Ngày 29-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/9: Lan tỏa yêu thương qua hành động. Suy Niệm: Lm. Phaolô Nguyễn Xuân Đường, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:33 29/09/2021

PHÚC ÂM: Lc 10, 1-12

“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. “Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: “Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Ðó là lời Chúa.
 
Trái tim Thiên thần
Lm. Minh Anh
03:48 29/09/2021

TRÁI TIM THIÊN THẦN
“Đây thật là một người Israel, nơi ông không có gì gian dối!”.

Một em bé 5 tuổi, có người bạn mới qua đời; suốt ngày em qua nhà bạn. Mẹ em bảo, “Ba mẹ bạn con đang buồn, có nhiều việc phải làm; con qua nhà bạn, giúp gì được cho họ đâu?”. Em trả lời, “Con có giúp gì đâu; con chỉ ngồi trong lòng mẹ bạn con!”. Ôi, câu nói của một ‘trái tim thiên thần!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngồi trong lòng mẹ bạn”, lúc cô ấy đau khổ! Đó là việc làm tuyệt vời của em bé 5 tuổi với một trái tim không có gì gian dối, ‘trái tim thiên thần’. Lời Chúa ngày kính các Tổng Lãnh Thiên Thần cho chúng ta mục kích một trái tim khác, trái tim của Nathanael, người mà vừa thoạt nhìn, Chúa Giêsu thấy rõ ‘trái tim thiên thần’ của ông, “Đây thật là một người Israel, nơi ông không có gì gian dối!”.

Các Phúc Âm cho biết, Chúa Giêsu thức suốt đêm để cầu nguyện trước khi chọn các tông đồ; Ngài tìm kiếm những con người trung thực và chân thành. Gặp Nathanael, Ngài phát hiện ngay một người Israel không chút ám muội trong lòng. “Không có gì gian dối” nghĩa là thật lòng, ngay thẳng, không có sự ‘hai lòng’ nào bên trong người này. Có vẻ như Chúa Giêsu đã ngưỡng mộ những đặc điểm trong sáng nơi người bạn mới đến này; người ấy có một ‘trái tim thiên thần’. Ngài nhận ra ngay đức hạnh mà Nathanael đã sống, đó là sự trung thực và chân thành!

Các Tổng Lãnh Thiên Thần nổi bật vì tình yêu trung thực và chân thành của các ngài đối với Thiên Chúa. Với lòng trung thành, Gabriel đã chuyển giao những thông điệp quan trọng nhất của lịch sử nhân loại cho Zacharia và Mẹ Maria; Michael đã vật lộn với Lucifer, đuổi nó ra khỏi địa đàng; và Raphael đã đến trợ giúp gia đình Tôbia. Không vị nào trong các ngài có bất kỳ sự lừa dối nào. Thiên Chúa yêu cầu điều gì, các ngài sẵn sàng đáp ứng thiết thực điều đó. Thật tuyệt vời khi các ngài dùng tài năng và quà tặng Thiên Chúa trao để chu toàn thánh ý Ngài, và cũng thật tuyệt vời khi các ngài trở thành những công cụ trung thực của tình yêu vô hạn của Thiên Chúa! Bài đọc Đaniel hôm nay nói đến sự có mặt thường xuyên của các ngài bên ngai toà Ngài.

Chúa Giêsu nhìn vào trái tim mỗi người chúng ta như đã nhìn thấu trái tim Nathanael. Cũng thế, Ngài thâm nhập và biết rõ những động cơ trái tim của mỗi người, mặc dù những động cơ đó được giấu kín với những người khác. Nếu trung thành và chân thực với những chỉ bảo của lương tâm và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, ở nơi riêng tư hay nơi công cộng, chúng ta không có gì phải che giấu, cũng không có gì để lo sợ. Ngược lại, nếu chúng ta co rút, hao mòn khi phó mình cho Chúa Kitô bởi một sự nhàm chán và đơn điệu nào đó, thì đã đến lúc, chúng ta cần cầu xin một sự đổi mới. Chúa Kitô cần tôi! Bao nhiêu người đang chết và tàn lụi vì thiếu Chúa Kitô và tình yêu Ngài! Phần tôi, tôi đã được ban nhiều ân huệ thiêng liêng; Chúa Giêsu đang nhìn vào mắt tôi, Ngài mơ về một lòng chung thủy và tình yêu của tôi; Ngài mơ một ‘trái tim thiên thần’ nơi tôi!

Anh Chị em,

Trước khi là những sứ giả của Thiên Chúa, các thiên thần là những người tán tụng chúc khen Ngài; các ngài cũng dâng những lời nguyện, những khổ đau nhân thế lên Thiên Chúa. Từ Thiên Chúa, các ngài dẫn dắt, bảo vệ chúng ta qua muôn nguy biến; và cũng có thể đến ‘ngồi’ vào lòng chúng ta để xoa dịu nỗi đau của mỗi người. Thế nhưng, Chúa Giêsu mới là “Sứ Giả” đích thực của Trời, Ngài vừa là Đấng cứu độ vừa là Đấng đặt chúng ta vào lòng Ngài để ủi an. Chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa, chiêm ngắm thiên đàng. Để từ Ngài, chúng ta cũng đem sứ điệp yêu thương cho những người khác như Gabriel, chữa lành người khác như Raphael và bảo vệ người khác như Michael. Được như thế, ngày kia, chúng ta sẽ ở giữa triều thần thánh, ca mừng Thiên Chúa với các ngài như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, này con xin đàn ca kính Chúa!”. Như em bé 5 tuổi, như các thiên thần, như Chúa Giêsu… Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta có một ‘trái tim thiên thần’ cho tha nhân. Đôi khi, chúng ta không làm gì được cho họ, nhưng có thể lắng nghe nỗi lòng của họ, cùng khóc với họ, cùng họ dâng những lo âu phiền muộn nhân thế của họ lên Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con một ‘trái tim thiên thần’ để con có thể trở nên sứ giả của lòng thương xót Chúa cho anh chị em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:39 29/09/2021
Trẻ Thơ: Có Sao Thì Có Vậy

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở nên giống trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-5). Nước Trời là vương quốc của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và là “có sao thì có vậy” (x.Xh 3,14) khi mời gọi hãy trở nên như trẻ thơ thì Chúa Giêsu dạy chúng ta:

1. Hãy ở trong tình yêu của Thiên Chúa: Trẻ thơ luôn cần nhận được sự bao bọc bởi tình yêu của mẹ cha, anh chị, của người thân xa gần. Têrêxa hài đồng đã cảm nhận được hạnh phúc này khi mà cả cha lẫn mẹ đến các chị đều dồn hết tình thương vào đứa con, đứa em út trong nhà. Chính bầu khí yêu thương tự nhiên này đã giúp cho Têrêxa cảm nhận tình yêu của Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô. Và rồi, chị Thánh sau này luôn giữ mình trong vị thế ấy. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15,9). Têrêxa đã thực hiện lời tâm sự cuối cùng của Thầy Chí Thánh thật rõ nét. Tâm tình của chị là tâm tình của Thánh Tông Đồ dân ngoại: “không có gì tách được tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 8, 39). Chị đã viết trong bản tự thuật:“Suốt đời, Chúa nhân lành đã cưng chiều con: Những kỷ niệm đầu trên cuộc đời con ghi đầy những nụ cười, những mơn trớn êm đềm nhất …”(tr 17).

Ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là hãy để cho Người yêu thương ta, chỉ thế thôi. Một tâm hồn biết dìm mình vào lòng từ nhân của Thiên Chúa thì làm sao có thể trầm luân đời đời, tức là mất phần rỗi? Ai trong chúng ta cũng đã từng phạm tội, nhưng mọi thứ tội đều có thể được tha ngoại trừ tội phạm đến Thánh Thần. Tội phạm đến Thánh Thần nghĩa là không chịu để cho Thiên Chúa yêu thương. Dù đã minh nhiên nhìn nhận tội lỗi tày trời của mình nhưng người trộm cướp bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa đã biết tin cậy vào tình yêu của Đấng đang bị treo bên cạnh mình. “Lạy Ngài khi nào về nước Ngài xin hãy nhớ đến tôi. Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,42-43). Anh ta đã được vào Nước Trời ngay hôm ấy. Chị Thánh ghi những dòng thật sâu xa: “Thưa mẹ yêu quý, con đường tình ái thật êm dịu biết bao! chắc là người ta còn có thể sa ngã, có thể phạm tội bất trung, nhưng tình yêu vì biết lợi dụng tất cả, nên đã mau mắn tiêu huỷ tất cả những gì làm phiền lòng Chúa Giêsu mà chỉ còn lưu lại một sự bình an khiêm hạ và sâu xa tận trong đáy lòng …” (sđd. tr 165). Sống tinh thần trẻ thơ là biết ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha toàn năng chí ái, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ nhân trần.

2. Sống trong sự thật: Để có thể ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta phải là chính mình trước tha nhân và nhất là trước nhan Chúa. Trẻ thơ luôn sống trong sự thật. Trẻ có sao thì trẻ là vậy. Trẻ thơ không che đậy cũng chẳng phấn son. Ở trong tội thì người ta lấy lá che thân và tránh mặt Chúa (x.St 3,7-10). Ở trong gian dối thì người ta tô son, thoa phấn để loè bịp thiên hạ. Têrêxa ngay từ thuở bé đã bộc lộ một tính cách trong sáng, chân thực. Mẹ của chị viết trong thư gửi cho cô con gái, Pauline: “Hôm qua má muốn cho con bé (Têrêxa) một bông hoa hồng vì má biết nó thích hoa hồng lắm, nhưng nó van má đừng cắt vì Maria (chị của Têrêxa) không cho. Má cứ cắt cho nó hai bông, nó vui lắm nhưng rồi sợ không dám vào nhà nữa. Má nói khéo với nó là hoa của má thì nó bảo :“Không phải, hoa của chị Maria chứ”. Trong thư gửi cho chị Maria bà viết: “Nó (Têrêxa) hễ làm điều gì lỗi thì ai cũng phải biết. Hôm qua nó vô ý làm rách một tí góc giấy dán tường, nó nhất định thú tội với ba…”

Có sao thì có vậy nghĩa là luôn sống trong sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của ma quỷ vốn là cha của sự gian dối (x.Ga 8,44). Khi cảm nhận được yêu và đang sống trong tình yêu của một ai đó thì chúng ta sẽ dễ dàng bày tỏ và biểu lộ chính bản thân mình cách trung thực, cả những mặt tốt lẫn những bất toàn. Hãy ăn ở cách chân thực với nhau và trong sáng trước mặt Thiên Chúa như mình “đang là”. Đây là con đường tình yêu mà Têrêxa đã chọn, con đường thơ bé.

Để giúp nhau sống trong sự thật là “có sao thì có vậy”, thiết nghĩ cần có bầu khí yêu thương, quảng đại giữa chúng ta. Chính sự xét nét, kết án, phỉ báng của chúng ta làm cho tha nhân và cả cho chính mình sống trong sự gian dối, giả hình. Để kích thích tính tò mò của thiên hạ cách có hiệu quả thì không gì bằng những chuyện giật gân, những vụ “xì căng đan” liên quan đến người này người kia, nhất là những người có vai vế, danh phận trong xã hội hay tôn giáo. Chính ma quỷ lợi dụng tật xấu này để kìm hãm chúng ta và tha nhân trong sự giả dối và sự đố kỵ ghen tương. Ghen tương đố kị sinh ra nói xấu để hạ bệ nhau. Khi xét đoán tha nhân thì chúng ta sẽ bị đoán xét. Một mũi tên của thần dữ đã làm hại cả hai là tha nhân và chính bản thân chúng ta, khiến tất cả dần dần vong thân, đánh mất chính mình.

Mong sao xã hội và Hội Thánh có được bầu khí trong lành mà ở đó bớt dần sự xét đoán nhau. Mong sao tình yêu khoan thứ luôn hiện diện giữa chúng ta. Chắc chắn ma quỷ sẽ rất buồn vì có biết bao tâm hồn trẻ thơ đang vui vẻ sống “có sao có vậy” trước mặt nhau và trước mặt Thiên Chúa. Nước Trời không đâu xa, Nước trời đang ở giữa chúng ta, những người sẵn lòng đón nhận nhau và cùng nhau dìm mình vào lòng đại dương bao la của tình yêu Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột




 
Kinh Kính Mừng, Lời Kinh Mẹ Dạy Trong Cơn Nguy Khốn
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:51 29/09/2021
Kinh Kính Mừng, Lời Kinh Mẹ Dạy Trong Cơn Nguy Khốn

Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi

(Lc 1, 26-38)

Maria Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con, nên khi con cái lầm đường lạc lối, xa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay dẫn lỗi chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc, với lời nhắn nhủ: “Hãy ăn năn đền tội, hãy năng Lần Hạt Mân Côi”.

1. Kinh Kính Mừng

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”

Đó là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường xuyên đọc nhất là trong tháng Mười. Nhưng nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần nói, vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: “Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc“. Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy được đầy ơn phúc. Đức Maria là người diễm phúc không chỉ Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, mà Mẹ còn cưu mang Thiên Chúa ngay trong lòng mình nữa.



Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời… và trong giờ lâm tử“.

Phụng vụ mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) lại dìu ta về với “Đức Maria đầy ơn phúc”. Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, và Con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thế nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” để tôn vinh Mẹ Maria. Đức Maria là người hạnh phúc vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria cũng rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ: “Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi“. Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.

2. Những ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng

Chính Mẹ đã dạy chân phước Alanô: “Bất cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết“. Thánh Bênađô nói: “Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ“.

Còn thánh Bônaventura nói: “Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng”.

Theo thánh Montfort “Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị Kinh Kính Mừng, là những người có dấu bị trầm luân Hỏa Ngục. Không có gì có hiệu lực được lên Nước Thiên Chúa bằng đọc Kinh Mân Côi”.

Thánh Anphongsô: “Nhờ Kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng“.

Kinh Mân côi là kinh chính Đức Trinh Nữ đã khuyến khích khi hiện ra với Cô Bernardette ở Lộ đức (1858) cũng như trong các lần hiện ra với ba em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Đức-Mẹ đều thúc dục: “Các con hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày“. Và nhất là: “Các con hãy đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới”. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Lavang, Đức Mẹ cũng đã hiện ra để dạy các tín hữu đọc Kinh Kính Mừng, để cầu nguyện trong cơn nguy khốn, bách hại.

3. Lời kinh Mẹ dạy cầu trong cơn nguy khốn

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những căng thẳng, càng ngày càng gia tăng, nhất là trong thời đại dịch này. Chẳng những Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị cha chung của chúng ta, mà còn cả các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân khắp đó đây trên toàn thế giới đều hưởng ứng và có những sáng kiến chung lời nguyện cầu bằng Kinh Kính Mừng, với ước nguyện làm theo lời Mẹ dạy để cho thế giới sớm được hòa bình, nhất là đẩy lùi dịch bệnh càng sớm càng tốt. Trước tình hình thế giới hiện nay, chỉ biết chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin hòa bình cho thế giới và đại dịch sớm được đẩy lui. Việc làm trong tháng này là hãy tích cực và gia tăng lần hạt Mân Côi, như Giáo hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại. Chúng ta hướng về Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Mẹ chỉ bảo đàng lành, Mẹ cứu giúp trong những cơn nguy khốn và khẳng định rằng, nơi nào thiếu hòa bình, nơi nào con người tỏ ra bất lực hay không muốn dẹp đi mầm mống thù ghét và chết chóc, thì việc trợ giúp phải đến từ Trời cao. Chính Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Đấng đem chúng ta trở lại với Chúa Cha.

Trước những thế lực mạnh hơn, chúng ta thường cảm thấy bất lực, bất lực trước cả con virus vô hình. Khi nghĩ đến sức mạnh của những thế lực trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, chúng ta chỉ biết tin tưởng vào lời cầu nguyện mà thôi, chúng ta tin cậy vào một sức mạnh lớn hơn, là Thiên Chúa. Đức Maria, như gương mẫu của sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Và với tình mẫu tử, Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, theo dõi chúng ta trên đường đến với Chúa Cha, Đấng có thể cải hóa và làm cho các tâm hồn con người tùng phục thánh ý của Người.

Vậy Kinh Kính Mừng càng có lý do hơn nữa để xúc tiến hòa bình, một hoà bình cho tới nay vẫn chưa trở lại, một cơn đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Với lời Mẹ Maria dạy và kinh nghiệm của các thánh về ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy sốt sáng đọc kinh Mân Côi, để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo hội, cho quê hương và cho toàn thế giới.

Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Hôn nhân một vợ một chồng trong ý định của Thiên Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:31 29/09/2021
Hôn nhân một vợ một chồng trong ý định của Thiên Chúa

Suy Niệm Chúa Nhật 27 Thường Niên - B

(Mc 10,2-16)

Để con người hạnh phúc

Lần giở lại những chương đầu của sách Sáng Thế chúng ta sẽ khám phá ra ý định tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng Evà cho Adong là để con người hạnh phúc. Thiên Chúa đã tạo dựng Adong, thấy Adong ở một mình không tốt. Thiên Chúa khiến cho Adong ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại làm thành người đàn bà, rồi dẫn đến Adong, Adong thấy Evà, mắt ông sáng lên, tim ông thổn thức, lòng ông dâng trào hạnh phúc và ông kêu lên: “Wa, đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (x. St 2,18-23).

Adong và Evà được Thiên Chúa tạo dựng và thiết lập thành vợ thành chồng thật là đẹp. Đẹp về cách mai mối : Tạo dựng Evà xong, Thiên Chúa dẫn Evà đến mai mối với Adong. Chu đáo về cách chuẩn bị cho một gia đình mới : Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ông bà cả một gia nghiệp, chim trời cá nước, thú vật ngoài đồng, ruộng vườn canh tác. Chính Thiên Chúa đứng ra tổ chức và cử hành hôn phối cho Adong và bà Evà. Có mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sang ban đêm, khách sạn với muôn triệu vì sao là những thứ Thiên Chúa đã chuẩn bị. Hôn lễ bắt đầu, Thiên Chúa dẫn Evà đến với Adong, Adong vui vẻ hạnh phúc không chỉ nhận Evà làm vợ mà còn nhận : Đây là xương tôi, đây là thịt tôi nữa (x. St 2,24). Nhận nhau xong rồi, Thiên Chúa tuyên phán : “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly” (Mc 19,6). Hôn nhân một vợ một chồng trong ý định của Thiên Chúa thật tuyệt vời. Đúng là, đẹp thay của thủa ban đầu.

Sự cứng lòng của các ngươi

Tình yêu của Adong và Evà, tình vợ tình chồng dành cho nhau là một thứ tình phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chia sẻ tình này cho con người. Ngài đã cho con người biết về dự án yêu thương này: “Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Do đó, khi đáp lại tiếng gọi con tim của nhau trong ơn gọi hôn nhân là con người chia sẻ thứ tình yêu cao cả của Thiên Chúa cho nhau. Luật một vợ một chồng không phải do con người đặt ra để áp đặt trên con người. Đây là luật của Thiên Chúa, mà những gì Thiên Chúa làm thì tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho mọi loài thụ tạo trong đó có con người.

Có không ít người trong cũng như ngoài Giáo Hội Công Giáo cho rằng, Giáo Hội khe khắt, đòi hỏi, không bắt kịp trào lưu tư tưởng của con người thời đại. Họ đặt ra các vấn nạn : làm gì mà phải chung thủy? Tại sao phải sống chết với một người, nhất là người ấy gây sầu khổ cho mình? Thiên hạ ly dị đầy đường có chết chóc ai đâu? Tại sao mình lại không thử một lần để may ra đổi đời thay mệnh?

Đúng là tình trạng ly dị hiện nay không còn được coi là trọng tội đối với đời sống hôn nhân; nó đã được chấp thuận và hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là luật “một vợ một chồng” trở nên lạc hậu và Thiên Chúa cũng đã lỗi thời! Điều mà Giáo Hội gọi là “Ơn Gọi Hôn Nhân”, chung thủy, một vợ, một chồng mới là cái làm cho đời sống hôn nhân trở nên hạnh phúc. Ly dị không phải là giải pháp cuối cùng và tốt nhất cho đời sống hôn nhân. Chính Chúa Giêsu đã xác định với những người Do Thái khi họ hỏi Người về vấn đề ly dị. Trước biện chứng của người biệt phái về việc Môisê cho phép làm giấy tờ ly dị và họ ly dị, Người đã trả lời : “…lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ” (Mc 10,…..). Môisê chỉ làm điều chẳng đừng mà Thiên Chúa làm ngơ cho phép xảy ra theo sự cứng lòng của con người. Tại sao vậy? Thưa : Vì Thiên Chúa muốn hạnh phúc cho con người.

Hôn nhân ngày hôm nay

Con người và thế giới hiện đại của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt : văn hóa, xã hội, kỹ thuật, cũng như thông tin điện toán toàn cầu… Sự thay đổi ấy tác động trực tiếp đến lễ nghĩa gia phong, tôn giáo, nhất là các gia đình, đặc biết các cặp hôn nhân trẻ.

Hơn bao giờ hết, gia đình trên thế giới đang bị đe dọa đến tận nền tảng như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống chung mà không hôn phối, khước từ con cái hoặc hủy diệt con cái từ trong trứng nước. Kết hôn giữa người cùng giới tính, một số quốc gia chấp thuận.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI nhận định rằng, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”. Để duy trì nòi giống phải là sự kết hợp giữa người nam và người nữ từ nguyên thủy cho đến hôm nay.

Đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”. Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”. Ngài đặt câu hỏi : Con người là ai? Liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm do chính con người sản xuất ra?

Là người tín hữu ai cũng biết : đơn hôn và vĩnh hôn là hai đặc tính trong hôn nhân Công Giáo. Đơn hôn; nghĩa là hôn nhân chỉ giữa một người nam và một người nữ. Vĩnh hôn; có nghĩa là đã kết hôn thành sự và đã hoàn hợp thì hai người bị ràng buộc, phải chung thuỷ với nhau với nhau cho đến chết. Đặc tính vĩnh hôn loại trừ ly dị. Giao ước Hôn nhân bắt đầu bằng lời hứa thuỷ chung cho đến chết. Một Giao ước mang tính Bí tích, lấy Chúa ra mà thề, lấy cộng đoàn Giáo hội ra để làm chứng.

Chúng ta hãy cầu xin cho các cặp hôn nhân ngày hôm nay trung thành với giao ước hôn nhân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay gặp gian lao thử thách nào vẫn mãi mãi bền chặt, thủy chung và son sắt. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Thuỷ Chung
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:09 29/09/2021
Thuỷ Chung (Mc 10, 2-16)

Chúa Nhật XXVII TN B

Các bài đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật XXVII TN B dường như xoáy trọng tâm vào đời sống hôn nhân mà chủ đề chính là sự chung thuỷ trong nghĩa tình phu phụ. Tuy nhiên điều ta cần ngạc nhiên đó là sau khi tường thuật việc Chúa Giêsu khẳng định về sự chung thuỷ vợ chồng, đạo nhất phu nhất phụ thì Tin Mừng Maccô lại kể tiếp chuyện Chúa Giêsu chúc lành cho các trẻ em, dù cho các Tông đồ phản đối kịch liệt. Đồng thời Chúa Giêsu cũng nhân sự kiện ấy để dạy cho các môn đệ và chúng ta hôm nay về cách thế vào Nước Trời là hãy nên giống như trẻ thơ.

Hình ảnh trẻ thơ trong vòng tay bố mẹ hay các bé đang chập chững tập đi của tuổi lên hai, lên ba không chỉ gợi cho chúng ta nét đơn sơ trong sáng mà đặc biệt cho chúng ta thấy một sự tin tưởng vào tình yêu. Trong vòng tay mẹ, bé không hề hãi sợ. Trong bàn tay của bố, trẻ vững tin tiến bước. Trẻ thơ chính là kết quả của tình yêu đôi lứa, là hoa trái của đời sống hôn nhân. Cái hình ảnh đẹp này hẳn phải được dệt xây trong một mái gia đình mà ở đó nghĩa tình vợ chồng mãi sắt son và chung thuỷ.

Người ta không thể cho cái gì mà mình không có. Làm sao có được những người con an bình trong vòng tay bố mẹ khi mà sự thuỷ chung trong hôn nhân không được đặt lên hàng đầu? Các thống kê xã hội cho chúng ta con số về trẻ hư hỏng thì đại đa số là xuất từ hoàn cảnh gia đình không ấm êm hoặc bị chia đàn xẻ nghé.

Không khi nào hơn lúc này, những nhà xã hội học, các nhà đạo đức học, những người đứng đầu các tôn giáo, các quốc gia lại quan tâm cách đặc biệt về sự bền vững trong hôn nhân gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, là cộng đồng cơ bản của Hội Thánh. Vai trò của gia đình luôn có tầm quan trọng mà không có tổ chức hay đoàn thể nào có thể thay thế cách hữu hiệu. Một xã hội mà đời sống hôn nhân thiếu bền vững, thì có thể nói là đang trên đà băng hoại. Chính vì thế thông điệp gìn giữ sự thuỷ chung trong hôn nhân luôn mang tính thời sự và cấp thiết.

Làm sao để gìn giữ sự chung thuỷ trong nghĩa tình phu thê giữa một xã hội đầy biến động và chóng đổi thay như hôm nay? Một trong những cách thế gìn giữ sự thủy chung, trước sau như một của đời hôn nhân, đó là nhìn vào trẻ thơ. Một sinh linh luôn sống trong sự tín thác vào tình yêu. Không chỉ biết xây dựng lòng tin vào tình yêu của nhau mà còn hướng tâm trí của mình về hoa trái của tình yêu, đó là một trong những cách thế tuyệt vời để gìn giữ mối dây liên kết bất khả phân ly giữa vợ chồng. Điều gì Thiên Chúa đã liên kết thì con người không được phân ly. Họ không còn phải là hai nhưng là một xương một thịt. Cái sự nên một xương một thịt này được hiện thực hóa nơi chính người con, một kết quả hữu hình của tình yêu đôi lứa. Nói đến điều này chúng ta mới hiểu được tình trạng dù không phải là “đáng buồn” theo nghĩa luân lý nhưng vẫn kém vui theo nghĩa tâm lý của những cặp vợ chồng đang lâm vào tình cảnh hiếm muộn.

Văn hào Saint Exupéry từng nói:“yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”. Dĩ nhiên giữa vợ chồng có nhiều cái hướng nhắm, thế nhưng không có hướng nhắm nào quan trọng cho bằng những đứa con. “Có vàng, vàng chẳng hay phô. Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe”. Câu ngạn ngữ tuy mộc mạc, nhưng tượng hình và đượm nghĩa. “Ba thương con, vì con giống mẹ. Mẹ thương con, vì con giống ba…” Một ca từ không chỉ thi vị mà còn đủ ý tình. Chính qua đứa con mà người cha thêm khắng khít với người mẹ và người mẹ càng gắn bó với người cha và nghĩa tình hôn nhân ngày thêm bền chặt. Khi cùng nhìn về một hướng thì người ta sẽ biết nỗ lực vượt qua những dị biệt, để rồi có sự hiệp thông, hiệp nhất cách vững bền.

Với truyền thống Á đông, để làm người thì cần rèn luyện các nhân đức nền tảng là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Dù được xếp vào hàng thứ năm, nhưng “chữ tín” như là điều kiện đủ, hầu giúp cho các đức nhân, nghĩa, lễ, trí được chính hiệu. Cần khẳng định rằng chữ tín phải được gìn giữ trước hết ngay trong đời sống hôn nhân gia đình. Trong cuộc thi “hoa hậu áo dài” lần đầu được tổ chức tại Việt Nam năm 1989, chính nhờ câu trả lời trong phần thi ứng xử đã đưa cô Maria Nguyễn Thị Kiều Khanh, một nữ tín hữu giáo xứ Vườn Xoài, giáo phận Sài Gòn, lên ngôi hoa hậu. Các thí sinh vào vòng chung kết đều được ban giám khảo hỏi câu: em yêu cái gì nhất và em ghét cái gì nhất? Kiều Khanh đã vượt qua các bạn bằng câu trả lời: “điều em ghét nhất là sự phản bội”.

Quả thật, khi sự bất trung, bất tín xuất hiện và lan tràn như chuyện cơm bữa, trở thành chuyện thường tình, thì mọi mối tương quan giữa các cá nhân cũng như tập thể chắc chắn bị gãy vỡ. Nay ký kết hôn ước, mai đường ai nấy đi thì còn gì là hôn nhân! Nay ký hợp đồng, mai lại tùy tiện hủy bỏ thì còn gì là thương mại, bán mua! Nay ký hiệp ước, mai lại đơn phương rút, hủy thì còn gì là quan hệ đối tác! Tuy nhiên, cũng cần chân nhận rằng “nhân bất thập toàn”. Phận người thì khó tránh khỏi những sai lầm đáng trách hoặc có thể lượng thứ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định: “Chúa Giêsu một đàng đưa ra lý tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình” (Thư Mục Vụ 2018). Không kể các trường hợp cố tình và cố chấp, thì để gìn giữ sự thủy chung thì phía người lỗi phạm cần có sự khiêm nhu, chân thành nhìn nhận sai sót và phía còn lại cần có sự quảng đại, bao dung, tha thứ.

Xin nhớ rằng sẽ không bao giờ là muộn đối với người khiêm nhu, chân thành muốn bắt đầu lại như “thưở ban đầu đầy lưu luyến ấy” (x.Kh 2,4). Bí tích Thánh Thể, tòa cáo giải là những phương thế Chúa tạo cho chúng ta cơ hội lại bắt đầu. Ước gì mỗi người chúng ta biết trao cho nhau những cơ dịp thuận lợi để giúp nhau lại bắt đầu sống tình thủy chung và giữ chữ tín trong đời sống gia đình và xã hội, giữa chúng ta với nhau và với Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:28 29/09/2021

22. Trên tất cả mọi sự con phải nên trái ngược với thế tục.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:31 29/09/2021
70. “VIÊN GẠCH CỔ” MỪNG THỌ

Tất Thu Phàm làm tuần phủ ở Thiểm Tây, lúc ông ta mừng sinh nhật thứ sáu mươi, bộ hạ tặng mừng lễ thọ nhưng ông ta từ chối không nhận, có một huyện quan sai gia nhân đem đến tặng hai mươi viên gạch cổ, trên nắp đậy có đề niên đại làm gạch, nó nguyên là văn vật của thời Tần Hán.

Tất Thu Phàm rất phấn khởi, nói với người đem quà đến:

- “Ta không muốn nhận lễ thọ, chỉ duy nhất lễ thọ của chủ nhân người làm ta vui thích, cho nên ta nhận”.

Gia nhân ấy quỳ xuống nói thực rằng:

- “Chủ nhân của tôi vì mừng thọ của ngài mà tập họp tất cả các thợ trong huyện lại làm gạch cổ, chủ nhân đích thân đôn đốc, lựa những viên gạch tốt nhất kính dâng cho ngài đó”.

Tất Thu Phàm rất thất vọng.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 70:

Đi dự liên hoan sinh nhật hay mừng thượng thọ hoặc mừng đám cưới thì phải có quà đáp lễ, để gọi là chia vui, nếu không thì sẽ bị người ta cười cho đến...ba đời, đó là luật bất thành văn xã giao của con người. Quà tặng quý nhất là tấm lòng trân trọng của mình đối với người khác, chứ không phải là món quà vật chất; niềm vui lớn nhất là đón nhận tấm lòng của khách chứ không phải là nhận giá trị của món quà tặng.

Khi đi tham dự tiệc cưới Con Chiên, có những người Ki-tô hữu không đem theo quà tặng cho Đức Chúa Giê-su, nhưng họ đem theo những ghen ghét, chia rẽ và kiêu ngạo để làm đẹp lòng ma quỷ.

Ai cũng thích bạn bè đến dự tiệc sinh nhật của mình với tâm hồn trân trọng và hữu nghị. Đức Chúa Giê-su cũng muốn tất cả người Ki-tô hữu đem tâm tình yêu mến và hòa bình khi đi dự tiệc Nước Trời trong thánh lễ Mi-sa, đó chính là quà tặng mà Ngài yêu thích nhất nơi chúng ta –người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hãy là những cơn mưa
Lm. Minh Anh
22:43 29/09/2021

HÃY LÀ NHỮNG CƠN MƯA!
“Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Ngài. Các con hãy đi!”.

Một người quản lý nghe thấy nhân viên mình nói với một khách hàng, “Không, thưa bà, chúng tôi đã không có nó trong một thời gian và có vẻ, chúng tôi sẽ sớm có nó!”. Kinh hoàng, người quản lý chạy đến chỗ khách hàng và nói, “Tất nhiên, chúng tôi sẽ có sớm. Chúng tôi đã đặt hàng vào tuần trước!”. Sau đó, kéo cô thư ký sang một bên, anh nói, “Không bao giờ!”; anh gầm gừ, “Không bao giờ, không bao giờ nói rằng, chúng ta không có gì cả. Hãy nói, chúng ta đã có nó theo đơn đặt hàng và nó sẽ đến!”; “Bây giờ, cô ấy muốn gì?”. “Mưa!”, cô thư ký nói!

Kính thưa Anh Chị em,

Thú vị thay, cô ấy cần “mưa”; và không chỉ cô ấy, mà cả ‘thế giới’ này cũng cần ‘mưa!’. Mưa tự nhiên từ trời thấm xuống đất còn khó đến thế, phương chi mưa ân sủng thấm vào lòng người! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy thế giới tựa hồ một cánh đồng khô khốc ngày hạ, trái trăng chín thối, đang rất cần những thợ gặt, vốn như những cơn mưa tình yêu và lòng thương xót của Cha Trên Trời. Chúa Giêsu nói, “Các con hãy đi!”; khác nào nói, các con ‘Hãy là những cơn mưa!’.

Thiên Chúa muốn gửi mỗi người chúng ta ra đi, mang ân sủng của Ngài đến cho mọi người, không chỉ nơi chúng ta đang sống, nhưng trên toàn thế giới, đến tận cả những ‘vùng ngoại vi’. Điều quan trọng là mọi Kitô hữu cần hiểu rằng, mỗi người thực sự đang được Thiên Chúa sai đến với người khác. Tin Mừng còn cho thấy, thế giới như một cánh đồng hoa trái chín mọng, những chuỗi lúa chín vàng gục sát đất… đang chờ thu hái; chúng thường xuyên nằm đó, khô héo; vắt vẻo trên những dây leo, hàng dậu, không người thu hoạch. Đó là nơi Chúa sai chúng ta đến!

Không biết chúng ta đã sẵn sàng và sẵn lòng đến mức nào để được Thiên Chúa sử dụng cho vụ mùa và mục đích của Ngài? Có thể chúng ta thường cảm thấy như thể công việc truyền giáo và thu hoạch hoa trái cho Nước Chúa là công việc của một ai đó! Thật không khó để nghĩ, “Nào tôi có thể làm được gì?”. Thế nhưng, câu trả lời lại dễ dàng hơn, rằng, chúng ta có thể hướng sự chú ý của mình đến Chúa Giêsu và để Ngài sai đi. Chỉ Chúa Giêsu mới biết sứ mệnh Thiên Chúa đã chọn cho mỗi người; và cũng chỉ Ngài mới biết Thiên Chúa đang muốn chúng ta thu hoạch những gì. Trách nhiệm của chúng ta là phải chú ý, lắng nghe, cởi mở, sẵn sàng và sẵn lòng. Khi chúng ta cảm nhận Chúa Giêsu đang gọi và gửi chúng ta đi, một điều cần thiết là, đừng ngần ngại. Hãy nói “Vâng” với những lời thúc giục nhẹ nhàng của Ngài, “Hãy là những cơn mưa!’.

Kinh ngạc thay! Điều này chỉ có thể thực hiện và hoàn thành, trước hết, nhờ sự cầu nguyện chứ không phải nhờ vào tài năng mỗi người. Chúa Giêsu nói, “Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Ngài”. Nói cách khác, cầu nguyện để Chúa sai nhiều linh hồn sốt sắng, kể cả bản thân chúng ta, đi vào thế giới để phục vụ cho nhiều trái tim đang cần sự đỡ nâng. Bài đọc Nơkhemia hôm nay cho thấy những con người đang được Thiên Chúa sai đến với dân Ngài; đó là thầy cả Esdra, các thầy Lêvi. Họ được Chúa sai đến để trấn an dân, bảo ban họ, sau những năm tủi nhục lưu đày; đồng thời, củng cố dân bằng các giáo huấn của lề luật. Nhờ đó, dân Chúa phấn khởi và hân hoan, như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can!”.

Anh Chị em,

“Các con hãy đi!”, ‘Hãy là những cơn mưa!’, Chúa Giêsu đang nói với chúng ta. Khi Corona đang tác oai tác quái, thế giới đang đói khát những cơn mưa tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, thì vâng lệnh Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu xin và ra đi. Trước hết, xin Chúa thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho hoàn vũ như ý Chúa muốn; thứ đến, xin cho chúng ta biết mở lòng ra để có thể thấm từng tiếng nấc, giọt lệ của bao anh chị em đang chảy xuống; ngõ hầu chính mỗi người chúng ta chứ không ai khác, sẵn sàng ra đi theo đấng bậc của mình. Hãy cho phép bản thân ngạc nhiên về tất cả những gì Thiên Chúa muốn thực hiện qua chúng ta mỗi ngày. Thế giới đang rất cần chúng ta; trong mọi môi trường, mọi sinh hoạt. Chúa Giêsu đang sẵn sàng bổ trợ chúng ta bằng sức mạnh ân sủng của Ngài, bằng Lời Ngài, Thánh Thần của Ngài, và nhất là bằng Thánh Thể, chính Máu Thịt Ngài. Liệu rằng, chúng ta có đủ quảng đại để đáp lại lời Ngài mời gọi hay không, một lời mời gọi khá lãng mạn nhưng cũng lắm thách đố, ‘Hãy là những cơn mưa!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hãy dùng con như ý Chúa muốn, cho con trở nên khí cụ yêu thương của Chúa và sẵn sàng ‘Hãy là những cơn mưa!’ cho anh chị em con ngay hôm nay”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Để vợ chồng giữ trọn lời thề thủy chung
Lm. Đan Vinh
23:04 29/09/2021

CN 27 TN B
St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16
ĐỂ VỢ CHỒNG GIỮ TRỌN LỜI THỀ THUỶ CHUNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Mc 10,2-16

(2) Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Ðức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người. (3) Người đáp: "Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?" (4) Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ". (5) Ðức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. (6) Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; (7) vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, (8) và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. (9) Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". (10) Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. (11) Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; (12) và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình". (13) Người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. (14) Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. (15) Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào". (16) Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đề cao ý định của Thiên Chúa khi sáng tạo nên lòai người có nam có nữ, và truyền cho đôi vợ chồng này phải hiệp nhất với nhau nên “một xương một thịt”. Rồi từ giáo ước này sẽ phát sinh hiệu quả là: hai người không được phân ly. Tóm lại: Hôn nhân tự nhiên do Thiên Chúa an bài có hai đặc tính là: “độc hôn” (một vợ một chồng) và “vĩnh hôn” (bất khả phân ly).

3. CHÚ THÍCH:

-C 2-4: + Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Ðức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?": Người Pha-ri-sêu hay Biệt Phái là một đảng phái tôn giáo không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Câu hỏi của họ ở đây đầy ác ý, nhằm gài bẫy bắt bí Người + Họ hỏi thế là để thử Người: Nhóm Pha-ri-sêu đã giăng ra một cái bẫy yêu cầu Đức Giê-su phải chọn một trong hai cách trả lời, mà cách nào cũng đều bất lợi cho Người. Nếu Đức Giê-su cho phép ly dị là Người đã tự mâu thuẫn với lời dạy của mình. Còn nếu trả lời không được phép ly dị, thì họ sẽ tố Người chống lại Luật Mô-sê. Hơn nữa, Đức Giê-su lại đang ở trên phần đất do vua Hê-rô-đê An-ti-pa cai trị. Ông vua này đã bỏ vợ để lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a. Nếu phản đối luật ly dị, Đức Giê-su có thể bị chung số phận với Gio-an Tẩy Giả, đã bị ông vua này ra lệnh chém đầu trước đó.+ Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ": Trước khi trả lời, Đức Giê su hỏi ngược lại họ qui định của Luật Mô-sê? Họ cho biết ông Mô-sê đã cho phép rẫy vợ như sau: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì “chướng”, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà (Đnl 24, 1). Về vấn đề ly dị có hai trường phái đối nghịch nhau: Trường phái tự do chủ trương chồng có thể ly dị vợ bất cứ vì lý do gì dù là nhỏ mọn. Còn trường phái bảo thủ chỉ cho phép ly dị vợ trong trường hợp vợ ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai phái này đều chung lập trường cho phép ly dị.
-C 5-9: + Lòng chai dạ đá: Đây là kiểu nói trong Thánh kinh ám chỉ dân Do thái “mặt dày mày dạn”, cứng lòng và cố chấp trong sự lầm lạc của mình. Thái độ này đã được Đức Giê-su có lần nói đến như sau: “Họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri I-sai-a nói về họ rằng: Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành" (Mt 13, 14-15; x. Is 6, 9-10). +nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông: Chỉ vì lý do nhân đạo mà Mô-sê “nhân nhượng” cho dân Do thái được ly hôn. Giờ đây đã đến lúc Đức Giê-su tái lập trật tự theo thánh ý Thiên Chúa từ ban đầu. + Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ …: Hai nguyên tổ do Thiên Chúa dựïng nên giống hình ảnh Người và cho phối hợp nên “một thân xác và một tâm hồn”, để sống hòa hợp “một lòng một ý” với nhau. +và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt: Thánh Phao-lô sau này đã so sánh sự phối hợp thâm sâu giữa hai vợ chồng với sự kết hiệp nhiệm mầu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (x Ep 5, 31-32). +Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly: Như vậy hôn nhân theo Đức Giê-su dạy mang hai đặc tính là “độc hôn” (một nam một nữ) và “vĩnh hôn” (tồn tại vĩnh viễn).
-C 10-12: +Khi về đến nhà: Tin Mừng Mác-cô thường sử dụng kiểu nói nầy để kết thúc các huấn giáo của Đức Giê-su dạy thêm cho các môn đệ. +Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình…: Việc ly hôn sẽ kéo theo hệ lụy tội lỗi cho nhiều người khác nữa.
-C 13-14: +Người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giê-su: Trẻ em ở đây không phải là trẻ thơ, nhưng là những trẻ đã đến tuổi khôn. Thấy Đức Giê-su là một ráp-bi nhân hậu nhiều uy tín và dễ gần, nên cha mẹ đã đem trẻ em đến để Người đặt tay chúc lành cho chúng. +Các môn đệ xẵng giọng với chúng: Các môn đệ không muốn trẻ em quấy rầy Đức Giê-su, nên la rầy đuổi chúng đi. Phản ứng nầy trái với gương sáng và lời dạy về sự khiêm tốn hiền lành của Đức Giê-su (x. Mt 11, 29). +Người bực mình nói với các ông: Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng: Đức Giê-su yêu quý và muốn tiếp xúc gần gũi với các trẻ em (x. Mc 10, 14). +Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng: Không chỉ đề cao sự vô tội, Đức Giê-su còn đề cao tính cách khiêm hạ của các trẻ em là: không ham địa vị quyền hành, không cậy dựa vào thế lực của tiền bạc, luôn tín thác cậy trông vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
-C 15-16: +Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào: Đức Giê-su cũng dạy người lớn muốn được vào Nước Thiên Chúa cũng phải đơn sơ khiêm hạ giống như trẻ em.+Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng: Chỉ Tin mừng Mác-cô mới đề cập đến cử chỉ âu yếm trẻ em này của Đức Giê-su. Việc đặt tay chúc lành cho trẻ em cho thấy thái độ nhân hậu và têu thương của Người khi sẵn sàng ban ơn chúc lành cho những tâm hồn đơn sơ khiêm hạ.

4. CÂU HỎI:

1) Nhóm Pha-ri-sêu giăng bẫy để thử Đức Giê-su thế nào?
2) Mô-sê viết điều luật cho phép ly dị vợ với nội dung thế nào?
3) Đức Giê-su đã quở trách thái độ nào của các Biệt Phái đã cho biết thái độ đó đã ứng nghiệm lời tuyên sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a?
4)Tại sao Mô-sê cho phép ly dị và Đức Giê-su đã tái lập trật tự thế nào theo thánh ý của Thiên Chúa từ ban đầu?
5) Tại sao Đức Giê-su bực mình với các môn đệ và Người đề cao trẻ em ở điểm nào?
6) Người đòi những ai muốn được vào Nước Thiên Chúa phải nên giống trẻ em như thế nào?
7) Người biểu lộ tình thương đặc biệt đối với trẻ em qua hành động gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:
Đức Giê-su phán: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mc 10, 6-9).

2. CÂU CHUYỆN:

1) BÀI HỌC CHO ÔNG CHỒNG CÓ THÓI TRĂNG HOA:

Thu Hồ Tử người nước Lỗ, mới cưới vợ năm ngày đã nhận lệnh đi làm quan ở nước Tần. Năm năm sau, Hồ Tử xin phép về quê thăm vợ và mẹ. Khi về gần đến nhà, chàng bỗng thấy một thiếu nữ rất xinh đẹp đang hái dâu bên đường.
Hồ Tử xuống xe, thả lời ong bướm trêu cợt. Nàng hái dâu thản nhiên như không nghe thấy gì, tay không ngừng bứt lá.
Hồ Tử nói:
- Này em kia, dùng tận lực mà làm ruộng cũng không bằng một năm được mùa. Dùng hết sức mà hái dâu, sao bằng gặp được một người chồng làm quan. Ta đây là quan lớn, vàng bạc sẵn có, nàng mà ưng thuận lấy ta thì không thiếu thứ gì, chẳng cần hái dâu cho vất vả tấm thân!
Người thiếu nữ ấy vẫn giữ thái độ dửng dưng, nhìn ông quan với ánh mắt đầy khinh bỉ.
Hồ Tử về nhà lạy mẹ. Khi vợ chàng ra gặp thì Hồ Tử choáng váng mặt mày, vì vợ chàng chính là thiếu nữ hái dâu lúc nãy. Chàng hổ thẹn vô cùng, lúc ấy nàng mới dạy cho chàng một bài học:
- Chàng đi làm quan năm năm mới về. Đáng lẽ chàng phải vội vã về thăm mẹ, gặp vợ, thế mà chỉ thấy một người đàn bà ở dọc đường, không biết người ta chồng con thế nào đã ngừng lại trêu ghẹo, không nhớ gì đến mẹ, cũng chẳng thiết gì tới vợ. Quên mẹ thì bất hiếu, ham sắc thì lòng dâm, tính hạnh nhơ thì bất nghĩa, bất nghĩa thì trị dân chúng bất minh, người như thế sao đáng gọi là quan giỏi chồng quý được!

Câu chuyện trên dạy chúng ta về sự chung thủy vợ chồng mà Tin mừng hôm nay xác định. Đó là luật đơn hôn và vĩnh hôn trong bậc hôn nhân gia đình: "Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo: Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mc.10,6-9).

2) “MORS SOLA” - CHỈ SỰ CHẾT MỚI CHIA LÌA:

Cô CATHERINE kết hôn với anh JEAN WASA, một sĩ quan Phần Lan. Anh chồng bị kết án tù vì tội phản loạn. Nhà vua khuyên cô Catherine đi lấy chồng khác, vì số phận tù nhân hầu như không có ngày được ra. Catherine đã từ chối và còn xin nhà vua một đặc ân, là cho cô được vào tù ở chung với chồng mình. 17 năm sau, khi vua Eric băng hà, thì cả 2 vợ chồng được tha bổng. Người ta hỏi cô động cơ nào cô xin vào tù cùng sống với chồng, cô chỉ chiếc nhẫn cưới đeo trên tay, trên đó có khắc hàng chữ 'Mors Sola', nghĩa là, chỉ có sự chết mới có thể phân lìa chúng tôi.
Thật đúng như lời Chúa phán: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân ly”.

3) TÂM TÌNH CỦA CON TRẺ TRONG MỘT GIA ĐÌNH CHA MẸ LY HÔN:

Trong cuốn “Con cái người ly dị” của Jeanne Delas có lá thư của một bé gái tên Nina như sau:
“Ba thương mến. Con viết gửi đến ba nhưng bây giờ con không biết ba đang ở đâu, vì ba đã bỏ gia đình ta mà ra đi. Con mong rằng ba luôn mạnh khoẻ và vẫn luôn nhớ bé Nina của ba mỗi tối trước khi đi vào giấc ngủ. Con mong rằng bà vợ mới của ba không dữ lắm. Nhưng con tin là bà ta rất hung dữ, vì chính bà đã bắt ba của con phải bỏ nhà ra đi. Con vẫn thương và hôn ba. Nina".

Tin Mừng thuật lại một đám trẻ em đến quây quần chung quanh Đức Giê-su. Ngài ôm chúng vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng. Cử chỉ yêu thương của Chúa chính là một lời kêu gọi các đôi vợ chồng, các bậc làm cha mẹ: Khi trái tim đôi bên không còn cùng rung một nhịp, khi bị cám dỗ muốn từ bỏ nhau để ly hôn, thì họ hãy nhìn vào con cái là nạn nhân vô tội của mình. Bỏ nhau, đường ai nấy đi là một cách giải quyết cho bản thân mình, nhưng còn con cái hai người sẽ ra sao? Biết đâu sau này chúng sẽ trở thành những kẻ đầu trộm đuôi cướp chống lại gia đình và xã hội?

4) HIỆU QUẢ CỦA CHIẾC GHẾ QUỲ ĐỂ PHÒNG TRÁNH LY HÔN:

Một phụ nữ Đức đến xin tòa cho ly dị, vì ông chồng hay say sưa, la mắng, đập phá... Vị chánh án là ông WIN-THÓT (Windthorst), một nhân vật thời danh của Giáo hội Đức thời bấy giờ đã hỏi bà rằng:
- Lúc chồng bà say sỉn, la mắng, đập phá đồ đạc như vậy thì bà phản ứng thế nào?
Bà ta trả lời:
- Thưa ngài, dĩ nhiên là tôi cũng phải gây sấm sét, cho nổi giông tố để đối đầu lại lão ta chứ.
Bấy giờ vị chánh án mới ôn tồn bảo bà rằng:
- Tôi thấy hình như trong nhà của bà còn thiếu một chiếc ghế quỳ để giúp gây bầu khí hòa thuận giữa hai vợ chồng. Vậy tôi cho bà một phương thuốc hữu hiệu, giúp gia đình bà thuận hòa là: bà hãy về nhà mua một chiếc ghế quỳ. Rồi mỗi lần ông chồng bà say sỉn, chửi bới, đập phá… thì bà hãy im lặng đến quì vào chiếc ghế đó để nói chuyện với Chúa thay vì đối đáp lại ông ta.
Bà này về nhà làm theo lời chỉ dẫn của vị chánh án. Ít lâu sau bà quay trở lại báo tin vui cho ông chánh án rằng: ”Phương thuốc chiếc ghế quì của ông rất công hiệu. Vì khi tôi quỳ xuống cầu nguyện thì ông chồng của tôi cũng đồng thời hạ hỏa không còn la mắng đập phá đồ đạc trong nhà như trước nữa”.

3. THẢO LUẬN:

1) Để tránh ly hôn, các đôi vợ chồng trẻ cần làm gì trước và sau khi kết hôn?
2) Theo bạn, việc tổ chức giờ kinh tối gia đình hằng ngày ích lợi thế nào và cần tổ chức đọc kinh tối gia đình ra sao cho phù hợp với tâm lý và hòan cảnh thực tế hiện nay?

4. SUY NIỆM:

1) THỰC TRẠNG VÀ HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA SỰ LY HÔN:

- Khi mới quen và tình yêu đến thì “Em nói anh nghe”. Sau khi cưới xong và về sống chung một nhà thì “Anh nói em nghe”. Nhưng sau thời gian sống chung 10 năm thì “Anh và em cùng nói, bắt hàng xóm nghe”. Có bao giờ trong gia đình của chúng ta, vợ chồng cùng ngồi lại bên nhau để giải gỡ các khó khăn hay không? Đối thoại là điều rất cần thiết để hóa giải những nghi kỵ và hiểu lầm, nhưng đừng bao giờ biến cuộc « đối thoại » thành « đối đầu » khi hai người không muốn nghe nhau nói, mà mỗi người đều muốn to tiếng để lấn át và kết án lẫn nhau.
- Khi nhìn các đôi bạn trẻ tất bật lo chuẩn bị cho ngày kết hôn, có người thầm nghĩ: "Liệu hai, ba, năm, bảy năm sau, cặp nào trong số các cặp vợ chồng này sẽ ra tòa xin ly hôn đây?". Thực tế là ở Việt Nam hiện nay cứ ba cặp kết hôn, lại có một cặp xin ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn chung sống với nhau. Điều đáng buồn là 60% số vụ ly hôn này rơi vào số các gia đình trẻ, mà tuổi vợ chồng chỉ từ 23-30. Trong đó 70% vụ ly hôn khi họ mới kết hôn được từ 1 tới 7 năm và hầu hết gia đình họ đều đã có con.
- Con trẻ là những người gánh chịu hậu quả rõ nhất sau khi cha mẹ ly hôn. Mỗi năm, riêng tại Tp.HCM có tới 50.000 trẻ em thiếu cha hoặc mẹ do gia đình tan vỡ. Theo kết quả khảo sát của Trung Tâm Tư Vấn Trẻ Em và Ủy Ban Dân Số Gia Đình: hơn 30% trẻ em lang thang đường phố Sài Gòn đều có cha mẹ bỏ nhau. Còn theo số liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 2: trong năm 2004, có 16/20 ca trẻ em từ 14-17 tuổi tự tử. Nguyên nhân là do cha mẹ luôn xung đột nhau hoặc ly hôn...

2) NGUYÊN NHÂN DẪN DẾN LY HÔN:

Người ta ra tòa xin ly hôn có nhiều nguyên nhân. Nếu sự nhàm chán là nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc của các đôi vợ chồng lớn tuổi, thì sự hiếu thắng, tính sĩ diện hão, tình yêu lãng mạn thiếu thực tế, cái "tôi" quá lớn… lại thường là nguyên nhân dẫn đến ly hôn nơi các đôi vợ chồng trẻ. Có lẽ chính sự ảo tưởng, ngộ nhận về tình yêu và hôn nhân, là lý do khiến các đôi vợ chồng trẻ mau đổ vỡ hạnh phúc. Họ cưới nhau không phải vì muốn tạo hạnh phúc cho nhau, mà chỉ vì đã lỡ dại “ăn cơm trước kẻng”. Quan niệm về hôn nhân của họ dựa trên sở thích hơn là tình yêu: thích thì " góp gạo thổi cơm chung”, không thích thì chia tay. Thế nên nhiều trường hợp đôi vợ chồng trẻ ra tòa xin ly hôn chỉ vì những lý do rất “trẻ con” như: Ăn cơm mà không thèm đợi nhau, ngủ ngáy, thái độ ích kỷ, tình yêu không còn lãng mạn như thuở ban đầu… Nếu vợ chồng trẻ biết bỏ đi "cái tôi" tự ái cao và biết nghĩ đến chồng vợ của mình nhiều hơn thì chắc chắn hôn nhân không còn là "mồ chôn của tình yêu" như nhiều người đã nghĩ.

3) CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRÁNH LY HÔN?

a-Trước khi kết hôn:
+ Học giáo lý hôn nhân: Bí quyết giúp hai vợ chồng sống chung hạnh phúc là nghệ thuật "nhắm một mắt" để dễ chấp nhận nhau, dễ bỏ qua những thiếu sót cho nhau... Do đó, các lớp giáo lý hôn nhân rất cần cho các đôi vợ chồng chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân và học kỹ năng sống chung lâu dài với nhau.
+ Cần trang bị kiến thức căn bản về hôn nhân gia đình: Do yêu vội vàng, cưới hấp tấp, nên nhiều đôi bạn trẻ đã không trang bị cho mình kỹ năng để sống chung hòa hợp, nên đã dẫn đến ly hôn.

b- Khi mới về sống chung:
+ Ý thức được sự quan trọng của việc tìm hiểu nhau trước hôn nhân, cha ông chúng ta từ ngàn xưa đã tạo ra nhiều tục lệ xem ra rườm rà, nhưng lại thật sự cần thiết để giúp đôi bạn trẻ chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sống lứa đôi sau này như: lễ xem mắt, lễ cơi trầu dạm ngõ, lễ hỏi rồi sau cùng mới lễ cưới. Trong đạo Công Giáo, các thủ tục chuẩn bị kết hôn cũng nhằm kéo dài thời gian đính hôn giúp đôi bạn trẻ tìm hiểu nhau kỹ lưỡng nghiêm túc hơn như: Phải học giáo lý hôn nhân trước 3 tháng; Phải có giấy giới thiệu kèm theo chứng thư rửa tội và thêm sức, Phải có giấy công nhận kết hôn, giấy xin điều tra và rao hôn phối 3 CN; Phải tập lễ nghi, xưng tội trước ngày cử hành lễ cưới…
+ Chấp nhận ưu khuyết điểm của nhau: Lúc mới yêu nhau người ta thường “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng khi về sống chung, mỗi người sẽ “hiện nguyên hình” với đầy đủ ưu khuyết điểm. Nếu không biết chấp nhận khuyết điểm và giới hạn của nhau, thì ly hôn là điều khó tránh khỏi.

c) Trong suốt thời gian chung sống:
+ Sẵn sàng thoả hiệp để giải quyết mâu thuẫn nhỏ: Trong đời sống vợ chồng việc sống hòa hợp với nhau không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vì bá nhân bá tính, năm người mười ý. Không có đôi bạn nào mà lại không phải đối phó với những mâu thuẫn, trái ý xảy ra thường ngày trong đời sống vợ chồng. Nếu không biết cách thỏa hiệp, chân thành giải quyết các bất đồng thì cuộc sống hôn nhân không thể hoà hợp hạnh phúc được.
+ Nhẫn nhịn chịu đựng nhau: Cha ông ta đã khuyên dạy các đôi vợ chồng: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Và như có người đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson). Ngoài ra điều không kém quan trọng là giữ im lặng khi đang nóng giận như có người đã nhận xét: “Phân nửa những ‘vấn đề’ trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.
+ Nghệ thuật nhượng bộ nhau: Nhượng bộ không phải là yếu kém, nhu nhược nhưng là thể hiện sự bao dung, quảng đại, biết điều trong ứng xử, làm sao để vợ chồng luôn giữ được thái độ tôn kính nhau, giúp gia đình luôn có hòa khí thực sự. Thực vậy, “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ tan vỡ bấy nhiêu” (G. Lombroero).

d) Tầm quan trọng của giờ kinh tối gia đình hằng ngày:
+ Đức Giê-su đã dạy: ”Nếu không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5b), nên đôi vợ chồng cần ý thức tầm quan trọng của giờ kinh tối và tổ chức đọc kinh tối chung cách ngắn gọn, để gia đình được nghe Lời Chúa giáo huấn, được ơn Chúa biến đổi giúp mọi người yêu thương phục vụ lẫn nhau và tránh nguy cơ dẫn đến ly hôn.
+ Vợ chồng cần xin Chúa ban những ơn gì?:
Xin cho mỗi người bớt một chút ích kỷ, nhưng thêm một chút quảng đại.
Cho họ bớt một chút tự ái cao, nhưng thêm một chút khiêm tốn phục vụ.
Cho họ bớt một chút tự do hưởng thụ lạc thú ích kỷ, nhưng thêm một chút hy sinh…
Nhờ đó họ sẽ cộng tác với Thiên Chúa làm cho cây tình yêu của hai vợ chồng được bền vững và cùng nhau bảo vệ hạnh phúc gia đình.

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con xây dựng hạnh phúc gia đình, Xin cho chúng con tránh những nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc dẫn đến ly hôn. Cụ thể tránh thói ích kỷ cố chấp. Xin cho chúng con ý thức sứ vụ phải loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho anh em lương dân chung quanh, bằng việc làm cho gia đình mình ngày thêm hòa hợp hạnh phúc, cho vợ chồng năng nghĩ đến nhau và phục vụ lẫn cho nhau.
X)HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ)XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Sức mạnh chữa lành của Kinh Mân Côi
Lm. Đan Vinh
23:11 29/09/2021

CN 27 TN B – KÍNH TRỌNG THỂ LỄ MÂN CÔI
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA KINH MÂN CÔI

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38

(26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai Sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (27) gặp một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. (28) Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”. (29) Nghe lời ấy, Bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ thần liền nói: “Thưa Bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (34) Bà Ma-ri-a thưa với Sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với Bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. (38) Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”. Rồi Sứ thần từ biệt ra đi.

2. Ý CHÍNH:

Câu chuyện Sứ thần Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a giúp chúng ta nhận biết tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong việc thực hiện lời hứa cứu độ loài người. Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng việc ban ơn cứu độ và muốn cho loài người đón nhận ơn ấy. Qua câu chuyện truyền tin hôm nay, thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn “Xin vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu phải làm khi đọc kinh lần hạt trong tháng Mân Côi này

3. CHÚ THÍCH:

- C 26-27: + Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng: Cách đây sáu tháng, ông Da-ca-ri-a đã được Sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin khi ông đang thi hành chức vụ tư tế trong Đền thờ. Sứ thần hứa với ông rằng bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai. Sứ mệnh của nó là dọn đường cho Đấng Thiên Sai.. Quả vậy, bà Ê-li-sa-bét đã có thai trong lúc tuổi già. Bà đã ở trong nhà không tiếp xúc với ai suốt 5 tháng trời (x. Lc 1,5-25). Đến tháng thứ sáu thì Sứ thần Gáp-ri-en tiếp tục được sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a. + Gáp-ri-en: Là một trong bảy Tổng lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 10,13-21;12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (x. Đn 8,16). + Trinh nữ: hay thiếu nữ, là một cô gái chưa lấy chồng. Riêng về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a đã được gián tiếp đề cập đến qua câu ngài thưa với Sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Theo lời tuyên sấm của Ngôn sứ I-sai-a thì: Việc một hài nhi do một bà mẹ đồng trinh thụ thai là dấu chỉ của Đấng Thiên Sai (x. Is 7,14). + đã đính hôn: khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này là con chính thức. Tuy nhiên, theo phong tục Do thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi bên họ đàng trai tổ chức lễ cưới để đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + thuộc nhà Đa-vít: chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế thuộc hoàng tộc Đa-vít, để ứng nghiệm lời các Ngôn sứ đã tiên báo như: Người phát xuất từ gốc tổ phụ Giêsê là cha của vua Đa-vít (x.1 Sm 16,3.12); Người sẽ sinh ra tại Bê-lem là quê hương của vua Đa-vít (x. mk 5,1). + Ma-ri-a: hay my-ri-am là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt khi trùng tên, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và Trinh nữ Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Ga 19,25).
- C 28-29: + “mừng vui lên”: Đây không phải là kiểu chào thông thường của người Do thái, nhưng là lời chào trong những trường hợp đặc biệt, dành riêng cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “đầy ân sủng”: một tước hiệu dành riêng cho Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội và được Chúa luôn ở cùng. + “Bà bối rối và tự hỏi”: khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Dacaria (x. Lc 1,12), Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của Lời Chúa vừa được Sứ thần mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- C 30-33: + Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a biết về sứ mệnh làm mẹ của Hài nhi Giê-su. Giê-su nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay là “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11). + “Con Đấng Tối Cao”: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các vị vua dòng tộc Đa-vít. Sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là Vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ lên ngôi cai trị dân Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
- C 34: + so sánh thắc mắc của Ma-ri-a với thắc mắc của Dacaria (x. Lc 1,18): Tuy cả hai cùng đưa ra câu hỏi, nhưng phát xuất từ hai tâm trạng khác nhau: câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự hoài nghi về quyền năng Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt câm, không nói được. sự cấm khẩu này là dấu chỉ cho ông thấy việc bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh con là điều chắc chắn sẽ xảy ra (x. Lc 1,20). còn lời thắc mắc của Ma-ri-a thì biểu lộ lòng tin: Ma-ri-a muốn tìm biết rõ thánh ý Chúa thế nào để xin vâng. do đó, Ma-ri-a đã được Sứ thần ca tụng là đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và bà Ê-li-sa-bét cũng khen ngợi Ma-ri-a là người “diễm phúc” vì đã tin Lời Chúa phán sẽ được thực hiện (x. Lc 1,45).+ “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam!”: “biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Thắc mắc của Ma-ri-a ở đây không chứng minh Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh, vì động từ “biết” ở đây thì hiện tại. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc mắc là: làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay bây giờ được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn với Giu-se để nên vợ chồng về luật đời, chứ chưa được Giu-se tổ chức lễ cưới đón rước về nhà chồng như phong tục Do thái?
- C 35: + Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu rằng: Vì được Chúa tuyển chọn để làm mẹ Đấng Thiên Sai, nên Ma-ri-a sẽ được thụ thai cách đặc biệt nhờ quyền năng Thánh Thần, đúng như I-sai-a đã tuyên sấm về việc Đấng Cứu Thế sẽ do một trinh nữ thụ thai và sinh hạ (x. Is 7,14). + “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”: Kiểu nói “rợp bóng” nhắc lại sự kiện xảy ra vào thời Xuất hành, khi dân Do thái đi trong hoang địa trên đường về Đất Hứa. Bấy giơ Đức Chúa luôn hiện diện ở giữa dân Người, qua hình ảnh của một cột mây rợp bóng che phủ nhà tạm và lều hội ngộ (x. Xh 40,34-38). Rợp bóng cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa. Như chim phượng hoàng giang rộng đôi cánh để bao phủ che chở đàn chim con, thì Thiên Chúa cũng giang rộng tay hùng mạnh để bang trợ Ít-ra-en là con dân của Người (x. Tv 17,8). + “Đấng thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Hài nhi sắp sinh sẽ được hiến “thánh”, được dâng cho Thiên Chúa để chu toàn sứ mệnh cứu thế.
- C 36-37: + kìa Bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với Bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Để cho Ma-ri-a thấy quyền năng cao cả của Thiên Chúa, Sứ thần đã báo cho Ma-ri-a biết tin về bà chị họ Ê-li-sa-bét: tuy đã cao niên và hiếm hoi, thế mà cũng đã được Thiên Chúa cho thụ thai con trai, đến nay thai nhi đã được sáu tháng rồi.
- C 38: + “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a đã biểu lộ một nhân đức khiêm nhường và một lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”: Qua câu này, Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ do Thiên Chúa ban. Thực vậy, ngay sau lời thưa “xin vâng” này, Thánh Thần đã tác động làm cho Trinh nữ Ma-ri-a thụ thai mà không cần phải tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy để thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính là Thiên Chúa và người phàm.

4. CÂU HỎI:

1) Gio-an Tẩy Giả hơn Đức Giê-su bao nhiêu tuổi?
2) Thánh kinh kể tên 3 vị Tổng lãnh thiên thần là những vị nào? Tên gọi của mỗi vị có nghĩa thế nào?
3) Câu nói nào của Đức Ma-ri-a cho thấy ngài là thiếu nữ đồng trinh? Tại sao phải nhấn mạnh đến sự kiện đồng trinh trong việc Đức Ma-ri-a thụ thai Hài Nhi Cứu Thế Giê-su?
4) Việc kết hôn giữa thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a làm cho hai người nên vợ chồng thật hay chỉ là vợ chồng giả để che mắt người đời?
5) Tin Mừng muốn ám chỉ gì khi viết Giu-se “thuộc nhà Đa-vít”?
6) Hãy kể ra một số tên gọi Ma-ri-a trong Tin Mừng kèm theo tên phụ. Thêm tên phụ sau tên gọi như vậy nhằm mục đích gì?
7) Khi chào kèm tước hiệu “đầy ân sủng” của Sứ thần nhằm ám chỉ đặc ân nào trong 4 đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Ma-ri-a?
8) Tên gọi Giê-su mà Sứ thần ra lệnh cho Ma-ri-a đặt cho con trẻ mang ý nghĩa thế nào?
9) Tước hiệu “Con Đấng Tối Cao” được gán cho Hài nhi Giê-su có ý nghĩa thế nào?
10) Thắc mắc của ông Da-ca-ri-a trong Đền thờ (x Lc 1,18) và thắc mắc của Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay có giống nhau không? Ông Da-ca-ri-a và Đức Ma-ri-a đã gặp sự cố gì sau lời thắc mắc?
11) Khi nói “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”, Sứ thần muốn ám chỉ điều gì?
12) Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể xảy ra vào lúc nào trong biến cố Truyền tin?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: ”Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,46.49).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA KINH MÂN CÔI:

Cách đây ít lâu, tạp chí Reader’s Digest có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA và một thương gia người Mỹ như sau:
Trên chuyến máy bay từ CHRITIAMY về THANASITY, thương gia trẻ tên là JIM CAISO ngồi kề bên Mẹ Tê-rê-sa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng ngồi vào yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người nữ tu từ từ rút xâu chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người Công Giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Tê-rê-sa quay nhìn người thanh niên thương gia và hỏi:
- Anh có thường lần chuỗi không?
Anh trả lời:
- Thưa không.
Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh xâu chuỗi rồi mỉm cười nói:
- Vậy thì hãy bắt đầu siêng nằng lần chuỗi đi nhé.
Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay xâu chuỗi Mân Côi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Tê-rê-sa và kết luận: “Tôi có cảm tưởng như mình đã được gặp một nữ tu đích thực của Chúa”. Từ ngày đó hai vợ chồng đều không quên đọc kinh mân côi mỗi ngày như mẹ Tê-rê-sa đã căn dặn.
Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra xâu chuỗi Mân Côi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, trao cho người bạn và nói:
- Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị. Vợ chồng tôi sẽ đọc kinh cầu nguyện cho chị.
Mặc dù không phải là người Công Giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình xâu chuỗi trong suốt năm qua và đã được ơn chữa lành. Giờ đây chị trả lại cho Jim để may ra có thể còn giúp thêm cho người nào khác. Trong thời gian đó, bà chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng tinh thần sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn xâu chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại như sau:
- Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang xâu chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang nắm lấy một bàn tay thân yêu.
Xâu chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được xâu chuỗi ấy và họ đều nhận được ơn lành như ý nhờ lời cầu nguyện với kinh Mân Côi hằng ngày của đôi vợ chồng Jim.
Jim suy nghĩ: phải chăng xâu chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, xâu chuỗi có sức mạnh giúp tất cả những ai mang xâu chuỗi ấy canh tân tâm hồn và đã nhận được ơn do việc canh tân ấy mang lại. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn xâu chuỗi, anh đều vui vẻ cho mượn, và luôn căn dặn họ: “Khi nào không cần dùng nữa thì vui lòng cho tôi xin lại, vì có thể sẽ có người khác cần đến xâu chuỗi ấy”.
Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gỡ với Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, và Jim thường chia sẻ với bạn bè như sau: “Mẹ Têrêsa đã mang tất cả hành lý của Mẹ chỉ trong một cái xách tay nhỏ, Tôi cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của mình đơn giản hơn. Tôi luôn nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác kèm theo lời cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp cho họ”.

2) NHỜ MẸ THƯƠNG CỨU GIÚP HỒI PHỤC ĐỨC TIN:

Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN, một người đã mất đức tin và bỏ không đến nhà thờ nhiều năm, đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi qua đại lộ nhà thờ chính toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy có một sức mạnh vô hình cuốn hút ông đi vào trong nhà thờ và đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Sau một hồi im lặng, tự nhiên Phun-tơn cầu nguyện như sau:
“Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một giây lát nữa thôi là con lại thay đổi ý nghĩ lúc này để tiếp tục bài bác chế diễu việc đạo đức con đang làm và quay trở lại con đường vô tín của con. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp rất nhiều khó khăn. Xin Mẹ giúp con thêm đức tin”.
Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều gì đó kỳ diệu vừa xảy ra nơi bản thân ông và biến ông trở thành một người mới: Ông đã được hồi phục đức tin! Từ đó, ông luôn kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa bằng một cuộc sống khiêm nhường, cậy trông phó thác vào Chúa và đầy lòng vị tha bác ái với mọi người.

3) GƯƠNG LẦN CHUỖI MÂN CÔI CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC:

Trên một chuyến xe lửa về Paris, một sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một chuỗi tràng hạt và từ từ chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng như không còn đủ kiên nhẫn nữa, anh ta mới lên tiếng:
– Thưa ông, nếu tôi không lầm thì ông vẫn còn tin những chuyện nhảm nhí ấy chứ?
Cụ già điềm nhiên trả lời?
– Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Người sinh viên mỉm cười cách ngạo mạn và quả quyết:
– Lúc nhỏ tôi tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin những chuyện ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi, hạy quăng chuỗi tràng hạt ấy đi, và hãy học hỏi những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến giờ đều chỉ là mê tín dị đoan cả.
Cụ già bình tĩnh hỏi người sinh viên:
– Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu rõ hơn điều nầy không?
Chàng sinh viên hăng hái đề nghị:
– Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi đến cho ông một quyển sách. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới tân tiến của khoa học.
Cụ già từ từ rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp trao cho anh sinh viên. Đọc qua danh thiếp, anh ta bỗng tái mặt vì xấu hổ rồi lặng lẽ bỏ sang toa khác. Vì trên danh thiếp anh đã đọc thấy dòng chữ sau: “Louis Pasteur- Viện nghiên cứu khoa học Paris”.

3. THẢO LUẬN:

Hai câu chuyện trên cho thấy chuỗi kinh mân côi có vai trò nào trong việc chữa lành bệnh tật và sự quay trở lại với Chúa của Phun-tơn?

4. SUY NIỆM:

1) MẸ MA-RI-A TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA:

Thiên Chúa đã ban cho loài người chúng ta một Đấng Cứu Độ duy nhất là Đức Giê-su. Nhưng bên cạnh Đức Giê-su, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta một bà mẹ hiền đầy tình thương, luôn cộng tác với Đức Giê-su trong công cuộc cứu độ loài người, là Thánh Mẫu Ma-ri-a.
Thực vậy, Mẹ Ma-ri-a luôn yêu thương và cầu bầu cho những ai đang gặp khốn khó, như Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn được Chúa Giê-su làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới thành Ca-na. Cũng tai đây Mẹ đã dạy các người giúp việc vâng theo lời dạy của Đức Giê-su (x Ga 2,1-11). Về sau trước khi tắt thở trên thập giá, Đức Giê-su đã trối Mẹ cho môn đệ Gio-an là đại diện cúa Hội Thánh (x Ga 19,26-27); Từ đây Mẹ đã luôn thi hành nhiệm vụ là Mẹ Hội Thánh. Đầu tiên Mẹ hiệp thông với các tông đồ tại nhà Tiệc Ly để xin ơn Thánh Thần và cùng Hội Thánh đón nhận ơn Thánh Thần hiện xuống như cơn gió bão và hình lưỡi lửa trên đầu mỗi người vào lễ Ngũ Tuần (x Cv 1,14). Về sau nhiều lần Mẹ đã hiện ra nâng đỡ Hội Thánh vượt qua nguy nan.

2) VAI TRÒ TÍCH CỰC CỦA MẸ MA-RI-A TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH:

Trong lịch sử Hội Thánh, mỗi khi con thuyền Hội Thánh gặp cơn phong ba và có nguy cơ chìm đắm, chúng ta lại thấy có bàn tay phù trì nâng đỡ của Mẹ Ma-ri-a.
- Vào thế kỷ 12, thánh Đa-minh đã được Đức Mẹ hiện ra ban cho phép lần hạt Mân Côi, như khí giới thiêng liêng, nhờ đó Đa-minh đã chặn đứng được làn sóng lạc giáo An-bi-doa ở Miền Nam nước Pháp.
- Rồi dưới triều đại Đức Thánh Cha Pi-ô V, cũng nhờ phép lần hạt Mân Côi mà Hội Thánh đã tránh được làn sóng xâm lược của đạo quân Hồi giáo tại vịnh Lê-păng vào ngày 07 tháng 10 năm 1571.
- Ngày 13 tháng 05 năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ nhỏ tại làng Fatima nước Bồ đào nha và qua các em, Mẹ đã trao cho Hội Thánh ba mệnh lệnh như phương thế hữu hiệu mang lại hoà bình như sau: “Một là ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Hai là tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ. Ba là siêng năng lần hạt Mân Côi”.
Nhờ tôn sùng yêu mến Mẹ mà người ta sẽ năng đọc kinh Mân côi. Kinh Mân Côi sẽ giúp họ ăn năn sám hối và cải thiện đời sống ngày một nên tốt hơn.
Hiện nay nhờ thi hành ba mệnh lệnh Fa-ti-ma mà nước Nga đã trở lại với Chúa và con thuyền Hội Thánh lại được thư thái bình an.

3) KINH MÂN CÔI - PHƯƠNG THẾ HỮU HIỆU GIÚP CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG:

- Kinh Mân Côi sẽ giúp các tín hữu chúng ta canh tân đời sống: Nhờ năng kết hiệp với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a bằng việc suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi, chắc chắn chúng ta sẽ ngày một nên hoàn thiện hơn.
- Kinh Mân Côi cũng giúp cải thiện môi trường sống: Việc biến đổi những kẻ tội lỗi vô tín để họ nhận biết tôn thờ Thiên Chúa, và xóa bỏ các tệ nạn trong xã hội như ma túy, cờ bạc, đĩ điếm, cướp giật... sẽ khó có thể thành công nếu chúng ta chỉ dựa vào sức riêng của mình. Nhưng điều tưởng chừng không thể ấy lại không khó chút nào nếu có ơn Chúa trợ giúp: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

4) CANH TÂN VIỆC LẦN HẠT MÂN CÔI: MIỆNG ĐỌC LÒNG SUY:

- Kinh Mân Côi là kinh nguyện bình dân: Ai cũng có thể đọc được, từ người trẻ đến người già, người thông thái hay ít học, người giàu có hay nghèo khó, khỏe mạnh hay yếu đau, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi… Hơn nữa, kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ nơi đâu và trong bât cứ hoàn cảnh nào: Trong nhà thờ, ở nhà riêng, ngoài đường phố, nơi yên tĩnh hay giữa phố chợ ồn ào. Nhất là các gia đình tín hữu có thể đọc chung với nhau trong giờ kinh tối hằng ngày, hay các hội đoàn Công Giáo có thể đọc chung trong buổi sinh hoat hằng tuần …
- Việc đọc kinh Mân Côi không hệ tại ở số kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh đọc được ngoài miệng nhiều hay ít, nhưng ở việc suy niệm các biến cố Vui Sáng Thương Mừng trong cuộc đời của Chúa Giê-su như Mẹ Ma-ri-a đã làm và Tin Mừng đã ghi lại: “Còn Ma-ri-a thì ghi nhớ những sự kiện đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Cụ thể mỗi ngày chúng ta hãy làm một việc bác ái chia sẻ và phục vụ tha nhân, rồi suy niệm một mầu nhiệm Mân Côi, kết thúc bằng lời cầu xin cho mình được vâng theo ý Chúa, rồi đọc một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, để hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
- Về Chuỗi Mân Côi Sống: Chúng ta có thể liên kết với anh chị em trong một đội nhóm để cùng nhau lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày như sau: Mỗi người sẽ nhận một trong 20 mầu nhiệm “Vui, Sáng, Thương, Mừng” để đọc và suy niệm kèm theo một chục kinh Mân Côi, để cầu cho một người lương được sớm nhận biết tin yêu Chúa; cầu cho một bệnh nhân liệt giường được ơn chữa lành; Cầu cho một người thân đang đi đường tội lỗi được sớm quay về với Chúa…

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Mỗi lần gặp khó khăn hoạn nạn, chúng con thường hay kêu trời trách đất, hoặc tệ hơn lại tìm đến nhờ cậy các người hành nghề mê tín dị đoan... đang khi lẽ ra chúng con phải tín thác cậy trông vào quyền năng của Chúa, kêu cầu lòng Chúa thương xót, thực hành theo Lời Chúa dạy như Mẹ Ma-ri-a đã dạy các người giúp việc tại tiệc cưới Ca-na xưa: “Giê-su bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Xin ban thêm lòng tin cậy mến giúp chúng con đi theo con đường của Chúa noi gương Mẹ Ma-ri-a.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Chúa Nhật XXVII Thường Niên B
Lm. Jude Siciliano, OP
23:27 29/09/2021

CHÚA NHẬT XXVII TN (B)
Sáng thế 2: 18-24; Tvịnh 127; Do Thái 2: 9-11; Máccô 10: 2-16

Trong lúc đi giảng tĩnh tâm, tôi bản thân chỉ là người giảng phòng được mời thôi. Vì thế tôi thường gọi văn phòng giáo xứ hỏi thăm về tình hình địa phương "Xin cho tôi biết cộng đoàn giáo xứ ra sao". Chúng tôi, các người giảng phòng thường đi từ giáo xứ này qua giáo xứ khác phải hỏi trước như thế, chứ không như các thầy giảng địa phương vì họ đã biết rõ dân chúng ở giáo xứ đó ra sao. Mặc dù tôi không biết cộng đoàn giáo xứ đó sinh hoạt ra sao, nhưng từ kinh nghiệm bản thân, tôi cũng có thể biết vài chi tiết về cuộc sống của họ: Như ở đó có nhiều cha mẹ đơn thân, và có người đã ly hôn sau khi đã nhận bí tích hôn phối lần thứ nhất để kết hôn lần hai.

Có những người kết hôn lần thứ hai nhưng không thông qua thủ tục huỷ hôn lần thứ nhất. Một số có lẽ không đủ tiêu chuẩn, Số người khác, như một người bạn của tôi đang sống đời hôn nhân lần thứ hai. Người đó nói với tôi, "Khi tôi kết hôn với người vợ đầu tiên, chúng tôi yêu nhau. Sau 20 năm với nhiều thay đổi xãy đến trong cuộc sống, chúng tôi ngày càng xa cách nhau... Chúng tôi đã mỗi người đi một ngả. Tôi không muốn làm thủ tục ly hôn và nói những lời xúc phạm đến cô ấy, hay nói một điều gì không đúng sự thật, để xin phép huỷ hôn. Vì thế tôi không nộp hồ sơ xin việc đó". Đó không phải là lần đầu tiên có một người sống trong hôn nhân lần thứ hai nói với tôi điều đó.

Chúa nhật tuần này, mọi người trong cộng đoàn trong đó có những người như tôi vừa nói sẽ lắng nghe phúc âm. Làm thế nào những người đã ly hôn hay đang tái hôn cảm nhận được bài phúc âm này. Liệu Chúa Giêsu có vẻ nói rất khắc nghiệt quá chăng? Phúc âm có thể khơi dậy cảm giác vấp phạm trong quá khứ hay hiện tại, một cảm giác thất bại hay không đủ quyết tâm? Liệu những người có đời sống gia đình tốt sẽ có cảm tưởng là họ cao quý hơn hay vận hên của họ? “Đời sống hôn nhân thật khó khăn, nhưng chúng ta đã vượt qua được; nên vẫn ở bên nhau. Tại sao họ lại không làm như thế được?”

Hôm nay là một ngày mà bản thân chúng ta người rao giảng, sẽ bị phân tâm trong cố gắng giảng theo ý bài phúc âm, vì bài này nêu lên rất nhiều điều; hay giảng dùng bản văn khác làm tư liệu. Nhưng, dù sao, dân chúng cũng vẫn nghe bài phúc âm rồi, và họ tự nêu lên lời kết luận. Điều tốt nhất, là cố gắng tìm điều hay. Tôi chắc rằng các linh mục trong giáo xứ có nhiều kinh nghiệm hơn tôi với những hoàn cảnh vừa nêu lên. Dù vậy, đây là một phương thế của thầy giảng từ nơi khác đến là xử dụng tinh thần của Chúa Giêsu để Ngài soi sáng và chỉ dẩn.

Chúa Giê su nói đến một lý tưởng của tình yêu là luôn tốt đẹp trước mắt chúng ta. Trong một thế giới mà phi đạo đức đã trở nên quen thuộc thường xảy ra như trong những câu chuyện truyền hình nhiều tập ("Tình dục và Đô thị"), hay các câu chuyện nói sự thật về vấn đề tình dục, ngôn ngử và thói quen, lời giảng dạy của Chúa Giêsu có thể nghe như rất cổ điển, nay đã rất xa vời. Nhưng, dù sao, nói đến lý tưởng chẳng phải Chúa Giêsu đang nói đến Tin Mừng trong lời Ngài rao giảng hay sao? Đối với những ai “chấp nhận vương quốc của Thiên Chúa như một đứa trẻ”, điều mà thế giới hiện nay coi như đã lổi thời và không thể xảy ra. Đó chính là sự thật là lý do mà chúng ta quy tụ về đây như một cộng đoàn tham dự bí tích Thánh Thể, chúng ta thừa nhận rằng chúng ta cần sự giúp đở để sống theo lời Chúa Giêsu giảng dạy và theo gương Ngài, và chúng ta hướng về Đức Chúa để được giúp đở và nuôi dưỡng.

Chúa Giêsu nói, một người đàn ông ly dị vợ và kết hôn với người khác, là “phạm tội ngoại tình đối với người vợ” (Chúa Giêsu cũng nói như thế đối với một người phụ nữ ly dị chồng). Trong xã hội miền Biển Địa Trung Hải nơi Chúa Giêsu sống, các gia đình đã sắp xếp các cuộc hôn nhân; thế nên, tất cả gia đình của người phụ nữ sẽ bị xấu hổ nếu người phụ nữ bị ly hôn. Vậy, cuộc ly hôn bao lâu sẽ xảy ra cảnh đổ máu giữa hai gia đình vậy? Thế nên, trước khi điều đó xãy ra đã dẫn đến việc ly hôn bị cấm; chính là để tránh những lòng thù hận và xung đột có thể gây đổ máu.

Những người nghe Chúa Giêsu hẳn đã nghe một tin mừng khác; dành cho phụ nữ. Thời Chúa Giêsu, người nam có thể ly dị vợ. Ông “Môsê cho phép người chồng đưa giấy ly dị vợ và đuổi cô ấy về nhà cô ta”. Nhưng, đó không phải là kế hoạch mà Thiên Chúa đã định liệu. "Đức Chúa tạo dựng nên đàn ông và đàn bà". Vậy, điều gì sẽ xảy đến cho người vợ bị người chồng “xua đuổi”? Vào thời đó, người phụ nữ không thể đến trường để đi học vào ban đêm: về y khoa hay học về khoa vi tính. Bạn có để ý thấy trong phúc âm thường nhắc nhiều đến các cô gái điếm không? Đó có phải là điều đã xảy ra cho các người “vợ bị ly hôn” chăng. Những người đó, bị ruồng bỏ khỏi chính gia đình họ, họ phải tự nuôi sống bản thân và cho con cái họ?

Chúa Giêsu cấm việc ly hôn; bởi người nam có thể là một tin mừng cho các phụ nữ thường dễ bị đau khổ do ly hôn; thường ai biết được số phận của họ trong xóm làng của họ ra sao phải không? Chúa Giêsu cấm việc ly hôn đối với cả nam lẫn nữ. Đó chính là điều Chúa Giêsu coi cả hai phái bằng nhau. Hình như, phụ nữ thường bị xem là tầm thường trong thế giới, và Chúa Giêsu công nhận họ có quyền lực như vậy.

Có người giải thích một cách dễ dàng luật ông Môsê về việc ly dị. Trong sách Đệ Nhị Luật (24:1) ông Môsê cho phép người đàn ông ly dị người vợ nếu anh ta thấy “người vợ chưa đẹp ý mình”. Một số người nghĩ rằng điều "không đẹp ý mình" như không biết nấu ăn. Bởi thế, khi người vợ làm cháy nồi thịt, người đó có thể bị "xua đuổi”. Vậy sau đó ai sẽ giúp đở người phụ nữ đó và các con của cô ấy? Điều Chúa Giêsu hướng dẫn về việc ly hôn có thể cung cấp cho chúng ta một cấu trúc cố định cho một cặp vợ chồng sống với nhau với cảm nhận sẽ lâu dài và an toàn - nhất là cho phụ nữ.

Chúng ta có thể nói là chúng ta đã đi được một chặng đường dài rồi. Dù vậy, ngày nay, khi phụ nữ bị ly hôn, các con cái trở nên rất dễ bị tổn thương. Chúng ta biết đã có bao nhiêu người phụ nữ trong số họ đã và đang cố gắng có công ăn việc làm để nuôi dưõng con cái không cần sự trợ giúp của người chồng cũ của họ. Hãy xem co cụm trong nghèo đói của họ. Trong khi luật dân sự xem hôn nhân như là một giao ước có tính pháp lý, trong Kitô giáo của chúng ta; hôn nhân là một bí tich. Thiên Chúa tham dự vào trong việc kết hợp giữa người nam và người nữ trong bí tích hôn phối của Kitô hữu, và hơn thế nữa, tình yêu giữa họ chính là dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô với giáo hội của Ngài.

Thánh Máccô là một tác giả phúc âm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta khi ngồi trên ghế trong nhà thờ lại có thể coi thường người khác và tự nhận mình là một Kitô hữu tốt nhất. Nếu chúng ta không nhận được tội lỗi của chúng ta và xin ơn tha thứ, chúng ta có thể tự xem là một Kitô hữu được không?

Xuyên suốt bài phúc âm này, Chúa Giêsu mời gọi những người đang theo Ngài vào một cộng đoàn mới không có quan hệ huyết thống. Hình như Chúa Giêsu đã gạt bỏ quan hệ gia đình sang một bên (3:31-35}. Ngài còn bày tỏ rằng: Các gia đình bị chia rẻ vì Ngài (13:12). Đối với những ai đã rời bỏ gia đình riêng của họ vì Ngài; đây là cách Chúa thành lập một gia đình mới. (10:29-30)

Lý tưởng của chúng ta là kết hợp một tình yêu thương lâu dài hoà hợp với nhau giữa một người nam và một người nữ trong bí tích hôn phối. Tất cả cộng đoàn sẽ được hưởng lợi nhờ sự bền vững của những cấu trúc lâu bền đó và những người tín hữu xem đó như là dấu chỉ của sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa. Sự hòa hơp như thế thách thức đức tin của cả hai người, trong sự trung thành, yêu thương và hy sinh cho nhau. Lý tưởng này phản ánh hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa, nên khó chu toàn được. Dù vậy, chúng ta vẫn luôn cố gắng thực hiện.

Từ kinh nghiệm của chính mình, chúng ta biết đời sống hôn nhân có khó khăn như thế nào. Khi một cuộc hôn nhân thất bại, tan rả, đôi khi không còn gì nữa chỉ toàn là tổn thương và có thể đau khổ nhiều hơn. Trong hoàn cảnh đau khổ như thế, người ta cảm thấy không còn cách nào khác là chấm dứt sự hòa hợp và cố gắng bắt đầu lại. Hình như trong thời buổi này, những hoàn cảnh như thế xãy ra càng ngày càng nhiều. Những ai nhận lấy những thất bại của bản thân trong hôn phối mà vẫn muốn cố gắng tiếp tục theo Chúa Kitô, sẻ cầu xin ơn tha thứ cho bất kỳ việc gì họ đã làm trong cuộc chia tay của họ.

Đó là một thách thức đối với giáo hội của chúng ta khi nghĩ đến cách đối xử của chúng ta đối với những người đang bị đau khổ và tổn thương thật khi đã trãi qua cuộc ly hôn. Mặc dù pháp luật của chúng ta nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân cho lợi ích cộng đoàn. Dù vậy, Chúa Giêsu đã dạy về lòng thương xót và sự tha. Chúa Giêsu là người tế tự chính trong việc phụng vụ nên làm sao cho giáo hội có thể làm được như vậy trong thời buổi khó khăn này, cho đời sống hôn nhân và gia đình? Bằng cách tuân giử theo luật lệ hiện tại và các quy định? Hay, trong khi giử lý tưởng, cùng giúp những người bị đau khổ do các kinh nghiệm trước đây của họ trong hôn phối, và bây giờ hy vọng sẽ bắt đầu với mối quan hệ mới - và vẫn luôn là thành phần trong giáo hội.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP


27th SUNDAY (B)
Genesis 2: 18-24; Psalm 128; Hebrews 2: 9-11; Mark 10: 2-16

My parish retreat ministry means I am a visiting preacher. So, I usually call in advance with a request of the staff: "Tell me about your congregation" – a kind of "congregational analysis." We itinerant preachers have to do that; unlike the local preachers who already have a good knowledge of their people. I may not have a pastor’s grasp on the congregation but, from my experience, I can be sure of a couple of facts: there will be single parents and divorced people in the congregation. There will also be other couples who are in a second marriage, after having their first annulled.

Others will be in a second marriage, without having gone through the annulment process – – some because they did not qualify. Others may be like a friend of mine who is in a second marriage. He told me, "When I married my first wife we were in love. After 20 years and many changes in our lives we grew apart... we were walking different paths. I don’t want to go through the annulment process and say hurtful things about her, or something that isn’t true, just to get the annulment. So, I have not applied for it." That’s not the first time a person in a second marriage has told me that.

In this Sunday’s congregation people, like the ones I just described, will be listening. How will those divorced and/or remarried, hear today’s gospel? Will Jesus sound harsh and unbending? Will the gospel stir up past or present guilt; a sense of failure or inadequacy? Will the well-married be moved to a sense of superiority and egoism? "Marriage is hard, but we made a go of it; we stayed together. Why couldn’t they?"

It’s a day we might be tempted to change the gospel reading because it evokes so much; or preach from one of the other readings. But still, people will hear the gospel and draw their own conclusions. Best to wrestle with it and do our best. I’m sure local pastoral ministers have much more experience than I with the type of situations I just described. Still, here’s one itinerant’s approach to listen to the spirit of Jesus for light and guidance.

Jesus places the ideal of a permanent loving relationship before us. In a morally adrift world that has grown used to: television soap operas, season-long series ("Sex and the City") and "reality shows," with their casual sexual situations, language and mores, Jesus’ teaching can sound terribly old-fashioned, even quaint. But besides stating the ideal, isn’t Jesus also suggesting the Good News in his teaching? For those who "accept the kingdom of God like a child," what the world may consider parochial or outdated and impossible – is possible. That’s why we gather for Eucharist; we acknowledge we need help to live up to Jesus’ teachings and example and we turn to God for help and nourishment.

Jesus says a man who divorces his wife and marries another "commits adultery against her." (He says the same about women who divorce their husbands.) In Jesus’ Mediterranean world families arranged marriages and so a woman’s whole family would be shamed if she were divorced. Think of the conflict then between all the male relatives in both families. How often would a divorce lead to bloodshed between such families? Perhaps the reason divorce was originally prohibited was to prevent such feuding and bloodshed.

Jesus’s hearers would have heard another piece of Good News – – for women. In his time men could divorce their wives, "Moses permitted a husband to write a bill of divorce and dismiss her." But that’s not the plan God had in mind when, "God made them male and female." What would happen to a woman who was "dismissed" by her husband? At that time she couldn’t go to night school to learn medicine or computer skills. Have you noticed how often prostitutes are mentioned in the Gospels? Is that what happened to "dismissed wives" – those women, outcasts from their own families, who had to support themselves and their children?

Jesus’ prohibition of divorce by men would be good news to wives who could be easily be put aside and suffer, who knows what fate in their villages? Jesus prohibiting divorce by both men and women was treating both with a kind of equality. It seems women, normally considered insignificant in his world, are recognized by Jesus as having power too.

There were some who interpreted the Mosaic law about divorce rather loosely. Deut. 24:1 gives permission for a man to divorce his wife if he "finds something objectionable about her." Some thought the "objectionable" thing could be as trivial as poor cooking. So, for example, if a wife burned the pot roast she might find herself "dismissed." Who then would support her and her children? Jesus’ teaching about divorce could provide a fixed structure for a couple to live together with some sense of permanence and security – especially for the women.

We could say our society has come a long way. Still, even today, divorced women and their children become very vulnerable. How many of these women do we know who are trying to hold down jobs and raise their children without the support of their former spouses? Check the poverty rolls. While civil law views marriage as a legal contract, our religious tradition also holds it as a sacrament. God is involved in the union of a man and woman in Christian marriage. And more: the love between them is a sign of Christ’s love for his church.

Mark is a gospel of mercy upon mercy. None of us in the pews can look down our noses at anyone else and claim to be better Christians than they. If we haven’t realized our own sin and asked for forgiveness, can we even claim to be Christian?

Throughout this gospel Jesus is calling followers to a new community not determined by blood relationships. He seems to be putting family ties aside (3:31 – 35). He even described families being divided because of him (13:12). To those who left their own families he taught about forming a new family (10:29 – 30).

Our ideal is a loving and permanent union between a man and a woman in marriage. The whole community benefits from such permanent structures and people of faith see in them signs of God’s abiding presence. Such unions challenge the partners to be faithful, loving and self-sacrificing for one another. This ideal of perfection, which reflects the image of God’s love, is also impossible to achieve; still it is worth striving for.

We know from our experience how difficult marriage can be. When a marriage is failing sometimes nothing remains but hurt and the potential for still more hurt. In such painful circumstances people feel there is little alternative but to end the union and try to begin again. It seems these days this is more and more the case. Those who acknowledge their own failings in marriage and still want to continue following Christ, will ask for forgiveness for any part they may have played in the break-up.

It’s a challenge to our Church to consider how we are to treat those sincere and wounded people who have gone through a divorce. While our laws are meant to protect the institution of marriage for the common good, still, Jesus has taught mercy and forgiveness. He kept persons primary in his ministry. How can the Church do the same during this time of crisis for the institution of marriage and the family? By holding fast to its current laws and restrictions? Or, while raising up the ideal, also ministering to those wounded by their previous experiences in marriage, who now hope to start afresh in new relationships – and still be full participants in the church.
 
Mẹ Mân Côi: Người Dẫn Lối Về Trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:56 29/09/2021
Mẹ Mân Côi: Người Dẫn Lối Về Trời

(Chúa Nhật kính Mẹ Mân Côi)

Nói đến cha thánh Gioan Maria Vianey, hẳn chúng ta ít nhiều nghe kể về một chuyện như giai thoại của vị linh mục ngày đầu về nhận xứ. Vì không biết đường đến nhà thờ, cha Vianey bèn hỏi một em bé: Bé ơi, chỉ cho cha con đường đến nhà thờ xứ này đi, rồi cha sẽ chỉ cho bé con đường về trời. Em bé đáp ngay: Xạo quá ông cha ơi, con đường đến nhà thờ mà ông còn chưa biết thì đường về trời ông làm sao biết được.

Cậu nhóc xem ra có lý lắm chứ. Con đường về trời quá xa xôi, thậm chí có khi là xa vời vợi thì làm sao biết được. Không ai có thể lên trời nếu không phải là người đã từ trời xuống hay là đã thực sự đến đích nghĩa là đã về trời. Trong niềm tin, chúng ta khẳng định rằng một người trong nhân loại đã thực sự về trời cách trọn hảo chính là Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu độ cũng là Mẹ của chúng ta. Bước chân của Mẹ đã đến đích là Nước Trời vì Mẹ là người đã dõi theo chân Giêsu, Con của Mẹ cách chính xác nhất.

Đã về trời với Người Con dấu yêu, Giêsu, nhưng tấm lòng của Mẹ vẫn mãi canh cánh với đoàn con nhân loại đang còn lữ thứ là những người con mà Mẹ đã chính thức đón nhận khi đứng dưới chân thập giá năm xưa (x.Ga 19,26-27). Để dẫn đưa bước chân đoàn con nhân loại thẳng hướng về trời, thì Mẹ đã thương trao tặng một cẩm nang “chỉ thiên” đó là tràng chuỗi mân côi. Tràng chuỗi mân côi với các mầu nhiệm vui, thương, mừng và Đức cố giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm sụ sáng chính là những điểm mốc trên quảng đường Mẹ đã dõi theo Giêsu để về trời hưởng hạnh phúc viên mãn.

Cuộc đời là một chuyến đi. Kiếp người là một cuộc lữ hành. Nói đến chuyện lữ hành, chuyện đi lại, người ta liên tưởng đến chuyện giao thông. Người dân nước Việt, đặc biệt tại các thành phố lớn đã phần nào chứng nghiệm sự vất vả và lộn xộn của việc giao thông hiện nay. Ngoài một vài nguyên nhân dễ thấy như hệ thống hạ tầng là đường xá, cầu cống nhỏ hẹp, hư hỏng…hay các nguyên nhân nằm trong tâm thức người tham gia giao thông đó là thiếu tôn trọng kẻ khác, đặt lợi ích của mình lên trên hết…thì người ta cũng phải nhìn nhận sự thật này, đó là luật lệ giao thông của chúng ta còn bất cập, các quy hoạch làm đường, cách thế phân luồng, những bảng biểu chỉ dẫn giao thông…còn thiếu tính khoa học, hợp lý và đồng bộ, nghĩa là việc hướng dẫn giao thông ở tầm vĩ mô còn bị hạn chế. Ngay tại các nước tiến tiến, dù đã có những bảng biển hướng dẫn cụ thể, rõ ràng với chữ, số lớn dễ đọc dễ thấy, thế mà vẫn có người lạc lối, lầm đường. Dĩ nhiên sự thường, đó là những người say sưa hoặc bất cẩn, cũng có thể là những người bị hạn chế khả năng nhìn do tuổi tác hay bệnh tật…

“Trên con đường về quê, mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?” Một ca từ kính Mẹ Maria đã từng bị nhận định là sai thần học, nay đã được đổi thành : “Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ…”. Cùng đi với Mẹ, đúng hơn là được Mẹ cùng đi thì ta không sợ lạc lối, lầm đường. Tràng chuỗi mân côi không nguyên chỉ là cuốn cẩm nang hướng dẫn đường về trời mà Mẹ trao cho chúng ta như một vật hay một cuốn sách nhưng đó là một cách thế vừa dịu dàng mà hiệu quả để về trời, vì Mẹ Maria đang cùng chúng ta bước đi.

Những lần Mẹ hiện ra gần đây như ở Fatima, khi các trẻ bé Gianxinta, Phanxiô và Luxia lần chuỗi thì các em đã thấy Mẹ cùng đọc kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh và khi các em đọc các kinh Kính Mừng thì Mẹ im lặng, lắng nghe. Khi chúng ta chào: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…”, thì Mẹ hiện diện với chúng ta. Có người mẹ nào khi con cái chào kính mà lại tránh mặt làm ngơ! Và khi chúng ta thực tâm và chuyên chăm xin Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì chắc chắn Mẹ sẽ nhậm lời.

Chuyện lạc lối hay lầm đường của hành trình làm người là chuyện không hiếm, thậm chí là nhan nhãn vì “nhân bất thập toàn” và “đa thọ thì đa nhục”, tuổi đời càng cao thì lầm lỗi càng nhiều. Tháng mân côi lại về, đặc biệt trong ngày kính Lễ Mẹ mân côi, chúng ta thành tâm dâng lên Mẹ tâm tình cảm mến tri ân, vì món quà vô giá Mẹ đã trao tặng là tràng chuỗi mân côi, một phương thế tuyệt hảo dẫn lối chúng ta về trời. Các nhà tu đức không chỉ ví von tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng tóm gọn mà còn xác nhận rằng tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng cho mọi người, mọi hoàn cảnh. Trẻ bé cũng có thể thân thưa: Kính mừng Maria..Người già cũng có thể cầu: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…Người dân dã, ít học cần lần chuỗi mân côi hay vị bác học như Louis Pasteur cũng cần lần chuỗi hạt để biết cách thế về trời.

Là Kitô hữu Công Giáo, có thể nói rằng không một ai là không yêu mến, tôn kính Mẹ Maria. Lòng tôn kính, mến yêu Mẹ đích thực như lời dạy của Hội Thánh “ phải thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67). Một trong những cách thế yêu mến Mẹ và noi gương các nhân đức của Mẹ đẹp lòng Mẹ nhất đó là lần chuỗi mân côi. Khi lần chuỗi mân côi chúng ta hãy sốt sắng suy ngắm các mầu nhiệm mà Mẹ đã dõi bước theo chân Chúa Giêsu năm xưa và hãy nhớ rằng Mẹ cũng đang song hành với chúng ta. Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ, con luôn vững tin. Cùng đi với Mẹ, khó nguy ngại gì…

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại dịch coronavirus khiến các xe taxi ở Bangkok trở thành vườn trồng cây và nuôi ếch
Đặng Tự Do
04:24 29/09/2021


Một nghĩa địa tập thể dành cho những chiếc taxi màu sắc rực rỡ ở Bangkok bị bỏ hoang và mục nát bởi coronavirus đang trở nên sống động với những vườn rau nhỏ và ao nuôi ếch được thiết lập để giúp những người lái xe không có việc làm.

Trong một bãi đậu xe lộ thiên ở phía tây thủ đô Thái Lan, những chồi non xanh mướt được nuôi dưỡng bởi những cơn mưa gió mùa đã mọc lên từ những mái nhà và hàng rào trên những chiếc taxi màu hồng và cam.

Những con ếch nâu xanh nhỏ xíu ngồi xổm trong cái nóng nhiệt đới trên những ao nước tạm bợ được làm từ những chiếc lốp cũ, nằm gọn trong khoảng hơn 200 chiếc ô tô bị bỏ hoang.

Địa điểm này thuộc sở hữu của Ratchapruk Taxi Garage, nơi đã chứng kiến hầu hết các tài xế rời Bangkok để về quê vì lương bổng đã cạn kiệt sau các hạn chế liên quan đến coronavirus.

“Đây là lựa chọn cuối cùng của chúng tôi”, Thapakorn Assawalertkun, một trong những chủ sở hữu công ty, nói với AFP. Ông cho biết nhiều chiếc taxi còn rất mới, nợ xe chưa trả xong.

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ trồng rau và nuôi ếch trên mái của những chiếc taxi này”.

Thái Lan đã áp đặt các hạn chế cứng rắn để đối phó với sự gia tăng chết người của các trường hợp COVID trong những tháng gần đây, bao gồm cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Khách du lịch, thường là trụ cột của ngành kinh doanh taxi ở Bangkok, hầu như không còn do các quy định hà khắc khi vào vương quốc này.

Cà tím, ớt, dưa chuột, rau thơm và húng quế trồng trên xe - cùng với ếch - sẽ giúp cung cấp thức ăn cho những người lái xe và nhân viên không có việc làm.
Source:Licas News
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô, Thư Galát: Công chính hóa
Vũ Văn An
18:57 29/09/2021

Theo VaticanNews, tại Hội trường Phaolô VI trong nội thành Vatican, trong buổi yết kiến chung Thứ tư, ngày 29 tháng 9 năm 2021, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Lần này ngài tập chú vào khía cạnh Đời sống Đức tin. Chúng tôi xin dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp để chuyển bài giáo lý của ngài sang tiếng Việt:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong hành trình của chúng ta để hiểu rõ hơn về giáo huấn của Thánh Phaolô, hôm nay chúng ta sẽ gặp một chủ đề khó hiểu nhưng quan trọng: sự công chính hóa. Công chính hóa là gì? Chúng ta, những người từng là những kẻ có tội, nay đã trở nên công chính. Ai đã làm chúng ta ra công chính? Diễn trình thay đổi này là sự công chính hóa. Chúng ta, trước mặt Chúa, được công chính. Đó là sự thật, bản thân chúng ta là người có tội. Nhưng trong căn bản, chúng ta công chính. Đó là sự công chính hóa. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này, để tìm ra cách giải thích phù hợp nhất với tư tưởng của Thánh Tông đồ và, như thường xẩy ra, những cuộc thảo luận này thậm chí đã kết thúc ở những lập trường mâu thuẫn nhau. Trong Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nhấn mạnh vào sự kiện này là sự công chính hóa đến nhờ đức tin vào Chúa Kitô. “Nhưng, thưa Cha, con công chính vì con tuân giữ mọi điều răn!" Đúng, nhưng sự công chính hóa không đến từ điều đó. Nó đến trước đó. Ai đó đã công chính hóa anh chị em, ai đó đã làm anh chị em nên công chính trước mặt Chúa. "Đúng, nhưng con là một người có tội!" Đúng, anh chị em công chính, dù là một người có tội. Nhưng trong căn bản, anh chị em công chính. Ai công chính hóa anh chị em? Chúa Giêsu Kitô. Đó là sự công chính hóa.

Điều gì ẩn phía sau chữ “công chính hóa” mà lại có ý nghĩa quyết định đối với đức tin như thế? Không dễ đi đến một định nghĩa thấu đáo, nhưng xét tổng thể tư tưởng của Thánh Phaolô, có thể đơn giản nói rằng sự công chính hóa là hệ quả của “sáng kiến nhân từ của Thiên Chúa ban sự tha thứ” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1990). Và chính Thiên Chúa của chúng ta, rất tốt lành, nhân từ, nhẫn nại, đầy lòng thương xót, đã liên tục ban sự tha thứ, liên tục. Người tha thứ, và sự công chính hóa là Thiên Chúa tha thứ cho mọi người trước hết trong Chúa Kitô. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban sự tha thứ. Thực thế, Thiên Chúa, qua cái chết của Chúa Giêsu - và chúng ta cần nhấn mạnh điều này: qua cái chết của Chúa Giêsu - đã tiêu diệt tội lỗi và dứt khoát ban cho chúng ta sự ân xá và sự cứu rỗi của Người. Được công chính hóa như vậy, tội nhân được Thiên Chúa tiếp đón và hòa giải với Người. Như thể mối liên hệ ban đầu giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật trước khi tội bất tuân can thiệp vào đã được khôi phục. Do đó, sự công chính hóa do Thiên Chúa tạo ra cho phép chúng ta phục hồi sự trong trắng đã mất do tội lỗi. Sự công chính hóa xảy ra cách nào? Trả lời câu hỏi này có nghĩa là khám phá ra một điểm mới lạ khác trong giáo huấn của Thánh Phaolô: đó là sự công chính hóa đến nhờ ân sủng. Chỉ nhờ ân sủng: chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng hoàn toàn. “Nhưng há con, há bất cứ ai lại không thể đến gặp một thẩm phán và trả tiền để ông ta công chính hóa con hay sao?” Không. Anh chị em không thể trả tiền mà có được điều này. Ai đó đã trả tiền cho tất cả chúng ta: Chúa Kitô. Và từ Chúa Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta, mà có ân sủng do Chúa Cha ban cho mọi người: Sự công chính hóa phát xuất bởi ân sủng.

Thánh Tông đồ luôn tâm niệm về trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời ngài: cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu Phục sinh trên đường đến Đamát. Thánh Phaolô là một người kiêu hãnh, sùng đạo và nhiệt thành, tin chắc rằng sự công chính hóa bao gồm việc tuân thủ cẩn thận các giới răn của Lề luật. Tuy nhiên, giờ đây, ngài đã được Chúa Kitô chinh phục, và đức tin vào Người đã hoàn toàn biến đổi ngài, cho phép ngài khám phá ra một sự thật đã bị che giấu xưa nay: chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực của chính mình, không, không phải chúng ta, mà là Chúa Kitô, bằng ân sủng của Người, đã làm cho chúng ta trở nên công chính. Vì vậy, Thánh Phaolô sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì trước đây đã làm cho ngài trở nên giàu có, để ý thức đầy đủ về mầu nhiệm Chúa Giêsu (xem Pl 3:7), vì ngài đã khám phá ra rằng chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới cứu được ngài. Chúng ta đã được công chính hóa, chúng ta đã được cứu rỗi, nhờ ân sủng hòan toàn, không phải vì công trạng của chúng ta. Và điều này mang lại cho chúng ta sự tin tưởng lớn lao. Chúng ta là người có tội, đúng; nhưng chúng ta sống cuộc đời mình bằng ân sủng này của Thiên Chúa, ân sủng công chính hóa chúng ta mỗi khi chúng ta cầu xin sự tha thứ. Nhưng không phải trong lúc đó chúng ta được công chính hóa: chúng ta đã được công chính hóa, nhưng Người đến để tha thứ cho chúng ta một lần nữa.

Đối với Thánh Tông đồ, đức tin có một giá trị toàn diện. Nó chạm đến mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh trong cuộc sống của một tín hữu: từ phép rửa cho đến khi chúng ta rời khỏi thế giới này, mọi sự đều được hướng dẫn bởi đức tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng ban ơn cứu rỗi. Sự công chính hóa nhờ đức tin nhấn mạnh tính ưu tiên của ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng không phân biệt cho những ai tin vào Con của Người.

Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng Luật Môsê, đối với Thánh Phaolô, đã mất giá trị; đúng hơn, nó vẫn là một hồng phúc không thể thu hồi của Thiên Chúa. Chính Thánh Tông Đồ viết, nó là “thánh” (Rm 7:12). Ngay cả đối với đời sống thiêng liêng của chúng ta, việc tuân giữ các điều răn là điều cần thiết. Nhưng cả ở đây, chúng ta cũng không thể trông chờ vào nỗ lực của mình: ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được trong Chúa Kitô là nền tảng. Ân sủng đó đến từ sự công chính hóa do Chúa Kitô ban cho chúng ta, Đấng đã trả giá cho chúng ta. Từ Người, chúng ta nhận được tình yêu nhưng không đó cho phép chúng ta, đến lượt chúng ta, yêu thương theo những cách cụ thể.

Trong bối cảnh này, điều tốt đẹp là nhớ lại lời dạy của Thanh Tông đồ Giacôbê, người đã viết: “Anh em thấy rằng một người được công chính hóa là nhờ việc làm chứ không phải chỉ nhờ một mình đức tin”. Câu này dường như là một tương phản, nhưng nó không tương phản. “Vì thể xác mà không có linh hồn thì là thể xác chết thế nào, thì đức tin mà không có việc làm cũng là một đức tin chết như thế” (Gcb 2:24, 26). Sự công chính hóa, nếu nó không mang lại kết quả do các công việc của chúng ta, thì chỉ có thể, bị chôn vùi, chết đi. Nó ở đó, nhưng chúng ta phải kích hoạt nó bằng các công việc của chúng ta. Đây là cách lời lẽ của Thánh Giacôbê bổ sung cho giáo huấn của Thánh Phaolô. Vì vậy, đối với cả hai, sự đáp ứng của đức tin đòi hỏi chúng ta phải tích cực trong tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và trong tình yêu của chúng ta đối với người lân cận. Tại sao lại "tích cực trong tình yêu đó?" Vì tình yêu đó đã cứu tất cả chúng ta, nó tự do công chính hóa chúng ta, nhưng không!

Sự công chính hóa đưa chúng ta vào lịch sử cứu độ lâu dài, một lịch sử chứng tỏ đức công chính của Thiên Chúa: trước những sa ngã và thiếu sót liên tục của chúng ta, Người đã không bỏ cuộc, nhưng Người muốn làm cho chúng ta trở nên công chính và Người đã làm như vậy bằng ân sủng, qua hồng phúc Chúa Giêsu Kitô, cái chết và sự sống lại của Người. Đôi khi tôi hay nói về cách Thiên Chúa hành động, đâu là phong cách của Thiên Chúa. Và tôi đã dùng ba chữ: Phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Người luôn đến gần chúng ta, cảm thương và dịu dàng. Và việc công chính hóa chính là sự gần gũi lớn nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta, cả đàn ông lẫn đàn bà, lòng cảm thương lớn nhất của Thiên Chúa đối với đàn ông và đàn bà chúng ta, sự dịu dàng lớn nhất của Chúa Cha. Sự công chính hóa là hồng phúc Chúa Kitô này, hồng phúc cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô từng giải phóng chúng ta. “Nhưng, thưa Cha, con là một người có tội … Con đã cướp….” Đúng, đúng. Nhưng trong căn bản, anh chị em công chính. Hãy để Chúa Kitô thực hiện sự công chính hóa đó. Trong căn bản, chúng ta không bị kết án không, chúng ta công chính. Cho phép tôi nói, chúng ta là những vị thánh. Nhưng rồi, bằng hành động của mình, chúng ta trở thành những người có tội. Nhưng, trong căn bản, chúng ta là thánh: chúng ta hãy để cho ân sủng của Chúa Kitô đến và sự công chính này, sự công chính hóa này sẽ đem lại sức mạnh để chúng ta tiến bộ. như thế, ánh sáng đức tin cho phép chúng ta nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa là vô hạn xiết bao, ân sủng của Người có ích cho chúng ta xiết bao. Nhưng cũng chính ánh sáng đó làm cho chúng ta thấy được trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ của Người. Quyền năng của ân sủng cần được kết hợp với các công việc của lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi thực hiện ngõ hầu làm chứng cho việc tình yêu của Thiên Chúa vĩ đại đến nhường nào. Chúng ta hãy tiến lên với sự tin tưởng này: tất cả chúng ta đã được công chính hóa, chúng ta công chính trong Chúa Kitô. Chúng ta phải thực hiện đức công chính đó bằng các công việc mình làm. Cảm ơn anh chị em.
 
Lời cầu nguyện cuối cùng của các nữ tu tử đạo trước khi bị giết
Đặng Tự Do
19:48 29/09/2021


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 28 tháng 9, có bài của Sarah Robsdottir, nhan đề “Martyr-nuns’ last prayer before being killed”, nghĩa là “Lời cầu nguyện cuối cùng của các nữ tu tử đạo trước khi bị giết”.

Lời cầu của họ ngày nay vẫn có thể áp dụng được.

Vào đầu tháng 3 năm 2016, một vụ tấn công khủng bố xảy ra tại một tu viện và viện dưỡng lão ở Yemen khiến 16 người thiệt mạng. Bốn trong số các nạn nhân là các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái, là cộng đồng do Mẹ Teresa thành lập. Tôi đã tìm thấy một tấm thẻ cầu nguyện viết tay vào sáng ngày hôm nay để tưởng nhớ thảm kịch này. Nó dính trong nhật ký của tôi, và tôi nhanh chóng dán nó lên tủ lạnh, vì những khó khăn ở quê nhà và các tiêu đề tin tức đã khiến tôi buồn đến mức mất tập trung.

Tôi đã cầu nguyện sau Thánh lễ và trước bữa ăn sáng, đó là thói quen của chúng tôi và cũng là thói quen của các nữ tu bị giết – nhờ thế chúng tôi biết, căn cứ theo thời gian trong ngày các chị bị sát hại, thì đó là lúc các chị vừa dâng lời cầu nguyện cuối cùng. Tôi đang tìm những từ đơn giản và định hướng mục tiêu; một cách tốt để luôn tập trung.

Lời cầu nguyện viết tay của một trong các nữ tu bị giết được viết như sau:

Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại. Hãy dạy con phục vụ Chúa là Đấng đáng chúc tụng; xin dạy con cho đi và không so đo tính toán, xin dạy con chiến đấu và không quan tâm đến vết thương, xin dạy con vất vả và không tìm kiếm sự nghỉ ngơi, xin dạy con lao động và không đòi hỏi phần thưởng.

Tôi đã được Sơ Maria, một Thừa sai Bác ái, người cùng với một số nữ tu khác đang hoạt động tại giáo xứ của tôi, trao thẻ cầu nguyện này vào thời điểm đó. Người nữ tu đưa cho tôi một bản sao của lời cầu nguyện với vẻ mặt thanh thản khi tôi bày tỏ nỗi buồn về những gì đã xảy ra ở Yemen, quê hương của tôi. Tôi nhớ tôi đã tìm thấy sự bình yên và niềm vui của Sơ Maria trong tâm trí: “Đừng rơi nước mắt,” nụ cười của sơ thanh thản, “các sơ ấy đang nhận được phần thưởng của mình!”

Sau đó, người nữ tu nhanh chóng chuyển cuộc trò chuyện sang tôi - vỗ nhẹ vào tay tôi, nói với tôi rằng tôi trông “quá gầy” và hỏi với sự quan tâm rất lớn rằng liệu tôi có đang chăm sóc bản thân mình không. Sau đó, sơ hỏi về em gái tôi qua đó tôi có thể nói rằng sơ ấy đã ghi nhớ lời cầu nguyện của tôi từ vài tuần trước; sơ ấy thậm chí còn nhớ chẩn đoán y tế của Jenny và tên đệm của em ấy! Tóm lại, Nữ tu Maria không chỉ trao cho tôi lời cầu nguyện của các nữ tu tử đạo này, mà sơ ấy còn là hiện thân của lời cầu nguyện đó.

Lạy các nữ tu tử đạo của Yemen, xin cầu nguyện cho chúng tôi!
Source:Aleteia
 
Chuyện gì cũng có thể xảy ra cảnh giác: Người chuyển giới vô tình được nhận vào chủng viện hay Dòng Tu…
Thanh Quảng sdb
21:00 29/09/2021
Chuyện gì cũng có thể xảy ra cảnh giác: Người chuyển giới 'vô tình' được nhận vào chủng viện hay Dòng Tu…

(CNA - Christine Rousselle, Joe Bukuras)

Đức Tổng Giám Mục Milwaukee Jerome Listecki chia sẻ với các thành viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), là các giám mục nên cân nhắc việc yêu cầu xét nghiệm DNA hoặc khám tổng quát để đảm bảo rằng tất cả các chủng sinh đều là nam giới.

Đức Cha Listecki, Chủ tịch Ủy ban Linh mục Tu sĩ của HĐGM Hoa Kỳ (USCCB) cho hay: “Gần đây, Ủy ban Giáo luật và quản trị Giáo hội đã phát hiện ra trường hợp phụ nữ chuyển giới đã vô tình được nhận vào chủng viện hoặc Dòng Tu.”

Đức cha cho biết thêm: “Trong mọi trường hợp, không có gì trong các báo cáo y tế hoặc tâm lý của những ứng sinh này được đề cập tới việc phẫu thuật trong quá khứ!” Đức Cha Listecki xác quyết không ai trong số các nữ ứng viên sẽ được Truyền Chức Thánh.

Bản bá cáo của Đức Tổng Giám Mục không nêu danh tính của nữ sinh tự giới thiệu mình là nam giới, Ngài cũng không nêu "trường hợp" này xảy ra ở Hoa Kỳ hay một nơi nào khác. Ký giả Rocco Palmo, viết trên trang Whispers Loggia, qua Twitter vào ngày 23 tháng 9 như thế...

Ngay cả giấy chứng nhận rửa tội Công Giáo thường không ghi giới tính của người được rửa tội. Nên Đức Tổng Giám Mục Listecki cảnh báo đặc biệt các Giám mục khi nhận các chủng sinh vào chủng viện."

Đức TGM Listecki, một tiến sĩ giáo luật, cho hay “giáo luật yêu cầu giám mục giáo phận phải nhận vào đại chủng viện và chỉ truyền chức thánh cho những người nam có những phẩm chất cần thiết về thể chất lẫn tâm lý."

Bản báo cáo đề nghị: “Đức Giám Mục giáo phận có thể yêu cầu việc thử D.N.A. kiểm tra hoặc, tối thiểu ứng viên phải được khám tổng quát bởi một chuyên gia y tế mà Đức Giám Mục lựa chọn, để đảm bảo rằng ứng viên là nam giới. "
 
Ông Joe Biden được tin sẽ triều yết Đức Thánh Cha vào ngày 29 tháng 10
Đặng Tự Do
19:48 29/09/2021


Ông Joe Biden được tin là sẽ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên trong tư cách là tổng thống Hoa Kỳ tới Vatican kể từ khi ông nhậm chức.

Các nguồn tin từ dinh Tông Tòa của Vatican nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 25 tháng 9 rằng thông tin của họ đến trực tiếp từ Phủ Giáo hoàng. Mặc dù các cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia là những dịp ngoại giao, nhưng Phủ Giáo hoàng chịu trách nhiệm về việc tổ chức và các giao thức xung quanh các cuộc họp.

Một nguồn tin độc lập khác nói với CNA rằng công tác chuẩn bị đang được tiến hành tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh và những chiếc xe tải cũng như các thiết bị đầu tiên cho chuyến thăm đã được chuyển đến Rôma.

Tòa Bạch Ốc ngày 22/9 cho biết ông Biden sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Âu Châu vào cuối tháng 10.

Khi được hỏi liệu có kế hoạch nào đang được thực hiện cho một cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng hay không, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc nói với CNA vào ngày 28 tháng 9 rằng “không có gì để thông báo”.

Vatican thường không thông báo trước về các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia. Nói chung, thông tin được cung cấp chỉ vài ngày trước khi các cuộc họp diễn ra. Tòa thánh có khuynh hướng chỉ xác nhận chuyến thăm sau khi nguyên thủ quốc gia có thông báo chính thức.

Theo các nguồn tin, chuyến đi của Biden sẽ là một chuyến thăm chính thức. Đầu tiên, tổng thống sẽ có một cuộc gặp với Giáo hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đó, sẽ có các cuộc hội đàm song phương trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với Đức Hồng Y Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân nước.

Ông Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2015, khi Đức Giáo Hoàng tham dự Cuộc họp Thế giới của các Gia đình ở Philadelphia. Vào thời điểm đó, Biden là phó tổng thống của chính quyền Obama.

Ông Biden cũng đã đến thăm Vatican vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về y học tái tạo.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục Thomas Reese: Đức Thánh Cha Phanxicô có nên tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba hay không?
Đặng Tự Do
19:50 29/09/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô được báo cáo là sẽ sớm tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba. Linh mục Dòng Tên Thomas Reese, từng là Chủ bút tờ American Magazine, có bài viết sau.

Về mặt cá nhân, Đức Phanxicô là một ứng cử viên hàng đầu, nhưng tư cách giáo hoàng nên được coi trọng hơn cả tiền sử bệnh tật.

Khi đề cập đến vấn đề liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nên tiêm mũi thứ ba vắc xin COVID-19 hay không, Vatican đã lâm vào một tình cảnh khó khăn.

Theo truyền thống, Vatican đã lên tiếng ủng hộ các quốc gia nghèo, nhiều quốc gia trong số đó có rất ít vắc-xin, vì vậy rất ít người dân của họ được tiêm vắc-xin COVID-19. Giáo Hội đã tham gia các lời kêu gọi cung cấp thêm vắc-xin cho các nước đang phát triển từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.

Chỉ 1.9% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, trong khi 63% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi. Ở Ý, 73% dân số được tiêm chủng hai liều.

Nói về việc cho người dân ở các nước giàu tiêm mũi thứ ba trong khi hầu hết người dân ở các nước nghèo chưa nhận được liều đầu tiên dường như là vi phạm giáo huấn của Giáo Hội về tình liên đới và công bằng xã hội. Một số nhà đạo đức học đã so sánh việc tiêm mũi thứ ba ở các nước giàu với việc tặng cho mỗi hành khách đi vé hạng nhất trên một con tàu đang chìm đến hai cái áo phao cứu sinh, trong khi những người bình dân ngồi xổm trên tàu thì chẳng có áo phao nào.

Nhưng đằng khác, sau kết quả nghiên cứu ban đầu, ủy ban cố vấn vắc xin của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt là FDA, đã khuyến cáo những người cao tuổi và suy giảm miễn dịch nên tiêm mũi thứ ba.

Theo các tiêu chí này, Đức Thánh Cha Phanxicô, ở tuổi 84 và vẫn đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật đại tràng và bị thiếu một lá phổi, đương nhiên là một ứng cử viên thích đáng cho lần tiêm thứ ba, đặc biệt là vì ngài phải thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới và thật đáng tiếc, không phải lúc nào ngài cũng có thể đeo khẩu trang y tế.

Nhưng tư cách giáo hoàng trọng hơn tiền sử bệnh tật. Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ra chứng tá gì nếu ngài tiêm liều thứ ba? Ngài sẽ được coi là một người cao niên cần được bảo vệ hay ngài sẽ được coi là một cư dân hạng nhất thế giới đang phớt lờ nhu cầu của những người ở các nước nghèo hơn?

Hôm 10 tháng 8, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cho biết: “Trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu đang diễn ra hạn chế, việc sử dụng các liều tăng cường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng do thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ, trong khi nguồn cung cấp đang khan hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh các nhóm dân cư ưu tiên ở một số quốc gia, hoặc các cơ sở địa phương, vẫn chưa nhận được một liều vắc xin nào”.

Những người khác, bao gồm cả ông Joe Biden ở Tòa Bạch Ốc, cho rằng có thể sản xuất đủ vắc-xin để làm cả hai việc này. Tôi chỉ tin điều đó khi tôi nhìn thấy nó.

Nhưng nếu chúng ta đồng ý với ủy ban cố vấn của FDA rằng mũi thứ ba là cần thiết để bảo vệ người cao tuổi, thì chúng ta chắc chắn muốn Đức Thánh Cha Phanxicô được tiêm.

Tôi sợ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ quyết định không tiêm mũi thứ ba mặc dù đã có những lời khuyên y tế tốt nhất. Mong muốn đoàn kết với người nghèo của ngài có thể khiến cuộc sống của ngài gặp rủi ro.

Nếu ngài là một tu sĩ Dòng Tên đơn giản, bề trên của ngài có thể ra lệnh cho ngài phải chích, như đã ra lệnh cho tôi. Nhưng không ai có thể ra lệnh cho giáo hoàng làm bất cứ điều gì.

Nếu tất cả mọi người ở Vatican đình công, có lẽ điều đó sẽ buộc ngài phải chích phát thứ ba. Hoặc bác sĩ của ngài có thể đơn giản lừa ngài bằng cách nói với ngài rằng mũi tiêm là một cái gì đó khác.

Phương án cuối cùng là một vài Vệ binh Thụy Sĩ giữ ngài lại trong khi ngài bị chích mũi thứ ba. Điều này sẽ dẫn đến việc tất cả những người liên quan bị sa thải và bị vạ tuyệt thông. Giáo luật 1370 triệt 1 tuyên bố “Ai sử dụng vũ lực chống lại Đức Giáo Hoàng Rôma sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết.”

Nhưng điều đó sẽ xứng đáng, và mọi người đều biết Đức Phanxicô là người nhân từ, vì vậy cuối cùng tất cả sẽ tốt đẹp.
Source:Religion News Service
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
7 cách các thánh có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm
Đặng Tự Do
04:25 29/09/2021


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 21 tháng 9, có bài sau của Cecilia Pigg nhan đề “7 Ways the saints can help you sleep better at night”, nghĩa là “Bẩy cách các thánh có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thế giới của tôi và vô số vấn đề của nó luôn trông đẹp hơn nhiều sau khi ngủ. Và tôi càng ngủ ngon vào ban đêm, mọi thứ càng trông tuyệt vời và rõ ràng hơn vào buổi sáng. Tôi thật may mắn khi lúc nào cũng có thể đi vào giấc ngủ và ngủ khá tốt. Nhưng vào những đêm không ngủ được, tôi sợ hãi lo lắng ngày hôm sau sẽ như thế nào. Dưới đây là một số mẹo về giấc ngủ của các thánh đã giúp tôi khi vượt qua cơn khó ngủ.

Hãy thử bánh mì và nước trước khi đi ngủ như Thánh Philip Neri

Vị thánh vui vẻ này được biết đến với lòng hiếu khách và khiếu hài hước, và nhiều người thích dành thời gian với ngài. Ngài chỉ ăn bánh mì và nước, khiến nhiều thực khách của ngài ngạc nhiên. Làm thế nào mà một người rất vui vẻ và hài hước như thế lại có thể ăn uống theo một chế độ ăn kiêng nhàm chán như vậy?

Nhưng bánh mì hàng ngày của ngài lại có thể là thứ duy nhất bạn cần để giúp bạn ngủ ngon hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều quan trọng là tránh caffeine và rượu trước khi đi ngủ. Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng uống đồ uống vào ban đêm sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, nhưng nó thực sự khiến phẩm chất giấc ngủ của bạn trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, thay vì cà phê, trà đen hay một thứ nước nóng trước khi ngủ, hãy ăn một miếng bánh mì và một vài ngụm nước.

Hãy lần chuỗi Mân Côi như Thánh Jacinta và Thánh Francisco

Thánh Jacinta và Thánh Francisco là hai trong số những đứa trẻ ở Fatima được đặc ân nhìn thấy Mẹ Maria khi Mẹ hiện ra. Mẹ bảo họ hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày.

Nếu bạn cảm thấy chán việc đếm số, hãy thử cầu xin sự giúp đỡ của Mẹ Maria bằng cách lần chuỗi Mân Côi. Khi bạn bắt đầu, bạn có thể yêu cầu thiên thần hộ mệnh của bạn hoàn thành các lời cầu nguyện cho bạn nếu bạn ngủ vùi đi trước khi kết thúc tràng chuỗi!

Đi dạo buổi tối như Chân phước Stanley Rother

Cha Stanley, vị linh mục sinh ra ở Oklahoma, không lạ gì việc đi bộ. Ngài lên trong một trang trại, là người trông coi và làm vườn khi còn học ở trường dòng, và tình nguyện phục vụ ở vùng nông thôn Guatemala.

Nếu bạn không lao động chân tay nhiều trong các hoạt động hàng ngày, bạn sẽ khó ngủ hơn. Vì vậy, hãy đi dạo một vòng quanh khu nhà, và cầu xin Chân Phước Stanley cho thêm chút sức chịu đựng nếu bạn cần.

Tạo một phòng ngủ ấm cúng và không bị phân tâm như Thánh Biển Đức

Tốt nhất là nơi bạn ngủ không phải là nơi bạn làm mọi thứ khác trong cuộc sống của mình.

Thánh Biển Đức, cha đẻ của phong trào đan viện ở phương tây, đã có những quy định cụ thể về việc sắp xếp chỗ ngủ cho các tu sĩ của mình. Hãy bảo đảm rằng phòng ngủ của bạn hướng đến giấc ngủ chứ không phải hướng đến công việc hoặc giải trí. Nếu điều đó có nghĩa là phải dành ít thời gian hơn trong phòng của bạn vào buổi tối, hoặc nếu điều đó có nghĩa là phải sắp xếp lại một số thứ, hãy làm như vậy.

Bắt đầu viết nhật ký cầu nguyện như Tôi tớ của Chúa Elisabeth Leseur

Một cách tốt để tiến hành một ngày của bạn và một cách tuyệt vời để làm chậm lại vào buổi tối là viết nhật ký. Elisabeth, người Pháp, một người vợ trong gia đình, đã lưu giữ một cuốn nhật ký, trong đó cô chia sẻ những lời cầu nguyện cho sự cải đạo của chồng mình.

Làm một việc thương xót trước khi đi ngủ như Tôi tớ Chúa Dorothy Day

Dorothy Day muốn sống mỗi ngày tập trung vào việc chăm sóc người khác. Tổng cộng có 14 công việc về lòng thương xót trong Giáo Hội Công Giáo, cung cấp cho bạn 14 cách cụ thể để phục vụ những người xung quanh bạn trước khi kết thúc mỗi ngày.

Thương người có mười bốn mối
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết

Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
Hãy loại bỏ lo lắng trước khi ngủ như Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh
Cầu nói thường được trích dẫn “Cầu nguyện, hy vọng và đừng lo lắng” được cho là của Cha Pio Năm Dấu Thánh, là linh mục và vị thánh thần bí người Ý. Lo lắng có thể khiến bạn rất khó ngủ, vì vậy hãy đọc một trang trong cuốn sách của Cha Piô và trút bỏ sự lo lắng trước khi đầu bạn chạm vào gối. Tìm hiểu thêm về một lời cầu nguyện cụ thể, được viết bởi một linh mục mà Cha Piô ngưỡng mộ, có thể hữu ích.
Source:Aleteia
 
Tiêm vắc xin COVID liều thứ ba. Có thể chuyển sang một loại vắc xin khác không?
Đặng Tự Do
19:49 29/09/2021


Gần đây, nhiều người bắt đầu bàn tán về liều thứ ba và liều tăng cường. Bác sĩ Nicholas Wood, giảng sư Bệnh Người Lớn và Trẻ Em của Đại Học Y Khoa Sydney, Australia, có bài viết sau.

Chúng ta cần tiêm hai liều vắc-xin cho càng nhiều người lớn càng tốt - trước hết vì điều đó giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật và mức độ lây lan, nhưng cũng vì đạt được mục tiêu tiêm chủng có khả năng mang lại một số quyền tự do mới.

Các vắc xin COVID-19 như Pfizer, Moderna và Astra Zeneca, tiếp tục có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong, ngay cả khi gặp phải biến thể Delta.

Nhưng ngay sau khi chúng ta kết thúc một đợt triển khai vắc-xin, chúng ta có thể cần bắt đầu đợt triển khai liều tăng cường tiếp theo.

Khi nào tôi cần tiêm tăng cường?

Trước tiên, chúng ta cần phân biệt giữa liều tăng cường, tiếng Anh gọi là booster dose, và liều thứ ba, tiếng Anh gọi là third dose, như một phần của đợt tiêm chủng ban đầu. Chúng là hai thứ rất khác nhau.

Một số người bị suy giảm miễn dịch do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc do các điều trị y tế khiến họ không đạt miễn dịch đầy đủ với hai mũi tiêm thứ nhất và thứ hai. Họ có thể cần tiêm liều thứ ba như một phần trong chương trình tiêm chủng COVID-19 ban đầu. Cho đến nay, những ai trên 65 tuổi hay mắc những bệnh như tiểu đường, chẳng hạn, là những người sẽ phải tiêm liều thứ ba. Liều thứ ba của họ đến không lâu sau liều thứ hai và được đưa ra để cải thiện khả năng bảo vệ họ.

Một mũi tiêm tăng cường, booster dose, được tiêm lâu hơn nhiều sau khi tiêm hai liều ban đầu. Một ví dụ điển hình là cách chúng ta tiêm vắc xin phòng uốn ván và ho gà.

Cho đến nay, chúng ta không biết chắc chắn khi nào bạn sẽ cần tiêm tăng cường. Có những người nói là sáu tháng, tám tháng, và xa hơn thế nữa. Các nghiên cứu liên quan đến điều đó vẫn đang tiếp tục. Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về thời điểm tốt nhất cho một liều tăng cường.

Pfizer gần đây đã công bố nghiên cứu của họ cho thấy một liều tăng cường dẫn đến sự gia tăng các kháng thể chống lại vi rút ban đầu cũng như chống lại biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Những kết quả này đang chờ được công bố và sự an toàn của liều tăng cường cần được biết đến. Cơ quan Quản Lý Dược Phẩm Âu Châu cũng đã bắt đầu đánh giá đơn xin sử dụng liều tăng cường của vắc-xin Pfizer.

Chúng ta biết rằng theo dòng thời gian, tất yếu, sẽ có sự suy giảm các kháng thể sau hai liều đầu tiên, và đã xuất hiện một số bằng chứng về khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng đang suy yếu.

Trong một bức thư gần đây gửi cho Tạp chí Y học New England, được xuất bản trực tuyến vào đầu tháng này, các bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng tại Đại học California San Diego cho biết dữ liệu của họ cho thấy hiệu quả của vắc xin chống lại bất kỳ bệnh nào cũng đều có triệu chứng suy giảm theo thời gian.

Mỹ đang có kế hoạch cung cấp các mũi tiêm tăng cường COVID rộng rãi cho người dân Mỹ từ tháng 9 trở đi, cho những ai đã tiêm 2 liều cách đây từ 8 tháng trở lên.

Một câu hỏi thường được nêu ra là khi tiêm liều tăng cường, tôi có thể chuyển sang một loại vắc xin khác không?

Chúng tôi vẫn chưa biết chắc chắn.
Source:The Conversation
 
VietCatholic TV
Bí quyết ngủ ngon nhiều mộng đẹp của các thánh nam nữ. Sáng kiến kinh ngạc ở Bangkok thời vi rút
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:23 29/09/2021


1. Đại dịch coronavirus khiến các xe taxi ở Bangkok trở thành vườn trồng cây và nuôi ếch

Một nghĩa địa tập thể dành cho những chiếc taxi màu sắc rực rỡ ở Bangkok bị bỏ hoang và mục nát bởi coronavirus đang trở nên sống động với những vườn rau nhỏ và ao nuôi ếch được thiết lập để giúp những người lái xe không có việc làm.

Trong một bãi đậu xe lộ thiên ở phía tây thủ đô Thái Lan, những chồi non xanh mướt được nuôi dưỡng bởi những cơn mưa gió mùa đã mọc lên từ những mái nhà và hàng rào trên những chiếc taxi màu hồng và cam.

Những con ếch nâu xanh nhỏ xíu ngồi xổm trong cái nóng nhiệt đới trên những ao nước tạm bợ được làm từ những chiếc lốp cũ, nằm gọn trong khoảng hơn 200 chiếc ô tô bị bỏ hoang.

Địa điểm này thuộc sở hữu của Ratchapruk Taxi Garage, nơi đã chứng kiến hầu hết các tài xế rời Bangkok để về quê vì lương bổng đã cạn kiệt sau các hạn chế liên quan đến coronavirus.

“Đây là lựa chọn cuối cùng của chúng tôi”, Thapakorn Assawalertkun, một trong những chủ sở hữu công ty, nói với AFP. Ông cho biết nhiều chiếc taxi còn rất mới, nợ xe chưa trả xong.

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ trồng rau và nuôi ếch trên mái của những chiếc taxi này”.

Thái Lan đã áp đặt các hạn chế cứng rắn để đối phó với sự gia tăng chết người của các trường hợp COVID trong những tháng gần đây, bao gồm cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Khách du lịch, thường là trụ cột của ngành kinh doanh taxi ở Bangkok, hầu như không còn do các quy định hà khắc khi vào vương quốc này.

Cà tím, ớt, dưa chuột, rau thơm và húng quế trồng trên xe - cùng với ếch - sẽ giúp cung cấp thức ăn cho những người lái xe và nhân viên không có việc làm.
Source:Licas News

2. Đức Hồng Y Pell đã về lại Úc và nói rằng ngài đã 'đánh giá thấp' các đối thủ chống lại các nỗ lực cải cách tài chính ở Vatican của mình

Đức Hồng Y người Úc George Pell một lần nữa đã lên tiếng về những nỗ lực cải cách tài chính của Tòa thánh khi ngài vẫn còn là tổng trưởng Kinh tế của Vatican. Ngài nhận xét rằng ngài đã đánh giá thấp những người chống lại quyết định của mình.

“Tôi đã đánh giá thấp sự bất lương và khả năng phản kháng của những người chống đối cải cách”, Đức Hồng Y Pell nói trong hội thảo trên web ngày 23 tháng 9 do Đại học Giáo hoàng Thánh giá ở Rôma tổ chức, và nói thêm, “họ không thích thay đổi, họ không hiểu điều gì đã được đề xuất”.

“Chắc chắn cũng có những phản đối từ những người có liên quan đến tham nhũng”, ngài nhận định như trên, nhưng không đưa ra tên tuổi cụ thể.

Khi được hỏi, với nhận thức muộn màng này, liệu ngài có làm mọi thứ theo cách khác hay không, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài tin rằng “chúng tôi đã mắc sai lầm lớn khi các kiểm toán viên bị sa thải và khi Libero Milone bị sa thải. “

Năm 2013, Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Kinh tế mới được thành lập, khiến ngài trở thành nhân vật quyền lực thứ ba của Vatican và là người được giao nhiệm vụ cải tổ tài chính của Vatican. Năm 2017, ngài đã bị chính quyền Úc buộc tội lạm dụng tình dục hai trẻ vị thành niên khi còn là Tổng Giám mục Melbourne vào năm 1996.

Bất chấp việc ngài lặp đi lặp lại là mình vô tội, ngài đã bị kết tội trong phiên tòa thứ hai, sau khi phiên tòa thứ nhất kết thúc với một bồi thẩm đoàn treo, và bị kết án sáu năm tù. Đức Hồng Y Pell đã phải ngồi tù hơn 400 ngày trước khi được Tòa án Tối cao Australia tuyên bố ngài trắng án vào tháng 4 năm 2020.
Source:Crux

3. 7 cách các thánh có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 21 tháng 9, có bài sau của Cecilia Pigg nhan đề “7 Ways the saints can help you sleep better at night”, nghĩa là “Bẩy cách các thánh có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thế giới của tôi và vô số vấn đề của nó luôn trông đẹp hơn nhiều sau khi ngủ. Và tôi càng ngủ ngon vào ban đêm, mọi thứ càng trông tuyệt vời và rõ ràng hơn vào buổi sáng. Tôi thật may mắn khi lúc nào cũng có thể đi vào giấc ngủ và ngủ khá tốt. Nhưng vào những đêm không ngủ được, tôi sợ hãi lo lắng ngày hôm sau sẽ như thế nào. Dưới đây là một số mẹo về giấc ngủ của các thánh đã giúp tôi khi vượt qua cơn khó ngủ.

Hãy thử bánh mì và nước trước khi đi ngủ như Thánh Philip Neri

Vị thánh vui vẻ này được biết đến với lòng hiếu khách và khiếu hài hước, và nhiều người thích dành thời gian với ngài. Ngài chỉ ăn bánh mì và nước, khiến nhiều thực khách của ngài ngạc nhiên. Làm thế nào mà một người rất vui vẻ và hài hước như thế lại có thể ăn uống theo một chế độ ăn kiêng nhàm chán như vậy?

Nhưng bánh mì hàng ngày của ngài lại có thể là thứ duy nhất bạn cần để giúp bạn ngủ ngon hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều quan trọng là tránh caffeine và rượu trước khi đi ngủ. Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng uống đồ uống vào ban đêm sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, nhưng nó thực sự khiến phẩm chất giấc ngủ của bạn trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, thay vì cà phê, trà đen hay một thứ nước nóng trước khi ngủ, hãy ăn một miếng bánh mì và một vài ngụm nước.

Hãy lần chuỗi Mân Côi như Thánh Jacinta và Thánh Francisco

Thánh Jacinta và Thánh Francisco là hai trong số những đứa trẻ ở Fatima được đặc ân nhìn thấy Mẹ Maria khi Mẹ hiện ra. Mẹ bảo họ hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày.

Nếu bạn cảm thấy chán việc đếm số, hãy thử cầu xin sự giúp đỡ của Mẹ Maria bằng cách lần chuỗi Mân Côi. Khi bạn bắt đầu, bạn có thể yêu cầu thiên thần hộ mệnh của bạn hoàn thành các lời cầu nguyện cho bạn nếu bạn ngủ vùi đi trước khi kết thúc tràng chuỗi!

Đi dạo buổi tối như Chân phước Stanley Rother

Cha Stanley, vị linh mục sinh ra ở Oklahoma, không lạ gì việc đi bộ. Ngài lên trong một trang trại, là người trông coi và làm vườn khi còn học ở trường dòng, và tình nguyện phục vụ ở vùng nông thôn Guatemala.

Nếu bạn không lao động chân tay nhiều trong các hoạt động hàng ngày, bạn sẽ khó ngủ hơn. Vì vậy, hãy đi dạo một vòng quanh khu nhà, và cầu xin Chân Phước Stanley cho thêm chút sức chịu đựng nếu bạn cần.

Tạo một phòng ngủ ấm cúng và không bị phân tâm như Thánh Biển Đức

Tốt nhất là nơi bạn ngủ không phải là nơi bạn làm mọi thứ khác trong cuộc sống của mình.

Thánh Biển Đức, cha đẻ của phong trào đan viện ở phương tây, đã có những quy định cụ thể về việc sắp xếp chỗ ngủ cho các tu sĩ của mình. Hãy bảo đảm rằng phòng ngủ của bạn hướng đến giấc ngủ chứ không phải hướng đến công việc hoặc giải trí. Nếu điều đó có nghĩa là phải dành ít thời gian hơn trong phòng của bạn vào buổi tối, hoặc nếu điều đó có nghĩa là phải sắp xếp lại một số thứ, hãy làm như vậy.

Bắt đầu viết nhật ký cầu nguyện như Tôi tớ của Chúa Elisabeth Leseur

Một cách tốt để tiến hành một ngày của bạn và một cách tuyệt vời để làm chậm lại vào buổi tối là viết nhật ký. Elisabeth, người Pháp, một người vợ trong gia đình, đã lưu giữ một cuốn nhật ký, trong đó cô chia sẻ những lời cầu nguyện cho sự cải đạo của chồng mình.

Làm một việc thương xót trước khi đi ngủ như Tôi tớ Chúa Dorothy Day

Dorothy Day muốn sống mỗi ngày tập trung vào việc chăm sóc người khác. Tổng cộng có 14 công việc về lòng thương xót trong Giáo Hội Công Giáo, cung cấp cho bạn 14 cách cụ thể để phục vụ những người xung quanh bạn trước khi kết thúc mỗi ngày.

Thương người có mười bốn mối
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết

Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
Hãy loại bỏ lo lắng trước khi ngủ như Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh
Cầu nói thường được trích dẫn “Cầu nguyện, hy vọng và đừng lo lắng” được cho là của Cha Pio Năm Dấu Thánh, là linh mục và vị thánh thần bí người Ý. Lo lắng có thể khiến bạn rất khó ngủ, vì vậy hãy đọc một trang trong cuốn sách của Cha Piô và trút bỏ sự lo lắng trước khi đầu bạn chạm vào gối. Tìm hiểu thêm về một lời cầu nguyện cụ thể, được viết bởi một linh mục mà Cha Piô ngưỡng mộ, có thể hữu ích.
Source:Aleteia
 
Lạ lùng: Hai cánh cửa mạ vàng trên cung thánh bị Thổ Nhĩ Kỳ cướp, điều bất ngờ xảy ra 47 năm sau
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:23 29/09/2021


1. Hai cánh cửa mạ vàng trên cung thánh bị cướp. 47 năm sau trở lại ngôi thánh đường xưa

Hai cánh cửa trên cung thánh của một Nhà thờ Chính thống giáo trên đảo Cyprus, tiếng Việt thường gọi là đảo Síp, đã bị quân Thổ Nhĩ Kỳ cướp từ một nhà thờ ở phía bắc hòn đảo này vào năm 1974. Hai cánh cửa này được làm từ thế kỷ thứ 18 và được mạ vàng rất quý giá.

Trong tuần qua, Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos Đệ Nhị, là Tổng Giám Mục thủ đô Nicosia của đảo Cyprus đã vui mừng đón nhận lại hai cánh cửa này từ trường đại học nghệ thuật Nhật Bản Kanazawa.

Cộng hòa Síp, là một quốc đảo ở phía đông Biển Địa Trung Hải. Đây là hòn đảo lớn thứ ba và đông dân thứ ba ở Địa Trung Hải, và nằm ở phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ; phía tây của Syria; phía tây bắc giáp Lebanon, Israel và Dải Gaza; phía bắc của Ai Cập; và phía đông nam của Hy Lạp. Nicosia là thủ đô và thành phố lớn nhất của đất nước.

Hoạt động sớm nhất của con người được biết đến trên đảo là vào khoảng thiên niên kỷ thứ 10 trước Chúa Giáng Sinh. Là một vị trí chiến lược ở Đông Địa Trung Hải, quốc gia này đã bị một số cường quốc lớn chiếm đóng, bao gồm cả các đế chế của người Assyria, Ai Cập và Ba Tư.

Síp được đặt dưới sự quản lý của Vương quốc Anh dựa trên Công ước Síp năm 1878 và chính thức được Anh sáp nhập vào năm 1914. Sau khi được trả lại độc lập vào ngày 1 tháng 10, 1960, tương lai của hòn đảo này trở thành vấn đề bất đồng giữa hai cộng đồng dân tộc là người Síp gốc Hy Lạp, chiếm 77% dân số và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 18% dân số. Vào ngày 15 tháng 7 năm 1974, một cuộc đảo chính nổ ra. Quân Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng cơ hội tấn công hòn đảo và hình thành một quốc gia độc lập gọi là Cộng hòa Síp Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng được nước nào công nhận ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc tấn công này, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh cướp rất nhiều nhà thờ Chính Thống Giáo và Công Giáo trong vùng.

Hai cánh cửa này thuộc về nhà thờ Thánh Anastasias trong làng Peristeronopigi. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1775, nằm trên đỉnh một hang động, nơi lưu giữ các ngôi mộ của các vị thánh.

Bộ trưởng Truyền thông Iannis Carusos của đảo Síp cho biết 20 năm trước trong một cuộc triển lãm tại Đại học Nghệ thuật Kanazawa, một người Hy Lạp đã nhận ra hai cánh cửa này. Không có thông tin nào được cung cấp về cách trường đại học mua lại chúng.

Trong cái mà Carousos gọi là “tàn sát văn hóa”, hàng trăm bức bích họa, tranh khảm và các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo khác đã bị cướp bóc từ các nhà thờ sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau các tranh cãi pháp lý trường đại học nghệ thuật Nhật Bản Kanazawa đã đồng ý trả lại cho Cộng Hòa Síp hai cánh cửa này.


Source:Texas News

2. Tiến sĩ George Weigel: Nền Ngoại Giao Của Vatican Tạo Được Sự Khác Biệt

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã có một bài nhận định sau đăng trên tờ First Things về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh. Bài viết có nhan đề “Vatican Diplomacy Making a Difference”, nghĩa là “Nền Ngoại Giao Của Vatican Tạo Được Sự Khác Biệt”

Ngày 25 tháng 6 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, tổng trưởng Quan Hệ Với Các Dân Nước của Tòa thánh – nói nôm na là “bộ trưởng ngoại giao của Vatican” - đã nói trong một cuộc họp báo rằng ngài và các đồng nghiệp của mình không tin rằng việc Vatican lên tiếng công khai về cuộc đàn áp lớn đang được tiến hành ở Hương Cảng có thể tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”. Tôi xin phép không đồng ý. Việc Vatican lên tiếng bênh vực các quyền cơ bản của con người như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí ở Hương Cảng thực sự có thể tạo ra sự khác biệt. Hãy để tôi chỉ ra các phương cách.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về mặt tinh thần và nâng cao dũng khí của những người Công Giáo Hương Cảng can đảm như Jimmy Lai, người bạn của tôi, hiện đang ngồi tù, và luật sư ủng hộ dân chủ cao quý, Martin Lee. Những người đàn ông này thực sự thắc mắc tại sao âm thanh của sự im lặng lại thịnh hành ở Rôma trong khi họ đang bị bắt bớ, truy tố và bỏ tù vì sống theo chân lý được Chúa, mà họ tin theo, dạy bảo; và cũng được dạy bởi Giáo hội mà họ yêu mến.

Nó sẽ tạo ra một sự khác biệt đáng kể đối với những người Công Giáo bất khuất ở cả Hương Cảng và Trung Quốc đại lục. Nhiều người trong số những người nam nữ dũng cảm này cảm thấy bị thẩm quyền trung ương của Giáo hội bỏ rơi, và họ tự hỏi tại sao. Họ hiểu rằng điều mà bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc muốn không phải là “đối thoại” với Vatican mà là sự phục tùng hoàn toàn của Giáo Hội Công Giáo đối với nhà nước Trung Quốc do Đảng Cộng sản thống trị; và đối với chương trình “Trung Quốc hóa” tất cả các tôn giáo. Họ không chấp nhận quan điểm cho rằng việc đầu quân cho những kẻ độc tài toàn trị như Tập Cận Bình cuối cùng sẽ cải thiện tình hình của họ, bởi vì họ biết rằng cuộc đấu tranh của họ, giống như cuộc đấu tranh của Giáo hội ở Trung và Đông Âu sau Thế chiến thứ hai, là một trò chơi có tổng bằng không: Nghĩa là ai đó sẽ thắng, và ai đó sẽ thua.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt cho tương lai của việc truyền giáo ở Trung Quốc. Chế độ cộng sản Trung Quốc không bất tử. Khi điều đó diễn ra, và chắc chắn sẽ xảy ra, Trung Quốc sẽ trở thành cánh đồng truyền giáo Kitô lớn nhất kể từ khi người Âu Châu đến vùng Tây bán cầu này vào thế kỷ 16. Lợi thế so sánh sẽ nằm ở những cộng đồng Kitô Giáo chống lại chế độ tồi tệ đã sụp đổ, chứ không nằm ở những cộng đồng đã cố gắng tìm một chỗ ngồi chung với những kẻ không muốn đồng bàn với ai. Ngay sau nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Gallagher, National Review đã đưa ra những nhận xét này: “Trong tương lai, khi Trung Quốc là một quốc gia tự do, người dân sẽ nhìn lại không có gì khác ngoài sự ghê tởm đối với vô số tập đoàn, tổ chức và những người nổi tiếng của Mỹ đã giúp tạo ra sự cai trị độc đoán dưới một số quan niệm sai lầm đến mức ngu xuẩn rằng người dân Trung Quốc hoàn toàn bằng lòng để sống vô thời hạn mà không có các quyền tự do cơ bản mà chúng ta đã coi là đương nhiên trong hơn 200 năm qua”. Không một nhà ngoại giao Vatican nào lại muốn sự khinh miệt tương tự rơi vào Giáo Hội Công Giáo.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt trong việc khôi phục thẩm quyền đạo đức của Tòa thánh trong nền chính trị thế giới. Vatican không có quyền lực thực sự, như thế giới hiểu về quyền lực. Năng lực của Tòa Thánh trong việc định hình các sự kiện, dù ở hậu trường hay trên bàn đàm phán quốc tế, hoàn toàn phụ thuộc vào đòn bẩy đạo đức mà Tòa Thánh có thể áp dụng, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn và dường như đầy chông gai. Nhờ chứng tá táo bạo trước công chúng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đòn bẩy đạo đức như vậy đã là công cụ để định hình cuộc cách mạng lương tâm chuẩn bị và làm nên cuộc Cách mạng năm 1989 ở Đông Trung Âu. Thẩm quyền luân lý của Vatican cũng rất quan trọng trong việc chống lại những nỗ lực của chính quyền Clinton nhằm tuyên bố phá thai theo yêu cầu là một nhân quyền cơ bản của con người tại Hội nghị Thế giới về Dân số và Phát triển ở Cairo năm 1994. Trong cả hai trường hợp, nói một cách mạnh dạn, công khai và mạnh mẽ tạo ra sự khác biệt thực sự, và biến việc giảng dạy đạo đức thành đòn bẩy đạo đức và chính trị. Nếu bài học đó đã bị lãng quên ở Vatican thế kỷ 21, thì nó cần phải được xem xét lại.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt trong việc quảng bá học thuyết xã hội của Giáo hội, vốn thường là vấn đề đối với các lớp học hơn là ở các quảng trường công cộng. Giáo hội phản kháng ở Hương Cảng và Trung Quốc không nhận tín hiệu từ John Locke và Thomas Paine; họ đang sống những nguyên lý cơ bản của học thuyết xã hội Công Giáo và sự hiểu biết về mối quan hệ đúng đắn giữa Giáo hội và nhà nước. Tất nhiên, học thuyết xã hội đó có những ứng dụng vượt xa biên giới Trung Quốc. Nhưng nếu nó dường như bị các nhà chức trách cao nhất của Giáo hội phớt lờ trong những trường hợp khó khăn nhất, thì nó bị giới hạn trong giới học thuật mà thôi.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt khi đưa Luca 22:32 vào cuộc sống trong Giáo hội đương đại. Chúa đã hướng dẫn Phêrô “củng cố” các anh em của mình. Những người anh em của Phêrô ở Hương Cảng không cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh bởi Phêrô và những người cộng tác thân cận nhất của ngài ở Vatican ngày nay. Họ cảm thấy điều gì đó hoàn toàn ngược lại. Và đó có lẽ là lý do nghiêm trọng nhất tại sao Tòa thánh nên xem xét lại những âm thanh của sự im lặng đối với Hương Cảng và thực sự là toàn bộ Trung Quốc.


Source:First Things
 
Bi ai: Lời cuối của các nữ tu khi bị hạ sát. Ai nên tiêm liều vắc xin thứ 3? ĐTC có nên tiêm không?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:47 29/09/2021


1. Lời cầu nguyện cuối cùng của các nữ tu tử đạo trước khi bị giết

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 28 tháng 9, có bài của Sarah Robsdottir, nhan đề “Martyr-nuns’ last prayer before being killed”, nghĩa là “Lời cầu nguyện cuối cùng của các nữ tu tử đạo trước khi bị giết”.

Lời cầu của họ ngày nay vẫn có thể áp dụng được.

Vào đầu tháng 3 năm 2016, một vụ tấn công khủng bố xảy ra tại một tu viện và viện dưỡng lão ở Yemen khiến 16 người thiệt mạng. Bốn trong số các nạn nhân là các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái, là cộng đồng do Mẹ Teresa thành lập. Tôi đã tìm thấy một tấm thẻ cầu nguyện viết tay vào sáng ngày hôm nay để tưởng nhớ thảm kịch này. Nó dính trong nhật ký của tôi, và tôi nhanh chóng dán nó lên tủ lạnh, vì những khó khăn ở quê nhà và các tiêu đề tin tức đã khiến tôi buồn đến mức mất tập trung.

Tôi đã cầu nguyện sau Thánh lễ và trước bữa ăn sáng, đó là thói quen của chúng tôi và cũng là thói quen của các nữ tu bị giết – nhờ thế chúng tôi biết, căn cứ theo thời gian trong ngày các chị bị sát hại, thì đó là lúc các chị vừa dâng lời cầu nguyện cuối cùng. Tôi đang tìm những từ đơn giản và định hướng mục tiêu; một cách tốt để luôn tập trung.

Lời cầu nguyện viết tay của một trong các nữ tu bị giết được viết như sau:

Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại. Hãy dạy con phục vụ Chúa là Đấng đáng chúc tụng; xin dạy con cho đi và không so đo tính toán, xin dạy con chiến đấu và không quan tâm đến vết thương, xin dạy con vất vả và không tìm kiếm sự nghỉ ngơi, xin dạy con lao động và không đòi hỏi phần thưởng.

Tôi đã được Sơ Maria, một Thừa sai Bác ái, người cùng với một số nữ tu khác đang hoạt động tại giáo xứ của tôi, trao thẻ cầu nguyện này vào thời điểm đó. Người nữ tu đưa cho tôi một bản sao của lời cầu nguyện với vẻ mặt thanh thản khi tôi bày tỏ nỗi buồn về những gì đã xảy ra ở Yemen, quê hương của tôi. Tôi nhớ tôi đã tìm thấy sự bình yên và niềm vui của Sơ Maria trong tâm trí: “Đừng rơi nước mắt,” nụ cười của sơ thanh thản, “các sơ ấy đang nhận được phần thưởng của mình!”

Sau đó, người nữ tu nhanh chóng chuyển cuộc trò chuyện sang tôi - vỗ nhẹ vào tay tôi, nói với tôi rằng tôi trông “quá gầy” và hỏi với sự quan tâm rất lớn rằng liệu tôi có đang chăm sóc bản thân mình không. Sau đó, sơ hỏi về em gái tôi qua đó tôi có thể nói rằng sơ ấy đã ghi nhớ lời cầu nguyện của tôi từ vài tuần trước; sơ ấy thậm chí còn nhớ chẩn đoán y tế của Jenny và tên đệm của em ấy! Tóm lại, Nữ tu Maria không chỉ trao cho tôi lời cầu nguyện của các nữ tu tử đạo này, mà sơ ấy còn là hiện thân của lời cầu nguyện đó.

Lạy các nữ tu tử đạo của Yemen, xin cầu nguyện cho chúng tôi!
Source:Aleteia

2. Ông Joe Biden được tin sẽ triều yết Đức Thánh Cha vào ngày 29 tháng 10

Ông Joe Biden được tin là sẽ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên trong tư cách là tổng thống Hoa Kỳ tới Vatican kể từ khi ông nhậm chức.

Các nguồn tin từ dinh Tông Tòa của Vatican nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 25 tháng 9 rằng thông tin của họ đến trực tiếp từ Phủ Giáo hoàng. Mặc dù các cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia là những dịp ngoại giao, nhưng Phủ Giáo hoàng chịu trách nhiệm về việc tổ chức và các giao thức xung quanh các cuộc họp.

Một nguồn tin độc lập khác nói với CNA rằng công tác chuẩn bị đang được tiến hành tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh và những chiếc xe tải cũng như các thiết bị đầu tiên cho chuyến thăm đã được chuyển đến Rôma.

Tòa Bạch Ốc ngày 22/9 cho biết ông Biden sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Âu Châu vào cuối tháng 10.

Khi được hỏi liệu có kế hoạch nào đang được thực hiện cho một cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng hay không, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc nói với CNA vào ngày 28 tháng 9 rằng “không có gì để thông báo”.

Vatican thường không thông báo trước về các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia. Nói chung, thông tin được cung cấp chỉ vài ngày trước khi các cuộc họp diễn ra. Tòa thánh có khuynh hướng chỉ xác nhận chuyến thăm sau khi nguyên thủ quốc gia có thông báo chính thức.

Theo các nguồn tin, chuyến đi của Biden sẽ là một chuyến thăm chính thức. Đầu tiên, tổng thống sẽ có một cuộc gặp với Giáo hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đó, sẽ có các cuộc hội đàm song phương trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với Đức Hồng Y Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân nước.

Ông Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2015, khi Đức Giáo Hoàng tham dự Cuộc họp Thế giới của các Gia đình ở Philadelphia. Vào thời điểm đó, Biden là phó tổng thống của chính quyền Obama.

Ông Biden cũng đã đến thăm Vatican vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về y học tái tạo.
Source:Catholic News Agency

3. Tiêm vắc xin COVID liều thứ ba. Có thể chuyển sang một loại vắc xin khác không?

Gần đây, nhiều người bắt đầu bàn tán về liều thứ ba và liều tăng cường. Bác sĩ Nicholas Wood, giảng sư Bệnh Người Lớn và Trẻ Em của Đại Học Y Khoa Sydney, Australia, có bài viết sau.

Chúng ta cần tiêm hai liều vắc-xin cho càng nhiều người lớn càng tốt - trước hết vì điều đó giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật và mức độ lây lan, nhưng cũng vì đạt được mục tiêu tiêm chủng có khả năng mang lại một số quyền tự do mới.

Các vắc xin COVID-19 như Pfizer, Moderna và Astra Zeneca, tiếp tục có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong, ngay cả khi gặp phải biến thể Delta.

Nhưng ngay sau khi chúng ta kết thúc một đợt triển khai vắc-xin, chúng ta có thể cần bắt đầu đợt triển khai liều tăng cường tiếp theo.

Khi nào tôi cần tiêm tăng cường?

Trước tiên, chúng ta cần phân biệt giữa liều tăng cường, tiếng Anh gọi là booster dose, và liều thứ ba, tiếng Anh gọi là third dose, như một phần của đợt tiêm chủng ban đầu. Chúng là hai thứ rất khác nhau.

Một số người bị suy giảm miễn dịch do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc do các điều trị y tế khiến họ không đạt miễn dịch đầy đủ với hai mũi tiêm thứ nhất và thứ hai. Họ có thể cần tiêm liều thứ ba như một phần trong chương trình tiêm chủng COVID-19 ban đầu. Cho đến nay, những ai trên 65 tuổi hay mắc những bệnh như tiểu đường, chẳng hạn, là những người sẽ phải tiêm liều thứ ba. Liều thứ ba của họ đến không lâu sau liều thứ hai và được đưa ra để cải thiện khả năng bảo vệ họ.

Một mũi tiêm tăng cường, booster dose, được tiêm lâu hơn nhiều sau khi tiêm hai liều ban đầu. Một ví dụ điển hình là cách chúng ta tiêm vắc xin phòng uốn ván và ho gà.

Cho đến nay, chúng ta không biết chắc chắn khi nào bạn sẽ cần tiêm tăng cường. Có những người nói là sáu tháng, tám tháng, và xa hơn thế nữa. Các nghiên cứu liên quan đến điều đó vẫn đang tiếp tục. Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về thời điểm tốt nhất cho một liều tăng cường.

Pfizer gần đây đã công bố nghiên cứu của họ cho thấy một liều tăng cường dẫn đến sự gia tăng các kháng thể chống lại vi rút ban đầu cũng như chống lại biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Những kết quả này đang chờ được công bố và sự an toàn của liều tăng cường cần được biết đến. Cơ quan Quản Lý Dược Phẩm Âu Châu cũng đã bắt đầu đánh giá đơn xin sử dụng liều tăng cường của vắc-xin Pfizer.

Chúng ta biết rằng theo dòng thời gian, tất yếu, sẽ có sự suy giảm các kháng thể sau hai liều đầu tiên, và đã xuất hiện một số bằng chứng về khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng đang suy yếu.

Trong một bức thư gần đây gửi cho Tạp chí Y học New England, được xuất bản trực tuyến vào đầu tháng này, các bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng tại Đại học California San Diego cho biết dữ liệu của họ cho thấy hiệu quả của vắc xin chống lại bất kỳ bệnh nào cũng đều có triệu chứng suy giảm theo thời gian.

Mỹ đang có kế hoạch cung cấp các mũi tiêm tăng cường COVID rộng rãi cho người dân Mỹ từ tháng 9 trở đi, cho những ai đã tiêm 2 liều cách đây từ 8 tháng trở lên.

Một câu hỏi thường được nêu ra là khi tiêm liều tăng cường, tôi có thể chuyển sang một loại vắc xin khác không?

Chúng tôi vẫn chưa biết chắc chắn.
Source:The Conversation

4. Đức Thánh Cha Phanxicô có nên tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba hay không?

Đức Thánh Cha Phanxicô được báo cáo là sẽ sớm tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba. Linh mục Dòng Tên Thomas Reese, từng là Chủ bút tờ American Magazine, có bài viết sau.

Về mặt cá nhân, Đức Phanxicô là một ứng cử viên hàng đầu, nhưng tư cách giáo hoàng nên được coi trọng hơn cả tiền sử bệnh tật.

Khi đề cập đến vấn đề liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nên tiêm mũi thứ ba vắc xin COVID-19 hay không, Vatican đã lâm vào một tình cảnh khó khăn.

Theo truyền thống, Vatican đã lên tiếng ủng hộ các quốc gia nghèo, nhiều quốc gia trong số đó có rất ít vắc-xin, vì vậy rất ít người dân của họ được tiêm vắc-xin COVID-19. Giáo Hội đã tham gia các lời kêu gọi cung cấp thêm vắc-xin cho các nước đang phát triển từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.

Chỉ 1.9% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, trong khi 63% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi. Ở Ý, 73% dân số được tiêm chủng hai liều.

Nói về việc cho người dân ở các nước giàu tiêm mũi thứ ba trong khi hầu hết người dân ở các nước nghèo chưa nhận được liều đầu tiên dường như là vi phạm giáo huấn của Giáo Hội về tình liên đới và công bằng xã hội. Một số nhà đạo đức học đã so sánh việc tiêm mũi thứ ba ở các nước giàu với việc tặng cho mỗi hành khách đi vé hạng nhất trên một con tàu đang chìm đến hai cái áo phao cứu sinh, trong khi những người bình dân ngồi xổm trên tàu thì chẳng có áo phao nào.

Nhưng đằng khác, sau kết quả nghiên cứu ban đầu, ủy ban cố vấn vắc xin của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt là FDA, đã khuyến cáo những người cao tuổi và suy giảm miễn dịch nên tiêm mũi thứ ba.

Theo các tiêu chí này, Đức Thánh Cha Phanxicô, ở tuổi 84 và vẫn đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật đại tràng và bị thiếu một lá phổi, đương nhiên là một ứng cử viên thích đáng cho lần tiêm thứ ba, đặc biệt là vì ngài phải thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới và thật đáng tiếc, không phải lúc nào ngài cũng có thể đeo khẩu trang y tế.

Nhưng tư cách giáo hoàng trọng hơn tiền sử bệnh tật. Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ra chứng tá gì nếu ngài tiêm liều thứ ba? Ngài sẽ được coi là một người cao niên cần được bảo vệ hay ngài sẽ được coi là một cư dân hạng nhất thế giới đang phớt lờ nhu cầu của những người ở các nước nghèo hơn?

Hôm 10 tháng 8, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cho biết: “Trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu đang diễn ra hạn chế, việc sử dụng các liều tăng cường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng do thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ, trong khi nguồn cung cấp đang khan hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh các nhóm dân cư ưu tiên ở một số quốc gia, hoặc các cơ sở địa phương, vẫn chưa nhận được một liều vắc xin nào”.

Những người khác, bao gồm cả ông Joe Biden ở Tòa Bạch Ốc, cho rằng có thể sản xuất đủ vắc-xin để làm cả hai việc này. Tôi chỉ tin điều đó khi tôi nhìn thấy nó.

Nhưng nếu chúng ta đồng ý với ủy ban cố vấn của FDA rằng mũi thứ ba là cần thiết để bảo vệ người cao tuổi, thì chúng ta chắc chắn muốn Đức Thánh Cha Phanxicô được tiêm.

Tôi sợ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ quyết định không tiêm mũi thứ ba mặc dù đã có những lời khuyên y tế tốt nhất. Mong muốn đoàn kết với người nghèo của ngài có thể khiến cuộc sống của ngài gặp rủi ro.

Nếu ngài là một tu sĩ Dòng Tên đơn giản, bề trên của ngài có thể ra lệnh cho ngài phải chích, như đã ra lệnh cho tôi. Nhưng không ai có thể ra lệnh cho giáo hoàng làm bất cứ điều gì.

Nếu tất cả mọi người ở Vatican đình công, có lẽ điều đó sẽ buộc ngài phải chích phát thứ ba. Hoặc bác sĩ của ngài có thể đơn giản lừa ngài bằng cách nói với ngài rằng mũi tiêm là một cái gì đó khác.

Phương án cuối cùng là một vài Vệ binh Thụy Sĩ giữ ngài lại trong khi ngài bị chích mũi thứ ba. Điều này sẽ dẫn đến việc tất cả những người liên quan bị sa thải và bị vạ tuyệt thông. Giáo luật 1370 triệt 1 tuyên bố “Ai sử dụng vũ lực chống lại Đức Giáo Hoàng Rôma sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết.”

Nhưng điều đó sẽ xứng đáng, và mọi người đều biết Đức Phanxicô là người nhân từ, vì vậy cuối cùng tất cả sẽ tốt đẹp.
Source:Religion News Service
 
Thánh Ca
Xin Bên Con Chúa Ơi – Trình Bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
04:39 29/09/2021