể dục chạy vài vòng trong công viên cạnh nhà xứ.

Tôi thường gặp một người đàn ông Mỹ, đầu tóc bạc phơ lơ thơ vài mươi cọng như tôi bây giờ; tay cầm dây dẩn con chó, tay cầm cái bọc để hốt phân khi con chó ị (một thói quen tốt của người dân sống trên đất Mỹ). Lúc đầu, (vì sự tế nhị riêng tư ) chúng tôi chỉ chào lúc đi ngang mặt nhau:

- Hi! (Chào)
- Hi!

Hoặc
- Morning!
- Morning!

Dần dần chúng tôi trao đổi lời nói nhiều hơn. Nhưng vẫn những câu xã giao thông thường theo thói quen người dân ở Hoa Kỳ, tránh hỏi những chuyện như : nhà cửa, lương hướng, công việc, gia cảnh....(Ở xứ Mỹ này, việc 2 nhà ở cạnh nhau 5-10 năm vẫn không biết tên nhau là sự thường tình).

Mấy tháng sau, chúng tôi gặp nhau như thường khi, ông có vẻ thân mật hơn trả lời khi tôi chào hỏi :

- Hôm nay ông khỏe chứ.
- Tốt, tốt còn anh.

Rồi ông tiếp :
- Hình như anh mới dọn tới khu này? Thấy ông có vẻ cởi mở hơn, vừa trả lời vừa lấy tay chỉ về phía nhà xứ :
- Vâng, tôi là Linh Mục, được sai đến phụ giúp cha xứ.

Nghe thế, ông hơi ngẩn người rồi chào tôi và bước đi.
- Bye.
- Have a good day.

Rồi từ hôm đó, tôi không gặp lại ông nữa; và cũng từ hôm đó trong lòng tôi luôn có nghi vấn: tại sao thái độ của ông thay đổi khi nghe tôi tự giới thiệu tôi là LM, ông có ác cảm với đạo Công Giáo? ông không thiện cảm với LM?.... Những nghi vấn luôn nổi lên trong đầu mỗi khi tôi chạy đến nơi chúng tôi thường gặp và trò chuyện, và mỗi lần như vậy tôi đọc 1 kinh kính mừng cho ông.

Ngày tháng dần qua, sắp tới ngày tôi đi nhận nhiệm sở mới, đang thu dọn đồ đạc, thư ký nhà xứ báo: nhà thương gọi điện thoại, có 1 bệnh nhân ở ICU (Intensive Care Unit) khu được săn sóc đặc biệt, nói đích danh và muốn được gặp tôi. Chắc là người Công Giáo mới cần gặp LM khi bệnh trầm trọng, tôi nói với thư ký giúp chuẩn bị những thứ cần thiết cho tôi đi thăm kẻ liệt, trong khi tôi vào nhà thờ rước Mình Thánh Chúa mang theo. Đến nhà thương, tôi tự giới thiệu và nói tên và số phòng của bệnh nhân, làm thủ tục cần thiết theo yêu cầu của bệnh viện, y tá đưa tôi đến phòng bệnh nhân gầy đét mũi đeo ống dưỡng khí, tôi chợt nhận ra ông; y tá đến bên lay ông dậy, ông mở mắt hồi lâu và cũng nhận ra tôi, ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường, y tá bước ra khỏi phòng sau khi dặn dò bấm chuông ở đâu giường nếu cần sự trợ giúp. Tôi nói lời chào và hỏi:

- Tôi có thể giúp gì được ông?

Lặng thinh hồi lâu, môi mím lại, rồi thè lưỡi liếm mép, tay nắm chặt tay tôi, như thu hết can đảm ông nói:

- Tôi là người Công Giáo.

Hơi chút ngạc nhiên, tôi hỏi ông những điều cần thiết để xác định ông đã đợc rửa tội theo đúng nghi thức Công Giáo. Ông kể : ông sinh ra trong gia đình cha mẹ đều là người Công Giáo, và được cha mẹ mang đến nhà thờ lúc bé để rửa tội, tại họ đạo....cha xứ tên là......được rước lễ lần đầu, và Thêm Sức tại.... do ĐGM tên......(để tránh ngộ nhận xin không ghi địa danh, cũng như tên của các người liên quan). Rồi ông thinh lặng, nhìn vẻ mặt nhận thấy ông có vẻ muốn nói thêm điều gì đó, mà không nói được; tôi thò tay vào túi áo, rút ra tràng hạt đặt vào tay ông, như có thêm sức mạnh ông run run đưa Thánh Giá lên môi hôn kính, mắt nhắm lại và hai hàng nước mắt trào ra lăn dài xuống đôi má hóp sâu, rồi ông mở mắt nhìn tôi, ông nói :

- Father, (thưa cha) con muốn được xưng tội.

Tôi gật đầu, giơ tay ban phép lành cho ông.

- Thưa cha, lần cuối con xưng tội cách nay........tôi lắng nghe ông xưng tội, khi ông xưng tội xong, tôi nói vài lời khuyên và ra việc đền tội, rồi tôi bảo ông đọc kinh ăn năn tội, ông nói ông chỉ còn nhớ kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng thôi; tôi bảo ông hết lòng thống hối đọc theo tôi kinh ăn năn tội, khi ông đọc xong, tôi giơ tay lên đầu ông ban phép xá giải: "Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, đã giao hoà trần gian..................................

Giờ đây cha tha tội cho con. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Rồi tôi đọc chậm rãi để ông đọc theo những kinh mà tôi đã ra cho ông trong việc đền tội, xong ban phép xức dầu bệnh nhân cho ông; tôi hỏi ông có muốn rước Mình Thánh Chúa không, ông gật đầu, giơ tay bấm nút gọi y tá, tôi nói với cô việc ông mong muốn rước MTC, cô gật đầu đồng ý và lấy cái muỗng nhỏ, rót chút nước lọc, tôi bẻ 1 chút thật nhỏ để vào muỗng, tôi giơ cái muỗng có MTC lên trước mặt ông và đọc:

"Đây Chiên Thiên Chúa,............. phúc cho ai..............."

Rồi trao cái muỗng cho cô y tá,(người nhà của bệnh nhân ở ICU không được cho bệnh nhân ăn, uống thứ gì, nếu không có sự đồng ý của bác sĩ hoặc y tá) để cô đúc vào miệng ông.....

Trên đường lái xe về nhà xứ, mở băng cassette nghe thánh ca:
"Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người..."

Tôi miên mang ý nghĩ, Chúa gọi tôi để chăm sóc, để phục vụ Dân Chúa, chứ không phải cai trị; có yêu thương thì mới chăm sóc tận tình, có kính trọng (Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa) thì mới hết lòng phục vụ. Một LM mà "lời nói không cẩn trọng", một "thái độ vô tình" Có thể gây hiểu lầm đẩy giáo dân rời xa thánh đường, có khi bỏ luôn niềm tin vào Chúa.....

Sau kinh tối, quì sấp mình trước Nhà Tạm, tôi suy nghĩ đến từ việc quen biết......đến việc hôm nay : giải tội, xức dầu bệnh nhân và trao MTC cho ông như "của ăn đi đàng". Tôi thấy Chúa thật "từ bi nhân hậu, chậm bất bình và hay thương xót, rất kiên nhẫn và luôn mở rộng vòng tay chào đón những đứa con ăn năn thống hối trở về.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã chọn con. Xin giúp con luôn nhớ,
và cố gắng chu toàn bổn phận của người Phục-Vụ.

Mấy hôm sau, ngày tôi rời xứ đạo, để đến nhiệm sở mới cũng là ngày tôi được tin ông qua đời.
"Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người........."
Amen.
 
Tin mừng Gia Đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục 2
Vũ Văn An
19:36 13/09/2020
1.2 Có thể nghĩ tưởng tới sự tiết chế được không? Familiaris consortio và Sacramentum caritatis nói về người ly dị và tái hôn dân sự

Sau khi thấy khả thể tiết chế quan trọng ra sao nếu hiểu tính dục như một điều liên hệ với tình yêu, ta hẳn sẽ lưu ý tới một các sự kiện kỳ lạ nhất trong bài diễn văn của Đức Hồng Y Kasper trước Mật Nghị Hồng Y. Phần thứ năm của bài diễn văn này đề cập tới việc cho phép người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ. Ngài lý luận rằng Đức Gioan Phaolô II trong Familiaris consortio và Đức Bênêđíctô XVI trong Sacramentum caritatis có hàm ý nhiều giải pháp có thể có đối với vấn đề vừa nêu; ngài đặc biệt trưng dẫn hai trong các giải pháp này: nhiều cuộc hôn nhân bất thành sự đã diễn ra và khả thể rước lễ thiêng liêng (29). Tại sao không đơn giản hóa thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, làm nó trở nên dễ dàng hơn để các người ly dị và tái hôn dân sự nào xác tín rằng cuộc hôn nhân thứ nhất của họ bất thành có thể hợp lệ hóa tình trạng giáo luật của họ? (30). Nếu các người ly dị và tái hôn dân sự có thể rước lễ thiêng liêng “ngoài hôn nhân”, thì tại sao họ không được rước lễ theo bí tích? (31). Há việc phát triển tín lý hướng tới việc khoan dung đối với lối sống của họ không là điều có thể suy nghĩ được đó sao? (32). Ta có thể nói khá nhiều điều về các gợi ý của Đức Hồng Y Kasper ở đây, và ta sẽ nói tới chúng khi có dịp. Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận này, ta sẽ tập chú vào những gì ngài không nói tới; ta sẽ thảo luận về sự im lặng đầy ý nghĩa của ngài.



Sự kiện là: vì lý do này hay lý do nọ, ngài không cho ta biết hết trọn bộ tình thế của cuộc tranh luận ở đây trước khi đưa ra các giải pháp mới của ngài. Ngài trưng dẫn Familiaris consortio (số 84) và Sacramentum caritatis (số 29) để nhấn mạnh cung giọng mới mẻ và từ bi hơn mà Giáo Hội vừa tìm ra khi nói về những người ly dị và tái hôn; ngài lý luận rằng các văn kiện này “hàm ý” (33) nói tới các giải pháp như tuyên bố vô hiệu và rước lễ thiêng liêng. Tuy nhiên, một thực hành mà cả hai đoạn văn không chỉ “hàm ý” mà tuyên bố rõ ràng chính là giải pháp không được Đức Hồng Y nhắc tới bao nhiêu. Giải pháp này có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất nhắc tới “bổn phận phải ly thân” nói chung (34). Tuy nhiên, trong các đoạn còn đang được thảo luận, cả hai văn kiện đều nhận rằng có những trường hợp không thể chu toàn bổn phận này mà không vi phạm các cam kết nghiêm trọng đã được đảm nhiệm, nhất là các cam kết đối với con cái do cuộc kết hợp thứ hai sinh ra. Trong trường hợp này, thực hành mà cả hai văn kiện đều kêu gọi không hẳn là phải ly thân.

Về bổn phận thiết yếu phải từ bỏ cuộc kết hợp dân sự, điều đáng lưu ý là Đức Hồng Y Kasper thực sự đã không chỉ đơn giản bỏ qua không nhắc đến nó; mà thực sự ngài đã đề xuất một điều trái ngược hẳn, tức là, cần phải bước vào một cuộc kết hợp và cuộc kết hợp này sau đó được cảm nhận “gần như một ơn phúc trời ban”: “Tuy nhiên, vì con cái, nhiều người phối ngẫu bị bỏ rơi phải tùy thuộc cuộc chung sống mới và một cuộc hôn nhân dân sự mới, một cuộc hôn nhân họ không thể từ bỏ một lần nữa mà không cảm thấy có lỗi” (35). Quả thực, Familiaris consortio có nhìn nhận rằng một số người phải kết hợp lần thứ hai “vì việc dưỡng dục con cái” (số 84). Tuy nhiên, văn kiện minh xác rằng một động lực có thể hiểu được về phương diện nhân bản như thế không biện minh cho việc vi phạm các lời thề hứa lúc kết hôn được. Hơn nữa, sự kiện mối liên hệ giữa các kế phụ mẫu và các kế tử không luôn luôn hòa hợp không phải chỉ là một vấn đề của truyện thần tiên mà còn là một sự kiện có thể quan sát được về thống kê. Do đó, có chứng cớ rõ ràng cho thấy các kế tử có nguy cơ bị lạm dụng hơn các con cái khác (36). Nói cách khác, người ta không dám chắc liệu có tốt hơn hay không khi để con cái của người phối ngẫu bị bỏ rơi cách bất công lớn lên với một kế phụ/mẫu thay vì với một mình người bị bỏ rơi này. Ít nhất thì vấn đề cũng không hiển nhiên như Đức Hồng Y Kasper ngầm cho hiểu. Dù sao, cho rằng người phối ngẫu bị bỏ rơi, vì sự cần thiết tinh thần, buộc phải bước vào cuộc kết hợp thứ hai, một cuộc kết hợp được coi như một ơn phúc trời ban, quả là một sự mới lạ mà theo nghĩa đen đã đảo ngược giáo huấn của Huấn Quyền trước đây.

Nhưng, giờ đây, ta hãy lưu ý tới trường hợp những người ly dị và tái hôn dân sự nhất định cùng nhau cam kết một cách nghiêm chỉnh làm cho việc chia tay không thể nào diễn ra được về phương diện tinh thần, như cam kết đối với con cái do cuộc kết hợp thứ hai sinh ra (38) chẳng hạn. Cả ở đây, Familiaris consortio (số 84) và Sacramentum caritatis (số 29) đều lên tiếng một cách minh nhiên. Cả hai văn kiện đều minh xác rằng những người này không rơi vào trạng huống nhất thiết phải phạm tội. Có một cách để thoát ra ngoài trạng huống này. Trong Familiaris consortio, ta đọc thấy:

“Việc hòa giải trong bí tích thống hối, một việc mở đường dẫn vào Phép Thánh Thể, chỉ có thể ban cấp cho những người, khi hối lỗi vì đã bẻ gẫy dấu hiệu giao ước và dấu hiệu trung thành với Chúa Kitô, nay thành thực sẵn sàng đảm nhận một lối sống không còn mâu thuẫn với tính bất khả tiêu của hôn nhân nữa.

“Điều trên, trên thực tế, có nghĩa là khi, vì những lý do, tỷ dụ như, để dưỡng nuôi con cái, một người đàn ông và một người đàn bà không thể thỏa mãn nghĩa vụ ly thân, họ phải tự đảm nhiệm bổn phận sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là, tiết chế các hành vi thuộc riêng các cặp vợ chồng kết hôn mà thôi” (số 84).

Trong Sacramentum caritatis, Đức Bênêđíctô XVI cũng lặp lại cùng một ý niệm như trên khi ngài viết về người ly dị và tái hôn:
“Nơi nào việc vô hiệu hóa dây hôn phối chưa được tuyên bố và các hoàn cảnh khách quan khiến không thể chấm dứt việc sống chung, Giáo Hội khuyến khích các thành phần tín hữu này tự cam kết sống mối liên hệ của họ một cách trung thành với các đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa, như bằng hữu, như anh trai em gái; nhờ cách này, họ sẽ có thể trở lại bàn Thánh Thể” (số 29).

Đối với tâm trí ta, điều hết sức quan trọng cần nhấn mạnh là: hiện nay, thực hành trong Giáo Hội đã chỉ rõ một điều kiện theo đó, các người ly dị và tái hôn dân sự đang chung sống với nhau vẫn có thể được rước lễ. Những người này vẫn có thể lãnh nhận Thánh Thể (và các bí tích khác) dù sống với nhau dưới một mái nhà, miễn là họ từ khước việc chung giường mà thôi.

Ta thắc mắc tại sao Đức Hồng Y Kasper không nhắc tới giải pháp này, dù giải pháp này được đề xuất trong các văn kiện và các đoạn được ngài trích dẫn. Thành thử khó có thể nói ngài không quen thuộc với nó. Có khi nào, đối với ngài, giải pháp này lạc điệu đến nỗi ngài thấy không đáng nhắc tới? Nhưng thực ra nó có lạc điệu không? (39). Há Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI không đang trình bầy cho ta thấy một cái nhìn rất tích cực về con người như một hữu thể có khả năng tự sở hữu mình và tự làm chủ lấy mình, một hữu thể có khả năng tích nhập tính dục của mình vào lãnh vực trách nhiệm bản thân và nhờ thế có khả năng tiết chế các liên hệ tính dục, nhất là khi họ nhận được ơn Chúa Thánh Thần, Lề Luật Mới làm nguyên tắc mới cho hành động? (40).

“Sự thật thuyết phục bằng chính vẻ đẹp của nó” (41. Nếu sự thật quả đẹp đẽ, thì há điều này không có nghĩa: vẻ đẹp là nguyên tắc tự nghiệm học (heuristic) của sự thật, giống như vẻ xấu là dấu chỉ của sai lạc đó sao? Há không phải là một chủ trương đẹp đẽ hơn đó sao khi cho rằng tính dục con người là lãnh vực trong đó tác phong có trách nhiệm là điều có thể có, một lãnh vực không nằm ở bên ngoài phạm vi tự sở hữu mình và tự làm chủ lấy mình (42), một lãnh vực trong đó, tình yêu có thể được phát biểu một cách chân thực? Há không phải là chủ trương được nền văn hóa phiếm dục (pansexualistic), một nền văn hóa chẳng đẹp đẽ bao nhiêu, nếu không muốn nói là xấu xa, cổ vũ đó sao, khi nói rằng tiết chế là điều bất khả và trên thực tế muốn gợi ý: sự khác nhau duy nhất giữa cách con người và các động vật không có lý trí đương đầu với thúc ép tính dục nằm ở chỗ con người biết sử dụng bao cao su?

Ta có thể thấy một điển hình hết sức nổi bật của lối nhìn phi nhân về tính dục này trong chiến dịch của chính phủ Đức nhằm chống bệnh hoa liễu, một chiến dịch đương nhiên đáng ca ngợi. Ấy thế nhưng, kết quả là các công dân Đức phải chứng kiến cảnh xứ sở họ tràn ngập những bảng quảng cáo đầy những bao cao su và các gợi ý ít nhiều tế nhị dạy người ta đủ kiểu thực hành tính dục khác nhau. Tinh thần được đề xuất là: bất cứ điều gì cũng tốt cả, bất kể trong hay ngoài hôn nhân, giữa những người cùng giới tính hay khác giới tính, họ được tự do sử dụng thân xác mình bất cứ cách nào họ muốn. Giữa các người trưởng thành thuận tình với nhau, chỉ có một lệnh truyền duy nhất: “dùng bao cao su”. Chính phủ Đức đang dạy trẻ em thuộc thế hệ mình điều gì đây? Há đây không phải là lối nhìn bi quan về con người và tính dục của họ đó sao? Tình chung thủy vợ chồng như cách thế chặn đứng việc lan tràn bệnh hoa liễu hình như không phải là một giải pháp. Không có cách gì con người có thể “trị” tác phong tính dục của họ. Tiết dục tiền hôn nhân để tránh cảnh thiếu niên thai nghén ư? Cả việc này xem ra cũng hoàn toàn phi lý trong một xã hội ca ngợi bao cao xu như cứu tinh của tính dục con người, một khuynh hướng rõ ràng có mặt không những trong xã hội Đức mà còn cả trong hầu hết các xã hội Tây Phương. Trong một bối cảnh như thế, còn có gì tàn hại đối với việc Giáo Hội công bố tin mừng gia đình cho bằng cho người ta ấn tượng dù xa xôi rằng chính Giáo Hội cũng không tin tính dục con người là lãnh vực được điều hòa bởi các đòi hỏi của tình yêu, chính Giáo Hội cũng không tin rằng nếu tình yêu đòi tiết dục, thì tiết dục phải là điều có thể làm được?

Như thế, thách thức lớn nhất trong các thách thức mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh phúc âm hóa là thế này: ta phải công bố tin mừng gia đình ra sao trong nền văn hóa phiếm dục? Đây là một nền văn hóa từng góp phần vào các tiền đề căn bản của cuộc cách mạng tình dục, như đã được những người như Wilhelm Reich đề xuất: năng lực sống là năng lực tính dục; làm tình là để giải trí chứ không để sinh sản; tiết dục là điều không thể làm được y như không thể nhịn ăn nhịn uống được: người ta cần làm tình y như họ cần cơm bánh và nước uống. Thành thử, không lạ gì, người ta thương thảo chuyện làm tình y như họ thương thảo mọi điều cần thiết khác của đời sống, họ mua ban việc làm tình như mua bán một món hàng. Giáo Hội luôn chống lại tiền đề này bằng cách tuyên bố, như trên đã nhắc, rằng làm tình chỉ dành cho tình yêu vợ chồng, một tình yêu có tính nhân linh, toàn diện, độc chiếm, lâu bền, và sinh hoa trái (43).

Dĩ nhiên, trong tâm trí nhiều người đồng thời với ta, Giáo Hội chỉ dạy rằng làm tình là để sinh sản. Đã đành Giáo Hội quả có nhấn mạnh tới sự kiện: làm tình và con cái phải được suy nghĩ chung với nhau, ấy thế nhưng, không phải chỉ có thế. Theo giáo huấn của Giáo Hội, một người đàn ông làm tình với một gái điếm với ý định minh nhiên muốn có con với cô ta vẫn phạm tội. Điều Giáo Hội thực sự truyền dạy và đã luôn truyền dạy xưa nay là: bối cảnh duy nhất thích đáng để thực hiện tính dục con người là bối cảnh yêu thương vợ chồng. Luận điểm của Humanae vitae là: chính tình yêu vợ chồng đòi mỗi một và mọi hành vi hôn nhân phải mở cửa chào đón việc sinh ra sự sống mới (44). Nói cách khác, cuộc gặp gỡ tính dục nào trong đó vợ chồng cố ý làm cho mình không sinh sản được không thể gọi là hành vi yêu thương vợ chồng, và đó là lý do tại sao việc ấy có tội (45). Làm tình dành cho yêu thương vợ chồng. Bên ngoài bối cảnh của yêu thương này, nó không đạt được cả sự thật lẫn vẻ đẹp. Làm tình chỉ có thể vì tình yêu nếu ta được tự do trong việc thực hành nó, nghĩa là, nếu ta được tự do tiết dục tạm thời hay vĩnh viễn, vì có những hoàn cảnh, như người phối ngẫu phải vắng vì đi làm ăn xa, hay bị bệnh hoặc vì con cái quá đông, trong đó, việc tiết dục trở thành một đòi hỏi của tình yêu. Tiết dục có thể khó khăn, đòi hỏi nhiều; ta có thể sa ngã và được mời gọi chỗi dậy, nhưng trên nguyên tắc, tiết dục là việc có thể làm được.

Là con cái Giáo Hội, nếu không tin rằng tiết chế là điều con người có thể làm được, là việc lành mạnh về y khoa hay là việc có thể khuyến cáo về phương diện xã hội nhằm giới hạn việc thi hành tính dục con người vào các hành vi vợ chồng mà thôi (tức các hành vi thân mật tính dục được chọn một cách tự do và được thực hành bởi một người đàn ông và một người đàn bà từng công khai đoan hứa sẽ suốt đời chung thủy và dành quyền độc chiếm tính dục cho nhau và sẵn sàng đón nhận việc sinh sản ra sự sống mới), thì ta nên ngưng đừng nói gì tới các vấn đề liên quan tới tính dục con người, gia đình, sự sống con người, và nhân phẩm nữa. Gần như mọi điều Giáo Hội nói về các vấn đề này sẽ đứng vững hay sụp đổ cùng với giáo huấn chính này về chỗ đứng thích đáng dành cho tính dục con người. Giáo Hội nói rằng được tượng thai trong hành vi yêu thương vợ chồng, được nhập thể hóa tình yêu giữa người chồng và người vợ, chứ không phải sản phẩm của ý muốn quyền lực và thống trị, chính là phẩm giá của con người nhân linh. Nếu không thể giới hạn việc thi hành tính dục con người vào các hành vi được chu toàn trong kết hợp vợ chồng, thì ta không thể kể đứa trẻ nào có quyền được sinh ra bởi sự kết hợp này. Không nỗi bất công nào đã được gây ra cho một đứa trẻ của một bà mẹ mà đến tên cha đứa nhỏ bà cũng không biết, và không nỗi bất công nào đã được gây ra cho một đứa trẻ được sinh ra do kết quả của kỹ thuật, nghĩa là được sản xuất như là sản phẩm của ý muốn thống trị. Nếu nguồn gốc của sự sống con người không phải là một quà phúc, thì tại sao không rứt ra khỏi nó khi nó không thuận lợi cho ta nữa? Nếu tôi không tự tiếp nhận mình như một quà phúc, nhưng bị cưỡng bức phải bước vào hiện hữu bằng cách thao túng ý muốn của cha mẹ tôi, thì tại sao không kết liễu đời tôi đi khitôi thấy việc này đáng làm? Tại sao xã hội không kết liễu cuộc đời các công dân của mình khi họ thấy đời sống này không đáng sống?

Kỳ tới: 1.3. Gia đình và việc phúc âm hóa nền văn hóa
 
VietCatholic TV
Nhà tạm nhà thờ chính tòa Ontario, Canada bị đánh cắp và đã tìm thấy
Giáo Hội Năm Châu
05:38 13/09/2020

Nhà tạm bị đánh cắp từ nhà thờ Chính tòa Ontario đã được tìm lại

Washington, D.C., ngày 9 tháng 9 năm 2020 (CNA) cho hay Nhà tạm bị đánh cắp hồi đầu tuần từ Nhà thờ Thánh Catherine thành Alexandria của Giáo phận Catharines, Ontario đã được tìm thấy vào thứ Tư, ngày 9 tháng 9.

Một nhóm giáo dân thuộc giáo xứ đã phát hiện ra Nhà tạm ở Công viên Centennial, gần nhà thờ lớn. Nhà tạm bị quăng xuống một con kênh, nhưng chén đựng Mình thánh đã bị lấy mất.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương cho hay Thánh Thể không có ở trong nhà tạm, nhưng vì nhà tạm bị chìm trong nước nên có thể Thánh thể đã bị tan biến rồi!

Theo nguyên lý của Bí tích thì khi mình thánh bị tan biến đi thì không còn là Thánh thể nữa.

Sau Thánh lễ chiều thứ Tư, một người đã đưa đến nhà thờ chính tòa một cánh cửa bằng đồng của nhà tạm. Người đàn ông đó cho hay anh ta đã được một người đưa cho, nói là họ tìm thấy nó ở Công viên Centennial. Còn một cánh cửa khác của nhà tạm vẫn chưa được tìm thấy.

Nhà tạm được tìm thấy một ngày sau, khi Đức cha Gerard Bergie của Giáo phận Catharines đưa ra lời kêu gọi công khai về việc xin hoàn trả lại Thánh Thể và Nhà tạm, Đức cha cho hay nhà tạm, được làm bằng thép, và không có nhiều giá trị tiền bạc.

Đoạn video báo động ghi lại cảnh hai người, một nam và một nữ, đột nhập vào nhà thờ vào khoảng 4:30 sáng ngày 8 tháng 9.

Theo cha Donald Lizzotti, Chưởng ấn nhà thờ chính tòa nói với CNA rằng ngài tin rằng những tên trộm trước đó đã cạy cửa nhà thờ để tìm cách ăn cắp nhà tạm. “Và chúng đã quay lại sau đó và lạy nhà tạm ra, bê xuống nền nhà thờ, cậy cánh cửa bằng đồng ra và sau đó mang toàn bộ nhà tạm đi.

Cha Lizzotti nói với CNA rằng cảnh sát không thể tìm thấy dấu tay và họ tin rằng những tên trộm này rất chuyên nghiệp.

Trước đây nhà thờ chính tòa đã từng bị trộm cắp và phá hoại, trong đó có vụ trộm hai trụ đèn bằng đồng vào năm 2019. Các trụ đèn này đã được chuộc lại sau khi bọn trộm bán chúng cho một tiệm phế liệu.

Chưa có nghi phạm nào bị tình nghi trong vụ trộm nhà tạm này!

 
Những đòn trả thù Giáo Hội Công Giáo Belarus mới nhất của nhà độc tài Lukashenko
Giáo Hội Năm Châu
05:41 13/09/2020

1. Ðức Tổng giám mục Schick lên án vụ cấm Ðức Tổng giám mục Belarus về nước.

Ðức cha Ludwig Schick, Tổng giám mục giáo phận Bamberg, Chủ tịch Ủy ban giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, lên án vụ nhà nước Belarus không cho Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz về nước là một điều “không thể chấp nhận được”.

Vụ này cũng là một dấu hiệu chứng tỏ chính phủ Belarus cảm thấy bị đe dọa vì những cuộc phản đối ôn hòa trong những tuần qua.

Ðức Tổng giám mục Schick tuyên bố như trên, hôm Chúa nhật 6 tháng 9 năm 2020, tại thành phố Bonn. Ngài cũng nhận xét rằng đứng trước những xáo trộn chính trị tại Belarus, Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz nhiều lần kêu gọi bất bạo động và cầu nguyện. Ngài ủng hộ một cuộc thảo luận bàn tròn, với sự tham dự của mọi giai tầng trong xã hội để vượt thắng cuộc khủng hoảng. Ðức Tổng giám mục là một người ôn hòa và quân bình, đúng là người đang cần có tại thành phố Minsk.

Ðức Tổng giám mục Ludwig Schick xác tín rằng chỉ nhờ đối thoại và thỏa thuận giữa chính phủ và phe đối lập, mới có thể vượt thắng tình trạng ngày càng căng thẳng và có thể tìm ra một giải pháp đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Belarus. Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz là người được thỉnh cầu như một trung gian, và với tư cách là một tiếng nói của Công Giáo thiểu số ở miền tây Belarus. Người ta hy vọng Ðức Tổng giám mục được trở về nước ngay và tiếp tục nhiệm vụ mục tử tại nước này.

Hôm Chúa nhật 30 tháng 8 năm 2020, sau khi tham dự lễ kính Ðức Mẹ Czestochowa, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Ba Lan, và về đến biên giới giữa hai nước, Ðức Tổng giám mục bị lính biên giới Belarus cấm cản không cho về nước, dù ngài là công dân nước này. Chính tổng thống Lukaschenko xác nhận ông đã ra lệnh cấm như thế.

2. Ðài phát thanh Belarus ngưng phát thanh Thánh lễ Công Giáo.

Giữa bối cảnh biến động chính trị sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi, Thánh lễ sáng Chúa Nhật được truyền thanh trực tiếp từ Nhà thờ chánh tòa Thánh Danh Mẹ Maria ở thủ đô Minsk trên kênh radio lớn nhất quốc gia cho các tín hữu Công Giáo khắp nước Belarus đã không còn được phát sóng nữa.

Cha Anthony Klimantovich, cha sở nhà thờ chính tòa, cho biết Thánh lễ không được phát trên chương trình radio tháng 9 năm 2020. Cha nói sự việc này không phải là do lỗi của Giáo hội hay vì lý do kỹ thuật. Cha giải thích: “Thánh lễ vẫn được cử hành vào lúc 8:15 sáng mỗi Chúa Nhật, thiết bị hoạt động bình thường và tín hiệu phát đi, nhưng không có phát sóng.”

Trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus lưu ý rằng các tín hữu Công Giáo, đặc biệt người già và người bệnh, được tham dự Thánh lễ nhờ việc phát sóng này. Trang web kêu gọi các tín hữu liên lạc với kênh radio để biết lý do việc cắt chương trình phát thanh Thánh lễ.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 1 tháng 9 năm 2020, Ðức cha Yuri Kasabutsky, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Minks-Mohilev, nói rằng việc ngưng phát thanh Thánh lễ chứng tỏ chính quyền đang cố gây áp lực lên Giáo Hội Công Giáo.

Ngày trước đó, 31 tháng 8 năm 2020, Ðức tổng giám mục Tadeusz Kondrusiewicz của giáo phận Minks-Mohilev đã bị cảnh sát biên giới chặn không cho nhập cảnh Belarus sau khi viếng thăm Ba Lan.

Ðức cha Kondrusiewicz là công dân Belarus và là Chủ tịch Hội đồng giám mục Belarus. Ngài không đưa ra lời giải thích về quyết định của cảnh sát Belarus. Ngài đã lên tiếng bảo vệ những người biểu tình sau cuộc bầu cử ngày 9 tháng 8 năm 2020 đòi kiểm phiếu lại sau khi tổng thống đương nhiệm Alexander Lukasheno tuyên bố chiến thắng với 80% phiếu bầu. Cảnh sát đã bắt hàng ngàn người biểu tình. Dù bị đàn áp nghiêm trọng, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trên khắp đất nước.

3. Các vụ tấn công các nhà thờ ở Pháp gia tăng trở lại sau thời gian cách ly.

Theo nhóm Protège ton église - Bảo vệ nhà thờ của bạn, một tổ chức do giới trẻ Công Giáo lãnh đạo, các cuộc tấn công vào các nhà thờ ở Pháp gia tăng trở lại mức “bình thường” sau thời gian cách ly toàn quốc.

Ngày 6 tháng 9 năm 2020, nhóm này nói với hãng tin CNA: “Rõ ràng là đại dịch đã làm giảm các cuộc tấn công chống lại các nhà thờ, ít nhất là trong thời gian bị cách ly.”

Xu hướng tấn công đang trở lại mức độ bình thường

Nhóm lưu ý rằng các cuộc tấn công đã tiếp tục ở quy mô nhỏ hơn, mặc dù các công dân chỉ được phép rời khỏi nhà của họ vì một số lý do nhất định, bao gồm việc tập thể dục và mua sắm. Tổ chức cho biết: “Nhưng sự tạm lắng này chỉ là tạm thời. Chúng tôi tiếc là xu hướng không tốt này đang trở lại mức độ bình thường.”

Nhóm cũng nhấn mạnh đến đám cháy ở nhà thờ chính tòa Nantes vào ngày 18 tháng 7 năm 2020, sau khi nhà thờ Ðức Bà Paris bị cháy vào tháng 4 năm 2019, và nói: “Hai nhà thờ chính tòa cháy trong hai năm: điều này bắt đầu bắt nước Pháp trả giá đắt.”

Từ năm 2017, tổ chức quan sát việc bài Kitô hữu đã ghi nhận các vụ chống Kitô giáo ở Pháp từng tháng trên các bản đồ tương tác. Trong tháng 8 năm 2020 có 11 sự cố, bao gồm 6 hành vi phá hoại và 5 vụ trộm trong khi trong tháng 8 năm 2019 chỉ có 9 vụ quấy động.

Nhóm “Bảo vệ nhà thờ của bạn” được hai người bạn thành lập vào năm 2019 để đối phó với làn sóng các vụ xúc phạm các nhà thờ trên khắp nước Pháp. Bộ nội vụ Pháp ghi nhận 996 vụ chống Công Giáo vào năm 2019, trung bình 3 vụ một ngày.

Các thành viên của nhóm tổ chức các buổi canh thức ôn hòa bên ngoài các nhà thờ để ngăn chặn những kẻ có thể tấn công. Các thành viên của nhóm là những người trẻ, théo nhóm, điều này có nghĩa là “người trẻ đã hiểu rằng họ có thể thay đổi mọi thứ, rằng họ cảm thấy sức nặng thực sự trước những tác hại đang gây ra đối với di sản mà cha mẹ và ông bà chúng ta đã biết.” Nhóm cũng được những người lớn tuổi ủng hộ bằng lời cầu nguyện, đóng góp và thông tin.

Từ khi được thành lập, nhóm đã lan rộng khắp nước Pháp. Ðể tránh trở thành nạn nhân khi tố cáo hiện tượng bài Kitô giáo tại Pháp, các thành viên thường không tiết lộ danh tính cũng như hình ảnh của họ.

4. Tình trạng Amazon trầm trọng hơn.

10 tháng sau Thượng Hội đồng Giám mục về miền này, tình trạng miền Amazon ở Nam Mỹ trở nên trầm trọng hơn: các vấn đề mà Thượng Hội Đồng Amazon tố giác, như nạn bạo lực và nạn lấn đất của thổ dân, đốt rừng và khai thác quặng mỏ làm ô nhiễm, ngày càng trầm trọng hơn.

Trên đây là nhận định của ông Mauricio Lopez, Tổng thư ký điều hành Liên mạng các Giáo hội chín nước miền Amazon, gọi tắt là REPAM, trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican, truyền đi hôm 8 tháng 9 năm 2020.

Ông Mauricio Lopez nói: ngoài những hậu quả rộng lớn của đại dịch Covid-19 đối với con người, cả những hậu quả về xã hội và kinh tế cũng trở nên nặng nề hơn. Tại miền Amazon, có hơn một triệu người chính thức bị lây nhiễm coronavirus, trong thực tế các ca nhiễm, nhất là nơi các thổ dân, còn cao hơn con số chính thức.

Tổng thư ký tổ chức REPAM cũng than phiền rằng tất cả những vấn đề được nói đến trong Thượng Hội đồng Giám mục hồi tháng Mười năm ngoái, và Ðức Thánh Cha cũng nói đến trong Tông huấn “Querida Amazonia” nay càng trở nên cấp thiết hơn. Tại miền này, “ngày càng gia tăng bạo lực, giết người, bách hại cũng như kỳ thị lên án những người đại diện và bênh vực các lãnh thổ của thổ dân”. Nông nghiệp và chăn nuôi ngày càng bành trướng, và cả các đám cháy càng lớn hơn so với năm ngoái.

Ông Mauricio Lopez tố giác thêm rằng: nhất là các thổ dân bản xứ không những bị thương tổn vì sự bành trướng của coronavirus, họ tiếp tục bị giao nạp cho sự ham hố của nền kinh tế. Chính sách của chính phủ hệ tại “sự đồng lõa với điều mà các thổ dân gọi là cuộc diệt chủng và phá hoại môi sinh”. Vì thế, sự hiện diện của Giáo hội tại miền Amazon và sự giúp đỡ cụ thể cho các thổ dân là điều đặc biệt quan trọng.

Hội đồng Giáo hội về miền Amazon, gọi tắt là CEA, là cơ quan duy nhất được thành lập cho đến nay, sau Thượng Hội đồng Giám mục năm ngoái. Hội đồng đã đề ra một số dự án, và đã được thực hiện, nhưng vì đại dịch hiện nay, các dự án đó vẫn không đủ. Hội đồng CEA qui tụ tất cả các vị chủ tịch của các hiệp hội quan trọng của Giáo hội trong vùng, và cũng có các đại diện của các thổ dân bản địa.
 
Cuộc bầu cử 3 tháng 11 và vận mệnh của Giáo Hội. Nhận định sâu sắc của Catholic World News.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:07 13/09/2020

Philip Lawler của Catholic World News có bài xã luận xúc tích sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một lần nữa lại là mùa ngớ ngẩn: người Mỹ chúng ta đang bước vào những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy đủ loại tuyên bố giật gân về việc ứng cử viên này hay ứng viên kia là hiện thân của cái ác, một mối đe dọa đối với nền văn minh phương Tây. Điều này xảy ra bốn năm một lần.

Năm nay áp suất tuyên truyền sẽ đặc biệt được chú ý vì đất nước chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị. Chúng ta đang bị chia rẽ nghiêm trọng, các cuộc đối đầu bạo lực đang lan rộng và leo thang, và có sự khác biệt ngày càng lớn về quan điểm đối với các vấn đề đạo đức cơ bản. Cứ 4 năm một lần các đảng phái nói rằng họ sợ hãi trước khả năng các đối thủ của họ có thể lên nắm quyền. Năm nay tôi nghĩ họ thực sự nghĩ như vậy.

Tối thiểu là đối với những tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ, chúng ta có các lý do để sợ hãi. Các chính trị gia theo chủ nghĩa cấp tiến cực đoan không chỉ đe dọa ban hành các chính sách mà chúng ta thấy ghê tởm, mà còn đóng cửa các tổ chức của chúng ta và tống chúng ta vào tù nếu chúng ta chống lại các sáng kiến của họ.

Trong những năm qua, những người ủng hộ sự sống đã lo lắng rằng những người theo chủ nghĩa cực đoan sẽ hợp pháp hóa việc phá thai... rằng họ sẽ buộc người đóng thuế phải trả tiền cho việc phá thai... rằng họ sẽ biến việc chấp nhận phá thai trở thành một điều kiện để nhận viện trợ của Mỹ ở nước ngoài... rằng họ sẽ cho phép thanh thiếu niên được phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ… rằng họ sẽ đóng cửa các trung tâm trợ giúp mang thai không cung cấp giấy giới thiệu phá thai. Tất cả những lo sợ đó đã được chứng minh là hợp lý.

Tương tự như vậy, các Kitô hữu từng lo lắng rằng chính phủ sẽ cho phép các hành vi đồng tính luyến ái… sẽ công nhận quan hệ đồng giới… sẽ đặt những quan hệ đối tác đó ngang hàng với hôn nhân về phương diện pháp luật… sẽ khuyến khích những người trẻ chấp nhận đồng tính luyến ái… sau đó sẽ thúc giục sự chấp nhận các lựa chọn tình dục khác… và tán thành việc thay đổi bản sắc để theo đuổi “bản sắc phái tính” mới. Tất cả những điều đó, cũng đã được thông qua.

Hãy cân nhắc xem những người theo chủ nghĩa thế tục cực đoan đã đẩy mạnh được nghị trình xã hội cấp tiến của họ như thế nào trong thế hệ trước — hoặc thậm chí trong mười năm qua. Hãy tưởng tượng họ sẽ đẩy xa hơn bao nhiêu, và nhanh hơn bao nhiêu nếu họ kiểm soát được tất cả các cánh tay của chính phủ liên bang! Mối nguy đặc biệt nghiêm trọng bởi vì năm nay, các nhà tuyên truyền cấp tiến đã nói rõ rằng mục tiêu của họ là bịt miệng đối thủ.

Không phải ngẫu nhiên mà Joe Biden, một người Công Giáo tự xưng mình là người “sùng đạo”, đã hứa sẽ lặp lại những cuộc tấn công ở cấp liên bang đối với dòng Những nữ tử cho người nghèo, nhằm bảo đảm rằng không có, ở bất cứ nơi đâu trong bất cứ ngóc ngách nào của nước cộng hòa này, một hội dòng các nữ tu Công Giáo dám không bao gồm bảo hiểm tránh thai trong chương trình bảo hiểm y tế của họ. Mục tiêu của cánh tả cực đoan - vốn đã trở thành mục tiêu của Đảng Dân chủ - không chỉ đơn thuần là cung cấp các biện pháp tránh thai, mà là bắt buộc phải thanh toán các biện pháp tránh thai.

Đảng chính trị nào đã thúc đẩy pháp luật để bịt miệng những người biểu tình ủng hộ cuộc sống trên các vỉa hè bên ngoài các phòng khám phá thai? Đảng nào đã gợi ý rằng các thành viên của đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố không đủ điều kiện để làm thẩm phán liên bang? Đảng nào đã ủng hộ các vụ kiện đòi phải đóng cửa những người làm bánh đã chọn không phục vụ cho đám cưới đồng tính? Các thống đốc của đảng nào đã đi đầu trong việc đóng cửa các nhà thờ trong thời kỳ đại dịch Covid — trong khi các phòng khám phá thai vẫn được mở cửa? Nghị quyết của đảng nào đã tán thành các chính sách chụp mũ Tin Mừng là các “diễn từ căm thù” để khiến các Kitô hữu phải đứng sau song sắt nếu rao giảng Tin Mừng?

Tóm lại, đối với nhiều người trong chúng ta, câu hỏi quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay là: Ứng cử viên tổng thống nào có nhiều khả năng khiến bạn phải ngồi tù hơn? Không có gì ngạc nhiên khi các luận điệu đang được tung ra rất là nóng.


Source:Catholic World News
 
ĐTGM thư ký của Đức Bênêđíctô phải vào bệnh viện. Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel hòa bình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:19 13/09/2020


1. Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI phải vào bệnh viện vì suy thận

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, 64 tuổi, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã phải vào bệnh viện vì “các vấn đề nghiêm trọng về thận”. Những nguồn tin thân cận với Đức Bênêđíctô XVI nói với CNA Deutsch vào ngày 11 tháng 9.

Ngoài vai trò thư ký cho Đức Giáo Hoàng danh dự, Đức Tổng Giám Mục Gänswein còn là người đứng đầu phủ giáo hoàng.

Tháng 6 vừa qua, ngài đã tháp tùng Đức Bênêđíctô XVI đến Regensburg để thăm bào huynh của Đức Giáo Hoàng danh dự bị bệnh nặng và qua đời chỉ vài ngày sau đó.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein sau đó đã đại diện cho Đức Giáo Hoàng Danh dự tại đám tang của anh ngài vào ngày 8 tháng 7.


Source:Aleteia

2. Nhà thờ chính tòa Ontario tìm lại được nhà tạm sau vụ trộm

Nhà tạm của nhà thờ chính tòa Thánh Catherine thành Alexandria ở thành phố St. Catharines, Ontario đã được tìm thấy sau một ngày bị đánh cắp.

Một nhóm giáo dân của giáo xứ nhà thờ chính tòa đã phát hiện ra nhà tạm ở Công viên Centennial, nằm gần ngôi nhà thờ lớn này. Nhà tạm bị ngập một phần trong một con kênh, và bánh thánh trong bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị mất.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Thánh Thể không được tìm thấy trong nhà tạm, nhưng vì bị ngập nước nên có thể đã tan biến.

Mình Thánh Chúa một khi tan rã trong nước không được coi là bánh thánh đã được thánh hiến.

Sau Thánh lễ chiều Thứ Tư, có người đến cửa nhà xứ với một trong hai cánh cửa bằng đồng của nhà tạm. Người đàn ông này nói rằng anh ta đã được một người đàn ông khác ở Công viên Centennial tặng cho cánh cửa này trên đường phố.

Nhà tạm có hai cánh cửa, và cánh cửa kia vẫn chưa được tìm thấy.

Nhà tạm được tìm thấy một ngày sau khi Đức Cha Gerard Bergie, Giám Mục giáo phận St. Catharines đưa ra lời kêu gọi công khai về việc hoàn trả lại nhà tạm. Ngài nói rằng “sẽ không ai đặt bất cứ câu hỏi nào” nếu nhà tạm được mang trả lại. Đức Cha Bergie cũng lưu ý rằng nhà tạm này chỉ được làm bằng thép, chứ không phải bằng vàng, và có đem bán cũng không thu được bao nhiêu tiền.

Đoạn video an ninh của nhà thờ ghi lại cảnh hai người, một nam một nữ, đã đột nhập vào ngôi thánh đường vào khoảng 4h30 sáng ngày thứ Ba 8 tháng 9.

Cha Donald Lizzotti, cha sở của nhà thờ chính tòa, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài tin rằng những tên trộm trước đó đã cạy cửa nhà thờ để xác định cách lấy trộm nhà tạm.

“Và họ quay lại sau đó và thực sự cạy nắp, bên trên nhà tạm đã cũ và làm bằng kim loại. Họ cạy nhà tạm ra và đặt trên sàn nhà. Họ lấy một cánh cửa nhà tạm bằng đồng ra khỏi đó, và sau đó quyết định lấy toàn bộ nhà tạm đi”.

Cha Lizzotti nói với CNA rằng cảnh sát không thể tìm thấy dấu vân tay và họ tin rằng những tên trộm này thuộc loại trộm chuyên nghiệp đã xóa sạch hiện trường.

Nhà thờ trước đây đã từng bị nhiều vụ trộm cắp và các hành vi phá hoại, trong đó có vụ trộm hai trụ đèn cầy bằng đồng vào năm 2019. Các trụ đèn đã được thu hồi sau khi bọn trộm định bán chúng cho một vựa phế liệu.

Không có nghi phạm nào được xác định trong vụ trộm nhà tạm hôm thứ Ba.


Source:Catholic News Agency

3. Hỏa hoạn lại bùng lên lần thứ hai tại cảng Beirut

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 11 tháng 9, Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi, là Đức Thượng Phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronite bày tỏ sự âu lo của ngài trước vụ hỏa hoạn kinh hoàng thứ hai diễn ra tại cảng Beirut một ngày trước đó.

Một ngọn lửa đã bùng lên tại địa điểm xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, buộc mọi người phải tháo chạy tán loạn khỏi khu vực vì lo sợ về một vụ nổ khác. Trực thăng của quân đội vần vũ trên bầu trời trong cố gắng dập tắt trận hỏa hoạn kinh hoàng, trong khi còi báo động vang lên trong thành phố như thể quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh.

Khói từ đám cháy lan tỏa khắp các văn phòng và nhà dân xung quanh thành phố khi nó bùng cháy trong ít nhất năm giờ.

Vụ hỏa hoạn xảy ra một tháng sau khi một vụ nổ hôm 4 tháng 8, tàn phá Cảng Beirut khiến ít nhất 190 người thiệt mạng và hơn 6000 người bị thương.

Vụ việc làm dấy lên những lo ngại về an toàn đối với cảng, với những nghi ngờ rằng đây là sản phẩm của sự bất lực của chính phủ.

Li Băng đang đối mặt với một thời gian hết sức khó khăn.

Hàng trăm nghìn người có nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy bởi vụ nổ hôm 4 tháng 8 tại một nhà kho chứa 2, 750 tấn ammonium nitrate

Đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với hàng triệu việc làm bị mất, người dân bị cắt lương và tiền tiết kiệm biến mất.

Đây là thời khắc nguy hiểm cho quốc gia này.


Source:Sky News Australia

4. Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình sau hiệp định Israel và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất

Tổng thống Trump đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình vì đã giúp môi giới một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Fox News đưa tin rằng Christian Tybring-Gjedde, thành viên Quốc hội Na Uy và là Chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO, đã đệ trình việc đề cử này.

“Vì công lao của ông ấy, tôi nghĩ ông ấy đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn so với hầu hết những người được đề cử Giải Hòa bình khác,” Tybring-Gjedde nói với Fox News.

Trong lá thư gửi Ủy ban Nobel, Tybring-Gjedde viết rằng chính quyền Trump đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia.

“Theo dự kiến các nước Trung Đông khác sẽ theo bước chân của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, thỏa thuận này có thể là một thay đổi lớn biến Trung Đông thành một khu vực hợp tác và thịnh vượng,” ông viết trong lá thư đề nghị.

Tybring-Gjedde cũng trích dẫn “vai trò quan trọng của tổng thống Trump trong việc tạo điều kiện tiếp xúc giữa các bên xung đột và… tạo ra động lực mới trong các cuộc xung đột kéo dài khác, chẳng hạn như tranh chấp biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, và xung đột giữa Bắc và Nam Hàn, cũng như đối phó với khả năng hạt nhân của Bắc Hàn.”

Và ông ca ngợi tổng thống đã rút một số lượng lớn lực lượng Hoa Kỳ khỏi Trung Đông.

“Tổng thống Trump đã phá vỡ kỷ lục trong 39 năm qua của các Tổng thống Mỹ là những người đã từng khởi đầu chiến tranh hoặc đưa Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Tổng thống cuối cùng tránh làm như vậy là Jimmy Carter, người đoạt giải Hòa bình.”

Tổng thống Trump hồi tháng trước đã đưa ra tuyên bố về thỏa thuận hòa bình lịch sử sẽ mở đường cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Với thỏa thuận này, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất trở thành quốc gia Ả Rập thứ ba, sau Ai Cập và Jordan, có quan hệ ngoại giao đầy đủ với nhà nước Do Thái.

Kể từ khi thỏa thuận được công khai, Israel đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng tìm hiểu các cơ hội kinh doanh với Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, đặc biệt trong các lĩnh vực không gian thương mại và công nghệ cao.

Trước đây, giải Nobel hòa bình đã được trao cho tổng thống Obama, bất ngờ đến mức chính ông Obama không hiểu tại sao mình được đoạt giải.

Dưới những chống đối tại Hoa Kỳ và trên trường quốc tế, Tổng thống Trump không mấy lạc quan về khả năng đoạt giải. Hồi tháng 2 năm 2019, ông nhận xét rằng: “ Có lẽ tôi sẽ không bao giờ được ai trao giải này.”

Ông Tybring-Gjedde cũng đã từng nộp đơn đề cử giải Nobel cho Tổng thống Trump cùng với một quan chức Na Uy khác vào năm 2018 sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore giữa tổng thống với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay còn gọi là Kim Chính Ân.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã đề cử Tổng thống Trump là người xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình.

Theo trang web chính thức của giải Nobel, đã có 318 ứng cử viên cho Giải Hòa bình năm 2020.

Ủy ban Nobel Na Uy bao gồm năm thành viên do Storting, tức là Quốc hội Na Uy, bổ nhiệm.


Source:New York Post