Ngày 29-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 26 Quanh Năm 30/9/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:24 29/09/2018
Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29

"Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri".
Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.

Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: "El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại". Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: "Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi". Ông Môsê đáp lại rằng: "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

Xướng:

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh;

chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời;

phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó,

lại hết sức ân cần tuân giữ,

nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay?

Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy.

4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng,

đừng để tính đó làm chủ trong mình con.

Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết,

khỏi điều tội lỗi lớn lao.

Bài Ðọc II: Gc 5, 1-6

"Của cải các ngươi bị mục nát".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Allluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: " Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

Ðó là lời Chúa.
 
Tình Yêu Chính Là Sứ Vụ
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
18:04 29/09/2018
Tình Yêu Chính Là Sứ Vụ (Lễ kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - 01/10)

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, sinh ngày 02 tháng 01 năm 1873 tại Alencon, nước Pháp, qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 tại Lisieux, nước Pháp. Suốt đời, Têrêxa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào Dòng Kín. Vị nữ tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm tu ở trong nhà Dòng.
Nhưng “đây là vị thánh lớn nhất thời hiện đại” (Đức Giáo Hoàng Piô X), Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo và tiến sĩ Hội Thánh (vào ngày 19 tháng 10 năm 1997). Thánh Têrêxa trở thành bậc thầy của Giáo Hội vì Ngài đã đưa Giáo Hội trở lại với trung tâm điểm tình yêu và phát minh con đường nên thánh qua con đường thơ ấu thiêng liêng của Tin Mừng.

1- Tập trung vào tình yêu
Thánh Têrêsa sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, thời đó người ta quan niệm muốn nên thánh phải là một người phi thường, phải có những nhân đức anh hùng. Vì ảnh hưởng nền tu đức của phái Thanh Giáo, nên trong nhà Dòng, người ta đề cao sự khổ chế và hy sinh, nhưng lại ít chú trọng đến lòng yêu mến.
Thánh Têrêsa là một người có nhiều tham vọng, khi vào dòng, thánh nhân muốn làm linh mục, muốn đi truyền giáo, muốn được phúc tử đạo. Nhưng thánh nhân lại thấy mình nhỏ bé không thể thực hiện được và điều kiện cũng không cho phép.
Thánh nhân bắt đầu tìm kiếm cho mình một con đường mà nó có thể bao trùm hết mọi ơn gọi. Têrêsa bắt đầu đọc thư I Côrintô, chương 12-13, ở đó, thánh Phaolô nói đến tình yêu là cốt lõi của mọi ơn gọi. Tình yêu là linh hồn mọi hoạt động tông đồ. Không có tình yêu, mọi thứ sẽ không có giá trị gì hết. Thánh nhân kêu lên với Chúa: “Lạy Chúa, đây là ơn gọi của con. Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu.”
Đây là phát hiện thiên tài của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Sự phát hiện này đưa Kitô giáo phát xuất lại từ tình yêu. Theo đó, tình yêu phải là nền tảng, cốt yếu và là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu.
Thánh Têrêsa yêu Chúa với một trái tim nồng nàn; Ngài yêu Chúa và say mê Chúa như hai người trẻ yêu nhau. Đối với thánh nhân, được yêu Chúa là đủ rồi, dù ở đâu, làm gì, đi đâu, ngay cả khi phải ở trong hỏa ngục mà vẫn được yêu Chúa thì cũng đủ cho chị rồi.
Ngài yêu Chúa như một người con thơ yêu mến và tin tưởng vào người cha của mình. Đây là điểm thứ nhất làm nên sự nổi bật của thánh nhân.

2- Nên thánh qua nẻo đường thơ ấu thiêng liêng
Thời đó người ta quan niệm việc nên thánh rất khó, như leo lên một cầu thang nhiều bậc. Chỉ có những ai hoàn toàn thánh thiện, đầy nhân đức anh hùng mới có thể nên thánh.
Thánh Têrêsa đã phát minh ra một con đường nên thánh từ Tin Mừng, đó là con đường thơ ấu thiêng liêng. Con đường này được Chúa Giêsu mạc khải: “Cứ để mặc trẻ em, đừng ngăn cấm chúng đến với Thầy, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19,14).
Nơi khác, Chúa nói: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời (Mt 18,3-4).
Trở nên như trẻ thơ là sống một cuộc sống khiêm hạ, nhỏ bé, và hoàn toàn tin tưởng, tín thác vào Chúa như là Cha của mình.
Con đường thơ bé thiêng liêng là làm những việc nhỏ bé với một tình yêu lớn lao dành cho Chúa và để cứu rỗi các linh hồn. Con đường thơ bé là con đường mà mọi người có thể thực hiện được. Đó là con đường ngắn nhất, dễ nhất và ai cũng có thể thực hiện để nên thánh.
Vì thế, thánh Têrêsa đã sống tình thần thơ bé này với Chúa và với tha nhân. Thánh nhân chu toàn những bổn phận nhỏ bé của mình với một tình yêu lớn lao. Thánh nhân nói: dù nhặt một cái kim rơi xuống nhà với lòng yêu mến Chúa thì cũng có thể cứu độ các linh hồn.

3- Một tâm hồn tông đồ vĩ đại
Dù sống trong bốn bức tường Dòng Kín, nhưng sự vĩ đại của Têrêsa đã vượt qua khỏi các bức tường nhà Dòng, lan tỏa và ảnh hưởng khắp thế giới. Tinh thần của Têrêsa được mọi tầng lớp dân Chúa đón nhận, đặc biệt là đối với giới trẻ. Bởi lẽ, thánh Têrêsa có một tâm hồn tông đồ thật nồng nàn; Ngài ước mong đi truyền giáo khắp thế giới; Ngài ước mong được đến Việt Nam để truyền giáo.
Vì lòng yêu mến Chúa thúc đẩy, thánh nhân muốn mọi người cũng biết yêu mến Chúa và khát khao làm cho người khác cũng được yêu Chúa. Vì lòng yêu mến các linh hồn, Ngài khát khao cho mọi người trên thế giới cũng được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giêsu mang lại.
Vì thế, sau khi chết, thánh Têrêsa được phong là quan thầy của các xứ truyền giáo. Vị trí của Ngài tương đương với Thánh Phanxicô Xaviê. Đó là một điều hết sức lạ lùng mà Chúa đã làm cho thánh nhân.
Mừng lễ thánh Têrêsa và noi gương Ngài để lại, chúng ta được mời gọi phát xuất lại từ tình yêu như là trung tâm điểm của đời sống kitô hữu, để biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, sống khiêm hạ và tín thác theo con đường thơ ấu thiêng liêng, và nhất là biết khát khao làm cho người khác cũng được nhận biết Chúa như thánh nhân đã sống và đã làm. Bởi vì, xét cho cùng, đối với chúng ta, những kitô hữu, tình yêu chính là sứ vụ!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng trục xuất linh mục Chí Lợi Fernando Karadima khỏi hàng giáo sĩ
Đặng Tự Do
01:57 29/09/2018
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng một “quyết định ngoại thường” nhằm trục xuất Fernando Karadima khỏi chức tư tế đã được thực hiện “vì lợi ích của Giáo Hội.”

Chiều thứ Sáu 28 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã huyền chức Fernando Karadima Fariña của Tổng Giáo Phận Santiago de Chile.

Karadima là trọng tâm của vụ tai tiếng lạm dụng tình dục gần đây nhất ở Chí Lợi.

Bản tuyên bố, được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nói rằng “Đức Thánh Cha đã đưa ra quyết định ngoại thường này theo lương tâm và vì lợi ích của Giáo Hội”; và cho biết tiếp rằng, “ngài đã thực hành 'thẩm quyền tối thượng, đầy đủ, ngay lập tức, và phổ quát trong Giáo Hội,' với ý thức về sự phục vụ của ngài đối với dân Chúa trong tư cách người kế nhiệm Thánh Phêrô.”

Sắc lệnh được ký bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày thứ Năm, có hiệu lực ngay lập tức từ thời điểm đó, và bao gồm việc bãi bỏ tất cả các nghĩa vụ thuộc hàng giáo sĩ của Karadima.


Source Vatican News Pope Francis defrocks Chilean priest Fernando Karadima
 
Khuynh hướng ngông cuồng: Đặt tên con trẻ là Lucifer
Đặng Tự Do
03:44 29/09/2018
Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh quốc cho biết 7 bé trai đã bị cha mẹ đặt tên là Lucifer ở Anh và xứ Wales vào năm 2017. Tính đến nay, ít nhất 11 trẻ em ở Anh và xứ Wales hiện mang tên là Lucifer.

Cái tên được sử dụng phổ biến nhất để chỉ ma quỷ đã trở nên phổ biến hơn. Năm trước đó, 2016, chỉ có bốn đứa trẻ bị cha mẹ đặt cho cái tên chắc chắn khó ngóc đầu ngóc cổ lên được này.

Sự phổ biến của cái tên quái đản này có thể là xuất phát từ tâm tình bài bác tôn giáo ngông cuồng. Tuy nhiên, theo tờ Catholic Herald, cũng có thể là vì sự hâm mộ đối với một bộ phim truyền hình nhiều tập của Netflix. Bộ phim, có tên là Lucifer, nói về các hoạt động của cảnh sát nhằm vạch trần sự gian ác và quỷ quái của chủ một hộp đêm ở Los Angeles.

Theo thống kê, ba bé trai khác trong năm 2017 được đặt tên là Johnpaul (viết liền thành một chữ), 18 bé trai được gọi là John-Pauls; 233 em tên là Francis và 91 em được gọi là Benedict.


Source: Catholic Herald 7 baby boys named ‘Lucifer’ in England last year
 
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu lần hạt cầu nguyện cho Giáo Hội cách đặc biệt trong tháng Mười
Đặng Tự Do
14:07 29/09/2018
Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh được công bố hôm thứ Bảy 29 tháng 9 cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi “tất cả tín hữu trên toàn thế giới, lần hạt Mân Côi mỗi ngày” trong tháng Mười là tháng Đức Mẹ.

Sau đây là toàn văn bản thông cáo:

Lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha quyết định mời gọi tất cả các tín hữu, trên toàn thế giới, lần hạt Mân Côi mỗi ngày, trong suốt tháng Mười là tháng Đức Mẹ, để hiệp thông và ăn năn đền tội cùng toàn thể dân Chúa, đồng thời cầu xin rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ Giáo Hội khỏi quỷ dữ, là kẻ luôn tìm cách tách chúng ta khỏi Thiên Chúa và chia rẽ với nhau.

Trong những ngày gần đây, trước khi khởi hành đi các nước vùng Baltic, Đức Thánh Cha đã gặp Cha Fréderic Fornos, linh mục Dòng Tên, giám đốc quốc tế của Mạng lưới cầu nguyện thế giới cho Đức Giáo Hoàng, và yêu cầu ngài truyền bá lời kêu gọi này đến tất cả các tín hữu trên hoàn cầu, mời gọi họ sau khi lần hạt Mân Côi hãy đọc lời cầu cổ kính “Sub Tuum Praesidium”, và lời nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae xin Thánh Thiên Thần bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta trong cuộc chiến chống ma quỷ (xem Khải Huyền 12, 7-12).

Trích dẫn chương đầu tiên trong sách Gióp, Đức Thánh Cha đã khẳng định cách đây vài ngày, chính xác là vào ngày 11 tháng 9, trong bài giảng thánh lễ ban sáng tại Santa Marta rằng lời cầu nguyện là vũ khí chống lại tên Đại Cáo Buộc chuyên “đi vòng quanh thế giới tìm cách tố cáo”. Chỉ có lời cầu nguyện mới có thể đánh bại được nó. Các nhà thần bí người Nga và những vị thánh vĩ đại của tất cả các truyền thống đã khuyên chúng ta trong những khoảnh khắc xao xuyến linh hồn hãy trú ẩn dưới áo Mẹ Thiên Chúa với lời kinh cầu “Sub Tuum Praesidium” [ tiếng Việt gọi là “Kinh Trông Cậy”].

Sub Tuum Praesidium

Lời kinh “Sub Tuum Praesidium” như sau:

“Sub tuum praesidium confugimus Sancta Dei Genitrix. Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus, sed a periculis cunctis libera nos semper, Virgo Gloriosa et Benedicta”.

“We fly to Thy protection, O Holy Mother of God. Do not despise our petitions in our necessities, but deliver us always from all dangers, O Glorious and Blessed Virgin.”

“Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ.”

Với Kinh Trông Cậy này, Đức Thánh Cha yêu cầu tất cả mọi người trên thế giới cầu nguyện xin Mẹ Thánh Thiên Chúa đặt Giáo Hội dưới lớp áo bảo vệ của Mẹ: để bảo vệ Giáo Hội khỏi những tấn công của ma quỷ, là tên Đại Cáo Buộc, và đồng thời làm cho Giáo Hội nhận thức rõ hơn về những lỗi lầm, những sai sót và những lạm dụng đã phạm trong hiện tại và quá khứ, và cam kết chiến đấu không do dự, để điều ác không thể chiếm ưu thế.

Lời cầu cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae

Đức Thánh Cha cũng đã yêu cầu sau khi đọc Kinh Mân Côi trong tháng Mười này, các tín hữu hãy đọc lời cầu nguyện được viết bởi Đức Giáo Hoàng Leo XIII:

“Sancte Michael Archangele, defende nos in proelio; contra nequitiam et insidias diaboli esto praesidium. Imperet illi Deus, supplices deprecamur: tuque, Princeps militiae caelestis, Satanam aliosque spiritus malignos, qui ad perditionem animarum pervagantur in mundo, divina virtute, in infernum detrude. Amen”.

“Saint Michael Archangel, defend us in battle, be our protection against the wickedness and snares of the devil; may God rebuke him, we humbly pray; and do thou, O Prince of the heavenly host, by the power of God, cast into hell Satan and all the evil spirits who prowl through the world seeking the ruin of souls. Amen”.

“Lạy ơn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin giúp chúng con trong cơn giao chiến, đánh phá sự hiểm ác mưu sâu quỉ dữ. Chúng con sấp mình nguyện xin Chúa chế trị nó cùng xin nguyên soái cơ bình trên trời lấy quyền phép Chúa mà hạ Satan cùng các quỉ dữ đang rong ruổi khắp thế làm hại các linh hồn. Xin bắt chúng giam cầm trong hỏa ngục. Amen”


Source: Vatican News - Pope Francis invites the faithful to pray the Rosary in October
 
Quan điểm của Đức Phanxicô chắc chắn thắng thế tại Thượng Hội Đồng Tuổi Trẻ
Vũ Văn An
23:27 29/09/2018
Chỉ còn mấy ngày nữa, Thượng Hội Đồng về tuổi trẻ sẽ chính thức khai mạc tại Vatican, bất chấp một số lời kêu gọi hủy bỏ nó trong mấy ngày gần đây sau khi nổ tung những lời tố cáo cấp lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội che đậy các lạm dụng tình dục.



Ngày 15 tháng Chín vừa qua, Tòa Thánh đã công bố danh sách đầy đủ các vị sẽ tham dự Thượng Hội Đồng này cùng với Đức Phanxicô. Danh sách này bao gồm chừng 300 Hồng Y, giám mục, linh mục, tu sĩ và tham dự viên giáo dân đại diện mọi vùng trên thế giới, phần lớn do các Hội Đồng Giám Mục đề cử (151 vị) và 39 vị do Đức Phanxicô đề cử. Ngoài ra, mọi vị đứng đầu các bộ và tương đương của Tòa Thánh sẽ tham dự, các dự thính viên, các đại diện các giáo hội Đông Phương và đại diện Liên Hiệp các Bề Trên Cả. Ấy là chưa kể 15 thành viên của hội đồng tổ chức Thượng Hội Đồng, do các tham dự viên tại lúc kết thúc Thượng Hội Đồng năm 2015 bầu ra.

Các vị do Đức Phanxicô đề cử không những đại diện cho quan tâm của ngài đối với các vấn đề xã hội và các khu ngoại vi hoàn cầu, mà còn cả các đồng minh của ngài nữa.

Thực vậy, họ là các Hồng Y Reinhard Marx của Munich và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức; Blase Cupich của Chicago; Joseph Tobin của Newark, NJ (sẽ không tham dự), và Angelo De Donatis, Phó Giám Mục Rôma, tất cả, trừ Hồng Y Marx, nhận mũ đỏ từ Đức Phanxicô. Nhưng tất cả được coi như thân tín cận kề của ngài.

Hai người được đề cử đáng để ý khác là Cha Antonio Spadaro, giám đốc tập san của Dòng Tên La Civilta’ Cattolica và là bạn thân của Đức Phanxicô, và Cha Michael Czerny, phó tổng thư ký phân bộ di dân và tị nạn của Bộ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, do chính Đức Phanxicô trực tiếp giám sát.

Người ta cũng lưu ý tới những vị được Đức Giáo Hoàng trao mũ đỏ gần đây thuộc các giáo phận nhỏ hay “tăm tối” vì ít giáo dân hoặc đang gặp khó khăn như Hồng Y Charles Bo của Yangon, Miến Điện; Hồng Y John Ribat của Port Moresby, Papua New Guinea; Hồng Y Luis-Marie Ling Mangkhanekhoun, giám quản tông tòa Ventiane, Laos...

Nổi bật về khía cạnh các vấn đề xã hội có Cha Robert Stark, giám đốc văn phòng Tông Đồ Xã Hội ở Honolulu, và Cha Giacomo Costa, giám đốc Tập San Aggiornamenti Sociali, Chủ Tịch “San Fedele Cultural Foundation” và Phó Chủ Tịch “Carlo Maria Martini Foundation.”

Dĩ nhiên có những vị hoạt động trực tiếp trong các thừa tác vụ tuổi trẻ, tại Vatican, tại các cơ quan học thuật hay tại các giáo phận như Cha Alexandre Awi Mello, thư ký Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống; Cha Rossano Sala, giáo sư mục vụ tuổi trẻ tại Giáo Hoàng Đại Học Salesian và giám đốc của tập san tiếng Ý Note di Pastorale Giovanile.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cử các vị sau tham dự Thượng Hội Đồng: Hồng Y Daniel N.Dinardo, Chủ Tịch Hội Đồng, Tổng Giám Mục Jose H. Gomez, Phó Chủ Tịch Hội Đồng, Đức Cha Frank J. Caggiano, giám mục Bridgeport, Connecticut; Đức Cha Robert E. Barron, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles.

Ngoài số thành viên có quyền bỏ phiếu, Đức Phanxicô còn đề cử các “cộng tác viên” và “quan sát viên”, trong đó có 30 phụ nữ và người trẻ. Họ được tham gia các cuộc thảo luận nhưng không có quyền bỏ phiếu.

Với nhân sự như trên và nhất là quyền được tự do đề cử ủy ban soạn thảo tường trình cuối cùng, Đức Phanxicô chắc chắn sẽ hướng Thượng Hội Đồng về người trẻ lần này đi sát các nguyên tắc của ngài hơn Thượng Hội Đồng về gia đình vừa qua.

Cuộc tranh luận của hai vị gáo phẩm cao cấp của Giáo Hội Hoa Kỳ

Như mọi người đã biết, gần đây Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia có cho đăng tải ý kiến của một thần học gia nặc danh chỉ trích Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng về giới trẻ và lên tiếng yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô hủy bỏ Thượng Hội Đồng vì cho rằng trong bầu khí khủng hoảng lạm dụng tình dục và che đậy nó hiện nay, các giám mục không có đủ khả tín tính để nói về tuổi trẻ.

Lời kêu gọi ấy mặc nhiên bị Tòa Thánh bác bỏ khi cho công bố danh sách tham dự viên Thượng Hội Đồng. Còn các phê phán của thần học gia nặc danh thì sao? Cho đến nay, Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng giữ hoàn toàn im lặng, không có bất cứ phản ứng nào. Nhưng một trong các vị giáo phẩm cao cấp nhất của Giáo Hội Hoa Kỳ và là người được Đức Giáo Hoàng đề cử làm thành viên Thượng Hội Đồng lần này, Hồng Y Cupich của Chicago, đã lên tiếng thay và được Tổng Giám Mục Chaput “đáp lễ”.

Theo Christopher White của tạp chí Crux, lời qua tiếng lại của hai vị giáo phẩm Hoa Kỳ được đăng tải trên tờ First Things, một tờ báo bảo thủ viết về tôn giáo.

Nên biết thần học gia nặc danh được Tổng Giám Mục Chaput đăng tải ý kiến cho rằng Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng về tuổi trẻ quá chú trọng tới các yếu tố văn hóa xã hội và không lưu tâm đủ tới các vấn đề tôn giáo và luân lý. Bốn phạm vi trong Tài Liệu Làm Việc bị thần học gia này phê phán là: “không nắm được cách thỏa đáng thẩm quyền thiêng liêng của Giáo Hội”, “Một nền nhân thần học phiến diện”, “Một quan niệm duy tương đối về ơn gọi” và “một cách hiểu nghèo nàn về niềm vui Kitô Giáo”.

Ngoài ra, thần học gia trên còn cho hay: có những quan tâm thần học nghiêm trọng khác nữa, trong đó, có sự hiểu sai về lương tâm và vai trò của nó trong đời sống luân lý; một nhị phân sai lầm giữa chân lý và tự do; một tương đương sai lầm giữa đối thoại với tuổi trẻ đồng tính và đổi tính (LGBT) và đối thoại đại kết; và một bàn luận thiếu sót về tai tiếng lạm dụng.

Trong lá thư gửi cho các biên tập viên tờ First Things, công bố thứ Sáu vừa qua, Hồng Y Cupich cho rằng lời phê phán trên đại diện cho một sự thiếu hiểu biết tồi tệ về giáo huấn của huấn quyền. Tác giả ấy đã “làm sai lạc sự thật” và “tường trình sai lạc” bằng cách lựa lọc một số phần mà không đặt chúng vào ngữ cảnh rộng lớn hơn của toàn bộ tài liệu, một tài liệu có tới 30,000 chữ.

Ngoài ra, Hồng Y Cupich còn cho rằng thần học gia kia khinh thị các vấn đề do các hội đồng giám mục khắp thế giới nêu lên và được Tài Liệu Làm Việc dựa vào.

Ngài cũng phê bình việc dùng “lời chỉ trích nặc danh” vì điều này không dẫn tới một cuộc tranh luận lành mạnh. Ngài viết, “viễn kiến già dặn của Donum Veritatis (“Về Ơn Gọi của Thần Học Gia trong Giáo Hội”) nói đến cuộc đối thoại công khai và thẳng thắn để tìm ra sự thật, quảng đại trong tinh thần, hợp tình hợp lý trong phê phán và quân bình trong giọng điệu. Việc phê bình nặc danh công bố trên First Things bác bỏ các yếu tố này, thay thế bằng lực lọc, khinh thị, và triển khai các sự thật phiến diện để làm hoang mang sự trọn vẹn của sự thật”.

Hồng Y Cupich kết luận bằng cách trích dẫn Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, của Công Đồng Vatican II, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trích dẫn trong thông điệp Ut Unum Sint năm 1995:

“Sự thật... phải được tìm kiếm một cách thích đáng đối với phẩm giá của con người nhân bản và bản chất xã hội của họ. Việc tìm kiếm này phải tự do, thực hiện với sự trợ giúp của dạy dỗ hay huấn giáo, thông đạt và đối thoại, trong đó, người ta giải thích cho nhau sự thật mà chính họ đã khám phá ra, hoặc nghĩ mình đã khám phá ra, ngõ hầu nhờ thế, giúp đỡ nhau trong việc tìm ra sự thật. Hơn nữa, trong khi sự thật được khám phá ra, thì các cá nhân phải triệt để tôn trọng nó bằng một nhất trí bản thân”.

Ngài viết thêm: “điều cần là quan tâm tới Giáo Hội, một quan tâm được sinh động hóa nhờ tình yêu và sự thật. Điều cần thiết là tinh thần công đồng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã biến thành tâm điểm của giờ phút đối thoại và giáo huấn sắp tới của Giáo Hội trong việc tìm ra các cách thế đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến cho các thế hệ kế tiếp”.

Trong thư trả lời của ngài, Đức Tổng Giám Mục Chaput nói rằng lời chỉ trích nặc danh được ngài chọn để đăng tải là lời chỉ trích bác ái nhất, nhiều lời khác dài hơn và không bác ái bằng.

Theo ngài, Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng luôn, hay ít nhất, nên là một tài liệu còn đang diễn biến, sẵn sàng để được thảo luận và điều chỉnh bởi các nghị phụ. Do đó, ngài chờ mong tinh thần này trong Thượng Hội Đồng sắp tới.

Ngài đồng ý rằng các nguồn nặc danh là điều có thể đáng tiếc, nhưng ngài quyết định cho đăng tải vì “môi trường độc hại hiện nay ở nhiều công đồng học thuật khiến việc này trở nên cần thiết”.



Sau đây là nguyên văn thư Hồng Y Cupich gửi First Things và thư phúc đáp của Tổng Giám Mục Chaput

Kính gửi các biên tập viên:

Việc sử dụng ngày càng gia tăng các lời chỉ trích nặc danh trong xã hội Mỹ không nhất thiết góp phần vào cuộc bàn luận công cộng lành mạnh, nhưng trên thực tế có thể làm nó xói mòn. Vì lý do này, lời phê phán vô danh đối với Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội đồng năm 2018, được công bố bởi First Things ngày 21 tháng 9 năm 2018, đặt ra nhiều câu hỏi chủ yếu về bản chất của cuộc đối thoại thần học trong Giáo hội chúng ta và bản chất có vấn đề của một số hình thức nặc danh. Nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi căn bản về lý do tại sao First Things lại công bố một phê phán nặc danh như vậy.

Viễn kiến già dặn của Donum Veritatis (“Về Ơn Gọi của Thần Học Gia trong Giáo Hội”) nói đến cuộc đối thoại công khai và thẳng thắn để tìm ra sự thật, quảng đại trong tinh thần, hợp tình hợp lý trong phê phán và quân bình trong giọng điệu. Việc phê bình nặc danh công bố trên First Things bác bỏ các yếu tố này, thay thế bằng lựa lọc, khinh thị, và triển khai các sự thật phiến diện để làm hoang mang sự trọn vẹn của sự thật. Tệ hơn nữa, bản này bóp méo sự thật ở nhiều điểm và cho thấy sự khinh thị đối với các vấn đề được các hội đồng giám mục thế giới nêu lên và được Tài Liệu Làm Việc dựa vào.

Ví dụ:

Lời phê bình đại diện cho một sự thiếu hiểu biết tồi tệ về giáo huấn của huấn quyền khi khẳng định rằng: “Toàn bộ tài liệu được giả thiết trên niềm tin cho rằng vai trò chính của huấn quyền Giáo hội là 'lắng nghe'". Tuy nhiên, có bảy tham chiếu đối với giáo huấn của huấn quyền trong tài liệu (xem các số 53, 87, 115, 193). Sự quan tâm đến việc lắng nghe chính vì để giáo huấn được tiếp nhận cách hữu hiệu (xem thảo luận ở số 53).

Ngoài ra, lời phê bình làm sai lệch sự thật khi tác giả tập trung duy nhất vào đoạn 144, dựa vào sự trá ngụy cho rằng sự vắng mặt của một vấn đề trong một đoạn có nghĩa là nó vắng mặt trong toàn bộ tài liệu. Tác giả nặc danh viết: "Tuy nhiên, không đâu nó lưu ý đến việc cũng phải khai triển ở đấy một cách hết sức chắc chắn quan điểm này là có một Thiên Chúa, Người yêu thương họ, và Người mong muốn sự thiện vĩnh cửu của họ". Thế nhưng, Tài Liệu có khuyên chúng ta chạy tới với các hoạt động đa dạng của Thiên Chúa 78 lần.

Rồi phần nói về chủ nghĩa duy tự nhiên và sự vắng mặt của linh hồn; lại nhiều điển hình nữa về việc tường trình sai lạc. Tài liệu đề cập đến cơ thể hoặc mang cơ thể trong 20 dịp nhưng đề cập đến tinh thần 71 lần.

Tôi sẽ kết thúc bằng một trích dẫn từ Tuyên Ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae, số 3 của Công đồng Vatican II, mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trích dẫn trong đoạn 32 của Ut Unum Sint: “Như Tuyên Ngôn của Công đồng về Tự do Tôn giáo khẳng định: 'Sự thật... phải được tìm kiếm một cách tương xứng với phẩm giá của con người nhân bản và bản chất xã hội của họ. Việc tìm kiếm này phải tự do, thực hiện với sự trợ giúp của dạy dỗ hay huấn giáo, thông đạt và đối thoại, trong đó, người ta giải thích cho nhau sự thật mà chính họ đã khám phá ra, hoặc nghĩ mình đã khám phá ra, ngõ hầu nhờ thế, giúp đỡ nhau trong việc tìm ra sự thật. Hơn nữa, trong khi sự thật được khám phá ra, thì các cá nhân phải triệt để tôn trọng nó bằng một nhất trí bản thân”.

Điều cần là quan tâm tới Giáo Hội, một quan tâm được sinh động hóa nhờ tình yêu và sự thật. Điều cần thiết là tinh thần công đồng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã biến thành tâm điểm của giờ phút đối thoại và giáo huấn sắp tới của Giáo Hội trong việc tìm ra các cách thế đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến cho các thế hệ kế tiếp.

Hồng Y Blase J. Cupich
Tổng Giám Mục Chicago


Phúc đáp của Tổng Giám Mục Chaput:

Tôi rất biết ơn Hồng Y Cupich vì những bình luận hữu ích của ngài, và như tôi đã trình bầy trong những nhận xét ban đầu của tôi, "người khác có thể không đồng ý" với sự phê phán Tài Liệu Làm Việc mà tôi đã trích dẫn. Tôi thì không. Thực thế, lời phê bình tôi đã chọn là một trong những lời bác ái nhất tôi nhận được từ các học giả; những lời khác dài hơn, thấu đáo hơn và kém dịu dàng hơn khi đánh giá bản văn 33,000 hạn từ. Nhưng điều này không có gì bất thường cả. Tài Liệu Làm Việc của một Thượng Hội Đồng luôn luôn - và ít nhất, nên luôn là một tài liệu còn đang diễn biến, sẵn sàng để được thảo luận và điều chỉnh bởi các nghị phụ. Tôi tin chắc chúng ta có thể tin tưởng vào diễn trình này trong cuộc tranh luận tại Thượng Hội Đồng sắp tới. Còn về tính chất nặc danh của lời phê phán: Tôi chắc chắn đồng ý với Đức Hồng Y rằng các nguồn nặc danh có thể đáng tiếc. Nhưng môi trường độc hại trong nhiều cộng đồng học thuật của chúng ta khiến chúng trở nên cần thiết.

Charles J. Chaput, O.F.M. Cap.
Tổng Giám Mục Philadelphia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam Melbourne dâng lễ mừng bổn mạng Thánh Micae.
Trần Văn Minh
04:17 29/09/2018
Melbourne, vào lúc 3 giờ chiều Ngày 29/9/2018. Với một ngày tương đối đẹp trời. Trong khi cả Thành phố Melbourne đang trong cơn sốt Giải Grand Final, theo dõi trận chung kết môn Football của Úc. Các Cựu Quân Nhân Mũ Đỏ thuộc QLVNCH, cùng với các đơn vị bạn trong quân phục chỉnh tề đã về Ngôi Thánh đường Monica, Footscray để cùng dâng lễ mừng kính bổn mạng Thánh Micae của Binh chủng Nhảy Dù. Đồng thời mừng Đại hội Gia đình Mũ Đỏ lần Thứ 33.

Xem hình

Thánh lễ do Linh mục Phạm Minh Ước SJ, Nguyên sỹ quan Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam làm chủ tế. Sau khi ngỏ lời chào các chiến hữu. Một chiến hữu Mũ Đỏ đã lên đọc tiểu sử Thánh Micae, một vị thánh đã chiến đấu thật dũng mãnh để hạ con đại mãng xà. Tên Thánh Micae có nghĩa là không ai bằng Thiên Chúa.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, sau khi nói về nội dung của bài Tin Mừng. Linh mục Phạm Minh Ước đã nói: Lâu lắm chúng ta mới gặp nhau trong những bộ quân phục đầy kiêu hãnh của một thời tuổi trẻ hào hùng. Chúng ta đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ những giá trị nhân bản, bảo vệ tự do và phẩm giá của con người.

Mặc dù chúng ta thua, nhưng những giá trị của cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước vì những lý tưởng chân, thiện, mỹ rất đúng, rất xứng đáng cho sự hy sinh của chúng ta, những người Quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Không phải do thua cuộc mà chúng ta bỏ cuộc, chúng ta không còn dùng vũ khí, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu cho những điều chúng ta đã bảo vệ, những điều chân, thiện, mỹ.

Hiện nay, cộng sản đang bóp méo lịch sử, đó là những điều dối trá, không trung thực và những điều đó nằm trong chữ chân, chân là chân thật, chúng ta chiến đấu vì sự thật. Cộng sản làm cho xã hội băng hoại, mà con người đối sử với nhau thiếu tình nhân ái, thương yêu, thiếu sự thiện hảo. Rồi những cái đẹp trong xã hội cũng biến mất trong đời sống. Sự chiến đấu của chúng ta là phải nói lên những điều về chân, thiện, mỹ mà chúng ta đã được học trong mái trường tự do, dân chủ.

Trong lời nguyện giáo dân, chiến hữu Nguyễn Văn Hinh đã thay mặt toàn thể quân nhân, cầu cho những người đã vì lý tưởng tự do mà hy sinh, vì lý tưởng tự do mà mang thương tật đang sống cơ cực nơi quê nhà, cầu cho quê hương, đất nước sớm được sống trong an bình, tự do với phẩm giá của con người.

Sau lời cám ơn của ông Nguyễn Văn Long thay mặt cho Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam, Melbourne cám ơn Cha chủ tế, quý chiến hữu đại diên cho các quân binh chủng, thân hữu đã về cùng dâng lễ mừng bổn mạng của Binh chủng Nhảy Dù Việt Nam, và cùng mời mọi người hiện diện đến dự tiền đại hội của Gia đình Mũ Đỏ tại văn phòng Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Tiểu bang Victoria (RSL)

Trước khi ban phép lành cuối lễ. Linh mục chủ tế có mấy lời tâm sự cùng mọi người với tính cách đồng đội năm xưa. Những lời tâm sự rất chân thành của những người lính với nhau. Mặc dù hiện nay trong cương vị linh mục, nhưng nhìn mầu áo chiến binh, trong lòng vẫn rất cảm động vì nhớ lại thời đã hy sinh chiến đấu vì lý tưởng tự do của Miền Nam.

Mọi người được mời lên chụp hình kỷ niệm và qua bên Hội trường RSL để dự bữa tiệc nhẹ.


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tuổi Hồng
Nguyễn Đức Cung
13:03 29/09/2018
TUỔI HỒNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Tuổi hồng bé thật thần tiên
Dịu dàng giống mẹ,chăm, hiền giống cha
Gia đình ân sủng Thánh gia.
(nđc)