Ngày 08-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình Yêu và Trách Nhiệm - Bài 10: Người Nam, Người Nữ và Việc Âu Yếm
Phaolô Phạm Xuân Khôi
04:13 08/10/2009
Tiếp theo bài “Trở Về với Đoan Trang để làm Hứng Khởi Tình Yêu”

Cầm tay nhau, ôm ấp nhau hay tặng cho nhau nụ hôn - tất cả có thể là những cách diễn tả tình yêu đơn sơ vô tội. Nhưng nếu thiếu cảnh giác và nhân đức, những sự diễn tả bên ngoài này có thể dễ dàng trở nên một hình thức vị kỷ mà cuối cùng sẽ đẩy hai người xa nhau và cản trở không cho tinh yêu phát triển cách hoàn toàn.

ĐTC Gioan Phaolô II – khi ấy còn là Cha Karol Wojtyla đã giải thích điểm này khi ngài trình bày đề tài “Âu yêm” trong cuốn sách Tình Yêu và Trách Nhiệm.

ĐTC Gioan Phaolô II giải thích rằng bản chất của việc âu yếm được tìm thấy “trong khuynh hướng biến cảm tình và tâm trạng của người khác thành của riêng mình.” (tr. 201). Đây là kinh nghiệm chung trong những liên hệ tình cảm, như người Nam và Người Nữ cảm thấy liên hệ cách gần gũi với đời sống nội tâm của người yêu, bằng cách đi vào những cảm tình và tâm trạng của người khác.

Việc ân cần săn sóc cũng có những cách diễn tả bên ngoài. Ý thức về điều gì xảy ra trong lòng người khác chưa đủ. Một người cũng có khuynh hướng tìm cách truyền cảm giác gần gũi này cho người yêu. “Tôi cảm thấy sự cần thiết để ‘cái tôi’ khác biết rằng tôi đang để tâm đến những cảm tình và tâm trạng của người ấy, để làm cho người khác này cảm thấy rằng tôi đang chia sẻ với người ấy tất cả mọi sự, rằng tôi đang đồng cảm với người ấy” (tr. 201-202). Như thế chúng ta diễn tả sự ân cần săn sóc này qua những hành động bên ngoài như ôm người ấy vào lòng, vòng tay choàng qua người ấy, hôn người ấy.

Săn Sóc Quá Sớm

Việc ân cần săn sóc có thể là vô vị lợi và vô tội khi nó dựa trên sự chăm lo cho người khác và những gì mà người ấy trải qua trong lòng. Tuy nhiên, ĐTC Gioan Phaolô II cảnh giác rằng những cử chỉ bên ngoài như ôm nhau hay hôn hít có thể làm mất tính vị tha của chúng và mau rơi vào tinh trạng vị kỷ một khi chúng được dùng với mục đích chính làm phương tiện để cho mình được vui thú. Một khi “nhu cầu thỏa mãn những cảm giác của mình” bắt đầu che khuất những ưu tư thuần túy vô vị lợi đối với người khác, những cách diễn tả ân cần đã đi sang phía ích kỷ va sẽ cản trở không cho tình yêu được hoàn toàn phát triển (tr. 203).

Việc bước qua lằn ranh sang phía ích kỷ là điều chúng ta dễ vấp phạm vì hai lý do. Trước hết như ĐTC Gioan Phaolô II nhắc cho chúng ta rằng tình yêu giữa một người nam và một người nữ được thúc đẩy phần lớn vì tính mê thú vui nhục dục và tính đa cảm, là hai điều không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn, đồng thời chúng đòi hỏi một số lượng vui thú mỗi ngày một nhiều hơn. Cho nên, vì bản tính hay sa ngã của con người, chúng ta có thể dùng những cách diễn tả về ân cần săn sóc bề ngoài để tìm những thú vui nhục dục và tình cảm hơn là một ước muốn đi vào cuộc sống nội tâm của người kia cách vô vị lợi. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “Nhiều hình thức ân cần săn sóc có thể dễ dàng bị lạc hướng từ tình yêu đối với con người đi trật sang hướng ích kỷ nhục dục hay tình cảm, với bất cứ tốc độ nào” (tr. 205).

Thứ đến, những bình diện chủ quan của tình yêu (sự vui thú về xúc cảm hay giác cảm mạnh mẽ mà chúng ta cảm nghiệm được) phát triển nhanh hơn những bình diện khách quan (nhân đức, tình bạn, hy sinh, trách nhiệm). Vì cảm xúc về tình yêu thường được người ta cảm nghiệm như “một vụ nổ bất ngờ và mãnh liệt,” nhiều người bị cám dỗ cho đi hay nhận lại những cử chỉ âu yếm trước khi những bình diện khách quan của tình yêu có dịp phát triển (tr. 205). Và, như chúng ta đã thấy trong những bài trước, những bình diện khách quan rất quan trọng để đảm bảo rằng sự liên hệ vẫn ở mức độ tình yêu tự hiến mà không rơi vào tình trạng vị kỷ. Đó là lý do tại sao những hành động âu yếm quá sớm rất có hại cho tình yêu, bởi vì chúng chỉ tạo nên “ảo tưởng về tình yêu, một tình yêu không có thật” (tr. 205).

Thật ra, khi chúng ta cho đi hay nhận lại một cái ôm, một nụ hôn hay những cử chỉ âu yếm quá sớm - trước khi những yếu tố khách quan của tình yêu được trưởng thành – chúng ta thật sự đặt ra những trở ngại cho tình yêu. ĐTC Gioan Phaolô II giải thích: “Chắc chắn rằng có xuất hiện một khuynh hướng … tìm thú vui (hành động âu yếm) quá sớm khi cả hai chỉ mới ở giai đoạn kích thích cảm xúc, và cùng với nó nhục dục, trong khi vẫn còn thiếu bình diện khách quan của tình yêu, và sự kết hợp của hai người. Những sự âu yếm quá sớm trong tương quan giữa người nam và người nữ như thế thường phá hủy tình yêu, hay ít ra cản trở sự phát triển hoàn toàn của nó, sự chín mùi cả về nội tâm lẫn khách quan để trở thành một tình yêu chân chính” (tr. 105-106).

Đi Quá Xa?

Kinh nghiệm của nhiều người trẻ xác nhận điều này. Ở những bước đầu của một liên hệ, một người nam và nữ có thể bắt đầu phát triển một tình bạn tốt đẹp. Họ có thể bỏ rất nhiều thì giờ đi dạo với nhau, đi uống cà phê, tham gia những nhóm sinh hoạt xã hội – luôn có những cuộc đối thoại tốt với nhau, biết nhau nhiều hơn. Nhưng một khi sự liên hệ trở thành thể lý, những hình thức thân mật về thể lý ấy càng ngày càng trở nên quan trọng trong mối liên hệ, trong khi sự cảm thông chân chính, như cùng nhau giải quyết những khó khăn, việc tăng trưởng nhân đức từ từ bị đặt vào hàng thứ yếu.

Và điều này không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Nếu chúng ta cảm nghiệm những cảm xúc mãnh liệt liên quan đến thú vui nhục dục này quá sớm, chúng ta sẽ không mấy quan tâm đến việc vun trồng những bình diện khách quan của tình yêu (nhân đức, tình bạn, quyết tâm, tự hiến), bởi vì những bình diện này đòi hỏi nhiều thì giờ, cố gắng và hy sinh để phát triển. Tại sao đi qua tất cả những cố gắng ấy trong khi người ta có thể đạt được thú vui xác thịt của tình yêu một cách quá dễ dàng và tức thời? Trên thực tế, cho đi và nhận lại những sự âu yếm, nếu tách rời khỏi bình diện khách quan của tình yêu, chỉ tạo nên một ảo ảnh của tình yêu, và nó thường che khuất thái độ thật sự làm động lực cho mối liên hệ: đó là một sự ích kỷ, là điều hoàn toàn trái ngược với tình yêu.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải rất cẩn thận trong việc cho đi và nhận lại những cử chỉ âu yếm. ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng những cách diễn tả âu yếm phải luôn luôn được đi kèm với một ý thức trách nhiệm lớn hơn nhiều đối với người kia. “Không thể có sự âu yếm thật sự nếu không có một thói quen hoàn toàn tiết dục, là thói quen bắt nguồn từ một ý chí luôn sẵn sàng tỏ ra sự tử tế yêu thương, và cũng thắng được cám dỗ chỉ để hưởng lạc…. Nếu không có một sự tiết dục như thế, năng lượng tự nhiên của tính xác thịt, và năng lượng của cảm xúc sẽ bị kéo vào quỹ đạo của chúng, và sẽ trở thành ‘nguyên liệu thô’ thuần túy cho giác cảm hay tốt nhất là sự ích kỷ về cảm xúc” (tr. 207).

Rung Động của Hôn Nhân

Sau khi bàn đến những nguy hiểm của việc âu yếm quá sớm, là điều áp dụng đặc biệt cho những liên hệ hẹn hò và thời gian tìm hiểu. ĐTC Gioan Phaolô II tiếp tục bàn về vai trò quan trọng của việc âu yếm trong hôn nhân. Ở đây ngài không những chỉ diễn tả những sự biểu lộ bề ngoài của âu yếm, nhưng căn bản hơn, chính việc âu yếm. Trong hôn nhân, việc âu yếm phải liên quan đến “việc tham gia của tình cảm một cách đều đặn, của một quyết tâm yêu thương bền bỉ, bởi vì chính những điều ấy đưa người nam và người nữ lại gần nhau, tạo nên một bầu khí mội tâm của ‘việc cảm thông’” (tr. 206). Rồi ngài nói rằng “một số lớn” loại âu yếm nay cần thiết trong hôn nhân.

Trong phạm vi này, ĐTC Gioan Phaolô II đưa ra một định nghĩa thứ nhì, đầy đủ hơn về việc âu yếm, dựa theo việc làm thế nào để áp dụng nó vào liên hệ vợ chồng: “Sự ân cần săn sóc (âu yếm) là khả năng cảm nhận được với và cho đi toàn thể con người, cảm thấy được cả những rung động thầm kín về tinh thần, và luôn luôn nghĩ đến những điều tốt thật sự của người ấy” (tr. 207). Thật là một định nghĩa tuyệt vời! Để cảm thấy được “những rung động thầm kín nhất về tinh thần”. Bạn có cảm thấy điều gì đang xảy ra ở thâm cung của linh hồn người bạn trăm năm của bạn không? Những ước vọng, những sợ hãi, những gánh nặng, và những vết thương của nàng không? ĐTC Gioan Phaolô II thách đố các cặp vợ chồng có tâm hồn thật sự kết hợp, thật sự có thể đi vào đời sống nội tâm của nhau. Ngài viết, “Sự âu yếm tạo ra một cảm giác không bị cô đơn, một cảm giác rằng toàn thể cuộc đời nàng hay chàng cũng là nội dung đời sống người kia, đời sống của một người rất thân yêu. Xác tín này làm cho dễ dàng và củng cố ý thức hợp nhất rất nhiều” (tr. 207).

Phụ Nữ và Sự Âu Yếm Săn Sóc

ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng phụ nữ không những mong muốn loại âu yếm này từ người chồng, nhưng họ còn thật sự có đặc quyền được âu yếm trong hôn nhân. Ngài đưa ra ba lý do tại sao người chồng phải đi sâu vào đời sống tình cảm của vợ.

Trước hết, ở mức độ căn bản nhất, đời sống tình cảm của người phụ nữ thường sâu hơn của đàn ông. Cho nên, người phụ nữ có một nhu cầu lớn hơn về âu yếm, đến nỗi đàn ông khó mà hiểu được bởi vì họ không cần nhiều như thế.

Thứ đến, người nữ hiến mình cho người nam. Khi một phụ nữ kết hôn, thường thì nàng bỏ nhà mình cùng cha mẹ mình để kết hợp với chồng. Bởi vì phụ nữ thường có một đời sống tình cảm phong phú hơn, họ có thể cảm thấy việc từ bỏ gia đình này nghiêm trọng hơn đằn ông, đặc biệt là khi họ từ một gia đình rất gần gũi và một liên hệ chặt chẽ với cha mẹ. Trong khi hầu hết người nam mong rời xa gia đình và bắt đầu cuộc mạo hiểm mới của đời sống hôn nhân, một số phụ nữ, trong khi cảm nghiệm tình trạng hứng thú này, cũng cảm thấy mất mát khi rời xa những người mà họ đã đầu tư tình cảm nhiều nhất suốt cả đời họ để kết hợp với chồng. Cho nên, người phụ nữ cần người chồng đi vào những cảm xúc và tâm trạng của nàng nhiều hơn khi nàng trải qua tình trạng chuyển tiếp này và từ bỏ mình trong hôn nhân.

Thứ ba, người phụ nữ trải qua những kinh nghiệm rất quan trọng và khó khăn trong đời sống (thí dụ như mang thai, sinh con, nuôi con, chăm sóc trẻ sơ sinh, nghỉ sở làm, ở nhà). Một số phụ nữ cảm thấy rất côn đơn giữa những kinh nghiệm mới này. Cho nên họ có một nhu cầu đặc biệt về sự ân cần săn sóc từ người chồng khi họ trải qua những chuyển tiếp này.

Thách Đố đối với Đàn Ông

ĐTC Gioan Phaolô II thách đố các người nam làm nhiều hơn nữa để cung ứng cho vợ về tài chánh và chăm sóc mọi sự quanh nhà. Ngài thách thức các người chồng đi sâu vào “đời sống tình cảm” của vợ “để cảm thấy cùng và cho toàn thể con người”. Những người đàn ông quá bận rộn với việc làm, thể thao, tin tức mỗi tối, hay những dự án ở nhà trong khi xa cách vợ mình về tình cảm đã thất bại trong việc cung cấp cho vợ loại săn sóc âu yếm mà ĐTC Gioan Phaolô II diễn tả - loại âu yếm mà người phụ nữ có đặc quyền trong hôn nhân.

Thách đố này của người đàn ông rất quan trọng khi người vợ trở thành người mẹ, có thể đó là lúc người phụ nữ cần sự âu yếm săn sóc của người chồng nhiều nhất. Nền văn hóa của chúng ta không công nhận phẩm giá và giá trị của việc làm mẹ cách đầy đủ. Những người làm ở sở luôn được ca ngợi, kính trọng, và công nhận vì những thành quả nghề nghiệp của họ, nhưng những bà mệ chọn ở nhà và hy sinh đời mình để nuôi nấng dạy dỗ con cái thường hiếm được thế giới công nhận như thế. Thực ra, nhiều khi họ còn bị khinh khi.

Lấy đời tôi làm ví dụ: Người ta thường cam ơn tôi vì những quyển sách, những bài báo và những gì tôi dạy. Nhưng ít người trên đời này đi xa hơn nữa cám ơn vợ tôi vì đã hiến đời nàng cho các con tôi, dù là về vấn đề tâm linh như dạy chúng vê Chúa Giêsu và đào luyện chúng về nhân đức, hay vì những việc có tính cách trần thế hơn như thay tã, đổ nước vào bình, đọc sách Con Sâu Rất Đói năm lần một ngày. Làm việc tông đồ Công Giáo bằng cách viết và dạy học có thể là một điều tốt, nhưng chả là gì so với việc vợ tôi làm ở nhà với các con tôi.

Tuy nhiên, nền văn hóa của chúng ta lúc nào cũng xác nhận những hiệu năng và thành quả người ta đạt được ở ngoài gia đình, nhưng thương hại một người phụ nữ chọn lựa ở nhà nuôi con. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều bà mẹ cảm thấy rất cô đơn và bắt đầu nghi ngờ tình trạng của mình trong đời khi họ chuyển tiếp từ việc đi làm sang việc làm mẹ. Vì thế, nhất là trong một nền văn hóa như của chúng ta, người đàn ông, hơn bao giờ hết, cần phải hết sức nâng đỡ vợ mình và đi vào “những rung động tinh thần” mà các bà gặp phải qua những biến cô quan trọng của đời các bà.

Viết theo Men, Women, and Tenderness Edward P. Sri, From the Jul/Aug 2006 Issue of Lay Witness Magazine.
 
Từ chối của cải thế gian để theo Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
06:28 08/10/2009
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN (B)

Kn 7: 7-11; Tv 90; Dt 4: 12-13; Mc 10: 17-30

Trong những lúc trò chuyện hằng ngày chúng ta thường để cập đến những người "khôn ngoan", và những người này thường đọc và nghiền ngẫm hằng núi sách. Nhưng đọc sách chưa hẵn đã là người khôn ngoan, có lẽ đó chỉ là người hiểu biết thôi. Đối với chúng ta, người khôn ngoan phải là người có thể hướng dẫn mọi người giải quyết được những vấn đề khó khăn trắc trở, để đạt được mục tiêu tốt nhất.

Người Do Thái xưa cũng nghĩ người khôn ngoan là như vậy. Khôn ngoan là hồng ân Chúa ban cho con người để giúp đỡ họ như: Tài trí, dũng lực, cai trị (như Salomon), khiêm nhường, đạo đức, v..v… Trong thánh kinh có đề cập đến khôn ngoan trong các sách: Cách ngôn, Gióp, khôn ngoan. Trước kia sách khôn ngoan viết về vua Salomon; nhưng lại được một triết gia Hy Lạp trình thuật sau thời của ông vài trăm năm. Tất cả các sách trong thánh kinh điều chứa đầy những đề tài về sự khôn ngoan. Như thánh vịnh, sách đệ nhị luật và sách Ngôn sứ.

Trong khi người dân vùng Trung Đông đi tìm sự khôn ngoan thì thánh kinh nhân cách hóa sự khôn ngoan dưới hình ảnh một phụ nữ (tiếng Hy Lạp gọi là Sophia). Trong thánh kinh mô tả sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, là sự mạc khải của Thiên Chúa qua các tạo vật (Cn 3:19; Tv 19:1). Theo sách khôn ngoan hôm nay diễn tả khôn ngoan như là một sự hướng dẫn cho những ai muốn sống theo đường hướng của Thiên Chúa.

Cũng theo cách nhận định này, tân ước trình bày Chúa Giêsu như một người khôn ngoan, một người thầy, một tư tế. Anh chị em có thấy người thanh niên giàu có kia gọi Chúa giêsu là “Thầy nhân lành” không. Trước đó, thánh Mác-cô cho chúng ta thấy Ngài còn “Vĩ đại hơn cả Salomon“(6,2). Trong kinh sách Do Thái, “sự khôn ngoan lớn tiếng mời gọi chúng ta luôn thấu hiểu lẻ phải và điều ngay chính?”. Trong chương 8 của sách Cách Ngôn (Chúng ta nên đọc toàn bộ chương này) Khôn ngoan mang đến sự sống, ân sũng của Thiên Chúa cho những ai biết gắn kết với đức khôn ngoan. Vì thế; theo bài trích sách khôn ngoan hôm nay; Khôn ngoan là hiền thê của Chúa Giêsu, và hể ai theo Ngài thì cũng chia sẽ được sự khôn ngoan và sự sống vĩnh hằng.

Người thanh niên giàu có kia luôn thành tâm ước muốn có một cuộc sống vĩnh hằng nhưng theo quan niệm của ông ta; cũng như của chúng ta hôm nay; là tiếp tục kéo dài mãi cuộc đời sung túc an toàn hiện nay. Như vây ông ta có thành tâm tìm sự khôn ngoan nơi Chúa Giêsu không? Có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu đổi mới hoàn toàn cuộc sống?. Vì thế, đầu tiên Chúa Giêsu đáp lại bằng một câu hỏi có vẻ lơ là "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Như vậy chúng ta thấy dáng vẽ bề ngoài, của cải, trang sức không ảnh hưởng gì đến Chúa cả nên câu hỏi có vẻ nghi ngờ về sự trung thực tìm kiếm của người giàu có này.

Chúng ta thường hay phán xét người khác qua hình dáng bên ngoài, của cải vật chất, công việc thành đạt của họ. Chúa Giêsu thì không như vậy, Ngài không có tí ấn tượng gì về sự giàu có của người thanh niên nầy. Khác với các tông đồ; vì sự hào nhoáng giàu có; các ông đã mở lối cho người nhà giàu này tiếp cận Chúa. Có lẽ các ông hãnh diện vì có người giàu sang tìm nghe Chúa giảng dạy. Trong khi hướng dẫn người giàu có này, Chúa Giêsu muốn nhân dịp này dạy dỗ thêm cho các môn đệ.

Chúng ta hãy chấp nhận đây là một người nhà giàu sống đạo, giử nghiêm các lề luật thật tốt. Tuy Chúa Giêsu không bị ảnh hưởng gì về dáng vẽ bên ngoài của ông ta, nhưng Ngài đã chấp nhận lời ông ta nói và Ngài nhìn ông ta trong ánh mắt trìu mến và Ngài dạy cho ông ta sự khôn ngoan mới; rằng ông hãy làm nhiều hơn nữa; là bán hết của cải, đem cho người nghèo, nghĩa là từ bỏ sự giàu có của mình “…rồi hãy đến đây theo Ngài”.

Đây là đoạn “phúc âm nói về tiền của” trong tuần này. Có một số bài giảng lại diễn giải rằng Thiên Chúa muốn chúng ta được thịnh vượng sung túc nếu chúng ta có đức tin và biết tha thiết cầu nguyện “may ra” sẽ được Chúa đoái thương ban phát của cải đầy dư. Một số người khác lại cho rằng Thiên Chúa sẽ thương đến những người sống đạo đức tốt và của cải đầy dư chính là bằng chứng Thiên Chúa đã thương họ vì họ đã sống có đạo đức và biết siêng năng cầu nguyện.

Đấng Thầy của chúng ta, Chúa Giêsu, có thái độ đối với người giàu có như trong phúc âm diễn tả quả thật lạ lùng. Vào thời ấy, các môn đệ cũng như dân chúng đều tin rằng người có tiền của là dấu hiệu minh chứng người đó đã sống tốt lành nên được Thiên Chúa thương ban. Còn kẻ nghèo khó là dấu chỉ người đó bị Thiên Chúa quở phạt do sống không đẹp lòng Chúa. Vì thế, tiền của chính là ân huệ của Thiên Chúa ban cho, nếu cho người khác hết đi thì còn bằng chứng nào để cho người khác biết là Thiên Chúa đã thương yêu họ?

Dấu chỉ đích thực về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô. Khi người giàu có tặng hết của cải cho người nghèo theo làm môn đệ Chúa Giêsu ông sẽ nhận được trọn vẹn Chúa Giêsu khi cố gắng thực hiện những việc làm như các môn đệ thay đổi cách sống mới để học hỏi sự khôn ngoan của thầy vì Ngài là đấng khôn ngoan. Trong sách cách ngôn, đức khôn ngoan đã lớn tiếng: “…ta gọi các ngươi, hỡi con cái loài người. Hỡi những kẻ ngây thơ, hãy học cho biết điều khôn khéo; hỡi những người ngu xuẩn, hãy học cho biết lẽ phải chăng” (Cn 8:4-5). Trong sự ngu xuẩn, người giàu đã nhận lấy tiền của là của hay hư mất và từ chối Chúa Giêsu là của sống vĩnh hằng.

Phúc âm hôm nay nối tiếp câu chuyện của phúc âm tuần trước trong lúc Chúa gọi các con trẻ lại chúc lành cho chúng và nói với mọi người rằng “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." (10:15). Sợ rằng mọi người sẽ nghĩ là Chúa nói câu văn chương êm ả cho các trẻ em, nên thánh Mác-cô ngay lập tức tiếp theo câu chuyện người thanh niên giàu có này.

Trong Thánh Kinh, tiền của không là điều xấu. Câu chuyện hôm nay chứng tỏ là một người giàu sang vẫn có thể sống đời sống tốt. Một thách thức đối với chúng ta là: Niềm tin của tôi được đặt vào những gì? Vào sức khỏe chăng? Vào tuổi trẻ? Sức mạnh quân đội? Hay vào giáo hội? hay vào lối sống an tâm tự tại của chúng ta? Không ai muốn được nhắc nhở là của cải có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Nhưng tiền của chúng ta chịu khó dành dụm suốt đời có thể cho chúng ta cảm tưởng là chúng ta làm đúng mọi việc trong đời sống. Chúng ta thường tự nhủ “cứ tiếp tục làm việc giỏi đi”. Nhưng chúng ta cũng không thể tìm mua được bảo hiểm sức sống vĩnh hằng nơi Chúa Giêsu cho chúng ta, sức sống mà không quyền lực nào có thể lấy đi được.

Đoạn tiếp theo trong phúc âm thánh Mác-cô nói đến việc Chúa Giêsu huy hoàng tiến vào thành Giê-ru-sa-lem (chương11) đến lúc chịu khổ nạn của Ngài. Vì sao thế? Chẳng lẽ Thiên Chúa không yêu mến Ngài? không thích những lời nói và việc Ngài làm? Không đâu, Thiên Chúa yêu mến Ngài. Nhưng Chúa Giêsu không có của cải nào đẹp hơn là cái chết trên thập giá. Để dạy chúng ta cách Khôn Ngoan về của cải theo phúc âm.

Vậy theo Chúa Giêsu có tốn kém gì không? Có phải chúng ta phải bỏ nhiều thời giờ để giúp người khác không? Việc Chúa Giêsu gọi chúng ta theo Ngài có làm chúng ta mệt mỏi không? Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta có dự định tìm kiếm thêm những gì chúng ta đã có, hay chúng ta thầm đọc một kinh ngắn trong lúc đánh răng rửa mặt không? “Xin Chúa chỉ cho con những điều Chúa muốn con làm ngày hôm nay”.

Trong thánh lễ hôm nay nhiều lần chúng ta nói “Lạy Chúa”. Mỗi lần như thế sẽ thách thức chúng ta rằng. Nếu Thiên Chúa là Chúa chúng ta, thì chúng ta có đổi mới đời sống theo ý Chúa mỗi ngày để được gần Ngài hơn không? Chúng ta có từ bỏ tư tưởng an tâm dựa vào tiền của mà gia đình và bạn hữu đã dạy chúng ta không?

Hôm nay Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một sự khôn ngoan thực. Trong khi khôn ngoan của thế gian thúc đẩy chúng ta chiếm lấy “vòng vàng”, thì khôn ngoan thật lại bảo hãy là người từ bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta theo Chúa. Theo Chúa Giêsu có nghĩa là sống như Ngài, với một tấm lòng rộng mở, tiếp đón những người cần chúng ta giúp đỡ. Không ai được nghĩ rằng mình có tội khi làm quá nhiều việc để giúp gia đình và con cái. Nhưng hôm nay khôn ngoan của phúc âm nhắc nhở chúng ta là nên luôn hướng đến đời sống vĩnh hằng mai sau. Đó là luôn theo Chúa Giêsu và sống theo lối sống của Ngài.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 28 B
Lm Ignatiô Hồ Thông
09:29 08/10/2009
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật này mời gọi chúng ta suy gẫm về vấn đề vinh hoa phú quý đối chiếu với lý tưởng minh triết hay lý tưởng Tin Mừng về đức nghèo khó.

Kn 7: 7-11: Bài đọc I, được trích từ sách Khôn Ngoan, ca ngợi giá trị khôn sánh của Đức Khôn Ngoan, còn quý hơn mọi vinh hoa phú quý trần thế.
Dt 4: 12-13: Trong đoạn trích thư gởi các tín hữu Do thái, Lời Chúa được gợi lên với tất cả quyền năng của nó: ban sự sống, chức năng xét xử; Lời Chúa xuyên thấu tận cõi thâm sâu nhất của con người chúng ta.
Mc 10: 17-30: Tin Mừng tường thuật câu chuyện một người giàu có. Đức Giê-su đề nghị anh từ bỏ của cải mà theo Ngài, nhưng anh không thể. Đức Giê-su nêu vấn đề về sự giàu có là một trở ngại trên con đường cứu độ.

BÀI ĐỌC I (Kn 7: 7-11)

Sách Khôn Ngoan được viết bằng tiếng Hy-lạp vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, bởi một người Do thái quê A-lê-xan-ri-a. Trước những nguy hiểm của việc Hy lạp hóa đang đe dọa Do thái giáo, tác giả lại tôn vinh những giá trị khôn sánh của Đức Khôn Ngoan Kinh Thánh.

Tác phẩm bao gồm ba phần. Phần thứ nhất về Đức Khôn Ngoan và vận mệnh con người; phần thứ hai về bản chất và nguồn gốc của Đức Khôn Ngoan; và phần thứ ba về hành động của Đức Khôn Ngoan trong lịch sử. Trong phần thứ hai tác phẩm của mình, tác giả, bằng hư cấu văn chương, đặt lời trên môi miệng của vua Sa-lô-mon, vị vua được truyền tụng là người khôn ngoan nhất. Đoạn văn chúng ta đọc được trích dẫn từ diễn từ của vua Sa-lô-mon. Vị quân vương vừa mới nhắc nhớ rằng ông không khác với những con người khác, ông chia sẻ thân phận con người như bao nhiêu người khác; đức khôn ngoan ở nơi vua không là một đặc sủng mà tự nhiên ông được ban cho khi trở thành quân vương: vua đã đạt được đức khôn ngoan là do thành tâm cầu nguyện.

1. Lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon.

“Tôi đã nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết; tôi đã kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi”.

Việc vua Sa-lô-mon cầu xin Thiên Chúa ban cho mình sự khôn ngoan là một sự kiện truyền thống được kể ra trong sách Các Vua quyển thứ nhất (1V 3: 4-14), được nhắc lại trong sách Sử Biên quyển thứ hai (2Sb 1: 1-12) và tác giả của sách Khôn Ngoan sáng tác một đoạn văn từ câu chuyện nầy (9: 1-18). Vua Sa-lô-mon, xúc động vì được kế nghiệp thân phụ của mình là vua Đa-vít khi hãy còn tuổi niên thiếu, cầu xin Đức Chúa ban cho mình những đức tính cần thiết để hướng dẫn một dân tộc quan trọng như thế.

Sách Khôn Ngoan trình bày lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon không có trong bối cảnh gốc, nhưng theo cách riêng của mình để đánh động những đọc giả của thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên: vị vua Ít-ra-en xưa đã không có gì phải tự hào vì mình được sở hữu những ân ban của Thiên Chúa; ông phó thác sự yếu đuối của mình vào chỉ một mình Thiên Chúa đích thật, Đấng phân phát sự khôn ngoan, ngược lại với các bậc quân vương thời Hy lạp.

2. Lòng quý chuộng Đức Khôn Ngoan:

Vua Sa-lô-mon công bố lòng quý chuộng Đức Khôn Ngoan của mình. Bản văn nhắc lại câu trả lời của Đức Chúa cho vị vua trẻ theo 1V 3: 11, được tô điểm bằng những chủ đề truyền thống minh triết.

“Tôi đã trọng Đức Khôn Ngoan hơn vương trượng, ngai vàng”, nói như thế, không có nghĩa vua Sa-lô-mon đã muốn từ chối ngai vàng của vua Đa-vít, nhưng vì “vì Đức Khôn Ngoan đưa ông lên hàng vương đế”. Tác giả đã khai triển chủ đề nầy ở trên: “Như vậy, chính lòng khao khát Đức Khôn Ngoan đưa chúng ta lên hàng vương giả. Thế nên, hỡi chư vị lãnh đạo các dân, nếu chư vị quý chuộng ngai báu và vương trượng, thì hãy tôn trọng Đức Khôn Ngoan, để chư vị được trị vì mãi mãi ” (Kn 6: 20-21).

Những châm ngôn theo sau là di sản chung mà chúng ta gặp lại trong sách Châm Ngôn, sách Huấn Ca, vân vân, chưa nói đến các Thánh Vịnh. Ví dụ như “Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không bảo vật nào của con so sánh nổi” (Cn 3: 15) hay còn: “Hãy đón nhận lời nghiêm huấn của ta quý hơn cả bạc, hãy đón nhận tri thức quý hơn cả vàng ròng. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không báu vật nào so sánh nổi” (Cn 8: 10-11).

“Tôi đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng”; bằng những lời nầy, vua Sa-lô-môn nhắc nhớ rằng ông đã không cầu xin Thiên Chúa một cuộc sống trường thọ. Rời bỏ cuộc sống hay rời bỏ ánh sáng là những cách nói tương đương trong văn chương kinh thánh cũng như trong văn chương của các dân tộc Đông Phương và ở Hy-lạp.

3. Thành quả của Đức Khôn Ngoan:

Trong sách Các Vua, Đức Chúa đã ca ngợi phẩm chất của lời nguyện xin của vua Sa-lô-mon; để tưởng thưởng cho vua, Ngài đã ban cho ông không chỉ Đức Khôn Ngoan nhưng mọi vinh hoa phú quý mà nhà vua đã không xin.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một bài học gần như thế. Mến chuộng Đức Ki tô hơn sự giàu có là con đường dẫn đến Nước Trời, và “đối với những ai từ bỏ mọi sự vì Ngài và vì Tin Mừng, thì ngay ờ đời nầy sẽ nhận được gấp trăm và đời sau sẽ được hưởng sự sống đời đời ”.

BÀI ĐỌC II (Dt 4: 12-13)

Thư gởi các tín hữu Do thái được gởi đến những người Ki tô hữu gốc Do thái, họ sống xa Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và luyến nhớ các nghi lễ Cựu Ước; hơn nữa, vì những bách hại, vài người mất can đảm đã muốn bỏ rơi niềm tin Ki tô giáo của mình. Bức Thư nầy nhằm an ủi họ và tăng cường đức tin của họ.

Đoạn văn chúng ta đọc hình thành nên một phần của những lời khuyến dụ dài mời gọi hãy trung tín và kiên trì. Tác giả vừa mới gợi lên tấn thảm kịch đối với những ai bất tuân; họ đã không được chấp nhận vào Đất Hứa nhưng phải vùi thây trong sa mạc.

Vì thế, chúng ta hãy giữ mình khỏi bất trung nếu chúng ta muốn đi vào Đất Hứa đích thật, vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: “Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ nầy, kẻo có ai cũng theo gương bất trung đó mà sa ngã” (Dt 4: 11).

1. Nhân cách hóa Lời Chúa.

“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi”. Đây không là lần đầu tiên Kinh Thánh dâng hiến cho chúng ta nhân cách hóa Lời Chúa như vậy. Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã mô tả Lời Chúa, xuống từ trời để đem lại sống cho toàn cõi thế và chỉ trở về với Ngài một khi sứ mạng đã được hoàn thành (Is 55: 10-11). Sách Đệ Nhị Luật cũng đã trình bày Lời Chúa như một sức mạnh nội tại, nguồn sống, nhưng cũng là chứng nhân lên án: “Hãy để tâm vào tất cả những lời mà hôm nay tôi cảnh báo anh em, hãy truyền những lời đó cho con cái anh em, để chúng lo đem ra thực hành tất cả những lời của Luật nầy. Thật vậy, đó không phải là một lời trống rỗng đối với anh em, mà đó là sự sống của anh em, và nhờ lời ấy, anh em sẽ được sống trên đất mà anh em sắp qua sông để chiếm hữu” (Đnl 32: 46-47).

2. Chức năng xét xử của Lời Chúa.

Lời Chúa được nêu lên như vậy vì Lời Chúa có chức năng giáo huấn. Tác giả của thư gởi tín hữu Do thái chuyển từ Lời Chúa có chức năng giáo huấn đến Lời Chúa có chức năng xét xử, đây không phải là một ví dụ độc nhất. Thánh Gioan cũng chuyển dời viễn cảnh như vậy: “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12: 48).

Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái so sánh Lời Chúa với thanh gươm hai lưỡi; không cốt là thanh gươm Công Lý, mà sách Khải Huyền trang bị cho Con Người vào ngày tận thế, vào ngày Chung Thẩm (Kh 1: 16; 19: 15). Từ ngữ gợi lên một dụng cụ của nhà giải phẩu, như một con dao mổ, Lời Chúa “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó là lời phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. Cuối cùng, tác giả đồng hóa Lời Chúa với chính Thiên Chúa: “Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ ra trước lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ”.

Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc được gởi đến cho các Ki tô hữu mà đức tin của họ đang chao đảo, nhưng tác giả ngay tức khắc liên kết vị Thượng Tế biết cảm thương, là Đức Ki tô với những nỗi yếu hèn của chúng ta.

TIN MỪNG (Mc 10: 17-30)

Câu chuyện về một người giàu có nầy đều được cả ba Tin Mừng nhất lãm tường thuật, bởi vì đây là dịp thuận tiện, là cơ hội dể thấy mà Đức Giê-su lợi dụng để minh họa bài học kiểu mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài. Cả ba đều đã cho bài trình thuật của mình tính cách xúc động và thống thiết, nét đặc trưng rất dể thấy tại Mác-cô.

Đức Giê-su vừa lên đường về Giê-ru-sa-lem bằng cách băng qua thung lũng của sông Gio-đan, thì “có một người chạy đến”. Thánh Mác-cô thích làm sinh động những bài trình thuật của mình bởi những động từ chuyển động; ở đây, chi tiết nầy có giá trị của nó: nó chỉ ra sự hối hã và thiện chí, chuẩn bị tương phản với thái độ sau cùng.

1. Sự sống đời đời.

“Sự sống đời đời” là diễn ngữ then chốt của toàn bộ câu chuyện nầy; nó được nêu lên ngay từ đầu với câu hỏi mà người nầy nêu lên và ở cuối với câu trả lời của Đức Giê-su. Đây không chỉ là một ví dụ điển hình về kỷ thuật văn chương đóng khung, nhưng còn định vị tấm thảm kịch sắp diễn ra trong chiều kích cốt yếu của nó. Vấn đề về những mối tương quan giữa người Ki tô hữu và của cải được đặt ra tùy thuộc vào vấn đề cốt yếu nầy: cuộc sống tương lai; vì thế, các môn đệ xao động tận đáy lòng.

Nỗi ưu tư của người nầy phù hợp với những nỗi bận lòng của những môi trường đạo hạnh Do thái giáo ở đó người ta tranh luận về những viễn cảnh cánh chung: sự sống đời đời, chính là gia nghiệp mà Thiên Chúa hứa vào thời tận thế. Phải làm gì để đảm bảo sự sống đời đời?

Người nầy ca ngợi Ngài “Thưa Thầy nhân lành” với một cử chỉ hết mực cung kính: “quỳ xuống trước mặt Người”. Thái độ nầy làm chứng rằng Đức Giê-su nổi tiếng là một vị kinh sư đặc biệt và người nầy tin rằng chỉ có Ngài mới có thể ban cho ông những lời khuyên có giá trị.

Tại sao Đức Giê-su thoái thác phẩm chất “nhân lành” nầy, trong khi lòng nhân hậu của Ngài thì hiển nhiên? Nếu không để hướng tâm trí của người đối thoại về Đấng là nguồn mạch của mọi lòng nhân hậu? Nếu Đức Giê-su thì nhân hậu, chính vì Ngài đón nhận lòng nhân hậu từ Thiên Chúa. Tại Mát-thêu, sắc thái thì hơi khác. Chàng thanh niên hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”. Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi” (Mt 19: 16). Tại các thánh ký có mối bận lòng là không quên thân phận con người của Đức Giê-su, nhất là tại Mác-cô.

Sau khi đã hiệu chính, Đức Giê-su sắp trả lời một cách tích cực, như minh chứng rằng: “Tôi không đến hủy bỏ, nhưng kiện toàn Lề Luật”.

2. Lời kêu gọi kép được gởi đến cho người giàu có.

Thập Giới là nền tảng hàng đầu của Lề Luật. Đức Giê-su chỉ trích dẫn phần thứ hai của Thập Giới, phần liên quan đến những bổn phận đối với anh em đồng loại của mình. Như thế, đối với Đức Giê-su, thực thi giới luật mà Đức Chúa đã truyền dạy là con đường bình thường và đầy đủ để đạt đến “sự sống đời đời”. Người này mau mắn trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Điều nầy chứng tỏ tấm lòng thành tâm thiện chí của anh trên con đường khao khát sự sống đời đời. Câu trả của anh gây ấn tượng mạnh nơi Đức Giê-su. Mác-cô là thánh ký duy nhất cung cấp chi tiết cảm động nầy: “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.

Đối với con người thành tâm thiện chí nầy, Đức Giê-su đề nghị đi xa hơn trên con đường sự sống đời đời: “Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Sau đó, hãy đến theo tôi”. Đây không chỉ là tinh thần siêu thoát mà Đức Giê-su đòi hỏi anh, nhưng một sự từ bỏ của cải để đạt cho bằng được: “kho tàng trên trời”. Đây là theo cách Thiên Chúa. Đối với ai muốn bước đi trên con đường nhân đức, Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi thêm nữa. Những ai Thiên Chúa đem lòng yêu mến, Ngài không để cho kẻ ấy sống trong một cuộc sống tầm thườngnhư bao nhiêu người khác. Thiên Chúa đã xử sự với các ngôn sứ của Ngài như vậy; Đức Giê-su hành xử với các môn đệ của Ngài cũng theo một cách như vậy. Nhưng “nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Chỉ mãi đến lúc nầy chúng ta mới biết được người ấy rất giàu và chính sự giàu có đã ngăn cản không cho anh tích cực đáp lại tiếng gọi trở thành môn đệ của Đức Giê-su.

Tuy nhiên, lý tưởng của sự nghèo khó không xa lạ gì đối với Do thái giáo; các ngôn sứ đã ca ngợi lý tưởng nầy; họ đã công kích những kẻ giàu có; họ đã công bố ơn cứu độ của Ít-ra-en nhờ một nhóm nhỏ còn lại, bị tước đoạt tất cả, chỉ còn lại một niềm tin tưởng vào Đức Chúa…tuy nhiên, vẫn hiện diện trong tâm thức ý tưởng Thiên Chúa hứa ban muôn vàn của cải như phần thưởng cho ai trung thành tuân giữ Lề Luật. Vì thế, ở nơi người Do thái trung thành với luật Mô-sê ngay từ khi còn bé nầy chúng ta gặp thấy lý tưởng của những người Do thái đạo hạnh, họ lấy Thập Giới làm quy luật sống để hướng tới “sự sống đời đời” là kho tàng Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài.

Còn ở đây, Chúa Giê-su được trình bày như là Đấng Mê-si-a đến mặc khải một lý tưởng còn cao hơn lý tưởng của dân Ít-ra-en: “Anh chỉ còn thiếu có một điều”: trung thành với giới luật của Thiên Chúa thì chưa đủ, còn phải bước theo Đấng mà Thiên Chúa sai đến. Trọng tâm của câu chuyện nầy không phải hệ tại ở việc từ bỏ của cải nhưng là gắn bó với Đức Giê-su, yêu mến Ngài trên tất cả. Chúng ta đừng quên rằng câu chuyện về ơn gọi bất thành nầy được ghi lại trên con đường Đức Giê-su quyết liệt tiến về cuộc khổ nạn của Ngài. Như vậy, đức tin Ki tô giáo vừa kiện toàn vừa hoàn tất đức tin Do thái giáo. Người ta không thể trở thành người Ki tô hữu nếu không xem Đức Giê-su là trung tâm và là cứu cánh cuộc đời của mình được. Như một người gặp được viên ngọc quý hay kho tàng chôn dấu trong ruộng, người ta sẳn sàng đánh đổi tất cả để sở hữu cho bằng được Ngài như lời của thánh Phao-lô: “Ai có thể tách tôi ra khỏi lòng mến đối với Đức Ki tô”.

3. Lời mời gọi được gởi đến với mọi người.

“Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh”. Đây là một ghi nhận đặc trưng của thánh Mác-cô (3: 5; 5: 32; 9: 8; 10: 23; 11: 11). Đây không nhằm chi tiết điểm tô; ý nghĩa của nó thì rõ ràng: Đức Giê-su ngỏ lời với dân chúng, chắc chắn đám đông vây quanh Ngài, nhưng không được kể ra, và đám đông vô hình của những Ki tô hữu của mọi thời: “Những người có của mà vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao!”.

Vì các môn đệ hết sức kinh ngạc, Đức Giê-su lập lại đến hai lần lời cảnh giác của Ngài: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao!”.

Việc sánh ví với con lạc đà chui qua lổ kim còn dể hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa là một kiểu nói khoa trương Đông Phương để kích thích sự chú ý. Sự giàu có là một trở ngại trên con đường cứu độ. Đức Giê-su đã nói rồi: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6: 24). Sự cố mà các môn đệ đã chứng kiến mang đến một bằng chứng tỏ tường.

“Thế thì ai có thể được cứu?”, các môn đệ nêu lên câu hỏi nầy không vì những người gắn bó với của cải thì đầy dẫy chung quanh họ, nhưng họ sửng sốt bởi những lời nghiêm khắc của Thầy mình. Đức Giê-su trấn an họ bằng cách khai mở tâm trí của họ vào mầu nhiệm Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với Thiên Chúa, mầu nhiệm ân sủng, mầu nhiệm của lòng xót thương…

Thánh Lu-ca tường thuật câu chuyện của ông Da-kêu không xa mấy sau câu chuyện nầy, như vậy cho một ví dụ về ơn cứu độ của một người giàu có. Ông Da-kêu đã không bao giờ nghĩ bố thí một phần của cải của mình cho những người nghèo, nếu Đức Giê-su đã không viếng thăm gia đình của ông. Vấn đề là câu trả lời của con người trước việc Thiên Chúa đi bước trước.

4. Một phần thưởng kép?

Các tông đồ không thể không so sánh thái độ của họ với thái độ của người giàu có nầy: họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài; ông Phê-rô nhân danh tất cả môn đệ nhắc lại điều đó.

Đức Giê-su trả lời khi nêu lên hai loại phần thưởng: phần thưởng được ban cho “bây giờ, ngay ở đời nầy” và phần thưởng được ban cho trong thế giới tương lai: “sự sống đời đời”.

Có lẽ phải hiểu một chuỗi những phần thưởng đầu tiên theo nghĩa đen. Chắc chắn, ai từ bỏ các người thân yêu và của cải quý giá của mình vì Đức Giê-su, người ấy sẽ gặp thấy ở lòng cộng đoàn Ki tô hữu, một đại gia đình. Nhưng lời giải thích tinh thần thì có vẻ thật hơn; thánh Mác-cô xem ra hiểu như vậy bởi vì thánh ký đặt sự bách hại giữa những phần thưởng trần thế.

Chính ở nơi những của cải nầy mà những Ki tô hữu đã sở hữu rồi, thánh Phao-lô ám chỉ đến khi thánh nhân viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “…coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6: 10).
 
Đức Giêsu giáo huấn về của cải
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
09:31 08/10/2009
Chúa Nhật XXVIII Thường niên B (Máccô 10,17-30)

1.- Ngữ cảnh

Trong chuỗi các sự cố xảy ra liên can đến dân chúng và giáo huấn ban cho các môn đệ, phân đoạn này phù hợp với Mc 10,1-12. Cũng như trong trường hợp ấy, ở đây, phần giáo huấn cho các môn đệ đã được thêm vào sau, bởi vì ta thấy truyện Người giàu có (cc. 17-22) tự nó đã kết thúc và được khoanh vùng rõ ràng.

2.- Bố cục

Bản văn này có thể chia thành ba phần:

1) Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người giàu có (10,17-22);
2) Giáo huấn các môn đệ về sự khó khăn của việc từ bỏ (10,23-27);
3) Giáo huấn về phần thưởng dành cho người môn đệ (10,28-30).

3.- Vài điểm chú giải

- Đức Giêsu vừa lên đường (17): Ekporeuomenon autou eis hodon, ở dạng “thuộc-cách tuyệt đối” (absolute genitive), một lối hành văn rất quen thuộc của Mc.

- có một người chạy đến: Chỉ khi đến cuối câu truyện, ta mới biết anh này là một người giàu (10,22). Không có một ghi chú nào về tuổi của anh (x. Mt 19,20).

- quỳ xuống: Cử chỉ này cho thấy người này hết sức kính trọng Đức Giêsu (x. 1,40).

- Thưa Thầy nhân lành: Lời xưng hô kiểu này rất hiếm trong Do-thái giáo thời Đức Giêsu, cho dù từ “nhân lành” thường được áp dụng cho Thiên Chúa ở trong Cựu Ước (x. Tv 117/118,1; 1 Sb 16,34; 2 Sb 5,13). Nói chung, người Do-thái cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được coi là “nhân lành”, còn không ai khác là “tốt” cả (x. Rm 7,18). Tuy vậy, khẳng định này cũng không tuyệt đối, bởi vì thọ tạo cũng được mô tả là “tốt” (St 1,31). Phaolô cũng nói như thế về Lề Luật trong Rm 7,12.16. Đức Giêsu cũng có nói đến người “tốt” và kẻ “xấu”.

- tôi phải làm gì: Người này lấy mình làm điểm chuẩn: “tôi cần làm gì để thủ đắc sự sống đời đời”.

- sự sống đời đời (x. 10,30): Đây là công thức của Đn 12,2 (LXX), có thể hiểu là sự sống sau khi sống lại, không nhất thiết hàm ý “bất tử”. Có thể coi như đồng nghĩa với “Nước Thiên Chúa” (x. 9,43-47).

- Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa (18): Không thể giải thích là có một vực thẳm giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa, vì như thế thì quá mâu thuẫn với truyền thống Tin Mừng. Có thể coi đây là một phản ứng của Đức Giêsu nhằm trắc nghiệm người ấy hoặc một phương thức sư phạm nhằm gián tiếp giới thiệu về mình như là Con Người.

- anh biết các điều răn (19): Loạt các điều răn trong bài phần lớn được rút từ phần hai của Thập Điều (Xh 20,12-17; Đnl 5,16-21), là phần nói về những quan hệ giữa người với người.

- đem lòng yêu mến (21; thì quá khứ aorist của agapaô): Hẳn là Đức Giêsu thấy anh này đơn sơ chân thành nỗ lực tìm cách quan hệ với Thiên Chúa nên đã tận tình giữ các điều răn; Người “đem lòng yêu mến” anh. Tình thương này đi đến chỗ gọi anh làm môn đệ.

- Anh chỉ thiếu có một điều: Dù anh đã cam đoan là giữ tất cả các điều răn từ thuở bé, Đức Giêsu bảo rằng anh vẫn “còn thiếu” (hystereô, manquer, to fail).

- hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo: Câu này nên hiểu như một thách đố Đức Giêsu đề ra cho anh này hơn là một nguyên tắc chung của đời sống ki-tô hữu hoặc thậm chí, nền tảng của một bậc sống đạo cao hơn. Người ấy không được hiểu rằng mình chỉ cần làm một điều tốt hơn, là được thừa hưởng sự sống đời đời! Đức Giêsu yêu cầu anh bỏ hết mọi điểm tựa an toàn để tín nhiệm vào bản thân và sứ vụ của Người: “Rồi hãy đến theo tôi”.

- anh ta có quá nhiều của cải (22): Anh đã hỏi, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu thật quá khó đối với anh.

- các môn đệ sững sờ (24): Các ông sững sờ kinh ngạc bởi vì Đức Giêsu vừa nhận định rất tiêu cực về của cải, trong khi các ông trung thành với truyền thống Do-thái giáo, coi của cải là một dấu chỉ về phúc lành của Thiên Chúa, với điều kiện là bố thí cho người nghèo. Thật ra, cái khó không nằm ở chính của cải, nhưng những cám dỗ chúng gây ra.

- con lạc đà …. lỗ kim (25): Mặc dù trong quá khứ, các nhà giảng thuyết và chú giải đã tìm ra một cái cửa nhỏ bên cạnh một cái cổng lớn ở tường thành Giêrusalem, mà một con lạc đà không thể đi qua, và mặc dù có một vài thủ bản nhỏ đọc là kamilos (sợi dây thừng) thay vì kamêlos (con lạc đà), chúng ta phải kết luận rằng đây là một ví dụ về lối nói ngoa, thậm xưng (x. Mt 23,24; Lc 6,41-42).

- đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được (27): Trước khi nói câu này, Đức Giêsu “nhìn thẳng vào các ông”, một công thức riêng của Mc để nêu bật tầm quan trọng của câu nói sau. Đức Giêsu nhấn mạnh tới quyền năng của Thiên Chúa và sự ký thác cậy dựa vào Thiên Chúa để được cứu độ.

- chúng con đã lìa bỏ mọi sự mà theo Thầy (28): “Lìa bỏ” (aphêkamen) ở thì quá khứ aorist, diễn tả một hành vi đã hoàn tất, còn “theo” (ekolouthêkamen) ở thì vị hoàn, để diễn tả một hành vi còn đang thực hiện.

- vì Tin Mừng (29): Chi tiết của riêng Mc, nhằm đồng hoá Đức Giêsu với Tin Mừng.

- sự ngược đãi (“bách hại”, 30): Đây cũng là một xác định riêng của Mc, để nói rằng bước theo Đức Kitô, là phải chấp nhận bị bách hại như Thầy mình đã từng bị bách hại.

- mà bây giờ, ngay ở đời này… và sự sống đời đời ở đời sau (30): Đức Giêsu hứa ban phần thưởng không chỉ vào đời sau nhưng ngay vào lúc này, khi các môn đệ được hưởng một tình bằng hữu phong phú về mặt xã hội và về mặt tôn giáo.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người giàu có (17-22)

Điều gì thật sự có giá trị? Điều gì thạt sự có ý nghĩa? Cuộc sống hiện tại kết thúc với cái chết. Người giàu đến găp Đức Giêsu xác tín rằng có một sự sống đời đời. Anh có nhiều của cải, anh biết cách lo liệu cho cuộc sống trần thế, nhưng cảm thấy có trách nhiệm đối với cuộc sống tương lai. Anh muốn sống cuộc sống trần gian thế nào để không mất chỗ trong cuộc sống vĩnh cửu. Anh rất tin tưởng đến gặp Đức Giêsu, và chờ đợi nhận được những lời khuyên tốt. Đức Giêsu chỉ cho anh các điều răn: ai muốn tôn trọng ý muốn của Thiên Chúa, thì đang ở trên đường dẫn tới sự sống đời đời. Người đến gặp Đức Giêsu đây đang đi đúng đường: anh đã giữ các điều răn từ thuở nhỏ. Lạ lùng là Đức Giêsu không cổ võ cách sống của anh mà bảo anh về, Người lại bảo anh tự giải thoát khỏi mọi của cải và đến đi theo Người. Người chỉ cho anh thấy một nôi dung và một lối sống hoàn toàn mới: anh phải đi theo Người mãi mãi, lắng nghe lời Người nói, nhìn xem các công việc Người làm, có đầy Thần Khí của Người, ở lại mãi mãi với Người, chia sẻ lối sống của Người. Sự hiệp thông liên tục với Người đưa anh đến chỗ hiểu thế giới và đời sống của Đức Giêsu và chuẩn bị cho anh đi vào trong cuộc sống đời đời, nghĩa là cuộc sống trong Nước Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Ở đây Đức Giêsu khẳng định rằng con đường mà Người đang theo được hướng dẫn bởi thánh ý Thiên Chúa cũng một cách trực tiếp và đảm bảo như các điều răn. Và Người cũng khẳng định rằng chính Người có khả năng dẫn đưa tuyệt đối chắc chắn đến sự sống đời đời. Và Đức Giêsu mời gọi anh làm cử chỉ như các môn đệ đầu tiên (x. 1,16-20; 10,28-30). Nhưng người giàu đã không hiểu lời mời gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng; anh muốn vừa bám vào của cải vừa đi theo Đức Giêsu. Sự kiện phải chọn lựa làm cho anh buồn rầu.

* Giáo huấn các môn đệ về sự khó khăn của việc từ bỏ (23-27)

Đức Giêsu không nói ỡm ờ về sự khó khăn trong việc từ bỏ của cải. Thái độ sửng sốt của các môn đệ là dịp để Người nhắc lại giáo huấn: đến được Nước Thiên Chúa là chuyện khó khăn. Sự kiện các môn đệ được gọi là “con” (chỉ có ở đây trong TM Mc) cho hiểu rằng lời khẳng định được nhắm trực tiếp cho họ. Nhưng Đức Giêsu cất đi cho họ nỗi lo âu về tương lai khi quy hướng họ về Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, có những câu với nọi dung như thế: G 42,2; x. St 18,14; Dcr 18,6.

* Giáo huấn về phần thưởng dành cho người môn đệ (28-30)

Trong câu trả lời cho Phêrô, Đức Giêsu cho thấy là người ta có thể đạt được sự sống này nếu liên kết với bản thân Người. Người nào siêu thoát với những liên hệ với của cải và với gia đình mình, mà gắn bó với Đức Giêsu, thì sẽ thấy mở ra trước mắt một chân trời các quan hệ bao la hơn. Một người đi vào trong gia đình những người đã liên kết với Đức Giêsu, thì gặp lại những của cải và các người thân thuộc của mình, nhờ đó đạt được một cuộc sống mới mẻ và phong phú hơn; đồng thời người ấy lại đang ở trên con đường chắc chắn đưa tới sự sống đời đời. Câu trả lời của Đức Giêsu hàm chứa Tin Mừng. Người cho thấy rằng nhờ trung gian là bản thân Người, người ta có thể đạt được sự sống hoàn toàn mới mẻ, một sự sống có giá trị không thể triệt tiêu.

+ Kết luận

Khuôn khổ trong đó bản văn hôm nay được đặt vào khiến chúng ta phải lưu ý: đây là những điều xảy ra trong cuộc hành trình Đức Giêsu tiến về Giêrusalem để ở đó, Người cảm nhận sự từ bỏ đau đớn nhất, tức là cái chết. Giữa lần loan báo Thương Khó lần hai (9,30-31) và lần ba (10,32-34), chủ đề “Con đường” thúc bách chúng ta xem xét những điều kiện để theo Đức Giêsu và để được vào Nước Thiên Chúa: đó là sẵn sàng mở lòng ra đón tiếp, đồng thời sẵn lòng siêu thoát mọi sự để đi theo Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa có thể đưa đến những thiệt thòi trong cuộc sống hiện tại, nhưng nối kết chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa, tức là với chính Thiên Chúa. Như thế, nền móng của sự sống vĩnh cửu đã được củng cố. Quả thật, chỉ từ sự kết hợp với Thiên Chúa, là Đấng Sống vĩnh cửu và tuyệt đối, mới trào vọt ra sự sống đời đời.

2. Mọi người được yêu cầu đặt việc bước theo Đức Giêsu, vì Người và vì Tin Mừng, trước tất cả mọi sự, thậm chí trước chính bản thân mình và sự trọng kính của người đương thời (x. 8,34-38). Tính mới mẻ triệt để của lời Đức Giêsu kêu gọi đi theo Người không hệ tại lời mời từ bỏ, nhưng hệ tại khả năng kết dệt một liên hệ mới, có được một nội dung mới cho cuộc sống.

3. Lời kêu gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng và thật ra là một đặc quyền cao cả: bởi vì, chẳng hạn, đặc quyền này đã không được ban cho người ở Ghêrasa sau khi đã được giải thoát khỏi ma quỉ (5,18t). Đức Giêsu mời gọi chúng ta tách mình khỏi của cải không phải để rồi chỉ còn hai bàn tay trắng, nhưng để chúng ta trở nên tự do và có khả năng liên kết với Người.

4. Ta chỉ có thể đạt tới sự sống đời đời nhờ đức tin, nhờ liên kết vô điều kiện và đầy tin tưởng vào Người. Nhờ hiệp thông với Đức Giêsu và với gia đình Người, ta nhận được sự sống đời đời như một ân huệ. Dây liên kết với Đức Giêsu không bị hủy diệt bởi cái chết.
 
Lời nguyện cầu của thai nhi
A.P Mặc Trầm Cung
09:44 08/10/2009
LỜI NGUYỆN CẦU CỦA THAI NHI.
(Tháng 10 – Tháng dành riêng để cầu nguyện
cho Sự Sống của con người.)


Con muốn nghe lời ru của mẹ,
Khát khao vòng tay ấm của cha.
Con ước mong ngày được sinh ra,
Dưới ánh mặt trời sung sướng reo ca.

Con mong thấy trời cao, biển rộng,
Con mong được nhìn thấy vầng dương.
Trong nắng mai còn đọng hơi sương,
Hương hoa thơm nồng dào dạt yêu thương.

Con xin, xin được làm người. Vươn mình tắm nắng bình minh.
Con xin, xin được làm người. Mẹ cha ơi! Xin đừng từ chối.
Con xin, xin được làm người. Vươn mình bay tới trời cao.
Con xin, xin được làm người. Mẹ cha ơi! Sao nỡ vô tình.

Thân xác con xiết bao kỳ diệu,
Chúa dệt hình hài trong dạ mẫu thân.
Gân cốt con Ngài dệt Ngài thêu,
Sự sống nhiệm mầu Ngài hằng thương yêu.

Con xin, xin được làm người. Vươn mình tắm nắng bình minh.
Con xin, xin được làm người. Mẹ cha ơi! Xin đừng từ chối.
Con xin, xin được làm người. Vươn mình bay tới trời cao.
Con xin, xin được làm người. Mẹ cha ơi! Sao nỡ vô tình.

Ngày 08/10/2009
 
Nghèo khó vì biết xin vâng
Gioan Lê Quang Vinh
09:58 08/10/2009
Chúa nhật 28 thường niên B (Mc.10, 17-30)

Chưa có một vị sáng lập tôn giáo nào đề cao những người nghèo, những người có tâm hồn thơ ấu và những người có địa vị thấp kém, ngoài Chúa Giêsu. Các nhà chính trị thì ngược lại, luôn nói rằng mình đứng về phía người cùng khổ. Họ đứng về phía người nghèo thật, nhưng họ lại đứng trên xe hơi và đứng trong cung điện. Chỉ có Chúa Giêsu, Chúa của mọi vinh quang và quyền lực, lại chọn cho mình cuộc sống “không có chỗ tựa đầu” bởi vì Người thật sự là Chúa của những người bé nhỏ.

Chúa Giêsu sinh ra trong nơi bé nhỏ nghèo hèn, lớn lên trong gia đình nghèo và chọn các môn đệ trong hàng những người không có của cải. Điều này liệu có mâu thuẫn với ý định từ thuở ban đầu tạo dựng của Thiên Chúa Cha: tạo thành vũ trụ tươi đẹp phong phú và trao tất cả cho con người cai quản? Trong Cựu Ước, của cải được quan niệm như là hồng ân của Thiên Chúa. Quan niệm này cũng hoàn toàn phù hợp với ý thức của người Á đông: phúc thì luôn đi đôi với lộc - ơn huệ thì đi với giàu sang quyền quí.

Có lẽ chúng ta đã quen với quan niệm “phúc cho người khó nghèo” nên có cái nhìn không mấy thiện cảm về tiền tài và của cải. Người viết bài này thuộc tầng lớp nghèo nên dễ cảm được đoạn Tin Mừng hôm nay: “Người giàu có khó vào Nước Trời”. Hãy lật lại các trang chính của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo: có ít nhất 30 đoạn nhắc đến người nghèo. Đặc biệt thông điệp Rerum Novarum “chân thành bênh vực phẩm giá bất khả nhượng của người lao động” (Học Thuyết XHCG, 268). Vâng, Hội Thánh không chỉ đứng về phía, mà còn đi chung đường với người nghèo.

Có một chi tiết khá đặc biệt trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu bảo rằng người giàu khó vào Nước Trời, khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Chính lúc đó các môn đệ thắc mắc vậy ai sẽ được vào, và cũng chính lúc đó Chúa Giêsu trả lời ngay: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được." (Mc. 10,27).

Câu trả lời đã rõ: Chúa không hề bảo là hễ nghèo thì tất yếu vào Nước Trời và giàu thì tất yếu không vào được Vương Quốc ấy. Vấn đề là mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, mối tương quan quyết định cho vận mạng con người hôm nay và mai sau. Người giàu lẫn người nghèo có thể vào được Nước Trời, nếu cậy dựa vào Chúa, chứ không phải vào mình.

Ý định nhiệm mầu của Đấng Tạo Hoá trong ngày sáng tạo là mọi người dưới vòm trời được hưởng dùng của cải dư đầy. Nhưng con người từ chối. Một khi con người từ chối thì con người không có quyền trách móc Thiên Chúa khi sự cao sang của vũ trụ không chiếu nổi đến nơi mình cư ngụ. Cảnh nghèo do con người gây ra.

Và do vậy, cái nghèo khó cùng cực là dấu hiệu của một nhân loại bất tuân, chứ hoàn toàn không phải do vũ trụ Chúa tạo thành còn thiếu thốn. Rừng vàng biển bạc đấy, nhưng lại hoá ra rừng than biển muối bởi vì con người không tôn kính Đấng Tạo Thành và chẳng quan tâm đến anh em.

Nghèo là dấu hiệu của nhân loại bất tuân, nhưng từ ngày Con Thiên Chúa chọn cảnh nghèo, nghèo lại là dấu hiệu của yêu thương và vâng phục. Nghèo vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm gắn với mầu nhiệm tội và mầu nhiệm ơn cứu rỗi. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia đã nhấn mạnh hành vi cá nhân của tội và đồng thời sự hiệp thông của tội, ngược lại với mầu nhiệm hiệp thông các thánh sâu xa cao cả. Vì tính xã hội của tội lỗi, đừng ai oán trách tại sao tôi nghèo cũng đừng ai bảo kẻ ấy nghèo do tội lỗi cá nhân!

Vậy chuyện nghèo giàu không phải là chuyện cá nhân, dù nhiều khi cũng đúng rằng ai làm ăn giỏi thì khá giả. Nhưng giàu lớn là do Trời (đại phú do Thiên). Ở đây không nói đến chuyện giàu bất chính do ăn chặn, ăn bớt, ăn gian và ăn cắp nhan nhản trong xã hội Việt nam ngày nay.

Chúa Giêsu đến để cứu người tội lỗi (x.Mc. 2,17). Mà người giàu người nghèo cũng đều được Chúa kêu gọi và cứu chuộc. Rất nhiều nhà chú giải đã nhấn mạnh “nghèo là tinh thần nghèo khó, là không dính bén của cải, là biết chia sẻ với anh em”. Vâng, chính xác là như thế. Nhưng có lẽ cũng cần nói thêm: người nghèo thật là người biết vâng theo ý Chúa như Đức Maria, Mẹ chúng ta.

Anh thanh niên giàu có không nghe theo Lời Chúa gọi. Anh vẫn không thể nghèo. Người phú hộ trong dụ ngôn Lazarô không nghèo nổi vì ông không nghe Lời Chúa để sống giới răn yêu thương. Đoạn Tin Mừng này nằm ngay sau đoạn nói về con đường thơ ấu. Trẻ em là nghèo nhất, dù sống trong gia đình giàu sang, bởi vì các em chẳng giữ gì cho riêng mình. Do đó Chúa không bảo “Hãy để trẻ nghèo đến với Ta” mà là “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta”.

Nếu chúng ta hiểu rằng nghèo chính là vâng phục như trẻ nhỏ thì có lẽ cuộc sống trần thế và đời sống thiêng liêng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Giàu cũng chẳng lo mà nghèo cũng chẳng buồn. Có Chúa đó. Ngài đã sống ở trần gian thật nghèo nàn để chia sẻ với ta mọi niềm vui nỗi buồn trong cõi nhân sinh.

Lạy Chúa, xin cho con đừng lo so sánh xem ai nghèo ai giàu, mà chỉ một lòng thưa “Xin Vâng” như Mẹ, và thưa “Xin đừng theo ý con” như Chúa trong vườn Dầu. Xin cho con khiêm hạ để đón nhận của cải Chúa ban mà phân phát và đón nhận cảnh nghèo Chúa nhờ con giữ tạm để khắc hoạ khuôn mặt chí thánh của Chúa. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:35 08/10/2009
SÔNG SUỐI VÀ ĐÁ NGẦM

N2T


Sông suối kể lể với đá ngầm:

- “Tại sao anh ngăn cản đường đi của tôi, để tôi phải vượt qua trên anh cho phí tổn sức khoẻ?”

Đá ngầm trả lời:

- “Lẽ nào anh không cảm thấy, chính là do tôi anh mới bắn lên những bọt nước đẹp đẽ của anh, để cuộc sống của anh trở nên tưng bừng phấn khởi và thật dịu dàng”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Có những vật tự nguyện mất đi để đời sáng sủa hơn: ngọn nến.

Có những hạt muối tan biến đi để thức ăn thêm vị ngon.

Có những người vợ chấp nhận hy sinh để chồng và con cái đựơc sống.

Có những người bạn chịu thiệt thòi để bạn mình đựơc vinh hoa, phú quý.

Và không có ai chấp nhận hy sinh to lớn bằng bố mẹ mình, cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động mỗi khi nghe hát bài “Uống nước nhớ nguồn”: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… vì đâu anh nên người tài ba… …”. Bài hát lột tả tất cả tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái.

Nhưng gộp lại tất cả tình thương của cha mẹ, bạn bè, người yêu, thì cũng không thể so sánh bằng tình yêu của Đức Giê-su dành cho chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến chết, và là cái chết trên thập giá (Pl 2,8) để chúng ta được giải hoà với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là cha, và được sống đời đời với Ngài trong vinh quang…

Nếu không có tảng đá cản đường, thì làm gì mà có những bọt sóng tung toé trắng xoá để ta thưởng thức!

Nếu Đức Ki-tô không hy sinh, không chết trên thập giá và sống lại, thì chúng ta làm sao được gọi Thiên Chúa là cha, và hy vọng hưởng phúc với Ngài trên thiên đàng chứ ?

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:36 08/10/2009
N2T


77. Ân điển thánh sủng của Thiên Chúa giống như ở trong kho báu, khi cửa kho báu khóa kín, nếu không có chìa khóa của đức khiêm tốn thì không thể mở để lấy kho báu ra.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:38 08/10/2009
N2T


249. Theo đuổi chân lý, tinh thần vui vẻ, đó là mẫu mực cao quý của cuộc sống.

 
Kinh Mân Côi: gia đình cùng cầu nguyện là gia đình cùng quyện lấy nhau
Vũ Văn An
21:47 08/10/2009
Lepanto 1571

Ai trong chúng ta cũng từng nghe về trận đánh tại vịnh Lepanto, ngoài khơi Hy Lạp vào năm 1571 giữa lực lượng xâm lăng của hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nghinh chiến của liên minh Kitô Giáo. Đây là một trận hải chiến có tính chiến lược, dùng làm bàn đạp xâm chiếm toàn bộ Âu Châu của Thổ. Về số tầu và số hải quân tham chiến, Thổ hơn hẳn phe liên minh Kitô Giáo. Trận chiến khốc liệt diễn ra suốt năm tiếng đồng hồ. Trong lúc hoang mang lo sợ, binh lính Kitô Giáo đã chạy đến với Đức Mẹ qua kinh Mân Côi, và họ đã chuyển bại thành thắng, tiêu diệt hầu hết hạm đội hơn 200 tầu chiến của Thổ, gần 30,000 binh sĩ Thổ, và giải thoát được 12,000 nô lệ Kitô Giáo bị Thổ bắt chèo thuyền. Bên phía Kitô Giáo chỉ thiệt hại 7,500 binh sĩ và 17 tầu chiến. Các sử gia đều cho: đây là đòn chí mạng đối với truyền thống xâm lăng của Thổ, hủy diệt hoàn toàn giấc mộng xâm chiếm Địa Trung Hải của họ, nâng cao lòng tin của Tây Phương, cho thấy Thổ không hẳn bách chiến bách thắng như họ vốn sợ.

Ai cũng nhìn nhận sự cầu bầu của Đức Mẹ trong chiến thắng hiển hách này. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 5 đã thiết lập một ngày lễ mới, gọi là Ngày Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng, mà ngày nay đổi thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Indiana 1942

Gần 400 năm sau, chiến thắng Lepanto đã gợi hứng cho một trận chiến khác, cũng ác liệt không kém, nhưng với một qui mô rộng lớn hơn. Đó là năm 1942, lúc Thế Chiến II đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, đem lại biết bao đau thương sầu khổ và tan vỡ cho các gia đình khắp nơi trên thế giới. Vốn quan tâm tới số phận các gia đình, từ những ngày còn đang tu học tại nhà tập Dòng Thánh Giá, dòng nổi tiếng hiện nay, với Trường Đại Học Notre Dame tại tiểu bang Indiana, cha Patrick Peyton luôn lo âu tìm phương cách hữu hiệu cứu vớt các gia đình. Ngày 25 tháng Giêng năm đó, nhờ đọc chiến thắng Lepanto, ngài bèn nghĩ tới việc cổ động các gia đình đọc kinh Mân Côi, làm phương thế hữu hiệu, để cứu các gia đình qua khỏi các nguy cơ mà cuộc chiến, với những hậu quả kinh khủng của nó đang đe dọa. Và đó là bước đầu của Thập Tự Chinh Mân Côi Gia Đình (Family Rosary Crusade), một tổ chức từng được nhiều vị giáo hoàng, và cả Công Đồng Vatican II ủng hộ khích lệ, được nâng lên hàng một phong trào chính thức trong Giáo Hội, và hiện có mặt tại 20 nước trên thế giới, trong đó có Trung Hoa và Phi Luật Tân, nơi từng tổ chức những cuộc tụ tập đọc kinh mân côi đông tới một triệu người.

Mục tiêu của thập tự chinh là cổ vũ việc gia đình đọc kinh Mân Côi, được cha Peyton cho là hình thức suy niệm hữu hiệu nhất, qua đó, các gia đình học hỏi và bắt chước cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Cha lý luận rằng: cùng với nhau trong tư cách gia đình, đồng một lòng đọc kinh Mân Côi, gia đình sẽ được hợp nhất trước mặt Chúa, và gần gũi hơn với Chúa. Với chủ trương này, cha đã dùng mọi phương tiện, để cổ vũ mọi gia đình, bất kể giai cấp, tín ngưỡng và tôn giáo, có thói quen đọc kinh Mân Côi chung với nhau. Có thể nói: cha là người đầu tiên, biết vận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình và phim ảnh, để vận động cho mục tiêu trên. Ngày 13 tháng 5 năm 1945, đúng ngày Hiền Mẫu, và kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, từ Broadway, trên hệ thống truyền thanh MBC, cha cho phát đi toàn quốc một chương trình gia đình đọc kinh mân côi, với sự góp mặt của gia đình Sullivan, một gia đình đã trở thành huyền sử với 5 người con trai hy sinh trên chiến trường Thái Bình Dương; và nhất là, với sự góp tiếng của giọng ca bất hủ Bing Crosby. Theo gương Bing Crosby, nữ tài tử Jane Wyatt đã tình nguyện làm người bắc cầu, để cha Peyton có được sự ủng hộ và cộng tác của nhiều tài tử khác. Buổi phát thanh đầu tiên của cha, vào năm 1947 từ Hollywood, đã có sự cộng tác của Loretta Young, của James Stewart, một người tin lành, và của Don Ameche. Sau họ, là Grace Kelly, Bob Hope, Gregory Peck, Lucille Ball, Henry Fonda, Natalie Wood, Ronald Reagan, James Dean vả cả Shirley Temple nữa… Họ tình nguyện góp tài năng vào việc diễn tả các mầu nhiệm Mân Côi trên phim ảnh, truyền thanh và truyền hình.

Gia đình cùng cầu nguyện là gia đình cùng quyện lấy nhau

Đặc biệt nhất, phải kể đến sự cộng tác của Al Scalpone, một người tin lành, lúc đó là một giám đốc trẻ và là một nhà văn có bản quyền, sau này trở thành phó chủ tịch của công ty truyền hình CBS. Ông tình nguyện giúp cha Peyton suốt 40 năm, và chính ông đã viết ra câu khẩu hiệu nổi tiếng “Gia đình cùng cầu nguyện là gia đình cùng quyện lấy nhau” (The family that prays together stays together). Khẩu hiệu này từng xuất hiện trên hơn 100,000 bảng quảng cáo ngoài trời (billboards) và được hơn 400 triệu lượt người đọc.

Khẩu hiệu này nổi tiếng đến nỗi đã đi thẳng vào bản văn Giáo Hoàng. Thực vậy, ngày 16 tháng 10 năm 2002, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành Tông Huấn Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi Đức Bà) để cổ động việc đọc kinh mân côi, nhất là đọc kinh mân côi trong gia đình. Ở số 41, ngài viết như sau: “Là một lời cầu cho hòa bình, kinh mân côi cũng là và từng là lời kinh của gia đình cầu cho gia đình. Có lúc, kinh này hết sức thân thiết đối với các gia đình Kitô hữu, và chắc chắn nó giúp người ta gần lại với nhau hơn. Điều quan trọng, là đừng đánh mất gia tài qúy giá này. Chúng ta cần phải trở về với thói quen: dùng kinh mân côi cho gia đình cầu nguyện, và cầu nguyện cho gia đình. Trong tông huấn Nghìn Năm Mới Sắp Tới, tôi đã khuyến khích các tín hữu giáo dân cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh… Nay tôi muốn làm cùng việc ấy đối với Kinh Mân Côi. Hai nẻo đường để chiêm niệm này không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Cho nên, tôi yêu cầu các vị có trọng trách chăm lo mục vụ cho các gia đình, hãy khích lệ họ đọc kinh mân côi. Gia đình cùng cầu nguyện là gia đình cùng quyện lấy nhau. Theo truyền thống lâu đời, Phép Thánh Mân Côi vốn chứng tỏ có hiệu lực đặc biệt, đem gia đình lại với nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng nhận được khả năng biết nhìn vào mắt nhau, để thông đạt, để biểu lộ tình liên đới, để tha thứ cho nhau và, để thấy giao ước tình yêu của mình được đổi mới trong Chúa Thánh Thần. Rất nhiều nan đề đang thách thức các gia đình hiện nay, nhất là trong các xã hội phát triển về kinh tế, phát sinh do hiện tượng mỗi ngày một khó khăn hơn để thông đạt với nhau. Các gia đình ít khi sắp xếp để tụ họp với nhau, và nếu có hiếm hoi gặp nhau, thì thường họ lại mải mê với các chương trình truyền hình. Trở về với thói quen gia đình đọc kinh mân côi, là làm đầy cuộc sống hàng ngày, với những hình ảnh khác hẳn, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu rỗi: hình ảnh Đấng Cứu Chuộc, hình ảnh của Mẹ diễm phúc của Người. Gia đình cùng đọc kinh Mân Côi sẽ tạo ra một bầu khí tương tự như bầu khí tại thánh gia Nadarét: các thành viên đặt Chúa Giêsu ở trung tâm, để cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, để cùng nhau trao phó mọi nhu cầu và mọi kế hoạch trong tay Người, và để cùng nhau nhận được niềm hy vọng và sức mạnh để tiếp tục tiến bước”.

Thiết tưởng lời cha chung trên đây đủ để khích lệ các gia đình năng đọc kinh Mân Côi. Bởi vì điều mà các gia đình ngày nay tha thiết nhất, mong mỏi nhất chính là ở lại với nhau, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, lúc vui cũng như lúc buồn. Và chìa khóa để đạt được điều ấy chính là đối thoại, thông đạt. Mà còn có gì thông đạt hữu hiệu, cho bằng dùng cùng một ngôn từ, cùng một hình ảnh như Đức Gioan Phaolô II đã nêu ra qua Kinh Mân Côi. Chúng tôi chỉ nhân cơ hội này, thưa thêm rằng: muốn sử dụng chung được một ngôn từ, một hình ảnh như thế, thực ra đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, đức tính và nhân đức. Nhân ngày Gia Đình Thế Giới vừa qua tại Mễ Tây Cơ, người ta có phổ biến một tập tài liệu, gọi là Các Thẻ Giá Trị Gia Đình (Family Values Cards), của linh mục Sergio G. Román. Các tấm thẻ được giải thích cặn kẽ này, đề cập đến các kỹ năng, các đức tính hay các nhân đức mà gia đình cần để ở lại với nhau. Tất cả là 28 thẻ, nghĩa là 28 kỹ năng, đức tính hay nhân đức khác nhau.

Tóm lược Phúc Âm

Tuy nhiên, tất cả những kỹ năng, đức tính và nhân đức ấy đều có sẵn trong việc đọc kinh mân côi trong gia đình. Vì theo Đức Giáo Hoàng Piô XII, kinh này tóm lược hết Sách Phúc Âm, đưa ta vào tận tâm điểm của đức tin, chiêm ngưỡng các mầu nhiệm chính của đức tin. Theo lời Đức HY Alfonso Lopez Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Kinh Mân Côi còn giúp trung lập hóa nhiều sứ điệp và kinh nghiệm lệch lạc, từng làm các cha mẹ trong gia đình phải lo lắng cho số phận con cái, các sứ điệp và kinh nghiệm mà Bản Tuyên Ngôn Sau Cùng Của Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 15 của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã đúc kết. Đó là nỗi sợ không dám dấn thân cam kết, thói quen sống chung không cheo cưới, và việc tầm thường hóa tính dục, coi nó như một thứ trò chơi tiêu khiển… Tất cả đang dẫn con em ta coi thường định chế hôn nhân và nhất là định chế gia đình, để chạy theo những mô thức gia đình giả hiệu… Trong tông huấn Familiaris Consortio, Đức Gioan Phaolô II cho hay: “chỉ nhờ cùng cầu nguyện với con cái, người cha và người mẹ mới có thể gây được một ấn tượng sâu xa vào thẩm cung tâm hồn con cái, đến nỗi các biến cố trong tương lai của đời chúng cũng không thể xóa nhòa được”.

Ấn tượng ấy được hun đúc nhờ 20 mầu nhiệm liên quan đến việc nhập thể, cuộc sống thiếu thời và cuộc sống công khai lẫn sứ mệnh, cái chết và sự phục sinh của Con Một Thiên Chúa. Những mầu nhiệm này, ngoài tính siêu nhiên, vẫn có chiều kích nhân bản, như tin vui về một sự sống mới bắt đầu, tin vui chia sẻ với thân nhân bằng hữu, du hành thư giãn. Không ai có thể bác bỏ: ngoài việc chia sẻ giữa Đức Mẹ và thánh nữ Isave về tin vui mang thai ra, còn là niềm vui du hành thư giãn. Ai có tới Ein Karem, sinh quán của Thánh Gioan tiền hô, sẽ thấy chiều kích du hành thư giãn này, vì Ein Karem không khác gì Đà Lạt xanh tươi và mát rợi so với Sài Gòn khô cằn, nóng bức. Biến cố dâng con vào đền thờ, gợi gia đình nhớ tới những ngày rửa tội, thôi nôi, thêm sức. Biến cố tìm được con trong đền thờ, giúp gia đình trân qúy đoàn tụ, trân qúy những cố gắng đi tìm nhau, trân qúy những dấu chỉ chín mùi đầu tiên dẫn con cái vào đời. Những giá trị nhân bản này còn nhiều lắm, qua các kinh Lạy Cha, được lặp đi lặp lại, trong đó giá trị tha thứ hết sức nổi bật. Mà còn ở đâu cần đến sự tha thứ cho bằng trong gia đình. Kinh Kính Mừng, không phải chỉ được lặp đi lặp lại 5 lần như Kinh Lạy Cha, mà là 50 lần, trong đó giá trị sự sống là giá trị nhân bản được nhấn mạnh hơn cả. Đứa con là nguồn tạo phúc đức cho cha mẹ. Bà có phúc vì con lòng bà có phúc. Đã đành đó là lời chúc tụng của một bà mẹ mang thai dành cho một bà mẹ mang thai khác. Nhưng nếu tất cả các bà mẹ mang thai đều nói được câu đó, thì hàng năm, 1 triệu thai nhi không mất mạng trong các cơ sở phá thai Hoa Kỳ, như nhận định của Đức Hồng Y Rigali, trong tuyên bố gửi giáo dân Hoa Kỳ, nhân Chúa Nhật Phò Sự Sống, mồng 4 tháng Mười vừa rồi. Chưa hết, việc lần chuỗi Mân Côi trong gia đình, không chỉ bao gồm việc suy niệm các mầu nhiệm, hay lặp đi lặp lại nội dung Kinh Lạy Cha, nội dung Kinh Kính Mừng, mà còn gồm nhiều kinh khác, như Kinh Sáng Danh, vốn là lời tụng ca có từ thời Giáo Hội sơ khai khi đọc Thánh Vịnh; Kinh xin ơn Chúa Thánh Thần, 3 kinh Tin, Cậy, Mến hay Kinh Tin Kính các Tông Đồ, tóm tắt các khai triển thần học căn bản của Giáo Hội. Và nhất là Kinh Lạy Nữ Vương, mới được thêm sau này, càng làm cho chiều kích nhân bản của việc đọc kinh Mân Côi trong đình nổi bật hơn nữa. Thực vậy, Kinh này gợi nơi gia đình mọi thể tài trung cổ về Đức Mẹ, những thể tài làm dịu lòng người, với những hạn từ như sự sống, niềm hy vọng cậy trông, niềm ủi an nơi lũng sâu nước mắt, và nhất là lòng nhân lành và niềm dịu ngọt (dulcis, dulcedo), được nhắc đi nhắc lại hai lần, như một nhấn mạnh. Chưa kể thói quen của người Việt: ngoài Lời Nguyện Fatima cầu cho các linh hồn sau mỗi chục kinh, còn là kinh vực sâu, để hiệp thông với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và những người thân quá cố. Ngoài ra, bao giờ chúng ta cũng có kinh cám ơn, tạ ơn về những gì nhận được, cả nỗi vui lẫn nỗi buồn. Buồn vui của chúng con chính là những viên gạch nối kết, giúp chúng con quyện lại với nhau.

Nói tóm lại, thói quen đọc kinh mân côi trong gia đình, chắc chắn đem lại cho mọi thành viên của nó, mọi hành trang cần thiết, cả thiêng liêng lẫn nhân bản, giúp họ sống hạnh phúc bên nhau. Thiết tưởng chẳng còn gì đáng mong ước hơn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ảnh hưởng của lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI gửi Giáo hội Trung Quốc
LM Bành Giám Đạo
10:02 08/10/2009
(UCAN, Hàm Đan, Trung Quốc) - Hai năm sau ngày Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI gửi lá thư mục tử cho Giáo hội Trung Quốc, cha Bành Giám Đạo (giáo phận Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc) đã viết cho UCAN những quan sát của cha trong hai năm qua kể từ ngày Đức Giáo hoàng gửi thư mục tử cho Giáo hội Trung Quốc. Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng đã chỉ ra quan điểm thần học của Giáo hội, chẳng hạn như vấn đề bổ nhiệm các giám mục, đồng thời chỉ ra những hướng dẫn mục vụ cho đời sống đức tin và công cuộc truyền giáo tại Trung Quốc.

Cha Bành Giám Hoài năm nay 45 tuổi, lãnh bí tích Rửa tội năm 1982. Từ rất sớm, cha được đào tạo để trở thành linh mục trong Giáo hội hầm trú; năm 1990, sau khi lãnh tác vụ linh mục (không công khai), cha làm công việc mục vụ ở vùng Sơn Đông cho đến Hà Bắc, từng bị công an bắt giam hai lần. Sau này, cha trở lại giáo phận Hàm Đan công khai truyền giáo, hiện phụ trách một giáo xứ tại huyện Thành An.

Cha Bành Giám Đạo ham thích viết văn, trong blog của ngài thường có các bài viết chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, phản tỉnh đời sống đức tin, các bài văn thơ rất phong phú. Sau đây là toàn văn bài bình luận của ngài:


Ảnh hưởng của lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng gửi Giáo hội Trung Quốc

Giáo hội Công giáo Trung Quốc từng trải qua chặng đường dài dằng dặc với những đoạn quanh co khúc khủy, đã từng lâm vào cảnh bách hại đẫm máu lẫn không đổ máu. Ngày 27.5.2007, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, nhờ vào sự ưu ái đặc biệt của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Giáo hội này đã được đón nhận lá thư mục tử khích lệ, cổ vũ tấm lòng của bao con người.

Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng vừa được công bố, chỉ lưu giữ trên mạng internet được đúng 5 tiếng đồng hồ, liền bị chính phủ Trung Quốc ngăn chặn. Mặc dù chỉ tồn tại trên mạng có 5 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nhưng thế cũng đủ rồi, bởi vì giáo dân Trung Quốc đã thức thâu đêm trước chiếc máy tính để chờ đợi, vừa khi lá thư ấy được công bố, chỉ cần vài phút sau là họ có thể tải về máy và in ra. Trong vòng vài ngày, lá thư ấy đã được truyền đi khắp nơi trên toàn đất nước. Mặc dù chính phủ Trung Quốc rất nhạy cảm với điều này, nhưng mọi chuyện ra như mưu cùng kế cạn, đành bó tay chịu trận.

Giáo hội Công giáo Trung Quốc, dù là Giáo hội công khai hay Giáo hội hầm trú, đều bộc lộ sự vui mừng đón nhận lá thư này, đây chính là một sự bắt đầu tốt đẹp. Sau một thoáng phấn khởi, vẫn lại trở về với lối cũ, mạnh ai nấy bước. Giáo hội hầm trú vẫn kiên trinh, không khuất phục để bảo vệ nguyên tắc đức tin của mình; Giáo hội công khai tiếp tục giơ cao ngọn cờ của chủ nghĩa ái quốc, vẫn tiếp tục kỷ niệm “50 năm thành lập Giáo hội Ái Quốc Trung Quốc” và “50 năm tự chọn tư phong Giám mục cho Giáo hội Công giáo Trung Quốc”, trong số tham gia các kỷ niệm ấy không thiếu một vài vị giám mục được Đức Giáo hoàng công nhận là Giám mục hợp pháp (của Giáo hội Công Giáo).

Bất luận Vatican lên tiếng thế nào, tinh thần “tôi đi, tôi mày mò tìm kiếm” của người Trung Quốc, chẳng thể làm cho người Âu châu có thể hiểu được. Có lẽ Tòa Thánh cảm thấy ngạc nhiên, tại sao lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng được mọi người vui mừng đón nhận như vậy nhưng lại chẳng thấy một ai chịu tuân thủ làm theo ? Đức Hồng Y Trần Nhật Quân (hiện đã nghỉ hưu) đã cổ võ các vị lãnh đạo Giáo hội Trung Quốc nên học theo tinh thần của thánh Stephano, nhưng làm gì có một Giám mục Trung Quốc nào nghe theo? Hẳn sẽ có vị Giám mục Trung Quốc nói: “Ngài ở đặc khu Hong Kong, còn chúng tôi thì ở trong một Trung Quốc theo Đảng Cộng Sản!”

Thái độ của các vị lãnh đạo của Giáo hội hầm trú khi nhận được lá thư mục tử này là vừa cảm kích nhưng lại vừa cảm thấy đáng tiếc. Cảm kích là vì Đức Giáo hoàng đã tán dương tinh thần “bất khuất” của Giáo hội hầm trú; cảm thấy đáng tiếc là vì Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã lấy lại những đặc quyền mà Đức Gioan Phaolo II đã ban cho họ, cho đến việc Đức Giáo hoàng Biển Đức đã tỏ ý hiệp thông đối với một Giáo hội công khai mà trước giờ vẫn luôn tỏ ý phản đối Tòa Thánh.

Dù thế nào đi nữa, việc hiệp thông với Giáo hội công khai là một chọn lựa khá là khó khăn. Giáo hội hầm trú vẫn có những vị lãnh đạo thánh thiện, vẫn tiếp tục tiến về phía trước với những bước phát triển khá lớn, ví như Đức Giám mục Giả Trị Quốc, Giám mục Giáo phận Chánh Định (Hà Bắc), đã tiếp nhận nhiều linh mục công khai, thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo hội. Đức Giám mục Lý Tư Đức của Giáo phận Thiên Tân cũng tiếp nhận nhiều vị linh mục công khai, nhân đó mà đẩy lùi những oán hiềm trong giáo phận đã tích tụ từ nhiều năm qua. Đức Giám mục Ngụy Cảnh Nghĩa của giáo phận Tề Tề Hợp Nhĩ (tỉnh Hắc Long Giang) cũng thế, đã mở rộng tấm lòng với tinh thần của “lá thư mục tử” tiếp nhận nhiều vị linh mục của Giáo hội công khai.

Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng đối với Giáo hội Trung Quốc đã có những ảnh hưởng nào ? Các vị lãnh đạo của Giáo hội công khai vẫn tự đi theo con đường cũ của mình. Hội nghị đại biểu lần thứ 8 của Giáo hội Công giáo Trung Quốc vẫn là một nơi các con rồng tụ đầu; quyết nghị của hội nghị vẫn là kiên quyết giữ sự độc lập tự chủ, phương châm của một giáo hội tự hành (tự hành xử mà không theo các chỉ dẫn và sự lãnh đạo của Tòa Thánh – Người dịch) vẫn không gì lay chuyển. Đại đa số giám mục tham dự hội nghị vẫn có triết lý riêng của mình về cách hành xử. Dạng thức tư duy của người Âu châu mãi mãi không hiểu được phương châm xử thế của người Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất giải thích lý do vì sao Vatican và Trung Quốc không thể nào đạt được chuyện thiết lập bang giao.

Người Âu châu được đào tạo theo đường lối tư tưởng của Ki-tô giáo, chú trọng đến các khế ước và tinh thần bác ái. Khế ước theo người Trung Quốc cần có một tấm lòng chân thành làm cơ sở nền tảng, không có sự chân thành ấy thì không có khế ước. Lại nữa, Người Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Nho gia, tuy nói nhiều đến “nhân ái”, nhưng giữa “nhân ái” và “bác ái” vẫn có một sự khác biệt rất lớn. Bởi vì trong “nhân ái” còn bao hàm một tình yêu nhiều cấp độ khác nhau: “tam cương ngũ thường”, đạo “quân thần” (vua tôi), đạo “phu tử” (cha con).

Người Trung Quốc chịu ảnh hưởng của Đức Khổng Tử, chú trọng lễ nghi, Trung Quốc vốn được mệnh danh là “lễ nghi chi bang” (đất nước lễ nghi). “Lễ nghi” thì trọng thị “tình nghĩa”. Các vị lãnh đạo Giáo hội Trung Quốc chính vì “tình nghĩa” mà tham gia Giáo hội Ái quốc, rồi đến dự hội nghị mừng việc Giáo hội Ái quốc Trung Quốc tự chọn, tự phong các Giám mục; việc tham gia các hoạt động ấy không phải do họ bị “ép buộc” hay họ hoàn toàn “không tự do”. Ngày nay không còn như thời cách mạng đại văn hóa, chính phủ Trung Quốc đã trao cho công dân Trung Quốc một sự tự do tương đối. Nhưng cần phải đặt câu hỏi: Điều quan trọng là các Giám mục Trung Quốc đang giảng về “tình nghĩa” ? hay là giảng “đức tin” của Giáo hội Công giáo ?

Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng gửi cho Giáo hội Trung Quốc đã trở thành chuyện của ngày hôm qua. Nếu như hôm nay Giáo hội công khai đã không còn tiếp tục học tập (theo những gì lá thư ấy viết), thì mai này cũng chẳng còn người tiếp tục nói về lá thư ấy nữa! Bởi vì lá thư ấy đối với Giáo hội công khai chẳng có chút mảy may tác động. Một số người thuộc Giáo hội hầm trú ngược lại vẫn tiếp tục học tập, thì cũng chỉ là học tập những gì hợp với tinh thần “bất khuất” của chính mình mà thôi. Điều khiến cho người ta cảm thấy đau thương là: “Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng đã trở thành một ngôi sao băng thoắt sáng trong chốc lát trên bầu trời đêm”, đối với Giáo hội Trung Quốc thực sự chỉ có thể mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi.

(Thành An, ngày 20.6.2009

LM Bành Giám Đạo, người dịch LM Phạm Vinh Sơn)
 
Thông điệp của Liên Hội đồng các Giám mục châu Âu trong phiên họp khoáng đại tại Paris từ 1-4 tháng 10, 2009
Phụng Nghi
11:23 08/10/2009
Châu Âu, hãy tự tin
Hai mươi năm sau ngày Bức tường Bá linh sụp đổ, hãy tái khám phá sức đẩy mới và tuyên xưng hy vọng

Hai mươi năm về trước, chúng ta đã chứng kiến một thời khắc lớn lao: bức tường Bá linh sụp đổ. Đó là một khúc quanh đã không hoàn toàn bất ngờ mà đến. Nó tới là do thành quả của những người can đảm và quyết tâm, những người đã không thiếu tự do của riêng mình. Trước nó, đã có biết bao nhiêu hy sinh của những người đã liều cả mạng sống và những người đã chiến đấu cho cùng niềm tự do đó. Chúng tôi nghĩ đến Phong trào Đoàn kết và đến nhiều trận chiến cho sự kết đoàn và tôn trọng phẩm giá con người trong những quốc gia ở Trung và Đông Âu. Làm sao chúng ta có thể không vinh danh nơi đây vai trò nòng cốt của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và viễn tượng nhìn xa trông rộng của ngài về một châu Âu đặt nền tảng trên đức tin, công ích và hoà bình? Nhiều người đã thấy nơi sự sụp đổ của Bức tường Bá linh sự sụp đổ của những bức tường khác nữa: những bức tường thù hận, sợ hãi, dối trá và ý thức hệ tàn nhẫn, vô cảm.

Nền tự do mới này ban phát cho mọi người đã là thời gian ân phước cho các Giáo hội. Các Giáo hội một lần nữa đã tìm được sự tự do hoạt động, tổ chức và rao truyền Tin mừng. Tuy tiến trình này chưa được hoàn thành trọn vẹn trong mọi quốc gia, cũng như những cuộc xung đột liên quan với quá khứ chưa xóa tan được, nhưng chúng ta nhận thấy đã đi được những bước thật xa suốt 20 năm qua. Trong cương vị là những Giám mục châu Âu, chúng tôi thấy cuộc giải phóng này là một dấu chỉ của thời gian và chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa, Đấng Chủ tể của thời gian và lịch sử.

Tất cả những gỉ đã xảy ra kể tử khi Bức tường Bá linh sụp đổ đã là bàn đạp lớn lao cho cuộc phiêu lưu mạo hiểm của châu Âu. Nhiều người châu lục này đã gặp gỡ, đã viếng thăm nhau và đã cùng nhau đọc lại lịch sử. Họ đã học hỏi để tìm hiểu nhau, để khám phá ra những gì họ có chung và hiểu rõ hơn những gì khác biệt. Làn sóng di dân giữa các quốc gia ở châu Âu chắc chắn đã đóng góp vào sự thăng tiến phúc lợi, nhưng đồng thời cũng đã mang lại những khó khăn mới, phân rẽ các gia đình hay ép buộc họ phải bật rễ ra khỏi cuộc sống bình đạm hàng ngày.

Hai mươi năm sau, nay chúng ta thấy rằng dự án châu Âu vĩ đại, với nền tảng luân lý đạo đức vững chắc, đã yếu đi rất nhiều. Kết quả rất nghèo nàn trong những cuộc bầu cử Quốc hội Âu châu mới đây đã là một dấu hiệu nói lên tất cả. Những hy vọng đặt vào công trình xây dựng châu Âu, cho đến nay chưa hoàn thành được. Ở đây chúng tôi ghi nhận ảnh hưởng của một số yếu tố:

-- Sự phát triển của Liên hiệp Âu châu đã đi song hành với đà gia tăng về tiêu thụ, ít ra đối với một số người. Chỉ kiên trì đạt được của cải không thôi sẽ không bao giờ làm cho tâm hồn con người cảm thấy thỏa mãn. Như Chúa Kitô đã nói: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng bằng mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Math 4:4). Những luật lệ của thị trường và cạnh tranh sẽ không bao giờ làm nẩy sinh ra lý tưởng.

-- Xã hội ngày nay muốn cung ứng cho cá nhân mọi cơ hội có thể có để thực hiện sự lựa chọn cá nhân và tìm kiếm thoả mãn cho riêng mình. Làm như thế, nó có nguy cơ khóa chặt mỗi cá nhân vào việc bảo vệ tư lợi hoặc những phúc lợi đạt được. Đức giáo hoàng Benedict XVI đã tố cáo “máu tham” là động cơ tàng ẩn của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh trầm trọng mà chúng ta đang trải qua. Một xã hội trong đó mỗi cá nhân, mỗi nhóm, mỗi quốc gia chỉ bảo vệ quyền lợi của riêng mình, chẳng khác gì hơn là cái rừng hoang hỗn độn. Không có công lý, không có chia sẻ, không có đồng cảm, cuộc sống xã hội chìm sâu vào bạo lực. Thế thì chúng ta chẳng ngạc nhiên nếu như mafia và các tổ chức khủng bố sẽ phát đạt trong bối cảnh đó. Nền hoà bình xã hội và công trình toàn cầu hóa với bộ mặt nhân bản, ngày nay đòi hỏi phải có một mối đồng cảm khác, một tấm lòng quảng đại khác!

-- Một xã hội đa nguyên thường có nguy cơ bị chủ thuyết tương đối cám dỗ mời gọi, đặc biệt là chủ nghĩa tương đối về đạo đức. Mỗi người tự đặt cho mình những quy tắc tiêu chuẩn riêng và đòi hỏi những quyền lợi riêng. Cuộc sống xã hội chỉ có thể dựa trên những luật lệ chung, trên một viễn tượng về nhân loại không đổi thay theo với những cuộc thăm dò công luận hay những vận động chính trị nay thay mai đổi. Một số những phát triển về lập pháp trong các quốc gia chúng ta và trong các tổ chức của châu Âu đang là mối quan tâm của chúng tôi vì chúng đi ngược lại với điều thiện hảo chân chính. Do đó chúng tôi nhận thức được sự cấp bách phải làm cho những quy lệ pháp lý phù hợp với luật tự nhiên – thứ luật đặt căn bản trên phẩm giá con người và do đó xác định những quyền lợi và nhiệm vụ bất khả chuyển nhượng của mỗi người. Những quy lệ này phải được xác định bằng đối thoại, tôn trọng tự do và thành thực tìm kiếm chân lý.

Cuộc khủng hoảng đang tràn lan khắp châu Âu ngày nay thật trầm trọng. Tỷ lệ sinh sản thấp và tương lai của dân số không đưa đến lạc quan. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định làm tiên tri cho những nỗi bất hạnh. Sự việc chẳng cần phải bất hạnh mới thành tồi tệ hơn! Đức tin kêu gọi chúng ta hướng sự chú ý đến xã hội châu Âu, nơi chúng ta sinh sống, và chăm chú nhìn nó với niềm hy vọng.

Chúng tôi nhận thức được rằng nhiều người đồng thời với chúng tôi ước vọng cho cuộc sống trở thành nguồn bình an, hoan lạc và tin tưởng trong nội tâm. Nhiều người trẻ tuổi sẵn sàng cam kết tham gia vào những hoạt động thân hữu và đoàn kết trên thế giới. Để triển dương được công ích và sự tôn trọng môi trường, nhiều người nam nữ sẵn sàng hy sinh để chia sẻ với những người khác. Công cuộc bảo vệ sự sống, từ lúc hoài thai đến lúc chết tự nhiên, không phải là một chính nghĩa đã bị mất mát vì thua cuộc. Chúng tôi xác tín vững chắc điều đó.

Chúng tôi nói lên điều này không phải bởi do tính lạc quan của con người, nhưng vì chúng tôi duy trì một viễn tượng nhân bản có sẵn, hôm nay cũng như luôn có trước kia, để xây dựng châu Âu. Viễn tượng đó đến từ Tin Mừng, và chúng tôi tin là được nhiều người chia sẻ. Đức giáo hoàng Benedict XVI mới đây đã nói: “Chính xác bởi vì Tin Mừng không phải là một ý thức hệ, nên Tin Mừng không khóa chặt các thực tế chính trị kinh tế vào những ý đồ cứng ngắc. Trái lại Tin Mừng vượt quá những thịnh suy của trần gian này và chiếu rọi ánh sáng mới vào phẩm giá của con người ở mọi thời đại (Gặp gỡ Đại kết, 27 tháng 9 năm 2009 tại Prague).

Xây dựng châu Âu quả thực là một việc làm khó khăn đáng dồn mọi nỗ lực. Mọi người đều có thể tìm được chỗ đứng của riêng mình, mọi người đều được chào đón. Hơn bao giờ hết, con đường đang rộng mở trước mặt chúng ta. Không phải là lúc nên chậm bước lại hay ngồi bên vệ đường. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta là môn đệ của Đấng đã nói với mỗi người chúng ta: “Đừng sợ! Hãy đứng dậy mà bước đi!”

Liên Hội đồng các Giám mục châu Âu quy tụ các vị Chủ tịch của 33 Hội đồng Giám mục châu lục này. Vị chủ tịch Liên hiệp hiện này là Hồng y Péter Erdö, tổng giám mục giáo phận Esztergom-Budapest, giáo chủ Hungary. Các Phó chủ tịch là Hồng y Josip Bosanic, tổng giám mục Zagreb, và hồng y Jean-Pierre Ricard, tổng giám mục giáo phận Bordeaux. Tổng Thư ký là Lm Duarte da Cunha. Trụ sở đặt tại St Gallen (Switzerland).
 
Đức Thánh Cha khuyến cáo sự công bằng trong việc giải quyết tranh chấp tại Trung Đông
Bùi Hữu Thư
19:22 08/10/2009
Ngài tiếp vị lãnh tụ Palestin Mahmud Abbas

VATICAN, ngày 8 tháng 10, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI hôm nay tiếp kiến Chủ Tịch Mahmud Abbas của chính quyền quốc gia Palestin tại Vatican, trong buổi hội kiến ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và tương kính trong việc giải quyết mối tranh chấp Palestin-Israel.

Văn phòng truyền thông Vatican thông báo về cuộc tiếp kiến 15 phút như sau, "Trong cuộc hội kiến thân hữu, có sự đàm thoại thoại về tình hình Trung Đông và đặc biệt, về nhu cầu tìm kiếm một giải pháp công bằng và lâu bền cho cuộc tranh chấp Palestin-Israel, trong đó nhân quyền của tất cả mọi người đều được chấp nhận và tôn trọng.”

Vatican nói thêm hai điểm nhấn mạnh là: “tầm quan trọng của sự hợp tác và tương kính giữa hai bên và việc hỗ trợ của cộng đồng quốc tế."

Trong buổi họp cũng đề cập đến chuyến thăm Đất Thánh của Đức Thánh Cha Benedict XVI tháng Năm vừa qua, có bao gồm một cuộc thăm viếng các Lãnh Thổ Palestin. Đức Thánh Cha có tuyên bố lúc đó là Tòa Thánh sẽ thiết lập một uỷ ban song phương với chính quyền quốc gia Palestin.

Trong chuyến viếng thăm các lãnh thổ Palestin, đặc biệt là tại Bê Lem, Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định sự yểm trợ của Toà Thánh cho việc thiết lập một quốc gia Palestin có chủ quyền và ngài mong ước có sự hòa bình và vững vàng cho dân chúng Israel và Palestin.

Ngài nói, "Tòa Thánh yểm trợ nhân quyền của người dân quý vị là có một quê hương Palestin có chủ quyền tại miến đất của cha ông quý vị, an toàn và hòa bình với các láng giềng, bên trong các ranh giới được quốc tế công nhận.”

Thông cáo của Tòa Thánh ghi nhận: “Trong buổi tiếp kiến Thứ Năm này, đã có đề cập đến tình trạng của các giáo dân Kitô trong các lãnh thổ Palestin, và “sự đóng góp của họ cho đời sống xã hội và cho việc sống chung hòa bình giữa các dân tộc.”

Tình trạng khó khăn của các Kitô hữu trong miền sẽ được đề cao trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Trung Đông, mà Giáo Hội đã dự trù vào tháng 10, 2010.

Chủ đề của hội nghị đặc biệt của các giám mục sẽ được tổ chức tại Vatican là: “Giáo Hội tại Trung Đông: Hiệp Thông và Chứng Tá: ‘Đông đảo những người đã trở nên tín hữu đều có cùng một lòng và một ý’ (Công Vụ Tông Đồ 4:32)."

Ông Abbas cũng tiếp kiến riêng với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh của Đức Thánh Cha.
 
Top Stories
Amnesty International Urgent Action: Vietnamese prisoner held incommunicado
Amnesty International
15:47 08/10/2009
AMNESTY INTERNATIONAL URGENT ACTION
UA: 270/09 Index: ASA 41/007/2009 Issue Date: 08 October 2009

VIETNAMESE PRISONER HELD INCOMMUNICADO

Nguyen Hoang Hai, a male prisoner of conscience who blogged under the name Dieu Cay, has been transferred to a remote prison in Viet Nam and denied visitors for several months. No-one has heard from him during that time, and police have warned his family against speaking publicly. He is at risk of torture or other ill-treatment.

Nguyen Hoang Hai, aged 57, was arrested in April 2008 and sentenced the following September to two-and-a-half years’ imprisonment for tax fraud. The charges against him are believed to be politically motivated. He had been interrogated 15 times before officers from the Internal Security and Counter-Espionage Department of the Ministry of Public Security arrested him. In May 2009, the UN Working Group on Arbitrary Detention deemed his detention arbitrary, with no basis under international law.
Nguyen Hoang Hai is the co- founder of the independent Free Vietnamese Journalists' Club, formed in 2007, and has written articles critical of China’s foreign policies. He also took part in a peaceful protest before the Olympic Torch passed through Ho Chi Minh City in April 2008. He publicly criticized policies of the Vietnamese government before his arrest and spoke out for human rights in Viet Nam in his blogs.
In April 2009, Nguyen Hoang Hai was transferred to Cai Tau prison, at the southern-most tip of Viet Nam, and more than nine hours' journey from his home in Ho Chi Minh City. According to sources in Viet Nam, Nguyen Hoang Hai’s family has been refused permission to visit him since June 2009. No-one has heard from Nguyen Hoang Hai in recent months.
Prison conditions in Viet Nam are generally harsh, and provision of health care is limited. Some political prisoners are held incommunicado and therefore vulnerable to ill-treatment and torture.

ADDITIONAL INFORMATION
Freedom of expression and association is strictly controlled in Viet Nam. Dissidents who are critical of government policies and speak out about human rights violations face a range of sanctions to silence them. These include surveillance by local police, restrictions on movement, interference with home utilities such as phone lines and internet access, arbitrary questioning and detention by police, arrest and imprisonment. There are also cases where authorities have used arbitrary detention in mental health institutions against outspoken critics and activists.
At least 30 dissidents have been handed down long prison sentences, since a series of arrests began in 2006 after a short-lived period of tolerance to increased web-based activism challenging the government. Another wave of arrests began in May 2009. At least 12 dissidents are held in pre-trial detention.
The law enforcement agencies arbitrarily use provisions in the national security section of the Penal Code to stifle and criminalize peaceful dissent, in breach of international human rights treaties that Viet Nam has ratified. Restrictions and regulations on internet use penalize freedom of expression on topics deemed sensitive, including human rights and advocacy of democracy. Recent regulations on blogging enacted in December 2008 restrict content to personal matters, and prohibit dissemination of anti-government material, and “undermining national security”.

PLEASE WRITE IMMEDIATELY, in English, Vietnamese or your own language:
• Calling on the authorities to allow Nguyen Hoang Hai immediate access to his family, lawyer and any medical treatment he may need;
• Urging that he is not tortured or ill-treated in detention;
• Demanding that the authorities release Nguyen Hoang Hai immediately and unconditionally.

PLEASE SEND APPEALS BEFORE 19 NOVEMBER 2009 TO:

Minister of Public Security
Le Hong Anh
Ministry of Public Security
44 Yet Kieu Street
Ha Noi
VIET NAM
Fax: + 844 3942 0223
Salutation: Dear Minister

Minister of Foreign Affairs
Pham Gia Khiem
Ministry of Foreign Affairs
1 Ton That Dam Street
Ba Dinh District
Ha Noi
VIET NAM
Fax: + 844 3823 1872
Email: bc.mfa@mofa.gov.vn
Salutation: Dear Minister

COPIES TO: Diplomatic representatives of Viet Nam accredited to your country. Please check with your section office if sending appeals after the above date.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Mừng Trung Thu tại Giáo Xứ Thánh Marcô Inala Úc Châu
Janelle Fabio
14:50 08/10/2009
Hình ảnh Mừng Trung Thu tại Giáo Xứ Thánh Marcô Inala Úc Châu:

Xem hình ảnh

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thơ: Toàn dân bảo vệ Tổ quốc
Lê Dân Việt
09:46 08/10/2009
TOÀN DÂN BẢO VỆ TỔ QUỐC

Chủ nghĩa gì đâu, rất lạ kỳ
Các tôn giáo lớn, chúng dẹp đi
Tu sĩ, chân tu, chúng chà đạp
Tăng ni, bổn đạo, chúng khinh khi

Hung hăng phá đạo ra tơi bời
Tu sĩ, bổn đạo…đánh tả tơi
Kể cả trẻ em, người già yếu
Chúng mướn du côn đánh tàn đời

Chế độ gì đâu, ác gớm ghê
Đàn áp các đạo, khắp mọi bề
Lột áo, bóp háng…không thương tiếc
Du côn, du đảng được bảo kê

Đày đọa tăng sĩ… sống lê thê
Kể cả cha cụ…, đánh không tha
Đánh luôn phụ nữ, cả đàn bà
Lãnh đạo trung ương, toàn những kẻ

Bán rẻ giang sơn, đất ông cha
Biển, đất dâng hết, không ngại ngùng
Để cho đảng cộng sống ung dung
Vơ vét của dân nhét vào túi

Kệ cho dân khổ tới đường cùng
Đảng cứ theo Tàu thờ Hán, Mao
Mặc dân phẫn uất, cứ dâng trào
Dân Việt, vì đảng mà buồn tủi

Cũng vì bác Hồ, dân khổ xiết bao
Từ ngày chủ nghĩa ấy nẩy mầm
Toàn dân nước Việt, sống như câm
Thấy sai, thấy ác đâu dám nói

Cho nên đảng bác, mới quen thói
Cha mẹ, vợ chồng… đấu tố tuốt
Già trẻ, vợ người…, bác lấy tuốt
chủ nghĩa gì đâu, chẳng có tâm

Bác Hồ mấy vợ cứ lặng câm!?
Đạo đức gì đâu, lũ chúng bay
Đập đầu…chôn sống khắp đó đây
Lật lọng, gian xảo cả một bày

Dân oan có chi bay hoạch họe?
Đày đọa các đạo khốn tan thây
Đòi hỏi dân chủ, bay bắt liền
Đòi hỏi công lý, khổ liên miên

Chống đối Tàu cộng, bay bắt ngay
Cướp đất các đạo, bay bắt bí
Còn thí cho Tàu, đất Tây Nguyên…
Giang sơn vì bay nát rã rời

Để Tàu lùng sục khắp nơi nơi
Tìm hàng, tìm người…mà gieo giống
Hàng độc, hàng ma khắp mọi nơi
Để cho Tàu cộng nhoẻn miệng cười

Chất độc rồi đây hại giống nòi
Để cho đầu óc, nhiễm tê cóng
Chẳng còn sức đâu, để dở ngươi
Lúc ấy biên cương, Tàu san bằng

Còn đâu tổ quốc mà hung hăng
Giang sơn mất đi vì lũ chó
Hỡi giòng giống Việt, có thấy chăng?
Dân tộc Việt Nam rất hào hùng!!!

Nhưng bị việt cộng triệt lung tung
Để cho Tàu phù chúng đồng hóa!!??
Như dân Tây Tạng, khổ ngút ngàn
Người dân Việt, rồi đây khổ vô vàn

Hãy mau đứng dậy, dân Việt ơi!!!
Những người trong nước và xa xôi
Hãy cùng đứng lên, ta bảo nhau
Dạy cho việt gian, lũ cò mồi

Sao lại bán nước, để lên ngôi
Giang sơn vì cộng sắp mất rồi
Vận nước mất lần trong bi đát
Toàn dân ơi! Hãy mau đứng lên thôi

Đòi hỏi độc lập, tự do và dân chủ
Cho giống Tiên Rồng mãi sáng ngời
Độc lập, tư do tỏa rạng muôn đời
Ngời sáng năm Châu, ta dân Việt.
 
Vài suy nghĩ từ ‘vụ Bát Nhã’
Alfonso Hoàng Gia Bảo
10:09 08/10/2009
Vài suy nghĩ từ ‘vụ Bát Nhã’

1. Tôn giáo chân chính không thể làm bạn với cộng sản vô thần

Việc 400 Tăng Ni Phật bị những “kẻ lạ mặt” dùng vũ lực cưỡng xuất ra khỏi tu viện Bát Nhã - Lâm Đồng hôm 27/9 giữa mưa bão, nhớ lại thời gian này năm ngoái, tu viện Thái Hà cũng từng phải hứng chịu những cơn khủng bố tinh thần bằng việc đền Thánh Giêrađô bị đập phá giữa tiếng la hét đòi giết tổng Kiệt và cha Phụng, chúng ta thấy cả hai vụ có điểm giống nhau là đều xảy ra giữa đêm hôm khuya khoắt, vắng bóng dân chúng nhưng lại có rất đông công an và chỉ để… khoanh tay đứng nhìn!

Rồi hôm tháng 8 vừa qua, giáo xứ Loan Lý (Huế) vừa bị cướp trắng ngôi trường trong hoàn cảnh đêm tối y hệt vậy. Gần đây hơn, lợi dụng cơn bão số 9 đang hoành hành trường Khiết Tâm của giáo xứ An Hải (Đà Nẵng) bị đã cho xe ủi đến kéo sập cũng trong đêm tối.

Tất cả các trường hợp bạo hành tôn giáo nêu trên, mặc dù xảy ra ở ba miền Bắc Trung Nam khác nhau, hoàn cảnh, nguyên nhân từng vụ cũng khác nhau. Nhưng qua cách giải quyết giống nhau của các điạ phương cho chúng ta thấy, có vẻ như từ sau vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, CSVN đã chỉ thị ngầm cho phép các tỉnh thành dùng vũ lực để giải quyết mọi rắc rối về tranh chấp tài sản liên quan đến tôn giáo nếu thấy tình hình trở nên căng thẳng. Thậm chí có thể còn có cả lời khuyên ‘hãy hành động về đêm’ cũng không chừng!?

Việc lâm nạn của tu viện Bát Nhã không phải là công giáo còn cho thấy mong ước được đóng góp cho quê hương đất nước, được ‘đồng hành với dân tộc’ vẫn mãi là chuyện ngoài tầm tay đối với mọi tôn giáo chân chính một khi đảng cộng sản còn cai trị. Bởi kẻ núp bóng hai chữ ‘dân tộc’ ấy lại chính là đảng CSVN. Bằng chứng là khi các Tăng lữ Làng Mai chẳng còn có thể đồng hành với họ, thì liền lập tức có ngay người đến làm khó tu viện Bát Nhã, trong lúc 700 tờ báo “của dân, do dân và vì dân” đều nín khe!

2. Cần sự chia sẻ…

‘Sóng gió Bát Nhã’ với những gì chúng ta biết, đây là đoạn kết của một ‘cuộc hôn nhân’ bất cân xứng giữa cô dâu tử tế Làng Mai và chú rể ‘đểu cáng’ CSVN đã bắt đầu từ cuối những năm 90s. Tất nhiên, câu chuyện còn có những tình tiết ‘éo le’ liên quan đến hai nhân vật phụ không kém quan trọng khác, đó là các Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất đang cùng tồn tại, nhưng từ lâu đã ‘đường ai nấy đi’.

Sự đểu cáng của chàng rể nay đã lộ rõ nguyên hình hôm qua khi Csvn chỉ đạo cho tỉnh Lâm Đồng đá trái banh trách nhiệm sang sân Phật giáo bằng tuyên bố đây là “tranh chấp nội bộ giữa phật tử Tu viện Bát Nhã do Thượng tọa Thích Đức Nghi làm viện chủ và số người tu theo pháp môn Làng Mai” . (BBC, 07/10) nhằm phủi tay trước áp lực của dư luận, như đòi hỏi của nhiều nhân sĩ trí thức trên trang bauxitevietnam.info. Trong lúc ai cũng biết trước đây thiền sư Thích Nhất Hạnh từng được ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết ân cần mời gọi về VN hành đạo trọng thị ra sao.

Tuy nhiên câu chuyện vì không liên quan đến công giáo nên chẳng dám lạm bàn mà chỉ quan tâm nhiều hơn đến chuyện tu viện bị cướp phá trắng trợn, tu sĩ bị đánh đập dã man bởi những kẻ mạnh hơn ỷ cậy thế chính quyền. Số nạn nhân ấy dù thuộc bất cứ đạo giáo nào, trước hết họ cũng là người Việt Nam, là đồng bào ruột thịt của hơn 80 triệu dân đang cùng nhau sinh sống trên mảnh đất chữ S này, do nhà nước bưng bít thông tin quá kỹ, chứ nếu dân chúng mà biết chuyện chắc không ai có thể ngoảnh mặt làm ngơ.

Trong kinh thánh Chúa Jésus cũng đã từng chê trách các thầy tư tế, phó tế và khen ngợi người Samaria. Anh này mặc dù là dân ngoại không có đạo nhưng đã rộng tay cứu giúp một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị rơi vào tay bọn cướp, bị đánh một trận ‘thừa sống thiếu chết’ (Lc 10, 25-37) khi các thầy ‘ngó lơ’ với nạn nhân khi viện cớ vì ‘bận’ giữ luật ngày Sabath.

Thư Hiệp Thông của các Quí cha Dòng Chúa Cứu Thế cũng như một số bài viết trên Vietcatholic gần đây hẳn cũng đã xuất phát từ những lời răn dạy như thế. Và chúng tôi cũng còn tin rằng, đây phải là suy nghĩ chung của tất cả những ai cho mình là yêu nước thương nòi đang phải thấy bao cảnh bạo ngược đang xảy ra khắp nơi trong xã hội VN hôm nay.

Bởi vì quốc gia là một tập thể bao gồm hàng triệu cá nhân và gia đình. Mà trong mỗi gia đình, sự tử tế, ăn ngay ở lành của ông bà cha mẹ quan trọng đối với tương lai cháu con ra sao, thì ắt ở tầm vóc vĩ mô là quốc gia, việc hành xử chính / tà của những lãnh đạo bắt buộc cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức xã hội, sự hưng thịnh, thậm chí cả sự tồn vong của dân tộc.

Tương lai của một đất nước, một dân tộc làm sao có thể tốt đẹp với những lãnh đạo chủ trương giải quyết mâu thuẫn và bất đồng trong xã hội bằng bạo lực, bất chấp cả luân thường đạo lý?

3. Cảm kích tình “đồng đạo”

Vụ Bát Nhã tuy chưa gây ‘ồn ào’ nhiều bằng vụ Thái Hà nhưng thật ra những gì xảy ra ở nơi này hôm 27/9 là hết sức tàn nhẫn. Tàn nhẫn ở chỗ, chuyện tu hành của 400 tăng ni đã bị chính quyền Csvn tước đoạt một cách hết sức hết bất hợp pháp với việc họ bị cướp mất cả chốn tu hành. Đó là chưa nói đến chuyện “đẩy những tu sinh vô tội ra ngoài trời mưa gió bão, đói rét, rồi lăng mạ, chửi rủa, kể cả những hành động tồi bại nhất họ cũng không chừa”.

Chùa chiền từ ngàn xưa đã có một chỗ đứng rất trang trọng và vững chắc trong văn hóa dân tộc Việt Nan hơn nhà thờ của đạo công giáo chúng ta nhiều lần. Khi còn bé mọi học sinh miền Nam trước 1975 đều được nhà trường dạy dỗ như vậy, nên ngay cả trong thời chiến, quân đội cũng như thường dân chẳng hề có bất kỳ ai, kể cả những phường vô lại cũng không hề dám xâm phạm đến chùa chiền.

Ngôi chùa với người tu hành có khác gì ngôi nhà thân thương của mỗi mái gia đình người Việt chúng ta. Mất chốn ‘an cư’, từ nay làm sao ‘nghiệp’ của các Tăng, Ni có thể an lạc? Ấy vậy mà cái điều bất nhân bất nghĩa ấy lại xảy ra dưới chế độ XHCN hôm nay, khiến có người phải thốt lên đây là “chuyện chưa từng có trong lịch sử!”

Nếu quả thật con người lãnh tụ Hồ Chí Minh có những mặt tốt nào đó đáng để được CSVN gọi là “đạo đức HCM” thì chắc chắn “đạo đức” ấy không thể khác biệt với chuẩn mực đạo lý của cha ông đã có từ ngàn xưa đến mức cho phép công an, chính quyền nhúng tay vào việc chà đạp nhân phẩm con người nặng nề tại tu viện Bát Nhã như vậy.

Qua theo dõi tin tức vụ Bát Nhã có hai điều khiến chúng tôi hết sức cảm phục:

1./ Trước hết đó là khả năng kềm chế thật trọn vẹn của hàng trăm con người, không những họ bị dồn vào đường cùng mà còn bị khiêu khích bởi các thế lực đen tối đang chực chờ. Chỉ cần vài giây nóng giận gây ra những sơ hở trong lúc phản ứng, nhà cầm quyền sẽ chụp cho họ cái tội ‘gây rối nơi công cộng’ như 8 giáo dân Thái Hà từng bị.

Tưởng cũng cần lưu ý thêm trước khi xảy ra biến cố 27/9, tu viện Bát Nhã đã bị phong tỏa suốt ba tháng liền từ Tháng 6, mà việc làm này rất có thể nằm trong âm mưu gây ức chế cho các Tăng Ni. Thế nhưng cho đến nay những toan tính này đều tỏ ra thất bại.

2./ Thứ đến, là bức “HUYẾT THƯ của Tăng – Ni trẻ tỉnh Lâm Đồng” phổ biến hôm 30/9 có đoạn kết: “Đây là huyết thư, với động lực duy nhất là tình Linh Sơn cốt nhục, tuyệt đối không xuất phát từ những ý thức chính trị, đảng phái hay hệ phái, giáo hội nào. Nếu không thực hiện được thì Tăng – Ni trẻ chúng tôi thật hổ thẹn với liệt tổ, liệt tông. Chính vì vậy, nếu các cấp chính quyền gây thêm bất kỳ một áp lực nào như đã làm, chúng tôi báo trước là sẽ quyết tử vì tình đồng đạo, hậu quả là không thể lường được”.

Có thể nói đây là điều mà ngay đạo công giáo chúng tôi, được tiếng là tổ chức tốt nhưng khi xảy ra vụ TKS, Thái Hà, Tam Tòa lâm vào tình cảnh khốn khó, cũng chưa ai dám nói lời ‘liều chết vì đồng đạo’ như vậy. Trong lúc quí vị chưa phải hổ thẹn chúng tôi có khi cần xem phải mình. Vì rất có thể nhờ có bức huyết thư với lời lẽ mạnh mẽ như vậy mà Csvn đã chẳng còn dám đụng đến số tăng ni đang được chùa Phước Huệ cưu mang như họ hăm dọa sẽ thực hiện lúc ban đầu.

4. Cái nhìn toàn cục

Như chúng tôi đã từng dự báo với Ban Biên Tập của VietCatholic ngay hồi đầu năm về khả năng ‘lộng hành’ của Csvn đối với tôn giáo cũng như với các nhà đấu tranh sẽ gia tăng trong năm 2009. Do sự gia tăng đầu tư ào ạt, CSVN đang nắm được cái thóp chính phủ các nước EU do có quá nhiều nhà đầu tư của họ bỏ tiền vào thị trường VN. Còn với Mỹ đó là nhu cầu quay trở lại Châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh nơi này đang bị đe dọa bởi TQ đang rất cần các đồng minh quân sự, VN lại ở ngay cửa ngõ phía Nam với TQ.

Với những lợi thế như vậy, Hà Nội có thừa khả năng làm tê liệt mọi ý định làm khó của những quốc gia này trước việc họ công khai vi phạm nhân quyền. Cái thế của Csvn nhất là với nước Mỹ bây giờ không còn giống như mấy năm trước, khi họ chưa vào WTO.

Mặc dù suy đoán vậy nhưng chúng tôi cũng không hề mong đúng. Nhưng khốn thay cái điều chẳng ai trong chúng ta mong đợi ấy đã trở thành hiện thực, như những sự bất thường đã xảy ra liên tiếp mấy tháng qua gây ngỡ ngàng cho nhiều người.

Ngay cả đến một việc tưởng chừng là tất yếu phải xảy ra đó là việc nhiều dân biểu Mỹ đòi đưa VN trở lại danh sách CPC, tức những quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo, rầm rộ hồi giữa năm là thế, vậy mà bây giờ có vẻ như mọi chuyện đâu đó đã được an bài. Tình hình cho thấy từ nay đến ngày sụp đổ sẽ rất khó có chuyện CSVN bị đưa trở lại danh sách đen này thêm lần nữa

5. Trước thực tế bi đát ấy, chẳng nhẽ chúng ta mãi ‘ta thán’ với nhau trên mạng?

Vài suy nghĩ vụn vặt trên mong rằng sẽ góp phần chia sẻ nỗi khổ với các Tăng – Ni Bát Nhã và cũng hy vọng giải thích cho những sự ‘bất thường’ đang xảy ra ở VN, mà cách hành xử táng tận lương tâm của nhà cầm quyền qua vụ Bát Nhã đã chứng tỏ cho chúng ta thấy họ sẽ tiếp tục không từ nan bất cứ hình thức bạo lực nào thời gian sắp tới đây, bắt bớ, bỏ tù bất cứ cá nhân tổ chức nào có tiếng nói ngược chiều với chế độ.

Trong tình hình ấy, liệu còn danh chính ngôn thuận để lên tiếng và liên kết lại với nhau chống lại họ hơn là chính các nạn nhân, gồm dân oan, giáo oan, trí thức oan v.v… đang sống trong nước như chúng ta?

Sự bất mãn chế độ nay đã ngày càng gia tăng nhanh chóng từ thành thị cho đến thôn quê vì tham nhũng cùng bao thứ xấu xa tệ hại mỗi lúc một phơi bày ra nhiều hơn trong xã hội.

Yếu tố quan trọng bậc nhất cho mọi cuộc đổi thay là sự bất mãn ai cũng thấy, đang có thừa trong lòng dân chúng khắp nơi. Đi đâu bây giờ cũng nghe những lời ta thán mà không còn sợ hãi như xưa. Cái thiếu duy nhất hiện nay là ai / tổ chức nào trong nước có đủ uy tín khả năng đứng ra tập hợp mọi thành phần yêu nước lại với nhau sao cho có đủ trọng lượng để ‘nói chuyện’ với đảng Csvn, buộc họ phải đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi đảng?

Liệu những địa chỉ emails từ các cuộc vận động chống bauxite vừa qua của các cha DCCT và các giáo sư ở mạng bauxitevietnam.info có giúp ích gì cho việc chuẩn bị hình thành nên một tổ chức như vậy?

Câu trả lời xin dành cho hết thảy những ai đang ngày đêm quan tâm đến vận mạng đất nước và dân tộc, nhất là các bậc sĩ phu trí thức có nhiều uy tín đang sống trong nước.

Sàigòn, 08/10/2009
 
Nobel Văn học 2009 được trao cho Herta Müller, nhà văn chống độc tài cộng sản
Bảo Thạch / RFI
18:18 08/10/2009
Nobel Văn học 2009 được trao cho Herta Müller, nhà văn chống độc tài cộng sản

Nữ văn sĩ Herta Müller.
Nobel Văn học 2009 được trao cho nữ văn sĩ sáng tác bằng tiếng Đức, nhưng sinh ra và lớn lên tại Rumani, bà Herta Müller. Gần như toàn bộ sự nghiệp của Herta Müller là nhằm bảo vệ nhân phẩm con người, bị đe dọa dưới chế độ độc tài cộng sản.

Sinh năm 1953 gần thành phố Timişoara, Rumani, Herta Müller từ bé đã viết tiếng Đức vì gia đình bà thuộc cộng đồng thiểu số người Đức tại đây.

Khi lên đại học và sau đó làm nghề thông dịch, bà đã nhiều lần từ chối, không cộng tác với mật vụ Securitate của Ceauşescu.

Nhiều tác phẩm đầu tay của Herta Müller đã bị chế độ cộng sản Rumani thời đó kiểm duyệt. Năm 1987, bà thành công cùng chồng vượt biên sang Đức.

Tại Pháp, tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Herta Müller là tiểu thuyết "La Convocation" - Heute wär ich mir lieber nicht begegnet, có thể tạm dịch "Lời triệu mời lên thẩm vấn".

Nhân vật ở đây là một cô gái trẻ làm nghề thợ may. Cô bị công an thường xuyên gọi lên "làm việc". Cô gái kể: "Họ kêu lên thường xuyên hơn. Thứ ba đúng 10 giờ, thứ bẩy đúng 10 giờ, thứ tư hay thứ hai, tưởng chừng như tất cả năm tháng rút ngắn lại thành một tuần lễ".

Nguyên nhân là cô đã bị bắt quả tang đang đính vào tấm vải lót trong các bộ trang phục đắt tiền sắp sửa xuất khẩu ra nước ngoài những thông điệp tìm bạn bốn phương. Cô gái muốn xuất ngoại, chóng hay chày, bằng mọi giá, bởi vì cuộc sống này không thể chấp nhận được.

Bị bắt quả tang hay đã bị tố giác, cô thường xuyên bị triệu lên thẩm vấn ở một cơ quan công an mà người đọc có thể mường tượng là Securitate dưới thời cộng sản Ceauşescu.

Thời điểm lịch sử ở đây không quan trọng. Điều khiến độc giả chú ý là một sự thật đời thường với rất nhiều rủi ro, một hoàn cảnh bấp bênh vô định.

Trên đường đi đến nơi bị thẩm vấn, cô gái trẻ nhìn kỹ những cảnh đời. Cô quan sát những người cùng đi xe điện với mình. Cô sực nhớ đến Lili, một người bạn đã bị đàn chó săn cắn cho đến chết khi toan vượt biên. Cô nhớ đến người yêu là chàng Paul, chẳng may đã sa vào rượu chè vì không thể tiếp tục chịu đựng cảnh một chiếc xe công an ngày đêm theo dõi anh ta. Cô nhớ lại lớp cha anh, người thì bị vào trại cải tạo, kẻ khác bán rẻ lương tâm cho các tín điều mù quáng.

Cô gái tự vấn và tìm cách thoát khỏi một thực tại vô vọng, phi lý, nơi chỉ có nỗi sợ hãi bao trùm lên tất cả, vì không người nào còn biết rõ ai đang theo dõi ai.

Trong tác phẩm này, nhà văn Herta Müller đã để ngòi bút của mình hồi phục danh dự cho tất cả những người đã bị chế độ độc tài cộng sản cưỡng đoạt quyền sống và hạnh phúc.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tôi Nay Ở Trọ
Lm. Trần Cao Tường
15:24 08/10/2009

TÔI NAY Ở TRỌ



Ảnh của Cao Tường

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.

(Nhạc và lời: Trịnh Công Sơn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sa Mạc
Lm. Vũ Đình Huyến
22:19 08/10/2009

SA MẠC



Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến, CMC.

Trường đời, chợ giấy là sa mạc

Ngòi bút ta thay bóng lạc đà!

(Trích thơ của Kiên Giang)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News