Ngày 17-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Ý Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:50 17/09/2019
Hỏi cộng đoàn: Cha xứ về phụ trách giáo xứ hơn 8 năm qua có phải là ý Chúa không? Tôi hỏi tiếp: Một giám mục nọ được đặt giám mục giáo phận có phải là ý Chúa không? Rồi tiếp thêm: Một tu sĩ khấn trọn đời có phải là ý Chúa không? Bà con tín hữu phân vân. Tôi bồi thêm: Vậy khi hai anh chị cầm tay nhau cử hành bí tích hôn phối giữa cộng đoàn có phải là ý Chúa không? Đến đây cộng đoàn dường như thầm hiểu ý người đặt câu hỏi. Thế nhưng để có thể trả lời rành mạch thì chẳng ai dám tự tin.

Thế là phải trả lời ngay. Cha xứ về đây là do ý của Đức Giám Mục giáo phận (hay Đấng Bản quyền) và dĩ nhiên là do cả ý của cha xứ qua việc tự nguyện sống đức vâng phục. Vị Giám mục nọ được bổ nhiệm là do ý của Đức Thánh Cha và cũng dĩ nhiên là do ý của ngài vì Tòa Thánh luôn hỏi ý kiến người được bổ nhiệm hay được tấn phong. Và với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì có thể nói đó cũng là ý của nhà cầm quyền nữa (Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ Tịch HĐGM VN). Một tu sĩ khấn trọn đời là do ý của cả một “Hội Đồng xét duyệt” và của cả đương sự. Còn việc hai anh chị thánh hôn với nhau là do ý của cả hai trong sự tự nguyện và tự do.

Vậy thì thử hỏi ý của những người trên đây có phù hợp với ý Chúa không? Theo thiển ý thì rất có thể phù hợp với ý Chúa, nhưng chắc chắn là không luôn luôn đương nhiên phù hợp. Nghĩa là có nhiều trường hợp không đẹp ý Chúa và có khi là trái với ý Chúa. Lịch sử Giáo hội ghi nhận hiện thực này. Theo Đức Phanxicô thì có đó nhiều quyết định của các cặp hôn nhân là không đẹp ý Chúa, thậm chí là bí tích không thành sự.

Tuy nhiên dưới ánh sáng của lời mạc khải chúng ta có thể khẳng định cách chắc chắn không sợ sai lầm rằng đây là ý Chúa: Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết Chúa, biết thánh ý Người để được sống đời đời, được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu (x.1Tm 2,4) Thiên Chúa không hề muốn bất cứ trong nhân loại phải hư vong, phải trầm luân đời đời. Người không muốn kẻ gian ác phải chết trong tội của họ nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống và được hưởng hạnh phúc viên mãn. Chúa Kitô minh họa chân lý này qua dụ ngôn người chăn chiên sẵn sàng để 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc đàn (x.Lc 15,4-7).

Câu chuyện dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15,11-24) càng làm nổi rõ thánh ý của Đấng là Cha Toàn Năng chí ái. Chẳng cần tìm hiểu động cơ hay lý do trở về của đứa con hoang đàng. Chỉ cần nó trở về và có mặt ở đây là đủ để làm thịt bê béo ăn mừng. Tuy nhiên chủ đích của câu chuyện dụ ngôn là ở đứa con trai cả. Tin mừng thánh Luca tường thuật bối cảnh Chúa Giêsu kể câu chuyện này là vì nhiều Biệt Phái là và Luật sĩ lúc bấy giờ càm ràm kêu trách Chúa Giêsu vì Người thường đón tiếp và cả cùng ngồi ăn uống với nhiều người thu thuế và phường tội lỗi, những hạng người mà theo họ là không thể nào đáng được hưởng ân phúc của Thiên Chúa. Có thể ví họ như người con trai cả trong câu chuyện dụ ngôn. Anh ấy không vào nhà vì không thể chịu nổi việc cha già yêu thương đứa con hư hỏng cách “lạ thường” mà anh ta đã không còn xem như là em của mình.

Người cha đã ra ngoài giải thích cho anh ta và mời anh ta vào. Nhưng chuyện Chúa Giêsu kể lại kết thúc cách như “chưa có hậu kết”. Vì không biết người con trai cả sau đó có chịu vào hay không vào để dự tiệc. Dĩ nhiên câu chuyện cho chúng ta kết luận này: Việc vào hay không vào dự tiệc là tùy ở anh ta mà thôi. Anh ta sẽ vào dự tiệc nếu anh nhìn nhận đứa con hư hỏng là em của anh ta, còn nếu anh mãi xem nó “là đứa con của cha kia” mà thôi thì chắc anh sẽ ở ngoài.

Dù có xin hay không xin thì Thiên Chúa vẫn ban cho loài người một gia tài quý giá là sự tự do. Nếu biết dùng tự do để chọn và sống theo thánh ý Chúa thì chúng ta sẽ đước vào dự tiệc Nước Trời. Và chắc chắn một trong những điều kiện để vào dự tiệc Chúa ban thì không được phép loại bỏ bất cứ một ai ra khỏi nghĩa tình huynh đệ cách minh nhiên hay mặc nhiên, vì chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của hết mọi người (x. Mt 6,9).

Hãy sử dụng tự do được ban để những hành vi, những quyết định, việc làm của chúng ta ngày càng phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, đẹp ý Người. Chúng ta không chỉ giúp tha nhân nhận biết hạnh phúc thật là được Thiên Chúa xót thương, được Thiên Chúa ủi an, được Nước Trời làm gia nghiệp, được nhìn thấy Thiên Chúa… (x. Mt 5,1-12) mà còn phải biết làm cho kẻ gian ác nhận biết tội lỗi của họ để họ ăn năn sám hối hầu được cứu sống. Lời Chúa phán với Ngôn sứ Êdêkien: “Nếu người không bảo cho kẻ gian ác biết sự gian ác của nó, nếu ngươi không nói để cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, cho nó được sống, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết trong tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.” (x.Ed 3,18).

Thiên Chúa làm được mọi sự vì Người là Đấng quyền năng vô biên. Tuy nhiên Thiên Chúa lại muốn Danh Người cả sáng, Nước Người trị đến khi “ý của Người” trên trời được thể hiện qua các “ý của chúng ta” ở dưới đất này vậy (x.Mt 6,9-10).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột



 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:47 17/09/2019

38. Một người khiêm tốn thật thì cam tâm nhận sự sai khiến của mọi người.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:56 17/09/2019
16. NGỰA HAY CHẠY TỐT

Lý Đông Dương có một con ngựa tốt đem tặng cho Trần Sư Triệu, Trần Sư Triệu cỡi con ngựa này về triều và lúc ngồi trên lưng ngựa thì làm được hai bài thơ, cách hai ngày sau ông ta đem ngựa trả lại cho Lý Đông Dương và nói:

- ”Con ngựa trước kia cứ mỗi lần về triều thì có thể làm được sáu bài thơ, nhưng khi cỡi con ngựa này thì chỉ làm được có hai bài, thật không hay”.

Đông Dương cừơi trả lời:

- “Ngựa mà tốt thì chạy hay”.

Trần Sư Triệu suy nghĩ rất lâu và cảm thấy câu này rất có lý bèn cỡi lên ngựa mà về nhà.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 16:

Ngựa chạy chậm thì có thể làm được sáu bài thơ, nhưng nếu ngựa chạy nhanh thì chỉ có thể làm hai bài thơ, do đó mà suy ra: làm được hai bài thơ là ngựa giỏi ngựa tốt, làm được sáu bài thơ là ngựa dở ngựa ốm yếu.

Có những người Ki-tô hữu khi “ăn không nên làm không ra” thì mỗi ngày đều đi dâng thánh lễ, đến khi ăn nên làm ra thì mỗi tuần chỉ đi lễ ngày Chúa Nhật mà thôi; có một vài người Ki-tô hữu khi được làm việc trong ban hành giáo thì ngày ngày đều đi lễ đọc kinh, nhưng đến khi hết làm thì không thấy đến nhà thờ nữa. Cho nên đừng đánh giá lòng đạo đức và yêu mến Thiên Chúa của người khác nơi sự giàu nghèo hay chức vụ, nhưng nơi việc làm thường xuyên của họ trong mọi hoàn cảnh, đó chính là sự kiên trì bền đỗ vậy.

Ngựa hay ngựa tốt thì chạy nhanh nên không còn giờ để làm thơ, người thật lòng yêu mến Thiên Chúa thì không lệ thuộc vào chức vụ hay giàu nghèo để yêu mến Ngài…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 25C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:16 17/09/2019
Chúa Nhật 25 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 16: 1-13)
TÍNH SỔ


Một người phú hộ giầu sang,
Có người quản lý, xa đàng thất thu.
Tiêu xài phung phí thiếu bù,
Đến khi tính sổ, dự trù trong kho.
Sợ rằng sa thải, nên lo,
Kêu hai con nợ, sửa cho hợp đồng.
Chi bằng rút bớt của công,
Ghi vào văn tự, sổ hồng phân đôi.
Hai bên có lợi đền bồi,
Chủ khen đầy tớ, tham mồi khôn ranh.
Bất lương hành động thật nhanh,
Dối gian tính toán, tìm danh sau này.
Nhỡ cơ đón tiếp có ngày,
Người đời khôn khéo, cơ may trong đời.
Các con học cách ở đời,
Dùng tiền gian dối, sinh lời đời sau.
Cuộc đời lữ thứ qua mau,
Giữ lòng trung tín, giúp nhau sống đời,
Gắng công chiếm lấy Nước Trời,
Làm tôi Thiên Chúa, ngàn đời hiển vinh.

Cậu truyện trong bài phúc âm không xa lạ với cách suy nghĩ và hành xử của chúng ta. Chúng ta với trí khôn biết tính toán và sự lanh lợi đã lợi dụng nhiều cơ hội để làm lợi cho riêng mình. Chúng ta nghe dụ ngôn về người quản lý bất lương nhưng hành động khôn khéo sau khi viết lại văn tự cho vay. Anh quản lý này đã khéo léo sửa lại văn tự có lợi cho anh trong cuộc sống đời tạm trong tương lai, nhưng lại thiệt thòi nhiều cho ông chủ.

Truyện kể: Có hai cậu bé chơi ở bãi đậu xe, nhặt được chiếc ví của người đàn bà đánh rơi. Trong ví có tên, địa chỉ và tờ giấy 10 đô la. Một trong hai cậu bé nói: Chúng ta không thể giữ ví tiền lại. Nhưng trước khi trả lại cho bà ta, chúng ta hãy đổi giấy 10 đô ra tiền lẻ, tờ một đô. Chúng ta biết ý đồ của hai cậu. Hai cậu bé khéo xoay sở để tính lợi, kiếm tiền thù lao.

Anh quản lý bất lương đã phung phí của cải vào những trương mục không tốt. Tiền bạc làm mờ mắt con người. Anh đã không ngay thật trong việc quản lý nên bị chủ cách chức. Chúa Giêsu đã nhiều lần phê phán người giầu có chỉ biết dựa vào tiền của và tìm hưởng thụ. Họ chỉ tìm những vui thích hiện tại mà, không quan tâm đến định mệnh đời sau. Thu tích của cải đời này mà không làm giầu trước mặt Chúa là khờ dại.

Thật ra, Chúa không lên án người giầu có hay tẩy chay họ, Chúa vẫn được họ ân cần tiếp đón và dùng bữa với họ. Chúa chỉ nặng lời kết án những người ích kỷ chỉ bám víu vào tiền bạc và cách sử dụng đồng tiền của họ. Tiền tự nó không xấu, xấu hay tốt tùy ở sự nhận thức và thái độ của người xử dụng nó. Tiền sẽ là phương tiện tốt, có thể dùng để làm điều thiện và giúp đỡ kẻ khốn cùng. Chúa nói rằng: Các con hãy dùng tiền của gian dối mà mua nước trời. Tiền gian dối không phải là tiền ăn trộm, ăn cướp cũng không phải là tiền mua bán đồ quốc cấm. Tiền gian dối là tiền của thế gian. Chúng ta biết rằng cứu cánh không biện minh cho phương tiện. Chúng ta không thể dùng tiền phi nghĩa mà giúp người nghèo.

Ông quản lý dùng tiền để mua nhân nghĩa, nhưng chỉ là nhân nghĩa đời tạm này. Chúng ta có thể dùng tiền mua Nước Trời. Lấy cái tạm thời biến thành vĩnh cửu. Đó chính là sự ý thức, lòng khao khát và chia xẻ yêu thương trong việc xử dụng đồng tiền. Cuộc đời trần thế là chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu. Hãy dùng tiền giấy đổi tiền thật và dùng tiền thật mua Nước Trời . Công qủa chúng ta làm ra do việc bác ái yêu thương, chúng ta sẽ được an hưởng, được hạnh phúc và an vui muôn đời trong nước Chúa.

THỨ HAI, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 8, 16-18).
ÁNH SÁNG


Thắp đèn trên giá soi chung,
Tỏa lan ánh sáng, khắp vùng tối tăm.
Chúa là sự sáng muôn năm,
Chiếu soi tỏa sáng, viếng thăm loài người.
Không gì kín nhiệm ở đời,
Mà không tỏ lộ, giữa nơi phố phường.
Không gì ẩn dấu náu nương,
Khơi ra ánh sáng, tứ phương rõ ràng.
Ai có sẽ được trao ban,
Lập thân công đức, tràn lan sống đời.
Tưởng mình có sẵn mọi thời,
Lấy đi mất trắng, của hời dối gian.
Các con ánh sáng trần gian,
Nêu gương đức ái, xua tan bóng sầu.
Thiên cung chiếu sáng nhiệm mầu,
Chứng nhân gương mẫu, hàng đầu rạng soi.

THỨ BA, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 8, 19-21).
THI HÀNH


Anh em với mẹ tới thăm,
Đám đông chen lấn, chuyên chăm nghe Lời.
Nhắn tin thông báo đôi lời,
Bà con đứng đó, xin mời Chúa ra.
Chúa rằng ai đó mẹ Ta,
Mọi người có mặt, cũng là anh em.
Đoàn dân hãy đến mà xem,
Thực hành lời Chúa, giữ kèm luật yêu.
Gia đình của Chúa bao nhiêu,
Kết thành Nhiệm Thể, cao siêu Nước Trời.
Thiện nam tín nữ gọi mời,
Tôn thờ Thiên Chúa, Ngôi Lời Chúa Con,
Thần Linh ân sủng sắt son,
Ba Ngôi một Chúa, vuông tròn kính tin.
Nguyện cầu khấn vái van xin,
Yêu thương tha thứ, muôn nghìn phúc ân.

THỨ TƯ, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 1-6).
PHÓ THÁC


Tông đồ Chúa gọi trao ban,
Quyền năng sức mạnh, phá tan xích xiềng.
Tâm thần bệnh hoạn thiêng liêng,
Chữa lành thân xác, mọi miền truyền rao.
Xua trừ ma quỷ tự hào,
Cứu người chữa bệnh, biết bao sự lành.
Vâng lời cất bước thực hành,
Không mang bao bị, tranh dành hơn thua.
Không tiền không bạc không mua,
Tin Mừng rao giảng, trong mùa hồng ân.
Bình an thần trí vọng ngân,
Ăn năn sám hối, canh tân cuộc đời.
Nơi nào đón tiếp kêu mời,
Yêu thương lưu lại, dậy khơi lòng người.
Thành tâm mở cửa Nước Trời.
Loan truyền rảo khắp, mọi nơi chúc lành.

THỨ NĂM, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 7-9).
TỰ VẤN


Hê-rô-đê mãi phân vân,
Giê-su cao cả, thần dân kính thờ.
Suy đi nghĩ lại lờ mờ,
Đa nghi tính toán, vật vờ không yên.
Nhiều người kháo láo huyên thuyên,
Gio-an sống lại, như tiên xuống trần.
Có người suy đoán thần nhân,
Ê-li-a đến, canh tân lòng người.
Tiên tri sống lại vào đời,
Thuở xưa đã đến, một thời ân ban.
Vua quan thắc mắc hỏi han,
Hê-rô-đê nói, Gio-an chém đầu.
Ông này quyền phép bởi đâu,
Mong tìm gặp gỡ, ngõ hầu thực hư.
Yêu thương Chúa rất nhân từ,
Ban ơn đại phúc, tràn dư bởi trời.

THỨ SÁU, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 18-22).
CON NGƯỜI


Chúa thường cầu nguyện mọi nơi,
Cha Con liên kết, Ngôi Lời dấu yêu.
Nhiệm mầu Thiên Chúa huyền siêu,
Môn đồ chưa tỏ, nhiều điều quanh đây.
Giê-su muốn họ trình bầy,
Người ta suy tưởng, nghĩ Thầy là ai?
Gio-an Tẩy Giả thiên sai,
Ê-li-a đến, trên ngai từ trời.
Tiên tri xuất hiện trong đời,
Thuở xưa tái hiện, cao vời thánh ân.
Yêu thương cảm mến ân cần,
Tông đồ theo Chúa, sống gần ngay bên.
Trí lòng mạc khải ơn trên,
Là ai? Thầy hỏi, con nên trả lời.
Phê-rô đại diện đáp lời,
Ki-tô Đấng Thánh, cứu đời độ nhân.

THỨ BẢY, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 44b-45).
ĐAU KHỔ


Mọi người thán phục xưng tôn,
Thực hành dấu lạ, cứu hồn thế nhân.
Vinh quang tỏa chiếu nhân trần,
Con đường cứu chuộc, thanh bần hy sinh.
Giê-su phục vụ hết mình,
Yêu thương tha thứ, thập hình khổ đau.
Người đời toa rập với nhau,
Ghen tương thù ghét, trước sau cứng lòng.
Cứng đầu cứng cổ suy vong,
Tà tâm phản phúc, lưỡi đòng đâm thâu.
Xác thân đòn đánh hằn sâu,
Tử hình thập giá, thảm sầu vì yêu.
Tình yêu của Chúa cao siêu,
Nhiệm mầu hy tế, ban nhiều ân thiêng.
Chương trình của Chúa linh thiêng,
Hiến thân cứu độ, tội khiên xóa nhòa.
 
Khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của
Lm Đan Vinh
23:34 17/09/2019
Chúa Nhật 25 Thường Niên C
Am 8,4-7 ; 1 Tm 2,1-8 ; Lc 16,1-13

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 16,1-13

(1) Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa”. (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cắt chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !”. (5) Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”(6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu Ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn thùng lúa” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. (8) Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (9) Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? (13) Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.

2. Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay dạy các môn đệ phải khôn ngoan, biết nhìn xa để chuẩn bị cho tương lai sau này. Đức Giê-su kể câu chuyện về một quản gia bất lương, đã lợi dụng những giờ phút cuối khi đang còn giữ chức quản lý, để làm ơn cho các con nợ của chủ bằng cách hạ thấp số nợ của họ xuống, với hy vọng sau này khi anh bị mất việc thì họ sẽ đền ơn đón anh về nhà họ. Cuối cùng Chúa dạy phải dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi giờ chết đến bị mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp ta vào chốn an nghỉ đời đời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-4: + Một nhà phú hộ kia có một người quản gia: Theo luật Do thái thì người quản gia không phải thuộc hạng tôi tớ được trả lương. Anh ta có quyền thay mặt chủ lo liệu mọi sự. Trường hợp viên quản gia làm thất thoát tiền bạc của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt anh ta phải hoàn lại của cải đã bị thất thoát. Hình phạt cùng lắm chỉ là sa thải, kèm theo bị mất uy tín mà thôi. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia sẽ phải tính sổ sách, liệt kê tài sản. Trong thời gian này, người quản gia vẫn là đại diện cho chủ, và được hành động nhân danh chủ. Trong bài dụ ngôn, việc người quản gia sắp mất việc đã dùng tài sản của chủ để gây thiện cảm với các con nợ hầu làm lợi cho mình. Có thể nói anh ta đã "mượn đầu heo nấu cháo"! Nhưng anh cũng thật khôn khéo biết lợi dụng thời gian ngắn tại chức để làm ơn cho các con nợ của chủ, hy vọng khi bị mất chức anh sẽ được họ đền ơn giúp đỡ lại cho anh.
- C 5-7: + Một trăm thùng dầu: Thùng dầu là đơn vị chứa khoảng từ 21 đến 45 lít. + Một ngàn thùng lúa: Thùng lúa hay giạ lúa, một đơn vị có số lượng lớn gấp 10 lần thùng dầu nói trên.
- C 8-10: + Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo: Ông chủ khen việc anh quản gia chuẩn bị cho tương lai là hành động khôn khéo. + Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại: Con cái đời này ám chỉ những kẻ thuộc về thế gian. Con cái ánh sáng là những người thuộc về Nước Trời. Con cái thế gian thường bén nhậy trong việc tìm kiếm tiền bạc vật chất, đang khi con cái Nước Trời lại thường khờ dại, không biết xử dụng ơn Chúa để lo cho mình được hưởng ơn cứu độ. + Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè: Các môn đệ là con cái sự sáng, cũng phải biết khôn khéo để dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. Tiền của bất chính trong câu này không có nghĩa là có nguồn gốc bất chính như trộm cắp gian tham, nhưng bất chính vì tiền bạc thường làm cho người ta ra hư hỏng. Hãy sử dụng nó để giúp đỡ người nghèo, tức là biến nó trở thành đồng tiền có giá trị ở đời sau. + Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn: Tiền của là một vật để trắc nghiệm lòng trung tín. Ở đây Đức Giê-su dạy môn đệ phải trung thành trong việc nhỏ là sử dụng tiền bạc, để biến đồng tiền ấy trở thành của cải chân thật có giá trị lớn lao ở đời sau (x. Mt 25,21; Lc 19,17).
- C 11-13: + Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Đức Giê-su nhân cách hóa tiền bạc vật chất vì nó có thể sai khiến người ta như một tà thần. Kiểu nói “làm tôi” ở đây mang ý nghĩa “lụy phục”, “phượng thờ”, làm cho tiền của trở thành tà thần đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Đức Giê-su đòi các môn đệ phải dứt khoát chọn tôn thờ một mình Thiên Chúa thay vì vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa tôn thờ tiền của.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao người quản gia bị đánh giá là bất lương?
2) Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người noi gương khôn khéo của người quản gia kia thế nào?
3) Khi nói: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, phải chăng Đức Giê-su dạy các tín hữu dùng tiền lừa đảo trộm cắp hay tham nhũng để giúp đỡ kẻ nghèo?
4) Khi nào tiên bạc trở thành ông chủ? Ta phải làm gì để biến nó nên đầy tớ của ta?
5) Tiền bạc sẽ đem lại hậu quả thế nào một khi trở thành ông chủ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MỘT NGƯỜI QUẢN LÝ KHÔN NGOAN VÀ TRUNG THÀNH

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đấy nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.
Người quản lý trong bài Phúc Âm hôm nay khôn ngoan nhưng không trung thành. Khôn ngoan nhanh nhẹn, trong một thời gian ngắn đã tìm ra phương thế chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ông ta đã không trung thành vì ông đã phung phí, làm hại tài sản của chủ.
Khi khen người quản lý này khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.

2) ĐẠO SĨ THAM TIỀN:

Có một nhà giàu kia đã mời mấy vị đạo sĩ tới nhà lập đàn để giải trừ tai nạn. Trong số đó có một đạo sĩ có tính tham lam, muốn một mình được hưởng trọn số tiền công của chủ nhà, nên đã nhận đứng ra bao thầu trọn gói việc lập đàn cúng bái. Sau đó ông ta một mình làm việc ngày đêm không hề ngơi nghỉ. Cứ như thế đến ngày thứ ba thì bị kiệt sức, ông ta tự nhiên bất tỉnh ngã vật ra đất. Chủ nhà sợ ông đạo sĩ chết ở nhà mình thì mang hoạ, liền thuê mấy người lao công đến khiêng ông về miếu với giá 100 đồng. Đạo sĩ nghe chủ nhà trao đổi như vậy, dù đang kiệt sức nhưng vẫn cố ngước đầu lên thì thào như sau: “Ông chủ đừng mất công thuê người khiêng cáng cho tôi làm chi. Cứ đưa 100 đồng tiền thuê cáng ấy cho tôi. Tôi sẽ tự bò về miếu cũng được mà !”

3) THÀ BỊ CHỘT MẮT CÒN HƠN MẤT TIỀN CHỮA TRỊ:

Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu keo kiệt đến khám mắt. Sau khi khám, bác sĩ cho biết ông ta phải chữa trị cả hai mắt, nếu không muốn bị mù. Ông ta liền hỏi :
- Giá chữa trị mỗi con mắt là bao nhiêu?
- Là 100 đôla. Bác sĩ trả lời.
Nghe vậy, ông nhà giầu thừ người ra suy nghĩ một lúc. Sau đó ông ta nói với bác sĩ: "Tôi yêu cầu bác sĩ chỉ chữa cho tôi một mắt với giá 100 đôla thôi. Vì tôi nghĩ: chỉ cần một mắt cũng có thể thấy đường và đếm được tiền rồi. Còn chữa hai mắt tốn tới 200 đôla. Đối với tôi như thế là tốn phí quá nhiều!”

4) KHÁC BIỆT GIỮA HAI TẤM KÍNH:

Một lần kia có một người giàu có nhưng keo kiệt đến gặp vị giáo trưởng xin ban phép lành cho mình. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giàu cách thân thiện và đưa ông ta vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến bên cửa sổ có lớp cửa kính trong suốt bảo vệ và nói: “Ông hãy nhìn ra ngoài đường và nói cho tôi biết ông đã nhìn thấy gì”.
- “Tôi thấy nhiều người đi qua, đi lại”.- Ông nhà giàu đáp.
Tiếp đến vị giáo trưởng dẫn ông nhà giàu đến đứng trước một chiếc gương soi lớn và nói: “Ông hãy nhìn vào tấm gương và cho biết ông thấy gì”.
- “Tôi thấy khuôn mặt của tôi”.- Ông nhà giàu đáp.
Giáo trưởng liền nói: “Tấm gương soi do được phủ một lớp bạc ở mặt sau kính, nên khi ông nhìn vào gương, ông sẽ không thấy ai khác ngoài chính mình”.
Cũng vậy, những ai coi trọng tiền bạc sẽ trở thành ích kỷ và làm mọi việc vì mình.

5) CHỈ MUA ĐƯỢC BẰNG LOẠI “TIỀN CHO ĐI” MÀ THÔI:

Một người kia suốt đời chỉ biết thu gom tiền bạc chứ không chịu chi ra, nên ông ta ngày một giàu thêm. Rồi một hôm ông ta bị đau nặng sắp chết. Trước khi nhắm mắt, ông cho gọi vợ con lại bên giường và trăn trối như sau: “Khi tôi chết, bà nó hãy đem tất cả số vàng tôi đã dành dụm bấy lâu bỏ vào trong quan tài cho tôi, vì tôi sẽ cần dùng tới nó trong thế giới bên kia”. Sau khi ông ta chết, vợ ông đã làm y như lời trăn trối của ông. Trên đường về thế giới bên kia phải đi ngang qua một cái chợ, ông nhà giàu ghé vào xem và thấy người ta mua bán nhiều thứ rất ngon, giống như các chợ dưới trần gian. Ông ta chỉ vào một ký thịt bò tươi và hỏi cô bán hàng giá bao nhiêu. Cô ta trả lời: “Giá một đồng”. Ông nghĩ bụng: “Rẻ thật !”. Ông lại quay sang hỏi nhiều món hàng khác đang bày bán chung quanh, và vật gì giá cũng chỉ một đồng. Ông nhẩm tính với số tiền mang theo khi chết ông sẽ có thể sống sung sướng trong cả ngàn năm nữa. Nhưng đến khi trả tiền để lấy hàng, ông nhà giàu bỡ ngỡ khi người bán không chịu nhận đồng tiền của ông. Cô ta nói với ông rằng: “Ở đây chỉ xài loại “tiền cho đi” mà thôi ! Còn tiền của ông là loại “tiền thu vào”, không có giá trị thanh toán !” Bấy giờ ông nhà giàu rất buồn rầu và thất vọng, vì tiền của bấy lâu nay ông ky cóp giờ chẳng còn chút giá trị nào cả !
Câu chuyện trên cho thấy: Chỉ những “đồng tiền cho đi” mới là “đồng tiền để dành” có giá trị thanh toán ở đời sau và mang lại hạnh phúc Nước Trời đời đời cho ta.

3. SUY NIỆM:

Về giá trị của đồng tiền, có người đã phát biểu: “Tiền bạc có thể mua được vỏ bọc bên ngoài nhưng không mua được cốt lõi bên trong; Có thể mang lại cho bạn thức ăn nhưng không mang sự ngon miệng; Có thể cung cấp thuốc men nhưng không mang lại sức khỏe; Có thể giúp bạn phương tiện để giao tiếp nhưng không mang lại bạn bè; Có thể đem cho bạn những người giúp việc nhưng không mang lại lòng trung tín; Có thể mang đến lạc thú xác thịt nhưng không mang lại hạnh phúc thực sự”. (Henrik Ibsen). Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su cũng dạy môn đệ về việc khôn ngoan sử dụng tiền của đời này qua dụ ngôn người quản gia như sau:

1) Sự khôn khéo của người quản gia:
- Một người quản gia kia được chủ trao trách nhiệm quản lý việc nhà, và đại diện chủ trong việc làm ăn buôn bán. Tuy nhiên, anh ta đã lợi dụng sự tín nhiệm của ông chủ để làm bậy: Thay vì làm lợi cho gia chủ, anh ta lại cắt xén tiền bạc của chủ để làm lợi cho mình. Cuối cùng việc làm bất chính của anh đã bị phát hiện. Ông chủ cho gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy báo cáo về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (Lc 16,2).
- Trước nguy cơ bị sa thải, anh quản gia liền suy tính: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !” (Lc 16, 3-4). “Cái khó ló cái khôn”, trong thời gian tại chức vắn vỏi này, anh đã lợi dụng quyền đại diện chủ để xử lý mọi việc có lợi cho mình, bằng cách giảm số nợ cho các con nợ của chủ: Từ một trăm thùng dầu Ô-liu anh hạ xuống còn năm chục; Từ một ngàn giạ lúa hạ xuống còn tám trăm (Lc 16, 5-7)… Qua lối hành xử “ích kỷ hại nhân” này, anh hy vọng sẽ được các con nợ của chủ đền ơn giúp đỡ lại cho anh khi anh bị mất chức quản gia. Đức Giê-su đã khen anh quản gia này đã hành động khôn khéo khi biết dùng tiền bạc của chủ để làm lợi cho mình.

2) Khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của: Đức Giê-su không khen anh quản gia về hành động gian dối và ích kỷ, nhưng khen thái độ khôn ngoan biết tiên liệu của anh ta khi sử dụng tiền bạc của chủ tạo thêm bạn hữu cho mình. Người dạy môn đệ: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9); Người cũng dạy môn đệ phải khôn ngoan khi sử dụng tiền của đời này. Hãy biến đồng tiền trở thành đầy tớ thay vì thành ông chủ của mình. Vì “Đồng tiền sẽ là một người đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu”. Cuối cùng Đức Giê-su còn dạy người ta không được làm tôi hai chủ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, lại vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

3) Học sống Lời Chúa hôm nay:
a- Đừng lười biếng, nhưng hãy chăm chỉ làm việc: Thánh Phao-lô đã dạy các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai chăm chỉ làm việc chứ đừng ăn không ngồi rồi như sau: “"Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Chỗ khác ngài cũng dạy họ hãy biết chia sẻ của cải làm ra: “Hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện, để có gì chia sẻ với người túng thiếu” (Ep 4,28 b).

b- Hãy làm chủ chứ đừng làm đầy tớ cho tiền bạc ?: Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi hiện đang làm chủ hay làm đầy tớ cho đồng tiền?
Tôi sẽ là chủ của đồng tiền nếu tôi sẵn sàng chia sẻ tài sản của mình cho tha nhân, sẵn sàng cho vay mượn, sẵn sàng trả lại cho chủ của những gì không phải của mình. Rồi khi bị mất tiền do bị mất cắp hay làm ăn thua lỗ, tối sẽ không quá tiếc nuối, chẳng còn thiết tha chu toàn các việc đạo đức với Chúa và các bổn phận với gia đình hay tập thể !
Tôi sẽ trở thành đầy tớ cho đồng tiền nếu tôi luôn nghĩ đến nó, thích mang ra đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Năng đề cập đến tiền bạc trong câu chuyện và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; Có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn các giá trị khác; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù phi pháp hay gian dối bất công … miễn sao có nhiều tiền.

c- Hãy thu tích cho mình loại tiền “cho đi” hơn là tiền “thu vào”: Nên nhớ rằng: Chúng ta sẽ không trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa với những đồng tiền “thu vào”, nhưng là với những đồng tiền “cho đi”. Chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình là tôi trung của Thiên Chúa.
Các Rabbi Do thái có lời khuyên như sau: “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo sẽ giúp kẻ giàu ở đời sau”. Thánh Am-bro-si-ô cũng nói: “Bụng của người nghèo, nhà của bà goá, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa tồn tại mãi muôn đời.” Người Do thái tin rằng của bố thí cho kẻ nghèo được ghi vào trương mục đời sau của kẻ cho.
Do đó, sự giàu có thật sự của con người không hệ tại ở những gì họ đang nắm giữ, nhưng là những gì họ biết cho đi.

4. THẢO LUẬN:
1) Hiện giờ bạn đang làm chủ hay làm tôi cho đồng tiền?
2) Bạn cần làm gì để tiền bạc trở thành đầy tớ phục vụ đắc lực cho các nhu cầu chính đáng của bạn và của tha nhân?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Lời Chúa hôm nay lưu ý chúng con về cách sử dụng tiền bạc của cải trần gian: Chúa muốn chúng con phải phụng sự một mình Thiên Chúa, phải khôn khéo để biến tiền bạc đời này trở thành đồng tiền có giá trị cứu độ ở đời sau. Xin giúp chúng con dứt khoát nói “không” với các cám dỗ đi tìm kiếm những đồng tiền bất chính, nhưng biết quảng đại chia sẻ những gì mình có cho kẻ nghèo đói, hầu nên môn đệ đích thực của Chúa và hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 
Đất Càng Phì Nhiêu, Tượng Thần Càng Nhiều
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:33 17/09/2019
Chúa Nhật 25 Thường Niên C

Bài đọc 1 tuần trước kể chuyện dân Do thái đúc con bê vàng rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập (x.Xh 32,1-35). Họ tôn thờ ngẫu tượng. Họ đã vô ơn và phản bội.Thiên Chúa đã bừng bừng nổi giận. Ông Môsê nại đến tình thân giữa Thiên Chúa và Apbraham, Isaac và Giacop để van xin Người nguôi cơn thịnh nộ. Môsê nhắc lại tình thương, lời hứa và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên họ để xin thương tha phạt cho đám dân ngỗ nghịch này: Dân mà Ngài đã dùng cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Aicập. Với lời van xin ấy, Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ, đã thương không giáng phạt dân chúng.

Con bê vàng hay tiền bạc của cải vật chất là sức mạnh cuốn hút con người, chi phối nhiều lãnh vực trên thế gian này.

Bài đọc 1 tuần này trích sách Ngôn sứ Amos, nêu ra những thói đời xấu xa, những bất công giả trá và mạnh mẽ lên án tội lỗi của những người giàu: vì mải mê kiếm tiền nên họ bỏ bê những bổn phận đạo đức, gian lận “giảm đấu đong, tăng giá và làm cân giả”, thậm chí bóc lột cả người nghèo.

Thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, vương quốc phía Bắc của Israel có nền kinh tế thịnh vượng. Những người giàu có sang trọng sống xa hoa bên cạnh những người nghèo khổ. Nhiều nghi lễ lộng lẫy ở đền thờ nhưng không có tâm tình tôn giáo chân thực. Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Amos đến cảnh tỉnh cũng như lên án những bất công xã hội, những an toàn giả tạo mà người ta cậy dựa. Một loạt tố cáo những bất công trong buôn bán như tăng giá bán, làm cân giả…lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu. Một xã hội có những người xấu chuyên môn lường gạt, gian dối, lừa lọc, xảo trá và dùng nhiều thủ đoạn để vun đắp phần lợi về mình.

Ngôn sứ Hôsê cùng thời với Amos đã nhận định về tình trạng xã hội thời ấy: "Israel vốn là một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú; nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng dựng thêm những cột thần lộng lẫy" (Hs 10, 1).

“Đất càng phì nhiêu, tượng thần càng nhiều”, nhận định này của vị Ngôn sứ thế kỷ thứ VIII tcn vẫn đúng cho con người mọi nơi mọi thời, đặc biệt là chính sách đất đai hiện nay ở Việt Nam đã tạo quá nhiều thuận lợi cho tham nhũng trục lợi và bất công tràn lan.Điều 17 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Điều 1 Luật đất đai năm 1993 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”.Việc Nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai mà chỉ thừa nhận một hình thức duy nhất là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” là nguồn gốc đẻ ra khủng hoảng thị trường bất động sản và hàng loạt các khủng hoảng kinh tế, văn hóa, bất công xã hội.

Các Ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo, những người chỉ nghĩ đến tiền bạc lợi lộc.

Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm mua địa vị chức tước; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos đã nghiêm khắc cảnh cáo họ: Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người nghèo khó và muốn hủy diệt hết những người bần cùng trong cả nước. Các ngươi giảm đấu đong, tăng giá bán và làm nên những chiếc cân non. Các ngươi lấy tiền mua người nghèo khó, lấy đôi dép mà đổi lấy người túng thiếu. Các ngươi bán lúa mục nát. Thế nhưng, Thiên Chúa sẽ không quên lãng và những hình phạt khủng khiếp sẽ được giáng xuống trên các ngươi.

Trong Cựu Ước, giàu có thịnh vượng thường được xem như một sự chúc lành của Thiên Chúa. Nhưng dân Ítraen lại suy nghĩ theo cách của các dân ngoại chung quanh, họ coi sự thịnh vượng của mình là ơn lành của các sức mạnh thiên nhiên mà dân ngoại tôn thờ như những thần linh, thần mưa, thần gió, thần đất. Cho nên vật chất càng phát triển họ càng sùng bái ngẫu tượng nhiều hơn. Đó là một sự phản bội không thể tha thứ: "Chúng là thứ người lòng một dạ hai, rồi đây chúng sẽ phải đền tội" (Hs 10, 2). Thiên Chúa đã kết ước với họ nhưng họ đã thất trung bội tín, lòng họ đã bị phân rẽ. Thay vì tôn thờ một mình Thiên Chúa, nghe theo lời Người dạy bảo và trông cậy vào một mình Người, họ lại chạy theo những thần linh giả dối. Ngôn sứ Hôsê mạnh mẽ cảnh cáo Ítraen: "Rồi đây chúng sẽ phải đền tội; bàn thờ của chúng, Đức Chúa sẽ đập tan, cột thờ của chúng, Người cũng sẽ phá đổ" (Hs 10, 2). Cái gì giả trá thì vẫn là giả trá. Đặt tin tưởng vào nó, tất chẳng thể bền. Rồi đây Ítraen sẽ thấy các thần tượng mình sụp đổ, "bấy giờ họ sẽ nói với núi đồi: 'Phủ lấp chúng tôi đi!' và với gò nổng: 'Hãy đổ xuống trên chúng tôi!'" (Hs 10, 8).

Chính kinh nghiệm cho thấy rằng của cải giàu sang thường đưa người ta đi xa Chúa. Sự sung túc mang tới cho người ta nhiều thứ có khả năng cạnh tranh với Thiên Chúa, và thậm chí thay thế Thiên Chúa, ví dụ như địa vị, quyền thế, danh vọng, tình yêu, tiện nghi, lạc thú. Tục ngữ ta đã chẳng nói "có tiền mua tiên cũng được" hay "đồng bạc đâm toạc tờ giấy" đó sao? Của cải làm cho người chiếm hữu nó có cảm thức mãnh liệt rằng mình "toàn năng", muốn gì cũng được! (Cố Lm Nguyễn Hồng Giáo).

Nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay sẽ thấy, người ta thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng của họ và khi đó làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có, càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.

Cùng một tiếng chuông cảnh tỉnh của các Ngôn sứ, Chúa Giêsu đã dạy: Các con không thể làm tôi hai chủ, vì nếu mến chủ này thì sẽ ghét chủ kia. Cũng vậy, các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.

Chúa Giêsu không phi bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo phê phán những người giàu trong việc sử dụng tiền của.

Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay tốt là tuỳ ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, coi đó như tất cả cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để cố chiếm hữu thật nhiều; thậm chí bán rẻ cả lương tri và phẩm giá con người. Tiền của trở nên thần tượng và chiếm chỗ độc tôn trong lòng người. Ngài kết án những người vì đồng tiền mà sống bất công, lừa thầy phản bạn, coi thường mạng sống và nhân phẩm người khác. Ngài còn phê phán chỉ trích những người giàu sang chỉ biết cậy dựa vào tiền bạc và sống ích kỷ hưởng thụ.

Tiền của là phương tiện tốt nếu được dùng để làm điều thiện, giúp đỡ người thiếu thốn, phục vụ khoa học vì những mục đích tốt. Chỉ có cách đó mới làm cho người ta không làm tôi của cải. Lòng tham lam, việc tích trữ của cải là mối nguy hiểm lớn cản trở con đường tìm kiếm Nước Trời và đưa con người xa rời Thiên Chúa. Người thanh niên giàu có được mời gọi bán tất cả của cải tài sản để đi theo Chúa, nhưng anh ta buồn rầu bỏ đi vì có nhiều của cải. Chúa Giêsu cảnh tỉnh: Người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Vì thế không lạ gì thái độ cương quyết của Chúa Giêsu là đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát: Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của.

Chúa Giêsu luôn đứng về phía người nghèo và bênh vực kẻ cô thế cô thân. Ngài sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo. Ngài chọn các môn đệ giữa số những người nghèo. Ngài hằng quan tâm, yêu thương vỗ về những người nghèo và tuyên bố mối phúc đầu trong bát phúc: “Phúc cho những người nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Lc 6,20; Mt 5,3). Yêu người nghèo, nhưng Chúa Giêsu không hề kết án người giàu và tẩy chay sự giàu có. Ngài ân cần tiếp đón và đối thoại với người giàu, sẵn sàng đến dùng bữa với họ khi được mời; Ngài để cho những phụ nữ giàu có đi theo giúp đỡ trong hành trình sứ vụ. Tuy nhiên, Ngài nặng lời chỉ trích những người giàu chỉ biết bám víu vào tiền của, sống ich kỷ hưởng thụ bỏ mặc người nghèo đói cơ cực (x. Lc 16,19-31), làm giàu cách bất lương, ỷ vào tiền của mà khinh dễ kẻ khác.

Ưu tiên hàng đầu của người môn đệ Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa. Mọi sự khác cũng cần thiết nhưng không được đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đây là vấn đề giá trị khi chọn lựa. Thế gian thường lấy của cải vật chất làm ưu tiên số một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và của con người. Con cái của Chúa sẵn sàng từ bỏ tất cả để tìm kiếm Chúa và phụng sự một mình Chúa. Có Chúa là có tất cả; khi không còn gì nhưng còn có Chúa là còn tất cả vì Ngài là lẽ sống. Khi đã chọn Chúa, ắt sẽ biết sử dụng tiền của và tất cả những gì Chúa ban để phụng sự Ngài và Giáo hội qua việc phục vụ anh em đồng loại. Sống theo ưu tiên đó, người Kitô hữu sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì tiền của, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Ngài mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho bao băng hoại, tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Thánh Phaolô khuyến cáo “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10). Khi con người đã quá đề cao và bám víu vào tiền của, coi nó là vạn năng, là tất cả cuộc sống thì sẽ trở thành nô lệ cho nó.
Thiên Chúa ban cho con người tiền của chóng qua để sống, thăng tiến, phát triển, phục vụ…Giá trị của tiền tài hệ tại con người biết sử dụng cách đúng đắn như phương tiện phục vụ anh em, đặc biệt người nghèo khổ, để đạt tới Nước Trời là hạnh phúc đích thực.

Tiền của là phương tiện để chia sẻ với tha nhân, trong bài đọc 2, thánh Phaolô viết cho Timôthêô: “Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,17-18). Đó chính là lời nhắc nhở để hôm nay chúng ta biết đồng cảm với những người nghèo khó, chia sẻ tình thương với họ và tránh xa lòng ganh tỵ, oán hờn tranh chấp, nhưng biết xây dựng hòa bình.

Tiền của chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Tiền của giàu sang nơi trần gian chỉ là tạm bợ, không thể tạo hạnh phúc đích thực cho con người; ngược lại nó làm con người vong thân khi bị nó chiếm hữu, và lúc ấy nó sẽ là chủ nhân ông và con người sẽ biến thành tôi tớ. Vậy nếu ở đời này, con người biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, họ sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.

Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phán Quyết Của Chánh Án Weinberg Về Kháng Cáo Của Đức Hồng Y Pell: ‘Các trở ngại chắc chắn’ chống kết án, trở ngại 5 và 6
Vũ Văn An
17:20 17/09/2019
(5) Chỉ có ‘người điên’ mới mưu toan lạm dụng tình dục hai cậu bé trong phòng áo của các Linh mục ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật

752 Trong diễn từ kết thúc của mình trước bồi thẩm đoàn, ông Richter đã đưa ra một đệ trình bằng chính những lời lẽ phần nào bóng bẩy này. Ông tìm cách biện minh đệ trình đó bằng cách nhắc nhở bồi thẩm đoàn rằng, liên quan đến biến cố đầu tiên, thực sự có hàng chục người, trong đó có một số người trưởng thành, những người đã tụ tập quanh khu vực Phòng áo của các Linh mục ngay sau khi kết thúc Thánh lễ long trọng Chúa Nhật. Bất cứ ai cũng có thể bước vào căn phòng đó bất cứ lúc nào và ngay lập tức thấy những gì đang diễn ra. Đây không chỉ là một hành vi mạo hiểm về phần đương đơn, mà trong đệ trình của ông Richter, còn sát gần đến ‘điên loạn’ nữa.

753 Ngoài ra, dựa vào bằng chứng, còn có những người trưởng thành trong ca đoàn, được giao trách nhiệm trông coi các ca viên trẻ. Bản thân Tổng Giám mục mới được bổ nhiệm, và vào năm 1996, ai cũng hiểu rằng đã có sự khuyến khích mạnh mẽ công khai phải báo cáo việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Điều này sẽ khiến cho việc vi phạm thậm chí nhiều rủi ro hơn.

754 Ông Richter lưu ý rằng chính người khiếu nại đã không gợi ý rằng đương đơn đã đóng cửa phòng áo khi ông bước vào phòng. Sẽ là điều phi thường khi nghĩ rằng ông đã phạm tội theo cách được mô tả bởi người khiếu nại, với cánh cửa thậm chí còn mở một phần.

755 Hơn nữa, ông Richter lưu ý rằng không có sự mơ hồ nào về bản chất của các hành vi bị cáo buộc. Nếu bất cứ ai bước vào phòng áo và chứng kiến những hành vi đó, chúng không thể nào được giải thích cho xong chuyện.

756 Ngoài ra, không có gì ngăn cản một trong hai cậu bé rời khỏi phòng trong khi cậu bé kia bị tấn công. Không có gì để gợi ý rằng đương đơn trước đây đã làm quen với một trong hai cậu. Không có gợi ý nào cho rằng ông ta đã tham gia vào bất cứ sự gạ gẫm (grooming) nào. Không có bằng chứng nào cho thấy đương đơn đã từng đe dọa bất cứ cậu bé nào. Ông cũng không nói với họ rằng họ không được nói cho ai biết chuyện gì đã xảy ra.

757 Cuối cùng, ông Richter đã đệ trình rằng mặc dù các hành vi phạm tội liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, hầu như luôn luôn, được thực hiện riêng tư (và thường sau một thời gian gạ gẫm), trình thuật của người khiếu nại là đương đơn đã thực hiện các hành vi này trong phòng áo của các linh mục chống lại hai cậu bé, đang ở với nhau. Điều đó có nghĩa là nếu một trong hai cậu sau đó đã khiếu nại, thì người kia phải chứng thực điều đó.

Trả lời của Công tố - Không đúng việc chỉ có một ‘người điên’ mới mưu toan lạm dụng tình dục hai cậu bé trong phòng áo của các linh mục ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật

758 Trong việc kết án đương đơn, thẩm phán xét xử đã xử lý đệ trình của ông Richter, dựa vào lời biện hộ, với hậu quả cho rằng suy luận duy nhất được rút ra từ hành vi phạm tội là lúc đó, đương đơn đã không hành động cách hợp lý.

759 Thẩm phán xét xử đã bác bỏ đệ trình đó, và khi tuyên án đương đơn, đã nói:

Đối với những gì khiến ông phạm tội một cách mạo hiểm và trơ trẽn như vậy, tôi suy luận rằng, vì bất kỳ lý do gì, trên thực tế, ông đã sẵn sàng chấp nhận những rủi ro như thế.

Tôi kết luận rằng quyết định phạm tội của ông là một quyết định có suy luận, mặc dù sai trái, và tôi đạt được kết luận đó theo tiêu chuẩn hình sự.

Chấp nhận lập luận của luật sư của ông có nghĩa là mọi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội trơ trẽn, không có tư cách và tự phát, phải được coi là có một dạng suy yếu về tâm thần, hoặc một số sai sót trong khả năng suy luận hoặc suy nghĩ hợp lý . Không có cơ sở trong pháp luật hoặc về nguyên tắc cho đề xuất này ... [201].

760 Trong bản đệ trình lên Tòa án này, công tố đã chuyên chú vào kết luận của quan tòa xét xử rằng quyết định phạm tội của đương đơn đã được ‘suy luận, dù sai trái’ như là câu trả lời cho đệ trình ‘điên dại’ của ông Richter.

(6) Không thể có việc các cậu bé “chuồn khỏi” một đám rước ở bên ngoài mà không bị một người duy nhất nào nhìn thấy

761 Ông Richter lưu ý rằng người khiếu nại đã thừa nhận rằng, vào ngày xảy ra biến cố đầu tiên, ca đoàn đã xếp hàng hai, khi họ rời khỏi Nhà thờ Chính tòa sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Đoàn rước đang trên đường đến phòng thay đồ ca đoàn. Đó là một cuộc rước bên ngoài, chứ không phải là cuộc rước bên trong.

762 Theo ông Richter, bằng chứng cho thấy cuộc rước có tính chính thức và có kỷ luật. Có một điểm chung là cả hai cậu bé đều diễn hành ở phía trước đám rước, chỉ sau những người lớn giúp lễ. Rồi đến một số ca viên lớn tuổi ngay phía sau họ. Những người này sẽ được theo sau bởi những người giúp lễ khác, và các linh mục đồng tế, với đương đơn, nếu ngài vẫn còn hiện diện trong đám rước, tạo nên một phía sau tuyệt đối không còn ai.

763 Ngoài ra, Finnigan, Cox và Rodney Dearing, theo các bằng chứng của họ, là những người tham gia đầy đủ vào đám rước. Họ đã đứng ở phía cuối. Họ đã ở trong một vị trí để nhìn thấy rõ hai ca viên trẻ, mặc áo ca đoàn hoàn toàn, tách khỏi phần còn lại của nhóm và quay trở lại Nhà thờ Chính Tòa. Những người trưởng thành trong đám rước hiểu rằng các cậu bé đang được họ chăm sóc. Rõ ràng là cần phải duy trì kỷ luật trong ca đoàn, đặc biệt khi các cậu bé ở trong tầm nhìn của công chúng.

764 Ông Richter đệ trình rằng có bằng chứng không bị thách thức rằng “chuồn khỏi’ cuộc rước kiệu, mà không có phép, sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Nếu có bất cứ điều gì như thế xảy ra, thì điều này sẽ được ghi nhận và có hành động đối với nó. Đơn thuần là không có bằng chứng, ngoài bằng chứng từ trình thuật của người khiếu nại, cho thấy bất cứ “việc chuồn’ nào như vậy đã xảy ra.

765 Ông Richter đệ trình thêm rằng trong khi một người có thể không nhận thấy hai cậu bé tách khỏi đám rước chính thức, không thể quan niệm được việc 40 hoặc nhiều người hơn cũng không thấy gì.

766 Rodney Dearing nói rõ ràng rằng, từ vị trí của ông ở phía sau đám rước, ông sẽ thấy bất cứ ai quay lại đường khác, từ khu vực gần hành lang vệ sinh. Ông nhấn mạnh rằng ông chưa bao giờ thấy điều đó xảy ra. Ông nói rằng ông không tin điều đó có thể xảy ra.

767 Parissi ủng hộ Rodney Dearing về phương diện đó. Ông nói rằng không thể nào có chuyện hai cậu bé tách khỏi đám rước theo cách được người khiếu nại mô tả. Họ chắc chắn sẽ bị lưu ý, và chịu kỷ luật.

768 Christopher Doyle được cho là cung cấp sự hỗ trợ thêm về vấn đề này. Ông ấy từng là thành viên của ca đoàn từ năm 1994 đến năm 1999, và ở tuổi 15 vào cuối năm 1996. Ông ấy đã hát trong Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật vào thời gian đó, và cũng thường xuyên tham dự các buổi diễn tập của ca đoàn.

769 Doyle được hỏi về khả thể hai ca viên trẻ đã rời khỏi đám rước sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, trong khi phần còn lại của ca đoàn đang trở về phòng mặc áo của ca đoàn. Bản ghi chép đọc như sau:

ÔNG RICHTER: Vâng, nhưng khi diễn hành trở lại, hẳn ông sẽ nhận thấy liệu [người khiếu nại] và [cậu bé kia] đã quyết định chuồn đi?

DOYLE: Tuyệt đối.

770 Stuart Ford đã đưa ra bằng chứng có cùng một tác dụng tương tự. Cuối năm 1996, ông mới 14 tuổi và đã là thành viên của ca đoàn Nhà thờ Chính toà được một số năm. Ông biết cả người khiếu nại lẫn cậu bé kia. Vì lý do tuổi tác, Ông ta sẽ diễn hành phía sau họ trong đám rước. Bản ghi chép bằng chứng của ông ta đọc như sau:

ÔNG RICHTER: Trong đám rước họ sẽ ở trước mặt ông, phải không?

FORD: Vâng.

ÔNG RICHTER: Nếu một trong hai người, hoặc cả hai người, quyết định trốn thoát khỏi đám rước ở bất cứ giai đoạn nào khi nó đang diễn hành qua phòng ca đoàn, ông có nhận thấy không?

FORD: Tôi tin rằng tôi sẽ nhận thấy, vâng.

771 Bonomy thậm chí còn nhấn mạnh hơn. Ông ta nói rằng nếu trong diễn trình cuộc rước, một vài ‘đứa trẻ’ trước mặt ông ta ‘đã quyết định chuồn cái vù’ thì ông ta hẳn sẽ thấy điều đó xảy ra. Ngay cả khi ông ta không nhìn thấy nó, ông ta cũng được nghe nói về nó, nhưng ông ta không bao giờ nghe nói thế.

772 David Dearing nhấn mạnh rằng nếu bất cứ ai tách ra khỏi đám rước, theo cách mà người khiếu nại mô tả, điều này sẽ là một vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Đó không phải là một điều ông ta nhớ đã từng xảy ra.

773 David Dearing đã được bà Shann hỏi về một số câu trả lời mà ông đã đưa ra trong phiên điều trần. Đề cập đến vai trò của Finnigan trong việc giám sát các ca viên, bằng chứng của ông là như sau:

BÀ SHANN: Và ở dòng 13, Ông đã được hỏi những câu hỏi này và ông đã đưa ra những câu trả lời này, và tôi sẽ chỉ tạm đọc cho ông nghe một chút và sau đó chỉ hỏi ông về điều đó. Chỉ để thiết lập khung cảnh, đây là một số câu hỏi về Thầy Finnigan.

Câu hỏi: Ông ta chăm lo để đám rước, hoặc ông hiểu từ ông ta và có lẽ từ người cha của ông rằng đám rước phải ở đúng đội hình cho đến khi ông quay trở lại tòa nhà?’

Trả lời: ‘Tuyệt đối’

Câu hỏi: ‘Và bất kỳ sai lệch nào khỏi đó sẽ bị la to?’

Trả lời: ‘Nhất định’.

Câu hỏi: ‘Và sẽ là chủ đề của một số hình thức xử lý kỷ luật?’

Trả lời: ‘Đúng, tôi, tôi nghĩ vậy, vâng’.

Câu hỏi: ‘Nhưng ông nói rằng ‘Tôi nghĩ vậy’. Chưa bao giờ ông biết các cậu bé đã ra khỏi hàng?’

Trả lời: ‘Không phải tôi nhớ lại, không. Tôi luôn nhớ chúng tôi tất cả ở với nhau và đi vào, vâng’.

Câu hỏi: ‘Về những người ở trước ông trong hàng đó, đó là trường hợp mà ông có một cái nhìn rõ ràng, tất cả các ông diễn hành hàng hai, đúng không?’

Trả lời: ‘Đúng, vâng, đúng’.

Câu hỏi: ‘Và ông đã có một cái nhìn rõ ràng những người ở trước ông?’

Trả lời: ‘Đúng'.

Câu hỏi: ‘Và nếu ai đó có – có chuồn khỏi hoặc hai người có chuồn khỏi trước mặt ông trong hàng đó, hẳn ông sẽ thấy họ?’

Trả lời: ‘Vâng, bà phải thấy’.

Có phải ông đã được hỏi những câu hỏi đó?

DAVID DEARING: Vâng.

BÀ SHANN: Và ông đã đưa ra những câu trả lời?

DAVID DEARING: Vâng, tôi đã đưa ra.

774 Finnigan được hỏi liệu, nếu có hai ca viên mặc áo choàng ‘chuồn khỏi’ cuộc rước kiệu, hẳn ông ta sẽ nhận thấy. Ông ta nói rằng mặc y phục như họ, trong trang phục màu đỏ và trắng, họ sẽ được nhìn thấy rất rõ, và ông ta chưa bao giờ nghe thấy bất cứ điều gì như vậy xảy ra. Bằng chứng của ông đọc như sau:

ÔNG RICHTER: Khái niệm về một vài cậu bé chuồn khỏi hàng mà không bị hoặc ông hoặc 30 hay 40 cặp mắt khác phía sau nhìn thấy, ông có bao giờ nghe điều đó xảy ra chưa?

FINNIGAN: Không, tôi chưa nghe.

ÔNG RICHTER: Đã bao giờ có bất cứ cuộc nói chuyện nào về nó từng xảy ra, giữa các cậu bé hay bất cứ ai khác chưa?

FINNIGAN: Không.

775 Cox thậm chí còn kiên quyết hơn rằng trình thuật của người khiếu nại về việc ‘chuồn đoàn rước kiệu có thể không chính xác. Bằng chứng của ông ta về chủ đề này có thể tìm thấy ở đoạn [559] nói về những lý do này để phán xử.

776 Bên bào chữa cũng nhấn mạnh bằng chứng của bốn ca viên khác, tất cả đều ở độ tuổi khoảng 12 hoặc 13 vào năm 1996. Đó là Aaron Thomas, Farris Derrij, Andrew La Greca và David Mayes. Tất cả những nhân chứng này nói rằng chưa bao giờ có dịp nào, mà họ biết, khi hai ca viên trẻ ‘chuồn khỏi’ cuộc rước kiệu. Họ đều nói rằng có bất cứ điều gì như vậy xảy ra, nó sẽ được chú ý.

Trả lời của công tố - Có thể có chuyện các cậu bé “chuồn khỏi’ một đám rước ở bên ngoài mà không bị một người nào nhìn thấy

777 Công tố đã dựa vào bằng chứng của người khiếu nại rằng, vào thời điểm đoàn rước đã đến khu vực tổng quát của Gian phía Nam, dẫn đến cổng kim loại, ca đoàn đã trở nên phân tán và 'hơi hỗn loạn' một chút. Ông nói rằng ngay tại thời điểm đó, cả ông lẫn cậu bé kia đã tan hàng.

778 Người khiếu nại nói rằng ông ta và cậu bé kia đã ‘quay về phía sau’ cuộc rước kiệu khi họ ra khỏi hàng. Ông nói rằng điều này xẩy ra lúc các ca viên tụ tập ở bên ngoài cổng kim loại. Ông nói thêm rằng sự nghiêm ngặt của Finnigan đối với việc trang nghiêm không hữu hiệu như Finnigan muốn nghĩ.

779 Portelli nói rằng có rất nhiều khách du lịch tụ tập ở bên ngoài Nhà thờ Chính tòa sau mỗi Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Có thể có khoảng từ 350 đến 500 người trong khu vực tổng quát đó. Derrij, La Greca và Doyle đều đồng ý rằng khi đám rước tiến đến cổng kim loại, nó trở nên 'ít trật tự hơn', theo nghĩa là hai hàng thẳng không còn thẳng như trước đây nữa và mọi người đang nói chuyện với nhau.

780 Finnigan đồng ý rằng một khi Thánh lễ kết thúc, các ca viên thường rất phấn khích. Tuy nhiên, ông ta nhấn mạnh rằng ông ta hẳn sẽ thấy hai cậu bé ‘chuồn’ ra ngoài, nếu một biến cố nào như thế quả có xảy ra.Tuy nhiên, ông chấn chỉnh câu trả lời đó bằng cách nói rằng ông ta có thể đã không làm được như vậy nếu vì bất cứ lý do nào đó, ông ta đã bị phân tâm.

781 David Dearing nói rằng một khi ca đoàn ‘đụng cổng thép’, thì đó là ‘như bắt đầu cuộc chơi’ để ra khỏi đó và về nhà. Nó có thể có một chút náo nhiệt. Tại thời điểm đó, ca đoàn ‘tụ lại thành từng nhóm’ (bunching up) với nhau.

782 Cox nói rằng thỉnh thoảng ông rời khỏi phía sau đám rước khi nghe thấy các ca viên ‘om xòm cả lên’ ở phía trước. Đội hình thể lý của ca đoàn có lẽ đã tan rã lúc họ đến cửa kính, nằm ở cuối hành lang vệ sinh.

783 Parissi đồng ý rằng đến lúc ca đoàn đến cửa kính, mọi người đều vội vã, lo lắng để quay trở lại phòng ca đoàn và cởi áo choàng. Ông ta thừa nhận rằng có thể hai ca viên trẻ có thể đã tách mình ra khỏi đám rước ở đâu đó gần Gian phía Nam, nhưng ông ta đã không mục kích điều đó.

Kỳ tới: Trở ngại 7: Nếu các cậu bé rời khỏi đám rước, như người khiếu nại cáo buộc, họ sẽ bị nhìn thấy bởi người chơi đàn ống, cho dù đó là Mallinson hay Cox, trong khu vực Gian phía Nam
 
ĐHY Pell qua các Luật sư biện hộ đã chính thức nộp đơn kháng cáo lên Tòa tối cao Liên bang Úc châu:
Thanh Quảng sdb
21:13 17/09/2019
ĐHY Pell qua các Luật sư biện hộ đã chính thức nộp đơn kháng cáo lên Tòa tối cao Liên bang Úc châu:

Chiều 17/9/2019 the tin tức đài ABC cũng như các báo chí HeraldSun và The Australian ra ngày 18/9/2019 đều đăng tải tin ĐHY nộp đơn kháng cáo lên Tòa thượng thẩm tối cao Liên bang Úc châu trước bản án về tội tố giác việc ngài lạm dụng tính dục với hai chàng trai trẻ trong ca đoàn của nhà thờ Chính tòa Melbourne vào dịp lễ trọng thể khi ngài mới nhận chức TGM Melbourne vào giữa thập niên 1990.
Đây là cơ hội cuối cùng mà ĐHY hy vọng sẽ lật ngược được bản án tù ba năm 8 tháng và chứng minh tình trạng vô tội cho ngài. Theo tờ HeraldSun và tờ The Australian thì nhóm luật sư bào chữa cho ngài, đứng đầu là luật sư Bret Walker SC, một cựu thẩm phán danh tiếng…
Lý do kháng cáo mà báo chí và nhiều người cho rằng sự ‘bất khả’ của việc lạm dụng ấy có thể xảy ra trong một dịp lễ trọng thể tại nhà thờ Chính tòa vào dịp ĐHY mới nhận chức và việc vô lý ngài tự tách ra khỏi đoàn rước để vào phòng áo một mình, bắt gặp 2 chú ca viên cũng không hiểu sao tách ra khỏi đoàn rước lẩn vào phòng áo uống trộm rượu lễ… Trong vòng 5 tới 6 phút mà ĐHY với phẩm phục lễ trọng thể có thể lạm dụng tính dục với hai chú ca viên này trong một bối cảnh phòng áo mở toang và người ra vào thường xuyên tấp nập thật bận rộn của nhà thờ chính tòa trong ngày lễ Chúa Nhật bận rộn được!

Các luật sư cũng dựa vào sự nghi ngờ về điều ‘bất khả thể’ này của thẩm phán Mark Weinberg, một trong ba thẩm phán của phiên tòa kháng cáo tháng trước đây, không đồng ý với hai thẩm phán đồng nghiệp của ông trong phiên tòa kháng cáo 21/8/2019 vừa qua là chánh án Anne Ferguson và Chris Maxwell, cả hai đã đánh đổ mọi nhân chứng cho việc lạm dụng của ĐHY khó có thể xảy ra mà tin rằng người tố cáo nói sự thật! Dù cho 2 người bị lạm dụng thì một người đã chết vì dùng thuốc quá liều, chính anh này cho mẹ anh ta hay là anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng! còn người kia thì không bao giờ lộ diện tại tòa, chỉ có khai báo với cảnh sát mà thôi! Và lời khai cũng có những điểm trằn tréo nhau không được chính xác!
Theo Giáo sư luật tại Đại học Melbourne, Tiến sĩ giáo sư Jeremy Gans thì nếu đơn kháng cáo lên Tòa thượng thẩm tối cao Liên bang được chấp nhận thì việc mở phiên tòa xét xử lại cũng cần mấy tháng nên không có hy vọng phiên tòa sẽ được nhóm vào năm nay mà có thể xảy ra vào năm tới.
 
Công Giáo Pháp phản đối dự luật đạo đức sinh học.
Lê Đình Thông
07:42 17/09/2019
Trong phiên họp ngày 16/09/2019 tại Học viện Bernardins (Paris), Hội đồng Giám mục Pháp lên tiếng chống lại dự luật đạo đức sinh học (projet de loi de bioéthique) cho phép phụ nữ đồng tình luyến ái và độc thân có con. Dự luật này sẽ được Quốc hội thảo luận ngày 24/09/2019.

Đức TGM Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp bày tỏ sự quan ngại của các Giám mục. Hàng giáo phẩm Pháp hy vọng Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của hàng giáo phẩm.

Đức TGM Tổng Giáo phận Paris Michel Aupetit, xuất thân là một bác sĩ, e ngại khởi đầu kỷ nguyên khoa học lạc đạo. Nếu dự luật được thông qua sẽ làm thay đổi vai trò của bác sĩ, y sĩ chỉ còn là một nhân viên kỹ thuật phục vụ cho thú vui thân xác.

Đức Cha Pierre d’Ornellas mượn phát biểu của mục sư Martin Luther King: ‘‘I have a dream’’ khi cho rằng để kiến tạo thế giới ngày mai, chúng ta đừng để cho các kỹ thuật tác hại đời sống.

Ông Bertrand Lionel-Marie, một giáo dân có mặt trong buổi họp đã cảnh báo mô hình đạo đức sinh học của Pháp đang hủy hoại xác hồn các gia đình.

Giáo hội Pháp sẽ huy động các giáo dân tham dự cuộc mít tinh vào ngày 06/10 sắp tới để bảo vệ các giá trị nhân bản và thăng tiến xã hội. Đức Cha Eric de Moulins-Beaufort cho biết ngài tán thành xu hướng của các giáo dân muốn tập hợp đông đảo vào ngày 06/10.

Sau cùng, Đức TGM Aupetit cho biết Giáo hội có các phương cách hành động để Quốc hội lắng nghe quan điểm của hàng giáo phẩm.

Lê Đình Thông
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video Thánh lễ vĩnh khấn tại Dòng Thừa Sai Bác Ái Saigon
Minh Thiên
07:55 17/09/2019
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Còn ân xá trên vật phẩm đã bán không?
Nguyễn Trọng Đa
07:45 17/09/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Đọc "Sổ tay ân xá", con được biết rằng một ân xá gắn liền với một vật phẩm, chẳng hạn tượng thánh giá được làm phép bởi một Giám mục, sẽ bị mất hiệu lực, khi vật phẩm này được đem bán. Con đang tham dự một hội nghị, và ở đó một cô bán hàng có các thánh giá huy hiệu thánh Biển Đức, vốn đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI làm phép trong Đại Hội Giới trẻ Thế giới năm 2005, và cô ấy xin ai lấy tượng này đưa cho cô 10 USD. Con đã lấy một cái và đưa tiền. Thưa cha, liệu quà tặng này là một sự bán hàng ngụy trang chăng, tức là không có ân xá nào kèm theo? - D. G., Santa Barbara, California, Hoa Kỳ
.

Đáp: Bạn đọc này đang đề cập đến quy định 19.2. Quy định chỉ đơn giản nói rằng ân xá, gắn liền với việc sử dụng một vật phẩm đạo đức, chỉ mất hiệu lực khi vật phẩm ấy bị phá hủy hoặc bán.

Việc giải thích quy định có thể được hướng dẫn một phần bởi các điều Giáo luật tổng quát, như các điều 1171 và 1172, mặc dầu các điều này xử lý chính xác hơn đối với các nơi thờ tự thánh thiêng và vật phẩm thánh, như nhà thờ và các vật phẩm phụng vụ được làm phép, hơn là các vật phẩm đạo đức.

Khi nói về việc mất sự làm phép, các điều Giáo luận trên đây đã đề cập rằng một nơi thánh thiêng hoặc vật phẩm thánh sẽ mất hiệu lực làm phép, khi bị phá hủy phần lớn hoặc khi chuyển sang cho việc sử dụng thế tục.

Các điều luật này chỉ được sử dụng một phần liên quan đến vấn đề vật phẩm đạo đức, như chuỗi Mân Côi và huy hiệu, vốn thường là phổ biến hơn so với nhà thờ và chén thánh. Cũng có lý do chắc chắn rằng tâm trí của các nhà làm luật tránh tất cả các gợi ý về thương mại trong các vật phẩm có ân xá, vốn sẽ dẫn đến một hạn chế rộng hơn so với các điều luật.

Tuy nhiên, khái niệm giáo luật về giảm sử dụng thế tục có thể khai sáng vấn đề của chúng ta.

Việc bán một vật phẫm đã làm phép vì lợi ích cá nhân, vì tất cả ý định và mục đích, làm giảm vật phẩm thành vật phẩm thế tục, như là như một đồ vật thương mại, ngay cả khi người mua nó vì mục đích tôn giáo. Trong trường hợp như vậy, ân xá sẽ bị mất.

Mặt khác, nếu vật phẩm được trao đổi cho sự quyên góp, được đưa ra vì một mục đích tôn giáo hoặc từ thiện thì, nói cho đúng, chúng ta sẽ không nói về việc bán hàng và ân xá sẽ được duy trì.

Do đó, câu hỏi xoay quanh ý định của người phân phối. Nếu mục đích là lợi ích cá nhân, thì liệu không có sự khác biệt giữa bán hàng hay quyên góp chăng: chúng ta cứ xem đó là việc bán hàng. Nhưng nếu ý định là từ thiện, thì chúng ta đang xem đó là một khoản đóng góp cho từ thiện. (Zenit.org 19-7-2006)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Anrê Vũ Bình Định qua đời tại Bình Phước, Việt Nam
LM Giuse Phạm Bá Lãm
09:54 17/09/2019
CÁO PHÓ

Cha Anrê Vũ Bình Định
Lm. gốc Phát Diệm, nhập Tổng giáo phận Sàigòn,
Chính xứ Bình Phước Quận 6, Sàigòn.
Sinh ngày 29.11.1945 tại Gx. Mưỡu Giáp, Giáo phận Phát Diệm
Thụ phong Linh mục ngày 28.04.1973 tại Sàigòn.
Đã về Nhà Cha lúc 11g00 thứ ba 17.09.2019 tại Giáo xứ Bình Phước.
Hưởng thọ 74 tuổi với 46 năm linh mục.

Mục vụ của cha Anrê Định:
- 1973-1995: Phó xứ Bùi Phát
- 1995-2019: Chính xứ Bình Phước

Chương trình lễ tang:
- Nghi thức tẩm liệm lúc 17g00 thứ ba 17/9 tại Gx. Bình Phước,
634 Phạm văn Chí, P.8, Q.6, TP.HCM.
- Lễ an táng đồng tế: 8g30 thứ hai 23.09.2019 tại Nhà thờ Bình Phước,
sau đó hoả táng tại Bình Hưng Hoà.
Gia đình Linh mục Tu sĩ gốc Phát Diệm thành thật chia buồn với tang quyến.
R.I.P.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đầm Ấm
Nguyễn Đức Cung
21:50 17/09/2019
ĐẦM ẤM
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Gia đình đầm ấm an khang
Có cha có mẹ có đàn con ngoan.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Hôn nhân khác đạo trong đời sống Giáo Hội tại Hy Lạp – Gương thánh nữ Mônica
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:10 17/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôn nhân khác đạo trong đời sống Giáo Hội tại Hy Lạp

Đời sống của một cộng đoàn Công Giáo bao quanh bởi một đa số áp đảo những người Hồi Giáo như ta thấy tại Pakistan, các nước Trung Đông, và Nam Dương không dễ dàng chút nào. Còn đời sống của một cộng đoàn Công Giáo giữa anh chị em Chính Thống Giáo thì sao? Đó là một phóng sự đặc biệt của đài truyền hình Công Giáo Pháp KTO. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Thúy Nga.

Hy Lạp có 11 triệu dân, trong đó Chính thống giáo chiếm một đa số áp đảo. Tuy nhiên, ở quần đảo Cycladic, có một nhóm thiểu số Công Giáo rất nhỏ đã tồn tại được từ thế kỷ 13 cho đến nay. Làm thế nào những người Công Giáo ở quần đảo này sống đức tin của họ trong thế giới Chính thống giáo? Họ có cảm thấy hòa nhập tốt không? Những loại thỏa hiệp hoặc nhượng bộ nào họ phải thực hiện?

Những cảnh chúng ta đang xem thấy đây là những cảnh biển trời bao la thật ngoạn mục của quần đảo Cycladic.

Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với gia đình Roussos. Gia đình này cũng như hầu hết các gia đình khác có các thành viên là người Công Giáo, cùng một lúc cũng có các tín hữu Chính thống giáo. Chúng tôi cũng Đức Cha Petros Stephanou, giám mục giáo phận Syros và Milos, là một phần của quần đảo này.

Quần đảo Cycladic bao gồm 30 đảo trong vùng Biển Aegean. Vùng này đã có một nền văn minh rực rỡ đến mức chúng ta có thuật ngữ “Cyclades”, nghĩa là nền văn hóa Cycladic. Nền văn hóa Cycladic, hay thường được gọi là nền văn minh Cycladic, là một nền văn hóa có từ thời đồ đồng (tức là trong khoảng từ năm 3200 đến năm 1050 trước Chúa Giáng Sinh) được tìm thấy trên khắp các đảo của quần đảo Cycladic trên Biển Aegean.

Dân số trong quần đảo với diện tích đất liền 2,572 km2 này là 119,500 người. Riêng giáo phận Syros và Milos rộng 633km2, có 31,300 dân trong đó có 6,831 người Công Giáo, chiếm tỷ lệ 21.8%.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một thánh lễ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ chính tòa Thánh George.

Đức Cha Petros Stephanou cho biết giáo phận của ngài được thành lập từ thế kỷ thứ 13 và một điều khá lạ lùng là giáo phận của ngài có tỷ lệ người Công Giáo so với tỷ lệ dân số gần như không đổi, xê xích trong phạm vi 20% đến 23% trong suốt 50 năm qua.

Giáo phận của Đức Cha Stephanou hiện có 15 giáo xứ, được coi sóc bởi 14 linh mục trong đó có 11 linh mục triều và 3 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 5 nữ tu.

Trong một xã hội mà người Công Giáo là thiểu số và bị phân biệt đối xử một cách không chính thức, họ phải trả giá bằng nhiều tương nhượng.

“Việc mừng lễ Giáng Sinh và Phục sinh, chẳng hạn. Chúng tôi mừng theo lịch Chính Thống Giáo, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội Công Giáo. Mục đích là để có một sự hài hòa trong các gia đình hôn nhân liên tôn giáo.”

“Chúng tôi sống được với anh chị em Chính Thống Giáo vì chúng tôi có những quan tâm chung. Chẳng hạn, như tình trạng băng hoại về đạo đức trong một xã hội thế tục hóa. Mỗi ngày tôi đi từ Tòa Giám Mục đến nhà thờ chính tòa để dâng lễ, ở cuối con đường trước khi đến nhà thờ là một tiệm bán các dụng cụ tình dục, các văn hóa phẩm khiêu dâm. Trước đây, một thập niên, không có như thế đâu.”

Quan hệ giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo đã được cải thiện rất nhiều sau chuyến tông du lịch sử của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên được đặt chân đến Hy Lạp sau 1291 năm.

Tại Athens, tiếng Việt thường gọi là Nhã Điển, vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã gặp Đức Tổng Giám Mục Christodoulos, người đứng đầu Giáo hội Chính Thống Hy Lạp. Sau cuộc gặp gỡ riêng 30 phút, hai người đã có một buổi gặp gỡ công khai với dân chúng và đặc biệt là giới báo chí. Đức Tổng Giám Mục Christodoulos đã bất ngờ đọc một danh sách “13 tội danh” của Giáo Hội Công Giáo chống lại Giáo hội Chính thống Đông phương kể từ sau cuộc Đại ly giáo vào năm 1054, bao gồm cả việc những người thập tự chinh cướp phá Constantinople vào năm 1204, và than phiền về việc không có bất kỳ lời xin lỗi nào từ phía Giáo Hội Công Giáo.

Tuy hơi bất ngờ trước diễn biến này, vị Giáo Hoàng Ba Lan đã ôn tồn trả lời rằng trong quá khứ và hiện tại, con cái của Giáo Hội Công Giáo thực sự đã có những hành động không hay hoặc thiếu sót đối với anh chị em Chính thống của họ, xin Chúa ban cho chúng ta sự tha thứ,” nghe những lời này nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo vỗ tay ngay lập tức. Đức Gioan Phaolô II cũng nói rằng việc cướp phá Constantinople là một nguồn gây tiếc nuối sâu sắc cho người Công Giáo. Sau đó, Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục đã gặp nhau tại một nơi mà Thánh Phaolô đã từng rao giảng cho các Kitô hữu Athen. Các ngài đã ban hành một tuyên bố chung, nói rằng “chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình, để nguồn gốc Kitô giáo của Âu châu và linh hồn Kitô giáo của nó có thể được bảo tồn.Chúng tôi lên án tất cả sự truy đồi, cuồng tín, và bạo lực nhân danh tôn giáo”.

Hai nhà lãnh đạo sau đó cùng đọc Kinh Lạy Cha với nhau, phá vỡ một điều cấm kỵ của Chính Thống Giáo là cấm không được cầu nguyện với người Công Giáo.

Gương thánh nữ Mônica

Sau bao nhiêu mai mối, song thân quyết định gả thánh nữ Mônica cho Patriciô. Với 22 tuổi xuân, Mônica phải kết duyên với một người ngoại giáo, tuổi lại gấp đôi, tính tình cục cằn thô lỗ, hoang tàn. Song là người con hiếu thảo, có thưa cùng cha mẹ thiệt hơn, nhưng thấy song thân vui thuận, Mônica đành ép dạ vâng theo.

Mônica ước mong cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng khi về nhà chồng, nếp sống đảo lộn: mẹ chồng cay nghiệt, bắt bẻ chỉ trích việc này việc nọ, nhưng Mônica tự nhủ: “Mẹ tuổi đã cao thường hay khó tính, bổn phận ta thay chồng phụng dưỡng, phải hết lòng chiều chuộng mới phải đạo con dâu”. Mônica hết sức giữ gìn ý tứ sớm hôm thăm hỏi. Tuy làm việc luôn tay mà vẫn bị nhiếc mắng, lại thêm lũ gia nhân đầy tớ tìm cách vu oan cáo vạ cho Mônica để nâng công với chủ.

Patriciô rất bực mình và ngăn cấm khi thấy Mônica đọc kinh sớm tối, thăm hỏi bệnh nhân và bố thí cho người nghèo khổ. Mônica cố ép lòng nhịn nhục, mong một ngày mai tươi sáng. Thế rồi hương nồng chưa đượm được bao lâu, ngựa quen đường cũ, Patriciô lại ăn chơi trác táng. Dưới ngọn đèn một mình một bóng, Mônica thao thức đợi chồng, bà may vá để khuây niềm tâm sự, lắm hôm thâu đêm suốt sáng mà Patriciô chẳng buồn về. Mônica đã khóc rất nhiều, bà muốn bỏ nhà chồng để về sống lại giữa mối tình đằm thắm của song thân nhưng bà chợt nghĩ: “Trách nhiệm này ai đã gởi đến cho ta”. Dẫu một sợi tóc trên đầu cũng do ý Chúa định, huống chi ta là con của Chúa.

Mônica vội sấp mình cầu nguyện:

– Lạy Chúa, thánh giá này Chúa gởi đến cho con, con xin lãnh lấy linh hồnPatriciô để hoán cải. Chúa ôi! Trong ngày cưới, con đã hứa làm sao thì nay con xin chọn phu thê, một lòng chung thủy, dù trăm ngàn cay đắng con cũng cam lòng, không bao giờ con dám nghĩ đến sự chia ly nữa.

Trong cuộc sống hằng ngày, Mônica nêu cao đức hạnh, xử sự ôn hòa, nhẫn nại. Những lúc Patriciô trở về nhà hơi men nồng nặc, gây gổ mắng chửi Mônica vô cớ. Tuy đã cố nén lòng nhẫn nhục, bà vẫn giận run lên vì phẫn uất, bà đã khóc và tự nghĩ: “Mình đã làm gì nên tội mà phải bị đọa đày cách này”. Câu này đã nhắc đến điều mà bà hay suy gẫm: “Chúa Kitô xưa đã làm gì nên tội mà bị đóng đanh vào thập giá? Phải chăng vì lòng yêu thương loài người mà Chúa đã xuống thế chịu chết và cứu chuộc ta”. Mônica cầu nguyện:

– Lạy Chúa, Chúa đã chết vì tội con, con còn dám tiếc sự gì cùng Chúa, conxin vui lòng gánh đỡ thánh giá cho Chúa để tỏ lòng mến Chúa, trong sự nhịn nhục này, con hợp nhất cùng Chúa.

Mônica đã tìm ra phương pháp biết sống bởi Chúa, do Chúa, và vì Chúa. Đó chính là con đường đưa Mônica lên bậc thánh.

Trong gia đình, Mônica đã phải hứng chịu những bất công tàn nhẫn. Bà luôn cố gắng sống hòa nhã khiêm nhường để chu toàn phận sự, thảo kính mẹ, phục tùng chồng. Bà phải đối phó với mọi bề khó khăn phức tạp, mới mong giáo dục con cái theo đường lối của mình, để hun đúc đức tin cho con trẻ, để rồi một ngày kia Chúa đã thưởng công cho bà lên làm mẹ của ba vị thánh: Augustinô, Navigiô và Perpêtua.

Trước những đức tính đơn sơ và hiền hậu của Mônica, dù người ác nghiệt cách nào đi nữa, một ngày kia cũng siêu lòng đổi ý. Nên chẳng bao lâu, Mônica đã cảm hóa được mẹ chồng. Bà mẹ chồng đã cấm gia nhân không được xử tệ với Mônica, và công nhận Mônica là một người con dâu thảo. Mônica trang nghiêm nhưng độ lượng, nên từ mẹ chồng đến hàng xóm, kẻ ăn người ở trong nhà dần dần quí mến bà rất mực.

Patriciô càng ngày càng chơi bời quá trớn, phóng đãng bê tha, bỏ mặc vợ con. Mười bảy năm về nhà chồng Mônica đã chẳng bỏ qua một ngày hay để lỡ dịp mà không hoán cải chồng bằng lời cầu nguyện, nhẫn nhục chịu đựng. Lúc nào bà cũng tỏ ra là người vợ nết na hiền thục.

Patriciô nổi tiếng là tàn nhẫn, trái ý một chút là ông giở thói vũ phu. Nhưng nhiều lần Patriciô giơ tay định đánh vợ, nhưng trước nét mặt đoan trang của vợ, Patriciô lại buông xuôi vì như có một mãnh lực vô hình cản trở.

Cách cư xử điềm đạm của Mônica không những làm cho chồng dịu cơn nóng nảy, mà còn như giọt nước nhiệm mầu, mỗi ngày Patriciô thấy rõ rệt sự cao đẹp của bà, đến cảm phục.

Mônica không hề thúc giục chồng theo đạo. Hằng ngày, bà thầm thĩ cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho Patriciô trở lại. Bà tự thánh hóa bản thân, nêu gương nhân đức, cương quyết hy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Theo bà, đó là cách giảng đạo hữu hiệu nhất. Mônica không những nổi danh là trang tuyệt sắc, mà còn có một tâm hồn cao thượng trong trắng, đem đức hạnh để thu phục chồng.

Trước tấm lòng cao đẹp ấy, Patriciô đã suy nghĩ nhiều và động lòng hối cải. Năm 370 ông ngỏ ý theo đạo, Mônica hân hoan xúc động, nước mắt tuôn trào vì sung sướng… Sau bao năm trời đằng đẵng, Mônica dâng nước mắt thay lời, nhẫn nại hy sinh, nay đã thực hiện được phần sứ mạng Chúa đã gởi đến cho bà.