Ngày 19-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người lớn nhất
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:03 19/09/2018
Chúa Nhật XXV Thường Niên , năm B
Mc 9,30-37

Chúa Giêsu nói :” Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người “. Chúa quan niệm làm lớn làm bé trong Vương Quốc của Ngài hoàn toàn khác với cách phân chia quyền bính của con người. Ngài giải thích tiếp:” Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính mình Thầy “ ( Mc 9, 37 ).

Tinh thần mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ và mọi người chúng ta là “ Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “ ( Mc 9, 35 ). Thật vậy, cái cám dỗ lớn nhất của con người là muốn thống trị, muốn lãnh đạo đạo người khác. Người ta hơn nhau tiếng nói, hơn nhau địa vị, danh tiếng vv…Chúa Giêsu có quan niệm khác hẳn với cách suy nghĩ của con người. Cám dỗ về quyền bính và làm lớn cũng đã xẩy ra ngay từ thời các tông đồ, giữa các môn đệ. Bởi vì, vào chính lúc Thầy Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài thay vì tìm hiểu để chia sẻ với ưu tư, với suy nghĩ của Thầy, các môn đệ đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi, tranh dành quyền hành với nhau, các ngài tưởng thời lập quốc của Thầy đã tới và vinh quang của các ngài đã ló rạng, sáng ngời.Do đó, các ngài tranh luận xem ai sẽ làm chức này, chức nọ trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Các môn đệ cũng tự cảm thấy ngượng vì tranh cãi nhau như thế bởi khi Cúa Giêsu hỏi dọc đường các con tranh luận với nhau về việc gì, các ngài đã im lặng. Đối với Chúa Giêsu trong Nước Trời cũng có tôn ti trật tự nhưng là một tôn ti trật tự lạ lùng : Người làm lớn là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ, phục vụ. Chính Chúa Giêsu tuy là Chúa, là Thầy mà đã làm gương quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây quả thực là một cuộc cách mạng lớn về quan điểm của Chúa Giêsu : Người làm lớn phải là người phục vụ, người đi trước và về sau như các Đức Giáo Hoàng thường ký trong các văn bản của các ngài :” Tôi tớ của các tôi tớ “. Người lớn nhất theo Chúa Giêsu là người không dùng quyền hành, địa vị để cai trị, thống lãnh người khác mà dùng đôi tay để phục vụ, để hầu hạ. Người lớn nhất không dùng quyền lực để cai trị nhưng dùng con tim để yêu thương. Đối với Chúa :” Quyền bính là để phục vụ”.Tự bản chất “ quyền bính’ tự nó là tốt, là cần thiết cho sự an sinh xã hội. Điều quan trọng là biết dùng nó để quyền bính trở nên hữu ích cho con người, cho người khác. Tin mừng của Chúa Giêsu hôm nay vẫn là bài học muôn thuở cho trần gian, cho con người, cho loài người. Quyền bính cần thiết cho sự an bình và trật tự của mọi cơ cấu xã hội và ngay cả Giáo Hội, nhưng bài học đó sẽ hữu ích, và vô cùng cần thiết nếu con người luôn biết noi gương bắt chước Thầy Chí Thánh Giêsu :” Đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ “ “ Ai muốn làm lớn, làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người hầu hạ, phục vụ mọi người “.

Thế giới muôn thời vẫn luôn cần có những người lãnh đạo hiền lành, khiêm tốn, yêu thương và phục vụ. Thiếu những đức tính ấy người lãnh đạo, người đứng đầu sẽ không còn là người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu mà trở thành người lạm dụng quyền bính, tự kiêu và sống giống như người Biệt phái, Pharisêu vv…Bước theo Chúa là noi gương Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và yêu thương các ngài tới cùng, yêu thương nhân loại bằng việc đổ máu trên Thập Giá…

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết sống hiền lành, khiêm tốn, yêu thương và phục vụ như Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Quyền bính theo quan niệm của con người ?
2.Quyền bính có cần không ? Theo Chúa Giêsu :” Quyền bính và người lãnh đạo phải làm sao ?”.
3.Chúa Giêsu đã làm gương nào cho các môn đệ về việc lãnh đạo?
4.Trẻ nhỏ theo quan niệm của Chúa Giêsu ?
 
Lãnh đạo là người phục vụ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:10 19/09/2018
Chúa Nhật 25 Thường Niên B

Trang Tin mừng Chúa Nhật hôm nay đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Chúa Giêsu rời vùng đất phía Bắc tiến về Giêrusalem, nơi đó thập giá đang đợi chờ Người.

Trên hành trình đó đã ba lần Chúa mạc khải cho các môn đệ biết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (x.Mc 8,31-10,34). “Các môn đệ không hiểu và cũng không dám hỏi lại” (Mc 9, 32). Họ đang sôi nổi tranh luận về vương quốc mà Thầy sẽ thiết lập. Ai là thượng thư, ai là bộ trưởng trong vương quốc ấy! Thầy đang hướng về thập giá, khổ nạn. Các môn đệ lại tranh cải xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả (x.Lc 22, 24-27; Mc 10,35-40). Chúa đã phải đau lòng biết bao!

Vì thế, để sửa dạy uốn nắn lối suy nghĩ các môn đệ, Chúa hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?”. Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra Chúa biết các môn đệ vừa cãi nhau nảy lửa. Các ông im lặng vì xấu hổ về những gì đang tranh luận. Rồi Chúa dạy cho các môn đệ bài học, người lớn nhất là người khiêm tốn phục vụ anh em.

1. Nền văn minh mới

Chúa Giêsu “ngồi xuống và gọi các môn đệ tới”. Một Rabbi dạy bảo học trò, hay tuyên bố một điều gì quan trọng thì luôn luôn ở tư thế ngồi để giảng dạy. Chúa ngồi xuống thư thái và dạy rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Bằng hình ảnh cụ thể, Chúa đem một em bé đặt giữa các học trò, ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Lời dạy của Chúa Giêsu thật dễ hiểu mà thật khó thực hành. “Yêu thương phục vụ” là môn học khó nhất nhưng lại là môn học phổ thông nhất. Môn học này người môn đệ phải học cả đời mà không có ngày ra trường, học tới chết mà vẫn chưa xong.

Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.

2. Lãnh đạo là người có uy tín

Người lãnh đạo phải là người có uy. Đó là uy tín và uy quyền. Thông thường, người lãnh đạo tự khẳng định được uy tín thì tự nhiên có uy quyền một cách thực thụ nhờ niềm tin của lòng dân. Khi lãnh đạo phải dùng uy quyền thay cho uy tín thì họ tự tạo ra nguyên cớ của sự xung đột.

Dân chúng nể trọng uy tín của người lãnh đạo nhưng họ lại sợ uy quyền. Uy quyền, cường quyền càng dấn lên tới mức cao thì sinh ra thói độc đoán chuyên quyền dẫn đến độc tài. Khi người lãnh đạo đã mất hết uy tín, lẽ ra nên tự biết mà từ chức thì còn vớt vát được chút danh dự. Nhưng khi đã không còn uy tín mà lại gia tăng uy quyền thì chỉ có hại cho xã hội, căng thẳng cho cộng đồng, họ trở thành lố bịch và làm trò cười cho thiên hạ.

Không ai có thể tự vỗ ngực là “ta uy tín nhất”, bởi vì uy tín của cá nhân nằm trong lòng người khác, tùy thuộc sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng xã hội một cách khách quan. Uy tín phải được minh chứng qua quan điểm, tư tưởng, động cơ làm việc, đạo đức, lối sống và chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Có những người có chức cao quyền trọng nhưng khi làm việc cụ thể và trong cuộc sống chẳng có uy tín gì, chỉ để lại sự trách cứ, chê cười, đàm tiếu. Có uy tín, tự khắc có uy quyền, một uy quyền tự thân, không phải thứ uy quyền lên gân. Không có uy tín, nhưng vì muốn thể hiện uy quyền nên thường gây hậu họa, làm hỏng cho công việc chung và tác hại khôn lường đối với xã hội và đất nước khi người này thuộc tầng lớp lãnh đạo ở tầm vĩ mô. Trên thực tế không ít người, khi có quyền thì đụng chút việc là dùng quyền uy, hống hách, quan liêu, mệnh lệnh.

Người thích uy quyền thường dùng quyền hành và quyền lực, kể cả quyền lực của đồng tiền. Họ sẽ đưa ra những khả năng đe dọa, mua chuộc như thăng giáng chức tước, lên lương, bố trí, sắp xếp chỗ này, vị trí kia, vừa câu móc, vừa hăm dọa hay cô lập đối tượng khi không "tranh thủ" được. Nếu ai đó làm phật lòng trái ý, hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng uy quyền thì sẽ bị trù úm, bày kế, lập mưu kỷ luật hay ép đương sự xin chuyển đổi công tác hay về "hưu non".

Người dùng uy lực đồng tiền thường đi kèm lòng tham, tính toán cá nhân vị kỷ, vơ vét và thu vén. Cho nên, những kẻ bất tài, vô dụng, thất đức có đủ thứ thủ đoạn, mánh khóe để khi đã nắm được quyền thì dùng uy quyền trấn áp thiên hạ, “cả vú lấp miệng em”, kéo bè, kết vây cánh...hình thành nhóm lợi ích. Từ tuyển dụng, bổ nhiệm, giao chức cũng chọn trong những người thân trong gia đình, dòng tộc, huyết thống, cùng mục đích, cùng động cơ, cùng mặt bằng “quan trí”, cốt sao thế lực của mình ngày càng được cũng cố và khuynh loát. Sự cố tình tâng bốc nhau, bao che, tung hứng cho nhau, hùa nhau lập mưu kế phạm pháp, tìm mọi mánh khóe, thủ đoạn đục khoét của công, thu lợi bất chính cũng từ đó mà ra.

Khi đã không đủ uy tín mà phải dùng uy quyền đến mức độc đoán, chuyên quyền, người ta sẵn sàng trừ khử, sát phạt, làm hại người khác có đối trọng (kể cả đồng chí, bạn hữu, người thân), mua bán chức quyền, dùng đủ mánh lới tinh vi để giữ ghế, tiến thân,che lấp khuyết điểm, tích lũy của cải bất minh, vùi dập chân lý, phủ nhận lẽ phải một cách khôn lanh và rất ma mãnh !

Thế nhưng, như người đời đã đúc kết: “Uy tín trường tồn, uy quyền đoản vị” - người có uy tín sẽ để lại tiếng thơm lâu dài, người không uy tín mà thích dùng uy quyền thay cho uy tín chỉ được nhất thời, gây thù chuốc oán, tự làm mất hậu phúc, có chăng chỉ được một vài việc trước mắt, không thể có sức bền. Cho nên, làm lãnh đạo cần nâng cao uy tín, phải thu phục được nhân tâm, không nên lộng hành, lạm dụng uy quyền để tự đề cao cá nhân, quên cả lợi ích quốc gia, dân tộc, quên nhân dân, chỉ biết vun xén cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích gây hậu quả khôn lường cho đất nước và nhân dân.(x. buivanbong.blogspot.com). Đối với các vị lãnh đạo tại Việt Nam, Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định ‘Câu nói cửa miệng của dân là liệu có bao nhiêu quan chức “không chạy”? Cách sử dụng cán bộ “cậu này ngoan, cô kia biết điều” của văn hoá tiểu nông làm sao sử dụng được người tài? Trên thực tế, kiểu hình thành đội ngũ cán bộ theo cách thức: “Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…”.

3. Lãnh đạo là người phục vụ

Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

Để làm gương cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hạ mình: “không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). "Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có tầm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái mục tử. Mục tử rao giảng chân lý và dám sống chân lý ấy cho dù phải hy sinh tính mạng.

Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên sau này ngài viết những lời tâm huyết cho các mục tử:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,1-4). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu: “Ơn riêng của Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Pr 4, 8-11).

Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng trong Giáo hội, quyền bính được xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần Phêrô xác quyết tới ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-17). Quyền bính được xây dựng trên tình yêu nên người mục tử luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân.

Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương. Và kể từ đó, hàng triệu vị Thánh được tôn vinh như là những chứng từ sống động cho hình ảnh “Người lớn nhất” trong nền văn minh mới của Tin Mừng. Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Phục vụ luôn gắn liền với yêu thương.Thánh Augustinô nhận định: Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa.

Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Một vĩ nhân không hệ tại ở địa vị xã hội của người ấy mà là sự cống hiến cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại. Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa. Phục vụ để trở nên phong phú, có giá trị, nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.

“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu chính là khiêm tốn phục vụ. Người thật sự cao cả là người dâng đời mình cho lợi ích của cộng đoàn. Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa.



 
Bước theo Chúa trong khiêm hạ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:48 19/09/2018
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV - B

(Mc 9, 30 – 37)

Sau khi biến hình, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ từ trên núi xuống tiến về Giêrusalem để sống Lễ Vượt Qua cái chết và sự phục sinh của Người. Trước thảm kịch đau thương đang chờ đợi và iết trước cái chết ở Giêrusalem, đối với các môn đệ, niềm tin cần phải được Chúa củng cổ, Người loan báo cuộc thương khó lần thứ hai cho các ông, nhưng Người nhấn mạnh hơn đến sự đánh bại thần chết vào sống lại vinh quang.

Nhưng các môn đệ nào đâu có hiều, dọc đường tới ở Capharnaum họ vẫn tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Câu trả lời của Đấng Cứu Thế từ đó đến nay vẫn làm chúng ta ngạc nhiên : "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy" (Mc 9,37). Như thế kẻ lớn nhất sẽ là người phục vụ mọi người và Nước Thiên Chúa dành cho những ai đón nhận các trẻ nhỏ.

Đoạn Tin Mừng này không phải hai phần khác biệt : phần thứ nhất Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, phần thứ hai Chúa giáo huấn các môn đệ. Đây chỉ là một diễn từ chúng ta có thể gọi là : "Thập giá của Chúa Giêsu và hậu quả của các môn đệ". Trở thành đầy tớ, đón tiếp trẻ nhỏ nhân danh Chúa Giêsu là hai hành động mà Chúa Giêsu, nhẹ nhàng nhưng cương quyết dạy các môn đệ phải "thi hành" cùng lúc. Thi hành để bắt chước Chúa Kitô, theo Chúa đến chân Thập giá, và như Chúa, trở nên tôi tớ phục vụ mọi người, "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người "(Mc 9, 35).

Từ ngày Con Thiên Chúa nhập thể bước vào lịch sử loài người sau một chặng đường dài, từ cái nôi Belem để "cái nôi" trên đồi Calvariô ở Giêrusalem, đỉnh cao là (cây Thập giá). Những tiêu chí để đánh giá giá trị và nhân phẩm của con người hoàn toàn đảo lộn : phẩm giá của một người không tùy thuộc vào vị trí người ấy đang có, hay chức vụ người ấy thi hành... Sự vĩ đại của con người không lệ thuộc vào cái làm cho người ta quan trọng, nhưng dựa trên sự phục vụ người ấy làm đối với Thiên Chúa và tha nhân để tỏ bày vinh quang, sự tốt lành và tình yêu của Chúa.

Đón nhận là một phương tiện làm thi hành việc phục vụ này. Thánh sử Marcô dùng động từ " đón nhận " vào những dịp khác nhau với cách thức khác nhau, nhưng tất cả đều qui về một mối. Thánh sử nói với chúng ta về thái độ đón nhận Lời Chúa (x. Mc 4,20), đón nhậ Nước Thiên Chúa (x. Mc 10,15). Đón nhận có nghĩa là lắng nghe, sẵn sàng, đón nhận Đấng Vô Cùng trở thành Hài Nhi, đón nhận các trẻ nhỏ còn trong nôi, phản ánh của trời cao.

Đem một em bé đặt giữa các môn đệ, ôm nó, Chúa Giêsu dạy các ông một bài học. Đứa trẻ Chúa ôm lấy là chính Người, vì Người là dấu chỉ Chúa Cha sai đến. Trẻ em là dấu chỉ lòng trắc ẩn của Thiên Chúa và sự vâng phục đầy tình con thảo đối với Con Một Chúa đã trở nên bé nhỏ vì yêu thương và chịu đóng đinh trong sự vâng phục giữa những kẻ gian ác. Hài Nhi ấy đến từ Thiên Chúa ; những lời sau đây của Chúa Giêsu : ( "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy "Mc 9,37) thật rõ ràng : đứa trẻ đặt giữa các ông là hình ảnh của Chúa Kitô, đồng thời cũng là hình ảnh của người kitô hữu, hơn nữa là hình ảnh của chính Thiên Chúa. Đón nhận trẻ nhỏ nhân danh Chúa Kitô là đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay là một bài giáo lý nhấn mạnh đến nhân tính của Con Thiên Chúa: Chúa Giêsu là Con của loài người. Đó là lý do tại sao cái chết và sự phục sinh của Chúa là những điều cụ thể, có thật. Chúa không trách các môn đệ nhưng giải thích cho các ông về cách thức của người đứng đầu: đón nhận trẻ nhỏ là đón nhận chính Chúa và Chúa Cha (x. Mc 9,37).

Các môn đệ phải khó khăn lắm mới hiểu rằng bước theo Chúa Giêsu đồng nghĩa với việc từ bỏ mình vác thập giá mình mà bước, nên họ sợ. Chúng ta cũng thế, chúng ta sợ hiểu, không phải chúng ta không hiểu, nhưng vì chúng ta không muốn hiểu. Em bé được đặt giữa các môn đệ là dấu chỉ nhiệm mầu tự hủy của một vì Thiên Chúa nộp mình cho con người. Nghĩa cử đón nhận "trẻ nhỏ" chứng thực lòng mộ mến Đấng Vô Cùng đã trở nên Hài Nhi bé nhỏ cho chúng ta và vì chúng ta.

Trong cuộc Thương Khó chúng ta thấy có lòng thương xót. Không có tình yêu nào cao cả và lớn lao hơn là trở nên nhỏ bé và trao dâng chính mình vì bạn hữu, bước lên thập giá và tự hào, như thánh Tông Đồ Phaolô khao khát : "Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta "(Gal 6,14). Nhưng khi nói đến thập giá, nó không chỉ là hai miếng gỗ, nhưng là toàn thể loài người. Chúng ta là thập giá của Chúa Giêsu, vì khi dang tay ra, con người được coi như là hình hài của cây thập. Trong thực tế, đó là tất cả tình yêu mà Chúa Giêsu đã chấp nhận khi đến với chúng ta, mang vào thân cho đủ mức để sinh ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.

Vì thế, việc theo Chúa luôn đòi con người phải có sự hoán cải sâu xa, thay đổi lối sống và suy nghĩ, mở rộng con tim để lắng nghe và biến đổi nội tâm. Nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, chỉ có yêu thương và ban sự sống. Con người tuy bé nhỏ, nhưng lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.

Lạy Mẹ Maria, chúng con tín thác khẩn cầu Mẹ là Ðấng hoàn toàn sống hợp với Thiên Chúa, xin dạy chúng con trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và khiêm hạ.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


Theo Chúa Phải Khiêm Nhường Phục Vụ



Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV - B

(Mc 9, 30 – 37)

Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phêrô tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29). Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là "Người Tôi Tớ đau khổ" được Isaia loan báo cũng Đavít đã nói trong Thánh Vịnh 22 (21) . Người Tôi Tớ ấy : "Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi" (Mc 8, 31).

Các môn đệ kia không biết các ông có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy ai nói gì? Còn Phêrô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề : "Satan, hãy lui đi" (Mc 8, 33). Nhưng với tình thầy trò, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các ông nhiều điều, dẫn các ông lên một ngọn núi cao và biến hình trước mặt các ông, để củng cố niềm tin của các ông trước cuộc Khổ Nạn sắp tới.

Bài học về sự phục vụ

Sau khi biến hình, thầy trò xuống núi, trở lại với các môn đệ kia, Chúa Giêsu lại tiếp dục dạy dỗ các ông lần thứ hai : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Marcô ghi rõ : "Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người" (Mc 9, 10), nghĩa là có Phêrô, Giacôbê và Gioan vừa chứng kiến cảnh Thầy biến hình, vậy mà các ông vẫn không hiểu, vì không hiểu nên các ông mới hỏi nhau : "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết này dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34), tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ : "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35); Và Người nói tiếp : "Cũng vậy, Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người" (Mc 10, 45).

Bài học về sự khiêm nhường

Khiêm nhường đón tiếp cả trẻ nhỏ và trở nên người rốt hết phục vụ mọi người, là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải noi theo. Kiêu ngạo sẽ biến người ta trở thành kẻ tự phụ, đề cao mình không đúng mức, hoặc khinh dể kẻ khác, tìm cách hạ người khác xuống để mình được tôn lên. Người kiêu ngạo hay khoe khoang và có thái độ tự đắc, rất ham thích địa vị và tiếng khen, muốn được phục vụ và không phục thiện. Ai không đồng ý kiến, hay nói lời khinh chê, thì họ tỏ thái độ buồn giận bực tức và tìm cách trả thù. Hậu quả là kẻ kiêu ngạo bị Thiên Chúa đối địch và người đời ghen ghét.

Kinh Thánh dạy rằng: “Thiên Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm tốn” (x. Gc 4,6). Kẻ kiêu ngạo không những bị Thiên Chúa đối địch mà còn bị người đời ghét bỏ và xa tránh. Bị người đời chống lại đã nguy hiểm, phương chi bị Thiên Chúa đối địch thì khủng khiếp biết bao, khốn nạn biết chừng nào. Có lời Chúa phán "Kẻ nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên" (Mt 23,12) ... Nếu như bạn có điều gì tốt, hãy nhận về bạn, nhưng đừng quên lỗi lầm của bạn; đừng thổi phồng những gì hôm nay bạn đã làm tốt, đừng loại sự xấu gần đây và trong quá khứ; nếu điều hiện tại mang lại cho bạn hư vinh, hãy nhớ quá khứ; đây là cách bạn nhận ra sự kém cỏi của mình!

Và nếu bạn thấy lỗi lầm của tha nhân, hãy thận trọng coi như lỗi này ở trong anh em, nhưng cũng phải suy nghĩ về những gì tốt anh em đang làm hoặc đã làm ; nếu bạn duyệt toàn bộ cuộc sống của bạn và không tính toán chi li, thì theo lẽ thường, bạn sẽ khám phá ra điều tốt nơi mình. Thiên Chúa không để ý đến từng li từng tí của con người ... chúng ta phải luôn nhắc nhủ nhau rằng, đừng có kiêu ngạo, hãy ăn ở khiêm hường và hạ mình xuống để được nhấc lên.

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời hạ mình xuống… Nhưng sau khi tự hạ, Người đã được tôn vinh, những người bị ngược đãi như các môn đệ đầu tiên, hay những người nghèo khổ, đói rách, trần truồng, đi khắp thế gian, không lời khôn ngoan, không đánh trống phô trương, nhưng nhiệt thành làm việc, lang thang trên đất và trên biển, bị đánh đập, bị ném đá, bị trục xuất và cuối cùng bị giết cũng được tôn vinh với Người.

Chúng ta cũng vậy, hãy bắt chước họ và bước theo để được vào nơi đầy ánh sáng và vinh quang đời đời, đây là món quà tốt hảo và chân thật Thiên Chúa dành cho những ai đi theo đường lối Người.

Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành, xin giúp chúng con dẹp tính khoe khoang, cậy mình và năng nhớ lời Chúa dạy: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35). Amen.

Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Hoa Kỳ công bố các kế hoạch mới về lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
19:02 19/09/2018
Theo tin Zenit, ngày 19 tháng 9, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã cho công bố một số hành động để giải quyết các tai tiếng về lạm dụng tình dục mới đây. Trong đó, có khuyến cáo tổ chức một cuộc điều tra đầy đủ về tình huống quanh Tổng Giám Mục McCarrick.



Trong tuyên bố do Ủy Ban Quản Trị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố, các giám mục cam kết “hàn gắn và che chở bằng mọi chút sức lực Thiên Chúa cung cấp cho chúng tôi”.

Bản tuyên bố nhìn nhận “Một số giám mục, do hành động hay thiếu hành động của họ, đã gây thiệt hại lớn lao cho cả các cá nhân lẫn Giáo Hội nói chung. Họ đã sử dụng thẩm quyền và năng quyền để thao túng và lạm dụng tình dục người khác. Họ đã để nỗi sợ bị tai tiếng thay thế cho quan tâm và chăm sóc chân chính đối với những người bị những kẻ lạm dụng biến thành nạn nhân. Vì thế, một lần nữa, chúng tôi xin cả Chúa lẫn những người bị thiệt hại tha thứ. Hướng về Chúa để có sức mạnh, chúng tôi phải và nhất định sẽ làm tốt hơn”.

Ủy Ban Quản Trị đưa ra các hành động sau đây trong thẩm quyền của họ:

1.Chấp thuận việc thiết lập một hệ thống phúc trình độc lập (third-party) có nhiệm vụ tiếp nhận cách kín đáo, qua điện thoại và trực tuyến, các khiếu nại về lạm dụng tình dục vị thành niên bởi 1 giám mục và chuyển các khiếu nại này cho thẩm quyền thích đáng của Giáo Hội và, nếu luật pháp đòi hỏi, cho các nhà cầm quyền dân sự.

2. Chỉ thị cho Ủy Ban Giáo Luật Sự Vụ và Quản Trị Giáo Hội của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khai triển các đề nghị về chính sách bàn đến các hạn chế đối với các giám mục bị giải chức hay từ chức vì các lời tố cáo lạm dụng tình dục vị thành niên hay sách nhiễu tình dục hoặc có hành vi không đúng đắn với người lớn, kể cả các chủng sinh và linh mục.

3. Đề xướng diễn trình khai triển Quy tắc ứng xử cho các giám mục liên quan đến việc lạm dụng tình dục vị thành niên; sách nhiễu tình dục hoặc có hành vi sai trái về tình dục với người lớn; hoặc sơ suất trong việc thi hành chức vụ của mình liên quan đến các trường hợp như vậy.

4. Hỗ trợ một cuộc điều tra đầy đủ về tình huống xung quanh Tổng Giám mục McCarrick, bao gồm các cuộc bị tố cáo là tấn công các vị thành niên, linh mục và chủng sinh, cũng như bất cứ đáp ứng nào được đưa ra đối với các cáo buộc đó. Một cuộc điều tra như vậy nên dựa vào các chuyên gia giáo dân trong các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như chấp pháp và các dịch vụ xã hội.

Sau đây là nguyên văn tuyên bố của Ủy Ban Quản Trị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ:

Hướng về Chúa

“Khi mỗi người trong chúng ta được thụ phong giám mục, chúng ta được nhắc nhở:‘Hãy trông nom toàn bộ đàn chiên trong đó Chúa Thánh Thần đã chỉ định cho hiền huynh chăn dắt Giáo Hội của Thiên Chúa’”.

Chúng tôi, Ủy ban Quản Trị của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, hội họp vào tuần trước tại Washington, vào thời điểm xấu hổ và buồn rầu này. Một số giám mục, do hành động hay thiếu hành động của họ, đã gây thiệt hại lớn lao cho cả các cá nhân lẫn Giáo Hội nói chung. Họ đã sử dụng thẩm quyền và năng quyền để thao túng và lạm dụng tình dục người khác. Họ đã để nỗi sợ bị tai tiếng thay thế cho quan tâm và chăm sóc chân chính đối với những người bị những kẻ lạm dụng biến thành nạn nhân. Vì thế, một lần nữa, chúng tôi xin cả Chúa lẫn những người bị thiệt hại tha thứ. Hướng về Chúa để có sức mạnh, chúng tôi phải và nhất định sẽ làm tốt hơn.

Ủy ban Quản Trị đã chấp nhận các hành động sau đây trong thẩm quyền của mình:

1.Chấp thuận việc thiết lập một hệ thống phúc trình độc lập (third-party) có nhiệm vụ tiếp nhận cách kín đáo, qua điện thoại và trực tuyến, các khiếu nại về lạm dụng tình dục vị thành niên bởi 1 giám mục và chuyển các khiếu nại này cho thẩm quyền thích đáng của Giáo Hội và, nếu luật pháp đòi hỏi, cho các nhà cầm quyền dân sự.

2. Chỉ thị cho Ủy Ban Giáo Luật Sự Vụ và Quản Trị Giáo Hội của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khai triển các đề nghị về chính sách bàn đến các hạn chế đối với các giám mục bị giải chức hay từ chức vì các lời tố cáo lạm dụng tình dục vị thành niên hay sách nhiễu tình dục hoặc có hành vi không đúng đắn với người lớn, kể cả các chủng sinh và linh mục.

3. Đề xướng diễn trình khai triển Quy tắc ứng xử cho các giám mục liên quan đến việc lạm dụng tình dục vị thành niên; sách nhiễu tình dục hoặc có hành vi sai trái về tình dục với người lớn; hoặc sơ suất trong việc thi hành chức vụ của mình liên quan đến các trường hợp như vậy.

4. Hỗ trợ một cuộc điều tra đầy đủ về tình huống xung quanh Tổng Giám mục McCarrick, bao gồm các cuộc bị tố cáo là tấn công các vị thành niên, linh mục và chủng sinh, cũng như bất cứ đáp ứng nào được đưa ra đối với các cáo buộc đó. Một cuộc điều tra như vậy nên dựa vào các chuyên gia giáo dân trong các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như chấp pháp và các dịch vụ xã hội.

Đây chỉ là một khởi đầu. Việc tham khảo với một số lớn các phụ huynh, chuyên gia và các giáo dân có liên hệ khác cùng với các giáo sĩ và tu sĩ sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung, chuyên biệt để sửa chữa tai tiếng và khôi phục lại công lý. Chúng tôi khiêm tốn hoan nghênh và biết ơn sự giúp đỡ của toàn thể dân Chúa trong việc qui trách chúng tôi.

Song song với việc những sáng kiến này được tiến hành, Ủy ban Quản Trị mời gọi mỗi giám mục hiền huynh của chúng tôi tham gia với chúng tôi trong các hành vi cầu nguyện và thống hối. Đây là thời điểm xét mình sâu sắc đối với mỗi giám mục. Chúng ta không thể tự bằng lòng cho rằng đáp ứng của chúng ta đối với việc tấn công tình dục trong Giáo Hội là đầy đủ. Sách Thánh phải là hướng dẫn viên của chúng ta để tiến lên phía trước, “hãy là những người thực hiện lời, chứ không phải chỉ là những người nghe” (Gc 1:22).

Trong tất cả những điều này, chúng tôi không muốn bất cứ ai – kể cả chúng tôi – không nhìn thấy những người vốn chịu đau khổ bởi những ai đã hành động hoặc không hành động như Tin Mừng đòi hỏi. Đối với các nạn nhân của lạm dụng tình dục, những ngày này có thể mở lại các vết thương sâu đậm. Sự hỗ trợ có sẵn đó từ Giáo Hội và trong cộng đồng. Các Điều Hợp Viên Hỗ Trợ Nạn Nhân có sẵn đó trong mọi giáo phận để giúp anh chị em tìm ra các nguồn trợ giúp. Chúng tôi biết ơn hàng trăm người tận tụy, những người, từ khi thông qua Hiến Chương năm 2002 về việc Bảo vệ Trẻ em và Người Trẻ, đã làm việc với Giáo hội để nâng đỡ các nạn nhân và ngăn chặn sự lạm dụng trong tương lai.

Đối với bất cứ ai bị lạm dụng, cũng đừng bao giờ ngần ngại liên lạc với cơ quan chấp pháp địa phương. Nếu anh chị em không cảm thấy thoải mái, vì bất cứ lý do gì, với việc Giáo Hội cung cấp sự trợ giúp, giáo phận của anh chị em có thể nối kết anh chị em với các dịch vụ cộng đồng thích đáng. Với lòng cảm thương và không phê phán, các giám mục của Hoa Kỳ thề hứa sẽ hàn gắn và che chở bằng mọi chút sức lực Thiên Chúa cung cấp cho chúng tôi.

Hành động trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha, người mà chúng tôi, một lần nữa, làm mới lại tình yêu, sự vâng lời và lòng trung thành của chúng tôi, chúng tôi tự biến thành của mình lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong lá thư ngày 20 tháng 8 của ngài gửi cho dân Chúa, “Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn thánh hoán cải và xức dầu bên trong, cần thiết để, đứng trước các tội ác lạm dụng này, nói lên lòng hối hận và quyết tâm của chúng ta nhất định chống lại chúng một cách can đảm”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh liên ca đoàn vùng Dallas-Ft Worth kỷ niệm 23 năm Ngày Truyền Thống tại Gx ĐMHCG Garland.
Phạm Thái Hùng
19:04 19/09/2018
Xem hình ảnh

NGÀY TRUYỀN THỐNG LIÊN CA ĐOÀN DALLAS-FORT WORTH LẦN THỨ 23

Vào ngày thứ Bảy 15/9/2018, Ngày Truyền Thống hằng năm lần thứ 23 của Liên Ca đoàn các Giáo xứ Việt Nam thuộc hai Giáo phận Dallas và Fort Worth đã được tổ chức tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thành phố Garland (GP Dallas). Cuộc họp mặt hằng năm này là một truyền thống hết sức tốt đẹp của các ca đoàn thuộc 8 Giáo xứ Việt Nam (4 thuộc GP Dallas & 4 thuộc GP Fort Worth) với một mục đích chung là nâng đỡ tinh thần phục vụ nghệ thuật Thánh nhạc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Năm nay, Ngày Truyền Thống của Liên Ca Đoàn Dallas-Fort Worth được diễn ra trong một bối cảnh khá đặc biệt so với mọi năm. Trước hết, cuộc họp mặt này được tổ chức tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khi Giáo xứ chủ nhà đang mừng kỷ niệm Năm Ngân khánh Thành lập (1993-2018). Sau nữa, Ngày Truyền Thống của Liên Ca đoàn Dallas-Fort Worth năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm biến cố 117 vị Tử đạo Việt Nam được tôn vinh hiển thánh (1988-2018) và cũng là 30 năm giỗ của Nhạc sư Hải Linh. Đồng thời, cuộc họp mặt năm nay cũng đánh dấu hơn 40 năm đóng góp cho nền Thánh Nhạc Việt Nam của Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến và cũng là người thầy của nhiều ca trưởng trong vùng Dallas-Fort Worth. Vì thế, ngoài Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến và gia đình đến từ San Jose (California), một số môn sinh của Thầy Huyến ở nhiều tiểu bang khác trên nước Mỹ cũng đã cố gắng thu xếp thời gian đến tham dự.

Ngày Truyền Thống lần thứ 23 được bắt đầu với Thánh lễ lúc 5 giờ chiều dưới sự chủ tế của Cha Chính xứ Phaolô Nguyễn Tất Hải, C.Ss.R., cùng 4 linh mục đồng tế, cũng như với sự hiện diện của một số tu sĩ nam nữ. Về phía giáo dân, ngoài các giáo dân của Giáo xứ chủ nhà, có đến 600 ca viên thuộc 14 Ca đoàn, trong đó riêng Giáo xứ chủ nhà Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có đến 6 ca đoàn, kể cả 2 ca đoàn thiếu nhi, với tất cả số ca viên khoảng 320 người.

Sau Thánh lễ là phần trình diễn Thánh Ca của các ca đoàn. Do kỷ niệm 30 năm giỗ của Nhạc sư Hải Linh và vinh danh Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến nên đa số các ca đoàn trình diễn những bài hát được viết bởi hai vị nhạc sĩ tài ba này. Bài Thánh ca trình diễn cuối cùng do chính Nhạc sĩ tác giả Phạm Đức Huyến điều khiển với các ca viên là những môn sinh của Thầy.

Sau gần 2 giờ trình diễn Thánh ca tại Nhà thờ, Ngày Truyền Thống lần thứ 23 của Liên Ca đoàn Dallas-Fort Worth còn được tiếp diễn ở Hội trường Thánh An Phong với bữa ăn tối cho 900 ca viên và thân nhân. Kèm theo những món ăn ngon do Giáo xứ chủ nhà khoản đãi, nhiều anh chị em ca viên cũng đã trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Cũng trong dịp này, Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến cũng đã được các môn sinh vinh danh và trao tặng quà lưu niệm. Riêng các ca viên thuộc những giáo xứ bạn cũng đã được Giáo xứ chủ nhà biếu mỗi người 1 chiếc ly uống cà phê và 1 cây viết kỷ niệm Năm Ngân khánh.

Chương trình Ngày Truyền Thống lần thứ 23 của Liên Ca đoàn Dallas-Fort Worth đã được khép lại lúc 11 giờ đêm và các anh chị em ca viên lục tục ra về để nghỉ ngơi hầu có sức hát lễ Chúa Nhật hôm sau. Tuy nhiên, trước khi ra về, anh chị em ca viên đều hứa sẽ tái ngộ vào năm sau ở Ngày Truyền Thống lần thứ 24!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bay Trong Trời Mây/Airplane
Robert Helfman
07:54 19/09/2018
BAY TRONG TRỜI MÂY/AIRPLANE
Ảnh của Robert Helfman
Tung cánh bay trong trời cao ngất
Cũng là “sao chép” chim trời mả thôi
Kiêu căng đừng có ai ơi
So trong vũ trụ đồ chơi tựa là.
(bt)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với ĐTC 18/09/2018: Câu chuyện tượng Đức Mẹ khóc tại New Mexico theo nhận định của Đức Cha Oscar Cantú
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:34 19/09/2018
1. Lòng thương xót là “phong cách” Kitô hữu

Kitô hữu không sống theo “tinh thần thế gian” nhưng theo “sự điên rồ của Thánh Giá”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 13 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

“Là Kitô hữu không phải dễ dàng”, nhưng điều đó làm cho chúng ta “hạnh phúc”: con đường mà Chúa Cha trên trời chỉ ra cho chúng ta là con đường của “lòng thương xót” và “bình an nội tâm.” Khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm Thánh Luca (6:27-38), Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa làm sáng tỏ những điểm đặc thù của “phong cách Kitô hữu.” Ngài nói rằng Chúa luôn luôn chỉ cho chúng ta biết “cuộc sống của người môn đệ” phải như thế nào. Chúa làm như thế, chẳng hạn, thông qua các Mối Phúc Thật hay các công việc của lòng thương xót.

Một cách đặc biệt, phụng vụ trong ngày thứ Năm, lễ thánh Gioan Kim Khẩu, tập trung vào “bốn chi tiết để sống đời sống Kitô hữu”: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.”

Đức Thánh Cha nói rằng các Kitô hữu không bao giờ nên gia nhập “vào những chuyện ngồi lê đôi mách” hay dự phần “vào thứ luận lý của những lời lăng mạ”, mà chỉ gây ra “chiến tranh”, nhưng luôn luôn phải tìm thời gian để “cầu nguyện cho những kẻ làm khốn mình”. Ngài nhấn mạnh rằng:

Đó là phong cách Kitô hữu, đó là cách sống của Kitô hữu. Nhưng nếu tôi không làm bốn điều này thì sao? Nếu tôi không yêu kẻ thù, không làm ơn cho kẻ ghét tôi, không chúc lành cho kẻ nguyền rủa tôi, và không cầu nguyện cho kẻ vu khống tôi, thì tôi không phải là Kitô hữu à? Vâng, anh chị em là Kitô hữu vì anh chị em đã nhận Phép Rửa, nhưng anh chị em không sống như người Kitô hữu. Anh chị em đang sống như một người ngoại giáo, với tinh thần của thế gian.

Chắc chắn thật dễ dàng để “nói xấu kẻ thù hoặc những người thuộc về phía đối phương,” nhưng luận lý của người Kitô hữu đi ngược lại thói đời, và dõi theo “sự điên rồ của Thánh giá.” Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng của chúng ta “là làm sao có thể hành xử như con cái của Cha chúng ta trên trời”.

Chỉ những người có lòng thương xót mới giống như Chúa Cha. “Hãy thương xót, vì Cha anh em là Đấng xót thương.” Đây là con đường, một con đường đi ngược lại tinh thần của thế gian, suy nghĩ khác với thế gian, và không cáo buộc người khác. Bởi vì Satan ở giữa chúng ta, nó là kẻ luôn luôn buộc tội chúng ta trước mặt Thiên Chúa, để hủy diệt. Satan là tên “Đại Cáo buộc.” Và khi tôi gia nhập vào luận lý buộc tội này, luận lý nguyền rủa này, và tìm cách làm điều ác cho người khác, tôi đi vào luận lý của tên “Đại Cáo buộc” là “Kẻ hủy diệt”, là kẻ không biết đến lòng thương xót là gì, và chưa bao giờ biết sống từ bi.

Cuộc sống giao động giữa hai lời mời gọi: Lời mời gọi của Cha chúng ta trên trời và lời quyến rũ của tên “Đại Cáo buộc”, là đứa xô đẩy chúng ta đến chỗ buộc tội người khác, để tru diệt họ.

Nhưng chính khi ấy Satan đang tru diệt tôi! Thành thử, anh chị em đừng làm điều đó với người khác. Anh chị em không thể gia nhập vào luận lý của Satan. “Nhưng thưa Cha, tôi phải cáo buộc mới được.” Vâng, hãy tự cáo mình đi. Làm như thế là tốt cho anh chị em. Còn đối với tha nhân, chỉ có lòng thương xót, bởi vì chúng ta là con cái của Cha chúng ta, Đấng giầu lòng xót thương.

2. Câu chuyện tượng Đức Mẹ khóc tại tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ

Một giám mục ở tiểu bang New Mexico đã đưa ra một bản báo cáo cập nhật về cuộc điều tra của giáo phận liên quan đến một bức tượng Đức Mẹ dường như tiếp tục chảy nước mắt không dứt trong nhiều tháng qua.

Đức Cha Oscar Cantú, Giám mục giáo phận Las Cruces cho biết hiện tượng diễn ra tại Giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở Hobbs, New Mexico xem ra không thể giải thích được về mặt khoa học. Ủy ban điều tra của giáo phận, sau nhiều tháng trời nghiên cứu, vẫn không thể tìm được bất cứ nguyên nhân tự nhiên nào có thể giải thích thỏa đáng hiện tượng này, vì thế, ủy ban sẽ bắt đầu quay sang việc phân tích các hoa trái thiêng liêng mà hiện tượng này mang đến cho các tín hữu.

Ngài giải thích như sau trong một tuyên bố được công bố vào cuối tháng 8:

“Giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra này là xác định xem hiện tượng này có thể được giải thích bằng những nguyên nhân tự nhiên hay không. Cho đến nay, chúng tôi đã không thể nào tìm ra được bất cứ nguyên nhân tự nhiên nào giải thích việc bức tượng cứ tiếp tục tiết ra một chất lỏng”.

“Nếu nguyên nhân của hiện tượng này là siêu nhiên, chúng ta phải phân biệt nếu nó đến từ Thiên Chúa hay từ ma quỷ. Tôi nhắc anh chị em nhớ rằng Giáo Hội tin vào sự hiện hữu của các thiên thần sa ngã, đôi khi họ cố gắng đánh lừa chúng ta”

Một bức tượng đồng Đức Mẹ Guadalupe đã bắt đầu khóc vào ngày 20 tháng 5, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và nhiều người cùng lúc đã chứng kiến hiện tượng lạ lùng này hai lần kể từ đó - vào ngày Lễ Đức Maria, Mẹ Giáo Hội và một lần nữa vào ngày Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, hôm 9 tháng 6. Một số người tin rằng họ đã thấy hiện tượng này trong những dịp khác nữa khi đến cầu nguyện tại đây.

Được biết, chất lỏng được tìm thấy trên bức tượng là một loại dầu ô liu có mùi thơm hoa hồng, được tìm thấy gần giống với dầu thánh được làm phép trong Tuần Thánh. Không có gì bên trong bức tượng rỗng có thể tạo ra chất lỏng này. Chỉ có một vài mạng nhện ở bên trong.

Quá trình điều tra giáo phận cũng liên quan đến việc phỏng vấn nhà sản xuất người Mễ Tây Cơ đã tạo ra bức tượng này. Theo Đức Cha Cantú, chủ sở hữu cho biết quá trình sản xuất liên quan đến nhiệt độ cao, làm tan chảy hoàn toàn các khuôn sáp xung quanh những bức tượng được hình thành, không để lại chút dư lượng sáp nào có thể góp phần vào hiện tượng này.

Cha Chánh xứ Jose Segura đã báo cáo vụ việc ngay lập tức cho Đức Cha Cantú. Cuộc điều tra sau đó được khởi xướng bởi Cha Enrique Lopez, linh mục chưởng ấn của giáo phận và thầy Phó tế Jim Winder, phó chưởng ấn là những người đã thu thập các mẫu nước mắt và lời khai của các nhân chứng đã từng chứng kiến tận mắt.

Sau khi đưa ra một báo cáo công khai của cuộc điều tra vào ngày 15 tháng 7, Đức Cha Cantú cho biết bức tượng khóc không phải là sản phẩm của bất kỳ nguyên nhân tự nhiên nào mà ủy ban điều tra đã thử nghiệm. Trong một tuyên bố gần đây, Đức Cha nói thêm rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để xác định nguồn gốc siêu nhiên của những giọt nước mắt.

“Sự phân định xem liệu hiện tượng này là từ Chúa hay từ ma quỷ là một quá trình dài. Ma quỷ đôi khi có thể bắt chước những điều thánh thiện để gây nhầm lẫn cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng và cảnh giác.”

Đức Cha Cantú cho biết quá trình phân định này sẽ dựa vào những hoa trái tinh thần của bức tượng đang khóc. Ngài lặp lại Hoa Trái của Chúa Thánh Linh đã được đề cập trong Thư Thánh Phaolô gởi dân thành Galát, đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, và tiết độ.

Ngài nhắc nhở người Công Giáo rằng Giáo Hội phân biệt giữa những mạc khải chung và mạc khải tư. Mạc khải chung đã kết thúc sau cái chết của vị Tông Đố cuối cùng, và khác với những mạc khải tư là những điều không cung cấp thêm bất kỳ kiến thức mới nào về ơn cứu rỗi.

“Không có thông tin mới nào liên quan đến ơn cứu rỗi của chúng ta có thể thu được từ những mạc khải tư. Các thông điệp trong mạc khải tư chỉ tái khẳng định và nêu bật những gì Chúa Kitô đã mạc khải trong Kinh Thánh và Truyền Thống”.

“Thành ra, Đức Maria và các thánh luôn dẫn chúng ta trở lại với Chúa Giêsu và với Giáo Hội. Đây là lý do tại sao Đức Maria hướng dẫn Thánh Juan Diego, “đến gặp giám mục,” và “xây dựng một đền thánh.”

3. Các Giám Mục phải chuyên chăm cầu nguyện để chiến thắng Satan

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các giám mục lướt thắng Satan, là kẻ đang tìm cách tạo ra những vụ tai tiếng, bằng sự chuyên chăm cầu nguyện, khiêm nhường và gần gũi với dân Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 11 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, có vẻ như Satan đang tấn công các giám mục của Giáo Hội Công Giáo để gây ra các vụ tai tiếng.

Đức Thánh Cha mời gọi các giám mục trên thế giới nhớ đến ba điều trong thời điểm khó khăn hiện nay. Thứ nhất, sức mạnh của các vị hệ tại nơi việc các vị có phải là những người siêng năng cầu nguyện hay không. Thứ hai, các vị phải khiêm nhường để nhớ rằng các vị đã được Chúa chọn. Và cuối cùng, các vị phải gần gũi với đàn chiên.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 6: 12-19), trong đó Chúa Giêsu đã trải qua một đêm cầu nguyện trước khi chọn Mười Hai Tông Đồ, mà Đức Thánh Cha gọi là “các giám mục đầu tiên”.

Trước hết, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các giám mục phải là những người siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện, theo Đức Thánh Cha, “là một sự an ủi đối với vị giám mục trong những thời điểm khó khăn,” vì họ biết rằng “Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi và cho tất cả các giám mục.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều này sẽ mang lại sự an ủi và sức mạnh cho các giám mục, là những người đến lượt mình được kêu gọi để cầu nguyện cho chính các ngài và dân Thiên Chúa. Điều này, theo Đức Thánh Cha, là nhiệm vụ đầu tiên của vị giám mục.

Kế đến, Đức Thánh Cha đã mời gọi các giám mục hãy là những người khiêm tốn, bởi vì các ngài đã được Chúa chọn.

“Vị giám mục yêu mến Chúa Giêsu không cố gắng trèo lên một chiếc thang [danh vọng], trong khi thực thi ơn gọi của mình như thể đó đơn thuần chỉ là một nhiệm vụ nhằm tìm kiếm một vị trí tốt hơn hay để được thăng chức. Không. Một giám mục phải cảm thấy mình được chọn, và có một sự xác tín rằng mình được chọn. Điều này khiến ngài thân thưa với Chúa rằng: ‘Chúa đã chọn con, là người rốt cùng, là kẻ tội lỗi.’ Ngài khiêm nhường, bởi vì ngài cảm thấy được chọn và cảm nhận ánh mắt của Chúa Giêsu trên toàn bộ bản thể mình. Điều này mang đến cho ngài sức mạnh.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng các giám mục được kêu gọi gần gũi với dân Chúa, và không được đóng kín trong một tháp ngà.

“Vị giám mục không thể xa cách đàn chiên; ngài không thể có những thái độ đẩy mình ra xa họ.. . Ngài không cố gắng tìm nơi trú ẩn giữa những kẻ quyền thế hay giới tinh hoa. Không. Những người thuộc ‘giới tinh hoa’ chỉ trích các giám mục, trong khi dân chúng có thái độ yêu mến đối với các ngài. Đây gần như là một nghi thức xức dầu đặc biệt để củng cố vị giám mục trong ơn gọi của ngài.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng các giám mục cần ba thái độ này để đối mặt với tai tiếng mà Satan đang quất tới tấp vào các ngài.

“Trong những lúc này, có vẻ như Satan đã bẻ gãy xiềng xích và đang tấn công các giám mục. Đúng, chúng ta, các giám mục, đều là những kẻ tội lỗi. Satan cố gắng vạch ra những tội lỗi, phơi bày những tội lỗi ấy để làm mọi người hoang mang. Satan, như chính nó nói với Thiên Chúa trong chương đầu tiên của sách Gióp, công việc của nó là ‘rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây tìm kiếm một người nào đó để buộc tội’. Sức mạnh chống trả Satan của vị giám mục là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và của chính mình, và sự khiêm nhường nhìn nhận mình được Chúa chọn và giữ mình gần gũi với dân Chúa, mà không tìm kiếm một cuộc sống quý tộc làm phôi pha dầu đã được xức.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho các giám mục trên thế giới và cho chính ngài:

“Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho các giám mục của chúng ta: cho tôi, cho những người ở đây, và cho tất cả các giám mục trên khắp thế giới.”

4. Sự mới mẻ của Tin Mừng không cho phép một cuộc sống hai mặt

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích về sự khác biệt giữa “những điều mới lạ” của thế gian và “sự mới mẻ” của Chúa Kitô trong Thánh Lễ buổi sáng hôm thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong bài giảng thánh lễ vào sáng thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng Tông Đồ Phaolô rất tức giận với những người khoe khoang mình là “những Kitô hữu cởi mở”, nhưng trong họ “tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đi đôi với một sự tháo thứ về luân lý”: “Thưa các anh chị em, đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại” Đó là những lời quở trách nghiêm khắc, trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gởi dân thành Corintô, trong đó Thánh Phaolô lưu ý rằng nhiều người trong số họ đã sống một cuộc sống hai mặt. Thánh nhân nhắc nhớ rằng “chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên”, và cần có men mới cho bột mới.

Chúa Giêsu đã đề nghị với các môn đệ của Ngài “rượu mới, bình mới.” Đức Thánh Cha nói:

“Tính mới mẻ của Tin Mừng, sự mới mẻ của Chúa Kitô không chỉ biến đổi linh hồn chúng ta; nhưng đang biến đổi toàn bộ bản thể của chúng ta: linh hồn, tinh thần và thể xác, tất cả mọi thứ, từng cái một: nghĩa là, biến đổi từ dàn nho – đến men – và cho đến những bầu rượu mới, tất cả mọi thứ. Tính mới mẻ của Tin Mừng là tuyệt đối, là tổng thể; chiếm lấy toàn bộ chúng ta, bởi vì nó biến đổi từ trong ra ngoài: tinh thần, thân thể và cuộc sống hàng ngày.”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các Kitô hữu thành Côrinhtô đã không hiểu được sự mới mẻ bao trùm của Tin Mừng, là điều không phải là một ý thức hệ hay một phương cách sống cùng tồn tại với người ngoại giáo trong xã hội. Tính mới mẻ của Tin Mừng là sự sống lại của Chúa Kitô, và Thánh Linh mà Ngài đã gửi đến “để Ngài có thể đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống.” Đức Thánh Cha khẳng định rằng chúng ta là những Kitô hữu, là những người nam nữ của sự mới mẻ [Tin Mừng], chứ không phải của những điều mới lạ [thế gian].

Và rất nhiều người tìm cách sống niềm tin Kitô của mình theo “những điều mới lạ”: [Họ nói,] “Nhưng ngày nay, điều đó có thể được thực hiện theo cách này; hoặc nói ồ không, ngày hôm nay chúng ta có thể phải sống như thế này mới được.” Và những người sống theo những điều mới lạ được đề xuất bởi thế giới là những kẻ trần tục; họ không chấp nhận tất cả sự mới mẻ [của Tin Mừng]. Có một sự khác biệt giữa “sự mới mẻ” của Chúa Giêsu Kitô, và “những điều mới lạ” mà thế giới đề xuất với chúng ta như một phong cách sống.

Những người mà Thánh Phaolô lên án, theo Đức Thánh Cha, “là những người thờ ơ, những kẻ vô luân… những người giả trá, những kẻ chuộng bề ngoài, những phường đạo đức giả.” Và ngài nhắc lại rằng “Lời mời gọi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi hướng đến sự mới mẻ”.

Có người có thể nói, “Nhưng mà thưa Cha, chúng tôi yếu đuối, chúng tôi là những người tội lỗi…” “À, đây lại là một điều khác.” Nếu anh chị em chấp nhận rằng anh chị em là một người tội lỗi và yếu đuối, Ngài tha thứ cho anh chị em, bởi vì một phần của sự mới mẻ của Tin Mừng là thú nhận rằng Chúa Giêsu Kitô đã đến để tha thứ tội lỗi. Nhưng nếu anh chị em nói rằng anh chị em là những Kitô hữu sống hội nhập với những sự mới lạ của thế gian này – thì đừng, vì đây là thứ đạo đức giả. Sự khác biệt là ở chỗ đó. Và Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Hãy cẩn thận khi họ nói với anh em:” Chúa Kitô ở đây, Ngài ở đó, Ngài ở chỗ kia kìa… Những điều mới lạ [thế gian] cho rằng “Không, ơn cứu rỗi đi với điều này, với điều nọ…” Chúa Kitô là Đấng duy nhất. Và Chúa Kitô đã rất rõ ràng trong sứ điệp của Ngài.

Nhưng Chúa Giêsu không lừa dối những người muốn theo Ngài. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, “Nhưng đâu là con đường của những người sống theo 'sự mới mẻ' [của Tin Mừng], chứ không phải theo 'những điều mới lạ' [của thế gian]?” Ngài nhắc nhớ lại câu kết của bài Tin Mừng trong ngày, trong đó các kinh sư và các thầy thông luật quyết định giết Chúa Giêsu, đang bàn nhau có thể “làm gì được với Ngài.”

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “Con đường của những người nhận lấy sự mới mẻ của Chúa Giêsu Kitô cũng giống như con đường của Chúa Giêsu: đó là con đường hướng đến sự tử đạo”. Sự tử đạo không phải lúc nào cũng đẫm máu, mà là một sự tử đạo hàng ngày. “Chúng ta đang trên một con đường, và chúng ta đang bị theo dõi bởi tên đại sư tổ cáo gian, là kẻ đang dựng lên những kẻ cáo gian ngày hôm nay để lùa chúng ta vào sự mâu thuẫn.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng dù thế, không cần phải tương nhượng với “những điều mới lạ” của thế gian; không cần phải “làm tan loãng việc công bố Tin Mừng.”

5. Thập giá dạy ta đừng sợ thất bại

Thập giá của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, trong cuộc đời này, có cả thất bại lẫn vinh quang, và đừng sợ những “thời khắc đen tối” vì những khoảng khắc ấy có thể được chiếu sáng nhờ thập giá, là dấu chỉ chiến thắng của Thiên Chúa trước sự dữ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 14 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta

Mô tả Satan như loài ma quỷ đã bị khắc chế và bị xiềng xích, nhưng “nó vẫn tiếp tục sủa,” và nếu anh chị em đến gần vuốt ve nó, nó sẽ tiêu diệt anh chị em.

Sự thất bại của Chúa Giêsu thắp sáng những bóng tối trong cuộc sống của chúng ta

Đức Thánh Cha giải thích rằng khi chúng ta chiêm ngưỡng thập tự giá, dấu ấn của các Kitô hữu, chúng ta suy ngẫm một dấu chỉ thất bại nhưng đó cũng là dấu chỉ chiến thắng: “Tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm trong đời Ngài” đều thất bại trên thập tự giá và hy vọng của những người theo Ngài vào giờ khắc đó đã tan thành mây khói.

“Chúng ta đừng sợ chiêm ngắm thập giá trong những khoảnh khắc thối chí, thất bại. Khi Thánh Phaolô suy tư về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, ngài đưa ra một số nhận xét rất mạnh mẽ. Ngài nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ mình, tự hủy mình, mặc lấy thân phận tội lỗi của loài người chúng ta cho đến chết, và gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta lên chính mình, tất cả tội lỗi của thế gian: Ngài chỉ còn là một ‘miếng giẻ rách’, một người bị lên án. Thánh Phaolô không ngại cho thấy sự thất bại này và ngay cả điều ấy cũng có thể soi sáng những khoảnh khắc tối tắm của chúng ta, những giây phút thất bại của chúng ta. Nhưng thập giá cũng là một dấu chỉ chiến thắng cho chúng ta, các Kitô hữu.”

Thứ Sáu Tuần Thánh

Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng trong Bài đọc Thứ Nhất, Sách Dân số nói về thời điểm trong cuộc Xuất Hành khi những người Do Thái hay kêu ca “bị các con rắn trừng phạt”. Điều này, theo Đức Thánh Cha, liên hệ đến con rắn cổ đại, là Satan, là “Đại Sư Tổ Cáo Buộc”. Nhưng, Đức Thánh Cha nói tiếp rằng, Chúa phán cùng ông Môisê rằng con rắn gây ra cái chết sẽ được treo lên và sẽ mang lại ơn cứu rỗi. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng đây là một lời tiên tri. Thực ra, “khi mang lấy thân phận tội lỗi của loài người, Chúa Giêsu đã đánh bại tác giả gây ra tội lỗi, Ngài đã đánh bại con rắn”. Và Satan đã rất vui mừng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh “đến mức nó không chú ý” đến cái bẫy vĩ đại “của lịch sử mà nó đã sa vào.”

Satan nuốt chửng Chúa Giêsu và thần tính của Ngài

Như các Giáo Phụ của Giáo Hội nói, Satan nhìn thấy Chúa Giêsu trong trạng thái thê thảm như vậy, và giống như một con cá đói đã cắn câu, nó nuốt chửng Ngài. “Nhưng chính vào thời điểm đó, nó cũng nuốt chửng thần tính của Ngài là mồi nhử gắn vào móc câu. Vào lúc đó, Satan đã bị hủy diệt mãi mãi. Nó không còn sức mạnh. Trong giây phút đó, thập tự giá đã trở thành một dấu chỉ chiến thắng.”

Con rắn bị xích, nhưng anh chị em đừng lại gần nó

“Chiến thắng của chúng ta là thập giá của Chúa Giêsu, là chiến thắng trên kẻ thù của chúng ta, trên con rắn cổ đại, trên Đại Sư Tổ Cáo Buộc. Chúng ta đã được cứu” bởi thập giá, bởi sự kiện là Chúa Giêsu đã quyết định hạ mình tới tột cùng, nhưng với một sức mạnh thần thánh”.

“Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: Khi được nâng lên, tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng tôi”. Chúa Giêsu đã được nâng lên và Satan đã bị phá hủy. Chúng ta phải bị thu hút bởi thập giá Chúa Giêsu: chúng ta phải nhìn vào thập giá này bởi vì thập giá mang đến cho chúng ta sức mạnh để tiến lên phía trước. Và con rắn cổ xưa đã bị phá hủy vẫn còn sủa, vẫn còn đe dọa nhưng, như những Giáo Phụ của Giáo Hội nói, nó là một con chó bị xích lại rồi: nếu anh chị em không đến gần thì nó không thể cắn anh chị em; nhưng nếu anh chị em thử vuốt ve nó bởi vì anh chị em cảm thấy nó thu hút mình như thể một con chó con dễ thương, hãy chuẩn bị, nó sẽ tiêu diệt anh chị em”.

Cây thánh giá: một dấu chỉ của thất bại và chiến thắng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận rằng cuộc đời của chúng ta tiếp tục với Chúa Kitô chiến thắng và Phục sinh, và là Đấng đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Nhưng con chó bị xích, là ma quỷ, vẫn còn đó là kẻ “mà tôi không được đến gần vì nó sẽ cắn tôi”.

“Thập tự giá dạy chúng ta rằng trong cuộc sống có thất bại và chiến thắng. Chúng ta phải có khả năng chịu đựng thất bại, thừa nhận những thất bại của chúng ta một cách kiên nhẫn, ngay cả những tội lỗi của chúng ta bởi vì Ngài đã chuộc tội cho chúng ta. Trong Ngài, chúng ta nhìn nhận những thất bại và tội lỗi của chúng ta, và cầu xin Ngài tha thứ, nhưng không bao giờ cho phép mình bị quyến rũ bởi con chó bị xích này. Sẽ rất tốt nếu hôm nay, khi chúng ta về nhà, chúng ta bỏ ra 5, 10, 15 phút trước cây thánh giá chúng ta có trong nhà hay là cây thánh giá ở xâu chuỗi Mân Côi: hãy nhìn vào thánh giá, đó là dấu chỉ sự thất bại của chúng ta, thánh giá khơi dậy sự bách hại, sự hủy diệt nhắm vào chúng ta; nhưng thánh giá cũng là dấu chỉ chiến thắng của chúng ta bởi vì đó là nơi Thiên Chúa đã chiến thắng”
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 20/9/2018: Tin tức dồn dập về một thỏa thuận nay mai giữa Vatican và Bắc Kinh
VietCatholic Network
19:07 19/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 19 tháng 9, 2018.

2- Đức Thánh Cha nói: Người mục tử hiền lành, cảm thương, và cầu nguyện khi bị tố cáo.

3- Đức Thánh Cha ăn trưa với người nghèo tại trung tâm Hy vọng và Bác ái ở Palermo.

4- Đức Thánh Cha liên đới và kêu gọi cộng đồng thế giới giúp dân Iraq và Syria.

5- Tòa thánh công bố Tông Hiến mới về Thượng Hội Đồng Giám Mục.

6- Tòa thánh công bố danh sách tham dự viên Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ, trong đó có 2 Giám mục nghị sự và 1 dự thính viên người Việt Nam.

7- Phát biểu của Ngoại trưởng Tòa Thánh về võ khí hạt nhân.

8- Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thăm Nhật Bản vào năm tới.

9- Tin tức dồn dập về một thỏa thuận nay mai giữa Vatican và Bắc Kinh.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Lênh Đênh Phận Người.
https://youtu.be/kvW1LqMQ23k

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết