“Thiếu Một Điều”
Trang Tin mừng hôm nay kể câu chuyện cảm động: “Một người chạy đến, quý xuống trước mặt Người”, không phải để xin chữa bệnh như chúng ta từng gặp, nhưng để xin chỉ giáo: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Chúng ta có thể ngỡ ngàng về cách Người trả lời anh ta. Người “chỉnh” ngay cách anh ta thưa với Người: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai là nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Anh ta muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp, Thánh vịnh 16 đã trả lời: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn”.
Sự sống đời đời không phải là “một cái gì”, nhưng là chính Thiên Chúa. Chẳng có gì đáng là gia nghiệp cho anh ta ngoài Thiên Chúa. Phải làm gì thì Thiên Chúa đã dạy rồi. Đức Giêsu nhắc bài cho anh ta về các điều răn, nhưng Người nhắc ngay các điều răn ở bảng thứ hai, đối với tha nhân. Anh ta hãnh diện thưa: “Thưa Thầy, tất cả những điều ấy tôi đã giữ từ thưở nhỏ”. Phản ứng của Đức Giêsu thật đặc biệt: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”. Các môn đệ đầu tiên thì “Người đi ngang, người thấy, Người gọi và các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người”. Anh này thì chạy đến với Người. Người nhìn anh và đem lòng yêu mến, rồi đề nghị: “Anh chỉ còn thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.Rồi hãy đến theo Tôi”. Người đề nghị anh ta đánh đổi tất cả những gì anh ta có để lấy kho tàng trên trời. Và ngay bây giờ, kho tàng ấy đang ở trước mặt anh đây. Người tự trả lời câu hỏi Người đã đặt cho anh: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai là nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Anh nói Người là Thầy nhân lành thì đúng rồi đấy, nhưng chính Người là Thiên Chúa nhân lành đang đứng trước mặt anh và tự muốn ban chính mình làm gia nghiệp cho anh đây.
Nhưng câu chuyện mở đầu thật đẹp lại dẫn tới cái kết buồn: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (x. Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Có lẽ các môn đệ tiếc nuối: sao Thầy không chiêu mộ người thanh niên giàu có này làm môn đệ nhỉ?
Chàng trai trẻ tiếc của nên bỏ đi. Chúa cũng tiếc người thanh niên thiện chí nhưng “chỉ thiếu một điều”. Chúa "nhìn chung quanh" và nói: "Những kẻ cậy dựa vào của cải, thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao". Theo Chúa Giêsu, người ta không thể thờ hai chủ cùng một lúc. Kẻ có nhiều của cải thì để tâm vào của cải “kho tàng ở đâu thì lòng trí ở đó” (Lc 12,34), cho nên phải chọn: một là Thiên Chúa, hai là tiền tài (x. Lc 16,13). Lời Chúa thật “sắc bén như gươm hai lưỡi”. Người giàu thiện chí cần phải cắt những ràng buộc vật chất để vươn cao lên.
Một thanh niên công chính, ngay thẳng, không dối gian. Một người trẻ tuổi tốt lành có thiện chí, giữ trọn các giới răn của Thiên Chúa và còn muốn làm điều tốt hơn nữa để được sự sống đời đời. Chàng trai thật dễ thương, khao khát muốn vươn lên, băn khoăn muốn làm thêm gì đó để nên tốt hơn, thao thức hướng tới trọn lành. Một thiếu gia có của mà không tìm hưởng thụ, nhưng lại nuôi ước vọng cao xa hơn. Chàng trai trẻ ấy ước mơ một vùng trời lý tưởng. Ước mơ ấy cất tiếng gọi anh đi tìm bậc “Thầy nhân lành”. Chàng trai trẻ vui mừng và hy vọng đi tìm con đường trọn lành. Anh ấy có tất cả để được hạnh phúc nhưng chỉ còn thiếu một điều, đó là khả năng theo Chúa. Anh ấy gặp được Thầy Nhân Lành, người sẽ trao cho anh chìa khoá để đạt được hạnh phúc thật. Nhưng anh ấy bỏ đi buồn bả, bởi vì anh ta không dám bán của cải để chia cho người nghèo. Anh có duyên may gặp được Chúa Giêsu, một bậc thầy có lòng nhân hậu. Nhưng tiếc thay! Anh không đủ can đảm, không đủ quảng đại bác ái để đáp ứng đòi hỏi của Chúa Giêsu là từ bỏ những gì mình có để theo Người.
Người thanh niên thật lương thiện, sống một cuộc sống không có gì đáng chê trách, không có tội lỗi gì đáng phàn nàn, không có tật xấu để sửa sai. Anh là hình ảnh người Công Chính Cựu Ước chu toàn lề luật. Chúa Giêsu âu yếm nhìn anh và muốn anh tiến thêm một bước nữa để nên người Công Chính Tân Ước: bán gia tài đem bố thí cho người nghèo, sẽ có một kho báu trên trời và hãy theo Người. Đó là điều kiện nên người Công Chính Tân Ước.
Không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt ai, không bất hiếu với cha mẹ. Đó mới là điều kiện thứ nhất sống tốt lành về mặt luân lý. Điều kiện thứ hai là tin và theo Chúa Giêsu.
Giá trị của con người không hệ tại ở cái mình có, mà ở tại chính cái mình làm. Tất cả sự khôn ngoan và minh triết được đúc kết nới Chúa Giêsu. Tin vào Chúa Giêsu và sống theo giáo huấn của Người là sự khôn ngoan của người Kitô hữu.
Con người thường bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo gì của vật chất. Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt. Con người làm chủ nó và dần dần để nó làm chủ mình. Của cải trở thành lẽ sống mà con người không thể dứt bỏ.Những tiêu chuẩn mà con người hôm nay đang đặt ra để trói buộc nhau như là tiền tài, địa vị, danh vọng; thực tế, nó không thể làm cho con người đạt tới hạnh phúc đích thực.
Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một tin vui. Có những niềm hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua từng phút giây đang sống. Biết dừng lại để thưởng thức những niềm vui nhẹ nhàng trong cuộc sống. Gặp một nụ cười, ngắm một bông hoa. Thực thi một cử chỉ yêu thương, một việc làm bác ái. Đọc một cuốn sách hay. Một cuộc trò chuyện thân mật. Một buổi tối đọc kinh chung trong gia đình, trong khu xóm. Dâng một thánh lễ sốt sắng. Dự một giờ chầu sốt mến…Biết bao niềm vui an hòa mang đến hạnh phúc trong cái bình thường của đời thường. Có những người, giàu tiền bạc mà không biết vui cười, lắm của cải mà không biết yêu thương, sang trọng bề ngoài mà không có niềm vui nội tâm, thì họ cũng chỉ là bất hạnh. Con người không chỉ dừng lại nơi cơm áo gạo tiền. Con người còn có rất nhiều niềm vui tinh thần, biết bao hạnh phúc thiêng liêng.
Người trẻ luôn ước mơ, luôn khao khát, luôn tìm kiếm và luôn có đủ nghị lực để vươn tới Chân Thiện Mỹ. Nhân loại sẽ không tìm thấy giải đáp nào thoả đáng hơn ngoài Chúa Giêsu Kitô, Đấng “là Con Đường, là Chân Lý và là Sự Sống” (Ga 14,6). Trong xã hội ngày nay, có biết bao cuộc vui chơi giải trí, có biết bao phong cách hào hoa, có biết bao chủ thuyết hứa hẹn một tương lai tươi sáng… đang lôi cuốn giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một sự thật là: con người đứng trước một thế giới tương đối, hữu hạn nhưng tâm hồn lại luôn hướng về những giá trị tuyệt đối, vô biên. Đó là một mâu thuẫn lớn nhất trong con người, đặc biệt là nơi giới trẻ. Nếu không có một đời sống tâm linh vững vàng thì người trẻ dễ rơi vào tình trạng chán chường, thất vọng và phản ứng nổi loạn. Ý tưởng đó được Thánh Gioan Phaolô II, trong sứ điệp ngày Quốc Tế Giới Trẻ 1993 xác nhận: “Chỉ có Đấng tạo dựng nên tâm hồn con người mới có thể đáp ứng cách thích đáng những mong chờ mà con người mang trong mình”.
Vì thế, cần phải cầu xin cho có được sự hiểu biết để “coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan”; “Đức khôn ngoan hơn vương trượng, ngai vàng…của cải bằng không. So với đức khôn ngoan, vàng trân châu bảo ngọc chẳng qua là một chút cát, bạc chẳng qua như chút bùn”. (Bài đọc 1). Khôn ngoan là sự giàu sang, là sự hiệp thông với ân sủng của Thiên Chúa. Người đời thường quý chuộng tiền bạc và sự giàu sang, còn người Công chính coi Ðức Khôn Ngoan là điều quý trọng hơn cả. Khôn ngoan quý trọng hơn tiền bạc, ngọc ngà, châu báu. Khôn ngoan quý hơn sức khoẻ và sắc đẹp. Cùng với Ðức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đến với người công chính.
Mẹ Thánh Têrêsa nói: “Chúng ta có quyền được hạnh phúc và bình an. Chúng ta được dựng nên vì điều này, được sinh ra để hạnh phúc và chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc thật và bình an thật khi gắn bó cuộc đời mình với Thiên Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chỉ dẫn con đường hạnh phúc đời đời. Xin cho chúng con trung thành theo đường lối khôn ngoan thánh thiện Chúa dạy, luôn giữ các giới răn, chia sẻ tình thương với tha nhân, tin và bước theo Chúa mỗi ngày. Amen.
PHÚC ÂM: Lc 11, 1-4
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: “Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
Ðó là lời Chúa.
(Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 11,14-26)
Khi đề cập đến các quyền căn bản của con người mà Liên Hiệp Quốc khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền năm 1948 thì rất nhiều người đồng thuận với nhau là để có được các quyền ấy một cách nào đó thì tiên vàn phải có được quyền ngôn luận. Trong các xã hội độc tài toàn trị thì đây là cái quyền mà người dân bị hạn chế và bị kiểm soát gay gắt nhất. Lịch sử cho thấy trong chiến tranh điều đầu tiên mà phe chiến thắng làm đó là chiếm và kiểm soát các đài phát thanh và truyền hình. Làm chủ được thông tin thì rất dễ điều khiển công chúng theo ý của mình.
Tin Mừng tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Sau khi quỷ xuất thì người câm nói được. Trong khi dân chúng hân hoan đến sững sờ thì có một số người lại gièm pha xuyên tạc cho rằng Chúa Giêsu lấy quyền của tướng quỷ (quỷ Bêendêbun) mà trừ quỷ. Một số người này là những ai và Chúa Giêsu đã có thái độ gì trước sự gièm pha xuyên tạc này?
Tin Mừng Luca chỉ nói có một số người (Lc 11,15); Tin Mừng Matthêu thì nói khá rõ hơn đó là những người Pharisêu (Nhóm Biệt phái) (Mt 12,24); Tin mừng Maccô ghi cách cụ thể đó là những kinh sư (các vị tiến sĩ luật) từ Giêrusalem xuống (Mc 3,22). Tổng hợp lại thì chúng ta có thể nói đó là một số người đang lãnh đạo dân chúng trong Do Thái giáo thời bấy giờ.
Trong vai vị lãnh đạo ngoài xã hội, thậm chí cả trong các tập thể tôn giáo thì người ta dễ bị cám dỗ không thích, không muốn và tìm mọi cách để không cho người thuộc quyền nói, dĩ nhiên là nói những gì khác ý thích, trái ý muốn, trái với đường lối, chủ trương và cung cách hành xử của mình. Chính vì thế mà chủ đề “tự do ngôn luận” thường là chủ đề được xem là “nhạy cảm”. Qua thông tin nhận thấy tại các cuộc họp cấp cao ngoài xã hội dường như chuyện phát biểu chỉ là một chiều từ trên xuống dưới. Không biết tại các dòng tu như thế nào, còn ở nhiều giáo phận thì chuyện chẳng khác là bao, thường là trên phán dưới nghe. Và tại không không ít giáo xứ vẫn phổ biến tình trạng này. Từng hỏi một vài vị đã đảm nhiệm vai vị Đại Biểu nhân nhân các cấp và ở cấp cao nhất là Quốc Hội rằng sao không thấy phát biểu gì thì được trả lời: “Muốn nói gì thì phải đăng ký nội dung trước và được cho phép mới được nói!”. Cũng từng hỏi nhiều linh mục trẻ rằng sao không thấy các vị trẻ lên tiếng thì cũng được trả lời rằng: “Ai mà dám, mới chịu chức dăm bảy năm mà dám mở miệng hà!”.
Trước sự gièm pha, xuyên tạc của mấy người được xem là lãnh đạo lúc bấy giờ thì Chúa Giêsu đã tỏ thái độ rất gay gắt. Sau khi giải thích rõ sự sai lạc trong luận điệu của những người xuyên tạc thì Chúa Giêsu đã mạnh mẽ khẳng định: “Ai không thuận với Tôi là nghịch cùng Tôi, và ai không thu góp với Tôi là phân tán” (Lc 11,23; x.Mt 12,30). Không chỉ khẳng định dứt khoát rằng từ chối ánh sáng chân lý là đi vào bóng tối…mà Chúa Giêsu còn kết án đây là thứ tội muôn đời không được tha vì đó là “tội phạm đến Thánh Thần” (Mt 12,32; Mc 3,29).
Không muốn người dân, người thuộc quyền nói những gì mình không thích quả là một chước cám dỗ khó vượt qua khi chúng ta có chút vai vị và quyền lực. Điều này có thể được thông cảm cách nào đó vì nó thuộc bình diện tâm lý. Tuy nhiên nếu vì sự độc tôn, độc quyền của mình mà tìm mọi cách kể cả luật lệ để kìm hãm và bóp nghẹt tiếng nói của người dân, người thuộc quyền khi đó là những ý kiến khác chiều hay là trái chiều thì đúng là đáng trách và đáng lên án vì nó đã bước sang phạm trù ý chí rồi. Đây chính là trường hợp cố tình đóng kín cõi lòng trước chân lý. Và chắc chắn chân lý không thể nào giải thoát họ khỏi ách nộ lệ của thần dữ vốn là “cha của sự gian dối” (Ga 8,44).
Nhận thức khi “đã là quyền thì không phải là ân huệ xin cho”. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã khẳng định mạnh mẽ sự thật này trước Chính quyền Hà Nội khi nói về Quyền tự do tôn giáo. Vấn đề là chúng ta có tích cực và can đảm nắm lấy các quyền căn bản mà Thiên Chúa tặng ban để sống cho xứng với phẩm vị con người vốn là hình ảnh của Đấng Tạo Thành không? Dĩ nhiên trong nhiều trường hợp muốn nắm được các quyền này thì phải đòi hỏi mà thôi. Đã đòi hỏi thì tất yếu có cái giá phải trả vì mãi còn đó nhiều người không muốn kẻ thuộc quyền có chúng, nhất là quyền ngôn luận.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Chúa Nhật 28 Thường Niên năm B: Mc 10, 17-30
ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI
Suy niệm
Qua bài Tin Mừng, ta thấy người thanh niên có đời sống luân lý thật tốt. Anh ta còn cả một ước mơ cao vời là muốn có “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Một thanh niên có được đời sống tốt lành như vậy trong xã hội hôm nay quả thật rất hiếm. Bao nhiêu thông tin hằng ngày cho thấy bộ mặt giới trẻ thật đáng ngại: trong đời sống luân lý thì phóng túng; trong quan hệ tình yêu thì gian dối; trong giao dịch kinh tế thì mánh mung lừa đảo; trong bổn phận thì thiếu trách nhiệm; trong việc chung thì đùn đẩy; trong học hành thì đối phó, gian lận… Những gì là đạo đức, hiền lành, chân thật, dường như không còn nữa.
Đối với phái nam như trung, hiếu, hay nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, xem ra đã lạc hậu; đối với phái nữ thì công, dung, ngôn, hạnh, có lẽ đã lỗi thời. Có nhiều lý do bức bách giới trẻ, làm cho họ bị tha hóa. Đúng hơn đó là hậu quả của một xã hội hay một lối sống vô thần, chỉ biết gia tăng kinh tế mà không biết gia tăng đạo đức, chỉ biết tôn thờ khoa học kỹ thuật mà không biết đến Đấng chí tôn, nên tạo ra một lớp người hỗn loạn, yêu cuồng sống vội, nóng ruột kiếm tiền, mê man hưởng thụ, và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được những gì mình muốn. Trong bối cảnh như vậy, chủ nghĩa duy lợi lên ngôi, là con đẻ của chủ nghĩa duy vật. Nhưng dù sao thì mỗi người vẫn có tự do để sống cuộc đời mình, không thể đổ trách nhiệm cho xã hội hay một lớp người nào.
Dù sao giữa đám rừng vẫn có những bông hoa đẹp như người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Gặp được Đức Giêsu, anh ta vui mừng hỏi… Nghe Đức Giêsu trả lời, anh ta càng vui mừng hơn vì thấy mình đã sống tốt mọi đòi hỏi của giới luật. Nhưng khi nghe Đức Giêsu mời gọi từ bỏ tất cả để đi theo Ngài… thì anh ta sa sầm nét mặt xuống, và buồn rầu bỏ đi. Không những thế mà xem ra anh ta còn có đau sâu hơn, vì thấy mình có lý tưởng sống mà lại không sống lý tưởng. Anh anh ta bị tiền của trói buộc, không có can đảm thoát ra. Biết rằng sự sống đời đời là trên hết, nhưng đành thúc thủ. Anh ta rất buồn và Đức Giêsu cũng thật buồn. Tình huống đáng buồn này sẽ còn tái diễn mãi mỗi khi ta yêu mình hơn yêu Chúa, yêu của cải hơn yêu con người.
Đức Giêsu cho thấy người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Vào thời Chúa Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành, vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm. Của cải tiền bạc dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân. Trong một sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Việc coi trọng tiền bạc quá đáng không những làm ta xa lìa tha nhân nhưng còn làm cho con người mình trở nên trống rỗng, bất hạnh, sống ảo tưởng, vì đã thay thế Thiên Chúa bằng các của cải vật chất. Làm sao ta có thể hiểu được lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu tâm hồn ta đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, tưởng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình?”
Bi kịch của thanh niên trong Phúc Âm cũng là bi kịch của mỗi người chúng ta, vì ai cũng từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất, giữa lý tưởng và thực tế, giữa cao thượng và tầm thường. Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì. Cuộc sống là một cuộc trao đổi, cái gì cũng phải trả giá. Đó là quy luật tự nhiên của đời sống con người, những gì đi ngược lại sẽ bị đào thải. Không biết người thanh niên giàu có này sẽ như thế nào, nhưng trước mắt khó mà hạnh phúc, cho dù nỗi buồn kia anh ta có tìm cách quên đi, nhưng sự khao khát vô biên vẫn không ngừng ray rứt.
Theo Đức Giêsu là chấp nhận mọi tình trạng, có thể là trắng tay, nhưng lạ thay lại được gấp trăm ngay từ đời này. Đó là điều mà Ngài đã quả quyết với các môn đệ, nhưng điều cao quí nhất vẫn là sự sống đời đời, là chính Thiên Chúa. Thực ra, người theo Chúa mất quá ít mà được thì quá nhiều. Thân phận con người ngay từ bản chất cũng đã gắn liền với mất mát và khổ đau, nên dù có bị ngược đãi hay bách hại vì Chúa Giêsu thì cũng chẳng đáng là gì. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó:“Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 18, 18).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Là người ai cũng ươm mơ dệt mộng,
ai cũng muốn sống an vui và hy vọng,
đều muốn đạt được những ước mong.
Hơn thế nữa,
Chúa còn đặt nơi lòng người một khát vọng,
muốn sống hoài trong hạnh phúc hiệp thông.
Như người thanh niên giàu đã hỏi Chúa,
phải làm gì để được sống đời đời?
Nghe Chúa trả lời, anh ta chới với,
vì phải bán hết của cải đem bố thí,
rồi lên đường và tiến bước theo Ngài.
Biết rằng sự sống đời đời là trên hết,
nhưng anh không muốn bị mất hết,
nên lặng lẽ cúi đầu rồi quay gót,
anh rất buồn và Chúa cũng thật buồn.
Tình huống này sẽ còn luôn tái diễn,
khi con yêu mình hơn yêu Chúa,
yêu của cải hơn yêu con người,
yêu đời này hơn yêu sự sống đời sau.
Thực tế từng ngày theo Chúa,
cuộc đời con vẫn có những giằng co:
ước mơ bay cao và kéo ghì của vật chất;
muốn cho đi nhưng cũng muốn giữ lại;
muốn dâng trao nhưng cũng muốn thu vào.
Xin cho con có được lòng can đảm,
bán dần đi mọi sở hữu trong đời,
để bước đi theo Chúa ở mọi nơi,
như Chúa vẫn kêu mời và mong đợi,
vì con chỉ có Ngài là tất cả Chúa ơi! Amen.
28. Có thể coi trọng, nhưng không phải coi trọng sự quý hiển của gia đình chúng ta, nhưng vẫn là Đức Chúa Giê-su cứu thế, Đấng cứu chuộc của chúng ta.
(Thánh Stanislaus Kostka)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Dương Cần Nông đọc sách ban đêm, đột nhiên có con chuột nhảy vào trong bình dầu để trên bàn, Dương Cần Nông vội vàng lấy tấm ván đậy miệng bình dầu lại, thì đột nhiên thấy nó nhảy ra ngoài, vừa chạy quanh bao sách vừa phảng phất như nói tiếng người:
- “Có dầu, có dầu”..
Dương Cần Nông không làm sao được bèn cười khổ, nói:
- “Tao tránh khỏi mày”.
Có một lần, anh ta đi trên phố thấy người chung quanh đông quá không thể đi qua, đột nhiên như có linh tính, anh ta liền làm ra vẻ giống như xách bình dầu, luôn miệng nói:
- “Có dầu, có dầu”.
Mọi người vội vàng tránh ra, cuối cùng anh ta cũng đi qua được.
(Tiếu tiếu lục)
Suy tư 76:
“Nước sôi, nước sôi” là câu “thần chú” để người khác tránh đường cho mà đi, bởi vì con người ta không ai muốn mang họa vào thân cả.
Tín ngưỡng dân gian có câu thần chú của họ để đuổi tà ma, họ nại vào quỷ thần để đuổi tà ma, nhưng nếu gặp ma vương thì thần chú hết linh nghiệm !
Người Ki-tô hữu không có câu thần chú nào để đuổi ma quỷ cả, nhưng khi kêu danh thánh “Giê-su” thì cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật đều phải quỳ, bởi vì danh thánh Giê-su là tên của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại.
Kêu danh Giê-su khi bị cám dỗ.
Kêu danh Giê-su khi bị đau khổ.
Kêu danh Giê-su khi bị cô đơn.
Kêu danh Giê-su khi thất vọng.
Kêu danh Giê-su trong giờ hấp hối lâm chung...
Bởi vì danh thánh Giê-su là niệm cậy trông và hy vọng của người Ki-tô hữu.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Đức Hồng Y Alexandre José Maria dos Santos, vị Hồng Y đầu tiên sinh ra ở Mozambique, đã qua đời ở tuổi 97.
Nhà lãnh đạo Công Giáo được nhớ đến vì thúc đẩy hòa bình giữa cuộc nội chiến đẫm máu ở Mozambique từ năm 1977 đến năm 1992, trong đó ngài đã hỗ trợ những người tị nạn và nạn nhân của bạo lực với tư cách là chủ tịch sáng lập Caritas Mozambique.
Đức Hồng Y Dos Santos sinh ngày 18 tháng 3 năm 1924 tại Zavala, đông nam Mozambique, vào thời điểm quốc gia Phi Châu này vẫn còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha.
Ngài theo học tại một tiểu chủng viện do dòng Phanxicô điều hành ở khu trung tâm của Mozambique trước khi được gửi đến Malawi để học triết học vì không có đại chủng viện địa phương vào thời điểm đó.
Ở tuổi 23, ngài theo học với các tu sĩ dòng Phanxicô ở Bồ Đào Nha và được thụ phong linh mục vào ngày 25 tháng 6 năm 1953, trở thành linh mục bản xứ đầu tiên của Mozambique.
Sau khi trở về quê hương, Cha Dos Santos làm việc mục vụ tại các Hội Truyền giáo Dòng Phanxicô và năm 1972 trở thành bề trên tỉnh dòng Phanxicô Mozambique.
Đức Thánh Cha Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Cha Dos Santos làm tổng giám mục Maputo vào năm 1975, vài tháng trước khi quốc gia Đông Nam Phi giành được độc lập chính thức từ Bồ Đào Nha. Lần này, ngài trở thành vị Giám Mục người Mozambique đầu tiên
Với tư cách là tổng giám mục, Đức Cha Dos Santos đã thúc đẩy các chương trình giúp đỡ người nghèo, người tị nạn và nạn nhân của hạn hán. Ngài đã thành lập một tu viện cho các nữ tu Mozambique, và chào đón Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến thăm mục vụ đầu tiên của ngài tới Mozambique vào năm 1988.
Đức Cha Dos Santos đã đóng một vai trò quan trọng trong hiệp định hòa bình do cộng đoàn Sant'Egidio làm trung gian vào năm 1992 chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài của Mozambique.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Dos Santos vào năm 1988. Ngài là giám mục bản xứ đầu tiên được nhận chiếc mũ đỏ.
Hồng Y Dos Santos tiếp tục giữ chức tổng giám mục của Maputo cho đến khi ngài nghỉ hưu vào năm 2003 ở tuổi 79.
Sau khi ngài qua đời, Hồng Y Đoàn có 216 thành viên, bao gồm 121 Hồng Y cử tri và 95 Hồng Y trên 80 tuổi quá tuổi bỏ phiếu trong cơ mật viện.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng kính trọng đối với vị Hồng Y trong một bức điện chia buồn gửi tới Đức Tổng Giám Mục Francisco Chimoio, tổng giám mục của Maputo từ năm 2003.
Ngài nói: “Sau khi nhận được tin đau buồn về cái chết của Đức Hồng Y Alexandre José Maria dos Santos, tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết của tôi với tang quyến và tất cả những người, đặc biệt là anh chị em trong Tổng giáo phận Maputo, những người đã được hưởng lợi từ sự phục vụ của vị mục tử này”.
“Tôi giao phó cho Chúa, Đấng đã hướng dẫn ngài trong suốt cuộc đời, vị tôi tớ không mệt mỏi này của Phúc âm và Giáo hội, xin ngài được chào đón trên Giêrusalem thiên quốc, nơi mà tôi mời tất cả những ai tham gia trong tang lễ cho Hồng Y Alexandre hướng tâm hồn lên”.
Đức Hồng Y Dos Santos qua đời vào tối ngày 29 tháng 9 tại Maputo, thành phố thủ đô nơi ngài làm tổng giám mục trong gần ba thập kỷ.
Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cũng nói với truyền thông địa phương rằng đất nước đã mất “một trong những người con ưu tú nhất của mình, người nổi bật trên thế giới vì những dấn thân cho lợi ích nhân loại, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc hay bất kỳ hình thức phân biệt nào khác”.
Source:Catholic News Agency
Peter Kurti là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney và là phó giáo sư luật tại Đại học Notre Dame, Australia. Trong bài “THE IMPOSSIBLE GOAL OF ‘COVID ZERO’”, nghĩa là “MỤC TIÊU HẾT SẠCH COVID LÀ BẤT KHẢ THI”, đăng trên tờ First Things, ông đã phân tích hoàn cảnh của liên bang Úc Đại Lợi khi các tiểu bang cố gắng áp dụng các chính sách đóng cửa biên giới.
Năm 1901, sáu tiểu bang của Úc hợp nhất thành một Khối thịnh vượng chung duy nhất, đánh dấu sự xuất hiện của một quốc gia mới với một bản sắc riêng biệt. Trong gần 120 năm, sự gắn bó giữa những tiểu bang và vùng lãnh thổ của đất nước ngày nay đã mang lại cho Úc đặc tính quốc gia độc nhất. Nhưng đối mặt với COVID, các mối quan hệ từng gắn bó các tiểu bang với nhau đã bắt đầu rạn nứt.
Úc đã sớm áp đặt các hạn chế về đại dịch, đóng cửa các biên giới quốc tế, hạn chế việc đi lại giữa các tiểu bang và đặt ra các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với những du khách quay trở lại. Vào cuối tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Scott Morrison đã thừa nhận rằng việc khóa cửa không thể tiếp tục. Các chuyên gia y tế công cộng của Úc đang tranh cãi về việc liệu có nên tiếp tục ngừng hoạt động trong nước cho đến khi ít nhất 70% người trưởng thành của đất nước được tiêm chủng hay không và liệu các hạn chế đi lại quốc tế có nên tiếp tục cho đến khi 80% được tiêm chủng hay không. Đó là một mức rất cao. Morrison muốn có một kế hoạch phục hồi quốc gia trong đó chấp nhận việc “sống chung với Covid” sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 11 - dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy mong muốn đó. Nhưng quyền lực của Morrison là có hạn. Hiến pháp của Úc quy định trách nhiệm về chính sách y tế công cộng là dành cho các tiểu bang, có nghĩa là các thống đốc của Úc có rất nhiều quyền tự do trong việc đưa ra quyết định của riêng họ về việc đóng cửa, hạn chế và kiểm soát biên giới bất kể chính phủ Khối thịnh vượng chung muốn gì. Và có thể dự đoán là các thống đốc rất miễn cưỡng từ bỏ quyền lực đó.
Những nỗ lực trước đó của Morrison nhằm xây dựng một “Nội các quốc gia” trong đó các thống đốc sẽ chia sẻ việc ra quyết định đã sớm trở thành một cố gắng vô vọng. Các thống đốc không mấy quan tâm đến các phản ứng quốc gia từ trên xuống và tìm cách bảo vệ thẩm quyền của họ và thực thi việc tuân thủ các chỉ thị y tế ở tiểu bang của họ. Những nỗ lực để ngăn chặn COVID ở các tiểu bang của họ sớm trở thành những nỗ lực để triệt tiêu nó hoàn toàn, nói cách khác, là một quyết tâm loại bỏ sạch vi-rút.
“Kế hoạch quốc gia” về “sống chung với COVID” có thể là chiến lược mà Morrison muốn áp dụng, nhưng hầu hết các thống đốc và cố vấn sức khỏe của họ từ chối chấp nhận sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm gắn liền với việc nới lỏng các hạn chế. Họ lo ngại nới lỏng có thể kéo theo số người nhập viện tăng đột biến, các trường hợp chăm sóc đặc biệt, và tử vong. Thay vì “sống chung với COVID”, “Sạch hết COVID” có vẻ là chính sách mà một số người đứng đầu các tiểu bang thích thú hơn. Đặc biệt, những người đứng đầu phe Lao động cánh tả ở Tây Úc và Queensland, cùng với các quan chức y tế công cộng của họ, đã đe dọa đóng cửa các tiểu bang của họ đối với phần còn lại của đất nước để giữ cho công dân của họ “an toàn”. Việc họ từ chối tham gia vào Chương trình Quốc gia của Morrison - cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở các tiểu bang của họ - khiến họ nghi ngờ về kế hoạch giảm bớt các hạn chế vào tháng 11; khả năng đóng cửa các biên giới tiểu bang cũng đặt ra các câu hỏi hiến pháp phức tạp về sự can thiệp vào giao thông và thương mại giữa các tiểu bang.
Trong khi đó, hàng triệu người Úc đang phải trả giá đắt cho các chính sách khóa cửa. Bệnh viện đóng cửa không cho khách viếng thăm, nhà thờ đóng cửa, số lượng người đưa tang được phép tham dự đám tang bị giới hạn nghiêm ngặt, và đám cưới đã bị cấm. Gia đình và bạn bè đang bị từ chối cơ hội để đến với nhau trong những dịp đau buồn hoặc hỗ trợ nhau trong cơn đau ốm.
Ngớ ngẩn thay, trong khi các đội thể thao và các ngôi sao điện ảnh được miễn trừ cho phép họ nhập cảnh vào đất nước và cách ly trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, phần còn lại của chúng ta phải làm việc với Zoom. Ngay cả bản thân Morrison cũng không thể tự do di chuyển khắp đất nước mà ông ta làm thủ tướng.
Trước viễn cảnh về các đợt cô lập kéo dài hiện ra, một số nhà lãnh đạo đã nhận ra rằng COVID Zero là một mục tiêu bất khả thi. Cái giá của việc tiếp tục theo đuổi nó đã quá rõ ràng khi hàng tỷ đô la bị xóa sổ khỏi GDP quốc gia của Úc — chưa nói gì đến nỗi thống khổ về xã hội và tinh thần của hàng triệu người hiện đang phải chịu đựng, mặc dù các quan chức y tế công cộng đã nói rằng không thể có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và việc tiêu diệt vi rút.
Các thống đốc đã tự thu mình vào một góc. Ngày càng có nhiều người Úc chia sẻ quan điểm rằng việc loại bỏ COVID là không thể, và đặt câu hỏi liệu nỗi đau của việc cố gắng làm như vậy có xứng đáng hay không. Nhưng cảnh sát thường xuyên được trao quyền hạn mở rộng để thực thi các lệnh y tế công cộng — điều này bị nghi ngờ là vì sự thuận tiện của chính họ, hơn là vì lợi ích của công chúng — và những quyền hạn này được hỗ trợ bởi những hình phạt cứng rắn.
Những người biểu tình “Tự do” đã xuống đường ở nhiều bang khác nhau vào cuối tháng Bảy và một lần nữa vào cuối tháng Tám để phản đối các lệnh y tế công cộng. Họ phản đối mức độ nghiêm trọng của các hạn chế và yêu cầu các chính phủ phải hành động kịp thời để giảm bớt căng thẳng do sự cô lập, khó khăn tài chính và cuộc sống cộng đồng bị hủy hoại. Bất chấp những bạo lực nhỏ, các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra có trật tự. Nhưng cả các nhà lãnh đạo chính trị và cảnh sát của chúng ta đều không hành xử tốt đối với những người dám nghi ngờ quyền lực của họ. Tại thủ phủ của Victoria, Melbourne, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào một số người biểu tình “đáng hổ thẹn” vào tháng 8 và đưa ra khoản tiền phạt trị giá một triệu đô la. Tại New South Wales, quân đội đã được điều đến để giúp cảnh sát thực thi các lệnh y tế công cộng.
Nếu nó tiếp tục, sự cuồng tín mà nhiều nhà lãnh đạo chính trị nhà nước của Úc đang theo đuổi COVID Zero có nguy cơ biến đất nước thành một “vương quốc ẩn sĩ” hiện đại. Bất kể ý hướng tốt, các lệnh y tế công cộng hiện hành chà đạp các quyền tự do; trong khi các cuộc lockdown kéo dài và được kiểm soát chặt chẽ làm căng thẳng các mối ràng buộc của gia đình và xã hội dân sự, làm suy yếu các nghĩa vụ chung mà các công dân nợ nhau với tư cách là hàng xóm của nhau.
Sự xói mòn của tình cảm xã hội đe dọa cuộc sống chung của chúng ta với tư cách là một xã hội. Việc sốt sắng tiến hành một cuộc chiến không hồi kết chống lại COVID có thể là thảm họa không chỉ đối với sinh kế của người dân Australia, mà còn đối với cảm giác tự hào từng có của đất nước về một quốc gia thống nhất.
Source:First Things
Học viện Giáo hoàng về Sự sống của Vatican đã trao Giải thưởng Người bảo vệ sự sống cho một giáo dân Mỹ, là người đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ các tử tù. Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh trao Giải thưởng này.
Học viện Giáo hoàng về Sự sống cho biết Giải thưởng Người bảo vệ sự sống dành cho những người đã “nổi bật trong cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp của họ vì những hành động quan trọng nhằm hỗ trợ bảo vệ và thúc đẩy cuộc sống con người.”
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, cho biết mục vụ dành cho các tử tù là “điều cần thiết để mang lại sự an ủi cho những người bị loại bỏ một cách thô bạo khỏi thế giới này.”
Người được trao giải đầu tiên này là ông Dale Recinella, một luật sư đã tìm thấy ơn gọi thứ hai của mình là mục vụ tù nhân. Ông đã phục vụ hơn hai thập kỷ tại Nhà tù Bang Florida ở Raiford, nơi có số tử tù lớn thứ hai ở Hoa Kỳ.
Source:Aleteia
(ANS - Rome) – Ngày 05 tháng 10 năm 2021 các sơ Dòng Con Đức Mẹ Phù Hội (FMA) khắp thế giới đang tập trung tại Rome để tham dự Tổng Tu Nghị lần thứ 25 của Tu hội và Tổng Tu Nghị đã bầu chọn Sơ Chiara Cazzuola, hiện là Phó Bề trên cả, làm Tổng Phụ trách của Tu hội. Mẹ Cazzuola kế nhiệm Mẹ Yvonne Reungoat, người đã gánh vác vai trò này từ năm 2008. Cha Ángel Fernández Artime, Bề trên cả của Tu Hội Salêdiêng, cũng hiện diện trong dịp này, Ngài đã chúc mừng Mẹ Tổng phụ trách.
Sơ Chiara sinh ở Campiglia Marittima, thuộc thành phố Livorno, Ý, vào năm 1955. Sơ gia nhập Dòng FMA thuộc tỉnh dòng "Santo Spirito" ở Tuscany. Sơ đã sống những năm đầu tiên của đời tu tại Castelgandolfo, không xa Rome, và ở đó, vào ngày 5 tháng 8 năm 1975, sơ đã tuyên khấn lần đầu tại đó.
Sơ tốt nghiệp ngành Văn chương và trở thành giáo sư, sau ít năm sơ trở thành Hiệu trưởng của một trường trung học.
Sơ cũng là cố vấn của tỉnh dòng và đặc trách các Câu lạc bộ Thể thao Thanh thiếu niên Salêdiêng (PGS) và là Điều phối viên mục vụ giầu kinh nghiệm cho các tổ chức Thanh Thiếu niên. Sau khi ba tỉnh dòng Emilia, Liguria và Tuscany được sát nhập làm một tỉnh dòng, sơ cũng là cố vấn tỉnh với tư cách Ủy viên đặc trách đào luyện và thăng tiến các hội viên.
Năm 2007, sơ được bổ nhiệm làm Giám tỉnh của Tỉnh Emilia-Ligurian-Tuscany, gọi là tỉnh dòng “Đức Mẹ của Tiệc cưới Cana” "Madonna del Cenacolo", mà nhà tỉnh ở tại La Spezia (ILS).
Tổng Tu nghị 22 năm 2008 sơ được bầu làm Ủy viên của Thượng Hội đồng đặc biệt lo về Thăm viếng và Sơ Cazzuola đã quảng đại sẵn sàng: "Với tinh thần từ bỏ để theo ý Chúa và tin tưởng vào sự giúp đỡ của Chúa, sơ xin "vâng"."
Trong sáu năm vừa qua, sơ đã thăm viếng một số tỉnh dòng ở Châu Mỹ và Châu Âu và có nhiều kinh nghiệm cho các công cuộc dấn thân và đa văn hóa. Sơ đã để ý tới từng sơ một với một sự quan tâm săn sóc, sơ luôn lạc quan với nụ cười, thể hiện một tiềm năng dồi dào sức sống và hy vọng nơi các hội viên qua những biến cố hàng ngày. Sơ là một người luôn rõ ràng minh bạch và nhiệt tình với sứ vụ là một Nữ Tu Con Mẹ Phù Hộ (FMA), luôn mang trong trái tim một tình yêu to lớn dành cho giới trẻ. Sơ nổi bật là một người có nhiều năng lực đối đáp với các vấn đề một cách thẳng thắn, thanh thản và hợp tác.
Mẹ Tổng Phụ trách Yvonne Reungoat, đã chọn sơ làm Điều hợp viên cho Tổng Tu Nghị 23 (2014) và sơ cũng được bầu làm Tổng Đại Diện, nên sơ đã chia sẻ, gần gũi, đảm trách nhiều trách vụ hoạt động và điều hành với Mẹ Tổng Quyền.
Sau cuộc bỏ phiếu sơ đã được hỏi: “Sơ có chấp nhận không?”, Sơ Chiara đã xúc động trả lời: “Con tin cậy vào Chúa và con phó thác cho Mẹ Phù hộ các Kitô hữu. Đây là lý do tại sao con thưa ‘Vâng’"
Sơ hiện là điều hợp viên của Tổng tu nghị này. Một tràng pháo tay nồng nhiệt chúc mừng đã vang lên và sơ chính thức được công bố là Mẹ Tổng phụ trách và Người kế vị thứ 10 của Nữ Thánh Maria Domenica Mazzarello.
Mặc dù đã tuyên thệ cống hiến mạng sống của mình để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, ba thành viên của Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ huyền thoại của Vatican đã từ bỏ lực lượng nhỏ về quê vì từ chối tuân thủ mệnh lệnh gần đây là phải có chứng chỉ tiêm chủng COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm COVID âm tính trong vòng 48 giờ qua để làm việc tại Quốc gia Thành phố Vatican.
Ba người lính, những người vừa mới tham gia đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ vào tháng 5 năm ngoái, đã chọn về quê thay vì nhận vắc-xin. Vắc-xin dễ dàng có sẵn trên khắp nước Ý và được Vatican cung cấp miễn phí cho tất cả nhân viên của mình vào đầu năm nay.
Quyết định của họ đã được xác nhận bởi người phát ngôn của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, Urs Breitenmoser, với tờ báo Tribune de Geneve.
Theo nhật báo Il Messionaryro của Rôma, ba Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ khác đã bị đình chỉ không lương cho đến khi họ hoàn thành việc tiêm chủng, có lẽ là với vắc xin Pfizer mà Tòa thánh đã cung cấp cho tất cả các nhân viên của mình và cần ít nhất 20 ngày giữa các đợt tiêm chủng.
Người phát ngôn của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ cho biết: “Đó là một biện pháp phù hợp với các binh đoàn khác trên thế giới.
Kể từ ngày 1 tháng 10, Thẻ xanh, hay chứng chỉ tiêm chủng, là bắt buộc đối với tất cả nhân viên Vatican. Nó có thể nhận được sau khi hoàn thành việc tiêm chủng, hay sau khi phục hồi từ COVID-19, hay xét nghiệm thường xuyên. Những người chọn phương pháp xét nghiệm thường xuyên phải trả cho khoảng $25, từ tiền túi của mình, cứ mỗi 48 giờ.
Trong trường hợp cụ thể của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, những người luôn ở gần cả Đức Giáo Hoàng và những vị khách quan trọng của ngài, xét nghiệm âm tính được coi là không đủ, vì các xét nghiệm có thể âm tính trong thời gian ủ bệnh của coronavirus.
Kể từ ngày 1 tháng 10, Vatican đã đình chỉ lương của những nhân viên nghỉ việc vì họ không có giấy chứng nhận sức khỏe COVID-19. Điều đó khiến Vatican trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đình chỉ trả lương cho những nhân viên từ chối tiêm phòng.
Ngoại lệ duy nhất đối với Green Pass để vào các sự kiện của Vatican là các nghi thức phụng vụ và thánh lễ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô và giáo xứ Santa Anna. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô cũng không yêu cầu phải có thẻ xanh, vì nó diễn ra ngoài trời, nhưng chưa rõ phải có Thẻ Xanh hay không để tham dự buổi triều yết của Đức Giáo Hoàng vào sáng thứ Tư hay không, khi các buổi tiếp kiến này tiếp tục được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục
Source:Crux
Tranh chấp về bản chất của di sản thuộc địa Tây Ban Nha đã gây ra một cuộc chiến lời qua tiếng lại giữa những người bảo thủ của quốc gia này và chính phủ Mễ Tây Cơ, đồng thời Vatican cũng vướng vào làn sóng tranh chấp.
Mễ Tây Cơ đã tổ chức các lễ kỷ niệm gần đây để đánh dấu 200 năm độc lập khỏi Tây Ban Nha. Tuần trước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi thư tới các giáo sĩ hàng đầu của Mễ Tây Cơ thừa nhận “những tội lỗi cá nhân và xã hội” mà Giáo Hội Công Giáo đã phạm phải trong quá trình truyền bá Phúc âm tại quốc gia này sau cuộc chinh phục của Tây Ban Nha.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô, người Á Căn Đình, đưa ra nhận xét như vậy về Mỹ châu Latinh. Tuy nhiên, những lời nói của ngài đã thu hút sự phản ứng gay gắt từ chủ tịch khu vực Madrid, Isabel Díaz Ayuso, là một người bảo thủ. Isabel nói rằng Tây Ban Nha đã đưa ngôn ngữ của mình, “Công Giáo và do đó, nền văn minh và tự do đến lục địa Mỹ Châu”.
Cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt khi cựu thủ tướng Tây Ban Nha, José María Aznar, lên tiếng.
“Tôi sẵn sàng cảm thấy tự hào về cuộc chinh phục, và tôi sẽ không nói lời xin lỗi,” Aznar nói trong cuộc thảo luận bàn tròn trong đại hội toàn quốc của Đảng Bình dân bảo thủ, khi được hỏi về những lời của Đức Giáo Hoàng.
Ông cũng tấn công Andrés Manuel López Obrador, tổng thống cánh tả Mễ Tây Cơ, là người đã ủng hộ quyền của người bản địa. Aznar đã chế nhạo cái tên của tổng thống Mễ Tây Cơ. Ông cho rằng cái tên ấy chỉ ra nguồn gốc Tây Ban Nha rõ ràng của tổng thống Mễ Tây Cơ, chứ không phải người bản địa. Nhận xét này thu hút sự tán thưởng từ những người tham dự sự kiện ở Seville.
“Nếu một số điều nhất định không xảy ra, bạn López Obrador ơi, bạn sẽ không có ở đó, bạn thậm chí sẽ không có tên của mình, thậm chí bạn sẽ không được làm lễ rửa tội,” Aznar, người từng là thủ tướng từ năm 1996 đến 2004, nói nếu không có cuộc chinh phục. “Việc truyền bá phúc âm ở Mỹ sẽ không thể thực hiện được.”
Vào năm 2019, López Obrador đã yêu cầu Vua Felipe của Tây Ban Nha xin lỗi về những khía cạnh bạo lực trong di sản thuộc địa Tây Ban Nha, là điều mà nhà vua cho đến nay vẫn bác bỏ.
Ngày 12 tháng 10 hàng năm được chọn là ngày quốc khánh của Tây Ban Nha, để kỷ niệm sự xuất hiện của Christopher Columbus ở Mỹ Châu vào năm 1492.
Nhà văn cánh tả người Peru-Tây Ban Nha, Gabriela Wiener nói rằng việc tiếp tục sử dụng ngày này như một lễ hội kiểu Tây Ban Nha là không tốt.
“Nó giống như việc nhà nước Đức kỷ niệm ngày bắt đầu tiêu diệt người Do Thái như một ngày lễ quốc gia của mình,” cô viết.
Source:Irish Times
Như trên đã nói, trong thời gian chờ để được gia nhập Dòng Cát Minh, Edith Stein được các vị hướng dẫn tâm linh khuyến khích đi giảng thuyết và ngài đã mượn dịp này, nói và viết nhiều về phụ nữ. Sau này, Tiến sĩ Lucy Gelber và Romaeus Leuven, cùng Dòng với ngài, đã hiệu đính các bài nói và viết này và cho xuất bản thành cuốn “Các Tiểu luận về Phụ nữ”, được Freda Oben, Ph.D., dịch sang tiếng Anh, do nhà xuất bản của Viện Nghiên cứu Cátminh, ở Washington D.C. phát hành năm 1996.
Nội dung bao gồm 8 chương phản ảnh 8 bài nói chuyện hay bài viết của Edith Stein về phụ nữ.
Chương I: Các Nét Đặc trưng (ethos) về Nghề nghiệp Phụ nữ
Chương II: Các Ơn gọi Riêng biệt của Đàn ông và Đàn bà theo Bản nhiên và Ơn thánh
Chương III: Linh đạo Phụ nữ Kitô giáo
Chương IV: Các Nguyên tắc Căn bản của Nền Giáo dục Phụ nữ
Chương V: Các Vấn đề Giáo dục Phụ nữ
Chương VI: Giáo hội, Phụ nữ, và Tuổi trẻ
Chương VII: Ý nghĩa Giá trị Nội tại của Phụ nữ trong Đời sống Quốc gia
Chương VIII: Sứ mệnh của Người Phụ nữ Học thuật Công Giáo.
Theo các nhà hiệu đính, Các Tiểu luận về Phụ nữ là cuốn thứ năm trong việc xuất bản có thẩm quyền Các Công trình của Edith Stein. Cuốn này phần lớn đề cập tới việc giáo dục phụ nữ. Do đó, cần phải hiểu vai trò nhà giáo dục của Edith Stein, một vai trò, ngài đã bắt đầu đảm nhiệm lúc mới 17 tuổi. Tuy nhiên, chỉ tới năm 1916 lúc sắp kết thúc chương trình tiến sĩ, ngài mới thực sự bước vào nghề dạy học.
Dĩ nhiên ngài được thúc đẩy bởi các lý do vật chất, nhưng như chính ngài giải thích, niềm vui và ý thích dạy học còn thúc đẩy ngài nhiều hơn thế. Nhân cách ngài cộng với thiên phú dạy học bẩm sinh còn thủ đắc được nhiều nét đặc biệt khác như khả năng trực quan ngoại thường, một khả năng giúp ngài thấu hiểu một linh hồn chưa hề quen biết.
Ngài chuyên tâm vào các hoài bão bản thân của ngài nhưng cũng rất tận tụy đối với những người được trao phó cho ngài hướng dẫn. Sức mạnh ý chí của ngài bác bỏ mọi thứ nguỵ biện. Điều này tạo uy thế cho ngài và che chở ngài khỏi các hành vi tầm thường. Cùng với tất cả những điều này, Edith Stein không biết mệt mỏi, có khả năng liên tục thực hiện các công trình tri thức. Được như thế, ngài cho là nhờ khả năng tập trung nội tâm và đời sống cầu nguyện. Đúng như Thánh Newman từng chủ trương, bản nhiên và ơn thánh đã kết hợp tạo nên nhà giáo dục sáng giá Edith Stein.
Theo Edith Stein, nhà giáo dục tác động trên học trò của họ 3 cách: bằng lời giảng dạy; bằng hành vi sư phạm; và bằng gương sáng bản thân. Nhưng cả ba cách này chỉ là để khuyến khích sự tham dự bên trong của người học. Các tiềm năng của thầy có giới hạn, chỉ gây ảnh hưởng ở bên ngoài. Thầy phải cố gắng rút ra được đáp ứng từ trạng thái tinh thần khác nhau và sâu xa của trò; thầy chỉ cung ứng hướng dẫn và gúp đỡ trò. Vai trò của thầy là vai trò gián tiếp vì mọi phát triển đều là tự phát triển. Mọi huấn luyện đều là tự huấn luyện.
Edith Stein cho rằng có ba ý niệm nền tảng trong bất cứ sinh hoạt sư phạm nào: phải có một nền giáo dục hài hòa; phải có nền tảng tôn giáo cho hành động giáo dục; và phải hiểu bản chất đích thực của việc giáo dục phụ nữ.
Ý niệm hài hòa hàm nghĩa một phát triển toàn diện và cân bằng bao trùm mọi khả năng thể lý và tinh thần. Ý niệm này vốn phát xuất từ nền giáo dục Hy Lạp cổ xưa nhấn mạnh đến tỷ lệ hài hòa về thể lý và tri thức. Kitô giáo thêm vào chiều kích tâm linh khi coi con người là hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh này, trong học lý analogia entis (loại suy hữu thể) của Thánh Tôma được Edith Stein đưa vào giáo dục, coi nó như hạt giống được gieo vào linh hồn con người. Muốn cho hạt giống này phát triển, con người cần hai trợ cụ: ơn thánh và diễn trình giáo dục nhân bản.
Edith Stein coi nghề dạy học như một ơn gọi tôn giáo. Thầy cô là người trung gian giữa Thiên Chúa và người học trò. Người ta mong đợi thầy cô dẫn nhập học trò vào giáo huấn của Thiên Chúa, luật tự nhiên và sau cùng là Nước Thiên Chúa.
Tuy nhiên, lý tưởng giáo dục hài hòa phải dựa vào bản chất học trò, hay nhân cách của họ. Chính vì thế, trong lãnh vực giáo dục phụ nữ, Edith lưu tâm đến việc, trước nhất, phân tích bản chất và ơn gọi của phụ nữ.
Ngài cho rằng ơn gọi tự nhiên của phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Nhưng không phải chỉ là vợ và mẹ. Nói cho cùng làm vợ là làm người đồng hành và làm mẹ dưỡng nuôi, trông nom, và phát triển nhân tính đích thực. Như thế, vẫn có tình đồng hành và tình mẹ thiêng liêng, những thứ tình không giới hạn vào vợ hay mẹ thể lý, nhưng mở rộng tới mọi người được người đàn bà tiếp xúc với.
Thành thử, người đàn bà có thể chu toàn sứ mệnh của mình bằng 3 cách được ban cho họ do bản chất và ơn thánh và thích hợp với thiên hướng cá thể của nàng: trong hôn nhân; trong việc thực hành một chuyên nghiệp biết trân qúy việc phát triển nhân bản như sinh hoạt chuyên nghiệp cao qúy nhất của họ; và như Nàng Dâu của Chúa Kitô.
Nói về các công trình của Edith Stein về phụ nữ, các nhà hiệu đính cho rằng chúng bắt nguồn từ sinh hoạt nhà giáo của tác giả: tại trường nội trú Dòng Đaminh ở Speyer; tại Học Viện Đức về Sư Phạm Khoa Học ở Münster; trong khuôn khổ các hiệp hội Giáo viên và nhà học thuật Công Giáo.
Các trước tác này là thành quả của một kinh nghiệm lâu năm trong nghề dạy học, của một quan tâm suốt đời về thân phận phụ nữ. Hậu cảnh của chúng được tạo lập bởi các giảng khóa của Stein về hữu thể hữu hạn và vô hạn, về cơ cấu nhân vị, và về các nguyên tắc căn bản của công trình văn hóa và giáo dục.
Chúng tạo thành một nhóm gắn bó các giảng khóa và tiểu luận mà việc chuẩn bị đã giúp Stein cơ hội áp dụng các thiên phú hiếm hoi và linh hoạt cùng một lúc với tài chuyên môn của ngài. Trong các trước tác này, Edith Stein lên tiếng như một triết gia, tâm lý gia, nhà giáo dục và như người đàn bà tìm kiếm Thiên Chúa và mãn nguyện trong Người.
Các trước tác được xếp theo chủ đề, chứ không theo thứ tự thời gian; và cùng với nhau, trình bầy một tổng hợp các giảng dậy của Edith Stein về phụ nữ, quan điểm của ngài về vấn đề phụ nữ, và cả lý tưởng nữ mà chính Edith Stein mong đạt được.
Các bản chép tay được làm bởi những tờ rời thu lại được từ các đổ nát của Đan viện Cátminh ở Herkenbosch, Hoàlan. Tất cả đều không được lên mục lục. Sau một cuộc nghiên cứu các trang này theo đề mục và nhờ cuộc khảo sát có tính so sánh bài viết và chữ viết tay, thứ tự nguyên thủy của các bản chép tay đã được bảo đảm.
Chúng tôi sẽ dựa vào bản dịch tiếng Anh của Freda Oben, Ph.D. để chuyển sang Việt ngữ 4 chương đầu của tuyển tập này.
Kỳ tới: Chương Một, Các Nét Đặc Trưng (Ethos) của Nghề nghiệp Phụ nữ
Ảnh của Sr. Huyền Trần (SSpS)
Trong bóng tối,
bạn mới nhận ra giá trị của ánh sáng!
(KD)
1. Hồng Y đầu tiên, Giám Mục đầu tiên, và là linh mục đầu tiên sinh tại Mozambique đã qua đời ở tuổi 97
Đức Hồng Y Alexandre José Maria dos Santos, vị Hồng Y đầu tiên sinh ra ở Mozambique, đã qua đời ở tuổi 97.
Nhà lãnh đạo Công Giáo được nhớ đến vì thúc đẩy hòa bình giữa cuộc nội chiến đẫm máu ở Mozambique từ năm 1977 đến năm 1992, trong đó ngài đã hỗ trợ những người tị nạn và nạn nhân của bạo lực với tư cách là chủ tịch sáng lập Caritas Mozambique.
Đức Hồng Y Dos Santos sinh ngày 18 tháng 3 năm 1924 tại Zavala, đông nam Mozambique, vào thời điểm quốc gia Phi Châu này vẫn còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha.
Ngài theo học tại một tiểu chủng viện do dòng Phanxicô điều hành ở khu trung tâm của Mozambique trước khi được gửi đến Malawi để học triết học vì không có đại chủng viện địa phương vào thời điểm đó.
Ở tuổi 23, ngài theo học với các tu sĩ dòng Phanxicô ở Bồ Đào Nha và được thụ phong linh mục vào ngày 25 tháng 6 năm 1953, trở thành linh mục bản xứ đầu tiên của Mozambique.
Sau khi trở về quê hương, Cha Dos Santos làm việc mục vụ tại các Hội Truyền giáo Dòng Phanxicô và năm 1972 trở thành bề trên tỉnh dòng Phanxicô Mozambique.
Đức Thánh Cha Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Cha Dos Santos làm tổng giám mục Maputo vào năm 1975, vài tháng trước khi quốc gia Đông Nam Phi giành được độc lập chính thức từ Bồ Đào Nha. Lần này, ngài trở thành vị Giám Mục người Mozambique đầu tiên
Với tư cách là tổng giám mục, Đức Cha Dos Santos đã thúc đẩy các chương trình giúp đỡ người nghèo, người tị nạn và nạn nhân của hạn hán. Ngài đã thành lập một tu viện cho các nữ tu Mozambique, và chào đón Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến thăm mục vụ đầu tiên của ngài tới Mozambique vào năm 1988.
Đức Cha Dos Santos đã đóng một vai trò quan trọng trong hiệp định hòa bình do cộng đoàn Sant'Egidio làm trung gian vào năm 1992 chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài của Mozambique.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Dos Santos vào năm 1988. Ngài là giám mục bản xứ đầu tiên được nhận chiếc mũ đỏ.
Hồng Y Dos Santos tiếp tục giữ chức tổng giám mục của Maputo cho đến khi ngài nghỉ hưu vào năm 2003 ở tuổi 79.
Sau khi ngài qua đời, Hồng Y Đoàn có 216 thành viên, bao gồm 121 Hồng Y cử tri và 95 Hồng Y trên 80 tuổi quá tuổi bỏ phiếu trong cơ mật viện.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng kính trọng đối với vị Hồng Y trong một bức điện chia buồn gửi tới Đức Tổng Giám Mục Francisco Chimoio, tổng giám mục của Maputo từ năm 2003.
Ngài nói: “Sau khi nhận được tin đau buồn về cái chết của Đức Hồng Y Alexandre José Maria dos Santos, tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết của tôi với tang quyến và tất cả những người, đặc biệt là anh chị em trong Tổng giáo phận Maputo, những người đã được hưởng lợi từ sự phục vụ của vị mục tử này”.
“Tôi giao phó cho Chúa, Đấng đã hướng dẫn ngài trong suốt cuộc đời, vị tôi tớ không mệt mỏi này của Phúc âm và Giáo hội, xin ngài được chào đón trên Giêrusalem thiên quốc, nơi mà tôi mời tất cả những ai tham gia trong tang lễ cho Hồng Y Alexandre hướng tâm hồn lên”.
Đức Hồng Y Dos Santos qua đời vào tối ngày 29 tháng 9 tại Maputo, thành phố thủ đô nơi ngài làm tổng giám mục trong gần ba thập kỷ.
Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cũng nói với truyền thông địa phương rằng đất nước đã mất “một trong những người con ưu tú nhất của mình, người nổi bật trên thế giới vì những dấn thân cho lợi ích nhân loại, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc hay bất kỳ hình thức phân biệt nào khác”.
Source:Catholic News Agency
2. Cảnh giác 6 thông điệp của Satan thường vang lên trong đầu ta
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #156: Satan's Six Messages”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 156. Sáu thông điệp của Satan”. Ngài cảnh báo chúng ta rằng những vết nhơ tội lỗi trong quá khứ có thể khiến chúng ta mất lòng trông cậy nơi Lòng Chúa Thương Xót. Trong trường hợp đó, có 6 thông điệp của Satan thường vang lên trong đầu ta.
Khi xác định xem ai đó có gặp vấn đề với ma quỷ hay không, tôi thường hỏi họ đang nghe thấy những “thông điệp” nào trong đầu. Trong nhiều năm, tôi đã nghe những người bị quỷ nhập và bị quỷ ám liên tục kể lại sáu thông điệp cơ bản. Satan thì thầm - hoặc thậm chí hét lên! – không ngơi nghỉ những điều này trong đầu mọi người:
Bạn là một người tồi tệ.
Không có hy vọng cho bạn.
Chúa không quan tâm gì đến bạn.
Bạn là của tôi. Tôi sẽ không bao giờ rời đi.
Bạn đang đi đến địa ngục.
Bạn nên tự sát.
Não trạng tiêu cực về mặt tinh thần này hiện diện đôi chút trong tất cả chúng ta, những người bị nhiễm độc bởi tội Nguyên Tổ. Nhưng khi Sa-tan trực tiếp làm điều đó, thì thông điệp sẽ được khuếch đại, nhất quán và không ngừng nghỉ. Cá nhân tôi tin rằng một vài người đã tự kết liễu cuộc sống của mình sau khi sống mòn mỏi với những năm tháng trong trận chiến tinh thần này.
Phải làm gì khi anh chị em nghe thấy những thông điệp này vang lên trong đầu? Tôi khuyên mọi người nên đối đầu với điều này trên cả bình diện tự nhiên và siêu nhiên.
Ở cấp độ tự nhiên, Sa-tan có được chỗ đứng trong tâm hồn con người thông qua những điểm yếu và tội lỗi của con người. Trong trường hợp này, tâm lý của chúng ta càng bị tổn hại, thì các ý tưởng tiêu cực về bản thân trong đầu chúng ta càng mạnh mẽ hơn. Satan sẽ khai thác điểm yếu này.
Vì vậy, chúng ta nên tham gia vào các biện pháp khắc phục bình thường của con người đối với những tiêu cực về tinh thần như vậy. Ví dụ, một loạt các can thiệp nhận thức-hành vi có thể là một trợ giúp. Có rất nhiều trong số này trực tuyến. Tư vấn bởi chuyên gia được cấp phép, những người đề cao đức tin, có thể mang lại một số sự chữa lành tận gốc rễ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, thuốc điều trị chứng ám ảnh cưỡng chế có thể được chỉ định.
Cuối cùng, liều thuốc giải độc mạnh nhất cho thông điệp của Sa-tan là Tin mừng của Chúa Giêsu. Trận chiến siêu nhiên này cuối cùng chỉ có thể được giải quyết trên bình diện siêu nhiên. Một khi chúng ta biết sâu sắc trong lòng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và chúng ta được cứu bởi bửu huyết của Chiên Con, thì tâm trí của chúng ta có thể hoàn toàn được bình an.
Không có phương thuốc chung cuộc nào khác đối với tin xấu của Sa-tan mà có hiệu quả hơn Tin mừng của Chúa Giêsu.
Source:Catholic Exorcism
3. Mục tiêu diệt sạch hoàn toàn coronavirus là không khả thi
Peter Kurti là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney và là phó giáo sư luật tại Đại học Notre Dame, Australia. Trong bài “THE IMPOSSIBLE GOAL OF ‘COVID ZERO’”, nghĩa là “MỤC TIÊU HẾT SẠCH COVID LÀ BẤT KHẢ THI”, đăng trên tờ First Things, ông đã phân tích hoàn cảnh của liên bang Úc Đại Lợi khi các tiểu bang cố gắng áp dụng các chính sách đóng cửa biên giới.
Năm 1901, sáu tiểu bang của Úc hợp nhất thành một Khối thịnh vượng chung duy nhất, đánh dấu sự xuất hiện của một quốc gia mới với một bản sắc riêng biệt. Trong gần 120 năm, sự gắn bó giữa những tiểu bang và vùng lãnh thổ của đất nước ngày nay đã mang lại cho Úc đặc tính quốc gia độc nhất. Nhưng đối mặt với COVID, các mối quan hệ từng gắn bó các tiểu bang với nhau đã bắt đầu rạn nứt.
Úc đã sớm áp đặt các hạn chế về đại dịch, đóng cửa các biên giới quốc tế, hạn chế việc đi lại giữa các tiểu bang và đặt ra các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với những du khách quay trở lại. Vào cuối tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Scott Morrison đã thừa nhận rằng việc khóa cửa không thể tiếp tục. Các chuyên gia y tế công cộng của Úc đang tranh cãi về việc liệu có nên tiếp tục ngừng hoạt động trong nước cho đến khi ít nhất 70% người trưởng thành của đất nước được tiêm chủng hay không và liệu các hạn chế đi lại quốc tế có nên tiếp tục cho đến khi 80% được tiêm chủng hay không. Đó là một mức rất cao. Morrison muốn có một kế hoạch phục hồi quốc gia trong đó chấp nhận việc “sống chung với Covid” sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 11 - dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy mong muốn đó. Nhưng quyền lực của Morrison là có hạn. Hiến pháp của Úc quy định trách nhiệm về chính sách y tế công cộng là dành cho các tiểu bang, có nghĩa là các thống đốc của Úc có rất nhiều quyền tự do trong việc đưa ra quyết định của riêng họ về việc đóng cửa, hạn chế và kiểm soát biên giới bất kể chính phủ Khối thịnh vượng chung muốn gì. Và có thể dự đoán là các thống đốc rất miễn cưỡng từ bỏ quyền lực đó.
Những nỗ lực trước đó của Morrison nhằm xây dựng một “Nội các quốc gia” trong đó các thống đốc sẽ chia sẻ việc ra quyết định đã sớm trở thành một cố gắng vô vọng. Các thống đốc không mấy quan tâm đến các phản ứng quốc gia từ trên xuống và tìm cách bảo vệ thẩm quyền của họ và thực thi việc tuân thủ các chỉ thị y tế ở tiểu bang của họ. Những nỗ lực để ngăn chặn COVID ở các tiểu bang của họ sớm trở thành những nỗ lực để triệt tiêu nó hoàn toàn, nói cách khác, là một quyết tâm loại bỏ sạch vi-rút.
“Kế hoạch quốc gia” về “sống chung với COVID” có thể là chiến lược mà Morrison muốn áp dụng, nhưng hầu hết các thống đốc và cố vấn sức khỏe của họ từ chối chấp nhận sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm gắn liền với việc nới lỏng các hạn chế. Họ lo ngại nới lỏng có thể kéo theo số người nhập viện tăng đột biến, các trường hợp chăm sóc đặc biệt, và tử vong. Thay vì “sống chung với COVID”, “Sạch hết COVID” có vẻ là chính sách mà một số người đứng đầu các tiểu bang thích thú hơn. Đặc biệt, những người đứng đầu phe Lao động cánh tả ở Tây Úc và Queensland, cùng với các quan chức y tế công cộng của họ, đã đe dọa đóng cửa các tiểu bang của họ đối với phần còn lại của đất nước để giữ cho công dân của họ “an toàn”. Việc họ từ chối tham gia vào Chương trình Quốc gia của Morrison - cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở các tiểu bang của họ - khiến họ nghi ngờ về kế hoạch giảm bớt các hạn chế vào tháng 11; khả năng đóng cửa các biên giới tiểu bang cũng đặt ra các câu hỏi hiến pháp phức tạp về sự can thiệp vào giao thông và thương mại giữa các tiểu bang.
Trong khi đó, hàng triệu người Úc đang phải trả giá đắt cho các chính sách khóa cửa. Bệnh viện đóng cửa không cho khách viếng thăm, nhà thờ đóng cửa, số lượng người đưa tang được phép tham dự đám tang bị giới hạn nghiêm ngặt, và đám cưới đã bị cấm. Gia đình và bạn bè đang bị từ chối cơ hội để đến với nhau trong những dịp đau buồn hoặc hỗ trợ nhau trong cơn đau ốm.
Ngớ ngẩn thay, trong khi các đội thể thao và các ngôi sao điện ảnh được miễn trừ cho phép họ nhập cảnh vào đất nước và cách ly trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, phần còn lại của chúng ta phải làm việc với Zoom. Ngay cả bản thân Morrison cũng không thể tự do di chuyển khắp đất nước mà ông ta làm thủ tướng.
Trước viễn cảnh về các đợt cô lập kéo dài hiện ra, một số nhà lãnh đạo đã nhận ra rằng COVID Zero là một mục tiêu bất khả thi. Cái giá của việc tiếp tục theo đuổi nó đã quá rõ ràng khi hàng tỷ đô la bị xóa sổ khỏi GDP quốc gia của Úc — chưa nói gì đến nỗi thống khổ về xã hội và tinh thần của hàng triệu người hiện đang phải chịu đựng, mặc dù các quan chức y tế công cộng đã nói rằng không thể có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và việc tiêu diệt vi rút.
Các thống đốc đã tự thu mình vào một góc. Ngày càng có nhiều người Úc chia sẻ quan điểm rằng việc loại bỏ COVID là không thể, và đặt câu hỏi liệu nỗi đau của việc cố gắng làm như vậy có xứng đáng hay không. Nhưng cảnh sát thường xuyên được trao quyền hạn mở rộng để thực thi các lệnh y tế công cộng — điều này bị nghi ngờ là vì sự thuận tiện của chính họ, hơn là vì lợi ích của công chúng — và những quyền hạn này được hỗ trợ bởi những hình phạt cứng rắn.
Những người biểu tình “Tự do” đã xuống đường ở nhiều bang khác nhau vào cuối tháng Bảy và một lần nữa vào cuối tháng Tám để phản đối các lệnh y tế công cộng. Họ phản đối mức độ nghiêm trọng của các hạn chế và yêu cầu các chính phủ phải hành động kịp thời để giảm bớt căng thẳng do sự cô lập, khó khăn tài chính và cuộc sống cộng đồng bị hủy hoại. Bất chấp những bạo lực nhỏ, các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra có trật tự. Nhưng cả các nhà lãnh đạo chính trị và cảnh sát của chúng ta đều không hành xử tốt đối với những người dám nghi ngờ quyền lực của họ. Tại thủ phủ của Victoria, Melbourne, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào một số người biểu tình “đáng hổ thẹn” vào tháng 8 và đưa ra khoản tiền phạt trị giá một triệu đô la. Tại New South Wales, quân đội đã được điều đến để giúp cảnh sát thực thi các lệnh y tế công cộng.
Nếu nó tiếp tục, sự cuồng tín mà nhiều nhà lãnh đạo chính trị nhà nước của Úc đang theo đuổi COVID Zero có nguy cơ biến đất nước thành một “vương quốc ẩn sĩ” hiện đại. Bất kể ý hướng tốt, các lệnh y tế công cộng hiện hành chà đạp các quyền tự do; trong khi các cuộc lockdown kéo dài và được kiểm soát chặt chẽ làm căng thẳng các mối ràng buộc của gia đình và xã hội dân sự, làm suy yếu các nghĩa vụ chung mà các công dân nợ nhau với tư cách là hàng xóm của nhau.
Sự xói mòn của tình cảm xã hội đe dọa cuộc sống chung của chúng ta với tư cách là một xã hội. Việc sốt sắng tiến hành một cuộc chiến không hồi kết chống lại COVID có thể là thảm họa không chỉ đối với sinh kế của người dân Australia, mà còn đối với cảm giác tự hào từng có của đất nước về một quốc gia thống nhất.
Source:First Things
1. Các thành viên của Tiến Trình Công Nghị Đức bác bỏ đề xuất tập trung vào truyền giáo của Đức Thánh Cha
Hôm thứ Năm 30 tháng 9, những người tham gia vào “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức đã thông qua một đề xuất nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo trong bối cảnh có những hoang mang về các thủ tục bỏ phiếu.
Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, lời kêu gọi “nhấn mạnh hơn nữa ý thức truyền giáo” đã được đa số thông qua, nhưng các nhà tổ chức lại cho rằng biện pháp này đã không nhận được sự chấp thuận.
Phiên họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị đã diễn ra tại Frankfurt, Tây Nam nước Đức, từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10.
Sự kiện này là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Công Nghị, là cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị.
Hội đồng bao gồm các giám mục Đức, và 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức rất có thế lực, cũng như đại diện của các bộ phận khác của Giáo hội Đức.
“Tiến Trình Công Nghị” là một quá trình kéo dài nhiều năm, tập hợp các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.
Những người tham gia Tiến Trình Công Nghị đã bỏ phiếu vào ngày 30 tháng 9 về 15 sửa đổi đối với hai văn kiện Cơ bản của Tiến Trình Công Nghị : phần mở đầu và văn bản định hướng thần học.
Điều thứ sáu trong số tám sửa đổi đối với phần mở đầu kêu gọi chú trọng nhiều hơn vào việc phúc âm hóa.
Sửa đổi nói rằng : “Ủy ban vận động khuyến nghị rằng ý định truyền giáo, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào trong lá thư 'Gửi dân Chúa trên đường hành hương tại Đức' và đã được nêu trong thông báo về Tiến Trình Công Nghị trước toàn thế giới, cần được nhấn mạnh hơn trong tổng thể văn bản.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư dài 19 trang cho những người Công Giáo Đức vào tháng 6 năm 2019, kêu gọi truyền giáo trong bối cảnh “sự xói mòn và suy thoái đức tin ngày càng gia tăng”.
Ngài viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng thoát ra khỏi những vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng cộng đồng đó lại nhân lên và nuôi dưỡng những tệ nạn mà họ muốn vượt qua”.
Điều thứ sáu, tức là điều nhấn mạnh vào Phúc Âm Hóa đã nhận được 94 phiếu thuận, 86 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Bất chấp kết quả này Hội đồng Công Nghị đã phủ quyết.
Source:Catholic News Agency
2. Giải thưởng Người bảo vệ sự sống lần thứ nhất
Học viện Giáo hoàng về Sự sống của Vatican đã trao Giải thưởng Người bảo vệ sự sống cho một giáo dân Mỹ, là người đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ các tử tù. Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh trao Giải thưởng này.
Học viện Giáo hoàng về Sự sống cho biết Giải thưởng Người bảo vệ sự sống dành cho những người đã “nổi bật trong cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp của họ vì những hành động quan trọng nhằm hỗ trợ bảo vệ và thúc đẩy cuộc sống con người.”
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, cho biết mục vụ dành cho các tử tù là “điều cần thiết để mang lại sự an ủi cho những người bị loại bỏ một cách thô bạo khỏi thế giới này.”
Người được trao giải đầu tiên này là ông Dale Recinella, một luật sư đã tìm thấy ơn gọi thứ hai của mình là mục vụ tù nhân. Ông đã phục vụ hơn hai thập kỷ tại Nhà tù Bang Florida ở Raiford, nơi có số tử tù lớn thứ hai ở Hoa Kỳ.
Source:Aleteia
3. Hiện tượng bị ma quỷ đánh đập
Đức Ông Stephen Rossetti, linh mục trừ tà của Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ kể lại câu chuyện sau trong bài “Exorcist Diary #148: Socked by a Demon”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 148: Bị quỷ đá”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Một trong những người nhạy cảm tâm linh của chúng tôi đã gửi bức ảnh đính kèm về một vết bầm tím lớn khó chịu trên cơ thể cô ấy. Cô ấy đã hỗ trợ các linh mục trừ tà của chúng tôi trong việc tẩy rửa một tòa nhà bị quỷ ám. Dưới đây là văn bản trao đổi của chúng tôi:
Đề cập đến bức ảnh gửi cho tôi, cô ấy nói:
Đây là diễn biến mới nhất.
Đó có phải là cánh tay của con không?
Không, là chân con
Mọi sự diễn ra như thế nào vào đêm qua?
Đã trục xuất được 8 con quỷ.
Ok, cảm ơn con đã giúp làm điều đó.
Sau đó chúng đá vào chân con.
Nghe có vẻ lạ lùng? Hãy quan sát kỹ hơn cuộc đời của các thánh. Nhiều người trong số các ngài đã bị đánh đập bởi ma quỷ. Ví dụ, trong một lá thư gửi cho vị linh hướng của mình, Thánh Gemma Galgani viết: “Ma quỷ đã đuổi theo con bằng mọi cách có thể... Nó túm tóc con và lôi con đi... Nó đã hành hạ con như thế hơn bốn giờ, và con đã trải một đêm như thế”. Cô ấy bị quỷ ám đến nỗi cô ấy đã yêu cầu một lễ trừ tà. Nhưng vị linh mục đã từ chối ngay lập tức, trả lời rằng cô ấy không bị ma nhập.
Thánh Maria Gemma Umberta Galgani sinh ngày 12 tháng 3 năm 1878 và qua đời ngày 11 tháng 4 năm 1903 là một nhà thần bí người Ý, được tôn kính như một vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1940. Thánh nhân được gọi là “Nữ tử Thương khó” vì sự bắt chước sâu sắc Cuộc Thương khó của Chúa Kitô. Thánh nữ được tôn kính đặc biệt trong Dòng Thương Khó
Tương tự như vậy, Thánh Piô thường bị ma quỷ đánh đập về thể xác: “Những con quỷ này không ngừng tấn công tôi, thậm chí còn khiến tôi ngã xuống giường. Chúng còn xé áo tôi để đánh tôi! Nhưng bây giờ chúng không làm tôi sợ nữa. Chúa Giêsu yêu tôi”. Một số thành viên trong cộng đồng của ngài đề nghị một lễ trừ tà cho ngài. Một lần nữa, cấp trên thẳng thừng từ chối.
Những người bị quỷ nhập và khống chế mạnh mẽ cũng có thể bị quỷ dữ cào, làm trầy xước và thâm tím. * Trong thực tế, đó là là một trong những câu hỏi tôi thường đặt ra trong quá trình phân định, “Anh chị có bất cứ vết bầm tím hoặc trầy xước không giải thích được không?” Tôi có nhiều bức ảnh như vậy.
Tôi đã được hỏi vài lần, “Tại sao Chúa không nhốt tất cả quỷ vào địa ngục và ngăn chúng làm khổ con người?” Câu hỏi hay. Đó là một phần của một câu hỏi lớn hơn: “Tại sao Thiên Chúa lại cho phép những điều tồi tệ xảy ra với con người?” Trên thực tế, những gì ma quỷ có thể làm với chúng ta về mặt thể chất nhạt nhòa hơn rất nhiều so với những gì con người làm cho nhau.
Ma quỷ rất hạn chế trong những gì Chúa cho phép. Chúng cám dỗ tất cả mọi người. Chúng có thể quấy rối và đôi khi hành hạ thể xác mọi người. Nhưng chúng không thể trực tiếp giết chúng ta, mặc dù con người có thể và, đáng buồn thay, vẫn thường làm như thế với nhau.
Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã trả giá cho tất cả chúng ta. Trong đức tin, Đức Mẹ tham dự vào sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Giêsu. Người nhạy cảm tâm linh của chúng tôi đã hào phóng hỗ trợ chúng tôi trong sứ vụ trừ tà này. Cô ấy đã phải trả giá cho điều đó. Chúa sẽ thưởng cho cô ấy vì điều đó.
*Xem. Cliff Ermatinger, The Rrouble with Magic, Padre Pio Press, tr. IX.
Source:Catholic Exorcism
1. Ba Vệ binh Thụy Sĩ xin về quê vì từ chối chích vắc xin COVID
Mặc dù đã tuyên thệ cống hiến mạng sống của mình để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, ba thành viên của Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ huyền thoại của Vatican đã từ bỏ lực lượng nhỏ về quê vì từ chối tuân thủ mệnh lệnh gần đây là phải có chứng chỉ tiêm chủng COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm COVID âm tính trong vòng 48 giờ qua để làm việc tại Quốc gia Thành phố Vatican.
Ba người lính, những người vừa mới tham gia đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ vào tháng 5 năm ngoái, đã chọn về quê thay vì nhận vắc-xin. Vắc-xin dễ dàng có sẵn trên khắp nước Ý và được Vatican cung cấp miễn phí cho tất cả nhân viên của mình vào đầu năm nay.
Quyết định của họ đã được xác nhận bởi người phát ngôn của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, Urs Breitenmoser, với tờ báo Tribune de Geneve.
Theo nhật báo Il Messionaryro của Rôma, ba Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ khác đã bị đình chỉ không lương cho đến khi họ hoàn thành việc tiêm chủng, có lẽ là với vắc xin Pfizer mà Tòa thánh đã cung cấp cho tất cả các nhân viên của mình và cần ít nhất 20 ngày giữa các đợt tiêm chủng.
Người phát ngôn của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ cho biết: “Đó là một biện pháp phù hợp với các binh đoàn khác trên thế giới.
Kể từ ngày 1 tháng 10, Thẻ xanh, hay chứng chỉ tiêm chủng, là bắt buộc đối với tất cả nhân viên Vatican. Nó có thể nhận được sau khi hoàn thành việc tiêm chủng, hay sau khi phục hồi từ COVID-19, hay xét nghiệm thường xuyên. Những người chọn phương pháp xét nghiệm thường xuyên phải trả cho khoảng $25, từ tiền túi của mình, cứ mỗi 48 giờ.
Trong trường hợp cụ thể của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, những người luôn ở gần cả Đức Giáo Hoàng và những vị khách quan trọng của ngài, xét nghiệm âm tính được coi là không đủ, vì các xét nghiệm có thể âm tính trong thời gian ủ bệnh của coronavirus.
Kể từ ngày 1 tháng 10, Vatican đã đình chỉ lương của những nhân viên nghỉ việc vì họ không có giấy chứng nhận sức khỏe COVID-19. Điều đó khiến Vatican trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đình chỉ trả lương cho những nhân viên từ chối tiêm phòng.
Ngoại lệ duy nhất đối với Green Pass để vào các sự kiện của Vatican là các nghi thức phụng vụ và thánh lễ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô và giáo xứ Santa Anna. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô cũng không yêu cầu phải có thẻ xanh, vì nó diễn ra ngoài trời, nhưng chưa rõ phải có Thẻ Xanh hay không để tham dự buổi triều yết của Đức Giáo Hoàng vào sáng thứ Tư hay không, khi các buổi tiếp kiến này tiếp tục được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục
Source:Crux
2. Đức Giáo Hoàng vướng vào cuộc tranh chấp liên quan đến di sản thuộc địa Tây Ban Nha
Tranh chấp về bản chất của di sản thuộc địa Tây Ban Nha đã gây ra một cuộc chiến lời qua tiếng lại giữa những người bảo thủ của quốc gia này và chính phủ Mễ Tây Cơ, đồng thời Vatican cũng vướng vào làn sóng tranh chấp.
Mễ Tây Cơ đã tổ chức các lễ kỷ niệm gần đây để đánh dấu 200 năm độc lập khỏi Tây Ban Nha. Tuần trước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi thư tới các giáo sĩ hàng đầu của Mễ Tây Cơ thừa nhận “những tội lỗi cá nhân và xã hội” mà Giáo Hội Công Giáo đã phạm phải trong quá trình truyền bá Phúc âm tại quốc gia này sau cuộc chinh phục của Tây Ban Nha.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô, người Á Căn Đình, đưa ra nhận xét như vậy về Mỹ châu Latinh. Tuy nhiên, những lời nói của ngài đã thu hút sự phản ứng gay gắt từ chủ tịch khu vực Madrid, Isabel Díaz Ayuso, là một người bảo thủ. Isabel nói rằng Tây Ban Nha đã đưa ngôn ngữ của mình, “Công Giáo và do đó, nền văn minh và tự do đến lục địa Mỹ Châu”.
Cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt khi cựu thủ tướng Tây Ban Nha, José María Aznar, lên tiếng.
“Tôi sẵn sàng cảm thấy tự hào về cuộc chinh phục, và tôi sẽ không nói lời xin lỗi,” Aznar nói trong cuộc thảo luận bàn tròn trong đại hội toàn quốc của Đảng Bình dân bảo thủ, khi được hỏi về những lời của Đức Giáo Hoàng.
Ông cũng tấn công Andrés Manuel López Obrador, tổng thống cánh tả Mễ Tây Cơ, là người đã ủng hộ quyền của người bản địa. Aznar đã chế nhạo cái tên của tổng thống Mễ Tây Cơ. Ông cho rằng cái tên ấy chỉ ra nguồn gốc Tây Ban Nha rõ ràng của tổng thống Mễ Tây Cơ, chứ không phải người bản địa. Nhận xét này thu hút sự tán thưởng từ những người tham dự sự kiện ở Seville.
“Nếu một số điều nhất định không xảy ra, bạn López Obrador ơi, bạn sẽ không có ở đó, bạn thậm chí sẽ không có tên của mình, thậm chí bạn sẽ không được làm lễ rửa tội,” Aznar, người từng là thủ tướng từ năm 1996 đến 2004, nói nếu không có cuộc chinh phục. “Việc truyền bá phúc âm ở Mỹ sẽ không thể thực hiện được.”
Vào năm 2019, López Obrador đã yêu cầu Vua Felipe của Tây Ban Nha xin lỗi về những khía cạnh bạo lực trong di sản thuộc địa Tây Ban Nha, là điều mà nhà vua cho đến nay vẫn bác bỏ.
Ngày 12 tháng 10 hàng năm được chọn là ngày quốc khánh của Tây Ban Nha, để kỷ niệm sự xuất hiện của Christopher Columbus ở Mỹ Châu vào năm 1492.
Nhà văn cánh tả người Peru-Tây Ban Nha, Gabriela Wiener nói rằng việc tiếp tục sử dụng ngày này như một lễ hội kiểu Tây Ban Nha là không tốt.
“Nó giống như việc nhà nước Đức kỷ niệm ngày bắt đầu tiêu diệt người Do Thái như một ngày lễ quốc gia của mình,” cô viết.
Source:Irish Times