Ngày 14-10-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Têrêxa Avila
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:58 14/10/2014
LỄ THÁNH TÊRÊXA AVILA - Xin cho Ý Chúa nên trọn

1. Đôi nét tiểu sử

Thánh Têrêxa Avila sinh ngày 28-3-1515 tại Gotarrendura, tỉnh Ávila, với tên “cúng cơm” là Teresa Sánchez de
Cepeda y Ahumada, là một nhà thần bí danh tiếng, người Tây Ban Nha, Dòng Kín. Ngài là người cải cách Dòng Kín và được coi là người sáng lập Dòng Kín Chân Đất cùng với Thánh Tiến sĩ Gioan Thánh Giá (1542-1591).

Thế kỷ XVI là thời gian rối loạn và cải cách. Cuộc đời Têrêxa bắt đầu với cao điểm của thời Cải cách của Tin Lành, và chấm dứt sau Công đồng Trentô.

Têrêxa vào tu Dòng Kín ở Avila (Tây Ban Nha) ngày 2-11-1535, dù người cha phản đối dữ dội nhưng ngài vẫn quyết tu Dòng Kín. Têrêxa là một mỹ nhân mà có biệt tài, thân mật, thoải mái, dễ thích nghi, có lòng trắc ẩn, can đảm, nhiệt thành và rất nhân bản. Cũng như Chúa Giêsu, Têrêxa là một bí ẩn của những nghịch lý: khôn ngoan mà thực tế, thông minh mà hài hòa kinh nghiệm, thần bí mà cải cách tích cực và thánh thiện.

Têrêxa là người sống vì Chúa, là một phụ nữ của sự cầu nguyện, kỷ luật và trắc ẩn. Ngài bị hiểu lầm, bị phê phán oan sai, bị chống đối vì cải cách. Nhưng ngài vẫn cương quyết, can đảm và trung tín. Ngài chiến đấu với tính tầm thường của mình, với bệnh tật và với sự chống đối, nhưng ngài vẫn trung thành với Thiên Chúa và cầu nguyện. Ngài là người sống vì tha nhân, luôn canh tân chính mình và Dòng Kín, hướng dẫn chị em sống đúng luật dòng.

Cha của Têrêxa là ông Alonso Sánchez de Cepeda, có tước Hiệp sĩ, và mẹ là Beatriz de Ahumada y Cuevas chuyên tâm giáo dục con gái sống đạo nghiêm túc.Têrêxa thích đọc sách hạnh các thánh.

Lúc 14 tuổi, cô bé Têrêxa mồ côi mẹ nên rất buồn. Ngài sùng kính Đức Mẹ để nhờ Mẹ hướng dẫn tâm linh. Nhưng rồi cô bé quan tâm thái quá tới việc đọc tiểu thuyết và làm dáng, thích chăm chút vẻ đẹp. Nhưng sau đó, cô bé Têrêxa bỏ được các thói quen bất lợi đó.

Ở trong dòng, Têrêxa bị bệnh nặng. Khi bị bệnh, Nữ tu Têrêxa trải nghiệm nhiều cuộc xuất thần trong những giờ đọc sách thiêng liêng. Ngài nói rằng khi bị bệnh, ngài kết hợp mật tiết với Chúa, và ngài thường khóc vì sung sướng. Sự phân biệt tội trọng và tội nhẹ đối với ngài rất rõ ràng, ngài hiểu được sự khủng khiếp của tội lỗi và bản chất của tội nguyên tổ. Ngài cũng nhận biết sự bất lực của việc đối đầu với tội lỗi, và sự cần thiết của việc tuyệt đối phục tùng Thiên Chúa.

Ngài hành xác nhiều (kiểu “đánh tội” ngày xưa). Nhưng Lm Francis Borgia (người giải tội cho ngài, linh mục này đã được phong thánh) khuyên ngài nên nghĩ theo linh hứng của Chúa. Ngày lễ Thánh Phêrô năm 1559, Nữ tu Têrêxa tin chắc rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với ngài. Dạng thị kiến này kéo dài hơn hai năm. Trong lần thị kiến khác, thiên thần Seraphim đã lấy gươm lửa đâm thâu trái tim ngài, làm cho ngài đau nhức cả tinh thần và thể lý mà không thể diễn tả được: “Tôi thấy thiên thần cầm ngọn giáo vàng, lúc đó như có lửa. Thiên thần hiện ra với tôi và đâm ngọn giáo vào trái tim tôi vài lần, và đâm cả vào ruột gan tôi nữa. Khi thiên thần rút ngọn giáo ra, ruột gan tôi như cũng theo ra luôn, và đặt tôi trên ngọn lửa với tình yêu vĩ đại của Chúa. Rất đau, đau tới mức tôi phải kêu lên, nhưng có sự êm ái ngọt ngào vượt hơn hẳn nỗi đau dữ dội kia, tôi không muốn thoát khỏi sự đau đớn ngọt ngào đó”.

Thị kiến này trở thành nguồn cảm hứng sống suốt cả cuộc đời, khiến ngài quyết bắt chước cách sống và chịu đau khổ vì Chúa Giêsu, ngài rút gọn thành câu “châm ngôn sống” này: “Lạy Chúa, hoặc để con chịu đau khổ, hoặc cho con chết đi”.

Năm 1567, Nữ tu Têrêxa được Bề trên Rubeo de Ravenna chấp thuận cho lập dòng mới. Từ 1567 tới 1571, các Tu viện nữ cải cách được thành lập tại Medina del Campo, Malagon, Valladolid, Toledo, Pastrana, Salamanca, và Alba de Tormes.

Thánh Têrêxa được phép lập thêm hai nhà mới cho các thanh niên muốn theo đường lối cải cách. Ngài thuyết phục Thánh Gioan Thánh Giá và Thánh Antôn Chúa Giêsu giúp ngài làm việc này. Tu viện nam Carmelite Chân Đất đầu tiên được thành lập vào tháng 11-1568 tại Duruello.

Năm 1576 bắt đầu có những cuộc bách hại các Dòng Carmelite để chống lại Thánh Têrêxa, bạn bè và cuộc cải cách của ngài. Nhưng vài năm sau thì bình an trở lại, và cuộc cải cách lại tiếp tục. Cuối cùng, ĐGH Grêgôriô XIII cho phép một tỉnh dòng đặc biệt dành cho những người trẻ là “dòng nữ đi chân đất”.

Trong 3 năm cuối đời, Thánh Têrêxa mở thêm các nhà dòng ở Villanueva de la Jara, thuộc miền Bắc Andalusia năm 1580, ở Palencia năm 1580, ở Soria năm 1581, ở Burgos và Granada năm 1582.

Trên đường đi từ Burgos tới Alba de Tormes, ngài bị bệnh nặng. Ngài qua đời vào sáng sớm ngày 15-10-1582. Lời cuối cùng của Thánh Têrêxa Avila: “Lạy Chúa, đã đến lúc con ra đi. Xin cho Ý Chúa nên trọn. Lạy Chúa và là Đức Lang Quân của con, giờ mà con ao ước đã đến. Đây là lúc gặp nhau”.

Năm 1622, sau 40 năm qua đời, ngài được ĐGH Grêgôriô XV phong thánh. Ngày 27-9-1970, ngài được ĐGH Phaolô VI tôn phong là Tiến sĩ Giáo Hội.

Thánh Têrêxa Avila và Thánh Catherina Siena là những phụ nữ đầu tiên được nhận danh hiệu Tiến sĩ Giáo Hội. Cuốn tự truyện “Cuộc đời Nữ tu Têrêxa Avila”, viết năm 1567 theo lệnh của linh mục linh hướng Pedro Ibáñez), và cuốn “El Castillo Interior” (Lâu đài Nội tâm, viết năm 1577) là phần căn nguyên của văn chương phục hưng Tây Ban Nha cũng như tính thần bí Kitô giáo và suy niệm Kitô giáo, như ngài viết trong tác phẩm quan trọng của ngài là cuốn “Camino de Percción” (Con đường Hoàn hảo, viết năm 1567).

Các sách của ngài đều mang tính mô phạm. Ngài còn viết cuốn “Suy niệm về Sách Khôn Ngoan” (viết năm 1567, sách dành cho các nữ tu tại Tu viện Đức Mẹ Camêlô. Cuốn “Relaciones” (Thuật Lại) là phần mở rộng về cuốn tự truyện cũng cho biết những trải nghiệm nội tại và ngoại tại ở dạng những lá thư.

Ngài có hai cuốn sách nhỏ là “Conceptos del Amor” (Khái niệm Yêu thương) và “Exclamaciones” (Than Van). Thánh Teresa có văn phong duyên dáng, tự nhiên, rõ ràng, đồng thời còn làm thơ hay và mượt mà nữa. (Kha Đông Anh).

2. Têrêxa Avila, một tâm hồn nhạy cảm

Trong kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêxa Avila, có một truyện được nhiều tác giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính cách rất riêng của thánh nữ. Đó là truyện “hèn chi Chúa có ít bạn”. Trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá. Thế là thánh nữ buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn không uống. Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và một ly nước. Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ. Chúa Giêsu dỗ dành: “con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gởi cho họ Thánh Giá sao?” và thánh nữ trả lời: “hèn chi Chúa có ít bạn”. Vâng, chỉ với mẫu truyện đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêxa Avila. Đó là sự nhạy cảm.

a. Nhạy cảm trước tình yêu bao la của Thiên Chúa:

Đọc Phúc Âm, ai cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan “ Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng của định nghĩa vắn gọn và tầm cỡ này, đó là chuyện không chỉ dừng lại trong ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dẫn bước kiếm tìm, thậm chí vào sinh ra tử.Thánh Gioan tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa, nhưng với Têrêxa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa hoạt động để kiếm tiền, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.

Trên bức tượng ” Ecce Homo – này là người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết vì người mình yêu, Têrêxa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà chịu khổ, thì con người cũng phải làm sao đáp lại cho cân xứng với tình yêu của Chúa dành cho mình. Và thế là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của riêng mình là ” lấy tình yêu đáp trả tình yêu”, và cứ thế, như ngọn lửa một khi đã bừng lên thì không có gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.

Người ta vẫn nói: đường nên thánh của Têrêxa là con đường: “ bốc lửa”: lửa chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng đến nỗi có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.

b. Nhạy cảm trước tội lỗi của con người

Một khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống, một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêxa bỗng trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy, trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả vì con người và cho con người.

Phản bội trong chính trường được xem là mưu mô. Phản bội trong thương trường được coi là mánh mung. Nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất. Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi Giuđa trong vườn Cây Dầu là “ anh lấy cái hôn mà nộp con người sao?” (Lc 22, 48) vì Giuđa là kẻ phản bội. Và trong truyện “hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên, Têrêxa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà là vì tội tình của người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.

Rõ ràng, Têrêxa là một tâm hồn nhạy cảm. Từ nhạy cảm ngây ngất trước tình thương xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn ôm lấy “phận cỏ mình rơm”, Têrêxa tự nhiên nhảy cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội làm tê dại cõi lòng. Hóa ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn trước sự khốn cùng của tội lỗi con người.

c. Nhạy cảm trước đường nên thánh là đường Thánh Giá.

Đã có lần Chúa Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của muôn đời cho những ai dám gá đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn nên bạn hữu của Ngài. Vâng, “yêu ai yêu cả đường đi”. Yêu Chúa cũng yêu cả con đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh Giá, không phải là “mười bốn chặng đường” ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại ý Chúa.

Nếu “yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày. Như lương thực hằng ngày của “Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập chững đầu tiên cho đến khi thuần thục để có thể hiên ngang tiến tới trên đường trọn hảo. Đó là đường tình yêu. Mênh mông tình Chúa, mong manh tình người, nên cũng là đường Thánh Giá, đường thương khó.

“Yêu Chúa” nói và hát thì dễ nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhảy cảm mới có thể dự đoán và an tâm bước đều. Chúa chúng ta kỳ lắm. Người yêu những kẻ đóng đinh. Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người yêu và tặng những kẻ yêu Người cây Thánh Giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai dẳng hoài hoài trong đời. Bằng một tâm hồn nhảy cảm thánh đức, Têrêxa đã hiểu đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.(ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

3. Vẻ đẹp chiêm niệm

Ơn gọi Dòng Cát Minh là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Các nữ đan sĩ sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa trong tình thân hữu với Đức Kitô và sự mật thiết với Đức Maria. Cầu nguyện và chiêm niệm các thực tại thần linh. Thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Cộng đoàn huynh đệ nhỏ, được thiết lập trên nền tảng cô tịch, nguyện gẫm và khó nghèo triệt để. Do vậy, việc tông đồ của Dòng Cát Minh là thuần tuý chiêm niệm hệ tại ở cầu nguyện và hy sinh với Giáo Hội và cho Giáo Hội, không có các hình thức hoạt động bên ngoài.

Đúng theo lý tưởng Mẹ Thánh Têrêxa, Đấng cải tổ Dòng, các nữ đan sĩ sống đời chiêm niệm hướng về Giáo Hội trong sự hài hoà giữa bầu khí cô tịch và thinh lặng, lấy lòng mến Chúa làm trung tâm và lấy tình bác ái huynh đệ hiệp với sự từ bỏ quảng đại theo tinh thần Phúc Âm làm quy luật.

Thánh Kinh luôn ca tụng vẻ đẹp núi Cát Minh, nơi tiên tri Êlia đã chiến đấu bảo vệ niềm tin của dân Israel đối với Thiên Chúa hằng sống. Ở đó, bên dòng suối mang tên của Vị Tiên Tri, bắt đầu từ thế kỷ XII trở đi, một số đan sĩ đã đến lập Dòng và xây cất một nguyện đường kính nhớ Mẹ Thiên Chúa và đã xin Giáo Chủ Giêrusalem một quy luật để sống. Chính vì thế mà họ được gọi là đan sĩ Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Các đan sĩ này đã chọn Đức Maria làm quan thầy, chẳng những cho thánh đường mà còn cho cả cộng đoàn, coi Ngài như Mẹ và gương mẫu hướng dẫn đời sống tu trì. Lễ này được cử hành đó đây từ thế kỷ XIV, lần hồi đã lan rộng ra cả Dòng ở khắp nơi như biểu hiện lòng tri ân của con cái trong Dòng về bao phúc lộc mà Mẹ Thiên Chúa đã ban cho gia đình Cát Minh.

Ngoài lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh là lễ chung cho cả Hội Dòng, mỗi Đan viện còn có một Thánh Quan Thầy riêng:

Đan viện Sài Gòn: Thánh Cả Giuse
Đan viện Bình Triệu: Đức Mẹ Núi Cát Minh
Đan viện Nha Trang: Chúa Kitô Vua
Đan viện Huế: Mẹ Thánh Têrêxa

Thánh Têrêxa Avila đã yêu mến và sống thân mật vơi Chúa Giêsu như người bạn thân, ngài được Chúa mạc khải nhiều điều bí nhiệm, nhất là hướng dẫn ngài chỉnh đốn lại Dòng Kín Camêlô, với luật dòng nghiêm nhặt. Tất cả các Nữ tu đều tách biệt cuộc sống phàm trần, tận hiến đời mình cho kinh nguyện và hy sinh để cứu rỗi các linh hồn. Nhờ sự hiệp nhất trong bác ái, các nữ đan sĩ luôn sống vui tươi và bình an trong Tình Yêu Chúa. Mỗi ngày sống kết hiệp thâm sâu hơn với Thiên Chúa trong tình thân hữu với Đức Kitô và Mẹ Maria. Cuộc sống hàng ngày thầm lặng đơn sơ bé nhỏ. Đời sống cầu nguyện chiêm niệm và hy sinh được nối kết với một tình yêu lớn lao dành cho Thiên Chúa, Giáo Hội và các linh hồn. Sống đời đan tu, thầm lặng mà sâu lắng trong chiêm niệm và hy sinh.
 
Niềm vui của ngươi loan báo tin mừng
Jos. Vinc. Ngọc Biển
08:47 14/10/2014
NIỀM VUI CỦA NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG

(KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO - 2014)

Cách đây ít lâu, vào Năm Thánh 2000, người giáo dân Việt Nam có ấn tượng rất vui đối với thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với tựa đề: “Hãy vui lên”. Khi ngỏ lời với từng thành phần: “Các linh mục, tu sĩ và chủng sinh; các cụ cao tuổi; những người cha; người mẹ; các bạn trẻ; các em thiếu nhi và anh chị em đau yếu, khổ cực, buồn phiền, bị bỏ rơi – Hãy Vui Lên!”. Khi nghe lời mời gọi của các vị Chủ Chăn, ai nấy đều cảm thấy tràn trề niềm hy vọng.

Năm nay, nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày cả thế giới cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gửi thông điệp đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa trên toàn thế giới. Nội dung của thông điệp đều nói đến: niềm vui của người loan báo Tin Mừng.

Như vậy, ta có thể hiểu rằng: loan báo và đón nhận Tin Mừng phải là một niềm vui sâu xa cho cả người đón nhận và người loan báo.

1. Nhu cầu cấp bách của việc loan báo Tin Mừng

Từ sau Công Đồng Vaticanô II, cách riêng từ những thập niên cuối thế kỷ 20, chúng ta không ngừng nhắc đến hai từ “Truyền Giáo”, hay cụm từ đồng nghĩa “Loan Báo Tin Mừng”. Tuy nhiên, loan báo Tin Mừng có đem lại cho chúng ta niềm vui, hay đúng hơn người loan báo Tin Mừng có cảm thấy vui mừng vì họ đang được tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cho nhân loại hay không? Đây là câu hỏi được đặt ra cho từng người chúng ta mỗi dịp lễ Khánh Nhật Truyền Giáo.

Thật vậy, sứ mạng truyền giáo phải được người tham gia cảm được, thấu được sự hạnh phúc khi họ đang được diễm phúc làm cho lệnh truyền của Đức Giêsu hiện tại hóa nơi hành động, lời rao giảng của chính mình: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Đồng thời, niềm thao thức, sự khát khao cho muôn dân được cứu độ phải nung đốt tâm hồn những người tham gia sứ vụ này như một luật buộc vì lòng mến. Nói như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Xác định như thế, chúng ta thấy: sứ vụ Loan Báo Tin Mừng là của chúng ta, thuộc về chúng ta. Sứ vụ này là bản chất của Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội không ngừng loan báo điều mà mình đã tin và lãnh nhận. Nếu không loan báo thì chẳng khác gì kẻ khờ dại không biết sinh lời nén bạc đã được Chúa trao, ngược lại, vô tình, chúng ta đã chôn vùi dưới lòng đất. Không loan báo Tin Mừng là chúng ta phản bội lại chính mình, vì hẳn chúng ta đang bị đánh mất mình khi không sống đúng bản chất.

Sứ vụ này lại càng khẩn thiết khi xã hội và con người đang lao xuống dốc với vận tốc quá nhanh, khiến cho nhiều người mất phương hướng khi không biết hay không thể dừng chân để suy nghĩ lại niềm hy vọng hay mục đích tối hậu của cuộc đời mình.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” đã viết: "Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ" (Evangelii Gaudium, 2).

Đứng trước thực trạng đó, chúng ta không thể ngồi yên khi thế giới này đang mất dần hy vọng khi bám víu vào những điều mau qua chóng hết mà không hề có hy vọng đích thực. Vì thế, cuộc đời buồn tẻ đang bao trùm nhân loại, và một ngày nào đó, con người sẽ phải thất vọng khi lấn sâu vào con đường diệt vong (xc. Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2014).

2. Sức hút nơi người tông đồ là niềm vui có Chúa

Tuy nhiên, loan báo bằng cách nào; thái độ của chúng ta ra sao khi đứng trước sứ mạng cũng như trong khi loan báo Tin Mừng cho anh chị em?

Để trả lời cho vấn nạn trên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo, ngài đã thổ lộ tâm tình của mình với các nhà truyền giáo như sau: “Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em” (xc. Sứ điệp truyền giáo năm 2014).

Như vậy, niềm vui là điều rất cần thiết cho hồn người tông đồ. Nếu không có niềm vui, người loan báo sẽ không thể cảm thấy một niềm hạnh phúc phát xuất từ sứ mạng, và như vậy, thay vì loan báo Tin Mừng, họ sẽ loan tin buồn! Hoặc quá mâu thuẫn khi chúng ta mang trong mình một não trạng được biểu hiện qua hành động bằng thái độ buồn rầu, thất vọng khi giới thiệu một Đức Giêsu là Chúa Cứu Thế mang lại niềm vui và hy vọng cho nhân loại!

Những lúc như vậy, người tông đồ đã làm cho hình ảnh của Đức Giêsu trở nên méo mó ngang qua hành động của mình. Và như thế, người được ta loan báo Tin Mừng, họ không dại gì lại đi tin và theo một Đức Giêsu không có gì hấp dẫn, không có gì hy vọng và không hề có niềm vui! Điều này đã mang lại cho chúng ta sự thất vọng và sứ vụ bị hiểu sai cũng như thi hành không đúng.

Khi nói về sự phản chứng nơi người tông đồ khi loan báo Tin Mừng, Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận đã nói như sau: “Ưu sầu, chán nản, năn nỉ, phàn nàn... Lúc này người ta mới thấy rõ giá trị những lời khuyên nhủ hùng hồn, những lời tuyên bố nẩy lửa của con đến đâu. Thấy mặt con, ai dám theo Chúa nữa?” (ĐHV. số 538). Tại sao vậy? Thưa bởi vì: chúng ta không nuôi dưỡng niềm vui rao giảng Tin Mừng (xc. Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2014)

3. Nguyên nhân sâu xa để có được niềm vui là lòng mến

Nuôi dưỡng niềm vui là gì nếu không phải là lòng mến! Thật vậy, vì yêu mến Chúa, tôi hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả... Vì yêu mến, tôi phải vui mừng vì đang được chung chia tâm tư, thao thức của người mình yêu. Vì yêu mến, tôi cũng mong muốn cho mọi người được hưởng sự vui mừng mà tôi đang tận hưởng.

Như vậy, nguyên nhân sâu xa chính là người tông đồ không để cho tình yêu của Đức Giêsu xâm chiếm tâm hồn. Hoặc cũng không để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần nung nấu trái tim. Vì thế, hồn người tông đồ đâu có say mê Nước Thiên Chúa và đâu có niềm vui khi rao giảng Tin Mừng!

Khi nói về bản chất của niềm vui được khởi đi từ lòng mến và được đức ái thúc đẩy, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã nói trong Thông điệp ngày thế giới truyền giáo 2006 như sau: "Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm".

Muốn trở nên người tông đồ thực thụ vì chan chứa niềm vui, người được sai đi loan báo Tin Mừng phải gặp gỡ thân tình với Đức Kitô, cảm nghiệm được ơn gọi và sứ vụ cao quý của mình, và phải yêu mến những người mà mình có cơ may tiếp xúc, nhất là với người nghèo, người bị bỏ rơi, người sống bên lề... Có được điều đó, người tông đồ sẽ đem lại cho họ niềm vui đích thực khi trong mình đang tỏa lan một niềm vui có Chúa.

Thật thế, Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, hay nói cách khác, Ngài chính là cội nguồn của niềm vui và hạnh phúc. Vì thế, người loan báo và người đón nhận, tất cả đều được: "Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh." (Evangelii Gaudium, 1).

Mong sao, mỗi người chúng ta hãy hân hoan vui mừng trước, trong và sau khi loan báo Tin Mừng. Chúa sẽ không bao giờ vui vì một người loan báo Tin Mừng nhưng lại với một khuôn mặt buồn rầu, ủ rũ. Biểu hiện đó làm cho họ tự mâu thuẫn với chính mình. Đức cố Hồng Y Phanxicô X. đã nói: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn”.

Như vậy, niềm vui của Chúa tràn ngập tâm hồn chúng ta và qua đó, chúng ta đem lại cho nhân loại một niềm hy vọng lớn lao là có niềm vui của Chúa ở cùng. Như thế, đến ngày sau hết, chúng ta sẽ vui mừng vì: “Tên anh em đã được ghi trên trời" (Lc 10,20).

Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, xin Chúa ban cho chúng con những thợ gặt lành nghề để ra đi gặt lúa về cho Chúa. Tuy nhiên, xin Chúa ban cho Giáo Hội những thợ gặt với tâm hồn chan chứa niềm vui để đem lại niềm hy vọng cho con người. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 14/10/2014
ĐAU KHỔ RỒI MỚI BIẾT ĐỦ
N2T

Có một người vì thuyền bị sự cố nên phiêu bạt một mình trên biển hơn hai mươi ngày, nhờ nước mưa và cá bay mà duy trì mạng sống rất gian khổ.
Sau khi được cứu, có người hỏi ông ta trong lòng cảm nhận như thế nào ?
Người ấy trả lời khi tim còn đập mạnh:
- “Tôi chỉ cần có thực vật ăn vào cho no bụng, có đủ nước để giải khát, thì cả đời tôi lấy làm thỏa mãn lắm rồi”.
(Trích trong "Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn")

Suy tư:
Người ta thường nói “sau cơn mưa trời lại sáng”, hoặc là “qua hồi bỉ cực đến hồi thái lai”, bởi vì không ai giàu ba họ và cũng không ai khó ba đời” cả.
Có người biết sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng không chịu sửa nhà sửa cửa khi trời còn sáng khô ráo, cho nên nhà dột vẫn cứ nhà dột; có người tự an ủi mình cuộc đời sẽ đến hồi thái lai, nhưng khi thời thái lai đến thì không chịu tích trử tiết kiệm, cuối cùng thì cũng mang khổ vào thân, đói vẫn cứ đói.
Có những người Ki-tô hữu trong thời bị bách hại đạo, trốn chui trốn nhũi để đi xem lễ, họ ước ao mỗi tháng được tham dự một thánh lễ thì cũng thỏa mãn lắm rồi, nhưng đến khi được tự do thoải mái thờ phượng Chúa thì họ lại trốn nhà thờ, coi việc đi lễ là một cực hình.
Thiên Chúa luôn dùng mọi hoàn cảnh để dạy dỗ huấn luyện đức tin của người Ki-tô hữu, người hiểu biết thì không oán trách trời đất, nhưng luôn cảm tạ tình yêu Chúa ban cho trong mọi hoàn cảnh, dù thái lai hay bỉ cực, dù hạnh phúc hay đau khổ, thì họ vẫn luôn yêu mến và trung thành với Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những chỉ trích của các nghị phụ về bản Phúc Trình Sau Thảo Luận
Đặng Tự Do
13:58 14/10/2014
Phiên họp khoáng đại thứ 11 tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình đã diễn ra hôm thứ Hai 13 tháng 10 trong đó các nghị phụ đã trao đổi về Phúc Trình Sau Thảo Luận (relatio post disceptationem) do Đức Hồng Y Peter Erdő của Hung Gia Lợi, Tổng Tường Trình viên tại Thượng Hội Đồng soạn thảo và trình bày.

Bản Phúc Trình đã kêu gọi các mục tử nhận ra các yếu tố tích cực trong tất cả các hoàn cảnh gia đình, thậm chí khi những hoàn cảnh này mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội.

Bản tóm lược dành cho giới truyền thông được phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra một ngày sau đó, tức là ngày thứ Ba 14 tháng 10, cho thấy các nghị phụ đã thảo luận sôi nổi về Phúc Trình này.

Bản tóm lược – có thể đọc toàn bộ tại đây [1] – cho thấy các nghị phụ "nói chung. .. đánh giá cao khả năng 'nắm bắt' các bài phát biểu diễn ra vào tuần trước của phúc trình này. Các nghị phụ cũng ca ngợi phúc trình đã có thể chuyển tải tình yêu của Giáo Hội đối với những người đang chịu đau khổ trong những tình huống mục vụ khó khăn.”

Tuy nhiên, các nghị phụ cũng chỉ trích phúc trình này về những điểm sau:

- Thượng Hội Đồng nên đặt trọng tâm nhiều hơn về sự bất khả phân ly của hôn nhân Công Giáo, hơn là tập trung quá nhiều vào "những tình huống bất toàn của các gia đình"
- Cần thiết phải làm rõ nghĩa của từ ngữ “thuyết tiệm tiến” (gradualism)
- Có nguy cơ là kỷ luật bí tích càng ngày càng sa sút khi ban cấp những ngoại lệ liên quan việc rước lễ của những người ly dị và tái hôn.
- Từ ngữ "tội lỗi" hầu như vắng mặt trong suốt bản phúc trình.
- Thượng Hội Đồng không nên chiều theo não trạng của thế gian
- Khi cung cấp việc chăm sóc mục vụ cho những người đồng tính, Giáo Hội không nên "tạo ra một ấn tượng đánh giá tích cực khuynh hướng này"
- Thượng Hội Đồng nên thảo luận về những vấn đề thời sự như việc mướn người đẻ thuê và những phim ảnh khiêu dâm
- Thánh Gia phải được trình bày như là một mô hình của cuộc sống gia đình
- Thượng Hội Đồng nên khuyến khích và cảm ơn các gia đình Công Giáo trung tín với giáo huấn của Giáo Hội

[1]http://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2014/10/14/0754/03039.html
 
Ngoại ô Baghdad thất thủ, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi can thiệp quốc tế
Đặng Tự Do
07:31 14/10/2014
Thông tấn xã AINA của Giáo Hội Assyriô cho biết các tín hữu Kitô ở Baghdad, và ở Qara Tappah đã chìm trong đau buồn và âu lo sau khi toàn bộ tỉnh Anbar thất thủ vào tay quân khủng bố Hồi Giáo IS vào hôm Chúa Nhật 12/10. Ba vụ nổ xe bom đã diễn ra tại Qara Tappah, trong vùng kiểm soát của người Kurds, hôm thứ Bẩy giết chết hơn 100 quân nhân Kurds. Cũng vào ngày thứ Bẩy, chuẩn tướng cảnh sát Ahmed al-Dulaimi, đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS phục kích giết chết tại Ramadi. Thêm vào đó, ba vụ nổ xe bom khác làm chấn động thủ đô Baghdad, đã giết chết 33 thường dân vô tội.

Bất chấp bị liên quân dội bom, quân khủng bố Hồi Giáo IS chỉ còn cách thủ đô Iraq chưa đầy 20km và có khả năng đe doạ phi trường quân sự Baghdad nơi xuất phát các cuộc tấn công của không quân Hoa Kỳ.

Tình hình tại thành phố Kobane giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên tuyệt vọng vì nhiều mặt trận nổ ra cùng một lúc.

Từ Cario, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban-Kimoon nói:

"Hàng ngàn mạng sống đang bị đe dọa. Tôi tái kêu gọi tất cả các bên đứng lên để chặn đứng một vụ thảm sát thường dân ở Kobane".

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, sứ thần Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, cũng lên tiếng là "cộng đồng quốc tế phải can thiệp" để bảo vệ các nhóm thiểu số bị bách hại ở Trung Đông nếu chính phủ các nước liên hệ không thể bảo vệ họ.

Phát biểu tại một cuộc họp hôm Thứ Hai 13 tháng 10, Đức Cha nói: "Trách nhiệm bảo vệ người dân" là sự công nhận sự bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật, dựa trên phẩm giá bẩm sinh của mỗi người nam nữ. Tòa Thánh muốn tái khẳng định rằng tất cả các nhà nước có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ người dân của mình khỏi những tấn kích nghiêm trọng, khỏi những vi phạm các quyền con người, và khỏi những hậu quả của các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nếu các quốc gia không thể đảm bảo sự bảo vệ đó, cộng đồng quốc tế phải can thiệp với các phương tiện pháp lý đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và trong các văn kiện quốc tế khác.
 
Âu lo của các nghị phụ với bản Phúc Trình Sau Thảo Luận
Đặng Tự Do
20:38 14/10/2014
Tranh cãi đã trở nên sôi nổi bên trong Thượng Hội Đồng Giám Mục trong hai ngày thứ Hai 13/10 và thứ Ba 14/10 vì nhiều nghị phụ phàn nàn rằng bản Phúc Trình Sau Thảo Luận đưa ra hôm thứ Hai đã không phản ánh đúng những suy nghĩ của Thượng Hội Đồng.

Bên ngoài Thượng Hội Đồng những tranh cãi cũng đã nổ ra. Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba để giới thiệu bản Phúc Trình Sau Thảo Luận, các phóng viên đặt nhiều câu hỏi chất vấn về một số đoạn gây nhiều tranh cãi của tài liệu. John Allen của tờ Crux cho biết những câu trả lời được đưa ra trong cuộc họp báo liên quan đến tuyên bố nói rằng "Các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhận định rằng những người đồng tính cũng có những ơn phúc và tài năng để cống hiến cho cộng đồng Kitô hữu" đã tạo ra cả những tranh cãi bên ngoài Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Raymond Burke, người đã liên tục lên tiếng bênh vực giáo huấn truyền thống về hôn nhân của Giáo Hội, cáo buộc rằng bản Phúc Trình không phản ánh chính xác các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng, nhưng "trên thực tế lại đề xuất những quan điểm mà nhiều nghị phụ không thể chấp nhận, và tôi có thể nói những mục tử trung thành với đoàn chiên không thể chấp nhận." Vị Hồng Y Mỹ cho biết rằng"một số lượng lớn những nghị phụ của Thượng Hội Đồng phản đối Phúc Trình này. "

Bản tóm tắt chính thức các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng được phòng báo chí Tòa Thánh đưa ra hôm thứ Ba 14/10 cũng tỏ ra ủng hộ nhận định của Đức Hồng Y Raymond Burke. Thật vậy, bản tóm tắt đề cập đến việc các nghị phụ yêu cầu làm rõ ý nghĩa của "thuyết tiệm tiến", trong khi phải nhấn mạnh hơn vào giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân bí tích, một lời khẳng định mạnh mẽ của tính chất bất khả phân ly của hôn nhân, và sự khẳng định những tội lỗi nghiêm trọng trong các trường hợp quan hệ đồng tính, đa thê và quan hệ ngoài hôn nhân. Đức Hồng Y Burke nói thêm rằng bản Phúc Trình "thiếu một nền tảng vững chắc về Thánh Kinh và Huấn Quyền." Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng nên đưa ra một tuyên bố có thẩm quyền xác nhận các yếu tố thiết yếu của giáo huấn Công Giáo về hôn nhân.

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, nói với Đài phát thanh Vatican rằng bản Phúc Trình thất bại trong việc đưa ra hỗ trợ vững chắc cho những gia đình "tốt, bình thường" đang phấn đấu để thực hiện lý tưởng Kitô giáo của hôn nhân. Ngài nhận định rằng những vấn đề của bản Phúc Trình "không chỉ ở những quan điểm tài liệu đề cập đến nhưng nghiêm trọng hơn là ở những điểm mà tài liệu này đã không nhắc đến". Đức Tổng Giám Mục than thở rằng "Tài liệu tập trung quá nhiều vào những trường hợp ngoại lệ, nhưng những gì là cần thiết để công bố sự thật đức tin thì không được nhắc đến."

Nhiều nghị phụ quan sát rằng việc công bố bản Phúc Trình đã gây ra một khối lượng thông tin rất lớn của giới truyền thông, phần lớn là không chính xác, đưa ra ấn tượng rằng Giáo Hội sẽ thay đổi giáo huấn của mình.

"Chúng ta đang ở trong một tình trạng vô phương cứu vãn," Đức Hồng Y Wilfrid Fox Napier của Nam Phi nói "Người ta nói rằng đây là những gì Thượng Hội Đồng là nói, rằng đây là những gì Giáo Hội Công Giáo nói. Bất cứ điều gì chúng ta nói sau này sẽ có vẻ như chúng ta đang cố làm giảm bớt những thiệt hại."
 
Thượng Hội Đồng về Gia Đình: các nhận định không thuận lợi cho phúc trình sau thảo luận
Vũ Văn An
23:30 14/10/2014
Bản phúc trình vừa được công bố ngày 13 tháng Mười thường được gọi là bản phúc trình sau thảo luận, nhưng thực ra gọi là bản phúc trình giữa khóa mới đúng, vì cuộc thảo luận tại THĐ có tính chuẩn bị này vẫn chưa hoàn tất. Các nhóm thảo luận nhỏ theo ngôn ngữ đang làm việc ráo riết để hoàn tất mục tiêu của THĐ lần này. Bản phúc trình vì thế là dụng cụ để các nhóm này đào sâu.

Các vị trong hội đồng đặc trách THĐ và các vị chủ tịch luân phiên của THĐ lần này đều đã lên tiếng minh xác như thế. Phòng Báo Chí của Tòa Thánh cũng chính thức cảnh cáo rằng: đã có những giá trị được gán cho bản tường trình này nhưng không tương hợp với bản chất của nó. Nó chỉ là bản tóm lược cuộc thảo luận trong tuần trước của THĐ, là “một tài liệu để làm việc”, nó không phải là một văn kiện có tính thẩm quyền, mà chỉ được dùng làm căn bản để THĐ thảo luận tiếp trong tuần lễ thứ hai.

Tuy nhiên, phần lớn dư luận, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội không nghĩ vậy. Hơn nữa, không hẳn chỉ là dư luận mà là nhận định của chính các nghị phụ THĐ.

Đức Hồng Y Raymond Burke chẳng hạn cho rằng bản phúc trình này không phản ảnh chính xác các cuộc thảo luận tại THĐ, mà thực tế, đã “đẩy mạnh các chủ trương mà nhiều nghị phụ THĐ không chấp nhận, và, tôi dám nói, trong tư cách các mục tử trung thành của đoàn chiên không thể chấp nhận”. Ngài mạnh mẽ cho hay “một số đông các nghị phụ THĐ thấy bản tường trình này đáng phản đối”.

Bản tóm lược chính thức các cuộc thảo luận ngày 13 tháng Mười, do Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố, đã củng cố nhận định trên. Bản tóm lược này cho biết: nhiều vị tham dự THĐ yêu cầu phải minh xác về nguyên tắc “tiệm tiến”, phải nhấn mạnh nhiều hơn tới giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới cuộc hôn nhân bí tích, phải nhìn nhận sự hiện hữu của tội lỗi, và phải mạnh mẽ quả quyết tính bất khả tiêu của hôn nhân. Riêng Đức HY Burke thì cho rằng bản tường trình giữa khóa “thiếu nền tảng vững chắc của Thánh Kinh và Huấn Quyền”. Ngài nói thêm rằng đã đến lúc, Đức GH Phanxicô nên lên tiếng về các yếu tố có tính yếu tính của giáo huấn Công Giáo về hôn nhân.

Đức TGM Stanislaw Gadecki, chủ tịch HĐGM Ba Lan, cho Đài Phát Thanh Vatican hay: bản tường trình giữa khóa này đã không cung cấp được một hỗ trợ vững chắc đối với “các gia đình tốt lành, bình thường, và thông thường” đang cố gắng chu toàn các lý tưởng hôn nhân Kitô Giáo. Ngài cho rằng “người ta chú ý không phải các điều bản tường trình này nói mà là những điều nó không nói. Nó tập chú vào các nố trừ, nhưng điều cần là phải công bố sự thật”.

Nhiều vị giáo phẩm khác nhận xét rằng việc công bố sớm bản tường trình đã gây nên cả một khối lượng tin tức lớn, phần lớn sai lạc, khiến người ta có cảm tưởng Giáo Hội đang thay đổi giáo huấn của mình. Đức HY Wilfrid Fox Napier của Nam Phi cho hay: “hiện nay, chúng ta đang làm việc từ một tư thế gần như không thể cứu chữa được nữa. Sứ điệp đã và đang được truyền lan quả quyết rằng đây là điều THĐ nói, đây là điều Giáo Hội Công Giáo nói. Bất cứ điều gì chúng ta nói sau đó xem ra đều là những điều phá hoại”.

Một phóng viên cựu chủng sinh tên Joe Sparks gọi bản tường trình giữa khóa là một tài liệu kỳ cục, chưa từng có bao giờ sau khi ông ở Rôma cả hàng trăm lần. Ông bảo có bao giờ một tài liệu phát xuất từ Vatican lại có những đoạn như đoạn 50, 51 và 52 đâu. Những đoạn này nói về người đồng tính rằng: nơi họ có nhiều hồng phúc và phẩm tính để cống hiến cho cộng đồng Kitô giáo!

Chưa hết, trước sự ngơ ngác của một số phóng viên và câu hỏi họ nêu ra để các vị chủ trì cuộc họp báo trả lời, “chỉ trừ Đức HY Erdo ra, mọi vị khác đều nói loanh quanh không xứng danh với một Giáo Hội mưu tìm công bố sự thật của Tin Mừng”.

Ông nêu tỉ dụ: một nữ phóng viên của Đài RAI, Ý, hỏi về việc liệu con cái có quyền được giáo dục bởi một người cha “đàn ông” và một người mẹ “đàn bà” hay không, thì một vị Hồng Y (không tiện nêu tên) chỉ nói tới quyền giáo dục của cha mẹ đối với con cái, không đụng gì tới yếu tố “đàn ông”, “đàn bà” của cha mẹ các em, vốn là trọng điểm của câu hỏi.

Điều Joe Sparks lưu ý hơn cả là bản tường trình thường chỉ được công bố vào cuối một THĐ sau khi đã được THĐ thông qua và sau đó được đệ trình cho Đức Giáo Hoàng. Lần này có khác, còn cả một tuần lễ nữa THĐ đặc biệt này mới kết thúc, vậy mà đã có 1 tường trình, lại còn gọi là tường trình sau khi thảo luận nữa, dù nó “được soạn một cách nghèo nàn, nhiều sai lầm sâu xa, và là một bản văn, trong căn bản, có tính lừa dối” .

Trên đây, ta đã thấy Đức HY Burke mong muốn Đức Phanxicô lên tiếng về yếu tính của giáo huấn Giáo Hội về hôn nhân. Cho tới nay, chưa thấy Đức Phanxicô nói gì nhưng bài báo ngày 14 tháng Mười của John Allen Jr. về bài giảng mới đây của ngài ở Nhà Thánh Mácta cho thấy phần nào ý hướng của ngài về đề tài nóng bỏng này.

Trong bài giảng ngày 13 tháng Mười, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “luật lệ tự nó không phải là một cùng đích”. Các bậc thầy xưa của luật Do Thái coi Chúa Giêsu là kẻ tội lỗi và người phá luật chỉ vì “họ tự đóng khung trong hệ thống của họ”. Những kẻ duy luật pháp này đã quên hẳn “họ là dân lữ hành. Khi ta khởi đầu cuộc lữ hành… ta luôn gặp những điều mới, những điều ta chưa biết”.

Ngoài ra, Đức Phanxicô cho hay: các thày dạy của Luật Lệ cũng quên rằng “Thiên Chúa là một Thiên Chúa của những bất ngờ. Ta nên xin Chúa cho ta một trái tim biết yêu luật, vì luật thuộc về Thiên Chúa, và biết yêu cả các bất ngờ của Thiên Chúa nữa và khả năng hiểu rằng luật thánh tự nó không phải là một cùng đích”.

Allen cho rằng những lời trên khó mà không hiểu là một dự ứng cho cuộc tranh cãi nổ ra sau đó nhân dịp công bố bản tường trình giữa khóa. Và trong khi, về mặt chính thức, đây chỉ là một tường trình tạm thời, nhưng vị Thư Ký Đặc Biệt của THĐ lần này, Đức TGM Bruno Forte, lại nói như “đinh đóng cột” rằng “sự trung thực trí thức và tình bác ái thiêng liêng” đòi ta phải nhìn nhận các giá trị của người đồng tính. Chính vì thế, nhiều nhóm phò gia đình và sự sống đã cho rằng Vatican đang lùi bước trong cuộc chiến văn hóa và cho rằng bản tường trình này là một “phản bội”.

Họ không hẳn quá đáng, khi BBC nói rằng THĐ lần này mang chiến thắng lại cho Đức Phanxicô trong các vấn đề đồng tính. Ký giả David Willey của đài này viết bừa rằng “phần lớn các giáo sĩ tại THĐ ủng hộ chủ trương ôn hòa của Đức Phanxicô về các vấn đề gia đình”.

Tuy không nói rõ chủ trương ôn hòa này là như thế nào nhưng ông cho hay: “Ngài đã thuyết phục được nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo làm dịu ngôn ngữ cực kỳ phê phán trước đây đối với các cuộc kết hợp đồng tính và thừa nhận rằng các người đồng tính có thể có ‘những ơn phúc và phẩm tính để cung hiến’”.

Cứ làm như Đức Phanxicô vận động ngầm để “phần lớn” THĐ chịu thay đổi chủ trương về phía ngài, trong khi chính ngài chưa nói rõ chủ trương của ngài ra sao. Ông cho rằng tuy tín lý về các vấn đề này vẫn được lặp lại, nhưng Đức Phanxicô đã “thay đổi nhấn mạnh bằng cách tập trung vào các khía cạnh tích cực chứ không tiêu cực của tính dục con người”.

Willey cũng cho hay: phản ứng của các nhóm đồng tính Công Giáo khắp thế giới rất thuận lợi cho bản tường trình. Tổ chức Quest tại London mô tả bản tường trình này như một “đột phá”. Còn Thừa Tác Vụ Tân Đạo ở Mỹ gọi nó là “một bước lớn tiến về phía trước”.

Margery Eagan thì thuật lại phản ứng của “một gia đình” đồng tính ở Boston gồm “hai bà mẹ” và hai cô con gái nuôi. Một bà là Marianne Duddy-Burke, tổng giám đốc toàn quốc của Dignity USA, một tổ chức đã có từ 41 năm nay nhằm vận động GH Công Giáo thay đổi giáo huấn về đồng tính.

Hôm qua, “gia đình” này hân hoan vì “lời cầu nguyện của họ đã được đáp ứng khi các vị giám mục Công Giáo tại Vatican công bố bản phúc trình lâm thời kêu gọi Giáo Hội chấp nhận các cặp đồng tính và con cái của những cuộc kết hợp này”.

Nói thế rồi, Duddy-Burke thú thực: “bả” không có ảo tưởng gì về bản tường trình này, nó chỉ là một tài liệu lâm thời. “Nhưng chuyển từ chỗ gọi chúng tôi là cái ác nội tại qua chỗ nói như thế này quả là một dấu hiệu có ý nghĩa… Trước đây, Vatican chưa bao giờ nói điều gì tích cực về các mối liên hệ đồng tính. Nhưng trong tài liệu này, họ đang ca ngợi việc cam kết dài hạn và bản chất hy sinh của nó”.

Người ta hy vọng rằng những “mờ mờ ảo ảo” do bản tường trình giữa khóa này tạo ra sẽ khiến các nghị phụ THĐ có quan điểm dứt khoát hơn hướng về phía tích cực của cả hôn nhân lẫn gia đình, phù hợp với ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc, và cho công bố một bản tường trình khác với bản tường trình tạm thời này.

Đôi dòng về luật tiệm tiến

Các phản ứng nói trên phần lớn tập chú vào các vấn đề đồng tính. Nhưng luật tiệm tiến liên quan tới vấn đề ly dị, tái hôn và bất khả tiêu của hôn nhân cũng đã gặp phản ứng mạnh. Nhưng luật này thực sự nghĩa là gì?

Luật tiệm tiến là một nguyên tắc trong nền thần học luân lý và mục vụ Công Giáo, theo đó, nên khuyến khích người ta mỗi ngày mỗi từng bước gần gũi hơn với Thiên Chúa và kế hoạch của Người dành cho đời ta, chứ không nên mong họ nhẩy vọt từ bước đầu hồi tâm tới chỗ hoàn thiện ngay một lúc.

Nguyên tắc trên hợp với bản nhiên con người. Họ không thể một sớm một chiều trở nên hoàn thiện, cần có thời gian để họ tiếp tục chiến đấu với tội lỗi.

Thánh Kinh dĩ nhiên hỗ trợ nguyên tắc này. Thánh Phaolô dạy những điều sau đây

(a) “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (1 Cor 3:1-3)

(b) “Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Dt 5:12-14)

Như bài ngày hôm qua đã nhắc đến, linh mục Legge, Dòng Đa Minh, cho rằng luật này đã được sử dụng sai trong một số đề nghị tại THĐ về gia đình năm 1980 và đã được Đức Gioan Phaolô II giải quyết dứt điểm trong Familiaris consortio khi cho rằng tiệm tiến là tiệm tiến trên đường thánh thiện, chứ không tiệm tiến trên đường từ bỏ tội lỗi. Tội lỗi là phải quyết chí từ bỏ ngay và cương quyết cải chừa. Không có chuyện từ từ, chỉ có chuyện “ngã thì đứng lên làm lại”, mỗi lần đều dứt khoát chứ không nửa vời.

Năm 1997, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã công bố một cẩm nang cho các cha giải tội. Cẩm nang này cảnh cáo các ngài không được có ý nghĩ cho rằng thống hối không đòi người ta phải dứt khoát từ bỏ tội lỗi. Cẩm nang viết: “ nguyên tắc mục vụ về tiệm tiến, không nên bị lẫn lộn với ‘tính tiệm tiến của luật’ có khuynh hướng giảm thiểu các đòi hỏi luật đặt lên ta, nguyên tắc này bao gồm việc đòi một từ bỏ dứt khoát đối với tội lỗi song song với con đường tiệm tiến hướng tới việc hoàn toàn kết hợp với thánh ý Thiên Chúa và với các đòi hỏi đầy yêu thương của Người”.

Còn bản tường trình tạm thời nói trên thì sao?

Đoạn 13 viết thế này: “từ lúc trật tự tự nhiên được xác định bởi xu hướng hướng về Chúa Kitô, điều trở nên cần thiết là phải phân biệt mà không tách biệt các trình độ khác nhau qua đó Thiên Chúa thông truyền ơn thánh của giao ước cho nhân loại. Qua luật tiệm tiến (xem Familiaris consortio số 34), một đặc trưng của khoa sư phạm thần linh, điều này có nghĩa phải giải thích giao ước hôn nhân theo tính liên tuc và mới mẻ của nó trong trật tự tạo dựng và trong trật tự cứu chuộc”.

Đoạn 14: “Chính Chúa Giêsu, khi nhắc tới kế hoạch nguyên thủy dành cho cặp nhân bản, đã tái khẳng định sự kết hợp bất khả tiêu giữa người đàn ông và người đàn bà, dù hiểu rằng ‘Môsê cho phép các ngươi ly dị vợ vì lòng các ngươi chai đá. Nhưng từ ban đầu, không phải như vậy’ (Mt 19:8). Như thế, Người cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đi theo con đường của nhân loại, hướng nó về khởi đầu mới, không khỏi qua ngả thập giá…

Đoạn 17: “Khi xem xét nguyên tắc tiệm tiến trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, người ta tự hỏi các cặp vợ chồng đang trải nghiệm sự thất bại hôn nhân có thể nhận được những khả thể nào, hay đúng hơn có thể nào cung cấp cho họ sự trợ giúp của Chúa Kitô qua thừa tác vụ của Giáo Hội hay không? Về phương diện này, giáo huấn của Công Đồng Vatican II cho ta một chìa khóa giải thích có ý nghĩa; chìa khóa này, trong khi quả quyết rằng ‘dù nhiều yếu tố thánh hóa có hiện hữu ở bên ngoài cơ cấu hữu hình của mình… vì là các ơn phúc thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, các yếu tố này đều là những sức mạnh thôi thúc người ta hướng về sự hợp nhất Công Giáo’ (Lumen Gentium số 8)”.

Số 47: “Liên quan tới khả thể tham dự các bí tích Thống Hối và Thánh Thể, một số vị ủng hộ các qui định hiện nay vì nền tảng thần học của chúng, các vị khác ủng hộ sự cởi mở lớn hơn tùy thuộc các điều kiện rõ ràng khi xử lý với các hoàn cảnh không thể giải quyết được mà không tạo ra những bất công và đau khổ mới. Đối với một số vị, việc tham dự các bí tích có thể diễn ra nếu trước đó có ngả đường thống hối, dưới trách nhiệm của vị giám mục giáo phận, và với cam kết rõ ràng vì lợi ích con cái. Đây sẽ không là một khả thể tổng quát, mà là kết quả một biện phân áp dụng từng trường hợp một, theo luật tiệm tiến, là luật xem xét tới việc phân biệt giữa tình trạng tội lỗi, tình trạng ơn thánh và các hoàn cảnh giảm khinh”

Nội dung các đoạn trên khó có thể tương hợp với cái hiểu của Familiaris consortio và cẩm nang giải tội của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Vì chúng nghiêng nhiều về “tính tiệm tiến của luật” chứ không nghiêng về phía “luật tiệm tiến”, nghĩa là không đòi người ly dị và tái hôn dân sự dứt khoát từ bỏ cuộc hôn nhân thứ hai mới được xưng tội và rước lễ.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng đây mới chỉ là chủ đề để thảo luận không phải là đề xuất để đầu phiếu. Phải đợi bản tường trình cuối cùng vào cuối tuần này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Thường Niên lần thứ 32 của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi DCCT Hải Ngoại
Joseph Ký Nguyễn
05:51 14/10/2014
Houston-Texas. Vào lúc 10 giờ sáng ngày Chúa Nhật, 12-10-2014, Đại Hội Trung Ương Thường Niên kỳ thứ 32 của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại nhóm họp tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chúng tôi thấy có sự hiện diện của Cha Giám Phụ Tỉnh Nguyễn Phi Long, Cha Tổng Linh Hướng Nguyễn Văn Thạch, Cha Nguyễn Văn Phan - Linh Hướng vùng Houston.Đặc biệt có sự hiện diện và chia sẻ của Cha cựu Bề Trên Phụ Tỉnh Nguyễn Đức Mầu và Cha Đặng Phước Hoà (đang truyền giáo tại Tiệp Khắc). Thầy Quản Lý/Thủ Quỹ Nguyễn Phước Hạnh, Ông Hội Trưởng Nguyễn Văn Nhàn và Hội Phó Nguyễn Quang Hưng, cùng với sự tham dự của các quí vị Chi Hội Trưởng và Hội Viên thuộc vùng Houston, Texas. Sau phần giới thiệu, trình bầy các sinh hoạt, tỏ tình tri ân, cảm tạ quí vị Chi Hội Trưởng và các hội viên của Ông Hội Trưởng và quí Cha, Thầy Quản Lý/Thủ Quỹ đã báo cáo về các khoản tiền thu và chi trong tài khoá 2013-2014.

Tiếp theo là Thánh Lễ Tạ Ơn, cầu nguyện cho các Hội Viên còn sống cũng như đã qua đời trong năm qua, và mừng kính Thánh Giêrađô, Quan Thầy của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi, do Cha Giám Phụ Tỉnh chủ tế cùng với 9 linh mục và Thầy Phó Tế thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại đồng tế. Cuối Thánh Lễ, Cha chủ tế làm phép Bánh Thánh Giêrađô và tặng bánh cho tất cả hơn 300 người tham dự.

Đại Hội bế mạc bằng Tiệc Mừng thân mật, vui vẻ trong khuôn viên của tu viện Thánh Clêmentê, DCCT – Houston, TX.

Hình ảnh ngày Đại Hội Thường Niên 2014:

https://www.flickr.com/photos/23686708@N05/sets/72157648320732239/
 
Giáo Hạt Nghĩa Yên thắp nến cầu nguyện cho Công Lý Hòa Bình
Duy Ân Tuấn Anh
09:51 14/10/2014
VINH - Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Công lý Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và Ban Công lý Hòa bình giáo phận Vinh. Hôm nay, lúc 16h30 ngày 13 tháng 10 năm 2014 Giáo Hạt Nghĩa Yên đã long trọng tổ chức thánh lễ và giờ chầu cầu nguyện cho công lý hòa bình được ngự trị trên quê hương, đất nước và trên toàn thế giới.

Hình ảnh

Từ 14h00, từng dòng người từ các giáo xứ trong Giáo hạt đã quy tụ về giáo xứ sở hạt Nghĩa Yên để tham dự thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Ước tính có khoảng hơn 10 nghìn người đã về tham dự thánh lễ đặc biệt này. Đồng tế trong thánh lễ có quý cha trong hạt Nghĩa Yên, quý cha khách miền nam về thăm quê hương, quý Sơ Dòng Mến Thánh Giá Nghĩa Yên cùng đông đảo bà con giáo dân trong giáo hạt đến từ 9 giáo xứ: Thọ Ninh, Nghĩa Yên, Đông Cường, Kẻ Tùng, Kẻ Mui, Đông Tràng, An Tôn (Khe Sắn), Kim Cương, Kẻ Đọng.

Trước tình hình thế giới đang bị đe dọa bởi chiến tranh, sự đàn áp do quân đội của phiến quân Hồi Giáo. Bên cạnh đó sự bành trướng và hiềm khích của Trung Quốc với các nước trong khu vực đã làm cho tình hình căng thẳng của các bên leo thang, nguy cơ chiến tranh, đe dọa nền hòa bình rất lớn. Đứng trước nguy cơ như vậy, lời kêu gọi cầu nguyện cho công lý hòa bình là hết sức cấp thiết. Bởi không có vũ khí lợi hại nào cho bằng lời cầu nguyện. Nối tiếp sứ điệp Fatima (1917) “Hãy ăn năn đền tội, cải thiện đời sống. Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để đem hòa bình cho nhân loại và để chấm dứt chiến tranh (…). Nếu các con thi hành các điều Ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình”. Đúng như thế, hòa bình đã trở lại, chiến tranh đã kết thúc khi sứ điệp Fatima được Giáo Hội áp dụng cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới. Giáo hạt Nghĩa Yên hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cách riêng là Giáo phận Vinh đã dâng lên Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria cho hòa bình công lý được ngự trị.

Thánh lễ đã diễn ra một cách trang trọng và sốt sắng, hàng ngàn con tim Giáo hạt Nghĩa Yên hướng về lời kêu gọi của Ủy ban Công lý Hòa bình cũng như của vị cha chung Giáo phận đã dâng lên Thiên Chúa những tâm tình thiết tha, những lời nguyện chân thành cho công lý hòa bình được triển nở trên thế giới cũng như trên đất nước Việt Nam. Trước đó vào lúc 14h00, quý cha trong hạt đã mời gọi mọi người đến với Tòa Giải Tội, xin Chúa thứ tha những lỗi lầm để những lời nguyện dâng lên Thiên Chúa được trọn vẹn.

Sau thánh lễ là giờ Chầu Thánh Thể với những ngọn nến lung linh, với những tâm tình yêu mến, thiết tha dâng lên Chúa để cầu nguyện cho hòa bình và công lý. Bởi “Thiên Chúa không muốn chúng ta khoanh tay hưởng hòa bình, Người muốn chúng ta phải góp phần mình vào việc xây dựng nền công lý và hòa bình cho mọi người, cho nhân loại. Nhưng để có hòa bình trong gia đình, trong cộng đoàn, trên thế giới, cần có hòa bình trong tâm hồn. Để thay đổi thế giới, cần thay đổi lòng người, bắt đầu từ chính bản thân mình”. Kết thúc giờ Chầu Thánh Thể, lời ca Kinh Hòa Bình được cất lên, hàng ngàn ánh nến được nâng cao thể hiện sự yêu mến hòa bình và công lý của hàng ngàn con tim Giáo hạt Nghĩa Yên dâng lên Chúa.

Nghe theo lời Chúa dạy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Chương trình Thánh lễ và cầu nguyện cho công lý hòa bình của Giáo hạt Nghĩa Yên đã khép lại, nhưng tinh thần đó vẫn chưa khép lại mà còn mở rộng, kéo dài mãi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Được biết, trong thời gian tơi các giáo xứ trong giáo hạt sẽ sắp xếp và tổ chức thánh lễ cũng như thắp nến cầu nguyện cho công lý hòa bình. Để lời cầu nguyện của mỗi người tiếp nối sứ điệp Fatima mà Đức Mẹ đã dạy nhằm đem lại hòa bình và công lý trên khắp thế giới, trên khắp đất nước Việt Nam và hết thảy mọi người.
 
Hành hương Đức Mẹ tại giáo xứ Rạch Súc, Cần Thơ
Minh Đăng
09:42 14/10/2014
CẦN THƠ - Như mọi năm, chương trình hành hương Đức Mẹ Rạch Súc ngày 13/10 mưa bão lần này được nhiều người (nhất là các em sinh viên lưu xá nhà thờ) chuẩn bị cách kỹ lưỡng từ rất lâu. Chỉ riêng năm nay không dựng cây dù lớn nữa, vì dây dù đã bị yếu và gió rất to. Cha sở Franxico bảo chúng ta chỉ còn biết trông
chờ vào tình thương của Đức Mẹ phù hộ để trời không mưa. Thời tiết nói 13/10 tại Cần Thơ có mưa giông, gió giật. Quả đúng như thế, bầu trời lúc này kéo mây đen u ám, trời không một ánh sao. Đã bắt đầu có vài hạt mưa rơi xuống... có vài người đã bắt đầu che dù. Đức Cha va quý cha cũng như tất cả bà con đều lo lắng. Cha phó phải nhờ quý soeur và cộng đoàn lần chuỗi đọc kinh.

Cha Giuse bắt đầu cho mọi người khai mạc đêm diễn nguyện hành hương tôn vinh Mẹ. Trong khi mọi người đang tung hô mừng kính Mẹ, cha sở Phanxico âm thầm vào nhà thờ lặng lẽ quỳ gối sấp mình cầu nguyện một mình. Như một phép lạ, trời dần tan mây, gió trở nên hiền hoà vừa đủ làm mát mẻ cho cả ngàn người. Trong lúc đó, ngoài Cần Thơ mưa bão ầm ầm riêng tại nhà thờ Rach Súc có hàng ngàn người đang tôn vinh Đức Mẹ mà không hề hấn gì cho đến kết thúc buổi lễ với phép lành của Đức Giám Mục.

Cuối thánh lễ, cha sở Francixo chậm rãi bước lên cung thánh cám ơn Chúa và Mẹ đã thương ban cho buổi lễ hành hương được tốt đẹp, và ngài làm dậy sóng cà biển người khi mời mọi người hô vang 3 lần lời dạy của Đức Thánh Cha: Xin Lỗi, Xin Giúp Đỡ, Xin Cám Ơn.

Trong lời đáp từ sau phép lành, Đức Giám Mục giáo phận cũng hết lòng cám ơn cha sở Phanxico, nhờ Ngài mà buổi lễ hành hương hôm nay được diễn ra tốt đẹp. Không có Cha sở Phanxico thi không có được ngày lễ hành hương tốt đẹp thế này. Đức Cha cũng nói công khai cho mọi người biết rằng Đức Cha cũng lo lắng khi thấy trời âm ám mây đen kéo giông bão, nhưng cha sở Francis khiêm hạ xin thưa với Đức Cha là con tin cậy vào Chúa.

Lễ hành hương Đức Mẹ năm nay tại Rach Súc tổ chức đến 2 ngày, và ngày càng có nhiều bà con giáo dân ở nhiều nơi xa đến kính viếng Đức Mẹ, như Cà Mau, Trà Lồng Sóc Trăng, Tân Phú, Thới Lai, Châu Đốc, Ngã Bảy, Đại Hải, Thái Hải... Cha sở cũng mở cửa phòng khám bệnh phát thuốc châm cứu Đông-Tây Y miễn phí cho bà con. Ngoài ra Ngài con lo ẩm thực suốt những ngày hành hương hoàn toàn miễn phí

Hành hương năm nay, thờ Rạch Súc còn hân hạnh đón cha quản hạt Sóc Trăng, cha Thiện (Ban Mê Thuột), quý cha giáo sư và quý cha gần xa. Đặc biệt còn có sự hiện diện của cha chuyên về giới trẻ dòng Don Bosco Phêro Phạm Huy Hoàng và ca sĩ Hồng Ân, Ca sĩ Mạnh Tuấn, và nhóm múa SDB Sài Gòn...

Hành hương Đức Mẹ Rạch Súc năm nay thật nhiều sự lạ. Nhưng sự lạ đặc biệt nhất đó chính là trời không mưa, dù xung quanh mưa giông bão ầm ầm. Đó chắc chắn phải là ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ thương ban, cũng như nhờ lời cầu nguyện của Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và của tất cả mọi người. Giữa mọi người đó, có lẽ cha sở Phanxico Đinh Trọng Tự là người đã giang tay quỳ gối cầu nguyện nhiều nhất.
 
Đại hội Thánh nhạc Toàn quốc Việt Nam lần thứ XXXV
Trầm Thiên Thu
08:59 14/10/2014
Trăng khuyết rồi trăng rằm, thủy triều lại dâng cao. Quy luật tự nhiên Thiên Chúa đã an bài. Và cứ theo thông lệ thường niên, đến hẹn lại lên, 8 giờ 30 sáng thứ Ba ngày 14-10-2014, tại TTMV TGP Saigon đã diễn ra Đại hội Thánh Nhạc toàn quốc lần thứ 35.

Vẫn như thường lệ, chủ tọa đoàn là ĐGM Vincent Nguyễn Văn Bản (Giám mục GP Ban Mê Thuột, đặc trách Ban Thánh Nhạc) và LM Rôcô Nguyễn Duy (Thư ký BTN). Tham dự đại hội lần này có LM Kim Long, LM Đỗ Xuân Quế, LM Xuân Thảo,… và gần 100 hội thảo viên (các linh mục, các tu sĩ, các nhạc sĩ sáng tác, và một số ca trưởng) thuộc các giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Chủ đề của Đại hội Thánh nhạc lần thứ 35 là Bình Ca, loại nhạc đặc trưng của Giáo Hội Công Giáo. Thuyết trình viên là Lm Ns Kim Long, cây đại thụ của nền Thánh Nhạc Việt Nam, với hơn 50 năm sáng tác Thánh ca, đặc biệt là ngài được học nhiều về Bình Ca. Bài chia sẻ của ngài là “Mấy Cảm Nghiệm Về Bình Ca”, kéo dài khoảng 90 phút.

Bình Ca còn được gọi là nhạc Grêgôriô. Thánh GH Grêgôriô (540?-604, Tiến sĩ Giáo Hội) không là người “phát minh” ra Bình Ca, nhưng ngài là người có công “định vị” Bình Ca trong Phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, vì thế người ta tưởng nhớ công lao của ngài nên gọi Bình Ca là nhạc Grêgôriô.

Bình Ca có tiết tấu nhưng không có nhịp, tiết tấu tự do, ca từ là chính, nhạc là phụ. ĐGH Piô XII nói: “Bình Ca là bản dịch của văn bản”. Lời rất quan trọng trong thể loại nhạc Bình Ca.

Bình Ca có ba đặc điểm: (1) Về giai điệu, bài Bình Ca được hình thành theo văn bản, cần chú ý “dấu nhấn” và “ý nghĩa toàn câu”; (2) Về tiết tấu, cần phân biệt “tiết tấu cơ bản” (Khởi và Tới), vì không phân nhịp nên Bình Ca không thể “đánh nhịp” mà chỉ “phác họa tiết tấu”; (3) Về âm thể, khác với tân nhạc có hai Thể (Trưởng và Thứ), Bình Ca có bốn Thể – với bốn nốt lần lượt làm chủ âm là Ré, Mi, Fa, Sol và tạo ra bốn thang âm: Thể Ré (Protus), Thể Mi (Deuterus), Thể Fa (Tritus), và Thể Sol (Tetrardus).

Bình Ca không dùng các quãng lớn (6, 7, 8,…), không dùng bán cung đồng (Do – Do #), và không dùng cảm âm (bán cung, từ áp âm về chủ âm). Là người Công Giáo được thấm nhuần Bình Ca, cố Nhạc sĩ Anh Việt Thu đã ảnh hưởng Bình Ca khi ông viết ca khúc “Tám Điệp Khúc” (Trời làm cho mưa bay giăng giăng, mây tím dệt thành sầu… Tiếng hát hát trên môi, giấc ngủ ngủ trong nôi, một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu…). Âm thể Ré thứ, nhưng ông dùng nốt “Si bình” ở các chữ “trên môi” và “trong nôi”. Trong bài “Ca Khúc Trầm Hương” của Lm Ns Dao Kim không dùng cảm âm trong câu cuối của phần điệp khúc: “…ban muôn hồng ân”. Chữ “hồng” không là “Si bình” mà tương đương “Si giáng”, nhưng người ta thường hát là “Si bình”, thế nên mất vẻ ngũ cung Việt Nam và Bình Ca. Được cố Nhạc sĩ Hùng Lân cho biết rằng ông đã “chỉnh” nốt Si trong bài hát của Dao Kim (lúc đó chưa là linh mục) cho ra “nét” Việt Nam.

Bình Ca phù hợp với La ngữ. Viết Bình Ca bằng Việt ngữ là điều rất khó, có thể chỉ viết theo “tinh thần” Bình Ca hoặc mang “âm hưởng” Bình Ca. Vấn đề Thánh nhạc mãi như một bản “Trường Ca Vô Tận”, vẫn còn nhiều nỗi ưu tư và trăn trở về nhiều vấn đề đối với nền Thánh nhạc Việt Nam.

Buổi hội thảo kết thúc lúc 11 giờ 30. Mọi người cùng dùng bữa trưa thân mật trong tình đoàn kết, yêu thương, và bình an của Đức Kitô giàu lòng thương xót. Sau đó, mọi người chia tay và hẹn gặp lại nhau tại Đại hội Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 36 cũng sẽ diễn ra tại TTMV TGP Saigon, ngày Thứ Ba, 21-4-2014. Chủ đề lần tới sẽ tiếp tục “đào sâu” thêm về Bình ca, thuyết trình viên sẽ là Lm Ns Phêrô Kim Long.

Âm nhạc chỉ có 7 nốt, từ 7 nốt đó được biến hóa đa dạng và phong phú. Chúng ta có thể so sánh 7 nốt nhạc đơn giản đó như 7 ơn Chúa Thánh Thần. Chính Ngài mới là Đệ Nhất Nhạc Sĩ luôn linh hứng và tác động để tạo thành những giai điệu thánh thiện nơi các nhạc sĩ sáng tác, rồi được các ca đoàn làm sống động để dâng lên Thiên Chúa. Đó là bản tổng phổ thánh thiện và tuyệt vời nhất để theo đúng Ý Chúa.

Thánh Ca phải có tính thánh thiện và hoàn hảo, vì những gì dâng kính Thiên Chúa phải là những thứ hoàn hảo, nếu không thì những gì chúng ta dâng lên sẽ như chiếc roi quất lại chính chúng ta.
 
Chùm ảnh Giáo xứ Giàng La Pán thuộc xã Bản Mù, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái
Lm Nguyễn văn Thành
12:08 14/10/2014
YÊN BÁI - Cha Giuse Vũ Quốc Hội dòng Vinh Sơn là cha xứ đầu tiên của giáo xứ Giàng La Pán, kể từ năm 1923, hạt giống Tin Mừng bắt đầu được gieo đến giáo xứ Giàng La Pán - một giáo xứ không tên tuổi và không ai biết đến. Giáo xứ Giàng La Pán thuộc xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Hình ảnh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Các vị đồng tế có bái gối trước khi rước lễ không?
Nguyễn Trọng Đa
18:51 14/10/2014
Giải đáp phụng vụ: Các vị đồng tế có bái gối trước khi rước lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong một cuộc họp linh mục gần đây, có người hỏi liệu các linh mục đồng tế có cần bái gối trước khi cầm Chén thánh không, nhất là nếu họ đã rước Mình Thánh Chúa trước rồi. Xin cha giải thích cho. - J. F., Boston, bang Massachusetts, Mỹ.

Đáp: Việc rước lễ của các linh mục trong thánh lễ đồng tế đã được qui định bởi một số luật cơ bản, nhưng đôi khi vài sự thích nghi được thực biện theo hoàn cảnh cụ thể địa phương, chẳng hạn không gian chật chội và số lượng đông linh mục.

Trước hết, chúng ta có thể xem xét các quy tắc cơ bản, như được tìm thấy trong Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM).

"240. Trong khi hát hay đọc "Lạy Chiên Thiên Chúa", các phó tế và vài vị đồng tế có thể giúp chủ tế bẻ bánh thánh để cho các vị đồng tế và giáo dân rước lễ.

“241. Khi hoà bánh thánh vào rượu thánh xong, một mình chủ tế đọc thầm kinh "Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (Domine Iesu Christe, Fili Dei vivi)" hay kinh "Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, con sắp rước (Perceptio Corporis et Sanguinis) ".

“242. Sau khi đọc xong lời nguyện trước rước lễ, chủ tế bái gối, lui ra một chút. Các vị đồng tế từng người một đến giữa bàn thờ, quì gối và kính cẩn cầm lầy Mình Thánh Chúa tại bàn thờ, và tay phải cầm Mình Thánh, có tay trái đở phía dưới mà lui về chỗ của mình. Tuy nhiên, các vị đồng tế có thể đứng tại chỗ và nhận lấy Mình Thánh từ đĩa do vị chủ tế hoặc một hay nhiều vị đồng tế cầm đi ngang qua trước mặt các ngài, hay, chuyền đĩa cho người kế tiếp cho đến người cuối cùng.

“243. Sau đó, chủ tế cầm lấy Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ ấy, nâng cao lên một chút trên đĩa hay trên chén, hướng về giáo dân và nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa", rồi đọc tiếp cùng với các vị đồng tế và giáo dân: "Lạy Chúa, con chẳng đáng (Domine, non sum dignus )".

“244. Rồi chủ tế hướng về bàn thờ, đọc thầm: "Xin Mình Thánh Chúa Ki-tô gìn giữ con" (Corpus Christi custodiat me ad vitam aeternam ) và kính cẩn rước lấy. Các vị đồng tế cũng làm như vậy khi các ngài rước lễ. Tiếp theo, chủ tế cho thầy phó tế rước lễ.

“245. Có thể rước Máu Thánh hoặc uống trực tiếp Chén thánh, hoặc bằng cách chấm, hoặc bằng thìa, hoặc bằng ống hút.

“246. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống trực tiếp Chén thánh, có thể theo một trong hai cách sau đây:

a. Chủ tế cầm lấy chén và đọc thầm: "Xin Máu Thánh Chúa Ki-tô gìn giữ con", rồi uống một chút, đoạn trao chén cho phó tế hay một vị đồng tế. Sau đó ngài cho giáo dân rước lễ (x. các số 160-162).

Các vị đồng tế, từng người một, hay từng hai người nếu có hai chén, tiến đến bàn thờ, quì gối, rước Máu Thánh, lau miệng chén và trở về chỗ.

b. Chủ tế đứng tại giữa bàn thờ rước lấy Máu Thánh.

Các vị đồng tế có thể rước Máu Thánh tại chỗ mình từ Chén thánh do phó tế hay một vị đồng tế đưa tới, hoặc chuyền Chén thánh cho nhau. Chén thánh luôn luôn được lau bởi vị vừa uống hay bởi người trao chén. Ai đã rước Máu Thánh, thì trở về ghế mình.

“247. Thầy phó tế kính cẩn rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, nếu cần thì nhờ vài vị đồng tế giúp đỡ. Sau đó, đem Chén thánh về bàn phụ, tại đây chính thầy hay thầy có chức giúp lễ tráng, lau và xếp đặt như thường lệ (x. số 183).

“248. Các vị đồng tế cũng có thể rước Mình Thánh đặt trên bàn thờ và liền sau đó, rước Máu Thánh.

Trong trường hợp này, chủ tế rước lễ dưới hai hình như thường lệ (x. số 158), nếu ngài chọn cách thức rước Chén thánh nào thì các vị đồng tế khác theo cách ấy.

Sau khi chủ tế rước lễ, Chén thánh được đặt bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác. Các vị đồng tế từng người một đến giữa bàn thờ, quì gối và rước Mình Thánh, sau đó đi qua bên cạnh bàn thờ và rước Máu Thánh, theo nghi thức rước Chén thánh đã chọn, như nói trên.

Việc thầy phó tế rước lễ và tráng chén được thực hiện cùng một cách như trên.

“249. Nếu các vị đồng tế rước bằng cách chấm, thì chủ tế rước Mình và Máu Thánh Chúa như thường lệ, tuy nhiên chú ý để lại trong chén đủ Máu Thánh cho các vị đồng tế rước. Sau đó, thầy phó tế, hay một vị đồng tế, đặt Chén thánh ở giữa bàn thờ hay bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác, cùng với đĩa đựng Mình Thánh.

Các vị đồng tế, từng người một, tiến đến bàn thờ, quì gối, cầm lầy Mình Thánh, nhúng một phần vào chén, rồi cầm đĩa hứng dưới miệng, rước lấy Mình Thánh đã nhúng đó, sau đó trở về chỗ ngồi lúc đầu lễ.

Phó tế cũng rước bằng cách chấm. Một vị đồng tế nói khi trao: Mình và Máu Chúa Ki-tô (Corpus et Sanguis Christi ), phó tế đáp: A-men. Phó tế rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, có thể nhờ vài vị đồng tế giúp, nếu cần, rồi đem Chén thánh đến bàn phụ, và chính thầy hay một thầy có chức giúp lễ tráng, lau và xếp đặt Chén thánh (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Như vậy, theo số 246, các các vị đồng tế phải bái gối trước khi cầm Chén thánh, mặc dầu họ đã rước Mình Thánh Chúa trước đó.

Điều này có nghĩa rằng, trong các trường hợp mà các các vị đồng tế cầm Mình Thánh Chúa trước khi vị chủ tế nói: “Đây Chiên Thiên Chúa" (số 242) và cũng rước Máu thánh tại bàn thờ, họ thực hiện hai bái gối.

Nhưng không có qui định liệu linh mục thực hiện một bái gối, nếu Mình Thánh Chúa và/hoặc Chén thánh được đưa đến cho họ tại chỗ không. Trong hầu hết trường hợp, chắc là việc đưa Mỉnh Thánh Chúa đến cho các linh mục tại chỗ cũng đòi hỏi rằng mỗi linh mục phải bái gối trước khi cầm Mình Thánh Chúa.

Luật chữ đỏ không giải thích lý do cho các lần bái gối trước Mình và Máu – trong khi vị chủ tế không bái gối. Tôi liều đoán rằng, bởi vì có thể rằng khi các linh mục nhận Mình Thánh, họ quên bái gối, nên việc qui định bái gối trước khi cầm Chén thánh tại bàn thờ bảo đảm rằng họ có thể làm một cử chỉ hữu hình về sự tôn kính và thờ phượng ít là một lần.

Mặc dầu điều tốt hơn là các vị đồng tế nên tiếp cận Chén thánh tại bàn thờ, có nhiều trường hợp mà số vị đồng tế là đông còn không gian lại chật, nên việc đến bàn thờ là không tiện và chiếm nhiều thời giờ. Thí dụ, ngay cả các đại vương cung thánh đường Thánh Phaolô và thánh Gioan Lateranô ở Rôma có bàn thờ tương đối nhỏ, nên người ta khó tiếp cận bàn thờ từ cả hai phía.

Do đó, mới có các cách thức khác cho số lượng đông vị đồng tế rước lễ. Các thầy phó tế hoặc các vị đồng tế đi từng cặp đến với các vị đồng tế khác. Một người cầm Đĩa thánh có Mình Thánh Chúa, một người cầm Chén thánh và khăn thánh. Các các vị đồng tế hoặc rước Mình Thánh Chúa trước, rồi cầm Chén thánh sau, hoặc là phổ biến hơn trong trường hợp này, họ nhúng Mình Thánh vào Chén thánh rồi rước lễ. Trước khi rước lễ, mỗi vị đồng tế đọc thầm "Xin Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô gìn giữ con...".

Một trường hợp hiếm gặp là khi không gian giữa các hàng của linh mục là quá chật, người ta không thể di chuyển giữa các hàng này, chẳng hạn nếu linh mục đứng ở hàng của ca đoàn hoặc một nơi sắp xếp kiểu khán đài sân vận động. Khi ấy, mặc dầu không được qui định cách nào trong các sách phụng vụ, tôi nghĩ rằng các cặp phó tế hoặc cặp đồng tế đứng ở một chỗ cố định, để cho các vị đồng tế có thể tiếp cận, bái gối nếu có thể được, và cầm Mình Thánh nhúng vào Chén thánh để rước lễ. Tôi đã nhận thấy phương pháp này được sử dụng với sự kính cẩn tại một số sự kiện lớn.

Trong trường hợp này, các người cầm Đĩa thánh và Chén thánh không nói lời gì. Các vị đồng tế tự mình cầm Mình Thánh từ đĩa thánh, chứ không tiếp nhận Mình thánh từ một thừa tác viên khác. (Zenit.org 14-10-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Chiều Thơ Nhạc 05.10.2014 tại giáo xứ Việt Nam Paris
Phó tế Phạm Bá Nha
08:13 14/10/2014
Chiều Thơ Nhạc 05.10.2014

Chiều Chúa Nhật 05.10.2014, giáo xứ VN Paris vui khác thường trong sự mong đợi của mọi người, có ‘‘Chiều Thơ Nhạc’’, giới thiệu Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II do Gs Lê Đình Thông dịch. Thông báo cả mấy tháng trước.

Qua chiều nay, mới biết nguồn và dịch thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong phú đa dạng và được mọi nơi nhiệt tình hưởng ứng đón nhận. Quá hợp thời.

Giới thiệu chương trình, người trình bày tập thơ và phông văn nghệ chiều nay là họa sỹ Trúc Tiên. Trưởng ban tổ chức : Anh Nguyễn Kim Tuấn, với sự có mặt Gs Phương Oanh và Như Mai, ca sỹ Lệ Thanh, Mỹ Ly, Vân Trang, và Quốc Khánh.

Tác phẩm, dịch giả và nhạc thơ

Song song với chương trình vân nghệ, vợ chồng nhà văn Vũ Hạ và Trúc Tiên vừa giới thiệu vừa phỏng vấn GS Lê Đình Thông tác giả Tuyển Tập Thơ, cho biết :

+ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II vừa là kịch sỹ và thi sỹ, ngài chủ trương dùng văn hóa đem Tin Mừng cho mọi người. Gs Lê Đình Thông có công nghiên viết ‘‘Triết học nhân bản cùa Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, biến đổi cục diện thế giới’’ (tóm lược luận án tiến sỹ Thần Học), cùng mục đích như Thánh Nhân nên đã dịch thơ của ngài : văn hoá và Tin Mừng song đôi.

Cuốn sách gồm 3 phần : tiểu sử thánh Giáo Hoàng, Triết học nhân bản và hoạt động biến đổi cục diện thế giới

+ Thơ của thánh GH đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, Dịch khó hơn viết thơ nhiều, vì phải đối chiếu với tiếng gốc (Balan) và tiếng khác, rồi mới chọn tiếng Việt. Phải chăng người dịch có hồn thơ không khác người làm thơ.

Tuyển tập Thơ gồm hai phần : Thơ Karol Wojtyla, Thi nhạc giao duyên

Tthơ Nhạc giao duyên

Trọng tâm của ngày hội là phần độc đáo này. Song song với ca sỹ hát trên sân khấu, bên phải hội trường còn có màn ảnh chiếu hình ảnh ít nét cuộc đời thánh Giáo Hoàng (Anh Lương Công Bình)

Phần trình diễn nhạc thơ qua các tiết mục :

-Hợp xướng ‘‘Theo Ngài’’ :

Nhạc : Văn Duy Tùng.

Hợp xướng : Ca đoàn GX, anh Trần Đức Huy và Anh Thơ.

Cuộc đời trình gập ghềnh trắc trở

Cuối chặng đường còn ở xa xôi

Qua từng dãy phố bồi hồi

Dẫn lên triền dốc núi đồi quanh co

-Hợp tấu ‘‘Mẹ Ơi’’ :

Nhạc : Nguyễn Văn Viên.

Hợp tấu : Nhóm Phượng ca, Gs. Phương Oanh và Như Mai

Dòng đời trôi nổi bấp bênh

Qua bao năm tháng lênh đênh nỗi sầu

Mẹ tôi mất cũng đã lâu

Làm sao quên được niềm đau vật vờ

Ngày xưa bập bẹ con thơ

‘‘Mẹ ơi’’ ngõ vắng lờ mờ sớm trưa

Bao nhiêu kỷ niệm năm xưa

ầu ơ võng đong đưa điệu thầm.

- Độc sáo ‘‘Hoa trắng’’ :

Nhạc : Phạm Vinh Sơn.

Sáo : Mỹ Ly.

Mẹ tôi, mẹ tôi mộ đã trắng ngần

Nở bông hoa trắng xoay vần đời con

Vành tang, vành tang mắt mẹ mỏi mòn

Bao năm xa cách một lòng nhớ thương

- Song ca ‘‘Mùa Lúa Mới’’ :

- Nhạc : Nguyễn Văn Hiển.

- Song ca : vợ chồng Vân Trang và Nguyễn xuân Chương

Nào cùng ngắm kỹ công tạo hóa

Nghe cỏ cây hoa lá xôn xao

Núi non cao thác nước dạt dào

Chim rừng vui hót chào nắng mai

- Đơn ca ‘‘Giếng Nước Đầu Làng’’ :

- Nhạc : Phạm Đức Huyến.

- Đơn ca : Lệ Thanh. Saxophone : Xuân Giao

Giếng nước đầu làng, luôn trầm ngâm nước bạc

Dưới đáy sâu nghe run rẩu van nài

Rơi từng tiếng kinh cầu trong đáy huyệt

Mắt quầng thâm là đáy nước về khuya

- Múa ‘‘Theo Ngài và Mưa Xuân’’ :

‘‘Theo Ngài’’.

Nhạc : Nguyễn Long.

‘‘Mưa Xuân’’.

Nhạc : Vũ Thái Hòa.

Múa : Thiếu Nhi Thánh Thể, và Chị Anh Tú

1. Giọt mưa nặng chĩu cây cành lả lơi

Thiên Mưa hoài cành lá xuân xanh

Thiên nhiên đẹp đẽ tuyệt vời

Bao nhiêu ý nghĩ chơi vơi thuyền đò

- Đơn ca ‘‘ Mưa xuân’’ :

Nhạc : Vũ Thái Hòa.

Đơn ca : Quốc Khánh

2. Này thôi đừng nói quanh co

Hãy như em bé mở to mắt nhìn

Trí ta thăm thẳm nài xin

Thấy chăng đến niềm tin đất trời

-Hợp xướng ‘‘Mầu Nhiệm Vượt Qua’’ :

Nhạc : Chung Nhiễu Ca.

Hợp xướng : Ca đoàn Giáo Xứ, anh Trần Đức Huy

Lễ vượt qua tử sinh nhiệm lạ

Từ nhà mồ sống lại vinh quang

Từ trong tăm tối khải hoàn

Bên ngoài ánh sáng chói chang nắng lùa.

Hưởng Ứng nồng nhiệt

Chưa tác phẩm nào được sự hưởng ứng ủng hộ nồng nhiệt bằng Tuyển Tập Thơ này :

- Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Orange, California, Hoa Kỳ, cho phép imprimatur, sau khi căn cứ vào Nihil Obstat của Đức ông Mai Đức Vinh... theo đó tập thơ hoàn toàn phù hợp với học thuyết Công Giáo. (Imprimatur. Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, trang đầu)

- Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục Bắc Ninh, Tổng Thư Ký HĐGM. VN : Trong thi tuyển Wojtyla do Gs Lê Đình Thông nguyên quán Bắc Ninh dịch sang thơ quốc ngữ. Nhiều bài là lục bát, song thất lục bát, cũng có bài là thơ Đường, thơ mới... (Lời giới thiệu. sđd tr. 10)

- Đức Ông Giuse Mai Đúc Vinh, giám đốc GXVN Paris :

Thán phục một luật gia thường quen những ‘‘nguyên tắc cứng nhắc’’ lại có khả năng và ngòi bút văn chương đa dạng ...rất được thính giả và độc giả ái mộ. Vì thế tôi không chỉ thán phục tác giả của 25 bài thơ mà còn thán phục người đã có tài, có công hoàn thành ‘‘Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II’’ này. (Lời tựa. sđd tr 11)

Chiều Thơ Nhạc là vinh dự lớn cho người sáng tác là thi sỹ Karol Jozeph Vojtyla, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như người đã chuyển thơ qua văn hóa VN là luật sư Lê Đình Thông và cho các nhạc sỹ tên tuổi Vũ Thái Hòa, Vũ Mộng Thơ, Nguyễn Anh ThơẨQuả thật, những ý thơ tình người tình Chúa quyện nhau của người sáng tác, cũng như tài văn chương dịch thuật của người chuyển ngữ đã làm dung động và thu hồn các nhạc sỹ, khiến qúi vị thi nhau cống hiến những bản nhạc tuyệt tác. (Lời khai mạc Chiều Thơ Nhạc, 5,10.2014).

- Linh mục Jean François Petit, giáo sư Đại Học Công Giáo Paris : Gs Lê Đình Thông dấn thân thực hiện nghệ thuật khó khăn này đã có giá tri cao là làm hiểu bản chất của những vần thơ, trong sự sáng sủa mà chúng ta khó thẩm định nơi đây. Chính việc làm này tự nó mang một giá trị. (Lời tựa, sđd, tr. 16)

- Gs Vũ Quốc Thúc : Chúng ta đều biết ĐGH Gioan Phaolo II là mục tử nhân lành, triết gia hiện tượng học. nhưng không mấy ai biết đến vần thơ của ngài ở Balan. Thơ Wojyla nhẹ nhàng, siêu thoát như làn sương sớm, không trầm luân khổ đau của kiếp người. Người chuyển thơ của Đức cGioan Phaolô II sang Việt là Gs Lê Đình Thông. Thay vì dịch sang văn xuôi như bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh, dịch giả đã chuyển sang các thể thơ quen thuộc trong văn học nước nhà. Hai mươi lăm bài thơ dịch từ thơ Đức Phaolo II có trong tập thơ này thật nhẹ nhàng, siêu thoát. Tuy vẫn là cõi trần nhưng không vướng bụi trần. (Lời tựa, sđd, tr. 17)

- Linh mục nhạc sỹ Vũ Văn Thơ, cha sở Sainte Maurice de Touraine Ste Maure / St Epain, giúp đỡ tài chánh ấn loát hai tác phẩm này. (sđd. trang bìa 3)
- Tất cả các nhạc sỹ phổ nhạc thơ dịch của Lê Đình Thông đều bày tỏ ‘‘ngưỡng mộ’’ vần thơ và nhiệt tình với văn hóa VN của tác tác giả, như :

Linh mục Vũ Văn Thơ : sau khi suy nghĩ và cầu nguyện : Tôi đồng ý. Hiện tôi có trong đầu tựa đề ‘‘Mẹ ơi’’. Tác phẩm của giáo sư rất hay và đúng lúc : thật là tuyệt tác. (sđd, tr.71)

Linh mục Vũ Thái Hòa : Sáng nay Hòa đã hoàn thành 4 bài để kính dâng Đức Gioan Phaolo II và cũng để tỏ lòng ngưỡng mộ anh với những vần thơ thật điêu luyện. (sđd, tr.71)

- Được biết, ngày 8.11.2014, sẽ có buổi giới thiệu hai tác phẩm này tại San José, do bạn hữu tác giả tổ chức

- Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều báo tiếng Việt tại Mỹ, Canada viết bài tán dương hoạt động văn hóa của tác giả

 
Khánh nhật truyền giáo: Giáo dân truyền giáo
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
08:25 14/10/2014
Giáo dân truyền giáo

Lúc còn là một cậu thiếu niên khi nghe đoạn Tin Mừng trong ngày lễ khánh nhật truyền giáo có câu "Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15) và tiếng hát hân hoan, ca tụng:

Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi.

Đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đời.

Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới

Loan tình thương Chúa Trời, loan niềm vui cứu đời

Cho mọi người và mọi nơi.

(Đẹp thay – Mi Trầm – Thánh ca cộng đồng)

Lòng tôi lại rạo rực ước mơ được trở thành một tông đồ đi đến những miền đất xa lạ để rao giảng Tin Mừng cho những người, những dân tộc chưa biết Chúa. Những cảnh tượng đồng lúa mênh mông trĩu nặng những hạt lúa chín vàng không có người gặt hái khiến tôi ngây ngất tưởng tượng như mình là một người thợ gặt chính hiệu dù chưa bao giờ cầm tới một cái liềm, cái hái!

Dần dà tôi cảm nghiệm ra rằng truyền giáo không chỉ như Thánh Phanxicô Xaviê từng bôn ba nơi cuối trời góc biển nhưng còn là những lời kinh nguyện âm thầm trong nhà tu kín của Thánh nữ Têsêsa Hài đồng Giêsu. Ngoài ra còn biết bao hình thức truyền giáo khác nhau của hàng giáo sĩ và tu sĩ, là những người được huấn luyện đặc biệt có trường lớp để tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu.

Khi được học hỏi về Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, tôi mới vỡ lẽ thêm rằng: giáo dân cũng có bổn phận và quyền làm tông đồ vì qua bí tích Thánh Tẩy, họ cũng được tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Đức Kitô. Đức Kitô là Ðầu của họ và họ trở thành chi thể của nhiệm thể Người. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ. Việc tông đồ được thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái.

Để thực hiện tông đồ giáo dân, có hai phương pháp hoạt động là tông đồ tập thể và tông đồ cá nhân. Các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành trong đó có Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) là phương pháp hoạt động tông đồ tập thể được Giáo Hội khuyến khích vì nó có tổ chức qui củ sẽ đáp ứng hữu hiệu hơn cho nhu cầu của con người và tín hữu.

Để có thể nói về Chúa cho mọi người, người tông đồ giáo dân cần phải được huấn luyện: huấn luyện chung cho mọi tín hữu và những lớp huấn luyện chuyên biệt cho đoàn thể tông đồ có nhiều đoàn viên và hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời tự thân họ cũng phải cố công học hỏi để hiểu sâu Lời Chúa và để biết cảm thông với những người mình gặp gỡ. Biết lắng nghe, đọc, chiêm ngắm, suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày là điều kiện nòng cốt để có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, bởi ta không thể cho ai điều mình không có.

Trong Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng “với các việc làm và cử chỉ của mình, cộng đoàn rao giảng Tin Mừng cần bước vào cuộc sống thường ngày của người khác …”. Không cần thiết phải đi đến những nơi xa xôi, không cần có khả năng thuyết giáo với những lí lẽ mang tính thuyết phục …mỗi giáo dân trong cuộc sống thường ngày có thể làm việc tông đồ như men ủ trong bột ở ngay môi trường sống “theo mức độ Đức Ki-tô ban cho” (Ep 4,7). Người tông đồ giáo dân ý thức mình sẽ đóng nhiều vai trò vừa trong Giáo Hội vừa nơi xã hội, nơi làm việc, gia đình của mình… Nơi nào họ cũng mong mình trở thành ánh sáng, là men, là muối cho trần gian. (x. Mt 5,13-14)

Khi thực hiện đọc kinh Đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu luân phiên tại các gia đình, các đoàn viên GĐPTTTCG đã đem Lời Chúa đến từng gia đình, khu xóm nơi gia đình mình sinh sống. Lời Chúa, câu kinh ta đọc cần phải được tỏa sáng bằng những việc làm thường ngày trong sinh hoạt cộng đồng. Để trở nên men Tin Mừng cho mọi người, người đoàn viên tông đồ giáo dân phải là người có cuộc sống mẫu mực, luôn vui vẻ chu toàn bổn phận, nói đi đôi với làm, dám quên mình vì ích chung, quảng đại góp phần vào những việc bác ái – xã hội chung trong khu xóm, trong giáo xứ. Vì người khác chỉ có thể bị thu hút bởi những người sống có uy tín đối với mọi người và biết cách làm cho điều tốt đi vào lòng người.

Khi chịu phép thanh tẩy, mỗi tín hữu đã mặc lấy chiếc áo trắng tinh tuyền, tức là đã mặc lấy Đức Kitô và đạo của Đức Kitô là đạo yêu thương. Muốn loan truyền Tin Mừng yêu thương cho tha nhân, mỗi người tông đồ giáo dân phải thực hiện việc bác ái ngay trong gia đình mình. Phải biết nói lời cám ơn, xin lỗi nhau như ĐTC Phanxicô đã nói: “Khi trong một gia đình người ta không xâm lấn nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình người ta nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui”.

Xã hội nói chung và từng khu xóm hiện nay đều có những hoàn cảnh sống trái ngược nhau: kẻ lắm tiến nhiều của, người nghèo khó neo đơn ... Người tông đồ giáo dân cần bắt chước Đức Kitô khiêm hạ, chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa và yêu thương con người. Quan tâm đến mọi người sống chung quanh, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng trong tinh thần bác ái – xã hội. Khi thực thi bác ái cần phải nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân và bất cứ sự gì trao tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho chính Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho ngày Chúa Nhật Truyền Giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới. Xin cho chúng con luôn ý thức về trách nhiệm truyền giáo của một Kitô hữu và hun đúc trong chúng con ơn gọi làm tông đồ, dù chúng con chỉ là những giáo dân bình thường. Xin cho lòng chúng con luôn rộng mở khi đóng góp vào công việc mở mang nước Chúa. Xin cho chúng con lắng nghe và thực thi Lời Chúa mỗi ngày để gia đình chúng con trở thành một “cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin mừng”.

Xin Chúa giúp chúng con trở nên những tia sáng, hạt muối, hạt men tốt: nhập thể nhiều hơn vào những lãnh vực trần thế để biến cải môi trường mình sống trở nên tốt đẹp hơn. Xin cho chúng con biết quan tâm sống tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương trong gia đình, trước khi loan báo cho người khác cùng sống theo. Xin giúp chúng con biết yêu thương tha nhân để quan tâm tới đau khổ và hạnh phúc của những người chung quanh. Xin thánh hóa để chúng con trở nên một chứng nhân Tin Mừng trong môi trường nhỏ bé chúng con đang sống, là môi trường nghề nghiệp, khu xóm, giáo xứ của chúng con, v.v… Amen.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Chúa Nhật Truyền Giáo 19-10-2014
 
Viết cho con
Phạm Đình Ngọc
08:34 14/10/2014
Viết cho con

Con thân mến,

Ngày con cất tiếng khóc chào đời, nhìn thấy con khỏe mạnh, mẹ đã không giấu được nỗi niềm hạnh phúc của mình. Mẹ còn hạnh phúc hơn nữa khi nhìn thấy con lớn lên từng ngày trong lời ru tiếng hát của mẹ. Tiếng ru ấy êm ả đưa con vào giấc ngủ buổi trưa hè, đưa con về với câu chuyện thần tiên và “ầu ơ” ấy vẫn còn quanh quẩn nơi bờ ao giếng nước, nơi luỹ tre đầu làng, nơi từng làn gió thôn quê. Nơi bầu không khí ấy, con chắp cánh tung bay vào đời. Cuộc đời không phải lúc nào cũng yên bình như khi con còn ở trong vòng tay mẹ hay dưới mái ấm gia đình, nhưng dòng đời ấy hứa hẹn sẽ mở ra cho con một khung trời sống động, xen lẫn những vui buồn.

Con yêu quý của mẹ!

Cuộc đời con bước vào là một vở kịch sống động đòi hỏi nhiều tài diễn xuất. Trong sân khấu cuộc đời này, con chỉ diễn có một lần mà thôi. Mẹ ước mong con hãy diễn sao cho thật xuất sắc, nghĩa là hãy sống chân thật với chính mình. Vai diễn ấy có khi thắm đượm biết bao thành công hạnh phúc, nhưng có lúc cũng lắm đổ vỡ bi thương. Nhưng con thân mến, trong cuộc sống này “dù gì dẫu gì con của mẹ phải sống hiên ngang“. Hiên ngang để đối diện với thăng trầm thay đổi, can đảm để đón nhận những nghịch cảnh đắng cay, và anh dũng để chấp nhận những thất bài ê chề… Con đừng nản lòng, đừng đầu hàng, đừng thất vọng. Chẳng phải một nhạc sĩ đã viết: “nếu phải mất tất cả những gì tôi đang có, thì với tình yêu, tôi làm lại từ đầu” đó sao? Mẹ cũng nghĩ như vậy đó! Tình yêu kiên trung sẽ giúp con vượt qua được sóng gió, con à. Con được như thế, mẹ mới an lòng vì nhìn thấy con đang vững bước trên chính đôi chân của con. Con yên tâm lao mình về phía trước để đón lấy hạnh phúc và thành công, con nhé!

Để được như thế, con đừng quên một điều quan trọng là Tạo Hoá đã yêu thương tạo ra con, cho con vui sống trên mặt đất này nhé. Ngài không để con đơn phương độc mã. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ngài vẫn âm thầm ở bên con, mách bảo cho con những gì nên làm và những điều cần tránh. Con đừng ngần ngại thực thi ý chỉ yêu thương của Ngài. Thánh ý Ngài, con hãy trân quý như phần gia nghiệp đời con. Ngoài ra, bạn bè cũng là quà tặng Ngài ban cho con. Một ai đó đã nói “nhiều người sẽ bước qua cuộc đời bạn, nhưng chỉ vài người để lại dấu chân trong tim bạn.” Bởi thế con hãy trân trọng những người bạn hiền hoà tốt bụng mà Ngài đã, đang và sẽ ân cần gửi đến cho con để cùng con diễn tiếp vở kịch cuộc đời. Họ cùng với con thực hiện ước mơ trong nhịp bước hiên ngang, với mục đích cao thượng. Giả như ai đó phản bội con, nếu như ngang trái cuộc đời cứ ôm ghì ấy con, và nếu cám dỗ cuộc trần cứ níu kéo lấy con, con hãy nhớ rằng Ngài vẫn đang chờ đợi để giúp con. Con yêu, trong những lúc nguy nan đau buồn ấy, con đừng chạy trốn, đừng tìm những thú vui hào nhoáng của gian trần, nhưng hãy về với lòng mình. Nơi đó, Tạo Hoá đang hẹn gặp để trò chuyện với con. Con đừng ngần ngại tiết lộ cho Ngài những khó khăn trăn trở, đừng nghi ngờ tình yêu và sức mạnh của Ngài. Hãy để Tạo Hoá nâng con dậy và cùng con bước tiếp.

Con yêu quý, màn diễn cuộc đời sẽ trở nên tẻ nhạt và thất bại nếu con diễn xuất một mình. Hơn hết con cần đến nhiều người và họ cũng đang cần đến con. Con đừng diễn hời hợt kẻo ảnh hưởng đến chính con và đến người khác. Con à, mỗi người nỗ lực hoàn thành tốt vai diễn của mình, mẹ tin rằng cuộc đời này sẽ cho ta nhiều an vui hơn. Mẹ tiếp tục cầu nguyện để xin với Tạo Hoá cho con an tâm vững bước trong cuộc đời. Xin Ngài luôn ở cùng con và xin con hãy đến với Ngài khi vui cũng như lúc buồn, để Ngài dạy con diễn thành công và giúp con sống hạnh phúc, con nhé!

Chúc con yêu của mẹ bước tiếp trong can đảm và bình an!

Ngày 14-10-2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lau Sậy Và Ánh Sáng
Nguyễn Hùng
21:09 14/10/2014
LAU SẬY VÀ ÁNH SÁNG
Ảnh của Nguyễn Hùng
Thân tôi lau sậy thấp hèn
Đời tôi ngắn ngủi tựa đèn trong giông
Còn Người ngự tận cao không
Vẫn chia ánh sáng cho tôi làm qùa.
(Pleiksor nth)