Ngày 29-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cùng Mẹ lắng nghe Lời Chúa và xin vâng ý Chúa
Lm Đan Vinh
06:51 29/09/2017
Chúa Nhật 26 Thường Niên A – Kính trọng thể Lễ Mân Côi
Cv. 1, 12-14; Gl. 4, 4-7; Lc 1,26-38

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38.

(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (c 34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. (c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

2. Ý CHÍNH:

Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu cần học tập để nhận được ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

3. CHÚ THÍCH:

- (c 26) + Gáp-ri-en: là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).
- (c 27) + Trinh nữ: Từ này không xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a được khẳng định qua lời thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14 ; Mt 1,23). + Đã đính hôn: Từ khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đa-vít: Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ Giê-sê cha của Đa-vít (x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của vua Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a: hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1,14).
- (c 28) + “Mừng vui lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.
- (c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi”: Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- (c 31) + Giê-su: nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11).
- (c 32) + Con Đấng Tối Cao: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
- (c 34) + “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam!”: “Biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Câu thắc mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh như có người lầm tưởng. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc mắc làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giu-se về luật pháp, và chưa được Giu-se tổ chức rước dâu về nhà.
- (c 35) + Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà...”: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng: Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong sa mạc, khi dân Do Thái vượt qua sa mạc để về Đất Hứa: Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống như chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở con dân Ít-ra-en của Người (x. Tv 17,8).
+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.
- (c 36) + Kìa bà Ê-li-sa-bét...: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay bào thai đã được sáu tháng tuổi.
- (c 38) +“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”: Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm.

HỎI: Nội dung thắc mắc của Đức Ma-ri-a với sứ thần (x. Lc 1,34) và của ông Da-ca-ri-a trong Đền Thờ (x. Lc 1,18) có giống nhau không?:

ĐÁP: Cả hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc của Da-ca-ri-a biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt cấm khẩu, bị câm không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ cho thấy bà Ê-li-sa-bét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường (x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng tin tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và Mẹ đã được bà chị họ Ê-li-sa-bét khen ngợi là “diễm phúc, vì đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện” (x. Lc 1,45).

4. CÂU HỎI:

1) Thánh Kinh cho biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì?
2) Tại sao Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng Cứu Thế?
3) Khi thưa “Xin vâng” và được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa?
4) Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra sao? 5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”?

II.SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG NĂNG LẦN CHUỖI MÂN CÔI CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC LỪNG DANH:

Trên chuyến xe lửa đi Paris, có một chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa, trên tay ôm một chồng sách dày. Trong toa đối diện với anh là một cụ già, tay cầm tràng chuỗi Mân côi lâm râm đọc kinh.

Chờ tới khi cụ già đọc kinh xong, chàng trai lên tiếng : "Cụ ơi ! Đến thời buổi này mà cụ còn đọc thứ kinh chỉ dành cho đám đàn bà con nít kia sao ?".

Cụ già ngước nhìn chàng thanh niên ôn tồn trả lời : "Cám ơn cậu, cậu trông có vẻ thông thái đó. Vậy xin cậu cho tôi biết quan điểm của cậu thế nào về khoa học và đức tin ?".

Thế là chàng trai có dịp nói về bản thân : Anh là sinh viên đang theo học năm cuối tại trường đại học Bách Khoa tại thủ đô Paris; Anh khuyên cụ già hãy thôi đọc mấy thứ kinh lẩm cẩm kia đi, vì rồi đây khoa học tiến bộ sẽ xây dựng một thế giới mới không cần đến tôn giáo nữa. Rồi anh chàng bắt đầu thao thao thuyết giảng cho cụ già về đề tài khoa học và đức tin cả nửa tiếng đồng hồ.

Cụ già cứ im lặng chăm chú lắng nghe anh chàng nói. Đến khi sắp tới ga về nhà, cụ mời anh khi nào thuận tiện đến chơi nhà cụ tiếp tục hướng dẫn cho cụ, rồi cụ trao cho anh một danh thiếp.

Khi nhìn vào tấm danh thiếp, anh chàng có cảm tưởng như từ trên trời rơi xuống, khi đọc thấy tên và địa chỉ của một nhà khoa học lừng danh mà anh luôn tâm phục khẩu phục như sau : "Louis Pasteur,Viện Hàn Lâm Khoa Học Paris".

2) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JESUM PER MARIAM):

Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (FULTON OURSLER), một tín hữu bị mất đức tin bỏ nhà thờ nhiều năm, đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua đại lộ Nhà thờ chính toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy có một sức mạnh vô hình nào đó cuốn hút ông vào nhà thờ và đẩy đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im lặng, Phun-tơn tự nhiên đã thốt ra một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm để trở lại con đường vô tín. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp nhiều khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy có một điều kỳ diệu đã xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới: Ông đã có lại đức tin vào Chúa ! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa Giê-su bằng một cuộc sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha nhân ái. Chính nhờ Mẹ Ma-ri-a mà ông đã đến được với Chúa Giê-su.

3) KINH MÂN CÔI GIÚP CHIẾN THẮNG THÙ HẬN VÀ MANG LẠI HÒA BÌNH:

Trong một giáo xứ nọ có hai thôn, nhưng lại đang tranh chấp nhau về một mảnh đất nằm ở giữa mà thôn nào cũng cho là đất thuộc thôn mình. Từ chiến tranh lạnh là tranh cãi to tiếng đến chiến tranh nóng mang gậy gộc ra đánh lộn nhau khiến cho một số người của cả hai thôn bị u đầu sứt trán. Cuối cùng cha xứ đã phải đứng ra hòa giải. Buổi họp đi đến quyết định hai bên đều đồng ý mảnh đất giữa hai thôn ấy là đất chung của giáo xứ gọi là "đất Đức Bà". Sau đó cha xứ cho dựng một tượng đài Đức Mẹ Mân Côi tại đây, để mỗi buổi tối, người của hai thôn đều đến quây quần trước đài Đức Mẹ lần hạt Mân Côi. Mọi người gọi đài Đức Mẹ Mân Côi này là đài Đức Mẹ Hòa Bình. Còn cha xứ thì gọi là đài Đức Mẹ Chiến Thắng, vì Mẹ đã chiến thắng các tranh chấp hận thù, chiến thắng sự chia rẽ nhỏ nhen của ma quỷ để tái lập hòa bình bền vững trong giáo xứ.

4) KINH MÂN CÔI CHỮA LÀNH CÁC BỆNH TẬT VỀ THỂ XÁC VÀ TÂM HỒN:

Tạp chí Reader's Digest số ra tháng 4 năm 1991 có thuật lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêxa Calcutta và một thương gia người Mỹ như sau:

Trên chuyến máy bay từ Christiamy về Thanasity, một thương gia trẻ tên là JIM CAISO ngồi bên cạnh Mẹ Têrêsa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng đã yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai nữ tu lấy ra khỏi áo dòng một chuỗi hạt Mân Côi và lâm râm đọc kinh. Tuy không phải là người Công Giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn do sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao độ, Mẹ Têrêsa quay sang người thanh niên hỏi: “Anh có hay lần chuỗi không?”

Anh trả lời: “Thưa không”. Nghe anh trả lời xong, thì Mẹ liền cầm lấy tay anh, đặt chuỗi hạt Mân Côi vào tay anh và nói: “Vậy thì anh hãy bắt đầu lần chuỗi hằng ngày đi”.

Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta mới cho. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: "Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một nữ tu đích thực của Chúa".

Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này được bác sĩ cho biết đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, lấy ra chuỗi hạt Mân Côi của mẹ Têrêsa trao cho người bạn và nói: “Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp cho chị”. Mặc dù không phải là người Công Giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay đón nhận và trân trọng món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã khỏi bệnh nhờ mang trong mình tràng chuỗi Mân Côi suốt một năm qua. Giờ đây bà trao lại cho Jim để anh trao cho người khác với hy vọng nó sẽ giúp người khác được ơn chữa lành giống như mình. Vào lúc đó, bà chị vợ của Jim cũng đang trong tình trạng khủng hoảng sau ly dị, bà cũng muốn mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà đã kể lại rằng: “Hằng đêm, tôi đeo chuỗi hạt vào người. Bấy giờ tôi đang cô đơn và tâm hồn bất an. Nhưng từ lúc đeo chuỗi hạt, tôi cảm thấy như mình đang nắm một bàn tay thân yêu. Từ lúc đó, tràng chuỗi linh nghiệm ấy đã nhiều lần được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp sự khủng hoảng hay bệnh tật nan y, người ta thường gọi điện đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy. Jim suy nghĩ: “Phải chăng tràng chuỗi này có một sức mạnh lạ lùng, hay có lẽ đúng hơn, tràng chuỗi của mẹ Tê-rê-sa có một sức mạnh tinh thần ảnh hưởng trên những ai thành tâm đeo cỗ tràng hạt ấy”. Về phần Jim, anh chỉ biết điều này là hễ có người nào ngỏ ý mượn tràng chuỗi, thì anh đều đáp ứng vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn họ: "Khi nào không cần tới nữa thì hãy cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cũng cần đến nó".

Cuộc sống của Jim cũng thay đổi từ ngày anh gặp mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta. Khi nhớ lại mẹ Tê-rê-sa đã mang tất cả hành lý chỉ trong một cái xách tay nhỏ, thì anh cũng đơn giản hóa cuộc sống của mình. Anh phát biểu như sau: “Tôi luôn xác tín rằng: điều quan trọng ở đời không phải là lo tìm kiếm danh vọng và tiền bạc, nhưng là làm thế nào để chia sẻ tình thương cho tha nhân”.

4. SUY NIỆM:

1) LỊCH SỬ LỄ Đức Mẹ MÂN CÔI :

- Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Thánh Đa-minh đã được Đức Mẹ hiện ra trao cho tràng chuỗi Mân Côi như một khí giới thiêng liêng hỗ trợ. Chính nhờ lối sống đơn sơ khiêm hạ và sự nhiệt thành rao giảng Lời Chúa của các tu sĩ dòng “Anh em thuyết giáo”; Nhất là nhờ việc siêng năng lần hạt Mân Côi của các tín hữu… mà chỉ sau một thời gian ngắn, thánh Đa-minh đã cảm hóa đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về cùng Hội Thánh.

- Năm 1511, đạo quân Hồi giáo phát xuất từ Thổ nhĩ kỳ đã xâm lược Âu Châu, đi đến đâu bọn chúng cũng đều ra tay thiêu hủy làng mạc, tàn phá nhà thờ. Đức Giáo Hoàng Piô V đã kêu gọi thành lập đạo binh Thánh Giá trong nước Ý và Tây Ban Nha. Ngài cũng kêu gọi mọi tín hữu Công Giáo hợp ý bằng việc siêng năng lần hạt Mân côi để xin Đức Mẹ giúp ngăn chặn cuộc xâm lược của quân địch. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, trong trận chiến quyết định xảy ra tại vịnh Lepante. Với quân số ô hợp vũ khí thô sơ và với số chiến thuyền ít ỏi, thế mà đạo quân Thánh Giá đã chặn đứng đà tiến và đánh tan hàng ngàn chiến thuyền của đạo quân Hồi Hồi được trang bị bằng vũ khí hùng hậu. Tại Roma, nghe tin báo đạo binh Thánh Giá chiến thắng, Đức Giáo Hoàng đã nói với mọi người hiện diện : “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa”. Rồi về sau, ngài còn truyền thiết lập lễ Mân côi hằng năm để tạ ơn Chúa ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.

- Vào năm 1917, nước Bồ Đào Nha đang trong tình trạng suy thoái trầm trọng về mọi mặt: óc bè phái và chia rẽ nội bộ trong Giáo Hội, kèm theo có nhiều nhóm Tam Điểm đã nổi lên chống phá, khiến nhiều nhà thờ Công Giáo bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị bắt bớ. Nhưng đến khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em trên cây sồi làng Fa-ti-ma. Khi hiện ra nhiều lần trên cây sồi, Mẹ Ma-ri-a đã trao cho ba trẻ là Lu-xi-a, Gia-xin-ta và Phan-xi-cô ba mệnh lệnh như điều kiện để trái tim Mẹ chiến thắng. Ba mệnh lệnh ấy như sau: “Một là cải thiện đời sống; Hai là siêng năng lần hạt mân côi; Ba là tôn sùng trái tim Mẹ”. Nhờ đó đất nước Bồ đào Nha đã bước sang một trang sử mới. Từ đây nhiều hội Mân côi đã ra đời để hằng ngày cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu Chúa xuống muôn ơn lành, và đất nước Bồ Đào Nha đã trở thành quê hương của kinh Mân côi đến ngày nay.

2) KINH MÂN CÔI GIÚP SỐNG “PHÓ THÁC” VÀ “XIN VÂNG” NHƯ MẸ MA-RI-A:

Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta năng suy niệm và học tập noi gương Đức Mẹ trong cuộc hành trình đức tin là: thái độ khiêm nhu, tin cậy phó thác vào tình thương của Chúa quan phòng và luôn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, thể hiện qua lời thưa “xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a:

- Trái với thái độ kiêu ngạo không vâng phục của E-và và A-đam xưa trong vườn địa đàng, Đức Ma-ri-a đã cùng với Chúa Giê-su là A-đam Mới luôn lắng nghe Lời Thiên Chúa, tìm hiểu thánh ý Chúa muốn và cúi đầu thưa “Xin Vâng”. Trong biến cố truyền tin, Ngay sau lời thưa “Xin Vâng” này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Trinh nữ Ma-ri-a thụ thai Hài Nhi Đấng Cứu Thế. Từ đây, Đức Ma-ri-a luôn ghi nhớ các biến cố xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Nhất là khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã “xin vâng” để dâng con yêu là Chúa Giêsu cho Thiên Chúa.

- Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để “xin vâng” và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng: Xin vâng khi gặp may lành; ngay cả những lúc gặp gian nan thử thách, chúng ta cũng vẫn dâng lời cảm tạ và thưa “Xin Vâng” với Chúa, vì biết rằng: mọi sự Chúa để xảy ra đều có ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, vì «Đấng toàn năng có thể rút từ sự dữ ra sự lành»; Chúa không bao giờ triệt đường sống của chúng ta như có người đã nói: “Chúa đóng cửa chính, nhưng Ngài vẫn mở cửa sổ cho ta” và lời thánh Phao-lô: “Tất cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).

3) ÍCH LỢI CỦA KINH MÂN CÔI:

** Hai Mươi mầu nhiệm Kinh Mân Côi : Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thêm năm sự sáng vào mười lăm mầu nhiệm Mân Côi để kinh Mân Côi trở thành sách Tin Mừng rút gọn:

- Năm mầu nhiệm Vui: diễn tả mầu nhiệm Nhập thể và cuộc sống âm thầm của Đức Giê-su suốt ba mươi năm tại Na-da-rét.
- Năm mầu nhiệm Sáng: Diễn tả những biến cố trong thời gian gần ba năm đi loan báo Tin mừng Nước Trời của Đức Giê-su.
- Năm mầu nhiệm Thương: Diễn tả các sự đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu trong cuộc Tử nạn để đền tội và chết thay cho loài người.
- Năm mầu nhiệm Mừng: Diễn tả các sự kiện cứu độ của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su mà Đức Ma-ri-a là người đầu tiên đại diện cho Hội Thánh được hưởng ơn ấy.

** Kinh Mân Côi giúp thánh hóa các gia đình tín hữu :

Thánh GH Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công Giáo hãy siêng năng lần hạt Mân Côi để thánh hóa gia đình mình như sau:
"Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chuỗi Mân côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông".
Đức Thánh Cha Piô XI cũng khuyên các gia đình tín hữu: “Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi”.

** Kinh Mân côi giúp đưa lời kinh vào cuộc sống thường ngày :

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy : Kinh Mân côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có người đã nghĩ. Kinh Mân côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.
** Kinh Mân côi là phương thế hữu hiệu giúp chiến thắng ma quỷ cám dỗ : Ai yếu đuối, kinh Mân côi tăng cường sức mạnh; Ai tội lỗi, kinh Mân côi dẫn đưa về với Chúa; Ai bất hạnh, kinh Mân côi giúp họ vươn lên; Ai khô khan, kinh Mân côi làm bùng lên ngọn lửa tin yêu đang ẩn giấu trong đám tro tàn. Mỗi khi bị ma quỷ cám dỗ, chúng ta hãy chiến đấu bằng việc đọc kinh Mân Côi.

4) LÀM THẾ NÀO ĐỂ THI HÀNH MỆNH LỆNH “SIÊNG NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI” :

- Năm 1917, khi hiện ra với ba trẻ em tại làng Fa-ti-ma nước Bồ đào Nha, Đức Mẹ đã trao 3 mệnh lệnh là “cải thiện đời sống”, “lần hạt Mân Côi” và “tôn sùng trái tim Mẹ”. Trong ba mệnh lệnh này, người ta sẽ thực thi mệnh lệnh “cải thiện đời sống” và “tôn sùng trái tim Mẹ” bằng việc “siêng năng lần hạt Mân Côi”.
- Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh cầu nguyện vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược. Chuỗi hạt Mân côi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để cùng Mẹ Ma-ri-a chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu.
- Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi mà không nhất thiết phải có cỗ tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: Khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh... thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng đều có thể lần hạt được.

4. THẢO LUẬN:

1) Noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để luôn thưa “Xin Vâng” theo Thánh ý Thiên Chúa, dù gặp phải nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều trái ý cực lòng?
2) Bạn nên làm gì để động viên người khác xin vâng ý Chúa nếu họ gặp những điều rủi ro trái ý như: thi rớt đại học, có người thân mới qua đời, gặp tai nạn giao thông, làm ăn thua lỗ...?

5. LỜI CẦU:

LẠY MẸ MA-RI-A.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Mẹ vui khi thấy người ta ca tụng Chúa. Mẹ lo sợ buồn sầu khi Chúa bị bắt bớ xét xử bất công và Mẹ đã can đảm theo Chúa đến cùng trên con đường thánh giá.
Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ phải lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại tiếng Chúa gọi bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa .
Xin giúp chúng con luôn đi trên Đường Giêsu để rồi chúng con lại trở thành nẻo đường hiền hòa khiêm hạ, hầu dẫn đưa nhiều người tin yêu Chúa và được chia sẻ hồng ân cứu độ của Chúa. Chúng con tin rằng : Nếu chúng con biết mỗi ngày nhờ kinh Mân Côi biết chết đi cho tội lỗi và các thói hư, thì chúng con sẽ hy vọng cùng được sống lại với Chúa sau này.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.




 
Làm ngay hôm nay
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:15 29/09/2017
Chúa Nhật XXVI TN A

Những gì hôm qua thì đã qua, chuyện ngày mai thì chưa tới, còn việc hôm nay thì đang ở trong tầm tay. Đã là người có lương tri bình thường thì không ai vô tâm, bạc tình khi sống quay lưng với cội nguồn lịch sử và cũng ít có ai sống mà không hướng tới tương lai. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng cái hôm nay mới là cái mang tính quyết định. Chính vì thế nhiều lúc chúng ta cần phải có thái độ “tự do” một cách nào đó với những gì đã qua và với những gì chưa tới.

Đừng quá bám víu vào sự đã qua cho dù đó là những thành quả lẫy lừng, những chiến công hiển hách hay là những thất bại ê chề, những lỗi lầm tủi nhục. Nếu quá khứ của ta là những sự màu hồng thì đáng trân trọng, nhưng hãy coi chừng chuyện thường tình của kiếp người là rất dễ ngủ quên trên chiến thắng và nhất là hãy đề phòng cám dỗ tự kiêu, tự mãn, một cám dỗ thường gây “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Thực tiễn cho thấy chuyện vì tự hào, tự mãn “đã đánh thắng hai đế quốc to”, nên các nhà lãnh đạo nước Việt Nam đã dần đưa đất nước ngụp lặn trong hố sâu của nghèo khó, tụt hậu do chính cái tư duy, nếp nghĩ và cung cách hành xử kiểu “chủ quan, duy ý chí” một thời gian không ngắn. Nếu quá khứ của ta vướng đầy những sự nhuốm màu tím hay đen thì cũng đáng nghiền ngẫm để tự kiểm và rút kinh nghiệm, nhưng cũng phải canh chừng cám dỗ buông xuôi, ngã lòng. Lỗi lầm nào cũng để lại vết thương đau. Thất bại là mẹ thành công. Có người do bị ám ảnh bởi những lỗi lầm, hay thất bại của quá khứ mà nản chí, buông xuôi. Cũng có người biết tích lũy những vết thương đau thành chuỗi kinh nghiệm làm nền tảng cho những thành quả hôm nay. Bài học lịch sử thật đáng quý, tuy nhiên lịch sử không phải là vòng tròn lặp lại cái đã qua như cũ, như xưa.

Đừng quá ảo vọng vào những gì chưa đến. Tương lai thường chất chứa những sự tốt đẹp, vì đó là ước mơ của con người. Chẳng ai lại đi mơ ước điều xấu xa tồi tệ cho chính mình. Họa hiếm mới có một đôi người, khi ở trong tình trạng bất bình thường, mới mong những sự chẳng nên cho bản thân. Đã là người, cần phải có hoài bão và ước mơ. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước cám dỗ xa rời thực tế. Đã có đó một vài chủ thuyết vẽ vời viễn ảnh tương lai “to đẹp hơn gấp mười, gấp trăm ngày nay” để rồi lòe bịp đồng loại lãng quên không nhìn thẳng vào cái hiện tại, một hiện tại đầy bất công, dối trá…

Thiên Chúa là Đấng của hôm nay: Với Thiên Chúa, cái hiện tại là cái quan trọng nhất, là cái có tính quyết định. Trước đây ngươi sống công chính mà bây giờ ngươi làm điều gian ác thì ngươi phải chết. Người tội lỗi xưa làm nhiều sự gian ác mà bây giờ bỏ điều dữ, làm điều chính trực công minh thì sẽ được sống. Ngôn sứ Êdêkien minh nhiên nói thay Thiên Chúa sự thật này (x.Ed 18,27-28).

Đến trần gian, Chúa Kitô thường cảnh tỉnh nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, những người vốn tự hào về công nghiệp đã qua của mình. Khi kể câu chuyện về hai người con, Chúa Kitô đã làm nổi rõ cái giây phút hiện tại. Người con cả sở dĩ được chấp nhận dù trước đó không vâng lời cha nhưng giờ này anh hối hận và vâng theo lời cha. Trái lại, người con thứ, trước đó đã mau mắn đáp vâng lời cha mà giờ này anh lại không làm theo ý cha thì cũng bằng không. Để khẳng định chân lý này Chúa Kitô còn nói với những Thượng Tế và kỳ mục hôm ấy bằng một kiểu nói long trọng: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin” (Mt 21,31-32). Một số nhà chú giải phân tích chữ “trước” còn có nghĩa là “thay thế”, nghĩa là những người thu thuế và gái điếm sẽ thế cái chỗ của các vị Thượng Tế và kỳ mục trong Nước Trời. Kết thúc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”, Chúa Kitô đã nêu bật lời của người cha với đứa con cả: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”(Lc 15, 32).

Sống mà không có ngày mai là một cuộc sống thiếu định hướng, thiếu tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên cái của ngày mai phải được đặt nền tảng vững vàng trên cái của hôm nay. Nhiều khi chúng ta có thể quá lo lắng cho những sự chưa đến mà bỏ quên bổn phận trong hiện tại. “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo…” (Mt 6,34). “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11). “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa!” (x.Tv 95,7-8).

Đừng để đến ngày mai những gì tốt đẹp và phải đạo có thể làm trong ngày hôm nay: Xét về mặt tiêu cực, dưới nhãn quan đức công bằng thì nếu giam tiền công nhật của người làm công đến hôm sau là đã phạm lỗi bất công (x.Lv 19,13). Còn trên bình diện đức ái thì nếu bỏ qua một việc tốt, một việc lành trong khả năng và hoàn cảnh của ta hôm nay thì đã phạm một điều tồi tệ, đó là tội thiếu sót mà chúng ta thường đấm ngực thú lỗi trong phần khởi đầu của Thánh Lễ: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và những điều thiếu sót…”.

Lúc sinh thời, mỗi khi gặp những người bệnh tật, dù đó là ngày Lễ nghỉ và theo luật Do Thái giáo bấy giờ thì không được phép, nhưng Chúa Giêsu vẫn ra tay thi ân giáng phúc, bất chấp nhiều luật sĩ và biệt phái giận dữ chống đối và thậm chí còn tìm cách giết Người. Phải làm ngay hôm nay, lúc này, ở đây (hic et nunc) những điều chính đáng và phải đạo trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Bởi chưng, nhiều lúc, chính khi không làm điều thiện là làm điều ác, không cứu sống là giết chết, không bênh vực công lý là toa rập với sự gian dối, bất công… (x.Mc 3,4).

Những kẻ tự cao là những người luôn nhớ và muốn kẻ khác nhớ mình đã làm một sự gì đó. Những người tự ti là những người không thể quên và nghĩ rằng người ta không thể quên mình đã lầm lỡ một sự gì đó. Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó (mà không bao giờ làm) ( Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose - Ngạn ngữ Pháp ). Những người hèn nhát là những người luôn khát khao một sự gì đó (mà không dám làm). Còn những người công chính là những người bắt tay làm ngay những sự phải làm, đáng làm, nên làm, hôm nay, lúc này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:32 29/09/2017
9. CHÂM CẠN HÁT THẤP
Có một thầy châm cứu nọ, bởi vì châm kim quá sâu nên bệnh nhân bị chết, chủ nhà nổi giận bắt cả gia đình phải khiêng quan tài đi chôn, và trên đường đi phải ca ai điếu để nhục mạ thầy châm cứu.
Thầy châm cứu nói với vợ:
- “Bà hát thấp thấp kẻo mà tôi bị nhục nhã khó coi.”
Bà vợ nổi khùng lên nói:
- “Đã muốn hát thấp thấp sao lúc ấy không châm kim cạn cạn chút xíu !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 9:
Rủi ro nghề nghiệp là chuyện thường xảy ra cho con người, bởi vì ở đời ai mà học được chữ ngờ.
Bị cám dỗ là chuyện thường xuyên xảy ra cho con người, đặc biệt là Ki-tô hữu, nhưng chống trả lại với cơn cám dỗ thì không phải là chuyện thường xuyên của con người, bởi vì thế giới đã chứng minh điều ấy cho chúng ta thấy: nếu ai cũng chống trả với những cám dỗ tham vọng của mình thì thế giới sẽ có hòa bình, nếu ai cũng chống trả lại với những cơn cám dỗ, thì cuộc sống của mỗi người sẽ hạnh phúc hơn...
Người Ki-tô hữu luôn ý thức mình là một con người mỏng dòn yếu đuối, cho nên họ càng ra sức cậy trông vào ơn Chúa hơn nữa bằng lời cầu nguyện và bằng các việc lành thánh thiện khác.
Nhưng cũng có những Ki-tô hữu không cậy vào ơn Chúa, mà chỉ cậy vào sức của mình, cho nên họ thường té ngã trong tội và cứ loay hoay oán trời trách người, mà không chịu cúi đầu hối hận ăn năn.
Và bởi vì còn có nhiều người không chịu chống trả với cám dỗ nên gia đình chưa có hòa thuận hạnh phúc, xã hội chưa có bình yêu và thế giới chưa có hòa bình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:34 29/09/2017
Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 21, 28-32
“Nó hối hận, nên lại đi. Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.


Bạn thân mến,
Khi Đức Chúa Giê-su giảng dạy thì có rất nhiều người đi theo nghe Ngài giảng, trong đó có những người thông luật, những người biệt phái và các kinh sư, cũng có những người thu thuế, những người tội lỗi, người giàu có cũng như người nghèo, tắt một lời là có đủ mọi thành phần trong xã hội đi nghe Đức Chúa Giê-su giảng dạy, nhưng:

Chỉ có những tư tế, người biệt phái và các kinh sư chống đối, bắt bẻ những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su, họ là những người thông thạo lề luật Môi-sen và giữ vai trò quan trọng trong tôn giáo là tế lễ và giảng dạy dân chúng. Họ chống đối Đức Chúa Giê-su vì những lời giảng dạy của Ngài đã làm cho họ cảm thấy bị bẻ mặt, vì lời chỉ trích của Ngài rất đúng với những việc họ đã làm, nhưng điều cốt lõi của việc chống đối chính là sự kiêu ngạo của họ, sự kiêu ngạo này đã làm cho họ đi đến một hành động ác nhân hơn, đó là tố cáo và đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên thập giá…

Chỉ có những người tội lỗi, những người nghèo khó và những người có tâm hồn thiện chí, thì dễ dàng tiếp thu lời giảng dạy và biết thi hành lời của Đức Chúa Giê-su, họ là những người bị áp bức đang chờ đợi sự giải thoát chân thật bởi lời giảng dạy của Ngài; họ là những người bị đối xử bất công đang tìm kiếm sự công bằng trong lời giảng của Ngài; họ là những người nghèo khó đang tìm kiếm hạnh phúc không phải nơi vật chất, nhưng là nơi lời giảng dạy của Ngài.

Bạn thân mến,
Tất cả mọi người đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa, nhưng có người từ chối và có người tình nguyện.

Tiêu chuẩn để vào Nước Trời chính là những ai thành tâm thiện chí nghe và thực hành lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su qua Giáo Hội với lòng yêu mến, chứ không phải vì mình là đạo gốc, cũng không phải vì là linh mục hay tu sĩ. Bởi vì có những người tín hữu đạo gốc nhưng thường chống đối Giáo Hội và sống lãnh đạm với bổn phận của mình; bởi vì có những linh mục sống tham sân si không làm gương sáng với chức vụ thánh của mình, bởi vì cũng có những tu sĩ nam nữ sống rất kiêu ngạo và trở thành cái đinh nhức nhối cho giáo hữu…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:37 29/09/2017

1. Sự vui vẻ của linh hồn là đến từ một tâm hồn thuần khiết và không ngừng cầu nguyện.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ng ôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Quan trọng là phần cuối
LM Alf. Nguyễn Công Minh
20:37 29/09/2017
Trong kho tàng khôn ngoan La tinh, có một câu ngạn ngữ như sau: Nọc độc ở phía đuôi (Venenum in cauda). Câu này nếu hiểu sát nghĩa đen, thì chỉ trúng cho một số con vật, như bọ cạp, như con ong: nọc ở phía đuôi. Con rắn nọc độc không ở đuôi. Thằn lằn cụt đuôi vẫn sống và mọc đuôi khác. Vì thế nọc ở phía đuôi, không thể chỉ hiểu theo nghĩa đen mà phải hiểu theo nghĩa bóng mới đúng. Nọc : phần chính yếu, sự sống … mạch máu – nằm ở đuôi : phần cuối, phần kết.

Trong nghệ thuật kể chuyện đặc biệt chuyện vui – câu kết luôn là câu quan trọng. Nhờ nó mà ta nắm bắt được những tình tiết trong lúc kể chuyện.

Nhiều khi xem một vở kịch, một cuốn phim… ta nóng lòng muốn xem: để xem coi kết thúc ra sao. Chính cái kết thúc = phần cuối, cái đuôi : giúp ta hiểu được tại sao lại có cảnh này, người kia xuất hiện…Ta xem kịch, xem phim, không biết tại sao ông khách lạ kia lại quí mến người con gái của bà góa nọ như thế. Cuối phim, thì ra ông là bố ruột của cô.

Bài Phúc âm hôm nay nói về dụ ngôn người cha có 2 người con. Xét về mặt tâm lý, cả hai người con đều là người hay thay đổi. Trước lời mời gọi của người cha, “hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho cha”

- Người thứ nhất nói : con không đi – sau đó đổi ý – đi

- Người thứ hai nói : con đi – sau đó đổi ý – không đi.

Cả hai người đều thay đổi, nhưng quan trọng là phần cuối của đổi thay.

Người thứ nhất được khen vì kết bằng đi. từ không đi–đến đi

Người thứ hai bị chê vì kết bằng không đi. Từ đi – đến không đi.

Vậy chủ điểm mà chúng ta đang tìm hiểu đó là : quan trọng là phần cuối. Đặc biệt là cuối cuộc đời. Nọc nằm ở phía đuôi. (cuối ngày, cuối giờ, cuối năm, cuối đời…)

Cách đây khoảng ba chục năm, khi việc phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam đang hồi gay go căng thẳng. Lúc đó ở Hà Nội, Nhà Nước đã chuẩn bị sẵn một hồ sơ về một số vị tử đạo có tì vết. Tì vết về đời sống luân lý, hoặc tì vết về đời sống chính trị: như tham gia vào loạn quân, như đi với Pháp… Hay như thánh Gẫm có hai bà vợ… Có một vị chức sắc cao cấp trong Giáo hội Việt Nam đọc được những tài liệu đó, cảm thấy e ngại, nên muốn đề nghị HĐGM hoãn ngày phong thánh để duyệt xét lại …

ĐGM Nha trang (ĐGM Hòa) lúc đó đang ở Hà Nội cũng được thông báo cho biết có những hồ sơ như vậy, với một thách thức ngầm : coi chừng, lộn xộn, chúng tôi cho công bố hồ sơ bê bối đó. (Ở đây chúng ta không xét mức độ thật hư của các hồ sơ đó như thế nào, nó đúng hay sai, đúng bao nhiêu, sai bao lăm). Cái hay mà chúng ta muốn nhắc lại đây là câu trả lời của ĐGM Nguyễn văn Hòa. Các ông cứ cho công bố : Càng công bố càng làm nổi hơn cái chết vì đạo của vị thánh. Họ như vậy đó mà họ vẫn chọn cái chết như thế đó. Chúng tôi căn cứ vào cái chết để phong thánh cho họ. Ngày chết là ngày sinh trên trời của của mỗi vị thánh.

Một quá khứ đen tối không luôn luôn làm giảm giá cuộc đời của một vĩ nhân. Abraham Lincohn tổng thống 16 của Hoa Kỳ có một quá khứ thật ảm đạm, cùng cực, nghèo túng, nhưng đã vươn lên thành người có công thống nhất Nam Bắc nước Mỹ. Có người từng đi chăn bò, chăn trâu, ở đợ, nhưng sau làm giám đốc, chủ tịch… Nhưng, ngược lại thì không được: đã từng làm giám đốc, chủ tịch, nay đi chăn bò, chăn trâu…! Cái quan yếu là ở phần cuối, ở về sau. “Nọc ở phía đuôi”.

Cũng cách đây trên ba chục năm, khi đi ra chợ Nha Trang, một linh mục được một người bán hàng ở chợ Đầm mách bảo : ở Nha trang đang cho chiếu một bộ phim bài bác đạo ghê lắm ! Chúng tôi đi xem, coi nó bài bác đến mức nào. Thật ra, nếu ai hiểu cốt truyện thì bộ phim không bài bác Đạo đâu, mà có khi trái lại nữa. Vì đạo diễn là Risac Be, người Ba Lan, Công Giáo. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Anatole France. Tiểu thuyết lại dựa trên một câu chuyện có lẽ có thực, xảy ra vào thế kỷ 4-5. Bộ phim mang tựa đề : Thais.

Thais là một vũ nữ sống ở Ai Cập, nổi tiếng phóng đãng, xa hoa. Và vì là phim ảnh, nên cảnh ăn chơi sa đọa trụy lạc của lớp quí tộc thời Ai Cập cổ được phóng đại và trình diễn lên màn hình trong những căn phòng có bóng cây thánh giá. Đó là điều mà người bình dân nói là bôi bác đạo. Thật ra không phải thế. Nhà ẩn tu Papnuc (Pathnutius) khi nghe tin về người vũ nữ thì đã cầu xin Chúa soi sáng, giúp sức, quyết định đến tìm Thais để đưa nàng ra khỏi nơi ăn chơi sa đoạ và trở về với Chúa. Sau khi cải trang, vị ẩn tu đến nhà nàng và xin được gặp riêng nàng ở nơi kín đáo. Nhưng bởi vị ẩn tu luôn nói rằng nơi này chưa kín đáo đủ, nên bực mình, Thais nói : Chắc chắn không ai có thể nhìn thấy chúng ta nơi đây, nhưng nếu ông muốn tránh cái nhìn của Thiên Chúa, thì dù ông trốn bất cứ nơi nào kín đáo nhất, ông cũng không tránh được.

Khi nghe vậy, vị ẩn tu vội nói: “Cô cũng biết có vị Chúa ư?”

- Có lẽ thế, và tôi cũng biết có một thiên đàng dành cho người tốt và một địa ngục cho ác nhân.

- Vậy sao cô có thể sống cuộc đời tội lỗi như thế trước một vị Chúa luôn trông thấy cô?

Những lời này xoáy vào lòng Thais - nàng sấp mình xuống chân người của Thiên Chúa. Sau đó nàng đi theo ẩn sĩ Papnuc để tìm nơi tu trì nhiệm nhặt và rồi cuối cùng chết như một vị thánh.

Còn ẩn tu Papnuc, một tu sĩ khổ hạnh, qua việc đi cảm hoá người, hiểu được phần nào hương vị cay đắng ngọt ngào của tình yêu và cuối cùng, kết thúc của bộ phim : ẩn sĩ Papnuc trở thành kẻ phản đạo, không còn tin Chúa.

Qua bộ phim và qua tiểu thuyết, ta thấy thật dịu ngọt và cay đắng. Dịu ngọt vì khúc cuối, cái đuôi của một vũ nữ trước kia xa hoa phóng đãng nay được chết lành khi miệng luôn kêu tên Chúa lúc lìa đời. Còn cay đắng, vì vị ẩn tu suốt đời khổ hạnh, tìm cách cứu người – thì lại có phần cuối được bộ phim diễn tả bằng cảnh hoá thành con quỉ dơi đi xơi máu người.

Câu nói của Chúa Giêsu hôm nay với các trưởng lão Biệt phái thật thấm thía : “Thật, tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông” vì họ đã tin, vì phần đuôi, phần cuối của họ : họ hối cải. Còn vị ẩn tu kia khởi đầu và phần thân là đẹp nhưng kết thúc là bi thương, trở thành con quỉ dơi hút máu. Vị tông đồ Dân ngoại Phaolô đã có lần thốt lên : “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9:27).

Vậy thì ta có thể cùng với đức cha Bùi Tuần thưa lên với Chúa lời nguyện này:

Lạy Chúa, vì con không biết – và thực ra Chúa cũng không muốn cho con biết – đâu là phần cuối của cuộc sống con. Nó có thể tới bất cứ lúc nào, nên con phải ở trong tư thế luôn nói tiếng “Có” với Chúa, luôn đi làm vườn nho của Ngài. Lạy Chúa, xin cho con, xin cho chúng con, đừng xét đoán ai trước thời buổi, vì nào ai biết được phần cuối trước khi Chúa đến. Xin cho con, xin cho chúng con khi Chúa đến, con vẫn còn tình trạng nói tiếng “Có”. Có đây tức là tin. Con tin Chúa. Amen.

LM Alf. Nguyễn Công Minh
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót
LM. Trần Đức Anh OP
08:19 29/09/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi đừng để cho lòng nhiệt thành mà Năm Thánh Lòng Thương Xót gợi lên bị tan loãng và quên lãng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 29-9-2017 dành cho 60 tham dự viên Đại hội vừa kết thúc của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Chủ tịch Rino Fisichella. Hội đồng này là cơ quan phối hợp việc tổ chức và cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến thành quả của Năm Thánh như một thời điểm hồng phúc mà toàn Giáo Hội đã trải qua với lòng tin nhiệt thành và tinh thần nồng nhiệt. Ngài nói:

”Chúng ta không thể để cho lòng hăng say ấy bị tan loãng hoặc lãng quên. dân Chúa đã cảm thấy mạnh mẽ Hồng ân Lòng thương xót và đã sống Năm Thánh qua việc đặc biệt tái khám phá bí tích Hòa Giải, như nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng từ nhân, sự dịu dàng của Thiên Chúa cũng như sự tha thứ vô biên của Chúa. Vì thế, Giáo Hội có trách nhiệm lớn phải không ngừng tiếp tục là dụng cụ của Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng cảm thấy sự đón nhận Tin Mừng được nhận thức và sống như một biến cố cứu độ và có thể mang lại một ý nghĩa trọn vẹn và chung kết cho đời sống cá nhân và xã hội”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Việc loan báo lòng thương xót trở nên cụ thể và hữu hình qua lối sống của các tín hữu, sống dưới ánh sáng của nhiều công việc từ bi bác ái; việc loan báo ấy là điều nòng cốt thuộc về sự dấn thân của mỗi người loan báo Tin Mừng: họ đích thân khám phá ơn gọi làm tông đồ do lòng thương xót đã dành cho họ”. (Rei 29-9-2017)
 
Dân biểu Hoa Kỳ Steve Scalise: Vụ nổ súng tăng thêm đức tin của tôi vào Thiên Chúa.
Giuse Thẩm Nguyễn
08:27 29/09/2017
(CNSNews.com) Dân Biểu Khối Đa Số là Steve Scalise (R-La) đã có lời phát biểu đầu tiên tại Hạ Viện Hoa Kỳ từ sau vụ ông bị bắn tại sân bóng ở Virgina cách đây ba tháng rằng vụ ám sát “đã tăng cường niềm tin “của ông vào Thiên Chúa và ông đã rất cảm động với bao yêu thương chan hòa và ủng hộ dành cho ông, không những của đồng viện và người dân Hoa Kỳ, mà còn từ những nhà lãnh đạo thế giới.

Là người lạc quan và vui tính, Scalise nói rằng vụ nổ súng vào ngày 14 tháng Sáu đã làm cho ông thay đổi “không phải theo cách mà người ta nghĩ. Thực ra vụ nổ súng ấy “chỉ làm cho tôi thêm mạnh tin vào Thiên Chúa và nhận ra sự tốt lành trong sáng nơi con người.”

“Tôi đã nhìn thấy sự tốt lành nơi con người, trong khi một số người khác thì lại chỉ chú tâm vào sự kiện bi thảm và hành vi xấu xa. Đối với tôi, tất cả những gì tôi còn nhớ được là hàng ngàn cử chỉ thân thiện, yêu thương và ấm áp đã nảy sinh từ vụ nổ súng này. Những cử chỉ ấy đã giúp tôi vượt qua được tất cả và một lần nữa tái xác định rằng con người tuyệt vời biết bao với muôn vàn thương cảm dành cho tôi lúc ấy.

“Cuối cùng tôi muốn nói đến những điều đã đánh động tôi nhiều hơn cả những gì tôi mong đợi, đó là tấm lòng yêu thương tràn đầy và sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người tôi gặp, tôi biết.

“Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu và tôi đã có những cuộc đàm thoại rất tuyệt vời tại nhà thương. Rồi Thủ Tướng Anh Theresa May, Vua Abdullah của Jordan và nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng đã gọi điện thăm hỏi tôi. Cả những người mà tôi chưa từng gặp cũng quan tâm tới tôi. Mỗi người làm cho tôi cảm động một cách khác. Tôi nghĩ rằng mỗi người và mọi người chúng ta đến đây để chiến đấu cho những gì chúng ta tin và tôi có niềm tin mạnh mẽ. Có khi chúng ta không đồng ý với nhau vì nhiều lý do, nhưng điều quan trọng là chúng ta cùng đến đây.”

Dân biểu Scalise nói rằng điều quan trọng là đừng bao giờ làm một cuộc chiến chính trị cá nhân bởi vì “một trong những điều tôi nhìn thấy, nó cứ quay quần trong tôi, tôi cố gắng cảm nhận để hiểu thì lại là điều tôi nghĩ tới các nhà lãnh đạo thế giới này. Tại sao họ lại quan tâm tới tôi dù tôi chưa hề gặp họ. Họ nói “Steve, chúng tôi hy vọng ông có thể trở lại làm việc. Chúng tôi hy vọng ông sẽ qua khỏi”. Những điều này có nghĩa là gì? Chắc hẳn là họ quan tâm đến sức khỏe của tôi, nhưng còn hơn thế nữa, họ coi cuộc tấn công vào tôi như là tấn công vào tất cả chúng ta, như là tấn công vào Quốc Hội Hoa Kỳ, tấn công vào chính quyền của chúng ta và họ thực sự trông nhờ vào chúng ta để thành công.

“Hãy nhìn xem, tất cả chúng ta đều biết Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới tự do. Đó là điều mà chúng ta thực sự hãnh diện như một quốc gia gìn giữ ưu thế tự do cho các thế hệ. Khi chúng ta nhìn vào danh xưng này thì nó thực sự có ý nghĩa, bởi vì nhiều quốc gia trên khắp thế giới đang mong mỏi sự tự do, có thể họ có tự do, nhưng họ biết rằng Hoa Kỳ có vai trò quan trọng và mạnh mẽ cho những nước còn lại của thế giới đang có cơ hội dành được tự do.”

“Tôi rất vui mừng để trở lại, bởi vì chúng ta đang chiến đấu cho những vấn đề hôm nay. Xin lưu ý rằng chúng ta vượt lên những thách đố hôm nay không phải chỉ cho chúng ta, cho lục địa này, cho đất nước này, nhưng còn cho những nước đang cậy dựa vào nước Hoa Kỳ của chúng ta để thành công. Người dân trên khắp thế giới tin tưởng vào tự do cũng nương dựa vào chúng ta và chúng ta sẽ cung cấp cho họ. Đó là lý do tôi rất lấy làm vinh dự trở lại Hạ Viện để tiếp tục phục vụ.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tác động tiêu cực của smartphone trên thế hệ trẻ
Mai Anh
15:24 29/09/2017
Đặc biệt đáng chú ý là kết quả một cuộc nghiên cứu của giáo sư Jean Twenge, thuộc đại học San Diego Hoa Kỳ, về hậu quả của các loại điện thoại thông minh smartphone trên cả một thế hệ trẻ em hiện nay.

Theo giáo sư Twenge, cuộc điều tra năm 2015 cho thấy: cứ 3 thanh thiếu niên người Mỹ, có 2 người xử dụng điện thoại thông minh Iphone. Giáo sư gọi thế hệ người trẻ này là thế hệ Igen. Họ trải qua suốt thời niên thiếu cắm đầu vào chiếc Iphone.

Giáo sư Twenge đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu đều đặn hàng năm trên 11 triệu người trẻ và ghi nhận rằng: từ năm 2010, trẻ em và thiếu niên bắt đầu thay đổi thái độ và thói quen so với các thế hệ đi trước. Và rồi từ năm 2012 trở đi, trí óc các em cũng bắt đầu đổi khác. Tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống của người trẻ thế hệ Igen đều bị chi phối bởi cái điện thoại thông minh.

Người trẻ trải qua hàng giờ, trung bình là khoảng 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, lướt mạng Internet, trao đổi tin nhắn với bạn bè hay giao lưu qua các mạng xã hội. Vì thế, chúng không còn thời giờ để làm những việc khác nữa, chẳng hạn như đi dạo chơi hay họp mặt với bè bạn. Đây vốn là một trong những sinh hoạt rất được người trẻ ưa chuộng trước thời smartphone xuất hiện.

Hậu quả tức thời là so với các thế hệ trước đây là: con số người trẻ thời đại Igen lâm tình trạng trầm cảm, hồi hộp lo sợ và tự cô lập gia tăng mạnh, trong khi đó, số bạn trẻ cảm thấy hạnh phúc lại giảm sút. Tỷ lệ người trẻ tự tử gia tăng 50%. Con số người trẻ bị bệnh trầm cảm nặng cũng thế.

Giáo sư Twenge nhận định rằng, không thể làm ngơ liên hệ giữa hai điều: một mặt, người trẻ gia tăng xử dụng điện thoại thông minh, và mặt khác, người trẻ giảm sút sức khỏe tinh thần quá nhiều. Qua việc quan sát những người trẻ này, giáo sư thấy rằng số người trải qua nhiều giờ trước màn hình điện thoại thông minh thường là những người ít hạnh phúc hơn và dễ bị trầm cảm hơn. Mặt khác, ít đi chơi họp mặt với bạn bè hơn cũng có nghĩa là ít phát triển thái độ hòa hợp xã hội hơn.

Một cuộc nghiên cứu hồi năm 2014 chứng minh rằng những trẻ em từ 11 đến 12 tuổi đã từng tham gia các buổi cắm trại không xử dụng màn hình máy tính bảng hay điện thoại thông minh, thì có khả năng đọc được cảm xúc trên mặt người khác lớn hơn là những người trẻ hay xử dụng điện thoại thông minh.

Thêm vào đó, thế hệ Igen lười đọc sách hơn nhiều. Trong những năm gần đây tỷ lệ người trẻ tự ý đọc một cuốn sách hay một tờ báo đã giảm từ 60% dạo năm 1980 xuống còn có 16% vào năm 2015. Giáo sư Twenge cho biết có nhiều trường hợp sinh viên đại học đã không thể đọc sách giáo khoa dài lâu và họ đã gặp nhiều khó khăn khi phải học bài.

Cuộc nghiên cứu của giáo sư Twenge khẳng định rằng người trẻ thế hệ Igen ngày nay trưởng thành chậm trễ hơn thế hệ cha anh của chúng đến 3 năm, nhất là trong lãnh vực phát triển tính dục và các mối tương quan nhân bản. Có lẽ vì thế, trong những năm gần đây, nhiều bậc phụ huynh trên thế giới đã kêu gọi giới hạn việc cho con em xử dụng các điện thoại thông minh hay máy tính bảng quá sớm, đồng thời mời gọi chú ý hơn đến các giao lưu trực tiếp với người khác, và nhất là chú trọng hơn đến sinh hoạt thể thao thể dục cho người trẻ. (AFP 18/19.09.2017)
 
Trùm khủng bố Hồi Giáo Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, kêu gọi tấn công Rôma
Đặng Tự Do
17:00 29/09/2017
Lãnh đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, và vừa lên tiếng kêu gọi những người Hồi Giáo quá khích trên thế giới tấn công vào các kẻ thù, và đặc biệt nhắm vào “các trung tâm truyền thông của những kẻ ngoại đạo”.

Abu Bakr al-Baghdadi đã nói như trên trong một băng ghi âm dài 46 phút được al-Furqan, là cơ quan truyền thông do bọn khủng bố IS điều hành, tung ra hôm thứ Năm 28 tháng 9.

Đại tá quân đội Hoa Kỳ Ryan Dillon, phát ngôn viên của Liên Quân tại Baghdad, cho biết giọng nói trong băng ghi âm nghe có vẻ giống như những bản thu âm trước đây của al-Baghdadi. Tên trùm khủng bố cũng đã lên tiếng trong một băng ghi âm được phát hành vào tháng 11, năm ngoái, khi kêu gọi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiến đấu tới cùng tại Mosul.

Tháng Sáu vừa qua, các quan chức Nga nói họ tin là al-Baghdadi đã chết trong một cuộc không kích của Nga ở ngoại ô thành phố Raqqa của Syria.

Đại tá Ryan Dillon nói ông không có lý do gì để bác bỏ tính xác thực của băng ghi âm này. Hơn thế nữa, trong băng ghi âm Abu Bakr al-Baghdadi đã nói về những diễn biến mới nhất trên thế giới như những căng thẳng gần đây giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên; trong khi chế riễu tổng thống Trump với một dụng ý rõ ràng là xúi giục Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến với Bắc Triều Tiên. al-Baghdadi cũng nhìn nhận các thất bại quân sự gần đây và kêu gọi các thành phố Hồi Giáo cực đoan chiến đấu như “những con sói cô đơn”.

Cho nên, Đại tá Ryan Dillon tin rằng Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, và hoàn toàn có thể gây ra nhiều vụ khủng bố nữa trên thế giới.

Trong băng ghi âm al-Baghdadi kêu gọi: “Các binh lính của nhà nước Hồi giáo, và những người ủng hộ sự cai trị của Hồi Giáo trên toàn cầu, hãy tăng cường các cuộc tấn công của các bạn và phải bao gồm cả các trung tâm truyền thông của những kẻ ngoại đạo và các trụ sở điều hành cuộc chiến tranh tâm lý.”

Tên trùm khủng bố dành một đoạn khích lệ người Hồi Giáo tấn công vào Rôma và không quên nhắc nhở những người theo hắn về những phần thưởng của sự tử đạo, bao gồm cả “72 người vợ” và cơ man “những nàng hầu xinh đẹp trên thiên đường”.
 
Thi hài 21 vị tử đạo Coptic được tìm thấy tại Lybia
Đặng Tự Do
17:17 29/09/2017
Trong một cuộc họp báo được tổ chức vào hôm thứ Năm, 28 tháng 9, Chánh Công Tố Al-Sadiq al Sour của Lybia cho biết thi hài của 21 vị tử đạo Coptic bị khủng bố Hồi Giáo IS thảm sát đã được tìm thấy.

Ông Al-Sadiq cho biết việc khai quật các thi hài đã diễn ra theo sau việc bắt giữ một tên khủng bố IS trực tiếp tham gia vào vụ sát hại này cùng với tên đã quay phim toàn bộ vụ thảm sát.

Ông Al-Sadiq cho biết thêm là vụ thảm sát đã diễn ra ở một bãi biển liền kề với một khách sạn ở thị trấn Sirte.

Tin tức về việc tìm thấy thi hài của 21 vị tử đạo Coptic đã được lan truyền nhanh chóng tại Ai Cập, tạo ra cảm xúc rất mạnh, đặc biệt là trong các cộng đồng Coptic trong khu vực Minya, là quê quán của hầu hết các nạn nhân.

21 Kitô hữu Ai Cập này đã bị bắt cóc ở Libya vào đầu tháng Giêng năm 2015. Đoạn video về việc họ bị chặt đầu đã được đưa lên các trang web của bọn thánh chiến Hồi Giáo vào ngày 15 tháng 2, năm 2015. Chỉ một tuần sau khi họ bị thảm sát, Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Tawadros II đã tuyên phong cả 21 vị là các vị tử đạo trong một nghi lễ trọng thể tại Synaxarium.
 
Chủ đề ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”
Đặng Tự Do
18:00 29/09/2017
Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Sáu 29 tháng 9, Bộ Truyền Thông Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề cho ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”.

“Tin giả”, theo Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, “là những thông tin vô căn cứ góp phần tạo ra và nuôi dưỡng một sự phân cực mạnh mẽ các quan điểm dị biệt. Nó liên quan đến sự bóp méo sự thật, dẫn đến những ngộ nhận và hoang mang, với những hậu quả tai hại nơi hành vi cá nhân và tập thể.”

Giải thích lý do Đức Thánh Cha chọn chủ đề này, Bộ Truyền Thông Tòa Thánh viết: “Trong bối cảnh mà các tác nhân chủ chốt của các mạng xã hội, các thể chế và các tần lớp chính trị trong xã hội đã và đang bắt đầu trực diện với hiện tượng này, Giáo hội cũng mong muốn đóng góp, và đề xuất những suy tư về nguyên nhân, luận lý và hậu quả của việc thông tin sai lạc trên các phương tiện truyền thông, nhằm góp phần thúc đẩy một nền báo chí chuyên nghiệp, luôn tìm kiếm sự thật, một nền báo chí vì hòa bình, đem lại thiện ích chung, và sự hiểu biết giữa con người với nhau.”

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, là ngày thế giới duy nhất được Công đồng Vatican II thiết lập trong Sắc Lệnh Inter Mirifica vào năm 1963. Theo lời khuyên của các giám mục trên thế giới, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được cử hành vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống. Năm tới, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là ngày 13 Tháng Năm, 2018.

Văn bản Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được công bố vào ngày 24 tháng Giêng hàng năm, nhân lễ Thánh Phanxicô đệ Sales, là bổn mạng các nhà báo.
 
Các Giám Mục Nhật bày tỏ lòng biết ơn đối với chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Filoni
Đặng Tự Do
18:20 29/09/2017
“Một câu hỏi vẫn còn được khắc sâu trong tâm trí chúng tôi và trong con tim chúng tôi. Một câu hỏi mà Đức Hồng Y Fernando Filoni đã thách thức chúng tôi trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài: ‘Tôi hỏi anh chị em Phúc Âm có cần ở Nhật nữa không? Ở đâu và làm thế nào để Phúc Âm hóa?’”

Đức Cha Isao Kikuchi, một nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, Giám Mục giáo phận Niigata và là Chủ tịch Caritas Nhật Bản, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc: “Đây là thách đố của Giáo hội chúng ta, đặc biệt đối với các vị giám mục”. Đức Cha Kikuchi đã nói như trên khi được hỏi về những ngày thăm viếng mục vụ từ 17 đến 26 tháng 9 của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng của Bộ Truyền Giáo.

Đức Giám Mục nhớ lại: “Đức Hồng Y đã gặp nhiều tín hữu, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giám mục. Sự hiện diện và lời nói của ngài là một động lực thực sự, và cụ thể cho tất cả chúng tôi. Ngài yêu cầu chúng tôi gieo những hạt giống của Tin Mừng và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng trong xã hội ngày nay”.

Đức Cha Kikuchi cũng nhớ lại một khoảnh khắc đặc biệt quan trọng trong chuyến thăm này. Ngài nói: “Đức Hồng Y đã viếng thăm Hiroshima và một phần của thành phố vẫn còn trống rỗng cho đến nay sau 60 năm của thảm hoạ này, vì lúc đó nó bị ô nhiễm nặng nề. Hồng Y Filoni đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng tối cao của hòa bình, vì thế chúng ta cần phải cầu nguyện và hành động. Hôm nay chúng ta phải ngăn chặn cuộc xung đột hạt nhân mới ở châu Á”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Kontum : Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục
Người Giồng Trôm
09:39 29/09/2017
Nếu như giờ này, nhiều người đang còn ngon giấc sau một ngày dài hay một tuần dài làm việc mệt nhọc thì tại 13 Nguyễn Huệ - Kon Tum mọi người đã phải thức giấc từ rất sớm hay có thể là cả đêm hôm qua khó ngủ hay mất ngủ. Giản đơn rằng những ai có mối liên hệ với 7 tiến chức linh mục sáng hôm nay trở về ngôi nhà Mẹ của Giáo Phận là nhà thờ Gỗ hay là nhà thờ Chính Tòa của Giáo Phận để tham dự Thánh Lễ truyền chức linh mục.

Xem Hình

Ngày hôm nay, Giáo Phận chọn một ngày gọi là “đẹp” và có ý nghĩa bởi lẽ cùng với niềm hân hoan của Hội Thánh mừng các vị Tổng Lãnh Thiên Thần thì ngày hôm nay Giáo Phận cũng nhớ đến ngày bổn mạng của vị tiền nhiệm Giám Mục đáng kính Micae. Không ai có thể phủ nhận được những gì Đức Cha Micae đã để lại cho Giáo Phận để rồi ngày hôm nay mừng Lễ cũng là ngày truyền chức linh mục lại càng thêm ý nghĩa.

Đặc biệt, Thánh Lễ truyền chức này sẽ truyền chức cho 2 vị xuất phát từ dân tộc thiểu số. Đây là niềm vui không chỉ của Giáo xứ mà còn cả Giáo Phận nữa bởi vì Giáo Phận Kon Tum là Giáo Phận truyền giáo. Sau nhiều năm rao giảng Tin Mừng, những hoa quả ơn gọi đến với anh chị em dân tộc thiểu số và đã có thành quả như ngày hôm nay.

5 g 30, Thánh Lễ truyền chức được bắt đầu.

Sau tiếng cồng chiên truyền thống của dân tộc, “Ngày hạnh phúc Chúa ơi, cuộc giao duyên đất trời, đưa con vào tình sử để hiến dâng cho đời. Từ nay, Thiên Chúa đã chọn con … “ đã cất lên để đón đoàn đồng tế tiến vào Thánh Điện.

Chủ tế Thánh Lễ hôm nay là Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị. Cùng đồng tế với Đức Cha Aloisiô có Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh – nguyên giám mục giáo phận Kon Tum và quý Cha trong và ngoài giáo phận.

Thánh Lễ hôm nay hết sức đặc biệt bởi lẽ được cử hành 2 ngôn ngữ Kinh và J’ rai.

Sau bài Tin Mừng, Đức Cha Aloisiô chia sẻ vể các ý nghĩa của Thánh Lễ hôm nay dựa trên các bài đọc.

Đức Cha Aloisiô nói : Trong bài đọc thứ nhất ngôn sứ Isaia nói đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng. Quả vậy, trên miền đồi núi Cao Nguyên này thật đẹp đẽ biết bao nếu như các linh mục ra tay loan báo Tin Mừng cho anh chị em dân tộc thiểu số.

Bài đọc thứ hai trích trong thư gửi tín hữu Do Thái nói về chức tư tế : “Tư tế là những người được chọn … trong các mối tương quan với Thiên Chúa để dâng Lễ phẩm và Lễ vật đền tội”.

Linh mục là tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Linh mục đại diện cho Thiên Chúa phân phát cho con người. Linh mục đại diện cho dâng Chúa dâng Lễ.

Trong bài Tin Mừng, Thánh Matthêu : Quả thật ! Linh mục là người lãnh đạo dân Chúa. Lãnh đạo theo kiểu Chúa Giêsu. Thủ lãnh các dân, lấy quyền làm lớn mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Giữa anh em, ai muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em …

Sau đó lời huấn từ chung, Đức Cha mời gọi các tiến chức : “Linh mục là cộng tác viên và cộng tác viên của giám mục … linh mục phải biết sống đức bác ái mục tử, noi gương Đức Giêsu – Đấng đến không phải để người ta phục vụ mà là Đấng đến để phục vụ và làm giá chuộc muôn người”.

Tiếp đến là nghi thức truyền chức Linh mục. Cha Giám đốc chủng viện xướng tên các tiến chức :

Đaminh Hoàng Xuân Anh

Micae Ablir

G.B. Trần Minh Đức

Antôn Võ Văn Hải

G.B. Đỗ Thanh Tùng

Phêrô Ngô Thanh Tùng

Phêrô A Xoang

Sau đó là lời hứa của các tiến chức tuyên bố trước mặt dân chúng quyết tâm về nhiệm vụ sắp lãnh nhận. Đặc biệt trong lời tuyên bố đó có việc “không ngừng dựa vào lệnh Chúa truyền phải cầu nguyện mà nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho đoàn dân được trao phó” và “ngày càng liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô Thượng Tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người”. Rồi lần lượt từng tiến chức quỳ và đặt tay trước Đức Giám Mục, “hứa kính trọng và vâng phục Giám mục giáo phận cùng các đấng kế vị”. Ngay khi đó, Đức Giám Mục nói: “Xin Thiên Chúa hoàn tất việc tốt lành người đã khởi sự nơi con”.

Và đến giây phút quan trọng là Kinh cầu các Thánh. Cộng đoàn cùng quỳ hát kinh cầu các Thánh để cầu nguyện đặc biệt cho các tiến chức.

Đức Cha Aloisiô, quý Đức Cha và cả các các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ hôm nay cũng đặt tay như dấu hiệu nhận các tiến chức vào linh mục đoàn. Đức Giám Mục đọc Lời nguyện Truyền chức, để ơn Chúa Thánh Thần được ban xuống trên các ứng viên giúp họ thi hành nhiệm vụ linh mục : “… Lạy Cha toàn năng, chúng con nài xin Cha ban chức Linh Mục cho các tôi tớ Cha đây. Xin Cha đổi mới Thần Trí thánh hóa trong lòng các thầy, cho các thầy biết chu toàn chức vụ nhị phẩm nhận được từ nơi Cha, và cho các thầy biết cải thiện phong hóa thế gian bằng gương sáng đời sống của mình”.

Với phần “nghi thức diễn ý” : áo lễ được đại diện gia đình mang lên như một cử chỉ dâng hiến người con cho Thiên Chúa và Hội Thánh ; các tân linh mục được xức Dầu Thánh trên đôi tay biểu thị sự tham dự đặc biệt của linh mục vào chức Tư tế của Chúa Kitô ; và được trao chén rượu và đĩa bánh là của lễ do cộng đoàn dân Chúa tiến dâng, nói lên nhiệm vụ cử hành Thánh Lễ, loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại. Kết thúc nghi thức truyền chức Linh mục, quý Đức cha và quý Cha đại diện trao hôn bình an cho các tân Linh mục.

Trước khi Thánh Lễ kết thúc, Cha Sở nhà thờ Chính Tòa Kon Tum ngỏ đôi lời cảm ơn Đức Cha Aloisiô, quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Đức Cha Aloisiô ngỏ chút tâm tình chúc mừng 7 tân chức. Kèm theo đó là lời chúc mừng bổn mạng của Đức Cha thay mặt cộng đoàn gửi đến Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trong ngày mừng bổn mạng.

Sau lời Đức Cha Aloisiô là một đại diện của tân chức ngỏ lời cảm ơn Đức Cha Aloisiô, quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Những tấm hình hết sức quý báu được ghi lại cùng với linh mục đoàn và với gia đình, người thân của tân chức.

Thánh Lễ truyền chức hôm nay của Giáo Phận Kon Tum khép lại nhưng phía trước con đường truyền giáo cho anh chị em dân tộc thiểu số vẫn đang rộng mở. Xin Chúa thương chúc phúc lành cho các tân chức để các tân chức nhiệt tình và hăng say
 
Văn Hóa
Lễ kính Thánh Têrêsa Hà Đồng Giêsu: Tình yêu Hoa Hồng
Teresa T Đinh
16:47 29/09/2017
Vâng con sẽ hát, con còn hát mãi,
Dù trăm gai con vẫn hái Hoa Hồng,
Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong,
Gai càng dài, lời ca càng thánh thót (*)


Từ khi Thánh Nữ về trời,
Mưa Hoa Hồng xuống trao đời Tình yêu.
Cuộc đời ngắn ngủi bấy nhiêu,
Nhưng đầy nhân đức làm siêu lòng người,
Hai mươi bốn vĩnh biệt đời,
Trở về Thiên quốc là nơi an bình.
Tuổi xuân tận hiến đời mình,
Dâng cho Thiên Chúa trọn tình yêu thương.
Đời sống nhỏ mọn tầm thường,
Hy sinh, cầu nguyện, khiêm nhường, thứ tha.
Tình yêu là bản diệu ca,
Hành động dù nhỏ hóa ra phi thường.
Giờ Người vinh hiển Thiên đường,
Con nơi trần thế còn vương lệ sầu,
Đời sống là cuộc bể dâu,
Lời con tha thiết nguyện cầu dâng lên,
Như xưa Thánh Nữ đã truyền,
Việc làm tuy nhỏ Tình yêu tinh tuyền,
Chính là một đóa Hoa Hồng,
Tăng thêm hương sắc đượm nồng thương yêu.
Lòng con thề hứa một điều,
Nguyện xin giữ trọn Tình Yêu Hoa Hồng.

TERESA T ĐINH

(*) Trich thơ Lm Giuse Đinh Lập Liễm



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền:Giao Điểm Đất Trời
Nguyễn Trung Tây Lm
08:18 29/09/2017
GIAO ĐIỂM ĐẤT TRỜI
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Ở nơi đất, nước gặp trời!
Mênh mông bát ngát tình Người yêu thương!
(NTT)
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Hồng Phúc Chúa Ban
Khắc Thái
19:53 29/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây