Ngày 08-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:43 08/10/2015
N2T


22. Nếu con chưa được gọi, thì xin hãy tìm cách để được ơn gọi.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:38 08/10/2015
38. MUA PHƯỢNG HOÀNG GIẢ.
N2T

Ở đất Sở có người gánh một gánh chim trĩ, người đi đường hỏi:
- “Đây là chim gì ?”
Người gánh chim trĩ nói dối:
- “Phượng hoàng”.
Người đi đường nói:
- “Tôi nghe nói đến phượng hoàng từ lâu rồi, hôm nay mới thật sự chứng kiến, anh có thể bán không ?
Người gánh chim trĩ nói:
- “Có thể !”
Người đi đường bèn lấy một ngàn đồng tiền để mua, người gánh chim trĩ cố ý không bán, người đi đường tăng giá tiền gấp đôi mới mua được “phượng hoàng”, chuẩn bị đem đi dâng tặng cho Sở vương, bởi vì đường đi rất xa, sau mấy ngày đi thì “phượng hoàng” chết mất tiêu. Người đi đường không vì thế mà tiếc hai ngàn đồng, chỉ hận là không thể dâng tặng cho Sở vương mà thôi.
Đến quốc đô, mọi người đều quay lại nhìn nhìn và đều cho rằng đó chính là phượng hoàng, rất là quý báu, phải tìm cách dâng tiến Sở vương. Sở vương nghe được chuyện ấy, rất cảm kích lòng thành của người đi đường đối với mình, liền cho triệu anh ta vào và ban cho anh ta số tiền gấp mười lần số tiền mà anh ta mua “phượng hoàng”.
(Tiếu lâm)

Suy tư 38:
Việt Nam chúng ta có câu nói như sau để “chê” mấy người có lòng thật thà như sau: “thật thà là cha thằng dại” ; “thật quá hóa ngu”. Tôi không hiểu tại sao lại có câu ấy ?
Nhưng thật ra, người thật thà không phải là vì họ dại, mà vì họ không có lòng tham, không có tâm hồn bon chen với mọi người, và cũng không thèm tranh chấp với ai. Nếu đem cái thật thà ra mà đọ với sự ma lanh tham lam của người đời, thì đúng là “cha thằng dại” thật, nhưng như thế có ích gì cho phần rỗi đời đời chứ ?
Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành cũng là thật thà, bởi vì người thật thà thì không đi gây hấn với người khác, không giành giựt của ai điều chi, nên họ không gây chiến với ai. Họ không tham của cải đời này, nên họ được gia nghiệp ở trên trời; vì họ không ma giáo tranh đua để giành giựt chức quyền địa vị ở đời này, nên họ được chúc phúc; còn những người luôn dùng tài trí thông minh, khôn khéo của mình để ức hiếp, khinh chê những người công chính thật thà, thì sách Huấn Ca đã nói như sau :
“Có cái khôn khéo đáng ghê tởm,
người thiếu khôn ngoan là kẻ ngu đần.
Thà trí hiểu kém mà biết kính sợ,
còn hơn khôn khéo mà vi phạm lề luật.
Có cái khôn khéo tinh vi mà lại bất công,
có kẻ tráo trở nhân nghĩa để đem lẽ phải về mình.
Có kẻ xấu (bên ngoài) thì lom khom, rầu rĩ,
Mà (trong) lòng lại đầy xảo trá mưu mô”.

Theo con mắt của người đời, người thật thà nhất là những người “dâng mình làm tôi Đức Chúa Trời”, đó chính là các linh mục, tu sĩ nam nữ, bởi vì các đấng bậc ấy đã bỏ mọi sự thế gian mà đi làm môn đệ Chúa, thì đâu cần phải tranh chấp quyền hành, đâu cần giành giựt miếng ăn và càng không thèm đấu tố tranh tụng với người khác, cho nên tóm lại, họ là những người thật thà và hiền lành nhất vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:45 08/10/2015
N2T


23. Đem bản thân mình giao phó trong tay Chúa chính là đem ý chí của mình hoàn toàn dâng hiến cho Ngài. Khi nào một linh hồn thành thật nói với Chúa: “Thiên Chúa của con, con chỉ muốn, chỉ muốn Ngài”, thì coi như họ đã hoàn toàn đem ý chí của mình dâng hiến cho Thiên Chúa, kết hợp với Ngài rồi vậy. (Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


--------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info

 
Phần Thưởng
Lm Vũđình Tường
04:15 08/10/2015
Ngày nay làm bất cứ công việc gì cũng có thưởng, kể cả đi mua hàng hóa ngoài chợ cũng có thưởng. Phần thưởng núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở trường đơn giản đóng dấu vào tay học sinh, ở nhà thưởng cái kẹo, cuối năm tên trên bảng danh dự. Ngoài xã hội thưởng cho vé bớt giá xăng dầu, mua đủ số lần được bớt dăm ba phần trăm. Phần thưởng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Người ta làm vì thưởng, vui nhờ được thưởng. Phần thưởng khuyến khích làm việc tích cực hơn với mục đích rõ ràng. Chúng ảnh hưởng đến tâm lí con người và thúc đẩy con người làm công việc đó. Thành công thì vui, thất bại thì buồn như thế phần hưởng ảnh hưởng đến tình cảm vui buồn của cuộc sống hàng ngày. Người giầu có trong bài Phúc Âm hôm nay cũng mong được thưởng. Anh giầu có trọng luật lệ nên anh giữ trọn lề luật và hãnh diện về việc không phạm luật của mình.
Giầu có trần thế anh cảm thấy không yên tâm, vẫn thấy thiếu sao đó nên anh đến gặp Đức Kitô hỏi Ngài làm cách nào để anh được cảm thấy ấm lòng, bình yên trong tâm hồn. Đức Kitô vạch cho anh con đường bảo đảm phần thưởng trường sinh. Nghe xong anh không vui, buồn rầu bỏ đi. Đối với anh cái giá cho phần thưởng trường sinh quá lớn, lớn hơn cả gia tài. Chúng ta không biết rõ gia tài của anh giá trị ra sao, Phúc âm cho biết anh rất giầu và không muốn mất cái giầu có đó nên anh buồn rầu bỏ đi. Trọng luật cùng nghĩa với trọng tình nghĩa. Đức Kitô có lần cho biết tất cả mọi lề luật tóm gọn trong hai điều răn đó là mến Chúa và yêu người. Người ta có thể giữ kĩ các luật, mến Chúa hết lòng nhưng lại coi thường anh em, coi nhẹ luật yêu thương. Trọng Thiên Chúa nhưng lại khinh người có khác nào tử tế với cha và xử tệ với con. Đối với Thiên Chúa ngoài mến Chúa ra luật yêu thương là luật quan trọng nhất, con người lại bỏ qua hay coi nhẹ. Anh nhà giầu coi trọng luật lệ nhưng coi nhẹ việc giúp người nghèo túng. Đức Kitô nhắc anh cần làm tốt điều đó, luật yêu thương.

Ngày nay nhiều thương gia sống theo cách thức anh nhà giầu. Thành công, nổi tiếng, tự làm chủ, không bị lệ thuộc ai là điều các thương gia đang nhắm đến. Thành công và thành danh thì cứ tiếp tục tiến bước, dại gì mà thay đổi. Con người kinh tế muốn hoàn toàn tự lập và độc lập, không muốn dưới quyền ai và không muốn bắt chước ai và cũng không cho ai bắt chước cách thức dẫn họ đến thành công. Họ có thể gia nhập nhóm thành công để tạo thêm thế lực, nhưng họ vẫn độc lập làm ăn riêng rẽ và sống cho mình. Lối suy nghĩ này trái với đường lối Phúc Âm là chung sống, chia sẽ và hỗ trợ nhau. Phúc âm kêu gọi sinh hoạt cộng đồng, cùng hy sinh, cùng nhau phục vụ bởi tất cả đều là anh chị em, đều là con cái Thiên Chúa.

Cuộc sống ảnh hưởng bởi văn hoá ta đang sống và văn hoá đó thể hiện qua cuộc sống. Anh nhà giầu sống trong văn hoá của người giầu và anh quen với lối sống đó. Bán cả gia tài phân phát cho người nghèo để sống cuộc sống nay đói, mai khát là điều anh không thể làm, không hiểu. Anh thiếu văn hoá Phúc Âm trong cuộc sống bởi văn hoá đó kêu gọi đặt trọn niềm tin vào Chúa, sống hy sinh và phục vụ. Bởi thiếu văn hoá này mà anh không thể đáp lại điều Đức Kitô mời gọi. Muốn có loại văn hoá này anh cần để Phúc âm thấm nhập vào tâm hồn và muốn được thấm nhập thì phải từ bỏ văn hoá giầu sang để chung sống, cảm thông và hiểu như cầu người mình đang phục vụ.
Đức kitô cho biết ai trọng của cải hơn con người thì không thể làm môn đệ Ngài. Ai trọng của cải hơn sự sống thì chưa sẵn sàng phục vụ nước Trời.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai nhân vật Công Giáo Hoa Kỳ được Đức Thánh Cha nhắc đến trong diễn từ trước Quốc Hội Mỹ
Bùi Hữu Thư
16:17 08/10/2015
Washington Post: Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu danh bốn nhân vật danh tiếng Hoa Kỳ trong bài diễn văn đọc trước Lưỡng Viện Mỹ. Ngoài Abraham Lincoln, và Martin Luther King, Jr., hai người Công Giáo Hoa Kỳ là Dorothy Day và Thomas Merton là hai nhân vật được rất nhiều người yêu mến, nhưng lại là hai nhân vật có nhiều mâu thuẫn đối với thời đại của họ.

Đức Thánh Cha nêu lên vai trò quan trọng của Dorothy Day, một nhà báo, một người sau khi trở lại đạo đã được thúc đẩy để đồng sáng lập Phong Trào Lao Công Công Giáo (Catholic Worker Movement), và Thomas Merton, một linh mục Dòng Xitô, và là một trong các nhà văn Công Giáo có ảnh hưởng nhiều nhất trong thế kỷ 20. Bà Day đã bị ngăn cấm không cho dùng danh từ Công Giáo và linh mục Merton đã bị bề trên buộc phải im tiếng vì ngài đã viết những bài phản đối Chiến Tranh Lạnh.

Dorothy Day

Giữa vực sâu tối tăm của thời kinh tế khủng hoảng năm 1929 trên toàn thế giới, bà Day đã đồng sáng lập Phong Trào Lao Công Công Giáo, và hăng say bênh vực những người nghèo khó và thấp cổ bé miệng trong suốt thời Đệ Nhị Thế Chiến, Chiến Tranh Việt Nam và Chiến Tranh Lạnh. Bà viết trong tờ báo The Catholic Worker của bà một tháng sau khi Nhật Bản oanh tạc Trân Châu Cảng: “Chúng tôi yêu quốc gia này và yêu tổng thống, nhưng chúng ta đã thất bại trong việc sống theo đúng các nguyên tắc của chúng ta.” Năm 1955, bà dẫn đầu một cuộc chống đối các buổi tổng dượt của chính phủ để phòng ngừa một cuộc tấn công bằng vũ khí nguyên tử của Nga Sô. Trong Chiến Tranh Việt Nam, bà ủng hộ giới phản chiến và nói rằng: “Chỉ có cách chấm dứt cuộc chiến điên dại này là nhốt các thanh niên chống đối vào nhà tù.”

Bà qua đời năm 1980 lúc 83 tuổi tại Nữu Ước. Hiện giờ đã có trện 200 cộng đồng Catholic Worker trên toàn quốc kể cả một cộng đồng tại Hoa Thịnh Đốn mang tên bà. Trong khi Đức Thánh Cha ngợi khen bà thì một trong các người cháu bà đã tuyệt thực và tham dự vào một đêm canh thức trên Đại Lộ số V ở Nữu Ước, ngay bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc, nơi Đức Thánh Cha sẽ thuyết trình ngày hôm sau.

Thomas Merton

Cha Merton, một linh mục Dòng Xitô, một nhà văn Công Giáo có ảnh hưởng lớn sau thế chiến đối với người Công Giáo và người ngoại đạo. Đức Thánh Cha mô tả ngài “trên hết là một linh mục chuyên cần cầu nguyện, một tư tưởng gia đã thách đố những xác tín của thời đại ngài và mở ra những chân trời mới cho các tâm hồn và cho Giáo Hội. Ngài cũng là một người thích đối thoại và cổ võ cho hoà bình giữa các dân tộc và giữa các tôn giáo.” Sau khi trở lại đạo Công Giáo và gia nhập một tu viện ở bang Kentucky, ngài đã trở nên một trong những văn sĩ Công Giáo nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Linh mục Merton qua đời năm 1968 lúc 53 tuổi.

Đây là lời Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu ngài trong buổi họp khoáng đại của Lưỡng Viện Hoa Kỳ: “Cách nay một thế kỷ, vào lúc khởi đầu của Đại Thế Chiến, mà Đức Thánh Cha Benedict XV mô tả là ‘một sự tàn sát vô nhân đạo’ một nhân vật Hoa Kỳ đáng ghi nhớ đã ra đời: đó là linh mục Xitô Thomas Merton.” Lời nói đóng khung này dường như song song với lời Merton đã lựa chọn để tự giới thiệu mình với độc giả trong cuốn tự thụật đã làm cho ngài nổi tiếng mang tiêu đề “Ngọn Núi cao Bẩy Tầng” (The Seven Storey Mountain): “Vào ngày cuối cùng của tháng 1, năm 1915, giữa cuộc đại chiến, và dưới bóng mát của những rặng núi Pháp, dọc theo biên giới Tây Ban Nha, tôi đã sinh ra đời.” Cuốn sách xuất bản năm 1948 đã bán được trên một triệu ấn bản. Cha Merton còn viết mấy chục cuốn sách khác, các tập thơ và rất nhiều bài viết về đủ mọi vấn đề.
Cha Merton đặc biệt nổi tiếng về những bài viết về đối thoại, gặp gỡ liên tôn, hoà bình và bất bạo động, đây là tất cả những đề mục mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên trong chuyến tông du Hoa Kỳ vừa qua.
 
Thượng Hội Đồng, ngày thứ tư, 8 tháng Mười, 2015
Vũ Văn An
16:23 08/10/2015
Theo Đài Phát Thanh Vatican, Thứ Năm, 8 tháng Mười, 2015, tại cuộc họp báo hàng ngày của Thượng Hội Đồng về Gia Đình, ba vị giáo phẩm đã đề cập tới các vấn đề của Phi Châu và Trung Đông. Các ngài nói rằng Thượng Hội Đồng có tính hoàn vũ và Phi Châu cũng như Tây Phương đều có chung những vấn đề tương tự nhau.

Đức Tổng Giám Mục Charles Palmer-Buckley của Accra, Ghana, cho hay: thế giới cần kiên nhẫn với Phi Châu khi đụng tới việc đối phó với các vấn đề như đồng tính luyến ái. Ngài nói: “qúy vị hãy cho các quốc gia này thời gian để đương đầu với các vấn đề phát sinh từ các quan điểm văn hóa của riêng chúng tôi”. Theo ngài, phẩm giá và các quyền lợi của con cái nam nữ Thiên Chúa đều cần được bảo vệ.

Các nghị phụ Thượng Hội Đồng tiếp tục làm việc theo nhóm vào hôm thứ Năm. Đức Tổng Giám Mục Edoardo Menchelli của Ancona-Osimo, Italy, nói trong cuộc họp báo này rằng cuộc thảo luận trong nhóm của ngài rất cởi mở và thân ái, tuy có nhiều ý kiến khác nhau giữa các nghị phụ. Theo ngài, các giám mục đang thảo luận về phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc nói về hiện tình gia đình theo cái nhìn đại cương.

Thượng Phụ Ignace Joseph Younan của Lebanon cho hay: Trung Đông đang trải nghiệm điều ngược lại với Phi Châu nơi con số tín hữu gia tăng đều đặn. Ở Trung Đông, con số tín hữu mỗi ngày một giảm thêm vì người trẻ và các gia đình muốn “thoát khỏi hỏa ngục” – họ đang chịu bách hại trong các tình thế bi đát tại các nơi như Iraq và Syria. Ngài nói rằng Giáo Hội ở trong vùng cảm thấy bất lực và lấy làm tiếc là đã không thể thuyết phục giới trẻ ở lại những nơi mà Kitô Giáo đã được khai sinh.

Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckley nói rằng các giáo phẩm Phi Châu không phong tỏa các vấn đề, như việc cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ cũng như nhậy cảm hơn với những người đồng tính. Theo ngài, Giáo Hội Phi Châu hiện diện tại Thượng Hội Đồng để trình bầy cảm nhận của mình đối với các vấn đề này và việc thực hành mục vụ của Giáo Hội. Ngài nói: “chúng tôi ở đây để chia sẻ các quan điểm của chúng tôi, chúng tôi thừa nhận giáo huấn của Giáo Hội. Các đại biểu Phi Châu tôn trọng những điều Đức Hồng Y Erdo tôn trọng và trình bầy cho chúng tôi”. Ngài nói thế có ý ám chỉ bản Tường Trình của Đức Hồng Y Erdo ở phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng.

Đức Tổng Giám Mục Menchelli nói rằng nói về vai trò phụ nữ trong Giáo Hội và đồng tính luyến ái không ra ngoài ngữ cảnh của Thượng Hội Đồng. Theo ngài, khi xem xét sứ mệnh và ơn gọi của gia đình, bạn sẽ hiểu rằng một người anh em đồng tính, chẳng hạn, vẫn là thành phần của gia đình và có ảnh hưởng đối với mọi thành viên khác của gia đình. Ngài cho hay: vai trò mục vụ của phụ nữ cũng quan trọng không kém nhưng việc phong chức cho các nữ phó tế gây ra nhiều quan ngại về bí tích và thần học cần được nghiên cứu.

Cha Lombardi, giám đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, thông báo với giới truyền thông rằng danh sách sau cùng liệt kê các nhóm làm việc của Thượng Hội Đồng đã được công bố. Ngài cũng cho báo giới hay: văn phòng báo chí đã giải quyết xong vấn đề kỹ thuật thông tin và mọi đóng góp cũng như mọi cuộc phỏng vấn tại Thượng Hội Đồng nay đều được công bố trên trang mạng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Các nghị phụ Thượng Hội Đồng cho biết: các ngài không cảm thấy việc Thượng Hội Đồng có tính Tây Phương đến nỗi phương hại tới Phi Châu. Các ngài nhất trí rằng Thượng Hội Đồng có tính hoàn vũ trong cách tiếp cận của mình. Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckle nói rằng các quan tâm của Giáo Hội Âu Châu cũng là các quan tâm của Phi Châu và ngược lại. Ngài nói thêm: “Mọi điều tốt lành ở Phi Châu không đủ tốt đối với giới truyền thông Âu Châu nhưng bất cứ điều gì đen cũng đều đủ tốt cả”.

Đức Tổng Giám Mục Menchelli nhấn mạnh rằng cả Giáo Hội Tây Phương lẫn Giáo Hội Phi Châu đều phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Ở Phi Châu, hôn nhân là một diễn trình lâu dài và do đó cần nhiều thời gian: thường thường hôn nhân theo truyền thống diễn ra trước, mãi sau đó mới là hôn nhân trong Giáo Hội. Đức Tổng Giám Mục cho biết: ở Tây Phương, người ta hay trì hoãn hôn nhân, vì nhiều lý do khác nhau. Đây là quan tâm chung dù nguyên nhân có khác nhau.

Cha Lombardi cho hay: các nghị phụ Thượng Hội Đồng sẽ họp toàn thể trở lại vào sáng thứ Sáu để các nhóm nhỏ tường rình các cuộc thảo luận của họ.
 
Các cặp vợ chồng lên tiếng tại Thượng Hội Đồng
Vũ Văn An
18:14 08/10/2015
Theo Phòng Thông Tin của Tòa Thánh, một số cặp vợ chồng đang tham dự Thượng Hội Đồng về Gia Đình với tư cách dự thính viên và đang lên tiếng trình bầy các kinh nghiệm cụ thể của họ trong việc làm vợ chồng, làm cha mẹ và làm ông bà, trước mặt các vị Hồng Y, giám mục, linh mục và chuyên viên.

Ngày 5 tháng Mười vừa qua, Thượng Hội Đồng đã được nghe chứng từ của cặp vợ chồng người Mễ Tây Cơ, Bà Gertrudiz Clara Rubio de Galindo và Ông Andres Salvador Galindo, hiện là các thư ký điều hành của Ủy Ban Giám Mục về Gia Đình của Hội Đồng Giám Mục, và là các thư ký của CELAM thuộc khu vực Mễ Tây Cơ – Trung Mỹ. Ngày 6 tháng Mười, trong phiên toàn thể thứ ba, Thượng Hội Đồng đã được nghe chứng từ của Bà Buysile Patronella Nkosi và của Ông Meshack Jabulani Nkosi, các thành viên của Ủy Ban Cố Vấn cho Văn Phòng Gia Đình Toàn Quốc của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nam Phi Châu.

Ông bà Galindo đã lấy nhau được 45 năm và đã có 2 đứa con và 4 đứa cháu. Họ nhận định rằng những năm đầu mới lấy nhau của họ khá khó khăn, đặc biệt vì vấp phải nhiều vấn đề kinh tế khó khăn, thậm chí một số thân nhân khuyên họ nên ly thân vì thế. Nhưng bà Galindo cho hay: “bất chấp sự dai dẳng trái ngược, Andres và con quyết định tranh đấu chống thế bấp bênh do tình huống đó gây ra và kiên vững trong cuộc hôn nhân và gia đình mà chúng con đã bắt đầu gầy dựng, dù khi đưa ra quyết định này chúng con chưa ý thức rõ bí tích hôn nhân có nghĩa gì. Sau đó ít lâu, nhờ ơn Chúa, chúng con có dịp được trải nghiệm với Encuentro Matrimonial Catolico (Gặp Gỡ Hôn Nhân Công Giáo), trong đó, chúng con học cách thông đạt, tha thứ, và trên hết hiểu kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng con như một cặp vợ chồng và như một gia đình. Và chúng con tiếp tục tranh đấu bảo vệ mối liên hệ của chúng con, nhưng nay với ý thức đầy đủ, phù hợp với kế hoạch của Chúa”.

“Nhiều năm sau, trong một thời khó khăn kinh tế khác, sau khi đi kính viếng Vương Cung Thánh Đường Guadalupe, chúng con quyết định hợp tác với thừa tác mục vụ gia đình của giáo phận. Quyết định này dẫn chúng con tới việc đóng góp cho nhiều vùng khác nhau của Trung Mỹ, nơi, trong nhiều năm, chúng con thấy rằng các vấn đề lớn lao xẩy ra trong các gia đình đều được gây ra bởi các nhân tố xã hội, văn hóa, chính trị, giáo dục, kinh tế và tôn giáo, và nếu hôn nhân và gia đình bị yếu đi, thì ta cần vực chúng dậy bằng huấn luyện và dạy dỗ về căn tính và sứ mệnh của chúng”. Do đó, bà Galindo kết luận: việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình ở đệ tam thiên niên kỷ này đòi “các vị mục tử say sưa đối với kế hoạch của Thiên Chúa”, những vị mục tử biết đồng hành và đào tạo các gia đình để họ khám phá ra và trải nghiệm được “căn tính và sứ mệnh” của họ.

Ngày 6 tháng Mười, các nghị phụ Thượng Hội Đồng được nghe câu truyện của Ông Meshack Jabulani và bà Buysile Patronella Nkosi, lấy nhau được 35 năm nay với 5 đứa con và 8 đứa cháu. Ba trong số các con của họ, theo ông Meshack Jabulani, kết hôn với người không Công Giáo và do đó, chúng “đang bước theo hai tín ngưỡng nhưng cùng một tình yêu”. Một trong các con rể và người con dâu của ông bà có ý định trở lại Đạo Công Giáo và tới Phục Sinh năm 2016, họ sẽ được chào đón vào Giáo Hội Công Giáo.

Trong 33 năm qua, ông bà đã đồng hành với nhiều người trẻ để chia sẻ kinh nghiệm sống, Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội. “Chúng con loan truyền Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng con qua Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô, và trong đời sống hàng ngày của mình, chúng con cố gắng, nhờ ơn Chúa, trở nên tin mừng cho nhau và cho các cặp vợ chồng trẻ cũng như cho thế giới. Điều này có thể làm được nhờ biết để Lời Chúa, là chính Chúa Kitô, trở thành kim chỉ nam của chúng con”.

“Chúng con đang và chúng con đã gặp nhiều thách đố, có lẽ vì đã không nhìn sự vật cùng một cách như nhau hay có lẽ làm mếch lòng nhau cách này hay cách khác nhưng sự chuộc lỗi của chúng con là luôn cố gắng khiêm nhường đủ để nói xin lỗi. Những lời Đức Thánh Cha khuyên ‘tha lỗi cho anh (em), cám ơn anh (em) và xin phép anh (em)’ là những lời không thể thiếu nếu chúng con muốn sống hoà hình và hoà hợp trong gia đình. Điều quan trọng phải nhớ mà nói với nhau và với con cái là mình yêu nhau. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong thông điệp 'Caritas in Veritate', có nhấn mạnh tới sự quan trọng của tình yêu như là nguyên lý sống trong xã hội, nơi con người học biết ích chung vì gia đình là nơi đầu tiên để con người mới học biết yêu thương, tha thứ, cảm nghiệm sự tha thứ và học cách chia sẻ”.

“Sự chọn lựa chúng con thực hiện cách đây 35 năm là sự chọn lựa chúng con tiếp tục thực hiện mọi ngày để săn sóc lẫn nhau trong gia đình và trung thành với nhau vì chúng con đã cam kết sẽ yêu nhau mãi mãi. Đối với xã hội hiện đại, là xã hội, bất hạnh thay, đã phát triển thứ ‘văn hóa vứt bỏ’, thì loại cam kết này xem ra hoàn toàn rồ dại và bị chế nhạo và ngăn cản. Bởi thế, giới trẻ hiện nay sợ sệt, không dám kết hôn, coi cam kết này là một gánh nặng. Một phần trong ơn gọi của chúng con là khuyến khích họ bước vào cuộc hành trình hôn phối thánh thiện, luôn nhìn lên Chúa Kitô như niềm hy vọng mới”.

Ông kết luận: “Chúng con đã trải nghiệm sự sống mới được hạ sinh, và đã mục kích việc cha mẹ chúng con hỗ trợ chúng con trong việc nuôi dậy con cái. Chúng con cũng đã được thấy các ngài già đi và yếu đi và chúng con đã chăm sóc các ngài cho tới lúc các ngài qua đời. Chúng con đã được chứng kiến con cái chúng con phát triển, trở thành cha mẹ, còn chúng con, chúng con đảm nhận vai trò hỗ trợ chúng và gia đình chúng. Chúng con tiếp tục truyền bá đức tin, mọi giá trị Kitô Giáo và nền văn hóa 'Ubuntu' – nhân bản. Điều này mang lại niềm vui và thoả mãn trọn vẹn và từng làm cho đời chúng con phong phú hơn và viên mãn hơn nhờ ơn thánh của Thiên Chúa”.
 
Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận của Tổng Tường Trình Viên Thượng Hội Đồng(Phần I)
Vũ Văn An
18:36 08/10/2015
Ngày đầu tiên của Thượng Hội Đồng về gia đình năm 2015, Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng Tường Trình Viên, đã đọc một tường trình dẫn nhập trước các nghị phụ. Dựa vào Tài Liệu Làm Vệc cũng như các văn kiện mới đây của huấn quyền, Đức Hồng Y Erdo đã lược lại công việc mà Thượng Hội Đồng đã được kêu gọi thực hiện. Ngài xem xét các thách đố hiện nay của gia đình và hôn nhân, ơn gọi của gia đình, và sứ mệnh gia đình ngày nay. Sau đây là bản dịch trọn tường trình của ngài, tường trình mà trước đây vẫn có thói quen gọi là Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận (Relatio ante Disceptationem), dựa vào bản tiếng Anh của hãng tin CNA.

Dẫn nhập

Chúa Giêsu Kitô là thầy chúng ta, là Chúa chúng ta và là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành. Theo thánh sử Máccô, khi thấy đám đông lớn lao, Người chạnh lòng thương họ: “và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Mc 6:34). Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra phương pháp và chương trình mà cả ta nữa cũng nên theo, cách nào đó, trong việc làm của mình: “… nhìn, cảm thương, dạy dỗ. Ta có thể gọi đây là các động từ của Đấng Chăn Chiên… Động từ thứ nhất và động từ thứ hai tức nhìn và cảm thương luôn được thấy trong thái độ của Chúa Giêsu: thực vậy, cái nhìn của Người không phải là cái nhìn của nhà xã hội học hay của nhiếp ảnh gia báo chí, vì Người luôn nhìn ‘bằng đôi mắt trái tim’… Từ tình âu yếm dịu dàng này phát sinh ra ước nguyện của Chúa Giêsu muốn nuôi dưỡng đám đông bằng lời của Người, nghĩa là, bằng cách dạy dỗ lời Thiên Chúa cho dân chúng. Chúa Giêsu nhìn, Chúa Giêsu cảm thương. Chúa Giêsu dạy dỗ ta” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 19 tháng Sáu, 2015). Viễn kiến này tương hợp với ba chủ đề lớn của Tài Liệu Làm Việc, vốn là kết quả của một phương thức thâm hậu và hợp đoàn. Trong tường trình dẫn nhập này, tuy không thể nói được hết mọi chủ đề quan trọng từng xuất hiện trong cuộc thảo luận và văn kiện của Thượng Hội Đồng năm ngoái, và trong khoảng thời gian từ đó, chúng ta sẽ cố gắng theo dõi cách riêng các chủ đề chính.

I. Lắng nghe các thách đố của gia đình

I.1 Bối cảnh văn hóa xã hội

Trong phần thứ nhất, Tài Liệu Làm Việc nói tới việc lắng nghe vốn không là gì khác hơn là việc “nhìn”, thừa nhận các thách đố mà gia đình đang đối diện. Hiện nay, trên thế giới, trong các hoàn cảnh chuyên biệt, và trong các cuộc thảo luận hay trong não trạng người ta, xem ra có ít nhất hai loại vấn đề lớn sau đây. Vấn đề thứ nhất có tính truyền thống, xem ra liên tục, nhưng, trong thế giới hoàn cầu hóa hiện nay, đang mang theo nhiều chiều kích mới và nhiều hậu quả mới và bất ngờ. Đó là các hậu quả của việc thay đổi khí hậu và môi trường, và các hậu quả của bất công xã hội, bạo lực, chiến tranh, từng đẩy hàng triệu người rời bỏ quê hương và tìm cách sống còn tại nhiều miền khác nhau trên thế giới. Thí dụ, nhìn vào hàng trăm ngàn người di cư và tỵ nạn đang hàng ngày đổ vào Âu Châu, ta thấy ngay lập tức rằng đại đa số gồm những người đàn ông trẻ, dù, đôi khi, họ tới đây với các phụ nữ và con cái họ. Từ hình ảnh này, ta đã thấy rõ: phong trào di dân đang làm tan rã các gia đình, hoặc ít nhất cũng làm người ta khó mà tạo lập được chúng. Tại nhiều nơi trên thế giới, các cha mẹ trẻ bỏ cả cửa nhà và con cái, ra ngoại quốc tìm việc làm.

Không ít nơi trên thế giới, người ta phải làm việc để lấy một đồng lương thấp đến độ chỉ đủ cho chính họ sống còn mà tiếp tục làm việc, chứ không đủ khả năng chăm sóc gia đình. Trong bối cảnh này, ta không thể quên điều này: cả các doanh nghiệp tài chánh cũng có một trách nhiệm đối với tình thế này.

Cũng đang xẩy ra việc này nữa: để bảo đảm điều vẫn được gọi là tính lưu động của “lực lượng lao động”, trọn bộ nhiều gia đình đã phải di chuyển tới các thành phố khác hay các vùng khác, và do đó đã xé nát các cơ cấu nhân bản và xã hội của gia đình, bằng hữu và xóm giềng, trường học cũng như đồng nghiệp. Thành thử, tính lưu động lớn lao này dường như là một trong các nhân tố thúc đẩy người ta đến với các thái độ và khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa.

Như thế, việc kỹ nghệ hóa, từng khởi đầu ở thế kỷ 19, ngày nay đã diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới. Hình thức lao động đặc trưng đã trở thành hình thức lao động lệ thuộc. Công nhân, vì làm việc ở bên ngoài gia đình, nên đã được trả công cho việc làm ở bên ngoài gia đình của mình, trong khi việc làm qúi giá nhất thực hiện trong cộng đồng gia đình, như việc giáo dục con cái và chăm sóc người bệnh và người già cả tại nhà, thì ít được xã hội nhìn nhận và trợ giúp. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: “Chúng ta đang trải nghiệm các thiếu sót của một xã hội được thảo chương cho hiệu năng, nên quên khuấy cả người già cả của mình. Mà người già cả là vốn giầu có ta không thể làm ngơ” (Triều kiến chung, 4 tháng Ba, 2015).

I. 2 Thay đổi nhân học: chạy trốn các định chế

Tại những vùng giầu có hơn của thế giới, ta còn thấy một hiện tượng sơ đẳng hơn, tùy thuộc hiện tượng đầu, và đang hiện hữu tại nhiều nơi khác trên thế giới, đó là điều vốn được gọi là “sự thay đổi nhân học”, có nguy cơ trở thành một thứ “chủ nghĩa giản lược nhân học” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn văn với các tham dự viên cuộc hội thảo về đề nghị của ngài cho một “nền kinh tế bao gồm nhiều người hơn”, 12 tháng Bẩy, 2014). Khi mưu cầu tự do, con người thường cố gắng trở nên độc lập, thoát khỏi bất cứ sợi dây xã hội nào, nhất là các sợi dây liên quan tới hình thức sống có tính định chế. Thực vậy, đời sống xã hội, nhất là các xã hội gọi là ‘phát triển’, có nguy cơ ‘bị chết nghẹt’ bởi chủ nghĩa duy hình thức bàn giấy. Một hiện tượng không nhất thiết chỉ phát sinh từ tính phức tạp của các cơ cấu kinh tế và xã hội hay tính phức tạp của cuộc chinh phục khoa học, mà dường như còn có một nguồn gốc khác nữa, đó là việc thay đổi thái độ. Nếu ta không tin tưởng biết được sự thật khách quan và các giá trị khách quan vốn đặt căn bản trên thực tại, thì ta liều mình đi tìm các hướng dẫn cho tác phong xã hội của ta dựa trên các tiêu chuẩn hoàn toàn có tính hình thức, như đa số phiếu, bất kể nội dung, hay dựa trên tính hình thức của các diễn trình, tại nhiều tổ chức, như là phương thế duy nhất biện minh cho chọn lựa của mình. Hiện tượng này có thể thúc đẩy các nhà lập pháp nhân thừa các qui định pháp chế, thậm chí kiểm soát thông tin, vì sợ rằng nếu không làm thế, người ta sẽ không tự ý tuân giữ luật lệ, một thứ tuân giữ thực ra chỉ phát xuất từ xác tín luân lý nhờ cùng có chung một hiểu biết khách quan về thực tại. Từ bức tranh này, xuất phát một tha hóa đáng kể có thể giải thích được việc nhiều người trốn chạy các hình thức có tính định chế như bị bản năng thúc đẩy. Do đó, xem ra ta có thể giải thích được sự gia tăng con số những cặp sống chung mà bề ngoài xem ra ổn định, dù không kết ước bất cứ hình thức hôn nhân nào, bất luận là dân sự hay tôn giáo. Tại một số quốc gia, bách phân cao của loại chọn lựa này cho thấy có sự tương quan qua lại với bách phân cao những người muốn chôn cất cha mẹ họ không cần bất cứ nghi lễ nào. Ở những nơi luật pháp cho phép, họ thích mang về nhà tro cốt của các ngài hay rải chúng đi chẳng cần nghi thức chi hết. Ở đây, rõ ràng việc chạy trốn triệt để khỏi các định chế này cũng ảnh hưởng tới một số hình thức sống tự chúng có tính cộng đoàn và định chế. Hôn nhân và gia đình không phải dành cho các cá nhân biệt lập; đúng hơn, chúng thông truyền các giá trị, và cung hiến khả thể phát triển cho con người nhân bản, một điều không thể náo thay thế được.

Trong mọi cuộc khủng hoảng định chế và các hình thức có tính định chế đối với các liên hệ nhân bản, và không chỉ trong lãnh vực hôn nhân và gia đình, dù có đặc biệt trong phạm vi này, ta thấy hiển nhiên có sự căng thẳng nội tại nơi con người nhân bản và trong vấn đề thế nào là con người nhân bản. Trong truyền thông, cách phát biểu và ngôn từ ngữ học luôn bao hàm một yếu tố định chế. Khi sử dụng các từ ngữ với nội dung chính xác, ta dễ dàng đạt tới việc trừu tượng hóa và suy luận hợp luận lý, giúp các cá nhân khỏi phải khổ công cứ phải luôn sáng chế ra những cách thế mới để thông đạt. Tuân theo các phong tục và các hình thức có tính định chế của xã hội là những cách dễ dàng và chắc chắn hơn để cư xử trong nhiều tình huống của cuộc sống. Nói chung, các định chế rõ ràng là những then máy ‘kiểm soát’ (checks) nhằm làm dễ dàng, làm nhẹ nhàng các mối liên hệ liên ngã. Ngay các qui luật bất thành văn trong cách xử thế ngoài xã hội cũng có một chức năng tương tự. Người ta có thể thông đạt lý tưởng xử thế công chính bằng gương sáng, truyện kể hay diễn tả bằng phim ảnh, nhưng họ cũng có thể phát biểu lý tưởng ấy qua qui định có thể quan niệm được bằng ngôn từ, trong một đạo luật. Chúa Giêsu Kitô là nhà thông đạt vĩ đại nhất, là lời hằng sống của Thiên Chúa, Đấng có thể kể các dụ ngôn rồi nói “hãy đi và làm như thế”, nhưng cũng có thể nói như Nhà Làm Luật.

Sự thay đổi nhân học hiện thời đang đụng tới những tầng sâu nhất của con người nhân bản. Nó đụng tới cả việc lên kế hoạch cho các chi tiết nhỏ nhặt nhất của một đám cưới, lo lắng đủ mọi việc: âm nhạc, thực đơn, khăn trải. Qúi vị thấy các cặp đính hôn hoàn toàn bận bịu với những chi tiết này, nhưng đồng thời lại quên khuấy chính ý nghĩa đích thực của hôn nhân.

Trong cái ‘từ trường’ nhất thiết này và trong cảnh xem ra xa vời của nhiều hình thức có tính định chế, ta thấy có vấn đề luật pháp cũng như các vấn đề hôn nhân và gia đình. Trước tình thế hiện nay và thực sự mới mẻ này, quả là một ơn quan phòng khi Thượng Hội Đồng hiện tại được dành cho chủ đề này. Như thế, ta hãy xem xét đầy đủ phạm vi của Thượng Hội Đồng này, như đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ấn định: “…đọc được các dấu chỉ của cả Thiên Chúa lẫn của lịch sử nhân loại, trong một lòng trung thành kép nhưng độc đáo mà việc đọc này vốn bao hàm” (Tài Liệu Làm Việc, số 3).

I. 3 Bất ổn định chế

Song song với việc chạy trốn các định chế, hiện đang có sự bất ổn định chế ngày một gia tăng, biểu lộ rõ ràng qua tỷ lệ ly dị cao. Việc người ta kết hôn trễ và việc giới trẻ sợ không dám mang trách nhiệm thực hiện các dấn thân dứt khoát như hôn nhân và gia đình cũng được nhìn trong bối cảnh này. Thực vậy, nếu mục tiêu duy nhất của người ta là cảm thấy thoải mái trong lúc này, thì cả quá khứ lẫn tương lai đều chẳng quan trọng chi; quả thế, dường như đang có một nỗi sợ tương lai nói chung, vì người ta không còn cảm thấy thoải mái đối với nó nữa. Thành thử, xem ra là điều nguy hiểm nếu đưa ra bất cứ quyết định dứt khoát nào đối với nghề nghiệp và gia đình. Điều này đang diễn ra khiến nhiều người không còn cảm thấy trách nhiệm của mình nữa, đối với hiện tại cũng như đối với tương lai.

I. 4 Duy cá nhân và duy chủ quan

Do đó, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại trong bài diễn văn tại Strasbourg: “Ngày nay đang có khuynh hướng đòi hỏi những quyền cá nhân, tôi dám nói là duy cá nhân, ngày càng rộng lớn hơn; bên dưới khuynh hướng này là một quan niệm về con người nhân bản tách biệt hẳn khỏi mọi bối cảnh xã hội và nhân học, như thể con người là một ‘đơn tử’ (monad), càng ngày càng không thiết quan tâm tới các ‘đơn tử’ khác. Ý niệm bổn phận, không kém chủ yếu và có tính bổ túc, xem ra không còn liên kết chút nào với ý niệm quyền lợi nữa. Kết quả là, các quyền của cá nhân được bảo vệ mà không kể gì tới sự kiện này: mỗi con người nhân bản đều là thành phần của một bối cảnh xã hội mà vì thế các quyền và các bổn phận của họ có liên hệ mật thiết với các quyền và bổn phận của người khác và với ích chung của cả xã hội.

“Bởi thế, tôi tin rằng điều sinh tử là phải khai triển một nền văn hóa nhân quyền biết khôn ngoan nối kết khía cạnh cá nhân, hay đúng hơn, khía cạnh bản thân với khía cạnh ích chung, khía cạnh ‘tất cả chúng ta’ gồm có các cá nhân, các gia đình và các nhóm trung gian cùng nhau tạo ra xã hội” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn trước Quốc Hội Âu Châu, 25 tháng Mười Một, 2014).

Do đó, chúng ta phải tránh khuynh hướng hiện nay, và không coi các khuynh hướng vốn chỉ là những thèm muốn khờ dại, đôi khi ích kỷ, là các quyền chân thực và thích đáng, trong khi bác bỏ mục tiêu căn bản của bất cứ luật lệ nào.

“Một khía cạnh hết sức quan trọng đối với trách nhiệm của chúng ta là việc cần phải dựa vào nền văn hóa sinh thái để suy nghĩ lại xu hướng của các hệ thống thế giới hiện nay… nền văn hóa này bao gồm không những chiều kích sinh thái mà cả chiều kích xã hội và kinh tế biết thừa nhận việc phát triển lâu dài và nền văn hóa tạo thế”. Chính nhờ sự soi sáng từ mối liên hệ của ta với Đấng Tạo Hóa, mà ta tìm thấy tính viên mãn trong trách nhiệm và ơn gọi của mình.

Ngoài các khuynh hướng có tính duy cá nhân và phản định chế trên, ta còn thấy hiện tượng làm lẫn lộn hay biến những điều tiếp theo (the continues) của các định chế nền tảng như hôn nhân và gia đình thành bất trắc. Điều này cũng góp phần vào việc lớn mạnh của chủ nghĩa duy cá nhân, cả trong nguyên nhân lẫn hậu quả.

I. 5 Các khía cạnh sinh học và văn hóa

Với việc phát triển của các khoa học tự nhiên, nhiều khả thể mới đã xuất hiện liên quan tới mối liên hệ sinh học giữa con người và các nền văn hóa. Xã hội tiêu thụ đã tách biệt tính dục ra khỏi việc sinh sản. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ra việc giảm sinh suất. Việc giảm sinh suất này đôi khi phát sinh từ cảnh nghèo, và trong nhiều trường hợp khác, từ việc khó đảm nhận trách nhiệm.

Trong khi tại các nước đang mở mang, việc bóc lột phụ nữ và việc bạo hành đối với thân xác họ cùng với những trách vụ nặng nề áp đặt lên họ, ngay cả lúc mang thai, đôi khi bị gia trọng bởi nạn phá thai và cưỡng bức triệt sản, ấy là chưa kể các hậu quả cực kỳ tiêu cực của các thực hành liên hệ tới việc sinh sản (như cho thuê dạ con hay buôn bán các giao tử). Thì tại các nước tiền tiến, ý muốn có con bằng bất cứ giá nào cũng “đã không đem lại một mối liên hệ gia đình nào hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn” (Tài Liệu Làm Việc, số 30). Xem xét tất cả những điều này, ta thấy điều gọi là cuộc cách mạng sinh-kỹ-thuật-học (bio-technologial) chỉ sản sinh ra các khả thể mới cho việc thao túng hành vi sinh sản mà thôi “…làm nó trở thành độc lập đối với liên hệ tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà. Theo cách này, sự sống con người và chức phận làm cha mẹ đã trở thành những thực tại tháo ráp (modular) và tách rời nhau, chủ yếu tùy thuộc ý muốn của các cá nhân hay các cặp vợ chồng” (Tài Liệu Làm Việc, số 34).

Sự kém chín chắn và bất ổn xúc cảm cũng có nhiều liên hệ ở đây. Trước nhất, người ta quên mất rằng đây thực là hậu quả của việc thiếu một nền giáo dục hữu hiệu về xúc cảm trong các gia đình, vì cha mẹ không có thì giờ cho con cái mình, hay vì ly dị và con cái không thấy được gương sáng của người lớn, và chỉ đối diện với tác phong của những người cùng trang lứa. Do đó, việc chín chắn về xúc cảm bị đình hoãn và không được phép phát triển. Trong ngữ cảnh này, điều hết sức quan trọng là văn hóa khiêu dâm và việc thương mãi hóa thân xác, được hỗ trợ bởi việc sử dụng sai lầm internet. Tuy nhiên, đừng quên rằng điều này thuộc hậu quả hơn là nguyên nhân gây ra tình huống hiện nay. Do đó, cuộc khủng hoảng của các cặp vợ chồng đã gây bất ổn cho gia đình và làm yếu các mối dây liên kết giữa các thế hệ của gia đình (Tài Liệu Làm Việc, số 33).

“Cuối cùng, có những lý thuyết theo đó, căn tính bản thân và sự thân mật xúc cảm phải được tách biệt khỏi sự dị biệt sinh học giữa nam và nữ. Tuy nhiên, cùng một lúc, một số người lại muốn thừa nhận đặc tính bền vững của mối liên hệ lứa đôi tách biệt khỏi sự dị biệt tính dục, và đặt nó cùng một bình diện như mối liên hệ hôn nhân, là mối liên hệ được nối kết từ bên trong với các vai trò làm cha và làm mẹ và được xác định trên căn bản sinh học của việc sinh đẻ. Sự lẫn lộn do đó mà ra không giúp được gì cho việc xác định tính chất đặc biệt của các cuộc kết hợp như thế trong xã hội. Đúng hơn, nó hạ tầng sợi dây nối kết đặc biệt giữa dị biệt sinh học, việc sinh sản và căn tính nhân bản xuống hàng một chọn lựa có tính cách cá nhân chủ nghĩa. ‘Loại bỏ dị biệt […] chỉ tạo vấn đề, chứ không phải giải pháp’” (Tài Liệu Làm Việc, số 8).
 
Canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
VietCatholic Network
18:43 08/10/2015
Hiệp thông với các gia đình Công Giáo trên thế giới cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi phóng sự về buổi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô chiều thứ Bẩy mùng 3 tháng 10 vừa qua.

Buổi canh thức do Hội Đồng Giám Mục Italia đề xướng và tổ chức với sự cộng tác của các phong trào và hội đoàn, trước sự hiện diện của khoảng 40 ngàn tín hữu, cùng với đông đảo các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Buổi canh thức chính thức bắt đầu vào lúc 19h nhưng từ 6 giờ chiều, hàng chục ngàn người đã tụ họp và sinh hoạt, hát thánh ca, cầu nguyện và nghe chứng từ tại Quảng trường thánh Phêrô, trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến vào lúc 7 giờ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, đang gởi lời chào mừng của ngài và Hội Đồng Giám Mục Italia.

Ngài nêu bật mục đích của buổi cầu nguyện này là anh chị em giáo dân Italia cầu xin cho các nghị phụ được Chúa Thánh Thần soi sáng trợ lực trong nhiệm vụ hướng dẫn tín hữu theo Chúa Kitô.

Cộng đoản cũng cầu cho các nhà lập pháp và giới lãnh đạo Italia biết thăng tiến công ích, công lý và hòa bình; cho giới trẻ và những người đính hôn khám phá ra vẻ đẹp của sự nhưng không, lòng trung thành và sẵn sàng hy sinh và tha thứ; cho các gia đình bị thử thách đau khổ đuợc ơn thánh Chúa an ủi, được các anh chị em khác và các cơ cấu bác ái xã hội trợ giúp.

Đức Thánh Cha chính thức khai mạc buổi cầu nguyện với thánh ca cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Trong bài chia sẻ, sau khi chào các gia đình và những người hiện diện Đức Thánh Cha đã bắt đầu với những câu hỏi sau:

Nhóm lên một ngọn nến nhỏ trong bóng tối thì có ích chi? Còn cách nào hay hơn để xua tan bóng tối không? Có thể vượt qua bóng tối hay chăng?

Ngài nhận xét:

Có những lúc trong cuộc đời - một cuộc đời quá dư dật những tài nguyên tuyệt vời - những câu hỏi như thế lại vang lên. Khi cuộc sống trở nên khó khăn và bức bách, chúng ta có thể bị cám dỗ để lùi bước, quay lưng lại, và tháo lui; có lẽ là nhân danh sự thận trọng và chủ nghĩa hiện thực, và như thế chạy trốn trách nhiệm phải làm phần việc của mình cách tốt nhất có thể.

Anh chị em có nhớ những gì đã xảy ra với tiên tri Ê-li-a không? Trên quan điểm người ta thường tình, vị tiên tri đã sợ hãi và cố gắng chạy trốn. “Ông Ê-li-a sợ nên trỗi dậy, ra đi để giữ mạng mình… Ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Chúa phán với ông: ‘Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?’” (1 Vua 19: 3,8-9). Ở núi Khô-rếp, ông nhận được câu trả lời không phải trong những trận cuồng phong làm tiêu tan những tảng đá, cũng không phải trong những trận động đất, thậm chí cũng chẳng phải trong những đám lửa. Ân sủng của Thiên Chúa không thét gào; ân sủng của Ngài là một lời thì thầm lọt vào tai những ai sẵn sàng để nghe tiếng nói thầm thì, nhỏ bé của nó. Nó thúc giục họ ra đi, để trở về với thế giới, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế giới tin.

Trong bối cảnh này, chỉ một năm trước đây, cũng tại quảng trường này, chúng ta cầu khẩn cùng Chúa Thánh Thần và cầu xin rằng – trong khi thảo luận về các chủ đề của gia đình - các nghị phụ có thể chăm chú lắng nghe nhau, với cái nhìn dán vào Chúa Giêsu, vào Lời chung cuộc của Chúa Cha và các tiêu chí mà tất cả mọi thứ được đánh giá.

Tối nay, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thể khác. Như Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nhắc nhở chúng ta, nếu không có Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa là xa vời vợi, Chúa Kitô chỉ còn là quá khứ, Giáo Hội đơn thuần chỉ là một tổ chức, quyền bính trở thành sự thống trị, truyền giáo trở thành tuyên truyền, thờ phượng trở thành trò mê tín, đời sống Kitô hữu chỉ là đạo đức của những người nô lệ.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để Thượng Hội Đồng khai mở vào ngày mai sẽ chỉ ra kinh nghiệm về hôn nhân và gia đình là phong phú và viên mãn một cách nhân bản như thế nào. Xin cho Thượng Hội Đồng nhìn nhận, xiển dương, và công bố tất cả những gì là đẹp, là tốt và thánh thiện trong kinh nghiệm đó. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nắm bắt những tình huống dễ bị tổn thương và khó khăn: chiến tranh, bệnh tật, đau buồn, những mối quan hệ bị tổn thương và tan vỡ, gây ra những đau khổ, oán giận và chia ly. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nhắc nhở những gia đình này, và mỗi gia đình, rằng Tin Mừng luôn luôn là “tin tốt” cho phép chúng ta bắt đầu lại. Từ kho tàng truyền thống sống động của Giáo Hội xin cho các nghị phụ có thể rút ra những lời an ủi và hy vọng cho các gia đình đang được kêu gọi trong thời đại chúng ta để xây dựng tương lai của cộng đồng Giáo Hội và các thành phố của nhân loại.

Mỗi gia đình luôn luôn là một ánh sáng, dù là mờ nhạt, giữa bóng tối của thế giới này.

Kinh nghiệm trần thế của chính Chúa Giêsu đã được hình thành ở trung tâm của một gia đình, nơi Ngài đã sống ba mươi năm trời. Gia đình Ngài cũng giống như cơ man những gia đình khác, sống trong một ngôi làng ít người biết trong vùng ngoại ô của Đế quốc.

Charles de Foucauld, có lẽ giống như một vài người khác, nắm bắt được linh đạo tỏa ra từ Nazareth. Nhà thám hiểm vĩ đại này vội vã bỏ binh nghiệp của mình khi bị thu hút bởi mầu nhiệm của Thánh Gia, mầu nhiệm của mối quan hệ hàng ngày giữa Chúa Giêsu cùng với cha mẹ và hàng xóm, việc lao động lặng lẽ, và lời cầu nguyện khiêm nhường của Ngài. Chiêm niệm về gia đình Nazareth, anh Charles nhận ra ao ước giàu sang và quyền thế của mình thực sự là trống rỗng như thế nào. Thông qua việc tông đồ bác ái, anh trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người. Khi bị thu hút bởi cuộc sống của một ẩn sĩ, anh hiểu rằng chúng ta không tăng trưởng trong tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tránh xa sự vướng víu trong quan hệ với con người. Vì khi yêu thương tha nhân, chúng ta học cách yêu mến Thiên Chúa, khi khom lưng xuống để giúp đỡ hàng xóm của chúng ta, chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Thông qua sự gần gũi huynh đệ và sự đoàn kết với những người nghèo và bị bỏ rơi, anh nhận ra chính họ là người đang rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, chính họ giúp chúng ta lớn lên về mặt nhân bản.

Để hiểu được gia đình ngày hôm nay, chúng ta cũng cần phải bước - như Charles de Foucauld - vào mầu nhiệm của gia đình Nazareth, vào cuộc sống hàng ngày yên tĩnh của thánh gia, như hầu hết các gia đình, với những vấn đề của họ và những niềm vui đơn giản của họ, một cuộc sống được đánh dấu bằng sự kiên nhẫn thanh thản giữa bao nghịch cảnh, sự tôn trọng người khác và sự khiêm nhường được giải phóng và thăng hoa trong sự phục vụ, một cuộc sống huynh đệ bắt nguồn từ ý thức là chúng ta tất cả là các thành viên của cùng một nhiệm thể.

Gia đình là nơi sự thánh thiện của Tin Mừng được thể hiện trong điều kiện bình thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành từ ký ức về các thế hệ đi trước chúng ta và chúng ta đâm rễ để cho phép chúng ta tiến xa hơn. Gia đình là một nơi của sự phân định, nơi chúng ta học cách nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta và chấp nhận kế hoạch ấy với niềm tín thác. Đó là một nơi của sự nhưng không, của sự hiện diện kín đáo tình liên đới huynh đệ, một nơi mà chúng ta học cách bước ra khỏi chính mình và chấp nhận những người khác, sau đó tha thứ và được thứ tha.

Chúng ta hãy khởi hành một lần nữa từ Nazareth cho một Công Đồng trong đó thay vì chỉ nói về gia đình, chúng ta còn có thể học hỏi từ các gia đình, sẵn sàng thừa nhận phẩm giá của nó, sức mạnh và giá trị của nó, bất chấp tất cả các nan đề và khó khăn của nó.

Tại “Galilê của các quốc gia” trong thời đại chúng ta này, chúng ta sẽ tái khám phá sự phong phú và sức mạnh của một Giáo Hội là mẹ, luôn có khả năng đem lại và nuôi dưỡng cuộc sống, đồng hành cùng cuộc sống với sự tận tâm, dịu dàng, và sức mạnh đạo đức. Vì trừ phi chúng ta có thể liên kết lòng từ bi với công lý, chúng ta sẽ chỉ kết thúc nơi những bất công sâu nặng không cần thiết.

Một Giáo Hội là gia đình cũng có thể cho thấy sự gần gũi và tình yêu của một người cha, một người giám hộ có trách nhiệm là người bảo vệ nhưng không giam cầm, sửa chữa nhưng không hạ thấp phẩm giá, là người huấn luyện bằng gương sáng và lòng kiên nhẫn, đôi khi chỉ đơn giản là bằng một sự im lặng nói lên thái độ phó thác, nguyện cầu.

Trên tất cả, một Giáo Hội trong đó con cái xem mình là anh chị em, sẽ không bao giờ ra đến nông nỗi là xem người này người kia chỉ đơn giản là một gánh nặng và một vấn đề, một khoản chi phí, một mối quan tâm hoặc thậm chí là một nguy cơ. Tha nhân về cơ bản là một ân sủng, và luôn luôn là như vậy, ngay cả khi họ đi theo những con đường khác.

Giáo Hội là một ngôi nhà rộng mở không hào nhoáng bên ngoài nhưng hiếu khách với sự đơn giản của các thành viên của mình. Như thế, Giáo Hội mới có thể thu hút lòng khao khát hòa bình hiện diện nơi mỗi người nam nữ, bao gồm cả những ai - trong bối cảnh thử thách của đường đời - đã tan nát tâm can.

Giáo Hội thực sự có thể thắp sáng lên trong cái bóng tối rất nhiều người nam nữ đang cảm nhận. Giáo Hội có uy tín để chỉ cho họ con đường hướng về mục tiêu và bước đi bên cạnh họ chính vì bản thân Giáo Hội đã cảm nhận trước hết những gì là được tái sinh vô tận trong trái tim nhân hậu của Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ đã được kết thúc với những bài thánh ca.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Sinh Viên Công Giáo Nam Định đón các ban tân Sinh viên 2015
M. Nguyễn Thị Ánh Hồng
09:34 08/10/2015
Hội Sinh Viên Công Giáo Nam Định đón các ban tân Sinh viên 2015

“Tiếng trống trường rộn rã làm tan cái nắng hè - Dịu đi những tiếng ve còn vương trên vòm cây xanh lá - Mùa thu sang đẹp quá xao xuyến bao tâm hồn... - Mùa thu ơi mùa thu! Mùa đi xây những ước mơ...”. Hòa chung trong không khí ngày tựu trường, các bạn Sinh Viên Công Giáo Nam Định đã cùng tề tựu đông đủ để tiếp tục xây dựng những ước mơ, những khao khát, những hoài bão qua việc học tập nơi nhà trường và phụng vụ công việc nhà Chúa, đặc biệt là Thánh Lễ đón các bạn Tân Sinh Viên.(Một số trường tiếp nhận sinh viên muộn)

Xem hình

Thánh Lễ đón Tân Sinh Viên được cử hành vào lúc 17h, Chúa Nhật ngày 04/10/2015 tại Giáo xứ Nam Định do Cha Phanxico Trần Truyền Giáo chủ sự. Hiện diện trong Thánh Lễ có Quý Cha, Qúy Thầy, Qúy Sơ Phaolo, các anh chị trong Ban cố vấn, hơn 200 bạn Sinh Viên và cộng đoàn cùng tham dự. Thánh Lễ cũng mang ý nghĩa khai mạc tháng Đức Mẹ Mân Côi, đồng thời là dịp để các bạn Sinh Viên, nhất là các bạn mang tên thánh Ma-ri-a mừng kính bổn mạng của mình.

Trong tâm tình yêu mến Mẹ Ma-ri-a, qua tấm gương về người mẹ hiền trong gia đình Thánh gia, Cha Phanxico đã chia sẻ với cộng đoàn về những “biện pháp” để “giữ lửa” cho mái ấm của mỗi người, chia sẻ với các bạn Sinh Viên về trách nhiệm của người làm con trong gia đình, về học tập cũng như cộng tác với nhau trong công việc phụng vụ nhà Chúa.

Kết thúc Thánh Lễ, các bạn Tân Sinh viên được nhận quà do Qúy Cha tặng và chụp ảnh kỉ niệm với quý Cha.

Sau Thánh Lễ, các bạn Sinh Viên Công Giáo Nam Định tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng các bạn Tân Sinh viên tại Trung tâm mục vụ Giáo xứ Nam Định. Trong bữa tiệc liên hoan văn nghệ, các bạn Sinh Viên được lắng nghe những lời chia sẻ từ các anh chị Ban cố vấn, đại diện anh chị cựu Sinh viên, thưởng thức vở hài kịch “Tình yêu Sinh Viên” do nhóm Trung cấp Y tế dàn dựng, cử điệu “Ra khơi cùng Đức Ki-tô” do các bạn Sinh Viên Công Giáo Phát Diệm tại Nam Định thể hiện, cử điệu “Tân Phúc Âm hóa gia đình” do các bạn Sinh Viên Công Giáo trường Đại Học Điều Dưỡng thể hiện, cùng một số các tiết mục văn nghệ hấp dẫn khác. Các tiết mục văn nghệ đã làm cho không khí sôi động, thân thiện, tràn đầy sức trẻ, làm cho các bạn Sinh viên và Tân Sinh viên được xích lại gần nhau hơn.

Đồng hồ đã điểm giờ về, nhưng ai nấy dường như còn muốn được ở lại trò chuyện, gặp gỡ, làm quen với nhau thêm ít phút nữa. Riêng tôi, tôi còn thấy được sự nhiệt tình, hăng hái trong những ánh mắt chăm chú nghe lời chia sẻ từ các anh chị cựu Sinh Viên của các bạn Tân Sinh viên.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ ban cho Hội Sinh Viên Công Giáo Nam Định ngày càng được nhiều bạn trẻ biết đến, cùng tham gia cộng tác trong việc truyền giáo và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ soi sáng, dẫn đường chỉ lối cho chúng con, để chúng con biết chạy đến cùng Mẹ kín múc nguồn bình an nơi tâm hồn và trong cuộc sống chúng con.

M. Nguyễn Thị Ánh Hồng - SVCG Nam Định
 
Đại lễ mừng kỷ niệm 100 năm giáo xứ Thất Khê và truyền chức linh mục
BTT. GpLSCB
09:38 08/10/2015
Đại lễ mừng kỷ niệm 100 năm giáo xứ Thất Khê và truyền chức linh mục

Sáng mùng 7 tháng 10 năm 2015, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân chủ sự thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng giáo xứ Thất Khê, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Trong thánh lễ đặc biệt này, Đức Cha cũng truyền chức linh mục cho thầy phó tế Giuse Nguyễn Văn Vinh, một người con thân yêu của giáo xứ.

Thánh lễ hôm nay quy tụ tất cả linh mục trong giáo phận, quý cha bạn của tân chức, quý cha khách, quý tu sĩ, chủng sinh và đông đảo bà con tin hữu trong cũng như ngoài giáo phận. Đặc biệt, có sự hiện diện của Hội cựu chiến binh Pháp, những người có nhiều kỷ niệm với giáo xứ Thất Khê và đã giúp đỡ để giáo xứ trùng tu ngôi nhà thờ cũ.

Cha Mazelaigue, thừa sai Dòng Đaminh Lyon, đã thành lập giáo xứ Thất Khê vào năm 1915. Cho đến nay, giáo xứ đã trải qua 9 đời cha xứ. Kỷ niệm đặc biệt nhất với giáo xứ là Đức Cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ. Ngài vừa là giám mục giáo phận,vừa làm cha xứ trong suốt 31 năm vì phải quản chế ở đây. Hiện tại, giáo xứ có 631 nhân danh, đang được cha Tôma Aquinô Ngô Văn Khảo coi sóc.

Nhân dịp kỷ niệm hồng ân 100 thành lập giáo xứ Thât Khê, Đức Cha giáo phận đã xin Toà Thánh cho mở năm thánh của giáo xứ. Thánh lễ khai mạc năm thánh đã được Đức Cha Giuse chủ sự vào ngày 22 tháng 8 năm 2015 và sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng 8 năm 2016 và hôm nay là đại lễ kỷ niệm trong ngày mừng lễ bổn mạng của giáo xứ.

Trước khi bước vào thánh lễ, Đức Cha Giuse làm phép ngôi nhà thờ cũ (1934), mới được đại tu (ngày thường trong tuần sẽ dâng lễ tại đây); làm phép tượng Đức Mẹ Mân Côi do Hội cựu chiến binh Pháp tặng giáo xứ; và làm phép ngôi nhà mục vụ của giáo xứ mới được xây dựng.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha nhắc đến hình ảnh đoàn rước – từ nhà thờ cũ tiến ra đường phố rồi trở về nhà thờ mới – để nói lên rằng: người tín hữu phải đi vào đời để làm chứng nhân cho Chúa.

Trong thánh lễ đặc biệt hôm nay, Đức Cha Giuse truyền chức linh mục cho thầy phó tế Giuse Nguyễn Văn Vinh, một người con thân yêu của giáo xứ. Đây là hoa trái đức tin quý giá mà giáo xứ và gia đình đã vun trồng trong suốt chiều dài lịch sử 100 năm. Tân chức Giuse Nguyễn Văn Vinh là người con thứ hai của giáo xứ được truyền chức linh mục. Ngài cũng là người thứ hai được truyền chức tại giáo xứ: một vị được truyền chức rất âm thầm tại nhà thờ cũ và hôm nay cha Vinh được truyền chức thật long trọng tại nhà thờ mới trong dịp lễ bổn mạng của giáo xứ, cũng là đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập.

Sau đây là bài giảng của Đức Cha Giuse trong thánh lễ đặc biệt này:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay, chúng ta hiện diện nơi đây để cùng hiệp thông với Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, ngày mừng lễ Bổn mạng trong Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo xứ Thất Khê. Ngày hôm nay còn ghi dấu ấn đặc biệt khi một người con của giáo xứ được lãnh nhận thánh chức linh mục.

Khi tìm hiểu về ý nghĩa lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cùng lược qua đôi chút về kinh Mân Côi mà chúng ta vẫn thường suy niệm. Trong Tông huấn “Lòng sùng kính Đức Maria” (Marialis Cultus), Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã không ngừng nhắc đến kinh Mân Côi là một kinh mang bản chất Tin Mừng, là bản tóm lược Tin Mừng, mà Tin Mừng ở đây là Tin Mừng Cứu Độ. Chuỗi Mân Côi chính là bản tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu với những biến cố chính yếu nhất: “Từ khi thụ thai và những mầu nhiệm của thời thơ ấu cho đến giờ phút cao điểm của biến cố Vượt Qua cuộc Tử Nạn hồng phúc và Phục Sinh vinh quang-và cho đến hồng ân tuôn đổ xuống trên Giáo Hội ngày lễ Ngũ Tuần cũng như trên Đức Trinh Nữ trong ngày kết thúc cuộc hành trình trần gian đã được đưa cả xác hồn về quê hương thiên quốc” (MC số 45). Vì vậy chẳng có gì lạ khi nói chuỗi Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng.

Tinh thần phải có khi lần chuỗi Mân Côi là tinh thần của Tin Mừng, đây cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Người giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19; 2,51). Tâm tình đó là: biết lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và thi hành. Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Đức Maria làm lại cuộc hành trình của cuộc sống. Cùng với Đức Maria chúng ta nhìn lại những biến cố cơ bản trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, và qua những biến cố đó, soi chiếu vào những biến cố của ngày hôm nay, của cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội trong ánh sáng Tin Mừng. Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Đức Maria đi tìm một lời đáp trả cho những vấn đề của cuộc sống hôm nay: lời đáp trả thấm nhuần lòng tin, niềm hy vọng và dám chấp nhận dấn thân trong những hành động cụ thể, trong những lựa chọn đầy can đảm như Mẹ Maria đã dấn thân cả cuộc đời vì Nước Trời; là cùng với Đức Maria đi vào những nẻo đường của Thiên Chúa.

Giáo xứ Thất Khê được thành lập vào năm 1915 do Cha Mazelaigue, thừa sai Dòng Đaminh Lyon. Khởi đầu, giáo xứ chỉ là một ngôi nhà gác mái vừa là nhà xứ vừa là nơi dâng lễ hằng ngày, nơi quy tụ mấy gia đình Công Giáo từ miền xuôi lên lập nghiệp, dần dần theo sự phát triển, giáo xứ ngày càng có nhiều giáo dân. Sau biến cố năm 1954, giáo dân di cư vào Nam gần hết. Năm 1959, một sự kiện đặc biệt: Cha Vinhson Phạm Văn Dụ buộc phải về ở giáo xứ Thất Khê, sau đó Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa tiên khởi Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng tháng 11/1960. Đây chính là một hồng phúc cho giáo xứ: với 31 năm trời hiện diện tại Giáo xứ thay vì ở Tòa Giám Mục Lạng Sơn; vì vậy nhà xứ và nhà thờ giáo xứ được coi như Tòa giám mục của Giáo phận. Năm 1991 Đức Cha Vinhsơn trở về Tòa Giám Mục, giáo xứ không có chủ chăn coi sóc, nhưng đời sống đức tin vẫn tiếp tục. Năm 1999, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt về làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, một trang sử mới mở ra cho Giáo phận. Giáo xứ Thất Khê có mục tử mới, được Đức Cha Giuse đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới vào tháng 09/2005; ngôi nhà thờ được thánh hiến vào năm 2008 mang lại niềm vui và hy vọng.

Hôm nay, ngôi nhà thờ nhỏ bé tràn đầy kỷ niệm của cuộc đời vị mục tử can đảm, kiên trung, đạo đức đã được trùng tu để có thể nói với các thế hệ con cháu về lịch sử 100 năm đã qua của giáo xứ Thất Khê. Nét đẹp đáng ghi nhận nơi giáo xứ Thất Khê là lòng quảng đại hiệp thông chia sẻ nhiệt tình với công việc chung của giáo phận. Đời sống đức tin đơn sơ, sốt sắng, đã từng cống hiến cho Giáo Hội Linh mục Giuse Đào Văn Nhường, sáu nữ tu dòng Đaminh Lạng Sơn và hôm nay một người con của Giáo xứ được lãnh thánh chức linh mục ngay tại Nhà thờ của Giáo xứ. Nhớ lại giáo xứ đã 2 lần có lễ truyền chức linh mục, một lễ truyền chức trong âm thầm năm 1989, và hôm nay một thánh lễ truyền chức long trọng cho một người con của giáo xứ như hoa trái của đức tin qua lịch sử 100 năm thăng trầm.

Trong ngày mừng lễ Bổn mạng Giáo xứ Thất Khê cũng là kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ, chúng ta không chỉ chia sẻ niềm vui với quý ông bà anh chị em, mà chúng ta còn mong ước cộng đồng Dân Chúa giáo xứ Thất Khê không chỉ nhớ lại hành trình sống đức tin 100 năm đã qua mà tiếp tục sống đức tin với sự thể hiện là lời Tạ Ơn Chúa trong yêu thương và hiệp nhất, để ngợi khen tình thương của Thiên Chúa đã ban cho mỗi người qua lịch sử thăng trầm của Giáo xứ cũng là lịch sử của Giáo phận.

Giờ đây, chúng ta cùng suy tư về ơn gọi linh mục, là “Alter Christus-Chúa Kitô khác” trong đời sống của Hội Thánh:

*Linh mục, tiếng gọi “Xin Vâng”

Cuộc đời của linh mục cũng là cuộc đời của những tiếng gọi: tiếng gọi của Thiên Chúa ngay từ trong dạ mẹ, tiếng gọi vào đời, tiếng gọi trở nên con cái Thiên Chúa và Hội Thánh, tiếng gọi thân thương của cha mẹ muốn con cái mình đi tu, tiếng gọi dâng mình cho Chúa và Giáo Hội, tiếng gọi của Đại Chủng Viện với tri thức của Hội Thánh, tiếng gọi từ môi trường giáo phận, giáo xứ và quê hương, rồi tiếng gọi của Bề trên Giáo phận cho thiên chức linh mục.

Cũng như Đức Maria đã can đảm nói lên lời xin vâng, cuộc đời của tân chức hôm nay cũng luôn phải là lời đáp trả “Xin Vâng” trước những tiếng gọi mới: tiếng gọi của Bề trên giáo phận mời gọi phục vụ tại những nơi tân chức sẽ được sai đến, tiếng gọi của Dân Chúa nơi tân chức phục vụ, và đặc biệt là tiếng gọi của các linh hồn trong các nơi mà thày được sai đến phục vụ.

*Linh mục, tiếng gọi Phục vụ

Khi lãnh nhận thánh chức linh mục và được sai tới những môi trường khác nhau để phục vụ, chắc chắn người linh mục sẽ gặp phải những thử thách như các môn đệ: Khi nhìn vào bản thân, người linh mục sẽ nhận ra rằng mình thật nhỏ bé, yếu đuối và đời môn đệ theo Chúa thì đầy những khó khăn và bế tắc dù đã cố gắng hết sức mình để yêu thương và phục vụ. Sẽ có những lúc linh mục cảm nhận khả năng giới hạn nhỏ bé của chính mình với sự đòi hỏi và mời gọi của ơn gọi và bổn phận với Dân của Chúa. Thế nhưng thật kỳ lạ, bất chấp những thiếu sót, giới hạn của các môn đệ, Chúa Giêsu luôn dùng chính các môn đệ và mời gọi các ông cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Ngài muốn các môn đệ của Ngài hiểu hơn về bản thân và không trốn chạy trước thực tại của đời phục vụ. Ngài luôn nâng đỡ đồng hành với các ông khi mời gọi các ông hãy để Thiên Chúa biến đổi những khả năng nhỏ bé của các ông trở nên Phúc lành của tình thương Thiên Chúa. Cuộc đời của các linh mục luôn là tiếng gọi “Phục Vụ”. Từ những điều rất nhỏ bé tầm thường của cuộc sống, nhưng một khi được người môn đệ đóng góp bằng niềm Tin Yêu Phó thác, Thiên Chúa sẽ biến thành những phép lạ nối dài trong đời sống của Hội Thánh.

Trong sứ mạng tông đồ, tân linh mục sẽ được sai đến với tất cả mọi người để phục vụ trong tin tưởng và yêu mến. Đặc biệt, tân linh mục được mời gọi dấn thân như hình ảnh của Chúa Giêsu, sẵn sàng quỳ gối xuống để rửa chân cho người khác trong tinh thần phục vụ và yêu thương.

*Linh mục, tiếng gọi Tạ Ơn

Có lẽ trong cuộc đời chúng ta có nhiều người rất ít khi nói tới cụm từ Tạ Ơn Thiên Chúa. Chúng ta có thể dễ dàng Tạ ơn Chúa khi thành công, may mắn và hạnh phúc, nhưng những lúc đau khổ, bệnh tật, già nua tuổi tác, thất bại, biệt ly liệu chúng ta có còn đủ niềm tín thác để dâng lời Tạ Ơn Thiên Chúa hay không? Chúng ta có sống được như tinh thần của Đức Trinh nữ Maria luôn cảm tạ Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh hay không?

Thế nên, như Đức Mẹ Maria, chúng ta đã can đảm nói lên lời “Xin Vâng-chính là lời Tạ Ơn” với Thiên Chúa qua Lời của Ngài, qua các Bí tích, qua Giáo Hội, qua cuộc sống đức tin, đức ái; thì chính linh mục của Chúa càng phải biết dâng lời Tạ Ơn Chúa qua những biến cố của cuộc đời theo tiếng gọi tình thương của Chúa trong khiêm hạ, tin tưởng phó thác và cậy trông. Xin cho các linh mục, đặc biệt là tân chức của chúng ta luôn biết sống tinh thần Tạ Ơn qua Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô để bước đi trong hành trình là môn đệ của Chúa: biết cảm nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình, và mang Chúa đến với anh chị em bằng sự quảng đại, yêu thương, sẻ chia, tha thứ, thăm viếng, và cộng tác giúp đỡ trong tinh thần yêu thương và phục vụ.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, cũng là bổn mạng Giáo xứ trong Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập, hy vọng mỗi gia đình của giáo xứ Thất Khê luôn sống đức tin, thể hiện tình yêu chung thủy, hiệp nhất trong phục vụ của hành trình giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân bên cạnh chúng ta. Ước gì, trong hành trình sống ơn gọi Kitô hữu, mỗi người trong giáo xứ chúng ta luôn tin tưởng rằng: noi gương Đức Mẹ Maria, với tâm tình vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa để trở nên chứng tá cho Tin Mừng sẽ giúp chúng ta có thêm Ơn đức tin, đức cậy và đức mến. Cùng với Đức Mẹ Maria, việc lần hạt Mân Côi sẽ trở thành con đường Tin Mừng đích thực trong cuộc sống hàng ngày, như chính lời của sứ thần đã nói với Đức Mẹ: “Đối với Thiên Chúa Nhân lành, không có gì là không thể làm được’.

Giờ đây chúng ta cùng hiệp ý bước vào nghi thức truyền chức, cùng dâng lời Tạ Ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho tân chức linh mục Giuse, để thày trở nên Linh mục như lòng Chúa mong muốn. Nguyện xin Thiên Chúa tình thương luôn ban tràn đầy Ơn Sủng của Ngài trên tân chức và toàn thể cộng đoàn hiện diện với hạnh phúc, niềm vui và an bình. AMEN.

BTT. GpLSCB
 
Huynh đoàn Đaminh Bắc Hải –Hố Nai mùng Mẹ Mân Côi quan thầy
Giuse Khổng Hữu Nguồn
10:23 08/10/2015
HUYNH ĐOÀN ĐAMINH BẮC HẢI – HỐ NAI MÙNG MẸ MÂN CÔI QUAN THẦY

Cùng với Hội Thánh, chiều thứ Tư 07.10.2015, Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc hân hoan tổ chức lễ mừng Mẹ Mân Côi, Quan thầy.

Xem Hình

Trước lễ các đoàn viên rước cha chủ tế từ cuối nhà thờ lên cung thánh, mỗi người tay cầm một bông huệ tươi, hợp với ca đoàn hát ca nhập lễ mừng Mẹ Mân Côi.

Trong bài giảng lễ, Cha xứ Đaminh chia sẻ với cộng đoàn bài Tin Mừng Lc 1,26-38. Nói về Mẹ Maria và đặc biệt Ngài nói tới sứ thần truyền tin qua Kinh Kính Mừng là kinh đẹp nhất chỉ sau kinh Lạy Cha, kinh do chính Đức Giêsu dạy, bởi vì kinh Kính Mừng có nguồn gốc từ chính Lời Chúa trong Phúc Âm. “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”: lời thiên thần Gáprien kính chào Mẹ khi truyền tin Mẹ sẽ thụ thai Con Thiên Chúa. “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”: lời thánh nữ Isave, tràn đầy Thánh Thần, cùng với người con đang nhảy mừng trong lòng, đáp lại lời chào của Đức Maria. “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…”: đó còn là lời của toàn thể Hội Thánh tung hô Mẹ khi tuyên xưng đặc ân Mẹ Thiên Chúa của Mẹ.

Và Ngài khuyên mọi người hãy noi gương Mẹ Maria, biết đáp trả lời “xin vâng”. Vì Đức Maria mãi mãi là mẫu gương tuyệt vời cho sự đáp trả của mỗi người chúng ta: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Cũng như hãy siêng năng lần Chuỗi Mân Côi, cùng với việc suy ngẫm 20 mầu nhiệm Tin Mừng gắn liền với công trình nhập thể cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, trong đó Mẹ luôn luôn góp phần cách trực tiếp.

Trước lời nguyện kết lễ, Cha xứ dâng lời chúc mừng Bổn mạng Huynh Đoàn và một số toán nhóm cũng xin hiệp ý lễ mừng tạ ơn hôm nay. Kết hợp với lời mừng là tràng pháo tay vang dội của cộng đoàn hiện diện.

Sau khi nhận phép lành cuối lễ, cộng đoàn cùng với Cha xứ hướng về Mẹ Maria hát vang bài ca “Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây dó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua hôm nay và ngày mai xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai và suốt đời…”.

Sau lễ các Đoàn viên Huynh Đoàn cùng với quý vị trong Ban phục vụ Huynh Đoàn Đaminh hạt Hố Nai, Ban phục Huynh Đoàn các giáo xứ bạn và Quý chức Ban hành giáo cùng ghé vào Nhà nguyện Hội Dòng dùng tiệc liên hoan và hát cho nhau nghe.

Lịch sử Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải

Huynh Đoàn Đaminh Xứ Bắc Hải được thành lập ngày 22.6.1958, thời Đức Cha Simon Hòa – Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Sài Gòn (lúc này Giáo phận Xuân Lộc chưa thành lập), và Cha Giuse Nguyễn Tri Ân là Cha Giám đốc Huynh Đoàn Đaminh toàn quốc.

Ngoài tên gọi ngày nay Huynh Đoàn Đaminh, trước kia còn gọi tên gọn nhẹ quen thuộc hơn là “Hội Dòng Ba”.

Những năm đầu mới thành lập, Hội Dòng Ba ở Bắc Hải chỉ vỏn vẹn có 50 hội viên, không có nam giới, gồm một Ban trị sự bốn người và hai vị làm cố vấn, tất cả nhiệm kỳ là ba năm.

Hội Dòng được hoạt động đều đặn dưới sự hướng dẫn của Cha Cố Phero Vũ Trọng Thư, nguyên Chánh xứ Bắc Hải và Cha phó là Cha Cố Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Hải. Từ buổi đầu mới thành lập Dòng, Hội đã thường xuyên tổ chức các khóa học giáo lý và quy luật sống của Hội, nhằm giúp chị em chuẩn bị lãnh nhận áo Dòng, tuyên khấn đơn hay trọn tùy khả năng. Trong các ngày thường, từ ba giờ chiều, Hội còn được nghe Thầy giáo Đaminh Nguyễn Duy Lý (sau này thầy về sống và qua đời tại Dòng Đồng Công Thủ Đức năm 1997) giảng giải về luật Dòng. Hàng ngày sau thánh lễ sáng, chị em ở lại nhà thờ để đọc kinh theo luật Dòng. Ngoài ra, tài sản chỉ có một lá cờ Đoàn, mặt trước là hình Đức Mẹ Mân Côi, mặt sau là hình Thánh Phụ Đaminh, dùng trong các dịp rước, lễ hội, đưa đám đoàn viên.

Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải trải qua một chặng đường gần 60 năm, được bốn đời chủ chăn của giáo xứ đã hết lòng chăm lo cho Huynh Đoàn, Cha Cố Phero Vũ Trọng Thư. Cha Cố Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Hải. Cha Cố Giuse Phạm Ngọc Hoan, và nay là Cha Đaminh Bùi Văn Án – Chánh xứ kiêm Quản hạt Hố Nai.

Đồng thời đã có 19 khóa Ban trị sự và 10 người đứng đầu Huynh Đoàn:

Khóa I năm 1958-1961: Bà Trưởng Maria Nguyễn Thị Huệ. Bà phó Maria Khổng Thị Tân (Cụ Lý Cửu). Bà Thơ ký Maria Nguyễn Thị Nga.

Khóa II năm 1961-1964: Bà Trường Maria Vũ Thị Vóc (Cụ Lý Phước).

Khóa III và IV năm 1964-1970: Bà Trưởng Anna Phạm Thị Chuyển (Cụ Trùm Khải).

Khóa V 1970-1973: Bà Trưởng Maria Nguyễn Thị Hạt (Cụ Trùm Định). Bà phó Teresa Nguyễn Thị Mây.

Khóa VI, VII, và khóa VIII 1973-1982: Bà Trưởng Maria Nguyễn Thị Hường (Cụ Xã Tứ). Bà phó Maria Ngô Thị Tâng (Bà Chánh Giản). Bà Thơ ký Maria Chu Thị Lương.

Khóa IX, X 1982-1988: Bà Trưởng Maria Hoàng Thị Nhũ. Bà phó Maria Ngô Thị Tâng (Bà Chánh Giản). Bà Thơ ký Maria Chu Thị Lương.

Khóa XI, XII 1988-1994: Bà Trưởng Maria Chu Thị Lương. Ông Phó nội Vicente Trần Đình Chúc. Ông Phó ngoại Đaminh Nguyễn Văn Húy. Cô Thơ ký Anna Phan Thị Siêng (Cô Cung).

Khóa XIII, XIV và khóa XV 1994-2002: Ông Trưởng Vicente Trần Đình Chúc. Ông Phó nội Đaminh Nguyễn Văn Húy. Phó ngoại là Cô Thiết. Cô Thơ ký Rosa Lê Thị Nhung.

Khóa XVI 2002-2005: Ông Trưởng Giuse Huỳnh Hữu (Ông Cố Hữu). Bà Phó Maria Lưu Thị Phiếm (Bà Phong). Bà Phó ngoại Rosa Lê Thị Nhung. Bà Thơ ký Maria Hà Thị Nghĩa.

Khóa XVII 2005-2009: Ông Trưởng Giuse Huỳnh Hữu (Ông Cố Hữu). Bà Phó nội Maria Lưu Thị Phiếm (Bà Phong). Bà Phó ngoại Rosa Lê Thị Nhung. Bà Thơ ký Maria Hà Thị Nghĩa.

Khóa XVIII 2009-2013: Ông Trưởng Giuse Huỳnh Hữu (Ông Cố Hữu). Bà Phó nội Maria Lưu Thị Phiếm (Bà Phong). Bà Phó ngoại Rosa Lê Thị Nhung. Bà Thơ ký Maria Hà Thị Nghĩa.

Khóa XIX 2013 đến nay: Ông Trưởng Đaminh Đỗ Đình Từ. Bà phó Rosa Lê Thị Nhung. Bà Thơ ký Maria Hà Thị Nghĩa. Bà Thủ quỹ Maria Lưu Thị Phiếm (Bà Phong).

Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải, khởi đầu thành lập với mục đích là cầu nguyện, thăm viếng bệnh nhân, gặp gỡ sinh hoạt. Theo năm tháng, đặc biệt kể từ những năm đầu thập niên 80 đến nay đã có những phát triển, những hoạt động “tốt đời đẹp đạo”. Số đoàn viên hiện nay là 528 người, trong đó bao gồm một Ban trị sự 7 người, chia làm 17 Chi, mỗi chi có từ 30 đến 50 đoàn viên sinh hoạt đều trong xứ, có một nhóm Phụng ca, một nhóm thường xuyên săn sóc kẻ liệt, một nhóm trẻ khoảng 30 người chuyên chăm lo việc nghiên cứu học hỏi tinh thần Dòng, và còn có một số hội viên đang sinh sống ở nước ngoài, song liên lạc với Huynh Đoàn tại quê nhà đều đặn thường xuyên.

Huynh Đoàn đã tự xây dựng được ngôi Nhà nguyện rộng gần 100 mét vuông, thoáng mát, khang trang, làm nơi sinh hoạt và kinh nguyện hàng ngày.

Ngoài công việc thăm viếng tổ chức lễ hội kinh nguyện, Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải đã và đang làm những việc từ thiện xã hội, như tổ chức đi trao quà cho bệnh nhân các trại phong, các bệnh viện, các em trại mồ côi, các gia đình nghèo, neo đơn, già yếu, không phân biệt lương giáo, nơi chốn..v.v.v. và còn góp phần vào mọi công việc chung trong giáo xứ, giáo hạt, như kiến thiết trùng tu, xây dựng, lễ hội, truyền giáo, lớp học tình thương, chương trình khuyến học, chương trình giáo lý hồng ân.v.v.v. và còn rất nhiều những nỗ lức cố gắng hy sinh âm thầm khác của Huynh Đoàn Đaminh Bắc Hải.

Giuse Khổng Hữu Nguồn
 
Hội Mân Côi Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
17:05 08/10/2015
Melbourne, Vào lúc 6 giờ 30 chiều Thứ Năm 8/10/2015. Tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Thánh lễ mừng kính bổn mạng Chi hội Mân Côi Thánh Vinh Sơn Liêm đã được cử hành rất trọng thể.

Mời coi hình

Trước khi Thánh lễ được cử hành, ông Phạm Hiếu thay mặt cho Hội lên đọc sơ qua về ý nghĩa, lịch sử Kinh Mân Côi. Với biết bao nhiêu lần Đức Mẹ hiện ra, dù ở đâu, Đức Mẹ đều nhắn nhủ con cái Mẹ hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Qua những tràng kinh Mân Côi đã làm biến đổi thế giới như trong lịch sử đã chứng minh, sức mạnh của Kinh Mân Côi làm cho chúng ta biết ăn năn sám hối, như mệnh lệnh Fatima truyền báo.

Bài ca nhập lễ cất vang lời: “Ave Maria con dâng lời chào Mẹ.” Thay mặt cho đông đảo toàn thể cộng đoàn vui mừng kính chào Đức Mẹ. Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm chủ sự. Với nghi thức xông hương tượng Mẹ trang nghiêm, cùng toàn thể hội viên Hội Mân Côi và cộng đoàn Dân Chúa hiệp dâng Thánh lễ, với phần phụ trách Thánh nhạc thật xuất sắc của Đoàn Thánh Tâm Ca, họ với tất cả tâm tình đã dùng lời ca thánh thót du dương đầy ý nghĩa và hợp với Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, để dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria rất Thánh lời tri ân cảm tạ thật nồng nàn cảm mến, nhờ lời ca tiếng hát đã nâng tâm hồn mọi người, ai cũng cảm thấy sốt mến và Thánh lễ long trọng hơn.

Sau lễ, phần chầu Thánh Thể cũng rất trọng thể. Cộng đoàn và các hội viên cùng với Linh mục chủ sự quỳ trước bàn thờ Mẹ có Chúa ngự trong mặt nhật để cùng nhau suy niệm và lần chuỗi Mân Côi. Sau những phút chầu Thánh Thể, mọi người được hội mời dâng hoa lên Mẹ và nhận tràng hạt cùng sách hướng dẫn các kinh nguyện của tràng chuỗi Mân Côi mang về gia đình như ân lộc từ Mẹ trao ban.

Từng đoàn con cái Mẹ nối gót nhau lên, vơi đủ mọi thành phần, từ quý cụ già tay chống gậy, cho đến các bậc trung, lão niên, và cả các em nhỏ theo cha mẹ cũng hân hoan bước lên dâng những đóa hồng tươi thắm, quỳ lạy và cắm vào các bình hoa trước ngai tòa Mẹ, trong khi Đoàn Thánh Tâm Ca cùng Cộng đoàn vang lên tiếng hát bài “Lời Mẹ nhắn nhủ” Năm xưa trên cây Sồi Làng Fatima xa xôi...

Ông Nguyễn Văn Thi thay mặt hội ngỏ lời cảm ơn đến Cha Quản nhiệm, quý chức, ca đoàn cùng toàn thể cộng đoàn và hội viên, đã về hiệp dâng Thánh Lễ mừng kính bổn mạng của hội. Với số hội viên tuy còn khiêm nhường, nhưng tấm lòng không nhỏ. Hội đã tổ chức bữa tiệc mừng tại hội trường trung tâm để mời mọi người cùng tham dự, để có dịp cùng nhau hàn huyên tâm sự nối kết nhau như tràng chuỗi Mân Côi nhiệm mầu mà Đức Mẹ đã truyền dậy cho chúng ta. Được mọi người hưởng ứng tham dự đông đảo.

Được biết, Chi hội Mân Côi Thánh Vinh Sơn Liêm, trực thuộc Mân Côi Đa Minh Việt Nam, được thành lập hơn một năm qua, với số hội viên hiện có 218 hội viên. Hội sinh hoạt rất đều đặn, ngoài niềm vui lần chuỗi Mân Côi cá nhân dâng lên Đức Mẹ. Hội có các buổi chầu Thánh Thể kết hiệp lần chuỗi Mân Côi, với phần suy niệm thật sốt sắng, vào các chiều Thứ Năm lúc 6 giờ (mùa Đông) 6.30 (mùa Hè) sau Thánh lễ tại Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm. Hội gọi mời mọi người cùng gia nhập hội để tràng chuỗi Mân Côi liên tiếp dâng lên Mẹ mỗi ngày một đông và lan tỏa đến khắp mọi gia đình.

 
Văn Hóa
Sự Mạc Khải Tiệm Tiến Của Chân Lý
Vũ Thắng
09:41 08/10/2015
Sự Mạc Khải Tiệm Tiến Của Chân Lý

Với những người dấn thân theo Chúa, loan báo Tin Mừng cho tha nhân và các loài thụ tạo khác thì ước ao khao khát được tuân phục thánh ý Chúa làm tròn bổn phận, sứ mạng mà Chúa trao phó cho mình thì đó vừa là trách nhiệm vừa là niềm vui. Tuy vậy câu hỏi được đặt ra là nếu chúng ta không nhận biết Chúa, không nhận biết Chân Lý thì làm sao chúng ta có thể hiểu biết được thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, làm sao để chúng ta có thể hoàn thành trọn vẹn ý muốn Chúa trên mình và làm đẹp lòng Chúa mọi đàng? – Và mặc nhiên câu trả lời sẽ là: Tôi phải tìm kiếm Chúa, tìm kiếm chân lý cho đến khi chân lý của ngài được tỏ ra cho tôi.

Như vậy, nếu chúng ta muốn rao giảng về Chúa cho người khác, dạy dỗ lời chân lý cho họ thì trước hết chúng ta phải thực sự nhận biết Chúa, thực sự được ánh sáng chân lý soi rọi. Chúa Giê-su là Đấng Chân Lý và chính là Chân Lý nhập thể làm người, thật vậy, "6 Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật [chân lý] và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”” (Gioan 14:6). Chúa Giê-su là sự mạc khải trọn vẹn của chân lý cho nhân loại vì ngài là Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, thật vậy, “1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” (Gioan 1:1,4). Thánh tiến sĩ Giê-rô-ni-mô nói rất phải khi ngài tuyên bố cách mạnh mẽ, “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô”.

Các bạn thân mến, chúng ta muốn loan báo sứ điệp Chúa Ki-tô, loan báo Tin Mừng cho người khác ấy là một công việc, nghĩa cử hết sức cao đẹp vì nó gắn liền với trách nhiệm, sứ vụ của mọi ki-tô hữu thuộc mọi bậc sống trong Giáo Hội. Và mục đích ấy không gì khác hơn là mưu cầu ơn cứu độ cho tha nhân. Như vậy, chúng ta phải tự đặt câu hỏi, “Nếu tôi chưa nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa thì làm sao tôi có thể dẫn dắt người khác để họ thực sự được cứu độ?” – nếu bạn tự hỏi như vậy, hãy tin tôi, bạn phải lắm! Nếu chúng ta muốn cứu người khác, trước hết chúng ta phải được cứu trước – đây là một luận điểm khá quan trọng vì trong Kinh Thánh, Chúa Giê-su đã nhiều lần nghiêm giọng trách mắng những người nhận mình là thầy dạy lời chân lý nhưng là những người lầm lạc u mê mù tối không hiểu biết ý Chúa, chẳng hạn, “39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Luca 6:39), hay ở một chỗ khác trong sách Phúc âm Mát-thêu, Chúa cảnh cáo những vị thầy lầm lạc, “15 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” (Mát-thêu 23:15) và Chúa nhấn mạnh, “6 Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mát-thêu 18:6). Những trích dẫn trên không có ý khiến các môn đệ thật của Chúa Ki-tô phải khiếp sợ khi loan Tin Mừng vì Chúa trách mắng là ngài có ý nói đến những kẻ giả hình không hiểu biết Chúa, không được ánh sáng chân lý soi rọi nhưng lại muốn làm thầy dạy cho muôn dân. Tuy nhiên khi rao giảng lời Chúa chúng ta cũng phải hết sức cẩn trọng vì chúng ta biết rằng Kinh Thánh là Lời của Đấng Chí Thánh và không thể đem ra đùa giỡn hay rao giảng tùy tiện theo ý riêng.

Trở lại với tiêu đề bài viết, chúng ta tự hỏi, “Sự tiệm tiến của chân lý” nghĩa là gì? – Thưa rằng đó là sự mạc khải chân lý của Chúa dành cho những người yêu mến ngài theo một trình tự tiệm tiến nghĩa là tăng dần theo thời gian. Hiểu biết điều này có thực sự quan trọng không? – Xin thưa là hết sức quan trọng!

Hãy để tôi minh họa về điều này thông qua hình ảnh sau: Bây giờ chúng ta lấy quá trình phát triển của một con người từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành làm một thí dụ. Khi chúng ta là một em bé sơ sinh, chúng ta cần điều gì để duy trì sự sống? – thưa rằng đó chính là sữa mẹ. Đứa trẻ mới sinh ra nó không hiểu biết tâm tư, lời nói của người lớn nó chỉ cần mỗi sữa, duy nhất sữa mà thôi! Kinh Thánh tuyên bố nếu chúng ta muốn nhận được ơn cứu độ chúng ta cần phải được tái sinh trong linh hồn, thật vậy, "3 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." (Gioan 3:3). Kinh Thánh cho biết khi chúng ta thực sự nhận được ơn tái sinh đến từ Chúa thì chúng ta cũng như những em bé về tâm linh và thức ăn đầu tiên để duy trì sự sống linh hồn đó chính là Lời Chúa. Lời Chúa vừa là sữa vừa là bánh tâm linh cho linh hồn người dấn thân theo Chúa.

Tuy nhiên để tâm linh lớn lên trong Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chỉ mỗi uống sữa mà thôi. Cũng như đứa trẻ mới sinh ban đầu là bú sữa mẹ, rồi theo thời gian em ăn cháo, rồi tiếp theo là ăn cơm mớm, sau đó mới có thể tập tành ăn đồ đặc dành cho người trưởng thành. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, thánh Phao-lô đã nhắc nhở “12 Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa.13 Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con.14 Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ.” (Do Thái 5:12-14)

Như vậy, theo thời gian những người sau khi được tái sinh sẽ ăn thức ăn tâm linh từ sơ đẳng đến cao cấp để có thể trở nên những bậc thành nhân trong Chúa. Thức ăn ấy chính là Lời Chúa. Và bây giờ chúng ta tự hỏi sữa tâm linh là gì? Đồ ăn đặc tâm linh là gì? – Xin thưa cũng vẫn là Lời Chúa là Kinh Thánh nhưng đó là sự tỏ bày chân lý theo những lớp, những tầng ý nghĩa khác nhau.

Chúng ta cùng lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về các lớp ý nghĩa của Kinh Thánh, của Lời Chúa:

“… Hai nghĩa của Thánh Kinh: nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng lại được chia thành nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý, nghĩa dẫn đường…” (GLHTCG điều 115)

“Nghĩa văn tự dạy về biến cố

Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin,

Nghĩa luân lý dạy điều phải làm,

Nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới” (GLHTCG điều 118)

Như vậy, theo ý nghĩa nào đó chúng ta có thể hiểu “sữa tâm linh” chính là cách hiểu Lời Chúa theo nghĩa văn tự còn “đồ ăn đặc tâm linh” chính là Lời Chúa hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Và như vậy linh hồn muốn trưởng thành lớn lên trong Chúa thì đều phải trải qua quá trình đi lên từ từ, không có khái niệm bỏ qua giai đoạn, đốt cháy giai đoạn để lớn lên trong Chúa.

Chúa Giê-su chính là Đấng soi rọi chân lý cho những người dấn thân theo ngài vì ngài chính là Chân Lý. Và vì vậy yêu mến Chúa, yêu mến lời ngài, thực hành tuân giữ vâng phục giới răn sự dạy dỗ của ngài là tiêu chí đặt lên hàng đầu cho những người muốn nhận được sự mạc khải tiệm tiến của chân lý theo thời gian. Sự mạc khải tiệm tiến của chân lý là một điều rất quan trọng vì nó khiến chúng ta trưởng thành trong Chúa, đạt tầm vóc của bậc thành thân như Chúa mong muốn. Chẳng vậy mà thánh Phao-lô đã từng nhắc nhở mạnh mẽ rằng, “13 Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con.14 Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ.” (Do Thái 5:13-14)

Lời nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con được ơn hiểu biết Chúa hơn, mến Chúa hơn và làm tôi Chúa không hề bê trễ”

(Vũ Thắng)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tuổi Hoa Trẻ Thơ
Nguyễn Trung Tây, Lm (SVD)
21:04 08/10/2015
TUỔI HOA TRẺ THƠ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy
đừng ngăn cản, đừng xua đẩy,
vì Nước Trời thuộc về người
tâm hồn trở nên như trẻ thơ.
(Marcô 10:14).
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01/10 – 07/10/2015: Khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:13 08/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y André Vingt-Trois nói những ai nghĩ Thượng Hội Đồng sẽ đưa ra những thay đổi về tín lý sẽ thất vọng

Trong khi nhìn nhận rằng Hội Thánh cần phải tháp tùng cùng các gia đình đang gặp khó khăn về mục vụ, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, cho biết nếu người ta tin rằng điều này có nghĩa là Giáo Hội sẽ từ bỏ hoặc đưa ra những thay đổi tín lý tại Thượng Hội Đồng, họ đang nhầm lẫn.

Chiều thứ Hai ngày 5 tháng 10, tại phòng báo chí Vatican, Cha Federico Lombardi, Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, Đức Hồng Y Péter Erdő, và Đức Hồng Y Đức Hồng Y André Vingt-Trois đã trình bày những suy nghĩ đầu tiên của các ngài trong ngày đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ thứ 14.

Cha Lombardi đã giải thích trình tự các phiên làm việc vào ban sáng bắt đầu với một lời cầu nguyện và các nghị phụ hát bài Veni Creator Spiritus – Cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký của thượng hội đồng, đã chào đón tất cả mọi người trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu khai mạc. Sau đó, Đức Hồng Y Péter Erdo đã trình bày những suy tư của ngài về “Ơn gọi của các gia đình trong Giáo Hội và thế giới đương đại”

Đức Hồng Y Vingt-Trois nói ấn tượng đầu tiên của ngài về Thượng Hội Đồng là “một sự đa dạng rộng khắp về mặt địa lý của các thành viên tham gia, trong đó bao gồm các thành viên của cả các Giáo Hội Latinh và Đông Phương; nhưng tất cả đều tề tựu chung quanh Đức Giáo Hoàng.” Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì ngài đã nói trước đây; đó là ngài muốn giải quyết các vấn đề một cách cởi mở qua lời cầu nguyện, suy tư và đối thoại.

Ngài nói thêm là ở Paris, nhiều người đã được mời tham gia vào những “nhóm công nghị”. Nhiều nhóm có những ý kiến khác biệt với nhau nhưng điều quan trọng là họ “có thể bày tỏ ý kiến mình mà không phá vỡ tình hiệp thông”

Đức Hồng Y Erdo giải thích bài phát biểu mở đầu của ngài dựa theo cấu trúc của Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris). Ngài nói: “Tôi đã cố gắng hệ thống hóa tất cả các dữ liệu nhận được từ các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới, bao gồm cả các gia đình và những cá nhân đã viết cho chúng tôi, theo những chủ đề trong Tài Liệu Làm Việc”

Đức Tổng Giám mục Forte cho biết mục tiêu của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình không chỉ là “đề nghị tin mừng của gia đình” mà còn để làm “vang vọng những hy vọng và nỗi đau của các gia đình trên toàn thế giới ngày nay.” Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải “mở rộng cửa cho Chúa Thánh Thần, cho lời cầu nguyện và sự khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa” .

Khi được hỏi liệu các nghị phụ có cảm thấy chịu những áp lực từ giới truyền thông hay không, Đức Tổng Giám mục Forte trả lời rằng năm ngoái một số phương tiện truyền thông đã đưa ra một “giải thích hai phe phân cực” về những gì đang diễn ra tại Thượng Hội Đồng nhưng bên trong Thượng Hội Đồng Giám Mục các nghị phụ không cảm thấy như vậy. “Chúng tôi ở đây để lắng nghe các vấn đề của người dân, chúng tôi đoàn kết hơn những gì các phương tiện truyền thông giả định. Có nhiều quan điểm khác nhau, điều đó là bình thường, nhưng như vậy không có nghĩa là chia rẽ. Tôi cảm thấy chúng tôi đang ở trên một con đường tâm linh diệu với Thiên Chúa.”

Các diễn giả trong cuộc họp báo đặc biệt nhấn mạnh rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình là một công nghị về mục vụ. Đức Tổng Giám Mục Forte nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình này sẽ không dẫn đến những thay đổi về tín lý, bởi vì chú ý của chúng tôi là về những chăm sóc mục vụ.”

Đức Hồng Y Vingt-Trois, nói bằng tiếng Pháp, nhấn mạnh rằng Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong đêm Canh Thức hôm thứ Bẩy và Thánh Lễ sáng Chúa Nhật là một lời dẫn nhập tuyệt vời vào Thượng Hội Đồng. “Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng chúng ta phải mở lòng mình ra với Lời Chúa, với nhau, và với thực tại của các gia đình. Xã hội chúng ta đang trải qua một sự biến đổi sâu sắc và sứ vụ của Giáo Hội là đồng hành cùng những thay đổi này.”

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Vingt-Trois tái khẳng định: “Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ tìm thấy một sự thay đổi căn bản trong tín lý của Giáo Hội, bạn sẽ thất vọng.”

Đức Hồng Y Erdo nói thêm rằng hiện nay đang có một quan tâm rất lớn đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vì những vấn đề đã được nêu ra hồi năm ngoái. Ngài nói rằng các nghị phụ Thượng Hội Đồng hy vọng phát triển sự hiểu biết của Giáo Hội về gia đình bằng cách lắng nghe nhau nhưng đặc biệt phải chú ý đến truyền thống của Giáo Hội. “Phát triển không thể là vô giới hạn; chúng ta phải nhìn vào truyền thống,” ngài nói.

2. Sứ điệp ngày di dân và tị nạn thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác rằng “dửng dưng và im lặng đối với thảm cảnh người di dân và tị nạn là mở đường cho sự đồng lõa, khi chúng ta chứng kiến như khán giả cái chết vì ngộp thở, vì kiệt lực, bạo lực và đắm tàu”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố sáng ngày 1 tháng 10, nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 17-1 năm tới, 2016, với chủ đề “Người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng Lòng Thương Xót”. Sứ điệp được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Vatican do Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động, cùng với vị Tổng thư ký là Đức Cha Joseph Kalathiparampil.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói đến “làn sóng di dân liên tục gia tăng ở mọi miền trên thế giới. Càng ngày càng có những nạn nhân của bạo lực và nghèo đói rời bỏ nguyên quán, chịu sự hành hạ của những kẻ buôn người trong hành trình tiến về giấc mơ một tương lai tốt đẹp hơn. Và rồi, giả sử họ sống còn sau những lạm dụng và nghịch cảnh, họ lại phải đương đầu với những thực tại trong đó có tiềm ẩn những nghi ngờ và sợ hãi. Sau cùng nhiều khi họ gặp tình trạng thiếu những qui luật rõ ràng và khả thi, điều hành việc đón tiếp.. Hơn mọi thời đại trước đây, ngày nay Tin Mừng về lòng thương xót đánh động lương tâm, ngăn cản chúng ta đừng trở nên quen thuộc với những đau khổ của người khác, và chỉ dẫn những con đường đáp ứng, ăn rễ sâu trong các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, và được diễn tả qua các hoạt động từ bi bác ái về tinh thần cũng như thể lý”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các tín hữu rằng “những người di dân là anh chị em chúng ta đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, tránh được nạn nghèo đói, nạn bóc lột và bất công trong việc phân phối tài nguyên thế giới..

Ngài cũng khẳng định rằng “sự hiện diện của những người di dân và tị nạn đang đặt những câu hỏi nghiêm trọng cho các xã hội đón tiếp họ... Làm thế nào để sự hội nhập người di dân và tị nạn ấy làm cho nhau được phong phú, mở ra những con đường tích cực cho cộng đoàn, và vượt thắng những nguy cơ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc, quốc gia chủ nghĩa thái quá và nạn bài người ngoại quốc”.

Đức Thánh Cha lấy làm tiếc vì trong dư luận tại nhiều nước ngày nay chỉ nổi bật những cuộc thảo luận về những điều kiện và những giới hạn cần đề ra cho việc đón tiếp người di dân và tị nạn, không những trong các chính sách của Nhà Nước, nhưng cả trong một số cộng đoàn giáo xứ, cho rằng sự yên hàn theo truyền thống của mình bị đe dọa”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo Hội hãy hành động theo gương lời nói và hành động của Chúa Giêsu Kitô đối với người di dân và tị nạn. Câu trả lời của Tin Mừng chính là lòng từ bi thương xót... Không thể thu hẹp các vấn đề di dân vào chiều kích chính trị và qui luật, vào những khía cạnh kinh tế hoặc sự đồng hiện diện của các nền văn hóa khác nhau trên cùng một lãnh thổ. Các khía cạnh này chỉ có tính chất bổ túc cho sự bảo vệ và thăng tiến con người, cho nền văn hóa gặp gỡ của các dân độc và hiệp nhất, trong đó Tin Mừng về lòng từ bi thương xót soi sáng và khích lệ những hành trình đổi mới và biến đổi toàn thể nhân loại”

3. Đức Thánh Cha lưu ý đoàn hiến binh Vatican về những cám dỗ và những bẫy rập của Satan

Hôm thứ Bẩy ngày 03 tháng 10, Đức Thánh Cha đã dâng lễ cho đoàn hiến binh của thành Vatican tại nhà nguyện phủ thống đốc quốc gia thành Vatican.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cuộc chiến chống lại Satan của các thiên thần trên trời, dẫn đầu bởi Tổng Lãnh Thiên Thần Miace. Cuộc chiến tranh này, ngài nói, cũng đang diễn ra trong trái tim con người mỗi ngày.

Tổng Lãnh Thiên Thần Miace là bổn mạng của đoàn hiến binh thành Vatican.

Đức Thánh Cha nói với các thành viên của lực lượng cảnh sát Vatican rằng Satan cài bẫy và quyến rũ. “Ba bước trong phương pháp của con rắn” được thể hiện nơi những chước cám dỗ nó đã từng tung ra với Chúa Giêsu sau 40 ngày chay tịnh trong hoang địa. Đó là của cải vật chất, phù hoa, và quyền lực.

“Hãy cầu nguyện nhiều cùng Chúa, qua lời cầu bầu của Tổng Lãnh Thiên Thần Miace, để anh em khỏi sa chước cám dỗ, khỏi mọi cám dỗ và băng hoại thông qua tiền của, giàu sang, phù hoa, và kiêu ngạo”,

4. Buổi Canh Thức để cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình

Lúc 19h chiều thứ Bẩy, 3 tháng 10, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 về gia đình. Buổi canh thức do Hội Đồng Giám Mục Italia đề xướng và tổ chức với sự cộng tác của các phong trào và hội đoàn, trước sự hiện diện của khoảng 40 ngàn tín hữu, cùng với đông đảo các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Từ 6 giờ chiều, hàng chục ngàn người đã tụ họp và sinh hoạt, cầu nguyện và nghe chứng từ tại Quảng trường thánh Phêrô, trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến vào lúc 7 giờ.

Sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, Đức Thánh Cha đã chính thức khai mạc buổi cầu nguyện với thánh ca cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

5. Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình

Lúc 8h sáng ngày Chúa Nhật 4 tháng 10, 270 vị tham dự Thượng Hội Đồng về Gia Đình đã họp chung lần đầu tiên tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ đồng tế trọng thể khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế có 314 vị gồm các Nghị Phụ và các cộng sự viên, trong đó có 71 Hồng Y, 7 Thượng Phụ, 2 Tổng Giám Mục Trưởng, 72 Tổng Giám Mục, 102 Giám Mục và 58 Linh Mục. Tham dự thánh lễ có khoảng 10,000 tín hữu và du khách hành hương. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng Tầu, Tây Ban Nha, A rập, Bồ Đào Nha và Swahili: cầu cho Giáo Hội biết chiêm ngắm và giữ gìn công trình sáng tạo của Thiên Chúa; cho các nghị phụ được Chúa Thánh Thần soi sáng trợ lực trong nhiệm vụ hướng dẫn tín hữu theo Chúa Kitô; cho các nhà lập pháp và giới lãnh đạo biết thăng tiến công ích, công lý và hòa bình; cho giới trẻ và những người đính hôn khám phá ra vẻ đẹp của sự nhưng không, lòng trung thành và sẵn sàng hy sinh và tha thứ; cho các gia đình bị thử thách đau khổ đuợc ơn thánh Chúa an ủi, được các anh chị em khác và các cơ cấu trợ giúp. Đã có 70 linh mục và phó tế giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước lễ.

Cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh xin các vị bầu cử cho Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra tốt đẹp như ý Chúa muốn.

6. Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo: Người Mỹ nên để yên cho người Nga giúp Syria!

Trong một phản ứng tiêu biểu cho sự ngao ngán và thất vọng của người dân Syria trước đường lối chiến tranh của Mỹ tại Syria, Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo của tổng giáo phận Hassaké, Syria cho rằng người Mỹ chỉ muốn kéo dài nỗi thống khổ của người dân Syria.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 2 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục của Công Giáo nghi lễ Syria nói:

“Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain phản đối người Nga, nói rằng người Nga không ném bom vào các vị trí của quân khủng bố Hồi Giáo IS, mà chỉ nhắm vào quân nổi dậy chống Assad được đào tạo bởi CIA. Tôi thấy những lời này thật đáng sợ. Chúng tiêu biểu cho một sự thừa nhận trắng trợn rằng đằng sau cuộc chiến chống lại Assad lại là CIA”.

Đức Tổng Giám mục Jacques Behnan Hindo đã nói với thông tấn xã Fides như trên khi được hỏi về nhận định của ngài liên quan đến diễn biến gần đây trong cuộc xung đột Syria, đánh dấu bằng sự can thiệp trực tiếp của các lực lượng quân sự Nga, cụ thể là cuộc không kích bắt đầu từ hôm thứ Tư 30 tháng 9 và vẫn đang tiếp diễn.

Đức Cha nhận định tiếp rằng:

“Tuyên truyền của phương Tây cứ nói về một thứ phiến quân ôn hòa. Đó là những người đó không hề hiện hữu. Tôi thấy có một điều thật sự đáng lo ngại. Tại sao một siêu cường đã từng bị al-Qaeda tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 lại đi phản đối người Nga vì họ tấn công các lực lượng dân quân của al-Qaeda ở Syria. Thế có nghĩa là gì? Al-Qaeda lại là một đồng minh của Mỹ, chỉ vì tại Syria này nó có một cái tên khác chăng? Hay họ thực sự đang coi thường trí thông minh của chúng tôi và bộ nhớ của chúng tôi?”

Trong cuộc phỏng vấn với Fides, Đức Tổng Giám mục Hindo lặp đi lặp lại rằng “Syria sẽ quyết định nếu và khi nào Assad phải ra đi, chứ không phải là Daesh hay phương Tây. Và chắc chắn rằng nếu Assad ra đi ngay bây giờ, Syria sẽ trở nên giống hệt như Libya”.

Daesh là từ viết tắt của tiếng Ả rập chỉ quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Đức Tổng Giám Mục cảnh báo: “Chúng tôi đã nhận được những tin tức khủng khiếp từ thành phố Deir al Zor, bị bao vây bởi Daesh trong một thời gian dài. Bây giờ, họ không có nhiều thức ăn, và dân chúng sắp chết đói. Chúng ta cần phải làm một cái gì đó ngay lập tức, trước khi quá muộn”

Nhiều người dân tại thủ đô Damascus bày tỏ hy vọng tràn trề nơi người Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát bày tỏ quan ngại rằng Nga can thiệp quân sự vào Syria với nhiều ý đồ chính trị trong đó có việc mặc cả với Tây phương về số phận của Ukraine.

7. Sứ điệp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31

Trong sứ điệp công bố sáng ngày 28 tháng 9 nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 sẽ được cử hành cấp hoàn vũ vào cuối tháng 7 năm tới tại Cracovia, Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ mang ngọn lửa từ bi thương xót của Chúa Kitô vào đời sống thường nhật và thực thi mỗi tháng một công việc bác ái.

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ rất thân mến,

Chúng ta đã tới giai đoạn chót trong cuộc lữ hành tiến về Cracovia, nơi chúng ta sẽ cùng nhau cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 vào tháng 7 năm tới 2016. Hành trình dài và đòi nhiều cố gắng này được lời Chúa Giêsu hướng dẫn, rút từ “Bài giảng trên núi”. Chúng ta đã khởi sự hành trình này hồi năm 2014, cùng nhau suy niệm về Mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho những người có tinh thần thanh bần vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đề tài cho năm 2015 là “Phúc cho ai có tâm hồn thanh khiết, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Trong năm đang ở trước mặt, chúng ta muốn để cho mình được Lời này soi sáng: “Phúc cho những ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).

Với chủ đề này, Ngày Quốc Tế giới trẻ Cracovia năm 2016 được tháp nhập vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, trở thành một Năm Thánh thực sự và riêng cho người trẻ trên bình diện thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên Đại hội giới trẻ quốc tế trùng vào một Năm Thánh. Thực vậy, chính trong Năm Thánh Cứu Độ 1983/1984, thánh Gioan Phaolô 2 đã triệu tập lần đầu tiên các bạn trẻ toàn thế giới vào Chúa Nhật Lễ Lá. Rồi trong Đại Năm Thánh 2000, hơn 2 triệu người trẻ từ 165 quóc gia đã họp mặt tại Roma để cử hành Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 15. Như đã xảy ra trong 2 trường hợp trước đây, tôi chắc chắn rằng Năm Thánh giới trẻ ở Cracovia sẽ là một trong thời điểm nổi bật của Năm Thánh này!

Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Ba Lan. Cracovia, thành phố của thánh Gioan Phaolô 2 và thánh nữ Faustina Kowalska, đang chờ đợi chúng ta với vòng tay và con tim rộng mở. Tôi tin rằng Chúa Quan Phòng đã hướng dẫn chúng ta cử hành Năm Thánh giới trẻ tại đó, nơi hai vị đại tông đồ lòng thương xót của Chúa thời nay đã sống. Đức Gioan Phaolô 2 đã trực giác thấy rằng đây là thời đại của lòng thương xót. Vào đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài, ngài đã viết thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng xót thương”. Trong Năm Thánh 2000, ngài đã phong thánh cho nữ tu Faustina, và thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa, vào Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh. Và năm 2002, ngài đã đích thân khánh thành tại Cracovia Đền thánh Chúa Giêsu Thương xót, phó thác thế giới cho lòng Thương Xót của Chúa và cầu mong sứ điệp này đi tới tất cả mọi người trên trái đất và được tràn đầy niềm hy vọng trong tâm hồn. Cần thông truyền cho thế giới ngọn lửa thương xót ấy. Trong lòng thương xót của Chúa, thế giới sẽ tìm được an bình, và con người tìm được hạnh phúc!” (Bài giảng lễ cung hiến Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa ở Cracovia, 17-8-2002).

Các bạn trẻ rất thân mến, các bạn hãy để cho lòng thương xót vô biên của Chúa đánh động để trở thành những tông đồ của lòng thương xót qua các công việc, lời nói và kinh nguyện, trong thế giới chúng ta bị thương vì lòng ích kỷ, oán thù và bao nhiêu điều tuyệt vọng. Hãy mang ngọn lửa tình thương xót của Chúa Kitô mà thánh Gioan Phaolô 2 đã nói, vào trong các môi trường đời sống thường nhật của các bạn và cho đến tận bờ cõi trái đất. Trong sứ mạng này, tôi tháp tùng các bạn bằng những lời cầu chúc và kinh nguyện, tôi phó thác tất cả các bạn cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Từ Bi thương xót, trong giai đoạn chót của hành trình chuẩn bị tinh thần cho Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới tại Cracovia. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả các bạn.

8. Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị dòng thánh Comboni

Sáng ngày 1 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 85 tham dự viên Tổng tu nghị dòng Thánh Comboni và ngài khích lệ các tu sĩ của dòng luôn nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa để có thể trở thành người phục vụ vị “Thiên Chúa nói với con người”.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “Sứ mạng truyền giáo, để có đặc tính chân chính, cần phải tham chiếu và đặt ở trung tâm ơn thánh của Chúa Kitô nảy sinh từ thập giá. Khi tin nơi Chúa, chúng ta có thể thông truyền Lời Chúa, Lời có sức linh hoạt, nâng đỡ và làm cho sự dấn thân của vị thừa sai trở nên phong phú. Vì thế, anh em thân mến, chúng ta phải nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa, để trở thành tiếng vọng trung thành của Lời Chúa; vui mừng đón nhận Lời Chúa trong niềm vui của Thánh Linh, nhập tâm Lời Chúa và làm cho Lời ấy trở thành thịt trong thân mình chúng ta như Mẹ Maria đã làm (Xc Lc 2,19).

Đức Thánh Cha nhắc đến tên hiệu chính thức của Dòng là “dòng thừa sai Comboni Thánh Tâm Chúa Giêsu” (MCCJ) và ngài đề cao đoàn sủng của thánh Daniele Comboni, một đoàn sủng tìm được điểm tựa quí giá trong tình yêu thương xót của Thánh Tâm Chúa Giêsu đối với những người vô phương thế tự vệ. Ngài nói: “Anh em được kêu gọi noi gương Chúa Giêsu từ bi và hiền lành, để sống công tác phục vụ của anh em với tâm hồn khiêm tốn, chăm sóc những người bị bỏ rơi trong thời đại chúng ta ngày nay. Anh em đừng bao giờ ngưng cầu xin Thánh Tâm Chúa ơn hiền từ, nhân đức này, như con của đức bác ái, chính là sự kiên nhẫn, tha thứ mọi sự, hy vọng mọi sự, và chịu đựng tất cả (Xc 1 Cr 13,4-7).

Dòng thánh Comboni hiện có khoảng 1670 tu sĩ hoạt động tại 300 nhà ở nhiều nước trên thế giới

9. Trước thềm Thượng Hội Đồng về Gia Đình, các Giám Mục Phi Châu ra mắt sách kêu gọi một giáo huấn rõ ràng về hôn nhân

Trong một cuốn sách mới phát hành ngay trước cuộc họp tháng Mười của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, mười nhà lãnh đạo Công Giáo châu Phi đã kêu gọi một sự khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ giáo lý Công Giáo về hôn nhân và gia đình.

Cuốn sách có tựa đề “Christ’s New Homeland- Africa” nghĩa là “Phi Châu – Quê Hương Mới của Chúa Kitô”, nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại các áp lực của trào lưu thế tục hóa ở châu Phi. Các ngài khẳng định rằng lục địa châu Phi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành phản ứng của Giáo Hội chống lại trào lưu tục hóa.

Trong một bài tiểu luận trong cuốn sách này, Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, phê bình tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng. Ngài nói rằng sự mơ hồ phát sinh từ cuộc họp năm ngoái thể hiện “không chỉ nơi một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức tin, mà còn nơi một cuộc khủng hoảng không kém phần sâu sắc trong thực hành mục vụ: các mục tử ngày nay lúng túng không biết theo một hướng rõ rệt nào.”

Đức Hồng Y Sarah cũng lập luận mạnh mẽ chống lại quan niệm cho rằng các thực hành mục vụ có thể được thay đổi mà không cần có một sự thay đổi tương ứng về tín lý. Những thay đổi đó, theo ngài, sẽ đưa ra “một loại thương xót không cứu vớt được điều gì, mà chỉ nhúng họ chìm sâu hơn trong tội lỗi”

Trong một bài tiểu luận khác Đức Cha Barthelemy Adoukonou, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo phải thiết lập một nền tảng giáo lý rõ ràng, để chống lại sự tuyên truyền của các trào lưu cực đoan Hồi giáo đang mô tả tất cả các Kitô hữu như những người suy đồi về mặt đạo đức. Quan sát sự sụp đổ tinh thần của văn hóa phương Tây, ngài viết, “chúng ta có nghĩa vụ phải tách mình ra khỏi nền văn minh hậu hiện đại, không phải vì sợ hãi hoặc tìm cách thu mình vào ốc đảo riêng mình, nhưng vì chúng ta phải vượt lên để có thể trung thành với căn tính Kitô giáo và bản sắc châu Phi sâu xa của chúng ta”

“Phi Châu – Quê Hương Mới của Chúa Kitô” bao gồm các bài tiểu luận của Đức Tổng Giám Mục Denis Amuzu-Dzakpah của Lomé, Đức Hồng Y Philippe Ouedraogo của Ouagadougou, Đức Hồng Y Berhaneyesus Souraphiel của Addis Ababa, Đức Hồng Y đã nghỉ hưu Christian Tumi của Douala, Đức Tổng Giám Mục Antoine Ganye của Cotonou, Đức Hồng Y hồi hưu Théodore-Adrien Sarr của Dakar , Đức Tổng Giám mục Samuel Kleda của Douala, và Đức Hồng Y Jean-Pierre Kutwa của Abidjan. Lời nói đầu đã được viết bởi Đức Hồng Y Francis Arinze, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích nay đã về hưu.

10. Giao tranh dữ dội bùng lên tại Cộng Hòa Trung Phi nơi Đức Thánh Cha sẽ tông du vào tháng 11

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết các giáo xứ Công Giáo và các tổ chức khác đang chăm sóc cho ít nhất 5,000 người phải chạy nạn do chiến sự mới bùng lên trở lại tại Cộng hòa Trung Phi.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi trong tháng Mười Một.

Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga của thủ đô Bangui, nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu tại quốc gia này bày tỏ âu lo là chuyến tông du của Đức Thánh Cha có nhiều khả năng phải hủy bỏ. Ám chỉ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong vùng, Đức Cha nói:

“Cộng đồng quốc tế hoạt động ở đây có vẻ thụ động hoặc không có khả năng gìn giữ hòa bình.”

Một lịch trình đầy đủ về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại vùng này sẽ được công bố trong vài ngày tới đây. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Charles Daniel Balvo, sứ thần tại Kenya, nói với Đài phát thanh Vatican rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ bắt đầu tại Nairobi, thủ đô của Kenya. Từ Nairobi, ngài sẽ sang Kampala, thủ đô của Uganda; và kết thúc chuyến đi tại Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi.

11. Nga mở cuộc không kích tại Syria. Đức Thượng Phụ Kirill lên tiếng ủng hộ

Hôm thứ Tư 30 tháng 9, không quân Nga đã bất ngờ mở các cuộc không kích mà họ cho là nhắm vào các lực lượng của quân khủng bố Hồi Giáo IS. Hành động đơn phương của Nga đã vấp phải những chống đối tuy không dữ dội nhưng cũng đủ cho thấy Hoa Kỳ và một số nước khác không hài lòng.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Josh Earnes, cáo buộc Nga không kích tràn lan vào các mục tiêu “không phân biệt” bên nào là bên nào, và bày tỏ lo ngại Nga đang dính líu sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tại Syria nhằm ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad.

Tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Nga là ông Sergei Lavrov nói là Nga cũng chỉ nhắm vào quân khủng bố Hồi Giáo IS như các nước trong liên quân mà thôi. Ông cho biết thêm là trong ngày thứ hai của cuộc không kích tức là ngày thứ Năm 1 tháng 10, Nga đã dội bom vào các kho đạn và trung tâm chỉ huy của quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Homs, Hama và Idlib.

Trong khi đó thì tại Nga, hãng tin Interfax đưa tin là nhà lãnh đạo hàng đầu của Giáo Hội Chính Thống Nga lên tiếng ủng hộ sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria.

Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói:

“Liên bang Nga đã thực hiện một quyết định có trách nhiệm về việc sử dụng các lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ người dân Syria khỏi những thống khổ gây ra bởi sự tùy tiện của những kẻ khủng bố. Chúng tôi tin rằng quyết định này sẽ sớm mang lại hòa bình và công lý cho vùng đất cổ xưa này.”

“Chúng tôi cầu nguyện cho cuộc xung đột địa phương thê thảm này không phát triển thành một cuộc chiến tranh lớn hơn nữa, xin cho việc sử dụng vũ lực này không dẫn đến cái chết của thường dân vô tội, và cho tất cả quân nhân Nga trở về an toàn”

Một số báo cáo không thể kiểm chứng trên các phương tiện truyền thông Tây phương nói các cuộc không kích của Nga tại Homs đã giết chết 33 thường dân vô tội trong đó có 4 trẻ em.

12. Đức Thánh Cha chuẩn y các án tuyên phong Chân Phước

Trong buổi tiếp kiến ngày 30 tháng 9 với Đức Hồng Y Angelo Amato Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được phê chuẩn các nghị định công nhận việc tử đạo của Cha Valentín Palencia Marquina và bốn vị khác cùng chịu tử vì đạo với ngài, mở đường cho việc tuyên phong chân phước cho các vị.

Năm vị đã bị thiệt mạng do lòng căm thù đức tin tại Suances, Tây Ban Nha, vào năm 1937, trong cuộc nội chiến tại nước này.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng đã phê chuẩn các nghị định tuyên dương các nhân đức anh hùng của bảy vị tôi tớ Thiên Chúa, và truyền rằng các vị có thể được vinh danh với danh hiệu “bậc đáng kính”.

13. Đức Thánh Cha tiếp các thành viên tổ chức Ngân Hàng lương thực

Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn và khích lệ tổ chức “Ngân Hàng lương thực” tiếp tục trợ giúp các gia đình túng thiếu, mang lại hy vọng cho nhiều người.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 3 tháng 10, dành cho 7 ngàn người thiện nguyện thuộc tổ chức “Ngân hàng lương thực”, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức này.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện Ông Danilo Fossati, một chủ xí nghiệp trong lãnh vực lương thực, bày tỏ băn khoăn của ông với cha Giussani, người sáng lập Phong trào Hiệp thông và giải phóng, về tình trạng bao nhiêu lương thực còn ăn được, nhưng bị phá hủy, trong khi bao người nghèo khác ở Italia bị đói. Nhờ sự khuyến khích của Cha Giussani, ông Fossati đã thành lập 'Ngân hàng lương thực' cách đây 25 năm, với những người thiện nguyện hằng ngày âm thầm thu thập các thực phẩm còn dùng được để trợ giúp người nghèo.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Ngày nay nạn đói đang lên tới mức độ tai tiếng, đe dọa cuộc sống và phẩm giá của bao nhiêu người. Hàng ngày chúng ta phải đương đầu với sự bất công này: trong một thế giới phong phú tài nguyên lương thực, nhờ những tiến bộ rất lớn về kỹ thuật, nhưng quá nhiều người không có những điều tối thiểu để sinh tồn, và tình trạng này không những ở các nước nghèo, nhưng ngày càng xảy ra tại các nước phát triển và giàu có”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

“Hiện tượng ấy càng trầm trọng hơn do sự gia tăng các làn sóng di dân, mang tới Âu Châu hàng ngàn người tị nạn, rời bỏ quê hương và thiếu thốn mọi sự. Đứng trước một vấn đề lớn lao như thế, lời Chúa Giêsu vang vọng: ‘Ta đói và các con đã cho Ta ăn’ (Mt 25:35)”.

Và Đức Thánh Cha nói với những người thiện nguyện rằng: “Anh chị em hãy tiếp tục hỗ trợ và cộng tác với Ngân Hàng lương thực này trong niềm tín thác, thực thi nền văn hóa gặp gỡ và chia sẻ. Tuy sự đóng góp của anh chị em dường như chỉ là một giọt nước trong biển cả các nhu cầu, nhưng trong thực tế nó rất quí giá! Cùng với anh chị em những người khác cũng cố gắng, và sự kiện này làm cho dòng sông nuôi dưỡng hy vọng của hàng triệu người được lớn mạnh hơn”.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ rằng: “Hằng ngày khi gặp gỡ hàng trăm người nghèo, anh chị em đừng quên họ là những con người chứ không phải là những con số, mỗi người có gánh nặng đau khổ riêng mà nhiều khi dường như không thể vác nổi. Anh chị em luôn để ý đến điều đó, và biết nhìn thẳng vào họ, bắt tay, nhận ra nơi họ thân mình của Chúa Kitô và giúp họ phục hồi phẩm giá và giúp họ đứng dậy”.

14. Hội Đồng Giám Mục Pháp ra tuyên bố chống lại chiến dịch thúc đẩy phá thai của chính phủ Pháp

Hội Đồng Giám Mục Pháp đã ban hành một tuyên bố chỉ trích chiến dịch của chính phủ thúc đẩy phá thai.

Khẩu hiệu của chiến dịch là “cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi, quyền của tôi.”

Trong tuyên bố, các Giám Mục Pháp đã trích một phần trong thông điệp Laudeto Sí của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự chăm sóc các kỳ công sáng tạo.

Các ngài viết:

“Vì tất cả mọi thứ có tương quan với nhau, quan tâm đến việc bảo vệ thiên nhiên cũng không tương thích với sự biện minh cho việc phá thai. Làm thế nào chúng ta có thể thực sự dạy cho tầm quan trọng của việc quan tâm đến những sinh vật dễ bị tổn thương khác, bất kể bao phiền hà hay bất tiện có thể có, trong khi chúng ta lại không bảo vệ được một phôi thai con người, ngay cả khi sự có mặt của phôi thai ấy là khó chịu và tạo ra những khó khăn?”

15. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Mười

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong tháng Mười, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha là:

Ý chung: Cầu xin loại trừ được nạn buôn bán người là một hình thức hiện đại của chế độ nô lệ.

Ý truyền giáo: Cầu cho tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn Kitô giáo tại châu Á, biết rao giảng Tin Mừng cho những người vẫn đang mong đợi.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News