Ngày 06-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mối tình không tưởng
Lm. Minh Anh
03:54 06/10/2021

MỐI THÂN TÌNH KHÔNG TƯỞNG
“Lạy Cha chúng con!”.

Mọi người đều cần sự công nhận cho những thành tích của mình, nhưng ít ai nói rõ nhu cầu này như một cậu bé kia nói với cha, “Ba ơi, hãy chơi phi tiêu! Con sẽ ném, và ba sẽ la lên, “Tuyệt vời!”; và con thích nhất mỗi khi con ném trượt, ba cười, rồi hét lên, “Gần trúng!””.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tuyệt vời!”, “Gần trúng!”, không thể dễ thương hơn; không thể thân tình hơn! Thật bất ngờ, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy một ‘mối thân tình không tưởng’ trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, Đấng ngàn trùng chí thánh với một loài hay chết; đó là tương quan Cha - con. Và bất ngờ hơn, Thiên Chúa xem ra lại thích sự thiết thân không tưởng này!

Bài đọc Giôna tường thuật cuộc tranh luận không thể tin được giữa Thiên Chúa và con người. Giôna, một kẻ vừa được Chúa tha thứ, cứu sống; được sai đi Ninivê để kêu gọi thành này ăn năn. Đến nơi, thấy bao điều xấu xa, Giôna không chịu nổi; ông giận dữ, buồn bực và xin được chết đi nếu Chúa tha cho thành. Thiên Chúa phải xuống nước, phân trần, “Ngươi có nghĩ là ngươi giận đúng không?”. Và dẫu ‘không dám’ khiển trách Giôna lấy nửa lời, Thiên Chúa chỉ thỏ thẻ thuyết phục ông; Ngài muốn Giôna hiểu rằng, ông quá hẹp hòi; Ngài dành cho ông một ‘mối thân tình không tưởng’. Chưa hết, Ngài cho một cây thầu dầu mọc lên, che nắng cho Giôna, và sau đó, sai một con sâu cắn ngang, cây khô héo. Rồi Ngài giải thích, “Ngươi buồn bực vì một cây thầu dầu mà ngươi không mất công vun trồng… Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?”. Giôna phải học biết Ngài, để có thể thưa, “Lạy Chúa, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca!

Với bài Tin Mừng, một lần nữa, Chúa Giêsu cho thấy ‘mối thân tình không tưởng’ đó khi Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện qua kinh Lạy Cha. Với kinh Lạy Cha, thánh Anrê Bessette nói, “Khi bạn thưa lên ‘Lạy Cha’, tai của Thiên Chúa chạm xuống môi bạn!”; thánh Têrêxa Ávila thì nói, “Nhiều điều đã xảy ra tức khắc, bây giờ và sau đó, chỉ bởi một lời ‘Lạy Cha’ được cất lên từ trái tim, hơn là toàn bộ kinh nguyện lặp đi lặp lại nhiều lần, mà có khi vội vàng và cũng không chú ý!”; chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì nói, “Kinh Lạy Cha là một trong những lời kinh tôi cầu nguyện khi cảm thấy cằn cỗi thiêng liêng đến nỗi không có một suy nghĩ nào đáng giá!”. Trong Thánh Lễ, khi mời gọi dân Chúa cầu nguyện với kinh Lạy Cha, linh mục nói, “Chúng ta dám nguyện rằng”. Đây là một lời mời thú vị, cho thấy một điều gì đó khá liều lĩnh khi con người dạn dĩ thưa lên với Chúa.

Như vậy, với Chúa Giêsu, Ngài muốn mỗi người chúng ta dám táo bạo như Giôna, dám coi Thiên Chúa là một người bạn, một người Cha và dám đến gần Ngài với sự tự tin của một đứa trẻ. Biết cha mẹ yêu thương, đứa trẻ không sợ hãi; đúng hơn, trẻ em có niềm tin lớn nhất rằng, cha mẹ chúng yêu thương cho dù chúng thế nào đi nữa! Cả khi phạm tội, trẻ em biết, chúng vẫn được yêu. Đây phải là khởi đầu căn bản cho mọi lời cầu nguyện của chúng ta; phải bắt đầu với sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta bất kể điều gì; và với sự hiểu biết này, chúng ta sẽ có tất cả sự tự tin cần thiết để kêu cầu Ngài. Và đây quả là một ‘mối thân tình không tưởng!’.

Anh Chị em,

“Con thích nhất mỗi khi con ném trượt, ba cười rồi hét lên, “Gần trúng!””. Điều cậu bé thích nhất nơi cha mình cũng là điều mà Cha trên trời thích nhất nơi mỗi người chúng ta; Ngài ước mong sống mối thân tình với mỗi người như con thơ với cha mình. Quả thật, nhờ Chúa Giêsu, chúng ta biết mình có một người Cha không quá xa, nhưng rất gần gũi, thấu hiểu, đầy cảm thông và thân thiện. Một Thiên Chúa dạy dỗ, uốn nắn con mình qua đối thoại, qua các biến cố, với những hình ảnh cụ thể như ‘cây thầu dầu’. Ngài không muốn ‘được nhốt’ trong nhà thờ, hay chỗ tôn nghiêm nhất trong nhà, nhưng ước mong trở nên bạn bè, Cha con với chúng ta, ngõ hầu có thể chia sẻ buồn vui nhân thế của kiếp người. Chớ gì mỗi người biết dành cho Ngài một chỗ trong tim, để Ngài có thể thật sự là Chúa, là Thầy, là bạn và là Cha của mình. Được như thế, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận mọi bấp bênh trong cuộc sống với niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống thiết thân với Chúa; và qua ‘mối thân tình không tưởng’ này, xin giúp con luôn biết làm điều đẹp lòng Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 7/10: Học theo Mẹ hai tiếng Xin Vâng. Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
04:50 06/10/2021

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.
 
Hiệp thông với Đền thánh Đức Mẹ Fatima cầu cho Sàigòn và quê hương Việt Nam xin ơn bình an
Giáo Hội Năm Châu
05:49 06/10/2021
 
Tái Sinh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:14 06/10/2021
Tái Sinh

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XVII TN – Lc 11,27-28)

“Tôi nói thật cho ông biết: nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Thiên Chúa”(Ga 3,3). Lời khẳng định của Chúa Giêsu với Nicôđêmô đã làm cho vị tôn sư lỗi lạc Do Thái giáo lúc bấy giờ “hoang mang lẫn ngỡ ngàng”. Ngài tôn sư chất vấn: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại phải vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa hay sao?” Tin mừng không ghi rõ là sau cuộc nói chuyện ấy ngài Nicôđêmô có hiểu lời của Chúa Giêsu được phần nào chăng, nhưng chắc chắn trong lòng ông đã hình thành một nỗi trăn trở về con đường lên trời, hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Điều này minh chứng rõ ràng chính ông vốn là một vị tôn sư nhưng vẫn chưa thật hài lòng, đúng hơn là chưa thật thỏa mãn về “lối sống đạo” trong Do Thái giáo lúc bấy giờ. Chính ông là người đã bênh vực Chúa Giêsu trước sự kết án của nhiều lãnh đạo Do thái giáo (Ga 7,50). Và ông cũng là một trong hai người đến xin Philatô cho hạ xác Chúa Giêsu xuống mà an táng (x.Ga 19,39-40). Tái sinh là gì và tái sinh như thế nào là những câu hỏi làm Nicôđêmô trăn trở. Phải thành thật thú nhận rằng trong số Kitô hữu chúng ta hiện nay vẫn còn đó nhiều người đang mù mờ về những khái niệm này.

1.Tái sinh là gì? Theo nghĩa văn tự đó là lại được sinh ra. Dĩ nhiên không ai trong chúng ta quá ngây thơ hiểu rằng đó là “chui vào lòng mẹ” để được sinh ra một lần nữa. Để hiểu khái niệm này thì trước hết chúng ta cần làm rõ việc chúng ta được sinh ra lần đầu. Lần đầu được sinh ra là chúng ta bắt đầu một cuộc hiện hữu trong một không gian và thời gian cụ thể. Sự hiện hữu này còn được xác định bởi các mối tương quan nhục thể, giới tính, sắc tộc, quốc gia. Nội hàm trong “thẻ căn cước công dân” (ID) hay bản lý lịch trích ngang cho thấy hiện thực này. Như thế việc sinh ra lần đầu là việc chúng ta hiện hữu trong những mối tương quan cụ thể và xem ra còn nhiều giới hạn. Bố mẹ có hai, ông bà có bốn, một vài anh chị em ruột thịt…

Khi nói về sự tái sinh thì Chúa Giêsu muốn Nicôđêmô và chúng ta hướng đến một sự hiện hữu mới với nhiều mối tương quan rộng lớn hơn và phổ quát nhất. Thiên Chúa là Cha của hết mọi người. Nước của Người là vương quốc của mọi dân tộc. Chính vì thế để có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa thì tâm trí của chúng ta phải vượt qua các giới hạn của tình huyết nhục, của nghĩa đồng bào, của cả làn ranh tôn giáo này và tôn giáo nọ…

Lần kia đang lúc giảng dạy, nghe một phụ nữ ca ngợi Mẹ của mình vì đã có công cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng mình thì Chúa Giêsu đã đáp lại: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11,28). Chắc hẳn Chúa Giêsu không chối bỏ mối tương quan huyết nhục, nhưng Người muốn nhấn mạnh đến một mối tương quan phổ quát hơn. Khi nghe và giữ lời Thiên Chúa thì chúng ta lại có một gia đình vượt mọi biên giới huyết nhục, chủng tộc, ngôn ngữ, chính kiến, tôn giáo… Đây chính là sự tái sinh, nghĩa là hiện hữu với những tương quan mới.

Đã từng dí dỏm rằng giả dụ trong cuộc sống mà chúng “cạch” (loại bỏ khỏi tâm trí) một ai hay những ai đó vì họ khác màu da, sắc tộc hay khác ngôn ngữ, khác chính kiến, thậm chí khác niềm tin với chúng ta rồi khi lên thiên đàng mà gặp họ thì sao đây? Không lẽ tự ý xin ra?

2.Cách thế để tái sinh: Tuân giữ lời Thiên Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Chân lý và là Nguồn Tinh Yêu giữa hai Ngôi cực thánh Chúa Cha và Chúa Con. Là Kitô hữu Công Giáo chúng ta tin nhận Lời Thiên Chúa được lưu giữ trong kho tàng mạc khải là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tuy nhiên với anh chị em ngoài Công Giáo thì sao, nhất là với bà con lương dân và anh chị ngoài Kitô giáo? Dưới ánh sáng đức tin chúng ta tin nhận Thiên Chúa mãi truyền phán lời của Người qua các kỳ công Người tác tạo là vũ trụ thiên nhiên. Người nói Lời của Người qua các biến cố của lịch sử. Và Lời của Người chính là tiếng lương tâm ở tận đáy lòng mọi người.

Kitô hữu Công Giáo Việt Nam có thói quen tốt gọi bà con không theo tôn giáo nào là lương dân, nghĩa là người tốt. Dù không theo tôn giáo nào nhưng đang có đó rất nhiều anh chị em biết sống với đồng loại theo tấm lòng son của mình. Họ thực sự là những người đang có phúc vì Chúa Giêsu nhận họ làm anh em chị em và là mẹ của Người (x.Mt 12,46-50). Đến ngày phán xét dẫu họ có xác nhận là mình có biết Chúa đâu, họ chỉ sống đạo yêu thương xuất từ con tim biết xót thương người đồng loại thôi. Thế nhưng Chúa Kitô đã phán với họ rằng: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (x.Mt 25,31-46).

Một nhận định có phần chủ quan: Phải chăng tại các Chủng viện, Tu viện hiện nay dường như quá chú trọng huấn luyện các ứng sinh về mặt tri thức nhiều hơn so với việc đào tạo tấm lòng? Lời của Thiên Chúa có bị “nhiễu”, bị “biến dạng” trong lương tâm con người nói chung và Kitô hữu chúng ta hôm nay vì những lý do chủ quan hoặc khách quan nào đây? Tại giáo xứ nhà, chúng tôi khi đón nhận anh chị em “tòng giáo” chúng tôi không đòi hỏi quá nhiều về việc phải thuộc kinh kệ hay thông biết giáo lý nhưng đòi hỏi một sự đổi thay trong cung cách sống mà trước hết là với những người thân trong gia đình rồi đến những người kém phận ngoài xã hội.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Cái Vĩnh Cửu Và Cái Tạm Thời
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
10:18 06/10/2021
Cái Vĩnh Cửu Và Cái Tạm Thời

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVIII - B

(Mc 10, 17 – 30)

Thế giới ngày hôm nay có đầy sự hấp dẫn, khiến người ta thích những gì là tạm bợ, và không thích những gì là bền vững.

Trong cuộc gặp gỡ các chủng sinh, khấn sinh và tập sinh tại hội trường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô kể, ngài đã nghe một chủng sinh, một chủng sinh tốt lành nói rằng anh muốn phục vụ Đức Kitô, nhưng chỉ 10 năm thôi, và rồi anh sẽ nghĩ đến việc bắt đầu một cuộc sống khác... và ngài kết luận, thật nguy hiểm! Tuy tạm thời, nhưng điều này thật nguy hiểm bởi vì ta không đánh cược đời mình một lần cho tất cả. Tôi kết hôn chừng nào còn yêu; tôi sẽ là một nữ tu nhưng chỉ trong một "thời gian ngắn" thôi, trong "một khoảng thời gian nào đó" và tôi sẽ tính tiếp, tôi không biết câu chuyện sẽ kết thúc thế nào. Thế này thì không phải với Đức Giêsu! Đúng là cái thứ văn hóa tạm thời, nó không làm cho chúng ta nên tốt đẹp: bởi vì đưa ra một lựa chọn dứt khoát ngày nay thật là khó. Chúng ta là những nạn nhân của nền văn hóa tạm thời này.

Cái tạm thời đã cản trở chàng thanh niên

Chành thanh niên trong Tin Mừng là ai? Là con nhà giàu có. Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì anh ta là một thiếu gia. Nhưng một thiếu gia có lối sống gương mẫu, không bồ bịch lăng nhăng, không đua đòi ăn diện. Anh rất thành tâm thiện chí tuân giữ cả Mười Giới Răn một cách nghiêm túc từ thủa nhỏ, không ai chê trách được điều gì. Tắt một lời, anh là người hết sức gương mẫu trong việc chu toàn các đòi hỏi của Mười Điều Răn.

Hơn thế nữa, anh còn là một người nhiệt huyết và cầu tiến, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, nên anh thao thức đi tìm kiếm con đường trọn lành, để hoàn thiện. Chính vì những đức tính đó mà anh được Chúa Giêsu đem lòng thương mến. Người còn muốn mời gọi anh tiến xa thêm một bước nữa trên đường hoàn thiện. Đó là đem bán tất cả của cải là cái tạm thời và đem bố thí cho người nghèo để được kho tàng trên trời là cái vĩnh cửu, rồi đến theo Chúa Giêsu làm môn đệ của Người. Tin Mừng cho biết: "Anh sù nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải" (Mc 10,22). Vậy là, cái tạm thời đã rào cản anh.

Vượt qua rào cản

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời. Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.

Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giêsu là Đấng mà anh gọi là nhân lành. Đức Giêsu đã chỉ cho anh : "Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó" (Mc 10,17). Bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao?Một lời mời gọi mới khó làm sao!

Đây là một rào cản anh phải vượt qua, trở nên nghèo vì người nghèo. Vì chính lúc nghèo như thế, "anh có một kho báu trên trời" (Mc 10, 21). Kho báu đó đang hiện diện ngay trước mặt anh. Thế nên, Đức Giêsu mới nói : "Rồi đến theo Ta" (Mc 10,21). Đức Giêsu là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là "sức mạnh và sự không ngoan của Thiên Chúa" (1Cr 1,24). "Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Cl 2, 3). Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan? Nếu biết Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan : "Đem so sánh sự giầu sang với sự không ngoan, tôi kể sự giầu sang như không" (Kn 7, 8). Chàng thanh niên chưa vượt qua được rào cản về tài sản, nên anh mới kinh ngạc về đề nghị và lời mời gọi của Đức Giêsu.Nguyên nhân khiến anh chấp nhận mãi mãi “thiếu một điều”,là do chính của cải, tài sản mà anh đang có.

Chọn chung kết

Chàng thanh niên giàu có không muốn bỏ cái tạm bợ là sự giàu sang để đi theo Chúa Giêsu, sự giàu sang và của cải là một cản trở làm cho hành trình tiến về nước Thiên Chúa trở nên khó khăn. Chính Chúa tuyên bố : "Những người giầu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao" (Mc 10, 23). Chúa biết khó, nhưng Người vẫn mời gọi chúng ta từ bỏ, vì Nước Trời có giá trị lớn lao, đòi hỏi con người phải trả giá. Vì chưng giữ đạo không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn các đòi hỏi của luân lý, không làm điều xấu…mà quan trọng hơn, đó còn là tin nhận và dấn bước theo một con người, người đó là Đức Giêsu Kitô. Nói khác đi, sự hoàn thiện theo Tin Mừng hệ tại ở điều này: bước theo Chúa Kitô để làm môn đệ của Người.

Thực ra, tiền bạc không phải là một sự dữ. "Có của" không đương nhiên là xấu, thái độ khi "có của" mới xác định giá trị con người. Giáo hội từng có những vị thánh xuất thân từ ngai vàng như vua Louis nước Pháp, vua Stêphan nước Hungari. Giữa đống tiền của, họ vẫn lắng nghe tiếng Chúa và dấn thân cho người nghèo.

Của cái là phúc lành của Thiên Chúa như sách Châm ngôn viết : "Chính phúc lành của Đức Chúa cho ta được giầu sang" (Cn10, 22); "Chúa bắt phải nghèo và cho giầu có" (1Sm 2,7). Người giầu cũng không bị kết án vì có nhiều tiền của. Chính Đức Giêsu cũng giao du với những người giầu sang quyền quí như Giakêu, Nicôđêmô, Matthêu v.v…

Như vậy, tiền bạc và sự giầu sang không phải là đối tượng nguyền rủa. Đức Giêsu muốn chúng ta dùng nó làm bàn đạp để bước lên bậc hoàn thiện chiếm được nước trời có Chúa làm gia nghiệp đời ta. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Kinh Mân Côi, phương thuốc linh nghiệm
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
15:49 06/10/2021
LỄ MÂN CÔI

Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38

Kinh Mân Côi, phương thuốc linh nghiệm

Có lẽ trong các hình thức đạo đức bình dân, Kinh Mân Côi là kinh được yêu thích nhất từ mọi tầng lớp dân Chúa. Bởi lẽ, kinh Mân Côi là phương thuốc linh nghiệm mang lại những hiệu quả lớn lao nhất cho những ai lần chuỗi.

Thật vậy, đối với Thiên Chúa, Người cai quản vũ trụ, nhưng dường như chịu thua những ai lấy Kinh Mân Côi mà cầu nguyện.

Đối với ma quỷ, Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỷ, làm cho hoả ngục phải run sợ trước thánh danh Chúa Giêsu và Đức Maria.

Đối với lạc giáo và kẻ thù của Giáo Hội, Kinh Mân Côi là vũ khí đầy sức mạnh phá tan các lạc giáo và giúp chiến thắng kẻ thù: như lạc giáo Albigense hoành hành ở Châu Âu vào thế kỷ 12, những đã bị khuất phục nhờ Kinh Mân Côi do thánh Đa Minh kêu gọi; hay vào thế kỷ 16, nhờ Kinh Mân Côi mà quân Công Giáo đã chiến thắng quân Hồi Giáo trên vịnh Lépante.

Khi gia đình không được an vui hoà thuận, hãy lần hạt Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương... Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần hạt Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông.

Đối với mỗi người, lần chuỗi Mân Côi, chúng ta ơn bình an, sức mạnh và những ơn lành cần thiết khác.

Như thế, Kinh Mân Côi là kinh dễ nhớ nhất, dễ làm nhất nhưng có sức mạnh thần lỳ, mang lại vô vàn ơn phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và thế giới. Lần hạt Mân Côi là cách thức vừa cầu nguyện vừa chiêm niệm, nhằm uốn lòng chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn. Chúng ta có thể lần hạt khi vừa ngủ dậy, khi đi làm, khi ở trên xe, khi đi đường, khi tập thể dục, khi đi ngủ. Điều quan trọng không phải là đọc cho nhiều, nhưng đọc cho có chất. Thế nên, trong tháng 10 này, chúng ta được mời gọi hãy siêng năng lần chuỗi. Mấy câu thơ sau đây như một lời nhắn nhủ:

Gửi em một chuỗi Mân Côi

Để em sớm tối học lời cầu kinh

Mẹ trên cao sẽ thương tình

Cho em hạnh phúc, gia đình an vui. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chúa Nhật 28 TN B: Đứt Ruột
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:26 06/10/2021
Chúa Nhật 28 TN B: Đứt Ruột

Đói thì đầu gối phải bò. Hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ. Có thực mới vực được đạo. Nhiều câu thơ, nhiều ngạn ngữ dân gian như muốn khẳng định rằng cuộc sống con người như mãi long đong, vất vả vì các nhu cầu căn bản để sinh tồn xét như là một sinh vật. Chuyện cơm áo, gạo tiền nó nhũng nhiễu con người mãi không ngơi. Chưa hết, bên cạnh cái trí khôn ý thức về sự cao quý của phận làm người thì cái ý chí tự do lại thúc bách con người tìm kiếm, thủ đắc các như cầu ngày càng cao và đa dạng. Ăn no, mặc ấm vẫn chưa đủ, còn phải ăn ngon và mặc đẹp. Trong cuộc sống, người ta không chỉ trông mặt mà bắt hình dong mà còn thường hành xử theo kiểu đồng tiền đi trước, mực thước theo sau. Cảnh đời tréo ngoe mà không hiếm: “Bần cư náo thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.

Không giới hạn trong tương quan giữa người với người, ngày nay khi có những chuyện bất bình giữa các quốc gia hay tập thể, người ta cũng lại sử dụng đòn chiêu: trừng phạt kinh tế. Đồng tiền dính liền khúc ruột. Để có được sự tự do với tiền của thì dường như không dễ, ngay cả với những người thường lên tiếng trong các lãnh vực đạo đức, tôn giáo. Xin chớ vội trách người thanh niên có nhiều của cải mà Tin Mừng tường thuật. Nếu như giờ này Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy về bán đi tất cả những gì ngươi có mà cho người nghèo, rồi đến mà theo Ta”, thử hỏi có được bao nhiêu người đáp trả dứt khoát và triệt để như thánh Phanxicô Axidi năm nào.

Người ta dễ dàng chấp nhận với nhau rằng tiền của chỉ là cái góp phần xây dựng hạnh phúc chứ không phải chính là sự hạnh phúc. Người ta cũng dễ dàng đồng thuận với nhau rằng tiền bạc chỉ là tên nô lệ chứ không phải là ông chủ. Người ta không chối cãi sự thật là tiền của mang tính “phù hoa” và nhất là nó không thể theo chúng ta đi vào huyệt lạnh. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng sống thì không dễ chút nào. Không ai muốn tự chặt đứt khúc ruột của mình cả. Chẳng ai muốn từ bỏ một thứ sức mạnh vốn rất hiệu nghiệm trong rất nhiều trường hợp đó là đồng tiền, được ví như “là tiên là Phật, sức bật của tuổi trẻ, sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, cái lọng che thân…”.

Dù là một kiểu nói ngoa ngữ, phóng đại để muốn nhấn mạnh, nhưng chúng ta không thể không giật mình trước lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng” (x.Mc 10,23-26). Ngay các tông đồ cũng kinh ngạc và nói với nhau: Thế thì ai có thể được cứu rỗi, nghĩa là được hưởng phúc Thiên đàng? Khi giải đáp thắc mắc cho các tông đồ rằng đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được, Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta nhận ra sự thật này: hạnh phúc Nước Trời tiên vàn là quà tặng Thiên Chúa trao ban chứ không phải do công sức của loài người chúng ta.

Đã hơn một lần Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về mối nguy cơ của tiền bạc khi nó được phong làm thần thánh: “Không được làm tôi hai chủ …”(x.Mt 6,24; Lc 16,13). Nếu có tiền mua tiên cũng được, thì có thể mua được cả nước thiên đàng! Khi chiều theo chước cám dỗ đề cao sức mạnh của đồng tiền thì người giàu có bị cám dỗ xem hạnh phúc nước trời là điều mình có thể mua, có thể trao đổi bằng công sức hay tiền bạc.

Ít có ai phủ nhận nội hàm một ngạn ngữ Trung Quốc rằng tiền bạc có thể mua được đồng hồ quý nhưng không mua được thời gian; tiền bạc có thể mua được giường sang, nệm êm, chăn ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon; tiền bạc có thể mua được cao lương mỷ vị nhưng không mua được sự ngon miệng… Thế nhưng trong thực tế chúng ta lại hành xử theo kiểu như tiền bạc là nền tảng, là nguyên nhân đem lại hạnh phúc. Nếu đã xác tín rằng hạnh phúc đích thật là hạnh phúc nước trời, tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa, thì những gì chúng ta thu được mà chủ yếu bằng việc trao đổi, mua bán bằng của cải, tiền bạc chắc chắn không phải là hạnh phúc vĩnh cửu. Với luận lý này, chúng ta mới hiểu lời khẳng định của Đấng Cứu độ: “người giàu có khó vào Nước Trời hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim”. Lời Chúa thật sắc bén hơn cả thanh gươm hai lưỡi! (x.Dt 4,12).

Ngoài ra chúng ta cũng cần chân nhận hiện thực này: khi đã đủ đầy, sung túc của tiền thì con người rất dễ bị biến tướng, bị tha hóa. Vốn là một trong những thiện hảo tự nhiên Chúa dựng nên và ban tặng, nhưng của cải, tiền bạc rất dễ trở thành miếng mồi nhử của thần dữ như trái táo trong vườn địa đàng khiến chúng ta đi trệch hay đi ngược với huấn lệnh Chúa truyền. Không chỉ có chuyện “no cơm ấm cật, dậm dật khắp nơi” mà các mối tương quan cũng dễ bị sứt mẻ do bời của cải tiền bạc. Tình bác cháu như Abraham với Lót, tình anh em ruột thịt như Êsau và Giacóp cũng đã khó bền vì của cải. Thánh Kinh ghi cùng một câu trong cả hai trường hợp: “họ có quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau được” (St 13,6; 36,7). Một khi đã không thể “ở chung” với nhau được thì làm sao có thể ở cùng Thiên Chúa, Đấng là Cha của hết mọi người? Và biết bao nhiêu chuyện chẳng hay, làm nứt vỡ tình mẹ cha, nghĩa huynh đệ… vẫn xảy ra trước mắt chúng ta mà nguyên nhân chính là vì tranh chấp của cải. Thánh Tông đồ dân ngoại đã nói với môn đệ Timôtê rằng: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (Tim 6,10).

Trong kiếp lữ thứ này, chúng ta không thể sống như thiên thần, chẳng màng gì đến chuyện vật chất của tiền, vì không chừng sẽ rơi xuống thành loài vật (Pascal). Vấn đề đặt ra đó là phải biết làm chủ vật chất, tiền bạc cũng như phải biết tự do với nó. Một mẫu gương đáng cho chúng ta noi theo mà Tin Mừng hôm nay ghi lại đó là Phêrô. “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu không phản bác nghĩa là Người chân nhận điều ấy. Không phải Phêrô đã vất bỏ mọi sự, của cải vật chất. Nhà của ngài còn đó, thuyền của ngài còn đó…nhưng ngài sẵn sàng trao dâng cho Chúa khi Chúa cần dùng vì lợi ích của tha nhân, sẵn sàng gác nó một bên để lên đường đi rao giảng tin mừng.

Biết rằng đồng tiền dính liền khúc ruột, tuy nhiên nếu khi khúc ruột ấy là khúc ruột thừa đã bị viêm hay là khúc ruột non dính ung bướu thì không thể không cắt bỏ đi. Nhiều thánh giáo phụ như Hiêrônimô, Âugustinô khẳng định rằng những gì chúng ta đang sở hữu trên mức cần thiết đều là của người nghèo. Ước gì thỉnh thoảng chúng ta biết tập sống anh hùng một chút khi sẵn sàng dâng trao vài trăm ngàn, dăm bảy triệu vì một việc từ thiện nào đó hay vì công cuộc truyền giáo nào đó. Quả là không dễ, nhưng không cái khó nào là không thể vượt qua, nhờ ơn Chúa giúp và quyết tâm của chính chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Người Thừa Tự
Lm Vũđình Tường
22:21 06/10/2021
Người ta thích giầu có bởi giầu có đi chung với ưu tiên, lợi lộc. Có tiền cái gì cũng ưu tiên, đi trước, hưởng trước, phục vụ trước. Thực tế có thể người ta không yêu bạn nhưng yêu tiền của bạn. Tiền của bạn có giá trị, còn phẩm giá của bạn có thể rẻ mạt. Nói với bạn, họ nhã nhăn, thưa, bầm; trong lòng họ coi bạn trọng hay khinh chỉ người đó biết. Cách bạn xử dụng vật chất, đối xử với người khác quyết định cách người đánh giá phẩm giá bạn.

Người giầu có trong Phúc Âm hôm nay tiết lộ, thực trạng tâm trạng của anh. Bề ngoài nhìn vào, ai cũng mong muốn được như anh, nhưng trong thâm tâm chính anh lại mong muốn được như nhiều người. Vì sao? Anh giầu nhưng không vui. Nhà cao cửa rộng, hoa trước nhà, hồ tắm hiên sau. Con ăn, đầy tớ, kẻ hầu, người hạ, kẻ vâng, người dạ, anh không thiếu. Vật chất anh không thiếu. Anh thiếu bình an trong tâm hồn. Bạn bè trong giới trưởng giả, sang giầu toàn là chức này, tước nọ, học thức uyên thâm nhưng không ai giúp anh tìm được bình an trong tâm hồn. Anh đến cùng Đức Kitô vì anh tin Đức Kitô giỏi trội hơn đám bạn bè anh quen biết. Anh quì trước mặt Ngài tuyên xưng

'Thưa Thầy Nhân Lành. Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp'. Mc 10,17.

Đức Kitô bảo anh, nhân lành là quà tặng mình Thiên Chúa có.

'Không có phàm nhân nào nhân lành cả trừ một mình Thiên Chúa'. c,18

Theo tinh thần câu trên, Đức Kitô muốn chính anh tuyên xưng. Ngài là ai? Anh tuyên xưng Ngài là Thầy Nhân Lành. Vậy anh tin Đức Kitô là Thiên Chúa hay người phàm. Đến lúc này vẫn không xác minh rõ anh tin Đức Kitô là Thiên Chúa, hay anh tin Đức Kitô là một người đặc biệt.

Cuộc đối thoại tiếp tục mở ra cho chúng ta biết nhiều hơn về cuộc sống nội tâm của anh. Đức Kitô nói với anh tuân giữ các điều răn Thiên Chúa. Anh đáp lại, tất cả những điều răn Chúa dậy anh giữ từ tấm bé. Đức Kitô nhìn anh trìu mến. Ngài nói với anh. Để trở thành môn đệ đích thực của Đức Kitô, để có an vui trong tâm hồn, để có ơn cứu độ, sự sống đời đời, anh cần phải làm hơn những gì anh đang làm. Hiện tại anh làm tốt điều răn Chúa truyền bằng cách giữ trọn lề luật. Điều duy nhất anh thiếu chính là thực hành lề luật. Thực hành bằng hành động. Đức Kitô bảo anh thực hành bốn điều. Bán, cho đi, trở lại và tin theo. Thứ nhất bán những gì anh có. Thứ hai phân phát của cải cho người nghèo. Thứ ba trở lại gặp Ngài và thứ tư tin theo Ngài.
Nghe thế, người giầu có buồn sầu bỏ đi.

Anh tuyên xưng Đức Kitô là Thầy Nhân Lành. Anh chỉ tuyên xưng thôi. Còn có dám thực hành điều anh tuyên xưng không là vấn đề anh chưa thực hiện. Anh không dám thực hiện. Nói được nhưng không làm được khiến anh từ giã Đức Kitô. Anh tuyên xưng Đức Kitô là Thầy Nhân lành nhưng lại không tin, không thực hành lời của Thầy Nhân Lành. Điều này cho biết trong tâm anh, anh tin Đức Kitô không phải là Thiên Chúa mà chỉ là một người đặc biệt.

Rõ ràng vật chất anh đang có không mang lại bình an trong tâm hồn. Anh khao khát bình an chân thật. Đức Kitô chỉ cho anh con đường dẫn đến bình an vĩnh cửu. Anh không dám đi trên con đường mới nhưng trở lại con đường cũ, con đường mà anh không vui. Biết vật chất không có sức mạnh bảo đảm an toàn, nhưng vẫn bám víu nó.

Vật chất, của cải là quà tặng Chúa ban. Quà này trở thành món quà ban ơn lành khi quà đó được chia sẻ cho tha nhân, phục vụ tha nhân, giảm bớt đau khổ của người. Quà này trở thành tai vạ khi ta thành nô lệ cho những gì mình có.

Đức Kitô nói với các môn đệ 'Các con ơi'c.24. Rất có thể Đức Kitô muốn nói về nhiều điểm.

Thứ nhất, trẻ con học bằng cách học thuộc lòng, nhớ thuộc lòng. Hiện tại chúng không hiểu, sau này lớn lên hy vọng sẽ hiểu. Người thanh niên giầu có cũng giữ giới răn theo kiểu 'con trẻ' đọc thuộc lòng. Anh không thực hành điều anh đọc. Như thế giữ giới răn theo thói quen mà chưa thực hành điều Chúa dậy.
Thứ hai đức tin không việc làm chính là đức tin non trẻ, đức tin kiểu trẻ em, đức tin chưa trưởng thành nơi anh nhà giầu.

Thứ ba, điều này liên quan đến 'của thừa tự'. Cha mẹ thường để lại gia tài, tài sản của mình cho con. Điều này được minh định trong di chúc. Gia tài chia rồi nhưng chưa được lấy, khi nào cha mẹ qua đời lúc đó con cái mới được chia phần dành cho. Người giầu có xin được hưởng phần thừa tự.

'Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp' Mc 10, 17.

Để ban phát phần gia nghiệp cho môn đệ Đức Kitô đã hy sinh chết trên thập tự để ban phần gia nghiệp cho những ai tin theo. Phần thừa tự đã cho, nhưng để nhận phần thừa tự thì cần phải lấy. Đức Kitô kêu gọi anh nhà giầu hy sinh của cải hư nát để nhận của cải, gia nghiệp vĩnh cửu. Anh nhà giầu không dám hy sinh gia tài nhỏ để nhận gia tài lớn. Gia tài nhỏ cầm giữ anh, ngăn cản anh. Vì thế Đức Kitô mới nói,

'Kẻ có của khó vào nước Thiên Chúa'. c.23

Xin ơn khôn ngoan biết hy sinh tư tưởng nhỏ bé cá nhân, để đón nhận ơn khôn ngoan Chúa truyền dậy.

TiengChuong.org

Inheritance

People love to have wealth, because wealth provides better service and many favourable benefits. The rich young man in today's reading reveals the truth about wealth. The man had feasted with influential people in his wealthy social circle. Many of them had social status, and yet none of them could satisfy the need of his inner life. The man approached Jesus to reveal his inner life. Jesus was special to him, because he believed Jesus was superior to others in his circle of friends. Wealth provided for his physical needs, but not those of his heart. His heart was hungry. He came to Jesus seeking help to satisfy his longing. He knelt before Jesus, addressing Him 'Good Master'. Judging from the way in which the man approached Jesus, we believe the man showed great respect for Jesus. He knelt before Him, and addressed Him not as an ordinary master, but 'Good Master'. Jesus challenged the man, saying:

'No one is good but God alone'.v.18

Jesus told the man, not human beings, but God alone is Good. When the man addressed Jesus, 'Good Master', he believed, Who Jesus was for him- God- or a special person. There was no clarification at this point.

As the conversation went on, the man further opened his inner life. He confessed that he was faithful to keep God's commandments from his childhood. Jesus told the man, God's way was about doing rather than simply keeping the commandments. Reciting the commandments would not fulfil the law of love, but living them out made the law of love perfect. To make it clearer, Jesus told the man to do several actions, namely: going and selling, giving it to the poor, returning, and finally following. Hearing this the man felt upset, and left Jesus, because 'he was a man of great wealth'. v.22

The man addressed Jesus 'Good Master', and yet he failed to carry out what the 'Good Master' asked of him. Because he refused to do what Jesus asked of him, it is clear that the man believed Jesus was not God, but a special person.

The man had experienced that his wealth would not able to secure his eternal life, and yet he was attached to wealth. He approached Jesus with the expectation that Jesus would approve what he had been doing- observing the commandments. Jesus loved him, and asked him to take a further step. He was unable to take heed. He got upset, returning to square one.
Wealth is a sign of blessing when it is used to support the life of others; wealth is a curse when one attaches to it, and become its slave.

Jesus addressed His disciples ' My children'. In this context, Jesus probably meant the man had the 'infant faith'. Children learn things by memorizing, and reciting. They aren't yet able to understand much, but later on in life, they will understand more. The man, whose faith in God was still at an infant stage, loved to recite God's commandments, but was unable to put them into practice.

The second meaning of 'children' relates to inheritance. Parents leave their children the gift of love in their will. This gift is to be taken after the death of their parents. Jesus died to give eternal life to His children. It is God's free gift given to those who call God: Father, Abba. To take this free gift, one needs to make a commitment. The man could gain eternal life, by giving what little he owned to obtain the immeasurable gift of God- eternal life. He failed to do what Jesus asked of him, because his wealth stopped him from doing so.
 
Sống siêu thoát để nên môn đệ Đức Giêsu
Lm. Đan Vinh
22:44 06/10/2021
CN 28 TN B

Mc 10,17-30

SỐNG SIÊU THÓAT ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 10,17-30

(17) Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quì xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. (18) Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. (19) Hẳn anh biết điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”.(20) Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. (21) Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (23) Đức Giê-su rảo mắt nhìn xung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (24) Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại nói tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! (25) Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. (26) Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa, và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (27) Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. (28) Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (29) Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, (30) mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau”.

2. Ý CHÍNH:

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay tuy muốn nên hoàn thiện, và đã có thiện chí tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa từ nhỏ. Nhưng anh lại không đủ dũng cảm và lòng tín thác vào Chúa quan phòng để làm theo lời khuyên của Đức Giê-su là: Chia sẻ của cải cho người nghèo để biến nó thành kho báu ân sủng trên trời, rồi đi theo làm môn đệ của Người. Sau đó, trả lời cho Phê-rô về phần thưởng của môn đệ, Đức Giê-su hứa sẽ ban gấp trăm những điều họ đã tự nguyện từ bỏ. Người cũng tiên báo những khó khăn họ sẽ gặp phải trên đường truyền giáo và sau này sẽ được sự sống muôn đời!”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 17-18: + Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến: Mác-cô chỉ nói trống là “có một người”, đang khi Tin Mừng Lu-ca nói rõ hơn là: “Có một thủ lãnh” (x. Lc 18,18), và Tin Mừng Mát-thêu nói là “một thanh niên” (x. Mt 19,20). + quì xuống trước mặt Người: Đây là thái độ biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Giê-su, mà người Do Thái quen làm đối với một Rab-bi họ kính trọng. + Thưa Thầy nhân lành: Khi gọi Đức Giê-su là “nhân lành”, anh thanh niên tỏ ý ngưỡng mộ tác phong của Người, thể hiện qua lời nói, thái độ và hành động của Người đối với các bệnh nhân và trẻ thơ... + tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?: sự sống đời đời (x. Đn 12,2) có thể hiểu là sự sống sau khi sống lại, không nhất thiết hàm ý “bất tử”. Cũng có thể coi đồng nghĩa với “Nước Thiên Chúa” (x. 9,43-47). Anh ta xin Đức Giê-su tư vấn giúp anh biết phải làm gì để được vào Nước Thiên Chúa mà Người rao giảng và thiết lập. + Sao anh nói tôi là nhân lành?: Về bản tính lòai người, Đức Giê-su khiêm tốn từ chối không nhận hai từ “nhân lành” mà chàng thanh niên khen tặng. + Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa: Người cho chàng thanh niên biết rằng: Sự nhân lành tuyệt đối chỉ có nơi một mình Thiên Chúa. Thiên Chúa vừa là mẫu mực, vừa là nguồn gốc của mọi điều thiện hảo. Thực ra, với tư cách là “Con Thiên Chúa”, Đức Giê-su cũng xứng đáng được gọi là “Đấng Nhân Lành” ngang bằng Thiên Chúa.

- C 19-20: + Hẳn anh biết các điều răn: “chớ giết người...”: Các điều này phần lớn được rút từ phần hai của Thập Giới (Xh 20,12-17; Đnl 5,16-21), về những quan hệ giữa người với người. Nêu ra những giới răn này, Đức Giê-su muốn chàng thanh niên kiểm điểm đời sống về những điều cấm chứ chưa đề cập đến những bổn phận cần làm. + “Tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”: Câu trả lời của chàng thanh niên cho thấy anh có lòng thành thật, không phô trương tự mãn như người Pha-ri-sêu trong Đền Thờ (x. Lc 18,11-12). Qua câu n2y, anh thanh niên chỉ muốn hỏi rằng: Từ trước đến nay, tôi chưa làm thiệt hại cho ai điều gì. Vậy tôi cần làm gì thêm nữa để nên hoàn thiện? (x. Mt 19,20-21).

- C 21-22: + Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến: Người biểu lộ tình cảm đối với anh thanh niên đầy thiện chí này, + Anh chỉ thiếu có một điều: Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi:.Để nên trọn lành, ngoài việc giữ các giới răn như anh đã làm, Đức Giê-su khuyên anh làm ba việc này: Một là về bán gia sản để không còn bị lòng tham của cải ràng buộc; Hai là đem số tiền ấy chia sẻ cho người nghèo để biến nó trở thành kho báu thiêng liêng trên trời; Ba là quyết tâm đi theo làm môn đệ Đức Giê-su. + Anh ta sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải: Chàng thanh niên thất vọng chán nản bỏ đi, vì anh không thể từ bỏ lòng tham của cải thế gian như đòi hỏi của Đức Giê-su. Anh muốn nên trọn lành nhưng không muốn từ bỏ của cải vật chất. Nói cách khác: Anh ta yêu tiền bạc hơn quyết tâm muốn nên hoàn thiện.

- C 23-25: + Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao!”: Câu nói tỏ ý thương tiếc một tâm hồn tuy thiện chí, nhưng lại bị lòng ham mê tiền bạc trói buộc, đến nỗi không thể vươn cao lên đỉnh trọn lành! + Các môn đệ sững sờ: Các ông sững sờ kinh ngạc, vì lời dạy của Đức Giê-su khác hẳn suy nghĩ của các ông và người Do thái thời đó: Giàu có là một hồng ân do Thiên Chúa thưởng ban cho người công chính, như tác giả Thánh Vịnh 37 đã viết: “Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả, chưa thấy người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải ăn mày thiên hạ. Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay. Dòng giống mai sau hưởng phúc lành. Hãy làm lành lánh dữ, bạn sẽ được một nơi ở muôn đời. Bởi vì Chúa yêu thích điều chính trực, chẳng bỏ rơi những bậc hiếu trung...” (Tv 37,25-28). + “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”: Trước đây các nhà giảng thuyết và chú giải đã tìm ra một cái cửa nhỏ bên cạnh cổng lớn ở tường thành Giê-ru-sa-lem, mà một con lạc đà không thể đi qua, và một vài thủ bản Kinh Thánh đọc là “sợi dây thừng” (kamilos) thay vì “con lạc đà” (kamêlos), chúng ta phải công nhận đây là một kiểu nói ngoa ngữ (x. Mt 23,24; Lc 6,41-42): Đức Giê-su dùng hình ảnh con lạc đà to lớn không thể chui lọt qua lỗ kim khâu nhỏ để dạy rằng: Người giàu có hay những kẻ tham lam dựa vào thế lực của đồng tiền sẽ không thể vào được Nước Thiên Chúa!

- C 26-27: + Thế thì ai có thể được cứu?: Nghe lời giải thích của Đức Giê-su, các môn đệ càng kinh ngạc và thất vọng hơn khi nghĩ đến bản thân các ông cũng tham lam tiền bạc, nên cũng khó vào Nước Thiên Chúa, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có thể được cứu!?”. + “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa: “mọi sự đều có thể được”: Đức Giê-su cho thấy hiệu lực của ơn chúa: Những gì lòai người không thể vượt qua, thì lại chẳng là gì trước quyền năng của Thiên Chúa. Vì đối với Thiên Chúa “mọi sự đều có thể được” (x Lc 1,37).

- c 28-30: + Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!: Phê-rô kể ra những gian lao vất vả trên bước đường theo Thầy, để yêu cầu Thầy bù đắp phần thiệt thòi ấy. + Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng: Đức Giê-su hứa chắc rằng: những ai đã quảng đại từ bỏ của cải, tình cảm ruột thịt vì lòng mến Người và dấn thân đi loan báo Tin Mừng, thì sẽ được lại gấp trăm những gì đã dâng hiến. Họ sẽ có thêm một gia đình mới là Cộng Đoàn Giáo Hội, sẽ được quản lý các công trình lớn lao của Hội Thánh... và cuối cùng còn được hạnh phúc vui hưởng sự sống đời đời. + cùng với sự ngược đãi: Tin Mừng Mác-cô cũng tiên báo những đau khổ sỉ nhục mà các môn đệ phải chịu do các đầu mục Do Thái gây ra để cùng với Thầy đi con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” (x. Mc 8,31).

4. CÂU HỎI:

1) Thái độ quì gối xuống trước mặt Đức Giê-su của chàng thanh niên trong Tin Mừng nói lên điều gì?

2) Tại sao anh ta gọi Đức Giê-su là “Thầy nhân lành”?

3) Đức Giê-su kể ra một số điều cấm làm nhằm mục đích gì?

4) Câu trả lời của chàng thanh niên cho thấy tình trạng tâm hồn anh thế nào?

5) Đức Giê-su biểu lộ cảm tình đối với anh ta ra sao?

6) Ba điều Đức Giê-su dạy chàng thanh niên làm để nên trọn lành là những việc gì?

7) Tại sao anh không làm theo lời Đức Giê-su dạy mà buồn rầu bỏ đi?

8) Câu Đức Giê-su nói: “Những người có của thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” cho thấy Người lấy làm tiếc cho chàng thanh niên này về điều gì?

9) Tại sao các môn đệ lại kinh ngạc sững sờ khi nghe Đức Giê-su cho biết người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa?

10) Đức Giê-su còn dùng hình ảnh nào cho thấy người giàu thật khó có thể vào được Nước Thiên Chúa?

11) Các môn đệ đã thốt lên câu nào ho thấy sự hoang mang của các ông?

12) Lời trấn an các môn đệ cho thấy sức mạnh của ơn Thiên Chúa thế nào? Câu này tương tự câu nào trong biến cố Truyền Tin?

13) Đức Giê-su hứa sẽ làm gì để bù đắp sự mất mát của các môn đệ khi phụng sự Người?

14) Qua câu “kèm theo sự ngược đãi” Đức Giê-su muốn ám chỉ điều gì?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. anh sẽ được một kho tàng trên trời. rồi hãy đến theo Tôi (Mc 10,21).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐỒNG TIỀN LÀM BĂNG HOẠI DANH TIẾNG CỦA MỘT TỔNG THỐNG:

Ông JOSEPH ESTRADA, là vị tổng thống thứ chín của Phi-líp-pin, một đất nước có 90 phần trăm theo đạo Công Giáo. Bản thân ông cũng là một tín hữu sùng đạo nên ông được đông đảo dân chúng ngưỡng mộ. Đối với họ, ông là vị lãnh đạo liêm chính, có nếp sống giản dị và quảng đại. Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông diễn ra không ồn ào và ít tốn kém. Ông lưu tâm đến người nghèo, đặc biệt là các cư dân ở vùng nông thôn hẻo lánh. Có lần ông đã khẳng định: “Tôi là vị tổng thống của người nghèo”. Nhưng rồi, chỉ sau một thời gian ngắn cầm quyền, niềm tin của dân chúng vào ông đã bị sụp đổ: Ông đã bị báo chí phanh phui tội tham nhũng, vì hàng tháng ông đã nhận tiền từ các sòng bài phi pháp trong nước, và đã nhắm mắt làm ngơ mặc cho họ bóc lột đám dân nghèo. Chính đồng tiền đã làm cho ông bị tối mắt và sói mòn lòng tin của dân chúng dành cho ông. Rồi sau cùng chính Đức Hồng Y James Sheen, Tổng Giám mục giáo phận Manila, cũng đã lên tiếng yêu cầu ông từ chức. Do tội tham nhũng mà ông đã bị mất hết uy tín không thể tiếp tục lãnh đạo đất nước.

2) TIỀN BẠC KHÔNG MUA ĐƯỢC HẠNH PHÚC:

Ngày 06.6.1976, tỷ phú Paul Getty qua đời, để lại một gia sản từ hai đến bốn tỷ đôla. Sau năm lần ly dị, ông đã tuyên bố với báo chí: Tôi muốn dùng tất cả gia tài của tôi để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng tôi đã thất bại vì không đạt được hạnh phúc gia đình. Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Trái lại, nó còn có liên hệ với những bất hạnh nữa.

Cơ quan vũ trụ Nasa của Mỹ đã từng tiết lộ: khi phi hành gia lần đầu tiên trên trái đất đặt chân lên mặt trăng, nhìn cảnh vật, ông ấy đã thốt lên “ Ôi, yên bình quá, ở đây không có tiền”.

Một cuộc sống đầy đủ không thể không có tiền, nhưng nhiều tiền chưa hẳn đã có hạnh phúc. Sự giàu sang không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người.

3) THÁI ĐỘ CỦA BÁC NÔNG DÂN ĐỐI VỚI TIỀN BẠC:

Một bác nông dân người Anh có dịp nghe JOHN WESLEY giảng thuyết. John Wesley là một nhà giảng thuyết nổi tiếng: hôm ấy ông giảng về việc sử dụng tiền của. Wesley bắt đầu bài giảng bằng tư tưởng; Phải ra công tích luỹ tối đa, phải dùng hết khả năng tìm cách làm giàu. Bác nông dân gật gù bảo người bạn ngồi bên cạnh: Đúng lắm! Rồi Wesley triển khai điểm thứ hai: Phải tiết kiệm tối đa. Ông lên án thói phung phí tiêu xài quá đáng. Bác nông dân xuýt xoa: bài giảng tuyệt vời! Cám ơn Chúa, mình vẫn sống tiết kiệm. Cuối cùng, nhà giảng thuyết đi tới điểm thứ ba: Phải chia sẻ tối đa. Hãy coi hoàn cảnh thiếu thốn của người chung quanh là thuộc trách nhiệm của mình. Nghe đến đây, bác nông dân lắc đầu rồi bỏ nhà thờ đi ra… vì ông ta không muốn chia sẻ tiền bạc của mình với tha nhân.

4) TINH THẦN KHÓ NGHÈO CỦA Đức Thánh Cha PHAN-XI-CÔ:

Đức Thánh Cha PHANXICÔ trong hơn hai năm trên cương vị Giáo hoàng đã nhiều lần cảnh báo về lối sống trưởng giả, đặc biệt nơi các linh mục, các Giám mục, và cả các Hồng Y. Sau khi đắc cử Giáo hoàng, dù không cần làm, Ngài cũng vẫn đến quầy tiếp tân của khu nhà nghỉ của các Hồng Y trong điện Vatican, để bỏ tiền túi ra trả tiền phòng giống như bao người khác. Khi còn là Hồng Y tại nước Ác-hen-ti-na, ngài vẫn sử dụng chiếc xe hơi cũ như một người nghèo. Trong bất cứ cuộc tông du nào, Ngài luôn sắp xếp thời gian đi thăm các khu nhà ổ chuột, đến các nhà tù hoặc những vùng dân cư nghèo khổ nhất, và Ngài gọi đó là vùng ven. Trong chuyến tông du tại Mỹ, Ngài đã từ chối bữa ăn sang trọng mà các nghị viên khoản đãi để đến dùng bữa với những người vô gia cư, những kiều dân khố rách áo ôm. Ngài cũng nói thẳng về hiện tượng một số vị mục tử đã sử dụng những chiếc xe hơi quá sang trọng và đắt tiền, những thứ đó chỉ dành cho giới thượng lưu tỉ phú. Đây là lối sống trưởng giả của một số vị mục tử mà Ngài đã nhiều lần đề cập. Khi nghe những điều này, nhiều đấng bậc trong giáo hội cũng bị chột dạ, đã đổi xe mắc tiền để đi xe khác rẻ tiền hơn. Cũng có vị Giám mục ở Hoa Kỳ đã bán toà giám mục sang trọng để mua một tòa nhà khác nhỏ bé giản dị hơn. Chắc chắn, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô không cổ vũ một lối sống nghèo khó bần cùng dẫn đến bất hạnh, nhưng Ngài tìm cách loại bỏ lối sống xa hoa nơi một số mục tử, vì nó không phù hợp với tinh thần nghèo khó của tám mối phúc, và làm mất đi giá trị Tin mừng tình thương cho người nghèo do Đức Giê-su rao giảng.

3. THẢO LUẬN:

1) Mỗi buổi tối trước khi nghỉ đêm, bạn hãy dành vài ba phút để tự vấn lương tâm như sau: Hôm nay tôi đã làm được việc nào hữu ích cho cha mẹ, chồng vợ hay một ai đó cần được trợ giúp hay không?

2) Để thực hành câu “mỗi ngày làm vui lòng ít là một người”, ngòai sự dốc quyết, chúng ta cần phải làm gì?

4. SUY NIỆM:

1) CẦN XÁC ĐỊNH THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TIỀN CỦA:

- Giá trị và cách sử dụng đồng tiền: Trong cuộc sống hằng ngày, tiền bạc luôn có giá trị và sức mạnh như người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được” và: “Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý…” Do đó, ngòai các tu sĩ được ơn kêu gọi dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong đời dâng hiến, nên cần phải sống siêu thoát bằng việc từ bỏ của cải vật chất như Đức Giê-su đề nghị chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Còn đối với các tín hữu, chúng ta cũng không cần bán đi tài sản để phân phát tất cả. Vì ai trong chúng ta cũng đều cần tiền để thỏa mãn những nhu cầu đi lại, ăn ở, may mặc, học hành, giải trí… và khỏi trở thành gánh nặng cho xã hội (x 2 Tx 3,8), để không bị vong thân, bán rẻ phẩm hạnh nếu rơi vào hoàn cảnh “khố rách áo ôm”, “chạy ăn từng bữa”… dễ làm liều như người ta thường nói: “Đói ăn vụng, túng làm liều”, “Bần cùng sinh đạo tặc!” …

- Tránh làm tôi hai chủ: Chúng ta cần tránh vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của (x. Lc 16,13). Người môn đệ Đức Giê-su sẽ không coi tiền bạc là ông chủ, nhưng coi nó là đầy tớ. Vì: “Đồng tiền sẽ là một ông chủ xấu, nhưng lại là người đầy tớ tốt”. Một khi xác định Thiên Chúa là mục đích và đồng tiền chỉ là phương tiện, thì bấy giờ đồng tiền sẽ giúp chúng ta làm được những việc lớn lao, giúp chu toàn sứ mệnh “Làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn” (thánh Inhaxiô Loyôla).

2) LÒNG THAM CỦA CẢI LÀ TRỞ NGẠI LỚN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI:

- Ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co giữa một bên là ước muốn nên thánh và bên kia là sức quyến rũ lôi kéo của tiền bạc và hưởng các tiện nghi do đồng tiền mang lại. Chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng hôm nay đã tuân giữ các giới răn, nhưng lại không vượt qua được lòng ham mê của cải và sự hưởng thụ nên đã từ chối chia sẻ tiền của cho người nghèo khó. Đức Giê-su đã coi lòng tham lam của cải chính là trở ngại cản bước anh đi theo làm môn đệ của Người.

- Như vậy, tiền của là ơn lành của Thiên Chúa ban và sẽ mang lại nhiều ích lợi cho con người nếu người ta biết cách sử dụng nó. Nó chỉ trở nên xấu nếu người ta sử dụng nó để hưởng thụ ích kỷ và không muốn chia sẻ giúp đỡ tha nhân nghèo khó bệnh tật. Cũng vì đồng tiền mà nhiều người đã chối bỏ đức tin, phớt lờ tiếng lương tâm cáo trách để làm những điều bất chính, tội lỗi… Đây là nguy cơ mà bất cứ ai cũng đều có thể mắc phải. Lòng tham tiền bạc đã biến thành con lạc đà to lớn khiến người ta không thể chui lọt qua lỗ kim để vào được Nước Trời (x. Mt 19,24).

3) THÁI ĐỘ PHẢI CÓ ĐỐI VỚI TIỀN BẠC CỦA MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU:

- Trong cuộc sống đời thường, tiền bạc cũng như mọi thứ khác đều có thể phát sinh lợi ích nếu người ta biết sử dung chúng như có người đã nói:

« Một đồng tiền mang ra kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi.

Một ánh lửa được chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan.

Một vết dầu được thả vào chất lỏng là một vết dầu loang xa.

Đôi môi ta có mở ra thì mới có được nụ cười.

Bàn tay ta có chia sẻ thì tâm hồn mới có được niềm vui và hạnh phúc. »

- Về phạm vi thiêng liêng, Tin Mừng hôm nay cũng ghi lại Lời Chúa dạy: hãy biết sử dụng tiền của để mang lại ích lợi thực sự cho mình bây giờ và mai sau. Chúa Giê-su không bảo chàng thanh niên giàu có hãy vứt bỏ gia sản đang chiếm hữu, nhưng Người muốn anh biến gia sản thành đồng tiền vật chất và quảng đại chia sẻ đồng tiền đó cho những người nghèo khổ bất hạnh. Thái độ đó chính là điều kiện để anh ta trở nên môn đệ đích thật của Người: “Hãy đi bán những gì anh có mà phân phát cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).

4) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?

- Đức Giê-su luôn mời gọi các môn đệ hãy sống khiêm hạ nghèo khó thể hiện qua thái độ coi thường tiền bạc vật chất để sống siêu thoát giống như Người. Vì “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì” (Mt 16,26). Những ai sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khổ bất hạnh… cũng được kể đã làm cho chính Người: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Khi chúng ta quảng đại chia sẻ của cải mình có cho người khác, thì Thiên Chúa cũng sẽ ban lại ân sủng nhiều hơn gấp bội cho chúng ta như lời Chúa: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em bằng cái đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng cái đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng cái đấu ấy” (Lc 6,38).

- Bước theo Đức Giê-su hôm nay đòi chúng ta phải bỏ mình mỗi ngày trong suốt cuộc đời: “ Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình hàng ngày mà theo tôi”. Mỗi người chúng ta đều được Chúa kêu gọi hãy từ bỏ lòng tham của cải bất chính, bỏ đi thói ham hưởng thụ khoái lạc… để được thuộc về Chúa. Hãy loại trừ lối sống đạo vụ hình thức bề ngoài, đọc kinh dự lễ theo thói quen mà thiếu xác tín, thiếu tâm tình mến Chúa, thiếu nhiệt tình làm chứng cho Chúa. Mỗi người hãy luôn quên mình để sống vị tha bác ái noi gương Đức Giê-su, hầu nên môn đệ thực sự của Người và chu toàn được sứ mệnh loan báo Tin Mừng, giúp nhiều người nhận biết tin yêu Chúa để được gia nhập vào Nước Trời và được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau.

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su.

Xin tha thứ cho những lần lẽ ra con phải mở lòng giúp đỡ tha nhân đang cần trợ giúp, nhưng vì ích kỷ, nên con đã bỏ qua không làm.

Xin tha thứ cho những lần lẽ ra con phải sẵn lòng hy sinh cho anh em, nhưng vì sợ bị phiền hà, nên con đã cố tình nhắm mắt làm ngơ.

Xin tha thứ cho những lần lẽ ra con phải quảng đại giúp đỡ một người bạn thân đang cần được trợ giúp, nhưng con lại so đo tính toán, và đã khéo léo từ chối.

Lạy Chúa. Xin tha thứ cho mọi lỗi lầm thiếu sót của con, và xin đổ tràn tình yêu bao dung của Chúa vào lòng trí con, để sau khi nghe lời Chúa dạy hôm nay, con quyết tâm sẽ dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu, hầu đến giờ chết, khi bị mất hết tiền bạc, con sẽ được Chúa đón nhận vào Thiên đàng hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Một khởi đầu mới mẻ
Lm. Minh Anh
22:52 06/10/2021

MỘT KHỞI ĐẦU MỚI MẺ

Nếu tháng 5 có hoa mùa hạ, thì tháng 10 có ‘hoa mùa thu’. Đó là những cánh hoa muôn sắc và những kinh Kính Mừng sốt sắng mà các Kitô hữu trên khắp thế giới có thể dâng lên người Mẹ quyền uy của mình bốn mùa xuân hạ thu đông; cách đặc biệt, trong tháng Hoa và tháng Mân Côi.

Kính thưa Anh Chị em,

Kinh Mân Côi là lời kinh mời gọi chúng ta chiêm ngắm sự ra đời, sự sống, cái chết, sự phục sinh và cuộc lên trời của Chúa Giêsu; cùng sự giáng lâm của Chúa Thánh Thần ngày Lễ Ngũ Tuần; cũng như về sự khổ đau và hiển vinh của Mẹ Maria trong các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, một người mẹ quan trọng của ‘một khởi đầu mới mẻ’ mà Thiên Chúa đã dự liệu. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày hai trong số các mầu nhiệm chúng ta suy gẫm qua chuỗi Mân Côi.

Bài đọc Tin Mừng được tóm kết trong mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Vui, “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”; đang khi bài đọc Công Vụ Tông Đồ là phần mở đầu cho câu chuyện “Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống”, mầu nhiệm thứ ba của Năm Sự Mừng. Các tông đồ liên lỉ cầu nguyện cùng Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu và các thành viên khác trong gia đình của Ngài khi họ cùng chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần.

Trong biến cố truyền tin, Thiên Chúa quyền năng cúi mình trước một thiếu nữ Nazareth để xin cô cộng tác vào công trình cứu độ, Mẹ Maria được sứ thần cho biết, “Thánh Thần sẽ đến trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà!”. Như một cuộc sáng tạo mới, Gabriel loan báo một ‘Lễ Hiện Xuống’ cho riêng cá nhân Đức Mẹ; Chúa Thánh Thần là tác nhân không thể thiếu vào thời điểm bắt đầu mới mẻ quan trọng này, thời điểm của một cuộc tạo dựng mới; cũng như vào buổi đầu Sáng Thế, Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước.
Bài đọc Công Vụ Tông Đồ phản ánh một khoảnh khắc khác của ‘một khởi đầu mới mẻ’, sự khởi đầu của Giáo Hội. Một lần nữa, vai trò của Chúa Thánh Thần lại được xác định vào giây phút thứ hai của ‘một khởi đầu mới mẻ’ này; và cũng một lần nữa, giây phút thứ hai này lại liên quan đến Đức Maria. Như vậy, dẫu đã có một ‘Lễ Hiện Xuống’ của riêng mình trong ngày truyền tin, Mẹ Maria còn có một Lễ Hiện Xuống khác khi Mẹ hiện diện với tông đồ đoàn, và cộng đồng tín hữu Giáo Hội sơ khai. Để về sau, Mẹ có thể xứng danh với các tước hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ”; và gần đây, “Đức Mẹ Hội Thánh”; cũng như từ xa xưa, “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu!”.

Anh Chị em,

Sống lại những khoảnh khắc của ‘một khởi đầu mới mẻ’ trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, Giáo Hội như muốn mời gọi từng người trong chúng ta hãy cùng Mẹ Maria, bắt đầu ‘một khởi đầu mới mẻ’ trong cuộc sống của chính mình; một cuộc sống vốn sẽ được biến đổi nhờ ân sủng của Thiên Chúa như Đức Mẹ đã được biến đổi. Điều này mới nghe qua, xem ra có vẻ như không tưởng! Thế nhưng, “Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”. Chúng ta định nghĩa chuỗi Mân Côi là sợi dây yêu thương, sợi dây rút, trút xuống ơn trời; sợi dây gỡ được mọi nút thắt, sợi dây nối kết trời đất; là vũ khí thiêng liêng, là linh dược chữa các căn bệnh của thời đại… Đúng thế, Thiên Chúa đã làm bao điều trọng đại cho những ai kêu cầu Ngài và Mẹ Chí Thánh của Con Một Ngài qua chuỗi Mân Côi. Vậy, cả chúng ta, hôm nay, hãy bắt đầu đọc kinh Mân Côi trong gia đình, trong khi đi đường, khi làm việc… Chính những giây phút môi miệng mấp máy kinh Kính Mừng, ‘lời kinh của sứ thần’, Chúa Thánh Thần sẽ tác động trên tâm trí chúng ta; và Ngài lại có thể khởi sự ‘một khởi đầu mới mẻ’ dù thoạt đầu có thể rất nhỏ bé, trước hết trong tâm hồn mỗi người, trong gia đình, trong cộng đoàn; và sau đó trong cả nhân loại. Để từ đó, như Đức Mẹ, mọi người có thể cất lên thánh ca Samuel hôm nay, “Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sẵn sàng cho những khoảnh khắc của ân sủng Chúa muốn trên con, như đã muốn trên Mẹ. Xin giúp con dám có ‘một khởi đầu mới mẻ’ bằng việc thanh tẩy chính mình, lánh xa các dịp tội; hầu có thể ngoan ngoãn bước theo tiếng gọi của Thánh Thần”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican vinh danh người Mỹ nhiều năm tháp tùng các tử tù
Đặng Tự Do
04:57 06/10/2021


Dale Recinella, người đã tháp tùng cùng với những người bị tử hình đến phòng hành quyết, cho biết anh ta và vợ có “nhiều đứa con đỡ đầu” là các tử tù được họ rửa tội.

Dale Recinella, một luật sư đã tìm thấy ơn gọi thứ hai của mình là mục vụ tù nhân. Ông đã phục vụ hơn hai thập kỷ tại Nhà tù Bang Florida ở Raiford, nơi có số tử tù lớn thứ hai ở Hoa Kỳ.

Khi nhận vinh dự ở Rome tuần này, Recinella nói rằng giải thưởng là một lời tuyên bố cho những người nam nữ đang chờ hành quyết rằng “cuộc sống của họ quan trọng như thế nào”.

Anh ta nói rằng anh ta và vợ mình, Susan, có nhiều “đứa con đỡ đầu” khi rửa tội cho các tử tù. Recinella, 69 tuổi, nói rằng một phóng viên từng hỏi một tử tù tại sao anh ta muốn trở thành một người Công Giáo, và người này trả lời: “Tôi muốn thuộc về một Giáo hội, đã muốn thuộc về tôi”.

Khi Recinella đặt câu hỏi tương tự, nhiều tù nhân trả lời, “Bởi vì đó là Giáo hội chào đón tôi.”

Recinella đã cung cấp tư vấn tâm linh, tài liệu và giảng dạy cho các tù nhân đang chờ hành quyết theo lịch trình tại nhà tù bang Florida. Ông đã hỗ trợ trong việc chuẩn bị tinh thần cuối cùng vào ngày hành quyết, đồng hành để gửi lời tạm biệt cuối cùng đến gia đình và những người thân yêu, hiện diện với những người bị kết án tại cuộc hành quyết, và hỗ trợ mục vụ cho gia đình của người bị kết án trong khi tử tù chờ chết và sau khi đã bị hành quyết.

Vợ của Recinella đã làm việc với anh ta trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình tù nhân trong các cuộc hành quyết, phân phát Thánh Thể và các bí tích tại phòng giam, các dịch vụ cầu nguyện và giảng dạy cho các tù nhân.

Ông nói với Catholic News Service rằng các tử tù không thể rời khỏi phòng giam của họ, thậm chí để đến nhà nguyện, vì vậy Giáo hội phải đến với họ. Ông đã cung cấp dịch vụ cố vấn tâm linh cho các tù nhân thông qua các cuộc hẹn mục vụ trực tiếp được thực hiện trong các phòng đặc biệt do quản lý nhà tù cung cấp. Điều này bao gồm tư vấn tâm linh cuối đời và các dịch vụ mục vụ tại giường khi các tù nhân mắc bệnh nan y được chuyển từ phòng giam tử tù đến Trung tâm Y tế Khu vực của Bộ Cải huấn Florida.

Recinella có bằng Thạc sĩ Thần học Mục vụ tại Đại học Ave Maria, đã được Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ chứng nhận là Tuyên úy Công Giáo và được Đức Giám Mục St. Augustine bổ nhiệm. Ông đã giảng dạy trong Chương trình mục vụ tù nhân tại Đại học St. Leo ở Tampa, St. Petersburg.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật tại Đại học Notre Dame vào năm 1976, ông bắt đầu sự nghiệp luật sư, kết thúc là luật sư cấp cao của văn phòng luật sư Ruden McClosky ở Tallahassee. Năm 1996, ông chuyển đến Rôma để trở thành giám đốc phát triển nhân viên của Baker & McKenzie. Sau đó, ông chuyển sang lĩnh vực giáo dục, giảng dạy các chương trình MBA tại các cơ sở ở Rome cho cả Đại học Temple và Đại học St. John.

Từ tháng 8 năm 1998, ông trở thành tuyên úy Công Giáo cho tử tù ở Tallahassee, Florida.
Source:Aleteia
 
Đức Giáo Hoàng kêu cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ nước Pháp khi quá trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà bắt đầu
Đặng Tự Do
04:58 06/10/2021


Hôm 29 tháng 9 lễ kính các thánh tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu cầu Thánh Michael đặc biệt quan tâm đến nước Pháp.

Một khúc sồi của một trong hàng ngàn cây sồi để sử dụng cho nhà thờ đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Tôi kêu cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Đấng bảo trợ nước Pháp, hãy cầu bầu cho đất nước của anh chị em, giữ cho đất nước trung thành với cội nguồn của nó, và dẫn dắt người dân trên con đường đoàn kết và đoàn kết hơn bao giờ hết,” Đức Thánh Cha nói.

Một biểu tượng của nguồn gốc Kitô Giáo

Một phái đoàn gồm sáu thượng nghị sĩ Pháp thuộc nhóm hữu nghị Pháp-Vatican đã tham dự buổi tiếp kiến chung. Khi kết thúc bài giáo lý của mình, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ ngắn với các vị.

Chủ tịch của nhóm hữu nghị này, Thượng nghị sĩ Dominique de Legge, đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một khúc gỗ sồi được cắt để tái thiết ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris.

Thượng nghị sĩ nói với tờ I.Media : “Tôi đã nói với Đức Thánh Cha rằng ngôi thánh đường này là biểu tượng của nguồn gốc Kitô Giáo của Pháp và cũng là sự đổi mới của đất nước chúng tôi. Đức Thánh Cha có vẻ cảm động trước sáng kiến này.”

Ông đã nhân cơ hội này để mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến dự lễ mở cửa lại nhà thờ chính tòa Paris, dự kiến vào năm 2024. Về vấn đề này, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo chưa đưa ra câu trả lời.

Có kế hoạch là nhà thờ sẽ được xây dựng lại như trước khi xảy ra trận hỏa hoạn năm 2019.

Có đến 1,000 cây sồi đã được chọn từ khắp nước Pháp để làm khung của ngọn tháp. Một số cây cao tới 60 feet, được trồng cách đây hàng trăm năm đã được chọn.
Source:Aleteia
 
Kết quả phiên tòa xét xử Hồng Y Becciu ngày 6 tháng 10
Đặng Tự Do
15:41 06/10/2021


Hôm thứ Tư 6 tháng 10, chánh án tại phiên tòa xét xử 10 người bị cáo buộc các tội phạm tài chính ở Vatican, trong đó có Hồng Y Becciu, đã ra lệnh cho công tố cấp cho các luật sư bào chữa quyền tiếp cận nhiều hơn với các bằng chứng, và thẩm vấn các bị cáo về các chủ đề đang gây tranh cãi.

Chánh án Giuseppe Pignatone đã đáp lại một đề nghị bất ngờ mà công tố đưa ra hôm thứ Ba, trong đó bên công tố thừa nhận những điểm yếu trong tiến trình điều tra của mình và cho biết họ sẵn sàng quay trở lại giai đoạn điều tra để giải quyết các thiếu sót mà bên bào chữa tranh cãi.

Phiên tòa chủ yếu xoay quanh việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một tòa nhà thương mại và dân cư tại số 60 Đại lộ Sloane ở Nam Kensington của London, một trong những quận giàu có nhất ở thủ đô nước Anh.

Chánh án Pignatone đã ra lệnh cho bên công tố cấp cho các luật sư bào chữa quyền truy cập vào các tài liệu, bằng chứng, video thẩm vấn còn lại và các tài liệu khác trước ngày 3 tháng 11 và hoãn phiên tòa cho đến ngày 17 tháng 11.

Các luật sư bào chữa cho biết họ hài lòng với phán quyết và cho biết họ sẽ thúc ép công tố phải thẩm vấn các thân chủ của mình về các chủ đề chưa được đề cập trước khi bản cáo trạng được công bố vào ngày 3 tháng 7.

Bằng cách ấn định ngày tiếp tục phiên tòa, Chánh án Pignatone đã bác bỏ một cách hiệu quả yêu cầu của bên bào chữa muốn hủy bỏ bản cáo trạng dài 500 trang sau khi bên công tố thừa nhận có các thiếu sót pháp lý. Việc huỷ bỏ bản cáo trạng này có thể giết chết phiên tòa hiện tại.

Các luật sư bào chữa giờ đây sẽ có thể xem video về năm cuộc thẩm vấn Đức ông Alberto Perlasca, một cựu quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người đầu tiên là nghi phạm và sau đó là nhân chứng chính trong vụ truy tố. Cho đến nay họ chỉ có quyền truy cập vào các bản tóm tắt bằng văn bản.

Perlasca là nhân chứng chính trong vụ kiện chống lại bị cáo nổi tiếng nhất, Hồng Y Angelo Becciu, một quan chức Vatican quyền lực một thời.

Bên công tố đã buộc tội Hồng Y Becciu, các cựu quan chức hoặc nhân viên khác của Vatican và những người trung gian bên ngoài có liên quan đến vụ tham ô, lạm dụng chức vụ và gian lận, cùng các tội danh khác. Họ đều phủ nhận có hành vi sai trái.

Hồng Y Becciu cũng bị cáo buộc uy hiếp nhân chứng và các luật sư của ngài cho biết họ hy vọng rằng việc xem băng sẽ hỗ trợ thêm cho yêu cầu của họ về việc loại bỏ cáo buộc đó.

Các khoản đầu tư ở London đã làm Tòa Thánh thiệt hại đến 350 triệu Euros và phải gánh chịu những gì mà Đức Hồng Y George Pell, cựu tổng trưởng Bộ Kinh Tế, nói với Reuters năm ngoái là các “thiệt hại to lớn” về nhiều mặt, đặc biệt là uy tín.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã loại Hồng Y Becciu khỏi chức vụ cuối cùng của ngài tại Vatican vào năm 2020 vì các cáo buộc mà ngài đang bị xét xử.


Source:Reuters
 
Bản báo cáo về tội lỗi lạm dụng trong Giáo hội Pháp qua nhiều thập kỷ
Đặng Tự Do
15:42 06/10/2021


Một ủy ban độc lập đã phát hiện ra nhiều vụ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo tại Pháp trong bảy thập kỷ qua, và đưa ra những lời kêu gọi cải cách.

Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt theo tiếng Pháp là CIASE đã bắt đầu hoạt động cách đây ba năm theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Các Bề Trên Thượng Cấp. Chúng tôi xin nhắc lại chi tiết này một lần nữa: Ủy ban này hoạt động độc lập NHƯNG DO CHÍNH CÁC GIÁM MỤC PHÁP và HỘI ĐỒNG CÁC BỀ TRÊN CÁC DÒNG TU THÀNH LẬP nhằm tìm hiểu một cách khách quan thực trạng của tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.

Hôm thứ Ba 5 tháng 10, Ủy ban đã đưa ra một báo cáo dài 500 trang, kèm theo khoảng 2,000 trang tài liệu hỗ trợ. Ủy ban ước tính có khoảng 330,000 nạn nhân, trong đó có khoảng 216,000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Con số cao như thế là ước tính cả các nạn nhân tiềm năng, tức là những người có thể đã bị lạm dụng nhưng không báo cáo. Nói cụ thể là như thế này, ủy ban đã xác định được 2,700 nạn nhân lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 thông qua các cuộc phỏng vấn và 4,800 người khác thông qua nghiên cứu lưu trữ. “Từ đó, Ủy ban đã làm việc với một cơ quan thăm dò ý kiến và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp để ước tính tổng số nạn nhân có tiềm năng bị các giáo sĩ lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2020, ở mức 216,000. Ủy ban ước tính có khoảng 3,200 kẻ đã thực hiện những hành vi lạm dụng đó.”

CIASE cho biết 2/3 số kẻ lạm dụng là các linh mục và tu sĩ, số còn lại là giáo dân làm việc cho Giáo hội. Khoảng 80% nạn nhân là trẻ em trai, chủ yếu là trẻ em từ 10 đến 13 tuổi.

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch của ủy ban, cho biết trong một cuộc họp báo ở Paris hôm thứ Ba: “Giáo hội đã không nhìn thấy hoặc không nghe thấy, không nhận được các tín hiệu yếu ớt, không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt cần thiết. Trong nhiều năm, Giáo hội đã thể hiện ‘sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân’,” ông nói.

Sauvé chỉ ra rằng phản ứng của Giáo hội đối với tội lỗi lạm dụng tình dục bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2000. “Rõ ràng là tình thế đã có những tiến bộ trong 70 năm qua,” ông nói. “Nhưng một điểm chính là, cho đến đầu những năm 2000, Giáo Hội đã thể hiện sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân. Tất nhiên, một sự thay đổi đã được khởi xướng từ những năm 2000 với sự bất khoan nhượng, lên án các hành vi lạm dụng trẻ em, v.v., nhưng chính sách đã chậm được đưa ra”.

Báo cáo cho biết hơn một nửa số vụ lạm dụng xảy ra từ năm 1950 đến 1969. “Các vụ lạm dụng tính dục giảm dần từ năm 1970 đến 1990, thời kỳ ơn gọi linh mục và ảnh hưởng của Giáo hội cũng giảm xuống, và sau đó đạt đến một mức không đổi kéo dài cho đến ngày nay”.

Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort của tổng giáo phận Reims, nhận xét tại cuộc họp báo: “Tôi bày tỏ sự xấu hổ, nỗi sợ hãi, và quyết tâm hành động với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục để thái độ từ chối không nghe, không thấy không xảy ra nữa, để ao ước muốn che dấu, và sự miễn cưỡng công khai lên án biến mất khỏi thái độ của các nhà chức trách Giáo Hội, các linh mục và mục tử, cũng như tất cả các tín hữu”.

Gọi quy mô của tội lỗi lạm dụng là “kinh khủng”, Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng tiếng nói của các nạn nhân “khiến chúng ta xúc động sâu sắc. Số lượng của các vụ lạm dụng tính dục khiến chúng ta choáng ngợp. Nó vượt xa những gì chúng ta có thể đã tưởng tượng ra”.

Ủy ban được thành lập vào năm 2018 bởi Hội đồng Giám mục Pháp và Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, để đáp ứng với ngày càng nhiều các tuyên bố lạm dụng tình dục trong lịch sử. Ủy ban đã nghiên cứu hồ sơ của Giáo hội, tòa án và cảnh sát cũng như các báo cáo trên phương tiện truyền thông và nghe từ khoảng 6,500 người - cả nạn nhân và những người thân cận với họ.

Sơ Véronique Margron, Chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, bày tỏ “nỗi buồn vô hạn” và “sự xấu hổ sâu xa” của mình khi đối mặt với điều mà sơ gọi là “tội ác chống lại nhân loại.”

Hai trong số các tội danh bị cáo buộc, vẫn có thể khởi kiện, đã được chuyển cho các công tố viên Pháp. Bốn mươi trường hợp đã hết thời hiệu nhưng các thủ phạm được cho là vẫn còn sống, đã được gửi đến các quan chức của Giáo hội.

Khuyến nghị

Ủy ban đã đưa ra 45 khuyến nghị để cải cách, bao gồm sửa đổi Bộ Giáo luật, cải thiện sự phân định và đào tạo cho các chủng sinh, và thiết lập các hoạt động nhìn nhận cụ thể như việc cử hành các nghi lễ công cộng, cử hành phụng vụ tưởng nhớ những đau khổ đã gây ra, tưởng niệm các nạn nhân và sự đau khổ của họ, v.v..

Một sửa đổi đối với Giáo luật sẽ có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, sẽ chuyển tội lỗi tấn công tình dục từ loại tội lỗi chống lại sự khiết tịnh sang loại tấn công vào tính mạng và phẩm giá của con người.

Sauvé, một quan chức cấp cao của Pháp và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết: “Đó là bước đầu tiên”.

Nhưng CIASE khuyến nghị đi xa hơn nữa, yêu cầu Giáo hội xác định trong giáo luật “tất cả các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc một người dễ bị tổn thương, nêu bật các yếu tố cấu thành của mỗi tội, các tội danh và các hình phạt tương ứng.” Mục tiêu là “để tăng tính dễ hiểu của luật này, đưa ra mức độ nghiêm trọng của các vi phạm,” và “để hài hòa việc giải thích các tiêu chuẩn tham chiếu”.

Ủy ban cũng đề nghị xem lại câu hỏi về Ấn tín bí tích Giải tội, là nghĩa vụ mà một linh mục phải giữ bí mật mọi điều đã được biết trong tòa giải tội. Luật dân sự của Pháp tôn trọng điều đó, nhưng CIASE lập luận rằng nghĩa vụ pháp lý báo cáo bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc những người dễ bị tổn thương được ưu tiên hơn nghĩa vụ giữ bí mật.

Báo cáo khuyến nghị rằng Giáo hội nên giải quyết “những tình huống khó xử về đạo đức và thậm chí cả thần học có thể là kết quả của sự xung đột” giữa hai nghĩa vụ này.
Source:Aleteia
 
Phản ứng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với báo cáo về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ Pháp
Đặng Tự Do
15:43 06/10/2021


Hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn của mình về một báo cáo sâu rộng về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Pháp được công bố một ngày trước đó. Ngài gọi đây là “khoảnh khắc xấu hổ” đối với Giáo Hội Công Giáo và kêu gọi các giới chức Giáo hội bảo đảm sự an toàn của mọi người được giao phó cho sự chăm sóc của họ.

Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung ngày 6 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Nam Nữ Tu Sĩ Pháp “đã nhận được một báo cáo từ một ủy ban độc lập về nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội nhằm đánh giá mức độ của hiện tượng tấn công và bạo lực tình dục được thực hiện đối với trẻ vị thành niên từ năm 1950”.

“Thật không may, có một số lượng đáng kể,” Đức Thánh Cha nói, và không chỉ nói lên “nỗi buồn và nỗi đau” của mình đối với các nạn nhân vì những tổn thương mà họ đã phải chịu đựng, mà còn là “sự xấu hổ; sự xấu hổ của chúng ta, sự xấu hổ của tôi, vì Giáo hội đã bất lực quá lâu không đặt họ vào trung tâm của mối quan tâm của mình”.

Đức Thánh Cha bảo đảm với các nạn nhân những lời cầu nguyện của ngài.

“Tôi cầu nguyện và tất cả chúng ta hãy cùng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin danh Chúa được cả sáng, xin cho chúng con biết xấu hổ. Đây là một khoảnh khắc đáng xấu hổ”.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra một ngày sau khi bản báo cáo dài 2,500 trang được công bố. Phúc trình này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 4 năm về tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ Pháp.

Báo cáo được công bố vào ngày 5 tháng 10 cho thấy ước tính có khoảng 330.000 trẻ em - khoảng 80% trong số đó là trẻ em trai - là nạn nhân của lạm dụng tình dục của khoảng 3,000 linh mục và tu sĩ Pháp trong suốt 70 năm qua.

Bản báo cáo dài 2,500 trang cũng cho thấy nhiều thập kỷ các giới chức của Giáo hội đã che đậy có hệ thống.

Sau khi báo cáo được công bố, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: “Đức Thánh Cha đã được thông báo về việc công bố phúc trình CIASE, nhân dịp cuộc gặp gỡ trong những ngày trước đây với các giám mục Pháp, về Roma thăm Tòa Thánh. Nay với sự đau lòng, ngài được biết nội dung phúc trình.”

“Đức Thánh Cha nghĩ tới trước tiên các nạn nhân, với sự đau buồn vô biên vì những vết thương của họ và biết ơn vì họ đã có can đảm tố giác. Ngài cũng nghĩ đến Giáo hội tại Pháp, để sau khi ý thức về thực tại kinh khủng này và hiệp với đau khổ của Chúa vì các con cái dễ bị tổn thương nhất của Người, Giáo hội có thể khởi sự con đường cứu chuộc.”

“Qua kinh nguyện, Đức Thánh Cha phó thác cho Thiên Chúa dân Chúa tại Pháp, đặc biệt là các nạn nhân. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và an ủi, và để trong sự công bằng, Giáo hội Pháp có thể thực hiện phép lạ chữa lành”.

Phát biểu của Đức Phanxicô hôm thứ Tư là lần đầu tiên ngài nói về bản báo cáo bằng chính giọng nói của mình.

Trong lời phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu và những người hành hương có mặt “chia sẻ trong thời điểm này” nỗi xấu hổ và đau khổ trong Giáo Hội, và ngài khuyến khích các giám mục, các vị bề trên các dòng tu “tiếp tục nỗ lực để những bi kịch tương tự không được lặp lại. “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khép lại buổi tiếp kiến của mình, bày tỏ sự gần gũi và ủng hộ của mình đối với các linh mục của Pháp “đối mặt với con đường khó khăn nhưng lành mạnh này, và tôi mời những người Công Giáo Pháp nhận trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm rằng Giáo hội là ngôi nhà an toàn cho tất cả mọi người”.

Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 10, Hồng Y Sean O'Malley ở Boston, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, do Đức Thánh Cha Phanxicô lập ra để tư vấn cho ngài về cuộc chiến chống lạm dụng giáo sĩ, đã gọi báo cáo của Pháp là “một bản cáo trạng” về những thất bại của những người lãnh đạo trong Giáo hội.

“Lịch sử lạm dụng không được kiểm soát này kéo dài qua nhiều thế hệ thách thức sự hiểu biết của chúng ta về việc những người vô tội có thể phải chịu đựng khủng khiếp như thế nào và tiếng nói của họ đã bị bỏ qua trong một thời gian dài,” ngài nói.

Đức Hồng Y O'Malley nói thêm, “Giáo Hội không được thất bại trong cam kết tìm kiếm sự chữa lành và công lý cho những người sống sót.”

Ngài ca ngợi những nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo ở Pháp để vừa thừa nhận vấn đề vừa thực hiện những bước đầu tiên để chữa lành.

Ngài nhấn mạnh “Chúng ta không thể để một người bị lạm dụng tính dục không được công nhận, hoặc một người có nguy cơ bị lạm dụng bởi một thành viên của Giáo hội,” và lưu ý rằng vẫn còn “một con đường dài phía trước” khi đối mặt với vấn đề giáo sĩ lạm dụng, và, khi Giáo hội tiến lên, việc bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương phải là “ưu tiên cao nhất của chúng ta”.


Source:Crux
 
Những cuộc tấn công vào các tín hữu Kitô ở Nigeria đã lên đến mức ‘diệt chủng’
Đặng Tự Do
15:53 06/10/2021


Một linh mục Công Giáo đã mô tả các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật tuần trước vào các ngôi làng ở Bang Kaduna phía bắc Nigeria là một “cuộc thảm sát” chống lại người dân địa phương, nhiều người trong số họ là các tín hữu Kitô.

Ước tính có khoảng 49 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công kéo dài hai giờ của người chăn Hồi Giáo Fulani, kéo đến “rất đông và bắt đầu bắn vào bất cứ thứ gì trong tầm nhìn”.

“Chúng tôi đã thống kê được 30 thi thể thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, 3 người vẫn mất tích, trong khi 5 người đang được điều trị tại bệnh viện”.

Vị linh mục nói rằng ít nhất 20 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong vụ tấn công.

Nigeria đã và đang trải qua tình trạng mất an ninh ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2009, khi Boko Haram, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất châu Phi, phát động một cuộc nổi dậy tìm cách biến quốc gia đông dân nhất châu Phi thành một nhà nước Hồi giáo.

Nhóm này đã tổ chức các cuộc tấn công khủng bố bừa bãi vào nhiều mục tiêu, bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị, cũng như dân thường.

Tình hình càng thêm phức tạp do sự tham gia của những người chăn gia súc chủ yếu là người Hồi giáo Fulani, còn được gọi là Dân quân Fulani, những người thường xuyên đụng độ với nông dân Kitô Hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ tấn công, trong một lời kêu gọi được đưa ra vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm 28 tháng 9.

Ngài nói: “Tôi đã nhận được với nỗi buồn về tin tức của các cuộc tấn công vũ trang vào Chúa Nhật tuần trước nhằm vào các làng Madamai và Abun, ở miền bắc Nigeria”.

“Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người bị thương, và cho toàn bộ người dân Nigeria. Tôi hy vọng rằng sự an toàn của mọi người dân có thể được bảo đảm trên đất nước này”.

Các ngôi làng khác ở Bang Kaduna cũng bị tấn công vào tối ngày 26 tháng 9 và rạng sáng ngày 27 tháng 9, dẫn đến nhiều người chết, bị thương và bắt cóc.
Source:Catholic News Agency
 
Thống đốc Michigan phủ quyết tài trợ cho các lựa chọn thay thế cho phá thai
Đặng Tự Do
15:54 06/10/2021


Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer vào hôm thứ Tư đã phủ quyết khoản tài trợ trị giá 16 triệu đô la cho các giải pháp thay thế cho việc phá thai, khiến Hội Đồng Giám Mục Công Giáo của tiểu bang phải lên tiếng bày tỏ sự bất bình.

David Maluchnik, Phó Giám đốc Truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Michigan, cho biết: “Quyết định phủ quyết của Thống đốc Whitmer đã khuếch đại thực tế đáng thất vọng của chính quyền này rằng ngành công nghiệp phá thai quan trọng hơn những bà mẹ dễ bị tổn thương và những đứa con chưa chào đời của họ.”

Ông nói: “Cho đến nay, Whitmer đã hai lần phủ quyết những khoản tài trợ của nhà nước dùng để bảo đảm các bà mẹ mang thai khó khăn nhận được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần và phúc lợi trong suốt thời kỳ mang thai và trong suốt năm đầu tiên của đứa trẻ,” ông nói, và nhắc lại việc Whitmer phủ quyết các tài trợ tương tự vào năm 2019.

“Trước thái độ phủ quyết của Thống đốc Whitmer, cộng đồng ủng hộ sự sống và tất cả những người có thiện chí cần được củng cố cả về tinh thần và trái tim để cầu nguyện và làm việc chăm chỉ hơn trước đây để bảo vệ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi cái chết tự nhiên”.

Theo Detroit Free Press, các khoản tài trợ bị phủ quyết vào ngày 29 tháng 9, bao gồm 10 triệu đô la để phát triển “tài liệu thông tin giáo dục thực tế về việc nhận con nuôi như một biện pháp thay thế cho phá thai”; 1.5 triệu đô la cho các trung tâm hỗ trợ thai nghén; 1 triệu đô la cho các dịch vụ mang thai và nuôi dạy con cái tại các trường cao đẳng và đại học; và 50,000 đô la cho bộ y tế để thông báo cho công chúng rằng họ không sử dụng đô la của người đóng thuế để tài trợ cho bất kỳ hoạt động phá thai tự chọn nào.

Whitmer cũng đã bác bỏ khoảng 700,000 đô la trong ngân sách Michigan dự định hỗ trợ mang thai và nuôi dạy con cái thông qua Real Alternatives, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Pennsylvania, từ năm 1996 đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho phụ nữ mang thai về các lựa chọn thay thế cho việc phá thai, cũng như trợ giúp vật chất như sữa bột và tã lót cho em bé. cho các bà mẹ đến 12 tháng sau khi sinh.

Chương trình này đã mở rộng hoạt động sang Michigan bắt đầu từ tháng 6 năm 2014, hoạt động chủ yếu thông qua các chi nhánh của Tổ chức bác ái Công Giáo địa phương, với sự hỗ trợ của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Michigan.

Theo ước tính của Real Alternatives, chương trình Michigan đã phục vụ 8,240 phụ nữ với 31,958 lượt hỗ trợ kể từ năm 2014. Tiểu bang đã trích 3.3 triệu đô la cho chương trình kể từ khi bắt đầu.

Michigan ghi nhận gần 30,000 ca phá thai được thực hiện vào năm 2020, nhiều nhất ở bang này kể từ năm 1996, nhưng vẫn ít hơn 40% so với mức cao nhất là 49,000 ca vào năm 1987.
Source:Catholic News Agency
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thư gửi tín hữu Galát: Chúa Giêsu Kitô đã giải phóng chúng ta
Vũ Văn An
17:07 06/10/2021


Theo VaticanNews, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về thư gửi tín hữu Galát tại buổi yết kiến chung thứ Tư, ngày 6 tháng 10. Trong bài giáo lý hôm nay diễn ra tại Đại sảnh Phaolô VI, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Kitô giải phóng chúng ta. Sau đây là trọn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay, chúng ta lại suy gẫm về Thư gửi tín hữu Galát, trong đó Thánh Phaolô đã viết những lời bất hủ về quyền tự do của Kitô hữu. Quyền tự do của Kitô hữu là gì? Hôm nay, chúng ta sẽ suy gẫm về chủ đề này: Tự do của Kitô hữu.

Tự do là một kho báu chỉ thực sự được đánh giá cao khi nó bị mất đi. Đối với nhiều người trong chúng ta, những người đã quen với việc được tự do, dường như nó thường là một quyền thủ đắc được hơn là một hồng phúc và một di sản cần được bảo tồn. Biết bao hiểu lầm đã diễn ra xung quanh chủ đề tự do, và biết bao quan điểm khác nhau đã xung đột nhau trong nhiều thế kỷ!

Trong trường hợp người Galát, Thánh Tông đồ không thể chịu đựng được việc các Kitô hữu đó, sau khi đã biết và chấp nhận chân lý của Chúa Kitô, đã để mình bị lôi cuốn vào những đề nghị lừa dối, chuyển từ tự do sang nô lệ: từ sự hiện diện giải thoát của Chúa Giêsu sang nô lệ tội lỗi, chủ nghĩa vụ luật, v.v. Ngay cả ngày nay, chủ nghĩa vụ luật là một trong những vấn đề của chúng ta đối với rất nhiều Kitô hữu đang nương náu vào chủ nghĩa vụ luật, ngụy biện. Do đó, thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu hãy vững vàng trong sự tự do mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa, không để mình bị rơi trở lại “ách nô lệ” (Gl 5:1). Đúng là ngài sốt sắng đối với sự tự do này. Ngài ý thức rằng một số “giả làm anh em” - đây là điều ngài gọi họ - đã len lỏi vào cộng đồng, ngài nói thế, để “do thám sự tự do của chúng ta mà chúng ta có được trong Chúa Giêsu Kitô, để họ có thể đưa chúng ta vào vòng nô lệ ”(Gl 24) - để quay lưng lại. Và Thánh Phaolô không thể chịu đựng được điều này. Lời công bố nào ngăn cản sự tự do trong Chúa Kitô sẽ không bao giờ là Tin Mừng cả. Tôi có thể là người Pêlagiô hoặc Giăngsênô hoặc đại loại như thế, nhưng không phải là người của Tin Mừng. Anh chị em không bao giờ có thể ép buộc nhân danh Chúa Giêsu; anh chị em không thể làm bất cứ ai trở thành nô lệ nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho chúng ta được tự do. Tự do là một hồng phúc đã được ban cho chúng ta trong phép rửa.

Nhưng trên hết, lời dạy của Thánh Phaolô về tự do có tính cách tích cực. Thánh Tông đồ đề xuất lời dạy của Chúa Giêsu, lời dạy chúng ta cũng tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8: 31-32). Vì vậy, lời kêu gọi trên hết là ở lại trong Chúa Giêsu, nguồn chân lý, Đấng làm cho chúng ta được tự do. Do đó, tự do của Kitô giáo được đặt trên hai trụ cột căn bản: thứ nhất, ân sủng của Chúa Giêsu; thứ hai, sự thật mà Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta và đó là chính Người.

Trước hết, đó là một hồng phúc của Chúa. Sự tự do mà người Galát đã nhận được - và chúng ta cũng nhận được như họ trong phép rửa của chúng ta - là hoa trái của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Tông đồ tập trung toàn bộ lời công bố của ngài vào Chúa Kitô, Đấng đã giải thoát ngài khỏi những ràng buộc của đời sống cũ: chỉ từ Người, hoa trái của sự sống mới mới phát xuất theo Chúa Thánh Thần. Thực thế, sự tự do đích thực nhất, thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, phát xuất từ Thập giá Chúa Kitô. Chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi nhờ Thập giá của Chúa Kitô. Chính tại đó, nơi Chúa Giêsu tự để mình bị đóng đinh, tự làm mình thành nô lệ, Thiên Chúa đã đặt nguồn giải phóng cho con người. Điều này không bao giờ ngưng làm chúng ta ngạc nhiên: nơi mà chúng ta bị tước bỏ mọi tự do, tức là cái chết, có thể trở thành nguồn suối của tự do. Nhưng đó là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa! Nó không dễ hiểu, nhưng nó đã được sống. Chính Chúa Giêsu đã công bố điều đó khi Người nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10:17-18). Chúa Giêsu đạt được tự do hoàn toàn bằng cách từ bỏ chính mình cho đến chết; Người biết rằng chỉ bằng cách này Người mới có thể giành được sự sống cho mọi người.

Chúng ta biết, Thánh Phaolô đã trực tiếp trải nghiệm mầu nhiệm tình yêu này. Vì lý do này, ngài nói với người Galát, sử dụng kiểu nói cực kỳ táo bạo: “Tôi đã bị đóng đinh với Chúa Kitô” (Gl 2:19). Trong hành vi kết hợp tối cao đó với Chúa, ngài biết ngài đã nhận được hồng phúc lớn nhất của đời mình: tự do. Thật vậy, ngài đã đóng đinh “tính xác thịt mình vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (5:24). Chúng ta hiểu Thánh Tông đồ được tràn ngập biết bao đức tin, sự thân mật của ngài với Chúa Giêsu thâm hậu xiết bao. Và mặc dù, một mặt, chúng ta biết đây là điều chúng ta đang thiếu, mặt khác, lời chứng của Thánh Tông đồ khuyến khích chúng ta tiến bộ trong cuộc sống tự do này. Kitô hữu được tự do, nên được tự do, và được kêu gọi đừng trở lại làm nô lệ của giới luật và những điều kỳ lạ.

Trụ cột thứ hai của tự do là sự thật. Trong trường hợp này cũng vậy, cần phải nhớ rằng chân lý đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là thực tại của Chúa Kitô hằng sống, Đấng chạm đến ý nghĩa hàng ngày và tổng thể của đời sống bản thân. Biết bao người chưa bao giờ được học hành, thậm chí không biết đọc biết viết, nhưng đã hiểu rõ thông điệp của Chúa Kitô, họ có thứ tự do này làm họ được tự do. Chính sự khôn ngoan của Chúa Kitô đã truyền vào họ qua Chúa Thánh Thần trong phép rửa. Biết bao người mà chúng ta thấy đã sống cuộc sống của Chúa Kitô tốt hơn những nhà thần học vĩ đại; họ cung hiến cho ta một chứng tá tuyệt vời về sự tự do của Tin Mừng. Tự do tạo ra sự tự do đến mức nó biến đổi cuộc sống của người ta và hướng nó về điều tốt đẹp. Vì vậy, để được tự do thực sự, chúng ta không những cần biết mình ở bình diện tâm lý, mà trên hết là thực hành chân lý nơi bản thân ở mức độ sâu sắc hơn - và ở đó, trong tâm hồn chúng ta, hãy mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa Kitô. Sự thật phải làm chúng ta không yên - chúng ta hãy trở lại với từ ngữ cực kỳ có tính Kitô giáo này: bồn chồn. Chúng ta biết rằng có những Kitô hữu không bao giờ bồn chồn: cuộc sống của họ luôn luôn y như thế, không có chuyển vần gì trong lòng, họ thiếu sự bồn chồn. Tại sao? Vì bồn chồn là một dấu hiệu cho thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động bên trong chúng ta và tự do là một tự do hoạt động, phát xuất từ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng tự do phải làm chúng ta không yên, nó phải liên tục chất vấn chúng ta, để chúng ta có thể luôn vào sâu hơn những gì chúng ta thực sự là. Bằng cách này, chúng ta sẽ khám phá ra rằng hành trình của sự thật và tự do là một hành trình gian khổ kéo dài suốt đời. Mãi mãi tự do là điều gian khổ, là đấu tranh; nhưng nó không bất khả hữu. Can đảm lên, chúng ta hãy thực hiện tiến bộ về vấn đề này, điều đó sẽ tốt cho chúng ta. Và đó là cuộc hành trình trong đó Tình yêu phát xuất từ Thập giá sẽ hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta: Tình yêu mạc khải sự thật cho chúng ta và ban cho chúng ta tự do. Đó là con đường dẫn đến hạnh phúc. Tự do làm chúng ta tự do, làm chúng ta hân hoan, làm chúng ta hạnh phúc.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh tòa đấng khôn ngoan.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:17 06/10/2021
Hình ảnh tòa đấng khôn ngoan.

Kinh cầu Đức Mẹ Maria có câu ca ngợi: “Sedes sapientiae – Là tòa Đấng khôn ngoan.”

Điều này diễn tả hình ảnh gì về Đức Mẹ Maria?

Xưa nay trong mọi nền văn hóa dân gian, con người hằng luôn tìm kiếm sự khôn ngoan, như trong văn chương triết học Hylạp, Roma và Do Thái. Vì con người không muốn bị cho là thấp kém điền rồ dại dột.

Trong nhiều trường hợp của đời sống, nhất là những trường hợp tế nhị tinh tế, con người không chỉ cần có kiến thức hiểu biết để làm việc thực thi cho đúng, cho tốt đạt được thành công, nhưng vẫn không đủ. Mà còn cần sự khôn ngoan nữa

Kinh thánh cựu ước có suy tư đạo đức về sự khôn ngoan: “gía trị qúy báu hơn châu ngọc. ( Sách Châm ngôn 8,11), và sự khôn ngoan hơn cả vàng bạc. ( Sách Châm ngôn 16,16).

Như vậy sự khôn ngoan không là mớ sách vở kiến thức. Sự hiểu biết tinh thông không là một cuốn sách bách khoa tự điển lưu hành di động. Nhưng sự hiểu biết đặc biệt khác thường luôn luôn gắn liền với sự thực hành điều hiểu biết trong đời sống.

Sự khôn ngoan giúp con người có khả năng trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống hành xử hoàn thành tốt công việc bổn phận được tin tưởng trao cho.

Vua Salomon là hình ảnh mẫu gương về một người chính thực mong ước tìm kiếm sự khôn ngoan, như trong sách 1 Các Vua,3,2-15) viết thuật lại. Nhà vua không xin Thiên Chúa cho được sống lâu dài, không xin sự giầu sang quyền thế. Nhưng xin có được sự khôn ngoan, để cai trị dân nước cách công minh và có quyết định công bình đúng đắn.

Người nào cầu xin Thiên Chúa sự khôn ngoan là người có lòng tin sâu thẳm, và xác tín rằng sự khôn ngoan bắt nguồn từ Thiên Chúa ( Sách Huấn Ca 1,1).

Sự khôn ngoan là đặc tính cao cả nhất của Thiên Chúa. Vì thế sự khôn ngoan cũng được trình bày như một con người:” Người đã dựng nên tôi trước muôn đời, từ khởi thuỷ” ( Sách Huấn Ca 24,9)

Đức Mẹ Maria qua lời Thiên Thần Gabriel truyền tin đã bằng lòng chấp thuận chương trình của Thiên Chúa, để cho Chúa Giesu, con Thiên Chúa, Đấng là sự khôn ngoan, sức mạnh của Thiên Chúa, xuống trần gian làm người trong cung lòng mình.

Cung lòng Đức Mẹ Maria vì thế trở thành ngôi nhà, nôi ngai tòa cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa cư ngụ. Và Đức Mẹ Maria trở thành mẹ của Chúa Giêsu trên trần gian. Như vậy sự khôn ngoan của Thiên Chúa trở thành người qua Chúa Giêsu trong cung lòng Maria.

“ Lời ca ngợi trong kinh cầu Maria là “ngai tòa sự khôn ngoan” muốn nói lên Maria không chỉ được đưa lên ngồi vào ngai tòa, nhưng chính Maria là (nôi, ghế) ngai tòa của Lời Thiên Chúa. Điều này vẽ ra hình ảnh, Thiên Chúa không cần đến nôi ghế ngai tòa bằng vật kiệu gỗ đá, sắt…của trần gian. Trần gian do Ngài tạo dựng nên. Và những chất liệu vật thể do con người chế biến làm ra không thể dung chứa dành cho Ngài được.

Ngai tòa mà Thiên Chúa tìm kiếm và cần có, để có thể thể hiện tình yêu và sự tự do trên trần gian, là nơi con người sẵn lòng tiếp nhận Thiên Chúa.

Đức Mẹ Maria với cung cách chân thành đơn sơ đã bằng lòng để cung lòng trái tim mình trở thành nôi ngai tòa cho Thiên Chúa đến cư ngụ. Và là cánh cổng mở ra cho Con Thiên Chúa, Đấng là sự khôn ngoan, đi vào trần gian.

Và Thánh giáo phụ Augustino đã có những lời suy tư cao đẹp lạ lùng: “ Trước khi Đức Mẹ Maria chấp nhận cho Chúa Giesu nhập thể trong cung lòng mình, Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu trong trái tim tâm hồn mình rồi. Maria đã có thể đồng thời chỉ là người mẹ về phần thân xác Chúa Giêsu, vì Maria đồng thời đã đặt đời sống mình trong sự yêu cầu của Ngôi Lời Thiên Chúa.” ( Gíao hoàng Benedictô 16.).

Lễ kính Đức Mẹ Mân côi

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Lời nguyền của bà phù thủy trên lưng cô gái. Vatican vinh danh người tháp tùng tử tù đến phút chót
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:55 06/10/2021


1. Vatican vinh danh người Mỹ nhiều năm tháp tùng các tử tù

Dale Recinella, người đã tháp tùng cùng với những người bị tử hình đến phòng hành quyết, cho biết anh ta và vợ có “nhiều đứa con đỡ đầu” là các tử tù được họ rửa tội.

Dale Recinella, một luật sư đã tìm thấy ơn gọi thứ hai của mình là mục vụ tù nhân. Ông đã phục vụ hơn hai thập kỷ tại Nhà tù Bang Florida ở Raiford, nơi có số tử tù lớn thứ hai ở Hoa Kỳ.

Khi nhận vinh dự ở Rome tuần này, Recinella nói rằng giải thưởng là một lời tuyên bố cho những người nam nữ đang chờ hành quyết rằng “cuộc sống của họ quan trọng như thế nào”.

Anh ta nói rằng anh ta và vợ mình, Susan, có nhiều “đứa con đỡ đầu” khi rửa tội cho các tử tù. Recinella, 69 tuổi, nói rằng một phóng viên từng hỏi một tử tù tại sao anh ta muốn trở thành một người Công Giáo, và người này trả lời: “Tôi muốn thuộc về một Giáo hội, đã muốn thuộc về tôi”.

Khi Recinella đặt câu hỏi tương tự, nhiều tù nhân trả lời, “Bởi vì đó là Giáo hội chào đón tôi.”

Recinella đã cung cấp tư vấn tâm linh, tài liệu và giảng dạy cho các tù nhân đang chờ hành quyết theo lịch trình tại nhà tù bang Florida. Ông đã hỗ trợ trong việc chuẩn bị tinh thần cuối cùng vào ngày hành quyết, đồng hành để gửi lời tạm biệt cuối cùng đến gia đình và những người thân yêu, hiện diện với những người bị kết án tại cuộc hành quyết, và hỗ trợ mục vụ cho gia đình của người bị kết án trong khi tử tù chờ chết và sau khi đã bị hành quyết.

Vợ của Recinella đã làm việc với anh ta trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình tù nhân trong các cuộc hành quyết, phân phát Thánh Thể và các bí tích tại phòng giam, các dịch vụ cầu nguyện và giảng dạy cho các tù nhân.

Ông nói với Catholic News Service rằng các tử tù không thể rời khỏi phòng giam của họ, thậm chí để đến nhà nguyện, vì vậy Giáo hội phải đến với họ. Ông đã cung cấp dịch vụ cố vấn tâm linh cho các tù nhân thông qua các cuộc hẹn mục vụ trực tiếp được thực hiện trong các phòng đặc biệt do quản lý nhà tù cung cấp. Điều này bao gồm tư vấn tâm linh cuối đời và các dịch vụ mục vụ tại giường khi các tù nhân mắc bệnh nan y được chuyển từ phòng giam tử tù đến Trung tâm Y tế Khu vực của Bộ Cải huấn Florida.

Recinella có bằng Thạc sĩ Thần học Mục vụ tại Đại học Ave Maria, đã được Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ chứng nhận là Tuyên úy Công Giáo và được Đức Giám Mục St. Augustine bổ nhiệm. Ông đã giảng dạy trong Chương trình mục vụ tù nhân tại Đại học St. Leo ở Tampa, St. Petersburg.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật tại Đại học Notre Dame vào năm 1976, ông bắt đầu sự nghiệp luật sư, kết thúc là luật sư cấp cao của văn phòng luật sư Ruden McClosky ở Tallahassee. Năm 1996, ông chuyển đến Rôma để trở thành giám đốc phát triển nhân viên của Baker & McKenzie. Sau đó, ông chuyển sang lĩnh vực giáo dục, giảng dạy các chương trình MBA tại các cơ sở ở Rome cho cả Đại học Temple và Đại học St. John.

Từ tháng 8 năm 1998, ông trở thành tuyên úy Công Giáo cho tử tù ở Tallahassee, Florida.
Source:Aleteia

2. Đức Giáo Hoàng kêu cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ nước Pháp khi quá trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà bắt đầu

Hôm 29 tháng 9 lễ kính các thánh tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu cầu Thánh Michael đặc biệt quan tâm đến nước Pháp.

Một khúc sồi của một trong hàng ngàn cây sồi để sử dụng cho nhà thờ đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Tôi kêu cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Đấng bảo trợ nước Pháp, hãy cầu bầu cho đất nước của anh chị em, giữ cho đất nước trung thành với cội nguồn của nó, và dẫn dắt người dân trên con đường đoàn kết và đoàn kết hơn bao giờ hết,” Đức Thánh Cha nói.

Một biểu tượng của nguồn gốc Kitô Giáo

Một phái đoàn gồm sáu thượng nghị sĩ Pháp thuộc nhóm hữu nghị Pháp-Vatican đã tham dự buổi tiếp kiến chung. Khi kết thúc bài giáo lý của mình, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ ngắn với các vị.

Chủ tịch của nhóm hữu nghị này, Thượng nghị sĩ Dominique de Legge, đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một khúc gỗ sồi được cắt để tái thiết ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris.

Thượng nghị sĩ nói với tờ I.Media : “Tôi đã nói với Đức Thánh Cha rằng ngôi thánh đường này là biểu tượng của nguồn gốc Kitô Giáo của Pháp và cũng là sự đổi mới của đất nước chúng tôi. Đức Thánh Cha có vẻ cảm động trước sáng kiến này.”

Ông đã nhân cơ hội này để mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến dự lễ mở cửa lại nhà thờ chính tòa Paris, dự kiến vào năm 2024. Về vấn đề này, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo chưa đưa ra câu trả lời.

Có kế hoạch là nhà thờ sẽ được xây dựng lại như trước khi xảy ra trận hỏa hoạn năm 2019.

Có đến 1,000 cây sồi đã được chọn từ khắp nước Pháp để làm khung của ngọn tháp. Một số cây cao tới 60 feet, được trồng cách đây hàng trăm năm đã được chọn.
Source:Aleteia

3. Lời nguyền của bà phù thủy trên lưng cô gái

Đức Ông Stephen Rossetti, linh mục trừ tà của Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ kể lại câu chuyện sau trong bài “Exorcist Diary #152: The 70/30 Rule in an Exorcism”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 152: Quy luật 70/30 trong một buổi trừ tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cô đã phải chịu đựng lời nguyền của phù thủy trong một thời gian dài. Giọng nói của mụ phù thủy chế nhạo cô cả ngày lẫn đêm. Trên cơ thể cô có những vết xước và vết cào không rõ nguyên nhân. Cuối cùng là một tin nhắn được khắc trên lưng cô. Trong bệnh viện, các bác sĩ bối rối đọc nó cho cha cô nghe: “Nó coi như tiêu tùng. Mày thua rồi”.

Phù thủy đang dụ cô phạm tội và tuyệt vọng, nhưng cô đã dũng cảm chống lại. Cô ấy đã thú nhận tất cả mọi thứ với một linh mục và với cha của cô ấy. Một lúc sau, cô ho không dừng được và khạc ra một thứ mà đội y tế mô tả là “một chất dịch màu đen trào ra vẫn đang sôi và bắt đầu tự di chuyển và vỡ vụn.” Họ không biết nó là gì.

Nhưng chúng tôi biết. Đó là một thứ cao đơn của phù thủy, nhờ đó phù thủy giúp giữ lời nguyền tại chỗ. Giờ đây, lời nguyền đã yếu đi rất nhiều, nếu không muốn nói là bị phá vỡ.

Trong một lễ trừ tà, chúng tôi sử dụng quy tắc 70/30. Việc giải thoát thường phụ thuộc khoảng 70% vào nỗ lực của người bị quỷ ám và 30% vào công việc của người trừ tà và những người trợ lực. Điều này không nhằm bôi nhọ tầm quan trọng và sức mạnh của thẩm quyền Giáo hội hoặc sức mạnh của Nghi thức trừ tà do một linh mục có năng quyền trừ tà được Giáo Hội ban cấp. Đó là những điều không thể thay thế được. Nhưng sẽ không có hiệu quả nếu người bị ám không chịu từ bỏ tội lỗi, từ chối ma quỷ, và lãnh nhận các bí tích. Tôi dám nói rằng nhiều đau khổ do ma quỷ gây ra cuối cùng sẽ tự chấm dứt nếu người đau khổ tham gia vào một quá trình hoán cải và nhiệt thành thánh hóa bản thân.

Người phụ nữ trẻ này đã từ bỏ phù thủy và lời nguyền; cô đã thú nhận tội lỗi của mình; và cô đã chống lại những cám dỗ, bất chấp những điều xấu xa về tâm linh đang đè nặng lên cô. Lòng dũng cảm và niềm tin của cô ấy là chất xúc tác cuối cùng để chiếc cao đơn của phù thủy bị đẩy ra.

Thông điệp mà mụ phù thủy cào trên lưng cô ấy “Nó coi như tiêu tùng. Mày thua rồi.” được chứng minh là sai. Người phụ nữ trẻ mạnh mẽ này không tiêu tùng; cô ấy không bị ra hư mất. Chúa và gia đình cô không thua. Cô ấy đã trở lại và bình an. Tình yêu chiến thắng... luôn luôn là như thế.


Source:Catholic Exorcism
 
Những thị kiến giả do ma quỷ gây ra. Nigeria: Tượng Đức Mẹ bị chặt đầu, người Công Giáo bị tận diệt
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:52 06/10/2021


1. Những cuộc tấn công vào các tín hữu Kitô ở Nigeria đã lên đến mức ‘diệt chủng’

Một linh mục Công Giáo đã mô tả các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật tuần trước vào các ngôi làng ở Bang Kaduna phía bắc Nigeria là một “cuộc thảm sát” chống lại người dân địa phương, nhiều người trong số họ là các tín hữu Kitô.

Ước tính có khoảng 49 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công kéo dài hai giờ của người chăn Hồi Giáo Fulani, kéo đến “rất đông và bắt đầu bắn vào bất cứ thứ gì trong tầm nhìn”.

“Chúng tôi đã thống kê được 30 thi thể thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, 3 người vẫn mất tích, trong khi 5 người đang được điều trị tại bệnh viện”.

Vị linh mục nói rằng ít nhất 20 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong vụ tấn công.

Nigeria đã và đang trải qua tình trạng mất an ninh ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2009, khi Boko Haram, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất châu Phi, phát động một cuộc nổi dậy tìm cách biến quốc gia đông dân nhất châu Phi thành một nhà nước Hồi giáo.

Nhóm này đã tổ chức các cuộc tấn công khủng bố bừa bãi vào nhiều mục tiêu, bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị, cũng như dân thường.

Tình hình càng thêm phức tạp do sự tham gia của những người chăn gia súc chủ yếu là người Hồi giáo Fulani, còn được gọi là Dân quân Fulani, những người thường xuyên đụng độ với nông dân Kitô Hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ tấn công, trong một lời kêu gọi được đưa ra vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm 28 tháng 9.

Ngài nói: “Tôi đã nhận được với nỗi buồn về tin tức của các cuộc tấn công vũ trang vào Chúa Nhật tuần trước nhằm vào các làng Madamai và Abun, ở miền bắc Nigeria”.

“Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người bị thương, và cho toàn bộ người dân Nigeria. Tôi hy vọng rằng sự an toàn của mọi người dân có thể được bảo đảm trên đất nước này”.

Các ngôi làng khác ở Bang Kaduna cũng bị tấn công vào tối ngày 26 tháng 9 và rạng sáng ngày 27 tháng 9, dẫn đến nhiều người chết, bị thương và bắt cóc.
Source:Catholic News Agency

2. Thống đốc Michigan phủ quyết tài trợ cho các lựa chọn thay thế cho phá thai

Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer vào hôm thứ Tư đã phủ quyết khoản tài trợ trị giá 16 triệu đô la cho các giải pháp thay thế cho việc phá thai, khiến Hội Đồng Giám Mục Công Giáo của tiểu bang phải lên tiếng bày tỏ sự bất bình.

David Maluchnik, Phó Giám đốc Truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Michigan, cho biết: “Quyết định phủ quyết của Thống đốc Whitmer đã khuếch đại thực tế đáng thất vọng của chính quyền này rằng ngành công nghiệp phá thai quan trọng hơn những bà mẹ dễ bị tổn thương và những đứa con chưa chào đời của họ.”

Ông nói: “Cho đến nay, Whitmer đã hai lần phủ quyết những khoản tài trợ của nhà nước dùng để bảo đảm các bà mẹ mang thai khó khăn nhận được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần và phúc lợi trong suốt thời kỳ mang thai và trong suốt năm đầu tiên của đứa trẻ,” ông nói, và nhắc lại việc Whitmer phủ quyết các tài trợ tương tự vào năm 2019.

“Trước thái độ phủ quyết của Thống đốc Whitmer, cộng đồng ủng hộ sự sống và tất cả những người có thiện chí cần được củng cố cả về tinh thần và trái tim để cầu nguyện và làm việc chăm chỉ hơn trước đây để bảo vệ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi cái chết tự nhiên”.

Theo Detroit Free Press, các khoản tài trợ bị phủ quyết vào ngày 29 tháng 9, bao gồm 10 triệu đô la để phát triển “tài liệu thông tin giáo dục thực tế về việc nhận con nuôi như một biện pháp thay thế cho phá thai”; 1.5 triệu đô la cho các trung tâm hỗ trợ thai nghén; 1 triệu đô la cho các dịch vụ mang thai và nuôi dạy con cái tại các trường cao đẳng và đại học; và 50,000 đô la cho bộ y tế để thông báo cho công chúng rằng họ không sử dụng đô la của người đóng thuế để tài trợ cho bất kỳ hoạt động phá thai tự chọn nào.

Whitmer cũng đã bác bỏ khoảng 700,000 đô la trong ngân sách Michigan dự định hỗ trợ mang thai và nuôi dạy con cái thông qua Real Alternatives, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Pennsylvania, từ năm 1996 đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho phụ nữ mang thai về các lựa chọn thay thế cho việc phá thai, cũng như trợ giúp vật chất như sữa bột và tã lót cho em bé. cho các bà mẹ đến 12 tháng sau khi sinh.

Chương trình này đã mở rộng hoạt động sang Michigan bắt đầu từ tháng 6 năm 2014, hoạt động chủ yếu thông qua các chi nhánh của Tổ chức bác ái Công Giáo địa phương, với sự hỗ trợ của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Michigan.

Theo ước tính của Real Alternatives, chương trình Michigan đã phục vụ 8,240 phụ nữ với 31,958 lượt hỗ trợ kể từ năm 2014. Tiểu bang đã trích 3.3 triệu đô la cho chương trình kể từ khi bắt đầu.

Michigan ghi nhận gần 30,000 ca phá thai được thực hiện vào năm 2020, nhiều nhất ở bang này kể từ năm 1996, nhưng vẫn ít hơn 40% so với mức cao nhất là 49,000 ca vào năm 1987.
Source:Catholic News Agency

3. Những thị kiến giả do ma quỷ gây ra

Đức Ông Stephen Rossetti, linh mục trừ tà của Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ kể lại câu chuyện sau trong bài “Exorcist Diary #146: False Visions from Demons”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 146: Thị kiến sai lầm từ ma quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một giáo dân ngoan đạo nói với tôi rằng anh ta được thị kiến thấy Đức Trinh Nữ hiện ra. Anh chắc chắn đó là Đức Trinh Nữ. Trên thực tế, linh hồn được chúc phúc này tin rằng đã thực sự nhìn thấy Đức Trinh Nữ trong quá khứ và anh ấy nói, trong thị kiến mới này, Đức Mẹ cũng giống hệt như vậy. Đức Trinh nữ lại trông xinh đẹp rạng ngời và anh cảm thấy được an ủi như trước đó. Nhưng sau đó “Đức Trinh nữ” nói với anh ta rằng anh ta sẽ chết trong vòng vài tháng. Lạy Chúa, điều đó nghe có vẻ không đúng với tôi. Sau này tôi biết đó là một lời nói dối.

Một nữ tu cũng đề cập với tôi một câu chuyện tương tự. Sơ cho biết từ lâu sơ đã nhận được những mạc khải từ Chúa hướng dẫn đời sống tâm linh của sơ. Sơ tâm sự rằng sơ cũng đã được biết trước về cái chết của mình mà có lẽ sẽ xảy ra trong vòng vài tháng. Trong khi đó, các thị kiến đã thúc giục sơ thực hành nhiều việc hành xác và sám hối để cứu rỗi các linh hồn, điều này nghe có vẻ tốt. Nhưng, ơn gọi của sơ ngày càng gặp khó khăn và dần dần mọi sự trở nên rõ ràng là sơ đang bị ám ảnh một cách quỷ quái.

Một người đàn ông trẻ tuổi bị quỷ ám cũng tuyên bố rằng anh ta thường xuyên được nhìn thấy thiên thần hộ mệnh của mình và một số vị thánh, cộng với việc hàng ngày nhìn thấy những con quỷ tấn công anh ta. Chúng tôi khuyên anh ấy nên bỏ qua những thị kiến này, bất kể tốt hay xấu, cho đến khi được giải thoát. Anh ta từ chối và nói rằng chính Chúa Giêsu đang dẫn dắt anh ta. Tiến trình trừ tà của anh bị đình trệ.

Người ta dễ bị ma quỷ lừa gạt bằng những thị kiến sai lầm. Điều này đặc biệt đúng với những người bị quỷ ám, những người có sự hiện diện mạnh mẽ của ma quỷ. Những thị kiến sai lầm như vậy có thể làm tăng niềm kiêu hãnh tâm linh của người bị quỷ ám và làm anh ta đi trật đường trong tiến trình giải thoát. Hơn nữa, những người bị lừa dối bởi những thị kiến sai lầm đang vô tình phát triển mối quan hệ ngày càng sâu sắc với quyền lực của cái ác.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “Satan đội lốt thiên thần sáng láng” (2Cr 11:14). Ngay cả những người trưởng thành về tâm linh cũng không thể luôn luôn phân biệt được những gì là từ Chúa và những gì là từ Ác Ma; những kinh nghiệm này có thể xuất hiện và cảm nhận giống hệt nhau. Satan cũng có thể bắt chước một trải nghiệm tâm linh thực sự.

Thuốc giải độc? Thứ nhất, “anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1Ga 4: 1). Chúng có phù hợp với chân lý đức tin không? Kết quả của những thị kiến này là gì? Những dự đoán có trở thành sự thật hay không? Thứ hai, đừng chủ quan tin tưởng vào phán đoán của chính bạn. Thay vào đó, hãy tìm kiếm và dựa vào sự hướng dẫn thiêng liêng khôn ngoan và sự vâng lời những linh hồn trưởng thành có sứ vụ phân định và dẫn dắt.

Trong mục vụ trừ tà này, tôi đã chứng kiến một số linh hồn bị Sa-tan lừa dối. Thị kiến sai lầm là một trong những vũ khí hiệu quả nhất của ma quỷ để chống lại những linh hồn sùng đạo, những người đôi khi có lẽ tự hào về đời sống tinh thần của họ.


Source:Catholic Exorcism
 
Thời khắc khó khăn: Hãy cảnh giác tin giả quanh báo cáo tại Pháp. Kết quả phiên tòa xét xử HY Becciu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:07 06/10/2021


1. Kết quả phiên tòa xét xử Hồng Y Becciu ngày 6 tháng 10

Hôm thứ Tư 6 tháng 10, chánh án tại phiên tòa xét xử 10 người bị cáo buộc các tội phạm tài chính ở Vatican, trong đó có Hồng Y Becciu, đã ra lệnh cho công tố cấp cho các luật sư bào chữa quyền tiếp cận nhiều hơn với các bằng chứng, và thẩm vấn các bị cáo về các chủ đề đang gây tranh cãi.

Chánh án Giuseppe Pignatone đã đáp lại một đề nghị bất ngờ mà công tố đưa ra hôm thứ Ba, trong đó bên công tố thừa nhận những điểm yếu trong tiến trình điều tra của mình và cho biết họ sẵn sàng quay trở lại giai đoạn điều tra để giải quyết các thiếu sót mà bên bào chữa tranh cãi.

Phiên tòa chủ yếu xoay quanh việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một tòa nhà thương mại và dân cư tại số 60 Đại lộ Sloane ở Nam Kensington của London, một trong những quận giàu có nhất ở thủ đô nước Anh.

Chánh án Pignatone đã ra lệnh cho bên công tố cấp cho các luật sư bào chữa quyền truy cập vào các tài liệu, bằng chứng, video thẩm vấn còn lại và các tài liệu khác trước ngày 3 tháng 11 và hoãn phiên tòa cho đến ngày 17 tháng 11.

Các luật sư bào chữa cho biết họ hài lòng với phán quyết và cho biết họ sẽ thúc ép công tố phải thẩm vấn các thân chủ của mình về các chủ đề chưa được đề cập trước khi bản cáo trạng được công bố vào ngày 3 tháng 7.

Bằng cách ấn định ngày tiếp tục phiên tòa, Chánh án Pignatone đã bác bỏ một cách hiệu quả yêu cầu của bên bào chữa muốn hủy bỏ bản cáo trạng dài 500 trang sau khi bên công tố thừa nhận có các thiếu sót pháp lý. Việc huỷ bỏ bản cáo trạng này có thể giết chết phiên tòa hiện tại.

Các luật sư bào chữa giờ đây sẽ có thể xem video về năm cuộc thẩm vấn Đức ông Alberto Perlasca, một cựu quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người đầu tiên là nghi phạm và sau đó là nhân chứng chính trong vụ truy tố. Cho đến nay họ chỉ có quyền truy cập vào các bản tóm tắt bằng văn bản.

Perlasca là nhân chứng chính trong vụ kiện chống lại bị cáo nổi tiếng nhất, Hồng Y Angelo Becciu, một quan chức Vatican quyền lực một thời.

Bên công tố đã buộc tội Hồng Y Becciu, các cựu quan chức hoặc nhân viên khác của Vatican và những người trung gian bên ngoài có liên quan đến vụ tham ô, lạm dụng chức vụ và gian lận, cùng các tội danh khác. Họ đều phủ nhận có hành vi sai trái.

Hồng Y Becciu cũng bị cáo buộc uy hiếp nhân chứng và các luật sư của ngài cho biết họ hy vọng rằng việc xem băng sẽ hỗ trợ thêm cho yêu cầu của họ về việc loại bỏ cáo buộc đó.

Các khoản đầu tư ở London đã làm Tòa Thánh thiệt hại đến 350 triệu Euros và phải gánh chịu những gì mà Đức Hồng Y George Pell, cựu tổng trưởng Bộ Kinh Tế, nói với Reuters năm ngoái là các “thiệt hại to lớn” về nhiều mặt, đặc biệt là uy tín.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã loại Hồng Y Becciu khỏi chức vụ cuối cùng của ngài tại Vatican vào năm 2020 vì các cáo buộc mà ngài đang bị xét xử.
Source:Reuters

2. Bản báo cáo về tội lỗi lạm dụng trong Giáo hội Pháp qua nhiều thập kỷ

Một ủy ban độc lập đã phát hiện ra nhiều vụ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo tại Pháp trong bảy thập kỷ qua, và đưa ra những lời kêu gọi cải cách.

Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt theo tiếng Pháp là CIASE đã bắt đầu hoạt động cách đây ba năm theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Các Bề Trên Thượng Cấp. Chúng tôi xin nhắc lại chi tiết này một lần nữa: Ủy ban này hoạt động độc lập NHƯNG DO CHÍNH CÁC GIÁM MỤC PHÁP và HỘI ĐỒNG CÁC BỀ TRÊN CÁC DÒNG TU THÀNH LẬP nhằm tìm hiểu một cách khách quan thực trạng của tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.

Hôm thứ Ba 5 tháng 10, Ủy ban đã đưa ra một báo cáo dài 500 trang, kèm theo khoảng 2,000 trang tài liệu hỗ trợ. Ủy ban ước tính có khoảng 330,000 nạn nhân, trong đó có khoảng 216,000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Con số cao như thế là ước tính cả các nạn nhân tiềm năng, tức là những người có thể đã bị lạm dụng nhưng không báo cáo. Nói cụ thể là như thế này, ủy ban đã xác định được 2,700 nạn nhân lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 thông qua các cuộc phỏng vấn và 4,800 người khác thông qua nghiên cứu lưu trữ. “Từ đó, Ủy ban đã làm việc với một cơ quan thăm dò ý kiến và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp để ước tính tổng số nạn nhân có tiềm năng bị các giáo sĩ lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2020, ở mức 216,000. Ủy ban ước tính có khoảng 3,200 kẻ đã thực hiện những hành vi lạm dụng đó.”

CIASE cho biết 2/3 số kẻ lạm dụng là các linh mục và tu sĩ, số còn lại là giáo dân làm việc cho Giáo hội. Khoảng 80% nạn nhân là trẻ em trai, chủ yếu là trẻ em từ 10 đến 13 tuổi.

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch của ủy ban, cho biết trong một cuộc họp báo ở Paris hôm thứ Ba: “Giáo hội đã không nhìn thấy hoặc không nghe thấy, không nhận được các tín hiệu yếu ớt, không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt cần thiết. Trong nhiều năm, Giáo hội đã thể hiện ‘sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân’,” ông nói.

Sauvé chỉ ra rằng phản ứng của Giáo hội đối với tội lỗi lạm dụng tình dục bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2000. “Rõ ràng là tình thế đã có những tiến bộ trong 70 năm qua,” ông nói. “Nhưng một điểm chính là, cho đến đầu những năm 2000, Giáo Hội đã thể hiện sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân. Tất nhiên, một sự thay đổi đã được khởi xướng từ những năm 2000 với sự bất khoan nhượng, lên án các hành vi lạm dụng trẻ em, v.v., nhưng chính sách đã chậm được đưa ra”.

Báo cáo cho biết hơn một nửa số vụ lạm dụng xảy ra từ năm 1950 đến 1969. “Các vụ lạm dụng tính dục giảm dần từ năm 1970 đến 1990, thời kỳ ơn gọi linh mục và ảnh hưởng của Giáo hội cũng giảm xuống, và sau đó đạt đến một mức không đổi kéo dài cho đến ngày nay”.

Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort của tổng giáo phận Reims, nhận xét tại cuộc họp báo: “Tôi bày tỏ sự xấu hổ, nỗi sợ hãi, và quyết tâm hành động với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục để thái độ từ chối không nghe, không thấy không xảy ra nữa, để ao ước muốn che dấu, và sự miễn cưỡng công khai lên án biến mất khỏi thái độ của các nhà chức trách Giáo Hội, các linh mục và mục tử, cũng như tất cả các tín hữu”.

Gọi quy mô của tội lỗi lạm dụng là “kinh khủng”, Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng tiếng nói của các nạn nhân “khiến chúng ta xúc động sâu sắc. Số lượng của các vụ lạm dụng tính dục khiến chúng ta choáng ngợp. Nó vượt xa những gì chúng ta có thể đã tưởng tượng ra”.

Ủy ban được thành lập vào năm 2018 bởi Hội đồng Giám mục Pháp và Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, để đáp ứng với ngày càng nhiều các tuyên bố lạm dụng tình dục trong lịch sử. Ủy ban đã nghiên cứu hồ sơ của Giáo hội, tòa án và cảnh sát cũng như các báo cáo trên phương tiện truyền thông và nghe từ khoảng 6,500 người - cả nạn nhân và những người thân cận với họ.

Sơ Véronique Margron, Chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, bày tỏ “nỗi buồn vô hạn” và “sự xấu hổ sâu xa” của mình khi đối mặt với điều mà sơ gọi là “tội ác chống lại nhân loại.”

Hai trong số các tội danh bị cáo buộc, vẫn có thể khởi kiện, đã được chuyển cho các công tố viên Pháp. Bốn mươi trường hợp đã hết thời hiệu nhưng các thủ phạm được cho là vẫn còn sống, đã được gửi đến các quan chức của Giáo hội.

Khuyến nghị

Ủy ban đã đưa ra 45 khuyến nghị để cải cách, bao gồm sửa đổi Bộ Giáo luật, cải thiện sự phân định và đào tạo cho các chủng sinh, và thiết lập các hoạt động nhìn nhận cụ thể như việc cử hành các nghi lễ công cộng, cử hành phụng vụ tưởng nhớ những đau khổ đã gây ra, tưởng niệm các nạn nhân và sự đau khổ của họ, v.v..

Một sửa đổi đối với Giáo luật sẽ có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, sẽ chuyển tội lỗi tấn công tình dục từ loại tội lỗi chống lại sự khiết tịnh sang loại tấn công vào tính mạng và phẩm giá của con người.

Sauvé, một quan chức cấp cao của Pháp và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết: “Đó là bước đầu tiên”.

Nhưng CIASE khuyến nghị đi xa hơn nữa, yêu cầu Giáo hội xác định trong giáo luật “tất cả các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc một người dễ bị tổn thương, nêu bật các yếu tố cấu thành của mỗi tội, các tội danh và các hình phạt tương ứng.” Mục tiêu là “để tăng tính dễ hiểu của luật này, đưa ra mức độ nghiêm trọng của các vi phạm,” và “để hài hòa việc giải thích các tiêu chuẩn tham chiếu”.

Ủy ban cũng đề nghị xem lại câu hỏi về Ấn tín bí tích Giải tội, là nghĩa vụ mà một linh mục phải giữ bí mật mọi điều đã được biết trong tòa giải tội. Luật dân sự của Pháp tôn trọng điều đó, nhưng CIASE lập luận rằng nghĩa vụ pháp lý báo cáo bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc những người dễ bị tổn thương được ưu tiên hơn nghĩa vụ giữ bí mật.

Báo cáo khuyến nghị rằng Giáo hội nên giải quyết “những tình huống khó xử về đạo đức và thậm chí cả thần học có thể là kết quả của sự xung đột” giữa hai nghĩa vụ này.
Source:Aleteia

3. Phản ứng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với báo cáo về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ Pháp

Hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn của mình về một báo cáo sâu rộng về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Pháp được công bố một ngày trước đó. Ngài gọi đây là “khoảnh khắc xấu hổ” đối với Giáo Hội Công Giáo và kêu gọi các giới chức Giáo hội bảo đảm sự an toàn của mọi người được giao phó cho sự chăm sóc của họ.

Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung ngày 6 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Nam Nữ Tu Sĩ Pháp “đã nhận được một báo cáo từ một ủy ban độc lập về nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội nhằm đánh giá mức độ của hiện tượng tấn công và bạo lực tình dục được thực hiện đối với trẻ vị thành niên từ năm 1950”.

“Thật không may, có một số lượng đáng kể,” Đức Thánh Cha nói, và không chỉ nói lên “nỗi buồn và nỗi đau” của mình đối với các nạn nhân vì những tổn thương mà họ đã phải chịu đựng, mà còn là “sự xấu hổ; sự xấu hổ của chúng ta, sự xấu hổ của tôi, vì Giáo hội đã bất lực quá lâu không đặt họ vào trung tâm của mối quan tâm của mình”.

Đức Thánh Cha bảo đảm với các nạn nhân những lời cầu nguyện của ngài.

“Tôi cầu nguyện và tất cả chúng ta hãy cùng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin danh Chúa được cả sáng, xin cho chúng con biết xấu hổ. Đây là một khoảnh khắc đáng xấu hổ”.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra một ngày sau khi bản báo cáo dài 2,500 trang được công bố. Phúc trình này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 4 năm về tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ Pháp.

Báo cáo được công bố vào ngày 5 tháng 10 cho thấy ước tính có khoảng 330.000 trẻ em - khoảng 80% trong số đó là trẻ em trai - là nạn nhân của lạm dụng tình dục của khoảng 3,000 linh mục và tu sĩ Pháp trong suốt 70 năm qua.

Bản báo cáo dài 2,500 trang cũng cho thấy nhiều thập kỷ các giới chức của Giáo hội đã che đậy có hệ thống.

Sau khi báo cáo được công bố, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: “Đức Thánh Cha đã được thông báo về việc công bố phúc trình CIASE, nhân dịp cuộc gặp gỡ trong những ngày trước đây với các giám mục Pháp, về Roma thăm Tòa Thánh. Nay với sự đau lòng, ngài được biết nội dung phúc trình.”

“Đức Thánh Cha nghĩ tới trước tiên các nạn nhân, với sự đau buồn vô biên vì những vết thương của họ và biết ơn vì họ đã có can đảm tố giác. Ngài cũng nghĩ đến Giáo hội tại Pháp, để sau khi ý thức về thực tại kinh khủng này và hiệp với đau khổ của Chúa vì các con cái dễ bị tổn thương nhất của Người, Giáo hội có thể khởi sự con đường cứu chuộc.”

“Qua kinh nguyện, Đức Thánh Cha phó thác cho Thiên Chúa dân Chúa tại Pháp, đặc biệt là các nạn nhân. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và an ủi, và để trong sự công bằng, Giáo hội Pháp có thể thực hiện phép lạ chữa lành”.

Phát biểu của Đức Phanxicô hôm thứ Tư là lần đầu tiên ngài nói về bản báo cáo bằng chính giọng nói của mình.

Trong lời phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu và những người hành hương có mặt “chia sẻ trong thời điểm này” nỗi xấu hổ và đau khổ trong Giáo Hội, và ngài khuyến khích các giám mục, các vị bề trên các dòng tu “tiếp tục nỗ lực để những bi kịch tương tự không được lặp lại. “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khép lại buổi tiếp kiến của mình, bày tỏ sự gần gũi và ủng hộ của mình đối với các linh mục của Pháp “đối mặt với con đường khó khăn nhưng lành mạnh này, và tôi mời những người Công Giáo Pháp nhận trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm rằng Giáo hội là ngôi nhà an toàn cho tất cả mọi người”.

Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 10, Hồng Y Sean O'Malley ở Boston, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, do Đức Thánh Cha Phanxicô lập ra để tư vấn cho ngài về cuộc chiến chống lạm dụng giáo sĩ, đã gọi báo cáo của Pháp là “một bản cáo trạng” về những thất bại của những người lãnh đạo trong Giáo hội.

“Lịch sử lạm dụng không được kiểm soát này kéo dài qua nhiều thế hệ thách thức sự hiểu biết của chúng ta về việc những người vô tội có thể phải chịu đựng khủng khiếp như thế nào và tiếng nói của họ đã bị bỏ qua trong một thời gian dài,” ngài nói.

Đức Hồng Y O'Malley nói thêm, “Giáo Hội không được thất bại trong cam kết tìm kiếm sự chữa lành và công lý cho những người sống sót.”

Ngài ca ngợi những nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo ở Pháp để vừa thừa nhận vấn đề vừa thực hiện những bước đầu tiên để chữa lành.

Ngài nhấn mạnh “Chúng ta không thể để một người bị lạm dụng tính dục không được công nhận, hoặc một người có nguy cơ bị lạm dụng bởi một thành viên của Giáo hội,” và lưu ý rằng vẫn còn “một con đường dài phía trước” khi đối mặt với vấn đề giáo sĩ lạm dụng, và, khi Giáo hội tiến lên, việc bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương phải là “ưu tiên cao nhất của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency