Ngày 18-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19/09: Đức Giêsu là Đấng ban sự Sống – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
01:12 18/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Đó là lời Chúa
 
Không Ghi Nhớ
Lm Vũđình Tường
02:06 18/09/2023
Phêrô hỏi Đức Kitô, con cần tha cho anh em con mấy lần nếu người đó có lỗi với con? Phêrô đặt vấn đề bất hoà khi chung sống với nhau. Đây là thực tế trong cuộc sống. Sống chung sớm muộn gì cũng có bất đồng về tư tưởng, lời nói và hành động vì thế cần phải làm hoà để chung sống. Bất đồng xảy ra có thể là do vô tình và cũng có thể do cố í. Làm hoà để nối kết lại tình thân hữu, tình anh em. Phêrô cũng biết làm hoà và tha thứ là đường lối Chúa. Thù hằn, trả đũa là đường lối thế gian. Phêrô nghĩ là cần tha thứ cho anh em khi họ làm lỗi nhưng cách thực hành của Phêrô có giới hạn. Theo ông thì tha thứ bảy lần là nhiều lắm rối. Đức Kitô đưa ra câu trả lời khiến ông ngạc nhiên, lúng túng. Ngài nói với Phêrô. Tha thứ không có giới hạn số lần, không cần ghi nhớ tha thứ bao nhiêu lần. Đức Kitô dậy Phêrô là tha thứ chính là yêu thương mà yêu thương không có giới hạn. Tha thứ cũng cho biết sức mạnh nội tâm của người đó. Chỉ những ai có sức mạnh nội tâm mới thắng nổi mình. Thắng người khác còn dễ hơn thắng cõi lòng mình. Để làm chủ cõi lòng người đó cần có sức mạnh nội tâm. Sức mạnh nội tâm đó cho biết tha thứ là điều lành thánh, đáng làm. Hành động tốt lành này không đòi phải đền ơn, đáp lại.

Câu hỏi Phêrô hỏi dường như xảy ra giữa hai cá nhân với nhau, bất đồng, xung khắc giữa hai người anh em. Từ anh em ở đây có thể hiểu là hai người quen biết nhau mà cũng có thể là hai người xa lạ. Ngạc nhiên thay, dường như tha thứ, bỏ qua cho người xa lạ dễ dàng hơn bỏ qua, tha thứ cho người mình quen biết. Càng quen thân càng khó bỏ qua bởi cái cảm tưởng bị phản bội kéo dài thù hận. Người xa lạ làm phiền rồi biến mất, ít khi ta gặp lại. Trường hợp Phêrô hỏi đây dường như là hai người quen biết nhau bởi sai trái được lập đi, lập lại. Đức Kitô biến câu hỏi của Phêrô thành trường hợp chung cho toàn thể mọi người trong xã hội. Ngài dậy là tất cả mọi người, già trẻ, lớn bé, đều có khả năng tha thứ, đều nhận được ơn tha thứ và cần phải tha thứ cho nhau. Không tha thứ người đó sẽ sống trong cô đơn, buồn khổ. Chúng ta được mời gọi sống đời sống hạnh phúc và bình an. Không tha thứ là tự làm khổ mình.

Đức Kitô đưa ra dụ ngôn, người kia nợ nhà vua món nợ khổng lồ, anh không thể trả được, anh van xin nhà vua cho thêm thời hạn. Nhà vua thương hại tha cho anh. Trên đường về, anh gặp con nợ và người này cũng van xin cho thêm thời hạn. Anh không bằng lòng, bắt người đó ngồi tù. Biết tin, nhà vua cho đòi anh đến nói với anh.

'Ta tha hết số nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi cũng phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi'. Mt 18,33

Trong cơn thịnh nộ, nhà vua cầm tù anh cho đến khi anh trả hết nợ. Dụ ngôn cho biết rõ ràng, tha thứ không phải là một chọn lựa mà là nhiệm vụ lành thánh, điều cần phải làm và nên làm. Sống trong xã hội, chúng ta cách nào đó đều mắc nợ nhau. Những người đó là nông dân, công nhân, buôn bán thương mại, nghiên cứu, cứu hoả, i tá v.v..

Chúng ta đều mắc nợ vua, Vua vũ trụ, Đấng dựng nên ta, ban cho ta trí khôn, thông hiểu, trí nhớ, sức khoẻ. Thiếu tha thứ là chọn đời sống bất tuân lệnh vua đất trời. Thiếu tha thứ là không có lòng biết ơn, không cám ơn những gì đã nhận như sự sống, bình an, niềm vui. Tất cả đều là quà Chúa trao ban. Phêrô cho biết Đức Kitô là lãnh tụ tối cao, Đấng ban cho niềmvui, hạnh phúc, hy vọng, sự sống đời này và sự sống trường sinh. Phêrô cũng nhận biết chính tha thứ mang lại bình an trong tâm hồn, người đó có cuộc sống thảnh thơi, thoải mái, hạnh phúc. Chọn không tha thứ chính là chọn làm khổ mình, sống trong u sầu, phiền muộn. Xin ơn coi trọng bí tích Hoà Giải.

TiengChuong.org

No Tally

Peter asks Jesus, how many times he needs to forgive his brother if he wrongs him. Peter thinks seven times is generous enough. Peter raises a real-life issue living together, hurt and pain, disappointment and disagreement, and broken relationships happen repeatedly. It is either by word or action, both with intention and unintentional, and that is something not easy to avoid. Peter also knows that when hurt and disagreement happens; forgiveness is the way to re-established a broken relationship. Peter also knows that forgiveness are the way of God, and vengeance and retaliation is the way of man. In forgiving, Peter thinks to forgive each other more than once, seven times he said, and that would be generous enough. Jesus surprises Peter by saying to him. When you forgive, you have better not count, don't keep any record. In other words, Jesus tells Peter that there is no limit to forgiving. This teaching shows that true love is limitless. Forgiveness is itself love. It reveals the inner strength of that person. The will to forgive is stronger than the hurt and pain a person has endured. The hardest battle of all is to win oneself. One needs to convince oneself that forgiveness is a noble thing to do. It is an act of freeing oneself from self-pity. An act of forgiveness is not a favour, and therefore there is no need to repay the favour.

The question that Peter raises relates to two individuals. It is the wrongdoing between the two brothers. The word brother here includes both the known and unknown. It is easier to forgive a person whom you don't know than a person whom you know well. It is the feeling of betrayal that prolongs the hurt. A stranger may upset us once and we don't meet them again. The case that Peter raises seems to suggest that the offender is not a stranger, but the known one because offenses are repeated. Jesus takes his question and generalises in is teaching about the power of forgiveness. His teaching suggests that everyone, young and old, has the power to forgive. We all make mistakes and have forgiven. We all need to forgive. Underestimating the power of forgiveness brings not joy but misery. We are called to live a life of joy and peace, not anger and isolation.

In his parable, Jesus talks about a debtor who owes his king an enormous sum that is beyond his ability to pay. The king cancells his debt when he appeals to the king. This man shows no pity on his creditor when he begs for mercy. Hearing his wickedness to his brother, the king was furious. He ordered the first man to see him. The king told the man, 'I callcelled all that debt of yours when you appealed to me. Were you not bound, then to have pity on your fellow servant just as I had pity on you'. In his anger, the king put him in jail till he pays all the debt.

The parable makes it very clear, that forgiveness is not an option but it is a duty, an obligation that everyone must do because we are all indebted to each other, namely: farmers, traders, drivers, entertainers, writers, firefighters, nurses, doctors, etc. We are all in debt to our king, the King of the universe who gives us life, health, and memory; talent, intelligence and wisdom. When we refuse to forgive each other; we choose to disobey the king of the universe. We chose to live an ungrateful life. Peter's way shows that he is grateful to his brothers and certainly grateful to his Master. Jesus is his supreme leader, who gives him faith and promises to give him a life full of hope, and eternal life to come. Peter knows that forgiveness has the power to set him free from the feeling of resentment. It sets his heart free and gives him peace. It is the inner joy that makes his life more enjoyable. Unforgiving means self- imprisoning, unhappy, and miserable, and what Peter tries to avoid.

We pray to love the sacrament of Reconciliation.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:33 18/09/2023

3. Không phải bởi vì nhiều lời mà được sự chuẩn nhận, nhưng là vì sự thuần khiết của tâm hồn và nước mắt của thống hối.

(Thánh Benedictus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:37 18/09/2023
52. THẾ GIỚI CỰC LẠC

Có một lần, hai anh em Lục Tính cùng đến chùa Long Đàm du ngoạn, nhìn thấy một phòng tối, đứa em nói:

- “Đây nhất định là địa ngục mà người ta thường nói”.

Người anh trả lời:

- “Không đúng, đó là thế giới cực lạc”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 52:

Địa ngục thì nhất định là phải tối tăm và thế giới cực lạc thì nhất định là phải sáng sủa, đó là quan niệm của nhiều người, và chính Đức Chúa Giê-su cũng đã nói như thế khi Ngài đưa ra viễn ảnh ngày phán xét…

Người quang minh chính đại thì coi tối tăm là nơi của thần dữ và tất cả những tội lỗi đều từ đó mà phát sinh; người tội lỗi hoặc những người có cuộc sống không tốt lành thì coi tối tăm là nơi cực lạc, vì nơi tối tăm họ dễ dàng làm những điều mờ ám tội lỗi, họ dễ dàng ném đá giấu tay và đồng lõa với tội phạm…

Người Ki-tô hữu là con cái của sự sáng nên cuộc sống của họ quang minh chính đại và phản ánh lại sự sáng của Phúc Âm, cho nên dù sống giữa một xã hội tràn ngập ánh sáng văn minh nhưng tâm hồn thì tối tăm đen đủi, họ vẫn cứ tỏa sáng như ánh đèn sáng chiếu soi mọi người bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ tha nhân.

Có những ngục tù tối tăm nhưng vẫn rực sáng lên niềm tin vào Đức Chúa Giê-su nơi những con người như bị người đời xóa sổ; có những nơi sáng rực hoa đèn như phố thị nhưng tâm hồn con người thì vẫn cứ sống trong tối tăm đau thương và tội lỗi.

Nơi tối tăm nhưng chưa chắc đã khổ và nơi cực lạc thì chưa chắc là sung sướng, bởi vì tối tăm hay đau khổ đều do nơi tâm của chúng ta mà ra.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thiên Chúa Đấng hoàn toàn khác
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:27 18/09/2023

CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16
THIÊN CHÚA, ĐẤNG HOÀN TOÀN KHÁC

Mầu nhiệm Thiên Chúa vốn là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu đối với lý trí của con người, nếu không có mạc khải, chúng ta không thể nào biết được bản tính sâu xa của Thiên Chúa. Liên quan đến vấn đề này, phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày với chúng ta chủ đề: “Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác – Dieu est Total Autre.” Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu chủ đề này qua những điểm sau đây:

1) Thiên Chúa hoàn toàn khác về hữu thể;
2) Thiên Chúa khác về tư tưởng và đường lối;
3) Lời mời gọi sống theo cách hành xử của Thiên Chúa.

1. Khác biệt về hữu thể

Theo mạc khải của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác biệt chúng ta về hữu thể. Theo Bổn Lẽ Cần dạy,
“Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô thủy, vô chung, thông minh vô cùng, phép tắc vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi.”

Tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, Đấng luôn luôn mới mẻ, Đấng siêu việt, vượt trên mọi sự và mọi loài.

Hữu thể của Thiên Chúa khác biệt với hữu thể của các loài thụ tạo. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp nhất nên một, nhưng vẫn là ba. Đó là điều mà đầu óc con người không thể thấu hiểu. Thiên Chúa vẫn mãi mãi ở trong huyền nhiệm của Người. Nên các Giáo Phụ cho rằng: “Bản chất của Thiên Chúa không thể diễn tả.” Bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8), mà tình yêu bao giờ cũng huyền nhiệm, bao giờ cũng tuyệt vời và siêu việt hơn mọi so đo tính toán của con người.

Chỉ nhờ mạc khải và ở trong huyền nhiệm tình yêu, chúng ta hiểu được điều gì đó về bản thể của Thiên Chúa và sự khác biệt nơi Người.

2. Khác biệt về tư tưởng và cách hành xử

Bản chất của Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt, nên tư tưởng và cách hành xử của Thiên Chúa cũng hoàn toàn khác biệt so với con người. Điều này được diễn tả trong bài đọc I:
“Thật vậy, tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các người và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Quả thế, tư tưởng của Thiên Chúa khác biệt với tư tưởng của loài người. Bởi vì, Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, hiểu biết mọi loài, nên Người nhìn xa trông rộng. Trong khi đó, con người là thụ tạo, nên tư tưởng con người luôn có giới hạn và hẹp hòi.

Thiên Chúa không chỉ khác về tư tưởng, nhưng còn khác về đường lối và cách hành xử của loài người. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng về cách hành xử của Thiên Chúa hoàn toàn khác với mọi so đo tính toán của loài người. Thiên Chúa có tiêu chuẩn và logic riêng, không theo tiêu chuẩn con người.

Thông thường, ai làm nhiều sẽ hưởng lương nhiều, ai làm ít sẽ hưởng lương ít. Trong dụ ngôn này, ông chủ không hành xử theo logic đó. Ông trả cho người thợ làm việc từ giờ thứ ba (từ sáng sớm) một đồng và người thợ làm việc từ giờ thứ 11 cũng lãnh một đồng. Xem ra có vẻ bất công, vô lý và mâu thuẫn với lập luận con người. Đây là một dụ ngôn để diễn tả cách hành xử rất khác biệt của Thiên Chúa. Theo cách hành xử này, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói một cách dí dỏm rằng: “Chúa Giêsu không biết làm toán, không biết làm kinh tế.” Đó là một cách nói diễn tả Thiên Chúa không có tính toán theo cách thức của con người, nhưng theo cách thức của tình yêu.

Trong Tin Mừng, chúng ta còn có nhiều chứng tá về sự khác biệt của Thiên Chúa qua các dụ ngôn của Đức Giêsu như người chăn chiên có 100 con chiên, ông bỏ 99 con để đi tìm 1 con chiên lạc (x. Lc 15,4-7). Dụ ngôn về một người đàn bà có 10 nén bạc, nhưng mất một nén, sau khi tìm được nén bạc đã mất, bà vui mừng mở tiệc mừng (x. Lc 15,8-10). Hay như dụ ngôn người cha nhân hậu có hai người con, đứa con thứ bỏ nhà ra đi hoang đàng, nhưng sau đó nó trở về, người cha không nhớ gì hết ngoài niềm vui vì được gặp lại người con thứ… (x. Lc 15,11-32).

Tất cả những dụ ngôn này muốn nói đến cách thức, niềm vui và lối hành xử của Thiên Chúa khác biệt với con người. Bởi vì Thiên Chúa hành động theo tiêu chuẩn và logic của tình yêu.

3. Hé mở một con đường

Như vậy, qua cách hành xử đó, Thiên Chúa hé mở cho chúng ta một chân trời mới, một hy vọng mới:

Điều thứ nhất, ơn cứu độ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Bất kỳ lúc nào, dù vào giờ cuối cùng, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta đến để làm vườn nho cho Chúa, để được cứu độ. Thiên Chúa ban ân sủng một cách rộng rãi, phong phú và nhưng không cho chúng ta.

Điều thứ hai, chúng ta được mời gọi từ bỏ lối lý luận hẹp hòi, toan tính của loài người, để can đảm đi vào đường lối và logic của Thiên Chúa, đó là logic của tình yêu.

Điều cuối cùng là chúng ta xin cho có được tầm nhìn của Thiên Chúa và hành xử giống Thiên Chúa, hành xử theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, tiêu chuẩn của tình yêu hơn là tính toán hẹp hòi. Chúng ta không chỉ sống theo sự công bằng, nhưng còn phải theo bác ái và quảng đại tương quan với tha nhân. Theo cách đó, chúng ta sẽ được nên giống Đức Kitô và sống theo đường lối của Thiên Chúa trong đời sống mình. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/


 
Tình yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:28 18/09/2023

CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16
TÌNH YÊU, TIÊU CHUẨN CỦA THIÊN CHÚA

Thông thường theo sự công bằng, ai làm nhiều thì hưởng tiền lương nhiều, ai làm ít thì hưởng lương ít. Thế nhưng câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay không theo tiêu chuẩn như thế.

1. Dụ ngôn ông chủ quảng đại

Ông chủ hành xử theo cách thức khác vượt trên sự công bằng đó. Dụ ngôn kể từ sáng sớm ông đã ra thuê thợ làm vườn nho cho mình. Ông đã thỏa thuận với họ là sẽ trả cho họ mỗi ngày một đồng. Nhưng khi đi ra ngoài, lúc giờ thứ ba (9 giờ sáng), thấy những người ở ngoài không làm gì, ông mời họ vào làm, đến giờ thứ sáu (12 giờ trưa) rồi giờ thứ chín (3 giờ chiều), và cả đến giờ thứ mười một (5 giờ chiều), ông cũng làm như thế. Chiều đến, ông gọi thợ lại mà trả tiền công cho họ, ông trả cho người thợ làm từ sáng sớm đúng một đồng như đã thỏa thuận và cho người làm giờ cuối cùng cũng một đồng. Xem ra có vẻ bất công! Nên những người làm nhiều giờ đã cằn nhằn và trách móc ông chủ. Nhưng xét cho cùng ông đã không có lỗi gì đến sự công bằng đối với họ, ở đây ông đã hành xử vượt trên sự công bằng, theo lòng quảng đại đối với những người làm sau (x. Mt 20,1-16a).

Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ rằng những người thợ đầu tiên được mời gọi bởi Thiên Chúa là những người Luật Sĩ, Biệt Phái và nói chung là tất cả những người Do Thái như là dân tộc được chọn và được thừa hưởng lời hứa từ các tổ phụ. Họ cho rằng chỉ có họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ. Trái lại, những người thợ làm vườn nho vào giờ cuối cùng là những người tội lỗi và dân ngoại mà Chúa Giêsu đến để tìm kiếm họ và mời gọi họ vào đón nhận ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

2. Lòng quảng đại vượt trên sự công bình

Qua đó, Chúa Giêsu muốn chống một thứ tôn giáo và luân lý chỉ dựa trên công trạng của mình. Theo đó, những người Biệt Phái và Luật Sĩ đã loại bỏ khả năng được hưởng ơn cứu độ của những người nghèo, người bị bỏ rơi và người tội lỗi. Đồng thời Chúa Giêsu loan báo sứ điệp mới mẻ rằng ơn cứu độ chủ yếu dựa trên sự nhưng không, lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa. Người đặc biệt ám chỉ ông chủ vườn nho đó chính là Thiên Chúa.

Điều này làm cho chúng ta ngạc nhiên! Cách hành xử của ông chủ chính là cách hành xử của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động và phân xử hoàn toàn khác với những so đo tính toán của con người. Như bài đọc I diễn tả:
“Thật vậy, tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các người và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Vậy thì dụ ngôn chủ vườn nho nói với chúng ta điều gì?
Trước hết, dụ ngôn muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa hành xử với chúng ta không chỉ dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình yêu, lòng quảng đại và thương xót. Những người làm giờ thứ nhất được trả một đồng là theo tiêu chuẩn công bằng mà họ đã thỏa thuận. Nhưng những người làm giờ cuối cũng nhận được một đồng là theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng quảng đại.

Dụ ngôn còn muốn nhấn mạnh rằng: Nước Trời, ơn cứu độ không phải chủ yếu là phần thưởng, là công trạng do công sức chúng ta làm nên, nhưng là quà tặng, là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa muốn ban cho tất cả mọi người, không loại trừ ai, kể cả những người đến giờ chót, miễn là họ mở lòng đón nhận, miễn là họ biết lắng nghe lời mời và cộng tác với Thiên Chúa.

3. Sự “vô lý” của Thiên Chúa, cơ hội cho chúng ta

Như thế, cách thức hành động của Thiên Chúa có vẻ ngược đời, vô lý và khác với lý luận của chúng ta. Các Giáo Phụ nói rằng: “Thiên Chúa không tính toán khi ban phát ân huệ của Người.” Hay như Đức Hồng Y Thuận nói cách dí dỏm: “Thiên Chúa không biết tính toán!” Nhưng chính sự “vô lý” của Thiên Chúa lại trở thành cơ hội, là lối vào cho chúng ta tới gần Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta theo sự công bằng thì chắc chắn chúng ta phải chết và bị luận phạt rồi. Bởi lẽ, chúng ta đã nhiều lần đắc tội với Người. Một cách khiêm tốn, phải thành thật thú nhận rằng, chúng ta chẳng xứng đáng và chẳng có công trạng gì để được cứu độ, nếu không nhờ vào lòng thương xót của Người.

Nhưng Thiên Chúa hành xử với chúng ta theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng từ bi của Người, thì đó là hy vọng, là cơ hội cho chúng ta được cứu độ.

Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, bất kỳ lúc nào, giờ nào, cả giây phút cuối cùng trong cuộc đời, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về, cộng tác với người làm vườn nho của Chúa, và dù làm nhiều hay làm ít, Thiên Chúa cũng ban ơn cứu độ, ân sủng cách dồi dào cho chúng ta theo lượng từ bi và nhân hậu của Người.

Tất cả chúng ta cũng được mời gọi đi vào logic của Thiên Chúa, logic của tình yêu, của lòng quảng đại. Nghĩa là hãy vươn tới tầm nhìn của Thiên Chúa, hãy mặc lấy tâm tình và cách cư xử của Đức Kitô, như thánh Phaolô nói: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), để lượng giá cuộc đời không dựa theo tiêu chuẩn tính toán, hẹp hòi, ích kỷ, như những người thợ đầu tiên, nhưng theo tầm nhìn, tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa khi đối xử với tha nhân mình. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Thuần túy xót thương
Lm. Minh Anh
15:53 18/09/2023

THUẦN TUÝ XÓT THƯƠNG
“Đừng khóc nữa!”; “Hãy trỗi dậy!”.

“Lạy Chúa, xin chấm dứt cuộc sống khốn khổ của con theo ý muốn tốt lành của Ngài! Giờ đây, sau bao trận chiến, con không tìm thấy gì ngoài sự phù phiếm và hư đốn. Con bối rối, đau đớn chống lại ước muốn nên thánh của con. Nó khóc nức nở vì sự hư hỏng của con, và nó sẽ chỉ tựa nương vào lòng thuần tuý xót thương của Chúa, điều mà Ngài đã hứa với tất cả tội nhân ăn năn mà con là một trong số đó!” - Nhật ký của một tu sĩ.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ tựa nương vào lòng thuần tuý xót thương của Chúa”. Đó cũng là những gì Tin Mừng hôm nay ghi lại trước cửa thành Nain. Một nhóm người đi ra, hộ tống cái chết, theo sau là một người mẹ; một nhóm người đi vào, hộ tống sự sống, dẫn đầu là Chúa Giêsu.

Họ gặp nhau, Chúa Giêsu nói với cô, “Đừng khóc nữa!”; và sờ vào quan tài, Ngài bảo, “Hãy trỗi dậy!”. Người chết ngồi lên, Ngài trao anh cho người mẹ. Mới hôm qua, Ngài ghi nhận đức tin phi thường của viên đại đội trưởng khi ông xin chữa cho người đầy tớ từ xa; Phúc Âm hôm nay không nói gì đến đức tin của bất cứ ai; không ai yêu cầu, không ai sụp lạy Ngài! Chúa Giêsu chỉ thấy một goá phụ đi bên thi hài đứa con duy nhất của cô khi nó được mang đi chôn, và Ngài xót thương, như người Samaritanô xót thương nạn nhân sóng soài bên đường; như người cha xót thương đứa con hoang đàng trở về. Không cần làm bất cứ điều gì, không cần nói bất cứ lời nào, Ngài hành động vì ‘thuần tuý xót thương’, trao anh ấy cho goá phụ để cô không còn cô đơn trên thế giới này.

Tin Mừng muốn nói, sáng kiến ‘thuần tuý xót thương’ của Chúa đối với con người không phụ thuộc vào mức độ đức tin nhất định của ai. Ngài đến với chúng ta như chúng ta vốn có, và nhu cầu của chúng ta càng lớn thì việc đến của Ngài càng mạnh mẽ. Chúa ban ân sủng bằng sự hiện diện của Ngài. Được ân sủng một cách bất ngờ và không đáng có, chúng ta không thể không đáp lại nó theo cách đám đông đã làm, là ca ngợi về món quà cứu độ của Ngài! Luca ghi nhận, “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa!’”.

Anh Chị em,

“Đừng khóc nữa!”; “Hãy trỗi dậy!”. Khi nói “Đừng khóc nữa!”, Chúa Giêsu cho thấy, người mẹ ấy hẳn đã bước vào trái tim thương xót của Ngài. Ngài đến gần, gặp gỡ từng người, mang theo và đưa ra lời an ủi mạnh mẽ. Và tuyệt vời hơn, Ngài còn nói, “Hãy trỗi dậy!”. Ngài muốn chúng ta đứng thẳng. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để đứng thẳng. Vì lý do đó, lòng thương xót Chúa dẫn đến chữa lành, mà cụm từ chính là “Hãy chỗi dậy!”, “Hãy đứng lên!” như “Chúa đã tạo ra bạn!”. Và dẫu có ngã xuống bao lần, điều quan trọng là luôn đứng lên. Lời mạnh mẽ của Chúa Giêsu có thể làm cho chúng ta sống lại, cũng có thể mang đến cho chúng ta sức mạnh để vượt qua cái chết đến sự sống. Lời Ngài làm cho sống, mang niềm hy vọng, làm tươi mới những tâm hồn mệt mỏi; mở ra một tầm nhìn mới về thế giới và sự sống vượt trên đau khổ và cái chết.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để ước muốn nên thánh của con khóc nức nở vì sự hư hỏng của con. Cho con mạnh mẽ chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã nhờ lòng Chúa xót thương!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lòng nhân lành của Thiên Chúa
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
23:01 18/09/2023

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM A : Mt 20,1-16A

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”

Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người 1 quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người 1 quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: “Mấy người sau chót này chỉ làm có 1 giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho 1 người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là 1 quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.



KHUÔN MẶT CỦA THIÊN CHÚA

Dụ ngôn “những người thợ giờ cuối cùng” rất nổi tiếng. Lắm khi người ta đã chỉ trích nó, vì chỉ phê phán nó trên bình diện kinh tế, công bằng xã hội kiểu nhân loại. Theo quan điểm đó, thái độ của gia chủ ít ra cũng đáng ngạc nhiên, bất bình thường. Một “chủ nhân” sẽ bảo bạn rằng bắt chước gia chủ tức khắc phá sản. Một “công nhân” sẽ nói: không tôn trọng một mức thang tiền lương hợp lý theo công việc được hoàn thành thì chẳng bình thường đâu, và làm một ông chủ độc đoán như thế thật bất xứng. Nhưng các chú giải ấy vì quá nông cạn nên không đúng được. Đức Giê-su có bao giờ cổ vũ bất công xã hội đâu! Phải đọc trang thời danh này một cách khác để nó thật là một “tin mừng”!

Xin nhớ rằng “dụ ngôn” là một thể văn chính xác, đâu muốn đọc thế nào cũng được. Khác với “ẩn dụ”, trong một dụ ngôn, mọi chi tiết cụ thể đều không mang những bài học: phải tìm “chủ điểm” của câu chuyện, ý nghĩa trung tâm của thuật trình. Các chi tiết còn lại có đó là chỉ để câu chuyện được liên tục, đôi lúc gia tăng hài hước, bó buộc chú ý, khiến phải quan tâm.

1. Mọi người đều được kêu gọi.

“Nước Trời Giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm vườn nho của mình”. Lúc này đây, tất cả bắt đầu như một câu chuyện có thực. Chúng ta đang ở tại Pa-lét-ti-na, khi trời còn rất sớm. Các “thợ công nhật” đứng đó, trên quảng trường làng, chờ được thuê mướn, kiếm ăn qua ngày. Đây là tình trạng bi thương của những con người không có nghề nghiệp đảm bảo, một tình trạng vẫn còn là của phần lớn các chủ gia đình trong Thế giới Thứ ba.

Tuy nhiên, dẫu cho mô tả ban đầu này rất hiện thực, chúng ta cũng được cảnh giác ngay: đây sẽ không phải là một bài học xã hội, nhưng là một mạc khải về “Nước Trời”. Ông chủ đi thuê người từ tảng sáng. Đến giờ thứ sáu (mười hai giờ trưa), giờ thứ chín (ba giờ chiều), thậm chí đến giờ thứ mười một (năm giờ chiều), ông vẫn còn tuyển thợ. Ta đoán ra ngay đây không phải là một ông chủ bình thường: người ta đâu có thuê thợ một giờ trước khi chấm dứt ngày công! Đây là một “ông chủ” ưu tư sâu xa về thảm cảnh của những người thất nghiệp: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Nếu chỉ dừng lại ở phần đầu dụ ngôn, không chồng chéo nhau trong đó các thiên kiến ý thức hệ, ta thấy Đức Giê-su đã vẽ ra một nhân vật hết sức tốt lành: không mệt mỏi, năm lần trong cùng một ngày, ông đã quan tâm cung cấp công việc, tiền lương, phẩm giá… cho những con người nghèo khổ bất hạnh.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý điệp khúc: “Hãy đi vào vườn nho!” Trong toàn bộ Cựu Ước, và thành thử đối với thính giả đầu tiên của Đức Giê-su, “vườn nho” là biểu tượng của “dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16). Theo nghĩa đó, “vườn nho” chính là nơi hạnh phúc, nơi Thiên Chúa giao ước với dân Người, “Nước Trời” chính là nơi có lòng lành của Thiên Chúa, nơi Người không ngớt mời gọi hết thảy chúng ta gia nhập: “Hãy vào vườn nho đi… Để mà hưởng niềm vui của gia chủ…” (x. Mt 25,21-23).

2. Mọi sự đều là hồng ân.

Đến chiều, lúc xảy ra việc trả lương, mới thật sự bắt đầu cái khó tin, xét theo phương diện con người. Đây là dấu chúng ta đến gần “chủ điểm” của câu chuyện. Hiển nhiên “gia chủ” lạ lùng này muốn cho những kẻ được vào vườn nho ông trước tiên mục kích việc ông sắp thực hiện cho những kẻ cuối cùng: chứng kiến việc trả lương người khác! Sao thế? Trả cho họ trước để họ ra đi thì quá đơn giản… và hết chuyện! Và họ đã chứng kiến thực sự, vừa kinh ngạc vừa bực mình. Bản văn Hy-lạp dùng một từ có nghĩa chính xác là “kêu ca”… Đây là một từ KT nhắc nhớ tiếng “kêu ca” của dân Ít-ra-en trong hoang địa (x. Xh 16,9; Tv 106,25) cũng như diễn tả thái độ rất thông thường của ta khi không hiểu các thử thách đổ xuống đầu mình… khi “phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” nên kết án Thiên Chúa.

Trong dụ ngôn, thời Đức Giê-su, “những kẻ kêu ca” này rõ ràng là các kinh sư và Pha-ri-sêu; họ thật sự không ngớt cằn nhằn Đức Giê-su khi Người tiếp đón hạng “thu thuế, đĩ điếm và tội lỗi”. Vào thời Mt, những “kẻ cuối hết” được ngang hàng với những “kẻ đầu tiên” chính là người ngoại giáo được đưa vào trong Giáo hội cách bình đẳng với người Do-thái chính gốc. Hôm nay cũng thế, chúng ta nghe Đức Giê-su mạnh mẽ nói lại với chúng ta rằng đối với Thiên Chúa, không có hạng ưu đãi. Những “người thợ giờ sau hết” cũng được đối xử ngang bằng với những ai được đi vào Vườn nho Thiên Chúa trước tiên! Trong Tin Mừng, Đức Giê-su thường xuyên nêu bật các người nghèo khó, bị loại, “rốt cùng”, tội lỗi! Ai khó chịu phản đối điều này thì sẽ được nghe Người mạnh dạn tuyên bố đó chính là thái độ của Thiên Chúa… “giàu lòng thương xót”, “dives in misericordia”, theo nhan đề rất đẹp của một thông điệp từ Đức Gio-an-Phao-lô II cũng như theo nền tu đức đang được cổ vũ mạnh mẽ bởi Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng mà ngày 11-4-2015, qua Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Dung nhan lòng thương xót), đã ấn định Năm thánh Ngoại thường về lòng thương xót của Chúa (từ 8-12-2015 đến 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua).

Quả thế, gia chủ đã trả lời những kẻ kêu ca cách chắc nịch: “Tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Chúng ta không còn ở trong một hoàn cảnh bình thường để có thể từ đó rút ra các nguyên tắc công bình xã hội, nhưng đang nghe một “mạc khải” thần học về các thái độ của Thiên Chúa. Sau đây là chân dung tuyệt diệu Đức Giê-su vẽ ra cho ta về Cha của Người:

* Một Thiên Chúa yêu thương nhân loài hết thảy, đặc biệt những ai bị bỏ rơi hơn hết; Người muốn đưa họ vào hưởng “Vườn nho của Người”, hưởng hạnh phúc của Người…

* Một Thiên Chúa gieo rắc ân huệ mình cách thừa thãi; Người “mời” và “gọi” mọi lúc, mọi tuổi, mọi hoàn cảnh…

* Một Thiên Chúa mà lòng “nhân lành” không bị các công lao của ta giới hạn; Người ban nhiều hơn ta “có được nhờ nỗ lực riêng của riêng ta”.

* Một Thiên Chúa gạt bỏ bất cứ ai cho rằng mình có những đặc quyền đặc lợi và tìm cách ngăn kẻ khác cũng được hưởng…

Như thế, Tin Mừng hôm nay công bố một trong những chân lý chủ yếu của đức tin chúng ta, mà thư Rô-ma và Ga-la-ta sẽ triển khai dài dòng: “Hết thảy những ai tin đều giống nhau cả: hết thảy đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không… Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng có gì để hãnh diện!... Thật thế, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3,22-24.27-28). Dụ ngôn này thành ra đem lại một niềm hy vọng lớn lao cho biết bao chủ chăn hay cha mẹ ngày nay thấy tín hữu hay con cái rời bỏ đức tin. Không gì mất mãi đối với Thiên Chúa. Người tuyển dụng cho đến giây phút cuối cùng. Chẳng bao giờ là quá trễ! Ngoài ra, Đức Giê-su đâu có “kể” chuyện này không thôi… Người đã sống chuyện đó bằng cách ban Thiên đàng đúng giây phút cuối cùng cho tên cướp cùng bị đóng đinh trên núi Sọ. Như thế, thay vì đứng lại nơi cảnh bất công bề ngoài này, chúng ta được mời vui hưởng lòng “nhân hậu” tuyệt vời của Cha chúng ta: “Hãy biết xót thương như Cha chúng con là Đấng hằng thương xót”.

Từ vài thập niên nay, thế giới đã tiến rất xa trong đòi hỏi “công bình”. Dĩ nhiên không có vấn đề lùi lại. Nhưng thế giới cũng chẳng cần phải tiến bộ về mặt tình yêu, mặt “trái tim” sao? Sau đây là lời phát biểu theo chiều hướng đó của Đức Gio-an-Phao-lô II trong thông điệp “Giàu lòng thương xót” của người: “Trong thế giới ngày nay, trên một quy mô rộng lớn, ý thức về công bình đã chỗi dậy…Và Giáo hội chia sẻ với con người thời đại khát vọng nồng nhiệt lẫn sâu xa đó, khát vọng về một cuộc sống công bình hơn trên mọi phương diện…Tuy nhiên, thật khó mà không nhận thấy rằng thường khi các chương trình dựa trên ý niệm công bằng chịu nhiều biến dạng trong thực tế… do oán ghét, hận thù và bạo ngược… Kinh nghiệm của quá khứ và của thời ta cho thấy công bình tự nó không đủ, nếu ta không để cho sức mạnh sâu xa hơn là tình yêu biến đổi nhào nặn cuộc sống con người… Và lòng thương xót (phát xuất từ Thiên Chúa) là một sức mạnh đặc biệt của tình yêu ấy, nó dũng mãnh hơn tội lỗi và sự bất trung của con người… Theo một nghĩa nào đó, lòng thương xót nằm ở cực đối diện với đức công bình thần linh, và trong lắm trường hợp đã tỏ ra mạnh mẽ cũng như triệt để hơn công bình” (Gio-an-Phao-lô II).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bức tượng vị thánh Hàn Quốc đầu tiên được đặt trong Vương cung Thánh đường thánh Phêrô tại Vatican
Thanh Quảng sdb
17:48 18/09/2023
Bức tượng vị thánh Hàn Quốc đầu tiên được đặt trong Vương cung Thánh đường thánh Phêrô tại Vatican

Đánh dấu kỷ niệm 177 năm tử đạo của Thánh Andrew Kim Tae-gon, một bức tượng của Ngài được đặt trên bức tường bên ngoài của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 16/9. (Ảnh: Hội đồng Giám mục Công Giáo Hàn Quốc)

(Tin UCA)

Các phương tiện truyền thông cho biết bức tượng Thánh Andrew Kim Tae-gon, vị linh mục tử đạo và vị thánh đầu tiên của Hàn Quốc, đã được dựng trên bức tường bên ngoài của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican.

Theo hãng tin Yonhap, việc dựng bức tượng vào ngày 16/9 nhân dịp kỷ niệm 177 năm ngày thánh nhân tử đạo và cũng là ngày Vatican và Hàn Quốc kỷ niệm 60 năm bang giao với nhau.

Nhà điêu khắc Hàn Quốc Han Jin-sub đã tạc bức tượng bằng đá cẩm thạch cao 3,8 mét, trong đó thánh nhân đội chiếc mũ truyền thống của Hàn Quốc, được gọi là "gat" và trang phục truyền thống của nam giới được gọi là "dopo" trong tiếng Hàn.

Đức Hồng Y Lazzaro You Heung-sik người Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ Tòa thánh, đã làm phép tượng và dâng Thánh lễ với sự tham dự của phái đoàn Giáo hội Hàn Quốc trong đó có Đức Giám Mục Mathias Ri Long-hoon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hàn Quốc và Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung.

Kang Seung-kyoo, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng tham dự Thánh lễ và bắt đầu đảm nhậm chức vụ tại Tòa thánh. Ông cho hay mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ, được khuyến khích noi gương Thánh Anrê Kim như một tấm gương.

Đức Cha You nói trong Thánh lễ: “Tôi mong đợi và cầu nguyện rằng giới trẻ trên toàn thế giới sẽ noi gương cuộc đời của linh mục Kim Tae-gon, người đã không mất hy vọng và lòng can đảm trước bất kỳ khó khăn nào dù ngài chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi 25 năm.”

Việc khánh thành tượng của Vị thánh Hàn Quốc là một khoảnh khắc “ngỡ ngàng và cảm động” tương tự như khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Seoul sẽ là địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới 2027, một cuộc tụ họp Công Giáo toàn cầu được tổ chức ba năm một lần.

Ngài đã đề xuất sáng kiến đặt tượng Đức Thánh Cha Phanxicô tại Soul vào năm 2021 khi Giáo hội Hàn Quốc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của vị thánh này và Hội đồng Giám mục Hàn Quốc tài trợ cho dự án này.

Từ Phật giáo đến Công Giáo

Andrew Kim Tae-gon (1821-1846) sinh ra trong một gia đình Phật tử. Thánh nhân và gia đình được một linh mục từ Hội truyền giáo Paris dậy đạo và rửa tội vào Giáo Hội Công Giáo.

Trong thời kỳ đó, việc rửa tội vào Giáo hội rất nguy hiểm vi bị cấm đoán bởi những vua chúa cai trị của triều đại Joseon, những người coi tôn giáo này là một chuyện xa lạ, có âm mưu lật đổ chính quyền, và mâu thuẫn với đạo đức Nho giáo và truyền bá chủ nghĩa đế quốc vọng ngoại.

Hàng ngàn người vào đạo Công Giáo đầu tiên đã bị tra tấn và tử đạo vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Cha của Kim, Ignatius Kim, cũng tử đạo năm 1839.

Sau khi được rửa tội, Anrew Kim đi Ma Cao để học làm linh mục. Ngài được thụ linh mục người đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 1845 bởi vị truyền giáo người Pháp và giám mục đầu tiên của Seoul là Đức cha Jean-Joseph Ferréol.

Bất chấp rủi ro, ngài trở về Hàn Quốc vào năm 1846 và bắt đầu giúp các nhà truyền giáo trong nước bằng cách trốn tránh những lực lượng hoàng gia đang tìm bắt bớ các ngài.

Cha Anrew Kim bị bắt và tống giam vào năm 1846. Ngài bị xử trảm chặt đầu trong một nhà tù gần Seoul, khi tuổi đời mới tròn 25.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho Cha Anrew Kim cùng với 102 vị tử đạo Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc năm 1984.

“Một niềm tin nồng nhiệt”

Vài giờ trước khi nhậm chức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp phái đoàn Giáo hội Hàn Quốc gồm 300 thành viên tại Vatican.

Trong lá thư nhân dịp kỷ niệm cuộc tử đạo của vị thánh này, Đức Phanxicô kêu gọi người Công Giáo Hàn Quốc hãy noi gương nhiệt thành của vị thánh tử đạo.

Ngày 16 tháng 9 năm ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Hình ảnh của thánh Andrew Kim Tae-gon mời gọi chúng ta khám phá ơn gọi được giao phó cho Giáo hội Hàn Quốc, cho tất cả các bạn: Các bạn được kêu gọi đến với một đức tin trẻ trung, một đức tin nồng nhiệt, được sinh động bởi tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, trở thành một món quà dâng Chúa.”

“Với lời tiên tri về sự tử đạo, Giáo hội Hàn Quốc nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể theo Chúa Giêsu mà không có thập giá và chúng ta không thể tuyên xưng mình là Kitô hữu nếu không sẵn sàng đi theo con đường tình yêu cho đến cùng” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trong chuyến thăm, đặc phái viên Hàn Quốc Kang Seung-kyoo đã trao một lá thư của Tổng thống Yoon cho Đức Phanxicô nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Vatican-Hàn Quốc.

Trong lá thư Tổng thốn Yoon bày tỏ hy vọng mối quan hệ sẽ bền chặt, thân thiện và hợp tác giữa Vatican và Hàn Quốc rộng lớn hơn.

Tổng Thống Yoon cảm ơn Đức Thánh Cha đã quan tâm, cho phép và hỗ trợ đặt tượng Thánh Anrê Kim Tae-gon tại Vatican.

Đặc phái viên Kang cảm ơn Đức Thánh Cha đã chọn Seoul làm nơi tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2027 và cam kết hỗ trợ của chính phủ để cho Đại hội thành công.

Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn khi nhắc lại rằng Vatican là quốc gia đầu tiên cử phái viên ngoại giao tới Hàn Quốc sau khi nước này được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản và sự hỗ trợ của Vatican đối với chính phủ Hàn Quốc để giúp giành được sự công nhận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1948.
 
Tưởng là chuyện đùa nhưng có thật: NASA và Vatican hợp tác để giải quyết chuyện trên Trời.
Trần Mạnh Trác
20:52 18/09/2023
NASA là cơ quan Hàng không và Vũ trụ của Hoa Kỳ, chuyên lo về những chuyện ở trên Trời, tiếng Trời ở đây có nghĩa là vùng trời ‘theo nghĩa đen.’ Còn Vatican là trung tâm của Hội Thánh Công Giáo, cũng lo những chuyện ở trên Trời, nhưng theo nghĩa bóng…

Tuy là hai việc khác nhau, nhưng mới đây khi NASA bị kẹt không còn cách nào giải quyết được chuyện ở trên Trời của mình, thì đã thỉnh cầu Vatican giúp cho một tay!

Số là ở trên Trời ‘nghĩa đen’ có một thiên thể (tiếng Anh gọi là asteroid. Không phải là thiên thần angel đâu nhá) có tên là Bennu cứ 6 năm thì bay lảng vảng tới gần trái Đất, và từ từ xích lại gần hơn. Thiên thể ấy to bằng tòa nhà trọc trời Empire State Building ở New York. Người ta tính rằng cứ theo nhịp này thì 159 năm sau đây, tức là những‘đời sau’ 2 đến 3 đời nữa, chính xác là ngày 24 tháng 9 năm 2182, nó sẽ đâm vào trái Đất!



Mỗi năm các thiên thể đâm vào trái Đất thì thường lắm, cứ nhìn lên bầu trời ban đêm thì biết, mỗi đêm chúng ta có thể nhìn thấy vài vị ‘sao xẹt’ bay ngang, đó là những thiên thể nhỏ bị cháy rụi khi đâm vào vùng khí quyển của trái Đất.

Nhưng khi Bennu đâm vào, nó sẽ không cháy rụi thành tro bụi đâu! Nó to quá, và vì thế nó sẽ đập vào đất với một sức mạnh kinh hoàng tương đương với 22 quả bom nguyên tử!

Là Tận Thế rồi chứ còn gì?

Tuy xác xuất của ‘cục nợ’ Bennu đụng vào Đất chỉ là 1 trên 2,700 mà thôi, nghĩa là hầu như nó sẽ bay quá đà rồi sau đó sẽ đi xa mãi mãi…Nhưng phòng bệnh thì hơn chữa bệnh, NASA đã lên kế hoạch dùng ‘hỏa tiễn’ đẩy nó ra ngoài, do đó họ đã phóng lên một phi thuyền thăm dò gọi là OSIRIS-REx vào ngày 8 tháng 9 năm 2016, đuổi theo Bennu, 2 năm trời mới bắt kịp, bay xong xong từ ngày 3 tháng 12 2018 cho 2 năm trời sau đó, rồi hạ cánh xuống ngày 20 tháng 10 2020, múc được một thùng đá và bụi đen khỏang 400g (nửa kí lô), ‘niêm phong’ cẩn thận rồi bay ngược về trái Đất.

Sau 3 năm trời bay trở lại, phi thuyền OSIRIS-Rex sẽ bung dù hạ cánh xuống xa mạc của Tiểu Bang Utah gần thành phố Salt Lake City vào Chúa Nhật tới, ngày 24 tháng 9 năm 2023.

NASA sẽ nghiên cứu những mảnh đá ấy để tìm hiểu về Bennu. Nhưng giống như hàng trăm mảnh vụn đã lấy được từ hành tinh này đến thiên thể nọ, khi mở ra ở dưới đất thì không còn đo được tỷ trọng (density) chính xác của nó nữa! Nhất là khi thiên thể đó không đặc, là một việc người ta đã khám phá ra những mảnh đá của Bennu có nhiều ‘bọt’ giống như các loại ‘đá tổ ong’ vậy.

Lấy một thí dụ dễ hiễu về sự khó khăn của tỷ trọng, thí dụ khi cân một hòn đá tổ ong trong không khí thì nó có thể nặng 1 kg, nhưng nếu cân nó ở dưới nước, thì kết quả lại khác đi.

Bởi vì nước tạo ảnh hưởng trên một vật thể một cách khác với khi nó ở ngoài không khí. Cũng vậy không khí sẽ tạo thêm ảnh hưởng một cách khác với một vật lấy từ không gian….và còn hơn thế nữa, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác, như sức hút của trái đất, hóa chất trong không khí, mức phóng xạ, từ trường, sức nóng, vv và vv.

Cho nên nếu đo chính xác được cái khoảng trống ở trong một hòn đá lấy từ không gian, tức là biết được cái ‘nội tâm sâu thẳm’ của nó, rỗng hay đặc thế nào, thì là tối quan trọng trong trường hợp này.

Và do đó cần có Vatican nhúng tay vào. Bởi vì, nói đùa thôi nhá, đây hoàn toàn là lãnh vực có sẵn kinh nghiệm của Vatican: một chuyện trên trời, ảnh hưởng đến đời sau, và lại là một chuyện sâu thẳm có hay không có trong nội tâm… của một hòn đá!

Một cách cụ thể và nghiêm chỉnh hơn, NASA cần có những kinh nghiệm chuyên ngành của Viện Thiên Văn Vatican (The Vatican Observatory).

Tuy ít người biết đến, nhưng viện Thiên Văn Vatican đã là một viện Thiên Văn lâu đời nhất được thành lập từ thời Giáo Hoàng Gregory XIII (khoảng năm 1500). Nhờ những nghiên cứu thiên văn của viện này mà bộ lịch Julian đã được thay đổi thành bộ lịch Dương Lịch như ngày nay, còn được gọi là bộ lịch Gregorian.

Ngày nay viện Thiên Văn Vatican do các cha dòng Tên cai quản (từ năm 1930). Theo các cha thì công việc của viện là chứng minh có sự ‘tương thích’ giữa khoa học và giáo lý Công Giáo.

Theo Thày Macke, vị quản thủ bộ sưu tập thiên thạch của Vatican, thì “chẳng có gì xung đột giữa Đức Tin và Khoa Học cả” có chăng là vì “một số người giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen, và như vậy là làm mất sự công bằng cho Kinh Thánh. Thí dụ câu chuyện Sáng Thế, không phải đó là một công thức (như công thức nấu ăn) cho công trình sáng tạo ra Trời Đất. Cũng không phải là một Lịch Sử. Cơ bản, đó chỉ là một câu chuyện để mô tả cho dễ hiểu cái nền tảng của một sự thật”



Thày Macke sẽ đại diện cho Vatican để đo lường cái tỷ trọng của những hòn đá lấy được từ thiên thể Bennu. Thày sẽ bay đến Johnson Space Center ở Houston trong tuần này và dùng cái cân pycnometer của Thày mà đo tỷ trọng của những hạt bụi nhỏ xíu của Bennu. NASA hy vọng nhờ Thày mà những bí mật của những đống đá nằm trên mặt đất của Bennu sẽ được bật mí.

Thày Macke, theo những chuyên viên thiên văn trên thế giới, thì là một ‘bậc Thày’.

Vatican có một bộ sưu tập với 1200 mẫu thiên thể rơi xuống đất mà chưa bị cháy, và cùng với các cộng sự viên thày tiếp tục hoàn chỉnh các dụng cụ để đo lường các mẫu đá này. Trong năm 2010 Thày Macke trình luận án tiến sĩ ở đại học University of Central Florida về “độ xốp” của 1000 mẫu đá “tổ ong” được lưu giữ tại các viện thiên văn trên toàn Thế Giới. Nó trở thành cuốn sách gối đầu của nhiều khoa học gia chuyên ngành ngày nay.

Về việc ‘tỷ trọng’, Thày giải thích ngắn gọn như sau:” có 2 loại tỷ trọng. Một là “tỷ trọng thô” (Bulk Density) là cái lượng của toàn thể bề mặt bên ngoài kể cả những lỗ rỗng; thứ hai là “tỷ trọng hạt nhân” (grain density) là cái lượng của phần đặc mà thôi. Nếu bạn đo được hai tỷ trọng đó, thì bạn sẽ tính ra cái độ rỗng hay đặc”.

(There are two types of density. Bulk density is the volume of the entire outer surface of a rock, including any pore space; grain density, on the other hand, is the volume of the solid parts of the rock without the voids. If you have these two different densities, you can compare them to get porosity measurements.)

Có ai hiểu được sự giải thích này không? Nếu mà không thì xin hãy vì cái ‘danh giá’ của Thày Macke, của NASA và của Vatican mà cứ coi đó là đúng nhá.

Theo ông Andrew Ryan, khoa học gia của NASA có trách nhiệm nghiên cứu mẫu đá Bennu, thì ông ta sẽ sử dụng cách thức và máy móc pycnometer của Thày Macke cho nhiều thập niên sau này, và NASA đã trả tiền mua rồi. Số tiền là những chi phí về vật liệu, không có tiền lời.

Thế còn tiền công trả cho Vatican và cho Thày Macke thì sao?

Ông Ryan nói đùa: “Cái lợi của việc đi thuê một Thày dòng Tên mà…”

Thày Macke cũng nói đùa theo: ” Đó là cái lợi của lời khấn ‘khó nghèo’ đấy, mình chả bao giờ phải lo nghĩ về việc đó cả.”
 
Marseille ráo riết chuẩn bị nghinh đón Đức Phanxicô
Vũ Văn An
23:10 18/09/2023

Ngay sau khi Tòa Thánh công bố chương trình viếng thăm Marseille của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline, Tổng Giám Mục Marseille, ngày 29 tháng Bẩy, năm 2023, đã ra một thông cáo biểu lộ niềm vui “cùng với toàn thể nước Pháp”, người dân Marseille hân hoan được nghinh đón Đức Giáo Hoàng. Vì nhân dịp này, người dân Marseille được “chào đón mọi khách hành hương của nước Pháp và các nước khác đến chia sẻ với họ giờ phút lịch sử này đối với đất nước chúng ta”. Ngài cám ơn Đức Giáo Hoàng “đã chấp nhận lời mời đến tận Marseille để củng cố đức tin của chúng ta, nâng đỡ niềm hy vọntg của chúng ta và khuyến khích chúng ta trên đường đối thoại và hòa bình, trong tình thương xót và đức ái”.



Di dân

Dịp đó, Đức Hồng Y Aveline không nhắc chi đến vấn đề di dân. Tuy nhiên, theo Elise Ann Allen của CruxNow, ngày 18 tháng 9 này, 4 ngày trước khi Đức Phanxicô đặt chân lên Mar-seille, Đức Hồng Y Aveline đặc biệt đề cập đến khía cạnh này trong một cuộc họp báo nói về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Đối với Đức Hồng Y, cần phải có một cách tiếp cận cân bằng trong vấn đề này.

Ngài nói: “theo quan điểm của tôi, cần phải tránh hai trở ngại dưới hai hình thức ngôn từ; thứ nhất là ngôn từ chủ hòa chào đón mọi người, không giới hạn”, một ngôn từ thường được sử dụng bởi “những người... không sống trong các khu vực phải chịu đựng số dân và hoàn cảnh này”. Ngài trưng dẫn hoàn cảnh buôn ma túy.

Thứ hai là “ngôn từ hung hãn... luôn coi các di dân là những người nói chung gây ra đủ mọi vấn đề của đất nước. Đó là thứ ngôn từ thực sự gieo rắc chiến tranh giữa người ta” để được hậu thuẫn chính trị.

Theo ngài, vai trò của Giáo Hội là “tránh hai thứ ngôn từ đó” và phải có “đường lối cân bằng hết sức tế nhị đối với việc nghinh đón và các vấn đề”.

Nhận định trên được phát biểu một ngày sau khi tại Vatican, nhân buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng 9, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến khía cạnh di dân trong chuyến đi Marseille của ngài. Ngài nói: “Thứ Sáu tới đây, tôi sẽ đến Marseille để tham gia lễ bế mạc Recontres Méditerranéennes [ác cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải], một sáng kiến tốt đẹp đang diễn ra tại các thành phố quan trọng ở Địa Trung Hải, quy tụ các nhà lãnh đạo giáo hội và dân sự để thúc đẩy các con đường hòa bình, hợp tác và hội nhập xung quanh mare nostrum [biển của chúng ta] nghĩa là Địa Trung Hải, với một sự tập chú đặc biệt đến hiện tượng di dân. Nó đại diện cho một thách thức không hề dễ dàng, như chúng ta cũng thấy trong tin tức những ngày gần đây, nhưng phải cùng nhau đối đầu, vì nó cần thiết cho tương lai của tất cả mọi người, một tương lai sẽ chỉ thịnh vượng nếu được xây dựng trên tình huynh đệ, đặt phẩm giá con người và những con người thực sự, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ nhất, lên trước hết. Trong khi xin anh chị em đồng hành với cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện, tôi cũng muốn cảm ơn các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, cũng như những người đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ở Marseille, một thành phố bao gồm nhiều dân tộc, được kêu gọi trở thành bến cảng của hy vọng. Bây giờ tôi xin chào tất cả cư dân, mong được gặp rất nhiều anh chị em thân yêu.”

Gặp gỡ Địa Trung Hải

Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải dự trù tiếp đón 60 đại diện các Giáo Hội thuộc năm bờ biển của Địa Trung Hải (Bắc Phi, Cận Đông, Biển Aegean, Hắc Hải, Nam Âu Châu) và khoảng 60 người trẻ thuộc vùng này để thảo luận các thách thức chính trị, kinh tế và môi trường của vùng Địa Trung Hải. Trong các cuộc gặp gở trước đây tại Bari và Florence, các thị trưởng của các nước trong vùng đã thảo luận các nhu cầu và thách đố của vùng. Đức Hồng Y Aveline nói rằng sự hiện diện của giới trẻ năm nay là một điều mới mẻ độc đáo nhằm nhấn mạnh tới tương lai. Trong số nhiều vấn đề, môi trường, nghèo đói, tranh chấp bạo lực, vấn đề di dân chắc chắn sẽ nổi bật vì đây là vấn đề “ruột” của Đức Phanxicô, như đã thấy. Một phần, vì các nước trong vùng đang gặp khhủng hoảng về vấn đề này.

Tuần trước, Pháp ra lệnh gia tăng gấp đôi số binh lính trú đóng tại biên giới với Ý, trong cố gắng chặn đứng các cuộc vượt biên giới của di dân bát hợp pháp vì Ý đang bị vây khốn bởi các di dân từ Bắc Phi tràn qua. Đức cũng vừa quyết định ngưng thoả thuận với Ý sẽ tiếp nhận di dân.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Aveline cho hay, “một khía cạnh độc đáo khác của cuộc thảo luận là các nhu cầu của vùng Địa Trung Hải cần được lượng giá từ ‘năm bờ biển’” để có chung một viễn kiến.

Ngài cho biết thêm: sau cuộc thảo luận bàn tròn khởi đầu, sẽ có các nhóm làm việc nhỏ của các Giám Mục và giới trẻ. Sau đó, các nhóm nhỏ này sẽ họp nhau lại để thảo luận chung nhằm điều Đức Hồng Y Aveline cho là “một hình ảnh chính xác hơn về các bối cảnh đa dạng của Địa Trung Hải”.

Theo ngài, vùng Địa Trung Hải bị vây khốn bởi 4 vấn đề chính. Ngoài vấn đề di dân, còn có các quan tâm xã hội và kinh tế, các thách thức môi trường và các vấn đề chính trị. Bốn vấn đề này hiện làm cho cuộc sống trở thành bất khả đối với nhiều người và do đó giải pháp duy nhất của họ là di dân.

Tuy nhiên, bầu khí của cuộc gặp gỡ không hẳn hoàn toàn căng thẳng như vậy, nhờ khía cạnh lễ hội của nó. Các tham dự viên sẽ có dịp được “trải nghiệm Địa Trung Hải qua nghệ thuật, nấu nướng, cử hành”. Họ sẽ viếng thăm các giáo xứ, gặp gỡ và trao đổi với dân chúng Marseille.

Ngài cũng nhấn mạnh tới khía cạnh liên tôn của biến cố này vì Marseille vốn nổi tiếng ở tính đa dạng của nó. Theo Elise Ann Allen, dân số Thành Phố là 800,000 người, trong đó, 250,000 người theo Hồi Giáo; 80,000 người theo Do Thái Giáo; 80,000 người Armenia; 20,000 người Phật Giáo, còn lại là Kitô giáo.



Tổng thống Pháp tham dự Thánh Lễ

Dù Đức Phanxicô nhấn mạnh ngài chỉ đến Marseille chứ không đến thăm nước Pháp, ngầm cho thấy đây không phải là chuyến viếng thăm cấp nhà nước, nhưng theo chương trình chính thức, do Tòa Thánh công bố, thì Đức Giáo Hoàng sẽ được Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp đón tiếp khi ngài đặt chân xuống phi trường Marseille ngày 22 tháng 9. Sau đó, ngày 23 tháng 9, lúc 11 giờ 30, ngài lại gặp Tổng thống Pháp một lần nữa tại Dinh Pharo, có chụp hình chính thức, trao quà, và dĩ nhiên thảo luận.

Điều gây xôn xao trong công luận Pháp là việc gần đây, Điện Élysée chính thức thông báo Tổng Thống Macron sẽ tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại vận động trường Vélodrome.

Theo trang mạng https://france3-regions.francetvinfo.fr, khi nghe tin trên, ngay lập tức, giới chính trị có phản ứng. Dân biểu Alexis Corbière của đơn vị Seine-Saint-Denis cho đây là ‘một sai lầm, không phù hợp với sự kiện một dân cử, nhất là Tổng thống Cộng hòa, tham dự trong tư cách ấy một lễ nghi tôn giáo”. Tổng thư ký Đảng cộng sản Pháp, Fabien Roussel, nhận định: “đâu có buộc Tổng thống Công Hòa phải tham dự một thánh lễ”. Nữ dân biểu Danièle Obono thì cho rằng làm thế không còn gì là chuyện tôn trọng nguyên tắc tách biệt đạo và đời.

Trước các chỉ trích ấy, Điện Élysée bồi thêm bằng cách thông báo cả Brigitte Macron cũng sẽ tham dự Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng. Điện này cho hay: “tổng thống có những mối liên hệ vớ mọi tín phái”. Vả lại, theo Élysée, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ ngỏ lời với người dân Marseille nhưng cũng ngỏ lời với cả người dân Pháp nữa và với tất cả mọi người của Địa Trung Hải”.

Élysée cũng thông báo, Tổng Thống Macron còn đích thân tiễn Đức Giáo Hoàng trở lại Rôma tại phi trường Marignane.

Ngày 15 tháng 9, chính Tổng thống Macron tuyên bố tại Semur-en-Auxois rằng “tôi coi vị thế của tôi phải đến đó. Tôi sẽ không đến như một người Công Giáo, tôi đến trong tư cách Tổng thống Cộng hòa, người vốn là một người thế tục”. Ông cho hay tham dự Thánh lễ là “để tôn trọng và lịch sự”.

An ninh ngoại hạng

Cũng theo trang mạng trên, 5,000 cảnh sát viên và 1,000 nhân viên an ninh tư sẽ được khai triển trong các ngày Đức Phanxicô ở Marseille, quanh các địa điểm ngài lui tới và tại các tuyến giao thông chung, để, theo lời cảnh sát trưởng của khu vực, “ngăn ngừa mọi đe dọa khủng bố, các hành vi quấy phá biến cố và các hành vi du đãng”. Trang mạng coi việc sắp xếp này là “ngoại thường, vượt qui chuẩn". Cơ quan cảnh sát cũng cho hay mọi nơi Đức Giáo Hoàng tới và mọi xe cộ được sử dụng đều sẽ được rà mìn. Các địa điểm này đều sẽ được rào. Nhà thờ Notre-Dame-de-la-Garde sẽ đóng cửa từ ngày 20 tới ngày 24 tháng 9. Từ thứ sáu lúc 15 giờ tới thứ bẩy lúc 20 giờ việc cấm qua lại ở khu vực này sẽ được thiết lập, cư dân muốn ra vào phải có chứng minh thư cư ngụ.

Ngoại trừ đường đi của giáo hoàng xa tại khu vực Prado, tất cả các biến cố của ngày thứ bẩy (23/9) chỉ dành cho những người được mời và những người này, ngoài giấy mời, còn phải trình một loại căn cước. Ngoài ra họ còn bị rà máy an ninh nữa. Mọi thiện nguyện viên và nhân viên phục vụ, khoảng 6,000 người, đều bị điều tra lý lịch (có người đạ bị loại).

Cả trên không, việc giám sát cũng ở mức tối đa: không một drone hay máy bay nào được bay trên khu vực có Đức Giáo Hoàng vào những lúc này. Ngoài biển cũng thế, an ninh nghiêm ngặt ở vùng Vieux-Port, công viên Prado...

Năm con số

Quang Phạm cũng của trang mạng trên liệt kê 5 con số đáng lưu ý trong Thánh Lễ của Đức Phanxicô tại vận động trường Vélodrome, một cử hành anh coi là “ngoại thường, thách thức mọi kỷ lục”.

Trước nhất sẽ có 57,000 tín hữu tham dự, coi như chật ních vận động trường. Những chỗ cuối cùng đã được nhận chỉ trong vài giờ, tuy nhiên, ưu tiên vẫn dành cho người bệnh và giới trẻ, theo lời Đức Hồng Y Aveline. Con số thứ hai: sẽ có hàng hai chục ca đoàn qui tụ hàng ngàn ca viên hát thánh ca trong Thánh lễ, nhưng các nhà tổ chức cho hay ngoài ra còn có 57,000 ca viên, nghĩa là toàn bộ cộng đoàn phụng vụ tại vận động trường cùng tham gia vào các bài thánh ca này.

Con số thứ ba là sẽ có khoảng 1,000 linh mục và 150 vị Hồng Y cùng tham dự Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng. Giáo phận Marseille cho hay: các vị giáo sĩ và giáo phẩm đến “từ khắp vùng Địa Trung Hải. Trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải, Đức Giáo Hoàng muốn qui tụ các tu sĩ của từng quốc gia thuộc Địa trung Hải, những người hết thẩy đều đang đương đầu với cùng những vấn đề bất kể là di dân, vì nghèo đói, mãi lực hay quá độ năng lực”.

Con số thứ bốn là chi phí tổ chức Thánh Lễ sẽ lên đến 800,000 euro. Chi phí này là chi phí thuê địa điểm, phục hồi thảm cỏ, dựng lễ đài...Và con số sau cùng là số tiền hy vọng nhận được từ tiền quyên trong thánh lễ, hy vọng sẽ đạt được vào khoảng 500,000 euro.
 
Văn Hóa
Tình Thu & Thi Nhân
Đinh văn Tiến Hùng
07:05 18/09/2023



******TÌNH THU & THI NHÂN******

-Thu sầu nhìn lá vàng rơi,
Cuốn theo cơn gió tơi bời lá bay,
Khung trời lặng lẽ mây qua,
Cánh chim vội vã lìa xa xứ rồi,
Con đò vắng khách buông trôi,
Trên sông sóng gợn đất trời bao la,
Thu về riêng một mình ta,
Nhìn theo lá rụng quê xa đường về !

Ngoài Mùa Xuân, Mùa Thu được nhắc đến nhiều trong âm nhạc và thi ca. Mùa Thu giao mùa giữa Hè và Đông, nắng đã dịu mát và gió hiu hiu lạnh báo hiệu ngày Đông đang thấp thoáng hiện về.

Vào thu trời ảm đạm se buồn, ánh trăng lạnh lẽo soi bóng đêm huyền ảo, gió nhẹ đem theo khí trời dịu mát, sương trắng giăng phủ núi rừng, lá nhuộm vàng rơi theo gió, tình thu dễ gợi lòng dâng mối u sầu…

Mùa thu là mùa của tình yêu, lá vàng rơi, tuổi học trò trở lại mái trường và là mùa các thi nhân dệt bao vần thơ trữ tình lãng mạn.
Riêng lại là mùa mang đầy dấu ấn kỷ niệm tuổi trẻ ‘ Mùa Tựu Trường ‘ :



*Tôi đi học

Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.’
( Tôi đi học : Thanh Tịnh )

*Ngày tựu trường

“Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì gợi cho tôi nhớ lại hàng năm bầu trời chập chùng của mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn và những chiếc lá đang úa vàng dần trong những chòm cây run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe mình đã nhìn thấy gì khi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khi phong cảnh hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng chiếc một trên bờ vai trăng trắng của các pho tượng… Điều tôi nhìn thấy lúc đó, trong vườn ấy, là một chú bé con, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, đang bước tới trường, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé, vì đó chỉ là một bóng hình. Đó là bóng hình tôi cách đây hăm lăm năm…”
(Trích trong La Rentree des Glasses- Anatole France dịch Phạm Tất Đắc)

*Thế hệ trẻ ngày mai

Cách đây 34 năm, sáng mùng 7 tết, trời u ám và lành lạnh, ba tôi sắp sửa cặp sách cho tôi rồi thuê một chiếc xe kéo bánh sắt để đưa tôi tới trường.

Những đôi câu đối tết của dãy nhà trên phố hàng Nâu còn nguyên vẹn, đỏ rực rỡ, anh ánh nét mực; rặng bàng bên đường trơ trụi xòe nhánh khô đen như xương những lọng mà giấy, vải đã rách hết. Hai tay ôm cặp da, tôi ngó bờ đê, nghe tiếng xe lọc cọc lòng nửa lo nửa buồn.

Tới trường Yên Phụ - một trường đẹp nhất trên đất Việt, nằm bên bờ sông lịch sử là sông Nhị và bên một mặt hồ cũng lịch sử là hồ Trúc Bạch - ba tôi xin cho tôi vào lớp năm.

Khi rời tay ba tôi để theo bạn vào lớp, tôi rưng rưng nước mắt. Ba tôi dỗ:
- Vào đi chóng ngoan, cậu ngồi ngoài sân đợi con.

Suốt một giờ rưỡi đồng hồ, tôi không học được gì, chỉ thỉnh thoảng lấm lét ngó ra sân tìm ba tôi và mong cho mau ra chơi.
Nghe tiếng trống đánh, tôi hồi hộp đứng lên bước ra tới sân thì đã thấy ba đương đứng ở một gốc nhãn đợi tôi. Ba tôi xoa đầu tôi, hỏi nhiều câu mà không cho tôi kịp đáp:
- Thày có dễ không? Có hỏi gì con không? Con học được những gì? Bạn ngồi bên cạnh con ra sao?

Hết giờ chơi, tôi vào lớp, lần này ít buồn hơn và khi tan học, sắp hàng ra tới cửa thì vẫn thấy ba tôi đứng ở gốc nhãn lúc nãy. Tôi hỏi người:
- Cậu đợi con như vậy có lâu không?

Người mỉm cười nhìn tôi mà không đáp, sự im lặng ấy thấm thía biết bao! Rồi chúng tôi lại ngồi một chiếc xe kéo lọc cọc để về nhà.

Đó là buổi học đầu tiên của tôi. Mỗi lần tới ngày tựu trường, thấy các em nhỏ cắp sách đi ngang qua nhà, tôi lại nghĩ đến buổi ấy và lần nào lòng tôi cũng rung động, thổn thức, bâng khuâng.

-Hai mươi lăm năm sau, một buổi sáng tháng tám, trời trong trẻo và mát mẻ, nhà tôi và tôi dắt cháu tới trường Bà Phước ở Tân Định, một trường cất theo lối mới, nằm dưới bóng một hàng sao vun vút đưa lên một nền trời xanh dịu. Cháu đi giữa, mỗi đứa chúng tôi nắm một tay, còn cặp sách thì tôi cầm.

Tới trường thì cảnh hai mươi năm trước lại tái diễn, chỉ khác là cháu òa lên khóc khi rời tay chúng tôi bước vào lớp. Lúc ấy chúng tôi thấy mằn mặn ở cuống họng. Đến giờ ra chơi chúng tôi đứng đợi cháu ở góc sân; đến giờ về cũng đợi cháu ở ngoài cửa, rồi cháu cũng lại hỏi:
- Ba má đợi con có lâu không?
Chúng tôi cũng lại hỏi:
- Ngồi trong lớp con có ngoan không? Bà Phước có hỏi gì con không? Có dặn con gì không? Con có mong tới giờ về không?

( Trích trong 8 tựa đề đắc ý của Nguyễn Hiến Lê )

*Thu kỷ niệm.

Hồi nhỏ đang theo học Tiểu học, mỗi năm tựu trường thầy dạy bài hát tôi vẫn còn nhớ đến ngày nay, nhưng không biết tác giả là ai. Sau này thầy tôi làm Linh Mục sáng tác nhiều Thánh Ca rất truyền cảm, tôi mới nghĩ bài hát năm xưa có lẽ là của chính Thầy :
‘ Mỗi khi gió mùa Thu đến học sinh thấy lòng xao xuyến, nhớ những phút tưng bừng rộn rã.Trường xưa thân yêu bên bóng cây đa, cửa gương lung linh in bóng mây qua, đời sống bát ngát như muôn ngàn hoa, đẹp tươi như muôn khúc nhạc an hòa. Thu ơi ! Khi theo gió Thu về nao nức reo mừng, say sưa bao em bé vui cười mái tóc rung rung. Thu ơi ! Hôm n nay nắng Thu về bao cô gái tươi cười đôi má xinh xinh...’

*Đây những dòng thơ giao cảm của Thi nhân cuốn hút theo Tinh Thu :

*Lưu Trọng Lư- Tiếng Thu

Nhà thơ tiền chiến,tham gia phong trào Thơ Mới, thơ tình buồn man mác, nhiều bài được phổ nhạc như ‘Tiếng Thu’

-Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

* Cung Trầm Tưởng- Mùa Thu Paris

Nhà thơ tên thật Cung thúc Cần, du học Pháp ngành Kỹ sư Không quân. Về nước phục vụ trong binh chủng Không quân và hoạt động văn nghệ trong nhóm Quan Điểm cùng viết cho nhiều tờ báo
Thơ ông có nhiều bài mang âm hưởng cuộc sống thời du học và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, những bài nổi tiếng như : Mùa thu Paris- Tiễn em- Chưa bao giờ buồn thế !

-Mùa thu Paris

Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu!

*TTKh- Hai Săc Hoa Ti Gôn

Tên một nữ sĩ xuât hiện trên Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1937 với 2 bài ‘ Hai sắc hoa ti gon và Bài thơ thứ nhất ‘ mô tả mối tình ngang trái. Sau đó thêm 2 bài ‘Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng’ đều ký tắt TTKh mà một số người cho là của một nữ sinh tên Trần thị Khánh.

-Một mùa Thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ Người ấy với yêu thương.

Người Ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương khói,
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.

Người Ấy thường hay vuốt tóc Tôi,
Thở dài trong lúc thấy Tôi vui.
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình Ta cũng thế thôi.

Thuở đó nào Tôi có hiểu gì,
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: mầu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy.

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

Từ đấy Thu rồi Thu lại Thu,
Lòng Tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết Tôi thương nhớ
Người Ấy cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của Chồng Tôi,
Mà từng Thu chết, từng Thu chết,
Vẫn giấu trong tâm bóng Một Người.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.

Tôi nhớ lời người đã bảo Tôi,
Một mùa Thu cũ rất xa xôi.
Đến nay Tôi hiểu thì Tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

Tôi sợ chiều Thu phớt nắng mờ,
Chiều Thu hoa đỏ rụng, chiều Thu…
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người Ấy ngang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng Tôi đã có Chồng,
Trời ơi, Người Ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.

*Xuân Diệu- Đây Mùa Thu Tới

Tên Ngô Xuân Diệu, công chức, giáo chúc, sáng tác đa dạng phong phú, đặc biệt thơ tình lãng mạn, nổi tiếng với tập ‘Thơ Thơ‘- Ông là cây viết chủ lực Phong trào Thơ Mới.

-Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…

Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì

*TƯƠNG PHỐ - Giọt Lệ Thu

Bà tên Đỗ thị Đàm, học trường Nữ hộ sinh, nhưng không hành nghề ra cộng tác với báo Nam Phong năm 28 tuổi và nổi tiếng với bài ‘ Giọt Lệ Thu.

Âm thầm... tặng hương hồn Anh Thái Văn Du
xa lánh trần ai năm ba mươi tuổi.

-Khóc nhau còn giọt lệ này,
Hoà cùng giọt mực ghi ngày biệt nhau.
Người đi thu ấy về đâu?
Để năm thu lại mối sầu riêng ai.

Bao giờ quên được mối tình xưa,
Sinh tử sớm đau mãi đến giờ,
Giấc mộng tàn như tàn chẳng thấy,
Mênh mang biển hận hận không bờ

Khóc nhau còn giọt lệ này,
Hoà cùng giọt mực ghi ngày biệt nhau.
Người đi thu ấy về đâu?
Để năm thu lại mối sầu riêng ai

Bao giờ quên được mối tình xưa,
Sinh tử sớm đau mãi đến giờ,
Giấc mộng tàn như tàn chẳng thấy,
Mênh mang biển hận hận không bờ

*Ngọc Hân Công Chúa ( Ai Tư Vấn )
Tên bà là Lê Ngọc Hân, cũng gọi là Chúa Tiên, nữ sĩ xinh đẹp, kết duyên với vua Quang Trung. Khi vua từ trần vì bệnh bà có làm bài ‘ Ai Tư Vấn ’ rất cảm động Khóc vua Quang Trung- Xin trích dẫn một đoạn đầu :

-Ai Tư Vãn-
Lê Ngọc Hân
(1770-1799)

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
Cầu Tn khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời !
Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.
Trăm ngàn dặm quản chi non nước;
Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.
Lượng che chở, vụng lầm nào kể.
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.
Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.
Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế
Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.
Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.
Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
………………..

*Nguyễn Khuyến- Thu Điếu

Nguyễn Khuyến hiệu Quế Sơn, từng giữ chức Quốc Sử Quán, làm chủ khảo các kỳ thi, nhiều bài thơ tự trào. Thơ tập trung trong Quế Sơn thi tập, mô tả đời sống đạm bạc nhàn hạ nơi thôn dã.

-Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

*Chu Mạnh Trinh – Tây Hồ Cảm Tác

Tên tự Cảm Thần, hiệu Trúc Vân, đậu tiến sĩ làm quan một thời rồi nghỉ hưu trí. Sống cảnh nhà Nho tài tử, ngao du sơn thủy, thích ca xướng hát ả đào, làm nhiều bài vịnh Truyện Kiều.

Tây Hồ cảm tác

Hoang lâu cổ sái tịch dương tà,
Tiêu sắt hàn phong lạc diệp đa.
Tịch mịch yên ba thu sắc lão,
Cánh vô nhân xướng thái vi ca.

Dịch nghĩa
Lầu hoang chùa cổ bóng chiều tà,
Gió lạnh hiu hắt lá cây rụng nhiều.
Cảnh tịch mịch chốn yên hà sắc thu đã muộn,
Lại không có người hát khúc ca hái rau vi.

*Hàn Mạc Tử- Tình Thu

Với nhiều bút danh : Phong Trần, Lệ Thanh, Minh Duệ- Sáng tác phong phú và đa dạng. Nhà thơ Công Giáo từ lúc ông bị bệnh phong thơ ông chuyển qua sắc thái hướng lên cao thanh khiết khải huyền. Ông đã tự nhận mình là ‘Thi sĩ của Đậo quân Thánh Giá’ với nhiều bài thơ Tôn giáo, nổi bật là 2 bản trường thi : ‘ Say Thơ và Ave Maria ‘- Có lẽ trên thi đàn VN chưa có một nhà thơ nào sáng tác dồi dào như ông. Ông là một thiên tài, nhưng rất tiếc mất sớm lúc mới 28 tuổi để lại khoảng trống cho văn học VN khó bù đắp.

-Đêm qua ả Chức với chàng Ngưu

Nhắc chuyện yêu đương ở dưới cầu
Kể lể một năm tình vắng vẻ
Sao em buồn bã suốt canh thâu?
Đêm ấy trăng thu vui vẻ lạ!
Người ta cười nói đến nhân duyên
Sao ta không dám nhìn nhau rõ
Gặp gỡ bên đường cũng thản nhiên?
Đêm trước ta ngồi dưới bãi trông
Con trăng mắc cỡ sau cành thông
Buồn buồn ta muốn về, trăng hỏi:
Thu đến lòng em có lạnh không?
Đêm nay ta lại phát điên cuồng
Quên cả hổ ngươi, cả thẹn thuồng
Đứng rũ trước thềm nghe ngóng mãi
Tiếng đàn the thé ở bên song…
Và được tin ai sắp bỏ đi
Chẳng thèm trở lại với Tình Si
Ta lau nước mắt, mắt không ráo
Ta lẫy tình nương, rủa biệt ly!

* Anh Thơ- Sang Thu

Tên Vương Kiều Anh do họ Vương của cha và họ Kiều của mẹ ghép thành, bút hiệu Tuyết Anh, bà chuyên viết về đồng quê, ý thơ trong sáng, lơi thơ nhẹ nhàng mộc mạc chân quê.

-Gió may nổi bờ tre buồn xao xác!
Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây;
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
Trên đê cỏ dựt diều sa đứt sợi,
Gã mục đồng chán nản lắng tai nghe
Trong thôn xóm hóa vàng nghi ngút khói
Gió vang âm tiếng trống cúng ra hè.
Bên bến nước đò ngang chưa ghé tới,
Khói lam chiều đã thoảng tiếng chuông vương.
Bọn chờ thuyền nhìn nhau đang sợ tối
Bỗng rùng mình như cảm thấy hơi sương.

*Nguyễn Bính- Bắt Gặp Mùa Thu

Tên Nguyễn trọng Bình hay Nguyễn Bình Thuyết, nổi tiếng làm thơ từ nhỏ, được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn với thi tập ‘ Tâm Hồn ‘ lúc chưa đầy 20 tuổi. Thơ bình dị trong sáng đượm nét chân quê, độc lên giống Ca dao như bài ‘ Lỡ bước sang ngang ‘ - Thơ ông có tới 17 bài được phổ nhạc.

-Xơ xác hồ sen đã nhạt hương
Bên song hoa lựu cũng phai hường
Sớm mai lá úa rơi từng trận
Bắt gặp mùa thu khắp nẻo đường
Tóc liễu hong dài nỗi nhớ nhung
Trăng nghiêng nửa mái gội mơ mòng
Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ
Biết lạc về đâu lòng hỡi lòng
Thu về sông núi bỗng tiêu sơ
Cây rũ vườn xiêu, cỏ áy bờ
Xử nữ đôi cô buồn tựa cửa
Nghe mùa gió lạnh cắn môi tơ
Sương phủ lưng đồi rặng núi xa
Thương ôi! Lữ khách nhớ quê nhà
Mấy thu mưa gió ngoài thiên hạ
Vườn cũ còn chăng cúc nở hoa?
Cha già ngừng chén biếng ngâm thơ
Đưa mắt nhìn theo hút dặm mờ
Xe ngựa người về tung cát bụi
Còn mình không một lá thư đưa
Nghìn lạy cha già lượng thứ cho
Trót thân con vướng nợ giang hồ
Lòng son bán rẻ vào sương gió
Lãi được gì đâu? Đã mấy thu!
Một chút công danh rất hão huyền
Và dang dở nữa cuộc tình duyên
Thu sang, quán lẻ con đăm đắm
Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen.

*Yến Lan-Bến Mi Lăng -

Tên Lâm Thanh Lang, bút danh Xuân Khải và Yến Lan ( tên 2 người tình là cô Yến và Lan ghép lại )- Xuất bản về quê hương đằm thắm tình cảm lãng mạn và cả kịch thơ, nhưng nổi bật nhất bài thơ ‘ Bến Mi Lăng.

-My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người ra tiếng địch
chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng… trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
để đêm buồn vây phủ bến My Lăng

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…

*Huy Cận- Thu

Tên thật Cù Huy Cận, thơ tình buồn nhẹ nhàng vương vấn như khói lam chiều dễ lôi cuốn lòng người theo tình ý trong thơ.

Hôm qua thu mới về,
Với một cành hoa gãy.
Sương nặng gieo đầu tre,
Lạnh tràn theo gió đẩy.
Thu tới trong vườn bên,
Ngợ ngàng màu cúc mới.
Đêm qua bên láng giềng,
Êm tựa nhàn, thu tới.
Cô gái nhỏ thung dung,
Qua miếng vườn hoa nhỏ.
Đất nằm im dưới cỏ,
Hoa tạ màu nhớ nhung.

*Tế Hanh- Mùa Thu Tiễn Em -

Tên Trần tế Hanh, có bằng Tú tài triết học, tham gia văn nghệ rất sớm, sáng tác đủ loại thơ văn, tiểu thuyết, dịch các tác phẩm ngoại quốc – Thơ thiên về tình cảm và Quê hương lãng mạn nhẹ nhàng.

-Em đi, trăng sắp độ tròn

Mùa thu quá nửa, lá giòn khô cây
Tiễn em trong cảnh thu này
Lòng em muôn tiếng, sao đầy lặng im?
Ta về. Giữa khoảng trời đêm
Vành trăng thư thể mắt em soi đường.

*Thu Bồn-Thu Vàng

Tên Hà Đức Trọng, sinh vào buổi giao thời đầu TK19, nhiều bài vịnh cảnh hoang vắng cô liêu nhớ nhung dĩ vãng chỉ còn là kỷ niệm.

-Ập thoáng chốc… thu về như lá rụng
Ngoài hiên em đã đến tự bao giờ
Trời xanh ngắt anh không còn trẻ nữa
Cây sấu cho hè hết cả trái chua
Thế là hạ đã qua trong giây lát
Giọt thơ anh thánh thót đã thu vàng
Em đã đến mà như chưa đến
Tiếng chim kêu se sắt muộn màng
Mắt le lói nhìn sao khuya rụng
Hà Nội trôi sông Hồng đêm nay
Nghe hơi thở đất trời trong tiếng dế
Nâng trái tim mình lên uống để mà say
Em nhanh quá anh về chậm quá
Trái đất vô tư níu giữ vòng quay
Chân anh mỏi âm thầm mặc cảm
Véo von em lảnh lót giữa đời bay
Mầm nhú ban đêm lá úa ban ngày
Anh lẩn thẩn mài đời lên trang giấy
Thời gian cứ lạnh lùng như viên tẩy
Chút thu vàng mờ nhạt lẩn đâu đây
Đừng hát nữa thu vàng em hãy ngủ
Để anh nghe lá rụng cọ tim mình
Xào xạc đấy những trời yên tĩnh lạ
Tay mơ hồ đang chạm những lời ru…

*Bà Huyện Thanh Quan-Tức Cảnh Chiều Thu -

Vẻ trang trọng khuê các của một nữ lưu đã từng là Trung dung giáo tập trong triều đình, nên thơ đượm nét hoài cổ nhớ tiếc một thời huy hoàng chỉ còn ghi lại phế tích hoang sơ như ‘ Chiều hôm nhớ nhà- Đèo ngang- Thăng Long hoài cổ- Đền Trấn Bắc..’

-Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá trường giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn, say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt, nặng vì thơ.
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

*Tản Đà- Cảm thu tiễn thu *

Tên chính là Nguyễn Khắc Hiếu, lấy bút hiệu Tản Đà vì sống gàn núi Tản sông Đà. Là nhà thơ trào phúng chấm biếm nhẹ nhàng, nổi tiếng với hai bài ‘ Thề Non Nước và Vinh Bức Dư Đồ Rách’- Ông sáng tác 7 bài thơ Xuân.Nhưng đặc sắc nhất bài trường thi‘Cảm thu tiễn thu’:

Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương
Nào người cố lý tha hương
Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai?
Nào những ai
Bảy thước thân nam tử
Bốn bể chí tang bồng
Đường mây chưa bổng cánh hồng
Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu my
Nào những ai
Sinh trưởng nơi khuê các
Khuya sớm phận nữ nhi
Song the ngày tháng thoi đi
Vương tơ ngắm rện nhỡ thì thương hoa
Nào những ai
Tha phương khách thổ
Hải giác thiên nha
Ruột tầm héo, tóc sương pha
Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn
Nào những ai
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn
Giầu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!
Nào những ai
Tóc xanh mây cuốn
Má đỏ huê ghen
Làng chơi duyên đã hết duyên
Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi
Nào những ai
Dọc ngang giời rộng
Vùng vẫy bể khơi
Đội giời đạp đất ở đời
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân
Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Thôi nghĩ cho
Thu tự giời
Cảm tự người
Người đời ai cảm ta không biết
Ta cảm thay ai, viết mấy lời
Thôi thời
Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui
Chi để khách đa tình đa cảm
Một mình thay cảm những ai ai!

*Hồ Xuân Hương- -Thu vũ (Mưa thu)

Được mệnh danh là ‘Chúa Thơ Nôm’ với những bài thơ ẫm ờ thanh tục, nghĩa đen bóng xen kẽ hững hờ. Có lẽ bà sinh vào thời trọng nam khinh nữ ‘ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô ‘ lại phải làm vợ lẽ nên sự ẩn ức đã ghi trong tâm thức bộc phát thành lời thơ trào phúng.

-Trời cách mây mù thảm chả xanh,
Mưa thu sân vắng giọt buồn tanh.
Đầu cành cây héo châu dài vắn,
Trên lá tiêu vàng tiếng chậm thanh.

Hát dứt đê mê mơ vạn dặm,
Sầu giăng quạnh quẽ nỗi năm canh.
Khuê sâu rất khổ mày hoa ấy,
Vẻ mặt buồn thương vẽ chẳng thành.

*Nguyễn Công Trứ- Vịnh Mùa Thu -

Biệt hiệu Uy Viễn tướng công, có tài, khao khát công danh, thích cuộc sống tự do phóng túng dù thanh bần. Ông sáng tác 150 thuộc loại Ca trù và thơ Nôm, những bài biểu lộ lối sống của ông như : Chí làm trai, Chí Nam nhi, Kẻ sĩ, Hàn Nho phong vị phú...

Trời thu phảng phất gió chiều,
Mây về Ngàn Hống buồm treo ráng vàng.
Sang thu tiết hơi may hiu hắt,
Cụm sen già lã chã phai hương.
Sương giày giậu trúc đóaẻ sĩ, hoa vàng,
Son nhuộm non đào cành lá đỏ.
Lãnh vũ như ti trùng chức dạ,
Tình thiên tác chỉ nhạn thư không.
Phúc đâu đâu một trận hảo phong,
Trên cung Quảnh xa đưa hương quế.
Giời biếc biếc, nước xanh xanh một vẻ,
Khéo hoá công khéo vẽ nên đồ.
Một năm được mấy mùa thu.

*Thâm Tâm - Ngậm ngùi cố sự-

Sống trong một gia đình nghèo, ông phải làm nhiều nghề để mưu sinh : vẽ tranh, làm đồ gốm, viết báo...Vì thế thơ ông mang tính cách ngang tàng bi phẫn

Lảo đảo năm canh lệ mấy hàng,
Ngậm ngùi cố sự, bóng lưu quang.
Cuối thu, mưa nát lòng dâu bể,
Ngày muộn, chuông đau chuyện đá vàng.
Chán ngắt gia tình, sầu ngất ngất,
Già teo thân thế, hận mang mang
Chí lớn không đầy một tấc gang.


*Đinh Hùng- Đường Vào Tình Sử.

Sinh năm 1920 làng Trung Phụng ngoài vi Hà Nội. Đậu Tú Tài, tham gia sinh hoạt văn nghệ trước 1945. Sau năm 1954 vào Nam làm báo và viết văn dưới những bút hiệu Hoài Điệp, Thứ Lang, Thần Đăng. Phụ trách thi ca Tạo Đàn trên Đài Phát thanh Sài gòn. Năm 1962, ông đoạt giải Văn chương bộ môn Thơ.
Thơ ông hướng về 2 điểm chính là thiên nhiên và tình yêu với ý tình và lời thơ mang một sắc thái riêng biệt bí ẩn, hư ảo… được tập trung trong 2 Thi tập :
‘Đường vào Tình Sử và Mê Hồn Ca’

-Trên đường ta đi,
Những đóa hoa nở mặt trời xích đạo,
Những tỏa hương sắc mang giông tố bình sa,
Những sác cầu vàng nghiêng cánh chim sa,
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch,
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách,
Thời gian qua trên một nét mi dài,
Núi mùa thu buồn gợn sóng hai vai,
Dòng sông lạ trôi sâu vào tâm sự.
( ĐVTS )


*ViVi - Tình thu xưa

VIVI tên Võ Hùng Kiệt, là một họa sĩ, điêu khắc gia hơn là thi sĩ. Trước năm 1975 ông vẽ cho bìa báo Tuổi Hoa và đoạt giải nhất hình trên các con tem. Sau vẽ cho tờ liên lạc Bạn của Dòng La-San, Nha Trang. Ông còn điêu khắc, tạc tượng, 14 đàng Thánh Giá. Năm 1963 ông nhập Dòng La-San với tên Frere Vauthier Tân.

Một mình lìa xứ một mình
Một mình lìa xứ nhục vinh một mình !

Thu về ngồi đếm lá vàng rơi
Ngẫm lại buồn tênh cái sự đời
Sông núi trông như thân lá uá
Lạnh buốt hồn thu nhớ đầy vơi

Sầu thu tang trắng vắt chân trời
Vuốt lệ lá thu rụng tả tơi
Tủi phận thu xưa tình xơ xác
Đời thu dang dở thu mạt đời

Tình thu đất khách rũ mây trời
Ngóng non nước cũ tít mù khơi
Gom từng chiếc lá từng chiếc lá
Đốt nợ thu xưa gửi muôn nơi

Chiếc lá chiều thu bay lả lơi
Cành cây xơ lá đứng sầu rơi
Buồn như cỏ uá xây quanh mộ
Một kiếp thu xưa xác tả tơi

Hồn thu úa nhớ dáng bơ vơ
Như lá thu xưa rụng ngẩn ngơ
Cài lên mái tóc người em nhỏ
Từ buổi lìa quê rũ đợi chờ !


*Kết- Thu buồn nhớ Quê

Buồn buồn nhìn lá vàng rơi,

Mờ mờ sương phủ núi đồi nẻo xa,
Lâng lâng lơ lửng mây qua,
Dâng dâng bừng tỉnh xót xa Quê nhà.
Đã bao năm tháng đời ta,
Cuộc đời viễn xứ thật là buồn tênh,
Thu về đơn độc bóng hình,
Sầu sầu cô quạnh riêng mình ta thôi,
Mù mù bụi phủ cuộc đời,
Thương thương nhớ nhớ về nơi Quê mình !
 
VietCatholic TV
Quân Putin phòng thủ thị trấn quan yếu đã đầu hàng. Tuyên bố của TT Zelenskiy. ĐCH: Trao ngay ATACMS
VietCatholic Media
03:21 18/09/2023


1. Toàn bộ quân Nga trong thị trấn Klishchiivka đã đầu hàng quân Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 18 tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã xác nhận tin chiến thắng tại Klishchiivka.

Hôm Chúa Nhật, AFP trích dẫn Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết lực lượng của Kyiv đã chiếm lại Klishchiivka, một thị trấn quan trọng về mặt chiến thuật ở phía nam thành phố tiền tuyến Bakhmut. Toàn bộ quân Nga trong thị trấn đã bị bắt làm tù binh.

“Klishchiivka đã không còn người Nga nữa”, Tướng Oleksandr Syrskyi, nói.

Klishchiivka, nơi sinh sống của hàng trăm người trước khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm vào năm ngoái, đã bị quân đội Nga chiếm giữ vào Tháng Giêng.

Diễn biến này xảy ra sau khi lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Sáu cho biết thị trấn Andriivka, cũng nằm ở phía nam thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, đã được tái chiếm.

Quân Ukraine đã không dừng lại ở Andriivka nhưng một lực lượng khác đã tấn công vào Klishchiivka từ hôm thứ Bẩy, 16 Tháng Chín và đã nhanh chóng bao vây một con đường thoát ra khỏi thị trấn này.

Theo các blogger quân sự Nga, lính Nga thuộc Trung Đoàn 57 Cơ Giới Hóa của Tập Đoàn Quân số 5, và tiểu đoàn Storm Z các tù hình sự của Nga đã anh dũng chiến đấu chống lại một lực lượng đông hơn của quân Ukraine bao gồm Lữ đoàn Dù số 80, Lữ đoàn 5 Biệt Động Quân, Lữ đoàn xung kích liên hợp số 95 và lực lượng “Fury” của Cảnh sát Quốc gia Ukraine.

Trưa ngày Chúa Nhật theo giờ địa phương, quân Nga trong thị trấn đã đầu hàng quân Ukraine.

Kyiv bắt đầu đẩy lùi lực lượng Mạc Tư Khoa ở phía nam và phía đông đất nước vào tháng 6 sau khi xây dựng vũ khí phương Tây và tuyển mộ các tiểu đoàn tấn công.

Bakhmut, thành phố từng là nơi sinh sống của khoảng 70.000 người, đã bị lực lượng Nga chiếm giữ vào tháng 5 sau một trong những trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc xâm lược của Nga.

Tuy nhiên, lực lượng Ukraine gần như ngay lập tức bắt đầu đẩy lùi quân Nga xung quanh sườn phía bắc và phía nam của thành phố và ngày càng đạt được nhiều thắng lợi.

Theo UkrInform, Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, là Thượng Tướng chưa phải Đại Tướng như các tường thuật của báo chí nước ngoài. Quân hàm Thượng Tướng cũng không phổ biến trong quân đội các nước phương Tây. Tuy nhiên, gọi vị tướng này là Đại Tướng chắc cũng không sai bao nhiêu vì với các chiến công lừng lẫy Tướng Oleksandr Syrskyi chắc chắn sắp lên lon.

2. Thông điệp chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Zelenskiy sau khi toàn bộ quân Nga ở Klishchiivka đã đầu hàng

Sáng Chúa Nhật 17 Tháng Chín, các ổ kháng cự cuối cùng của quân Nga ở Klishchiivka đã đầu hàng quân Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhắc đến biến cố này trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Tôi chúc các bạn sức khỏe, hỡi đồng bào Ukraine!

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn ngày hôm nay.

Gửi đến tất cả những người bảo vệ bầu trời của đất nước chúng ta. Các phi công và kỹ sư của Lực lượng Không quân, các chiến binh của các nhóm hỏa lực cơ động, tất cả các xạ thủ phòng không của chúng ta. Cảm ơn các bạn đã liên tục gia tăng số lượng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga bị bắn rơi, nhờ đó số lượng người và cơ sở hạ tầng của chúng tôi được cứu. Cảm ơn các chiến binh!

Và gửi tới tất cả những người hiện đang ở tuyến đầu. Tới mọi lữ đoàn. Từ Kupyansk đến tả ngạn vùng Kherson, từ khu vực Bakhmut đến mọi vị trí của Ukraine trên tiền tuyến phía nam nước ta. Tôi cảm ơn các bạn vì sức mạnh của bạn!

Và hôm nay tôi đặc biệt ghi nhận công lao của những chiến binh đang giành lại lãnh thổ Ukraine ở khu vực Bakhmut. Lữ đoàn Dù số 80, Lữ đoàn 5 Biệt Động Quân, Lữ đoàn xung kích liên hợp số 95 và “Fury” vẻ vang của Cảnh sát Quốc gia. Hoan hô chiến thắng Klishchiivka! Anh em làm tốt lắm!

Hôm nay Ukraine đánh dấu Ngày của Người cấp cứu. Và vào ngày Sáu, tôi đã vinh dự được đích thân gửi lời cảm ơn tới các nhân viên của Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine và tất cả những người mà trái tim họ đơn giản cảm thấy rằng không thể làm khác được, rằng chúng ta phải quan tâm đến người khác, rằng chúng ta phải giúp đỡ người khác khi cuộc sống của họ phụ thuộc vào chúng ta. Hôm nay, tôi muốn cảm ơn không chỉ tất cả những người cấp cứu của chúng ta, mà còn tất cả những người thân - cha mẹ của các bé trai và bé gái, những người đàn ông và phụ nữ làm việc trong Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine. Tôi cảm ơn các bạn đã nuôi dạy con cái mình theo cách này: cứu người khác, làm cho toàn bộ xã hội của chúng ta mạnh mẽ hơn và nhân đạo hơn. Cảm ơn!

Hôm nay - và đây là một sự trùng hợp mang tính biểu tượng - đất nước chúng ta cũng kỷ niệm Ngày nhận con nuôi. Đây có lẽ là một trong những sứ mệnh cao quý nhất của cuộc đời – đó là giúp một đứa trẻ thoát khỏi số phận mồ côi. Tôi cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ trẻ em theo cách này, tất cả những người đã lan tỏa hơi ấm gia đình để trên thế giới này có ít số phận cô đơn hơn!

Với tư cách là một đất nước, chúng ta phải đạt đến điểm mà tất cả trẻ em trên đất nước chúng ta, tất cả những đứa trẻ không được cha mẹ chăm sóc, đều có gia đình riêng - nhà riêng, gia đình riêng của chúng.

Ukraine chắc chắn thể đồng hóa với đất nước của những trẻ mồ côi. Tôi cảm ơn tất cả những người làm việc cho việc này!

Vinh quang cho những người đã giúp nhân dân ta và cả đất nước ngày càng vững mạnh!

Và chúng ta đang chuẩn bị các quyết định phòng thủ mới cho Ukraine. Phòng không và pháo binh là ưu tiên hàng đầu.

Niềm tự hào cho Ukraine!

3. Lực lượng Ukraine đạt được 'đột phá chiến thuật đáng kể' trên tiền tuyến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Forces Secure 'Significant Tactical Breach' on Front Line”, nghĩa là “Lực lượng Ukraine đạt được 'đột phá chiến thuật đáng kể' trên tiền tuyến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Theo một đánh giá mới, các lực lượng Ukraine đang tấn công hệ thống phòng thủ của Nga ở phía nam đất nước “có thể đã thực hiện một cuộc đột phá chiến thuật đáng kể” gần thị trấn Robotyne mới được tái chiếm gần đây.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington DC cho biết hôm thứ Bảy rằng các chiến binh của Kyiv “tiếp tục đột phá” vào khu vực phòng thủ của Nga xung quanh thị trấn. Viện nghiên cứu cho biết trong phân tích mới nhất của mình, Ukraine đã tập trung vào một tuyến phòng thủ nhiều lớp dài 2,6 km của Nga xung quanh Robotyne.

Quân đội Ukraine hồi đầu tháng này cho biết lực lượng của họ đã chọc thủng tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai xung quanh Robotyne, ở phía nam thành phố Zaporizhzhia của Orikhiv do Ukraine nắm giữ.

Kyiv cho biết vào cuối tháng 8 rằng họ đã giành lại quyền kiểm soát Robotyne từ Điện Cẩm Linh và một quan chức được Nga hậu thuẫn ở Zaporizhzhia nói với truyền hình nhà nước rằng lực lượng vũ trang Mạc Tư Khoa đã “từ bỏ” thị trấn một cách chiến thuật hơn một tuần sau đó.

Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ cho biết Ukraine vẫn chưa hoàn toàn chọc thủng được lớp phòng thủ của Nga bằng phương tiện và thiết bị hạng nặng khác.

ISW lưu ý rằng các quan chức Ukraine cho rằng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga mà Kyiv đã chọc thủng là tuyến phòng thủ vững chắc nhất trong số nhiều tuyến được thiết lập.

“Có sự khác biệt rất lớn giữa tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai”, chỉ huy nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskiy, nói với tờ The Observer của Anh vào đầu tháng 9.

Lực lượng Điện Cẩm Linh đã bố trí “phần lớn sức mạnh chiến đấu của họ tại các vị trí phòng thủ tiền phương nhất của Nga để phòng thủ trước các hoạt động phản công của Ukraine”, ISW cho biết hôm thứ Bảy, đồng thời cho biết thêm: “Các lực lượng Nga này có thể đã chịu tổn thất nặng nề và đã tiến hành rút quân để chuẩn bị sẵn sàng ở vị trí phía sau lớp phòng thủ hiện tại.”

Trong bản cập nhật hoạt động vào sáng Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết binh sĩ của họ đang tiếp tục tấn công các vị trí của Nga về phía Melitopol, “khiến quân xâm lược tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị, buộc đối phương phải rút lui khỏi các vị trí bị tạm chiếm”.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết hôm thứ Bảy rằng các chiến binh của Ukraine đã “thành công một phần” xung quanh làng Verbove, phía đông Robotyne.

Cũng trong ngày thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đẩy lùi 18 cuộc tấn công của Ukraine xung quanh Robotyne và Verbove trong tuần qua.

Mặc dù cuộc phản công của Ukraine chủ yếu tập trung vào tiền tuyến của Nga ở Zaporizhzhia, lực lượng của Kyiv cũng đã bao vây các tuyến phòng thủ của Mạc Tư Khoa ở Donetsk. Hôm thứ Năm, Ukraine cho biết họ đã chiếm được thị trấn Andriivka của Donetsk, cách thành phố Bakhmut bị tàn phá khoảng 6 dặm về phía tây nam.

Ukraine đã tiếp tục nỗ lực chiếm lại Bakhmut, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Bảy. Mạc Tư Khoa đã kiểm soát thành phố này kể từ tháng 5 năm 2023, sau nhiều tháng trải qua một số trận giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến.

Bất kể thực tế là Ukraine đã chiếm được Andriivka và tàn quân của Nga đã đầu hàng, Điện Cẩm Linh cho biết Ukraine “không thành công trong việc cố gắng đánh đuổi quân đội Nga” khỏi Andriivka và thị trấn Klishchiivka gần đó.

ISW cho biết các chiến binh của Kyiv đã giành được nhiều thắng lợi xung quanh Bakhmut vào thứ Bảy, đồng thời cho biết thêm Ukraine đã tiến vào phía bắc Klishchiivka.

“Klishchiivka đã trở thành tâm điểm giao tranh ở khu vực Bakhmut trong những tuần gần đây”, tổ chức nghiên cứu cho biết.

4. Nga có 5 tổ hợp phòng không S-400 ở Crimea. Trong ba tuần, Ukraine đã nổ tung hai cái.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russia Had Five S-400 Air-Defense Batteries In Crimea. In Three Weeks, Ukraine Blew Up Two”, nghĩa là “Nga có 5 tổ hợp phòng không S-400 ở Crimea. Trong ba tuần, Ukraine đã nổ tung hai cái.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Trong những năm trước cuộc chiến rộng lớn hơn ở Ukraine, lực lượng không quân Nga đã triển khai 5 tổ hợp hỏa tiễn đất đối không S-400 tốt nhất cùng với radar của chúng tới Crimea.

Trong vòng chưa đầy một tháng, hải quân Ukraine đã tiêu diệt được 2 chiếc trong số đó. Mỗi khẩu đội S-400 mà Ukraine tiêu diệt là bớt đi một khẩu đội S-400 đang bảo vệ Hạm đội Hắc Hải của Nga tại nơi neo đậu ở Sevastopol.

Cuộc đột kích đầu tiên vào S-400, diễn ra vào ngày 23 tháng 8, nhắm vào khẩu đội ở Cape Tarkhankut trên bờ biển phía tây bắc Bán đảo Crimea. Vụ thứ hai, vào hôm thứ Năm vừa qua, đã tấn công một khẩu đội pháo cách 36 dặm về phía nam ở Yevpatoriya.

Cả hai cuộc tấn công được cho là liên quan đến phiên bản mới nhất của hỏa tiễn hành trình chống hạm Neptune phóng từ mặt đất của hải quân Ukraine. Mẫu ban đầu mà Ukraine dùng để đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Hạm đội Hắc Hải vào tháng 4 năm 2022, đã đi được quãng đường 290 dặm với đầu đạn nặng 330 pound. Phiên bản mới có thể di chuyển 225 dặm với đầu đạn nặng 770 pound.

Cục thiết kế Luch của Ukraine ngay từ đầu đã thiết kế Neptune với thiết bị tìm kiếm radar hỗ trợ GPS. Về cơ bản, hỏa tiễn sẽ điều hướng đến tọa độ GPS. Khi nó đến đó, radar sẽ tìm kiếm thứ gì đó có hình dạng giống như một mục tiêu đáng giá.

Sự kết hợp giữa GPS và radar này giúp Neptune có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển và trên đất liền một cách thành thạo như nhau, mặc dù các quan chức của Luch cho biết họ đã điều chỉnh hệ thống dẫn đường trong mẫu hỏa tiễn mới hơn. Điều đó có thể có nghĩa là việc bổ sung một thiết bị tìm kiếm hồng ngoại.

Trong mọi trường hợp, Neptune hoạt động. Và bộ máy thu thập thông tin tình báo cung cấp năng lượng cho các mục tiêu hải quân cho tổ hợp Neptune của nó cũng vậy. Ngược lại, hệ thống phòng không của Nga không có tác dụng, ít nhất là không chống lại được hỏa tiễn hành trình bay thấp.

S-400 là hệ thống SAM tầm xa tốt nhất của Nga. Nó có nhiệm vụ bắn hạ các hỏa tiễn như Neptune. Nhưng ngược lại, nó đang bị Neptune phá hủy. Và mỗi cuộc tấn công hỏa tiễn đều khiến cuộc tấn công tiếp theo có nhiều khả năng thành công hơn khi mạng lưới radar và hỏa tiễn hỗ trợ lẫn nhau sụp đổ. Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, DC lưu ý: “Có thể có những thất bại mang tính hệ thống về mặt chiến thuật với các hệ thống phòng không của Nga ở Crimea bị tạm chiếm”.

Mục tiêu ngắn hạn của hải quân Ukraine rất rõ ràng: dọn đường cho không quân Ukraine tấn công Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol bị tạm chiếm. Một loạt hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất do máy bay ném bom Sukhoi Su-24 của lực lượng không quân phóng hôm thứ Tư đã tấn công một ụ tàu ở Sevastopol và đốt cháy hai tàu chiến bên trong: một tàu đổ bộ lớp Ropucha và một tàu ngầm lớp Kilo.

Có vẻ như người Ukraine đã xong việc. Hạm đội Hắc Hải vẫn còn vài chục tàu chiến lớn — và chúng dễ bị tấn công bởi hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không hơn các chiến hạm Ropucha và Kilo. Và giờ đây số khẩu đội S-400 để bảo vệ các con tàu đang thiếu đi một khẩu đội so với hôm thứ Tư.

Lực lượng không quân Nga có thể vẫn còn ba tổ hợp S-400 khác ở Crimea, cùng với các tổ hợp dự trữ bổ sung ở Nga. Nhưng nếu người Nga thay đổi các khẩu đội đã triển khai hoặc đưa vào các khẩu đội mới với hy vọng lấp đầy những khoảng trống trong hệ thống phòng không của họ, thì những khẩu đội thay thế này có thể chịu chung số phận như những khẩu đội tiền nhiệm là bị khai tử bởi Neptune.

Các lựa chọn của Điện Cẩm Linh không nhiều. Trong 19 tháng diễn ra cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga ở Ukraine, các chỉ huy Ukraine đã dần dần xây dựng được một tổ hợp tấn công sâu đáng sợ và giờ đây họ đang sử dụng nó để tiêu diệt lực lượng Nga ở Crimea.

Theo lời của Tướng Ben Hodges, một tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy các lực lượng lục quân ở Âu Châu, “bộ tổng tham mưu Ukraine đang chạy vòng quanh bộ tham mưu Nga”.

5. Ukraine tạo được các lợi ích ở Bakhmut trong cuộc phản công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Makes Bakhmut Gains During Counteroffensive”, nghĩa là “Ukraine tạo được các lợi ích ở Bakhmut trong cuộc phản công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng của họ đang tiếp tục giành được nhiều thắng lợi xung quanh Bakhmut ở miền đông Ukraine khi các bản đồ từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho thấy tình trạng diễn ra cuộc phản công của Kyiv.

Ukraine cho biết các hoạt động của họ gần thành phố Donetsk đang bị giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục vào hôm thứ Sáu, một ngày sau khi Ukraine cho biết lực lượng của họ đã giải phóng khu định cư Andriivka gần đó.

Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine cho biết, ngoài việc giải phóng Andriivka, quân của họ đã tiêu diệt hoàn toàn Lữ đoàn súng trường cơ giới hóa độc lập số 72 thuộc Quân đoàn 3 sau khi bao vây khu định cư. Lữ đoàn Ukraine nói thêm rằng điều này sẽ tạo cơ hội đột phá vào sườn phía nam Bakhmut.

Lữ đoàn đã công bố đoạn video trên Telegram cho biết họ quay lại cuộc tái chiếm, mô tả cách quân đội Nga bắn súng cối và các vụ nổ bom ngày càng gần hơn.

Theo hãng tin Pravda của Ukraine, lữ đoàn cho biết thêm: “Lực lượng xung kích tiếp tục truy lùng đối phương ngay giữa chiến trường - trong một thị trấn có rất nhiều người Nga”. Đoạn phim cho thấy quân đội Ukraine di chuyển qua một khung cảnh hoang vắng đã bị san bằng do giao tranh.

Một trong những bản đồ của ISW từ bản cập nhật mới nhất của tổ chức tư vấn hôm thứ Sáu cho thấy giao tranh ở khu vực này và đoạn phim được định vị địa lý cho thấy các lực lượng Ukraine đang tiến về phía tây nam Mayorsk xa hơn về phía nam và Serhiivka xa hơn về phía bắc.

Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga tìm cách làm giảm nhẹ thiệt hại của thất bại ở Andriivka, bằng cách phủ nhận nó đã được giải phóng hoặc nói rằng việc nó bị phá hủy trong chiến đấu khiến việc kiểm soát nó không còn ý nghĩa về mặt chiến thuật.

Ngoài những thành tựu được báo cáo này, Ukraine cho biết họ cũng đã đạt được một phần thành công gần Klishchiivka, cách Bakhmut chưa đầy 5 dặm về phía Tây Nam.

Trong khi đó, Ukraine cũng báo cáo rằng quân đội của họ đang tiếp tục các hoạt động tấn công ở tỉnh phía tây Zaporizhzhia. Họ cũng đang gây ra tổn thất đáng kể về nhân lực và thiết bị của Nga gần Verbove, thị trấn cách thành phố Orikhiv 12 dặm về phía nam, trong khi một bản đồ khác của ISW cho thấy sự tiến bộ của Ukraine.

Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết ít nhất 5 người đã bị thương sau khi lực lượng Nga phóng 5 hỏa tiễn S-300 vào thành phố gần biên giới với Nga, nơi gần như bị tấn công hàng ngày. Chúng nằm trong số các cuộc tấn công nhằm vào 8 tỉnh Ukraine trên khắp đất nước. chính quyền địa phương cho biết đã làm hư hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng dân sự và cơ sở công nghiệp.

Theo Thống đốc Yury Malashko, ở tỉnh phía nam Zaporizhzhia, một cuộc không kích của Nga nhằm vào Orikhiv đã làm hai phụ nữ bị thương.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

6. Quan chức Ukraine cho biết Nga di chuyển tàu khỏi Hắc Hải sau cuộc tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Moves Ships From Black Sea Following Strikes: Ukraine Official”, nghĩa là “Quan chức Ukraine cho biết Nga di chuyển tàu khỏi Hắc Hải sau cuộc tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Một quan chức quân sự Ukraine hôm thứ Bảy cho biết hải quân của Vladimir Putin gần đây đã rút ba tàu đổ bộ lớn ra khỏi Hắc Hải sau một loạt cuộc tấn công vào hạm đội Nga.

Dmytro Pletenchuk, phát ngôn viên của Lực lượng Hải quân Ukraine, nói với đài truyền hình Ukraine rằng Nga đã di dời các tàu từ Hắc Hải đến Biển Azov.

Tuyên bố của Pletenchuk, được đưa ra sau khi các cuộc tấn công gần đây nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của hải quân Nga và đánh trúng một tàu lớn, và một tàu ngầm tại căn cứ hải quân quan trọng ở Sevastopol, Crimea; cũng như tàu phóng hỏa tiễn Samum ở ngoài khơi Sevastopol.

Các bức ảnh và đoạn phim về cuộc tấn công vào Sevastopol sáng thứ Tư cho thấy khu vực ụ tàu bốc cháy, và các báo cáo cho thấy tàu đổ bộ lớn lớp Minsk Ropucha và tàu ngầm tấn công lớp Rostov-on-Don Kilo bị hư hại nghiêm trọng.

“Những tiến trình liên quan đến việc giải phóng lãnh thổ của chúng ta sẽ tiếp tục trong tương lai,” Pletenchuk nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, theo bản dịch của hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda.

Ông nói thêm: “Nhân tiện, người ta kể rằng hôm nay quân xâm lược Nga vì lý do nào đó đã di chuyển ba tàu đổ bộ lớn từ Hắc Hải đến Biển Azov.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Trong cuộc phỏng vấn, Pletenchuk đề cập đến con tàu Minsk và cho biết con tàu này không thể sửa chữa được do những hư hỏng trong cuộc tấn công gần đây. Quan chức Ukraine cũng gọi Minsk là một phần của “Tàu tốc hành Syria” và nói rằng nó được sử dụng để cung cấp vũ khí và hậu cần cho các hoạt động quân sự của Mạc Tư Khoa ở Syria.

Ông lưu ý rằng chiếc tàu ngầm này, cũng được cho là không ở trong tình trạng không thể phục hồi, được cho là tàu ngầm đầu tiên của Nga bị mất vào tay lực lượng Ukraine.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh (MoD) hôm thứ Sáu cho biết, trong khi Bộ Quốc phòng Nga “hạ thấp thiệt hại đối với các tàu, thì bằng chứng nguồn mở cho thấy tàu Minsk gần như chắc chắn đã bị phá hủy về mặt chức năng, trong khi tàu Rostov có thể đã phải hứng chịu thảm họa hư hại.”

“Bất kỳ nỗ lực nào để đưa tàu ngầm trở lại hoạt động đều có thể mất nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu Mỹ Kim”, Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh viết trong bản cập nhật tình báo. “Có khả năng thực tế là nhiệm vụ phức tạp trong việc loại bỏ đống đổ nát khỏi các ụ tàu sẽ khiến chúng không được sử dụng trong nhiều tháng. Điều này sẽ đặt ra cho Hạm đội Hắc Hải một thách thức đáng kể trong việc duy trì hoạt động bảo trì hạm đội.”
 
Ronaldo, một trong các cầu thủ vĩ đại nhất thế giới, được rửa tội. GH Đức thu hẹp nhanh hơn bao giờ
VietCatholic Media
05:09 18/09/2023


1. COVID gia tăng trở lại: tiểu bang nào hiện bảo vệ các nhà thờ khỏi việc đóng cửa?

Sau khi đạt mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu đại dịch; vào đầu mùa hè, các trường hợp nhiễm COVID-19 đã bắt đầu gia tăng trở lại, làm dấy lên nỗi ám ảnh về việc bắt buộc phải đeo khẩu trang mới và gợi lại những ngày đầu của đại dịch, khi lo ngại về sự bùng phát COVID đã dẫn đến nhiều lo ngại về sự bùng phát của đại dịch, xã hội phải đóng cửa - bao gồm, nhiều nhà thờ trên khắp đất nước.

Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ pháp lý dành cho các nhà thờ đã phát triển rất nhiều kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nhiều tiểu bang đã thông qua các biện pháp bảo vệ rõ ràng đối với các cơ sở thờ phượng, bảo đảm rằng các cơ sở thờ phượng sẽ không bị buộc phải đóng cửa lần nữa trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai hoặc sẽ không bị đối xử khắc nghiệt hơn các “dịch vụ thiết yếu” khác được phép tiếp tục mở cửa.

Mọi giáo phận Hoa Kỳ đã hạn chế việc cử hành Thánh lễ công khai vào năm 2020 khi bắt đầu xảy ra đại dịch, nhiều giáo phận nhằm đáp ứng luật pháp của tiểu bang hoặc địa phương, vốn rất khác nhau về mức độ nghiêm ngặt đối với các nghi lễ tôn giáo.

Dữ liệu từ đầu năm nay cho thấy việc tham dự Thánh lễ trực tiếp của người Công Giáo vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch và chỉ có khoảng 4 trong 10 người Công Giáo Hoa Kỳ cho biết họ tham dự Thánh lễ trực tiếp thường xuyên như trước đại dịch. Một phần tư số người Công Giáo nói rằng họ hiện nay ít tham dự hơn.

Hiện đã có tiền lệ pháp lý ở cấp liên bang cho thấy rằng các tiểu bang không bao giờ có thể đóng cửa hoàn toàn việc thờ phượng nữa và có thể giới hạn sức chứa trong nhà tại các nơi thờ phượng ở mức tối đa là 25% so với mức bình thường.

Tòa án Tối cao đã ra phán quyết vào cuối tháng 11 năm 2020 rằng các hạn chế của tiểu bang New York, trong đó bao gồm các hạn chế về số lượng người tham dự các buổi lễ thờ phượng, trong đại dịch do vi-rút corona gây ra đã cấu thành hành vi được coi là vi phạm quy định bảo vệ quyền tự do thực hành tôn giáo của Tu chính án thứ nhất.

Dữ liệu từ New York Times cho thấy số ca vào bệnh viện do COVID hàng ngày ở những người từ 70 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi từ khoảng 2.000 ca mỗi ngày trên khắp nước Mỹ vào tháng 7 lên 4.300 ca mỗi ngày vào giữa tháng 9 năm nay. Số ca tử vong hàng tuần do COVID vẫn ở mức thấp nhất mọi thời đại mặc dù tăng rất nhẹ trong những tuần gần đây.

CDC đã ban hành các khuyến nghị mới vào ngày 12 tháng 9, khuyên tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin COVID-19 cập nhật để bảo vệ khỏi “các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do bệnh COVID-19 vào mùa thu và mùa đông này”.


Source:Catholic News Agency

2. Một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất thế giới, Ronaldo, được rửa tội ở tuổi 46

Cựu tiền đạo Ronaldo Nazario chia sẻ niềm vui của anh khi cuối cùng đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Các cầu thủ bóng đá thường được báo chí chú ý nhiều hơn vì những kỹ năng gây ấn tượng của họ hoặc một vụ bê bối tình cảm nào đó. Vì vậy, thật tuyệt vời khi được thấy một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của bóng đá, Ronaldo Nazario, trên các phương tiện truyền thông để nhận một số tin tức rất vui!

Cầu thủ người Brazil đã chia sẻ những hình ảnh về lễ rửa tội gần đây của anh tại nhà thờ của Cha Fábio de Melo, ở São Paulo, trên mạng xã hội. Và thật đáng yêu khi thấy rằng đó có vẻ là một chuyện bình thường, khác xa với sự hào nhoáng đến với sự nghiệp bóng đá đáng kinh ngạc của anh ta.

Ronaldo, cái tên được hàng triệu người hâm mộ biết đến, đã chia sẻ bằng tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil:

Hôm nay là một ngày đặc biệt. Tôi đã được rửa tội! Đức tin Kitô giáo luôn là một phần cơ bản trong cuộc sống của tôi kể từ khi tôi còn nhỏ, mặc dù tôi chưa được rửa tội. Với Tiệc Thánh, tôi cảm thấy thực sự được tái sinh với tư cách là con cái của Thiên Chúa—theo một cách mới, có ý thức hơn, sâu sắc hơn.”

Anh ta nói tiếp:

Tôi đổi mới cam kết đi theo con đường ý chí tốt lành, tự do và tự phát, tin vào tình yêu của Chúa Giêsu, vào tình yêu bác ái. Xin cảm ơn rất nhiều, Cha Fabio de Melo, giáo phận São José, Cha Dom Oswaldo và các cha mẹ đỡ đầu thân yêu Amilcar và Malu.”

Một cơ hội để truyền cảm hứng

Điều đặc biệt có ý nghĩa về lễ rửa tội của Ronaldo là cuộc sống của anh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, bất chấp tài năng bóng đá cũng như các khoản tài trợ và sự giàu có sau đó.

Chủ sở hữu và chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Real Valladolid không chỉ gặp nhiều vấn đề về mối quan hệ trong quá khứ mà còn phải đối mặt với chứng suy giáp khiến những ngày thi đấu bóng đá của anh phải chấm dứt, đồng thời khiến mọi người chế nhạo anh về việc anh tăng cân không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, cựu cầu thủ số 9 đã thu hút được hàng triệu người hâm mộ trong sự nghiệp của anh và trên thực tế, 29,5 triệu người theo dõi trên Instagram của anh ta đều đã xem tin tức về lễ rửa tội của anh ta và có thể đức tin của anh ta sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người như kỹ năng bóng đá nổi tiếng của anh ta.


Source:Aleteia

3. Giáo hội ở Đức đang thu hẹp nhanh hơn bao giờ hết

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Để có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của mình các con số liên quan đến tội lỗi lạm dụng tình dục đã bị cố ý thổi phồng, gây ra một sự hoài nghi lớn trong lòng các tín hữu.

Các Giám Mục Đức cũng không ngại triệt phá các tin tưởng đã ăn sâu trong lòg các tín hữu, mà lẽ ra họ có trách nhiệm phải đề cao và giảng dạy. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng tại sao để giải quyết tội lỗi lạm dụng tính dục cần phải cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tại sao phải chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái, tái định nghĩa lại hôn nhân?

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức đang kêu gọi sự chú ý đến một lượng lớn người Công Giáo ra đi, những người đã tự hủy ghi danh và rời bỏ đức tin Công Giáo với số lượng kỷ lục. Các con số cho thấy khoảng 2,5% người Công Giáo Đức đã rời đi vào năm 2022, điều này cho thấy Giáo Hội Công Giáo ở Đức có thể giảm tới một nửa trong 20 năm tới nếu xu hướng này tiếp tục.

Trong khi vẫn còn hy vọng cho người Công Giáo ở Đức, xu hướng này chỉ trở nên trầm trọng hơn theo năm tháng. Vào năm 2022, tờ The Guardian đưa tin, 522.821 người đã rời bỏ Giáo hội, một quá trình có chiều sâu hơn một chút so với các quốc gia khác. Ở Đức, những người theo đạo Công Giáo, Tin lành hoặc Do Thái cần phải ghi danh với chính phủ và một phần thuế của họ sẽ được gửi đến nhóm tôn giáo của họ. Để rời đi, người ta phải tự hủy ghi danh tại văn phòng ghi danh địa phương.

Tuy nhiên, số người rời đi vào năm 2022 cao hơn đáng kể so với năm 2021, khi có khoảng 380.000 người không ghi danh theo đạo Công Giáo. Hiện nay ước tính có khoảng 21 triệu người Công Giáo sống ở Đức, chỉ chiếm chưa đến một phần tư dân số. Tuy nhiên, con số này có thể tiếp tục giảm vì tỷ lệ rời bỏ Giáo hội dự kiến sẽ chỉ tăng trong những năm tới.

The Guardian lưu ý một số lý do khiến Giáo hội ở Đức bị thu hẹp ở mức kỷ lục, đặc biệt là con số các cáo buộc lạm dụng tình dục được thổi phồng, hệ thống tín lý bị chính các Giám Mục đặt thành câu hỏi, kỷ luật của Giáo Hội bị chà đạp.

Nhận thức của công chúng về Giáo hội chắc chắn là một yếu tố khiến làn sóng rời bỏ hàng ghế vĩnh viễn, nhưng cũng có một yếu tố không nên bỏ qua là thuế nhà thờ đã đề cập trước đây, được gọi là Kirchensteuer hoặc Kultursteuer trong tiếng Đức. Rất có thể một số người Công Giáo Đức đã rời bỏ Giáo hội chỉ để tránh phải đóng thuế bắt buộc, đồng thời giữ kín đức tin Công Giáo của họ và quyên góp những gì họ có thể cho giáo xứ của họ trong đĩa quyên góp ngày Chúa Nhật.


Source:Aleteia

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 Tháng Chín

Chúa Nhật 17 Tháng Chín, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 24 Mùa Quanh Năm,

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Tin Mừng nói với chúng ta về sự tha thứ (x. Mt 18:21-35). Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” (câu 21).

Số bảy, trong Kinh Thánh, là con số biểu thị sự trọn vẹn, và vì vậy Thánh Phêrô rất hào phóng khi đưa ra những giả định trong câu hỏi của mình. Nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn và trả lời ông: “Thầy không nói với anh bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy” (c. 22). Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô rằng khi một người tha thứ, người ta không tính toán; rằng thật tốt khi tha thứ mọi thứ, và luôn luôn! Như Thiên Chúa làm với chúng ta và như những người thực thi công lý của Thiên Chúa phải làm: hãy luôn tha thứ. Tôi nói điều này rất nhiều với các linh mục, với các cha giải tội: hãy luôn tha thứ, như Thiên Chúa tha thứ.

Sau đó, Chúa Giêsu minh họa thực tế này bằng một dụ ngôn, một lần nữa liên quan đến các con số. Một vị vua sau khi được cầu xin đã tha cho người hầu món nợ mười ngàn yến vàng: đó là một con số quá lớn, giá trị vô cùng lớn, từ 200 đến 500 tấn bạc: quá nhiều. Đó là một món nợ không thể trả được, dù phải làm việc cả đời: thế nhưng người chủ này, người nhớ đến Cha của chúng ta, đã tha thứ cho anh ta chỉ vì “lòng thương xót” (c. 27). Đây là tấm lòng của Thiên Chúa: Ngài luôn tha thứ, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta đừng quên Thiên Chúa là Đấng gần gũi, nhân hậu và dịu dàng; đây là cách hiện hữu của Chúa. Tuy nhiên, người đầy tớ này đã được tha nợ, lại không tỏ lòng thương xót đối với người bạn mắc nợ mình 100 quan tiền. Đây cũng là một số tiền đáng kể, tương đương với khoảng ba tháng lương - như muốn nói rằng việc tha thứ cho nhau phải có tiền! - nhưng hoàn toàn không thể so sánh với con số trước đó mà chủ nhân đã tha thứ.

Thông điệp của Chúa Giêsu rất rõ ràng: Thiên Chúa tha thứ vô cùng, vượt quá mọi mức độ. Chúa là thế này đây; Ngài hành động vì tình yêu và nhưng không. Thiên Chúa không bị mua chuộc, Thiên Chúa tự do, Ngài hoàn toàn là sự nhưng không. Chúng ta không thể đền đáp Ngài nhưng khi chúng ta tha thứ cho anh chị em, chúng ta bắt chước Ngài. Do đó, tha thứ không phải là một việc tốt mà chúng ta có thể chọn làm hoặc không làm: tha thứ là điều kiện cơ bản đối với những người là Kitô hữu. Thật vậy, mỗi người chúng ta đều được “tha thứ”: chúng ta đừng quên điều này, chúng ta được tha thứ, Thiên Chúa đã hiến mạng sống vì chúng ta và không cách nào chúng ta có thể đền đáp lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót mà Ngài không bao giờ rút khỏi trái tim Ngài. Tuy nhiên, bằng cách đáp lại sự nhưng không của Ngài, nghĩa là tha thứ cho nhau, chúng ta có thể làm chứng cho Ngài bằng cách gieo rắc sự sống mới xung quanh chúng ta. Vì ngoài sự tha thứ thì không có hy vọng nào; ngoài sự tha thứ không có hòa bình. Tha thứ là dưỡng khí thanh lọc không khí hận thù, tha thứ là liều thuốc giải độc cho chất độc oán giận, là cách xoa dịu cơn giận và chữa lành biết bao căn bệnh tâm hồn đang làm ô nhiễm xã hội.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có tin rằng tôi đã nhận được từ Thiên Chúa hồng ân tha thứ bao la không? Tôi có cảm thấy vui mừng khi biết rằng Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho tôi khi tôi sa ngã, ngay cả khi người khác không làm như vậy, ngay cả khi tôi thậm chí không thể tha thứ cho chính mình? Ngài tha thứ: tôi có tin rằng Ngài tha thứ không? Và sau đó: liệu tôi có thể tha thứ cho những người đã làm sai với tôi không? Về vấn đề này, tôi muốn đề nghị với anh chị em một bài tập nhỏ: bây giờ, mỗi người chúng ta hãy cố gắng nghĩ đến một người đã làm tổn thương chúng ta, và cầu xin Chúa ban sức mạnh để tha thứ cho họ. Và chúng ta hãy tha thứ cho họ vì lòng yêu mến Chúa: thưa anh chị em, điều này sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta; nó sẽ khôi phục lại sự bình yên cho trái tim chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, giúp chúng ta đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và tha thứ cho nhau.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Thứ Sáu tới đây, tôi sẽ đến Marseille để tham gia lễ bế mạc Recontres Méditerranéennes, một sáng kiến tốt đẹp đang diễn ra tại các thành phố quan trọng ở Địa Trung Hải, quy tụ các nhà lãnh đạo giáo hội và dân sự để thúc đẩy các con đường hòa bình, hợp tác và hội nhập xung quanh mare nostrum nghĩa là Địa Trung Hải, với một sự tập chú đặc biệt đến hiện tượng di cư. Nó đại diện cho một thách thức không hề dễ dàng, như chúng ta cũng thấy trong tin tức những ngày gần đây, nhưng phải cùng nhau đối mặt, vì nó cần thiết cho tương lai của tất cả mọi người, một tương lai sẽ chỉ thịnh vượng nếu được xây dựng trên tình huynh đệ, đặt phẩm giá con người và những con người thực sự, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ nhất, lên trước hết. Trong khi xin anh chị em đồng hành với cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện, tôi cũng muốn cảm ơn các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, cũng như những người đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ở Marseille, một thành phố bao gồm nhiều dân tộc, được kêu gọi trở thành bến cảng của hy vọng. Bây giờ tôi xin chào tất cả cư dân, mong được gặp rất nhiều anh chị em thân yêu.

Và tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là đại diện của một số giáo xứ ở Miami, Banda de Gaitas del Batallón de San Patricio, các tín hữu của Pieve del Cairo và Castelnuovo Scrivia, và các Nữ tu Truyền giáo của Đấng Cứu Chuộc Chí Thánh của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine. Và tôi tiếp tục cầu nguyện cho người dân Ukraine đang bị dày vò, và cho hòa bình ở mọi vùng đất đẫm máu vì chiến tranh.

Và tôi xin chào các bạn trẻ của Immacolata!

Tôi chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Putin dồn dập tin buồn: Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù Nga tấn công Mariupol vừa tử trận. Cả một Lữ Đoàn ra đi
VietCatholic Media
17:20 18/09/2023


1. Một lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine vừa tiêu diệt một lữ đoàn Nga gần Bakhmut

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “An Elite Ukrainian Brigade Just Annihilated A Russian Brigade Near Bakhmut”, nghĩa là “Một lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine vừa tiêu diệt một lữ đoàn Nga gần Bakhmut”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vào giữa tháng 8, khi các lữ đoàn Ukraine chọc thủng phòng tuyến của Nga ở Verbove, một cứ điểm then chốt trên đường tới Melitopol ở miền nam Ukraine bị Nga tạm chiếm, Điện Cẩm Linh đã hoảng sợ.

Nga đã triển khai, từ miền đông Ukraine đến miền nam Ukraine, sư đoàn tinh nhuệ cuối cùng của mình, Sư đoàn Dù cận vệ số 76.

Nhưng việc triển khai đó đã khiến lực lượng Nga ở phía đông không có lực lượng dự bị cơ động tốt. Và điều đó giúp giải thích bằng cách nào, vào ngày thứ Sáu, người Ukraine đã giải phóng Andriivka, một khu định cư quan trọng neo giữ các tuyến đường tiếp tế vào Bakhmut bị Nga tạm chiếm.

Các chỉ huy Ukraine buộc các chỉ huy Nga phải đưa ra một lựa chọn khó khăn – và sau đó khai thác lựa chọn đó. Nó phù hợp với xu hướng chiến lược. Ben Hodges, một tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, lưu ý: “Bộ tổng tham mưu Ukraine đang chạy vòng quanh bộ tham mưu Nga”.

Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân tinh nhuệ của quân đội Ukraine đã dẫn đầu cuộc tấn công vào Lữ đoàn súng trường cơ giới số 72 của quân đội Nga ở Andriivka. Lữ đoàn 3 bao vây khu định cư, sau đó tiến vào và xuyên qua đống đổ nát của nó. Hôm thứ Sáu, lữ đoàn Ukraine đã đăng một đoạn video thông báo việc giải phóng Andriivka.

Lữ đoàn 3 cho biết: “Kết quả của một chiến dịch chớp nhoáng, đơn vị đồn trú Andriivka của Nga đã bị bao vây, cắt đứt khỏi lực lượng chính và bị tiêu diệt”.

Bộ Quốc phòng Ukraine nói đùa: “Những 'vị khách' không được chào đón ở Andriivka đang bị Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân loại bỏ.

Trong hai ngày giao tranh cam go, Lữ đoàn 3 tuyên bố đã tiêu diệt chỉ huy tình báo của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 72, nhiều sĩ quan của lữ đoàn Nga “và gần như toàn bộ bộ binh”. Thương vong của quân Nga - chết, bị thương và bị bắt - có thể lên tới hàng nghìn người hoặc hơn.

Cuộc giao tranh diễn ra rất tàn khốc và thương vong của Lữ đoàn 3 là rất đáng kể. Lữ đoàn tuyên bố: “Chúng tôi phải trả giá đắt cho kết quả của những trận chiến này.

Sự tàn khốc của trận chiến thể hiện rõ nhất vào những giờ cuối cùng, khi quân đội Ukraine quét sạch tàn tích Andriivka. Một máy bay không người lái của Ukraine đã phát đi lời kêu gọi những người Nga sống sót hãy ra đầu hàng. Trong ít nhất một trường hợp, pháo binh Nga đã phát nổ vào quân Ukraine và cả những tù binh Nga của họ.

Việc giải phóng Andriivka đặt áp lực lên quân đồn trú của Nga ở Bakhmut, cách đó 5 dặm về phía bắc. Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân tuyên bố: “Việc chiếm và giữ Andriivka là con đường để chúng tôi đột phá vào cánh phải Bakhmut và là chìa khóa thành công của tất cả các cuộc tấn công tiếp theo”.

Tệ hơn cho người Nga, giờ đây họ đã tiêu diệt cả một lữ đoàn - và không còn sư đoàn dự bị nào để bù đắp tổn thất đó. Nếu Điện Cẩm Linh chuyển Sư Đoàn Dù 76 về phía đông, điều đó sẽ chỉ làm suy yếu vị thế của Nga ở phía nam.

Khi di chuyển sư đoàn dự bị về phía nam, người Nga đã chấp nhận rủi ro ở phía đông. Đó là một canh bạc. Một điều đã được đền đáp... cho người Ukraine.

2. Tư Lệnh Lữ đoàn Dù tinh nhuệ của Nga từng tấn công vào thành phố Mariupol tử trận

Đại tá Andrey Kondrashkin, Tư Lệnh lữ đoàn Dù tinh nhuệ của Nga, được tường trình đã tử trận ở Ukraine.

Tin này được công bố bởi Alexander Khodakovsky, Tư Lệnh tiểu đoàn “Vostok” liên kết với Nga đang chiến đấu trên mặt trận Donetsk, là lực lượng đã bị đẩy lùi khỏi làng Urozhaine vào tháng 8.

Kondrashkin, Tư Lệnh Lữ đoàn 31 Dù tinh nhuệ, thường được gọi là Lữ Đoàn Dù Bão tố được tường trình đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bao vây Mariupol của Nga vào năm 2022. Khodakovsky cho rằng Kondrashkin đã tử trận trong một cuộc tấn công của Ukraine.

“Trong khi chiến đấu kề vai sát cánh bên nhau, chúng tôi đã trở thành bạn của Andrei và hôm nay chúng tôi vô cùng đau buồn trước tin anh ta qua đời. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình, bạn bè, những người đồng đội của anh ta”, Khodakovsky viết trong một bài đăng trên kênh mạng xã hội Telegram của mình vào hôm Chúa Nhật.

Điện Cẩm Linh chưa bình luận về tin tức về cái chết của Kondrashkin. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Nhà báo Ukraine Yurii Butusov cho biết Lữ đoàn Bão tố Dù số 31 đã tham gia “tất cả các trận đánh lớn của cuộc chiến” và cho biết lữ đoàn này hiện đóng quân gần thành phố Bakhmut thuộc vùng Donetsk của Ukraine, hiện là nơi giao tranh ác liệt.

Kondrashkin được giao nhiệm vụ đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam làng Andriivka của Donetsk để ngăn chặn tàn quân của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 72 bị bắt.

Butusov viết: “Tuy nhiên, Kondrashkin đã không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vẫn chưa biết chính xác hoàn cảnh Kondrashkin bị giết như thế nào trong những trận chiến này. Nhưng việc loại bỏ Tư Lệnh của một trong những đơn vị tấn công của Nga là một thành tựu quan trọng.”

Nhà báo cho biết: “Trong các trận chiến giành Andriivka, như đã biết hiện nay, một số lượng lớn chỉ huy của các lữ đoàn súng trường cơ giới số 57, 72, 85 và lữ đoàn Dù số 31 của Lực lượng Vũ trang Nga đã bị tiêu diệt”.

Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine hôm 15/9 cho biết một lữ đoàn Nga đã bị “tàn phá” sau khi tái chiếm Andriivka, nằm cách Bakhmut khoảng 10 km về phía nam. Việc chiếm giữ nó diễn ra hơn ba tháng sau cuộc phản công của Kyiv nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Lữ đoàn cho biết các quân nhân của họ đã chiếm lại Andriivka sau khi bao vây quân đồn trú Nga trong một “chiến dịch chớp nhoáng” diễn ra trong hai ngày. Lữ đoàn Nga đã bị bỏ lại “trong tình trạng rách nát”, nó nói.

“Trong hai ngày, Lữ Đoàn 3 đã tiêu diệt: trưởng lữ đoàn tình báo địch; ba tiểu đoàn trưởng; và gần như toàn bộ bộ binh của lữ đoàn 72, cùng với các sĩ quan khác và một lượng trang thiết bị đáng kể”.

Lữ Đoàn cho biết việc chiếm lại Andriivka là “chìa khóa thành công trên mọi hướng tiếp theo”, đồng thời cho biết thêm: “Chúng tôi phải trả giá đắt cho kết quả của những trận chiến này. Và máu của mỗi chiến binh của chúng ta sẽ chỉ được trả bằng máu.”

3. Không có bình luận ngay lập tức từ Mạc Tư Khoa sau khi Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã chiếm lại thị trấn Klishchiivka, gần Bakhmut.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày rằng lực lượng của họ vẫn tiếp tục tấn công gần khu vực Klishchiivka, Reuters đưa tin.

Cuộc giao tranh ác liệt nhằm giành thị trấn có tầm quan trọng chiến lược, trải rộng trên các vùng đất cao cách Bakhmut khoảng 9 km về phía nam, đã diễn ra trong nhiều tuần hồi tháng Giêng và quân Ukraine phải để mất thị trấn này.

Tuy nhiên, hôm thứ Sáu Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân cho biết họ đã giành được quyền kiểm soát thị trấn Andriivka gần đó. Và một lực lượng quân Ukraine đông đảo hơn bao gồm Lữ đoàn Dù số 80, Lữ đoàn 5 Biệt Động Quân, Lữ đoàn xung kích liên hợp số 95 và lực lượng “Fury” của Cảnh sát Quốc gia Ukraine đã tấn công vào lính Nga thuộc Trung Đoàn 57 Cơ Giới Hóa của Tập Đoàn Quân số 5, và tiểu đoàn Storm Z các tù hình sự của Nga. Cuộc tấn công bắt đầu vào sáng thứ Bẩy, đã kết thúc vào trưa Chúa Nhật khi quân nhân Nga đồn trú trong thị trấn quyết định đầu hàng quân Ukraine.

Những thắng lợi đạt được là một trong những thành quả quan trọng nhất trong cuộc phản công của Ukraine, bắt đầu vào tháng 6 và đã phải vật lộn để chọc thủng phòng tuyến cố thủ của Nga.

Với chiến thắng tại Optyne vào tuần trước, quân Ukraine khống chế hỏa lực xa lộ T0513. Với chiến thắng mới nhất tại Klishchiivka, họ khống chế luôn xa lộ T0504. Như vậy quân Nga chỉ còn 2 con đường tiếp tế cho thành phố Bakhmut là E40 và T1302.

4. Cay cú, ngoại trưởng Nga nói Mỹ đang phát động chiến tranh với Nga

Ngay sau khi có tin quân Nga thất thủ ở thị trấn Klishchiivka, ngoại trưởng Nga nói Mỹ đang phát động chiến tranh với Nga.

Bàn về diễn biến xem ra có vẻ căng thẳng này, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “America Is Waging War With Russia, Foreign Minister Says”, nghĩa là “Ngoại trưởng Nga nói Mỹ đang phát động chiến tranh với Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Ngoại trưởng Mạc Tư Khoa tuyên bố Mỹ đang “phát động một cuộc chiến” chống lại Nga “bất kể họ nói gì” khi cuộc xâm lược Ukraine của Điện Cẩm Linh đã bước sang tháng thứ 19.

“Bất kể người Mỹ nói gì, họ đang kiểm soát cuộc chiến này”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong bình luận trên truyền hình nhà nước hôm Chúa Nhật.

Ông Lavrov nói: “Họ cung cấp vũ khí, đạn dược, dữ liệu tình báo, dữ liệu từ vệ tinh, họ đang tiến hành một cuộc chiến chống lại chúng ta”.

Mỹ đã cung cấp khoảng 43,7 tỷ Mỹ Kim viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraine để bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022.

Khoản viện trợ này bao gồm các đợt đạn dược và hệ thống pháo binh, hỏa tiễn và xe thiết giáp, đồng thời có thông tin rộng rãi rằng Mỹ cũng đã cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo mà Kyiv đã sử dụng để nhắm vào các vị trí của Nga.

Các phương tiện truyền thông và quan chức nhà nước Nga thường coi cuộc xâm lược Ukraine của Điện Cẩm Linh là một cuộc chiến ủy nhiệm với Mỹ, trong đó những người dẫn chương trình và bình luận viên truyền hình nhà nước Nga kêu gọi tấn công các quốc gia như Mỹ đã ủng hộ Kyiv trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài qua email để bình luận.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong cuộc họp báo vào cuối tháng 5: “Chúng tôi không có chiến tranh với Nga”. “Đây là cuộc chiến của Ukraine. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm rằng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để chắc chắn rằng Ukraine thành công”, ông nói thêm.

“Đây không phải là cuộc chiến giữa Mỹ và Nga. Đây không phải là cuộc chiến giữa NATO và Nga,” Austin tiếp tục vào thời điểm đó.

Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, nhưng giống như các chính phủ phương Tây khác, Mỹ cảnh giác với phản ứng của Nga trước việc viện trợ cho Ukraine và mối đe dọa trả đũa có thể xảy ra. Washington cho biết họ sẽ không đưa quân đội Mỹ tới Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, khi đưa tin về bình luận của ông Lavrov, dẫn lời ông nói rằng các cuộc thảo luận ở Mỹ về việc cung cấp năng lực tầm xa cho Kyiv “sẽ không thay đổi bản chất của những gì đang diễn ra ở Ukraine”.

Cho đến nay, Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ukraine hệ thống ATACMS, hay Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật tầm xa của quân đội Mỹ, nhằm tăng cường khả năng tiến hành các cuộc tấn công tầm xa của Kyiv.

Các quốc gia như Vương quốc Anh và Pháp đã gửi hỏa tiễn Storm Shadow, hay SCALP, của Anh-Pháp tới Ukraine, được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nga ở xa chiến tuyến hiện tại.

Nhưng “từ quan điểm quân sự, chúng ta có tương đối ít ATACMS, chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta duy trì kho vũ khí của riêng mình”, tướng Mark Milley, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Hoa Kỳ, nói với Defense One hồi tháng 3.

Ukraine từ lâu đã yêu cầu hệ thống hỏa tiễn đất đối đất có tầm bắn vượt xa Storm Shadow. Các báo cáo trong những tuần gần đây cho thấy thái độ ở Washington đang thay đổi và Kyiv có thể sớm nhận được ATACMS.

Hôm thứ Bảy, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden “ngay lập tức” tặng ATACMS cho Ukraine.

Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Matthew Miller, cho biết “không có thay đổi” nào liên quan đến ATACMS, nhưng các hệ thống tầm xa là “một câu hỏi mà chúng tôi tiếp tục giải quyết”.

Miller cho biết hồi đầu tuần: “Đây là những cuộc trò chuyện đang diễn ra giữa chúng tôi với những người đồng cấp Ukraine, cũng như những cuộc trò chuyện chúng tôi có trong chính phủ Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi không có bất kỳ quan điểm mới nào để công bố vào thời điểm này”.

5. Erdoğan đe dọa 'chia tay' với Liên Hiệp Âu Châu sau báo cáo quan trọng của Nghị viện Âu Châu

Ký giả CAMILLE GIJS của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Erdoğan threatens to ‘part ways’ from Liên Hiệp Âu Châu after critical European Parliament report”, nghĩa là “Erdoğan đe dọa 'chia tay' với Liên Hiệp Âu Châu sau báo cáo quan trọng của Nghị viện Âu Châu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nỗ lực gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình trệ trong nhiều năm trong bối cảnh hành vi ngày càng chuyên quyền của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan hôm thứ Bảy đã chỉ trích báo cáo của Nghị viện Âu Châu về các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của nước này và đe dọa “chia tay” khỏi khối.

Khi được các nhà báo đặt câu hỏi về báo cáo này, Erdoğan nói rằng “Liên Hiệp Âu Châu đang cố gắng tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ”, theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency.

“Chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá về những diễn biến này và nếu cần thiết, chúng tôi có thể chia tay Liên Hiệp Âu Châu”, ông Erdoğan nói trước chuyến đi tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Báo cáo của Nghị viện Âu Châu, được thông qua trong tuần này tại Strasbourg, cho biết các cuộc đàm phán về việc Ankara gia nhập khối không nên được nối lại trong hoàn cảnh hiện tại, và bày tỏ mối lo ngại của Liên Hiệp Âu Châu về nhân quyền và vi phạm pháp luật. Thay vào đó, các nhà lập pháp Âu Châu ủng hộ việc tìm kiếm “một khuôn khổ song song và thực tế” cho mối quan hệ giữa Brussels và Ankara.

“Gần đây, chúng tôi nhận thấy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm trở lại đến việc khôi phục quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu,” nhà lập pháp đứng đầu trong hồ sơ, Nacho Sánchez Amor, nhà xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha, cho biết sau khi báo cáo được thông qua hôm thứ Tư.

Sánchez Amor nói: “Điều này sẽ không xảy ra vì thương lượng địa chính trị, mà chỉ khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự quan tâm thực sự trong việc ngăn chặn tình trạng tiếp tục thụt lùi về các quyền tự do cơ bản và pháp quyền ở nước này”.

Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ -Liên Hiệp Âu Châu đã xấu đi trong bối cảnh hành vi ngày càng chuyên quyền của Erdoğan sau nỗ lực đảo chính thất bại năm 2016.

Các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối đã bị đình trệ trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào tháng 7, các ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý thúc đẩy quan hệ.

6. Ukraine tuyên bố bắn hạ toàn bộ 17 hỏa tiễn hành trình được Nga bắn trong đêm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 18 tháng Chín, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết Ukraine đã bắn hạ toàn bộ 17 hỏa tiễn hành trình do Nga bắn vào lãnh thổ nước này. Ông cũng báo cáo rằng 18 trong số 24 máy bay không người lái “Shahed” đã bị bắn rơi.

Ông cho biết thêm 4 người đã bị thương gần một bến xe buýt ở Beryslav thuộc vùng Kherson, và một cơ sở giải trí ở vùng Odesa đã bị đốt cháy trong một cuộc tấn công, nhưng không có thương vong.

Tại vùng Mykolaiv, mảnh vỡ từ máy bay không người lái bị bắn rơi đã rơi trúng một tòa nhà dân cư nhưng không có người bị thương.

7. Nga cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trên một số khu vực của Crimea, ngoại ô Mạc Tư Khoa và hai khu vực biên giới

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công của quân Ukraine vào lãnh thổ Nga vào rạng sáng thứ Hai đã bị ngăn chặn.

Máy bay không người lái đã bị chặn ở các khu vực phía tây, tây nam, tây bắc và phía đông của bán đảo Crimea; Các quận Istra và Domodedovo của khu vực Mạc Tư Khoa, khu vực Belgorod và Voronezh.

Hầu hết các cuộc tấn công đều diễn ra vào sáng sớm ngày thứ Hai. Sau đó vào trưa thứ Hai, ba máy bay không người lái đã bị phá hủy ở phía tây nam Crimea, cũng như một máy bay không người lái đơn độc ở khu vực biên giới Belgorod.

Theo Bộ Quốc Phòng Nga trong 24 giờ qua, tổng cộng 13 máy bay không người lái đã bị phá hủy, trong đó có 9 chiếc ở Crimea.

Họ không cho biết liệu có thương vong hay thiệt hại nào trong các cuộc tấn công hay không.

Các cuộc tấn công vào Crimea do Nga sáp nhập gần đây đã gia tăng khi Kyiv thề sẽ chiếm lại bán đảo Hắc Hải, trong khi Nga hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái khiến các tòa nhà bị hư hại, bao gồm cả ở Mạc Tư Khoa.

8. Bulgaria điều tra vụ máy bay không người lái của Nga hạ cánh ở khu nghỉ dưỡng Hắc Hải

Bộ Quốc phòng Bulgaria hôm thứ Hai cho biết họ đã cử một đơn vị đặc biệt đến kiểm tra và vô hiệu hóa một máy bay không người lái mang chất nổ đã hạ cánh vào tối Chúa Nhật 17 Tháng Chín tại thị trấn Tyulenovo ở Hắc Hải.

Sau khi kiểm tra, Bulgaria, một thành viên NATO, sẽ quyết định cách giải quyết nó, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố và cho biết thêm rằng một đơn vị công binh đã được cử đi theo yêu cầu của chính quyền khu vực.

Thị trấn du lịch Tyulenovo nằm cách biên giới Rumani 70km và bên kia biển là Crimea, khu vực bị Nga xâm lược và đơn phương sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Truyền thông Bulgaria đưa tin một máy bay không người lái chở chất nổ đã hạ cánh vào tối Chúa Nhật. Một trang tin tức địa phương dẫn lời các nhân chứng nói rằng chiếc máy bay không người lái dài từ 3 đến 3,5 mét và có gắn một thùng chứa chất nổ.

9. Ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu hội đàm với Nga

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Nga để đàm phán an ninh vào hôm thứ Hai, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 18 Tháng Chín.

Cô ta nói rằng chuyến đi của ông là chuyến đi mới nhất trong một loạt các chuyến thăm cao cấp và các cuộc điện đàm giữa hai bên, vốn có quan hệ đối tác “không giới hạn”.

Ông Vương sẽ tới Nga để tham dự “vòng tham vấn an ninh chiến lược Trung-Nga lần thứ 18” từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 9 theo lời mời của Nikolai Patrushev, thư ký hội đồng an ninh Mạc Tư Khoa.

Trong một cuộc họp ngắn trước đó, Bộ Ngoại giao Mạc Tư Khoa cho biết ông Vương sẽ gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov và hai người dự định “tập trung vào các nỗ lực tăng cường hợp tác trên trường quốc tế”.

Mao Ninh cho biết:

Sẽ có sự trao đổi chi tiết về quan điểm về các vấn đề liên quan đến giải pháp ở Ukraine, cũng như các cách thức bảo đảm sự ổn định và an ninh ở khu vực Á Châu - Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã tìm cách khẳng định mình là một bên trung lập trong cuộc chiến Ukraine, đồng thời cung cấp cho Mạc Tư Khoa một huyết mạch ngoại giao và tài chính quan trọng khi sự cô lập quốc tế của nước này ngày càng sâu sắc.

Cuộc liên lạc cao cấp dường như sẽ được tăng cường khi một trợ lý của Vladimir Putin hồi tháng 7 cho biết Tổng thống Nga đang có kế hoạch thăm Trung Quốc vào tháng 10.

10. Zelenskiy sẽ nói chuyện với các thượng nghị sĩ trong tuần này khi Quốc hội cân nhắc viện trợ bổ sung cho Ukraine

Một trợ lý lãnh đạo cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chuẩn bị nói chuyện với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ trong chuyến thăm tới Đồi Capitol vào hôm thứ Năm 21 Tháng Chín tới đây.

Tổng thống Ukraine sẽ phát biểu vào lúc 10 giờ sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ trong cuộc họp toàn Thượng nghị sĩ. CNN tuần trước đưa tin rằng ông Zelenskiy dự kiến sẽ không phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội, theo một nguồn tin quen thuộc của Đảng Cộng hòa.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đang cân nhắc yêu cầu của Tòa Bạch Ốc về viện trợ bổ sung cho Ukraine, nhưng việc thông qua vẫn còn bị nghi ngờ. Zelenskiy đã phát biểu tại một phiên họp chung vào tháng 12 năm ngoái.

Zelenskiy cũng sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc. Lần cuối cùng ông đến Hoa Kỳ là vào tháng 12, đó là lần đầu tiên ông rời Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.

Theo những người quen thuộc với kế hoạch này, ngoài chuyến đi tới Washington DC để dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Zelenskiy còn lên kế hoạch cho một số cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới khác ở New York.

Trong số các mục tiêu của ông sẽ là cố gắng thuyết phục các quốc gia chưa có lập trường vững chắc chống chiến tranh mạnh mẽ hơn trong việc lên án Nga.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về việc tăng cường lính Dù Nga vào khu vực Zaporizhzhia.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Trong hai tuần qua, Nga có thể đã tăng cường thêm lực lượng cho Tập đoàn quân vũ trang hỗn hợp số 58 bằng các đơn vị Dù trên trục Orikhiv ở tỉnh Zaporizhzhia.

Tổng cộng có ít nhất 5 Lữ Đoàn Dù được rút ra từ các sư đoàn Dù 7 và 76 hiện đang tập trung trong phạm vi vài km quanh thị trấn tiền tuyến Robotyne.

Ở mức mạnh nhất, một lực lượng như vậy sẽ có khoảng 10.000 lính dù tinh nhuệ. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các đơn vị đều có khả năng bị suy giảm sức mạnh đáng kể.

Tình hình hiện tại có thể bị hệ thống phân cấp của lực lượng Dù coi là rất không thỏa đáng.

Trong suốt cuộc chiến, các chỉ huy Nga đã cố gắng tái tạo lực lượng Dù thành một lực lượng tấn công, cơ động cao cho các hoạt động tấn công. Một lần nữa, họ lại được sử dụng như một hàng bộ binh để tăng cường lực lượng mặt đất quá căng thẳng.
 
Muộn màng: Công tố viện Paris khẳng định ĐTGM Aupetit bị hàm oan. ĐHY Zuppi có thể trở lại Moscow
VietCatholic Media
17:23 18/09/2023


1. Tòa án Paris khẳng định Tổng Giám mục Paris chưa bao giờ có hành vi lạm dụng.

Đức Tổng Giám Mục Aupetit được xác nhận là vô tội. Ngài là nạn nhân của một hệ thống vu khống nhằm mục đích ám sát nhân cách đối thủ.

Văn phòng Công tố Paris, cơ quan đã triệu tập Tổng giáo phận để điều tra, đã khẳng định điều này hôm thứ Sáu 15 Tháng Chín. Tờ Silere non possum, nghĩa là Tôi không thể im lặng nhận xét chua chát rằng “Tai họa lạm dụng ngày nay được lợi dụng để loại bỏ kẻ thù. Báo chí đã treo cổ vị tổng giám mục ở quảng trường công cộng ngay cả trước khi có bất cứ cuộc điều tra nào được tiến hành.”

Đức Cha Aupetit được cho là đã đệ trình đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối tháng 11 năm 2021 sau khi tạp chí Le Point đăng một bài báo miêu tả vị tổng giám mục này là một nhân vật gây chia rẽ và độc đoán.

Bài báo cũng nêu lên những lo ngại về các cuộc tiếp xúc của Đức Cha Aupetit với một phụ nữ từ năm 2012, khi ngài còn là tổng đại diện của Tổng giáo phận Paris. Vị tổng giám mục 70 tuổi cho biết ngài không có quan hệ tình cảm với người phụ nữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Aupetit vào ngày 2 tháng 12, nhưng sau đó bày tỏ sự nghi ngờ về tính chân thực trong những lời chỉ trích chống lại Đức Tổng Giám Mục.

Trong một cuộc họp báo trên chuyến bay vào ngày 6 tháng 12 năm 2021, Đức Giáo Hoàng nói với các nhà báo rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Aupetit vì Đức Tổng Giám Mục đã “đánh mất danh tiếng của mình một cách công khai”.

Đức Cha Aupetit, sau đó cho rằng lá thư ngài viết cho Đức Thánh Cha không phải là thư từ chức nhưng là thư trình bày sự việc và để Đức Giáo Hoàng tùy ý quyết định.

Tờ Silere non possum cho rằng lý do loại trừ Đức Tổng Giám Mục Aupetit là không thuyết phục. Vấn đề tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ là một vấn đề đặc biệt tế nhị cần được giải quyết một cách nghiêm túc. Ngày nay, Giáo hội Thụy Sĩ cũng đang tiến hành một loạt các cuộc thanh trừng và cáo buộc chẳng dựa trên cơ sở nào. Khi kết thúc các cuộc điều tra về lạm dụng, một số lượng lớn luôn được đưa ra nhưng không ai giải thích tiêu chí khoa học và bằng chứng nào đã được sử dụng để xác định số lượng những kẻ lạm dụng và bị lạm dụng.

Thật vậy, vài giờ sau khi công bố báo cáo không có gì mang tính khoa học này, Linh mục Jean Scarcella, Tu viện trưởng St. Maurice, đã từ chức. Các giám mục khác đã thông báo rằng họ sẵn sàng từ chức.

Trong khi xã hội tiếp tục đưa ra những thử thách chống lại Giáo hội chỉ để lấy đi uy tín của Giáo hội thì chúng ta ở đây phải chịu sự im lặng. Thực tế là chúng ta thường xúi giục họ đánh chúng ta. Đây chắc chắn không phải là công lý mà Chúa nói đến trong Tin Mừng. Tờ Silere non possum kết luận.


Source:Sismografo

2. Đức Hồng Y Zuppi có thể trở lại Mạc Tư Khoa

Thứ Sáu tuần này, Đức Hồng Y Zuppi đã trở về từ Bắc Kinh và có thể đã chuẩn bị một chuyến đi mới như một phần của sứ mệnh hòa bình cho Ukraine do Đức Phanxicô ủy nhiệm. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, vài giờ sau khi trở về từ Trung Quốc, đã tới Palermo để chủ sự Thánh lễ tưởng nhớ Chân phước Pino Puglisi nhân kỷ niệm 30 năm ngài tử đạo. Vị linh mục bị bọn mafia Cosa Nostra sát hại vào ngày 15 tháng 9 năm 1993, ngày sinh nhật thứ 56 của ngài, đã trở thành vị tử đạo người Ý đầu tiên bị mafia sát hại. Ngài được phong chân phước vào ngày 25 tháng 5 năm 2013.

Những cam kết quốc gia và quốc tế khiến chương trình nghị sự của Đức Hồng Y luôn bận rộn. Tại Trung Quốc, ngài đã nói chuyện với Lý Huy, đại diện cho nhà cầm quyền Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, là người có liên quan đến nỗ lực hòa bình cho Ukraine. Tuyên bố ngắn gọn từ Tòa Thánh bảo đảm rằng họ đã thảo luận về những cách thức khả thi để chấm dứt cuộc xung đột và những hậu quả nghiêm trọng của nó cũng như về “vấn đề an ninh lương thực, với hy vọng rằng việc xuất khẩu ngũ cốc có thể sớm được bảo đảm”. Chính từ Palermo, Đức Hồng Y Zuppi đã trả lời trên đài truyền hình của các giám mục Ý, TV2000, về kết quả chuyến viếng thăm Trung Quốc của ngài. Đức Hồng Y cho rằng “một cuộc trò chuyện thẳng thắn” đã diễn ra ở Trung Quốc và cho biết rằng ngài đã nhận thấy sự quan tâm to lớn của Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine. Ngoài sứ mệnh hòa bình cho Ukraine, chuyến thăm còn tạo nên một cột mốc quan trọng cho mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc cũng như cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vốn bị phá vỡ vào năm 1951.

Đặc phái viên của Đức Thánh Cha “sẽ sớm trở lại Nga”

Có vẻ như sự quan tâm đến đề xuất của Đức Giáo Hoàng cũng đã được khơi dậy ở Mạc Tư Khoa theo tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, là người cách đây vài giờ đã bảo đảm rằng đặc phái viên của Giáo hoàng “sẽ sớm trở lại Nga” vì Nga sẵn sàng “gặp gỡ” mọi người và nói chuyện với mọi người. Đức Hồng Y Zuppi tích cực đánh giá cao sự cởi mở mới mẻ này của Nga và sự sẵn sàng này “đi theo hướng mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn”.

Đức Hồng Y Zuppi đã đến thăm Mạc Tư Khoa, nơi ngài không được tiếp đón bởi Putin hay Lavrov, mà bởi cố vấn ngoại giao của Điện Cẩm Linh, Yuri Ushakov, và bởi Maria Llova-Belova, người phụ trách trẻ em và là người kiến tạo phần lớn các vụ bắt cóc trẻ em Ukraine sang lãnh thổ Nga. Về phần mình, Thượng Phụ Kirill đã mở cửa nơi ở của mình cho Đức Hồng Y Zuppi bất chấp sự bất đồng với Đức Thánh Cha Phanxicô do cuộc xâm lược của Nga.

Đức Thánh Cha đã giao phó cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi sứ mệnh hòa bình này vào tháng Năm. Vào đầu tháng 6, ngài đã đến Kyiv và được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiếp đón. Cuối tháng đó, ngài đến thăm Mạc Tư Khoa và vào tháng 7, ngài tới Washington, nơi ngài gặp tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden.

3. Nỗi lo lương thực. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Ukraine 'đã phá hủy đủ lương thực để nuôi sống một triệu người trong một năm'

Ký giả Jerome Starkey của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “FOOD FEARS. Russian missile attacks on Ukraine ‘have destroyed enough food to feed a million people for a year’”, nghĩa là “Nỗi lo lương thực. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Ukraine 'đã phá hủy đủ lương thực để nuôi sống một triệu người trong một năm'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các ước tính cho thấy rằng số lương thực đủ để nuôi một triệu người trong một năm đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào các cảng, tàu và nhà kho.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết 280.000 tấn ngũ cốc đã bị phá hủy trong 3 tháng trong 26 cuộc tấn công riêng biệt vào Ukraine.

Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Vương Quốc Anh về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga phá hủy thực phẩm được đưa ra khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân lên một chuyến tàu bọc thép để gặp Putin.

Nó xảy ra khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân lên chuyến tàu bọc thép tới Nga theo lời mời của Tổng thống nước này Vladimir Putin để đổi súng lấy thực phẩm.

Mỹ đã cảnh báo rằng hai nhà lãnh đạo bị cô lập, gặp nhau lần cuối vào năm 2019, đang “tích cực thúc đẩy” các thỏa thuận vũ khí của họ.

Ngoại trưởng James Cleverly chỉ trích Putin trong tình cảnh “tuyệt vọng” đã “làm tổn thương phần còn lại của thế giới”.

Ông cũng cáo buộc nhà độc tài đã cố gắng đánh chìm một tàu chở hàng dân sự bằng hỏa tiễn hành trình, nhưng may mắn con tàu thoát chết nhờ lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ hết các hỏa tiễn này.

Ông Cleverly nói: “Putin đang cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc chiến mà ông ấy sẽ không thắng, và những cuộc tấn công này cho thấy ông ấy tuyệt vọng đến mức nào”.

Bộ Ngoại giao Vương Quốc Anh lên án Nga đã “tấn công một cách có hệ thống vào cảng và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine” kể từ khi Putin từ bỏ thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc.


Source:The Sun