Ngày 25-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 26/09: Ai là người lớn nhất? – Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:12 25/09/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, một câu hỏi chợt đến với các môn đệ: Trong các ông, ai là người lớn nhất? Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình 48 và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

Đó là lời Chúa
 
CN 26C : Tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh báo
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:01 25/09/2022
CN 26C : Tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh báo

Dụ ngôn Lazarô và người phú hộ có thể có một ý mà chúng ta không đồng ý, là tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh báo. Chúa Giêsu đặt vào miệng Abraham câu trả lời cho lời van xin của người giàu như sau : “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

Ta không đồng ý, là bởi vì người chết hiện về nói, là hiệu quả chứ! Mô-sê và các ngôn sứ thì xa xưa rồi, chắc họ nói cho ai chứ đâu phải cho mình, còn kẻ chết hiện về, đích thị là nói cho mình, mình tin ngay. Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ. Nay đã thấy quan tài, mà là quan tài sống, tức người chết trong quan tài hiện về nói, chắc phải đổ lệ thôi. Vì nó sờ tới gáy của mình.

Bằng chứng hiện nay, khi nghe tin thấy Đức Mẹ khóc chỗ này, nhỏ lệ chỗ kia, ta ùn ùn kéo tới, vì xem đó như sứ điệp đụng tới ta, sống trong những ngày này. Còn Mẹ hiện ra “năm xưa trên cây sồi” thì là năm xưa rồi, lại còn “làng Fatima xa xôi,” đâu có đụng gì, chạm gì tới gáy của ta đâu. Cho nên cũng là những lời kêu gọi hoán cải năm xưa 1917 của Mẹ Fatima, thì ta không nghe, nhưng nếu nó là giọt lệ hôm nay 2022, ta bị chạm ngay.

Cũng vậy, Mosê thì xưa rồi, ngôn sứ đã quá xa, ta quên hết, nhưng nếu kẻ chết, mới chết thôi hiện về, ta thấy gáy ta lạnh ngay, thay đổi lối sống tức thì. Thay được bao lâu không biết, nhưng chắc chắn là thay.

Nhưng tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh cáo? Chắc Ngài cũng có lý do mà ta thử tìm. Dĩ nhiên dụ ngôn người phú hộ và Lazarô không có ý dạy ta về điều này. Điểm chính vẫn là không được sống khép mình lại. Nhưng ta cứ thử tìm xem.

Giả như Chúa cho người chết hiện về. Dụ ngôn giảm nhẹ mức độ, bằng cách chỉ xin cho Lazarô hiện về, chứ nếu muốn hiệu quả, phải chính người phú hộ hiện về : với bộ quần áo rực lửa, thân hình đen đủi đớn đau, mặt phỏng độ chín, thì chắc phải hiệu quả hơn nhiều. Có lẽ người phú hộ đang mặc cả, nếu Chúa cho Lazarô về, ông sẽ nài thêm, “thôi để con về, con biết cách nói cho 5 anh em con hoán cải.” Nhưng xin cho Lazarô về đã không được, nên ông chẳng thể nài thêm.

1. Giả như Chúa cho người chết hiện về, và như chúng ta vừa phân tích, thế nào 5 anh em kia cũng sẽ sợ mà hoán cải. Chúng ta vừa nói chữ gì : “sợ.” Họ sợ hãi và hoán cải. Họ sợ vì họ thấy quan tài, nên phải đổ lệ, chứ nếu không phải Lazarô, và nhất là không phải anh ruột của mình hiện về, chắc chắn họ cũng chưa, cũng không hoán cải đâu, vì chưa lạnh gáy. Khi làm điều gì vì sợ, thì không còn tự do, và vì thế cũng mất giá trị.

Một cô gái yêu chàng trai kia vì sợ, tình yêu đó đâu có giá trị. Chúa chẳng muốn người ta yêu Chúa, chỉ vì sợ hãi. Chúa chẳng muốn người ta tin Chúa, chỉ vì sợ hãi.

Trong một buổi diễn thuyết về tin có Chúa, một cử toạ đứng lên mạnh mẽ tuyên bố : Bằng chứng rõ nhất 'không có Chúa' đó là không có một kẻ nào tuyên bố không có Chúa, hoặc tệ hơn nữa, chửi rủa Chúa, mà bị Chúa cho sét đánh chết cả.

Giả như ai nói : “Làm gì có Chúa,” là bị cứng lưỡi 5 phút (phạt cảnh cáo ! phạt vi cảnh !); còn ai cả gan chửi Chúa : Chúa đi chơi đâu rồi mà để tôi bị oan thế này ! Hoặc, Chúa gì mà ác quá vậy, thất thiên thất đức quá ! liền bị Thiên Lôi lôi ngã xuống đất... Thì làm sao? Rất nhiều người tin vào Chúa, tin có Chúa. Nhưng tin vì sợ chứ không tin vì yêu. Chúa không muốn người ta tin Chúa, yêu Chúa, chỉ vì sợ, chỉ vì không còn con đường nào khác. Chúa đã lỡ dựng nên con người có tự do, thì Chúa cũng tôn trọng tự do của con người, kể cả tự do không tin Chúa, tự do đi vào hoả ngục.

Vậy là ta tạm tìm lý do, tại sao Chúa không cho kẻ chết hiện về cảnh cáo người sống, vì Chúa không muốn người ta hoán cải chỉ vì sợ hãi.

2. Tuy nhiên, cũng có thể nương theo lý luận của dụ ngôn, rằng kẻ chết có về, họ cũng chẳng sợ. Ta thử đưa một ví dụ :

Ai chẳng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Hoặc mạnh hơn, ma tuý là kẻ giết người. Ấy vậy mà vẫn cứ lao vào. Nếu bạn mình chết vì hút thuốc, tử vì nàng tiên nâu, thì mình sợ, bỏ vài bữa, hay hơn nữa là bỏ nửa tháng, rồi lại lăn bừa vào lại ngay. Cho nên làm vì sợ, không vững bền; và trên bình diện Đạo, làm vì sợ, yêu vì sợ chẳng có giá trị gì.

Dụ ngôn từ chối cho người chết trở về cảnh báo, bằng cách đưa ra câu trả lời : "Chúng đã có Mô-sê và các ngôn sứ, chúng cứ nghe lời các vị đó". Vâng, người ta luôn luôn đòi một dấu chỉ khác thường. Ta hãy nghe Phúc m thuật : "Ông hãy làm cho chúng tôi một phép lạ để chúng tôi tin"... "Ông hãy gieo mình từ nóc đền thờ xuống đi." “Ông hãy xuống khỏi thập giá, nếu ông là Con Thiên Chúa” Chúng tôi tin liền ! Một số Kitô hữu luôn luôn tiếp tục dựa vào những phép lạ và những lần hiện ra. Người giầu xin cho Ladarô hiện về. Thế nhưng, sự sống lại của Ladarô bằng xương bằng thịt, em trai của Mácta và Maria ở Bêtania không những không thuyết phục được những người Pharisêu và các giáo trưởng, mà con thúc đẩy họ có quyết định loại trừ Đức Giêsu (x. Ga 11,45-53), và cả loại trừ Lazarô nữa ! (x. Ga 12, 10) Lazarô là người chết sống lại đó, có ai sợ đâu.

Con đường chân chính duy nhất đến với đức tin không phải là một phép lạ nhãn tiền, mà là sự khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa (lời Maisen và các ngôn sứ).

Chúng ta sẽ hiểu hơn với lời giải thích dụ ngôn Lazarô và phú hộ của thánh Gio-an Kim Khẩu qua lời van xin của thánh nhân: "Tôi xin anh em, quỳ xuống chân anh em mà nài xin, anh em hãy ăn năn, hãy sám hối mà trở về với Chúa, hãy sống tốt lành hơn, trong khi chúng ta còn hưởng được quãng thời gian vắn này, để chúng ta không phải than khóc cách vô ích như người giàu kia khi chúng ta chết, và khi mà những tiếng khóc than chẳng đem lại một an ủi nào. Vì ngay cả khi chúng ta có một người cha, người con, một người bạn hay bất cứ một nhân vật nào đi nữa có thế giá bên cạnh Chúa, không ai có thể giải cứu chúng ta khỏi những hành động của chúng ta, chính chúng ta kết án chúng ta."

Có một danh ngôn khá hay : “Việc lành làm suốt đời không đủ, việc dữ làm giây lát đã dư.” Đó là cách hay nhất để chúng ta khỏi phải nài xin và nài xin vô ích cho ta hiện về cảnh báo anh em ta.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 25/09/2022

11. Con nên biết, nếu con ở trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su thì tình trạng con sẽ như thế nào? Có thể nhìn được với dấu hiệu dưới đây: một nhân linh càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói.

(Thánh Vincentius de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 25/09/2022
7. TẦN THỊ THÍCH ĐỒ CỔ

Triều đại nhà Tần có một thư sinh thích đồ cổ đến nghiện, dù cho cổ vật cao quý có giá đắc bao nhiêu thì cũng đều mua đem về bỏ trong kho.

Một hôm, có người đem một mảnh chiếu rách đến nhà, khoe khoang nói:

- “Năm nọ Lỗ Ai công làm tiệc và chất vấn Khổng tử về chính sự, tôi lấy một mảnh chiếu năm xưa của Khổng tử đã ngồi qua”.

Tần thị bèn lấy miếng đất ruộng gần ngoại thành đổi lấy mảnh chiếu rách.

Qua mấy ngày sau, lại có người cầm cây gậy đến muốn bán cho ông ta, nói:

- “Đây là cây gậy của Thái Hoàng tổ phụ của Châu Văn vương dùng để tránh bọn mọi rợ xâm phạm, khi dẫn đầu dân chúng rời khỏi thì dùng làm cây gậy”.

Xét về niên đại, so với mảnh chiếu mà Khổng tử đã ngồi qua thì sớm hơn mấy trăm năm, Tần thị đem hết tất cả tiền bạc trong nhà xuất ra mua nó.

Mấy ngày sau, lại có người đưa đến cái bát vỡ nói với ông ta:

- “Ông đã được chiếu và gậy, cũng chưa gọi là cổ, xin nhìn cái bát này là thời Hạ Kiệt làm ra, so với thời Châu thì cổ rất nhiều”.

Tần thị cho rằng có được những cổ vật này là hiếm có nhất đời, thế là nhượng cả tòa nhà mình đang ở để mua cái bát ấy.

Có ba thứ “cổ vật” trong tay nhưng lại ăn mày tàn tạ. Ông ta khoác trên mình mảnh chiếu của Ai Công, chống gậy của Thái Hoàng, bưng cái bát vỡ thời Hạ Kiệt làm, men theo đường phố ăn xin, lại còn không ngớt kêu lên:

- “Liệt vị phụ lão đồng hương cung dưỡng cơm áo, ai có đồng tiền cổ cửu phủ của Khương Thái công, thưởng cho tôi một xu”.

(Sự lâm quảng ký)

Suy tư 7:

Có những người chơi đồ cổ rất giàu có vì họ biết lợi dụng thời cơ để đồ cổ biến thành giá trị to lớn, có người chơi đồ cổ nhưng lại nghèo đến nỗi phải đi xin ăn, bởi vì họ chơi đồ cổ theo kiểu trưởng giả học làm sang, không hiểu biết tận tường giá trị từng món đồ cổ, vung tiền mua lầm đồ cổ giả.

Không một “đồ cổ” nào được ưa chuộng như thánh lễ Mi-sa, dù nó “cổ” hơn hai ngàn năm tuổi, nhưng nó vẫn cứ mới và hợp thời từng thời đại, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã lập ra; không có “đồ cổ” nào sáng giá cho bằng sách Thánh Kinh, vì nó vẫn luôn mới và là sự thao thức khát khao của nhân loại qua mọi thời đại, bởi vì chính Chúa Thánh Thần là tác giả; không một “đồ cổ” nào mà làm cho các nhà nghệ thuật say mê sáng tạo, cũng như được người của mọi thời đại yêu mến là Thánh Giá của Đức Chúa Giê-su, bởi vì nó là nơi Con Thiên Chúa chịu đóng đinh để cứu chuộc nhân loại.

Đó là ba “cổ vật thánh” đệ nhất chi bảo mà người Ki-tô hữu nào cũng có, vậy mà có một vài người Ki-tô hữu nghèo ân sủng đến nỗi phải đi “xin ăn” nơi ma quỷ để được bổng lộc thế gian, vui thú thế gian, danh dự thế gian.

Yêu mến thánh lễ, yêu thích Thánh kinh và yêu mến Thánh Giá nhưng trở thành người nguy hiểm cho Giáo Hội, là vì họ lấy lòng kiêu ngạo và trí tự cao tự đại của mình để thẩm định “giá trị” của ba “cổ vật thánh” ấy, mà đúng ra chúng nó là vô giá, vì của Trời chứ không phải của đất.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Trở nên vĩ đại
Lm. Minh Anh
18:18 25/09/2022

TRỞ NÊN VĨ ĐẠI
“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

Phillip Brooks nói, “Cách thực sự để khiêm tốn không phải là khom lưng cho đến khi bạn nhỏ hơn chính mình, mà là đứng ở ‘độ cao thực’ so với một bản chất cao hơn nào đó. Điều này cho thấy sự ít ỏi thực sự của cái ‘được gọi’ là vĩ đại nơi bạn. Vậy mà, càng nên bé nhỏ, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Càng nên nhỏ bé, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”. Tư tưởng của Phillip Brooks được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Ai ‘hạ mình’ trước Chúa, ‘nhún mình’ trước người; kẻ ấy ‘trở nên vĩ đại!’. Như một em bé, Gióp hạ mình trước Chúa; cũng với một em bé đứng bên cạnh mình, Chúa Giêsu dạy bài học khiêm nhường, “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

Bài đọc Gióp kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa và Satan. Thật thú vị, đầu dây mối nhợ, Chúa đem Gióp ra khoe như khoe ‘cục cưng’ của mình; đúng hơn, Ngài ném Gióp trước Satan như một thách thức, “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Chẳng có ai trên đời này giống như nó: vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh xa điều ác!”. Satan dể duôi, “Ngài cứ thử đưa tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, hẳn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”. Phóng lao theo lao, Chúa phó mọi tài sản của Gióp vào tay Satan, trừ mạng sống ông. Vậy là tai ương dồn dập ập xuống Gióp; Gióp mất con trai, con gái, chiên bò… không còn gì cả. Nhưng chẳng một lời trách móc; trái lại, Gióp thêm lòng yêu mến, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng; Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Danh Chúa”. Nhờ cậy trông vào Chúa như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Xin Chúa lắng tai và nghe tiếng con cầu!”, Gióp vượt qua tất cả. Hú hồn! Chúa toàn thắng Satan; Ngài ban cho Gióp nhiều hơn trước. Gióp ‘trở nên vĩ đại!’.

Với bài Tin Mừng, khi biết các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng, bằng cách đặt một đứa trẻ bên cạnh mình để cho họ thấy ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất! Chúng ta không làm điều tương tự sao? Ham muốn địa vị và quyền lực dường như đã tiềm ẩn trong máu mỗi người. Ai lại không ấp ủ tham vọng trở thành một “ai đó”, được người khác ngưỡng mộ, hơn là trở nên “không ai?”.

Vậy một trẻ nhỏ có thể tiết lộ cho chúng ta điều gì về sự vĩ đại? Trẻ em trong thế giới cổ đại không có quyền, vị trí hoặc ưu tiên; trẻ ở dưới cùng của bậc thang xã hội, phục vụ người lớn như một tôi tớ. Cử chỉ đặt một trẻ bên cạnh, nâng nó lên trước các môn đệ cho thấy sự tôn trọng của Chúa Giêsu. Ngay cả ngày nay, chủ nhà vẫn để vị khách danh dự ngồi bên phải của mình. Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Kẻ khiêm nhường mang thân phận của một tôi tớ!

Anh Chị em,

“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”. “Tiếp đón em nhỏ này” nghĩa là nên bé nhỏ! Chúa Giêsu là khuôn mẫu “trở nên bé nhỏ” của chúng ta. Trong Thánh Thể, Đấng Vĩ Đại trở nên bé nhỏ để đến với chúng ta. Đón tiếp Đấng Vĩ Đại, ngày càng nên giống Ngài, con người ‘trở nên vĩ đại’. Chúa Giêsu ước mong mỗi người chúng ta ngày càng nên giống Ngài. Giống Ngài trong yêu thương, giống Ngài trong phục vụ; giống Ngài trong việc buông mình cho Thiên Chúa Cha, giống Ngài trong việc tự hiến cho con người. Cũng thế, khi chúng ta làm những việc nhỏ mọn bởi tình yêu dành cho Đấng Vĩ Đại, Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta ‘trở nên vĩ đại’. Chúa muốn chúng ta trở nên những chiếc bình rỗng để Ngài có thể đổ đầy vinh quang, quyền năng và tình yêu Ngài; để từ đó, chúng ta trở nên những dụng cụ ân sủng của Ngài, tràn dâng cho người khác. Chính lúc ấy, chúng ta thực sự ‘trở nên vĩ đại!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để làm vinh danh Chúa, những gì con nhận cũng là những gì con trao. Cho con biết cúi xuống, trở nên một người phục vụ. Và đó là phương thế con ‘trở nên vĩ đại!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc tuần hành Phò sinh và Phò Gia đình của Ba Lan thu hút 10.000 người tham gia
Đặng Tự Do
05:24 25/09/2022


Ước tính có khoảng 10.000 người đã đi qua các đường phố ở thủ đô của Ba Lan vào hôm Chúa Nhật để tham gia cuộc tuần hành vì Cuộc sống và Gia đình.

Pawel Ozdoba, chủ tịch của Trung tâm Cuộc sống và Gia đình, nơi chịu trách nhiệm tổ chức cuộc tuần hành, nói với CNA: “Các cuộc tuần hành tương tự được tổ chức trong suốt cả năm ở 150 thị trấn và thành phố ở Ba Lan, và quy tụ hàng trăm nghìn người.”

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chào mừng những người tham gia trong một thông điệp video đặc biệt.

“Tôi rất vui vì các bạn lại được diễu hành qua các đường phố của Warsaw,” ông nói. “Ông bà, cha mẹ, con cái và cha mẹ tạo thành một cộng đồng vui vẻ tuyệt vời ở đây ngày hôm nay. Các bạn đang cùng nhau đưa ra chứng tá công khai về cam kết của mình đối với những lý tưởng cao quý nhất. Các bạn bày tỏ niềm tin rằng một gia đình mạnh mẽ có nghĩa là một tương lai thành công cho đất nước của chúng ta. Tôi cảm ơn các bạn từ trái tim vì điều này “.

Cuộc tuần hành vào ngày 18 tháng 9 bắt đầu bằng buổi hòa nhạc của ban nhạc nổi tiếng Con Thuyền Ông Nôe, sau đó là một số bài phát biểu. Ozdoba giải thích lý do tại sao phương châm của năm nay là “Tôi ưng thuận”, là một thành ngữ từ lời thề trong thánh lễ hôn phối.

Ông nói: “Năm nay chúng tôi muốn nhắc nhở các cặp vợ chồng và những người được mời gọi kết hôn về ý nghĩa và tầm quan trọng của lời thề hôn nhân. Theo đó, việc lặp lại lời thề hôn nhân diễn ra trước khi cuộc tuần hành bắt đầu. Nghi thức do Cha Bogdan Bartold, chánh xứ Nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Warszawa chủ tế.

Những người tham gia cuộc tuần hành đi qua các đường phố của Warsaw cầm trên tay những quả bóng bay đầy màu sắc và cờ đỏ trắng. Họ cũng mang theo những biểu ngữ với những thông điệp như: “Cuộc sống thật tươi đẹp”, “Cầu mong cho con cái được sống”, “Tôi chọn cuộc sống” hay “Thiên chức làm cha bắt đầu từ lúc thụ thai.” Ngoài ra, vợ hoặc chồng còn mang những huy hiệu đặc biệt trên đó ghi tên họ và số năm chung sống.
Source:Catholic News Agency
 
Tình trạng của các tín hữu Kitô ở Bán đảo Ả Rập được cải thiện một chút
Đặng Tự Do
05:25 25/09/2022


Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể có chuyến công du tới Bahrain vào tháng 11. Điều này vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, Đức Cha Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa nghỉ hưu của Nam Ả Rập, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và Yemen, lưu ý rằng đã có một số cải thiện đối với các Kitô hữu ở hầu hết các quốc gia thuộc Bán đảo Ả Rập. Vị Giám Mục thuộc dòng Capuchin người Thụy Sĩ, 80 tuổi, đã nghỉ hưu những được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa ở Bắc Ả Rập bao gồm Kuwait, Bahrain, Qatar và Ả Rập Xê Út, lưu ý rằng công việc của Giáo hội tại khu vực này về cơ bản là việc mục vụ dành cho người di cư.

Giáo hội địa phương có từ 2,5 triệu đến 3 triệu tín hữu thuộc hơn 100 quốc tịch. Mặc dù việc truyền giáo cho những người theo đạo Hồi bị cấm, nhưng việc cải đạo của những người không theo đạo Hồi vẫn diễn ra khá thường xuyên. Đức Cha Hinder cho biết Vương quốc Bahrain có chính sách tôn giáo khá tự do, cho phép cho các hoạt động bác ái và trường học Công Giáo. Về bản chất, vị Giám Quản Tông Tòa cho rằng chuyến thăm có thể có của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể có những tác động tích cực, đặc biệt chuyến đi đến Abu Dhabi vào năm 2019.
Source:Cath.ch
 
Linh mục nhận xét rằng nỗ lực đóng cửa nhà nguyện ở Quốc Hội Colombia là một cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo
Đặng Tự Do
05:27 25/09/2022


Cha Raúl Ortiz, giám đốc Ủy ban Giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Colombia, nhận xét rằng đề xuất của Nghị sĩ Juan Carlos Losada nhằm chuyển đổi nhà nguyện Công Giáo nằm trong tòa nhà Quốc hội Colombia thành một “nơi thờ phượng trung lập” là “sự đàn áp Giáo Hội Công Giáo”.

Vào ngày 14 tháng 9, Losada, một thành viên của Đảng Tự do, đã thông báo trên Twitter rằng ông đã đưa ra một đề xuất tại Hạ viện để biến “nhà nguyện Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu trong Tòa Nhà Quốc hội thành một nơi thờ phượng trung lập”.

Tài liệu được giới thiệu vào ngày 13 tháng 9 và được ký bởi các Nghị sĩ Alirio Uribe của Đảng Hiệp ước Lịch sử, tức là liên minh cánh tả của Tổng thống Gustavo Petro, và Luis Alberto Albán của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, hiện đã chính thức tan rã..

Nỗ lực đóng cửa nhà nguyện Công Giáo này đã bị một số thành viên Quốc hội và các nhà lãnh đạo Công Giáo lên án.

Động thái này diễn ra ba tuần sau khi nhà nguyện Công Giáo tại Sân bay Quốc tế El Dorado bị đóng cửa để chuyển thành “không gian phản ánh trung lập” cho tất cả các tôn giáo.

Đức Cha Juan Vicente Córdoba, giám mục Fontibón, vùng ngoại ô Bogotá nơi có sân bay, cho biết công ty quản lý sân bay đã đóng cửa nơi thờ tự Công Giáo sau thông báo của Văn phòng Thị trưởng Bogotá nhằm đẩy Giáo Hội Công Giáo ra khỏi đó.

Phát biểu với EWTN News, Cha Ortiz chỉ ra rằng “gần đây chúng tôi đang chứng kiến một làn sóng can thiệp liên quan đến tự do tôn giáo,” dựa trên sự “diễn giải sai trái chính sách công về tự do tôn giáo” năm 2018.

Vị linh mục nói rằng sự hiểu lầm này “khiến một số người nghĩ rằng những nơi thờ tự Công Giáo nằm trong các tòa nhà công cộng của nhà nước, chẳng hạn như Quốc hội,” phải bị dập tắt để tính trung lập mà một nhà nước không bị tổn hại. “

“Có sự trung lập của nhà nước, vâng, nhưng sự thờ phượng trung lập không tồn tại bởi vì hình thức thờ phượng là căn tính của một người trong mối quan hệ của anh ta với tâm linh. Vì vậy, không có các hình thức thờ phượng trung lập.”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Zen và liên hệ Trung Quốc - Vatican
Vu Van An
17:57 25/09/2022

Đầu óc ranh mãnh của Trung Quốc đối với Tòa Thánh tỏ rõ trong mấy tuần qua. Chắc chắn việc Tập Cẩn Bình qua Kazakhstan cùng một thời điểm với Đức Phanxicô nhưng từ chối gặp ngài dù được Tòa Thánh yêu cầu và việc họ đưa Đức Hồng Y Zen ra tòa vào tháng này, rõ ràng có liên hệ với những cuộc thương thảo để gia hạn thỏa thuận “tạm thời” giữa đôi bên.



Andrea, một chuyện viên về Vatican, trong bài “Pope Francis extends a hand to China” đăng trên CNA ngày 19 tháng 9, 2022 cũng nối kết vụ ra toà của Đức Hồng Y Zen với cuộc thương thảo trên khi cho rằng trong khi phiên toà xử Đức Hồng Y Zen đang diễn ra tại Trung Quốc, thì Tòa Thánh tiếp tục làm việc để gia hạn thỏa thuận Trung Quốc – Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục.

Có vẻ như không có thay đổi đáng kể nào đối với thỏa thuận, và sẽ được gia hạn thêm hai năm nữa bất chấp những lời chỉ trích.

Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp một số diễn biến.

Sự phát triển đầu tiên là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Pietro Parolin, đang rục rịch lo việc thành lập một phái bộ của Tòa thánh tại Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Il Messaggero trong chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kazakhstan, Đức Hồng Y Parolin nói rằng việc chuyển “phái bộ nghiên cứu” của Tòa Thánh từ Hồng Kông đến Bắc Kinh không phải là một khái niệm mới lạ và Tòa thánh đã sẵn sàng làm việc này.

“Tôi không nghĩ đó là một ý tưởng mới. Chúng tôi đã luôn làm cho nó hiện diện. Chúng tôi đang chờ tín hiệu từ Bắc Kinh, tín hiệu này vẫn chưa đến”.

“Phái đoàn nghiên cứu” ở Hồng Kông có vai trò rất quan trọng đối với mối liên hệ giữa Trung Quốc và Tòa thánh và là mục tiêu của vụ tấn công tin tặc vào năm 2020.

Theo truyền thống, phái bộ được liên kết với Tòa sứ thần ở Manila, Philippines. Trưởng phái đoàn là Đức ông José Luis Diaz Mariblanca Sanchez, người đã từng làm việc tại Indonesia, Algeria và Phủ Quốc vụ khanh. Vì hai nhà ngoại giao đã được chỉ định từ năm 2007, nó cũng bao gồm Đức ông Alvaro Ernesto Izurieta y Sea, xuất thân từ Buenos Aires, người đã ở Hồng Kông từ năm 2020.

Gagliarducci cho rằng việc di chuyển này có nghĩa mở ra một kênh ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên kể từ khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt vào năm 1951.

Đồng thời, vì một phái bộ nghiên cứu không phải là một sứ thần, nó mang ít trọng lượng hơn.

Để mở Tòa sứ thần ở Bắc Kinh, Tòa thánh sẽ phải đóng cửa Tòa sứ thần ở Trung Hoa, hiện có trụ sở tại Đài Bắc, do đó cắt đứt liên hệ với Đài Loan, vì Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn.

Tòa thánh là một trong 14 quốc gia duy trì liên hệ với Đài Loan. “Vào lúc này,” Đức Hồng Y Parolin nói, “mọi thứ vẫn như thế.”

Tuy nhiên, phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết họ cũng đã làm việc nhằm thay đổi một số điều khoản của thỏa thuận. Đức Hồng Y Parolin nói với CNA như thế, mặc dù không biết điều khoản nào của thỏa thuận có thể được điều chỉnh, vì đây là một thỏa thuận bí mật và các điều khoản của nó vẫn chưa được công khai.

Gagliarducci cũng đề cập đến việc Tòa Thánh muốn có cuộc gặp gỡ giữa Tập Cẩn Bình và Đức Phanxicô tại Kazakhstan, nhưng họ Tập đã không chịu gặp Đức Giáo Hoàng. Gagliarducci cho rằng trong vụ này, “ông Tập dường như đã chọc tức Đức Giáo Hoàng”.

Tuy nhiên, theo Il Messaggero, Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, nhân dịp này, đã ca ngợi “lòng nhân từ và tình thân ái” trong lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nữ phát ngôn viên cũng cho biết "Trung Quốc và Vatican duy trì liên lạc tốt" và họ sẵn sàng "duy trì đối thoại và hợp tác với Vatican và thực hiện quá trình cải thiện liên hệ."

Một diễn biến trước đó là cuộc họp của Hội nghị Munich về An ninh giữa Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, “bộ trưởng ngoại giao” của Vatican và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị, vào ngày 14 tháng 2 năm 2020.

Một diễn biến nữa là địa điểm được chọn cho vòng đàm phán mới nhất về việc gia hạn thỏa thuận trong năm nay: đó là Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc.

Vị trí này rất quan trọng về mặt biểu tượng, vì đây là một trong nhiều giáo phận bị trống tòa ở Trung Quốc kể từ năm 2005 - có nghĩa là, không có giám mục được nhà nước công nhận.

Các cuộc họp được tổ chức từ ngày 28 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9, và phái đoàn Vatican, theo báo cáo của Asia News, cũng đã đến thăm giám mục hầm trú Melchior Shi Hongzhen.

Vị Giám Mục 93 tuổi này đã được Giám mục Stephano Li Side của Giáo Hội hầm trú tấn phong bí mật làm giám mục phó của giáo phận với một giáo sĩ khác vào ngày 15 tháng 6 năm 1982.

Ngài kế nhiệm Giám mục Li Side, trở thành Giám mục của Thiên Tân vào ngày 8 tháng 6 năm 2019. Ngài đang sống trong sự quản thúc tại gia và chịu áp lực gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) được nhà nước bảo trợ, theo một báo cáo "Mùa Đông Đắng".

Trong một thế giới mà mọi điều đều phải được đọc bằng biểu tượng, đó là một tín hiệu mạnh mẽ từ Tòa Thánh: Phái đoàn muốn chứng minh rằng mặc dù mong muốn tiến hành một cuộc đối thoại, tình hình của người Công Giáo ở Trung Quốc vẫn không bị lãng quên.

Diễn biến mới nhất là việc bầu cử Giám mục Joseph Li Shan của Bắc Kinh làm chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Hiệp hội trên, được thành lập năm 1957, là cơ quan của chính phủ nhằm kiểm soát Giáo hội. Các linh mục và giám mục Công Giáo buộc phải thể hiện thiện chí và tuân theo các yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Việc bổ nhiệm Li Shan dường như là một dấu hiệu tiếp theo của một mối liên hệ hợp tác: ngài đã được tấn phong vào năm 2007, với sự đồng ý của Tòa thánh, trước khi có thỏa thuận Trung quốc-Vatican vào năm 2018.

Đó là một động thái cho thấy mối liên hệ được cải thiện sau bức thư gây ảnh hưởng của Đức Bênêđíctô XVI gửi người Công Giáo Trung Quốc. Li Shan, người gần đây đã lên tiếng công khai ủng hộ chính sách Trung Quốc hóa tôn giáo của chính phủ, cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn, đã hy vọng vào chuyến thăm của Đức Bênêđictô XVI tới Trung Quốc.

Những phát triển này cho thấy việc gia hạn thỏa thuận đang được tiến hành nhanh chóng.

Theo các nguồn tin truyền giáo, thỏa thuận sẽ được tiếp tục mà không có thay đổi. Do đó, Đức Giáo Hoàng sẽ phải kiên trì trong các nỗ lực đối thoại với Trung Quốc, đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục, không bị cản trở, gây áp lực với các tôn giáo, bao gồm cả Công Giáo.

Theo Gagliarducci, Tòa Thánh biết rõ thế dễ bị tổn thương của mình, nhưng vẫn tiếp tục cuộc đối thoại, ông trích dẫn lời một trong những người tham gia đàm phán nói với ACI Stampa, cơ quan đối tác của CNA ở Ý: “Tòa thánh giơ ra một bàn tay, nhưng nó biết rằng ở phía bên kia có một con dao, và lưỡi dao đang hướng về phía tay chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi đưa tay ra, bàn tay của chúng tôi bị chảy máu. Ấy thế nhưng, chúng ta phải tiếp tục giơ tay ra”.

Không nên hy sinh Đức Hồng Y Zen vì Trung Quốc

Đức Hồng Y Gerhard Muller xem ra không thích giơ tay ra khi vết thương là Đức Hồng Y Zen. Theo UCA, ngài bảo: Tòa Thánh “không nên hy sinh Đức Hồng Y Zen vì Trung Quốc”. Ngài chỉ trích việc thiếu hỗ trợ Đức Hồng Y Zen trong mật nghị Hồng Y vừa qua.

Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Ý, Il Messagero (Sứ Giả), ngài nói rằng trong mật nghị ấy, không một viên chức cao cấp nào của Tòa Thánh hay ngay Đức Giáo Hoàng nhắc chi tới Đức Hồng Y Zen hay phiên tòa xử ngài. Ngài phát biểu “Tháng tới sẽ có phiên toà bất công. Không ai nêu câu hỏi nghiêm trọng về người anh em Zen của chúng ta. Cả Niên trưởng [Hồng Y đoàn], Đức Hồng Y Re [Giovanni Batista Re] lẫn Hồng Y Quốc Vụ Khanh Parolin, cả Đức Giáo Hoàng cũng không. Không có một văn kiện liên đới, không có cả sáng kiến cầu nguyện”.

Theo ngài, “đáng lý ra mật nghị đặc biệt nên là cơ hội để tuyên bố tình liên đới trọn vẹn với Đức Hồng Y Zen nhân danh mọi Hồng Y thuộc Hồng Y đoàn”.

Đức Hồng Y Muller nói rằng hiển nhiên có “những lý do chính trị” khiến Tòa Thánh không đưa ra sáng kiến nào để ủng hộ Đức Hồng Y. Ngài phát biểu: “Tôi muốn nói tới thỏa thuận của Tòa Thánh về việc bổ nhiệm Giám Mục [tại Trung Quốc] mà Tòa Thánh mới đây ký với chính phủ Tập Cẩn Bình”.

Ai cũng biết Đức Hồng Y Zen là một trong những người chỉ trích thỏa thuận mạnh mẽ nhất, coi nó như một phản bội đối với Giáo Hội hầm trú Trung Hoa. Với Đức Hồng Y Muller nó không hề phục vụ lợi ích của Tòa Thánh cũng như Thị quốc Vatican. Ngài nghĩ rằng Giáo Hội nên tự do hơn và ít bị ràng buộc vào luận lý thế lực trần tục để có thể tự do hơn trong việc can thiệp và, nếu cần, chỉ trích các chính trị gia đàn áp nhân quyền.

Đức Hồng Y Zen được ca ngợi là “người của Thiên Chúa”

Trong khi ấy, Elise Ann Allen của CruxNow, tường thuật việc một vị Hồng Y có tiếng tăm đã lên tiếng ca ngợi Đức Hồng Y Zen như một người Trung Hoa chân chính và một chứng nhân đáng tin cậy của Chúa Kitô.

Vị Hồng Y ấy không là ai khác mà chính là Đức Hồng Y Fernando Filoni, cựu Bộ trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, người từng tới thăm Việt Nam đầu năm 2015.

Thực vậy, trong một bức thư công bố ngày 23 tháng 9, 2022 trên tờ báo Ý Avvenir, vị Hồng Y trên viết: “Ngài [Đức Hồng Y Zen] là một người Trung Hoa chân chính. Không ai trong số những người tôi biết, có thể, tôi xin nói, là chân thực và trung thành như ngài”. Đức Hồng Y Filoni xác tín rằng “Đức Hồng Y Zen sẽ không bị kết án”.

Ngài viết thêm, “Hồng Kông, Trung Quốc, và Giáo Hội có nơi ngài một người con tận tụy không phải xấu hổ vì nó. Đây là một chứng ngôn của sự thật”.

Năm nay 76 tuổi, Đức Hồng Y Filoni hiện là Tổng quyền Dòng Mộ Thánh và là cựu Bộ trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc. Chịu chức linh mục năm 1970, ngài phục vụ tại các tòa sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka, Iran, Brazil, và Phi Luật Tân, nơi ngài được cử nhiệm làm sứ thần vào năm 2006, sau 5 năm làm khâm sứ Tòa Thánh tại Iraq và Jordan. Năm 1992, Đức Gioan Phaolô II phái ngài qua Hồng Kông lúc đó còn thuộc Anh, để nghiên cứu tình hình Giáo Hội tại Trung Hoa. Chính tại đây ngài gặp Đức Hồng Y Zen.

Trong lá thư của ngài, Đức Hồng Y Filoni nhắc đến các nhân vật Kinh Thánh từng chết vì nói sự thật, trong đó, có Gioan Tẩy Giả và chính Chúa Giêsu. “Ngày nay, một phiên tòa khác cũng đang diễn tiến, ở Hồng Kông. Một thành phố tôi yêu mến rất nhiều vì đã sống ở đó hơn 8 năm trời”, ngài viết thế, nhắc lại việc ngài gặp Đức Hồng Y Zen lần đầu tiên ra sao, lúc ấy Đức Hồng Y Zen còn là giám tỉnh của Dòng Salêdiêng.

Đức Hồng Y Filoni viết rằng Đức Hồng Y Zen là “một người Trung Hoa trọn vẹn. Rất thông minh, sắc sảo, với nụ cười lôi cuốn”.

Ngài nói, lúc ấy, Zen còn là một giáo sư triết học và đạo đức học được yêu mến. Ngài nói sõi tiếng Ý và hiểu thấu đáo nền văn hóa Âu châu, từng theo học các trường ở Châu Âu lúc còn trẻ. Tuy nhiên, ngài không bao giờ quên nền văn hóa riêng của ngài, và “thực sự vẫn là người Trung Hoa”.

Đức Hồng Y Filoni mô tả Đức Hồng Y Zen như một con người sống “cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hóa” và là người làm ngài ngạc nhiên như “một nguyên mẫu của tính liên văn hóa’ nhắc ta nhớ các tư tưởng gia xưa của Trung Hoa như Xu Guangqi, hay Giám Mục Dòng tên của Thượng Hải, Aloysius Jin Luxian.

Thượng Hải có lúc đã được mệnh danh là “thành phố tử đạo”, nơi, nhiều thành viên của gia đình Zen là nạn nhân của xâm lược Nhật, buộc phải trốn chạy bỏ lại mọi của cải. “Chàng thanh niên Zen không bao giờ quên được kinh nghiệm ấy và rút tỉa từ đó tính nhất quán cho tính tình và lối sống của mình; và rồi tình yêu vĩ đại dành cho tự do và công lý”.

Cho rằng Thượng Hải cũng là quê hương của nhiều anh hùng, Đức Hồng Y Filoni cho hay, “Đức Hồng Y Zen là một trong những đệ tử cuối cùng của các gia đình này”. Ngài viết, Đức Hồng Y Zen “nhìn phía trước và không hề phán đoán đối với người ta: đó là triết lý sống của ngài; ngài nói, hệ thống chính trị có thể bị xét đoán, và suy nghĩ của ngài về chúng rất rõ ràng, nhưng người ta thì không thể bị xét đoán; xét đoán được giành cho Thiên Chúa, Đấng biết lòng con người”.

Việc Đức Hồng Y Zen tôn trọng và hỗ trợ con người luôn là “trụ cột của viễn ảnh nhân bản và tư tế của ngài. Đến nay vẫn thế, dù hiện nay, ngài đang bị điệu ra tòa.

Đức Hồng Y Filoni viết thêm, “Chính trực về luân lý và lý tưởng được coi là ở cấp độ cao nhất khi Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục và Đức Bênêđíctô XVI nâng ngài lên hàng Hồng Y”. Một số người có thể coi ngài thiếu mềm mỏng. Nhưng “ai mà không như thế khi đối đầu với các bất công và đòi hỏi tự do mà bất cứ hệ thống chính trị và dân sự chân chính nào cũng nên bênh vực?”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân.
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:08 25/09/2022
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân.

“ Hôm nay, tại ngôi thánh đường thân yêu của giáo xứ, chúng ta quy tụ những bệnh nhân, nam cũng như nữ, giầu cũng như nghèo, cao niên cũng như trẻ tuổi đến lãnh nhận các Bí tích và tham dự Thánh lễ tạ ơn chuẩn bị mừng bổn mạng giáo xứ”. Đó là lời chia sẻ của Lm chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ trong Thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân diễn ra lúc 9g30 Chúa nhật 25/09/2022 tãi giáo xứ Tân Việt giáo hạt Tân Sơn Nhì.

Xem Hình

Lúc 9g, ban Caritas, quý chức và các đoàn thể đón tiếp các bệnh nhân để quý cha ban các Bí tích Xức Dầu cho các bệnh nhân.

Đầu lễ. Lm chủ to nhắn nhủ: Sáng nay chúng ta đón nhận các bệnh nhân trong giáo xứ đến hiệp dâng Thánh lễ để cùng nhau tạ ơn Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã ban.

Chia sẻ Tin mừng Lm chủ tế nói: Trong ánh sáng của lời Chúa hôn nay, hình ảnh ông phú hộ giầu có, tiệc tùng linh đình, còn ngay ở bên ngoài là một người nghèo đói chỉ mong được ăn những thức ăn thừa trên bàn rơi xuống mà không được.Thấy người nghèo khổ như vậy mà ông phú hộ vẫn dửng dưng xem như không có gì. Rồi một ngày cái chết tìm đến, chúng ta thấy hình ảnh ngược lại, khi chết người nghèo khó Lazaro được lên thiên đàng và nằm trong lòng tổ phụ Apraham, còn ông phú hộ được một đám tang linh đình nhưng phần hồn phải vào luyện ngục.

Hôm nay tại ngôi Thánh đường thân yêu của giáo xứ những bệnh nhân, nam cũng như nữ, giầu cũng như nghèo, cao niên cũng như trẻ tuổi đến để lãnh nhận các Bí tích và tham dự Thánh lễ tạ ơn chuẩn bị mừng bổn mạng giáo xứ.

Ước mong sao anh chị em luôn biết cậy dựa vào Chúa dù trong mọi nghịch cảnh nào để cuộc sống chúng ta luôn có sự bình an.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau khi ban phép lành cuối lễ, Quý cha gởi đến các bệnh nhân một món quà tượng trưng cho tấm lòng của cộng đoàn của giáo xứ.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g trong niềm vui của toàn thể cộng đoàn giáo xứ.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
VietCatholic TV
Lính Nga trao ra Đại Tá Nga được định cư ở nước khác. Thủ đoạn tàn bạo nhằm cản đà tiến quân Ukraine
VietCatholic Media
03:10 25/09/2022


1. Lính Nga bắt sống đại tá Nga ra lệnh tra tấn thường dân ở Kherson được dàn xếp định cư ở quốc gia khác

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã xác định viên đại tá Nga đã ra lệnh cho quân đội tra tấn dân thường, cướp phá và hãm hiếp ở Kherson bị chiếm đóng.

Cơ quan an ninh của Ukraine, gọi tắt là SBU, đã chỉ đích danh Oleksandr Naumenko thuộc đơn vị Vệ binh Rostov là thủ phạm của các tội ác chiến tranh nghiêm trọng ở Kherson.

Báo cáo của SBU được công bố hôm nay cho thấy Naumenko đã phụ trách các lực lượng Nga ở Kherson kể từ tháng Ba.

Báo cáo viết: “Theo lệnh của ông ta, việc bắt giữ, tra tấn cư dân địa phương bất hợp pháp, xâm nhập vào nhà của họ, cưỡng hiếp phụ nữ và chiếm hữu tài sản đang diễn ra.”

Naumenko - có biệt danh là Alfa - cũng đứng sau các cuộc tấn công các cuộc biểu tình ôn hòa chống Nga trong lãnh thổ bị chiếm đóng.

Người ta hiểu rằng đích thân ông ta đã tham gia và ra lệnh cho quân đội Nga giải tán đám đông bằng cách sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay.

Báo cáo cũng tuyên bố rằng theo chỉ thị của ông, quân đội Nga đã bắt cóc nhiều người Ukraine và tra tấn họ trong vài tuần.

Naumenko là phó chỉ huy trưởng trung đoàn Rosgvardia được đánh giá cao của Putin. Đó là lực lượng bảo vệ Điện Kremlin và các tòa nhà chính phủ khác trên khắp nước Nga.

SBU ra lệnh truy nã viên đại tá này và tuyên bố thưởng tiền mặt và dàn xếp cho định cư ở nước khác các binh lính Nga bắt sống và giao nộp viên đại tá ác ôn này.

2. Bộ Tư lệnh Vương quốc Anh cho biết các chỉ huy Nga 'ngày càng lo ngại' trước những thất bại

Lực lượng Nga có thể đang cố gắng tấn công các con đập ở Ukraine để làm tràn ngập các điểm giao thông quân sự của Ukraine trong bối cảnh Nga lo ngại về thất bại của chiến trường, tình báo Anh cho biết như trên trong bản tin tình báo mới nhất.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày mới nhất của mình rằng các cuộc tấn công “không có khả năng gây gián đoạn đáng kể cho các hoạt động của Ukraine do khoảng cách xa giữa các đập bị hư hại và các khu vực chiến đấu”.

Bản tin cho biết các lực lượng Nga đã tấn công đập Pechenihy trên sông Siverskyi Donets bằng hỏa tiễn đạn đạo hoặc vũ khí tương tự trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm sau khi tấn công một con đập gần Krivyy Rih ở miền trung Ukraine vào tuần trước.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào ngày 21 và 22 tháng 9 năm 2022, Nga tấn công Đập Pechenihy trên sông Siverskyy Donets bằng cách sử dụng hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn hoặc vũ khí tương tự. Điều này xảy ra sau một cuộc tấn công vào Đập Karachunivske gần Krivyy Rih ở miền trung Ukraine vào ngày 15 tháng 9 năm 2022.

Các lực lượng Ukraine đang tiến xa hơn về phía hạ lưu dọc theo cả hai con sông. Khi các chỉ huy Nga ngày càng lo ngại về những thất bại trong hoạt động của họ, họ có thể đang cố gắng tấn công các cửa của các con đập, để làm ngập các điểm giao thông quân sự của Ukraine.

Các cuộc tấn công không chắc đã gây ra gián đoạn đáng kể cho các hoạt động của Ukraine do khoảng cách xa giữa các con đập bị hư hại và các khu vực tác chiến.

3. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu cho biết những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Vladimir Putin trong cuộc chiến ở Ukraine phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, thường được mô tả như Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, cảnh báo “thời điểm nguy hiểm” đã đến trong cuộc xâm lược khi quân đội Nga phải đối mặt với một số thất bại.

Ông nói với BBC: “Chắc chắn đó là một thời điểm nguy hiểm vì quân đội Nga đã bị đẩy vào tình thế khó khăn, thất bại nhục nhã, và phản ứng của Putin là đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là một điều rất tồi tệ.”

Ông nói thêm, cần phải đạt được một giải pháp ngoại giao “bảo tồn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine.

Ông Josep Borrell đã đưa ra lập trường trên trong bối cảnh Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Dmitry Bulgakov, người phụ trách hậu cần quân sự kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraine, đã bị cách chức, và bị thay bằng Thượng Tướng Mikhail Mizintsev, một người khét tiếng tàn bạo được các phương tiện truyền thông Ukraine và phương Tây gọi là “tên đồ tể thành Mariupol”.

Việc cách chức Bulgakov và thăng chức Mikhail Mizintsev đang được nhiều người coi là một ý định leo thang chiến tranh của Putin.

4. Người Nga nên ở lại và chiến đấu chống lại Putin

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu cho biết Âu Châu nên mở cửa cho những người Nga chạy trốn

Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Âu Châu, đã kêu gọi Âu Châu thể hiện “sự cởi mở với những người không muốn bị Điện Cẩm Linh xung vào đội quân xâm lược ở Ukraine”

Michel đã đưa ra lập trường trên sau bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào hôm thứ Sáu và trước cuộc họp quan trọng của các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu vào ngày thứ Hai trong khuôn khổ Ứng phó với khủng hoảng chính trị tổng hợp của Liên Hiệp Âu Châu.

Về nguyên tắc, tôi nghĩ rằng… Liên minh Âu Châu nên tiếp nhận những người đang gặp nguy hiểm vì chính kiến của họ. Nếu ở Nga, người ta gặp nguy hiểm vì ý kiến chính trị của họ, vì họ không tuân theo quyết định điên rồ này của Điện Cẩm Linh trong việc phát động cuộc chiến này ở Ukraine, chúng ta phải cân nhắc điều này.

Ông nói thêm: “Tôi đồng ý về ý kiến rằng chúng ta nên nhanh chóng hợp tác và phối hợp vì cuộc động viên bán phần này là một thực tế mới”

Đáp lại ý kiến này của Ông Michel, Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis, cho biết nước này sẽ không cấp quyền tị nạn cho những người Nga chạy trốn khỏi đất nước.

“Người Nga nên ở lại và chiến đấu chống lại Putin.”

Tổng thống Phần Lan cũng chia sẻ ý kiến của Lithuania. Tổng thống Sauli Niinistö và Hội Đồng Bộ Trưởng đã đề xuất những hạn chế đáng kể trong việc cấp thị thực cho công dân Nga nhập cảnh vào nước này sau những báo cáo cho thấy số người băng qua biên giới Nga-Phần Lan tăng gấp đôi trong vài ngày qua.

Vài giờ sau khi Điện Cẩm Linh gây chấn động nước Nga khi tuyên bố động viên lần đầu tiên sau thế chiến thứ hai, với ít nhất 300,000 quân, nam giới trong độ tuổi nhập ngũ đổ xô rời khỏi đất nước.

Theo BBC, hàng dài xe cộ chờ đợi để vượt biên giới giữa Nga và Georgia dài khoảng 10km, nơi mọi người đã chờ đợi hơn 20 giờ để vượt qua.

Đầu tuần này, bốn trong số năm quốc gia Liên Hiệp Âu Châu có biên giới với Nga tuyên bố sẽ không cho phép người Nga nhập cảnh bằng thị thực du lịch nữa.

“Tôi sẽ lái xe qua biên giới tối nay,” một trung sĩ 29 tuổi thuộc quân đội Nga, Oleg, nói với tờ The Guardian của Anh. “Tôi không biết khi nào tôi sẽ đặt chân trở lại Nga một lần nữa,” anh nói thêm, đề cập đến án tù mà những người đàn ông Nga phải đối mặt vì trốn tránh quân dịch.

5. Cựu Thủ tướng Nga nhận xét rằng trò đùa hạt nhân của Putin được thiết kế để 'dọa mọi người'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Nuclear 'Bluff' Designed to 'Scare People': Ex-PM of Russia”, nghĩa là “Cựu Thủ tướng Nga nhận xét rằng trò đùa hạt nhân của Putin được thiết kế để 'dọa mọi người'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Những lời đe dọa hạt nhân của Vladimir Putin chỉ là một “trò lừa bịp” bởi vì ông ta đang hoảng sợ về sai lầm của mình trong cuộc xâm lược Ukraine, cựu thủ tướng của Putin nói.

Khi tuyên bố huy động một phần lực lượng dự bị để bù đắp tổn thất của mình ở Ukraine, Tổng thống Nga cáo buộc các nước NATO đang cố gắng “tống tiền” Mạc Tư Khoa bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo ông sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện hiện có để bảo vệ Nga và nhân dân Nga.”

Bài nói chuyện của Putin hôm thứ Tư được giải thích bên ngoài nước Nga là dấu chỉ báo hiệu ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để giành lại chiến thắng sau khi rút lui nhục nhã khi đối mặt với cuộc phản công của Kyiv trong cuộc chiến.

Nhưng Mikhail Kasyanov, người từng là người đứng đầu chính phủ của Putin từ năm 2000 đến năm 2004, bác bỏ khả năng ông chủ cũ của mình sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông nói với Newsweek: “Ông ta đã cố gắng khiến mọi người sợ hãi vì việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một trò lừa bịp”.

“Tôi không nghĩ ông ta dám chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân vì lý do đơn giản là ông ta nhận ra bản thân mình sẽ bị trừ khử ngay lập tức,” Kasyanov nói với Newsweek, “đó sẽ là dấu chấm hết cho sự cai trị của ông ta ngay lập tức và đó sẽ là một kết quả thảm khốc.”

“Ông ta đang cố gắng để dọa mọi người, ông ta đã làm điều đó một vài lần vào đầu năm nay,” Kasyanov nói.

Ngay sau khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Trong nhiều tháng qua, truyền hình nhà nước Nga đã định hình cuộc chiến như một trận chiến giữa phương Tây và Nga, mục tiêu này có thể được đẩy nhanh nếu Điện Cẩm Linh lôi ra các đầu đạn từ trong kho có khoảng 6.000 đầu đạn của mình.

Trong vài tháng qua, Hoa Kỳ đã gửi các công hàm tới Mạc Tư Khoa để cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng.

Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã viết trên Telegram hôm thứ Năm rằng sau khi tổ chức “cuộc trưng cầu dân ý”, lãnh thổ ở miền đông Ukraine sẽ được “chấp nhận vào Nga” và sẽ được bảo vệ. Các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn khu vực bị chiếm đóng của Ukraine đã khai mạc vào thứ Sáu.

Thủ tướng Medvedev cho biết Nga sẽ sử dụng các lực lượng được huy động và “bất kỳ vũ khí nào của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược và vũ khí sử dụng các nguyên tắc mới”, ám chỉ vũ khí siêu thanh được chào mời nhiều của Mạc Tư Khoa, để bảo vệ vùng đất thôn tính đó.

Nhưng Kasyanov nói rằng Putin “đã quyết định chơi con bài cuối cùng của mình trong trò chơi này”, nhằm cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây về việc ông tin rằng mình có “quyền sử dụng vũ khí hạt nhân bất hợp pháp” để bảo vệ các vùng lãnh thổ bị sáp nhập.

Hàng nghìn người đàn ông trên khắp nước Nga đã được trao giấy gọi nhập ngũ buộc họ phải chiến đấu ở Ukraine sau sắc lệnh huy động một phần dân số của Putin, làm dấy lên cuộc biểu tình lớn nhất ở nước này kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

“Sắc lệnh của ông ấy là động viên một phần nhưng trên thực tế đó là tổng động viên vì tất cả nam giới từ 18 đến 55 tuổi đều phải tham gia chiến tranh,” Kasyanov nói, khi ông dự đoán rằng các cuộc biểu tình sẽ dồn dập và cuối cùng có thể dẫn đến việc lật đổ Putin.

Kasyanov tin rằng điều này cho thấy Putin “nhận ra rằng ông đã sai lầm khi bắt đầu cái gọi là hoạt động quân sự, trong cuộc chiến đẫm máu chống lại Ukraine. Hắn ta đang kêu gọi cả nước Nga bảo vệ chính hắn chứ không phải bảo vệ Tổ quốc “.

“Sự thành công của các lực lượng Ukraine đã đưa hắn ta đến một vị trí tuyệt vọng và hắn ta đang hoảng loạn.”

Kasyanov từng làm việc trong chính quyền của cựu Tổng thống Boris Yeltsin vào những năm 1990 trước khi giữ chức thủ tướng đầu tiên của Putin từ năm 2000 đến 2004. Ông trở thành nhà phê bình nổi bật đối với tổng thống đương nhiệm, và hiện là lãnh đạo Đảng Tự do Nhân dân, gọi tắt là PARNAS.

Kasyanov hiện không còn ở Nga, đang suy nghĩ về việc ông chủ cũ của mình đã thay đổi nhiều như thế nào, từ nhà lãnh đạo đã ủng hộ các cải cách trong nội các của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên, thành một kẻ độc tài đã xâm lược nước láng giềng và đang đe dọa chiến tranh hạt nhân.

“Ở thời của tôi và thời của Yeltsin, Putin chỉ muốn được nhìn nhận như một nhà dân chủ. Hiện giờ, ông ta là một Putin thực sự, một sĩ quan KGB với một thế giới quan rất khác và hoàn toàn không bình thường”.

“Tôi thậm chí không thể tưởng tượng chúng tôi có thể ra đến nông nỗi như bây giờ.”

6. Hơn 730 người biểu tình Nga bị giam giữ trong các cuộc biểu tình hôm thứ Bẩy

Ba ngày sau khi Putin ra lệnh động viên bán phần, một quyết định đầu tiên của nước này kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, hơn 730 người đã bị bắt giữ trên khắp nước Nga trong các cuộc biểu tình phản đối lệnh động viên.

Nhóm giám sát độc lập các cuộc biểu tình OVD-Info cho biết họ đã biết về các vụ giam giữ ở 32 thành phố, từ Saint Petersburg đến Siberia.

Các cuộc biểu tình dù ôn hòa vẫn bị xem là bất hợp pháp theo luật của Nga, luật này cũng cấm mọi hoạt động được coi là bôi nhọ lực lượng vũ trang.

Một tấm biểu ngữ do một phụ nữ ngồi trên xe lăn cầm tại một cuộc biểu tình ở Mạc Tư Khoa có dòng chữ: “Bạn có muốn giống như tôi không?”

Các viên chức cảnh sát Nga đã tỏ ra rất mạnh tay với những người tham dự các cuộc biểu tình. Các phương tiện truyền thông Nga ủng hộ Putin hô hào bắt những người biểu tình phải gia nhập quân đội ngay tức khắc.

7. Dự luật sáp nhập các phần Ukraine do Nga chiếm đóng vào Nga

Hãng thông tấn nhà nước Tass cho biết, Duma, hay Hạ Viện Nga, có thể tranh luận về các dự luật hợp nhất các vùng do Ukraine chiếm đóng vào Nga vào ngày 29 tháng 9.

Mạc Tư Khoa đã tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga 4 khu vực bị chiếm đóng của Ukraine vào hôm thứ Sáu, thu hút sự lên án từ Kyiv và các quốc gia phương Tây. Họ đã bác bỏ các cuộc bỏ phiếu là một sự giả tạo và cam kết không công nhận kết quả.

Tass dẫn lời Denis Pushilin, người đứng đầu khu vực ly khai Donetsk của Ukraine do Nga hậu thuẫn, nói rằng các ưu tiên của ông sẽ không thay đổi một khi khu vực này là một phần của Nga.

Tass dẫn lời một nguồn tin Duma cho biết Hạ Viện Nga có thể tranh luận về một dự luật về việc sáp nhập các vùng do Nga chiếm đóng vào Ukraine ngay từ thứ Năm, hai ngày sau khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý ở bốn tỉnh của Ukraine.

Cơ quan Interfax dẫn lời một nguồn tin cho biết thượng viện có thể xem xét dự luật cùng ngày, và RIA Novosti, cũng trích dẫn một nguồn tin, cho biết Putin có thể đang chuẩn bị đưa ra một bài phát biểu chính thức cho một phiên họp chung bất thường của cả hai viện vào hôm thứ Sáu tới đây.

Một quan chức ở vùng Luhansk thông báo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sau hai ngày bỏ phiếu là 45.9% trong khi ở Zaporizhzhia là 35.5%. Việc bỏ phiếu sẽ kết thúc vào thứ Ba.

Theo các phương tiện truyền thông Nga, một luật mới được Putin ký hôm thứ Bảy cho biết quân đội Nga từ chối chiến đấu, đào ngũ, bất tuân lệnh cấp trên hoặc đầu hàng quân Ukraine có thể phải đối mặt với mức án lên đến 10 năm.

Luật này đã được Quốc hội Nga thông qua vào đầu tuần này.
 
Sứ Điệp của ĐTC từ Assisi. Cuộc tuần hành Phò sinh Ba Lan. Tình trạng của các tín hữu Kitô ở Ả Rập
VietCatholic Media
05:22 25/09/2022


1. Cuộc tuần hành Phò sinh và Phò Gia đình của Ba Lan thu hút 10.000 người tham gia

Ước tính có khoảng 10.000 người đã đi qua các đường phố ở thủ đô của Ba Lan vào hôm Chúa Nhật để tham gia cuộc tuần hành vì Cuộc sống và Gia đình.

Pawel Ozdoba, chủ tịch của Trung tâm Cuộc sống và Gia đình, nơi chịu trách nhiệm tổ chức cuộc tuần hành, nói với CNA: “Các cuộc tuần hành tương tự được tổ chức trong suốt cả năm ở 150 thị trấn và thành phố ở Ba Lan, và quy tụ hàng trăm nghìn người.”

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chào mừng những người tham gia trong một thông điệp video đặc biệt.

“Tôi rất vui vì các bạn lại được diễu hành qua các đường phố của Warsaw,” ông nói. “Ông bà, cha mẹ, con cái và cha mẹ tạo thành một cộng đồng vui vẻ tuyệt vời ở đây ngày hôm nay. Các bạn đang cùng nhau đưa ra chứng tá công khai về cam kết của mình đối với những lý tưởng cao quý nhất. Các bạn bày tỏ niềm tin rằng một gia đình mạnh mẽ có nghĩa là một tương lai thành công cho đất nước của chúng ta. Tôi cảm ơn các bạn từ trái tim vì điều này “.

Cuộc tuần hành vào ngày 18 tháng 9 bắt đầu bằng buổi hòa nhạc của ban nhạc nổi tiếng Con Thuyền Ông Nôe, sau đó là một số bài phát biểu. Ozdoba giải thích lý do tại sao phương châm của năm nay là “Tôi ưng thuận”, là một thành ngữ từ lời thề trong thánh lễ hôn phối.

Ông nói: “Năm nay chúng tôi muốn nhắc nhở các cặp vợ chồng và những người được mời gọi kết hôn về ý nghĩa và tầm quan trọng của lời thề hôn nhân. Theo đó, việc lặp lại lời thề hôn nhân diễn ra trước khi cuộc tuần hành bắt đầu. Nghi thức do Cha Bogdan Bartold, chánh xứ Nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Warszawa chủ tế.

Những người tham gia cuộc tuần hành đi qua các đường phố của Warsaw cầm trên tay những quả bóng bay đầy màu sắc và cờ đỏ trắng. Họ cũng mang theo những biểu ngữ với những thông điệp như: “Cuộc sống thật tươi đẹp”, “Cầu mong cho con cái được sống”, “Tôi chọn cuộc sống” hay “Thiên chức làm cha bắt đầu từ lúc thụ thai.” Ngoài ra, vợ hoặc chồng còn mang những huy hiệu đặc biệt trên đó ghi tên họ và số năm chung sống.
Source:Catholic News Agency

2. Tình trạng của các tín hữu Kitô ở Bán đảo Ả Rập được cải thiện một chút

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể có chuyến công du tới Bahrain vào tháng 11. Điều này vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, Đức Cha Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa nghỉ hưu của Nam Ả Rập, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và Yemen, lưu ý rằng đã có một số cải thiện đối với các Kitô hữu ở hầu hết các quốc gia thuộc Bán đảo Ả Rập. Vị Giám Mục thuộc dòng Capuchin người Thụy Sĩ, 80 tuổi, đã nghỉ hưu những được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa ở Bắc Ả Rập bao gồm Kuwait, Bahrain, Qatar và Ả Rập Xê Út, lưu ý rằng công việc của Giáo hội tại khu vực này về cơ bản là việc mục vụ dành cho người di cư. Giáo hội địa phương có từ 2,5 triệu đến 3 triệu tín hữu thuộc hơn 100 quốc tịch. Mặc dù việc truyền giáo cho những người theo đạo Hồi bị cấm, nhưng việc cải đạo của những người không theo đạo Hồi vẫn diễn ra khá thường xuyên. Đức Cha Hinder cho biết Vương quốc Bahrain có chính sách tôn giáo khá tự do, cho phép cho các hoạt động bác ái và trường học Công Giáo. Về bản chất, vị Giám Quản Tông Tòa cho rằng chuyến thăm có thể có của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể có những tác động tích cực, đặc biệt chuyến đi đến Abu Dhabi vào năm 2019.
Source:Cath.ch

3. Linh mục nhận xét rằng nỗ lực đóng cửa nhà nguyện ở Quốc Hội Colombia là một cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo

Cha Raúl Ortiz, giám đốc Ủy ban Giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Colombia, nhận xét rằng đề xuất của Nghị sĩ Juan Carlos Losada nhằm chuyển đổi nhà nguyện Công Giáo nằm trong tòa nhà Quốc hội Colombia thành một “nơi thờ phượng trung lập” là “sự đàn áp Giáo Hội Công Giáo”.

Vào ngày 14 tháng 9, Losada, một thành viên của Đảng Tự do, đã thông báo trên Twitter rằng ông đã đưa ra một đề xuất tại Hạ viện để biến “nhà nguyện Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu trong Tòa Nhà Quốc hội thành một nơi thờ phượng trung lập”.

Tài liệu được giới thiệu vào ngày 13 tháng 9 và được ký bởi các Nghị sĩ Alirio Uribe của Đảng Hiệp ước Lịch sử, tức là liên minh cánh tả của Tổng thống Gustavo Petro, và Luis Alberto Albán của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, hiện đã chính thức tan rã..

Nỗ lực đóng cửa nhà nguyện Công Giáo này đã bị một số thành viên Quốc hội và các nhà lãnh đạo Công Giáo lên án.

Động thái này diễn ra ba tuần sau khi nhà nguyện Công Giáo tại Sân bay Quốc tế El Dorado bị đóng cửa để chuyển thành “không gian phản ánh trung lập” cho tất cả các tôn giáo.

Đức Cha Juan Vicente Córdoba, giám mục Fontibón, vùng ngoại ô Bogotá nơi có sân bay, cho biết công ty quản lý sân bay đã đóng cửa nơi thờ tự Công Giáo sau thông báo của Văn phòng Thị trưởng Bogotá nhằm đẩy Giáo Hội Công Giáo ra khỏi đó.

Phát biểu với EWTN News, Cha Ortiz chỉ ra rằng “gần đây chúng tôi đang chứng kiến một làn sóng can thiệp liên quan đến tự do tôn giáo,” dựa trên sự “diễn giải sai trái chính sách công về tự do tôn giáo” năm 2018.

Vị linh mục nói rằng sự hiểu lầm này “khiến một số người nghĩ rằng những nơi thờ tự Công Giáo nằm trong các tòa nhà công cộng của nhà nước, chẳng hạn như Quốc hội,” phải bị dập tắt để tính trung lập mà một nhà nước không bị tổn hại. “

“Có sự trung lập của nhà nước, vâng, nhưng sự thờ phượng trung lập không tồn tại bởi vì hình thức thờ phượng là căn tính của một người trong mối quan hệ của anh ta với tâm linh. Vì vậy, không có các hình thức thờ phượng trung lập.”
Source:Catholic News Agency
 
Tai họa hạt nhân: Putin thanh trừng tướng lĩnh, đưa Tướng Đồ Tể lên. Chính khách Pháp nhận tiền Nga
VietCatholic Media
16:45 25/09/2022


1. Ukraine cho biết Tướng 'Đồ tể' Nga được thăng chức sẽ xây dựng 'lò sát sinh'

Trong một diễn biến cho thấy Putin đang tìm cách đối phó với các thất bại liên tục trên chiến trường một vị tướng Nga bị các quan chức Ukraine lên án là “đồ tể” đã được thăng chức thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian 'Butcher' General Promoted, Will Build 'Slaughterhouse': Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Tướng 'Đồ tể' Nga được thăng chức sẽ xây dựng 'lò sát sinh'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một vị tướng Nga bị các quan chức Ukraine lên án là “đồ tể” đã được thăng chức lên một vị trí quân sự cấp cao trong chính phủ Mạc Tư Khoa.

Theo Tạp chí Odessa, hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã được thăng chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thay thế Tướng Dmitry Bulgakov, người đã giữ chức vụ này từ năm 2010. Hiện tại vẫn chưa rõ lý do tại sao. Bulgakov đã bị thay thế, với báo cáo chính thức nói rằng anh ta “đã bị thôi giữ chức vụ và chuyển sang một công việc khác”.

“Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, chịu trách nhiệm về hậu cần của Các lực lượng vũ trang”, thông báo chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tố cáo việc đề bạt Mizintsev, gọi ông ta là “đồ tể” và đề cập đến những vai trò khét tiếng của ông ta trong các chiến dịch của Nga ở Syria và Mariupol.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận xét rằng:

“Vị tướng Nga được gọi là tên đồ tể sát hại người Syria và người dân Mariupol đã được thăng chức. Mikhail Mizintsev hiện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga. Tên đồ tể sẽ xây một lò mổ mới. Hãy nhớ mặt tên tội phạm chiến tranh này, là kẻ sẽ bị kết án bởi tòa án quốc tế.”

Theo Tạp chí Odessa, Mizintsev được chỉ định lãnh đạo cuộc bao vây Mariupol, một thành phố lớn trong khu vực Donetsk của Ukraine. Donetsk, cùng với vùng Luhansk, tạo nên khu vực Donbas, nơi là tâm điểm của cuộc xâm lược do Vladimir Putin phát động hồi cuối tháng Hai.

Tạp chí Odessa cũng đưa tin rằng Mizintsev bị cáo buộc là người đã ký lệnh pháo kích và không kích, dẫn đến các thiệt hại kinh hoàng về nhân mạng, bao gồm cả các vụ đánh bom nhà hát và bệnh viện, là nơi trú ẩn cho người dân. Những hành động này mang lại cho ông ta biệt danh, “tên đồ tể của thành Mariupol.”

Theo BBC, ông ta cũng được cho là đã ra lệnh thực hiện các vụ đánh bom lớn ở Aleppo, Syria, vào năm 2015, gây thiệt hại nghiêm trọng cho thành phố này.

Trích dẫn lịch sử của Mizintsev về các “chiến thuật bất nhân” và các “hành động tàn bạo”, Vương quốc Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Mizintsev vào tháng 3, ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Là một phần trong vai trò mới là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Mizintsev sẽ chịu trách nhiệm quản lý các khía cạnh hậu cần của hoạt động quân sự của Nga, bao gồm cả các đường tiếp tế. Trong thời gian giữ chức Thứ trưởng trước đó, Bulgakov đã quản lý các đường cung cấp quân sự cho các hoạt động năm 2015 của nước này ở Syria. Theo một báo cáo từ BBC News, Bulgakov đã “bị gạt sang một bên ở Mạc Tư Khoa trong những tháng gần đây”, có thể là do những thất bại về hậu cần và nguồn cung cấp, gây khó khăn cho Điện Cẩm Linh.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

2. Ukraine có ý định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran

Bộ Ngoại giao cho biết Iran lấy làm tiếc về quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao của Ukraine do các báo cáo của quân Ukraine cho thấy Iran đã cung cấp các loại máy bay không người lái cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Cho đến nay, quân Ukraine đã bắn hạ ít nhất 24 máy bay không người lái do Iran sản xuất. Dù thế, Iran vẫn kiên quyết phủ nhận đã cung cấp máy bay không người lái cho Nga. Nghiêm trọng hơn, báo cáo của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine hôm 24 tháng 9 cho biết: “Vào ngày 23 tháng 9 năm 2022, theo hướng đông và nam, quân chiếm đóng của Nga đã tấn công Ukraine bằng máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất”. Cuộc tấn công được tường trình đã giết chết 2 trẻ em Ukraine.

Trước diễn biến này, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Ivanovych Kuleba cho biết Ukraine quyết định hạ thấp quan hệ ngoại giao với Iran, rút Đại Sứ về nước, và có thể sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vì thái độ thù địch của nước này.

Hôm thứ Bảy, phát ngôn nhân Bộ Iran, Nasser Kanaani, “khuyên” Ukraine nên “kiềm chế để không bị ảnh hưởng bởi các bên thứ ba, những kẻ tìm cách phá hoại quan hệ giữa hai nước”, theo Reuters.

Trong một diễn biến mới nhất, các nhà chức trách quân sự ở miền nam Ukraine cho biết trong một tuyên bố trước đó họ đã bắn hạ máy bay không người lái Shahed-136 trên vùng biển gần cảng Odesa.

Ukraine và Mỹ đã cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga, điều mà Tehran vẫn luôn phủ nhận.

3. Tướng Nga bị loại vì 'tên đồ tể thành Mariupol' thay thế

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian General Removed From Post as 'Mariupol Butcher' Takes Over”, nghĩa là “Tướng Nga bị loại vì 'tên đồ tể thành Mariupol' thay thế”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Dmitry Bulgakov đã bị cách chức và chuyển sang “một vị trí khác”, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Thượng Tướng Mikhail Mizintsev, được các quan chức Kyiv đặt biệt danh là “tên đồ tể của Mariupol” vì vai trò của ông ta trong việc chiếm thành phố Ukraine vào tháng 5, đã được bổ nhiệm thay thế cho Bulgakov.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh bộ chỉ huy của Nga rung chuyển sau một cuộc phản công của Ukraine đẩy quân đội Nga ra khỏi gần như toàn bộ tỉnh Kharkiv ở phía bắc hồi đầu tháng này. Tổng thống Ukraine Zelenskiy tuyên bố cho đến nay lực lượng phản công đã chiếm giữ hơn 2.300 dặm vuông đất.

Thông báo này được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra trong một tuyên bố, được chia sẻ trên nền tảng truyền thông xã hội Telegram.

Thông báo cho biết: “Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, chịu trách nhiệm về hậu cần của Các lực lượng vũ trang.”

Thông báo không cho biết Bulgakov đã được chuyển sang vai trò gì.

Vào ngày 12 tháng 9 Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine báo cáo rằng Putin đã sa thải Trung tướng Roman Berdnikov là chỉ huy của Nga ở Donbass, sau cuộc tấn công thành công của Kyiv. Ông ta chỉ mới tại vị được 16 ngày trước khi bị cách chức, và Tướng Alexander Lapin tiếp quản công việc của ông.

Vào ngày 26 tháng 8, một cuộc họp báo của Tình báo Quốc phòng Anh cho biết “rất có thể” Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã “sa thải ít nhất 6 tướng vì không tiến đủ nhanh”.

Vào tháng 5, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Putin đã sa thải Trung tướng Serhiy Kisel khỏi chức vụ Tư lệnh Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ 1 và Phó Đô đốc Igor Osipov khỏi chức vụ Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải, sau khi bước tiến của Nga bị đình trệ.

Mizintsev trước đây từng đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia, nơi chịu trách nhiệm giám sát các lực lượng vũ trang Nga.

Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, ông ta đã chỉ huy các lực lượng Nga trong cuộc bao vây Mariupol, kéo dài gần ba tháng từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2022.

Phần lớn thành phố đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh, điều này khiến quân đội Ukraine ở cảng Hắc Hải dần dần bị đẩy lùi vào các công trình thép Azovstal, nơi họ đứng vững cho đến giờ cuối cùng.

Trong một vụ tấn công, các nhà chức trách Ukraine cho biết ước tính có khoảng 300 dân thường đã thiệt mạng sau khi một nhà hát được sử dụng làm nơi trú ẩn, bị quân Nga ném bom.

Vadym Boychenko, thị trưởng Mariupol, tuyên bố 20,000 thường dân đã thiệt mạng tại thành phố của ông trong cuộc bao vây.

Vào cuối tháng 3, Mizintsev đã bị Vương quốc Anh trừng phạt do vai trò của ông ta trong các trận chiến.

Mizintsev trước đây đã từng phục vụ ở Syria như một phần trong nỗ lực của Putin nhằm hỗ trợ Bashar al-Assad. Ông ta bị cáo buộc chỉ đạo các cuộc không kích vào thành phố Aleppo do phiến quân trấn giữ, thành phố đã bị phá hủy phần lớn trước khi bị tái chiếm vào năm 2016.

Tổng thống Putin đã ra lệnh gọi nhập ngũ để bổ sung cho cuộc chiến ở Ukraine vào hôm thứ Tư. Theo ông Shoigu, 300,000 người có kinh nghiệm quân sự trước đó, sẽ bị gọi nhập ngũ.

Khi ám chỉ vũ khí hạt nhân, Putin nói rằng Nga sẽ sử dụng “tất cả các phương pháp phòng thủ theo ý của chúng tôi” nếu “sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa”.

Động thái này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối tại một số thành phố lớn của Nga, bao gồm cả Mạc Tư Khoa và Saint Petersburg. Theo nhóm nhân quyền OVD-Info, ít nhất 1.300 người đã bị lực lượng an ninh bắt giữ trong cuộc trấn áp sau đó.

Những người bị bắt có thể phải đối mặt với 15 năm tù, và có nguồn tin cho biết một số người biểu tình sau đó đã buộc phải nhập ngũ vào quân đội Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

4. Lời khuyên của tổng thống Zelenskiy với những người Ukraine ở các vùng bị chiếm đóng

Trong bài phát biểu hàng đêm, Zelenskiy đã nói với những người Ukraine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia là bằng mọi cách hãy trốn tránh lệnh gọi nhập ngũ của Nga, và chạy đến lãnh thổ do Ukraine nắm giữ.

Tuy nhiên, nếu họ bị bắt vào quân đội Nga, ông yêu cầu mọi người cứu mạng họ và giúp giải phóng Ukraine.

“Nếu chẳng may các bạn bị xung vào quân đội Nga, hãy phá hoại bất kỳ hoạt động nào của kẻ thù, cản trở bất kỳ hoạt động nào của chúng, hãy cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thông tin quan trọng nào về quân xâm lược Nga - căn cứ, trụ sở, kho chứa đạn dược của họ. Và ngay khi có cơ hội đầu tiên, hãy bỏ trốn”.

5. Các đại biểu Quốc hội Pháp đã yêu cầu Chủ tịch Hạ viện thành lập một ủy ban điều tra cáo buộc Nga tài trợ cho các đảng chính trị.

Trong một bức thư gửi Yael Braun-Pivet, các nghị sĩ cho biết động thái này được thúc đẩy bởi việc tình báo Mỹ giải mật gần đây cho thấy Nga đã trả hàng trăm triệu euro cho các đảng chính trị nước ngoài với mục đích gây ảnh hưởng đến bầu cử.

Tám nghị sĩ, từ đảng En Marche của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng lưu ý rằng một khoản vay từ các ngân hàng Nga vẫn chưa được đảng Rassemblement Quốc gia cực hữu của Marine Le Pen trả hết.

Các nghị sĩ đã viết:

Những sự kiện này rõ ràng cho thấy ý chí của Nga có sức nặng trong cuộc tranh luận công khai của Pháp... họ bảo đảm thành lập một ủy ban điều tra để xác định xem các đảng phái chính trị nào của Pháp được hưởng lợi từ nguồn tài chính của Nga.

Bức điện do ngoại trưởng Antony Blinken ký và được công bố hồi đầu tháng, trích dẫn một đánh giá tình báo mới về những nỗ lực bí mật toàn cầu của Nga nhằm hỗ trợ các chính sách và các bên có thiện cảm với Mạc Tư Khoa.

6. Mọi người đã chuẩn bị xếp hàng hàng giờ để đến Mông Cổ, Kazakhstan, Phần Lan hoặc Georgia

Kể từ hôm thứ Tư, nhiều người Nga có thể bị gọi nhập ngũ đã chuẩn bị xếp hàng hàng giờ để đến Mông Cổ, Kazakhstan, Phần Lan hoặc Gruzia, vì lo sợ rằng Nga có thể đóng cửa biên giới. Cho đến nay, Điện Cẩm Linh cho biết các báo cáo về một cuộc di cư khổng lồ là phóng đại.

Thống đốc vùng Buryatia của Nga, nằm ở biên giới Mông Cổ và là nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số Mông Cổ, hôm thứ Sáu thừa nhận rằng một số người đã nhận được giấy tờ do nhầm lẫn và cho biết những người chưa phục vụ trong quân đội hoặc những người được miễn trừ y tế sẽ không bị gọi nhập ngũ, theo báo cáo của Reuters.

Tsakhia Elbegdorj, chủ tịch Mông Cổ cho đến năm 2017 và hiện là người đứng đầu Liên đoàn Mông Cổ Thế giới, đã hứa với những người chạy trốn khỏi lệnh động viên của Putin một sự chào đón nồng nhiệt.

“Người Mông Cổ ở Buryat, người Mông Cổ ở Tuva và người Mông Cổ ở Kalmyk...đã từng bị sử dụng không hơn gì thức ăn gia súc”, ông nói trong một tin nhắn video, đeo một dải ruy băng màu vàng và xanh Ukraine và đề cập đến ba nhóm dân tộc Mông Cổ ở Nga.

“Hôm nay bạn đang chạy trốn sự tàn bạo, độc ác và có thể là cái chết. Ngày mai bạn sẽ bắt đầu giải phóng đất nước của bạn khỏi chế độ độc tài”.

Nga đã tiến hành các cuộc không kích mới vào các thành phố của Ukraine vào thứ Bảy, khi lệnh động viên của Mạc Tư Khoa để canh tân nỗ lực chiến tranh đang gặp khó khăn của họ tiếp tục tạo ra cảnh hỗn loạn trên khắp nước Nga.

Các quan chức Ukraine cho biết một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một tòa nhà chung cư ở thành phố Zaporizhzhia, khiến một người thiệt mạng và 7 người khác bị thương, đồng thời cho biết tổng cộng 3 người thiệt mạng và 19 người bị thương trong các cuộc không kích trên khắp miền nam và miền đông đất nước.

Tại Nga, ngay cả những người cổ vũ Điện Cẩm Linh cũng bày tỏ sự không hài lòng trước tiến độ của lệnh động viên, do Tổng thống Vladimir Putin công bố hôm thứ Tư. Các video lan truyền cho thấy những người đàn ông bị gọi nhập ngũ có vẻ bối rối, say rượu hoặc tức giận khi nhận được giấy gọi trình diện.
 
Đã xâm lược còn chửi thề, Nga bị tẩy chay ở LHQ, ĐHY Parolin vẫn gặp Lavrov vì âu lo tai họa hạt nhân
VietCatholic Media
17:32 25/09/2022


1. Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gặp Ngoại trưởng Nga tại Liên Hiệp Quốc

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi khoảng 300.000 quân trù bị để hỗ trợ cuộc chiến của ông ta ở Ukraine, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã có một cuộc gặp không dàn xếp trước với ngoại trưởng của Putin.

Đức Hồng Y Pietro Parolin của Vatican và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau hôm thứ Năm bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, là cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Thành phố New York.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh Nga leo thang căng thẳng ở Ukraine, lo ngại về vũ khí hạt nhân. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Nga bị tẩy chay sau khi chửi thề tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Hành động này đã bị lên án mạnh mẽ. Bà Catherine Colonna, Ngoại trưởng về Âu Châu và Ngoại Giao Sự Vụ của Pháp, đã cùng với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tổ chức ngay một cuộc họp báo để phản đối ông Sergei Lavrov.

Vatican không đưa ra tuyên bố chính thức về cuộc họp kín, nhưng Vatican News đã mở đầu bài viết về cuộc họp với trích dẫn gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải luôn tham gia đối thoại, “bởi vì luôn có khả năng nhờ đối thoại chúng ta có thể thay đổi mọi thứ.”

Những lời đó, được thốt ra trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng từ Kazakhstan trở về Rome vào tuần trước, đề cập đến phái bộ ngoại giao của Tòa thánh, đặc biệt liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

“Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã cung cấp thêm bằng chứng về nguyên tắc chỉ đạo đó, khi ngài gặp Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Nga,” Vatican News tuyên bố.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã tweet một đoạn video quay cảnh Lavrov và Đức Hồng Y Parolin bắt tay và chào hỏi nhau.

“Chúng tôi cảm ơn ngài đã đề nghị tổ chức cuộc họp này,” Lavrov nói với Đức Hồng Y. “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của ngài trong khoảng thời gian không mấy yên tĩnh này.”

Vị Hồng Y được nghe đã trả lời: “Thật không may.”

Trước khi đoạn video bị cắt, người ta nghe thấy Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ sự đánh giá cao đối với những nỗ lực của vị Hồng Y “nhằm thúc đẩy sự ổn định hơn, công bằng hơn và tất nhiên là cả pháp quyền”.

Trong một tuyên bố được công bố sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Lavrov “đã nói rõ lý do của cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong quan hệ giữa Nga và phương Tây” và đổ lỗi cho “cuộc thập tự chinh của NATO nhằm hủy diệt Nga và chia rẽ thế giới”.

Ngoại trưởng Lavrov nói với Đức Hồng Y Parolin rằng “các bước mà Nga thực hiện được thiết kế để bảo đảm độc lập và an ninh, cũng như để chống lại tham vọng bá quyền của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát tất cả các quá trình toàn cầu”.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc căng thẳng

Không khí ngoại giao trong cuộc gặp của Ngoại trưởng Lavrov với Đức Hồng Y Parolin trái ngược với một cuộc họp căng thẳng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Ngoại trưởng Lavrov tham dự. Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc các lực lượng Nga tra tấn và giết hại dân thường ở các khu vực của Ukraine mà họ đã chiếm đóng, Ngoại trưởng Lavrov đã phản bác rằng quân đội Ukraine đã giết dân thường ở các khu vực nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine “mà không bị trừng phạt.”

Cũng tại cuộc họp đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý của Mạc Tư Khoa về việc Nga sáp nhập 4 khu vực bị chiếm đóng của Ukraine vào Nga là “vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật lệ và tiền lệ quốc tế”.

Các cuộc trưng cầu dân ý - ở các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizka – đã được tiến hành vào cuối tuần qua. Các chuyên gia cho rằng việc Nga sáp nhập các khu vực này nhằm khiến Ukraine do dự trong việc tiếp tục nỗ lực giải phóng các vùng đất này, vì hành động đó được coi là tấn công lãnh thổ Nga, thay vì chỉ đơn giản là bảo vệ đất đai của Ukraine. Một số ý kiến cho rằng cùng với đó, Putin đã sử dụng ngôn ngữ về cơ bản là một mối đe dọa thẳng thừng là sẽ bảo vệ các lãnh thổ bằng mọi cách, kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đức Hồng Y Parolin đã phát biểu hôm thứ Tư tại cuộc họp lần thứ 10 của Những nước tham gia Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện, bao gồm Úc, Canada, Phần Lan, Đức, Nhật Bản và Hà Lan. Theo Vatican News, Đức Hồng Y tái khẳng định rằng “khi căng thẳng toàn cầu gia tăng và chúng ta nghe thấy những lời lẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, điều quan trọng hơn bao giờ hết là làm sao để Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện có hiệu lực khi giải quyết các căng thẳng toàn cầu gia tăng và dập tắt những lời lẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.”

Trong buổi Tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng trong “cuộc chiến bi thảm” này, một số người “đang nghĩ về vũ khí hạt nhân”, và gọi não trạng này là “sự điên rồ”.


Source:Aleteia

2. Quan chức Phần Lan cho biết hơn 6,400 người Nga đã đến Phần Lan bằng đường bộ vào hôm thứ Năm

Hơn 6,400 người Nga đã đến Phần Lan vào hôm thứ Năm bằng đường bộ - một con số tương đương với giao thông vào cuối tuần, Krista Mikkonen, Bộ Trưởng Nội Vụ Phần Lan, đã cho biết như trên.

Cô Krista Mikkonen nói thêm, khoảng 3,227 người Nga đã rời khỏi Phần Lan.

So sánh dữ liệu này với các con số từ tháng 8 và tháng 9, cô cho biết Phần Lan đã chứng kiến khoảng 6,000 người Nga đến Phần Lan vào các ngày thứ Bảy.

Trước đó, vào hôm thứ Sáu, Lực lượng Biên phòng Phần Lan đã tweet rằng hàng dài các phương tiện giao thông tại Vaalimaa và Nuijamaa – là hai cửa khẩu biên giới ở đông nam Phần Lan - kéo dài hơn so với hôm thứ Năm.

Hàng đợi để qua biên giới Vaalimaa dài khoảng 500 mét vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương.

3. Một nhân viên cứu trợ Ukraine cho biết sự tàn phá hiện nay đã như một cuộc tấn công hạt nhân

Một nhân viên cứu trợ của Caritas Ukraine cho biết anh ta không sợ một cuộc tấn công hạt nhân của Putin. Thứ nhất, vì nó sẽ gây ra “sự hủy diệt chính trị” đối với Nga. Thứ hai, các thiệt hại do chiến tranh gây ra đã giống như một cuộc tấn công hạt nhân rồi.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã cáo buộc phương Tây “tống tiền hạt nhân” vào hôm thứ Tư và cảnh báo “đó không phải là một trò đùa” khi ông ta tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để bảo vệ đất nước của mình.

Dimko Zhluktenko, một nhân viên cứu trợ của Caritas có trụ sở tại Lviv, miền tây Ukraine, cho biết anh không tin rằng sẽ có một cuộc tấn công hạt nhân vì một động thái như vậy sẽ không có lợi thế chiến lược cho các lực lượng Nga.

“Ngay cả khi nó xảy ra, nó sẽ không có tác động lớn,” chàng trai 23 tuổi nói với hãng thông tấn PA.

“Nếu họ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật, đó sẽ là chủ nghĩa khủng bố thuần túy và điều đó sẽ dẫn đến sự hủy diệt tuyệt đối của nước Nga.

“Nó sẽ không mang lại bất kỳ lợi thế chiến lược nào cho các lực lượng Nga vì họ sẽ không thể tiến lên để chiếm các vùng lãnh thổ mới.

“ Và đồng thời, về mặt chính trị, họ sẽ bị tiêu diệt vì rất có thể họ sẽ bị tấn công trở lại và đối mặt với sự cô lập hoàn toàn từ các quốc gia khác”.

https://www.theguardian.com/world/live/2022/sep/24/russia-ukraine-war-latest-updates-kyiv-says-residents-coerced-to-vote-as-moscow-holds-referendums-in-parts-of-ukraine?page=with:block-632e7c398f0822acf24f5ac9